Chương 31

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mở đầu hội thi kéo co, một ngày nắng nhẹ đầu tháng Ba. Danh sách 10A4 gồm: Đức, Thiện, Quang và Hùng là nhóm nam. Thi đấu vào giờ ra chơi sáng và chiều, mỗi buổi là hai cặp đấu, mỗi cặp tối đa ba hiệp. Buổi sáng là trận giữa 10A6 và 10A9. Vược vô số các học sinh vây kín khu vực hội thao. Hai lớp đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho lượt đấu của mình. Mọi người thay giày, thoa bột lên tay.

Sáng nay, Bảo đã đi học trở lại. Một dấu hiệu đáng mừng.

Hành lang các tầng cũng được phủ lấp bởi những học sinh đang dán mắt xuống sân trường. Công nhận theo dõi từ trên cao thích mắt hơn. An thầm khâm phục những lời Phương nói ngày trước.

Đứng vị trí cao thế này, cậu nhìn xuống, thấy mặt đất cách khá xa. Loài người trông thật nhỏ bé, và tưởng như thời gian trôi chậm hơn thường nhật. Hình dung cảnh mình nhảy qua lan can, nhục thể nát bét. Kền kền sẽ tha đến gặm nhấm xác thịt An từng chút. Nhà trường sẽ lập tức truy cứu danh tính học sinh bằng cách cởi khẩu trang. Nghĩ đến cảnh mọi học sinh đều dán mắt vào cậu (một xác chết) – có lẽ cả Phương và Tú Anh đều sẽ trông thấy bộ dạng thảm hại ấy. Thật khó coi, điều đó khiến An chùn bước, cậu biết bản thân không nên làm vậy ở một nơi thế này.

"Nếu còn sợ người khác phán xét, nghĩa là cậu chưa chết được đâu," kền kền nói.

Dường như có thứ gì luôn thôi thúc An nhảy xuống, mỗi khi cúi đầu thật sâu, ở độ cao cậu biết chắc bản thân dù có ý chí kiên cường đến đâu cũng chẳng sống sót nổi. Cũng phần vì lan can khá thấp. Nhưng An không thể đổ trách nhiệm lên nhà trường về "cái chết" của mình. Chẳng thể đổ tội cho ai hết, vì chính cậu chọn nó mà. Những ước mơ thuở bé chợt cất giọng, bao khát vọng chưa thể thực hiện, tất cả chúng hợp sức ngăn cậu lại.

Nên hãy cố lên, mày sẽ làm được thôi.

Rành là thôi thúc đó rất nguy hiểm, song An chưa từng nói ai nghe về chúng, không phải vì không có ai để nói, mà dù có nói ra thì cũng chẳng ai hiểu. Gia đình sẽ nghĩ gì về chuyện đó? An đoán là những lời chửi rủa rằng cậu là kẻ yếu đuối, không biết nghĩ cho bố mẹ làm lụng vất vả. Đó là sự thật, họ nói đúng, nhưng cũng chẳng giúp được gì. Họ chỉ bắt cậu chịu đựng, chứ không giúp cậu tìm cách giải quyết.

Dự cảm chẳng lành xuất hiện, lòng chợt bồn chồn. Chỉ là hồi hộp không biết tương lai sẽ ra sao, chứ không phải nỗi sợ. Thiết nghĩ thôi thúc đó như đoàn tàu, có thể đưa cậu đến những trạm dừng mà bản thân cậu không hề mong muốn. An đoán lần dừng chân tiếp theo sẽ chẳng tốt đẹp gì. Thậm chí cậu có thể bị đuổi khỏi đoàn tàu và trở thành vị khách dự giờ của thế giới. Biết đâu...

Quan sát từ tầng cao nhất, cậu thấy một số giáo viên nước ngoài dạy tích hợp cũng đang dõi theo màn cạnh tranh này. Và rất nhiều học sinh dù không phải lớp mình thi đấu cũng quan sát. Gần như là cách kiến hiệu để giết thời gian vào giờ ra chơi.

Trận đấu bắt đầu, hai bên đều sở hữu những chủ lực chất lượng. 10A9 có cậu chàng to bự, cơ bắp săn chắc. Cuối dây 10A6 là một anh chàng, tuy không to con hay đẹp trai song vẫn thu hút được sự chú ý. Bằng tiếng rít, đúng hơn là âm thanh lấy hơi, rất mạnh, to như tiếng máy bơm. Nghe choi chói hệt tiếng còi trọng tài, khi vừa bắt đầu trận đấu, anh ta rít lên một tiếng, vang dội lên cả tầng hai An vẫn nghe rõ mồn một. Tướng tá anh ta nom như một vận động viên kéo co chuyên nghiệp.

"Cố lên! Cố lên!"

