"Những con khỉ da vàng"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đầu thế kỷ hai mươi đất nước tôi được phân chia thành hai giai cấp. Một bao gồm các đại địa chủ bản địa, một tầng lớp thượng lưu mới, những người di dân mới từ Pháp và các nhà truyền giáo Cơ đốc. Năm 1933 có một người An Nam đã được bổ nhiệm làm Giám mục Cơ đốc.

Những người bản địa giàu có và con trai của các quan lại được hội nhập một cách có chủ đích vào xã hội Pháp, trước hết là vùng đô thị, và được đào tạo trong các trường Pháp. Chữ viết lâu đời của chúng tôi, chữ Hán và chữ Nôm, được thay thế bởi chữ La tinh như là hệ thống chữ quốc ngữ mới. Qua đó có một đường ngăn cách rõ ràng xuất hiện giữa hai nền văn hoá. Trong thời thơ ấu của tôi hai phần ba đất đai nằm trong tay của giới thượng lưu này.

Giai cấp còn lại bao gồm nông dân và tá điền nhỏ phải gánh chịu sưu cao thuế nặng. Bộ phận dân chúng này bị gọi một cách khinh miệt là "dân nhà quê" và sống ở các thôn xã. Họ không được học hành, ngay cả đọc viết cũng không. Nhìn chung, những người Annamit khốn khổ này không có chút giá trị nào, người ta gọi họ là "khỉ da vàng". Vợ của những người nông dân thường bị cưỡng bức đi làm việc ở các đồn điền cao su hay tại các mỏ than khét tiếng ở Hòn Gai gần biên giới Trung Quốc và chỉ được trả đồng lương chết đói.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, hàng trăm nghìn người đàn ông "nhà quê" đã bị đưa sang Pháp tham gia các "tiểu đoàn lính thợ". Bố tôi là một trong số đó. Ông kể cho chúng tôi, trong khi ngắm bàn tay cụt hai ngón của mình và cười cợt về sự dốt nát của đám lính da trắng, rằng họ chỉ muốn sử dụng ông và những người khác ở các trận đánh vào ban ngày, vì cho rằng người Annamit trong bóng tối sẽ sợ cọp và "ma quỷ". Về sau thì họ mới rõ chính đêm tối là sở trường của "khỉ da vàng".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro