Chương I. Thánh Mẫu Vạn Nghi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xưa kia người ta vì cái lợi bản thân mà quên đi nhân tính, họ sẵn sàng chém giết lẫn nhau vì lòng ít kỉ tham lam. Nhưng dẫu sao, trong bùn nhơ vẫn có sen quý.

Ngày đó, nhà ông Lê Thái Vụ làm lễ cầu an cho dân chúng tại vùng Đồng Sơn sau lũ lụt, khi cả gia đình đang bái lễ. Từ trên hư không, mây ngũ sắc ảnh hiện rực rỡ, thoáng có hình ảnh chim phượng bay lượn hót vang trời.

Chứng kiến điềm lành ấy, mọi người đều mừng rỡ. Không lâu sau, người vợ cả của ông Vụ đã nhiều lần sảy thai đã hạ sinh ra một người con gái. Đứa bé này ngay khi chào đời đã có nhiều điểm quái lạ, thay vì khóc oà như thường tình thì nó lại chỉ mỉm cười. Vì thế ông Vụ đặt cho cái tên Hy, Lê Thị Hy.

Bồng đứa trẻ trong tay, lại nghĩ đến cảnh lạ ngày cầu an, ông thầm nghĩ chắc hẳn đứa trẻ này chính là một quý nhân, là điềm lành cho thiên hạ. Chuyện này cũng được lan truyền rộng rãi, quan Huyện lúc bấy giờ cũng vì sự lạ mà tìm đến. Sau khi nghe thuật lại, tận mắt thấy đứa trẻ, ông Huyện đã sững người.

Trong đầu ông đột ngột vang lên tiếng trống rầm rộ, một tiếng nói uy nghi vang lên: "Diện kiến Thánh nhan sao không lễ bái?"

Lời ấy vừa dứt, ông Huyện đã khụy gối, hai run rẩy cúi đầu, kính lạy đứa trẻ trước mặt mình. Thấy điều ấy, ông Vụ lại càng tin chắc suy đoán của mình. Ông vội kêu người đưa đứa bé vào trong, lúc này trên trán của quan Huyện vẫn chưa ngừng toát mồ hôi. Cố vịn người bên cạnh đứng dậy, ông bảo: "Chúc mừng lão Vụ, nhà ông quả thật là có thánh ngự!"

Ông Vụ chưa rõ chuyện gì nên bèn hỏi: "Vừa nãy quan thấy điều gì mà lại cung kính với con bé?"

"Là thánh thần nhắc nhở tôi! Thôi, tôi không dám nói, nhưng ông phải cố gắng nuôi dưỡng đứa nhỏ đó cho thật tốt." – không đợi ông Vụ nói gì thêm, quan Huyện đã vội vàng đi về.

Từ chuyện ấy, người dân đều có một niềm tin đặt biệt nơi cô bé tên Hy này. Lạ thay, dù là vùng trũng nằm dưới chân núi Đồng Sơn, các hướng cũng đều có núi lớn gọi là tỉnh Tứ Sơn này từ ngày Lê Thị Hy ra đời lại chẳng thấy cảnh thiên tai như trước.

-o0o-

"Trời ơi ai cứu con tôi! Cứu với."

Tiếng la thất thanh của một bà mẹ vang lên, bà cố tìm vật để cho đứa con nhỏ đang vẫy vùng trong nước bám lấy. Thoạt qua một dáng người thanh mảnh lao xuống, nước văng tung toé trước sự ngỡ ngàng của người mẹ.

Thị Hy mặc kệ tóc đã xoả dài, mặc cho đứa trẻ vì hoảng mà bấu víu. Cô dùng hết sức đưa đứa trẻ lên bờ an toàn. Đến lúc này, người con gái vừa tròn mười ba mới thở mạnh từng hơi.

"Xin đội ơn cô, nhờ cô mà con tôi thoát số chết." – người đàn bà vừa ôm chặt con, vừa cảm động mà cúi đầu liên tục.

Hy cười xoà, cô vừa vắt nước trên tóc, vừa đáp: "Không sao! Không sao ạ."

"Xin cô cho tôi biết tên tuổi, con cái nhà ai mà còn đáp ơn, đáp nghĩa."

"Con tên Hy, mà không cần ân nghĩa gì đâu ạ. Thôi, con xin phép." – chưa kịp để người kia níu lại, Hy phủi phủi tà áo rồi đi thật nhanh. Bởi lẽ với cô, giúp người mà còn đòi ơn thì trông thật khó coi.

Khi về đến nhà, bà Vụ thấy con gái đầu tóc rối bời, toàn thân ướt sũng thì tá hoả: "Trời ơi, đi đâu mà thảm vậy con?"

Hy cười cười: "Con lỡ trượt chân nên té, mà không có chỗ nào bị gì hết á."

Thở hắc một hơi, bà Vụ liền kêu người chuẩn bị nước ấm, đồ mới cho cô. Miệng vẫn không ngừng nhắc nhở về cách đi đứng, ý tứ của con gái. Quả thật, Hy đã nghe đến thuộc lòng.

Từ ngày bé, cô đã được cha đặc biệt dạy chữ, lại được mẹ dạy về lễ nghĩa, đức hạnh. Cô biết hết, hiểu hết nhưng kêu cô phải ra dáng thục nữ thì quả thật làm khó cô rồi.

Có lần, Thị Hy lén học theo các anh tập võ, nhưng anh cả lại khinh cô là nữ mà mách cha. Chẳng những Hy không sợ, ngược lại còn xin cha cho học võ, hiển nhiên ông Vụ không hề từ chối. Vài tháng sau, cứ vậy mà Hy đã thành thạo các món võ của cha, vỗ ngực hướng đến hình tượng nữ tướng. Cả nhà không ai khuyên nổi, đành thở dài ngao ngán.

"Hy! Mẹ bảo con này, đàn bà về sau dù giỏi thì cũng phải lấy chồng, chăm con..." – lời bà Vụ chưa kịp dứt thì Hy đã lắc đầu: "Đó là ai chứ không phải con mẹ ạ, Lê Thị Hy con chỉ muốn làm nữ tướng!"

Bà Vụ cau mày: "Trước nay làm gì có việc phụ nữ ra đánh trận? Lại còn làm tướng hả con?"

Thị Hy nghiêm túc nhìn mẹ: "Nếu chưa có tiền lệ thì con sẽ là tiền lệ cho đời sau."

Không hiểu vì sao, nhưng khi nghe lời này. Từng cơn ớn lạnh chạy dọc lưng bà, miệng không thể nói thành lời.

Từ phía bộ ghế chính, ông Vụ chỉ hớp ngụm trà không nói gì. Khẽ lắc đầu, vẻ mặt như đã đoán ra từ trước: "Phụng hoàng hiển tướng! Há lại tầm thường?"

-o0o-

Vào ngày mồng năm tháng giêng, Lê Thị Hy tròn mười sáu tuổi. Đây được xem là độ tuổi phù hợp để dựng vợ gã chồng vào thời xưa. Theo lệ trong vùng, bà mai sẽ đến từng nhà có con gái để hỏi ngỏ việc mai mối.

Khi đang ung dung tiến vào nhà ông Vụ, bà ta được mời trà, dâng bánh. Sau đó ông Vụ mới cùng vợ bước ra.

Vừa gặp ông bà, bà mai hớn hở lên tiếng trước: "Quý quá, ông Vụ năm nay thật là quý."

Ông Vụ khẽ nhìn vợ, rồi lại quay sang bà ta: "Có việc gì mà bà bảo quý?"

"Thì nhà ông có cô Hy là quý đó." – ậm ờ một lúc, bà nói tiếp: "Tôi nghe tin cuối tháng giêng các quan sẽ lập danh sách các tú nữ từ mười sáu đến mười tám để dâng vào Đại Nội chọn vợ cho đức Thái tử."

Ông Vụ hớp ngụm trà, không lên tiếng. Thấy vậy, bà Vụ thay chồng: "Thì sao chứ? Nhà tôi cũng không ham chi cái việc đấy, thôi thì bà báo tin mừng cho nhà khác đi."

Nghe vậy, bà mai có chút ngượng ngùng, nhỏ giọng: "Bộ nhà ông bà không muốn có con gái làm phi hay sao? Cô Hy sinh ra vận khí tốt, chắc chắn sẽ lọt vào mắt của người trên. Nói chung là lợi nước, lợi dân, mà gia đình nhà mẹ cũng hưởng ké lộc phú quý nữa."

Ông Vụ đến lúc này mới lên tiếng: "Con gái nhà tôi trời sinh khác biệt, e là không hợp làm phi làm tần. Với lại chuyện đại sự, vẫn nên để cha mẹ tự quyết, bà thông cảm."

Vẻ mặt của bà mai hoàn toàn trở nên khó coi, bà ta tắt hẳn nụ cười mà đứng dậy: "Vậy thì tôi xin nhắc trước, ông bà không chịu thì quan trên cũng đề tên thôi. Chào ông bà, tôi về."

Nói rồi, bà ta đứng dậy đi một mạch ra ngoài. Khi đến cửa lớn, không kiềm được tức tối mà quay lại nhổ nước bọt khinh bỉ: "Làm như con gái mấy người là tiên trên trời giáng xuống vậy! Thứ làm sang."

Lời này nói ra, khó rút lại được. Vừa quay đi thì sơ ý vấp vào thềm cửa mà té trật cả vai. Không hiểu vì sao, bà ta cảm giác như có ai đó đang cố cảnh cáo mình, một cảm giác khiến bà không dám nói hay nghĩ gì thêm, chỉ biết một mạch chạy về nhà.

Còn phía trong nhà, hai vợ chồng ông Vụ không giấu nổi sự lo lắng. Nhưng bản thân cũng tự nhủ: "Con Hy tính tình ngang ngạnh, không thể lọt vào cửa nhà hoàng tộc." – cứ vậy mà họ thở phào, vơi đi chút bận lòng.

Ít ngày sau, vào lúc ban trưa khi cả nhà đang dùng bữa. Từ ngoài, có hai vị chức sắc trong vùng đến xin gặp mặt. Khi hỏi ra, họ đến là xin bát tự và xem dung nhan của Lê Thị Hy để về đề tên vào danh sách tiến cử. Quả thật, đúng như lời bà mai đã nói trước đó.

Trong số hai người này, có một lão tên là Đinh, người làng gọi là cụ Nhang Đinh bởi lão biết xem quẻ, xem tướng lại là thủ nhang của đền thần lớn trong vùng Tứ Sơn. Cũng chính là người có mặt lúc quan Tri Huyện tiền nhiệm từng đến nhà và cúi người trước bé gái tên Lê Thị Hy này.

Lần này gặp lại, lão cứ mãi chăm chăm nhìn nét tướng trên khuôn mặt của Thị Hy, mặc dù không giống như quan Huyện khi trước. Song càng nhìn Hy, lão lại cảm thấy như đang bị trăm ngàn con mắt dõi theo, áp lực nặng nề. Đến mức khi hoạ lại mấy nét của thiếu nữ, tay lão còn run đến mức không cần vững cây bút. Đành phải quẹt đại mấy đường cho có cái nộp lên quan.

Thị Hy thấy lạ bèn hỏi lão có phải đang khó chịu ở đâu không, lão Đinh gượng đáp: "Chỉ là già cả, cầm bút có chút không vững."

Mãi đến lúc về, lão mới lẩm bẩm: "Đúng là cái uy của trời, người không thấy thì không biết sợ!"

-o0o-

Chuyện cứ vậy mà lắng xuống, nhưng vào tháng sau. Khắp nơi trong vùng Tứ Sơn có nạn tinh quái. Có người kể lại, đó là một con hạc đã thành tinh, thân nó đen huyền. Nó giả làm ông cụ câu cá, người nào mà hỏi nó thì nó hoá tinh nhấn đầu người ta đến chết ngạt. Sau đó nhét xác người vào giỏ cá mà bay đi.

Triều đình cử Gia Thịnh Hầu về vùng Tứ Sơn dẹp nạn tinh quái. Khi đến nơi, ông cho quân rà soát các nơi hòng tìm ra hang ổ của Hạc tinh, lại truy lùng đến những nơi được cho là thấy Hạc tinh thường lui tới.

Sau hơn mấy tuần, đến một ngày Gia Thịnh Hầu thấy một người giống mô tả của người dân, đó là một ông lão râu tóc đen dài đang ngồi câu cá. Khi đến gần, lão ta bất chợt quay người lại, giơ giỏ cá rỗng toác mà hỏi ông: "Ngài thấy cá trong giỏ của lão nhiều không?"

Gia Thịnh Hầu liền đáp: "Ta không thấy con nào cả."

Vừa dứt lời, lão già liền cười lớn: "Chưa có thì bây giờ sẽ có." – tiếng của lão vang vọng, lão ta hoá làm con chim to, đôi mắt đỏ ngầu, tiếng kêu chói tai.

Vỗ cánh đến đâu, liền làm quân của Gia Thịnh Hầu tan xác đến đó. Nó xà xuống, lấy vuốt gắp từng cái xác bỏ vào giỏ mà bay đi, vừa bay, nó vừa ngoái lại Gia Thịnh Hầu mà cười lớn: "Lần sau gặp lại nhớ mang thêm cá cho lão, nay giỏ nặng tạm tha cho."

Nhìn con yêu quái bay đi, ông chỉ có thể trơ mắt vì toàn thân đã chi chít vết thương đứng mức không thể cử động nổi, cứ vậy mà ngất đi.

Đến khi tỉnh dậy, đã thấy bản thân được chữa trị. Khi thân thể hoàn toàn hồi phục, ông bận giáp, giơ kiếm lập lời thề trước đền thần: "Tôi Gia Thịnh Hầu, tên thật là Đỗ Toàn. Nay trước điện thờ thành hoàng của Tứ Sơn mà thề phải diệt Hạc tinh trả lại bình yên theo đúng lệnh của Hoàng đế bệ hạ. Chỉ tiếc sức mọn khó lòng kham nổi, khẩn xin chư vị thương tình mà trợ lực."

Đồng thời, ông còn triệu tập trai tráng lập quân diệt Hạc tinh. Trớ trêu ở chỗ, không có lấy một người dám gia nhập. Hồi sau có một cô gái giơ tay xung phong: "Tôi tên Lê Thị Hy, nguyện góp sức diệt tinh quái."

Thoạt đầu tất cả đều bất ngờ, hơn hết Gia Thịnh Hầu mở lời từ chối. Lạ ở chỗ, chưa hết câu thì bát hương của thần chủ trong điện liền phát hoả. Hiểu ý bề trên, ông đành đồng thuận, nhờ vậy cũng có các thanh niên theo đó xin gia nhập.

Sĩ khí ngút trời, lần này gặp lại tinh quái. Ai nấy cũng đều dè chừng. Thấy Gia Thịnh Hầu, Hạc tinh cười lớn: "Cá lớn, cá lớn."

Nó hoá làm chim tinh, chuẩn bị bay thì bị phóng dầm vào cánh. Thoạt đầu nó hơi loạng choạng, nhưng rất nhanh đã bay vút lên cao mà vẫy cánh tạo cuồng phong. Hai mắt như lửa cháy, nó gào lên làm mọi người phải bịt cả hai tai. Gió lốc vẫn phát ra từ cánh của nó, không ít người vì sơ xuất mà bị thổi tung lên.

Trời càng ngày càng tối, giông tố nổi lên sấm chớp vang động. Thị Hy không biết hô thần nhập thánh ra sao mà lại có thể vớ lấy cái rựa gần đó, phóng mạnh vào cổ con Hạc, làm nó phúng cả máu tươi mà đau đớn bay đi.

Lần này, mọi người lần theo vết máu mà tìm đến một cái hang bị khuất bởi cây lớn trong rừng, biết là Hạc tinh trốn trong đó. Gia Thịnh Hầu lệnh lấy đá lấp lại, một bên chặt cây đốt trụi không cho Hạc tinh trốn thoát.

Khi chuẩn bị xong xuôi, Lê Thị Hy liền mồi lửa thả vào. Dù trời gió to, nhưng rất nhanh cô đã làm cho cành khô bén lửa. Gió to thổi đến, như thuyền được gió trôi nhanh. Tít tắc lửa lớn bao phủ. Tiếng Hạc đau đớn vang bên trong, nó cố hất đá bay ra nhưng chỉ đủ sức ló cái đầu ra bên ngoài.

Đằng khác, Gia Thịnh Hầu đã sắp xếp chờ sẵn, Hạc tinh vừa ló ra là lập tức nhắm vào mà phóng tên. Cứ vậy mà Hạc tinh đã bị đốt cháy thành tro.

-o0o-

Diệt được nạn này, Gia Thịnh Hầu dâng tấu về triều. Rất nhanh, có chiếu chỉ lệnh Lê Thị Hy vào Nội yết kiến. Khi vào triều, cả thảy vua quan đều ngỡ ngàng vì người con gái nhỏ nhắn này lại góp công lớn vào việc giết được Hạc tinh, lập công lớn.

Hoàng đế hơi ngờ vực, bèn hỏi: "Ngươi là Lê Thị Hy?"

Thị Hy cúi người đáp: "Muôn tâu Thánh thượng, Lê Thị Hy chính là thần."

"Vậy ra ngươi là người dám ném dao làm Hạc tinh bị thương, hiến kế xông lửa giết Hạc?"

Thị Hy đáp: "Vâng."

Hoàng đế bật cười: "Công này không nhỏ, vậy ngươi muốn trẫm thưởng gì?"

Lê Thị Hy im lặng một lúc, sau đó lại thưa: "Tâu Thánh thượng, thần chỉ xin được miễn tuyển tú, từ nhỏ luôn muốn trở thành nữ tướng."

Hoàng đế nhìn sang một vị công thần bên dưới, song lại đáp: "Trẫm duyệt cho ngươi miễn tuyển tú, nhưng việc làm nữ tướng thì khoan hãy tính. Ngươi cứ về nhà trước, sẽ có người báo sau."

Theo lệnh, Hy được hộ tống về nhà. Vua ban cho vàng bạc xem như đãi công. Đêm đó, Hoàng đế nằm mộng.

Ông thấy mình đang ngồi trong một đình mát cạnh hồ sen vàng, ngồi đối diện ông là một ông cụ râu tóc bạc trắng ung dung di chuyển quân cờ trên bàn. Lão cất giọng: "Hoàng đế là thiên tử, tức là con của trời. Vậy thì phải thuận ý trời mới có thể trụ vững."

Hoàng đế nhìn thấy khí khái thoát tục của người kia, liền đoán là tiên nhân báo mộng. Vội nói: "Xin tiên nhân chỉ dạy."

Người kia vuốt vuốt chòm râu, thư thả bảo: "Người thường nào có thể làm chuyện phi thường... Chỉ có kẻ dám vượt khỏi cái thường đó mới làm được." – lão lại tiếp tục đặt một quân cờ khác xuống: "Hoàng đế ngẫm lại xem!"

Chưa kịp để Hoàng đế suy nghĩ, lão phất tay, Hoàng đế liền tỉnh giấc. Khi lấy lại được sự tỉnh táo, đã tay tay đề trên giấy bốn chữ: "Vạn Nghi Thánh Mẫu."

Thấy vậy, Hoàng đế đã hiểu được lời của vị tiên kia. Ngay trong đêm bèn hạ chiếu phong cho Lê Thị Hy làm: "Vạn Nghi Nữ tướng."

Sau khi được phong tướng, Lê Thị Hy ở nhà chuyên tâm trao dồi võ học. Song lại mộ binh là các phụ nữ tài đức để dẹp loạn giặc cướp các nơi, công trạng không kém các tướng nam. Dù vậy, tài học của bà cũng phải khiến các văn sĩ kinh ngạc, bội phục.

Năm đó sứ thần phương Bắc đến cầu kiến vua, lại ủ mưu dò xét quân sự. Sứ đề lên Vua kiến nghị là Vương tử thiên triều muốn hoà thân cùng con gái của Hoàng đế nước ta. Lời trước là cầu thân, sau là đe doạ nếu làm bẽ mặt thiên triều thì sẽ cho quân chinh phạt.

Khổ ở việc, Hoàng đế chỉ có mỗi hai người con gái rất quý trọng không muốn rời xa. Lúc này, một quân thần kiến nghị để Lê Thị Hy thay các bà Chúa đi hoà thân. Ông ta nêu ra ba điều: một là Thị Hy tài giỏi, chắc chắn sẽ làm hài lòng thiên triều; hai là vừa hay Thị Hy chạc tuổi các bà Chúa; cuối cùng, cũng là quan trọng nhất là mệnh cách Lê Thị Hy đặc biệt, là mệnh của bậc thánh nhân nên đi hoà thân chắc chắn sẽ được trời phù hộ bình an.

Hoà đế vẫn còn do dự thì tin tức hoà thân đã loan khắp đại nội, bà Quý phi họ Huỳnh đã ỉ oi bên ngoài cầu diện thánh. Hoàng đế cho truyền vào trong, vừa gặp bà ta đã rạp người khóc lóc: "Ngài ngự xót thương! Em đã nghe các tin rồi, xin Ngài chớ để con gái của em đi hoà thân phương Bắc mà tội nó."

Hoàng đế nhìn bà Quý Phi họ Huỳnh hồi lâu, không chịu nổi mà đành đích thân dìu bà dậy. Khẽ vỗ vai an ủi: "Được được, trẫm sẽ không để các bà Chúa đi hoà thân. Khanh yên tâm, trẫm hứa!"

Cứ vậy, Hoàng đế triệu Lê Thị Hy, nay là Vạn Nghi Nữ tướng vào Nội. Phong làm Vạn Nghi Công chúa, trực tiếp đưa đi hoà thân.

Vì không thể từ chối, cứ vậy Lê Thị Hy buộc phải lên đường đến phương Bắc. Ngày cô đi, trời nổi giông to, mưa lớn khắp kinh thành liên tiếp ba ngày không tạnh.

Chỉ vỏn vẹn hơi một tuần, Sứ phương Bắc lại đến tuyên đọc thánh chỉ từ thiên triều: "Vạn Nghi Công chúa, thân mang mệnh hoà thân, là cầu nối giao hảo giữa hai nước lại rắp tâm hạ độc ám sát Thái tử thiên triều. Tội này không thể tha, liền xử trảm để răn đe. Xét thấy một nữ nhân không thể có tâm địa như vậy, chỉ có thể là mẫu quốc chủ mưu nên bố cáo thiên hạ ba ngày sau xuất quân chinh phạt nước Nam."

Trước lúc ấy, sau khi tuyên tội chết cho Lê Thị Hy, Hoàng đế thiên triều lâm bệnh nặng không khỏi. Có một vị pháp sư có phép lạ lập đàn cầu an, khi vừa lên đàn liền bị sét đánh chết. Thấy cảnh ấy, Thái tử phương Bắc cho rằng là Lê Thị Hy là tà thần giáng sinh, lại được nước Nam gửi đi hoà thân nên nổi giận phái quân chinh phạt.

Nói xong, một người khác dâng lên chiếc hộp son, bên trong là đầu của Lê Thị Hy. Vua quan nước Nam trong triều thấy vậy liền kinh hãi không thôi.

Tên Sứ thần khi vừa ra khỏi điện thì đột nhiên thấy choáng váng, hắn ngước lên thì thấy một bàn tay lớn cứ vậy giáng thẳng xuống làm hắn ọc máu chết tươi. Cảnh ấy bị người phương Bắc báo lại là do nước Nam hạ độc làm Sứ chết, tội càng không thể tha, quyết phải chinh phạt.

Khi chiến loạn nổ ra, nhân dân không thể tránh khỏi cảnh lầm than. Tiếng khóc thấu đến trời xanh.

Định Yên Quốc công được cử làm tướng soái dẹp loạn giặc phương Bắc. Nhân dân đồng lòng mà đẩy lùi giặc ngoại xâm.

Tuy nhiên, quân ta không thể chống đối trực tiếp với quân lực dồi dào của phương Bắc, đành phải dụng mưu mượn thế địa hình đồi núi mà đánh.

Trong một lần lui binh về núi Xẩm, Định Yên Quốc công bị thương phải trốn trên núi. Lúc gần kiệt sức, ông thấy một người con gái thân áo lụa sắc vàng ra tay ứng cứu. Người này trông vô cùng quen mắt, lúc sau ông mới hoảng mà cất tiếng: "Vạn Nghi Công chúa!"

Vạn Nghi dùng tay xoa nhẹ trên ngực, liền khiến cho vết thương của Định Yên Quốc công lành ngay trông thấy. Ông ta rơi nước mắt mà cúi người trước người thiếu nữ: "Ta có lỗi với người vô cùng, nếu ngày đó không dâng kế lập người làm Công chúa hoà thân thì người đã không phải chịu oan khuất. Xin người phù hộ, đánh thắng trận này, dẹp yên bờ cõi tôi sẽ tạ tội."

Vạn Nghi mỉm cười: "Ông chớ cho là lỗi của bản thân, nay ta hiển lộ là để giúp ông dẹp giặc."

Nói rồi, Vạn Nghi hiển thánh. Thân lớn hơn núi, rực ánh vàng. Giọng nói hùng dũng hướng về giặc phương bắc: "Các ngươi mau bỏ kiếm xuống, thúc quân về nước. Nếu cứng đầu không nghe thì đừng trách thánh thần không phù hộ!"

Đám giặc thấy thân người to lớn, giọng nói như trống trận vang rền bốn phía liền biết là thần linh hiển hiện bèn cấp tốc lui về biên giới. Song, tướng lĩnh không chịu phục: "Thần linh phương nam thì có gì ghê gớm? Chúng ta phụng lệnh thiên tử thảo phạt chư hầu tức là nghe theo ý trời!"

Hắn cố chấp dẫn quân tiến đánh các vùng lân cận, đến khi sắp tràn xuống đồng bằng. Trước mắt hắn là một con hổ lớn hơn trăm cân đầy oai vệ, nó ung dung như chờ sẵn quân giặc.

Con hổ lớn kia gầm lên ba tiếng. Khi tiếng đầu vang lên, ngựa trong quân kinh hãi không nghe lệnh chủ mà xô nhau chạy loạn. Khi tiếng thứ hai cất lên, gió lốc nổi lên làm kiếm, giáp của giặc bị cuốn đi. Đến tiếng cuối cùng, quân giặc sợ đến nhũng cả chân, nhếch nhát thoát thân. Còn tên tướng lĩnh, hắn đã sợ đến mức tắt thở tại chỗ.

Xong việc, con hổ gầm lên rồi bỏ vào rừng sâu biến mất. Nhờ thế nạn giặc phương bắc cũng đã dẹp yên.

Sau khi nhận được tin báo thắng từ Định Yên Quốc công, đồng thời ông còn thuật lại tất cả sự tình với Hoàng đế. Định Quốc công quyết định hiến thân tự sát lập đàn giải oan cho Vạn Nghi Công chúa. Ban đầu Hoàng đế ngăn cản việc ông tự sát, nhưng không thể lung lay trước ý định của Định Yên Quốc công mà đành ngậm ngùi chấp thuận.

Đến ngày lập đàn, sau khi bố cáo thiên hạ hành trạng, công đức của Lê Thị Hy. Hoàng đế phong cô làm: "Vạn Nghi Thánh Mẫu." – lúc này trên trời nổi tiếng nhạc rền vang, hoa thơm theo gió bay đến.

Trong vầng hào quang sáng rực, đoàn người hiện ra giữa không trung. Chính giữa đoàn người là Lê Thị Hy đang vận áo gấm dệt bảy sắc, uy nghi toạ trên lưng hổ trắng. Ngài mỉm cười rồi hoá làm hư không biến mất. Năm ấy, viên mãn công đức, hoá thánh năm mười tám tuổi.

Còn về Định Yên Quốc công, khi thấy cảnh tượng vừa rồi, ông thoáng nghe giọng nói của bà Vạn Nghi: "Miễn ngươi tội chết."

Chươi I. Hoàn mãn!

















Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro