KHÁM PHÁ VŨ TRỤ - CHÚNG TA CÓ GẶP THỜI?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Như chúng ta đã biết, tuổi của Vũ trụ hiện tại đo được khoảng 13,7 tỷ năm. Nếu co toàn bộ số tuổi đó vào 1 năm thì loài người chúng ta xuất hiện vào khoảng gần 2 tiếng cuối cùng của năm đó, cho thấy Vũ trụ đã già tới mức nào! Nguồn gốc của Vũ trụ, khả năng cao nhất là được sinh ra bởi vụ nổ Big Bang: xuất phát từ một điểm có kích thước còn nhỏ hơn cả 1 hạt Electron sau đó "đột nhiên" giãn nở nhanh chóng (từ "nổ" trong cái tên Big Bang chỉ mang tính nghệ thuật).

Khi công bố Thuyết tương đối, Einstein đã quan niệm vũ trụ là tĩnh tại. Để cố gắng bảo vệ quan niệm này, ông đã thêm vào các phương trình của mình "hằng số vũ trụ" để chống lại việc các nghiệm cho ra vũ trụ động, điều mà ông gọi là "sai lầm lớn nhất trong cuộc đời" khi ông đến thăm Hubble vào năm 1931 và được quan sát thấy Vũ trụ đang giãn nở. Đặc biệt, Vũ trụ không những đang giãn nở, mà tốc độ giãn nở ngày một nhanh hơn!

Ở đây, tôi không bàn đến câu hỏi nguyên nhân nào đẩy Vũ trụ giãn nở như vấn đề Năng lượng tối mà bạn có thể đang nghĩ tới, tôi muốn hỏi rằng: các nhà Thiên văn, Vũ trụ học trong tương lai sẽ quan sát được những gì trên bầu trời?

Vì sự giãn nở đang tăng tốc, đến một lúc nào đó trong tương lai rất xa, các Thiên Hà sẽ chạy ra xa nhanh đến nỗi đến mức ta không thể thấy chúng, ánh sáng từ những Thiên Hà đó không thể vượt qua khoảng cách ngày càng nở rộng giữa hai Thiên Hà. Nói cách khác, khi các nhà Thiên văn trong tương lai xa quan sát bầu trời, họ chỉ thấy sự tĩnh lặng đen ngòm, bất biến! Những gì họ thấy được là hệ Ngân Hà của chúng ta, và họ sẽ kết luận rằng Vũ trụ là ổn định, bất biến và có những vùng vật chất riêng biệt trú ngụ – một bức tranh Vũ trụ mà ta biết chắc chắn là sai.

Khi ta biết rằng những nhà Thiên văn học trong tương lai xa có lẽ sẽ không có đủ thông tin để khám phá mọi việc, câu hỏi tự nhiên được đặt ra là, liệu chúng ta có đang như vậy, nghĩa là một số tính chất quan trọng của Vũ trụ hiện đã nằm ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta vì cách mà Vũ trụ phát triển? Nói cách khác, có thể có những tính chất của Vũ trụ mà chúng ta không bao giờ tìm hiểu được nữa vì chúng ta đã không được sinh ra sớm hơn!

Giả sử loài người được sinh ra vào khoảng 4 hoặc 5 tỷ năm sau thời điểm Vũ trụ hình thành, khi đó chúng ta có thể nghiên cứu tỉ mỉ hơn về cách "Thượng Đế" đã "kích nổ" Điểm kì dị bí ẩn kia để chúng ta có cơ hội được sống! Bởi vì thông tin về thời khắc "Sáng thế" lúc đó vẫn đang còn tràn ngập trong không gian nhiều đến mức không cần dùng đến một thứ hiện đại như kính thiên văn Hubble. Nhưng nếu chúng ta sinh ra vào lúc đó, những Lỗ Đen lại có thể chưa xuất hiện vì chưa có ngôi sao nào dùng hết nhiên liệu và chết đi, và như vậy chúng ta cũng không có cơ hội được biết mặt Lỗ Đen – "con quỷ" của Vũ trụ! Không chỉ nó, có những thành viên kì lạ khác trong "đại gia đình" Vũ trụ chưa thể "chào đời" vào khoảng 4 đến 5 tỷ năm sau Sáng thế, và có thể nó sẽ xuất hiện sau khi con người đã bị diệt vong rồi!

Ở đây, bạn có thể đặt ra một câu hỏi có vẻ khá thú vị là: giả sử loài người được chọn thời điểm để sinh ra, vậy cần chọn thời khắc nào để việc khám phá Vũ trụ được đầy đủ và dễ dàng nhất?

Không cần ngẫm nghĩ lâu bạn cũng có thể nhận ra được rằng, thời điểm nào cũng vậy thôi! Điều quan trọng là bạn muốn khám phá cái gì nhiều hơn. Nếu bạn muốn "tìm" Thượng Đế, bạn có thể chọn thời điểm tôi đã nói ở trên (4 đến 5 tỷ năm sau Big Bang, hoặc sớm hơn), còn nếu bạn muốn xem Vũ trụ này có thể kết thúc như thế nào, bạn có thể chọn tầm mấy chục tỷ năm sau này (nhưng không thể quá muộn vì, như đã nói ở trên, các thông tin sẽ rời xa quá khả năng quan sát).

Dẫu sao, đó cũng chỉ là một chủ đề để tán gẫu, bởi vì thực tế chúng ta đã không được sinh ra vào lúc đó. Vậy tại sao chúng ta lại phải cách xa "Thượng Đế" muộn tới 13,7 tỷ năm? Câu hỏi này cũng tương tự như thắc mắc của nhà Thiên văn học Kepler rằng tại sao Trái Đất lại cách mặt trời 150 triệu km vậy. Mặc dù Kepler đã từng cố gắng làm việc suốt mấy thập kỷ để giải thích con số này bằng cách định luật Vật lý chuyển động, nhưng ngày nay bạn không thể nào search được ra bài tính toán nào cho câu hỏi này trên Google cả. Không ai có thể tính toán được nó, và chúng ta biết tại sao, Kepler đã đặt ra một câu hỏi sai. Bởi vì khi có rất nhiều hành tinh khác quay xung quanh "Mặt Trời" của chúng với những khoảng cách khác nhau, thì con số 150 triệu km chỉ là một trong số các giá trị có thể có, không có gì đặc biệt. Câu hỏi đúng phải là: tại sao chúng ta có thể tồn tại cách Mặt Trời ở khoảng cách này, chứ không phải khoảng cách nào khác?

Rõ ràng, những hành tinh gần Mặt Trời hơn quá nóng đến nỗi sự sống như chúng ta không thể tồn tại, và những hành tinh xa hơn quá lạnh đến nỗi sự sống cũng không thể sinh nở. Vậy chúng ta thấy mình sống trên một hành tinh với khoảng cách như vậy đơn giản vì nó đủ điều kiện để hình thành sự sống. Con số 13,7 tỷ năm cũng có thể giải thích tương tự. Nếu Vũ trụ sau vụ nổ Big Bang khoảng 5 tỷ năm có thể xuất hiện một vùng ổn định nhiệt độ và mật độ vật chất vừa phải để hình thành sự sống, thì loài người đã được sinh ra vào lúc đó. Nhưng chúng ta đã không thấy mình sống sau Thượng Đế 5 tỷ năm, do đó vào thời điểm đó chắc chắn không có vùng nào trong Vũ trụ có thể dung dưỡng sự sống, hay bất cứ thời điểm nào trước 13,7 tỷ năm đều không có môi trường để con người có thể tồn tại được. Như vậy những sinh vật như chúng ta, đối với Vũ trụ này, chỉ có thể được sinh ra sau thời điểm Sáng thế ít nhất là 13,7 tỷ năm. Nếu trong tương lai con người có thể chế tạo được "cỗ máy thời gian" để trở lại quá khứ của Vũ trụ, chúng ta sẽ thấy rõ môi trường khi ấy khắc nghiệt đến thế nào (vấn đề du hành thời gian cũng là một vấn đề rất thú vị mà tôi sẽ bàn sau).

Nhưng liệu chúng ta có phải "thế hệ" đầu tiên? Ý tôi là, trước 13,7 tỷ năm có thể đã có những sinh vật cấu tạo tương tự con người xuất hiện trong một vùng không gian "lý tưởng" nào đó rồi, và loài người chúng ta xuất hiện muộn hơn trong một vùng ổn định khác. Vì bất cứ một vùng nào trong Vũ trụ, theo thời gian đạt đến mức độ "phù hợp" như Trái Đất cũng đều có khả năng sinh ra sự sống. Vì vậy không thể biết được con người xuất hiện ở vị trí thứ mấy, và loài xuất hiện đầu tiên nằm ở đâu. Mặc dù dấu hiệu của con người được phát hiện trên Trái Đất là khoảng 3-4 triệu năm trước, nhưng thời đại phát triển kiến thức Khoa học của chúng ta chỉ mới vài nghìn năm. Như thế nếu có một nền văn minh nào đó đã phát triển Khoa học của họ trong một triệu năm, trình độ của họ đối với chúng ta sẽ như những "vị thánh"! Sau cùng một nền văn minh phát triển sẽ phải tiến tới đi xâm lược những vùng không gian khác để tiếp tục có điều kiện sinh tồn, nhưng vì chúng ta vẫn chưa bị xâm lược, nên có lẽ chưa có nền văn minh nào phát triển đủ cao. Nói cách khác, những nền văn minh khác (nếu có) cũng không được sinh ra quá sớm so với chúng ta!

"Những sinh vật như chúng ta, đối với Vũ trụ này, chỉ có thể được sinh ra sau thời điểm Sáng thế ít nhất là 13,7 tỷ năm", trong câu này tôi đã đưa ra hai điều kiện: một là "Những sinh vật như chúng ta", và hai là "đối với vũ trụ này". Điều kiện thứ nhất có nghĩa rằng vẫn có thể có những sinh vật hình thành được trong thời gian sớm hơn thời điểm 13,7 tỷ năm (tức sớm hơn loài người), nhưng những sinh vật đó chắc chắn không phải là "Những sinh vật như chúng ta" (vì chúng ta không thể sống được vào lúc đó). Điều kiện thứ hai – "đối với vũ trụ này" – chỉ có ý nghĩa nếu thừa nhận có tồn tại những Vũ trụ song song khác với những quy luật Vật lý khác. Và vì chưa có lý do để bác bỏ các Vũ trụ song song, nên tôi đưa vào điều kiện này cho chặt chẽ. Theo đó, ở Vũ trụ này, chúng ta chỉ được sinh ra sau ít nhất là 13,7 tỷ năm, nhưng ở Vũ trụ khác với những quy luật khác, "chúng ta" (đúng hơn là "bọn họ") có thể sinh ra sau "Thượng Đế" chỉ khoảng 5 tỷ năm, như vậy việc tìm hiểu Sáng thế sẽ dễ dàng hơn rất nhiều!

Sẽ có những sinh vật hoàn hảo hơn con người (hoặc chí ít là giống con người) có thể xuất hiện trong Vũ trụ này, nhưng sẽ muộn hơn nữa.

Sau tất cả, điều tôi muốn nói ở đây là: "định mệnh" của vũ trụ đã sắp xếp cho loài người phải sinh ra vào thời điểm này (và không biết khi nào chúng ta sẽ diệt chủng). Điều đó đồng nghĩa với những gì chúng ta có thể tìm hiểu về Vũ trụ sẽ có thể ước lượng được trong một khoảng nào đó – một khoảng bao xung quanh thời khắc 13,7 tỷ năm. Dù đó là khoảng nào đi nữa, việc chúng ta được sinh ra vào bất cứ lúc nào cũng đều có ý nghĩa tốt. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thời đại có đặc quyền, khi mà những sự thật sâu kín về Vũ trụ vẫn còn trong tầm tay của tinh thần khám phá của con người. Nhưng có vẻ nó sẽ không như vậy mãi. Vì thế chúng ta hi vọng rằng những nhà Thiên văn tương lai khi nhìn vào sẽ tin và sử dụng những kết quả "từ thời xa xưa" của chúng ta để tiếp tục hành trình của mình, cho dù lúc đó họ có thể chẳng còn bắt được tia sáng nào từ khoảng không ngoài Ngân Hà đơn độc kia giống như cơ may mà chúng ta đang có được hiện nay nữa...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro