01. thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Ông nội ơi, đây là ai vậy ông?

Ông lão ngồi bên Chí Thành - cháu trai nhỏ của ông, cùng thằng bé lật các trang trong quyển album ảnh gia đình mà thằng bé tìm được ở tủ sách trong phòng làm việc của bố. Thằng bé lật đến trang nào rồi chỉ tay vào từng ảnh hỏi, ông lão giải thích cho nó nghe về những người trong ảnh, họ là ai và họ đang làm gì. Lật khá lâu thì đến bức ảnh cũ kĩ, đã phai màu của một người đàn ông mặc trang phục quân đội, miệng cười tươi trước ảnh. Chí Thành thấy người này lạ quá, thằng bé chưa từng gặp bao giờ, nên hỏi ông. Ông lão cười hiền từ, khẽ vuốt mái tóc thằng bé.

- À, đây là ông nội hồi trẻ, trước khi bố con sinh ra đấy. Ngày xưa giặc vào đánh ta, ông đi bộ đội đuổi giặc đi.

Chí Thành "ồ" lên một cái, ngoan ngoãn gật đầu và chỉ những tấm ảnh tiếp theo, nhìn ông lão với ánh mắt mong chờ. Nào là ảnh chụp ông làm việc, nào là ảnh ông chụp với cây cau, nào là ảnh ông chụp cùng những người đồng đội,... Những bức ảnh gợi lại cho ông lão những kí ức đáng nhớ về những ngày kháng chiến, gắn bó thân thiết với những người anh em đồng đội.

- Ông nội ơi, đây là ai ạ?

Trong lòng ông lão đang bồi hồi nhớ lại kỉ niệm xưa, Chí Thành kéo tay ông mắt đang nhìn xa xăm, chỉ vào một bức ảnh chụp hai người khoác vai nhau, bị chai xờn theo thời gian. Không hiểu sao đến đây lòng ông lão như thắt lại, niềm xúc động ngày càng trào dâng.

- Đây là một người đồng...

- Thành ơi! Đi thôi con!

Ông lão chưa kịp trả lời xong câu hỏi của đứa cháu nhỏ, mẹ Chí Thành giục thằng bé nhanh chóng để còn đi khám sức khỏe.

- Mẹ! Con không đi đâu!

Thằng bé giữ chặt tay ông lão, tỏ ý không đi. Tâm lý trẻ con là thế, nói đến khám bệnh hay bố mẹ bắt đi khám bệnh là sợ sệt, không dám đi, dỗ ngon dỗ ngọt mãi mới nghe. Ông lão hết lời động viên thằng bé, bàn tay gầy guộc vuốt tóc thằng bé để thằng bé chịu đi với bố mẹ.

- Thôi con mau ra chỗ mẹ đi. Về nhà hai ông cháu mình xem ảnh tiếp nhé.

Nghe ông từ tốn an ủi, thằng bé bỏ đôi tay đang níu giữ tay ông mà đi theo mẹ, mặt phụng phịu trông mà thương.

- Vâng thưa ông. Con chào ông nội, con đi đây ạ!

Khi chiếc xe của bố mẹ Chí Thành đã đi khuất, ông lão nhìn lại trang ảnh có bức ảnh chụp ông và một người đồng đội cũ. Nước mắt ông lão khẽ rơi, khi những kí ức xưa ùa về trong tâm trí về người đó, về những ngày ông và người đó gắn bó với nhau, về những ngày ông cùng người đó chiến đấu bảo vệ nền độc lập của đất nước...



- Tuấn! Tuấn ơi!

Một giọng nói quen thuộc gọi tên Nhân Tuấn khi anh đang ngồi trong lán trại ở cứ điểm của đội, ghi chép vài dòng trên tờ giấy cuốn thuốc lá. Là Đông Hách - người đồng đội thân thiết của anh đây mà. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, cậu ta hớt hải chạy về, trên tay cầm một chiếc phong bì. Nhân Tuấn ra khỏi lán đón bạn mình về. Đông Hách giơ chiếc phong bì khoe với anh, miệng không giấu nổi nụ cười hạnh phúc như trẻ thơ.

- Em vừa nhận được thư u viết gửi em!

Hai người ngồi xuống nền đất, ngay trước cửa lán trại. Đông Hách lấy lá thư viết tay trong chiếc phong bì, người run rẩy vì vui sướng, hồi hộp. Nhân Tuấn còn nhớ mãi ánh mắt của Đông Hách khi cậu ta mở lá thư u cậu gửi ra đọc. Ánh mắt rạng ngời, chan chứa niềm vui khi người nhà viết thư. Và ánh mắt đó nhờ có nước mắt mà lóng lánh tựa trời sao, khi người lính cầm súng chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc xa nhà đã nhiều ngày, lá thư người nhà gửi như gợi lại bao kỉ niệm thời ấu thơ, về ngày chia tay gia đình lên đường đi nghĩa vụ.

- U em viết rằng sức khỏe thầy em đang dần được hồi phục. Lúc em chuẩn bị lên đường thì thầy không may ngả ốm. Em muốn ở lại chăm sóc thầy, Nhưng không đi thì nước mất, em phải dứt áo mà ra đi...

Đến đây, Đông Hách trầm lại. Cũng lâu rồi, kể từ ngày cậu ta rời xa gia đình, rời xa nơi chôn rau cắt rốn để lên đường đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Lúc cậu ta đi thì thầy cậu ngả ốm, là con nhưng cậu ta vẫn không thể ở lại phục dưỡng thầy cậu. Nơi chiến trường ác liệt xa xôi, nỗi đau không thể làm tròn chữ "hiếu", nỗi nhớ người thân, quê hương luôn thường trực trong lòng người chiến sĩ trẻ.

- Bạn đừng buồn. Tin thầy bạn đang dần khỏe lại là một tin tốt, để bạn an tâm ở chiến khu. Cùng chiến đấu đến ngày đất nước độc lập, tự do và cùng trở về quê nhà, được không? Mang chiến thắng về khoe với thầy u.

- Được! Cùng nhau chiến thắng.

Nhân Tuấn ngồi bên cạnh khoác tay lên vai Đông Hách, an ủi người đồng đội thân thiết. Hai người nhìn nhau với ánh mắt quyết tâm, hứa với nhau, dù chiến tranh có khốc liệt, dù có sống có chết, họ vẫn sát cánh bên nhau, cùng đi qua bom đạn, cùng vượt qua bão táp và cùng tiến đến đỉnh vinh quang, đỉnh cao của sự chiến thắng, đất nước hòa bình, ấm no, độc lập.

Giếng nước dưới gốc đa quê hương nhớ người ra lính. Gian nhà nhỏ nơi có những người thân yêu chờ họ trở về an lành.

Đã vào độ trưa. Những tia nắng ấm chiếu xuống cánh rừng nhưng cơ thể vẫn cảm được cái lạnh cắt da cắt thịt. Mùa đông đã về trên núi rừng Việt Bắc. Người lính hồi ấy phải chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian khó, thiếu thốn về vật chất. Họ không có nổi một manh áo tử tế để mặc, quần thì cũng từ những mảnh vá mà thành, không có một đôi giày, đôi dép tử tế để bảo vệ đôi bàn chân. Tiết trời như vầy, nơi rừng thiêng nước độc, mà điều kiện chống rét lại khó khăn rất dễ dính trận sốt rét rừng - căn bệnh mà gần như người lính Việt Bắc nào đều đã từng trải qua, căn bệnh làm da vàng như nghệ, làm tóc xơ rụng, sức khỏe suy yếu, thậm chí còn có những người ra đi ngay khi còn say giấc nồng.

Và Nhân Tuấn cũng chẳng phải là ngoại lệ.

Hôm ấy, Anh chi đội trưởng Trịnh Tại Hiền lớn hơn giao nhiệm vụ cho anh, và Đông Hách, và một đồng chí tên Định chuyển những bao tải đựng hàng vừa nhận về cứ điểm của đội:

- Đồng chí Tuấn! Hách! Định! Tôi giao cho các đồng chí chuyển những cái bao tải này lên cứ điểm.

- Rõ!

Ba người nhanh chóng nhận nhiệm vụ, vừa vác những bao tải nặng vừa leo về cứ điểm. Nhân Tuấn anh đã được giao cho việc này khá nhiều lần cùng với Đông Hách, và với sức người khỏe khoắn, anh đều hoàn thành tốt.

Nhưng hôm nay anh thấy người hơi thấm mệt.

Vừa nhấc bao tải thứ nhất lên, người anh đã loạng choạng, đứng không vững. Mắt anh hoa hết cả lên, đầu óc choáng váng, tim đập loạn xạ. So với Đông Hách và đồng chí Định họ vác về cứ điểm rất nhanh, thì anh, vác cái bao tải nặng nề trong nhọc nhằn, đi đứng chả đâu vào đâu, mắt không nhìn rõ đường, hô hấp khó khăn, tưởng sắp lủng phổi tới nơi.

Mãi mới xong cái thứ nhất, một cách khó khăn.

Trở về lấy thêm bao tải vác về, mọi thứ xung như quay cuồng trong mơ hồ, không rõ đâu là trời đâu là đất. Nhân Tuấn lại nhọc nhằn vác cái bao tải thứ hai lên vai, người không giữ được thăng bằng. Tay chân anh bủn rủn lên vì lạnh, vầng trán đẫm mồ hôi vì mệt, chân đi xiên xẹo hết trái sang phải, phải nhờ những cái cây chỉ đường thì anh mới lên được cứ điểm. Chi đội trưởng Hiền phải nhắc nhở Nhân Tuấn vì tốc độ chậm chạp của anh:

- Đề nghị đồng chí Tuấn đẩy nhanh tiến độ!

- Rõ...

Xong tiếp cái bao tải thứ hai, lần này khó khăn hơn nhiều.

Đến lúc anh về lấy thêm bao tải thứ ba, khi sức chịu đựng đã vượt quá giới hạn, anh đã ngất khi vừa vác bao tải lên vai.

- NHÂN TUẤN!

Lúc Nhân Tuấn vừa ngã lăn ra ngất thì cũng là lúc Đông Hách trở về nơi có những chiếc bao tải đựng hàng đang chờ được vác lên. Cậu ta ngỡ ngàng đến hét lên, ôm lấy người anh lay anh dậy. Đồng chí tên Định kia nghe thấy tiếng hét phải từ cứ điểm mà chạy xuống xem tình hình.

- Ơi? Hách đấy à? Anh không sao...

Tỉnh lại sau cơn ngất vừa nãy, Nhân Tuấn mệt mỏi hé mở mắt, đầu óc vẫn còn mơ màng. Anh nhìn thấy Đông Hách đang ôm mình trong lòng, mặt cậu ta sát gần mặt anh, hai chóp mũi chạm vào nhau. Anh nhìn thấy trong ánh mắt của cậu ta sự bối rối, lo lắng.

- Không sao là thế nào? Ngất ra như thế này cơ mà? Bạn sốt rồi này.

Cậu ta khẽ thở phào nhẹ nhõm khi anh tỉnh lại. Tay cậu sờ lên trán anh kiểm tra xem anh có bị sao. Nóng ran, chắc là sốt rồi. Anh Hiền và đồng chí Định cũng hết sức lo lắng cho anh.

- Đồng chí Hách! Đưa đồng chí Tuấn về lán nghỉ ngơi. Để tôi gọi Chi Mẫn bên y tế khám cho đồng chí Tuấn.

- Thưa, tuân lệnh!

Đông Hách lựa theo cơ thể mệt nhọc của Nhân Tuấn, cõng anh về lán trại theo sự chỉ huy của chi đội trưởng. Mặt anh tựa vào bờ vai vững chắc của cậu, tay thì ôm lấy cổ cậu. Một cảm giác bình yên đến ấm lòng. Anh thấy mình như được Đông Hách bảo vệ, chở che, cậu ta là người làm anh cảm thấy an toàn khi ở bên. Từ khi nào, anh đã thiếp đi trên vai người đồng đội yêu dấu.



Màn đêm buông xuống. Ngoài kia, cảnh rừng hoang vu có tiếng gào thét của cơn gió Đông lạnh lẽo, lướt qua những tán cây khô bị sương muối bao phủ, tiếng những con cú thao thức suốt đêm, tiếng cánh côn trùng bay khắp cánh rừng, những đốm sáng của những con đom đóm bay lượn làm rực rỡ rừng khuya.

Trong lán trại nhỏ, có bóng hình hai người chiến sĩ trẻ leo lét dưới ánh đèn dầu.

- Bạn ráng uống đi, thuốc đắng giã tật.

Đông Hách một tay đặt lên lưng Nhân Tuấn, một tay xòe ra những viên thuốc dẹt dẹt nhiều sắc màu, và rất đắng. Nhân Tuấn ghét thuốc đắng. Từ ngày còn thơ bé và đến giờ vẫn vậy. Nhưng vì lời động viên chân thành của người đồng đội, và ánh mắt ân cần, chu đáo của cậu ta, anh phải cố nuốt những viên thuốc ấy vào dạ dày. Mắt anh nheo lại vì hương vị đắng ngắt. Anh hé mắt, nhoẻn miệng cười với người kia:

- Anh uống xong rồi đây, bạn ơi.

Người kia an tâm khi người bạn thân, người đồng đội thân thiết của mình hoàn thành việc uống thuốc. Cậu ta đưa tay lên sờ trán Nhân Tuấn kiểm tra một lần nữa, rồi đỡ anh nằm xuống, kéo chăn cho anh đắp:

- Khuya rồi. Bạn ngủ đi cho khỏe.

- Anh không thấy buồn ngủ.

Dù đã nằm yên vị trong chiếc chăn mỏng, nhưng Nhân Tuấn chưa chợp mắt. Cơn đau nhức đầu hành hạ anh, làm anh khó tài nào mà ngủ được, dẫu rằng anh rất mệt.

- Cứ nhắm mắt đi. Tí nữa là ngủ được mà.

- Anh nhắm mắt mãi vẫn không thể ngủ được.

- Thế em đàn một bài cho bạn ngủ nhé?

- Được chứ.

Đông Hách lấy ra cây đàn ghi-ta màu đen cậu vô cùng yêu quý. Đây là món quà chú cậu tặng cho cậu ta trước khi lên đường ra trận. Nhân Tuấn từng nghe cậu ta kể rằng, cậu rất thích chơi đàn. Cậu thích chơi những bản nhạc về kháng chiến, về những người lính, về đất nước quê hương. Ở chiến khu Việt Bắc, những khi rảnh rỗi, cậu ta đàn cho các anh em trong đội nghe, hay là đàn cho mình Nhân Tuấn nghe, hay là đàn một mình như tự tâm sự với bản thân. Các anh em trong đội rất thích tiếng đàn của Đông Hách, tiếng đàn mang bao tâm tình người chiến sĩ, bao ước mơ, hi vọng về ngày đất nước độc lập, sạch bóng quân thù.

- Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây.
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm.
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội,
Hà Nội mến yêu!

Lời ca bài hát "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi cất lên nơi đầu môi Đông Hách. Giọng cậu ta ấm áp, hòa cùng tiếng đàn ghi-ta nghe thật êm tai. Và rồi, Nhân Tuấn ngồi dậy, cùng Đông Hách hát lên bài ca về Thủ đô:

- Một ngày thu non sông chiến khu về, đường vang tiếng hát cuốn lòng người.
"Đoàn quân Việt Nam đi"
Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao.

Nhân Tuấn là người con Thủ đô, và anh tự hào về điều đó. Thủ đô khói lửa chiến tranh ngập trời. Thủ đô của Cách mạng. Thủ đô gần nghìn năm văn hiến. Thủ đô đẹp sao, nước Hồ Gươm xanh thắm lòng với bóng Tháp Rùa thân mật. Thủ đô vui sao, những cửa đầu ô... Ôi, anh nhớ cái Thủ đô Hà Nội quá!

- Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi
Người cười.
Tiếng cười.
Ngày về chiến thắng!

Cứ thế, họ cùng nhau hòa giọng, ấm áp như tia nắng hạ, ngọt ngào như đoá hoa xuân. Lớp rơm rạ phủ lên lán nhờ ánh đèn dầu mà phản chiếu bóng hình hai người, một người đàn cho người kia say giấc nồng, người kia chùm chăn quanh người cùng hát với người này. Họ trao nhau những ánh nhìn thân mến, thay cho lời động viên nỗi nhớ quê nhà.

- Trời khuya rồi. Đi ngủ thôi, bạn ơi.

Nhân Tuấn khẽ đáp "ừ", Đông Hách thổi tắt đi ngọn nến trong cây đèn dầu. Quanh lán trại là một màu u tối, có chút đáng sợ vì thời tiết lạnh lẽo và tiếng cú đêm, tiếng côn trùng thì thầm.

- Hách này, nếu bạn không phiền thì...đắp chung chăn với anh chứ? Anh sợ bạn lạnh.

Thấy người đồng chí của mình nhường chăn cho anh mà ngủ không, trời thì lạnh đến tận xương tủy. Nhân Tuấn thương Đông Hách chịu lạnh, sợ cậu ngả ốm giống như anh. Anh gọi cậu nằm lại chỗ mình, đắp chung một chiếc chăn.

- Thôi, em không lạnh đâu. Bạn cứ đắp một mình đi.

Đồ ngốc, lạnh thế này mà giả vờ mình không lạnh. Tay ôm lấy người, hai hàm răng vẫn đập cầm cập vào nhau kìa. Anh năn nỉ:

- Thôi vào với anh đi. Anh...cũng thấy lạnh...

Thế là Đông Hách nằm lại gần anh. Cảm giác ấm áp mơn man trên da thịt hai người. Nhân Tuấn chia sẻ chiếc chăn mỏng với cậu, hai người dần chìm vào giấc ngủ. Cho đến khi, anh chợt tỉnh, thấy mình đang ở khoảng cách rất gần, hơn cả số không với Đông Hách. Mặt cậu ta áp vào má anh, tay thì vòng qua nắm lấy tay bên kia anh, chân trái thì gác lên hai chân anh.

Anh quay mặt nhìn gương mặt ưu tú của cậu. Dù trời tối om nhưng anh vẫn thấy đôi mắt cậu nhắm nghiền, trông thật đáng yêu. Đôi má hơi phúng phính, chiếc mũi cao. Với...môi cũng đẹp nữa.

Nhân Tuấn nuốt nước miếng. Bình tĩnh nào Tuấn ơi, đừng suy nghĩ gì không lành mạnh, đang là lính chiến trường mà. Anh lại nhắm mắt, đưa mình vào giấc ngủ.

Và anh đâu biết rằng, khi anh đã ngủ say, Đông Hách đã tỉnh và hôn nhẹ vào hàng nước mắt lăn trên má anh.

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!



Nhân Tuấn bị đánh thức bởi tiếng chim ca hát trên mái lán. Trời sáng rồi. Núi rừng Việt Bắc bởi bao phủ bởi lớp sương mù mờ ảo, khó mà nhìn được phía trước có gì. Cái rét vẫn còn thấu tận xương tủy, chỉ là đỡ lạnh hơn ban đêm một chút. Lớp rơm rạ phủ lên lán hơi ướt vì sương mù. Anh bàng hoàng đảo mắt xung quanh. Đông Hách đây rồi, đang nằm sát cạnh anh. May quá. Chợt nhớ ra một điều, cánh tay yếu ớt của anh lay cậu dậy:

- Hách ơi, bạn ngủ quên đi với đội rồi.

Đông Hách đang ngủ ngon, bị người đồng chí nằm bên lay dậy. Cậu hé mắt nhìn gương mặt xanh xao của Nhân Tuấn, rồi lại nhắm mắt, tay ôm chặt người anh:

- Bạn quên rồi sao? Bạn đang ốm, và em phải ở lại để chăm sóc bạn, cùng với cái Lam My, anh Long, thằng Dân và cậu Hưởng cũng ở lại để bảo vệ chúng ta.

- Ừ nhỉ, anh quên mất...

Và hai người lại ngủ tiếp. Ngủ cùng một cái chăn. Ngủ đến trưa.

- Anh Hách! Anh Tuấn!

Một thiếu nữ trẻ từ cửa lán ngó đầu vào bên trong, gọi hai nam thanh niên đang ôm nhau ngủ rất tình tứ. Mái tóc đen dài của nàng tết thành hai bím tóc xinh xinh. Đôi môi nàng tươi thắm như đoá hoa tươi. Nước da nàng hồng hào, trắng trẻo. Nàng khoác lên mình bộ áo màu xanh bộ đội, chân không đi giày. Nàng là một thiếu nữ hồn nhiên giữa chốn chiến khu ác liệt.

Nàng tên Lam My, tuổi độ mười bảy, mười tám, một đồng chí bên y tế được cử lên cứ điểm của đội Nhân Tuấn để theo dõi sức khỏe cho anh.

- Ơi? Lam My à?

Hai con người chung chăn kia ngồi dậy, mắt nhắm mắt mở.

- Vâng ạ. Em kiểm tra sức khỏe anh Nhân Tuấn một chút nhé?

- Tất nhiên rồi, em vào đi.

Người thiếu nữ mang đồ nghề chui vào lán trại, rồi hết nghe nhịp tim, đo nhiệt độ, kiểm tra trán của Nhân Tuấn.

- Có vẻ đã đỡ sốt hơn, nhưng anh Tuấn vẫn cần nghỉ ngơi. Cho em xin phép ra ngoài.

- Cảm ơn em.

Lam My hoàn thành việc kiểm tra sức khoẻ, thu dọn đồ nghề rồi đi khỏi. Hai thanh niên trong lán trại vẫn đưa mắt nhìn theo cô thiếu nữ xinh đẹp. Nhân Tuấn cứ mơ màng mãi.

- Bạn ơi, đêm qua em thấy bạn đột nhiên khóc, rồi nói mớ, rồi gọi tên em. Không biết bạn có gặp ác mộng gì không.

Đông Hách cất lời, làm Nhân Tuấn giật mình. Đúng vậy, đêm qua anh mơ một cơn ác mộng.

"Đoàng!"

Từ đâu, địch bất ngờ xông đến, tấn công vào cứ điểm của đội. Mọi người xông vào chiến đấu, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn. Tiếng súng của bọn thực dân nổ vang cánh rừng. Có những người không may bị trúng đạn, gục ngã ngay sau đó và mãi không bao giờ tỉnh dậy nữa.

- Hách ơi, chạy đi! Địch đang đuổi theo chúng ta!

Nhân Tuấn kéo tay Đông Hách chạy cùng mình. Hai người chạy được một lúc thì bỗng cậu dừng lại. Cậu ta bám lấy bắp tay phải của mình, mặt đau đớn. Vết thương nặng làm da mặt cậu trắng bệch, đôi môi nhợt nhạt, đi đứng không vững.

- Bạn ơi, bạn có sao không?

Nhân Tuấn lo đến phát điên, tưởng như cả thế giới quanh anh sụp đổ. Anh ôm lấy người cậu, giữ cho cậu khỏi ngã.

- Em không sao...

- Không sao là thế nào? Bị thương nặng thế cơ mà? Thôi, cố chạy cùng anh một đoạn, được không? Đừng để vướng vào tay địch.

Và họ tiếp tục chạy, dùng tất cả sức lực còn lại để chạy. Tiếng súng càng đến gần hai người hơn.

"Đoàng!"

Những giọt máu tươi bắn lên má phải của Nhân Tuấn. Người bên cạnh anh lại trúng viên đạn thứ hai. Đông Hách không còn sức để chạy tiếp nữa, cậu ta đau đớn ngã gục xuống, trong vòng tay của Nhân Tuấn.

- Bạn ơi, em xin lỗi bạn...

Đó là những lời cuối cùng cậu ta gửi đến anh. Tiếng súng ngớt dần, và rồi ngừng hẳn. Người trong lòng anh từ từ khép chặt đôi mi, con tim ngừng đập, đôi tay buông xuôi. Không thể chấp nhận được sự thật phũ phàng vừa nãy, anh oà lên khóc nức nở:

- Không!

- À anh không sao đâu, bạn đừng lo.

Nói rồi Nhân Tuấn ngắm nghía người thanh niên trẻ ngồi bên đang ngồi lặng im, nhìn ra ngoài cửa lán, vẻ xa xăm. Không hiểu sao đến đây, trái tim anh như đập nhanh hơn, khó kiểm soát, trong lòng cảm thấy xốn xang.

Đây, là thứ cảm xúc gì?



Một đêm khác dưới ánh đèn dầu, có bóng hai người lính trẻ ngồi sát bên nhau, khoác chung cái chăn mỏng, kể nhau nghe những tâm tình người chiến sĩ Việt Bắc.

- Nếu mai này em chết, bạn nhớ hãy đặt lên mộ em một chậu cây xương rồng nhỏ.

Đông Hách đột nhiên nhắc đến cái chết. Rừng bỗng im ắng đến lạ, gió thôi gào thét, con cú thao thức thôi kêu, côn trùng thôi vỗ cánh xẹt xẹt. Nhân Tuấn như bị sét đánh ngang tai, quay ra nhìn cậu với ánh mắt sửng sốt:

- Này bạn, sao bạn lại nói đến chuyện đó?

- Không hiểu nữa, nhưng em cảm thấy mình không thể sống được lâu nữa bạn ạ. Có lẽ cái chết sắp đến gần với em...

Hai người trầm một lúc lâu. Sao cậu ta tự nhiên lại nói đến chuyện tử trận? Thường ngày cậu ta là một cậu trai hoạt bát, yêu đời, thích đàn ca, thích bông đùa cơ mà.

- Bạn ơi, khoan hãy nghĩ đến chuyện sinh tử. Chúng ta là chiến sĩ, chúng ta đang ở chiến khu, và nhiệm vụ của chúng ta là chiến đấu. Đã dấn thân vào nơi chiến trường là xác định ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả khi bản thân không ngờ tới.

- Đất nước lâm nguy, nhân dân khổ cực vì sự tàn phá của địch. Muốn đất nước độc lập, nhân dân ấm no thì chúng ta phải chiến đấu. Dẫu cho khó khăn thế nào cũng phải chiến đấu. Vì nước mà quên thân. Nên bạn ơi, lạc quan lên nhé, Đông Hách thường ngày của anh hay cười lắm mà. Ở lại cùng anh, cùng giành lại độc lập cho đất nước. Không một kẻ địch nào có quyền xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam.

Nhân Tuấn khoác vai Đông Hách, tựa đầu mình vào vai cậu, động viên, khuyên bảo cậu. Đúng rồi, là lính đánh Pháp thì phải đặt quyền tự do của đất nước lên hàng đầu, còn sinh mạng của bản thân của bản thân để cuối. Gác lại hạnh phúc riêng tư, sẵn sàng hi sinh một phần máu xương của mình. Tất cả là vì một đất nước hòa bình, ấm no, độc lập.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc.

- Với cả bạn ơi, anh cảm ơn bạn vì đã sát cánh bên anh, đã chăm sóc anh những ngày anh bị ốm nha. Nhờ bạn, anh như có người tâm tình, giờ ốm đau cũng đỡ hơn rồi.

Nhân Tuấn nói lời cảm ơn Đông Hách. Anh đã muốn nói những điều này từ lâu, nói với cậu sau hơn 1 tháng cùng cậu chiến đấu, cùng cậu vượt qua khó khăn. Nhưng anh ngại ngùng mà giấu kín trong lòng, đến bây giờ mới có thể mở lời.

- Không có gì đâu. Em cũng cảm ơn bạn rất nhiều. Nhờ bạn mà em có người hiểu chuyện em kể. Và bạn ơi, bạn là tri kỷ của em.

Tri kỷ. Nghe sao mà thiêng liêng đến thế. Đây là cái danh hiệu mà Đông Hách dành riêng cho anh. Tâm trí anh hiện về ngày đầu hai người gặp nhau.

- Chào các đồng chí! Tôi là Lý Đông Hách, lính mới của đội. Mong được mọi người giúp đỡ!

Cậu trai trẻ có làn da bánh mật, gương mặt rạng rỡ tuổi thanh xuân được chi đội trưởng đưa về giới thiệu. Cậu ta tên Đông Hách - một cái tên độc lạ mà hay. Trên vai cậu ngoài cái balô ra còn khoác thêm túi đàn ghi-ta. Hình như cậu ta đam mê đàn hát, không biết tiếng đàn của cậu thế nào nhỉ.

Mọi người xếp hàng bên ngoài đón chào người đồng chí mới. Sau rồi mọi người giải tán, làm những việc cá nhân. Nhân Tuấn lúc ấy chưa quá thân thiết với ai, chỉ xã giao rồi lại lẻ bóng một mình. Khi mà cậu đang đứng dưới một bóng cây, đắm chìm vào suy nghĩ riêng tôi, thì có bàn tay đặt lên vai cậu.

- Dạ...Chào đồng chí ạ...

Là Đông Hách, đồng chí mới đây mà. Cậu ta mặt đỏ như quả cà chua, ngại ngùng nói lời chào anh:

- À...chào đồng chí...

Người được chào cũng ngại không kém. Không khí căng thẳng, ngượng ngùng bao trùm quanh hai người.

- Tôi là Đông Hách, quê Quảng Ninh, mười chín tuổi, hân hạnh được làm quen với đồng chí nhé.

Người này ra là bằng tuổi anh, là người con của vùng mỏ Quảng Ninh. Nhân Tuấn đưa tay ra cho người kia bắt lấy, giới thiệu về bản thân:

- Tôi là Hoàng Nhân Tuấn, mười chín tuổi, người Hà Nội, cũng hân hạnh được gặp đồng chí.

Đôi mắt của Đông Hách ánh lên sự hạnh phúc khi gặp được người đồng niên trong đội. Không khí căng thẳng, ngượng ngùng ban nãy giờ đã thành phấn khởi, tay bắt mặt mừng như đã gặp nhau từ đời này.

Cũng từ ấy, hai người trở nên thân thiết. Ban đầu xưng là "cậu" với "tớ", nhưng sau này khi Đông Hách biết là Nhân Tuấn sinh vào tháng Ba, hơn cậu ba tháng, hai người đã đổi xưng hô là "bạn" và "em", "bạn" và "anh". Hai người gắn bó khăng khít, luôn kề vai sát cánh bên nhau, là chỗ dựa tinh thần của nhau.

- Bạn cũng vậy, là tri kỷ của anh. Gặp bạn đối với anh là một trong những điều may mắn nhất cuộc đời anh.

Và hai người trao cho nhau những ánh nhìn trìu mến. Miệng cười run run vì cái lạnh của mùa đông. Bàn tay đan vào nhau, nắm lấy thật ấm áp. Ánh đèn dầu chiếu lên gương mặt hai người, lúc sáng lúc mờ.

Dưới ánh đèn dầu, họ cất lời ca tiếng hát.

Dưới ánh đèn dầu, họ chia sẻ những tâm sự thầm kín đã giấu trong lòng mấy lâu nay.

Dưới ánh đèn dầu, họ là đôi tri kỷ không thể tách rời.

Họ là đồng chí, là bạn tâm tình của nhau.

Miệng cười buốt giá
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.


Nhờ có sự chăm sóc tận tình của Đông Hách, cùng những sự hỗ trợ không hề nhỏ của Lam My và đồng chí Long, Dân và Hưởng, Nhân Tuấn đã thành công thoát khỏi cơn sốt rét rừng, có thể trở lại chiến đấu với đội.

- Hách ơi, cảm ơn bạn vì đã cùng anh vượt qua trận ốm vừa qua nhé.

Nhân Tuấn cùng Đông Hách gác súng, đứng bên lán trại, ngắm cảnh đêm trăng rừng núi bạt ngàn chốn Việt Bắc. Đầu súng trăng treo.

- Là niềm vinh hạnh của em.

Đông Hách mỉm cười nhìn anh. Vì trời đã khuya nên rừng chỉ vang vọng tiếng cú kêu, bầu trời tối nhưng rải rác những vì sao, gió lạnh thổi qua khiến tiếng lá xào xạc. Mọi thứ đang yên bình thì bỗng dưng...

"Đoàng!"

- Cái gì vậy?

Hai người giật mình, liền chạy ra xem tình hình. Từ xa, bóng anh chi đội trưởng Trịnh Tại Hiền ba chân bốn cẳng chạy về, thở hổn hển thông báo gấp:

- Địch tấn công vào cứ điểm của ta! Ta phải phản công!

Đông Hách và Nhân Tuấn cùng các đồng đội xông vào quân địch chiến đấu, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn. Tiếng súng càng thêm vang vọng, càng gần. Mọi thứ diễn ra y như cơn ác mộng Nhân Tuấn gặp lúc bị ốm vậy.

- Tuấn ơi, chạy đi! Địch đang đuổi theo chúng ta!

Đông Hách kéo tay Nhân Tuấn - đang ngơ ngác mà tháo chạy. Nhân Tuấn bị kéo mạnh cũng vô thức chạy theo. Anh thỉnh thoảng nhìn xung quanh, nhìn những người trong đội đang chĩa súng vào quân địch. Có những người đã không may bị trúng đạn địch, và họ gục ngã ngay sau đó, không bao giờ tỉnh lại.

"Đoàng!"

Đột nhiên Đông Hách dừng lại, lấy tay phải ôm lấy bắp tay trái, mặt nhăn nhó vì đau đớn, đi đứng không vững. Cậu ta trúng đạn rồi, như trong ác mộng của Nhân Tuấn. Anh điên tiết hết cả lên vì lo lắng, trong lòng anh rối bời:

- Bạn ơi? Bạn có sao không?

- Không sao, em chỉ hơi đau thôi.

Và với tất cả những sức lực còn lại của mình, cậu nén lại cơn đau đớn, cầm lấy tay anh chạy tiếp. Da mặt cậu vì vết thương nặng mà trắng bệch. Tiếng súng càng tiến gần, họ chạy càng nhanh, càng xa.

- Cố lên bạn ơi, còn một chút nữa thôi là...

"Đoàng!"

Một viên đạn nữa trúng vào bắp tay trái của Đông Hách, đúng ngay chỗ bị trúng đạn hồi nãy. Cậu ta không còn một chút sức lực nào nữa, ngã quỵ xuống. Nhân Tuấn nhanh chóng đỡ lấy cậu vào lòng, rồi ngồi xuống nền đất cho cậu nằm. Ngay sau đó tiếng súng ngừng vang, địch thôi tấn công mà rút quân ra về.

- Để anh đưa bạn về, nhé?

Nhân Tuấn hết sức kìm nén cảm xúc của mình, vỗ về người trong lòng mình. Hơi thở cậu ta bắt đầu nặng nề, đôi mi bắt đầu khép lại. Cậu ta đưa tay phải lên vuốt ve xương hàm anh, miệng lẩm bẩm cái gì đó. Anh ghé sát lại gần cậu để nghe cậu rõ hơn.

- Tạm biệt anh.

Đó là những gì anh nghe được từ cậu. Và rồi, bàn tay cậu trượt dài từ xương hàm anh xuống cổ anh mà buông xuôi, tim cậu ngừng đập, đôi mắt nhắm nghiền.

Đông Hách hy sinh rồi, ngay trong vòng tay của Nhân Tuấn.

- Không!

Trái tim anh như vỡ thành trăm mảnh, cảm xúc trong anh giờ đây tuôn trào thành nước mắt. Tiếng hét của anh vang vọng rừng núi. Một người đồng đội ra đi, một người bạn thân ra đi, ai mà không khỏi đau lòng chứ.

Tờ mờ sáng hôm sau, khi cơn mưa rào trút xuống rừng, mọi người trong đội tiến hành mai táng những đồng chí đã thiệt mạng trong trận càn của địch ban trưa.

Và chính tay Nhân Tuấn chôn Đông Hách. Nước mắt anh không ngừng rơi, khi anh đặt cuốn chiếu bọc quanh thi thể cậu xuống hố đất sâu, và khi anh vun đất lên cậu. Đông Hách, có lẽ, sẽ nằm lại mãi nơi đây, chôn vùi tuổi xuân của mình.

Mãi mãi tuổi mười chín...


Ba mươi năm sau, vào dịp kỉ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ Việt Nam, Nhân Tuấn - bấy giờ đã là một người đàn ông trung niên, cùng với bác Đăng - em trai kém ba tuổi của Đông Hách, đến thăm nghĩa trang nơi có phần mộ người đồng đội cũ. Được biết, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, những người đồng đội cũ đã trở về cánh rừng năm xưa, mang hài cốt của những chiến sĩ tử trận về một miền đất, sau này miền đất ấy trở thành nghĩa trang liệt sĩ. Ông mang theo cây đàn ghi-ta đen cũ - kỉ vật ông còn giữ lại của Đông Hách, chậu cây xương rồng nhỏ, như lời cậu dặn ông thời ông còn trẻ.

- Nếu mai này em chết, bạn nhớ hãy đặt lên mộ em một chậu cây xương rồng nhỏ.

Xong các thủ tục gửi xe, hai người vào trong nghĩa trang đi tìm phần mộ của Đông Hách.
Nghĩa trang hôm nay khá đông người đến thăm, đều là người nhà, người đồng đội đến thăm những người liệt sĩ. Này mùi khói nhang, này ánh đèn dầu, này tiếng khóc của người nhà những chiến sĩ đã ngã xuống, này tiếng đàn cùng tiếng ca của những cựu chiến binh hát ca ngợi đất nước.

Đi vòng quanh nghĩa trang được một lúc thì cũng đến được mộ của Đông Hách. Nhân Tuấn mừng đến tuôn trào thành những dòng nước mắt. Tấm bia trên mộ ghi rõ họ tên, năm sinh, quê quán và năm tử trận của người liệt sĩ trẻ. Ông cẩn trọng đặt chậu cây xương rồng nhỏ xinh lên mộ cậu. Đã ba mươi năm rồi, ngày bạn ra đi trong vòng tay của anh, Hách ơi.

Kể từ ngày Đông Hách hy sinh, đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử: Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông kết thúc sau khi cậu ta mất vài tuần, Nhân Tuấn vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp rút quân về nước, tiếp đó là 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ đầy gian truân. Và đỉnh điểm là ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước hoàn toàn độc lập, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà. Nhân Tuấn nhớ mãi ngày giải phóng miền Nam, khi những lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ thành phố Sài Gòn, khi nhân dân đổ ra đường ăn mừng ngày chiến thắng, khi bài hát "Nối vòng tay lớn" của Trịnh Công Sơn vang lên.

Chỉ là, ngày đất nước độc lập, tự do, Đông Hách đã không ở bên ông như lời hứa năm nào...

Sau ba mươi năm, Nhân Tuấn đã trưởng thành, chững chạc, khác với vẻ hồn nhiên thời mười chín đôi mươi. Trên đường hành quân lên Điện Biên, ông gặp Đăng - như trước đó được nhắc là em trai của Đông Hách, và hai người cũng trở nên thân thiết, cùng đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Năm 1961, theo nguyện vọng của gia đình, ông lấy vợ và có một cậu con trai tên là Huỳnh, sau đó lại đi lính tiếp. Đến năm 1970, vợ ông mất, để lại cu Huỳnh lúc ấy mới chín tuổi cho ông bà nội chăm sóc. Năm năm sau đó ông trở về nhà, gặp con, gặp thầy u. Ban đầu Huỳnh không nhận ra bố, vì trông ông khác với tấm ảnh chụp với mẹ quá. Tưởng rằng tình cảm bố con chẳng thể nào hàn gắn được, nhưng cuối cùng con cũng nhận bố, chạy ra ôm bố mà khóc. Hai bố con ôm nhau trong niềm vui vỡ òa.

- Anh...anh Tuấn. Em có cái này muốn gửi anh. Đó là những dòng anh Hách viết cho anh lúc ở Việt Bắc. Em tìm được lúc kiểm tra kỉ vật của anh Hách, đến bây giờ mới đưa cho anh được.

Bác Đăng ngập ngừng gọi Nhân Tuấn, tay đưa ra một mẩu giấy nhỏ, đã cũ. Ông nhận lấy mẩu giấy, mở ra đọc. Là một trang trong cuốn nhật ký của Đông Hách, chắc là cậu ta xé ra. Từ khi nào mẩu giấy ấy đã ướt đẫm nước mắt.

Nhân Tuấn, tri kỷ của em.

Chẳng biết từ khi nào, em đã mến bạn nữa. Em mến đôi mắt của bạn, long lanh tựa dải ngân hà. Em mến nụ cười của bạn, tươi thắm như đóa hoa mùa xuân. Em mến trái tim của bạn, ấm áp tựa ánh dương hồng..

Nhưng em không biết nữa, liệu em có nên thổ lộ tấm chân tình của mình hay không. Làm sao để bạn hiểu tâm tư em...?

Việt Bắc, tháng 11 năm 1947.

Nhân Tuấn đứng đó và khóc nức nở, rồi quỳ gục mặt xuống. Chú Đăng ở đằng sau vỗ vai ông an ủi, lặng lẽ nuốt những dòng nước mắt.

Hách ơi, ta lỡ nhau mất rồi...

"Tít...tít..."

Tiếng máy đo nhịp tim kêu chầm chậm, nghe mà chói tai. Ông lão đang trong giây phút hấp hối của cuộc đời. Đôi mắt ông giờ đây chẳng thể nhìn được rõ ràng nữa. Ông chỉ cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay phải - có tay của Huỳnh nắm chặt.

Mười giây cuối để ông lão tua lại những hồi ức đời mình.

Giây thứ chín, thứ tám, thứ bảy.

Ông lão nhớ về những ngày kháng chiến ác liệt. Nào tiếng bom, tiếng súng. Nào máu đỏ, xương cốt. Nào lá cờ Việt Nam.

Giây thứ sáu, thứ năm, thứ bốn.

Ông lão nhớ về những người gắn bó ruột thịt với ông: người con trai đầu lòng và duy nhất của ông là Huỳnh, đứa cháu trai bé bỏng Chí Thành, con dâu, người nhà, họ hàng, người vợ quá cố, và bóng lưng thầy u già.

Giây thứ ba và đến giây cuối cùng...

Nhân Tuấn đảo mắt nhìn xung quanh. Không khí bị bao trùm bởi làn sương mù trắng xóa, không nhìn được trời và đất. Và anh cúi xuống nhìn thân mình. Đang là một cụ già ốm yếu sắp từ giã cõi đời, bỗng giờ đây Nhân Tuấn trở về tuổi xuân, sức người khỏe khoắn, làn da ít nếp nhăn, trên người còn mặc chiếc áo bộ đội màu xanh.

Anh nghe thấy tiếng bước chân ở phía trước. Một thanh niên cao gầy, có làn da lúa mạch tiến đến anh, đưa bàn tay ra trước mặt anh:

- Bạn ơi, về thôi. Về với em.

30.09.2022

Dẫu chậm mất một ngày, nhưng mừng Soulmate's Day của hai bạn mình thương. Chúc Nhân Tuấn và Đông Hách những điều tốt đẹp nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro