Hồ Xuân Hương - lời tự bạch

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồ Xuân Hương – lời tự bạch về thân phận của người phụ nữ.

Cùng với Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Anh, Hồ Xuân Hương là chân dung cuối cùng của tứ kỳ nữ trong thi đàn Việt Nam thời trung đại. Bằng lâu đài thơ khá đồ sộ, nữ sĩ đã khẳng định được tài năng, bày tỏ nỗi niềm thân phận trong xã hội nam quyền. Đằng sau những nỗi niềm riêng tư của một cá thể, thơ của bà là tiếng lòng của bao phận người phụ nữ phải nếm trải một cuộc sống đắng cay.
Trước hết, thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói thở than về thân phận. Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ phải chịu những nghịch cảnh trớ trêu, chua xót trăm bề. Điều này từng được cất lên đầy thống thiết trong chùm ca dao than thân. Thân phận phụ thuộc, bị rẻ rúng giá trị hay nỗi buồn vì phận hẩm duyên ôi của người phụ nữ xưa như đang ngả bóng, trĩu nặng thơ Hồ Xuân Hương. Từ nỗi niềm riêng của một cá thể, tiếng thơ chất chứa những vấn đề mang tầm phổ quát của thân phận con người, nhất là người phụ nữ.
Đọc bài thơ Tự tình 2, ta nghe rõ tiếng lòng thở than, ngao ngán không thể kìm giữ mà trực tiếp lên tiếng:
Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
Với những bậc hiền triết, đạo sĩ xưa, họ quan niệm thời gian tuần hoàn viên miễn nên có tâm thế an nhiên tự tại, có phong thái ung dung chẳng lo phiền. Xuân Hương nữ sĩ lại nhận ra nghịch lí: cứ mỗi xuân qua, con người lại phải tạ từ một phần tuổi xuân của mình. Với người phụ nữ, tuổi trẻ, tình yêu muôn đời là khát vọng, là điều quý giá, có ý nghĩa nhất. Vậy mà, tình duyên của nữ sĩ chỉ là một mảnh nhỏ bé, mong manh đến tội nghiệp, lại còn san sẻ tí con con. Trong xã hội ấy, ước vọng về một tình yêu và hạnh phúc trọn vẹn thật xa vời với người phụ nữ. Câu thơ gợi cho người đọc liên tưởng đến tình cảnh hai lần làm lẽ rồi hai lần góa bụa của nhà thơ.
Trong bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, ngoài nỗi buồn đau cho người đã khuất và sự xót xa cho tình duyên lỡ làng, người đọc còn tìm thấy ở đây niềm nuối tiếc ngậm ngùi bởi đã mất đi một bạn thơ, một người tri kỷ.
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi.
Chôn chặt văn chuơng ba thước đất,
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời.
Cán cân tạo hoá rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn khép lại thôi.
Hăm bảy tháng trời là mấy chốc,
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!
Với Hồ Xuân Hương, hạnh phúc thật muộn màng lại quá đỗi ngắn ngủi. Đạo nghĩa trăm năm của tình chồng vợ, sự thấu hiểu, đồng điệu của những bậc tri âm oái ăm thay chỉ đà mấy chốc. Niềm vui chỉ thoáng qua như ngọn gió, nỗi bất hạnh đeo đẳng ám ảnh cả đời người. Trong mảng thơ về nỗi bất hạnh trong tình duyên, đây là một trong những vần thơ chất chứa nỗi niềm chân thực về thân phận.
Đến với thơ Hồ Xuân Hương, ta còn nghe vang vọng tiếng nói châm biếm, trào lộng. Đó là một đối cực cũng là hệ quả của sự thở than về thân phận. Đối tượng mà bà hướng đến là cả thiết chế xã hội với đủ thành phần: quan lại, nho sinh, trí thức dởm... Đằng sau những phản ứng mạnh mẽ ấy, nhà thơ muốn lên tiếng đấu tranh cho quyền bình đẳng của người phụ nữ, khẳng định giá trị và tố cáo những thế lực chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của họ.
Vốn là một nữ nhi nhưng nhà thơ lại có cá tính phóng khoáng, suy nghĩ táo bạo. Những vần thơ mạnh mẽ, sâu cay của bà là phản ứng gay gắt của người phụ nữ ý thức được tài năng của mình và muốn thách thức với xã hội nam quyền. Thái độ khinh miệt đối với một tên thái thú Trung Hoa ẩn chứa sau cái nhìn ghé mắt trông ngang đầy kiêu hãnh:
Ghé mắt trong ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.
Anh hùng là mẫu mực lí tưởng, là khát vọng muôn đời của con người thời trung đại. Bậc trượng phu sống trên đời ai cũng muốn vẫy vùng ngang dọc, lập công lập danh để làm nên sự nghiệp lớn. Một điều như là mặc nhiên trong tâm thức con người thời đại ấy, anh hùng chỉ có thể là nam nhi. Hồ Xuân Hương đã phủ định quan niệm ấy, lên tiếng đấu tranh cho sự bình quyền của người phụ nữ. Bài thơ ẩn chứa cái nhìn mỉa mai, giọng điệu trào lộng đối với bậc anh hùng, là tiếng nói công khai khẳng định khả năng của bản thân nói riêng và người phụ nữ nói chung. Tiếng nói tuyên chiến ấy thật hiếm, thật lạ trong thơ trung đại, đưa Hồ Xuân Hương trở thành con người nổi loạn, muốn phá tung tất cả mọi định kiến ngàn đời của xã hội cũ. Thái độ của bà là một thách thức đối với ý thức trọng nam khinh nữ, thách thức đối với cả thần linh.
Và đây là lời mắng của nhà thơ đối với những thư sinh, học trò dốt:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa
Nhà thơ mỉa mai, châm biếm pha lẫn thương hại đối với những kẻ dốt nát mà học đòi nói chữ, học đòi làm thơ. Người phụ nữ ấy như đang đứng trên cao đầy quyền uy, ngạo nghễ để la mắng, xem những trí thức rởm ấy chỉ là ong non và dê con đầy tội nghiệp mà thôi. Ta càng hiểu thời bấy giờ, vì sao Xuân Hương trở thành cái gai trong mắt của giai cấp thống trị. Bằng cái nhìn sắc bén và thái độ đanh đá, bà đã lật tẩy, phanh phui không khoan nhượng bản chất đê hèn, ti tiện, háo sắc của những kẻ mang danh quân tử trong Thiếu nữ ngủ ngày:
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cải trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong.
Bài thơ trước hết là một bức chân dung chạm khắc vẻ đẹp căng tràn sức sống mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ. Cái hồn nhiên của người thiếu nữ ấy như càng tăng thêm nét quyến rũ của bức tranh. Hồ Xuân Hương không hề ngại ngần khi miêu tả vẻ đẹp hình thể của người con gái. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng từng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp như một tòa thiên nhiên của nàng Kiều:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Xuân Hương miêu tả vẻ đẹp ấy vừa tự nhiên, táo bạo, vừa hài hước dí dỏm từ cái nhìn của người trong cuộc. Tuy nhiên, tiêu điểm của bài thơ lại thuộc về hai câu cuối. Nhà thơ đã hạ bệ không thương tiếc vẻ đạo mạo nửa vời của những bậc quân tử. Thật bi kịch cho đấng trượng phu này! Cái dùng dằng của bước chân chính là cái dùng dằng của suy nghĩ. Nếu vội bỏ đi thì quá tiếc nuối. Bằng không cứ ở lại thì thật mất thể diện. Nhà thơ đã thọc trúng tim đen của những kẻ luôn tỏ ra thanh cao nhưng kì thực chỉ là phường tiểu nhân hèn mạt.
Đến với thơ Hồ Xuân Hương, người đọc càng thấu rõ khát vọng hạnh phúc cũng như sự tự ý thức về phẩm giá của bà, cũng là của người phụ nữ trong xã hội cũ. Càng nếm trải nhiều nỗi bất hạnh, đa đoan, nhà thơ càng khát khao hạnh phúc, khát khao được đánh giá đúng giá trị của mình. Mời trầu và Bánh trôi nước là hai bài thơ chứng minh rõ điều ấy. Người phụ nữ tài hoa và đa cảm ấy luôn khắc khoải một khát vọng về tình yêu thắm ngọt, thủy chung. Với Hồ Xuân Hương, tình yêu luôn gắn với tình duyên. Đó phải chăng là phẩm chất muôn đời của phụ nữ Việt. Họ luôn tìm kiếm bến bờ bền vững để neo đậu tình yêu. Họ sợ vô cùng sự bạc bẻo, bội ước của những đấng nam nhi. Và dù cho cuộc đời này gió dập sóng dồi, dù cho thân phận chìm nổi lênh đênh, họ vẫn luôn kiêu hãnh, gìn giữ một trái tim son sắt thuỷ chung.
Thật không sai khi nói rằng, thơ Hồ Xuân Hương là tiếng lòng trong muôn một tấm lòng của người phụ nữ Việt./.

ts"v1/s

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro