ItAlmostDone2 - I Like Mr.Bean

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khánh ngồi trong phòng thi, nhìm cô Như Anh một cách sợ sệt. Nó lo tới nỗi quên cả bệnh hoạn của mình. Cô giáo phát bài thi ra, liếc hai đứa một cái tội lỗi. Rồi cô nhìn chúng chằm chằm. Nhờ vậy cả phòng thi hôm ấy trừ Khánh và Quang đều ăn nên làm ra. Thỉnh thoảng, hắn có huých nó một cái và hỏi khe khẽ: “Chiến thắng Bạch Đằng ở đâu?” hay “Vua đầu nhà Trần họ gì?” nhưng có cho vàng nó cũng không dám quay sang nhắc khi cô Như Anh đang địa tụi nó không chớp mắt. Khi chuông reo hết giờ, trong lúc bạn bè lục tục kéo về và cám ơn nó rối rít, cô Như Anh giữ hai đứa lại. Khánh thở dài. Biết ăn làm sao, nói làm sao với bả bây giờ?

“Hồi sáng hai đứa đóng phim Thái Lan hay quá.”

“Dạ… thưa cô…”

“Dạ… cô cho con giải thích… chuyện là vầy…”

Cô giáo lắc đầu:

“Cô méc ba mẹ mấy đứa cho coi! Mới lớp 10 mà dám làm mấy trò như vậy ngay trong ký túc xá hả? Hồi đầu năm cô tưởng hai đứa kết nhau là bạn bè bình thường thôi… chứ đâu dè mấy đứa làm ba cái trò bệnh hoạn đó… Không được, cũng hên là cô phát hiện sớm để đề phòng cho hai đứa cái căn bệnh đồng tính luyến ái này, chứ không thì chẳng biết mai mốt mấy đứa sẽ thành ra cái ôn gì. Giống như mấy thằng bê đê ngoài hội chợ, uốn uốn éo éo, ngủ mai với thằng này, mốt với thằng kia, rồi dính ma túy, si đa…”

Cả hai đều đỏ mặt. Hiển nhiên đối với thằng Khánh thì đây là một vụ án oan lớn nhất mà nó từng dính vào. Nó kêu lên:

“Cô ơi… bạn Quang chỉ mớm cho con ăn thôi mà! Cô đừng làm vấn đề nghiêm trọng lên như thế. Thật sự là tụi con không có ý gì xấu xa với nhau hết. Con chỉ…”

Quang chặn miệng nó lại. Mặt hắn đỏ bừng, người hắn nóng hầm hập còn hơn cả lúc Khánh bị sốt. Nó chặn miệng Khánh lại, lầu bầu mấy câu bằng tiếng Nga. Hắn nói với cô, cố hết sức bình sinh để giữ lễ độ:

“Cô làm ơn cho Khánh về trước. Con sẽ nói chuyện với cô về vấn đề này.”

Cô Như Anh lưỡng lự nửa phút.

“Thôi con về trước đi Khánh.”

Nó lủi thủi đi ra. Nhưng khi xuống tới sân trường nó chợt nhớ là Quang luôn chở nó đi học. Hôm nay không có hắn, nó chẳng biết làm cách nào để về. Bạn bè nó đã về hết trong lúc nó và hắn bị cô giáo giữ lại. Bây giờ nó có một mình. Nó ngồi trên băng ghế đá mà nó hay ngồi trong giờ ra chơi. Bình thường nó sẽ ngồi giữa một khung cảnh nhộn nhịp, với hàng trăm học sinh ăn uống trong căn tin hoặc ngoài hành lang, nói chuyện với nhau inh ỏi. Nó sẽ nhìn mặt trời rực rỡ dưới tán cây me tây hay rơi rụng tả tơi trong gió Nha Trang, ngắm Quang đá banh với bọn con trai trong lớp, lâu lâu vỗ tay tán thưởng, để gương mặt trắng trẻo của hắn sẽ ửng đỏ lên, đôi mắt xanh của hắn sẽ lấp lánh nhiệt thành, và tay hắn sẽ nhón nhón bẻ trộm một nhánh bằng lăng tặng nó, dù nó ghét màu tím nhất trên đời. 

Nhưng sân trường vẫn vắng lặng. Hắn làm gì mà lâu thế? Khánh nhìn đồng hồ. Trời đất! Sáu giờ rồi. Hoàng hôn phủ xuống rất nhanh, đưa cảnh sắc quen thuộc rơi dần vào một màu đỏ chết chóc. Mặt trời chiều nhuộm thắm những cành cây tán lá trên cao. Trường quay về phía đông, nên bây giờ bóng tối của dãy phòng đè nén khắp sân trường. Tiếng ếch nhái kêu đêm bắt đầu vang lên thưa thớt trong khoảng không gian không một bóng người. Khánh thấy sờ sợ. Tiếng gió lùa cũng làm nó giật mình. Nó đau đáu nhìn về phòng mười ba, phòng lớp nó. Đèn vẫn còn bật. Nó đã chờ, có lẽ là mười phút mà cũng có lẽ là vô tận, khi cuối cùng Quang bước ra khỏi căn phòng đó. Nó đứng bật dậy, chạy ngay đến chỗ hắn.

Mắt Quang đỏ hoe. Miệng hắn cười nhưng Khánh cảm thấy hắn không thật sự vững dạ. Nó đâm lo:

“Sao rồi?”

Hắn mím môi, quàng vai nó:

“Ổn hết rồi. Đừng lo nghĩ gì nữa. Xin lỗi nha, mình quên Khánh tự về không được. Khánh khỏe chưa?”

“Cổ mình còn hơi rát. Nhưng mình còn lòng dạ nào mà bệnh nữa. Cổ có hỏi…”

Nhưng nó bắt gặp ánh mắt mạnh mẽ và quả quyết của hắn. Nó lại cảm thấy an lòng. Nó ôm Quang thật chặt, nói nhỏ nhẹ:

“Mình không biết hai người đã nói gì. Nhưng mình tin là Quang đã bảo vệ mình. Ba mình mà biết, tưởng mình có gì với Quang thật, chắc mình chết quá.”

Kỳ lạ thay, hắn gỡ tay Khánh ra. Hắn cười nhếch mép một cái rất nhanh, rồi quay mặt đi.

Ánh hoàng hôn đã tắt mà trăng sao thì chưa mọc.

Cơn viêm họng của Khánh kéo dài tới ba ngày sau. Nó bị sốt, ho, đau họng và đủ thứ trò khác. Quang chỉ lặng lẽ chăm sóc nó. Có thể là vì hắn bận học bài thi quá. Hắn không nói một lời nào với nó nữa. Những lúc hắn lau trán cho nó, cặp nhiệt kế cho nó, hay đút cháo cho nó ăn như một đứa trẻ, đôi mắt xanh của hắn đanh lại lạnh lùng như nước Bắc Băng Dương vào mùa đông. Khánh chạnh lòng. Có vẻ cậu bạn của nó nhạy cảm quá. Cô Như Anh nghi oan cho hai đứa, hắn buồn thì nó cũng buồn vậy! Mắc gì hắn phải đổ xì trét lên đầu nó chứ? 

Nó hết bệnh cũng là lúc kỳ thi vừa kết thúc. Hôm đó là ngày hai mươi bốn tháng mười hai. Nha Trang năm ấy lành lạnh kéo những cơn gió từ phía đông bắc về, làm cho Khánh run lên mỗi khi ra đường kể cả khi đã mặc áo khoác cẩn thận. Hồi nó ở Ninh Hòa, Noel là một trò vui nhạt nhẽo dành cho giới nhà giàu, là dịp để các nhà sách và gift shop buôn bán. Còn ở Nha Trang, Noel mới thực sự là một ngày lễ. Phố xá được trang hoàng lộng lẫy bằng những vòng kim tuyến lấp lánh. Các nhà thờ bỗng dưng tấp nập những người cầu nguyện, ra vào hối hả như sợ nếu trễ thì Chúa sẽ bận đi công tác ở nơi khác chăng. Các nhà sách, gift shop, siêu thị, shop quần áo, thậm chí các nhà hàng cũng đua nhau khuyến mãi. Ngay lúc vừa ra khỏi phòng thi, nó kéo Quang đến cái nhà sách lớn nhất Nha Trang để mua mấy đồ xinh xinh vớ vẩn chẳng biết dùng để làm gì: một cục thủy tinh màu nửa tròn nửa méo, có lẽ dùng để cắm viết, nhưng cái lỗ của nó quá nông, cắm vào là ngã ngay ; một viên pha lê chiếu chiếu, hoàn toàn vô dụng ngoài việc có thể dùng để dằn giấy, nhưng lại quá nhẹ nên hễ gió mạnh là bay liền, con hàng này mà bay thì không nứt cũng bể ; một cái đồng hồ cát mà muốn cát rơi phải lấy tay nhịp nhịp liên tục ; và cuối cùng là một cuốn truyện kêu bằng “Chiếc lọ Giáng Sinh kỳ diệu” mà nó mới đọc bảy trang đã phê bình tan nát – tất cả đều do Quang trả tiền kèm thêm một cái chau mày. Xong nó đòi hắn chở đi nhà thờ coi chơi. Lần này thì hắn nhăn nhó thật sự. Hắn nói cấm cẳn:

“Mình không muốn vào nhà thờ Công giáo.”

“Nhiều người không theo đạo tới Noel cũng vô nhà thờ chơi mà.”

“Không phải… mình có đạo Cơ Đốc nhưng khác phái với Công giáo.”

“Bạn theo đạo Tin Lành à?”

“Không… Russkaya Pravoslavnaya… à người Việt gọi là Chính giáo Nga. Ở Việt Nam toàn nhà thờ Công giáo với Tin Lành nên má mình với mình không đi hành lễ được. Dần dần mình cũng không còn thuộc Kinh Thánh nữa nên không cầu nguyện gì được. Nhưng mình vẫn nhớ mình là người Chính giáo Nga. Khánh đừng bắt mình vô đó.”

“Sao lại như vậy? Cũng là thờ phượng Chúa thôi mà?”

Hắn mím môi, thấy không thể giải thích cho kẻ ngoại đạo được. Cuối cùng Quang miễn cưỡng đi vào nhà thờ với nó. Khánh trầm trồ ngắm nghía những bức tượng, những phù điêu, mosaic theo kiến trúc Gothic của ngôi nhà thờ cổ kính. Trong khi nó đi lòng vòng để tham quan, hắn lịch sự hỏi mượn cha xứ một quyển Kinh Thánh và lâm râm đọc trước bức tượng Chúa, xong amen và làm dấu một cách kính cẩn. Khánh lấy đó làm lạ. Trước giờ nó chưa hề biết Quang có đạo. Chợt nó thấy Quang dũng cảm làm sao. Không phải ai cũng có thể giữ được niềm tin thiêng liêng của mình sau mười mấy năm ở xứ người. Nếu nó là hắn, có lẽ nó đã quên gốc gác Nga của mình từ khi mang vào mắt cặp kính áp tròng màu nâu.

Sau khi tham quan nhà thờ xong, Khánh bắt Quang tới tháp Trầm Hương chụp hình. Nó bắt hắn đứng cho nó leo lên lưng “Ai mượn mấy người cao quá chi!” rồi ngoắc một cô gái xa lạ đang ngơ ngác tới chụp dùm cả chục kiểu dở khóc dở mếu. Rồi nó đòi đi ăn bún sứa Năm Beo, đi chợ Đầm mua thêm một mớ lỉnh kỉnh đồ chiếu chiếu vô dụng nữa, rồi lại đòi Quang chở đi ăn kem. Hắn bảo nó đúng là đồ điên, trời lạnh như vầy mà ăn kem cho đóng băng lại hay chi. Nó cãi lại rằng trời lạnh ăn kem mới phê. Hắn lên lớp Khánh mới hết bệnh không nên ăn đồ lạnh, dễ tái lại lắm. Nhưng thấy nó đòi giựt đựng, Quang nhẫn nhục chiều nó lần nữa. Hắn đưa nó đi tới quán kem Hải Dương gần chỗ công viên Quảng Trường 2/4 trên đường Trần Phú. Khánh giẫy lên, nó nói quán này ngon, cảnh đẹp mà mắc lắm, tới bốn năm chục ngàn một ly lận. Hắn bảo mặc kệ, tối nay mình bao, Khánh muốn ăn bao nhiêu cũng được. Nó đá lông nheo, mấy người nói đó nha, lát ở lại rửa chén đừng có trách tui. 

Hai đứa lựa một cái bàn nhỏ đóng rất đẹp đặt bên ngoài quán. Thay vì ngồi đối diện nhau như thường lệ, Quang kéo Khánh ngồi kế bên hắn “cho nó ấm”. Sau khi lựa ra vài món nghe lạ tai nhất trong cái menu toàn tiếng Tây tiếng U, nó nhâm nhi ly trà đá mà anh phục vụ bưng tới sẵn, gõ gõ ngón tay trên bàn, ngâm nga giai điệu bài Vì sao đang hot của Khởi My. Quang bẻ ngón tay răng rắc, gục gặc cái đầu một cách không thoải mái. Khi cái món chè không ra chè, kem không ra kem đen thui gọi là Le Dragon Noir được bưng ra, Khánh chỉ ăn vài muỗng thay vì cháp điên cuồng như thường lệ. Nó mở lời:

“Mấy hôm nay Quang giận mình hả?”

“Đâu có.”

“Đừng có chối. Mấy bữa mình bệnh bạn không nói tiếng nào với mình hết. Mình làm gì có lỗi với bạn hả?”

“… Tại bạn bệnh nên mình không muốn làm rầy bạn, để bạn nghỉ ngơi cho có sức mà làm bài thi đó thôi.”

“Bạn nói xạo nghe mát ruột lắm Quang.”

Khánh nở một nụ cười làm mặt của Quang cũng giãn ra. Nó lấy ống hút xăm xăm cái miếng kem trong ly Lơ Đra-gân Noa của mình, hút cái rột một cách quê mùa. Hai đứa liếc nhìn nhau, tự nhiên không biết nói gì. Mọi khi ở trong lớp hoặc ký túc xá, Khánh lúc nào cũng nói không ngớt về mấy chuyện học hành, con này quen thằng kia, ca sĩ Mỹ diễn viên Hàn, nhưng nhiệt thành nhất là chuyện ăn uống. Quang thường chỉ nghe và gật gật để Khánh có hứng nói tiếp, lâu lâu cãi lại một đôi câu, thế thôi. Nên khi nó im lặng, hắn chả biết nói gì. 

“Noel năm nay lạnh dữ quá.” Khánh xát hai bàn tay nó vào nhau, thở phù phủ. Quang bật cười.

“Mắc gì bạn cười? Lạnh thiệt mà.”

“Như vầy mà lạnh cái nỗi gì. Mới có hai mươi độ mà bạn đã rên rồi. Hồi mình ở Nga, mùa hè mà cỡ này đã gọi là nóng rồi đó.”

Khánh kéo phéc-mơ-tuya áo khoác lên một cái roẹt:

“Tui hiểu, mỡ dưới da mấy người dầy như gấu Bắc Cực nên đâu biết lạnh là gì. Mà bạn hay nhắc Nga ghê. Từ hồi qua Việt Nam tới bây giờ, bạn có về đó lần nào không?”

“Từ hồi mình bảy tuổi tới giờ thì hai năm đi một lần. Cáo bệnh mấy tuần đi cho đã. Mỗi lần trở về là mình đổ bệnh thiệt. Thay đổi khí hậu ghê quá.”

“Ở đó có tuyết không?”

“Có chứ. Mùa đông năm nào cũng có bão tuyết bốn năm ngày hết. Tuyết rơi dầy lắm. Mỗi khi tuyết rơi là cảnh vật bên ngoài cửa sổ như một cái bánh gừng phủ một lên lớp kem trắng, nhìn mà muốn cắn.”

“Thích quá ha. Ước gì mình thấy tuyết một lần.”

Quang phẩy tay:

“Có gì hay ho đâu. Lạnh muốn chết. Mỗi lần có bão tuyết là không đi ra ngoài được luôn, phải ở nhà mở lò sưởi tốn một ngày cả trăm rúp, ăn đồ hộp ngán thấy mồ tổ, vọc tuyết thì bị ông ngoại đánh đòn. Bữa nào tuyết ngừng rơi rồi thì phải phụ người lớn cào tuyết ra để lấy đường đi, tới đổ mồ hôi luôn. Nhà ngoại mình nằm trên trạm dừng bến metro ra vào trung tâm thành phố Nizhny Novgrod, xe cộ, người ta qua lại nhiều, tuyết dơ còn hơn sình. Chẳng có gì thú vị. Rồi khi tuyết tan, nước thấm vào ba cái rác rến trên phố tạo thành một thứ nhầy nhầy ghê ghê.”

“Nghe bạn kể mình thấy muốn đi thử ghê.” Khánh chép miệng.

“Mình e là cho bạn tới đó vài ba ngày là đem bạn đi chôn được rồi đó. Yếu ớt như bạn chịu không nổi khí hậu Nga đâu.”

“Nếu cho bạn một cơ hội, bạn có muốn về đó sống luôn không?”

“Chắc là không.”

“Tại sao?”

“Ở đây có người mà mình thương.”

“…Chắc là má bạn phải không?”

Quang hít một hơi thật sâu. Hắn nhìn đi chỗ khác vài giây, thắc mắc không biết có nên trả lời hay không, và phải trả lời gì. Rồi hắn nắm chặt đôi tay bé nhỏ của nó. Đôi mắt xanh của hắn ngượng ngùng cúi xuống. Hắn nói bằng một giọng rất trầm:

“Mình thương bạn nhất trên đời này, Khánh à. Hơn tất cả mọi thứ. Chưa ai chọc mình cười nhiều như bạn. Mười mấy năm rồi, mình chỉ nhếch mép trước những trò lạt lẽo của người đời. Còn bạn… bạn là một con người chân thực, thẳng thắn, không có chút nghi kỵ, toan tính. Chưa ai làm mình cảm thấy như một thằng con trai trưởng thành, muốn bảo vệ người khác, muốn làm cho người đó hạnh phúc. Khánh có nghe thấy không…”

Hắn nắm một bàn tay của Khánh áp vào ngực mình.

“Tim mình đang đập mạnh lắm đó.”

Khánh không nói nên lời. Nó cảm thấy một hơi ấm vô cùng mạnh mẽ phát ra từ ngực Quang. Nhưng rồi trong đầu nó nhảy ra muôn vàn ý nghĩ, lộn xộn, tráo trở, không biết đâu là thực đâu là hư. Cuối cùng nó nói yếu ớt:

“Quang… yêu mình? Thật hả?”

Hắn khe khẽ gật đầu.

“Nhưng… Quang là con trai mà. Mình cũng là con trai. Hai đứa mình… không thể… không thể được…”

Môi Khánh tái nhợt. Quang nhếch mép. Hắn hiểu. Hắn đã tiên liệu trước điều này. Nhưng không hiểu sao hắn vẫn cảm thấy nhói đau trong tim. Rốt cuộc, tất cả mọi thứ mà hắn đã chuẩn bị từ ngày đầu tiên gặp Khánh lại trở thành công cốc rồi. Đôi mắt xanh của hắn xám lại, mờ đục như trời chuyển mưa. Biển nổi gió, phả vào hai đứa lạnh căm. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền ngoài khơi rì rào khắc khoải. 

“Mình cũng thấy quý Quang lắm.” Giọng nó lạc hẳn đi. “Nhưng đến mức gọi là yêu thì chưa… Mà sao lại có thể… Mình chưa gặp trường hợp như vầy bao giờ hết. Quang có thể cho mình suy nghĩ một thời gian không?”

“Được. Mình sẽ chờ câu trả lời của Khánh. Cho dù có phải mất cả đời chờ đợi mình vẫn sẽ chờ.”

Chuông nhà thờ đổ mười tiếng. Buổi lễ đã xong, từng dòng người quay về nhà tìm một đêm thánh an lành cho riêng mình. Cái đêm ấy lại là đêm khó ngủ nhất trong đời nó.

Sáng hôm sau, nó tránh nhìn vào mắt Quang. Mỗi lần hắn nhìn nó, nó lại cố dò xét xem đó có phải cái nhìn đắm đuối của một tên bệnh hoạn đang mê mẩn nó hay không. Và trời ơi, Quang đã nhìn nó kiểu đó không biết bao nhiêu lần. Vậy mà tại sao trước giờ nó chỉ cho là hắn đang trầm tư suy nghĩ mông lung thôi. Bây giờ mỗi lần hắn đưa tay ra định chạm vào nó là Khánh rùng mình ớn lạnh. Lạ kì làm sao… cũng con người đó, cũng làn da trắng và đôi mắt xanh ngời ấy, chỉ mới hôm trước còn là người bạn chí thân của nó, bây giờ trở thành một thứ gì đó mà nó nửa tò mò, nửa lại muốn né xa.

Đó là ngày cuối cùng của học kì. Khánh chỉ muốn cáo bệnh để vù về nhà với ba nó, cho dù có phải đi xe đò và ói hết ruột gan của nó ra cũng được. Nhưng nghĩ thế nào nó vẫn để Quang chở nó đi học, cố gắng không ôm eo hắn như thường lệ, và điều này suýt làm nó văng xuống đất mỗi lần hắn bẻ cua, khiến nó càng thêm bực dọc “nó gài hàng mình đây mà!”

Cô Như Anh, có vẻ tươi tắn hơn bình thường, chắc do sắp được rảnh rang một tuần lễ, bận một bộ áo dài màu hường xẻ tà quá eo, phân phát sổ liên lạc có ghi điểm của từng đứa. Khánh liếc qua một cách hờ hững. Mười phẩy toán, mấy môn còn lại xấp xỉ tám, điểm trung bình được đúng tám phẩy. Quang đọc cuốn sổ một cách căng thẳng, môi mím chặt. Nó rất muốn hỏi điểm số của hắn, nhưng có cái gì cứ chặn cái lưỡi của nó lại, khiến tất cả những gì mà nó dành cho hắn dừng lại ở một cái nhìn lạnh băng tới nổi gai ốc. Nó quay xuống mấy bàn dưới hỏi thăm điểm hết thằng này nhỏ kia trong lớp, mặc kệ Quang ngồi cố gắng cộng đi cộng lại để xem điểm trung bình Toán của mình có thật là chỉ có sáu phết tư hay không.

Cô Như Anh gõ gõ lên bàn:

“Ô kê, cả lớp biết điểm mình rồi chứ gì. Hài lòng chưa?” 

“Dạ rồi.” Có tiếng thưa râm ran.

“Rồi. Bữa nay mấy đứa muốn học gì? Hình hay đại?”

Gần năm chục cái miệng vuột một tiếng hả dậy trời. Chúng nhao nhao lên:

“Cô ơi… bữa nay cô cho xả gió đi cô!”

“Đúng rồi đó cô, qua nay tụi con học hành cực khổ dữ lắm, nè cô thấy hông, mắt thâm hết trơn rồi, tốn ba kí phấn được mới vầy đó!”

“Cô khao tụi con một bữa đi cô! Tiền hội phụ huynh, tiền quỹ còn nhiều lắm cô.” (Con Tuyết thủ quỹ trừng một cái) “Lâu lâu lâu rồi ta mới nhậu một lần…” (hát) 

“THÔI!” Cô giáo gõ thước cái rầm. Cả lớp tiu nghỉu. “Ăn thì ăn. Đợi cô son phấn đã.” Chúng yeah lên như muốn cả thành phố Nha Trang cùng nghe, và cứ rần rần như thế cho tới khi có tiếng cô hiệu phó bắc loa: 

“Đề nghị các em lớp 10T im lặng, các lớp khác còn đang học!”

***

Bốn mươi mấy đứa học trò háu ăn không thể nào nhét một cách bình yên vào trong mấy quán ăn vỉa hè bình thường. Nên cô Như Anh dắt tụi nó ra ngoài công viên Phù Đổng và phái vài đứa đi mua các món nhậu kiểu teen về. Chúng ngồi đó, trùm áo khoác như bà đẻ, phần thì vì nắng, phần thì vì gió, tâm sự dày mỏng, bàn tán về những dự định cho kì nghỉ tuần sau. Khánh không nói không rằng, lựa một chỗ kế cô Như Anh và tụi Tuyết – Sơn – Phi – Hồ. Nó bực mình hết sức khi thấy Quang kéo ghế lệch xệch theo. Nó nhìn hắn một cách gay gắt tới nỗi có thể nói là tàn nhẫn, rồi lại khó chịu khi thấy cô chủ nhiệm và hắn rì rầm nói nhỏ gì đó với nhau, thỉnh thoảng lại liếc nó. Cái thằng sao mà khốn nạn!

Quang thở dài một cái đánh thượt rồi qua nhập bọn với tụi con trai. Hắn vừa đi khỏi thì Khánh mở miệng:

“Cô ơi, hồi nãy thằng Quang nói xiên nói xỏ gì con vậy?”

“Đâu có. Không lẽ bạn không cho con biết hả?”

“Nó mà thèm cho con biết gì. Nó còn giấu con đủ chuyện động trời mà.”

“Nó là lớp trưởng duy nhất từ năm cô dạy ở đây tới giờ bị loại trung bình học kỳ một. Toán nó được có sáu phết tư thôi. Nếu học kỳ hai cũng vậy thì… con biết rồi đó.”

“…Kệ cha nó chứ.”

“Sao bữa nay con nói chuyện nghe ích kỷ vậy Khánh? Giận nhau nữa hả? Hai đứa mười lăm mười sáu tuổi đầu rồi mà hơi chút là giận, giống con nít quá.”

“Chuyện nhỏ thì con không kể làm gì… Nhưng thôi con không nói với cô được.” 

“Con thử tin cô một lần đi.”

Nó ngạc nhiên nhìn lại cô giáo cao lớn, tóc nâu vàng, mặt đầy tàn nhang. 

“Nhưng cô ơi, con không thể tin được điều đó lại là sự thật. Quang nó…”

“Thích con, phải không?”

“…Cô cũng biết nữa hả?”

“Cô biết. Hôm ấy Quang đã nói thật cho cô nghe.”

“Hôm bữa cô mạt sát nó lắm mà.”

“Cô chỉ là không muốn hai đứa đi sai đường. Nhưng nếu đó đúng là con đường mà Quang đã chọn, cô sẽ ủng hộ nó hết mình.”

Khánh thấy một cơn tự ái bắt đầu kéo tới. Trời đất! Cô giáo gì mà xúi học trò yêu đương… à mà còn yêu theo kiểu bệnh hoạn nữa chứ! Nó gay gắt nhìn cô giáo, không dám trả lời vì sợ mình hỗn hào. Nó nhìn về phía Quang. Hắn đang ngồi buồn hiu. Gió biển thổi mạnh vào mặt hắn khiến hắn cứ phải dụi mắt luôn. Chợt Khánh thấy mủi lòng và muốn lại gần hắn để nói vài lời tử tế. Nhưng rồi tự nhiên nó giật ngược: cái gì thế này hả Khánh? Mày là con trai thứ thiệt, một thằng đàn ông đàng hoàng! Đừng có mà giao du với cái thứ bê đê đó để lây bệnh của nó bây giờ! Cứ nghĩ xem, bây giờ mày mà bê đê giống thằng Quang đó, rồi ba mày sẽ nói sao đây? Em mày bắt chước thì sao? Bạn bè sẽ coi mày ra cái ôn gì? Mày phải là đàn ông, nghe chưa Khánh!

Con Tuyết chuyền bịch kem đến tay nó. Nó lấy ra một cây kem sôcôla mà nó thích nhất, và cắn một miếng.

Sao mà đắng thế?

Khánh lẳng lặng gom thiệt nhiều đồ đạc quần áo của nó nhét vào hai cái ba lô và lặc lè khiêng xuống dưới ký túc xá. Nó mừng rơn. Ba nó đang trên đường tới đây để chở nó về, giúp nó thoát khỏi kiếp nạn ói mửa trên xe đò. Bây giờ nó đang đứng trước cổng ký túc xá, mặc kệ nắng trưa chói chang đang thiêu cháy nó và làm nó phải nheo mắt lại khi nhìn đau đáu về phía bên kia con đường, chờ bóng ba nó tới đưa nó ra khỏi đây… càng xa thằng Quang bệnh hoạn càng tốt!

Đứng mãi Khánh thiếu điều gãy lưng vì vác nặng, nó ngồi phịch đại xuống đất, ngồi dựa vô bức tường sơn xanh lè của ký túc xá và ngắm cô Như Anh đang cắt tỉa dăm khóm bông cô trồng ké dưới mấy gốc bằng lăng trên vỉa hè. Trời nắng đến lóa mắt. Cảnh núi non xa xa như bị uốn cong lại dưới ánh mặt trời chói chang. Phì… cái nắng của xứ duyên hải miền Trung như muốn thiêu đốt người ta. Phải như lúc này được ở trong căn phòng máy lạnh của ký túc xá thì tuyệt biết chừng nào. Nhưng... có phải mình nó được ở trong đó đâu.

Cuối cùng, nó nhác thấy chiếc Honda Cub cà tàng của ba nó xịch xịch lết tới. Khánh nhổm dậy.

“A! Ba tới rồi!”

“Lại đây, nhóc con. Cho ba hun cái coi.”

Eo. Hình như mấy tháng rồi ổng không cạo râu. Nó chợt thấy ba nó có vẻ già đi. Tóc ông bắt đầu điểm một hai sợi bạc, trán ông nhăn nhiều hơn, và hai bên mắt của ông có vết chân chim to tướng. Ông nựng nựng mặt nó:

“Sao nay con đen dữ vậy Khánh? Đi tắm biển nữa hả?”

“Dạ đâu có đâu ba, con kín lịch luôn mà. Thôi mình nhanh lên đi ba, nắng quá con chịu muốn hết nổi rồi nè.”

Ông trỏ tay về phía cô Như Anh vẫn đang cắt cắt tỉa tỉa:

“Ai vậy con? Quản sinh hả?”

“Dạ cô Như Anh chủ nhiệm con. Cổ ở đây luôn đó ba.”

Nghe nói tới tên, cô giáo ngẩng mặt lên, gật đầu chào, và bỗng nhiên há hốc mồm, buông cả cái kéo:

“Anh Tài!”

Ba nó cũng ngạc nhiên không kém:

“Như Anh đó phải không?”

Ông vội vàng dắt xe vào dựng bên trong, rồi quay trở lại chỗ cô giáo để nhìn cho kỹ hơn:

“Đúng là Như Anh rồi… Nhanh thật, mười bốn năm rồi đó chứ.”

Cô giáo ngắt lời một cách gay gắt – chẳng giống cô ngày thường chút nào:

“Tôi chứ còn ai. Anh đi tìm tôi à? Để làm gì thế? Tôi đâu có còn muốn gặp lại cái con người như anh!”

“Suỵt! Như Anh nói khe khẽ thôi… Tôi với Như Anh có thể vào trong để nói chuyện một chút được không? Chỉ năm phút thôi cũng được.”

Cô giáo thở dài, nói khẽ:

“Thôi được. Tôi chẳng biết anh đang âm mưu gì. Nhưng tốt hơn là anh có nói gì thì cũng đừng để Khánh nghe được. Không tốt cho nó đâu.”

Ba nó gật đầu:

“Tôi hiểu mà. Khánh! Lại đây con.”

Nó không điếc. Nãy giờ họ nói gì nó đều dỏng tai lên nghe không sót một chữ. Nên nó lập tức chạy lại ngay, và đúng như nó đoán, ông già nó phán:

“Con ngồi ngoài đây một lát cho cô với ba nói chuyện… ờ, chuyện học hành của con. Nè, cầm năm chục, đi qua hàng quán gì đối diện trường hay vô căn tin mà ăn uống gì đi, con thích ăn hàng lắm mà phải không? Ngoan rồi lát ba chở về, ha.”

Phì, ba nó nói chuyện với nó như thể nó còn con nít lắm. Bây giờ có cho nó nguyên một xe đồ ăn nó cũng không đổi lấy cơ hội nghe lỏm một câu chuyện hấp dẫn mà ba nó và cô giáo sắp sửa tâm xịa. Nên nó dạ dạ, rồi đợi hai người đi khuất, nó lập tức áp tai vào tường, nghe từng tiếng bước chân, và nhào lộn như ninja để đi theo họ mà không bị tóm. Cuối cùng nó cũng theo kịp họ.

“Tôi đã tìm Như Anh suốt mười mấy năm nay mà không gặp. Ai mà biết em ở Nha Trang ; tôi cứ tưởng em vẫn còn ở Ninh Hòa.”

“Làm sao tôi còn ở lại mảnh đất đau buồn đó được chứ? Mỗi góc phố, mỗi con đường đều làm tôi nhớ đến Hiền. Tôi phải bỏ xứ đi mới mong vùi lấp kỷ niệm với Hiền vào dĩ vãng được. Vậy mà bây giờ anh xuất hiện, bươi móc chúng ra, bắt tôi phải nhớ lại anh đã tàn nhẫn với tôi và Hiền như thế nào!”

“Em hãy thử đặt mình vào tình cảnh tôi lúc đó xem. Khi tôi phát hiện ra quan hệ của em với Hiền, tôi như phát điên lên được. Tôi không còn là chính tôi nữa. Nên tôi đã… tôi đã nói vài lời không phải với hai người…”

“Vài lời không phải à?” Nó nghe tiếng cô Như Anh cười lớn. “Nếu anh gọi những câu nhiếc móc, xỉ vả, miệt thị, chửi mắng hết ngày này qua tháng nọ là vài lời không phải, thì tôi không biết khi anh thật sự muốn làm tổn thương chúng tôi thì anh sẽ làm gì, Tài à! Lẽ ra tôi và Hiền có thể chỉ cần bỏ mặc anh và trốn đi xây tổ ấm của mình ở chỗ nào xa thật xa, nhưng lúc ấy Hiền đã có Khánh rồi! Nếu không có thằng bé dễ thương ấy thì cô ấy sẽ bỏ mặc một tên nát rượu, gàn dở, hung tàn như anh, kẻ bắt cô ấy đẻ năm một, để đi theo tôi. Mà thật ra lúc đó cô ấy cũng có thể ẵm Khánh theo, nhưng cô ấy không nỡ bắt thằng con chưa đầy một tuổi của mình đi lang bang theo tôi. Lúc ấy tôi chỉ là một con bé khờ khạo mới hai mươi hai tuổi, mới ra trường, chưa có việc làm gì cả. Cô ấy không nỡ… và rồi cuối cùng những lời ghen tuông cay nghiệt của anh, những trận đòn lúc say xỉn đã làm cô ấy kiệt quệ. Khi sinh thằng Tâm ra, cô ấy đã hoàn toàn sức cùng lực kiệt và chết trong phòng sinh. Anh có biết lỗi là tại ai chưa?”

“Tôi biết. Tôi biết. Em không cần kể ra tôi vẫn biết. Khi cô ấy chết rồi tôi mới biết cô ấy quan trọng với tôi như thế nào. Giờ tôi cũng đã trung niên rồi, tôi không còn nhậu nhẹt say sưa như lúc trước nữa. Tôi đã cố hết sức để nuôi dạy Khánh một mình. Nếu em có hỏi nó…”

“Thôi khỏi. Kể cũng lạ thật, tại sao khi nghe cái tên Huỳnh Nguyễn Duy Khánh mà tôi không nghĩ ra ngay rằng đó là thằng bé mà ngày xưa Hiền đã ẵm trên tay nhỉ? Trái Đất đúng là tròn, tôi đã lên tận Nha Trang, hy vọng có thể làm lại từ đầu, thế mà mười bốn năm sau tôi lại gặp anh. Thôi, nếu anh đã xong, xin anh về cho. Cái bản mặt anh làm tôi muốn điên lên rồi đây nè.”

“Tôi chỉ muốn nói với em một lời xin lỗi về những chuyện năm xưa mà tôi đã làm với em và Hiền.”

“Anh khỏi cần xin lỗi tôi, anh hãy xin lỗi con anh vì đã gián tiếp giết chết người mẹ hiền lương tử tế của nó kìa!”

“Tôi…”

“Anh có nói gì thì nói luôn đi rồi về, để thằng nhỏ đứng ở ngoài nắng nôi bệnh chết.”

“Lúc này em sống ra sao? Em đã lấy chồng chưa, Như Anh?”

“Ha ha ha! Anh hỏi một con lesbian như tôi đã lấy chồng chưa? Nếu như tôi còn ở lại Ninh Hòa thì chắc tôi đã phải cưới một tên mắt hí răng hô nào đó cho vừa lòng gia đình, nhưng bây giờ tôi đang ở một mình, được tự do làm chủ cuộc đời tôi, mắc gì tôi phải ép mình nâng khăn sửa túi cho một gã đàn ông nào đó chứ?”

“Em có bao giờ nghĩ mình sẽ làm lại cuộc đời như một người phụ nữ bình thường không Như Anh? Em đã có thể hưởng những hạnh phúc đơn sơ mà một người vợ, một người mẹ có quyền được hưởng. Em định sống như vậy đến hết đời hay sao?”

“Làm mẹ là bản năng của người phụ nữ. Tôi biết, nhưng tôi không muốn cho đứa con của mình sống mà không có một người cha, cũng như Khánh đã không có một người mẹ. Còn đi lấy chồng… Chính những người như anh đã áp đặt lên xã hội rằng gia đình một vợ một chồng mới là chuẩn mực. Đây, tôi thích sống với phụ nữ, nhưng tôi không thể tìm ra một người để đầu ấp tay gối, cũng chính là vì những người như anh. Thà tôi ở vậy một mình cho đến hết đời vẫn là gái già, còn hơn bắt mình phải yêu và sống với một người đàn ông. Không, cám ơn.”

“Riêng bản thân tôi thì vẫn tin rằng đồng tính chẳng qua chỉ là một căn bệnh nhất thời thôi. Tôi tin rằng đến một lúc nào đó em sẽ tìm cho mình một người đàn ông thích hợp – một người không giống tôi hồi đó, một người đẹp trai, có học thức, không rượu chè thuốc lá…”

“Anh toàn nói những lời ngớ ngẩn của một kẻ hẹp hòi bảo thủ. Tôi là lesbian, tôi chỉ yêu phụ nữ, tôi hoàn toàn không thể có cảm xúc gì với đàn ông ngoài tình bạn thông thường. Tôi biết anh không hiểu và sẽ chẳng bao giờ hiểu tôi. Nhưng xin anh đừng bao giờ áp đặt lên những người khác như thế nữa, kẻo rồi sau này con cái anh sẽ lại khổ vì anh. Thôi, anh về cho! Tôi còn phải soạn giáo án cho tuần sau nữa!”

Khánh nghe thấy tiếng bước chân. Nó vội vàng phóng ra ngoài xe ba nó, chất đồ lên. Nó cười cười nói nói, cố làm ra vẻ không hay không biết, để ba nó có thể quay về với thực tại, rằng nấm mồ của người mẹ hiền mà nó chưa từng biết mặt đã được đặt lên mười bốn vòng hoa rồi.

Tự nhiên lần này về nhà nó lại thấy chán không để đâu cho hết. Bài tập thì không có mà làm, thằng em nó đang thi nên chẳng ừ hử gì mấy với nó, còn ông già nó cứ trầm ngâm mãi từ lúc gặp cô Như Anh. Mới có ba ngày, nó đã phát ngấy lên: sáng ngủ dậy, lượn tới lượn lui, ăn sáng, đi qua đi lại, ăn trưa, ngủ trưa, đi tới đi lui, ăn tối, coi tivi, xong ngủ. Sáng hôm sau lại lặp lại cái chuỗi đó.

Chỉ mới vài ngày, nó đã bắt đầu nhớ cái phòng xanh lè ở ký túc xá, nhớ mấy đêm thức làm bài tập tới khuya, nhớ mấy lần buôn chuyện với bà Mỹ bán đồ ăn căn tin. Nó nhớ vu vơ một cái gì đó nằm ở quá khứ…

Nó nhớ một nụ cười dễ thương, một đôi mắt xanh lấp lánh, một giọng nói mạnh mẽ, rắn rỏi hay ngân dài chữ r và một hơi thở ấm áp...

Nó mở khóa điện thoại. Vẫn là tấm hình nền quen thuộc. Nó và hắn, choàng tay nhau một cách thân thiết, đứng trước tháp Trầm Hương, trong buổi chiều tà rực ánh nắng. Nó đang cười một cách ngây ngốc, và kéo đầu hắn sát vào mình. 

Khánh thở dài. Nó lăn ra trên giường, nghĩ ngợi một hồi lâu, rồi mở danh bạ bấm chữ B. Ba, Bé Bảy, Bé Bi,… Bóng đèn. Nó chọn cái tên cuối cùng và thấy hình hắn đang cười nhăn nhở một cách khó ưa. Nó nhăn mặt, rồi bắt đầu soạn một tin nhắn, nhanh hết cỡ như thể đang bấm ngón tay lên một cái bàn ủi:

“lux’ nj qag o? nha zuj hem zak?” (Lúc này Quang ở nhà vui không vậy?)

Nó vứt cái điện thoại qua một bên, nằm lăn lộn, nhìn mây ngắm gió qua cửa sổ, cho tới khi điện thoại nó bíp một tiếng rõ to làm nó xém lọt xuống sàn.

“Không vui lắm, nhưng biết làm sao được.”

Khánh hừ một tiếng. Nhưng rồi nó cắn môi, và nhắn tiếp:

“mak’ jie hok dzuj, kuj dag dzuj gug chik nez” (Mắc gì không vui, mình đang vui gần chết nè)

“Chán lắm.”

Nó thở dài, gác tay lên trán. Rồi thu hết can đảm, nó nhắn:

“wag ak, zja chjn doa, mjh da sjz ngj doj chuk” (Quang à, về chuyện đó, mình đã suy nghĩ đôi chút)

“Chuyện gì?”

“wag faj bik hon mjh cho, dug koa lam po. mjh se koj nhu chua koa chjn z xaj ya. mjh se tjp tuc koj wag la pan nhu trc day, nju wag dog y k lam haj den mjh” (Quang phải biết hơn mình chớ, đừng làm bộ. Mình sẽ coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Mình sẽ tiếp tục coi Quang là bạn như trước đây, nếu Quang đồng ý không làm hại đến mình.)

“Vậy à?”

“taj j, wag kug la pan than cua mjh. mjh hok mun mat wag, z thuj.” (Tại vì, Quang cũng là bạn thân của mình. Mình không muốn mất Quang, vậy thôi.)

Khánh gập điện thoại lại. Lòng nó cảm thấy nhẹ nhõm đi đôi chút. Nó đứng dậy, ra ngoài ban công hóng mát. Gió nhè nhẹ, mang chút mặn mòi của biển. Vị mặn ấy thường làm những kẻ quen sống trong đất liền khô ráo cảm thấy xốn mắt, nhưng với nó, gió biển mặn mà lại ngọt, rát mà lại êm, lạnh người mà lại ấm lòng. Nó muốn tìm về với biển, khởi nguồn của sự sống trong nó.

Thế là, thằng bé đem theo quần áo để thay, rồi vác xe đạp ra chạy một mạch tới bãi biển Dốc Lết cách nhà nó chỉ khoảng 2 cây số. Tương truyền hồi xưa ở đây có cái dốc rất cao tới nỗi người ta đi không được mà phải lết… Nhưng giờ chẳng thấy cái dốc nào, chỉ có một bãi biển tuyệt vời đúng chuẩn ISO trời xanh, cát trắng, nắng vàng, gió lộng. Ở Nha Trang, tuy sát biển nhưng quần đảo vịnh Nha Trang đã chắn hết gió lại, khiến cho biển ở đó khá phẳng lặng và kín gió, trừ phi ta chịu khó đi thuyền ra các đảo và bơi với một lớp đá cuội chực cắt đứt gót chân ngọc ngà của mình. Còn ở Ninh Hòa, chẳng có hòn có bãi gì che lại, nên gió biển Đông cứ ầm ầm mà thổi vào. Gió mạnh tới mức chỉ cần một cái ghế êm ái thì ngồi hai phút trước bãi biển là ta sẽ ngủ gục ngay. Hơn nữa, bãi biển Dốc Lết mới khánh thành chưa lâu lắm nên nước biển còn rất trong và rất xanh như thể đó không phải là nước mà là một tấm ngọc sóng sánh khổng lồ dát vào nền trời và cát trắng. Trước khi lên Nha Trang ở, Khánh vẫn thường hay đạp xe đến đây một mình, tự dạy cho nó cách bơi lặn, và đôi lúc nó còn bơi ra ngoài cái lằn có gắn cờ đầu lâu xương chéo và tránh bị anh cứu hộ râu quai nón tóm cổ, như một trò chơi mạo hiểm. Và nó định hôm nay lặp lại trò nghịch ngợm đó.

Nó thay một cái quần bơi màu đen ngắn ngủn và rất ôm vào, khiến người nó nhìn sơ qua có vẻ như trần truồng, khởi động vài cái, rồi nhảy ùm xuống làn nước biển xanh ngắt. Nó lượn qua lượn lại vài vòng, bơi ếch, bơi bướm, bơi chó, bơi lăng quăng, rồi cuối cùng thả mình ra đó, để mặc cho sóng đánh nhè nhẹ muốn đưa nó đi đâu thì đi. Nắng miền Trung chiếu xuống gay gắt. Đảm bảo đi chuyến này là nó đen không nhả luôn. Nhưng chẳng cần, nó có trắng bao giờ đâu mà sợ đen! Nên nó cứ nằm đó, cố gắng thư giãn và quên hết tất cả mọi chuyện về bọn người đồng tính cứ lảng vảng trong đầu nó mấy hôm nay. Quên hết, quên hết đi…

Nó nghe sau lưng có tiếng đập nước bõm bõm rất to, văng nước tung tóe. Nó bực bội, định quay lại xem ai mà té nước vào nó, thì thấy có một anh chàng đang cuống cuồng đạp nước, rõ ràng là sắp sửa chìm nghỉm trong vài giây như quăng một cục đá xuống biển.

Không có thì giờ để tính toán xem là sẽ đòi hậu tạ bao nhiêu, Khánh vội vàng chụp lấy tay người bị nạn, cõng cậu ta trên lưng và ráng sức bơi thật nhanh vào bờ. Khi lên tới bờ, cậu ta vừa sặc nước vừa rên như bị ai đó cào da xé thịt. Khánh hết sức bối rối, nhưng rồi nó nhanh chóng nhận ra rằng nạn nhân bấu chặt lấy cẳng chân của mình. Mười mươi là bị chuột rút. Nó sắp cậu ta lại một dáng nằm thoải mái hơn rồi xoa nắn nhẹ lên cẳng chân. Chỉ một lát sau, người bị nạn đã thấy khỏe trở lại. Cậu ta ngồi dậy và nói liến thoắng bằng giọng miền Bắc khàn khàn:

“Cám ơn em rất nhiều. Anh phải hậu tạ em mới được. Bây giờ anh không có đem nhiều tiền lắm, nhưng em cứ lại cái kiosk kia, anh để ví ở đấy…”

“Anh đừng có làm vậy coi kì lắm. Em thấy anh chết đuối mà không cứu thì mang tội suốt đời á. Thôi, anh đi thay đồ rồi vô đó ngồi nghỉ một lát cho khỏe đi. Anh có biết bơi không mà dám bơi ra xa vậy?”

“Biết chứ, nhưng tự dưng chân anh nó cứ cứng đờ rồi giật giật, đau ghê gớm. Cũng may có em ở đấy.”

Một lát sau, khi cậu trai kia đã thay mấy cái quần bơi ướt nhẹp ra và vận vào cái áo phông trắng, Khánh mới để ý rõ cái người mà nó mới cứu vớt khỏi tay vua thủy tề. Chắc hẳn là công chúa của Long Vương đã khóc lóc đòi cha bắt anh chàng đẹp trai này xuống. Cậu ta cao tầm mét bảy, trắng trẻo, không ửng đỏ kiểu Tây giống thằng Quang mà vẫn có cái nét thanh tú đặc trưng của người châu Á. Cậu đeo một cặp kính gọng vuông nhìn rất trí thức, cặp kính chẳng làm đôi mắt nhỏ đi tí nào, và tóc tai được cắt tỉa khá gọn gàng nhưng vẫn lòa xòa trước trán một cách thoải mái và có phần đáng yêu. 

Khánh thấy hơi choáng. Nó coi lại bộ dạng ướt như chuột lột của mình, rồi nhìn cậu ta đăm đăm, thấy mặt mình hơi nóng lên vì xấu hổ. Rồi nó tát tát vào má mình vài cái cho tỉnh lại. 

“À. Anh xin lỗi nhé, anh chưa tự giới thiệu. Anh tên Thế Duy. Nom anh thế này chứ mới mười sáu tuổi thôi nhớ! Em tên gì? Lớp mấy rồi?”

Khánh nuốt nước miếng đánh ực. Hóa ra anh ta cũng đâu lớn hơn nó bao nhiêu. 

“Dạ em tên Duy Khánh. Em học lớp mười.”

“Ấy, anh học lớp mười một. Thế anh hơn em một tuổi nhỉ. Em đến đây với gia đình à?”

“Dạ không, nhà em ở đây, em đạp xe đến tắm biển cho nó mát thôi. Sao anh tới đây hè hổng tới mà tới lúc này, nước tháng giêng lạnh lắm.”

“Ha ha, mùa hè anh phải ở lại Đà Lạt để đi làm thêm. Kiếm chút tiền đóng học phí ấy mà. Thế ra ở Khánh Hòa người ta không làm du lịch nhiều nhỉ.”

“Dạ có chứ… nhưng anh còn trẻ quá mà cũng phải đi kiếm tiền rồi sao?”

“Trẻ trung gì em, mình thanh niên rồi thì phải giúp bố giúp mẹ được đồng nào hay đồng nấy chứ. Mấy lị anh ở Đà Lạt, thiếu gì việc làm thêm trong hè, họ giả lương cũng khá.”

“Ơ, anh nói cái gì lương ạ?”

“Hì hì xin lỗi em nhé, giọng anh hơi khó nghe. Trả lương ấy mà.”

Hai người đương nói chuyện thì một người phụ nữ cỡ năm mươi tuổi, vẻ mặt khó gần tiến lại.

“Anh tán phét với ai đấy?” bà ta nhìn Thế Duy, hỏi một cách khó chịu.

“Dạ thưa u, em í mới cứu con trên biển ạ. Nếu không có em í thì…”

“Thì anh hẵng cứ xuống dưới biển mà nói chuyện. Kéo cậu ta vào chỗ chúng ta làm gì?”

Khánh nóng bừng mặt lên. Nó siết chặt nắm đấm lại khi nhớ lại lúc má thằng Quang xấp xổ vào phòng ký túc xá của nó. 

“Vâng. Cháu xin phép!” Nó nhại giọng Bắc của bà ta.

Và đi thẳng.

Khánh về nhà. Nó lầu bầu một cách khó chịu tới nỗi thằng Tâm nhìn chòng chọc thằng anh vốn hiền lành, mặc dù không nghe thấy bao nhiêu. 

“Tự nhiên mình tức cái bà đó làm chi hổng biết. Chưa kịp xin số anh Duy gì đó nữa hà.”

Nó đút tay vào túi quần, và gào lên làm thằng em đang chàng hảng bưng tô cơm ngồi ăn xém bật gọng.

“Chết bà rồi, cái bóp đâu mất tiêu. Hổng lẽ…”

Nó đi tới đi lui, một tay chống lưng như bà đẻ, một tay gác trán như ông già, lẩm bẩm:

“Mình nhớ có nhét nó vô túi quần khi thay đồ ra mà. Lúc đó… nhét vô túi quần sau thì phải. Chết chưa! Vậy là nó rớt ra khi mình ngồi nói chuyện rồi!”

Thằng Tâm hỏi, có vẻ lấm lét hơn thường ngày:

“Gì vậy anh Hai?”

Khánh trừng mắt:

“Im đi cho tao nhờ.”

Rồi nó nhảy lên cái đi-văng, nằm sấp xuống, đấm hai tay lên mặt ván bịch bịch như một đấu sĩ đô vật bị đòn khóa giò:

“Trời ơi là trời, ngày gì đâu mà xui tận mạng vầy nè, hu hu!”

Đang trong cái tư thế nhục-ơi-là-nhục đó thì nó nghe cái giọng Bắc khàn khàn nói:

“Xin lỗi, đây có phải nhà của Duy Khánh không ạ?”

“Ơ… anh Duy!”

Anh chàng đeo kính mỉm cười:

“Anh ngồi được chứ?”

“Dạ… anh cứ ngồi đi.”

Nó lúng búng. Nó có cảm giác lần nào cậu ta xuất hiện nó cũng trông rất là khó coi. 

“Em đánh rơi thứ này đấy.”

Duy rút từ trong túi cậu ra cái bóp của tên đãng trí. Nó thiếu điều nhảy cẫng lên.

“A! Sao anh biết nhà em ở đây mà tới kiếm?”

“Anh xem trong chứng minh thư của em đấy. Nó chỉ ghi tới số ấp thôi nên anh phải hỏi thăm đôi chút. Mà này, ở Ninh Hòa đường xá không nhiều nhưng ngoằn ngoèo gớm nhỉ!” Cậu gạt mồ hôi, miệng vẫn cười tươi rói. 

“Dạ… em cám ơn anh nhiều lắm. Anh ngồi chơi, để em lấy nước… Tâm!”

Thằng em nó lườm:

“Anh tự mà lo nước non của anh đi.”

Rồi nó ngoe nguẩy bỏ đi. Khánh chưng hửng.

“Xin lỗi anh, em trai em nó hơi…”

“Không sao, hì hì. Anh ngồi không thế này cũng được.”

Khánh thấy trong người có vẻ hồi hộp thế nào ấy. Nó nhìn cậu ta chằm chặp. Lát sau, nó phát biểu đại một câu:

“Anh… trắng quá.”

“Ha ha. Cám ơn lời khen. Hay lời chế nhạo. Cũng tại trắng mà người ta cứ tưởng anh điệu đà lắm cơ.”

“Đâu hẳn anh. Bạn em cũng trắng, mà nó…”

Khánh ngừng bặt. Điện thoại trong túi nó vừa kêu hai tiếng bíp bíp rất to. Nó cắn môi, gần như không dám mở ra, vì nó sợ rằng điện thoại sẽ hiện tên người mà nó vừa nhắc tới một cách vô thức. Nó nhìn Thế Duy. Cậu nhắc:

“Em có điện thoại đấy.”

Khánh thở dài. Nó rút điện thoại ra, và bấm nút ngắt máy một cái kịch. 

“Không có gì đâu anh.”

“Em có thể cho anh biết ai gọi mà em lại ngắt máy không?”

Khánh hơi cau mày.

“Em không muốn cũng chả sao. Anh xin lỗi, hình như anh hơi thiếu tế nhị. Em đừng giận nhé.”

Nó nghĩ bụng, dân miền Bắc nói chuyện khéo ghê. Cái giọng ngọt còn hơn mía lùi. Nó bèn đáp:

“Ai đi giận chuyện nhỏ xíu vậy. A, cho em hỏi. Anh ở chỗ nào vậy? Thường người ta đi Dốc Lết xong về Nha Trang luôn chứ đâu có ở lại như anh đâu. Không lẽ anh ở mấy cái nhà trọ dơ dáy đó hả?”

“Không, anh có người bác ở đây. Em biết ông Ba Nghĩa nhà ở xóm Bắc không? Ấy ông bác quý hóa của anh đấy. Mùa đông nào anh mà chả về đây chơi ít hôm. Mỗi tội năm nay thầy anh bận, không đi theo được – thầy tức là bố đấy – u anh đi thế. Mà u anh khó tính lắm cơ, đi đâu cũng không cho, u cứ làm như anh là trẻ nít lên năm í… Ấy xin lỗi em, giờ đến anh cũng có điện thoại, em chờ cho một lát nhé. Alô… Dạ vâng…”

Cậu ngừng lại vài giây. Có tiếng quát to tới nỗi Khánh ngồi cách đó mấy bước cũng nghe được.

“Vâng thưa u… vâng ạ… Con về ngay ạ…”

Thế Duy bóp trán một cách khó chịu. Rồi cậu giật lấy điện thoại của Khánh, bấm bấm vài cái, rồi trả cho nó và mỉm cười trở lại:

“Đây là số của anh. Em đừng xóa nhé. Anh chờ tin nhắn của em đấy. Hy vọng sau này chúng ta có duyên mà gặp lại nhau.”

Duy bắt tay Khánh, và siết rất chặt.

“Anh đi nhé.”

Nó đứng gãi đầu một lúc.

Khánh bấm DK gửi 109. Cái nhà mạng Viettel chết tiệt, sim học sinh mất 2 ngàn mà chỉ mua được có 100 tin nhắn, đã vậy lại phải nội mạng nữa chứ. 

“qag nek, kuj mojz wen dx. 1 a de shuog lemz’ ak, epz. chajz lum', qag lay so a? hog^”

(Quang nè, tui mới quen được một anh dễ thương đẹp trai lắm, Quang lấy số ảnh không?)

Khánh ào lên xe buýt. Nó lấy tay bịt mũi lại, hả họng thở như con nghêu bị luộc. Nó bám lấy một chỗ kế bên cửa sổ, rồi thiếu điều cắm cổ ra ngoài. Cuối cùng vì sợ một cành cây nào đó dọc đường sẽ chém nó bay đầu, nó đành rụt cổ lại, lấy chai nước trong balô ra và tu một hơi. Rồi nó quay sang trái, há hốc mồm trong một giây, buông thõng chai nước trong tay. Nó nhận thấy đã có người ngồi lên chỗ kế bên nó. 

Đó là một cô bé trạc độ mười bốn, mười lăm tuổi. Nếu nói rằng nhỏ đẹp lộng lẫy thì là xạo hoàn toàn. Nhỏ không đẹp. Nhưng hễ ai đã nhìn vào gương mặt sáng sủa và trong trẻo của nhỏ rồi thì chẳng nỡ dứt ra. Nhỏ có một đôi lông mày nhạt, phết thành một đường mềm mại trên đôi mắt hiền lành. Trên mặt nhỏ có vài ba hột mụn nhưng được đặt đúng chỗ tới mức mụn mọc ra là để làm duyên cho nhỏ. Nhỏ đeo một cặp kính gọng vuông thanh mảnh, và mỉm cười với nó khoe răng khểnh.

“Ơ…” Khánh lắp bắp.

Khó có thể nói ơ là một lời chào hay, nhưng cô bé kia mỉm cười đáp trả lại và làm tay chân Khánh như rụng rời. Nó cúi xuống lượm chai nước, và tay nó bắt gặp tay nhỏ cũng đang định nhặt giúp.

“…Cám… cám ơn bạn…”

Rồi nó quay mặt ra ngoài cửa sổ, thở gấp. 

Cảm giác này là gì vậy ta. Tim nó đập mạnh quá, mặt nó nóng ran lên. Nó cố bắt hơi thở điều hòa trở lại, rồi nở một nụ cười rạng rỡ như ngày thường.

“Hồi nãy bạn cùng lên ở bến xe Ninh Hòa với mình phải không? Thấy mặt bạn cũng quen.”

“Um. Mình tên Ngọc Linh, hồi cấp II có học cùng trường với bạn mà, nhưng chắc bạn quên rồi. Lúc đó mình hơi nhút nhát nên bạn không biết mình cũng phải.”

Trời ơi. Nghe nhỏ Linh nói chữ um kìa. Mắt thằng Khánh biến ra chữ X, miệng nó toét thành chữ D.

“Mình… ờ… mình tên Duy Khánh. Mình học trường Yersin.”

“A! Bạn cũng học Yersin à. Đúng rồi, mình nghe nói bên lớp Toán có bạn Khánh giỏi dữ lắm. Nghe danh lâu rồi, hóa ra là bạn hả? Gặp được bạn thích ghê. Mình hâm mộ bạn lắm.”

“Hì hì…” Khánh gãi tai. “Có gì đâu mà hâm mộ, bạn làm mình mắc cỡ ghê.”

Nó nhìn trộm Linh một chút, và khi ánh mắt nó chạm ánh mắt nhỏ, nó vội vàng quay đi chỗ khác và huýt gió khe khẽ.

“Bạn học lớp nào vậy?”

“Mình học lớp Hóa.”

“Uhm… chắc bạn học giỏi lắm?” Khánh nhe răng cười, cố gắng tỏ ra có duyên.

“Hic. Hổng có đâu, mới bị loại trung bình nè, học kỳ hai mà lạng quạng là mình bị đuổi á.”

“Sao để trung bình vậy?”

“Điểm phẩy mình thấp quá, mấy môn Toán Lý mình không biết làm. Cái giải hệ bất phương trình…”

“Hệ bất phương trình hả?... Cái đó đâu khó lắm đâu! Bạn chỉ cần…”

Thế là, trong suốt chuyến đi, thằng bé tíu tít với cô bạn mới đến nỗi quên cả say xe. Lâu lắm rồi nó mới có lại niềm hứng thú say mê được chỉ vẽ cho người khác những gì nó biết. Nó cứ nói và nói, nhỏ Linh chăm chú nghe không ngắt lời, nhìn nó với một ánh mắt ngưỡng mộ. Nó lấy làm thích thú vô vô cùng, hai mắt nó lấp lánh một cách nhiệt thành, tay nó quơ như một nhà hùng biện thứ thiệt, và tự thấy mình cũng thiệt là đáng nể biết bao nhiêu đó mà. Ôi, anh Khánh nhà ta thật là đáng gờm quá đi chứ hả.

Chuyến xe bus dù chạy gần sáu mươi cây số rồi cũng phải dừng lại. Khi Linh chào từ biệt nó và tiến về dãy phòng ký túc xá nữ, nhỏ xõa tóc ra, cài một chiếc băng đô lên mái tóc đang bay bay trong gió nhẹ.

Khánh mém xỉu.

Khi vô phòng, nó vứt cái ba lô sang một bên, và nhảy lên giường lăn lộn, tận hưởng một chút cái cảm giác mát rượi sảng khoái của căn phòng máy lạnh thân yêu. Nó nhụi đầu vào cái gối ôm một cách sung sướng. Đang hả hê, nó nghe tiếng cửa mở ra kẽo kẹt. Nó chồm dậy và thấy Quang bước ra khỏi nhà tắm, chỉ mới quấn cái khăn tắm quanh eo. Vài tích tắc sau, hắn lập tức giật mình và chạy tọt vào trong, để rồi lúc đi ra áo quần nghiêm chỉnh như sắp đi ăn tiệc.

Hắn sẵng giọng, nghe như nước đá cục dội vào tường:

“Lên sớm thế?”

Xong hắn quay đi, ngồi lên bàn cầm cuốn sách một cách kiêu kỳ. 

Hắn ngạc nhiên hết biết khi Khánh kéo tay hắn lại, ấn hắn ngồi xuống giường. 

“Nè… nè…”

Khánh huỵch toẹt ra:

“Mình suy nghĩ đơn giản, nói có gì bạn đừng cười. Mình biết bạn xụ mặt hổm nay là vì mình né bạn. Bạn nghĩ coi tại sao mà mình né bạn chớ hả? Mình nói thiệt, mình thương bạn lắm, nhưng mấy vụ trai gái thì mình nghĩ hông có đâu. Mình sợ bạn thích mình thì mình ế, hông quen được cô nào hết. Hồi nãy, mình mới gặp một bạn gái dễ thương lắm. Có thể mình sẽ quen bạn ấy. Mình không sợ ế nữa. Mình chỉ muốn bạn biết vậy để an tâm thôi. Bây giờ bạn cứ thích mình thoải mái, mình không cần quan tâm. Nhưng bạn cũng hiểu rồi đó, làm gì đụng tới mình đi thì biết.”

Môi Quang mím chặt. Cuối cùng, hắn hỏi:

“Bạn gái đó là ai vậy? Mình có quen không?”

“Chắc bạn không quen đâu,” Khánh nhíu mày suy nghĩ, “mà có quen thì bạn tính làm gì con người ta nào?”

“Không, không, mình muốn biết vậy thôi mà. Chắc đẹp lắm phải không?”

“Ừm…” tai của Khánh đỏ lên, rồi nó nở một nụ cười đầy răng vừa ngây ngốc vừa gian xảo, “chắc kêu là đẹp thì cũng hông đẹp lắm, nhưng mà nhìn dễ thương lắm kìa.”

Quang nhìn lại cậu bạn nhỏ bé của mình một lúc lâu. Gương mặt của một đứa con trai khi yêu là thế này à?

Khánh nhe răng cười luôn miệng, tay nó cứ gãi gãi đầu, và thỉnh thoảng nó lại bấm bấm điện thoại để kiểm tra tin nhắn. Quang leo lên bàn học bài, bỏ mặc cho nó nằm nhắn tin suốt cả buổi chiều và thỉnh thoảng cười phá lên như một thằng tự kỷ có trình độ. Hay ít ra là hắn tỏ vẻ bỏ mặc. Hắn lấy giấy nháp ra viết viết chép chép một tràng chữ tiếng Pháp, chắc là bài tập viết écriture, mỗi lần Khánh cười phá lên là hắn lại xé tanh banh mẩu giấy tội nghiệp, vo viên lại và quăng khắp mọi nơi mà hắn nhắm tới được. Khánh mặc kệ. Nó cứ nằm nhắn tin tới khi bao tử nó biểu tình dữ dội. Chu mẹt ơi! Thằng Khánh vừa trải qua bữa chiều đầu tiên trong mười mấy năm cuộc đời mà không hề ăn vặt! 

***

Khánh nhìn mình trong gương. Nó rút một cây lược mà mỗi răng cách nhau nửa nanomet, bắt đầu chải tóc một cách tỉ mỉ tẳn mẳn. Nó muốn chải cho xù lên theo kiểu Lee Min Ho trong phim Vườn sao băng, nhưng một lát sau nó đầu hàng vì tóc nó thẳng và suôn không cần Rejoice, chải mãi không xù. Nó bèn lục lọi tìm chai keo vuốt tóc, với hy vọng để kiểu đầu dựng từng rất hot hồi năm ngoái. Nó vừa ngân nga vừa vuốt. Một lát sau, đầu của nó nhìn chẳng khác gì một con nhím: những miếng tóc bị nó túm vào nhau dính cứng ngắc lại thành những cây kim khổng lồ, cái chĩa lên, cái cắm xuống. Ít ra để kiểu đầu này thì không ai dám đánh lên đầu nó vì sợ lủng tay. 

Quang ngồi trên thành giường, cố gắng học bài một cách cần mẫn. Nhưng khi hắn ngước lên cho đỡ nhức mắt và bắt gặp Khánh loay hoay thì hắn lăn ra cười ngất, dộng tay xuống giường ình ình muốn văng lò xò ra ngoài. Nó bực bội, quăng chai keo ở đó, đi đùng đùng vào nhà tắm, xả nước thiệt lớn. Lát sau, Quang thấy nó đi ra, đầu tóc chèm nhẹp, quấn cái khăn to lên đầu như mấy ông Hồi giáo. Nó giận dỗi ngồi phịch xuống, tay lại táy máy cái điện thoại, đọc tin nhắn. Mới tuần trước nó nạp cả trăm ngàn, thế mà không hiểu nhắn tin gọi điện thế nào lại gần hết rồi, thật là bực bội quá đi. 

Nó ngồi dậy, lấy một cây lược khác, răng thưa hơn, rồi chải lại cho đàng hoàng. Xong nó tập cười đủ kiểu trước kiếng. Chợt nó nhận ra một điều.

Hình như nó đã thay đổi nhanh quá. Chính nó còn không nhận ra nó. Nó đã cao hơn một mét sáu từ khi nào không hay. Những nét con nít trên mặt nó dần biến mất, mắt nó rộng ra, chân mày nó xếch lên. Má nó không còn bầu bĩnh nữa, tóc nó lòa xòa hơn trước. Mũi nó cao hơn, khắc cho nó chút góc cạnh của một thằng con trai mới lớn. Nó mỉm cười với hình bóng nó trong gương, và tự nhận ra, hình như nó đẹp trai lên thì phải!

Hài lòng cực độ với ý nghĩ đó, nó mặc chiếc áo khoác mới toanh vào, mượn không xin phép Quang một cái kết màu lông chuột, và nhảy chân sáo ra khỏi phòng.

Quang ôm cuốn sách Văn, tụng một cách ngao ngán. Hắn đương lăn qua, lăn lại trên giường thì thấy lưng cồm cộm, bèn ngồi bật dậy và thấy thằng Khánh hậu đậu đã bỏ quên cái di động ở nhà. Hắn cầm cái điện thoại lên, lật qua, lật lại. Chà. Cái thằng sao mà ngựa vậy. Nó dán vỏ điện thoại màu xanh lơ mi nơ, dán một mớ sticker đủ thứ hình từ con mèo Hello Kitty, con Pikachu tới hình mấy con girl mắt đỏ tóc hồng trong manga. Chả ra làm sao. Nhưng hắn mỉm cười khi thấy cái điện thoại của nó có gắn con cáo nhồi bông bé xíu mà hắn tặng hồi trước. Chao. Khánh tốt quá. Nếu là hắn, chắc hắn chẳng dám lại gần cái thằng Quang bệnh hoạn, huống hồ…

“Nói dối! Nói dối! Nói dối!...”

Quang giật nảy mình.

“Nói dối làm tim tan nát, nói dối làm trái tim đau. Khi đã yêu nhau trong đời, khi đã tin yêu thật rồi, tại sao tại sao tại sao? Tại sao anh lại nói dối? Vì sao vì sao vì sao? Vì sao anh lại dối em? Anh có biết em yêu nhiều lắm không?...”

Mèn ơi. Thêm một cái kinh dị của thằng lùn Khánh nữa. Cái bài nhạc chuông điện thoại của nó muốn rởn da gà luôn hà. Mà lại là chuông tin nhắn nữa mới ác chứ - phải như chuông điện thoại thì chỉ có 40 giây thôi, còn nếu là chuông tin nhắn thì nó sẽ hát cho hết bài luôn. Quang bịt chặt lỗ tai để không một nốt nhạc kinh dị nào chui được vào tai hắn nữa, nhưng nó cứ hát hoài làm hắn phát điên lên. Cuối cùng, mất bình tĩnh, hắn mở khóa ra và vô tình mở luôn tin nhắn của Khánh.

“Chết cha rồi… Làm sao đây ta?”

Hắn gãi đầu, bứt tóc.

“Hay thôi… lỡ rồi. Đọc luôn! He he… Về xin lỗi rồi xạo xạo là không cố tình là được chứ gì! Ai mượn cưng bỏ điện thoại ở nhà! Nên thân quá!”

Tin nhắn đó là của một thằng cha căng chú kiết nào đó tên Thế Duy. Èo. Chả có gì thú vị.

“Uhm, vậy nha nhóc.”

Hắn tò mò hơn về những tin nhắn khác mà thằng Khánh đã nhắn cả ngày kia. Nhưng đương lúc hắn đang bấm bấm thì có ai đó gọi đến, và vô tình một cú bấm của hắn được máy điện thoại hiểu là nhận cuộc gọi. Thế là:

“A lô. Khánh phải không em?”

Một giọng Bắc khàn khàn, xa lạ cất lên từ bên kia đầu dây. Quang lúng túng:

“Ơ… dạ dạ bạn Khánh đi công chuyện, bỏ quên điện thoại ở nhà rồi. Có gì không anh, để em nhắn lại cho nó.”

“À không. Chẳng qua anh muốn gọi vậy thôi. Thế Khánh đi đâu vậy em?”

Quang bực dọc, nói thẳng:

“Nó đi chơi với gái rồi.”

Đầu dây bên kia im lặng một lát.

“Chừng nào Khánh về vậy em?”

“Em không biết. Có thể đến khuya nó mới về.”

“Vậy ư. Cho anh hỏi nhé, em có phải là Quang không?”

“Dạ, đúng em. Chi vậy anh?”

“Khánh có nhắc rất nhiều về em. Không ngày nào câu chuyện của anh và cậu ý không có tên em trong đó cả. Em thân với Khánh lắm nhỉ?”

“…Dạ cũng có thể nói vậy.”

“Có khi nào Khánh nhắc tới anh không em?”

“Ơ… xin lỗi… nhưng mà em chưa biết tên anh.”

“À. Anh là Thế Duy. Vậy ra Khánh không nhắc tới anh với em bao giờ à?”

“Dạ không.”

“Chậc. Quang này. Đôi lúc anh ước gì anh được là em đấy. Thôi anh gác máy nhé.”

Bíp… bíp…

Quang gập máy của Khánh lại. Nghĩ thế nào, hắn lại lôi ra, xóa tin nhắn của Thế Duy và cả chi tiết cuộc gọi của cậu ta. Hắn vừa đặt cái điện thoại xuống giường thì cửa mở toang ra, Khánh chạy hồng hộc vào, tóm lấy cái máy, và vọt đi, còn kịp quăng lại một câu:

“Sao hồi nãy bạn không đưa mình điện thoại hả? Hả hả hả?”

Nó kéo tai hắn một cái, và co giò chạy.

Quang mỉm cười. Thằng Khánh đáng yêu thế.

Tiết trời cuối năm se lạnh làm Linh kéo cao phéc-mơ-tuya áo khoác, lâu lâu lại xát hai bàn tay vào nhau. Nhỏ ngồi trên băng đá trong sân ký túc xá, nhìn một cách lơ đãng về phía dãy phòng nam sinh. Thi thoảng một làn gió đông thổi nhè nhẹ làm mái tóc dài của nhỏ bay bay, khiến nhỏ cứ phải chỉnh lại cái băng đô cài thưa trên tóc. Chốc chốc, Linh lại nhìn đồng hồ, và len lén thở một hơi không dài không vắn.

Khánh chạy ào tới, ngồi xuống băng đá, đưa cho nhỏ một ly sữa bắp:

“Xin lỗi Linh nha! Khánh phải sắp hàng nên tới hơi trễ! Nè, Linh uống thử đi. Ngon lắm á. Cái này Khánh uống hoài luôn. Rẻ lắm, có năm ngàn một ly hà.”

Linh cầm ly nước lên và hớp thử một hơi. Ngọt ngất. Bói không ra mùi bắp.

“À Linh nè, muốn ăn gì nữa không? Mình đi mua cho ha.”

“Thôi khỏi. Khánh không cần làm vậy đâu. Nhiêu đây là tốt lắm rồi.”

Hai đứa bắt đầu nhìn nhau. Cười. Xong quay đi chỗ khác. Rồi nhìn nhau tiếp. Rồi cười. Theo thiển ý của Khánh thì đó quả là một cảnh lãng mạn ghê gớm lắm. Cuối cùng, cái miệng kéo da non của nó cũng thấy cần phải nói gì đó. Nó lựa đại đề tài:

“Ở trong trường Linh thân nhất với ai?”

“Uhm nhiều lắm. Nhật Linh nè, Phương Vy nè, Thảo Trang nè… Khánh biết mấy bạn đó không?” 

“Biết chứ. Khánh đi ăn chè với tụi nó hoài. Á, không. Ý Khánh là… ờ lâu lâu mới đi. Uhm… ờ chắc hai ba năm gì đi một lần…”

“Hì hì. Khánh nói chuyện nghe tếu ghê. Mới vô học chưa tròn năm mà. Vậy Khánh thì sao? Khánh thân nhất với ai?”

“Chắc là… Linh biết Quang lớp trưởng lớp Khánh không? Nó là bạn thân nhất của Khánh đó.”

“Khánh chơi với Quang bao lâu rồi?”

“Quen từ hồi mới lên đây thôi. Nhưng Quang tốt lắm.”

“Linh thấy Khánh lúc này ít đi chung với Quang mà.”

“… Ừ, gặp nhau ở nhà chưa đủ hay sao?”

Hai đứa im lặng một chút. Chiều cuối đông đang đổ xuống dần dần. Linh bắt đầu thấy ngượng ngùng khi ngồi cạnh Khánh. Nhỏ len lén nhìn những nét điển trai trên mặt Khánh, trong khi nó đang cố gắng bẻ thử mấy ngón tay xem có men lì thêm miếng nào không.

“Ui da! Đau quá…”

Linh bụm miệng cười, rồi cầm ngón tay Khánh lên xem xét:

“Khánh bẻ chi vậy? Không quen là dễ trật khớp lắm đó. Chết, có phải sưng rồi không?”

Thằng Khánh vội giật ra, giũ giũ:

“Đâu có gì đâu, Linh đừng có lo ra!”

Nhỏ giựt ngón tay nó lại:

“Không được, sưng là nguy hiểm lắm đó!”

Chẳng hiểu làm thế nào mà Khánh nắm tay Linh một cái. Nhỏ cắn môi.

Hai bạn trẻ của chúng ta đâu có biết rằng dưới băng đá có một cái điện thoại di động đang thực hiện cuộc gọi Freetalk, và ở trên một góc cửa sổ xa xa tuốt lầu ba, có một cái ống nhòm chĩa ra một cách chăm chú. Nhà quan sát nhếch mép một cái, giở ống nhòm ra, gục mặt vào tay, làm dấu, và bắt đầu đọc một bài kinh xa lạ…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro