14

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

6h chiều một ngày cuối hạ thả nắng nhẹ trên từng khóm hoa trong công viên, xuyên qua từng dòng nước róc rách nơi đài phút nức tạo thành sắc cầu vồng huyền ảo tuyệt đẹp. Nhà mới của gia đình thầy Tuấn cô An nằm trong khu đô thị phức hợp, là trọng điểm phát triển khu dân cư mới, tránh ùn ứ quá tải nội đô của thành phố. Từ cổng tòa chung cư bước ra bên trái là siêu thị, nhà thuốc, bên phải là khu vui chơi vận động, chẳng cần đi xa có ngay nhà trẻ cùng các lớp học năng khiếu...nói chung tất cả các nhu cầu sinh hoạt cơ bản đều được đáp ứng ngay trong khuôn viên khu đô thị. Lúc này đây tiếng trẻ nô đùa náo nhiệt ở sân chơi bên cạnh cũng đã lặng đi ít nhiều, thay vào đó là tiếng gọi í ới về ăn cơm, xen lẫn trong đấy vài câu quát nạt của các bậc phụ huynh nóng tính vì con cái mải chơi. Cô An và Tùng Bách ngồi trên ghế đá trước đài phun nước, mẹ trên tay một ly sinh tố nhìn con mắt đỏ hoe gằm mặt gặm bánh bao, bên cạnh là một số sách vở bao bìa mới vừa mua ở nhà sách - khung cảnh trông rất khó để mở lời.

Cô An đợi con ăn xong liền đưa chai nước khoáng, Tùng Bách lễ phép cảm ơn mẹ, nhấp một ngụm nước nhỏ rồi lại lẳng lặng cúi gằm mặt xuống. Cô An lúc này mới đặt bàn tay mềm mại vào giữa hai lòng bàn tay đỏ tấy mấy lằn thước của cậu con trai, nhẹ nhàng xoa đều. Vài giây sau một giọt nước nóng hổi rơi xuống mu bàn tay của mình, cô An mới nhận ra Tùng Bách lại tiếp tục khóc. Mang tất cả sự dịu dàng của người mẹ, cô khẽ lại sát bên Tùng Bách, một tay vẫn tiếp tục đón nước mắt còn một tay vỗ nhẹ lên lưng cu cậu. 

"Mẹ ơi bố đánh oan con..." - Tùng Bách mặt vẫn cúi gằm, nước mắt vẫn chưa ngừng rơi, giọng khàn đặc lên tiếng.

"Bách này, con nghe mẹ nói, hôm nay bố phạt con không oan đâu..." - dừng lại vài giây để trấn tĩnh ánh nhìn thảng thốt của cậu con trai, cô An tiếp tục - "Bách ngoan nghe mẹ nói đã, có được không?"

Tùng Bách ánh mắt chứa đầy sự ủy khuất nhưng vẫn ngoan ngoãn gật đầu. Cô An thấy vậy mỉm cười vuốt tóc con rồi tiếp tục.

"Con bảo rằng con bị đòn oan nhưng mẹ không nghĩ như vậy đâu Bách. Con ra tay đánh em là rất sai. Nếu mẹ ở nhà, mẹ cũng sẽ phạt con như vậy.

Mẹ không nói đến rằng em còn quá nhỏ hay vì con là anh nên con không được phép đánh em. Mà ý mẹ nói ở đây là con không được đánh em NHƯ VẬY. "Như vậy" ở đây có nghĩa thế nào, để mẹ giải thích cho Bách nghe: đánh phạt là một hình thức giáo dục để răn đe, tuyệt đối không được là một phương tiện để giải tỏa cơn giận hay sự ức chế của mình. Con nhớ lại xem khi con xuống tay với em, tâm thế của con lúc đấy như thế nào?

Bách, con nhìn mẹ này.

Con nói mẹ nghe, khi con đánh em con cảm thấy như thế nào?"

Tùng Bách hai mắt đỏ hoe nhìn mẹ, môi mím nhẹ cứ mấp máy định mở ra nhưng lại thôi. Cô An thấy vậy đỡ lời:"Có phải rất tức giận, chỉ muốn bộc phát ra ngoài không?"

Tùng Bách chụp mắt xuống lặng lặng gật đầu.

"Nào, nhìn mẹ nào, mẹ con mình đang nói chuyện cơ mà" - cô An lay nhẹ bàn tay con động viên. Sau khi xác nhận hai ánh mắt đã chạm nhau, cô mới tiếp tục - "Mỗi lần trước khi bố phạt con, con nhớ lại xem có phải bố đều nói chuyện chỉ rõ lỗi sai của con không?"

"Không!!! Hôm nay con chưa kịp giải thích bố đã đánh con luôn mẹ ơi..."

"Ừ, cái đấy mẹ biết" - cô An kiên nhẫn - "Hôm nay bố sai ở chỗ đó, tí nữa mẹ sẽ nói sau. Bỏ qua hôm nay thì con nghĩ kĩ lại xem nào, những lần bị bố phạt con đều biết và nhớ rõ lí do, có đúng không?"

Tùng Bách thoáng chốc bày ra nét đam chiêu ông cụ non rồi khẽ vâng ạ khiến cô An mỉm cười:

"Những lần trước bị bố phạt xong con có giận bố không?"

"Không mẹ ạ, vì con hiểu là do con sai mà"

"Đúng rồi. Vậy hôm nay tại sao con lại giận bố, tại sai lại cảm thấy bị đòn oan? Là vì con đột nhiên bị đánh mà không kịp trình bày, là vì con cảm thấy không ai hỏi chuyện không ai lắng nghe con, mẹ nói thế có đúng không?"

Tùng Bách lảng tránh ánh mắt của mẹ An, khẽ gật đầu.

"Vậy con đánh em Thư như vậy, con có nghĩ rằng em cũng cảm thấy oan ức không kém gì mình không?"

Tùng Bách cắn nhẹ môi, con ngươi đen láy khẽ mở to ra lung lay suy nghĩ. Cô An biết rằng mình đã "đột phá" được "vòng vây" suy nghĩ sai lệch của cậu con trai, ngay lập tức tiến tới "chốt hạ":

"Mẹ bảo nghe này Bách, bố đánh con không phải vì bố thương đứa nào hơn đứa nào chứ đừng nói đến bố có em rồi ghét bỏ con. Không phải vì em là em mà mọi lỗi sai đều tha thứ, cũng không phải vì con là anh nên nghiêm khắc với con hơn. Đứa nào làm sai, làm hư thì đều phải chịu phạt. Nhưng ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có cách uốn nắn khác nhau. Con nhìn xem, em chỉ bé bằng cái gối, mới lẫm chẫm vài bước đi, làm sao em nghe em hiểu hết như cách con nghe con hiểu lời bố mẹ dạy, đúng không? Trẻ em cần uốn nắn từ từ, con làm như vậy với em là con sai lắm, Bách ạ"

Tùng Bách nghe thấm từng lời mẹ dạy, nhưng bản tính trẻ con vẫn khiến cậu nhóc cố gắng cãi ngang:" Con chẳng bao giờ thấy bố mẹ từ chối em cái gì hết..."

"Hửm? Tại sao lại không hả con? Vậy con nghĩ lại xem, có phải bố mẹ dặn cô giúp việc không được đút em ăn lung tung, buộc em phải ngồi vào bàn mới được ăn, đúng không nào? Có phải là em Thư cũng giống như con, không được tự ý xem youtube đúng không nào? Hai hôm trước em đang xem dở hoạt hình nhưng hết thời gian cho phép, bố cũng dứt khoát tắt đi mặc cho em giãy nãy khóc lóc, con có nhớ không?

Bố mẹ không bao giờ dung túng chiều theo em cái gì hết. Giống như bố mẹ đối với con, bố mẹ cũng đang uốn nắn chỉnh sửa em từng chút một. Tùng Bách bây giờ biết đi thưa về trình, biết vào nhà là xếp giày ngay ngắn, biết ăn xong mang chén để vào bồn, biết ngủ dậy gấp chăn gọn gàng... tất cả đều là do bố mẹ nắn từng chút một ngay từ khi con còn bé như em Thư vậy á. Mà ngày đó con cũng không hiểu chuyện, cũng nghịch ngợm cũng khóc lóc ăn vạ, bố mẹ vẫn kiên nhẫn với con. Vậy nên con không việc gì phải tị nạnh với em cả. Người một nhà mà tị nạnh ganh ghét nhau là xấu, là hư lắm, bố mẹ buồn đó, con hiểu không?"

"Con...sai rồi ạ...Con xin lỗi mẹ..."

Cô An vòng tay ôm cậu con trai bé bỏng vào lòng:" Không sao, biết sai thì sửa. Mẹ xin lỗi vì không dành nhiều thời gian lắng nghe con hơn. Bố hôm nay cũng sai vì xử sự với con như vậy, chắc bố ở nhà cũng đang suy nghĩ nhiều lắm.  Bách ơi mẹ hy vọng con luôn nhớ rằng bố mẹ yêu và thương hai anh em rất nhiều, mong rằng hai anh em cũng sẽ yêu thương giúp đỡ nhau, có được không?"

"Vâng ạ. Con hứa với mẹ sẽ không bao giờ đánh em như hôm nay nữa"

"Bách của mẹ ngoan lắm" - cô An cúi đầu khẽ hôn lên mái tóc non, vui sướng siết con trong vòng tay, tự cảm thấy mình may mắn khi làm mẹ của một cậu nhỏ hiền lành hiểu chuyện như vậy.

"Nhưng mà mẹ ơi..."

"Ơi, làm sao hả con?"

"Tại sao mẹ lại cố sinh thêm em Thư vậy ạ? Là do con không đủ ngoan hở mẹ?"

"Sao con lại hỏi như vậy?" - cô An bất ngờ nói lỏng vòng tay ra đau lòng nhìn con.

"Con nghe mọi người nói với nhau như vậy ạ"

"Bất kể ai nói gì thì con cũng không được nghĩ như vậy Bách ơi. Mẹ không cố sinh thêm em, càng không phải vì con không ngoan. Sau này lớn lên một chút nữa con sẽ hiểu, rằng em Thư đến với gia đình mình nên mẹ cố gắng đón chào em tốt nhất mà thôi"

"Vì con nhiều lần nghe người lớn bảo mẹ mong có thêm em bé..."

"Đúng vậy, mẹ luôn mong gia đình có anh có em, nhưng không phải vì con không ngoan"

"Vậy vì sao hở mẹ?"

"Vì mẹ lớn lên trong một gia đình anh em hòa thuận yêu thương, nên mẹ cũng mong Bách của mẹ được như vậy. Con nhìn cách bác Huân và cậu Nghĩa quan tâm chăm sóc gia đình mình thì con sẽ hiểu ngay. Mẹ hy vọng sau này con và em Thư cũng như vậy đó"

"Thật không mẹ? Con cũng yêu bác Huân và cậu Nghĩa lắm"

"Thật, mẹ hứa với Bách đó. Cho nên Bách nhớ bao dung, yêu thương và chỉ bảo em Thư với, được không?"

"Được ạ" - Tùng Bách tươi tỉnh nhoẻn miệng cười, một nụ cười ngây ngô của trẻ nhỏ, là một đứa trẻ hiểu chuyện vâng lời!

*    *   *

Viết xong chap này tự dưng nhớ anh mình mà muốn khóc ghê. Từ nhỏ đến lớn anh yêu thương che chở cho mình nhiều lắm. Không có anh đi theo giải quyết vấn đề thì không biết mình bị thêm mấy trận đòn rồi. Em cảm ơn anh nhiều lắm, hai Rô của em!

Lần đầu tiên viết p/s giao lưu, hy vọng các bạn đọc xong có thể comment về người anh chị em của bạn chia sẻ cho vui. Cảm ơn các bạn đã đọc truyện của mình :)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro