Chương 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Một buổi sáng thứ năm mát mẻ khiến tâm trạng con người cũng thoải mái hơn. Văn Thạc vẫn như thường lệ ngoan ngoãn đi đến lớp phụ đạo, đến trưa lại ghé căn tin rồi trở về lớp luyện kèn đợi Ngọc Lam.

Hôm nay, trái với quỹ đạo thông thường, Ngọc Lam vào lớp chung với Thùy.

"Sao Thùy lại đến hôm nay?" Văn Thạc vừa sửng sốt vừa cau có.

Thùy vốn chỉ xin cho Ngọc Lam phụ đạo môn Hóa, môn Sinh trong lớp vừa đủ. Thùy không phải kiểu thông minh nhanh nhạy nhưng cực kỳ chăm học thuộc bài, mà với môn Sinh thì 50% điểm đã thuộc về lý thuyết.

"Thùy cần Lam dò bài." Thùy cũng bắt đầu xù lông với Thạc

"Thùy về nhà mà dò. Ở nhà không có ai giúp ôn bài hả?"

"Kệ Thùy! Ngọc Lam vừa dò vừa giảng bài cho Thùy hiểu tốt hơn chứ!"

"Nhưng mà Thạc chỉ có ít thời gian để Ngọc Lam giảng bài cho thôi, hiểu không?"

"Thạc cũng có lớp phụ đạo, Ngọc Lam chỉ ôn lại cho Thạc thôi chứ!"

"Thùy vừa phải thôi nha! Thạc báo cô Thùy gây rối!"

"Thạc cũng vừa phải thôi! Giỏi thì báo đi! Báo đi"

"Tưởng không dám báo hả? Giờ đi ra phòng giáo viên, dám không?"

Tiếng chồng sách đặt xuống bàn "bộp" một cái to, vang, rõ ràng, cắt đứt màn đấu khẩu của Thạc và Thùy. Ngọc Lam đứng sau chồng sách, mặt đanh lại, nhìn hai người bạn cùng lớp.

"Học!"

Hai người bạn đang khí thế hừng hực bất thình lình xịu xuống, ngoan ngoãn ngồi vào bàn mở sách ra học. Ngọc Lam tuy tốt nhưng nếu cứ cự nự nhau, chắc chắn cô sẽ là người đầu tiên báo với giáo viên xin rút khỏi phong trào "đôi bạn cùng tiến."

Ai chứ người dứt khoát như Ngọc Lam thì dám lắm, hai người bạn thầm nghĩ.

Nhưng mà điều đó vẫn không ngăn được sự đấu đá ngầm giữa hai người.

Thùy có thể trả lời trôi chảy các câu hỏi lý thuyết, nhưng Thạc vận dụng tốt hơn. Lần nào Ngọc Lam hỏi câu thuộc lòng, Thùy luôn giành trước trả lời ro ro, sau đó vênh cằm lên liếc nhìn Thạc một cách đắc ý, nhưng sau đó nếu Ngọc Lam hỏi thêm lý do tại sao, Thạc luôn nhanh nhảu cướp lời khi Thùy còn đang hơi ngập ngừng và đáp lại đối thủ một cái nhếch mép cười nhạo.

Chẳng hạn như đang hỏi về "cấu trúc hóa học của nước", Thùy sẽ trả lời gần như ngay lập tức "Các phân tử nước ở nơi bề mặt tiếp xúc với không khí liên kết chặt với nhau tạo thành sức căng bề mặt... Các phân tử nước liên kết với nhau bằng rất nhiều liên kết hydrogen... nhờ có nhiệt bay hơi cao .... giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ môi trường..." khi Ngọc Lam hỏi câu mở rộng tại sao dưới tán cây lại mát hơn thì Văn Thạc mới là người đưa ra câu trả lời "Vì hơi nước được khuếch tán qua khí khổng ở mặt dưới của lá sau đó bay hơi mang theo nhiệt độ giúp cho nhiệt độ dưới tán lá thấp hơn."

Không khí ganh đua thu hút những học sinh khác, cứ như vậy, đám đông vây quanh cả ba lúc nào không hay. Một số học sinh cũng tự động "chọn phe", nhóm thì nhắc bài cho Thùy, nhóm lại tranh phần trả lời lý thuyết cho Thạc. Sự sôi nổi ấy dường như cũng rất đúng lúc với kỳ thi giữa kỳ đang đến gần.

Cũng vì kỳ thi này mà Thạc phải giảm bớt thời gian tập trumpet. Nếu có thể đạt kết quả tốt, cậu không cần mất tới hai buổi sáng học phụ đạo nữa, nhưng đồng thời cũng không còn lý do nhờ Ngọc Lam ôn bài giúp. Nhưng nếu không thể đạt kết quả, có khi bố mẹ Thạc sẽ bắt cậu đi học thêm, chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc luyện kèn của cậu.

Buổi ôn cuối cùng trước kỳ thi, Thạc vẫn đều đặn tập kèn ở hành lang phía sau trong lúc đợi Ngọc Lam. Bản nhạc lần này là Nocturne Op 27 No.2 của Chopin mà Luyên và Thuyên cùng hợp tấu với dàn nhạc trong buổi biểu diễn gần nhất. Hai cậu gửi video qua cho Thạc nhờ cậu sắp xếp lại vì cảm thấy bản của các thầy vẫn còn thiếu gì đó.

Thạc không hứa sẽ hoàn thành sớm vì kỳ thi, nhưng cậu cũng có hứng thú thử thay đổi một chút và biểu diễn bằng trumpet. Mấy lần thử hơi khó khăn vì một số nốt đột ngột lên cao rồi hạ thấp, sự biến đổi liên tục lại phải được thể hiện với sự nhẹ nhàng êm dịu ở đoạn đầu và đẩy lên cao trào nhưng lại chuyển nhanh sang dịu dàng khiến hai bên thái dương Thạc nổi gân giật giật.

Cảm giác đau siết ở vòm miệng làm Thạc nhớ đến lần đầu tiên gặp Ngọc Lam rồi cố gắng bắt chước theo cách chơi của cô. Đúng rồi, Thạc như vỡ ra, Ngọc Lam cũng điều chỉnh hơi và điều khiển nốt theo cách rất mềm mại nhưng linh hoạt như thế. Trong khi Thạc chỉ biết nhìn vào nhạc phổ thấy nốt nào thổi nốt đó, ít khi đặt quá nhiều suy nghĩ tính toán.

Ngay lúc này đây, Thạc thật sự muốn chạy như bay về Nhạc Viện hỏi thầy Lâm liệu suy nghĩ của mình có đúng hay không. Thạc cũng cùng lúc nhận thức được mình đang ở trên trường, sắp tới giờ ôn bài với Ngọc Lam, còn cậu thì đã xin thầy nghỉ hai tuần nay để ôn bài.

Thạc thở dài một cái, rồi lại hít sâu, lấy lại tinh thần. Cậu quyết định để bản Nocturne khó nhằn sang một bên, thổi lại bản La Vie En Rose với cách mới cậu vừa tự ngộ ra được.

Dường như tiếng kèn không còn vang lên chới với, hụt hơi như ngày trước nữa. Văn Thạc hiểu rằng cậu không thể nào bắt chước Ngọc Lam hoàn toàn, thế nên cậu đã ngừng làm điều đó. Cậu quyết định chỉ nhận lấy cảm hứng từ âm nhạc của cô tự kết hợp với những gì mình có.

Say sưa tập kèn, Văn Thạc không nhận ra đã đến giờ ôn bài. Khi tiếng kèn kết thúc kéo Văn Thạc trở lại thực tại, Ngọc Lam đã đứng ở cửa lớp, bên cạnh là Thùy đang há hốc mồm nhìn cậu, tập sách trên tay cũng đúng lúc rớt "bịch" xuống đất.

Nửa tiếng trước

Thùy không phải kiểu học sinh sẽ đến lớp trước vài phút. Cô bạn bao giờ cũng bước chân qua cánh cổng trường ngay lúc chuông reo, ngày nào cũng thế. Chỉ là kể từ khi học cùng với Ngọc Lam, Thùy bắt đầu nảy lên ý tưởng đến lớp sớm thật sớm để có thêm thời gian làm thân với Ngọc Lam hơn.

Không may cho Thùy, Ngọc Lam thường xuyên nghỉ tại phòng ngủ của trường. Cô không thể ngồi bên líu lo trò chuyện giống như giờ ra chơi được. Hơn nữa, lúc Thùy tới, Ngọc Lam đang ngủ, hai bên cũng có người nằm. Thùy đành ngoan ngoãn tìm một chỗ trống trong phòng rồi ngả lưng xuống.

Rốt cuộc, cô bạn ngủ luôn một giấc phải đợi Ngọc Lam gọi dậy.

Ngọc Lam không biết tại sao hôm nay lại có Thùy ở đây, nhưng cô không hỏi, chỉ kiên nhẫn đợi Thùy với đôi mắt kèm nhèm, máy móc lôi chỗ sách vở môn Sinh ra rồi cùng nhau bước vào lớp. Càng đến gần cửa lớp, Thùy càng nghe thấy tiếng nhạc rõ ràng.

"Tiếng gì thế? Ai tập kèn à?" - Thùy vừa gióng tai nghe vừa hỏi

"Đó là tiếng Trumpet." - Lam đáp

"Thổi hay quá!" - Thùy nói

Với một người "ngoại đạo" như Thùy, tiếng kèn của Văn Thạc hiện tại đã rất hay rồi. Cô háo hức bước nhanh hơn vì tò mò khuôn mặt của người nhạc công. Ngọc Lam vẫn tỏ ra bình thản, nhưng đôi tai cô vẫn hướng về phía phát ra tiếng kèn. Trong đôi mắt như có ánh sáng ấm áp, đôi chân cô dường như đang bước đi nhanh hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro