thầy ơi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đông Anh tựa đầu vào cửa sổ của chiếc xe khách 45 chỗ, ánh mắt không cố định lướt qua từng cái cây khẳng khiu bên vệ đường. Con đường đất xóc nảy lên khi đi qua một ổ gà nào đó, làm cho đầu cậu đập mạnh vào cửa kính. Đông Anh thở mạnh ra, tự nhủ. À, hoá ra đây mới là Sapa.

Đông Anh là một cậu trai đầy sức trẻ cùng lí tưởng. Như mọi người khác, từ khi là một đứa trẻ, tất cả những gì cậu mong muốn là trở thành một triệu phú, sau đó giúp đỡ tất cả mọi người. Năm tháng trôi đi, ước mơ chẳng thành hiện thực được, dù chỉ một nửa. Cậu không phải triệu phú, thậm chí còn không dư dả gì. Cũng vì thế, ước mơ còn lại của Đông Anh khó mà thực hiện được. Đông Anh là một thầy giáo nghèo xuất thân từ một gia đình bán nước ở phố Hàng Bài. Đồng lương giáo viên ít ỏi không giúp cậu đủ nuôi sống bản thân.

Cuộc sống ở Hà Nội không giống như trong những trang văn của Thạch Lam, với đầy thức quà với sự hứa hẹn. Hà Nội bây giờ bụi bặm, xô bồ. Hà Nội bây giờ ít người Hà Nội hơn cả Sài Gòn. Hà Nội giờ sắp sửa giống một cái nồi lẩu văn hoá mà đáy nồi được hâm nóng bằng xăng A82 chứ không phải cồn. Đông Anh phát ngán với Hà Nội "mới", một Hà Nội khác xa so với những kí ức của cậu. Nên Đông Anh trốn chạy Hà Nội. Bỏ lại đằng sau gia đình và bạn bè, cậu đăng kí lên Sapa làm thầy giáo cho lũ trẻ. "Những người gánh chữ lên vùng cao", xã hội gọi như vậy. Tuy vậy, Đông Anh biết, cậu chỉ là một kẻ trốn chạy hiện thực, rằng cậu cần một nơi bình tâm để rồi quay trở lại nơi chốn ấy. Đông Anh chuyển lên Sapa với tâm hồn nặng trĩu, một chuyến hành trình hoàn toàn miễn phí, vì rõ ràng, lên vùng cao dạy học chưa bao giờ là một lựa chọn được yêu thích của mọi người.

-

Sapa không đẹp như cậu tưởng. Trừ đỉnh Phansipang với chiếc vé 700 ngàn một lần lên, mọi thứ ở Sapa đều có vẻ bụi bặm. Những con đường được đập đi xây lại, những ngôi nhà đang xây để thu hút khách du lịch. Tuy vậy, buồn nhất, vẫn chính là những em bé. Những em bé ngủ gật trên tay mẹ, những em bé nói tiếng Anh liến thoắng còn hơn tiếng mẹ đẻ.

Đông Anh và một người dân trong bản đi bộ 2km đến bản Sín Chải, cách Sapa hơn 5km về phía đông. Anh ta là người được bản chọn ra để đi đón cậu. Những căn nhà mái rạ trải dài qua thung lũng hiện lên ngay trước mặt cậu. Con đường nhỏ hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi qua, nhớp nháp với bùn đen quánh. Ắt hẳn tối qua đã có một cơn mưa lớn. Đông Anh lần theo con đường ngoằn nghoèo, tiến về căn nhà lớn nhất nơi cuối đường, sát cạnh chân núi. Đây là trường học của lũ trẻ trong làng. Với 50 em học sinh từ các bản Tả Phìn, bản Tả Van cùng chính học sinh từ Sín Chải, việc thêm một giáo viên nam là điều cần thiết.

Trong khi anh chàng kia chào hỏi các em học sinh đang chơi ngoài sân, cậu bắt đầu đi tham quan bên trong gian nhà lớn nhất. Ít ra cũng phải xem nơi cậu sẽ sống trong 2 năm tới chứ. Một lớp học đơn sơ với bàn ghế gỗ và chiếc bảng đen cũ kĩ, ám mùi mốc. Bên cạnh gian phòng lớn là một gian phòng nhỏ hơn, chắc là gian phòng của thầy giáo duy nhất ở đây.

Đông Anh định tiến vào căn phòng nhỏ thì bất chợt ngoài sân có tiếng các em nhỏ reo vang "A, thầy Hạo về, thầy Hạo về". Cậu vội vàng chạy ra ngoài cửa. Một người với tầm vóc cao lớn từ trên con Cub 50 bước xuống, hai tay cầm 2 túi ni lông chứa đầy thức ăn. Người ấy gọi lũ trẻ đến, đưa túi đồ ăn cho chúng rồi chậm rãi đi đến trước mặt cậu:

- Xin chào, tôi là Từ Anh Hạo, là giáo viên ở đây đã 3 năm. Rất vui được gặp cậu. Thực sự thì tôi ở đây, dù có lũ trẻ, nhưng vẫn buồn và cô đơn lắm, nên tôi rất mừng khi có giáo viên mới.

Nhìn nụ cười sáng chói của người trước mặt, Đông Anh không khỏi run rẩy. Cậu đưa tay ra nắm chặt bàn tay to rộng của người ta, chợt nhận ra chàng trai kia nói giọng Sài Gòn.

- Tôi là Kim Đông Anh, rất vui được gặp anh, Hạo. Mong là tôi và thầy sẽ trở thành bạn tốt. Năm nay tôi 24 tuổi, mới ra trường được 2 năm.

Trong ánh nắng chiều ấm áp, Anh Hạo nhìn sâu vào đôi mắt chàng trai đứng trước mặt, bỗng thấy ngại ngùng khôn tả. Anh ra hiệu cho lũ trẻ đến chào người thầy mới, cũng không quên chào người chỉ đường kia. Khoảnh khắc anh nhìn vào Đông Anh, anh đã biết, mình không còn cô đơn nữa.

-

Đông Anh ho sù sụ, nằm gục xuống mặt bàn. Không có nước nóng, không có máy xông họng, cái cổ họng khốn khổ của cậu lại dở chứng. Cứ tưởng lên Sapa sẽ an nhàn hơn Hà Nội, nhưng có vẻ Đông Anh đã nhầm. 50 em học sinh ở đây, mỗi em một lứa tuổi cùng khả năng tiếp thu khác nhau, nên hầu như cứ 6,7 em là học cùng một trình độ. Đông Anh và thầy Hạo cứ xoay như chong chóng trong lớp học, lúc thì dạy toán vỡ lòng cho một em nhỏ, lúc lại đi giảng định lý Talet cho một em khác. Cậu dậm chân đứng dậy, đủng đỉnh bước ra ngoài sân, hít thở chút không khí trong lành. Đông Anh ngồi bệt xuống bậc thang gỗ, ngắm nhìn bầu trời đêm của Sapa. Thị trấn không có sao, vì có quá nhiều toà nhà cùng ánh sáng chói mắt che mất; khác hẳn với Sín Chải, nơi luôn quang đãng và đầy ắp sao trời.

Anh Hạo từ trong nhà đi ra, tay cầm một chậu quần áo to, tỉ mẩn treo từng cái một lên dây thép trước sân, thấy cậu ngồi thẫn thờ, ngượng ngùng vẫy tay với cậu một cái rồi quay lại làm việc của mình. Đông Anh thấy đây là một con người quá đỗi kì lạ. Từ khi cậu đến đây đã là 5 ngày, mà trừ những câu nói liên quan đến cuộc sống thường ngày hay việc dạy dỗ bọn trẻ ra, Anh Hạo hầu như không giao tiếp với cậu. Anh ta cần mẫn làm những công việc nhà, thậm chí làm luôn cả phần của cậu, nhưng những khi cậu nói cảm ơn và bắt đầu gợi chuyện lại lặng thinh không nói gì. Đông Anh vừa suy nghĩ xem tại sao thái độ của người con trai này lại lạ lùng thế, vừa ngân nga một giai điệu nhỏ. Cậu thấy Anh Hạo đang phơi đồ bỗng khựng lại, tai đỏ lừ, chạy ù vào trong nhà. Đông Anh tò mò quá thể, nên quyết định thử xem phản ứng của anh bằng việc lặp lại tư thế ngồi ngắm sao ngoài vườn và hát hò suốt 3 ngày tiếp theo.

Đến ngày thứ 4, dường như Anh Hạo không thể chịu đựng được nữa, khi Đông Anh đang ngân nga đến bài thứ 3, liền chạy ra ngồi cạnh cậu

- Đông Anh thấy Sapa buồn lắm hả?

- Không đâu, sao thầy Hạo hỏi vậy?

- Tôi thấy Đông Anh cứ ngồi ngắm sao hoài à. Người ta bảo, người có nhiều tâm trạng mới hay ngắm sao. Nếu Đông Anh buồn quá, tối nay tôi đưa Đông Anh lên thị trấn hén?

- Tôi không buồn đâu, nhưng mà tôi thích lên thị trấn. Thầy làm hướng dẫn viên cho tôi nhé!

Ấy thế là sau khi xem xong thời sự, sau khi Đông Anh dọn bát và Anh Hạo rửa bát, hai người lóc cóc dắt xe ra ngoài sân. Trước khi đi, Đông Anh còn cẩn thận khoá thêm cửa trong nhà thay vì chỉ khoá cửa sân như mọi lần. Trên con Cub 50 có hai người đàn ông to lớn với hai chiếc mũ bảo hiểm to tướng trên đầu, nhìn thế nào cũng rất buồn cười.

Anh Hạo đạp số lên số 2, chạy xe chầm chậm qua cổng bản. Anh hơi gò người về phía trước, tự nhủ xe đừng đứt mạch nơi đây. Chiếc Cub 50 đã cũ lắm rồi, bình thường chỉ quen chở anh, đến nay chở thêm một người đàn ông đằng sau nữa, dù cậu ấy không nặng lắm, nhưng vẫn quá sức xe. Từ đây ra thị trấn mất 20 phút, vậy mà do đường có hơi tối và xe chạy quá công suất qui định, Anh Hạo chạy lố mất 10 phút so với thường ngày.

Xuống đến thị trấn, hai người gửi xe vào một quán cà phê ven đường rồi bắt đầu đi bộ. Khác xa với cảnh sắc ban ngày, đến đêm, Sapa không còn vẻ bụi bặm nữa, mà tất cả đã nhường chỗ cho sự rực rỡ và hoa lệ. Khách du lịch đi lại nhộn nhịp, những quán cà phê sáng chói ánh đèn led. Những gian hàng nướng thơm lừng, nghi ngút khói đang vẫy gọi những thực khách đói bụng, muốn thưởng thức chút hương vị ẩm thực của núi rừng. Một số người phụ nữ dân tộc đang kiên trì ngồi bán nốt chút hàng thổ cẩm, rồi lại tất tả trở về bản làng trong đêm sương giá lạnh. Đông Anh ngạc nhiên, quay sang Anh Hạo đang rảo bước bên cạnh:

- Thật sự nhộn nhịp giống như phố đi bộ ở Hà Nội đó. Không ngờ thị trấn về đêm lại khác như vậy.

- Xin lỗi vì không đưa được Đông Anh đi sớm hơn. Tôi cứ lu bu nhiều việc.

Chưa kịp hoàn thành hết câu, anh đã thấy cậu ngồi thụp xuống ven đường. Đông Anh đang ngồi trước một "gian hàng" của một cậu bé. Gọi là gian hàng cũng không đúng lắm, vì chỉ có một mảnh vải nhỏ xíu đặt trên đất, trên đó xếp tầm một chục chiếc vòng thổ cẩm. Nép sau một chiếc bảng hiệu của quán Phá Lấu, chắc là để tránh rét, cậu bé này đang gà gật cạnh "gian hàng" của mình. Đông Anh khẽ lay cậu bé dậy:

- Em ơi cho anh mua đồ với.

Cậu bé giật mình tỉnh lại, tay quẹt đi nước dãi chảy bên má, vội vàng cầm mấy cái vòng thổ cẩm cho anh xem:

- Mua mua. Mua bạn gái cho.

rồi giơ 10 ngón tay lên.

Đông Anh thắc mắc nhìn Anh Hạo. Anh vội giải thích:

- Chắc cậu bé là người H-mông. Họ không nói tiếng Kinh đâu. Ở đây chỉ một số là nói tiếng Kinh thôi.

Cậu gật đầu, ra chừng như đã hiểu, một tay sờ vào đám vòng thổ cẩm, một tay rút cái khăn đang quàng trên cổ xuống cho cậu bé. Anh Hạo thấy vậy, vội lục ví đưa cho cậu bé 20 ngàn, nhận lấy hai chiếc vòng cậu bé đưa cho. Đông Anh mỉm cười vẫy tay chào cậu bé. Khi đi khuất rồi, cậu quay sang, hí hửng trêu Anh Hạo:

- Thầy Hạo mua tặng bạn gái hả? Tôi biết hết rồi nhá! Mua về đeo đôi là hai người sẽ sống cùng nhau mãi đó, bùa tình ở Sapa thiêng lắm.

Anh Hạo nhìn con người đang híp mắt cười trước mặt, níu tay cậu đứng lại. Bên tai chỉ còn lại những tiếng gió thốc và hơi lạnh của sương. Anh lấy một chiếc vòng buộc vào tay cậu, khi buộc xong còn khẽ nấn ná một chút tại cổ tay gầy.

- Tôi chưa có bạn gái hiện tại, và tương lai sẽ tiếp tục không có. Vòng này tôi chỉ mua cho Đông Anh đeo thôi.

Trên con đường Cầu Mây, có hai con người đỏ mặt. Buổi đêm, lúc về lại bản Sín Chải, giá lạnh buông xuống nhanh hơn, có người ráng gò ga lên một nấc nữa, mặc dù cho việc đó có hại xe như thế nào. Có người khác lại yên vị ngồi sau, với chiếc khăn thổ cẩm mới được mua cho (mặc cả còn 50 ngàn), vòng tay hết sức yên bình ôm lấy người đằng trước.

-

Hai tháng sau khi về Sín Chải, trường học của hai người có thêm một học sinh mới. Lý Đế Nỗ, người Tày, ở bản Hồ, cách bản Sín Chải 33km. Chính vì khoảng cách này nên Đế Nỗ ngủ và ăn luôn ở trường cùng với hai thầy giáo, cuối tuần mới đi bộ về thăm nhà một lần. Đế Nỗ đến lần đầu tiên vào một sáng thứ hai khi gà mới gáy canh 5. Cậu ngồi đợi trước cửa nhà cho đến 6h, khi Anh Hạo và Đông Anh ra tập thể dục mới phát hiện ra. Đông Anh đã phát hoảng lên vì Đế Nỗ, lúc đó người em phủ đầy sương mù ý, không biết em lạnh như thế nào. Lập tức, Đế Nỗ được Anh Hạo đưa vào phòng bếp, còn Đông Anh đi nấu cơm sáng. Ngày hôm đó, Đế Nỗ kể:

- Lúc đó các thầy cô ở bản em không dạy nữa, các thầy cô lên Hà Nội hết rồi. Mà ra thị trấn thì em không có tiền để học. Các bạn trên Tả Van bảo ở bản Sín Chải có thầy Đông Anh cả thầy Hạo dạy hay ghê lắm, lại hay cho ăn sáng cả không lấy tiền dạy. Tía má em bảo dù thế nào thì em vẫn phải biết cái chữ, nên em xuống đây để học. Ai ngờ đi đến thì sớm quá, nên em ngồi đợi đó giờ. May là hai thầy ra sớm, không em cóng như tảng băng rồi.

Đến đêm, vì trong căn phòng nhỏ chỉ có hai giường, nên Đông Anh quyết định sẽ cho Đế Nỗ nằm bên giường cậu. Dù gì thì Đế Nỗ mới gặp cậu và Anh Hạo lần đầu, thằng bé sẽ không thích ngủ chung giường cho lắm. Đông Anh còn lo thằng bé sẽ thấy lạ mà không ngủ được.13 tuổi, đi bộ 33 cây số một mình để đi học, cậu tin là Đế Nỗ xứng đáng được hưởng những gì tốt nhất trong thế giới này. Ngược lại với suy nghĩ của cậu, đây là lần đầu tiên Đế Nỗ thấy một cái giường đúng nghĩa, nên cậu bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Chỉ có hai người còn thao thức.

Anh Hạo nhanh chóng nằm nhích vào gần bên tường, chừa một khoảng trống nho nhỏ cho Đông Anh nằm. Cũng phải thôi, hai người đàn ông, một gần mét 8 một gần mét 85, thì không có cách nào nằm vừa một cái giường con cả. Đông Anh thấy vậy, vừa nằm xuống đã quay mặt đối mặt với Anh Hạo, làm chỗ ngủ của cậu rộng ra chút ít. Anh lập tức quay mặt vào trong tường, nghe thấy tiếng bật cười khe khẽ của cậu:

- Tôi có ăn thịt thầy Hạo đâu, thầy trốn nhanh quá. Mà thôi không sao, mình nằm như này cũng được, cho đỡ chật.

Trong chiếc chăn nhung, Anh Hạo cảm thấy vai Đông Anh sát vào vai mình, lồng ngực cậu ấy nhấp nhô trên lưng mình, lại cảm thấy tay cậu ấy để xuôi trên đùi, ngón út hơi chạm đùi mình một chút. Anh nghe thấy tiếng chúc ngủ ngon đầy ngái ngủ của Đông Anh, nhẹ nhàng lấy tay chà xát bàn tay của cậu. Một lúc lâu sau, dường như Đông Anh đã ngủ, Anh Hạo khẽ thì thầm:

- Đông Anh này, sau này Đông Anh có bỏ tôi về Hà Nội không nhỉ?

Từ sau lưng anh, một giọng nói bé xíu cất lên:

- Thầy Hạo ở đâu, tôi ở đó cùng thầy.

- À, thế là tốt rồi. Mà Đông Anh hát lại bài mà Đông Anh hay hát đi. Mẹ tôi là người gốc Hà Nội, ngày xưa cũng hay bật bài ấy.

Anh Hạo quay lại, bắt gặp ánh mắt của Đông Anh trong đêm. Ngọn đèn ngủ mờ mờ càng làm cho ánh mắt của cậu sáng hơn tất thảy. Đông Anh hát xong liền thủ thỉ, ngón tay cái vẽ từng vòng tròn trên bàn tay anh:

- Tôi sẽ ở đây, cùng với thầy Hạo ấy.

- Tốt quá, vậy Đông Anh ngủ đi. Ngủ ngoan.

Một vòng tay to lớn kéo Đông Anh vào lòng.

-

Thoáng cái thời gian cậu ở trong nhà đã là 8 tháng. Đông Anh hoà nhập với cuộc sống ở nơi đây nhanh hơn cậu tưởng. Mỗi sáng cậu sẽ dậy thật sớm ra vườn chẻ củi để nấu cơm sáng cho mấy đứa trẻ, sau đó nghía qua vườn rau nhỏ cậu mới trồng. Tiếp theo, Anh Hạo sẽ thức dậy, hỏi cậu rằng cậu đã ăn sáng chưa. Anh sẽ đèo cậu trên con Cub 50 cà tàng để kịp phiên chợ buổi sáng, nơi mà cả hai sẽ ăn nhanh mấy ống cơm lam chấm muối vừng. Rồi sẽ đèo nhau về ngay khi tiếng gà gáy nhà ông Rme gần chợ cất lên, với đôi má đỏ au như hoa đào trong cái giá rét của buổi sớm nơi Sapa.

Hầu như khi về đến nhà là cơm đã chín, và sẽ có mấy đứa học sinh từ bản Tả Van đứng đợi sẵn ở cổng. Trong khi Anh Hạo cất xe, Đông Anh sẽ bày cơm ra mấy cái bát nhỏ mà họ đã cùng nhau trang trí vào tối hôm trước, với mực vẽ là chiết xuất của mấy cái lá cây rừng. Học sinh sẽ kéo đến càng lúc càng đông, ăn hết sạch nồi cơm buổi sáng, và mấy thầy trò lại hò nhau ra con suối sau nhà để rửa bát. Nếu hôm đó trời lạnh, mà nước suối buốt giá, Anh Hạo sẽ không ngần ngại ôm lấy bàn tay Đông Anh mà áp vào hai má anh, cười hề hề như ngốc khi học sinh trêu đùa cả hai. Đông Anh cũng làm lại như vậy, nhưng với những nụ hôn nhỏ lấp kín bàn tay đỏ lên vì rét của người yêu. Nếu hôm đó là một ngày nóng bức, Anh Hạo sẽ tự mình rửa bát cho tất cả, mỗi tội vụng về đến mức làm ướt hết quần áo khi lên bờ. Anh Hạo cũng hay đợi sau khi học sinh về hết để chẻ củi dùng cho sáng hôm sau, bởi vì anh không thích ai đó dậy sáng sớm lạnh lẽo chặt củi đau cả tay, cũng không thích người ta chưa ăn sáng đã làm việc.

Cả hai tìm thấy ở nhau không chỉ là một người đồng nghiệp mà là một tâm hồn đồng điệu trên vùng Sapa xanh thẳm. Đông Anh chưa từng cảm thấy hạnh phúc đến như vậy sau khi gặp anh, và Anh Hạo cũng chắc chắn là như thế. Sau này, khi Đế Nỗ gặng hỏi về nơi bắt đầu của mối tình này, Đông Anh chỉ kể:

Thầy Hạo và thầy vừa giặt đồ xong thì trời mưa. Cực chẳng đã, bọn thầy đi nhanh vào hiên nhà, cầm theo xô quần áo vẫn còn ướt sũng. Lúc ấy lạnh lắm, tay thầy cước đỏ hết cả lên. Thầy Hạo tự dưng đi đốt củi rồi lôi cả hai vào phòng bếp. Đế Nỗ cũng biết lúc ấy khan hiếm củi như thế nào rồi đấy, thế mà thầy ấy vẫn cứ đốt. Thầy bất ngờ quá mới gặng hỏi, bỗng nhiên thầy Hạo nắm lấy tay thầy, mà lúc ấy tay thầy Hạo cũng lạnh không kém, mới hỏi thầy là:

- Đông Anh hết lạnh tay chưa? Lần sau lạnh như thế này Đông Anh không cần phải giặt đồ nữa, tôi giặt cho Đông Anh. Tay Đông Anh thế này tôi xót lắm.

Thầy ngạc nhiên quá, cũng không biết trả lời gì. Trong lòng mới suy nghĩ, à, hoá ra người ta cũng có để ý mình. Thầy hỏi bật lại, lúc đấy mặt thầy Hạo buồn cười lắm:

- Vì sao thầy quan tâm tôi thế, thầy Hạo?

Đông Anh kể đến đó thì thôi, nhìn mặt cậu bé đang trông chờ vào câu chuyện rồi ỉu xìu mà cười lớn. Đế Nỗ ạ, có nhiều khi, chân tình kể ra rồi, cũng không còn ý nghĩa như lúc ban đầu nữa.

Cậu sẽ mãi giữ lấy kí ức ngày hôm đó, bên ngoài trời mưa như trút nước, trong căn bếp ấm cúng, Anh Hạo đã hết sức yêu thương mà nhìn vào mắt cậu, Tôi bảo thầy cái này, tôi thương thầy lắm, thầy Đông Anh ạ. Đông Anh cũng chẳng hề bối rối, bàn tay siết chặt lấy tay người kia, đáp lại một lời tỏ tình bằng một lời tỏ tình khác Em cũng thương anh lắm.

-

Đông Anh bỏ lại Hà Nội bao bộn bề của cuộc sống chạy đến nơi hoang vu này, không ngờ rằng, từ giờ, tâm hồn của cậu thuộc về chính là nơi đây. Đó là những ánh mắt hồn nhiên của bé Hre khi đọc được bài tập đọc đầu tiên, là những lần cây lúa trổ bông nặng trĩu trên những thửa ruộng bậc thang cằn cỗi. Hơn thế nữa, đó là Anh Hạo, với ánh mắt hiền từ và tràn đầy yêu thương với các em nhỏ, với tấm lòng lương thiện và khát khao hết mình. Những nụ hôn vụn vặt ở khoé mắt mỗi tối, một cái nắm tay thật chặt khi cả hai đi thăm thị trấn vào mỗi tối Chủ Nhật, và tất cả những gì Đông Anh cần chỉ là thế. Thế là đủ. Có Anh Hạo là đủ rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro