CÁNH RỪNG TRONG GƯƠNG,CAO XANH LỘNG GIÓ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CÁNH RỪNG TRONG GƯƠNG Y. KAWABATA (Truyện ngắn trong lòng bàn tay) NHẬT CHIÊU dịch

O-kayo không hiểu tại sao một người có thể tự mình đi tàu, rồi từ nhà ga ngoại ô về tận đây lại phải cần nắm tay dắt đi trên con đường trở ra nhà ga. Nhưng, cho dù nàng không hiểu đi nữa thì chuyện đó cũng đã trở thành bổn phận của nàng rồi. Lần đầu tiên khi Tamura tìm đến nhà, mẹ nàng đã bảo: - O-kayo, đưa ông ấy ra ga đi con. Khi đi ra khỏi nhà, Tamura chuyển cây gậy dài sang tay trái, rồi mò mẫm tìm bàn tay của O-Kayo. Khi nhìn thấy bàn tay gã quờ quạng mơ hồtrên ngực nàng, O-Kayo đỏ bừng mặt, chỉ còn cách chìa bàn tay của mình ra. - Cám ơn. Em vẫn còn là một cô bé, - Tamura nói. O-Kayo tưởng rằng nàng cần phải giúp gã bước lên tàu, nhưng khi đã lấy vé xong và đã ấn một đồng tiền vào lòng bàn tay nàng, Tamura nhanh nhảu đi qua cổng soát vé một mình. Gã lần bước theo con tàu, không ngừng lướt bàn tay trên hàng cửa sổ, tiến về phía cửa lên xuống. Cử động của gã rất thành thục. Dõi theo đó, O-Kayo cảm thấy yên lòng. Khi con tàu xuất phát, nàng không thể không mỉm cười. Nàng thấy dường như có một năng lực kỳ lạ nơi các dấu ngón tay của gã, như thể đó chính là đôi mắt gã vậy. Còn nhớ một chuyện. Bên cửa sổ thắp sáng nắng chiều, chị nàng là O-Toyo đang ngồi chỉnh lại phấn son. - Anh có thấy bóng gì trong gương? - Nàng hỏi Tamura. Ngay cả O-Kayo cũng thấu rõ ác ý của chị mình. Chẳng phải là chính O-Toyo, đang điểm phấn to son lại, ánh hình trong gương đó sao? Nhưng nỗi hiểm ác của O-Toyo chẳng qua là cô tự say mê bóng mình. “Một người đàn bà đẹp như thế này mà lại quá tốt với anh kia đấy”, giọng cô đầy ẩn ý bao vây Tamura. Từ chỗ ngồi của mình, Tamura lặng lẽ nhích đến bên cô. Gã bắt đầu ve vuốt mặt gương bằng các đầu ngón tay của mình. Rồi với hai bàn tay, gã xoay đài gương. - Này, anh đang làm gì thế? - Soi bóng cánh rừng. - Rừng? Như thể bị gương thu hút, O-Toyo lê đầu gối đến trước gương. - Nắng chiều đang chiếu qua cánh rừng. O-Toyo nhìn Tamura với vẻ ngờ vực khi gã lướt đầu ngón tay trên mặt gương. Cười nhạt, cô xoay đài gương về chỗ cũ. Một lần nữa, côchăm chú điểm trang. Nhưng O-Kayo thì ngạc nhiên vì cánh rừng trong gương. Đúng như Tamura đã nói, mặt trời lặn đang chiếu một ánh sáng tím mờ xuyên qua những ngọn cây cao lớn trong rừng. Những chiếc lá mùa thu to rộng, bắt ánh nắng từ phía sau, chiếu ngời lên, trong suốt và ấm áp. Đó là một buổi chiều vô cùng êm ả vào ngày mùa thu ngát hương. Dù vậy ấn tượng về cánh rừng trong gương rất khác với một cánh rừng thật. Có lẽ vì cái mong manh êm dịu của ánh sáng, như lọc qua tơ lụa, không phản ánh được, nên ở đấy có cái gì đó mát trong sâu thẳm, tựa hồ như đấy là một phong cảnh ở đáy hồ. Cho dù O-Kayo vẫn nhìn thấy một cánh rừng thật từ cửa sổ nhà nàng mỗi ngày, nàng có bao giờ chăm chú ngắm nhìn đâu. Nghe người đàn ông mù diễn tả, dường như nàng thấy lần đầu tiên trong đời một cánh rừng. Tamura thật sự nhìn thấy cánh rừng đó thiệt sao, nàng tự hỏi. Nàng muốn hỏi gã xem gã có biết sự khác nhau giữa một cánh rừng thật và một cánh rừng trong gương. Bàn tay gã đang ve vuốt gương, đối với nàng sao mà huyền bí. Do vậy, khi bàn tay nàng bị Tamura nắm lấy lúc ra ga, nàng bỗng nhiên hoảng sợ. Nhưng vì điều đó cứ lặp lại như một phần hiển nhiên trong phận sự của nàng mỗi khi Tamura đến nhà, rồi nàng cũng quên nỗi sợ ấy. - Ta đang đi ngang qua hàng trái cây, phải không? - Đến cửa hàng tang ma rồi à? - Chưa tới hàng đậu ư? Mỗi lần nàng đưa gã đi trên đường, Tamura vốn không phải lúc nào cũng đùa cợt, lại càng không phải lúc nào cũng nghiêm trang, thường hay hỏi những điều như thế. Về phía bên phải, có hàng thuốc lá, trạm kéo xe, hàng giày dép, hàng giỏ mây, quầy bán cháo đậu đỏ với bánh đúc. Về phía trái là hàng rượu, hàng vớ, quán mì, quán sushi, hàng gia dụng, hàng mỹ phẩm, phòng răng - đúng như O-Kayo đã chỉ dẫn cho gã biết. Tamura nhớ rõ thứ tự các cửa hiệu dọc theo sáu, bảy dãy phố trên đường ra ga.Gọi lên từng tên cửa hiệu ở hai bên đường khi đi ngang đã trở thành một trò chơi quen thuộc của gã. Do vậy, có gì mới ở hai bên đường, như một cửa hàng mỹ thuật Nhật hay một khách sạn kiểu Tây phương, O-Kayo đều báo cho Tamura hay. Nghĩ rằng Tamura bám vào trò chơi u buồn này để làm nàng ngạc nhiên, O-Kayo vẫn lấy làm lạ rằng gã biết mọi ngôi nhà bên đường cứ như người sáng mắt. Nhưng, dù nàng không nhớ từ bao giờ, trò chơi đã trở thành một tập quán. Có lần, khi mẹ nàng nằm bệnh, Tamura hỏi: - Hôm nay có hoa giả ở cửa hàng tang ma không? Như thể bị dội nước lên mình, O-Kayo hoảng hốt nhìn Tamura. Lần khác, bỗng nhiên gã hỏi: - Đôi mắt của chị em đẹp lắm nhỉ? - Vâng, rất đẹp. - Đẹp hơn mọi người khác? O-Kayo im lặng. - Đẹp hơn đôi mắt em chứ, Kayo? - Nhưng làm sao mà anh biết chứ? - Thế nào à? Người chồng của chị em bị mù. Kể từ khi chồng chết, cô ấy cũng chỉ biết có người mù. Và mẹ của em nữa, là mù. Thì tự nhiên chị của em sẽ nghĩ là mắt mình tuyệt đẹp. Không hiểu sao những lời này chìm sâu vào trái tim O-Kayo. “Lời nguyền mù kéo dài ba thế hệ”. O-Toyo thường thở dài mà nói vậy cho mẹ nàng nghe thấy. O-Toyo sợ sinh con với một người đàn ông mù. Cho dù đứa bé không mù đi nữa, nàng vẫn có cảm giác rằng nếu nó là gái, biết đâu lại trở thành vợ của người mù. Chính nàng đã lấy một người mù bởi vì mẹ nàng mù. Mẹ nàng, chỉ quen biết các tay xoa bóp mù, sợ viễn cảnh phải có một chàng rể sángmắt. Sau khi chồng O-Toyo qua đời, nhiều người đàn ông khác nhau đã ngủ lại qua đêm trong nhà nhưng ai nấy đều là người mù. Họ nhắn nhe nhau. Gia đình e ngại rằng nếu họ bán thân cho ai đó không mù, họ sẽ bị bắt giữ mất thôi. Cứ như thể là tiền trợ cấp cho người mẹ mù phải đến từ chính những người mù. Một ngày kia, một tay xoa bóp mù đã đưa Tamura đến. Tamura không phải là đồng nghiệp của các tay xoa bóp mà là một thanh niên giàu có. Đồn rằng gã cho một trường học của người mù và người điếc hàng ngàn đồng yên. Sau đó, O-Toyo đã biến Tamura thành người duy nhất bao cô. Nhưng cô đối xử với gã như với một tên khờ. Tamura, lúc nào cũng có vẻ cô đơn, thường trò chuyện với người mẹ mù lòa. Những lúc như thế, O-Kayo lặng lẽ và chăm chú nhìn gã. Mẹ nàng chết vì bệnh. - Giờ thì, Kayo, chúng ta đã thoát khỏi cảnh bất hạnh mù tối. Chúng ta sống cảnh đời sáng, - O-Toyo bảo nàng. Không bao lâu, một đầu bếp từ khách sạn kiểu Tây phương lui tới nhà nàng. O-Kayo thu mình lại sợ hãi trước sự thô bạo của người sáng mắt như hắn. Thế rồi cũng đến lúc O-Toyo chia tay cùng Tamura. Lần cuối cùng, O-Kayo đưa dẫn gã ra ga. Khi con tàu đã xa, nàng cảm thấy cô đơn như thể đời nàng đã tận. Lên chuyến tàu kế tiếp, nàng đuổi theo Tamura. Nàng không biết gã sống nơi nào, nhưng nàng có cảm giác rằng nàng sẽ nhận ra con đường của người đàn ông mà bàn tay gã nàng đã nắm nhiều lần đi đến đâu.

CAO XANH LỘNG GIÓ (Nguyên tác: Ki no ue) Yasunari Kawabata Hoàng Long dịch

Nhà Keisuke nằm trên bờ một con sông lớn đổ ra biển. Con sông chảy dọc theo vườn nhà. Nhưng vì có một con đê cao che khuất, nên từ trong nhà không nhìn thấy được dòng chảy. Trên bờ sông có một hàng thông reo, thấp hơn con đê con chút, mặc nhiên được xem như là cây trong vườn nhà Keisuke. Phía trước hàng thông có một bức tường rào uốn quanh. Michiko vượt qua bức tường rào ấy để đến chơi với Keisuke. Không đúng. Để gặp mặt Keisuke. Cả Michiko và Keisuke đều học lớp bốn trường tiểu học. Việc đi vào nhà không bằng cổng trước hay cổng sau mà vượt qua bức tường rào là bí mật của hai người. Đối với Michiko thì không dễ chịu lắm. Nàng phải lấy hai tay che đầu và mặt, rồi dùng ngực trườn qua bức tường rào. Thường thường, Keisuke đỡ nàng bằng cánh tay khi Michiko vượt qua vườn nhà. Vì Michiko đến với Keisuke hầu như là mỗi ngày nên Keisuke ngượng với những người trong nhà và chỉ bảo lối đi bí mật vượt qua bức tường rào. - Thích thật đấy nhỉ! Ngực em cứ đập thình thịch – Michiko nói Vào một ngày, Keisuke trèo lên cây thông và khi đang ở trên cây thì Michiko đến. Không nhìn quanh, bước chân Michiko đi dọc bờ sông và ngừng ở chỗ cũ của bức tường rào, như thường lệ. Nàng nhìn xung quanh. Nàng đưa bím tóc trôi dài ra phía trước, ngậm khoảng một nửa vào miệng, thơ ngây đưa người vượt qua bức tường rào. Trên cây, Keisuke nín thở. Michiko đi qua vườn. Vì không thấy Keisuke ở chỗ cũ mà nàng nghĩ chắc chắn phải có, Michiko bước lùi ra sau như hoảng sợ, nép mình sau bóng của bức tường rào, khiến Keisuke không nhìn thấy. - Michan! Michan! – Keisuke gọi Michiko bước ra khỏi bức tường rào, nhìn xung quanh vườn. - Michan! Ở cây thông ấy! Trên cây thông cơ mà. – Keisuke nói Michiko ngước nhìn theo tiếng nói của Keisuke, thảng thốt không nói một lời nào.Ở đây mà. Em lên đây đi! Michiko bước ra khỏi bức tường rào, ngước nhìn Keisuke. - Anh xuống đây đi! - Michan! Leo lên đi! Trên đây tuyệt lắm. - Em không lên được đâu. Anh trêu em ư? Đúng là trò bắt nạt của mấy đứa con trai. Anh xuống đây đi. - Lên đây với anh. Cành to thế này cơ mà. Ngay cả con gái cũng leo được thôi. Michiko nhìn hình dáng của cành cây. - Nếu em rơi xuống, là lỗi của Keichan. Nếu em mà chết… Em không biết đâu đấy. Đầu tiên, nàng đu người lên cành cây thấp, rồi bắt đầu leo lên. Đến cành Keisuke đang ngồi, Michiko thở hổn hển : - Em leo được rồi! Em leo được rồi! Mắt nàng long lanh. - Sợ quá! Đỡ em với! - Hừm – Keisuke ôm chặt lấy ngực Michiko. Michiko quàng tay ôm cổ Keisuke: - Có thể nhìn thấy biển, anh ạ. - Em có thể nhìn thấy tất cả. Dọc theo con sông, đến tận thượng nguồn. Lên được đây, tuyệt quá nhỉ! - Vâng, Keichan. Mai mình cũng lên đây đi! - Ừ! Keisuke im lặng một lúc lâu: - Michan, đây là bí mật nhé. Anh leo lên cây và ở trên đó. Đấy là bí mật. Trên cây, anh đọc sách và học bài. Không được nói cho ai biết nhé! - Em không nói đâu – Michiko gật đầu – Chúng mình giống chim nhỉ! - Vì là em, anh mới nói. Bố mẹ anh cãi nhau dữ dội. Mẹ anh nói sẽ dẫn anh về nhà bà ngoại. Vì không muốn nhìn thấy họ nên anh mới leo trốn trên đây. Bố anh ra tận bờ sông tìm khắp nơi mà không thấy Keisuke ở đâu. Từ trên cây, anh nhìn thấy tất cả mọi chuyện. Từ mùa xuân năm ngoái kia. - Tại sao hai người lại cãi nhau? - Em không biết sao? Bố anh có tình nhân. - … - Sau đó, anh thường leo lên cây. Cả bố mẹ anh chưa ai biết. Bí mật đấy nhé!Keisuke nhấn mạnh : - Michan. Từ ngày mai, em mang theo tập vở. Chúng ta sẽ học trên cây. Điểm số sẽ tốt hơn. Trong vườn có rất nhiều cây có nhiều lá. Không ai có thể thấy chúng ta từ phía dưới hay bất kỳ đâu. Bí mật trên cây của hai người đến bây giờ đã gần hai năm. Trên cây, có những cành lớn tỏa rộng. Hai người ngồi vui vẻ. Có những ngày những chú chim nhỏ đến đây, có những ngày gió thổi lá kêu xào xạc. Dù không cao lắm nhưng hai người yêu nhỏ cảm thấy mình đang ở một thế giới khác, xa cách với mặt đất dưới xa kia. CÂY MẬN YASUNARI KAWABATA ĐÀO THỊ THU HẰNG dịch Ngồi đối diện với nhau và cùng ngước nhìn lên mấy bông mận đỏ trên cây mận già, cha mẹ đang tranh cãi. Mùa mận nở đã được gần mười ngày, những bông mận đầu tiên đã tàn trên các cành cây thấp tỏa đều. Nó chẳng thay đổi là mấy, cha nói, kể từ khi mẹ về làm dâu nhà này. Mẹ không nhớ, mẹ nói. Sự lảng tránh này làm cha khó chịu. Mẹ không có thời gian cho những cây mận, mẹ nói. Mẹ đã lãng phí thời gian của mình, cha nói. Dường như rắc rối nằm ở chỗ mẹ không thích chia sẻ những cảm giác của cha về sự ngắn ngủi của đời người so với cuộc sống của cây mận già. Cuộc tranh luận chuyển sang đề tài những chiếc bánh New York. Cha nói rằng vào ngày mồng hai tháng giêng, ông đã mang bánh ở Fugetsudo về. Mẹ bảo mẹ không nhớ gì về bánh trái cả. - Nhưng anh nhớ rất rõ là anh đã dừng xe ở cả Meiji và Fugetsudo và mua ở một trong hai nơi đó. - Em nhớ là ở Meiji. Trái lại anh chưa một lần nào mua gì ở Fugetsudo kể từ khi em về cái nhà này. - Em thì cứ đưa ra những lời tuyên bố chung chung vậy. - Anh chưa bao giờ mua cho em cái gì cả. - Thế mà em đã ăn chúng rồi đấy. Anh biết là anh đã mua chúng. - Anh làm em khó chịu. Anh mơ về chúng thì có. Anh đang nói điều gì đó trong mơ của anh đấy. - Hả?Đang chuẩn bị bữa trưa trong bếp, cô con gái nghe thấy hết cuộc tranh cãi. Cô biết sự thật, nhưng cảm thấy không thể nói ra được. Cô đứng mỉm cười bên cạnh chiếc ấm đun nước. - Anh có chắc là anh đã mua bánh về nhà không? – Hình như cuối cùng thì mẹ cũng coi như là công nhận cha có thể đã mua. - Anh đã mua – nhưng có lẽ anh đã để chúng ở ô tô thì phải? – Ông ngập ngừng. - Nếu anh để trên xe thì người lái xe đã lấy mất. Anh ta đã không đúng khi lấy chúng. Đấy là xe công ty mà. - Đúng vậy. Cô con gái hơi băn khoăn. Điều làm cô băn khoăn là sự việc mà mẹ cô đã quên mất và cha cô thì lại để niềm tin của mình bị lung lạc khá dễ dàng. Ông đã đi chơi vào ngày mồng hai tháng giêng, có xe riêng đi kèm, và ông đã mua một hộp bánh ngũ cốc ngọt lớn ở Fugetsudo. Mẹ cô đã cho người khác ăn. Có một khoảng lặng, sau đó với sự điềm tĩnh phi thường, mẹ đã nhớ ra. - Ôi phải đấy! Anh đã mua, phải không anh. - Anh đã. - Chúng ta có quá nhiều. - Và anh đã mua chúng. - Nhưng anh đã mua cái thứ rẻ bèo ấy ở Fugetsudo phải không? - Anh đã. - Em nhớ ra rồi. Chúng ta đã cho ai đó. Gói tất lại. Cho ai nhỉ? - Ừ. Em đã đưa bánh cho ai đó. – Ông nói cứ như thể sự ngập ngừng trong cổ ông đã biến mất. – Cho Fusae, có lẽ thế? - Fusae, có thể. Đúng. Em đã nói là chúng ta không được để cho bọn trẻ thấy. - Đó là Fusae. Với việc đó, cuộc tranh cãi kết thúc. Cảm giác về sự nhất trí dường như làm dịu cả hai người. Nhưng thực tế thì lại khác. Họ đã không đưa bánh cho Fusae, người hầu gái cũ của họ, mà cho cậu bé nhà bên.Cô con gái đợi xem người mẹ có nhớ ra nốt điều đó không. Nhưng chỉ có tiếng ấm trà sôi vang lên từ phòng ăn sáng. Cô mang bữa trưa vào. - Con nghe thấy cuộc tranh cãi của bố mẹ, phải không Yoshiko? – Cha cô hỏi. - Vâng. - Mẹ con đãng trí một cách thú vị. Ngày càng nhầm mà cứ giả đò không nhầm gì cả. Con phải giúp mẹ nhớ lại mọi chuyện. - Em lấy làm lạ là chuyện của chúng ta lại đi xa đến thế. Lần này em đã thua, nhưng em thấy lạ thật. Cô con gái đang nghĩ đến việc nói một điều gì đó về Fusae và cậu bé nhà bên nhưng lại thôi. Hai năm sau cha cô mất. Ông đã bị một cơn đột quỵ nhẹ và sau đó thỉnh thoảng mới đến văn phòng. Rồi kể từ khi những bông mận đầu tiên tàn trên các cành cây thấp ấy, Yoshiko thường nghĩ về chuyện Fugetsudo. Cô không bao giờ nói chuyện đó với mẹ. Rất có thể mẹ cô đã quên. (1948)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro