Chương 12

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hai giờ chiều, trời hoàn toàn tạnh mưa. Các lối hẻm nhỏ và những khu thoát nước kém đều ngập kín đường, nước dâng đến đầu gối.

"Thấy chưa! Tao nói tin tao mà." Huy dừng xe trước sân nhà Đức, thềm nhà cao hơn nửa mét với mặt đường nên nước không ngập tới.

"Cảm ơn người anh em! Về cẩn thận." Đức cởi mũ sộc thẳng vào nhà. Tay cầm khư khư tấm bằng.

Huy trượt xe xuống dốc sân trước rồi lao vút đi trong sương lạnh.


"Mày nghĩ sao về Huy?"

"Ý mày là sao?" Hạnh cau mày.

"À," Thiện đổi cách hỏi. "Ý tao là... Mày nghĩ thế nào về điểm số của Huy."

"Mày cũng để ý à? Rất đáng ngờ," Hạnh nói.

"Ừ tao cũng thấy vậy." Thiện nói.

Bỗng một nhân vật xuất hiện. "Thế cơ!" Huy lên tiếng sau lưng họ. Cậu khoác vai hai người. Sự xuất bất ngờ của Huy làm Thiện giật bắn người, đặc biệt là Hạnh. Chắc chắn không phải trùng hợp.

"Mày từ đâu chui ra vậy?" Thiện hỏi.

"Mày quên hôm nay là ngày gì à?"

"Ngày gì?"

"Trao giải cuộc thi vẽ," Huy đáp, gần như càm ràm.

"Chết quên! Mày đi cùng Đức à? Kết quả sao rồi?" Thiện hí hửng.

"Giải nhất!"

"Giải nhất?" Thiện sửng sốt, tròn mắt nhìn. Hạnh cũng liền bỏ thái độ gườm gườm từ lúc Huy xuất hiện đi vì bất ngờ.

"Ừ. Tao cũng bất ngờ." Huy nói. Lòng tự hỏi không biết An có ngờ được kết quả này không. Giờ này chắc cậu ta vẫn đang ủ rũ ở nhà.

"Giờ mày gặp từng thằng thông báo kết quả à?"

Từ lúc Huy xuất hiện, Hạnh chẳng hó hé câu nào.

"Tao không rảnh. Tao ra đây để bắt quả tang hai đứa mày hẹn hò riêng với nhau nè!" Hạnh trong phút chốc thấy mình lỡ mất nhịp thở.

"Gì! Sao mày biết bọn tao đang hẹn hò?" Thiện vừa dứt câu, cả hai phá lên cười.

Hạnh cảm giác hai gã này cố tình sắp đặt tình huống để trêu đùa mình vậy. "Hẹn hò cái nước mẹ gì? Tao nói tao ghét mày rồi mà? Mày bị điếc hay đầu óc có vấn đề mà cứ lì lợm xuất hiện trước mặt tao thế?" Hạnh chửi rủa một tràng bằng những ngôn từ mất kiểm soát. Tâm trí cô như con đập nứt âm thầm, nay vỡ lở.

Hạnh bỏ đi, sải bước thật nhanh. Thiện và Huy ngơ ngác nhìn tấm lưng cô nhỏ dần, khuất khỏi khu chợ. Hôm qua cô chẳng đến nhà Huy dạy kèm. Trên lớp không nói chuyện, gặp nhau thì tránh mặt, coi đối phương như người dưng. Thiện liền chạy đến dỗ dành cô trong lúc Huy vẫn đờ người.

"Mày làm sao thế? Thằng Huy nó làm gì à?"

"Không có gì. Chuyện dài lắm," cô nói.

"Giờ mày về hở?"

"Ừ, trời tạnh mưa rồi. Mày cũng về đi."

Đến khúc rẽ, cả hai tách nhau ra, Thiện ngoan ngoãn về nhà dù rất muốn giúp Hạnh nguôi giận.

"Con chó Huy, thằng mất dạy, đàn ông kiểu gì vậy?" Hạnh lẩm bẩm một mình.

Hạnh cảm nhận được sự hiện diện của kẻ bám đuôi. Cô quay phắt người thì thấy hắn.

"Mày có hiểu tiếng người không?" Thứ Hạnh vừa nghe dường như là tiếng gầm một con thú chứ chẳng thuộc về cô nữa.

"Tao xin lỗi..." Huy nhìn vào mắt cô, chân không ngừng tiến đến.

Cô bất giác lùi ra sau, cố gắng giữ khoảng cách. "Đừng lại gần tao."

"Thôi! Tao chừa rồi."

"Tao không tha thứ cho mày được, về đi!"

"Mày giận vụ lần trước hở? Hay chuyện vừa rồi?"

"Tao không giận mày. Mày là ai mà tao phải giận?"

Cô quay người, chẳng muốn đôi co. Nhưng không ngờ Huy kiên trì đến vậy, cậu chạy đến thật nhanh rồi với lấy tay cô. Như chiếm được thế thượng phong, Huy tiếp tục làm nũng.

"Tao biết mày ở đây nên mới tới. Ai ngờ mày ở cùng Thiện."

"Bỏ tay ra!" Cô nói.

"Hứa rút kinh nghiệm mà! Lần sau không đùa thế nữa."

"Không phải việc của tao. Đừng chen chân vào cuộc sống của tao nữa."

"Ít nhất chúng ta vẫn có thể tiếp tục làm bạn?"

"Tao không muốn làm bạn với loại mày."

"Thật à?"

Ngay lúc này, có thứ gì thôi thúc Hạnh quyết đoán. "Ừ, biến đi." Cô bước thẳng vào nhà, đầu không ngoảnh lại. Lòng vẫn hỗn loạn ê chề.


Sộc vào nhà, đảo mắt nhìn quanh. Cuối cùng Đức cũng tìm thấy ông đang ngồi trong bếp đọc báo. "Bố!" Cậu hét lên, xen lẫn niềm hân hoan.

Điều đó khiến ông ngạc nhiên, tự hỏi thứ gì đã làm cậu vui được. Ông Sáu không nhớ lần cuối được thấy nụ cười của con trai là khi nào. Đúng hơn là trước mặt ông, cậu giấu nhẹm chúng đi. Khiến ông lầm tưởng Đức mắc bệnh tâm lý hay khổ tâm vì điều gì. Từ khi hai bố con có trận cãi vã bốn năm trước về phân chia rạch ròi đam mê và sở thích, mỗi khi thấy Sáu là mặt cậu lại lầm lì. Thực chất Đức không giận lâu đến vậy, song quá lâu không còn trải lòng cùng bố, dần dà mỗi khi gặp Sáu, Đức luôn tránh mắt ông, như lảng tránh quá khứ và hiện thực. Chưa bao giờ trước mặt ông mà cậu được "sống", sống đúng với con người mình. Phải vờ như đã từ bỏ, vờ như mình đang có một cuộc sống tốt với bạn bè xung quanh mà chẳng cần một đam mê làm niềm vui bên cạnh. Nhưng chỉ là đóng kịch, Đức muốn làm họa sĩ, không phải diễn viên, rồi đến một ngày ông sẽ chẳng ngăn cấm nổi cậu nữa.

Đức xòe tấm bằng với dòng chữ "Giải Nhất" cho Sáu xem. Thời khắc này, cậu gần như đã chuẩn bị tinh thần cho một trận cải vã tiếp theo. Và đúng thế thật.

Thoạt đầu Sáu kinh ngạc, mắt ông căng hết cỡ nhìn tấm bằng "giải thưởng: Mười triệu đồng". Sau đó là bàng hoàng, Sáu thoáng không biết nói gì, tâm khảm rối loạn. Đức nhìn ông như sắp sửa nói gì đó, nhưng lời đưa tới miệng thì lưỡi lại nuốt trôi. Sáu cố suy xét thật kỹ từng lời nói mình chuẩn bị thốt ra.

"Mày không hiểu vấn đề à?" Ông nói.

"Bố mới là người không hiểu đấy!"

"Tao đã nói bao nhiêu lần! Suốt ngày vẽ vời rồi sau này làm được cái đếch gì?" Sáu lớn giọng.

"Tiền đây! Mười triệu. Bố đòi hỏi gì nữa?"

"Mày nghĩ mày ăn may được suốt đời không? Ba cái giải phọt phẹt này không nuôi sống nổi gia đình mày đâu! Không có tiền sau này bố mẹ già cạp đất mà ăn à? Bà con họ hàng người ta nhìn vào, hỏi con tôi làm nghề gì thì tao biết giấu mặt đi đâu? Mai sau lúc khó khăn vất vả rồi mới biết hối hận! Biết thế ngày trước tao đốt hết tranh của mày đi! Con nhà người ta thì theo ngành y, dầu khí, công nghệ thông tin, tiền đếm không xuể. Nhìn lại con nhà này, bày đặt vẽ với chả vời!"

"Thế sao bố không nhìn bố mẹ thằng Thiện với Huy! Bố mẹ có bắt chúng nó phải học cái gì không?"

"Chúng nó giỏi sẵn, không cần học cũng hái ra tiền."

"Bố có thèm nhìn vào sự cố gắng của con đâu? Vừa vẽ vừa học mà con vẫn giỏi hơn khối đứa đấy!"

"Còn mặc đồ tao mua, ăn cơm tao nấu, mày đang được nuôi bằng tiền của tao thì phải nghe lời tao!"

Vậy chẳng khác nào giao dịch? Đức biết mình không nên đòi hỏi. Chỉ đơn thuần đấu tranh cho niềm vui bị bào mòn. "Con sẽ vẫn làm." Đôi khi Đức vô cùng hận bố.

"Mày không dạy được nữa rồi. Cái thằng bất hiếu!"

"Bố đừng can thiệp vào cuộc sống của con nữa."

"Đừng có ăn nói bát nháo! Mày là cái gì mà tao phải nhượng bộ?"

"Con... con là một cá thể riêng biệt."


"Mày giải quyết xong chuyện với bố chưa?" Thiện ngồi cạnh, thì thào.

Đây là lần hiếm hoi từ khi lên cấp ba cả bọn tụ tập đông đủ. Thiện, Đức, Huy và An đương ngồi trong thư viện.

"Phức tạp lắm, lo ôn bài đi. Hai tuần nữa thi rồi."

Vào thư viện cho sang thôi chứ học hành quái gì. Đức thì nghiên cứu "cách chia tỷ lệ cơ thể khi vẽ người", Thiện đọc truyện tranh, An đọc tiểu thuyết tâm lý của một nhà văn người Nhật. Riêng Huy cầm sách giáo khoa. Tất cả chỉ là lớp ngụy trang để cả bọn trông giống một nhóm học.

"Bao giờ họ trả tranh?"

"Ngày mười hai, rồi tao sẽ trưng bày nó trong phòng Mỹ Thuật của trường." Đức nói.

"Học sinh được tự do vào phòng Mỹ Thuật à?" Thiện hỏi.

"Đó đâu phải phòng triển lãm! Đó là câu lạc bộ mà, muốn gia nhập thì phải đăng ký."

"Tao tưởng mày sẽ tham gia câu lạc bộ bóng đá?"

"Mấy thứ đó chỉ là phù du thôi."

Thật lòng Đức cứ nghĩ sau khi đạt giải nhất một cuộc thi cấp thành phố thì cậu sẽ nổi tiếng lắm. Nhưng mà sự thật không như mong đợi. Cuộc sống học đường của cậu không hề bị xáo trộn. Đức đã tưởng tượng cảnh mình đi bộ trong hành lang và tất cả con gái trong trường lần lượt bu đến xin chữ ký, sau đó họ sẽ tặng Đức mấy câu như "cậu đẹp trai dã man" hay "cậu giỏi quá hai ta có thể làm quen không". Haha...

"Tóc mái mày dày lại rồi kìa, mọc nhanh thế không biết." Huy thì thầm.

"Hơn một tháng chứ đâu ít, không thể nói là nhanh được." An thản nhiên nói.


Cuối cùng ngày ấy cũng đến, ban tổ chức cuộc thi trao trả bức tranh cho Đức. Đó là một ngày thứ sáu, cậu đến phòng Mỹ Thuật trước một ngày để xác nhận với giáo viên phụ trách. Lúc bước vào với tấm bằng trao giải trên tay, mọi ánh mắt bên trong đều dổ dồn về cậu. "Cho em gặp giáo viên phụ trách ở đây được không ạ?" Ở đó có sáu người, toàn những anh chị khối trên, và đặc biệt ai cũng mặc đồng phục tích hợp. Điều đó khiến Đức sẽ trông như một thằng lạc loài nếu tham gia câu lạc bộ.

"Thầy Hoàng đi vệ sinh rồi em," một chị khối mười hai đáp, sau đó quay về cuộc đối thoại với bạn mình. "Này, mày có xem đêm chung kết Miss Teen chứ? Không ngờ con Xuân Mai đăng quang nhỉ!"

Đức đành ngồi chờ trước cửa phòng Mỹ Thuật. Khi tiếng trống cất ba hồi kết thúc giờ ra chơi, các anh chị tích hợp trong phòng dần bước ra, họ tiếp tục nhìn Đức với cặp mắt như đang nhìn một sinh vật lạ.

"Thầy Hoàng phải không ạ?" Đức kính cẩn tiếp cận thầy. Hoàng mặc một bộ sơ mi màu xanh dương đơn điệu.

"Trò là?" Hoàng nói.

"Dạ," cậu chìa ra tấm bằng trao giải. 'CUỘC THI CẤP THÀNH PHỐ' và 'GIẢI NHẤT' đập vào mắt thầy. "Liệu em có thể treo bức tranh ở phòng câu lạc bộ mình không?"

"Thầy có thể cân nhắc nếu đây là giải cấp thành phố. Nhưng trò biết đấy, vì phòng Mỹ Thuật dành cho các hoạt động câu lạc bộ, vì thế nếu muốn treo ở đây thì chí ít trò phải là thành viên chính thức của câu lạc bộ. Câu lạc bộ mình chỉ dành cho lớp mười một trở lên, vì mấy đứa lớp mười vào đây toàn quậy phá với làm loạn." Thấy Đức tỏ vẻ thất vọng, Hoàng vội xua tay. "Nhưng nếu tranh thực sự ấn tượng, thầy có thể cân nhắc."

Nghe vậy, Đức tươi tỉnh hẳn.

"Vâng ạ! Em cảm ơn thầy, thứ hai em quay lại!"


Sang tuần sau, mọi thủ tục được thông qua nhanh gọn, bức tranh được chuyển tới trường sau khi đóng khung kỹ lưỡng, đó là khoản ban tổ chức tài trợ. Nội dung bức tranh đặt bờ sông làm trung tâm, đằng sau là những tòa nhà cao thấp chen chúc giữa thành phố.

"Quá xuất sắc!" Hoàng tấm tắc ngợi khen. "Thầy sẽ sắp xếp cho trò tham gia câu lạc bộ. Thời gian hoạt động chính thức của mình bắt đầu từ tám giờ sáng đến bảy giờ tối thứ bảy nhé."

Hai thầy trò tiếp tục trao đổi thông tin về những kỹ thuật Đức đã sử dụng trong bức tranh, rồi Hoàng hỏi cơ duyên nào đưa cậu đến loại hình nghệ thuật này. Cậu kể: Hồi tiểu học, cậu đã luôn thích kể chuyện thông qua những bức vẽ. Thế rồi từ đó mày mò học hỏi, chau dồi luyện tập đến tận bây giờ. Lâu dần từ sở thích thành đam mê, và đam mê ấy đã kéo dài gần mười năm nay. Đức chẳng hề nghi ngờ ước mơ của mình.

"Chắc dự định của trò không phải trở thành giáo viên dạy vẽ như thầy đâu nhỉ?"

"Em cũng chưa xác định được." Đức nói.

"Thầy từng đến triển lãm tranh tưởng nhớ Tô Ngọc Vân hồi nhỏ. Đam mê hội họa trong thầy bắt đầu từ đó." Đoạn, Hoàng tiếp. "Đời người đưa đẩy làm giáo viên chứ thực lòng thầy chẳng muốn. Ai đam mê hội họa mà chẳng muốn tự do sáng tạo nghệ thuật. Nhưng ngày đó gia cảnh khó khăn nên thầy đành gác lại ước mơ. Nếu chỉ cần đam mê và quyết tâm thì giờ thầy đã chẳng đứng ở đây. Nhưng dần thấy nghề này cũng vui, quan sát đám nhỏ trưởng thành làm thầy nhớ thời học sinh của mình. Xin lỗi nếu thầy làm trò vỡ mộng nhé, nhưng đời là thế đó, không phải cứ khát khao hạnh phúc thì cuộc đời sẽ trao cho mình đâu."

"Dù biết chắc sẽ thất bại đi nữa, em muốn bản thân cố gắng hết mình. Nếu được chọn lại, thầy có muốn làm họa sĩ tự do?" Đức hỏi.

"Tất nhiên. Nhưng hiện giờ, hơi kì quặc một chút, thầy muốn cả hai. Hoặc mở một lớp dạy vẽ song song chẳng hạn. Còn trò, có muốn theo chuyên nghiệp không?"

"Cóchứ! Lớn lên, em sẽ vào Nam!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro