Lời giới thiệu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đây không phải câu chuyện của ai khác
Mà là câu chuyện của tất cả chúng ta

-Bố Na Young-

==========================

Trước khi gỡ cái túi dùng để đi đại tiện, đêm nào con bé cũng bị những cơn ác mộng giày vò. Ngày qua ngày khác vẫn là một giấc mơ lặp đi lặp lại. Trong mơ con bé đang chơi cùng bạn bè thì bỗng dưng một con quái vật đuổi đến. Tất cả bạn bè đều tìm được chỗ nấp, duy chỉ một mình nó bị con quái vật tóm lấy. Con bé sợ hãi giấc mơ ấy.

Một ngày nọ, con bé hỏi tôi.

"Bố ơi, ông chú xấu xa ấy phải nhận bao nhiêu năm tù giam vậy?"

Tù giam. Bao nhiêu đứa trẻ đồng trang lứa với con bé có thể hiểu được từ này? Như thể chuyện đó còn chưa đủ, con bé còn hỏi về kẻ đã khiến nó phải đau đớn. Trong câu nói tiếp theo của con bé, tôi có thể nhận thấy sự căng thẳng do nỗi sợ hãi vẫn còn đọng lại.

"Hắn nhận mười hai năm tù giam nên phải ở trong đấy hơn mười năm mới được ra ngoài."

"Chậc!"

Bất mãn với xã hội này ư? Không. Đó là nỗi kinh hoàng.

"Còn tận mười năm nữa cơ mà."

"Cho đến lúc ấy, con phải rèn giũa sức mạnh mới được."

Ai thấu chăng lòng này đang vụn vỡ? Nếu là bậc làm cha mẹ, hay giả là một người cha có con gái giống như tôi, liệu họ có hiểu được không? Con bé phải thấy khủng khiếp đến mức nào mới lo lắng về việc manc hạn tù của hắn sớm đến thế? Mười hai năm. Đối với những người khác, có thể đó chỉ là một khoảng thời gian bình thường nhưng với con chúng tôi, con số đó đã trở thành một thứ thời hạn khắc nghiệt mà cho đến lúc ấy, nó phải trở nên mạnh mẽ để không chịu tổn thương thêm lần nữa. Nếu hắn nhận một hình phạt cao hơn, liệu cơn khủng hoàng của con bé có vơi bớt không? Nỗi lo sợ trong lòng con bé sẽ lớn đến thế nào khi ngày lại ngày, thời gian cứ dần trôi đi. Một năm trôi qua, chắc nó sẽ nghĩ: "Chỉ còn chín năm nữa thôi nhỉ." Đáng ra đó nên là một hình phạt nghiêm khắc đến mức người ta phải nghĩ rằng "Vẫn còn tận mấy năm nữa cơ mà!", chứ không phải là "Chỉ còn mấy năm nữa thôi nhỉ".

"Dù không có sức mạnh nhưng bố sẽ ngăn không cho việc tương tự xảy ra lần nữa. Bố cũng sẽ ngăn chặn để những bạn nhỏ khác không phải chịu tổn thương vì chuyện này nữa."

Tôi chỉ là một ông bố bình thường, song tôi đã hứa với con mình như vậy. Tôi đã từng ước: "Giá như thời gian có thể quay trở lại." Nhưng đó là việc không thể. Cả tôi, cả con tôi đều hiểu rõ điều đó.

Con tôi đã phải chịu một tổn thương không gì có thể bù đắp được- con bé bị cưỡng hiếp. Vết thương cũng chỉ là vết thương thôi, nhưng ký ức lại cứ đeo đẳng và giày vò nó. Một hôm, con bé hỏi tôi về tội cưỡng hiếp. Từ "cưỡng hiếp" lại thoát ra từ miệng đứa bé đang học lớp Một. Tôi cố kùm nén nỗi căm hận trào dâng khiến cơ thể mình run lên và trả lời.

"Bởi vì ông chú xấu xa đó là đàn ông, còn con là con gái. Giới tính khác nhau nên xảy ra chuyện cưỡng hiếp."

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều lần xem mình phải giải thích thế nào cho con bé, bởi đây là câu hỏi mà một lúc nào đó, con bé chắc chắn sẽ hỏi tôi. Dù đã quyết tâm sẽ trả lời đến hơn chục lần, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác bức bối khi phải làm điều đó.

Sau khi sự việc đau lòng ấy xảy ra, con tôi làm quen được với một chị gái làm cảnh sát hình sự. Con bé thích chị ấy lắm. Có lẽ con bé cảm thấy an toàn khi quen biết một cảnh sát. Sự ấm áp của những người xung quanh cũng đem đến cho con bé nhiều dũng khí hơn.

Song cuộc đời này nào chỉ có mỗi ấm áp, nó vẫn luôn đầy rẫy những việc khiến con người ta uất ức. Do tình trạng của con tôi không cải thiện nên tôi phải đi tìm bác sĩ phụ trách. Thế nhưng vị bác sĩ khoa Thần kinh ấy lại bảo rằng ông ta không phải người chữa bệnh mà chỉ là người chẩn đoán tình trạng của con tôi thôi.

"Bác sĩ vẫn đang điều trị cho bé nhà tôi đúng không ạ?"

"Không."

"Không ấy ạ?"

"Tôi không phải người chữa bệnh, mà là người chẩn đoán bệnh."

Câu nói thản nhiên của vị bác sĩ ấy đang lấy con tôi ra làm đối tượng quan sát khiến tôi bàng hoàng. Sau lần đó, tôi tìm tới những nơi khác. Trong lòng tôi chỉ có một tâm niệm rằng dù thế nào đi nữa, tôi cũng phải đưa con mình quay trở lại cuộc sống bình thường. Có lẽ bất cứ ông bố nào trên đời này cũng đều có chung suy nghĩ như vậy.

Không chỉ những tổ chức tư nhân, tôi còn tìm đến cả những nơi nhận sự hỗ trợ của chính phủ. Trong số những nơi tôi từng đến, không ít hội nhóm được lập ra chỉ nhằm thoả mãn lợi ích riêng của họ. Tôi đi bộ suốt cả ngày dài, tìm đủ mọi cách hỏi thăm tất cả những nơi có thể điều trị cho con mình. Tôi bật cười cay đắng. Tôi đang dò la xem những nơi đó có thật sự chữa trị hay không. Những tấm biển quảng cáo đều ghi mục đích là chữa bệnh, nhưng thực ra, bọn họ chỉ thèm muốn số tiền hỗ trợ từ nhà nước mà thôi.

Có cơ quan nọ còn buông ta một câu giống như lời cảnh cáo, rằng vì họ sẽ giúp đỡ việc điều trị và yêu cầu sự hỗ trợ từ chính phủ nên đừng tiếp nhận điều trị ở những đơn vị khác. Họ bảo sẽ điều trị cho con tôi hai tuần một lần. Hai tuần một lần ư? Dù là chứng trầm cảm cũng phải tiếp nhận điều trị hằng tuần, ngay cả những căn bệnh về tinh thần đơn thuần như stress thì tối thiểu cũng phải điều trị hằng tuần cơ mà... Khi họ bảo rằng con tôi chỉ cần điều trị hai tuần một lần là đủ rồi, cơn phẫn nộ trào dâng trong tôi.

Nhìn những kẻ lợi dụng con tôi, lợi dụng nỗi đau của gia đình tôi hòng trục lợi cho riêng mình, cảm giác ghê tởm trong tôi dâng lên cuồn cuộn như thác lũ.

Cuối cùng, tôi gửi gắm con mình đến một nơi tên là Trung tâm trẻ em Hoa Hướng Dương ở Seoul. Đây là nơi duy nhất thực sự chăm lo cho con tôi trong vô vàn những nơi hám lợi. Lý do tôi nói rõ tên của nơi này là vì mong giúp ích được cho những người đang phải chịu cùng một nỗi đau với gia đình chúng tôi.

Nhưng nơi đây cũng có vấn đề của nó. Trung tâm trẻ em Hoa Hướng Dương thuộc sự quản lý của Bộ Y tế và Phúc lợi cùng Bộ Phụ nữ và Gia đình. Nhưng không phải ở thành phố nào cũng có trung tâm này. Sau khi tìm hiểu nhiều chỗ, tôi mới biết được nơi đây. Từ nơi tôi sống đi tới tận Seoul quả là một quãng đường dài. Đương nhiên vì con mình, tôi sẽ đến cho bằng được nhưng điều đó vẫn không dễ dàng gì. Tôi thì không sao, nhưng còn con tôi? Ngay cả một không gian nhỏ hẹp nó cũng luôn cảm thấy quá đỗi rộng lớn và xa xôi. Chưa kể đến việc, đối với con tôi- đứa trẻ một ngày phải đi vệ sinh hàng chục lần thì đây đúng là việc khó khăn. Khi phải di chuyển trong một thời gian dài, con tôi hay cảm thấy mệt mỏi và bị say xe. Nếu biết nghĩ cho trẻ em thì ít nhất cũng phải bố trí một trung tâm ở mỗi thành phố chứ?

Những bệnh viện được chỉ định đảm trách các ca bạo hành tình dục luôn thiếu thốn đến không sao hiểu được. Ngay tại Seoul cũng chỉ có duy nhất một bệnh viện. Tỉnh Gyeonggi hay các khu vực khác cũng chẳng khá khẩm hơn. Họ nghĩ các bệnh nhân đủ khả năng về mặt tinh thần để đi một quãng đường xa đến thế và chữa bệnh hay sao? Đó chẳng phải là cách xử lý thiếu tính thực tiễn à? Chẳng phải chính sách này chỉ được cái mã để trưng ra cho người ta thấy thôi sao? Nếu suy nghĩ từ lập trường của bệnh nhân, sao có thể dựng lên những chính sách tắc trách như vậy?

Tôi tham gia vào tác phẩm của tác giả So Jae Won chỉ vì một lý do duy nhất. Tôi muốn lên tiếng thay cho những người đang phải chịu nỗi đau như gia đình tôi và cùng họ chia sẻ niềm hy vọng- đây là lý do lớn nhất. Tôi cũng mong rằng những nỗi đau tương tự sẽ không tái diễn, cùng với đó là mong muốn thay đổi chính sách của chính phủ và yêu cầu kẻ thủ ác phải nhận hình phạt cao hơn. Thêm vào đó, tôi cũng muốn tìm ra một lối thoát cho những người lâm vào hoàn cảnh giống như gia đình mình.

Tên khốn mang đến nỗi đau khủng khiếp cho con tôi là một kẻ đã từng phạm tội. Rất nhiều những tên tội phạm khác cũng từng tái phạm. Bọn chúng càng ngày càng nhan nhản trong cái xã hội này. Tôi không muốn khơi lại sự việc của con mình, có chết tôi cũng không muốn nhớ lại điều ấy, nhưng tôi kể câu chuyện này ra với tâm trạng chẳng khác gì xát muối lên vết thương nhằm mong mỏi một hình phạt thích đáng hơn dành cho chúng.

Giống như những gì đã nói ở trên, tôi đã hứa với con gái mình rằng tôi sẽ không để bất cứ ai phải trải qua nỗi đau ấy thêm lần nữa.

Tôi muốn giữ lời hứa ấy, vậy nên tôi sẽ mạnh dạn nói hết trong tác phẩm này.

Tôi yêu cầu một hình phạt thích đáng dành cho kẻ đã thực hiện hành vi đồi bại ấy.

Sau khi sự việc xảy ra, ngay khi vừa tỉnh lại trong phòng điều trị đặc biệt, con tôi liền cât tiếng gọi mẹ.

"Mẹ ơi! Mau bắt lấy tên tội phạm trước khi hắn chạy trốn!"

Dù không được hỏi nhưng con tôi vẫn vội vã nới với cảnh sát. Cảnh sát an ủi, bảo con bé để sau hãy nói, nhưng nếu bây giờ ngủ một giấc rồi tỉnh lại, rất có khả năng con bé sẽ không nhớ rõ nữa, vậy nên nó đã liên tục nói về giây phút tàn nhẫn ấy. Tâm trí tôi tràn ngập nỗi sợ hãi không biết việc đó có khơi lại nỗi đau một lần nữa không. Đứa con xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất của tôi đang không thể chống lại cơn buồn ngủ. Nhìn cảnh con bé cố chống đỡ mí mắt nặng trĩu và kể lại tình huống khủng khiếp lúc ấy, mọi người có tưởng tượng được trái tim của người cha như tôi cảm thấy thế nào không?

Ngày hôm sau, phía cảnh sát đã dựng được hình ảnh mô phỏng của tên tội phạm và theo đó lọc ra một số kẻ bị tình nghi. Nhìn mớ ảnh những kẻ tình nghi, con tôi đã chỉ vào tên ấy.

Tên ấy đã được liệt vào danh sách các nghi phạm. Tuy nhiên, họ không thể tìm ra chứng cứ, bởi hắn không để lại dấu vân tay. Chỉ càn truy ra được một dấu vân tay thôi là có thể xử tội tên ấy.

Tội phạm tình dục càng phạm tội nhiều lần, chúng sẽ càng trở nên thông thạo hơn trong việc tiêu hủy chứng cứ. Cũng giống như những tội khác song cuối cùng bọn chúng sẽ được trả tự do sau khi đã học được nhiều kiến thức về pháp luật lúc ở trong tù. Tội lỗi của bọn chúng càng ngày càng trở nên kinh khủng hơn, theo đó, những vụ bạo hành tình dục chưa được giải quyết cũng dần nhiều thêm.

Chắc hẳn không ít người cũng biết, một số lượng lớn các quốc gia trên thế giới đã quy định mức hình phạt cơ bản là tù chung thân. Tuy nhiên Hàn Quốc lại quá đỗi nhân từ và rộng lượng đối với những tội phạm tình dục. Chính vì thế mà dù có phạm tội đi nữa, chúng vẫn có thể ăn ngon, ngủ khoẻ và sống bình yên trong ngôi nhà gọi là nhà tù- nơi nhận được trợ cấp của chính phủ. Tôi đề nghị chúng phải được cách ly khỏi xã hội mãi mãi.

Tôi và vợ không xem tin tức. Nhưng mỗi lần khi thấy một sự việc tương tự xảy ra, cô ấy lúc nào cũng lẩm bẩm.

"Chẳng hiểu nổi tại sao chính phủ lại cho những kẻ ấy được ăn và được sống."

Tôi cũng nghĩ như cô ấy. Sao có thể để yên cho những kẻ đó sống một cách thoải mái được? Nếu họ biết về nỗi căm hờn và sự phẫn nộ của bậc làm cha mẹ hay vết thương của những đứa trẻ, liệu họ có thể để mặc chúng sống yên ổn như thế hay không? Tại sao chỉ vì cái danh nghĩa "nhân quyền" mà ngoảnh mặt làm ngơ với nhân quyền của một đứa trẻ, của gia đình chúng tôi như thế!

Nếu sử dụng hình phạt cao nhất là tử hình, mọi chuyện sẽ như thế nào? Đó là việc khó có thể tưởng tượng nên tôi đã học về tâm lý của những kẻ tội phạm ấy. Chúng là lũ súc vật đã gây ra những hành vi mà nếu là con người cũng không thể nào phạm phải, nhưng bọn chúng cũng sợ hãi cái chết đến mức rụ rẩy. Nếu cảm thấy cái chết kề cận mình, liệu chúng có thể phạn tội dễ dàng như thế không? Mặc dù không thể ngăn chặn hết tất cả nhưng chắc chắn số lượng tội phạm sẽ giảm hẳn đi. Như vậy, những đứa bé phải chịu tổn thương cũng sẽ giảm bớt. Đã vậy thì vì những đứa trẻ, vì những người dân lương thiện, đáng lý ra nhà nước- tổ chức bảo vệ cho sự an toàn của những gia đình đang sinh sống tại Hàn Quốc phải khiến pháp luật trở nên nghiêm minh mới đúng chứ?

Trong quá trình trò chuyện với tác giả So Jae Won, có những câu anh nói ra khiến tôi thấy cực kỳ đồng cảm.

"Bố Na Young này, giết người là loại tội có thể bất ngờ phát sinh ngay cả khi cãi nhau với bạn bè, nhưng tội liên quan đến tình dục tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên bộc phát đâu. Đây là loại tội phải có kế hoạch từ trước mới thực hiện được, cũng là tội có đủ thời gian để suy nghĩ. Từ lúc lựa chọn đối tượng phạm tội, dụ dỗ đối tượng cho đến khoảnh khắc cởi thắt lưng ra, kéo khoá quần xuống, chúng hoàn toàn có đủ thời gian để phán đoán tình hình. Sai lầm gây ra do say rượu ư? Đã vậy thì nói việc uống rượu gây tai nạn là sai lầm cũng được phải không? Đây là loại tội mà chỉ cần nói tôi say rượu, năng lực phán đoán của tôi nhất thời không rõ ràng là có thể bỏ qua sao? Không phải nên đưa ra một hình phạt mạnh hơn đối với những kẻ lấy rượu làm cái cớ sao?"

Tôi vô cùng đồng tình với điều này. Tác giả So Jae Won bảo rằng song song với việc xuất bản tác phẩm, anh sẽ tổ chức nhiều sự kiện để yêu cầu sửa đổi luật. Tôi nhất định sẽ ủng hộ tác giả So Jae Won.

Tôi muốn gửi lời kêu gọi đến những gia đình đang phải chịu cùng một nỗi đau giống như tôi. Cha mẹ của một đứa bé nào đó từng nói rằng họ muốn quên đi tất cả và sống một cuộc đời mới. Họ quyết tâm sẽ xoá đi những ký ức khủng khiếp trong lòng con mình. Nhưng đó là điều không thể. Ký ức sẽ tồn tại mãi mãi. Cả đời cũng không thể xoá bỏ được. Nếu đã vậy thì chỉ còn một phương pháp duy nhất.

"Phải chiến thắng nó. Nếu đó là ký ức không thể quên đi thì phải vượt qua nó."

Lớp vảy đóng lại trên vết thương và để lại sẹo. Thế nhưng sau đó, lớp da non cứng chắc hơn sẽ mọc lên. Những người mang nỗi đau giống tôi cũng thế. Những ký ức và vết sẹo sẽ luôn còn đó. Nếu đã vậy, phải sớm thừa nhận rằng không thể xoá bỏ nó và tìm ra cách thức chiến thắng nó thôi.

Trong khoảng thời gian hai năm, tôi đã cùng con mình vượt qua rất nhiều thứ. Giờ đây, giấc mơ con tôi có được hạnh phúc như bao nhiêu đứa trẻ khác đang dần dần được mở ra. Tôi hy vọng những người đang mang nỗi đau giống như gia đình chúng tôi cũng sẽ vượt qua được chuyện này.

Gửi đến những bạn đọc đến dòng cuối cùng, tôi tha thiết hy vọng mọi người đừng bàng quan và nghĩ rằng đây không phải chuyện của mình. Tôi cũng tha thiết mong mỏi mọi người hãy ý thức được đây là tình huống mà bất cứ ai cũng có thể phải trải qua.

Sau khi mạnh tay xử tội những tên ấy, tôi hy vọng những người đã chứng kiến hình ảnh ấy không cảm thấy ghê sợ người bị hại mà hãy vỗ về, an ủi họ. Thêm nữa, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chỉ có sự chung tay quan tâm của xã hội mới có thể trở thành gông cùm trói chặt lấy bọn chúng, không để cho chúng tự do phạm tội.

Tôi muốn kết lại những dòng này với hy vọng bằng tình yêu, sự quan tâm, sự trân trọng, chúng ta sẽ cùng nâng cao tinh thần cảnh giác đối với những kẻ phạm tội dơ bẩn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro