Im lặng 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dịch từ bản gốc tiếng Anh "Quiet: The Power of Introverts in a World That Can't Stop Talking", được xuất bản tại Hoa Kỳ bởi Crown Publishers. 

Bản dịch được thực hiện bởi Nguyễn Tiến Đạt 

Bản dịch này không phải là bản dịch chính thức của cuốn sách, được thực hiện chỉ đơn thuần với mục đích để chia sẻ. Người dịch không được hưởng bất kỳ lợi ích nào về tiền bạc thông qua việc thực hiện và công bố bản dịch này, cũng không khuyến khích các hành vi đọc, tải sách vi phạm bản quyền. Hãy mua cuốn sách này khi nó được dịch hoặc phát hành chính thức tại nơi bạn sống để ủng hộ tác giả.

  THÊM MỘT VÀI TIẾNG ỒN CHO 'IM LẶNG'

"Một khảo nghiệm về tâm lý con người hấp dẫn, có thể làm thay-đổi-cuộc-đời mà chắc chắn sẽ đem lại lợi ích lớn cho cả người hướng nội cũng như người hướng ngoại".—Kirkus Reviews (starred review)

 "Hiền lành là mạnh mẽ... Đơn độc chính là đạt hiệu quả cao nhất về giao tiếp... những ý tưởng dường như rất ngược đời này là một vài trong rất nhiều lý do để đem Im lặng vào một góc khuất tĩnh lặng nào đó và hấp thụ toàn bộ những thông điệp tuyệt vời, kích-thích-suy-nghĩ vô cùng của nó."—ROSABETH MOSS KANTER, giáo sư tại Đại học Kinh tế Harvard, tác giả của cuốn sách "Confidence and SuperCorp".

 "Một cuốn sách rất có giá trị về mặt hiểu biết, được tiến hành nghiên cứu kỹ càng, về sức mạnh của sự lặng im và đức hạnh của việc có một đời sống nội tâm phong phú. Nó phá đổ quan điểm xã hội phổ biến rằng bạn cần phải hướng ngoại thì mới có thể hạnh phúc và thành công trong cuộc sống".—JUDITH ORLOFF, tiến sĩ y khoa, tác giả của cuốn sách "Emotional Freedom"

 "Trong cuốn sách đề cập hết sức kỹ lưỡng và được viết một cách rất tuyệt vời này, Susan Cain đã thể hiện một cuộc biện hộ mạnh mẽ cho sự hướng nội. Cô cũng khéo léo cảnh báo về những nhược điểm của sự ồn ào trong nền văn hóa của chúng ta, trong đó có cả nguy cơ nó làm át đi những tiếng nói có giá trị khác. Vượt lên trên tất cả những ồn ào, giọng nói của chính Susan vẫn hiện lên đầy hấp dẫn—sâu sắc, hiền từ, bình tĩnh và hùng hồn. Im lặng xứng đáng có được một lượng độc giả rất lớn".—CHRISTOPHER LANE, tác giả của cuốn sách "Shyness: How Normal Behavior Became a Sickness"

 "Hành trình của Susan Cain để thấu hiểu sự hướng nội, một hành trình tuyệt vời đã đi từ phòng thí nghiệm tới bục sân khấu của người diễn giả, cho chúng ta những bằng chứng đầy sức thuyết phục để trân trọng vào chất lượng hơn là phong cách, vào nội dung hơn là diện mạo, và vào những phẩm chất mà ở Mỹ thường bị coi nhẹ. Cuốn sách này xuất chúng, sâu sắc, chứa đầy cảm xúc và đầy tràn những hiểu biết".—SHERI FINK, tiến sĩ y khoa, tác giả của cuốn sách "War Hospital".

 "Xuất sắc, khai sáng, giải phóng con người! Im lặng đem đến không chỉ một tiếng nói, mà còn cả một con đường về nhà cho rất nhiều người đã bước qua cuộc đời mà vẫn luôn nghĩ cách họ tương tác với thế giới là có gì đó cần phải sửa chữa".—JONATHAN FIELDS, tác giả của cuốn sách "Uncertainty: Turning Fear and Doubt into Fuel for Brilliance"

 "Thi thoảng, lâu lâu một cuốn sách lại xuất hiện và cho chúng ta những hiểu biết mới đến bất ngờ. Im lặng là một cuốn sách như vậy: nó vừa kể những câu chuyện hấp dẫn, vừa truyền tải những tri thức khoa học hàng đầu. Lời gợi ý dành cho kinh doanh là đặc biệt có giá trị nhất: Im lặng mang đến những lời khuyên để người hướng nội có thể lãnh đạo một cách hiệu quả, thực hiện những bài nói một cách thành công, tránh bị kiệt sức, và chọn lấy vai trò phù hợp. Cuốn sách hấp dẫn, viết hay đến tuyệt vời, được nghiên cứu kỹ càng này chỉ đơn giản là tuyệt hảo".—ADAM M. GRANT, tiến sĩ, phó giáo sư bộ môn quản lý, Đại học kinh tế Wharton

 THÊM NHIỀU TIẾNG ỒN HƠN NỮA CHO 'IM LẶNG'

 "Phá tan những hiểu lầm... Cain liên tục thu hút sự chú tâm của độc giả bằng cách đưa ra những câu chuyện cụ thể về các cá nhân... cũng như các báo cáo về những nghiên cứu mới nhất. Sự chuyên tâm, các nghiên cứu, và đặc biệt là niềm đam mê về chủ đề quan trọng này của cô đã được đền đáp xứng đáng". —Tạp chí "Publishers Weekly"

 "Im lặng đưa những cuộc trò chuyện về người hướng nội trong xã hội định-hướng-hướng-ngoại của chúng ta lên một tầm cao mới. Tôi tin rằng có rất nhiều người hướng nội sẽ nhận ra, mặc dù có thể họ không biết, rằng họ đã đợi cuốn sách này cả đời mình rồi".—ADAM S. MCHUGH, tác giả của cuốn sách "Introverts in the Church"

 "Cuốn sách Im lặng của Susan Cain cung cấp tuyệt vời nhiều những thông tin về khuôn mẫu hướng ngoại lý tưởng và khía cạnh tâm lý học của một tính cách nhạy cảm, và cô có nhận thức rất rõ về việc người hướng nội có thể làm thế nào để tận dụng được nhiều nhất thiên hướng tính cách của mình trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Xã hội cần những người hướng nội, vậy nên tất cả mọi người đều có thể thu được lợi ích từ những hiểu biết có trong cuốn sách này".—JONATHAN M. CHEEK, giáo sư tâm lý học tại Đại học Wellesley, đồng biên tập của cuốn sách "Shyness: Perspectives on Research and Treatment"

 "Một cuốn sách xuất sắc, quan trọng, và có sức ảnh hưởng cá nhân vô cùng lớn. Cain đã cho thấy rằng, với tất cả những đức hạnh của nó, Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng của nước Mỹ đang lấy đi quá nhiều dưỡng khí. Bản thân Cain là người hoàn hảo để đứng lên đấu tranh cho điều này—với thái độ chiến thắng và sự rõ ràng, cô đã cho chúng ta thấy sẽ thế nào khi suy nghĩ bên ngoài nhóm (think outside the group)".—CHRISTINE KENNEALLY, tác giả của cuốn sách "The First Word"

 "Điều Susan Cain thấu hiểu—và người đọc của cuốn sách tuyệt vời này rồi sẽ sớm trân trọng—là một thứ mà tâm lý học và thế giới nói-nhanh-làm-nhanh của chúng ta đã quá chậm để nhận ra: Không chỉ không có gì sai trong việc tĩnh lặng, thích suy nghĩ, nhút nhát rụt rè, và hướng nội, mà còn có những lợi thế rõ ràng khi là người như thế nữa".—JAY BELSKY, Giáo sư Robert M. and Natalie Reid Dorn, chuyên ngành Phát triển Con người và Cộng đồng, Đại học California (University of California, Davis)

 "Tác giả Susan Cain đã thể hiện sức mạnh tĩnh lặng của chính mình, trong cuốn sách được thực hiện vô cùng tuyệt vời và hết sức hấp dẫn, lôi cuốn này. Cô mang tới những nghiên cứu khoa học và những trải nghiệm của người hướng nội vô cùng quan trọng".—JENNIFER B. KAHNWEILER, tiến sĩ, tác giả của cuốn sách "The Introverted Leader" 

 "Trên nhiều phương diện, Im lặng là một cuốn sách thực sự xuất sắc. Trước tiên, nó được trang bị chi tiết với những thông tin từ các nghiên cứu khoa học, nhưng không hề bị sa vào nó. Thứ hai, cuốn sách được viết đặc biệt tốt, và rất "thân thiện với người đọc" ('reader friendly'). Thứ ba, nó cung cấp nhiều hiểu biết mới quan trọng. Tôi chắc chắn rằng rất nhiều người thắc mắc tại sao những hành vi tự tin đến hung hăng, bốc đồng lại thường được tưởng thưởng; trong khi những hành vi giàu suy nghĩ, cẩn trọng lại thường bị bỏ qua. Cuốn sách này đi vượt xa hơn cả những sự hời hợt ở ấn tượng bề mặt để thâm nhập và phân tích sâu hơn nhiều". —WILLIAM GRAZIANO, giáo sư, Khoa Khoa học Tâm Lý, Đại học Purdue 

 Dành tặng gia đình tuổi ấu thơ của tôi 

 "Một giống loài nơi tất cả đều là Tướng Patton, sẽ không thể thành công hơn bất cứ, dù chỉ một chút nào, so với một chủng tộc nơi tất cả đều là Vincent Van Gogh . Tôi thích tin rằng thế giới này cần có những vận động viên thể thao, những nhà triết học, những biểu tượng sex, những họa sĩ, những nhà khoa học; nó cần những người nhân hậu, những người sắt đá, những người tàn nhẫn, và cả những người nhút nhát yếu mềm. Nó cần những người có thể cống hiến cả đời họ cho việc nghiên cứu có bao nhiêu giọt nước được tiết ra trong tuyến nước bọt của loài chó, trong mỗi điều kiện khác nhau; nó cần những người có thể lưu giữ ấn tượng chớp nhoáng của trăm đóa hoa anh đào bung nở trong một bài thơ mười bốn chữ; hay cống hiến hai mươi lăm trang giấy để phân tích cảm giác của một cậu bé khi nằm yên trên giường một mình buổi tối, chờ mẹ đến hôn vào má và chúc cậu ngủ ngon.... Quả thực vậy; sự hiện diện của sức mạnh vượt trội của mỗi người trong một lĩnh vực nhất định đã mặc định rằng, năng lượng cần thiết cho các hoạt động khác ở họ hẳn đều đã bị rút cạn đi, và thay vào để dùng cho chỉ một lĩnh vực vượt trội kia mà thôi."—ALLEN SHAWN  

 Ghi chú của tác giả

 Tôi đã viết cuốn sách này một cách chính thức từ năm 2005, và không chính thức trong suốt cả quãng đời trưởng thành của mình. Tôi đã nói và viết với hàng trăm, có lẽ là hàng nghìn người về những chủ đề bàn luận đến ở đây, và cũng đã đọc chừng ấy sách, các nghiên cứu học thuật, các bài báo và tạp chí, những cuộc thảo luận ở chat-room trên mạng, và những bài blog. Một vài trong số này tôi đã nhắc đến trong cuốn sách; một số khác thì được nhắc đến trong hầu như mọi câu văn mà tôi viết. Im lặng đứng trên rất nhiều đôi vai, đặc biệt là các học giả và các nhà nghiên cứu mà công trình của họ đã dạy tôi rất nhiều. Trong một thế giới hoàn hảo, tôi sẽ đề tên tất cả mọi nguồn thông tin, tất cả những người thầy, và tất cả những người mà tôi đã từng phỏng vấn. Nhưng để văn bản còn có thể đọc được, một số cái tên sẽ chỉ xuất hiện trong phần Chú thích hoặc Lời ghi nhận.Vì những lý do tương tự, tôi đã không dùng dấu ba chấm hay ngoặc đơn trong một số câu trích dẫn, nhưng đã đảm bảo rằng những từ thêm vào hoặc bị cắt đi không làm thay đổi dụng ý của người nói hay người viết. Nếu bạn muốn trích dẫn lại những câu này từ nguồn nguyên bản của nó, các liên kết đưa bạn tới văn bản gốc có trong phần Chú thích. Tôi đã thay đổi danh tính và một số chi tiết có thể dùng để nhận diện những người có trong các câu chuyện mà họ kể cho tôi, cũng như trong các câu chuyện của chính tôi với tư cách một luật sư và một nhà tư vấn. Để bảo vệ sự riêng tư của các học viên tại lớp học kỹ năng nói trước đám đông của Charles di Cagno, những người vốn không có ý định được nhắc đến trong cuốn sách này khi họ đăng ký lớp học, câu chuyện về buổi học đầu tiên của tôi ở lớp học đó thực ra là một tổng hợp của vài buổi học khác nhau; cả câu chuyện về Greg and Emily cũng vậy, được xây dựng từ nhiều cuộc phỏng vấn với các cặp đôi tương tự. Ngoài việc bị giới hạn bởi trí nhớ của tôi, tất cả các câu chuyện khác đều đã được thuật lại như cách chúng đã diễn ra hoặc đã được kể lại cho tôi. Tôi không tiến hành kiểm tra lại tính xác thực của những câu chuyện mà người khác kể cho tôi về chính họ, nhưng chỉ bao gồm vào đây những câu chuyện mà tôi tin là có thật. 

 GIỚI THIỆU

 Hai cực Bắc–Nam của tính cách con người 

 Montgomery, Alabama. Ngày 1 tháng Mười Hai, năm 1955. Trời vừa chập tối. Một chiếc xe buýt dừng lại bên bến, và một người đàn bà phục sức giản dị, tuổi chừng bốn mươi bước lên xe. Bà đứng thẳng người, bất chấp việc đã dành suốt cả ngày hôm đó cúi gập bên bàn ủi quần áo, trong căn tiệm may ẩm thấp, tối tăm của mình tại khu bách hóa Montgomery Fair. Bàn chân bà sưng tấy vì mệt mỏi, hai bả vai đau nhức. Bà ngồi yên lặng trên hàng ghế đầu tiên của dãy ghế dành cho người Da màu, ngắm nhìn từng tốp, từng tốp hành khách chậm chạp lấp đầy dần từng băng ghế trống trên chiếc xe. Cho đến khi người tài xế đột nhiên yêu cầu bà phải đứng dậy và nhường chỗ cho một hành khách người da trắng.Người phụ nữ bé nhỏ chỉ thốt ra một từ duy nhất, một từ ngữ đã châm ngòi cho một trong những phong trào dân quyền lớn nhất của thế kỷ 20, một từ ngữ đã giúp cho nước Mỹ tìm thấy bản ngã khác tốt hơn cho chính mình.Bà đã nói: "Không."Người tài xế đe dọa sẽ báo bắt bà nếu bà không chịu làm theo yêu cầu."Ông có thể làm thế." Rosa Parks trả lời.Một viên cảnh sát tới nơi. Ông ta hỏi Parks tại sao bà không chịu đứng dậy."Tại sao tất cả các người cứ mãi o ép chúng tôi?" bà chỉ đơn giản hỏi lại."Tôi không biết", viên cảnh sát nói. "Nhưng luật là luật, và bà sẽ bị bắt".Trong buổi chiều ngày diễn ra phiên tòa tuyên án Parks tội "gây rối trật tự công cộng"; Hiệp Hội Vì Montgomery Tiến Bộ (Montgomery Improvement Association) tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ Parks tại Giáo đường Baptist Phố Holt, trong khu nghèo nhất của cả thành phố. Năm nghìn người tụ tập để ủng hộ hành động dũng cảm đơn độc của Parks. Họ lấp đầy sảnh đường nhà thờ, đông đến nỗi những băng ghế của sảnh đường rút cục không thể chứa thêm được nữa. Những người còn lại lặng lẽ chờ đợi bên ngoài, lắng nghe qua những chiếc loa. Vị linh mục Martin Luther King Jr. nói với đám đông: "Sẽ có một lúc con người không thể chịu đựng được việc tiếp tục bị giày xéo bởi gót chân sắt của sự đàn áp", ông nói. "Sẽ có một lúc con người không thể chịu đựng được việc tiếp tục bị đẩy ra khỏi ánh nắng ấm áp của mặt trời tháng Bảy, và bị bỏ lại một mình trong cái lạnh cắt thịt của tháng Mười Một nơi miền núi An-pơ."Ông ngợi ca hành động dũng cảm của Parks, và ôm lấy bà. Bà đứng đó, lặng yên, chỉ sự có mặt của bà cũng đủ để khích động cả đám đông. Tổ chức đã phát động một phong trào tẩy chay xe buýt kéo dài đến 381 ngày sau đó. Những người dân lê bước hàng nhiều dặm đường để đến nơi làm việc. Họ đi nhờ xe với những người mới gặp. Họ thay đổi con đường lịch sử của cả Liên Bang Hoa Kỳ.Tôi đã luôn hình dung về Rosa Parks như là một kẻ rất hiên ngang, oai vệ, một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán; có thể dễ dàng đối mặt với cả chiếc xe buýt chứa đầy các hành khách với những ánh nhìn cay độc. Nhưng khi bà mất vào năm 2005 ở tuổi 92, cơn lũ ồ ạt các bài cáo phó đăng trên các trang báo đều miêu tả bà như một người rất nhỏ nhẹ, dịu dàng, và thậm chí vóc người của bà cũng rất thấp bé. Họ nói bà rất "rụt rè và nhút nhát", nhưng có "lòng dũng cảm của một con sư tử". Các tờ báo viết về bà đều tràn ngập những lời ca ngợi như "sự khiêm tốn cấp tiến" và "sự ngoan cường tĩnh lặng". Nghĩa là thế nào khi một người có thể ngoan cường một cách tĩnh lặng? - những lời này dường như muốn ngầm hỏi. Làm thế nào bạn có thể vừa rụt rè, lại vừa thật dũng cảm?Parks có vẻ nhận rõ nghịch lý này, gọi tên cuốn tự truyện của mình là "Sức mạnh im lặng" (Quiet Strength)—một tiêu đề có vẻ như muốn thách thức những nhận định của chúng ta. Tại sao im lặng lại không thể có sức mạnh? Và im lặng thực sự còn làm được những gì nữa, mà trước giờ chúng ta chưa bao giờ chịu nhìn nhận? Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi tính cách cũng sâu sắc như nó bị ảnh hưởng bởi giới tính hay chủng tộc vậy. Và phương diện quan trọng nhất trong tính cách của một con người—"Hai cực Bắc–Nam của tính cách", như một nhà khoa học đã nói—là ở việc chúng ta rơi vào đâu trên trục nối giữa hai thái cực Hướng Nội—Hướng Ngoại. Vị trí của chúng ta trên thang nối này tác động tới cách chúng ta chọn bạn bè và người tình, cách chúng ta bắt đầu một cuộc trò chuyện, tìm giải pháp cho những sự khác biệt, và thể hiện tình yêu. Nó ảnh hưởng tới sự nghiệp mà chúng ta chọn, và góp phần quan trọng quyết định xem liệu chúng ta có thành công trong sự nghiệp đó hay không. Nó điều khiển việc chúng ta thực hiện thường xuyên đến đâu các hoạt động như tập thể thao, ngoại tình, làm việc hiệu quả mà không cần ngủ, học từ những sai lầm trong quá khứ, đặt những canh bạc lớn trên thị trường chứng khoán, bỏ qua món lợi tức thời để có được lợi ích về lâu dài trong tương lai, làm một nhà lãnh đạo giỏi, và đặt những câu hỏi như : "Nếu trong trường hợp đó thì mọi việc sẽ ra sao?" . Nó được phản chiếu ngay trong trục thông tin trong não bộ của mỗi con người, trong từng nơ-ron truyền dẫn xung điện, và trong từng góc khuất nhỏ nhất trong hệ thần kinh của mỗi chúng ta. Ngày nay, sự hướng nội và hướng ngoại là hai trong số những chủ đề được nghiên cứu nhiều nhất trong tâm lý học tính cách, làm khích động trí tò mò của hàng trăm nhà khoa học khắp nơi trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu này đã có những khám phá vô cùng thú vị, với sự hỗ trợ đắc lực từ những công nghệ mới nhất; nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ trong một lịch sử lâu dài về nghiên cứu tâm lý con người. Các thi gia và các nhà triết học cổ đại đã có những suy nghĩ về người hướng nội và hướng ngoại ngay từ những năm tháng đầu tiên của lịch sử có thể ghi chép được. Cả hai loại tính cách này đều xuất hiện trong Kinh Thánh, cũng như trong ghi chép của các thầy thuốc từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại; và một số nhà nghiên cứu tâm lý tiến hóa (evolutionary psychologists) đã khẳng định rằng lịch sử của hai loại tính cách này còn vươn xa hơn thế nữa: vương quốc của loài vật cũng có "hướng nội" và "hướng ngoại", như rồi chúng ta sẽ thấy, từ ruồi giấm cho đến cá vược, đến động vật linh trưởng. Cũng như với tất cả các cặp tương hỗ khác: nam tính và nữ tính; phương Đông và phương Tây; tự do và bảo thủ—nhân loại sẽ khác đi đến mức không thể nhận ra, cũng như suy biến đến một cách vô cùng, nếu không có đủ cả hai dạng tính cách khác biệt này.Có thể thấy ngay điều đó trong mối quan hệ hợp tác giữa Rosa Parks và Martin Luther King Jr : Một nhà diễn thuyết quả quyết, hùng hồn, dữ dội từ chối nhường ghế của mình trên một chuyến xe buýt phân biệt chủng tộc chắc chắn sẽ không thể có cùng một tác động như một người phụ nữ khiêm tốn, rõ ràng là thích giữ im lặng hơn, trừ khi tình huống cực kỳ cần thiết như Rosa Parks. Và Parks chắc chắn cũng không có năng lực để thu hút đám đông, nếu bà cố đứng lên và nói với tất cả rằng bà có một giấc mơ . Nhưng với sự giúp đỡ của King, bà đã không cần phải làm thế.Ấy vậy nhưng ngày nay, chúng ta chỉ dành chỗ cho một phạm vi tính cách rất hẹp. Chúng ta được dạy rằng người mạnh dạn sẽ là những người tuyệt vời, và kẻ quảng giao sẽ là kẻ hạnh phúc hơn. Chúng ta tự nhìn nhận bản thân như một quốc gia của những người hướng ngoại—một điều nói lên rằng chúng ta đã mất hẳn đi nhận thức về việc chúng ta thực sự là ai. Tùy thuộc vào việc bạn tham khảo nghiên cứu nào, một phần ba cho tới một phần hai dân số nước Mỹ là những người hướng nội—nói một cách khác, cứ hai hoặc ba người mà bạn biết thì có một là người hướng nội. (Cứ xét đến việc Mỹ là một trong số những quốc gia hướng ngoại nhất trên thế giới, tỷ lệ người hướng nội ở các nước khác chắc chắn cũng phải cao ít nhất như vậy). Nếu chính bản thân bạn không phải là một người hướng nội, vậy thì chắc chắn con cái bạn, nhân viên của bạn, vợ/chồng của bạn, hay người tình của bạn phải là một người như vậy.Nếu những số liệu này làm bạn ngạc nhiên, thì có lẽ là vì rất nhiều trong số đó luôn giả vờ là những người hướng ngoại. Những người hướng nội bí mật dễ dàng lướt qua bạn mà không hề bị phát hiện trong mỗi sân chơi, bên mỗi tủ để đồ trường học, và trong mỗi dãy hành lang của toàn thể Liên Bang Hoa Kỳ. Một số đánh lừa cả chính họ, cho tới khi một diễn biến thay đổi cuộc đời nào đó xảy ra—khi bị sa thải, khi con cái lớn lên và bắt đầu rời xa, hoặc một món thừa kế khổng lồ từ trên trời rơi xuống, một thứ giúp giải phóng và cho phép họ tự do phung phí thời gian để làm bất cứ thứ gì mà họ muốn—và xốc họ trở về với đúng bản chất tự nhiên thực sự của mình. Bạn có thể chỉ cần đưa chủ đề của cuốn sách này vào một cuộc nói chuyện với bạn bè và người quen của mình là đủ để phát hiện ra, những người bạn ít ngờ đến nhất sẽ tự nhận họ là người hướng nội. Thực ra rất hợp lý khi nghĩ đến lý do tại sao nhiều người hướng nội lại cố che giấu sự rụt rè của mình đến vậy, thậm chí là ngay cả với chính bản thân họ. Chúng ta sống trong một hệ giá trị mà tôi gọi là Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng (the Extrovert Ideal)—một niềm tin có vẻ có mặt ở khắp mọi nơi rằng một con người lý tưởng với xã hội phải là một kẻ hoạt bát, xông xáo, năng nổ, hăng hái giao du rộng rãi, và có thể hoàn toàn thoải mái khi là trung tâm của mọi sự chú ý. Người hướng ngoại lý tưởng ưa thích hành động chứ không phải tư duy; mạo hiểm chứ không phải xét đoán; và chắc chắn chứ không phải hoài nghi. Anh ấy sẽ ưu tiên những quyết định thật nhanh chóng, kể cả khi phải mạo hiểm rằng mình có thể sai. Cô ấy sẽ làm việc vô cùng hiệu quả trong nhóm và giao du rộng rãi với tập thể. Chúng ta luôn thích nghĩ rằng mình luôn trân trọng mọi đặc tính cá nhân; nhưng quá thường xuyên, chúng ta chỉ trân trọng một loại đặc tính cá nhân mà thôi—loại có thể thoải mái "dấn thân mình ra ngoài kia". Chắc rồi, chúng ta cho phép những thiên tài công nghệ đơn độc, người đã xây dựng những tập đoàn cả tỷ đô chỉ từ trong ga-ra ô tô nhà mình, có thể có bất cứ thể loại tính cách nào mà họ muốn. Nhưng họ là những ngoại lệ, chứ không phải quy luật; và sự hào phóng của chúng ta cũng chỉ dừng lại ở những người có thể trở nên vô cùng giàu có, hoặc những ai có tiềm năng sáng giá có thể làm được như vậy mà thôi.Sự hướng nội—cùng với những họ hàng của nó như tính nhạy cảm, lòng nghiêm túc, và sự rụt rè—giờ đây đã trở thành những đặc điểm tính cách hạng hai, đâu đó nằm giữa một nỗi thất vọng và một chứng bệnh về tâm lý. Người hướng nội sống dưới hệ giá trị xã hội của Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng cũng giống như phụ nữ trong một thế giới của đàn ông—không được đếm xỉa đến bởi một thứ từ sâu trong bản chất của họ, bởi bản tính tự nhiên đã sinh ra cùng và quyết định họ là ai. Hướng ngoại là một tính cách cực kỳ hấp dẫn, nhưng chúng ta đã vô tình biến nó thành một thứ tiêu chuẩn đàn áp, và khiến cho phần lớn trong chúng ta cảm thấy mình buộc phải tuân theo.Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng đã được đề cập đến trong rất nhiều nghiên cứu, mặc dù những nghiên cứu này chưa bao giờ được tập hợp lại dưới một cái tên duy nhất. Người hay nói, ví dụ, thường được đánh giá là thông minh hơn, có hình thức đẹp hơn, có tính cách thú vị hơn, và, dễ được lòng người hơn là những người ít nói. Tốc độ nói cũng ảnh hưởng nhiều ngang với mức âm lượng khi nói: chúng ta có xu hướng coi những người nói nhanh là đủ năng lực và dễ mến hơn những người nói chậm. Tiêu chuẩn ứng xử này cũng hiện diện trong các hoạt động nhóm, khi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong nhóm, người nói lớn thường được đánh giá là thông minh hơn những người dè dặt kín đáo—kể cả khi không có một chút liên quan nào giữa khả năng nói liên tục và khả năng có được những ý tưởng xuất sắc. Thậm chí chính bản thân từ "hướng nội" (introvert) cũng bị bêu xấu—một nghiên cứu không chính thức, tiến hành bởi nhà tâm lý học Laurie Helgoe, đã chỉ ra rằng những người hướng nội miêu tả vẻ ngoài của riêng mình với ngôn ngữ rất rõ ràng ("mắt xanh", "như người nước ngoài", "xương gò má cao"); nhưng khi được yêu cầu miêu tả chân dung một người hướng nội nói chung, họ vẽ nên một bức tranh nhạt nhẽo và thiếu hấp dẫn ("vụng về", "lóng ngóng", "sắc da nhàn nhạt", "mặt mụn").Nhưng chúng ta đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi luôn đề cao Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng một cách quá thiếu suy xét. Một lượng không ít trong số những ý tưởng, tác phẩm nghệ thuật và phát minh vĩ đại nhất của lịch sử loài người—từ thuyết tiến hóa cho đến những đóa hướng dương của Van Gogh, cho đến những chiếc máy tính cá nhân—tất cả đều đến từ những con người lặng lẽ, kín đáo và thông thái; những người biết cách truy nhập vào thế giới rộng lớn bên trong họ và biết về những kho báu quý giá có thể tìm thấy được ở nơi đó. Thiếu đi những người hướng nội, thế giới của chúng ta sẽ không bao giờ có:định luật vạn vật hấp dẫnthuyết tương đối"The Second Coming" của W. B. Yeatscác bản dạ khúc của Chopinbộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" của ProustPeter Pancác tiểu thuyết "Một chín tám tư" và "Trại súc vật" của Orwell"The Cat in the Hat"Charlie Brown"Schindler's List", "E.T.", và "Close Encounters of the Third Kind"GoogleHarry Potter Như cây bút chuyên về khoa học Winifred Gallagher đã viết: "Điều minh diệu nhất của một tính cách có thể dừng lại để suy xét về nhân tố tác động, thay vì xông xáo lao tới và tác động lại với chúng, đó là ở mối quan hệ chặt chẽ đã có từ rất lâu giữa nó với trí tuệ thông thái và những thành tựu nghệ thuật vĩ đại của loài người. Cả E=mc2 lẫn Thiên đường đã mất đều không được tạo ra nguệch ngoạc vội vàng bởi một sinh vật của đám đông." Kể cả trong những phương diện rõ ràng là ít hướng nội nhất, như kinh tế, chính trị, hay các phong trào dân quyền, một lượng không nhỏ trong số những diễn biến lớn nhất của chúng cũng được lãnh đạo và tiến hành bởi những người hướng nội. Trong cuốn sách, rồi chúng ta sẽ bàn đến và xem xét xem làm thế nào những hình tượng như Eleanor Roosevelt, Al Gore, Warren Buffett, Gandhi—và cả Rosa Parks—đã đạt được những gì họ đạt được, không phải bất chấp, mà chính là nhờ vào sự hướng nội của họ.Ấy vậy nhưng, như Im lặng rồi sẽ chỉ ra, rất nhiều trong số các học viện và môi trường giáo dục quan trọng bậc nhất ngày nay của chúng ta đều được thiết kế cho những người ưa thích làm việc theo nhóm, và thoải mái với một sự kích thích ở mức độ cao. Khi còn là trẻ em, các bàn học ở trường của chúng ta được thiết kế thành từng "khối" một quay mặt vào nhau, thiết kế phù hợp hơn cho việc làm bài tập theo nhóm. Các nghiên cứu cũng cho thấy phần lớn các giáo viên tin rằng một học sinh lý tưởng là một người hướng ngoại. Chúng ta ngày ngày xem những chương trình ti-vi nơi nhân vật chính không còn là hình mẫu "cô bé hàng xóm ngoan hiền" như những Cindy Brady hay Beaver Cleaver của ngày xưa nữa; mà là những ngôi sao nhạc Rock, hay dẫn chương trình của website nổi tiếng, như Hannah Montana và Carly Shay của iCarly. Thậm chí ngay cả Sid cậu nhóc Khoa học (Sid the Science Kid), một hình mẫu nhân vật được đông đảo trẻ em mến mộ trên một chương trình do PBS tài trợ, cũng bắt đầu mỗi ngày đi học của mình bằng cách biểu diễn những điệu nhảy với các bạn ("Nhìn tôi mà xem! Tôi là một siêu sao!").Là người lớn, rất nhiều trong số chúng ta làm việc cho những tổ chức luôn kiên quyết rằng các nhân viên của họ cần phải làm việc theo nhóm, và cho những nhà quản lý đề cao "kỹ năng giao tiếp" ("people skills") trên tất cả mọi nhân tố khác khi đánh giá nhân viên. Để thăng tiến trong sự nghiệp, chúng ta được kỳ vọng là phải biết tiếp thị bản thân mình một cách mạnh dạn nhất có thể. Các nhà khoa học có đề tài nghiên cứu được cấp vốn để triển khai thường là những người có bản tính hết sức tự tin, đôi lúc quá tự tin. Những họa sĩ mà tranh của họ trang hoàng lộng lẫy cho những bức tường trong bảo tàng và triển lãm luôn được bắt gặp đang bắt tay và tạo những dáng đứng ấn tượng trong những buổi khai mạc triển lãm của mình. Các tác giả có sách được chấp nhận xuất bản—những người từng có một thời được cả xã hội chấp nhận như là những kẻ luôn ẩn dật trốn đời—nay được các nhà xuất bản điều tra kỹ lưỡng, để chắc chắn rằng họ có thể sẵn sàng diễn thuyết và xuất hiện trên mọi chương trình truyền hình để quảng bá cho tác phẩm của mình. (Bạn sẽ không được đọc cuốn sách này, nếu tôi đã không xoay sở đế thuyết phục được nhà xuất bản của tôi rằng tôi đủ hướng ngoại để có thể quảng bá cho cuốn sách mình đã viết ra).Nếu bạn là một kẻ hướng nội, bạn chắc chắn cũng biết sự thiên vị của xã hội chống lại người hướng nội có thể tạo ra những vết thương tinh thần lớn thế nào. Khi còn là một đứa trẻ, bạn có thể đã nghe thấy cha mẹ bạn xin lỗi mọi người vì tính rụt rè nhút nhát của bạn ("Sao con không thể giống bọn nhóc nhà Kennedy hơn được một chút chứ?" cha mẹ một người đàn ông tôi phỏng vấn đã liên tục hỏi con của mình câu đó khi ông còn nhỏ). Hoặc ở trường, có lẽ bạn đã bị ép phải "ra khỏi cái vỏ của mình"—một lối diễn đạt rất nguy hiểm, hoàn toàn thất bại trong việc nhận ra rằng có những loài vật luôn tự nhiên mang theo vỏ và mai của mình theo dù tới bất cứ đâu, và rằng với một số người mọi chuyện cũng chỉ hoàn toàn giống vậy. "Tất cả những lời bình luận đó từ ngày còn nhỏ tới tận giờ vẫn còn vang lên bên tai tôi, ám ảnh tôi rằng mình thực chất chỉ là một kẻ lười biếng và ngu ngốc, chậm chạp và buồn chán." một thành viên của một diễn đàn có tên "Chốn bình yên của người Hướng Nội" (Introvert Retreat) đã viết vậy trong một e-mail. "Đến khi tôi đã đủ lớn để nhận ra rằng chẳng có gì bất ổn ở tôi cả, rằng tôi chỉ đơn giản là một người hướng nội mà thôi; thì nó đã thành một phần của tôi rồi, cái nhận thức như là có cái gì đó không bình thường ở tôi. Tôi chỉ ước gì có một cách nào đấy để có thể tóm được một chút nghi ngờ còn sót lại đó, và vứt bỏ được nó đi hoàn toàn mà thôi".Giờ đây khi đã là một người trưởng thành, có lẽ bạn vẫn cảm thấy một cảm giác thật tội lỗi khi từ chối một lời mời ăn tối để đi đọc một quyển sách mới thú vị. Hoặc có lẽ bạn thích dùng bữa tối tại nhà hàng một mình, và sẽ dễ chịu hơn rất nhiều nếu không có những ánh nhìn thương hại từ những vị thực khách xung quanh. Hoặc có lẽ bạn vẫn được bảo rằng bạn "ở trong đầu của mình quá nhiều", một câu nói vẫn được tận dụng triệt để để chống lại những người ít nói và thích suy nghĩ.Nhưng tất nhiên, có một cái tên khác cho những người như vậy: "thinkers"—những kẻ ham tư duy. Tôi đã chứng kiến tận mắt khó khăn đến đâu cho những người hướng nội để nhận ra và khai thác năng lực thực sự của mình, và tuyệt diệu đến đâu khi cuối cùng họ làm được thế. Trong suốt hơn mười năm tôi đã đào tạo cho rất nhiều người ở đủ mọi ngành nghề—các luật sư kinh tế và sinh viên đại học, các quản lý tài chính và cả các cặp vợ chồng—về kỹ năng đàm phán. Tất nhiên, chúng tôi luôn dạy đủ những kiến thức cơ bản: cách chuẩn bị cho một buổi đàm phán, khi nào thì cần ra giá trước, và phải làm gì khi người bên kia nói "hoặc giá đấy, hoặc không gì cả!". Nhưng tôi cũng giúp các khách hàng của mình tìm ra bản tính tự nhiên của mỗi người họ, và làm cách nào để có thể tận dụng được nó một cách tốt nhất.Khách hàng đầu tiên của tôi là một cô gái trẻ có tên Laura. Cô là một luật sư kinh tế ở phố Wall, nhưng là một người ít nói, hay mơ mộng, rất sợ phải làm trung tâm của sự chú ý, và căm ghét mọi sự công kích cũng như bạo lực. Cô đã xoay sở để bằng cách nào đó sống sót qua được luyện ngục của Đại học Luật Harvard—nơi các giờ học được thực hiện trong những giảng đường khổng lồ, lớn ngang những khán đài xem võ sĩ giác đấu của người La Mã cổ đại, và là nơi một lần cô đã căng thẳng tới mức nôn mửa ngay trên đường tới lớp. Giờ khi đã bước ra cuộc đời thực, cô vẫn luôn e ngại rằng mình không đủ mạnh bạo để có thể đại diện cho các khách hàng của mình theo những cách họ vẫn mong chờ được.Trong ba năm đầu tiên của sự nghiệp, Laura vẫn còn giữ những chức vụ quá thấp đến mức cô chưa bao giờ phải kiểm tra giả thiết này của mình. Nhưng rồi đến một ngày, luật sư cấp trên của cô, lúc đó đang trong một kỳ nghỉ, đã giao lại cho cô chịu trách nhiệm chính trong một buổi đàm phán rất quan trọng. Khách hàng là một nhà sản xuất ở Nam Mỹ đang sắp không trả nổi một món nợ ngân hàng, và hy vọng cô có thể giúp họ đàm phán lại những thỏa thuận của món nợ. Một nhóm ủy viên đặc trách của ngân hàng nắm giữ món nợ nguy hiểm đó ngồi đối diện với họ ở phía bên kia của bàn thảo luận.Nếu được chọn, Laura thà được trốn dưới gầm chiếc bàn này còn hơn, nhưng cô đã học cách chiến đấu chống lại được những cảm giác thôi thúc mãnh liệt như này rồi. Liều lĩnh, nhưng vẫn rất căng thẳng, cô ngồi xuống vị trí của mình ở chính giữa, hai bên là các khách hàng của cô: tổng cố vấn doanh nghiệp (general counsel) ở một bên và cán bộ kiểm soát tài chính cấp cao (senior financial officer) ở phía còn lại. Đây tình cờ lại là dạng khách hàng ưa thích nhất của Laura: nhã nhặn, lịch sự và ngôn từ luôn rất nhỏ nhẹ, khác hẳn so với dạng khách hàng tôi-là-bá-chủ-của-vũ-trụ mà hãng luật của cô vẫn thường đại diện. Trong quá khứ, Laura đã từng đưa viên tổng cố vấn doanh nghiệp tới một trận bóng bóng chày của đội The New York Yankees, và giúp ngài cán bộ kiểm soát tài chính cao cấp chọn một chiếc túi xách làm quà cho cho em gái của ông ấy. Nhưng giờ những khung cảnh ấm cúng này—đúng kiểu giao tiếp mà Laura ưa thích—dường như đã cách xa cô cả một thế giới nào đó. Ngồi quanh bàn giờ đây là chín cán bộ ngân hàng cáu kỉnh trong những bộ com-lê cao cấp và giày da bóng lộn; được hộ tống bởi luật sư đại diện của bên họ, một người phụ nữ với quai hàm vuông cương nghị và một phong thái hết sức mạnh bạo, chủ động. Chắc chắn không thuộc loại người thiếu tự tin về năng lực của bản thân, người phụ nữ lập tức khởi động ngay một bài diễn thuyết vô cùng ấn tượng về việc các khách hàng của Laura sẽ may mắn đến đâu nếu họ chỉ đơn giản chấp nhận tất cả các điều khoản của phía ngân hàng. Nó, như lời cô ta nói, đã là một đề xuất quá hào phóng rồi.Tất cả mọi người đều đợi câu trả lời của Laura, nhưng cô quả thực không nghĩ ra gì để đáp lại cả. Vậy nên cô chỉ cứ ngồi đó. Chớp mắt. Mọi ánh nhìn đều đổ về phía cô. Các khách hàng của cô cựa quậy một cách không thoải mái trên những chiếc ghế của họ. Suy nghĩ của cô quay tròn theo một vòng lặp quen thuộc: Mình quá rụt rè cho những hoạt động kiểu này, quá khiêm tốn, quá mải suy nghĩ. Cô hình dung về một người sẽ phù hợp hơn để cứu nguy cho tình huống này: ai đó mạnh bạo, tự tin, ăn nói trôi chảy, sẵn sàng đấm sầm xuống bàn để thể hiện thái độ kiên quyết không nhượng bộ. Ở trường cấp II, một người như vậy, không giống như Laura, sẽ được gọi là "năng động" ("outgoing"), thành tích cao nhất mà các đồng bạn lớp 7 của Laura biết, cao hơn cả "xinh đẹp", với con gái, và "giỏi thể thao" với con trai. Laura tự hứa với mình rằng cô chỉ cần cố sống sót qua hết ngày hôm ấy nữa thôi. Ngày mai cô sẽ đi tìm một công việc khác.Rồi cô nhớ ra điều tôi đã dặn đi dặn lại cô: cô là người hướng nội, và là một người như vậy, cô có một năng lực đặc biệt trên bàn đàm phán—có lẽ chỉ kém hiển nhiên hơn, nhưng không hề kém đáng sợ hơn một chút nào. Cô gần như chắc chắn là đã chuẩn bị kỹ hơn tất cả mọi người ngồi đây. Cô có một phong cách nói tuy nhẹ nhàng, nhưng rất chắc chắn. Cô gần như không bao giờ nói mà không suy nghĩ kỹ trước khi mở miệng. Là người điềm đạm bình tĩnh, cô có thể có những bước tấn công hết sức quyết liệt, mạnh bạo, và vẫn tạo được ấn tượng là mình đang rất vừa phải và hợp lý. Cô có xu hướng hay đặt ra các câu hỏi—rất nhiều câu hỏi—và thực sự lắng nghe những câu trả lời, một điều mà, bất kể tính cách của bạn có là gì, vẫn là cực kỳ quan trọng trên bàn đàm phán.Vậy nên Laura bắt đầu làm điều đến tự nhiên nhất với cô. "Thử dừng lại một chút đã nào. Các số liệu bên chị được căn cứ vào đâu?" "Chúng ta hãy thử kết cấu khoản vay theo cách này, các vị nghĩ liệu có được không?" "Cách kia?" "Hay một cách nào đó khác?"Ban đầu những câu hỏi của cô vẫn còn khá rụt rè. Dần dần cô bắt đầu càng lúc càng mạnh bạo hơn, thúc đẩy bên kia quyết liệt hơn, thể hiện rõ cho họ thấy rằng cô đã làm bài tập về nhà đầy đủ, và nhất định sẽ không chịu đầu hàng một cách dễ dàng. Nhưng cô cũng đồng thời trung thành với phong cách riêng của mình, không bao giờ lên giọng hay mất bình tĩnh. Cứ mỗi lần phe chủ ngân hàng đưa ra một tuyên bố cuối cùng với một vẻ chắc nịch, như thể không còn cách nào thay đổi được nữa, Laura lại cố tỏ ý xây dựng: "Có phải ý chị là đó là cách duy nhất? Nếu chúng ta thử tiếp cận vấn đề theo một cách khác thì sao?" Dần dần cuối cùng những câu hỏi đơn giản của cô đã làm thay đổi không khí trong căn phòng, đúng như trong sách giáo khoa về đàm phán đã nói. Phía ngân hàng không còn hăng hái diễn thuyết và hùng hổ chiếm thế chủ động nữa, những hoạt động mà Laura cảm thấy mình yếu thế một cách vô vọng, và hai bên bắt đầu có một cuộc nói chuyện thực sự. Vẫn tiếp tục thảo luận. Vẫn chưa đi đến được một thống nhất nào. Một trong các ủy viên bên phe ngân hàng lại kích động lên lần nữa, vùng đứng dậy, quăng tất cả tài liệu xuống mặt bàn và đùng đùng bước ra khỏi phòng. Laura phớt lờ thái độ này, một phần lớn là vì cô không biết phải làm gì khác trong trường hợp như thế. Về sau có người nói với cô rằng vào thời điểm then chốt đó, Laura đã có một nước đi vô cùng đúng đắn, trong một trò chơi vẫn được gọi là "Nhu thuật Thương thuyết" ("negotiation jujitsu"); nhưng cô biết rằng cô chỉ làm điều mình đã học được một cách rất tự nhiên khi làm một người lặng lẽ, trong một thế giới luôn to mồm mà thôi.Cuối cùng hai bên cũng ký kết được một thỏa thuận. Các ủy viên ngân hàng rời tòa nhà, những khách hàng ưa thích của Laura lên xe tới sân bay, còn Laura thì trở về nhà, cuộn tròn mình lại với một cuốn sách, và cố quên đi tất cả những căng thẳng đã diễn ra trong ngày.Nhưng sáng hôm sau, luật sư đại diện cho phía ngân hàng hôm qua—người phụ nữ quả quyết với quai hàm vuông cương nghị—gọi điện lại cho cô và đề xuất một lời mời làm việc. "Tôi chưa bao giờ được gặp ai vừa nhẹ nhàng lại vừa cương quyết đến vậy", cô ấy nói. Và ngày hôm sau nữa, phía ngân hàng hôm nọ cũng gọi điện cho Laura, và hỏi liệu hãng luật của cô có thể đại diện cho công ty của họ trong tương lai được không. "Chúng tôi cần một người có thể giúp chúng tôi đạt được mọi thỏa thuận mà không để cho cái tôi của mình ngáng đường" ông ta nói.Bằng cách trung thành với phong cách nhẹ nhàng của riêng mình, Laura đã đưa được về cho hãng luật của mình thêm một thỏa thuận thành công, tìm được một đối tác mới cho hãng, và có cả một lời đề nghị việc làm cho riêng mình. Lên giọng và đấm xuống mặt bàn đã được chứng tỏ là hoàn toàn không cần thiết.Ngày nay Laura hiểu rất rõ rằng thiên tính hướng nội là một phần quan trọng, cốt yếu của con người cô, và cô càng trân trọng hơn bản tính thích suy nghĩ của mình. Cái vòng lặp trong đầu Laura, thứ vẫn liên tục buộc tội cô là quá rụt rè, quá khiêm tốn, nay đã xuất hiện càng lúc càng ít hơn. Laura giờ đây biết rằng cô luôn có thể xoay sở mọi thứ ổn thỏa bằng chính sức của mình khi cần thiết. Chính xác thì ý tôi là gì khi nói Laura là một người hướng nội ? Khi tôi bắt đầu bắt tay vào viết cuốn sách này, thứ đầu tiên tôi muốn tìm hiểu là chính xác thì các nhà nghiên cứu định nghĩa những khái niệm hướng nội và hướng ngoại (introversion và extroversion) như thế nào. Tôi biết rằng vào năm 1921, nhà tâm lý học có ảnh hưởng hàng đầu Carl Jung đã xuất bản một cuốn sách bom tấn, "Phân loại Tâm lý học" (Psychological Types), giúp phổ biến các thuật ngữ sự hướng nội và sự hướng ngoại như những khái niệm cơ bản nhất để xây dựng nên bản đồ tính cách con người. Người hướng nội sẽ bị thu hút hướng vào thế giới bên trong của suy nghĩ và cảm xúc, Jung nói, trong khi người hướng ngoại hướng ra cuộc sống bên ngoài với con người và các hoạt động. Người hướng nội tập trung vào giải thích ý nghĩa của những sự kiện, sự vật diễn ra xung quanh họ; người hướng ngoại thì lao mình vào chính các sự kiện và sự vật đó. Người hướng nội nạp lại năng lượng cho mình bằng cách ở một mình; người hướng ngoại thì cần phải nạp thêm năng lượng mỗi khi họ không giao tiếp đủ nhiều. Nếu bạn đã bao giờ thử làm bản Trắc nghiệm tính cách tâm lý Myers-Briggs , được thiết kế dựa trên cơ sở nghiên cứu của Jung và được sử dụng rộng rãi bởi phần lớn các trường đại học và các công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới; thì có lẽ bạn đã quá quen thuộc với các khái niệm này rồi.Thế nhưng còn các nhà tâm lý học hiện đại thì nói gì? Tôi nhanh chóng nhận ra rằng không có một định nghĩa toàn diện nào về hướng nội và hướng ngoại cả: không hề có một thể loại nghiên cứu thống nhất nào mà ở đó tất cả mọi người đều có thể đồng ý về những đặc điểm chung để có thể cho vào nhóm, không như các nhóm "những người tóc quăn" hay "những người 16 tuổi". Ví dụ, những người ủng hộ trường phái Ngũ Đại (Big Five) trong tâm lý tính cách (tranh cãi rằng tính cách con người có thể được phân tách ra thành 5 xu hướng chính) định nghĩa hướng nội không phải theo phương diện có một thế giới nội tâm phong phú, mà là ở việc thiếu hụt những đặc tính như sự quả quyết hay khả năng dễ dàng hòa đồng với tập thể. Có bao nhiêu nhà tâm lý học tính cách thì dường như có bấy nhiêu định nghĩa về hướng nội và hướng ngoại, và những người này bỏ ra rất nhiều thời gian để tranh cãi xem định nghĩa của ai mới là chính xác nhất. Một số thì nghĩ rằng ý tưởng của Jung đã quá lỗi thời rồi; số khác lại quả quyết rằng ông là người duy nhất nói đúng.Nhưng mặc dù vậy, các nhà tâm lý học ngày nay nói chung vẫn nhất trí ở một số điểm lớn: ví dụ, người hướng nội và hướng ngoại cần những mức độ kích thích khác nhau để có thể hoạt động một cách bình thường. Người hướng nội có thể cảm thấy "vừa đủ" với mức độ kích thích thấp hơn, như là nhấp một ngụm rượu vang với vài người bạn thân, chơi giải ô chữ trên báo, hay đọc một cuốn sách. Người hướng ngoại thì ưa thích yếu tố bất ngờ, khích động từ những hoạt động như gặp gỡ ai đó lần đầu tiên, lao mình trượt tuyết trên những sườn núi đổ dốc, hay vặn lớn bộ dàn loa stereo tới mức âm lượng tối đa. "Với họ, những người khác luôn quá khích động", nhà tâm lý học tính cách David Winter nói, giải thích lý do tại sao một người hướng nội điển hình sẽ thà dành trọn kỳ nghỉ của mình đọc sách bên một bờ biển vắng người còn hơn là tiệc tùng thâu đêm trên những du thuyền sang trọng. "Họ khích động với những đe dọa, sợ hãi, bạo lực, và cả tình yêu. 100 con người có tác động kích thích cao hơn rất nhiều so với 100 quyển sách, hay 100 hạt cát trên bờ biển". Rất nhiều nhà tâm lý học cũng đồng ý rằng người hướng nội và người hướng ngoại làm việc theo những cách rất khác nhau. Người hướng ngoại có xu hướng xông xáo lao đến và giải quyết vấn đề một cách mau lẹ. Họ đưa ra những quyết định nhanh chóng (đôi lúc thiếu suy xét), không gặp vấn đề gì khi phải làm nhiều việc cùng lúc, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Họ thích thú tận hưởng "khoái cảm mạo hiểm" của công việc để hướng đến những phần thưởng có giá trị như của cải hay địa vị.Người hướng nội lại thường làm việc chậm chạp hơn, và chú tâm lên kế hoạch cụ thể hơn. Họ thích tập trung vào giải quyết lần lượt từng vấn đề một, và có một sức mạnh tập trung đáng nể phục. Họ gần như miễn dịch với sức cám dỗ của tiền bạc hay danh vọng. Tính cách của chúng ta cũng đồng thời định hình phong cách giao tiếp của chúng ta. Người hướng ngoại sẽ là những người đem sức sống đến cho những bữa tiệc của bạn, bật cười một cách sảng khoái trước những câu chuyện cười bạn kể. Họ thường rất quả quyết, chủ động, và luôn cần có bạn bè. Người hướng ngoại nghĩ ra đằng miệng, nghĩ ngay tại chỗ và gần như ngay lập tức. Họ ưa thích nói hơn là lắng nghe; rất hiếm khi thấy bí không biết phải nói gì, và thỉnh thoảng buột miệng nói ra những điều mà họ không bao giờ thực sự có ý nói. Họ rất thoải mái với những xung đột, nhưng hoàn toàn không thể chịu được những nơi vắng vẻ, tĩnh mịch.Người hướng nội thì ngược lại, một vài trong số họ có thể có kỹ năng giao tiếp rất tốt, hoàn toàn thoải mái với các buổi tiệc và các bữa tối với đối tác, nhưng sau một thời gian sẽ bắt đầu ước gì giá mà giờ họ được nằm ườn ở nhà, trong bộ py-ja-ma. Họ thường ưa thích dành năng lượng giao tiếp của mình cho chỉ một vài người bạn thân, đồng nghiệp, hay các thành viên gia đình gần gũi nhất với họ. Họ lắng nghe nhiều hơn là nói, luôn nghĩ kỹ trước khi mở miệng, và thường cảm thấy rằng họ diễn đạt bản thân mình bằng chữ viết tốt hơn là lời nói. Họ thường có xu hướng cố tránh các cuộc xung đột. Rất nhiều người sợ nói chuyện phiếm, nhưng lại hoàn toàn ưa thích những cuộc trao đổi thực sự, sâu sắc về những chủ đề ưa thích của mình.Có một số thứ không phải là một người hướng nội: hướng nội không phải là một từ đồng nghĩa với ẩn dật hay khinh người. Người hướng nội có thể là những người này, nhưng phần lớn họ đều hết sức thân thiện và hoàn toàn dễ gần. Một trong những cụm từ nhân đạo nhất của tiếng Anh—"Only connect!"—"Chỉ có kết nối!"—được viết ra bởi một người hướng nội vô cùng rõ rệt, E. M. Forster, trong một cuốn tiểu thuyết khai phá câu hỏi làm cách nào để đạt được "tình yêu giữa người với người ở sắc thái tuyệt đối nhất của nó."Cũng không phải cứ hướng nội thì là người rụt rè. Nhút nhát, rụt rè là nỗi sợ sự không chấp nhận của xã hội, sợ bị bẽ mặt; trong khi hướng nội là sự ưa thích những môi trường không quá kích thích. Tính nhút nhát rụt rè có thể gây thương tổn tinh thần rất sâu đậm; tính hướng nội thì hoàn toàn không. Một trong những lý do khiến mọi người luôn nhầm lẫn hai khái niệm này là việc đôi lúc chúng giao nhau (mặc dù các nhà tâm lý học vẫn còn tranh cãi là đến mức độ nào). Một số nhà tâm lý học thể hiện hai xu hướng này trên một đồ thị với một trục đứng và một trục nằm ngang, với trục ngang là khoảng dao động giữa hai thái cực hướng nội-hướng ngoại, và trục đứng tương ứng với khoảng bình thản-lo lắng. Với mô hình này, bạn có được bốn phân loại khác nhau của tính cách con người, tương ứng với bốn góc phần tư của đồ thị: người hướng ngoại bình thản, người hướng ngoại lo lắng (hoặc bốc đồng), người hướng nội bình thản, và người hướng nội lo lắng. Nói một cách khác, bạn có thể là một người hướng ngoại nhút nhát như Barbra Streisand , người có một tính cách hết sức đặc sắc và thu hút, nhưng vẫn sợ đến tê liệt cả người đi mỗi khi phải bước lên sân khấu; hoặc một người hướng nội không-nhút-nhát, như Bill Gates , người mà về mọi phương diện đều tránh phải tiếp xúc với mọi người, nhưng chưa bao giờ phải lo lắng vì áp lực ý kiến của người khác. Bạn cũng có thể, tất nhiên, vừa là một người hướng nội, vừa là một người nhút nhát. T. S. Eliot , một con người đơn độc nổi tiếng, đã viết trong bài thơ Đất hoang (The Waste Land) rằng ông có thể "chỉ cho bạn thấy nỗi sợ trong mỗi một nắm tay bụi đất". Rất nhiều người nhút nhát chọn hướng mình vào thế giới nội tâm, một phần như một cách tị nạn để thoát khỏi cái xã hội ngoài kia đã gây cho họ biết bao nhiêu căng thẳng và lo lắng. Và nhiều người hướng nội cũng rất nhút nhát, một phần là vì họ luôn nhận được thông điệp từ xã hội rằng có gì đó không ổn với họ, rằng có gì đó sai trái trong việc họ thích suy nghĩ và bỏ thời gian nghiền ngẫm về mọi thứ; và cũng một phần do đặc trưng tâm lý của họ, như chúng ta rồi sẽ bàn đến, luôn khiến họ thấy không thoải mái và phải tránh xa các môi trường có tính kích thích cao.Nhưng với tất cả những khác biệt như thế, tính nhút nhát và sự hướng nội vẫn có một điểm chung rất sâu sắc. Trạng thái tâm lý của một người hướng ngoại nhút nhát ngồi nín thinh bên bàn họp của một doanh nghiệp có thể sẽ rất khác so với trạng thái tâm lý của một người hướng nội bình tĩnh—người nhút nhát vì quá sợ nên không dám nói, còn người hướng nội chỉ đơn giản là đang bị quá tải bởi môi trường xung quanh có nhiều nhân tố kích thích hơn mức họ có thể chịu đựng. Nhưng với thế giới bên ngoài, hai người họ trông chẳng khác gì nhau. Điều này có thể giúp cho cả hai loại người này hiểu rõ hơn về việc quá kính trọng và đề cao "vị trí dẫn đầu" hướng ngoại có thể khiến chúng ta bỏ qua những thứ thực sự tốt, thông minh và thông thái đến thế nào. Vì những lý do rất khác nhau, người nhút nhát và người hướng nội có thể sẽ chọn dành thời gian của mình cho những công việc hậu trường, như phát minh, hay tiến hành nghiên cứu, hay ở bên và nắm lấy tay những người đang trong cơn bệnh—hoặc ở vị trí lãnh đạo, họ giải quyết công việc với một phong thái tĩnh lặng. Đây không phải vị trí tiên phong dẫn đầu, nhưng những người đảm đương những vị trí đó vẫn cứ là những hình mẫu đáng để ta học tập và noi gương. Nếu bạn vẫn không chắc chắn liệu mình rơi vào đâu trên khoảng giữa hai thái cực hướng nội-hướng ngoại, bạn có thể tự đánh giá mình ở đây. Hãy trả lời mỗi câu hỏi này bằng cách đáp "Đúng" hoặc "Sai", chọn câu trả lời nào đúng với bạn thường xuyên hơn. 1. _______ Tôi thích những cuộc nói chuyện một-đối-một hơn là hoạt động nhóm. 2. _______ Tôi thường thích thể hiện mình qua chữ viết hơn là lời nói. 3. _______ Tôi thích chỗ yên tĩnh, và được ở một mình. 4. _______ Tôi có vẻ ít quan tâm tới tiền tài, danh vọng hay địa vị... hơn là các bạn cùng lứa của tôi. 5. _______ Tôi ghét nói chuyện phiếm, nhưng ưa thích bàn luận sâu sắc về những chủ đề quan trọng với tôi. 6. _______ Mọi người nói tôi là một người rất giỏi lắng nghe. 7. _______ Tôi không giỏi chấp nhận rủi ro, mạo hiểm. 8. _______ Tôi thích những công việc cho phép tôi hoàn toàn "cắm đầu vào làm" mà không bị ngắt quãng. 9._______ Tôi thích tổ chức sinh nhật với quy mô nhỏ, chỉ có gia đình hoặc một hai người bạn thật thân mà thôi.10. _______ Mọi người thường miêu tả tôi là "điềm đạm" hoặc "chín chắn".11. _______ Tôi thường không thích cho ai khác xem công việc của mình cho đến khi nó đã hoàn tất.12. _______ Tôi không thích xung đột hay mâu thuẫn.13. _______ Tôi làm việc tốt nhất khi được ở một mình.14. _______ Tôi thường nghĩ kỹ trước khi nói.15. _______ Sau khi đi chơi nhiều với mọi người tôi thường cảm thấy năng lượng như đã bị rút cạn hết, mặc dù có thể tôi cũng đã chơi rất vui.16. _______ Tôi thường để cho các cuộc gọi rơi vào hộp thư thoại.17. _______ Nếu phải chọn một trong hai, tôi thà chọn một Chủ Nhật hoàn toàn không có gì để làm hơn là một ngày cuối tuần với quá nhiều công việc đã được lên kế hoạch sẵn.18. _______ Tôi không thích làm nhiều việc cùng lúc.19. _______ Tôi có thể hoàn toàn tập trung vào một việc rất dễ dàng.20. _______ Trong tình huống phòng học, tôi thích nghe giáo viên giảng sẵn hơn là tham gia vào những buổi seminar. Càng có nhiều câu trả lời "đúng", bạn càng có khả năng là một người hướng nội (introvert) nhiều hơn; nếu ngược lại, bạn càng có khả năng là một người hướng ngoại (extrovert). Nếu bạn thấy mình có một số lượng câu trả lời "đúng" và "sai" tương đối bằng nhau, vậy thì có thể bạn là một ambivert—vâng, thực sự có riêng một từ dành cho những người như vậy đấy ạ. Nhưng kể cả nếu bạn chỉ chọn một phương án duy nhất cho tất cả các câu hỏi ở đây, điều đó cũng không có nghĩa là hành động của bạn có thể dễ dàng dự đoán trước được trên tất cả mọi phương diện. Chúng ta không thể nói mọi kẻ hướng nội đều là những con mọt sách hay mọi người hướng ngoại đều quậy tới bến ở những bữa tiệc tưng bừng với bạn bè—cũng hệt như việc chúng ta không thể khẳng định chắc nịch rằng mọi phụ nữ đều là những người giỏi lắng nghe, và mọi người đàn ông đều thích những môn thể thao va chạm—như bóng đá hay bóng bầu dục chẳng hạn (chú thích của người dịch). Như Jung đã nói, một cách rất chính xác, rằng: "Không hề có thứ gì gọi là một kẻ hoàn toàn hướng ngoại hay một kẻ hoàn toàn hướng nội hết. Một kẻ như thế chắc chắn sẽ chỉ có thể kết thúc mình trong một nhà thương điên".Một phần của lý do ở đây là vì chúng ta đều là những sinh vật phức tạp đến đáng kinh ngạc, nhưng một phần khác cũng là bởi có vô cùng nhiều các kiểu hướng nội và hướng ngoại khác nhau. Tính hướng nội và hướng ngoại tương tác với những nét tính cách khác cũng như với quá khứ riêng của từng người, tạo ra vô số những kiểu người khác nhau. Vậy nên nếu bạn là một thanh niên Mỹ có thiên hướng nghệ thuật, luôn bị cha mình bắt ép tham gia đội tuyển bóng bầu dục của trường như người anh trai sôi nổi-ăn to nói lớn của bạn; bạn sẽ là một dạng hướng nội rất khác so với, ví dụ, một nữ doanh nhân người Phần Lan có cả bố và mẹ đều là những người giữ hải đăng. (Phần Lan là một quốc gia nổi tiếng hướng nội. Truyện cười người Phần Lan: Làm thế nào để bạn biết một anh chàng Phần Lan có thích bạn hay không? Câu trả lời: Anh ta sẽ nhìn chằm chằm vào mũi giày của bạn, thay vì vào mũi giày của chính anh ta!)Rất nhiều người hướng nội cũng "đặc biệt nhạy cảm"("highly sensitive"); nghe có vẻ rất thi vị, nhưng đó thực tế là một thuật ngữ chuyên môn trong ngành tâm lý học. Nếu bạn thuộc dạng nhạy cảm, vậy có lẽ bạn sẽ phù hợp hơn nhiều những người khác để cảm thấy tuyệt đối hạnh phúc dễ chịu khi nghe bản "Xô-nát ánh trăng" của Beethoven, một câu đáp bằng tiếng Anh thật hoàn hảo, hay một nghĩa cử cao đẹp đến đáng khâm phục. Bạn cũng sẽ nhanh cảm thấy phát bệnh hơn khi phải chứng kiến bạo lực hay những thứ xấu xí đáng ghê tởm, và bạn có một lương tâm vô cùng lành vững. Khi còn là một đứa trẻ, rất có thể bạn đã luôn bị bảo là "quá nhút nhát", và cho tới tận bây giờ vẫn luôn cảm thấy rất căng thẳng mỗi khi bị người khác đánh giá, như khi phải diễn thuyết trước một đám đông, hoặc trong lần hẹn hò đầu tiên. Rồi chúng ta sẽ bàn đến tại sao tập hợp các đặc tính tưởng chừng ít liên quan cho lắm đến nhau này lại thường thuộc về cùng một người, và tại sao người này lại thường là người hướng nội. (Không ai biết chính xác thì có bao nhiêu người hướng nội cũng là người đặc biệt nhạy cảm, nhưng chúng ta biết có khoảng 70% người nhạy cảm là người hướng nội, và 30% còn lại báo cáo rằng họ cũng thường cần rất nhiều "khoảng nghỉ" trước khi có thể hoạt động lại bình thường sau một cơn chấn động). Tất cả những rắc rối phức tạp này có nghĩa là, không phải mọi thứ viết trong Im lặng đều có thể áp dụng đúng với bạn, kể cả khi bạn tự thấy mình là một kẻ hướng-nội-toàn-tập. Ví dụ, chúng ta sẽ dành một lượng thời gian để bàn về tính nhút nhát và sự nhạy cảm, những đặc tính mà có thể bạn tự thấy là mình hoàn toàn không có. Nhưng kể cả thế cũng không sao. Hãy cứ áp dụng những cái có thể áp dụng được với bạn, và dùng những kiến thức còn lại để cải thiện mối quan hệ của bạn với những người xung quanh. Điều đó nói ra, trong Im lặng này chúng ta sẽ cố gắng không lệ thuộc quá nhiều vào các định nghĩa. Những thuật ngữ được định nghĩa nghiêm ngặt là đặc biệt quan trọng với các nhà nghiên cứu, những người mà công trình của họ phụ thuộc chặt chẽ vào việc xác định chính xác đến đâu thì tính hướng nội dừng lại, và từ đâu thì các đặc tính khác, ví dụ, như tính nhút nhát, bắt đầu. Nhưng trong Im lặng, chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến thành quả của những nghiên cứu đó. Các nhà tâm lý học ngày nay, kết hợp với các nhà khoa học thần kinh (neuroscientist) cùng những thiết bị quét não bộ của họ, đã khám phá ra được những phát hiện vô cùng sáng giá có thể thay đổi được cách chúng ta nhìn nhận thế giới—và cả chính bản thân mỗi chúng ta. Họ đang trả lời cho những câu hỏi như: Tại sao một số người nói rất nhiều, trong khi một số khác thì đo đếm từng chữ một mình nói ra? Tại sao một số người lao mình vào công việc, trong khi một số khác thì tổ chức những bữa tiệc sinh nhật tưng bừng ngay tại nơi làm việc? Tại sao một số người không gặp vấn đề gì với việc nắm trong tay quyền lực, trong khi một số khác thì lại không thích cả việc lãnh đạo lẫn việc bị người khác lãnh đạo? Liệu người hướng nội có thể làm nhà lãnh đạo tốt được hay không? Liệu xu hướng ưu ái những người hướng ngoại của chúng ta là một kết quả của tiến hóa tự nhiên, hay là do chịu ảnh hưởng từ văn hóa và xã hội? Nếu bạn là một người hướng nội, liệu bạn có nên cống hiến hết thời gian và sức lực của mình cho những hoạt động tự nhiên nhất đối với bạn; hay liệu bạn nên cố gồng mình để vượt qua các thử thách của cộng đồng, như Laura đã làm trên bàn đàm phán ngày hôm đó?Câu trả lời có lẽ sẽ khiến bạn ngạc nhiên.Mặc dù vậy, nếu chỉ có duy nhất một điều bạn có thể lấy ra được từ cuốn sách này, tôi hy vọng đó sẽ là một cảm nhận mới về quyền được phép là chính bạn. Tôi có thể tự mình cam đoan về về tác dụng thay đổi cuộc đời một khi bạn đã đạt được đến thái độ, quan điểm này. Các bạn còn nhớ về người khách hàng đầu tiên mà tôi đã kể với các bạn không, cô gái trẻ mà tôi đã gọi là Laura để bảo vệ danh tính thật cho cô ấy ấy?Đó thực ra là câu chuyện về chính tôi. Tôi chính là khách hàng đầu tiên của mình. 

 PhầnMột KHUÔN MẪU HƯỚNG NGOẠI LÝ TƯỞNG 

 1.SỰ TRỖI DẬY CỦA HÌNH TƯỢNG "ANH BẠN VÔ CÙNG DỄ MẾN"

 Làm Thế Nào Người Hướng Ngoại Trở Thành Hình Mẫu Lý Tưởng Của Xã HộiÁnh mắt của những người lạ, tò mò và khắt khe,Liệu bạn có thể đối diện chúng một cách thật tự hào—can đảm—và không hề sợ hãi?—MẪU QUẢNG CÁO TRÊN BÁO CỦA HÃNG XÀ BÔNG WOODBURY, 1922Thời gian: năm 1902. Địa điểm: Nhà thờ Harmony, bang Missouri, một thị trấn nhỏ, chỉ-một-chấm-con trên bản đồ nước Mỹ, tọa lạc bên một vùng bờ sông, cách thành phố Kansas hơn 100 dặm. Nhân vật chính trẻ tuổi của chúng ta: một cậu học sinh trung học nhân hậu, tốt bụng, nhưng thiếu tự tin vào bản thân tên Dale.Gầy gò, ủ dột và ốm yếu, Dale là con trai trong một gia đình nông dân đứng đắn về đạo đức nhưng đã từ lâu sống trong cảnh bần hàn bằng nghề chăn nuôi lợn. Cậu kính trọng cha mẹ mình, nhưng tận thâm tâm không bao giờ muốn lại bước tiếp theo con đường nghèo đói của gia đình. Dale cũng lo lắng về những thứ khác nữa: sấm sét, bị đày xuống địa ngục, và bị cứng họng vào đúng những thời khắc quan trọng nhất. Cậu thậm chí còn sợ cả chính lễ cưới của mình sau này: Nhỡ cậu không thể nghĩ ra điều gì để nói với người vợ tương lai của mình thì sao?Một ngày nọ, một diễn giả Chautauqua tới thị trấn của cậu. Phong trào Chautauqua, ra đời năm 1873 tại phía Bắc, ngoại ô New York, gửi những diễn giả tài năng đi khắp đất nước để đem những tri thức về văn hóa, khoa học, và tôn giáo tới mọi người. Những vùng nông thôn nước Mỹ quý trọng những diễn giả này bởi ánh hào quang thành thị họ mang tới từ thế giới bên ngoài—và ở sức mạnh của họ trong việc mê hoặc đám đông. Người diễn giả này đã đặc biệt thu hút Dale bởi câu chuyện đổi đời của của chính ông: có một thời ông cũng là một cậu bé con nhà nông dân thấp kém với một tương lai mịt mờ, nhưng rồi ông dần dần phát triển một phong cách diễn thuyết đầy lôi cuốn và chiếm lĩnh sân khấu ở Chautauqua. Dale lắng nghe chăm chú như nuốt lấy từng lời của ông.Một vài năm sau, chàng thanh niên Dale lại một lần nữa bị ấn tượng mạnh bởi giá trị của khả năng diễn thuyết. Gia đình của anh chuyển tới sống tại một trang trại chỉ cách thành phố Warrensburg, Missouri ba dặm, để Dale có thể theo học đại học tại đó mà không cần phải đi thuê phòng hoặc ở nhờ nhà ai. Dale để ý thấy rằng những học sinh giành chức vô địch trong những cuộc thi hùng biện của trường luôn được kính nể như những nhà lãnh đạo, và anh hạ quyết tâm cũng phải trở thành được một người như vậy. Anh ghi danh đăng ký trong mọi cuộc thi, và lao vội về nhà mỗi khi hết giờ học để vùi đầu vào luyện tập. Cứ thua rồi anh lại thua nữa; Dale rất quyết tâm, nhưng anh vẫn chưa thực sự là một nhà hùng biện giỏi. Nhưng dù vậy, cuối cùng thì những nỗ lực của anh cũng bắt đầu được đền đáp xứng đáng. Anh lột xác trở thành một nhà vô địch hùng biện, một người hùng của toàn thể học sinh trong trường học. Những học sinh khác bắt đầu tìm đến anh để hỏi xin kinh nghiệm diễn thuyết, anh đào tạo họ, và họ cũng bắt đầu giành được giải thưởng nữa.Đến khi Dale rời trường đại học vào năm 1908, cha mẹ của anh vẫn nghèo như vậy, nhưng nước Mỹ liên hiệp đang bắt đầu lột xác. Henry Ford đang bán những mẫu xe hơi Model Ts đắt như tôm tươi, sử dụng câu khẩu hiệu: "vì công việc, và vì cả niềm vui" ("for business and for pleasure"). J.C. Penney, Woolworth, và Sears Roebuck đã trở thành những thương hiệu đồ gia dụng hàng đầu. Ánh đèn điện thắp sáng mọi căn nhà của tầng lớp trung lưu; hệ thống nước máy được bơm dẫn vào từng nhà, giải phóng họ khỏi những chuyến đi ra nhà ngoài để xách nước về hàng đêm. Nền kinh tế mới cần đến một kiểu người mới—một người bán hàng, một nhà hùng biện trong giao tiếp, ai đó luôn sẵn sàng với một nụ cười thường trực, một cái bắt tay chuyên nghiệp, sở hữu khả năng hòa đồng với bất cứ một đồng nghiệp nào, nhưng đồng thời vẫn luôn có thể tỏa sáng lấn át tất cả bọn họ. Dale tham gia vào tầng lớp những người bán hàng đang lên này, bước ra ngoài cuộc đời với gần như không một tư trang gì khác ngoài cái lưỡi vàng của mình.Tên cuối của Dale là Carnegie (thực ra là Carnagey, ông về sau đã đổi lại cách viết tên của mình, nhiều khả năng là để tưởng nhớ Andrew Carnegie, nhà cách mạng công nghiệp vĩ đại). Sau một vài năm chật vật chào bán thịt bò cho hãng Armour and Company, ông thành lập một lớp học về kỹ năng diễn thuyết. Carnegie mở lớp của mình đầu tiên tại một trường học buổi đêm của Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA), tọa lạc trên phố 125th ở New York. Ông đòi mức lương 2 đô-la một giờ học như mức thông thường của một giáo viên dạy ban đêm. Giám đốc của trường, tuy vậy, nghi ngờ việc một lớp học về kỹ năng nói trước công chúng có thể thu hút được nhiều người, đã từ chối chi trả một khoản tiền như vậy,Nhưng hóa ra lớp học đã trở thành một hiện tượng chỉ trong một thời gian ngắn, và Carnegie tiếp tục tiến tới thành lập Học Viện Dale Carnegie, cống hiến hết mình để giúp tất cả mọi người nhổ bật đi sự thiếu tự tin đã từng kìm chân chính ông trong quá khứ. Vào năm 1913, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, "Nói trước Công chúng và Gây ảnh hưởng tới mọi Người trong Kinh doanh" ("Public Speaking and Influencing Men in Business"). "Trong những ngày mà phòng tắm và đàn piano còn là những thứ vô cùng xa xỉ", Carnegie viết, "con người xem khả năng diễn thuyết như là một khả năng kỳ lạ, chỉ có những người như luật sư, giáo sĩ truyền đạo, và những chính khách mới cần đến một thứ như vậy. Nhưng ngày nay chúng ta nhận ra rằng đó chính là thứ vũ khí vô cùng thiết yếu, không thể thay thế được của những người muốn tiến lên hàng đầu trong cuộc đua tranh quyết liệt của thương trường." Quá trình lột xác của Carnegie từ cậu bé nông dân trở thành người bán hàng, rồi thành biểu tượng hùng biện của thời đại cũng chính là câu chuyện về sự trỗi dậy của Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng. Hành trình của Carnegie phản ánh sự tiến hóa của xã hội và đã chạm đến bước thay đổi toàn diện khi bước vào thế kỷ 20, thay đổi mãi mãi việc chúng ta là ai và chúng ta ngưỡng mộ ai, chúng ta hành xử thế nào trong những buổi phỏng vấn việc làm và chúng ta đòi hỏi những gì ở một nhân viên, cách chúng ta chọn bạn tình thế nào và nuôi dạy con cái ra sao. Nước Mỹ đã chuyển mình từ thứ mà nhà sử học văn hóa có ảnh hưởng lớn Warren Susman gọi là "Nền Văn Hóa Của Đức Tính" (Culture of Character) sang "Nền Văn Hóa Của Tính Cách" (Culture of Personality)—và mở ra một chiếc hộp Pandora giải phóng trăm vạn những nỗi lo lắng cá nhân, mà từ đó chúng ta vẫn chưa bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn được.Trong Nền Văn Hóa Của Đức Tính, con người lý tưởng là kẻ nghiêm túc, có kỷ luật, ngay thẳng và chính trực. Thứ được quan tâm không phải là ấn tượng một người có thể tạo ra với đám đông, mà là cách một người cư xử thế nào khi chỉ có một mình. Thậm chí từ ngữ "tính cách" (personality) vẫn còn chưa tồn tại trong tiếng Anh cho đến tận thế kỷ thứ 18, và ý tưởng về việc "có một tính cách tốt" ("having a good personality") chưa bao giờ được phổ biến rộng rãi trước thế kỷ thứ 20. Nhưng khi chúng ta đã đi theo Nền Văn Hóa Của Tính Cách, người Mỹ bắt đầu dần quan tâm nhiều hơn đến cách những người khác nhìn nhận mình như thế nào. Họ bị tuyệt đối thu hút bởi những người bạo dạn và có phong cách nói chuyện hấp dẫn, lôi cuốn. "Vai trò mới mà xã hội đòi hỏi ở tất cả trong Nền Văn Hóa Của Tính Cách là vai trò của một người biểu diễn", như một lời viết nổi tiếng của Susman. "Mỗi người Mỹ đều phải trở thành một cá nhân biểu diễn".Sự trỗi dậy của nước Mỹ công nghiệp đã là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy chu trình tiến hóa toàn diện này của xã hội. Cả đất nước nhanh chóng chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp với những ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên sang một nền văn minh đô thị, mà ở đó "công việc của nước Mỹ là kinh doanh" ("the business of America is business"). Trong những năm tháng quá khứ của miền quê, hầu hết mọi người Mỹ sống cũng như gia đình của Dale Carnegie: trong những nông trại, trong những thị trấn nhỏ vô danh trên bản đồ, tương tác chủ yếu với những người họ đã biết cả cuộc đời họ. Nhưng khi thế kỷ 20 đến, một cơn bão toàn diện của những doanh nghiệp lớn, của đô thị hóa, và những cuộc di cư ồ ạt bắt đầu quét qua nước Mỹ, cuốn dân số của nó tới những đô thị lớn. Vào năm 1790, chỉ có khoảng 3% dân số Mỹ sống ở những thành phố; đến năm 1840, vào khoảng 8%; và đến 1920, hơn một phần ba dân số toàn quốc đã là những cư dân thành thị. "Tất cả chúng ta không thể đều sống hết ở thành phố", biên tập viên tin tức Horace Greeley đã viết vậy vào năm 1867, "ấy vậy nhưng có vẻ ai cũng quyết tâm phải tới sống ở đó bằng được".Những người Mỹ giờ đây thấy mình không còn làm việc chung với những hàng xóm láng giềng như xưa nữa, mà với toàn những người xa lạ. "Công dân" giờ chuyển hóa thành "nhân viên", họ đối mặt với câu hỏi: làm thế nào để tạo ấn tượng tốt với những người mà họ không hề có quan hệ đồng hương hay họ hàng gì? "Lý do một người này được thăng chức hay một người khác bị xã hội tảng lờ và tẩy chay", nhà sử học Roland Marchand viết, "càng ngày càng ít phụ thuộc hơn vào những sự ưu tiên thiên vị lâu dài hay những mối thâm thù với một dòng tộc gia đình nào đấy. Trong một nền kinh tế và những mối quan hệ càng lúc càng giấu danh tính của thời đại mới, người ta hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng mọi thứ—kể cả ấn tượng lần gặp mặt đầu tiên—đều có thể tạo ra những khác biệt cực kỳ quan trọng". Người Mỹ phản ứng lại những áp lực này bằng cách cố gắng trở thành người bán hàng, những người có thể tiếp thị và bán không chỉ những sản phẩm tinh xảo mới nhất của công ty, mà còn có thể tiếp thị và chào bán cả chính họ nữa.Một trong những góc nhìn quan trọng nhất mà qua đó ta có thể thấy được sự thay đổi của Nền Văn Hóa Tính Cách là truyền thống tự-giúp-đỡ-bản-thân (self-help) mà ở đó Dale Carnegie đã đóng góp một phần công sức lớn. Những cuốn sách tự-giúp-đỡ-bản-thân từ cách đây rất lâu đã luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tâm trí mỗi người dân Mỹ. Phần lớn các cuốn sách hướng dẫn thời kỳ đầu tiên là những truyện ngụ ngôn mang màu sắc tôn giáo, như The Pilgrim's Progress, xuất bản năm 1678, một câu chuyện cảnh báo người đọc rằng nếu không biết kiềm chế bản thân, họ sẽ không bao giờ tới được thiên đường. Những cuốn sách khuyên bảo của thế kỷ 19 đã dần ít chất tính tôn giáo hơn, nhưng vẫn đề cao giá trị của việc có một nhân cách cao quý. Chúng kể những câu chuyện về cuộc đời của những vĩ nhân như Abraham Lincoln, được ngưỡng mộ không chỉ bởi khả năng giao tiếp tuyệt vời, mà còn bởi là một con người vô cùng khiêm tốn, người mà, như triết gia Ralph Waldo Emerson đã viết, "không bao giờ bị vấy bẩn bởi uy quyền". Những cuốn sách cũng ca ngợi cả những con người bình thường nhưng có hành động thể hiện tư cách đạo đức cao quý. Một cuốn sách khuyên bảo khá nổi tiếng xuất bản năm 1899 có tên: "Nhân cách: Điều Vĩ Đại Nhất Trên Đời" (Character: The Grandest Thing in the World) kể về một cô bé chủ một cửa hàng nhỏ, đã đem toàn bộ số tiền kiếm được ít ỏi của mình tặng cho một kẻ hành khất đang co ro nơi góc phố, và rồi vội vã chạy đi thật nhanh trước khi có ai kịp nhìn thấy hành động của mình. Đức hạnh của cô, như mọi người đọc đều hiểu, không chỉ đến từ lòng nhân ái, mà còn cả từ ước muốn được ẩn danh của cô nữa. Nhưng đến năm 1920, những cuốn sách tự-giúp-đỡ-bản-thân nổi tiếng đều đã chuyển từ tập trung vào đức hạnh bên trong của con người sang việc xây dựng khả năng mê hoặc và bề ngoài để thu hút và chinh phục người khác—"biết phải nói gì, và nói nó như thế nào", như một cuốn nói. "Tạo ra một tính cách thu hút là tạo ra sức mạnh", một cuốn khác khuyên. "Hãy cố luôn thường trực một tác phong để khiến cho người khác phải nghĩ: "anh ta quả là một anh bạn vô cùng dễ mến", một cuốn thứ ba bàn. "Đó là cách xây dựng danh tiếng cho một nhân cách". Tạp chí Success và cả tuần báo The Saturday Evening Post giới thiệu những chuyên mục mới hướng dẫn người đọc về nghệ thuật giao tiếp. Orison Swett Marden, cũng chính tác giả của cuốn sách Nhân cách: Điều Vĩ Đại Nhất Trên Đời vào năm 1899, đã xuất bản một tác phẩm nổi tiếng khác vào năm 1921, tiêu đề: "Tính Cách Bá Chủ" (Masterful Personality).Hầu hết các sách hướng dẫn này được viết dành cho nam giới thuộc tầng lớp doanh nhân, nhưng phụ nữ cũng bị thôi thúc phải cải thiện một kỹ năng bí ẩn khác có tên "sức quyến rũ". Lớn lên trong thập kỷ 1920 là sinh ra trong một cuộc đua tranh quyết liệt hơn nhiều những gì bà hay mẹ của họ đã phải trải qua, một cuốn hướng dẫn chăm sóc sắc đẹp cảnh báo, và muốn thành công họ cần phải có một vẻ ngoài ấn tượng. "Những người đi ngang qua ngoài phố sẽ không biết được là bạn thông minh và quyến rũ, trừ khi bạn trông giống vậy."Những lời khuyên kiểu này—rõ ràng đều nhằm để cải thiện cuộc sống của con người—hẳn đã phải khiến kể cả những người khá là tự tin cũng phải cảm thấy không thoải mái. Susman đã thống kê những từ ngữ xuất hiện nhiều nhất trong các cuốn sách hướng dẫn của đầu thế kỷ 20, và so sánh chúng với từ ngữ trong những cuốn sách đề cao đạo đức nhân cách của thế kỷ 19. Những cuốn sách của thế kỷ trước nhấn mạnh hơn vào những phẩm chất mà bất cứ ai cũng có thể cải thiện được, được miêu tả bằng những từ như:Bổn phận công dânNghĩa vụViệc làmNghĩa cử cao đẹpDanh dựDanh tiếngTư cách đạo đứcCách hành xử lễ độChính trực, ngay thẳngNhưng những cuốn sách hướng dẫn của thế hệ mới thì tôn vinh những phẩm chất mà—bất kể Dale Carnegie có làm cho nó nghe có vẻ dễ dàng đến đâu—vẫn khó hơn rất nhiều để đạt được. Hoặc là bạn có được chúng, hoặc là không—không có lựa chọn thứ ba.Lôi cuốnQuyến rũGây choáng ngợp Có sức hấp dẫn mãnh liệtVượt trộiQuả quyết, mãnh liệtLuôn tràn đầy năng lượngHoàn toàn không phải trùng hợp ngẫu nhiên mà vào những thập kỷ 1920 và 1930, hết thảy người dân Mỹ đều bị ám ảnh bởi những minh tinh màn bạc. Làm gì còn ai tốt hơn một siêu sao điện ảnh để thể hiện được sức mạnh của một vẻ ngoài quyến rũ mê hoặc chứ? Người dân Mỹ cũng đồng thời nhận được những lời khuyên về cải thiện kỹ năng tiếp thị bản thân—bất kể họ có thích chúng hay không—từ ngành công nghiệp quảng cáo. Nếu những quảng cáo thời kỳ đầu đi thẳng vào ca ngợi chất lượng của sản phẩm ("Giấy mỏng vân lụa của Eaton's Highland: Loại giấy viết trong sạch và tươi mát nhất trên thế giới."); thì quảng cáo của thời kỳ tôn vinh tính cách khắc họa khách hàng như những người phải chuẩn bị biểu diễn mà vẫn còn run sợ, và chỉ có sản phẩm của nhà quảng cáo mới có thể giúp họ có thể tiếp tục tự tin tiến lên. Những quảng cáo này đặc biệt chú trọng tới cái nhìn đầy đe dọa của mọi người xung quanh: "Khắp nơi xung quanh, mọi người đều đang âm thầm đánh giá bạn", một quảng cáo xà bông của Woodbury cảnh báo. "Những ánh mắt vô cùng nghiêm khắc đang bủa vây lấy bạn ngay chính lúc này đây!", quảng cáo của Kem Cạo Râu Williams Luxury khuyên.Những quảng cáo này đã nhắm thẳng vào mối lo lắng của rất nhiều doanh nhân và quản lý thuộc tầng lớp trung lưu. Trong một quảng cáo của kem đánh răng Dr. West, một anh chàng dáng vẻ bệ vệ ngồi sau một bàn giấy, hai tay chống tự tin vào hông, và hỏi bạn "Đã bao giờ thử tự chào bán chính bạn cho chính bạn chưa? Một ấn tượng đầu tiên ưa nhìn chính là nhân tố quan trọng nhất để thành công, bất kể là trong kinh doanh hay trong đời sống xã hội!". Kem Cạo Râu Williams Luxury quảng cáo một người đàn ông tóc bóng mượt, để ria, thúc giục người đọc "Hãy để gương mặt của bạn bộc lộ sự tự tin, chứ không phải lo lắng! Hãy nhớ, "diện mạo" của bạn chính là thứ người khác dùng để đánh giá bạn nhiều nhất!" Những quảng cáo khác nhắc nhở phụ nữ rằng thành công của họ trong trò chơi ái tình giờ không chỉ phụ thuộc vào vẻ ngoài hấp dẫn, mà còn cả vào tính cách của họ nữa. Một quảng cáo của Xà bông Woodbury vào năm 1921 giới thiệu một cô gái ủ rũ, trở về nhà một mình sau một buổi tối đi chơi đáng thất vọng. Cô đã "luôn khát khao được hạnh phúc, được thành công, được chiến thắng", mẩu quảng cáo nói với vẻ cảm thông. Nhưng không có sự trợ giúp của đúng loại xà bông, người phụ nữ trẻ chỉ có thể là một thất bại trong quan hệ xã hội mà thôi.Mười năm sau, bột giặt Lux đăng một quảng cáo trên mặt báo giấy, giới thiệu một lá thư buồn bã gửi Dorothy Dix, một "Chị Thanh Tâm" của thời kỳ đó. "Thưa cô Dix," lá thư viết, "Tôi phải làm thế nào để có thể trở nên nổi tiếng hơn đây? Tôi cũng khá là ưa nhìn và không phải là một đồ ngốc, nhưng tôi lại quá rụt rè và e thẹn trước mặt mọi người. Tôi luôn chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ thích tôi..."— Joan G."Cô Dix" đã trả lời lại, dứt khoát và rõ ràng: Giá mà Joan đã dùng bột giặt Lux trên váy áo, rèm cửa, sofa của mình, cô chắc chắn đã sẽ sớm có được "một niềm tin sâu đậm, chắc chắn, mãnh liệt vào sự quyến rũ của chính mình".Việc khắc họa việc hẹn hò như thể nó là một màn biểu diễn với đầy những rủi ro đã phản ánh rõ những quy chuẩn hoàn toàn mới của Nền Văn Hóa Tính Cách. Dưới những giới hạn (đôi lúc áp chế) của những quy chuẩn của Nền Văn Hóa Đức Tính, cả hai giới tính đều thể hiện phần nào sự kín đáo, dè dặt trong cuộc yêu đương. Người nữ mà ăn nói quá to, hay có những ánh nhìn không đứng đắn với nam giới thì đều bị coi là trâng tráo, không biết thẹn, không biết xấu hổ. Những phụ nữ thuộc tầng lớp trên có nhiều quyền tự do để giao tiếp hơn là những người cùng giới với họ ở đẳng cấp dưới, và họ quả thực được đánh giá một phần vào tài năng của họ trong những lời đối đáp mau lẹ và thông minh, nhưng kể cả họ cũng được khuyên là nên biết tỏ ra ngượng ngùng và xấu hổ. Họ được các cuốn sách hướng dẫn cảnh báo rằng "sự kín đáo lạnh lùng nhất" là "phẩm chất đáng ngưỡng mộ nhất ở một người phụ nữ mà một người đàn ông muốn lấy làm vợ, hơn tất cả mọi sự thân mật không cần thiết nào". Mọi người đàn ông đều có thể có được một cung cách xử sự lặng lẽ, từ tốn, một sự bình tĩnh và một thứ sức mạnh không cần thiết phải luôn tự khoe khoang về nó. Mặc dù sự rụt rè nhút nhát tự nó vẫn luôn là một điều không thể chấp nhận được, kín đáo lại là một dấu hiệu của một người bạn đời lý tưởng.Nhưng với sự xuất hiện của Nền Văn Hóa Tính Cách, những giá trị của sự mực thước bắt đầu sụp đổ dần, với cả nam và nữ. Thay vì dùng những kính ngữ trang trọng khi giao tiếp với phụ nữ và nghiêm túc tuyên bố sự chú ý của mình tới đối phương, nam giới giờ đây được kỳ vọng là phải biết chinh phục cuộc hẹn hò bằng nghệ thuật của ngôn từ, mà ở đó họ tung ra một lời "tán" đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Những người đàn ông quá kín tiếng trước mặt phụ nữ sẽ phải chịu nguy cơ bị tưởng là "pê-đê"; như một cuốn hướng dẫn chuyện yêu đương năm 1926 đã quan sát thấy: "những người đồng tính luyến ái luôn luôn rất kín đáo, nhút nhát, rụt rè, không thích đám đông". Phụ nữ nữa, cũng vậy, được kỳ vọng là phải biết cân bằng giữa đứng đắn và bạo dạn. Nếu phản ứng quá rụt rè trước những động thái lãng mạn, họ có thể bị coi là "lạnh nhạt".Cả phương diện tâm lý học cũng bắt đầu chật vật với áp lực phải thể hiện sự tự tin. Vào thập kỷ 1920, nhà tâm lý học có tầm ảnh hưởng Gordon Allport đã tạo ra một bài trắc nghiệm chẩn đoán về mức độ "Thống trị-Nhượng bộ" (Ascendance-Submission), nhằm xác định mức độ thống trị trong giao tiếp xã hội. "Nền văn minh đương đại của chúng ta", Allport nhận xét, người mà chính bản thân ông cũng rất kín đáo và nhút nhát, "có vẻ đặt giá trị cao hơn vào những con người hùng hổ, người 'xông lên đoạt lấy phần thưởng'". Ngay từ những năm 1921, Carl Jung đã nhận thấy vị trí xã hội đang bắt đầu bị đe dọa của sự hướng nội. Chính Jung coi người hướng nội như là "những nhà giáo dục và những kẻ khuyến khích của tương lai", những kẻ đã thể hiện giá trị của "một thế giới nội tại luôn rất cần thiết trong nền văn minh của chúng ta". Nhưng ông cũng thừa nhận rằng "sự kín đáo và những nỗi ngượng ngùng dường như rất vô căn cứ (của họ), sẽ tự nhiên khơi dậy rất nhiều ác cảm của xã hội với loại người này".Nhưng không ở đâu nhu cầu cần phải có một dáng vẻ tự-tin lại rõ ràng hơn ở định nghĩa khái niệm mới của các nhà tâm lý học, về thứ gọi là "Phức cảm tự ti" (inferiority complex). Hội chứng IC, như nó sau này được biết đến rộng rãi hơn trên báo chí (viết tắt từ hai chữ cái đầu của tên gốc tiếng Anh, the Inferiority Complex), được đề xuất lần đầu vào những năm 1920 bởi nhà tâm lý học người Viên Alfred Adler, để định nghĩa về cảm giác tự ti và những hậu quả của nó. "Bạn có hay tự cảm thấy bất an không?" một cuốn sách do Adler viết, vào hàng bán chạy nhất thời điểm đó, hỏi. "Bạn có hay thiếu tự tin không? Bạn có dễ nhượng bộ không?". Adler giải thích rằng tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều cảm thấy tự ti, khi phải lớn lên trong một thế giới của người lớn và những anh chị lớn khác của chúng. Trong một quá trình lớn lên bình thường, hầu hết mọi người sẽ học cách hướng những cảm xúc này vào làm động lực để theo đuổi những mục tiêu của mình. Nhưng nếu có gì đó đi chệch hướng khi họ trưởng thành, họ có thể bị đóng chặt mãi mãi với một căn ác bệnh có tên "Hội chứng IC", hay "Phức cảm tự ti"—một trở ngại chết người, đặc biệt trong một thế giới càng ngày càng cạnh tranh quyết liệt hơn.Ý tưởng về việc đóng gói tất cả mọi nỗi lo lắng với đời sống xã hội của mình vào một cái gói gọn ghẽ của "Hội chứng IC" đã làm vừa ý rất nhiều người Mỹ. Phức Cảm Tự Ti trở thành một lời giải thích tuốt-tuồn-tuột cho mọi vấn đề trên hầu khắp mọi phương diện của xã hội, từ chuyện tình cảm yêu đương cho tới việc làm cha làm mẹ, tới cả công danh sự nghiệp. Vào năm 1924, tạp chí Collier đăng một câu chuyện về một người phụ nữ đang sợ phải cưới người mà mình yêu, vì e ngại rằng anh ta đã mắc phải một hội chứng IC quá nặng, không còn cách chữa. Một tạp chí nổi tiếng khác thì cho đăng một bài báo có tựa đề: "Con Của Bạn Và Cái Chứng Phức Cảm Thời Thượng Kia", giải thích cho các bà mẹ thứ gì dẫn đến hội chứng IC ở trẻ nhỏ, và làm cách nào để ngăn chặn hoặc chữa trị được nó. Như thể tất cả mọi người đều bị mắc phải hội chứng IC này vậy; nhưng, với một số người, nghịch lý thay, đó lại chính là dấu hiệu để nhận biết họ. Lincoln, Napoleon, Teddy Roosevelt, Edison, và cả Shakespeare—tất cả đều đã phải chống chọi với chứng bệnh IC, theo lời một bài báo của Collier năm 1939. "Vậy nên", tờ tạp chí kết luận, "nếu bạn có một hội chứng Phức Cảm Tự Ti to bự đang phát triển, vậy thì bạn đã thực sự may mắn đến hết mức mà bạn có thể mong đợi rồi đấy, miễn là bạn có đủ chất để chống lưng cho nó".Nhưng bất chấp giọng điệu lạc quan của bài báo này, các chuyên gia nuôi dạy trẻ nhỏ của thập kỷ 1920 vẫn hạ quyết tâm giúp đỡ trẻ em phát triển một "tính cách để chiến thắng". Cho đến tận lúc đó, những người làm nghề này chủ yếu vẫn chỉ phải đương đầu với những bé gái phát triển tâm sinh lý quá sớm, hay những bé trai thích tập tành đua đòi làm băng đảng, du côn. Nhưng giờ những nhà tâm lý học, nhân viên công tác xã hội, và bác sĩ chú tâm hơn vào những đứa trẻ bình thường hàng ngày "có tính cách và tâm lý không bình thường"—đặc biệt là những em rụt rè và nhút nhát. Sự nhút nhát có thể dẫn đến những hậu quả đáng sợ, những cuốn sách hướng dẫn này cảnh báo, từ nghiện rượu cho đến tự tử; trong khi một tính cách năng động, xông xáo sẽ đem tới thành công cả về tài chính lẫn tinh thần. Các chuyên gia khuyên các vị phụ huynh hãy bắt trẻ em hòa đồng với tập thể hơn, khuyến khích trường học phải chuyển trọng tâm của mình từ học-trong-sách-vở sang "định hướng và dẫn đường cho sự phát triển tính cách của trẻ nhỏ". Các nhà giáo dục đã tiếp nhận vai trò này một cách vô cùng nồng nhiệt. Đến năm 1950, câu khẩu hiệu của Hội Nghị Nhà Trắng Nửa Thế Kỷ về Thanh Thiếu Niên đã là: "Một tính cách lành mạnh cho mọi con em của chúng ta".Những bậc phụ huynh—hoàn toàn có ý tốt—của thập kỷ 1950 đồng ý rằng im lặng là một thứ tính cách hoàn toàn không thể chấp nhận được, và tính hòa đồng tập thể là lý tưởng cho cả nam lẫn nữ. Một số còn ngăn cấm con em tiếp xúc với những thú vui quá nghiêm túc và cô độc, như âm nhạc cổ điển, e sợ rằng những thứ như vậy có thể khiến con họ trở nên kém nổi tiếng trong mắt bạn bè và những người xung quanh. Họ càng ngày càng gửi con mình đến trường sớm hơn, với mục tiêu chủ yếu là để các em học được cách hòa nhập vào với hoạt động tập thể một cách sớm nhất. Những trẻ em hướng nội thường bị đánh dấu như là những trường hợp có vấn đề (một tình huống cũng tương tự với bất cứ ai có con là người hướng nội ngày nay). Tác phẩm của William Whyte, "Con người của Tổ Chức" (The Organization Man), một trong những sách bán-chạy-nhất của năm 1956, đã miêu tả chi tiết việc các bậc cha mẹ định sửa chữa toàn diện tính cách ít nói của con trẻ như thế nào. "Việc học hành của Jonny ở trường giờ đang không được tốt cho lắm", Whyte nhớ lại một người mẹ đã kể với ông. "Thầy giáo có giải thích với tôi rằng điểm học tập của thằng bé thì ổn, nhưng vấn đề là sự tương tác xã hội của nó không được tốt như mong đợi. Nó thường chỉ chọn lấy một hay hai người bạn thật thân để chơi cùng mà thôi, và đôi lúc rất thoải mái dù phải ở một mình nữa". Các bậc cha mẹ hoan nghênh những sự can thiệp kịp thời như vậy, Whyte nói. "Chỉ trừ một vài bậc cha mẹ tính nết kỳ lạ, hầu hết đều rất biết ơn nhà trường đã làm việc hết sức nỗ lực để hạn chế xu hướng hướng nội cũng như bất kể sự phát triển tính cách bất bình thường nào khác".Những bậc cha mẹ theo đuổi xu hướng này hoàn toàn không hề ác độc, hay thậm chí chậm hiểu ngu ngốc gì. Họ chỉ đơn giản là đang chuẩn bị cho con trước khi chúng phải bước chân vào "thế giới thật". Khi những đứa trẻ này lớn lên và nộp đơn xin vào học đại học, rồi sau đó nữa là xin việc, các em sẽ phải đối mặt với cùng một hệ tiêu chuẩn hướng ngoại như vậy. Những ủy ban xét tuyển của các trường đại học tìm kiếm không chỉ những ứng cử viên vượt trội nhất, mà còn phải là những người hướng ngoại nhất. Tổng Giám Sự Hành Chính (provost) của đại học Harvard, Paul Buck, đã tuyên bố vào những năm 1940 rằng: Harvard nên khước từ tất cả những người "dễ nhạy cảm, dễ hoảng loạn", và cả những người "quá học thuật"; để ưu tiên cho những người có một tính cách "hướng ngoại lành mạnh". Vào năm 1950, hiệu trưởng trường đại học Yale, Alfred Whitney Griswold, tuyên bố rằng một Yalie (sinh viên trường Yale) lý tưởng không phải là một kẻ "mặt lầm mày lì, chỉ biết chú tâm vào học thuật chuyên ngành, mà phải là một con người phát-triển-toàn-diện". Một chủ nhiệm khoa khác thì nói với Whyte rằng "khi chọn lọc hồ sơ từ những trường cấp III, ông thấy hoàn toàn hợp lý khi luôn cân nhắc đến không chỉ những điều mà trường đại học muốn, mà cả những điều mà bốn năm sau này, các chủ doanh nghiệp sẽ muốn ở các cử nhân mới tốt nghiệp. "Họ thích những người hướng ngoại, chủ động", ông nói. "Vậy nên với chúng tôi, ứng cử viên hoàn hảo nhất là những người đạt khoảng 80 đến 85 điểm học thuật trung bình ở trường, và có vô số các chứng nhận hoạt động ngoại khóa trong học bạ. Chúng tôi gần như không có việc gì để dùng đến những loại người người hướng nội 'siêu thông minh'".Vị trưởng khoa này hiểu rất rõ rằng các nhân viên hiện đại của của thập niên giữa thế kỷ 20—kể cả ở những ngành nghề hiếm khi cần đến phải diễn thuyết trước đám đông và công luận nhất, như một nhà khoa học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm—không phải là những người thích đào sâu tư duy sâu sắc nữa, mà là một người hướng ngoại thân thiện, với tính cách của một người bán hàng hoàn hảo. "Như một thói quen, cứ mỗi khi từ ngữ 'thông minh' được dùng" Whyte nói, "nó đều hoặc được nối tiếp ngay sau bởi một chữ 'nhưng' ( trong 'Chúng tôi luôn cần những người thông minh, nhưng...' ); hoặc đi kèm với những từ như 'tính khí thất thường', 'lập dị, 'hướng nội', 'tâm thần không ổn định', v...v... ". "Những người này sẽ phải thường xuyên giao tiếp với các thành viên còn lại của công ty", trích lời một giám đốc trong thời những năm 1950, "và sẽ rất có ích nếu họ có thể tạo một ấn tượng tốt trong mắt những người đó". Công việc của một nhà khoa học không chỉ còn là tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm nữa, mà còn phải là chào bán được nó; và cái đó đòi hỏi một phong cách gật-đầu-cười-rạng-rỡ-khi-gặp-lướt-bạn-ở-hành-lang. Ở IBM, một tập đoàn rất trân trọng ý tưởng về "con người của công ty", mỗi sáng bộ phận bán hàng đều tập trung lại thành từng nhóm lớn và hát vang bài ca truyền thống của công ty, "Mãi Mãi Tiến Lên", và cùng hòa nhịp với bài hát "Cùng bán IBM", dựa vào giai điệu bài hát "Singin' in the Rain". "Cùng bán IBM", bài hát bắt đầu, "chúng ta bán IBM. Thật là một cảm giác tuyệt vời, cả thế giới là bè bạn của ta." Rồi họ bắt đầu tỏa đi các nơi để xử lý các công việc của họ, chứng minh rằng những người thuộc ủy ban tuyển sinh của đại học Harvard và Yale có lẽ hẳn đã đúng: chỉ có một loại người nhất định mới có thể nhiệt tình hào hứng khởi động mỗi buổi sáng của mình bằng cách như thế này.Những người còn lại trong biên chế nhân viên chỉ còn cách cố gắng xoay sở hết mức có thể của họ mà thôi. Và nếu lịch sử tiêu thụ thuốc và chế phẩm y học có thể chỉ ra điều gì đó, thì đấy là: rất nhiều người đã vô cùng suy sụp khi phải đối mặt với những áp lực như thế này. Vào năm 1955, một công ty dược phẩm có tên Carter-Wallace cho ra mắt sản phẩm thuốc-chống-khủng-hoảng mới của mình có tên Miltown, định nghĩa lại căng thẳng và lo lắng như là những kết cục tự nhiên của một xã hội mới, luôn cạnh tranh quyết liệt và không khoan nhượng. Miltown được quảng cáo nhắm tới nam giới, và ngay lập tức trở thành nhãn hiệu dược phẩm bán chạy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, theo lời của nhà sử học xã hội Andrea Tone. Đến 1956, cứ hai mươi người Mỹ thì có một người đã dùng thử nó, và đến 1960, một phần ba trong số những đơn thuốc của các bác sĩ là Miltown hoặc một loại thuốc khác có cùng tính năng tương tự, tên Equanil. "Lo lắng và căng thẳng là những vấn đề chung của toàn xã hội", quảng cáo in của Equanil nói rõ. Vào những năm 1960, quảng cáo thuốc an thần Serentil còn tuyên bố trực tiếp hơn thế nữa vào khả năng hấp dẫn của nó trong việc cải thiện năng lực biểu diễn trước xã hội của con người. "Cho những mối lo lắng và căng thẳng đến từ cảm giác không thể hòa nhập cùng số đông", mẩu quảng cáo đó nói, giọng đầy cảm thông. Tất nhiên, Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng không phải là một phát minh gì mới chỉ có ở xã hội hiện đại. Hướng ngoại là thành tố có trong cả từng nhiễm sắc thể của mỗi chúng ta. Dấu hiệu truy được về nó, tuy vậy, ở Châu Á và Châu Phi ít hơn hẳn so với ở Châu Mỹ và Châu Âu, những nơi dân số chủ yếu là con cháu của những người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Cũng rất hợp lý, các nhà nghiên cứu chỉ ra, khi thấy những người du hành khắp thế giới sẽ hướng ngoại hơn nhiều những người ở lại quê nhà—và rồi sau đó họ lại truyền lại những đặc tính đó cho con cháu của họ, rồi con cháu của con cháu của họ. "Vì đặc điểm tính cách cũng được di truyền một cách sinh học", nhà tâm lý học Kenneth Olson viết, "mỗi một cơn sóng di cư thành công lại đưa đến sự trỗi dậy của một quần thể dân số mới, hướng ngoại hơn nhiều những người ở lại quê hương ban đầu".Chúng ta cũng có thể lần ra nguồn gốc sự ngưỡng mộ của chúng ta với đặc tính hướng ngoại từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại, những người mà với họ khả năng diễn thuyết là một kỹ năng tối thượng; và từ đế chế La Mã, nơi của những người mà với họ hình phạt nặng nề nhất là bị trục xuất ra khỏi thành phố, xa khỏi cuộc sống nhộn nhịp ồn ã của nó, mãi mãi. Cũng tương tự như vậy, chúng ta tôn trọng những nhà lập quốc của chúng ta (đang nói tới nước Mỹ - chú thích của người dịch) chính xác là vì họ rất hùng hồn khi nói về chủ đề tự do: Cho tôi tự do, hoặc hãy cho tôi cái chết! Thậm chí cả những cuộc phục hưng Thiên Chúa giáo ở Mỹ, từ tận giai đoạn thời kỳ Đại Tỉnh Thức đầu tiên vào thế kỷ 18, cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng trình diễn của những vị mục sư, những người sẽ được coi là thành công nếu họ có thể khiến được đám đông, vốn bình thường ít nói và kín đáo, phải sụp xuống khóc lóc, hô vang, và dần dần mất cả tự chủ. "Không gì khiến tôi đau khổ và lo lắng hơn là phải nhìn một vị mục sư đứng gần như bất động, cứ rề rà đều đều giảng kinh như thể một nhà toán học đang bình tĩnh tính khoảng cách từ Mặt Trăng đến Trái Đất", một tờ báo tôn giáo phát hành năm 1837 phàn nàn.Cứ theo đà này sự khinh thị tiếp tục phát triển, những cư dân Mỹ bắt đầu ngưỡng mộ hành động và dần nghi ngờ trí tuệ; liên hệ hoạt động tư duy với thứ lối sống kiểu quý tộc Châu Âu yếu đuối, rề rà, kém hiệu quả mà họ đã bỏ lại phía sau. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1828, một giáo sư đại học Harvard, John Quincy Adams , tranh cử một-đối-một với Andrew Jackson , một vị tướng lĩnh quả quyết của quân đội Hoa Kỳ. Một áp phích vận động bỏ phiếu cho Jackson đã nêu cao câu khẩu hiệu phân biệt rõ rệt hai người với nhau: "John Quincy Adams người có thể viết / Và Andrew Jackson người có thể chiến thắng chiến tranh" ( Nguyên bản: "John Quincy Adams who can write / And Andrew Jackson who can fight."—Sự không chính xác ở ngôn từ là một sự cố ý để nhằm truyền tải phần nào tính vần điệu của nguyên bản—Chú thích của người dịch).Và kết quả của chiến dịch tranh cử đó? Kẻ biết chiến đã đánh bại kẻ biết viết, theo cách nói của nhà sử học văn hóa Neal Gabler. (John Quincy Adams, tình cờ, được giới tâm lý học chính trị nhận định là một trong số rất ít người hướng nội đã từng làm tổng thống).Nhưng sự trỗi dậy của Nền Văn Hóa Tính Cách đã làm căng thẳng thêm cho sự thiên vị đó, giúp nó không chỉ dừng lại ở địa hạt chính trị và tôn giáo nữa, mà còn cả tới tất cả mọi người dân bình thường khác. Và mặc dù các nhà sản xuất xà bông có thu được lợi nhuận cao hơn nhờ sự chuyển hướng tập trung vào vẻ thu hút và tác phong lãnh đạo, không phải ai cũng thấy thoải mái với sự phát triển này. "Sự tôn trọng mà chúng ta có dành cho những tính cách cá nhân đã chạm xuống mức thấp nhất trong lịch sử", một học giả phát biểu năm 1921. "Và thật là mỉa mai đến thi vị rằng không có một quốc gia nào trên thế giới lại luôn miệng nói về tính cách con người nhiều như chúng ta. Chúng ta thực sự có cả những trường học cho việc "tự thể hiện bản thân" và "tự phát triển tính cách", mặc dù hầu hết ý của chúng ta là những sự thể hiện và sự phát triển tính cách của một nhân viên môi giới nhà đất phát đạt".Một nhà phê bình khác lên án về sự chú ý rất ăn theo mà mọi người dân Mỹ đang dành cho những người làm giải trí: "Thật kỳ lạ khi nghĩ về mức độ chú ý mà sân khấu và những thứ khác gắn liền với nó đang nhận được mỗi ngày trên các mặt báo và tạp chí", ông phàn nàn. Chỉ 20 năm trước đó thôi—trong Nền Văn Hóa Của Đức Tính—những chủ đề như vậy sẽ bị coi là không phải phép, không đúng mực; vậy nhưng giờ đây chúng đã trở thành "một phần vô cùng quan trọng của xã hội, đến mức mà chúng đã trở thành chủ đề bàn luận trong tất cả các lớp học trên khắp đất nước". Thậm chí cả bài thơ nổi tiếng của T. S. Eliot viết năm 1915, Bản tình ca của J. Alfred Prufrock—mà ở đó ông phàn nàn về nhu cầu phải "chuẩn bị một khuôn mặt để gặp những khuôn mặt mà bạn sẽ phải gặp"—cũng có vẻ như một tiếng kêu xé lòng về nhu cầu mới quá lớn của xã hội trong việc tự tiếp thị bản thân. Trong khi những nhà thơ của thế kỷ trước có thể đi lang thang như những đám mây trôi vô định qua các miền quê (Wordsworth, vào năm 1802), hoặc đắm mình trong sự tĩnh lặng của Walden Pond (Thoreau, vào năm 1845); chàng trai Prufrock của Eliot luôn lo sợ bị nhìn bởi "những ánh mắt xa lạ, đóng khung bạn trong một lời miêu tả đã được công thức sẵn", và ghim bạn, bất chấp sự vùng vẫy chống trả, thật chặt vào một bức tường. Tua nhanh lại gần một trăm năm sau, và những lời phản đối của Prufrock được nhập vào chương trình học chính thức của học sinh phổ thông, nơi nó được máy móc học thuộc lòng một cách miễn cưỡng—rồi nhanh chóng quên lãng—bởi những thế hệ thiếu niên càng ngày càng thành thạo hơn trong việc định hình phong cách cả trên mạng lẫn ngoài đời của họ. Những học sinh này lớn lên trong một thế giới nơi mà danh hiệu, thu nhập, và cảm giác hài lòng với bản thân phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào khả năng đáp ứng những đòi hỏi của Nền Văn Hóa Tính Cách. Áp lực phải biểu diễn, phải tiếp thị bản thân, và không bao giờ phải lo lắng vì "không thể hòa nhập" được tiếp tục tăng lên mạnh mẽ. Số lượng những người Mỹ tự coi mình là nhút nhát, rụt rè tăng từ 40% vào những năm 1970 lên 50% vào thập kỷ 1990, có lẽ là vì chúng ta đã tự đo đếm mình dựa vào những tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều của việc tự-tiếp-thị-bản-thân một cách bạo dạn. "Chứng rối loạn lo lắng xã hội" (Social anxiety disorder)—vốn ban đầu để chỉ đến chứng sợ hãi vô căn cứ—bây giờ được coi là ảnh hưởng tới một phần năm dân số của chúng ta. Phiên bản mới nhất của cuốn Diagnostic and Statistical Manual (DSM-IV), được coi là Kinh Thánh trong việc chữa các chứng bệnh rối loạn tâm lý, coi nỗi sợ hãi khi phải thuyết trình trước đám đông là một trạng thái bệnh lý—không phải một nỗi phiền muộn, không phải một mối bất lợi, mà là một căn bệnh—nếu nó ảnh hưởng tới khả năng làm việc của của những người mắc phải. "Sẽ là không đủ", Daniel Goleman, một quản lý cấp cao ở Eastman Kodak nói với tác giả của cuốn sách, "nếu bạn chỉ có thể ngồi bên bàn máy tính và hào hứng vì một bản báo cáo thực trạng của công ty rất khả quan nào đấy, trong khi lại e ngại phải trình bày những kết quả tuyệt vời đó với ban lãnh đạo của công ty". (Và có vẻ ngược lại, sẽ là hoàn toàn OK nếu bạn ngại phải bỏ công sức ra làm một bản báo cáo thực trạng của công ty, nhưng lại rất hào hứng được diễn thuyết).Nhưng có lẽ cách tốt nhất để đo đếm được mức độ ảnh hưởng của Nền Văn Hóa Tính Cách trong thế kỷ 21 là quay trở lại với những trung tâm tự-giúp-đỡ-bản-thân. Ngày hôm nay, tròn một thế kỷ sau ngày Dale Carnegie lần đầu tiên thành lập lớp dạy nói trước đám đông đó ở YMCA, tác phẩm nổi tiếng hàng đầu của ông, Đắc Nhân Tâm, vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong số các sách bán chạy nhất của các nhà xuất bản trên thế giới. Học Viện Dale Carnegie giờ vẫn cung cấp các khóa học mở rộng từ lớp học gốc ban đầu của Carnegie, và khả năng giao tiếp thuần thục, trôi chảy vẫn giữ nguyên là thành tố quan trọng nhất trong cả giáo trình. Toastmasters, một tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 1924, với các thành viên gặp mặt nhau mỗi tuần một lần để để luyện tập nói trước công chúng, và với những người sáng lập tuyên bố rằng: "tất cả mọi nói chuyện đều là để bán hàng và tất cả mọi sự bán hàng đều phải qua nói chuyện" ("all talking is selling and all selling involves talking"), hiện nay vẫn đang phát triển vô cùng lớn mạnh, với hơn 12.500 câu lạc bộ trải dài trên khắp 113 nước khác nhau trên thế giới.Video quảng cáo cho website của Toastmasters giới thiệu hai người đồng nghiệp, Eduardo và Sheila, ngồi trong hàng ghế khán giả của "Hội Nghị Kinh Doanh Toàn Cầu Lần Thứ Sáu". Ở phía xa, có một diễn giả căng thẳng đang hết sức vụng về giới thiệu một bài diễn thuyết thảm hại tới tội nghiệp trên khán đài. "Tôi thật mừng mình không phải là anh ta," Eduardo thì thầm."Anh đang đùa đấy phải không?", Sheila hỏi lại với một nụ cười đắc thắng. "Chẳng lẽ anh không nhớ tới buổi thuyết trình về doanh số của công ty với các khách hàng mới vào tháng trước ư? Lúc đó tôi còn tưởng là anh sẽ ngất luôn trên bục diễn thuyết đấy"."Thôi nào, chắc chắn là tôi không tệ đến mức đấy chứ?""Ồ có, anh thực sự đã tệ đến mức vậy đấy. Rất tệ. Tệ nhất tôi đã từng thấy, nếu tôi có thể nói vậy".Eduardo trông hiển nhiên xấu hổ một cách rất hợp lý, trong khi người đồng nghiệp có vẻ rất thiếu tế nhị tên Sheila vẫn tiếp tục."Nhưng", Sheila nói, "anh hoàn toàn có thể sửa được nó. Anh hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Anh đã bao giờ nghe đến Toastmasters chưa?"Sheila, một nữ doanh nhân tóc nâu trẻ và xinh đẹp, kéo Eduardo tới một buổi gặp mặt định kỳ của Toastmasters. Ở đó, cô tình nguyện xung phong làm mẫu cho một hoạt động có tên "Sự Thật hay Giả Dối", ở đó người tham gia có nhiệm vụ phải kể cho 15 khán giả có lẻ một câu chuyện về cuộc đời mình, để sau đó họ sẽ quyết định xem liệu đó có phải là sự thật hay không."Tôi cá là mình có thể lừa tất cả mọi người", cô nói nhỏ với Eduardo, trước khi dõng dạc tiến tới bục sân khấu. Cô kể một câu chuyện vô cùng tỉ mỉ về những năm tháng của cuộc đời mình khi còn là một ca sĩ opera, kết thúc với quyết định dứt khoát nhất của cuộc đời cô là rời bỏ tất cả sự nghiệp đó để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Khi cô kết thúc, ủy viên Toastmaster có mặt tại đó hỏi mọi người xem liệu họ có quyết định tin vào câu chuyện của Sheila hay không. Tất cả mọi người đều giơ tay. Người ủy viên sau đó liền quay trở lại phía Sheila, và hỏi xem liệu đó có phải là một câu chuyện thật hay không."Tôi thậm chí còn không thể xướng nổi dù chỉ một nốt!" cô cười rạng rỡ.Sheila có thể hiện lên như một người thiếu thành thật, nhưng cũng dễ có thể cảm thông được. Cũng như những độc giả đầy lo lắng của những cuốn sách tự-giúp-đỡ của thập kỷ 1920, cô chỉ đang cố vượt lên dẫn đầu trong văn phòng của mình. "Có quá nhiều sự cạnh tranh trong môi trường làm việc của tôi", cô bộc bạch trước máy quay, "và nó khiến việc luôn giữ cho các kỹ năng của tôi thật sắc bén quan trọng hơn bao giờ hết".Nhưng thật sự thì "giữ những kỹ năng của mình sắc bén" là gì? Có phải chúng ta có nên tập luyện thật thành thạo những kỹ năng tự-tiếp-thị-bản-thân, để có thể che giấu hoàn toàn mục đích và ý đồ thực sự của mình trước mặt người khác? Có phải chúng ta nên học cách làm-chủ-sân-khấu giọng nói của chúng ta, cử chỉ, ngôn ngữ hình thể của chúng ta, để chúng ta có thể nói—không, bán—bất cứ câu chuyện nào mà chúng ta muốn? Đây có vẻ là một ham muốn rất thiếu trung thực, một mốc đánh dấu việc chúng ta đã đi xa được đến đâu—và không phải theo bất cứ nét nghĩa tốt nào của câu nói này—kể từ những năm tháng thơ ấu của Dale Carnegie.Cha mẹ của Dale có những tiêu chuẩn đạo đức rất cao; họ muốn con trai họ theo đuổi sự nghiệp trong ngành giáo dục, hoặc tôn giáo, chứ không phải bán hàng. Có vẻ sẽ rất khó có chuyện họ chấp nhận một kỹ thuật cải-thiện-bản-thân như là "Sự Thật hay Giả Dối". Hay, cũng như thế, những lời khuyên bán-chạy-hàng-đầu của Carnegie về việc làm thế nào để khiến người khác ngưỡng mộ và làm theo ý bạn. Cuốn sách Đắc Nhân Tâm đầy các chương với những tựa đề như "Khiến người khác vui lòng làm những gì bạn muốn", hay "Làm thế nào để khiến người khác thích bạn ngay tức thì".Tất cả đều đưa đến một câu hỏi: Làm thế nào mà chúng ta đã đi từ Nền Văn Hóa Của Đức Tính tới Nền Văn Hóa Của Tính Cách, mà không nhận ra mình đã hy sinh rất nhiều thứ vô cùng ý nghĩa trên đường đi? 

 2.NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ MỘT KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO THU HÚT

 Nền Văn Hóa Của Tính Cách, 100 năm sauXã hội tự nó đã là một hệ giáo dục theo những tiêu chuẩn hướng ngoại, và hiếm có một xã hội nào lại thuyết giảng về nó nhiều đến thế. Không có một con người nào lại là một hoang đảo cô lập cả, nhưng liệu John Donne sẽ đau đớn đến đâu khi biết câu nói đó của mình đã bị lặp lại nhiều đến thế nào, và vì lý do gì.—WILLIAM WHYTEKỹ Năng Bán Hàng, khi được coi như một Đức Hạnh: Trực tiếp với Tony Robbins"Chị có hào hứng không?" một người phụ nữ tên Stacy kêu lên phấn khích khi tôi trao lại cho cô bản đăng ký của mình. Chất giọng đường mật của cô kéo lên thành một dấu chấm than lớn. Tôi gật và cố cười một cách rạng rỡ nhất có thể. Từ phía bên kia dãy hành lang của Trung Tâm Hội Nghị Atlanta, tôi có thể nghe thấy những tiếng người đang hét lên vì phấn khích."Tiếng gì vậy?" tôi hỏi."Họ đang giúp mọi người thật hào hứng để sẵn sàng vào trong!" Stacy đáp rạng rỡ. "Đó cũng là một phần trong trải nghiệm của khóa học UPW mà!". Cô đưa tôi một tập bìa gáy lò xo màu tím và một tấm bảng tên ép nhựa trong để đeo quanh cổ. GIẢI PHÓNG SỨC MẠNH BÊN TRONG (Unleash The Power Within, tức UPW), cuốn sổ tuyên bố rất dõng dạc bằng những chữ in hoa nổi bật trên bìa trước. Chào mừng đến với buổi seminar nhập môn của Tony Robbins.Tôi đã phải trả trước 895 đô-la để đổi lại, theo như những lời quảng cáo, được học cách trở nên hào hứng, nhiệt huyết hơn, có thể phát triển và thành công hơn nữa trong cuộc sống, và chiến thắng mọi nỗi sợ hãi trong lòng tôi. Nhưng sự thực là tôi không đến đây để "giải phóng sức mạnh bên trong" (mặc dù tôi vẫn sẽ rất vui lòng nếu có thêm được một vài lời khuyên sáng suốt). Tôi ở đây là vì buổi seminar này là điểm dừng đầu tiên trong hành trình tìm hiểu về Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng của tôi.Tôi đã từng được xem các phim quảng cáo của Tony Robbins—ông khẳng định mình luôn có ít nhất một phim quảng cáo được chiếu tại bất cứ thời điểm nào—và lập tức có ấn tượng rằng đây là một người thuộc về nửa hướng ngoại hơn của thế giới. Ông là vua của các sản phẩm tự-giúp-đỡ, với một danh sách khách hàng bao gồm cả những cái tên như Tổng thống Clinton, Tiger Woods, Nelson Mandela, Margaret Thatcher, Công nương Diana, Mikhail Gorbachev, Mẹ Teresa, Serena Williams, Donna Karan—và hơn 50 triệu người khác nữa. Và ngành công nghiệp tự-giúp-đỡ, thị trường mà mỗi năm người dân Mỹ đổ vào hơn 11 tỷ đô-la, về ngay định nghĩa của nó đã hé lộ cho chúng ta thấy khái niệm về một con người hoàn hảo, kiểu mẫu của mình, hình tượng mà mỗi chúng ta đều nỗ lực hết sức để trở thành, chỉ cần bằng cách làm theo bảy nguyên tắc của cái này hoặc ba quy luật của cái kia. Tôi muốn tìm hiểu rõ hơn hình tượng kiểu mẫu này thực sự như thế nào.Stacy hỏi tôi có mang theo đồ ăn không. Nghe có vẻ như một câu hỏi rất lạ: Ai lại chuẩn bị đồ ăn theo, cho một chuyến đi chỉ ngắn như từ New York tới thành phố Atlanta? Cô giải thích rằng tôi sẽ muốn nạp lại năng lượng ngay tại chỗ ngồi của mình; bởi vì trong vòng bốn ngày tới, từ Thứ Sáu tới Thứ Hai, chúng tôi sẽ liên tục hoạt động mười lăm tiếng mỗi ngày, 8 giờ sáng tới 11 giờ tối, với chỉ duy nhất một khoảng nghỉ ngắn vào buổi trưa. Tony sẽ ở trên sân khấu trong suốt cả quãng thời gian đó, và tôi chắc chắn sẽ không muốn bỏ lỡ dù chỉ một phút nào đâu.Tôi nhìn quanh khắp cả gian đại sảnh. Những người khác có vẻ đều đã chuẩn bị sẵn sàng trước khi tới—họ đang dạo bước trong dãy hành lang, vui vẻ xách theo những túi đồ mua sắm đầy nhóc những thanh PowerBars , chuối và bánh snack ngô. Tôi nhặt lấy vài quả táo hơi bị xây xát một chút từ quầy đồ ăn vặt, và bắt đầu chen chân vào khán phòng. Những người đón tiếp mặc áo phông in chữ UPW và mang những nụ cười rạng rỡ chắn trước lối đi, nhảy lên nhảy xuống, cụng nắm đấm tay với nhau đầy hào hứng. Bạn sẽ không thể chen chân vào mà không đập tay với họ một phát. Tôi biết chắc, bởi vì chính tôi đã thử.Bên trong khán phòng rộng lớn, cả một đội các vũ công đang làm nóng không khí trên nền bài hát của Billy Idol, "Mony Mony", khuếch đại bởi những bộ dàn âm thanh chất lượng cao nhất, và được chiếu lớn trên một màn hình Megatron khổng lồ phía sau. Họ chuyển động ăn nhịp với nhau không khác gì các vũ công minh họa cho video clip âm nhạc của Britney Spears, nhưng đều ăn vận đồ trang phục công sở như những nhà quản lý doanh nghiệp. Vũ công chính của họ là một anh bạn tầm trên dưới bốn mươi tuổi gì đó, hói đầu và bận áo sơ mi trắng, đeo cà vạt công sở, tay áo xắn cao, và mang một nụ cười rất-vui-được-gặp-bạn trên khuôn mặt rạng rỡ. Thông điệp ở đây có vẻ là tất cả chúng ta đều có thể học được cách hồ hởi và đầy năng lượng sống thế này vào mỗi sáng thức dậy.Quả thực vậy, những động tác này đủ đơn giản để các khán giả có thể bắt chước ngay từ chỗ ngồi của mình: bật dậy và vỗ hai tay, vỗ sang trái, vỗ sang phải. Khi nhạc nền chuyển sang bài hát "Gimme Some Lovin'", rất nhiều người trong số khán giả đã leo hẳn lên trên chiếc ghế ngồi kim loại của mình, vẫn tiếp tục hú hét và vỗ tay theo nhịp rất xung. Tôi đứng một mình, có vẻ gì đó hơi khó chịu, hai tay khoanh chặt trước ngực; rồi quyết định rằng chẳng có việc gì khác hơn để làm ngoài tham gia với mọi người, và cũng bắt đầu nhảy lên xuống cùng những người xung quanh tôi.Cuối cùng thì khoảnh khắc tất cả cùng trông đợi cũng đã tới: Tony Robbins xuất hiện trên sân khấu. Đã quá khổng lồ với chiều cao hai mét mốt, trông ông lại còn cao thêm đến cả hàng vài ba chục mét nữa khi được phóng lớn trên chiếc màn hình Megatron vĩ đại phía sau. Ông có vẻ ngoài đẹp-trai-đúng-kiểu-diễn-viên, mái tóc nâu rậm, nụ cười sáng lóa mắt, và xương gò má cao rõ ràng. TRẢI NGHIỆM TRỰC TIẾP CÙNG TONY ROBBINS, các quảng cáo của buổi seminar hứa hẹn, và giờ đúng là ông ấy đang ở đây, cùng nhảy với đám đông bên dưới vô cùng phấn khích.Nhiệt độ trong khán phòng chắc chỉ vào khoảng 10oC, nhưng Tony lại đang mặc một chiếc áo sơ-mi ngắn tay và quần soóc. Rất nhiều người trong số khán giả có mang cả chăn theo, dường như đã biết trước hội trường sẽ được giữ ở mức nhiệt độ như-tủ-lạnh thế này, như là để khuyến khích những động tác vận động tràn đầy năng lượng của Tony. Phải cần cả một Kỷ Băng Hà nữa mới có thể làm nguội người đàn ông này. Ông đang nhảy tưng tưng trên sân khấu, cười rạng rỡ, và bằng cách nào đấy, vẫn có thể giữ giao tiếp bằng mắt với tất cả hơn 3800 người ở đây. Những người tiếp đón ban nãy giờ cũng nhảy cùng mọi người rất xung trên những lối trống giữa các dãy ghế. Tony dang hai cánh tay thật rộng, như thể muốn ôm lấy hết tất cả chúng tôi. Nếu chúa Jesus quay trở lại Trái Đất và ghé thăm Trung Tâm Hội Nghị Atlanta đầu tiên, cũng khó có thể hình dung một sự tiếp đón rạng rỡ, hân hoan đến được hơn thế.Điều này đúng kể cả ở hàng ghế sau cùng nơi tôi ngồi, bên cạnh những người chỉ trả 895 đô-la cho một "sự tiếp nhận chung", trái ngược hẳn với những người đã trả 2500 đô thuộc nhóm "Thành Viên Danh Dự Cấp Kim Cương", cho bạn một chỗ ngồi ngay sát hàng ghế đầu, gần Tony nhất mức có thể. Khi tôi gọi điện đặt mua vé của mình, người trực điện thoại đã khuyên tôi rằng những người ngồi ở các hàng ghế đầu—nơi "chị chắc chắn sẽ được nhìn thẳng vào Tony!", thay vì phải dựa vào hình ảnh phóng đại trên màn hình Megatron—thường sẽ "thành công hơn trong cuộc sống". "Đó là những người sẽ có nhiều năng lượng sống hơn", cô khuyên tôi. "Là những người hò hét nhiệt tình nhất". Tôi không có cách gì để biết xem những người xung quanh tôi thành công đến đâu trong cuộc sống riêng của họ, nhưng họ chắc chắn là rất phấn khích vui sướng khi được có mặt ở đây. Ngay khi nhìn thấy Tony, đã được cẩn thận chỉnh trang để càng làm nổi bật hơn khuôn mặt ấn tượng của ông trên sân khấu lớn, họ hét vang và đổ rạp về phía trước, đúng phong cách trong những buổi live-show nhạc Rock.Chẳng mấy lâu sau đó, chính tôi cũng tham gia cùng họ. Tôi luôn luôn thích nhảy, và tôi cũng phải thừa nhận rằng di chuyển xung quanh cùng tất cả đám đông trên những nền nhạc của Top 40 bài hát nổi tiếng quả là một cách tuyệt vời để giết thời gian. Giải phóng sức mạnh đến trước hết từ một mức năng lượng sống thật lớn, theo lời của Tony nói, và tôi có thể phần nào hiểu được ý ông. Không trách gì tại sao nhiều người sẵn sàng đi từ những nơi rất xa đến để được gặp ông trực tiếp (có một người phụ nữ từ Ukraine đang ngồi—không, đang nhảy—ngay bên cạnh tôi với một nụ cười hết sức rạng rỡ). Tôi chắc chắn phải quay lại tập aerobic khi trở về New York mới được, tôi quyết định. Khi âm nhạc cuối cùng cũng kết thúc, Tony bắt đầu nói với tất cả khán giả bằng một giọng nói khàn khàn, nửa Muppet, nửa kiểu quyến-rũ-trong-phòng-ngủ, giới thiệu lý thuyết mới của ông về "Tâm Lý Học Thiết Thực" ("Practical Psychology"). Trọng tâm của nó là: kiến thức sẽ là vô dụng nếu không đi đôi với hành động. Ông có một phong cách nói nhanh, quyến rũ mà Willy Loman cũng phải ghen tỵ. Thể hiện tâm lý học thiết thực thông qua hành động, Tony yêu cầu chúng tôi tìm lấy một đồng đội và chào nhau như thể tự mình cảm thấy rất kém cỏi so với người kia, và rất sợ sự không thừa nhận của xã hội. Tôi bắt cặp với một anh công nhân xây dựng đến từ Atlanta, và chúng tôi trao đổi những cái bắt tay ngại ngùng, cúi riệt đầu nhìn xuống đất, trong khi phía sau là bài nhạc nền "I Want You to Want Me" ("Tôi muốn bạn muốn tôi").Rồi Tony hô to một loạt các câu hỏi đã được chuẩn bị rất khéo léo:"Có phải hơi thở của các bạn chứa đầy sự nông cạn không?" "NÔNG CẠN!" đám đông đồng thanh hét lớn."Các bạn vừa ngại ngùng hay thoải mái tiếp cận họ không sợ hãi?""NGẠI NGÙNG!" "Cơ thể của các bạn có căng thẳng không, hay rất thoải mái?""CĂNG THẲNG!"Tony yêu cầu chúng tôi làm lại bài tập một lần nữa, nhưng thay vì ngại ngùng thì lần này, chúng tôi sẽ chào đối tác của mình như thể ấn tượng mà chúng tôi tạo ra trong vòng ba đến năm giây đầu tiên sẽ quyết định hoàn toàn việc liệu họ có ký kết kinh doanh với chúng tôi hay không. Nếu thất bại, thì "tất cả những người mà các bạn yêu quý sẽ chết như lũ lợn dưới địa ngục".Tôi giật mình bởi sự nhấn mạnh của Tony về sự thành công hay không trong kinh doanh—đây là một buổi seminar về sức mạnh cá nhân, chứ không phải kỹ năng bán hàng. Và rồi tôi nhớ ra rằng Tony không chỉ là một huấn luyện viên kỹ năng sống, mà còn là ví dụ điển hình của một doanh nhân thành đạt. Ông đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình trong ngành buôn bán và giờ giữ chức vụ chủ tịch của bảy tập đoàn tư nhân. Tạp chi BusinessWeek có lần đã ước tính, tổng thu nhập của ông phải đến 80 triệu đô-la Mỹ mỗi năm. Giờ ông có vẻ đang cố gắng, bằng hết sức của tính cách vĩ đại của mình, để truyền lại cho các học viên những kỹ năng bán hàng của ông. Ông muốn chúng tôi không chỉ cảm thấy tuyệt vời về bản thân, mà phải phát tỏa ra các luồng sóng năng lượng; không phải chỉ được mọi người ưa thích, mà phải là được mọi người cực kỳ mến mộ; ông muốn chúng tôi phải làm chủ được cách tự tiếp thị bản thân. Tôi từ trước đó đã nhận được lời khuyên của Công Ty Anthony Robbins, thông qua một bản báo cáo cá nhân dài bốn mươi lăm trang, tự động tổng hợp từ một bài kiểm tra tính cách tôi đã thực hiện để chuẩn bị cho tuần này, rằng "Susan" nên thay đổi xu hướng chỉ nói về, thay vì chào bán, những ý tưởng của cô ta. (Bản báo cáo được viết từ ngôi thứ ba, như thể là một bản nhận xét chi tiết của một vị quản lý vô hình nào đó đang đánh giá năng lực giao tiếp của tôi).Các khán giả lại chia thành từng cặp một lần nữa, lần này rất nhiệt tình giới thiệu bản thân và lắc thật mạnh tay của đối tác. Khi chúng tôi kết thúc, các câu hỏi lại tiếp tục:"Các bạn có cảm thấy tốt hơn, có hay không?""CÓ!""Các bạn có dùng cơ thể của mình khác đi không, có hay không?""CÓ!""Các bạn có dùng nhiều cơ bắp hơn trên khuôn mặt mình, có hay không?""CÓ!""Các bạn có rất thoải mái tiếp cận họ không, có hay không?""CÓ!"Bài tập này có vẻ được thiết kế để cho mọi người thấy rằng trạng thái tâm lý có thể ảnh hưởng đến thái độ và hành động của chúng ta như thế nào, nhưng nó cũng đồng thời gợi ý rằng kỹ năng bán hàng vượt trội hơn hẳn mọi dạng tương tác trung lập khác. Nó ngầm tuyên bố rằng mọi cuộc gặp gỡ chúng ta thực hiện đều là một canh bạc với rất nhiều mạo hiểm, mà trong đó ta thắng được hoặc thua mất thiện cảm của đối phương. Nó thúc chúng ta phải đối mặt với nỗi sợ hãi trong giao tiếp xã hội bằng một tác phong hướng ngoại hết mức có thể. Chúng ta phải tràn đầy năng lượng và tự tin, phải không được tỏ ra rụt rè lo lắng, phải nở những nụ cười thật rạng rỡ để người đối diện cũng phải cười lại với mình. Làm theo những bước này sẽ khiến chúng ta tự cảm thấy tốt hơn—và càng tự cảm thấy tốt hơn, chúng ta sẽ càng tiếp thị bản thân mình thành công hơn. Tony có vẻ là người hoàn hảo để thể hiện những kỹ năng này. Ông tạo cho tôi ấn tượng về một tính cách "bùng cháy"—một dạng hướng-ngoại-được-kích-thích-mạnh, theo cách dùng từ của một nhà tâm thần học, bởi "tính cách cố hữu cởi mở, vui vẻ lạc quan, luôn tràn đầy năng lượng, và hết mực tự tin" từ lâu đã được thừa nhận là tài sản vô giá trong kinh doanh, đặc biệt là trong kỹ năng bán hàng. Những người có các đặc tính này thường sẽ là những người bạn vô cùng được mến mộ, như chính Tony trên sân khấu lúc này vậy.Nhưng nếu bạn ngưỡng mộ những người có tính cách bốc lửa xung quanh mình, nhưng đồng thời cũng rất ưa thích bản tính bình tĩnh và thích suy nghĩ của mình thì sao? Sẽ ra sao nếu bạn yêu kiến thức chỉ vì chính nó, chứ không phải chỉ để phục vụ như những bản kế hoạch cho các hành động cụ thể, thiết thực? Liệu có sai không nếu bạn ước sẽ có nhiều hơn, chứ không phải ít đi, những người thích đào sâu suy nghĩ trên thế giới?Tony có vẻ đã dự đoán trước các câu hỏi này: "Nhưng chính tôi cũng đâu phải là một người hướng ngoại, các bạn thấy đấy!" ông nói với chúng tôi ngay từ lúc bắt đầu buổi seminar. "Thế tức là sao? Bạn không cần phải là một người hướng ngoại để cảm thấy yêu đời!"Nghe cũng đúng. Nhưng có vẻ, theo Tony, bạn tốt nhất nên đóng giả làm một người hướng ngoại, nếu bạn không muốn phá hỏng công cuộc kinh doanh của mình, và chứng kiến tất cả mọi người mà mình yêu quý chết như lũ lợn dưới địa ngục. Buổi tối kết thúc bằng nghi lễ Bước Trên Lửa, một trong những hoạt động đã trở thành biểu tượng của các khóa seminar của UPW, khi chúng tôi—người học—được thách thức phải bước qua một thảm than nóng đỏ dài đến hơn ba mét mà không làm bỏng da chân. Rất nhiều người đã đăng ký tham gia học cùng UPW cũng vì họ đã nghe về nghi thức Bước Trên Lửa này, và muốn tự mình trải nghiệm nó. Ý tưởng ở đây là học cách đẩy trí não của mình tới mức độ không hề sợ hãi cao đến nỗi có thể chịu được đến 650 độ than hồng nóng bỏng. Cho tới lúc đó, chúng tôi đã dành suốt hàng nhiều giờ liền thực hành và luyện tập kỹ thuật của Tony—những bài thể dục, những động tác nhảy, những kỹ thuật tự tưởng tượng trong đầu. Tôi để ý thấy rằng những người trong khán đài đang bắt đầu vô thức bắt chước từng động tác một của Tony, kể cả động tác biểu tượng của ông, đấm mạnh một tay vào bàn tay còn lại như một vận động viên bóng chày chuẩn bị ném bóng. Buổi tối lên dần tới đỉnh điểm khi cuối cùng, ngay trước nửa đêm, chúng tôi hành quân ra bãi xe theo đúng tác phong của một đám rước đuốc, gần bốn nghìn người cùng nhịp bước, hô to "CÓ! CÓ! CÓ!" như những nhịp đập trống của một đoàn thổ dân nào đấy. Điều này có vẻ có tác động kích thích mãnh liệt tới các đồng bạn cùng tham gia khóa học UPW của tôi, nhưng với tôi cái nhịp xướng tập thể như cứ như tiếng trống hành quân này—CÓ! Tùng-tùng-tùng-tùng, CÓ! Rầm-rầm-rầm-rầm, CÓ! Tùng-tùng-tùng-tùng—nghe cứ như thứ một vị tướng La Mã sẽ cho xướng lên để thông báo sự có mặt của mình tới một thành phố ông sắp sửa kéo quân vào cướp phá ấy. Những người giữ cửa lúc nãy bảo vệ cửa chính khán đài, với những cú đập tay và những nụ cười rạng rỡ, nay lại biến thành những người bảo vệ cho nghi lễ Bước Trên Lửa, tay khoanh chặt, đứng thành hai hàng dài bảo vệ kín hai bên thành cây cầu lửa.Như tôi có thể nói một cách chắc chắn nhất, sự thành công của một pha Bước Trên Lửa không phụ thuộc nhiều lắm vào trạng thái tâm lý của bạn bằng việc da bàn chân của bạn dày được đến đâu, vậy nên tôi quyết định chỉ im lặng quan sát từ một khoảng cách an toàn. Nhưng có vẻ tôi là người duy nhất lui bước. Hầu hết các học viên UPW tham gia đều đã vượt qua thành công, hú hét ầm ĩ khi họ sang tới đầu bên kia an toàn."Tôi làm được rồi!" họ kêu lớn khi ra được phía bên kia. "Tôi làm được rồi!"Họ đã hoàn toàn bước vào trạng thái tâm lý Tony Robbins. Nhưng chính xác thì thứ trạng thái tâm lý này bao gồm những gì?Nó là, trước nhất và đầu tiên, một tâm lý superior (vượt trội—coi bản thân siêu việt hơn những người khác)—liều thuốc giải độc hoàn hảo cho chứng Phức Cảm Tự Ti của Alfred Adler. Tony từ chối dùng từ vượt trội, thay vào đó dùng chữ sức mạnh (ngày nay chúng ta quá phức tạp để có thể đóng khung hành trình tự cải thiện bản thân của mình vào những cụm từ thuần túy chỉ thứ bậc trong giao tiếp như thế, điều chúng ta vẫn làm trong buổi đầu của Nền Văn Hóa Đức Tính); nhưng tất cả mọi thứ về ông đều là những bài luyện tập để trở nên vượt trội, từ cái cách ông thỉnh thoảng gọi đám đông khán giả là "các cô bé cậu bé", tới câu chuyện ông kể về ngôi nhà lớn khổng lồ và tất cả những người bạn đầy quyền lực của ông, cho tới cách ông đứng cao vượt lên—theo đúng nghĩa đen—trên hẳn đám đông. Kích thước lớn siêu nhân đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong thương hiệu của ông; và tiêu đề cuốn sách mới nhất của ông, "Đánh Thức Người Khổng Lồ Bên Trong Bạn" ("Awaken the Giant Within"), đã nói lên tất cả. Cả kiến thức của ông cũng rất đáng ấn tượng nữa. Mặc dù ông tin giáo dục đại học đã được đề cao quá mức (bởi vì chúng không dạy bạn về cảm xúc và cơ thể của bạn, ông nói), và đã rất chậm chạp trong việc viết cuốn sách tiếp theo của mình (bởi vì ngày nay chẳng ai đọc nữa, Tony nói tiếp), ông đã xoay sở để có thể hoàn toàn hiểu thấu công trình của nhiều nhà tâm lý học hàn lâm, và đóng gói được tất cả các nghiên cứu này, hết sức gọn ghẽ, vào trong một show diễn vô cùng hoành tráng, giúp khán giả tự họ có thể rút ra được nhiều suy ngẫm có giá trị.Một phần trong sự thiên tài của Tony đến từ lời hứa ngầm của ông với khán giả rằng họ cũng có thể như ông, trải qua quá trình biến đổi từ kẻ tự ti nhỏ bé thành người vượt trội siêu phàm. Ông không phải từ trước đến giờ đã luôn luôn lớn, luôn luôn vượt trội thế này đâu, ông bảo với chúng tôi. Khi còn bé, ông chỉ là một đứa nhóc nhỏ xíu. Trước khi có được một thể hình đẹp, ông đã từng béo phì nặng. Và trước khi làm chủ cả một tòa lâu đài tại Del Mar, California; ông đã ở trong một căn hộ cho thuê nhỏ đến mức ông phải giữ bát đĩa bẩn trong bồn tắm. Điều ngầm ám chỉ ở đây là tất cả chúng ta đều có thể vượt qua bất kể những thứ gì đang ghìm chân mình xuống, và rằng kể cả những người hướng nội nhất cũng có thể học cách vừa bước được trên than nóng vừa hô to một tiếng lớn khỏe mạnh: "CÓ!"Phần thứ hai trong trạng thái suy nghĩ của Tony là ở thiện ý của ông. Ông sẽ không thể truyền cảm hứng cho nhiều người được đến thế nếu ông đã không làm cho họ thấy được rằng ông thực sự quan tâm đến việc giải phóng nguồn sức mạnh tàng ẩn bên trong từng người họ. Khi Tony ở trên sân khấu, bạn sẽ có cảm giác là ông đang hát hò, nhảy múa và thể hiện cảm xúc với toàn bộ năng lượng và nhiệt huyết của mình. Có những khoảnh khắc, khi cả đám đông tất cả đều đứng, hát và nhảy múa trong cùng một nhịp, bạn sẽ thấy là mình không thể không yêu ông được; như cách rất nhiều người yêu Obama với một sự ngỡ ngàng vui thích khi họ lần đầu tiên nghe ông nói về quyết tâm vượt qua mọi tranh chấp chính trị. Có một lúc, Tony nói về những nhu cầu khác nhau con người cần—tình yêu, sự chắc chắn, sự đa dạng, v... v... Ông được thúc đẩy bằng tình yêu, ông nói với chúng tôi, và chúng tôi đều tin ông.Nhưng cũng có cả điều này nữa: trong suốt buổi seminar, ông liên tục cố gắng "dụ khị" chúng tôi mua thêm các sản phẩm của ông. Ông và đội ngũ bán hàng của mình dùng những sự kiện của UPW, nơi những người đến dự đã phải trả một khoản kha khá để được đến rồi, để quảng cáo cho những buổi seminar kéo dài hàng vài ngày khác với những tên gọi còn hấp dẫn hơn, và những bảng giá tiền còn chua chát hơn nữa: "Cuộc Hẹn với Định Mệnh", giá khoảng 5000 đô-la; "Đại Học Bá Chủ", khoảng 10.000 đô la; và nhất là gói "Đối Tác Bạch Kim", dịch vụ mà với giá tiền trọn gói 45.000 đô-la Mỹ một năm, cho bạn và mười một Đối Tác Bạch Kim khác quyền được tham gia một chuyến du lịch nước ngoài kỳ thú với Tony.Trong khoảng thời gian nghỉ trưa, Tony vẫn nán lại sân khấu với người vợ tóc vàng xinh đẹp ngọt ngào của mình, Sage, nhìn đăm đắm vào mắt cô, ve vuốt mái tóc cô, thì thầm vào tai cô. Tôi đã kết hôn và rất hạnh phúc, nhưng ngay lúc này đây Ken đang ở New York và tôi ở Atlanta, và đến cả tôi cũng phải thấy cô đơn khi nhìn cảnh này. Sẽ thế nào nếu tôi là một người còn độc thân hoặc đang gặp bất hạnh trong hôn nhân chứ? Nó hẳn sẽ "kích động một khát khao cháy bỏng" trong tôi, hệt như Dale Carnegie đã khuyên những người bán hàng hãy làm với các khách hàng tiềm năng của họ nhiều năm trước. Và quả đúng vậy, khi giờ nghỉ trưa kết thúc, một video dài được chiếu trên màn hình Megatron, quảng bá cho khóa học seminar về củng cố các mối quan hệ của Tony.Trong một phần chắc hẳn cũng đã được trù tính kỹ lưỡng khác, Tony dành hẳn một phần thời lượng của buổi học để giải thích những lợi ích về tài chính và tinh thần có thể đạt được khi ta tự vây quanh mình bằng "nhóm bạn" thích hợp, ngay sau đó một nhân viên trong đội ngũ bán hàng bắt đầu một bài nói quảng cáo cho gói Đối Tác Bạch Kim 45.000 đô-la. Những người bỏ tiền mua lấy một trong mười hai vị trí của nhóm người này sẽ được tham dự "nhóm bạn tuyệt đỉnh", chúng tôi được bảo vậy—những người "đỉnh của đỉnh", "tinh hoa của tinh hoa của tinh hoa".Nhưng tôi không thể không thắc mắc rằng tại sao không một ai trong số các học viên UPW có vẻ phiền lòng, hoặc thậm chí là chỉ để ý thấy, những kỹ thuật dụ khị mua hàng này. Cho đến giờ rất nhiều người trong số họ đều đã có những túi mua hàng to đùng đặt ngay cạnh chân, chứa đầy nhóc các thứ hàng hóa họ vừa mua được ngoài đại sảnh—đĩa DVD hướng dẫn, sách, thậm chí cả poster cỡ 8x10 inch của Tony, sẵn sàng để đóng khung treo ngay lên tường.Nhưng thứ về Tony—và những thứ thu hút khách hàng mua sản phẩm của ông—đó là giống như bất cứ một người bán hàng xuất sắc nào khác, ông hoàn toàn tin vào những gì ông rao bán. Ông có vẻ không thấy có gì mâu thuẫn giữa việc vừa muốn điều tốt nhất cho tất cả mọi người và vừa muốn sống trong một căn biệt thự khổng lồ. Ông thuyết phục chúng tôi rằng ông đang dùng những kỹ năng bán hàng của mình không chỉ để thu về lợi nhuận, mà còn là để giúp đỡ nhiều người nhất sức ông có thể với tới được. Quả đúng vậy, một trong những người hướng nội ham thích suy nghĩ nhất mà tôi biết, một người bán hàng thành đạt có sê-ri những bài seminar về đào tạo kỹ năng bán hàng của riêng mình, đã thề rằng Tony Robbins không chỉ giúp cải thiện công việc kinh doanh của anh, mà còn giúp anh sống tốt hơn nữa. Khi anh bắt đầu tham gia những sự kiện như UPW, anh nói, anh tập trung vào con người mà anh muốn trở thành; và giờ, khi đứng lớp với những bài giảng của riêng mình, anh chính là con người đó. "Tony đã cho tôi năng lượng", anh nói, "và giờ tự tôi cũng có thể đem đến năng lượng cho những người khác khi tôi đứng trên sân khấu". Vào buổi đầu của Nền Văn Hóa Tính Cách, chúng ta bị thúc giục phải phát triển một tính cách hướng ngoại, nhưng hoàn toàn thuần túy chỉ vì những lý do đem lại lợi ích cá nhân—như một cách để vượt trội hơn đám đông xung quanh trong một xã hội mới phát triển, ngày càng ẩn danh và cạnh tranh quyết liệt hơn. Nhưng ngày nay chúng ta dường như có xu hướng cho rằng làm một người hướng ngoại không chỉ giúp chúng ta thành công hơn, mà còn khiến chúng ta trở thành những con người tốt hơn. Chúng ta coi kỹ năng bán hàng như một cách để chia sẻ tài năng của một người với thế giới. Chính bởi vậy nên sự hăng hái bán hàng tới, và được ngưỡng mộ bởi, hàng nghìn người một lúc của Tony không được nhìn nhận như là một sự ái kỷ hay bản tính gian thương, mà được coi là khả năng lãnh đạo ở mức độ cao nhất. Nếu Abraham Lincoln là biểu tượng của đức hạnh trong thời kỳ Nền Văn Hóa Của Đức Tính, thì Tony Robbins cũng là bản đối chiếu tương xứng của ông trong Nền Văn Hóa Của Tính Cách. Quả thực vậy, khi Tony Robbins đề cập rằng ông đã từng có ý định ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ, cả đám đông đã vỡ òa với những tiếng hò reo ủng hộ tưng bừng.Nhưng liệu có luôn hợp lý không khi đồng nhất khả năng lãnh đạo với một tính cách hăng hái, hướng ngoại? Để tìm hiểu sâu hơn về điều này, tôi đã đến thăm Trường Đại Học Kinh Tế Harvard (Harvard Business School), một học viện luôn tự hào vào khả năng của nó trong việc phát hiện và đào tạo rất nhiều trong số các nhà lãnh đạo hàng đầu, cả về kinh tế lẫn chính trị của thế giới.Điều lầm tưởng về một khả năng lãnh đạo thu hút: Trường Đại Học Kinh Tế Harvard, và hơn thế nữaĐiều đầu tiên làm tôi để ý ở Trường Đại Học Kinh Tế Harvard là cách mọi người bước đi. Không ai bước nhẹ nhàng thong thả, tản bộ, hay nấn ná như còn lưỡng lự chần chừ cái gì. Họ sải những bước dài, đầy xung lực hướng về phía trước. Thời tiết khá lạnh và khô trong mùa thu vào thời điểm mà tôi ghé thăm trường, và cơ thể của các học sinh như đều rung động bởi điện lực của tháng Chín khi họ sải bước trên sân trường. Khi đi ngang qua nhau, họ không chỉ có gật đầu một cái—họ ôm hôn, trao đổi với nhau những lời chào nồng nhiệt rạng rỡ, hỏi han nhau nhiệt tình về kỳ nghỉ hè của người này với J. P. Morgan, hay chuyến phiêu lưu của người kia mùa hè vừa rồi trên dãy Himalaya.Họ cũng cư xử cùng một cách như vậy trong bầu không khí rất thúc đẩy giao tiếp của Trung Tâm Spangler, trung tâm học sinh được trang trí vô cùng xa hoa, lộng lẫy. Spangler có những tấm rèm phủ-kín-từ-sàn-đến-trần bằng lụa màu xanh ngọc bích, những bộ sofa bọc da sang trọng, những chiếc tivi Samsung khổng lồ âm thầm trình chiếu các bản tin nội bộ trong trường, và trang trí khắp trần là những chiếc đèn chùm lớn tỏa ánh sáng rực rỡ. Những bộ bàn ghế và sofa cụm lại ở sát tường xung quanh căn phòng, tạo thành một sàn catwalk dài được chiếu sáng rực rỡ đi xuống giữa phòng mà trên đó, các học sinh tự tin sải bước, dường như hoàn toàn không nhận ra là mọi ánh nhìn đều đổ về phía họ. Tôi thực sự ngưỡng mộ sự thờ ơ đó của họ.Các sinh viên hóa ra còn tuyệt vời hơn cả cảnh quan xung quanh họ, nếu một điều như thế có thể xảy ra. Không có ai thừa cân dù chỉ một hai ký, có nước da xấu, hay thậm chí là chỉ đeo một món phụ kiện kỳ quặc nào đó. Các cô gái ở đây đều là giao giữa những Đội Trưởng Đội Cổ Vũ và những người nhận được giải Có Triển Vọng Thành Công Nhất cuối mỗi năm học. Họ mặc những chiếc quần jeans ôm sát thân mình vừa vặn, những chiếc áo khoác dài thời trang, đi những đôi giày cao gót hở ngón tạo những tiếng click-clack rất vui tai trên lớp sàn gỗ bóng láng của Trung Tâm Spangler. Một vài người sải bước tự tin hệt như những người mẫu thời trang, chỉ trừ việc họ tự tin giao thiệp và tràn đầy năng lượng thay vì hờ hững và vô cảm. Các chàng trai đều sáng sủa, ưa nhìn và có vóc dáng thể thao, trông họ như những người luôn kỳ vọng được lãnh đạo, nhưng theo một cách rất thân thiện, Hướng-đạo-sinh dễ gần kìa. Tôi có cảm giác rằng nếu bạn hỏi họ về đường đi, họ sẽ chào lại bạn với một nụ cười lớn được-chứ! rạng rỡ và lập tức ném mình vào nhiệm vụ tìm đường giúp bạn, bất kể bản thân họ lúc đó có thực sự biết đường hay không.Tôi ngồi xuống cạnh một đôi bạn giữa lúc họ đang lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi xa—các học sinh của HBS (tên viết tắt tiếng Anh của Trường Đại Học Kinh Tế Harvard) luôn được bắt gặp đang tổ chức các cuộc chơi bời nhậu nhẹt hoặc những bữa tiệc, hoặc kể lại về một chuyến du lịch kỳ thú họ vừa trở về từ đâu đó xa xôi. Khi họ hỏi tôi điều gì đã đưa tôi đến đây, tôi nói mình đang thực hiện các cuộc phỏng vấn cho một cuốn sách về tính hướng nội và hướng ngoại. Tôi không nói với họ rằng một người bạn của tôi, người chính ông cũng đã tốt nghiệp từ Đại Học Kinh Tế Harvard, đã từng một lần gọi nơi này là "Thánh Địa Tinh Thần của Tính Hướng Ngoại". Nhưng hóa ra là tôi chẳng cần phải nói thì họ cũng biết."Chúc chị may mắn tìm được một người hướng nội nào ở đây nhé!", một người nói."Cả cái trường này được xây dựng dựa trên tính hướng ngoại", một người khác thêm. "Tất cả điểm số và vị thế xã hội của mọi người đều phụ thuộc vào nó. Đấy chỉ là điều hoàn toàn bình thường ở đây. Tất cả mọi người xung quanh đây đều mạnh dạn, thoải mái giao thiệp và thích tạo dựng các mối quan hệ cả.""Chẳng lẽ không có ai ở đây thuộc về phía im lặng hơn sao?", tôi hỏi.Họ nhìn tôi, tò mò, ngạc nhiên."Cái đó tôi cũng không biết", người đầu tiên hờ hững đáp, như để kết thúc cuộc đối thoại. Trường Đại Học Kinh Tế Harvard cũng không phải, theo mọi nghĩa, là một nơi bình thường. Được thành lập năm 1908, vừa khi Dale Carnegie bắt đầu tham gia vào xã hội với tư cách người bán hàng, và chỉ ba năm trước khi ông mở lớp học đầu tiên về nghệ thuật nói trước đám đông, ngôi trường này tự nhìn mình như là một nơi "đào tạo những người lãnh đạo sẽ làm thay đổi thế giới". Tổng thống Mỹ George W. Bush đã từng tốt nghiệp ở đây, cũng như một bộ sưu tập đáng nể các Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, những Bộ trưởng Bộ Tài Chính Mỹ các thời kỳ, các thị trưởng thành phố New York, Tổng giám đốc điều hành của những tập đoàn khổng lồ như General Electric, Goldman Sachs, Procter & Gamble; hay khét tiếng hơn là Jeffrey Skilling, thủ phạm chính trong vụ bê bối nổi tiếng của tập đoàn Enron . Trong khoảng thời gian giữa năm 2004 và 2006, 20% trong số các tổng giám đốc hàng đầu của các công ty được chọn trong bảng xếp hạng Fortune 500 đều đã tốt nghiệp từ Đại học Kinh Tế Harvard.Những người tốt nghiệp từ Đại học Kinh Tế Harvard rất có thể đã tác động lớn đến cuộc đời bạn theo những cách mà chính bạn cũng không nhận ra. Họ đã quyết định những ai phải ra chiến trường và khi nào họ phải đi; họ đã ra phán quyết về số phận ngành công nghiệp ô-tô của Detroit ; họ đóng vai trò then chốt trong hầu hết những vụ khủng hoảng tài chính từng làm rung chuyển phố Wall (trung tâm tài chính và chứng khoán Mỹ) và Pennsylvania Avenue (trung tâm chính trị - hành chính ở thủ đô Washinton). Nếu bạn làm việc ở nước Mỹ, có khả năng rất cao là những người tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế Harvard cũng đã định hình cả cuộc sống hàng ngày của bạn nữa; từ việc bạn cần bao nhiêu không gian riêng tư ở nơi làm việc, bao nhiêu buổi học xây dựng kỹ năng làm việc nhóm bạn phải tham gia mỗi năm, và việc liệu sự sáng tạo đến tốt nhất từ đâu, thảo luận nhóm hay suy nghĩ độc lập. Nhìn vào mức độ ảnh hưởng lớn đến vậy của họ, cũng đáng để nhìn qua xem những ai đang học ở đây—và họ đề cao nhưng giá trị gì khi họ tốt nghiệp.Cậu sinh viên chúc tôi may mắn trong việc tìm lấy một người hướng nội ở HBS hẳn nhiên tin rằng ở đây không hề có một kẻ hướng nội nào để mà tìm. Nhưng vậy thì rõ ràng cậu ta đã không biết đến một người bạn cùng khóa năm nhất của mình, Don Chen. Tôi gặp Don lần đầu tiên tại Trung Tâm Spangler, nơi anh chỉ ngồi cách chỗ của hai sinh viên đang hào hứng lên kế hoạch cho chuyến đi chơi của mình kia chỉ vài mét. Nhìn qua trông anh hoàn toàn giống một sinh viên HBS tiêu biểu: cao ráo, tác phong lịch sự, xương gò má cao rõ ràng, một nụ cười quyến rũ, và một kiểu tóc thả dài, gợn sóng như các anh chàng đẹp trai vẫn thường thấy trên các bãi biển. Anh muốn tìm một công việc trong thị trường góp vốn tư nhân sau khi tốt nghiệp. Nhưng nói chuyện với Don một lúc và bạn sẽ nhận thấy giọng nói của anh nhẹ hơn một chút so với của các bạn cùng lớp, đầu chỉ hơi ngẩng cao, nụ cười cũng có chút gì đó thiếu tự tin. Don là "một kẻ hướng nội cay đắng", như anh vui vẻ tự nói về mình—cay đắng là bởi càng dành nhiều thời gian ở HBS, anh càng trở nên chắc chắn hơn rằng mình cần phải thay đổi.Don thích dành rất nhiều thời gian cho riêng mình, nhưng đó không hẳn là một lựa chọn được phép ở HBS. Một ngày của anh bắt đầu từ rất sớm buổi sáng, khi anh gặp mặt trong một tiếng rưỡi với "Nhóm Học Tập" của mình—một nhóm các sinh viên đã được chỉ định trước, mà sự tham gia là bắt buộc (sinh viên ở HBS gần như cả đi vệ sinh cũng theo nhóm). Anh dành phần còn lại của buổi sáng trong các lớp học, nơi 90 học viên cùng ngồi quanh một dãy khán đài gỗ dài, hình chữ U lớn, như một nhà hát với những hàng ghế cao dần như ở sân vận động. Giáo sư đứng lớp thường bắt đầu bằng cách yêu cầu một học viên mô tả lại tình huống giả định sẽ được nghiên cứu trong ngày, thường là sẽ dựa vào một tình huống kinh doanh có thật—nói như, giả sử một Tổng Giám Đốc đang cân nhắc hệ thống lương thưởng trong công ty của mình. Người đứng ở trung tâm trong tình huống giả định, trong tình huống này là vị Tổng Giám Đốc, được gọi là "nhân vật chính". Nếu các bạn là nhân vật chính, vị giáo sư hỏi—và sớm muộn gì các bạn cũng sẽ là họ thật thôi, như kiểu một ý ngầm hiểu giữa giáo sư và học viên—các bạn sẽ làm gì?Điểm cốt lõi của chương trình giáo dục ở HBS là các nhà lãnh đạo phải có thể hành động tự tin và ra được quyết định dẫu chưa có đầy đủ thông tin. Phương pháp dạy này chơi đùa với một câu hỏi đã có từ rất lâu rằng: Nếu bạn không có được đầy đủ tất cả các dữ kiện—và thực tế là trong hầu hết mọi trường hợp bạn sẽ không có đủ các dữ kiện—liệu bạn có nên đợi cho đến khi thu thập được nhiều thông tin hết mức có thể rồi mới hành động không? Hay, bằng việc chần chừ ra quyết định, liệu bạn có dám mạo hiểm làm mất niềm tin của những người xung quanh và kìm hãm cả đà tăng trưởng của công ty mình? Câu trả lời không hẳn là quá hiển nhiên. Nếu bạn khẳng định chắc chắn chỉ dựa vào các thông tin chưa đầy đủ, bạn có thể dẫn vô số người khác theo mình lao vào thảm họa. Nhưng nếu bạn tỏ ra không chắc chắn, thiếu quyết đoán, vậy thì nhiệt huyết làm việc của tập thể sẽ giảm sút, các nhà đầu tư sẽ ngưng đầu tư, và cả tổ chức của bạn có thể sẽ sụp đổ.Phương pháp dạy của HBS ngầm hướng đến phía của sự chắc chắn và sự tự tin. Người Tổng Giám Đốc có thể không biết chắc đâu là con đường tốt nhất cho công ty, nhưng cô ta vẫn phải hành động bất kể thế nào. Và các học viên HBS, đến lượt mình, cũng được kỳ vọng là phải biết thể hiện chính kiến. Lý tưởng nhất là, người sinh viên vừa được gọi ngẫu nhiên kia đã phải thảo luận về tình huống được nghiên cứu này với Nhóm Học Tập của mình từ trước đó rồi, vậy nên giờ anh có thể rất sẵn sàng nói hàng giờ về lựa chọn tốt nhất cho nhân vật chính trong tình huống này. Sau khi anh ta nói xong, giáo sư sẽ khuyến khích các học viên khác nêu ra quan điểm của riêng mình. 50% tổng điểm của sinh viên, và một lượng rất lớn trong vị thế xã hội của mỗi người họ, được đánh giá qua việc họ có sẵn sàng hết mình tham gia vào các "trận chiến" như này hay không. Nếu một sinh viên tham gia nói thường xuyên và nói một cách hùng hồn tự tin, anh ta sẽ là cầu thủ chính; nếu anh không thể làm được thế, anh sẽ chỉ được ngồi trên hàng ghế dự bị mà thôi.Phần lớn các học viên thích nghi dễ dàng với hệ thống này. Nhưng Don thì không. Anh gặp khó khăn khi chen chân vào tham gia cùng những buổi thảo luận trên lớp; trong một vài giờ học anh thậm chí còn gần như không nói được câu nào. Anh thích được tham gia, nhưng chỉ khi tin rằng mình có thể đóng góp một thứ gì đó có giá trị cho cuộc thảo luận, hoặc khi hoàn toàn phản đối lập luận của một người khác. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng Don luôn có cảm giác rằng anh cần phải thoải mái hơn khi nói về bất cứ thứ gì cũng được, chỉ để lấp đầy khoảng thời gian nói của mình mà thôi.Những người bạn ở HBS của Don, những người cũng có xu hướng thích đào sâu suy nghĩ như anh, dành rất nhiều thời gian để nói về việc tranh luận trên lớp. Tham gia thảo luận cùng lớp bao nhiêu là quá nhiều? Bao nhiêu là quá ít? Trong trường hợp nào thì công khai phản đối ý kiến của một học viên cùng lớp khác được coi là tranh luận lành mạnh, và trong trường hợp nào thì đó được coi là quá cạnh tranh hoặc phán xét quá vội vàng? Một trong những người bạn của Don đang khá lo lắng vì giáo sư của cô vừa gửi một email cho cả lớp, nói rằng bất cứ ai đã có trải nghiệm thực tế liên quan đến tình huống giả định sắp được nghiên cứu cần thông báo cho ông trước. Cô chắc chắn rằng thông báo của vị giáo sư là một nỗ lực để hạn chế những nhận xét ngu ngốc như một câu mà cô đã nói trong lớp vào buổi học tuần trước. Một người khác thì lo ngại rằng mình nói không đủ to. "Chỉ là tôi có một giọng nói nhỏ nhẹ bẩm sinh", anh nói, "vậy nên khi mà giọng tôi nghe có vẻ bình thường với những người khác, với tôi thì lại có cảm giác mình đang phải hét lớn. Tôi phải nỗ lực để cải thiện điều này mới được".Ngôi trường này cũng rất cố gắng để biến các học sinh trầm tính trở thành những người ham nói. Các giáo sư cũng có các "Nhóm Học Tập" của riêng họ, ở đó họ chia sẻ với nhau những kỹ thuật để lôi các học sinh ít nói ra khỏi vỏ. Khi một học viên thất bại trong nỗ lực nói lớn, tự tin ở trên lớp, điều đó không chỉ được coi là thất bại của riêng người sinh viên, mà còn là của giáo sư đứng lớp phụ trách người đó nữa. "Nếu đến cuối kỳ mà có những người vẫn không thể thoải mái nói lớn trước cả lớp được, đó sẽ là cả một rắc rối lớn với tôi", giáo sư Michel Anteby nói với tôi. "Bởi vì điều đó có nghĩa là tôi đã làm chưa đủ tốt công việc của mình".Ngôi trường này thậm chí còn tổ chức nhiều buổi hội thảo, cũng như thiết lập các trang mạng trực tuyến hướng dẫn học viên cách làm thế nào để trở thành một người tham gia tốt hơn vào các hoạt động của lớp. Các bạn của Don đang rất nghiêm túc lẩm nhẩm lại các mẹo và lời khuyên mà họ nhớ nhất."Phải nói với một niềm tin hoàn toàn tự trong lòng. Kể cả nếu bạn chỉ tin vào một điều có khoảng 55%, hãy nói như thể bạn tin vào điều đó hết 100%"."Nếu bạn đang chuẩn bị cho giờ học một mình, vậy thì bạn đang làm sai cách rồi. Không có gì ở HBS được thiết kế ra để làm một mình hết"."Đừng có nghĩ về câu trả lời hoàn hảo. Cứ nhảy ra ngoài đó và nói cái gì đó đi, còn hơn là để cho không bao giờ có tiếng nói của bạn trong các cuộc thảo luận".Tờ báo của trường, The Harbus, cũng cung cấp những lời khuyên, đăng những bài báo với những tựa đề như "Làm thế nào để Nghĩ tốt và Nói tốt—Ngay tại chỗ!", "Phát triển vẻ ngoài đầy ấn tượng trên sân khấu của bạn!", và "Kiêu ngạo, hay chỉ đơn giản là Tự Tin?"Những câu mệnh lệnh kiểu này không chỉ giới hạn trong các lớp học. Sau giờ học, hầu hết sinh viên ăn trưa tại nhà ăn nằm trong Trung Tâm Spangler, nơi một học viên đã tốt nghiệp nói rằng "còn giống trường cấp III hơn cả trường cấp III". Và mỗi ngày, Don phải vật lộn với chính bản thân mình. Liệu anh có nên quay trở lại căn hộ của mình, và nạp năng lượng bằng một bữa trưa nhẹ nhàng, yên tĩnh, như anh vẫn luôn muốn; hay tham gia ăn trưa theo nhóm cùng các bạn cùng lớp của mình? Kể cả nếu anh có tự ép được bản thân tới Spangler, cũng không phải áp lực xã hội sẽ chấm dứt ở đây. Cứ mỗi ngày trôi qua, lại có thêm nhiều hơn nữa những nan đề như thế. Có nên tham gia vào những hoạt động giải trí được tổ chức cùng cả lớp mỗi chiều muộn không? Có nên đi chơi tiệc tùng mỗi tối như mọi người khác không? Sinh viên ở HBS đều ra ngoài chơi theo những nhóm lớn ít nhất vài buổi tối mỗi tuần, Don nói. Tham gia những hoạt động chơi bời kiểu này dĩ nhiên là không bắt buộc, nhưng với những người không ham hố những hoạt động cùng số đông thì có cảm giác là vậy."Giao thiệp ở đây cảm giác giống như thể thao mạo hiểm ấy", một người bạn của Don nói. "Mọi người đi chơi suốt mọi lúc. Nếu bạn không ra ngoài chơi bời dù chỉ một đêm, ngày hôm sau chắc chắn có người sẽ hỏi, "Cậu đi đâu hôm qua mà không thấy mặt mũi đâu thế?". Tôi phải ra ngoài chơi mỗi tối như thể đó là công việc của mình vậy". Don nhận ra rằng những người lên kế hoạch cho các sự kiện xã hội—những giờ giải trí, những bữa tối, lễ hội uống bia—đều nằm trên đỉnh của tháp thứ bậc xã hội trong trường. "Giáo sư của tôi có lần nói với chúng tôi rằng, các bạn cùng lớp bây giờ sẽ là những người đi dự lễ cưới của mỗi chúng tôi sau này", Don nói. "Nếu bạn rời khỏi HBS mà không xây dựng được một mạng lưới quan hệ rộng rãi, thì coi như bạn đã thất bại trong việc trải nghiệm cảm giác là sinh viên của ngôi trường này".Đến khi Don lăn lên giường và rơi vào giấc ngủ mỗi tối, anh luôn hoàn toàn kiệt sức. Và đôi lúc anh tự hỏi, chính xác thì tại sao anh phải cố gắng nhiều như vậy chỉ để quảng giao hơn? Don là một người Mỹ gốc Trung, và gần đây anh có làm thêm vào kỳ nghỉ hè tại Trung Quốc. Anh đã vô cùng kinh ngạc khi nhận ra chuẩn mực bình thường trong giao tiếp giữa hai nơi khác nhau đến thế nào. Ở Trung Quốc, có một sự chú trọng hơn hẳn vào việc lắng nghe người khác, vào việc đặt câu hỏi thay vì cứ thao thao bất tuyệt, vào việc đặt nhu cầu của người đối diện lên trước nhu cầu của mình. Ở Mỹ, anh cảm thấy, các cuộc nói chuyện là ở việc bạn chuyển những trải nghiệm của mình thành những câu chuyện tốt đến đâu; trong khi một người Trung Quốc sẽ thấy lo lắng nếu cảm thấy mình đang làm phí phạm quá nhiều thời gian của người khác bằng những thông tin không quan trọng. "Mùa hè đó, tôi đã tự nói với mình 'Giờ thì mình đã biết tại sao đây lại là dân tộc của mình rồi' ".Nhưng đấy là chuyện ở Trung Quốc, còn ở đây là Cambridge, Massachusetts, Mỹ. Và nếu bạn phán xét HBS dựa vào tiêu chí là nó chuẩn bị một người tốt đến đâu cho "thế giới thật" ngoài kia, nó có vẻ đang hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách cực kỳ xuất sắc. Cuối cùng thì, Don Chen sẽ tốt nghiệp và tham gia vào nền văn hóa doanh nghiệp ngoài kia, nơi khả năng diễn đạt ý tưởng trôi chảy bằng lời nói và tính quảng giao là hai trong số những nhân tố quan trọng nhất để thành công, dựa trên một nghiên cứu của Đại Học Kinh Tế Stanford. Nó là thế giới mà một lần, một quản lý ở GE đã nói với tôi rằng "những người ở đây thậm chí sẽ không muốn gặp bạn nếu bạn không có một file PowerPoint và một "bài thuyết trình" dành cho họ. Kể cả khi bạn chỉ đang tiến cử một đồng nghiệp của mình với cấp trên, bạn cũng không thể chỉ ngồi trong văn phòng của ai đó và nói cho họ biết bạn nghĩ gì. Bạn cần phải thực hiện một bài thuyết trình, với ưu điểm, nhược điểm, và một "gói quà mang về".Chỉ trừ khi đó là công ty tại gia của riêng họ, hoặc giả họ có thể làm việc từ xa qua mạng máy tính và điện thoại, còn lại rất nhiều người lớn phải làm việc trong những văn phòng, nơi họ phải cẩn thận bước dọc dãy hành lang mỗi ngày, chào các đồng nghiệp một cách thật nồng nhiệt, và tự tin. "Thế giới kinh doanh", một bài báo vào năm 2006 trên tờ The Wharton Program for Working Professionals nói, "có rất nhiều những môi trường văn phòng mà như một huấn luyện viên về kỹ năng hợp tác ở vùng Atlanta đã miêu tả là: 'Ở đây tất cả mọi người đều biết rằng làm một người hướng ngoại là rất quan trọng, và làm một người hướng nội là tự chuốc lấy cho mình rắc rối. Vậy nên mọi người cố gắng rất nhiều để trông có vẻ hướng ngoại hơn, bất kể là họ có thoải mái với nó hay không. Giống như là phải luôn đảm bảo rằng bạn uống cùng một loại rượu scotch mà Tổng Giám Đốc của bạn uống, hay tập luyện ở đúng câu lạc bộ thể hình thích hợp vậy'".Kể cả những công ty tuyển dụng rất nhiều những họa sĩ, nhà thiết kế, và các công việc đòi hỏi trí tưởng tượng cao khác cũng thể hiện một sự ưa thích với tính hướng ngoại. "Chúng tôi muốn thu hút những người sáng tạo", trưởng phòng nhân lực của một tập đoàn truyền thông lớn đã trả lời tôi. Khi tôi hỏi ý chị là gì khi nói "sáng tạo", chị trả lời: "Bạn cần phải quảng giao, vui tính, và hào hứng để có thể làm việc ở đây".Những quảng cáo nhắm tới tầng lớp doanh nhân ngày nay hẳn sẽ cạnh tranh rất quyết liệt với của Kem Cạo Râu Williams Luxury ngày xưa. Một đoạn quảng cáo ngắn chiếu trên CNBC, kênh truyền hình cáp về doanh nghiệp, giới thiệu một nhân viên văn phòng để vuột mất công việc đúng ra ông đã được giao:SẾP NÓI VỚI TED VÀ ALICE : Ted, tôi sẽ gửi Alice tới cuộc hội thảo vì cô ấy nghĩ tại chỗ nhanh hơn anh nhiều.TED : (không biết nói gì)SẾP : Vậy, Alice, cô sẽ khởi hành vào tối Thứ Ba....TED : Cô ấy không có nghĩ nhanh hơn tôi! Các quảng cáo khác thì thẳng thắn chào bán sản phẩm của mình như những thứ có khả năng kích-thích-sự-hướng-ngoại. Vào năm 2000, công ty lữ hành và dịch vụ du lịch Amtrak khuyến khích các khách du lịch hãy "KHỞI HÀNH ĐI XA KHỎI NỖI SỢ HÃI CỦA CÁC BẠN". Hãng đồ thể thao Nike trở thành một thương hiệu toàn cầu một phần cũng là nhờ vào sức mạnh của chiến dịch quảng bá của mình, với câu khẩu hiệu nổi tiếng "CỨ LÀM ĐI!". Trong những năm 1999 và 2000, một loạt các quảng cáo cho loại thuốc điều trị tâm lý Paxil hứa hẹn sẽ chữa trị được tận gốc chứng nhút nhát của con người, mà họ gọi là "Hội Chứng Rối Loạn Lo Lắng Xã Hội", bằng cách cam đoan một sự chuyển hóa tính cách tuyệt vời hệt như sự lột xác của cô bé Lọ Lem thành nàng công chúa cổ tích đẹp lộng lẫy. Một quảng cáo của Paxil giới thiệu một cán bộ điều hành ăn mặc sang trọng, đang bắt tay đối tác sau khi ký kết một thỏa thuận tài chính. "Mình đã có thể nếm thấy thành công", dòng phụ đề hiện lên. Một quảng cáo khác thì cho người xem thấy điều gì sẽ xảy ra khi không có thuốc: một doanh nhân ngồi một mình trong phòng làm việc, trán cúi gằm thất vọng tì trên hai bàn tay. "Đúng ra mình đã phải quảng giao hơn", dòng chữ cay đắng đọc. Ấy vậy nhưng ngay cả ở Đại Học Kinh Tế Harvard (HBS), vẫn có những dấu hiệu cho thấy có gì đó sai lầm với một phong cách lãnh đạo đề cao những câu trả lời nhanh và quả quyết hơn là từ tốn, chậm chạp trong việc cân nhắc và đưa ra quyết định.Cứ mỗi mùa thu, các học viên chuẩn bị lên lớp lại tham gia một trò chơi nhập vai phức tạp có tên Tình Huống Sinh Tồn Vùng Cận Bắc Cực. "Lúc này là vào khoảng 2:30 chiều, ngày 5 tháng Mười", các học sinh được hướng dẫn, "và các bạn vừa sống sót sau một vụ rơi máy bay xuống bờ phía Đông của hồ Laura, trong khu vực Cận Bắc Cực, gần phía bắc của biên giới Quebec-Newfoundland". Các sinh viên được chia thành những nhóm nhỏ, và được yêu cầu tưởng tượng rằng nhóm của họ vừa thu lượm được 15 món đồ từ chiếc máy bay rơi—la bàn, túi ngủ, rìu cứu nạn, v...v... Sau đó họ được yêu cầu xếp chúng theo thứ tự quan trọng cho sự sinh tồn của nhóm. Đầu tiên mỗi học viên xếp thứ tự các món đồ một cách độc lập, sau đó họ cũng làm thế nhưng theo nhóm. Sau đó họ so sánh thứ tự xếp hạng của mình với xếp hạng của một chuyên gia, để chấm điểm xem họ đã làm tốt đến đâu. Cuối cùng họ xem lại băng ghi hình cảnh thảo luận của nhóm—để xác định xem ai đã đúng, và ai đã sai.Mục đích của bài tập là để dạy cho các thành viên trong nhóm biết về sức mạnh của tập thể. Sức mạnh tập thể lớn có nghĩa là thứ tự xếp hạng của nhóm phải đạt điểm số cao hơn thứ tự xếp hạng của từng cá nhân. Nhóm sẽ thất bại nếu có bất cứ thành viên nào trong nhóm đạt được số điểm cao hơn số điểm của cả nhóm. Và thất bại chính xác là thứ xảy ra khi các học sinh quá đề cao sự tự tin.Một trong những người bạn của Don may mắn rơi vào một nhóm có một thành viên với nhiều kinh nghiệm về đi rừng ở phương Bắc. Anh ta có rất nhiều ý tưởng hay về việc nên xếp 15 món đồ tìm được theo thứ tự ra sao, nhưng cả nhóm đã không hề nghe lời khuyên của anh, bởi anh ta đã trình bày quan điểm của mình một cách quá nhỏ nhẹ."Kế hoạch hành động của chúng tôi dựa hoàn toàn vào gợi ý của những người có âm lượng nói lớn nhất", một người bạn cùng lớp nhớ lại. "Khi những người nói nhỏ đưa ra ý kiến, chúng đều bị gạt phăng. Những ý kiến bị bỏ qua đã có thể giúp chúng tôi sống sót và tránh được mọi rắc rối, nhưng chúng đã bị gạt đi vì niềm tin của những người nói to mạnh hơn. Sau đó khi họ cho chúng tôi xem lại băng video cảnh thảo luận, chúng tôi quả thực đã rất xấu hổ".Tình Huống Sinh Tồn Vùng Cận Bắc Cực có vẻ chỉ nghe như một trò chơi vô hại trong tháp ngà của trường học, nhưng nếu bạn nghĩ lại về những cuộc gặp bạn đã tham gia, rất có thể bạn sẽ nhớ lại về một đôi lúc—hoặc rất nhiều lúc—khi mà ý kiến của người nhiệt tình nhất và nói hăng say nhất đôi khi lại đem lại đem về kết quả tồi tệ nhất cho nhóm. Có thể đó chỉ là một tình huống ít rủi ro—ví dụ, Hội Phụ Huynh Và Giáo Viên ở trường của con bạn quyết định xem nên tổ chức buổi họp vào tối Thứ Hai hay tối Thứ Ba. Nhưng cũng có thể nó là một tình huống hết sức quan trọng: như một cuộc họp khẩn của những người đứng đầu tập đoàn Enron, đang cân nhắc xem liệu có nên tiết lộ các thủ tục tài chính mờ ám họ đã thực hiện bấy lâu hay không (xem thêm chương 7 để biết rõ hơn về vụ Enron). Hay một bồi thẩm đoàn tranh cãi xem liệu có nên phán quyết cho một bà mẹ đơn thân phải chịu án tù hay không.Tôi trao đổi về Tình Huống Sinh Tồn Vùng Cận Bắc Cực với một giáo sư của Đại học Kinh Tế Harvard, Quinn Mills, một chuyên gia về phong cách lãnh đạo. Mills là một người đàn ông lịch thiệp và diện, trong ngày tôi tới, một bộ com-lê kẻ sọc và một chiếc cà-vạt vàng chấm bi. Ông có một giọng nói trầm ấm, và biết dùng nó một cách rất điệu nghệ. Phương pháp của trường HBS "mặc nhiên cho rằng kẻ lãnh đạo là phải ăn nói mạnh bạo", ông nói thẳng với tôi, "và theo cách nhìn của tôi, nó là một phần của thực tế".Nhưng Mills đồng thời cũng chỉ ra một hiện tượng vẫn được biết đến như là "lời nguyền của kẻ chiến thắng", khi mà hai công ty cùng thi nhau đặt giá cao hơn để giành lấy một công ty thứ ba, cho đến khi mức giá đã lên đến quá cao tới mức nó trở thành một cuộc chiến của những cái tôi hơn là thực sự đem lại một lợi ích kinh tế nào. Bên trả giá thắng cuộc sẽ không thể chịu được chuyện đối thủ của mình sẽ là kẻ giành được phần thưởng, vậy nên họ bỏ tiền mua công ty đang được nhắm đến kia với một mức giá cao quá mức bình thường có thể chấp nhận. "Thường thì chính những người luôn quả quyết là những người chịu trách nhiệm trong những chuyện như thế này", Mills nói. "Bạn thấy nó suốt ngày. Mọi người hỏi nhau: 'Làm thế nào chuyện này lại xảy ra, tại sao chúng ta lại chịu trả một mức giá cao đến vậy?'. Bình thường người ta sẽ nói họ đã quá mải mê và bị cuốn theo tình huống, nhưng sự thực không phải như vậy. Thông thường họ sẽ bị cuốn theo những người quả quyết và áp chế hơn những người còn lại. Điều rủi ro nguy hiểm với các sinh viên của chúng tôi chính là họ vốn rất giỏi trong việc đạt được thứ mình muốn. Nhưng chỉ có điều chưa chắc họ đang muốn đúng thứ mà thôi".Nếu chúng ta giả định rằng những người ít nói và những người hăng nói có xấp xỉ cùng một lượng ý kiến hay (và dở) như nhau, vậy thì chúng ta nên tỏ ra lo lắng khi những người nói to và có xu hướng áp chế hơn luôn luôn là những người lãnh đạo. Điều này có nghĩa là một lượng rất lớn những ý tưởng tồi lại luôn thắng thế, trong khi những ý tưởng tốt thì bị đánh dập. Ấy vậy những nghiên cứu về cách hành xử trong nhóm đã chỉ ra đúng tình trạng này. Chúng ta nhìn nhận những người hay nói là thông minh hơn những người kín tiếng—mặc dù điểm tổng trung bình và điểm thi SAT chỉ ra rằng đây là một nhận định sai lầm. Trong một thí nghiệm khi có hai người hoàn toàn không biết gì về nhau nói chuyện qua điện thoại, những người nói nhiều hơn sẽ được coi là thông minh hơn, có ngoại hình thu hút hơn, và cả dễ mến hơn. Chúng ta đồng thời cũng nhìn nhận những người mạnh dạn trong giao tiếp như những người lãnh đạo. Một người càng nói nhiều, thì các thành viên khác trong nhóm càng dành cho anh ta nhiều sự chú ý hơn, có nghĩa là cuộc họp càng kéo dài, anh ta càng lúc càng có sức ảnh hưởng hơn với nhóm. Nói nhanh hơn cũng giúp ích rất nhiều: chúng ta thường đánh giá những người nói nhanh là đủ năng lực và thu hút hơn người nói chậm.Tất cả những điều này đều sẽ ổn nếu việc nói nhiều đồng nghĩa với việc có nhiều hiểu biết sâu sắc hơn, nhưng các nghiên cứu đã cho thấy không hề có một mối liên hệ nào kiểu như vậy. Trong một thí nghiệm, các sinh viên đại học được chia nhóm và được yêu cầu giải toán cùng nhau, và sau đó xếp hạng mức độ thông minh và khả năng suy xét của nhau. Các sinh viên nói đầu tiên và thường xuyên nhất trong buổi thảo luận liên tục được xếp hạng cao nhất, kể cả khi các ý kiến (và cả điểm thi SAT) của họ không hề tốt hơn của những người kín tiếng hơn. Cũng các sinh viên này tiếp tục được đánh giá cao hơn cho khả năng sáng tạo và năng lực nhận định tình huống, trong một bài tập khác về phát triển chiến thuật kinh doanh cho một công ty mới thành lập.Một nghiên cứu nổi tiếng của đại học Đại học California tại Berkeley, tiến hành bởi giáo sư tổ chức hành vi Philip Tetlock phát hiện ra rằng các học giả thường xuất hiện trên tivi (tham gia các chương trình phóng vấn, trong đó họ đưa ra nhận định và dự đoán về tình hình thời sự trên thế giới, v...v... - chú thích của người dịch)—tức những người kiếm sống bằng cách phát biểu một cách tự tin dựa vào lượng thông tin nguồn hạn chế—thường có những dự đoán sai lầm về chính trị hoặc xu hướng kinh tế hơn là khi họ làm thế một cách ngẫu nhiên . Và những người dự đoán tệ nhất lại thường là những người nổi tiếng nhất và tự tin nhất—đúng kiểu người sẽ được coi là một nhà lãnh đạo bẩm sinh theo tiêu chí của những lớp học ở HBS.Lực lượng Quân Đội Mỹ có một cái tên khác cho hiện tượng này: "chuyến xe buýt với Abilene". "Bất cứ cán bộ quân đội nào cũng có thể giải thích cho bạn nó nghĩa là gì", Đại tá Stephen J. Gerras (đã nghỉ hưu), một giáo sư về khoa học hành vi tại Học Viện Chiến Lược Quân Đội Mỹ (U.S. Army War College), trả lời trên tạp chí Yale Alumni Magazine vào năm 2008. "Có một gia đình ngồi ngoài hiên nhà tại Texas vào một trưa hè nóng nực, và một người nói: "Chán quá đi. Sao không tới Abilene chơi nhỉ?". Và khi họ tới được Abilene, một người nói: "Mọi người biết không, tôi thực sự chẳng muốn tới đây đâu". Và người tiếp theo nói: "Tôi cũng chẳng muốn đi đâu—thế mà tôi cứ tưởng là ông muốn đi chứ!", và cứ thế. Bất cứ khi nào bạn ở trong một nhóm quân đội và có ai đó nói, "Tôi nghĩ tất cả bọn mình đang bắt một chuyến buýt tới Abilene đấy", đó là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Bạn có thể chấm dứt một cuộc trò chuyện bằng câu nói đó. Đó là một thứ rất có sức mạnh trong văn hóa của chúng tôi".Câu chuyện giai thoại về "chuyến xe buýt với Abilene" cho thấy chúng ta có xu hướng đi theo những người bắt đầu có hành động trước—bất kể là hành động gì. Chúng ta đồng thời cũng hay trao quyền quyết định cho những người nói nhiều và hăng hái nhất. Một nhà đầu tư mạo hiểm cực kỳ thành đạt, người thường xuyên được săn đón bởi các ông chủ doanh nghiệp trẻ, nói với tôi ông thấy khó chịu đến đâu trước thất bại quá thường xuyên của các đồng nghiệp mình trong việc phân biệt rõ đâu là kỹ năng thuyết trình tốt và đâu là năng lực lãnh đạo thực sự. "Tôi lo rằng có những người được đặt vào vị trí lãnh đạo chỉ bởi vì họ là những người nói tốt, nhưng họ lại không hề có được những ý tưởng tuyệt vời", ông nói. "Rất dễ lẫn lộn giữa năng lực thuyết phục và tài năng đích thực. Một ai đó có vẻ như là một người thuyết trình rất tốt, dễ dàng hòa đồng với tất cả mọi người, và những nét đặc tính này đều được tưởng thưởng. Nhưng, tại sao lại thế? Chúng là những đặc tính rất có giá trị, nhưng chúng ta đặt quá nhiều ưu ái vào khả năng thuyết trình và không đủ cho khả năng suy xét đánh giá khôn ngoan."Trong cuốn sách của mình, Iconoclast, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hành vi trong kinh doanh Gregory Berns khám phá điều gì xảy ra khi các công ty dựa quá nhiều vào kỹ năng thuyết trình để đánh giá đâu là ý tưởng tốt và đâu là những trường hợp đáng bị loại ngay từ vòng gửi xe. Ông kể lại về một công ty phần mềm có tên Rite-Solutions đã rất thành công trong việc yêu cầu các nhân viên của mình chia sẻ ý tưởng thông qua một "chợ ý tưởng" trực tuyến trên mạng, như một cách để tập trung nhiều hơn vào chất lượng của ý tưởng thay vì phong cách trình bày của nó. Joe Marino, chủ tịch của Rite-Solutions và Jim Lavoie, tổng giám đốc điều hành của công ty, đã tạo ra hệ thống này như một giải pháp cho các vấn đề mà họ đã gặp phải ở những nơi khác. "Tại công ty cũ của tôi", Lavoie nói với Berns, "khi bạn có một ý tưởng tuyệt vời, người ta sẽ bảo bạn: 'OK, chúng tôi sẽ sắp lịch để cho anh phát biểu nó trước hội đồng giết người nhé'. 'Hội đồng giết người' là một nhóm những cán bộ chịu trách nhiệm đánh giá các ý tưởng mới. Marino miêu tả lại những gì xảy ra tiếp theo như sau:"Một vài nhân viên kỹ thuật bước vào phòng với một ý tưởng mới. Tất nhiên người ta sẽ đặt câu hỏi cho những người này về những gì người ta chưa rõ. Như: "Thị trường lớn đến đâu? Chiến lược tiếp thị của anh như thế nào? Kế hoạch kinh doanh của anh ra sao? Sản xuất sản phẩm này sẽ tốn những gì?". Nó thực sự rất đáng xấu hổ. Hầu hết mọi người không thể trả lời được những câu hỏi kiểu như vậy. Những người vượt qua được giai đoạn này với hội đồng không phải là những người với ý tưởng tốt nhất nữa. Họ là những người có kỹ năng thuyết trình giỏi nhất."Đối nghịch với mô hình của Trường Đại Học Kinh Tế Harvard về những người lãnh đạo phải hăng hái ăn nói, bảng xếp hạng các Tổng Giám Đốc Điều Hành thành công nhất luôn đầy những người hướng nội, bao gồm Charles Schwab; Bill Gates; Brenda Barnes, Tổng Giám Đốc của Sara Lee; và James Copeland, cựu Tổng Giám Đốc của Deloitte Touche Tohmatsu. "Trong số những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất tôi đã được gặp và làm việc cùng trong suốt nửa thế kỷ qua", chuyên gia quản lý Peter Drucker đã từng viết, "một số người luôn tự nhốt mình trong phòng làm việc cả ngày, trong khi một số khác thì lại đặc biệt quảng giao. Một số người rất nhanh chóng phản ứng tức thời với mọi việc, trong khi một số còn lại thì nghiên cứu tình huống kỹ lưỡng và đợi rất lâu mới đưa ra quyết định... Đặc điểm chung duy nhất của tất cả các nhà lãnh đạo hiệu quả mà tôi từng gặp lại là một thứ họ không có: Họ không hề sở hữu một "khả năng cuốn hút" đám đông, họ gần như chẳng bao giờ cần dùng đến thuật ngữ đó hay thứ mà nó đại diện cho". Cũng ủng hộ nhận xét của Drucker, giáo sư quản lý tại Đại Học Brigham Young, ông Bradley Agle đã nghiên cứu các Tổng Giám Đốc Điều Hành của 128 tập đoàn và công ty lớn, và phát hiện ra rằng những người được coi là có khả năng thu hút đám đông bởi ban lãnh đạo của công ty có mức lương cao hơn, nhưng không hề có khả năng hợp tác tốt hơn một chút nào.Chúng ta thường có xu hướng đánh giá cao quá mức việc một lãnh đạo cần phải quảng giao. "Hầu hết công tác lãnh đạo trong các tập đoàn được thực hiện bởi các cuộc gặp gỡ trong những nhóm nhỏ, và thường được làm từ khoảng cách xa, thông qua văn bản hay liên lạc bằng video", Giáo sư Mills nói với tôi. "Nó không được thực hiện trước một đám đông lớn. Bạn vẫn cần phải có một chút gì đó bạo dạn, dĩ nhiên; không thể làm lãnh đạo của một tập đoàn được nếu mỗi lần bước vào một căn phòng đầy các nhà phân tích bạn lại mặt cắt không còn giọt máu vì sợ hãi và vội vã lỉnh đi. Nhưng bạn cũng không cần phải quá bạo dạn. Tôi đã được biết rất nhiều lãnh đạo của các tập đoàn lớn là những người rất nội tâm, và luôn phải chuẩn bị tinh thần rất kỹ lưỡng trước khi phải diễn thuyết hoặc thuyết trình.Mills đề cập tới Lou Gerstner, vị chủ tịch huyền thoại của IBM. "Ông ấy cũng từng đi học ở đây", ông nói. "Tôi không rõ liệu ông ấy sẽ tự miêu tả mình như thế nào. Ông đã phải phát biểu nhiều, và ông đều đã làm được, và trông ông luôn rất bình tĩnh. Nhưng tôi có thể cảm thấy rằng ông thoải mái hơn rất nhiều khi được làm việc trong những nhóm nhỏ. Thực ra thì, rất nhiều học sinh ở đây đều vậy. Không phải tất cả bọn họ. Nhưng rất, cực kỳ nhiều người trong bọn họ."Đúng thực vậy, căn cứ theo một nghiên cứu nổi tiếng của nhà lý thuyết quản lý có ảnh hưởng lớn Jim Collins, rất nhiều trong số những công ty hoạt động hiệu quả nhất của nửa cuối thế kỷ 20 được điều hành bởi những người mà ông gọi là "Lãnh Đạo Cấp 5". Các Tổng Giám Đốc đặc biệt tài năng này được biết đến không phải vì diện mạo hay sức thu hút đám đông của họ, mà bởi sự khiêm tốn đến tột cùng đi kèm với ý chí tập trung cho công việc đến cao độ. Trong cuốn sách gây ảnh hưởng lớn của ông, Từ Tốt tới Vĩ Đại, Collins kể câu chuyện về Darwin Smith, người trong suốt hai mươi năm làm lãnh đạo của tập đoàn Kimberly-Clark đã biến nó thành công ty sản xuất giấy hàng đầu trên thế giới và có cổ phiếu có giá cao gấp bốn lần giá trung bình của thị trường.Smith là một người đàn ông nhút nhát và hiền lành, mặc vest của hãng J.C. Penney và đeo kính cận gọng đen rất kiểu mọt sách, dành phần lớn các kỳ nghỉ lang thang tại nông trại của ông ở Wisconsin một mình. Khi được tạp chí Wall Street Journal yêu cầu miêu tả phong cách quản lý của mình, Smith nhìn đăm đăm và suy nghĩ đến lâu, sau đó mới trả lời bằng một từ duy nhất: "Lập dị". Nhưng vẻ bề ngoài mềm mỏng của ông che giấu bên trong một lòng quyết tâm hết sức dữ dội. Không lâu sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc, Smith ra một quyết định vô cùng lớn là bán hết các nhà máy vẫn sản xuất sản phẩm chủ lực của công ty là giấy tráng (coated paper), và thay vào đó đầu tư vào thị trường giấy lau dọn vệ sinh, tin tưởng nó sẽ thu lại lợi nhuận cao và có tương lai tươi sáng hơn. Tất cả mọi người đều nói rằng đây là một sai lầm lớn, và Phố Wall đánh tụt giá cổ phiếu của Kimberly-Clark xuống mức thảm hại. Nhưng Smith, không bị dao động bởi ý kiến của số đông, vẫn làm điều mà ông cho là đúng. Kết quả là, công ty lớn mạnh hơn bao giờ hết, và chẳng mấy chốc đã vượt qua mặt mọi đối thủ cạnh tranh. Về sau này khi được hỏi về chiến lược của mình, Smith đã trả lời rằng ông chưa bao giờ thôi cố gắng để trở nên xứng đáng hơn với công việc.Collins đã không bắt đầu viết cuốn sách của mình để cố chứng minh sức mạnh lãnh đạo của những người trầm tính. Khi ông bắt đầu những nghiên cứu, tất cả những gì ông muốn biết chỉ là những đặc tính gì khiến một công ty vượt trội hơn so với các đối thủ của nó. Ông lựa chọn 11 công ty nổi bật hàng đầu để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Ban đầu ông hoàn toàn không để tâm đến câu hỏi về khả năng của người lãnh đạo, bởi ông muốn tránh những câu trả lời quá đơn giản. Nhưng đến khi giám định lại kỹ càng đặc điểm chung của tất cả các công ty hoạt động hiệu quả nhất, thì vấn đề tính cách của các Tổng Giám Đốc hiện ra trước mắt ông. Tất cả trong số chúng, không chừa một công ty nào, từng cái một đều được lãnh đạo bởi một người khiêm tốn như Darwin Smith. Những người làm việc với các nhà lãnh đạo này thường miêu tả họ bằng những từ ngữ như: ít nói, khiêm tốn, nhũn nhặn, kín đáo, nhút nhát, tử tế, khoan dung, hiền lành, không tìm cách gây ấn tượng với mọi người, thanh lịch và không hề khoa trương.Bài học ở đây, Collins nói, đã rõ ràng. Chúng ta không cần những tính cách vĩ đại để thay đổi các công ty. Chúng ta cần những nhà lãnh đạo tập trung vào xây dựng không phải cái tôi của họ, mà là những tập đoàn họ điều hành. Vậy các nhà lãnh đạo hướng nội có những gì khác với—và đôi lúc là tốt hơn—những nhà lãnh đạo hướng ngoại?Một câu trả lời đến từ công trình của giáo sư quản lý kinh doanh tại đại học Wharton, Adam Grant, người đã dành không ít thời gian tham vấn ý kiến các giám đốc điều hành đứng đầu bảng xếp hạng Fortune 500, cũng như các lãnh đạo trong quân đội—từ Google cho tới Bộ Binh Mỹ, rồi Hải Quân. Khi chúng tôi nói chuyện lần đầu tiên, Grant đang giảng dạy trong Trường Ross về Kinh Tế tại Đại Học Michigan (Ross School of Business at the University of Michigan), nơi ông tin rằng các nghiên cứu hiện tại, vốn chỉ cho thấy mối liên hệ giữa cá tính hướng ngoại và khả năng lãnh đạo, chưa nói lên hết được toàn bộ thực tế.Grant kể với tôi về một vị sĩ quan (commander) trong Không Quân Mỹ—một cấp bên dưới tướng, lãnh đạo cả hàng nghìn người, chịu trách nhiệm bảo vệ một bệ phóng tên lửa tối quan trọng của quốc gia—vốn là một trong những người hướng nội điển hình nhất thế giới, và cũng là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất mà Grant từng được gặp. Con người này mất tập trung rất nhanh khi phải tương tác với quá nhiều người, nên ông thường dành ra những khoảng thời gian một mình để suy nghĩ và nạp lại năng lượng. Ông có chất giọng nhỏ nhẹ, không mấy khi thay đổi cao độ giọng nói hay biểu hiện trên gương mặt. Ông có nhiều hứng thú với việc lắng nghe và thu thập thông tin hơn là nêu to ý kiến của mình và áp đảo cuộc nói chuyện.Ông đồng thời cũng được ngưỡng mộ rất rộng rãi—khi ông nói, tất cả đều tập trung để lắng nghe. Đây không hẳn là điều gì ấn tượng cho lắm—khi bạn đã ở vào hàng cấp bậc cao nhất trong quân đội, mọi người có nghĩa vụ phải tập trung lắng nghe bạn. Nhưng trong trường hợp của vị sĩ quan này, Grant nói, mọi người kính trọng ông không chỉ bởi quyền hạn chính thức của ông, mà còn bởi cả cách ông lãnh đạo nữa: ông luôn luôn khuyến khích các nhân viên mình chiếm thế chủ động. Ông đưa góp ý của cấp dưới vào cân nhắc khi đưa ra những quyết định quan trọng, sử dụng những ý tưởng hợp lý, trong khi vẫn thể hiện rõ ràng rằng ông là người có quyết định cuối cùng. Ông không bận tâm đến việc được ghi nhận công lao cho các ý tưởng, thậm chí là cả việc đảm nhiệm các công việc quan trọng; ông chỉ đơn giản giao từng công việc cho những ai có thể làm nó một cách tốt nhất. Điều này có nghĩa là ủy thác phần lớn trong số những công việc thú vị nhất, nhiều ý nghĩa nhất, và quan trọng trọng nhất của ông cho cấp dưới—những công việc mà các lãnh đạo khác sẽ thường giữ cho riêng mình.Tại sao các nghiên cứu lại không phản ánh tài năng của những người như viên sĩ quan Không Quân kia? Grant nghĩ ông biết câu trả lời cho vấn đề này. Đầu tiên, khi ông nhìn kỹ vào các nghiên cứu hiện tại về tính cách và khả năng lãnh đạo, ông thấy mối liên hệ giữa tính hướng ngoại và khả năng lãnh đạo là rất nhỏ. Thứ hai, các nghiên cứu này thường dựa vào nhận thức của số đông về việc ai sẽ là một lãnh đạo giỏi, đối nghịch với kết quả thực sự. Và ý kiến của số đông thường cũng chỉ là những sự phản chiếu đơn giản của sự thiên vị từ xã hội mà thôi.Nhưng bất ngờ nhất đối với Grant đó là các nghiên cứu hiện tại hoàn toàn không phân biệt rõ tất cả các loại tình huống khác nhau một nhà lãnh đạo có thể gặp phải. Có thể là có một số công ty hoặc tổ chức nhất định sẽ phù hợp hơn với phong cách lãnh đạo của người hướng nội, ông nghĩ, và những tổ chức hay công ty còn lại phù hợp hơn với những người hướng ngoại; nhưng các nghiên cứu hoàn toàn không chỉ rõ ra sự khác biệt đó.Grant có một giả thiết về việc những dạng tình huống nào sẽ cần đến một phong cách lãnh đạo hướng nội. Giả thiết của ông là những nhà lãnh đạo hướng ngoại sẽ nâng cao được chất lượng hoạt động của nhóm khi các nhân viên là những người thụ động, nhưng những nhà lãnh đạo hướng nội sẽ lại làm việc hiệu quả hơn với các nhân viên hăng hái, chủ động. Để kiểm chứng ý tưởng này, ông và hai đồng nghiệp của mình, giáo sư Francesca Gino của Đại Học Kinh Tế Harvard và giáo sư David Hofman của Trường Kinh Tế Kenan-Flagler thuộc Đại Học Bắc Carolina, đã tiến hành một cặp nghiên cứu của riêng mình.Trong nghiên cứu thứ nhất, Grant và các đồng nghiệp đánh giá dữ liệu từ một trong năm chuỗi cửa hàng pizza lớn nhất trên nước Mỹ. Họ khám phá ra rằng thu nhập hàng tuần của các cửa hàng điều hành bởi những người hướng ngoại cao hơn 16% so với các cửa hàng điều hành bởi những người hướng nội—nhưng chỉ khi các nhân viên của họ là dạng thụ động và có xu hướng làm công việc của mình mà không chiếm thế chủ động. Những nhà lãnh đạo hướng nội có chính xác kết quả ngược lại. Khi họ làm việc với các nhân viên luôn chủ động tìm cách cải thiện quy trình công việc, các cửa hàng của họ bỏ xa các cửa hàng điều hành bởi người hướng ngoại đến hơn 14%.Trong nghiên cứu thứ hai, đội của Grant chia 163 sinh viên đại học thành các đội thi với nhau để xem ai gấp được nhiều áo phông nhất trong vòng 10 phút. Nhưng những người tham gia hoàn toàn không biết rằng, trong mỗi đội đều có hai diễn viên. Trong một số đội, các diễn viên sẽ tỏ vẻ thụ động, làm theo chỉ thị của người lãnh đạo. Trong một số đội khác, một trong hai diễn viên sẽ nói, "Không biết có cách nào hiệu quả hơn không nhỉ?". Người diễn viên còn lại sẽ nói anh ta có một người bạn ở Nhật đã chỉ cho anh ấy một mẹo gấp áo nhanh hơn bình thường rất nhiều. "Tớ có thể sẽ phải tốn một hai phút để dạy các cậu", người diễn viên nói với lãnh đạo của nhóm, "nhưng liệu các cậu có muốn thử không?"Kết quả thật vô cùng đáng ngạc nhiên. Các lãnh đạo hướng nội có xu hướng làm theo lời gợi ý nhiều hơn đến 20%—và các đội của họ đạt được kết quả tốt hơn các đội của lãnh đạo người hướng ngoại đến hơn 24%. Nhưng khi các thành viên không phải là người chủ động thì lại khác—khi họ chỉ đơn giản là làm theo mệnh lệnh của chỉ huy thay vì đưa ra gợi ý về cách gấp áo của riêng mình—những đội lãnh đạo bởi người hướng ngoại lại vượt mặt đội của người hướng nội tới 22%.Tại sao thành tích của các lãnh đạo này lại thay đổi tùy thuộc vào việc cấp dưới của họ làm việc thụ động hay chủ động? Grant nói rằng cũng hợp lý khi những lãnh đạo hướng nội lại xuất sắc đến đặc biệt trong việc điều hành những nhân viên chiếm-thế-chủ-động. Bởi họ có thiên hướng lắng nghe người khác nói, và không hứng thú với việc tỏ ra áp đảo trong các tình huống giao tiếp xã hội, những người hướng nội sẽ có xu hướng lắng nghe và áp dụng những lời gợi ý của cấp dưới hơn nhiều. Được hưởng lợi từ tài năng của những người theo mình, họ vì thế lại có xu hướng động viên, khích lệ cấp dưới càng thêm chủ động hơn nữa. Nói một cách khác, các nhà lãnh đạo hướng nội tạo nên một vòng tuần hoàn của sự chủ động sáng tạo. Trong thí nghiệm về cuộc thi gấp áo, các thành viên trong nhóm đều báo cáo lại, họ thấy những lãnh đạo hướng nội của mình cởi mở và dễ tiếp thu các ý tưởng của họ hơn, điều này giúp thúc đẩy họ làm việc nhiều hơn để gấp được nhiều áo phông hơn nữa.Những người hướng ngoại, ngược lại, có thể rất quyết tâm phải đặt dấu ấn của mình lên tất cả mọi sự kiện, đến mức họ mạo hiểm bỏ qua các ý tưởng tốt của những người khác trên đường đi, và khiến các nhân viên của mình dần rơi vào trạng thái bị động. "Thường thì kết cục lại, người lãnh đạo nói nhiều nhất", giáo sư Francesca Gino nói, "và không chú tâm đến bất kể ý kiến nào các cấp dưới của mình đang cố đề xuất". Nhưng với khả năng khơi truyền cảm hứng tự nhiên của họ, những người hướng ngoại làm tốt hơn trong việc có được kết quả tốt từ những nhân viên thụ động hơn mình.Hướng nghiên cứu này vẫn chỉ ở trong giai đoạn đầu. Nhưng với sự trợ giúp của Grant—một người mà bản thân cũng rất mực chủ động và hào hứng trong công việc—nó có thể sẽ phát triển rất nhanh. (Một trong các đồng nghiệp đã từng miêu tả Grant thuộc loại người "có thể khiến mọi thứ xảy ra hai-mươi-tám phút trước khi nó được lên kế hoạch để bắt đầu"). Grant đặc biệt hào hứng với hiệu quả hứa hẹn có thể đạt được từ các khám phá này, bởi những nhân viên hăng hái, luôn chủ động tìm kiếm cơ hội trong một thế giới dịch chuyển liên tục, 24/7 của môi trường kinh doanh, mà không cần đợi lãnh đạo phải ra chỉ thị từng việc một cho họ, đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với thành công của tổ chức. Biết cách làm thế nào để tối đa hóa năng lực cống hiến của các nhân viên này là một công cụ quan trọng cho mọi nhà lãnh đạo. Một điều cũng đặc biệt quan trọng với các công ty, đấy là phải huấn luyện cả những người biết lắng nghe, bên cạnh những người biết diễn thuyết, cho các vị trí lãnh đạo.Các tờ báo nổi tiếng, Grant nói, đều đăng đầy các gợi ý rằng những lãnh đạo hướng nội cần luyện tập khả năng nói trước đám đông của mình, và cười nhiều hơn nữa. Nhưng các nghiên cứu của Grant đã chỉ ra rằng ít nhất trên một phương diện—khuyến khích các nhân viên chủ động hơn—các nhà lãnh đạo hướng nội sẽ có thể làm rất tốt, chỉ bằng những khả năng tự nhiên nhất với họ. Các nhà lãnh đạo hướng ngoại, mặt khác, "có lẽ sẽ muốn phát triển một phong cách kín đáo, tĩnh lặng hơn", Grant viết. Họ có lẽ sẽ muốn học cách ngồi xuống, để những người khác có thể đứng lên.Và đó cũng chính là điều mà một người phụ nữ tên Rosa Parks đã làm một cách rất tự nhiên. Từ tận bốn năm trước thời điểm tháng Mười Hai năm 1955, khi Rosa Parks từ chối nhường ghế của mình trên chuyến xe buýt tại Montgomery, bà đã làm những công việc hậu trường cho NAACP (Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu), và thậm chí còn nhận được đào tạo về đấu tranh bất bạo động. Rất nhiều thứ đã giúp truyền cảm hứng cho sự tận tụy về chính trị của bà. Thời điểm mà Đảng Ku Klux Klan diễu hành qua trước cửa nhà bà ngày còn nhỏ. Thời điểm mà anh trai bà, một binh nhì trong quân đội Mỹ, người đã cứu tính mạng của rất nhiều đồng đội người da trắng, trở về nhà sau Thế Chiến thứ II chỉ để bị những người khác phỉ nhổ và nguyền rủa. Thời điểm mà một cậu bé đưa hàng da đen mười tám tuổi bị khép tội cưỡng hiếp bằng những bằng chứng cưỡng ép, và bị đưa lên ghế điện. Parks sắp xếp những sổ sách của NAACP, theo dõi việc thu-nộp lệ phí của các thành viên, đọc sách cho các em nhỏ gần nhà mình. Bà đã rất tận tâm và đáng kính, nhưng không ai nhìn nhận bà như một nhà lãnh đạo cả. Parks, có vẻ, thích hợp với vai trò của một người lính trơn hơn.Không nhiều người biết rằng, trước thời điểm của vụ công khai chống lại người lái xe buýt nổi tiếng của mình ở Montgomery, bà đã một lần đụng độ với chính người đàn ông đó, thậm chí rất có khả năng là cũng trên chính tuyến xe buýt đó. Đó là một buổi chiều tháng Mười Một năm 1943, Parks đã lên bằng cửa trước của xe buýt vì cửa sau đã quá đông. Người tài xế, một người kỳ thị chủng tộc nổi tiếng tên James Blake, đã yêu cầu bà dùng cửa sau, và bắt đầu đẩy bà xuống khỏi xe. Parks yêu cầu ông không được chạm vào bà ta. "Tôi sẽ tự xuống", bà nhẹ nhàng nói. "Xuống ngay khỏi xe của tôi!" Blake rít lên giận dữ.Parks tuân phục, nhưng chỉ sau khi cố tình đánh rơi ví của mình trên đường xuống xe, và phải ngồi xuống một cái ghế của bên "da trắng" để nhặt lại nó. "Một cách vô thức, bà đã thể hiện một hành động đấu tranh bất bạo động, một nguyên tắc được đặt tên bởi Leo Tolstoy và đã được thực hành bởi Mahatma Gandhi", nhà sử học Douglas Brinkley đã viết, trong một cuốn tiểu sử tuyệt vời về Parks. Phải một thập kỷ sau đó King mới phổ biến rộng rãi khái niệm đấu tranh bất bạo động, và rất lâu sau đó Parks mới nhận được đào tạo về bất tuân dân sự (civil disobedience), nhưng, như Brinkley đã viết, "những nguyên tắc đó đã luôn phù hợp tuyệt đối với tính cách của chính bà".Parks đã căm ghét Blake tới nỗi bà từ chối bước lên chuyến buýt của ông một lần nữa trong suốt mười hai năm sau đó. Vào cái ngày mà cuối cùng bà làm thế, ngày đã biến bà trở thành "Bà mẹ của phong trào dân quyền", bà đã bước trở lại lên chiếc xe buýt đó, theo Brinkley, hoàn toàn do không để ý mà thôi.Hành động của Parks ngày hôm đó là vô cùng dũng cảm và phi thường, nhưng phải trong hoàn cảnh pháp lý tệ hại, sức mạnh tĩnh lặng của Parks mới thực sự tỏa sáng. Các nhà lãnh đạo hoạt động dân quyền trong vùng coi bà như một thử nghiệm để thách thức luật lệ về xe buýt của thành phố, nên họ thúc giục bà nộp đơn kiện. Đây hoàn toàn không phải một quyết định nhỏ chút nào. Parks có một người mẹ ốm yếu phải phụ thuộc vào mình, và khởi đơn kiện đồng nghĩa với mất việc làm của bà và của cả chồng bà. "Rosa, những người da trắng sẽ giết em đấy", chồng bà cầu xin bà. "Bị bắt vì một tai nạn đơn lẻ trên xe buýt là một chuyện," Brinkley viết, "nhưng lại là một chuyện khác, như nhà sử học Taylor Branch đã viết, "khi bước lại vào vùng cấm một cách chủ định".Nhưng với bản tính tự nhiên của mình, Parks đã là một nguyên đơn tuyệt vời. Không chỉ bởi bà là một tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo, không chỉ bởi bà là một công dân ngay thẳng, chính trực, mà còn bởi bà là một người rất hiền hậu. "Lần này thì họ đã gây chuyện với nhầm người rồi!", những người tham gia tẩy chay xe buýt ủng hộ Parks sẽ tuyên bố, khi họ cuốc bộ hàng dặm tới trường, và tới nơi làm việc. Câu nói dần trở thành một khẩu hiệu đồng thanh của tất cả. Sức mạnh của nó nằm ở chính tính nghịch lý: Thông thường một câu nói như vậy sẽ ám chỉ bạn đã dám giỡn mặt với kẻ khổng lồ trong vùng, với ông trùm của cả địa bàn. Nhưng chính sức mạnh tĩnh lặng của Parks đã giúp bà không thể bị đánh bại. "Câu khẩu hiệu đó giống như một lời nhắc nhở, rằng người phụ nữ đã tạo nên cuộc tẩy chay này là một người tử vì đạo tĩnh lặng mà Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi".Parks đã dành nhiều thời gian để cân nhắc quyết định, nhưng cuối cùng bà đã đồng ý phát đơn kiện. Bà cũng đồng ý xuất hiện ở những cuộc biểu tình ủng hộ vào buổi tối hôm phiên tòa xét xử mình diễn ra, buổi tối mà người đàn ông còn trẻ Martin Luther King Jr, người đứng đầu một Hiệp Hội Vì Montgomery Tiến Bộ chỉ vừa mới thành lập, tập hợp tất cả cộng đồng người da màu ở Montgomery lại để phát động một chiến dịch tẩy chay dịch vụ xe buýt. "Bởi vì dù gì nó cũng phải xảy ra", King nói với đám đông, "Tôi mừng vì nó đã xảy ra với một người như Rosa Parks, bởi hẳn nhiên không ai có thể nghi ngờ sự trung thực của bà. Không ai có thể nghi ngờ nhân cách cao đẹp của bà. Bà Parks đã rất khiêm tốn, nhưng cả nhân cách và sự trung thực đều ở cả đây".Trong một năm sau đó, Parks đã đồng ý tham gia vào một tour diễn thuyết và gây quỹ với King và các nhà lãnh đạo vì nhân quyền khác. Bà đã phải chịu đựng chứng mất ngủ, bệnh đau nhức, và nỗi nhớ nhà dai dẳng trong suốt cả chuyến đi. Bà đã gặp được thần tượng của mình, Eleanor Roosevelt, người đã viết về cuộc gặp với bà trong một bài báo như sau: "Bà ấy là một người rất ít nói, dịu dàng, và thật khó có thể hình dung được là bà ấy sẽ bao giờ có thể đảm nhận một vị trí chủ động và độc lập". Khi cuộc tẩy chay cuối cùng cũng kết thúc, hơn một năm sau, các chuyến xe buýt đã hủy bỏ mọi phân biệt đối xử giữa các màu da theo phán quyết của Tòa Án Tối Cao, thì Parks nhanh chóng bị lãng quên bởi giới báo chí. Tờ báo The New York Times cho đăng một bài báo dài hai mặt giấy chúc mừng thắng lợi của King, nhưng không hề nhắc gì đến bà. Những tờ báo khác cho chụp và đăng ảnh các lãnh đạo của cuộc tẩy chay cùng ngồi trước những chiếc xe buýt, nhưng Parks đang không hề được mời xuất hiện trong những bức ảnh ấy. Bà không hề lấy đó làm phiền lòng. Vào cái ngày mà các chuyến xe buýt hủy bỏ mọi phân biệt đối xử, bà đã chọn ở nhà và chăm sóc cho mẹ mình. Câu chuyện của Parks là một minh chứng rõ ràng rằng trong suốt cả lịch sử, chúng ta cũng đã vinh dự được có những nhà lãnh đạo không-thích-làm-tâm-điểm-của-sự-chú-ý. Moses chẳng hạn, dựa theo một vài phiên bản của câu chuyện về ông, không phải là dạng người đa ngôn, hoạt náo vẫn thường tổ chức những chuyến đi chơi với bạn bè, hay tự tin hùng hồn diễn thuyết trong các lớp học tại Trường Đại Học Kinh Tế Harvard. Ngược lại, dựa theo tiêu chuẩn ngày nay, ông còn có thể được coi là rụt rè đến khó chấp nhận nữa. Ông nói năng lắp bắp, và luôn tự coi mình là kẻ không có tài ăn nói. Sách Dân số (một phần của Kinh Thánh) đã miêu tả ông là "hết sức hiền lành, hơn tất cả mọi con người từng bước đi trên mặt đất này".Khi Thiên Chúa lần đầu tiên hiện hình trước mặt ông dưới hình dạng một bụi cây đang bùng cháy, Moses đang được giao nhiệm vụ chăn đàn cừu bởi cha vợ mình; ông khi đó còn không có đủ tham vọng để thậm chí có riêng cho mình một con cừu nữa. Và khi Thiên Chúa tiết lộ cho Moses rằng nhiệm vụ của ông là giải phóng cho những người Do Thái, có phải Moses đã chớp lấy ngay cơ hội không? Không, ông nói: hãy gửi người nào đó khác đi làm việc đó đi. "Tôi là ai, mà có thể đến đối mặt với Pharaoh?" ông năn nỉ. "Tôi chưa bao giờ là kẻ giỏi hùng biện. Tôi ăn nói rất chậm và rất khó thốt nên lời".Chỉ khi Thiên Chúa bắt cặp Moses với người anh trai hướng ngoại Aaron của ông thì ông mới chịu đồng ý nhận lãnh trọng trách này. Moses sẽ là người viết kịch bản, người phụ-trách-hậu-trường, là Cyrano de Bergerac; còn Aaron sẽ là gương mặt của công chúng trong cả chiến dịch. "Anh ấy sẽ như là miệng lưỡi của con", Thiên Chúa nói, "và con sẽ như là Thiên Chúa với anh ấy".Được bổ sung sức mạnh từ Aaron, Moses đã dẫn dắt những người Do Thái thoát khỏi Ai Cập, lo cái ăn cái mặc cho họ trong suốt bốn mươi năm sau đó, và mang Mười Điều răn xuống từ đỉnh núi Sinai. Và ông đã làm tất cả những điều này bằng những sức mạnh điển hình có liên quan chặt chẽ với tính hướng nội: leo lên một đỉnh núi để kiếm tìm sự thông thái, và cẩn thận ghi chép lại tất cả, trên hai bia khắc đá, những gì ông đã học được.Chúng ta thường suy ra tính cách thật của Moses từ câu chuyện Exodus (trong bộ phim kinh điển của mình, "The Ten Commandments", đạo diễn Cecil B. DeMille đã khắc họa Moses như là một nhân vật hành động có thể làm tất cả những công việc diễn thuyết mà không cần tới sự trợ giúp từ Aaron). Chúng ta thường không đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa lại chọn một kẻ nói lắp và mắc chứng sợ diễn thuyết làm nhà tiên tri cho mình. Nhưng đúng ra chúng ta nên thắc mắc. Cuốn sách Exodus chỉ cắt nghĩa rất ngắn gọn, nhưng những câu chuyện của nó đem đến gợi ý rằng: tính hướng nội bổ khuyết cho tính hướng ngoại, như âm bổ khuyết cho dương; và rằng những người năm xưa nghe theo Moses bởi vì những lời nói của ông thâm trầm và sâu sắc, chứ không phải bởi vì ông đã nói nó thật hay. Nếu Parks nói thông qua những hành động, và nếu Moses nó thông qua người anh trai của mình, Aaron; thì ngày hôm nay, có một dạng lãnh đạo hướng nội khác đang nói thông qua mạng Internet.Trong cuốn sách của mình, "The Tipping Point", Malcolm Gladwell đã khám phá sức ảnh hưởng của những "Người Kết Nối"—những người có "một năng lực đặc biệt trong việc đưa thế giới lại với nhau", và "một năng lực bẩm sinh và tự nhiên trong việc giúp kết nối xã hội". Ông miêu tả "một Người Kết Nối điển hình" có tên Roger Horchow, một doanh nhân quyến rũ và thành đạt, và là nhà tài trợ cho những vở diễn thành công nhất của Broadway như "Les Misérables"; là người "sưu tầm những người khác như thể sưu tầm tem vậy". "Nếu bạn ngồi cạnh Roger Horchow trong một chuyến bay ngang qua Đại Tây Dương", Gladwell viết, "ông ấy sẽ bắt đầu nói chuyện với bạn khi chiếc máy bay chạy khỏi đường băng, và đến lúc bạn hạ cánh tại đầu kia, bạn sẽ phải thắc mắc là tại sao thời gian trôi đi nhanh thế".Chúng ta nhìn chung thường mường tượng những Người Kết Nối theo cách như Gladwell đã miêu tả Horchow: thích bắt chuyện, giỏi kết thân, thậm chí là có thể hớp hồn hoàn toàn người nói chuyện cùng với mình. Nhưng hãy dừng lại một chút để cân nhắc về một người đàn ông khiêm tốn, mực thước có tên Craig Newmark. Vóc người thấp, hói đầu và đeo kính; Newmark là một kỹ sư hệ thống đã làm việc mười bảy năm tại IBM. Trước đó, ông đã có lòng đam mê mãnh liệt với khủng long, cờ vua, và vật lý. Nếu bạn có tình cờ ngồi cạnh ông trên một chuyến bay, rất có thể ông ấy sẽ chỉ đang chúi mũi vào một quyển sách nào đấy.Ấy vậy nhưng, Newmark cũng tình cờ lại là người sáng lập và là chủ sở hữu lớn nhất của Craigslist, một trang web đặt theo tên của ông với nhiệm vụ—ừm—chính là kết nối mọi người với nhau. Tính đến 28 tháng Năm năm 2011, Craigslist đã là trang web tiếng Anh lớn thứ bảy trên thế giới. Lượng người dùng của nó đến từ hơn 700 thành phố trải trên khắp 70 quốc gia; họ tìm kiếm việc làm, kết bạn, và thậm chí cả tìm người hiến thận trên trang web này của Newmark. Họ thành lập và tham gia những nhóm nhạc cùng với nhau. Họ đọc cho nhau nghe những bài thơ Haiku tự viết. Họ thú nhận với nhau những bí mật đời tư của mình. Newmark đã miêu tả trang mạng này của mình không phải như một công việc kinh doanh, mà là như một thứ của cải chung của cộng đồng."Kết nối con người với nhau để chữa lành thế giới này là giá trị tinh thần cao nhất con người ta có thể đạt được", Newmark đã nói vậy. Sau cơn bão Katrina, Craigslist đã giúp những gia đình gặp nạn tìm được nơi ở mới cho mình. Trong những ngày hệ thống vận tải công cộng New York bị tê liệt vì phong trào đình công vào năm 2005, Craigslist là nơi người ta tìm đến để xin đi chung/nhờ xe. "Lại thêm một cuộc khủng hoảng nữa, và Craigslist đã đứng ra điều hành cho cả cộng đồng", một blogger đã viết như vậy khi bàn về vai trò của Craigslist trong cuộc đình công. "Làm thế nàp Craig có thể từ từ chạm đến cuộc sống này ở quá nhiều cấp độ riêng tư như vậy—và làm thế nào những người dùng của Craig lại có thể chạm đến cuộc sống của nhau ở rất nhiều mức độ đến như vậy?"Đây là một câu trả lời: truyền thông đại chúng đã giúp những dạng lãnh đạo mới có thể trở thành hiện thực cho rất nhiều những người không đặt vừa trong khuôn mẫu lãnh đạo đặt ra bởi Trường Đại Học Kinh Tế Harvard. Vào 10 tháng Tám năm 2008, Guy Kawasaki, một tác giả sách bán chạy hàng đầu, diễn giả nổi tiếng, ông chủ của nhiều công ty lớn, và là một huyền thoại ở Thung lũng Silicon, đã đăng trên twitter như sau: "Có thể bạn sẽ thấy điều này là khó tin, nhưng tôi là một người hướng nội. Tôi có một vai diễn phải đóng, nhưng sâu trong tận bản chất thực sự, tôi là một kẻ đơn độc". Bài đăng này của Kawasaki đã làm cả thế giới truyền thông xã hội phải xôn xao. "Vào lúc đó", một blogger viết, "ảnh đại diện trên mạng của Guy là hình ảnh ông đang cuốn một cái khăn lông to bự màu hồng tại một bữa tiệc mà ông tổ chức tại nhà riêng của mình. Guy Kawasaki là một người hướng nội ư? Nghe quá sức là vô lý".Vào 15 tháng Tám năm 2008, Pete Cashmore, người sáng lập ra Mashable, một trang web đi đầu trong giới truyền thông xã hội, cũng tham gia vào cuộc tranh luận. "Không phải thật là mỉa mai lắm hay sao", ông hỏi, "khi người luôn xướng lớn nhất câu thần chú "tất cả là về mọi người" lại không hề quá ham thích việc phải gặp gỡ nhiều nhóm người trong đời thực? Có lẽ các phương tiện truyền thông đã cho phép chúng ta kiểm soát thứ chúng ta vẫn thiếu trong giao tiếp ngoài đời thực: màn hình máy tính đã đóng vai trò như một lớp rào chắn an toàn giữa chúng ta và thế giới". Và rồi Cashmore tự mình thú nhận "Cứ quẳng tôi vào cùng một rọ 'hướng nội' với Guy đi", ông đăng trên mạng.Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quả thực những người hướng nội có xu hướng cao hơn người hướng ngoại trong việc giãi bày những sự thật riêng tư về bản thân họ trên mạng, mà cả gia đình và bạn bè thân thiết họ khi đọc cũng phải ngạc nhiên; trong việc nói rằng họ có thể thể hiện "cái tôi thực sự" của mình trên mạng; và trong việc họ dành nhiều thời gian hơn cho chỉ riêng một số loại thảo luận qua mạng nhất định. Họ vui mừng chào đón mọi cơ hội được giao tiếp qua mạng. Cũng chính cái người sẽ không bao giờ dám giơ tay phát biểu trong một giảng đường 200 người, lại có thể sẵn sàng đăng những bài blog cho hai nghìn, thậm chí hai triệu người đọc mà không hề chần chừ dù chỉ một giây. Cũng chính cái người luôn cảm thấy khó khăn khi phải tự giới thiệu bản thân với người lạ, cũng có thể tạo dựng tiếng tăm của mình trên mạng rồi thậm chí mở rộng cả các mối quan hệ đó ra ngoài đời sống thực.Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Tình Huống Sinh Tồn Vùng Cận Bắc Cực được tổ chức trực tuyến qua mạng, với tiếng nói của tất cả mọi người tham gia—kể cả những Rosa Parks, Craig Newmark hay Darwin Smith? Sẽ thế nào nếu nhóm những người sống sót trong vụ đắm tàu này lại là những người rất hăng hái chủ động, và được lãnh đạo bởi một người hướng nội có khả năng khuyến khích họ cống hiến nhiều hơn? Sẽ thế nào nếu một người hướng nội và một người hướng ngoại cùng chia sẻ quyền lãnh đạo, như Rosa Parks và Martin Luther King Jr đã làm? Liệu họ có thể đạt được kết quả như ý không?Tất cả đều không thể nói trước được. Chưa một ai từng tiến hành các nghiên cứu về điều này, ít nhất là theo như tôi biết—đây quả thực là một điều vô cùng đáng tiếc. Có thể hiểu được tại sao hình mẫu lãnh đạo đặt ra bởi Trường Đại Học Kinh Tế Harvard lại đặt ưu tiên rất nhiều vào sự tự tin và khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng. Nếu những người hăng hái chủ động thường hay làm được việc, vậy thì đó hẳn nhiên là một một kỹ năng hữu ích cho những nhà lãnh đạo—những người mà công việc của họ phụ thuộc nhiều vào việc có thể gây ảnh hưởng lên những người khác. Sự quyết đoán sẽ khơi dậy lòng tự tin, trong khi sự do dự (hay thậm chí chỉ là trông giống như đang do dự) có thể sẽ đe dọa làm sụt giảm nhuệ khí của cả tập thể. Nhưng người ta có thể đẩy những sự thật này đi quá xa; trong một số trường hợp, những phong cách lãnh đạo khiêm tốn cũng có thể có hiệu quả tương tự, thậm chí cao hơn. Khi rời khỏi Trường Đại Học Kinh Tế Harvard, tôi có dừng lại trước một triển lãm những bức tranh hoạt họa đã từng được đăng trên tờ báo "Wall Street Journal", được tổ chức tại sảnh Thư Viện Baker. Một bức trong số đó vẽ một ông giám đốc với vẻ mặt hốc hác, mệt mỏi đang nhìn một biểu đồ mức lợi nhuận xuống thấp dần."Tất cả chỉ tại Fradkin", viên giám đốc nói với một người đồng nghiệp. "Hắn ta khả năng kinh doanh thì vô cùng tệ hại, nhưng lại có kỹ năng lãnh đạo tuyệt vời, và tất cả mọi người cứ cùng theo hắn lao đầu xuống vực thẳm hết". Liệu Thiên Chúa có thích người hướng nội không? Nan đề của một tín đồ đạo Tin LànhNếu như Trường Đại Học Kinh Tế Harvard là vùng đất riêng ở Bờ Đông cho những kẻ xuất sắc đến từ khắp nơi trên thế giới, thì điểm dừng tiếp theo của tôi lại là một tổ chức gần như trái ngược với nó hoàn toàn. Nó nằm trên một mảnh đất trải rộng trên hơn 120 mẫu, trên nền của một vùng sa mạc cũ mà nay là ngoại ô của thành phố Lake Forest, Mỹ. Không giống như Trường Đại Học Kinh Tế Harvard, nơi đây sẵn sàng nhận bất cứ ai muốn tham gia. Các gia đình thong thả dạo bước trên những lối đi dạo dọc các khu mua sắm dưới những tán cọ. Trẻ em vui vẻ chơi đùa bên những dòng suối và thác nước nhân tạo. Các nhân viên vẫy tay chào thân thiện khi họ lướt qua bạn trên những chiếc xe điện đánh golf. Cứ mặc bất cứ thứ gì mà bạn muốn: giày thường hoặc thậm chí dép lê cũng hoàn toàn OK. Ngôi trường này không phải được lãnh đạo bởi các giáo sư ăn vận đẹp đẽ, thích dùng những từ ngữ như "nhân vật chính" hay "tình huống giả định"; mà là bởi một người đàn ông hiền lành, vóc dáng như một ông già Nôen, mang một chiếc áo sơ mi kiểu Hawaii chim cò và để một kiểu râu goatee phớt phớt nâu.Với số người tham gia trung bình hàng tuần là 22.000, và vẫn đang tăng lên, Nhà thờ Saddleback là một trong những nhà thờ đạo Tin Lành lớn nhất và có tầm ảnh hưởng mạnh nhất trên khắp nước Mỹ. Lãnh đạo nó là Rick Warren, tác giả của "The Purpose Driven Life", một trong những cuốn sách bán chạy hàng đầu mọi thời đại, và ông cũng là người đã làm lễ cho buổi nhậm chức của tổng thống Obama. Saddleback không tạo ra những nhà lãnh đạo nổi tiếng khắp thế giới như Trường Đại Học Kinh Tế Harvard, nhưng vai trò mà nó đóng trong xã hội cũng không hề kém đáng nể hơn dù chỉ một chút nào. Những thủ lĩnh Tin Lành ở đây có sức ảnh hưởng lên cả các Tổng Thống; chiếm lĩnh hàng nghìn giờ chiếu trên tivi; và điều hành những công vụ kinh doanh trị giá hàng nhiều triệu đô-la—trong đó, những người nổi bật nhất sở hữu các công ty sản xuất của riêng mình, các hãng ghi âm, và cả những thỏa thuận phát hành với những gã khổng lồ của giới truyền thông như Time Warner nữa.Saddleback cũng đồng thời có chung một đặc điểm với Trường Đại Học Kinh Tế Harvard: đó là món nợ mà nó mang với, cũng như sự truyền bá của nó từ Nền Văn Hóa Của Tính Cách.Đó là một buổi sáng Chủ Nhật tháng Tám năm 2006, và tôi đang đứng giữa một giao lộ của vô số các lối đi dạo đông đúc trong khuôn viên Saddleback. Tôi tìm kiếm sự trợ giúp từ một bảng chỉ đường—loại mà các bạn vẫn thấy trong Walt Disney World—với cả đống mũi tên vui vẻ chỉ đi khắp mọi hướng: Nhà Nguyện Trung Tâm, Phòng Plaza, Khu café ngoài trời, Khu café trên bãi biển. Một tấm poster gần đó in hình một chàng trai trẻ cười lớn rạng rỡ, trong chiếc áo sơ mi chui đầu và giày đế bệt đỏ rực, với dòng chữ: "Bạn muốn tìm đường? Sao không thử đến với Phòng thường trực Giao thông của chúng tôi?"Tôi đang tìm đến hiệu sách ngoài trời, nơi tôi sẽ gặp Adam McHugh, một mục sư dòng Tin Lành tại địa phương, người tôi đã có trao đổi thư từ liên lạc từ trước đó. McHugh công khai thừa nhận mình là một người hướng nội, và chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện xuyên-quốc gia về việc cảm giác thế nào khi làm một người ít nói, thích suy nghĩ và trí óc trong thế giới của đạo Tin Lành—đặc biệt là ở cương vị một người lãnh đạo. Cũng giống như ở Trường Đại Học Kinh Tế Harvard, các nhà thờ dòng Tin Lành thường coi tính hướng ngoại là một yêu cầu tiên quyết cho vị trí lãnh đạo, đôi lúc họ còn nói thẳng. "Các giáo sĩ phải [v..v...] là một người hướng ngoại, luôn nhiệt tình chiếm được thiện cảm của các thành viên và những người mới tham gia, là một người có tinh thần đồng đội", một yêu cầu tuyển dụng cho vị trí phó mục sư của một giáo xứ với hơn 1400 thành viên đã đăng như vậy. Một giáo sĩ trưởng tại một nhà thờ khác đã thừa nhận trên mạng rằng, ông luôn khuyên các giáo xứ khi tuyển chọn mục sư mới thì nên đặt câu hỏi về kết quả trắc nghiệm tâm lý Myers-Briggs của anh ta. "Nếu chữ cái đầu tiên không phải là "E" (viết tắt của "extrovert", tức "hướng ngoại")", ông nói với họ, "thì hãy cân nhắc lại thật cẩn thận việc tuyển dụng anh ta đi... Tôi chắc chắn rằng Thượng Đế của chúng ta là một người hướng ngoại".McHugh không hề phù hợp với những lời miêu tả này. Anh đã khám phá ra tính hướng nội của mình từ khi còn là một sinh viên năm nhất tại Đại Học Claremont McKenna, lúc anh nhận ra rằng mình luôn dậy sớm hơn mỗi buổi sáng chỉ để nhấm nháp tận hưởng một chút thời gian yên tĩnh bên tách cà phê. Anh hoàn toàn cảm thấy thoải mái ở các bữa tiệc, nhưng luôn thấy mình bỏ về sớm hơn những người khác. "Người ta thì càng lúc càng nói lớn hơn, tôi thì lại càng về cuối càng ít nói dần", anh bảo với tôi. Anh đã làm bài trắc nghiệm tâm lý tính cách Myers-Briggs và phát hiện ra rằng có một từ ngữ—"hướng nội"—miêu tả đúng dạng người hay thích dành thời gian một mình như anh hay làm vậy.Lúc đầu McHugh cảm thấy việc dành nhiều thời gian hơn cho riêng mình chẳng có gì là xấu. Nhưng rồi, anh bắt đầu hoạt động tích cực hơn trong các hoạt động của dòng Tin Lành, và dần cảm thấy tội lỗi về tất cả những sự ham thích được ở một mình đó của mình. Anh thậm chí còn đã tin rằng Thượng Đế không tán thành những lựa chọn của anh, và mở rộng ra, là không tán thành cả chính con người anh."Nền văn hóa của dòng Tin Lành gắn lòng mộ đạo với tính hướng ngoại", McHugh giải thích. "Sự chú trọng được đặt vào tính cộng đồng, vào việc tham gia vào nhiều hơn và nhiều hơn nữa các chương trình và sự kiện, vào việc gặp gỡ được với nhiều và nhiều người hơn nữa. Với những người hướng nội, luôn có một nỗi lo sợ liên tục bất biến rằng mình chưa làm những điều này đủ tốt. Và trong một thế giới tôn giáo, có nhiều thứ để lo ngại hơn nhiều khi bạn gặp phải nỗi lo sợ này. Nó không chỉ là 'Mình chưa làm được đủ tốt như mình muốn'. Nó còn như là 'Chúa đang không hài lòng với mình'".Từ bên ngoài cộng đồng Tin Lành mà nhìn vào, đây quả thực là một lời thú nhận đáng kinh ngạc. Từ khi nào mà việc ưa thích sự tĩnh lặng đơn độc lại là một trong Bảy Trọng Tội? Nhưng với một người đồng đạo Tin Lành, sự thất bại trong phương diện tâm linh của McHugh lại là điều hoàn toàn hợp lý. Tư tưởng Tin Lành hiện đại nói rằng: cứ mỗi người mà bạn không gặp được và không thuyết phục nhập đạo được, thì đấy là một linh hồn mà đúng ra bạn đã có thể cứu vớt. Tư tưởng này cũng đồng thời đặt ưu tiên vào việc xây dựng tính cộng đồng giữa các tín đồ ngoan đạo, với nhiều nhà thờ luôn khuyến khích (thậm chí là còn yêu cầu) các tín đồ phải tham gia thành những nhóm trong mọi hoạt động có thể—nấu ăn, đầu tư địa ốc, hay thậm chí là chơi trượt ván. Vậy nên mỗi sự kiện xã hội mà McHugh bỏ về sớm, mỗi buổi sáng mà anh ở nhà một mình, mỗi nhóm tổ chức mà anh không tham gia là đồng nghĩa với hàng vô số cơ hội kết nối với người khác mà anh đã bỏ lỡ.Nhưng, mỉa mai thay, nếu có một điều mà McHugh biết chắc, thì đấy là anh không phải là kẻ duy nhất. Anh nhìn xung quanh và thấy một số lượng không hề nhỏ những người khác trong cộng đồng đạo Tin Lành cũng có cùng cảm giác mâu thuẫn như mình. Anh đã được phong làm chức mục sư Giáo Hội Trưởng Lão, được làm việc với một đội gồm các thủ lĩnh sinh viên từ Đại học Claremont, và rất nhiều trong số họ là những người hướng nội. Đội này trở thành như kiểu một phòng thí nghiệm để thử nghiệm nhiều phong cách lãnh đạo hướng nội khác nhau. Họ tập trung vào những tương tác một-đối-một hoặc trong những nhóm nhỏ thay vì các nhóm lớn, và McHugh đã giúp các sinh viên tìm thấy được nhịp điệu trong cuộc sống, cho phép họ có được sự đơn độc tĩnh lặng mà họ cần và ưa thích, trong khi vẫn còn đủ năng lượng giao tiếp xã hội để lãnh đạo những người khác. Anh khuyến khích họ tìm thấy lòng can đảm để cất tiếng nói, và chấp nhận mạo hiểm để gặp mặt những người mới.Một vài năm sau, khi các phương tiện truyền thông xã hội bùng nổ và các blogger theo đạo Tin Lành bắt đầu đăng tải lên mạng về những trải nghiệm của họ; các bằng chứng về sự khác biệt sâu sắc giữa người hướng nội và hướng ngoại trong giáo hội đạo Tin Lành cuối cùng cũng xuất hiện. Một blogger đã viết về "tiếng khóc từ tận trong tim của mình, tự hỏi không biết làm sao để hòa nhập khi là một người hướng nội trong một giáo hội luôn kiêu hãnh về sự mộ đạo hướng ngoại của mình. Chắc hẳn vẫn có vài người (trong số các bạn) ngoài kia luôn phải thấy tội lỗi mỗi lần các bạn bị thúc ép bởi giáo hội. Chắc chắn phải có một chỗ trong vương quốc của Chúa cho những người nhạy cảm, thích suy tư chứ. Điều này không dễ để khẳng định, nhưng chắc chắn là phải có". Một người khác thì viết về mong ước đơn giản của anh là "được phục vụ Thiên Chúa, nhưng không phải phục vụ trong một hội đồng giáo xứ. Trong một nhà thờ chung cho tất cả, nên có cả chỗ cho những người ngại giao du".McHugh góp thêm tiếng nói của chính mình vào bản đồng ca này, đầu tiên với một blog kêu gọi các hoạt động tôn giáo nên chú trọng hơn nữa vào sự tĩnh lặng đơn độc và hoạt động nghiền ngẫm, rồi sau đó là qua một cuốn sách có tên: "Người Hướng Nội trong Giáo xứ: Tìm lấy chỗ của chúng ta trong một Nền Văn Hóa Hướng ngoại" ("Introverts in the Church: Finding Our Place in an Extroverted Culture"). Anh tranh luận rằng ý nghĩa của đạo Tin Lành là ở cả việc lắng nghe chứ không chỉ có nói, rằng các nhà thờ Tin Lành nên bao gồm cả những sự im lặng và bí ẩn vào trong hoạt động thờ phụng của mình, và rằng họ nên dành chỗ cho cả những lãnh đạo hướng nội—những người có thể thể hiện một con đường tĩnh lặng hơn để đến với Thiên Chúa. Dầu sao đi nữa, cuối cùng thì, chẳng phải mọi lời cầu nguyện đều là về cả sự tư duy nghiền ngẫm cũng như tính cộng đồng hay sao? Những đấng lãnh tụ tôn giáo, từ Chúa Jesus tới Đức Phật Tổ, cũng như mọi vị thánh, vị đại tăng, pháp sư và các nhà tiên tri ít được biết đến hơn khác—tất cả đều đã luôn tìm đến một nơi xa xôi tĩnh lặng nào đó, để một mình trải nghiệm những sự thiên khải, mà sau đó họ mới chia sẻ nó lại với chúng ta. Khi tôi cuối cùng cũng tìm đến được hiệu sách, McHugh đã đang đợi tôi ở đó từ trước rồi, với một vẻ ngoài điềm tĩnh. Anh chỉ vào khoảng trên 30 một chút, cao và có bờ vai rộng, bận quần jeans, áo sơ mi chui đầu màu đen, đi một đôi dép xỏ ngón cũng màu đen nốt. Với mái tóc ngắn màu nâu của mình, để một bộ râu goatee phớt phớt đỏ, hai bên tóc mai dài, McHugh trông không khác chi một người trẻ Thế hệ X điển hình; nhưng giọng nói của anh thì đầy êm dịu, ân cần quan tâm như của một vị giáo sư đại học. McHugh không giảng đạo hay làm lễ tại Nhà thờ Saddleback, nhưng chúng tôi đã chọn gặp nhau tại đây bởi nơi này là một biểu tượng quan trọng của nền văn hóa Tin Lành.Vì các hoạt động của nhà thờ đã sắp bắt đầu, nên chúng tôi gần như không có mấy thời gian để kịp trò chuyện. Nhà thờ Saddleback cung cấp sáu dạng "worship venue" (nhà nguyện lớn) khác nhau, mỗi cái lại có tòa nhà hoặc lều rạp riêng của mình, và mỗi nơi đều được thiết kế theo một chủ đề riêng: Nhà nguyện Trung tâm, Truyền Thống, OverDrive Rock, Gospel, Gia Đình, và cả một thứ gì đó có tên Phong cách Nguyện đảo Ohana (Ohana Island Style Worship). Chúng tôi thẳng tiến tới Nhà nguyện Trung Tâm, nơi Linh mục Warren đang sắp bắt đầu buổi giảng đạo. Với trần nhà cao ngút tầm mắt, đan chằng chéo vô số ánh đèn sân khấu, trông tòa hội trường này không khác chi sân khấu một đại hội nhạc Rock, trừ việc có thêm một cây thánh giá bằng gỗ đứng khiêm tốn nép mình ở một bên của căn phòng.Một người đàn ông tên Skip đứng lên làm nóng các tín đồ bằng một bài hát. Lời của ca khúc được hiển thị trên năm màn hình Jumbotron khổng lồ, trên nền các bức ảnh phong cảnh những hồ nước lấp lánh, hay cảnh hoàng hôn trên biển Caribbean. Các nhân viên kỹ thuật đeo gắn đầy microphone và ngồi ngất ngưởng trên những chiếc cần trục, chĩa máy quay về phía khán giả. Hình ảnh của máy quay dừng lại ở một cô bé tuổi vị thành niên—tóc vàng, dài và óng ả, nụ cười đầy hứng khởi, đôi mắt xanh rực sáng—đang hát theo rất nhiệt tình. Tôi không thể không nghĩ đến buổi seminar "Giải Phóng Sức Mạnh Bên Trong" của Tony Robbins. Tôi tự hỏi không biết có phải Tony đã xây dựng chương trình của ông ấy dựa trên những siêu nhà thờ như Saddleback này không, hay là ngược lại?"Chào buổi sáng, tất cả mọi người!" Skip cười tươi rạng rỡ, và rồi thúc giục chúng tôi chào những người ngồi xung quanh mình. Hầu hết mọi người đều làm theo với những nụ cười nở rộng và những cái bắt tay vui mừng, kể cả McHugh, nhưng vẫn có một chút gì như là cố gắng gượng ép ẩn sau nụ cười của anh.Rồi Linh mục Warren bắt đầu tiếp quản sân khấu. Ông mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay và để bộ râu goatee nổi tiếng của mình. Bài giảng hôm nay sẽ dựa trên sách Jeremiah, ông nói với chúng tôi. "Sẽ thật là xuẩn ngốc nếu đi làm kinh doanh mà không hề có một kế hoạch kinh doanh", Warren nói, "nhưng hầu hết mọi người lại đều sống mà không hề có một kế hoạch cho cuộc sống của mình. Nếu bạn là một lãnh đạo doanh nghiệp, bạn sẽ cần phải đọc đi đọc lại sách Jeremiah thật nhiều lần, bởi vì Ngài là một CEO thiên tài". Ở ghế ngồi của chúng tôi không hề có một cuốn Kinh Thánh nào, chỉ có bút chì và những thẻ giấy để ghi chép, với những nội dung quan trọng trong bài giảng đã được in sẵn, và các khoảng trống để chúng tôi tự điền vào trong quá trình lắng nghe bài nói của Warren.Cũng giống như Tony Robbins, Linh mục Warren có vẻ hoàn toàn chỉ có thiện ý; ông đã tạo ra cả hệ sinh thái Saddleback khổng lồ này từ trang giấy trắng, và ông đã làm rất nhiều việc thiện ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng cũng ngay lúc đó, tôi có thể thấy bên trong thế giới với những buổi nguyện theo phong cách đại tiệc và những lời cầu đi kèm với màn hình Jumbotron khổng lồ này, những người hướng nội ở Saddleback sẽ phải khó khăn đến đâu để không thấy mặc cảm về bản thân. Càng về cuối buổi giảng đạo, tôi càng cảm thấy rõ hơn cái cảm giác lạc lõng mà McHugh đã miêu tả. Những sự kiện như thế này không cho tôi cảm giác được hòa làm một với mọi người mà những người khác có vẻ đang rất thích thú tận hưởng; luôn luôn, chỉ có những cuộc gặp gỡ kín đáo, riêng tư mới có thể giúp tôi kết nối được với những niềm vui và nỗi buồn của thế giới, thường là qua những dạng liên hệ với các nhà văn hoặc nhạc sĩ mà tôi sẽ không bao giờ được gặp trực tiếp ngoài đời thật. Proust đã gọi những khoảnh khắc khi người đọc và tác giả trở nên đồng nhất như một này là "một sự giao tiếp nhiệm màu và tuyệt vời, ngay trong lòng chính sự tĩnh lặng cô đơn". Việc ông lựa chọn những từ ngữ mang màu sắc tôn giáo này hẳn không phải là một sự tình cờ. McHugh, như thể có thể đọc thấu ý nghĩ của tôi, quay sang tôi khi buổi giảng đạo kết thúc. "Tất cả mọi thứ trong buổi giảng này đều có dính đến giao tiếp", anh nói với một vẻ gì như hơi có một chút gì bất mãn. "Chào hỏi mọi người, rồi một buổi giảng đạo dài dằng dặc, rồi hát hò nữa. Không hề có sự chú trọng nào vào sự tĩnh lặng, vào những lễ tế, những nghi thức, những thứ có thể cho bạn không gian để suy ngẫm và tư duy".Sự khó chịu của McHugh càng trở nên buốt nhói hơn nữa, bởi anh thực sự ngưỡng mộ Nhà thờ Saddleback và tất cả những gì mà nó ủng hộ. "Saddleback đang làm những điều tuyệt vời ở khắp nơi trên thế giới, và cả trong cộng đồng của riêng nó", anh nói. "Nó là một nơi hữu ái, thân thiện, luôn chân thành tìm kiếm cách để kết nối với những thành viên mới. Đó là một công việc đáng nể phục, khi cân nhắc đến việc nhà thờ này lớn kinh khủng đến thế nào, và mọi người có thể mất kết nối với những người khác dễ đến đâu. Những lời chào thân thiện, những bầu không khí thoải mái không câu nệ hình thức, việc có thể thoải mái gặp gỡ những người xung quanh bạn—tất cả những điều này đều được thôi thúc bởi lòng thiện ý chân thành".Ấy vậy nhưng, McHugh vẫn cảm thấy những hoạt động luyện tập kiểu này, như việc bắt buộc phải nở-nụ-cười-và-chào-buổi-sáng vào đầu mỗi buổi giảng đạo, thực sự rất vất vả—và mặc dù bản thân anh có thể sẵn sàng chịu đựng nó, thậm chí là thấy được giá trị của nó, anh tỏ ra lo ngại rằng không biết có bao nhiêu người hướng nội khác không thể làm vậy."Nơi đây thiết lập ra một không gian hướng ngoại, một thứ có thể rất khó khăn cho những người hướng nội như tôi", anh giải thích. "Đôi lúc tôi cảm thấy mình như đang nói và làm chỉ vì nghĩa vụ chứ không phải vì thực lòng. Tất cả những sự nhiệt tình và đam mê thể hiện ra bên ngoài, thứ đã trở thành thành phần cốt lõi trong văn hóa của Saddleback, đều hoàn toàn không tự nhiên đối với tôi. Không phải rằng những người hướng nội thì không thể thấy háo hức hay nhiệt huyết như những người khác, chỉ là chúng tôi không công khai thể hiện nó ra ngoài như những người hướng ngoại. Nhưng ở một nơi như Saddleback, bạn có thể sẽ thấy nghi ngờ chính cảm giác của mình về Thiên Chúa. Liệu niềm tin của bạn có mạnh như của những người khác không, khi họ đang hiện lên như là những tín đồ trung thành nhất?"Đạo Tin Lành đã đưa Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng tới mức độ cao nhất của nó, McHugh như muốn nói với chúng ta như vậy. Nếu bạn không thể hét lên rằng bạn yêu Chúa Jesus, vậy thì đó chắc chắn không phải là tình yêu thực sự. Chỉ những nỗ lực thầm lặng để cố gắng tạo mối liên kết tâm linh với các đấng thiêng liêng là không đủ; cần phải công khai thể hiện nó ra ngoài nữa. Thế nên có gì đáng ngạc nhiên khi những người hướng nội như Linh mục McHugh bắt đầu nghi ngờ chính lòng tin của mình?McHugh đã hành động thật dũng cảm, khi với tư cách là một người mà cả đức tin tâm linh lẫn sự nghiệp đều phụ thuộc vào sự kết nối của anh với Chúa, lại dám thú nhận sự tự ngờ vực vào niềm tin của chính mình. Anh làm vậy bởi anh muốn giúp những người khác không phải trải qua sự giằng xé nội tâm mà anh đã phải trải qua; và bởi anh yêu đạo phái Tin Lành, và muốn nó phát triển hơn nữa bằng cách học tập từ chính những người hướng nội trong lòng nó.Nhưng anh cũng biết rằng, những thay đổi quan trọng sẽ từ từ đến với một nền văn hóa tôn giáo nhìn nhận sự hướng ngoại không chỉ như một đặc điểm tính cách, mà còn như một dấu hiệu của đức hạnh. Những hành vi đức hạnh không phải là về những việc tốt mà ta làm sau cánh cửa đóng kín, khi không có ai ở đó để mà khen ngợi ta; mà là ở những thứ chúng ta "put out into the world" (đưa ra ngoài vào thế giới này).Cũng giống hệt như việc những chiến thuật "dụ khị" mua thêm hàng của Tony Robbins là hoàn toàn bình thường với các fan của ông, bởi làm lan truyền những ý tưởng có ích là một phần của việc là một người tốt; và cũng như việc Trường Đại Học Kinh Tế Harvard trông đợi các học sinh của mình phải trở thành những người nói giỏi, bởi vì đây được coi là một yêu cầu tiên quyết để làm lãnh đạo; rất nhiều đạo hữu Tin Lành cũng đã đi đến việc liên hệ mức độ ngoan đạo của một tín đồ với sự hướng ngoại của anh ta. 

 3.KHI SỰ CỘNG TÁC GIẾT CHẾT TÍNH SÁNG TẠO

 Sự Trỗi Dậy của Kiểu Tư Duy Nhóm Mới và Sức Mạnh Của Làm Việc Đơn ĐộcTôi là một con ngựa chỉ có thể mang một bộ yên cương, không phù hợp cho những chiếc xe song mã cũng như làm việc nhóm... bởi tôi biết quá rõ rằng để đạt được bất kỳ một mục tiêu cụ thể nào, yêu cầu tối quan trọng là chỉ có duy nhất một người làm công việc suy nghĩ và ra lệnh.—ALBERT EINSTEIN5 tháng Ba, 1975. Một buổi tối lạnh lẽo và ẩm ướt tại Menlo Park, California. 30 người kỹ sư với vẻ ngoài không-có-gì-đặc-sắc tụ tập trong ga-ra ô tô của một người đồng sự hiện đang thất nghiệp có tên Gordon French. Họ tự gọi mình là "Homebrew Computer Club" (Câu lạc bộ Máy Tính Tại Gia), và đây là cuộc họp đầu tiên của họ.Mục đích của họ: làm cho máy tính trở nên gần gũi hơn với người dùng bình thường—một nhiệm vụ không hề đơn giản, vào cái thời điểm mà hầu hết mọi máy tính đều là những cỗ máy khổng lồ to bằng cả chiếc SUV, chỉ có các trường đại học hay các tập đoàn kinh tế lớn mới có thể sắm nổi.Căn ga-ra này bị gió lùa rất lạnh, nhưng những người kỹ sư vẫn để cửa mở ra bầu không khí đêm ẩm ướt ngoài kia, để những người khác có thể thoải mái ra vào. Bước vào là một chàng trai trẻ có vẻ gì thiếu tự tin, trạc tầm 24 tuổi, là một nhân viên thiết kế máy tính bỏ túi cho hãng Hewlett-Packard. Đeo kính và tỏ ra vô cùng nghiêm túc, chàng trai trẻ này để tóc dài chấm vai và nuôi một bộ râu màu nâu. Anh ngồi xuống một chiếc ghế và im lặng lắng nghe những người khác đang trầm trồ ngưỡng một bộ máy tính, loại tự-bạn-có-thể-lắp-ghép-lấy-được có tên The Altair 8800, một sản phẩm vừa mới được lên trang nhất của tờ tạp chí Popular Electronics. Chiếc Altair chưa hẳn đã là một máy tính cá nhân đúng nghĩa; nó rất khó sử dụng, và chỉ có thể gây hấp dẫn với những loại người có thể tụ tập trong một ga-ra ô tô cũ nát trong một đêm thứ Tư mưa gió để tranh luận với nhau về microchip. Nhưng nó là một bước đi tiên phong quan trọng.Chàng trai trẻ, có tên Stephen Wozniak, cảm thấy vô cùng phấn khích khi được nghe đến chiếc Altair. Anh đã bị ám ảnh bởi các thiết bị điện tử từ khi mới lên ba tuổi. Năm mười một tuổi, anh tình cờ tìm thấy một bài báo nói về chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới, chiếc ENIAC, hay tên đầy đủ là "Electronic Numerical Integrator and Computer"; và kể từ đó, giấc mơ của anh đã luôn là có thể tự mình thiết kế ra một cỗ máy như vậy thật nhỏ, và thật dễ sử dụng đến mức bạn có thể giữ nó trong nhà của mình. Và lúc này đây, trong chiếc ga-ra này, đây là những tin tức cho thấy Giấc Mơ đó—anh luôn nghĩ về nó với hai chữ viết hoa—có thể thực sự một ngày nào đó có thể trở thành sự thật.Như rồi về sau này ông sẽ hồi tưởng lại trong cuốn tự truyện của mình, iWoz, Wozniak cũng đồng thời rất phấn khích vì được ở bên những người bạn đồng chí hướng. Đối với nhóm Homebrew, máy vi tính là một công cụ thiết yếu cho sự công bằng xã hội, và Wozniak cũng cảm thấy như vậy. Nhưng không phải là ông đã nói chuyện với bất kỳ ai tại buổi họp đầu tiên đó—ông quá rụt rè để có thể làm thế. Nhưng buổi tối hôm đó, ông đã về nhà và phác thảo bản thiết kế đầu tiên của mình cho một chiếc máy tính cá nhân, với một bàn phím và màn hình hệt như loại chúng ta đang dùng ngày nay. Ba tháng sau đó, ông đã hoàn thành xong phiên bản thử nghiệm đầu tiên của cỗ máy này. Và mười tháng sau đó nữa, ông cùng Steve Jobs đã đồng sáng lập nên công ty Apple Computer.Ngày nay Steve Wozniak là một nhân vật rất được nể trọng ở Thung lũng Silicon—có hẳn một con đường ở thành phố San Jose, bang California, Mỹ được đặt theo tên ông, Woz's Way—và con người này đôi lúc còn được gọi là phần "linh hồn kỹ thuật" (nerd soul) của Apple. Dần dần, qua thời gian, ông đã học được cách trở nên cởi mở và dễ dàng nói trước đám đông hơn; ông thậm chí đã từng xuất hiện với tư cách là một thí sinh trong chương trình "Dancing with the Stars", nơi ông đã thể hiện một hỗn hợp đáng yêu của sự ngập ngừng và tinh thần vui vẻ. Tôi đã từng một lần được thấy Wozniak phát biểu tại một hiệu sách tại thành phố New York. Một căn phòng chật kín người và tất cả chỉ có thể đứng, ai cũng mang theo những cuốn hướng dẫn sử dụng máy tính Apple từ những năm 1970 của mình, như một cách để vinh danh tất cả những gì mà ông đã làm cho họ. Nhưng vinh quang này không chỉ thuộc về một mình Wozniak; nó còn là của cả nhóm Homebrew nữa. Wozniak đã xác nhận rằng chính buổi họp đầu tiên đó đã là điểm khởi đầu cho cả cuộc cách mạng công nghệ máy tính, đồng thời cũng là buổi tối quan trọng nhất trong cuộc đời ông. Vậy nên nếu bạn muốn tái dựng lại những điều kiện đã giúp Woz có thể làm được nhiều đến thế, bạn có lẽ sẽ muốn chỉ đến nhóm Homebrew, một tập hợp của những người bạn đồng chí hướng. Có thể bạn sẽ đi đến khẳng định rằng các thành tựu của Wozniak là một minh chứng sáng giá cho việc sự cộng tác đưa đến sáng tạo như thế nào. Bạn có thể sẽ kết luận rằng những người muốn trở nên sáng tạo hơn thì nên làm việc ở một nơi có thật nhiều tương tác xã hội.Và rất có thể là bạn đã lầm.Hãy cân nhắc đến những điều Wozniak đã làm ngay sau buổi tối họp mặt hôm đó tại Menlo Park. Có phải ông đã túm tụm lại với các thành viên khác của câu lạc bộ để cùng suy nghĩ về thiết kế máy tính không? Không. (Mặc dù ông có thừa nhận rằng mình vẫn đều đặn đến dự các cuộc họp của câu lạc bộ mỗi hai tuần, vào thứ Tư). Có phải ông đã tìm đến một văn phòng mở thật lớn, đầy những tiếng động ồn ào vui vẻ, nơi các ý tưởng liên tục được trao đổi chéo lẫn nhau giữa các thành viên không? Không. Khi bạn đọc lại những ghi chép về quá trình làm việc của ông khi xây dựng chiếc PC đầu tiên, điều gây ấn tượng nhất sẽ là: ông luôn luôn làm việc một mình.Wozniak đã làm phần lớn công việc trong góc làm việc cubicle của mình tại văn phòng ở công ty Hewlett-Packard. Ông sẽ đến đó vào tầm 6:30 mỗi sáng, và, một mình trong cả buổi sáng sớm, ông sẽ đọc tạp chí kỹ thuật, nghiên cứu các tài liệu về vi mạch điện tử, và chuẩn bị các thiết kế trong đầu mình. Sau khi hết giờ làm, ông sẽ trở về nhà, làm nhanh một đĩa spaghetti hoặc hâm nóng một đĩa đồ ăn sẵn nào đấy, sau đó lại lái xe quay trở lại văn phòng và làm việc ở đó cho tới tận đêm khuya. Ông miêu tả những lúc đêm khuya tĩnh lặng và những buổi sớm đơn độc này là "cảm giác sung sướng nhất trên đời". Công sức của ông cuối cùng cũng được đền đáp vào buổi tối ngày 29 tháng Sáu, 1975, vào khoảng 10:00 đêm, khi Woz cuối cùng đã hoàn thành phiên bản thử nghiệm đầu tiên của cỗ máy của mình. Ông nhấn thử vài phím bấm trên bàn phím—và những con chữ hiện lên trên màn hình trước mặt ông. Đó là một trong những khoảnh khắc của thành công vĩ đại mà phần lớn trong số chúng ta chỉ có thể mơ tới. Và ông đã ở một mình khi nó xảy ra với ông.Ông đã ở một mình như thế một cách có chủ ý. Trong cuốn hồi ký của mình, ông đã tặng lời khuyên này cho những bạn trẻ mong muốn có được một tính sáng tạo tuyệt vời: Hầu hết các nhà sáng tạo và các kỹ sư mà tôi đã gặp đều giống như tôi—họ nhút nhát, rụt rè và dành phần lớn thời gian chìm đắm trong những suy nghĩ của riêng mình. Họ gần như những nghệ sĩ vậy. Trên thực tế, những người giỏi nhất trong số họ chính là các nghệ sĩ. Và các nghệ sĩ làm việc tốt nhất khi họ được ở một mình, nơi họ có thể hoàn toàn điều khiển thiết kế của một sản phẩm sáng tạo, mà không có hàng đống những người khác chỉ muốn thiết kế nó ra để cho quảng cáo, hoặc các thể loại hội đồng khác. Tôi không tin có bất cứ thứ gì mang tính cách mạng lại đã từng được sáng tạo ra bởi một hội đồng tập thể. Nếu bạn là một dạng kỹ sư hiếm có đó, người có thể vừa là một nhà sáng tạo vừa là một nghệ sĩ, thì tôi có một lời khuyên này dành cho bạn mà có thể sẽ khá khó nghe. Lời khuyên đó là: Hãy làm việc một mình đi. Bạn sẽ có thể làm tốt nhất trong việc thiết kế những sản phẩm và tính năng có tính cách mạng nếu bạn làm việc độc lập. Không phải trong một hội đồng hay ủy ban. Không phải theo nhóm. Từ 1956 tới 1962, giai đoạn được nhớ đến nhiều nhất với hàng loạt những quy chuẩn ứng xử nhàm chán của nó, Học viện Nghiên cứu và Đánh giá Tính Cách thuộc Đại Học California, Berkeley đã tiến hành một loạt các nghiên cứu về bản chất của tính sáng tạo. Các nhà nghiên cứu tìm cách nhận diện những người có khả năng sáng tạo ấn tượng nhất, rồi sau đó xác định xem điều gì đã khiến họ khác với phần còn lại của thế giới. Họ tập hợp một loạt các kiến trúc sư, nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư, và các nhà văn đã có cống hiến quan trọng trong lĩnh vực của họ, và sau đó mời họ tới Berkeley vào một dịp cuối tuần để thực hiện các bài kiểm tra tính cách, các thí nghiệm kỹ năng giải quyết vấn đề, và hàng loạt các câu hỏi điều tra.Sau đó các nhà nghiên cứu tiến hành những nghiên cứu tương tự với những người có cùng nghề nghiệp đó, nhưng có cống hiến ít quan trọng hơn.Một trong những khám phá quan trọng nhất của họ, về sau còn được nhắc lại trong rất nhiều nghiên cứu sau này, đấy là những người có khả năng sáng tạo cao hơn thường là những người được xã hội đánh giá là hướng nội. Họ có đầy đủ các kỹ năng giao tiếp xã hội, nhưng "không hề đặc biệt quảng giao hay có tính cách thích quan hệ với nhiều người". Những người này tự miêu tả mình là "độc lập" và "cá nhân chủ nghĩa" (independent and individualistic). Khi còn là thanh niên, rất nhiều người trong số họ đã từng rất nhút nhát, rụt rè và thích ở một mình.Những khám phá này không có nghĩa là những người hướng nội luôn luôn có khả năng sáng tạo cao hơn người hướng ngoại; nhưng chúng có đưa đến gợi ý rằng trong một nhóm người cực kỳ sáng tạo, có khả năng cao bạn sẽ tìm thấy rất nhiều người hướng nội. Tại sao điều này lại có thể là thật? Liệu một tính cách ít nói có thể đi kèm với một phẩm chất kỳ diệu bí ẩn nào đấy có thể kích thích trí sáng tạo không? Rất có thể, như rồi chúng ta sẽ thấy ở chương 6.Nhưng có một lý do khác, ít hiển nhiên hơn nhưng hoàn toàn phù hợp hơn nhiều, để giải thích cho việc tại sao những người hướng nội lại có lợi thế hơn trong công việc sáng tạo—một lời giải thích mà bất cứ ai cũng có thể học tập được từ nó: những người hướng nội luôn ưa thích làm việc một mình, và sự tĩnh lặng đơn độc có thể là một chất xúc tác cho những phát kiến. Như nhà tâm lý học nổi tiếng Hans Eysenck đã từng nhận xét, sự hướng nội "tập trung tinh thần hoàn toàn vào tác vụ trước mắt, và ngăn chặn mọi sự phân tán năng lượng vào những hoạt động xã hội hoặc tình cảm không liên quan tới công việc". Nói một cách khác, nếu bạn đang ngồi một mình trong vườn dưới một cái cây, trong khi mọi người khác đang cụng ly trong một bữa tiệc tại sân trước, thì khả năng có một quả táo rơi trúng đầu bạn sẽ cao hơn nhiều. (Newton cũng là một trong những người hướng nội vĩ đại của thế giới này đấy. William Wordsworth đã từng miêu tả ông là "Một tâm trí luôn mãi mãi/Trôi dạt trên những đại dương xa xôi của Suy nghĩ đơn độc"). Nếu điều này là sự thực—nếu sự đơn độc tĩnh lặng là một nhân tố quan trọng của tính sáng tạo—vậy thì tất cả chúng ta có lẽ sẽ muốn quen với nó. Chúng ta sẽ muốn dạy cho con cái chúng ta biết cách làm việc độc lập. Chúng ta sẽ muốn cho các nhân viên thật nhiều không gian riêng tư và quyền tự chủ. Ấy vậy nhưng, càng lúc càng nhiều hơn, chúng ta lại đang làm chính xác điều ngược lại.Chúng ta thường thích tin rằng mình đang sống trong một kỷ nguyên vĩ đại của những cá tính sáng tạo và độc lập. Chúng ta nhìn lại những năm của nửa thế kỷ trước đây, khi các nhà nghiên cứu ở Berkeley tiến hành những nghiên cứu của họ về khả năng sáng tạo, và chúng ta cảm thấy mình thật tối thượng. Không như những kẻ áo-sơ-mi-gột-hồ luôn chăm chăm tuân thủ mọi quy tắc xã hội của những năm 1950, chúng ta giờ đây treo những tấm poster của Einstein trong phòng mình, với hình ảnh ông lè lưỡi ra đầy phá cách. Chúng ta tiêu thụ những sản phẩm điện ảnh và âm nhạc của các nhà làm phim và nghệ sĩ độc lập, và chúng ta cũng tự tạo ra các sản phẩm sáng tạo của riêng mình trên mạng Internet. Chúng ta "think different"—"nghĩ khác" (kể cả khi chúng ta copy cái ý tưởng này từ một quảng cáo đại trà nổi tiếng của hãng máy tính Apple).Nhưng cái cách mà chúng ta tổ chức những bộ máy quan trọng nhất của chúng ta—các trường học và những nơi làm việc—lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Nó là câu chuyện về một hiện tượng đương đại mà tôi gọi là kiểu Tư duy Nhóm Mới (The New Groupthink)—một hiện tượng có khả năng kiềm chế năng suất ở nơi làm việc, và tước đoạt của trẻ em nơi trường học tất cả những kỹ năng chúng cần để đạt được thành tựu xuất sắc, trong một thế giới đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt hơn.Tư duy Nhóm Mới đề cao "teamwork" (hoạt động nhóm) hơn bất cứ thứ gì khác. Nó khẳng định rằng mọi sự sáng tạo và các thành tựu trí óc khác đều đến từ những nơi hoạt náo đông đúc. Và nó có rất nhiều người ủng hộ. "Sự sáng tạo—trái tim của một nền kinh tế tri thức—về bản chất là phải có tính cộng đồng", nhà báo nổi tiếng Malcolm Gladwell đã viết như vậy. "Không ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta", chuyên viên tư vấn tổ chức Warren Bennis đã tuyên bố như vậy, trong cuốn sách của ông, "Organizing Genius" (Thiên tài tổ chức); cuốn sách này đã mở đầu bằng những chương báo trước "Sự kết thúc của Con Người Vĩ Đại" và "Sự trỗi dậy của Nhóm Vĩ Đại". "Rất nhiều công việc mà chúng ta vẫn coi là lãnh địa của một tâm trí đơn độc, trên thực tế lại luôn cần đến một đám đông", Clay Shirky cân nhắc trong cuốn sách có sức ảnh hưởng lớn của ông, "Here Comes Everybody" (Tất cả mọi người tới đây). Thậm chí cả "Michelangelo cũng phải có những phụ tá để giúp ông vẽ được bức bích họa trên trần Nhà nguyện Sistine". (Bỏ qua sự thật rằng các trợ lý thì có thể hoàn toàn thay thế được, trong khi Michelangelo thì không).Kiểu Tư Duy nhóm Mới được ưa chuộng bởi rất nhiều tập đoàn lớn, họ càng lúc càng tổ chức nhân sự của mình thành những teams (đội, nhóm), một phương pháp đã bắt đầu được biết đến từ đầu những năm 1990. Tới năm 2000, theo ước tính đã có một nửa các tổ chức lớn ở Mỹ sử dụng teams, và ngày nay gần như tất cả bọn họ đều làm thế, theo nhận xét của giáo sư quản lý học Frederick Morgeson. Một khảo sát gần đây cho thấy có tới 91% các quản lý cấp cao tin tưởng rằng teams là chìa khóa để thành công. Chuyên viên tư vấn Stephen Harvill nói với tôi rằng trong số hơn ba mươi tổ chức lớn ông đã cộng tác trong năm 2010, bao gồm cả J.C. Penney, Wells Fargo, Dell Computers, và Prudential, ông không thể nghĩ ra dù chỉ một tổ chức nào không dùng đến các teams.Một số trong những teams này là ảo, làm việc với nhau từ xa thông qua mạng Internet, nhưng những nhóm khác thì cần đến một lượng giao tiếp mặt-đối-mặt khổng lồ, dưới những dạng như các bài tập team-building (xây dựng nhóm); các lịch làm việc được chia sẻ qua mạng, thông báo thời gian rảnh của từng thành viên để lên kế hoạch cho những cuộc họp mặt; và những nơi làm việc gần như hoàn toàn không có không gian riêng. Ngày nay các nhân viên làm việc trong những văn phòng mở, trong đó không một ai có một căn phòng của riêng mình, những bức tường duy nhất là những bức tường giúp chống đỡ tòa nhà, và các tổng giám đốc điều hành từ trung tâm của căn phòng không biên giới này cùng với tất cả mọi nhân viên khác. Trên thực tế, trên 70% nhân viên ngày nay làm việc trong những văn phòng mở, các công ty sử dụng nó bao gồm cả những tên tuổi lớn như Procter & Gamble, Ernst & Young, GlaxoSmithKline, Alcoa, và H.J. Heinz.Lượng diện tích dành cho một nhân viên đã giảm từ 46m2 trong những năm 1970 xuống chỉ còn 18m2 vào năm 2010, dựa theo lời Peter Miscovich, một quản lý nhân sự tại công ty môi giới bất động sản Jones Lang LaSalle. "Đã có một bước chuyển từ 'Tôi làm việc' sang 'Chúng Ta làm việc'", James Hackett, CEO của hãng đồ nội thất văn phòng nổi tiếng Steelcase đã nói với tạp chí Fast Company như vậy vào năm 2005. "Các nhân viên vẫn thường quen làm việc một mình trong khung cảnh "Tôi làm việc". Ngày nay, làm việc theo nhóm và teams lại mới là thứ được đánh giá cao. Chúng tôi đang thiết kế lại các sản phẩm của mình để phù hợp với xu hướng đó". Đối thủ cạnh tranh với ông, hãng nội thất văn phòng Herman Miller, Inc. đã không chỉ giới thiệu các sản phẩm đồ nội thất mới thiết kế để hỗ trợ "bước chuyển sang sự cộng tác và làm việc nhóm tại nơi làm việc"; mà còn chuyển chính những nhân viên cấp cao của mình từ các văn phòng đóng kín ra những không gian mở. Vào năm 2006, Trường Kinh Tế Ross trực thuộc Đại học Michigan đã phá hủy hết các tòa nhà phòng học của nó bởi chúng không được thiết kế để tối đa hóa sự tương tác nhóm giữa các học sinh.Tư Duy nhóm Mới còn được thực hành trong các trường học của chúng ta, thông qua một phương pháp đang ngày càng trở nên nổi tiếng có tên học "cộng tác" hay "học theo nhóm nhỏ". Ở rất nhiều trường tiểu học, các dãy bàn ghế theo kiểu truyền thống, quay mặt về hướng giáo viên đã được thay thế bằng những "khối" gồm ba hoặc bốn bàn quây lại với nhau, nhằm tăng cường hỗ trợ cho vô số các hoạt động học theo nhóm. Kể cả những môn học như toán hay creative writing (viết văn sáng tạo), những thứ có vẻ phụ thuộc nhiều vào khả năng suy nghĩ độc lập, vẫn thường xuyên được dạy theo các nhóm. Ở một phòng học lớp Bốn tôi từng ghé thăm, có một chiếc bảng lớn ghi: "Quy tắc Làm việc Nhóm", trong đó có: KHÔNG ĐƯỢC PHÉP HỎI GIÁO VIÊN TRỪ KHI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI TRONG NHÓM CÁC EM CŨNG CÓ CÙNG CÂU HỎI ĐÓ. Theo một bản điều tra toàn quốc tiến hành năm 2002, thì trong hơn 1200 giáo viên từ lớp Bốn đến lớp Tám, 55% các giáo viên lớp Bốn ưa thích cách học "cộng tác", trong khi chỉ có 26% ưa thích cách học giáo viên- học sinh truyền thống. Chỉ có 35% các giáo viên lớp Bốn, và 29% các giáo viên lớp Tám dành trên một nửa lượng thời gian trên lớp của mình để dạy học theo cách truyền thống; trong khi có đến 42% giáo viên lớp Bốn và 41% giáo viên lớp Tám dành ít nhất một phần tư lượng thời gian trên lớp của mình cho các hoạt động theo nhóm. Trong số các giáo viên trẻ, học theo nhóm nhỏ thậm chí còn phổ biến hơn, cho thấy rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian dài sắp tới.Phương pháp tiếp cận kiểu "cộng tác" này bắt nguồn từ một ý tưởng có tính đổi mới chính trị—trên nguyên tắc, học sinh sẽ được tự mình sở hữu sự giáo dục của chính mình khi chúng tự học hỏi từ lẫn nhau—nhưng theo như các giáo viên tiểu học mà tôi đã phỏng vấn, ở cả các trường công lẫn trường tư từ New York, Michigan, đến Georgia, phương cách tiếp cận này còn giúp đào tạo bọn trẻ kỹ năng thể hiện bản thân trong nền văn hóa đồng đội (team culture) của nước Mỹ hiện đại. "Phong cách dạy này phản ánh chính cộng đồng doanh nghiệp", một giáo viên lớp Năm tại một trường công ở Manhattan nói với tôi, "nơi mà sự tôn trọng mọi người dành cho ai đó đều đến từ khả năng diễn thuyết của anh ta, chứ không phải từ sự độc đáo hay những nhận định sáng suốt của anh ấy". Bạn phải là một người có thể nói thật giỏi và có thể thu hút sự chú ý về phía mình. Đây là một thứ chủ nghĩa đẳng cấp không được xây dựng trên cơ sở trí tuệ hay tài năng." "Ngày hôm nay thế giới của các doanh nghiệp đều làm việc theo những đội và nhóm, vậy nên bọn trẻ cũng làm điều đó trong trường học", một giáo viên lớp Ba tại Decatur, Georgia, giải thích với tôi. "Cách học cộng tác cho phép các em có cơ hội thực hành các kỹ năng hoạt động theo nhóm—những kỹ năng đang cực kỳ cần thiết tại nơi làm việc", chuyên viên tư vấn giáo dục Bruce Williams đã viết như vậy.Williams cũng đồng thời nhận thấy mục đích chính của cách học "cộng tác" là để đào tạo ở học sinh khả năng lãnh đạo. Quả thực vậy, những giáo viên mà tôi gặp đều có vẻ rất để tâm đến kỹ năng quản lý của các học sinh. Tại một trường công mà tôi đã tới thăm tại khu trung tâm thành phố Atlanta, một giáo viên lớp Ba chỉ vào một học sinh ít nói luôn "thích làm việc riêng của mình". "Nhưng chúng tôi cho cậu nhóc làm phụ trách safety patrol (Đội Bảo vệ an toàn) vào một buổi sáng, vậy nên cả nó cũng có cơ hội được làm lãnh đạo nữa", cô trấn an tôi.Người giáo viên này tốt bụng và thực sự có ý tốt, nhưng tôi cũng phải tự hỏi không biết liệu có tốt hơn cho anh chàng Đội trưởng Đội Bảo vệ an toàn nhỏ tuổi này không nếu chúng ta biết nhận rõ rằng không phải ai cũng khát khao được làm một lãnh đạo, theo nghĩa thông thường của nó—rằng một số người chỉ ước mơ được hòa đồng một cách yên bình vào trong nhóm, và những người khác thì chỉ mong đứng độc lập, không thuộc về một nhóm nào hết. Như Janet Farrall và Leonie Kronborg đã viết trong cuốn "Phát triển Khả Năng Lãnh Đạo cho những Người có Năng Khiếu và Tài Năng" ("Leadership Development for the Gifted and Talented")Trong khi những người hướng ngoại thường đạt được quyền lãnh đạo tại những phạm vi công cộng, người hướng nội lại thường đạt được vị trí lãnh đạo trong những lĩnh vực mang tính lý thuyết hoặc nghệ thuật. Các lãnh đạo hướng nội xuất chúng nhất, như Charles Darwin, Marie Curie, Patrick White và Arthur Boyd, những người hoặc đã tạo ra một dòng tư tưởng mới, hoặc đã tái cấu trúc lại mọi kiến thức đương thời, đều đã dành một giai đoạn dài trong cuộc đời của họ làm việc một mình trong đơn độc. Bởi vậy khả năng lãnh đạo không chỉ tồn tại trong những tình huống giao tiếp, mà nó còn xuất hiện trong những tình huống đơn độc nữa, như phát triển một kỹ thuật mới trong hội họa, tạo ra những tư tưởng triết học mới, viết những cuốn sách sâu sắc và đem lại những bước đột phá cho khoa học.Tư duy Nhóm Mới không nhất loạt cùng xuất hiện vào một khoảnh khắc cụ thể nào cả. Cách học "cộng tác", phương pháp làm việc theo nhóm, và những văn phòng mở đều xuất hiện vào những thời điểm khác nhau và vì những lý do khác nhau. Nhưng động lực mạnh mẽ thúc đẩy tất cả những xu hướng này chính là sự trỗi dậy của thế giới mạng, thứ giúp cho khái niệm cộng tác vừa trở nên thời thượng, vừa trở nên trang trọng. Trên Internet, những phát kiến tuyệt vời đang được tạo ra và chia sẻ thông qua sức mạnh của trí óc tập thể: Linux, hệ điều hành mã nguồn mở; Wikipedia, bách khoa toàn thư mở; MoveOn.org, phong trào chính trị của người dân thường. Những sản phẩm của tổng lực tập thể này, lớn hơn rất nhiều từng thành phần riêng rẽ đã tạo nên chúng, ấn tượng đến nỗi làm chúng ta quay sang ngưỡng mộ tư duy cộng đồng, trí tuệ của đám đông, phép màu kỳ diệu của crowdsourcing. Sự hợp tác trở thành một khái niệm thiêng liêng—thành chìa khóa thành công quan trọng bậc nhất.Nhưng rồi chúng ta đẩy sự việc đi xa hơn một bước so với những gì sự thật thực sự kêu gọi. Chúng ta trở nên quý trọng mọi sự bất-riêng-tư, và phá bỏ mọi bức tường ngăn cách—không chỉ trên mạng, mà còn cả giữa người với người ngoài đời thật nữa. Chúng ta đã thất bại trong việc nhận ra rằng thứ có thể rất hợp lý cho những tương tác gần như ẩn danh, không cùng diễn ra vào một thời điểm như trên mạng Internet lại có thể không có cùng hiệu quả tương tự cho thứ giao tiếp mặt đối mặt, hùng hổ tấn công và quá sức ồn ào của những văn phòng mở. Thay vì việc phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa tương tác online và tương tác người-với-người ngoài đời thật, chúng ta lại đi lấy những bài học rút ra từ cái này để áp dụng vào cái kia.Đó là lý do tại sao khi người ta nhắc đến những phương diện của Tư duy Nhóm mới, ví dụ như các văn phòng mở, họ lại thường lôi mạng Internet ra làm minh chứng. "Đằng nào thì các nhân viên bây giờ cũng đã bê cả cuộc đời của họ lên Facebook và Twitter rồi. Thế nên chẳng có lý do gì họ lại phải giấu mình sau những bức vách cubicle tại nơi làm việc cả", Dan Lafontaine, CFO của công ty tiếp thị cộng đồng Mr. Youth nói, khi trả lời phỏng vấn với đài truyền thanh National Public Radio của Mỹ. "Một bức tường ngăn cách tại văn phòng là chính xác những gì mà cái tên của nó gợi ý—một rào cản. Những phương pháp suy nghĩ của anh càng mới mẻ, anh sẽ càng ít muốn có những rào cản. Những công ty sử dụng văn phòng mở là những công ty trẻ, hệt như thế giới mạng, một thứ cũng chỉ mới có mười mấy năm tuổi".Vai trò của mạng Internet trong việc khuyến khích những giao tiếp nhóm mặt-đối-mặt tại nơi làm việc là đặc biệt mỉa mai, bởi thế giới Web thời kỳ đầu lại chính là nơi trung gian để rất nhiều cá nhân, phần lớn là người hướng nội—những người như hai nhà ưa thích suy nghĩ đơn độc Janet Farrall và Leonie Kronborg đã miêu tả—tìm đến nhau để lật đổ và giúp tiến hóa những cách giải quyết vấn đề truyền thống. Một lượng đặc biệt lớn những người yêu thích máy tính thời kỳ đầu tiên là những người hướng nội, dựa theo một nghiên cứu trên 1229 chuyên gia máy tính làm việc tại Mỹ, Anh và Australia trong những năm từ 1982 tới 1984. "Ai trong giới công nghệ cũng đều biết một lẽ hiển nhiên rằng mã nguồn mở thu hút những người hướng nội", Dave W. Smith, một nhà tư vấn và phát triển phần mềm tại Thung lũng Silicon nói, đề cập đến một dạng sản xuất phần mềm bằng cách công khai mở mã nguồn của nó trên mạng cho mọi người cùng xem, và cho phép bất kỳ ai cũng có thể sao chép, cải tiến, và phân phối nó. Rất nhiều trong số những người này được thôi thúc bởi mong muốn cống hiến nhiều hơn cho một lợi ích chung, và để những thành tựu của họ được thừa nhận bởi một cộng đồng mà họ trân trọng.Nhưng những tác giả mã nguồn mở đầu tiên không hề chia sẻ không gian văn phòng của họ—thường thì họ thậm chí còn không sống trong cùng một quốc gia. Sự cộng tác của họ diễn ra chủ yếu diễn ra trên thế giới mạng. Đây không phải là một chi tiết không đáng quan tâm. Nếu bạn tập hợp tất cả những người đã tạo nên Linux, đưa họ vào một phòng làm việc chung khổng lồ trong một năm, và yêu cầu họ phát triển ra một hệ điều hành mới, có rất ít khả năng một sản phẩm có tính cách mạng nào có thể ra đời—bởi những lý do mà chúng ta sẽ khám phá sau trong phần còn lại của chương này. Khi nhà nhiên cứu tâm lý Anders Ericsson mười lăm tuổi, ông bắt đầu học chơi cờ vua. Ông tự thấy mình chơi khá tốt, có thể đánh bại mọi bạn đồng lớp của mình trong những ván cờ vào giờ nghỉ trưa. Cho tới một ngày một cậu bé đã từng là kỳ thủ kém nhất lớp bắt đầu thắng mọi trận đấu.Ericsson tự hỏi không biết điều gì đã xảy ra. "Tôi thực sự đã nghĩ về nó rất nhiều", ông nhớ lại khi trả lời phỏng vấn với Daniel Coyle, tác giả cuốn "Nguyên tắc Tài Năng" (The Talent Code). "Làm thế nào cậu bé đó, người tôi đã từng đánh bại trước đó rất dễ dàng, giờ có thể chiến thắng lại tôi dễ dàng đến thế? Tôi biết là cậu ta đã học, đã tham gia một câu lạc bộ cờ, nhưng thực sự chuyện gì diễn ra đằng sau đó?Đây là câu hỏi đã thúc đẩy sự nghiệp của Ericsson: Làm thế nào những người đạt được thành tích vĩ đại lại có thể xuất sắc đến vậy trong những công việc họ làm? Ericsson đã tìm kiếm câu trả lời trong rất nhiều những lĩnh vực đa dạng, từ cờ vua cho đến tennis, cho đến cả việc chơi piano.Trong một thí nghiệm mà nay đã trở nên nổi tiếng, ông và các đồng nghiệp của mình đã so sánh ba nhóm người chơi violin chuyên nghiệp tại Học Viện Âm Nhạc Tây Berlin danh giá. Những nhà nghiên cứu yêu cầu các giáo sư chia các học sinh thành ba nhóm: nhóm "chơi violin xuất sắc", những người có khả năng trở thành người chơi violin solo đẳng cấp quốc tế; nhóm "người chơi violin tốt"; và nhóm thứ ba là những người luyện tập để trở thành giáo viên violin hơn là người biểu diễn chuyên nghiệp. Sau đó họ phỏng vấn những nhạc công này và yêu cầu họ ghi chép lại chi tiết thời gian biểu hàng ngày của mình.Họ tìm thấy một điểm khác biệt nổi bật giữa các nhóm. Cả ba nhóm đều dành cùng một lượng thời gian—khoảng hơn năm mươi giờ mỗi tuần—để tham gia vào những hoạt động liên quan đến âm nhạc. Cả ba cũng đều có các yêu cầu về lượng thời gian học tập trên lớp giống nhau. Nhưng hai nhóm giỏi nhất dành phần lớn thời gian dành cho âm nhạc của họ để luyện tập một mình: 24,3 giờ một tuần, hay 3,5 giờ một ngày với nhóm giỏi nhất; so với chỉ 9,3 giờ một tuần, hay 1,3 giờ một ngày của nhóm kém nhất. Những người chơi violin giỏi nhất đánh giá việc "luyện tập một mình" như là hoạt động quan trọng nhất trong tất cả những công việc liên quan đến âm nhạc của họ. Các nhạc công xuất sắc—kể cả những người biểu diễn theo nhóm—đều miêu tả những buổi luyện tập với nhóm của họ là "như giờ nghỉ", vì nó chẳng là gì so với những giờ họ tự luyện tập một mình, khi công việc thực sự được hoàn thành.Ericsson và các đồng sự cũng tìm thấy những hiệu quả tương tự mà sự đơn độc mang lại khi họ nghiên cứu những dạng người biểu diễn chuyên nghiệp khác. "Nghiêm túc tự học một mình" là dấu hiệu mạnh nhất cho thấy kỹ năng đẳng cấp của một người chơi cờ chuyên nghiệp; ví dụ, những đại kỳ thủ thường đều dành một lượng thời gian lên đến năm ngàn giờ—gấp năm lần so với một kỳ thủ tầm trung—để nghiên cứu các ván cờ môt mình trong suốt mười năm đầu tiên học cờ của họ. Các sinh viên đại học hay tự học một mình cũng thường dần dần học được nhiều hơn những người học theo nhóm. Thậm chí kể cả những vận động viên xuất sắc của các môn thể thao đồng đội cũng dành một lượng thời gian lớn bất thường để tự luyện tập một mình.Có phép màu gì kỳ diệu ở việc luyện tập một mình? Trong rất nhiều lĩnh vực, Ericsson nói với tôi, chỉ khi bạn ở một mình bạn mới có thể đi đến trạng thái Luyện Tập Có Chủ Đích (Deliberate Practice), thứ ông coi là nhân tố quan trọng nhất để đạt được những thành tựu xuất chúng. Khi bạn luyện tập một cách có chủ đích, bạn nhận diện những công việc hoặc kiến thức mà hiện thời đang nằm ngoài tầm với của bạn, cố gắng hết sức để nâng cao khả năng của bạn, tự giám sát quá trình tiến bộ của mình, rồi dựa vào đó mà đưa ra những thay đổi thích hợp. Những phiên luyện tập mà không có tiêu chuẩn này thì không những chỉ kém hiệu quả hơn—nó thậm chí sẽ còn phản tác dụng; bởi khi đó chúng sẽ chỉ giúp củng cố thêm cơ chế suy nghĩ hiện thời của bạn, thay vì giúp bạn cải thiện chúng.Luyện Tập Có Chủ Đích được thực hiện tốt nhất khi ở một mình, vì nhiều lý do. Nó yêu cầu một sự tập trung cao độ, và những người khác có thể làm bạn bị phân tán tư tưởng. Nó cần đến những động lực thúc đẩy mạnh mẽ, thường chỉ có thể là do tự mình tạo ra. Nhưng quan trọng nhất, nó bao gồm cả việc phải giải quyết những tác vụ khó khăn nhất với riêng bạn. Chỉ khi bạn ở một mình, Ericsson nói với tôi, bạn mới có thể "đi trực tiếp tới phần làm bạn khó khăn nhất. Nếu bạn muốn cải thiện những gì mình đang làm, tự bạn phải hành động. Hãy tưởng tượng một nhóm học tập—mỗi lúc bạn chỉ có thể đưa ra hành động ở một mức độ nhỏ".Nếu muốn thấy Luyện Tập Có Chủ Đích trong thực tế, chúng ta không cần nhìn đâu xa hơn là chính câu chuyện của Stephen Wozniak. Cuộc gặp gỡ với nhóm Homebrew là chất xúc tác giúp truyền cảm hứng để ông xây dựng chiếc PC đầu tiên, nhưng những kiến thức nền tảng và những thói quen làm việc đã giúp ông thực sự làm được điều đó đến từ một nơi hoàn toàn khác hẳn: Woz đã cố ý luyện tập thiết kế máy kể từ khi ông còn rất nhỏ. (Ericsson nói cần khoảng mười ngàn giờ Luyện Tập Có Chủ Đích để thực sự đạt đến kỹ năng của một chuyên gia, vậy nên sẽ có ích nếu bắt đầu từ khi còn trẻ).Trong cuốn tự truyện của mình, "iWoz", Wozniak miêu tả niềm đam mê tuổi ấu thơ của mình với đồ điện tử, và cùng lúc đó vô thức nhắc lại tất cả những nhân tố của thao tác Luyện Tập Có Chủ Đích mà Ericsson đã nhấn mạnh. Đầu tiên, ông có động lực: cha ông, một kỹ sư của hãng Lockheed, đã dạy Woz rằng người kỹ sư có thể giúp thay đổi cuộc sống của con người, và là "một trong những dạng người chủ chốt nhất của thế giới này". Thứ hai, ông đã xây dựng kỹ năng chuyên nghiệp của mình bằng cách chú tâm vào từng bước, từng bước nhỏ một. Bởi vì ông đã tham gia vào vô số những buổi hội chợ khoa học (science fairs), ông nói:Tôi đã đạt được một khả năng đặc biệt quan trọng, thứ đã giúp tôi trong suốt cả sự nghiệp của mình: kiên nhẫn. Tôi nói nghiêm túc đấy. Lòng kiên nhẫn vẫn luôn bị đánh giá thấp. Ý tôi là, với tất cả những dự án đó, từ lớp Ba cho tới tận lớp Tám, tôi cứ học mọi thứ một cách thật từ từ, mày mò tìm hiểu xem làm thế nào lắp đặt các thiết bị điện tử lại với nhau mà không cần đến dù chỉ một cuốn sách hướng dẫn... Tôi đã học được cách không lo lắng quá nhiều về kết quả, mà chỉ tập trung duy nhất vào công đoạn mà tôi đang làm, và cố gắng làm nó hoàn hảo nhất mức có thể khi tôi đang làm nó.Thứ ba, Woz thường xuyên làm việc một mình. Đây thì không hẳn là do ông tự lựa chọn. Như mọi đứa trẻ ham mê công nghệ khác, ông đã tụt xuống khá sâu trên bậc thang thứ bậc xã hội khi ông học lên đến cấp II. Khi còn là một cậu nhóc, ông đã từng được trầm trồ thán phục vì khả năng học khoa học, nhưng bây giờ thì chả ai quan tâm nữa. Ông ghét nói chuyện phiếm, và những ham mê của ông thì lệch tông hoàn toàn so với những bạn bè đồng trang lứa của ông. Một bức ảnh đen trắng chụp vào thời kỳ này cho thấy Woz, tóc cắt ngắn, nét mặt ngại ngùng khá căng thẳng của kiểu người không quen được chụp ảnh, đang chỉ tay đầy tự hào vào "giải nhất hội chợ khoa học, Máy Cộng/Trừ" (Adder/Subtractor) của mình, một chiếc máy hình hộp khá kỳ cục với đủ thứ dây nhợ, công tắc và các loại linh kiện nhỏ xíu khác. Nhưng những năm tháng đầy ngượng nghịu này không hề làm ông nản lòng mà thôi theo đuổi giấc mơ của mình; nó có lẽ còn góp phần nuôi dưỡng thêm ước mơ đó nữa. Ông sẽ không bao giờ có thể học được nhiều về máy tính đến vậy, Woz nói, nếu ông không phải đã từng quá nhút nhát rụt rè đến mức không dám ra khỏi nhà.Không ai lại đi chọn những năm tháng thiếu niên đau khổ đến vậy, nhưng có một sự thật là sự đơn độc trong suốt những năm tháng thiếu niên của Woz, và lòng quyết tâm tập trung cao độ vào một thứ mà sau này trở thành đam mê suốt đời của ông, đó đều là những dấu hiệu điển hình của những người cực kỳ sáng tạo. Theo nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, người trong những năm từ 1990 đến 1995 đã nghiên cứu cuộc đời của chín mươi mốt cá nhân đặc biệt sáng tạo trong các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, kinh tế, và chính trị; thì rất nhiều trong số các đối tượng nghiên cứu của ông không có mấy bạn bè khi họ còn ở tuổi thiếu niên, một phần là vì "lòng ham thích tò mò và việc quá tập trung vào một sở thích có vẻ rất lạ với những người đồng trang lứa của họ". Những thiếu niên quá quảng giao đến mức khó lòng ở một mình lâu được thường thất bại trong việc nuôi dưỡng tài năng của họ "bởi việc tập chơi nhạc hay học toán cần đến sự đơn độc tĩnh lặng mà họ luôn ghét cay ghét đắng". Madeleine L'Engle, tác giả của cuốn tiểu thuyết kinh điển dành cho giới trẻ "A Wrinkle in Time", cũng như hơn sáu chục đầu sách khác, nói rằng bà sẽ không bao giờ có thể trở thành một kẻ có những suy nghĩ táo bạo như vậy nếu bà đã không dành phần lớn tuổi ấu thơ của mình với sách vở và những ý tưởng. Khi còn là một cậu bé, Charles Darwin có thể kết bạn dễ dàng, nhưng luôn thích dành thời gian đi bộ rất lâu, một mình giữa thiên nhiên. (Kể cả khi đã là người lớn điều này ở ông vẫn hề không thay đổi. "Ngài Babbage kính mến", ông viết cho một nhà khoa học nổi tiếng đã mời ông tới dự một bữa tiệc, "Tôi thực lòng biết ơn ngài đã gửi thiệp mời tôi tới dự bữa tiệc của ngài, nhưng tôi rất sợ phải chấp nhận chúng, bởi tôi sẽ phải gặp một vài người khác ở đó, những người mà với họ, tôi đã thề trước mọi vị Thánh trên Thiên Đường này, rằng tôi sẽ không bao giờ ra ngoài". ("I am very much obliged to you for sending me cards for your parties, but I am afraid of accepting them, for I should meet some people there, to whom I have sworn by all the saints in Heaven, I never go out.")Nhưng những thành tích tuyệt vời không chỉ phụ thuộc vào nền tảng chúng ta đã xây dựng bằng thao tác Luyện Tập Có Chủ Đích; nó còn cần đến một môi trường làm việc thích hợp. Và ở những nơi làm việc ngày nay, đây là điều cực kỳ khó có thể đạt được. Một trong những lợi ích phụ của việc làm một chuyên gia tư vấn đấy là được tiếp xúc gần gũi với rất nhiều môi trường làm việc khác nhau. Tom DeMarco, lãnh đạo của đội tư vấn Atlantic Systems Guild, đã từng đặt chân qua rất nhiều văn phòng các kiểu trong sự nghiệp của mình, và ông để ý thấy rằng có những nơi làm việc đông đúc hơn nhiều so với những nơi khác. Ông tự hỏi tất cả những mối tương tác xã hội này liệu sẽ có tác động như thế nào lên hiệu quả làm việc của nhân viên.Để tìm hiểu, DeMarco và người đồng nghiệp của mình, Timothy Lister đã thiết kế một nghiên cứu có tên Trò Chơi Cuộc chiến Lập Trình (Coding War Games). Mục đích của trò chơi này là để xác định xem đâu là những đặc điểm tính cách của các lập trình viên giỏi nhất và kém nhất. Hơn sáu trăm nhà phát triển phần mềm từ chín mươi hai công ty khác nhau đã đồng ý tham gia. Mỗi người tự thiết kế, viết code, và chạy thử một phần mềm, tất cả đều làm việc trong văn phòng hàng ngày của họ và vào giờ làm việc bình thường. Mỗi thí sinh cũng đều được phân công một đồng sự đến từ cùng công ty với họ. Tuy vậy, những người đồng sự này làm việc một cách độc lập, hoàn toàn không liên lạc với nhau một chút nào; đây là một đặc điểm cực kỳ quan trọng của trò chơi này.Kết quả trả về tiết lộ một khoảng cách về hiệu quả làm việc lớn đến đáng kinh ngạc. Những người làm tốt nhất bỏ xa những người làm tệ nhất với tỷ lệ 10:1. Các lập trình viên xuất sắc nhất cũng đồng thời làm tốt hơn gấp 2,5 lần so với nhóm những người đứng giữa. Khi DeMarco và Lister cố tìm hiểu xem điều gì đã tạo ra sự chênh lệch quá lớn này, những nhân tố mà bạn thường nghĩ là quan trọng ở đây—như số năm kinh nghiệm, mức lương, thậm chí cả lượng thời gian bỏ ra để hoàn thành công việc—đều gần như không có liên quan gì đến kết quả. Những lập trình viên với mười năm kinh nghiệm cũng không hề làm tốt hơn những người mới đi làm chỉ có hai năm. Nhóm các thí sinh có hiệu quả làm việc trên mức trung bình lại có thu nhập thấp hơn 10% so với nhóm những người có hiệu quả làm việc dưới mức trung bình—mặc dù nhóm trước này giỏi hơn nhóm sau đến hai lần. Những lập trình viên nộp các sản phẩm không-một-lỗi-nhỏ nào còn thậm chí cần ít thời gian hơn để hoàn thành sản phẩm, chứ không phải cần nhiều thời gian hơn so với những người mắc lỗi.Đó quả thực là một bí ẩn, nhưng ở đây có một chi tiết thú vị: các lập trình viên đến từ cùng một công ty đều đạt được mức hiệu quả gần như tương tự nhau, kể cả khi họ không hề làm việc chung với nhau. Đó là vì các thí sinh có kết quả tốt nhất đều chủ yếu đến từ những công ty cho nhân viên của họ nhiều sự riêng tư, nhiều không gian cá nhân, nhiều quyền quyết định môi trường làm việc của họ, và nhiều sự tự do không bị làm gián đoạn khi đang làm việc nhất. 62% các thí sinh xuất sắc nhất nói rằng không gian làm việc của họ khá là riêng tư, so với chỉ 19% tương tự ở nhóm những thí sinh tệ nhất. 76% trong số các thí sinh tệ nhât nói rằng những người khác luôn liên tục làm gián đoạn công việc của họ một cách không cần thiết, trong khi con số này ở nhóm những thí sinh xuất sắc nhất chỉ là 38%.Trò Chơi Cuộc chiến Lập Trình rất nổi tiếng trong giới làm công nghệ, nhưng những phát hiện của DeMarco và Lister đã vượt ra ngoài cả thế giới của các lập trình viên máy tính. Một khối lượng khổng lồ thông tin về các văn phòng mở từ đủ mọi ngành công nghiệp khác nhau cũng ủng hộ kết quả của trò chơi này. Các văn phòng mở đã được chứng minh là làm giảm hiệu suất làm việc, cũng như làm suy giảm trí nhớ. Chúng được gắn liền với tỷ lệ nghỉ việc cao của nhân viên. Chúng làm cho người ta phát ốm, trở nên nóng tính, mất động lực, và có cảm giác thiếu an toàn. Những nhân viên trong văn phòng mở có xu hướng bị huyết áp cao, căng thẳng tâm lý (stress), và dễ mắc cúm hơn; họ cãi cọ với đồng nghiệp nhiều hơn; họ lo lắng về việc các đồng nghiệp có thể nghe lỏm các cuộc điện thoại của họ và nhìn trộm màn hình máy tính của họ. Họ cũng thường là nạn nhân của những tiếng ồn lớn và khó kiểm soát, dẫn đến tăng nhịp tim, giải phóng cortisol, loại hoóc-môn chiến-đấu-hoặc-bỏ-chạy của cơ thể; cũng như khiến mọi người xa dần nhau về quan hệ xã hội, nhanh nóng giận, hung hăng hơn, và cũng chậm giúp đỡ lẫn nhau hơn.Quả thực vậy, quá nhiều kích thích có thể cản trở học tập: một nghiên cứu mới đây cho thấy con người có thể học tốt hơn sau khi đi dạo qua một khu rừng yên tĩnh hơn là sau khi đi ngang qua một con phố ồn ào. Một nghiên cứu khác, lấy từ trên 38.000 lao động trí thức ở khắp các khu vực kinh tế khác nhau, cho thấy rằng chỉ hành động đơn giản là làm gián đoạn công việc thôi cũng là một trong những trở ngại lớn nhất trong việc nâng cao hiệu suất làm việc. Kể cả khả năng multitask (làm nhiều việc cùng lúc), một năng lực rất được đề cao của các nhân viên văn phòng ngày nay, hóa ra cũng chỉ là một nhầm tưởng sai lầm. Các nhà khoa học bây giờ đã biết rằng bộ não chỉ có thể tập trung vào tối đa là hai thứ tại cùng một thời điểm. Những người trông giống như đang multitask, thực ra chỉ là chuyển đổi liên tục qua lại giữa nhiều việc cùng lúc, thứ hóa ra lại làm giảm hiệu suất và tăng nguy cơ mắc lỗi lên đến 50%.Rất nhiều người hướng nội có vẻ biết những điều này một cách bản năng, và luôn cố gắng chống lại việc bị lùa vào thành nhóm. Backbone Entertainment, một hãng thiết kế game tại Oakland, California lúc đầu sử dụng văn phòng mở, nhưng rồi nhận ra rằng những nhà phát triển game của họ, rất nhiều trong số đó là người hướng nội, không hài lòng với điều này. "Nó là một cái nhà kho khổng lồ, chỉ có mỗi bàn, không có tường, và tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy nhau", Mike Mika, cựu điều hành sáng tạo (creative director) nhớ lại. "Chúng tôi liền đổi sang các ô làm việc cubicles, và ban đầu chúng tôi rất lo lắng—thường thì bạn sẽ nghĩ trong một môi trường sáng tạo, người ta sẽ ghét điều đó. Nhưng hóa ra họ lại thích những góc tối và xó xỉnh mà người ta có thể lỉnh vào và tách biệt hẳn khỏi mọi người khác được hơn".Điều tương tự cũng đã xảy ra tại Reebok International khi, vào năm 2000, công ty này đưa hơn 1250 nhân viên của họ về các trụ sở mới tại Canton, Massachusetts. Các nhà quản lý đoán rằng hẳn những nhà thiết kế giày của mình sẽ muốn một văn phòng mở thật lớn, giúp họ dễ dàng liên lạc với nhau để họ có thể cùng nhau brainstorm—thảo luận ý tưởng tập thể (một ý tưởng có thể họ đã lấy từ những năm tháng họ còn học lấy bằng MBA). May mắn là họ đã hỏi ý kiến chính những nhà thiết kế giày này trước, và các nhà thiết kế đã trả lời lại rằng điều họ thực sự cần lại là nhiều không gian yên tĩnh và trật tự hơn nữa để họ có thể tập trung làm việc.Điều này không phải là tin gì mới với Jason Fried, thành viên đồng sáng lập của công ty ứng dụng web 37signals. Trong suốt mười năm, kể từ năm 2000, Fried đã hỏi hàng trăm người (chủ yếu là các nhà thiết kế, lập trình viên, và nhà văn) họ thích làm việc ở đâu nhất khi họ cần làm một việc gì đó. Ông phát hiện ra rằng họ đi gần như bất cứ đâu ngoại trừ văn phòng của mình, nơi quá ồn ào và luôn dễ bị người khác làm phiền. Đó là lý do tại sao trong số 16 nhân viên của Fried, chỉ có 8 người sống ở Chicago, nơi đặt trụ sở công ty 37signals; và kể cả 8 người này cũng không bị yêu cầu phải có mặt tại chỗ làm hàng ngày, kể cả là cho những cuộc họp. Đặc biệt không phải đến vì các cuộc họp, thứ Fried coi là "độc hại". Fried không phải là kẻ bài trừ sự hợp tác—trang chủ của 37signals luôn tự hào quảng cáo những sản phẩm của nó với khả năng giúp việc hợp tác trở nên dễ dàng và có hiệu quả hơn. Nhưng ông ưa thích những dạng hợp tác thụ động hơn, như email, tin nhắn qua mạng, hay các công cụ chat trực tuyến. Lời khuyên của ông dành cho các nhà quản lý ư? "Hãy hủy bỏ cuộc họp tiếp theo của các bạn đi", ông khuyên. "Đừng đặt lịch lại cho nó. Hãy xóa nó luôn khỏi bộ nhớ ấy". Ông cũng đồng thời đề xuất một "Ngày thứ Ba Không Nói", một ngày mỗi tuần mà các nhân viên không được phép nói chuyện với nhau.Những người mà Fried đã phỏng vấn đã nói ra những gì mà những người sáng tạo vẫn luôn luôn biết. Kafka , ví dụ, đã không thể chịu được việc ở gần bất cứ ai, thậm chí cả vị hôn thê ông vô cùng yêu quý, mỗi khi ông làm việc:Em từng nói với anh rằng em muốn ngồi bên cạnh anh khi anh viết. Nghe này, trong trường hợp đó anh sẽ không thể viết được gì cả. Vì viết có nghĩa là tiết lộ bản thân tới vượt quá giới hạn; sự tự-hé-lộ bản thân và đầu hàng tới mức tột cùng mà khi ấy một con người, nếu phải mắc míu đến những người khác, sẽ cảm thấy như mình đang đánh mất chính mình, và do vậy, kể từ đó, chừng nào anh ta còn một tâm trí tỉnh táo, anh ta sẽ luôn luôn thu mình lại... Đó là lý do tại sao một người không bao giờ có thể đủ đơn độc khi người đó viết, tại sao không bao giờ xung quanh có thể đủ im lặng khi người đó viết, tại sao thậm chí cả buổi đêm cũng không đủ đêm nữa.Thậm chí cả con người vui vẻ hơn Kafka rất nhiều có tên Theodor Geisel (hay vẫn được biết đến với cái tên Dr. Seuss) cũng dành hầu hết thời gian làm việc của mình nép mình trong studio riêng, các bức tường chăng đầy những bức tranh và ký họa, trong một tòa tháp nằm bên cạnh ngôi nhà của ông tại La Jolla, California. Geisel là một người trầm tính hơn những gì các vần thơ hài hước của ông gợi ý rất nhiều. Ông rất ít khi dám liều lĩnh đến những nơi đông người để gặp các độc giả trẻ của ông, sợ rằng bọn trẻ sẽ mong chờ một nhân vật vui vẻ, quảng giao giống như Chú mèo đội Mũ (Cat in the Hat), và sẽ phải thất vọng khi thấy tính cách khép mình của ông. "Hầu hết [trẻ em] làm tôi khiếp sợ vô cùng", ông thú nhận. Nếu không gian riêng tư là tối quan trọng đối với khả năng sáng tạo, thì sự giải phóng khỏi "áp lực đồng bạn" (peer pressure) cũng vậy. Hãy thử cân nhắc câu chuyện của người làm quảng cáo huyền thoại Alex Osborn. Ngày nay không mấy người biết đến cái tên Osborn, nhưng trong nửa đầu của thế kỷ hai mươi, ông nổi tiếng là một con người đa tài tuyệt đỉnh, có thể làm mê hoặc tất cả những người cùng thời với mình. Osborn là thành viên sáng lập của công ty đại diện quảng cáo "Batten, Barton, Durstine, and Osborn" (BBDO), nhưng vai trò là một tác giả sách mới thực sự làm ông được biết đến, bắt đầu từ một ngày năm 1938 khi một biên tập viên tạp chí mời ông ăn trưa và hỏi sở thích của ông là gì."Tưởng tượng", Osborn trả lời."Ông Osborn", người biên tập viên nói, "ông phải viết một cuốn sách về chủ đề đó đi. Nó là một công việc đã đợi để được ông hoàn thành suốt bao năm nay rồi. Không có một việc gì có thể quan trọng hơn thế nữa. Ông phải cho nó tất cả thời gian, năng lượng và mọi sự cẩn thận kỹ lưỡng mà nó xứng đáng được hưởng".Và Osborn đã làm đúng như vậy. Trên thực tế, ông đã viết đến vài cuốn sách trong những năm 1940 và 1950, tất cả đều tập trung vào một vấn đề đã từng làm ông vô cùng đau đầu khi còn là người đứng đầu công ty BBDO: các nhân viên của ông không đủ sáng tạo. Họ có những ý tưởng tốt, Osborn tin chắc là thế, nhưng họ lại rất ngại chia sẻ chúng bởi lo sợ sự đánh giá từ các đồng nghiệp.Với Osborn, giải pháp không phải là cho các nhân viên của ông được làm việc một mình, mà lại là loại bỏ mối nguy của sự phê bình chỉ trích khỏi hoạt động nhóm. Ông đã sáng tạo ra khái niệm brainstorm (thảo luận ý tưởng tập thể), một quá trình trong đó các thành viên của nhóm cùng nhau đưa ra ý tưởng trong một môi trường không-phán-xét. Brainstorm có bốn luật lệ cơ bản như sau:1. Không phán xét hay phê bình các ý tưởng.2. Cứ tự do. Ý tưởng càng điên rồ thì càng tốt.3. Hãy nhắm đến số lượng. Càng có nhiều ý tưởng càng tốt.4. Xây dựng tiếp lên từ ý tưởng của những thành viên khác trong nhóm bạn.Osborn chân thành tin rằng các nhóm—một khi đã được giải phóng khỏi gông cùm của nỗi sợ sự đánh giá—sẽ có thể sản xuất ra nhiều ý tưởng tốt hơn rất nhiều so với các cá nhân làm việc một mình, và ông đã rất công khai ủng hộ cho phương pháp ưa thích này của mình. "Kết quả tuyệt vời về số lượng của group brainstorming là không thể bàn cãi", ông nói. "Một nhóm đã tạo ra được 45 ý tưởng cho một quảng cáo đồ gia dụng, 56 ý tưởng cho một chiến dịch quyên góp tiền, 124 ý tưởng cho việc làm thế nào để bán được nhiều chăn hơn. Trong một trường hợp khác, 15 nhóm đã cùng brainstorm cùng một vấn đề và đã đưa đến hơn 800 ý tưởng khác nhau".Giả thuyết của Osborn có ảnh hưởng rất mạnh, và lãnh đạo các công ty đều rất nhiệt tình áp dụng ý tưởng brainstorm. Ngày nay, một điều rất phổ biến cho bất cứ ai đã từng sống ở nước Mỹ liên hiệp đấy là luôn thường xuyên thấy mình phải ngồi chung với rất nhiều đồng nghiệp khác, trong một căn phòng đầy những bảng trắng, bút viết bảng, và một người điều hành luôn nhiệt tình đến kỳ lạ trong việc khuyến khích mọi người thoải mái hợp tác.Chỉ có duy nhất một vấn đề với ý tưởng đột phá của Osborn: group brainstorming không thực sự có hiệu quả. Một trong những nghiên cứu đầu tiên chứng minh điều này được tiến hành năm 1963. Marvin Dunnette, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Minnesota, đã tập hợp bốn mươi tám nhà khoa học nghiên cứu và bốn mươi tám giám đốc quảng cáo, tất cả đều là các nhân viên nam của công ty "Minnesota Mining and Manufacturing" (còn được biết đến với cái tên 3M, nhà sáng chế ra chuỗi sản phẩm văn phòng Post-it), và yêu cầu họ tham gia vào cả những buổi suy nghĩ đơn độc lẫn những buổi group brainstorming theo nhóm. Dunnette tự tin rằng các viên giám đốc quảng cáo sẽ hoạt động rất hiệu quả trong hoạt động nhóm. Ông ít tự tin hơn rất nhiều về việc các nhà khoa học nghiên cứu, những người ông coi là hướng nội hơn rất nhiều, sẽ có thể làm việc hiệu quả được trong nhóm.Dunnette chia mỗi nhóm bốn mươi tám người thành mười hai nhóm bốn người. Mỗi nhóm bộ tứ này sau đó được giao cho một vấn đề để cùng brainstorm, ví dụ như liệt kê các khó khăn có thể gặp phải khi sinh ra với một ngón tay thừa. Mỗi thành viên trong nhóm cũng đồng thời được giao thêm một vấn đề tương tự để tự brainstorm một mình. Sau đó Dunnette và các đồng đội của ông đếm số ý tưởng, so sánh lượng ý tưởng tạo ra bởi nhóm với lượng ý tưởng của các thành viên khi làm việc một mình. Để so sánh cho công bằng, Dunnette ghép chung ý tưởng của mỗi người làm việc độc lập với ba người làm việc độc lập khác, như thể họ cũng đã làm việc theo một "nhóm bốn" trên danh nghĩa vậy. Các nhà nghiên cứu cũng đồng thời đo đạc chất lượng của những ý tưởng, đánh giá chúng theo một "Thang Điểm Khả Dụng" từ 0 đến 4.Kết quả trả về không thể rõ ràng hơn được. Trong 24 nhóm tham gia thì có 23 nhóm tạo được nhiều ý tưởng hơn khi những thành viên trong nhóm được làm việc một mình, thay vì phải hoạt động theo nhóm. Họ cùng đồng thời tạo ra được những ý tưởng có chất lượng tốt ngang bằng hay thậm chí tốt hơn khi được làm việc một mình. Và các viên giám đốc quảng cáo cũng không hề làm tốt hơn gì ở các hoạt động nhóm so với những nhà khoa học vốn được coi là hướng nội kia.Kể từ đó, khoảng bốn mươi thí nghiệm khác cũng đã cho về kết quả đáng ngạc nhiên tương tự. Các thí nghiệm đã cho thấy rằng hiệu quả làm việc sẽ càng giảm khi số thành viên của nhóm càng tăng lên: nhóm chín người tạo ra được ít ý tưởng và các ý tưởng kém về chất lượng hơn so với nhóm sáu người, và nhóm sáu người đến lượt mình thì lại làm tệ hơn nhóm bốn người. Những "bằng chứng khoa học đã gợi ý rằng, những doanh nhân hẳn phải mất trí rồi khi quyết định dùng các nhóm để brainstorm", nhà tâm lý học tổ chức Adrian Furnham viết. "Nếu nhân viên của bạn là những người tài năng và giàu nhiệt huyết; họ nên được khuyến khích làm việc một mình những khi tính sáng tạo và hiệu quả làm việc lớn là ưu tiên quan trọng nhất".Trường hợp ngoại lệ duy nhất ở đây là online brainstorming—brainstorm qua mạng Internet. Các nhóm brainstorm với nhau thông qua mạng điện tử, khi được quản lý đúng cách, không chỉ làm tốt hơn các cá nhân; các nghiên cứu còn cho thấy: nhóm càng lớn, chất lượng hoạt động của nhóm càng cao. Điều tương tự cũng đúng với các nghiên cứu mang tính hàn lâm— các giáo sư làm việc cùng nhau thông qua mạng điện tử, từ nhiều địa điểm khác nhau, có xu hướng tạo ra được nhiều nghiên cứu có tầm ảnh hưởng hơn là những người làm việc một mình hay những người cộng tác trực tiếp kiểu mặt-đối-mặt.Điều này không nên làm chúng ta ngạc nhiên; như chúng ta đã nói, chính sức mạnh bí ẩn của hợp tác qua mạng đã góp phần đưa Tư duy Nhóm Mới lên ngôi ngay từ đầu. Thứ gì đã tạo ra Linux, hay Wikipedia, nếu không phải là những phiên brainstorm khổng lồ qua mạng Internet? Nhưng chúng ta đã quá ấn tượng với sức mạnh của sự cộng tác qua mạng đến nỗi chúng ta chuyển sang tôn vinh quá đà tất cả những dạng cộng tác và coi nhẹ sự suy nghĩ đơn độc. Chúng ta thất bại trong việc nhận ra rằng tham gia vào một buổi thảo luận trực tuyến chính nó cũng chỉ là một dạng đơn độc mà thôi. Thay vào đó chúng ta lại suy đoán rằng thành công của sự cộng tác qua mạng cũng có thể được lặp lại trong thế giới mặt-đối-mặt ngoài đời thật.Nhưng quả thực, sau bao nhiêu năm tháng đó, với bao bằng chứng rõ ràng rằng brainstorming theo kiểu truyền thống không có hiệu quả, chúng vẫn cứ phổ biến và nổi tiếng y như vậy. Những người tham gia vào các phiên brainstorm thường tin rằng nhóm của họ làm việc tốt hơn nhiều so với thực tế, chính điều này là một trong những lý do lớn khiến nó vẫn tiếp tục phát triển phổ biến đến vậy—group brainstorming giúp mọi người gắn bó với nhau hơn. Một mục đích xứng đáng, miễn là chừng nào đoàn kết nội bộ, chứ không phải tính sáng tạo, mới là mục tiêu chính. Các nhà tâm lý học thường đưa ra ba lý giải cho sự thất bại của group brainstorming. Lý do thứ nhất là lười biếng trong hoạt động: trong một nhóm, một số ít cá nhân sẽ có xu hướng ngồi chơi và để những người khác làm hết mọi việc. Thứ hai là trở ngại trong sản xuất: mỗi lúc chỉ có một người có thể nói hoặc sản xuất ý tưởng, trong khi những thành viên khác trong nhóm bị buộc phải ngồi im một cách thụ động. Và thứ ba là nỗi lo sợ sự đánh giá, tức nỗi sợ rằng mình sẽ trông thật ngốc trước mặt mọi người khác.Các quy tắc về brainstorm của Osborn được tạo ra với mục đích nhằm vô hiệu hóa nỗi lo sợ, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nỗi sợ bị bẽ mặt ở nơi công cộng là một thứ có sức mạnh cực kỳ lớn. Ví dụ, trong mùa giải bóng rổ 1988-1989, hai đội bóng rổ của NCAA (tổ chức thể thao của sinh viên đại học Mỹ) đã chơi mười một trận không hề có một khán giả nào, bởi một trận dịch sởi đã buộc các trường này phải cách ly toàn bộ sinh viên. Cả hai đội đã chơi tốt hơn nhiều (ví dụ, tỷ lệ ném trúng rổ cao hơn, vv...) khi không có người hâm mộ nào, kể cả những người hâm mộ của đội mình, ở đó để làm họ thêm căng thẳng.Nhà kinh tế học hành vi (behavioral economist) Dan Ariely đã để ý thấy một hiện tượng tương tự, khi ông tiến hành một nghiên cứu yêu cầu ba mươi chín người tham gia giải một trò chơi đố chữ, trong một số trường hợp là tự làm một mình tại một bàn riêng, trong một số trường hợp khác là làm khi có những người khác đứng gần quan sát họ. Ariely dự đoán rằng các thí sinh sẽ làm tốt hơn khi có người đứng gần, bởi khi đó họ sẽ có nhiều động lực hơn. Nhưng hóa ra họ lại thể hiện tệ hơn ở nơi đông người. Có các khán giả có thể gây hào hứng phấn chấn, nhưng họ cũng có thể làm người biểu diễn rất căng thẳng. Vấn đề với nỗi lo sợ sự đánh giá là ở chỗ chúng ta không thể làm gì nhiều với nó được cả. Bạn sẽ nghĩ bạn có thể vượt qua nó bằng sức mạnh ý chí, bằng luyện tập, hay bằng một loạt các nội quy dành cho nhóm như Alex Osborn đã đề ra. Nhưng những nghiên cứu gần đây về thần kinh học (neuroscience) đã cho thấy nỗi lo sợ sự phán xét ăn sâu hơn nhiều và có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều những gì chúng ta vẫn tưởng.Trong những năm từ 1951 đến 1956, cũng khi Osborn đang cổ vũ cho sức mạnh của group brainstorming, một nhà tâm lý học tên Solomon Asch đã tiến hành một loạt các thí nghiệm, mà nay đã trở nên nổi tiếng, về sức mạnh ảnh hưởng của nhóm. Asch tập trung các học sinh tình nguyện tham gia lại thành từng nhóm và cho họ tham gia làm một bài kiểm tra thị giác. Ông cho họ xem một bức tranh với ba đường kẻ với độ dài khác nhau, rồi ông đặt câu hỏi về việc những đường kẻ này so với nhau thì thế nào: cái nào dài hơn, cái nào thì dài bằng độ dài của một đường kẻ thứ tư, và cứ thế. Những câu hỏi của ông dễ đến nỗi 95% học sinh trả lời đúng tất cả mọi câu hỏi.Nhưng khi Asch cho các diễn viên bí mật trà trộn vào trong nhóm, và các diễn viên rất tự tin đưa ra cùng một câu trả lời sai, số lượng học sinh trả lời đúng hoàn toàn tụt mạnh xuống chỉ còn 25%. Tức là có đến 75% số người tham gia hùa theo cùng câu trả lời sai của nhóm ở ít nhất một câu hỏi.Các thí nghiệm của Asch đã chứng tỏ sức mạnh hàng phục của nhóm với cá nhân, vào chính xác thời điểm mà Osborn đang cố giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích kìm hãm của nó. Điều họ không nói cho chúng ta biết là tại sao chúng ta lại có xu hướng hay về hùa theo với tập thể đến vậy. Điều gì đã xảy ra trong tâm trí của những người quy phục theo nhóm? Có phải nhận thức của họ về chiều dài của những đường kẻ đã thực sự bị thay đổi bởi áp lực từ đồng bạn, hay họ biết nhưng vẫn cố tình đưa ra câu trả lời sai vì sợ làm kẻ khác biệt? Suốt hàng nhiều thập kỷ, các nhà tâm lý học vẫn phải nhức đầu vì câu hỏi này.Ngày nay, với sự giúp sức của công nghệ quét não bộ, chúng ta có thể đang đến gần hơn với câu trả lời. Vào năm 2005, một nhà sinh vật học thần kinh (neuroscientist) tại Đại học Emory, Gregory Berns, đã quyết định tiến hành một phiên bản cải tiến của thử nghiệm của Asch. Berns và các đồng sự của mình tuyển ba mươi hai tình nguyện viên, gồm cả nam và nữ từ độ tuổi 19 đến 41. Các tình nguyện viên chơi một trò chơi, trong đó mỗi thành viên được cho xem hai hình khối ba chiều khác nhau trên màn hình máy tính, sau đó họ được yêu cầu phải quyết định xem liệu hình khối đầu tiên có thể được xoay lại để khớp với hình khối thứ hai không. Những thí nghiệm này dùng một máy quét não fMRI (thiết bị ảnh hóa cộng hưởng từ tính chức năng) để chụp ảnh não bộ của các tình nguyện viên khi họ hùa theo hoặc phản đối lại ý kiến của cả nhóm.Kết quả thu về vừa đáng kinh ngạc, vừa rất dễ hiểu. Đầu tiên, chúng cũng ủng hộ những phát hiện của Asch. Khi các tình nguyện viên chơi trò chơi này một mình, tỷ lệ trả lời sai của họ chỉ là 13,8 phần trăm. Nhưng khi phải chơi với nhóm nơi các thành viên cùng nhất trí đưa ra câu trả lời sai, họ đồng ý theo với nhóm đến hơn 41 phần trăm số lần.Nhưng nghiên cứu của Berns cũng đồng thời làm sáng tỏ lý do tại sao chúng ta lại có xu hướng nhượng bộ nhiều đến vậy. Khi các tình nguyện viên chơi trò chơi một mình, kết quả quét não cho thấy có hoạt động ở những vùng não bao gồm vỏ não thùy chẩm (occipital cortex) và thùy đỉnh (parietal cortex), những phần chịu trách nhiệm nhận thức về thị giác và không gian, và ở phần vỏ não trước trán (frontal cortex), chịu trách nhiệm đưa ra quyết định có ý thức. Nhưng khi các tình nguyện viên hùa theo câu trả lời sai của nhóm, hoạt động não của họ tiết lộ những thứ khác hoàn toàn.Hãy nhớ rằng, thứ Asch muốn biết là có phải mọi người nhượng bộ bất chấp việc biết câu trả lời của nhóm là sai, hay là nhận thức của họ đã bị thay đổi bởi nhóm. Nếu trường hợp đầu tiên là đúng, Berns và các đồng đội suy đoán, vậy thì họ sẽ phải thấy nhiều hoạt động não hơn ở vùng não trước chuyên đưa ra quyết định. Tức là, từ các kết quả quét não sẽ nhận biết ra được ai trong số các tình nguyện viên đã chủ động quyết định rời bỏ niềm tin ban đầu của họ để thuận theo với nhóm. Nhưng nếu kết quả quét não lại cho thấy nhiều hoạt động hơn ở những vùng não liên quan đến thị giác và không gian, thế có nghĩ là nhóm đã thực sự bằng cách nào đấy thay đổi được chính nhận thức của từng thành viên.Đây chính xác là điều đã xảy ra—những người thuận theo nhóm đã cho thấy ít hoạt động hơn ở vùng não trước, chuyên đưa ra quyết định; mà hoạt động nhiều hơn phần não bộ liên quan đến nhận thức. Áp lực từ đồng bạn, nói một cách khác, không chỉ khó chịu, mà còn thực sự có thể thay đổi quan điểm của bạn về một vấn đề nữa.Những khám phá ở buổi đầu này gợi ý rằng nhóm có tác dụng như là một thứ thuốc tẩy não. Nếu nhóm nghĩ câu trả lời là A, rất có khả năng bạn cũng sẽ tin A là đúng. Không phải bạn sẽ nghĩ một cách có ý thức là: "Hừm, mình không chắc lắm, nhưng tất cả mọi người đều chọn là A, nên có lẽ chắc mình nên theo họ". Cũng không phải là bạn sẽ nghĩ: "Mình muốn bọn họ thích mình, nên mình sẽ giả vờ câu trả lời là A". Không, bạn sẽ làm một thứ bất ngờ hơn nhiều—và nguy hiểm hơn nhiều. Hầu hết các tình nguyện viên của Berns báo cáo lại rằng họ đã hùa theo với nhóm vì "họ tin rằng họ cũng đã tình cờ nghĩ tới cùng câu trả lời đúng đó". Nói một cách khác, họ thực sự không có chút khái niệm nào về việc các đồng bạn đã có sức ảnh hưởng tới họ nhiều thế nào.Điều này có liên quan gì không tới nỗi sợ giao tiếp? Hãy thử nhớ lại xem: trong các thí nghiệm của Asch và Berns, không phải lúc nào các tình nguyện viên cũng thuận theo nhóm. Đôi lúc họ vẫn chọn được câu trả lời đúng bất chấp sức ảnh hưởng của nhóm. Và Berns cùng các đồng sự của ông đã tìm thấy được một vài thứ rất thú vị ở những khoảnh khắc này. Chúng có liên kết với những hoạt động mạnh ở thùy hạnh nhân (amygdala), một cơ quan nhỏ trong não có nhiệm vụ kích hoạt những cảm giác tiêu cực, như là nỗi sợ bị bài trừ.Berns gọi nó là "nỗi đau của sự độc lập", và nó có những tác động thực sự nghiêm trọng. Rất nhiều trong số những tổ chức dân quyền quan trọng nhất của chúng ta, từ bầu cử cho đến bồi thẩm đoàn, cho đến cả chính ý tưởng "đa số sẽ thắng", tất cả đều phụ thuộc vào những ý kiến trái chiều khác nhau. Nhưng khi nhóm thực sự có khả năng thay đổi nhận thức của chúng ta; và khi đứng một mình đồng nghĩa với việc kích hoạt những nỗi sợ nguyên thủy, bản năng và mạnh mẽ nhất như nỗi sợ sự bài trừ; vậy thì sự tồn tại của những tổ chức này dễ bị tổn thương hơn chúng ta tưởng nhiều. Nhưng tất nhiên tôi đã đơn giản hóa sự việc khi tập trung chống lại sự cộng tác mặt-đối-mặt. Dù sao thì Steve Wozniak cũng vẫn cộng tác với Steve Jobs; nếu không có sự kết hợp của hai người họ, sẽ không thể có tập đoàn Apple ngày nay. Mọi mối liên kết đôi, như giữa người cha và người mẹ, giữa cha mẹ và con cái, đều là một sự hợp tác sáng tạo. Quả thực vậy, các nghiên cứu đã cho thấy rằng những tương tác mặt-đối-mặt trực tiếp giúp gây dựng niềm tin theo những cách mà tương tác online không thể làm được. Các nghiên cứu cũng đồng thời gợi ý rằng dân số đông đúc có liên quan mật thiết đến mức độ sáng tạo; bất chấp nhiều lợi ích của những cuộc dạo bước tĩnh lặng qua các khu rừng, cư dân ở những thành phố đông đúc vẫn hưởng rất nhiều lợi ích khác từ mạng lưới tương tác mà cuộc sống thành thị đem lại.Bản thân tôi cũng đã được tự mình trải nghiệm hiện tượng này. Khi tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để bắt tay vào viết cuốn sách này, tôi đã cẩn thận sắp xếp lại nơi làm việc tại nhà của mình, hoàn thiện với đồ đạc xếp đặt rất gọn gàng, tủ hồ sơ đầy đủ, mặt bàn rộng, và thật nhiều ánh sáng tự nhiên—và rồi tự nhiên tôi cảm thấy bị tách rời khỏi thế giới đến nỗi tôi không thể gõ được một chữ nào. Thay vào đó, tôi đã viết phần lớn cuốn sách này trên chiếc laptop của mình tại một quán café cực kỳ đông đúc ở gần nhà mà tôi rất thích. Tôi làm điều này chính xác vì những lý do mà các nhà quán quân của Tư duy Nhóm Mới sẽ gợi ý: chỉ riêng sự có mặt của những người khác xung quanh thôi cũng có thể khiến tôi đạt được hiệu năng suy nghĩ cao hơn rất nhiều. Quán café này đầy ắp những người luôn cắm cúi vào máy tính của họ, và nếu vẻ mặt cực kỳ tập trung của họ có thể đem lại bất cứ gợi ý gì, thì đấy là tôi không phải kẻ duy nhất làm được rất nhiều việc khi ở đây.Nhưng quán café này có thể được dùng như nơi làm việc cho tôi bởi nó có những đặc điểm cụ thể mà rất nhiều trường học và văn phòng hiện đại đang thiếu vắng. Nó có tính cộng đồng; nhưng bản chất tự nhiên, không cần trịnh trọng, muốn-đến-thì-đến-muốn-đi-thì-đi của nó giúp tôi thoát khỏi mọi sự vướng víu không mong đợi, để tôi có thể hoàn toàn tập trung "Luyện Tập Có Chủ Đích" hoạt động viết sách của mình. Tôi có thể tự do chuyển đổi qua lại giữa hai vai người quan sát và người tham gia giao tiếp tùy thích. Tôi cũng có thể kiểm soát môi trường xung quanh mình. Mỗi ngày tôi chọn một địa điểm cho bàn của tôi—tùy thuộc vào việc tôi có muốn bị người khác quan sát, cũng như tôi có muốn quan sát người khác hay không. Và tôi có quyền ra về bất cứ khi nào tôi muốn có sự thanh bình tĩnh lặng để biên tập lại những gì tôi đã viết được trong ngày hôm đó. Thường thì chỉ sau vài tiếng là tôi đã xong phần công việc trong ngày để có thể bắt tay vào biên tập—không phải hàng tám, mười, hay thậm chí mười bốn tiếng mà những kẻ làm việc tại văn phòng vẫn phải tiêu tốn mỗi ngày. Thứ mà tôi đang gợi ý không phải là chấm dứt mọi hợp tác mặt-đối-mặt hoàn toàn, mà là cải tiến cách chúng ta đang làm nó. Trước nhất, chúng ta nên chủ động tìm kiếm những mối quan hệ cộng sinh giữa người hướng nội–người hướng ngoại; mà trong đó quyền lãnh đạo và những tác vụ khác được phân chia cho các thành viên tùy thuộc vào thế mạnh tự nhiên và đặc điểm tính cách của từng người. Các nghiên cứu đã cho thấy những nhóm, đội làm việc hiệu quả nhất là những tập thể có một tỷ lệ kết hợp hài hòa giữa người hướng nội và người hướng ngoại, và điều này cũng đúng với rất nhiều thiết chế lãnh đạo.Chúng ta cũng đồng thời cần thiết lập những môi trường trong đó người tham gia được tự do luân chuyển qua lại giữa các kiểu tương tác khác nhau, và được phép biến mất vào những nơi làm việc riêng tư của họ khi họ cần tập trung, hoặc chỉ đơn giản là khi họ muốn được ở một mình. Các trường học nên dạy trẻ em những kỹ năng để có thể làm việc tốt với người khác—cách học "cộng tác" cũng có thể hữu hiệu nếu được thực hành đúng cách và điều độ—nhưng đồng thời cũng phải hướng dẫn và cho chúng thời gian để các em có thể tự mình Luyện Tập Có Chủ Đích. Một điều khác cũng cực kỳ quan trọng đấy là chúng ta nên nhận biết rằng có nhiều người—đặc biệt là những người hướng nội như Steve Wozniak—cần đặc biệt nhiều thời gian yên tĩnh và sự riêng tư để có thể làm việc một cách tốt nhất.Một vài công ty đang bắt đầu hiểu được giá trị của sự im lặng và đơn độc, và đang tạo ra những văn phòng mở linh hoạt đem đến sự kết hợp giữa nơi làm việc, nơi yên tĩnh, địa điểm gặp gỡ thân-mật (casual meeting areas), quán café, phòng đọc, hệ thống máy tính, và thậm chí cả những "đường phố" nơi mọi người có thể tán gẫu thân mật với nhau mà không làm cản trở tiến độ công việc của người khác. Tại Pixar Animation Studio, một khuôn viên rộng mười sáu mẫu được xây lên xung quanh một đại sảnh kích-cỡ-bằng-một-sân-vận-động, bên trong có các hòm thư, một căng tin, và thậm chí cả các phòng tắm. Ý tưởng ở đây là để khuyến khích càng nhiều các cuộc gặp mặt thân mật, tình cờ càng tốt. Cùng lúc đó, các nhân viên cũng được khuyến khích tự làm chủ văn phòng, cubicle, bàn, và nơi làm việc cá nhân của riêng họ, và trang trí chúng theo mọi cách mà họ muốn. Tương tự, ở Microsoft, rất nhiều nhân viên thích thú tận hưởng những văn phòng riêng biệt của riêng họ, nhưng chúng cũng đi cùng với các cửa trượt, những bức tường có thể di chuyển, và các thiết kế khác cho phép người bên trong có thể quyết định khi nào họ muốn hợp tác và khi nào thì họ cần không gian riêng tư để suy nghĩ. Những dạng nơi làm việc đa dạng này đem lại lợi ích cho cả người hướng nội cũng như người hướng ngoại, nhà nghiên cứu thiết kế hệ thống (systems design researcher) Matt Davis bảo với tôi, bởi chúng đưa đến nhiều không gian để rút lui về hơn là các văn phòng mở truyền thống.Tôi tin rằng bản thân Wozniak sẽ tán đồng những thay đổi này. Trước khi ông tạo ra chiếc Apple PC đầu tiên, Woz đã thiết kế máy tính bỏ túi cho hãng Hewlett-Packard, một công việc mà ông yêu thích một phần là vì HP tạo điều kiện rất dễ dàng để ông có thể nói chuyện với những người khác. Mỗi ngày vào 10:00 sáng và 2:00 chiều, người quản lý sẽ đẩy vào những xe bánh vòng và cà phê, và mọi người sẽ giao tiếp và trao đổi ý tưởng. Thứ khiến cho mối tương tác của họ khác biệt đấy là họ rất thoải mái và thư giãn. Trong cuốn "iWoz", ông nhớ lại HP như là một nơi thực sự dựa trên tài năng, nơi bạn trông thế nào không quan trọng, nơi không hề có phần thưởng nào trong việc chơi giỏi trò chơi giao tiếp, và nơi không có ai bắt ép ông rời bỏ công việc kỹ sư yêu thích để làm quản lý. Đó chính là định nghĩa về sự cộng tác của Woz: khả năng có thể chia sẻ một chiếc bánh vòng và một ý tưởng với những người đồng nghiệp thoải mái, không phán xét, ăn mặc xuề xòa giản dị của ông—những người không hề phiền lòng lấy một chút khi ông biến mất vào trong góc làm việc của mình để thực sự làm việc. 

 PhầnHai BẢN CHẤT SINH HỌC CỦA BẠN, BẢN CHẤT THỰC SỰ CỦA BẠN?  

4.LIỆU TÍNH CÁCH CÓ PHẢI LÀ SỐ PHẬN? 

Bản Tính Tự nhiên, Nuôi dưỡng, Và Lý Thuyết Hoa Phong LanMột số người chắc chắn về mọi chuyện hơn là tôi về bất cứ chuyện gì.—ROBERT RUBIN, "Trong một thế giới không chắc chắn" (In an Uncertain World)GẦN MƯỜI NĂM TRƯỚCBây giờ là 2:00 sáng, tôi không thể ngủ được, và tôi muốn chết.Tôi bình thường không phải là dạng hay muốn tự tử, nhưng đây là đêm trước một bài diễn thuyết quan trọng, và đầu óc tôi chạy rần rật với đủ các thể loại viễn cảnh kinh hoàng. Nếu tự dưng tôi "đứng miệng" và không thể nói được chữ nào thì sao? Nếu tôi làm các khán giả chán thì sao? Nếu tôi nôn thốc nôn tháo trên sân khấu thì sao?Bạn trai của tôi khi đó (bây giờ là chồng tôi), Ken, nhìn tôi trằn trọc qua lại. Anh rất kinh ngạc trước nỗi lo lắng của tôi. Là một cựu quân nhân trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc, anh đã từng một lần bị phục kích tại Somali, ấy vậy nhưng tôi không nghĩ anh đã có bao giờ cảm thấy sợ hãi nhiều như tôi lúc này."Cố gắng nghĩ về những thứ vui vẻ đi", anh nói, trong lúc khẽ vuốt tóc trên trán tôi.Tôi nhìn trân trân lên trần nhà, nước mắt chực chảy. Thứ vui vẻ gì cơ chứ? Có thứ gì có thể vui vẻ được ở một nơi chỉ toàn sân khấu và microphone?"Có cả tỉ người ở Trung Quốc sẽ chả thèm quan tâm em nói cái cóc khô gì ngày mai đâu", Ken cố gắng an ủi tôi.Điều này giúp tôi bình tĩnh lại được một chút, trong khoảng năm giây. Tôi trở mình và cứ thế nằm nhìn chiếc đồng hồ báo thức. Cuối cùng cũng đến sáu giờ ba mươi. Ít ra thì cái phần kinh khủng nhất, phần đêm-trước-giờ-trình-diễn, đã kết thúc; bằng giờ này ngày mai, tôi sẽ được tự do. Nhưng trước hết tôi phải sống sót qua được ngày hôm nay đã. Tôi rầu rĩ thay đồ, rồi mặc thêm một chiếc áo khoác. Ken đưa tôi một chai nước uống thể thao chứa đầy món cocktail Baileys Irish Cream. Tôi không phải là người hay uống, nhưng tôi thích Baileys vì vị của nó cứ như sinh tố sô cô la ấy. "Nhớ uống cái này mười lăm phút trước khi em phải lên sân khấu", anh nói, rồi hôn tôi tạm biệt.Tôi vào thang máy để xuống tầng dưới, rồi yên vị trong chiếc xe đã chờ sẵn để đưa tôi tới điểm hẹn: trụ sở một tập đoàn lớn tại vùng ngoại ô New Jersey. Chuyến đi cho tôi vô khối thời gian để tự hỏi làm thế nào tôi lại đưa mình vào tình thế này. Cách đây không lâu tôi đã rời bỏ công việc làm một luật sư phố Wall của mình để thành lập một hãng tư vấn riêng. Hầu hết mọi lúc tôi đều làm việc theo kiểu một-đối-một hoặc trong những nhóm nhỏ, cách làm việc giúp tôi thấy thoải mái hơn. Nhưng khi một người quen là tổng cố vấn (general counsel) của một công ty truyền thông lớn mời tôi mở một lớp seminar cho toàn bộ đội ngũ giám đốc của công ty, tôi đã nhận lời—thậm chí còn rất nhiệt tình nữa là đằng khác!—vì những lý do mà bây giờ tôi chẳng thể nhớ nổi. Tôi thấy mình cầu khẩn cho một thảm họa nào đấy xảy ra—một cơn lũ hoặc một trận động đất nhỏ, kiểu như vậy—bất cứ thứ gì để tôi không phải trải qua chuyện này. Rồi tôi lại cảm thấy tội lỗi vì đã lôi toàn bộ cả thành phố vào bi kịch của mình.Chiếc xe dừng cái rụp trước cửa văn phòng các khách hàng của tôi, và tôi bước xuống, cố gắng tỏ ra vẻ hăng hái, tự tin của một nhà tư vấn thành đạt. Người tổ chức sự kiện hộ tống tôi tới tận hội trường. Tôi hỏi đường tới nhà vệ sinh, và, khi chỉ còn một mình, nốc một ngụm lớn từ chai nước mang theo. Trong một vài phút tôi đứng yên, chờ cho chất cồn trong rượu thực hiện phép màu của nó. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả—tôi vẫn sợ đến điếng cả người. Có lẽ tôi nên làm thêm một nhấp nữa. Không, bây giờ chỉ mới chín giờ sáng—tôi phải làm gì nếu họ ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của tôi? Tôi tô lại son môi và quay trở lại phòng tổ chức sự kiện, nơi tôi sắp xếp lại những mảnh giấy nhớ của mình trên bục sân khấu, trong khi những hàng ghế khán giả kín dần những doanh nhân có-vẻ-quan-trọng. Làm gì thì làm, cũng cố đừng có nôn, tôi tự bảo mình.Một vài trong số những viên giám đốc ngước lên nhìn tôi, nhưng hầu hết họ đều cắm mặt vào những chiếc BlackBerry của mình. Hiển nhiên tôi đã khiến họ phải rời khỏi những công việc rất khẩn cấp. Làm thế nào tôi có thể thu hút sự chú ý của họ đủ lâu để họ có thể thôi gõ những thông báo khẩn vào những chiếc máy đánh chữ nhỏ xíu kia của họ? Tôi thề, ngay tại đó và ngay lúc đó, rằng tôi sẽ không bao giờ diễn thuyết lại dù chỉ một lần nào nữa. Ồ, và kể từ đó đến giờ tôi đã diễn thuyết thêm được rất nhiều lần. Tôi vẫn chưa thực sự hoàn toàn vượt qua nỗi sợ của mình, nhưng dần dần theo thời gian tôi đã khám phá được những kỹ năng có thể giúp bất cứ ai mắc chứng sợ-sân-khấu khi cần. Xin hãy đọc thêm ở chương 5.Trong lúc này, tôi đã kể cho bạn câu chuyện về nỗi sợ kinh hoàng của mình, bởi nó có liên hệ chặt chẽ với một vài trong số những câu hỏi khẩn thiết nhất của tôi về tính hướng nội. Ở một mức độ sâu hơn, nỗi sợ phải phát biểu trước đông người của tôi có vẻ có liên hệ với những phương diện khác trong tính cách của tôi mà tôi vẫn trân trọng, đặc biệt là tình yêu của tôi với những thứ nhẹ nhàng và trí tuệ. Với tôi điều này cũng không hẳn có gì là mới. Nhưng có phải chúng quả thực có liên kết với nhau không, và nếu có thì tại sao? Liệu đó có phải là hậu quả của sự "nuôi dưỡng"—cách tôi đã được nuôi lớn? Cả cha và mẹ tôi đều là những người dịu dàng, thích suy nghĩ; mẹ tôi cũng ghét nói trước đám đông như tôi vậy. Hay nó thuộc về "bản tính tự nhiên"—một thứ gì đó nằm sâu trong tận kết cấu gen của tôi?Tôi đã trăn trở với những câu hỏi này trong suốt cả những năm tháng trưởng thành của mình. May mắn thay, các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard cũng vậy. Ở đây, các nhà khoa học đang kiểm nghiệm bộ não con người, trong một nỗ lực để khám phá nguồn gốc sinh học của tính cách con người.Một trong những nhà khoa học như vậy là một người đàn ông tám mươi hai tuổi tên Jerome Kagan, một trong những nhà tâm lý học phát triển (developmental psychologist) vĩ đại của thế kỷ hai mươi. Kagan đã cống hiến cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu sự phát triển cảm xúc và nhận thức ở trẻ em. Trong một sê-ri các nghiên cứu đột phá kéo dài suốt nhiều năm của mình, ông đã theo dõi những đứa trẻ từ khi còn là trẻ sơ sinh cho đến tận tuổi thiếu niên, ghi chép lại tỉ mỉ tâm lý và tính cách của chúng trong suốt cả quá trình. Những nghiên cứu kéo dài hàng nhiều năm này rất tốn thời gian, tiền bạc, và bởi vậy rất hiếm—nhưng khi chúng đền đáp lại mọi thứ các nhà khoa học đã bỏ ra, chúng đền đáp lại rất nhiều.Ở một trong những nghiên cứu như vậy, bắt đầu từ năm 1989 và vẫn còn kéo dài cho tới tận bây giờ, Giáo sư Kagan và các đồng sự của mình đã tập hợp năm trăm trẻ sơ sinh bốn tháng tuổi tại Phòng Thí Nghiệm về Phát triển ở Trẻ em (Laboratory for Child Development) của ông tại Harvard, dự đoán rằng họ sẽ có thể nói, thông qua một đánh giá kéo dài bốn mươi lăm phút, em bé nào sẽ có xu hướng trở thành người hướng nội hoặc người hướng ngoại. Nếu mới đây bạn có được thấy một em bé bốn tháng tuổi nào đó, thì đây có vẻ như một lời khẳng định thật táo bạo. Nhưng Kagan đã nghiên cứu tính cách con người trong một thời gian rất dài, và ông có một giả thuyết về vấn đề này.Kagan và các đồng sự của ông cho những em bé bốn tháng tuổi tiếp xúc với một loạt các thí nghiệm đã được chọn lựa kỹ càng. Các em bé được nghe các đoạn ghi âm tiếng giọng nói và tiếng bong bóng nổ, nhìn những đồ vật nhỏ nhiều màu treo trước mắt di chuyển liên tục, và ngửi mùi cồn thấm trong một miếng bông. Chúng đã có những phản ứng rất khác nhau với các kích thích này. Khoảng 20% khóc lóc ầm ĩ và vung tay đập chân rất mạnh. Kagan gọi nhóm này là nhóm "mức độ phản ứng cao" ("high-reactive"). Khoảng 40% thì giữ yên lặng và rất bình tĩnh, thỉnh thoảng có chuyển động tay hoặc chân, nhưng không hề dậm giật mạnh mẽ như nhóm kia. Kagan gọi nhóm trẻ này là nhóm "mức độ phản ứng thấp" ("low-reactive"). 40% còn lại rơi vào khoảng giữa hai thái cực này. Trong một giả thuyết đầy bất ngờ, Kagan dự đoán rằng chính những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao—những em bé dậm chân giật tay kịch liệt—mới là những em có khả năng lớn lên sẽ trở thành người ít nói, trầm tính cao nhất.Khi các em bé này được hai, bốn, bảy và mười một tuổi, rất nhiều trong số chúng trở lại phòng thí nghiệm của Kagan để tiếp tục thử nghiệm các phản ứng của chúng với những người mới gặp và các sự kiện mới lạ. Ở độ tuổi hai, các trẻ em này được gặp một người phụ nữ đeo mặt nạ phòng độc và mặc áo choàng trắng bác sĩ, một người đàn ông trong trang phục anh hề, và một con robốt điều khiển từ xa. Ở độ tuổi lên bảy, các em được yêu cầu chơi với những đứa trẻ khác chúng chưa từng gặp bao giờ. Khi mười một tuổi, một người lớn hoàn toàn lạ mặt sẽ phỏng vấn các em về đời sống riêng tư của chúng. Đội của Kagan quan sát cách những đứa trẻ phản ứng với những tình huống khác lạ, lưu ý ngôn ngữ cơ thể của chúng, và ghi lại tần suất và mức độ tự nhiên khi chúng bật cười, nói chuyện, và mỉm cười. Họ cũng đồng thời phỏng vấn bọn trẻ và cha mẹ chúng về việc những đứa trẻ cư xử như thế nào khi ở bên ngoài phòng thí nghiệm. Liệu chúng có thích một hay hai người bạn thân hơn là một nhóm bạn đông đúc hoạt náo không? Chúng là loại thích mạo hiểm hay là típ ưa cẩn trọng? Liệu chúng tự đánh giá bản thân mình là rụt rè nhút nhát hay bạo dạn? Rất nhiều trong số những đứa trẻ lớn lên chính xác như những gì Kagan đã dự đoán. Các em bé thuộc nhóm "mức độ phản ứng cao", nhóm 20% sẽ gào khóc ầm ĩ khi thấy những đồ vật nhỏ nhiều màu lơ lửng trên đầu chúng, có xu hướng phát triển những tính cách nghiêm túc, cẩn thận cao hơn nhiều. Nhóm "mức độ phản ứng thấp"—những em bé giữ yên lặng—có xu hướng trở thành dạng thoải mái, tự tin cao hơn. Nói một cách khác, mức độ phản ứng cao hay thấp có liên quan tới tính hướng nội và hướng ngoại. Như Kagan đã viết trong cuốn sách của mình, "Galen's Prophecy", vào năm 1998: "Lời miêu tả của Carl Jung về tính hướng nội và hướng ngoại, viết từ hơn 75 năm trước đây, khớp với một sự chính xác đến kỳ lạ với các thiếu niên có mức độ phản ứng cao và thấp của chúng tôi".Kagan miêu tả hai trong số các thiếu niên này—Tom, khép kín, và Ralph, hướng ngoại—và sự khác biệt rất đáng kinh ngạc giữa họ. Tom, người nhút nhát rụt rè đến bất thường khi còn nhỏ, học giỏi ở trường, thận trọng và ít nói, dành hết sự quan tâm cho bạn gái và cha mẹ mình, yêu việc tự học một mình và được suy nghĩ về những vấn đề trí tuệ. Anh dự định trở thành một nhà khoa học. "Cũng như rất nhiều người hướng nội nổi tiếng mà khi còn nhỏ từng là những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát khác", Kagan viết khi so sánh Tom với T. S. Eliot và nhà toán học—triết học Alfred North Whitehead, Tom "đã chọn một cuộc đời của trí óc".Ralph, ngược lại, rất thoải mái và tự tin. Anh ứng xử với người phỏng vấn trong đội của Kagan như một người bạn đồng lứa, chứ không phải như một nhân vật cấp trên và hơn anh hai mươi lăm tuổi. Mặc dù Ralph rất thông minh, gần đây anh đã trượt môn Anh ngữ và Khoa học của mình, bởi anh chơi bời quá nhiều. Nhưng chẳng có gì khiến Ralph phải phiền lòng nhiều. Anh rất vui vẻ tự thừa nhận khuyết điểm của mình.Các nhà tâm lý học thường tranh luận về sự khác biệt giữa "tính khí" (temperament) và "tính cách" (personality). Tính khí đề cập đến những quy tắc về hành vi và cảm xúc mang tính bản năng, sinh học, có thể quan sát được từ giai đoạn sơ sinh và khi còn nhỏ; còn tính cách lại là tập hợp phức tạp xuất hiện sau khi đã cho thêm cả ảnh hưởng văn hóa và những trải nghiệm cá nhân vào. Một số người nói rằng tính khí là nền móng, còn tính cách là tòa nhà xây lên từ nền móng đó. Công trình của Kagan đã giúp kết nối những nét tính khí nhất định ở tuổi sơ sinh với những kiểu tính cách nhất định khi đã là thiếu niên, như trường hợp của Tom hay Ralph. Nhưng làm thế nào Kagan biết những đứa trẻ vung-tay-giậm-chân lớn lên sẽ dễ trở thành dạng cẩn trọng, thích suy nghĩ như Tom; hay những em bé giữ yên lặng sẽ có xu hướng trở thành loại thẳng thắn, quá-ngầu-để-học (too-cool-for-school) như Ralphs? Câu tả lời nằm ở bản chất sinh lý của họ.Bên cạnh việc quan sát hành vi của những đứa trẻ trong các tình huống lạ, đội của Kagan còn đo đạc nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ ngón tay, và các thông số liên quan đến hệ thần kinh khác. Kagan chọn những thông số này vì người ta tin rằng chúng đều được điều khiển bởi một cơ quan rất quan trọng trong não bộ có tên thùy hạnh nhân (amygdala). Thùy hạnh nhân nằm ở sâu trong hệ viền (limbic system), một thiết kế mạng lưới của não bộ rất đã có từ rất lâu, thậm chí có thể được tìm thấy trong não của những động vật như chuột hay chuột cống. Mạng lưới này—đôi lúc được gọi là "bộ não của cảm xúc"—tạo nên rất nhiều bản năng cơ bản mà chúng ta chia sẻ với những loài động vật này, như là sự thèm ăn, nhu cầu ham muốn tình dục, và cả nỗi sợ hãi.Thùy hạnh nhân hoạt động như là công tắc tắt-mở của cảm xúc, tiếp nhận thông tin từ các giác quan và rồi đánh tín hiệu cho phần còn lại của não bộ và hệ thần kinh biết phải phản ứng như thế nào. Một trong những chức năng của nó là ngay lập tức phát hiện những thứ mới lạ, hoặc những mối nguy hiểm tiềm tàng trong môi trường—từ một cái đĩa bay đồ chơi cho đến một con rắn độc đang rít—và đánh tín hiệu báo động đi khắp cơ thể để kích hoạt phản ứng chiến-đấu-hoặc-bỏ-chạy (fight-or-flight). Khi cái đĩa bay đồ chơi kia trông có vẻ như nó đang lao thẳng vào giữa mặt bạn, chính thùy hạnh nhân là thứ bảo bạn phải né ngay lập tức. Khi con rắn đuôi chuông chuẩn bị cắn bạn, chính thùy hạnh nhân là thứ đảm bảo rằng bạn sẽ chạy.Kagan giả thiết rằng những trẻ sơ sinh được sinh ra với một thùy hạnh nhân đặc biệt nhạy cảm sẽ lăn lộn và kêu khóc khi được cho xem những thứ không quen thuộc—và lớn lên sẽ trở thành những đứa trẻ cảnh giác khi phải gặp những người chưa gặp bao giờ. Và đây chính là điều ông đã tìm thấy. Nói một cách khác, những em bé bốn tháng tuổi đập tay ầm ĩ như những tín đồ nhạc rock đó làm vậy không phải bởi chúng là những người hướng ngoại tiềm năng, mà bởi cơ thể nhỏ bé của chúng đã phản ứng quá mạnh—chúng có "mức độ phản ứng cao"—với những cảnh tượng mới, âm thanh mới, mùi hương mới. Các em bé khác giữ yên lặng không phải bởi chúng là những người hướng nội tương lai—mà chính xác là điều ngược lại—chúng làm vậy bởi chúng có một hệ thần kinh không dễ bị dọa dẫm bởi những điều mới lạ.Thùy hạnh nhân của một đứa trẻ càng nhạy cảm, nhịp tim của nó càng cao, nó mở lớn mắt càng nhiều, dây thanh quản của nó càng thắt chặt, nồng độ cortisol (một dạng hoócmôn stress) trong nước bọt của nó càng cao—và nó sẽ càng có xu hướng trở nên lo sợ khi phải đối diện với những thứ mới lạ hoặc có tính kích thích cao. Khi những em bé sơ sinh có mức độ phản ứng cao lớn lên, chúng tiếp tục phải đối mặt với nhiều bối cảnh khác nhau, từ đi thăm một khu vui chơi mới lần đầu tiên, cho đến gặp gỡ những bạn cùng lớp mới vào ngày đầu tiên đi học mẫu giáo. Chúng ta có xu hướng để ý nhiều nhất phản ứng của một đứa trẻ với những người lạ—cậu nhóc đó ứng xử như thế nào trong ngày đầu tiên đi học? Cô bé đó có cảm thấy thiếu tự tin trong một bữa tiệc sinh nhật toàn những đứa trẻ cô bé không hề biết mặt? Nhưng thứ chúng ta thực sự đang quan sát là mức độ nhạy cảm của một đứa trẻ với những thứ mới lạ nói chung, chứ không chỉ riêng những người lạ.Mức độ phản ứng cao hay thấp có lẽ không phải là con đường sinh học duy nhất để đi tới tính hướng nội hay tính hướng ngoại. Có vô khối những người hướng nội không có sự nhạy cảm của loại "mức độ phản ứng cao" điển hình, và một phần trăm nhỏ trong số những người có mức độ phản ứng cao sau này vẫn lớn lên trở thành người hướng ngoại. Nhưng, mặc dù vậy, loạt khám phá kéo-dài-cả-thập-kỷ này của Kagan vẫn đánh dấu một bước đột phá quan trọng trong hiểu biết của chúng ta về những dạng tính cách này—bao gồm cả cách chúng ta phán xét chúng. Những người hướng ngoại đôi khi được vinh danh là "pro-social"—có nghĩa là quan tâm đến người khác—và người hướng nội thì bị chê bai là những kẻ 'không thích gần người'. Nhưng phản ứng của những em bé trong các thí nghiệm của Kagan hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến người cả. Những em bé này la hét (hoặc không la hét) bởi bông tẩm rượu cồn. Chúng đập tay đập chân (hoặc giữ bình tĩnh) khi phản ứng với tiếng bong bóng nổ. Những em bé có mức độ phản ứng cao không phải là những kẻ lánh đời tương lai, chúng chỉ đơn giản là nhạy cảm với môi trường xung quanh.Thực vậy, sự nhạy cảm của những đứa trẻ này có vẻ bao gồm không chỉ việc để ý đến những thứ đáng sợ, mà là để ý đến mọi thứ nói chung. Trẻ em có mức độ phản ứng cao thể hiện một thứ mà các nhà tâm lý học gọi là "sự chú tâm đề phòng" (alert attention) với con người cũng như mọi vật. Chúng thực sự chuyển động mắt nhiều hơn người khác để so sánh các lựa chọn trước khi đưa ra quyết định. Như thể chúng xử lý ở một mức độ sâu hơn—đôi lúc có ý thức, đôi lúc vô thức—những thông tin mà chúng thu nhận được về thế giới. Trong một thí nghiệm buổi đầu, Kagan yêu cầu một nhóm trẻ em lớp Năm chơi một trò ghép hình ảnh. Mỗi đứa trẻ được cho xem ảnh một con gấu bông đang ngồi trên ghế, cạnh bên đó là sáu bức ảnh tương tự khác, nhưng chỉ có một trong số đó là giống hoàn toàn với bức ảnh gốc. Những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao dành nhiều thời gian hơn so với những đứa trẻ khác để cân nhắc tất cả các lựa chọn, và có tỷ lệ chọn được câu trả lời đúng cao hơn. Khi Kagan yêu cầu cũng chính các cô cậu bé này chơi một trò chơi với từ ngữ, ông thấy rằng chúng cũng đọc chính xác hơn những đứa trẻ bốc đồng.Các trẻ em có mức độ phản ứng cao cũng đồng thời có xu hướng suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc hơn về những thứ mà chúng để ý thấy, và chúng thường mang đến thêm một tầng sắc thái nữa vào mọi trải nghiệm hàng ngày. Điều này có thể được thể hiện theo rất nhiều cách. Nếu một đứa trẻ có định hướng cộng đồng, cô bé ấy có thể sẽ dành rất nhiều thời gian ngẫm nghĩ về những quan sát của cô về những người khác—tại sao Jason hôm nay lại không muốn chia sẻ đồ chơi của mình với các bạn, tại sao Mary lại nổi cáu với Nicholas nhiều đến thế khi cậu ấy chỉ vô tình đụng phải bạn ấy. Nếu đó là một cậu bé có một sở thích cụ thể nào đó—giải câu đố, sáng tạo nghệ thuật, hay xây lâu đài cát—cậu bé đó sẽ thường có thể tập trung với một cường độ mạnh khác thường. Nếu một đứa bé có mức độ phản ứng cao vô tình làm hỏng đồ chơi của một đứa bé khác, các nghiên cứu đã cho thấy, nó sẽ thường cảm thấy tội lỗi và buồn rầu với cường độ mạnh hơn nhiều so với một đứa trẻ có mức độ phản ứng thấp. Tất cả mọi trẻ em đều để ý đến môi trường xung quanh và cảm nhận những xúc cảm, tất nhiên, nhưng những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao có vẻ nhìn thấy nhiều hơn và cảm thấy được nhiều hơn. Nếu bạn hỏi một đứa trẻ bảy tuổi có mức độ phản ứng cao là một nhóm trẻ em nên chia sẻ một thứ đồ chơi mà ai cũng muốn như thế nào, nhà báo chuyên về khoa học Winifred Gallagher viết, cậu nhóc đó sẽ thường trả lời với một kế hoạch rất tinh vi như kiểu: "Sắp xếp tên của tất cả các bạn theo bảng chữ cái, rồi để bạn nào có tên gần với vần A nhất chơi trước"."Đưa lý thuyết vào thực hành là rất khó đối với những người như thế", Gallagher viết, "bởi vì bản tính nhạy cảm và những kế hoạch phức tạp của họ không hề phù hợp với đủ thứ điều kiện khắc nghiệt khác nhau của trường học". Ấy vậy nhưng, như rồi chúng ta sẽ thấy trong những chương sau, các đặc điểm này—tính cẩn trọng, sự nhạy cảm với những sắc thái cảm xúc nhỏ nhất, những trạng thái tình cảm phức tạp—hóa ra đều là những sức mạnh tuyệt vời nhưng luôn bị đánh giá thấp của người hướng nội. Kagan đã cho chúng ta những bằng chứng cụ thể, rõ ràng rằng mức độ phản ứng cao chính là một nền tảng sinh học của tính hướng nội (chúng ta rồi sẽ khám phá thêm một con đường nữa, trong chương 7); nhưng những khám phá của ông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ một phần cũng là vì chúng đã xác nhận những thứ mà trước giờ chúng ta vẫn luôn lờ mờ cảm thấy được. Một số nghiên cứu của Kagan còn mạo hiểm lần vào cả địa hạt của những niềm tin chưa có căn cứ của xã hội (cultural myth). Ví dụ, ông tin, dựa trên các số liệu của mình, rằng mức độ phản ứng cao có liên kết chặt chẽ với những dấu hiệu thể hiện ra ngoài cơ thể như mắt xanh, hay bị dị ứng; và rằng những người có mức độ phản ứng cao thường có xu hướng gầy và có khuôn mặt dài hơn so với những người khác. Những kết luận như vậy đều dựa trên suy đoán, và dễ làm ta nhớ lại những hoạt động mang màu sắc mê tín dị đoan kiểu thế kỷ 19 như tìm hiểu về linh hồn một con người thông qua hình dáng hộp sọ của anh ta. Nhưng bất kể chúng có chính xác hay không đi nữa, cũng rất thú vị khi thấy rằng đây chính là những đặc điểm ngoại hình chúng ta vẫn thường gán cho các nhân vật hư cấu khi ta muốn miêu tả họ là kiểu người ít nói, hướng nội, ưa hoạt động trí óc. Như thể những xu hướng tâm lý này đã được chôn chặt vào trong tiềm thức về văn hóa của chúng ta vậy.Cứ lấy các bộ phim của Disney làm ví dụ: Kagan và các đồng nghiệp của ông suy đoán rằng các nhà làm phim Disney vô thức hiểu về mức độ phản ứng cao, khi họ vẽ những nhân vật nhạy cảm như Cinderella (Lọ Lem), Pinocchio và chú lùn Dopey với mắt xanh; và những nhân vật mạnh mẽ, bạo dạn hơn như các chị kế của Cinderella, chú lùn Grumpy, và Peter Pan với mắt màu đậm hơn. Trong rất nhiều cuốn sách, các bộ phim Hollywood, những chương trình truyền hình nữa, những nhân vật các chàng trai mảnh khảnh, hay chảy-nước-mũi là dấu hiệu ngầm của một người hơi bị thiếu may mắn nhưng giỏi suy nghĩ, luôn đạt được điểm cao tại trường học, hơi bị quá tải một chút bởi các hoạt động xã hội, và đặc biệt tài năng ở những hoạt động cần nhiều suy nghĩ như thơ ca hay vật lý học thiên thể. (Cứ thử nghĩ về Ethan Hawke trong "Dead Poets Society" mà xem). Kagan thậm chí còn suy đoán rằng một số đàn ông ưa thích phụ nữ với da sáng màu và mắt xanh là bởi họ vô thức nhận diện những phụ nữ này là "nhạy cảm".Các nghiên cứu khác về tính cách cũng đồng thời ủng hộ tiền đề rằng tính hướng nội và hướng ngoại có nền tảng sinh lý học, thậm chí là di truyền học. Một trong những cách phổ biến nhất để phân tách "bản tính tự nhiên" khỏi "nuôi dưỡng" là so sánh đặc điểm tính cách của những cặp sinh đôi (cùng trứng hoặc khác trứng). Một cặp sinh đôi cùng trứng phát triển từ cùng một tế bào trứng đã được thụ tinh và có cùng một bộ gen hoàn toàn giống hệt nhau, trong khi cặp sinh đôi khác trứng ra đời từ hai tế bào trứng riêng biệt và chỉ chia sẻ với nhau khoảng 50% gen. Vậy nên nếu bạn đo đạc mức độ hướng nội và hướng ngoại của những cặp sinh đôi này, và tìm thấy nhiều mối tương đồng giữa các cặp sinh đôi cùng trứng hơn là ở các cặp sinh đôi khác trứng—và đây chính là điều mà các nhà khoa học tìm thấy, trong hàng loạt nghiên cứu nối tiếp, kể cả khi các cặp sinh đôi được nuôi dưỡng ở những gia đình tách biệt hẳn với nhau—vậy thì bạn có thể hợp lý mà kết luận rằng những đặc điểm tính cách này có nguồn gốc di truyền. Không nghiên cứu nào trong số này là hoàn hảo cả, nhưng những kết quả của chúng đã không ngừng gợi ý rằng tính hướng nội và hướng ngoại, cũng như những đặc điểm tính cách lớn khác như tính dễ chịu hay sự tận tâm, có khoảng 40 đến 50 phần trăm là do di truyền.Nhưng liệu những luận điểm sinh học này cho tính hướng nội đã đầy đủ hay chưa? Khi tôi lần đầu tiên đọc cuốn sách của Kagan, "Galen's Prophecy", tôi đã hào hứng đến nỗi tôi không thể ngủ nổi. Đây, ngay trong những trang sách này, là bạn bè tôi, gia đình tôi, cả tôi nữa—trên thực tế, là cả nhân loại—được xếp đặt gọn gàng qua lăng kính của một hệ thần kinh hoặc tĩnh lặng hoặc hoạt động mạnh. Như thể cả hàng nhiều thế kỷ của biết bao câu hỏi mang tính triết học về bí ẩn của tính cách con người đều là để dẫn tới khoảnh khắc rực sáng của khám phá khoa học này. Hóa ra vẫn có một câu trả lời đơn giản cho vấn đề bản tính tự nhiên-nuôi dưỡng này: chúng ta được sinh ra với một hệ tính khí đã được đóng gói sẵn, và nó có thể định hình tính cách khi đã là người lớn của chúng ta một cách vô cùng mạnh mẽ.Nhưng nó không thể chỉ đơn giản thế—phải không? Liệu chúng ta thực sự có thể rút gọn tính cách hướng nội và hướng ngoại xuống chỉ còn là vấn đề ở hệ thần kinh bẩm sinh của chúng ta? Tôi đoán rằng tôi đã được thừa hưởng một hệ thần kinh có mức độ phản ứng cao, nhưng mẹ tôi luôn khăng khăng khẳng định rằng tôi là một đứa trẻ rất ngoan, hoàn toàn không phải dạng sẽ đấm và đá và khóc thét inh ỏi chỉ vì một quả bóng bay bị nổ. Tôi đã quá quen với chứng tự-nghi-ngờ-bản-thân nặng của mình, nhưng tôi cũng có một lòng dũng cảm rất lớn vào niềm tin của chính mình. Tôi luôn cảm thấy không thoải mái đến vô cùng vào ngày đầu tiên bước chân đến một thành phố mới, nhưng tôi lại rất thích du lịch. Tôi từng rất rụt rè nhút nhát khi còn nhỏ, nhưng tôi đã vượt qua được phần lớn những gì tệ nhất của nó. Hơn thế nữa, tôi không nghĩ những điều mâu thuẫn này là gì đó quá lạ lùng; rất nhiều người cũng có những mặt xung khắc nhau kỳ lạ như vậy trong tính cách của họ. Và con người ta cũng thay đổi rất sâu sắc qua thời gian, phải không? Và còn cả ý chí tự do (free will) nữa thì sao—chẳng lẽ chúng ta lại không có quyền quyết định gì lên việc chúng ta là ai, và chúng ta sẽ trở thành ai ư?Tôi quyết định tìm kiếm chính giáo sư Kagan và hỏi ông những câu hỏi này một cách trực tiếp. Tôi muốn tìm đến ông không chỉ vì những khám phá của ông quá hấp dẫn, mà còn bởi những luận điểm ông bảo vệ trong cuộc tranh luận về bản tính-hay-nuôi dưỡng. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1954 và đã trung thành với phe "nuôi dưỡng", một góc nhìn tương hợp với những khám phá khoa học thời bấy giờ. Khi đó, ý tưởng về một thiên tính bẩm sinh là hết sức nhạy cảm về chính trị, dễ làm khơi lại bóng ma của thuyết ưu sinh của Đức Quốc Xã và thuyết Người da trắng thượng đẳng (Nazi eugenics and white supremacism). Ngược lại, ý tưởng về việc trẻ con như một tờ giấy trắng và mọi thứ đều có thể xảy ra lại rất hấp dẫn với một quốc gia xây dựng trên chế độ dân chủ như Mỹ.Nhưng Kagan đã thay đổi ý kiến của mình giữa chừng. "Tôi đã bị lôi tuột đi, dẫu có gào thét hay đấm đá cũng vô ích, bởi chính những số liệu của tôi", ông nói, "để đến chỗ phải công nhận rằng tính khí có sức mạnh hơn nhiều những gì tôi tưởng và muốn tin". Những phát hiện của ông về những trẻ em có mức độ phản ứng cao, được phát hành trên tạp chí Science vào năm 1988, đã giúp "hợp pháp hóa" khái niệm "thiên tính bẩm sinh" (inborn temperament), một phần là vì chính ông đã từng là một kẻ bảo vệ thuyết "nuôi dưỡng" rất nhiệt thành.Nếu có bất cứ một ai có thể giúp tôi gỡ nút thắt cho câu hỏi về bản tính-hay-nuôi dưỡng này, như tôi hy vọng, thì đó là Jerry Kagan. Kagan đưa tôi vào văn phòng của ông bên trong Sảnh Đường William James của Đại học Harvard, trong toàn bộ lúc đó vẫn quan sát và đánh giá tôi không chớp mắt: cách nhìn của ông không phải theo kiểu thiếu thân thiện, nhưng chắc chắn là cách nhìn rất sáng suốt. Tôi đã hình dung ông là dạng nhà khoa hoc dịu dàng, luôn-mặc-áo-choàng-trắng giống như trong phim hoạt hình, đổ những chất hóa học từ ống nghiệm này sang ống nghiệm kia cho đến khi—Bùm! Nào, Susan, mày rõ ràng biết chính xác mày là ai. Nhưng đây thì không phải là vị giáo sư già hiền lành-từ tốn mà mày đã tưởng tượng. Nghịch lý thay cho một vị giáo sư mà những cuốn sách của ông đầy chủ nghĩa nhân đạo, và là người đã từng tự miêu tả bản thân khi còn nhỏ là một cậu bé luôn lo lắng, rất dễ bị dọa dẫm; tôi thì lại thấy ông từ đầu đến cuối rất đáng sợ. Tôi mở đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi bằng cách hỏi một câu hỏi liên quan, mà ông không đồng ý với tiền đề của nó. "Không, không, không!", ông quát lớn, như thể không phải tôi đang ngồi ngay trước mặt ông ấy.Phần có-mức-độ-phản-ứng-cao trong tính cách của tôi bắt đầu hoạt động đến mức tối đa. Giọng tôi vốn tự nhiên đã nhỏ rồi, nhưng giờ tôi phải cố hết sức mới ép được mình nói lớn hơn mức thì thầm một chút (trong đoạn băng ghi âm lại cuộc trò chuyện của chúng tôi, giọng nói của Kagan nghe oang oang và rất hùng hồn, của tôi thì nghe nhỏ hơn nhiều). Tôi nhận thấy là mình đang cố giữ cho thân người thật thẳng, một trong những dấu hiệu cho thấy tôi là loại có-mức-độ-phản-ứng-cao. Cảm giác hơi lạ một chút khi biết cả Kagan hẳn cũng đang để ý đến điều này nữa—ông cũng nói vậy nữa, hất đầu về phía tôi khi ông đề cập đến việc rất nhiều người thuộc loại có-mức-độ-phản-ứng-cao trở thành tác giả sách hoặc chọn những ngành nghề trí óc khác, nơi "bạn được quyền làm chủ: bạn đóng chặt cửa lại, kéo rèm cửa sổ và bắt đầu làm việc". (Những người có ít trình độ học vấn hơn thường sẽ chọn trở thành thư ký hoặc lái xe tải, ông nói, cũng vì những lý do tương tự).Tôi nhắc đến một cô bé mà tôi biết, luôn rất chậm khởi động. Cô bé thích quan sát những người mới hơn là chào hỏi họ; mỗi dịp cuối tuần gia đình cô bé đều tới bãi biển, nhưng phải mất rất lâu cô bé mới dám nhúng một ngón chân xuống nước. Một ca có mức độ phản ứng cao điển hình, tôi bình luận."Không!", Kagan kêu lên. "Mỗi một hành vi đều có nhiều hơn một lý do cho nó. Đừng bao giờ quên điều đó! Với mọi đứa trẻ chậm khởi động, đúng vậy, sẽ có nhiều những đứa là do mức độ phản ứng cao, nhưng bạn cũng có thể chậm khởi động bởi cách bạn đã dành ba năm rưỡi đầu tiên trong đời như thế nào nữa! Mỗi lần các nhà báo và nhà văn như các cô nói, họ chỉ muốn nhìn thấy ngay một mối quan hệ một-một—một hành vi, một nguyên nhân. Nhưng có một điều quan trọng cô cần phải hiểu đấy là, cho những hành vi như chậm-khởi-động, ngượng ngùng, hay bốc đồng, có rất nhiều lý do có thể dẫn đến chúng".Ông nhắc lại những ví dụ về những loại yếu tố tác động từ bên ngoài có thể tạo nên một tính cách hướng nội mà không liên quan đến, hoặc diễn ra song song với, một hệ thần kinh có mức độ phản ứng cao: Một đứa trẻ có thể ưa thích việc có những ý tưởng mới về thế giới, vậy nên nó dành phần lớn thời gian sống trong tâm trí của riêng mình. Hoặc những vấn đề về sức khỏe cũng có thể hướng một đứa trẻ vào trong, vào thứ đang xảy ra bên trong cơ thể của nó.Nỗi sợ diễn thuyết trước đám đông của tôi có thể cũng phức tạp như vậy. Liệu có phải tôi sợ nó bởi tôi là một người hướng nội có mức độ phản ứng cao? Cũng có thể không. Một vài người có mức độ phản ứng cao vẫn rất yêu thích diễn thuyết và biểu diễn, và vô khối người hướng ngoại vẫn bị hội chứng sợ sân khấu; sợ nói trước đám đông là nỗi sợ số một ở Mỹ, phổ biến hơn cả nỗi sợ chết. Hội chứng sợ phát biểu trước đông người có rất nhiều nguyên do, bao gồm cả những trở ngại từ thời thủa nhỏ, một thứ lại có liên quan đến lịch sử cá nhân riêng của mỗi chúng ta, chứ không phải bởi thiên tính bẩm sinh.Trên thực tế, nỗi sợ phát biểu trước đông người có thể là cơ bản và hoàn toàn con người, chứ không chỉ giới hạn bởi những kẻ với hệ thần kinh có mức độ phản ứng cao. Một giả thuyết, dựa trên các tác phẩm của nhà sinh vật học xã hội (sociobiologist) E. O. Wilson, cho rằng khi tổ tiên của chúng ta còn sống trên các xa-van, việc bị theo dõi chỉ có một ý nghĩa duy nhất: một con thú săn mồi hoang dã nào đó đang rình rập chúng ta. Và khi chúng ta đang sắp sửa bị chén, liệu chúng ta có đứng thẳng và tiến lên đầy tự tin không? Không, chúng ta sẽ chạy. Nói cách khác, hàng trăm ngàn năm tiến hóa đã thúc ép chúng ta chạy khỏi sân khấu đi, nơi chúng ta có thể lầm lẫn cái nhìn của các khán giả với tia sáng lóe lên từ con mắt dã thú. Ấy vậy nhưng các khán giả không chỉ kỳ vọng rằng chúng ta sẽ bình tĩnh, mà còn là chúng ta sẽ tỏ ra thoải mái và hoàn toàn tự tin. Mối mâu thuẫn giữa sinh học và nghi thức này là một lý do khiến cho việc diễn thuyết có thể đáng sợ đến thế. Đó cũng là lý do tại sao việc cố gắng tưởng tượng các khán giả đang nude cũng không giúp ích cho các diễn giả căng thẳng được mấy: một con sư tử trần truồng thì vẫn cứ nguy hiểm hệt như một con sư tử ăn mặc đẹp đẽ vậy.Nhưng kể cả khi tất cả con người đều có xu hướng nhầm lẫn các khán giả với loài dã thú săn mồi, mỗi chúng ta đều có một mức độ bắt đầu riêng cho việc kích hoạt bản năng chiến đấu-hoặc-bỏ chạy. Các ánh mắt của khán giả cần phải đáng sợ đến đâu trước khi bạn cảm thấy như họ sắp sửa vồ lấy bạn tới nơi? Liệu nó có xảy ra từ thậm chí trước cả khi bạn bước chân lên sân khấu không, hay là nó cần một vài tiếng la ó từ phía khán giả nữa mới là đủ để kích hoạt cơn lũ adrenaline đó? Bạn có thể thấy làm thế nào một tuyến hạnh nhân nhạy cảm có thể khiến bạn dễ bị ảnh hưởng bởi những cái cau mày hay những dấu hiệu buồn chán và những người luôn kiểm tra chiếc BlackBerrys của họ khi bạn đang nói dở chừng. Và thực vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người hướng nội đặc biệt sợ nói trước đám đông hơn nhiều so với những người hướng ngoại.Kagan kể với tôi về lần ông chứng kiến một đồng nghiệp là một nhà khoa học đã thể hiện một bài diễn thuyết tuyệt vời tại một cuộc hội thảo. Sau đó, diễn giả hỏi ông liệu hai người họ có thể cùng dùng bữa không. Kagan đồng ý, và nhà khoa học đó mới kể cho ông rằng mỗi tháng ông ta đều phải đứng lớp các bài giảng và, bất chấp phong thái sân khấu tuyệt vời của mình, ông vẫn luôn vô cùng hoảng sợ mỗi lần phải nói. Tuy vậy, được đọc các công trình nghiên cứu của Kagan thực sự đã có một tác động rất lớn đối với ông."Ông đã thay đổi cả cuộc đời tôi", ông ấy nói với Kagan. "Tôi đã luôn luôn đổ lỗi cho mẹ mình, nhưng giờ thì tôi nghĩ chỉ vì tôi là một người có mức độ phản ứng cao mà thôi." Vậy tôi hướng nội là vì tôi đã được thừa hưởng mức độ phản ứng cao của cha mẹ tôi, vì tôi đã sao chép hành vi của họ, hay cả hai? Hãy nhớ rằng các số liệu điều tra về di truyền trên các cặp sinh đôi cho thấy mức độ hướng nội-hướng ngoại chỉ có 40 đến 50 phần trăm là do di truyền. Điều này có nghĩa là: trong một nhóm người, trung bình khoảng một nửa trong số các lý do tạo nên sự đa dạng giữa hướng nội-hướng ngoại là bởi các yếu tố di truyền. Và để khiến cho mọi thứ càng rắc rối hơn nữa, có thể là có rất nhiều yếu tố di truyền khác nhau liên quan đến phương diện này, cũng như việc công trình của Kagan về mức độ phản ứng cao có thể cũng chỉ là một trong số rất nhiều con đường về mặt tâm lý học có thể dẫn đến tính hướng nội. Thêm nữa, "trung bình" là một thứ rất khó đoán. Mức độ di truyền trung bình khoảng 50% không chắc chắn có nghĩa là sự hướng nội của tôi có 50 phần trăm được di truyền từ cha mẹ tôi, hay một nửa trong sự khác biệt về tính hướng ngoại giữa tôi và bạn bè tôi là do di truyền. Một trăm phần trăm tính hướng nội của tôi có thể đến từ gen, hoặc không một chút nào cả—hay khả năng cao hơn cả, đấy là nó dựa vào sự kết hợp không thể dò ra được giữa di truyền và trải nghiệm. Nếu hỏi tính cách là do "bản tính tự nhiên" hay "nuôi dưỡng", Kagan nói, thì cũng như là hỏi một cơn bão tuyết được tạo thành do nhiệt độ hay độ ẩm vậy. Chính sự tương tác qua lại phức tạp của cả hai yếu tố này mới quyết định việc ta là ai.Vậy có lẽ tôi đã hỏi sai câu hỏi. Có lẽ bí ẩn về việc bao nhiêu phần trăm của tính cách là do bản tính tự nhiên, bao nhiêu phần trăm do nuôi dưỡng ít quan trọng hơn câu hỏi này: thiên tính bẩm sinh của bạn tương tác với môi trường sống và với quyết định riêng của bạn như thế nào? Tới mức độ nào thì tính cách trở thành số phận?Một mặt, dựa vào các lý thuyết về mối tương tác giữa gen-môi trường sống, những người được thừa hưởng một số đặc điểm tính cách nhất định thường có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm trong cuộc sống giúp họ củng cố những nét tính cách đó. Những đứa trẻ có mức độ phản ứng thấp nhất, ví dụ, đã tìm kiếm nguy hiểm từ khi bắt đầu mới chập chững biết đi, để đến khi lớn lên chúng đã chẳng còn biết sợ gì kể cả những mối nguy của-người-lớn nữa. Chúng "leo qua hàng rào, quen dần, rồi dần dần leo lên cả mái nhà", nhà tâm lý học quá cố David Lykken từng giải thích trong một bài viết. "Chúng sẽ có đủ các kiểu trải nghiệm mà những đứa trẻ khác không có. Chuck Yeager (người phi công đầu tiên vượt thành công ngưỡng rào cản âm thanh) có thể bước từ chiếc máy bay ném bom sang chiếc phi cơ hỏa tiễn và bấm nút, không phải vì ông được sinh ra với sự khác biệt giữa ông ấy và tôi, mà bởi vì trong suốt ba mươi năm trước đó, tính cách của ông ấy đã không ngừng bắt ông phải tiến dần lên từ leo trèo cây cho đến những mức độ nguy hiểm và phấn khích cao hơn nữa.Trái ngược lại, những đứa trẻ có mức độ nhạy cảm cao sẽ có xu hướng cao hơn trong việc lớn lên trở thành các nghệ sĩ, nhà văn, nhà khoa học hoặc những người ham tư duy, bởi sự e sợ những thứ mới lạ sẽ khiến họ dành nhiều thời gian hơn trong môi trường quen thuộc—và màu mỡ hơn cho trí tuệ—của tâm trí mình. "Trường đại học luôn đầy những người hướng nội", nhà tâm lý học Jerry Miller, giám đốc Trung Tâm cho Trẻ Em và Gia Đình (Center for the Child and the Family) tại Đại học Michigan, Mỹ, nhận xét. "Định kiến chúng ta vẫn có về các giáo sư đại học là rất đúng với vô số những người trong trường học này. Họ thích đọc; với họ không có gì phấn khích hơn những ý tưởng. Và một phần trong chuyện này có liên quan tới cách họ đã dùng thời gian thế nào khi lớn lên. Nếu bạn dành phần lớn thời gian chơi và hoạt động, vậy thì bạn sẽ có ít thời gian hơn để học và đọc sách. Cũng chỉ có chừng đấy thời gian trong cuộc đời bạn mà thôi".Mặt khác, cũng đồng thời có rất nhiều kết quả đa dạng khác nhau cho mỗi loại tính cách. Những đứa trẻ có mức độ phản ứng thấp, hướng ngoại chẳng hạn, nếu được nuôi dưỡng bởi những gia đình quan tâm nhiều đến con cái và được ở trong những môi trường sống an toàn, có thể lớn lên thành những người thành công với tính cách lớn—những Richard Branson and Oprah của thế giới này. Nhưng cũng đưa đúng những đứa trẻ đó cho những bậc cha mẹ ghẻ lạnh con cái, hoặc cho chúng sống trong một khu dân cư tồi tệ, một số nhà tâm lý học nói, và chúng có thể trở thành những kẻ bắt nạt, du đãng, hay tội phạm. Lykken đã từng gây xôn xao dư luận khi gọi những tên tội phạm điên cuồng (psychopath) và những người hùng của xã hội (heroes) là "các nhánh khác nhau trên cùng một cành cây tính cách".Hãy cân nhắc đến cơ chế để trẻ em đạt được cảm giác về sai-đúng của mình. Rất nhiều các nhà tâm lý học tin rằng trẻ em phát triển một lương tâm khi chúng làm gì đó không đúng và bị trách mắng bởi những người chăm sóc chúng. Bị phê phán khiến chúng cảm thấy lo sợ, và vì nỗi lo sợ là một thứ khó chịu, chúng sẽ dần học cách tránh xa những hành vi không được xã hội ủng hộ. Điều này được biết đến như là "hấp thu" (internalize) các tiêu chuẩn về hành động từ cha mẹ, và cốt lõi của nó là ở nỗi lo sợ.Nhưng sẽ thế nào nếu một số đứa trẻ ít có xu hướng lo sợ hơn những đứa khác, như là thực tế ở những đứa cực kỳ có-mức-độ-phản-ứng-thấp? Thông thường cách tốt nhất để dạy những đứa trẻ này các giá trị sống là cho chúng những nhân vật thật tích cực để noi theo, và định hướng sự gan dạ của chúng hướng về những hoạt động tích cực, có hiệu quả. Một đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-thấp chơi trong một đội khúc côn cầu trên bằng sẽ rất thích thú tận hưởng sự ủng hộ, ngưỡng mộ của đồng đội khi nó lao thẳng vào một thành viên đội đối thú với một cú huých vai thấp, được coi là một đòn tấn công hợp lệ. Nhưng nếu nó đi quá xa, dùng cả cùi chỏ chẳng hạn, và khiến anh chàng kia bất tỉnh, nó sẽ bị phạt không được tiếp tục tham gia trận đấu. Dần dần theo thời gian, nó sẽ học được cách dùng sở thích mạo hiểm và tính hung hăng của mình một cách thông thái hơn.Giờ hãy tưởng tượng cũng chính đứa trẻ đó, lớn lên trong một khu dân cư nguy hiểm, với gần như không có môn thể thao được tổ chức nào, cũng như không có cách tích cực nào để nó thể hiện sự gan dạ của mình. Bạn có thể thấy đứa trẻ đó có thể dễ dàng rơi vào con đường tội phạm như thế nào. Có thể là những đứa trẻ thiệt thòi vướng vào vòng lao lý đã phải chịu đựng không chỉ nghèo đói hay sự thiếu quan tâm từ cha mẹ, cộng đồng; mà chúng còn là bi kịch của một tính cách táo bạo và tràn đầy năng lượng, nhưng lại thiếu đi những phương tiện tích cực để thỏa mãn tính cách đó của mình. Số phận của những đứa trẻ có mức độ phản ứng cao nhất còn đồng thời bị ảnh hưởng bởi thế giới xung quanh chúng—có lẽ thậm chí còn nhiều hơn so với một đứa trẻ trung bình, dựa theo một lý thuyết có tính đột phá mới mang tên "Lý Thuyết Hoa Phong Lan" ("the orchid hypothesis") bởi David Dobbs, đăng trên tờ "The Atlantic". Lý thuyết này cho rằng có nhiều trẻ em như hoa bồ công anh vậy, có thể sinh trưởng dễ dàng ở gần như bất cứ mọi môi trường sống. Nhưng có những đứa trẻ khác, bao gồm cả loại có-mức-độ-phản-ứng-cao mà Kagan đã nghiên cứu, thì giống hoa phong lan hơn: chúng héo tàn rất dễ dàng, nhưng đồng thời, dưới đúng điều kiện thích hợp lại có thể lớn mạnh và trở nên rất tuyệt vời.Theo Jay Belsky, một giáo sư tâm lý học và một chuyên gia chăm sóc trẻ em tại Đại học London, là một trong những người ủng hộ hàng đầu cho quan điểm này, thì mức độ phản ứng của hệ thần kinh ở những đứa trẻ này khiến chúng rất dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những bất hạnh khi còn nhỏ (như bị đối xử tàn tệ, tiếp xúc sớm với bạo lực gia đình, vv—chú thích của người dịch); nhưng cũng đồng thời giúp chúng có thể thu được nhiều lợi ích từ một môi trường nuôi dưỡng cẩn thận hơn nhiều so với những đứa trẻ khác. Nói một cách khác, những đứa trẻ hoa phong lan có thể dễ dàng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mọi loại trải nghiệm, bất kể là tích cực hay tiêu cực.Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng những tính cách có-mức-độ-phản-ứng-cao thường đi kèm với những mối nguy tiềm tàng. Những người này đặc biệt dễ thương tổn hơn rất nhiều trước những thử thách như căng thẳng trong hôn nhân, cái chết của cha mẹ, hay bị lạm dụng. Họ có xu hướng cao hơn các đồng bạn của mình trong việc trở nên tuyệt vọng, lo lắng, và sợ sệt trước những tình huống như vậy. Quả thực thế, một phần tư trong số những đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao của Kagan đã phải chịu đựng đến mức độ nào đó một chứng bệnh có tên "chứng rối loạn lo lắng xã hội" (social anxiety disorder), một dạng sợ sệt, nhút nhát mãn tính và có khả năng tàn phá kinh hoàng.Điều các nhà khoa học không nhận ra cho tới tận gần đây, đấy là những mối nguy tiềm tàng này còn có một mặt tốt. Nói một cách khác, cả sự nhạy cảm và sức mạnh đều nằm trong cùng một gói hàng. Các nghiên cứu đã chỉ ra: những đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao mà được dạy bảo tốt, được cha mẹ quan tâm, và có một môi trường gia đình ổn định thì thường có ít rắc rối về mặt cảm xúc, cũng như có nhiều kỹ năng xã hội hơn so với những đồng bạn có-mức-độ-phản-ứng-cao của mình. Thông thường chúng sẽ cực kỳ giàu lòng cảm thông, tính thích chu đáo quan tâm, và rất có tinh thần hợp tác. Chúng tốt bụng, tận tình và cẩn thận; rất dễ cảm thấy khó chịu bởi sự tàn ác, bất công và vô trách nhiệm. Chúng dễ thành công ở những thứ quan trọng với chúng. Chúng không nhất thiết sẽ trở thành những lớp trưởng, khối trưởng, hay các ngôi sao chính trong những vở diễn ở trường, Belsky nói với tôi, mặc dù những điều này vẫn có thể xảy ra. "Với một số đứa, đó sẽ là trở thành lãnh đạo của cả lớp. Với những đứa khác, nó sẽ ở dưới dạng học rất giỏi ở trường lớp, và được mọi người yêu mến".Những mặt tốt của tính cách có-mức-độ-phản-ứng-cao này đã được ghi lại trong các nghiên cứu đầy thú vị mà các nhà khoa học đến tận gần đây mới bắt đầu ráp nối lại với nhau. Một trong những khám phá thú vị nhất, cũng đồng thời được nhắc đến trong bài viết công bố của Dobbs trên tờ "The Atlantic", đến từ thế giới của loài khỉ rhesus; một giống loài có đến khoảng 95 phần trăm ADN giống với của con người, và cũng có những thể chế xã hội phức tạp giống như của chúng ta vậy.Ở những cá thể khỉ này, cũng như ở con người, có một loại gen được biết đến với cái tên gen vận chuyển serotonin (SERT), hay 5-HTTLPR, giúp điều khiến quá trình xử lý serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng ảnh hưởng tới cảm xúc. Một biến thể cụ thể của nó, hay còn gọi là một alen (gen đẳng vị), của gen này, đôi lúc được gọi là alen ngắn, được tin rằng có liên kết với mức độ phản ứng cao và tính cách hướng nội, cũng như nguy cơ cao dễ rơi vào trầm cảm ở những người có cuộc sống khó khăn. Khi những cá thể con với loại alen này tiếp xúc với stress—như trong một thí nghiệm, chúng bị tách khỏi mẹ mình và được nuôi lớn như một con khỉ mồ côi—chúng xử lý serotonin kém hiệu quả hơn hẳn (một yếu tố dễ tạo nên trầm cảm và lo sợ) so với những con khỉ có alen dài cùng chịu sự thiếu thốn tương tự. Nhưng những con khỉ con với cùng bộ mã gen dễ tổn thương đó, khi được nuôi lớn bởi những con mẹ chăm sóc chúng cẩn thận, lại có thể làm tốt ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn những đồng bạn có alen dài của chúng—kể cả những con cũng được sống trong môi trường an toàn tương tự—trong những hoạt động xã hội quan trọng như tìm kiếm bạn chơi cùng, xây dựng liên minh, và giải quyết xung đột. Chúng thường trở thành thủ lĩnh trong nhóm của mình. Chúng cũng đồng thời xử lý serotonin hiệu quả hơn nhiều.Stephen Suomi, nhà khoa học đã tiến hành những nghiên cứu này, suy đoán rằng những cá thể khỉ rhesus có-mức-độ-phản-ứng-cao này đạt được thành công nhờ vào khối lượng thời gian khổng lồ mà chúng đã dành để quan sát hơn là tham gia vào nhóm, hấp thụ đến một mức độ sâu sắc các quy luật của giao tiếp xã hội. (Đây là lý thuyết có thể là lời nhắc nhở cho những bậc cha mẹ của nhiều đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao luôn nán lại kiên nhẫn quan sát ở ngoài rìa nhóm bạn của chúng, đôi lúc tới hàng tuần, trước khi hòa nhập vào với nhóm thành công).Các nghiên cứu trên người đã cho thấy ở các cô gái vị thành niên với alen ngắn trong gen SERT có xu hướng dễ bị trầm cảm cao hơn đến 20% so với những cô gái có alen dài khi cùng phải đối mặt với những môi trường gia đình nhiều áp lực căng thẳng; nhưng lại ít bị trầm cảm hơn đến 25% khi được nuôi dưỡng trong những gia đình ổn định. Tương tự, những người lớn với alen ngắn đã cho thấy có nhiều lo lắng hơn vào buổi đêm so với những người khác khi họ phải trải qua những ngày căng thẳng, nhưng lại có ít lo lắng hơn so với những người khác sau những ngày bình yên. Những trẻ em bốn tuổi có-mức-độ-phản-ứng-cao thường đưa ra những câu trả lời theo hướng vì người khác khi phải đối mặt với những nan đề đạo đức (moral dilemmas: tình huống khi một người buộc phải chọn lựa giữa hai nguyên tắc đạo đức xung đột nhau—chú thích của người dịch); nhưng điều này chỉ tiếp tục đúng khi chúng lên năm tuổi nếu mẹ chúng dùng những biện pháp kỷ luật nhẹ nhàng, thay vì đay nghiệt. Các trẻ em có-mức-độ-phản-ứng-cao được nuôi lớn trong môi trường nhiều khuyến khích, cảm thông có thể chống chịu bệnh cảm thông thường cũng như các bệnh về đường hô hấp khác tốt hơn nhiều so với những đứa trẻ khác; nhưng chúng cũng đổ bệnh dễ hơn nhiều nếu được nuôi lớn trong một môi trường nhiều áp lực căng thẳng. Alen ngắn trong gen SERT cũng đồng thời có liên hệ với mức độ hoạt động hiệu quả hơn trong một loạt các hoạt động nhận thức khác nhau.Những khám phá này ấn tượng đến nỗi quả thực khó tin rằng chưa ai chạm được đến chúng cho tới tận gần đây. Khó tin, nhưng có lẽ cũng không có gì quá bất ngờ. Các nhà tâm lý học được đào tạo để chữa trị, do vậy những nghiên cứu của họ tự nhiên cũng tập trung chủ yếu vào những vấn đề và các dấu hiệu bệnh lý. "Cứ như họ là, nói một cách hình tượng, những thủy thủ luôn quá bận rộn nhìn xuống dưới làn nước để tìm dấu hiệu của những tảng băng trôi có thể làm chìm tàu của họ," Belsky viết, "đến mức họ không nhận ra rằng chính leo lên đỉnh của một tảng băng trôi lại có thể giúp họ vạch một lối đi an toàn hơn qua cả vùng biển đầy băng này".Các bậc cha mẹ của những đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao này là những người cực kỳ may mắn, Belsky nói với tôi. "Công sức và nỗ lực họ bỏ ra thực sự có thể tạo nên sự khác biệt. Thay vì nhìn con mình như những kẻ dễ bị tổn thương trước những hoàn cảnh khó khăn, các bậc cha mẹ nên nhìn chúng như những thứ có thể uốn nắn dễ dàng—tệ hơn, nhưng đồng thời cũng tốt hơn". Ông miêu tả rõ ràng bậc cha mẹ lý tưởng của một đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao: một người có thể "đọc những tín hiệu của bạn, và tôn trọng sự độc lập của bạn; một người ấm áp, nhưng cũng mạnh mẽ khi ra lệnh cho bạn mà không cần phải hà khắc hay cay nghiệt; khuyến khích trí tò mò, các thành tích cao trong học tập, dạy bạn bỏ qua món lợi tức thời để có được lợi ích về lâu dài trong tương lai, biết tự kiềm chế bản thân; và không hề cay nghiệt, hờ hững với con cái, hay có tính khí thất thường". Lời khuyên này là vô cùng phù hợp với mọi bậc cha mẹ, tất nhiên, nhưng nó là cực kỳ tối quan trọng cho việc nuôi dạy một đứa trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao. (Nếu bạn nghĩ con bạn có thể có mức độ phản ứng cao, có thể ngay lúc này bạn đang tự hỏi mình liệu bản thân có thể làm gì nữa để giúp khuyến khích cô bé hoặc cậu bé của bạn. Chương 11 có thể sẽ có một vài câu trả lời cho bạn).Nhưng kể cả những đứa trẻ hoa phong lan cũng có thể chịu được một vài tình huống khó khăn, Belsky nói. Lấy ly hôn làm một ví dụ. Nhìn chung, nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên những đứa trẻ hoa phong lan nhiều hơn những đứa trẻ khác: "Nếu hai bậc cha mẹ cãi nhau rất nhiều, và lôi con họ vào giữa, vậy thì hãy cẩn thận, đây là đứa trẻ sẽ suy sụp". Nhưng nếu hai bậc cha mẹ sau khi ly hôn vẫn giữ quan hệ hòa thuận, và nếu họ vẫn cung cấp cho con họ những yếu tố chăm sóc về tinh thần khác nó cần, thì kể cả một đứa trẻ hoa phong lan vẫn có thể sống tốt.Hầu hết mọi người hẳn sẽ rất trân trọng sự linh hoạt từ thông điệp này, tôi tin là vậy; ít ai trong chúng ta lại có một tuổi thơ không hề có một rắc rối gia đình nào.Nhưng có một dạng linh hoạt khác mà chúng ta đều mong có thể áp dụng được vào cho câu hỏi: chúng ta là ai và chúng ta trở thành gì. Chúng ta muốn có quyền tự quyết định số phận của chính chúng ta. Chúng ta muốn bảo vệ những mặt tích cực trong tính cách của chúng ta, và cải thiện, thậm chí là loại bỏ, những phương diện chúng ta không thích—ví dụ như nỗi sợ nói trước đám đông. Bên cạnh thiên tính bẩm sinh của mỗi chúng ta, bên cạnh cả sự may rủi trong những trải nghiệm tuổi ấu thơ của chúng ta, chúng ta vẫn muốn tin rằng chúng ta—với tư cách là những người trưởng thành—có thể tự mình định hình chính mình, và tự biến cuộc sống của mình thành những gì mà chúng ta muốn.Liệu chúng ta có thể không? 

 5.VƯỢT QUA CẢ TÍNH CÁCH 

Vai Trò Của Ý Chí Tự Do (và Bí Quyết Để Nói trước đám đông dành cho Người Hướng Nội)Sự thích thú xuất hiện ở chính biên giới giữa sự buồn chán và lo sợ, khi những thử thách vừa vặn cân bằng với khả năng hành động của một người.—MIHALY CSIKSZENTMIHALYISâu tận bên trong Trung Tâm Athinoula A. Martinos về Hiện ảnh Y Sinh (Biomedical Imaging) tại bệnh viện Massachusetts, các dãy hành lang đều mù mờ, thậm chí ẩm thấp tối tăm nữa là khác. Tôi đang đứng bên ngoài cánh cửa khóa kín của một căn phòng không cửa sổ cùng Tiến sĩ Carl Schwartz, giám đốc của Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Phát Triển Ảnh Hóa Thần Kinh và Bệnh Học Tâm Lý (Developmental Neuroimaging and Psychopathology Research Lab). Schwartz có đôi mắt sáng, tò mò, tóc nâu đã điểm bạc, và một phong cách nhiệt tình nhưng điềm đạm. Bất chấp cảnh tượng mờ nhạt xung quanh, ông chuẩn bị mở khóa căn phòng với một tác phong rất hoành tráng.Căn phòng này là nơi chứa một chiếc máy fMRI (functional magnetic resonance imaging—thiết bị ảnh hóa cộng hưởng từ tính chức năng) trị giá hàng nhiều triệu đô-la; chính cỗ máy này đã giúp cho một vài trong số những nghiên cứu đột phá nhất về khoa học thần kinh có thể trở thành hiện thực. Một chiếc máy fMRI có thể đo được những phần nào của não đang hoạt động khi bạn nghĩ đến một suy nghĩ cụ thể nào đó, hoặc thực hiện một tác vụ nhất định; khả năng này cho phép các nhà khoa học thực hiện một công việc đã từng được coi là bất khả thi, đấy là khám phá cấu tạo chức năng của từng phần trong bộ não. Một trong những nhà phát minh chủ chốt của kỹ thuật ảnh hóa fMRI, Tiến sĩ Schwartz nói, là một nhà khoa học lỗi lạc nhưng rất khiêm tốn có tên Kenneth Kwong, người cũng làm việc ngay trong chính tòa nhà này. Toàn bộ nơi này có đầy những người ít nói và khiêm tốn nhưng đang làm những việc hết sức phi thường, Schwartz nói thêm, khoát tay chỉ về phía dãy hành lang trống bên ngoài.Trước khi Schwartz mở cánh cửa, ông yêu cầu tôi tháo đôi khuyên tai vàng của mình ra và cất chiếc máy ghi âm kim loại nãy giờ tôi đang dùng để ghi lại cuộc trò chuyện của chúng tôi đi. Từ trường của chiếc máy fMRI này mạnh gấp 100.000 lần lực hút của Trái Đất—mạnh đến nỗi, Schwartz nói, nó có thể giựt phứt đôi khuyên ra khỏi tai tôi nếu chúng có từ tính, và hút nó bay xuyên qua cả căn phòng. Tôi có chút lo lắng về chiếc móc cài bằng kim loại trong áo ngực của mình, nhưng quá ngượng để hỏi. Thay vào đó, tôi chỉ vào cái móc khóa trên giày của mình, thứ tôi đoán cũng có cùng lượng kim loại như dây áo ngực. Schwartz nói cái đó thì được, và chúng tôi tiến vào trong.Chúng tôi chăm chú nhìn ngưỡng mộ chiếc máy quét fMRI, thứ trông cứ như một chiếc hỏa tiễn sáng rực đang được đặt nằm nghiêng trên bục. Schwartz giải thích với tôi rằng ông sẽ yêu cầu các đối tượng của mình—những người vào cuối tuổi thiếu niên—nằm xuống với phần đầu đặt trong chiếc máy quét này; trong khi họ được xem những tấm ảnh chụp các khuôn mặt khác nhau, chiếc máy sẽ theo dõi cách bộ não của họ phản ứng như thế nào. Ông đặc biệt hứng thú với những hoạt động ở thùy hạnh nhân—chính cơ quan mà Kagan đã phát hiện rằng có đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tính cách hướng nội hay hướng ngoại.Schwartz là đồng nghiệp và một người ủng hộ nhiệt thành của Kagan, và công trình của ông tiếp nối ngay từ điểm mà những nghiên cứu dài kỳ về tính cách của Kagan dừng lại. Các em bé sơ sinh Kagan đã từng phân loại là có mức độ phản ứng cao hay thấp, giờ đã trở thành những người lớn, và Schwartz giờ đang dùng chiếc máy fMRI để nghiên cứu kỹ hơn bộ não của họ. Kagan đã theo sát các đối tượng nghiên cứu của ông từ tuổi sơ sinh cho đến lúc thành niên, nhưng Schwartz muốn biết điều gì sẽ xảy ra sau đó nữa. Liệu còn có thể truy ra dấu vết của thiên tính bẩm sinh được nữa không, sau bao nhiêu năm như thế, trong những bộ não của các người lớn này? Hay liệu nó đã bị xóa bỏ bởi sự ảnh hưởng từ cả những tác động của môi trường sống lẫn những cố gắng của bản thân mỗi người họ rồi?Thú vị là, chính Kagan đã cảnh báo Schwartz rằng đừng nên tiến hành nghiên cứu này. Trong một lĩnh vực cạnh tranh như nghiên cứu khoa học, bạn sẽ không muốn lãng phí thời gian tiến hành những thí nghiệm có thể sẽ không đem lại khám phá gì đáng giá. Và Kagan lo ngại rằng sẽ chẳng có kết quả nào để mà tìm thấy cả—rằng mối liên kết giữa tính cách và số phận đã bị cắt đứt khi đứa trẻ sơ sinh chạm đến tuổi trưởng thành rồi."Ông ấy cũng vì muốn tốt cho tôi thôi", Schwartz nói với tôi. "Cũng thật là một nghịch lý thú vị. Bởi vì ở đây Jerry đã tiến hành tất cả những quan sát buổi đầu này ở những trẻ sơ sinh, và thấy rằng không chỉ hành vi giao tiếp xã hội của họ khác đến mức đối nghịch—tất cả mọi thứ ở những đứa trẻ này đều khác hẳn. Mắt chúng mở lớn hơn khi chúng phải giải quyết vấn đề, dây thanh quản của chúng thắt chặt hơn khi nói, và quy luật nhịp tim của chúng độc đáo hơn: tất cả những điều này đều gợi ý rằng có một thứ gì đó khác biệt hẳn về mặt sinh lý học ở những đứa trẻ này. Và tôi nghĩ, bất chấp điều này, bởi vì di sản học thuật của mình, ông ấy có cảm giác rằng các nhân tố môi trường quá phức tạp đến mức sẽ rất khó để có thể phát hiện được dấu vết của thiên tính bẩm sinh khi đối tượng đã lớn.Nhưng Schwartz, người tin rằng chính mình cũng là một người có mức độ phản ứng cao, và tiến hành nghiên cứu một phần dựa vào những trải nghiệm của chính mình, có một linh cảm rằng ông sẽ tìm thấy được những dấu vết này ở kể cả xa hơn mức tuổi mà Kagan đã dừng lại.Ông minh họa các nghiên cứu của mình bằng cách cho phép tôi được làm các bài kiểm tra như là một đối tượng nghiên cứu của ông, chỉ khác là không phải nằm vào trong máy fMRI. Trong lúc tôi ngồi bên một cái bàn, một màn hình máy tính nháy lên trước mặt tôi những tấm ảnh, mỗi lần một bức, mỗi tấm thể hiện một khuôn mặt lạ khác nhau: bao nhiêu những cái đầu không gắn vào một thân thể nào cả, trắng-và-đen, nổi bồng bềnh trên một phông nền màu đen thẫm. Tôi nghĩ tôi có thể cảm thấy được nhịp tim của mình nhanh dần lên khi các tấm ảnh bắt đầu xuất hiện dồn dập hơn. Tôi đồng thời cũng để ý thấy rằng Schwartz đã trộn vào vài khuôn mặt được lặp lại nhiều lần, và rằng tôi cảm thấy thoải mái dần khi các khuôn mặt bắt đầu quen thuộc hơn. Tôi miêu tả lại phản ứng của mình cho Schwartz, và ông gật đầu. Tập hợp các bức ảnh này đã được thiết kế, ông nói, để mô phỏng tình huống gắn với cảm giác mà người có-mức-độ-phản-ứng-cao hay cảm thấy khi họ bước vào một căn phòng chật kín toàn những người lạ, và phải thốt lên: "Trời ơi! Những người này là ai vậy?" Tôi tự hỏi không biết liệu có đang tưởng tượng ra những phản ứng của mình không, hay là tôi có phóng đại chúng lên quá không, nhưng Schwartz nói với tôi rằng ông vừa nhận lại được bộ dữ liệu đầu tiên về nhóm trẻ em có-mức-độ-phản-ứng cao mà Kagan đã nghiên cứu từ lúc họ mới bốn tháng tuổi—và quả đúng vậy, thùy hạnh nhân của những đứa trẻ, bây giờ là những người lớn, này hóa ra nhạy cảm với những bức hình khuôn mặt lạ hơn nhiều so với thùy hạnh nhân của những người dạn dĩ ngay từ nhỏ. Nói một cách khác, dấu vết của tính cách có mức độ hướng ngoại cao hoặc thấp chưa bao giờ biến mất ở tuổi trưởng thành. Một số trẻ có-mức-độ-phản-ứng-cao lớn lên thành những thiếu niên có thể giao tiếp xã hội thoải mái, không bị dọa dẫm bởi những điều mới lạ, nhưng họ không bao giờ trút bỏ được những đặc điểm tâm lý di truyền của mình.Nghiên cứu của Schwartz gợi ý cho chúng ta một điều quan trọng: chúng ta có thể tác động làm thay đổi tính cách của mình, nhưng chỉ đến được một mức độ nhất định mà thôi. Bản tính bẩm sinh của chúng ta có tác động tới chúng ta, bất kể chúng ta có sống cuộc sống của mình như thế nào. Một phần đáng kể trong việc chúng ta là ai được định đoạt bởi các gen của chúng ta, bởi bộ não của chúng ta, bởi hệ thần kinh của chúng ta. Và ấy vậy nhưng, những sự thay đổi nhất định mà Schwartz đã tìm thấy ở những trẻ vị thành niên có-mức-độ-phản-ứng-cao cũng đồng thời đề xuất điều ngược lại: chúng ta có ý chí tự do (free will), và có thể dùng nó để định hình tính cách của mình.Những điều này nghe có vẻ như mâu thuẫn với nhau, nhưng thực ra chúng không hề. Ý chí tự do có thể đưa ta đi xa, như các nghiên cứu của Tiến sĩ Schwartz đã gợi ý, nhưng nó không thể đưa ta ra vô tận xa hơn giới hạn mà bộ gen của chúng ta cho phép. Bill Gates sẽ không bao giờ là Bill Clinton, bất kể ông có cố mài dũa những kỹ năng giao tiếp xã hội của mình đến thế nào, và Bill Clinton cũng không bao giờ có thể là Bill Gates, bất chấp ông có dành bao nhiêu thời gian một mình với máy tính đi chăng nữa.Chúng ta có thể gọi điều này là "Lý Thuyết Dây Thun" (rubber band theory) về tính cách. Chúng ta như là dây thun khi ở trạng thái nghỉ. Chúng ta đàn hồi, và có thể kéo dãn dài mình ra được, nhưng cũng chỉ đến một mức độ có hạn mà thôi. Để hiểu tại sao lại có chuyện này ở người có-mức-độ-phản-ứng-cao, sẽ có ích nếu chúng ta nhìn vào những thứ xảy ra trong não mình khi ta chào một người lạ mặt tại một bữa tiệc. Hãy nhớ rằng thùy hạnh nhân cũng như hệ viền là những phần hết sức cổ xưa của não—cổ xưa đến mức ngay cả những động vật có vú nguyên thủy nhất cũng có phiên bản hệ viền của riêng chúng trong não mình. Nhưng khi các loài động vật có vú bắt đầu tiến hóa phức tạp dần, một vùng khác trong não có tên vỏ não mới (neocortex) bắt đầu phát triển xung quanh hệ viền. Vỏ não mới, đặc biệt trong đó là phần võ não trước trán (frontal cortex) ở người, đảm nhiệm nhiều chức năng đến bất ngờ: từ quyết định xem nên mua loại kem đánh răng nào, cho đến lên kế hoạch cho một cuộc họp, cho đến suy ngẫm về bản chất của hiện thực. Một trong những chức năng này của nó là dẹp yên những nỗi lo sợ không căn cứ.Nếu bạn từng là một đứa bé có-mức-độ-phản-ứng-cao, vậy thì thùy hạnh nhân của bạn có thể, cho đến hết phần đời của bạn, sẽ luôn hoạt động có một chút quá mạnh so với cần thiết mỗi khi bạn phải tự giới thiệu bản thân mình với người lạ tại một bữa tiệc. Nhưng nếu bạn cảm thấy mình vẫn khá là có kỹ năng trong giao tiếp, thì đấy một phần là vì phần vỏ não trước trán của bạn đang có mặt ở đó để bảo bạn hãy bình tĩnh lại, giơ một tay ra để bắt đi, và cười lên. Trên thực tế, một nghiên cứu dùng máy fMRI gần đây đã cho thấy khi người ta áp dụng cách tự-nói-chuyện-với-bản-thân để định tâm lại trong những tình huống gây căng thẳng, các hoạt động ở phần vỏ não trước trán tăng lên tỷ lệ nghịch với sự suy giảm mức độ hoạt động ở thùy hạnh nhân.Nhưng phần vỏ não trước trán không mạnh mẽ đến thế; nó không thể dập tắt hoàn toàn hoạt động ở thùy hạnh nhân đi được. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã sắp xếp để một con chuột luôn được nghe thấy một âm thanh nhất định mỗi khi bị chích điện; từ đó nó học được cách liên kết âm thanh này với cú chích điện đáng sợ. Rồi họ bật đi bật lại âm thanh đó nhưng không chích điện con chuột nữa, cho đến lúc con chuột không còn sợ hãi âm thanh này nữa.Nhưng hóa ra quá trình làm quen này không hoàn toàn hoàn thiện như các nhà khoa học tưởng. Khi họ ngắt kết nối thần kinh giữa vỏ não trước trán và thùy hạnh nhân của con chuột, nó lại quay lại sợ âm thanh kia như trước. Đó là vì nỗi sợ tuy đã bị áp chế bởi hoạt động của vỏ não trước trán, nhưng vẫn luôn hiện diện trong thùy hạnh nhân. Ở những người với những nỗi sợ không căn cứ, ví dụ như người mắc chứng batophobia (sợ độ cao), điều tương tự cũng xảy ra. Các chuyến đi lặp đi lặp lại lên đỉnh tòa cao ốc Empire State nghe có vẻ có thể giúp làm quen được với nỗi sợ này, nhưng nó luôn có thể quay trở lại hoành hoành mỗi khi những người này bị stress—khi phần vỏ não trước trán của họ có nhiều việc khác phải lo hơn là đi trấn an một thùy hạnh nhân đang hoạt động quá hăng.Điều này giúp giải thích tại sao nhiều đứa bé có-mức-độ-phản-ứng-cao thường giữ lại đôi chút sợ sệt nào đó trong tính cách của mình kể cả khi đã làm người lớn, bất kể họ đã có bao nhiêu kinh nghiệm trong giao tiếp xã hội hay bao nhiêu nỗ lực tập luyện tự thân của họ. Đồng nghiệp của tôi, Sally, là một ví dụ điển hình của hiện tượng này. Sally là một biên tập viên sách rất cẩn thận và tài năng, một người tự-miêu-tả-mình là người hướng nội, và một trong những người duyên dáng và có khả năng diễn đạt cảm xúc và ý nghĩ của mình tốt nhất mà tôi từng được biết. Nếu bạn mời cô ấy tới một bữa tiệc, và sau đó hỏi tất cả các vị khách khác xem trong cả bữa tiệc ai đã làm họ thấy thích thú khi gặp nhất, khả năng cao là họ đều sẽ nhắc đến Sally. Cô ấy thực sự rất thú vị, rất hài hước, tôi phải nói cho bạn biết. Hết sức dí dỏm! Hết sức dễ mến!Sally cũng nhận biết ấn tượng của cô với mọi người tốt đến thế nào—bạn không thể nào hấp dẫn đến vậy mà lại không có chút nhận thức nào về nó. Nhưng thế không có nghĩa là thùy hạnh nhân của cô ấy biết điều đó. Mỗi khi cô ấy tới một bữa tiệc, Sally thường ước cô có thể giấu mình vào một băng ghế nào đó gần nhất—cho đến khi vỏ não trước trán của cô giành lại quyền điều khiến và giúp cô nhớ ra được cô là một người giỏi trò chuyện đến đâu. Kể cả thế thì thùy hạnh nhân của cô, với kinh nghiệm lâu năm của nó trong việc liên kết người lạ với cảm giác sợ hãi, đôi lúc vẫn thắng thế. Sally thừa nhận là đôi lúc cô lái xe cả giờ đồng hồ tới dự một bữa tiệc, chỉ để ra về năm phút ngay sau khi tới.Khi tôi nghĩ về những trải nghiệm của chính mình dưới ánh sáng từ những khám phá của Schwartz, tôi nhận ra rằng không phải mình đã hết nhút nhát rụt rè, mà chỉ đơn giản là mình đã học được cách tự trấn an bản thân mà thôi (cám ơn nhé, vỏ não trước trán!). Đến giờ, tôi đã làm thế tự động đến nỗi tôi gần như không nhận ra được rằng nó đang xảy ra nữa. Khi tôi nói chuyện với một người lạ hoặc một nhóm người mới, nụ cười của tôi rạng rỡ và tác phong của tôi thì rõ ràng, nhưng vẫn có một khoảnh khắc vô cùng ngắn mà tôi cảm thấy như mình đang đi vắt vẻo trên một sợi dây. Nhưng giờ tôi đã có hàng ngàn những trải nghiệm xã hội khác nhau để hiểu rằng sợi dây đó chỉ là trí tưởng tượng của tôi vẽ ra mà thôi, hoặc rằng nếu có ngã thì tôi cũng không chết được đâu. Tôi tự trấn an bản thân mình tự động đến nỗi tôi không ý thức được là mình đang làm thế nữa. Nhưng quá trình tự trấn an đó vẫn xảy ra—và thỉnh thoảng, nó không hoạt động hiệu quả. Từ ngữ mà Kagan đã dùng đầu tiên để miêu tả những người có-mức-độ-phản-ứng-cao là "inhibited" (gượng gạo, rụt rè, thiếu tự nhiên), và đó chính xác là cảm giác mà tôi vẫn cảm thấy tại một số bữa tiệc. Khả năng kéo dãn bản thân mình—trong giới hạn có thể—đúng với cả những người hướng ngoại nữa. Một trong những khách hàng của tôi, Alison, là một cố vấn kinh doanh (business consultant), một người mẹ, người vợ với dạng tính cách hướng ngoại—thân thiện, thẳng thắn, luôn luôn bận rộn hoạt động—khiến cho nhiều người miêu tả cô là một "thế lực tự nhiên" (force of nature). Cô có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hai cô con gái mà cô hết sức yêu quý, và công ty tư vấn của riêng cô mà cô đã tự tay gây dựng nên từ con số 0. Cô có mọi quyền để tự hào về những gì cô đã đạt được trong đời.Nhưng không phải lúc nào cô cũng luôn cảm thấy tự hào tới vậy. Năm cô tốt nghiệp cấp III, cô tự nhìn kỹ lại mình và không thích thứ cô nhìn thấy. Alison cực kỳ thông minh, nhưng bạn sẽ không thể thấy được điều đó từ bảng điểm học bạ cấp III của cô. Cô ấy đã đặt quyết tâm phải vào được một trường đại học trong nhóm những trường đại học hàng đầu nước Mỹ, Ivy League, và cô mới vừa quăng cơ hội ấy ra ngoài cửa sổ.Và cô biết lý do tại sao. Cô đã dành hết thời cấp III để hoạt động xã hội—Alison tham gia vào hầu như mọi hoạt động ngoại khóa mà trường cấp III của cô tổ chức—và những cái đó không còn để lại cho cô nhiều thời gian cho lắm để học tập. Một phần cô trách bố mẹ mình, những người đã quá tự hào với sự năng động tự tin của con gái đến nỗi đã không thúc ép cô học hành chăm chỉ hơn nữa. Nhưng phần lớn là cô tự trách chính mình. Khi đã là một người trưởng thành, Alison quyết tâm không mắc lại những sai lầm đó nữa. Cô biết mình dễ dàng bị cuốn vào cơn lốc của những cuộc họp và những buổi gặp mặt kinh doanh thế nào. Vậy nên giải pháp của Alison là nhìn về gia đình mình để học những chiến lược thích ứng của họ. Cô tình cờ là con một của một cặp vợ chồng đều là người hướng nội, có chồng là một người hướng nội, và có cô con gái út cũng là một người hướng nội rất mạnh nữa. Alison đã học được cách để bắt được tần sóng của những người ít nói xung quanh mình. Khi tới thăm cha mẹ, cô thấy mình cũng tập thiền và viết nhật ký, hệt như cách mẹ cô vẫn làm. Ở nhà, cô thoải mái tận hưởng những buổi tối yên bình cùng với người chồng chỉ thích ở nhà của cô. Và cô con gái út của cô, người rất thích những buổi nói chuyện gần gũi trong vườn với mẹ, luôn cùng Alison dành những buổi chiều hoàn toàn cho những cuộc trò chuyện thân tình giữa hai mẹ con.Alison thậm chí còn đã tạo ra một mạng lưới những người bạn ít nói, thích suy nghĩ xung quanh mình nữa. Mặc dù người bạn thân nhất trên đời của cô, Amy, cũng là một người hướng ngoại luôn tràn đầy năng lượng như chính cô vậy; nhưng hầu hết những người bạn khác còn lại của cô đều là những người hướng nội. "Tôi thực sự vô cùng trân trọng những người giỏi lắng nghe", Alison nói. "Họ là những người bạn tôi sẽ đi café cùng. Họ luôn cho tôi những lời góp ý, nhận xét chính xác nhất. Đôi lúc tôi còn không nhận ra rằng mình đang làm một thứ rất phản tác dụng, khi đó những người bạn hướng nội của tôi sẽ bảo, 'Đây là việc mà cậu đang làm, và đây là mười lăm ví dụ khác về những lần cậu đã làm chính xác điều tương tự như vậy và thất bại", trong khi người bạn thân Amy của tôi thậm chí còn không để ý đến những điều như thế. Nhưng những người bạn hướng nội của tôi thì dừng lại và quan sát, và chúng tôi có thể thực sự kết nối thông qua điều đó".Alison vẫn tiếp tục là con người năng động, đầy hào hứng của chính mình, nhưng cô đồng thời cũng đã khám phá ra làm thế nào để trở thành, và để thu được lợi ích từ, việc làm một người tĩnh lặng. Mặc dù chúng ta có thể chạm tới giới hạn xa nhất có thể cho tính cách của mình, thường thì vẫn sẽ tốt hơn nếu ta biết đặt bản thân vào đúng vùng trời thích hợp của riêng mình. Hãy cân nhắc đến câu chuyện của khách hàng này của tôi. Tên Esther, một luật sư thuế (tax lawyer) cho một công ty tư vấn luật lớn. Tóc nâu, luôn tràn đầy năng lượng tự tin, và đôi mắt xanh luôn sáng rực, Esther không phải và cũng chưa bao giờ là một kẻ nhút nhát hay rụt rè, lo lắng. Nhưng cô dứt khoát là một người hướng nội. Phần ưa thích nhất trong ngày của cô là mười phút yên lặng khi cô đi bộ tới bến xe buýt gần nhà mình, dọc theo một con đường hai bên phủ rợp bóng cây. Phần yêu thích thứ hai của cô là khi cô được khép chặt cửa văn phòng của mình lại và đắm mình hoàn toàn vào công việc.Esther đã có một sự lựa chọn tốt cho sự nghiệp của mình. Là con gái của một nhà toán học, cô thích nghĩ về những vấn đề phức tạp đến đáng sợ về thuế và tính toán, và cô có thể bàn luận về chúng một cách rất dễ dàng. (Ở chương 7, tôi sẽ đi sâu hơn khảo cứu về việc tại sao những người hướng nội lại giỏi giải quyết những vấn đề phức tạp, cần nhiều tập trung đến vậy). Cô là thành viên trẻ nhất trong một nhóm làm việc thân thiết, hoạt động trong một công ty luật lớn hơn nhiều. Nhóm này bao gồm cô và năm luật sư thuế khác, tất cả đều ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp của lẫn nhau. Công việc của Esther gồm suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề làm cô thích thú, và làm việc vai-kề-vai với những đồng nghiệp thân cận mà cô tin tưởng.Nhưng tình cờ là nhóm nhỏ gồm năm thành viên của Esther phải định kỳ diễn thuyết (give presentations) báo cáo trước các thành viên còn lại của hãng luật. Những bài nói này là một nguồn đau khổ cho Esther, không phải vì cô mắc chứng sợ nói trước đám đông, mà bởi vì cô không thoải mái với việc phải nói mà không được chuẩn bị gì. Các đồng nghiệp của Esther—những người mà tất cả đều tình cờ là người hướng ngoại—thì ngược lại, là những người nói-một-cách-tự-phát rất giỏi, có thể quyết định xong điều mình sẽ nói trên đường tới buổi diễn thuyết, và bằng cách nào đấy có thể truyền tải ý nghĩ của mình một cách hấp dẫn và dễ hiểu khi họ đến nơi. Esther sẽ vẫn ổn nếu cô có cơ hội được chuẩn bị, nhưng đôi lúc những đồng nghiệp của cô quên không nhắc trước rằng cô và nhóm sẽ phải diễn thuyết cho đến tận đúng buổi sáng hôm diễn thuyết ấy, khi cô vừa tới chỗ làm. Cô đoán rằng khả năng nói ứng khẩu được ngay này của họ là do họ có một hiểu biết vượt trội về luật thuế, và tin rằng một khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn, tự cô cũng có thể nói được thoải mái như vậy. Nhưng khi Esther dần thăng cấp và hiểu biết nhiều hơn, cô vẫn không thể làm thế được.Để giải quyết được vấn đề của Esther, hãy tập trung vào sự khác biệt giữa người hướng nội và người hướng ngoại: mức độ kích thích ưa thích của từng loại.Trong hàng nhiều thập kỷ, bắt đầu từ cuối những năm 1960, một nhà nghiên cứu tâm lý có tầm ảnh hưởng lớn tên Hans Eysenck đã giả thiết rằng con người tìm kiếm một mức độ kích thích "vừa đủ"—không quá ít mà cũng không quá nhiều. Kích thích (stimulation) tức là những thứ chúng ta tiếp nhận hàng ngày từ thế giới bên ngoài. Nó có thể ở bất kỳ dạng nào, từ tiếng ồn, cho đến giao tiếp xã hội, cho đến ánh đèn nhấp nháy. Eysenck tin rằng người hướng ngoại ưa thích nhiều sự kích thích hơn là người hướng nội, và điều này giúp giải thích sự khác biệt giữa họ: người hướng nội ưa thích đóng chặt cửa văn phòng lại và cắm đầu vào công việc, bởi với họ kiểu hoạt động trí não trong tĩnh lặng này là mức độ kích thích lý tưởng; trong khi người hướng ngoại hoạt động hiệu quả nhất khi được tham gia vào những sự kiện náo nhiệt như tổ chức những buổi học kỹ năng đồng đội (team-building), hay điều hành những buổi họp.Eysenck đồng thời cũng nghĩ rằng nền tảng của những khác biệt này có thể được tìm thấy trong một cấu trúc não có tên "hệ thống lưới hoạt hóa đi lên" (ascending reticular activating system—ARAS). ARAS là một phần của cuống não, có liên kết với phần võ não và những phần khác trong bộ não. Bộ não có cơ chế kích thích giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo, cảnh giác, và năng động—"phấn khích" (aroused), theo cách gọi của các nhà tâm lý học. Nó đồng thời cũng có một cơ chế làm dịu có tác dụng ngược lại, giúp chúng ta bình tĩnh. Eysenck suy đoán rằng ARAS điều hòa sự cân bằng giữa hai thái cực kém-phấn-khích và quá-phấn-khích bằng cách kiểm soát lượng yếu tố kích thích chảy vào trong não chúng ta; đôi lúc kênh tiếp nhận được mở rộng, vậy nên rất nhiều kích thích có thể đi vào trong não, và những lúc khác chúng lại rất bị hạn chế, nên bộ não ít bị kích thích hơn. Eysenck cho rằng ARAS hoạt động khác nhau giữa người hướng nội và hướng ngoại: người hướng nội có những kênh tiếp nhận mở rộng, khiến họ luôn bị quá tải với các kích thích và trở nên quá-phấn-khích (over-aroused); trong khi những người hướng ngoại có các kênh hẹp hơn, khiến họ thường bị kém-phấn-khích (under-aroused). Quá-phấn-khích khiến bạn cảm thấy mình đã chịu quá đủ rồi, và muốn về nhà ngay lập tức. Kém-phấn-khích thì lại dẫn đến cảm giác cuồng chân, muốn chạy nhảy. Mọi thứ đang xảy ra là không đủ: bạn cảm thấy ngứa ngáy, bồn chồn, thấy mình đang quá chậm chạp, và bạn chỉ muốn ra khỏi nhà ngay tức khắc.Ngày nay chúng ta biết sự thực còn rắc rối hơn nhiều. Trước hết, hệ thống ARAS không tắt-mở các kích thích như người ta mở vòi nước, làm ngập cả não cùng một lúc; các phần khác nhau của não bị phấn khích ở những mức độ khác nhau và ở nhiều thời điểm khác nhau. Hơn thế nữa, mức độ phấn khích cao trong não không phải lúc nào cũng liên quan đến việc chúng ta cảm thấy phấn khích tới đâu. Và cũng có rất nhiều loại phấn khích nữa: phấn khích bởi âm nhạc ồn ã không giống với phấn khích bởi súng đạn, càng không giống với phấn khích khi điều hành một buổi họp; bạn có thể bị nhạy cảm với một loại kích thích này hơn là với một loại kích thích khác. Mặt khác, chỉ nói rằng chúng ta luôn tìm kiếm một mức độ phấn khích vừa đủ là quá đơn giản hóa sự việc: những người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt luôn thèm muốn sự phấn khích đến tột độ, trong khi những người đi spa, nghỉ ngơi để thư giãn lại muốn tìm một mức độ kích thích rất thấp mà thôi.Mặc dù vậy, hơn một ngàn nghiên cứu tiến hành bởi các nhà khoa học trên khắp thế giới đã kiểm định lý thuyết cho rằng mức độ phấn khích của não đóng một vai trò quan trọng trong hướng nội-hướng ngoại của Eysenck; và kết quả như nhà tâm lý học tính cách David Funder gọi là "đúng một nửa"—theo những nghĩa rất quan trọng. Bất kể nguyên nhân thực sự đang được che giấu có là gì, có một lượng lớn bằng chứng cho thấy rằng người hướng nội đúng là có nhạy cảm hơn so với người hướng ngoại trước hàng loạt các yếu tố kích thích khác nhau, từ cà phê cho đến tiếng nổ, cho đến những tiếng hò hét ồn ào trong các sự kiện đông người—và rằng người hướng nội và người hướng ngoại thường cần những mức độ kích thích rất khác nhau để có thể hoạt động hiệu quả.Trong một thí nghiệm nổi tiếng, có từ tận năm 1967, và vẫn thường được nhắc lại trong các khóa học về tâm lý, Eysenck đã nhỏ nước chanh lên lưỡi của những người lớn hướng nội và hướng ngoại, để xem ai tiết nước bọt nhiều hơn. Và hẳn nhiên, người hướng nội, do bị kích thích nhiều hơn bởi tác nhân kích thích, là những người với miệng tiết nước bọt nhiều nhất.Trong một thí nghiệm nổi tiếng khác, những người hướng nội và hướng ngoại được yêu cầu chơi một trò chơi đố chữ mà trong đó họ phải học, bằng cách thử đi thử lại nhiều lần, nguyên tắc chủ đạo của trò chơi. Trong khi chơi, họ được cho đeo tai nghe phát những đợt tiếng ồn ngẫu nhiên. Họ được yêu cầu điều chỉnh mức âm lượng của bộ tai nghe đến một mức "vừa phải". Trên trung bình thì, những người hướng ngoại chọn mức tiếng ồn là 72 đề-xi-ben, trong khi những người hướng nội chỉ chọn đến 55 đề-xi-ben. Khi làm việc với mức âm lượng mà họ đã chọn—to với những người hướng ngoại, nhỏ hơn với những người hướng nội—cả hai loại đều bị kích thích với một mức độ ngang nhau (được đo đạc thông qua nhịp tim và những thông số sinh học khác của họ). Họ đồng thời cũng thu được kết quả tốt ngang nhau.Khi những người hướng nội được yêu cầu chơi với mức âm lượng được chọn bởi những người hướng ngoại, và ngược lại; mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Không chỉ những người hướng nội bị quá-kích-thích bởi tiếng ồn quá lớn, họ còn thể hiện tệ hơn nữa—phải mất đến 9,1 lần thử, thay vì chỉ 5,8 như trước để học cách chơi trò chơi này. Điều ngược lại cũng đúng với những người hướng ngoại—họ bị thiếu-kích-thích (và rất có thể là buồn chán) bởi tiếng động quá nhỏ, và tốn đến 7,3 lần thử, thay vì mức độ 5,4 lần thử họ đã đạt được khi được nghe những tiếng ồn to hơn. Khi kết hợp với những khám phá của Kagan về mức độ phản ứng cao, các nghiên cứu này cho chúng ta một lăng kính rất mới để nhìn nhận tính cách của mình. Một khi bạn đã hiểu ra rằng, sự hướng nội hay hướng ngoại chỉ là ở việc ưa chuộng các mức độ kích thích khác nhau mà thôi, bạn có thể bắt đầu một cách có ý thức đặt mình vào trong những môi trường có lợi hơn cho tính cách của mình—không quá nhiều kích thích cũng không quá ít kích thích, không hề nhàm chán cũng không hề quá dễ-gây-lo-sợ. Bạn có thể tổ chức cuộc đời bạn theo cách mà các nhà tâm lý học tính cách vẫn gọi là "có một mức độ phấn khích lý tưởng", hoặc như tôi gọi là "điểm ngọt ngào"; và bằng cách làm thế, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sức sống và năng lượng hơn bao giờ hết.Điểm ngọt ngào của bạn là nơi bạn cảm thấy được kích thích vừa phải. Rất có thể ngay lúc này bạn đã đang tìm kiếm một nơi như thế rồi, chẳng qua là không nhận thức chính xác mình đang làm thế mà thôi. Hãy thử tưởng tượng bạn đang nằm thư giãn vô cùng thoải mái trên một chiếc võng, đọc một cuốn tiểu thuyết hay tuyệt vời. Đó là một điểm ngọt ngào của bạn. Nhưng nếu sau khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau đó, bạn nhận thấy là mình đang đọc đi đọc lại cùng một dòng đã năm lần rồi; vậy tức là khi đó bạn đã bị thiếu-kích-thích rồi. Vậy nên bạn gọi cho một người bạn thân của bạn và rủ người đó đi ăn—nói một cách khác, bạn gia tăng mức độ kích thích của mình—và khi bạn bật cười và thoải mái buôn chuyện với người bạn bên đĩa bánh kếp vị việt quất; ơn chúa, bạn đã quay trở lại với điểm ngọt ngào của mình. Nhưng giai đoạn dễ chịu này chỉ kéo dài cho đến khi người bạn của bạn—một người hướng ngoại cần nhiều kích thích hơn bạn nhiều—thuyết phục bạn cùng cô ấy tới dự một bữa tiệc của người dân trong vùng, và giờ đây bạn phải đối mặt với âm nhạc ồn ã và cả một biển toàn những người xa lạ.Những người hàng xóm của bạn bạn có vẻ cũng dễ gần, nhưng giờ bạn cảm thấy bị áp lực phải tán gẫu với họ trên tiếng nhạc ồn ã. Đó—bòm! chỉ có thế thôi, bạn đã lại rơi ra khỏi vùng ngọt ngào của mình một lần nữa rồi, chỉ khác lần này là vì bạn bị quá-kích-thích. Và bạn có thể sẽ tiếp tục cảm thấy như vậy cho đến khi bạn bắt cặp được với một ai đó cũng đang đứng ngoài rìa của bữa tiệc, và bàn luận với người đó về những chủ đề sâu sắc, hoặc cúi chào ra về ngay và quay trở lại với cuốn tiểu thuyết của bạn.Giờ hãy tưởng tượng, bạn sẽ có thể chơi cái trò chơi tìm-điểm-ngọt-ngào này tốt hơn đến đâu nếu bạn ý thức được rằng mình đang chơi nó. Bạn có thể sắp xếp nơi làm việc của mình, sở thích của mình, và cả cuộc sống xã hội của mình để có thể dành nhiều nhất thời gian có thể trong vùng ngọt ngào của bạn. Những người nhận thức được về điểm ngọt ngào của họ có sức mạnh để có thể rời bỏ những công việc làm họ kiệt sức và bắt đầu những công việc mới hơn, thỏa mãn hơn. Họ có thể săn tìm những ngôi nhà dựa trên tính cách của các thành viên trong gia đình mình—với những chiếc ghế bên cạnh cửa sổ ấm cúng và những góc kín đáo cho những người hướng nội, và các không gian phòng ăn-liên thông-phòng khách thật rộng rãi cho những người hướng ngoại. Thấu hiểu điểm ngọt ngào của mình có thể giúp làm cho mọi ngóc ngách trong cuộc đời bạn đều trở nên thỏa mãn hơn, nhưng nó còn đi xa hơn thế. Các bằng chứng đã cho thấy rằng điểm ngọt ngào có thể có những hậu quả quyết định chuyện sống-chết nữa. Dựa theo một nghiên cứu gần đây trên các binh lính tại Đại học Nghiên cứu Quân sự Walter Reed (Walter Reed Army Institute of Research), những người hướng nội hoạt động hiệu quả hơn người hướng ngoại khi thiếu ngủ, một trạng thái kém-phấn-khích của vỏ não (bởi thiếu ngủ khiến ta kém nhanh nhẹn, hoạt bát, và năng động hơn). Những người hướng ngoại ngái ngủ đằng sau vô-lăng, do đó, nên đặc biệt cẩn thận—ít nhất là cho đến khi họ làm được mức độ phấn khích tăng cao trở lại, bằng cách nhấp một ngụm cà phê hoặc vặn to radio lên. Ngược lại, những người hướng nội phải lái xe trong tiếng động giao thông ồn ào, quá kích động lại cần phải cố gắng tập trung, bởi những tiếng ồn có thể làm họ mất tập trung khỏi việc suy nghĩ của mình.Giờ khi chúng ta đã biết được về mức độ kích thích lý tưởng, vấn đề của Esther—phải ứng khẩu ngay trên bục diễn thuyết—cũng trở nên dễ hiểu hơn. Sự quá-phấn-khích có thể làm ảnh hưởng tới khả năng tập trung cũng như trí nhớ ngắn hạn—hai nhân tố quan trọng nhất cho một khả năng diễn thuyết tốt. Và vì nói trước đám đông là một hoạt động kích thích vô cùng—kể cả cho những người không hề mắc chứng sợ sân khấu như Esther—những người hướng nội có thể sẽ bị mất khả năng tập trung ngay lúc họ cần đến nó nhất. Esther có thể sống để làm một luật sư 100 tuổi, nói một cách khác, là người có nhiều hiểu biết kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực của mình, và vẫn không bao giờ có thể thoải mái nói trước đám đông được mà không có chuẩn bị. Cô ấy có thể thấy bản thân mình, khi đến những lúc diễn thuyết, liên tục không thể rút ra được những khối dữ liệu khổng lồ vẫn đang nằm trong trí nhớ dài hạn của cô.Nhưng một khi Esther đã hiểu rõ bản thân mình, cô ấy có thể đấu tranh bằng được với các đồng nghiệp kia để họ phải báo trước cho cô mỗi lần có sự kiện phải làm báo cáo diễn thuyết. Cô ấy có thể tập dượt trước bài nói của mình, và thấy bản thân hoàn toàn thoải mái trong "điểm ngọt ngào" khi cô bước lên bục diễn thuyết. Cô cũng có thể chuẩn bị theo cách tương tự cho những buổi gặp mặt với khách hàng, các sự kiện gây dựng quan hệ, hay thậm chí cả những buổi gặp mặt tán gẫu với đồng nghiệp—bất cứ tình huống có chút căng thẳng gì mà ở đó, trí nhớ ngắn hạn cũng như khả năng nghĩ-ngay-tại-chỗ của cô có thể hoạt động hơi kém hiệu quả hơn một chút so với bình thường. Esther đã xoay sở để giải quyết được vấn đề của mình nhờ sự trợ giúp từ điểm ngọt ngào của cô ấy. Ấy vậy nhưng, cũng có những lúc kéo dãn bản thân ra khỏi "vùng an toàn" lại là sự lựa chọn duy nhất của chúng ta. Một vài năm trước, tôi quyết định rằng mình phải chinh phục bằng được nỗi sợ nói trước đám đông của bản thân. Sau rất nhiều lần lữa chần chừ, tôi cũng đăng ký ghi danh vào một khóa học tại Trung tâm Nói trước Đám Đông—Nỗi Sợ Giao Tiếp (Public Speaking–Social Anxiety Center) ở New York. Tôi có chút nghi ngờ: tôi cảm thấy như mình bị coi là một người rụt rè, nhút nhát bình thường; và tôi cũng không thích cái tên gợi cảm giác bệnh tật "nỗi sợ giao tiếp". Nhưng lớp học này dựa trên liệu pháp "chữa trị gây tê" (desensitization training), một cách tiếp cận mà tôi thấy là có lý. Thường được dùng như một cách để chiến thắng một nỗi sợ nào đó, phương pháp desensitization này bao gồm việc để bản thân bạn (và cả thùy hạnh nhân của bạn) tiếp xúc dần với thứ làm bạn sợ, mỗi lần một chút một để bạn quen dần. Điều này rất khác với lời khuyên, tuy là xuất phát từ thiện ý, nhưng hoàn toàn chẳng giúp đỡ được gì, đấy là bạn cứ nên "nhảy thẳng xuống chỗ sâu và cứ cố mà bơi đi". Thứ phương pháp này cũng có thể đôi lúc có hiệu quả, nhưng khả năng lớn hơn là nó sẽ chỉ tạo ra hoảng loạn, nhấn cho não bạn sâu thêm vào trạng thái kinh sợ, khiếp hãi, và hổ thẹn mà thôi.Tôi thấy mình được làm việc với một tập thể rất tốt. Có khoảng mười lăm người trong lớp học của tôi, được điều hành bởi Charles di Cagno, một người đàn ông vóc dáng tuy gầy, nhỏ nhưng khỏe mạnh, rắn chắc; với ánh mắt nâu ấm áp và một khiếu hài hước thông minh. Chính bản thân Charles là một lão làng trong việc thực hành phương pháp điều trị tiếp xúc (exposure therapy). Nỗi sợ nói trước đám đông không làm ông mất ngủ mỗi đêm nữa, ông nói vậy, nhưng nỗi sợ vẫn luôn là một kẻ thù xảo trá lắm mưu nhiều kế, bởi vậy ông luôn tiếp tục cố gắng không ngừng để luôn chế ngự được nó.Lớp học đã bắt đầu được vài tuần trước khi tôi gia nhập rồi, nhưng Charles trấn an tôi rằng những người mới luôn luôn được chào đón. Nhóm các học viên này đa dạng hơn là tôi tưởng. Ở đây có một nhà thiết kế thời trang với mái tóc xoăn, dài, son môi tươi tắn, đi một đôi bốt da rắn mũi nhọn; một nhân viên thư ký với cặp mắt kiếng dày, cùng một tác phong nói rõ ràng, tôi-chỉ-nói-sự-thực có chút hơi thiếu thân thiện, người nói rất nhiều về việc cô ấy là một thành viên của Mensa ; một cặp đôi là giám đốc ngân hàng đầu tư (investment bankers), cao và có vóc dáng thể thao; một diễn viên với mái tóc đen và một đôi mắt xanh trong đầy sức sống, người chạy nhảy hết sức rạng rỡ khắp cả căn phòng trong đôi giầy thể thao hiệu Puma của mình, nhưng khẳng định rằng đã hoảng sợ trong suốt cả lúc đó; một nhà thiết kế phần mềm người Trung Quốc với một nụ cười mỉm dễ mến cùng những tiếng cười to căng thẳng. Một tập hợp cư dân New York điển hình, nói thực là vậy. Nhìn qua, đây hoàn toàn có thể là một lớp học nhiếp ảnh hoặc ẩm thực Ý, hoặc cái gì đó giống vậy.Chỉ trừ có việc là không phải vậy. Charles giải thích rằng mỗi chúng tôi sẽ phải nói trước mặt cả nhóm, nhưng sẽ chỉ ở một mức căng thẳng lo sợ mà chúng tôi có thể chịu được mà thôi.Một giáo viên võ thuật tên Lateesha là người xung phong đầu tiên buổi tối hôm đó. Bài tập của Lateesha là phải đọc to cho cả lớp một đoạn trích trong một bài thơ của Robert Frost. Với mái tóc bện thành từng lọn dreadlocks cùng nụ cười rạng rỡ của cô, Lateesha trông có vẻ như một người chẳng sợ hãi một điều gì hết. Nhưng khi cô chuẩn bị sẵn sàng để nói, sách đã mở rộng ngay trên bục diễn thuyết, Charles hỏi cô tự đánh giá mình đang lo lắng đến đâu, trên thang điểm từ 1 đến 10."Ít nhất là 7", Lateesha trả lời."Cứ từ từ, thong thả", ông đáp lại. "Chỉ có một số rất ít người ngoài kia có thể hoàn toàn vượt qua nỗi sợ của họ thôi, và tất cả họ đều sống ở Tây Tạng hết".Lateesha đọc đoạn thơ rõ ràng và khá khẽ khàng, với chỉ một chút xíu run rất nhẹ trong giọng nói của cô. Khi cô kết thúc, Charles nở nụ cười lớn rất rạng rỡ."Làm ơn đứng lên, Lisa", ông nói, hướng về phía một cô gái trẻ xinh đẹp, làm một giám đốc marketing, với mái tóc đen óng và một chiếc nhẫn đính hôn lấp lánh. "Bây giờ đến lượt phản hồi của bạn. Vừa nãy trông Lateesha có lo sợ không?""Không", Lisa nói."Thế mà tôi đã rất sợ đấy", Lateesha đáp."Đừng lo, không ai có thể nhận ra đâu", Lisa khẳng định với cô.Những người khác gật đầu liên tục. Hoàn toàn không thể nhận ra được, họ đồng thanh nói. Lateesha ngồi xuống, nét mặt rất hài lòng.Tiếp theo là đến lượt của tôi. Tôi đứng trước một cái bục diễn thuyết tạm thời—mà thực chất là một cái giá nhạc (music stand)—và đứng đối mặt với cả nhóm. Âm thanh duy nhất trong căn phòng là tiếng "tích-tách" của cái quạt trần và những tiếng động ầm ì của giao thông ngoài xa dội vào. Charles yêu cầu tôi tự giới thiệu bản thân. Tôi liền hít một hơi thật sâu."XIN CHAÀAOOO!!! Tôi hét lớn, hy vọng là mình có thể trông có vẻ sôi nổi hơn.Charles trông có vẻ hơi có chút đề phòng. "Cứ là chính mình thôi", ông nói.Bài tập đầu tiên của tôi rất đơn giản. Tất cả những gì tôi phải làm chỉ là trả lời một vài câu hỏi mà mọi người ở dưới đặt ra: Bạn sống ở đâu? Bạn làm nghề gì? Bạn đã làm gì vào cuối tuần vừa rồi?Tôi trả lời các câu hỏi bằng cung cách bình thường, chậm rãi-nhẹ nhàng của mình. Cả nhóm lắng nghe rất chăm chú."Có ai có câu hỏi gì nữa cho Susan không?" Charles hỏi. Cả nhóm lắc đầu."Giờ, nào Dan", Charles nói, hất đầu về hướng một anh chàng tóc đỏ cao lớn, khỏe khoắn, trông cứ như một chàng phóng viên của CNBC đang thực hiện phóng sự trực tiếp từ Sàn Chứng Khoán New York. "Anh là một giám đốc ngân hàng và anh có những tiêu chuẩn rất cao. Nói tôi nghe xem, trông Susan vừa rồi có vẻ gì lo sợ không?" "Không hề", Dan nói.Những người còn lại của nhóm cũng gật đầu. Không hề có vẻ lo sợ chút nào đâu, họ cùng rì rầm nói—cũng hệt như khi họ đã nói với Lateesha vậy.Chị trông rất có vẻ quảng giao, họ nói thêm.Chị tạo ấn tượng là một người rất tự tin ấy!Chị may mắn thật đấy vì chẳng bao giờ hết cái để nói cả.Tôi ngồi xuống, cảm thấy khá tốt về bản thân mình. Nhưng rồi nhanh chóng, tôi nhận ra rằng Lateesha và tôi không phải là những người duy nhất nhận được những phản hồi kiểu đó. Một vài người khác cũng làm được vậy nữa. "Bạn trông thật bình tĩnh!", những diễn giả đó được nói lại vậy, trong sự thở phào nhẹ nhõm thấy rõ được của họ. "Sẽ không ai có thể biết nếu họ không biết trước! Bạn đang làm gì trong cái lớp học này thế cơ chứ?"Lúc đầu tôi tự hỏi tại sao mình lại đề cao những lời trấn an này cao đến vậy. Rồi tôi nhận ra rằng tôi đang tham dự buổi học này vì tôi muốn kéo dãn bản thân mình ra giới hạn xa hơn trong biên giới tính cách của mình. Tôi muốn trở thành một diễn giả tốt nhất và dũng cảm nhất mà tôi có thể. Những lời trấn an này là bằng chứng rằng tôi đang trên đường tới cái đích này. Tôi cũng có ngờ rằng những lời phản hồi tôi nhận được chỉ có tính chất khích lệ động viên mà thôi, nhưng tôi chẳng quan tâm. Thứ quan trọng là tôi đã giao tiếp được với tập thể khán giả, và họ đón nhận tôi tốt, và tôi cảm thấy rất tốt về trải nghiệm này. Tôi đã bắt đầu "gây tê"— desensitize dần bản thân mình trước nỗi kinh hoàng của việc nói trước đám đông.Kể từ đó, tôi đã nói trước đám đông rất nhiều lần, từ những nhóm mười người cho đến những đám đông hàng trăm người. Tôi đã đến được chỗ biết chấp nhận một cách hạnh phúc sức mạnh của bục diễn thuyết. Với tôi, việc này cần đến từng bước tiến cụ thể, bao gồm cả việc đối xử với mọi bài nói như một dự án sáng tạo, để khi tôi phải sẵn sàng cho ngày trọng đại, tôi được tận hưởng cái cảm giác đào-sâu-suy-nghĩ tôi rất thích đó. Tôi đồng thời cũng nói về những chủ đề rất gây hứng thú cho tôi, và phát hiện ra rằng tôi cảm thấy mình có trọng tâm vững vàng hơn nhiều khi tôi thực sự quan tâm đến chủ đề đang nói đến của mình.Điều này không phải bao giờ cũng là có thể, tất nhiên. Đôi lúc các diễn giả sẽ cần phải nói đến những chủ đề không làm họ thích thú cho lắm, đặc biệt là để phục vụ cho công việc hoặc học tập. Tôi tin điều này là đặc biệt khó khăn hơn cho những người hướng nội, những người thường có khó khăn về việc phải tỏ vẻ giả vờ hào hứng. Nhưng có một lợi thế ngầm ở đặc điểm kém-linh-hoạt này của chúng ta: nó có thể cho chúng ta động lực mạnh mẽ để đưa ra những lựa chọn khó khăn, nhưng xứng đáng để thay đổi sự nghiệp, khi chúng ta thấy mình bị bắt phải nói quá nhiều về những chủ đề chúng ta không có chút gì tình cảm với. Không có một ai dũng cảm hơn người cất lên tiếng nói với sự dũng cảm từ niềm tin của chính mình.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro