Chương 09

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hỏi thiệt là mọi người có bị nản khi chương dài như vậy không... Mình viết theo nội dung lên cho từng chương nên có chương dài có chương ngắn, mà dài quá sợ mọi người nản... 


Có lẽ Vinh Nguyên cũng cảm thấy không ổn nên vừa nói ra xong thì hắn im bặt. May mắn ta đang nằm úp sấp, hắn không thể nhìn thấy vẻ mặt của ta. Đèn trong phòng mờ mờ ảo ảo, không khí nặng nề quái dị. Phút chốc, ta quên cái đau trên cơ thể, trái tim và cõi lòng đồng thời vặn lại, bóp nghẹt hơi thở.

- Hoàng trưởng tôn, Tiêu nhị công tử thần trí bất minh, những lời của một kẻ không tỉnh táo thì không đáng tin. Hoàng thượng anh minh, thái tử được hoàng thượng yêu mến tin tưởng, sẽ không có vấn đề gì đâu.

Ta trấn an Vinh Nguyên, nhả từng chữ ra khỏi khuôn miệng đờ đẫn. Trong khoảnh khắc, ta không rõ có phải mình đang nói hay không.

- Nói đi nói lại... ngươi cũng thật xui xẻo. Hoàng gia gia từ lâu đã không tới lầu học của chúng ta nữa, nếu muốn khảo bài ta thì người gọi ta vào cung thôi. Ta không biết tự nhiên hôm nay người lại tới, lại còn hỏi công khóa của tháng trước. Xưa giờ hoàng gia gia có bao giờ kiểm tra bài tập luyện chữ của ta kỹ lưỡng như vậy đâu...

- Hoàng thượng quan tâm hoàng trưởng tôn như vậy mà. - Ta đáp.

Từ chỗ Vinh Nguyên, ta biết phụ hoàng đã không đến lầu học của các hoàng tử hoàng tôn từ lâu, lâu như thế nào thì ta không rõ. Lần này, người rõ ràng "vạch lá tìm sâu", mục đích là tìm một cái cớ cảnh cáo ta. Việc này chưa xong đã tới việc khác. Những lời vừa rồi của Vinh Nguyên làm cho cả người ta buốt lạnh.

Sự lo lắng của Vinh Nguyên không vô lý. Tiêu gia là nhà ngoại của thái tử, sự tồn tại của Tiêu gia có liên quan mật thiết đến vị trí của Hạ Vinh.

- Hoàng trưởng tôn, cậu nên đi nghỉ ngơi đi. Việc ngày hôm nay thái tử điện hạ chưa truy cứu nhưng không có nghĩa sẽ không hỏi đến.

Lúc nhà cửa không yên, con cái nên tỏ ra ngoan ngoãn. Vinh Nguyên cũng biết đạo lý này, hắn càng hiểu mình chẳng thể làm thêm gì được.

Nghe tiếng cửa đóng lại, ta mới cởi bỏ lớp mặt nạ luôn mang trên người, trong tranh tối tranh sáng, ta cẩn thận hồi tưởng từng chút một những gì đã được biết về cái chết của chính ta.

Ngày bước chân vào phủ thái tử, ta đã hạ quyết tâm rồi. Nếu vận mệnh cho ta một đời vô ưu, ta sẽ vui vẻ đón nhận. Còn nếu vận mệnh không cho Diệp Lan được quên đi tiền kiếp mà sống thanh thản, ta cũng sẽ không chối bỏ nó. Ta chẳng biết rốt cuộc là con tạo trêu ngươi hay là do chấp niệm của ta quá nặng, càng không biết có phải mọi chuyện bắt đầu từ cái ngày sinh nhật mười sáu tuổi ta cưỡi Truy Phong về kinh thành hay không. Gặp lại được phụ hoàng lần một thì hẳn là duyên, nhưng lần thứ hai thứ ba chỉ có thể là mệnh. Một lời khó nói, dường như từng người mà ta đã gặp, mọi thứ mà ta đã nghe,... đều là những thứ mà ta phải biết.

Tiêu gia hại chết phế thái tử?

Chuyện này mà là thật thì ta không ngạc nhiên lắm, ta chỉ ngạc nhiên là tại sao ta không có chút ký ức nào về cách mình bị hãm hại mà thôi. Trong số các con của phụ hoàng, ngoại trừ ta ra, Hạ Vinh là người có khả năng kế vị nhất. Cùng với sự mâu thuẫn mỗi ngày một dâng cao giữa phụ hoàng và ta, sự tín nhiệm người dành cho Hạ Vinh dần tăng lên, thực tài của tam hoàng đệ cũng càng ngày càng hiển lộ. Hạ Vinh giống như một bản sao thời trẻ của phụ hoàng, trái với người đại hoàng huynh mà phụ hoàng luôn chê trách là yếu đuối, nhu nhược như ta.

Ta siết chặt nắm tay, đúng như lời phụ hoàng, Hạ Lan quá vô dụng, mình chết thế nào cũng không biết.

.

.

.

"Muốn nghe chuyện trong thiên hạ thì phải ra ngoài cung, mà nơi tốt nhất, là những nơi như thế này này."

Đỗ Trung khoác vai ta, dẫn ta len qua những con phố đông nghịt người. Một quán trà hai lầu náo nhiệt xuất hiện trước mắt. Đến gần, tiếng kể chuyện hòa cùng tiếng cười nói bàn luận ồn ào vang xa bốn phía.

"Có tin được không đấy?"

"Tin hay không tùy người nghe, nhưng mà các câu chuyện bọn họ kể cũng không hoàn toàn hoang đường."

Nếu có Đỗ Trung ở bên cạnh, hắn nhất định tìm được nơi tốt nhất để tự thân ta nghe ngóng. Ta chưa bao giờ quên Đỗ Trung, nhưng để bảo đảm an toàn cho Diệp gia, cho chính ta và cho cả hắn, ta không thể chủ động đi tìm hắn thêm một lần nào nữa từ ngày vào phủ thái tử. Không biết hai mẹ con hắn sống thế nào, mỗi lần nghĩ đến cảnh hắn đã tàn phế và điên điên dại dại còn mẹ hắn thì vất vả trăm bề, ta chỉ muốn khóc.

Trà lâu mà ta cùng Vinh Nguyên từng đến có vẻ là nơi nghe ngóng tốt nhất. Khi vết thương sau người đã lành, khi sự việc của Tiêu gia nhị công tử lắng xuống, khi thái tử phủ bớt căng thẳng, ta cũng tìm được cơ hội ra ngoài. Sau lần hoàng thượng trách phạt ra, Vinh Nguyên càng dồn sức luyện chữ, khi về nhà thì cả ngày vùi mặt trong thư phòng. Khi ta xin phép ra ngoài một buổi, hắn lập tức đồng ý, có vẻ là cảm thấy có lỗi với ta.

"Ngươi còn đau lắm không? Đi đường có tiện không? Có cần ta bảo người đi với ngươi không? Có nhớ đường không? Có sợ bị lạc không? Có tiền không?"

Tiểu đại nhân này có lúc lắm lời thật.

Mặc dù đã bảo hắn ngân lượng Diệp gia cho ta không thiếu nhưng hắn vẫn cứ nhét một cái hầu bao vào tay ta. Ta phải từ chối mãi hắn mới không bảo người đi cùng ta.

Vẫn cứ nên hành động một mình.

Không hiểu sao ta có cảm giác quán trà nọ sẽ đem lại một câu trả lời cho những nghi vấn của ta, dù ta cũng biết - như lời Đỗ Trung nói - chuyện, vốn dĩ là để nghe cho vui trước.

Ta chọn một cái bàn trong góc khuất, im lặng ngồi cả một buổi chiều. Hôm nay tiên sinh kể vài câu chuyện cổ tích có thêm thắt vài chi tiết mới lạ, đáng tiếc không phải thứ ta cần nghe. Không có Vinh Nguyên, ta không cần phải dỗ dành mỗi khi hắn nổi giận, cũng không cần phụ họa với hắn. Người bạn thân nhất có thể san sẻ với ta là Đỗ Trung không có ở đây, ta chỉ im lặng ẩn vào sự ồn ào, che giấu những nghi vấn và phiền muộn hẳn đã lộ trên mặt.

Thật lạ lùng, rõ ràng là người sống sờ sờ trước mặt, rõ ràng là cảnh vật huyên náo đầy màu sắc, thế nhưng ta lại chẳng cảm thấy có chút liên quan nào đến chúng. Tất cả dường như chỉ là một màn kịch công phu, còn ta khi thì là người xem, khi thì đã mê mẩn tiến lại gần sân khấu.

Duyệt Thị đường là nơi mà hoàng đế, hoàng thân quốc thích và quan lại đến xem biểu diễn. Ta từng theo phụ hoàng đến đó nhiều lần từ khi chỉ còn là một đứa bé. Hạ Lan còn nhỏ, xem được nửa buổi đã ngáp ngắn ngáp dài, bị phụ hoàng trêu là không biết thưởng thức. Hạ Lan lúc lớn cùng phụ hoàng bình phẩm vở diễn, thỉnh thoảng được phụ hoàng khen ngợi. Hạ Lan khi lớn hơn một chút nữa thì không còn nói chuyện được mấy câu với phụ hoàng.

"Một khi vở diễn đã bắt đầu, không thể dừng lại được nữa, chỉ có thể diễn đến kết thúc."

Lần này ta nhớ rồi. Người nói câu này là Đỗ Trung, ta không rõ hắn đề cập đến cái gì nhưng hắn có vẻ rất bất lực và khổ tâm, hắn nhìn ta bằng đôi mắt buồn rười rượi, thông qua con ngươi trong sáng của hắn, ta thấy được sự quyết tâm của Hạ Lan khi đó.

"Cậu có đồng ý giúp ta diễn tròn vai này không?"

Ta biết ta là người nói chuyện, ta cũng nhìn rõ người đang đối diện với Hạ Lan khi đó. Gương mặt tuấn tú hiền lành có phần yếu mềm, cái nhìn hoang mang bối rối và cả không cam lòng. Chẳng biết qua bao lâu, dường như đã hạ quyết tâm, người nọ rất kiên định mà gật đầu - thái y của thái tử Hạ Lan năm xưa, Tô Sơ Huyền.

Ta chưa nhớ được Hạ Lan, Đỗ Trung và Tô Sơ Huyền bàn tính cái gì, nhưng có lẽ đó là một màn kịch để đời.

Tiên sinh dưới lầu đổi sang một câu chuyện cổ tích khác, ta ngáp khẽ một cái, mặc dù câu chuyện có vẻ thú vị nhưng không phải là thứ ta tìm kiếm. Lúc ta còn đang ngơ ngẩn, một giọng nói trầm trầm ấm ấm vang lên:

- Cậu bạn nhỏ, không thích nghe kể chuyện sao?

Ta giật mình xoay người, đối diện ta là một thanh niên dong dỏng cao, hơi gầy, gương mặt thanh tú, ngũ quan hài hòa, y mặc quần áo màu lục nhạt, rất hợp với khí chất điềm tĩnh, khiến người ta tự nhiên cảm thấy muốn gần gũi. Ta ngờ ngợ mình đã gặp y ở đâu đó nhưng rồi lại chẳng thể nhớ ra.

- À... - Không biết người nọ đã quan sát ta bao lâu, đột nhiên gặp tình huống thế này, ta có hơi lúng túng - ... hôm nay tiên sinh chỉ kể chuyện cổ tích thôi.

- Chuyện cổ tích không chỉ dành cho trẻ con. - Người nọ mỉm cười - Ta ngồi đây được không?

Bàn của ta là một bàn nhỏ dành cho hai người trong góc khuất. Ta gật đầu đồng ý.

- Cậu không đến cùng bạn à?

- Bạn của tôi... bận rồi.

Ta không nói dối, Vinh Nguyên đúng là đang bận. Tuy nhiên, hắn không phải bạn của ta, hắn là chủ tử, là người mà ta hầu hạ, cũng miễn cưỡng xem như một đứa cháu. Khi nói câu này, người ta nghĩ đến là Đỗ Trung. Không biết hai mẹ con họ dạo này sống ra sao, ăn uống thế nào, không biết Đỗ Trung có khá hơn chút nào chưa, không biết chân của hắn còn đau nhức không,...

Bi thương xẹt qua cõi lòng, ta nén một tiếng thở dài, vừa tính xoay người đi che giấu chút buồn tủi có thể leo lên gương mặt, mắt ta đập vào một nốt ruồi trên gò má trái của người này.

Nốt ruồi không lớn không nhỏ, không phải nốt ruồi son, chỉ hơi đậm hơn những những nốt ruồi khác một chút nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự tuấn tú; vốn dĩ nó chỉ là một điểm nhỏ xíu không đặc sắc nhưng đột nhiên khiến ta hồi hộp. 

Dường như có người từng nói với Hạ Lan về cái nốt ruồi nào đó tương tự, trong đầu ta chợt bật ra một giọng nói non nớt ghét bỏ, ghét bỏ chính cái nốt ruồi của mình.

- Không thích nghe chuyện hôm nay à? Vậy lần sau cậu lại đến nhé. À, trà có hợp với cậu không?

- Ngon lắm. - Ta gật đầu, ta không quá quan tâm đến trà, không giống như phụ thân kiếp này của ta.

- Chúng ta lựa chọn trà rất kỹ lưỡng, cậu có thể an tâm. - Người nọ cười.

- Nói vậy đây là trà lâu của huynh sao? - Ta ngạc nhiên.

- Đúng vậy. Thật thất lễ, ta tên là Lữ Hoài. - Người nọ cong mắt, đôi mắt cứ như hai vầng trăng khuyết.

- Tôi tên là Diệp Lan.

- À, trùng hợp quá, một người quen của ta cũng có cái tên như vậy.

Tên của ta không hiếm gặp, thật trùng hợp là cả hai kiếp ta cũng chỉ có một cái tên.

Lữ Hoài có vẻ là một người cầu thị, y hỏi ta về quán trà, về cách bày trí, về trà, về bánh, về mọi thứ xung quanh nó.

- Lần trước cậu có nghe được câu chuyện nào hay không?

- Có một câu chuyện thú vị, chuyện của Tiêu gia nhị công tử... - Nhân tiện, ta đem nghi vấn trong lòng ra hỏi.

Lữ Hoài "à" một tiếng, cẩn thận châm thêm nước vào bình trà.

- Nói đến những chuyện như vậy, không sợ phiền phức sao, Lữ thiếu gia?

- Tin đồn thôi mà, không có tiên sinh kể chuyện, tin đồn cũng đã lan cùng đường khắp ngõ. Việc của tiên sinh kể chuyện là kể chuyện, việc của người đến uống trà là nghe chuyện, chuyện cậu nghe hôm đó cũng giống như chuyện cậu nghe hôm nay, đều có thể là chuyện thần thoại, cổ tích, hoang đường chi đó.

"Có thể" à? Từ này cũng có ý lắm.

Ta quan sát Lữ Hoài, thầm đánh giá một phen. Y chưa tới ba mươi nhưng đã có một phong thái điềm tĩnh đáng ngưỡng mộ, hơn nữa còn là chủ nhân của trà lâu nổi tiếng, hoặc là gia thế hoặc là thực lực, cái nào cũng không tồi. Thái độ này của y chính là muốn khiêu khích Tiêu gia sao? Tiêu gia đang là nhà mẹ đẻ của thái tử, tương lai thái tử đăng cơ, Tiêu gia phong quang vô hạn, ai  dám tự nhiên gây thù chuốc oán với nhà bọn họ. Ta tò mò về thân phận Lữ Hoài, người này rốt cục là ai, lại rốt cục dựa vào đâu mà có cái gan lớn thế. Mặt khác, đúng như y nói, dù không có trà lâu này, tin đồn của Tiêu nhị công tử đã lan khắp nơi rồi, sợ rằng phạm vi của nó không chỉ dừng lại tại kinh thành. Nếu Tiêu gia ra tay với trà lâu thì chỉ tổ chứng minh bọn họ chột dạ.

Tiên sinh đổi một câu chuyện khác, Lữ Hoài chợt hỏi ta:

- Diệp thiếu gia, cậu nghĩ "kim lan" là chỉ mấy người?

Bất ngờ bị hỏi một câu không liên quan, ta có hơi ngơ ra, nhưng nhanh chóng đáp bằng một câu trong Kinh Dịch:

- Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim; đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan.

- Đúng vậy. - Y gật gù - Nên chiếc bàn này chỉ dành cho hai người mà thôi.

Hạ Lan kiếp trước đi cùng Đỗ Trung cũng chọn những vị trí như thế này.

Ta cảm thấy Lữ Hoài có chút lạ lùng, đúng lúc y giơ tay chỉnh lại tóc, ống tay phải rớt xuống, đập vào ta là một vết sẹo dài chạy khắp cánh tay trong, dường như đã bị một thứ sắc bén cắt trúng.

Lữ Hoài đang nói gì đó nhưng ta nghe không rõ vì mải nén xuống sự hồi hộp trong lòng, có một mảnh ký ức muốn được thoát ra nhưng mãi mà chẳng vẫy vùng thành công.

Ta về lại phủ thái tử khi trời sập tối. Vinh Nguyên vẫn vùi đầu với các bài tập của hắn, vẻ mặt ủ dột buồn phiền. Ta nhìn những chồng giấy xếp cao, vỗ nhẹ vai hắn:

- Tôi có mua ít bánh về, cậu nghỉ tay ăn đi.

Vinh Nguyên cuối cùng cũng chịu đặt bút xuống, nhìn ta mở cái hộp đầy điểm tâm ra, một nụ cười nhẹ nhàng nở trên gương mặt mệt mỏi.

- À, ngày mai không cần đi học, chúng ta cùng gia đình Xuân Lai công chúa đi dâng hương ở Khải Tường tự.

Khải Tường tự cách hoàng cung không xa lắm, hồi đó thỉnh thoảng ta cũng theo mẫu hậu, phụ hoàng đến dâng hương. Thế lần này, phụ hoàng có đến không? Ta có hơi kinh hoàng khi nhớ lại trận đòn vừa rồi, nhưng thẳm sâu trong linh hồn, Hạ Lan đang thổn thức. Hắn nhớ phụ hoàng, vẫn luôn nhớ phụ hoàng.

- Không sao đâu, hoàng thượng sẽ không đi cùng. - Vinh Nguyên thấy gương mặt ta hơi trắng nên trấn an ta.

- Tôi xin phép đi nghỉ ngơi trước, hoàng trưởng tôn có gì cứ gọi tôi nhé. - Ta thấy mệt nên muốn nằm ngủ.

- Sắc mặt ngươi không tốt lắm, có phải ra ngoài không cẩn thận ăn phải cái gì rồi không? Hay là do trời lạnh mà ngươi lại mặc ít? Thôi, đi nghỉ đi. - Vinh Nguyên quan tâm hỏi.

Ta biết đêm nay sẽ không là một giấc ngủ ngon, những mảnh ký ức cứ vỡ ra rồi cứa vào từ trái tim đến khối óc. Khi gần về phòng, bước chân ta đã trở nên vô cùng loạng choạng, ta nghe được từng tiếng gõ "thịch thịch" vang lên trong đầu, tim cũng đập nhanh hơn rất nhiều. Đã có kinh nghiệm từ lần trước, ta nhanh chóng chui vào chăn, trùm kín đầu, chờ đợi một cơn ớn lạnh xông tới. Rất nhanh, đầu ta đau như búa bổ, mắt nhòe dần đi, những tiếng nói hỗn loạn vang lên bên tai, cơ thể bị một lực ép đè chặt xuống giường, ta không mở mắt lên được. Từ trong màn đêm đen kịt, một ánh sáng chói mắt lóe lên, theo bản năng ta muốn đưa tay bưng mắt nhưng tay chân ta thì dính chặt vào giường nặng trĩu...

Có ai đó giúp ta chắn luồng sáng rọi thẳng vào mặt. Một tiếng quát nhẹ nhưng đầy nghiêm khắc vang lên bên tai:

- Ngạc, làm cái gì vậy hả? Không biết nhìn trước nhìn sau gì cả.

Trước mặt ta là một đứa nhỏ tầm chín mười tuổi, thằng bé hơi gầy một chút, gương mặt thanh tú, ngũ quan hài hòa. Nó đang cầm một cái gương đồng trong tay xoay qua xoay lại dưới ánh nắng. Chùm nắng vừa rồi là nó vô tình hắt lên mặt ta. Đỗ Trung thấy thế nên trách nó, Đỗ Ngạc rụt cổ, lí nhí nói với ta:

- Đệ xin lỗi, thái tử điện hạ.

- Không cần khách khí như vậy. - Ta xoa đầu thằng bé - Ngạc, đệ thích cái gương đó thì cho đệ đấy.

- Đệ không dám ạ... - Thằng bé lắc đầu, ngoan ngoãn đưa cái gương lại bằng hai tay cho ta.

Ta quay sang Đỗ Trung:

- Thằng bé ngoan như vậy mà cứ mắng nó suốt thôi. Ngạc này, nếu đại ca của đệ còn mắng đệ nữa, đệ phải mách ta đấy, ta sẽ mắng lại hắn.

- Không đâu ạ, đại ca đệ thương đệ lắm... - Ngạc nắm lấy tay ta, đôi mắt tròn long lanh của nó len lén nhìn sang Đỗ Trung.

Khi này, tình hình giữa ta và phụ hoàng đã không mấy khả quan. Đỗ Trung lần đầu dẫn Đỗ Ngạc vào kinh. Phụ thân Đỗ Trung mất sớm, Đỗ Ngạc là con thứ do một người thiếp sinh ra, mẹ của Đỗ Trung không vừa mắt người thiếp này lắm, sẵn việc Đỗ Ngạc thường xuyên đau ốm nên đưa thằng bé và mẹ của nó về quê dưỡng bệnh. Mặc dù hai huynh đệ xa cách đã lâu nhưng ta thấy được sự ngưỡng mộ của thằng bé dành cho huynh trưởng, mà Đỗ Trung thì không như mẹ mình, không bài xích đệ đệ khác mẹ, ngoài mặt thì nghiêm khắc nhưng thật ra rất lo lắng quan tâm đến nó.

"Ngạc" là đài hoa, đài hoa nâng đỡ cánh hoa, nhà họ Đỗ xem con trưởng Đỗ Trung là "hoa", hoa phải khoe sắc phải rực rỡ, còn nhị đệ của hắn thì nên là một cái đài hoa, an phận thủ thường hỗ trợ huynh trưởng.

Đỗ Ngạc hiếm hoi mới vào kinh, ta muốn dẫn thằng bé đi chơi, vì vậy đặc biệt xin thầy cho nghỉ một buổi đọc sách. Trước khi rời khỏi phủ thái tử, chợt Đỗ Trung phát hiện ra gì đó, hung hăng kéo Đỗ Ngạc sang một bên:

- Cái gì đây? - Hắn quẹt má của Đỗ Ngạc, quẹt ra một ít phấn.

Đỗ Ngạc vừa xấu hổ vừa sợ hãi, nó hết nhìn huynh trưởng đằng đằng sát khí rồi lại nhìn ta, lúng búng mãi không nhả ra được một chữ.

- Có gì từ từ nói. - Ta kéo Đỗ Trung, bình thường hắn rất bình tĩnh, đụng tới chuyện của đệ đệ thì liền nóng nảy.

- Đệ... chỉ muốn che... cái nốt ruồi... - Đỗ Ngạc cúi gằm mặt, tay mân mê vạt áo.

Đỗ Ngạc là một đứa bé rất tuấn tú, mặc dù sự tuấn tú của nó chín phần thừa hưởng từ nhà mẹ ruột, nếu đặt hai huynh đệ họ Đỗ cạnh nhau, hiếm ai nói được bọn họ cùng một cha. Điểm duy nhất mà thằng bé không thích về gương mặt của mình chắc là cái nốt ruồi như ai đó dùng mực chấm một chấm thật khéo trên má trái. Nốt ruồi không lớn không nhỏ nhưng đậm màu, kỳ thật cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nét trong trẻo đáng yêu của nó.

- Con trai mà động tới phấn son là cái nghĩa lý gì? - Đỗ Trung vẫn mắng nó - Còn không mau lau cho hết đi!

Đỗ Ngạc bị những tiếng rống giận dữ của Đỗ Trung dọa sợ, nước mắt ùa ra khóe mắt, chầm chậm lăn xuống má. Ta vội vàng chắn giữa nó và Đỗ Trung:

- Có tí chuyện mà cứ làm quá lên thôi, ta không cho phép ngươi làm thằng bé sợ.

Vừa nói, ta vừa nhận một cái khăn từ người hầu, cẩn thận lau mặt cho Đỗ Ngạc. Thằng bé rất hiểu chuyện, nó vội đón khăn tay từ ta, nhanh chóng lau nước mắt và lau chút phấn phủ lên nốt ruồi.

- Không biết nó xem sách bói toán bậy bạ nào mà bảo nam nhân có nốt ruồi trên gò má trái số long đong lận đận, tính tình không tốt. - Đỗ Trung ngán ngẩm giải thích.

- À... - Ta hiểu ra, vỗ vỗ vai cậu bạn nhỏ - Đều nói bậy đấy, nhà của đệ phúc trạch thâm hậu, đệ và huynh trưởng rất có phúc phận, không cần phải lo lắng.

Lúc nói những câu này, ta thật lòng nghĩ như thế. Đỗ Trung sắp thành gia lập thất, đến lúc đó hắn đích thực sẽ là đại lão gia của nhà họ Đỗ, nhất định không bạc đãi người đệ đệ Đỗ Ngạc này. Ta nghe lòng của Hạ Lan thở dài một tiếng, có vẻ Hạ Lan khi ấy đã dự đoán trước tương lai là một hồi sóng gió, nhưng ít nhất, hắn còn hy vọng.

Ai cũng không ngờ buổi chiều đó thằng bé đi xem vũ khí cất trong Long Đức cung mà xảy ra chuyện. Ta cho phép thằng bé tự do đi lại, nó lại nhằm lúc ta và Đỗ Trung không có mặt mà táy máy đao kiếm trên giá. Khi ta và huynh trưởng nó vội vàng về phủ, Đỗ Ngạc mặt mày tái mét co người một góc giường, tay quấn kín băng trắng, thái y vẫn còn đang căn dặn người hầu chuyện thuốc thang. Nhìn thấy Đỗ Trung, nó càng lui người sâu hơn, chỉ hận không thể lập tức biến mất.

- Tiếu công tử với lấy một thanh đao, không ngờ... làm giá vũ khí ngã xuống. - Người hầu sợ sệt báo cáo.

- Vô dụng! - Ta quát - Có việc trông nom một đứa nhỏ cũng làm không xong. Nếu tiểu công tử xảy ra chuyện, ta không để yên cho các ngươi.

Đỗ Trung thì chẳng nói chẳng rằng đi đến bên giường, ta biết hắn vừa lo vừa giận, vừa nhìn chằm chằm tiểu đệ vừa cẩn thận nghe lời của thái y.

Thái y đi rồi, thằng bé cũng sắp ngất xỉu vì sợ tới nơi rồi, ta an ủi dỗ dành nó, nhét nó vào chăn, quay sang cảnh cáo Đỗ Trung:

- Thằng bé còn đang bị thương đấy, không được mắng nó, để yên cho nó dưỡng thương.

Vết thương làm Đỗ Ngạc phải ở lì trong Đỗ phủ ít là nửa tháng. Khi ta gặp lại nó, nó đã tươi tắn hơn nhiều, tay cũng không còn quấn băng nữa nhưng khi ta vén ống tay áo nó lên xem thì vẫn còn một vết thương dài kéo khắp phần trong cánh tay. Ta xót xa:

- Sợ là sau này sẽ để lại sẹo đấy, ta bảo người mang thuốc bôi tốt nhất đến, phải nhớ bôi thuốc đều đặn nghe chưa?

- Đao sắc như vậy chưa chém đứt tay hay mất mạng là may, có vết sẹo cho nó nhớ. - Đỗ Trung đứng một bên, không nhịn được cau mày nói.

Ta hừ một tiếng, khinh bỉ nhìn hắn. Rõ ràng là xót muốn chết còn mạnh mồm.

Lúc đó, Tô Sơ Huyền cũng có ở chỗ ta, hắn nhìn qua vết thương:

- Nếu chăm chỉ bôi thuốc thì kể cả khi có sẹo, vết sẹo cũng mờ nhạt thôi. Tiểu công tử phải chú ý nhé, không phải lúc nào cũng may mắn vậy đâu.

- Điện hạ, người lại không khỏe ạ? - Đỗ Ngạc bối rối nhìn ta, nó biết Sơ Huyền là thái y của ta, thấy thái y xuất hiện thường xuyên, nó không khỏi nghi ngờ.

Ta biết khi đó mình đã trông ốm yếu hơn mọi khi, ta mỉm cười xác nhận:

- Ừ, ta thấy hơi mệt trong người. - Ta chuyển chủ đề - Hôm nay chúng ta muốn đến trà lâu thưởng trà nghe chuyện, Ngạc cũng đi cùng nhé.

Nếu chỉ có ta và Đỗ Trung, chúng ta sẽ chọn vị trí quen thuộc dành cho hai người trong một góc tương đối khuất. Có thêm Sơ Huyền và Đỗ Ngạc, chúng ta chọn một cái bàn rộng hơn nhìn xuống chỗ tiên sinh kể chuyện. Đỗ Ngạc cực kỳ vui vẻ, những câu chuyện của tiên sinh thật sự hút lấy hồn nó, ta và Đỗ Trung cùng Sơ Huyền trò chuyện, thằng bé thì ăn bánh nghe chuyện, một buổi chiều trôi qua rất mĩ mãn. 

Sau này, Đỗ Trung kể với ta, thằng bé rất ngưỡng mộ tình cảm giữa ta và huynh trưởng nó, liên tục cảm thán không thôi, còn dùng Kinh Dịch minh họa. Ta phì cười:

- Ngạc nó thông minh lắm đấy. Vừa hay tên ta là "Lan", ngày xưa ngươi cũng nói, giữa hai chúng ta có duyên.

- Duyên gì không biết? - Đỗ Trung nheo mắt, hắn vẫn thường trêu ta như thế.

Đỗ Ngạc chỉ lưu lại kinh thành một thời gian ngắn. Ta nghe nói mẹ của Đỗ Trung và mẹ của Đỗ Ngạc lại có xích mích, cuối cùng lại lấy cái cớ đưa Đỗ Ngạc đi dưỡng bệnh mà rời kinh. Chuyện xảy ra có hơi gấp gáp, ta chỉ kịp chuẩn bị vài món đồ chơi cho thằng bé mang theo. Lúc từ biệt, thằng bé ôm lấy ta rất chặt, lưu luyến hẹn ngày gặp lại.

Chỉ không ngờ, lần từ biệt đó là vĩnh biệt.

Khi ta tỉnh dậy từ trong mộng, trời còn chưa sáng hẳn, gối ướt, giường lạnh. Ta thở dài, lại rơi nước mắt nữa rồi, cùng với giấc mơ, lệ cứ im lặng chảy, chảy đến khi linh hồn không còn sức mà khóc, cơ thể mới chịu hồi tỉnh.

Lại là một giấc mơ của tiền kiếp. Thật ra, ta không quên đoạn ký ức này, ta chỉ không quá để tâm đến nó mà thôi. Từ khi sinh ra với thân phận Diệp Lan, ta vẫn luôn nhớ Đỗ Trung có một người đệ đệ tên là Đỗ Ngạc, nhưng thời gian Đỗ Ngạc xuất hiện trong cuộc đời Hạ Lan quá ngắn ngủi nên không để lại bao nhiêu ấn tượng. Mẩu ký ức này tuy vô thưởng vô phạt nhưng ta tin nó không xuất hiện một cách vô duyên vô cớ. Cũng như lần trước, lúc Vinh Nguyên bị bệnh, ta nhớ mang máng lại bệnh tình của Hạ Lan khi xưa, có vẻ ông trời đang muốn gợi ý cho ta. 

Nốt ruồi, vết sẹo,... ta giật mình, không lẽ chủ của trà lâu, Lữ Hoài, là Đỗ Ngạc?

Tim ta đập thình thịch, vừa mừng vừa lo lắng, ta không dám hy vọng để mà thất vọng. Ta rất muốn quay lại trà lâu để tìm ra câu trả lời, có điều ta cũng không biết làm sao để xác nhận thân phận của Lữ Hoài.

Trong ngày đưa tiễn Lý thượng thư, ta có ghé qua nhà của mẹ con Đỗ Trung hiện tại, trò chuyện với bà một lát. Mẹ của Đỗ Trung đau lòng trước tình cảnh hiện tại, trong những câu chuyện nhát gừng không đầu không đuôi, bà thở dài nói với ta:

"Ông nhà tôi mất sớm, ngoài con của tôi thì còn có thêm một đứa con trai do một người vợ lẽ sinh, từ bé đã không sống ở kinh thành. Đáng tiếc, năm đó gia đình sa cơ thất thế, tài sản không giữ được mà người cũng không giữ được. Thằng bé đó ở quê cùng mẹ nó... năm đó có một trận lũ kinh hoàng quét qua... mẹ con nó... không tìm thấy xác..."

Lữ Hoài... - Ta khẽ lẩm bẩm.

Nỗi nhớ quê nhà... ta như thấy lại đứa trẻ Đỗ Ngạc năm đó, nếu nó còn sống, nó đích thực đã không còn nhà để về nữa rồi.

.

.

.

Vĩnh Uyển rất vui vẻ khi gặp lại ta. Chúng ta đến Khải Tường tự, công chúa thành kính dâng hương. Ta chỉ mong phụ thân và đệ đệ kiếp này mọi sự tốt lành, ta chỉ mong được đền tội với người xưa, ta mong mẹ con Đỗ Trung không phải chịu khổ, ta mong Quỳnh Hoa phần đời còn lại bình an, cũng như nếu ta phải làm sáng tỏ cái chết của Hạ Lan năm xưa, vậy ta hy vọng đó không phải là một màn gió tanh mưa máu. Bao nhiêu đó người chết và liên lụy vì ta đã đủ rồi.

- Con cầu nguyện gì đấy? - Dâng hương xong rồi, Khuê Gia dẫn chúng ta ra ngoài đi dạo.

- Con cầu nguyện cho nhà chúng ta bình an khỏe mạnh, hoàng thượng cũng khỏe mạnh bình an. - Vĩnh Uyển ngây thơ nói.

Khải Tường tự ở vùng ngoại ô xinh đẹp, gia đình Khuê Gia sẵn dịp dạo chơi, Vĩnh Uyển kéo ta và Vinh Nguyên chạy nhảy trên một cánh đồng hoa bát ngát. Phò mã và công chúa ở trong lương đình nhìn bọn ta, được một lúc thì Khuê Gia cũng chầm chậm bước ra.

- Thỉnh thoảng ta lại thấy như cậu lớn hơn hẳn mấy đứa nhỏ này. Cậu và Vinh Nguyên đồng trang lứa với nhau, Vinh Nguyên đã ra dáng một tiểu đại nhân lắm rồi mà có lúc nó vẫn không trưởng thành như cậu.

Khuê Gia đứng bên cạnh ta, Vinh Nguyên lúc này đang cùng Vĩnh Uyển nghiên cứu cái gì đó trong luống hoa, ta thì vừa đau đầu vừa hỗn tạp cảm xúc khi về lại nơi này nên chỉ đứng cách xa xa nhìn hai đứa bọn nó, hồn thì cứ thả đâu đâu. Nơi này là nơi ghi lại rất nhiều kỷ niệm giữa mẫu hậu, phụ hoàng và ta; những kỷ niệm đẹp thật đẹp, xa thật xa, và đau thật đau. Nghe Khuê Gia nói, ta khẽ giật mình, nhất thời không biết đáp thế nào. Sực nhớ ra điều gì đó, ta nói mà quên cả nghĩ:

- Công chúa cẩn thận, phấn hoa có thể làm người khó chịu.

Khuê Gia im lặng một chốc, khẽ nói:

- Vĩnh Uyển cũng không biết ta có thể bị dị ứng với phấn hoa vì nhiều năm nay ta không bị. Ta chỉ bị khi còn bé thôi.

- Thần có một biểu muội mỗi lần lại gần hoa là lại chảy nước mắt nước mũi hết cả, thần lại nghĩ... nữ tử nào cũng như thế chứ... - Ta gãi gãi đầu, ngây thơ đáp.

- Cậu hẳn là một vị ca ca rất tốt... - Khuê Gia vươn tay gạt đi một cánh hoa dính vào vai áo ta, giọng nói càng lúc càng trầm.

Khuê Gia hồi bé có vài lần ngửi hoa mà bị bệnh nằm liệt giường cả ngày, ta thương con bé lắm, hễ có thời gian rảnh là lại rủ Hạ Toàn đến thăm và chơi với nó cho vui. Khuê Gia mà bị ốm thì nhõng nhẽo kinh khủng, phụ hoàng tranh thủ đến thăm nó, nó cứ ôm lấy người không buông. Phụ hoàng dỗ hoàng muội, ta và Hạ Toàn bên cạnh người, cảnh tượng đó đã xảy ra rất lâu về trước, lâu đến mức ta tưởng đó chỉ là một giấc mộng.

Một giấc mộng, một kiếp người.

Lúc này, ta chợt phát hiện thấy túi thơm vẫn đeo bên hông đã rơi đâu mất. Túi thơm đó là cái túi thơm cũ của phụ thân, hồi mấy năm trước ta mè nheo hết lời để có, phụ thân còn bảo ta kỳ cục, đồ mới không dùng mà cứ thích đồ cũ. Ta vội vàng tìm khắp mặt đất nơi đồng hoa mà không thấy, chợt nghĩ có thể nó bị rơi trong đại diện khi nãy. Ta báo với Vinh Nguyên một tiếng, hộc tốc chạy ngược vào chùa, đến đại diện vừa rồi nơi cùng Khuê Gia dâng hương, cẩn thận dò tìm trên từng ô gạch. Không biết do bản thân vẫn luôn xúc động, do phấn hoa hoặc do nhang khói, lúc bước vào đại điện, bước chân ta đã loạng choạng hẳn đi. Khi tìm thấy túi thơm lẳng lặng nằm trong một góc tường, ta vội cúi người nhặt nó lên, chẳng ngờ trời đất tối sầm, sau đó thì không hay biết gì nữa.

Phụ hoàng và mẫu hậu dẫn ta bước lên từng bậc thềm, chỉ ta dâng hương, chắp tay cầu nguyện, sau đó để cho ta chạy chơi với đám người hầu khắp đồng hoa mênh mông. Sức khỏe của mẫu hậu khi đó không tốt lắm, trở về rồi mà người cũng không khỏe hơn. Ta rầu rĩ ngồi ở bậc thềm trong cung của mẫu hậu, ai nói gì cũng không vào, để gió thổi qua những giọt nước mắt cứ tuôn ra không kiểm soát được.

Phụ hoàng bước đến, người dịu dàng kéo ta dậy, nhanh chóng phát hiện gương mặt lem nhem của ta. Biết ta có tâm sự, người cẩn thận dùng khăn lau mặt cho ta, xót xa xoa gương mặt lạnh buốt của ta.

- Phụ hoàng, có phải do con cầu nguyện không thành tâm nên mẫu hậu mới không khỏe lên không? Hôm đó con ham chơi nên chỉ mong được ra ngoài chạy chơi, là con bất hiếu, con hại mẫu hậu...

- Không đâu, Lan nhi của phụ hoàng mẫu hậu ngoan nhất, có hiếu nhất. - Phụ hoàng xoa xoa đầu ta, lấy áo choàng thái giám đưa khoác lên người ta, sau đó nhấc bổng ta lên đi vào trong.

Ta ôm chặt lấy người, mặc dù đã sáu tuổi rồi nhưng vẫn thích được người bế. Ta cọ vào lồng ngực người khi người ngồi xuống, thút tha thút thít không ngừng.

- Bệnh của mẫu hậu sẽ tốt lên chứ phụ hoàng?

- Sẽ tốt lên.

- Con đã cầu nguyện cho phụ hoàng mẫu hậu luôn khỏe mạnh, cầu cho mẫu hậu sớm khỏe lại, con sẽ ngoan ngoãn, sẽ không ham chơi làm mẫu hậu phiền lòng nữa... Con cũng có thể ăn chay niệm Phật, chỉ cần mẫu hậu khỏe lại thôi.

- Con ngoan lắm. - Phụ hoàng thơm vào trán ta - Lan nhi của chúng ta ngoan thế này, Phật tổ nhất định sẽ nhận lời của con.

Vài năm sau đó, ta cùng phụ hoàng đến dâng hương, mẫu hậu đã qua đời rồi. Đứng trước đồng hoa mênh mông, ta và phụ hoàng cùng im lặng. Mẫu hậu thích đồng hoa ở đây lắm, lúc nào cũng phải dắt ta đến đây ngắm một chốc mới thỏa lòng. Cảnh thì còn đây, người thì khuất núi.

- Ngôi chùa này do một vị hoàng tử đích thân giám sát xây dựng để cầu phúc cho phụ hoàng mẫu hậu của mình. Đồng hoa này cũng là ý tưởng của y với hy vọng cha mẹ mình sẽ thấy thư giãn thoải mái. Đáng tiếc, y lại không thể sống thọ để tận hiếu. - Ta nửa chua xót nửa ngậm ngùi nhắc lại câu chuyện của Khải Tường tự - Phụ hoàng, nhưng dù sao có vẻ Phật tổ đã nhậm lời của y, ban phúc cho cha mẹ y. Còn con thì không có cái phúc đó... 

Hình như lúc đó ta khoảng chín mười tuổi, mồ côi mẹ vài năm, cứ đến Khải Tường tự là không cách nào vui lên nổi.

Phụ hoàng vẫn dịu dàng xoa đầu ta, người không trách ta yếu đuối mà ôm ta vào lòng:

- Phụ hoàng không trả lời thay Phật tổ được, nhưng Lan nhi cứ nói nguyện vọng của mình cho phụ hoàng đi, phụ hoàng nhất định sẽ giúp Lan nhi thực hiện.

- Thật sao, phụ hoàng?

- Thật. Vì con là con của ta mà.

Ta không biết sau này người có hứa điều tương tự với hoàng đệ hay không nhưng ta tin rằng lời hứa tại đồng hoa khi ấy là lời thật lòng của bậc đế vương, có điều Hạ Lan ngây thơ chẳng biết ước ao gì.

- Con chỉ cầu cho phụ hoàng luôn khỏe mạnh. - Hạ Lan cũng ôm lại phụ hoàng thật chặt.

- Nếu có nguyện vọng gì thì phải nói ra với phụ hoàng đó nhé. - Phụ hoàng vẫn đặt một cái thơm lên đỉnh đầu ta mặc dù ta không còn bé nữa - Nếu phụ hoàng quên, Lan nhi nhất định phải nhắc lại cho phụ hoàng.

Nhưng ta nghĩ, phụ hoàng thật sự đã quên lời hứa đó rồi. Một ngày nào đó của nhiều năm sau, khi mối quan hệ giữa ta và phụ hoàng đã đi đến bước đường cùng, giữa một yến tiệc mà ta thấy người đang vui vẻ, ta bạo gan hỏi người, người có nhớ người đã nói gì với ta nơi cánh đồng hoa mà mẫu hậu khi sinh thời yêu nhất không.

- Thái tử có ý gì thì mau nói. Trẫm trăm công nghìn việc, không có thời gian nhớ những chuyện thế này.

Không phải là lời hứa của người không có trọng lượng, nó chỉ không có trọng lượng với ta thôi. Phụ hoàng chỉ nói để dỗ ta, còn ta thì không có phúc nhận được sự ưu ái của người nữa rồi. Vì vậy, ta không nhắc lại, tựa như ai đó ném một hòn đá vào lòng ta, mặt nước hồ sau khi gợn vài vòng sóng thì cũng trở về im lặng.

Yến tiệc ồn ào, phụ hoàng chẳng để tâm đến ta lắm, tam hoàng đệ bước lại gần người nói gì đó, người sảng khoái cười.

- Nhi thần chỉ cầu cho người khỏe mạnh... - Ta lặp lại lời nói năm xưa, chẳng ngờ lời ra khỏi miệng mỏng tang như khói, nhẹ bẫng như tơ, lập tức bị những âm thanh rộn ràng của yến tiệc nhấn chìm.

May quá, phụ hoàng không nghe thấy.

Tiếc quá, phụ hoàng thật sự không nghe thấy.

Lại qua một khoảng thời gian nữa, ta lại đến Khải Tường tự nhưng là đến một căn phòng nhỏ nơi sân vắng.

"Thật ra, vị hoàng tử đó không phải tự nhiên đoản mệnh. Hắn vốn nên là trữ quân, đáng tiếc sau này cha không thương mẹ không yêu, vô duyên với trữ vị. Chính xác chuyện gì đã xảy ra thì không ai biết, chỉ biết hắn bị giam ở nhiều nơi lắm, trong đó có ngôi chùa do chính hắn xây dựng mong cầu phúc cho cha mẹ. Sau đó nữa thì hắn nhất định không thể sống tiếp, sử sách chép lại hắn chết vì bệnh, hoàng đệ hắn được lập một cách danh chính ngôn thuận."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro