Chuyện rằng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chép lại đôi ba dòng này, tôi thấy đời cũng lắm chuyện bi hài. Nhưng phận là quan chép sử, tôi buộc phải ghi.

       Ghi trong vào sách mảng đời của vị quân vương nọ, tôi chợt thấy lòng bồi hồi, xao động. Với cái phận của mình, tôi không được phép nói dối, nên đành mang câu chuyện ấy chép vào một trang sổ khác, thêm vào đó những dòng suy ngẫm của bản thân. Thân là người ngoài cuộc vốn chẳng hiểu được bao nhiêu, nhưng tôi vẫn muốn ghi lại. Có thể mai sau con cháu của tôi tìm thấy những dòng này, những câu chuyện tôi chép sẽ trở thành món trà dư tửu hậu cho chúng dân bàn tán, hoặc là nó sẽ theo tôi xuống mồ và ngủ yên ở đấy, cùng tôi đến gặp vị quân vương tôi sắp kể đây thụ phạt để chuộc cho cái tội "điêu toa."

       Thú thật tôi đã từng nghĩ đến chuyện tương lai sau này rồi, dám là tôi sẽ bị ghép vào tội khi quân lắm, nhưng người ta vốn chẳng ưa gì tôi, nên tôi cũng mặc kệ. Mấy lão cũng chả vậy là gì? Thôi, tôi không nói nữa để tránh các vị bảo tôi dài dòng, chuyện nó là thế này...

         Số là vị ấy làm chúa, chúng dân kính sợ thêm một chữ "bạo" phía trước chữ "chúa" cho nó đủ nó đầy. Hắc Xuyên đế chẳng được lòng dân, càng không được lòng quân thần. Vị ấy nóng nảy lại hung hăng, tánh tình bạo ngược khiến cho trăm dân muôn họ không ngừng kêu than khóc lóc. Lúc thì tổ chức thịnh yến giữa tiết Đại Hàn (là một trong hai mươi tư tiết khí, tiết lạnh nhất trong năm). Khi thì lấy mạng bá tánh làm vui, ai trái lời sẽ bị đem đi xử trảm. Rồi còn tăng thuế tăng má, nhằm ngay mùa hạn để bắt dân xuống biển mò ngọc trai, lên rừng săn tiên hạc, mạn phép chêm vào hai chữ "ngu quân." Hạc nào sống trong rừng hả?

         Trăm ngàn bản sớ được dâng lên nhưng chẳng có chữ nào trong đó chạm đến được lòng vua, Hắc Xuyên đế thấy phiền nên bảo thái giám cho chỗ giấy ấy vào lò làm mồi lửa nướng khoai rồi. Vị ấy mặc cho người người từ quan, mặc cho triều đình thối rữa, trăm họ lầm than. Có lẽ với ngài, tiếng đàn của danh kĩ còn không hay bằng tiếng khóc của một đứa trẻ đói sữa lâu ngày. Sống trong cảnh khổ lâu dần cũng quen, thân là người nắm rõ những góc ngách nơi cung cấm, chưa có lời nào tôi chưa từng nghe qua. Người bảo vua như thế này, người mắng vua như thế nọ, ấy thế mà giữa rừng sỉ vả tôi lại tìm thấy một mảnh áo đỏ giắt trên ngọn cây đương mùa nảy lộc. Đặc biệt, nổi bật đến mức khiến ai cũng nảy sinh ác cảm, cũng ghét.

        Nếu cục diện đất nước này chia thành hai chiến tuyến, một là những kẻ muốn phản vua, hai là những kẻ muốn bảo vệ vua thì hẳn là vế đầu sẽ là cả đất nước, vế sau chỉ có duy nhất cận vệ Hạc Điệp.

        Hắc Xuyên đế là "ngu quân" thì Hạc Điệp, là "ngu trung."

        Vua xướng quan tùy, ngu cả đôi, đi với nhau vừa hợp.

        Đêm trăng tĩnh mịch âm u, giữa vườn trúc đào chớm nụ có đôi quân thần cùng nâng chén rượu, lấy độc trúc đào nấu thành những giọt nồng say, dứt thì không nỡ mà bỏ lại chẳng đành. Hạc Điệp trung với Hắc Xuyên như chó trung với chủ. Nhưng con chó này vậy mà lại sinh lòng ám muội với gót giày đế vương. Ánh mắt của hắn lúc nhìn ngài luôn bao hàm một điều gì đó rất khó tả, đến lúc tôi hiểu thì mới biết đó là yêu. Khi đó tôi thấy nực cười thay, này thì ngu quan đem lòng yêu bạo chúa.

         Hạc Điệp cúc cung tận tụy, không khi nào trái lệnh của vua. Vua bảo hắn đi đằng đông thì hắn sẽ không đi đằng tây, nói hắn rẽ trái thì hắn sẽ rẽ trái, rẽ phải thì hắn sẽ rẽ phải. Nói hắn mang đầu Thượng thư bộ Lễ về thì hắn sẽ chặt đầu thượng thư bộ Lễ xuống rồi đem dâng cho vua. Nói hắn vào động Huyền môn lấy ngọc thạch thì dù lục phủ nội tạng có nát vụn, hắn cũng phải mang về.

           Tôi thấy hắn thật ngốc, nhưng sau này, tôi chợt thấy hắn đáng thương.

         Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, trước khi lên ngai vua thì Hắc Xuyên đế chỉ là một hoàng tử nhỏ sống trong thâm cung. Vì là con của một nữ quan giặt đồ mà thường xuyên bị các hoàng tử khác gièm pha, chèm ép. Trời là màn đất là chiếu, rơm là chăn gạch là gối, lấy nước lau sàn làm đồ uống, lấy đồ ăn cho chó làm thức ăn, cuộc sống vô cùng khổ cực, vậy nên thân thể gầy như que củi. Hai hốc mắt lõm sâu, con ngươi luôn hằng những tia tơ máu. Bao nhiêu oán hận đều chất chứa nơi đáy mắt, máu đầu tim đã cạn, và chắc là nước mắt của thiếu niên ấy cũng không còn.

           Trong một lần nọ, Hắc Xuyên giúp Hạc Điệp nhặt được cái mạng khỏi ngưỡng cửa vô gián địa ngục, ơn đó từ đấy về sau, suốt đời không quên. Ở nơi đó chỉ có hai thiếu niên nương vào nhau mà sống. Cùng chia sẻ miếng bánh bao, cùng chia nhau tấm vải bố, chẳng biết từ khi nào mà cả hai đã gắn bó hơn cả ruột thịt. Có lẽ Hạc Điệp đã trở thành ngoại lệ duy nhất của vị bạo quân kia.

          Hạc Điệp nói với tôi: "Thật ra ngài ấy là một người rất lương thiện."

         Điều này thật buồn cười. "Ngài nói thử xem, hoàng thượng có điểm nào thiện lương?"

        Hắn chỉ lặng yên nở một nụ cười chua chát, tôi đọc được rất nhiều tâm sự trong mắt hắn.

        "Đại nhân, tại hạ không dám mơ tưởng chuyện gì cao xa, chỉ mong ngày này tháng sau, đại nhân cùng tại hạ đến điện Thiên Thế, đến lúc đó đại nhân sẽ hiểu."

         "Tại sao ngài lại nói điều đấy với ta?"

         Hạc Điệp suy nghĩ một lúc, hắn nhìn ta, con ngươi sâu không thấy đáy. "Vì ngài là một quan chép sử."

          Giọng hắn không trầm cũng không cao, cứ đều đều như thế. Nét buồn thấp thoáng trên mặt, ấy thế mà hắn vẫn bình thản nâng chén rượu quế hoa mà uống, vẫn bình thản nâng sáo thổi một khúc hoan ca. Giai điệu nhẹ nhàng ấy tựa như lời tiễn đưa cuối cùng, tôi nhận ra đó là biểu cảm của một người sắp đón nhận lấy cái chết.

          Gió đưa cành trúc rì rào.

         Người buồn liệu cảnh nào vui bao giờ?

        Ngày này tháng sau, như lời Hạc Điệp, tôi đến điện Thiên Thế. Tôi ngỡ ngàng trước trận pháp được biện bày trước mặt. Chính giữa sảnh điện có một vòng tròn âm dương được vẽ bằng chu sa, bốn góc bắc đông nam tây đặt bốn ngọn nến được làm bằng sáp thơm, trên thân nến đính một lá bùa được vẽ bằng máu. Chẳng biết từ khi nào vị đế vương ngông cuồng kia bị trói chính giữa mắt xích trận, vị ấy tỉnh dậy, miệng không ngừng gào thét. Ngài nhìn thấy bóng dáng cận vệ Hạc Điệp thì mừng rơn. Ngài bảo hắn mau cứu ngài, mau mang ngài rời khỏi đây, nhưng hắn nào để ý.

        Đi cùng Hạc Điệp là bốn vị cận thần khác, họ khoác lên mình đạo bào của pháp sư. Tôi có thể gọi tên họ, là huynh đệ nhà họ Khôi Cốc, Võ Đằng đại nhân và Tam Đồ đại nhân.

         Tôi không biết mình đến đây để làm cái quái gì.

         Bốn người họ đứng vào vị trí được đánh dấu bằng nến, Hạc Điệp đứng chính giữa trận pháp, gần Hắc Xuyên đế, tôi nín thở quan sát chuyện sắp sửa diễn ra. Đó là một buổi lễ trang nghiên đặc những tiếng thét gào, tôi để ý, rằng trong suốt quá trình, khuôn mặt Hạc Điệp chẳng mảy may thay đổi, ánh mắt hắn nhìn Hắc Xuyên đế cũng chẳng còn ấm áp như xưa nữa, trái lại, chỉ có sự lạnh nhạt.

           Tôi nghe, Hắc Xuyến đế bảo Hạc Điệp vong ân.

           Tôi nghe, Hắc Xuyên đế bảo Hạc Điệp cùng bốn vị đại nhân bất kính.

           Tôi nghe, rất nhiều lời sỉ vả.

           Và tôi cũng nghe Hạc Điệp cương nghị nói rằng: "Dù có chết, ta cũng phải mang y trở về."

          Trên tay hắn là mảnh ngọc thạch mà hắn bán mạng cho quỷ để giành lấy. Mảnh ngọc khiến lục phủ nội tạng hắn như muốn vỡ vụn chỉ để làm hài lòng đế vương.

         Một làn khói trắng thoát ra từ miệng của Hắc Xuyên đế bay về phía Hạc Diệp, dường như nó bị một lực rất mạnh hút lấy, tôi chợt hiểu ra đôi phần. Bốn vị đại nhân ai nấy cũng đều hết sức tập trung. Đêm nay là đêm trăng tròn, bầu trời không có lấy một vì sao. Ồ, hình như hôm nay là rằm tháng Bảy.

         Khi làn khói trắng được hút hết khỏi người Hắc Xuyên đế, ngài ấy lảo đảo ngã xuống rồi chìm sâu vào giấc ngủ, các vị đại thần không hẹn mà cùng nhìn nhau, họ lặng lẽ mang ngài về tẩm điện của mình.

         Hạc Điệp tiến về phía tôi. "Vừa rồi, ngài đã nhìn rõ rồi chứ?"

          Tôi gật đầu. Hắn lại kể cho tôi nghe một câu chuyện cũ.

         Rằng ngày xửa ngày xưa, có một vị vương gia lúc nào cũng ôm lòng đố kị. Y là anh trai tiên đế, nhưng lại hận tiên đế vì dám đoạt ngai vua. Chính vì không ngừng chống đối tiên đế mà y bị đày đến vùng đất phía Tây rồi chết già tại đó. Xuống Hoàng tuyền, vương gia cũng không quên mang theo lòng oán hận ngút trời. Hoặc là, y không cam lòng xuống Hoàng tuyền. Vị vương gia ấy đã đi ngược lẽ trời, dùng tà thuật để giữ hồn pháp bản thân tồn tại giữa cõi nhân gian, dùng bùa ngải để che mắt Hắc Bạch Vô Thường và quỷ quan âm sai, Diêm La Đại Đế. Sau khi tìm được thân xác thích hợp là Hắc Xuyên (lúc đó còn là hoàng tử), y liền nhập hồn vào ngài ấy và để vậy đến tận bây giờ. Hắc Xuyên đế thật ra cũng chỉ là con rối trong tay vương gia, một con rối vốn đã mất hết linh tri và lí trí.

         "Vương gia đã rất khéo léo để không bị bại lộ chân tướng, nhưng mà lần này, ngài ấy đã tính sai một nước cờ." Hạc Điệp nói, giọng nhẹ như không. Tôi tiếp lời hắn: "Là vì có ngươi bên cạnh hoàng thượng?"

          "Ừm, đó là lời hứa năm xưa giữa ta và ngài." Lời nói chứa chan hoài niệm, một làn gió vô tình thoảng qua như muốn kéo con người ta tìm về với cõi mộng xưa cũ. "Ngài bảo nếu sau này ngài trở thành loại người mà ngài căm ghét nhất, ta phải ở bên ngài, đánh thức ngài khỏi cơn mụ mê. Ngài bảo ta hãy trở thành thanh gươm sắt bén nhất thiên hạ, giúp ngài bình ổn giang sơn. Bảo ta trở thành tiếng chuông trong trẻo nhất tam thế, ngân lên mỗi khi sát tâm bên trong ngài trỗi dậy."

          "Ngài bảo ta hãy trở thành ngọn Thanh Đăng soi sáng cho ngài, để ngài không lầm đường lạc lối."

          "Nhưng ta không thể trở thành thanh gươm sắt, cũng chẳng thể hóa thành lửa Thanh Đăng. Ta chỉ có thể cố gắng làm một quả chuông hoen rỉ tuyệt vọng ngân vang trước khi tàn lụi."

        Tôi hơi ngần ngừ, những gì tôi muốn nói cứ kẹt nơi cổ họng. Cuối cùng, tôi chỉ có thể thốt nên câu: "Ngài sắp đi rồi ư?"

        Hạc Điệp nhìn tôi, hắn gật đầu. Sau đó, hắn nói: "Có chuyện này ta muốn nhờ ngài, hãy coi đó như là ước nguyện cuối đời của ta."

         "Ngài cứ nói."

        "Nhờ ngài lựa lời nói với ngài ấy về sự vắng mặt của ta. Tốt nhất đừng cho ngài biết ta sẽ chết. Cũng nhờ ngài lựa lời nói với thiên hạ, ngài ấy không đáng phải chịu vết nhơ lớn như thế."

          "Được."

         Sau đó, Hạc Điệp ôm mảnh ngọc thanh chứa linh hồn vương gia tiêu sái rời đi và không hề ngoảnh lại. Chết một mình ở một nơi không ai biết, đúng là chẳng còn gì cô đọc hơn thế nữa.

         Chuyện sau đó, sử sách cũng có ghi lại rồi, không phiền các vị mò mẫm đến cuốn thoại bản này làm gì.

          Chuyện rằng sau một trận ốm nặng, Hắc Xuyên đế như trở thành một con người khác, không nóng nảy, bạo lực như trước nữa. Ngài trở thành một vị vua anh minh mang ấm no đếm cho muôn dân trăm họ, chúng dân quần thần vô cùng cảm kích, mỗi năm đều lấy ngày đó làm hội, mở yến tiệc ba ngày ba đêm.

          Có người bảo rằng ngài đã được Phật tổ cảm hóa, trong cơn mơ dạo quanh niết bàn một vòng, từ đó giác ngộ chân lí.

          Ha ha, Hắc Xuyên đế đến được cõi niết bàn hay chưa thì không biết, cũng chẳng rõ trong những năm trời bị đoạt xác ấy, linh hồn ngài ở đâu, nhưng sinh mạng của ngài do một người tự nguyện đọa xuống quỷ môn quan để lấy về là có rồi đấy.

           Khi tỉnh dậy, câu đầu tiên mà ngài ấy hỏi là: "Hạc Điệp đâu?"

         Khôi Cốc Lan đại nhân trao cho ngài ấy một miếng ngọc bội. Miếng ngọc màu xanh nhạt, trong suốt đến mức có thể phản chiếu khuôn mặt ngẩn ngơ rơm rớm nước mắt của ngài. Lệ của bậc quân vương không dễ gì rơi, nhưng một khi đã rơi, hẳn là dành cho những gì cực kì trân quý.

         Quen nhau từ thuở ấu thì,

         Đương độ xuân thì, lại biệt ly.

         Muôn dân trăm họ cùng hoan hỉ,

         Cớ sao lệ bỗng hóa lưu ly.

        Đáng buồn thay, thật đáng buồn thay!

        Ra là từng có người thương mình như thế!

        Ngài ấy từ chối nạp thê lập thiếp, dâng trọn đời mình cho bá tánh như một cách chuộc tội với nhân dân. Đến khi chết vẫn không có lấy một mụn con, ngai vị truyền cho một đứa cháu trai tài giỏi cùng họ hàng. Để ý rằng khi còn sống, ngài thường mang miếng ngọc bội ấy bên mình, thi thoảng lại lấy ra lau chùi, vuốt ve. Sau chục năm ngọc thạch vấn đục, lòng người cũng đã mệt lả đi, ấy vậy mà cả hai vẫn chưa bao giờ rời nhau nửa bước.

         Hắc Xuyên đế từ trần vào năm Thiên Trúc thứ ba mươi lăm, hưởng dương bốn mươi chín tuổi, hôm đó trời mưa rất to. Bên cạnh mộ của vua có một bức tượng nho nhỏ tạc khuôn mặt của Hạc Điệp. Hạc Điệp sẽ mãi ở đó để canh giữ giấc ngủ cho bậc đế vương, không thể ác linh quấy rối ngài nữa.

         Họ sẽ không xa nhau nữa.

         Cơ mà đến bây giờ tôi vẫn còn có một vài thắc mắc không tiện nói ra, ví dụ như việc Hạc Điệp và Hắc Xuyên đế rủ nhau ra vườn trúc đào uống rượu, khi ấy linh hồn vương gia vẫn còn ngụ trong cơ thể ngài ấy mà...

          Hay là Hạc Điệp muốn chuyện trò với chút lí trí cuối cùng còn sót lại nhỉ?

          Tôi cũng không biết, đâu phải quan chép sử là phải tinh thông mọi điều đâu.

         Chín người mười ý, bản thân quan chép sử cũng là con người, mà đã là con người thì phải có cảm xúc, phải mang trong mình những suy nghĩ riêng.

          Có những chuyện mà chỉ có bản thân người trong cuộc mới có thể tỏ tường.

          Tam sao thất bản, ác thiện cách nhau một nét mực mong manh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro