34. Đa Nhân Cách

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đêm hôm đó, tôi ôm phòng vệ sinh cả thảy là ba lần.

Cho tới tận lúc trở về ngôi nhà yêu dấu, vẫn chưa điều tra ra nguyên nhân cội nguồn là từ thịt rán, cà muối, hay bắp cải xào?

Bố tôi đang gọt bưởi trước hiên nhà thưa nắng, thấy con trai lớn lò dò bước vào cửa thì mắt sáng như sao, bỏ cả nửa quả bưởi đang bóc dở để chạy vào trong.  Vài giây sau xuất hiện với cái tông đơ quen thuộc.

Thôi xong rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa.

Từ ca hát, làm thơ rồi họa sĩ vẽ vời, bố đang dần chuyển hướng đam mê sang một lĩnh vực nghệ thuật mới. Nói văn vẻ thì là chuyên gia tạo mẫu tóc, còn đơn giản thì chính là cạo-đầu-con-trai.


"Anh Longgg"


Đấy, nhìn đi! Nhìn cái đầu trọc lốc như hòn bi lăn của Lý Mân Hưởng - thằng con út của bố tôi đi!!! May là lông mày nó mỏng, chứ dày thêm tí nữa thì nom có khác gì cu Shin bút chì không?!

Một lần bị Du Thái cười nhạo là quá đủ, tôi thà chết cũng phải bảo vệ đống tóc nuôi mãi mới dài này. Lòng hừng hực một khí thế cảm tử cho lông tóc quyết sinh, vừa quay đầu toan bỏ chạy thì bắt gặp mẫu hậu đại nhân đứng chặn ngay cổng, hai tay là túi to túi nhỏ thịt cá rau củ.


"Mẹ ơi, anh Long về rồi!"


Hưởng Sâu Đo lao đến cầm tay tôi lôi lôi kéo kéo. Thấy bố đang lăm le cái tông đơ ở phía trước, tôi bèn sợ hãi ngoái đầu nhìn mẹ cầu cứu. Tiếc là, người chẳng thương tôi nhiều như tôi vẫn tưởng, chỉ lạnh lùng hất cằm:


"Xa nhà có một tháng giời mà vừa đen vừa gầy, nhìn mãi không ra. Lên phòng thay đồ đi. Còn ông kia, cầm cái tông đơ làm gì đấy, mau lại đây rửa cá, nấu cơm."


Bố có vẻ nuối tiếc, kẹp đồ nghề vào nách, chân tiến về phía mẹ lấy túi thức ăn mà mắt vẫn không thôi nhìn theo tôi.


Nhiều ngày không gặp, Hưởng nói nhiều hơn hẳn. Nó cứ luôn mồm về việc bố đã cạo đầu chú tiệm cơm như nào, Kim Đông Vĩnh bị lừa hớt đi một mảng tóc ra sao. Rồi thì thằng nhóc Đông Hách trèo cây trộm xoài bị chó cắn, Hoàng Nhân Tuấn thi bơi với Đế Nỗ bị Tại Mẫn đứng trên bờ gom hết quần áo ném đi.. 

Tôi nằm thẳng cẳng trên cái giường bao lâu thương nhớ, mắt lim dim hưởng thụ cảm giác êm ái thân thuộc, câu được câu mất nghe Hưởng kể chuyện. Con Thỏ tiệm cơm thông minh như thế mà vẫn bị bố tôi cạo đầu. Phải công nhận, pháp lực của bố càng ngày càng cao cường, không sớm thì muộn cả khu phố này sẽ bị bố tôi xử lý hết. Sau đó tiếp tục lan lên con phố trên, vươn tới nhà Lý gia võ tộc, rồi chẳng mấy chốc Mười của tôi cũng bị bố mang ra xử đẹp mất.

Hốt hoảng với suy nghĩ vừa hiện ra, tôi bật tách dậy. Mặc kệ thằng em vẫn đang thao thao bất tuyệt mà chạy một mạch sang nhà sát vách.


Từ hồi đầu phố có cái ngân hàng quốc dân, tiệm cơm nhà Đông Vĩnh đông khách lên hẳn. Công nhân viên tấp nập tới ăn. Chưa kể, cô chú Kim còn sáng chế ra món củ đậu xào thịt bò vừa lạ vừa ngon khiến lượng khách kéo đến ngày một tăng. Vĩnh phụ việc không xuể. Điển hình như hiện tại, tôi đã đứng khoanh tay ở trước cửa tiệm được chục phút rồi mà cậu ta vẫn chưa thể ngóc đầu lên để chạy đến với tôi được. Kết quả là, tôi đành tự giác đi thẳng lên phòng cậu ta, an phận ngồi chờ.

Nửa tiếng sau, Vĩnh xuất hiện. Câu đầu tiên cậu ta nói:


"Nhà tớ chắc phải tuyển thêm người."


Câu thứ hai, sau khi đã lau mồ hôi và ngẩng đầu lên nhìn tôi, cậu ta hỏi:


"Sao vừa đen vừa xấu thế kia?"


Cái loài ác ôn. Tôi dí nắm đấm vào mặt con Thỏ, làu bàu chửi. Cứ thử ngày nào cũng dãi nắng dưới thao trường đi, xem có trắng trẻo được không? Đi quân sự mà cậu ta cứ làm như tôi đi nghỉ mát, nghỉ dưỡng không bằng.

Chửi xong, tôi liền lập tức đi vào việc chính. Chỉ tay vào cái mái thưa nham nhở bên cụp bên xòe của Vĩnh mà than thở về chứng cuồng cắt tóc tạo mẫu của bố tôi. Vĩnh có vẻ cũng đau đầu về chuyện này. Cậu ta trầm ngâm một lúc rồi bảo, hay là giấu tiệt cái tông đơ đi. Tôi nghe xong bèn xua tay không tán thành. Mất cái này bố sẽ mua cái khác. Chẳng ăn thua. Vĩnh lại bảo, thế tìm thú vui mới cho bố xem, ví dụ như đánh đàn. Tôi kiên quyết lắc đầu, bố tôi mà chơi nhạc cụ thì chắc loạn phố.

Mà nhắc đến đánh đàn tôi lại nhớ tới Trịnh Tại Hiền. Tối hôm cuối cùng ở khu quân sự, hắn trầm mặc đến lạ. Thật ra họ Trịnh vốn chẳng hay nhiều lời, tôi còn nhớ gần một kỳ học đầu tiên ngồi cạnh, tôi và hắn cũng chỉ nói với nhau có dăm ba câu xã giao trước khi nổ ra chiến tranh vũ trụ.

Song sự trầm mặc lúc ấy so với cái trầm mặc của buổi tối ngày hôm đó không giống nhau.

Thất vọng và chán ghét chính là hai thứ rõ nhất mà tôi có thể cảm nhận được qua đôi con ngươi ngập những tâm tư sâu kín, sau khi bị tôi vạch trần về trận đánh nhau trong con hẻm cũ. Rồi hắn chẳng nói thêm lời nào, kể cả cho tới lúc tiểu đội tạm biệt nhau xuống xe, vẫn im lìm như thóc, khiến tôi rõ ràng từ một người chiếu trên bỗng chẳng hiểu vì sao lại như tụt lùi xuống chiếu dưới.

Đem chuyện ra kể với Vĩnh. Cậu ta vừa uống cái thứ nước ngai ngái màu cam dị hợm, vừa chăm chú lắng nghe. Cuối cùng đánh chốt một câu:


"Thằng đấy tâm sinh lý dường như có vấn đề, Long đừng chơi với nó nữa."


Tôi đưa nốt cốc nước cà rốt của mình cho Vĩnh, gật đầu tán thành. Nếu con Thỏ biết được toàn bộ sự việc diễn ra giữa tôi và Trịnh Tại Hiền ở khu quân sự, chắc hẳn sẽ không còn hai từ 'dường như' xuất hiện trong câu nói trên.


 .


Nghỉ ở nhà được hai tuần, tôi lại cắp ba lô lên vai, cưỡi ngựa sắt tới trường tề tựu với thầy cô bạn bè. Truyền thống ở các trường công lập thời ấy là vậy. Tháng chín khai giảng nhưng đầu tháng tám đã mở cổng đón học sinh vào với châm ngôn ôn lại kiến thức năm học cũ và tiếp cận tri thức năm học mới.

Đã cùng nhau trải qua một năm lớp mười, cộng thêm một tháng quân sự nằm gai nếm mật, chia ngọt sẻ bùi, lớp chúng tôi trở nên thân thiết hơn hẳn. Điển hình như lớp phó học tập Hoàng Mân Hiền với lớp phó văn thể mỹ Ông Thành Vũ, năm trước còn đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì một cái giẻ lau bảng, ngay ngày đầu tiên gặp lại đã choàng vai bá cổ rủ nhau ăn xôi xéo trước cổng trường. Hay như Từ Anh Hạo, ngày trước mặt lúc nào cũng song song với trần nhà, nay đã biết đưa cái hàm xuống song song với mặt đất mà chào hỏi cười nói đáp lại mọi người.

Năm nay chúng tôi vẫn học ở phòng học cũ, thầy chủ nhiệm bước vào lớp ôm theo cái cặp táp quen thuộc. Một năm trôi qua đầu thầy vẫn hói và bụng thì chưa hề bớt béo tròn, nâng cặp kính lên nhìn một lượt đủ năm mươi mạng cả trai lẫn gái,  thầy nghiêm túc hỏi:


"Cả lớp, có muốn đổi chỗ không?"


Qua ba giây im lặng, ồ ạt các loại âm thanh cao trầm, trong đục, thanh khàn vang lên. Thầy nghe một lúc vẫn không hiểu chúng tôi rốt cuộc muốn nói 'không' hay nói 'có', bèn kêu lớp trưởng Thái Nhất lên làm phiếu khảo sát. 

Cẩn thận kéo cạp quần tới gần nách cho ống đỡ quét lê, anh Nhất tuân theo thánh chỉ bước lên bục giảng, tay không quên cầm theo một tập giấy nhớ để làm phiếu thăm.

Hiện tại bàn tôi đang có năm người, so với các bạn bàn bốn thì quả thật có chút không thoải mái. Có điều, cá nhân tôi vẫn luôn thích ngồi cuối, bây giờ chọn chuyển chỗ lại sợ sẽ bị xếp lên trên. Ngồi gần Trịnh Tại Hiền tất nhiên chẳng có gì tốt đẹp. Nhưng bên cạnh có Du Thái tâm đầu ý hợp thì lại không đến nỗi tệ. Tôi cứ vậy đắn đo mãi chưa biết quyết định ra sao. Đảo mắt qua trái, Trịnh Tại Hiền đã viết xong từ lâu, đang dùng đầu ngón tay thon dài miết lại vết gấp tờ thăm, chờ anh Nhất ôm thùng phiếu xuống để bỏ vào. Đảo mắt qua phải, Thái và Hạo đang thay nhau vẽ mấy trái tim méo mó vào mẩu giấy nhớ với chữ 'KHÔNG' to đùng, rồi tự cười hihi haha như những kẻ tâm thần. Thấy tôi nhìn, Hạo vươn tay giật lấy tờ thăm của tôi rồi tự hí hoáy viết vẽ lên trên.

Tôi tính bảo, ông đây muốn viết 'Có', nhưng sợ bị đập hội đồng nên đành ngậm miệng nhìn theo trân trối.

Kết quả chung cuộc, tỉ lệ chọn 'Không' chiếm áp đảo với ba mươi lăm trên tổng số năm mươi phiếu bầu. Tôi thầm nhủ, dù mình chọn gì cũng chẳng thể ảnh hưởng đến đại cục. Cuối cùng thì đâu vẫn hoàn đấy thôi.

Tan học, Hạo rủ cả bàn năm người đi ăn bánh xèo ở quán hắn ta mới khám phá ra. Nghe bảo, ngon tái tê lòng người. Anh Nhất lưỡng lự nói, mình phải đi làm thêm, không tham gia được. Khi bị hỏi đó là công việc gì, anh chỉ ậm ừ bảo:


"Bưng bê hàng cơm thôi, không có gì đặc sắc. Hôm nay là buổi đầu tiên." 


Hạo nghe vậy thì trầm ngâm một lúc rồi tặc lưỡi nói, để hôm nào đông đủ thì cùng đi ăn cho vui. Sau đó giải tán, ai về nhà người nấy.

Đạp xe giữa tiết trời ban trưa ngày hạ, áo sơ mi mỏng không che nổi cái nắng nóng sau lưng. Tôi cắn răng guồng chân thật nhanh, mong sức gió tạo ra thổi mát đi phần nào sự khó chịu trên da thịt, cả cái bức bối như mọc u nhọt trong lòng.

Trịnh Tại Hiền, một buổi hôm nay, không mở miệng nói chuyện với tôi câu nào, ngay cả liếc mắt cũng không. Tưởng như tên khốn hay trêu chọc tôi ở khu quân sự, với tên khốn ngồi cùng bàn là hai họ Trịnh khác nhau. Hoặc có lẽ hắn bị đa nhân cách. Đông Vĩnh nói đúng, tâm sinh lý bất bình thường như vậy, tôi tốt nhất không nên đụng vào. Nhưng cảm giác khó chịu chẳng hiểu sao vẫn âm ỉ trong người, không cách nào giải thoát. 

Mà vừa nghĩ tới Vĩnh, đã thấy xa xa thấp thoáng bóng dáng con Thỏ đang khua khoắng loạn xạ trước cổng nhà. Tôi nhíu mày thắc mắc, giờ này đang là cao điểm bên tiệm cơm, cậu ta không đi giúp bố mẹ còn rảnh rỗi đứng giữa đường múa may cái gì?

Tôi cố gắng tăng tốc độ đạp, phi nhanh tới chỗ Vĩnh. Vừa đến nơi, còn chưa kịp mở mồm ra hỏi, đã bị hai bàn tay khẳng khiu túm chặt. Cặp mắt xếch ngược nhìn tôi chằm chằm..


"Biết tin gì chưa?"


Tôi toan la lên khi bị móng vuốt con thỏ cứa vào bắp tay, song đối diện với bộ mặt khẩn trương gấp gáp đến lạ của cậu ta, lời không thốt ra được, chỉ biết ngơ ngác lắc đầu.


"Lý Mười.. Lý Mười thi vào trường cậu. Đỗ rồi.. Nghe bảo cuối tuần này sẽ làm thủ tục nhập học."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro