lá thư thứ nhất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quảng Trị, ngày...tháng 3 năm 19xx

Gửi em, Thành của anh.

Nhận được cái thư này em chắc cũng đã nguôi giận rồi hen. Anh đi cũng đột ngột quá, tối hôm trước ghi danh tòng quân xong, kịp về nói với ba má một tiếng là sáng sớm khăn gói đi ngay. Còn không kịp qua nhắn cho em nữa. Khi nào anh về, anh đạp xe chở em đi ăn bánh bèo bà Năm, đừng giận anh nữa nghen.

Lần đầu tiên anh được đi xe vận tải đó Thành, đi dằn xóc quá trời quá đất, anh mệt lả người. Chỗ tụi anh tập kết là ở Quảng Trị, anh chỉ huy nói vậy, ngày đầu tiên đã phải vào dựng lán trong rừng. Trèo lên cây nhìn ra xung quanh, bọn Tây ném bom ác liệt thiệt chớ, có mảng đất trên đồi bị san phẳng cây cối chết trụi, trơ rễ hết. Nhưng mà Thành đừng có lo cho anh, anh vẫn ổn.

Thành ở nhà lâu lâu nhớ sang nhà ba má anh, anh không biết bao lâu mới được biên thư về, nhắc chừng cho ba má với em khỏi lo ngóng. Anh ở chung với các anh em khác ai nấy cũng thiệt thà tốt bụng hết, mọi người cũng toàn dân ở xứ mình, vài người ở Phú Yên, Bình Định nữa. Mấy ngày đầu nói nghe anh hổng hiểu gì hết trơn, mà lâu mau có khi anh về lại nói giọng miền Trung hổng chừng.

Đi xa hơn cái xã mình một chút anh đã thấy nhớ, huống gì giờ chắc đã xa lắc cả trăm cây số. Mà thiệt tình thì nhớ em vẫn là nhiều. Anh đi vội quá không nhắn nhủ cái gì, đằng sau nhà anh có tỉa chậu bông hồng định đem sang nhà em mà không kịp, Thành khuân về để bên nhà em nha. Còn cái xe đạp của anh, Thành thích thì cứ đem về chạy chứ ba má anh cũng không có xài. Không biết anh còn nhớ thiếu gì nữa không, thôi tạm thời là vậy đi nhen.

Thành ở nhà, nhớ tự coi sóc sức khỏe, đi đâu nhớ đội mũ chứ đừng có đi dang nắng nữa, về đổ bệnh ra anh Minh xót lắm. Ăn uống đủ bữa nè, có đi chơi sang xóm bên thì nhớ về sớm, giờ anh không có ở nhà không có ai rước, bị bọn xóm trên rượt đánh là anh không có chịu trách nhiệm đâu.

Cho anh gửi lời thăm ba má anh, ba má em, cô chú trong xóm.

Nhớ thương Thành nhiều.

Anh Minh.

-----

Kiên Giang, ngày...tháng 5 năm 19xx

Anh Minh thương.

Em nhận thư của anh liền hồi âm ngay, ngót nghét từ lúc anh đi cũng đã một tháng rưỡi. Em cũng hết giận rồi, anh nhớ giữ gìn sức khỏe, hòa bình xong anh nhớ về sớm còn đặng trả nợ em chầu bánh bèo bà Năm.

Ba má anh vẫn khỏe hết, em vẫn luôn luôn qua thăm nom hai bác, anh cứ an lòng mà ra trận. Chậu hồng em đem về giờ đã ra nụ đỏ rồi, thấy em chăm giỏi ghê hông.

Từ cái hôm cán bộ xuống ghi tên tòng quân, giờ dưới xã mình thi đua tăng gia sản xuất hậu cần cho tiền tuyến đó anh. Mấy công ruộng từ hồi anh đi, ba má anh trao lại cho chi bộ để chia lại cho mấy cô bác khác mần. Ổng bả nói với em ruộng đất có thằng Minh thì còn giữ, nó đi rồi thì để cho xã bộ. Còn giữ mỗi cái mảnh vườn sau nhà trồng bầu với mướp. Phần nhà em ba má cứ sợ chiến tranh tới vùng này, đòi bán hết đất ruộng chuyển sang xứ khác. Giờ tình hình ác liệt, ở đâu cũng vậy chi bằng mình cứ vững lòng phía mặt trận mới chiến đấu được. Nên em cũng nói ra nói vô dữ lắm, ba má mới chịu chia đất lại cho xã. Anh thấy không, em cũng biết tính toán đâu ra đó lắm đa mà anh cứ chê em hoài.

Em vẫn khỏe, dạo này em cũng không xuống xóm bên đi chơi như hồi trước đâu. Không có anh nên em cứ thấy thiếu thiếu sao đó, không có ai rủ em đi hái dừa nấu chè hay trưa dang nắng đi câu nữa, cũng không có ai đạp xe chở em đi coi tuồng dưới huyện. Mà biết sao được, bây chừ tình hình đã không phải thời bình, em cũng biết vậy nên nhớ vậy thôi chứ em không có sướt mướt lệ thủy như bọn con gái đâu, đừng có ghẹo em.

Dưới xã mình lâu lâu cũng có tin vài người thoát li đi bộ đội, em thấy mình cũng trai tráng mà sức vóc thua kém không đi bộ đội được, thấy thua thiệt anh quá. Nên em đang tính xin vô xã làm công văn, coi như cũng góp sức cho nước nhà mà anh hen.

Thư cũng dài rồi, anh ráng giữ sức khỏe đặng còn đánh giặc, cho em gửi lời thăm các anh ở đơn vị của anh luôn nha.

Thành.

A/N: mình sẽ có một chương giải thích các phương ngữ vùng miền đã sử dụng trong fic. Ngoài ra mình mạn phép sử dụng tên Minh thay cho Dân để gần gũi với plot hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro