hwfhlwegheui

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

UỔI VỊ THÀNH NIÊN : NHỮNG VẤN ĐỀ TÂM LÝ XÃ HỘI

GS.BS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT

(Tài liệu giảng dạy lớp Chuyên khoa Tâm lý lâm sàng của Trung tâm NT Hà Nội)

            Tuổi chưa thành niên (vị thành niên) được định nghĩa là giai đoạn chuyển tiếp của sự tăng trưởng và phát triển từ cuối tuổi trẻ em đến bắt đầu tuổi trưởng thành, đại để từ 12 đến 18 tuổi. Tuổi dậy thì (puberty), theo nghĩa hẹp nhất, chỉ thời gian trong cuộc đời người vị thành niên khi các cơ quan sinh dục đã phát triển về mặt sinh lý đủ để có khả năng sinh sản. Đến tuổi dậy thì (pubescence) chỉ giai đoạn diễn ra những thay đổi quan trọng. Tuổi vị thành niên nói chung có thể chia thành ba giai đoạn - bắt đầu, trung gian và cuối - đôi khi gọi là tiền dậy thì, dậy thì và sau dậy thì.

            Suốt lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi quan trọng về mặt thể chất, cảm xúc và xã hội diễn ra ở mỗi cá nhân. Những thay đổi này xảy ra đồng thời hoặc từng đợt nối tiếp nhau trong tất cả ba lĩnh vực nói trên. Những thay đổi đó liên quan tới nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy vậy, để nhận biết và hiểu được các thay đổi quan trọng đó, ta sẽ xem xét riêng từng phương, song bao giờ cũng cần nhớ rằng trong cuộc sống thực, chúng không hoàn toàn diễn ra đúng như vậy.

SỰ PHÁT TRIỂN VỀ THỂ CHẤT

            Trong suốt thời trẻ em, các cơ quan sinh dục chẳng thay đổi bao nhiêu, song trong giai đoạn vị thành niên, sự tăng trưởng từ dậy thì đến chín muồi diễn ra theo một trình tự nhất định. Tuổi dậy thì được phát khởi từ vùng dưới đồi (hypothalamus), nó kích thích tuyến yên. Tuyến yên kiểm soát toàn bộ sự tăng trưởng, kích thích sự sản xuất các hormon của buồng trứng, tinh hoàn và tuyến thượng thận. Các tác nhân đặc hiệu của tuổi dậy thì là hormon giới tính - estrogen từ buồng trứng và androgen từ tinh hoàn. Con gái thường đạt tới tuổi chín muồi về giới tính sớm hơn con trai 2 năm. Tuổi dậy thì trung bình của trẻ gái là 11-14 tuổi; ở trẻ trai là 13-16 tuổi. Mỗi cá nhân có một thời gian biểu riêng, nam hay nữ cũng vậy, thành thử có những biến thiên lớn về thời gian, song trình tự chín muồi về giới tính thì như nhau.

            Sự phát triển “kịch tính” của các cơ quan sinh dục dẫn đến sự thức tỉnh và các ham muốn tính dục, nhưng lại có những ràng buộc rất nghiêm ngặt chi phối các ứng xử tính dục của người vị thành niên. Mặc dù chín muồi về chức năng sinh lý, người vị thành niên vẫn được xem là trẻ em về mặt cảm xúc và xã hội. Người vị thành niên thấy sợ hãi và bối rối vì những cảm nghĩ mới mẻ về giới tính này mà ngay bản thân (và cả các bậc cha mẹ) thường cho đó là “điều xấu xa”. Người chưa thành niên cần có cơ hội bày tỏ các cảm nghĩ đó và học cách làm sao kềm chế và chuyển hướng các ham muốn tính dục của mình. Đồng thời với sự tăng trưởng về giới tính, cũng diễn ra giai đoạn “nước rút” của sự tăng trưởng toàn thân. Người vị thành niên dường như lớn lên từng ngày. Trong thời kỳ dậy thì, trung bình mỗi em trai cao thêm chừng 20cm và em gái chừng 9cm (người Châu Âu) mà đỉnh điểm là từ 12-13 tuổi đối với em gái và 14-15 tuổi đối với em trai. Trong giai đoạn này, cơ thể không chỉ lớn lên về chiều cao và cân nặng, mà còn cả về các kích thước khác: đầu, ngực, mông, tay, chân. Tất cả các bộ phận cơ thể lại không lớn lên theo cùng một tốc độ, nên người vị thành niên trông có dáng ngượng nghịu và có phần không cân đối.

            Các cô, các cậu đều lo nghĩ về dáng vẻ của mình và mất hàng giờ đứng trước gương, tìm hiểu những thay đổi đang diễn ra. Thường thì các cô muốn mình thấp hơn hiện tại, còn các cậu thì muốn mình cao hơn. Thường bàn chân to nhanh theo kiểu “nước rút”, hiện tượng này càng diễn ra sớm thì bàn chân càng có vẻ to hơn. Điều này đôi khi làm nảy sinh vấn đề đối với cha mẹ cũng như người vị thành niên vì phải đóng giầy mới luôn. Bất cứ một thời kỳ lớn nhanh nào cũng là một thời kỳ có nguy cơ, nên người vị thành niên cần được cung cấp thêm thực phẩm và cần được nghỉ ngơi. Anh ta cần huy động toàn bộ sức lực và năng lượng có thể có vào việc làm chủ các vấn đề của giai đoạn lớn nhanh này. Chỉ riêng nhu cầu calori không thôi cũng đã là chuyện ghê gớm rồi. Đối với người Châu Âu, trung bình mỗi cậu con trai 16-19 tuổi cần hơn 3.600 Kcal mỗi ngày, nhiều hơn nhu cầu ở bất cứ giai đoạn nào trước đó và về sau cũng không cần nhiều hơn thế nữa. Một thiếu nữ tuổi 13 đến 15 cần đến 2.500 Kcal mỗi ngày, một nhu cầu chỉ thua mỗi thời cho con bú mà thôi. Thật vậy, người vị thành niên có thể chẳng bao giờ được ăn no nếu dạ dày quá nhỏ không chứa đủ tất cả các thứ mà mình cần. Và hậu quả là dưới mắt cha mẹ, dường như anh ta lúc nào cũng ăn cả.

            Tất cả cơ, xương, khớp và đều có một giai đoạn lớn nhanh, khiến chúng đặc biệt dễ bị căng và đau. Trong sự tăng trưởng của hệ tim mạch, quả tim có thể quá nhỏ không chống đỡ nổi stress và các căng thẳng, nên người vị thành niên cần được bảo vệ để tránh bị kiệt sức. Anh ta cần tất cả các yếu tố dinh dưỡng cho sự tăng trưởng - các vitamin, muối khoáng và protein - chứ không phải chỉ cần chất bột, chất béo để cung cấp năng lượng không thôi. Những thiếu hụt trong chế độ ăn đã có một ảnh hưởng bất lợi trong việc cung cấp năng lượng, với khả năng chống đỡ bệnh tật, với ứng xử cảm xúc và cả diện mạo nữa. Một trong những điều khó khăn nhất là giúp cho người vị thành niên được đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng, mà không phải là cứ nhét đầy bụng vì đói. Người vị thành niên cũng cần được độc lập và đưa ra các quyết định riêng, vì vậy không nên lúc nào cũng giám sát và “khuyên giải” anh ta, làm như vậy sẽ khiến nảy sinh các vấn đề rắc rối cho cả người vị thành niên lẫn các bậc cha mẹ.

            Chức năng vận động tiếp tục phát triển, người vị thành niên có thêm sức lực, thêm khả năng phối hợp, khả năng chịu đựng. Sự lúng túng của anh ta có liên quan đến diện mạo, đến sự ngượng ngùng e thẹn gia tăng, đến sự biến đổi nhiều hơn là liên quan đến sự thiếu khả năng của hệ thần kinh-cơ.

            Người vị thành niên được dẫn dắt tới một cách tư duy hoàn toàn mới mẻ. Lần đầu tiên, anh ta có khả năng thực nghiệm được tư duy trừu tượng hay tư duy hình thức. Đó thực sự là đỉnh cao của cái đã xây dựng được trong suốt thời kỳ trẻ em. Tất cả các quá trình tư duy đều được tổ chức lại ở một tầm cao hơn: tầm của những người trưởng thành. Trước đây còn là trẻ em, tư duy theo các đồ vật, các sự kiện cụ thể, cái đang tồn tại trước mắt trong thực tại. Bây giờ là thanh thiếu niên, anh ta có năng lực tư duy theo lối trừu tượng và tượng trưng, ấp ủ các quan niệm và lý tưởng chưa từng có trong kinh nghiệm của mình - như cái Vô tận chẳng hạn. Anh ta bắt đầu xây dựng các hệ thống và lý thuyết nhằm cắt nghĩa sự kiện thay vì chấp nhận và mô tả chúng. Điều khác biệt chính yếu giữa trí tuệ thanh thiếu niên với trí tuệ trẻ em là do nơi thanh thiếu niên có năng lực tư duy theo giả thuyết: cái mệnh đề “nếu...” mở ra một chân trời mới cho tư duy. Năng lực xem xét căn cứ một khía cạnh vào một thời điểm và xem xét mối liên quan của mỗi bộ phận với tổng thể, năng lực liên hệ các kinh nghiệm thực tế với cái có thể xảy ra, năng lực ấp ủ những ý tưởng mới mẻ và năng lực thay thế hoặc sửa đổi những ý tưởng cũ kỹ, hết thảy đều là những kinh nghiệm trí tuệ mới mẻ, cực kỳ quyến rũ đối với thanh thiếu niên. Những năng lực này làm thay đổi toàn bộ quan niệm về bản thân và về cái thế giới mà mình đang sống. Hết giờ nọ qua giờ kia, anh ta dành thì giờ để nắm bắt cái thế giới mới mẻ này của tư duy và thường làm cho cha mẹ khó chịu rất nhiều. Anh ta thực sự không phải là “kẻ đang mơ mộng” như thường bị buộc tội; mà là đang trải nghiệm, đang luyện tập và đang lớn lên trong các quá trình tư duy của mình - một phương tiện phát triển mang tính chất sống còn vậy.

            Liên quan tới các kinh nghiệm mới mẻ về trí tuệ, là một tình trạng xáo trộn trong kinh nghiệm về thời gian, một xáo trộn được gọi là “sự khuếch tán của viễn cảnh về thời gian” (diffusion of time perspective). Anh ta trải qua một cảm nghĩ về tính cấp bách của thời gian, nhưng lại hành động như thể thời gian chẳng quan trọng gì cả. Thật vậy, dường như đôi khi, từ các hành động của mình, anh ta đã mất tất cả các dấu vết của thời gian. Thật khó khăn biết bao khi phải ngừng các hoạt động đã nhập cuộc và cũng khó khăn không kém lúc khởi sự. Chẳng hạn, thật khó khăn khi lên giường ngủ cũng như lúc thức dậy buổi sáng. Một phương diện mới mẻ khác về thời gian ở tuổi vị thành niên là nhu cầu hướng tới tương lai. vị thành niên phải phát huy năng lực trí não được sự thỏa mãn trước mắt để dành khoái cảm nhiều hơn trong tương lai, năng lực này là một biện pháp thích nghi của người trưởng thành.

            Năng lực người vị thành niên xem xét ý nghĩ của riêng mình và ý nghĩ của người khác cho phép anh ta tạo ra một khán thính giả tưởng tượng. Sẽ dễ dàng hiểu biết một ứng xử nào đó của vị thành niên nếu ta thực hiện được điều là anh ta vừa là diễn viên vừa là khán thính giả. Một cách cho vị thành niên học được cách ứng xử mới là toát ra thành hành động và xem nó thích hợp như thế nào. Đôi khi, anh ta gặp khó khăn trong việc phân biệt những ý nghĩ, tình cảm và ham muốn của mình với người khác. Khi trở nên tinh khôn hơn, anh ta bắt đầu nhìn nhận bản thân trong mối quan hệ với người khác một cách thực tế hơn. Sự khám phá bản thân không đến một cách dễ dàng là vì vị thành niên có khuynh hướng nghĩ bản thân mình hoặc như một người nào đó rất đặc biệt hay “độc nhất vô nhị” (hoàng tử hay công chúa) hoặc như một người nào đó không tốt hay không được mong muốn (dứa con riêng). Tuy vậy, tự khám phá là điều cốt lõi để rèn luyện tính độc lập.

            Lúc này cũng thấy gia tăng tổng quát trong ngữ vựng của vị thành niên cho các mục đích giao tiếp và tư duy, đồng thời cũng phát triển một loại từ vựng đặc thù và một lối nói riêng cho vị thành niên, xuất phát từ nhóm những người ngang hàng. Ngôn ngữ chẳng những làm nhiệm vụ chuyển tải một ý tưởng hay một thông tin, mà còn giúp làm nổi bật một cá nhân như một thành viên (hay không phải thành viên) của nhóm. Đôi khi, nó được dùng làm một thứ ngụy trang cho những ý tưởng, tình cảm và hành động thực của vị thành niên, vì thế những người khác, nhất là cha mẹ, sợ rằng chẳng khám phá được gì thật sự đang xảy ra với anh ta cả.

            Thời kỳ vị thành niên còn làm sống lại các huyễn tưởng hay trí tưởng tượng. Đây còn là thời gian cho các giấc mơ lý tưởng... không thực tế về niềm vinh quang của cá nhân và thế giới. Anh ta có nhiều ý tưởng về việc tổ chức thế giới này ra sao và làm thế nào để thế giới này được tốt hơn; anh ta cố gắng biến một số trong các ý tưởng đó thành hành động. vị thành niên cần có các kinh nghiệm để khuyến khích tư duy độc lập và ứng xử mang tính sáng tạo. Tính sáng tạo ở vị thành niên được nuôi dưỡng nếu anh ta được tôn trọng, được tin tưởng, được khuyến khích thăm dò và thích thú bản thân và thế giới xung quanh.

PHÁT TRIỂN VỀ CẢM XÚC

            Tuổi vị thành niên là một trong các giai đoạn thích nghi khó khăn nhất trong cuộc sống chúng ta. Đứa trẻ đã học để sống được một cách thoải mái trong thế giới của những người lớn và đã có được cuộc sống khá tốt cho đến khi đột ngột tới tuổi vị thành niên, để phải chờ đợi có những thay đổi to lớn về tất cả các phương diện của cuộc sống. Người vị thành niên phải hình thành được ý thức về tính đồng nhất của mình - Anh ta là ai? Có thể làm được gì? Và ở đâu thì thích hợp cho những quan hệ với người khác? Tính đồng nhất được định nghĩa là “ý thức về sự đồng nhất kiên trì trong nội tâm và sự chia sẻ kiên trì một tính cách cốt lõi nào đó với người khác” (Erikson). Để tìm thấy mình, chính cái Tôi thời thơ ấu của mình và những người gần gũi nhất đã gắn với thời thơ ấu đó - cha mẹ, anh ta phải khẳng định mình như một cá nhân độc lập, tự mình điều khiển, dẫn dắt lấy mình chứ không phải ai khác. Anh ta phải khắc họa cho được tương lai của chính mình - sẽ làm gì và sẽ là gì? Tất cả những điều này làm nảy sinh một mâu thuẫn thực tế trong bản thân vị thành niên và giữa anh ta với những người khác, nhất là với cha mẹ. Đây là thời kỳ thỏa mãn và khoái lạc ở các mức cực kỳ cao và cực kỳ thấp.

            Tuổi vị thành niên là thời kỳ thử nghiệm hết thảy những gì đã được học cho đến lúc ấy về việc thỏa mãn các nhu cầu của mình bằng cách có thể chấp nhận được và giải tỏa lo hãi do thiếu thành công. Tại mỗi giai đoạn của cuộc đời, người ta mong đợi anh ta phải làm chủ được một số nhiệm vụ của giai đoạn phát triển đó. Các nhiệm vụ này được hoàn thành tốt sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của tuổi vị thành niên: sự nảy sinh ý thức về tính đồng nhất.

            Như đã biết, tại mỗi giai đoạn phát triển, con người phải đương đầu với một cuộc sống “khủng hoảng”, một bước ngoặt, mà nếu làm chủ được thì con người sẽ có thêm sức mạnh và tài năng. Với sự nảy sinh mỗi ý thức hoặc viễn cảnh về cuộc sống, anh ta lại có thêm các yếu tố cho nhân cách phát triển. Nền tảng quan trọng nhất là ý thức về lòng tin cơ bản, nó nảy sinh trước tất cả các ý thức khác và bắt đầu ở tuổi bế bồng. Nếu không có ý thức về lòng tin cơ bản này nơi bản thân và người khác thì sẽ không có các quan hệ thành công với người khác, sẽ không có ý thức về các mối quan hệ. Trong thời kỳ đầu của tuổi thiếu niên, đứa trẻ phải có đực ý thức tự chủ - Nó biết được bản thân mình là một con người riêng biệt với những năng lực của chính mình. Nó bắt đầu có kinh nghiệm sơ khai về tính độc lập, là kinh nghiệm đầu tiên có tự do. Giờ đây, khi biết rằng nó là một con người theo cái quyền riêng của nó thì nó tiếp tục hoạt động để tìm thấy được mình sẽ trở thành loại người thế nào. Trong tuổi vui chơi, nó phải hình thành được ý thức sáng kiến giúp cho nó đi đúng hướng và mục đích của cuộc đời. Nó cố gắng làm điều mà nó thấy người khác làm và bắt đầu tìm kiếm các lý do cắt nghĩa các sự vật như chúng đang tồn tại. Trong lứa tuổi học trò, nó phát sinh ý thức công nghệ, các năng lực chế tạo ra các đồ vật. Sự nảy sinh ý thức này là điềm báo hiệu năng lực trở thành một công nhân, một người cung ứng và một người cha người mẹ.

            Nếu trong giai đoạn đầu có nảy sinh được ý thức cơ bản về lòng tin thì nhiên hậu, đến tuổi vị thành niên, anh ta mới tìm kiếm những người để có thể gửi gắm nơi họ lòng tin của mình và cố tỏ ra là mình đáng tin cậy. Đồng thời, anh ta sợ bị phản bội và làm ầm lên trước sự ngờ vực của cha mẹ và những người xung quanh. Nếu trong giai đoạn thứ hai, đã rèn luyện được ý thức tự chủ, thì đến tuổi vị thành niên anh ta mới tìm kiếm các cơ hội để đưa ra những quyết định của mình. Anh ta sợ đến chết khiếp vì bị ép phải làm những điều có thể làm mất lòng tự tin hoặc khiến chúng bạn chê cười. Hãy để anh ta tự mình phạm sai lầm và tự mình tìm kiếm các cơ may. Nếu đã có đầu óc sáng kiến rồi, thì sau đó khi đến tuổi vị thành niên, anh ta mới đặt lòng tin vào những gì hỗ trợ cho các tham vọng của mình. Đồng thời với việc anh ta tự bảo vệ đến cùng các quyền được hưởng niềm vinh quang của mình, anh ta lại sợ hãi sự trừng phạt hoặc sự hủy hoại, và có thể dễ dàng bị thất bại. Sau cùng, nếu có được ý thức về công nghệ thì đến tuổi vị thành niên mới chọn được một việc làm và việc chuẩn bị để có được một việc làm lại là điều cực kỳ quan trọng đối với anh ta. Thật là điều đáng lo ngại vì đôi khi có những thanh niên phải trì hoãn việc lựa chọn cho đến khi nào có thể và phải mất cả một thời kỳ đi tìm kiếm những lời đáp hoặc “tìm kiếm bản thân”.

            Tất cả những gì đã diễn ra trước đây thì giờ đây đều là một phần của sự hình thành tính đồng nhất trong tuổi vị thành niên, y như sự phát triển một ý thức về tính đồng nhất là điều mấu chốt để hình thành một ý thức về sự riêng tư ở người thanh niên đến độ trưởng thành. Đối với vị thành niên, không thể có chuyện anh ta hiến dâng mình cho một người khác trong tình thương yêu và sự thỏa mãn chừng nào anh ta chưa trở thành chính mình. Vì thế, trừ khi là một người lớn, còn thì các quan hệ ye6u thương của anh ta phần lớn là có tính chất tạm thời.

            Trong xã hội ngày nay, trẻ em được mong đợi sẽ lớn lên, rời tổ ấm và khởi sự thành lập gia đình riêng - gia đình hạt nhân. Để làm được như vậy, người vị thành niên phải được tự do thoát khỏi sự che chở và điều khiển của cha mẹ, học cách tự đưa ra quyết định, suy nghĩ cho bản thân và có trách nhiệm về các hành động của mình. Giai đoạn vị thành niên đầy rẫy những mơ hồ, hụt hẫng và mâu thuẫn, và khi vượt qua được các rối loạn này thì phải trở thành một người lớn độc lập, có khả năng cho và cộng tác. Đồng thời với việc từ bỏ tuổi thơ, phấn đấu cho sự độc lập và tính đồng nhất, vị thành niên cần có tình thương yêu, sự an ủi và hướng dẫn của cha mẹ. Trong quan hệ với cha mẹ, anh ta có được ý thức về tính đồng nhất và xác định được mình sẽ là loại người nào, sẽ học được cách quan hệ với người khác trên cương vị một người lớn.

            Để giúp cho vị thành niên trưởng thành một cách lành mạnh, điều trước tiên là vị thành niên cần được các bậc cha mẹ chăm sóc, không phải vì lý do anh ta là con của mình mà là vì anh ta là một con người. Những vị thành niên đang gặp phiền muộn thường nói rằng cha mẹ chẳng chú ý gì, chẳng quan tâm gì và hình như cha mẹ chẳng chăm sóc gì đến mình cả. Làm sao anh ta có thể tìm thấy được mình là ai, đang đi đâu và đang ở vị trí nào trong quan hệ với những người khác nếu những người thân xung quanh không chứng tỏ là có quan tâm đến anh ta? vị thành niên cần được biết các giới hạn hợp lý được đặt ra cho họ khả dĩ giúp họ có thể học được cách kềm chế và điều khiển các ứng xử của mình một cách xây dựng.

            Để học cách đưa ra những quyết định khôn ngoan, khả dĩ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng và cuộc sống của người khác, vị thành niên cần được thực hành ở một mức độ nào đó, mà cơ hội tốt nhất là trong quan hệ với cha mẹ của mình. Có những chuyện cần được đưa ra bàn với người vị thành niên, phải lắng nghe ý kiến của anh ta và quyết định phải được chia sẻ. Anh ta cần có đủ lòng tin và được cha mẹ để tự do khi đưa ra các quyết định riêng, nhất là khi cha mẹ không hiện diện. Những quyết định này cần được tôn trọng, cho dù chúng có sai lầm đi chăng nữa. Điều quan trọng là anh ta có thể học hỏi được từ toàn bộ quá trình, không riêng gì điều đã phạm sai lầm, và cha mẹ có thể giúp anh ta nhận ra điều này. Mâu thuẫn và hiểu lầm phần lớn thường bắt nguồn từ chỗ không nhìn nhận quan điểm của người khác. Giao tiếp và các mối quan hệ được tăng cường nếu các bậc cha mẹ và vị thành niên tôn trọng và thành thực quan tâm lẫn nhau.

            Vị thành niên chịu ảnh hưởng bởi những cảm nghĩ và các quan hệ của cha mẹ với nhau, với con cái và với người khác. Cha mẹ là những kiểu mẫu cho vị thành niên về người đàn ông và người đàn bà, người chồng và người vợ, người cha và người mẹ... nên vị thành niên có chiều hướng giống cha mẹ mình nhiều hơn là không giống họ. vị thành niên học được cách ứng xử mà họ thấy cha mẹ mình bộc lộ trong cuộc sống thường ngày. vị thành niên đặc biệt dễ nhạy cảm và phê phán sự không trung thực, cho nên họ tin vào việc làm chứ không phải vào lời nói.

            Các bậc cha mẹ thường có tình cảm hai mặt đối với sự trưởng thành của đứa con. Thường thì điều này được xem như một tổn thất đối với cha mẹ, nhất là người mẹ, mất đi một nguồn thỏa mãn quan trọng, cũng như mất đi tinh thần trách nhiệm. Điều cốt lõi với các bậc cha mẹ là phải biết khi nào thì để đứa con được làm theo ý muốn, khi nào thì phải chỉ bảo, răn đe. Cha mẹ thường phải có cái nhìn thấu đáo, thấy được cái gì tạo điều kiện cho sự trưởng thành và cái gì có thể dẫn đến tác hại. Nhiều bậc cha mẹ hay thay đổi ý kiến và không kiên định lòng tin của mình khiến họ cảm thấy khó khăn trong việc dẫn dắt vị thành niên đang mò mẫm và nghi ngờ.

            Vị thành niên đặc biệt nhạy cảm với tình cảm của cha mẹ đối với họ và giữa cha mẹ với nhau. Do những cảm xúc mãnh liệt của người vị thành niên nên đôi khi chỉ một lời chỉ trích bóng gió thôi cũng đủ gây tác hại rồi. Và điều quan trọng là anh ta phải được hướng dẫn với lòng yêu thương và tế nhị. Thường thì cha mẹ không chủ tâm độc ác khi bông đùa về cách ứng xử và diện mạo của con cái họ. Đôi khi cha mẹ than phiền về gánh nặng tài chính đối với đứa con về giá thực phẩm, áo quần, học phí, giải trí... khiến vị thành niên cảm thấy tội lỗi và là kẻ không ai mong muốn. Quan hệ tình cảm giữa cha mẹ với nhau cũng ảnh hưởng đến tình cảm của người vị thành niên về bản thân và về người khác. Nếu cha mẹ thương yêu và chăm sóc lẫn nhau thi người vị thành niên cũng học được cách suy nghĩ và ứng xử như vậy. Nếu thường xuyên cha mẹ đánh lộn, cãi vã thì vị thành niên cũng học được cách ứng xử đó.

            Sự phát triển ý thức về tính đồng nhất cũng bao gồm cả sự nảy nở tính đồng nhất giới tính. Mặc dù gần đây có sự thay đổi trong vai trò điển hình giữa nam và nữ, song nam tính vẫn thường được định nghĩa là tính ưa hoạt động và sự thành đạt; còn nữ tính được định nghĩa là tính nhạy cảm và “tài ngoại giao”. Kết quả là, con trai thường được mang lại nhiều cơ hội để thành đạt tính độc lập và phát huy tài năng hơn con gái; con gái có phần khó phát huy tiềm năng vì những thành kiến xã hội. Người ta nhấn mạnh nhiều đến việc chuẩn bị cho kết hôn trong sự phát triển vai trò của nữ giới, cho nên sự yêu thích của người nữ đối với người nam còn quan trọng hơn cả sự thành đạt. Đôi khi các cô gái không có lấy một cơ hội nào để phát triển năng khiếu bản thân, trừ khi họ xây dựng được một quan hệ yêu đương bền vững. Việc tìm kiếm những giá trị mới mẻ và một sự định nghĩa lại vai trò của nam và nữ giới đã thúc đẩy chúng ta hướng tới sự bình đẳng nhiều hơn giữa hai giới, và chẳng nghi ngờ gì nữa, điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nữ thanh niên trong tương lai.

            Những cô gái, dù sao đi nữa, cũng cứ muốn là phái đẹp và họ cũng không tiếc thời gian đi tìm cái đẹp trong các ngôi sao màn bạc, các nhân vật trên màn ảnh nhỏ, các người mẫu và nơi cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè cùng lứa. Chiếc áo khoác hay bộ trang phục dứt khoát là chuyện cốt yếu phải được các cô gái quan tâm trước khi sắp tới trường hay bất cứ nơi nào khác tương tự. Hình thể, diện mạo là một vấn đề quan tâm thực sự của các cô lẫn các cậu. Tuy vậy, con trai muốn trở thành một cái gì tiêu biểu cho tính khẳng định, tính độc lập và cũng muốn là một chàng điển trai. Biểu hiện tình dục của vị thành niên có thể đi từ thủ dâm đến các hoạt động đồng giới hay khác giới trong nỗ lực tìm kiếm vị trí của mình trong quan hệ với người khác.

            Trong quá trình thay đổi từ một đứa trẻ thành một người lớn, người vị thành niên còn phải học để thích nghi với cả một hình ảnh thân thể mới. Anh ta cần đi tới chỗ hoàn chỉnh được cái cơ thể mới mẻ này - xem nó là cái gì, bằng cách nào kềm chế được nó, và nó nhìn nhận phần còn lại của thế giới ra sao? Anh ta cần nhìn nhận bản thân mình như đang hiện hữu - không tồi hoặc xấu, nhưng là tốt và đẹp. Anh ta cần xem mình sẽ kết thúc ở đâu và xem phần thế giới còn lại bắt đầu từ nơi nào? Anh ta cần nhìn nhận chính mình đã là một đứa trẻ và phải thành một người lớn nhằm hoàn chỉnh ý thức về tính đồng nhất cần thiết cho sự thích nghi lành mạnh.

 PHÁT TRIỂN VỀ MẶT XÃ HỘI

            Cha mẹ, thầy cô giáo, những người khác và bạn bè cùng lứa, hết thảy đều có ảnh hưởng đến người vị thành niên. Ngoài cha mẹ ra, thì thầy cô có cơ hội tốt nhất gây ảnh hưởng to lớn đối với vị thành niên. Ngoài thầy cô và những người lớn khác, những TN như huynh trưởng hướng đạo, lãnh đạo thanh niên trong các đoàn thể tôn giáo cũng là những kiểu mẫu tốt. Đây là thời kỳ của sự tôn sùng người anh hùng và thời kỳ của những “si mê”, có thể làm nảy sinh mâu thuẫn với các giá trị của cha mẹ hay của quyền uy. Các bậc cha mẹ nên “buông lỏng” một phần để cho vị thành niên có được quan hệ với những người lớn khác.

            Đối với phần lớn vị thành niên, bạn bè cùng lứa trở nên rất có ảnh hưởng. Ảnh hưởng đến mức nào là do người vị thành niên thừa nhận mình giống cha mẹ hay giống bạn bè nhiều hơn. Sự đồng nhất hóa với bạn bè cùng nhóm được thể hiện thông qua cách ăn mặc, nói năng, cử chỉ, diện mạo và cách ứng xử. Anh ta ngày càng ít có mặt ở nhà và ngày càng dành nhiều thời giờ hơn cho bạn bè. “Lũ bạn” thường là bạn học, vì nhà trường là nơi diễn ra những tác động xã hội qua lại nhiều nhất đối với vị thành niên, và “lũ bạn” này có thể gồm các thành viên cùng giới hay hỗn hợp giới. Bên trong “lũ bạn” là một “bè lũ”, tức là một nhóm nhỏ gồm các bạn thân. Bên trong “bè lũ” là mối quan hệ giữa những người “bạn hẩu nhất”. Nhờ có tất cả các mối quan hệ có tính xã hội này, người vị thành niên thu nhận được những hiểu biết về bản thân và người khác. “Lũ bạn” mang lại cho anh ta một tính đồng nhất nhóm, tạo ra các cơ hội để tự khẳng định, tạo ra môi trường khán thính giả và một nguồn hỗ trợ thiết yếu trong nỗ lực đóng các vai trò mới mẻ. Trong “lũ bạn”, anh ta được hiểu và được chấp nhận vì lý do những người đó cũng giống anh ta mà không giống cha mẹ hay những người lớn khác. Mối quan hệ “cánh hẩu” là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển ý thức về tính đồng nhất. Chúng là các quan hệ cùng giới và thường thì hai người vị thành niên cùng xây dựng một tính đồng nhất chung về sức mạnh và sự an toàn. Trong một quan hệ cánh hẩu, có khả năng phóng chiếu bản thân vào vô số các vai trò và có các thử nghiệm đủ loại khả năng trong sự an toàn và thoải mái. Thường thì một quan hệ như vậy là điềm báo trước các quan hệ vĩnh cữu hơn, cần cho sự phát triển một ý thức về sự riêng tư. Các cậu thì được vài bạn thân giúp trong việc giải quyết mâu thuẫn và tính hung hãn; còn các cô thì được bạn thân của mình làm dịu những cảm xúc và xử lý các mối quan hệ với người khác. Hẹn hò sớm, có thể khiến tình bạn cu2ng giới kém sâu sắc và do vậy ảnh hưởng đến sự phát triển của ý thức về tính đồng nhất.

            Đúng là trước tuổi vị thành niên, các cô và các cậu thường rất không ưa nhau và cố tránh bất cứ điều gì phải cùng làm với người khác giới. Đến tuổi dậy thì là bắt đầu có chuyện “để ý vụng trộm”, liếc nhìn chớp nhoáng nếu người kia không để ý, và... trêu chọc, chòng ghẹo. Sau đó là các hoạt động nhóm, hẹn hò nhóm, hẹn hò hai người và hẹn hò từng cặp nam-nữ. Hẹn hò vào lúc này là một quan hệ xã hội hơn là một chuyện ven vãn, tỏ tình. Nó kích thích sự phát triển ý thức về tính đồng nhất của người vị thành niên. Anh ta có thể có được kinh nghiệm đáng kể với người khác giới, trước khi lựa chọn một người bạn đời. Thật là điều nguy hiểm nếu có các quan hệ tình dục trước khi có đủ ý thức về sự riêng tư, điều này có thể khiến anh ta thoái bộ trong tâm trạng lo hãi và tội lỗi.

            Vị thành niên thường tỏ ra thành thục về tình yêu lãng mạn là do cái nhìn lý tưởng về một thế giới huyễn tưởng trong đó cái gì cũng đẹp, hài hòa và con người được sống với niềm hạnh phúc vĩnh viễn. Dẫu có một tình trạng gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân đi chăng nữa, song các cô gái cũng không dấn thân nhiều vào chuyện này. Thường thì chàng thanh niên lâm vào một thế “lưỡng nan” trong tình huống mong muốn thỏa mãn tình dục với người tình: nếu được thỏa mãn thì anh ta có thể sẽ tuyệt giao trong tâm trạng chán nản vì người bạn tình đã “mất trinh” (không còn hấp dẫn cho việc chinh phục và khám phá).

            Có không biết bao nhiêu vấn đề do kết hôn quá sớm gây nên. Những người trẻ tuổi có thể chưa phát triển đầy đủ ý thức về tính đồng nhất của mình, do vậy không đủ khả năng vượt qua những ý nghĩ và tình cảm của người khác để giữ vững một mối quan hệ lâu dài. Những đứa trẻ con của một cuộc hôn nhân như vậy thường không được lợi lộc gì. Chúng có thể lớn lên với những thiếu hụt nghiêm trọng trong việc đối phó với stress trong cuộc sống.

            Một phần quan trọng của sự lớn lên về mặt xã hội trong tuổi vị thành niên là phát triển khả năng tự quản (self-direction) và một ý thức trách nhiệm. Người vị thành niên cần trải qua những cảm nghĩ về sự thỏa đáng và sự hoàn thành trong công việc anh ta làm ở nhà và ở trường học, cho nên các công việc do cha mẹ và thầy cô giao cho phải được chính anh ta nhìn nhận là quan trọng, là đáng giá và có hiệu quả. Anh ta sẽ xây dựng các chuẩn mực để hoàn thành nhiệm vụ cho phù hợp với kỳ vọng, nếu anh ta được đối xử với sự tôn trọng. Nếu người ta kỳ vọng anh ta phải làm tốt công việc, thì cha mẹ và thầy cô phải tin anh ta, tạo cho anh ta cơ hội thực hiện các nhiệm vụ đó theo cách riêng. Một sự quan tâm to lớn đối với các vị thành niên là lựa chọn sự nghiệp và chuẩn bị cho sự nghiệp đó.

            Sự gia tăng năng lực tự quản bao gồm khả năng đánh giá và hành động đạo đức. Người vị thành niên hình thành ý thức đạo đức về sự công bằng từ các kinh nghiệm mà mình gặt hái được. Anh ta có thể có các tác động qua lại mang tính tôn giáo với những người khác hoặc những ý tưởng đang dẫn dắt anh ta tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời. Một phương tiện quan trọng trong khả năng thích nghi của người vị thành niên là quan niệm về bản thân như một con người có đạo đức ứng xử, có trách nhiệm và có thể chấp nhận được trong cái nhìn của mình và của người khác, có khả năng kềm chế mình và kiểm soát môi trường xung quanh.

NHỮNG VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

            Có một số vấn đề xảy ra trong tuổi vị thành niên có liên quan đến các thay đổi về thể chất, cảm xúc và xã hội diễn ra ở mỗi cá nhân. Do tính nhạy cảm quá mức và nhu cầu to lớn muốn được tán thành, các vấn đề này nếu không giải quyết có thể là nguyên nhân chính khiến người vị thành niên lâm vào tình trạng stress. Một trong các vấn đề này là mụn trứng cá, một chứng bệnh ở da, gặp trong 75-80% vị thành niên. Một vấn đề khác là béo phì, nhất là ở các cô gái, khiến các cô tuyệt vọng trong nỗi đam mê trở thành hấp dẫn. Nguyên nhân béo phì là do tích nạp quá thừa calori so với nhu cầu cần thiết của cơ thể. Các yếu tố như hình thể, cảm xúc có thể có liên quan, song điều thường xảy ra là người vị thành niên không thành công trong các cố gắng của mình và bắt đầu rút lui hoặc thoái lùi. Cô ta ngày càng ăn nhiều như một cách để bù trừ và là một nguồn an ủi. Đôi khi, người thiếu nữ bị lôi kéo một cách vô thức vào chứng bệnh này do cha mẹ quá ôm ấp cô, những mong chăm sóc cô như một đứa trẻ nhỏ.

            Nên xử trí ra sao? Người ta khuyên đừng bắt cô ăn kiêng hay giảm khẩu phần, mà là giúp cô giải quyết các vấn đề trở ngại nội tâm, giúp cô hoạt động trở lại, giúp cô lấy lại sự kềm chế bản thân và kiểm soát môi trường xung quanh.

            Có vô số vấn đề về lĩnh vực tình dục xảy ra trong tuổi vị thành niên, song phổ biến nhất là thủ dâm. Thủ dâm có nghĩa là sự ban thưởng tình dục thông qua hành động tự kích thích. Đây không phải chuyện mới mẻ gì với người vị thành niên vì nó là một bộ phận của quá trình điều tra nghiên cứu trong sự phát triển và tăng trưởng của đứa trẻ. Tuy vậy, nó mang lại một ý nghĩa mới mẻ đối với lứa tuổi vị thành niên. Người vị thành niên đã hoàn tất sự chín muồi tình dục trên phương diện sinh học, song lại chưa sẵn sàng có các quan hệ tình dục như ở người lớn. Anh ta có những dục vọng và xung động thể chất, nhưng không có cách nào bộc lộ tình cảm của mình ra ngoài mà tập quán và phong tục cho phép, vì thế phải hướng chúng vào bên trong, tìm thấy nguồn gốc của khoái cảm tình dục và làm giảm nhẹ căng thẳng thông qua thủ dâm.

            Trong thời kỳ này còn có những điều mới mẻ là các huyễn tưởng kích dâm đi kèm. Chúng có vai trò chuẩn bị cho các quan hệ tình dục của người lớn sau này. Nếu biết thủ dâm là một khoái cảm xấu xa và bị ngăn cấm, anh ta có thể đau khổ vì cảm thấy tội lỗi và thiếu tư cách, mà không dám thổ lộ với bất cứ ai, nhất là với cha mẹ mình. Vì vậy, điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần hiểu và chấp nhận hành động thủ dâm như là một phần của quá trình đang trưởng thành. Lý do duy nhất cần được quan tâm về chuyện này là nếu như nó bắt đầu ảnh hưởng đến các nguồn thỏa mãn khác và đến tiến trình hướng tới các quan hệ tình dục ở người trưởng thành của anh ta.

            Một vấn đề của các thiếu nữ là rối loạn kinh nguyệt. Thường thì những “cơn đau chuột rút” có liên quan đến những trở ngại trong sự thích nghi của người thiếu nữ đối với vai trò của một người phụ nữ trưởng thành, chứ không liên quan đến một bất thường thực thể nào cả. Điều quan trọng là người thiếu nữ phải được chuẩn bị đúng mức trước việc khởi sự hành kinh. Nếu không, diễn biến này có thể gây ra một sự hoảng sợ và một kinh nghiệm mặc cảm tội lỗi. Cần nói cho cô ta biết một cách thật dễ hiểu: Các cơ quan sinh dục hoạt động ra sao và hành kinh phù hợp với chu kỳ sinh sản là như thế nào. Thái độ của người mẹ đối với chuyện hành kinh sẽ gây ra một ấn tượng lâu bền cho người thiếu nữ.

            Một vấn đề lớn đối với vị thành niên, với các bậc cha mẹ, cũng như xã hội, là thái độ ứng xử không nhất quán, không thể lường trước được của người vị thành niên. Lúc thì muốn được mẹ âu yếm, vỗ về, ngay sau đó lại thấy xấu hổ vì thái độ âu yếm của mẹ, nhất là trước mặt nhiều người. Vừa mới đây thì tỏ ra ngoan ngoãn và phục tùng, nhưng liền sau đó lại sinh ra ngờ vực, ngang ngạnh rất khó chịu, từ chối không nghe những lời khuyên bảo, chỉ dẫn của cha mẹ. Có lúc tỏ ra yêu thương và kính trọng cha mẹ, nhưng liền sau đó lại chê bai, bác bỏ, vì cho rằng cha mẹ cổ lỗ và và chẳng hiểu gì cả. Người vị thành niên thường tỏ ra hào hiệp, ân cần và chu đáo với người khác, song ba61t thình lình lại trở nên ích kỷ, tàn bạo và gian xảo. Có lúc anh ta là một chàng trai dễ thương, lịch sự, nhưng chẳng bao lâu lại trở thành kẻ hăm dọa, quấy phá. Hành vi của anh ta bắt nguồn từ nhu cầu muốn cho nổ tung những mâu thuẫn và thực nghiệm các vai trò khác nhau, và giống như con lắc đồng hồ, nó nhảy từ cực nọ sang cực kia trước khi dừng lại ở giữa. Người vị thành niên cũng có tinh thần nghiêm túc, tích cực và nhạy bén trong các hành động của mình, khiến anh ta cảm thấy khó khăn hơn khi phải phản ứng lại các hành vi cực đoan của mình một cách xây dựng. Đối với các bậc cha mẹ thì cần kiên quyết, bền bỉ và có lòng tin, song không phải để phản ứng theo cách trừng phạt, ruồng bỏ hoặc chế giễu. Điều quan trọng đối với cha mẹ, và trong một một số trường hợp đối với xã hội, là phải quyết định xem khi nào thì được ứng xử, khi nào không. Một phương diện rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này là đưa ra các hạn chế như thế nào đối với vị thành niên. Nếu những ràng buộc ấy là vừa phải, thành thực, hợp lý và có thể hiểu được thì người thanh niên có thể rút ra được những kinh nghiệm hay, bằng không thì chắc chắn là anh ta sẽ đau khổ.

            Tai nạn là nguyên nhân lớn nhất làm chết vị thành niên; thời kỳ nguy biến là từ 15 đến 24 tuổi. Nhiều nhất là tai nạn do xe có động cơ, một nhu cầu thiết yếu để đi làm, đi học, đi mua hàng và các dịch vụ thiết yếu khác. Xe gắn máy đời mới hay xe hơi đã trở thành biểu tượng cho địa vị trong xã hội ngày nay. Nếu không có xe máy, xe hơi riêng, con người trở nên phụ thuộc hoặc bị những người khác xa lánh, và thường bị xem là “công nhân bậc hai”. Có được một chiếc xe lịch sự, một chiếc xe thể thao, hoặc một chiếc xe ngoại nhập, con người trở nên có uy tín, có địa vị, dễ trở thành nổi tiếng. Rồi đối với vị thành niên, nhất là nam, điều thiết yếu là phải có một chiếc xe riêng, vừa để dễ được sự đồng tình và quí trọng của bạn bè, vừa là sự thuận tiện cho việc di chuyển. Điều quan trọng là phải dạy cho vị thành niên về sự an toàn và trách nhiệm trước khi trở thành người lái xe. Phải đưa ra những ràng buộc nghiêm ngặt cho đến khi người vị thành niên có thể tự mình xử lý được một cách có trách nhiệm trong khi cầm lái.

NHỮNG PHẢN ỨNG KHÔNG LÀNH MẠNH Ở TUỔI CHƯA THÀNH NIÊN

            Sự thể đáng ngạc nhiên là phần lớn vị thành niên (cũng như phần lớn bậc cha mẹ) đều đối phó thành công với stress cùng các vấn đề của giai đoạn tăng trưởng và phát triển này, và vẫn tiếp tục thích nghi một cách lành mạnh. Tuy nhiên, một số người thì không được như thế. Ta sẽ bàn đến số thanh niên này và những kiểu phản ứng không lành mạnh cũng theo cùng một quá trình như trong tất cả các giai đoạn của một đời người. Nếu ứng xử không đạt được hai mục tiêu đồng thời - thỏa mãn các nhu cầu theo cách được xã hội chấp nhận - thì ta gọi đó là các ứng xử không lành mạnh.

            Nói cách khác, nếu người vị thành niên ứng xử theo các cách không thỏa mãn được các nhu cầu của mình hoặc nếu hành vi vượt quá giới hạn các quy tắc và luật lệ xã hội thì anh ta được gọi là “kẻ bệnh hoạn”, và cần được chăm sóc, chữa trị về mặt tâm thần. Chẳng hạn vào năm 1966, có 93 triệu thanh niên dưới 25 tuổi tại Hoa Kỳ, trong số đó có tới 1,4 triệu là người dưới 18 tuổi, cần được chăm sóc về mặt tâm thần.

            Ta sẽ bàn đến ba vấn đề lớn trong các rối loạn tâm thần xuất hiện ở lứa tuổi vị thành niên:

1.       Hành vi chống đối xã hội, phạm tội, nghiện rượu, ma túy, và các lệch lạc tình dục như mãi dâm, đồng tính luyến ái;

2.       Trầm cảm và tự sát;

3.       Tự tỏa và tâm thần phân liệt.

            PHẠM TỘI

            Thiếu niên phạm tội đã trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng trong xã hội ngày nay[1].

            Ở Hoa Kỳ, năm 1966, ước tính có tới 11% tất cả trẻ em tuổi 19 sẽ phải ra hầu tòa - cứ 9 trẻ em thì có 1 phạm tội (hoặc tỷ lệ 1/6 trẻ em trai). Tỷ lệ này chắc sẽ cao hơn trong những năm gần đây vì lý do có sự gia tăng báo động về tội phạm trong vị thành niên, nhất là dưới 15 tuổi.

            Hành vi tội phạm được định nghĩa theo các cách khác nhau tùy theo nhà cầm quyền. Thường nó được định nghĩa là hành vi chống xã hội khiến người vị thành niên vi phạm pháp luật, nó đi ngược lại với các quy tắc và quy định của xã hội, và nó mang theo các triệu chứng của xung đột, cảm xúc ngấm ngầm. Loại hành vi thường xảy ra gồm: từ những tội nhẹ như ăn trộm vặt, trốn học, phá hoại công trình văn hóa..., đến những tội nặng như ăn cắp xe, đột nhập vào nhà, trộm đêm và giết người.

            Có nhiều yếu tố góp phần làm phát sinh hành vi chống xã hội. Song ở đây chỉ nói tới những yếu tố nào có liên quan đến tuổi vị thành niên mà thôi. Có 3 trong số nhiều điều mà người vị thành niên phải học, là những điều then chốt để ngăn ngừa sự phát sinh các loại phản ứng không lành mạnh này:

1.       Phải biết sát nhập vào nhân cách của mình các quy tắc và quy định của xã hội để đóng vai trò chỉ huy hành vi của mình;

2.       Phải biết trì hoãn việc thỏa mãn các nhu cầu riêng, để chiều theo người khác hoặc những hoàn cảnh trong cuộc sống;

3.       Phải biết làm thế nào để xử lý các phản ứng tự nhiên của mình như sự hụt hẫng, thù địch, hung hãn, theo cách mà xã hội có thể chấp nhận được.

            Nếu không hoàn thành được cả ba nhiệm vụ quan trọng này thì anh ta vẫn ứng xử theo các cách có tính đặc trưng trẻ con thay vì như người lớn, hoặc có thể để bùng nổ những mâu thuẫn trong các đợt tấn công vào xã hội, rồi dễ bị xô đẩy đến các hành động phạm pháp.

            Phần lớn điều đó xảy ra ở những vị thành niên bị thiếu hụt tình thương, thiếu sự tôn trọng và dẫn dắt của cha mẹ; hoặc do cha mẹ (nhất là người cha) chú ý quá ít, hoặc chỉ dùng hình phạt và uy quyền trong việc đối xử với đứa con. Người vị thành niên khi đó cảm thấy không được yêu thương, thấy thua kém và bất cập, rồi cố che đậy những mặc cảm đó bằng những hành động làm ra vẻ hiền lành, mà đôi khi chính là “tiếng kêu cứu”. Cũng rất thường là những nỗ lực để thành đạt trong học tập, trong thể thao, trong giao tiếp bị thất bại đã dẫn đến những hành vi chống đối xã hội. Hành động như vậy, người vị thành niên tạo nên một vòng lẩn quẩn thất bại liên tiếp, qua đó anh ta sẽ ứng xử theo cách mà chính mình đối lập với những gì mà mình mong muốn. Sự ruồng bỏ và trừng phạt về sau lại làm tăng thêm hẫng hụt và giận dữ, rồi như vậy làm gia tăng các hành vi không thể chấp nhận được, và cái vòng lẩn quẩn tai hại đó cứ thế tiếp diễn. Trừ phi được ai đó can thiệp và giúp đỡ, bằng không “ta cứ tiếp tục cuộc đời tội lỗi”.

            Điều không may là trong thực tế thường có rất ít khả năng giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội. Các trường hợp cải huấn sở dĩ không thành công chủ yếu là do nơi người vị thành niên vẫn không học được 3 bài học nói trên sớm hơn, mà đó là điều cốt lõi cho sự thích nghi lành mạnh. Phần lớn các trại cải huấn chỉ dùng để tống giam người vị thành niên phạm tội và không làm gì hơn thế. Dĩ nhiên, câu trả lời là phải tìm ra những cách tốt hơn để thỏa mãn nhu cầu và sửa chữa những hành vi của người phạm tội. Vấn đề này sẽ được bàn đến trong phần chăm sóc và chữa trị.

            NGHIỆN MA TÚY

            Một lĩnh vực quan trọng khác được xã hội quan tâm là nạn nghiện ma túy ngày càng gia tăng trong vị thành niên. Trước đây, những người sử dụng ma túy thường là người lớn trẻ tuổi bị hụt hẫng về tình cảm và thiệt thòi về xã hội. Giờ đây, những thanh thiếu niên tuổi 15-16, thậm chí 10-12, đang thực nghiệm và rất quen thuộc các chất ma túy như cần sa, LSD (acid lysengic diethylamid) và các thuốc gây ngủ. Những thanh niên này cũng xuất xứ từ tất cả các tầng lớp kinh tế-xã hội - thượng lưu, trung lưu và hạ lưu. Thật khó có thể ước lượng con số vị thành niên dùng ma túy[2], song cũng có nơi, khoảng một nửa số vị thành niên tuổi “choai choai” đã từng có lần thử nếm mùi ma túy, kể cả rượu.

            Có nhiều yếu tố phát sinh hành vi này, song chỉ kể ra vài yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay, việc dùng thuốc đã trở nên phổ biến trong xã hội. Nhiều tủ thuốc gia đình, thậm chí có khi có đến 30 loại thuốc. Người ta uống thuốc để tỉnh ngủ hoặc để dễ ngủ, để kích thích thần kinh hay để tinh thần bớt căng thẳng, để làm tăng hay giảm sức thèm ăn, để làm tăng hay chậm bài tiết, để kích thích hay ức chế sản xuất hormon, vv... Thậm chí người ta còn dùng cả viên thuốc tránh thai để kiểm soát chính sự sáng tạo ra cuộc sống. Thanh niên là những sản phẩm của xã hội chúng ta; họ thấy người lớn làm gì thì họ bắt chước làm theo.

            Vị thành niên dùng ma túy vì những lý do khác nhau. Phần lớn đúng là muốn “nếm thử mùi vị”, dùng một lần hoặc vài lần để thỏa mãn tính tò mò, để biểu lộ sự chống đối, sự dũng cảm, hoặc để đồng nhất hóa với băng nhóm. Phần lớn các thanh niên, vào một lúc nào đó, cảm thấy cha mẹ không thực sự hiểu mình, chấp nhận mình và chăm sóc mình, có thể tìm đến ma túy hay đến một người nào đó để được khuây khỏa và an lòng. Một số thanh niên lại dùng ma túy thường xuyên để kiếm sự an ủi, để cảm thấy dễ chịu, hoặc để nếm mùi vui thú và khoái cảm mà họ không có được trong đời sống thực. Phần lớn những thanh niên nghiện ngập đều đã có các vấn đề hụt hẫng tình cảm nghiêm trọng như thất bại trong giao tiếp với người khác, sợ trách nhiệm với tư cách người trưởng thành, thiếu tình thương và sự tôn trọng của cha mẹ. Những thanh niên này tìm đến ma túy để chọn một giải pháp cho các vấn đề của cuộc sống, để tránh không lao vào cuộc đấu tranh vô vọng, để có được niềm an ủi và lòng thanh thản không thể tìm thấy trong các quan hệ với người khác. Song thật trớ trêu, họ lại không thành đạt. Tưởng rằng sẽ tốt hơn, nào ngờ ma tút lại khiến tình hình trở nên tồi tệ thêm. Người dùng ma túy về tình cảm thấy mình ngày càng không thành đạt, càng thấy mình bị những người khác trong xã hội không ưa và xa lánh. Anh ta đã vượt ra khỏi các ranh giới được xã hội chấp nhận và các giới hạn của sự thích nghi lành mạnh.

            Lớp thanh niên ngày nay có chiều hướng dùng bất cứ thứ gì có trong tầm tay - không những chỉ cần sa, LSD và heroin, mà còn có cả thuốc kháng histamin, barbituric, amphetamin, các thuốc trấn an, thuốc cảm, thuốc kích thích tim... Gần đây, người ta ngày càng quan tâm đến con số thanh thiếu niên uống rượu. Một trong các lý do là vì rượu dễ kiếm hơn và rẻ tiền hơn các loại ma túy khác. Phần đông các bậc cha mẹ có uống rượu, ít nhất là vì lý do “xã giao”, và đôi khi có sẵn rượu trong nhà. Ngoài ra, những thanh niên lớn tuổi hơn có thể tự mua đồ uống có rượu tại các quán và cùng “nhậu” với bạn bè. Vì lý do không có sự nghiêm cấm gắt gao của xã hội, nên việc thanh niên uống rượu ít gây sợ hãi cho các bậc cha mẹ và ít gây những chuyện “rùm beng” hơn. Nghiện rượu đang trở thành một vấn đề quan trọng về y tế, và ở Hoa Kỳ, có đến 4-8 triệu người nghiện rượu. Ta lại thấy vị thành niên theo gương cha mẹ và những người lớn khác, ba1t đầu nếm mùi rượu ở lứa tuổi còn rất trẻ. Một số nào đó trở thành nghiện ngập và nếu không được ai giúp đỡ thì ắt họ phải sống một cuộc đời nghèo túng và khổ sở.

            HÀNH VI TÌNH DỤC LỆCH LẠC

            Ăn chung nằm chạ, đối với vị thành niên, nhất là nữ, thường là một cách làm bộc phát các xung đột với cha mẹ và với xã hội. Đôi khi nó là một cố gắng, trong các quan hệ tình dục, để thành đạt điều mà người vị thành niên đã không thể đạt được trong các quan hệ xã hội - ở một mức độ nào đó về tình yêu và sự gần gũi. Đôi khi đó là biểu hiện của sự phản kháng và thù địch chống đối lại ảnh hưởng quá cứng nhắc và gây ức chế từ phía cha mẹ hoặc xã hội. Đôi khi nó cũng là một cố gắng tìm kiếm bản thân mình trong mối quan hệ với người khác. Đôi khi nó triệu chứng của các xáo trộn cảm xúc ngấm ngầm nghiêm trọng hơn như trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt chẳng hạn. Một trong những điều rắc rối nghiêm trọng của sự chung chạ tình dục là tình trạng có thai ở các thiếu nữ chưa kết hôn. Thường thì người thiếu nữ đã không được chuẩn bị về mặt thể chất, cảm xúc và xã hội cho tư cách làm mẹ. Thay vì nhận được tình thương yêu và sự chấp nhận mà cô ta đang tìm kiếm, thì thường cô ta lại bị ruồng bỏ, chế giễu, thậm chí còn bị những khác (kể cả cha mẹ và bạn bè) trừng phạt nữa.

            Luyến ái đồng tính là một phản ứng không lành mạnh đối với stress của tuổi vị thành niên và thường là một triệu chứng của các vấn đề cảm xúc ngấm ngầm.

            Những trẻ bước vào tuổi vị thành niên có một định hướng tình dục tản mạn, và họ phải chuyển từ giai đoạn tình cảm đồng giới sang giai đoạn hài lòng với tình dục khác giới. vị thành niên thường cảm thấy lo hãi và tội lỗi về các tình cảm tình dục đồng giới của mình nên họ cần được giúp đỡ để chấp nhận và hiểu rằng những tình cảm như vậy là một bộ phận của quá trình trưởng thành. Có nhiều yếu tố góp phần làm phát sinh tình dục đồng giới, kể cả sự sợ hãi các quan hệ tình dục khác giới của người lớn. Có thanh niên đã rút lui về với bạn bè đồng giới nếu đã trải qua các kinh nghiệm tình dục khác giới không thành công hoặc bị chấn thương. Người đó có thể cảm thấy an toàn với người cùng giới và không muốn rời bỏ nguồn thỏa mãn này. Anh ta có thể có những hình mẫu vai trò không thích hợp hoặc bệnh lý từ cha mẹ của mình và đồng nhất hóa giới tính không đúng, chẳng hạn như con trai lại ẻo lả như con gái hoặc con gái lại tinh nghịch như con trai. Người vị thành niên cần có sự giúp đỡ và hướng dẫn trong việc rèn luyện một thái độ lành mạnh đối với bản thân và giới tính nhằm phát triển theo hướng đồng nhất hóa giới tính của người trưởng thành.

            TRẦM CẢM VÀ TỰ SÁT

            Có khả năng phần lớn người vị thành niên, giống như phần lớn người trưởng thành, đã có tình trạng trầm cảm. Khó có thể phân biệt những thay đổi lớn trong tính cách, những tình cảm thất vọng hoàn toàn mang tính đặc trưng của sự phấn đấu gian khổ ở người vị thành niên để thành người lớn, với các triệu chứng biểu hiện một tình trạng xáo động nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu ứng xử ảnh hưởng lớn đến hoạt động thành công và sự thỏa mãn các nhu cầu của mình, thì đó là một chỉ báo các vấn đề còn nghiêm trọng hơn bình thường. Sẽ là một sai lầm nếu các bậc cha mẹ nghĩ rằng người vị thành niên rồi cứ lớn lên bất chấp mọi triệu chứng; thực ra anh ta cần được giúp đỡ về tâm lý.

            Vị thành niên phải có những cách thức được xã hội chấp nhận để biểu lộ các phản ứng của mình đối với sự hụt hẫng như thù địch hoặc công kích chẳng hạn. Nếu không, họ sẽ tìm những cách không lành mạnh bằng cách hướng ra ngoài thông qua những hành động đả kích xã hội, chống đối xã hội; hoặc bằng cách hướng vào bên trong bởi các đả kích nhắm vào chính bản thân mình như trầm cảm và tự sát chẳng hạn. Thường thì trong khi xuất hiện trạng thái trầm cảm, người vị thành niên phải đau khổ trong thất bại liên tiếp vì lý do cha mẹ, hoặc thầy cô, hoặc do chính bản thân đã đặt lên vai mình những kỳ vọng quá cao.  Sự thành đạt là một nguồn thỏa mãn quan trọng của người vị thành niên, nhờ đó anh ta có được địa vị, lòng tự trọng và sự tán đồng. Khi thất bại và thất bại liên tiếp, anh ta sẽ rời khỏi địa vị ưu đãi dưới con mắt của chính mình, của bạn bè và của cha mẹ mình. Trong anh ta, nảy sinh những cảm nghĩ về sự thiếu tư cách và sự thất vọng thường khiến anh ta trở nên tê liệt. Đồng thời anh ta có những tình cảm giận dữ tràn lan về sự bất lực, không thành đạt được điều mình muốn. Trầm cảm cũng có thể là một phản ứng với sự mất mát, dù mất mát thật sự hay mất mát trong huyễn tưởng: mất một người thân, mất tình yêu hay lòng tự trọng...

            Các triệu chứng thường gặp là từ các thay đổi về những vấn đề thể chất như ăn, ngủ, rối loạn vận động; đến các vấn đề hành vi như không vâng lời, trốn nhà, trốn học... Người vị thành niên bị trầm cảm thường được mô tả là buồn rầu, ủ rủ, không tiếp xúc được, chán nản, hay mệt nhọc... Anh ta thường đứng ngoài rìa các hoạt động chứ không chủ động nhập cuộc. Tâm trạng lo phiền thường trở nên rõ nét vì lý do có sự sút kém rõ rệt trong học tập.

            Tự sát là hình thái nghiêm trọng nhất trong sự bộc phát các tình cảm hung tính và giận dữ tự đánh vào bản thân và trừng phạt những người khác. Tỷ lệ chết do tự sát tăng trong tuổi vị thành niên và đứng hàng thứ tư trong các nguyên nhân gây chết ở lứa tuổi này. Có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều tai nạn thực sự là tự sát, có ý thức hoặc không có ý thức; và tại nhiều nước công nghiệp phát triển, tai nạn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở tuổi vị thành niên. Hành vi tự sát có thể là một quyết định nung nấu từ lâu muốn kết thúc một cuộc đời vô vọng, hoặc cũng có thể là một phản ứng xung đột bất ngờ đối với tình trạng stress tràn lan. Nó có thể là một tiếng kêu cứu phát ra quá muộn. Cha mẹ của những thanh niên này thường có mặc cảm tội lỗi rất nặng nề và sự tức giận có thể ảnh hưởng tai hại đến chính cuộc sống của họ.

            TÂM THẦN PHÂN LIỆT VÀ HÀNH VI TỰ TỎA

            Có điều chưa nhất trí phần nào về sự phát sinh bệnh tâm thần phân liệt ở tuổi vị thành niên. Một số người cho rằng đợt loạn tâm được giới hạn ở tuổi vị thành niên phần nào là một hình thái khác của bệnh tâm thần mà có khi được gọi là loạn tâm giáp ranh. Một số khác thì tin rằng gốc rễ của bệnh bắt nguồn từ các tác động qua lại sai lầm ở tuổi thiếu niên, rồi “vỡ” thành stress ở tuổi vị thành niên. Còn một số người lại cho rằng tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần quan trọng ở tuổi vị thành niên. Ngày nay, người ta quan niệm tâm thần phân liệt như một phản ứng không lành mạnh với các stress ở tuổi vị thành niên, có gốc rễ từ các kinh nghiệm đã qua của đương sự.

            Tất cả thiếu niên đều không bước vào tuổi vị thành niên với cùng một thứ kinh nghiệm như nhau trong cõi đời này và có thể một số người không được trang bị đủ cho cuộc phấn đấu gian nan để trở thành người lớn. Nếu đã không rèn luyện thành công các ý thức về lòng tin, tính tự chủ, óc sáng kiến và công nghệ, thì nhiên hậu anh ta không thể hình thành được ý thức về tính đồng nhất cần thiết cho tuổi vị thành niên. Nếu không thành đạt trong các giai đoạn tăng trưởng và phát triển trước đó, không thành thạo trong các nhiệm vụ quan trọng, không đáp ứng được các kỳ vọng, thì nhiên hậu anh ta cũng không thể lớn lên thành một con người lành mạnh, có năng lực thích nghi, và sẽ không có khả năng đối phó với những đổi thay, những đòi hỏi và sự xáo trộn của tuổi vị thành niên. Nếu không biết được rằng hết thảy mọi nơi trên thế gian này đều có khả năng đem lại sự thỏa mãn, và nếu không học được điều rằng anh ta là một con người có tư cách và có tài năng, thì anh ta sẽ không vượt qua được những lầm lẫn và hụt hẫng của tuổi vị thành niên. trong sự phát sinh tâm thần phân liệt, con người có thể không học được ý thức cơ bản về lòng tin.

            Trong các tác động qua lại giữa bản thân mình và người tân, người vị thành niên có thể biết sợ và không tin vào những tình cảm của mình và của người khác. Anh ta thường trải qua các thất bại liên tiếp trong nỗ lực để có được tình yêu thương và sự đồng tình vì lý do mất  cha mẹ hoặc bị cha mẹ ruồng bỏ. Kết quả là anh ta rút lui khỏi thế giới hiện thực và quay về với thế giới của mình. Điều này có thể không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển trong cái “thế giới phụ thuộc tuổi thơ”, song các đòi hỏi và kỳ vọng của anh ta ở tuổi vị thành niên thì lại khác. Người ta trông đợi anh ta trở thành chính con người mình và chuyển sang cái thế giới có trách nhiệm của tuổi trưởng thành. Người ta mong đợi anh ta phải hoàn tất nhiệm vụ chính của tuổi vị thành niên, phát huy ý thức về tính đồng nhất. Những điều này sẽ không thể được thực hiện nếu anh ta không có ý thức về lòng tin - tin nơi chính mình và nơi người khác. Trong nỗi sợ hãi và hụt hẫng, anh ta ngày càng lui vào thế giới riêng của mình.

            Phân biệt giữa hành vi tự tỏa và hành vi lành mạnh trong tuổi vị thành niên đôi khi là một việc khó khăn và thường là một vấn đề mức độ. Trong tuổi vị thành niên bình thường, ta thấy con người tương tác với cái thế giới huyễn tưởng của mình và loại trừ thế giới xung quanh. Ta cũng gặp hành vi ái kỷ, lấy cái tôi làm trung tâm một cách cực đoan của người vị thành niên lành mạnh, say mê với bản thân và với những gì đang xảy ra với chính mình, thay vì chú ý tới nhu cầu và đòi hỏi của người khác. Tuy vậy, nếu hành vi bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ với thế giới xung quanh và với người khác thì anh ta không còn khả năng thỏa mãn các nhu cầu của mình bằng những cách thức được xã hội chấp nhận; khi đó, ta bảo anh ta “có bệnh”. Ngoài ra, khi không được trang bị thích hợp để đối phó với stress, những chuyện khác có thể xảy ra đối với người vị thành niên khiến anh ta giao động, nản chí và rút lui khỏi thế giới này.

            Cũng giống như bất kỳ giai đoạn nào khác của cuộc đời, con người có thể có những kinh nghiệm gây chấn thương chỉ cho riêng mình, và con người có thể không có khả năng phản ứng lại bằng những hành vi lành mạnh. Một trong các chấn thương này là việc bị mất đi một người thân. Cha mẹ được xem là nguồn hỗ trợ chính yếu cho người vị thành niên, ngay cả khi anh ta đang liều lĩnh thoát khỏi sự “thống trị” của cha mẹ. Không có sự hỗ trợ và nguồn thỏa mãn này, anh ta sẽ bị thua thiệt trong cuộc phấn đấu của người vị thành niên để khẳng định mình như một con người độc lập. Các kinh nghiệm chấn thương khác cũng làm mất đi các cơ hội lành mạnh cho sự phát triển về thể chất, tình cảm và xã hội. Tình trạng nghèo khổ, phân biệt chủng tộc, thiếu điều kiện giải trí, học tập, hướng nghiệp... hết thảy những hoàn cảnh đó đều tước đoạt của người vị thành niên các kinh nghiệm mấu chốt khả dĩ giúp họ thỏa mãn những nhu cầu của mình theo cách được xã hội chấp nhận. Ngoài ra, bệnh tật hoặc tai nạn, khiến con người chịu thua thiệt trong nỗ lực đối phó với stress của tuổi vị thành niên và trưởng thành như một con người lành mạnh.

            Có lẽ phản ứng loạn tâm thường gặp nhất là chứng tâm thần phân liệt cấp diễn thể căng trương lực. Các triệu chứng có khi là hành vi hưng phấn cao độ, hiếu động, mang tính phá hoại; có khi hầu như bất động hoàn toàn, tự tỏa và thoái lùi. Thường thì người vị thành niên bị tâm thần phân liệt luôn đau khổ vì những cảm giác nặng nề như sợ hãi, ngờ vực, cô đơn. Tư duy méo mó,các hoang tưởng và ảo giác của người bệnh thường tập trung vào các mâu thuẫn tình dục, vào cái thiện và cái ác, vào một ham muốn làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho cuộc sống. May mắn thay, hành vi của anh ta không đến nỗi đe dọa khiến người khác phải xa lánh như trong bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Do vậy, người vị thành niên bị bệnh thường được chữa trị có kết quả hơn so với người lớn.

CHĂM SÓC THANH THIẾU NIÊN GẶP KHÓ KHĂN

            Việc chăm sóc và chữa trị cho vị thành niên gặp khó khăn phải theo các nguyên tắc chung trong chăm sóc và chữa trị các hành vi phản ứng đặc biệt với stress như: hành vi chống đối xã hội, trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt. Tuy vậy, bất cứ sự chăm sóc tâm lý nào muốn đạt hiệu quả cũng cần xem xét tới một số yếu tố như:

1.       Các hành vi công khai của người vị thành niên;

2.       Sự phát triển của mỗi cá nhân vị thành niên;

3.       “Lũ bạn” đang có ảnh hưởng đến người vị thành niên;

4.       Tác động qua lại của gia đình người vị thành niên.

            Việc chữa trị phải là một cách tiếp cận nhiều hướng và thích hợp với nhu cầu của cá nhân và hoàn cảnh. Phương pháp chữa trị này bao gồm liệu pháp cá nhân, liệu pháp nhóm và liệu pháp gia đình tại một cơ sở ngoại trú có điều kiện. Nhập viện chỉ cần cho các trường hợp đang đe dọa tính mạng và nơi ở cần có một môi trường qui định. Việc hỗ trợ trong lúc khủng hoảng (crisis intervention) nên được thực hiện vào các đợt cấp diễn và tái phát của bệnh, khi người thanh niên được giữ tại nhà. Nếu là một bệnh mạn tính thì cần thay đổi môi trường sống trong một trại hay một trường nào đó cho đến khi một số vấn đề được giải quyết với người vị thành niên và gia đình của anh ta.

            Hiện nay, có xu hướng sử dụng các dịch vụ dựa vào cộng đồng, không phải vào trường, trại, cho những thanh niên mới nảy sinh “vấn đề”. Gần đây, chẳng hạn như các đường dây điện thoại nóng (hotline), các trung tâm “ghé lại thăm”, nhà ở cho người trốn khỏi gia đình, các phòng khám miễn phí... có lẽ là để phần nào đáp ứng với tình hình thanh thiếu niên sử dụng ma túy ngày càng tăng. Những dịch vụ này được cung cấp bởi những nhân viên trẻ tuổi, không chuyên nghiệp và những người tình nguyện, mà phần nào dễ được các thân chủ chấp nhận dễ dàng hơn. Nói chung, các dịch vụ này tập trung vào cái “ở đây và bây giờ” (here and now), vào cái mà con người cần có ngay - một chỗ ở, một bữa ăn nóng, hoặc một người nào đó để lắng nghe những tâm tư của mình.

            Các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng (community mental health center) giúp nhiều người vị thành niên được chăm sóc tại nhà, hoặc gần nhà, thay vì phải nhập viện. Người ta có khả năng cung ứng việc chăm chữa tích cực cho những cá nhân cùng các thành viên trong gia đình bằng cách tận dụng những phương tiện ở những cơ sở này - dùng liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý và liệu pháp hoạt động.

            Thực tế, hiện nay có không ít vị thành niên có các rối nhiễu tâm lý, rối nhiễu hành vi, mà không nhận được những chăm sóc và chữa trị thỏa đáng. Cần thiết lập một mạng lưới rộng khắp để chẩn đoán và điều trị và cần có những tiện nghi chaăm sóc như: một cơ quan thông tin và trung tâm quy chiếu, các phòng khám bệnh và phòng khám tâm lý, với những dịch vụ đặc biệt dành cho trẻ em và vị thành niên, các dịch vụ sức khỏe tâm thần và giáo dục đặc biệt trong các trường học, các dịch vụ chăm sóc ban ngày, có hội chẩn và giám sát về sức khỏe tâm thần, các “nhà trọ giữa đường” cho những vị thành niên đang gặp bối rối, điều trị nội trú và các hình thức khác của các trung tâm chăm sóc nhóm, những đơn vị dành riêng cho trẻ em và vị thành niên trong các bệnh viện tâm thần, đơn vị phục hồi chức năng bằng dạy nghề, các chỗ làm việc được bảo trợ và các dịch vụ khuyến cáo gia đình.

            Song trước hết, nên có một hệ thống biện hộ do nhà nước thành lập để bảo đảm rằng các dịch vụ giáo dục, dạy nghề, kinh tế, y tế và xã hội phải được cung ứng cho những vị thành niên có nhu cầu và gia đình của họ. Hệ thống này sẽ bảo đảm cho họ những quyền cơ bản: được mong muốn, được sinh ra và được sống trong một môi trường lành mạnh, được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, được chăm sóc với tình thương yêu, đạt được các kỹ năng trí tuệ và cảm xúc cần thiết cho sự thành đạt các khát vọng cá nhân và ứng phó có hiệu quả trong xã hội ngày nay, và được tiếp nhận sự chăm sóc, chữa trị nhờ các phương tiện thích nghi với các nhu cầu của họ và cố gắng giữ họ gần gũi với cuộc sống bình thường.

[1] Ở Việt Nam, theo tài liệu Hai năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em, do Ủy ban Bảo vệ-Chăm sóc Trẻ em VN ấn hành (9/92) thì: từ 1967 đến nay có 13.770 người phạm pháp chưa thành niên đã được học tại các trường cải huấn. Theo một số liệu khác, số trẻ phạm tội có thể chiếm tới 10-15% tổng số người phạm pháp. Trong các tội danh của phạm nhân vị thành niên (dưới 15 tuổi), thì 12% là trộm cắp; 1,05% hiếp dâm; 0,9% giết người; 0,22% hành hung. (Theo Tập san Giáo dục và Thời đại - số 20-21)

[2] Theo kết quả một cuộc điều tra trên 282 vị thành niên ở Sri Lanca tuổi từ 14 đến 23, thì có tới 38% đã uống rượu ít nhất một lần để tìm khoái cảm (Micheal Wilkes). Trong số 10.116 sinh viên Phần Lan (trung bình 22 tuổi) có đến 66% nam và 42% nữ có uống rượu (bia hay rượu vang) mỗi tháng một lần hoặc nhiều hơn (Maja Ritta Tuori).

 Hội thảo Tâm lý Pháp Việt – Tháng 4-2002

KHOÁI CẢM - THIẾU VÀ THỪA

P. Kourilsky & BS M. Rouyer

(Bản dịch của BS Nguyễn Lân-Đính)

Cách đây 8 thế kỷ, Hoàng đế Đảo Quốc Sicile, một hòn đảo ở Địa Trung Hải, Frédéric Đệ II, đã muốn biết những đứa trẻ mà lúc còn nhỏ, không có ai nói năng gì với chúng thì sau này, khi lớn lên, chúng sẽ nói tiếng gì? Ông đã tách riêng ra 10 em bé, và ra lệnh cho các bà vú cứ cho các em bé bú, tắm rửa, thay đồ một cách tốt nhất có thể được, nhưng tuyệt nhiên không được nói với chúng một lời, hát ru cũng không được.

Sử gia đương thời xảy ra sự kiện này thuật lại rằng, mặc dù được chăm sóc thật tốt về mặt vật chất, tất cả những đứa trẻ này không sống được quá 1 năm vì chúng không thể nào sống nổi nếu không nhận được những cử chỉ vuốt ve, nhìn những gương mặt vui vẻ và nghe được những lời nựng nịu âu yếm của các bà vú nuôi chúng.

Ở loài người, từ lúc lọt lòng ra, một em bé hoàn toàn lệ thuộc vào người lớn. Để “thành người” – có nghĩa là để tách biệt khỏi người nuôi mình, nhập tâm vào thân mình, biết nói, trở nên tự lực – nếu chỉ thỏa mãn các nhu cầu vật chất thôi là chưa đủ, những cử chỉ chăm sóc mà em bé nhận được cũng phải đáp ứng cả các nhu cầu về cảm xúc và tâm lý nữa.

Tình thương của người mẹ biểu hiện bằng những cử chỉ chăm sóc thể chất. Danh từ “người mẹ” mà tôi sẽ thường xuyên sử dụng phải được hiểu theo nghĩa rộng và liên quan đến các hành vi chăm sóc của những người có chức năng chăm lo cho đứa trẻ.

Khoái cảm (sensualité), được khơi dậy ở em bé thông qua 5 giác quan (của bản thân đứa bé và của người mẹ). Ở mỗi em bé, vị giác được khơi dậy bởi sữa, nhưng cảm giác thích thú đến là do cách người ta cho bú, lúc đứa bé đang đói bụng, chứ không hẳn do đáp ứng bằng cho ăn mỗi khi nó khóc. Cái thú vị giác từ miệng không đi riêng lẻ, nó kết hợp với động tác mút, động tác này trở thành một niềm thỏa mãn độc lập (satisfaction autonome) của riêng nó, khi em bé mút ngón tay cái của mình hay một vật bên ngoài; cữ bú cũng không thể không đi cùng với cái nhìn và lời thủ thỉ của người mẹ và được tiến hành trong một khoảnh khắc riêng tư và thân kề thân.

Thính giác: Em bé phản ứng lại lời nói, phản ứng lại giai điệu của lời nói, hướng cái nhìn của nó về phía mẹ đang nói, nó tập uốn giọng theo các âm vị (phonemes) mà nó nghe thấy. Trước khi lời nói trở thành phương tiện để giao tiếp, các bậc cha mẹ đã hiểu ý nghĩa của những tiếng bi bô em bé phát âm ra.

Khứu giác: là một cảm giác rất cổ sơ, cái mà không thể thiếu được cho sự sống còn của tổ tiên chúng ta thời xa xưa. Khứu giác rất phát triển ở em bé, đến độ một em bé tách khỏi mẹ, nhận ra được mùi của mẹ thấm vào một cái quần áo, đang khóc, nín ngay; người ta cũng biết rằng một người mẹ có thể nhận ra con do mùi của nó trong những tuần đầu sau sanh.

Đó là những điều bình thường không lạ gì đối với các bạn và tới tuổi trưởng thành, những đặc điểm này cũng cứ còn mãi trong những gì quyến rũ chúng ta nơi người mình yêu. Tôi sẽ nhấn mạnh hơn vào xúc giác và cái nhìn ; thiếu xúc giác và thiếu cái nhìn có một tầm quan trọng rất lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của con người.

Xúc giác: quá trình chăm sóc gợi nên ở đứa trẻ những cảm giác mãnh liệt ít nhiều trên những phần đoạn của cơ thể, trước tiên là trên những vùng nhậy cảm nhất và được chiếu cố tới nhiều nhất: thí dụ ở miệng - cái để cho người ta hôn, cho người ta cắn, ở các vùng hậu môn, niệu đạo hay cơ quan sinh dục được chiếu cố khi rửa ráy làm sạch và khi đi tiêu, đi tiểu, và sau cùng là ở làn da, cho đứa bé có một lằn ranh giới giữa nó và người khác. Em bé tự nó tìm lại những cảm giác gợi ra bởi những động tác rửa ráy, nó khám phá ra chúng một cách ngẫu nhiên khi tay của nó thăm dò cơ thể nó, để sau đó chiếu cố chính xác hơn những vùng khoái cảm ấy, khi khả năng vận động của nó phát triển hơn. Đây là một sự thỏa mãn bằng việc tự kích dục gắn liền với sự khoái cảm cua cơ quan bộ phận hình thành dần dần. Tiến trình cơ thể gợi dục (hay sự khoái cảm mà cơ thể mang lại cho chúng ta) là một biểu hiện của tính dục trẻ em.

Đối với nhà phân tâm, danh từ tính dục không dành riêng cho khoái cảm sinh dục mà bao gồm mọi sự thỏa mãn của cơ thể, là những yếu tố sẽ cho phép nhìn nhận bản thân như một con người có giới tính con trai hay con gái, và tiếp nối bằng sự tò mò đối với cơ thể người của giới tính kia và về sự hoạt động của cơ thể đó, sự tò mò giới tính ấy là cơ sở của sự tò mò tri thức.

Giờ đây, chúng ta hãy dừng lại ít lâu để bàn về cái nhìn. Cái nhìn có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của đứa trẻ. Đứa trẻ gắn cái nhìn của mình vào cái nhìn của mẹ nó, đang ngắm nhìn nó, em bé nhận thức hình ảnh của bản thân mình trong mắt mẹ mình. Hiện tượng này đến trước “giai đoạn tấm gương”, lúc mà vào khoảng 8 – 10 tháng tuổi – đứa trẻ chưa nhận thức được toàn diện cơ thể nó nhưng đoán trước được hình ảnh toàn diện của nó, khi được mẹ ẵm nó trước tấm gương: em bé nhận ra mẹ trước tiên trước khi vui sướng nhận thức là chính mình đang kề bên mẹ, đây là một khoảnh khắc quan trọng (cái này thiếu trong những ca loạn tâm ở trẻ nhỏ).

Trong cái nhìn của người mẹ cũng có những xúc cảm mà đứa trẻ cảm nhận được rất sớm, nếu cái nhìn của người mẹ bị trầm cảm là trống rỗng và chằm chằm vào đứa trẻ nhưng chẳng trông thấy nó, làm đứa trẻ ngọ nguậy và lo lắng.

Cũng phải đề cập tới cách mà người mẹ xem con mình là con trai, là con gái hay là một người không phân định giới tính; điều này dường như đóng một vai trò quan trọng trong cách đứa trẻ hình thành cá tính của mình về mặt giới tính. Nếu thiếu sự vồn vã thương yêu, thiếu những sự chăm sóc cá nhân đối với một em bé hay đứa trẻ nhỏ, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển về thể chất và tinh thần và đến sinh hoạt tình dục khi trưởng thành.

Người ta nói rằng những đứa trẻ nuôi nấng thiếu tình thương trở thành những người lớn đầy thù hằn, tương tự như vậy, nhiều tình thương quá cũng gây bệnh hoạn cho đứa trẻ, vì nó không phải là một chủ thể đang biến chuyển mà là một vật thể, thuộc quyền sở hữu của bố mẹ ; nó bị những người lớn yêu nó vì bản thân họ (chứ không phải vì nó), làm cho nó “ngộp”.

Những đứa trẻ mà chúng tôi tiếp nhận để gửi nuôi trị liệu tại các gia đình, đã được gửi đi vì chúng bị đau khổ vì thiếu dạy dỗ và thiếu tình cảm, và vì sự phát triển về thể chất và tinh thần của chúng bị xáo trộn trầm trọng. Như trong câu truyện kể ở đầu bài, tình trạng phát triển thể chất bị sút kém. Đứa trẻ có thể tự để cho mình chết dần mòn, nếu việc chăm sóc dành cho nó dù có chất lượng cao về vật chất, nhưng được thực hiện không tình cảm, không thích thú. Nó cậy dựa vào những căn bệnh đòi hỏi phải được người khác chăm sóc: chàm (eczema) toàn thân, suyễn hay nó tự để mình hao mòn vì chán ăn, một số trẻ có biểu hiện chậm phát triển, đưa vào môi trường bệnh viện thì hết ngay một cách ngoạn mục, ở nơi mà một đứa trẻ được nuôi dưỡng bình thường sẽ trở nên thoái lui và đau khổ, thì những đứa trẻ này lại có thể khá lên.

Đứa trẻ nhỏ có thể làm nhẹ bớt tình trạng thiếu thốn bằng những hành vi có tính chất tự kích dục; những hành động này chỉ bất thường khi được lập lại quá thường xuyên và khi có sự co rút lại về mặt tâm lý và nó được đi kèm với những hành vi như tự đu đưa thay vì được ru ẵm, lắc đầu, tìm kiếm những sự kích thích bộ phận sinh dục, mút và ăn quần áo của nó, đập đầu vào tường, khi đó nó như thể đang tìm kiếm các giới hạn cơ thể của mình và đi tìm một nguồn kích thích mà nó thiếu.

Trái lại, một số trẻ lại bị kích thích cơ thể quá nhiều, không tôn trọng tình trạng yếu đuối của chúng và nhu cầu có những điểm mốc. Người ta thấy sản sinh ra một tình trạng kích động khó thể điều hòa được, một sự xúc động thường xuyên. Chúng cố định ở giai đoạn ‘toàn năng’ là đặc điểm của những năm đầu đời, chúng dễ lâm nguy vì chúng không chấp nhận các quy luật và nguyên tắc thực tế. Người khác chỉ hiện hữu tùy theo cái gì người ta cho chúng và việc tìm kiếm sự thỏa mãn chiếm ưu tiên cao hơn những gò bó mà đời sống xã hội bắt buộc chúng phải chịu đựng. Chính ở loại trẻ này mà người ta tìm thấy nguồn gốc của sự phạm pháp.

Trẻ bị thiếu sự chăm sóc và sự giáo dục hợp lý từ những ông cha, bà mẹ chưa chín chắn, mà chính những cha mẹ ấy cũng đã bị thiếu thốn, và không được ai giúp đỡ trong khi mang thai, lúc sanh và trong những tháng đầu đời của đứa bé. Nhiều nguyên do từ bên ngoài có thể tác động: các thảm kịch cùng thời với thời kỳ thai nghén và sanh đẻ như tang tóc, người thân bỏ đi hoặc tất cả những tình huống thảm họa như chiến tranh chẳng hạn. Mọi khổ đau mãnh liệt gây nên một phản ứng rút vào ốc đảo của riêng bản thân họ hay những cách xử sự để tồn tại không cho phép một sự đầu tư bình thường vào đứa trẻ.

CA LÂM SÀNG

Tình huống này là một bản tóm tắt của một bệnh án trên 20 năm theo dõi, nó minh họa một trường hợp bất cập của mối quan hệ mẹ – con, trong đó những thiếu thốn về tình cảm có lúc thì quá cách xa và ngược đãi, có lúc thì lại quá gần gũi và gợi dục tạo nên một tâm cảnh loạn luân.

Chúng tôi đã đón nhận Jacques vào tuổi lên hai, khi đó cháu được nhập viện sau khi bị gãy xương cánh tay, kèm theo tình trạng thiếu dinh dưỡng, chậm lớn, và toàn thân bị chàm eczema. Hãy còn có nguồn sinh lực trong đứa bé, nó có thể có những cơn nổi cáu kinh khủng, khi đó nó lăn xuống đất gào thét không ai có thể đến gần được, có khi mất ngủ, nó tự đu đưa thật lâu trên giường. Jacques đã được mẹ nó vui sướng trông đợi, nhưng ngay trước khi ra đời, thì người bố bị mất tích. Người mẹ được giới thiệu tới một nhà hộ sinh tiếp nhận những phụ nữ độc thân nhưng đang mang thai; ở đó chị đã kết bạn với một phụ nữ trẻ có cùng tình trạng với mình. Hai đứa trẻ cùng ra đời một lượt và được chăm sóc tốt trong 3 tháng. Phải cho rằng sự khởi đầu tốt ấy đã góp phần vào sự duy trì một nguồn sinh lực mà Jacques đã biểu hiện lúc 18 tháng, bất chấp các rối loạn trầm trọng của nó. Lúc được 3 tháng tuổi, bạn của mẹ nó tìm lại được bố đứa con của mình và đoàn tụ lại với chồng. Mẹ của Jacques rất xuống tinh thần nhất là chị lại không còn liên lạc với gia đình, thất nghiệp và phải đi khỏi nhà hộ sinh. Chị sống một mình với Jacques trong căn hộ chỉ có một phòng. Chị có những tiếp xúc với phòng khám trẻ em vì Jacques không chịu ăn, khóc nhiều và không chịu ngủ. Mẹ của Jacques tuân theo thật đúng những lời dặn của bác sĩ, chị cho ăn, cho uống thuốc thật đúng giờ, nhưng mọi động tác được thực hiện mà không có sự trao đổi tình cảm, chị ta vận động đôi bàn tay trên mình đứa trẻ một cách thiếu dịu dàng, điều này chỉ làm cho cách xử sự của Jacques thêm rối loạn hơn, không bao giờ được xoa dịu, không bao giờ được ngơi nghỉ, ngoại trừ ban đêm, khi cứ nghe con khóc hoài, không chịu nổi nữa, thì mẹ cháu mới đưa cháu vào giường mình ôm nó sát vào người và tìm thấy trong cử chỉ này một niềm an ủi lớn. Sự việc gãy xương cánh tay – nguyên do khiến cho đứa bé được nhập viện và khám phá ra tình trạng khốn quẫn của hai mẹ con – xảy ra khi Jacques từ chối, không chịu ăn, nên mẹ nó nổi cáu đã kéo nó ra khỏi chiếc ghế nó đang ngồi một cách hung bạo.

Phải mất nhiều năm mới gửi được Jacques đến gia đình tiếp nhận trẻ để chăm chữa cho nó và làm cho mối quan hệ với mẹ nó tiến triển.

Jacques đã trải qua một giai đoạn thoái lùi trở lại như một em bé nhỏ xíu, trước hết là nó mất “thói quen sạch sẽ” bị mẹ nó bắt ép phải tuân theo, tính hung hãn biểu lộ dưới hình thức những cơn tức giận và đập phá đồ đạc. Đã phải sử dụng những lời lẽ dịu dàng với Jacques vì trong một thời gian rất lâu, nó từ chối không cho ai động chạm vào người nó, rồi mẹ cũng đã phải giữ nó lại để ngăn cản không cho nó tự gây nên chấn thương cho nó. Người mẹ đã gặp được một nhóm tôn giáo hoạt động như một gia đình, một nơi có tính bảo bọc đối với chị và điều này đã mang lại một sự thư giãn cho mối quan hệ với đứa con.

Tuy nhiên, lúc đó Jacques đã lên tám. Người ta nhận thấy là cách xử sự của mẹ Jacques với Jacques quá gần gũi, và có vẻ người mẹ xem nó như một người bạn hơn là một đứa con. Jacques đã phát triển một cách xử sự có tính chất ám ảnh, lộ rõ ra trong các hình vẽ của nó, những nghi thức lúc đi ngủ, những hành vi tự chủ này giữ không cho các cảm xúc của nó lại gần. (ces conduites de maitrise tenaient à distance ses émotions)

Jacques đã trở về sống gần mẹ khi được 14 tuổi, mẹ Jacques và Jacques đã an cư trong một đời sống nghi thức hóa, không có gì là linh hoạt cả. Hiện nay Jacques đã 22 tuổi, anh ấy chuyên về vi tính, vẫn sống với mẹ, lâu lâu tới thăm gia đình đã tiếp nhận mình. Cuộc sống của anh ngăn nắp, không có bạn gái, không có đời sống tình dục, nhút nhát, xem mọi cuộc tiếp xúc như là sự xâm phạm, luôn ở trong sự tự kiểm soát, tỏ ra rất hay phê phán đối với người khác và bị người khác tẩy chay.

Tổ chức này không làm cho anh trở nên một người phát triển hết tiềm năng, anh vẫn còn mang nặng ảnh hưởng của những thiếu thốn của thời kỳ thơ ấu. Những sự chăm sóc của chúng tôi đã giúp cho Jacques giữ được trí thông minh của mình, tránh được phạm pháp vì đã cho được cho anh ta một khoảng thời gian dài ổn địnhHÌNH VẼ CỦA TRẺ EM - CÔNG CỤ CHẨN ĐOÁN VÀ TRỊ LIỆU

BS. Arlette Fortin

(BS Trần Di Ái dịch)

Những sản phẩm vẽ do trẻ em thực hiện ở nhà, từ tuổi trường mẫu giáo cho đến lứa tuổi ở giai đoạn ẩn tàng[1] có những nội dung rất phong phú. Không hiếm trường hợp trẻ vẽ hình để tặng bố mẹ.

            Hình vẽ của trẻ em là một phương thức thể hiện vừa quen thuộc, vừa vui, tất nhiên khi bản thân trẻ hoặc người khác không coi thường những hình vẽ nguệch ngoạc mà trẻ thực hiện vào những buổi đầu tập sử dụng bút vẽ.

            Đối với nhà phân tâm, hình vẽ của trẻ em là một cách thức mà trẻ tránh né mối quan hệ trực tiếp, tránh né phải nói, phải nhìn mặt một người lạ, nhưng vẫn cố gắng giao tiếp với con người mới mẻ này – một người vốn là nguồn hy vọng mà bố mẹ trẻ đã đến tham vấn và nhờ được giúp đỡ.

            Tôi chú ý đặc biệt các hình vẽ của trẻ em vào buổi gặp đầu tiên để đánh giá và chẩn đoán rối nhiễu của trẻ. Thường qua hình vẽ, trẻ sẽ tìm cách thông báo về các khó khăn của mình. Sử dụng cách thức thể hiện như thế, trẻ vừa tỏ ra mình có khả năng quan sát bản thân, hy vọng có sự thay đổi bằng cách chia sẻ với một người lạ rằng mình là một phần được người ấy quan tâm.

            Trong phần sau của bài trình bày này, tôi sẽ tìm cách chứng minh những hiệu quả có tính trị liệu của hình vẽ trong một khuôn khổ trị liệu đã được thiết lập. Trong trường hợp này, hình vẽ sẽ có giá trị như một ngôn ngữ chung giữa đứa trẻ và nhà trị liệu.

            Hình trẻ vẽ cho chúng ta biết về tình hình của trẻ thông qua việc phát hiện ra cách thức mà trẻ tri giác về bản thân, cùng cách thức mà trẻ cảm nhận về gia đình và trường học của mình. Hình vẽ còn là một loại cầu nối giữa các ý nghĩ hữu thức với những xung đột bên trong vô thức.

            Tôi sẽ trình bày về buổi khám đầu tiên với em bé Edouard, 5 tuổi. Bố mẹ đưa em đến khám theo lời khuyên của cô giáo vì cô thấy em chậm trong kỹ năng viết và vẽ dù em đang ở năm thứ hai của trường mẫu giáo. Em rất khó viết ra họ tên của mình và các bức vẽ của em cũng ít có tiến triển. Ngoài ra em cũng rất hung hãn vào giờ chơi. Bố mẹ ít lo lắng, nhưng cũng đồng ý đưa em đi khám.

            Edouard là con nuôi đầu, lúc em khoảng 1 tuổi, nguồn gốc Nam Mỹ. Trước em tên là Eduardo, vẫn được bố mẹ nuôi giữ lại tên cũ (nhưng đã được “Pháp hóa”), cũng như đứa con nuôi thứ hai tên là Antonio (nay gọi là Antoine) hiện 3 tuổi. Bố mẹ em nói với tôi rằng hằng ngày họ vẫn gọi tên các con theo tên gốc hoặc tên thu gọn là Lalo và Tonio (tiếng Tây Ban Nha).

            Trong buổi khám đầu, tôi chỉ tiếp hai bố mẹ. Người mẹ là một phụ nữ hơi lớn tuổi, có vẻ lịch sự và dè dặt. Bà thường nhường lời cho chồng nói, chỉ thỉnh thoảng xen vào để nói về những chi tiết liên quan đến quá khứ của con đứa nuôi và người mẹ ruột của nó.

            Bố là một người đàn ông lịch thiệp và hơi nói nhiều trong buổi đầu tiên. Ông nói với tôi rằng ông đã có một đứa con gái 20 tuổi với người vợ trước và Edouard rất yêu thương ông. Cô con gái không sống chung, nhưng vẫn đều đặn đến thăm bố, vẫn chấp nhận các em nuôi và thường chơi búp bê với chúng.

            Tôi hỏi bà mẹ vì sao nhận con nuôi. Bà đáp rằng khi bà bắt đầu mong có con thì đã hơi lớn tuổi và đã phải điều trị 3 năm. Bà không thích thụ thai nhân tạo và do những thủ tục phức tạp từ các dịch vụ xã hội không cho phép bà nhận được những đứa con nuôi rất nhỏ như vợ chồng bà mong muốn. Vì trình tự thủ tục ở Nam Mỹ chỉ cho phép nhận con nuôi lúc chúng khoảng 1 tuôi.

            Đứa con nuôi đầu (Edouard) trước đây sống ở một vườn trẻ. Sáu tháng đầu đời bé bị suy dinh dưỡng khi sống với mẹ và một người anh hơn em 5-6 tuổi, cũng bị suy dinh dưỡng và không đi được. Tôi nhận thấy bà mẹ đã không cho biết rằng bà có dự định nhận đứa trẻ này làm con nuôi hay không. Edouard sống chung với người anh này, và khi người mẹ mất việc, hoàn cảnh trở nên bần cùng và phải sống tạm trong tầng hầm của một tòa nhà. Do áp lực của hàng xóm, bà phải gửi con cho một cơ quan chăm sóc trẻ, rồi sau đó đồng ý cho chúng làm con nuôi. Hai đứa trẻ không cùng một cha. Anh của Edouard đã được tiếp nhận làm con nuôi trong một gia đình người Canada.

            Thủ tục nhận con nuôi được tiến hành khoảng hơn 1 tháng và bà X (mẹ nuôi) dần dần có thời gian nhiều hơn để gần đứa trẻ. Số trẻ được nuôi tại các trung tâm thì đông nên tuy được chăm sóc vật chất, các trẻ vẫn bị đặt nằm tại giường suốt ngày không ai tiếp xúc.

            Bà mẹ nhấn mạnh rằng Edouard rất quan tâm đến mọi kích thích lời nói và ngôn ngữ phát triển nhanh chóng. Em có đầu óc lanh lợi và rất tò mò. Lúc 15 tháng tuổi em đã biết đi, tập được các thói quen sạch sẽ, luôn ăn ngon miệng. Ban đầu, khi không bằng lòng, em có xu hướng tấn công và cắn nhiều. Về sau, em vẫn tiếp tục có ứng xử như thế ở trường vào giờ chơi và ở nhà khi em nổi giận.

            Ông bà X cho biết họ đã cố gắng kể cho Edouard nghe về lịch sử trước đây của em một cách đơn giản sao cho em có thể hiểu; và họ làm việc này với sự giúp đỡ của dịch vụ tư vấn con nuôi.

            Một điều khó khăn khác nữa là, trước khi nhận đứa con nuôi thứ hai Antonio, người ta đã đề nghị họ một đứa trẻ khác. Họ có chuyến đi để gặp đứa trẻ, nhưng đó là một đứa trẻ quá ốm yếu và họ đã từ chối. Điều này đã gây khó khăn cho nhiều người. Đứa trẻ bị bệnh nặng; họ thấy mình bị nhầm và cảm thấy tội lỗi vì đã từ chối đứa bé.

            Bà mẹ có cảm tưởng rằng Edouard không vượt qua thử thách này tốt hơn bà. Người bố tự hỏi làm thế nào để giải thích cho con nuôi biết lý do đi khám. Tôi hỏi họ điều gì đã làm họ quyết định. Họ đáp là họ đã làm theo ý kiến của cô giáo muốn biết là vấn đề viết, vẽ của Edouard có xảy ra đúng thời gian không. Hơn nữa họ cũng nhận thức được những điều mà Edouard biết có thể gây nhiễu loạn cho em. Điều này là không dễ dàng đối với bà mẹ. Nhưng Edouard cũng biết cách làm vui lòng những người lớn xung quanh em.

            Buổi khám thứ hai: tôi tiếp Edouard cùng bố mẹ nuôi của em. Đến phòng đợi, tôi được đón chào bằng một nụ cười đẹp làm say mê, ở đó tôi không nhận thấy dấu hiệu nào của sự sợ hãi người lạ. Edouard là một đứa bé đẹp, nước da sẫm và gương mặt thông minh, lanh lợi. Tôi ngạc nhiên vì em nói khá lưu loát. Bà mẹ đề nghị em tự chọn chỗ ngồi. Em chọn chỗ ngồi giữa mẹ em và tôi, bố ngồi cạnh mẹ.

            Tôi nói với em là tôi đã gặp bố mẹ và được bố mẹ kể về em khi em còn bé. Tôi hỏi em có biết vì sao mình phải đến đây không. Không, em không biết. Bố trả lời rằng họ đã nói với em về việc cô giáo nhận xét về chữ viết của em. Em quyết định trả lời để bố thấy lập tức bằng cách nói là em sẽ viết tên của mình. Tôi giúp em ngồi lại gần bàn. Em bắt đầu viết chữ E hoa và vui vẻ yêu cầu bố giúp em viết chữ d mà em viết liền một vòng tròn cách xa nét sổ đứng. Những chữ cái tiếp theo đều được em viết theo cách như vậy, rồi em yêu cầu bố tán thành, khích lệ - một kiểu tiếp tay vui vẻ. Người mẹ ngồi lùi lại khi bố và con trao đổi với nhau. Người bố bình luận là hai bố con đã viết vào ngày nghỉ cuối tuần và Edouard đã viết những nét gạch ngang như em vừa mới vẽ. Em đã viết xong tên mình và làm cho bố có những lời khen nồng nhiệt đáp lại những cố gắng rõ ràng của con. Tôi cũng hưởng ứng và đến lượt tôi khen em. Em lấy ra một tờ giấy khác và hỏi tôi là phải làm gì. Do chịu ảnh hưởng vì đã đọc lại Winnicott, tôi nghĩ là trẻ phải có khó khăn để thực hiện một nhiệm vụ khó như là vẽ hình, và tôi đề nghị em vẽ tiếp nét [2] cùng tôi (tôi giải thích cách làm). Em cầm một cây bút dạ màu đỏ và nói là em tôn thờ màu đỏ. Nhưng em thay nhanh một cây bút khác và nói mình đã nhầm, mình tôn thờ màu xanh. Tôi can thiệp ngay, tôi nói: em có thể có hai ý nghĩ cùng lúc. Em trả lời ngay: “Nhưng em không thể nghĩ cùng một lúc, mà chỉ có ý này sau ý kia thôi”.

            Em không chú ý đến đề xuất vẽ tiếp nét của tôi, mà bắt đầu vừa vẽ vừa nói: biển, làn sóng nhỏ, những con cá, cá mập, cá nhông, cá heo, các răng dao… Em bình luận quanh vấn đề kích thước những con cá và người bố cải chính về kích thước thật của những con cá. Điều Edouard bận tâm là em biết được việc một số loài cá ăn thịt những con cá khác, cá lớn ăn cá bé, và đôi khi cá bé ăn thịt cá lớn.

            Tôi có lời bình luận đầu tiên về điều nguy hiểm mà cá nhỏ cảm thấy khi đối mặt với cá lớn: chúng có thể cảm thấy bị nguy hiểm trước cá lớn. Điều bình luận thứ hai: các cá bé đôi khi có ý tưởng ăn thịt cá lớn. Em nói với tôi về các con tàu biển, về chuyện đi câu và chỉ cho tôi những điều liên quan đến biển. Tôi hỏi người bố là những hiểu biết đó của Edouard có phải là học từ ông không và ông có quan tâm đến biển không. Vâng; hai vợ chồng đã làm nhiều tàu, nhưng vài năm vừa rồi thì ít hơn. Bà mẹ cũng nói nhưng không thêm chi tiết. Hai vợ chồng cũng thường đưa con đi thăm những bể nuôi cá. Edouard vẽ những thanh dài; ông bố nói họ đã vẽ như vậy vào ngày nghỉ cuối tuần. Ngay lúc ấy, Edouard vẽ một con cá nhỏ bên dưới đường gạch ngang. Tôi hỏi em có đúng đó là em, là Edouard không. Em cười nhiều về sự gợi ý của tôi và bỏ đầy vào bàn tay tôi những con cá nhỏ. Tôi nhập vào trò chơi cùng em và cám ơn về tất cả những con cá nhỏ tuyệt vời mà em đã cho tôi.

            Em nói chính xác đó là những con cá răng dao. Tôi nói: nhưng chúng sẽ ăn thịt tôi.

            Em trấn an: Không, chúng đã chết. Em đã giết chúng bằng giáo và súng lục.

            Tôi nói: Tôi thấy em trang bị vũ khí rất tốt.

            Em nói: “Và cả với sự tồi tàn của em”

            Em và tôi cùng cười. Tôi nhận thấy người bố miễn cưỡng. Người mẹ thì không nói gì, hơi khó hiểu.

            Lúc đó, Edouard vẽ một con ốc sên có các râu.

            Tôi đề xuất ý “vậy là cháu đôi khi như một con cá bé bơi trong nước, đôi khi như một con ốc sên có thể thu mình vào vỏ, nhưng có thể nhìn khắp nơi nhờ đôi râu.

            Em nói với tôi về những chuyện có liên quan đến bạn thân của em, Eric. Tôi hỏi, Eric là bạn cháu à? Con trai hay con gái?

            Edouard nói: Không đến mức là bạn vì nó luôn gây gỗ.

            Tôi nói: Đôi khi ta gây gỗ với những người ta yêu nhất !

            Em nói ngay lúc đó: với mẹ !

            Bà mẹ nói: Đúng vậy. Con đã gây gỗ với mẹ nhiều nhất và cũng đã cáu tiết nhiều !

            Edouard: Ta làm gì bây giờ ?

            Tôi nói: Lúc cháu gây gỗ với mẹ, thì ngay sau đó cháu có ý nghĩ phải làm điều gì khác ?

            Edouard: Nhưng cháu còn hai tranh vẽ phải làm. Em chỉ vào hai tờ giấy còn lại chưa vẽ.

            Những tranh vẽ khác em vẽ đại khái. Em cầm cây bút dạ và bắt chước làm một chiếc máy bay đang bay lên.

            Tôi hỏi: Có phải cháu nghĩ đến máy bay ?

            Em nói: Không đâu ! Em im lặng rồi lại nói: Cháu đã đi máy bay về Antilles[3].

            Em bắt đầu viết tên mình, chữ ngược như trong gương soi.

            Vào lúc mà tôi viết từ này, có sự vướng víu nằm giữa từ gương soi, và tôi khó viết cho đúng chính tả. Tôi cảm thấy từ trí nhớ chồng lên nhau trong ý nghĩ của tôi, và ngay khi đó tôi tìm lại được cách viết từ này.

            Như vậy, điều mà tôi nghĩ đến trí nhớ của em về nguồn gốc của em, ký ức về chuyến bay đầu tiên và cung cách em trả lời tôi theo kiểu phủ định: ‘Không! Không phải mẹ tôi’. Ngoài ra, tôi nhận thấy em viết tên em theo cách Tây Ban Nha (U thay cho OU).

            Rồi em vẽ một con lươn nhỏ làm tôi chú ý và nói: À, cháu là một con lươn bé khó bắt được.

            Em nhìn thấy hộp đồ chơi của tôi và chỉ quan tâm đến máy bay. Tôi cố gắng một chút để nêu lại chủ đề máy bay, nhưng rõ ràng là em không còn muốn đi xa hơn về chủ đề này.

            Chúng tôi có hai cuộc hẹn gặp nhau trước kỳ nghỉ hè và tôi gợi ý là tất cả sẽ tiếp tục vào các buổi khám.

            Rút ngắn buổi gặp để kết thúc do trẻ có nhu cầu bức xúc đi tiểu tiện và bà mẹ với thái độ hơi xa cách gửi bố cùng con đến phòng khám.

            Sau buổi này, tôi thấy cần viết gấp bản tường trình về buổi khám. Trong lúc viết, tôi cố gắng ước lượng cái được cái mất của buổi khám.

            Các khó khăn về viết vẽ của Edouard đã thấm đầy nội dung ‘lo hãi bị thiến’[4]. Chủ đề đầu tiên do em gợi ra khi em nói về những con cá ăn thịt những con cá khác chứng tỏ em có lo hãi bị ngốn, nuốt; cá bé bị cá lớn ăn thịt nhưng tôi thấy là em, cá bé lại muốn ăn thịt cá lớn. Chúng ta có thể định vị các triệu chứng của em theo màu sắc Oedipe dù em rất lo hãi bị nuốt. Em muốn liên minh với bố và tìm cách dựa vào bố khi em gợi những hiểu biết về biển mà bố gợi cho em.

            Lúc sau, em hình như bị lúng túng do gợi ra người bạn chơi và thích thú trong các trò chơi với bạn; bạn nhưng không thân vì rằng em đánh nhau với bạn, điều này có liên quan đến mẹ. Ta có thể suy ra là người mẹ đến đây với cương vị phụ nữ đã làm mất đi phút chốc yên tĩnh có được trong cảm giác được củng cố thêm do bố ủng hộ. Em một lần nữa lại bị nguy hiểm do mối quan hệ được tạo ra, do thích thú trong trò chơi gây gổ gợi lại với mẹ.

            Một yếu tố khác lúc đó chồng lên, đó là việc sực nhớ lại một chiếc máy bay đưa em đi xa tổ quốc đến trừng phạt các khoái cảm được bén rễ với người mẹ gốc, một gốc rễ mà em chỉ có thể gợi lại bằng cách phủ định. ‘Không, tôi không nghĩ đến máy bay, tôi không nghĩ đến mẹ’. Nói gì về khả năng của em trong việc chống lại sự đầu tư hung tính để đạt đến sự hiểu biết. Nhiều câu hỏi mà tôi đặt ra về đứa trẻ, về những triệu chứng trẻ đang mắc phải, làm tôi muốn có các buổi khám khác để làm sáng tỏ các khó khăn của em và đánh giá mức độ chúng đã huy động tâm lý nơi em.

            Buổi khám thứ ba làm cho tôi suy nghĩ về điều gì đang hiện diện trong tư duy của em. Bố trí ghế ngồi lần này khác, mẹ ngồi xa, bố ngồi gần Edouard. Edouard bắt đầu ‘dính vào bố’. Tôi nhắc lại lần trước em đã vẽ những con cá và còn cho tôi những con cá bé. Để từ chối cây bút dạ, em chỉ cho tôi thấy ngón tay của bố quấn băng dính, bố em bị đứt tay do một con dao lớn và bố đã khẳng định điều này.

            Lần khám này không có chuyện vẽ tranh.

            Người bố nói thêm là sau buổi khám, Edouard đã nhắc lại nhiều về chiếc máy bay, tiếng ồn của máy bay và những ngọn đèn sáng lên. Edouard nói rằng có các động cơ phản lực sáng lên và gây tiếng ồn. Bằng trí tuệ hiểu biết về các máy bay, em kháng lại việc đầu tư tâm trí quá mức vào các xúc động được gợi lên từ chiếc máy bay, một sự kiện có thể đưa em trở về cội nguồn. Người bố nói thêm là họ đã đi một chuyến về Antilles và một chuyến du lịch đi Châu Mỹ Latin. Edouard đã rất thích nói chuyện với cô tiếp viên hàng không; em đã ăn nhiều lạc rang, uống nhiều soda và đến nơi thì nôn ra hết. Cuối câu chuyện người bố kể, Edouard đã nói đến một cái tên người mà tôi không biết. Người bố giải thích đó là tên của đứa trẻ mà vợ chồng ông đã từ chối nhận về làm con nuôi. Edouard nói với tôi ‘Nó bị bệnh’, nhưng từ chối nói thêm. Người bố có vẻ ngượng không dám đi sâu vào vấn đề. Nhưng rõ ràng đó là vấn đề mà Edouard bận tâm. Cách mà em lãng tránh vấn đề là chuyển sang hành động, nghĩa là quay sang trò chơi.

            Em chuyển sang với hộp đồ chơi mà em đã biết cách mở ra. Em lấy một chiếc máy bay, em muốn vẽ nó và vẽ những đường lượn xung quanh nó. Em nổi cáu mỗi khi gặp khó khăn khi vẽ lại chiếc máy bay. Em nhờ bố, người bố kiên trì hướng dẫn em, vach ra những nét vẽ vòng quanh máy bay. Mọi ý nghĩ đến trong đầu tôi đều liên quan đến việc đạt đến một biểu tượng có tính tượng trưng và khái niệm sao chụp, nhưng tôi không biết cách nào để can thiệp và để cho em kết thúc việc vẽ sơ đồ máy bay.

            Em sắp bỏ rơi nhiệm vụ mà em cảm thấy không hài lòng và trở nên bất bình.

            Em quay lại với hộp đồ chơi và quan sát những món đò bên trong một cách rất thận trọng.

            Những con thú đầu tiên em chọn là hươu cao cổ và em ngạc nhiên là các con vật này không có con. Em tìm cách kết những con thú khác và không hài lòng khi không thể ghép chúng thành những họ riêng biệt, họ nhà heo, họ nhà bò, họ nhà hổ... Em tìm không ra được hổ con. Bất bình em cầm lấy một con người cùng với đứa con và tách họ ra xa những anh em khác để chỉ chăm sóc cho đứa anh cả. Bác sĩ được gọi đến nhưng không đóng vai trò gì được xác định rõ.

            Tôi để em tiếp tục trò chơi và hỏi bố mẹ về quan hệ giữa Edouard và Tonio. Người mẹ sôi nổi lên. Trước lúc ấy, bà mẹ dường như có vẻ co mình lại. Bà nói với tôi rằng tình hình ở lớp và ở nhà rất tốt. Bà nói rằng vào buổi khai trường của Edouard bà không có mặt vì bận công tác, và bà còn phải đi tìm đứa con nuôi thứ hai. Giai đoạn bắt đầu đi học đối với Edouard là rất khó khăn. Em rất nản chí với các nhiệm vụ ở nhà trường và tỏ ra rất hung hãn vào giờ ra sân chơi.

            Bà mẹ hỏi xem tôi có dự định làm tâm lý trị liệu. Tôi nhấn mạnh năng lực thích nghi của Edouard và khả năng em có thể ra những câu hỏi quan trọng đối với em cũng như cung cách mà em tìm câu trả lời. Bà mẹ nói là bác sĩ nhi phụ trách Edouard luôn tỏ ra ca ngợi các khả năng của em để khắc phục những khó khăn. Tôi đồng ý và nói với bà mẹ điều quan trọng là bà có thể đáp ứng các câu hỏi của con. Tôi cũng nói thêm là tôi đang nghĩ về một sự hung hãn nào đó chống lại những bố mẹ đã làm cho em đau khổ khi em cảm thấy bị xâm chiếm bởi những tình cảm có tính hai mặt.

            Khi em bị thu hút vào những trò chơi, em nói là bố mẹ em không yêu em hết lòng. Bà mẹ bình tĩnh nhắc lại với em rằng chắc chắn mẹ yêu con hết lòng. Người bố đề cao Edouard trong cuộc trao đổi nhanh này, và ông đã liếc mắt nhìn mẹ để tin chắc vào cách người mẹ nói ra. Tôi can thiệp để nói với bố rằng khi Edouard giận bố là lúc mà Tonio đến nhà làm đứa con nuôi thứ hai. Em còn không biết rõ là trong lòng mình còn yêu bố mẹ nữa hay không. Em nói rằng Tonio là ‘quả trứng nhỏ’ của em. tức thì tôi nói: Vậy là cháu đã nhận Tonio làm em nuôi ?

            Kết thúc buổi khám, chúng tôi dự kiến một buổi khám khác trước mùa hè. Ông bố hỏi tôi có gặp lại riêng bố mẹ hoặc riêng con không. Tôi đề xuất là trước mùa hè sẽ gặp lại nhau một lần nữa, và nếu ông bố muốn, tôi sẽ gặp vợ chồng họ riêng mà không có Edouard. Rồi đến ngày tựu trường, chúng tôi sẽ phải điểm lại tình hình, sẽ gặp riêng Edouard và sẽ cùng nhau dự định liệu pháp tâm lý.

            Lần khám này chúng tôi từ giã nhau yên tĩnh và nhẹ nhõm, dường như do tôi đã đề cập đến tính hai mặt trong tình cảm của em dành cho bố mẹ vào những lúc ở em nổi bật lên tính ghen tỵ. Và tôi có quyền có được một nụ cười từ em và từ bố mẹ em. Đến đây là lúc chúng tôi phải kết thúc ba buổi khám, nhưng những suy nghĩ của tôi thì chưa kết thúc. Tôi không có quyết định nào khác hơn ngoài việc sẽ gặp gỡ cả ba người (bố, mẹ, con) cùng với nhau... Chất lượng mối quan hệ giữa họ theo tôi đã được bảo đảm. Đứa con có các tình cảm kiểu Oedipe đối với mẹ rất rõ ràng ‘ẩu đả với mẹ’. Sợ hãi những con cá lớn xuất hiện dưới dạng lo hãi bị thiến thấm đậm lo hãi bị ngốn nuốt, nhưng nỗi lo hãi thể hiện ở vào hai buổi khám sau bằng cách trẻ cầu viện đến bố trong một hành động vừa dựa vào bố, vừa với cương vị nữ giới.

            Vấn đề được nêu lên do được gợi đến từ chiếc máy bay kèm theo lộ rõ sự phủ định đặt ra những khó khăn mà trẻ gặp phải khi cần vượt qua tất cả những thâm nhập cảm xúc trong quá trình học tập.

            Edouard ganh tỵ với đứa con nuôi thứ hai là khá rõ rệt, nhưng ở đây có một thử thách thêm vào, nổi lên khi bố mẹ không nhận đứa bé ốm đau làm con nuôi và còn có thêm một mặc cảm tội lỗi nằm bên dưới nữa.

            Vừa do gần đến kỳ nghỉ hè, vừa do nghĩ rằng trẻ rất có thể khắc phục sự khó khăn về viết, vẽ, lại do các ứng xử của trẻ chủ yếu liên quan đến sự hung hãn phải hình thành dưới niều hình thức khác nhau, nên tôi cho rằng mình cần phải giữ thái độ thận trọng chờ cho đến ngày tựu trường xem điều gì sẽ đến và tôi sẽ cố gắng hiểu càng nhiều càng tốt những chuyển động tâm lý hai mặt của Edouard.

            Cùng với ví dụ trên đây, tôi sẽ trình bày tiếp trong phần sau một tiếp đoạn lâm sàng thứ hai mà tôi chọn ra từ một ca tâm lý trị liệu. Ở đây, tôi muốn minh họa tầm quan trọng của các tranh vẽ của trẻ em.

-          Tranh được xem là sợi dây liên hệ giữa các ý nghĩ gần với ý thức của trẻ được gợi lên bởi những từ ngữ được nói ra từ những người có mặt trong buổi khám như nhà trị liệu và những thân chủ. Tranh do trẻ vẽ giúp ta khám phá ra những ý nghĩ tiềm ẩn mà các thành viên trong nhóm chia sẻ với nhau.

-          Tranh vẽ đóng vai trò trung gian giữa những gì thuộc về phần hữu thức được nói ra bởi những người tham dự nhóm với những phần trong vô thức của đứa trẻ vẽ tranh.

-          Tranh vẽ diễn đạt qua hình ảnh những lo hãi hoặc những sang chấn và cho phép phóng chiếu, nhào nặn chúng, do bởi tính chất biểu tượng khả dĩ của tranh vẽ.

Trường hợp lâm sàng thứ hai là một gia đình gốm bố mẹ và ba đứa con. Nhỏ nhất là André, 18 tháng tuổi, đứa anh Pierre, 10 tuổi, và cô chị Sophie – ‘bệnh nhân chỉ định’, 11 tuổi khi bắt đầu trị liệu tâm lý gia đình.

            Sophie cũng đã được bắt đầu được trị liệu cá nhân vì lúc 3 tuổi, Sophie phải tách mẹ vì người mẹ phải trở lại nguyên quán mà đã lâu bà không về thăm. Thời gian ấy, Sophie có những thay đổi trong ứng xử, bị thoái lùi tâm lý đáng kể, mất những cảm giác đau đớn về thể chất cũng như tinh thần và hay khóc mà không có nước mắt.

            Nhưng khi trị liệu tâm lý đã làm cho con tiến triển tưong đối tốt thì vấn đề trầm cảm nặng của người mẹ cùng những bất lợi trong kinh tế gia đình đã không thể giúp cho Sophie cải thiện được tình trạng lo hãi do sự đe dọa đổ vỡ bao trùm lên trên cuộc sống gia đình.

            Trong lịch sử bản thân của người mẹ, bà được sinh ra và sống cho đến 18 tuổi tại một đất nước khác, đã trải nghiệm một sang chấn vào lúc 1 tuổi khi được gửi vào một trại nuôi trẻ. Tuy vậy, bà vẫn còn giữ những liên lạc với gia đình mình. Một cách nào đó, bà mẹ lập lại sự chia ly đầu tiên khi vào năm 18 tuổi, bà kết hôn với một người Pháp cao tuổi hơn bà.

            Tâm lý trị liệu cá nhân đã được thực hiện nhưng sự đổ vỡ đã lập lại nhiều lần. Sau cùng, bà mẹ trở nên ứng xử hung hãn đặc biệt với các con lớn, và rồi bà nghiện rượu nặng (chúng tôi biết được điều này nhờ người chồng, mà bà ta đã không hề nói với những nhà tư vấn và trị liệu).

            Do vậy, tình trạng trầm cảm nơi người mẹ do không cải thiện được đã khiến sự cá thể hóa ở đứa con gái trở nên không chắc chắn.

            Chúng tôi cũng ít biết thông tin về người bố. Bố có xu hướng giữ im lặng. Chúng tôi biết là ông có một người em suýt soát cùng tuổi đã tự sát. Bản thân ông cũng từng được tâm lý trị liệu cá nhân và là người chính yêu cầu trị liệu gia đình.

            Tôi xin nêu ra đây hai buổi khám trong đó những đứa trẻ thực hiện những hình vẽ mà tôi sẽ bình luận. Các hình vẽ một mặt minh họa các lo hãi bị chia ly và mặt khác minh họa cho sự chuyển di.

            Trong buổi khám này, người bố vắng mặt (như đã dự kiến). Các liên tưởng xoay quanh những ý nghĩ mà tốt hơn không nên có: ‘Nếu có một tai nạn xảy ra !’

            Sophie giải thích rằng người ta sẽ thích hơn nếu đừng nghĩ thế vì tai nạn là điều có thể xảy ra.

            Mọi kiểu tai nạn và đổ vỡ đều đã được gợi ra. Rồi thì những đứa trẻ đã nói với chúng tôi về các bức ảnh gia đình đặt trong phòng bếp; bé André không biết tên những người trong ảnh, không biết gọi bố, gọi mẹ, mà chỉ vào ảnh ông ngoại và gọi là bố.

            Pierre vẽ phong cảnh, rồi vẽ một thợ lặn với bình dưỡng khí, chân đặt lên trên một kho báu.

            Trong khi đó, bà mẹ tự hạ thấp mình. Bà nói về mình như một người xấu xí, bất tài và vô dụng.

            Ở buổi khám, trong lúc các lo hãi bị chia ly, lo hãi bị chia nhỏ được gợi ra, sự hoạt động vẽ tranh của bé trai rõ ràng mang tính chuyển di. Khi người bố vắng mặt, ta thấy ở đây có sự tấn công vào bối cảnh do vắng bố; nhóm bị lâm vào nguy hiểm và đứa con trai đã hỏi chúng tôi theo cách thức riêng của nó. Đồng thời ta cũng có thể tưởng tượng rằng người thợ lặn đại diện cho việc nhóm đang đi sâu vào bên trong của bà mẹ (do trong tiếng Pháp, ‘biển’ và ‘mẹ’, ‘mer’ và ‘mère’ đồng âm với nhau) để đi tìm kho báu. Ta cũng có thể gợi ra ý tưởng về tâm lý trị liệu và dự định khảo sát vô thức.

            Tranh vẽ của buổi khám đầu của buổi khám là một phong cảnh đẹp mắt không gợi nên một nhận xét gì, nhưng sau khi quan sát lại, tôi phát hiện trong tranh có một mặt trời màu đen che khuất một mặt trời màu vàng lớn hơn.

            Lại một lần nữa, trong buổi khám này, những đứa trẻ (ở đây là bé trai) đã thông qua hình vẽ, diễn đạt bằng hình ảnh trạng thái trầm cảm của người mẹ, phóng chiếu chúng ra giấy như để trút đi gánh nặng.

            Một buổi khám khác diễn ra một thời gian lâu sau đó cũng chỉ sử dụng chủ yếu tranh vẽ để biểu thị sự chuyển di. Buổi ấy diễn ra ngay trước ngày đi nghi hè. Họ cũng không cùng nhau đến khám đầy đủ. Như thể đã có thỏa thuận trước, họ cùng đến muộn 15 phút. Sophie nằm quyền điều khiển buổi khám bằng cách chơi trò đóng vai bà chủ, đặt cho chúng tôi những câu hỏi về các chú đề lịch sử và địa lý.

            Bà mẹ nhấn mạnh sự tương ứng về ý nghĩ của bà và của con gái, bởi vì ngay sáng hôm đó, bà cũng đã nghĩ đến những điều mà đứa con gái hỏi chúng tôi lúc này. Đó là việc biết ai là người đã sáng tạo nghề in (Gutenberg). Thế mà bố của bà đã cho bà một quyển sách nói về lịch sử nghề in và bà đã liếc mắt qua quyển sách ấy sáng hôm đó.

            Bà nói với chúng tôi ‘Các vị nói thế nào trong khi tôi đã có nhà trị liệu riêng?’. Bà gợi lại nhà trị liệu trước, người mà bà có thể trao đổi bằng tiếng mẹ đẻ bà và đã giới thiệu bà cho học trò của ông. Sau đó, bà mẹ ngưng lại, không muốn tiếp tục bày tỏ nữa. Bà không biết cách nào để để xử với chúng tôi, bà không biết giới hạn.

            Sophie bắt đầu vẽ một chiếc xe lớn kéo một đoàn người và chi tiết chiếc xe không có người lái gợi lại ký ức về ngưòi mẹ: ký ức về một vụ ngã xe máy, rồi vụ ngã xe máy thứ hai, cách 2,3 năm về trước. Lúc đó, Sophie vẽ thêm vào xe một người lái xe với hai tay rất dài. Em giải thích ‘Một tài xế với cánh tay rất dài là để giữ chiếc xe vì nó có thể vỡ làm đôi. Tôi biểu đồng tình ‘Phải giữ toàn bộ, đó là sợ rằng gia đình hay nhóm ở đây có thể sẽ vỡ nếu người lái xe có đôi tay không đủ dài để giữ chúng ta lại với nhau’. Bà mẹ gợi lại sự cô đơn của bà vào ngày bị tai nạn. Mọi người đoán ra là tại sao? Có thể do bà say rượu.

            Bà nói thêm ‘Tôi muốn nói với các vị về điều đó’. Bà tiếc là phải từ biệt chúng tôi. Những đứa con lại muốn tiếp tục buổi khám. Hình vẽ do Sophie thực hiện trong buổi khám này mang tính chuyển di. Hình vẽ chia nhóm trị liệu làm đôi, một nhóm là gia đình, nhóm kia là những nhà trị liệu. Họ sắp chia tay nhau? Sự sợ hãi bị chia cắt bao trùm lên nhóm được gợi ra theo cách như vậy, vừa liên quan đến ngày chia tay đến gần vì kỳ nghỉ hè sắp đến, nhưng đồng thời cũng do những lời nói của bà mẹ chứa đựng sự đe dọa cắt đứt trị liệu gia đình, sự đe dọa mà bà mẹ bao trùm lên nhóm. Sự lập lại các đổ vỡ mà bà đã cảm nhận lúc tuổi thơ, được lập lại khi lập gia đình, rồi cả trong khi được trị liệu tâm lý.

            Người lái xe mà hai tay phải giãn ra để giữ nguyên tổng thể với nhau gợi nên nhu cầu thúc bách của nhóm, vì phải cầu viện đến cách thức ma thuật để giữ nhóm lại cùng với nhau. Hơn nữa, ý nghĩa của việc ‘có tay dài’ còn gợi ra một nhân vật mạnh mẽ có khả năng tiếp tục cuộc hành trình. Qua hình vẽ, Sophie đã hỏi ‘Chúng ta có khả năng cùng với nhau để giữ mọi người lại với nhau không ?’

            Hình vẽ do trẻ em thực hiện là ngôn ngữ. Hình vẽ làm cho cái vô hình trở nên thấy được, nói lên được điều không nói ra, giúp ý thức được cái vô thức. Sự nảy sinh một ý nghĩ trong buổi khám, hoặc theo cách xảy ra những hình ảnh trong giấc mộng và qua những gì được nói lên thành lời, dẫn dắt ta đến một hình ảnh khác, một ký ức khác mà vốn sẽ là giá đỡ cho các liên tưởng mới, cho công việc vừa của tư duy vừa của cảm xúc.

[1] Tức giai đoạn 7-12 tuổi. Latency Period, theo cách gọi tên của Phân tâm học.

[2] Squiggle – Một phương pháp vẽ tiếp nét giữa trẻ và nhà trị liệu do Winnicott đề xướng.

[3] Antilles: tên gọi một quần đảo, bao gồm Cuba và nhiều đảo quốc khác, ở vùng biển Caribé, miền Trung châu Mỹ.

[4] Castration Anxiety..TRẺ EM TRƯỚC CÁI CHẾT

MỘT HƯỚNG NGHIÊN CỨU CẦN THIẾT

BS. NGUYỄN KHẮC VIỆN (1913-1997)

Trừ ra những trường hợp bất ngờ, con người cuối cùng phải giáp mặt với cái chết, với những thái độ ứng xử khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ đó là những “phản ứng tâm lý” đối với cái chết, mà từ lâu tâm lý học cũng như các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác đã quan tâm nghiên cứu. Nhưng khi nói “con người và cái chết”, người ta thường chỉ nói đến người lớn hoặc người già. Còn trẻ em thì sao? Trẻ em có những “phản ứng tâm lý” khi đứng trước cái chết không? Những câu hỏi đó chưa được nghiên cứu tường tận, mà việc nghiên cứu này lại rất quan trọng trong tâm lý học về trẻ em.

Hằng ngày trên thế giới này có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn trường hợp tử vong của trẻ em. Khi giáp mặt với cái chết, những đứa trẻ có ý thức thường nghĩ gì, làm gì? Và điều quan trọng không kém là người lớn (bố mẹ, người thân, thầy thuốc, y tá, hộ lý...) phải làm gì để làm giảm nhẹ gánh nặng tâm lý của những trẻ em đang đương đầu với cái chết?

Vì ở Việt Nam chưa có những nghiên cứu chuyên về lĩnh vực này nên ở đây chúng tôi phải dựa vào những kết quả nghiên cứu ở nước ngoài để nói tới những “phản ứng tâm lý” của trẻ em trước cái chết, như những gợi ý bổ ích cho chúng ta. Chủ yếu chúng tôi dựa vào hai quyển sách sau để trình bày:

Ginette Raimbault. L’enfant et la mort. Ed. Frivat, Toulouse (Pháp), 1991.

Elisabeth Kubler-Ross. On Children and Death. Macmillan Publishing Company, New York, 1985.

Câu hỏi đầu tiên là: “Trẻ em có ý thức về cái chết không?”

Elisabeth Kubler-Ross, qua những khảo sát của mình, khẳng định “Những ai học để biết cái chết hơn là sợ và chống lại nó đều trở thành người thầy của chúng ta về sự sống”. Có hàng nghìn trẻ em biết về cái chết nhiều hơn sự hiểu biết của người lớn. Người lớn có thể nghe những trẻ em này nói về cái chết nhưng nhún vai coi thường. Họ có thể nghĩ rằng trẻ em không hiểu về cái chết và có thể chối bỏ những ý nghĩ của chúng. Nhưng đến một ngày nào đó, họ có thể nhớ lại những bài học ấy hàng chục năm sau, khi họ phải đương đầu với “kẻ thù cuối cùng” của chính mình. Lúc đó họ mới phát hiện ra rằng những trẻ nhỏ kia là những ông thầy sáng suốt nhất còn họ chỉ là những học trò mới toanh.

Ginette Raimbault không nói nhiều về lý thuyết, mà trả lời câu hỏi đó bằng hàng chục trường hợp cụ thể. Đây là mấy ví dụ:

* Rose, 5 tuổi, nằm bệnh viện vì chứng suy thận nghiêm trọng. Em hay vẽ và chủ yếu vẽ những người thân thích xung quanh mình. Người được em vẽ sau cùng là người ông. Em nói: “Em vẽ ông, nhưng không thấy ông nữa, ông chết rồi... (im lặng). Ông nằm ở nghĩa địa ấy. Ông bị chôn rồi”. Bị ám ảnh về cái chết, em thường nói chuyện với bố mẹ về tất cả những người chết mà em đã biết. Mẹ em nói: “Nó nhìn thấy cái chết”. Cái chết được Rose cảm nhận như là sự biến mất, không được nhìn thấy nữa, nó được gắn liền với bệnh viện, với bệnh tật và những đau khổ.

* Raymond, 9 tuổi, bị bệnh tiết niệu và không thể chữa được. Em nói về cái chết “Khi người ta chết, chẳng còn gì nữa hết, chỉ còn một cây thánh giá. Em chẳng muốn chết đâu...”

* Amélie, 11 tuổi, nói lên nhận thức của em về cái chết, hay ít ra cũng nói lên việc em sợ phải chết: “Thật buồn khi phải xa bố mẹ. Đây là lần đầu em nằm bệnh viện, em không thể ngủ được... Có một ông mắc bệnh giống bệnh của em và phải cắt ngón chân cái, rồi phải cắt cả ống chân nữa. Điều em rất lo là bệnh em nặng hơn ông ấy”. Nghĩa là em sợ bị cắt một chân mà không ai làm nguôi được nỗi lo lắng ấy của em.

* Marcel, 6 tuổi, bị rối loạn chuyển hóa nặng, có thể chết đột ngột. Mọi người đều hiểu được cái nhìn của em, như các thầy thuốc nói: “Em đã nhìn thấy cái chết”. Em nói: “Chết, thế là hết. Người ta ở dưới mộ. Một là một cái phòng dưới nghĩa địa. Người ta chết. Thế là hết”.

Bằng tất cả những thí dụ khác nhau trong quyển sách của mình, Ginette Raimbault cũng khẳng định rằng trẻ em có ý thức khá rõ về cái chết và nhận thức về cái chết của các em không khác nhau mấy theo những độ tuổi khác nhau. Nói chung, đối với các em, cái chết là “không còn nhìn thấy nữa” và phải ở một nơi riêng biệt (quan tài, mộ, nghĩa trang). Chết là ngừng hết mọi hoạt động, là không đi lại được, là mất tiếng nói, là không nghe được, không thấy được nữa, là không biết gì hết, là không còn gì nữa...

Là một nhà phân tâm, Ginette Raimbault muốn lý giải nhận thức của trẻ em về cái chết như là một sự nhớ lại những sự kiện có thật hoặc tưởng tượng trong quá khứ, và ý nghĩ về cái chết đôi khi ám ảnh trẻ đến mức trẻ phải huy động tất cả các cơ chế phòng vệ để chống lại (Ở những thiếu niên, đôi khi đó còn là nhận thức về tình trạng không có tương lai và muốn có một sự sáng tạo nào đó để làm quà tặng cho đời trước khi rời xa nó). Bà nói: “Nỗi lo ngại về cái chết không còn phải gắn liền với sự biến mất, với sự hủy diệt, mà là với sự tổn thương tính ái kỷ (narcissisme)... Không có chủ thể của cái chết mà trên thực tế có một chủ thể của nỗi đau, của sự hấp hối, của sự thoáng qua; chủ thể bị cắt xẻo đi mà mình không làm chủ được”.

Vấn đề thứ hai được nêu bật lên trong hai quyển sách này là tâm lý “chịu tang” của trẻ em, một khía cạnh cũng rất đáng quan tâm trong lĩnh vực tâm lý của trẻ em trước cái chết.

Đặc biệt trong tác phẩm của mình, Elisabeth Kubler-Ross cũng dành một chương riêng bàn về những trẻ em bị mất tích, trẻ em bị giết và trẻ em tự sát. Một số trường hợp trẻ em tự sát rất đáng cho người lớn suy nghĩ. Có khi đó chỉ là do những đối xử lạnh lùng của bố mẹ khi đứa con mang điểm xấu về nhà, có khi là do trẻ bị đánh đập tàn nhẫn không còn muốn sống nữa, có khi là do bị mẹ ruồng bỏ, đi làm con nuôi hết nhà này đến nhà khác... “Bao giờ chúng ta mới bắt đầu hiểu được rằng tình yêu là tất cả những gì cần thiết?” – Tác giả thốt lên như vậy.

Cũng bằng những ví dụ lấy ra từ đời sống hiện thực, Ginette Raimbault mô tả nhiều tâm trạng khác nhau của trẻ em khi có người thân bị mất. Xin dẫn ra một thí dụ: Wendy, 4 tuổi, được nhận vào một trường mẫu giáo vì mẹ em bị một chứng bệnh nặng. Bốn tháng sau khi em vào trường, mẹ tái phát bệnh cấp tính và chết. Trước khi mẹ mất một tháng, em có thái độ rất gay gắt với mẹ vì nghĩ rằng mẹ sẽ bỏ bố để đi nghỉ một mình. Em vừa sợ mẹ chết, vừa muốn điều đó. Em nói với mẹ: “Nếu mẹ chết thì cũng chẳng sao đâu, mẹ ạ, vì đã có bố chăm sóc con”. Sau khi được bố báo tin mẹ mất, lúc đầu em tỏ ra như bằng lòng với việc mẹ đi xa, nhưng đến tuần thứ tư, em rất buồn và nói với bố: “Chẳng ai yêu con cả”. Em thường nhắc đi nhắc lại rằng mình không muốn lớn nữa. Nếu có lớn thì lớn thành một người con trai và thành một ông bố vì bố thì sống còn làm một phụ nữ thì chết!

Ở đây ta thấy có sự phát triển khá bền vững của một hoang tưởng là mẹ có thể trở về, nhưng thực tế dần dần phá tan hoang tưởng ấy đi. Trong những trường hợp khác, ta cũng thấy có những hoang tưởng ở các trẻ em chịu tang những người thân vừa bị mất.

Phân tam học có một cách lý giải về tâm lý chịu tang rất đáng chú ý. Trong phần cuối quyển sách của mình, Raimbault nhường lời cho Guite Guérin, một nhà tâm lý khác thuộc Trường Freud ở Paris, đưa ra cách lý giải ấy. Theo ông này, trạng thái buồn có thể đi sau một giai đoạn hưng cảm mà những biểu hiện “ồn ào” của nó chính là để phủ định sự mất mát và cảm giác có tội. Khi chịu tang, trẻ em thường trải qua một tâm lý hối hận và cảm thấy mình có tội (“Mình đã làm điều xấu – Lẽ ra mình phải làm điều tốt – Lẽ ra mình có thể ngăn được cái chết ấy – Mình đã không yêu thương người đã mất một cách đầy đủ), rồi chấp nhận cái chết của mình sau này như một số phận. Những quan sát lâm sàng cho thấy đối với trẻ em (từ khi biết nói), cái chết cũng mang những ý nghĩa giống như đối với người lớn. Các em có thể lúc cười lúc khóc, nhưng đó chỉ là cái bề ngoài chốc lát, không có liên hệ đến cái dòng sâu tâm lý đã chịu một tổn thất. Thậm chí ở trẻ em, thời gian chịu tang được cảm nhận về mặt chủ quan còn kéo dài hơn cả ở người lớn.

Guite Guérin viết: “Chúng tôi nghĩ rằng quá trình chịu tang và những cơ chế khác nhau của nó ở trẻ em và người lớn là giống nhau, chỉ khác đôi chút về mức độ... Sự lý tưởng hóa (người vừa mất) có thể chiếm một vị trí quan trọng hơn đối với trẻ em, vì nó cần thiết hơn. Ngoài sự có mặt thực tế của một người bố (hoặc mẹ), trẻ em cần nghĩ rằng người ấy là tốt, mạnh mẽ, hào hiệp, yêu thương, tức là duy trì một chỗ dựa đồng nhất ấy để không bị tính gây hấn của mình động đến. Trẻ sẽ tự đồng nhất với một hình ảnh lý tưởng. Sự lý tưởng hóa với bố (hoặc mẹ) đã khuất có tác dụng kết tinh toàn bộ những tình cảm tích cực của đứa trẻ đối với người đã mất.

Và thế là những tình cảm tiêu cực thường được dồn cho người đang sống. Theo tác giả này, đó chính là một nguyên nhân gây khó khăn trong trường hợp bố mẹ còn sống phải tái kết hôn. Cũng chính vì thế, những đứa con nuôi sau này biết mình là con nuôi thường giữ lại những tình yêu thương của mình đối với những bố mẹ “thật” (vắng mặt) và tỏ ra đối địch với bố mẹ nuôi có mặt bên cạnh mình.

Cái chết của một người thân bao giờ cũng là một vết thương để lại những vết sẹo sâu sắc. Nếu nó là sự kết thúc của một cuộc đời (kể cả đối với trẻ em), nó cũng không phải là sự kết thúc của những mối liên hệ với cuộc đời ấy.

Xin tóm tắt bài giới thiệu này bằng một đoạn trích từ quyển sách của Elisabeth Kubler-Ross:

Như vậy, cái chết là điểm tột cùng của sự sống, là sự tốt nghiệp, là sự tạm biệt trước khi cất tiếng chào khác, là sự kết thúc trước một sự bắt đầu khác. Chết là sự chuyển tiếp vĩ đại. Nhìn thấy, nghiên cứu, học và hiểu rằng hàng nghìn cách chuyển tiếp khác nhau ấy là công việc của mọi người thuộc mọi lứa tuổi và mọi nền văn hóa, thuộc mọi nơi và mọi lúc, và điều này cũng vĩ đại y như sự sinh đẻ vậyTÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ

Theo quyển La decouvert de votre enfant par le dessin của Roseline David – Paris, 1971

Người dịch: NGUYỄN THỊ NHẤT 

(hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em NT Hà Nội)

Một bé trai 8 tuổi người nhỏ bé tự vẽ theo hình ảnh người hùng Zorro, áo choàng đỏ, hai thanh kiếm nói lên tính hung hăng và ước mơ lớn khỏe lên... nhưng đeo mặt nạ lại che giấu sự sợ hãi...

Qua hình vẽ ta có thể đánh giá trí lực và tình cảm của trẻ em dễ hơn là qua lời nói. Ta có thể cho trẻ vẽ tự do, tùy hứng, hoặc dùng test, vẽ theo chỉ định... Một tờ giấy trắng, bút chì, hoặc tốt hơn nữa là dùng màu.

Tiến triển cách vẽ theo tuổi

Cách vẽ tiến triển theo sự phát triển của trí lực.

Bước sang năm thứ hai, một em bé có thể cầm được bút vẽ. Thực chất lúc đấy em chĩ khua tay chứ chưa có ý đồ vẽ và đường vẽ thường vuợt ra ngoài tờ giấy. Dần dần em bé có ý đồ vẽ nhưng chưa thành hình rõ. Đây là giai đoạn vẽ nguệc ngoạc; thông qua nét vẽ dễ dàng hoặc gãy khúc có thể suy đoán tính tình của em bé.

Đến ba tuổi, trẻ biết vẽ hình người. Một vòng tròn với hai que bên dưới thể hiện đầu, mặt và hai chân, có thể kèm theo hai tay. Đó là hình ‘‘người nòng nọc’’, không có thân. Trẻ lớn lên sẽ bổ sung dần các chi tiết: lúc đầu là mắy, mũi, miệng, tóc, tai, rồi đến các ngón tay, ngón chân, rốn, và thường vẽ những khuy áo trước khi vẽ thân, sau đó mới có ngực, bụng, cuối cùng là các phần cổ, đầu gối và khuỷu tay.

Điểm những chi tiết được vẽ ra, lấy con số ấy có thể đánh giá được trí lực của em bé: đó là cơ sở của trắc nghiệm Goodenough với 52 chi tiết.

Sau 6 tuổi, trẻ thường vẽ hình người với đầy đủ các bộ phận. Hình người được vẽ thể hiện sơ đồ thân thể (schema corporel) vì trẻ vẽ chính bản thân mình.

Trước 6 tuổi một đứa trẻ không vẽ những gì mình nhìn thấy mà vẽ theo ý nghĩ của mình, nghĩ sao vẽ vậy. Ví dụ đặt một lọ hoa rồi bảo trẻ vẽ lọ hoa ấy, trẻ trước 6 tuổi sẽ không nhìn vào lọ hoa mà cúi đầu vẽ một bông hoa nào đó. Đặc điểm tâm lý này được gọi là "hiện thực theo ý nghĩ" (réalism intellectuel); khi lớn lên nhìn thấy đồ vật như thế nào thì vẽ theo thế ấy: hiện thực theo ý nghĩ được thay bằng "hiện thực theo mắt nhìn" (réalism visuel). Ví dụ khi vẽ một cái nhà, ban đầu trẻ vẽ có đồ đạc trong nhà, mặc dù đứng ngoài nhìn thì không thấy; sau lớn lên trẻ mới biết vẽ mái nhà và cửa chứ không vẽ đồ đạc trong nhà.

Từ 6, 7 tuổi, những bức vẽ của trẻ có tính "thực" hơn. Đến 11, 12 tuổi, trẻ vẽ theo những quy tắc được người lớn dạy cho. Lúc ấy hình vẽ ít mang tính tự phát và tâm tư thường không được biểu lộ nhiều bằng lúc bé.

Hình vẽ và nội tâm

Không thể dùng lời nói, trẻ em thường dùng hình vẽ để bộc lộ tâm tư của mình, những huyễn tưởng, những mơ ước, những trăn trở cũng được biểu hiện qua hình vẽ.

Khi vẽ hình người là vẽ bản thân, như một em bé điếc hoặc nặng tai có thể vẽ một hình người với cái tai rất lớn hoặc không có tai, hoặc trường hợp các trẻ béo phì thường vẽ hình người gầy cao.

Nhiều khi trẻ vẽ cả một câu chuyện, vừa vẽ vừa kể chuyện, qua đó vừa biểu lộ vừa giải tỏa tâm tư.

Theo Zazzo, tình cảm tác động rất lớn lên hình vẽ nen việc đánh giá trí lực qua hình vẽ khó hơn là dùng những trắc nghiệm lời nói hoặc chữ viết. Đừng vội vàng kết luận về trí lực nếu chưa hiểu rõ tình cảm, tâm tư và hoàn cảnh của trẻ.

Trước kh suy đoán về tình cảm, tâm tư, cần tìm hiểu xem đã có một sự việc nào tác động đến cách vẽ, ví dụ như trẻ vừa được xem một cuốn phim hoặc được được người lớn trực tiếp chỉ bảo.

Ngôn ngữ của màu sắc

Mỗi một khía cạnh trong hình vẽ đều có một ý nghĩa tượng trưng nhất định: có thể tượng trưng cho một tình cảm chung cho mọi người, cho một dân tộc hoặc một nền văn hóa. Như màu đỏ thường đi đôi với tính hung bạo, màu vàng tính rộng lượng, màu xanh lá cây biểu hiện hoài vọng, xanh da trời biểu hiện tính trung thực. Sử dụng màu này hay màu khác cùng với độ đậm nhạt thế nào cũng đều bộc lộ những nỗi tâm tư nhất định.

Trước 6 tuổi, trẻ nào cũng thích dùng màu đỏ. Sau 6 tuổi, nếu dùng màu đỏ tập trung là tỏ ra tính hung bạo, khả năng tự kiềm chế kém. Dùng màu xanh biếc hoặc xanh lá cây chứng tỏ đã thích nghi tốt và đã biết tự kiềm chế. Nặng về màu vàng là lệ thuộc nhiều về người lớn. Màu nâu, màu xám nói chung thể hiện những mâu thuẫn trong quan hệ xã hội, các em bướng bĩnh thường dùng. Màu đen nói lên sự lo âu và ở tuổi dậy thì thì biểu hiện tính rụt rè.

Nói chung, những trẻ em cởi mở, năng động, có tính hướng ngoại thường dùng những màu sáng và ấm như đỏ, vàng, da cam, trắng... Những em hướng nội, khó tiếp xúc hoặc bị ức chế thì dùng ít màu hơn, thiên về màu xám hoặc đen. Với những trẻ bị ức chế nặng nề, Shaw cho dùng ngón tay nhúng thẳng vào màu rồi vẽ. Cách này giúp trẻ biểu lộ và phần nào giải tỏa tâm tư.

Vẽ nhà

Cần chú ý đến những chi tiết như cửa chính, cửa sổ, trang trí, vườn tược, hàng rào, đường đi vào. Một cái nhà nhiều cửa, cửa sổ mở ra cân đối với những chi tiết xung quanh hài hòa nói lên tính tình cởi mở. Nhà bé tí, cửa sổ cũng bé hoặc có khi không có cửa, xung quanh nhà cảnh vật rời rạc... biểu lộ sự rối nhiễu về mặt tình cảm: trước 7-8 tuổi là còn bám lấy mẹ, sau 8 tuổi là mặc cảm tự ti, cô đơn, ở tuổi dậy thì là tính rụt rè. Nhà không có cửa, không có đường vào, hàng rào quá cao... đều cho thấy sự vấp váp, thất bại.

Nhà vẽ xấu xí biểu lộ đứa trẻ không vui trong cuộc sống gia đình. Theo bà Ribault, những trẻ được nuôi trong các viện mồ côi khi được yêu cầu vẽ nhà thường sẽ vẽ thêm nhiều thứ như cây cối, xe cộ, máy bay... chứng tỏ hình ảnh cái nhà tượng trưng cho tổ ấm đã không rõ nét. Nếu chung quanh nhà lại vẽ nhiều đường ra đường vào là có ý mong được thoát khỏi chỗ đó; cửa ngõ rất ít hoặc rất bé thường nói lên sự khó khăn trong giao tiếp.

Hình vẽ cây

Theo Anzieu, cây là tượng trưng con người đứng thẳng, cũng tượng trưng cho sự lớn lên và sinh sôi nẩy nở, cũng tượng trưng cho sức mạnh và bí ẩn của sức sống. Tùy theo tuổi trẻ vẽ những hình cây khác nhau.

Cũng như hình người, lúc đầu hình vẽ cây cũng nguệc ngoạc, kế là thân cây với một chùm là không cắm vào đất, sau mới có một đường ngang là đất và cây có rễ. Đến 8-9 tuổi, tất cả lá cành đều vẽ gộp lại trong một hình tròn. Khi lớn hơn trẻ mới vẽ các loại cây với đặc điểm khác nhau. Trên 10 tuổi mà vẫn vẽ hình cây với một hình tròn không rõ cây gì thì có thể là triệu chứng của kém trí lực hoặc rối nhiễu tình cảm.

Vị trí của hình cây trên giấy cũng có ý nghĩa. Phía trên trang giấy là nơi biểu hiện sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài, sự phát triển của trí khôn; phần dưới trang giấy thể hiện bản năng và tình cảm; phía trái biểu hiện tính hướng nội, vị kỷ, bám lấy mẹ; phía phải biểu hiện tính hướng hướng ngoại, năng động, quan tâm người khác, gắn bó với bố.

Trong hình vẽ có phần chính gồm thân, cành và phần trang trí gồm lá, hoa và những món khác. Thân cây tượng trưng cho bản ngã vững vàng hay không; các cành cây nói lên sự phát triển nhân cách. Mỗi một vết "chấn thương" trên thân hoặc cành lớn nói lên một sự vấp váp; vẽ càng về phía trên cao thì sự cố xảy ra càng mới, không lâu. Gốc cây lớn, rộng nói lên sự thích nghi với thế giới vật chất, còn nếu cây phát triển lên phía trên thì biểu hiện xu hướng thiên về trí tuệ.

Test về cây do Koch đề xuất, bà Stora đã cụ thể hóa cách tiến hành như sau:

-         Lần đầu: bảo trẻ vẽ một cây tùy thích, loại cây nào cũng được, trừ cây thông (ở Châu Âu cây thông quá quen thuộc).

-         Lần thứ hai: cũng làm tương tự

-         Lần thứ ba: bảo trẻ vẽ một cây tưởng tượng hoặc trong giấc mơ, vẽ thế nào cũng được

-         Lần thứ tư: nhắm mắt lại tưởng tượng ra một cây rồi vẽ ra

Lần đầu, trẻ đứng trước một tình huống mới lạ, còn tự kềm chế. Sang lần hai trẻ bớt kềm chế hơn, bộc lộ tâm tư rõ hơn. Lần thứ ba càng biểu lộ những xu hướng không được thỏa mãn. Hỏi thêm: cây trong giấc mơ khác với cây bình thường như thế nào và xem những chi tiết nào bị bỏ sót. Bức vẽ thứ tư nói lên những tình huống bị vấp váp.

Test này chưa được vận dụng nhiều lắm.

Hình vẽ cây cũng có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễu tâm: những trẻ này thường vẽ những cành cây chằng chịt, trẻ vướng mặc cảm hay vẽ những cành cây trụi lá, trẻ hung hăng vẽ những cây không đối xứng và có nhiều cành nhọn...

Vẽ thú vật

Trẻ em thích vẽ những thú vật quen thuộc hoặc đã được thấy trong sách vở, phim ảnh. Thế giới thú vật phản ánh thế giới con người. Mối quan hệ đầu tiên được nêu ra là con thú đó dễ thương hay dễ sợ, rồi các em tự đồng nhất với những con vật ấy. Thông qua hình tượng những con thú, trẻ dễ biểu hiện những tâm tư sâu sắc của mình.

Vẽ những thú vật nuôi trong nhà như chó, mèo thường nói lên sự thích nghi vói môi trường gia đình; hình vẽ có những chi tiết như chó nhe răng đòi cắn, mèo muốn cào xé... thể hiện hung tính.

Một em bé vẽ một con gà mẹ ấp ủ bầy con bên cạnh một con gà trống có thể nói lên mơ ước về một gia đình em ấm. Hình vẽ một con chó có thể biểu hiện tình trạng đứa con được mẹ vuốt ve hoặc một tình trạng bị trói buộc. Sau 10 tuổi, vẽ chó mèo được vuốt ve có thể phần nào thể hiện tính cách vẫn còn "trẻ con".

Hình vẽ những con thú dữ như chó sói, cọp, cá sấu... thường là tượng trưng cho ông bố đáng sợ, hoặc vẽ một ông bố đứng trước một con thú dữ nói lên sự kính phục sức mạnh của bố. Vẽ thứ dữ cũng thường là biểu hiện của sự lo âu.

Vẽ đàn chim bay, đàn cá lội tung tăng là mơ ước về những cảnh sống vui tươi; vẽ một tổ chim là mơ ước về gia đình; sau 10 tuổi vẽ chim cũng biểu hiện tính trẻ con

Trẻ em hay vẽ thú vật thường có những vấp váp nào đó trong mối quan hệ với người lớn. Những trẻ nhiễu tâm nặng hay vẽ những con vật quái dị.

Mặt trời, mặt trăng – Trời và Đất

Mặt trời thường tượng trưng cho uy quyền của bố. Hình ảnh mặt trời sáng đẹp với những tia nắng nói lên sự kính phục đối với bố, ngược lại mặt trời ảm đạm bị mây che khuất biểu hiện tình cảm tiêu cực với bố. Mặt trời cũng có thể là hình ảnh tượng trưng cho những anh hùng.

Mặt trăng và ban đêm gợi lên những bí ẩn, lo âu, có khi nhắc đến cái chết. Mặt trăng khêu gợi trí tưởng tượng (về Chị Hằng, Chú Cuội). Trẻ muốn che giấu nỗi lo âu hay vẽ cảnh về ban đêm.

Hình vẽ bầu trời quang đãng với sao, máy bay, tên lửa... nói lên ước mơ, hoài vọng. Có khi trẻ muốn nhắc đến cha mẹ đã mất.

Đất tượng trưng cho óc thực tế, sự sinh sôi nẩy nở của cây cỏ, hoặc có thể nói lên tinh vững chãi khi trẻ vẽ núi và những tảng đá.

Lửa cũng có nghĩa như mặt trời, nói lên sức mạnh, vinh quang, quyền uy.

Ngọn đuốc có thể tượng trưng cho dương vật.

Nước tượng trưng cho phái nữ, cho bà mẹ, có thể nhắc đến vấn đề liên quan đến sự sinh sản.

Mưa nói lên những nỗi lo âu.

Thuyền và tàu thủy nói lên ý nguyện đi xa. Nếu hỏi trẻ trong thuyền có những ai, câu trả lời có thể có nhiều ý nghĩa.

Ống khói tàu thủy có thể tượng trưng cho dương vật.

Một tiết mục đáng chú ý: vẽ những dấu hiệu về luật giao thông, như những bảng cấm xe cộ... có thể nói lên mối quan tâm về những cấm đoán của ngưòi lớn.

Tính ổn định và những điều bỏ quên

Một trẻ có thể do ngẫu nhiên (như sau khi xem một cuốn phim) mà vẽ về một chủ đề nào đó. Nhưng nếu chủ đề ấy được lập đi lập lại thì đó có thể là biểu hiện của một đặc điểm về tính nết, hoặc thể hiện những mối bận tâm sâu sắc.

Bỏ quên một vài chi tiết trong hình vẽ cũng có ý nghĩa: chẳng hạn trẻ vẽ người mà quên vẽ miệng hoặc tay chân. Trong khi vẽ nếu trẻ chần chừ vẽ về một chủ đề nào đó (ví dụ vẽ người khác giới) thì cũng biểu lộ những mối ưu tư nhất định. Chẳng hạn trường hợp một trẻ không chịu vẽ hình ảnh phụ nữ vì mẹ của em hành nghề mại dâm.

Vẽ hình người

Mỗi một chi tiết trên hình vẽ người đều có ý nghĩa.

Những bệnh nhân paranoid hay vẽ đầu người thật lớn, trong khi đó người trầm cảm và tự ti thì vẽ đầu bé lại.

Mũi tượng trưng cho dương vật. Mũi dài nói lên nỗi lo sợ bị thiến (castration anxiety), hình mũi cong queo có thể biểu hiện những lệch lạc về tính dục.

Con mắt vẽ to lên với lông mày kẽ rõ nét nói lên ý muốn làm duyên dáng, có khi cho thấy xu hướng đồng tính luyến ái. Lông mày rối biểu hiện cho hung tính hoặc tình trạng chậm khôn.

Trẻ em điếc hoặc nặng tai có thể quên vẽ tai hoặc vẽ tai thật lớn. Tai lớn cũng nói lên tính ham học.

Miệng gợi đến chuyện bú sữa, ăn uống tức là mối quan hệ với mẹ. Quên vẽ miệng là trẻ có thể có vấn đề với mẹ. Vẽ nổi bật môi miệng và thức ăn có thể cho thấy xu hướng thoái lùi về giai đoạn môi miệng (oral stage theo phân tâm học). Răng biểu thị cho hung tính.

Trẻ lớn vẽ miệng hình tròn là nói lên tính khờ dại.

Cằm chỉ xuất hiện rõ nét trên hình vẽ của trẻ lớn. Vẽ cằm rõ nét có thể nói lên tính hung hăng.

Phần cổ bắt đầu xuất hiện trên hình vẽ trẻ em sau 8-9 tuổi (hình vẽ tự phát không ai chỉ dẫn).

Vẽ bàn tay rõ ràng nói lên tính cởi mở. Bỏ sót hoặc không vẽ bàn tay biểu hiện một mặc cảm, hoặc che giấu những hành vi không hay như thủ dâm, trộm cắp. Cánh tay vẽ sát vào người nói lên sự kém thích nghi, cánh tay dang rộng vừa tầm nói lên khả năng thích nghi tốt. Bỏ quên cánh tay cũng có ý nghĩa như quên bàn tay.

Chân vẽ gập lại là triệu chứng của trầm cảm hoặc một tình trạng thiểu năng nào đó.

Vẽ rõ vú và phần mông nổi lên biểu hiện nhiều mặc cảm liên quan đến tính dục.

Trẻ em dưới 7 tuổi vẽ hình người trần truồng là bình thường. Khi lớn hơn, trẻ sẽ để ý đến áo quần của các nhân vật. Trẻ lớn vẽ ngưòi  không mặc quần áo là có ý chống đối hoặc bêu xấu một người nào đó. Trẻ tự vẽ mình trần trụi là biểu hiện mặc cảm tự ti, cũng tương tự như vẽ quần áo rách rưới. Tự vẽ mình mặc quần áo ấm áp là tỏ ý mong được âu yếm nhiều hơn.

Những chi tiết như điếu thuốc lá, chiếc ô, cây gậy... có thể là biểu trưng cho dương vật.

Túi áo và khuyu áo càng nhiều thì càng chứng tỏ uy thế của nhân vật và ngược lại.

Thích vẽ một loại nhân vật nào đó cũng là cách thể hiện những tâm tư của trẻ.

Vẽ thủy thủ thể hiện mong ước đi xa, thoát khỏi tình trạng ràng buộc. Vẽ cảnh sát, cao bồi thể hiện sức mạnh, hung tính. Thật ra, vẽ nhân vật mang càng nhiều vũ khi thì càng thể hiện nỗi lo âu.

Nét vẽ

Nét vẽ cũng như nét bút trong khi viết có thể biểu hiện tính tình. Trẻ thích nghi tốt có nét vẽ rõ ràng, không rườm rà. Khi vẽ ấn bút mạnh rách cả giấy vẽ cho thấy tính hung hăng. Nét vẽ không rõ, vẽ đi vẽ lại hoặc tìm thước kẽ để vạch thẳng cho thấy tính rụt rè, bị ức chế. Những trẻ gặp khó khăn khi viết cũng sẽ thấy khó khăn khi vẽ, hình vẽ có thể bị rối hoặc bẩn.

Những người ít khi cầm bút có thể vẽ không ra nét hoặc nét vụng về. Vì thế, đừng vội kết luận là trí lực kém. Điều này là do ảnh hưởng của môi trưòng văn hóa, xã hội.

Để ý đến lời nói và hành vi trong lúc vẽ, các em thường vừa vẽ vừa kể chuyện. Trình tự vẽ các nhân vật trước hay sau cũng có ý nghĩa, cũng tương tự nếu vẽ một nhân vật nào đó với các chi tiết ít hơn hoặc nhiều hơn.

Khi quan sát trẻ vẽ nên đứng (hoặc ngồi) ở phía sau trẻ, không ở đối diện để trẻ vẽ thoải mái hơn.

Trong lúc vẽ, trẻ có khi thay đổi ý kiến vẽ sang một chủ đề khác, hoặc có khi xóa bỏ, thêm bớt chi tiết. Chẳng hạn trường hợp một em bé lúc đầu vẽ bà mẹ lớn hơn ông bố rất nhiều, nửa chừng lại tìm cách tẩy xóa đi, nhưng không có sẵn cục tẩy nên vẽ thêm một tấm bình phông che lấp gần hết thân hình người mẹ.

Bố trí hình vẽ trên trang giấy cũng là một yếu tố đáng chú ý. Phía bên trái giấy vẽ tương trưng cho quá khứ, sự gắn bó với mẹ, tính hướng nội. Ở giữa tượng trưng cho hiện tại. Phía bên phải tượng trưng cho tương lai, sự gắn bó với bố, tính hướng ngoại.

Hướng về phía trên của giấy vẽ thường nói lên hoài vọng, hướng về phía dưới nói lên óc thực tế. Trung tâm giữa trang giấy tượng trưng cho cái tôi và nét vẽ hướng tâm hay ly tâm tượng trưng cho tính hướng nội hay hướng ngoại.

Trẻ hiền lành thường hay vẽ các nét cong, trẻ năng động thường vẽ đường thẳng và các góc cạnh. Nếu nét vẽ chi có các đường cong thì chứng tỏ trẻ phần nào bị kém phát triển. Vẽ quá nhiều nét nằm ngang biểu hiện những mối xung đột trong tâm tư. Có nhiều chấm hoặc nét nhỏ chứng tỏ tính tỉ mỉ.

Kích thước hình vẽ so với tờ giấy cũng có ý nghĩa. Vẽ choán hết trang tỏ ra còn khờ dại. Trẻ thích nghi tốt thường vẽ hình đúng giữa trang. Hình vẽ lên cao quá, thấp quá hoặc lạc chéo sang một bên thường là có vấn đề. Lên cao là nói lên lòng tự kiêu, xuống thấp là tỏ ra có tính thực tế.

Những nét bút nhẹ nhàng hoặc nhấn mạnh, cong hoặc gãy khúc... đều có thể biểu hiện những ý nghĩa khác nhau. Trong hình vẽ người, vẽ cây, xu thế của của hai cánh tay và hai chân cũng tương tự như hướng của các nhánh cây cũng nói lên tính năng động hoặc rụt rè của nhân vật. Tình cảm đối với một nhân vật nào đó, như bố hoặc mẹ chẳng hạn, cũng thể hiện qua nét vẽ mềm mại hoặc nhấn mạnh. Đừng quên là bút chì rất dễ gãy nên có thể ảnh hưởng đến nét vẽ của trẻ.

Hình vẽ và nhân cách

Tình cảm có tác động sâu sắc đến hình vẽ, cho nên không dễ để có thể dùng hình vẽ mà đánh giá trí lực.

Khi vẽ hình người, nếu các chi tiết được bố cục cân đối thì nhiều khả năng đó là một trẻ thích nghi tốt. Vẽ hình người rất lớn chứng tỏ tính tự kiêu, nhưng nhiều khi cũng là biểu hiện của tính tự ti. Những người paranoia thường vẽ một con người rất lớn. Những trẻ rụt rè, bị ức chế thường vẽ hình người bé tí và đặt ở một góc dưới của trang giấy như muốn lẩn trốn.

So sánh phong cách của hai họa sĩ nổi tiếng Van Gogh và Seurat, bà Minskowska phân biệt một bên là màu sắc phong phú, đường nét sôi động, cây cối bị vặn vẹo, đường sá ngoằn ngoèo, màu sắc tung ra dữ dội – đó là phong cách đa cảm của Van Gogh và bên kia là những hình thù rõ ràng, những nhân vật đứng yên, các chi tiết đều cân đối – đó là phong cách của Seurat, một con người duy lý. Ở trẻ em cũng có hai phong cách vẽ như vậy.

Có nhiều trẻ khi trắc nghiệm tưởng là trí lực kém, nhưng khi cho vẽ thì bộc lộ phong cách đa cảm tạo ra những bức tranh phong phú, sinh động, đầy những sự vật và nhân vật. Vì trẻ quá nhạy cảm mà trở nên khó thích nghi cho nên bị đánh giá lầm là lười hoặc khờ dại. Thông qua vẽ tranh, các trẻ ấy có thể bộc lộ tâm tư và giải tỏa các vướng mắc. Có khi vì giao tiếp khó khăn mà các trẻ ấy lại ‘‘cố ý’’ làm điều gì đó cho người lớn khiển trách, và đó cũng là dịp để trẻ có thể tiếp xúc người khác.

Trẻ em ốm yếu thường dùng những màu sắc đen hay xám.

Nỗi lo sợ (nhất là nỗi lo sợ bị thiến – theo phân tâm học) được biểu hiện bằng cách quên vẽ bố hoặc mẹ, hoặc vẽ gia đình đầy đủ nhưng lại thêm vào một nhân vật hoặc một con thú hung dữ.

Khi bố mẹ quá nghiêm khắc và đòi hỏi cao, trẻ có thể vẽ thêm một nhân vật sánh đôi, nhỏ hơn bản thân và hiền lành dễ bảo – nói lên ý muốn được chiều chuộng, ve vuốt. Hình vẽ con người sánh đôi này nếu lớn hơn bản thân thì tượng trưng cho trẻ là đối thủ của bố. Trong lúc vẽ hình ảnh bản thân, có những chi tiết xuất phát từ vô thức, cũng có những chi tiết tự ý thêm vào – một bên thể hiện những đặc điểm ăn sâu, một đàng thể hiện những gì do người khác xét đoán hoặc do bản thân tự nhận ra mình. Có những trẻ không chịu vẽ hình ảnh bản thân, hoặc vẽ xong thì bôi đi hoặc phá đi như thể để che giấu bản thân, sợ người khác nhìn thấy mình. Đây là một triệu chứng thường là có tính bệnh lý và hay gặp trong paranoia.

Hình vẽ gia đình

Bảo trẻ: Em hãy vẽ một gia đình

Sau đó bảo: Hãy vẽ gia đình của em

Có khi trẻ không hiểu từ "gia đình" thì ta sẽ nói rõ đó là vẽ những người sống chung trong một nhà (chứ không liệt kê đó là bố, mẹ, anh, chị...). Có khi trẻ hỏi lại là vẽ người ở trong nhà của chú bác, ông bà? Bức ảnh đầu thường là hình ảnh gia đình em mơ ước, có khi trẻ không chịu vẽ lần thứ hai, bảo là hình vẽ đầu đã đủ rồi. Những trẻ không có vấn đề gì với gia đình thường ít khi từ chối, và có khi chỉ biết vẽ hình ảnh gia đình của mình chứ không vẽ một gia đình nào khác.

Bỏ quên một nhân vật nào đó là có ý chống đối. Đôi khi trẻ vướng mắc, hỏi nhiều trước khi đặt bút vẽ. Đừng đáp lại quá nhiều càng làm trẻ rối trí.

Vẽ xong yêu cầu trẻ mô tả các nhân vật trong hình và bình luận. Hỏi người nào em thích nhất, khó tính nhất... đây là nơi nào, ở nhà hay đang đi chơi. Nhiều trẻ bị ức chế không vẽ người mà vẽ một gia đình các con vật. Vẽ áo quần đàng hoàng, đẹp đẽ với nhiều chi tiết hoặc vẽ áo quần rách rưới cũng có thể nói lên tình cảm đối với nhân vật ấy.

Đôi khi có một nhân vật nào đó bị đẩy vào góc hoặc bị một đồ vật che lấp.

Vẽ một con vật hoặc một đồ vật ngăn giữa bố và mẹ cũng có thể nêu lên nỗi băn khoăn của trẻ về mâu thuẫn giữa bố và mẹ.

Ganh tị với anh, chị hay em thì bỏ quên người ấy, viện cớ là hết chỗ vẽ. Hoặc có thể vẽ người ấy cụt tay, hoặc cũng có khi bịa đặt ra một người anh hay chị lý tưởng.

Có khi trẻ tự vẽ mình bé bỏng, mong được ve vuốt, hoặc vẽ một con vật thay thế.

Khi vẽ bố trí dồ đạc giường tủ trong nhà, trẻ đôi khi bỏ quên vẽ giường của một ai đó hoặc của chính bản thân mình.

Khả năng vẽ và định hướng trong không gian

Trẻ 3 tuổi vẽ được vòng tròn, chữ thập; 5 tuổi hình tam giác; 7 tuổi hình thoi. Từ 6 tuổi biết bên phải, bên trái. Quan sát trẻ xem nét vẽ thiên về bên phải hay bên trái. Khi vẽ mặt người nhìn nghiêng, các trẻ thuận tay phải thuờng mặt người nhìn về bên trái, trẻ thuận tay trái vẽ hướng ngược lai. Các em thuận tay trái có khi không vẽ tay trái trong hình vẽ người, có thể vì tay này gây khó khăn, mâu thuẫn với người khác.

Trẻ vụng đọc (dyslexie) trí lực bình thường hay bị những vấp váp về sự phân hóa phải-trái có thể vẽ bố trí đồ đạc trong nhà ngược chiều. Trẻ do dự trước khi bố trí một đồ vật trên trang giấy, đôi khi bỏ luôn không vẽ vật ấy vì sợ vẽ sai vị trí.

Nghệ thuật vẽ

Tính sáng tạo trong khi vẽ xuất hiện tự phát, lớn lên đại đa số trẻ không thích vẽ và nếu vẽ thì vẽ theo quy cách bình thường, không có gì độc đáo, kể cả những trẻ thòi bé được giải thưởng vẽ quốc tế. Hình vẽ mang tinh sáng tạo được thấy ở trẻ em do trẻ có cách nhìn khác người lớn bình thường, ở những ngưòi bị tâm bệnh do thoát khỏi những quy cách thông thường và ở những họa sĩ nhạy cảm.

Kết luận

Hình vẽ cung cấp nhiều thông tin về tâm lý trẻ em nhưng rất khó biện giải. Nhất thiết ta không nên máy móc lấy một chi tiết hoặc một chỉ báo nào đó rồi kết luận vội vã.

Cần phải quan sát, theo dõi nhiều khía cạnh, nhiều lần, có đối chiếu với nhiều thông tin và chỉ báo khác. Và đó cũng là nguyên tắc chung trong tâm lý học: nhất thiết không bao giờ chỉ lấy một điểm, một mặt nào đó để kết luận về một con người...

 .

CÔNG TÁC XÃ HỘI LÂM SÀNG TRONG THẾ KỶ 21

BS NGUYỄN MINH TIẾN tổng hợp

Công tác xã hội (social work) là một ngành chuyên môn hướng đến mục tiêu tìm kiếm những cách thức cải thiện chất lượng đời sống và phúc lợi của các cá nhân, các tập thể hoặc của cộng đồng thông qua những phương thức can thiệp như nghiên cứu, hoạch định chính sách, tổ chức cộng đồng, hướng dẫn thực hành hoặc huấn luyện cho những đối tượng chịu những thiệt thòi trong xã hội như đói nghèo, bất công và mất quyền lợi. Các nghiên cứu và thực hành công tác xã hội thường tập trung vào các lĩnh vực như: phát triển con người, chính sách xã hội, quản lý công cộng, lượng giá chương trình và phát triển cộng đồng. Công tác xã hội, do vậy, là một hoạt động liên ngành, bao gồm việc ứng dụng lý thuyết của nhiều chuyên ngành như kinh tế học, giáo dục học, xã hội học, y học, chính trị học và tâm lý học... Các nhân viên công tác xã hội (social worker) thường đảm nhận từ những trách vụ liên quan đến tổ chức và vận động xã hội, phát triển cộng đồng cho đến những công tác liên quan đến phúc lợi của các trường hợp như quản lý ca, tham vấn và cả tâm lý trị liệu (đặc biệt ở các quốc gia có ngành công tác xã hội phát triển như Anh, Hoa Kỳ).

Chuyên viên công tác xã hội lâm sàng (clinical social worker) là những nhân viên xã hội chuyên cung ứng những dịch vụ về sức khỏe tâm thần như phòng ngừa, chẩn đoán và trị liệu các rối loạn về tâm lý, hành vi và cảm xúc của các cá nhân, gia đình và tập thể. Mục đích của các dịch vụ này là nhằm giúp duy trì và thăng tiến những chức năng về thực thể, tâm lý và xã hội cho những bệnh nhân của họ. Ở các nước phát triển, chuyên viên công tác xã hội lâm sàng phải được đào tạo chuyên sâu ở học vị thạc sĩ hoặc tiến sĩ về công tác xã hội với sự nhấn mạnh vào việc trải nghiệm lâm sàng. Họ có thể làm việc ở các cơ sở y tế, trường học, cơ quan bảo vệ trẻ em, các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần, các tổ chức cộng đồng hoặc những cơ quan cung ứng lao động, việc làm... Do bản chất nghiệp vụ vừa có tính liên ngành, lại vừa liên quan đến chất lượng đời sống và phúc lợi con người, nên công tác xã hội có liên quan nhiều đến các dịch vụ hỗ trợ tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Chúng tôi xin giới thiệu một phần nội dung bài thuyết trình “Clinical Social Work in the 21st Century – Psychiatry’s Perspective on an Urgent Agenda” của Katherine Shear và Marion E. Kenworthy, Khoa Công tác xã hội, Đại học Columbia, Hoa Kỳ, được trình bày ngày 24-1-2007 – một bài viết dựa trên nhãn quan của các nhà tâm thần học Hoa Kỳ về công tác thực hành và nghiên cứu trên cơ sở phối hợp liên ngành trong lĩnh vực công tác xã hội lâm sàng – để phần nào phản ảnh vai trò của loại nghiệp vụ này trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Hoa Kỳ.

Trước tiên các tác giả đưa ra sơ đồ dưới đây cho thấy phân bố tỷ lệ thành phần nguồn nhân lực làm tâm lý trị liệu xuất thân từ các nghiệp vụ chuyên môn khác nhau tại Hoa Kỳ năm 1998:

SAMHSA 1998 – Được cung cấp bởi Myrna Weussman Ph.D.

Số lượng nhân sự làm tâm lý trị liệu tại Hoa Kỳ được phân phối như sau:

Nhân viên công tác xã hội lâm sàng (clinical social worker): 192.814

Nhà tâm lý (psychologist): 73.014

Bác sĩ tâm thần (psychiatrist): 33.486

Điều dưỡng viên tâm thần (psychiatric nurse): 17.318

Con số các nhân viên công tác xã hội thay đổi theo chiều hướng tăng nhanh trong 10 năm sau đó: 642.000 nhân sự vào năm 2008, trong đó 54% làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội ; 31% được tuyển dụng làm việc trong các cơ quan của chính phủ. Thành phần tuyển dụng được phân phối như sau :

NVCTXH trẻ em, gia đình và học đường

292,600

NVCTXH làm việc về chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng

138,700

NVCTXH làm việc về sức khỏe tâm thần và nghiện chất

137,300

NVCTXH các lĩnh vực khác

73,400

(Nguồn tham khảo: Social Workers – http://www.bls.gov/oco/ocos060.htm)

Tỷ lệ gia tăng NVXH trong năm 2008 là nhanh hơn con số trung bình của tất cả mọi ngành nghề ở Hoa Kỳ và còn được dự kiến sẽ tăng thêm 16% trong thập niên 2008 – 2018.

NHIỀU CƠ HỘI TIẾP XÚC BỆNH NHÂN

Nhân viên xã hội lâm sàng có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người bệnh mắc các chứng rối loạn tâm thần hơn bất cứ nhân sự thuộc các ngành chuyên môn nào khác. Điều này tạo cơ hội đáng kể cho họ thực hiện những công việc gây những tác động lớn trên những đối tượng này. Ngành công tác xã hội lâm sàng chiếm một vị trí trong việc định hình nên một hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua việc sử dụng sáng tạo những công cụ đánh giá và can thiệp dựa trên các kết quả nghiên cứu (research-informed assessment and intervention tools) cũng như thông qua việc phát triển các mô hình linh hoạt trong việc tìm chứng cứ dựa trên thực hành (practice-based evidence).

NHU CẦU VỀ SỰ KẾT HỢP LIÊN NGÀNH

Các rối loạn tâm thần là những rối loạn thường thấy và gây giảm chất lượng đời sống. Những tác nhân trong môi trường sống có ảnh hưởng đến bệnh tật và sức khỏe; những người dễ bị tổn thương nhất về mặt xã hội là những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc các chứng rối loạn tâm thần. Cả hai cách can thiệp về bình diện cơ thể lẫn bình diện tâm lý – xã hội đều có vai trò trong việc làm giảm nhẹ triệu chứng và gia tăng sức kháng cự với bệnh tật.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đã không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ các dịch vụ có sẵn; do vậy, có một nhu cầu cấp thiết được đặt ra nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc cho những người bị rối loạn tâm thần. Và để đạt đến mục đích chung ấy, rất cần có sự phối hợp làm việc giữa những nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần, thông qua cơ cấu liên ngành, cả trong thực hành lẫn trong nghiên cứu.

MỐI LIÊN HỆ GIỮA THỰC HÀNH VÀ NGHIÊN CỨU

Các nghiên cứu lâm sàng chỉ có thể thực hiện được trong mối liên hệ giữa nghiên cứu và thực hành. Mối liên hệ phối hợp này cần được mở rộng ra bao gồm những nhóm các nhà điều hành và thực hành lâm sàng tận tâm cùng làm việc với những nhà nghiên cứu về lâm sàng cũng như nghiên cứu về các dịch vụ. Mục đích là để thiết lập một hệ thống ‘‘định hướng kép’’ (bi-directional system) trong đó việc thực hành dựa trên những thông tin từ nghiên cứu và việc nghiên cứu phải dựa trên những thông tin từ thực hành.

Sơ đồ dưới đây cho thấy giao diện chung giữa nghiên cứu và thực hành lâm sàng :

CÁC CÔNG CỤ LÂM SÀNG BAO GỒM NHỮNG GÌ?

Các công cụ lâm sàng là một hệ thống những chiến lược và kỹ thuật nhắm đến những mục đích sau :

1. Tạo lập những mối liên minh hỗ trợ cho việc tuân thủ điều trị

2. Thực hiện việc đánh giá các khía cạnh sau :

            Các rối loạn tâm thần và hệ quả của chúng

            Sức khỏe tâm thần

            Các tác nhân gây stress và những nguồn lực trong môi trường xã hội

3. Thực hiện những can thiệp/trị liệu nhằm :

            Giảm các triệu chứng và khiếm khuyết

            Gia tăng các tiềm năng

            Giảm các tác nhân gây stress trong môi trường

            Gia tăng các nguồn lực trong môi trường

THẾ NÀO LÀ “BỘ CÔNG CỤ LÂM SÀNG DỰA TRÊN THÔNG TIN TỪ NGHIÊN CỨU”?

Bộ công cụ này bao gồm:

1. Các công cụ và phương pháp đánh giá nhằm hỗ trợ cho hàng loạt các hoạt động lâm sàng như: chẩn đoán các vấn đề lâm sàng, đánh giá các hậu quả, quyết định chọn loại hình can thiệp nào, xác định các tiềm năng, khả năng đề kháng và tình trạng sức khỏe tâm thần.

2. Các chiến lược và phương thức can thiệp có tính chuyên biệt được chứng minh là có hiệu quả đối với các loại rối loạn và các mục tiêu tham vấn.

3. Phương pháp vận dụng những chiến lược và kỹ thuật đã được hướng dẫn cả trên khía cạnh lý thuyết lẫn khía cạnh kinh nghiệm trong từng trường hợp thân chủ cụ thể.

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP VÀ CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ

Sự chăm sóc dựa trên việc đánh giá: đây là một chiến lược tổng hợp giữa đánh giá và trị liệu nhằm đến các việc sau: thực hiện đều đặn những đánh giá trên các triệu chứng mục tiêu và những mục tiêu can thiệp khác; sử dụng các công cụ đáng tin cậy; có tính đến các kết quả đánh giá trong việc quyết định loại hình can thiệp.

Hầu hết các nhà lâm sàng hiện nay đã không áp dụng việc chăm sóc dựa trên đánh giá. Nhiều người vẫn chưa biết rõ phạm vi sử dụng của các công cụ đánh giá, tính chất dễ sử dụng và công dụng hữu ích của chúng trong thực hành lâm sàng.

Một số bộ công cụ đánh giá đã được chứng minh có hiệu quả như:

- PHQ-9 là một công cụ chẩn đoán và là thang đo triệu chứng trầm cảm

- Bảng thang đo về thích nghi với công việc và xã hội gồm bộ câu hỏi với 5 tiết mục và đã được chứng minh là có giá trị hữu dụng.

- Bộ đánh giá các yếu tố giúp tuân thủ trị liệu của thân chủ

Và đặc biệt là công cụ đánh giá các tiềm năng (những điểm mạnh) của thân chủ. Việc đánh giá các tiềm năng nơi thân chủ là điểm cốt lõi của việc thực hành công tác xã hội. Các nhân viên xã hội từ lâu đã nhận thức đuợc rằng sức khỏe tâm thần không đơn giản chỉ là “không có rối loạn tâm thần”. Các nghiên cứu cho thấy rằng những yếu tố như cảm xúc tích cực, sự lạc quan và trạng thái hạnh phúc có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên việc đánh giá các tiềm năng một cách có hệ thống đã hiếm khi được thực hiện và nhiều bác sĩ tâm thần đã không biết rằng những công cụ đánh giá ấy đang có sẵn.

NHỮNG MỤC TIÊU TRONG THẾ KỶ 21: TẬP TRUNG CHO VIỆC NÂNG CAO SỨC KHỎE

Sức khỏe tâm thần, mặc dù đã được đánh giá, vẫn là một khái niệm cần được lưu tâm đến. Sức khỏe tâm thần không đồng nghĩa với việc không có các rối loạn tâm thần. Một người không có rối loạn tâm thần vẫn có thể có một mức độ thấp về sức khỏe tâm thần và một người có rối loạn tâm thần vẫn có thể có một mức độ cao về sức khỏe tâm thần. Các nhà lâm sàng cần phải thực hiện việc đánh giá cả trên các rối loạn tâm thần lẫn về mặt sức khỏe tâm thần và làm việc để cùng một lúc làm giảm triệu chứng lẫn giúp sức khỏe được thăng tiến. Các tác giả cũng đã thừa nhận rằng đây cũng là thời điểm để những chuyên viên công tác xã hội lâm sàng đóng vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực thực hành, nghiên cứu và ứng dụng những công cụ đã được chứng minh hiệu quả trong đánh giá và can thiệp hỗ trợ tâm lý.

CÁC TRÁCH VỤ TRONG TỪNG LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG

(Nguồn tham khảo: Social Workers – http://www.bls.gov/oco/ocos060.htm)

Sau đây là một số trách vụ mà nhân viên công tác xã hội lâm sàng thường đảm nhận mà khi xem xét các trách vụ ấy chúng ta có thể thấy rõ hơn vai trò của họ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phúc lợi nói chung, cũng như trong thực hành các công cụ đánh giá và can thiệp hỗ trợ về tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần:

Nhân viên công tác xã hội trẻ em, gia đình và học đường

1. Tham vấn cho các cá nhân, nhóm hoặc cho các gia đình về các lĩnh vực như: sức khỏe tâm thần, tình trạng nghèo khổ, thất nghiệp, lạm dụng chất gây nghiện, xâm hại thể chất, phục hồi chức năng, thích nghi xã hội, chăm sóc trẻ em và chăm sóc sức khỏe.

2. Phỏng vấn các thân chủ, dưới hình thức cá nhân, nhóm và gia đình, nhằm đánh giá hoàn cảnh sống, các năng lực cũng như những vấn đề của họ để xác định những dịch vụ nào cần được cung ứng để thỏa mãn những nhu cầu này.

3. Đóng vai trò như những người kết nối liên lạc giữa học sinh, gia đình, nhà trường, các trung tâm tham vấn trẻ em, tòa án, các dịch vụ bảo vệ, bác sĩ và những dịch vụ hỗ trợ khác, nhằm giúp trẻ em đương đầu với các vấn đề như thiểu năng, xâm hại và tình trạng nghèo khổ.

4. Thiết lập các hồ sơ cá nhân – ghi nhận và báo cáo trường hợp (maintain case history records and prepare reports).

5. Tham vấn cho phụ huynh về các vấn đề trong dưỡng dục con cái; phỏng vấn để xác định những nhu cầu của trẻ em và gia đình.

6. Tìm kiếm các nguồn lực trong cộng đồng và chuyển gửi thân chủ đến các dịch vụ cần thiết như cung ứng việc làm, giải quyết nợ nần, hỗ trợ pháp lý, cung cấp nhà ở, chăm sóc y tế đồng thời cung cấp những thông tin cụ thể như phải đi đến đâu và làm như thế nào.

7. Tư vấn cho phụ huynh, giáo viên và các nhân viên khác ở nhà trường biết cách xác định những nguyên nhân của vấn đề như bỏ học hoặc các hành vi sai trái và từ đó đưa ra các giải pháp.

8. Tham vấn cho các học sinh có vấn đề về hành vi, học tập hoặc tổn thương thực thể và tâm lý; chẩn đoán các vấn đề và bố trí học sinh tiếp cận những dịch vụ cần thiết.

9. Làm công tác về các chủ đề liên quan đến pháp lý, như xâm hại trẻ em hoặc áp dụng kỷ luật; lắng nghe và cung cấp chứng cứ cho việc bố trí quyền nuôi dưỡng trẻ.

10. Phát triển và xem xét các kế hoạch cung ứng dịch vụ; theo dõi và đánh giá số lượng và chất lượng các dịch vụ.

Nhân viên công tác xã hội chăm sóc sức khỏe

1. Hỗ trợ cho các thân chủ và bệnh nhân giải quyết các khủng hoảng.

2. Phối hợp với các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác để đánh giá tình trạng sức khỏe thể chất của bệnh nhân và xác định các nhu cầu của họ.

3. Chuyển gửi bệnh nhân, thân chủ và gia đình họ đến với các dịch vụ phục hồi về sức khỏe thể chất và tâm thần, giúp họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tài chính, hỗ trợ pháp lý, cung ứng lao động hoặc hỗ trợ về giáo dục.

4. Tham vấn cho các thân chủ và bệnh nhân, dưới hình thức cá nhân hoặc nhóm, để giúp họ khắc phục tình trạng phụ thuộc, giúp họ hồi phục từ bệnh tật và thích nghi với đời sống.

5. Lên kế hoạch phối hợp chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho người bệnh và các thân chủ.

6. Lên kế hoạch chuyển tiếp từ cơ sở chăm sóc về lại gia đình hoặc sang một cơ sở chăm sóc khác.

7. Tổ chức các nhóm hỗ trợ hoặc tham vấn cho các thành viên trong gia đình để giúp họ có thể hiểu biết và hỗ trợ cho các thân chủ và bệnh nhân.

8. Điều chỉnh các kế hoạch điều trị sao cho phù hợp với điều kiện sống của thân chủ.

9. Theo dõi, đánh giá, ghi nhận các diễn tiến của bệnh nhân dựa theo các mục tiêu nêu trong kế hoạch chăm sóc và điều trị.

10. Phỏng vấn và ghi nhận những trở ngại trong môi trường sống đối với sự tiến triển của bệnh nhân và thân chủ.

Nhân viên công tác xã hội về sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất

1. Tham vấn cho thân chủ, dưới hình thức cá nhân hoặc nhóm, để giúp họ giải quyết các vấn đề về lạm dụng chất gây nghiện, về các bệnh tâm thần hoặc thực thể, tình trạng nghèo khó, thất nghiệp hoặc xâm hại thân thể.

2. Phỏng vấn bệnh nhân, ghi nhận và đánh giá, hoặc hội ý với các chuyên viên khác nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần và thể chất của bệnh nhân và thân chủ.

3. Phối hợp với các nhà tham vấn, các thầy thuốc và điều dưỡng để lên kế hoạch phối hợp trị liệu, dựa trên nghiệp vụ công tác xã hội và nhu cầu của bệnh nhân.

4. Theo dõi, ghi nhận và đánh giá tiến triển dựa trên các mục tiêu điều trị.

5. Giáo dục bệnh nhân và các thành viên trong cộng đồng về các bệnh lý tâm thần và bệnh lý thực thể, tình trạng lạm dụng, việc chữa trị bằng thuốc men, hoặc giới thiệu các nguồn lực sẵn có trong cộng đồng.

6. Hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ kế hoạch điều trị, kể cả việc lên thời biểu cho các cuộc hẹn và phương tiện di chuyển đến cuộc hẹn điều trị, cùng các hỗ trợ khác.

7. Chuyển gửi thân chủ, bệnh nhân và gia đình họ tiếp cận đến các nguồn lực trong cộng đồng như hỗ trợ nhà ở hoặc điều trị phục hồi đối với các bệnh tâm thần hoặc thực thể.

8. Điều chỉnh kế hoạch điều trị tùy theo những thay đổi trong hoàn cảnh sống của bệnh nhân.

9 Tham vấn hỗ trợ cho các thành viên gia đình để giúp họ hiểu biết và có thể hỗ trợ cho bệnh nhân và thân chủ.

10. Nâng cao kiến thức về công tác xã hội bằng cách tham khảo tư liệu, thực hiện nghiên cứu, tham gia các lớp huấn luyện, hội thảo...

TRÒ CHƠI TRÊN CÁT – SANDPLAY

 BS NGUYỄN MINH TIẾN Tổng hợp

TÊN GỌI VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH LIỆU PHÁP

Trò chơi trên cát là một loại công cụ sử dụng trong chơi trị liệu (play therapy) – một hình thức tâm lý trị liệu cho trẻ nhỏ có vấn đề tâm lý, đôi khi có thể áp dụng cho cả trẻ lớn, vị thành niên, cá nhân người lớn hoặc cả gia đình. Những hình mẫu thu nhỏ (miniatures), tượng trưng cho những con người, thú vật, hoặc sự vật thông thường có thật trong thực tế, sẽ được sử dụng để tạo nên những bối cảnh và nội dung chơi trên bề mặt của cát. Tên thông dụng trong tiếng Anh chỉ cách làm này là sandplay (trò chơi trên cát) hoặcsandtray therapy (liệu pháp chơi trên khay cát), hoặc như cách gọi tên của Magaret Lowensfeld (tác giả của phương pháp) là World Technique (Kỹ thuật Thị hiện Thế giới). Phép tiếp cận này được sử dụng trong một bối cảnh có tính nghi thức, có sự chuyển tiếp hoặc như một phương pháp chữa lành các sang chấn, đau khổ về tinh thần. Trong bài này để đơn giản chúng tôi sẽ gọi tên phương pháp là “Trò chơi trên cát” khi gọi với ý nghĩa chung và “liệu pháp khay cát” khi phương pháp được áp dụng trong bối cảnh trị liệu tâm lý.

Liệu pháp khay cát được phảt triển nên bởi bác sĩ Magaret Lowensfeld trong thập niên 1920 do bà đã cảm hứng khi đọcFloorgames (Trò chơi trên sàn nhà) của H.G. Wells (1906), và được áp dụng tại Trung tâm Trị liệu Trò chơi tại Luân Đôn, Anh quốc. Wells và các con trai của mình đã cùng chơi những trò chơi trên sàn nhà; họ chọn lấy đồ chơi là những hình mẫu thu nhỏ để bày ra những cảnh chơi đầy kịch tính trên sàn nhà của một căn phòng sau khi đã dọn sạch các vật dụng khác. Những trò chơi này đã cho phép gia đình của Wells có được một phương tiện để khám phá về một thế giới sau chiến tranh. Và Wells cũng đã khuyến cáo các nhà chính trị, những lãnh đạo các quốc gia và cả trẻ em nên tham gia vào một tiến trình chơi như thế.

Lowensfeld, cũng giống như Freud, Klein và Winnicott, hiểu rằng trẻ em cần có những loại công cụ khác không phải ngôn ngữ để có thể giao tiếp và có thể tạo nên ý nghĩa cho những trải nghiệm của mình. Bà cũng nhận ra hoạt động chơi có khả năng giúp chuyển biến và tổng hợp lại những thế giới quan còn hạn chế của trẻ. Bằng sự thông thái của mình, bà đã không chỉ đưa thêm vào khay đựng những nội dung chơi mà còn cho cả cát và nước vào để cho phép đứa trẻ giải bày ra những trạng thái sinh học và siêu hình rất phức tạp. Bộ công cụ này nhằm giúp trẻ cảm nhận được các trải nghiệm của mình chứ không giúp gia tăng khả năng diễn giải của nhà trị liệu về thực tại của đứa trẻ.

Những thân chủ trẻ con của Lowensfeld đã sử dụng các vật liệu chơi này một cách hết sức nhiệt tình. Bộ công cụ cũng có những tính chất rất hấp dẫn, đa năng và đa chiều kích. Và đặc biệt là nó không cần đến bất cứ kỹ năng đặc biệt nào. Thật vậy đã có một đứa trẻ gọi đó là “Cả thế giới để vui chơi” – điều này khiến bà đôi khi gọi đó là “Trò chơi Thế giới” (Worldplay; hay tiếng Đức là Weltspiel), đó cũng là tiền thân cho các tên gọi World Apparatus hoặc Lowensfeld World Technique về sau.

Nhiều thập niên trôi qua kể từ ngày Lowensfeld đưa kỹ thuật làm việc này vào Trung tâm trị liệu của bà, các giáo viên, những nhà tư vấn và nhà nghiên cứu thuộc nhiều trường phái lý thuyết khác nhau đã cung cấp bộ công cụ này cho những đối tượng mà họ làm việc. Theo thời gian, trò chơi trên cát đã được sử dụng để giúp con người kết nối và trở nên quan tâm hơn đến thực tại cá nhân và liên cá nhân trong đời sống con người. Những nhà thực hành đã sử dụng nó để gia tăng khả năng của ý thức, khả năng tự bình phục, giảng dạy, học tập, sáng tạo, giao tiếp và những mối quan hệ lành mạnh giữa con người với nhau.

Do bởi khay cát là công cụ có tính chất rất hữu hiệu và thú vị, nhiều tác giả đã phát kiến nên những tên gọi riêng cho phương pháp của mình nhằm mô tả những cách thức tiếp cận cuộc chơi trên khay cát; mỗi cách gọi tên thể hiện cách thức thực hiện cũng như quan điểm riêng của từng tác giả về những tiến trình xảy ra trong khay cát.

Liệu pháp khay cát nay đã vươn xa ra khỏi phạm vi tham vấn và trị liệu tâm lý; nó được áp dụng trong giáo dục, trong những hành trình tìm kiếm về mặt tinh thần, trong công việc, cũng như bất cứ hoàn cảnh nào mà những người có nguồn gốc xuất thân và văn hóa khác nhau muốn hiểu biết lẫn nhau trong thâm sâu con người của mình.

Cách gọi tên phương pháp cũng là cách thức đặc biệt gợi lên những câu chuyện kể hoặc những thực tại có tính chuyên biệt. Trong một nghiên cứu về trò chơi trên cát tại Úc, một đứa bé trai 12 tuổi đã gọi tên phương pháp của Lowensfeld là “bức tranh cát” (sand picture) hoặc “tranh vẽ các ý nghĩ” (thinking picture). Đứa trẻ nói: “Cháu đã nói rất nhiều về mọi việc đã xảy ra, nhưng ở đây cháu im lặng, cháu bận suy nghĩ. Suy nghĩ là một người anh em khó tính. Không ai có thể nghe được bạn, nhưng ở đây, bức tranh trên cát là một thứ suy nghĩ, và người ta có thể nghe thấy nó lên tiếng”.

LIỆU PHÁP KHAY CÁT THEO TRƯỜNG PHÁI NHÂN VĂN – HUMANISTIC SANDTRAY THERAPY

Liệu pháp khay cát là một hình thức tâm lý trị liệu có tính năng động và diễn đạt, giúp cho thân chủ có thể giải bày thế giới nội tâm của họ thông qua các biểu tượng và hình ảnh ẩn dụ. Liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn nhấn mạnh đến việc hình thành một mối quan hệ trị liệu sâu sắc và có tính chấp nhận, cùng với một cách tiếp cận xử lý nội dung trong khay cát chủ yếu dựa trên những trải nghiệm của thân chủ tại đây và ngay lúc này (here-and-now).

Quan điểm nhân văn tin rằng khi con người tăng trưởng và phát triển ở lứa tuổi trẻ em và vị thành niên, họ sẽ có thể bị mất đi mối liên lạc với chính con người mà mình đang là. Họ có thể đã học cách chấp nhận một số cảm xúc nào đó và không chấp nhận những cảm xúc khác. Trong tiến trình chối bỏ những gì thuộc về con người thật của mình, họ có thể trở nên mất liên lạc với bản ngã thực sự của chính mình. Liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn mang đến những trải nghiệm về sự tái kết nối của con người với bản ngã chân thực của mình và giúp con người trở lại khám phá các ước mơ, hy vọng và tầm nhìn của mình.

Giống như liệu pháp chơi (play therapy) ở trẻ nhỏ, liệu pháp khay cát mang lại một trải nghiệm có tính chủ động, không lời, gián tiếp và mang tính biểu tượng. Giai đoạn tạo cảnh (scene creation phase), trong đó thân chủ sắp đặt các hình mẫu thu nhỏ vào trong khay cát, là một giai đoạn rất quan trọng và cũng là giai đoạn trung tâm đạt đến các trải nghiệm từ khay cát. Trong liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn, giai đoạn xử lý (processing phase) sẽ mang lại thêm những trải nghiệm vốn đã hình thành trong giai đoạn tạo cảnh và cho phép suy xét lại trải nghiệm ấy. Thông qua giai đoạn xử lý, thân chủ có thể nhìn lại bối cảnh trong khay và trải nghiệm về tác động của nó.

Tất cả các thành phần như khay cát, những hình mẫu thu nhỏ, không gian an toàn trong khay cát, những lời nói sử dụng trong khi chơi trên cát và cả công việc trong giai đoạn xử lý đều có tầm quan trọng trong việc tạo nên hiệu quả trị liệu.

TẠI SAO SỬ DỤNG KHAY CÁT?

Khay cát là một loại công cụ sử dụng cho các hoạt động nghệ thuật mang tính giải bày, diễn đạt. Những gì mà khay cát mang lại bao gồm:

Một môi trường được cấu trúc tốt qua đó những hình ảnh ẩn dụ của thân chủ sẽ được tạo lập và được khám phá.

Một sự trình bày bằng cách hiển thị các vấn đề của thân chủ để quá trình làm việc giữa nhà trị liệu và thân chủ có thể tập trung vào những chủ đề cốt lõi trong suốt phiên trị liệu. Thân chủ có thể nhìn đi nhìn lại những biểu tượng trong quang cảnh mà mình đã tạo dựng, ngay cả khi họ đã khám phá chúng và từ đó thực hiện những sự hướng dẫn từ bên ngoài trở về vấn đề của họ.

Một trải nghiệm sâu sắc đối với thân chủ. Thân chủ thường ngày hay tránh né sự trải nghiệm đầy đủ về những cảm xúc của mình. Khay cát có thể tạo điều kiện cho thân chủ đi sâu khám phá bản ngã của họ.

Một phương tiện gián tiếp giúp thúc đẩy các hoạt động có tính trị liệu cho những thân chủ bị bế tắc. Khi thân chủ xem xét các hình ảnh ẩn dụ của họ tạo nên, họ có thể vượt qua các phản ứng phòng vệ và hóa giải các phản kháng.

Liệu pháp khay cát có thể được sử dụng cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên, vị thành niên và cả người lớn. Giống như liệu pháp chơi, thân chủ được trị liệu với khay cát cũng thể hiện bản thân theo cách ẩn dụ. Mặc dù trong giai đoạn xử lý, nhà trị liệu sử dụng lời nói nhiều hơn trong liệu pháp chơi dành cho trẻ nhỏ, việc sử dụng và xử lý hình ảnh ẩn dụ cũng tương tự như trong liệu pháp chơi.

Nhà trị liệu trường phái nhân văn xem thân chủ là những người có khả năng tự hiện thực hóa bản thân và vốn có sẵn khuynh hướng phát huy tiềm năng của mình. Họ có thể tự nhận biết bản thân mình và chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Con người là sinh vật có tính xã hội và có nhu cầu mạnh mẽ muốn kết nối với người khác. Trong liệu pháp nhân văn, mối quan hệ trị liệu là nguồn lực nền tảng tạo nên những thay đổi có tính xây dựng ở thân chủ (Cain, 2002). Mục đích cơ bản của mối quan hệ trị liệu là tạo nên một bầu khí tối ưu thuận lợi cho sự tăng trưởng xảy ra. Rogers đã viết: “Hầu hết trẻ em, nếu được sống trong một môi trường bình thường đáp ứng phù hợp với những nhu cầu về cảm xúc, trí tuệ và xã hội của trẻ, đều có khuynh hướng đạt đến sự lành mạnh để đáp ứng và thích nghi với đời sống” (Kirschenbaum, 1979).

Khi nhà trị liệu gặp thân chủ, dù là trẻ em hay người lớn, họ thậm chí còn cần nhiều hơn một “môi trường bình thường phù hợp” như thế, bởi vì họ đã không thể có được lòng tin của một trẻ nhỏ. Vì vậy, việc thiết lập một bầu khí tối ưu cho tăng trưởng là điều tuyệt đối quan trọng. Mối quan hệ trị liệu là trung tâm của bầu khí này, và khả năng tự nhận biết bản thân cùng với kỹ năng của nhà trị liệu có thể tạo nên bầu khí này và làm chất xúc tác cho sự tăng trưởng nơi thân chủ.

Trong liệu pháp khay cát, nhà trị liệu tạo lập một không gian an toàn và có tính chấp nhận để thân chủ có thể đối diện với các chủ đề cốt lõi của họ. Giống như trong liệu pháp chơi, bản chất mang tính ẩn dụ của khay cát giúp tạo nên một khoảng cách an toàn để thân chủ có thể giải bày những cảm xúc đau khổ của họ. Khay cát cho phép thân chủ bộc lộ bản thân họ dưới hình thức những biểu tượng không lời, đồng thời tạo nên một sản phẩm phóng chiếu có tính thị hiện những thực tại chủ quan trong nội tâm cũng như trong các mối quan hệ của thân chủ.

KHAY CÁT – MỤC ĐÍCH VÀ THỜI LƯỢNG LÀM VIỆC

Chỉ sử dụng khay cát khi thân chủ đã có được lòng tin khá sâu sắc với nhà trị liệu. Không thực hiện liệu pháp khi thân chủ vẫn còn lưỡng lự. Homeyer và Sweeney (1998) cho rằng khay cát nên được sử dụng một cách có mục đích và có dự định. Nhà trị liệu nên trình bày rõ những mục đích và thời lượng sử dụng khay cát trên từng thân chủ cụ thể. Hai tác giả này đề nghị sử dụng khay cát như cách thức để thay đổi bước đi trong làm việc với thân chủ, như một cách thức để tiếp thêm sức mạnh cho tiến trình trị liệu hoặc đưa việc trị liệu đến các tầng mức can thiệp sâu xa hơn. Khuyến cáo này cũng phù hợp với điều đã nêu ở phần trên: khay cát có hiệu quả khi làm việc với những thân chủ bị bế tắc.

GIAI ĐOẠN TẠO CẢNH

Homeyer và Sweeney (1998) thường cho thân chủ một câu mào đầu trước khi bước vào giai đoạn tạo cảnh như “Bạn hãy tạo một quang cảnh về đời sống của bạn như nó đang có trong hiện tại. Bạn cũng có thể sử dụng những hình ảnh trong quá khứ cũng như tương lai nhưng hãy trung thực với chính bạn về cuộc sống của bạn vào lúc này”.

Trong giai đoạn tạo cảnh, nhà trị liệu cần phải đặt mình trong hiện tại càng nhiều càng tốt nhưng họ không nói gì đặc hiệu cả. Điều quan trọng đối với thân chủ là phải có được một trải nghiệm bên trong về sự kết nối với các hình mẫu thu nhỏ và lựa chọn cái nào trong số đó để tạo cảnh. Nhà trị liệu không làm gián đoạn tiến trình bên trong này nhưng cần phải làm cho thân chủ biết rằng nhà trị liệu đang ở cùng thân chủ trong lúc họ trải nghiệm những phút giây thực hiện việc tạo cảnh.

Điều thú vị là một số nhà trị liệu khay cát tin rằng tiến trình bình phục trong liệu pháp khay cát chỉ xảy ra trong giai đoạn tạo cảnh. Vì thế, các nhà trị liệu này không đi qua giai đoạn xử lý. Một số nhà trị liệu khác lại sử dụng những cảnh quan trên khay cát làm chủ đề khởi điểm cho các tương tác bằng lời. Việc xử lý các nội dung trong khay cát bằng lời nói có thể giúp khai triển và mở rộng những việc đang diễn biến trong nội tâm thân chủ mà những việc này đã bắt đầu trong giai đoạn tạo cảnh.

Giai đoạn tạo cảnh sẽ giúp hình thành nên sắc thái cho quá trình thân chủ tự thăm dò và khám phá bản thân khi họ nhìn vào những hình mẫu thu nhỏ và tìm thấy những mối liên hệ với chúng. Một số thân chủ cảm thấy lạc lối khi tìm cách sắp xếp các hình mẫu thu nhỏ đúng theo ý mình muốn. Nếu giai đoạn tạo cảnh được trải nghiệm một cách có ý nghĩa đối với thân chủ, nếu thân chủ nhìn vào và suy nghĩ về những khía cạnh trong đời sống mà họ thường không chú ý đến, khi đó giai đoạn xử lý đã bắt đầu bên trong nội tâm của họ. Việc chuyển sang giai đoạn xử lý bằng lời sẽ trở nên tự nhiên hơn rất nhiều khi thân chủ cho phép bản thân họ trải nghiệm giai đoạn tạo cảnh.

GIAI ĐOẠN XỬ LÝ

Một cách điển hình, nhà trị liệu sẽ bắt đầu giai đoạn xử lý bằng cách nói với thân chủ: “Hãy nói về quang cảnh mà bạn đã tạo nên”. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể bắt đầu khi thân chủ cảm nhận được một điều gì đó ngay trong giai đoạn tạo cảnh. Nhà trị liệu có thể nói: “Bạn trông có vẻ rất buồn. Bạn đang chú ý điều gì vào lúc này?” Khái niệm về việc hiện diện cùng thân chủ trong từng khoảnh khắc là khái niệm trung tâm trong cách tiếp cận nhân văn ở giai đoạn xử lý. Cách tiếp cận nhân văn tập trung vào việc khám phá chứ không làm kỹ thuật diễn giải. Tiến trình khám phá là một trải nghiệm sâu sắc. Hầu hết những gì nhà trị liệu thực hiện trong giai đoạn xử lý là tạo thuận lợi cho tiến trình khám phá và hiểu biết bản thân của thân chủ. Theo luận điểm của Rogers, những đáp ứng có tính trị liệu và có hiệu lực mạnh mẽ nhất là những đáp ứng nhằm giúp thân chủ vươn xa hơn mức độ hiểu biết về bản thân mà họ có trước đó.

TIẾN VÀO NHỮNG CẢM XÚC SÂU LẮNG HƠN

Nhiều người có thể tự hỏi liệu việc đi sâu khám phá bản thân có giá trị gì chăng? Tại sao việc đi sâu vào các trải nghiệm lại có tính trị liệu? Việc trải nghiệm đầy đủ một cảm xúc có giá trị gì?

Trong thực tế, việc cho phép bản thân trải nghiệm một cách đầy đủ những cảm xúc của chính mình sẽ mang lại cho người đó nhiều phần tưởng thưởng. Trước tiên, sẽ là một phần thưởng vô giá khi một người cảm thấy “hòa bình với những vấn đề của chính mình”; “Liệu có cần xây bức tường ngăn cách với những trải nghiệm của ta hay ta có thể trông cậy vào chúng?”; “Làm thế nào để ta có thể hài lòng với những trải nghiệm của chính ta?”...

Điều lợi thứ hai có liên quan đến một quy luật tự nhiên mà chúng ta đang khám phá: để có thể khơi thông được một trải nghiệm cảm xúc, ta cần phải trải nghiệm nó một cách đầy đủ. Rogers (1989) lưu ý rằng một khi những cảm xúc gây phiền nhiễu được cảm nhận đến độ sâu đầy đủ nhất của chúng thì người ta có thể đi tới. Đây chính là phần rất quan trọng trong tiến trình thay đổi.

Hãy tưởng tượng một nữ thân chủ đang tranh đấu với cuộc hôn nhân của cô ấy. Nhà trị liệu yêu cầu cô hãy tạo dựng một quang cảnh trên khay cát. Trong cảnh ấy, cô đặt một hình mẫu tượng trưng cho chồng ở một đầu khay cát; một hình mẫu tượng trưng cho cô ở đầu kia. Khi xử lý quang cảnh, cô nói “Tôi không còn yêu chồng tôi, nhưng tôi sợ rời xa anh ấy”. Những nhà trị liệu thường làm việc về chủ đề hôn nhân và gia đình vẫn thường nghe những câu nói đại loại như thế; kiểu phát biểu như thế được gọi là sự phân cực đối lập (polarity) trong trải nghiệm của thân chủ.

Nhà trị liệu khi ấy có thể nghĩ đến các chọn lựa trong cách thức đáp ứng với thân chủ trong khi vẫn phải chú tâm nghiêm túc đến sự phân cực trong phát biểu của thân chủ. Nhà trị liệu có thể hỏi “Ngay lúc này đây, bạn nhận biết rõ hơn phần nào trong câu nói vừa rồi: phần chứa ý bạn không yêu chồng nữa hay là phần chứa ý bạn sợ rời xa anh ấy?” Nếu thân chủ trả lời cô ấy nhận biết rõ hơn về điều mình sợ rời xa chồng, nhà trị liệu sẽ hỏi “Bạn có cảm nhận nỗi sợ ấy ngay lúc này?” Nếu cô đáp là có, nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ đi sâu hơn bằng cách “Vậy nỗi sợ đó như thế nào? Bạn hãy mô tả nó xem”.

Nhà trị liệu đôi khi đánh giá không đầy đủ về những nỗi sợ và sự phản kháng của thân chủ. Ở mỗi thân chủ đều cùng hiện diện một lúc sự mong muốn thay đổi và nỗi sợ xảy ra thay đổi. Trong thực tế, ở mỗi con người đều tồn tại tình trạng phân cực đối lập như vậy. Những quang cảnh trong khay cát thường phác họa nên những trạng thái phân cực đối lập này hoặc hai khuynh hướng, hai thành phần, hai mong muốn tương phản với nhau. Hầu như ít có khay cát nào không chứa những điều tương phản như thế. Một cách điển hình, những hình mẫu thu nhỏ thường được sắp xếp một cách cẩn thận thành từng cụm ở trong các góc hoặc trên một khu vực nào đó của khay cát. Bất cứ khi nào thân chủ sử dụng đến những vách ngăn hoặc rào chắn thì thường có nghĩa là sự phân cực đã xuất hiện.

Trong liệu pháp khay cát, làm việc trên những điều phân cực theo cách như thế giúp thân chủ và nhà trị liệu “bảo tồn rất nhiều năng lượng”. Nếu thân chủ chưa sẵn sàng trải nghiệm đi sâu vào một cảm xúc đau thương, nhà trị liệu cần phải thừa nhận điều này và làm việc với thân chủ trên nỗi sợ thay vì là trên nỗi đau. Khi đó, thân chủ sẽ không kháng cự lại việc trị liệu và nhà trị liệu không cảm thấy mình đang lội ngược dòng. Khi một thân chủ chưa sẵn sàng, điều cần thiết là phải làm việc với thân chủ tại ngay nơi người đó đang đứng hơn là thúc đẩy người đó đi tới nơi họ cần đến.

TÂM LÝ TRỊ LIỆU TRẺ EM – LIỆU PHÁP CHƠI KHÔNG HƯỚNG DẪN

(NON-DIRECTVE PLAY THERAPY)

BS NGUYỄN MINH TIẾN dịch và tổng hợp

Liệu pháp chơi không hướng dẫn là một phương pháp tiếp cận hiệu quả và ít gây xâm phạm (non-intrusive) trong làm việc với trẻ em và người trẻ có vấn đề khó khăn tâm lý. Liệu pháp này có thể được sử dụng bởi những nhà chuyên môn làm việc trực tiếp với những trẻ em có vấn đề tổn thương về cảm xúc trong những cơ sở chăm sóc trẻ em, các trung tâm sức khỏe tâm thần và cả những cơ sở làm công tác xã hội thiện nguyện.

Liệu pháp chơi không hướng dẫn được trình bày ở đây có liên quan đến việc thiết lập một mối quan hệ đặc biệt một-một: giữa nhà trị liệu và một đứa trẻ; trong đó nhà trị liệu tạo nên một bầu khí làm việc có tính an toàn và đáng tin cậy mà qua đó đứa trẻ có thể cảm thấy tự do để giải bày và khám phá những cảm xúc cũng như những ý nghĩ của chính bản thân trẻ. Đứa trẻ có thể giao tiếp một cách trực tiếp thông qua lời nói (cả cách nói cụ thể lẫn cách nói có ẩn ý) hoặc một cách gián tiếp thông qua hành vi và nội dung chơi.

Công việc của nhà trị liệu là lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng lại với trẻ bằng cách thức sao cho có thể giúp trẻ hiểu được nhiều hơn những cảm xúc của chính mình. Những khía cạnh tiêu cực về cảm xúc sẽ mất đi sức mạnh chi phối của chúng khi trẻ được phép giải bày và được trải nghiệm những cảm xúc ấy trong một mối quan hệ có tính chấp nhận giữa trẻ với nhà trị liệu. Điều được nhấn mạnh trong liệu pháp này là giúp trẻ chuyển từ tình trạng phó mặc bản thân cho những cảm xúc giấu kín kia sang trạng thái làm chủ hơn đối với những cảm xúc ấy.

Liệu pháp này được dựa trên các nguyên lý của tâm lý trị liệu không hướng dẫn (non-directive psychotherapy) được phát triển bởi Carl Rogers tại Hoa Kỳ và được điều chỉnh bởi Virginia Axline để áp dụng vào trị liệu tâm lý cho trẻ em (được biết nhiều thông qua hai tác phẩm Dibs in Search of Self năm 1946 và Play Therapy năm 1947). Triết lý nền tảng của loại liệu pháp này chính là điều hiện hữu trong tất cả mọi con người, đó chính là khuynh hướng tự hiện thực hóa bản thân (self-actualization) cả ở người lớn lẫn ở trẻ em. Giả định được đặt ra là khi trẻ có cơ hội tự do giải bày các cảm xúc của chính mình, trẻ sẽ tìm thấy các giải pháp để giải quyết các khó khăn về cảm xúc của bản thân và trẻ sẽ sử dụng nhà trị liệu cùng các trải nghiệm trong khi chơi để thực hiện điều đó.

Điều rất quan trọng trong khi tiến hành liệu pháp là cần phải hết sức lưu tâm đến những nhu cầu cần được giúp đỡ của chính đứa trẻ thay vì chỉ tập trung vào những việc như khảo sát hoặc đánh giá (những việc mà đôi khi chiếm nội dung chủ yếu trong công việc của nhà trị liệu).

Không chỉ có một phuơng pháp tiếp cận duy nhất cho tất cả các tác giả làm việc trong lĩnh vực trị liệu trẻ em. Schaefer và O’Conner (1983) và Schaefer (1993) đã điều chỉnh liệu pháp chơi cho từng loại rối nhiễu chuyên biệt ở trẻ em, một cách thức được gọi tên là Chơi trị liệu theo kiểu “kê đơn” (“prescriptive” play therapy). Tương tự, Redgrave (2000) cũng tổ chức cách thức can thiệp dựa trên những yêu cầu chính của việc trị liệu. Carroll (1998) còn khẳng định rằng tất cả cách thức tiếp cận khác nhau đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên, kiểu cách chiết trung như thế cũng tạo nên một số trở ngại: nó đã mơ hồ và dễ dãi phát triển và điều chỉnh những phương thức trị liệu theo những khuôn khổ lý thuyết có tính rập khuôn và thô thiển. Trong huấn luyện cũng như trong thực hành, đã có sự nhầm lẫn lớn giữa chơi trị liệu (play therapy) với các cách can thiệp có sử dụng chơi (play related intervention) như những phương pháp để đánh giá đứa trẻ hoặc giúp trẻ thực hiện những thay đổi trong đời sống. Các chuyên viên thực hành (practitioners) cũng thường sử dụng chơi như một phương tiện giúp hỗ trợ cho việc giao tiếp với trẻ em, và điều này khi được thực hiện với sự nhạy cảm cũng có thể có những giá trị về mặt trị liệu; tuy nhiên mục tiêu và phương pháp là rất khác biệt và phải được phân biệt rõ.

I. CÁC TIẾP CẬN CHÍNH ĐỐI VỚI CHƠI TRỊ LIỆU

Chơi trị liệu có thể được định nghĩa là một cách thức để tạo nên những trải nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa nhà trị liệu với những trẻ em (hoặc người trẻ tuổi), trong đó chơi là một môi trường giao tiếp chủ yếu (Wilson, 2000). Thông thường trong trị liệu ở người lớn, mục đích của những trải nghiệm như thế là dẫn đến các thay đổi trong những mối quan hệ cơ bản của thân chủ, những mối quan hệ mà trước đó đã có những tổn thương và bị lệch lạc trong quá trình phát triển. Còn trong trị liệu trẻ em, mục đích là để đưa chức năng cảm xúc và chức năng xã hội của trẻ trở lại mức độ ngang tầm với giai đoạn phát triển của lứa tuổi sao cho trẻ có thể lấy lại tiến trình phát triển bình thường (O’Conner & Schaefer, 1994; Ryan & Wilson, 1995). Trái với cách tiếp cận chủ yếu sử dụng lời nói khi làm việc với người lớn, chơi là cách được sử dụng ở trẻ em bởi vì chơi là hoạt động mà trẻ có khả năng thích nghi tốt và chơi cũng là hoạt động có chức năng tổ chức (organizing function) trong phát triển ở trẻ em.

Chơi sử dụng chủ yếu các biểu tượng không lời (non-verbal symbols) và là một trong số những cách thức chính để trẻ phát triển các hiểu biết, khám phá các xung đột, cũng như “ôn lại” các kỹ năng về cảm xúc và xã hội. Sau các công trình của Anna Freud và Melanie Klein đã hợp nhất hoạt động chơi với các buổi phân tâm cho trẻ em kể từ thập niên 1930, chơi trị liệu được phát triển thành nhiều phương pháp tiếp cận chủ yếu như sau: liệu pháp chơi theo kiểu phân tâm (psychoanalytic play therapy), liệu pháp chơi nhận thức-hành vi (cognitive behavioral play therapy), liệu pháp chơi có cấu trúc (structural play therapy) và liệu pháp chơi không hướng dẫn hay còn gọi là liệu pháp chơi lấy đứa trẻ làm trọng tâm (child-centered play therapy). Ngoài ra còn một số các liệu pháp chơi khác được gọi tên theo trường phái lý thuyết như ở người lớn như Jungian, Adlerian, Gestalt...

Một số cách tiếp cận có những kỹ thuật riêng không chia sẻ với cách khác, tuy nhiên nhiều kỹ thuật cũng có lúc được vay mượn từ nhiều trường phái tiếp cận khác nhau.

LIỆU PHÁP CHƠI THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÂM

Mặc dù Freud làm việc chủ yếu với người lớn, quá trình phân tích của ông đối với bé Hans (có cha là một nhà trị liệu) cùng với các quan sát của ông về ý nghĩa của chơi ở trẻ em đã mở đường cho Anna Freud và Melanie Klein về sau phát triển nên phân tâm học trẻ em. Freud viết:

Công việc yêu thích nhất và thu hút nhất đối với trẻ em là chơi. Chúng ta có thể nói rằng một đứa trẻ khi chơi sẽ hành xử như một nhà văn với đầy trí tưởng tượng, thông qua đó trẻ sáng tạo nên một thế giới của chính mình, hay nói đúng hơn, trẻ sắp đặt lại các sự vật trong thế giới của mình, bố trí chúng theo một cách thức mới sao cho trẻ có thể cảm thấy thoải mái hơn. Sẽ không đúng nếu nói rằng trẻ không nắm bắt thế giới của trẻ một cách nghiêm túc; trái lại, trẻ đã sử dụng việc chơi một cách rất nghiêm túc và đã đầu tư rất nhiều tình cảm của mình vào trong đó. Điều đối ngược với chơi không phải là làm việc, mà là thực tế. Tuy đã đầu tư năng lượng cảm xúc rất nhiều vào thế giới vui chơi của mình, trẻ vẫn hoàn toàn phân biệt rõ chúng với thực tế đời sống; trẻ chỉ vay mượn các đối tượng và tình huống mà trẻ có thể tưởng tượng nên từ thế giới thực tế hữu hình mà thôi. Chỉ duy với điều liên hệ này – giữa chơi và thực tế đời sống – mới giúp phân biệt sự khác nhau giữa chơi ở trẻ em với trạng thái mơ mộng...

Freud, 1974; 173-174.

Klein và Anna Freud, làm việc ở Vienna và Luân Đôn vào các thập niên 1920 và 1930, đã có những đóng góp rất lâu bền cho việc phát triển chơi trị liệu. Cả hai đều tin rằng nhiều rối loạn tâm lý ở trẻ em là kết quả của các xung đột vô thức. Cả hai cũng cho rằng các rối loạn có thể được giải quyết và cái tôi của trẻ có thể được tăng cường bằng cách mang các thành phần vô thức này vào tầng ý thức thông qua quá trình diễn giải của nhà trị liệu về các nội dung chơi và giấc mơ của trẻ em. Cả hai đều xem nội thị (insight) là phần thiết yếu cho giải pháp và khả năng này không thể xảy ra nếu không có tiến trình “khơi thông” (working through).

Trong phân tâm trẻ em, chơi được xem là cách thay thế cho liên tưởng tự do ở người lớn; cả hai đều thoát khỏi sự kiểm duyệt của đời sống thực tế. Công việc chính của một nhà phân tâm trẻ em là tìm cách hiểu và diễn giải các nội dung chơi mang tính biểu tượng của trẻ. Klein đã trang bị trong phòng chơi nhiều loại chất liệu chơi, các hình mẫu tượng trưng và những đồ chơi không tự vận hành (non-mechanical) để kích thích trẻ chơi một cách tưởng tượng.

Có sự khác nhau giữa Klein và Anna Freud về bản chất mối quan hệ giữa trẻ với nhà trị liệu và mức độ diễn giải các giao tiếp bằng lời cũng như không lời của trẻ, tuy vậy cả hai tác giả đều đã góp phần quan trọng giúp cho việc hiểu và làm việc với trẻ em. Tuy nhiên, phân tâm trẻ em cũng giống như phân tâm người lớn, đều là những quá trình chuyên môn hóa cao và rất tốn thời gian. Ở hai bờ Đại Tây Dương (Châu Âu và Hoa Kỳ), cách tiếp cận này dần chuyển thành tâm lý trị liệu theo định hướng phân tâm (analytically oriented psychotherapy), nghĩa là cách tiếp cận với cùng những nguyên lý và kỹ thuật nhưng ít đi sâu hơn, ngắn hạn hơn và mục tiêu giới hạn hơn. Ngoài ra, các lý thuyết về phát triển trẻ em của phân tâm học vẫn có thể giúp ích cho các trường phái khác (ví dụ cách tiếp cận chơi trị liệu không hướng dẫn) ngay cả khi các kỹ thuật phân tâm không được sử dụng.

LIỆU PHÁP QUAN HỆ ĐỐI TƯỢNG (OBJECT RELATIONS THERAPY)

Winnicott, mặc dù đưọc huấn luyện theo trường phái của Klein, nhưng lại làm việc theo liệu pháp quan hệ đối tượng theo kiểu Anh, cùng với Fairbairn, Dicks và Bowlby. Ông cũng đã phát triển riêng cho mình một kiểu tiếp cận có tính thuyết phục cao trong làm việc với trẻ em. Ông xem chơi là trung tâm của những trải nghiệm có tính trị liệu và tin rằng hoạt động chơi ở trẻ em có một sự liên tục trực tiếp với điều mà ông gọi là “khu vực trung gian” (intermediate area) trong các trải nghiệm ở người lớn như nghệ thuật và tôn giáo, nơi mà “sức căng” trong việc xử lý sự chuyển tiếp giữa thực tại bên trong và bên ngoài tương đối không quá thách thức và vì thế không gây lo âu nhiều. Vì thế, theo quan điểm của ông, chơi là phương tiện để đứa trẻ quản lý sự chuyển tiếp giữa thế giới nội tâm bên trong và thực tại bên ngoài, vì thế nó luôn ở trên lằn ranh giữa cái chủ quan và những gì mà trẻ nhận thức được một cách khách quan (Winnicott, 1988).

Mặc dù làm việc chủ yếu dựa trên những tư liệu được trẻ trình bày thông qua chơi, cách tiếp cận của Winnicott có thể được xếp vào loại liệu pháp có hướng dẫn và có tính diễn giải cao (directive and interpretive). Có tính hướng dẫn là vì nhà trị liệu đôi lúc chọn lựa một hình thức chơi đặc biệt nào đó như một phương tiện giao tiếp chính, chẳng hạn trò chơi “vẽ tiếp nét” (squiggle game) rất nổi tiếng của Winnicott trong đó nhà trị liệu và thực hiện luân phiên thực hiện những nét vẽ cho đến khi hoàn tất một bức tranh và cho những lời bình về những gì mà mình đã vẽ. Có tính diễn giải là vì khi đáp ứng lại với những nội dung chơi hoặc giấc mơ của trẻ nhà trị liệu sẽ phát biểu thành lời những liên hệ giữa những hành vi được biểu hiện nơi đứa trẻ với những cảm xúc có thể còn ẩn giấu bên trong vô thức. Trọng tâm chính của liệu pháp là nhằm bộc lộ một cách có hệ thống những tư liệu bên trong vô thức, nhưng các tư liệu được bộc lộ này phải giới hạn lại bên trong thời hạn cho phép của phiên trị liệu.

Winnicott cũng thừa nhận một số cách thức tiếp cận khác trong làm việc với trẻ em. Đôi khi ông xem hoạt động chơi ở trẻ em như sự phản ánh lại các trải nghiệm được mô tả lại bởi những người chăm sóc trẻ, thường là người mẹ; đôi khi ông diễn giải điều này cho trẻ, đôi khi lại không; có lúc ông đáp ứng lại các giao tiếp của trẻ bằng chính những ngôn từ và ẩn dụ của trẻ mà không khám phá các ý nghĩa biểu tượng chứa đựng bên trong chúng, có lúc ông lại diễn giải và liên hệ chúng với những tư liệu trong lịch sử của trẻ. Cách tiếp cận của Winnicott đôi lúc lại khá giống với liệu pháp chơi không hướng dẫn; và thực vậy khi thừa nhận rằng “tâm lý trị liệu chiều sâu có thể được thực hiện mà không cần sử dụng cách diễn giải”, Winnicott đã trích dẫn và chấp nhận Axline (Winnicott, 1988). Hơn nữa, ý kiến của ông về vai trò của chơi trong việc giúp trẻ giao tiếp và làm chủ những thực tại bên ngoài cũng như bên trong nội tâm trẻ đã giúp người ta thấu hiểu hơn về tiến trình trị liệu.

TIẾP CẬN NHẬN THỨC – HÀNH VI (CBT)

Cách thức tiếp cận này bắt nguồn từ quan điểm cho rằng tất cả những hành vi của con người đều có mục đích và đều do học tập mà có. Liệu pháp này có tính hướng dẫn và được dựa trên những hiểu biết về nhận thức và hành vi của con người. Trong liệu pháp này, nhà trị liệu cùng với thân chủ nhất trí với nhau về mục tiêu can thiệp và thiết kế các hoạt động và đáp ứng sao cho những tác nhân củng cố tích cực có thể thúc đẩy hình thành những hành vi mong muốn; và loại bỏ đi những hành vi được xem là không mong muốn. Trong các can thiệp hành vi theo truyền thống, các hoạt động chơi ít khi được sử dụng; các kỹ thuật chủ yếu được thực hiện bởi cha mẹ hoặc giáo viên và chú trọng đến những tương tác của trẻ với môi trường xung quanh.

CBT là liệu pháp được áp dụng rộng rãi trong các nhóm làm việc về sức khỏe tâm thần cho trẻ em và vị thành niên và đã chứng tỏ mang lại nhiều hiệu quả. Mặc dù trọng tâm và phong cách có nhiều đặc trưng khác biệt, các nhà trị liệu CBT cũng có chung những quan điểm với các trường phái tâm động học và thân chủ trọng tâm về những trải nghiệm trong trị liệu. Truax và Carrkhuff (1967) khi viết về mối quan hệ trị liệu từ quan điểm của Rogers đã cho rằng ít nhất có một số khía cạnh trong các tương tác giữa thân chủ và nhà trị liệu có thể được quan niệm theo cách nhìn của lý thuyết học tập (learning theory). Họ cho rằng các kế hoạch trị liệu được thiết kế chủ yếu là nhằm:

(1)   Củng cố những khía cạnh tích cực trong ý niệm về bản ngã của thân chủ;

(2)   Củng cố những hành vi tự khám phá bản thân;

(3)   Loại bỏ các đáp ứng lo âu hoặc sợ hãi liên quan đến các tình huống đặc hiệu;

(4)   Củng cố các mối quan hệ, tương tác giữa người với người; giảm khả năng học tập những đáp ứng sợ hãi hoặc né tránh khi quan hệ với con người (Sutton, 1979).

Từ quan điểm của trường phái nhận thức, Sutton còn đưa thêm một chức năng khác:

(5)   Chúng cho phép làm sáng tỏ những mâu thuẫn giữa cảm xúc, thái độ và hành vi, cho phép sự thống họp xảy ra đầy đủ hơn.

LIỆU PHÁP LÀM GIẢM NHẸ (RELEASE THERAPY) VÀ KỸ THUẬT HIỂN THỊ THẾ GIỚI (WORLD TECHNIQUE)

Đây là hình thức chơi trị liệu giúp cho một đứa trẻ từng có những trải nghiệm đau thương và sang chấn có thể khơi thông những cảm xúc gây ra bởi sang chấn và vượt lên làm chủ những cảm xúc ấy. Liệu pháp này dựa trên một ý tưởng theo quan điểm tâm động học về một sự thúc ép lập đi lập lại bằng cách tái diễn và trải nghiệm lại một sự kiện đặc biệt nào đó sẽ giúp cho những cảm xúc bị dồn nén, bị tắc nghẽn có thể được vơi đi và dần dần được loại bỏ. Mặc dù trẻ được tự do lựa chọn cách thức chơi, các chất liệu chơi tự chúng là có giới hạn và được lựa chọn để khuyến khích trẻ thể hiện các sang chấn thông qua chơi (play out their traumas).

Cách tiếp cận này được phát triển bởi Levy tại Hoa Kỳ (1938), tuy nhiên nó lại mang nhiều tính chất tương đồng với một kỹ thuật của Lowensfeld trong việc chọn lựa một cách cẩn thận những vật liệu chơi chuyên biệt. Kỹ thuật của Lowensfeld có tên là World Technique nghĩa là kỹ thuật thị hiện lại thế giới mà trẻ đang sống.  Kỹ thuật này được Lowensfeld giới thiệu tại Viện Tâm lý học Trẻ em Luân Đôn trong thập niên 1920, và vẫn được sử dụng cho đến nay với nhiều cải biên bởi các nhà thực hành ở Châu Âu, Bắc Mỹ và những nơi khác trên thế giới. Trẻ được chơi với một khay cát cùng với nhiều vật liệu thu nhỏ có hình người, thú vật, nhà cửa, xe cộ... Trẻ được khuyến khích tạo nên một bức tranh ba chiều – một “thế giới” ở trên cát. Lowensfeld giải thích với trẻ rằng cách mà trẻ chơi có những ý nghĩa mà cả hai sẽ cùng tìm hiểu và khám phá. Bà cũng cho rằng những “thế giới” mà trẻ tạo nên thường phản ánh các khía cạnh của vấn đề mà trẻ gặp phải, và bằng cách cho những lời bình chú trên nội dung chơi, đứa trẻ có thể trở nên nhận biết được và làm rõ được những tình cảm, những trải nghiệm và những cảm giác đang hỗn độn của mình. Bà gọi đó là quá trình “suy nghĩ không lời” (non-verbal thinking). Khi đứa trẻ đã hoàn tất việc tạo dựng “thế giới trên cát”, nhà trị liệu với sự mẫn cảm cần phải khám phá những ý nghĩa (đối với trẻ) của những gì đã được tạo lập trên cát. Sự diễn giải cần phải được giữ lại không nói ra cho đến khi đứa trẻ đạt đến một sự “sẵn sàng về mặt cảm xúc” (emotional readiness) – vào chính thời điểm đó, cùng với kỹ năng diễn giải đúng của nhà trị liệu, trò chơi của trẻ sẽ thay đổi và một chủ đề mới sẽ xuất hiện (Lowensfeld, 1979). Tóm lại, Lowensfeld tin rằng khả năng suy nghĩ và nhu cầu cảm nhận những trải nghiệm đã có sẵn ngay từ khi trẻ được sinh ra, nhưng do ngôn ngữ không có đủ như một công cụ suy nghĩ nên trẻ phải tư duy bằng các hình ảnh.

Đặc trưng của tư duy tiền ngôn ngữ là cách thức mà nó tập hợp các thành tố lại với nhau... Trong tư duy tiền ngôn ngữ, các nhóm thành tố được tạo lập trên cơ sở một sản phẩm được chia sẻ duy nhất (only one shared property) thường dưới thức cảm giác, cảm xúc hoặc tri giác khi chúng được trải nghiệm một cách chủ quan... Cơ sở cho việc tập hợp các thành tố là “Làm thế nào mà các thứ này khiến tôi cảm thấy”

Lowensfeld, 1979

Có những yếu tố trong công việc của Lowensfeld tương đồng với cách tiếp cận không hướng dẫn, chẳng hạn như trong phần lớn thời gian chơi trên cát, các chú giải của nhà trị liệu là những lời có tính mô tả chứ không phải là diễn giải. Tuy nhiên, phương pháp này chủ yếu dựa trên các nguyên lý phân tâm học. Cấu trúc rõ rệt của phiên trị liệu và sự khuyến khích trẻ chơi theo một cách thức chuyên biệt tương tự như liệu pháp của Levy, đồng thời sự diễn giải các nội dung mang tính biểu tượng là kỹ thuật mang đậm tính chất của Jung, từ đó cho thấy liệu pháp của Lowensfeld xuất phát từ truyền thống phân tâm hơn là từ Rogers.

LIỆU PHÁP CHƠI KỂ CHUYỆN (NARRATIVE PLAY THERAPY)

Cách tiếp cận này được cải biên từ cách tiếp cận kể chuyện của David Epston và Michael White (1992); nó có thể được áp dụng trong trị liệu cá nhân với một trẻ hoặc như một phần trong trị liệu hệ thống gia đình. Nguyên lý nền tảng của liệu pháp là: cuộc sống con người được góp phần bởi những “câu chuyện” mà họ tự kể với chính mình và những câu chuyện ấy tạo nên một khung tham chiếu mà từ đó người ta diễn giải về đời sống của mình. Ở những cá nhân có vấn đề, nhiều câu chuyện đa dạng khác nhau sẽ trở nên một chuyện, hoặc tạo nên một thứ bản sắc (identity), từ đó trở nên nổi trội trong quan điểm của người đó khi xem xét chính mình, cũng như sẽ ảnh hưởng lên trên cách người khác xem xét họ, đến nỗi bản thân họ và vấn đề của họ trở nên đúc kết thành một. Mục đích trị liệu là giúp tách bạch giữa thân chủ và vấn đề của họ, ngoại hiện nó sao cho thân chủ có thể kiểm soát được nó thay vì bị hòa lẫn vào nó.

Marner (2000) đã trình bày nhiều ví dụ minh họa về cách thức mà những trẻ bị mắc các vấn đề như ỉa đùn hoặc sợ bóng đêm đã được khuyến khích xem các vấn đề này như những thứ ở bên ngoài con người của trẻ, chẳng hạn như là những con quái vật hoặc những người khổng lồ, đang cố kiểm soát đứa trẻ. Bằng cách trục xuất chúng (nhốt con quái vật vào hộp rồi ném đi), hoặc đánh lừa chúng, đứa trẻ có thể giảm bớt sự phó mặc của trẻ với vấn đề của mình, rồi có thể bắt đầu kiến tạo lại những câu chuyện kể cá nhân hoặc những cách sống khác thú vị hơn.

Một phương pháp tiếp cận cũng sử dụng cách kể chuyện, nhưng với một cách thức và nền tảng lý thuyết hơi khác, đó là sử dụng những câu chuyện kể để giúp trẻ xử lý các cảm xúc của mình cùng với một người lớn có tính thấu cảm. Một câu chuyện kể có tính trị liệu thường sử dụng trí tưởng tượng và thuật ẩn dụ nhiều hơn là những lời lẽ có tính tư duy với ý nghĩa thông tục thường ngày. Chuyện kể giúp giao tiếp với trẻ ở tầng mức sâu sắc hơn, còn lời nói thường ngày thì có tính khô khan hoặc quá giản lược khiến cho những trải nghiệm của trẻ như thể bị “dát mỏng” đi và vì thế sẽ không giao tiếp với trẻ một cách hiệu quả.

Ann Cattanach và cộng sự ở Anh phát triển cách tiếp cận chơi trị liệu cũng có phần rút ra từ liệu pháp kể chuyện nhằm giúp những trẻ em và người trẻ trải qua những sự kiện phức tạp trong đời sống. Bà viết:

Trẻ chơi, kể những câu chuyện về nội dung chơi và nhà trị liệu lắng nghe, hoặc cũng có thể đặt ra những câu hỏi để làm rõ ý nghĩa, và “bối cảnh hóa” câu chuyện xoay quanh những hoàn cảnh xã hội đang hiện diện trong đời sống đứa trẻ... Một số trẻ em và người trẻ cần đến những giải thích của nhà trị liệu về hoàn cảnh xã hội và những giải thích ấy được lồng vào trong chuyện kể và nội dung chơi... Chuyện kể thường không phải là những mô tả về những sự kiện thật trong đời sống mà là những câu chuyện liên quan đến đời sống tưởng tượng...

Ann Cattanach, 2002.

LIỆU PHÁP CHƠI CÓ CẤU TRÚC (STRUCTURED PLAY THERAPY)

Đây là cách tiếp cận được hát triển bởi Oaklander (1978) trong khuôn khổ trị liệu theo kiẻu Gestalt. Nhà trị liệu sử dụng một số kỹ thuật một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hướng dẫn trẻ đi vào lãnh địa của trò chơi thông qua đó nhà trị liệu có thể cùng với trẻ làm việc trên các trải nghiệm của trẻ. Các trải nghiệm này trước đó thường bị người lớn xem là “có vấn đề”; những nhà trị liệu khi thực hiện các khảo sát đánh giá trẻ cũng có thể có nhận định như vậy. Kỹ thuật chơi cũng như vật liệu chơi có thể thay đổi tùy theo cách đánh giá vấn đề ở trẻ; có thể bao gồm những việc như: sử dụng chiếc ghế trống, huyễn tưởng có hướng dẫn (guided fantasy), hoặc kể chuyện qua lại – trong đó nhà trị liệu nghe đứa trẻ kể một câu chuyện, sau đó đáp ứng lại bằng cách kể một câu chuyện cũng với cùng những nhân vật và sự kiện như thế nhưng bao gồm thêm những điều chỉnh lành mạnh hơn và có thêm giải pháp cho các xung đột. Công trình của Oaklander rõ ràng có tính chất tưởng tượng và đầy tính sáng tạo. Những ý tưởng của bà sau đó cũng đã được sử dụng và cải biên bởi các tác giả khác ở Hoa Kỳ như Aldgate và Simmonds (1988).

Ở Anh, Redgrave cũng đã phát triển một cách tiếp cận mà ông gọi là “chăm – chữa” (care-therapy), trong đó có sử dụng những kỹ thuật có hướng dẫn (directive) và ông phân biệt nó với những liệu pháp chơi tự do (free- or non-focused play) (Redgrave, 1987). Dữ liệu hiện có cho thấy những liệu pháp chơi ở Anh đã chia sẻ nhiều tính chất đặc trưng của cách tiếp cận chơi trị liệu có cấu trúc và có trọng tâm của Redgrave. Redgrave cũng đã mô tả cách thức ông giúp trẻ em kềm chế những cơn giận, để trẻ có thể xem xét những “cách thức giải bày cơn giận hữu hiệu lẫn không hữu hiệu”, thông qua sử dụng cách vẽ tranh, các hoạt động, hoặc dùng cách minh họa một sơ đồ chiếc máy hơi nước để kiểm soát cơn giận.

CÁC CAN THIỆP LIÊN QUAN ĐẾN CHƠI (PLAY RELATED INTERVENTIONS)

Một số các hoạt động chơi cũng có thể được sử dụng để giúp trẻ và nhà trị liệu giao tiếp vói nhau hiệu quả hơn khi nói về những sự kiện khó khăn. Mục đích của cán thiệp này là nhằm để đánh giá đứa trẻ, hoặc để chuẩn bị cho trẻ đương đầu với những sự kiện khó khăn trong đời sống, chẳng hạn như chuẩn bị vào ở trong một cơ sở chăm sóc. Những can thiệp này cần phải được phân biệt với các liệu pháp chơi (play therapies). Trong liệu pháp chơi, các can thiệp được duy trì dài hạn và mục đích nhằm giúp trẻ đạt đến những thay đổi sâu hơn những chức năng về cảm xúc và xã hội.

CÁC KIỂU GIAO TIẾP LIÊN QUAN ĐẾN CHƠI (PLAY RELATED COMMUNICATIONS)

Một số tác giả (Redgrave, 1987, 2000; Williamson, 1990) đã mô tả một số cách can thiệp trong đó các vật liệu chơi được sử dụng để gia tăng khả năng giao tiếp của trẻ với người lớn và cũng giúp trẻ hiểu biết nhiều hon về các sự kiện. Do vậy, một số tác giả đã viện dẫn lý do này để có thể sử dụng các vật liệu như con rối, điện thoại đồ chơi hoặc các hình nhân trong nhà búp bê... để thực hiện các cuộc nói chuyện với trẻ em. Giả định cơ bản của cách tiếp cận này đó là: trẻ có thể chuyển vị (displace) những tình cảm của mình hướng vào các vật liệu chơi và trẻ có thể giao tiếp với một con rối thì ít cảm thấy lo âu hơn là khi nói chuyện trực tiếp với một người lớn. Trẻ nhỏ thường ít lời hơn người lớn và có thể tìm thấy phương tiện phi ngôn ngữ là cách giao tiếp dễ sử dụng hơn. Thông qua quan sát trẻ chơi, người lớn có thể dễ dàng hơn trong việc đánh giá mức độ hiểu biết của trẻ đối với một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Redgrave đã mô tả như sau:

... Về những tình huống xã hội hoặc tâm lý – xã hội liên quan đến đứa trẻ, chúng ta có thể khám phá và cố gắng giải thích những sự việc ấy diễn ra như thế nào... Nhiều công cụ có thể được sử dụng để giúp trẻ đương đầu với những khía cạnh xã hội và tâm lý – xã hội trong hoàn cảnh sống hiện tại của trẻ. Bản đồ sinh thái (ecomap) và sơ đồ xã hội (sociogram) là những ví dụ...

Redgrave, 1987.

Trong một trường hợp khác, khi sắp đặt nơi chốn lâu dài cho một đứa trẻ, Redgrave mô tả một tiến trình “bắt cầu” (bridging) như sau:

... Đứa trẻ bắt đầu xây dựng cầu bằng cách đặt một số viên gạch ở hai đầu cầu. Ở một đầu chúng tôi đặt một vật tượng trưng cho trẻ, đầu cầu bên kia là vật tượng trưng cho người chăm sóc trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, ngoài một số viên gạch đã được đặt vào, phần còn lại của cây cầu chỉ được thực hiện như một đường đứt quãng...

Ý tưởng cần được trao đổi là trẻ sẽ sống với người chăm sóc và có những việc cần phải được bàn đến trước khi việc này xảy ra... Bằng cách sử dụng những viên gạch để bàn luận những gì cần bàn, trẻ và người chăm sóc sẽ xây nên một chiếc cầu và sau cùng đến được với nhau... (như trường hợp trẻ được một gia đình nhận nuôi)

Redgrave, 2000.

Cách tiếp cận giao tiếp với trẻ như trên sẽ trở nên quen thuộc với nhiều nhà trị liệu. Các đoạn trích dẫn trên đây nhằm nhấn mạnh sự khác biệt giữa chơi trị liệu và các hoạt động chơi có mục đích thực hiện các quan tâm chuyên biệt của ngưòi lớn.

CHƠI ĐỂ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐÁNH GIÁ

Marvasti (1989) định nghĩa chẩn đoán thông qua chơi (play diagnosis) là “một kỹ thuật giúp trẻ bộc lộ các xung đột nội tâm, các huyễn tưởng, ước muốn và những nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh...” Các vật liệu chơi được chọn lựa cẩn thận để nhà trị liệu có thể tập trung nhiều vào những sự kiện có ý nghĩa trong đời sống của trẻ và có thể đánh giá được những tác động của những sự kiện đó lên nhân cách và quá trình phát triển của trẻ. Việc sử dụng chơi để đánh giá dựa trên ý tưởng rằng trong khi chơi, đứa trẻ sẽ thể hiện ra bằng hành động (act out) những cảm xúc thật của trẻ, với sự hỗ trợ của một số cơ chế tự vệ mà chủ yếu là phóng chiếu, chuyển vị và biểu tượng hóa. Những nỗi lo âu và sự thúc ép thường gặp (như biểu hiện sự giận dữ với đứa em mới sinh hoặc phát hiện những hành động quấy rối hoặc đe dọa của một người lớn) sẽ không vận hành bởi vì những cảm xúc này sẽ được phóng chiếu và chuyển vị lên các vật liệu chơi. Do vậy, những hoạt động thực hiện trên những con búp bê sẽ dễ dàng hơn là trên những đứa trẻ thực.

Trong buổi chơi, Jimmy bố trí một gia đình búp bê phía bên ngoài ngôi nhà (dollhouse). Sau đó, búp bê mẹ mang ra một chú chó con khiến cả gia đình chú ý đến. Lát sau, một con quái vật xuất hiện và bắt cóc chú cún mang đi...

Marvasti, 1989.

Trò chơi trên đây thể hiện nỗi oán giận của Jimmy đối với sự xuất hiện của một cô giữ trẻ trong gia đình cùng với sự giận dữ mà nó đang cảm thấy. Các xung động hủy hoại của đứa trẻ đối với cô giữ trẻ được giả định là đã được chuyển vị vào con quái vật. Ngoài ra, Jimmy cũng có thể sử dụng cơ chế biểu tượng hóa; có thể giả định rằng trẻ đã dùng chú chó con để thay thế cho cô giữ trẻ.

Điều được thấy rõ trong ví dụ trên đó là trong khi chơi trẻ thường bận tâm về những gì xảy ra trong thực tại nội tâm, nghĩa là cách trẻ nhận thức về các sự kiện, nhiều hơn là những gì xảy ra trong thực tế khách quan. Thực tại nội tâm của trẻ, thông qua những nhu cầu và nỗi sợ hãi, có thể là hình ảnh bị bóp méo của thực tế khách quan. Một trong những công việc quan trọng của nhà thực hành là phải diễn giải những nội dung chơi của trẻ, hiểu được những ý nghĩa mang tính biểu tượng của nó và phân biệt rõ những gì xảy ra trong trò chơi của Jimmy với những việc thực sự xảy ra trong môi trường sống của trẻ. Trong khi đó nếu buổi chơi được thực hiện một phần để đánh giá những nhu cầu trị liệu của trẻ, mối quan tâm chủ yếu là phải xác định được thực tại nội tâm và những nhận thức của trẻ về những sự kiện và các mối quan hệ quan trọng trong đời sống.

Chơi để chẩn đoán và các can thiệp liên quan đến chơi có cùng những giả định và vì thế cùng lý do để sử dụng. Chẳng hạn nhà trị liệu có thể sử dụng con rối để khảo sát khả năng đứa trẻ có thể bị xâm hại bởi vì khi nói ra câu chuyện của mình thông qua những con rối trẻ sẽ ít cảm thấy e sợ hơn; nói cách khác khi sự kiểm duyệt do trao đổi bằng lời nói bị dỡ bỏ, trẻ có thể chuyển vị những cảm xúc và hành động của mình lên trên con rối. Chơi là hương tiện giao tiếp của trẻ nhỏ, trẻ thiểu năng hoặc những người trẻ có những hạn chế về khả năng ngôn ngữ và trình độ nhận thức. Vì thế, trước khi trẻ có được khả năng tự duy trừu tượng và sự lưu loát về ngôn ngữ để diễn đạt các trải nghiệm, trẻ sẽ sử dụng các vật tượng trưng dễ dàng hơn khi dùng lời nói (chẳng hạn cái cây tượng trưng cho lịch sử quá khứ của một gia đình). Việc sử dụng chơi ở đây được dựa trên giả định rằng hoạt động chơi là một lĩnh vực tư duy ít chịu sự kiểm duyệt và nó phù hợp với trình độ phát triển về trí tuệ, cảm xúc và nhận thức của trẻ.

Trong chơi để chẩn đoán có sự phát huy tối đa khả năng chơi tự do của trẻ và việc chẩn đoán cũng phụ thuộc phần lớn vào khả năng của nhà trị liệu trong việc quan sát, đánh giá và diễn giải các hoạt động chơi của trẻ. Mặc dù các vật liệu chơi được chọn lựa cẩn thận, các kỹ thuật trong chơi để chẩn đoán ít có tính hướng dẫn hơn các hình thức giao tiếp liên quan đến chơi như đã mô tả ở phần trên.

II. LIỆU PHÁP CHƠI KHÔNG HƯỚNG DẪN

Liệu pháp chơi không hướng dẫn được phát triển một cách đầy đủ nhất là bởi Virginia Axline thông qua hai quyển sách xuất bản năm 1946 và 1987, cùng một loạt các bài viết và công trình nghiên cứu về chơi trị liệu. Mặc dù cùng thời gian nhiều tác giả khác cũng có đề cập đến loại hình tiếp cận này như Allen (1942), Dorfman (1976) và Moustakas (1953), Axline vẫn được xem là tác giả tiêu biểu nhất. Tác phẩm đầu tiên (Axline, 1946) là sự cống hiến của bà trong một nghiên cứu về trường hợp một đứa bé sáu tuổi, Dibs. Quyển sách đã thu hút nhiều độc giả như một báo cáo đầy đủ về một mối quan hệ trị liệu, những cách thức mà một đứa trẻ thông qua chơi có thể đạt được khả năng giải quyết vấn đề và làm chủ các xung đột nội tâm của mình. Trong quyển sách thứ hai (Axline, 1987), bà đã nêu ra 8 nguyên tắc thực hành cho những nhà trị liệu chơi không hướng dẫn cùng những ví dụ về những tình huống thường xảy ra trong phiên trị liệu.

Công trình của Axline gây được những ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực thực hành chơi trị liệu. Nhiều tác giả khác, mặc dù không tán thành cách tiếp cận không hướng dẫn, vẫn thừa nhận giá trị từ những ý tưởng của Axline đối với công việc của họ. Winnicott, khi bàn đến những trải nghiệm có thực một cách sâu đậm mà trẻ có được thông qua chơi đã bình luận như sau:

Quan sát này giúp chúng ta hiểu được cách thức làm thế nào mà tâm lý trị liệu chiều sâu có thể thực hiện được mà không cần có sự diễn giải. Một ví dụ cho điều này là công trình của Axline (1987) ở New York... Tôi đánh giá cao công trình của Axline theo một cách thức đặc biệt bởi vì nó đã kết nối với điều mà tôi đã nêu khi báo cáo về một thời điểm khi đứa trẻ tự ngạc nhiên về chính bản thân mình... Đó không phải là thời điểm khi mà kỹ thuật diễn giải thông thái của tôi có ý nghĩa...

Winnicott, 1988

Tuy nhiên, khi tổng lược tài liệu về chơi trị liệu, mặc dù vẫn được tham khảo và trích dẫn rộng rãi mãi cho đến gần đây, mô hình tiếp cận của Axline đã thất bại trong việc hình thành một trường phái tư tưởng với phương pháp luận đầy đủ hơn và chặt chẽ hơn. Ngoài ra, chức năng của chơi trong tiến trình trị liệu và sự liên hệ của chơi với sự phát triển tinh thần và cảm xúc cũng chưa được phân tích đủ.

Chơi trị liệu được dựa trên một thực tế rằng chơi là môi trường tự nhiên để đứa trẻ tự thể hiện bản thân. Đó chính là cơ hội để trẻ bộc lộ ra qua chơi (“play out”) những cảm xúc và vấn đề của trẻ; cũng giống như một số loại liệu pháp ở người lớn, một cá nhân có thể nói ra (“talk out”) các khó khăn của mình

Axline, 1987

Gần đây, việc thực hành liệu pháp chơi không hướng dẫn đã được xem xét lại và được cập nhật, với những nền tảng lý thuyết và các thủ tục cũng trở nên chuyên biệt hóa chặt chẽ hơn. Nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của liệu pháp đã được thực hiện, phần lớn là tại Hoa Kỳ. Nhiều nghiên cứu cho thấy liệu pháp chơi không hướng dẫn là có hiệu quả nhất là khi có sự tham gia của phụ huynh vào tiến trình trị liệu và thời gian trị liệu ở mức tối ưu (Ray và cs., 2000). uy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu trên những cỡ mẫu lớn hơn, với những nhóm đối chứng, cũng như hiểu thêm về hiệu quả của liệu pháp chơi không hướng dẫn chẳng hạn như khi nào, trong hoàn cảnh nào và với vấn đề gì thì liệu pháp sẽ có mức độ thành công cao nhất.

NGUYÊN LÝ VÀ THỰC HÀNH

Liệu pháp chơi không hướng dẫn bắt nguồn từ những nguyên lý cơ bản của tâm lý trị liệu theo trường phái Rogers. Nguyên lý trung tâm của trường phái này chính là xem con người tự bản thân mình đã có sẵn khuynh hướng đạt đến chức năng sống lành mạnh hơn và tốt hơn, từ đó có khả năng tự giải quyết các vấn đề của mình một cách thỏa đáng khi có được cơ hội và bầu khí thích hợp để thực hiện điều đó. Rogers xem nhà trị liệu có vai trò tạo nên những điều kiện tốt như thế để giúp thân chủ “tự hiện thực hóa” bản thân họ. Ông cũng tin rằng có những tính chất đặc trưng cốt lỏi để một nhà trị liệu có thể làm việc này trong thực tế bao gồm: sự trung thực, lòng nhiệt tình không chiếm hữu và khả năng thấu cảm đúng đắn.

Thêm vào đó, trong một mối quan hệ trị liệu hiệu quả, nhà trị liệu còn có khả năng đáp ứng lại với những điều thân chủ đang nói, phản ảnh lại cho thân chủ biết rằng nhà trị liệu đã hiểu được những gì thân chủ đang trải nghiệm. Thông qua sự phản ảnh đúng đắn của nhà trị liệu, thân chủ sẽ nhận ra những cảm xúc của mình và trở nên làm chủ đối với chúng.

Phản ảnh là kỹ thuật được sử dụng trong thời điểm hiện tại, không có tính chất diễn giải; nó sử dụng lại những tư liệu mà thân chủ đang trình bày và không cố gắng liên hệ những tư liệu hiện tại với những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Axline định nghĩa phản ảnh như là “soi gương lại những cảm xúc và tâm trạng” giống như cách nhà trị liệu giao tiếp bằng những hình ảnh ẩn dụ mà thân chủ đã sử dụng. Phản ảnh vì thế không giống với kỹ thuật được sử dụng trong thuật phân tâm. Trong trị liệu phân tâm, thân chủ nói và làm; nhà trị liệu thì diễn giải và chuyển những hình ảnh ẩn dụ thành điều mà nhà trị liệu nghĩ rằng thân chủ dường như đang muốn thể hiện. Trong trị liệu cho người lớn, các “nội dung” có thể được nói thành lời; còn với trẻ em, các ẩn dụ thường là nội dung chơi, tuy không luôn nhất thiết là thế.

TÁM ĐIỀU HƯỚNG DẪN CỦA AXLINE

Nhà trị liệu phải pát triển một mối quan hệ thân thiện, nồng ấm với đứa trẻ qua đó một mối liên hệ gắn bó phải được hình thành càng sớm càng tốt.

Nhà trị liệu phải chấp nhận đứa trẻ như chính con người mà trẻ đang là.

Nhà trị liệu phải giúp hình thành một cảm nhận về sự cho phép trong mối quan hệ này sao cho trẻ cảm thấy tự do trong việc thể hiện những cảm xúc của mình một cách trọn vẹn.

Nhà trị liệu phải sáng suốt nhận ra những cảm xúc mà trẻ đang thể hiện và phản ảnh lại bằng một cách thức sao cho trẻ có thể thấu hiểu được những hành vi của chính bản thân mình.

Nhà trị liệu duy trì một sự tôn trọng sâu sắc đối với khả năng của trẻ trong việc tự giải quyết vấn đề của mình miễn là được tạo cơ hội. Trách nhiệm lựa chọn và thực hiện sự thay đổi là việc của bản thân đứa trẻ.

Nhà trị liệu không cố gắng hướng dẫn trẻ làm gì, nói gì dưới bất kỳ hình thức nào. Đứa trẻ là người dẫn đường; nhà trị liệu theo sau.

Nhà trị liệu không cố thúc đẩy tiến trình trị liệu đi tới. Cần hiểu rằng đây là một tiến trình lâu dài, từ từ.

Nhà trị liệu chỉ nên thiết lập những giới hạn cần thiết để gắn kết tiến trình trị liệu với thực tế đời sống và giúp trẻ nhận ra trách nhiệm của trẻ trong mối quan hệ trị liệu này.

Axline, 1987: 73-74

Axline cũng nhấn mạnh rằng liệu pháp không hướng dẫn là một tiến trình hợp nhất, trong đó mỗi nguyên lý nêu trên có tính đan xen và tương quan phụ thuộc với các nguyên lý khác. Vì thế khi nhà trị liệu có lòng tin vào sức mạnh của thân chủ trong việc tự giải quyết vấn đề sẽ mang lại khả năng chấp nhận thân chủ như chính con người vốn có của họ, sẵn sàng cho phép thân chủ lựa chọn và sẵn lòng tôn trọng các quyết định của họ. Tuy nhiên, sự chấp nhận như thế không có nghĩa là nhà trị liệu chỉ là một người quan sát thụ động trong các phiên trị liệu. Nhà trị liệu phải có khả năng tham gia tích cực, tạo lập bầu khí sao cho thân chủ có thể làm rõ các vấn đề và khám phá khả năng của họ. Điều làm cho liệu pháp này khác biệt với những cách thức can thiệp và các liệu pháp khác chính là bản chất “không hướng dẫn”. Chính đứa trẻ là người chọn lựa các trọng tâm và chủ đề khi chơi trong phòng trị liệu, bên trong những ranh giới, khuôn khổ được vạch ra một cách cẩn thận Vai trò của nhà trị liệu là tạo lập nên một mối quan hệ thân tình và tin cậy lẫn nhau, phản ảnh và đáp ứng lại các ý nghĩ, cảm xúc và hoạt động theo cách sao cho trẻ có thể tự giải quyết các vấn đề cảm xúc của mình bằng chính cách thức mà trẻ lựa chọn và xảy ra với nhịp độ của chính đứa trẻ đang thực hiện. Khác với những liệu pháp khác, sự phản ảnh mà nhà trị liệu thực hiện không bao gồm sự khen thưởng, diễn giải hoặc thách thức. Các giới hạn trong phòng trị liệu phải được thiết lập. Nhà trị liệu phải đảm nhận trách nhiệm của một người lớn trong việc bảo đảm sự an toàn cho trẻ, gìn giữ vật liệu chơi, phòng chơi và ẩn định khuôn khổ thời gian làm việc. Bên trong những giới hạn được thiết lập rõ ràng như thế, bầu khí của phòng chơi trị liệu phải thực sự thư giãn. Hành vi và cách giao tiếp của nhà trị liệu phải tạo nên nơi trẻ những cảm nhận về sự an toàn và tin cậy, từ đó nếu trẻ muốn, trẻ sẽ tự do giải bày và khám phá các chủ đề nổi trội trong cảm xúc của trẻ.

TÓM TẮT

ĐIỂM CHUNG TRONG CÁC CÁCH TIẾP CẬN

 - Mối quan hệ trị liệu tạo nên bối cảnh cho phép sự giải bày cảm xúc

- Cần nhận diện chức năng và những ý nghĩa mang tính biểu tượng của nội dung chơi, cùng với những cách thức mà chơi được sử dụng để bộc lộ các ước muốn, huyễn tưởng, các xung đột nội tâm và sự nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh.

- Tạo cơ hội cho việc xử lý lại các sang chấn, các sự kiện hoặc các trải nghiệm gây vấn đề nơi trẻ.

- Mang lại những trải nghiệm mới đã được điều chỉnh trong bối cảnh chơi.

- Tạo điều kiện để giảm nhẹ hoặc khơi thông những cảm xúc bị đè nén hoặc tbế tắc mà điều này tự nó đã có tính trị liệu.

- Tạo cơ hội để phát triển khả năng làm chủ các cảm xúc, và đến một mức độ nào đó, có thể nhận biết được chúng.

- Khả năng làm chủ cảm xúc đến phiên nó lại giúp trẻ cải thiện những kỹ năng ứng phó nói chung.

- Trị liệu được xem là việc giúp trẻ cải thiện lòng tự trọng, sự tự tin, cải thiện hình ảnh bản thân và lòng tin vào người khác.

NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA LIỆU PHÁP CHƠI KHÔNG HƯỚNG DẪN

- Chuẩn bị cẩn thận để giúp trẻ có lòng tin vào việc trị liệu

- Xây dựng một mối quan hệ sâu sắc, tin cậy và có tính chấp nhận

- Cho phép trẻ tự lựa chọn chủ đề và các trọng tâm trong hoạt động chứ không do nhà trị liệu lựa chọn sẵn

- Nhà trị liệu có khả năng thấu cảm và phản ảnh lại những cảm xúc, những ý nghĩ theo một cách thức không gây sợ hãi cho trẻ

- Nhà trị liệu sử dụng chính những cảm xúc và ý nghĩ của mình một cách hài hòa để đáp ứng lại với những hành vi và cảm xúc mà trẻ thể hiện

- Thiết lập những giới hạn về hành vi của trẻ sao cho những giới hạn này uyển chuyển tùy theo trình độ phát triển và cảm xúc của trẻ

KHÁI NIỆM VỀ NGHỆ THUẬT TRỊ LIỆU – ART THERAPY

Cử nhân tâm lý NGUYỄN THỊ THU TRÚC

Nghệ thuật trị liệu, một phương pháp được áp dụng trong trị liệu các vấn đề về sức khỏe tinh thần, được hình thành và phát triển từ khoảng cuối thập niên 1940. Tại Anh, Adrian Hill được biết đến như là nhà tiên phong sử dụng thuật ngữ này để nói về việc tạo hình ảnh trong ứng dụng trị liệu. Ông là người tìm thấy lợi ích trị liệu của hoạt động động sơn vẽ. Theo ông, giá trị của nghệ thuật trị liệu nằm ở chổ: nó hoàn toàn choáng hết tâm trí, giải phóng năng lực sáng tạo, và nó có thể kích hoạt bệnh nhân xây dựng hàng rào tự vệ mạnh mẽ đối với những biến cố không may.

Cùng khoảng thời gian này, tại Mỹ, nhà tâm lý học Margaret Naumberg cũng dùng thuật ngữ này cho công việc trị liệu của mình. Bà cho rằng đây là phương pháp giải phóng vô thức thông qua sự bộc lộ nghệ thuật một cách tự phát. Gốc rễ của nó là mối quan hệ chuyển di giữa bệnh nhân và nhà trị liệu trong khung cảnh khuyến khích liên tưởng tự do. Phương pháp này gần gũi với lý thuyết phân tâm. Việc trị liệu được dựa trên sự phát triển của mối quan hệ chuyển di và hiệu quả tiếp nối của việc tự diễn giải các biểu tượng được tạo ra bởi bệnh nhân. Sản phẩm tạo ra là một dạng của giao tiếp giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, chính họ tạo nên ngôn ngữ biểu tượng.

Đến nay, nghệ thuật trị liệu phát triển theo hai nhánh: nghệ thuật như là một phương pháp trị liệu và phương pháp tâm lý trị liệu nghệ thuật. Nhánh tiếp cận đầu nhấn mạnh tiềm năng chữa lành của nghệ thuật, trong khi đó, nhánh thứ hai nhấn mạnh vào mối quan hệ trị liệu được thiết lập giữa nhà nghệ thuật trị liệu và thân chủ trong hoạt động có tính nghệ thuật. Điều quan trọng phân biệt hai nhánh quan điểm này là việc đặt trọng tâm sự thay đổi có tính trị liệu nằm ở đâu. Trong nghệ thuật trị liệu, động lực thúc đẩy tiến trình trị liệu là một bộ ba quan hệ giữa nhà trị liệu, thân chủ và hoạt động nghệ thuật. Tùy vào giai đoạn làm việc, mối quan hệ giữa hai trong ba nhân tố của bộ ba này sẽ được nhấn mạnh để đạt đến hiệu quả trị liệu.

CÁC ĐỊNH NGHĨA

Theo quan điểm đương thời, nghệ thuật trị liệu được xem là một trong những phương pháp trị liệu tạo nên hình ảnh, vật thể, đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ giữa nhà nghệ thuật trị liệu và thân chủ.

Hiệp hội các nhà nghệ thuật trị liệu Anh Quốc định nghĩa: Nghệ thuật trị liệu là việc sử dụng chất liệu nghệ thuật cho việc tự bộc lộ và phản ánh dưới sự hiện diện của một nhà nghệ thuật trị liệu đã được huấn luyện. Thân chủ tham gia tiến trình nghệ thuật trị liệu không cần có kỹ năng hoặc trải nghiệm về nghệ thuật trước đó. Khởi đầu, nhà nghệ thuật trị liệu không chú tâm đến việc đánh giá khiếu thẩm mỹ hay chẩn đoán bệnh nhân trên sản phẩm nghệ thuật của họ. Mục tiêu chung của các nhà thực hành là phải thúc đẩy thân chủ thay đổi và trưởng thành lên mức độ mới thông qua sử dụng chất liệu nghệ thuật trong điều kiện an toàn và dễ dàng.

Hiệp hội nghệ thuật trị liệu Mỹ định nghĩa: Nghệ thuật trị liệu như là hoạt động nghệ thuật được sử dụng có tính trị liệu, trong mối quan hệ chuyên nghiệp, bởi những người có trải nghiệm bệnh tật, sang chấn, đang đương đầu với những thách thức trong cuộc sống hoặc những người tìm kiếm sự phát triển nhân cách. Thông qua tiến trình sáng tạo nghệ thuật và phản ánh bản thân trên sản phẩm nghệ thuật, con người có thể tăng trưởng nhận thức về bản ngã và về người khác, đương đầu với những triệu chứng, sự căng thẳng, kinh nghiệm sang chấn, nâng cao khả năng nhận thức và trải nghiệm cuộc sống qua sự thư giãn trong hoạt động nghệ thuật.

Hiệp hội nghệ thuật trị liệu Canada và Hiệp hội nghệ thuật trị liệu quốc gia Úc định nghĩa: Nghệ thuật trị liệu là một hình thức tâm lý trị liệu, cho phép bộc lộ và chữa lành cảm xúc thông qua những phương tiện không lời. Trẻ em thường không thể dễ dàng bộc lộ bản thân qua lời nói. Còn người lớn thường dùng lời để biến hóa và tạo khoảng cách với cảm xúc của mình. Nghệ thuật trị liệu có thể khiến cho thân chủ phá vỡ những hàng rào ngăn trở này để tự bộc lộ qua việc sử dụng chất liệu nghệ thuật.

Bản chất của nghệ thuật trị liệu nằm ở chổ mối quan hệ có thể thiết lập giữa nghệ thuật và trị liệu. Mối quan hệ này tiềm ẩn sự xung đột giữa hai khuôn khổ. Đây không phải là “đôi bạn đồng hành dễ chịu”. Trong nghệ thuật trị liệu mối quan hệ này đặc biệt tập trung vào những thể loại nghệ thuật thị giác (sơn, vẽ, nặn tượng) và không thường bao hàm việc sử dụng các loại hình nghệ thuật khác như nhạc, kịch hoặc nhảy múa. Vì có quá nhiều sự chồng chéo giữa những khuôn khổ làm việc, tại Anh, ứng dụng trị liệu cho thể loại nghệ thuật phải được thực hiện bởi nhà trị liệu được huấn luyện đặc biệt.

MỤC ĐÍCH

Trong thực hành, nghệ thuật trị liệu liên quan đến cả tiến trình và sản phẩm của việc tạo hình ảnh (một dạng diễn đạt có tính biểu tượng) và sự sắp đặt từ mối quan hệ trị liệu. Môi trường nâng đỡ được nuôi dưỡng bởi mối quan hệ giữa nhà trị liệu và thân chủ có thể khiến cho cá nhân sáng tạo những hình ảnh và vật thể với mục tiêu khám phá và chia sẻ ý nghĩa của chúng một cách rõ ràng. Bằng những phương tiện này, thân chủ có thể tăng khả năng hiểu biết về bản thân, về những khó khăn, đau khổ của họ. Điều này sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực tiệm tiến trong cảm nhận về bản ngã của thân chủ, trong các mối quan hệ hiện tại và cả chất lượng sống của họ.

Mục tiêu của nghệ thuật trị liệu thường biến đổi tùy theo nhu cầu của các cá nhân tham gia công việc này. Những nhu cầu này có thể thay đổi như là một chỉ báo của sự phát triển trong mối quan hệ trị liệu. Đối với người này, tiến trình nghệ thuật trị liệu có thể được khuyến khích để chia sẻ và khám phá những khó khăn về cảm xúc thông qua sáng tạo hình ảnh và thảo luận về nó; trong khi đó, với người khác, nó có thể được hướng dẫn hướng đến việc thúc đẩy thân chủ bộc lộ những cảm nhận khó giải bày bằng lời. Vì thế, nghệ thuật trị liệu không đòi hỏi cá nhân tham gia phải thành thạo kỹ năng nghệ thuật mới có thể tìm thấy lợi ích của nó. Thật vậy, nhấn mạnh khả năng thẩm mỹ chỉ sử dụng trong mục đích có tính giáo dục, nhưng nó làm che khuất những điều mà nghệ thuật trị liệu thật sự quan tâm.

PHÂN BIỆT

Nghệ thuật trị liệu và hoạt động trị liệu (occupational therapy)

Nghệ thuật trị liệu và hoạt động trị liệu thường bị nhầm lẫn với nhau bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, lịch sử hình thành và phát triển của hai liệu pháp này liên kết hòa lẫn với nhau. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, các nhà nghệ thuật trị liệu vẫn làm việc trong ngành hoạt động trị liệu và sử dụng nghệ thuật trị liệu như là một phần cung cấp các hoạt động có ích cho thân chủ. Thứ hai, trong một khoảng thời gian dài lịch sử, các nhà hoạt động trị liệu dùng nghệ thuật như một mô thức trị liệu trong hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần. Điều này bao gồm sử dụng các kỹ năng phóng chiếu để chẩn đoán, sử dụng nghệ thuật để nâng đỡ khả năng nhận thức và giao tiếp.

Cho đến khi nghệ thuật trị liệu được phát triển trở thành chuyên môn riêng thì việc phân biệt với hoạt động trị liệu được xác định qua bốn lĩnh vực hoạt động như sau:

 - Giáo dục và huấn luyện: Nghệ thuật trị liệu được đào tạo ở cấp độ sau đại học, dành cho nhà trị liệu đã có bằng cấp có liên quan, thường là điểm khá tốt về nghệ thuật. Còn hoạt động trị liệu thì được đào tạo cơ bản trong quá trình học tại đại học.

- Việc sử dụng bộ môn nghệ thuật làm trung gian: Nghệ thuật trị liệu chủ yếu quan tâm đến việc ứng dụng có tính trị liệu của những bộ môn nghệ thuật cho các sản phẩm có tính thị hiện như sơn, vẽ, điêu khắc. Còn nhà hoạt động trị liệu lại thường sử dụng các bộ môn nghệ thuật có tính truyền thông như kịch, viết sáng tạo, nhạc...

- Tầm quan trọng của việc liên kết với công việc nghệ thuật: Nhà trị liệu hoạt động ít nhấn mạnh công việc nghệ thuật hơn nhà nghệ thuật trị liệu. Tiến trình trị liệu và tạo tác sản phẩm của nghệ thuật trị liệu thống nhất với nhau, trong khi đó, trị liệu hoạt động cho rằng việc thân chủ hoàn tất sản phẩm sáng tạo của mình chỉ là yếu tố phụ, mục đích chính của việc để cho thân chủ hoạt động nghệ thuật là nhà trị liệu có thêm thông tin về thân chủ nhờ quan sát quá trình sáng tạo đó.

 - Mức độ hướng dẫn trong mỗi tiếp cận trị liệu: Mặc dù nhà nghệ thuật trị liệu đề nghị chủ đề cho thân chủ làm việc, nhưng hầu hết đều không có sự hướng dẫn cụ thể nào cho việc thân chủ phải chọn chất liệu nghệ thuật gì để thể hiện bản thân. Còn nhà trị liệu hoạt động thì gắn kết việc cân nhắc sử dụng bộ môn nghệ thuật cụ thể vào trong quá trình trị liệu, họ thích nhìn thấy cách thân chủ lựa chọn chất liệu.

Nghệ thuật trị liệu và các dạng trị liệu có ứng dụng nghệ thuật

Một trong những khó khăn trong việc phân biệt nghệ thuật trị liệu với những dạng khác có dựa trên yếu tố nghệ thuật để làm công tác can thiệp có tính trị liệu đó là có khá nhiều tên gọi trong lĩnh vực này do các nhà trị liệu thực hành đặt ra. Trong lịch sử, có rất nhiều hoạt động nghệ thuật không có yếu tố lâm sàng được thực hiện trong nhà tù hoặc các dịch vụ xã hội. Vào thập niên 1990, các nhà trị liệu đã muốn thay đổi danh xưng nhà nghệ thuật trị liệu bằng danh xưng nhà tâm lý nghệ thuật. Một số nhà trị liệu cho rằng việc thay đổi là kết quả của sự mất đi bản chất đặc trưng ban đầu của nghệ thuật trị liệu và sự liên kết của nó với những liệu pháp tâm lý dùng lời nói. Điều này có thể sẽ làm mất đi thế mạnh của tiến trình sáng tạo trong nghệ thuật trị liệu.

Mặc dù các thành viên của hiệp hội các nhà nghệ thuật trị liệu Anh Quốc vẫn đồng ý duy trì tên gọi nhà nghệ thuật trị liệu, nhưng có một sự phong phú trong cách tiếp cận nghệ thuật trị liệu được phản ánh qua các tên gọi khác nhau do chính các thành viên của hội sử dụng khi thực hành nghệ thuật trị liệu. Ngoài tên gọi nhà nghệ thuật trị liệu và nhà tâm lý nghệ thuật, còn có nhà phân tâm nghệ thuật, nhà nghệ thuật trị liệu thân chủ trọng tâm.

Tại Mỹ, khá nhiều tên gọi trong cộng đồng các nhà nghệ thuật trị liệu dựa trên các cách tiếp cận  nhận thức, gestalt, y dược, hiện tượng học liên kết với nghệ thuật trị liệu. Sự khác biệt giữa các cách tiếp cận được phân biệt bởi khá nhiều yếu tố, bao gồm bối cảnh mà nghệ thuật trị liệu tiến hành, nhóm thân chủ và định hướng lý thuyết của nhà trị liệu. Kết quả là nghệ thuật trị liệu mang ý nghĩa khác nhau đối vời từng trường hợp khác nhau.

TẠI SAO DÙNG NGHỆ THUẬT TRỊ LIỆU?

Mặc dù giao tiếp của con người có nhiều dạng khác nhau, nhưng giao tiếp dùng ngôn từ có xu hướng thống lĩnh hơn cả. Ngôn từ không chỉ là phương tiện chính để chúng ta trao đổi thông tin về thế giới xung quanh, mà đối với hầu hết mọi người, ngôn từ còn là phương tiện chính có sẵn để diễn tả và giao tiếp với thế giới đó. Thông qua ngôn từ, hầu hết chúng ta đều cố gắng để định hình và gán ý nghĩa cho những trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, trải nghiệm của con người lại không thể chuyển tải hết qua ngôn từ. Một số trải nghiệm và tâm trạng cảm xúc vượt ra ngoài khả năng diễn đạt bằng ngôn từ. Cảm nhận về tình yêu và sự thù hận, về nỗi tuyệt vọng và các sang chấn tâm lý khó có thể dùng ngôn từ để diễn đạt một cách chính xác. Điều này đặc biệt liên quan đến những khó khăn có nguồn gốc thời thơ ấu. Tại điểm này, nghệ thuật trị liệu cung cấp một phương thức để vượt qua những cảm nhận khó chịu như nản lòng, khủng hoảng và cô độc, bằng cách chọn lựa một cách thức trung gian để giao tiếp và diễn đạt mà ở đó cảm giác có thể được bày tỏ và được người khác hiểu.

Trong bối cảnh một mối quan hệ có tính nâng đỡ, thông qua việc tạo dựng những hình ảnh do thân chủ sử dụng trí tưởng tượng của mình để thể hiện tư duy và cảm xúc, cùng với sự lãnh nhận những thách thức, có thể giúp thân chủ trở nên trưởng thành hơn về mặt cảm xúc, gia tăng lòng tự trọng, thống hợp các đặc trưng tâm lý và xã hội của bản thân mình.

GIA ĐÌNH CÓ CON VỊ THÀNH NIÊN 

TRONG MỘT XÃ HỘI THÔNG TIN

BCV: BS. NGUYỄN MINH TIẾN

(Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Tp.HCM)

ICT – CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Có một tiên đề (axiom) rằng: “Con người không thể sống mà không giao tiếp”. Khoa học về truyền thông – giao tiếp hiện đại thừa nhận rằng con người không thể sống mà không trao đổi thông tin; không giao tiếp cũng là một cách giao tiếp. Thậm chí đến mức mỗi hành vi của con người cũng có thể đưọc xem như một thông điệp chứa đựng ý nghĩa. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT: Information Communication Technology) cùng sự ứng dụng lan rộng đến mức toàn cầu của các phương tiện này đã tạo nên những tác động lớn đến mức chúng có thể có ảnh hưởng và gây nên những thay đổi trong đời sống của loài người từ mức vĩ mô trên bình diện xã hội cho đến các sinh hoạt thường ngày của các cá nhân và gia đình. Công nghệ mới cho phép con người có khả năng tái sinh vô số các thông điệp, lưu lại được những điều con người không thể ghi nhớ hết và truyền các thông điệp đi rất nhanh, rất xa đến mức các khoảng cách không gian và thời gian trở nên không còn ý nghĩa nữa. Internet và các phương tiện truyền thông đại chúng (mass media) đang dần dần gây ảnh hưởng và làm biến đổi những phương thức giao tiếp trực tiếp theo kiểu truyền thống giữa người với người. Đã bắt đầu có những nghiên cứu về ảnh hưởng của một xã hội thông tin lên đời sống cảm xúc và những mối quan hệ của con người, nhưng vẫn chưa có nhiều những hiểu biết đầy đủ về ảnh hưởng mà những công nghệ mới ấy có thể gây ra trên sự phát triển của trẻ em và vị thành niên. ICT liệu sẽ mang lại những lợi ích gì và những nguy cơ gì cho đời sống tương lai của những đối tượng nhậy cảm ấy?

GIA ĐÌNH CÓ CON VỊ THÀNH NIÊN

Nói đến tuổi vị thành niên (VTN) là nói đến một giai đoạn có tính “bản lề” của một đời người – giai đoạn “sang trang” chuyển một người “từ chỗ là một thành viên của gia đình sang vị trí là một thành phần của nhóm và xã hội” (Mabey & Sorenson). Người viết dùng cách nói “người VTN” thay cho cách thông thường hay dùng là “trẻ VTN”, để nhấn mạnh các đặc trưng riêng biệt của lứa tuổi này, vì tuổi VTN tuy chưa là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ em.

Gia đình có con ở tuổi VTN phải trải qua một giai đoạn có nhiều thách thức. Đã có nhiều nghiên cứu sâu và rộng liên quan đến chủ đề này. Trong khuôn khổ bài tham luận, người viết chỉ xin nêu vài ý sau:

(1)   Hệ thống gia đình phải “mở cửa” để giao lưu với các giá trị mới: Trong các gia đình mới tạo lập chưa có con và gia đình trong giai đoạn có con còn nhỏ, các thành viên thường có sự gia tăng gắn bó và ít nhiều cố gắng phát huy các thế mạnh từ những giá trị truyền thống, những giá trị mà bố mẹ được thừa hưởng từ gia đình nội và ngoại. Trái lại, gia đình có con đến tuổi VTN thường phải thay đổi theo chiều hướng ngày một cởi mở hơn, linh hoạt hơn để tiếp tục phát triển và thích nghi với môi trường xã hội vẫn luôn chuyển đổi không ngừng ở bên ngoài. Người VTN ngày càng trở nên độc lập hơn với bố mẹ, có thể tự do hơn trong việc “đi đi, về về”, mở dần lớp vỏ bảo bọc và kiểm soát của gia đình và hướng dần đến đời sống tự lập hơn sau này. Hoàn cảnh ấy dẫn đến sự giao lưu tất yếu giữa các giá trị vốn quen thuộc bên trong gia đình và những giá trị mới (hoặc lạ) hơn đến từ bên ngoài gia đình. Nói cách khác, khi gia đình có con đến tuổi VTN, các giá trị truyền thống vốn đang giúp đời sống ổn định trước đây thì nay phải chịu nhiều thách thức. Một kiểu mẫu hành vi mới hoặc một phương thức suy nghĩ mới cũng có thể khiến các thành viên trong gia đình trở nên không đồng thuận. Một số hoàn cảnh mới thậm chí còn thách thức cả các niềm tin và giá trị vốn có của gia đình, đôi khi đến mức phải định nghĩa lại một số khái niệm quan trọng chẳng hạn như “Thế nào là con ngoan?”, “Thế nào là có hiếu?”, “Thế nào là sống tốt?”, “Thế nào là một người trưởng thành, tự chủ?”, vv... 

(2)   Cơ cấu gia đình phải chuyển đổi: Gia đình phải chuyển đổi dần từ một cơ cấu có tính bảo bọc, dưỡng dục con còn nhỏ sang một cơ cấu phù hợp chức năng mới là chuẩn bị nền tảng cho sự trưởng thành của đứa con VTN – một sự trưởng thành không chỉ đơn thuần trên khía cạnh sinh học tự nhiên mà cả trên các khía tâm lý và xã hội nữa. Trong xã hội truyền thống ở giai đoạn “tiền công nghiệp”, gia đình có chức năng huấn nghiệp và truyền thụ kinh nghiệm làm việc cho người VTN. Trong xã hội hiện đại (giai đoạn công nghiệp và hậu công nghiệp), có sự chuyên biệt hóa sâu của các hoạt động xã hội, chức năng giáo dục kiến thức và đào tạo nghề nghiệp là thuộc về xã hội. Gia đình (cụ thể là bố mẹ và những người lớn khác) không còn truyền nghề mà chỉ truyền ý kiến về nghề nghiệp cho người VTN, mà đôi khi cả việc “truyền ý kiến” thôi cũng có thể không xảy ra được vì nhiều lý do khác nhau.

(3)   Gia đình theo dòng thời gian: Chúng ta cũng không quên rằng khi đứa con đến tuổi VTN với con đường vào đời đang mở rộng trước mắt, thì bố mẹ cũng đang bước vào (hoặc đang ở trong) giai đoạn tuổi trung niên – một lứa tuổi vừa đủ để có được những trải nghiệm sống phong phú, cũng vừa đủ để có thể cảm nhận được sự thành công hay không thành công trong cuộc đời mình. Cả hai lứa tuổi vị thành niên và trung niên đều có thể xuất hiện các khủng hoảng, và sự “cộng hưởng” có thể xảy ra giữa trạng thái khủng hoảng của hai thế hệ. Nhìn rộng lên các thế hệ trên, cũng không nên quên rằng thế hệ ông bà cũng bước vào tuổi lão niên, thậm chí có vị đã khuất, và điều này làm gia tăng các gánh nặng trách nhiệm có thể có đối với bố mẹ. Nói cách khác, khi bố mẹ của người VTN ở vào giai đoạn muốn nghiệm thu và phát huy các thành quả của đời sống, kỳ vọng nhiều vào sự phát triển ổn định của gia đình, thì họ phải đối mặt với nhiều yêu cầu mới, trách nhiệm mới có tính thách thức. Bố mẹ của người VTN do vậy phải thích nghi liên tục không chỉ với những đổi thay nội tại bên trong gia đình mà còn với cả những điều kiện sống, làm việc, tương tác với môi trường sống bên ngoài gia đình. Sự cố gắng thích nghi này có thành công hay không cũng góp phần quan trọng vào việc bố mẹ có giúp được người con VTN hình thành được bản sắc cá nhân vững vàng làm nền tảng cho sự trưởng thành và tự chủ về sau hay không. Trong những hoàn cảnh thách thức cao, các kiểu cách ứng phó của gia đình có lúc không hiệu quả, tình trạng khủng hoảng có khi trở nên nặng nề, mối quan hệ giữa các thế hệ và giữa các thành viên trong gia đình trở nên xung đột gay gắt, đôi khi đến mức khó thể hóa giải.

(4)   Bản sắc cá nhân và sự tự chủ: Giai đoạn tuổi VTN là giai đoạn có sự hình thành bản sắc của một cá nhân. Bản sắc cá nhân (identity) là những ý niệm, cách nhìn của một con người về những tính cách đặc trưng mà người đó cho rằng đã minh họa tốt nhất, đúng nhất về bản thân mình. Nói cách khác, đó là cách một người tự hình dung và cảm nhận về bản thân mình, từ đó hình thành bản ngã (self) làm nền tảng cho sự trưởng thành và tự chủ của người VTN sau này. Sự trưởng thành (về mặt tâm lý, xã hội) nhất thiết phải kèm với tính tự chủ (autonomy). Tính tự chủ là khuynh hướng sống tự dựa vào khả năng của chính mình và có thể đưa ra những quyết định độc lập. Hai trong số những quyết định quan trọng mà một người trưởng thành tự chủ phải thực hiện là (1) Chọn lựa một ngành nghề phù hợp và xây dựng sự nghiệp;  (2) Chọn lựa bạn đời và xây dựng gia đình. Bản sắc cá nhân và tính tự chủ được hình thành và phát triển thuận lợi trong môi trường gia đình lành mạnh. Đó là khi bố mẹ linh hoạt phối hợp một cách thành công giữa hai chức năng: vừa duy trì uy quyền và ảnh hưởng của mình đối với con, vừa có thái độ khuyến khích con tham gia ý kiến vào các quyết định trong gia đình. 

Sự tự chủ không đơn thuần chỉ là một khái niệm đối lập với sự lệ thuộc (dependence), và ngược lại không hẳn “không phụ thuộc” là đồng nghĩa với tự chủ. Có một khái niệm thứ ba đáng được xem xét và sẽ làm rõ thêm điều này, đó là khái niệm về sự “tương quan phụ thuộc” (interdependence), nghĩa là trong đời sống, một người không thể sống hoàn toàn độc lập theo nghĩa tách biệt mà luôn luôn có những mối quan hệ hỗ tương với người khác, sự tồn tại và lợi ích sống của người này “phụ thuộc” vào sự tồn tại và lợi ích sống của người khác. Theo nghĩa ấy, một người tự chủ vẫn luôn duy trì mối tương quan phụ thuộc với những người khác (bao gồm cả gia đình mình), và một mối quan hệ theo kiểu tương quan phụ thuộc chỉ được xây dựng tốt bởi những con người có tính tự chủ. Việc một người phải sống “lệ thuộc” vào người khác hoặc khi một người phải cắt đứt mối quan hệ giữa mình với những người khác sẽ làm mất khả năng người đó trở nên tự chủ, và vì thế hàm ý rằng một mối tương quan phụ thuộc cũng không được hình thành. Chính nhờ sự hình thành một bản sắc cá nhân rõ nét và tính tự chủ vững vàng mà người VTN có được những khả năng để xử lý các thông tin đến từ cuộc sống và hình thành những quyết định đúng đắn cho tương lai.

(5)   Vị thành niên trước ngưỡng cửa cuộc đời: Đứng trước ngưỡng cửa rộng mở vào đời với nhiều cơ hội và những khả năng lựa chọn muôn màu muôn vẻ, người VTN phải đương đầu với những thách thức lớn trong việc hình thành các quyết định. Người VTN phải tiếp nhận đủ và xử lý tốt các thông tin sao cho họ có thể có được những quyết định đúng. Các thông tin có thể đến từ hai nguồn quan trọng sau đây:

-          Kế thừa các giá trị truyền thống từ gia đình và tộc họ: Gia đình và tộc họ, thông qua cả quá trình dưỡng dục, sẽ “ủy nhiệm” cho đứa con VTN nghĩa vụ phải kế thừa và duy trì các giá trị truyền thống.

-          Thông tin từ môi trường xã hội bên ngoài gia đình: Những thông tin này luôn phong phú, đa dạng, và thay đổi theo thời cuộc. Người VTN phải thu thập và xử lý chúng thông qua cái “lăng kính” chính là những quan điểm sống dựa trên bản sắc cá nhân của chính mình. 

Những người “vượt ngưỡng” thành công thường tiếp thu và xử lý tốt các thông tin từ hai nguồn trên, dung hòa được những kỳ vọng từ gia đình, kỳ vọng từ xã hội và những khuynh hướng sống của cá nhân mình. Nói cách khác, ở một người thành công trong quá trình đạt đến sự tự chủ, sẽ không xảy ra nhiều xung khắc lớn giữa “cái mà tôi đang là” với “cái mà tôi muốn tôi sẽ là”, hoặc giữa “cái mà tôi muốn tôi là” với “cái mà người khác muốn tôi là”. Nhưng thực tế thường không đơn giản như thế.

NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA MỘT XÃ HỘI THÔNG TIN

Đến đây, người viết xin đề cập đến chủ đề về xã hội thông tin – khái niệm, vai trò và sau đó sẽ nói đến những ảnh hưởng của nó đối với đời sống gia đình có con VTN cũng như sự hình thành tính tự chủ của người VTN. 

Xã hội thông tin (information society) là hình thái xã hội trong đó sự hình thành, sử dụng, phân phối, lưu truyền, tổng hợp và xử lý thông tin là những hoạt động có nhiều ý nghĩa và mang lại những tác động to lớn trên tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội như kinh tế, chính trị và văn hóa.

Chưa có định nghĩa nhất quán về thế nào là một xã hội thông tin. Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều nhất trí rằng đã có sự chuyển đổi dần dần từ xã hội cũ (tiền công nghiệp hoặc công nghiệp) sang hình thái xã hội thông tin từ khoảng thập niên 1970 và cho đến nay điều đó đã làm nên những biến đổi căn cơ về phương thức vận hành của xã hội. Xã hội mạng (network society), xã hội tri thức (knowledge society), xã hội hậu công nghiệp (post-industrial society) hoặc xã hội hậu hiện đại (post-modern society) là những tên gọi khác của xã hội thông tin, một kiểu xã hội hoàn toàn mới với hai tính chất đặc trưng lớn là toàn cầu hóa (globalization) và thông tin hóa (informatization).

Phương thức lao động phi vật thể (immaterial labour) dần dần phát triển tạo ra các sản phẩm tri thức và văn hóa có tính kinh tế cao. Cũng từ đó xuất hiện nền kinh tế tri thức (knowledge economy) nghĩa là khi phúc lợi được tạo nên từ sự khai thác khía cạnh kinh tế của sự hiểu biết (tri thức sinh ra lợi ích kinh tế). Ngay cả những kiến thức, hiểu biết mà trẻ em tiếp thu qua học tập cũng có thể được hình dung thành khái niệm “tư bản xã hội” (social capital), vì đó chính là phần “vốn” đang được tích lũy để đầu tư cho mục đích kinh tế sau này. Xã hội thông tin không chỉ ảnh hưởng đến cách thức tương tác giữa người với người, nó còn đòi hỏi những cách thức tổ chức xã hội theo truyền thống phải trở nên cởi mở hơn, linh hoạt hơn, mở rộng dư luận với nhiều người dự phần hơn và đang có xu hướng tiến đến một xã hội thông tin toàn cầu (global information society).

Sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã làm thay đổi nhanh chóng phong cách sống của con người trên phạm vi toàn thế giới. Những cách thức làm việc, cách tạo dựng cơ nghiệp, cách giáo dục con cái, cách học tập và nghiên cứu, cách thức tự rèn luyện bản thân, cho đến cả cách thức vui chơi, giải trí... tất cả đều đang dần thay đổi. Bên cạnh các phương tiện truyền thông đại chúng (mass media) vốn đã phát triển trong nhiều thập niên nay, mạng internet đã trở thành một kênh dẫn thông tin phổ biến và hiệu quả trong xã hội thông tin. Cũng trên mạng internet, đã hình thành nên một “không gian điều khiển học” (cyber space) trong đó xảy ra một kiểu thức giao tiếp mới giữa con người với nhau: giao tiếp qua mạng. Từ điển tiếng Anh có thêm một từ mới: Nettizen, nghĩa là “cư dân mạng”. Cộng đồng cư dân mạng được hình thành cũng dựa trên nhu cầu cần được truyền thông, giao tiếp với nhau, vượt qua những biên giới, rào cản tự nhiên về không gian, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa... Những cư dân mạng sẽ trở thành những sứ giả giúp truyền đi cũng như lưu giữ lại những giá trị, những ý tưởng hoặc những khuôn mẫu hành vi, và tiến trình trao đổi thông tin có thể thực hiện không hạn chế thông qua không gian mạng. Internet ngày càng trở thành một nguồn thông tin và kho lưu trữ kiến thức quan trọng trên thế giới, và đang dần trở thành một công cụ có tầm ảnh hưởng lớn lao trên tiến trình học tập, phát triển và xã hội hóa của con người trong thời kỳ hậu hiện đại.

CÁC NGHIÊN CỨU BƯỚC ĐẦU

Mạng Infoyouth của UNESCO (Mạng thông tin toàn cầu của UNESCO, cung cấp thông tin cho các chính phủ, các cơ quan, tổ chức phụ trách các vấn đề về vị thành niên và thanh niên) đã bước đầu công bố các kết quả nghiên cứu về tác động của ICT trên đời sống gia đình của người VTN. Sự phát triển của xã hội thông tin đã làm thay đổi các tương tác và quan hệ giữa các thành viên bên trong gia đình. Khi cha mẹ ngày càng ít dành thời gian cho con cái hơn, những đứa con sẽ có khuynh hướng tiếp cận đến công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông sẵn có nhiều hơn. Ở một số gia đình, ti-vi, điện thoại và màn hình vi tính là nơi trẻ thực hiện các tương tác, giao lưu với xã hội, hoặc (nói theo ngôn ngữ trong thời kỳ kinh tế tri thức) đó là những công cụ chủ yếu giúp trẻ em “tích lũy tư bản xã hội”. Một hệ quả không hay đó là khi gia tăng sử dụng công nghệ thông tin, con người sẽ có khuynh hướng giảm thiểu các tương tác trực tiếp trong gia đình. Một số trẻ em có thể đến ôm lấy màn hình vi tính nhanh hơn đến ôm bố mẹ (!) Và trong nhiều trường hợp, bố mẹ bị giảm hoặc mất đi khả năng kiểm soát những nguồn thông tin mà trẻ thu nhận được từ môi trường bên ngoài. Tất cả trẻ em đều cần có một giai đoạn tiếp nhận “tư bản xã hội ban đầu” từ bố mẹ và gia đình, trước khi tiếp nhận thông tin từ nguồn gốc bên ngoài. Đó chính là các quy tắc sống, các giá trị và quy chuẩn mà ngay trong những năm đầu đời trẻ cần học hỏi trước tiên là từ bố mẹ và người thân, sau đó là từ thầy cô và môi trường sống bên ngoài. Việc giảm tương tác bố mẹ và con cái, đồng thời cho trẻ tiếp xúc sớm công nghệ thông tin có thể làm mất đi lợi ích của giai đoạn này.

Trong hai năm 2001-2002, một nghiên cứu đã được tiến hành ở Phần Lan (do Ủy ban Vì Tương Lai, thuộc Quốc hội Phần Lan điều hành, thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của GS. Lea Pulkkinen, Trung tâm Agora, Đại học Jyvaskyla) nhằm phân tích ảnh hưởng của công nghệ thông tin lên sự phát triển kỹ năng xã hội cũng như sự tiếp nhận “tư bản xã hội” ở trẻ em. Nghiên cứu cho thấy: Ảnh hưởng của công nghệ thông tin lên đời sống của trẻ em và VTN như thế nào là tùy thuộc vào tính chất của sự hỗ trợ của môi trường xã hội dành cho các lứa tuổi này. “Một con người sẽ tích lũy đầy đủ tư bản xã hội khi người đó là một thành viên đáng tin cậy trong cộng đồng và có khả năng giao lưu, tương tác với các thành viên khác trong cộng đồng”.

Có một điều tốt ở đây: Trẻ em thường có khuynh hướng chia sẻ và trao đổi với bố mẹ các thông tin mà các em lấy được từ media(gọi chung cho các nguồn thông tin từ truyền thông đại chúng và cả internet) cũng như từ môi trường sống thực tế bên ngoài gia đình, miễn là bố mẹ cũng nhiệt tình lắng nghe và chia sẻ với trẻ. Và trong thực tế, khi gia đình có con đến tuổi đi học, đặc biệt là con ở lứa tuổi VTN, bố mẹ cũng cần lắng nghe và trao đổi thông tin với con vì bản thân bố mẹ cũng cần phải “giao lưu” với các thông tin và các giá trị mới từ bên ngoài (cả thế giới thật, lẫn thế giới “ảo” từ media).

Hơn nữa, sự hướng dẫn của bố mẹ vẫn luôn là một điều cần thiết, do bởi không phải tất cả mọi điều thu nhận từ internet và truyền thông đều thích hợp với trẻ em và VTN, mà đôi khi cũng có những thứ gây nhầm lẫn và khó hiểu với cả người lớn. Thông tin từ internet cũng có những nguy cơ đối với sự phát triển cảm xúc và phát triển kỹ năng xã hội ở trẻ em và VTN. Đặc biệt đối với những trẻ em và VTN có vấn đề yếu kém về kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội, nghiên cứu nhận thấy những “tương tác ảo” trên mạng (dưới hình thức chat, các gallery hình ảnh, phim, clip sex, game...) có thể tạo nên những sự tưởng thưởng mạnh mẽ hơn nhiều so với khi những trẻ em và VTN ấy thực hiện những tương tác thật với người khác trong đời sống thực tế. Đó cũng chính là điều kiện góp phần hình thành sự gắn kết của trẻ em và VTN với phương thức tương tác trên mạng. Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ trai và nam giới nói chung thích sưu tầm thông tin, games và các tương tác ảo nhiều hơn nữ. Nữ giới sử dụng điện thoại và các hình thức giao tiếp gần với truyền thống nhiều hơn nam.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhận thấy những đóng góp tích cực của công nghệ thông tin đối với trẻ em và VTN. Kết luận từ các nghiên cứu cho rằng: Bất kể những khác biệt nền tảng về kỹ năng xã hội và giới tính của trẻ như thế nào, tất cả trẻ em và VTN đều phải được dạy những kiến thức và kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và phải được tạo cơ hội để tiếp cận, sử dụng loại công nghệ này, vì những mục đích tìm kiếm thông tin trong học tập, để giao lưu cũng như để giải trí. Game nếu được cấu trúc tốt, có tính giáo dục, vẫn có thể góp phần giúp trẻ em và VTN “tích lũy tư bản xã hội”. Việc giao lưu trên không gian mạng giúp trẻ gia tăng trao đổi thông tin và sáng tạo nên một “cộng đồng ảo” tồn tại song song với một cộng đồng truyền thống, trong đó vẫn duy trì những tương tác thực sự giữa người với người.

Các nhà nghiên cứu do vậy đã đề xuất việc xã hội sẽ hỗ trợ đầy đủ cho bố mẹ sao cho họ có thời gian dành cho việc cùng tham gia với con cái trong việc sử dụng media hoặc trao đổi về các thông tin lấy được từ đó; cung cấp đủ các dịch vụ hướng dẫn về sử dụng ICT cho cả trẻ em, VTN và bố mẹ (các dịch vụ này phải được bao cấp hoặc được tài trợ để tránh tăng các phí tổn cho gia đình) và phát triển hình thức hỗ trợ đồng đẳng giữa trẻ với trẻ, VTN với VTN về sử dụng ICT hiệu quả. Các đề xuất này chung cuộc đều hướng đến phát huy những hiệu quả của công nghệ thông tin trong đời sống của một xã hội thông tin mà vẫn chú ý không làm mất đi các phương thức giao tiếp và tương tác trực tiếp giữa người với người vốn đã rất hiệu quả và có tác dụng lưu truyền những giá trị tốt đẹp trong các hình thái xã hội truyền thống. Theo thiển ý của người viết, đó cũng là cách góp phần khuyến khích tính tự chủ của người VTN đang chuẩn bị bước vào đời, đồng thời cũng giúp hình thành và củng cố mối quan hệ tương quan phụ thuộc giữa người VTN với gia đình và người thân của mình.

ĐÔI LỜI KẾT

Việt Nam đã và đang trong giai đoạn chuyển từ xã hội tiền công nghiệp sang xã hội công nghiệp. Trong tiến trình hội nhập và phát triển, tất nhiên Việt Nam cũng chịu những tác động nhất định từ xu hướng thông tin hóa và toàn cầu hóa hiện nay trên thế giới. Nhất là khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển ICT thuộc hàng nhanh chóng trên thế giới. Sự trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, vừa tạo cơ hội cho phát triển, vừa mang lại những thách thức cho những khuôn mẫu tư duy, cách thức ứng xử, cùng bản sắc và các giá trị truyền thống. Trong quá trình ấy, tất nhiên cũng sẽ có những yêu cầu cấp thiết được đặt ra cho từng gia đình và từng con người trong xã hội Việt Nam sao cho có thể tạo được sự quân bình giữa bảo tồn, lưu giữ bản sắc và các giá trị truyền thống với sự linh hoạt thay đổi để thích nghi với những điều kiện phát triển mới. Hình ảnh ấy của cả đất nước nếu thu nhỏ lại cũng có khá nhiều điểm tương đồng với hoàn cảnh của một gia đình có con đến tuổi VTN như đã mô tả ở những phần đầu của bài viết.

Việc nghiên cứu ở Việt Nam hẳn là rất cần thiết để khảo sát những ảnh hưởng của xã hội thông tin lên đời sống và các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam nói chung, đặc biệt là trên sự phát triển tính tự chủ và khả năng trưởng thành của người VTN Việt Nam nói riêng. Người viết không dám lạm bàn về các lĩnh vực nghiên cứu vĩ mô, đó là công tác của những nhà nghiên cứu xã hội học. Trong góc nhìn của người làm thực hành và giảng dạy tâm lý lâm sàng, người viết chỉ đóng góp bài viết có tính khái quát này cho nội dung chung của hội thảo, và về phần mình sẽ sử dụng các kiến thức ấy vào công việc trị liệu, hỗ trợ tâm lý cho những ca lâm sàng ở lứa tuổi trẻ em và VTN trong thực tiễn làm việc của bản thân.

 Tham luận Hội thảo Tâm lý Pháp-Việt

BV Nhi Đồng II, Tp.HCM – Ngày 2 & 3-11-2009

CHÂN DUNG NGƯỜI ĐỒNG TÍNH ÁI

BS. NGUYỄN MINH TIẾN

Đồng tính ái (homosexuality) là một chủ đề đặc biệt, vừa mang tính riêng tư lại vừa đặc biệt nhạy cảm. Đối với một người thực hành tâm lý lâm sàng, chủ đề đồng tính ái cũng đặt ra các khó khăn nhiều mặt cần phải giải quyết. Người đồng tính ái không chỉ gặp khó khăn “bởi vì” họ là đồng tính, mà họ còn gặp phải những khó khăn trong cuộc sống đời thường như bao con người khác trong xã hội. Cái nhìn của xã hội ngày nay về người đồng tính ái đã khác xưa rất nhiều nhưng không vì thế mà cuộc sống của những người này có thể trở nên dễ dàng hơn.

Trong khuôn khổ một bài báo cáo hội thảo, tôi không hề có tham vọng đề cập đến những vấn đề lớn lao liên quan đến tầm mức văn hóa, xã hội của hiện tượng đồng tính ái, mà chỉ mạn phép trình bày chủ đề này dưới những quan điểm và trải nghiệm của một người thực hành tâm lý lâm sàng. Với cách thức như thế, tôi có dịp cùng với quý vị có cái nhìn “cận cảnh” hơn về những con người có khuynh hướng tình dục đặc biệt này. Do có cơ hội làm việc trong nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau nên tôi cũng có dịp tiếp xúc với người đồng tính ái trong nhiều tình huống khác nhau mà từ đó đã đặt ra nhiều nhu cầu và mục tiêu khác nhau cho công việc của tôi. Vì những lẽ đó, tôi xin được trình bày dưới đây ít nhất 5 tình huống thường xảy ra khi tôi có dịp tiếp xúc và hỗ trợ tâm lý cho những thân chủ này.

Tình thuống thứ nhất – “Tôi là ai?”

Đây là tình huống mà theo tôi có vẻ hiếm hoi đối với những chuyên viên làm việc tại các trung tâm tham vấn hoặc các cơ sở làm tâm lý trị liệu, trừ khi ở đó là một cơ sở tham vấn dành riêng cho lứa tuổi vị thành niên hoặc người mới trưởng thành, hoặc ở một chừng mực nào đó một chuyên viên tâm lý học đường cũng có thể gặp phải. Trong tình huống này, một người trẻ tuổi (vị thành niên hoặc mới trưởng thành) bắt đầu ngờ ngợ hoặc dần dần cảm thấy rõ ràng về việc bản thân mình có khuynh hướng lựa chọn đối tượng tình dục là người đồng giới tính.

S. là một thiếu niên 16 tuổi khi gặp tôi. Cậu làm công cho một xưởng giày da tư nhân. Cậu phải ở lại xưởng cả ngày, ăn và nghỉ trưa tại chỗ cùng các công nhân khác. Trong một buổi nghỉ trưa, một nam công nhân tuổi trên 20 tuổi đã đến chỗ S. nghỉ, làm những động thái “ve vãn” cậu, rỉ tai những lời dỗ ngọt và khiến S. đồng ý cho anh ta “thám sát” thân thể của mình. Những lần như thế cứ hay lập đi lập lại và S. cũng cảm thấy thích thú với cảm giác được gần gũi anh thanh niên kia. Vài tháng sau, S. nghỉ làm việc ở xưởng và giúp mẹ bán quán cơm tại nhà. S. nói với tôi rằng cậu thấy nhàm chán với việc bán quán và cứ sau mỗi 9 giờ đêm cậu lại “xuống phố” đến những nơi có đông người đồng tính lai vãng và cậu cũng đã “hò hẹn” được với vài anh bạn lịch lãm thường dẫn cậu đi uống nước, đi chơi, cho tiền xài... S. hỏi tôi “Như thế em có bị đồng tính không?”

Khác với S., N. là một thanh niên 23 tuổi. Từ lúc còn học lớp 8 (khoảng 13-14 tuổi) N. tự phát hiện mình có cảm giác thích thú khi nghĩ về hoặc khi tiếp xúc với những người bạn trai trong lớp. Và khuynh hướng này càng lúc càng trở nên rõ dần khi N. học đến cuối cấp 3. N. cho tôi biết cậu rất rõ mình như thế nào, có vẻ chấp nhận tình trạng này và chấp nhận tất cả những mối quan hệ với những ai mà cậu có cảm tình. Điều băn khoăn khi N. gặp tôi ấy là cậu phải ứng xử ra sao với người thân khi họ biết được sự thực về cậu.

Dù tâm trạng còn “ngờ ngợ” như S. hoặc đã rõ ràng như N., cả hai đều đang ở lằn ranh của sự khởi đầu cho một cuộc sống mà dự báo có thể thấy là không phải dễ dàng. Cả hai đều cảm thấy mình mang theo một bí mật mà vào lúc đó chỉ có thể tiết lộ, bộc bạch thoải mái cho những “người đồng cảnh” hơn là cho những thân quen. Trong cái bản sắc cá nhân mới hình thành ấy, cả hai đều có thể thấy mình “có lỗi” nếu phải sống như con người mà mình thực có và ngược lại, nếu phải giấu giếm sự thật hoặc sống theo khuynh hướng thông thường của đa số người cùng tuổi thì cả hai đều cảm thấy là “không thật” và “không thể”.

Tình huống thứ hai – “Sao lại là con tôi?”

Tình huống hai có thể xem là hệ quả tất yếu theo sau tình huống thứ nhất vừa nêu trên, một khi khuynh hướng đồng tính của đứa con mới lớn đủ gây nên sự chú ý, băn khoăn của cha mẹ. Khác với tình huống trên, những mối bận tâm lớn nhất ở đây xuất phát chủ yếu là từ cha mẹ và thường trước khi gia đình tìm đến dịch vụ hỗ trợ tâm lý thì đã có những mối bất đồng và mâu thuẫn sâu sắc giữa cha mẹ và con. Thực tế cho thấy sự phát hiện và sau đó phải đối mặt với việc có một đứa con mang khuynh hướng đồng tính ái là một điều cực kỳ khó khăn đối với các bậc cha mẹ.

L. là một cô gái xinh đẹp, học giỏi, và là một đứa “con ngoan” mãi cho đến năm lớp 12 khi người mẹ nhận thấy L. dành nhiều thời gian cho việc “lui tới” với những cô bạn gái khác. Việc nghiêm trọng nhất đối với người mẹ đó là lần bà phát hiện L. “đi lại” với một người phụ nữ hơn L. nhiều tuổi và đã có chồng. Người chồng của chị này cũng phát hiện vợ mình có điều đáng nghi vấn và sau khi tìm hiểu cặn kẽ sự việc anh đã liên hệ và nói chuyện với mẹ của L. Đó thực sự là một cú sốc cho người mẹ, một phụ nữ Công giáo rất sùng đạo. Người bố cũng thế mặc dù ông tỏ vẻ bình tĩnh hơn sau khi có phần oán trách, đổ lỗi cho mẹ gây ra chuyện này! Về phần hai vợ chồng kia, sau khi bình tĩnh nói chuyện với nhau người phụ nữ (bạn của L.) đã quyết định chia tay với L. và “trở về” với cuộc sống cùng chồng và hai đứa con nhỏ. L. sau chuyện ấy đã suy sụp tinh thần còn bố mẹ L. thì cố gắng hết sức để tìm cho L. một người bạn trai là Việt Kiều từ nước ngoài về. Dưới sức ép của gia đình, L. đã quyết định sẽ kết hôn cùng người bạn trai kia sau khi hai gia đình đã làm lễ dạm ngỏ, nhưng cô cho biết là cô thực sự chẳng có chút tình cảm gì với người thanh niên kia và cô chỉ làm điều này như thể để “chiều ý bố mẹ”, để “sớm thoát khỏi những ràng buộc và áp lực không chị nổi”, chứ không xem đây là cuộc sống hạnh phúc thực sự mà cô muốn có.

Một trường hợp khác tôi xin nêu ra đây là C. – một thanh niên 21 tuổi, cùng đi với bố đến gặp tôi. Khác với mẹ của L., người bố của C., một cựu sĩ quan quân đội, đã tỏ vẻ điềm tĩnh hơn khi trao đổi với tôi về tình trạng của con trai mình. Ông dường như đã nhận ra điều “khác thường” ở con trai mình từ lâu và mặc dù vẫn còn đôi chút hy vọng về một khả năng “chữa trị” cho C. ông cũng đã gần như chấp nhận sự thực này. Ông chỉ bày tỏ với tôi nỗi lo về sức khỏe của mẹ C. vì bà gần như không chịu tin vào tai mình khi tự C. thú thật và khẳng định rằng cậu không muốn thay đổi khuynh hướng vốn có của mình. Khi đó bà đã bị tăng huyết áp và nằm suy sụp một chỗ trong nhiều ngày. C. cho tôi biết cậu rất hiểu hoàn cảnh của mình và chấp nhận nó. Cậu làm công việc phụ giúp phục trang cho các cô người mẫu biểu diễn thời trang và có khả năng tự lo cho cuộc sống. C. có vài “bạn trai” và biết rõ cách thức làm thế nào để quan hệ tình dục an toàn (cậu cũng công khai các quan hệ của mình cho người bố biết).

Tuy không giống nhau về thái độ chấp nhận tình trạng của con, nhưng cả mẹ của L. và bố của C. đều “thấy trước” tương lai của con không hề giống với những ước mong và kỳ vọng ban đầu của mình. Họ còn đến mức nghĩ rằng thà con mình sống độc thân không lập gia đình hoặc thậm chí làm một điều gì đó “lầm lỗi” trong quan hệ nam nữ thì vẫn còn tốt hơn nhiều so với tình trạng đồng tính!

Tình huống thứ ba – “Chuyện giữa chúng tôi với nhau”

Những người có khuynh hướng đồng tính ái đôi lúc vẫn có thể tiết lộ cho chúng ta – những người thực hành tâm lý lâm sàng – biết về những gì xảy ra giữa họ với nhau, tuy rằng việc này không phải lúc nào cũng có thể được kể ra một cách dễ dàng và thoải mái. Tôi xin không nêu những hành vi thông thường họ vẫn làm khi quan hệ thể xác, chỉ xin kể ra trường hợp khá đặc biệt về H., một cô gái 18 tuổi, đang học lớp 12 đem lòng yêu mến một bạn gái cùng tuổi nhưng phải sớm ra đời làm việc cho một tiệm uốn tóc. Tôi đã nói chuyện với H. bốn lần, tất cả đều qua điện thoại, không gặp mặt, chỉ nghe tiếng nói mà thôi.

H. nói về gia đình mình như một nơi chốn tầm thường, nhàm chán, bố mẹ chỉ biết làm việc và không có anh chị em. Tuy nhiên, H. không nói nhiều về mình. Cô dành phần lớn thời gian nói chuyện để kể về T., bạn gái của mình. Gia đình T. không được hạnh phúc, bố mẹ thường hay xung khắc, gây gỗ, đôi khi đánh nhau trước mặt con. H. cho biết bố của T. là một người hết sức nghiêm khắc, cả với người mẹ và với T. Cho đến một ngày kia, T. cảm thấy cô độc đến mức đã nghĩ đến việc tự sát. Khi đó, H. cảm thấy mình phải làm một điều gì đó để làm điểm tựa an ủi cho T.

Mối quan hệ giữa hai cô gái được H. trình bày như một sự gắn bó vì những lợi ích tương thân tương trợ. Với những trải nghiệm vào đời sớm và sự “từng trải” với những khổ tâm trong quan hệ gia đình, T. giống như một người “chị” của H., tuy rằng về tuổi đời cả hai bằng nhau. T. còn giúp H. bớt đi nỗi nhàm chán, trống vắng của bản thân mình. Ngược lại, khi T. có những bất ổn trong tâm tư và đời sống, H. lại xuất hiện như một nguồn hỗ trợ có tính an bình và nhẹ nhàng. Qua điện thoại, tôi cũng nghe thấy giọng nói của H. trầm và êm dịu như thể của một người lớn hơn tuổi thật của H.

Chuyện của H. và T. có vẻ là một trong số những chuyện “hiếm” được nghe kể từ những “người trong cuộc”. Những câu chuyện như thế cũng giúp phần nào hé mở khung cảnh sống khá đóng kín của họ (“đóng kín” ở đây là đối với số đông những người khác không phải đồng tính ái như họ), nhất là của những người đồng tính ái nữ.

Đa số chúng ta khi nghĩ đến những người đồng tính ái thường hình dung về những khuynh hướng “lệch lạc” của họ, xem họ như những người có tinh thần yếu đuối, thậm chí là “bệnh hoạn”; đa số người khác xem họ là những người có những khiếm khuyết, cần phải được chữa trị. Ít khi ta nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn của họ và càng ít nghĩ đến những động cơ hoặc hoài bão tốt đẹp của họ. Có thể trong khi kể chuyện về T., cô H. đã phần nào làm lu mờ đi bản chất mối quan hệ giữa hai người, và cũng có thể một thái độ mang tính tự vệ như thế giúp H. bộc lộ với tôi thuận tiện hơn. Nhưng dù sao việc H. đến với T. ít nhất cũng đã giúp cô tìm thấy được những ý nghĩa và động cơ tích cực để sống trong đời. Đó phải chăng là một trong những yếu tố quan trọng hình thành khuynh hướng đồng tính ái mà ta có thể thực sự vẫn chưa biết hết?

Tình huống thứ tư – “Đừng để nàng (hoặc chàng) biết chuyện?”

Tôi có nêu trong tình huống thứ hai những khó khăn khi cha mẹ phải đối mặt với sự thật là con mình có tình trạng đồng tính ái. Trong phần này ta sẽ đề cập đến một tình huống mà theo tôi nó có phần khó xử hơn, nghiêm trọng hơn: Đó là khi một người phát hiện ra khuynh hướng đồng tính ái ở bản thân mình vào thời điểm mà họ đã lập gia đình, đã có chồng, có vợ như bao người khác và thậm chí đã có con. Ở phần trên cũng có nói về trường hợp một phụ nữ có quan hệ với một cô gái (cô L. trong tình huống thứ hai) khi đã có chồng, có con. Dẫu rằng khi người chồng biết chuyện, người phụ nữ ấy đã “trở lại” với chồng, nhưng không cần tìm hiểu thêm chúng ta cũng có thể hình dung được những điều khó xử xuất hiện giữa hai vợ chồng họ sau sự cố ấy.

Tôi xin trình bày một trường hợp khác: Anh B. Vào lúc gặp tôi anh đã 47 tuổi. Anh nói với tôi rằng anh đã lập gia đình, đã có vợ và một đứa con gái, nhưng anh thực sự “mới biết yêu chỉ khoảng 2 năm gần đây thôi!”.  Anh lim dim mắt và mô tả về tình yêu đó là “rất tuyệt vời” – tình yêu với một thanh niên trai trẻ chỉ mới 27-28 tuổi thôi. Anh B. đã gặp người bạn trai ấy ở một tỉnh xa trên đường anh đi công tác. Anh kể về những giây phút hạnh phúc, những nỗi nhớ và cả những lần giận nhau, tránh né nhau, rồi lại làm lành... B. nói toàn chuyện về người thanh niên ấy, chỉ nói đến vợ mình vào cuối buổi nói chuyện khi chúng tôi bắt đầu đề cập đến việc B. sẽ như thế nào nếu vợ mình biết chuyện. Đó quả là một việc rất khó xử, nhưng B. vẫn một mực khăng khăng rằng cách tốt nhất là anh ta vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với “người tình” và mặt khác vẫn giữ kín bí mật này với vợ, bởi vì theo B. chia tay “người tình” hoặc làm tổn thương cho vợ đều là “có lỗi”.

Nếu các bậc cha mẹ bị “sốc” và khó chấp nhận khi biết con mình đồng tính thì một người đã có gia đình cũng sẽ có tâm trạng khủng hoảng tương tự khi phát hiện ra khuynh hướng này ở người đồng hôn phối với mình. Tuy nhiên, khi phần đông các bậc cha mẹ vẫn không từ bỏ đứa con ruột thịt do mình đẻ ra, thậm chí họ còn giúp giữ kín bí mật của con mình đối với “người ngoài” thì ở các cặp vợ chồng hầu hết đều cảm thấy xuất hiện một sự đổ vỡ mà họ khó có thể hàn gắn nổi.

Tình huống thứ năm – “Nguy cơ và trắc trở”

Những cặp đồng tính thường gắn bó với nhau nhưng không có nhiều những ràng buộc về mặt nghĩa vụ. Giống như cách nói của một phụ huynh mà tôi đã từng được nghe khi họ nói về tương lai của đứa con gái của mình về cuối đời “sẽ trở thành một gái già độc thân sau khi đã trải qua nhiều mối tình mà phải kết thúc bằng sự chia tay”. Trong một tài liệu chuyên môn trước đây tôi đọc được cũng có tác giả nói ví von về người đồng tính ái ở tuổi trưởng thành giống như những người “mãi mãi là vị thành niên”, ít nhất là khi xem xét đến khả năng của họ trong việc xây dựng một gia đình theo kiểu “truyền thống”, được xã hội chấp nhận.

Người đồng tính ái trong cuộc sống vẫn có thể phải đương đầu với những khó khăn và thách thức như bao nhiêu người khác trên đời. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đặc thù của họ, nhất là khi có sự kỳ thị từ người khác hoặc sự tự kỳ thị từ phía bản thân, người đồng tính ái ít nhiều sẽ gặp khó khăn trong việc thiết lập những mối quan hệ thân tình, mật thiết với người khác, và điều đó làm giảm đi những nguồn lực hỗ trợ hiệu quả khi họ gặp vấn đề khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Trong thời gian làm việc tại một trung tâm cai nghiện ma túy, tôi biết đến M. một học viên nam 45 tuổi điều trị trong trung tâm, một người đồng tính ái, nghiện ma túy nhiều năm và đã nhiễm HIV. Anh M. trước đó đã vào ra các trung tâm cai nghiện khác nhiều lần và từng là một trong các “đại bàng” (“đại bàng” là từ dùng để chỉ những học viên cai nghiện có uy quyền và ảnh hưởng lên các học viên khác) rất nổi tiếng. Cả trung tâm ai cũng biết rằng M. sử dụng một nickname (tên hiệu) là tên con gái và thích người khác gọi mình bằng cái tên ấy. Một buổi chiều nọ trong trung tâm, M. gặp tôi báo rằng có một nam học viên khác đang khủng hoảng tinh thần và đã vào toilet toan dùng một que sắt nhọn để tự sát. M. đã phát hiện và đưa người này về phòng nghỉ rồi gặp tôi thông báo sự việc. M. đề nghị tôi nói chuyện với người học viên kia và tìm giúp những biện pháp để hỗ trợ tức thời cho anh ta.

Sự việc này phần nào làm nên một hình ảnh khác về M., một người đồng tính ái, một con nghiện lâu năm, một “đại bàng” khét tiếng, cũng là một người hào hiệp, “thấy chuyện ra tay”. Đến một hôm, vào dịp cuối tuần khi các gia đình được phép vào thăm con em trong trung tâm, tôi nhìn thấy M. ngồi trước bố, mẹ và chị, khóc ròng như một đứa trẻ... Có lẽ M. nhìn thấy trước cái kết của cuộc đời mình, theo như cách nói thông thường của những người trong cuộc là “có chơi thì có chung”, nghĩa là có hưởng thụ thì có chi trả, vậy thôi!

Không phải ai là người đồng tính ái cũng đều nhiễm HIV hoặc nghiện ma túy, nhưng phải chăng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất ta mới có thể thấy hết những khía cạnh khác nhau trong tính cách của những con người này?

Thay cho lời kết

Tôi không có tham vọng cùng lúc trình bày nhiều trường hợp lâm sàng. Tôi cũng không cố gắng “nói cho hết” những gì liên quan đến người đồng tính ái. Tôi chỉ muốn thông qua các tình huống có thực để giúp bản thân mình hình dung rõ hơn những gì mà một người đồng tính ái có thể trải qua, và cũng qua đó có thể chia sẻ với quý anh chị đồng nghiệp những trải nghiệm mà mình có được qua quá trình thực hành lâm sàng.

Mối quan hệ hỗ trợ trong tâm lý trị liệu là một mối quan hệ có tính nhân bản. Thay vì quá chú trọng đến các con số thống kê, các học thuyết, các cơ chế tâm bệnh và các kỹ thuật (hẳn nhiên trong làm việc vẫn cần những điều này), điều quan trọng theo tôi là ta nên có một cái nhìn có tính người đối với từng cá nhân thân chủ. Sẽ khó có thể làm việc để giúp đỡ một người nếu ta không hiểu rõ cảnh đời riêng tư của người đó. Điều này cũng không khác khi ta làm việc với những người đồng tính ái. Họ thực sự không cần ta giúp để “hết bị đồng tính”. Cái mà họ thực sự cần ta giúp là làm sao cho sự thật này trở nên dễ được chấp nhận hơn, để sự thật này không tạo ra sự ngăn cách giữa họ với cuộc sống và để cuộc sống thừa nhận những bản sắc thực sự của họ. Những “lầm lỗi” của họ (nếu có) chung qui lại cũng là những lầm lỗi mà tất cả những người khác trong đời đều có thể phạm phải, chứ không thể đơn giản qui cho lý do là vì họ là người đồng tính ái.

Tp. Hồ Chí Minh, 26-10-2009

QUAN ĐIỂM ĐA CHIỀU VỀ NGHIỆN GAME ONLINE 

BS. NGUYỄN MINH TIẾN

Thực trạng nghiện game online (trò chơi trực tuyến trên mạng internet) ở trẻ em và vị thành niên đang gia tăng trong những năm gần đây và đang ngày càng nhận được sự quan tâm của công chúng nói chung cũng như của các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực y khoa, giáo dục, tâm lý học, xã hội học, an ninh, pháp luật...

Bài viết này – trong khuôn khổ có hạn về thời gian của hội thảo – chỉ mạn phép trình bày một quan điểm về tình trạng nghiện game online (chủ yếu ở trẻ em và người trẻ tuổi) và từ đó đề xuất một số cách thức tiếp cận và hướng trị liệu cho những người bị nghiện game.

Internet và game online

Từ khi được đưa vào sử dụng rộng rãi trên thế giới, mạng internet đã ngày càng trở nên một môi trường thông tin và liên kết quan trọng giữa người với người. Internet ngày nay đã trở thành một môi trường khá thân thuộc với rất nhiều người mà thông qua đó họ có thể làm việc, thông tin, giao lưu và thậm chí thư giãn, giải trí nữa. Nếu như cách đây hơn 10 năm thôi, những người có thể dành thời gian nhàn rỗi để vui chơi hoặc giải trí trên mạng chủ yếu là những người làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ thông tin, thì ngày nay chuyện “lướt net” đã trở nên chuyện thường ngày đối với rất nhiều người.

Internet mang lại nhiều lợi ích cho con người trên cả hai phương diện “làm việc” và “vui chơi” (work and play). Xét trên khía cạnh “làm việc”, người ta vào internet để cung cấp và thu nhận thông tin, trao đổi ý kiến, gửi thư, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giới thiệu bản thân hoặc các cơ quan, tổ chức vv... Còn trên khía cạnh vui chơi, giải trí, người ta có thể tìm thấy những nguồn vui thú trên internet thông qua các trò chơi trực tuyến, tán gẫu, tìm bạn, xem phim, nghe nhạc vv...

Cả hai khía cạnh “làm việc” và “vui chơi”, tuy khác biệt về tính chất và mục đích khi được mô tả như trên, nhưng cả hai đều có thể mang lại những nguồn kích thích khá giống nhau cho người sử dụng: đó là tính thách thức và sự tưởng thưởng. Tính thách thức thể hiện thông qua việc người sử dụng internet (dù để “làm việc” hoặc “vui chơi”) đều phải nâng cao dần hiệu suất của bản thân, khắc phục các trở ngại và đạt đến những yêu cầu, mục tiêu cần đòi hỏi. Sự tưởng thưởng thể hiện bằng những niềm vui, niềm tự hào, sự phấn khích hoặc thư giãn sau khi người sử dụng đạt đến mục tiêu mong muốn. Và internet, cũng giống như môi trường sống thực tế thường ngày, hoàn toàn có thể mang lại cho người sử dụng những sự thách thức và tưởng thưởng tương tự như nhau. Cũng như trong cuộc sống thực tế, hai khía cạnh “làm việc” và “vui chơi” đôi lúc hòa quyện vào như một thực thể “2 trong 1” và việc xác định ranh giới giữa đâu là “làm việc”, đâu là “vui chơi” đôi khi trở nên khó khăn. Chúng ta vẫn thường thấy những trẻ nhỏ rất toàn tâm và nghiêm túc khi thực hiện những hoạt động chơi và ngược lại có những người lớn chỉ có thể tìm thấy những niềm vui thú thông qua làm việc. Vậy đâu là “chơi”, đâu là “làm”? Đâu là “thực”, đâu là “ảo”?

Hai khía cạnh ‘‘vui chơi’’ và ‘‘làm việc’’ dù thông qua sử dụng internet hay trong sinh hoạt thường ngày đều là những phần không thể tách rời của hoạt động sống, cả hai đều có thể mang lại những tác động tích cực trên sức khỏe và cuộc sống của con người. Trên cả hai phương diện “làm việc” và “vui chơi”, internet đóng vai trò như một môi trường làm trung gian cho việc giao tiếp giữa người và người: người sử dụng internet “cho thông tin” (thông qua gửi mail, chat, góp ý trên diễn đàn, thể hiện bản thân, ý kiến trên blog, web, thậm chí chơi game trực tuyến với sự tham gia của nhiều người chơi...) rồi lại có thể nhận thông tin theo chiều ngược lại.

Như thế nào là nghiện game?

Không phải tất cả những ai chơi game trực tuyến cũng đều là nghiện game; điều cũng tương tự là không hẳn tất cả những ai chuyên tâm làm việc đều là người có cuộc sống cân bằng, lành mạnh. Nhiều trẻ em và vị thành niên vẫn chơi game nhiều giờ mỗi tuần vẫn có thể giữ được sự cân bằng trong các sinh hoạt học tập cũng như trong các mối quan hệ với người thân trong gia đình và với xã hội xung quanh.

Tình trạng chơi game chỉ có thể được xem là nghiện khi việc sử dụng game/internet đạt đến một thời lượng và một mức độ nhất định nào đó khiến cho đương sự gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong các sinh hoạt học tập, làm việc, giao tiếp và quan hệ xã hội... đồng thời việc chơi game diễn ra vượt quá khả năng kiểm soát của bản thân hoặc được thực hiện như một nhu cầu thôi thúc khó cưỡng lại được. 

Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 10-15% ngưòi chơi game hội đủ các tiêu chí chẩn đoán là nghiện (addiction) theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO). Nghiện game/internet đã thực sự là một dạng rối loạn mới xuất hiện tuy rằng loại rối loạn này vẫn chưa được chính thức xếp loại trong các hệ thống tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tật của thế giới. Nghiện game cũng có bản chất tương tự giống như các tình trạng nghiện khác như nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy, nghiện bài bạc, nghiện tình dục và nghiện... ăn (chứng phàm ăn hoặc háu ăn do căn nguyên tâm lý -bulimia). Chúng có chung một số tính chất đặc trưng về diễn tiến từ chỗ sử dụng, chuyển sang lạm dụng và sau cùng là nghiện; đồng thời tác nhân gây nghiện (ở đây là game/internet) cũng làm cho đương sự có tình trạng ‘‘dung nạp’’, ‘‘lệ thuộc’’ và khi không sử dụng có thể xuất hiện ‘‘hội chứng cai’’.

Trong khi các chứng nghiện rượu, thuốc lá, ma túy... có tình trạng lệ thuộc các hóa chất có nguồn gốc ngoại sinh (được đưa vào cơ thể từ bên ngoài), thì những tình trạng nghiện bài bạc, tình dục hoặc nghiện game online có thể liên quan đến tác động của các hóa chất có nguồn gốc nội sinh (do cơ thể tự tạo): các nghiên cứu cho thấy có vai trò của dopamine và các endorphin xuất hiện trong não bộ khi đương sự tiếp xúc với tác nhân và hoàn cảnh gây nghiện. Do vậy, xét trên bình diện sinh học, nghiện game/internet cũng có thể liên quan đến tình trạng lệ thuộc các hóa chất nội sinh.

Các biểu hiện ở người nghiện game/internet cũng cho thấy một sự suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân, khó kiểm soát các xung động và đòi hỏi của bản thân, rối loạn các nhịp điệu sinh hoạt thường ngày (ăn uống, ngủ nghỉ...), giảm hoặc mất hẳn khả năng giao tiếp và quan hệ với những người xung quanh trong cuộc sống thực tế và phần lớn thời gian chủ yếu được dành cho việc sử dụng game/internet... Trên bình diện tâm lý – xã hội, người nghiện game/internet (cũng giống như nghiện bài bạc và tình dục) có xu hướng ‘‘ám ảnh’’ (tâm trí bị choán chỗ và lấp đầy bởi các huyễn tưởng về game) và ‘‘cưỡng bức’’ (có một sự thôi thúc, bắt buộc thực hiện việc sử dụng game/internet). Game và internet dần dần thế chỗ cho các quan hệ xã hội và các nguồn vui khác trong đời sống; đây là điều quan trọng để xác định một người có nghiện game/internet hay không vì người chơi game không nghiện vẫn có thể tìm thấy những nguồn vui từ những công việc và các mối quan hệ từ trong cuộc sống thực tế. Ở người nghiện, cái ‘‘ảo’’ thay thế cho cái ‘‘thực’’, hay nói cách khác ‘‘ảo’’ chính là ‘‘thực’’.

Vì sao game gây nghiện?

Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên tình trạng nghiện ở những người chơi game online. Trước tiên phải kể đến những yếu tố từ bản thân những thiết kế trò chơi trực tuyến. Trong cách thiết kế game của những nhà sản xuất cũng chứa đựng những tiềm năng gây nghiện. Ngay cả những video game ban đầu cũng được thiết kế để người chơi phải càng lúc càng cố gắng hơn để đạt kết quả cao hơn (bằng cách đặt những điểm số cao để làm hạn mức phải vượt qua –High Scores) hoặc chơi để đạt đến kết quả sau cùng (beating the game) vd. trò chơi Mario giải cứu công chúa...

Video game và game online còn có tính năng giúp người chơi thực hiện ‘‘sắm vai’’ (role-playing) nghĩa là người chơi tự tạo nên những ‘‘nhân vật’’ rồi hóa thân mình trở nên nhân vật ấy, thậm chí có thể hình thành nên một sự ‘‘gắn bó tình cảm’’ giữa người chơi và nhân vật do chính mình dựng lên rồi hóa thân vào, rồi chính sự gắn bó này khiến người chơi khó có thể dừng cuộc chơi hoặc khó cưỡng lại sự thôi thúc quay trở lại cuộc chơi lần sau. Tính năng ‘‘sắm vai’’ cũng có thể được thực hiện thông qua các hoạt động khác (không phải game) khi sử dụng internet chẳng hạn như tán gẫu (chat), kết bạn, hẹn hò, đăng ký thành viên tham gia một diễn đàn, tạo blog cá nhân... Tính năng sắm vai đôi khi cho phép người sử dụng game/internet tạo nên những hình ảnh về bản thân theo cách mới hơn hoặc được làm cho khác biệt đi – điều này khó có thể thực hiện được khi bản thân họ trực tiếp tiếp xúc và giao tiếp với những con người thật trong đời sống thực tế.

Tính chất mạo hiểm, kích thích sự khám phá (discovery) ở một số trò chơi cũng mang tính hấp dẫn cao. Sự thú vị do trò chơi đã dẫn người chơi đi sâu vào khám phá những thế giới đôi khi hoang đường và phi thực tế cũng giúp lôi cuốn người chơi gắn bó với game.

Và tính chất sau cùng của game online (và nói chung là của internet) là sự hình thành những mối quan hệ (relationships) trong một ‘‘cộng đồng cư dân trên mạng’’ có cùng mối quan tâm và luôn sẵn lòng chia sẻ (dù thuận ý hay nghịch ý, dù hợp tác hay đối kháng). Riêng trong game online đó chính là tập hợp của những ‘‘bạn chơi’’, nhất là trong các ‘‘Trò chơi sắm vai trực tuyến có đông người chơi tập thể’’ (MMORPGs: Massive Multiplayer Online Role-Playing Games), người chơi vừa có thể thiết lập các mối quan hệ với bạn chơi, lại vừa khó có thể ngừng hoặc từ chối trở lại cuộc chơi, vì thiết kế của các MMORPGs không bao giờ khiến người chơi có thể đạt đến ‘‘chiến thắng chung cuộc’’.

Sự tiến bộ trong công nghệ thông tin ngày càng giúp hoàn chỉnh các thiết kế game. Các trò chơi trở nên tinh vi hơn, gia tăng độ phức tạp về tính năng, cấu hình và độ thách thức trong nội dung chơi. Thế giới ‘‘ảo’’ càng lúc càng trở nên ‘‘thật’’ hơn. Thậm chí, người chơi có khi phải chi ra những khoản tiền thật để tạo nên những tài khoản ảo ở trên mạng. Tất cả những cải tiến đó càng làm gia tăng thêm hấp lực của game online: tức là gia tăng độ thách thức và mức độ tưởng thưởng cho người chơi game. Về việc này, game online rất giống với một sòng bạc (casino); cả hai đều được thiết kế sao cho người chơi chỉ có thể đạt được những ‘‘thắng lợi’’ nho nhỏ để giữ cho họ có thể còn tiếp tục chơi, nhưng ‘‘thắng lợi’’ sau cùng có khi chẳng bao giờ đạt đến.

Vì sao người chơi game bị nghiện?

Như trên đã nói, sự hưng phấn do theo đuổi các thách thức cũng như sự tưởng thưởng sau khi đạt đến các mục tiêu – cả cho ‘‘làm việc’’ lẫn để ‘‘vui chơi’’ khi sử dụng internet – đều là những tác nhân tăng cường giúp củng cố thêm hành vi sử dụng internet. Con người luôn có khuynh hướng tìm kiếm các kích thích từ môi trường xung quanh hoặc từ nơi cơ thể của mình để đạt được những sự ‘‘tưởng thưởng’’ mà mình mong muốn có. Khi gặp trở ngại trong việc tìm kiếm tưởng thưởng ở những nguồn kích thích thường ngày (công việc, học tập, vui chơi, quan hệ với người thân...), người ta có thể quay sang tìm kiếm các tưởng thưởng từ những nguồn kích thích khác nếu nguồn kích thích này là ‘‘sẵn có’’, những nguồn kích thích này có thể là các hóa chất gây nghiện hoặc các thực tại ảo (có thể bên trong: huyễn tưởng, mơ mộng hoặc có thể bên ngoài: bài bạc, tình dục, internet...)

Trẻ em và người vị thành niên là những con người đang trong tiến trình xây dựng nhân cách và định hình bản sắc. Ngoài các yếu tố sinh học (tình trạng lệ thuộc các hóa chất nội sinh) đã nêu phần trên, các nhà nghiên cứu còn thấy có những yếu tố tâm lý góp phần gây nên tình trạng nghiện ở người chơi game. Một điều được quan sát thấy rõ là có một số người dễ có khả năng trở nên nghiện cao hơn những người khác. Những trẻ em có xu hướng dễ chán nản, có mối quan hệ không tốt với những người thân trong gia đình, những trẻ cảm thấy bị thất bại trong việc học, bị ‘‘ruồng bỏ’’ trong trường lớp, hoặc những trẻ có xu hướng đi tìm kiếm những kích thích giác quan (thích cảm giác lạ) là những trẻ dễ bị lôi cuốn vào việc chơi game và nghiện game, vì chỉ có thế mới giúp trẻ khỏa lấp được cảm giác trống vắng và thỏa mãn được những nhu cầu mà trẻ không thể đạt được qua những hoạt động khác.

Một trẻ nghiện game online cũng có thể đồng thời ‘‘nghiện’’ các hoạt động khác trên mạng internet: tán gẫu, hẹn hò, xem hình ảnh và phim khiêu dâm (có thể kèm theo huyễn tưởng tính dục và thủ dâm), lang thang trên các diễn đàn hoặc chỉnh chu các trang blog cá nhân... Trẻ tìm thấy ở internet (bao gồm cả hoạt động chơi game online) những cơ hội để trẻ có thể ‘‘thành công’’, được chấp nhận trong mối quan hệ với các bạn khác trong cư dân mạng và giải quyết những nhu cầu cơ bản của lứa tuổi mà môi trường thực tế trẻ không thực hiện được, đồng thời trẻ cũng tìm thấy ở internet như một môi trường rất lý tưởng để xây dựng và thể nghiệm những hình ảnh của bản thân. Việc này rất cần thiết trong tiến trình hình thành nhân cách và định hình bản sắc cá nhân ở tất cả người vị thành niên, nhưng do những trở ngại trong cuộc sống thực tế, trẻ đã không thể hoàn tất việc này thông qua các công việc và các mối quan hệ trong đời sống thực, mà phải thực hiện trên một không gian ảo là internet. Trong không gian ảo đó trẻ có thể ‘‘giấu mình’’ dưới một hình ảnh khác, và tự do thể hiện những tính cách mà trẻ muốn người khác thấy nơi bản thân mình – một điều khó thực hiện trong cuộc sống thực tế. Những ‘‘thành quả’’ đạt được này có giá trị như những sự tưởng thưởng mà trẻ nhận được từ việc sử dụng game và internet.

Việc gắn bản thân mình vào game/internet có thể tạm thời giúp bình ổn bản thân trẻ trước các khó khăn trong cuộc sống, đồng thời cũng giúp bình ổn các xung đột trong quan hệ gia đình (nếu có) – Một số phụ huynh (vô tình hoặc cố ý) đôi khi cũng ‘‘thỏa hiệp’’ với khuynh hướng này bằng cách thừa nhận hoặc thương lượng với trẻ để dành cho trẻ một khoảng thời gian nhất định trong ngày được chơi game và sử dụng internet. Xét vấn đề theo cách này thì triệu chứng nghiện game/internet có thể có vai trò ‘‘tích cực’’ trong nhất thời cho cá nhân trẻ cũng như cho gia đình của trẻ. Tuy nhiên, một khi việc sử dụng game/internet bị lạm dụng và trở thành một thói quen có tính kiên định, tác động tiêu cực của nó sẽ được phát huy. Khi đó, trẻ sẽ ngày càng cách xa với thế giới thực tế hơn, kém thích nghi hơn, các chức năng sống của trẻ và quan hệ trong gia đình sẽ càng bị suy giảm, thậm chí lạm dụng game/internet còn gây ra các tác hại trên sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, nghiêm trọng hơn có thể dẫn trẻ đến tình trạng bạo lực và phạm pháp.

Quan điểm chung về cách tiếp cận và trị liệu

Nghiện nói chung và nghiện game/internet nói riêng là những rối loạn phức tạp và đa căn nguyên. Không thể quy kết nguyên nhân của nghiện cho một hoặc một vài yếu tố đơn lẻ. Chính vì thế cần có những cách thức tiếp cận đa chiều, đa bình diện cả trong việc tìm hiểu đánh giá người nghiện lẫn trong quá trình chăm sóc và trị liệu.

Cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai bình diện tiếp cận: (1) Giải quyết vấn nạn nghiện game online trên bình diện xã hội, vĩ mô và (2) Tiếp cận trị liệu những trường hợp nghiện game online trên bình diện cá nhân và gia đình.

Bình diện tiếp cận thứ nhất có liên quan đến trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý. Trong góc độ những người làm chuyên môn về sức khỏe tâm thần và tâm lý trị liệu, chúng tôi xin nói đến bình diện tiếp cận thứ hai.

Giống như các tình trạng nghiện nói chung, người nghiện game/internet nói chung thường lẫn tránh các vấn đề khó khăn trong cuộc sống thực tế. Việc trị liệu một người nghiện ngoài việc hạn chế hoặc tiến đến ngừng hẳn việc việc sử dụng game/internet còn phải thiết lập mục tiêu giúp họ tự tin hơn để đương đầu với các khó khăn trong thực tế. Đã có nhiều tác giả xây dựng nên những phương thức trị liệu từ việc dùng thuốc (thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI hoặc naltrexone), cho đến liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT). Ngoài ra việc xây dựng những nhóm hỗ trợ (support group) và áp dụng liệu pháp gia đình (family therapy) là những việc làm rất thiết yếu trong việc giúp người nghiện phục hồi và gia tăng khả năng hội nhập trở lại vào đời sống thực tế. Việc đơn thuần cách ly hoặc ngăn cản người nghiện tiếp xúc trở lại với tác nhân và hoàn cảnh gây nghiện thường không đủ hiệu quả để ngăn ngừa sự tái nghiện.

Tiên lượng cho khả năng phục hồi tất nhiên còn tùy thuộc nhiều vào mức độ sẵn lòng muốn thay đổi của người nghiện, bản chất các mối quan hệ trong gia đình, những vấn đề khó khăn vốn có trong đời sống, các vấn đề tâm lý và rối loạn tâm thần kèm theo, mức độ của tình trạng kém thích nghi, thời gian và mức độ nghiện nhiều hay ít, tình trạng sẵn có của game online/internet cũng như khả năng sẵn có của các dịch vụ hỗ trợ và trị liệu trong cộng đồng.

Tiếp cận đa bình diện đòi hỏi phải có những ê-kíp trị liệu liên ngành, bao gồm các ngành y khoa chung, tâm thần, tâm lý, giáo dục, công tác xã hội, có khi phối hợp với cả các tổ chức, đoàn thể xã hội, những nhóm hỗ trợ người nghiện và gia đình của họ... Các cơ cấu liên ngành như thế có thể được tổ chức trong những trung tâm tâm trị liệu chuyên biệt hoặc được lồng ghép vào trong các cơ sở chuyên môn sẵn có nếu nguồn nhân lực và tài lực có giới hạn.

Nghiện luôn luôn là những rối loạn phức tạp và cần nhiều thời gian để hồi phục. Trong quá trình hồi phục ấy sự tái phát rất thường hay xảy ra. Triệu chứng nghiện, tuy gây ra rất nhiều tác động tiêu cực cho đời sống của người nghiện và gia đình của họ, nhưng ta vẫn có thể xem xét nó dưới những khía cạnh có tính cực hơn: Triệu chứng nghiện giúp nhất thời bình ổn những khó khăn trong cuộc sống của người nghiện và gia đình của họ, đồng thời đó cũng là cơ hội để người nghiện và gia đình họ xem xét lại cuộc sống của họ và học tập những kỹ năng mới.

ĐỌC SÁCH "SA MẠC NỞ HOA" 

NGUYỄN THỊ THU TRÚC

(Cử nhân Tâm lý - Chi hội Trăng Non)

Quyển sách "Sa Mạc Nở Hoa" (tên gốc tiếng Anh là "Bé Dibs đi tìm bản ngã": Dibs in Search of Self) đã và vẫn đang là một trong số những quyển sách có tính "kinh điển" về tâm lý trị liệu trẻ em trên thế giới. "Quyển sách này đưa chúng ta vào một cuộc hành trình đầy ngạc nhiên, lý thú của một chú bé 'đi tìm chính mình'... Tác giả, Virginia Axline,  là một nhà tâm lý trị liệu nổi tiếng về lĩnh vực chữa trị những trẻ em bị rối loạn tình cảm... Sách ghi lại một thành công xuất sắc của bà... là một tài liệu trung thực và đầy đủ, với sự chính xác khoa học... không chỉ cần cho những chuyên gia, mà còn cho các bậc cha mẹ và thầy cô từng băn khoăn về cách giáo dục con em..." (TS. Tô Thị Ánh). Sách đã được dịch sang tiếng Việt bởi các dịch giả Tô Thị Ánh và Vũ Trọng Ứng, xuất bản năm 1994 (NXB Trẻ, Tp.HCM). Dưới đây là bài viết ghi lại những ý tóm tắt có thể được rút ra, được học tập từ quyển sách giá trị này. Mong rằng việc này sẽ góp phần giúp ích cho các bạn đọc đang có quan tâm, học tập và thực hành lĩnh vực tâm lý trị liệu trẻ em tại Việt Nam.

I . Mô tả ca lâm sàng

Thân chủ là một bé trai tên Dibs, 5 tuổi, đã đi học được 2 năm tại trường mẫu giáo.

Theo lời kể của giáo viên tại trường: Trẻ có những biểu hiện chống đối và xa lánh mọi mối quan hệ xã hội. Trẻ sẵn sàng cào cấu những ai đến gần em. Trong sự giận dữ đó có cả sự sợ hãi. Tác phong của trẻ thất thường, khi thì mau mắn, khi thì lặng lẽ. Phần lớn thời gian thường bò men tường, ẩn nấp dưới gầm bàn, lắc qua lắc lại, nhai cánh tay, mút ngón cái, nằm sấp cứng đờ trên sàn. Trong thế giới tách biệt đó, trẻ thường hay thở dài não nề khổ sở và cô đơn bất lực. Trẻ không bao giờ tỏ ra vui thú. Trẻ thường tỏ ra giận dữ khi tới giờ học về, hay ai đó cố muốn em làm điều gì. Về khả năng học tập, trẻ thích những cuốn sách và thường có vẻ như đọc được chúng. Trẻ có vẻ lắng nghe những câu chuyện do cô giáo kể trong tư thế bất động trên sàn nhà hoặc trong gầm bàn. Trẻ tỏ ra khéo léo và nhanh nhẹn trong việc xem xét các đồ vật xung quanh.

Bối cảnh gia đình (theo lời kể của người mẹ): Bố là nhà khoa học nổi tiếng, thường vùi đầu vào nghiên cứu, xa cách cả vợ lẫn con. Mẹ từng là bác sĩ ngoại khoa xuất sắc về tim. Bạn bè gia đình là những nhân vật xuất chúng trong xã hội. Gia đình nội ngoại đều trọng vọng về trí tuệ, thành quả từ trí thức. Trẻ là con trai đầu lòng không mong muốn của cả bố lẫn mẹ. Trẻ ra đời cứng đơ, la hét mỗi lần mẹ bế. Mẹ thôi việc vì nghĩ rằng trẻ thiểu năng, trẻ không nói, không chơi, chậm biết đi, tấn công người khác. Bố mẹ sống xa cách bạn bè, họ hàng thân thuộc và gần như không trò chuyện với nhau vì tình trạng của trẻ. Trẻ có một em gái 4 tuổi được cho là phát triển tốt. Trẻ thường đánh em khi nó vào phòng riêng của mình. Trẻ chỉ tỏ ra thân thiết và quyến luyến với bà ngoại.

 II. Nhà trị liệu thực hiện các nguyên tắc của liệu pháp chơi theo trường phái thân chủ trọng tâm:

1. Nhà trị liệu phát triển mối quan hệ ấm áp, thân thiện với trẻ. Mối quan hệ đó được thiết lập ngay từ ban đầu và xuyên suốt tiến trình trị liệu:

Ngay từ buổi khám đầu tiên tại trường, nhà trị liệu quan sát trẻ một cách kín đáo, không xâm phạm vào thế giới của trẻ, dù chỉ là ánh mắt. Sau đó, mời trẻ đến phòng chơi riêng, không thúc ép, trẻ được quyền chọn lựa đến hoặc không, tùy ý trẻ muốn. Khi bước vào phòng chơi, Nhà trị liệu nói với trẻ: “chúng ta sẽ ở với nhau một giờ trong phòng chơi này. Em có thể tuỳ ý xem các đồ chơi và các vật dụng sẵn có. Em tự quyết định xem em muốn làm gì”. Đây là một trong các bước cần làm trong thời gian đầu của buổi trị liệu, thiết lập giới hạn và thời gian làm việc. Trẻ được trao quyền tự quyết cho hành động của mình trong phòng chơi trị liệu. Trẻ tự chọn đồ chơi, và vật dụng mình muốn mà không có một đề xuất hay hướng dẫn trước của nhà trị liệu.

Nhà trị liệu sử dụng những kỹ thuật phản hồi để đáp trả những câu nói của trẻ.

- Trẻ gọi tên các đồ vật: giường?ghế?bàn…nôi?tủ?radio?...

- Nhà trị liệu phản hồi: Phải, đây là cái giường;… cô nghĩ đây là cái tủ…

Đây là kỹ thuật “an toàn” không xâm lấn vào các hoạt động của trẻ. Ngay cả khi trẻ bộc lộ cảm xúc mãnh liệt của mình trên những trò chơi biểu tượng với nhà búp bê.

- Trẻ đưa tay ôm chặt lấy ngực và nhắc lại nhiều lần: không khoá cửa. Không khoá cửa. Không khoá cửa. Dibs không thích khoá cửa

- NTL phản hồi: em không thích cửa bị khoá

“Một trong những mục tiêu của việc tạo dựng mối quan hệ này là giúp trẻ đạt được sự độc lập về tình cảm của chính mình, dần dần tự chủ và có trách nhiệm hơn. Nhà trị liệu truyền cho trẻ lòng tin tưởng vào khả năng của chính trẻ. Nhà trị liệu không làm phức tạp thêm vấn đề của trẻ bằng cách tạo ra một mối quan hệ trợ lực mà khiến trẻ có thể bị phụ thuộc và trì hoãn sự phát huy trọn vẹn tình cảm an toàn nội tâm của trẻ. Thậm chí, nếu trẻ là một đứa trẻ thiếu thốn về phương diện tình cảm thì sự gây dựng một mối quan hệ quyến luyến tình cảm vào trong quá trình trị liệu, dù có thể đáp ứng nhu cầu sâu xa của trẻ, nhưng lại tạo ra một khó khăn mới mà cuối cùng trẻ cần phải giải quyết.” (trích Sa Mạc Nở Hoa-SMNH) Và nhà trị liệu lại có thể bị mắc kẹt trong mối quan hệ quyến luyến đó.

2. Nhà trị liệu chấp nhận đứa trẻ như chính nó:

“Nhà trị liệu bắt đầu từ chỗ “đứa-trẻ-như-là-chính-nó”, làm việc trực tiếp và ngay tức thời với những cảm xúc mà trẻ đang có hơn là làm việc với những vấn đề, những triệu chứng và những nguyên nhân đã gây nên chúng. Việc làm này khiến tiến trình trị liệu có ngay sức mạnh và ý nghĩa” (Clark Moustakas - Tiến sĩ tâm lý học trường phái nhân văn)

Trong quá trình trị liệu, trẻ tự nhận ra bản thân có hai bản tính, trẻ con và trưởng thành, trẻ đặt những bản tính đó là Dibs nhỏ và Dibs lớn. Tại phòng trị liệu, trong mối quan hệ ấm áp, tin cậy và chấp nhận với nhà trị liệu, dù trẻ đang sống như một Dibs nhỏ hay một Dibs lớn, trẻ đều được tự do thể hiện bản thân. Khi trẻ là Dibs nhỏ, trẻ bú bình, lăn trên cát và nói: “em coi đây là cái nôi nhỏ của em”. Trẻ thích làm điều tùy ý mình và được nhà trị liệu chấp nhận. Khi đó, Trẻ sẽ thể hiện sự khát khao được thừa nhận những điều mình muốn thật rõ nét:

Trẻ: Em xin tấm hình này. Em xin được không?

- NTL: Được

- Trẻ: Cô nói thế này nhé: được, Dibs, em có thể lấy đem về nhà. Nếu đó là điều em thích, Dibs, thì hay lắm.

- NTL nhắc lại đúng lời trẻ: được, Dibs, em có thể lấy đem về nhà. Nếu đó là điều em thích, Dibs, thì hay lắm.

Chính sự tôn trọng bản ngã của trẻ đã tạo điều kiện an toàn cho sự trưởng thành, giúp trẻ thừa nhận chính mình và các khả năng của bản thân.

- Trẻ: em không bị cô gọi là thằng ngốc, em nhờ cô giúp thì cô giúp. Em nói là em không biết thì cô biết. Em nói là em không làm được thì cô làm được

Trẻ thừa nhận cả những điều trẻ chưa làm được, không làm được, và điều này không còn gây đau đớn cho trẻ.

- Trẻ với tay cầm nút vặn nước nóng

- NTL: nước đó nóng lắm, Dibs, mở nước lạnh trước đã

- Trẻ nhanh nhẹn mở vòi nước nóng, lấy ngón tay hứng nước, vội vã rụt tay lại, la lên: Nóng

- NTL: em muốn tự mình kinh nghiệm. Bây giờ thì em thấy rồi

- Trẻ: Vâng, nóng quá. Rồi cầm chai bình sữa nút, vẻ mặt yên ổn nói: Em chưa lớn tuổi lắm

Chấp nhận đứa-trẻ-như-chính-nó là chấp nhận mọi sự bộc lộ bản ngã của trẻ theo cách tự do nhất mà trẻ chọn, không cố gắng định hướng sự tiến bộ hoặc một cách thức trưởng thành có sẵn. Tin tưởng vào sự trưởng thành tự nhiên ở nơi đứa trẻ, giúp điều đó được bộc lộ trong một mối quan hệ tôn trọng, ấm áp và an toàn.

“Khi một đứa trẻ bị cưỡng bức phải tự chứng tỏ là mình có khả năng, kết quả thường rất tai hại. Một đứa trẻ cần được yêu thương, được chấp nhận và hiểu biết thông cảm. Nó bị huỷ hoại khi gặp phải sự hắt hủi, nghi ngờ và thử sức không ngừng” (SMNH). Ở Dibs, sự lột xác từ một “Dibs nhỏ” sang thành “Dibs lớn” trong suốt thời gian trị liệu là một quá trình đầy gian khổ. Trẻ phải tin tưởng vào sự tự do của mình được có trong phòng trị liệu, tin tưởng vào nhà trị liệu, chấp nhận nhìn vào những hành vi ấu trĩ, trải nghiệm những cảm xúc đau khổ, những nổi sợ hãi, bộc lộ cả những ý nghĩ thù hận của mình qua những hoạt động chơi biểu tượng để hiểu biết về chính mình… dần dần, trẻ mới có thể học được cách sử dụng những khả năng của mình. Học cách có trách nhiệm với tình cảm của mình. Từ đó, xây dựng bản ngã toàn vẹn mà chính em có thể tự hào.

Buổi trị liệu cuối cùng, trẻ nói về mình qua một trò chơi biểu tượng: Sáng còn sớm lắm và thằng Dibs lớn đi đến trường. Nó có những người bạn ở trường. Nhưng cậu con trai này là Dibs nhỏ. Cậu con trai bé nhỏ này bị bệnh nặng. Cậu ta đi tới nhà thương và tan biến mất. Cậu ta bé lại dần cho tới khi mất hẳn. Cậu con trai bé nhỏ bây giờ mất rồi. Nhưng Dibs lớn thì to lắm, khoẻ mạnh và can đảm. Nó không còn sợ gì cả

3. Nhà trị liệu thiết lập sự chấp nhận những cảm xúc trong mối quan hệ để đứa trẻ cảm thấy tự do bày tỏ hoàn toàn cảm xúc của nó

Dần dần trong suốt quá trình trị liệu, trẻ biểu hiện những cảm xúc của mình rõ nét hơn và được nhà trị liệu phản hồi cho trẻ nhận ra. Ban đầu là những cảm xúc đau khổ khi phải rời phòng chơi trị liệu khi đã hết giờ

- Trẻ khóc nức nở: Dibs không về nhà, Dibs ở lại

- NTL: Cô biết em muốn ở lại. Nhưng bữa nay thời giờ của chúng ta hết rồi và em phải về.

- Trẻ vẫn rên rỉ khóc lóc một cách bất lực

- NTL: Đôi khi không dễ gì làm những điều mình phải làm, nhưng có điều phải làm… Lúc này em đang khổ sở. Cô hiểu em đang cảm nghĩ gì. Nhưng đôi lúc có những điều ta phải làm, ngay khi chúng ta chẳng muốn làm.

Đến những cảm xúc vui sướng nhà trị liệu được chia sẻ:

- Trẻ lượn quanh phòng với nụ cười rạng rỡ trên nét mặt: Em nghĩ em sẽ hát

- NTL: Nếu em muốn hát thì cứ hát

- Trẻ: Và nếu em muốn im lặng thì cứ im lặng! Trẻ reo: và nếu em muốn suy nghĩ thì cứ việc suy nghĩ. Và nếu em muốn chơi thì cứ việc chơi. Cứ như thế có phải không cô?

- NTL: Phải, cứ như thế.

Nhà trị liệu ở bên cạnh trẻ để giúp những cảm xúc đó được trẻ bộc lộ với ý thức tình cảm rõ ràng, ngay cả khi đó là những cảm xúc thù hận, sợ hãi.

- Trẻ nước mắt đầm đìa trong một cảnh chơi biểu tượng: Họ la, họ thét, họ đập cửa. Họ muốn ra. Nhưng nhà đang cháy và học bị nhốt, không ra được. Họ la, họ kêu cứu. Em khóc! Em khóc! Vì thế mà em khóc

- NTL: Có phải em khóc vì cha vì mẹ bị nhốt trong nhà và không ra được khi nhà đang cháy không?

- Trẻ chạy đến ôm NTL: Ồ không, em khóc bởi vì em lại cảm thấy nỗi đau đớn khi cửa khoá, cửa đóng nhốt em lại.

- NTL ôm lấy trẻ: Em lại cảm thấy điều mà em thường cảm thấy khi em chỉ có một mình phải không?

Trong quá trình tìm kiếm bản thân, định hình bản ngã, trẻ cần phải ý thức dần những tình cảm, thái độ và những liên hệ của em với những người xung quanh. Những cảm xúc nội tâm bị đè nén cần được khơi lên, được tự do thể hiện qua trò chơi để trẻ tự biết mình, tự hiểu và kiềm chế mình hữu hiệu hơn. Trong phòng chơi trị liệu, nhà trị liệu tạo ra cho trẻ một khung cảnh an toàn và tự do để những cảm xúc nội tâm như sợ hãi, ghen ghét, thù hằn trong con người trẻ được đưa ra ánh sáng và loại bỏ.

4. Nhà trị liệu báo cho trẻ biết mình đã nhận biết được những cảm xúc bị áp đặt của trẻ bằng những phản hồi về thái độ của trẻ, để giúp nó thấu hiểu được hành vi của mình:

Nhà trị liệu phản hồi lại những thái độ đang hiện diện trong tâm trạng của trẻ trong bối cảnh cụ thể, rõ ràng để trẻ nhận thức được tư tưởng và tình cảm của mình. Một trường hợp minh họa, trẻ giận dữ với nhà trị liệu khi trẻ dặn dò giữ nguyên trạng cảnh chơi của buổi trị liệu trước đó vào tuần sau khi trẻ đến, nhà trị liệu đã không hứa hẹn làm đúng như thế:

- Trẻ: Con vịt của em đâu?

- NTL: Em đang băn khoăn là không biết con vịt con em đặt trên đỉnh cát ra sao à?

- Trẻ giận dữ:Phải, Con vịt con của em đâu rồi?

- NTL: Em nói là em muốn để nó lại đó và người nào đó đã chuyển nó đi

- Trẻ quyết liệt: Đúng vậy. Sao vậy?

- NTL: Em ngạc nhiên là tại sao cô không canh chừng để mọi vật ở nguyên chỗ như em đã để?

- Trẻ: Vâng. Tại sao vậy?

- NTL: Tại sao em nghĩ là cô để điều này xảy ra?

- Trẻ: Em không biết. Em tức lắm. Đúng ra cô phải làm chuyện ấy!

- NTL: Tại sao cô phải làm việc đó nhỉ? Thế cô có hứa với em là cô sẽ làm việc ấy không?

- Trẻ hạ giọng: Không. Nhưng em muốn cô làm việc ấy giùm em

- NTL: Những em khác vô đây và chơi với đồ vật này. Có lẽ một em nào đó đã bỏ con vịt của em đi.

- Trẻ: Và trái núi của em. Con vịt của em đứng trên đỉnh núi.

- NTL: Cô biết. Và bây giờ núi cát của em cũng không còn ở đây, phải không?

- Trẻ: Mất tiêu rồi!

- NTL: Và vì thế em giận, em thất vọng phải không?

Trẻ gật đầu đồng ý.

5. Nhà trị liệu duy trì một sự tôn trọng sâu sắc khả năng tự giải quyến vấn đề của đứa trẻ và tạo điều kiện cho điều đó diễn ra. Trách nhiệm trong sự lựa chọn và thay đổi thái độ là của đứa trẻ:

- Trẻ: Khóa lại

- NTL: Em muốn khóa căn nhà lại ư?

- Trẻ: Được rồi

- NTL: Thấy rồi, em khóa được rồi

- Trẻ: Em làm được

- NTL: Em làm được thật. Mà lại làm một mình

Trẻ cười rất mãn nguyện. (Trong buổi trị liệu lần thứ hai,

đây là lần đầu tiên trẻ mỉm cười.)

Cách trẻ sửa căn nhà búp bê bị lung lay sao cho vững lại. Cách trẻ gắn tấm vách vào nhà búp bê để khóa căn nhà như ý muốn. Tất cả đều được nhà trị liệu ghi nhận và phản hồi những ý muốn của trẻ, cách trẻ thực hiện để đạt ý muốn và thừa nhận khả năng trẻ làm được điều đó.

“Giá trị trị liệu của thể loại tâm lý này là tùy thuộc ở kinh nghiệm của chính đứa trẻ cảm thấy mình là một người có khả năng, có trách nhiệm trong một mối quan hệ, trong đó nó sẽ khám phá hai sự thật căn bản này: là không có ai thực sự biết nhiều về thế giới nội tâm của một người bằng chính cá nhân ấy; vì rằng họ tự do và trách nhiệm đều tăng trưởng từ nội tâm con người. Trước hết đứa trẻ phải học được tính tự trọng và ý thức về nhân phẩm của mình, nảy sinh từ sự tự hiểu biết về bản thân đang gia tăng, trước khi trẻ có thể học được cách tôn trọng nhân phẩm, quyền hạn và những khác biệt của người khác” (SMNH)

Xuyên suốt các buổi trị liệu, nhà trị liệu không ngừng khơi dậy cho trẻ khả năng tự nhận lãnh những hành động của mình, tạo điều kiện cho khả năng ấy bộc lộ, thừa nhận khả năng ấy.

-         Trẻ để tuột một bình chai và nó va vào vòi nước, trẻ nói: Chúng có thể bể và gây thương tích, cô có sợ cho em không?

-         NTL: Cô nghĩ là em biết cách giữ gìn

Đặc biệt, trong những hoạt động chơi biểu tượng của trẻ, những tình huống gây đau khổ được trẻ phục dựng lại, nhà trị liệu có thể giúp trẻ học cách khám phá sức mạnh nội tâm và làm chủ cảm xúc của mình.

-   Trẻ tổ chức tiệc trà cho các bạn. Trẻ vô tình làm đổ ly trà. Trẻ la hoảng: Không có tiệc nữa, Tiệc xong rồi. Em làm đổ nước trà

-   NTL: Tiệc trà chấm dứt vì em làm đổ nước trà ư?

-   Trẻ la lối: Đồ ngốc! Đồ ngốc! Đồ ngốc!

-   NTL: Đó chỉ là chuyện không may thôi

-   Trẻ khóc nghẹn ngào: Chỉ có người ngốc mới làm chuyện không may… Đó là một tai nạn. Nhưng tiệc xong rồi

-   NTL: Tai nạn làm cho em khiếp sợ và khổ sở…

-   Trẻ: Cô cháu mình đi ra khỏi đây. Em không ngốc đâu

-   NTL: Không. Em không ngốc. Nhưng em bị bấn loạn khi có điều gì xảy ra như vậy. (cùng rời phòng chơi với trẻ)

-   Trẻ: Em ân hận

-   NTL: Ân hận? Tại sao em ân hận?

-   Trẻ: Bởi em đánh đổ nước trà. Em vô ý. Em không nên vô ý như thế.

-   NTL: Em nghĩ em nên cẩn thận hơn phải không?

-   Trẻ: Vâng, em nên cẩn thận hơn, nhưng em không ngốc

-   NTL: Có lẽ em vô ý, nhưng không ngốc, phải không?

-   Trẻ: Phải – có nụ cười trên khuôn mặt em

“Nhà trị liệu giúp trẻ phát huy năng lực để đối phó với thế giới của mình, những năng lực này xuất phát từ nội tâm của trẻ và trẻ phải tự mình có khả năng đối phó với thế giới của mình, như nó hiện có. Bất kỳ sự thay đổi ý nghĩa nào đối với trẻ cũng phải xuất phát từ nội tâm. Nhà trị liệu không hy vọng thay đổi được thế giới bên ngoài trẻ.” (SMNH)

6. Nhà trị liệu không cố gắng thúc giục quá trình trị liệu. Nó là một tiến trình từ từ và phải được nhận biết nhiều bởi nhà trị liệu

Khoảng thời gian đầu của buổi trị liệu đầu tiên, trẻ còn nhiều ngập ngừng vì thế có nhiều khoảng lặng. “Nhà trị liệu không ép trẻ phải nói trẻ đang nghĩ gì. Nhà trị liệu muốn trẻ cảm thấy và có kinh nghiệm về toàn thể bản ngã của trẻ trong mối quan hệ không bị gò bó bởi những câu hỏi và câu trả lời. Nhà trị liệu muốn trẻ nhận thức rằng trẻ là một người gồm nhiều phần, với những phần chìm nổi, những yêu ghét, những sự sợ hãi và can đảm, những khát khao ấu trĩ và những sở thích chín chắn hơn. Nhà trị liệu muốn trẻ, qua kinh nghiệm, học được trách nhiệm có sáng kiến sử dụng khả năng của mình trong quan hệ với người khác” (SMNH). Nhà trị liệu không dùng những khen ngợi, gợi ý và tra hỏi, điều khiển năng lực đó vào một đường kênh có sẵn. Nhà trị liệu chờ đợi trẻ dẫn đường.

7. Nhà trị liệu không cố gắng định hướng hành động và câu thoại của đứa trẻ trong mọi thái độ. Để đứa trẻ dẫn đường, nhà trị liệu theo sau

Trong những cảnh chơi mang tính biểu tượng diễn tả rõ nét nội tâm sâu xa của đứa trẻ, nhà trị liệu nói theo ngôn ngữ biểu tượng của trẻ, không diễn nghĩa, không cố công biết thêm tình huống.

-   Trẻ để ngôi nhà nhỏ ở giữa thùng cát và xếp những con vật rải rác chung quanh: Những con mèo sống trong căn nhà này. Người chiến sĩ có một con mèo, con mèo thật. Và đây là con vịt. Con vịt không có ao bơi và con vịt muốn có cái ao. Có hai con vịt. Đây là con vịt lớn, nó can đảm. Đây là con vịt nhỏ, nhưng không can đảm như vậy. Con vịt lớn có thể có cái ao riêng và nó không muốn có ao riêng. Bây giờ hai con vịt này đã gặp nhau và chúng đang đứng ở đây với nhau và chúng cùng nhìn xem chiếc xe tải chạy bên ngoài cửa sổ.

-   NTL: Như vậy là con vịt con muốn có cái ao an toàn riêng của nó, có lẽ giống như cái ao mà nó nghĩ là con vịt lớn có phải không?

-   Trẻ: Đúng vậy. Cùng với nhau, chúng xem cái xe tải lái vào. Xe vận tải đậu, người lái xe đi vào trong toà nhà, ông chất hàng lên xe, và khi đầy rồi lại lái đi… Xe chở đầy. Khi nó chạy qua, nó để lại vệt, vệt một chiều và nó trút cát ở chổ này… - Trẻ lấy ba chú lính để lên xe và phủ cát lên - Đây là con đường một chiều và ba người này lên xe và không khi nào họ về nữa.

-   NTL: Họ đi xa và ở luôn à?

-   Trẻ: Đúng vậy, mãi mãi… - Trẻ vùi chiếc xe có ba chú lính vào trong cát - Này vịt con, mày thấy sự việc xảy ra đó. Chúng mất tiêu rồi. - Trẻ lấy chú vịt để trên đỉnh đống cát vùi xe

-   Trẻ đột ngột nói: Bữa nay là ngày lễ người thân

-   NTL: Phải, đúng rồi

-   Trẻ: Để chúng lại đây, cả đêm, cả ngày. Đừng gỡ chúng xuống

-   NTL: Em muốn chúng cứ ở yên như em đã vùi à?

-   Trẻ: Dạ phải. Cô ghi lại trong sổ ghi chú của cô. Dibs đến. Hôm nay nó thấy cát thú vị. Dibs chơi với căn nhà và những người lính lần chót, chào cô.

8. Nhà trị liệu chỉ thiết lập những giới hạn cần thiết để việc trị liệu neo trong một thế giới thật và làm cho đứa trẻ nhận biết trách nhiệm trong những mối quan hệ

 “Một đứa trẻ cảm thấy an lòng trước những giới hạn thực tế và bất dịch. Nhà trị liệu kiên định với những nguyên tắc về giới hạn thời gian để giúp trẻ phân biệt giữ những tình cảm và những hành động của trẻ. Giúp trẻ hiểu một giờ trong phòng chơi trị liệu chỉ là một phần của cuộc sống của trẻ, nó không thể và không nên lấn lướt những liên hệ và kinh nghiệm khác” (SMNH). Thời gian giữa những buổi hẹn hàng tuần cũng quan trọng, trẻ có thể muốn thay đổi giờ hẹn hàng tuần và muốn nó diễn ra hằng ngày để trốn tránh cuộc sống thực của mình.

- Trẻ: Không về đâu. Không bao giờ

- NTL:Em thấy khổ sở khi cô nói em phải về, phải không? Nhưng tuần tới em lại đến. Thứ năm tuần tới.

- Trẻ: Thứ sáu em lại hả?

- NTL: Thứ năm tuần tới em trở lại. Bởi vì thứ năm là ngày em đến phòng chơi

- Trẻ: Không. Dibs không ta khỏi đây, Dibs không về nhà. Không bao giờ về!

- NTL: Cô biết em không muốn về. Nhưng cô và em mỗi tuần chỉ có một giờ với nhau ở phòng chơi này thôi. Và khi hết giờ thì dù em cảm thấy thế nào, cô cảm thấy thế nào, hay ai đó cảm thấy thế nào chăng nữa thì hết giờ cả hai cô cháu đều phải ra khỏi phòng. Bây giờ tới giờ chúng ta ra về.

“Giá trị của những trải nghiệm tích cực trong thời gian trị liệu tùy thuộc vào sự cân bằng giữa những gì trẻ đưa vào trong buổi trị liệu và những gì trẻ nhận được từ buổi trị liệu. Nhà trị liệu giúp trẻ cảm thấy trẻ có nhiệm vụ phải mang theo các khả năng đang tăng trưởng nơi em để lãnh nhận trách nhiệm về phần mình và nhờ vậy có được sự độc lập về tâm lý” (SMNH).

Trẻ nói trong tiếc nuối: Em biết. Ở đây em có thể làm được nhiều việc, nhưng rồi, cuối cùng bao giờ em cũng phải về.

Vào buổi trị liệu cuối cùng, trẻ hiểu được ý nghĩ của giới hạn thời gian trị liệu, nhận thức rõ ràng những mối quan hệ đời thực mà trẻ có, cũng như trách nhiệm đối với những mối quan hệ đó, trẻ nói trong thanh thản: Ngay cả khi em không muốn về nhà, thì đó vẫn là nhà em.

Những nguyên tắc về thiết lập giới hạn về thời gian bao gồm: thông báo thời gian làm việc đầu giờ; cuối giờ cần báo trước bao nhiêu phút còn lại trước khi kết thúc giờ làm việc; thông báo giờ hẹn lần sau. Bảo đảm giữ đúng thời gian đã qui định.

Ngoài ra còn có các nguyên tắc về không gian như: trẻ được phép rời khỏi phòng chơi trị liệu khi chưa hết giờ, nhưng trẻ không được trở lại phòng chơi trong giờ trị liệu của ngày đó.

III. Tiến trình trị liệu

Là một quá trình đầy gay go cho trẻ và cả gia đình khi phải bộc lộ bản thân, có những lúc tưởng chừng quá trình trị liệu có thể ngưng vì những ảnh hưởng của nó trong đời sống thực, khi những cách giao tiếp trong gia đình vẫn không đổi.

Giai đoạn đầu trẻ ngập ngừng và còn nhiều sợ hãi, trẻ chọn cách thức “an toàn” là gọi tên đồ vật. Nhà trị liệu trao quyền hành động cho đứa trẻ bằng một lời nói minh bạch rõ ràng. Nhà trị liệu phản hồi lại những điều trẻ làm như một sự truyền thông thừa nhận những hành vi của trẻ đang làm, không hỏi thêm thông tin, không thúc ép, không định hướng. Thời gian đầu có thể có nhiều khoảng lặng, trẻ có thể dò xét chính nhà trị liệu, cũng có thể chưa biết phải làm gì trong khỏang thời gian trị liệu. Trẻ cần xây dựng lòng tin vào nhà trị liệu, tin vào nhà trị liệu thật sự cho phép trẻ tự do thể hiện bản thân nó, chấp nhận hành vi của nó. Nhà trị liệu không thúc ép tiến trình khi trẻ im lặng, hoàn toàn tôn trọng mọi hành vi của trẻ trong mọi thái độ của mình.

Khi cảm nhận được sự chấp nhận và lòng tin vào nhà trị liệu, trẻ bộc lộ nhiều hơn những cảm xúc của mình trên những trò chơi có tính biểu tượng. Những nỗi khổ được ẩn giấu trong những trò chơi biểu tượng. Nhà trị liệu phải dùng ngôn ngữ biểu tượng của trẻ khi đi vào thế giới biểu tượng đó, không diễn giải những hình ảnh biểu tượng của trẻ bằng ngôn ngữ đời thường. Cảm xúc của trẻ và bối cảnh trong trò chơi biểu tượng đang diễn ra là thực tại nhà trị liệu phải làm việc cùng với trẻ ngay thời gian đó. Trẻ chủ động hoàn toàn trong việc xây dựng thế giới biểu tượng đó, nhà trị liệu là người được trẻ dẫn đắt vào thế giới đó. Khi trẻ rời khỏi thế giới đó, nhà trị liệu cũng phải rời đi. Đôi khi những hình ảnh biểu tượng gây những cảm xúc vượt quá sức chịu đựng hoặc gây nổi kinh hãi cho trẻ, trẻ tự mình chọn một cách thức hành động an toàn hơn. Nhà trị liệu tạo một mối quan hệ ấm áp thân tình ngay từ đầu để giúp cho trẻ trải nghiệm mọi cảm xúc dù khi trẻ né tránh những nổi đau khổ hay khi trẻ đang phải vật lộn với những đau khổ đó để trưởng thành hơn. Trong suốt quá trình trị liệu, trẻ lựa chọn cách thức lãng tránh hay đối đầu những khó khăn của mình là quyền của đứa trẻ, mọi quyết định thay đổi đều phải xuất phát từ nội tâm của bản thân trẻ. Nhà trị liệu thừa nhận khả năng thay đổi của trẻ, và chỉ tạo điều kiện cho những khả năng đó được thực hiện bằng chính mối quan hệ tôn trọng, chấp nhận, thông hiểu trẻ như chính nó.

Những thay đổi của trẻ bên ngoài phòng trị liệu thông qua những phản hồi từ phụ huynh, từ những người thân cận bên trẻ. Những thay đổi này phải dựa trên bản ngã mà chính trẻ thừa nhận chính mình, chứ không từ sự thúc ép của người khác. Mục đích của trị liệu tâm lý thân chủ trọng tâm là giúp thân chủ thừa nhận bản ngã toàn diện của mình, thừa nhận những khả năng của mình có và thể hiện bản thân ra thế giới xã hội bên ngoài một cách hài hòa.

Những thay đổi của trẻ làm thay đổi chính phụ huynh. Cách thức giao tiếp trong gia đình thay đổi theo hướng cởi mở, thân tình và chấp nhận sự hiện diện của tất cả các thành viên trong gia đình. Mỗi thành viên nhận lãnh một trách nhiệm cho sự trưởng thành từ những thay đổi nội tâm của bản thân. Làm nên các mối quan hệ tôn trọng, chân thành, thông hiểu lẫn nhau trong chính gia đình mình.

Trẻ tiếp tục sử dụng những hoạt động chơi biểu tượng để dàn xếp những cảm xúc thù hận, ghen ghét bị dồn nén trong lòng với các mối quan hệ có liên quan. Nhà trị liệu tiếp tục là một “chứng nhân đáng tin cậy” cho những hoạt động chơi biểu tượng có tính trừng phạt và cứu chữa, có tính hận thù và tha thứ của trẻ. Cho đến khi trẻ có thể hóa giải được với những tình cảm đã xâu xé mình, có thể vượt qua những cảm xúc nội tâm dằn vặt đó, trẻ học cách làm chủ bản thân, khám phá nội lực trưởng thành; lúc đó, trẻ có thể xây dựng nên bản ngã toàn vẹn của mình. Cuối giai đoạn trị liệu, các trò chơi biểu tượng được trẻ giải mã công khai. Các mối quan hệ có liên quan đến sự rối nhiễu tình cảm của trẻ được giàn hoà, trẻ nhìn nhận vai trò của mình trong gia đình và nhìn nhận vai trò của từng thành viên trong gia đình đối với bản thân. “Trẻ đã thành người theo quyền hạn của mình. Trẻ tìm được ý thức về nhân phẩm và sự tôn trọng. Với sự tự tin và sự an tâm này, em có thể học được cách thừa nhận và tôn trọng người khác trong thế giới của em” (SMNH).

IV. Làm việc với Phụ Huynh

Sa Mạc Nở Hoa mô tả lại ba buổi làm việc giữa nhà trị liệu với người mẹ.

Ngay từ đầu, quan điểm của nhà trị liệu là tôn trọng vào những quyết định của phụ huynh trong việc tham gia hỗ trợ trị liệu cho trẻ. Ngay cả khi, phụ huynh từ chối bị phỏng vấn về tình trạng của trẻ và bối cảnh gia đình. Nhà trị liệu giữ nguyên tắc chuyên nghiệp với phụ huynh trong việc sắp xếp thời gian và nơi chốn làm việc với trẻ tại Trung tâm chuyên môn – nơi có phòng chơi trị liệu cho trẻ em. Vấn đề thù lao và các thủ tục hành chính trong việc sử dụng trường hợp của trẻ cho mục đích nghiên cứu cũng được nói rõ từ buổi ban đầu.

Sau một khoảng thời gian trị liệu cho trẻ, người mẹ yêu cầu gặp nhà trị liệu, đây là lần làm việc thứ hai. Cuộc gặp gỡ không phải là cuộc tham vấn có tính huấn luyện để tăng cường mối quan hệ mẹ-con, quan điểm của nhà trị liệu được bày tỏ rõ ràng trong thái độ: tôn trọng sự tự do bày tỏ thế giới riêng tư của người mẹ, tùy vào sự tự nguyện của bà. Nhà trị liệu không cố ý thăm dò, không xăm xoi, không hối thúc phụ huynh phải trình bày thân thế và hoàn cảnh gia đình. Nhưng chính mối quan hệ dựa trên sự chấp nhận và tôn trọng đã mang lại một sự thân tình, nâng đỡ, không phán xét, khiến phụ huynh có thể bày tỏ những khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ, cả những rắc rối trong gia đình đang mắc phải - Những khổ sở của một người mẹ và một người vợ. Người phụ huynh được chia sẻ, được cảm thông những khổ tâm có động lực hơn trong sự tham gia hỗ trợ trị liệu cho trẻ. Mối quan hệ giữa nhà trị liệu và phụ huynh góp phần quan trọng trong việc duy trì thời gian trị liệu cho trẻ.

Lần gặp mặt thứ ba diễn ra khi phụ huynh nhìn thấy những chuyển biến tích cực từ phía trẻ, cả những chuyển biến tích cực từ các mối quan hệ trong gia đình. Mối quan hệ tin cậy giữa nhà trị liệu và phụ huynh được củng cố, phụ huynh có thể an tâm hơn khi trình bày những trục trặc trong chính cách nuôi dạy con của mình trước đây vì lòng tin tưởng vào sự thay đổi đang mang lại hoa trái bước đầu. Chính phụ huynh cũng trải nghiệm sự thay đổi của chính mình khi nhìn thấy sự biến đổi của trẻ.

Quyển sách vẫn còn đó nhiều điều quý giá chưa thể đọc hiểu và ứng dụng hết. Việc học tập của một người hành nghề tâm lý trị liệu vẫn luôn ở phía trước. Bạn đọc cùng chúng tôi, tất cả chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục công việc khai phá đầy tính thách thức nhưng hết sức thú vị này...

 HOẠT ĐỘNG CHƠI Ở TRẺ EM

 Cử nhân Tâm lý NGUYỄN THỊ THU TRÚC

Hoạt động chơi (Play Activity)

Theo từ điển Từ và Ngữ Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Lân biên soạn, định nghĩa Chơi là hoạt động với mục đích được vui hay thoả thích, tham dự các hoạt động cụ thể như thể thao, nhạc cụ… Trong bối cảnh khác, chơi còn là hoạt động quan hệ giao tiếp với người khác, như: kết bạn (chọn bạn mà chơi), thăm hỏi (đến chơi nhà)…

Theo Tự điển Wikipedia, Chơi (Play) là một kiểu hoạt động mang đặc tính trí tuệ kết hợp với thế giới quan của con người. Hoạt động chơi có thể bao gồm những tương tác bên ngoài và bên trong tâm trí của người chơi, những tác động qua lại có tính vui thú, giả vờ, tưởng tượng. Những kiểu hoạt động chơi được thể hiện rõ trong suốt quá trình phát triển tự nhiên của con người, đặc biệt trong quá trình phát triển nhận thức và xã hội hóa ở trẻ em. Hoạt động chơi thường đi kèm với đồ chơi, động vật và đạo cụ tuỳ theo hoàn cảnh học tập và tiêu khiển. Một vài hoạt động chơi xác định mục đích rõ ràng và có cả luật chơi thì nó được gọi là trò chơi (Game).

Có nhiều quan điểm chưa thống nhất về định nghĩa hoạt động chơi của con người, phân biệt nó với những hoạt động khác - không phải hoạt động chơi (nonplay). Trong tính tương đối của sự phân biệt này, các nhà khoa học đưa ra các yếu tố thường có trong hoạt động chơi như:

- Sự tham gia của chủ thể vào hoạt động

- Tính vui thú, thỏa thích của hoạt động cho người tham gia

- Tính tự nguyện của chủ thể vào hoạt động

Những yếu tố khác còn gây tranh cãi như:

- Tính giả định của hoạt động

- Mức độ nghiêm túc, đầu tư trí tuệ của chủ thể tham gia vào hoạt động

- Tính qui ước về luật lệ của hoạt động

- Động cơ bên trong của chủ thể tham gia hoạt động

- Mục đích bên ngoài mà chủ thể muốn chiếm lĩnh thông qua hoạt động

Những yếu tố kể trên có tính nổi trội trong các trường hợp xác định cho hoạt động chơi của con người. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể, nó cũng xuất hiện trong những hoạt động khác của con người. Ví dụ: chơi thể thao, đối với các vận động viên là lao động nghiêm túc, với người thường nói chung là hoạt động thư giãn. Người ta vẫn có cách nói đời thường kiểu “học như chơi”, “làm như chơi” hoặc “chơi như thiệt” cho thấy sự khó phân biệt các tính chất giữa hoạt động chơi và những hoạt động không phải chơi trong những trường hợp cụ thể. Nhà văn Mark Twain cho rằng: chơi và làm việc là những từ mô tả cùng một sự việc trong những điều kiện khác nhau.

Trong giới hạn của bài viết này, hoạt động chơi được tìm hiểu trong phạm vi tuổi ấu thơ, của trẻ nhỏ từ 0- 6 tuổi.

Cần được chơi là quyền của trẻ em

Một thực tế quan sát là hoạt động chơi chiếm phần lớn thời gian trong suốt quá trình phát triển của trẻ nhỏ từ 0-6 tuổi. Nhiều nhà chuyên môn nghiên cứu về hoạt động chơi của con người đã tìm hiểu và đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau về hoạt động chơi ở trẻ em.

Theo một số lý thuyết cổ điển, chơi là hoạt động không mục đích, tự nhiên sẵn có của sinh vật nhằm giải tỏa năng lượng dư thừa (Lý thuyết Năng lượng Thặng dư – Surplus energy theory), hoặc là hoạt động thư giãn nhằm nạp lại năng lượng đang thiếu hụt (Lý thuyết Thư giãn – Relaxation theory). Hai lý thuyết trên đều xem hoạt động chơi không mang mục đích quan trọng nào và có thể thay thế bằng hoạt động khác.

Lý thuyết Tiền tập luyện (Pre-exercise theory) thì cho rằng chơi là hành vi bản năng. Đứa trẻ chơi một cách bản năng như là một dạng hành vi sau này nó sẽ dùng tới. Những nội dung chơi được xây dựng từ những hành vi của người lớn. Chơi được coi như là sự chuẩn bị cho công việc trong tương lai. Như vậy lý thuyết này ngầm nhìn nhận chơi là hoạt động có mục đích và tiến đến việc xem xét nội dung cần chuyển tải trong các hoạt động chơi của trẻ.

Cũng đánh giá hoạt động chơi như là hành vi mang tính bản năng có ý nghĩa, lý thuyết Tóm lược (Recapitulation Theory) xem xét hoạt động chơi không chỉ là phạm trù hành vi của cá thể riêng biệt nhưng liên quan đến những hành vi trong quá trình tiến hoá của cả giống loài. Các giai đoạn chơi của trẻ phản ánh các giai đoạn phát triển của nhân loại, đi từ đơn giản đến phức tạp. Chơi trở thành hoạt động thoát ly có tính bản năng được di truyền lại, giúp sinh vật dần dần thoát khỏi những kỹ năng không còn cần thiết nữa. Theo đó, con người thoát ra khỏi những hành vi nguyên thủy, chơi chuẩn bị cho những hành vi mang tính thời đại. Như vậy, lý thuyết này bắt đầu chú ý nghiên cứu về các giai đoạn chơi ở trẻ trong các độ tuổi khác nhau.

Các lý thuyết đương đại coi hoạt động chơi có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của trẻ. Hầu hết các nhà chuyên môn hiện nay đều cho rằng hoạt động chơi là phương thế thiết yếu để trẻ hiểu biết về thế giới xung quanh và sống thích ứng với thế giới đó. Thậm chí các nhà khoa học nhận định: chơi chính là học.

Mặc dù trẻ không chủ ý chơi để học, nhưng trẻ thật sự học từ qua những cuộc chơi đầy vui thích. Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động chơi liên quan đáng kể đến:

      - Khả năng tư duy logic: Bằng việc trải nghiệm những thao tác lập đi lập lại và hệ quả của nó thông qua những cuộc chơi, trẻ học được quy luật nhân quả và dần dần có thể phỏng đoán được hệ quả của một hành vi sắp diễn ra.

      - Khả năng sáng tạo: Đây là dạng tư duy cấp cao, trẻ học qua những đồ chơi như khối gỗ, đất nặn, lego, bút vẽ… sáng tạo ra những tác phẩm, những hình thù của vạn vật mà trẻ từng được thấy, theo cách riêng của trẻ, không gò ép theo khuôn mẫu hay luật lệ nào. Bác sĩ nhi khoa, nhà phân tâm học nổi tiếng D.W. Winnicott cho rằng “Chỉ qua hoạt động chơi và trong hoạt động chơi, trẻ mới được tự do sáng tạo”.

       - Khả năng giải quyết vấn đề: “Chơi cho phép đứa trẻ giải quyết ở dạng biểu tượng những vấn đề chưa được giải quyết trong quá khứ và sao chép (to cope) những mối quan tâm hiện tại một cách trực tiếp hoặc một cách biểu tượng. Chơi là công cụ quan trọng để chúng chuẩn bị cho bản thân những nhiệm vụ trong tương lai” - Phát biểu của Bruno Bettelheim, nhà tâm lý học trẻ em.

       - Khả năng phối hợp, cộng tác với người khác: Những trò chơi mà trẻ có thể cùng chơi với bạn đồng trang lứa, với người lớn hay với tập thể nhóm giúp trẻ biết điều chỉnh hành vi trong giới hạn phù hợp với người cùng chơi, biết chờ đợi đến lượt mình, tôn trọng lượt chơi của người khác, duy trì được sự vui thích khi chơi hoà hợp với người khác.

       - Khả năng diễn đạt ngôn ngữ và phi ngôn ngữ: Chơi là một cơ hội đầy thích thú để trẻ học cách diễn đạt ngôn ngữ và phi ngôn ngữ qua những trò chơi như giả vờ sắm vai với búp bê hay với bạn cùng chơi, hoạt động vui chơi như nhảy múa, ca hát… . “Chơi là sự phát triển khả năng bày tỏ cao nhất của con người trong tuổi ấu thơ, vì nó bày tỏ tự do mọi điều trong tâm hồn của trẻ” – phát biểu của Friedrich Froebel, cha đẻ của mô hình vườn trẻ ngày nay.

       - Khả năng làm chủ cảm xúc: “Chơi là con đường chính đề học cách tự chủ cảm xúc. Nó cho trẻ không gian an toàn đề trải nghiệm theo ý muốn, tạm hoãn những luật lệ và chế ngự thực tế xã hội vật lý. Trong hoạt động chơi, trẻ trở thành “quan” (master) hơn là “dân” (subject)…chơi cho phép trẻ chuyển từ bị động sang chủ động đối mặt những điều xảy ra xung quanh chúng” - Alicia F. Lieberman, tiến sĩ tâm thần học trẻ em.

Trẻ được chơi nhiều thường vui vẻ, hoạt bát, dễ cùng chơi và được bạn bè yêu mến hơn trẻ ít được cho chơi. Tất cả những điều trẻ có thể hấp thụ được trong khi chơi kích thích sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: vận động, trí tuệ, quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp… nếu ít được chơi, trẻ phát triển một cách thiếu hụt về tâm lý, trí năng và xã hội. Như vậy, được chơi là nhu cầu tối quan trọng của trẻ. Trẻ được vui chơi sẽ học và thực tập sống thích nghi với môi trường và xã hội xung quanh chúng.

Ảnh hưởng của hoạt động chơi lên sự phát triển của Trẻ em

1. Phát triển các kỹ năng vận động (motor skills) - trí tuệ

Hầu hết các hoạt động chơi đều năng động và làm tăng các kỹ năng vận động tinh tế, vận động phối hợp và sự linh hoạt. Trẻ có thể học qua các thao tác vận động của bàn tay và phối hợp chính xác với mắt và đôi chân như: cầm - nắm, đập - lắc, kéo - đẩy, quăng - nhặt, ném - chụp, chạy - nhảy, leo trèo, đá – đánh banh, tô vẽ - viết chữ…

Ở độ tuổi từ 0-6, phát triển vận động- trí tuệ (tâm vận động) luôn đi song hành như hai mặt của một đồng tiền. Trẻ thao tác trên đồ vật đồng thời hấp thu các tính chất, cấu trúc của đồ vật đó, làm khả năng tư duy phát triển. Trẻ có thể học phân loại nhóm các đồ vật dựa theo tính chất: số, chữ, hình dạng, kích cỡ… Trẻ học được nhiều quy luật tự nhiên trong các thao tác thử đi thử lại nhiều lần với đồ chơi như luật nhân - quả, luật bảo tồn khối lượng, luật bất biến... Theo độ tuổi, tư duy của trẻ phát triển dần dần từ trực quan, thao tác cụ thể đến trừu tượng, hành động có kế hoạch, thông qua các trò chơi tưởng tượng, giả vờ, đóng kịch, sắm vai...

Trẻ được tiếp cận với nhiều đồ chơi khác nhau sẽ cho ta thấy sự tiến lên về cấp độ phát triển trí tuệ.

2. Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp

Các kỹ năng giao tiếp thường có như: tập trung lắng nghe, tương tác mắt, chờ đến lượt (turn-taking), bắt chước, hiểu và đáp ứng giao tiếp qua điệu bộ (gesture) và âm ngữ (vocalisation) theo kiểu nhân quả được trẻ thể hiện rất sớm, và thể hiện rất phong phú qua hoạt động chơi có tương tác với người khác. Trẻ cần có người lớn bên cạnh cùng chơi để lý giải và mở rộng thêm những khám phá của trẻ. Vốn từ vựng của trẻ nhanh chóng tăng triển, sắp xếp từ thành câu đúng ngữ pháp, khả năng diễn đạt linh hoạt là nhờ được chơi với người lớn. Trẻ cũng cần có bạn cùng chơi để có thể học cách chia sẻ niềm vui, cách chờ đợi đến lượt, cách hợp tác phân công nhiệm vụ. Các hoạt động chơi giả vờ phân cảnh, sắm vai, đóng kịch… là các trò chơi cấp độ cao về khả năng giao tiếp của trẻ. Trong khung cảnh giả định an toàn, trẻ được tự do sắm vai nhân vật yêu thích, thể hiện các điệu bộ và ngôn từ của nhân vật.

Các kỹ năng ngôn ngữ như nghe, nói, đọc, viết cũng được học tự nhiên thông qua hoạt động chơi có sự quan sát và tương tác với người cùng chơi. Các hoạt động vừa chơi vừa học gây vui thích thường là: kể chuyện, vẽ hình, nặn tượng… Song song đó, trẻ cũng học được những ngôn ngữ không lời như ra dấu, hình ảnh, âm nhạc…

Tóm lại, điều kiện tối quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ là có người cùng chơi.

3. Phát triển các kỹ năng xã hội

Song song với việc phát triển khả năng giao tiếp là sự phát triển các kỹ năng xã hội. Trẻ lĩnh hội những quy tắc xã hội trong các hoàn cảnh khác nhau được tái hiện trong những hoạt động chơi giả vờ phân cảnh, sắm vai… Trong các hoạt động chơi này, những quy tắc xã hội được trẻ tiếp thu một cách tự nhiên, không ép buột nặng nề. Ví dụ: trẻ chơi búp bê, búp bê vào trong nhà thì cởi giày cho búp bê, búp bê ăn phải ngồi vào ghế, … Trẻ học được các giới hạn của hành vi trong từng hoàn cảnh giả định của trò chơi, như: cho xe chạy trên đường, không cho xe chạy trong nhà… Việc nhận biết và phân biệt giới tính của bản thân và của người khác cũng được học qua những hoạt động chơi. Trẻ được hướng dẫn để chọn những đồ chơi theo giới tính của mình.

Trẻ có bạn cùng chơi thì có cơ hội xây dựng mối quan hệ bạn bè. Trẻ biết cách thương lượng với bạn khác để cùng chơi chung một món đồ hay tham gia vào nhóm bạn đang chơi. Trẻ sẽ trở nên mạnh dạn tự tin hơn trẻ chỉ được chơi một mình.

4. Khả năng làm chủ bản thân

Chơi giúp trẻ bày tỏ cảm xúc, trước khi trẻ có thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt. Nếu trẻ tỏ ra gây hấn với búp bê trong hoạt động chơi, ta có thể hiểu trẻ đang muốn nói rằng trẻ đang khó chịu và tức giận một việc gì đó. Thông qua chơi, trẻ có thể diễn lại hoàn cảnh thật từng gây căng thẳng trong tình huống giả định an toàn hơn, để trẻ có thể giải toả cảm xúc bực bội ra ngoài. Khi trẻ có thể bày tỏ và giải toả những cảm xúc tiêu cực, những lo hãi, những huyễn tưởng ấu thơ, trẻ có thể làm chủ được những cảm xúc bản thân.

Các hoạt động chơi giúp trẻ bày tỏ cảm xúc thường là búp bê, con thú, con rối, hình ảnh, tranh vẽ, đất cát, đất nặn…

Các lý thuyết đương đại về chơi

1. Lý thuyết Phát triển nhận thức (Cognitive development theory) của Jean Piaget

Piaget cho rằng trẻ em là những người học đầy năng động và tự động. Bản thân trẻ em có tính tò mò tự nhiên đối với thế giới xung quanh chúng. Chúng luôn năng nổ tìm kiếm thông tin để có thể lý giải và hiểu về thế giới đó. Chúng thường trải nghiệm những vật thể mà chúng tình cờ gặp phải, khám phá và quan sát những hệ quả từ những hành vi của chúng. Khi trẻ chơi, đó chính là lúc trẻ khám phá thế giới qua những tính chất và cấu trúc của đồ vật và qua những hành vi tác động lên đồ vật đó.

Quá trình học tập của trẻ có tính cơ cấu và tính cá thể. Đứa trẻ năng động tìm tòi thông tin và kết nối các thông tin theo cách riêng của chúng để lý giải về môi trường sống xung quanh. Piaget dùng thuật ngữ “sơ cấu” (Scheme) để giải thích tính cơ cấu trong quá trình học tập của trẻ. Sơ cấu là một cách nói trừu tượng về một dạng cấu trúc nhận thức đơn giản trẻ có được nhờ những hành vi phản xạ tự phát ban đầu. Khi các kích thích quen thuộc xuất hiện thường xuyên, các phản xạ tự phát dần dần có chọn lọc, sơ cấu càng được củng cố và trở thành kiểu hành vi có thể lập đi lập lại khi trẻ nhận biết kích thích quen thuộc tác động. Piaget cho rằng trẻ luôn sử dụng lập đi lập lại các sơ cấu mới đạt được trong các tình huống tương tự và mới mẻ. Quá trình lập lại các sơ cấu đó giúp đứa trẻ chọn lọc các hành vi và kết hợp chúng lại. Các sơ cấu được tổ chức và kết nối với nhau dựa trên quá trình tư duy thao tác logic này trở thành các “thao tác” (Operations). Lý thuyết này được chứng thực khi ta quan sát trẻ chơi. Khi chơi, trẻ thao tác lập đi lập lại nhiều lần trên một vật và thử chơi bằng nhiều cách khác nhau với đồ chơi đó, cho tới khi chọn được cách chơi tương ứng với chức năng của đồ vật đó, và kết hợp chơi giữa đồ vật đó với đồ vật khác. Trẻ đập, quăng chiếc xe nhiều lần trước khi biết đẩy xe chạy và cho hình người lên xe.

Theo Piaget, Những sơ cấu càng phát triển cho phép đứa trẻ càng thích nghi hơn với với môi trường sống. Sự phát triển của các sơ cấu dựa trên hai cơ chế: đồng hoá (assimilation) và điều ứng (accommodation). Quá trình đồng hoá giúp mở rộng các sơ cấu với những đối tượng mới có tính chất tương đồng với những đối tượng đã biết, quá trình điều tiết giúp mở rộng các sơ cấu với những đối tượng mới có tính chất mới chưa hề biết. Ví dụ, trẻ biết kẹo là vật nhỏ, có màu, bỏ vào miệng ăn thì ngọt; trẻ thấy nút áo cũng là vật nhỏ, có màu, nên bỏ vào miệng ăn; đây là quá trình đồng hoá. Trẻ ngậm nút áo không thấy ngọt, và người lớn bắt nhè ra, dần dần, trẻ biết thêm có vật mới là nút áo, nhỏ, có màu, không ngọt, không phải kẹo và không được ăn; đây là quá trình điều tiết. Cả hai quá trình này liên kết với nhau chặt chẽ trong suốt quá trình phát triển hiểu biết và kiến thức về thế giới xung quanh của đứa trẻ.

Piaget cho rằng sự phát triển nhận thức của trẻ tuỳ thuộc vào sự phát triển thành thục của hệ thần kinh qua các độ tuổi khác nhau. Đối với trẻ từ 0-6 tuổi, Piaget chia làm hai giai đoạn phát triển nhận thức:

-          Giai đoạn giác động (Sensorimotor stage) từ khi sinh đến 2 tuổi: Đặc trưng của giai đoạn này là trẻ chỉ có thể nhận biết và tư duy về những gì cụ thể đang thấy, đang làm trước mắt. Trẻ có những trải nghiệm thử và sai (Trial and error experimentation) qua việc lập đi lập lại cách chơi với vật để khám phá những tính chất của đồ vật. Trẻ lăn tròn trái banh, cái ống, cái lục lạc và nhận ra trái banh thì lăn đi, cái ống thì cuộn tròn, cái lục lạc thì phát tiếng. Các thử nghiệm dần dần phát triển thành hành vi có mục đích trực tiếp, những hành vi chủ ý làm để đạt được điều gì đó. Trẻ có thể biết đi về phía trái banh, nhặt trái banh lên. Trẻ hiểu được sự bất biến của vật, dù vật không có trước mắt, trẻ có thể tìm thấy vật. Trẻ thích chơi ú oà, trốn tìm, tìm vật bị giấu. Cuối giai đoạn này, trẻ phát triển tư duy biểu tượng, tượng trưng vật này bằng vật khác. Trẻ cầm khối gỗ nói “a-lô” như máy điện thoại. Khả năng này là dấu hiệu ban đầu giúp trẻ tư duy trừu tượng sau này.

-          Giai đoạn tiền thao tác (Preoperational stage) từ 2-6 tuổi: Khả năng tư duy biểu tượng phát triển mạnh mẽ giúp trẻ có thể tư duy và nói về những trải nghiệm thân cận là đặc trưng của giai đoạn này. Khả năng ngôn ngữ phát triển nhanh chóng cả về từ vựng và cấu trúc câu. Trẻ có thể nghe và hiểu truyện kể có hình ảnh minh hoạ, trẻ thích chơi biểu tượng như vẽ tranh, nặn tượng, … Trẻ thường chơi giả vờ, gán cho đồ vật những chức năng, vai trò nhất định trong bối cảnh giả định. Trẻ chơi nấu ăn trên chiếc lá, múc cơm cho búp bê ăn,… Tuy nhiên, ở giai đoạn này, tư duy của trẻ không theo logic hợp lý thông thường của người lớn. Trẻ đưa ra các câu trả lời theo cảm tính, chứ không suy luận hợp lý. Trẻ có thể cho ly cao ốm thì chứa nhiều nước hơn ly thấp to chỉ vì thấy mực nước ly kia cao hơn. Đến cuối giai đoạn này, trẻ mới dần phát triển tư duy trên các nguyên tắc logic được thấy trực tiếp, bắt đầu cho sự phát triển của giai đoạn thao tác cụ thể (Concrete operations stage) từ 6 đến 12 tuổi.

Lý thuyết của Piaget có tác động sâu sắc đến các nhà ứng dụng tâm lý và nhà giáo dục trẻ em. Lý thuyết này ủng hộ việc cung cấp những cơ hội cho trẻ trải nghiệm về vật thể cũng như các hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống. Mà trong đó, hoạt động chơi là hoạt động thiết yếu và an toàn nhất cho trẻ nhiều cơ hội vui thú để trải nghiệm và khám phá không ngừng, thúc đẩy liên tục sự phát triển trí tuệ của trẻ.

2. Lý thuyết Văn hoá xã hội (Sociocultural theory) của Lev Vygotsky

Lý thuyết về văn hoá xã hội do Lev Vygotsky khởi xướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu tố xã hội và văn hoá tác động lên sự phát triển nhận thức của trẻ em. Hai yếu tố này tác động thông qua sự tương tác của trẻ với đồ vật và với người lớn. Nói cách khác, chính đồ vật và người lớn mà trẻ tương tác luôn mang dấu ấn của nền văn hoá và bản chất xã hội trên mình. Thông qua những tương tác chính thức hay không chính thức, người lớn truyền đạt thông tin cho trẻ theo nhiều cách mà văn hoá của họ đã lý giải về thế giới. Khi trẻ chơi, trẻ học cách sử dụng đồ vật theo chức năng mà cả xã hội và nền văn hóa xung quanh nó qui định.

Nghiên cứu của Vygotsky về hoạt chơi hay trò chơi như là một hiện tượng tâm lý có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Thông qua hoạt động chơi, trẻ phát triển ý nghĩa trừu tượng về vật, phân biệt vật này với vật khác, trong sự phát triển của chức năng thần kinh cao hơn. Chơi như là sự diễn giải trong sự tưởng tượng những ham muốn không thực hiện được ngoài cuộc sống. Đứa trẻ chơi nấu ăn với búp bê vì lòng ham muốn làm giống mẹ nó đã chăm sóc nó. Trẻ có thể dùng cái gối làm em bé, cái nắp làm cái tô, cây que là cái muỗng - những đồ vật đó có tính tượng trưng cho em bé thật và đồ nấu ăn thật mà bé chưa thể sử dụng thành thục được. Qua những hoạt động chơi này, trẻ học được ý nghĩa của từng đồ vật có tính tượng trưng đó và chuyển hoá sang đồ vật thật. Trẻ càng lớn càng hiểu tính tượng trưng của đồ vật và càng hiểu tính giả bộ của hoạt động chơi, trẻ có thể nói: “lấy cây gậy này làm con ngựa để chơi”.

Vygotsky nhấn mạnh hoạt động chơi giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội. Khi trẻ chơi với búp bê và căn nhà đồ chơi, trẻ đang học về vai trò khác nhau của các thành viên trong gia đình. Khi hai chị em chơi với nhau, vai trò chị và em được lộ rõ hơn là những hành vi trong cuộc sống thường ngày. Những tương tác với người khác khi chơi, giúp trẻ học được các quy luật xã hội, dần dần giúp trẻ tự điều chỉnh bản thân. Ví như một đứa trẻ đứng ngay vạch xuất phát chạy đua với những đứa trẻ khác, đứa trẻ nào cũng muốn phóng chạy ngay, nhưng quy định xã hội giúp trẻ phải chờ đợi có dấu hiệu xuất phát mới được chạy.

Những giai đoạn phát triển của trẻ được Vygotsky phân chia theo kỹ năng tư duy và lý luận. Trong đó, khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ từ sớm phụ thuộc vào sự tương tác với người lớn trong tất cả các hoạt động, đặc biệt là hoạt động chơi.

Các nhà tâm lý phát triển lý thuyết của Vygotsky cho rằng hoạt động chơi của trẻ chuẩn bị cho chúng cuộc sống trưởng thành bằng việc luyện tập các hành vi giống như người lớn.

3. Lý thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud

Freud cho rằng nhiều trò chơi của trẻ là cách chuyển hoá của xung lực tính dục bị người lớn kiềm chế. Đối với cha mẹ, anh chị, trẻ có một tình cảm hai chiều trái ngược nhau, vừa yêu mến, kính phục, vừa ghen ghét, căm giận. Tâm trí trẻ chưa đủ sức hóa giải mâu thuẫn giữa hai tình cảm ấy, nên được “trá hình” vào trong những hoạt động chơi. Trong những hoạt động chơi đó, trẻ ôm ấp nâng niu đồ chơi, hay trút giận, đập phá đồ chơi đều là cách giải tỏa những cảm xúc mâu thuẫn nội tại không thể diễn đạt.

Freud là người đầu tiên dùng hoạt động chơi như một liệu pháp chữa các chứng rối nhiễu tâm lý ở trẻ em. Trong hoạt động chơi đó, đứa trẻ được tự do giải phóng nội tâm nhiều uẩn ức, lo hãi, huyễn tưởng trên các đồ chơi. Ông chia các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ dựa theo các biểu tượng gây khoái cảm cho trẻ trong giai đoạn đó.

Erik Erikson, đại diện tiêu biểu cho lý thuyết Phân tâm Cách tân, phân chia các giai đoạn phát triển của trẻ dựa trên những chủ đề xung đột, mà thông qua những xung đột đó trẻ hình thành cái Tôi hài hòa với thế giới xung quanh.

-     Từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi là giai đoạn xung đột giữa sự tin tưởng và không tin tưởng (trust vs. mistrust). Trẻ cần sự quan tâm chăm sóc để đạt được sự tin tưởng vào con người và thế giới xung quanh. Niềm tin này được xây dựng ẩn tàng trong những tiếp xúc xã hội với cha mẹ, những hoạt động chơi giúp các giác quan, chức năng vận động, tri giác thêm phát triển.

-     Từ 15 tháng tuổi đến 3 tuổi là giai đoạn xung đột giữa ước muốn tự làm lấy và sự xấu hổ, nghi ngờ khả năng của mình. Trẻ phát triển ý muốn tự làm lấy trong nhiều hoạt động nhưng thường lại không thành công. Sự tự tin và khả năng độc lập của trẻ phát triển nếu trẻ được cho phép tự làm lấy và hoàn tất trong vui vẻ; ngược lại, trẻ sẽ mang mặc cảm xấu hổ, nghi ngờ bản thân khi không được tự làm và thường bị quát mắng khi làm sai. Các hoạt động chơi lúc này cho phép trẻ có thể tự làm lấy nhiều hoạt động trong tình huống giả định, mà đời thật có thể trẻ không tự làm thành công: ví dụ trẻ đút cháo cho búp bê ăn. Các hoạt động chơi trong giai đoạn này cho trẻ cơ hội để thành công, giải toả xung đột.

-          Từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn xung đột giữa ý muốn tự ý (initiative) và cảm giác có tội (guilt). Giai đoạn này, trẻ có khả năng tự hoạt động và nảy sinh nhiều ý muốn tự ý nhưng luôn phải tuân thủ những giới hạn và qui tắc của xã hội. Trẻ phải đạt được sự cân bằng lành mạnh giữa ý muốn tự ý lựa chọn những điều trong khuôn phép, chứ không bị ép buột hoặc từ chối cảm giác có tội khi lựa chọn những điều không được phép. Các hoạt động chơi tưởng tượng giúp trẻ giải toả xung đột này, trẻ tưởng tượng những tình huống giả định, trong đó những qui luật trở nên được chấp nhận dễ dàng, không gò ép ý chí lựa chọn tự do.

Có thể nói, lý thuyết Phân tâm cho rằng chơi là hoạt động gây phấn chấn, cho phép đứa trẻ làm chủ những tình huống khó khăn. Trẻ sử dụng những tình huống tưởng tượng để đóng vai người lớn, lấy cảm giác làm chủ trong hoạt động chơi mà sao chép trong tình huống thật. Thông qua hoạt động chơi, trẻ có thể tái hiện những sự kiện đau đớn, những xung đột của cá nhân, làm chủ nỗi đau đó bằng cách giải toả nó trong tình huống tưởng tượng.

Các kiểu hoạt động chơi

Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Chơi Tại Hoa Kỳ (National Institute for Play – 46 West Garzas Rd., Carmel Valley, CA 93924 – nifplay.org) có 7 kiểu hoạt động chơi ở con người, phát triển từ trẻ nhỏ đến người lớn trong những dạng hành vi khác nhau. Ở trẻ nhỏ từ 0-6 tuổi, các dạng hành vi trong các kiểu chơi này như sau:

1. Chơi hòa hợp (Attunement Play)

Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi khi được tiếp xúc với mẹ, trẻ thấy hình ảnh mẹ, những trải nghiệm vui sướng do mẹ mang lại. Trẻ đáp ứng lại những nụ cười, khuôn mặt và giọng nói kiểu trẻ con (baby talk) của bà mẹ dành cho trẻ. Có thể nói, khuôn mặt người là “vật” đầu tiên cho trẻ nhận biết hình dạng của mắt, mũi, miệng. Trẻ 3 tháng tuổi có thể nhận biết khuôn mặt mẹ mình trong nhiều khuôn mặt khác. Những hoạt động vui thú của trẻ lúc này là được ẫm bồng, được no thoả, được nghe âm điệu triều mến và cảm nhận cảm xúc vui vẻ của người mẹ. Những trải nghiệm của niềm vui này được ghi trên bán cầu não phải, là nơi tổ chức điều khiển cảm xúc hoà hợp đầu tiên giữa trẻ và mẹ.

2. Chơi vận động thân thể (Body Play and Movement)

Kiểu chơi vận động thân thể là niềm vui thú của trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi. Về vận động thể lý, trẻ thích xoay trở lật mình, tập ngồi, tập đứng và tập đi, trẻ cảm nhận cảm giác giữ thăng bằng và cảm giác về trọng lượng của mình. Trẻ vận động cơ thể liên tục: tay vung vẫy, chân đá, toàn thân nhún nhẩy. Trẻ bắt đầu phát triển vận động tinh tế của bàn tay, ngón tay bằng việc thao tác trên nhiều đồ chơi khác nhau. Ngoài ra, trẻ nói líu lo nhiều để cảm nhận vận động của dây thanh quản, để nghe âm điệu cho mình tạo ra.

3. Chơi với đồ vật (Object Play)

Từ rất sớm trẻ đã có kiểu chơi với đồ vật. Đồ chơi giúp những đặc trưng nhân cách được cá thể hoá cao, ví dụ trẻ trai hoặc gái có những đồ chơi yêu thích riêng. Đồ chơi cũng giúp những kỹ năng thao tác công cụ phát triển. Bàn tay của trẻ được chơi trên nhiều kiểu đồ chơi khác nhau sẽ giúp não phát triển những kỹ năng thao tác khéo léo.

Kiểu chơi này và kiểu chơi vận động thân thể nằm trong giai đoạn Giác động mà Piaget mô tả. Trẻ trải nghiệm cảm giác cơ thể và vận động thể lý với đồ vật và với người khác. Những hành vi của trẻ phát triển từ những phản xạ sinh học giúp trẻ sống còn, đến những hành vi có tính tri giác dựa trên việc lập đi lập lại những cảm nhận giác quan. Khoảng 6 thàng đầu, sơ cấu hành vi đơn giản đã hình thành thông qua những hoạt động thử và sai. Trẻ sử dụng những sơ cấu hành động như kéo, đẩy, cầm, nắm, quăng, nhặt đồ vật để trải nghiệm cảm giác và vui thú những chuyển động. Khi trẻ làm chủ những khả năng vận động, những sơ cấu đơn giản sẽ phối hợp tạo thành chuỗi hoạt động chơi phức tạp. Trẻ đẩy banh và trườn lên banh, tìm trái banh bị mất. Trẻ 9 tháng tuổi đã biết xếp đồ vật thành hàng, trẻ chơi với vật theo cách thức giống nhau và xem cách đồ vật tác động trở lại. Bằng việc đẩy những độ vật khác nhau, trẻ học được rằng trái banh thì lăn đi, cái ống thì xoay tròn, cái lục lạc thì phát ra tiếng. Khoảng 12 tháng tuổi, trẻ biết chơi với vật theo những cách khác nhau và riêng biệt hơn trước. Trẻ sẽ quăng hoặc đá trái banh, sẽ lắc cái lục lạc. Trẻ nhỏ trong năm thứ hai, nhận biết chức năng của vật trong thế giới xã hội. Trẻ đặt cái tách lên đĩa, bỏ muỗng vào mồm.

4. Chơi có tính xã hội (Social Play)

Chơi có tính xã hội được hiểu nghĩa hẹp là chơi có sự tương tác với người cùng chơi. Có một động lực thúc đẩy tự nhiên trẻ tham gia chơi với người khác. Từ 2 đến 3 tuổi, trẻ có những hoạt động chơi ngắn ngũi với bạn cùng tuổi, dù chưa biết chia sẻ đồ chơi với bạn. Trẻ bắt đầu bằng việc chơi “song song”, không nhận thức được cảm giác của bạn cùng chơi và trạng thái của trò chơi. Trẻ khó chịu trong việc chờ đợi đến lượt chơi. Ở độ tuổi này, trẻ học được rất nhanh qua việc bắt chước hành vi của người lớn, thể hiện trong hoạt động chơi.

Sự phát triển của hoạt động chơi có tương tác với người khác dần dần giúp trẻ hình thành mối quan hệ tình bạn, biết đồng cảm với người khác và ý thức giới tính bắt đầu hình thành. Đến 3 - 4 tuổi, trẻ đã có thể chơi với một nhóm bạn, biết vui buồn cùng bạn. Các hoạt động chơi phân chia theo đặc trưng giới tính rõ ràng. Trẻ trai thì chơi những trò đánh nhau thô bạo và ầm ĩ, trẻ gái thì được hướng đến những trò chơi búp bê nhẹ nhàng.

Khi 5 tuổi, trẻ bắt đầu thích những trò chơi định hình với người cùng tuổi. Trò chơi có luật (Game) là dạng chơi dễ nhìn thấy ở nhóm trẻ chơi chung. Trò chơi thường liên kết hai hoặc nhiều bên tranh đấu hoặc đồng thuận để xác minh bên thắng cuộc sau cùng. Luật chơi được thiết lập để hướng dẫn hành vi của nhóm trẻ. Trẻ phải chọn phe là đồng minh và đánh bại phe còn lại theo đúng luật đã giao. Các hoạt động chơi tập thể này rất cần thiết để giúp trẻ phát triển và duy trì nhận thức xã hội, trẻ học được cách phối hợp hoạt động với nhau để đạt chung một mục đích, cách làm chủ mình trong nhóm, học được sự chịu đựng, sự công bằng và lòng vị tha.

Dạng hoạt động chơi có tính xã hội cao là hoạt động chơi tổ chức ăn mừng (Celebratory Play) như tổ chức vui chơi sinh nhật, ngày kỷ niệm, lễ hội. Những hoạt động vui chơi này lôi kéo nhiều người tham gia, có tính tổ chức cao, phân công vai trò chặt chẽ. Từ nhỏ, đứa trẻ được tổ chức sinh nhật, hoặc tham gia vào những ngày kỷ niệm của gia đình, sẽ dần hiểu rằng mình là một thành viên trong một gia đình lớn của dòng họ, và sau này là của xã hội.

5. Chơi chuyển đổi, kiến tạo và tác hợp (Transformative and Creative and Integrative Play

Kiểu chơi này là sự thăng hoa giữa trí tưởng tượng được nuôi dưỡng và kiến thức khoa học được bồi đắp. Ở trẻ nhỏ, những ý tưởng từ sự kết hợp những yếu tố logic và không logic thường trộn lẫn: trẻ có thể chỉ khối gỗ là cái cây, nhưng cũng có thể cầm “cái cây” đó lên làm điện thoại. Trẻ có thể kết hợp nhiều đồ chơi tạo nên một khung cảnh tưởng tượng.

6. Chơi tưởng tượng và giả vờ (Imaginative and Pretend Play)

Hoạt động chơi giả vờ trở nên nổi bật khi trẻ có khả năng tái hiện bằng biểu tượng những kinh nghiệm mà chúng có được. Trong hoạt động chơi phức tạp này, trẻ có cả một kế hoạch hành động, tự đóng vai nào đó, và chuyển dạng những đồ vật để diễn tả tư tưởng và cảm nghĩ về thế giới xung quanh. Ví dụ: Trẻ chơi giả vờ nấu ăn, trẻ có kế hoạch hành động liên tục từ chọn thức ăn, nấu thức ăn, bày ra đĩa; trẻ tự đóng vai người nấu ăn; trẻ lấy cái lá cây thay cho cái đĩa.

Kế hoạch hành động là bảng thiết kế chuỗi hành động sao cho tương ứng liên tục với sự kiện diễn ra nối tiếp nhau. Trẻ thường giả bộ những vai có tính khuôn mẫu trong văn hoá xã hội mà trẻ từng thấy trong truyện, trong ti vi… Những đồ vật kèm theo khi chơi giả vờ có chức năng tạo ra khung cảnh.

Khoảng 3 tuổi, trẻ đã có thể chơi giả vờ đơn giản, chuyển dạng đồ vật theo một cảnh chơi. Đến 4-5 tuổi, những ý nghĩ của trẻ về thế giới xã hội được thể hiện trong hầu hết các hoạt động chơi giả vờ. Các cảnh chơi được liên kết với nhau tạo thành một chủ đề phức tạp. Người lớn cùng chơi cần khéo léo chia sẻ ý nghĩa của cảnh chơi và định hướng nội dung cho trẻ mở rộng cảnh, ra dấu và tạo ra lời thoại hướng dẫn hành động.

Những kiểu chơi tưởng tượng cũng xuất hiện trong các hoạt động chơi của trẻ ở độ tuổi này. Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, trẻ coi bản thân và vạn vật chung một tồn tại, vạn vật đều có tâm hồn. Làm bầu bạn với mọi vật là một xu hướng tự nhiên của trẻ, trẻ có thể nói chuyện với một bông hoa hoặc cho rằng ông mặt trời cố ý đi theo nó. Thêm vào đó, trẻ còn lầm nhận ý tưởng và sự thực, trẻ còn tin tưởng rằng những tâm ý của mình có thể ảnh hưởng đến sự vật, những việc làm của chúng có thể làm biến hoá sự vật.

7. Chơi đọc truyện và kể chuyện (Storytelling and Narrative Play)

Khoảng 2-3 tuổi, ngôn ngữ của trẻ phát triển nhanh về lượng từ, trẻ có thể nói câu ngắn 2-3 từ nhưng phát âm còn chưa rõ ràng. Đến 3-4 tuổi, trẻ có thể có tới 1200 từ vựng, có thể hiểu những chuyện đã xảy ra hôm qua và sẽ xảy ra vào ngày mai. Các hoạt động chơi của trẻ đã nối với nhau thành một câu chuyện có sự kiện nổi bật. Cần giúp trẻ dùng ngôn ngữ kể ra những câu chuyện ngầm đó trong mạch chơi. Thêm vào đó, những câu chuyện ngắn với nhiều nội dung do người lớn kể lại được trẻ hiểu và thích thú. Có thể là nhưng câu chuyện từ trong phim hoạt hình, trong truyện có tranh minh họa. Sau đó, chính trẻ sẽ say sưa kể lại theo trí nhớ và trí tưởng tượng của mình. Kiểu chơi đọc truyện và kể chuyện này phát triển đến sau tuổi đi học, những câu chuyện có nhiều tình tiết, nhân vật thần tiên thường được trẻ yêu thích.THANH GƯƠM SAMURAI

BS. NGUYỄN MINH TIẾN

Thực hành một ngành nghề chuyên môn tất nhiên phải học những "kỹ thuật" (techniques), nghĩa là phải học cách phân tích những chi tiết, xem xét cấu trúc và chức năng của các sự vật, đầu tư thực hiện các quy trình và hướng đến các mục tiêu. Việc học tập tâm lý trị liệu (như một ngành nghề chuyên môn) do vậy cũng đòi hỏi người học phải học các kỹ thuật, nhưng - theo nhà tâm lý trị liệu gia đình nổi tiếng người Mỹ gốc Argentina, Salvador Minuchin - kỹ thuật cần được học, được thao tác thuần thục, rồi sau đó... quên đi. Vì sao lạ vậy?

Nếu nhà trị liệu trong lúc làm việc với thân chủ vẫn chú tâm nhiều đến yếu tố kỹ thuật, nhà trị liệu sẽ thể hiện con người mình như một đối tác có tính "khách quan", xa rời thân chủ, vẫn giữ một tác phong "kẻ bề trên" và như thế cuộc trị liệu sẽ không có hiệu quả cao.

Minuchin có nói đến một hình ảnh ẩn dụ về thanh gươm như một phần cánh tay vươn dài của samurai (võ sĩ Nhật Bản). Các samurai được đào tạo võ thuật trên sự nhấn mạnh đến tính tự nhiên (spontaneity) và xem thanh gươm như là một phần của cơ thể mình. Minuchin có một sự so sánh rất thú vị giữa việc học tập môn tâm lý trị liệu với việc rèn luyện võ thuật của các samurai.

Trở thành một samurai chỉ khi một người sử dụng thanh gương như chính cánh tay của mình. Thanh gươm samurai chính là hình ảnh ẩn dụ cho kỹ thuật của nhà tâm lý trị liệu. Chỉ khi nhà trị liệu thể hiện con người mình một cách tự nhiên, người ấy mới mang lại hiệu quả chữa trị (tiếng Anh gọi là một healer).

 MỖI CÕI LÒNG, MỘT CẢNH ĐỜI  

BS NGUYỄN MINH TIẾN

Tp.HCM, 30-03-2008

Đây là bài viết mà tôi đã thực hiện như bài thu hoạch cuối khóa học Tâm Lý Trị Liệu Gia Đình và Can Thiệp Hệ Thống. Bài đã viết bằng tiếng Anh và cũng đồng thời được đăng trong trang web này. Nay xin đăng tải bản tiếng Việt để bạn đọc tham khảo dưới một tựa đề mới.

Xem bản tiếng Anh: Final Paper in English 

1.

Tôi không thể xác định rõ vào lúc nào mà tâm lý trị liệu đã trở thành một chuyên ngành rất lý thú đối với tôi, dù trước đó tôi đã tốt nghiệp đại học y khoa và đã có ba năm làm việc tại một bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi. Tôi nhớ đã có một bước ngoặc trong đời mình vào năm 1992, năm năm sau khi ra trường, khi tôi bắt đầu vào làm việc cho một trường dạy trẻ khiếm thính và làm việc ở đó trong hai năm. Từ lúc ấy trở đi, tôi đã tiếp nhận rất nhiều những thông tin và kiến thức từ những ngành khoa học khác không phải y khoa và những kiến thức ấy dần dần choáng lấy suy nghĩ của tôi những khi tôi làm việc với những đối tượng của mình, nhất là với những trẻ em. Tôi nhận ra đã có những thay đổi trong nghề nghiệp của mình. Mặc dù tôi vẫn làm việc như một thầy thuốc, nhưng không phải với những người bệnh, không phải trong một bệnh viện và cũng không phải khoác chiếc áo choàng trắng mang tính biểu tượng của ngành nghề mình. Tôi đã học hỏi được nhiều điều từ những trẻ em bị điếc, từ cha mẹ chúng và từ những nhân viên trong ngôi trường ấy. Lúc khởi đầu công việc, những đứa trẻ khiếm thính ấy đã làm cho các kiến thức mà tôi học được từ trường y trở nên vô dụng và tất cả những gì đầu tiên tôi có thể làm được là sửa chữa những chiếc dây bị hư của những chiếc máy trợ thính của các em! Tuy nhiên, với thời gian, tôi nhận ra một cách rõ ràng rằng những đứa trẻ kia không cần tôi “chữa lành” bệnh cho chúng, điều mà các em cần là những cơ hội giáo dục và học tập tốt (chứ không phải là để “phục hồi” những chức năng mà vốn dĩ các em đã không có). Mặc dù có những trở ngại trong việc học tập, những trẻ điếc ấy đã thể hiện như những người “hạnh-phúc-trong-sự-kém-may-mắn” và tôi thực sự không biết được điều gì đã khiến các em có nhiều nghị lực như thế!

Trong thời gian này, tôi bắt đầu được nghe nói về một tổ chức có tên là Trung tâm NT (tức Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em), một tổ chức ngoài công lập do BS Nguyễn Khắc Viện thành lập với mục đích nghiên cứu về tâm lý trẻ em, một tổ chức mà về sau đã có ảnh hưởng lớn lao trên định hướng nghề nghiệp của bản thân tôi. NT đã xây dựng nên nhiều phòng khám tình nguyện trên cả nước, huấn luyện nhân viên, tổ chức hội thảo, xuất bản sách vở về tâm lý trẻ em và bắt đầu áp dụng tâm lý trị liệu cho những trẻ em có các vấn đề về tâm lý. Nhưng phải mất khoảng 5, 6 năm để NT phát triển những công việc này. Về phần mình vào lúc ấy, những mối quan tâm của tôi về ngành tâm lý bắt nguồn từ thực tế làm việc với trẻ em khiếm thính, từ những bài báo cáo trong các hội thảo và từ các bài giảng trong những lớp huấn luyện về trẻ khuyết tật do các chuyên gia giáo dục Úc và Hà Lan cung cấp. Mãi cho đến năm 1997, khi tôi trở thành thành viên của NT2 (chi nhánh của Trung tâm NT tại Tp.HCM), tôi mới thực sự có cơ hội học tập và thực hành tâm lý lâm sàng, một chuyên ngành mà tôi đã không được học từ trường đại học y khoa.

Chính tại NT2 mà tôi đã có những bước đi đầu tiên trong thực hành tâm lý trị liệu, một việc mà ban đầu không có vẻ gì là “y khoa” cả! Những nhà tâm lý trị liệu Pháp (phần lớn trong số những ngưòi tôi đã gặp là những nhà phân tâm) đã có ảnh hưởng lớn trên quan điểm và học thuyết của NT. May thay, BS Nguyễn Khắc Viện, người sáng lập NT, lúc sinh thời vốn là người có quan điểm chiết trung. Trong các tác phẩm của mình như Tâm Lý Lâm Sàng Trẻ Em Việt Nam và Tâm Lý Gia Đình, ông khuyến khích các nhà tâm lý Việt Nam nên có thái độ linh hoạt và tổng hợp khi vận dụng các học thuyết và phương thức khác nhau vào thực tiễn lâm sàng của mình. Ông có biệt tài tổng hợp các học thuyết của phương Tây với minh triết phương Đông và diễn dịch các thuật ngữ phương Tây kết hợp với các ngôn từ Hán Việt sẵn có. Ngoài ra, ông có lẽ là người Việt Nam đầu tiên nêu lên sự hữu ích của các học thuyết trị liệu hệ thống, giới thiệu chúng trong các tác phẩm của mình và phát hiện ra những tương đồng giữa lý thuyết hệ thống với các quan niệm truyền thống về gia đình của người Việt Nam. Ông là một trong số những người tiên phong trong việc phát triển lĩnh vực tâm lý lâm sàng tại Việt Nam sau chiến tranh. Cùng thời gian ấy, tôi cũng rất phấn khởi khi vốn tiếng Anh của mình ngày càng cải thiện và điều này đã giúp tôi lĩnh hội được những lý thuyết rất khó nuốt trôi từ các sách vở, tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh mà tôi có được.

Ca lâm sàng đầu tiên mà tôi thực hiện là trường hợp một bé trai tám tuổi được ông ngoại dẫn đến phòng khám NT2 vào năm 1998. Trong vài tháng trước đó, bé trai này vướng phải một số vấn đề kỷ luật ở trường và có biểu hiện hiếu động hơn lúc trước. Trẻ có quá trình phát triển bình thường và có kết quả học tập tốt trong hai năm đầu ở trường tiểu học. Khi hỏi chuyện về quá khứ, tôi được biết rằng người mẹ là con duy nhất trong gia đình bên ngoại, còn người bố từ lâu đã rời bỏ quê nhà vào lập nghiệp và sống một mình ở Tp.HCM trước khi cưới mẹ của đứa trẻ. Ông ngoại, vì ước mong có được một đứa con trai, đã yêu cầu người mẹ cho ông nhận đứa cháu trai đầu tiên này làm con nuôi. Trẻ ở với ông bà ngoại và sau đó được yêu cầu gọi người ông bằng “ba” trong khi người bố ruột thường đi xa nhà để làm việc. Vào lúc tôi gặp trẻ, mẹ đã sanh thêm đứa con trai thứ hai, lúc ấy khoảng 6 tháng tuổi. Một lần nữa, người mẹ lại đưa hai đứa con trai về sống ở nhà ông bà ngoại để có người phụ giúp công việc chăm sóc cháu bé, để lại người bố sống một mình trong ngôi nhà riêng của hai vợ chồng. Trong buổi tiếp xúc, tôi nhận thấy đứa bé rất dễ gần, thông minh và có vẻ được giáo dục tốt. Tôi đã trò chuyện cùng trẻ, lúc thì bằng lời nói trao đổi với nhau, lúc thì dùng trò chơi hoặc bằng vẽ tranh, và cậu bé đã “kể” cho tôi – thông qua một trong số những bức tranh mà trẻ vẽ - về một người đàn ông mà cậu gọi là “bố” đang đứng dưới một tàn cây bên ngoài một ngôi nhà mà cửa đang đóng kín. Điểm quan trọng trong bức tranh đó là cậu đã không vẽ bất cứ chi tiết nào trên gương mặt của người đàn ông kia – không mắt, không mũi, không miệng, không có gì cả... – điều này khác hẳn những bức vẽ hình người của những đứa trẻ bình thường cùng tuổi với cậu. Giờ đây khi xem xét lại, tôi nhận thấy rằng người “đàn ông không có gương mặt” trong bức tranh của cậu bé có thể mang một ý nghĩa ẩn dụ cho sự nhầm lẫn của cậu bé về vai trò của hai “người cha” trong đời của mình. Nhưng vào thời gian ấy, những gì tôi muốn thực hiện chỉ đơn giản là nhằm chia sẻ những ý kiến của tôi với hai người đàn ông quan trọng này về những khó khăn mà cậu bé đang gặp phải và về những gì họ có thể làm để giúp đỡ cậu. Phiên trị liệu kế tiếp được diễn ra với sự hiện diện của ông ngoại và người bố của cậu bé (người mẹ vắng mặt vì phải ở nhà chăm con). Chủ đề tế nhị liên quan đến vai trò của người cha đã được đề cập đến và được thảo luận với mục đích nhắm đến việc củng cố trách nhiệm của người bố trong việc chăm sóc đứa con trai của ông. Rất may, trong buổi gặp ấy tôi đã nhận được sự hợp tác tốt từ cả hai người đàn ông này, mặc dù có thoáng một chút vẻ áy náy xuất hiện trên gương mặt của ông ngoại như thể ông đang suy nghĩ về “lỗi lầm” của mình (đây cũng là điều duy nhất xảy ra mà tôi không ngờ tới trước). Dẫu sao, tôi cũng đã trải nghiệm được ca lâm sàng đầu tiên này với những cảm xúc tích cực. Tôi thấy mình có can đảm hơn và tự tin hơn để có thể đi sâu hơn vào lĩnh vực đặc biệt này. Về sau, khi quá trình thực hành của tôi được tiến triển, tôi cũng nhận ra được rằng thật là không cần thiết, thậm chí có khi không có lợi, nếu một nhà trị liệu tâm lý cố gắng chứng minh nguyên nhân của một vấn đề giống như cách mà các bác sĩ tìm kiếm nguyên nhân của một căn bệnh.

Vào năm 1999, tôi có cơ hội được trình bày một ca lâm sàng khác trong một cuộc hội thảo nhỏ và dưới sự giám sát của Giáo sư người Pháp, Claude Pigott, một bác sĩ tâm thần đồng thời là một nhà phân tâm chuyên về trị liệu gia đình. Đó là trường hợp một bé trai năm tuổi bị tự kỷ có bố mẹ đang gặp phải những vấn đề khó khăn trong hôn nhân. Đó là một kỷ niệm khó quên khi lần đầu tiên tôi sử dụng genogram (biểu đồ gia tộc) làm công cụ để trình bày về gia đình của đứa trẻ (Cũng phải nhắc đến BS. Nguyễn Văn Khuê, người phụ trách đầu tiên của NT2, nhờ ông mà tôi có được bản photo của quyển sách Changing Family Life Cycle – A Framework for Family Therapy của hai tác giả Monica McGoldrick và Betty Carter, mà từ đó tôi đã rút ra được những hiểu biết cần thiết về cách sử dụng genogram). Với sự giám sát của GS. Pigott, lần đầu tiên tôi nhận được những lời góp ý như sau: “sự thấu cảm với nỗi khổ của một người vợ có thể vẫn chưa đủ, bởi vì người chồng (vắng mặt trong các phiên trị liệu) có thể cũng gặp nhiều khó khăn và đau buồn tương tự”. Về sau tôi được biết đó chính là thái độ của một nhà trị liệu gọi là “sự thiên vị đa hướng”, một khái niệm quan trọng mà tác giả Nagy đã nói đến trong lý thuyết của ông.

Đầu năm 2001, cơ sở NT2 ngưng hoạt động và tôi phải thành lập riêng cơ sở khác để tiếp tục làm việc. Tôi trở lại trường đại học và tham dự khóa đào tạo sau đại học về chuyên khoa tâm thần. Khi hoàn tất khóa học vào năm 2003, có hai sự việc xảy đến làm cho tôi có khả năng tiếp tục đi sâu hơn vào lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Việc thứ nhất là tôi được tuyển vào làm việc bán thời gian trong một trung tâm cai nghiện ma túy tư nhân với vai trò như một tham vấn viên cho người nghiện, ngoài công việc chuyên về trị liệu tâm lý trẻ em mà tôi vẫn tiếp tục thực hiện sau khi NT2 ngưng hoạt động mãi cho tới nay. Việc thứ hai, đó là tôi đã tham gia khóa đào tạo về tâm lý trị liệu hệ thống với sự khuyến khích của BS. Lâm Xuân Điền, lúc đó là giám đốc Bệnh viện Tâm Thần Tp.HCM.

Thực tế là những khóa huấn luyện như thế luôn rất cần thiết cho sự phát triển của ngành tâm lý trị liệu cũng như sự phát triển của các dịch vụ sức khỏe tâm thần nói chung tại Việt Nam. Những gì mà tôi tiếp thu được từ khóa học này, nhờ vào những giảng viên rất nhiệt tình phụ trách giảng dạy, vẫn sẽ tiếp tục theo tôi trong công việc thực hành của mình. Từ góc độ một người học và một người thực hành, tôi nghĩ rằng chỉ bằng cách học tốt mới có thể thực hành giỏi, và ngược lại, có thực hành khổ luyện thì sự học mới có thể được nâng cao tốt hơn. Trong gần năm năm qua, khóa học này đã tạo nhiều cơ hội để tôi có thể kiểm nghiệm lại các giả thuyết và xem xét những trải nghiệm mà tôi có được từ công việc của mình, và những điều tiếp thu từ khóa học đã trở thành một thứ cẩm nang hướng dẫn cho tôi khi tác nghiệp.

2.

Phần tiếp theo sau đây tôi sẽ dành cho việc trình bày trường hợp lâm sàng của một người nghiện mà tôi đã làm việc với tư cách một chuyên viên tham vấn tâm lý trong trung tâm cai nghiện nơi tôi đã công tác.

Tôi gặp cô ấy lần đầu tiên vào một ngày trong tháng 11-2004. Thanh (tên thật của cô đã được thay đổi) 25 tuổi khi cô nhập viện vào trung tâm lần này. Tôi không biết được từ trước nay cô đã có bao nhiêu lần vào viện để điều trị cắt cơn, nhưng cô bảo với tôi rằng đây là lần thứ ba cô vào điều trị trong một trung tâm ở Việt Nam và là lần đầu tiên trong trung tâm của chúng tôi. Những lần cắt cơn trước đây đều được thực hiện ở nước ngoài, bởi vì Thanh đã rời khỏi Việt Nam khi cô mới chỉ một tuổi và đã bắt đầu nghiện heroin ở tuổi 15. Cho đến lúc gặp tôi, cô đã ở trong trung tâm được khoảng 3 tháng.  Trước buổi gặp ấy, tôi được nghe kể về Thanh như là một học viên có tính tự cao, hay đòi hỏi và rất khó bảo. Vì thế, nhiều nhân viên trong trung tâm như các bảo vệ, bác sĩ, điều dưỡng, giáo dục viên, giáo viên dạy nghề... thường khó có thể có được “sự hợp tác” của cô, ngay cả các học viên khác trong trung tâm cũng khó làm thân được với cô. Dường như cô chỉ có một người bạn – một học viên nam cùng tuổi và đó có lẽ là người duy nhất có thể hiểu những gì mà cô tâm sự. Thông qua người học viên nam ấy, cô báo cho tôi biết rằng cô muốn gặp tôi.

Thanh có một tuổi thơ không hạnh phúc. Ra đời năm 1979, cô đã phải theo gia đình vượt biên ra nước ngoài lúc chỉ mới có một tuổi. Gia đình cô được chấp thuận định cư tại Úc, nhưng chỉ hai năm sau, bố mẹ cô ly hôn. Kể từ thời điểm ấy, nhiều sự kiện đã xảy đến và hầu như đã làm xáo trộn cả cuộc đời của cô. Dĩ nhiên khi bố mẹ ly hôn, cô phải chia tay bố và về sống với mẹ.

Cả bố và mẹ cô đều là bác sĩ. Trong ký ức lờ mờ, cô nhớ rằng cha cô là một người đàn ông vũ phu. Ông cưới mẹ Thanh sau khi người chồng trước của bà rời bỏ Việt Nam vào năm 1975. Ông thường đánh đập mẹ Thanh và đôi khi đánh cả đứa con gái bé nhỏ của ông. Theo lời Thanh, có lẽ đó là do “lỗi” của mẹ cô, nghe như thể mẹ cô đã làm điều gì đó sai trái với bố cô vậy (?). Sau khi ly dị năm 1982, ông tiếp tục ở lại Úc; vài năm sau, ông tái hôn và có thêm hai con với người vợ kế. Thỉnh thoảng ông có liên lạc với Thanh và khi Thanh trở nên nghiện ngập, ông đã chu cấp một phần các chi phí cho việc điều trị của Thanh.

Mẹ Thanh đã từng có một con trai với người chồng trước. Khi người chồng rời Việt Nam năm 1975, đứa con trai của họ mới chỉ vài tháng tuổi. Đứa bé này sau đó được gửi nuôi ở nhà người dì (chị của mẹ) khi người mẹ kết hôn lần thứ hai với người mà sau này là cha ruột của Thanh và cậu bé vẫn tiếp tục sống với dì sau khi gia đình của Thanh đi ra nước ngoài. Vào năm 1986, đứa bé trai ấy được 11 tuổi và cậu được chấp thuận sang định cư ở Úc theo diện đoàn tụ với mẹ. Mẹ Thanh lúc ấy đã kết hôn lần thứ ba, lần này là với một người Úc. Vào thời điểm ấy, Thanh vừa tròn 7 tuổi và bốn người – mẹ Thanh, Thanh, người anh cùng mẹ khác cha của Thanh và “bố Úc” (theo cách gọi của Thanh, để phân biệt với “bố Việt” tức là người cha ruột) cùng sống chung với nhau. Hai năm sau, cậu bé trai 13 tuổi này bị bắt vì có liên can đến những vụ buôn lậu ma túy. Cảnh sát đã đến nhà cậu (thực ra là nhà của “bố Úc”) và bắt cậu đưa vào trại giam. Sự kiện này được nhìn nhận như là một mất mát lớn cho cả người mẹ lẫn Thanh, bởi vì cả hai người đếu rất thương yêu cậu bé. Tuy nhiên, người “bố Úc” đã nổi giận, ông quy trách nhiệm cho mẹ Thanh đã để cho con trai mình sa vào con đường tội lỗi, nhất là khi sự việc bắt giữ của cảnh sát đã xảy ra ngay bên trong nhà của ông. Một vài năm sau, hai mẹ con Thanh rời Úc sang định cư ở Hoa Kỳ để đoàn tụ với gia đình bên ngoại lúc này đang cùng chung sống tại đó.

Về phần người “bố Úc”, có thể nói ông là một con người rất tốt bụng. Ông cưới mẹ Thanh, rồi chấp nhận nuôi Thanh và xem Thanh như con ruột của mình. Ông làm việc cho một tổ chức của Liên Hiệp Quốc (có lẽ phụ trách về người tỵ nạn?). Thanh đã từng có một quãng thời gian sống rất tươi đẹp bên cạnh “bố Úc”. Khi Thanh còn nhỏ, ông đã nhiều lần đưa cô theo ông ra nước ngoài trong những chuyến công tác của ông. Nhờ thế, Thanh đã từng đến nhiều quốc gia như Kampuchia, Bosnia, Malaysia, Indonesia... bất cứ nơi nào có xảy ra chiến tranh, bất ổn hoặc có người tỵ nạn. Ngoại trừ sự kiện người anh bị bắt giữ nói trên, mọi chuyện xảy ra trong thời gian ấy đều là những kỷ niệm đẹp đối với Thanh. Chính sự kiện này có lẽ đã phần nào khiến mối quan hệ giữa mẹ Thanh và “bố Úc” trở nên xấu đi. Và vì thế, lúc Thanh khoảng 10 tuổi, cô phải theo mẹ đến Mỹ để sống với gia đình ngoại và các dì. Thanh đã không kể cho tôi nghe về mối quan hệ sau đó giữa mẹ và “bố Úc”, nhưng rõ ràng là cô vẫn còn giữ liên lạc với ông bố người Úc mãi cho đến ngày cô vào điều trị tại trung tâm của chúng tôi.

Tại Mỹ, Thanh và mẹ sống chung với gia đình của một người dì. Người mẹ đã phải gánh chịu bao lời chỉ trích từ những người thân trong gia đình về tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời của bà. Khi Thanh 14 tuổi, mẹ cô mắc phải bệnh ung thư. Những tháng ngày cuối cùng trước khi mẹ mất là khoảng thời gian u tối nhất đối với Thanh. Cô đã ở bên cạnh giường để chăm sóc cho mẹ và đã chứng kiến những nỗi đau đớn, khổ sở của bà. Người mẹ đã phải dùng đến các thuốc gây nghiện để giúp làm giảm cơn đau và một lần nọ, bà đã cay đắng nói với Thanh rằng bà muốn dùng những loại thuốc kia để giết chết Thanh rồi tự sát đi cho xong. Sau khi mẹ mất, cuộc sống của Thanh gần như bị mất phương hướng. Gần một năm sau, cô bị lạm dụng tình dục bởi chính con trai của người dì ruột. Và cũng vào năm đó, lúc tuổi đời chỉ mới 15, Thanh bắt đầu sử dụng và nghiện heroin.

Tất cả những sự kiện nêu ra trên đây đã được Thanh kể cho tôi nghe trong khoảng thời gian một tiếng rưỡi vào buổi đầu tiên tôi tiếp xúc với cô trong trung tâm cai nghiện. Phì phèo điếu thuốc lá trên môi, cô nói bằng một chất giọng vô cảm khiến cho rất khó có thể biết được cô đang thực sự cảm thấy như thế nào. Cô liệt kê ra tất cả những mất mát mà cô đã gặp phải trong đời theo thứ tự thời gian: “Em mất quê hương lúc một tuổi; mất cha lúc ba tuổi; mất anh trai (cùng mẹ khác cha) lúc chín tuổi; mất mẹ lúc 14 tuổi và mất bản thân mình lúc 15 tuổi”. Cô nói cô không biết mình là ai, sinh ra để làm gì, từ đâu tới và rồi sẽ đi về đâu... Cô dùng từ tiếng Anh identity crisis (khủng hoảng bản sắc) để nói về giai đoạn tuổi vị thành niên của mình. Và sau cùng, cô cám ơn tôi đã gặp và lắng nghe cô nói.

Sau lần gặp đầu tiên ấy, Thanh không tìm cách gặp riêng tôi thêm lần nào nữa. Tất cả những chuyện khác mà tôi biết được về cô là do nghe được từ lời kể của những nhân viên trong trung tâm. Tôi biết Thanh có một người cô (em gái của bố ruột) vẫn còn sống tại Tp.HCM. Tiền chu cấp của “bố Việt” lẫn “bố Úc” đều được chuyển về cho người cô này và người con trai của bà (anh họ của Thanh), những người đóng vai trò trung gian liên lạc giữa Thanh và những người thân khác bên ngoài trung tâm. Đó cũng là lý do Thanh phải về Việt Nam để lo cho việc điều trị lâu dài của cô. Mỗi khi cô rời khỏi các trung tâm cai nghiện, cô sẽ làm công việc của một giáo viên dạy Anh văn, nhưng không ai biết được nơi cô làm việc.

Những hoạt động trong trung tâm dường như có tác dụng làm nên những thay đổi nơi cô. Sau nhiều tháng, cô tham gia vào các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật (vẽ, múa, hát...) và tham gia lao động. Cô tham dự những buổi trị liệu nhóm do các giáo dục viên đảm nhận và sau một năm cô đã trở thành một người tập Thái cực quyền tốt đến mức ban giám đốc trung tâm quyết định cho cô làm người trợ giảng cho huấn luyện viên trong các buổi tập. Cô rời trung tâm vào cuối năm 2005.

3.

Chỉ một hoặc hai tháng sau khi Thanh rời trung tâm thì cô nhập viện trở lại. Lần này, cô được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng gần như hôn mê. Cô được phát hiện sau khi đã tiêm quá liều heroin. Mất khoảng 10 ngày để các nhân viên y tế có thể giúp cô hồi phục. Một buổi sáng nọ, cô tìm gặp tôi, khóc và nhờ giúp đỡ. Cô không đồng ý với quyết định của gia đình về thời gian mà cô phải ở lại điều trị tại trung tâm lần này. Cô bảo rằng lần sử dụng heroin vừa rồi không phải vì cô tái nghiện, mà thực sự là một cố gắng để tự sát.

Sau khi rời trung tâm về nhà, Thanh đã đăng ký vào một khóa tập huấn về kỹ năng dạy tiếng Anh. Khi khóa học gần đến ngày kết thúc, cô đã suy nghĩ về ngày bế giảng và mơ ước có sự hiện diện của người cha ruột – “bố Việt” – vào cái ngày đặc biệt ấy, mặc dù “bố Úc” đã chắc chắn với cô rằng ông sẽ đến. Hy vọng thế, cô đã gọi một cuộc điện thoại sang Úc để nói chuyện với bố. Thật bất ngờ, người bố từ chối. Ông bảo rằng ông quá bận không thể về Việt Nam vào những ngày này. Và thình lình, ở đầu dây bên kia, vang lên giọng nói của người mẹ kế với đủ mọi lời lẽ sỉ vả. Người mẹ kế yêu cầu Thanh đừng nên tiếp xúc với chồng bà và không cho phép Thanh “quấy rầy” gia đình của bà nữa.

Những gì xảy ra sau cuộc nói chuyện thì mọi người đã biết. Thế nhưng ý kiến của những nhân viên trong trung tâm về việc đó thì khá là khác nhau. Hầu hết mọi người đều tin rằng Thanh đã tái nghiện vì thế cô phải trở lại từ đầu chương trình điều trị một lần nữa. Một số người khác (ít hơn), bao gồm cả tôi, cho rằng cần phải giúp Thanh vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại và cô không nhất thiết phải ở lại lâu dài trong trung tâm trừ khi chính cô quyết định như thế. Tôi thực hiện một số buổi tham vấn với Thanh, mỗi một hoặc hai ngày một lần. Tuy nhiên, sự từ chối của những người thân không đến trung tâm thăm viếng cô (kể cả “bố Úc” lúc ấy đã có mặt trong thành phố) đã làm cho tâm trạng của cô ngày càng xấu đi. Còn ban giám đốc trung tâm thì đến lúc đó vẫn chưa có một quyết định nào về trường hợp của Thanh.

Tôi quyết định mang vấn đề của cô ra cuộc họp của các giáo dục viên vào ngày thứ sáu của tuần lễ ấy. Như thường lệ vào những cuộc họp chuyên môn của các nhân viên giáo dục mỗi thứ sáu hằng tuần, tôi có trách nhiệm phải tập huấn chuyên môn hoặc giám sát công việc của các giáo dục viên trong trung tâm. Nhiều người trong số họ không có ấn tượng tốt về Thanh, một học viên mà họ cho là “khó tiếp cận”. Tôi thiết kế một “kịch bản” về một trường hợp giả định nhằm mục đích huấn luyện. Các chất liệu từ trường hợp của Thanh được sử dụng để thiết kế kịch bản ấy. Tôi nói với các nhân viên rằng tôi cần sự giúp đỡ của họ để có thể giải quyết những khó khăn mà tôi gặp phải trong ca này. Tôi nói cách tốt nhất mà họ có thể giúp tôi là họ hãy tham gia vào hoạt động sắm vai cùng với tôi. Tôi đóng vai người cha của một học viên nữ đang ở trong trung tâm (với tình huống giả định có những chi tiết tương tự như trường hợp của Thanh). Các giáo dục viên có thể thay phiên nhau từng người sắm vai một nhân viên chịu trách nhiệm tiếp người cha ghé đến trung tâm để nói chuyện về tình hình của con gái ông. Trong dự định của tôi, cuộc sắm vai này có thể được thực hiện để đồng thời nhắm đến hai mục đích. Trước tiên, tôi muốn tạo một cơ hội cho các giáo dục viên có được “cái nhìn từ một góc độ khác” từ đó họ có thể hiểu hơn về suy nghĩ của những người khác, cụ thể trong tình huống này là suy nghĩ của người nữ học viên, của người cha, và có thể là cả những suy nghĩ của tôi nữa. Mục đích thứ hai là tôi cũng thực sự muốn biết được một người cha trong tình huống ấy sẽ suy nghĩ gì và cảm thấy thế nào, cũng như liệu những người khác sẽ trông đợi gì ở một người cha trong tình huống tương tự như trường hợp của Thanh. Trong cuộc sắm vai, tôi hợp nhất “hai người cha thật” của Thanh ở ngoài đời thành một người cha giả định, mà vai của người cha tưởng tượng ấy do tôi đảm nhận.

Cuộc sắm vai đã mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho tất cả những người dự họp. Các giáo dục viên tham gia sắm vai đều nhận ra được những mối bận tâm cũng như những vấn đề khó khăn của người cha, họ đồng ý cần phải giúp người nữ học viên kia hồi phục về sức khỏe thể chất và vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần. Một trong số những giáo dục viên tham gia sắm vai đã yêu cầu người cha ghé vào trung tâm thăm viếng và hỗ trợ tâm lý cho con gái mình. Một giáo dục viên khác khẳng định rằng người nữ học viên cũng phải tự có trách nhiệm với quá trình hồi phục của mình và phải tuân thủ những luật lệ của trung tâm nếu cô muốn người khác giúp đỡ cô. Tất cả những ý kiến được nêu ra trong cuộc sắm vai ấy đã giúp làm mọi việc trở nên rõ ràng hơn. Vào cuối cuộc họp, một số giáo dục viên nhận ra rằng trường hợp giả định mà tôi đưa ra đích thực là trường hợp của Thanh và họ đề nghị người trưởng bộ phận giáo dục hãy bàn bạc cách thức giải quyết vấn đề của Thanh. Vị trưởng bộ phận nói bà sẽ nói chuyện với ban giám đốc và sẽ có câu trả lời sớm.

Vài ngày sau, tôi tiếp tục làm việc với Thanh với nhịp độ và số buổi gặp thưa hơn tuần lễ trước. Thanh được kê đơn các thuốc chống trầm cảm và giải lo âu để góp phần cải thiện tâm trạng của cô. Ban giám đốc phân công một nhân viên tiếp xúc với gia đình của người cô và với “bố Úc”, yêu cầu họ đến thăm Thanh tại trung tâm để hỗ trợ tinh thần cho cô. Vài tuần sau, Thanh được yêu cầu tham gia vào các hoạt động của trung tâm, bắt đầu là các hoạt động âm nhạc, thể dục và lao động nhẹ. Chúng tôi thay đổi cách thức hỗ trợ tâm lý cho Thanh từ hình thức tham vấn cá nhân sang hình thức những sinh hoạt theo nhóm và giúp Thanh thiết lập lại quan hệ với những học viên khác. Ba tháng sau, Thanh được phép rời khỏi trung tâm.

Tôi đã gặp lại Thanh một lần sau đó vào năm 2007, ở một trung tâm cai nghiện tư nhân khác. Lúc gặp tôi, cô đã ở đó được vài tháng. Lần này thực sự là do cô tái nghiện. Không nghi ngờ gì nữa, việc phục hồi từ tình trạng nghiện ma túy là điều không phải dễ dàng, nhất là trong trường hợp của Thanh. Cô đã cười và chào khi gặp tôi. Tôi thấy cô đang tham gia vào một nhóm “tự giúp” được tổ chức trong khuôn khổ một dự án có tài trợ của nước ngoài. Những hoạt động trong nhóm này dựa trên các nguyên lý “Mười Hai Bước” tương tự như những nguyên lý của tổ chức N.A. (Tổ chức Những Người Nghiện Ma Túy Ẩn Danh) ở Mỹ. Và đó là lần sau cùng tôi gặp được Thanh tính cho đến nay.

4.

Liệu chúng ta có thể trông đợi điều gì ở Thanh – một cô gái có quá nhiều mất mát và đau buồn trong cuộc sống? Và bằng cách nào mà chúng ta có thể làm cho mọi việc trở nên tốt hơn trong trường hợp của cô? Tôi không biết. Tôi thực sự không biết. Tôi chỉ biết rằng cuộc sống thực sự không dễ dàng, nhưng chúng ta vẫn có khả năng. Đó chính là điều mà chúng ta gọi là “sức chịu đựng” ở những con người như Thanh.

Khi tôi viết bài viết này, khóa huấn luyện đầu tiên tại Việt Nam về trị liệu hệ thống đã gần như kết thúc. Thông qua làm việc với những thân chủ ngày này qua ngày khác, tôi thấy mình trở lại là một “thầy thuốc”, như thể tôi đã đi trên một đường vòng trở về lại nơi xuất phát, chỗ mà giờ đây có thể xem là nơi đến. Thực hành tâm lý trị liệu khiến nghề nghiệp của tôi trở nên có giá trị hơn, và giờ đây tôi đã có thể thực hành điều mình đã học.

Tôi nghĩ rằng việc tự hiểu bản thân cũng như hiểu được những gì mà người khác trải nghiệm là những điều rất quan trọng cho bất cứ ai muốn trở thành một nhà tâm lý trị liệu.

Và tôi cũng vậy.  

 TRẮC NGHIỆM ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN TÂM VẬN ĐỘNG Ở TRẺ NHỎ

(Denver Developmental Screening Test - DDST)

Phần giới thiệu

Trắc nghiệm Denver, còn gọi là Trắc nghiệm đánh giá sự phát triển tâm lý vận động ở trẻ nhỏ, đã được đề xuất và đưa vào áp dụng bởi các tác giả William, Frankenburg, Josian B. Doss và Alma W. Fandal thuộc Trường Y khoa Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ vào những năm 1967 – 1970.

Trắc nghiệm Denver là một trắc nghiệm dùng để đánh giá mức độ phát triển tâm lý vận động của những trẻ em từ sơ sinh cho đến 6 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển đầu đời có ý nghĩa rất quan trọng cho cả cuộc sống lâu dài về sau của một con người. Chính vì thế việc phát hiện sớm các rối loạn gây trở ngại cho sự phát triển của trẻ nhỏ trong giai đoạn này sẽ giúp các nhà chuyên môn có thể áp dụng những biện pháp can thiệp sớm để trẻ có thể phát triển tốt hơn sau đó.

Trắc nghiệm Denver được áp dụng đầu tiên tại Hoa Kỳ, sau đó là tại Cuba và nhiều nước khác trên thế giới. Tại Việt Nam, trắc nghiệm đã được áp dụng đầu tiên tại Khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội từ năm 1977, và từ đó đến nay đã có nhiều đơn vị khác trong nước tiếp tục triển khai thực hiện (BS. Lê Đức Hinh, 1989).

Trắc nghiệm Denver được dùng để làm gì?

Trắc nghiệm Denver có mục đích đánh giá mức độ phát triển tâm lý – vận động ở trẻ nhỏ và giúp phát hiện sớm những tình trạng chậm phát triển ngay từ trong giai đoạn 6 năm đầu đời.

Trắc nghiệm Denver có tác dụng “tầm soát” hay còn gọi là “sàng lọc” những tình trạng chậm phát triển, nghĩa là sau khi thực hiện trắc nghiệm, ta có thể kết luận được là trẻ phát triển tốt (bình thường) hoặc có tình trạng chậm phát triển. Tuy nhiên, việc định bệnh chính xác thể loại và nguyên nhân của tình trạng chậm phát triển thì cần phải có thêm những phương pháp thăm khám y khoa và tâm lý phát triển chuyên sâu hơn.

Trắc nghiệm Denver không phải là loại trắc nghiệm đánh giá phát triển về trí tuệ (test IQ), vì các trắc nghiệm đánh giá về trí tuệ chỉ được áp dụng cho những trẻ em từ 7 tuổi trở lên.

Đối tượng được làm trắc nghiệm là những trẻ em như thế nào?

Tất cả trẻ em từ sơ sinh cho đến 6 tuổi đều có thể được làm trắc nghiệm Denver.

Tất cả các nội dung và phương pháp tiến hành trắc nghiệm đều dựa trên những hoạt động vui chơi và quan hệ thông thường phù hợp với lứa tuổi của những trẻ được trắc nghiệm, không sử dụng các phương tiện kỹ thuật đặc biệt nào, do vậy việc thực hiện trắc nghiệm thường ít khi gây cho trẻ cảm giác xa lạ hoặc sợ hãi.

Một số trẻ quá hiếu động, kém chú ý, sợ người lạ, hoặc những trẻ có các khuyết tật về giác quan (nghe kém, nhìn kém)… có thể gặp khó khăn khi thực hiện trắc nghiệm. Do vậy, trong lúc thực hiện trắc nghiệm rất cần có sự tích cực tham gia và hợp tác của quý phụ huynh để tạo điều kiện thuận lợi cho trắc nghiệm viên tiếp xúc với trẻ.

Trắc nghiệm Denver giúp đánh giá được điều gì?

Có bốn lĩnh vực phát triển của trẻ sẽ được khảo sát và đánh giá, đó là:

Lĩnh vực cá nhân - xã hội: đánh giá khả năng nhận biết bản thân, chăm sóc bản thân và thiết lập quan hệ tương tác với người khác.

Lĩnh vực vận động tinh tế - thích ứng: đánh giá khả năng vận động khéo léo của đôi tay và khả năng quan sát tinh tế của đôi mắt.

Lĩnh vực ngôn ngữ: đánh giá khả năng lắng nghe và đáp ứng với âm thanh, khả năng phát âm, và sau cùng là khả năng phát triển ngôn ngữ (nghe hiểu và nói)

Lĩnh vực vận động thô sơ: đánh giá khả năng phát triển các vận động toàn thân và khả năng giữ thăng bằng của cơ thể.

Những vật dụng nào được sử dụng khi thực hiện trắc nghiệm?

Hầu hết các vật dụng trang bị để làm trắc nghiệm đều là những vật thông dụng trong đời sống, bao gồm: một túm len màu đỏ, các hạt nhỏ (quả nho khô hoặc hạt đậu phọng), chiếc lục lạc có cán, các khối vuông nhỏ bằng gỗ có màu, chiếc lọ nhựa trong suốt, quả chuông lắc nhỏ, quả banh, giấy, bút chì, những bức hình màu có hình các con thú, chiếc cốc (ly) nhỏ…

Trẻ được dần dần cho tiếp xúc và làm quen với các vật dụng này trước khi thực hiện các yêu cầu của trắc nghiệm viên.

Trắc nghiệm viên sẽ yêu cầu trẻ làm những gì?

Trắc nghiệm Denver không phải là một “cuộc thi” có tính thách đố đối với trẻ, vì hầu hết những yêu cầu của trắc nghiệm viên đặt ra cho trẻ đều có nội dung phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Hình thức của các yêu cầu này có thể như sau:

-         Là những câu hỏi đặt ra để trẻ trả lời

-         Là những thao tác mà trẻ vẫn thường thực hiện khi vui chơi mỗi ngày

-         Hoặc đơn giản chỉ là đưa cho trẻ những vật dụng và quan sát xem trẻ làm gì với vật dụng ấy

Khi thực hiện trắc nghiệm Denver, trắc nghiệm viên luôn thiết lập một mối quan hệ thân thiện với trẻ, tôn trọng trẻ và không gây áp lực bắt trẻ làm theo những yêu cầu.

Phụ huynh nên làm gì trước và trong khi thực hiện trắc nghiệm?

Trắc nghiệm viên sẽ tiếp xúc trẻ với sự có mặt của phụ huynh. Phụ huynh nên hợp tác với trắc nghiệm viên để giúp trẻ bớt e ngại và khuyến khích trẻ làm theo các yêu cầu trong tiến trình làm trắc nghiệm.

Trắc nghiệm viên có thể đặt thêm các câu hỏi cho quý vị phụ huynh về một số thông tin liên quan đến các khả năng trong sinh hoạt thường ngày mà trẻ có thể thực hiện ở nhà. Việc phụ huynh cung cấp thêm các thông tin như thế sẽ giúp cho sự đánh giá khả năng của trẻ được chính xác hơn.

Phụ huynh cần giúp cho trẻ an tâm khi vào phòng trắc nghiệm để trẻ có thể tập trung chú ý hơn khi trắc nghiệm viên trình bày các vật dụng và đề nghị các yêu cầu.Không nên tiến hành trắc nghiệm trong điều kiện trẻ quá mệt mỏi, đang có bệnh, sợ hãi, quá lăng xăng hoặc kém tập trung, chú ý.

Với trẻ nhỏ, phụ huynh nên đặt trẻ ngồi vào lòng để trẻ yên tâm hơn khi tiếp xúc với trắc nghiệm viên. Trẻ lớn hơn (trên 3 tuổi) có thể ngồi ghế riêng, nhưng nếu trẻ quá e ngại, trắc nghiệm viên có thể nhờ phụ huynh truyền đạt lại các yêu cầucho trẻ thực hiện.

Sự hợp tác của phụ huynh là một yếu tố giúp cho việc thực hiện trắc nghiệm được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Trắc nghiệm được tiến hành như thế nào?

Bước 1: Ghi ngày, tháng, năm sinh của trẻ để tính chính xác lứa tuổi của trẻ.

Bước 2: Xác định các tiết mục cần thực hiện tùy theo lứa tuổi của trẻ.

Bước 3: Tuần tự thực hiện các tiết mục đã xác định ở bước 2.

Bước 4: Ghi kết quả từng tiết mục (làm được: Đ – làm không được: S)

Bước 5: Tổng hợp kết quả các tiết mục và đánh giá kết quả, với 3 mức độ như sau: 

Phát triển tốt (bình thường)

Nghi ngờ chậm phát triển

Chậm phát triển

 Bước 6: Trả lời kết quả và tư vấn hướng dẫn cho phụ huynh.

Trong trường hợp trẻ có kết quả chậm phát triển hoặc nghi ngờ có chậm phát triển, phụ huynh sẽ được hướng dẫn việc đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán xác định và có phương hướng điều trị, giáo dục và tập luyện phù hợp.

Để trắc nghiệm Denver trở thành công cụ phục vụ lợi ích cho các bé thơ của chúng ta

Đã có rất nhiều nỗ lực của các nhà chuyên môn trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong việc phổ biến, nghiên cứu, hiệu chỉnh và áp dụng trắc nghiệm Denver để theo dõi và đánh giá sự phát triển tâm lý – vận động của những trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Và tất nhiên, những nỗ lực ấy vẫn còn đang được tiếp tục thực hiện.

Không có công cụ nào được xem là thực sự hoàn hảo cả. Tuy nhiên, việc đúc kết các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như kinh nghiệm thực tế trong việc chăm sóc, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, đã giúp chúng tôi tự tin sử dụng trắc nghiệm Denver như một trong những công cụ hữu ích để phục vụ lợi ích của các bé thơ của chúng ta.

Mong các bé thơ khôn lớn nên ngưòi

MƯỜI NGHIÊN CỨU QUAN TRỌNG TRONG TÂM LÝ HỌC TRẺ EM

Người dịch: NGUYỄN THỊ THU TRÚC

Cử nhân tâm lý - Chi hội Trăng Non

Đây là 10 nghiên cứu kinh điển đã làm sáng tỏ những lĩnh vực trọng tâm về sự phát triển ở tuổi ấu thơ. Bao gồm các lĩnh vực: trí nhớ, ngôn ngữ, ý niệm bản ngã, nhận thức, khả năng mang tính xã hội và làm chủ cảm xúc. Mỗi lĩnh vực là một phần mảnh ghép về chính chúng ta, làm chúng ta nhớ lại, thông qua kiểm tra lại những phần đó, mà bây giờ chúng ta biết rằng nó đã một thời phức tạp như thế nào

Trí nhớ của trẻ hoạt động từ rất sớm

Khi hình ảnh Bản Ngã (The Self) xuất hiện: có phải mình trong gương không?

Trẻ học biết trái đất không phẳng như thế nào

Tình huống xa lạ: cửa sổ tâm hồn trên quá khứ và tương lại của đứa trẻ

Trẻ bắt chước người khác từ khi mới vài tuần tuổi

Khi trẻ bắt đầu phỏng đoán tâm ý của người khác

Trẻ là nhà vật lý học nhạy cảm: sự bất biến của vật thể

Trẻ bắt đầu cuộc hành trình đến lời nói đầu tiên như thế nào

Sáu kiểu chơi: chúng ta học cách hợp tác với nhau như thế nào

Lý thuyết về 4 giai đoạn phát triển nhận thức ở trẻ em của Jean Piaget: Trẻ em thu được kiến thức như thế nào

 1. Trí nhớ của trẻ hoạt động từ rất sớm

Thí nghiệm kinh điển của Giáo sư Carolyn Rovee và đồng sự vào những năm 60 thế kỷ 20 cung cấp cho chúng ta một cái nhìn thấu đáo về việc trẻ sơ sinh có thể nhớ cái gì. Phương pháp này cung cấp những bằng chứng tuyệt vời về sự phát triển trí nhớ ở trẻ sơ sinh bắt đầu khi nào và hoạt động như thế nào.

Trong thí nghiệm của Rovee (1969), những đứa trẻ từ 9-12 tuần tuổi được nằm thoải mái trong cái cũi của chúng tại nhà, chúng nhìn chăm chú vào món đồ chơi có dây nối những miếng gỗ nhiều màu sắc (the mobile) treo bên trên. Nếu đứa trẻ giãy đạp thì món đồ chơi sẽ đung đưa chuyển động. Và nếu chúng giãy đạp mạnh, những miếng gỗ sẽ va chạm nhau tạo âm thanh lách cách thú vị. Trẻ càng giãy đạp nhiều thì càng nhận được những kích thích từ món đồ chơi. Thí nghiệm muốn tìm hiểu liệu đứa trẻ có thể điều kiện hóa những cú giãy đạp của nó để làm đồ chơi chuyển động hay không. Nhà nghiên cứu đo cấp độ những cú đá của trẻ khi không có đồ chơi làm đường chuẩn (baseline), và sau đó so sánh nó với những cú đá mà có phản hồi thú vị từ món đồ chơi.

Rovee khám phá thấy ở những đứa trẻ 8 tuần tuổi đã có thể học cách kết hợp giữa sự giãy đạp của mình với sự chuyển động của món đồ chơi. Điều đã học tập này có thể còn tồn tại trong khoảng từ 45-55 phút. Sau đó, nghiên cứu còn dùng vật thay thế món đồ chơi ban đầu mà trẻ đã biết để xem liệu trẻ có thể nhận ra sự khác biệt đó, nhờ thế mà ta kiểm tra được trẻ có thể thực sự nhớ được hay không.

Nghiên cứu thực hiện trên những đứa trẻ chỉ 8 tuần tuổi, trẻ được chơi với đồ chơi trong 3 ngày, mỗi ngày chơi 9 phút. 24 giờ sau giai đoạn trên, những đứa trẻ chỉ đá bên trên mức đường chuẩn của chúng khi có món đồ chơi đúng như nó đã quen 3 ngày trước. Điều này cho thấy chúng nhớ được đặc điểm riêng của món đồ chơi mà chúng được chơi không như bất kỳ món đồ chơi nào khác. Khám phá này rất lý thú vì trước đó người ta cho rằng trí nhớ dài hạn (đối với những nhà tâm lý học, 24 giờ là dài hạn) không xuất hiện sau 8-9 tháng tuổi.

Những nghiên cứu tương tự cũng cho thấy hệ thống trí nhớ của chúng ta hoạt động từ rất sớm. Trí nhớ của trẻ em cũng hoạt động giống như cách trí nhớ của người lớn, chỉ có điều nó dễ bị mất đi.

2/ Khi hình ảnh Bản Ngã (The Self) xuất hiện: có phải mình trong gương không?

Cho đến nay bài kiểm tra với cái gương (mirror test) vẫn được cho là cách tốt nhất để kiểm nghiệm sự xuất hiện ý niệm bản ngã (self-concept) ở trẻ em.

Năm 1972, Beulah Amsterdam đã mở ra một thập niên nghiên cứu về nhận thức bản ngã (self-recognition). Phương pháp nghiên cứu khá đơn giản. Những đứa trẻ từ 6-24 tháng tuổi được đứng trước gương sau khi bị trét một vệt son đỏ trên mũi một cách bí mật. Mẹ của trẻ sẽ chỉ vào ảnh trên gương của trẻ và hỏi: ai đó?. Nhà nghiên cứu quan sát phản ứng của trẻ. Có 3 loại phản ứng:

+ Những đứa trẻ từ 6-12 tháng tuổi phản ứng như đó là một đứa trẻ khác trong gương mà chúng muốn kết thân. Chúng cười và xì xồ những âm thanh.

+ Những đứa trẻ từ 13-24 tháng tuổi phản ứng trốn tránh. Chúng trở nên cẩn trọng hơn, không còn vui vẻ một cách đặc biệt. Một số trẻ vẫn còn đôi khi cười với ảnh của mình trong gương. Hành vi của trẻ được một lời giải thích cho rằng đứa trẻ đang hành động một cách ý thức về bản thân (self-consciously), nhưng nó cũng được cho là cách phản ứng với một đứa trẻ khác.

+ Những đứa trẻ từ 20 đến trên 24 tháng tuổi nhận ra chính mình trong gương. Chúng chỉ vào vết son ở trên mũi của mình. Điều này cho thấy chúng nhận ra hình ảnh trong gương là chính mình.

Có ý kiến cho rằng đứa trẻ trong khoảng 2 tuổi phát triển ý niệm bản ngã vững chắc có tính thể lý hoặc hình ảnh (a solid physical or visual self-concept), và chỉ một ít ý niệm bản ngã về tinh thần (mental self-concept). Các nghiên cứu chỉ cho thấy rằng trẻ biết nó có hình ảnh như thế nào. Có thể, chúng ta chỉ phát triển ý niệm về bản ngã phải lâu sau đó.

Từ 2-4 tuổi trẻ bắt đầu phát triển nhanh chóng những hành vi có tính xã hội. Việc phân biệt bản thân với người khác là nền tảng hướng đế xây dựng mới quan hệ xã hội hơn là những tương tác đơn thuần. Dường như đứa trẻ không thể xây dựng mối quan hệ với người khác mà không có vài ý niệm giới hạn của bản thân chúng. Nhận thức về bản thân là chìa khóa để có thể bắt đầu tương giao với người khác. Với hiểu biết đó, trẻ bắt đầu bước chân vào thế giới xã hội loài người.

3/ Trẻ học biết trái đất không phẳng như thế nào

Nghiên cứu kinh điển về khả năng học tập trong tuổi ấu thơ cho rằng hiểu biết sự thật đến từ việc gỡ bỏ những kiến thức trước đó đã được thiết lập.

Có những khám phá vĩ đại của nhân loại như: con người có nguồn gốc từ loài vượn, trái đất hình cầu và xoay quanh mặt trời, con số có thể thay thế bằng các ký tự để giải quyết các vấn đề… Mặc dù tầm quan trọng của những phát kiến đó đều giúp ta hiểu mọi điều xung quanh chúng ta, thì so với hiện nay kiến thức đó có vẻ tương đối tầm thường, chúng ta có thể học chúng tại trường.

Nhưng quá trình trí óc đã hoạt động ra sao để đưa ta từ việc học vẹt đến hiểu biết thật sự kiến thức đó? Đứa trẻ xem xét lại điều chúng hiểu về thế giới như thế nào là một trong những lĩnh vực thú vị của ngành tâm lý học trẻ em.

Một nghiên cứu của Giáo sư Stella Vosniadou và William Brewer cung cấp một cái nhìn trọng tâm về việc chúng ta đã vươn đến những hiểu biết đúng sự thật như thế nào. Các ông sử dụng lý thuyết tâm lý nhận thức để gọi “mô hình trí óc” (mental models) mà chúng ta dùng để sáng tạo, sau đó kiểm nghiệm, những mô hình trí óc của những cách mà thế giới dùng để dựng nên những hiểu biết cho mình. Lý thuyết này cho rằng có thể có nhiều điểm trung gian (intermediate point) ở những chổ chúng ta nắm được khái niệm nào đó nhưng chưa thật sự hiểu nó. Những mô hình trí óc trung cấp (intermediate mental models) này được Vosniadou và Brewer nhìn nhận như là bằng chứng của sự hiểu biết đang tiến triển.

Nghiên cứu của Vosniadou và Brewer phỏng vấn 60 trẻ em từ 6-11 tuổi. Mỗi trẻ được hỏi 48 câu, bắt đầu từ những câu hỏi vô thưởng vô phạt như: “Trái đất hình gì?”, và sau đó tiếp tục với những câu hỏi có tính thăm dò được thiết kế để khám phá mô hình trí óc về cách hiểu hình dạng Trái đất mà đứa trẻ sử dụng.

Hầu hết các đứa trẻ đều khởi động bằng việc tái hiện trái đất hình tròn. Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ta cứ đi hoài đi mãi, một số câu trả lời là bạn sẽ rơi ra ngoài, số khác đưa ra câu trả lời gây ngạc nhiên khi chúng nghĩ rằng Trái đất hình cầu. Một số vẫn nói là bạn sẽ rơi vào một hành tinh khác. Một số khác lại nói trái đất là vòng tròn mà chúng ta thì sống trên bề mặt phẳng của nó.

Câu trả lời ban đầu có vẻ khá tình cờ và bất nhất, như thể chúng mới nghĩ đại ra. Nhưng qua những câu hỏi sau thì những kiểu trả lời bắt đầu xuất hiện rõ ràng:

+ Trái đất hình chữ nhật: Trẻ nghĩ rằng Trái đất hình chữ nhật dẹt và chúng ta có thể rơi ra ngoài.

+ Trái đất hình đĩa: Trẻ nghĩ Trái đất là một cái đĩa dẹt và chúng ta cũng có thể rơi ra ngoài.

+ Trái đất 2 mặt: Trẻ nghĩ rằng có một Trái đất phẳng mà chúng ta đang đứng trên nó và một “Trái đất” nữa trên bầu trời hình vòng tròn. Câu trả lời của chúng cho thấy chứng thấy hành tinh này dẹt khi hỏi về “đất”, nhưng lại là hình vòng tròn khi hỏi về “Trái đất”.

+ Trái đất hình cầu rỗng: trẻ nghĩ rằng chúng ta sống bên trong Trái đất trên bề mặt phẳng

+ Trái đất hình cầu có mặt phẳng: Trẻ cho rằng Trái đất hình cầu có mặt phẳng mà con người sống ở trên những vùng trên đỉnh.

+ Trái đất hình cầu: Số trẻ có câu trả lời này tăng theo độ tuổi.

+ Mô hình trộn lẫn: Một số trẻ còn lại không đưa ra một câu trả lời chắc chắn nào, không một kiểu trí óc nào được cấu trúc phù hợp cho chúng.

Thực tế là có khoảng 4/5 số trẻ phù hợp ở những hạng được xác định rõ ràng mà có thể chỉ ra rằng chúng ta gần cấu trúc cùng kiểu mô hình trí óc giống những người khác, giống lẫn cái đúng và cả cái sai.

Sự hiểu biết đang tiến triển:

Kết quả cho thấy tâm trí làm việc từ khi những thuật ngữ còn là những khái niệm mới toanh, hoàn toàn xa lạ về cơ bản đối cảm giác. Những kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta cho rằng Trái đất phải là phẳng, tuy nhiên, khi lực hấp dẫn hút chúng ta xuống, tức là chúng ta đang trượt trên trái đất. Đây là mô hình hoạt động trí óc đầu tiên của cách hiểu về Trái đất. Sau đó chúng ta được dạy rằng Trái đất hình cầu và chúng ta cố gắng cập nhật cách hiểu đã có, nhưng khi nó xuất hiện, chúng ta trải qua giai đoạn bị kẹt ở giữa.

Đây gọi là mô hình trí óc trung gian, nơi là điểm để chúng ta cố gắng nhận những khái niệm mới bởi lần đầu tiên cố gắng thống hợp chúng trong cách hiểu hiện hành của mình. Mô hình Trái đất hình cầu rỗng và Trái đất hai mặt cho thấy trẻ đã thích ứng là ví dụ cho điều này. Cả hai cách đều là cố gắng giữ Trái đất vừa phẳng và vừa có dáng hình cầu.

Cái ngăn cản đứa trẻ học tập chính là những phỏng đoán đã có từ những kinh nghiệm hằng ngày của trẻ. Cho đến khi chúng chưa rời bỏ cách nhìn cũ về Trái đất, chúng không thể nắm bắt cách nhìn mới. Những phỏng đoán đã thiết lập từ kinh nghiệm cá nhân là nhân tố mạnh mẻ mà khó gỡ bõ, ngay cả khi có bằng chứng mâu thuẫn ngay trước mặt. Đôi khi, hiểu biết thật sự là gỡ bỏ cách hiểu cũ hơn là học những khái niệm mới.

4/ Tình huống xa lạ: cửa sổ tâm hồn trên quá khứ và tương lai của đứa trẻ

Chúng ta là động vật có tính xã hội, dựa vào nhiều ở khả năng của chúng ta trong các dạng mối quan hệ với người khác để giúp chúng ta thương lượng cách sống. Người có khó khăn trong các mối quan hệ thường không thể tham gia trong việc cho-và-nhận thường ngày. Họ có thể hay chống đối người khác, gặp nhiều vấn đề về giáo dục cũng như khả năng cao sẽ bị các rối loạn tâm thần trong tương lai.

Không lạ khi các nhà tâm lý học trẻ em quan tâm đến những mối quan hệ đầu tiên mà chúng ta xây dựng với những người chăm sóc ban đầu. Điều này giúp chứng minh sự ảnh hưởng quan trọng của các mối quan hệ đó lên trên các mối quan hệ được thiết lập trong tương lai, bao gồm mối quan hệ với người bạn đời, những người đồng nghiệp và với con cái chúng ta. Chúng ta không đổ thừa mọi sự cho cha mẹ mình, nhưng những mối quan hệ từ sớm thường trở thành khuôn mẫu chúng ta dùng trong cuộc sống sau này của mình.

Vì vậy sự phát triển của những mối quan hệ từ rất sớm – thường được gọi là “sự gắn bó”- cực kỳ quan trọng. Những nhà tâm lý học trẻ em nhận thấy thật hữu ích khi biết đừa trẻ gắn bó với cha mẹ của chúng như thế nào. Nhưng vấn đề là làm sao đo mức độ gắn bó? Một đứa trẻ 8 tháng tuổi không nói gì nhiều mà khó lòng tin tưởng vào những thông tin do cha mẹ cung cấp.

Nhà tâm lý học trẻ em nổi tiếng Mary Ainsworth và cộng sự đã đưa ra những tài liệu chuẩn để khám phá sự gắn bó cảm xúc giữa đứa trẻ và người chăm sóc (Ainsworth, Blehar, Waters & Wall, 1978). Đây được cho là thí nghiệm có sức mạnh nhất để nghiên cứu sự phát triển cảm xúc và tính xã hội của trẻ em.

Ainsworth sử dụng một trong những cảm xúc cơ bản nhất của con người chính là sự sợ hãi. Khi một em bé gắn bó với người chăm sóc nó, sau 6 tháng, nó bắt đầu xuất hiện nỗi sợ trong hai tình huống thường dễ lập đi lập lại như:

+ Sự lo lắng vì người lạ: đôi khi sau 6 tháng tuổi đứa trẻ thường bắt đầu sợ người lạ. Điều này càng đặc biệt hơn khi người chăm sóc của nó không có mặt lúc đó.

+ Phản kháng sự chia cắt: cùng khoảng thời gian đó, trẻ cũng có dấu hiệu buồn rầu khi người chăm sóc rời xa nó.

Để tìm hiểu đứa trẻ và người chăm sóc nó tương tác như thế nào, Ainsworth để lại một loạt những tương tác được thiết kế để kiểm tra đứa bé phản ứng nhưng thế nào trong khi lo lắng gặp người lạ và lo lắng bị chia cắt. Chuỗi hành động được chỉ đạo cẩn thận, mỗi cảnh không quá 3 phút:

1. Một nhà nghiên cứu ra ngoài sau khi đưa người chăm sóc và đứa trẻ vào phòng nghiên cứu.

2. Người chăm sóc không làm gì cả trong khi đứa trẻ bộc lộ phản ứng.

3. Một người lạ vào, không nói gì trong một phút, và sau đó nói chuyện với người chăm sóc. Sau đó, không quá một phút, người lạ tiếp cận đứa trẻ.

4. Người chăm sóc rời phòng một cách kín đáo nhất có thể và để đứa trẻ với người lạ ở lại phòng.

5. Người chăm sóc quay trở lại để trấn an đứa trẻ và sau đó lại rời đi.

6. Đứa trẻ bị ở lại trong phòng một mình.

7. Người lạ vào phòng và bắt đầu tương tác với đứa trẻ.

8. Người chăm sóc quay vào phòng và người lạ đi khỏi đó.

 Tình huống xa lạ được thiết kế là để tạo sự xa lạ cho đứa trẻ cảm nhận. Cần bắt đầu bằng một cái phòng không quen thuộc với trẻ, sau đó một người lạ bước vào, nói chuyện với nó, rồi cả người lạ vào người chăm sóc cùng mất tích. Mỗi tình huống gây stress tăng dần.

 Phân tích kết quả sau khi lập lại thí nghiệm trên nhiều đứa trẻ, Ainsworth khám phá ra điều lý thú trong các dữ liệu. Nó cho thấy những khía cạnh tương tác có thể quan sát được đứa trẻ phản ứng như thế nào khi người chăm sóc quay trở lại. Phân tích phản ứng của đứa trẻ khi mẹ nó quay trở lại cho thấy sự khác biệt giữa ba kiểu chia cắt trong sự gắn bó, một loại tốt và hai loại được cho là có kiểu rối loạn gắn bó (disorder attachment style):

+ Gắn bó một cách an toàn: đứa trẻ được cho là có gắn bó an toàn sẽ có lý do để buồn sầu khi người chăm sóc nó rời bỏ và sẽ tỏ ra vui thích khi người đó quay lại và sẽ dịu đi sự đau buồn nhanh hơn. Nghiên cứu phổ quát có khoảng 70% đứa trẻ rơi vào trường hợp này.

+ Sự gắn bó không an toàn/tránh né: Những đứa trẻ kém thân thiết với người chăm sóc, mặc dù chúng khóc khi học rời khỏi phòng. Nhưng lạ thay, chúng cũng không thoải mái khi người chăm sóc quay lại, chúng thường quay lưng với người chăm sóc chúng và tránh xa họ. Khoảng có 20% trẻ rơi vào trường hợp này.

+ Sự gắn bó không an toàn/chống cự: Những đứa trẻ không muốn rời bỏ người chăm sóc chúng để khám phá cái phòng. Sau đó, giống như kiểu thiếu an toàn và tránh né, chúng khóc khi người chăm sóc rời bỏ, nhưng lại chống đối khi người chăm sóc quay lại và có ý an ủi chúng. Chúng tỏ ra giận dữ. Khoảng 10% đứa trẻ rơi vào trường hợp này.

Nghiên cứu sau đó cũng xác định kiểu gắn bó không an toàn sâu hơn:

+ Sự gắn bó không an toàn/phá rối: những đứa trẻ thường hay sợ và từ chối người chăm sóc. Những trẻ này thường chịu sự căng thẳng quá mức. Kiểu gắn bó này thường là do người chăm sóc bị phiền muộn hoặc đứa trẻ bị lạm dụng, ngược đãi.

 Nguyên nhân của các kiểu gắn bó:

Phần lớn những nghiên cứu kiểm nghiệm những yếu tố nguyên nhân dẫn đến đứa trẻ gắn bó trong những cách khác nhau, thường nhấn mạnh vào cách mà người chăm sóc đối xử với trẻ. Những gắn bó an toàn được sự phối hợp từ những người chăm sóc có (Papalia & Olds, 1977):

+ Sự nhạy cảm và sẵn lòng đáp ứng với đứa trẻ

+ Luôn khuyến khích tương giao hai chiều với đứa trẻ

+ Ấm áp và chấp nhận đứa trẻ

Những điều trái với các yếu tố trên một cách rõ ràng sẽ gây ra các kiểu gắn bó không an toàn. Một vài nghiên cứu cũng cho thấy tính khí của đứa trẻ cũng là yếu tố quan trọng.

 Tầm quan trọng của các kiểu gắn bó:

Một số nhà nghiên cứu cho rằng kiểu gắn bó có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng xã hội, cảm xúc và nhận thức. Một số cho rằng đứa trẻ càng gắn bó tốt với người chăm sóc chúng thì chúng càng dễ có khả năng sống độc lập sau này. Những lợi ích thừ sự gắn bó an toàn bao gồm (Papalia & Olds, 1977):

+ Tự tin hơn

+ Nhiều bạn hơn

+ Nhiều mối quan hệ trưởng thành tốt đẹp hơn

 Có nghĩa là trẻ có sự gắn bó không an toàn thường có xu hướng:

+ Tỏ ra nhiều cảm xúc tiêu cực hơn

+ Có vấn đề về hành vi

+ Thường chống đối với các trẻ khác

Mở cửa cho tương lai

Các nhà phê bình nghiên cứu “tình huống xa lạ” cho rằng:

+ Tại sao người chăm sóc phải chịu đựng một cách đặc biệt tương giao với đứa trẻ?

+ Đứa trẻ có thể thật sự theo kịp những cảnh đến và đi trong suốt nghiên cứu?

+ Điều được rút ra có giá trị trong các nền văn hóa khác nhau không?

Nghiên cứu này cung cấp một cách kiểm nghiệm chuẩn xác những dạng quan hệ sớm giữa chúng ta với người chăm sóc mình. Nó tiết lộ câu trả lời cho bốn câu hỏi lớn mà đứa trẻ đặt ra về những tương giao xã hội và cảm xúc của chúng:

+ Tôi có mối quan hệ tốt đẹp với người khác như thế nào?

+ Điều gì xảy ra khi tôi khám phá môi trường xung quanh?

+ Tôi có thể đạt được điều gì?

+ Người ta làm gì khi tôi tỏ ra không vui?

Cách mà đứa trẻ gắn bó cho ta manh mối để trả lời những câu hỏi này và mở cánh cửa tương lai và quá khứ của chúng.

 5/ Trẻ bắt chước người khác từ khi mới vài tuần tuổi:

Một trong những hành vi mang tính xã hội cơ bàn quan trọng đó là biết bắt chước người khác. Mặc dù việc bắt chước được người lớn thừa nhận nhưng nó cũng cần sự nổ lực từ phía dứa trẻ.

Yếu tố trọng tâm của việc bắt chước là hiểu rõ sự khác biệt giữa bản thân và người khác. Nhà tâm lý học trẻ em lỗi lạc Jean Piaget cho rằng điều này chỉ xảy ra khi trẻ được 8-12 tháng tuổi, lúc đó nó mới biết bắt chước.

Năm 1977, Nghiên cứu của Andrew Meltzoff và M. Keith Moore đặt lại câu hỏi cho lý thuyết của Piaget và trở thành nghiên cứu kinh điển trong tâm lý học trẻ em.

Nghiên cứu khá dễ dàng. Một nhà nghiên cứu ngồi trước mặt những đứa trẻ sơ sinh khoảng 12-21 ngày tuổi. Người này thè lưỡi ra, mở miệng, mím môi và di chuyển những ngón tay, sau đó quan sát những phản ứng của đước trẻ với khuôn mặt trơ. Kết quả gần như chắc rằng những đứa trẻ đã bắt chước hành vi của người này.

Vấn đề chính được nêu lên, liệu những đứa trẻ đó thật sự bắt chước nhà nghiên cứu hay là chỉ thè lưỡi, há miệng vì một lý do nào khác. Nói cách khác: có thật là việc bắt chước hay một cái gì đó căn cơ hơn không thể được cho là tương tác xã hội?

Nghiên cứu này là phần bất lợi cho những ai cho rằng đứa trẻ sinh ra trong thế giới được “cài đặt” sẵn một phần những tương giao xã hội. Từ rất sớm, đứa trẻ đã làm chủ được thân thể của mình và bắt chước người khác

6/ Khi trẻ bắt đầu phỏng đoán tâm ý của người khác

Các nhà tâm lý học gọi khả năng phỏng đoán hay tìm lời đáp bằng suy nghĩ được gọi là “lý thuyết của tâm trí” (Theory of Mind - TOM). Sự xuất hiện của lý thuyết của tâm trí ở trẻ em là cột mốc phát triển quan trọng; một vài nhà tâm lý học cho rằng việc bị lỗi trong sự phát triển TOM là yếu tốt chính của bệnh tự kỷ.

Nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng về hoạt động của TOM trong kiểm nghiệm niềm tin sai lạc của Heinz Wimmer và Josef Perner năm 1983. Đề kiểm tra sự xuất hiện của TOM, nhà nghiên cứu tìm hiểu liệu đứa trẻ có thể vượt qua một niềm tin sai lạc. Đề vượt qua bài kiểm tra, đứa trẻ phải hiểu điều gì là có thể ở người khác, có thể sẽ khác với chính nó.

Wimmer và Perner kiểm nghiệm trên những đứa trẻ từ 3-9 tuổi, nói với chúng câu chuyện về cậu bé Maxi có mẹ mua sô cô la để làm bánh. Khi mẹ về, Maxi thấy mẹ để sôcôla trong chạn tủ xanh dương. Sau đó Maxi ra ngoài chơi. Trong lúc đó, mẹ dùng sôcôla để làm bánh lại bỏ chúng vào chạn tủ khác màu xanh lá. Khi Maxi trở vào nhà, nó thấy đói và muốn có sôcôla ăn. Những đứa trẻ phải trả lời câu hỏi: chạn tủ nào Maxi sẽ tìm sôcôla?

Kết quả cho thấy những đứa trẻ 3-4 tuổi thương trả lời sai khi chỉ nơi thực tế có sô cô la hơn là nơi mà Maxi có thể nghĩ. Wimmer và Perner cho rằng có điều này xảy ra vì chúng chưa cấu trúc mô hình trí óc tách biệt về thế giới để có thể hiểu kinh nghiệm của Maxi – chúng chưa có khả năng của TOM.

Trẻ khoảng 4-5 tuổi thì có sự thay đổi hơn. Chúng có xu hướng chọn cái chạn Maxi nghĩ hơn là cái chúng biết. Tuy nhiên, có những đứa trẻ trên 5 tuổi vẫn có vấn đề hiểu người khác.

Cuối cùng, trẻ 6 tuổi có thể có hiểu biết nhất quán rằng người khác có thể giữ những điều sai về thế giới.

Thí nghiệm này cho rằng trẻ từ 4-6 tuổi có một khả năng đáng lưu ý bắt đầu xuất hiện, hết sức quan trọng đối với sự thành công của trẻ trong xã hội. Chúng bắt đầu hiểu người khác có thể giữ điều sai, chúng có thể dối trá với bản thân và người khác có thể nói dối chúng. Điều này có thể là sự chấm dứt buồn bã cho tính ngây thơ, nhưng là một kỹ năng bắt buộc để thành công trong xã hội.

7/ Trẻ là nhà vật lý học nhạy cảm: sự bất biến của vật thể

 Sự bất biến của vật thể là hiểu rằng vật thể vẫn tiếp tục tồn tại dù chúng ta không thật sự thấy chúng. Nhà tâm lý học trẻ em Jean Piaget cho rằng trẻ không thể hiểu khái niệm này cho đến khi nó 12 tháng tuổi.

Ý tưởng đó bị thách thức bởi một loạt nghiên cứu của Giáo sự Renee Baillargeon và cộng sự. Những nghiên cứu dùng sự ngạc nhiên rõ ràng của đứa trẻ trong những sự kiện không thể xảy ra để cố gắng và tập luyện để hiểu sự bất biến của vật thể.

Trong nghiên cứu, những đứa trẻ khoảng 6 tháng tuổi rưỡi nhìn một chiếc xe đồ chơi chạy xuống bờ đốc. Nửa đường của hành trình nằm ở sau tấm màn chắn tầm mắt của đứa trẻ, trước khi xe xuất hiện ở đầu bên kia thì nó biến mất một lúc. Trong điều kiện khác, trẻ được thấy một cái khối đặt phía sau tấm màn chắn ngay chặng đường của chiếc xe. Một thủ thuật bí mật làm cho khối gỗ không chặn được chiếc xe. Khi xe được thả ra, nó chui qua cái khối và xuất hiện bên đầu bên kia. Đây là điều kiện không thể xảy ra được so sánh với điều kiện có thể xảy ra là cái khối được đặt gần, nhưng không đặt ngay trên đường đi của xe.

Baillargeon thấy rằng trẻ chăm chú lâu hơn vào cảnh có điều không thể xảy ra. Điều này cho rằng trẻ hiểu cái khối vẫn còn ở phía sau tấm màn dù nó không thấy. Nó cũng hiểu là xe không thể xuyên qua khối gỗ. Điều này có vẻ là bằng chứng hợp lý cho rằng trẻ hiểu được sự bất biến của vật thể.

Nghiên cứu cũng được thực hiện trên những đứa trẻ 3 tháng tuổi rưỡi, và có vẻ chúng cũng nắm được sự bất biến của vật thể. Sử dụng kết quả nghiên cứu của Baillargeon và cộng sự cho thấy trẻ nhỏ không bị bẫy trong thế giới nhiều hình dạng mà có ít ý nghĩa với chúng. Chúng dường như là những nhà vật lý nhạy cảm có những ý nghĩ còn thô sơ về những khái niệm vật lý như lực hấp dẫn, quán tính và sự bất biến của vật thể.

Có thể trẻ không nhìn thất giới như là một giấc mộng hoàn toàn vô lý. Chắc chắc, chúng phải học thêm nhiều điều đáng ngạc nhiên từ thế giới đó nhưng dường như chúng hiểu vài nền tảng về cách mà thế giới vận hành từ rất sớm.

8/ Trẻ bắt đầu cuộc hành trình đến lời nói đầu tiên như thế nào

Những bước đầu tiên của đứa trẻ trên cuộc hành trình đến lời nói đầu tiên có thể là điều gây ấn tượng của chúng nhất. Bước đầu tiên là phải phân biệt và phân loại các thành phần âm thanh cơ bản của ngôn ngữ mà chúng nghe thấy.

Những đứa trẻ nhỏ đều đối mặt với những thách thức tương tự nhau nhưng không phải là mức độ từ ngữ ban đầu, mà là mức độ thấp nhất của tiếng ồn hoàn toàn (pure noise). Đầu tiên chúng phải cố sức phân biệt giữa các thành phần cơ bản của lời nói – gọi là âm vị.

Nghiên cứu kinh điển của Peter D Eimas và cộng sự năm 1971 giúp hiểu chắc rằng đứa trẻ có thể phân biệt những âm vị. Eimas nghiên cứu những trẻ khoảng 1-4 tháng tuổi, kiểm tra khả năng phân biệt âm “p” và âm “b”. Phương pháp họ sử dụng để nhận ra sự thay đổi nhạy cảm ở đứa trẻ giữa các âm khác nhau rất tinh tế này. Họ dùng một cái núm vú giả có gắn tiếp vận truyền thanh để đo tốc độ nút của trẻ. Đứa trẻ càng thích thú, nó càng nút nhanh hơn.

Ban đầu, tốc độ nút của trẻ được đo khi chúng được nghe một âm thanh lập đi lập lại, đó là âm “b”. Ban đầu trẻ thấy thích thú và nó nút nhanh hơn. Sau đó trẻ chán và tốc độ nút giảm xuống. Trong điều kiện thí nghiệm: khi chuyển sang âm “p”, và khi vẫn giữ nguyên âm “b”, tốc độ nút của trẻ có thay đổi. Đây là bằng chứng cho thấy trẻ phân biệt được sự khác nhau giữa âm “p” và âm “b”.

Nghiên cứu cho thấy trẻ 1 tháng tuổi cũng có thể phân biệt âm “p” và âm “b”. dựa trên những gì tìm thấy, các nhà tâm lý học cho rằng trẻ được sinh ra với những kỹ năng mà có thể phân loại âm thanh dù chỉ là thay đổi nhỏ. Kỹ năng này là những phần cơ bản để xây dựng khả năng học ngôn ngữ.

Hầu hết các ngôn ngữ chứa khoảng 40 âm vị khác nhau và nhiệm vụ cơ bản của trẻ là làm chủ được chúng. Trong suốt 3 tháng đầu đời trẻ có thể phân biệt được hết tất cả các âm vị, nhưng không ai trong những đứa trẻ sinh ra giống nhau về lời nói. Ở tháng thứ 3, trẻ bắt đầu phát ra những nguyên âm. Chúng chinh phục những âm vị đầu tiên và bước dần lên con đường nói từ đầu tiên.

Đứa trẻ được sinh ra với cái tai tinh nhạy với ngôn ngữ, nhưng điều này bắt đầu thay đổi một cách tinh vi trong khoảng trẻ 11 tháng tuổi. Kết quả tìm được cho người lớn không thể phân biệt nhiều âm vị hơn đứa trẻ. Trước lúc 11 tháng tuổi trẻ làm chủ sự phân biệt các âm vị được sử dụng trong mọi các kiểu ngôn ngữ khác nhau. Nhưng sau đó trẻ 11 tháng tuổi chỉ còn lại một loại âm vị thuộc ngôn ngữ đầu tiên, và mất khả năng phân biệt các âm vị của những ngôn ngữ khác. Trẻ bắt đầu biệt hóa ngôn ngữ của chính mình. Sự chuyên môn hóa trong khoảng 40 âm vị, và theo tiến trình ngôn ngữ, đây là điều quan trọng để khoảnh khắc tuyệt vời xuất hiện: từ đầu tiên trẻ nói.

9/ Sáu kiểu chơi: chúng ta học cách hợp tác với nhau như thế nào

Chơi là công việc nghiêm túc. Nhà tiên phong tâm lý lứa tuổi Lev Vygotsky cho rằng, trong những năm tiền học đường, chơi là nguồn dẩn dầu cho sự phát triển. Thông qua chơi, trẻ học tập và thực hành những kỹ năng xã hội cơ ban. Chúng phát triển cảm nhận về bản thân, học cách tương tác với người khác, cách làm bạn, chơi sắm vai.

Nghiên cứu về các hoạt động chơi của trẻ phát triển như thế nào của Milder Parten những năm cuối của thập niên 20 thế kỷ XX, phân chia sáu kiểu chơi của trẻ từ 2-5 tuổi:

1. Chơi thong thả (Unoccupied play): Trẻ chơi khá yên tĩnh, thường là chuyển động thân thể không mục đích. Kiểu chơi này ít khi xảy ra.

2. Chơi một mình (Solitasy play): Trẻ hoàn toàn bị hút trong việc chơi không để ý những trẻ khác. Thường thấy ở trẻ 2-3 tuổi.

3. Chơi quan sát (Onlooker play): trẻ bắt đầu thích thú cách chơi của trẻ khác nhưng nó không tham dự vào. Có thể chúng chỉ hỏi và nói với những đứa trẻ khác, hoạt động chính vẫn là nhìn.

4. Chơi song hành (Parallel play): trẻ bắt chước cách chơi của trẻ khác nhưng không gắn kết chơi chung với trẻ đó. Chúng có thể dùng đồ chơi giống nhau.

5. Chơi có tính liên kết (assiociative play): bây giờ thì chúng thích chơi với nhau hơn là đồ chơi chúng dùng. Đây là loại chơi đầu tiên liên quan đến tương tác xã hội mạnh mẽ giữa những đứa trẻ khi chúng chơi.

6. Chơi hợp tác (Cooperative play): Một vài cách thức tổ chức có trong cách chơi của trẻ, trẻ chơi có mục đích, trẻ có vai trò nhất định trong trò chơi và thường chơi theo nhóm.

Không giống Piaget thấy hoạt động chơi của trẻ trong khoảng thời gian phát triển nhận thức ban đầu, Parten nhấn mạnh ý tưởng cho rằng chơi là việc học cách quan hệ với người khác.

10/ Lý thuyết về 4 giai đoạn phát triển nhận thức ở trẻ em của Jean Piaget: Trẻ em thu được kiến thức như thế nào

Bốn giai đoạn phát triển của Piaget:

+ Giai đoạn giác-động từ khi sinh đến khoảng 24 tháng tuổi (Sensorimotor stage): Trẻ nhận biết thông qua các giác quan, thích thú với nhữg trải nghiệm mới lạ trên thân thể. Trẻ như một nhà khoa học nhỏ khám phá thế giới bằng cách la hết, lắng nghe, đập phá và nếm mọi thứ.

+ Giai đoạn tiền thao tác từ 24 tháng tuổi đến khoảng 7 tuổi (Preoperational stage): Trẻ có khả năng tư duy biểu tượng, trẻ có thể hiểu hình ảnh, từ ngữ và cái khái niệm nhưng chúng còn chưa biết làm gì trên những điều đó. Trẻ tư duy trực giác, cảm tính.

+ Giai đoạn thao tác cụ thể từ 7 đến 12 tuổi (Concrete Operations stage): Trẻ có khả năng thao tác trực tiếp trên đồ vật và biểu tượng một cách cụ thể, nhưng những hoạt động trừa tượng vẫn còn là thách thức khó khăn.

+ Giai đoạn thao tác hình thức trên 12 tuổi (Formal Operations stage): từ đây trẻ có thể suy nghĩ những thuật ngữ trừu tượng về thế giới. Bây giờ chúng hiểu những khái niệm như giá trị, công lý, trẻ bắt đầu tư duy như người lớn.

Cái nhìn trọng tâm của Lý thuyết của Piaget về sự phát triển nhận thức trẻ em cho thấy trẻ tư duy theo một cách khác cơ bản so với người lớn. Không chỉ đơn giản là trẻ ít hiểu biết hơn, ít kinh nghiệm hơn hay ít năng lực tiến triển; mà là nội dung chất lượng tư duy của trẻ hoàn toàn khác người lớn.

Mặc dù các nhà tâm lý học đến nay vẫn còn đặt nghi vấn cho một số chi tiết đựa trên quan sát và lý thuyết của Piaget, nhưng cái nhìn trọng tâm này luôn được cách nhìn nền tảng được giữ trọn vẹn.

CON NUÔI 

BS NGUYỄN MINH TIẾN lược dịch

Không giống như những trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được bố trí nuôi dưỡng (foster care) tạm thời hoặc dài hạn ở những cơ sở nuôi dưỡng trẻ, việc nhận con nuôi là một tình trạng hoàn toàn khác. Nhận con nuôi là một tình trạng được quy định bởi pháp luật và đòi hỏi có những cam kết đặc biệt. Nhận con nuôi là việc bố trí một đứa trẻ, theo những nguyên tắc luật định, vào một môi trường sống thường xuyên với bố mẹ nuôi (một người hoặc một cặp vợ chồng) không phải bố mẹ ruột của trẻ. Trong quá trình chuyển giao này, quyền nuôi con của bố mẹ ruột thường phải được chấm dứt hẳn. Cha mẹ nuôi khi đó phải đảm nhận đầy đủ các trách nhiệm đối với đứa trẻ trước pháp luật. Và đứa trẻ sẽ hưởng đủ những quyền lợi như một người con được sinh ra bởi cha mẹ nuôi.

Việc nhận con nuôi có nghĩa là mối liên hệ giữa cha mẹ nuôi và trẻ có tính quy định bởi pháp luật và điều này được ràng buộc cho cả hai phía chứ không đơn thuần chỉ để tạo thuận tiện. Sẽ là phạm tội nếu người nhận nuôi trẻ sau đó ruồng bỏ trẻ. Luật cũng quy định việc cha mẹ nuôi phải thực hiện những quyết định một cách nghiêm túc về những việc có ảnh hưởng đến số phận của trẻ, kể cả việc chọn trường, chọn tôn giáo cho trẻ đến phương pháp giáo dục và kỷ luật đối với trẻ... Những người nhận nuôi trẻ tạm thời hoặc ngẫu nhiên thì không có cùng những trách nhiệm luật định như vậy.

Nói chung, nhận con nuôi là một việc có liên quan đến rất nhiều thủ tục giấy tờ, cần đến sự hỗ trợ của luật sư, nhân viên xã hội và thẩm quyền quyết định của tòa. Nhận con nuôi là một tình trạng sắp xếp đứa trẻ sống chung với cha mẹ nuôi một cách dài hạn giống như mối quan hệ cha mẹ và con cái ruột thịt vậy. Đối với phần lớn gia đình nhận con nuôi, đây thường là một việc dựa trên tình yêu thương và khát khao làm phong phú đời sống gia đình của họ, vì thế đời sống của đứa trẻ sẽ trở thành một phần của gia đình đó.

Có nhiều lý do khiến người ta nhận con nuôi. Những bà mẹ cho đứa con ruột của mình để người khác nhận nuôi phần đông thường là những bà mẹ đơn thân. Một số trường hợp, trẻ có đủ bố mẹ, nhưng vẫn được cho làm con nuôi chủ yếu là do những khó khăn về tài chính không thể nuôi đứa trẻ đó hoặc phải nuôi quá nhiều con. Một phụ nữ trẻ cũng có thể xem xét việc cho con mình khi biết mình mang thai với một người không có quan hệ tình cảm chắc chắn, hoặc bản thân người phụ nữ ấy không sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm làm mẹ đơn thân. Một số thấy mình còn quá trẻ, chưa sẵn lòng cho việc nuôi con. Trong những trường hợp như thế, người mẹ có thể nhận thấy cách tốt nhất là tìm cách cho con mình để người khác nhận nuôi.

Một số tình huống khác có thể xảy ra là khi người mẹ ruột vì lý do gì đó đã bị chấm dứt quyền nuôi con bời pháp luật, ví dụ: do bà mẹ có những hành vi thiếu trách nhiệm, hoặc ngược đãi đứa trẻ, lạm dụng ma túy hoặc một số tình huống khác gây tổn hại cho đời sống đứa trẻ. Nếu người mẹ không chứng minh khả năng cũng như sự sẵn lòng thay đổi những hành vi hiện có (ví dụ: không bỏ ma túy hoặc vẫn tiếp tục hành hạ đứa trẻ), quyền nuôi con có thể bị chấm dứt bởi pháp luật và đứa trẻ có thể được bố trí vào các cơ sở nuôi dưỡng trẻ hoặc bố trí được nhận nuôi bởi một gia đình khác. Cách thức làm việc này có thể khác nhau ở các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau.

Về phần gia đình nhận con nuôi thì cũng có nhiều lý do khác nhau để họ có quyết định này, và quá trình thực hiện cũng có thể diễn ra theo nhiều hướng khác nhau một khi nó đã bắt đầu. Trong mọi trường hợp, có thể sẽ xuất hiện các chủ đề cần được nhận diện và giải quyết kể từ lúc nhận đứa trẻ vào gia đình cho đến khi cả hệ thống gia đình trở nên hài hòa. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn, hỗ trợ, với nguyện vọng và nỗ lực, gia đình cha mẹ nuôi và đứa trẻ có thể làm nên những bước tiến lớn và xây dựng được một gia đình mà họ hằng mơ ước.

CÁC VẤN ĐỀ LÂU DÀI MÀ ĐỨA TRẺ CÓ THỂ ĐỐI DIỆN

Một số vấn đề có thể nẩy sinh khi trẻ bắt đầu nhận ra mình được cho làm con nuôi. Trẻ có thể trải qua những ưu sầu khi mất đi mối quan hệ và sự gắn kết với cha mẹ ruột. Cảm nhận về sự mất mát này có thể rất sâu đậm trong những trường hợp nhận con nuôi đi kèm với việc mất hoặc có quá ít thông tin về cha mẹ ruột và gia đình gốc. Những cảm xúc đau khổ này có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào trong cuộc đời của trẻ, kể cả thời điểm trẻ lần đầu tiên biết mình là con nuôi, vào thời gian đầy xáo trộn của tuổi vị thành niên, khi một thành viên nào đó trong gia đình mất đi, hoặc khi đứa trẻ lớn lên kết hôn và có con... Cũng có thể có những mối bận tâm đáng kể về cảm nhận rằng mình đã từng bị “ruồng bỏ”, hoặc “có thể bị ruồng bỏ” và quá khứ “không tốt” của mình, kèm theo là những tổn thương khi nhận thấy rằng “mẹ ruột đã từng chối bỏ mình”, “đem mình cho người khác” hoặc “không muốn có mình nữa”... Cảm xúc đau buồn kia có thể trở nên phức tạp thêm, nếu sau đó trẻ biết được người mẹ ruột của mình và những đứa con khác mà bà chọn lựa giữ lại để nuôi dưỡng.

Trẻ con nuôi cũng có thể bị mất đi những thông tin về lịch sử gia đình, bao gồm những thông tin về mặt y học, di truyền và sức khỏe, mặc dù những cơ quan nuôi dưỡng trẻ hoặc các tổ chức cho nhận con nuôi cũng cố gắng có những ghi nhận lại về lai lịch của trẻ nhưng thường cũng không đầy đủ. Thậm chí, sau này khi trẻ đến bác sĩ để khám bệnh, chỉ cần được hỏi về tiền sử các bệnh tật của gia đình thì những cảm xúc đau buồn, khó chịu cũng có thể xuất hiện trở lại, gợi nhớ về thân phận “con nuôi” của trẻ, điều làm cho trẻ cảm thấy mình có sự khác biệt với những trẻ khác.

Trẻ con nuôi phải đấu tranh rất nhiều trong việc hình thành lòng tự trọng và trong quá trình hình thành bản sắc cá nhân so với những trẻ sống với cha mẹ ruột. Các chủ đề liên quan đến bản sắc cá nhân trở thành mối bận tâm đặc biệt đối với những vị thành niên biết mình là con nuôi, nhất là những trường hợp mất đi rất nhiều thông tin từ gia đình gốc. Những trẻ đó thường tự hỏi tại sao mình lại được nhận làm con nuôi; trẻ cũng thắc mắc cha mẹ ruột và gia đình gốc của mình như thế nào, làm gì và sống ra sao... Trẻ cũng đấu tranh rất nhiều khi biết rằng mình có một gia đình hiện đang “ở đâu đó”, với những anh chị em và những thành viên khác trong đại gia đình mà mình chưa hề gặp mặt. Những chủ đề vẫn có thể nẩy sinh trong trường hợp trẻ biết thông tin về gia đình gốc, tuy nhiên trong tình huống đó, trẻ có cơ hội để duy trì được một cách liên hệ thế nào đó với mẹ ruột của mình và có thể trực tiếp có được những thông tin thỏa đáng về gia đình gốc của mình.

Những cảm giác có lỗi cũng có thể kèm theo những vấn đề và các bận tâm về nhân thân. Trẻ con nuôi có thể cảm thấy mình đang phản bội hoặc đang làm tổn thương gia đình cha mẹ nuôi khi bày tỏ ước muốn được biết về gia đình gốc của mình. Trong viễn cảnh tốt nhất, trẻ có thể không nhất thiết có những bận tâm như thế nếu như cha mẹ nuôi có thể trực tiếp nêu ra trước những nỗi bận tâm của họ. Ngay cả trong tình huống đó, trẻ vẫn ít nhiều cảm thấy đau khổ và khó khăn.

Điều hiển nhiên là khi nhận con nuôi, cha mẹ nuôi thường lựa chọn những trẻ có sự tương đồng về thể chất với bản thân mình (ví dụ ở các nước đa chủng tộc thì phải có cùng màu da, cùng chủng tộc...) để tránh nẩy sinh những câu hỏi từ người ngoài về nhân thân của trẻ. Một số trẻ con nuôi cũng có thể bị chúng bạn trêu chọc và cảm thấy xấu hổ vì mình là con nuôi.

Không phải tất cả trẻ con nuôi đều biểu thị mối quan tâm đến lịch sử gia đình gốc của mình. Một số trẻ dần trở nên nhận thức được điều rằng hầu hết các trường hợp cho con nuôi đều xảy ra khi người mẹ ruột gặp khó khăn về tài chính hoặc không có tình cảm yêu thương để nuôi con, do vậy trẻ thấy rằng mình sẽ chẳng được gì cả khi thắc mắc hoặc tìm kiếm thông tin về gia đình gốc của mình. Những trẻ như thế thích xem việc mình là con nuôi như thể một “thỏa thuận đã được thực hiện” và cứ sống với những người thân hiện tại; quá khứ cứ ở lại trong quá khứ. Chẳng có gì sai khi đứa trẻ bày tỏ quan tâm về gia đình gốc của mình, và cũng chẳng có gì sai cả khi đứa trẻ không thể hiện một sự quan tâm như thế. Cả hai tình huống đều “bình thường”, nếu không nói là cả hai tình huống đều có lúc khiến trẻ đau khổ.

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA NGƯỜI MẸ RUỘT SAU KHI CHO CON NUÔI

Mặc dù quá trình cho nhận con nuôi là một việc làm theo luật định và quyền nuôi con của mẹ ruột đã chấm dứt nhưng người mẹ ruột vẫn chẳng thể quên hoặc ngừng bị ảnh hưởng bởi việc cho con nuôi. Ngay cả khi có sự đoan chắc rằng việc cho con nuôi là một việc đáng làm, việc này vẫn là một quá trình khó khăn, đau buồn đối với nhiều người mẹ, và vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của họ nhiều năm sau đó.

Trước tiên, người mẹ có thể trải qua nỗi đau buồn do mất con. Ngay cả khi nỗi đau buồn này đã qua, nó vẫn có thể trỗi dậy trở lại và có thể được cảm nhận như là “mới vừa xảy ra” vào những thời điểm có tính “kỷ niệm”, chẳng hạn như đến ngày sinh nhật của trẻ chẳng hạn... Trong trường hợp cho con nuôi “đóng” (close adoption: nghĩa là gia đình gốc không biết gì về trẻ), người mẹ ruột có thể đau khổ vì bị mất khả năng chia sẻ với đứa trẻ khi có những sự kiện quan trọng trong đời sống của trẻ. Trường hợp cho con nuôi “mở” (open adoption: nghĩa là gia đình gốc vẫn biết về trẻ), người mẹ ruột vẫn có thể gặp khó khăn bởi vì bà có thể vẫn hiện diện khi có những sự kiện như thế và hành xử như thể là mẹ của trẻ nhưng thay vì thế bà chỉ ở vào vị thế của một người hơi một chút trên mức bạn thân hoặc bà con trong họ mà thôi. Bà có thể đau buồn vì đã mất đi một quan hệ thân thiết mà “lẽ ra bà đã có thể có” đối với trẻ.

Tuy vậy, những nỗi đau buồn của mẹ ruột trong trường hợp cho con nuôi “đóng” có thể phần nào được nguôi ngoai bởi ý nghĩ rằng trẻ đã có thể có được những cơ hội và trải nghiệm sống tốt hơn trong gia đình đã nhận nuôi trẻ. Trường hợp cho con nuôi “mở”, người mẹ ruột có thể trực tiếp nhìn thấy những cơ hội, niềm vui và hạnh phúc mà con mình đã nhận được từ gia đình nhận nuôi trẻ, và cũng nhận thấy rằng bà đã làm được điều hay trong số nhiều lựa chọn cho con.

Chuyện hôn nhân trong tương lai của người mẹ ruột cũng chịu ảnh hưởng bởi việc cho con nuôi. Bà phải quyết định có nên bàn với người yêu hoặc chồng mình về việc đã cho con nuôi trong quá khứ hay không, và (trong trường họp cho con nuôi “mở”) vai trò của người kia sẽ như thế nào trong mối quan hệ vẫn đang tiếp diễn của bà với đứa trẻ. Việc có kể ra chuyện đã cho con nuôi hay không là một quyết định rất khó khăn vì người mẹ ruột của trẻ lo sợ sẽ bị người yêu hoặc chồng mình phê phán, chê trách. Bà cũng phải suy nghĩ và quyết định xem có nên chia sẻ thông tin về đứa con đã cho người khác nuôi với những đứa con khác trong tương lai của mình hay không và khi đó (trong trường hợp cho con nuôi “mở”) sẽ định hình mối quan hệ như thế nào giữa đứa con sau này với người anh hoặc chị cùng mẹ đã được cho con nuôi.

NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI KHÁC VỀ VIỆC CHO CON NUÔI VÀ CÁC CHỦ ĐỀ CẢM XÚC KHÁC

Người mẹ muốn cho con nuôi thường thấy khó khăn trong việc kể chuyện này cho bạn bè và người thân. Đặc biệt là khi trong gia đình có người chống lại ý định này; họ có thể phản đối ý định cho con và muốn người mẹ tự mình nuôi con. Tuy nhiên, quyết định sau cùng vẫn là của người mẹ tùy theo lợi ích của đứa trẻ và người mẹ. Dẫu sao người mẹ cũng rất cần sự hỗ trợ của gia đình mình khi bà đang trải qua quá trình suy nghĩ và cho con nuôi. Đồng thời, những cảm giác đau buồn và mất mát cũng xảy ra không chỉ cho người mẹ mà có thể ở cả những người thân khác trong gia đình và cần thời gian để nguôi ngoai.

Những vấn đề cảm xúc mà người mẹ có thể gặp phải trong quá trình cho con nuôi bao gồm đau khổ, xấu hổ, có lỗi và ngờ vực. Ngay cả khi việc cho con nuôi được xem là giải pháp tốt nhất cho đứa trẻ và cho bản thân thì người mẹ vẫn cảm thấy mình bị thất bại trong vai trò một người mẹ. Một trải nghiệm khác cũng thường gặp đó là ý nghĩ rằng vì mẹ đã từ chối con nên đứa con sau này sẽ căm ghét bà vì bà đã ruồng bỏ nó. Bà cảm thấy xấu hổ khi phải trả lời cho các câu hỏi liên quan đến việc mang thai đứa trẻ và về quyết định đã trao đứa trẻ cho người khác nuôi.

Sự hoài nghi, ngờ vực có thể xảy ra bất cứ khi nào có một quyết định quan trọng trong đời và nó có thể xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình suy nghĩ và quyết định cho con nuôi từ lúc còn mang thai cho đến cả sau khi đã sanh đứa trẻ. Cảm xúc ngờ vực khi xảy ra không có nghĩa quyết định cho con nuôi là thiếu căn cứ chắc chắn. Ở những quốc gia có dịch vụ đầy đủ về cho nhận con nuôi, người mẹ trong trường hợp đó cần phải trao đổi với nhân viên xã hội hoặc nhà tham vấn về những nỗi bận tâm của mình để xem xét lại lý do khiến mình quyết định cho con nuôi.

Sau khi sinh trẻ, người mẹ thường trải qua những cảm nhận về sự đau buồn và mất mát nhất là khi trẻ được chuyển giao cho gia đình cha mẹ nuôi. Mặc dù trẻ vẫn sống, vẫn hiện hữu một trải nghiệm thực sự về sự mất mát mà người mẹ phải nỗ lực để thích ứng. Cảm xúc đau buồn (grief) là một tiến trình cảm xúc mà con người trải nghiệm khi những mối quan hệ quan trọng của mình bị gián đoạn hoặc kết thúc, chẳng hạn như cái chết, chia ly, ly hôn, hoặc khi những thứ quan trọng bị hủy hoại hay mất mát. Có hai hình thức mất mát khiến con người đau buồn. Loại thứ nhất là khi có một sự mất mát thực sự một người hoặc một thứ gì đó rất quan trọng trong đời sống; loại mất mát thứ hai là sự mất mát có tính biểu trưng của những sự kiện đã không thể xảy ra trong tương lai do có sự mất mát thực sự đã nêu trên. Khi cho con nuôi, người mẹ ruột có thể đau buồn vì sự ra đi của đứa trẻ để sang sống ở gia đình khác (mất mát thực); thêm vào đó, bà còn đau khổ vì bị mất đi những sự kiện có ý nghĩa mà lẽ ra bà có thể chia sẻ với đứa trẻ sau này như sinh nhật, lễ tốt nghiệp hoặc ngày cưới chẳng hạn.

Đau buồn là một tiến trình bình thường và tự nhiên mà con người phải cố sức để vượt qua. Việc đương đầu với những cảm xúc xảy ra trong tiến trình đau khổ làm cho con người mất nhiều thời gian và năng lượng, kể cả về thể chất lẫn tinh thần. Con người thường cũng có thể biểu hiện đau buồn bằng nhiều cách. Có người bộc lộ sự đau buồn ra ngoài; có người lại che giấu nó vào bên trong. Một số người có sự đau buồn qua nhanh; số người khác lại cần nhiều thời gian mới có thể nguôi ngoai được nỗi khổ. Tất cả đều bình thường. Không có cách đau buồn nào là “đúng” cả. Hay nói cách khác, mỗi người chọn kiểu đau buồn thích họp nhất với bản thân mình và với sự mất mát của mình.

Tiến trình cho con nuôi cũng có thể kích hoạt những cảm xúc tích cực. Một số phụ nữ cảm thấy vui và đầy hy vọng khi đang thu xếp một đời sống tương lai tốt đẹp cho con. Họ tập trung vào những giấc mơ và ước muốn về đứa trẻ và những cơ hội mà nó có thể có trong gia đình của cha mẹ nuôi, những điều mà họ không có khả năng lo được cho con. Ngoài ra, người mẹ cũng cảm thấy được giảm nhẹ rất nhiều vì sẽ không còn đối diện với tình huống khó khăn là phải xem xét với quá nhiều những lựa chọn cho tương lai của con. Cũng có thể có những cảm giác tích cực khác chẳng hạn như lòng biết ơn đối với cha mẹ nhận nuôi trẻ hoặc cảm giác hài lòng vì mình đã giúp đỡ một cặp vợ chồng hiếm muộn đã nhiều năm chờ đợi trải nghiệm được vai trò làm cha mẹ.

CÁC HÌNH THỨC CHO NHẬN CON NUÔI

Mặc dù có những khác biệt giữa các quốc gia, nói chung có ba hình thức cho nhận con nuôi được quy định bởi luật.

Hình thức “đóng” (closed adoption)

Là hình thức cho nhận con nuôi trong đó cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi không tiếp xúc với nhau, chẳng hề gặp nhau và không nhận thông tin gì về nhau cả. Mẹ ruột giao hẳn trẻ cho cơ quan phụ trách con nuôi và không nhận thông tin gì về gia đình nhận nuôi trẻ. Tất cả những thông tin về gia đình gốc của trẻ cũng được tòa án niêm phong. Các thông tin này không được công bố cả cho gia đình cha mẹ nuôi lẫn cho bản thân đứa trẻ, ngoại trừ thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh tật của cha mẹ ruột. Ở Hoa Kỷ, hầu hết các các dạng cho nhận con nuôi cho đến nay đều ở dạng “đóng”; tuy nhiên, hình thức này đang giảm dần bởi vì trong nhiều trường hợp người mẹ ruột ngày nay có khuynh hướng muốn biết về việc ai sẽ là người sau cùng nhận nuôi trẻ.

Hình thức “nửa đóng, nửa mở” (semi-open adoption)

Là hình thức cho nhận con nuôi trong đó người mẹ ruột có một phần tham gia vào việc lựa chọn gia đình nào sẽ có cơ hội nhận nuôi đứa trẻ. Trong hình thức này, một danh sách các gia đình có tiềm năng nhận con nuôi sẽ được trình bày cho người mẹ ruột và bà có thể lựa chọn gia đình nào mà bà nghĩ rằng thích hợp nhất dành cho con mình. Mặc dù nhiều thông tin về các gia đình tiềm năng này được cung cấp cho người mẹ, các thông tin liên quan đến nhận dạng cá nhân như họ tên, địa chỉ sẽ không được cung cấp. Việc tiếp xúc cá nhân giữa mẹ ruột và gia đình được chọn có thể xảy ra hoặc không xảy ra trong quá trình cho nhận con nuôi tùy theo nguyện vọng của hai phía đối tác tùy trường hợp. Một số gia đình có thể chọn cách gặp nhau trong thời gian trước khi đứa trẻ được sinh ra; một số lại chọn cách duy trì sự ẩn danh. Trong mọi trường hợp, việc tiếp xúc giữa mẹ ruột và cha mẹ nuôi phải chấm dứt ngay khi có quyết định chính thức về việc sắp xếp đứa trẻ về với gia đình cha mẹ nuôi.

Hình thức “mở” (open adoption)

Là hình thức cho nhận con nuôi trong đó cả hai phía cho và nhận con nuôi đều chia sẻ thông tin với nhau. Không một rào cản nào được thiết lập đối với sự tiếp xúc giữa hai phía đối tác, cả trước và sau khi chính thức có quyết định giao nhận đứa trẻ. Hình thức “mở” bắt đầu bằng hình thức “nửa đóng, nửa mở”, khi người mẹ ruột được xem xét danh sách các gia đình tiềm năng lúc đầu còn được giữ ẩn danh. Sau khi người mẹ lựa chọn gia đình nào sẽ nuôi trẻ, cả hai phía có quyền lựa chọn cách thức gặp gỡ để chia sẻ thông tin, cả sau khi quyết định giao nhận con nuôi đã được chính thức.

Nếu hình thức “mở” được chọn khi đứa trẻ còn chưa ra đời, cha mẹ nuôi cũng có hể được mời đến dự kiến lúc bà mẹ chuyển dạ và sinh đứa trẻ. Sau khi giao nhận, có thể vẫn duy trì một số tiếp xúc thường lệ giữa cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi; mức độ tiếp xúc có thể khác nhau tùy sự lựa chọn của các gia đình. Trong một số trường hợp, việc tiếp xúc chỉ dừng lại ở mức độ gửi thư từ và hình ảnh của trẻ cho cha mẹ ruột mà không có sự tiếp xúc trực tiếp; trong trường hợp khác người mẹ ruột có thể trở thành một thành viên của gia đình mới và có thể được mời đến tham dự những cuộc lễ lạc hoặc họp mặt.

KHI ĐỨA CON NUÔI TÌM KIẾM CHA MẸ RUỘT

Trong lúc có những trẻ là con nuôi chẳng hề quan tâm đến việc tìm kiếm cha mẹ ruột của mình thì một số trẻ khác lại trở nên tò mò vì điều đó khi trẻ lớn lên. Trẻ có thể tìm kiếm những thông tin về cha mẹ ruột ở một mức độ nào đó để tự trả lời cho các câu hỏi của mình. Mức độ và động cơ của việc tìm kiếm thông tin cũng có rất nhiều kiểu. Trẻ có thể muốn biết cha mẹ ruột là ai và tại sao họ lại cho trẻ làm con nuôi. Trẻ cũng có thể muốn biết mình có những anh chị em khác hay không. Trẻ có thể cũng muốn có những cảm xúc gắn bó với cha mẹ ruột của mình. Hoặc trẻ đơn thuần chỉ muốn biết các thông tin về mặt sức khỏe mà chỉ cha mẹ ruột mới có thể trả lời; và lý do này lại có thể trở nên nổi trội vào thời điểm sau này khi trẻ đã kết hôn và dự tính có con.

Khi đứa con nuôi có ý định tìm kiếm thông tin về cha mẹ ruột, điều đó có thể khiến cha mẹ nuôi lo sợ rằng trẻ rời bỏ họ. Tuy nhiên, cha mẹ nuôi nên thấy rằng việc trẻ tìm kiếm thông tin về cha mẹ ruột không có nghĩa là trẻ không còn yêu thương họ hoặc không còn xem họ như gia đình thực sự của trẻ nữa. Thay vào đó, trẻ quyết định tìm kiếm thông tin bởi vì trẻ cần câu trả lời cho những điều mà cha mẹ nuôi không có khả năng giải đáp cho trẻ. Cha mẹ cần giúp trẻ bằng cách cung cấp cho trẻ tất cả những thông tin mà họ biết vào thời điểm giao nhận con nuôi, kể cả khi những thông tin này không đủ để thỏa mãn sự tò mò của trẻ.

Khả năng nhận biết thông tin về cha mẹ ruột có thể bị ảnh hưởng bởi hình thức cho nhận con nuôi đã được thực hiện, sự cởi mở chia sẻ thông tin từ cha mẹ nuôi với trẻ và các quy định khác bởi pháp luật. Trường hợp cho nhận con nuôi theo hình thức “đóng”, nếu đứa trẻ sau này cần biết các thông tin liên quan đến sức khỏe, bệnh tật của gia đình gốc, trẻ có thể yêu cầu tòa công khai các thông tin đã được niêm phong về gia đình gốc của mình.

Trường hợp trẻ hoàn tất được việc tìm kiếm và biết được về cha mẹ ruột của mình là ai, đang ở đâu, đứa con nuôi (và cả gia đình cha mẹ nuôi, nếu trẻ còn nhỏ) cần phải xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc tiếp xúc với cha mẹ ruột như làm thế nào để tiếp xúc, hình thức tiếp xúc như thế nào và nhịp độ tiếp xúc nhiều ít ra sao... Nếu khi trẻ tiếp xúc với cha mẹ ruột mà không phải do thỏa thuận trước, trẻ cần phải chuẩn bị trước khả năng rằng cha mẹ ruột có thể không muốn gặp trẻ, hoặc từ chối một cuộc gặp như thế. Khi điều đó xảy ra, nó có thể là câu trả lời về tình trạng tâm lý của cha mẹ ruột và có thể gây tổn thương cho đứa trẻ. Gia đình cha mẹ nuôi nên giúp trẻ đương đầu với tình trạng này bằng cách tiếp tục duy trì sự yêu thưong và hỗ trợ trẻ như họ đã từng làm lâu nay, bằng cách lắng nghe những cảm xúc của trẻ và giúp trẻ xử lý cũng như cảm nhận về chúng một cách đầy đủ.

VAI TRÒ CỦA CHA MẸ RUỘT TRONG VIỆC CHO NHẬN CON NUÔI

Trong việc cho nhận con nuôi dưới hình thức “mở”, cha mẹ ruột trong một chừng mực nào đó vẫn còn là một phần trong cuộc sống của trẻ sau khi đã được nhận bởi gia đình cha mẹ nuôi. Ngay cả trong hình thức “đóng”, việc tiếp xúc sau này với cha mẹ ruột cũng là điều đáng bàn đến vì trẻ vẫn thường có động cơ tìm kiếm cha mẹ ruột của mình.

Trong quá trình cho con nuôi hình thức mở, cơ quan phụ trách vấn đề con nuôi sẽ làm việc với hai phía cho và nhận con để quy định việc tiếp xúc giữa trẻ và cha mẹ ruột sẽ diễn ra như thế nào. Những quy định cũng xem xét đến những thay đổi trong tương lai tùy theo những ước muốn sau này của trẻ cũng như tùy theo hậu quả của những tiếp xúc như thế.

CHO NHẬN CON NUÔI GIỮA CÁC QUỐC GIA

Việc cho nhận con nuôi giữa các nước khác nhau có thể gặp các vấn đề như hàng rào ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, tuổi của trẻ và các vấn đề về sức khỏe.

Vấn đề về ngôn ngữ

Trẻ ở tuổi biết đi hoặc lớn hơn sẽ có thể có một ít khả năng phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ. Lý tưởng là nên có ít nhất một trong hai cha mẹ nuôi là người có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ để giao tiếp với trẻ. Ngôn ngữ cũng có thể phát triển chậm một chút tùy theo tuổi của trẻ lúc bắt đầu được nhận nuôi bởi cha mẹ nuôi người nước ngoài không sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Trẻ còn nhỏ có thể lĩnh hội ngôn ngữ mới dễ dàng hơn và tự nhiên hơn so với trẻ lớn và người lớn. Mặc dù vậy, vấn đề về ngôn ngữ không hẳn là điều không thể vượt qua.

Một số vấn đề sức khỏe chuyên biệt

Các vấn đề sức khỏe của đứa trẻ cũng là việc mà cha mẹ nuôi rất quan tâm. Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng hoặc có những tật bệnh mà không được sự lưu tâm đầy đủ, do vậy cha mẹ nuôi được khuyến cáo (nhất là ở các nước phát triển có nhiều cha mẹ muốn nhận con nuôi) phải khám sức khỏe cho trẻ sau khi nhận nuôi.

Tuổi của đứa trẻ

Vì nhiều lý do khác nhau, trẻ được cho nhận con nuôi xuyên quốc gia thường có thể không được ghi nhận chính xác lứa tuổi của mình. Trong trường hợp không biết rõ ngày sinh, cơ quan con nuôi phải cố gắng thực hiện việc đánh giá gần đúng với tuổi thực của trẻ và cần phải cho lại một ngày sinh chính thức để cha mẹ nuôi có thể kỷ niệm sinh nhật cho trẻ sau này.

Các khác biệt văn hóa

Nếu trẻ đã lớn khi được nhận nuôi, những hành vi và niềm tin trong văn hóa cũ của trẻ có thể phần nào can dự vào khả năng thích nghi của trẻ khi sống với gia đình cha mẹ nuôi. Trẻ cũng cần được hướng dẫn lại một số niềm tin và tập quán, chẳng hạn như một số trẻ được giáo dục trong nền văn hóa của mình rằng sẽ không tốt nếu nói chuyện mà nhìm vào mắt người khác, trong khi đó điều này lại được tin ngược lại khi ở Hoa Kỳ: nói chuyện mà không nhìn mắt được xem là thiếu tôn trọng người đối thoại. Cha mẹ nuôi cũng cần làm cho giai đoạn chuyển tiếp của trẻ trở nên dễ dàng hơn bằng cách bản thân mình phải học hỏi nhiều về nền văn hóa gốc của trẻ và công khai chỉ cho trẻ biết những khác biệt trong nền văn hóa mới mà trẻ cần biết.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ SỨC KHỎE KHÔNG ĐƯỢC BIẾT HOẶC KHÔNG ĐƯỢC NGỜ TỚI

Một vấn đề thường khiến cha mẹ nuôi lo sợ là khi họ biết được về những vấn đề sức khỏe của đứa trẻ mà họ đã không được biết vào thời điểm ban đầu nhận nuôi trẻ. Mặc dù họ đã có nhiều cố gắng lúc ban đầu nhưng vấn đề này đôi khi vẫn không thể tránh được hoàn toàn. Nhiều vấn đề sức khỏe có tính gia đình đôi khi chỉ xuất hiện khi trẻ đã lớn.

Hai loại rối nhiễu thường hay gặp ở những trẻ mà lúc nhỏ đã từng bị ngược đãi hoặc bỏ bê, đã được trung chuyển qua nhiều cơ sở nuôi trẻ hoặc trại mồ côi, đó là “rối loạn gắn bó có tính phản ứng” (RAD: reactive attachment disorder) và “rối loạn ngang bướng chống dối” (ODD: oppositional defiant disorder).

Trong trường hợp RAD, đứa trẻ có vấn đề về khả năng thiết lập sự gắn bó chặt chẽ và đáng tin cậy giữa trẻ vói người chăm sóc, và do vậy, trẻ sẽ khó khăn trong việc phát triển sự gắn bó với cha mẹ nuôi. RAD sẽ gây ra nhiều vấn đề khó khăn trong việc tạo lập và duy trì quan hệ của trẻ với người khác, cũng như trong việc học tập ngôn ngữ và các hành vi thích nghi xã hội của trẻ. Chậm nói hoặc một số tình trạng chậm phát triển có thể là hậu quả của việc này. Một số trẻ RAD có thể biểu lộ sự hụt hẫng của mình qua hành vi bộc phát đối với con người hoặc trên các thú vật nuôi. RAD nói chung không thể được “chữa trị”, tuy nhiên một khi tình trạng này được phát hiện sớm, gia đình cha mẹ nuôi và trẻ có thể phải học tập những cách thức quản lý cảm xúc và hành vi của mình để có thể tiếp tục giữ đứa trẻ đi theo con đường phát triển đúng đắn nhất.

ODD có liên quan đến những phản ứng như cãi lời người lớn, chống lại luật lệ, có những hành vi thù địch và chống đối lại với người chăm sóc trẻ. Trẻ còn nhỏ có thể nhận được những lợi ích thông qua liệu pháp hành vi; đồng thời phụ huynh cũng có thể được hướng dẫn cách thiết lập những kỷ luật đúng đắn và hiệu quả. Vị thành niên có khi kém đáp ứng với trị liệu cũng như khả năng xử lý của phụ huynh; một số vị thành niên được chẩn đoán là ODD vẫn tiếp tục có tình trạng này cho đến lớn và chuyển thành điều thường được biết với tên gọi là “rối loạn nhân cách chống đối xã hội” (antisocial personality disorder).

Ngoài hai tình trạng RAD và ODD nêu trên, những trẻ đã có thời gian sống trong các cơ sở bảo trợ lưu trú cũng có thể có những vấn đề khó khăn về hành vi và cảm xúc. Khi không nhận được sự chăm sóc một cách đầy đủ, những trẻ này sẽ gặp khó khăn không thể tin tưởng và trông cậy vào người lớn. Khi được nhận nuôi, trẻ có thể trở nên khó quan hệ với những trẻ khác trong gia đình cha mẹ nuôi và những bạn học trong trưòng lớp. Trẻ có thể cất giấu thức ăn hoặc các vật dụng khác. Nếu gia đình cha mẹ nuôi phát hiện thấy những biểu hiện này, điều cần làm là phải liên hệ với những chuyên viên tham vấn và gia đình cha mẹ nuôi có cơ hội để tái bảo đảm với trẻ rằng tình thế sống đã thay đổi và giờ đây trẻ đang sống trong gia đình với cha mẹ nuôi của mình. Những hành vi tự bảo vệ như thế nay không còn hữu ích nữa và trẻ có thể từ bỏ chúng một cách an toàn.

HỦY BỎ VIỆC CHO NHẬN CON NUÔI

Một điều cũng thường gây lo ngại cho cha mẹ nuôi là khi tiến trình cho nhận đang diễn ra thì cha mẹ ruột có thể thay đổi ý kiến và việc cho nhận con nuôi bị hủy bỏ. Việc cho nhận con nuôi là một tiến trình chỉ kết thúc sau khi đã có quyết định của tòa án cho nên đây cũng là khoảng thời gian đáng sợ vì cha mẹ nuôi có thể lo sợ rằng một điều gì đó không hay xảy ra khiến cho ước mơ nhận con nuôi của họ bị đổ vỡ nửa chừng. Không có gì bảo đảm rằng mọi việc sẽ diễn tiến hoàn hảo. Mặc dù cố gắng hết sức, cha mẹ nuôi vẫn cần chuẩn bị cho tình huống cha mẹ ruột có thể thay đổi ý kiến, đặc biệt là khi đứa trẻ được sinh ra mà trước đó đã có thỏa thuận cho nhận con nuôi.

NHỮNG NỖI SỢ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC CHO NHẬN CON NUÔI

Nhận con nuôi không phải là một việc có thể được thực hiện một cách nhẹ nhàng. Nhìn từ góc độ cha mẹ nuôi, việc nhận đứa trẻ có liên quan đến trách nhiệm đối với một đời người. Đây là một sự ủy thác hao tổn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và sự lưu tâm. Thậm chí chuyện có thể trở nên xấu đi khi họ sống với đứa trẻ. Những người chuẩn bị làm cha mẹ nuôi vẫn thường trải qua những nỗi lo sợ mà họ cần phải giải tỏa trước khi quyết định bước vào tiến trình nhận con nuôi. Mặc dù mỗi trường hợp nhận con nuôi có những tính chất riêng tư độc đáo, ta vẫn có thể tóm tắt một số chủ đề chung sau đây:

Trước tiên là vấn đề về sự gắn bó với đứa trẻ. Đối với trẻ, khả năng gắn bó sẽ xuất hiện khi trẻ có được lòng tin với người chăm sóc và được bảo đảm rằng những nhu cầu của trẻ sẽ được thỏa mãn một cách hợp lý. Đối với cha mẹ nuôi, sự gắn bó có nghĩa là khi họ nhận thấy trẻ phản ứng một cách đặc hiệu khi có sự hiện diện của họ và trở nên bình an khi họ thỏa mãn những nhu cầu của trẻ. Nhiều cha mẹ nuôi e ngại rằng sự gắn bó sẽ gặp khó khăn hoặc họ sẽ không có được sự gắn bó của trẻ chỉ bởi vì họ không phải là cha mẹ ruột hoặc họ đã tiếp nhận trẻ sau khi giai đoạn phát triển ban đầu của trẻ đã trôi qua. Nỗi sợ này là rất chính đáng, tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng những cha mẹ ruột cũng có thể trải nghiệm những nỗi sợ này ngay sau khi mới sinh con, đặc biệt là những người mẹ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh hoặc những bậc phụ huynh phải đi xa một thời gian sau khi sinh. Dù trong trường hợp nào nêu trên, vấn đề cũng có thể được giải quyết bằng cách dành thời gian tương tác với trẻ, bằng sự kiên trì và thể hiện tình yêu thương, chăm sóc chân thành để thông qua đó có thể thỏa mãn những nhu cầu của trẻ.

Điều thứ hai là cha mẹ nuôi thường lo sợ về những vấn đề sức khỏe có thể có của đứa trẻ. Đặc biệt khi ít có hoặc không có sẵn thông tin gì liên quan đến sức khỏe và bệnh tật của cha mẹ ruột của trẻ. Điều này có nghĩa là một số vấn đề sức khỏe, bệnh lý di truyền hoặc vấn đề tâm lý có thể xuất hiện khi trẻ lớn lên sau này và khi chúng xuất hiện, gia đình hẳn sẽ đối đầu với những thách thức lớn lao.

Điều thứ ba là cha mẹ nuôi lo sợ rằng đứa trẻ về sau sẽ có thể có những vấn đề khó khăn về hành vi. Họ có thể tự hỏi rằng liệu mình đã sẵn sàng chuẩn bị đối đầu những thách thức như thế chưa. Đặc biệt khi đứa trẻ được nhận nuôi đã từng trải qua thời gian sống trong những cơ sở nuôi dưỡng lưu trú và đã có cuộc sống không được dễ dàng. Những trẻ như thế thường bộc lộ qua hành động (act out), kiểm tra các giới hạn cũng như những luật lệ cho đến khi trẻ tin rằng cha mẹ nuôi sẽ không đổi ý và sẽ không gửi trẻ đi nơi khác. Đây là một việc khó khăn cũng rất cần được xử lý.

Trong hai trường hợp lo sợ về sức khỏe lẫn hành vi khó khăn của trẻ, những nỗi âu lo của cha mẹ nuôi bao gồm việc e ngại họ không có khả năng xử lý được những thách thức này và họ cũng sợ trẻ không thương yêu mình vì sự “bất toàn” của mình. Cha mẹ nuôi cần trao đổi với những người khác đã trải qua việc nhận con nuôi để có thể hình dung trước về những khó khăn mà họ có thể gặp phải với đứa trẻ, hoặc tham dự vào các lớp huấn luyện để hiểu hơn về nhu cầu của những trẻ em đặc biệt này. Bằng cách tự học hỏi, cha mẹ nuôi có thể trở nên tự tin hơn về khả năng của mình trong việc xử lý các thách thức này khi chúng nảy sinh.

Sau cùng, một nỗi sợ cũng thường gặp ở những người muốn nhận con nuôi đó là sợ phản ứng tiêu cực của người thân và bạn bè khi biết ý định của họ. Người thân và bạn bè có thể bày tỏ những lo ngại của họ liên quan đến nguồn gốc chủng tộc của đứa trẻ (trường hợp nhận con nuôi ở nước ngoài), về khả năng hội nhập của trẻ vào đại gia đình của họ và về những gánh nặng tài chính cũng như tình cảm mà cha mẹ nuôi phải chịu đựng khi nuôi trẻ. Tùt theo mức độ phán xét sự việc, những người thân trong gia đình có thể biểu lộ những thái độ thù địch nhiều cách khác nhau. Cha mẹ nuôi cũng lo sợ những thành viên khác trong gia đình sẽ lơ là hoặc đối xử thiếu tự nhiên với trẻ. Để giải quyết điều này, rất cần dành nhiều thời gian để lắng nghe, đối thoại và chia sẻ ý kiến với nhau trước khi nhận con nuôi. Dù cho việc nhận con nuôi là một quyết định riêng tư của cha mẹ nuôi, nhưng nó cũng có ảnh hưởng trên cảm xúc và thái độ của những người khác mà điều này cũng cần phải được xem xét.CƠ THỂ ĐANG LẮNG NGHE

LIỆU TA CÓ NÓI ĐÚNG THỨ NGÔN NGỮ CỦA CƠ THỂ?

Cử nhân Tâm lý LÊ THỊ HỒNG THANH dịch

Đôi khi “triệu chứng” chính là một cách để thân chủ “lên tiếng”. Mỗi triệu chứng có thể mang những ý nghĩa có tính biểu tượng… và đôi khi triệu chứng là “cố gắng của bản thân trong việc tái lập lại trạng thái thăng bằng, nhưng bị thất bại”. Bài viết dưới đây có thể giúp ích cho chúng ta, những người đang học tập và thực hành tâm lý trị liệu, những người cần hiểu thứ ngôn ngữ mà thân chủ đang sử dụng, đồng thời cũng phải biết cách sử dụng thứ ngôn ngữ chữa trị để giúp thân chủ bình phục…

Dẫn nhập

Trong tâm lý trị liệu truyền thống, thứ ngôn ngữ ta dùng với thân chủ vẫn được dựa trên một khuôn mẫu có tính máy móc theo kiểu y khoa, đó là xem bệnh tật như một sự rối loạn chức năng, cần phải được chẩn đoán, khu trú lại và/hoặc loại bỏ đi để tái lập lại sức khoẻ và cuộc sống tốt. Chúng ta có khuynh hướng yêu cầu thân chủ mô tả vấn đề hoặc triệu chứng của họ như thể nó là một điều gì đó tách rời ra khỏi các trải nghiệm của họ. Cách tiếp cận trị liệu này được gọi là một loại trị liệu  theo “kiểu nhà binh" (Warrior Model), nó xem cơ thể về cơ bản là đã bị khiếm khuyết và do vậy cần được “cố định” lại để có thể chiến thắng được những sức mạnh của thiên nhiên. Nhà khoa học và các thầy thuốc trở thành những quân nhân chiến đấu chống lại sự ốm đau, cái chết, và cuối cùng là chống lại tính toàn thể của chính cơ thể con người (Miles, 2005).

Trái ngược lại, loại ngôn ngữ có tính chữa trị (healing language) lại có cách tiếp cận xem cơ thể như một hệ thống truyền tải thông tin và chấp nhận để một vài triệu chứng (về thể lý) là sự thể hiện tình trạng bị mất quân bình của cơ thể. Nhiều bệnh tật là sự cố gắng của cơ thể trong việc tìm cách chỉnh sửa lại sự mất quân bình ấy thông qua những biểu hiện về mặt cơ thể (tức là những triệu chứng). Các triệu chứng có thể được xem là hành động của một “người bạn” hơn là của “kẻ thù”. Một số triệu chứng còn là những tiến trình tự nhiên trong đó cơ thể đang cố gắng tái lập lại sự quân bình của nó (Page, 2002).

Lĩnh vực Tâm lý - Thần kinh - Miễn dịch học (PNI: psychoneuroimmunology) đem đến sự hiểu biết một cách minh bạch và khoa học về mối liên kết có tính truyền thông giữa tâm trí, não bộ và cơ thể. PNI vừa mở ra những cánh cửa giúp ta hiểu biết được bằng cách nào mà những trải nghiệm sống được chuyển đổi sang hình thức những đáp ứng trong hệ miễn dịch của chúng ta và dẫn đến một sự hiểu biết có tính khoa học về cách thức mà những trải nghiệm của chúng ta được bảo tồn và lưu giữ trong các hệ cơ quan trong cơ thể. Hiện nay, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về cơ thể như là một hệ thống truyền thông và hiểu được rằng một số triệu chứng đã vận hành với chức năng truyền thông.

Có bằng chứng về khoa học cho thấy có một nhóm nhiều gene trong cơ thể có thể đáp ứng được với những trải nghiệm của chúng ta về môi trường sống xung quanh. Ngành khoa học mới này được gọi là ngành “gene học cơ năng” (functional genomics), và được định nghĩa như là cách thức mà "gene tự thể hiện chức năng và tương tác với các yếu tố liên quan đến sức khoẻ và bệnh tật - đó chính là cách thức mà hệ thống các gene được khởi hoạt hoặc bị bất hoạt để đáp ứng với những tín hiệu từ mọi bộ phận trong cơ thể cũng như những tín hiệu từ môi trường bên ngoài". Hầu hết các gene của chúng ta không phải là những tác nhân sinh học độc lập tạo nên những hành vi mà là những nhân tố năng động đáp ứng nhanh nhạy liên tục với những chỉ báo, những thách thức và những tình huống bất ngờ trong những trải nghiệm biến đổi từng ngày từng giờ của chúng ta (Rossi, 2002). Sự đáp ứng của cơ thể đối với những tín hiệu từ bên trong cũng như bên ngoài cơ thể có vai trò như là một đáp ứng có tính chữa trị hoặc có tính bảo vệ, tùy theo cách thức mà đương sự diễn giải ý nghĩa của những tín hiệu đến từ môi trường sống của mình. Richardson (2000) cho rằng có đến 90% số gene của chúng ta là có khả năng thích nghi và tự điều hòa để đáp ứng với những tín hiệu từ môi trường. Rossi (2004) có nói đến những biểu hiện của các “gene phụ thuộc hoạt động” (activity-dependent genes); đây là những gene đặc biệt có khả năng đáp ứng lại với những tín hiệu từ những hoàn cảnh sống về tâm lý xã hội và những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống. Những "trải nghiệm hoặc là những gene phụ thuộc hoạt động" này khởi động sự sinh tổng hợp các protein và tíến trình sinh trưởng neuron thần kinh trong não (neurogenesis) để mã hoá những ký ức, hành vi và tri thức mới và kích hoạt những đáp ứng tự chữa trị có tính bẩm sinh của cơ thể.

Điều hết sức quan trọng là cần phải tiếp cận cơ thể như một hệ thống truyền thông, vì thế việc sử dụng ngôn ngữ chăm chữa là đồng vận với cơ chế chăm chữa vốn có của cơ thể. Ngành gene động học cho thấy đáp ứng có tính chữa lành của cơ thể chịu ảnh huởng rõ

ràng bởi các kích thích môi trường. Là những người trợ giúp, chúng ta phải hiểu biết về ngôn ngữ ta dùng nếu ta có ý định vận dụng khả năng đáp ứng chữa lành bẩm sinh của cơ thể như những nỗ lực trị liệu của chúng ta. Ngôn ngữ không chỉ là trải nghiệm được nhận thức. Ngôn ngữ là con đường biểu hiện một cách vật chất nội tâm của ta với người khác. Ngôn từ chúng ta sử dụng đóng một vai trò to lớn để tạo ảnh hưởng lên những trải nghiệm của người khác về cơ thể của họ. Ngôn ngữ là một thành phần cốt yếu của cơ cấu xã hội hoá mà toàn bộ hệ thống tâm sinh lý của ta đáp ứng một cách liên tục với nó.

Ngôn ngữ chữa trị không được trù định để loại bỏ những triệu chứng cơ thể, hơn thế, nó được thiết lập để chấp nhận sự thể hiện của triệu chứng như thành phần của toàn bộ hệ truyền thông của cơ thể, do vậy đem tới cơ hội để triệu chứng biểu hiện ra cách thức chữa trị của chính nó. Khái niệm “ngôn ngữ sáng tỏ” (clean language) được thiết lập như một công cụ giúp thân chủ "lên tiếng" thông qua triệu chứng cơ thể của họ. (Grove & Panze, 1989; Lawley & Tompkins, 2000)

Khi các triệu chứng không đáp lại việc điều trị

Có một nhóm các rối loạn không thể đáp ứng lại với những phuơng thức điều trị truyền thống. Đó là: hội chứng nhu động ruột, tăng huyết áp, ung nhọt, những kiểu phát ban da, đau nửa đầu, đau kinh niên, viêm đại tràng, hội chứng đau lan tỏa trong cơ, dây chằng, khớp (thường ở phụ nữ nhiều hơn nam giới), trầm cảm, lo âu và rối loạn stress sau sang chấn. Những rối loạn này thường bị gây ra hoặc/và bị làm cho trầm trọng hơn bởi cái gọi là "rối loạn khả năng điều hòa của hệ thần kinh thực vật" (autonomic dysregulation). Sau khi một cá nhân trải nghiệm một nguy cơ căng thẳng đến mức không thể chống trả hoặc giảm các kháng cự phù hợp, hệ thần kinh thực vật không chấp nhận trở lại với trạng cân bằng. Do đó hệ thần kinh giao cảm vẫn thường xuyên trong trạng thái báo động vì đuờng phản hồi về sự tiêu cực (từ phần vỏ não) không được hoàn tất (đường phản hồi này có chức năng báo cho hồi hải mã ở vùng dưới vỏ rằng nguy hiểm đã qua). Ở mức dưới vỏ, tình trạng báo động của cơ thể vẫn luôn luôn ở trạng thái hoạt động.

Những triệu chứng liên quan tới rối loạn điều chỉnh thần kinh thực vật sẽ tái xuất hiện và/hoặc được phóng đại khi có những tình huống cá nhân căng thẳng giống như nguy cơ căng thẳng ban đầu. Điều này là kiểu phản ứng mồi lửa (kindling response).

Mỗi rối loạn thể hiện một nỗ lực của cơ thể để truyền đạt nỗi đau đớn của nó và cái cách thức mà cơ thể cần được chữa lành và có thể sống tốt, nhưng lại thường không tuân theo những cách trị liệu truyền thống. Những rối loạn này cố gắng lập lại một giá trị truyền thông chứ không phải một giá trị cơ học, và cần được đáp ứng theo cách như vậy.

Những cách trị liệu tập trung làm giảm sự rối loạn khả năng điều chỉnh của hệ thần kinh thực vật thậm chí còn không ảnh hưởng được tới đáp ứng có tính chữa lành của cá nhân hơn là những điều trị tập trung để làm câm lặng triệu chứng của các rối loạn.

Truớc khi trị liệu thành công được những rối loạn này, những nhà trị liệu chuyên nghiệp trước hết cần cung cấp cho cá nhân một nơi chốn để họ biểu hiện một cách tự nhiên triệu chứng của họ. Việc trị liệu theo truyền thống trước đây đã chống lại những lợi ích tiềm năng của chính việc trị liệu trước khi hiệu lực hóa cơ chế truyền thông biểu hiện qua triệu chứng. Những kiểu trị liệu tập trung làm câm lặng các biểu hiện của cơ thể (ví dụ các triệu chứng) sẽ loại bỏ nguồn lực chữa lành quý giá mà chúng có ngay trong các triệu chứng. Các triệu chứng có thể coi như cách mà cơ thể biểu hiện nó cần gì để phục hồi, do đó chúng ta cần phải tạm bỏ qua hết vốn hiểu biết về lâm sàng của chúng ta lại và đi vào thế giới trải nghiệm của thân chủ - cái thế giới mà từ đó biểu hiện ra những triệu chứng. Việc điều đình với một triệu chứng chỉ được cơ thể nhận biết như sự cố gắng làm nó yên lặng, do đó lại càng khuyến khích triệu chứng tồn tại.

Khi những triệu chứng vẫn đeo đuổi lấy đa số các nỗ lực trị liệu, chúng thể hiện rằng sự đáp ứng của cơ thể đang bị làm câm lặng hơn là đang được nghe thấy. Các triệu chứng sẽ cố thủ ở đó cho tới khi nào giá trị truyền thông của nó được phép biểu hiện và được hiểu.

Việc làm yên triệu chứng

Sự trị liệu dựa trên nền tảng cố gắng làm yên cơ thể sẽ thường làm trầm trọng thêm rối loạn có tính thực thể. Việc làm câm lặng các đáp ứng bình thường của cơ thể với một sự kiện gây stress sẽ mã hóa sự kiện theo một kiểu cách tâm-sinh lý cứng nhắc, tạo điều kiện cho sự gia tăng thêm các triệu chứng cơ thể. Rossi (1993) đoan chắc rằng đó là kiểu rối loạn kép có tính tâm-sinh lý khi các sự kiện thương tổn mã hóa ở trong sốc và stress, như vậy nó đồng thời ngăn cản sự chữa lành về mặt tâm sinh lý. Kết quả hiển nhiên là hành vi ứng phó bị suy yếu, điều này tạo ra nhiều kiểu hoạt động bất thường trong cơ thể được chẩn đoán như các vấn đề về tinh thần.

Khi các vấn đề hay triệu chứng quấy nhiễu thân chủ, đó là cách mà tâm trí và tạo hóa đang nỗ lực nhận thức triệu chứng đó và rồi hóa giải nó. Việc trị liệu nếu chỉ để làm giảm triệu chứng thì cũng chính là cách "giết chết sứ giả" (Rossi; 1990, 1993). Page (2002) nói rằng, nếu chúng ta có thể diễn dịch thông điệp của triệu chứng, chúng ta có thể hiểu nhiều hơn về một con người và về sự mất cân bằng mà họ đang trải qua. Trong tư tưởng đó, Levine nói tiếp, "Chúng (những triệu chứng) nảy sinh từ hàng tá tàn dư năng lượng chưa được tiêu thụ hết hoặc giải phóng ra; việc giữ những tàn dư bị mắc kẹt trong hệ thần kinh này có thể làm nguy hại cơ thể chúng ta… Năng lượng dư thừa này không chịu thoát đi một cách dễ dàng. Nó bám trụ trong cơ thể và thúc đẩy tạo nên một loạt các triệu chứng như: lo âu, trầm uất, và các vấn đề về hành vi và tâm thể" (1997, p.19-20).

Trước khi cơ chế tâm - thể lý của đáp ứng “chống trả hoặc bỏ chạy” (fight or flight) được vận hành, tâm trí vẫn nhận biết rằng nguy cơ còn tồn tại và không có khả năng điều ứng nó vào trong bộ nhớ như là một việc đã qua. Các phương thức trị liệu dựa trên bộ nhớ ngắn hạn và mối tuơng quan bằng lời nói sẽ không đạt đến những trải nghiệm được lưu giữ về mặt thể lý. Việc trị liệu cho những trải nghiệm đã được lưu trữ được bắt đầu giải quyết tốt qua ký ức vô thức dựa trên hệ thần kinh thực vật hoặc hệ cơ - thần kinh. Ngôn ngữ chữa trị phải đạt tới mức trải nghiệm để cho cơ thể được tự do biểu hiện.

Cơ thể đang lắng nghe - Liệu ta đang nói đúng thứ ngôn ngữ của nó?

Cơ thể có ngôn ngữ riêng để truyền thông thông qua những phân tử vành đai, các protein, màng tế bào và các gene. Những vật chất này tạo nên sự lưu chuyển ngôn ngữ và thông tin giữa các tế bào của cơ thể, điều đó tác động tới các tế bào để kích thích đáp ứng tăng trưởng cũng như đáp ứng phòng vệ. Lipton(2001) khi bàn về những protein nội bào đã tuyên bố "Có hai loại protein nội bào, loại thụ cảm và loại phản ứng. Các thụ cảm là những tế bào ở các giác quan như mắt, tai, mũi…" Ông tiếp tục, "Phức hệ protein nội bào điều khiển hành vi, và qua hiệu quả của nó trên những protein điều tiết, những phức hệ này cung cấp cho tế bào các nhận biết về môi trường thông qua cảm giác cơ thể…" Các tế bào, do đó, có cách nhận biết và đáp ứng riêng với tri giác của con người về các trải nghiệm đặc biệt. Ví dụ, nếu những tế bào của chúng ta nhận thấy môi trường có sự nguy hiểm chúng sẽ gửi những chỉ báo để cơ thể biểu hiện một đáp ứng phòng vệ tại tế bào. Kết quả là các nhân tố sinh trưởng và miễn dịch được thỏa hiệp, để tiến tới phá hủy các mô và chức năng của chúng.

Các tế bào đang kiên trì lắng nghe những chỉ báo từ môi truờng. Cách những chỉ báo được giải nghĩa sẽ quyết định những đáp ứng thích hợp của tế bào. Những nghiên cứu gần đây cho thấy gene người có tính thích nghi và đáp ứng phù hợp với môi trường.

Là những người chăm chữa, những nhà trị liệu cần thường xuyên đánh giá sự ảnh hưởng của ngôn ngữ của mình dựa trên việc vận hành các đáp ứng tâm lý - thể lý - tế bào của bệnh nhân. Ngôn ngữ của nhà trị liệu sẽ ảnh hưởng tới đáp ứng về gene/tế bào của bệnh nhân ngay cả khi cùng phối hợp với các nỗ lực chữa lành của cơ thể cũng như khi không ăn khớp với các nỗ lực đó. Cơ thể đang lắng nghe xem ta có đang nói cùng thứ ngôn ngữ với nó không.

Ngôn ngữ chữa trị: Điều ta nói sẽ tạo nên một khác biệt

Các triệu chứng thực thể mang ý nghĩa biểu tượng và cơ năng. Cần phải lắng nghe và công nhận điều cơ thể biểu hiện một cách tượng trưng qua các triệu chứng. Những cách chủ yếu để cắt triệu chứng tập trung vào việc chẩn đoán: định ra cái gì sai và đang vận hành không tốt. Khi đó, người ta phải chú ý rất nhiều tới yếu tố trí tuệ, nhận thức và các thông tin được cho là có giá trị từ thân chủ để có được ý nghĩa biểu tượng trong những trải nghiệm của thân chủ. Khi ứng dụng cơ chế này với khả năng truyền thông của triệu chứng thì lại có một sự lạc điệu giữa cái được chấp nhận để chữa trị và cái cần để chữa trị. Việc nhận ra sự khác biệt giữa một triệu chứng là sự rối loạn chức năng và một triệu chứng là cố gắng của cơ thể để truyền thông là rất quan trọng để điều trị cho phù hợp. Cho đến khi diễn ra sự thay đổi tiêu điểm từ tập trung vào một vấn đề tới tập trung vào một sự truyền thông, thì lúc đó chính triệu chứng là một phần làm nên quá trình chữa trị. Trước khi bắt đầu tiến trình trị liệu, chúng ta cần hiểu giá trị truyền thông trong triệu chứng của thân chủ. Chúng ta cần giao ước về phép ẩn dụ trong triệu chứng tâm thể của thân chủ là: ý nghĩa quan trọng của triệu chứng nằm trong thế giới của chính thân chủ.Bằng việc lắng nghe cẩn trọng, nhà trị liệu thấy rằng sự mô tả triệu chứng của thân chủ nắm giữ đáp án cho việc chữa lành họ. Việc thu lượm tất cả các biểu hiện của triệu chứng cho phép người chăm chữa sử dụng sự truyền thông của triệu chứng cho tiến trình chữa trị. Nguồn lực dẫn đến bình phục là ở chỗ ta giao tiếp với một "cơ thể đang được lắng nghe hơn là đang bị làm câm lặng".

Việc dùng Ngôn ngữ Sáng tỏ là một cách đầy quyền năng để giúp thân chủ có thể truyền thông được hầu hết sự ẩn dụ mà các triệu chứng cơ thể biểu hiện. Đó cũng là một cách ảnh hưởng để truyền tới cơ thể thông điệp: cơ thể đang được lắng nghe chứ không phải bị làm câm lặng. Những dấu hiệu truyền thông kiểu này với cơ thể cho thấy môi trường là có nâng đỡ và an toàn, do vậy khuyến khích sự tăng trưởng và đáp ứng chữa lành được ghi nhận sớm hơn.

Ngôn ngữ sáng tỏ gần giống với cái mà Rossi đưa ra "Sự biến đổi ngầm có tính rút kinh nghiệm" (implicit processing heuristics). Làm rõ chủ đề này, tôi (tác giả bài này) đưa ra nghiên cứu của Grove và Panze (1989) từ lúc mà nghiên cứu đó của họ cung cấp một nền tảng tuyệt vời để học các kỹ năng thiết yếu làm thành "sự biến đổi ngầm có tính rút kinh nghiệm" của Rossi.

Việc chấp nhận ngôn ngữ sáng tỏ làm nền tảng là sự thách thức với những nhà trị liệu chuyên nghiệp, họ phải treo (ngưng lại) xu hướng lạm dụng kinh nghiệm của thân chủ về triệu chứng của họ vào việc giải nghĩa lâm sàng. Một cách truyền thống, nhà trị liệu vừa mới được huấn luyện để tiến gần tới sự truyền thông của thân chủ thường thấy những triệu chứng của thân chủ như một cơ hội để đánh giá và chẩn đoán, đó giống như sự lừa phỉnh thân chủ, vì nhà trị liệu đang dùng cái nhìn của cá nhân mình nhìn thế giới của thân chủ. Làm vậy cuối cùng sẽ làm chìm khuất các thông tin ẩn dụ mà những triệu chứng đưa ra. Bằng việc can thiệp vào những mô tả của thân chủ về triệu chứng, những nhà trị liệu "tốt" sẽ có thể tước đoạt khỏi thân chủ những kinh nghiệm rất cần thiết để hoá giải những triệu chứng của họ. Mục đích của ngôn ngữ sáng tỏ là cho phép thân chủ dùng hiểu biết của mình, dùng chính sự mã hoá có tính ẩn dụ của họ về các triệu chứng để biểu hiện triệu chứng đó.

Việc tiếp cận triệu chứng theo cách này làm mạnh thêm khả năng bình phục của thân chủ với các triệu chứng cơ thể và tâm lý có nguồn gốc từ việc cơ thể bị làm cho câm lặng. Mỗi triệu chứng cơ thể tự có một giải pháp đã mã hoá ở tầng sâu. Bằng việc lắng nghe sự biểu hiện của triệu chứng, thân chủ có thể làm cho việc chữa lành trở nên linh hoạt. Họ có cơ hội trao cho triệu chứng của họ một tiếng nói. Trải nghiệm cơ thể đang được thông đạt trong cách này là một trong những điều diệu kỳ và mới lạ, vì nó kích thích sự phát triển của các dây thần kinh – để tạo ra những hành vi, những tri thức và những ký ức mới.

Khi thực hiện cách tiếp cận này, nhà trị liệu đã chính thức hóa cách biểu hiện thế giới của thân chủ và tạo thuận tiện để mở ra những phương án đã được mã hoá trong ngôn ngữ và trải nghiệm của họ về thế giới này. Ngôn ngữ sáng tỏ là là loại ngôn ngữ dùng để nói với những trải nghiệm chân thực nơi thân chủ chứ không phải là thể hiện sự chẩn đoán và đánh giá của nhà trị liệu.

Theo như vậy, ngôn ngữ sáng tỏ có những câu hỏi dùng cho 3 mục đích: (1) Thông tin về đặc tính của triệu chứng; (2) Thông tin về sự khu trú của triệu chứng; và (3) Những câu hỏi tham chiếu triệu chứng trong quá khứ và tương lai (tính từ hiện tại nhận thức của thân chủ). Kiểu câu hỏi cuối cùng cho phép thân chủ tạo ra bất kỳ sự khác biệt, nhưng cần thiết, về ý nghĩa biểu tượng. Chú ý rằng mỗi câu hỏi bắt đầu với từ "và", "rồi", "vậy là"… thường bị bỏ quên. Có 9 dạng câu hỏi trong ngôn ngữ sáng tỏ:

1. Hỏi về 1 ẩn dụ:

Và … X thì giống điều gì?

2. Hỏi về đặc điểm của triệu chứng:

Rồi … cái kiểu của X có phải là X kia?

3. Hỏi về khu trú:

Vậy …X nằm (biểu hiện) ở đâu?

4. Hỏi về mối quan hệ:

a. Và…có 1 quan hệ giữa … và… không?

b. Còn… khi… điều gì xảy ra với X?

5. Về thời gian tới:

a. Và rồi cái gì xảy ra?

b. Cái gì xảy ra tiếp theo?

6. Về thời gian trước:

a. Và… cái gì đã xảy ra kể từ trước X?

b. Rồi…X có thể bắt nguồn từ chỗ nào?

7. Hỏi về kết quả mong muốn:

Vậy… cái gì X muốn phải xảy ra?

8. Hỏi về những điều kiện cần thiết:

Và cái gì cần cho X xảy ra/ xảy ra với X?

9. Đưa ra một kết mở để bệnh nhân thêm vào bất kỳ cái gì khác

Vậy… có gì khác về X nữa?

Bên dưới đây có 1 ví dụ lâm sàng về việc làm sao Ngôn ngữ Sáng tỏ vận hành như một tổ hợp của nhiều nét cảnh lâm sàng:

Mary tới gặp tôi vì bận tâm với một bệnh cơ thể. Cô chịu đựng bệnh đau thắt lưng kinh niên đã nhiều năm và chưa trải nghiệm lợi lộc gì từ các điều trị cô đã trải qua. Tôi đã làm việc với Mary trong buổi đầu tiên để giúp đem tới cho cô 1 cơ hội biểu hiện đầy đủ những triệu chứng ngoan cố của cô. Sự miêu tả này chỉ là một phần nhỏ của buổi đầu tiên đó. 

Thân chủ: Tôi cảm thấy nỗi đau này ở lưng mình.

Nhà trị liệu: Và cô luôn cảm thấy nỗi đau này ở lưng cô. Thế khi cô cảm thấy

nỗi đau này ở lưng, nỗi đau này là kiểu đau nào? (hỏi về ẩn dụ)

Tc: Nó là 1 kiểu đau bỏng rát.

Ntl: Vậy nó là 1 kiểu đau bỏng rát. Thế kiểu đau bỏng rát này ở chỗ nào? (hỏi khu trú)

Tc: Nó ở thắt lưng tôi, ngay ở đây. Nhưng đôi khi nó di chuyển ra xung quanh.

Ntl: Vậy nó ở thắt lưng cô, ngay đây (lặp lại điệu bộ chỉ tay của thân chủ). Nhưng đôi khi nó di chuyển ra xung quanh. Và khi nó di chuyển ra xung quanh, nó đi tới đâu? (hỏi khu trú)

Tc: Nó có vẻ tới chỗ thấp hơn.

Ntl: Nó có vẻ tới chỗ thấp hơn. Rồi điều gì xảy ra? (hướng về thời gian sau đó)

Tc: Tôi tránh né khỏi mọi người.

Ntl: Và cô tránh né khỏi mọi người. Kiểu tránh né đó thuộc dạng tránh né nào? (hỏi về ẩn dụ)

Tc: Tôi thấy nhỏ bé và đơn độc.

Ntl: Vậy là cô thấy nhỏ bé và đơn độc. Thế cô cảm thấy cảm giác nhỏ bé và đơn độc này ở đâu? (hỏi khu trú)

Tc: Ngay trong trái tim tôi.

Ntl: Cô thấy cảm giác nhỏ bé và đơn độc này ngay ở trong trái tim cô (lặp lại điệu bộ của thân chủ). Vậy cảm giác về sự nhỏ bé và đơn độc trong trái tim cô tới từ đâu? (hướng về thời gian trước đó)

Tc: Tôi đã cảm thấy điều này mọi lúc như là một đứa trẻ vậy. Như thể không được ai quan tâm và không ai muốn lắng nghe tôi.

Ntl: Vậy cô đã cảm thấy điều đó như một đứa trẻ. Và cô đã thấy như là không được ai quan tâm và không ai muốn lắng nghe cô. Rồi có còn điều gì nữa về điều cô đã cảm thấy như một đứa bé?

Tc: Tức giận.

Buổi đầu tiên đã kết thúc, Mary đã bắt đầu để nỗi đau ở lưng cô được nhận thấy một cách không che đậy. "Lưng tôi chưa từng cảm nhận điều tốt này trong nhiều năm qua. Có vẻ như cuối cùng ai đó đã lắng nghe tôi."

Tôi tiếp tục vòng lại qua những biến thể của 9 kiểu câu hỏi cơ bản trong buổi làm việc, phác họa ra cho cô ấy ngày càng nhiều những trải nghiệm của cô về triệu chứng của mình và đó là đang đưa một tiếng nói cho triệu chứng mà nó đã bị câm lặng quá nhiều năm.

Cách lắng nghe triệu chứng này như một xa lộ thông tin để việc trị liệu tập trung giúp thân chủ tăng lên sự biểu hiện rõ ràng hơn về triệu chứng từ thế giới của họ. Không có sự phán đoán, chỉ đạo hay dạy dỗ nào cả. Vì triệu chứng đã được đưa cho một tiếng nói để phát biểu, nó cho thấy nó cần làm vậy để thuyên giảm triệu chứng. Mary có thể tiếp tục tác động tới tâm điểm của cái mà bệnh đau lưng của cô đang cố biểu hiện.

Vì thân chủ được phép trình bày những triệu chứng của họ bằng chính từ ngữ và ngôn ngữ của họ, các nhà trị liệu bắt đầu phát triển một phương sách về thông tin và ngôn từ giúp họ có thể đưa việc chăm chữa của mình tiến gần tới với thân chủ. Ví dụ về thôi miên, là một phương pháp đầy quyền năng để sử dụng ngôn ngữ của thân chhủ trong suốt quá trình thôi miên như đã được chứng minh trong cách thức mà Rossi đưa ra trong "Những cải biến thử sai ngầm ẩn". Nhưng nhà trị liệu cần giao tiếp trực tiếp với những triệu chứng của thân chủ, với chính ngôn ngữ của thân chủ, hơn là phát triển ngôn ngữ thôi miên được đặt trên toàn bộ hiểu biết biết lâm sàng của nhà trị liệu.

Khi câu chuyện của thân chủ được lắng nghe và đựơc hiểu, thân chủ không bị giới hạn để biểu đạt nỗi đau cơ thể của họ qua triệu chứng nữa. Thân chủ có thể đi tới một vốn sống tuyệt vời hơn để mở mang trải nghịêm sống khỏe của họ. Việc sử dụng "ngôn ngữ sáng tỏ" là một cách hiệu lực tạo nên môi trường an toàn và có nâng đỡ, từ đó làm thuận lợi cho việc chữa trị có tính phối hợp cả về tâm lý - thể lý - hệ gen và tạo một sự bảo hộ tạo điều kiện cho bất kỳ can thiệp trị liệu nào sau đó.

Kết luận.

Khi thân chủ tới gặp nhà trị liệu để được chữa trị, họ muốn được lắng nghe và có một cơ hội kể về những câu chuyện của họ. Nếu một cá nhân có một trải nghiệm đặc biệt bị dập tắt, những dấu vết còn lại về trải nghiệm đó được dồn ép vào những tế bào, những dây thần kinh và những mô của cơ thể. Triệu chứng trở thành phương tiện biểu lộ của trải nghiệm có đặc trưng thể lý. Triệu chứng là một minh chứng về cách mà nguồn năng lượng của trải nghiệm có đặc trưng thể lý bị biến chuyển thành năng lượng để triệu chứng tồn tại.

Nhà trị liệu phải giúp đem các nguồn lực của thân chủ vào quá trình chữa trị. Họ có thể làm điều này bằng việc giữ cho mình tránh áp đặt những cách thức trị liệu của họ vào thân chủ, để rồi chấp nhận để cho triệu chứng của thân chủ có tiếng nói và giúp "tiếng nói" ấy thể hiện thay vì đã bị làm cho câm lặng trước đó. Cách thức một người sử dụng ngôn ngữ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc mở ra xa lộ thông tin để triệu chứng có thể biểu hiện và rồi tiêu biến đi...

Tác giả

Thomas Roberts, LCSW, LMFT, là một nhà trị liệu và thôi miên làm việc tư ở Onalaska, Wisconsin. Ông có các chứng nhận về tư cách của người làm lâm sàng xã hội độc lập và người trị liệu hôn nhân gia đình. Ông cũng là uỷ viên của Ủy ban các nhà thực hành thôi miên quốc gia và Hiệp hội Y khoa Mỹ và là một chuyên viên của Liên đoàn trị liệu Mỹ. Ông cũng được công nhận như một nhà tham vấn về bệnh nghiện trong vùng Wisconsin. Roberts đã có hơn 25 năm thực hành về trị liệu và thôi miên với đóng góp quan trọng cho sự phát triển và xuất hiện của Liệu pháp chữa bệnh bằng thôi miên qua cảm giác cơ thể giúp chữa lành tâm - thể. Ông đã có nhiều bài giới thiệu về sự tiếp cận của mình xuất bản trên các báo và cũng có các khóa huấn luyện và hội thảo tại các cấp vùng, địa phương và quốc gia. Bạn đọc có thể viếng thăm webside của ông tại www.innerchg.com.

 CỬA SỔ TRỊ LIỆU

BS NGUYỄN MINH TIẾN dịch

Có nhiều thứ trên đời được phát minh ra và giúp ích nhiều cho cuộc sống chúng ta. Một trong số đó là cái cửa sổ. Cửa sổ là một vật có tác dụng điều hòa (regulator); chúng giúp chúng ta thoải mái vì đã điều hòa không khí khi ta ở bên trong của một ngôi nhà. Những bức tường che chở chúng ta với không gian môi cảnh bên ngoài, nhưng ngôi nhà cần có sự trao đổi không khí với bên ngoài để chúng ta có thể cảm thấy thoải mái khi ở bên trong. Mưa và lạnh nên được giữ ở bên ngoài; còn ánh sáng và không khí thì được cho phép đi vào bên trong. Chúng ta mở cửa sổ để đón nhận nắng ấm và gió mát; đóng chúng lại mỗi khi trái gió trở trời. Theo cách ấy, những chiếc cửa sổ giúp chúng ta điều chỉnh mức độ tiện nghi trong không gian sống của mình.

Con người cũng có những “không gian bên trong” (interiors) cần được điều hòa giống như những ngôi nhà vậy. Nội tâm của một người được tạo lập bởi những cảm xúc, ý nghĩ và niềm tin riêng tư của người ấy. Cũng giống như những chiếc cửa sổ, nhờ chúng cho phép ánh sáng và khí trời đi vào bên trong mà ngôi nhà không trở nên tăm tối, con người cũng có những chiếc “cửa sổ” mở vào những cảm xúc, ý nghĩ, niềm tin của riêng mình mà từ đó có thể đón những quan điểm mới, kiến thức mới vào trong và xua những khổ đau ra ngoài. Hiểu được cách thức vận hành của những chiếc “cửa sổ tâm lý” ấy sẽ rất quan trọng để chúng ta có thể hiểu được tâm lý trị liệu có tác động như thế nào.

Theo truyền thống (đặc biệt là trong những bài viết của những nhà tâm lý trị liệu theo trường phái gestalt vào các thập niên 1960 và 1970), sức khỏe tâm thần được xem như một trạng thái trong đó con người chấp nhận một sự trải rộng, cởi mở về mặt tâm lý. Một người có tinh thần lành mạnh lý tưởng sẽ không để tích tụ trong người một lô “hành lý” chứa đầy cảm xúc, bởi vì những nỗi khổ đau khi xuất hiện sẽ được người ấy tỏ bày và để chúng rời đi (thông qua chiếc cửa sổ tâm lý rộng mở). Người ấy cũng mở lòng đón nhận những trải nghiệm mới và liên tục đón lấy những cơ hội để tạo lập thêm những mối quan hệ, làm việc với những dự án mới trong suốt đời mình, ngay cả lúc phải đối mặt với sự mất mát và buồn phiền. Bạn có thể nói rằng bầu khí bên trong “ngôi nhà tâm lý” của một người lành mạnh chẳng bao giờ bị tù đọng, ngột ngạt cả, bời vì luôn luôn có một cơn gió nhẹ nhàng đi qua những chiếc cửa sổ tâm lý rộng mở của người ấy. Đây quả là một định nghĩa hay về sức khỏe tâm thần – trạng thái không vướng mắc những rối nhiễu.

Cũng rất gay go nếu như những cửa sổ kia cứ mở rộng mãi – Thế giới bên ngoài cũng là một không gian ô nhiễm; con người cũng cần phải được tách biệt. Có lúc bạn cần đóng cửa sổ lại để ngăn bớt những gì không sạch từ bên ngoài có thể đi vào làm bẩn ngôi nhà bạn. Không ít người thấy rằng môi trường sống xung quanh mình không có tính hỗ trợ và không an toàn cho họ về mặt cảm xúc. Nhiều người còn cảm thấy không an tâm khi mở rộng những cửa sổ tâm lý của mình để chia sẻ những cảm xúc, ý nghĩ và niềm tin của mình với người khác nữa.

Và vì thế mà sự căng thẳng sẽ hiện diện. Một mặt chúng ta phải sống trong một thế giới không hoàn toàn tin cậy; mặt khác chúng ta bắt đầu chết từ bên trong nếu như không chia sẻ những trải nghiệm nội tâm của mình cho người khác – đặc biệt khi chúng là những trải nghiệm đau buồn. Tâm lý trị liệu, phần nào đó, có tác dụng dung hòa hai sự thật này.

Tâm lý trị liệu bắt đầu diễn ra khi con người trở nên thoải mái đủ để có thể mở rộng những cửa sổ tâm lý của mình và giải thoát bầu khí nội tâm thông ra bên ngoài. Tâm lý trị liệu vừa là khoa học vừa là nghệ thuật nhờ đó một người này có thể giúp một người kia hoàn tất tiến trình mở rộng (những cửa sổ) này. Điều này đúng theo nhiều nghĩa khác nhau.

Sự thay đổi làm nên một “cửa sổ” để tạo cơ hội cho việc mở các cửa sổ tâm lý

Đời sống tình cảm của con người có thể khép kín lại vì một số lý do; nhưng lý do chính tóm lại thường là những nỗi lo âu, sợ hãi hoặc có thể là do nhu cầu lẩn tránh người khác – những người có thể gây “nhiễm độc” cho mình. Mặc dù con người bắt đầu cuộc sống với những cửa sổ tâm lý rộng mở, có những sự việc xảy ra khiến cho họ cảm thấy nguy hiểm nếu như vẫn để mở những cửa sổ này. Một cách tối ưu thì việc nên làm ở một người lành mạnh trong tình huống nguy hiểm ấy sẽ là đóng cửa sổ tâm lý của mình lại trong một thời gian, rồi sau đó xem bên ngoài có trở nên an toàn để mở cửa sổ lại hay không. Tuy nhiên, phần đông chúng ta thường không kết thúc bằng việc làm tối ưu này. Chúng ta đóng những cửa sổ tâm lý của mình lại để phản ứng với một môi trường “độc hại”, rồi cứ giữ chúng ở trạng thái đóng và quên không kiểm tra lại xem hoàn cảnh bên ngoài có cải thiện hay chưa. Năm tháng trôi qua trong cuộc đời những con người ngăn cách mình phía sau khung cửa sổ đóng kín, không thể hoặc không sẵn lòng nhận ra rằng thế giới xung quanh thực sự đã không còn nguy hiểm như họ đã tin thế.

Việc đóng cửa cũng xảy ra vì những lý do khác. Trong khi con người vẫn thường mong muốn sâu sắc rằng bản thân mình phải được người khác lắng nghe và công nhận (một việc phải cần đến những cửa sổ tâm lý rộng mở), họ lại thường không thể chịu đựng nổi những trải nghiệm đau buồn đang hiện diện bên trong họ. Điển hình hơn, có những người không có khả năng chấp nhận cuộc sống bộn bề mà họ nhìn thấy bên ngoài cửa sổ tâm lý của mình là cuộc sống thật, và nó không thật bằng chính những niềm tin mà họ tự bắt mình tin theo, từ đó họ nhìn thấy cuộc đời bên ngoài là xấu xa, chẳng khác nào những tấm bản đồ xa xưa thời Trung cổ vẽ ra những vùng đất xa lạ nơi ngụ cư của những con rồng! Tuy thế, họ dường như đã ngưng lại những tương tác của mình với cuộc đời đang đổi thay một cách sống động ở bên ngoài.

Ngay cả khi cuộc sống trở nên khép kín quá đỗi, phần đông những người ấy vẫn cứ đành chịu vậy. Và khi cuộc sống xảy ra một sự kiện nào đó vượt quá sức chịu đựng (một người thân qua đời, mất việc làm, không đạt điểm chuẩn trong một khóa học quan trọng, ly hôn hoặc bị phụ tình, bị bắt giam…) sẽ thúc đẩy người ấy tìm kiếm sự hỗ trợ.

Những đổi thay quá sức chịu đựng có thể gây ra một sự rối loạn cho khả năng tự vệ của con người và tạo nên một khoảng thời gian mẫn cảm trong đó con người có thể trở nên thông suốt hơn để có thể học hỏi trở lại. Buồn và tiếc cho những cơ hội đã mất, cùng với những nỗi sợ có tính hiện hữu (như sợ cô đơn chẳng hạn) có thể làm mạnh thêm sự sợ hãi khiến con người gia tăng thêm những phản ứng tự vệ và tiếp tục giữ chặt những cửa sổ tâm lý đóng kín lại. Bạn có thể nghĩ về tiến trình này như một “cửa sổ” của cơ hội mà từ đó có thể mở được các cửa sổ tâm lý. Nhiều cuộc trị liệu đã bắt đầu trong những thời điểm như thế.

Mở cửa sổ cho phép sự thông thoáng và hỗ trợ diễn ra

Một trong những việc căn bản mà một nhà trị liệu phải thực hiện đó là mang lại một môi trường an toàn và có tính nâng đỡ, qua đó thân chủ có thể mở cửa sổ tâm lý của họ và làm “thông khí” cho những tình cảm, ý nghĩ và cảm xúc đau buồn của họ. Nhà trị liệu giỏi sẽ hoàn tất công việc này bằng việc bảo đảm tính riêng tư bảo mật cho thân chủ và bằng cách trở thành một thính giả có tính chấp nhận, lưu tâm và nâng đỡ cho thân chủ. Khả năng này là vô cùng quan trọng đối với một nhà trị liệu. Con người rất cần được chia sẻ những trải nghiệm nội tâm của mình; họ cần được người khác tôn trọng và chấp nhận. Như thể là con người sẽ nghi ngờ thực tại hiện hữu của mình nếu họ không tìm thấy ai để chia sẻ với mình. Với những cách thức hỗn độn đang diễn ra trong xã hội, có quá ít những lối thoát an toàn để con người có thể đạt được sự nhận biết những trải nghiệm riêng tư và đau buồn của chính mình. Nhà trị liệu có thể là một thính giả lắng nghe những nỗi khổ riêng tư, những ý nghĩ và cảm xúc đầy tủi hổ, và khi làm như thế, nhà trị liệu sẽ mang đến sự công khai hóa những cảm xúc và ý nghĩ mà nếu không chúng vẫn không được công khai.

Giữa sự “nhập cuộc” và sự “đứng bên ngoài” tồn tại một “cửa sổ trị liệu”

Mở cửa sổ tâm lý vẫn chưa đủ; nếu chỉ mở lòng ra để trải nghiệm vẫn chưa có nghĩa là bạn sẽ có được những lợi ích. Mở quá nhiều, quá nhanh có thể khiến cho một người cảm thấy dễ mẫn cảm và hoảng sợ (hoặc tức giận, hoặc kích động, hoặc vô số những cách thức để con người bày tỏ nỗi sợ). Đây là một vấn đề đặc biệt ở những người đã đóng kín cửa sổ tâm lý của mình sau một sang chấn hoặc tình trạng bị xâm hại. Những thân chủ này hoàn toàn không thể chịu đựng nổi cảm xúc liên can đến vấn đề của mình. Bộc lộ quá mức về vấn đề này có thể dẫn đến trạng thái bị “ngập lụt” (flooding).

Những thân chủ này thường tránh khơi dậy những chủ đề đau buồn – một dạng cơ chế tự vệ. Một nhà trị liệu giỏi có thể “lèo lái” [1] bằng cách duy trì một sự chú giải đi theo dòng các ý tưởng mà thân chủ nói ra, chú giải nhanh những điểm mấu chốt và rời xa chủ đề, rồi không đề cập chủ đề nhưng chỉ ra cho thân chủ thấy những điểm mấu chốt theo một cách thức không gây sợ hãi để giữ cho thân chủ vẫn chú tâm đến những gì mà họ muốn né tránh.

Nhà trị liệu tự nhận thấy mình phải đương đầu với một việc làm nhạy cảm là giữ thăng bằng giữa một mặt là giúp thân chủ dấn thân vào cuộc nói chuyện về vấn đề của họ, và mặt khác là cần tránh để cuộc nói chuyện leo thang đến một tình huống quá sức chịu đựng. Nói cách khác là cần phải điều chỉnh độ rộng của chiếc cửa sổ tâm lý mà thân chủ mở ra ở từng thời điểm sao cho thân chủ có thể chịu đựng được, và từ đó họ có thể nhận được lợi ích từ những cơ hội được giao lưu, nhận biết và học tập. Một nhà trị liệu tốt sẽ dẫn dắt thân chủ để giúp họ nhập cuộc và ở lại trong khung “cửa sổ trị liệu” (còn gọi là sweet spot) một vị trí đứng ở giữa thái độ “nhập cuộc” và thái độ “đứng bên ngoài” đối với vấn đề đã gây buồn phiền cho họ. Bàn luận quá nhiều về một nỗi đau có thể hại nhiều hơn lợi, trong khi nếu nói ít thì lại không đủ để mang lại kết quả hữu ích.

Mục đích của tôi khi viết bài này là để trình bày những ý tưởng ấy. Tôi nghĩ rằng mình đã hoàn thành mục đích của mình, nhưng bằng cách thức hơi có vẻ trừu tượng một chút, và thực ra cũng không có một thời điểm nào đuợc gọi chính xác là “ngay lúc này” để có thể cố định lại tình huống đó. Tôi rất vui lòng nếu như có độc giả nào nhận ra ở đây đôi điều là sự thật từ cuộc sống của chính bản thân mình, sẽ góp ý giúp tôi bổ sung vào những cách thức để việc đóng mở những cửa sổ tâm lý trở nên có tác dụng hiệu quả hơn trong cuộc sống thực tế - cách thức để việc đó có thể giúp giải bày những trải nghiệm của chính chúng ta hoặc trải nghiệm của những người mà ta tiếp cận. Chúc những ngày nghỉ đông an lành và hạnh phúc!

[1] Nguyên văn là “ride herd”: dẫn dắt bầy gia súc (N.D.)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#ggg