Phai Màu - Oneshot

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Idea gốc bộ này nằm trên Wordpress của mình.

Lưu ý trước khi đọc:
- Câu chuyện của hai nhân vật chính là chuyện cũ, chỉ được kể lại qua góc độ người ngoài cuộc.
- Lấy bối cảnh Việt Nam nên dùng tên tiếng Việt. Ngoại trừ họ tên của Jaehyun và một số tên tiếng Việt vốn đã phổ biến trước đó như Nam, Minh, Hải, Lạc,..., toàn bộ tên còn lại đều do mình tự nghĩ và không có sự sao chép của người khác.
- Có dựa vào một sự kiện lịch sử, nhưng mình chỉ nhờ cột mốc ấy làm nền cho câu chuyện, còn lại sẽ không chính xác, kể cả tên các quân hàm trong quân đội phần nhiều do mình tự suy ra, có sai sót gì mong mọi người bỏ qua giúp mình :(((((
- Oneshot lần này dài kỷ lục nhất trong số các oneshot mình từng viết (hơn 14.000 từ), nên các bấy bì hãy enjoy vào lúc nào rảnh rỗi nhất để không ảnh hưởng đến cảm xúc nhé.

Buổi trưa hè nóng nực, ve sầu rền rĩ kêu rôm rả trên các tán lá ngọn cây, nắng không chiếu đến đầu nhưng lại tạo thành bầu không khí oi bức muốn nghẹt thở. Thằng Thành ban đầu còn nằm ngoan ngoãn cạnh ba nó trên bộ phản gỗ mát rượi, giây sau đã nhổm phắt đầu dậy, lồm cồm lén lút bò qua dưới chân ba nó, chuồn êm ra khỏi buồng. Chân nó giẫm lên nền đất mát lạnh, phóng như bay ra hàng rào bên hông căn nhà nhỏ gạt chân chống chiếc xe đạp cũ màu đỏ rồi lượn mất hút.

Thành ngó nghiêng, ánh mắt hững hờ đảo khắp đường làng. Mới về quê chưa được bao tháng mà nó đã quậy tưng bừng lối xóm: tối ngày xách ná thun đi bắn chim, đạp xe long nhong với tụi nhỏ trong khu; thỉnh thoảng đầu têu đi trèo cây hái trộm mấy quả xoài chua hay khế chát, lâu lâu còn ngó được ngọn táo xanh cũng ráng lăn lê bò toài men theo mép hồ nhà người ta vặt cho được. Bà Diệu là chủ nhà bị nó vặt trộm trái, tức lắm mà mãi không tóm được đuôi thằng bé. Có một lần bà để cửa mở, vô tình đi trộn phân bón cây chộp được chân nó đang đu lủng lẳng trên thân cây xoài nhà bà. Bà thì la lối inh ỏi khắp con đường làng, còn thằng Thành leo lên rõ cao cũng chẳng dám nhảy từ trên ấy xuống, cuối cùng bị ba nó cho một trận quắn đít vì tội ăn cắp của nhà người ta.

"Ba mày cho mày về đây nghỉ hè để thăm ông bà, chứ không phải để mày đi tiếp thêm mấy thói xấu của tụi nít ranh đó vào đầu, ha!!"

Mỗi lần ba nó rít lên, cái roi mây lại vụt xuống mông nó một cái. Mẹ nó xót con nhưng lại dè chồng, chỉ đến khi bà nội đi chợ về thở dài ra can ngăn, Thành mới thoát được một kiếp roi mây đau như thể chết đi sống lại, mông đỏ hằn lên mấy vệt to tướng rõ bắt mắt.

Hết dám đi làm trò "mất dạy" như lời ba nó nói, Thành chuyển qua tia cậu cháu trai quý tử nhà bà Diệu.

Thằng bé chẳng nói rõ tên nó bao giờ, ai hỏi cũng bảo con tên Lạc. Thành cũng chẳng biết tên mình đầy đủ là gì, nhưng tên nó và tên cậu nhóc này ghép với nhau lại giống tên một hãng bánh kẹo bán dưới thị trấn, nghĩ đến đấy Thành cảm thấy vừa vui vừa thích. Trẻ con dù sao cũng là đám nhóc tì dễ vui dễ buồn. Trôi qua vài ngày kể từ sau trận đòn, Thành hay đi đạp xe sang nhà các ông các bà quen thân ăn ké trái cây hơn. Và cũng nhờ mấy chuyến vi vu thế này, nó gặp Lạc ở nhà bà Bình vào một chiều nắng đổ chói chang, khi nó đi đưa xôi trắng bà nội mới nấu xuống biếu, còn Lạc đang chơi cùng đứa cháu khác của bà.

Lạc xinh xắn đáng yêu cực kỳ. Thằng Thành đã thấy nó trắng lắm, gần như nhất trường rồi, nhưng gặp Lạc xong nó nhận ra da nó chắc chỉ trắng được một nửa Lạc. Cậu chàng lớn hơn nó vài tháng, nhưng không mấy lanh lợi bằng. Thành ngồi nói chuyện làm quen rồi dụ khị vài ba câu, Lạc đã hớn hở đồng ý gọi nó bằng anh, giọng trẻ con cao vút còn non nớt mềm mỏng làm tim thằng Thành chộn rộn như quả bóng cao su kêu bem bép của cái Tí sau nhà. Thành hỏi Lạc không sợ thiệt hay sao mà gọi nó bằng anh dễ dàng vậy, nhưng đáp lại là cái nghiêng đầu chớp mắt đầy ngây thơ và một câu trả lời nhẹ bẫng.

"Tại anh Thành cao hơn, mà cao hơn thì phải là anh chớ?"

Tim Thành lại rộn ràng nữa rồi. Lạc đáng yêu lắm, chàng ta dễ thương, ngoan ngoãn nghe lời, suốt ngày gọi nó là anh, thỉnh thoảng lại xụ mặt làm nũng để được đạp cái xe đạp người lớn của nó. Tiếc là không phải con cháu trong nhà thằng Thành, chứ không ngày nào nó cũng tìm Lạc để chơi cùng, chán chán lại lấy tay vo tròn cái má bầu bĩnh như hai cục bột đắp lên mặt của Lạc rồi xuýt xoa âm thầm sao mềm dữ vậy. Nó mà giống mấy cô mấy dì, khéo bây giờ mặt của Lạc mòn dần dưới mấy cái hôn chùn chụt của nó mất. Thành cứ nghĩ về quê vui lắm, nhưng về rồi mới thấy ngoài cây cỏ đồng ruộng, lúa non lúa chín lúa nếp đòng đòng với cái chợ quê đông đúc họp xuyên suốt mùa hè ra thì chẳng còn gì thú vị. Mấy trò lêu lổng với bọn con nít đã bị ba nó cấm tiệt, nó có muốn cũng không dám chống lệnh. Cũng may, sự xuất hiện của Lạc hệt như một làn nước mát mới mẻ len lỏi trong kỳ nghỉ đầy kỳ thú, khiến Thành đột nhiên ngộ ra rằng hoá ra mùa hè cũng không còn nhàm chán như nó nghĩ nữa.

Hôm nay, Thành trốn ngủ trưa, xách chiếc xe đạp nhong nhong chạy sang nhà bà Diệu. Sân nhà vắng tanh, con chó đang nằm trong sân nhác bóng người lập tức xồ tới, nhưng nhận ra đó là Thành thì chuyển sang khịt mũi vẫy tít cái đuôi mừng rỡ. Lạc cũng nghe tiếng động, trông thấy bạn mình đứng ngay ngoài cổng thì nhanh chóng đội cái mũ xô nâu đậm và mặc áo khoác, vỗ về con chó nhà mình không chui ra ngoài rồi nhảy lên ngồi ôm chặt Thành trên yên sau, để nó chở mình đi bon bon qua các rặng tre trúc ven đường làng, nhấp nhô lên xuống một cây cầu bắc ngang con sông lớn, dừng chân ngay cạnh dòng suối nhỏ cách nhà hai đứa không quá xa.

"Lần trước anh Hải bảo ở đây có kho báu đấy!"

"Nhưng mà anh Nam bảo anh Hải bịp chuyện mà?" Lạc cắn móng tay, lo lắng hỏi.

"Cậu không biết gì hết, anh Minh cũng bảo có đấy. Anh Nam thích anh Minh mà, ảnh có kêu không có mà anh Minh bảo có thì ảnh cũng phải chịu thua thôi."

"Th- thế nếu em bảo không có, anh... anh Thành có chịu thua không?"

Thành định gắt chưa xem thử làm sao mà biết, nhưng trông thấy vẻ mặt sợ sệt của Lạc, đoán chừng là cậu chàng e dè mấy người lớn trong xóm, cuối cùng đành xoa đầu.

"Có tớ bảo kê rồi, không sao đâu, nhé?"

Lò dò theo cái bản đồ lén sao chép được của anh Minh mấy ngày trước ngồi vẽ ra vị trí kho báu, Thành hớn hở kéo Lạc đi theo mình sang tận cuối dòng của con suối, thế nhưng khi đến nơi thì đứng ngẩn tò te.

Hoá ra lúc nãy vì đi gấp, Thành quên béng đống đồ nghề ở nhà. Bây giờ mà quay về lấy thì nó cũng không bị ăn đòn – dù sao ba nó không quản chặt chuyện ngủ trưa – nhưng anh Hải nhà bên mà thấy kiểu gì cũng một hai đòi đi theo, mà nó thì đang muốn giấu kho báu này một mình không cho ai khác biết ngoài Lạc, kể cả với anh Nam và anh Minh, mặc dù cái bản đồ nó đang cầm là hàng sao chép lại từ mấy ông anh này.

Cuối cùng, hai đứa không hiểu mò đâu ra một cây cuốc cũ rỉ sắt sứt mẻ tùm lum, hì hụi thay phiên nhau cuốc xuống đất. Thực chất chủ yếu là Thành cuốc, còn Lạc đứng kế bên vừa cổ vũ vừa thông báo tình hình đất xới sâu đến đâu. Thành nhìn bàn tay trắng nõn xinh xắn của Lạc một lúc rất lâu, cuối cùng quyết định không cho Lạc làm. Có một lúc chàng ta nài nỉ nó dữ quá, Thành cũng mềm lòng để bạn cầm tay vào. Nhưng Lạc còn công tử hơn nó, cuốc đúng hai cái đã méo mặt vứt qua một bên, lòng bàn tay đỏ ửng thành vệt dài trên nền da trắng muốt rất bắt mắt, làm thằng Thành xót không chịu nổi.

Hì hụi có đến hơn nửa tiếng (có lẽ vậy, dù sao bọn trẻ cũng không có đồng hồ bên mình lúc này), cú vung cuốc cuối cùng của Thành cũng va phải một vật gì đó cứng ngắc. Hai đứa nhóc kinh ngạc nhìn nhau, vội vàng quỳ hẳn xuống dùng tay bới loạn xạ. Lại qua thêm một lúc lâu, cuối cùng một cái hòm gỗ dày được lôi lên mặt đất. Cái hòm không quá to, nhưng nặng trịch, phải ba bốn đứa khoẻ cỡ thằng Thành mới kham nổi. Sự vụ che giấu cuối cùng cũng thất bại, Thành tiu nghỉu để Lạc chạy đi gọi các anh lớn đến phụ mình khiêng về.

Năm đứa nhóc không ai bảo ai, xúm vào như đàn kiến nhặt được mồi bưng cái hòm đi. Vừa đặt chân lên đường, Nam đã bảo mọi người đứng đợi nó lấp cái hố vừa đào để không bị nghi ngờ, còn thận trọng quăng cái cuốc đi thật xa, rơi thẳng xuống lòng suối. Hôm nay phiên chợ không họp nên đường trong xóm vắng tanh, cũng chẳng có bọn trẻ con ra chơi như mọi khi. Tụi nhỏ không bị ai bắt gặp suốt cả quãng đường, mau mắn đem được cái hòm về đến sân sau rộng rãi của nhà thằng Thành an toàn.

Lúc khiêng về đến nơi, mười cái cẳng chân đứng dạng ra vây thành vòng tròn xung quanh cái hòm. Đứa nào cũng tò mò, muốn mở ra xem bên trong có gì gần chết, nhưng cuối cùng chỉ biết nhìn chằm chằm như đang đợi chờ một tinh thần dũng cảm đứng lên, xung phong dẫn đầu mở hòm khám phá.

"Mày mở đi Hải!" Lừng khừng có đến mười lăm phút, Minh khịt mũi đẩy thằng Hải ra hứng mũi chịu sào.

"Mắc gì tao phải mở?" Hải trợn mắt. Thành cảm nhận được Lạc đang sợ, bàn tay cậu chàng túm chặt vạt áo khoác dính đầy bụi cát của Thành, nó nhanh chóng vòng tay ra sau vỗ nhẹ lên lưng Lạc.

"Anh Hải từ từ thôi, Lạc sợ đấy."

"Gớm nữa, công tử bột, có tí thôi đã sợ." Hải gườm gườm, nhưng không có vẻ gì là quá khó chịu. "Nhìn anh mày đây này, bổ rìu bổ búa một nhát là tan tành cái hòm này ngay, ai như hai đứa con nít chúng bây, cả tiếng đồng hồ đào có mô đất thôi cũng không xong."

Thành đuối thế, đành mím môi giương mắt nhìn người anh lớn làm mẫu. Hải túm lấy cái rìu sắt trong đống đồ nghề cạnh bụi chuối, đứng vào chỗ hít thở lấy thế cực kỳ oai phong, vung tay lên bổ một nhát thật mạnh.

Không hề bị sứt mẻ miếng nào.

Ba giây sau, Nam phụt cười. Hải nổi khùng thiếu điều xông vào đấm hắn, bị Minh túm vội tay lại.

"Ai bảo mày chưa làm đã ba hoa khoác lác?" Nam cầm cái rìu trên tay Hải. "Tránh hết ra đi, không văng vào người lại khổ."

Nam cũng bổ đúng một nhát, cái khóa sắt nặng trịch lập tức bị vỡ đôi, mảnh sắt bắn tứ tung trong khoảng sân trống, rơi lộp bộp xuống đất cát bay loạn xạ bụi mù. Ba đứa nhỏ còn lại lập tức đứng vỗ tay cổ vũ đầy hớn hở, mỗi Hải bĩu môi càu nhàu.

"Chẳng qua tao bổ trước cho một nhát rồi nên mới dễ thế, không thì có cái mà ăn sẵn ra đấy chắc?"

Nhưng chẳng ai buồn đáp lại. Bốn đứa nhóc xúm vào mở nắp hòm gỗ, hớn hở như những tên nhóc cướp biển tí hon đang tranh phần chiến lợi phẩm. Bên trong đầy những món đồ cũ, từ bình nước, dây thắt lưng da, vỏ bọc của một thứ gì đấy có ghi chữ lương khô ở trên, cây bút máy, hai cái áo cũ sờn mà Hải nói trông nó giống cái áo đi lính cũ rích của ông nó. Bọn trẻ lấy từng món ra xem, vừa ngắm nghía tò mò vừa nghịch ngợm không ngừng. Lạc còn thó được cái áo từ tay Nam, chìa sang muốn cho Thành mặc thử tại thấy thằng bé cứ nhìn vào cái áo mãi.

Thành cảm kích cầm lấy, hớn hở tròng vội vào người. Nó không to con, nhưng cao nhất bọn, thành ra mặc lên có cảm giác vừa vặn hơn. Ống tay áo dài gần nửa cánh tay khẳng khiu của nó, còn vạt áo đã dài phủ qua mông. Minh để ý đầu tiên, huýt sáo kéo tay hai đứa bạn quay sang nhìn. Lạc còn lăng xăng giúp Thành xắn tay áo lên, đóng thùng sơ-vin bên dưới, chỉnh lại sống vai cho thẳng thớm, làm Hải đột nhiên liên tưởng đến hình ảnh mẹ nó ở nhà cũng từng hay chỉnh áo cho bố nó thế này, bất giác quay đầu đi chớp chớp mắt.

"Oách đấy, chú tiểu con." Nam cười hề hề vỗ vai Thành bồm bộp.

"Đeo quân hàm này thì phải là cấp chỉ huy chứ? Một... hai... hai sao này, còn có gạch nữa, gì vậy nhỉ?" Minh níu vai Thành xuống để nhìn cho được.

Hải nghiêng đầu nhìn theo. "Mẹ tao bảo hai sao là Trung, hai gạch là Tá, ghép lại là Trung Tá. Cấp này không cao lắm, nhưng mà cũng có chức vị đàng hoàng đấy."

Nam reo lên. "Áo có đề tên này!"

Năm cái đầu xúm vào nhìn, chắn cả ánh nắng trưa gay gắt soi sáng trên đỉnh đầu. Huy hiệu tên cũ sờn không nhìn rõ lắm, làm thằng Minh phải gầm lên.

"Chúng mày tránh hết ra xem nào! Cứ thế này ánh sáng đâu mà nhìn?"

Trong cái giỏ đi câu cá của Nam vẫn còn đọng ít nước sông. Không cần biết sạch bẩn thế nào, Minh đổ thẳng ra lớp vải có cái huy hiệu, cọ xát bề mặt vào nhau để sạch hơn. Thành sợ ướt bên trong nên đứng thụt lùi ra sau, vẫn bị Minh lôi về để chà huy hiệu. Chữ được thêu bằng chỉ mỏng màu trắng dần hiện lên, cái tên ba từ dần hiển thị một cách rõ ràng.

Trịnh Gia Huy.

Mặt sau cũng có chữ, tuy nhiên bé hơn khá nhiều, còn được may dính sát với nhau: Thiếu Úy – Đại đội phó đội Bảy.

"Trịnh Gia Huy?" Nam thắc mắc. "Sao nghe tên giống tên ông Huy nhà thằng Thành ấy nhỉ?"

Minh đột nhiên đổi giọng. "Thành, họ tên mày là gì?"

"Trịnh- Trịnh Gia Thành-" Nó lúng búng, cố trấn tĩnh để nói thêm. "Nhưng ông em mất lâu rồi, bà bảo đồ đạc của ông cũng đem đốt đem chôn hết để ông cầm theo rồi, sao còn ở đây được?"

Lạc kinh ngạc hô lên. "Họ tên của anh Thành với ông anh Thành khác nhau mỗi cái tên thôi này!"

"Cái đó ai chẳng biết, thằng công tử." Hải lầm bầm. "Quan trọng là tại sao lại vậy? Đồ người chết phải đốt đi chứ không để thế này được, toàn điềm xui thôi. Có khi nào không phải của ông thằng Thành thật không?"

Bỗng có tiếng xe hơi từ ngoài cổng dội vào, động cơ nổ thêm một lúc rồi dừng lại. Thành bán tín bán nghi chạy ra trước, vừa trông thấy cái xe to con bảy chỗ màu đen bóng thì reo lên đầy vui vẻ.

"Anh Trang!"

Chàng thanh niên vừa bước khỏi xe và đặt chân xuống con đường nâu đất đá vừa nghe tiếng kêu đầy vui mừng đã nhanh chóng ngẩng lên. Mặc dù vẫn đeo kính râm, đôi môi mỉm cười cũng hoan hỉ không kém cho thấy anh chàng đang vui y như đứa em mình. Thành nhảy cẫng lên để anh Trang bế, hai anh em gặp nhau mừng như vớ được vàng, đứng ôm nhau cho đến khi bà nội nghe huyên náo ngoài sân ra xem mới thôi.

Nam giật nhẹ ống tay áo bộ đội cũ sờn Thành vẫn mặc trên người, rụt rè hỏi. "Ai đấy?"

"Anh trai của em, anh ruột đấy ạ!" Thành vui không kiềm được, hớn hở giới thiệu từng người. "Anh, đây là các anh trong xóm, bạn của em. Anh Nam, anh Minh, anh Hải, còn đây là bạn Lạc, bọn em sinh cách nhau vài tháng thôi, nhưng bạn hiền mà dễ thương nữa."

Mấy đứa nhỏ ngại người lớn lạ mặt không dám nói nhiều, Trang cũng tinh ý không quá vồn vã, chỉ mỉm cười chào lại từng đứa cùng cái vỗ nhẹ lên tóc. Bà nội đi đến, rưng rưng ôm lấy đứa cháu lớn lâu lắm mới về thăm nhà, xúc động không nói nên lời. Thành nhìn anh Trang giờ đã cao hơn bà rất nhiều, không hiểu sao nó cũng thấy sống mũi cay cay.

"Thôi, đi chơi tiếp đi, mình còn chưa xem xong cái hòm nữa." Hải thì thầm nhắc nhở.

"Thôi, bọn em đi chơi nhé ạ." Thành nhún nhảy không ngừng. "Anh Trang có mang chocolate về cho em không?"

"Anh có mua này, anh Hữu cũng mua cho em nữa đấy." Trang chỉ tay ra sau. "Chơi thêm lát nữa thôi nhé, rồi vào nhà. Trời này rong nắng nhiều lại lăn đùng ra ốm thì khổ."

"Một tí nữa thôi ạ." Thành chưa kịp nói xong câu đã bị bàn tay bé xíu của Lạc kéo đi mất. Nhưng xem chừng cu cậu cũng ham vui, không cằn nhằn kêu ca gì mà chỉ la oai oái nói bạn lôi mình đi từ từ thôi.

Buổi tối ở làng quê vốn tĩnh lặng, vào những ngày rằm Âm lịch trăng tròn treo lơ lửng trên cao, gió mát thổi không ngừng càng làm tăng sự vắng vẻ tịch mịch. Đường làng vắng hoe không bóng người, chỉ có những cái đèn bóng tròn sau này cải cách đã được treo lên, nương nhờ mấy cây cột điện đu lủng lẳng chiếu sáng từng đoạn đường ngắn cách nhau gần chục sải chân. Thỉnh thoảng lại có một hai người đạp xe chở cây lúa đã gặt chưa kịp tách vỏ chất thành đống cao sau lưng đi về phía nhà máy; lại có các bà ở nhà khác tối đến rủ nhau đi ra ngoài tản bộ hóng mát, thấy nhà ai sáng đèn lại vừa vẫy tay vừa ới lên một câu xã giao thân thiện. Thành ngồi ngoài vườn ăn kẹo, tận hưởng cuộc sống mùa hè mỹ mãn hiếm có trước khi cu cậu chính thức lên cấp hai, trở thành người nhớn trong mắt ba mẹ và bà.

"Làm gì thừ cả người ra thế?" Anh Trang đột ngột xuất hiện sau lưng, tay cầm túi sữa chua đông đá mẹ làm gặm cho mát, cùng em trai ngắm cảnh làng quanh nhà lúc tối muộn.

Lúc chiều, khi chuẩn bị ra về, anh Minh cứ nằng nặc nhắc Thành phải nhớ hỏi lại bà nội xem có đúng là bà đã đốt hết đồ đạc của ông nội nó đi chưa. Mặc dù không tin lắm vào ma quỷ này nọ, cả Hải lẫn Minh đều nói để đồ của người chết trong nhà không may mắn tí nào, đâm ra Thành vẫn hơi sởn gai ốc.

"Anh Trang ơi."

"Ừ?"

"Ông nội mình mất lâu rồi nhỉ?" Nó ngập ngừng hỏi dò.

"Ừm, lâu rồi." Trang chép miệng. "Năm ông mất anh bằng tuổi em, tính tới giờ cũng hơn mười năm rồi đấy. Thế mà anh chưa bao giờ ra mộ thăm ông cả, nghe không phải phép cho lắm nhỉ?"

"Đâu có." Thành hơi giật mình. "Anh thương ông nhất, em biết mà."

Trang nghe thấy thế, quay sang nhìn em trai, mỉm cười nhẹ nhàng. "Thành cũng thương ông mà, đúng không?"

"Ò." Nó mím môi, nhìn loanh quanh ra ngoài. Tiếng ve sầu bắt đầu kéo cưa trên xà nhà gỗ, hòa tấu với tiếng gió thổi thành một bản nhạc dù hơi chói tai nhưng vẫn có phần êm ả. "Nhưng bố mẹ chưa bao giờ cho em ra thăm mộ ông hết, không biết ông có biết em thương ông không nữa?"

"Tất cả những người thân yêu sẽ mãi mãi bên cạnh chúng ta, cho dù họ còn sống hay không." Trang đăm chiêu, gói sữa chua đá tan chảy thành nước đọng bên ngoài, chảy xuống lòng bàn tay rồi khuỷu tay anh. "Nên em có thương ông tất nhiên ông sẽ biết rồi, không phải lo đâu nào."

Thành ngước mắt nhìn Trang. Ở người anh ruột này có điều gì đó bí ẩn mà nó không hiểu được. Biết rằng bản thân vẫn còn là một đứa trẻ, nhưng trong lòng nó luôn sốt ruột chờ đợi đến ngày mình trưởng thành hơn để nhớ lại và hiểu những gì đã xảy ra vào hôm nay, rằng có câu chuyện bí ẩn nào đằng sau đó không? Thành chợt nhớ đến cái hòm, và thỏ thẻ hỏi anh mình.

"Anh Trang, anh Hải cạnh nhà mình nói là, mỗi khi có ai chết đi, mình sẽ phải đốt những món đồ của họ để họ có thể cầm theo, có đúng không ạ?"

"Còn tùy vào tôn giáo và tín ngưỡng từng nhà, nhưng thường thì họ chỉ đem đi chôn cùng thôi, đốt lên không tốt cho môi trường đâu." Trang vuốt tóc nó. "Sao tự nhiên nhóc Hải lại nhắc đến chuyện này thế?"

Trông thấy Thành có vẻ ngập ngừng, Trang thử hỏi thăm. "Hôm nay mấy đứa tìm thấy cái gì à?"

Vài phút sau, Thành kéo tay anh mình đến vườn chuối sau nhà, hì hụi lôi cái hòm ra chỉ cho anh xem.

Trang khó hiểu nhìn em mình. Bình thường Thành không hay tham gia vào mấy trò đào kho báu hay này nọ vì thằng bé ngại làm bẩn quần áo. Mặc dù nhìn có vẻ rất thích tham gia vào các hoạt động trèo đèo lội suối, nhưng Thành vẫn không chơi các trò liên quan đến đất cát. Sợ ba nó chỉ là một lý do, chủ yếu vẫn do Thành không thoải mái khi phải lăn lê bò toài ngoài trời. Trang mở nắp hòm, bên trong toàn những di vật của một người lính, bình nước, đài radio cũ, cái bật lửa,..., nhưng phải đến lúc nhìn thấy cái tên trên chiếc áo lính Thành lấy ra mà Trang đã thấy nó mặc lúc chào anh chiều nay, anh mới hiểu em trai muốn nói với mình điều gì.

"Em..." Trang ngạc nhiên.

"Bọn em tìm thấy cùng với cái hòm." Thành mếu máo. "Em lỡ mặc nó lên rồi, em không biết có phải của ông không nữa. Em có bị gì không anh? Ông có hiện hồn về rồi mắng em không anh? Em sợ lắm!"

Trang phì cười, xoa đầu em trai trấn an. Mặc dù tên phù hiệu ghi rõ "Trịnh Gia Huy", Trang cũng không quá chắc chắn về việc chủ nhân chiếc áo này có thật là của ông nội mình hay không. Anh để lại cái áo vào hòm, cùng Thành cất nó về cái hốc cũ vừa đủ đặt hòm và phủ một đống rơm rạ lên trên che đi. Hai anh em nghe tiếng gọi thì giật bắn mình vội vàng chạy về chỗ cổng nhà, ngay trước khi ba xuất hiện sau hai lần gọi anh em nó để nhắc nhở sáng ngày kia ở nhà phụ bà nội làm tiệc giỗ ông.

Buổi tối trước khi đi ngủ, Trang hỏi ba mình có biết gì về những di vật của ông nội không. Anh nói dối vì sắp tới có một bài luận dài nghiên cứu về lịch sử, muốn mượn chúng để làm tài liệu tham khảo.

"Có thể bà biết đấy, ba cũng không rõ lắm. Nhưng bình thường chẳng ai đi giữ di vật làm gì, toàn chôn theo thôi. Phải là người mang nặng tình cảm nghĩa tình mới có nguyện vọng muốn giữ. Ba có ảnh cũ của ông trong phòng ngủ đấy, trên tủ quần áo, con muốn cứ lấy mà xem rồi dùng, có gì cần thì hỏi ba cũng được."

Ba bảo bây giờ Thành đã lớn rồi, nên muốn đưa nó ra mộ ông cùng gia đình.

Lần đầu được đi thăm mộ ông nội, chàng ta phấn khích không chịu được. Buổi trưa vừa lùa xong miếng cơm cuối, nó húp vội muỗng nước canh rau muống dầm sấu chua chua cho trôi họng, cuống quýt lấy xe đạp chạy sang nhà bà Diệu đi khoe với bạn Lạc, còn chở theo Lạc chạy đi khoe oang oang với ba ông anh thân thiết của nó.

Năm đứa trẻ họp nhau bên nhà thằng Hải. Ông hắn đã lên thị trấn từ sáng sớm để đi thăm bạn, qua hôm sau mới về. Hải lấy một ít kẹo sâm của ông trong tủ, vểnh hết mặt mũi đem ra đãi các bạn. Ngoại trừ Nam và Minh ham của ngon vật lạ, ăn xong khen lấy khen để, Lạc không thích kẹo sâm vì vị nó khá kỳ lạ, còn Thành đã ngửi mùi này đến phát ngán từ sau lần anh Trang mua một đống về trữ trong nhà để đem đi chúc Tết với ba dịp đầu năm.

"Nhưng mà vẫn chưa biết được mấy cái đồ trong hòm có đúng là của ông mày không cơ?" Hải chun mũi.

"Anh Trang với ba em cũng chẳng biết gì, mai em định hỏi bà."

"Không được." Nam lập tức lắc đầu. "Mày còn trẻ con nên chắc chắn bà sẽ không trả lời đâu. Mày bảo anh Trang hỏi ấy. Anh Trang là người lớn mà."

Thành gật đầu tán thành, rồi mấy đứa nhóc lại rơi vào trầm ngâm. Ngoài sân, nắng vàng ươm màu bắp vừa luộc chín. Có mấy chú gà trống giương mào đỏ chói đi diễu một cách đỏm dáng trước cửa, kêu "cục cục" không ngừng. Hải lội vào trong nhà lấy túi thóc con con đổ gần đầy, đem ra ngoài cho mọi người cùng rải để gà ăn. Lạc cũng muốn tham gia nhưng nó ngại thằng Hải lại cằn cọc khó chịu. Chỉ có điều lần này Hải lại vẫy tay gọi nó, còn chỉ nó cách hất thóc làm sao cho gà bu lại gần mình nhất. Lạc thích thú vẩy thóc mấy lần, còn được chạm vào mấy chú chíp chíp còn bé tí chạy lon ton làm nó suýt hét toáng lên vì phấn khích.

Nam bảo thằng này nhìn mồm hỗn với sống hơi lỗi tí thôi, nhưng tâm nó thiện, chẳng tức giận cái gì hay với ai quá lâu bao giờ; Minh lại nói lâu lâu thằng Hải lên cơn, bây đừng để ý làm gì.

Còn thằng Hải thì cho rằng cả hai đứa kia đều dở hơi như nhau?!

"Nhưng tao tò mò chuyện nhà thằng Thành thật." Đợi đến khi mẹ Thành sang gọi nó về để phụ bà chuẩn bị đồ nấu giỗ ông, còn Lạc chạy theo để Thành chở về nhà, Hải mới tựa người vào khung cửa gỗ, chép miệng mở chuyện. "Mẹ tao bảo ông tao với ông nó ngày xưa là bạn thân chí cốt, có nhiều điểm giống nhau lắm, mỗi tội đường tình duyên cũng trắc trở như nhau."

"Tao giống mày, tò mò vì nghĩ đằng sau cái hòm đó, hẳn sẽ phải còn rất nhiều điều để kể." Minh nằm kê đầu lên chân Nam, một tay không ngừng vuốt ve chú mèo lông vằn màu cam nhạt béo ú đang nằm phơi râu kế bên. Cái mặt con mèo được vuốt nom sướng tê cả tứ chi, chổng hết lên giời. Trên đầu Minh cũng đang có một bàn tay vuốt tóc nó, nhịp nhàng mềm mại, làm nó cũng nhắm mắt hưởng thụ đến là thích thú, thỉnh thoảng giơ tay còn lại lên chỉ chỉ. "Bên trái ấy, xích qua một tí."

Nam gật gật, ngoan ngoãn thay đổi chỗ vuốt tóc theo yêu cầu, cũng trầm giọng góp lời. "Mà nhìn nhóc Lạc có vẻ thích Thành phết đấy. Được cả thằng Thành ngày xưa nghịch nhà bà Diệu tung cả lên, giờ lại chuyển qua cun cút nghe lời như gì, tất cả cũng vì cháu bả."

Hải nằm ườn lên bụng Minh, cười hề hề. "Khéo lại như hai chúng mày đấy."

Minh nghe vậy, đôi mắt mèo trong veo ngước lên nhìn khuôn mặt với đôi mắt đã thành đường chỉ còn khóe miệng thì cong tớn lên, khẽ cười. "Được thế cũng hay mà, Nam nhỉ?"

"Ừ, mày nói gì cũng đúng."

Buổi tối ở nhà, Thành chơi vật lộn với anh trai đã đời thì nằm thở hổn hển, chần chừ mãi mới dám nhờ anh việc lúc chiều nó bàn với bọn nhóc.

"Sao em tò mò về chuyện của ông bà vậy?" Trang cười.

"Em... em vẫn sợ bị ông hỏi tội lắm." Thành lấy đại một lý do, làm bộ co rúm.

Nói vậy nhưng Trang giống Thành, cũng muốn biết câu chuyện cụ thể thế nào. Dù sao ngày xưa anh từng thấy một lần ông giấu một cái hộp trong tủ quần áo lúc còn bé tí, có móc khóa khắc hình hoa cúc trông rất hay. Sau đấy, anh từng cố tình lượn lờ quanh tủ để được nhìn trộm ông mở hộp ra xem bên trong có gì, nhưng tiếc là mỗi lần chuẩn bị mở hộp, ông sẽ khóa cửa phòng không cho ai vào. Nghĩ đi nghĩ lại, Trang cũng cảm thấy có một sợi dây mỏng manh liên kết toàn bộ những chuyện này với nhau.

Buổi sáng đầu tiên của chuỗi ngày giỗ, cả nhà Thành cùng đến mộ ông. Mùa hè ở thôn quê thường có mặt trời lên từ rất sớm, lúc bảy giờ nắng đã chiếu nóng cả tóc hai anh em.

"Hai đứa đi ra con sông gần đây lấy đầy hai gánh nước này về để rửa mộ, xong thì nhổ sạch cỏ xung quanh dọn vệ sinh, việc hôm nay chỉ có thế thôi." Bố buộc hai cái xô vào mỗi đầu của thanh gỗ thành đòn gánh, trông như mấy bà hay bán rong ngoài đường ở thành phố. "Bố với mẹ đi bày trước đồ cúng, còn bà cho gà với lợn ăn xong thì ra sau, lúc ấy cả nhà mình mới thắp hương cho ông."

Hai đứa nhỏ vâng dạ, răm rắp gánh xô rỗng đi lấy nước. Mặc dù còn nhỏ nhưng thể chất Thành rất tốt, cơ thể nó phát triển vượt trội nên không quá thấp so với anh hai mình. Còn Trang vốn học Y, nên anh cũng có sức khỏe khá nổi trội. Hì hụi suốt một buổi sáng, cuối cùng trước khi bà nội đến, xung quanh mộ ông đã được cọ rửa sạch sẽ tinh tươm.

Thắp hương xong, lúc cả nhà định cùng nhau quay về, bà nội lại để bố mẹ và Thành đi trước, kéo Trang đứng lại trước mộ ông với mình.

Mặc dù thấy hơi khó hiểu, Trang vẫn nghiêm túc đứng im một chỗ. Anh cứ nghĩ bà cần một người tâm sự về ông – dù sao lúc còn sống ông bà cũng rất thương nhau. Tuy đã mất rất lâu, mỗi lần có ai nhắc đến tên ông trong những lần kể chuyện xưa, anh vẫn thấy bà ngậm ngùi mãi không thôi.

"Bố mẹ cháu đi chưa?" Đột nhiên, bà lên tiếng hỏi.

Trang hơi giật mình, nhanh chóng đáp lời. "Đi hết rồi ạ, em Thành cũng đi theo luôn rồi."

Bà gật đầu, ra hiệu cho anh cầm theo hai gánh nước, sau đó dẫn đường đi trước tiến về hướng tay phải.

Đi một đoạn, vượt qua đám bông lau dàn thành một hàng rào lỏng, một khu những phần mộ khác hiện lên. Chỉ khác ở chỗ, phần mộ ở đây không xếp theo thứ tự ngay ngắn thành từng hàng như bên ngoài, làm Trang cũng không rõ có phải do sự khác biệt về khu phần mộ cho cựu chiến binh với dân thường hay không?

Bước thêm tầm chục bước chân, bà nội dừng trước một phần mộ nhỏ xíu, hay nói cách khác là một mô đất được dựng lên cùng một tấm bia đá phía sau để cho thành "mộ". Không có ảnh, cũng không có ngày tháng mất, chỉ có cái tên hai từ và năm sinh năm mất phía dưới, cách làm hệt như phần bia của ông nội, có điều sơ sài và thấp bé hơn hẳn.

Nguyễn Phan Nhật Tuấn.

Sinh:... – Mất:...

Bà nội quỳ xuống, cúi thấp đầu lạy một cái thật lâu mới ngẩng lên, thì thầm.

"Tôi xin lỗi, dạo này bận rộn nên không đến nhiều. Hôm nay tôi tranh thủ giỗ ông Huy, đến đây thăm ông một lát. Có hoa cúc, có bánh vừng, rồi cả trà đắng và một ít giấy viết chữ cũ của ông Huy mà tôi vẫn giữ đến giờ, chốc nữa tôi đốt cho ông nhé? Còn cả bút lông cũ ngày xưa ông Huy dùng để dạy ông học tôi cũng giữ, hôm nay tôi đốt luôn cho ông."

Bà nói đến đâu, mắt bà mờ nhòe đi vì nước mắt đến đó. Thấy Trang đứng sững sờ, bà cũng chỉ phẩy tay bảo anh đi lấy đầy một gánh nước về để tưới cây, đoạn lấy từ trong bọc giấy báo cầm theo một mớ hoa cúc nhí màu trắng nom khá xinh xắn, chia ra một phần nhỏ cắm trong lọ mang theo từ nhà, phần còn lại để trồng hai bên phần mô đất nhỏ.

Nhang khói nghi ngút bốc lên. Mùi quế, mùi bánh vừng, mùi cúc nhí trắng đong đưa trong gió, có cả hương đất và hương cỏ khô quyện với mùi gió thuần khiết thổi từ ngoài cánh đồng lúa cách đó không xa thổi vào. Trang lặng yên không nói gì, đầu gối tê rần vì quỳ lâu cũng không thấy mỏi. Anh nhìn trân trối vào phần mộ nhỏ trước mặt, đến nỗi bà mình đã đứng dậy từ lâu cũng chẳng để ý.

"Ông ấy từng là người ở nhà ông nội." Bà đỡ anh đứng dậy, giúp anh phủi cỏ khô bám trên đầu gối quần tây, nhẹ nhàng nhắc lại chuyện xưa bằng giọng điềm tĩnh. "Ông ấy hiền mà tốt tính lắm, gặp ai cũng tươi cười chào hỏi, già trẻ lớn bé trai gái gì cũng biết ông ấy là người ở tốt nhất nhà ông nội, khác xa so với những người còn lại."

"Ông của cháu, ông nội mình ấy, ông ấy... thương ông Tuấn lắm. Ông thương ông Tuấn đứt ruột đứt gan ra, thương đến mức... ngày xưa nếu không có bà, chắc chắn sẽ không có nổi thằng cha chúng bây chứ đừng nói chúng bây có mặt ở đây lúc này."

Trang không biết trong lòng mình là cảm xúc gì. Người ông mà anh vẫn luôn kính trọng và nể phục, luôn dành cho anh tình yêu thương vô bờ bến, lại là người không hề yêu người vợ chung chăn chung gối của mình trong suốt từng ấy năm?

"Ông nội... ông nội... có yêu bà không ạ?"

Anh không dám hỏi thẳng, lời nói ra chỉ có thể ngập ngừng mãi rồi chỉnh thành một cách hỏi khác.

"Ông có yêu chứ, ông yêu và quý bà lắm." Bà móm mém cười giữa làn nước mắt chưa kịp khô. "Nhưng chỉ thế thôi, chỉ yêu quý thôi, không có gì hơn nữa."

Bà ngẩng lên nhìn Trang, trông thấy ánh mắt anh bèn cười thật hiền giải thích thêm. "Không phải ông không yêu bà như cách những người khác sẽ làm với vợ mình, chỉ là yêu thương cả đời ông có được, ông đều dành trọn vẹn cho ông Tuấn rồi. Bà chậm quá, bà mất phần cũng dễ hiểu thôi mà. Cho đến khi trước lúc mất đi, ông vẫn tôn trọng và yêu quý bà như ngày nào, và bà vẫn thấy vui vì điều đó."

Nắng đã lên gần đỉnh đầu. Trang nhíu mày lấy cái nón lá treo trên làn mây cầm theo cho bà đội, còn mình cởi áo khoác choàng lên đầu. Tấm áo khoác rất rộng, phủ lên được cả đôi vai hãy còn hơi run của bà nội anh.

"Bà, sắp đến giờ cơm rồi, mình về nhé?"

Bà nội đứng lặng yên không nói, nhìn nấm mộ nhỏ như đang tâm sự không bằng lời mà bằng một phương thức đặc biệt nào khác. Vốn muốn hỏi chuyện cũ để biết thêm sự tình, nhưng nhìn bà mình hôm nay, Trang không thể nói thêm một câu nào nhắc lại chúng nữa, nhẹ nhàng dìu bà ra khỏi đám lau sậy trở về nhà sau cái gật đầu thật khẽ như sự chấp thuận có phần miễn cưỡng của bà.

"Buổi chiều mát giời, cháu quay lại đây đốt giấy với tiền vàng giúp bà. Bánh với trà cứ để đấy, hoa thì cắm xuống phần đất trống còn lại để nó mọc thêm."

"Cháu nhớ rồi ạ."

Trang tỉnh dậy giữa tiếng đồng hồ chim cúc cu cũ của ông đặt giữa gian chính, lật người nằm nghiêng trên tấm phản mát rượi đen tuyền với vẻ ngái ngủ.

Đã gần hai giờ chiều. Anh có ngủ lâu quá không nhỉ?

Mở điện thoại ra xem, anh nhận được thông báo tổng linh tinh từ tổng đài, các ứng dụng mạng xã hội, và từ một người đặc biệt có phần thông báo được hiện rõ ràng hẳn so với những cái khác, giúp anh đọc tin nhắn dễ dàng hơn.

"Bao giờ em về?"

Trang mủm mỉm cười, nhắn lại.

"Nhớ em à?"

Tin trả lời đến ngay tắp lự, và anh có thể tưởng tượng ra được đầu bên kia đang vừa nhún vai vừa chề môi một cách vui vẻ.

"Về đi còn tưới cây, em trồng nhiều quá anh không tưới hết đâu, cầm bình nặng trịch muốn gãy cả tay."

"Gãy tay thì em chữa cho anh."

"Anh cũng là bác sĩ đấy?"

"Không sao, nếu là anh Hữu thì làm khách hàng của em vẫn được, em bao che cho."

"Nỡm lắm ạ."

Trang bật cười thành tiếng. Đúng là vui hết nấc.

"Nói chứ cứ ở với bà đi, lâu lắm rồi chưa về nhà. Khi nào xong lên với anh cũng được."

"Yêu quá."

Trang gửi lại một dòng biểu tượng hoa lá cùng một mặt cười đặc trưng, rồi tắt điện thoại lồm cồm ngồi dậy đi loanh quanh trong nhà. Bà nội đã đến nhà bà Diệu chơi, nghe nói bà Diệu mới được con dâu đem trái cây lên thăm, nhiều quá ăn không hết nên rủ rê các bà trong xóm đến chia bớt. Thằng nhóc Thành lại không thấy đâu, Trang buồn cười nghĩ thầm, có khi tranh thủ đi ké với bà để được gặp bé Lạc rồi cũng nên.

Ba mẹ anh đã lên thị trấn thăm bạn cấp ba cũ. Trang lại lôi gói sữa chua đá dạo thêm một vòng trong nhà, bấy giờ mới nhớ ra ảnh của ông được ba để trong phòng ngủ, bèn tò mò đi vào xem.

Tủ quần áo phòng ba mẹ anh là tủ gỗ hai cánh đã rất cũ. Ngày xưa vì thỉnh thoảng không có gì làm, ông nội sẽ đi đóng đồ gỗ cho mọi người cùng dùng, cái tủ này cũng là một trong số đó. Mặc dù không học qua trường lớp, tay nghề của ông nội lại rất tốt, nhưng dù sao vạn vật cũng khó trường tồn theo thời gian. Khi mở tủ ra, tiếng ken két chói tai làm anh giật mình nhíu mày, cố hết sức mở bung cánh để có nhiều không gian tìm kiếm.

Đến lúc tìm được cái hộp, một giọng nhừa nhựa vang lên ngay cửa làm anh giật mình.

"Anh làm gì thế ạ?"

Thành đứng trước cửa phòng, ngáp ngắn ngáp dài, nhưng không có vẻ buồn ngủ. Nó nhác thấy món đồ trước chân anh mình, lập tức đóng cửa rồi nhảy nhót như chú chuột nhắt đến cạnh anh, trố mắt dòm.

"Gì đây ạ?"

Anh thở dài. "Ảnh cũ của ông nội. Lần trước anh thử hỏi ba, mượn mấy món đồ cũ của ông để làm tài liệu cho bài tập, ba bảo chỉ có ảnh thôi. Chiều giờ em đi đâu đấy?"

"Em đi với bà sang nhà bà Diệu. Lạc vừa ngủ rồi nên em về." Thành tò mò chạm vào mấy tấm ảnh trong hộp. "Sao anh không hỏi ba đồ của ông chôn ở đâu?"

"Hâm à? Nếu mà chôn thì chôn theo người mất, mình cũng đâu đào lên được? Mà hỏi thế ba nghe là biết mình có chuyện ngay, anh lại không muốn để ba biết."

Thành gật gù, môi hơi bĩu ra vì không đạt được mục đích. Nhưng nó cũng biết mình còn nhỏ, nên có thể có nhiều điều nó không hiểu được, cũng không thắc mắc thêm nữa.

Trong hộp có rất nhiều ảnh, lại không cài khóa, có thể mở ra xem bất kỳ lúc nào. Ảnh cỡ vừa hình chữ nhật chồng đống lên nhau, hỗn loạn lằng nhằng. Tấm nào cũng có bút tích ghi lại ngày tháng năm, nhưng đã bắt đầu nhòe đi theo thời gian. Trang lập tức lật ngược mặt sau, cùng Thành ngồi sắp xếp lại từng tấm theo dòng chảy quá khứ, mặc dù chính anh cũng không hiểu mình làm vậy để làm gì.

"Anh, tấm này khó đọc quá."

"Cái nào khó nhìn thì cứ để lại vào hộp đi."

Ảnh tập thể lớp cấp một đến cấp hai rồi cấp ba, ảnh đại học, ảnh đi làm, ảnh tụ tập, ảnh cưới hỏi, ảnh chụp gia đình, ảnh chụp với vợ và con, ảnh đi lính,... Trang kinh ngạc nhận ra ông chụp nhiều hơn anh tưởng, và có vẻ dường như mỗi cột mốc trong đời, ông đều có ít nhất năm tấm ảnh để lưu giữ chúng. Vì từ rất lâu về trước nên giấy ảnh mỏng tang, nét hơi nhòe, ảnh trắng đen hoặc nâu vàng chiếm đến quá nửa số lượng. Trang cẩn thận xếp lại từng tấm, nhận ra càng về sau, ảnh càng ít dần đi. Những tấm đi lính không nhiều, có thể nói là hiếm, chắc hẳn được người khác chụp cho. Trang đoán ảnh có được khi gửi kèm thư tay, vì cái hộp tưởng như chỉ có một tầng hóa ra có thể nhấc được tấm ngăn dưới đáy, lộ ra một tầng dưới có không gian rộng rãi khác chật ních những thư là thư.

"Ôi, còn có thư tay này!!" Thành kinh ngạc lấy ra một hai tấm ngắm nghía trên tay.

"Nhẹ thôi! Giấy cũng này cũ lắm rồi, mạnh tay quá là rách đấy." Trang hốt hoảng níu em mình ngồi hẳn xuống, cầm từng bìa thư một cách nâng niu, tìm xem có những ai là người gửi, ai là người nhận.

Từ: Thiếu úy Trịnh Gia Huy, Căn cứ điểm số Bảy.
Đến: Bà Phan Thị Thùy Vân, số nhà...

Từ: Thiếu úy Trịnh Gia Huy, Căn cứ điểm số Bảy.
Đến: Ông Trịnh Xuân Tích, số nhà...

Từ: Thiếu úy Trịnh Gia Huy, Căn cứ điểm số Bảy.
Đến: Dược sĩ Nguyễn Đông Doanh, Căn cứ điểm số Bốn.

Từ: Thiếu úy Trịnh Gia Huy, Căn cứ điểm số Bảy.
Đến: Thiếu úy Lê Thái Dung, Căn cứ điểm số Tám.

Từ: Thiếu úy Trịnh Gia Huy, Căn cứ điểm số Bảy.
Đến: Bác sĩ Trần Văn Sáng, Căn cứ điểm số Sáu.

Từ: Thiếu úy Trịnh Gia Huy, Căn cứ điểm số Bảy.
Đến: Thiếu úy Đoàn Gia Thành, Căn cứ điểm số Năm.

Từ: Thiếu úy Trịnh Gia Huy, Căn cứ điểm số Bảy.
Đến: Trung sĩ Lê Mạnh Khải, Căn cứ điểm số Sáu.

Từ: Thiếu úy Trịnh Gia Huy, Căn cứ điểm số Bảy.
Đến: Trung sĩ Trương Tấn Hạo, Căn cứ điểm số Hai.

...

Có rất nhiều người được ông nội gửi thư cho, nhưng trong số đó, lọt vào mắt một cái tên mà Trang nhận ra sự quen thuộc ngay lập tức. Một phần vì nó chiếm số nhiều, một phần vì anh đã từng thấy nó được khắc trên một tấm bia đá ngoài rìa bãi lau khi anh đi thăm mộ với bà sáng nay.

Từ: Thiếu úy Trịnh Gia Huy, Căn cứ điểm số Bảy.
Đến: Nguyễn Phan Nhật Tuấn, Chim chích nâu.

Nguyễn Phan Nhật Tuấn.

Cái tên ấy trải dài trong suốt gần một trăm ba mươi lá thư tay ở phần người nhận, không đi kèm với bất kỳ chức vụ nào, số căn cứ hay địa chỉ nhà như những lá thư khác, chỉ một biệt danh Chim chích nâu đầy vẻ hóm hỉnh đằng sau bốn từ. Hầu hết toàn bộ phong thư đã bị dán niêm phong, Trang có muốn cũng không thể mở ra xem. Anh cẩn thận mò mẫm một lúc, chỉ có bốn phong thư không bị dán mép, bên trong đều kẹp hai lá thư, có lẽ là thư gửi đi và thư hồi đáp. Anh nắn thử các phong thư khác, chiếu nó dưới ánh sáng để soi bên trong, quả nhiên cũng y hệt.

Lật lại mặt trước, trong bốn lá thư không niêm phong, có một lá thư gửi cho bà Vân là bà nội của họ, một lá gửi cho đồng chí Nguyễn Đông Doanh khác căn cứ, và hai lá còn lại của ông Nguyễn Phan Nhật Tuấn.

Đột nhiên đồng hồ trong nhà điểm đến bốn giờ. Ngón tay vừa định rút thư ra xem của Trang lập tức khựng lại, vẫn phải tiếc nuối tạm dừng công cuộc tìm hiểu ở đây. Anh gom hết ảnh và bốn lá thư cũ vào túi áo hoodie rộng thùng thình (thậm chí còn dư chỗ để được vài xấp giấy nhỏ giống vậy nữa), dọn dẹp sạch sẽ chỗ mình vừa bày bừa rồi cất đi.

"Tối nay bà bảo mình sang nhà bà Diệu ăn cơm." Thành chạy theo anh trai. "Bố mẹ đi ăn tiệc với bạn bè rồi, bà Diệu cũng muốn mời mọi người ở lại chơi lâu hơn chút nên bà dặn em về nói anh như vậy."

Trang cười. "Em cũng muốn đi mà đúng không?"

Xưa nay Thành vẫn là đứa hay thích trốn đi mỗi lần phải sang nhà ai khác ăn cơm cùng gia đình. Chỉ đơn giản là nó không thấy thoải mái, và Trang cũng vậy, nhưng dù sao anh đã lớn, không muốn cũng đành làm cho quen. Vành tai Thành ửng hồng, khuôn mặt nó cúi xuống từ từ và không kiềm được khóe miệng mình nhoẻn ra cười rạng rỡ (mà vẫn không lộ răng mới hay) ngay sau khi nghe câu hỏi của Trang. Anh lại cười, vỗ lên vai bảo nó cứ sang trước, chốc nữa đốt vàng mã cho ông xong anh sẽ đến ăn cơm.

Mặc dù không ai dặn, Trang vẫn đánh một đoạn đường xa hơn một chút để đến phần mộ của ông nội trước. Mộ của ông Tuấn nằm ngoài rìa nghĩa trang, gần bãi đỗ xe nhất, nhưng Trang vẫn đi vòng thêm một khúc cua để xem tình hình. Tiền vàng mã chưa đốt, hương đã cháy hết từ lâu. Anh ngó quanh quất, tìm được lò thiếc nhỏ để đốt tiền giấy, lấy thêm que cời lò bằng sắt lên chuẩn bị đốt.

Buổi chiều gần tối ở quê rất yên tĩnh lại không bị nóng bức dù đang giữa hè. Trang kéo một cục đá ngồi lên vừa cời lò vừa thả tiền giấy từ trên xuống rơi lả tả, ngắm tro tàn bay ra từ phần khe hở sau lò thiếc, bắt đầu ngâm nga một đoạn nhạc không rõ tên.

Khi anh xong việc ở chỗ ông nội, bước chân vừa đến gần chỗ mộ ông Tuấn, Trang đột nhiên thấy một cột khói đen nhỏ bốc lên ngay trước mô đất. Cỏ lau cao quá đầu người lại dày đặc làm che đi tình hình đằng sau. Trang sốt ruột len lỏi qua hàng cỏ lau, dừng chân khi nhìn thấy một ông lão cũng đang ngồi đốt tiền giấy trong cái lò thiếc nhỏ xíu hệt như cái anh vừa dùng. Mô đất của ông Tuấn đã được dọn sạch sẽ, bánh và trà còn nguyên, chỉ có hoa vẫn để trong cái lọ cao cổ, hiển nhiên người đến dọn trước anh không biết phải làm gì với nó.

Ông lão nhìn từ phía sau trông có vẻ già cỗi chậm chạp, nhưng tấm lưng rộng và vẫn thẳng, dáng ngồi mạnh mẽ trầm tư hệt như một cựu chiến binh về hưu. Que cời bằng sắt liên tục va vào thành lò kêu lộc cộc loong koong, ông cũng chỉ lẳng lặng tiếp tục đốt mớ tiền giấy, bàn tay thoăn thoắt vươn ra nhặt giấy từ mặt đất lên.

"Ai đó?"

Có lẽ tiếng bước chân đã làm ông lão chú ý. Trang mạnh dạn tiến đến, vẫn giữ một khoảng cách an toàn với ông, từ tốn đáp.

"Cháu là Trang, bà cháu nhờ cháu đến đây để dọn mộ ông Tuấn ạ."

Cánh tay hãy còn chuyển động của ông lão lập tức dừng lại. Ông từ từ quay lại với tốc độ mà Trang có thể cảm nhận được có sự gấp gáp phần nào trong đó. Ông quay lưng lại nhìn hẳn vào mắt anh, rồi chầm chậm nhìn một lượt từ trên xuống dưới, như thể ông khó tin được anh là một con người bằng xương bằng thịt thật, và có hay chăng ông còn nghĩ tuổi già rồi, không biết có lú lẫn gì không?

"Cậu là... cháu bà Vân?"

Trang lễ phép cúi đầu. "Đúng rồi ạ."

Ông lão khẽ gật gù tấm tắc. "Lớn rồi, lớn lắm rồi."

Đoạn, ông quay lại tiếp tục cời lò thiếc. Trôi qua vài giây, ông bỗng chỉ vào lọ hoa cúc nhí, hất hàm.

"Bà bảo trồng nó xuống đất đúng không?"

Anh sực tỉnh, mau mắn đáp một tiếng rồi đi làm việc của mình. Cây hoa ngắn nhưng vẫn còn rễ khiến anh nghĩ trồng thế này có khi nó vẫn sống được tốt là đằng khác. Ông lão đã đốt xong tiền vàng cho phần mộ ông Tuấn, đứng dậy vươn vai một cái, lúc này mới chìa tay ra chào hỏi.

"Lão là Dung, lão sống kế bên nhà cậu, trong đường dẫn vào đầu chợ chiều."

"À, cháu có biết ạ." Anh reo lên. "Bé Hải có phải cháu ông không ạ?"

"Ừ nó đấy, chơi với thằng em cậu đấy." Ông Dung phẩy phẩy tay. "Lúc mới về thì suốt ngày phá thôi, giờ cũng đỡ rồi, cũng may."

Trang dở khóc dở cười. Có lần anh nổi máu chọc thằng Thành, lỡ phát vào mông nó mạnh quá, làm vết thương từ roi mây lại nổi cơn đau khiến thằng bé nhảy tưng tưng khắp gian nhà. Lúc đầu anh còn tưởng nó bị con gì cắn để lại độc trong vết thương, khi biết em mình bị bố đánh cho một trận vì đủ tội chơi bời nghịch ngợm thì không khỏi phì cười.

"Đúng là cháu lão Huy nhỉ? Cường tráng, to cao, mặt mũi sáng sủa, ấy, đẹp trai thế này." Ông lão rờ khắp mặt khiến anh hơi choáng. "Mày y hệt ông mày con ạ, trông giống lắm, cái ngữ đào hoa rải từ đầu ngõ đến cuối đường, chẹp. Phải mà được tí gen lặn trông hiền hiền tẹo thì đã đỡ, đằng này... chẹp."

Anh lại cười trừ, tiếp tục làm việc của mình. Bỗng nhớ đến cái tên trong thư tay của ông nội, vừa trồng hoa xuống đất vừa dè dặt hỏi.

"Ông có phải là... bạn hồi chiến tranh của ông cháu không ạ?"

"Hồi xưa thì từ bạn chiến tranh sẽ được gọi là đồng chí, nhưng giờ giới trẻ khác xưa lắm rồi nên có khi cũng chẳng biết nữa đâu nhỉ?" Ông Dung cười khẩy. "Đúng rồi, lão là bạn thời chiến của ông Huy đấy. Sao, có gì muốn hỏi à?"

Nghe vậy, mắt Trang hơi sáng lên, nhưng sau đó thứ ánh sáng ấy nhanh chóng vụt tắt đi mất. Anh không rõ ông nội mình có kể gì về ông Tuấn cho ông Dung nghe không, càng không hiểu tại sao ông Dung cũng biết ông Tuấn mà đến đây giúp đốt tiền vàng mã vào giờ này.

Không nghe anh nói gì, ông Dung cũng chẳng hỏi lại, ung dung xử lý hết mớ giấy chất thành đống. Trang nhận ra trong phần sáng nay bà cháu anh để lại, có thêm một phần nữa y hệt, anh chắc mẩm là của ông Dung. Hai người chìm vào im lặng, ai làm việc nấy, mãi đến khi mặt trời chỉ còn một nửa trứng lòng đào mới thấy ông lão đứng dậy, vươn người sảng khoái rồi dùng tay không cầm vào thành lò thiếc vừa tắt lửa đem cất nó đi.

Lúc quay về, trông thấy ánh mắt kinh ngạc của Trang, ông chỉ nói qua loa.

"Hồi đi lính lão bị thương, giờ chỗ này chẳng cảm nhận được gì nữa, cầm đồ nóng không sợ bỏng mà lạnh cũng chẳng sợ cóng."

Đoạn, ông Dung quay người cúi đầu lẩm bẩm trước mộ "Nam mô A di đà Phật" ba cái, Trang cũng vội vàng làm theo. Xong hết, ông đứng thẳng người, hỏi một câu không đầu không cuối.

"Chốc có đi đâu không?"

Anh ngớ người, chậm chạp đáp. "Cháu... cháu không ạ."

"Thế tốt, lão có con cá kho tộ mới làm, kho cay đấy, ngon lắm, mà chả có ai nhắm cùng. Đằng ấy uống được bia rượu gì không nhẩy?"

"Cháu uống bia thôi ạ." Trang cười, nhanh nhẹn rảo bước theo chân ông Dung đang di chuyển ra khỏi bãi lau.

"Biết mà biết mà, ngữ mày hệt ông mày, gì cũng chơi được, khổ cái nhát, hiếm lắm mới thấy động được tí rượu, còn không lão năn nỉ gãy lưỡi cũng không rót nổi một giọt nào vào mồm." Ông Dung ra vẻ cằn nhằn nhưng miệng vẫn cười vui đến lạ.

"Hôm nay nghe nói bà mày sang nhà bà Diệu rồi, thôi đến ăn với lão, bình thường ngồi một mình cũng buồn."

Trang vừa nhắn tin thông báo cho em trai xong, ông Dung cũng mang cá kho tộ ra theo. Vừa mở vung đậy, mùi thơm nức mũi bay khắp nơi. Miếng cá cắt to vừa phải, thân cá nhỏ, được xếp khéo thành một lớp bên dưới lớp thịt ba chỉ mỡ màng. Màu nâu sáng sền sệt phủ lên cả phần thịt heo và cá có mùi hành tím cay cay, nước màu ngọt đắng lẫn nước dừa thanh mát, ớt ngâm thơm nồng và cả mùi hành lá xanh mới được cắt ngắn rải đều lên trước khi bắc nồi khỏi bếp.

Nồi cơm điện cũ kỹ được đặt trên một cái ghế nhựa con con, trong thùng bia chỉ còn vài lon cũng được ông Dung lấy ra để hết lên bàn, khui từng lon bắt đầu công cuộc chè chén. Trời dần tối đi, ông lão bèn đứng dậy đi mở đèn treo ngoài hiên nhà trước, sáng bừng lên một khu vực bàn ăn của hai ông cháu.

Vừa cụng lon, ông khà một hơi, chỉ ra ruộng lúa hãy còn trông ra được từ cửa nhờ chút ánh nắng chiều le lói sót lại, mở đầu câu chuyện.

"Ngày xưa, ruộng nhà ông mày cũng to, cũng rộng phải hơn một nửa cái chỗ ngoài ấy."

Trang nghiêng đầu, nhớ đến lúc nãy đi ngang cánh đồng mênh mông này, không khỏi cảm thán. "Rộng vậy ạ?"

"Rộng." Ông Dung gật đầu chắc nịch, tay bận rộn đảo cơm trong nồi cho tơi rồi xới cho cả hai ông cháu. "Rộng tít, tít tít tắp tắp ra đấy, sáng nào cũng... bao nhiêu nhỉ... chục hai chục người đi cấy ngoài đồng, trong đó có lão."

Anh đưa hai tay nhanh nhẹn đón lấy bát của mình, bất ngờ mở to mắt khi nghe đến đó. "Cháu tưởng ông là... bạn thân của ông cháu?"

Lão phất tay phân trần. "Thân thật, bọn này trong lớp chơi với nhau từ mấy năm đầu, chẳng qua nhà chả giàu, ông cụ nhà chả có tiền nên thuê nhiều người trong xóm làm cho. Nhà lão hồi ấy không nghèo, nhưng tiền đi học thì thiếu, đào đâu ra cái khoản ấy cho đủ?" Ông Dung lầm bầm. "Cụ Tích bố lão Huy tính hiền hòa, cụ thoải mái với mọi người lắm, không câu nệ chuyện quen hay không, miễn chăm chỉ thật thà là cụ chứa hết. Cụ có tính thương người, thương con, lúc nào cũng sống tích đức nên khắp làng xóm xa gần ai cũng quý."

Trang nhanh nhẹn đưa bát đón lấy một miếng cá kho còn đẫm nước sốt, vắt vẻo một hai miếng ớt xanh đỏ bên trên trông vô cùng đẹp mắt. Cắn một miếng vào miệng, thịt cá mềm ngọt như tan ra trên mặt lưỡi, hương vị chua mặn ngọt đậm đà thấm đẫm hương nguyên liệu tràn ngập khắp khoang miệng. Dù cắn phải miếng có ớt, thêm ít nhiều vị cay lên đầu lưỡi, Trang vẫn không ngừng xuýt xoa trước món cá kho mà ông Dung chỉ dùng từ tương đối ngon để tự miêu tả.

Trông thấy phản ứng của anh, ông lão hừm một tiếng vẻ khoái chí. "Sao? Được chứ hả?"

Anh lúng búng đáp lại một tiếng đầy mau mắn, không quên giơ lon cụng nhẹ với lão.

Mặt trời đã hoàn toàn khuất núi, nhưng ánh sáng chiều cuối ngày vẫn còn cố vương lại trên đường chân trời, làm bừng lên một góc bên ngoài đường làng. Ông Dung lấy một chiếc quạt cũ trong kho ra cắm điện, gió mát lập tức thổi đến thay cho gió chiều mới ngừng cách đây ít phút.

"Đồ nhà lão lão biết để đâu, tự làm cũng dễ hơn, mày cứ ăn đi, không cần để ý."

Hai người tiếp tục bữa tối sớm trong tiếng ve kêu rộn ràng từ vườn nhà hàng xóm ông Dung. Ông lão cũng ra chiều thoải mái, đôi lúc tán gẫu chêm vào vài ba câu kể chuyện cũ từ hồi còn đi học, đi chơi, đi lính ngày xưa.

"Nãy ông bảo mày có số đào hoa giống cụ nội nhà mày là vì mặt hắn y chang mày." Ông lão đặt đũa lên bát tạo thành tiếng, vừa nhai vừa kể. "Thực ra nét của mày nhìn hiểm ngầm hơn hắn, còn hắn trông thế thôi chứ tồ bỏ xừ. Ngày xưa mấy lần bị bọn đầu gấu lừa lừa lột mất mấy viên bi cũng chả biết đường kêu, có khi còn chả biết mình bị lừa luôn ấy chứ?!"

Trang phì cười.

"Nhưng mà hắn giỏi lắm, ừ." Lão gật gù. "Trong lớp học hành các thứ toàn đứng hạng hai, tại thua lão đấy, khà khà. Đến nỗi sau này lên cấp ba lão nghỉ học ở nhà phụ gia đình hắn có đến chơi rồi kể, "Cậu mà không nghỉ khéo cả đời tớ cũng chẳng bao giờ lên nổi hạng một mất!""

"Xong rồi sau này thì đi lính, đi lính lại được trội hơn lão vì nhà cụ Tích có sẵn cửa sau rồi, cứ vậy mà vào được cái ghế cũng nhàn nhàn mát mát." Ông Dung khui thêm một lon mới, cầm sẵn trên tay. "Bọn lão vẫn gặp nhau, thỉnh thoảng hôm nào không gác đêm thì leo nóc nhà ngồi nhắm mực khô nướng cồn, còn rượu thì hắn mang sang. Nhà toàn rượu ngon rượu quý thôi, uống vào thơm nức mũi mà cũng ấm bụng. Chỉ tiếc là hồi ấy chưa có, gì nhỉ, tương ớt như bây giờ, không thì cũng vẹn toàn một bữa tâm sự."

"Hắn nói nhiều lắm, nhiều dã man. Tất nhiên chả có bí mật gì vì dù sao cái vị trí ấy chưa đủ để chen chân vào giữa các ông to bà lớn. Nói chứ hắn toàn kể khổ thôi, xong bọn lão sẽ vừa ngồi vừa chửi tùm lum hết, cơ mà giờ hỏi lại lão cũng chả nhớ đã chửi gì."

"Cực nhọc lắm ạ?" Trang cười cười.

"Chứ sao không? Lăn lê bò lết khắp nơi trên cái nền đất ấy có mà sung sướng gì cho cam, mà lão cũng thuộc dạng thích sạch sẽ gọn gàng một chút, nhưng vì Tổ quốc nên cũng cố gắng hết mình với nhiệm vụ. Cuối cùng thì cũng lên đến vị trí Thiếu úy, coi như được an ủi mấy hồi."

Anh lập tức nhớ đến những lá thư và câu chuyện hãy còn lệch ngoài trọng tâm, nhanh nhẹn mở lời trước.

"Cháu thấy trong thư từ viết tay ông cháu gửi có một người tên là Nhật Tuấn ấy ạ, mà ông cháu viết cho ông ấy cũng nhiều lắm. Ông biết đó là ai không ạ?"

"Ai cơ?"

"Ông Tuấn ạ, Nguyễn Phan Nhật Tuấn."

Ông lão lẩm bẩm cái tên trong miệng ra chiều nghĩ ngợi, sau đó dừng lại, ánh mắt trở nên phức tạp hẳn, như có điều muốn nói mà không biết nên nói hay không, có nói thì nên mở đầu như thế nào cho đúng.

"Nhật Tuấn, ừ, lâu rồi mới nghe cái tên này thành tiếng."

Lon bia thứ ba thứ tư đã uống được gần hết. Ông Dung đặt lên bàn, vừa đan tay vừa ngả người về phía trước, tông giọng cũng thấp xuống vài phần.

"Kể cậu nghe cái này, nhưng đừng kể thêm cho ai biết đấy. Cũng đừng nhắc chuyện này trước mặt bà Vân, dù sao bà ấy cũng chịu khổ nhiều rồi."

Trang hồi hộp gật đầu, cúi xuống lắng nghe cho rõ.

"Ngày xưa, nhà ông mày có một người làm, cũng là nam. Người đấy vào làm cùng thời gian với lão, nhưng làm lâu lắm, tận đến khi bọn lão đều đi lính mới nghỉ để tham gia chống giặc cứu nước." Chiếc quạt điện cũ kêu ù ù như lẫn vào với giọng trầm của ông Dung, làm Trang có cảm giác mơ hồ như đang lạc vào một thế giới đầy ảo mộng. "Người đấy là ông Tuấn, thật thà chất phác, cũng kín tiếng ít nói chuyện. Đến giờ lão chỉ nhớ nhà ông ấy mất hết rồi, còn mỗi ông ấy đi lang thang tìm chỗ ở, sau lưu lạc đến cái làng này. Ban đầu là ông lão nhà cậu phát hiện ra, chẳng biết cái tính tồ thế mà đến lúc có một đứa lạ hoắc lọt vào lại khôn ranh ra trò, nắm tay rủ đi hết chỗ này chỗ nọ, hai đứa chơi với nhau vui vẻ thân thiết lắm."

"Đợi đến khi ông Tích phát hiện ra thì cu cậu suýt bị quắn đít lên một trận ra trò vì đi chơi không để ý giờ giấc gì cả. Cơ mà như nãy lão nói đấy, cụ ông nghiêm khắc với con cái thôi chứ với người ngoài thì hiền từ vô biên. Ông Tích nhận ngay đứa bé lạ ấy vào làm, bởi vì ông cụ bảo cụ tự tin vào cái khoản nhìn người của mình lắm. Phải công nhận đúng. Chả làm việc rất chăm, cần cù siêng năng chịu mưa chịu nắng không bữa nào ngơi việc, lại càng không dám lơ là. Ngày ấy bọn lão ai cũng nghĩ hắn làm bộ làm tịch, tỏ ra chăm chỉ cốt chỉ để có khoản tiền công nhỉnh hơn chút đỉnh. Thì bọn con trai ham ganh đua có thua gì các cô các bà ganh nhau ai đẹp hơn ai đâu, nhìn kiểu gì cũng thấy chướng mắt không chịu được, thế là có đám còn rủ nhau đi chặn đầu đánh hắn." Ông lão cười khà. "Ngẫm lại tuy trẻ con, nhưng không làm thế thì bọn lão mãi mãi chẳng biết được số hắn khổ nhọc cù bơ cù bất còn hơn lão. Lão cứ nghĩ cỡ như lão chắc cũng phải tận cùng cái khổ cái sở rồi, ai ngờ cái nhà tranh vách đất ấy nhìn chung còn khấm khá chán so với mớ lá cọ lá dừa lá chuối dựng lên chắn mưa che gió cho cái tàu chuối dưới đất khác của hắn. Ừ, cậu nghe chắc cũng hình dung được rồi đúng không? Cha Tuấn ngày đó làm gì có nhà đâu, nhà hắn một bên là tường đá đổ, ba vách còn lại là từ cây gỗ dựng lên rồi buộc tàu dừa lá chuối chắn bên ngoài, bên trong cũng lấy tàu chuối làm giường làm chăn. Phải mà nói, nhìn thương không tả xiết."

"Thế là bọn con trai kia chả ai nói gì nữa, cũng thông cảm cho hắn. Còn cha kia biết mẹ gì, vẫn lùi lũi chăn bò chăn trâu, phụ mấy bác lớn gặt lúa cấy mạ, rảnh rỗi hơn chút mà hết việc thật thì ngắt lá làm thú vật. Mấy con cào cào rồi châu chấu rồi bọ ngựa hay gì gì đấy, hắn làm được tất. Ngón tay gầy mà khéo ra trò, nắn cái lá mỏng tang ấy mà vẫn không rách tí ti, lão nhìn cũng thấy phục sát đất. Ông Huy thì khoái. Ông ấy khoái ông Tuấn lắm, tại biết làm đồ chơi, chăm chỉ nhanh nhẹn, mà cũng dễ sai bảo nhất cái đám người làm bé tí. Thỉnh thoảng lên trấn chơi trong ngày rồi về, ông cậu kiểu gì cũng thó theo mấy cái kẹo ngon ngon từ nhà bạn bè cụ Tích cầm về. Ban đầu hắn không lấy, chắc cũng dè nhà chủ. Sau này ông Huy với lão với hắn ngồi trong nhà xí ngoài đồng nghịch ruồi, hắn mới chịu ăn cái kẹo ông í bóc cho. Rõ là thích mê lắm đấy, nhưng phải dụ mãi mới chịu ăn cái thứ hai, rồi cái thứ ba, cái thứ tư,... Ấy thế là ông Huy ông ấy cứ bóc, tên Tuấn cứ ăn, còn lão tự bóc tự ăn, dỗ cái đách! Kẹo ngon không mất tiền ăn càng ngon, tội gì chê, nhẩy??"

Trang không nhịn được cười. "Cũng có thể như ông nói, tại ông Tuấn ngại."

"Thế mới bảo. Mà ngẫm lại cũng hay lắm nhé, tên đó da dẻ ngon lành, trông trộm vía lắm." Ông Dung tấm tắc khen, kết hợp với vị bia mát lạnh và món cá kho thơm ngon càng làm ông cao hứng khoái chí. "Nói chung người ngợm hắn chẳng chê được chỗ nào, mà tính tình lại càng không. Lão với ông già nhà cậu suốt ngày kéo hắn đi chơi, được cái đi như thế hắn nhanh hòa nhập hơn, cũng chịu mở miệng nói mấy câu. Suốt ngày lôi nhau đi đánh trận giả với bọn xóm trên, đi tắm mé sông cách làng độ dăm thước, rồi cả vào vườn trái cây nhà ông Huy lấy quả ăn. Chủ yếu là lão trèo tại ông Huy không cho hắn trèo, còn hứng quả lại là ông Huy hứng, tên kia chỉ cần gọt quả cắt ra, coi như xong một bữa mát mẻ giữa trưa hè."

Gió trời thổi vào mạnh hơn như để phụ họa cho cái bữa mát mẻ trong lời kể ấy của ông Dung. Trang hạ đũa, cúi xuống bế chú mèo trắng không biết từ đâu tới lên người ôm lấy nó vuốt ve, đột nhiên mỉm cười.

"Sao, choáng rồi à?" Ông lão hỏi thăm.

"Ngừng chút nghe kể chuyện thôi ạ." Trang đon đả cầm lon lên cụng nhẹ. "Sau đấy thì sao ạ?"

"Mèo đấy nhà bà gì kế bên này này, hay sang ăn xin, chốc nhắc để lão đem đồ ra cho nó ăn, giờ nó chưa đói đâu."

"Dạ vâng."

"Sau đấy hả? Quên rồi. Nhưng mà lão có nhớ chả từ chối về ở sân sau nhà cụ Tích, vốn là chỗ dành cho mấy đứa không nơi cơ nhỡ làm ở nhà cụ ở qua đêm qua ngày. Dường như chả gắn bó với cái chỗ ở không mấy tử tế gì đó lắm, nhưng vẫn đồng ý nhận cái chiếu cói và mớ khăn vải để đắp người với kê đầu phòng mùa lạnh."

"Nói chung cái thời mũi còn tít thò lò với chân trần chạy nhong nhong khắp xóm làng thì bọn lão cũng khắng khít hơn hẳn. Nhưng mà cũng chẳng biết làm sao, mà với cái thời ấy thì, chuyện sau này mới là cái điều đáng kể. Tựu chung thì lão sống đến ngần này tuổi, cái gì nên hiểu cũng hiểu, cái gì nên thông cảm cũng thông cảm rồi, thành ra giờ đây nhìn lại chỉ thấy vừa thương vừa tiếc, chứ có muốn cũng chẳng làm gì khác được."

Trang ngẩng lên, gương mặt lộ vẻ suy tư nhìn lão Dung. Ông lão đã thôi cười, nếp nhăn dần thả lỏng để lại những phần da bị xô nhẹ và vài vết hằn không quá sâu trên gương mặt. Một trạng thái đang dần đi vào sự trầm tư, ngẫm nghĩ về những biến cố to lớn đã trôi qua, giờ nhìn lại chỉ dài hơn cùng lắm đôi lần chớp mắt. Cái trí nhớ già nua cằn cỗi không cho phép lão tận lực lôi kéo những kỷ niệm, hay chỉ đơn giản là những câu chuyện xưa cũ quay về, hiện lên từng phân đoạn cần thiết để giúp lão cho anh biết thêm nhiều điều nữa. Không một ai còn nhắc đến tên ông nội anh nhiều bằng gia đình anh, nhưng lại không một ai nhắc đến cái tên Nhật Tuấn nhiều bằng bà anh, ông Dung hay thậm chí một ai đó khác nữa, giả như họ còn sống và có biết đến sự tồn tại của người mang tên này. Không hiểu sao Trang lại nghĩ thế, cái ý nghĩ chớp nhoáng qua như chiếc đèn kéo quân xuất hiện vào mỗi khoảnh khắc cuối cùng của đời người, như là một bài luận văn tổng kết bằng hình ảnh cho những điều đã trải qua trong chuỗi tháng ngày tồn tại trong thế giới không rõ hư thực. Trang vốn đã lờ mờ đoán ra được điều gì đó, nhưng anh không hỏi. Chẳng có gì ngăn lại anh làm vậy, ngoại trừ cái suy nghĩ muốn tìm hiểu cặn kẽ mọi điều quá mức mạnh mẽ, khiến anh phải ngậm miệng và để mọi suy đoán dẹp hết vào một góc, chừa chỗ cho cái bục của một phát thanh viên đến từ trạm tiếp thu âm thanh (tức là đôi tai), đứng lên đó và tiếp tục phát câu chuyện (có lẽ là) tình đầy biến động của người quá cố năm xưa cậu vẫn chưa thôi tò mò.

Tách trà bốc khói cùng hương trà xanh đậm đặc len lỏi vào, đánh thức toàn bộ khướu giác trong mũi Trang. Anh nhấp một ngụm, nghiêng người tỏ ý sẵn sàng lắng nghe.

"Lão không để ý nên cũng không biết từ khi nào. Cuộc đời lão vốn cũng không phải là cuộc đời của một người bình thường nên có thể có được một trí não, một tư duy và lối sống của một người bình thường. Bình thường ở đây không phải về chuyện thần trí thần kinh hay gì khác, mà chỉ đơn giản chỉ sự giàu nghèo, chỉ cái nhàn và cái cơ cực, thế thôi. Lão Huy từng tâm sự với lão, rằng hắn không thể lý giải được thứ cảm xúc nôn nao ngây dại kỳ quái mỗi khi ở gần Tuấn. Những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên, và có những điều có thể lý giải được, có điều không, và có điều hoàn toàn không thể cho dù cố đến đâu đi nữa. Lão từng thấy hắn nhìn Tuấn với cái nhìn say sưa và mê đắm, một cái nhìn mà lão vẫn nhớ nó thế nào, ra sao, sự bồn chồn không dứt và xúc cảm muốn cầm lấy tay nhau rồi hôn lên mu bàn tay gầy gò của nhau. Nắng sẽ chiếu lên ấy và ta sẽ thấy hình ảnh đó sao đẹp đến lạ thường. Lão không nói, nhưng khi lão nhìn cậu, lão biết cậu hiểu. Cậu hiểu rõ là đằng khác, nhỉ? Cậu hiểu rõ điều lão nói mà, về xúc cảm, về cái nhìn, về một điều không thể lý giải hay được chấp nhận vào thời điểm ấy."

Dĩ nhiên Trang hiểu. Anh vẫn còn nhớ cách đôi mắt Hữu nhìn anh khi họ cùng đứng trên dãy hành lang dài của bệnh viện, cùng khoác trên vai chiếc áo blouse trắng, phản chiếu tia nắng chiếu vào đôi mắt ánh lên màu nâu gỗ sồi đầy mệt mỏi của Hữu. Trang nếm được vị ngọt trong vô thức chỉ bằng thị giác của mình, và ngón tay không ngừng xoa nhẹ lên bầu mắt nhắm hờ để Hữu thôi khó chịu. Đó là điều không thể lý giải được với ông Dung, ông nội anh và ông Tuấn vào thời điểm ấy, nhưng bây giờ, nó được gọi là tình yêu.

Ông Huy yêu ông Tuấn. Ông nội anh phải lòng một chàng trai khác, cho dù ngày ấy đó là một khởi nguồn để gây ra rất nhiều hệ lụy đau đớn cho bất kỳ ai có liên quan sau này. Trang chẳng rõ ông có biết hay có quan tâm đến điều ấy không, nhưng có vẻ là có. Trang chưa đọc thư của họ gửi cho nhau, cơ mà phải chăng nếu được gặp gỡ và nói với nhau nhiều hơn, thư từ đã không còn quá quan trọng. Hay có thể họ giống những đôi tình lữ khác, rằng tình cảm khi đang độ cao trào nồng nhiệt hay ở giai đoạn chín muồi, ngay cả khi có được trông thấy bóng dáng quen thuộc của người thương hay không, nỗi nhớ vẫn tuôn trào một cách mãnh liệt như thác đổ, không thể chặn lại, cũng không có vật nào đủ to để hứng cho đủ mà không rơi giọt nào ra ngoài. Trang thấy lòng mình chùng xuống, như một sự buồn bã cảm thông với cái tình khó có thể được tự do thể hiện, được đến với nhau, cùng đồng hành dưới ánh ban mai và cất lên cùng một tiếng nói tuyên bố đầy tự hào.

"Bà Vân ngày ấy cũng biết chuyện, nhưng bà lựa chọn không nói ra. Giờ ngẫm lại, không biết người đàn bà đó đã phải sống cuộc đời hôn nhân không tình yêu đôi lứa như vậy trong suốt từng ấy năm, sao có thể chịu nổi?"

"Ông Tuấn đăng ký vào hoạt động chống giặc thì xung phong đi làm người đưa tin." Không biết ông Dung có nhận ra anh đang ngây người từ nãy giờ và không chú ý mấy đến mạch truyện hay không, nhưng Trang đoán là không. "Văn học bây giờ cũng có nhiều bài thơ hay văn vẻ ca ngợi sự vất vả gian truân của cái nghề này lắm đúng không? Thật ra đấy chỉ là một phần thôi. Chúng ta thường chẳng có tâm trí đâu mà nhìn thấy cảnh đẹp trên mỗi cung đường đưa tin chúng ta đi cả. Nó được thêm thắt vào để khiến những ai đọc được ở thời bình sẽ cảm thấy được an ủi phần lớn vì nếu có lỡ ra đi, ít nhất sẽ có cảnh đẹp bầu bạn kế bên cho tới khi trút xong hơi thở cuối cùng. Nhưng lúc ấy khói bụi mịt mù, xám xịt một màu quanh thân. Nằm trên vũng máu dính chặt vào tấm áo thân tàn, ai mà nhìn nổi có cái gì đẹp xung quanh mình cho cam nữa?"

Trang nhận ra giọng điệu ông lão đã thay đổi từ lúc nào. Không còn từng câu hơi nhát gừng nhưng vẫn vui vẻ, giờ đây lão hóa thành một người trầm lắng và sâu sắc, ngâm lại câu chuyện xưa cũ như một cách để nhớ về người bạn quá cố vào một dịp đặc biệt thế này.

"Lão còn nhớ có một lần, Tuấn được đưa về quân trại với đầy vết thương chảy máu rất nặng trên người." Ông Dung trầm ngâm nhấp một ngụm trà. "Thật ra làm vị trí này không lúc nào không bị thương, chủ yếu nặng hay nhẹ thôi, nhưng cái lần ấy có lẽ là kinh khủng nhất. Lão không có ý định nói quá, nhưng sau lần ấy mà tay đó vẫn sống sót đến mấy đợt đưa tin sau thì cũng là cả một kỳ tích rồi. Ông nội cậu buổi sáng đi làm nhiệm vụ, chỉ huy đoàn quân, đến chiều tối lại đứng nghiêm trước cái lều dành cho thương binh, nhìn mãi vào cái giường có Tuấn nằm. Có đôi ngày rảnh rỗi, ông lại viết một lá thư, rồi nhờ một bác sĩ tên Doanh đến để cạnh gối. Thư xếp được một chồng nhỏ cao đến mang tai thì tay kia cũng hồi sức tỉnh lại."

Gió trời tối mùa hè thổi vào mang theo hơi nóng ẩn bên trong, nửa mát nửa oi khiến người ta ngứa ngáy bứt rứt khó chịu. Trang chợt nhớ mấy lá thư còn trong túi áo, hẳn là chi chít những chữ là chữ, có chữ mang ý hỏi thăm, có chữ mang ý hàn huyên tâm sự, nhưng chắc chắn không thể thiếu mấy chữ mang ý tâm tình riêng tư, được viết nên bởi một nỗi lòng thương nhớ mong mỏi da diết. Nó có thể nằm ở mặt sau, như một phép che dấu trông có vẻ hời hợt nhưng thực ra lại khá tinh vi. Dẫu sau cố nhân cũng từng nói, chỗ nguy hiểm nhất nhưng lại là an toàn nhất. Hoặc cũng có thể, ông sẽ cẩn thận hơn, viết một tờ nhỏ khác riêng ra, để phân định rõ việc công chuyện tư, hệt như cốt cách nhà lính mà ông vẫn thường thể hiện khi còn sống, ngay thẳng và chính trực. Dẫu trong chuyện tình cảm, nói lời này nghe có vẻ hơi kỳ lạ. Nhưng mỗi người có cách thể hiện riêng của họ, và Trang đoán nếu là ông, hẳn sẽ phải có lần ông làm như thế.

"Hồi đấy lão ngưỡng mộ chúng nó lắm." Lão Dung bỗng lên tiếng, giọng nói đầy vẻ khắc khoải và hoài niệm. "Hiền bận nên hắn chẳng mấy khi về thăm nhà, có viết thư cũng có thể giấu nhẹm chuyện thằng chả và Tuấn thương nhau. Ngày ấy tuy không thể hiện rõ ràng cái khinh bỉ và kinh ngạc tột cùng của người ta đối với chuyện tình cảm như thế, nhưng bọn lão tự nhận thấy rằng, cứ ỉm đi thì tốt hơn."

"Còn lão thì sao?" Trang bỗng hỏi. "Lão có giống ông nội cháu không?"

Anh tin là ông lão thừa hiểu ý đồ trong câu nói của anh. Lão chỉ cười, một nụ cười man mác buồn, nhưng cũng ánh lên sự nhẹ nhõm và nguôi lòng.

Nếp nhăn trên mặt ông lão xô vào nhau, nhăn nheo nhưng không móm mém. Cái cốt cách nhà lính đã khiến ông Dung toát lên khí khái của một chàng lính tôi luyện của năm hai mươi lăm kết hợp với hình hài hơn bảy mươi tuổi, dẫu cho răng rụng gần hết hay tóc bạc sắp trắng đầu. Ông Dung nâng cốc trà tỏ ý muốn cụng ly. Tiếng lách cách vang lên giữa không gian tối đen tĩnh mịch của làng quê xưa, một làng quê in đậm dấu chân lịch sử, dấu chân của những người lính xung phong đứng lên chống giặc cứu nước, dấu chân của những dân làng đưa nhau đi ẩn náu chờ đợi ngày độc lập lại về, và dấu chân của một chuyện tình hai người vốn đã chẳng có tương lai ngay từ đầu.

"Nhớ bà Vân nói cậu là bác sĩ nhỉ? Ngày kia đi cùng lão một chuyến, đến gặp một người bạn được không?"

Trang quay đầu nhìn, gật đầu mỉm cười. "Cháu rất sẵn lòng."

Trang đạp xe đến nhà bà Bình đưa một phần cỗ cuối xong xuôi, đương lúc chuẩn bị nhấn pedal để quay về nhà, tầm mắt anh lại nhìn trúng hướng con đường cánh đồng lúa chín bát ngát vẫn chưa được gặt cách đó một đoạn ngắn, nằm bên kia một cây cầu nhỏ. Trong lúc tâm trạng kỳ lạ nổi lên có phần bất ngờ, Trang quyết định đạp xe đi một vòng con đường rồi quay về nhà sau. Dù sao trước lúc anh đi, mẹ và bà vẫn chưa sắp xong cơm trưa, ba anh vẫn ở trên thị trấn chưa về, còn Thành đã tót sang nhà bà Diệu gặp bé Lạc từ lâu.

Con đường nhỏ hẹp lại vắng vẻ không có một ai. Hôm nay vẫn chưa phải ngày lành tháng tốt, nông dân đều để dành tất thảy những cây lúa trĩu bông, hẹn một buổi đẹp trời sẽ đến và mang chúng đi làm nghĩa vụ của mình. Gió trời đột nhiên mát mẻ lạ thường, hoàng hôn nằm cuối đường chỉ còn lộ ra một nửa vành tròn to đầy, rực một màu đỏ cam cháy bỏng hùng vĩ. Khoảnh khắc nhấn nút chụp trên điện thoại, bầu trời màu lửa gần tàn hiện lên trong tầm mắt anh một cách rõ rệt với từng dải mây nhuốm đẫm sắc trời cuối ngày. Một cảm giác sảng khoái khôn tả khi đứng ngay trung tâm của bầu trời và mặt đất, trực diện với hoàng hôn bao la tỏa sáng trước khi tạm thời rời đi, chờ cho tấm màn đen buông xuống, trải thảm cho những vì sao nhảy múa cùng gió đêm.

Khi anh lái xe của mình lên đón ba về từ nhà bạn, trong lúc đợi ông nói nốt câu tạm biệt, đài phát thanh trên xe đang bật một bài nhạc của Trịnh Công Sơn. Trang ngâm nga theo giai điệu, nhớ đến ông nội, nhớ đến cái tên Nguyễn Phan Nhật Tuấn, câu chuyện đêm hè đầy trầm tư và lắng đọng, rồi cuối cùng chỉ còn Hữu ở lại cùng tâm trí anh, cùng khiêu vũ trong từng lời ca da diết qua giọng của nữ danh ca Khánh Ly trong bản thu âm bài hát trước năm 1975 này.

"...Đời xin có nhau,
dài cho mãi sau,
nắng không gọi sầu.
Áo xưa dù nhàu,
cũng xin bạc đầu,
gọi mãi tên nhau..."

19h34′ – 04/11/2022 – "Phai Màu" – Fin.

--- x ---

Mình xin per cái video idea gốc về từ tận tháng Sáu, khoảng đầu tháng, hoặc có thể trước đó, mình chẳng nhớ rõ lắm, dù sao cũng qua một thời gian rồi.

Ban đầu plot này, fic này, oneshot này đã bị cho vào list hủy bỏ vô thời hạn do mình không thể tìm được hướng đi ổn thỏa nhất cho nó. Nhưng sau đấy, có một kỳ tích đã xảy đến. Chính điều đó như giúp mình khai thông, quay lại viết và thêm được rất nhiều, hướng đi cũng rõ ràng thoải mái. Nhưng cũng vì điều ấy, mình đã drop fic này lần nữa suốt từ tháng Tám đến bây giờ mới dám lấy ra viết tiếp, mỗi lần viết lại rơi nước mắt. Không phải buồn cho chuyện tình trong fic – mình viết đủ kiểu sad ending rồi có khóc bao giờ đâu, hơn nữa mình cũng không phải là người dễ rơi nước mắt, nói thật =))

Đây từng là một món quà sinh nhật bí mật, dự định cũ là viết đến giữa tháng Bảy, beta ba ngày là đem tặng. Muộn một tháng, nhưng dù sao cũng là tấm lòng. Có điều sau đấy, qua thật nhiều chuyện, mình lại không viết nổi nữa, đành để ngỏ mọi thứ ở lại đến tận hôm nay mới có thể công khai, và tất nhiên, nó vẫn là quà, nhưng không còn để đem tặng, mà giờ chỉ là một món quà nằm trong quá khứ cũ tươi đẹp, và mình vĩnh viễn chẳng thể nào có được lần nữa.

"Cảm ơn cậu vì đã luôn cố gắng."

Và cảm ơn cậu vì đã từng ghé ngang.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#jayren