huy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

DÁNG DẤP VÀ PHONG THÁI

Sách “Ngọc Quản Chiếu Thần” có câu:

            “Hành nhược phù vân, toạ như đỉnh thạch

            Đoạn hậu cẩn ngôn, tính tình khoan dật”.

Nghĩa là:

Đi nhẹ như mây bay, ngồi chắc như tảng đá. Nghiêm trang, ăn nói cẩn thận, tính tình khoan dật.

Có dáng dấp phong thái như trên thì sẽ: Quan sùng vị hiển, tử tôn vinh (Quan to chức trọng, con cháu đề huề).

Trái lại, nếu đi mà đầu lắc lư, ngồi cúi gằm mặt thì bần tiện chung thân.

Dáng dấp phong thái quan trọng như thế đấy.

Toạ như đỉnh thạch, ngồi chắc như tảng đá là ngồi không nhấp nhổm, chốc chốc lại đứng dậy ngả bên nọ, nghiêng bên kia, giơ tay giơ chân rung đùi, rung vế chứng tỏ thần khí đủ nên không mỏi mệt.

Tinh thần càng sung túc, sự nghiệp càng hay, người Trung Hoa nói một phân tinh thần, một phân sự nghiệp.

Không cứ to lớn, hay nhỏ bé, hễ ngồi không ấm chỗ được lâu, sự nghiệp khó bền bỉ.

Tinh thần đã suy nhược tất nhiên lười, không quyết đoán, ỷ lại làm sao khá được?

Làm nên sự nghiệp là những người có tinh lực dồi dào, ý chí kiên cường, khí phách khoát đạt, tinh minh lỗi lạc.

Thiếu thần khí dù có mệnh vận tốt chẳng qua là nhất thời phong vận, càng cao lắm càng làm trò cho thiên hạ cười như Trương Tôn Xương, ông tướng thịt chó dưới thời Bắc Dương.

Thần khí là cái tốt tiềm phục bên trong, nhất đán gặp cơ hội là phát huy kiến lập sự nghiệp lẫy lừng.

Tướng mệnh học đào sâu hơn nữa về dáng dấp phong thái qua tướng ăn ngủ. Những việc thường ngày trong sinh hoạt có thể báo hiệu cát hung hoạ phúc.

Trương Phi lúc ngủ mở mắt nghiến răng, ngáy ran như sấm, ngủ say như chết đúng là anh chàng lỗ mãng chết vì đâm chém.

Gia Cát Khổng Minh ngủ như ông đã tả trong bốn câu thơ:

            Đại mộng thùy tiêu giác

            Bình sinh ngã tự tri

            Thảo đường xuân thụy túc

            Song ngoại nhất trì trì

            (Giấc mộng lớn nào ai tỉnh trước

            Bình sinh ta lại biết mình ta

            Ngày xuân đẫy giấc trong am cỏ

            Ngoài cửa trì bóng ngựa qua)

Ngủ với dáng dấp ấy nên Khổng Minh với hai bàn tay trắng mà giúp Lưu Bị chia ba thiên hạ, suốt đời ông giữ được phong thái của một trung thần chí sĩ.

Hoàng Hoa Thám, nhà cách mạng kháng Pháp ngủ mở mắt, sau bị phản mà bất đắc kỳ tử.

THÀNH BẠI Ở CHỖ QUYẾT ĐOÁN HAY DO DỰ

Việc thành bại của cá nhân do nhiều lẽ. Tuy nhiên, quyết đoán hay do dự là quan kiện trọng yếu cho thành bại. Cái nghĩa cao nhất của hai chữ quyết đoán khác hẳn hai chữ quyết liệt và bừa liều.

Trương Lương quyết thắng việc ngoài ngàn dặm chỉ cần ngồi trong doanh trại, khác hẳn Hạng Võ hôm nay quyết liều một trận.

Sách tướng dạy rằng:

            “Kẻ nhiều ngạo khí hay liều

            Kẻ thần bất túc không quyết đoán”.

Xem tướng để biết ai quyết đoán, ai liều, ai do dự, xem ở đâu?

Hãy nhìn vào các bộ vị trên mặt, nếu thấy mi cốt (xương dưới lông mày) cao ngang, sống mũi nổi, quyền cốt cao, cằm đưa lên như chầu vào mũi. Đó là tướng dũng cảm quả quyết. Xong nhìn vào nhãn thần (ánh mắt) thấy sáng trong chứng tỏ trí tuệ cao minh, mắt thẳng thắn con người không trâng tráo, đảo điên chứng tỏ tâm lý kiên quyết không thay đổi. Cộng với đôi mắt cắn chỉ (Ngậm chặt rất khít) cũng là dấu hiệu của tính quyết đoán. Có những tướng trên rất dễ thành công.

Đời Tam Quốc, Tuân Úc trong một cuộc đàm thoại với Tào Tháo đã nói về Viên Thiệu như sau:

- Ngoài mặt thì bao dung nhưng lòng lại đố kỵ

- Do dự không quyết đoán dễ hỏng việc về sau.

- Trị quân lỏng lẻo, pháp lệnh không nghiêm, quân mã nhiều mà vô dụng.

- Cậy là kẻ quyền thế, chuộng hư danh nên chỉ có những kẻ hẹp hòi thấy lợi thì tôn thờ, nịnh bợ.

Tất cả những tính kể trên của Viên Thiệu bởi do dự không quyết đoán mà ra.

Quyết tâm có tạo khí thế cho sự nghiệp như sao đẩu, sao ngưu, đẹp như cầu vồng mọc ngang trên trời.

Tỉ dụ: Phạm Hồng Thái vác bom ném vào tên toàn quyền thực dân Pháp Merlin. Thành bại hay không không ở chỗ tên trùm thực dân có chết hay không mà ở chỗ nó làm nổ lên một quyết tâm diệt thù.

            Lòng quyết tử tiến lên đường gió bụi

            Hai bàn tay thề phục lại sơn hà

            Thái Bình Dương lấp bằng niềm tủi nhục

            Lấy máu đào rửa sạch máu yêu ma

(Thơ Thái Dịch)

KHÍ TRONG SÁNG NHƯNG HÌNH YẾU ĐUỐI

TÀI CAO MÀ MỆNH BẠC

            Hồn tài tử vơi đầy ngụ oan khổ

            Khúc đoạn trường nên tuyệt cổ văn chương

Hồn tài tử là khí chất trong sáng. Oan khổ với đoạn trường bởi trưng hình thể doanh hư. Hữu tài vô mệnh. Ngoại biểu thanh tú thông tuệ, bản chất thân thể yếu đuối, lúc nào cũng tựa người ốm đau mà không phải ốm đau. Sách tướng gọi là hình bất túc. Khí thanh nên tài cao, thế chất yếu đuối nên không lâu bền. Cho nên có mấy câu: “Khí thanh thế doanh tuy tài cao nhi bất cửu. Ta nói khí độ, khí phách, khí vũ, khí vận, khí thế tức là nói một cái gì trừu tượng biểu xuất ra bên ngoài mà gốc của nó là tinh lực vô hình. Chẳng những nó quan hệ đến thọ yểu con người, còn quan hệ đến giàu sang, nghèo hèn, cát hung họa phúc”.

Sách “Linh Sơn Bí Quyết” nói:

- Hình là chất vậy khí làm cho chất đầy đủ sung thực. Hình nhờ khí mà nảy nở tươi tốt, thần nhờ chất mà an định. Thần an thì khí tĩnh. Được thua còn mất không làm cho khí hao tổn. Mừng giận không làm cho kinh động tinh thần. Lúc nào cũng điềm đạm, bao dung khí độ.

Người nào không uống rượu mà trông như say, không nói chuyện buồn mà trông âu sầu, dễ kinh hoàng sợ hãi, tinh thần bất định không thể có sự nghiệp, hoặc có sự nghiệp cũng nửa đời sụp đổ.

Hình là thân xác con người thuộc về thực chất. Khí là linh hồn con người thuộc về tinh thần. Cả hai liên hệ như dầu với đèn. Dầu khô đèn không sáng. Đèn không bấc, bóng đèn vỡ, đèn không cháy.

Sách “Ngọc Quản Chiếu thần” nói:

- Đá có ngọc nên núi rực rỡ. Ngọc là khí, đá và núi là người vậy.

Thầy Nhan Hồi, học trò giỏi của Khổng Phu Tử, mặt sáng đẹp cực thông tuệ nhưng mới ba mươi tuổi đã chết chỉ vì ngũ tạng hư, thân thể yếu đuối.

Nhà văn Vương Bột, tác giả bài phú “Đằng Vương Các” chết năm 29 tuổi cũng chỉ do cái tướng khí, thanh thể doanh hư. Hình bất túc cho nên khí thanh chẳng tụ vào đâu được.

TINH THẦN MẠNH, XƯƠNG CỐT KHỎE, QÚY PHÚ THỌ KHANG NINH

Nóng rét gió mưa, tật bệnh là đại địch, mệt nhọc, đói khổ là tai họa của con người. Nếu muốn chống lại những đại địch và những tai họa đó, con người ta cần phải đầy đủ tinh lực.

Thần cường cốt tráng mới chịu được gió mưa, nóng rét, mệt nhọc, đói khổ. Có chịu được mới kiên trì chiến đấu mà tạo nên sự nghiệp.

            Kiên trì và nhẫn nại

            Không chịu lùi một phân

            Vật chất tuy đau khổ

            Không nao núng tinh thần.

Tôn Tẫn bị Bàng Quyên cắt gót, giả điên lăn lộn trong chuồng heo nếu không thần cường cốt tráng thì hỏi làm sao sống để rửa hận giết Bàng Quyên.

Hầu như hết thảy các vĩ nhân trong lịch sử thế giới chẳng ai là thiếu cái lực nhẫn nại kể trên.

Thần cường cốt tráng đã, số mệnh tính sau.

Thần cường cốt tráng hiện ra hình tướng như thế nào?

a) Quyền cốt cao rộng,

b) Lông mày dài,

c) Sống mũi hữu lực,

d) Nhân trung dài, sâu,

e) Da đầu không quá căng. (Nếu căng như da trống là chết. Đầu ở đây kể cả mặt).

f) Răng lớn, chặt chẽ khít khao,

g) Huyết sắc vinh phát. (Da mặt hồng hào, không trơn như mỡ, không ám hãm),

h) Pháp lệnh dài, sâu,

i) Tiếng nói lớn mà không cụt,

j) Hơi thở đều đặn.

Thần cường cốt tráng nhưng có rất nhiều trường hợp cốt tráng mà tinh thần bạc nhược, như mấy anh thân hình thì to lớn nhưng ngu độn, gọi là hình hữu dư thần bất túc, thì lại thuộc tướng cách khác.

Thần cường là căn bản rồi mới đến cốt tráng.

Bốn câu thơ:

            Hỡi tráng sĩ đấu tranh đầy khổ ải

            Hãy trau dồi thể hiện những đau thương

            Đông thê thê tuốt gươm mài khẳng khái

            Hận du du đúc trí ngọc phong sương.

(Thơ Thái Dịch)

Mài khẳng khái, hận du du, đúc trí ngọc là thần cường, chịu khổ ải, đau thương và phong sương là cốt tráng.

Thường thường nếu không có thần cường thì cốt tráng cũng không chịu nổi khổ ải.

Phú quý thọ khang ninh là những gì đến sau thần cường cốt tráng. Đến sau nhưng ở lâu bền.

MẶT SÁNG NHƯ NGỌC

Sách tướng có ghi tướng cách: Nhan như quan ngoc (Mặt mũi sáng như ngọc quan). Quan ngọc là một loại ngọc tốt không bị vết là cực đẹp. Người Trung Quốc xưa dùng loại ngọc này để gắn lên mũ các quan đại thần.

Nhan như quan ngọc là tướng phú quý. Người trẻ tuổi mặt sáng như quan ngọc đi thi là đỗ đạt cao, hoặc cha mẹ giàu có hiển vinh. Tướng này chỉ có một điểm đáng chê trách là những anh mặt sáng như ngọc quan tính nhút nhát, nếu không nhát thì kém kiên trì. Muốn biết phải nhận xét cho tinh vì nhan như ngọc có nhiều loại: Nếu bộ mặt trắng như ngọc ấy hốt nhiên đổi thành giống như xoa phấn thì đâm ra phản trắc, bất lương gọi là phấn diện sở khanh, đàng điếm.

Nhân vật chính trị cận đại là Uông Tinh Vệ lúc thiếu niên nhan như quan ngọc sau đổi ra phấn diện khiến phải chết ô danh.

Mặt trắng sáng có mị thái thiếu nghiêm túc là bọn cợt nhả lẳng lơ.

Mặt trắng sáng cần thân thể khôi vĩ, đẹp mà không mị (nịnh nọt mơn trớn).

Xin nhớ thêm: Diện như quan ngọc chỉ là một tướng cách thôi. Nó không có nghĩa cứ phải mặt hồng hào, trắng sáng mới quý cách và sắc diện xanh, đen, nâu là tiện cách. Còn tùy hình cục kim, mộc, thủy, hỏa, thổ của mỗi người.

Nói chung về sắc trạch có hai yếu kiện:

1) Màu da nên bền bỉ, ngồi lâu không biến đổi,

2) Phải có quang ánh khác thường.

Nếu không chỉ là loại mặt trắng đi hát tuồng hoặc đi hầu.

Mặt trắng tối kỵ vô tu (không râu), sách tướng có câu: Bạch diện vô tu chung thân phá bại (mặt trắng không râu về già phá bại).

Bạch diện vô tu tức là mặt đít ếch. Trắng nhẵn thín như đít con ếch.

Lịch sử dân quốc có hai đại nhân vật vì tướng cách sinh ra phạm diện bạch vô tu nên lúc già bị phá bại, danh tiếng bị bôi lọ.

Vị thứ nhất là Uông Tinh Vệ, nhân vật bi kịch của chính trị; Uông Tinh Vệ tướng mạo rất đẹp, phong độ hiên ngang, ngũ quan đoan chính khả dĩ gọi là “đẹp trai”. Họ Uông tuyệt thế thông minh, thi tứ văn chương đều thông hiểu. Lúc trẻ dám làm chuyện kinh thiên động địa hành thích “nhiếp chính vương” nhà Thanh. Tôn Văn về nước rất trọng dụng Uông Tinh Vệ khiến cho công nghiệp của ông sáng lạn như mặt trời giữa trưa. Trong khi mọi người đều ngưỡng mộ họ Uông thì riêng ông Ngô Trĩ Huy cũng là một nhân vật chính trị tỏ ra khinh thị Uông. Lý do Huy biết xem tướng nên nhìn thấu cuộc đời Uông Tinh Vệ. Theo sự phẩm bình của ông Huy về tướng Uông Tinh Vệ thì:

Mắt Uông Tinh vệ đã tròn sáng lại thêm dị quang, lòng mắt trong vắt xanh da trời chứng tỏ hiệp khí và linh mẫn. Chỉ tiếc một điều là diện bạch vô tu. Hậu vận hư hết, danh tiếng bị phỉ nhổ.

Lời đoán của Huy bị anh em chê cho rằng họ Ngô chủ ý ganh ghét nên dùng tướng học để dèm.

Kháng chiến chống Nhật bùng nổ, Uông Tinh Vệ đi theo Nhật cam tâm lập chính phủ bù nhìn. Nửa đường đứt gánh, Uông Tinh Vệ lo nghĩ quá thành bệnh mà chết. Nhật đem chôn ở núi Hoa Sơn. Nhật đầu hàng, mộ của Uông Tinh Vệ bị nhóm thanh niên ái quốc đem mìn lên phá, rồi tiếp đến hàng trăm quyển sách, hàng nghìn bài thơ thống mạ Uông Tinh Vệ.

Người thứ hai là Đường Kế Nghiêu.

Nghiêu cùng Sái Ngạc đem quân lên phía Bắc đánh Viên Thế Khải, thành công, danh vọng vang lừng toàn quốc. Về phương Nam, ông cắt đất lập giang sơn riêng.

Giữa lúc Đường Kế Nghiêu đắc ý nhất thì tại Vân Nam bỗng có một vị sư không biết từ đâu tới căng biển ngữ xem tướng. Trên biển đề mấy chữ: “Chỉ theo duyên nghiệp mà chỉ bảo cho mười anh hùng nhân vật” dưới ký Nga Mi Sơn cao tăng.

Đường Kế Nghiêu thấy lạ bèn cho vời vị cao tăng kia tới khẩn khoản xin cho biết cuộc đời mình.

Trông Đường Kế Nghiêu hồi lâu rồi vị cao tăng viết:

- Mi nhãn dữ các bộ vị cực tương đối (mi và mắt cùng các bộ vị rất hợp).

Ngoại biểu anh tuấn bất phàm (tướng bên ngoài anh tuấn khác thường).

Duy thị bạch diện vô tu nam ngôn vĩnh thọ (tiếc vì mặt trắng không râu nên khó lòng lâu bền).

Hữu thập niên đại vận (có mười năm đại vận).

Thập niên hậu ưng nghi cấp lưu dũng thoái quảng kết thiện duyên, tích đức bảo thọ (mười năm sau nên rút cho mau, gắng làm điều thiện mới mong khỏi tai họa).

Đường Kế Nghiêu kiêu hãnh về thân phận chắc như bàn thạch của mình nên bao nhiêu lời vị cao tăng đều bỏ ngoài tai.

Dân quốc thứ 16, liên tiếp biến chuyển, hết Bắc phạt đến Vân Nam chinh chiến. Đường Kế Nghiêu bị đánh bại uất ức quá mà chết trong cảnh bần khổ đáng thương.

Nghiêu chết năm bốn tám tuổi, ứng với tướng Diện bạch vô tu chung thân phá bại.

Cái kỵ thứ hai của mặt trắng là nộn sắc trông trẻ con. Người ta lớn lên giống như vỏ cây theo với tuổi tác mà già dặn, đanh thép. Nếu lúc nào mặt cũng bụ bẫm nõn ra như đứa trẻ là phản tướng chết yểu hoặc nghèo hèn. Ông Quỉ Cốc Tử nói:

- Sắc nộn khí gian tà tiểu nhân, túng hữu thành lập, diệc bất trường cửu, (sắc non khí non, tiểu nhân gian tà, dù có thành việc gì cũng chỉ trong một thời gian ngắn). Cùng diện bạch mà giá trị khác nhau rất xa, cái khó của xem tướng là thế. Cần biết vàng si vàng thực mới là mắt tinh đời.

THANH TƯỚNG (Xem tướng tiếng nói)

Chuông có âm thanh, người có tiếng nói.

Chuông làm bằng đồng tốt, da tốt thì âm thanh tốt. Người ta cũng vậy.

Xem tướng phân ra: Nhất thanh nhị sắc tam hình. Tiếng nói quan trọng bậc nhất, thứ đến sắc diện, sau tới hình thể.

Thầy Tử Lộ ngồi gảy đàn, tiếng đàn nghe sát phạt. Đức Khổng Tử lấy làm kinh sợ chạy vào trong nhà xem thì ra lúc ấy đang có con mèo đuổi bắt giết con chuột nên ảnh hưởng đến tình tự người gảy đàn. Đàn mà còn vậy huống hồ tiếng nói con người ta. Thời kỳ tổng thống Roosevelt còn tại vị, mỗi tối ông lên đài phát thanh kể chuyện cho trẻ em Mỹ nghe trước giờ chúng đi ngủ. Tiếng ông đầm ấm, cả nước Mỹ cứ vào giờ ấy lắng nghe Roosevelt.

Macr Antoine chỉ dùng tiếng nói của mình mà đánh đuổi được nhóm Brutus để phục hồi lại quyền vị Cesar.

Muốn thuyết phục ai trước hết phải có một âm thanh truyền cảm cái đã. Nói nghĩa lý mà âm thanh nhức nhối lỗ tai chẳng ai thèm nghe. Sách tướng đưa “thanh” lên hàng đầu là đúng. Oai của con sư tử là ở tiếng gầm chuyển động trời đất của nó. Nếu con sư tử mà kêu chin chít như chuột thì thật khôi hài.

Cổ nhân thường ca ngợi tiếng tốt của các lãnh tụ vua chúa bằng tiếng nói như tiếng chuông, thanh nhược trản chung. Tại sao ví tiếng nói như âm thanh của chuông đồng? Vì tiếng âm hưởng lan rộng và ngân. Tiếng nói của con người cao quý cũng phải có âm hưởng và vĩ thanh (tức tiếng vang ngân còn vẳng lại bên tai). Nếu nghiên cứu về âm thanh học (acouistique) thì mới thấy sách tướng nói rất đúng.

Muốn có tiếng ngân và âm hưởng lan rộng thì nơi phát ra âm thanh phải đủ mọi điều kiện để âm thanh lan rộng và ngân. Điều kiện ấy cho tiếng nói con người là khí lực, nguyên khí, nơi đan điền (bộ phận nằm ở trong bụng dưới).

            “Quý nhân chi thanh xuất ư đan điền

            Tiểu nhân chi thanh căn tại thiệt đoan”.

Nghĩa là tiếng nói quý nhân xuất ra từ đan điền còn tiếng nói tiểu nhân từ đầu lưỡi.

Thanh tướng tốt xấu như thế nào?

Trầm ấm, có âm điệu, đĩnh đạc, hơi dài là tốt. Líu ríu, láu táu, thều thào, lí nhí, hơi ngắn là xấu.

            “To như âm vang chuông trống

            Nhỏ như ngọc thuỷ lưu minh”.

(Nước suối mát chảy róc rách, thanh khiết âm điệu) là tốt. Tiếng đục, tiếng thô, the thé là xấu.

Người to tiếng nói nhỏ dễ gặp hung tai. Người nhỏ tiếng nói lớn đại quý.

Tiếng nói trì trệ, khô cằn, trước nhanh sau chậm, trước chậm sau nhanh, chưa hết tiếng hơi thở đã mất, chưa nói mặt đã biến sắc đều thuộc loại tiện tướng.

Với phụ nữ, thanh tướng càng quan trọng. Đàn bà chỉ cần một tiếng nói sang cũng đủ làm mệnh phụ phu nhân. Chỉ cần tiếng nói đàn ông cũng đủ ăn thịt vài ông chồng.

Đời nhà Thanh có ông Đới Hồng Từ người Quảng Đông, thuở nhỏ nổi danh thần đồng. Chưa đầy hai mươi tuổi đỗ tiến sĩ vào triều làm quan tới hình bộ thượng thư. Hồng Từ còn có hai anh em nữa cũng đỗ đạt quan cao. Theo dân cư kể lại thì sở dĩ anh em Đới Hồng Từ được hoạn đồ đắc ý là nhờ dị tướng của bà mẹ. Nguyên lai, Đới Công, cha của Đới Hồng Từ vốn hiểu biết thâm sâu về khoa xem tướng, học rộng nhưng vì mệnh số hẩm hiu nên không đạt đành phải bỏ đường làm quan vào đường buôn bán. Tuổi đã cao vẫn chưa lấy vợ. Ngày ngày miễn cưỡng ghi sổ, ghi sách, đủ chi dùng độ nhật vì cơ sở buôn bán cũng chẳng phát triển bao nhiêu. Một hôm có một cô gái vào tiệm mua hàng. Trông mặt cô ta xấu nhưng được cái sống mũi chính trực, mắt trong sáng nhất là tiếng nói réo rắt âm điệu hơi dài nghe dễ chịu. Đới Công lấy làm lạ, xấu là tướng dục nhưng âm thanh như vậy là thần tú. Dĩ nhiên cái đẹp ấy không hợp với tục nhãn nên cô chưa có chồng. Đới Công tìm người mai mối hỏi cô gái làm vợ.

Kể từ sau khi lập gia đình, cửa tiệm buôn bán của Đới Công mỗi ngày mỗi đông người mua bán. Vợ chồng hòa thuận, đẻ liền ba con trai đặt tên là Đới Hồng Hiến, Đới Hồng Huệ, và Đới Hồng Từ. Bà mẹ dạy con rất khéo, tối tối trong nhà tiếng học ran ran. Họ Đới phát phú quý làm dân vùng Quảng Đông đi đến đâu cũng nghe kể.

Trong thiên nhiên, âm thanh vĩ đại không gì bằng sấm sét.

Tiếng sấm mùa xuân làm cho vạn vật tỉnh giấc, tiếng sét mùa hạ làm cho mưa gào gió thét. Sấm sét để tuyên thị cái oai của trời đất. Nay lấy sấm sét ví với tiếng nói của người để tạo hình ảnh cho cái oai đó.

Sách có câu: Tâm hữu sở dục thanh tất tuỳ chi (Mình muốn thế nào, âm thanh tuỳ ý muốn ấy). Thanh âm biểu hiện tinh thần thể phách, trí tuệ và khí chất của một người.

Sách “Lễ Ký” viết:

“Cảm ư vật nhi động, cố hình ư thanh, thanh tương ứng cố sinh biến, biến thành phương vị chi âm”.

Qua nghĩa câu trên, danh từ thanh âm thì âm là dư âm của thanh, như tiếng ngân vang của chuông kêu. Thanh mà vô âm là thanh xấu.

Âm thanh cao quý nhất xuất phát từ đan điền chứng tỏ thần khí đầy đủ, có cương có nhu, nghe xa thấy hùng vĩ, nghe gần thấy du dương dậy lên như cưỡi gió, im mà vẫn văng vẳng như dây đàn.

Có tiếng nói như thế, giàu sang phú quý kiêm phúc thọ vô lượng.

Âm thanh xấu nhất nghe héo hắt, khô khan, nhức tai, vẩn đục, gián đoạn, nặng nề, vỡ nứt, tràn đổ ra ngoài. Héo hắt, chủ bần cùng đoản thọ. Khô rít, chủ khốn đốn ức uất suốt đời. Vỡ nứt, chủ phá bại cơ khổ. Nặng đục, chủ thô lỗ. Tràn đầy nước bọt bắn tung toé, đoản thọ vạn sự vô thành. Nhức tai, chủ tài lộc bất định dù có trọng quyền cũng lận đận, lao đao. Gián đoạn, chủ hữu danh vô thực, cuối cùng thân bại danh liệt.

Coi tướng âm thanh cần phối hợp với thái độ khi nói chuyện. Người nào cười nói tự nhiên mới tốt. Vừa nói chuyện mà mặt đã đỏ lên không nên cùng người đó bàn chuyện bí mật. Lúc cười nói phảng phất có khốc âm (tiếng khóc) tất là cô độc bi khổ. Hay cười nhạt, âm thanh bạc bẽo là loại vô tình, vô nghĩa, thú đội lốt người. Tiếng nói từ đầu lưỡi xuất phát đa số làm nô tì. Đàn ông tối kỵ nói ỏn ẻn như đàn bà cũng như đàn bà tiếng ồ ồ đàn ông.

Nữ hữu nam thanh tất hình phu khắc tử. Nam hữu nữ thanh thoát bất tiện bần. Biểu hiện nỗi mừng chớ quá trớn thành phóng túng, nên thanh khiết không thô tục. Biểu hiện nỗi giận nên hùng tráng chớ cay nghiệt, mạnh mà không ác. Biểu hiện nỗi sầu thảm nên bùng ra chớ tàn úa héo hon, khóc như mưa rào mà không uất ức mỏi mòn. Biểu hiện nỗi vui thú nên nhẹ nhàng chớ điên cuồng.

TƯỚNG BẤT ĐẮC KỲ TỬ

Đặng Diễn Đạt quê quán ở Mai Huyện, tỉnh Quảng Đông. Thời kỳ Quốc Cộng phân liệt, Đạt là một trong những lãnh tụ Quốc Dân Đảng bèn tách rời Đảng để tổ chức lập Đảng thứ ba, tự tôn mình làm Đảng trưởng. Lúc ấy Đạt mới có ba mươi tuổi.

Dân Quảng Đông không mấy người biết mặt Đạt vì ông ta xuất ngoại du học từ thuở nhỏ. Về nước giữa khi Tưởng Giới Thạch hoàn thành Bắc phạt lật đổ Viên Thế Khải. Đặng Diễn Đạt được giữ chức chủ nhiệm tổng chính trị bộ kiêm giáo dục trưởng trường Võ bị Hoàng Phố.

Một hôm Đặng Diễn Đạt cùng Borodine ngồi xe song mã đi chơi phố ở tỉnh Vũ Xương. Borodine là trưởng phái đoàn Xô Viết sang Tầu để giúp đỡ Cộng sản Trung Quốc hoạt động cho nên thiên hạ thấy hai người dừng xe ở đâu là xúm lại xem đông đảo. Có những người liên hệ với trường Hoàng Phố chỉ bảo xầm xì cho dân chúng biết đó là Đặng Diễn Đạt, nhân vật chính trị quan trọng. Đây là lần đầu họ trông thấy mặt họ Đặng.

Trong đám quần chúng có thầy tướng trứ danh tên Dã Hạc đạo nhân. Với dân chúng và con mắt tục thì ai ai cũng trầm trồ khen ngợi Diễn Đạt khí vũ hiên ngang, mặt to tai lớn, có oai xứng đáng bậc yếu nhân của chính phủ.

Chỉ riêng Dã Hạc đạo nhân lắc đầu than tiếc: Hung tướng 38 tuổi bất đắc kỳ tử. Có người hỏi lý do. Dã Hạc đạo nhân cười mà rằng:

- Tướng cục họ Đặng thuộc quý cách đã đành nhưng đi đôi với quý cách ấy còn tướng đoản mệnh bất đắc kì tử. Cái tướng ấy nằm ở đôi mắt, mắt như mắt heo mà lại đầu lớn, má to như đầu heo tránh sao cho khỏi hung tử.

Đảng thứ ba của Đặng Diễn Đạt có nhiều người ủng hộ nên thế lực chính trị của ông không phải nhỏ. Ít lâu sau, Đạt qua Âu Châu. Đi theo Đạt là người họ Chương. Có người biết chuyện đoán tướng của Dã Hạc đạo nhân, khuyên họ Chương chớ theo Đạt. Họ Chương không tin tướng số chỉ tin vào sự thành công của đệ tam Đảng.

Khi Đạt ở Bá Linh thì tại Mạc Tư Khoa, Staline chú ý đến Đạt nên đánh điện mời Đạt qua Nga. Đạt dự tính chuyến đi này ngoại giao với Điện Cẩm Linh sẽ qua đường Tây Bá Lợi về nước. Trước khi đi, nhân uống rượu vui mừng, Đặng Diễn Đạt thấy Chương nói chuyện Dã Hạc đại nhân nên mới chứng minh với bạn, Đạt rủ Chương đến thăm một cụ già Trung Quốc ở Bá Linh đã lâu đời, giỏi xem tướng tên là Thượng lão nhân hỏi tướng cách mình, chuyến đi thành công hay không? Hỏi cho vui chứ thiệt Đạt chẳng tin. Thượng lão nhân cho biết chuyến đi vô ích và Đạt phải trở lại Bá Linh. Đạt và Chương nhìn nhau cười.

Qua Mạc Tư Khoa ăn chực nằm chờ gần một tháng, Đạt mới gặp Staline. Mục đích của Staline là dùng Đặng Diễn Đạt thay thế cho Trần Độc Tú, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng khi gặp mặt thì Đạt nói cho Staline hay rằng mình không phải là đảng viên Đảng Cộng sản nên Staline đổi ý lập tức và ra lệnh cho các cơ quan an ninh trục xuất Đạt ra khỏi nước Nga ngay. Do đó, Đạt không qua Tây Bá Lợi Á về nước mà phải quay lại Bá Linh đúng như lời Thượng lão nhân.

Thâm tâm Đạt có ý thầm phục lão đoán tướng số. Thượng lão nhân nói:

- Cái lý của tướng học tương tự như tâm lý học, trong lòng vui nét mặt vui, trong lòng buồn nét mặt buồn.

Đặng Diễn Đạt cãi:

- Đấy là hiện tượng tâm lý chứ không phải hiện tượng tướng lý.

Thượng lão nhân vốn ít ưa tranh luận nên bảo người nhà đưa cho Đạt gương soi mặt nói:

- Ông hãy soi gương rồi cho tôi hay mặt ông có những điều gì đáng chú ý.

Đặng Diễn Đạt nhìn gương hồi lâu nói:

- Tôi chỉ thấy đầu tôi lớn quá mà mắt tôi nhỏ quá.

Thượng lão nhân nói:

- Chẳng những mắt nhỏ, nó còn hơi đục. Hậu vận của ông tùy thuộc đôi mắt. Riêng tôi e khó lòng thiện chung. Đảng thứ ba của ông chắc chẳng thành cơm cháo gì đâu. Ông nên học hai chữ tri mệnh là hơn.

Đạt trả lời:

- Làm chính trị hơn nữa là một lãnh tụ, trách nhiệm ở chỗ xung phá khó khăn trở ngại. Tôi đã nghĩ kỹ, khi về nước tất phải gặp nhiều nguy hiểm, nếu tôi không vượt qua thì ai vượt qua cho tôi, cho nên tôi quyết làm cho đến cùng, bất quá ngồi tù. Tù còn có nghĩa là một hành động, chứ chẳng làm gì cả nghe không được.

Thượng lão nhân nói:

- Tôi chỉ nhân danh nhà tướng số mà khuyên ông thôi. Mắt ông thuộc loại mắt hung tử. Nếu ông không ở lại ngoại quốc, tướng ông thuộc loại Nam nhân Bắc tướng. Nếu ông không ẩn thân về phương Nam, chỉ ba năm nữa nhất định ông chết thảm.

Đặng Diễn Đạt không nói gì. Về Trung Quốc, Đạt trương cờ đệ tam Đảng hoạt động. Nhờ bà Tống Khánh Linh, vợ của Tôn Trung Sơn ủng hộ, Đạt thiết lập đại bản doanh tại Thượng hải chiêu tập hội nghị toàn quốc.

Trong khi ấy, phe Quốc Dân Đảng thế lực ngày mỗi lớn. Tưởng Giới Thạch từ bỏ chính sách liên hiệp với C. S. của Tôn Văn bằng cách dùng vũ lực bắt giết phe Cộng sản luôn thể cả những lực lượng chính trị không theo đường lối Quốc Dân Đảng.

Thấy Đặng Diễn Đạt có Tống Khánh Linh hỗ trợ, Tưởng Giới Thạch càng thấy cần phải đập nát Đảng thứ ba trước khi nó thành trưởng. Đằng sau Tưởng là những thế lực tư bản ngoại quốc nên việc thỏa thuận với nhà đương cuộc Tô Giới Thượng Hải dễ dàng. Chờ đúng ngày đại hội nghị toàn quốc, Tưởng Giới Thạch xua mật vụ quét một mẻ. Đạt bị giải về giam trong nhà ngục Nam Kinh. Mặc dầu có lời xin của Tống Khánh Linh nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn ngầm sai người mang Đặng Diễn Đạt ra vùng ngoại ô bắn chết. Nơi Đạt bị bắn là Vũ Hoa Đài.

Hung tử có nhiều cái chết khác nhau: chết trận, chết vì trúng gió, chết treo hay bị tử hình, chết do đánh nhau đâm chém, chết tai nạn, chết vì ngộ độc, tự sát, chết vì gái v. v...

Xem tướng chỉ thấy những dấu hiệu hung tử, nhưng hung tử ra sao thì khó lòng đoán ra. Còn phải tuỳ tính, tuỳ môi trường xã hội mỗi người. Tỉ dụ: tính tình mê gái, mãn diện đào hoa nên đoán là chết vì gái. Tính tình hiên ngang, bộ vị anh hùng nên đoán là chết trong lao ngục hoặc ám sát chính trị. Tính tình keo kiệt, tham lam nên đoán chết vì thù oán hoặc cướp bóc. Cùng hung tử nhưng phải phân biệt anh hùng tiểu nhân để luận đoán cho tường. Qua các sách tướng pháp như: Tướng lý hành chân, Thuỷ Kính, Liễu Trang, Thiết Quan Đạo nhân Luân Đại Thống, Ngọc Quản Chiếu Thần thì những tướng hung tử như sau:

- Diện hữu sát khí, trên mặt có sát khí, thông thường ta gọi là mặt sát nhân. Ai trông thấy cũng ghê sợ mà chẳng phải oai nghiêm. Sắc diện sam sám, mắt dữ, răng sám khô, đại khái như thế. Sát khí cảm thấy nhiều hơn nhìn rõ được hình thù.

- Nhãn tướng hung tử gồm chín loại:

a) Mắt tam giác (Tam giác nhãn).

b) Mắt chữ nhất chảy thẳng một vệt nhỏ như ti hí mắt lươn.

c) Mắt cá vàng (kim ngư nhãn) lồi ra, con ngươi nhỏ.

d) Quỷ nhãn, đuôi con mắt không xếch lên mà quặp xuống.

e) Lộ quang, mắt long lên sòng sọc hoặc sáng quá.

f) Tẩu quang, (Tôi chưa biên nhận được quang ánh này nên không dám nói, chỉ ghi nguyên văn trong sách để quý vị độc giả xem tẩu quan là mục quan tiết ư nhãn ngoại).

g) Tán quang, ánh mắt đã tan rã trông mắt như mất hồn (Mục vô thần).

h) Có gân máu chạy ngang con ngươi.

i) Tứ bạch, bốn phía lòng trắng.

- Hàm bạch, đứng đằng sau trông thấy xương quai hàm bạch ra, xương càng khô không có thịt càng ác liệt. Tỉ dụ: hàm tổng thống Abraham Licoln, thủ tướng Mussolini, Rudolph Hess; tướng ngữ gọi bằng hàm long, hàm chắn.

- Trán hãm mũi nguy, trán hãm thế nào?

Một là lồi lõm không đều, bên nhô bên lõm.

Hai là trán lệch vẹo không ngay ngắn.

Ba là trán quá thấp, tóc xâm chiếm phần nửa trán.

Mũi nguy thế nào? Có 6 loại:

1) Sống mũi cong gẫy khúc.

2) Mũi tẹt dí xuống.

3) Mũi vẹo.

4) Mặt quá to mũi quá nhỏ.

5) Mũi thật cao mà lưỡng quyền quá thấp.

6) Quyền quá cao mà mũi quá thấp.

- Đứng ngồi không yên: Đứng ngồi nhấp nhổm không yên lúc nào cũng như có lửa đốt trong tâm can. Con gái là tiện tướng, con trai là hung tướng.

Tuy nhiên, nếu cách cục thuộc tướng khỉ thì lại phải hiếu động mới tốt. Nên lưu ý:

- Khí bạo, tính cấp, kiêu ngạo và kinh bạc, lạnh lùng, tàn nhẫn là nói về tâm tướng của hung tử.

Phá cách:

Thường thấy tài tử, trung thần, hiếu tử, chân nhân tướng mạo thanh kỳ tú lệ mà bất đắc kỳ tử là do một cách phá cách nào đó (xin xem ở những chương khác).

Ngoài ra, cần phải biết những câu phú sau đây:

Hình như trư tướng tử tất phân thi

(Hình giống con heo, chết thây bị mổ xẻ).

Si lộ thần hân tu phòng dã tử

(Răng lộ môi cong, đề phòng chết đường).

Mã diện xà tinh tu tạo hoành tử

(Mặt dài mặt ngựa, mắt con rắn chết bất kỳ).

CÁI MŨI VÀ ĐỜI NGƯỜI

Thi sĩ Cao Bá Quát đọc thơ của Vua Tự Đức cùng nhóm triều thần trong thi xã của vua đã phê bình rằng:

            Ngán cho cái mũi vô duyên,

            Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An.

Ý chê là thối như thuyền nước mắm. Chính vì cái mũi vô duyên đó mà Cao Bá Quát mới rơi vào cảnh tù ngục chết chém.

            Ba hồi trống giục mồ cha kiếp,

            Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.

Tướng con người ta kỵ nhất cái mũi vô duyên (dĩ nhiên là không phải theo cái nghĩa mà Cao thi sĩ nói), vì xem tướng trước hết phải xem cái mũi. Mũi tốt mới xem thêm, mũi xấu khỏi nói chuyện.

Bất cứ con trai hay con gái, về tướng mặt mày đều lấy mũi làm chủ. Về tướng mũi chia ra làm hai loại: Thượng cách và hạ cách.

Thuộc về thượng cách chia ra làm ba hạng:

- Thiện tướng - thiện nhân đây là nói về phẩm cách.

- Quý tướng - quý nhân đây là nói về quyền vị.

- Phú tướng - phú nhân đây là nói về tài phú.

Người thiện không nhất định phải giàu nhưng suốt đời vui sướng và khi chết cũng an toàn.

Người quý vị tất đã giàu, người giàu không chắc đã thiện. Cho nên hai loại người này không chắc đã được vui sướng và thiện chung. Cho nên khi cổ nhân luận bàn về phúc tướng thường lấy thiện làm tốt và quý là thứ nhì, sau cùng mới đến phú. (Hiện tại là thời đại tư bản, phú luôn đi với quý nên người xem tướng cần phải thẩm định lại cái lý, chẳng nên giữ mãi quan niệm hủ lậu ngày trước).

Tướng quý thiện, phú đều phân thành ba đẳng cấp: Đại, trung, tiểu. Tỉ dụ: Đại quý, trung quý, tiểu quý. Đại phú, trung phú và tiểu phú.

Mũi thuộc tướng quý thế nào?

Phải “thông thiên hữu thế” nghĩa là dài thẳng suốt lên đến giữa hai mắt như ống mũi ăn sâu vào trong óc, tỉ như ta gọi là mũi dọc dừa, phải có thế trông mạnh mẽ oai vệ.

Phải “phong mãn tàn khổng” nghĩa là đầy đặn, to lớn, hai lỗ mũi ẩn kín.

Lúc Tôn Văn còn bôn ba, có một vị thầy tướng đã bình phẩm cái mũi của nhà cách mạng đó rằng: Đại thiện kiêm đại quý đản vô phú (Mũi rất mực thiện, rất mực quý nhưng không giàu).

Quả nhiên, Tôn Văn suốt đời khó nhọc vì tiền, kể cả lúc lấy bà Tống Khánh Linh giàu sụ bên Mỹ.

Trong đời chỉ có tướng mũi vừa thiện vừa quý nhưng không bao giờ có tướng mũi vừa thiện vừa quý lại vừa phú. Quý dễ đi đôi với phú, có thể đi đôi với thiện. Nhưng phú ít đi với thiện.

Về tướng ác của mũi được phân biệt như sau: Ác, tiện, bần.

Ác, tiện, bần chia làm ba đẳng cấp:

- Nhưng tướng mũi ác là tối kị. Vì người tướng mũi ác sẽ chết bất đắc kỳ tử, thậm chí cả nhà sẽ bị thảm tử.

- Ác, không nhất định phải kiêm cả bần. Bởi vì tướng mũi ác đa số dễ giàu có.

- Bần không nhất định phải kiêm cả tiện. Tuy nhiên ở xã hội thì tướng bần, tướng tiện rất nhiều và tướng ác tương đối ít hơn. Chẳng qua vì nhiều người nghèo nên ăn chẳng vay bữa mà mang tiếng ác thôi. Chứ ác không phải vậy.

Theo truyền thống của tướng pháp Trung Hoa thì cái mũi ảnh hưởng lớn nhất đến vận mạng và tính cách con người, nam cũng như nữ.

Đối với đàn ông, mũi chủ tài tinh (tiền bạc).

Đối với đàn bà, mũi chủ phu tinh (chồng con).

Sách “Tướng lý hành chân” dạy rằng:

Mũi là cơ quan thẩm biện của cơ thể. Nên đầy đặn, cao lớn có thịt như mũi sư tử, mũi hổ như trái mật treo, ngay ngắn không lệch lạc, không thô, không nhỏ. (Xin các bạn lưu ý là to lớn nhưng không thô tục). Như vậy là thẩm quan tốt, không giàu cũng sang.

Nếu nó giống mũi chó, mũi diều hâu, mũi dao nhọn, gồ ghề, gẫy, lỗ mũi hếch, lệch và yếu ớt, sống mũi lộ, cao và cô đơn như ngọn núi. Như vậy là thẩm biên quan hư, con người có sống mũi này phải chịu lao đao, vất vả, tâm tính gian tham.

Tướng học nhận mũi là thổ tinh. Nếu thổ tinh hãm, vạn vật không có đất nuôi nấng sẽ chết khô héo. Mũi hỏng tất nhiên lục phủ ngũ tạng hư. Đến tuổi trung niên tất vì bệnh tật mà hết nghiệp.

Trên thế gian không có giai nhân nào mũi lệch (có thể miệng lệch vẫn là giai nhân) cũng như không có vị anh hùng hào kiệt nào mũi hin, mũi nhỏ và mũi hãm, mũi tẹt dí mà thành công.

Người nào mũi thẳng, đầu mũi tròn trịa có da thịt thì tính tình nhân từ, bộc trực.

Người nào mũi ngưỡng thiên thì vô nhân vô nghĩa.

Người nào mũi nhọn, đầu mũi không có thịt thì tính tình xảo trá.

Người nào mũi khoằm như lưỡi câu thì tính tình hiểm độc.

Sống mũi có đốt lộ ra ngoài là vợ chồng lục đục, đôi khi khắc, sát. (Dân Tàu đi hỏi vợ bao giờ cũng trông tướng mũi trước).

Tại Hương Cảng có một vị phú ông tên là Phó Lão Dung rất nổi tiếng về tiền bạc và về một chuyện kể dưới đây:

- Lão Dung vào đời rất nghèo khổ, sau nhờ thông minh kiên nhẫn nên chẳng bao lâu trở thành đại phú thương. Nhưng dân Hương Cảng không chỉ nể ông vì tiền mà còn kính trọng ông vì đức. Ông là người khinh tài trọng nghĩa. Được giúp ai việc gì ông rất vui vẻ. Giàu thiên ức vạn tải, nhưng trên mặt chẳng bao giờ lộ ra vẻ ngạo mạn khinh khi.

Có lần ông bị bọn cướp bắt cóc. Chúng bịt mắt ông mang xuống thuyền đẩy ra giữa dòng sông để tra khảo. Trước hết chúng cắt một miếng tai ông. Ông vẫn bình thản.

Hôm sau chúng mang đến một bát thuốc độc để trước mặt ông và bắt ông phải chọn hai điều, hoặc uống hết bát thuốc, hoặc viết thư về nhà lấy tiền chuộc mạng. Ông thản nhiên cầm lấy bát thuốc độc uống cạn một hơi. Bọn cướp ngạc nhiên hết sức, mặc dầu bát thuốc độc chúng mang lại chỉ là bát chè “bát bảo lường xà”. Sau cùng bọn cướp chịu thua.

Tại sao Phó Lão Dung lại hành động như thế? Ông là con người bần tiện coi tiền hơn sinh mạng chăng?

Chuyện này thiên hạ bàn tán xôn xao, nhưng khi ông còn sống vẫn chẳng ai tìm ra giải đáp xuôi xoả. Mãi tới lúc ông chết, câu chuyện mới vỡ lẽ. Hấp hối trên giường, ông bắt người nhà mang tới một tờ giấy hoa tiên ông cất giấu trong chiếc hộp bằng ngọc thạch cẩn kim cương. Đó là tờ giấy đoán tướng. Ông đọc xong mỉm cười rồi chết.

Người nhà đọc tờ giấy kia thì thấy những dòng chữ như sau:

“Tướng mũi người này tất phát đại phú vì nó đã đầy đặn lại còn nhiều khí lực, thêm vào đấy lại hai gò má rất phối hợp với mũi. Đến trung vận thì sẽ như rồng gặp mây. Hiềm đôi mắt hơi có chút phá cách, bởi tại ác nhãn. Như nếu biết tâm tướng mà chữa phần tướng, khi nào giầu phải biết làm việc nghĩa ngay thì giàu có mới bền vững. Bằng không e chết chẳng toàn mạng”.

Phó Lão Dung đã triệt để vâng theo lời đoán tướng trong sự đối xử hàng ngày với cuộc sống. Do đó ông đã thoát rất nhiều tai nạn. Cái lòng tin tưởng vào tâm tướng của ông lớn đến nỗi có thể cầm cả bát thuốc độc uống một hơi mà tâm hồn ông không một chút hoảng kinh kể cũng lạ.

Khi người ta cậy dỉ mũi, vắt nước mũi với lòng tục và mắt tục làm gì có ai nghĩ rằng cái mũi quan trọng đến nhường ấy. Hàng ngày, người ta thường nói với nhau thằng ấy, con ấy bị tao bóp mũi mà cái miệng tục chẳng bao giờ để ý rằng chính mình đã công nhận cái mũi là quan trọng.

Cái mũi trên mặt người ta, khi nó đi với tai, mắt, miệng được ví như sông ngòi, khi nó đi với lưỡng quyền, trán, cằm được ví với núi non mà tiếng chuyên môn gọi là tứ độc và ngũ nhạc. Cho nên mũi với đời người rất quan trọng.

Mũi là trung nhạc (núi đứng giữa), khí linh của phổi. Phổi tốt, mũi đẹp và có lực (hữu khí). Mũi mà chảy xệ, người mắc chứng ho lao hoặc suyễn, che khuất nhân trung sống không quá 40 tuổi.

Theo Thần Tướng Toàn Biên, xem tướng mũi phải chia ra hình với sắc. Sắc của mũi luôn luôn quang nhuận, da dẻ mịn màng, màu hồng vàng ong ong dưới làn da (nếu đỏ như mũi người nghiện rượu lại vất vả) mũi đen như tro than làm lấm lưỡi vẫn không đủ ăn.

Về hình tướng, có 4 loại mũi tốt nhất:

- Huyền đởm tị: (Mũi trái mật treo) đầy đặn, kín lỗ mũi, sống mũi cao không lộ cốt chạy lên đến sơn căn (giữa hai con mắt), phú quý nhiều may mắn.

- Tài đồng tị: (Mũi như ống tre vát) sống mũi cao thẳng, bóng bẩy, đầu mũi và cánh mũi chắc chắn dầy dặn, phú quý.

- Sư tử tị: (Mũi sư tử) to nở đầy, lỗ mũi kín nhưng không được sần sùi, phú bất quý.

- Long tị: (Mũi rồng) là cả ba hình mũi trên cộng lại, mũi này thuộc loại vua chúa, phú gia địch quốc hiếm có. Nó từa tựa như mũi nhà tỉ phú Onassis.

Loại mũi xấu gồm có:

- Lộ khổng tị: (Hai lỗ mũi rộng toác) nghèo khổ, túng bấn.

- Tam khúc tị: (Mũi gãy) cô độc.

- Cô phong tị: (Mũi như mỏm núi chon von) tự cao tự đại, dễ bị ghét nên nghèo khổ.

- Cẩu tị: (mũi chó) mũi gầy guộc lộ sống mũi, hình dung thô tục, loại hèn hạ.

- Ưng chuỷ tị: (Mũi chim ưng hay mũi con két) gian tà ác tâm.

Tóm lại, mũi tốt trên nguyên tắc chung, về hình thái phải kín lỗ mũi, ngay ngắn, đầy đặn, sống mũi cao nhưng không lộ cốt. Xấu thì lỗ mũi lộ, mũi hếch, cốt lộ mỏng, lệch.

Tướng mũi cần phải phối hợp với lưỡng quyền, mũi lớn đẹp mà quyền thấp không ăn to. Tướng mũi còn phải đi với tướng mắt. Mũi lớn đẹp mà tướng mắt hỏng dù có giàu cũng không thể sang được.

TỨ ĐỘC - NGŨ NHẠC - NGŨ QUAN

Bất cứ một học khoa nào, một nghề nghiệp nào cũng có chuyên môn.

Tứ độc khoa tướng mệnh dùng để chỉ tai, mắt, mũi và miệng.

Ngũ nhạc để chỉ trán, lưỡng quyền, cằm, mũi.

Ngũ quan dùng để chỉ tai, mắt mũi miệng và lông mày.

Tại sao trong bộ tứ độc có tai mắt mũi miệng như ngũ quan?

Sở dĩ phải phân ra như vậy là vì tai mắt mũi miệng được xem tướng trên hai bộ phận: hình bên ngoài và khoảng trống bên trong, khoảng trống ấy ví như lòng sông, lòng ngòi, lòng suối mà thông thường gọi là lỗ tai, lỗ mũi, lỗ miệng và lòng mắt. Phần ngũ quan ngoài tai mắt, mũi miệng còn có lông mày khác với ngũ quan, cửu khiếu của khoa cơ thể học vì lông mày theo tướng học, liên hệ đến công danh phú con người.

Trên nguyên tắc tướng tốt của tứ độc là sâu và rộng (thâm khoát) có thành, bờ chắc chắn, tối kỵ phá khuyết. Tứ độc: Tai, mũi, miệng, mắt là tượng trưng cho thủy. Nếu phá khuyết, nước sẽ tràn gây hoạ.

Tai có thành (vành tai), quách (chỗ gồ lên gần vành tai), lỗ tai lớn và sâu, vị trí ở cao trên mắt càng hay, dái tai đầy đặn, tai dầy màu trắng sáng hay hồng nhuận là tai đẹp tướng. Tuy nhiên lúc xem phải phối hợp với mắt. Có hảo nhĩ vô hảo nhãn sẽ kém đi 80%.

Qua kinh nghiệm đa số thành công nhân vật thường có tướng mắt cực tốt hơn tai tốt.

Mắt, bộ vị quan trọng nhất của nhân thân.

Mắt phải sáng trong, lòng trắng, lòng đen phân minh, mắt to con ngươi lớn, đuôi mắt hướng thượng (mắt xếch), ngoạ tầm (thịt nằm dưới mắt đầy đặn), mắt không lộ quang là loại mắt kim bất hoán (vạn lượng vàng không đổi).

Mũi (xin xem chương trên).

Miệng cần lớn và vuông, đôi môi kín đáo không để lộ răng, góc miệng nên cong lên đừng chảy xuống (chảy xuống là miệng cá). Sách tướng có những câu về miệng như: Thần nhược đồ chu thực lộc nhị thiên thạch (Môi tựa son hồng, bổng lộc nhiều). Nam tử khẩu đại thực tứ phương (Đàn ông miệng lớn ăn cơm thiên hạ đi đâu cũng có ăn). Khẩu trung tự hữu hoàng kim ốc (trong miệng tựa như có nhà vàng).

Tứ độc là sông ngòi, ngũ nhạc là núi non.

Trán là núi phía Nam tức Nam nhạc.

Cằm là núi phía Bắc tức Bắc nhạc.

Lưỡng quyền là núi phía Đông, phía Tây tức Đông nhạc và Tây nhạc.

Mũi ở giữa là Trung nhạc.

Theo lối nhìn bản đồ bây giờ, phía Bắc ở trên, Nam ở dưới, nhưng tướng học thì Nam ở trên, Bắc ở dưới, vì căn cứ vào ngũ hành, Nam phương thuộc hỏa mà mỗi khi hỏa phát đều tụ vào trán (người ốm sờ vào trán nóng nhất).

Núi non tất phải cao, hùng vĩ, khí thế. Bộ vĩ nhạc cũng vậy, cần khí thế, có khí thế mới cao sáng lớn chắc kiên cường.

Sách “Thạch Thất Thần Dị” viết:

Muốn hỏi tiền trình thì xem khí, cục và hình dung. Ngũ nhạc là căn cốt của hình dung. Ngũ nhạc triều quy, kim thế tiền tài tự vượng (Ngũ nhạc đẹp, tiền tài thừa thãi). Tướng nhạc triều quy có nghĩa là cả năm nhạc cao, nở, chầu vào mũi. Thời buổi tao loạn rất hiếm, bởi tình thế xoay chuyển luôn sinh nhiều khuyết hãm cho tướng số nên mới tạo nên cảnh lên voi xuống chó. Còn ngũ nhạc triều quy thì tất cả đã có đều bền bỉ. Xem tướng người làm chính trị nên chú ý Ngũ nhạc. Trước khi đi vào chi tiết ngũ nhạc, ta hãy nói về tam đình. Tam đình là gì?

Là danh từ khoa tướng mệnh dùng để phân mặt con người làm ba đoạn:

- Từ chân tóc xuống đến Sơn căn (gốc mũi giữa hai mắt) là Thượng đình.

- Từ sơn căn đến chuẩn đầu (đầu mũi) là Trung đình.

- Từ chuẩn đầu đến địa các (hàm và cằm) là Hạ đình.

Trán thuộc Thượng đình. Mũi lưỡng quyền thuộc Trung đình. Cằm thuộc Hạ đình.

Thượng đình chỉ thời thiếu niên. Trung đình chỉ thời trung niên và Hạ đình chỉ thời lão niên.

    Trán tức Nam nhạc ứng vận từ 15 đến 28 tuổi, cần hình thế nở rộng, cốt khí sung thực. Không vết không sẹo, không lấm tấm, không phá hãm, không đen rám lại như trái bưởi bị rám nắng. Có trán như vậy thời thiếu niên sung sướng, con nhà khá giả, học hành đỗ đạt được nhiều người giúp đỡ. Nếu trán hẹp, thiên lệch, thuở thiếu niên truân chuyên.

Sách “Ma Y” nói: “Thiên đình cao tủng, thiếu niên phú quý khả tì” (Trán cao rộng hy vọng có phú quý sớm).

Xem gia thế con nhà, dòng dõi hay phúc thiện hay chú ý tướng trán.

Trung nhạc tức cái mũi là vận tuổi 40 đến 50 tuổi để lập sự nghiệp. Đức Khổng Tử bảo rằng: Bốn mươi, năm mươi tuổi đầu mà chưa tăm tiếng gì, kẻ đó không đáng sợ. (Tứ thập ngũ thập nhi vô căn yên, tư nhân bất túc uý dã hỉ).

Từ 40 đến 50 nếm trải mùi đời đã quán đạt, sức khỏe còn mạnh. Nếu quá 50 mà chưa có nền móng chi cả thì sức đâu. Lực bất tòng tâm là một điều khốn khổ trong cõi nhân gian. Bởi vậy cho nên cái mũi mới quan trọng cho vận mệnh người ta. Mũi nở nang hữu lực, cánh mũi đều sơn căn dày. Cộng thêm với lưỡng quyền phối hợp, hai tai ứng hữu tình như ông vua có văn võ quan, quần áo uy nghiêm đứng chầu là tướng mũi hoàn hảo.

Nếu lưỡng quyền thấp hãm, hai tai mỏng manh mà mũi cao, mũi lớn đứng một mình gọi là độc tủng cô phong tượng trưng cho sự cô khắc, dù có giàu có mà cô độc khắc cha mẹ, anh em, bạn bè, vợ con thì đời sống làm gì còn hứng thú nữa. Con gái có mũi độc tủng cô phong sát phu, mười lần lấy chồng vẫn hoàn quả phụ.

Đông Nhạc Tây nhạc lưỡng quyền quan hệ mật thiết với cái mũi, vận hạn cùng thời với mũi.

Tính chất của lưỡng quyền là quyền uy, tự tin và tài năng lãnh tụ.

Sách “Vạn Kim Bí Ngữ” nói:

“Hình thế lưỡng quyền là phải nổi lên như hai trái trứng gà, hoặc độn má lên như hai khối bạc vuông mới thành cách”.

Xương với thịt lưỡng quyền tương xứng, không thiên lệch, nếu to lớn chạy suốt thiên sương (gần thái dương) đó là bậc đại trượng phu trên đời. Các quân nhân cần lưỡng quyền thật tốt mới có thể lên chức tướng được. Tuy nhiên chớ nên quên sự phối hợp của lưỡng quyền với mũi.

Bắc nhạc tức là cái cằm thuộc lão niên 55 đến 60 tuổi trở đi, tuổi kết cục của cả một đời.

Quá khứ cao sang, giàu có, phú quý, vinh hoa, oanh liệt, hiển hách, mà lúc tuổi già thân bại danh liệt, vợ bỏ, con lìa, ốm đau khổ sở, chết đường chết chợ thì thật là một cảnh bi ai nhất cho kiếp nhân sinh. Cảnh bi ai đó là kết quả của tướng cằm, Bắc nhạc tước bạc, vát cằm nhọn yếu.

    Tóm tắt lại, ngũ nhạc nên nở nang, cao tủng, đầy khí thế. Trên thực tế khó kiếm ra người tướng ngũ nhạc lý tưởng như sách vở, nếu có chăng thì chỉ đếm bằng đầu ngón tay các vua chúa, các nhà tỉ phú, các trọng thần mà thôi.

Ngoài ra, đa số ngũ nhạc ở tình trạng khuyết hãm. Thấy khuyết hãm thì đoán theo khuyết hãm. Giả như Nam nhạc yếu, bốn nhạc kia tốt, tất thời thiếu niên lao đao vất vả, từ trung niên mới khá. Giả như Trung nhạc yếu thì mọi sự nghiệp 45 tuổi về trước nên coi như giấc mộng đêm xuân. Còn Trung nhạc khí tuyệt nơi sơn căn thì dù Bắc nhạc có tốt chăng nữa cũng phải lìa đời...

Ngũ quan là tai mắt mũi miệng và lông mày. Đưa lông mày vào bộ vị ngũ quan không rõ là nguồn gốc từ đâu, nó đã gây một thời kỳ tranh luận sôi nổi. Sau cùng, lập luận các sách như: Thông Tiên Kinh, Bạch Vân Từ, Ngọc Quản Chiếu Thần, Nguyệt Ba Động, Đại Thanh Thần Giám, Băng Giám, Ma Y, Liễu Trang, Thuỷ Kính lập thành phe đa số chấp nhận lông mày thuộc ngũ quan.

Các sách đều đưa ra một nguyên tắc chung cho ngũ quan bằng câu: “Ngũ quan dục kì minh như chính” (Ngũ quan phải ngay ngắn sáng sủa).

Minh là ưu điểm nội tại. Chính là ưu điểm ngoại biểu.

Cổ nhân định nghĩa chữ Minh: Minh là một khí thế quang khiết, lãng huy, thanh tân sống động không trầm trệ, nếu chữ minh ấy đem áp dụng vào con người thì minh là biết nhiều, hiểu rộng, khí anh hùng bột bột, quyết đoán và dũng cảm, tượng trưng cho đa năng đa tài.

Cổ nhân định nghĩa chữ Chính: Chính là ngay ngắn, thẳng thắn.

Minh phải đi với Chính, có cả tài lẫn đức. Có đức mà vô tài là hạng xoàng. Có tài mà vô đức là hạng tồi.

Minh để xét năng. Chính để xét đức độ. Thiếu minh, con người hay ngu si làm việc hay đổ vỡ.

Thiếu Chính, con người vong ân bội nghĩa khắc bạc quả ân.

Phương ngôn có câu voi chéo ngà, đàn bà lác mắt. Ngà chéo, lác mắt là bất chính. Lù rù như chuột chù phải khói là bất minh.

Riêng về lông mày (mi) “Thần tướng toàn biên” viết: “Mi là cái lọng che cho mắt, biểu nghi của diện, dùng để phân biệt anh hoa cho tướng mắt và hiền ngu của tinh thần”.

Lông mày cần chạy dần đến quá đuôi con mắt (mi trường quá mục), thanh tú mềm mại, bóng bẩy chủ thông tuệ, thô đậm mọc ngược chủ hung hãn, ngoan cố. Lông mày thô đậm áp đảo mắt thì cùng khổ, nếu thêm mắt nhỏ nữa suốt đời lao ngục, tù tội.

Lông mày mọc ngược, bất lương.

Lông mày giao nhau, bần khổ, khắc anh em.

Lông mày lưa thưa, giảo quyệt, nịnh nọt.

Lông mày cao, quý tướng.

“Thần Tướng Toàn Biên” phân định ra làm nhiều loại lông mày kể dưới đây:

- Quỷ mi: Thô và đàn áp mắt, tâm bất thiện, giả nhân, giả nghĩa, ăn cướp, ăn trộm.

- Bát tu mi: Đầu thưa, đuôi tán loạn, cô độc.

- La hán mi: Nhạt như người cạo để đi tu, cô độc.

- Kiếm mi: Hình lưỡi kiếm, giỏi giang, uy quyền.

- Long mi: Thanh tú, cong như cánh cung, đại phú quý.

- Hoàng bạc mi: Thưa, màu vàng, rất xấu, nghèo khổ, các bộ vị khác có tốt

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#huy