KẺ Ở VƯỜN - NGƯỜI Ở CHỢ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cũng là một dân tộc anh em máu đỏ da vàng đó, chứ có khác nhau cái chi chi đâu. Chỉ có cái xếp sống, cái tánh tình, cái thú chơi hay cái cách suy nghĩ là khác nhau có chút xíu. Chứ gì đâu mà gắt. Kẻ ở vườn - Người ở chợ...
Mới đầu nghe hai cái từ "vườn" và "chợ". Mèn đét ơi! Tui nào có hiểu đâu. Cứ suy nghĩ, rồi hiểu đơn giản "vườn" thì để trồng nông sản, còn "chợ" là nơi để tiêu thụ các mặt hàng, cả nông sản. Nhưng, người ở vườn họ còn hiểu ở cái nghĩa khác, hay còn gọi là từ ngữ địa phương.
"Vườn" thì chỉ những nơi thôn quê, cây cối um tùm, vườn tượt khắp lối, cứ mỗi nhà là cách nhau một cái vườn. Thường là vườn cây ăn trái.
"Chợ" thì chỉ những nơi thành phố, xe cộ nhộn nhịp, đèn đường đèn giao thông có mọi nơi, nhà nhà thì chồng chéo, lại còn có công viên, siêu thị, bệnh viện...
Hôm nọ, đi vườn mua chôm chôm. Có dì đó hỏi mình:
"Con ở vườn hay ở chợ?"
Với cái lối giao tiếp rặt Nam bộ này cộng thêm mình không biết gì về cái khái niệm "Ở vườn - ở chợ", nên mình đã hiểu lầm.
"Dạ con ở gần chợ."
Thật ra nhà mình gần chợ, nên mình mới nói vậy. Nói xong rồi mà bây giờ nghĩ lại thấy quê mặt thật, cũng may là lúc đó mình có cười một phát, mong là người ta nghĩ mình giỡn. Chứ quê quá, chịu sao nổi.
Sống ở vườn thì quen thuộc với cây cối, chim muôn, từng con nước, cho tới cục đất. Mỗi nhà ít nhất cũng có một mảnh vườn hoặc hơn, trãi rác khắp nơi. Vườn còn nhiều hơn nhà. Cứ mỗi lần muốn gặp nhau phải lội qua cái bờ đê, đi sâu vô cái bãi lầy, qua mấy chục cây cầu khỉ, cầu dừa, cầu si măng các thứ thì mới tới cái vườn. Rồi sâu vô nữa mới tới cái nhà. Mỗi lần gặp nhau cũng khó.
Sống với thiên nhiên, thì phải biết hòa nhập với nó. "Nhập gia thì tùy tục", họ đào cái con kênh nhỏ, cho thuyền xuôi theo con nước rồi trôi đến vườn nhà, hay đứng ở góc vườn nhà này hóng cái mặt qua nhà bên kia...
"Bới... Chị Tám ơi! Nhà tui mai có đám, nhớ qua nghe."
"Úi... Ờ! Nghe rồi, để chút tui biểu ổng ra vườn, vợt mấy trái xoài chín cây mang qua cho chị hén!"
Cứ như vậy, mà hai bên nói chuyện giòn giã. Có bị đứt đoạn gì đâu. Mặc dù không thể thấy mặt nhau. Thấy mà buồn cười...
Cái văn hóa xóm làng ở "vườn" thấy vậy mà mạnh. Họ mạnh ở cái tính cộng đồng, hễ nhà ai mà tới mùa thu hoạch, hẹn được lái mua là chủ vườn lật đật nhờ người sang hái tiếp. Quen thì đãi chậu nhậu, với dĩa xoài chua là được. Còn không thì mần theo tiếng (giờ), 13 ngàn/ tiếng hoặc 300 ngàn / buổi. Chỉ cần nói trước vậy là người ta chuẩn bị qua liền.
Lái - là những người đi mua hàng rồi bán lại. Nhân vật trung gian giữa chủ vườn với người bán (bạn hàng). Mấy ông lái bà lái xuống làm hàng là cả xóm súm lại coi.
"Trúng vườn hả anh Hai!!!", "Ăn Tết lớn rồi hé!!!'
Nhà vườn ai cũng kêu "Trời". Than vãn, rồi cười trừ một cái là thôi.
"Trúng gió rồi anh Tư ơi!", "Ăn Tết ở Bình Dương chớ không có ăn ở đây chị Ba ơi!"
Mần cực cả năm. Than tí xíu thì có sao đâu.
Chăm vườn cũng cực như chăm con. Hễ mưa bão là thấy rầu rụng rún, sợ cây gãy nhánh, sợ trái rụng, sợ mưa. Rồi lái sẽ chê, giá thì tuột. Thôi ráng neo vườn lại, khi nào giá nhích lên được xíu hả bẻ, rồi nó tuột giá luôn, rồi chín cả vườn, bán rẻ lại, bán lỗ lại. Rồi khóc!
Người ở vườn thích nói mà chịu làm. Đang chạy ở ngoài lộ, hay gặp nhau ở đâu. Cứ hễ đụng mặt là tự dưng buột cái miệng phải nói ra vài câu, hoặc hỏi thăm nhau, hoặc hỏi giá cả thị trường, hoặc trêu ghẹo nhau thôi.
Con người lanh lợi, lại nhiệt tình. Nhất là mấy đứa con nít, cứ mà sáp lại gần nhau là inh ỏi cả một vùng. Mấy đứa thanh niên thì yêu đương quanh xóm, không thì đứa dưới đùi yêu đứa trên ngọn. Cho nên cảm một xóm xung quanh toàn là dòng họ của nhau không, vườn tượt thì mỗi ngày càng rộng thêm.
Ngôn ngữ cũng đa dạng, nhiều hình ảnh, nhiều ẩn dụ. Như từ "vườn" và "chợ" đã giải thích ở trên. Dùng những từ gắn với động vật, để ẩn dụ cho cái mình muốn nói như "cốc", "nhái" chỉ những loại nông sản nhỏ trái hơn hàng "cơi" (hàng to trái), hàng "lở" (hàng trái vừa). Hay người ở trên "ngọn", người ở dưới "đùi" chỉ đầu xóm và cuối xóm. Hay mùa đó đậu trái, được mùa nhưng mà người tiêu dùng không mua, nên bạn hàng không bán, lái cũng không mua của chủ vườn, thì họ nói "Năm nay người ăn không mạnh bằng năm ngoái"
Cực lực cả năm trời, gom được mớ tiền rồi. Sắm sửa đủ thứ, gom góp gửi cho mấy đứa con đi học đại học, cao đẳng ở thành phố để chúng nó đóng học phí, rồi lo tiền phân bón, tiền thuốc sâu. Rồi lại là để "chơi", ở vườn thì chuộng đá gà và đỏ đen, đàn ông thì chơi đá gà, đàn bà thì kiếp đỏ đen. Ngoài ra còn bộ môn chơi số đề, hễ có người mất kẻ mơ, đều lồi ra được con số. Cứ mỗi lần chơi chỉ tốn có 5-10 ngàn mà lời tới mấy trăm ngàn. Mà lỗ nhiều hơn lời. Đó là trò hên xui mà.
Đám tiệc thì vui hết cả xóm, mà tang ma thì rầu hết cả làng vậy đó. Người ở vườn là vậy!
Sống ở chợ thì nhìn nhà và xe là nhiều, cứ mỗi nhà là có ít nhất 1-2 chiếc xe gắn máy. Cha một chiếc, mẹ một chiếc, rồi con, cháu... Chạy ra đường là chỉ toàn thấy xe. Nhà cửa thì chồng chéo, ngoài lộ, trong hẻm đều có. Tùy căn lớn nhỏ, có căn trong hẻm còn to hơn ở mặt tiền. Đường xá thì thuận tiện, nhiều ngõ thông quại. Muốn đến nhà ai cũng dễ di chuyển, chỉ tội là đi xong lạc đường tăng chịu. Tại không nhớ nỗi.
Người ở chợ cũng ăn uống, ngủ nghỉ như người ở vườn. Họ cũng đi làm, nhiều khi còn tất bật hơn vì họ đâu có cái mùa vụ gọi là nông nhàn. Ăn bữa cơm còn không kịp, nói chi là tương tác thâm tình với anh chị hàng xóm. "Bán bà con xa, mua láng giềng gần", làm còn không kịp, nên họ có mua láng giềng gần được đâu. Cùng lắm là hỏi thăm nhau đôi câu, mời nhau vài món ăn mà mình nấu còn dư. Nhưng thấy vậy mà hoạn nạn lại có nhau. Tại người Việt Nam sống thiên tình cảm nhiều hơn ấy mà!
Ngoài nhà cửa, xe cộ nhiều. Đường đường đèn giao thông, cột điện cũng nhiều. Chứa dây điện, cáp quang, cáp wifi. Nhờ đó mà đâu cần "Ăn to nói lớn". Khỏi nói cũng giao tiếp với nhau được, nhờ vào các trang mạng xã hội có thể nhắn tin với nhau. Hầu như lệ thuộc vào nó là nhiều.
Người ở chợ thích làm mà không chịu nói. Không chịu nói ở đây là chỉ sự giao lưu về tình làng nghĩa xóm. Chứ về họ hàng, đồng nghiệp là nhậu cũng không vừa người ở vườn đâu nghen. "Kẻ tám lạng, người nửa cân"
Ở chợ thì có nhiều hoạt động giải trí hơn, nhiều lễ hội đua nhau tổ chức, nhiều cuộc thi tuyển chọn tài năng diễn ra hơn. Kết nối con người với nhau hơn. Mà chủ yếu, họ đi du lịch là nhiều, giải tỏa một năm căn thẳng đầu óc. Mà làm được 10 thì chơi hết tầm 7 rồi... Đám tiệc, tang ma đều có nhưng không rườm rà quy cũ cho lắm! Người ở chợ là vậy!
Sẽ có người thích ở chợ, có người thích ở vườn. Không có cái gì thì thường thích cái đó. Nêu trên chỉ là vài ý kiến nhỏ thôi. Có cái chung, cái riêng...
Xã hội hiện đại, công nghiệp 4.0 tràn lan, giao thông liền mạch. Thế giới đã phẳng, nên không còn sợ ngăn cách hay lạc lõng gì nữa. Cứ thế mà phát huy, mà gìn giữ rồi sau này "Kẻ ở vườn - Người ở chợ" sẽ chỉ mãi là danh xưng cho hai khái niệm chỉ người mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro