Huyền xưa 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sáng nay Cúc Huyền thay đổi, có phải như thế không? Nhưng thay đổi , nghĩa của hai chữ này lớn quá, Cúc Huyền không hiểu rõ được. Không định nghĩa được, như những giọt nước mắt vẫn hay vô cớ đến với mình.

Cúc Huyền đứng trước cổng nhà chị Thục. Hoa giấy rụng đầy trên mặt đất. Không có đôi mắt của Lũy qua những khoảng trống của lá cây xanh. Cúc Huyền lo sợ bắt gặp đôi mắt ấy, nhưng cũng buồn bã biết bao nhiêu khi nhận ra một khoảng sân trống, đầy nắng.

- Dì Cúc Huyền tới, hay ghê!

Tiếng reo của Hạnh từ dưới gốc cây trứng cá. Và Hạnh chạy ra mở cổng. Cúc Huyền bước vào với những bông giấy cầm trong tay:

- Hạnh không đi chơi à?

- Ði chơi một mình buồn thấy mồ, Hạnh ở nhà chơi với búp bê của dì vui hơn.

"Cậu Lũy của Hạnh đâu mà không dẫn Hạnh đi". Nhưng Cúc Huyền vội ngưng lại câu hỏi. Lúc nãy, đã chẳng tự nhủ thầm rằng phải bình tĩnh đó sao. Hạnh nắm tay Cúc Huyền gặc gặc, hỏi:

- Dì biết tin gì chưa?

- Tin gì?

- Bất ngờ lắm. Dì đoán nổi không?

- Hạnh lúc nào cũng bắt người ta đoán. Dì chả đoán nổi đâu. Sáng nay có một vài điều thay đổi trong thời tiết mà dì còn chưa đoán ra được nữa kìa.

- Thời tiết ăn nhằm gì. Chuyện này quan trọng vô cùng.

- Nói dì nghe đi!

- Nhưng dì có xem là quan trọng không mới được chứ?

- Quan trọng ghê lắm.

- Thật hả?

Cúc Huyền phải cười một cái cho Hạnh tin.

- Cậu Lũy về rồi.

Cúc Huyền sững sờ, không biết làm gì. Những thành ghế đột nhiên như cũng xoay thành nhiều vòng với những đám mây trời. Lũy về. Thật bất ngờ và không đoán trước được. Lũy về không nói gì với Cúc Huyền sao? Những vạt nắng vào gần bên thềm cửa, nắng sớm, mà sao cũng thấy u buồn. Cúc Huyền đứng yên, nhìn nắng, và nghe tiếng chim hót rời rã ngoài cây trứng cá trước sân nhà.

- Dì có buồn không?

Cúc Huyền mỉm cười, héo hắt:

- Gì mà buồn?

- Hình như Hạnh thấy mắt dì buồn.

- Tại hồi đêm dì thức khuya. Sáng ra lại dậy sớm và sương lạnh làm mắt như sâu đi, có vẻ buồn.

- Không phải. Mắt dì buồn thật mà. Không tin dì hỏi má Hạnh xem.

- Hỏi làm gì. Nếu mắt dì buồn thì đã sao?

- Phải có sao dì mới buồn chứ.

Cúc Huyền cười, lơ câu hỏi của Hạnh. Những cơn gió sáng hôm nay cũng nhạt lắm, không kém gì nắng. Cúc Huyền không dám đoán được thời tiết, nhưng có lẽ, trời đang chuyển sang mùa. Gió vàng thu rồi đó. Lá bay đầy trên mặt nước hồ. Chỉ vì gió hoà với gió biển nên không rõ ràng là cơn gió của mùa thu chớm. Cúc Huyền bỗng thèm đi vào rừng thông. Leo lên những mô đá cao nhìn xuống nước biển xanh, sóng biển trắng, lắng nghe tiếng sóng biển ngọt ngào, thì thầm. Thèm đi những bước chân mềm, ấm ướt trên cát. Thế là, từ bây giờ, biển đã mang trong lòng biển nỗi nhớ thương.

Tiếng động gần cánh cửa, chị Thục ra đứng ở đó hỏi Cúc Huyền:

- Sáng nay trời thoáng lạnh Cúc Huyền nhỉ?

- Dạ.

- Hình như trời vào thu rồi.

- Hình như thế.

Nói câu này, tự nhiên Cúc Huyền muốn khóc thành tiếng. Cúc Huyền phải quay đi, giấu những giọt nước mắt đang ứa ra. Tại sao Lũy lại về bất ngờ như thế. Sao Lũy vô tình như thế. "Có lẽ, anh đến đây bất ngờ, rồi bỏ đi cũng bất ngờ. Chúng ta quen cũng bất ngờ. Anh có cho phép Cúc Huyền giữ lại sự bất ngờ ấy không hay lại dành lấy sự bất ngờ tuyệt vời ấy mà mang theo".

- Cúc Huyền ngồi chơi đi. Tự nhiên hôm nay đến đây lại đứng. Ðịnh làm khách à?

Hạnh nhanh nhẹn kéo chiếc ghế ra cho Cúc Huyền ngồi. Chị Thục ra phía sau một lúc trở lên, ngồi một góc bàn hỏi:

- Lũy về rồi, chả biết có chuyện gì. Có nói với Cúc Huyền không?

Cúc Huyền lắc đầu, những ngón tay vu vơ để hờ hững trong lòng. Những ngón tay nom xanh xao, gầy yếu, và mòn mỏi. Cúc Huyền sợ hãi với chính mình, sợ hãi mọi người, tiếng động và trời đất. Tại sao mùa hè đi mất không còn cho Cúc Huyền những bước chân hồn nhiên bên cạnh My. Tại sao Lũy về, mùa thu lại đến. Cúc Huyền tưởng chừng trong những sợi máu của lòng bàn tay cũng có chút sầu não của mình.

- Lũy cũng không nói gì với chị. Thật là kỳ. Lẽ ra Lũy còn ở chơi vài ngày nữa.

Cúc Huyền đành phải gượng gạo nói:

- Có lẽ Lũy bận việc.

- Không phải. Chắc Lũy buồn và nhớ thành phố của Lũy. Tánh Lũy kỳ ghê lắm, từ ngày nhỏ đã như thế. Như con chuồn chuồn. Khi vui thì đậu khi buồn thì bay. Có cần gì chị sẽ biên thư cho Lũy.

Cúc Huyền lắc đầu. Hạnh đã ra sân chạy theo bắt những con bướm đậu ven bờ rào, trên những cái hoa tóc tiên tím nhạt. Bóng của Hạnh chạy tới chạy lui loáng thoáng trong nắng. Cúc Huyền định gọi Hạnh vào, rủ Hạnh đi biển. Nhưng Cúc Huyền sực nhớ tới My, Cúc Huyền cần có My. Phải nói chuyện vói My thật nhiều. Cúc Huyền nhìn quanh căn nhà của chị Thục. Từ bây giờ căn nhà nom vắng vẻ, xa lạ, như sau một bữa tiệc vui, tan rã. Nhiều người bỏ đi với nhiều chiếc ghế trống. Một ngày chủ nhật thật buồn. Cúc Huyền vẽ ngón tay mình thành nhiều vòng tròn trên mặt kính trong suốt. Hôm trước Lũy ngồi phía kia. Chỗ ngồi bây giờ cũng bỏ lại và làm thành kỷ niệm. Bóng Lũy như còn lờ lững trong khói bay, mây trời.

- Sáng nay có nhiều sương mù hơn mọi hôm. Chị cũng thức dậy sớm và nhìn thấy sương vây kín mặt hồ. Thị trấn đã bắt đầu có những ngày đẹp, mênh mông. Bao nhiêu năm rồi chị mới nhận ra. Có lẽ, từ hôm Lũy đến.

- Sáng nay có nhiều sương mù và lá. Em cũng thức dậy rất sớm nhìn qua cửa sổ thấy một vùng sương mờ che loáng thoáng những bóng lá bay. Hôm nay là một ngày chủ nhật buồn. Chị nhỉ?

Chị Thục gật đầu:

- Quả thật. Một ngày chủ nhật buồn.

- Em về.

- Hôm nay sao về sớm thế. Ở chơi nói chuyện với chị. Hay là rủ Hạnh đi phố?

- Em sang nhà My. Chiều em lại qua chơi với chị.

- Thế cũng được. Chị sẽ biên thư cho Lũy, trách cậu ta một phen. Con trai vẫn hay lơ đãng và vô tình. Lẽ ra Lũy phải báo cho em biết trước chứ nhỉ?

Cúc Huyền đứng lên, lắc đầu nói:

- Không cần thiết chị ạ. Cũng không có gì buồn.

- Có xạo với chị không?

Cúc Huyền đi thật nhanh ra cửa, tránh phải trả lời câu hỏi của chị Thục.

Hạnh đón Cúc Huyền ở ngoài cổng hỏi:

- Dì về bên nhà à. Sao không ở lại đây chơi. Hôm nay chủ nhật mà?

- Dì sang nhà bạn của dì.

- Dì My hả?

- Ừ.

- Cậu Lũy có quen với dì My không?

- Có.

- Nhưng cậu Lũy chơi thân với dì hơn phải không?

Cúc Huyền cười cười.

Hạnh quờ quạng bàn chân mình trên đất rồi nói:

- Bộ tưởng Hạnh không biết hả. Dì buồn vì cậu Lũy bỏ về.

- Dì đâu có buồn. Nhưng nếu có buồn, thì tại sao dì lại phải buồn chứ.

- Vì dì chơi thân cậu Lũy hơn dì My.

Cúc Huyền cười, bước ra đường. Hạnh đứng ở cổng dặn:

- Chiều dì nhớ qua chơi nhé. Hạnh sẽ nói cho dì nghe cái này hay ghê lắm.

Cúc Huyền gật đầu. Con đường quen thuộc thường ngày nằm im trong mắt Cúc Huyền. Những bóng người đi ở xa với màu áo bay bay trong nắng. Cúc Huyền đi vào lề cỏ. Màu cỏ hôm nào xanh tươi, hôm nay nom đã ngã sắc. Cúc Huyền dẫm lên cỏ, nghe mùi cỏ thoảng lên mũi với mùi hương kỳ lạ của đất buổi sáng. Một đứa con trai ở cùng cư xá với Cúc Huyền chạy xe từ phía sau tới, vọt qua mặt Cúc Huyền một quãng rồi vòng trở lại rà sát vào lề đường hỏi:

- Cúc Huyền đi đâu sớm thế?

Cúc Huyền làm thinh. Ðứa con trai lại hỏi:

- Có đi xa không tôi chở đi?

Cúc Huyền mím môi định "mắng" cho anh chàng vài câu, nhưng chợt nhớ ra nếu mình mở lời chẳng hóa ra gián tiếp bảo anh chàng rằng "đã làm cho tôi chú ý rồi đó, hãy tiếp tục tán tỉnh nữa đi". Nếu như thế anh chàng sẽ mừng lắm và biết đâu, Cúc Huyền có lỗi với Lũy. Một chút lỗi thôi đối với người vắng mặt cũng là một ám ảnh đến suốt đời. Tự nhiên Cúc Huyền nhớ Lũy kinh khủng, nhớ cái dáng lờ đờ lững đững của Lũy trong buổi chiều nào đi trên đường. Ðôi mắt của Lũy nom xa vời, dửng dưng, nhưng lại làm cho Cúc Huyền run rẩy, cuống quít. Chiều hôm kia, thời gian nói lên nghe gần nhưng thật ra đã quá xa xôi. Có bao giờ còn lại được một buổi chiều vàng như thế không? Hay thời gian đi và mất hút theo người?

- Cúc Huyền làm bộ hoài. Chứ phải chi "thằng kia" hỏi cái nói à.

Cúc Huyền giận tái mặt, trừng mắt hỏi:

- Thằng kia là ai?

- Thằng ở đâu lạc loài tới đây đó. Cúc Huyền bảo với nó rằng muốn sống hãy cút khỏi thị trấn này. Không tụi này sẽ "tẩn" cho nó một trận nát người ra thì đừng có kêu.

- Người ta làm gì mà "tẩn"?

- Nó tán Cúc Huyền.

- Người ta lên đây chơi. Nhà chị người ta trên này, không có tán gì hết, tôi quen với người ta. Bộ mấy người không tán à? Ðịnh dở trò du đãng hả.

Thằng con trai có vẻ thích thú khi thấy Cúc Huyền giận. Xem chừng nó cũng thích thú khi nghe Cúc Huyền mắng. Nhưng Cúc Huyền giận nó chả nói được thêm, cứ lầm lũi đi mặc cho thằng con trai đạp xe rè rè phía sau. Cúc Huyền mong con đường dẫn tới nhà My thu ngắn lại. Ước gì có My bên cạnh chắc thằng con trai sẽ bị My mắng một trận.

- Nhớ nói với nó như thế đấy nhé.

Thằng con trai sau khi hăm dọa bâng quơ vội đạp xe quẹo vào một con đường khác. Cúc Huyền thở phào, nhẹ nhõm. Cúc Huyền khỏi phải sợ nữa vì Lũy đã rời khỏi thị trấn trước khi tụi con trai hăm dọa. Tụi con trai trong cư xá coi thế mà hoang ghê. Bình thường thấy hiền lành trước con gái nhưng khi ghen tức lên giọng điệu y hệt như một tên du đãng. Cúc Huyền thấy Lũy quả thật xa vời bọn con trai ở đây. Cúc Huyền vừa mỉm cười sung sướng khi nhớ tới Lũy.

Một viên gạch ở đâu vấp vào chân Cúc Huyền đau nhói. Cúc Huyền kêu khẽ rồi ngồi khuỵu xuống xoa bàn chân. Tại Lũy hết. Ðể cho trí óc Cúc Huyền lơ đãng nên chân đá nhằm viên gạch. Xoa chân một lúc vết đỏ tan dần. Cúc Huyền đứng lên rẽ vào nhà My. Những bông trang trái mùa ở cổng vào nhà My vẫn còn nở. Bông trang nhà My nhiều nhất là bông trang vàng, trắng, mỗi bông nở to bằng cái chén lớn. Gió nhẹ đưa cái bông lay bay làm mấy con bướm thoáng sợ hãi bay lên. Vào tới nhà My, nhìn thấy mấy bông trang nở, Cúc Huyền không làm sao mà không nhớ đến câu ca dao tình tứ ngày xưa mẹ vẫn thường hát cho Cúc Huyền ngủ "gió đưa gió đẩy bông trang, bông búp về nàng, bông nở về anh". Bây giờ Cúc Huyền không còn buồn ngủ khi đọc lên hai câu thơ đó nữa, mà ngược lại cô thấy nóng ran cả má và xôn xao cả lòng. Có phải Cúc Huyền đang nghĩ về Lũy! Nghĩ rất nhiều và lòng như bay xa theo với Lũy về nơi nào. Em cũng như người con gái ngây thơ kia, chung tình kia. Chỉ nhận về mình một bông trang búp, bông nở, dành hết về anh. Cúc Huyền với ngắt một bông trang nở thật lớn và thật đẹp, cầm cái cuống dài có vài lá xanh xoay trước mũi. Hương thơm của hoa trang nhạt, như không có mùi hương nào cả. Nhưng Cúc Huyền vẫn yêu hoa trang, bắt nguồn từ câu ca dao tình tứ đó.

Cúc Huyền đi dọc theo lối đi đầy hoa trang. Nhà My nằm sâu bên trong. Nắng buổi sáng lên cao, hừng một phía tường. Bầy bồ câu nuôi trong nhà chợt bay túa ra. Cúc Huyền nhìn những cánh chim tung lên trời, tự nhiên ao ước những giọt nước mắt của mình khô cạn đi để chỉ có nụ cười với My, mãi mãi trên đường về. Nhưng từ bao giờ, sự hồn nhiên của con chim nhỏ đã mất. Cúc Huyền muốn giữ lại như giữ vạt áo dài của mình mỗi khi qua cầu, cũng không được. Cúc Huyền đang ở vào một buổi tối nào đó, mà vui buồn chợt đi như con nước dưới sông. Cúc Huyền sợ hãi khi nghĩ đến con nước. Ðừng bao giờ, tình yêu là con nước khi vơi khi đầy. Lũy nhé. Vắng xa nhau là hãy yên lặng, giữ cho mình một người, một đời, và một trái tim. Cúc Huyền lại vấp phải một viên gạch dưới chân, ngước lên, My đã đứng bên đó bao giờ. Cúc Huyền thấy My, tự nhiên muốn khóc.

Ba hôm rồi, mưa cứ liên tiếp vào mỗi buổi chiều. Ngồi trong lớp học Cúc Huyền nghĩ tới con đường về nhà. Cúc Huyền sợ phải đi về đường cũ. Con đường duy nhất một lần đưa Lũy tới đây và một lần gặp gỡ. Thị trấn trong những ngày mưa dài, nom hiu hắt lạ lùng. Những con đường vắng người, nằm im dưới những bóng cây rũ rượi. Bầu trời nặng, đục, kéo xuống thấp, lướt thướt những sợi mưa. Những chiều tan học về có gió lạnh xao xác từ hướng rừng thông. Cúc Huyền vẫn thường đi với My, nhưng bây giờ, niềm vui và sự gần gũi cũ không còn, My vẫn là người bạn thân nhất, yêu quí nhất nhưng vẫn xa nhất, ngỡ ngàng nhất. Sự gần gũi êm đềm hình như đã theo chân người, mắt người, những sợi tóc của người mà đi xa rồi. Những ngày mưa dài, bụi vẩy đầy vạt áo, Cúc Huyền không tránh, mặc cho tà áo dính đầy đất đỏ để ngày hôm sau ra nhìn đôi mắt mình mở trong đáy nước trong và mân mê tà áo nhớ tới Lũy, như nhớ một bóng chim bay qua mặt hồ từ những sáng sương mù.

- Chép bài đi Cúc Huyền.

Bàn tay My khẽ đập lên bàn tay Cúc Huyền cùng với lời nhắc nhở. Cúc Huyền buông viết nói:

- My về cho mượn tập.

- Không chép nữa à?

Cúc Huyền lắc đầu, My ngó Cúc Huyền ngơ ngác không hiểu rồi quay lại chép bài. Cúc Huyền ngồi sát bên cửa sổ, và mưa từ ngoài đó hắt vào những giọt nước nhỏ. Cây lá rũ rượi nằm dưới trời buồn. Cái lạnh vừa đủ làm dậy lên trong lòng những nỗi nhớ vu vơ. Trong sân trường, bồn hoa mười giờ đỏ thắm, như cũng buồn theo những giọt mưa đổ xuống. Rồi những viên gạch trên lối đi, chân rào, bãi cỏ. Những mái nhà xa của khu phố khác, cũng buồn lây lất. Cúc Huyền cắn những sợi tóc của mình, giấu những xúc động, và bóp nhẹ đầu mấy ngón tay ngăn nước mắt ứa ra. Ðừng khóc Cúc Huyền ạ. Bạn bè chúng nó sẽ biết ý nghĩa của những giọt nước mắt. Và Cúc Huyền sẽ cầu cứu tới bài học:

- Tới đâu rồi My?

- Dài lắm rồi, Cúc Huyền chép không kịp đâu.

- Chừa trắng một trang, đủ không?

- Chắc là đủ.

- Cúc Huyền chừa trắng một trang, về My cho mượn tập chép chỗ chừa ấy nhé.

My gật đầu. Ðôi mắt lại dò hỏi sự thay đổi đột ngột của Cúc Huyền.

- Lạ lắm à?

My nói:

- Không lạ, nhưng mà kỳ. Tự nhiên hôm nay Cúc Huyền trở chứng làm sao ấy.

- Làm sao là thế nào?

- Làm sao là ... là lạ, kỳ kỳ. Khó giải thích.

Cúc Huyền cười:

- Tại trời mưa. Về nói cho nghe.

Hai đứa quay ra chép bài. Giọng cô Vân trong mưa nghe như trầm hẳn xuống. Cúc Huyền chép bài mà không nghĩ gì cả, chỉ nhìn những dòng chữ quen thuộc của mình dần dần lắp đầy trang giấy vở. Tự nhiên Cúc Huyền thèm viết một bức thư cho Lũy, thèm nhìn lại, cũng chính những dòng chữ quen thuộc nằm ngay ngắn trên một trang giấy trắng mỏng. Và thơm mùi hương của cây lá đầu ngày. Cúc Huyền đánh vào vai My hỏi:

- Có nên viết một bức thư không My?

- Cho ai?

Cúc Huyền cười, vẽ chữ L. hoa ngay phía dưới góc trang vở.

My nheo mắt:

- Nên lắm.

- Có kỳ lắm không? Viết thư biết nói gì bây giờ. Hay là chờ người ta biên thư cho mình, hãy trả lời.

- Cũng được.

- Ba phải há?

My cười khúc khích bảo:

- Thôi chép bài đi, cô Vân nhìn kìa. Về hãy bàn chuyện đó.

Bài học rồi cũng chép xong. Ðôi mắt Cúc Huyền cay cay như có khói bay vào, khi nghĩ chuyện gặp gỡ, quen nhau với Lũy rồi cũng phải chấm dứt.

Cô Vân cho cả lớp được nghỉ xả hơi chờ chuông reo tan học. Cả lớp kêu ồ lên, những gương mặt sáng rực rỡ, hướng ra mưa. Nhưng đâu có đứa nào gần gũi với mưa bằng chúng ta, phải không Lũy? Chẳng đứa nào chịu đóng cửa sổ lại cả. Chúng nó chụm lại với nhau, kéo thức ăn giấu trong hộc bàn chia nhau, xúm xít quanh một khung cửa sổ nhỏ mở ra, những sợi mưa kéo dài xuống. Cúc Huyền thu người vào sát tường, My cũng xích theo. Hai đứa đá nhẹ chân nhau. My hỏi:

- Ðịnh biên thư thật à?

- Có lẽ.

- Ðịnh viết gì trong ấy.

- Không biết trước. Nhưng chắc là viết nhiều chuyện lắm.

- Có viết về My ở trong đó không?

Cúc Huyền dẫy lên:

- Trời ơi, chuyện riêng của hai người mà nhét My vào nữa, kỳ chết.

- Nhất quyết bỏ người ta ra bên lề cuộc đời à?

Cúc Huyền cười khúc khích:

- Ðừng có chen vào rồi buồn cả đám.

- Sao lại buồn? Vui chứ!

- Mình có cảm tưởng như thế. Thà để mình buồn một mình, hơn là My sẽ phải buồn lây.

My tròn xoe mắt ngó Cúc Huyền. Nó không hiểu gì cả. Phải không, My không hiểu gì cả. Từ bây giờ, hay là từ một buổi chiều xưa xa trước, Cúc Huyền đã nghe khói vào trong đôi mắt mình, một loài mây trời nào đó bỗng ngừng bay, làm cho mắt Cúc Huyền nặng, u buồn, và từ đó, Cúc Huyền đã lớn hơn My.

Nhỏ Phiến ngồi ở đầu bàn bên bỗng ném qua một viên giấy nhỏ tròn. Viên giấy rơi và lăn tới gần tay My. Nhỏ Phiến háy mắt chỉ My, nói:

- Có thông điệp.

- Chuyện.

My cầm viên giấy mở ra. My cười khúc khích:

- Nó hỏi Cúc Huyền sao mà ngấn ngơ thế, bộ nhớ L. hả?

Cúc Huyền sững sờ:

- Sao nhỏ Phiến cũng biết?

My lắc đầu. Cúc Huyền lấy mảnh giấy xem lướt qua rồi xé nhỏ quăng qua cửa sổ.

- Lờ đi. Mặc cho tụi nó thắc mắc.

Một lúc, từ dãy bàn phía sau lưng và bên phía Phiến chúng nó thảy lên năm sáu mảnh giấy cũng tương tự như thế làm Cúc Huyền bối rối và giận. Mới đầu Cúc Huyền tưởng My nói lại cho tụi trong lớp nghe, nhưng sau đó Cúc Huyền bỏ ý ấy, My chả bao giờ thèo lẻo như thế đâu. Tuy nhiên cả lớp đã biết, điều này khiến Cúc Huyền lo sợ vô cùng. Chuyện rồi sẽ không còn là của nhau nữa. Nó sẽ bay lẫn vào trong không gian, gió cát, cùng sự ồn ào của bọn học trò con gái. Như thế có sao không. Buồn nhất, khi Lũy đã không còn. Lũy đã ra khỏi những bủa vây nồng nhiệt đó. Chỉ còn có một mình Cúc Huyền. Rồi có thể Cúc Huyền sẽ lao chao như chiếc lá bị vật xuống bên hồ. My vẫn ở bên cạnh, nhưng My là kẻ đứng bên lề. Cúc Huyền đùa những mảnh giấy của bạn bè, úp mặt vào lòng hai bàn tay, nước mắt ở đâu ứa ra, nóng ấm. My vịn vai Cúc Huyền. Có lẽ My hiểu hơn ai hết trong lúc này là lúc Cúc Huyền đang khóc. Mưa vẫn còn bên ngoài. Trên nền trời đục, lờ mờ những mái nhà xa, những trụ điện cao, Cúc Huyền dõi về bến xe đò thị trấn, nó ở ngay bên cạnh bờ sông và cây cầu dài. Những chiếc xe đò vàng trắng chắc đã vào trong bến và nằm im trong mưa.

Tiếng chuông chợt reo lên. Nghe xa xa trong dãy hành lang. Lớp học rộn ràng những tiếng động của tập vở xê dịch, thước kẻ, guốc, tiếng cười. My lay Cúc Huyền nói:

- Chuông reo rồi kìa. Khóc à?

Cúc Huyền nghe tiếng guốc chạy trên bàn, về phía mình. Rồi những giọng nói quen thuộc của lũ bạn:

- Cúc Huyền làm sao thế?

- Cảm à?

- Trúng gió?

- Ðau bụng hay nhức đầu mà rũ rượi thế kia.

My đáp:

- Cúc Huyền khóc.

Cả bọn kêu ồ rồi giọng của Phiến kéo dài thòng đến tức cười:

- Công chúa của nước mắt.

My như giải thích:

- Cúc Huyền có chuyện buồn.

- Nhớ Lũy?

- Nhớ Lũy chứ gì?

- Nín đi cô công chúa.

- Hãy để yên cho nó khóc. Nước mắt sẽ làm vơi nỗi buồn.

Tiếng chân xa dần lớp học. Xa dần dãy hành lang. Chỉ còn có tiếng cười ngoài sân chơi vọng vào. My vẫn ngồi bên cạnh Cúc Huyền lắng nghe tất cả những tiếng động đã mất hút hay đang còn. Trong đó, hình như có đôi mắt Lũy. Nụ cười và những cái rất ngu ngơ của Lũy trong một buổi chiều nào ràn rụa cơn mưa của kỷ niệm. Mưa hình như mới ngớt hột bên ngoài, và gió mới se những ngọn lạnh, mới, nhạt nhòa xua mấy chấn song, Cúc Huyền ngẩng lên hỏi My:

- Về hết rồi à?

My gật đầu. Cúc Huyền mỉm cười, những giọt nước mắt chưa khô trên má:

- Mình cũng về nữa chứ?

My mỉm cười. Có lẽ My muốn nói gì đó, nhưng không hiểu sao My chỉ ngó Cúc Huyền và cười hoài. Cúc Huyền muốn nói với những giọt nước mắt của mình "lần sau hãy chậm đã, kẻo người ta chê cho đấy". Nhưng chắc những giọt nước mắt không nghe đâu vì nó sống bằng tâm hồn hơn là lý trí. Nếu Lũy mà biết Cúc Huyền hay khóc vô cớ như thế này chắc là sẽ chê Cúc Huyền chết mất. Mưa ngớt hột nhưng vẫn còn mưa. Hình như trời cũng tiếc những giọt nước mắt nồng nàn của mình. Chưa chịu ngưng hẳn. Thế nên mưa bây giờ là những hạt bụi, rớt trên cây lá đã ướt đẫm. Cúc Huyền và My chạy qua những dãy hành lang tay mặt để ra cổng. Sân trường in cát, và những lá cây chết vàng hoe. My vấp phải một vũng nước, cát lẫn với đất đỏ bắn lên vạt áo dài của hai đứa. My kêu lên tiếng hoảng hốt, tức cười Cúc Huyền chả lo gì. Hình như Cúc Huyền đang mong điều đó. Ðể lấy cớ sáng mai ra giếng soi mặt mình, nhìn thấy đôi mắt mình. Cúc Huyền đã biết đôi mắt ấy u sầu lắm, như khói thuốc vương trên vần trán của Lũy trong buổi chiều mưa bay, như một loài mây trời lang thang trên đỉnh đồi hướng biển. Ồ, biển. Bây giờ Cúc Huyền mới nghe nhớ thương biển. Làm sao cho biển biến hết đi cảm giác muôn trùng? Rồi làm sao cho những con chim cát hết ríu rít trên mỗi mỏm đá và bao quanh Cúc Huyền như những người bạn nhỏ từ xa trở về.

- Cúc Huyền có mang áo mưa theo không?

- Không.

- Mình đi dưới mưa vậy.

- My cũng quên mang theo áo mưa nữa à?

- Cũng ...

Tiếng "cũng" của My nghe dễ thưong chi lạ. Cúc Huyền liên tưởng tới hai tiếng "cũng đành". Cũng đành như thế, phải không? Tự nhiên rồi những giọt nước mắt lại ứa ra. My háy mắt trêu:

- Lại khóc nữa. Chiều nay khóc những hai lần.

Cúc Huyền chống chế:

- Tại những giọt nước rơi từ trên cây xuống.

- Tội cho những giọt nước ghê.

Cúc Huyền thụi vào hông My. Hai đứa chạy băng qua đường. Những chiếc xe đạp của tụi con trai lượn vòng, rè rè qua những khoảng đường. My chỉ từ một gốc cây xa, nói:

- Cúc Huyền thấy gì không?

Thấy gì?

- Ðằng xa kìa, dòm đi, phía trước.

Tự nhiên Cúc Huyền xịu mặt xuống:

- Cái thằng trong cư xá.

- Nó chờ Cúc Huyền đấy.

- Ai quen đâu mà chờ. Mình đi ngõ khác My ạ. Chả thích nó chạy xe rè rè theo một bên hỏi chuyện vớ vẩn chán ghê.

Cúc Huyền kéo tay My rẽ sang con đường khác. Ði được một khoảng, Cúc Huyền chợt ngẩng lên nhìn những hoa dại nở trên cao, làm rực rỡ một khoảng không, mới hay đã vô tình đi vào con đường cùng đi với Lũy hôm nào. Những bãi cỏ bên lề, những khoảng rào đầy hoa tóc tiên tím, những sân nhà đầy hoa vàng. Cúc Huyền hoảng hốt với chính mình và trái tim đập nhanh trong lồng ngực. Tim ơi, khe khẽ chứ, kẻo My biết thì chết.

My cũng phát giác ra điều bất ngờ này nên reo lên:

- Hay quá. Mình đi con đường cũ. Hôm trước có Lũy cùng đi đây.

Câu nói của My như một cơn sóng, đẩy Cúc Huyền lao chao. Con đường như cũng có tim, và nắng mưa là những sợi máu đưa về cho trái tim hồng. Cúc Huyền nghe bước chân của mình cuống quýt dẫm lên nhau. Những tàng lá trên cao vẫy bụi mưa xuống. Và những buổi chiều này con đường trở nên cô đơn, vì không còn bóng anh nữa. Tiếng chim hót tíu tít, tan loãng vào cái nhạt nhòa của mưa, Cúc Huyền không dám ngước nhìn My, vì sợ My ngó thấy đôi mắt ướt của mình.

- Bây giờ Cúc Huyền nói đi?

Nói gì?

- Lúc nãy Cúc Huyền hứa đó. Không nhớ à?

Cúc Huyền lắc đầu:

- Không nhớ.

- Nói chuyện về Lũy.

Cúc Huyền đỏ mặt:

- Cúc Huyền đâu biết gì mà nói. Ðâu có hứa nói chuyện này.

- Cúc Huyền khôn ghê, trở chuyện nhanh như trở bánh.

- Lũy về thành phố của Lũy. Và im lặng. Cúc Huyền chỉ biết có như thế, và My cũng biết như thế nữa mà.

- Còn về bức thư định gởi cho Lũy?

- Ðịnh thôi. Chứ chưa chắc. Cúc Huyền chưa viết thư cho người lạ bao giờ, nên ngại ghê.

My cười hóm hỉnh:

- Sao lại lạ. Gọi Lũy là người lạ à?

Cúc Huyền cười, quay đi nhìn những giọt mưa rớt từ trên cây xuống mặt đường phía trước. Trong bầu trời này, trong thinh không vũ trụ này, Lũy đang ở nơi nào gần gũi nhất với kỷ niệm của chúng ta? My đang bắt Cúc Huyền nói chuyện về Lũy đó. Chuyện của Lũy chỉ nói một câu thôi cũng đủ, hay nói một triệu câu cũng chưa đủ. Chỉ biết Lũy là một dấu chân trên bãi cát đời phẳng lặng của Cúc Huyền, là một cánh chim bay từ đại dương, êm đềm và xao xác nhất. Về Lũy, em có biết gì đâu, ngoài những ngày tuyệt vời qua đi trong thị trấn này. Cúc Huyền nghe âm vang của tiếng em chạy dài, suốt trong cơ thể. Tiếng em lần đầu, nhỏ bé, xinh tươi như một búp non trên cành. Cúc Huyền thèm viết tiếng em một triệu lần trên trang giấy mỏng, thèm được nhỏ bé, xinh tươi như một búp bê non, sau cơn mưa xuân kỳ diệu của đất trời.

- "Thằng trong cư xá" nó lại theo phía sau mình kìa.

- Ðừng thèm nhìn lại.

- Cúc Huyền sợ nó hả?

- Không có sợ. Nhưng chả muốn nhìn cái mặt trơn như cái bánh bò.

- Ðợi chút nữa nó tới My gọi nó là "thằng bánh bò" nhé.

Hai đứa cười khúc khích. Nhưng "thằng trong cư xá" chỉ đạp xe ở phía sau, không dám qua mặt. Chắc hôm nay có My nên nó ngại. "Thằng trong cư xá" không gợi lên trong lòng Cúc Huyền một điều gì cả. Chỉ thấy buồn cười, và thấy nhớ Lũy thêm hơn. Hãy làm người vắng mặt đi Lũy nhé. Ðừng sợ.

- Nói chuyện về Lũy đi Cúc Huyền.

- Bộ My cũng ...

My đỏ mặt đập vào vai Cúc Huyền sừng sộ:

- Ê đừng nói bậy.

- Chớ sao My cứ đòi nói về Lũy.

- Vì Lũy bây giờ là của Cúc Huyền. Hai đứa là bạn, Cúc Huyền phải có bổn phận giới thiệu cho bạn mình biết chứ.

Cúc Huyền cười:

- Lý do không đứng vững.

- Thì thôi.

- Hỏi thật nhé. My mến Lũy không?

- Mến là làm sao?

- Là ... mến. Nghĩa là như người thân, ở gần mình vui, đi vắng mình thấy buồn.

- Trả lời câu hỏi của Cúc Huyền đi, và thành thật.

- Tự nhiên Cúc Huyền hỏi gì kỳ.

- Thế đó, Cúc Huyền có ý riêng nên mới hỏi, chứ bộ.

My ấp úng:

- Khó ghê. Mến... tức là mến thôi chứ không có nghĩa như Cúc Huyền đâu nhé.

- Nghĩa gì?

- Nghĩa gì Cúc Huyền biết chứ ai mà biết.

- Trả lời đi. Thành thật, thành thật.

My bối rối một lúc rồi gật đầu. Cúc Huyền kêu ứ một tiếng trong miệng rồi mỉm cười một mình.

- Cúc Huyền cười gì đó?

- Vui lắm.

- Kể cho My nghe được không?

- My biết rồi kể làm gì.

My tròn mắt:

- My có biết gì đâu.

Cúc Huyền chỉ con đường nói:

- Biết từ hôm nào, con đường này là con đường kỷ niệm.

- Vẫn chưa hiểu.

- Nếu chưa hiểu tối nay về suy nghĩ thì hiểu.

Cúc Huyền cười. My cũng cười theo. Hai đứa đi hết con đường và không thấy bóng "thằng ở cư xá" đi theo phía sau nữa. Mưa vẫn chưa tạnh hẳn. Cúc Huyền thích như thế, thích mưa làm những giọt nước thật nhỏ, thật êm đềm trên cây lá màu xanh.

- Mùa thu rồi phải không My?

- Hình như thế.

- Mùa hè hết nhanh chóng quá. Lúc nào Cúc Huyền cũng không hay. Nay mùa thu tới sớm quá, lúc ve còn kêu vang lên trên những cây hoa dại quanh trường mình ... My yêu mùa hè hay mùa thu?

- Mùa hè làm cho người ta vui tươi còn mùa thu làm cho người ta thêm nhớ nhung. My không thích nhớ nhung.

- Nhưng mình cứ bắt mình phải nhớ nhung thì sao?

- Thì ... cứ việc nhớ nhung, chứ biết làm sao bây giờ.

My cười, Cúc Huyền la:

- My ba phải ghê. Như thế là My cũng đang nhớ nhung mùa thu tới rồi đó.

Cúc Huyền ngó My. Chợt Cúc Huyền bắt gặp đôi mắt của My long lanh. Làm sao chối cãi được rằng đôi mắt của My đang buồn, đang nhớ nhung. Có phải bước chân hồn nhiên ngày nào cũng vừa ra khỏi My. Ðừng dối lòng My ạ. Cúc Huyền đã biết. Và như thế đã có sao đâu.

- Cúc Huyền có viết thư cho Lũy, nhớ nói My gởi lời thăm nghe.

- Chắc không viết thư đâu My ạ.

- Sao thế?

- Tự nhiên thấy xa vắng tất cả. Ngày mai My có đi biển chơi không?

- Cúc Huyền rủ thì phải đi rồi. Mang tập lên trên đó học nữa nhé.

- Sợ không học được thôi.

- Phải ráng. Năm nay mình thi. Rớt thì tức cười lắm đó.

Con đường phải rẽ sang tay phải. Cúc Huyền chưa muốn về nhà. Muốn đi mãi đến cuối đường, rồi sang những con đường khác. Và mưa cứ như thế, đừng tạnh, vì tạnh mưa Cúc Huyền sẽ chẳng biết làm gì. Xung quanh nghe như những bước chân đi xa dần, những gì tưởng là gần gũi nhất rồi cũng không còn, mất hết, tan mau.

- Thôi My về.

Cúc Huyền sững sờ hỏi:

- Ðây là đường nào?

- Huyền Trân Công Chúa.

- Người ta gắn bảng tên đường lên chưa?

My dòm về phía trước nói:

- Chắc là chưa. Mình đang ở cuối đường. Xa quá My không thấy. Thôi My về nhé.

Và My rẽ vào đường về nhà mình. Cúc Huyền đứng lại tần ngần bên lề đường nhìn những giọt mưa rớt từ trên cây lá xuống. Bây giờ Cúc Huyền mới hay mái tóc của mình ướt đẫm nước. Những sợi tóc còn thơm mùi bồ kết, lẫn với mùi mưa và dường như còn cả mùi hương của nó nữa. Không gì thương cho bằng nghe chính mùi hương của mái tóc mình. Cúc Huyền sang bên kia đường, tưởng như đang đi trong một vùng sương mù lạnh lùng tan tác nhất.

Về nhà, Cúc Huyền mệt lả, chỉ kịp ném chiếc cặp lên trên bàn và thay chiếc áo dài bê bết bùn đỏ là nằm quay trên giường. Mưa vẫn còn, và sẽ còn mãi ngoài kia với bầu trời, mặt hồ, cây lá.

Cúc Huyền nằm lắng nghe tất cả những gì xao xác nhất của lòng mình, và chung quanh, căn phòng bị mưa tưới đẫm nước, bay lên mùi mốc của gỗ, bàn ghế. Những thứ mà bình thường chưa bao giờ Cúc Huyền dược nghe thây. Có phải thời gian và không gian bây giờ ngưng đọng lại dưới chân, bao vây lấy Cúc Huyền, với nỗi cô đơn làm cho chính mình ngậm ngùi với mình. Một lúc, Cúc Huyền đến bên cửa sổ, những giọt mưa nhỏ, rơi lấm tấm tên mặt nước hồ xanh ngắt vẫn là điều làm cho Cúc Huyền lo sợ và hoảng hốt trước cái bao la của khoảng cách ngàn trùng. Ừ nhỉ, Lũy đang ở về hứớng nào đó xa xôi với bầu trời nơi này. Có phải là xa cách luôn đến ngàn trùng không? Những cánh bèo bị gió đẩy trôi ra giữa hồ, tản mác, cũng chưa bao giờ thấy chúng u buồn như vậy. Ông nội chắc cũng mới về, Cúc Huyền thấy ông đi loanh quanh dưới mấy gốc cây, ngó những chiếc lá trên cao. Chả hiểu ông đang nghĩ gì. Cúc Huyền thì lo sợ ngày mai những chiếc lá kia sẽ không còn màu xanh trên cây nữa. Mùa thu bây giờ là một tấm bảng kẻ chữ to lớn đặt trước tầm mắt của Cúc Huyền. Ngày mai mùa thu buồn bã nhất.

Từ ngoài, Cúc Huyền thấy Hạnh đang chạy lao xao ngoài ngõ. Hạnh dừng lại hỏi ông nội gì đó, trong lúc ông mải nhìn những chiếc lá cây. Hình như ông không nghe, chỉ ngó Hạnh lom lom. Hạnh rụt cổ chạy thẳng vào nhà. Vừa đập cửa, Hạnh vừa gọi:

- Dì Cúc Huyền ơ, dì đi học về chưa?

Cúc Huyền đứng yên lặng trên cửa sổ nhìn xuống. Từ chỗ của Hạnh đứng ngó lên cửa sổ này phải qua một cây cao, tàn lá sum suê, Hạnh chả bao giò thấy được Cúc Huyền đứng ở đây với nỗi buồn làm tê cả tiếng nói, hơi thở và những sợi máu. Hạnh đập cửa một lúc rồi vòng ra phía sau. Cửa sau vẫn chưa mở. Hạnh chạy ra phía trước với một cái hoa cầm trong tay. Cúc Huyền thẫn thờ nhìn Hạnh đi chầm chậm ra ngõ. Cúc Huyền không thể nào gọi Hạnh lại, dù chỉ một tiếng kêu ngắn ngủi.

Khi ông nội quay vào nhà, có tiếng công tắc kêu lách tách và đèn dưới nhà bật sáng lên, Cúc Huyền nghe lạnh ở hai bên thái dương, kết quả của một buổi chiều dầm mưa. Cúc Huyền khép bớt một cánh cửa sổ rồi lại giường nằm. Có tiếng lục đục dưới bếp, chắc mẹ vừa mới từ chợ về. Tiêng động hằng ngày, rất quen thuộc của những thứ đồ vật, nhưng nghe từ dưới chân cầu thang lại trở nên xa vắng, buồn bã lạ lùng. Cúc Huyền nằm yên lặng, mở mắt nhìn lên trần nhà và chờ đợi bóng tối lấp đầy căn phòng.

Tiếng chân đi ngoài hành lang làm cho Cúc Huyền giật mình, nghe trái tim đập nhanh và cảm tưởng như đang ngồi trên chiếc xe đâm xuống con dốc cao. Mấy ngày rồi, mưa liên tiếp vào buổi sáng, kéo dài tới khoảng xế trưa. Buổi chiều do ảnh hưởng của cơn mưa, nắng không vào được trong hành lang, trong khi không khí lạnh như ập cả vào phòng, làm căn phòng bệnh viện như ướt đẫm bởi một thứ hơi, và một thứ mùi hăng hắc bên mũi. Qua cánh cửa sổ có lót kiếng, Cúc Huyền nhìn thấy một bầu trời đục; lờ đờ những vùng mây tươm hơi nước bên ngoài. My đến ngày hôm qua, chỉ tay về phía sau nói là ở đó con đường dẫn tới trường học của mình. Cúc Huyền nghe tiếng động cơ xe nổ thoáng qua rồi mất hút. Tiếng móng ngựa gõ trên đường kéo dài, rời rạc, quen thuộc như những buổi sáng sớm ở nhà. Cũng qua cánh cửa sổ có lót kiếng, Cúc Huyền nhìn thấy một ngọn cây, không biết là cây gì, ở ngay trong bệnh viện. Hôm nào ngọn cây còn đầy lá, bữa nay lá đã rơi rụng thật nhiều, còn trơ lại những cành khẳng khiu in trên nền trời mù lấm tấm bụi mưa. Suốt ngày Cúc Huyền chỉ nhìn thấy bầu trời đầy mây trắng và ngọn cây trơ trọi kia. Cúc Huyền không thể ngồi được, chỉ cử động được tay chân, một cách chậm chạp. Cúc Huyền chỉ uống nước cam vắt, uống sữa, nghe máu và hơi thở mòn dần trong thân thể héo hon của mình. Cái chết ám ảnh Cúc Huyền nặng nề, và thường xuyên bằng những cơn ác mộng. Có lúc Cúc Huyền thấy mình mặc toàn đồ trắng, bước qua cầu thật nhẹ nhàng theo một người không rõ hình dáng. Bên dưới là một cái hố sâu đen ngòm, gió lạnh ngắt, tiếng côn trùng rên rỉ kêu than. Có lúc Cúc Huyền thấy mình xoay quanh một cái vòng tròn, mới đầu to, sau nhỏ dần, xa vắng và tan nát trong mơ hồ. Cúc Huyền mê sảng từng đêm, kêu khóc và la hét hoảng sợ đến tột cùng. Khi tỉnh dậy, mồ hôi ướt trán, mệt mỏi, lờ đờ. Trên là đỉnh màn với ngọn đèn vàng vọt bất động của bệnh viện, bên cạnh, mẹ vẫn ngồi đó, tù bao giờ với nỗi lo âu hằn sâu trong đôi mắt. Bao giờ, dù khuya khoắt hay lờ mờ sáng, tỉnh dậy Cúc Huyền nhắm mắt lại sợ hãi cả những giọt nước mắt của mình. Trên chiếc bàn đem kê ở đầu giường, mấy múi cam lột sẵn, một con dao nhỏ, lạnh bạc, một cái ly không và những lọ thuốc. Như thế là đã bao nhiêu ngày rồi, Cúc Huyền nằm đây, như một cái cây chờ mùa hè qua hết để tàn tạ theo tiếng chim, Cúc Huyền hiểu rõ trong nỗi tuyệt vọng của mình là sức khỏe không còn trong cơ thể nữa. Một cái gì mỏng manh lắm, Cúc Huyền muốn bay ra khỏi căn phòng tanh tưởi, lạnh lùng của bệnh viện này. Bắt đầu từ bao giờ Cúc Huyền không hay, những sợi tóc dài óng mướt của mình rơi trên gối. Có khi sáng ra, Cúc Huyền nắm một nắm tóc rụng trong tay, và khóc ngất. Như vậy là Cúc Huyền không còn giữ được cái gì thuộc về mình nữa. Ðã hết. Mái tóc thưa dần, rồi ngắn ngủn, cao khỏi bờ vai. Không ai dám đưa gương cho Cúc Huyền soi, nhưng Cúc Huyền biết, trên gương mặt mình là một cái gì tàn tạ nhất. Cúc Huyền dửng dưng với cơn bệnh của mình sau mấy ngày khóc nhiều hơn thở, vất vả nhiều hơn ăn uống. Ðã rõ là không còn gì. Tất cả chỉ chờ đợi, mặc dù mọi người đều cố gắng phà vào cơ thể này một nguồn sinh lực, một tia hy vọng. Cúc Huyền biết khi lá rụng hết trên cành thì linh hồn mình cũng mỏi. Ðám tang lá vàng có thể sẽ đưa luôn Cúc Huyền trong cùng một ngày chết. Cúc Huyền mơ hồ nghe tiếng sóng gào, biển xanh ngát muôn trùng. Sẽ có một chỗ cho Cúc Huyền trên rừng thông, trên con dốc ngày nào Lũy đã bước tới.

Sáng nay mưa nhỏ, và có nhiều tiếng chân đi lại ngoài hành lang. Mẹ vừa về mang thêm một ít quần áo vào, chắc khoảng gần trưa mẹ mới tới. Một mình Cúc Huyền cảm thấy yên tâm với cơn đau của mình hơn. Không còn phải khóc khi thấy bóng bất động của mẹ. Rồi cũng sẽ không còn gì nữa. Không còn ai bận rộn với Cúc Huyền, một cái tên nào còn lại và xa lạ. Cúc Huyền nhìn những sợi mưa bay bên ngoài khung cửa, nhớ lại lớp học, bạn bè, và rất nhiều thứ mà tưởng chừng mình không còn dịp nào để nhớ. Cúc Huyền lại khóc, và thấy tan vỡ êm đềm kỷ niệm cùng những giọt nước mắt.

Cảm mấy cái bóng in lên khung cửa đục, rồi cửa được đẩy vào: Chị Thục, bé Hạnh và anh Ðồng. Cúc Huyền cố nở một nụ cười, nhưng những giọt nước mắt cứ ứa ra. Hạnh nắm tay Cúc Huyền. Chị Thục ngồi xuống mép giường, trong khi anh Ðồng đứng. Hình như cả ba cùng hỏi Cúc Huyền một câu:

- Cúc Huyền bớt chưa?

Và Cúc Huyền chỉ khẽ gật đầu. Không còn câu trả lời nào khác. Hạnh đặt cái túi cam lên bàn. Chị Thục nói:

- Em uống nước cam tươi nhé ? Chị làm cho.

Cúc Huyền định từ chối, nhưng đôi môi khô quá nói không thành tiếng. Chị Thục lấy cam, loay hoay vắt vào ly đưa cho Cúc Huyền. Anh Ðồng nói:

- Cho dì ấy uống bằng muỗng.

Chị Thục nhớ ra, vội lấy chiếc muỗng nhỏ múc đút vào miệng Cúc Huyền những muỗng nước cam ngọt lịm. Cúc Huyền lắc đầu, khi đôi môi đã ướt. Có thể nói chuyện được. Hạnh thường ngày vẫn tíu tít, hôm nay không còn nói cười được nữa, chỉ đứng nhìn những đường gân xanh nổi hẳn lên trên làn da tái mét của bàn tay Cúc Huyền.

- Em định nói với mẹ, xin bác sĩ cho về nhà. Em nhớ nhà quá chị Thục ạ.

Anh Ðồng nói:

- Không nên. Cứ ráng mà nằm cho lành bệnh hẳn rồi về nhà.

- Biết có khỏi không mà nằm. Sợ em không còn dịp nào mà về nhà nữa.

Chị Thục bịt miệng Cúc Huyền lại:

- Em chỉ toàn nói gỡ.

- Mấy đêm em liên tiếp nằm mơ thấy mình chết đi.

Chị Thục cười:

- Như vậy là Cúc Huyền sắp khỏi rồi đó. Vì nằm mơ thấy mình chết là chả bao giờ chết cả.

- Chị nói dùm với mẹ cho em về nhà đi. Em sợ nơi này lắm.

- Cúc Huyền còn đau mà.

- Về nhà cũng như nằm ở đây thôi.

- Sao được. Ở đây có bác sĩ người ta lo thuốc men cho, mới khỏi bệnh được chứ.

- Chị thấy không, tóc em rụng hết, khi nào tóc rụng là mình sắp chết.

- Em đừng nói nhảm. Ðau thì tóc rụng, khỏi đau tóc mọc lại và đẹp như xưa.

Cúc Huyền cười héo hắt:

- Nhưng hôm qua em đã đọc được trên mắt bác sĩ nỗi thất vọng. Ông ấy không nói, nhưng em biết khó mà khỏi được.

- Em đâu bằng bác sĩ.

- Bằng chứ. Hơn nữa là khác. Vì em hiểu rõ em.

Hạnh ghé sát vào tai Cúc Huyền nói:

- Hạnh đã biên thư cho cậu Lũy rồi, nói dì đau nằm trong bệnh viện.

Cúc Huyền nằm im nghe rõ ràng những giọt mưa ngoài kia như gõ vào tim mình. Lũy, là một cái gì làm cho trái tim Cúc Huyền đau nhói, thổn thức và giá buốt.

Mắt mở, nhìn vào bức tường, nhưng Cúc Huyền lại mơ hồ thấy những trái bóng quay thật nhanh, đủ màu sắc, rồi những chiếc lá, những con chim bị tên rơi rớt lả tả. Cúc Huyền sợ quá, nhắm mắt lại. My lấy dao rọc cuốn sách. Tiếng rọc giấy khiến Cúc Huyền mở mắt ra, rạo rực, nôn nao khi nghe mùi giấy mới lất phất bên mũi. Cúc Huyền đã không còn cầm được sách nữa, không còn nghe mùi giấy vở thân yêu, mùi mực nồng đượm theo hàng chữ.

- My đọc cho Cúc Huyền nghe đoạn này nhé ?

Cúc Huyền lắc đầu:

- My hát đi, Huyền thích nghe hát.

- Ở đây hát kỳ lắm.

- Hát nhỏ thôi, chỉ để Cúc Huyền nghe mà thôi.

- Bài gì?

- Bài gì thật buồn.

My cười:

- Hát bài buồn cho Cúc Huyền khóc hả ?

Cúc Huyền lắc đầu. My nói:

- Bác sĩ cấm gây xúc động. Cấm Cúc Huyền khóc đó.

- Ai cấm nước mắt của mình rơi được. Phải không My ?

- My hát bài "Nước mắt rơi" đi.

- Bài đó buồn lắm.

- Ðã bảo Cúc Huyền thích nghe cơ mà. Chi? một lần này thôi, mai mốt My muốn hát cho Cúc Huyền nghe cũng không được.

My đành chìu Cúc Huyền, nhất là khi nhìn thấy đôi mắt Cúc Huyền u sầu như một đám khói. My hát nho nhỏ, hát với tất cả hơi thở có trong buồng phổi, có trong lòng. My muốn gửi hơi thở đó vào trong người Cúc Huyền làm hồi sinh đôi mắt đẹp kia, làm hồi sinh một cuộc tình đẹp như giấc mộng. Trái với ý nghĩ của My, Cúc Huyền nằm yên, lắng nghe, chứ không khóc. Những giọt nước mắt như không còn ý nghĩa gì với Cúc Huyền. Và như vậy, Cúc Huyền đang có ở một cõi nào, My thương Cúc Huyền, cũng như thương chính cuộc tình của hai đứa. Tuyệt vời nhất là trong nỗi đau của Cúc Huyền, có nỗi đau của My "người đẹp thường hay mệnh bạc", có phải thế không ? My biết, Cúc Huyền sẽ không bao giờ ra khỏi cửa phòng này, để về ngồi bên bờ hồ thơ mộgn của Cúc Huyền, không còn cắp sách đến trườn, không còn cười, không còn nói, không còn đi với My trên những con đường đầy lá vàng xưa. Biết thế, nhưng My vẫn hy vọng. Hy vọng vì My quá thương Cúc Huyền. My quá thương Lũỵ

Cúc Huyền cười:

- My thấy không, Cúc Huyền đâu có khóc. My hát hay ghê. Thế nào rồi Lũy cũng lên đây. Mai mốt, ngày kia, ngày kìa nữa, chứ không lẽ Lũy giận cả thành phố rừng thông và bờ biển này. Lúc đó My ca hát cho Lũy nghe nhé.

My nhớ ra, reo lên:

- À, sao Cúc Huyền không biên thư cho Lũy nhỉ ?

- Cúc Huyền không cầm viết được nữa. Những ngón tay hình như không còn là của Cúc Huyền, với lại Cúc Huyền thích yên lặng.

- Cúc Huyền đau, chắc Lũy không hay.

- Chị Thục nói đã báo tin cho Lũy rồi.

- Vậy là Lũy sẽ lên thăm Cúc Huyền.

- Có còn kịp không ?

- Kịp gì ?

Chợt My hiểu rõ câu hỏi của mình hơn chính Cúc Huyền nữa. My thở dài. My thường không biết nói gì khi xúc động. Cũng như My chưa nghĩ được rằng phải làm sao khi ngày mai chỉ còn lại một mình My vào lớp học, đi và về trên con đường đó. Sẽ phải nói gì với Lũy, sẽ phải đối phó ra sao với những ngày sắp tới, những ngày mà thấy bơ vơ, lo sợ.

- Hình như mưa to phải không My ?

- Mưa vẫn thế thôi Cúc Huyền ạ.

- Chiều nay có nhiều tiếng chân ở ngoài hành lang quá. Nếu My không vào chắc Cúc Huyền buồn ghê lắm. Nằm một mình ở đây thì thấy trời qua cửa sổ và thấy bóng mình qua bức tường.

- Tại sao Cúc Huyền hay lo nghĩ. Lẽ ra Cúc Huyền phải cố ngủ thật nhiều. Khi trong người mình thật khỏe mình không có lo nghĩ quẫn.

- My nói y như một bác sĩ vậy.

Hai đứa ngó nhau cười. Cố không nhớ tới cơn bệnh của Cúc Huyền nhưng My vẫn phải thấy nụ cười của Cúc Huyền héo hắt. Ðôi môi khô, có những nép nhăn tái nhạt. Người ta có thể đau yếu một cách tàn tạ như thế sao ?

- À, mấy đứa kia hẹn chiều nay, vào thăm Cúc Huyền đấy.

- Ðông lắm không ?

- Không, mấy đứa thân với mình.

- My cho biết à ?

- Ðứa nào mà chả biết Cúc Huyền đau nằm trong bệnh viện.

Cúc Huyền định nói "chỉ có Lũy chưa biết" nhưng Cúc Huyền vội lắc đầu, nhắm mắt lại, quên Lũy đi. Ðừng nhớ gì tới Lũy nữa có hơn không ? Tiếng móng ngựa gõ lóc cóc trên con đường phía ngoài đưa vào làm Cúc Huyền nôn nao. Bao giờ mới có thể ngồi lại trên chiếc xe ngựa đi loanh quanh ra bãi biển, lên đồi thông. Có ai đang ngồi trên chiếc xe ngựa đang chạy qua.

- My biết không, Cúc Huyền chả muốn tụi nó vào đây. Cúc Huyền rất rợ đám đông, nhất là bạn bè, đám đông đến thì vui, nhưng khi về lại buồn. Cúc Huyền chỉ thích nằm ở đây một mình với My mà thôi.

- Cúc Huyền không nói trước.

- Biết gì mà nói trước.

My cười. Bao giờ My cũng cười. Nhiều lúc My cũng không hiểu tại sao nụ cười lại dễ dãi với mình quá, trong khi có những điều quá khó khăn chẳn hạn như khi đứng trước mặt Lũy, vẫn biết không ai bắt My phải nói, hay chứng tỏ một điều gì, nhưng My vẫn thấy sự im lặng của mình là một điều thiệt thòi, mất mát. Có một lần Lũy bảo, khi Cúc Huyền quay đi chỗ khác, Lũy thích sự im lặng. Nhưng My vẫn áy náy và khổ tâm. My không phân biệt rõ ràng tình cảm của mình đối với Lũy. Chỉ thấy khoảng thời gian sau này, mơ hồ. Buổi chiều đi học về không có Cúc Huyền, con đường mở ra thênh thang với những bóng cây xa, những màu hoa trong một cổng nhà gần. Và mây trời óng ả trên đầu. Cúc Huyền đã mất, hay My đã mất mọi cảm giác êm ái như gió mùa thu lay màn cửa lúc ngồi học bài ? My sợ phải làm người ở lại trước những cái vừa mất đi. Có lẽ My sẽ cuống cuồng, quay quắt trước quyết định của mình, trước tình cảm của mình.

- Nghĩ gì ?

Bàn tay Cúc Huyền lạnh như cái bàn chải đánh răng ấp vào da tay mỗi buổi sáng súc miệng. My đứng nhìn vào mắt Cúc Huyền lắc đầu :

- Không có gì hết.

- Có chứ sao không. My đừng giấu. Có phải My đang nghĩ tới Lũy không ?

My sững sờ :

- Sao Cúc Huyền biết tài thế ?

- Sao không. Cứ nhìn vào mắt My thì biết ngay.

My cười. Những giọt mưa ở bên ngoài không lớn thêm, không kéo dài ra, nhưng nom có vẻ hiu hắt qua một khung cửa kiếng lờ mờ. Mẹ của Cúc Huyền che cây dù màu nâu chạy ra khoảng sân bệnh viện. My thấy những hạt nước bắn tung trên nóc dù. Bà vào với một cái xách đầy quần áo.

- Lạnh không bác ?

- Mưa không to nên không lạnh. Tưởng cháu về rồi chứ.

- Phải đợi bác vào với Cúc Huyền cháu mới về được.

- Bây giờ cháu có thể về được rồi đó.

Cúc Huyền nắm chặt tay My nói :

- My ngồi chơi đợi bớt mưa luôn một thể.

- My về nhà có chút việc. Sáng mai My trở vào. Không thì chiều đi học về My ghé. Phải để Cúc Huyền nằm nghỉ chứ. Ở đây hai đứa cứ nói chuyện hoài.

My cười, bắt Cúc Huyền phải đồng ý. Cúc Huyền cố gượng một nụ cười. Không hiểu sao My lại để ý đến những nếp nhăn ở khoé mắt Cúc Huyền và đôi môi tái nhợt của Cúc Huyền.

- Mai vào cho Cúc Huyền nhờ My việc này. Nói lúc nãy đó.

- Nhớ rồi.

- My về tụi kia đến thì sao ?

- Giờ này chắc tụi kia không đến rồi đó.

- Mình cũng mong như vậy.

My chào mẹ Cúc Huyền và bước ra cửa, lúc bà lui cui với cái xách đựng đầy quần áo. My phải đưa tay xô cái cửa kiếng, bước ra. Hành lang bệnh viện kéo dài tới một khu nào đó, cũng đầy những phòng tương tự như phòng của Cúc Huyền đang nằm mà My chưa hề bước tới, chỉ đứng ở đây, nhìn suốt về phía đó cũng thấy sờ sợ. My bước xuống nhừng bậc tam cấp men theo chân hành lang tới công khép hờ với người gác cổng quen thuộc mấy hôm nay. Những giọt mưa rơi nhẹ trên tóc My, hình như chúng ở trên cây lá rơi xuống. Nếu Cúc Huyền ra được bên ngoài, đi dưới mưa như thế này, chắc là Cúc Huyền sẽ reo lên, hứng những giọt mưa kia vào lòng bàn tay. Ừ nhỉ, bây giờ My mới nhận ra điều đó, là đã thiếu mất Cúc Huyền trên con đường cây lá xanh, và mưa bụi từng buổi chiều. My đã không dám đến nhà chị Thục, vì My sợ phải quen chân bước tới bờ hồ, rồi nhìn thấy nhà Cúc Huyền với cánh cửa sổ và cây trứng cá. Hay là My sợ đôi mắt sau cánh cổng hoa giấy ở nhà chị Thục ?

- My, My.

Tiếng kêu bên kia đường làm My giật mình, suýt bước vào một vũng nước đọng ! "Thằng cư xá" đang ngồi trên xe đạp ở dưới một gốc cây.

- Cho hỏi thăm một chút.

Và nó đạp xe vòng qua hỏi :

- Cúc Huyền đau nằm trong đó hả ?

- Hỏi chi thế ?

- Vào thăm được hay không ?

- Không được.

- Cúc Huyền không cho vào à ?

My lườm :

- Dám vào không ?

- Sao không.

- Thì vào đi.

My mỉm cười, bỏ đi. "Thằng cư xá" ngần ngừ một lúc. Tưởng nó gan dám vào thăm Cúc Huyền, nhưng nó lại đạp xe theo phía sau My tìm cách hỏi chuyện :

- Vào đó có trình giấy tờ gì cho người gác cổng không My ?

My biết nó cố tình thêm tên My vào câu nói. Gọi tên người ta được cũng chẳng phải dễ dàng gì đâu. My lắc đầu, nói để thúc giục nó vào :

- Không phải giấy tờ gì hết. Muốn vào thăm thì vào.

- Ngó bộ ông gác cổng dữ quá My nhỉ ?

My tức quá la lên :

- Không phải tên My.

Nó ngạc nhiên :

- Chứ tên gì ?

- Tên My là tên nhỏ bạn. Tôi không có tên.

- Xạo. Ai đời lại không có tên.

My chả thèm trả lời nữa. Nhưng "Thằng cư xá" vẫn không tha. Bây giờ thì My biết nó chỉ giả vờ hỏi chuyện để đi theo My. Như thế là gan lắm rồi. Bình thường nó chả bao giờ theo My cả. Bình thường My cũng chả cho nó hỏi đến một câu. My đã "tống khứ" nó đi. Nhưng hôm nay không hiểu sao My lại sợ người khác trông thấy sẽ nghĩ lầm.

My bực quá định "mắng" nó một trận. Nhưng My nghĩ tội gì phải phí lời. Ngày mai vào lớp học sẽ nói với tụi kia nghe. Cả bọn đón đường chọc "Thằng cư xa" cho nó mắc cỡ chả dám bén mảng đến trường nữa. My nghe tiếng móng ngựa gõ lóc cóc, mặt tươi hẳn lên. Quả nhiên chiếc xe ngựa trờ tới đầu ngã ba. My đi nhanh và vẫy người xà ích. "Thằng cư xá" vội quay xe lại đi mất.

My không có ý định về nhà. Chỉ lấy cớ để khỏi phải ngồi lại với Cúc Huyền mà nghĩ đến Lũy. Như thế là có lỗi với sự vô tâm của mình. My thương Cúc Huyền hơn bao giờ hết. Cũng như, My bắt đầu thương cho chính mình. Cái khoảng thời gian còn lại ở phía sau, quả thật mênh mông, bát ngát. My sẽ làm gì ?

- Ði đâu thế cô ?

- Ông có chạy qua hết những con đường không ?

Người xà ích cười :

- Tôi chạy từ sáng tới giờ rồi. Mệt quá bây giờ định về nghỉ ngơi.

- Ông chở tôi tới đường Huyền Trân Công Chúa đi.

Nếu ông xà ích bằng lòng qua hết những con đường thì thú biết mấy. My thích ngồi trên xe ngựa một mình, quay ra phía sau nhìn con đường chạy lùi lại với cây cối nhà cửa, nền trời. Cùng một lúc nghe tiếng chân ngựa gõ ròn rã trên đường. Cùng lúc với mưa rất nhỏ và thu rất vô tình làm thành nỗi buồn như khói vây.

Giờ này ra biển một mình. My suýt reo lên với ý nghĩ của mình. Phải lắm. Ra biển một mình. My nói với người đánh xe :

- Cho tôi ra chợ đi ông.

- Tôi cũng về đó đây.

My vén mấy cọng tóc ướt nước. Chiếc xe ngựa chạy qua những con đường vắng. Hình như chỉ có mưa và lá cây. Buổi chiều tàn tạ ở đâu không thấy bóng mặt trời.

Cũng chuyến xe này, những ngày trước, đã đưa Lũy tới đây. Bất ngờ và bàng hoàng như một giấc mộng. "Ngày trước", tiếng nói như vang từ một cõi nào rất xa xăm.

Khoảng thời gian đó không ước định được. Chỉ nhớ lại từng vuông kỷ niệm. Và kỷ niệm chất ngất trong hồn Lũy. Buổi sáng trời mưa lất phất nơi bến xe. Khi những con đường của thành phố thân yêu (và thù ghét) này còn im ngủ với gió rét của trận bão từ xa thổi về. Lũy ngồi trong quán một mình, điếu thuốc thở khói trên tay và ly cà phê nóng trên mặt bàn. Cái bóng của Lũy ngả xuống, âm u như những chiếc ghế ngồi, nằm khuất trong góc quán. Và tiếng kèn xe vang lên, quen thuộc, bàng hoàng như một tiếng gọi. Lũy đó. Một ngày như mọi ngày. Và một ngày như một ngày thuở trước. Với chiếc va ly nhỏ, với lòng đầy ắp kỷ niệm bước lên trong ánh đèn chao đổ của chuyến xe sớm nhất rời thành phố. Những ngày lang thang với anh Hoán. Những cuốn sách bỏ dở, và lại những dự định. Lũy thèm đặt lại những bước chân êm đềm của ngày nào xuống con đường mưa xanh mát của thị trấn. Phải như thế là đã ngày xưa rồi hay không ? Lũy nhớ từng nụ hoa từng cánh lá, chút ánh nắng chiều vàng tươi quanh ngôi trường của Cúc Huyền. Ðôi khi, trong mùi thơm của que diêm vừa bật lửa xong, Lũy cũng có thoáng nghe mùi thơm của những giọt nước mắt. Mùi hương tóc đẫm trong mưa. Cái thị trấn mơ hồ xa xôi đó, ở bên một lộ trình đắp đầy những mô và tráng đầy những nhựa xanh kỷ niệm. Sách vở, xếp lại với lãng quên và mùa thu như một người tình cũ trở về. Mang sẵn cái hơi ấm cơ hồ như buổi sáng thức dậy bởi bóng đèn quên tắt trên đầu giường. Lũy với ngần ấy thứ trở lại thị trấn vàng, ngày xưa, không còn tiếng động. Lũy muốn im lặng, im lặng tất cả, để chỉ một mình người thanh niên ngơ ngác trước cổng trường con gái, trước những ngã đường không có bảng. Tên Cúc Huyền được thắp sáng trên đầu điếu thuốc, nồng nàn như hơi khói bay. Lũy được quyền trở lại trong mùa thu vừa chớm, như thế hay không ?

Xe qua những chỗ cũ. Lần này, dù xa xôi trong ngày tháng. Nhưng trí nhớ giúp Lũy không trở thành một người lạ mặt. Những gì mơ hồ, dần dần trở nên rõ rệt trong mắt Lũy. Cái cầu kia, những sợi dây điện và những con chim như vẫy tay reo mừng chào một người bạn cũ. Lũy nghe hơi gió lướt sau gáy tóc, có thể là tiếng nói mơ hồ của biển, nói với Lũy rằng, khi những bước chân ta trở về, tiếng sóng như vỗ nhẹ vào tim. Và tim đau từng khúc tình ta. Lũy làm sao trấn an được những sự xôn xao khi nhìn thấy một bầu trời nghiêng xuống dáng rừng xanh xa, một loài mây trời nào đó, vàng tươi của kỷ niệm. Thị trấn êm đềm nằm im trong tầm mắt của Lũy. Và đó là nơi Lũy trở về chứ không phải là nơi Lũy làm người quay lại.

Những cơn gió biển nghe lạ lùng. Cây hai bên đường cùng một màu vàng như nắng. Thứ nắng chiều tà của một bầu trời nặng, tươm hơi nước. Và của mùa thu khắp nơi. Qua khung cửa xe Lũy nhìn về phía trước, xế một góc những mái nhà nhuộm nắng vàng hoe, nổi bật lên màu đất nâu đỏ của đồi, những con dốc dẫn ngược lên chân trời. Chiếc xe vượt qua từng khoảng đường, đưa Lũy tới đầu thị trấn. Ngồi trên cao nhìn xuống, cảm giác chơi vơi như một người bay bằng đôi cánh nhẹ. Phía thị trấn là một vùng sương mù lờ mờ. Buổi chiều nắng chưa hết, sương mù đã xuống, lay bay như bụi, không khí của thành phố thật sự chìm khuất, khép kín với những ngày lang thang. Hành khách trên xe rộn ràng, họ sửa soạn lại những thứ dưới chân. Lũy không có gì để sửa soạn cả. Cái va ly với mấy bộ quần áo. Và lần này, với ý định lưu lại nhà chị Thục một thời gian dài.

Xe vào tới cổng lớn, ngăn ranh giới của thị trấn và con đường lên tỉnh, hành khách xuống gần hết. Chỉ còn một số ít người ngồi lại vào thẳng trong bến. Lũy ngồi một mình trên cái băng dài, nhìn xuống lề đường. Phía trong lề, những ngôi nhà nằm dưới bóng cây. Sân là một khoảng đất cao cỏ lác đác vàng. Người ta phơi những mành lá thốt đốt. Bụi cỏ vật vờ trước một đám trẻ con ngơ ngác, ngó lên. Không khí làm Lũy nhớ một chuyến xe buổi chiều giáp tết. Lũy cũng ngồi trên cao nhìn xuống những con đường bụi đỏ mù. Cảnh vật và người như yên lặng, vắng vẻ trong cái nôn nao nồng ấm của cuối năm, của tàn phá ngày tháng cũ. Lũy cũng thấy người ta phơi những mành lá dừa bện, trên để những cái bánh tráng mỏng, đầu năm mới. Lũy bâng khuâng với hình dáng ngôi nhà cổ kính của mình. Của một thời niên thiếu xa bay, lờ lững trong trí nhớ. Xe bỏ hành khách xuống, rồi tiếp tục chạy vào thị trấn. Giờ này Lũy muốn nhắm mắt, hình dung ra những con đường, những góc phố và cả những thứ tưởng chừng xa cách lắm mà cũng gần gũi lắm. Nhưng Lũy không nhắm mắt được. Lũy ngả đầu sau thành ghế dựa, muốn thảnh thơi trên những xao động mãnh liệt trong lòng. Cũng như lần trước Lũy lên không ai hay biết, Lũy thích như thế để nghĩ đến những bất ngờ về phía những người thân quen. Và Lũy bước xuống xe với con đường quen thuộc mở ra trước mắt.

Lũy ném những bước chân thật nhẹ trên đường. Bờ sông vi vút hơi gió và sương lại mù mịt ở phía xa. Lũy đi qua một ngã tư, xuống con dốc, thấy học trò từ phía dưới đạp xe lên. Vào giờ tan học buổi chiều, con đường ngập tràn màu đồng phục của học trò tỉnh. Lũy đoán trường Cúc Huyền cũng vừa tan. Nhưng khi đi qua đường, trước cổng chỉ còn vài người. Chưa lần nào Lũy nhìn rõ được dãy hành lang dẫn đến lớp học của Cúc Huyền. Lớp học của Cúc Huyền phải là căn phòng đẹp nhất, có cửa sổ mở ra hướng sông, để Cúc Huyền nhìn mây trời, nhìn cây lá bên ngoài. Ðôi mắt ấy, ngày xưa làm cho thị trấn này bọc nhung trên nhũng con đường, và những con đường như có tâm hồn.

Lũy đi về phía Huyền Trân Công Chúa. Tấm bảng chỉ tên đường vẫn chưa được gắn lên. Con đường hình như toả ngát hương thơm. Ði được một khoảng, Lũy ghé lại hàng thuốc lá mua một gói thuốc, que diêm nồng ấm lòng bàn tay. Không, hình như có một hơi ấm khác đang vây bủa trái tim Lũy, làm hơi thở lũy nồng ấm, như một vạt nắng chiều đậu trên ngọn cỏ bên vệ đường, Lũy ngấn lên. My đứng phía sau Lũy từ bao giờ, cặp ôm trước ngực. Ðôi mắt không tinh nhanh như ngày nào. Lũy thoáng trông như một người khác, một thay đổi chặt lìa bao nhiêu thời gian ở phía trước. My yên lặng như thế một lúc lâu. Cuối cùng Lũy ném điếu thuốc, cười :

- My đi học về.

My khẽ gật đầu. Lũy hỏi :

- Cúc Huyền về trước chứ không cùng đi với My à ?

Ðôi mắt My tối lại ngó xuống. Lũy cười, trêu :

- Hai người giận nhau nên không đi cùng à ?

- Không phải thế.

- Cúc Huyền không đi học ?

- Không phải thế.

- Cúc Huyền đau ?

My lắc đầu. Ðôi mắt ấy đã long lanh. Lũy đoán có một chuyện gì đó xảy ra cho tình bạn của hai người. Ngày trước, chả bao giờ Lũy thấy My buồn. Lúc nào cũng thấy My cười, đùa nghịch và tinh ranh như một con chim sẻ. Ðôi mắt ấy đã long lanh, chỉ một lần này, Lũy thấy được, như một điều gì thật bất ngờ.

- My về nhà ?

My lại gật đầu. Hai người cùng đi thật chậm im lặng. Ðúng ra Lũy thích nói chuyện trong lúc này. Bao nhiêu ngày đã trôi đi ở nơi đây, lá vàng nằm dưới chân, trong lề cỏ. Hẳn là phải có bao nhiêu điều để nói và để nhắc nhở. Nhưng trước thái độ của My, Lũy ngần ngại :

- My có chuyện buồn với Cúc Huyền ?

My bật khóc. Những tiếng khóc nhỏ làm cho Lũy tê điếng vì bàng hoàng.

- My không nói gì cả ?

- My không biết nói làm sao bây giờ. Lũy về nhà chị Thục sẽ rõ.

Lũy cười :

- Bí mật nhỉ.

- Không phải chuyện vui đâu mà Lũy cười. Lần này trở lên Lũy vô tình ghê, không biết gì hết.

Lũy quơ tay một vòng, giải thích :

- Lũy mới vừa xuống xe. Ði tới đây. Có biết chuyện gì đâu mà My trách ghê quá vậy ?

- Không phải trách, mà Lũy phải biết.

- Nhưng chuyện gì. My khó ghê nơi ?

My ngó Lũy :

- Ðã bảo không phải chuyện vui đâu mà Lũy đùa hoài. Về nhà chị Thục Lũy sẽ biết.

Lũy im lặng. Con đường đã thưa người và mất dần tiếng động. Qua một ngôi nhà có rào xanh phía ngoài, Lũy trông thấy màu hoa vàng rực rỡ bên trong. Mùa thu đã rơi mất nhẹ trên đường trước khi Lũy đến đây. Màu hoa như một dáng trời chiều, muôn thuở của cô đơn và của cái đã mất. Lũy nghe như có mấy cơn sóng nhỏ làm xao xác trong tâm hồn mình. Qua một ngã tư, phải chia hai đường. Lũy về nhà chị Thục, My đi xuôi theo con đường về phía dưới. Lũy nói :

- Ngày mai My ghé nhà chị Thục chơi nhé.

My lắc đầu :

- My không dám đi ngang bờ hồ nữa.

- Sợ Cúc Huyền gặp hả. Ðừng lo. Lũy lên đây là huề hết. Lũy sẽ giảng hòa cho hai người. Giận nhau làm gì, buồn thấy mồ.

- Không phải giận nhau. Vì còn nữa đâu mà giận.

- My hôm nay thấy thay đổi và có vẻ bí mật.

- Lũy về nhà chị Thục sẽ biết.

My quay đi. Lũy kêu :

- Nhưng mai My có tới chơi không ?

- Ngày mai My ở ngoài biển. Lũy ra đó sẽ gặp.

Lũy cười. Ðường về nhà My hai bên nở đầy hoa trong rào cây xanh. Ở tháp chuông nhà thờ cao, bầy chim bồ câu tung cánh bay lên như một cây dù lớ, che lấy nắng trên đầu My. Lũy thấy những cái bóng xám của bầy chim in phía dưới mặt đường, lướt nhanh qua và trả về cho một bầy nắng đầy, trải khắp một vùng cây xanh hoa vàng và những ngôi nhà mái ngói đỏ.

Lũy nghe hơi gió mát từ phía hồ thổi tới. Nắng chiều rơi ở dưới chân và Lũy nghe chính những bước chân của mình ném rơi trên đường. Có một cảm thông nào nơi những bước chân và ý nghĩa của một người trở lại ? Lũy lắng nghe tiếng móng ngựa gõ từ phía bên kia bờ hồ vọng tới. Một lúc chiếc xe ngựa hiện ra, xám ngoét in trên dáng nắng thành một cái bóng lớn.

Lũy nép vào lề nhìn chiếc xe ngựa tiến chậm chạp trên con đường về hướng chợ. Cổng nhà chị Thục hiện ra với giàn hoa giấy đỏ ối, um tùm. Lũy quay lại nhìn mặt hồ xanh, bao la, chạy men theo chân cây là con đường đất nhỏ, mòn nhẵn, về phía nhà Cúc Huyền. Lũy còn ngó thấy được đỉnh cây trứng cá cao lêu nghêu bên trên với những chùm bông. Từ trong sân, Hạnh lò dò đi ra, dòm Lũy qua khoảng trống của chùm bông giấy dưới thấp. Nhận ra Lũy, Hạnh nhảy lên, reo to :

- Trời ơi, cậu Lũy tưởng ai.

Hạnh mở bung cánh cổng. Lũy bước vào hỏi :

- Hạnh cúp cua hay sao mà hôm nay ở nhà ?

- Trời ơi, cậu quê ghê. Hôm nay Hạnh nghỉ hai giờ sau.

- Má có ở nhà không nhỏ ?

- Má ở trong.

Chợt Hạnh sầm mặt lại, ngó Lũy.

- Gì thế ?

- Cậu hay gì chưa ?

- Cậu có hay gì đâu. Cậu chán thành phố của cậu, nhớ thành phố của cháu nên lên chơi. Cậu đi tùy hứng, bất ngờ, và không hay biết gì cả.

- Má có viết cho cậu một cái thư. Hạnh cũng có viết một cái trước đó. Nhưng mới nhất là cái thư của dì My. Dì ấy gởi sau một ngày chôn dì Cúc Huyền xong.

Lũy nghe loáng thoáng những lời Hạnh nói, chợt nhớ tới gương mặt ngồi trên chiếc xe lao xuống con dốc thật sâu. Lũy có cảm tưởng mình đang bay vào không khí. Thứ không khí mỏng manh, dễ tan và u buồn của ngày gần tàn mùa thu.

Lũ chim cát ngày nào vẫn không bay khỏi những mỏm đá. Chúng quen thuộc, như những cái đã quen thuộc nơi đây. Phía dưới kia là biển, trên kia là rừng thông reo vi vu. Nắng trong vắt, hin lành, bay hương thơm của một đầu ngày tươi thắm. Trong nắng, bàng bạc của một màu áo xưa. Trong biển muôn trùng có ngút ngàn thương nhớ. Dưới chân Lũy và My, ngôi mộ Cúc Huyền còn nguyên một màu đất mới. Những cành cây khô héo lá, những khúc mía lau cắm xung quanh chân mộ và những cây chân nhang còn trơ lại một dáng điệu u buồn. Giữa ngôi mộ có vài nhánh hoa mười giờ do My trồng chưa trổ bông. My bảo :

- Hoa mười giờ dễ trồng, sống lâu. Ngày trước Cúc Huyền thích hoa mười giờ trong sân trường lắm. Bây giờ My trồng có mấy nhánh, mai mốt Cúc Huyền sẽ có cả một vườn, tha hồ mà ngắm hoa nở lúc My đi học về.

Câu nói của My làm Lũy như tan ra một đám bụi nhỏ, bay tản mát vào cát biển. Lũy cố gắng lắm mới giữ cho câu nói bình thường :

- Chừng nào thì mới có bông My nhỉ ?

- Ðộ tuần nữa, khi nhánh đâm ra dưới đất là trổ bông ngay. Lũy lấy một cây que xâm xuống cát, tìm những con bồ nhủi. Lũy muốn kéo dài trò chơi này để không phải nghĩ thêm. Buổi sáng sương còn lồng trong nắng, thị trấn này mưa đến hết mùa thu. Lũy còn thấy những chiếc lá thông bay vật vờ đàng xa. Lũy không thể nào ngờ khi trở lại đây cái hơi ấm của mùa thu tan mất trên hai bàn bàn tay mình. Chỉ còn có những con đường, gió lạnh bạc. Phấn thông vàng, như mưa bụi đổ xuống biển xanh. Và Cúc Huyền không thể nào còn ngồi ở bất cứ một chỗ nào nữa. Trong khi nơi đây, rừng, đồi, và bãi cát mênh mông.

My cũng dùng cái que bắt chước trò chơi của Lũy. Lũy ngó những ngón chân My trắng hồng, như những cây chổi bắt đầu dậy lên từ dưới cát. Mái tóc My chảy dài xuống, những sợi sóng lóng lánh trong màu nắng. Lũy hỏi :

- Không có Cúc Huyền chắc buồn lắm hả My ?

My ngó Lũy hỏi :

- Ai buồn ?

- Ai cũng buồn cả. Ðến những con đường chiều hôm qua tôi cũng thấy buồn nữa là.

My nói thật xúc động :

- My còn nghe cả nước trong hồ buồn. Tiếng móng ngựa gõ trên đường lúc sáng sớm, những con bồ câu trên tháp chuông nhà thờ nữa. Những điều nhỏ nhặt và những điều lớn nhất. Không hiểu rồi bao lâu mới chấm dứt cái khoảng thời gian này. Nó như có riêng đời sống của nó. Ðời sống của kẻ chết ở trong một đời sống còn lại.

- Rồi cũng sẽ quên.

My định nói gì đó rồi tự nhiên lắc đầu, đưa tay chỉ về nơi có thật nhiều chim cát đậu. My nói :

- Ngày trước Cúc Huyền còn ngồi đó. Cúc Huyền gọi nơi đó là thung lũng chim cát. Bởi vì mùa thu chim cát về từng bầy. Và đến hết mùa, lúc trời sửa soạn sang đông thì bay đi.

- Mùa thu lại về.

- Ừ, mùa thu lại về.

Lũy cười buồn :

- Tôi cũng tỉ như là một con chim cát. My thấy không ?

- Bây giờ hãy còn mùa thu.

Lũy nghe thấy âm thanh khua động ở phía xa, một lúc sau có một cỗ xe bò lọc cọc xuống bãi cát. Người đàn ông đánh xe, người đàn bà và một đứa nhỏ ngồi ở phía sau. Xuống bãi họ dừng xe lại, nhảy xuống, mỗi người cầm trong tay một cái xẻng. Ba cái bóng loay hoay trong dáng nắng. My nói :

- Họ lấy cát.

- Có khi nào họ chôm mộ người trong bãi cát này không ?

My cười :

- Chỉ có lũ ốc và chim cát.

- Có Cúc Huyền.

My ngơ ngác ném cây que của mình. Lũy nhìn những cây dương bị cát lấp dần ở phía xa, sau ba người đi lấy cát. Có lẽ trong vài hôm nữa chả ai còn thấy được những cây dương đó. Ngôi mộ của Cúc Huyền ở dưới chân đồi, cách bãi cát một con đường mòn nhỏ có hoa dại lấm tấm. Không có ai ở nơi đây, và có lẽ cũng không còn gì ở đây. Chỉ có cỏ, và bông mười giờ nở trên bãi. Lũy thấy trong tay My có một cây que khác. My dùng que vạch lên cát hỏi :

- Chừng nào Lũy về ?

- Không biết trước.

- Lũy đừng về sớm nhé ?

- Ở đây làm gì ?

My khựng lại. Ðôi mắt hướng ra biển. Bây giờ Lũy mới thấy bọt biển trắng xóa ngoài xa và nghe tiếng sóng thật buồn. Âm thanh của sóng ùm ùm dội vào những mỏm đá. My lại vạch que xuống đất :

- My cũng không biết phải làm gì.

- Ði học và lo thi.

- Không nổi.

- Tại sao ?

My dừng lại lắc đầu. Lũy cười hỏi :

- Chán học à ?

- My thấy đầy ứ ở cổ. Muốn ngồi yên một chỗ và tan biến dần. Không còn Cúc Huyền, My sợ những buổi chiều trời mưa tan học về lắm.

- Còn cái ông gì "bồ" của My đâu ?

My sầm mặt :

- Lũy chuyên môn đùa. Lũy nói bậy nữa, mình về.

- Không có về.

- Chứ ở đây nghe Lũy nói bậy hoài.

Lũy cười :

- Không nói bậy nữa.

My yên lặng ngó ra biển. Lũy nhìn đôi mắt My, tưởng chừng như đôi mắt ấy long lanh. Mùa thu nơi đây, đưa những đám mây trời về ngang biển, những đám mây trắng đục, u buồn. My ngồi đó như Cúc Huyền. Nhưng Cúc Huyền đã như một người ngày xưa, chỉ còn tưởng nhớ, và nghe lại trong một câu chuyện.

- Lũy này ?

Lũy ngó My, chờ đợi câu hỏi. Nhưng My lại ấp úng nhìn xuống bàn chân mình xủi dưới cát. Lũy cười :

- Ðịnh nói gì ?

- Có lẽ rồi My cũng phải bỏ nơi này mà đi thôi.

- Sao thế ?

- Tự nhiên My thấy những cái quen thuộc của mình trước kia cũng trở thành hoang vu. Cúc Huyền không còn, My tưởng chừng như không còn tất cả. My không biết làm gì khi nghĩ tới ngày mai.

- Ngày mai My cũng lại đi học.

- My sợ phải ôm cặp, đi lại những con đường cũ.

Lũy định đùa cho My bớt buồn, nhìn đôi mắt My Lũy không cười được. Và lúc này không cười được Lũy cũng sẽ không biết làm gì. Lũy nói :

- Coi thế rồi cũng qua tất cả.

- Qua hay quên ?

Lũy ném một hòn sỏi ra xa, chỗ những con chim cát. My nhìn theo hòn sỏi, không nói gì. Lũy lắng nghe tiếng sóng vỗ ùm ùm trên ghềnh đá, nhớ lại một buổi chiều đi chơi ngày trước với bé Hạnh. Ở đó có còn một chỗ ngồi nào cho Cúc Huyền ?

- Lũy nghĩ gì ?

Lũy đáp :

- My có đi lên trên chỗ ghềnh đá kia chơi không ?

- Có, ngày xưa, với Cúc Huyền.

- Tiếng sóng trên đó nghe khác với tiếng sóng dưới này. My có thấy thế không ?

My ngơ ngác lắc đầu. Lũy nói :

- Mình đi lên đó chơi.

Hai người đứng lên đi trong lối mòn dẫn lên chỗ ghềnh đá. My phải trèo. Và Lũy bối rối nắm tay My giữ lại mỗi khi My suýt té. Lên trên nhìn xuống mặt biển vẫn sâu và xanh. Những chỗ ngồi vần hoang vu như ngày nào với từng phiến đá phẳng lỳ lấm tấm rêu. My ngồi xuống thở, hai má đỏ bừng và mấy giọt mồ hôi rịn ra chân tóc. Lũy hỏi :

- Mệt lắm phải không ?

My cười, Lũy nói :

- Ðừng ngó xuống biển, My sẽ bị chóng mặt đấy.

- My thích chóng mặt, rồi hết.

- Chóng mặt, My sẽ té xuống biển và làm mồi cho cá.

My chả sợ lời đe dọa của Lũy. My chồm người ra, nhìn xuống mặt biển sâu. Gió lớn và sóng đánh ùm ùm không ngớt. Lũy phải dòm chừng My, chỉ sợ My chóng mặt ngã ngay xuống nước. Một lúc My ngẩng lên, ôm lấy đầu, bịt tai lại kêu :

- Chóng mặt quá.

- My ngồi yên và hít vào thở ra, một lúc sẽ hết.

Những con chim cát bỗng bay đến vây quanh lấy hai người. Lũy nhớ tới lời hứa với bé Hạnh ngày trước. Không có một lời hứa nào được thực hiện với Cúc Huyền hết. Chấm dứt một khoảng thời gian hay là đã chấm dứt luôn một đời. Lũy lượm rất nhiều đá vụn ném tung về phía những con chim cát sau một lúc nghe ngóng, nhìn những hòn đá thi nhau ném tới rồi bay mất. Không còn một con chim nào ở lại cả. Lũy hát nhỏ :

" Nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em, tóc em từng sợi nhỏ. Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh. Gió sẽ mừng vì tóc em bay, cho mây hờn ngủ quên trên vai, vai em gầy guộc nhỏ. Như cánh vạc về chốn xa xôi. Nắng có còn hờn ghen môi em. Mưa có còn buồn trong mắt trong, từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng. Suối đón từng bàn chân em qua, lá hát từ bàn tay thơm tho, lá khô vì đợi chờ cũng nhừ đời người mãi âm u. Nơi em về ngày vui không em, nơi em về trời xanh không em, ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh".

My quay mặt đi, đôi mắt My long lanh, không cầm được những giọt lệ. Lũy nghĩ tới ngày mai. Khi mình sẽ rời thị trấn, còn mang theo những gì nơi đây. Những sợi tóc của Cúc Huyền đã rớt xuống đời làm sóng lênh đênh. Hay chiếc lá vàng thu thơm tho trên lòng bàn tay Lũy đã không còn lóng lánh nước mưa trước cổng trường Cúc Huyền nữa.

Lũy dậy thật sớm, qua khung cửa sổ anh thấy những hàng cây im ngủ dưới ánh đèn đường thị trấn. Những hàng cây chìm khuất trong mà sương dày đặc và hơi lạnh kinh khiếp như đồng loạt bay lên từ mặt hồ nước đã đóng thành băng. Chưa bao giờ Lũy sống trong một cảm giác lạnh tê tái như vậy. Dưới phố, nơi những con đường lướt thướt trong sương là những âm thanh buồn buồn đưa tới. Lũy không biết gọi nó là gì, chỉ biết đó là âm thanh của thị trấn, một thứ âm thanh đặc biệt không nơi nào có được. Lũy lắng nghe trong một thoáng. Lẫn trong tiếng "u u" như tiếng nhà máy đèn, còn có tiếng móng ngựa gõ lóc cóc đi về hướng nào, làm lòng Lũy dậy lên sự thương nhớ.

Lũy xách chiếc va ly xuống nhà. Chị Thục đã thức và ngồi sẵn trong ghế chờ đợi. Chị mặc chiếc áo len màu xanh thẫm, tay khoanh trước ngực đưa mắt nhìn Lũy :

- Em về thật à ?

Lũy đặt va ly xuống chân :

- Ðã đến lúc không còn ở lại được thì phải về thôi.

- Còn sớm quá, sương dày đặc. Ði như vậy thì lạnh lắm.

- Em thích đi giờ này.

- Chớ không phải...

Chị Thục bỏ lửng câu nói, chị rót một tách cà phê đã hâm sẵn trong cái bình điện đặt trước mặt Lũy khi anh vừa ngồi xuống chiếc ghế rộng.

- Bé Hạnh còn ngủ hả chị ? - Lũy nhấp một ngụm cà phê và hỏi.

- Ủa, em không muốn cho nó biết mà ?

- Em hỏi thế thôi.

- Còn Tiểu My, có biết em về không ?

- Chắc là không.

- Sao thế ?

- Em cũng không muốn cho Tiểu My biết, cô ấy hay khóc lắm.

- Cũng giống như Cúc Huyền vậy chứ gì ?

Lũy thở dài. Chị Thục biết mình lỡ lời, khi nhắc tới Cúc Huyền, chị cũng sững người ngồi im lặng trong ghế. Lũy mồi thuốc, anh nhả khói lặng lẽ thành những vòng tròn.

- Bao giờ Lũy sẽ trở lên ? - Một lúc lâu, chị Thục hỏi.

- Không biết bao giờ.

- Buồn quá, cho nên em sợ gặp lại nỗi buồn ở đây chứ gì ?

- Chị biết rồi đó, hỏi em làm gì.

- Ðâu có ai sống mãi với nỗi buồn đâu em. Thời gian đi qua và mọi việc sẽ xoá nhòa như dấu chân trên bãi cát bị sóng biển cuốn ra khơi vậy thôi.

- Nhưng có điều sẽ sống mãi chứ.

- Hình bóng của Cúc Huyền, phải không?

Lũy quay đi không trả lời. Anh có cảm tưởng mình nuốt phải một ngụm khói đắng. Lũy ho khúc khắc mấy tiếng. Chị Thục vuốt những sợi tóc, giọng buồn buồn:

- Coi vậy chứ thời gian là một phương thuốc mầu nhiệm đấy em ạ, hy vọng năm sau, năm sau nữa em lại vui vẻ trở lại thị trấn heo hút này.

- Em không hứa. Có khi em sẽ phải đi xa, em sẽ không còn ở Sàigòn nữa đâu.

- Em định đi đâu ?

- Cũng chưa biết.

- Sao trông em giống như con chim lẻ bạn sắp chết vậy. Ðàn ông con trai như vậy là dở lắm.

Lũy cười héo hắt, anh đứng lên xách chiếc va ly:

- Thôi em về đây, chị cho em gởi lời chào anh Ðồng.

- Còn Tiểu My, em không gởi lời chào à ?

- Rồi cô ấy sẽ biết. Em sẽ biên thư khi về tới Sàigòn.

- Coi chừng, Tiểu My nói cũng mến em lắm đấy.

- Sao lại phải coi chừng, hả chị Thục ?

Chị Thục cười:

- Bởi vì tình cảm con người ta lạ lắm em ạ. Chị là phụ nữ, chị có giác quan thứ sáu nhạy bén lắm.

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là chị không muốn thấy cái mặt rầu rĩ suốt ngày của em nữa.

Chị Thục đi với Lũy ra cửa. Lũy ném vụt mẩu thuốc tàn vào vệ cỏ.

- Thôi, em về. Khi nào Tiểu My có tới chơi, chị nói rằng em vội quá nên về mà không báo trước.

- Coi chừng Tiểu My sẽ khóc và giận em đấy. Ðừng chọc cho con gái giận, bởi vì con gái giận lâu lắm.

Lũy cười, anh phác một cử chỉ chào chị Thục rồi kéo cao cổ áo măng tô bước ra đường. Lũy có cảm tưởng những ngọn gió lạnh giống như những ngọn roi tê buốt quất vào mặt anh. Cứ thế, Lũy lầm lũi bước đi.

Chiếc xe hàng đổ cái bóng dài trên bến, người ta đang bận rộn chất hàng lên mui và hành khách hãy còn thưa thớt trên các dãy ghế ngồi. Lũy bước vào một quán cà phê để đợi chuyến xe. Có lẽ quán mới vừa mở cửa nên đứa bé than hồng quạt lia lịa để nấu nước cà phê. Con be mặc chiếc áo len màu xám cũ, tóc cắt bom bê, nhanh nhẩu nói:

- Chú ngồi đợi chút xíu sẽ có cà phê ngay.

Lũy cười cười, anh hỏi mua thêm bao thuốc lá và ngồi hút liên tục. Trời lạnh kinh khiếp, mặc dù mặc chiếc áo măng tô dầy cộm nhưng Lũy có cảm tưởng anh đang run lập cập, những ngón tay Lũy tê cóng.

Như vậy chỉ còn ít phút nữa, trước khi trời sáng tỏ Lũy sẽ rời thị trấn cao nguyên này và không biết khi nào mới có can đảm trở lại. Lũy là một người rất sợ nỗi buồn, thế mà ở đây Lũy đều nhìn thấy nỗi buồn vướng vất khắp mọi nơi. Hình ảnh của Cúc Huyền như ấn hiện trong sương mù, ngùi ngùi trong gió lạnh, và dậy lên trên những màu hoa. Ôi đôi mắt của em, đôi mắt sâu thẳm ngàn trùng, lúc nào cũng đeo bám theo tôi.

- Cà phê xong rồi, chú uống cà phê đen hay cà phê sữa ?

Ðứa bé gái đứng trước mặt Lũy, gương mặt nó đỏ ửng vì vừa bước ra khỏi bếp. Lũy nói:

- Cà phê đen, không đường.

- Í, chú uống cà phê không bỏ đường đắng lắm. Cà phê ở đây nguyên chất chứ không giống như dưới Sàigòn người ta pha đủ thứ đâu.

- Nhưng tôi thích uống như vậy lâu rồi.

- Cháu cho một chút xíu đường thôi nghe ?

- Cũng được.

Liền đó, đứa bé gái mang đến đặt trước mặt Lũy một tách cà phê bốc khói. Ðứa bé gái bỏ đi với công việc của nó, còn Lũy một mình ngồi nhấp từng ngụm cà phê đắng. Một lúc, Lũy thấy có chiếc xe ngựa từ ngoài đường chạy vào bến xe. Lũy giật mình khi thấy Tiểu My từ trên chiếc xe ngựa bước xuống, cô bé dáo dác tìm kiếm trong đám đông và rồi đi tới quán cà phê. Vừa nhận ra Lũy, Tiểu My chạy ào tới, giọng cô nghẹn ngào:

- Trời ơi, em cứ tưởng không còn kịp nữa ...

- Anh đang chờ xe.

- Sao anh về lặng lẽ thế, không báo cho ai biết vậy ? - Tiểu My ngồi xuống ghế, trách móc. Lũy cười :

- Có ai đâu mà báo. Còn Tiểu My thì anh cố giấu.

- Tại sao ?

- Tại anh thích như vậy.

- Anh đúng là một kẻ vô tâm, hồi trước Cúc Huyền đã bảo như vậy. Chính em là người đã bênh vực cho anh. Bây giờ em thấy Cúc Huyền nói không sai chút nào.

- Sao Tiểu My biết anh ở đây ?

- Nếu anh về Sàigòn thì chỉ ở bến xe thôi chứ ở chỗ nào khác đâu ?

- Lỡ anh ra phi trường đi máy bay thì sao? - Lũy cười trêu cô bé.

- Anh ra phi trường em cũng ra phi trường, máy bay chở anh bay lên trời em cũng níu cánh máy bay lại.

- Tiểu My ghé nhà chị Thục à ?

- Cũng may là em đến không quá muộn. Sao anh ăn ở chi mà ác đức thế ? - Tiểu My giận dỗi lườm Lũy.

- Sao Tiểu My biết anh về ngày hôm nay ?

- Linh cảm. Con gái có giác quan đặc biệt.

- Tiểu My uống gì đi, trời lạnh quá.

- Em muốn uống rượu.

Lũy trợn mắt:

- Bộ My khùng hả ?

- Ừa, chắc em khùng rồi. Sau khi Cúc Huyền chết, em mất một người thân thiết nhất đời, coi như mất một phần thân thể cho nên em khùng.

- Thôi, đừng có khùng nữa. My uống cà phê sữa nhé.

- Em uống rượu.

- Ðể làm gì ?

- Ðể chia tay với anh.

- Quán chỉ bán cà phê thôi, mình uống cà phê để chia tay cũng được.

- Uống cà phê chỉ đắng thôi chứ không say. Em lại thích uống cái gì vừa đắng, vừa cay mà còn phải say nữa cơ. Do đó em chỉ muốn uống một... xị rượu đế.

Lũy cười, nắm những ngón tay nhỏ nhắn đầy lạnh giá của Tiểu My, nhưng cô bé đã rụt tay lại, lườm:

- Anh đừng nắm tay em.

- Ừ, anh có nắm được đâu.

- Nếu em không kịp rụt tay về thì anh đã nắm được rồi, đừng có khôn.

- Nếu không uống cà phê sữa thì My uống sữa nhé, bé con.

- Ðừng lên giọng người lớn với em. Người ta không còn bé nữa đâu.

- Người lớn cũng uống sữa được như thường.

- Uống bao giờ ?

- Khi nào... bị bệnh.

- Ừ, em đang bệnh đây. Thôi cho em uống sữa đi.

Lũy hốt hoảng:

- My bị bệnh thật à ?

Tiểu My ngước nhìn Lũy, đôi mắt cô bé buồn muốn khóc:

- Ðúng, em đang bị bệnh thật rồi.

- Em đi trời lạnh, do đó bị cảm sốt phải không ?

- Em cảm lạnh chứ không cảm sốt. Cảm lạnh vì cô độc, vì thị trấn mù sương quanh năm suốt tháng này chỉ còn lại mỗi mình em.

Lũy xúc động nắm những ngón tay nhỏ bé lạnh giá của Tiểu My. Lần này cô bé không rụt tay về nữa, mà có rụt cũng không kịp vì Lũy chụp nhanh quá. Anh có cảm giác Tiểu My giật thót người, đôi mắt hoảng sợ như con thỏ rồi... để yên mấy ngón tay trong lòng bàn tay Lũy.

- Tay em lạnh lắm phải không? - Tiểu My run giọng.

- Không, từ bây giờ nó sẽ ấm lên.

- Làm sao ấm được?

- Em cứ để yên trong bàn tay anh chừng... một giờ đồng hồ.

- Anh khôn quá trời.

Tiểu My cười và rụt tay lại. Lũy gọi cho Tiểu My ly sữa nóng. Khi đứa bé mang ly sữa lại đặt trước mắt Tiểu My, Lũy cầm chiếc muỗng cà phê nhỏ quậy đều.

- Uống đi bé.

- Lại bé ?

- Thôi, uống đi người lớn - Lũy cười.

- Anh bỏ cái giọng ấy đi. Hồi trước Cúc Huyền giận anh mà chết đấy, đừng làm cho em phải chết theo. Em chết sẽ hóa thành con chim cát ngoài bãi biển, em chờ anh đi dạo trên biển sẽ mổ vào mắt anh cho bỏ ghét.

- Sao em dữ thế ?

- Bây giờ em là hai người. Em vừa là Cúc Huyền, vừa là Tiểu My, cho nên em dữ.

Tiểu My uống sữa từng ngụm, vừa uống cô bé vừa ngước đôi mắt đen như hai hạt nhãn nhìn Lũy. Ðôi mắt của Tiểu My trong giờ phút này sao giống đôi mắt của Cúc Huyền thế.

- Trên này My đi học vui nhé.

- Làm sao mà vui cho được, anh. Chắc là em sẽ khóc hoài.

- Khóc ít thôi, khóc hoài sẽ ngập hết thị trấn và cũng chẳng có ai để dỗ đâu.

Tiểu My ngượng ngùng chống chế :

- Em đã khóc thì trời dỗ cũng không nín.

- Vậy em đi đóng kịch được.

- Ðừng có ngạo người ta. Nhưng em không phải dễ khóc đâu. Khó mà làm cho em khóc được.

- Vậy mà lúc nãy anh thấy Tiểu My khóc rồi đó.

Tiểu My cúi mặt, ngượng ngùng giấu nụ cười sau mái tóc. Lũy nhìn đồng hồ, chưa tới 5 giờ. Trời mỗi lúc càng đổ thêm sương mù xuống khu phố trước mặt. Những bóng đèn trên bến xe hiu hắt, loáng thoáng những bóng người di động như trong cõi mơ hồ.

- Lũy này, về Sàigòn bao giờ anh quay lại đây?

- Chưa biết.

- Chắc là anh sẽ quên thành phố cao nguyên của em.

- Không quên đâu.

- Có trời mới biết được.

- Ở đây có nhiều thứ dễ nhớ quá, làm sao anh có thể quên.

- Em cũng mong như vậy.

- Tiểu My sẽ biên thư cho anh chứ ?

- Không hứa.

- Nhớ đi thăm mộ Cúc Huyền mỗi tuần giùm anh và cắm vào đấy một bông hoa nào Tiểu My thích nhất.

- Chỉ mình em thích thôi ư, còn anh thì sao?

- Anh thích nhiều thứ hoa lắm, sợ Tiểu My không nhớ nổi đâu.

- Thế mà nhớ nổi đấy. Anh tin không ?

- Chắc anh sẽ tin. Và bao giờ... lấy chồng nhớ biên thư cho anh hay, anh sẽ lên ăn đám cưới.

- Tự nhiên cái lấy chồng? Anh nói chuyện như đùa.

- Biết đâu đấy, con gái thay đổi nhanh khiếp lắm.

- Em là một người không thay đổi. Em là núi đá, là biển khơi. Anh tin không ?

- Chắc anh sẽ tin.

- Sao cái gì anh cũng "sẽ" hết vậy ?

- Nói như vậy cho chắc ăn.

- Anh khôn không ai bằng. Hồi trước...

Lũy đưa tay bịt miệng Tiểu My, giọng anh như sắp khóc:

- Thôi, đừng nói cái câu My thường nói nữa.

Tiểu My gỡ bàn tay Lũy, cô không buông ra mà nắm lấy những ngón tay Lũy. Anh cảm nhận có hai giọt nước mắt nóng ấm rơi xuống ngón tay mình.

- Ðừng khóc Tiểu My, hãy vui lên khi chia tay.

Tiểu My cười trong nước mắt :

- Anh có thấy em vừa là Cúc Huyền, vừa là Tiểu My không ?

- Ðiều này thì anh tin.

- Nếu thế, anh đừng bao giờ quên thị trấn cao nguyên của em nhé.

- Hãy tin điều đó, Tiểu My ạ.

Khoảng sáu giờ, chiếc xe bóp kèn gọi khách vang trên bến. Tiểu My mắt đỏ hoe nhìn Lũy. Hai người rời khỏi quán cà phê để ra bến xe.

Lúc ngồi trên xe, Lũy quay xuống nói:

- Em về đi, đứng ở đây lạnh lắm.

- Em không về khi nào xe chưa chạy.

- Em cứng đầu ghê lắm. Anh không thích những cô bé cứng đầu.

- Những cô bé chứ không phải một ?

Lũy cười :

- Một thôi cũng đủ khổ rồi.

- Anh xạo không ai bằng.

Khi người khách cuối cùng bước lên xe, bác tài xế rồ mạnh ga, một hồi còi ngắn vang lên trên bến xe và chiếc xe từ từ lăn bánh. Lũy quay đầu nhìn Tiểu My đứng dưới ánh đèn, màu áo của cô mờ mờ trong sương nhưng đôi mắt nhìn theo thì như xoáy tâm hồn Lũy. Ôi đôi mắt, giống như Cúc Huyền xưa, sẽ mãi mãi theo Lũy trong suốt cuộc đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#truyện