Vì phải nắm giữ vai trò chủ chốt phía cuối dây, anh ta hạ trọng tâm thấp đến mức tưởng như đang ngồi xổm xuống đất. Vài giây, anh bắt đầu ngả người ra sau hết sức chậm rãi, khiến dây thừng chững lại. Không bên nào di chuyển được, vì lực kéo đã cân bằng. Anh từ từ lùi một, rồi hai bước, thừng cứ thế chuyển động theo. Như thể trận đấu bị điều khiển bởi một mình anh. Đến bước thứ sáu, anh đẩy mạnh người ra sau, đầu gần như chạm đất. Phía A9 vẫn cố cầm cự, nhưng vạch đỏ trên thừng đã nghiêng hoàn toàn về 10A6. Chân họ cứ thế trượt dài, tay run rẩy, mặt mũi đỏ lè như tắc thở, răng nghiến ken két. Cậu chàng to bự bên A9 cũng không gồng gánh nổi mà chịu thua.

10A6 chiến thắng hiệp đầu.

"Bọn mày để ý thằng đó không?" Đức hỏi, đứng cùng các thành viên trong đội kéo co nam. Dựa tay vào lan can hành lang, cậu ta chăm chú theo dõi kèo đấu.

"Thằng bên 10A6 đúng không, nó khỏe thật, trông như dân chuyên ấy." Quang thừa nhận. "Tao nghe mấy ông mười hai nói thằng đó từng kéo giải cấp tỉnh."

"Bọn mày nghĩ lớp mình thắng được không?"

"Còn phải nói! Mày sợ chắc?" Thiện nói.

Hiệp hai diễn ra với kịch bản chẳng khác gì hiệp một, A6 tiếp tục chiến thắng áp đảo. A9 thậm chí không thể cầm cự nổi mười giây. Sau màn thể hiện ấn tượng vừa rồi, anh ta nhận được rất nhiều lời tán dương, mọi người đều tung hô rất dữ dội. Chỉ sau một trận kéo, anh trở thành người nổi tiếng. Cái tên Lương Bá Khương được biết đến rộng rãi. Tuy không có vẻ ngoài ưa nhìn, thân hình lùn một mẩu còn mặt thì tròn như quả bóng. Nhưng vì tài năng và sức mạnh phi thường, Khương được rất nhiều các cô nàng để ý.

Cặp đấu tiếp theo là 11A12 và 11A13, tuy không mấy quan tâm đến các trận khối trên nhưng không ai rời mắt khỏi khu vực hội thao. Hai bên vào khu vực chuẩn bị, năm phút sau họ ổn định vị trí. Tiếng còi cất lên. Cặp này có vẻ cân sức, sợi dây đứng im khá lâu những giây đầu tiên. Dù nom ai nấy đều nổi gân xanh, trán đỏ bừng, cổ khô khốc. Vậy mà thừng gần như không nhúc nhích, hai lớp giữ nguyên tư thế, đặt trọng tâm thấp, ngả người ra sau. Phòng thủ rất chắc chắn. Hai mươi giây sau bắt có những biến động, đây là cuộc chiến về sức bền. 11A13 dần mất thăng bằng và nghiêng vẹo tứ phương. Người ngã, người thì quá đau tay nên buông dây. Kết quả được định đoạt năm giây sau đó. Chiến thắng thuộc về 11A12.

Thấy không có gì thú vị, An quyết định quay về lớp. Trong lớp, Phương và "hội chị em bạn dì thích ăn chơi và bay lắc" đang bàn tán về Lương Bá Khương.

"Ông không xem kéo co nữa hở?" Bảo tiếp cận An.

"Không, chán ngắt."

"Thế à, ông chỉ tôi phần này được không? Tôi nghỉ nhiều quá nên giờ phải bổ sung bài." Cậu ta nói, chỉ vào trang vở trên tay.

"Xem nào," cả hai cùng ngồi. An nói. "Dạng này ông phải đặt ẩn, rồi xét điều kiện."


Kết thúc một ngày dài. Bước xuống cầu thang hằng ngày vẫn đi qua, An bỗng có cảm giác kì lạ. Như thể việc này đã từng xảy ra, nhưng là lúc nào, cậu chẳng nhớ nổi. Gần xuống tầng trệt, xung quanh vắng lặng, không bóng người. Nhìn sắc trời, doán đã sáu giờ kém. Sân trường chỉ còn hắt hiu ánh đèn đường yếu ớt, vạn vật đều mang dáng buồn của bóng trăng. Như màu giọng Tú Anh khi ấy.

"Vẫn về muộn như mọi lần nhỉ?" Cô nhìn sâu vào đôi mắt u hoài của người đối diện, bước đến. Thật khó để miêu tả sắc đẹp cô dưới ánh trăng.

"Lần này là vì gì?"

"Hỏi làm gì?" An nói.

"Tò mò muốn biết thôi."

"Mẹ tao bận nên đón muộn thôi."

"Từ khi nào?" Tú Anh thóc mách.

"Rất lâu," An đáp.

"Hôm nay tao dặn bố đón muộn hơn để ở lại học nhóm." Cậu nhớ cô từng kể mình có xe riêng, sao phải dặn bố đón? Nhưng An không moi móc thêm.

"Vậy mày đã học nhóm chưa?" An hỏi.

"Ngốc à," Tú Anh bật cười. Tiếng cười rạng rỡ vang xa, lấp đầy không gian. Vạn vật đang im lặng tưởng như cũng hóa vồn vã. Có phải đây là chủ ý của cô để cho An ngắm chiếc răng khểnh trẻ thơ ấy không? Tú Anh như một thiên sứ. Một thứ tuyệt sắc chói lóa. Cậu muốn khen "ôi mày thật xinh" nhưng sợ cô chê lời lẽ sáo mòn. Cũng phải thôi, Tú Anh đã có một người trao cô những lời ngợi khen ấy rồi kia mà. "Nói dối đấy. Học nhóm gì chứ! Tao lại xích mích với Kiên, cũng chẳng nghiêm trọng lắm. Chỉ là tao thấy lần này mình là người có lỗi. Cứ để nó giận tao một thời gian cũng được."

Có vẻ Tú Anh không định kể chi tiết chuyện này, cũng không phân trần "tội ác" của Kiên như lần trước. Không thấy An nói gì, Tú Anh lên tiếng. "Sao mày không tham gia kéo co?"

"Có vài chuyện tao không quan tâm."

"Như hồi trận bóng với 10A14 ấy hở, tao nghe chúng nó kể mày biết rõ ai chủ mưu."

"Chắc vậy."

"Thế sao mày không giúp lớp chiến thắng?"

An không thực sự biết sẽ xảy ra vụ ẩu đả hôm đó. Chỉ vô tình bắt gặp Duy Anh bị dàn cảnh hành hung giữa đường. Nhưng cậu không nói điều này với Tú Anh. "Có lẽ vì, tao không muốn lớp mình thua 10A3."

"Lớp mình đã thắng bọn nó rồi đấy thây!"

"Nhưng thời điểm đó thì chưa thể. Rồi lớp mình sẽ có nhiều thời gian hơn để gắn kết, luyện tập nhiều hơn, hăng say hơn, với một quyết tâm chiến thắng cao hơn."

Trước đó vì nhiều lý do mà các buổi đá tập bị gián đoạn. Trong đó một phần là lỗi của An. Thế nên mọi người đã không có đủ thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho giải đấu.

"Còn lần này? Cuộc thi kéo co có liên quan gì đến chuyện đấy không?" Tú Anh nghiêng đầu nhìn cậu.

"Chắc là có, nhưng không còn quan trọng nữa."

Hai người im lặng rất lâu. Cô không biết An đang nghĩ gì, liệu có phải những điều liên quan đến trận kéo co sắp tới? Liệu bọn A3 sẽ lại tiếp tục gây sự, hay tận dụng hội thao để trả thù trận giao hữu đợt Tết? Tú Anh không biết.

Bỗng cô mỉm cười, chiếc răng khểnh một lần nữa rực sáng. Mắt cô hơi cong lên, khóe mi nheo khả ái.

"Thế nhé, mai gặp." Dù An và Tú Anh có thân nhau đến mấy, cả hai cũng chỉ là bạn. Dù hai người có mối liên kết đặc biệt đến nhường nào, cô cũng đã có bồ. Và dù Kiên có đối xử tệ bạc với Tú Anh đi nữa, cậu ta vẫn là người cô lựa chọn. Giọng Kền Kền vang bên tai.


Hôm nay là ngày thi đấu của lớp 10A4, nhưng ban đầu không được suôn sẻ lắm. Như là: Thiện mang nhầm dép tông lào nên phải mượn giày của Duy Anh, cũng may vừa chân; Đức lỡ ăn hơi no, đến giữa trận nó suýt nôn hết bữa sáng ra ngoài; Thanh trượt chân ngã làm cả đội tí ngã theo. May mắn A4 đấu cặp với A1, họ không nổi bật trong các phong trào thể thao. Sau một hồi chật vật, 10A4 cũng giành chiến thắng với ba hiệp đấu. Cuộc thi đã đi được nửa chặng, đến hôm nay chỉ còn tám đội bước vào tứ kết.

An đứng từ hành lang tầng hai, thờ thẫn cúi mặt xuống. Trận kéo co đã bắt đầu, đôi mắt hướng về trận đấu nhưng tâm trí lang thang phương nào. An muốn dành thời gian suy tư một chút, có vài chuyện gần đây cậu vô tình nhận ra. Số người nói chuyện với cậu ngày càng ít đi, đó phải chăng là hệ quả của việc tự tách mình khỏi nhóm? Có lẽ đúng, vì chính cậu muốn điều đó mà. Hà cớ gì phải buồn chứ? Muốn tách biệt, muốn thoải mái một mình. An thường là người không ngại trải lòng chia sẻ tâm tư với bất kì ai, nhưng điều đó khiến cậu tự ghét chính mình. Trải lòng tâm sự giúp bản thân thoải mái hơn, nhưng đôi khi quá thật lòng mà An vô tình nói ra những bí mật, ước mơ, hoài bão và cả khát vọng của mình. Như vậy không an toàn chút nào.

Bảo bước đến, hôm nay cậu ta trông hơi khác. Củng mạc ngả màu ố vàng, môi thâm hơn, da vàng đi đáng kể.

"Ông nhận ra rồi à?" An lặng lẽ quan sát. Bảo nói tiếp. "Cơ thể tôi ngày càng yếu đi rồi, có lẽ chỉ sống được vài năm nữa. Thời gian không còn nhiều, tôi nghĩ từ giờ tôi sẽ sống thật thoải mái. Thích làm gì thì làm, ai nghĩ gì cũng mặc kệ! Mẹ tôi cũng dần chấp nhận chuyện này rồi. Một tương lai gần, sớm thôi."

Mắt An hờ hững, dường như không để lộ bất kì cảm xúc nào. Đó là biểu hiện bên ngoài, còn bên trong, cũng không khác là bao. Cảm xúc cậu đã hoàn toàn cô đặc, con tim chẳng còn cảm thấy gì nữa.

"Ông kể ai nghe chưa?"

"Ngoài gia đình ra thì chỉ có ông thôi," Bảo nói.

"Dự định của ông là gì?" An bỗng bắt gặp hình bóng Phương dưới sân trường. Lần này cô không đi cùng 'hội chị em bạn dì thích ăn chơi và bay lắc'.

"Làm những gì tôi thích thôi. Không phải sợ sai hay e dè trước quyết định nào nữa! Ít nhất tôi không muốn sau này mình hối hận." Bảo không muốn tiếc nuối điều gì nữa.

An thở hắt một tiếng rõ to, cậu đã sẵn sàng để trải lòng lần này.

"Nghe này, con người không chết đi. Có lẽ ông được thiết định kết thúc kiếp sống theo cách này, vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hoặc có thể ông chọn sai thời điểm."

"Ông tin chuyện đó à?"

"Không hẳn. Nhưng tôi nghĩ nếu tin vào nó, ông sẽ thanh thản hơn và bớt lưu luyến thế giới này. Có cơ sở cả thôi." Cả hai rơi vào trầm mặc.

Bấy lâu sau, An hỏi: "Bao giờ hết hạn?"

"Khoảng ba năm."

"Ông có sợ chết không?"

"Không."

"Thế hở? Tôi cũng vậy." An thấy Phương đi cùng Dũng, tiếng cười nói của họ rộn ràng đến tận đây.

Rồi ta sẽ gặp lại những con người cũ trong thân xác mới, sau một thời gian linh hồn nghỉ ngơi. Khoảng vài năm, hoặc trăm năm.

Lớp 10A4 chiến thắng với tỉ số 2 - 0, hiên ngang bước vào bán kết với bốn lớp còn lại khối mười.


Vòng bán kết bắt đầu, sáu cặp đấu vào ra chơi sáng và chiều. 10A4 đấu với 10A7. 10A3 với 10A6 và 10A2 với 10A15. Do đang trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp nên nhà trường không cho khối mười hai tham gia hội thi này.

"Thắng nhanh gọn nào! Tao muốn chiến với bọn A3 lắm rồi!" Đức hùng hổ tuyên bố.

Mở màn bán kết là trận giữa 10A3 và 10A6, một cặp đấu hấp dẫn. Từ những vòng đầu tiên, A6 đã thể hiện uy lực của mình, phần lớn sức mạnh từ Lương Bá Khương, hoàn toàn bất bại đến thời điểm hiện tại. Còn A3, dù sở hữu nhiều thành viên với thể hình đồ sộ, song vẫn chật vật mới đến được vòng này.

Hai bên căng dây theo lệnh trọng tài, mặt ai nấy đều căng thẳng. Kiêu ngạo là thế, nhưng A3 vẫn dè chừng trước đối thủ lần này. A6 tuy bất bại và đắc thắng, họ cũng không lơ là bất kì giây phút nào. Hai đội đều rất muốn chiến thắng. Tiếng còi vang lên, đám đông nín thở, sợi thừng không di chuyển. Chân họ không ngừng tụ lực, như trượt đi tại chỗ. Đến giây thứ ba, Khương dùng tuyệt kĩ đó một lần nữa. Anh cất những bước lùi đầu tiên. Hai đội đều có giáo viên chủ nhiệm hò reo cổ vũ, áp lực dần được dãn ra, mọi người bắt đầu lấy lại sự thoải mái. Thu cổ vũ rất nhiệt cho 10A3 - lớp cô chủ nhiệm. Sân trường náo nhiệt như tinh thần của hội thao. Khương lùi đến bước thứ năm, vạch đỏ gần như thuộc về phần sân A6. Ngỡ một trận đấu đơn giản cho họ, nhưng A3 bất ngờ vùng lên mạnh mẽ. Họ quyết không chịu cảnh làm nền.

10A3 đáp trả ác liệt, gần mười giây kiểm soát thế trận, họ vẫn không đủ sức. Chí ít họ không muốn đội mình thua chưa tới mười giây, phải là cuộc so tài mãn nhãn. Khải nghĩ bản thân không tầm thường như những kẻ đã làm bàn đạp cho 10A6 bước tới vòng này. Lớp hắn hơn nhiều, hắn tin thế, tất cả đều muốn thể hiện bản thân. Khải đứng sau cùng, giữ đuôi dây, gồng hết lực. Hắn cuộn thừng ngược vào lòng, đến khi trong tay là một cục dày. Hắn nắm chặt cuộn dây, tái hiện những tư thế và kĩ thuật Khương từng làm. Hạ thấp trọng tâm rồi ngả người xuống thật sâu, đầu như chạm đất. Đây là trận đầu tiên Khương mất hơn mười giây vẫn chưa thể kết thúc. Vài chục giây trôi qua, thừng vẫn không có động tĩnh. Rồi một điều bất ngờ xảy đến.

"Lớp nào đấu thế?" Bảo bước tới, An vẫn quan sát hội thi từ hành lang tầng hai.

"A3 với A6." An đáp.

"Ông nghĩ lớp nào thắng?"

"Tôi không biết."

"Hôm qua tôi có một giấc mơ. Ông có muốn nghe không?" Bảo nói.

Cậu mím môi, vẫn hướng mắt về hội thao, khẽ đằng hắng một tiếng. "Ừ, nghe."

"Tôi thấy mình mắc kẹt trong một ngôi nhà, nom bụi bẩn và tồi tàn lắm. Khi giơ tay lên định chạm vào nội thất xung quanh thì, tôi không cảm nhận được thân thể mình đâu. Không phải mất hình mờ ảo, đơn giản chúng không tồn tại. Mỗi bước đều nhẹ đến đáng sợ, hồ như đang bay, song rõ ràng tôi nghe mồn một tiếng chân bước. Đi lòng vòng xem xét mọi thứ, đến khi chạm mắt cửa chính, trong tôi bất ngờ dâng lên một nỗi bất an thấp thỏm. Không hiểu bản thân đang lo lắng điều gì, chân tay tôi lập tức nóng hổi, dòng nhiệt chạy dọc từ cổ xuống thắt lưng. Tim đập như điên. Chỉ đến khi quay mặt đi, thôi nhìn vào cửa chính nữa, cảm giác ấy mới lắng xuống."

Thấy An trầm ngâm không nói gì, Bảo hỏi: "Ông nói xem, như vậy nghĩa là thế nào?"

"Tôi không hiểu, có lẽ thời gian còn lại không nhiều. Chính ông cũng tự biết mình nên tận hưởng để không phải tiếc nuối mà."

Khương cố đẩy người ra sau để thực hiện lại kỹ thuật ấy, anh ta rít một hơi thật sâu, tiếng máy bơm va đập bốn bức tường, dội ngược vào trong. Nhưng đẩy mạnh mãi anh cũng không lấn át nổi A3. Giờ đây, khi tay chân đã mỏi, Khương có rặn sức đến đâu cũng vô ích. Giáo viên chủ nhiệm 10A6 không ngừng động viên tinh thần các học trò. Cả đội vẫn gắng gượng. Nhất niệm, Khương thấy hối hận vì không sử dụng kỹ thuật ấy ngay từ đầu, gây bất ngờ cho đối thủ. Đáng ra không nên đợi tới ba giây. Một phút trôi qua. Trong tình thế nguy cấp, Khương cố đẩy bằng mọi cách, dùng toàn bộ cơ thể, cứ thế đẩy điên cuồng. Nhưng chính điều đó gây mất cân bằng đội hình, sợi thừng chao đảo. 10A6 mất thăng bằng, bởi đã gồng mình một thôi dài, sức lực bị bào mòn. Những thành viên khác bắt đầu loạng choạng, chệch khỏi quỹ đạo, mỗi người nghiêng về một hướng.

Tiếng còi vang lên, 10A3 tạm thời dẫn trước.

"Uầy! Hình như đây là trận đầu tiên 10A6 thua phải không?" Đức hoang mang.

"Không sao, còn hai hiệp nữa mà! A6 sẽ lật kèo thôi." Thiện nói.

Hiệp hai kết thúc nhanh hơn dự kiến của nhiều học sinh còn đặt niềm tin ở 10A6. Họ vẫn hy vọng con át chủ bài Lương Bá Khương - một dân chuyên, với sức mạnh rèn luyện tỉ mẩn và kĩ thuật được đào tạo bài bản - không thể thua mấy nhóc cấp ba này được. Vả chăng hiệp một đã làm tổn hại quá nhiều sức lực, không chỉ con gái mà con trai cũng chào thua. Hiệp hai, 10A3 thắng trong chưa đầy mười lăm giây, A6 hoàn toàn thảm bại.

"Kết thúc trận đấu. Chiến thắng thuộc về 10A3!"

"Thắng rồi! Chúng ta thắng rồi!" Những tiếng vỡ òa cất lên trong sân như một lẽ tất yếu, Thu cũng hòa vào niềm vui sướng chung của mọi người. Cả lớp ôm chầm lấy nhau, đứa cười toét miệng, đứa phấn khích nằm bệt xuống đất. Thái thậm chí bật khóc trước chiến thắng đầy bất ngờ của đội mình. Trước thềm trận đấu, không ai nghĩ họ có thể đánh bại một A8 đang trên đà bất bại. Mặt mũi đứa nào đứa nấy đều bừng sáng như vừa được ném xuống từ thiên đường. Họ mừng rỡ hạnh phúc, có chăng quyết tâm chiến thắng của họ chẳng thua kém gì lớp cậu đâu.

"A3 khỏe thật, tôi nghĩ nếu vào vòng chung kết, lớp mình phải chật vật lắm mới thắng được." Hôm nay trông Bảo yêu đời hẳn, xung quanh có biến động gì cậu ta đều có chuyện để nói.

"Chưa chắc," An đáp cụt ngủn.

Về phía 10A6, cậu loáng thoáng nghe những lời động viên từ các lớp khác. Đúng là hội thi đã kéo tất cả mọi người gần nhau hơn. "Không sao đâu Khương, lớp tao còn thua ngay từ trận đầu đây này!", "Màn trình diễn từ vòng đầu tới giờ ấn tượng lắm.", "Kéo đến đây là cừ lắm rồi."

Tiếp đến là cặp đấu 10A4 và 10A7, do một số trục trặc nên hai đội phải mất một khoảng thời gian khá lâu để chuẩn bị. Sau hơn năm phút, cuối cùng hai đội mới có thể vào sân thi đấu. Nhìn từ trên có thể thấy rõ, Đức đang run rẩy. Chắc áp lực thi đấu lớn lắm, có lẽ cậu ta cũng sợ nếu thua sẽ làm xấu mặt lớp. Ôi những kẻ mang nhiều trọng trách cao cả, may mắn An đã quyết định không tham gia.

Xung quanh khu hội thi, số lượng người cổ vũ cho 10A4 đã tăng so với trước trận bóng giao hữu đợt Tết. Một dấu hiệu tích cực. Vô tình trông thấy Phương dưới sân, có cả Dũng, hắn đang cổ vũ cho lớp An. Nhắc đến Dũng, gần đây lớp cậu ta đang có mối quan hệ khá tốt với lớp An. Họ thường xuyên rủ đội bóng A4 đá tập, sau đó cùng đi ăn uống xem phim với nhau.

Trọng tài vừa dứt còi thì Quang hụt chân, ngã ra đất, cậu ta nhanh chóng đứng dậy, cầm chắc dây thừng. Có lẽ sân trơn hoặc đế giày Quang không có độ bám tốt. Nhưng vì lý do gì đi nữa, tình huống ấy đã làm giảm lực trụ của đội. Đúng như dự đoán, chỉ tám giây sau, 10A4 liên tục trượt dài trên đất, bị kéo như không chút kháng cự. Những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn tình thế của Đức hoàn toàn vô dụng. A4 để thua hiệp đầu tiên.

Trên hành lang tầng hai, An thấy lớp mình đang bàn bạc, nhưng đứng từ đây thì chẳng thể nghe được gì.

"Tụi nó đang bàn nhau cái gì kìa, xuống nhập hội không?" Bảo hỏi.

"Thôi, ông cứ xuống đi," Bảo rất tốt với An thời gian qua, nhưng thực lòng so với Nhựt thì chúng chẳng thấm vào đâu. Lâu lắm rồi cậu mới có cảm xúc này với một người bạn, gần nhất là lần đầu Nhựt bắt chuyện. Tuy mối quan hệ giữa An và Bảo chẳng hề giống vậy, khoảng lặng giữa cậu và người bạn mới này chẳng hề gượng gạo. Nhưng nghĩa lý gì chứ? An cũng không hiểu bản thân đang tìm kiếm điều gì từ cậu ta.

"Vậy ông ở đây xem tiếp nhé." Nói rồi, Bảo lập tức phi xuống sân, chẳng mấy chốc đã tiếp cận được khu vực hội ý của 10A4, gặp gỡ Hạnh và Huy đang đứng sát nhau như một đôi nam nữ. Cả những học sinh từ 10A15, họ cười nói rôm rả, hệt những bằng hữu chí cốt gặp lại sau nhiều năm. Đoàn kết như một thể thống nhất, An chẳng là gì với tập thể ấy. Đông vui quá, tiếc rằng cậu không thể tham gia.

"Cố lên nhé, tao tin mày!"

"Còn sức kéo tiếp không?"

"Nhớ khép sát tay vào, nếu đuối quá thì co chân."

Kết thúc thời gian bàn bạc, hai lớp đổi sân. Vẻ đắc thắng hiện rõ trên mặt các thành viên A7. Với ý chí chiến thắng, A4 dễ dàng giành lợi thế những giây đầu tiên. Vạch đỏ sắp thuộc về phần sân A4, sợi thừng chững lại.

"Cố lên! Cố lên!"

Hai bên giằng co, miệng ngậm chặt, răng nghiến ken két. Đức và Quang cố lùi từng bước nhỏ. Với sự gắn kết và quyết tâm chiến thắng cao ngút ngàn, 10A4 thành công san bằng tỉ số một đều ở hiệp hai.

"Đừng ăn mừng vội! Chúng mình còn hiệp cuối! Cố chút nữa thôi mọi người ơi!" Mai hăng hái cổ vũ cả lớp.

Nhưng đến lúc này chỉ có Đức và Quang là còn sức, nhóm con gái tay chân đều đã bải hoải, rã rời. Bỗng An thấy cuộc thi này quan trọng và hấp dẫn lạ thường, sao lại thế? Vì những nỗ lực và cố gắng không ngừng của mọi người? Cách họ biến một phong trào thi đua trở thành cuộc đấu sinh tử thực sự khiến cậu phần nào kích thích.

Năm phút sau, hiệp đấu cuối cùng. Kịch bản lặp lại như hiệp một, ban đầu dây thừng không hề có động thái gì. Đa số những cặp trận đủ ba hiệp đấu thế này, hiệp ba sẽ là trận chiến của con trai, bởi ít đứa con gái nào bền được đến phút này. Sợi thừng di chuyển, nghiêng về phần sân A4. Vạch đỏ chỉ còn cách vôi vài mi-li-mét. Nhất niệm, nó đã hoàn toàn vượt sang sân 10A4. Có vẻ trọng tài không hề thấy điều đó. Mọi người hào hứng buông dây, cứ ngỡ chiến thắng đã gõ cửa, nhưng trận đấu vẫn tiếp tục. Hiểu được tình hình, A4 vội cầm lại dây, chưa thể vội ăn mừng.

Cả sân trường hô vang: "A4, cố lên! A4, cố lên!"

"A4 kéo qua vạch rồi mà?"

"Trọng tài! Qua vạch rồi kìa!"

"Còi đâu, sao còn không thổi?"

Xung quanh tràn ngập những lời cổ vũ dành cho lớp 10A4, đây là lần đầu tiên lớp An được ủng hộ nhiệt tình đến vậy. Chính xác từ sau trận bóng giao hữu với A3. Vô số lời khen trong và ngoài khối dành cho lớp A4. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ khiến họ có thể chiến đấu hết mình, nhiệt huyết và quyết liệt hơn bao giờ hết. Và khi 10A4 rơi vào thế bất lợi, họ cũng được các học sinh lớp khác bênh vực. Mọi đau nhức mệt mỏi tiêu tan. Dù có thua, hình ảnh 10A4 kiên cường sẽ mãi còn đó. 10A7 chiến thắng.

Tay ai nấy đều đỏ ửng, sưng tấy lên những vết chai sần, bong tróc. Người vương máu trên dây thừng, người trật cổ tay phải xuống phòng y tế. Tất cả đều là minh chứng cho ý chí quyết tâm vững vàng của 10A4. Tuy chỉ là cuộc thi phong trào, nhưng tất nhiên thua thì ai cũng buồn. Chỉ một chút nữa thôi, thậm chí đã "thắng", nhưng là một chiến thắng không được công nhận.

Ngay sau đó, một hiện tượng hi hữu đã xảy ra, cả 10A4 và 10A15 ào ra sân như vỡ tổ. Những lớp không liên can bắt đầu ầm ĩ, hội thi hỗn loạn hơn bao giờ hết. Sân trường lấp kín người, chúng chen lấn xô đẩy, ồ ạt tiếp cận trọng tài. Nhiều anh chị khối trên cũng muốn đòi lại công bằng cho A4. Một số thành phần quá khích rống lên như khỉ, quẳng ghế đá bàn tứ tung. Cánh trí hỗn độn tựa một cuộc bạo loạn chính cống. Nhưng không có chuyện đấu lại. Dù ai cũng mệt lả, song đa phần không bằng lòng kết cục này. Rõ ràng 10A4 đã "thắng"? Mọi người đều nghĩ vậy.

"Chuyện gì thế nhỉ?" An tự hỏi.

Trông thấy sân trường hỗn loạn, đến mức cặp đấu tiếp theo không thể diễn ra theo đúng lịch trình. Tiếng trống vang lên, dù muốn hay không, tất cả đều phải chấp nhận kết quả này. Đám đông bị đàn áp bởi ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên. Sân trường dần vơi, hội thao cũng tàn. Hết trò vui, An ngậm ngùi về lớp.

Khung cảnh trong lớp thực sự đáng sợ, cậu chết lặng theo họ. Thanh khóc thút thít trên bục giảng, hội con gái dỗ dành mãi không nín. Đám con trai, thằng gục mặt xuống bàn vẻ yếm thế, thằng ức chế đập bàn đập ghế. Căn phòng sặc mùi tang tóc. Họ đã kéo rách cả tay, máu dính lên dây thừng, phản ứng bạo dạn như vậy là điều dễ hiểu. An tự hỏi nếu cậu tham gia hội thao thì hôm nay lớp có thể thắng không. Nhưng kể có thắng, sẽ chẳng gì thay đổi.

Không khí u uất bao trùm bốn mươi học sinh, bao trùm những chiếc ghế, chiếc bàn, bao trùm cả tấm bảng đen dài đang âm thầm quan sát lũ học sinh năm ấy. Ngay cả những người không tham gia kéo co cũng có cảm xúc tương tự. Cũng cảm nhận được thứ áp lực nặng nề dồn nén trong lớp. Khi giáo viên bước vào, không khí mới dãn ra chút ít, nhưng tình hình chẳng khá khẩm hơn. Sự hiện diện của bà giáo không thể đưa tâm trạng trở về bình thường. Họ cố tỏ ra tự nhiên, tránh gây khó xử cho giáo viên. Nhưng ngay cả việc đó họ cũng thất bại.

Hơn một tuần sau cả lớp mới có thể thôi nghĩ về trận thua oan ức đó, dần chấp nhận sự thực. Chung kết diễn ra đúng dự kiến vào hôm sau, 10A3 và 10A7. A7 hoàn toàn thảm bại trước A3 với không một hiệp thắng danh dự. A4 vẫn còn một trận tranh giải ba với A6 nhưng với thể lực và tinh thần tuột dốc, cả lớp đồng thuận rút khỏi hội thi.


Kết thúc hôm đó, như thường lệ, An bước khỏi lớp khi không gian chẳng còn bóng người, ngôi trường cô quạnh như một công trình bỏ hoang. Làn gió ôm hờ An rồi hôn nhẹ lên trán trước khi rời đi. Xuống cầu thang, đã sáu giờ kém nhưng trời vẫn sáng tươi vời vợi. Ánh trăng xuất hiện dưới trời xanh. Nhìn sân trường trống trải, lại ngước mắt nhìn trời, cậu thấy một ngôi sao nhỏ bé.

Cậu nhớ đến thuyết luân hồi từng kể Bảo nghe. Khái niệm linh hồn và sự luân hồi các kiếp sống có tồn tại, theo một nghĩa ẩn dụ nào đó. Linh hồn không chỉ sinh thành con người, mà còn nhiều dạng sống khác. Kể cả ngọn cỏ cũng đang sống, cũng muốn được sống, vì thế chúng cố vươn mình tìm ánh sáng. An nghĩ quả thực vậy, nếu một ngày cậu mất đi ý chí sống, có lẽ cơ thể sẽ bất động đến khi bị thời gian quật ngã. Nếu muốn chết mà không đi chết, nghĩa là ý chí sống còn tồn tại, An cũng hy vọng một ngày bản thân sẽ vượt qua. Trở về khoảng thời gian yên bình trước kia, thứ đã chết trôi đâu đó trên đường tàu.

"Sao còn ở đây giờ này?" An hỏi.

Gần đây, Dũng đã ít nhiều trút bỏ vẻ ngoài điệu đà, công tử của mình. Có lẽ là thay đổi khi người ta có tình yêu. Hắn nói: "Mày đã thực hiện lời mình. Rằng chỉ cần không đụng vào mày thì mày sẽ không can thiệp."

"À."

"Đúng thực mày đã không can thiệp nhỉ. Dù không làm gì nhưng vẫn bị gọi là kẻ ác," Dũng nói.

Hai người tản bộ cùng nhau.

"Mày nghĩ sao về trận kéo co? Lớp mày đã thua một cách đáng tiếc, oan ức nhỉ? Cần tao trả thù không?"

"Tao chả quan tâm, dù không phủ nhận công sức của hai đội, chẳng đáng làm vậy."

"Lớp mày đã có thể thắng, đòi lại công bằng cho lớp mình thì có sao?"

"Mày đang định nói tới 'bất công'? Trong lớp bọn nó cũng nói suốt. Từ giải bóng đá tới giờ."

"Mày không nghĩ vậy là cần thiết? Mày thực sự không quan tâm hay chỉ cố vờ như không quan tâm? Thú thực, mày đã rất nỗ lực để trông giống một kẻ không quan tâm." Khoảng lặng u huyền ngày tàn.

Đồng hồ điểm sáu giờ, dù tăm tối nhưng vẫn cảm nhận được bầu trời, sự sống ở đó. Màn đêm cũng vậy, tiếng chim hát, tiếng gió thanh, tiếng những suy tư trọng đại của một thời vang bóng trong đêm. An ngước lên từ vị trí giữa sân, bầu trời đóng khung bởi bốn bức tường xung quanh. Chỉ một vùng nhỏ ấy thôi, cậu đã thấy bãi cỏ trắng ven trời, dòng sông u huyền rực bóng trăng. Nếu không có bãi cỏ, làm sao ta thấy được dòng sông?

Sự sống hóa ra là vậy, vạn vật đều đang sống. Chung quanh luôn là sự sống. Điều đó làm An thấy cô đơn, nhưng chẳng thấm vào đâu. Cậu đã luôn chịu đựng một nỗi cô đơn khủng khiếp cơ mà? Giữa trùng khơi và từ lâu đã ngừng đấu tranh khỏi sợi chỉ, cậu ngưng vùng vẫy nơi vũng lầy. Một thời gian dài như vậy, đến tận khi ngoài ba mươi, An vẫn đứng đó, nhưng chỉ là con kền trắng giữa bầy quạ đen.

"Con người đâu thể chết chỉ vì bị chôn xác dưới hố sâu, phải không Nhựt? Nỗi cô đơn nhắc tao nhớ mày vẫn còn sống." An chép miệng, lẩm bẩm một mình. "Nhớ rồi, chưa chết, phải chưa!"

Suốt những tháng ngày qua, cậuvẫn gặm nhấm cái chết của Nhựt, chẳng khác nào kền kền.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro