Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một buổi sớm mai, chim chóc tung tăng cất bản hợp xướng thường niên của chúng. Hạnh ngây người. Cô đang dính vào một vụ rắc rối. Vài phút trước khai giảng, chồng ghế đổ ụp xuống ngay trước mắt cô. Đám ghế văng tứ tung, sân trường quá ồn ào mà chủ yếu là tiếng tay bắt mặt mừng của học sinh. Ai lại để chồng ghế giữa đường thế này? Hạnh không cố ý đâm đầu vào nó, tất nhiên rồi.

Những năm cấp hai, Hạnh thuộc tuýp năng động, hoạt bát và năng nổ tham gia các phong trào. Bất kì học sinh từ bất kì lớp nào cũng muốn kết bạn với cô.

Giữa lúc Hạnh loay hoay với đống ghế ngổn ngang, từ xa bỗng xuất hiện một nhóm thanh niên to tiếng, họ trông thấy cô, tiến lại gần.

"Cần giúp không?" Một người cất giọng hỏi.

Hạnh không đáp, tiếp tục dọn ghế. Bốn thanh niên cũng bắt tay vào giúp đỡ. Vừa kịp bắt đầu lễ khai giảng. Mọi việc ổn thỏa, cậu bạn cao to nhất đã buộc chân Hạnh bằng lời chào.

Theo giới thiệu, Đức có làn da ngăm đen, mũi quá khổ, đeo kính dày, gọng đỏ, cao to và sở hữu thân hình đô con nhất. Tính cách An có phần rụt rè, tóc mái phủ kín trán, luôn đeo khẩu trang trắng. Thiện không có điểm gì nổi bật ngoài việc nói năng khá thô lỗ. Cuối cùng là Huy. Làn da trắng, kính gọng tròn, khuôn mặt điển trai nhất thế giới, Hạnh đoán cậu ấy có thể tán đổ bất kì ai. Lần đầu trông thấy bốn người, cô đã lập tức có thiện cảm với Huy.

"Chúng mày về hàng đi." Hạnh nói.

"Chỉ vậy thôi hở? Bọn tao vừa giúp..."

"Giờ tao phải đi rồi," Hạnh đáp, rồi chuồn vào phòng 'Đoàn trường'.

Bốn người ngậm ngùi quay về hàng lớp. Đương hiệu trưởng bước lên sân khấu với áo vest bộ tịch.

"Ê, đang thèm kem vanilla, lát xuống căn tin mua với tao không?" Đức ưỡn ra sau hỏi An.

"Thôi. Lười cởi khẩu trang," An cũng thèm kem vanilla lắm. Nhưng vì chiếc khẩu trang nên đành vậy. Đến bao giờ mới lại được ăn kem vanilla nhỉ? Quả thực chẳng dễ chịu khi gặm nhấm nỗi đau của chính mình, như loài kền kền gặm nhấm xác chết.

"Mày bệnh gì mà đeo khẩu trang suốt vậy?" Đức hỏi.

Không trả lời.

Một buổi khai giảng thông lệ. Thường niên, hiệu trưởng diễn thuyết về các vấn đề trong trường, còn đám học sinh sẽ nói chuyện riêng. Huy và Thiện ngồi gần đầu hàng, tán gẫu, Đức ngồi sau phụ họa, An ngoài cùng. Cậu chẳng mấy quan tâm đến những chủ đề bàn luận của đám bạn.

"Giời ạ! Ông già đấy lắm mồm thật," Thiện đứng dậy.

Cậu ta không bao giờ suy nghĩ trước khi nói.

"Mày mở mồm không nói được câu gì tử tế à?"

"Con nhỏ lúc nãy đâu rồi? Mẫu giáo nó chưa được dạy từ 'cảm ơn' à?"

Bước vào lớp, học sinh đang chất ghế xuống, sắp xếp đồ dùng. Nhưng đó chỉ là những ai gương mẫu. Ngoài nhóm Huy, trong lớp cũng chia thành nhiều nhóm nhỏ, họ chơi thân từ cấp hai.

Lọt trong khung cảnh lớp học là màn rượt đuổi, vật lộn, đùa bỡn, làm bộ kêu gào quá lố trên bục giảng. Nom khác gì nhà trẻ không? Trong buổi nhận lớp tuần trước, các nhóm nhỏ đã dành hết chỗ gần nhau. An không muốn yêu cầu người khác phục vụ những nhu cầu không chính đáng của bản thân. Bọn bạn làm gì thì làm, riêng An không có nhu cầu đổi chỗ.

Ba phút sau tiếng trống, chủ nhiệm đến trước cửa lớp 10A4. Mọi người đã giao lưu với Mai từ buổi nhận lớp. Hôm đó, cô chỉ phổ biến một số hoạt động phong trào, sự kiện và quy định của trường. Đức nhớ không nhầm cô dạy Mỹ Thuật - cũng là môn cậu thích nhất.

"Bầu lớp trưởng chưa nhỉ?" Mai hỏi.

"Bạn Tú Anh ạ," một giọng nữ phát biểu.

Mai rất trẻ, nom vừa ra trường vài năm. Chung quy là một giáo viên thiếu kinh nghiệm.

"Tú Anh đâu, nói thế còn không chịu đứng?"

Tú Anh đứng dậy, đó là một cô nàng có mái tóc ngắn cụp như con trai và khuôn mặt đáng yêu. Tú Anh nhìn đám bạn, cười cợt vài giây (An để ý cô có chiếc răng khểnh khá duyên) rồi ngước lên bằng đôi mắt nai. Trông cô ngây thơ, hoặc đang cố ra vẻ như vậy.

"Lên đây phát cho các bạn cái này," cô nói. Tú Anh làm theo.: "Hôm nay vắng ai vậy?"

"Bạn Hạnh đang sinh hoạt chi đoàn ạ," một cô gái đứng dậy nói.

Cô gái này có thứ gì đó đặc biệt. Thân hình mảnh mai, làn da trắng vàng như vanilla. Chẳng phải tuyệt sắc giai nhân, mũi không cao, mắt không to, song chúng kết hợp rất ăn ý trên khuôn mặt thon gọn đã hớp hồn An. Cô tên gì? Cậu hỏi như tự vấn. Trong tâm khảm đột khởi một ngọn lửa rạo rực, vừa háo hức mong chờ vừa sợ sệt lo lắng, lòng nôn nóng thấp thỏm. Ánh mắt không thể ngừng dán chặt vào cô. Kể từ hôm nay, người con gái ấy đã vô tình cô độc vì bị giam cầm trong đôi mắt An. Cậu muốn ru ngủ thế giới, để được thức thêm một giây lương thì nhìn ngắm diễm sắc thiên chương này lâu hơn.

Hạnh là bạn cô ấy? Vậy An nhất định phải kết thân với Hạnh. Lòng vui sướng xiết bao, cậu bắt quả tang mình đương gieo mầm mống tình yêu xuống tâm hồn. Liệu nó sẽ sống đến khi tình ta đâm chồi hay sớm lụi tàn? Cậu không biết, và cũng không hy vọng. Hôm nay tình yêu ghé chơi, An thấy tim mình thổn thức tựa những đợt sóng không gian quét qua nhục thể từ một nơi rất xa. Bản thân chưa từng tin vào "tình yêu xét đánh", nhưng thứ cảm xúc lạ lùng này khiến An ngộ nhận. Không muốn vội vàng, cậu nghe tim đập thình thịch bên tai, âm vang như tiếng búa đóng vào bê tông: đùng, đùng, đùng...

Buổi sinh hoạt kết thúc.

"Còn chuyện nữa, lớp ta được đặc cách môn Toán do đích thân thầy hiệu trưởng dạy." Mai nói trước khi rời đi.

Giờ giải lao, cả nhóm xuống căn tin. Riêng An không đi cùng, cậu bảo mình quen bỏ bữa sáng nên không thấy đói. Ăn xong, ba người họ tách nhau và khởi sự tham quan trường.


Với thân hình "hai cen-ti-mét nữa là mét bảy", không hẳn lùn, nhưng đi trong ngôi trường này, tôi thấy mình như tí hon. Có người cao hơn tôi gần hai cái đầu. Không phải hầu hết đều cao như thế, dẫu sao tôi cũng thuộc "khối em út" trong trường, chuyện gặp các tiền bối cao hơn cũng chẳng có gì lạ. Tâm trí đương quanh quẩn về chiều cao, trước mắt tôi là biển hiệu "Đoàn trường".

Tim tôi hào hứng rộn ràng, thình thịch liên hồi. Cái thổn thức ấy lại dấy lên, cuồn cuộn như bão tố. Song, tôi chỉ dám ghé ngang, trộm gửi ánh nhìn. Hạnh và nàng đang trò chuyện. Tôi chưa được biết tên nàng, nàng đẹp đáo để, cứ như có thế lực nào kéo tôi dúi vào nàng. Mắt tôi không ngừng thưởng thức dung mạo tỏa sáng ấy. Cửa hồn rộng mở, hướng ánh dương về ánh nắng. Từ nơi chẳng ai trông thấy, tôi đã ngắm nàng rất lâu. Như bông hướng dương tìm thấy ánh trời. Tìm thấy ánh sáng rót lên mầm cây tôi vừa gieo xuống.

Ngay lúc đó, những cơn sóng tự ti lại trườn lên bãi bờ. Tôi chợt nhớ những lời họ nói về gương mặt mình, thật gớm ghiếc. Chỉ với ý nghĩ đó, tôi đã thành công đàn áp đám dục vọng đang thi nhau nảy sinh trong đầu. Đến đây thôi. Giờ tôi phải làm việc khác.


Huy quan sát đống giày dép vứt ngoài cửa, chủ nhân chúng không sợ mất giày hay sao? Cậu tháo giày, đôi giày khá đắt tiền, phải đảm bảo đặt ở vị trí "không thể bị vấy bẩn". Nâng niu thật nhẹ nhàng, Huy cất nó vào một góc cạnh một chậu cây cảnh, tránh xa đống giày dép lộn xộn kia. Trước mặt là cửa kính thư viện, một áp phích khá to dán trên đó, chắn hết phần kính, đứng từ đây không thể nhìn vào bên trong. Nội dung tấm áp phích là cuộc thi vẽ cấp thành phố.

Đẩy cửa bước vào. Ấn tượng đầu tiên là tiếng xì xầm của một nhóm con gái, không phải nói về cậu.

"Mày học chung lớp thằng Dũng thật hở?" Một cô gái bất ngờ lớn giọng, như tín hiệu hải đăng giữa biển chỉ lóe lên vài giây rồi vụt tắt. Nhận ra mình vừa làm ồn, cô ta liền ngậm chặt miệng, hai tay vẫy vẫy, cúi đầu tạ lỗi. Cô thì thào: "Vậy là ý trời rồi! Ngại gì mà không tiến tới?"

Huy vểnh tai nghe.

"Đừng có điên, quen thằng đó chỉ tổ rước họa vào thân. Ai học chung cấp hai cũng hiểu nó ngông thế nào. Tao không thích kiểu con trai cứ suốt ngày vuốt tóc bóng lộn, tai đeo khuyên, vào trường lại chẳng được tích sự gì ngoài tụ tập đánh nhau." Bạn cô gái nói.

Tiếng trống vang lên.


Thiện lên lớp sớm nhất nhóm, ngồi vào chỗ, cậu ta chứng kiến toàn cảnh vỡ tổ ngoài hành lang. Đám học sinh ồ ạt vào lớp như cơn lũ, chúng chen chúc nhau qua cánh cửa rộng chưa đến một mét. Tưởng như cửa sắp gãy làm đôi tới nơi.

Năm phút sau tiếng trống, An và Huy mới vào lớp, may thay giáo viên vẫn chưa đến. Thiện im lặng quan sát. Đến khi bước về chỗ ngồi, cậu ấy nói bằng giọng èo uột: "Giày tao."

"Giày mày?"

"Giày của TAO!"

"Giày mày làm sao?"

Thiện nhìn xuống giày Huy. Chà, một vệt đen dài hằn trên đó, mũi giày móp méo không ra hình thù gì. Ôi, đôi giày Huy coi như báu vật. Hẳn cậu ấy sốc lắm. Đó là món quà Huy được mẹ tặng dịp sinh nhật thứ mười bốn. Từ đó đến nay, ngày nào cậu ấy cũng mang chiếc này đi học. Trong nhóm ai cũng hiểu nó rất có ý nghĩa với Huy.

"Giày trông đẹp thế!"

Huy thở hắt chẳng buồn nói.

Đôi giày co rúm đến tội nghiệp, Huy cũng tội nghiệp chẳng kém. Giáo viên bước vào lớp, theo sau là "kẻ bám đuôi" - Đức - ẩn nấp sau lưng giáo viên như rình mò, chờ thời cơ giật túi sách của cô.

Thiện bắt gặp Hạnh, tiết này cô về lớp. Cậu muốn bắt chuyện, hỏi xem sinh hoạt chi đoan nghĩa là thế nào, công việc của họ ra sao. Từ cấp hai, khi vừa biết đến khái niệm "Đoàn trường", Thiện đã luôn tò mò cách nó hoạt động... Không, chẳng có tò mò gì ở đây cả, chỉ là cái cớ đặng bắt chuyện Hạnh thôi. Hai tiết tiếp theo, cứ vài phút Thiện lại quay sang nhìn Hạnh mấy bận. Nhưng mỗi lần quay sang không dám nhìn lâu.

Vừa vào lớp, cô bắt đầu giới thiệu tên và nói vài thứ về trường. Thực ra cô nói cả tiết, như truyền thống vậy. Nào "lịch sử trường", nào "những kỷ niệm vui khóa trước". Cô kể rất nhiều. Cả lớp cười rầm rộ với những kỷ niệm ấy.

Mỗi khi cả lớp cười ồ lên, An khởi sự quan sát biểu cảm từng người. Họ chỉ cười đãi bôi, âm sắc rất khiên cưỡng. Còn câu chuyện có thực sự hài hước không thì An chẳng biết, cậu không cảm nhận được gì từ chúng. Đưa mắt đến Huy, mặt cậu ấy đờ đẫn thất thường. Chuyện gì có thể khiến một người luôn lạc quan yêu đời như cậu thành ra như vậy?

Vẫn tiếp tục quan sát, bỗng An chạm ánh mắt cô gái, đôi mắt cong veo sắc sảo, sâu hoắm như gọi mời. Cô thờ ơ, bình thản, tuyệt mĩ đến độ tưởng như vừa được tạo ra mới đây thôi. Với thái độ đó, An đoán cô không để tâm đến sự hiện diện của cậu, và tất nhiên cũng không thắc mắc tại sao cậu lại nhìn cô lúc này.

Có vẻ cô cũng đang thăm dò thái độ của mọi người xung quanh như An. Vậy là giữa cậu và cô đã có một điểm chung, vẫn liên quan gì đó đến nhau, phải không nào? Ngồi cạnh cô ấy - Hạnh. Giờ nghỉ trưa An sẽ thử làm thân, đó là cầu nối duy nhất đặng bắt chuyện cô gái ấy.

Kết thúc tiết bốn, quãng nghỉ giữa tiết dài hơn bình thường, đã gần tám phút vẫn chưa thấy giáo viên đâu. An đến chỗ Huy, thấy vậy Đức cũng chạy theo nghe ngóng.

"Thằng nào đạp giày nó trông như đống cứt này chúng mày!" Thiện nói.

Huy gục xuống bàn mà rít một cú ra trò.

"Thằng nào? Để tao đập chết mẹ nó!"

Đám con gái bàn bên ném ánh nhìn kì dị vào Đức rồi lảng đi. Một bận hồi lớp tám, An từng vật tay với thằng mắc dịch này, Đức vốn hiếu chiến, ai gạ kèo là nó quất luôn. Lúc ấy, Đức cũng là thằng to con nhất lớp. Thế mà An đã vật thắng cậu ta, không ai lường trước kết quả này. Chính Đức cũng tròn mắt. Họ bảo An ăn may, nhưng ăn may kiểu gì mà Đức chưa thắng cậu lần nào. Mỗi khi Đức gạ vật tay, cậu ta đều hừng hực khí thế. Nhưng lần nào cũng vậy, An vẫn thắng. Thế nên Đức vẫn ôm mối thù suốt bao năm nay.

"Thử hỏi cô thủ thư xem," Thiện nói.

"Ngoài cửa thư viện có dán một tấm áp phích rất to, là quảng cáo CUỘC THI VẼ CẤP THÀNH PHỐ," An chợt lớn giọng. "Chính thế, phải ai cao mét tám đổ lên họa chăng thấy tóc chứ cũng không thể rõ mặt. Ngoài ra, vị trí ấy bị một chậu cây cảnh khá hoành tráng che khuất. Nếu hành tung ở góc chết này, dù là bất kì ai cũng không đủ chứng cứ buộc tội."

Chưa đợi kết luận, Đức đã nhảy vào, mặt vui tợn. "Cuộc thi vẽ?"

"Ừ," An đáp.

"Hạn chót khi nào?"

"Không biết, tự xuống xem đi"

Câu chuyện "thằng nào làm" tạm dừng ở đây, Thiện nhìn quanh thăm dò. Cậu thấy Hạnh rời ghế, cô chuẩn bị đi đâu đó.

Tiết cuối là môn Toán, 10A4 là lớp duy nhất được hiệu trưởng đích thân phụ trách. Nhưng chỉ được cái danh, thậm chí thiệt thòi hơn các lớp khác. Như lần này, thầy ấy có cuộc gặp đột xuất với bên báo đài và truyền hình nên lớp được nghỉ gần như cả tiết. Thầy bước vào lớp mười phút cuối, trước ánh nhìn hoang mang của đám học sinh. Mặt thầy nom căng thẳng, mồ hôi lấm tấm hai thái dương, miệng thở dốc. Thầy khởi sự biện bạch.

"Xin lỗi các em nha! Thầy vừa đi tiếp khách. Đây là buổi đầu tiên nên còn mười phút cuối mình làm quen nhau thôi được rồi," Nói xong, thầy bỗng cười thành tiếng, để lộ chiếc răng thỏ dễ mến. Ấy là điệu cười khiến người ta có thiện cảm nhất trên đời. Thật đấy.

Bằng cách đó, thầy đã chiếm trọn cảm tình của mọi người.


Giờ nghỉ trưa những năm trước, nhóm An thường không nhất quán một kế hoạch cụ thể nào. Hôm ai về nhà nấy, hôm nhất quán ăn ở chợ nhà con Hiền. Trường hợp của Thiện và Đức, bởi trường khá gần nhà nên cứ đến giờ trưa là bố mẹ chúng nó bắt phải về. Còn An và Huy thì nhà ở xa. Từ ngày trước đã thế, vì vậy cả hai không bao giờ về buổi trưa. Hai người thường cùng ăn những quán lề đường, nhờ vậy quan hệ giữa An và Huy rất thân thiết.

Về con Hiền, thời cấp hai, một bận môn Văn, bà giáo nhờ nó phát bài kiểm tra. Nghe tên Hiền chứ tính nó chẳng vậy tí nào, phát đến ai điểm thấp là nó tìm đủ cách móc máy cà khịa. Thế mà chẳng ai làm gì được. Về điểm Văn thì lúc nào Hiền cũng nhất lớp. Không nhất cũng nhì, không nhì thì cũng cao hơn bọn Thiện.

"Úi dào, điểm thế này cũng được ngồi chung lớp với tao cơ à?" Giọng nó hợp chọc tức người khác.

Ai cũng tức, nhưng Hiền là "con cưng giáo viên", bà giáo kiểu gì cũng bênh nó, chửi không được, càng tức hơn. Chính thế, Thiện luôn nhẫn nhịn. Nhưng đó là những lần trước, còn lần này nó bật phắt dậy, trỏ thẳng tay vào mắt Hiền, mặt nó tợn kinh khủng.

"Can gì thằng bố mày, con điếm thối?" Chắc chắn không thể lọt ngoài tai giáo viên.

"Mày nói ai điếm hả thằng bại não?" Hiền đáp trả.

"Bại não ăn hết mả bố nhà mày à?"

"Đây là cái chợ hay sao mà cãi nhau như ở nhà vậy? Cô đang nói em đấy, Thiện! Dừng ngay! Bạn nói vậy để mình cố gắng phấn đấu chứ có gì phải hơn thua? Còn chưa nói đến việc em phát ngôn tục tĩu trong lớp đâu đấy."

Cứ nghĩ thế là xong xuôi, nhưng không! Mạch máu hằn đỏ cả mặt. Thiện to mồm chửi luôn bà giáo. "Cô biết đếch gì? Cổ suý nhục mạ người khác mà cô dám tự nhận mình 'trồng người' à? Đạo đức nghề giáo cô vứt chỗ xó nào rồi?" Cả lớp há hốc mồm trước lý lẽ của Thiện.

Vài phút sau nó bị gọi phụ huynh và lập biên bản, cũng không lạ lắm. Sau đợt ấy bà giáo chẳng ngó ngàng đến nó nữa, điểm thấp cũng mặc. Đừng hỏi vì sao Hiền không phải chịu phạt nhé.

Hiền chơi với một nhóm bạn khá nổi tiếng khu Cát Bi, gồm những anh chị khối trên, đặc biệt quy tụ hốt gơn hốt boi trong trường. An đoán họ lợi dụng cô nàng để biết trước đề kiểm tra. Điểm xấu của Hiền là... Chẳng biết có thể gọi là điểm xấu không, nhưng sẽ xấu với những người thuộc tuýp không quan trọng ngoại hình, tài năng mà chỉ kết bạn qua giao tiếp. An và Huy cũng là kiểu như thế, dù rất giỏi trong học tập nhưng Huy không bao giờ đặt nặng thành tích học tập trong việc kết bạn.

An kết với ai cũng được, chỉ cần có bạn là cậu đã mừng. Nhưng đó là suy nghĩ hồi cấp hai, sau thời gian dài làm bạn với Kền Kền, An hiện tại nghĩ khác.

Hiền dần lánh xa những người cô cho là yếu kém, không đủ "trình" nói chuyện với cô. "Trình" ở đây được định nghĩa là "giá trị bản thân", như thành tích học tập, năng lực cá nhân, kỹ năng giao tiếp, điều kiện vật chất, cơ bản những thứ như thế. Chính vì vậy, Hiền cực khó ở với bọn Thiện. Theo cô đánh giá, chẳng ai trong số họ nổi trội ngoài Huy. Đó là lý do Hiền thường xuyên hẹn riêng Huy đặng hỏi bài. Chứ những thứ dính dáng đến Thiện, Đức và An.... Thực ra Hiền không nhiều ấn tượng về An. Ngoại hình bí ẩn với chiếc khẩu trang, tính tình trầm lặng, mắt bơ phờ thiếu ngủ. Thành tích học tập lại chẳng nổi trội.

Kể cả An hay Đức, những người chưa một lần gây gổ với cô cũng mọc lên trong đầu định kiến rằng Hiền khó ưa và xấu tính. Riêng An ghét nhất những ai xấu tính, vì thế danh sách chọn bạn bè của cậu sẽ loại Hiền đầu tiên. Mà loại hay không thì có khác gì? "Danh sách chọn bạn bè" chẳng qua chỉ là ảo tưởng hòng che giấu một sự thật: "cậu không còn ai là bạn nữa."


Đức đã về trước, cả bọn cùng nhau xuống thư viện sau tiết năm dù biết chẳng ích gì. Sự đã vãn, "kẻ đạp giày" chạy mất tăm hơi rồi, mà kể không chạy cũng chẳng có bằng chứng kết tội. Huy đành ngậm ngùi nhìn khung cảnh này lần cuối. Nhớ lại khoảng thời gian yên bình cùng chiếc "giày còn trắng". Nếu biết đó là lần cuối, Huy đã trân trọng nó nhiều hơn. Nhưng nghĩ kỹ thì cậu đã trân trọng nó rồi, tiếc nuối là điều không cần thiết.

"Hết cách rồi, mày cố giặt nhé." Thiện nói.

An trầm ngâm đứng trước thư viện mà chăm chú nhìn cánh cửa cùng tấm áp phích.

"Có gì mới không?" Huy hỏi.

"Hiện trường lúc đó thế nào?"

"Lúc tao bước ra thì đôi giày đã nằm trỏng trơ giữa hành lang trong bộ dạng này." Huy nói, gần như mếu. Đoạn giơ chân cho cậu 'chiêm ngưỡng'.

An ngâm ý nghĩ trong đầu, nói: "Đôi giày mày đặt trong góc, vậy dù hành lang có đông kín người cũng không thể bị đạp. Vậy sẽ xảy ra hai trường hợp, một là có kẻ cố tình lấy giày mày ra đạp vì ghét mày."

An cười đểu, nheo mắt nhìn Huy.

"Này! Mới vào trường hai ngày, làm sao có người ghét được?"

Cậu phì cười. "Đùa thôi."

"Mày dạo này biết đùa ghê!"

"Trường hợp hai: Có người lấy giày mày ra. Nhưng là vô tình."

"Vô tình?"

"Vì hắn nghĩ đây là giày mình nên mới lôi ra, đến khi nhận thấy không phải thì quăng bừa xuống đất."

"Rồi mọi người từ thư viện ùa ra và dẫm lên giày tao?" Huy nói.

"Chính thế!"

"Tao vẫn băn khoăn," Huy xoa cằm. "Hôm nay chỉ là tao bị đạp giày. Nhưng lỡ 'kẻ đạp giày' thực sự mất giày thì sao? Nếu đôi giày của hắn có một ý nghĩa và giá trị tinh thần với hắn? Hắn đã sẵn sàng bỏ đôi giày đắt tiền của tao mà tìm về đôi giày thực sự của mình!"

"Kết thúc ở đây được rồi. Ý nghĩa của món quà chỉ có giá trị với người nhận. Còn với tao, nó chỉ là một đôi giày bình thường, chẳng có gì đáng lưu tâm."

"Nói vậy thực nhẫn tâm quá! Từ bao giờ mày đã trở nên lạnh lùng đến thế!" Giọng Huy vang khắp hành lang, cả bọn phá lên cười.

Nhưng việc ấy thực khiến An lưu tâm.

Rốt cuộc, cậu đã thành ra thế này từ bao giờ?

Vài bận nhóm Huy vô tình chạm mặt Hiền dưới sân trường. Cái nhìn cô xéo xắt như toan cắt đôi mọi con mắt nó chạm vào, cô liếc qua một lượt, đến An thì ngừng lại. Không phải lần đầu nhưng điều này luôn khiến cô ngạc nhiên. Ba người kia đều nhìn cô, không phải đôi mắt thù hằn của Thiện, thì cũng là ánh nhìn hiếu kỳ của Huy, hoặc thái độ dè bỉu từ Đức. Ấy vậy mà An chỉ ghé ngang đồng tử đặng xác nhận Hiền ở đó rồi lặng lẽ quay đi như thể cô chẳng là gì.

An cũng "đối đãi" như thế với những người khác? Sao cậu ta có thể kết bạn được với tính cách như vậy? Hiền tự vấn. Những ý nghĩ cứ quẩn quanh suốt buổi. Ở An, Hiền cảm thấy một sức hút mãnh liệt, sự "mặc kệ" ấy khiến cô bắt đầu muốn "chinh phục" con người này.

Cô chưa bao giờ bắt chuyện với An. Nghĩ về điều này, Hiền đã rất sửng sốt bởi gần hai năm chung lớp, cả hai thậm chí không nói chuyện với nhau lần nào. Hiền cân nhắc việc chủ động tiếp cận An. Sau một chập đấu tranh, cuối cùng cô chọn nhờ Huy giúp đỡ vấn đề riêng tư này. Và Huy đã nghĩ ra một kế sách.

Dưới căn tin trường có một cây phượng vĩ, từ tầng hai cũng không thể nhìn thấy đỉnh. Chú bảo vệ kể, nó đã ở đây trước cả khi người ta xây dựng trường. Nghe đâu gần một thế kỷ. Những ngọn cành đâm rợp trời.

"Tao hỏi chút nhé?" Hiền thắc mắc khi hai người trốn sau gốc phượng bàn kế hoạch.

"Tự nhiên."

"Hơi khó nói, An nghe thấy chắc sẽ buồn," Hiền ấp úng, cẩn thận lựa chọn từ ngữ. "Sao bọn mày quen được An vậy?"

Tại sao một thằng đằm tính "vô vị" như vậy có thể kết bạn? Điều này cũng được chính Huy vô thức nghĩ đến nhiều lần từ khi lên cấp hai.

"Hồi tiểu học thằng An đâu như bây giờ! Nó là một thằng tăng động chính hiệu! Chơi trốn tìm, đuổi bắt, cá sấu lên bờ với nó cả ngày được luôn! Không hiểu tại sao từ khi lên cấp hai nó lại như thế, ít nói hẳn." Huy ngập ngừng. "Bây giờ tao lại vô thức tránh mặt nó, vì mỗi ngày phải nghĩ cách gẫu chuyện với nó, tao cảm thấy vô cùng nặng nề."

Khoảng lặng bao trùm.

"Tao hiểu sâu trong trái tim ai cũng có niềm đau riêng," Huy nói. "Ai cũng có những chiếc mặt nạ che giấu cảm xúc thực sự bên trong. Để không ai biết ở trường và ở nhà là hai người khác nhau. An cũng có, những chiếc mặt nạ, nhiều là khác."

"Tao hiểu đại khái..."

"An không đeo chúng," Huy nghe chim chóc rêu rao trong tán lá, gió xuân nhẹ ôm lấy họ, phượng không nói gì. "Thay vào đó, nó đeo những chiếc khẩu trang."

"Nhưng ngoài chuyện ấy, còn lý do nào khác không? Tao chỉ thấy mặt nó ba học kỳ. Giờ nó đeo khẩu trang suốt nên tao quên mặt mũi thế nào luôn."

Huy rầu rĩ, lần đầu Hiền thấy điều đó. Dù sở hữu bề ngoài mọt sách, điểm số luôn đứng đầu lớp. Nhưng không khí quanh Huy chưa bao giờ u ám như An.

"Tao không biết vì sao nữa."

Kết thúc ra chơi, Huy chạy lên lớp sớm nhất đặng thực hiện kế hoạch. Vào lớp một lúc, An nhận thấy những biểu hiện đáng ngờ: Huy cứ lén lút nhìn cậu. Quay sang thì cậu ta lảng đi. Dù bất an, nhưng cuối cùng An mặc kệ. Chuyện gì đến cũng đến, bắt đầu tiết, cậu liên tục nghe thấy những tiếng cười khúc khích sau lưng cách ba dãy bàn.


Tôi đã ngầm tách ra khỏi nhóm từ năm lớp bảy. Tôi thấy mình không còn thuộc về nơi đó nữa. Huy, Thiện, Đức ngồi chung dãy bàn ngoài cùng cửa ra vào. Tôi ngồi tuốt góc lớp, cạnh cửa sổ. Tôi thích vị trí này, có thể quan sát nhà cửa, đường xá, xe cộ, ngắm trời và những giao cảm của thiên nhiên. Ba người kia phản đối bởi nó đối diện bàn giáo viên, không tiện "hành tung". Tôi chỉ đang theo họ chứ không thực sự là một phần của họ. Khoảnh khắc bị từ chối ngồi cùng, tôi đã nghĩ vậy. Có thể nó không đúng ở những lúc họ làm tôi hạnh phúc.

Nhóm bốn người, riêng tôi lẻ bóng. Chỉ là chuyện chỗ ngồi trong lớp, sao có thể làm con người ta tổn thương đến vậy? Tôi cũng không hiểu nổi mình. Tôi có định kiến: "Mình giúp nhiều, người ta gọi là phiền. Giúp ít, người ta xem là thừa thãi". Vậy nên từ giờ phương châm sống của tôi là: "không làm gì cả, không phải việc của mình thì sẽ không đụng vào". Nếu ngay từ đầu tôi không mời ngồi cùng thì sẽ chẳng "bị từ chối", phải không nào? Như một cuộc "khẩu đả", càng tránh giao tiếp càng tránh tổn thương. Họ không làm gì sai. Không thể bắt người khác luôn theo ý mình. Họa chăng nỗi buồn tôi tự chuốc lấy.

Dậy thì làm tôi nhạy cảm hơn.

Những tiếng cười khúc khích khó hiểu, tôi thực khó chịu với âm thanh này. Hy vọng bản thân không phải chủ đề bàn tán của họ. Kể cả họ không nhắm vào tôi đi nữa. Tiếng cười bắt đầu man rợ và tưởng như bộ lạc tiền sử nào đang giao tiếp sau lưng mình. Tôi vặn người, nheo mắt nhìn từng đứa một. Như tị hiềm, Huy chạm mắt tôi thì lập tức ngưng cười. Đức ngoảnh đi, còn Thiện thì cười thẳng vào mặt tôi luôn mới ghê. Trông tôi khác nào trò hề.

"Các em mở sách trang chín tám!"

Ba tuần nữa đến mùa thi, ai nấy đều chăm chỉ hơn. Thành phần như "hội chị em bạn dì thích ăn chơi và bay lắc" vẫn không thay đổi quan điểm: "Cuối cấp học vẫn chưa muộn". Có thể đúng, nếu họ là thiên tài hay siêu nhân, nhưng tôi nghĩ điều này không thể áp dụng với đám con gái ấy. Nghe qua cũng biết hai mươi phần trăm trong số họ sẽ hời hợt. Còn lại thì chẳng thèm học gì sất và phó mặc tương lai cho bố mẹ.

Nếu đặt mình vào họ, tôi nghĩ cũng không đến nỗi: gia đình khá giả, dẻo miệng, ưa nhìn. Họ có rất nhiều lựa chọn, không đáng để "lo lắng" chen chân vào đời, không nên áp đặt nỗi lo nghèo nàn của mình lên người khác. Môi trường khác nhau, cách giáo dục khác nhau và cả xuất phát điểm cũng khác nhau.

Tôi phải ngừng lo lắng cho người khác thôi.

Vài giây sau, tôi phát hoảng. Mất toi hộp bút rồi! Lục nát cặp chẳng thấy. Với người khác thì chiếc hộp bút sờn rách của tôi đã cũ lắm rồi. Chưa kể bên trong còn sơ sài, thậm chí không đủ dụng cụ học tập tối thiểu. Bởi từng làm mất hai chiếc hộp bút sành điệu nhất thế giới hồi tiểu học nên từ đó mẹ không mua cho tôi món gì đắt tiền nữa. Cốt để tôi có tính giữ gìn. Nếu dừng ở đó thì tôi chỉ việc xài hàng kém chất lượng. Nhưng chuyện phức tạp hơn thế nhiều, tôi phải lãnh một trận đòn "để đời" vào lần một và suýt bị đuổi cổ khỏi nhà vào lần hai. Chính thế mà tôi kinh hãi khi biết mình chuẩn bị phải sống dưới gầm cầu.

Chung quy là tôi muốn giữ uy tín trong mắt bố mẹ. Nhớ đến điệu cười gian xảo của đám bạn, tôi đoán một trong ba đã giấu hộp bút tôi. Chúng nó cười toe toét, khoái trá nhìn tôi hốt hoảng đi tìm hộp bút.


Tôi bước xuống tầng. Thiện và Đức đã về. Huy sau khi khuây khỏa cũng mất tăm hơi. Nhớ lớp sáu, hai đứa tôi còn đợi nhau ở cổng trường, tranh luận về đủ thứ trên đời, nào kinh tế, chính trị, nào văn chương nghệ thuật. Sau đó cùng đi ăn riêng. Song từ lâu, nó chẳng nói năng gì mà toàn bỏ về trước. Những cuộc tán gẫu cũng dần thưa. Suốt đoạn cầu thang, tôi nghĩ về lý do Huy làm vậy.

Mười một giờ rưỡi, sân trường vắng lặng, tán cây xào xạc, ánh lụa lấp lánh rải đều mặt sân. Quét qua không khí nóng ẩm vương lại của ngày hè. Đầu tháng Chín, tiết trời hầm hầm oi bức.

Hạnh và nàng xuất hiện.

"Mày là An đúng không?" Hạnh hỏi.

"Mày phải nói đủ họ tên chứ?" Lần thứ hai tôi được nghe giọng nàng, ôi tôi yêu nó chết được.

"Lớp mình có một An thôi."

Tôi bắt đầu lo. Họ muốn gặp tôi làm gì? Tôi làm gì sai chăng? Hay nàng muốn làm quen tôi? Ôi, tôi lại tưởng tượng quá lên rồi. "Ừ," tôi đáp.

"À thì." Hạnh giơ lên một chiếc hộp bút, giống hệt của tôi. Gượm đã, tôi khởi sự lục cặp, nó là của tôi. Sao tôi có thể bất cẩn không bỏ hộp bút vào cặp được? Có lẽ tâm trí đã dấn quá sâu vào câu chuyện 'kẻ đạp giày'.

"À." Tôi thất vọng về màn giao tiếp tệ hại của mình. Nhỡ nàng để bụng? Nàng sẽ ghét tôi.

"Tao thấy nó trong nhà vệ sinh nữ."

"Gì?" Tôi chau mày, hành động ấy làm hai cô lúng túng. Nhưng chỉ một lúc, nàng bật cười. Tôi thấy vui vì đã làm nàng cười, dù chỉ là vô tình.

"Đùa thôi," Hạnh nói, đoạn trả hộp bút cho tôi. Nàng nhìn theo. Trên người nàng toàn đồ hiệu, nào kiềng bạc, nào vòng cổ, đồng hồ nàng đeo trông cũng bảnh tọn.

"Giọng mày trầm thế!" Giọng nàng xuyên thẳng vào tim tôi.

Tôi đưa mắt nhìn phù hiệu trên ngực áo nàng: Nguyễn Khánh Phương.

Tôi im lặng lảng mắt. Tôi có nên cố tỏ ra hài hước không? Tôi chưa gặp tình huống này bao giờ, phải làm sao để giống một trong số họ? Ngay lúc đó, Phương chợt réo lên và hơi thở tôi trót động lòng với những thanh âm rực rỡ ấy. "Ăn trưa cùng bọn này không, Hạ Thiên An?"

Tôiđã gặp nàng như thế đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro