X30phaluoi10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 28

Các ông có tin tôi không

Không hiểu vì sao mấy hôm liền Ngô Đình Cẩn trao đổi ý kiến với Phan Thúc Định tìm cách gấp rút liên lạc với Lê Mậu Thành. Giám mục Ngô Đình Thục cũng từ Vĩnh Long bay ra mật đàm với Cẩn. Chúng có vẻ nóng ruột chờ tin tức của tên họ Lê để âm mưu một việc gì đó. Theo ý chúng trao đổi với Định thì một trong những việc giao cho Lý Ngọc Tú là vào vùng Việt Cộng kiểm soát tìm cách bắt mối với Thành, mặc dầu đối với Tú, chúng giấu kín tên tuổi Lê Mậu Thành, chỉ dặn đến một chỗ bí mật, với một mật hiệu như thế sẽ có người đến gặp.

Phan Thúc Định nghĩ đến Vân Anh. Dưới danh nghĩa ra thăm người yêu như lần trước, Vân Anh có thể đi công khai, liên lạc được với Lê Mậu Thành một cách dễ dàng. Phan Thúc Định đến gặp Vân Anh. Ngoài chuyện muốn nhờ Vân Anh ra gặp Thành, Định còn muốn thăm dò thái độ Vân Anh đối với anh. Anh vẫn chưa hiểu Vân Anh đã nắm được những gì về anh. Vân Anh đã bám sát anh, đã chụp ảnh anh ở một số nơi. Thái độ khó hiểu của Vân Anh khi đón anh ở cửa hiệu sách, rủ anh ra vườn hoa Nguyễn Hoàng, trao lại cho anh những tấm ảnh chụp được ấy mang ý nghĩa gì? Tuy anh rất tin ở hành động và cuộc sống hàng ngày của anh, nhưng anh vẫn phải tìm hiểu, thận trọng với những cặp mắt chung quanh nhìn vào anh và phải luôn luôn tự duyệt lại mình hàng ngày, trong từng sự việc. Vân Anh là người của ai? Nên xử trí với Vân Anh như thế nào?

Thấy Phan Thúc Định đến, Vân Anh có vẻ mừng rỡ. Cô tiếp Định ân cần như tiếp một người mình vẫn mong chờ, quý mến. Nhưng ngồi nói chuyện một lúc thì Phan Thúc Định nhận thấy bên cạnh vẻ mừng rỡ ân cần ấy, Vân Anh có cái gì đổi khác. Khác cô Vân Anh thông minh, buồn bã ở Pháp. Khác cả cô Vân Anh tinh quái, khó hiểu trong tháng ngày gần đây. Vân Anh đã có một cái gì thay đổi? Cô ta có vẻ mệt mỏi, chán chường, ít nói và những lời cô nói mang màu sắc của sự tư duy hơn trước. Để thăm dò, Phan Thúc Định nói lên nhận xét đó của mình. Vân Anh khẽ gật đầu. Một nụ cười gượng thoáng trên môi. (Phan Thúc Định nhớ đến nụ cười rạng rỡ tinh nghịch lộ ra hàm răng trắng bóng của cô mà anh vẫn được nhìn).

- Anh tinh nhỉ! Nhưng anh không thể hiểu hết em đâu. Nói thật ra, mãi đến gần đây, em mới hiểu anh phần nào.

Định phá ra cười:

- Em nói gì mà quan trọng vậy? Đến anh, nhiều khi cũng không hiểu hết mình nữa là em.

Giọng nói của Vân Anh thay đổi:

- Anh đừng nói thế. Câu nói ấy phải để em nói: Chính em mới nhiều khi không hiểu nổi cả mình nữa. Em không nói đùa đâu. Còn anh, em biết rằng anh rất hiểu rõ anh, hiểu rõ từng việc anh làm. Tất cả hình như đều có một chủ ý nhất định.

Phan Thúc Định giữ nguyên thái độ vui vẻ:

- Vậy em hiểu anh như thế nào?

- Em nói rằng anh hiểu rõ anh, hiểu rõ công việc anh làm chứ em có nói rằng em hiểu rõ anh, hiểu rõ công việc anh làm đâu. Em chỉ nói em hiểu được một phần nào thôi.

- Chẳng lẽ anh khó hiểu đến thế ư?

Vân Anh lảng sang chuyện khác.

- Ngay đối với em, nhiều khi em thấy anh rất tốt, rất thân mật, nhưng cũng nhiều khi em lại thấy anh thờ ơ, xa lạ.

- Cảm giác đánh lừa em đấy thôi. Anh đối với em lúc nào cũng vẫn thế.

Vân Anh lắc đầu buồn bã:

- Em biết chứ! Hồi còn ở bên Pháp, anh đối với em khác. Từ ngày về nước, anh đối với em khác.

Phan Thúc Định nhìn thẳng vào mặt Vân Anh với thái độ của một người đặt ngay quân bài xuống chiếu:

- Bởi vì từ ngày về nước em cũng khác với em hồi còn ở Pháp.

Đôi mi dài của Vân Anh khép lại. Những ngày còn ở bên Pháp ư? Đúng! Có chỉ biết học, đi thư viện, nghĩ đến tương lai với những mộng mơ đẹp đẽ đang chờ mình. Thế rồi... cô khác đi từ ngày nào nhỉ? Cô nghĩ đến những ngày ở Luân Đôn. Những buổi sương mù lạnh buốt. Những con người ít nói, lạnh lùng, kín đáo. Một gã giáo sư người Anh tỏ vẻ chăm sóc Vân Anh đặc biệt. Gã thu xếp mọi tiện nghi nơi ăn chốn ở của Vân Anh khiến cô rất vừa ý và thấy đỡ cô đơn. Gã luôn luôn tặng quà cho cô. Thời kì đầu tiên, gã nói chuyện với cô về lịch sử, văn học, phong tục tập quán của nước Anh và hỏi cô về đất nước, con người Việt Nam. Dần dần câu chuyện xoay theo một chiều hướng khác. Không hiểu sao, gã hiểu biết khá rõ về gia đình cô. Gã tỏ vẻ ngậm ngùi thông cảm với nỗi đau của cô bị mất bố, gã khéo léo kích động mối hận thù trong người cô. Trong những đống sách hắn đưa mượn đã xen dần vào những sách của những tên phản bội nói về chủ nghĩa Cộng sản, về những người cách mạng, những cuốn sách tâng bốc hành động, cuộc đời của những tên gián điệp quốc tế như những anh hùng xả thân vì lí tưởng. Gã ca ngợi tài năng, trí thông minh của cô và nói rằng tài trí ấy có thể làm được những việc chấn động dư luận.

Gã hướng dẫn cô cách chụp ảnh (lúc đầu chỉ là chụp phong cảnh thôi), cách truyền tin (lúc đầu chỉ để giải trí trong những cuộc đi chơi cắm trại), cách quan sát khi vào một đám đông (lúc đầu chỉ đánh đố nhau về sự nhanh trí)...

Dần dần, vừa vì trí tò mò bị kích thích, vì tính hiếu động thích làm những việc khác thường của giới trẻ, vừa vì hận thù gia đình, Vân Anh đã bị gã giáo sư người Anh lôi kéo vào những hoạt động tình báo. Thế rồi, có những cuộc gặp gỡ bí mật giữa Vân Anh với vài "nhà trí thức, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học" người Mỹ do gã giáo sư Anh giới thiệu, có những đợt huấn luyện ngắn ngày dưới danh nghĩa đi thăm những danh lam thắng cảnh mà học viên chỉ có một mình Vân Anh tham dự. Thế rồi, Vân Anh bí mật đi Mỹ trước khi về nước...

Từ đó, đầu óc Vân Anh không còn thanh thản, hồn nhiên như trước nữa. Cái nhìn cuộc đời và con người của Vân Anh không còn đẹp đẽ như trước nữa. Đầu óc Vãn Anh luôn luôn căng thẳng, tính toán. Nhìn cuộc đời con người, Vân Anh luôn luôn nghi ngờ. Cuộc sống của Vân Anh luôn luôn phải giả tạo. Tâm hồn, tình cảm thật của Vân Anh luôn luôn phải che giấu nó đi. Và không hiểu sao, một mối lo sợ không căn cứ, không có tên gọi, không thành hình luôn luôn ám ảnh cô, muốn dứt nó ra mà không được, muốn quên nó đi cũng không xong.

Nhất là những ngày gần đây, ở nhà Cao Xuân Đăng, nhìn thấy tất cả những thủ đoạn bỉ ổi của chú mình trong việc luồn lọt Ngô Đình Cẩn để chạy chọt một chân tỉnh trưởng và làm giàu, nghe thấy lũ bạn bè thân tín của Đăng bàn chuyện "áp phe" chính trị và buôn lậu, Vân Anh không còn thấy người chú ruột là đáng kính, đáng mến nữa. Cô tiếp xúc với thực tế của đất nước, với phong trào thanh niên, sinh viên, với đồng bào phật tử, với các giới... Cô cảm thấy tất cả cái khối lớn lao ấy đang đi theo một chiều, hừng hực, cuồn cuộn, mạnh mẽ như một làn sóng thuỷ triều cứ dâng lên, dâng lên mãnh liệt. Còn cô và một số người đi ngược lại cái khối lớn lao ấy, cô hết sức chơi vơi cản lại làn sóng thuỷ triều mãnh liệt đó. Một cảm giác cô đơn, lẻ loi thường hiện lên, bao vây lấy cô ngay cả lúc cô đứng giữa một đám đông. Nhưng cũng chẳng bao giờ cô có ý nghĩ hoà vào cái khối lớn lao đó, biến thành một giọt nước của làn sóng thuỷ triều mãnh liệt đó.

Trước đây, Vân Anh tưởng tình yêu là cao cả nhất, đẹp đẽ nhất, nhưng rồi cũng không phải như thế. Tình yêu trong người đàn ông khác trong người phụ nữ. Cuộc sống có nhiều cái thu hút, kéo người đàn ông đi hơn là tình yêu. Mấy năm xa cách, tìm lại Lê Mậu Thành, cô thấy Lê Mậu Thành cũng khác thời kì mới lớn lên cô gặp và khác xa cô tưởng tượng. Tâm hồn cô hướng về một người, một người mà có những kỉ niệm trong trắng. đẹp đẽ với cô trong dĩ vãng, một người mà cô vẫn thấy có cái gì đẹp đẽ khác thường, một người mà bất cứ lúc nào cũng chiếm được cảm tình đặc biệt trong cô. Hình ảnh người ấy thường hiện lên mỗi lúc cô cảm thấy cô đơn, lẻ loi, mỗi lúc nửa đêm cô tỉnh dậy, mỗi lúc cô bắt gặp một cơn gió mùa lang thang từ xa thổi về. mỗi lúc cô đi giữa một đêm trăng bát ngát gợi nhớ lại đêm tuyết trắng xoá những năm nào... Người ấy, đối với cô, thật là thân mật, gần gũi mà cũng thật là xa vời. Càng tìm hiểu về người ấy, cô càng thấy không hiểu nổi. Cô chỉ thấy rằng hình như con đường người ấy đi không giống con đường cô đi. Người ấy đang ngồi trước mặt cô đây.

Đôi mi dài của Vân Anh ngước lên nhìn Phan Thúc Định. Cô trả lời anh cũng bằng một giọng thẳng thắn như anh đã nói với cô:

- Đúng là như vậy, anh Định ạ. Từ ngày về nước, em có khác ở Pháp. Nhưng đối với riêng anh, em không bao giờ khác cả.

Rồi giọng Vân Anh thoáng xót xa:

- Sẽ có lúc em nói hết với anh. Nhưng chưa phải lúc này...

Phan Thúc Định thấy không nên đi sâu thêm vào câu chuyện theo hướng đó nữa. Anh chuyển sang chuyện Lê Mậu Thành và gợi ý để Vân Anh đi thăm hắn. Vân Anh đã từ chối.

*

* *

Rời khỏi nhà Vân Anh, Phan Thúc Định có đôi chút bâng khuâng. Những điều gì đã đến với Vân Anh? Anh cũng không hiểu hết được. Cô gái xinh đẹp, thông minh ấy đáng thương hay đáng giận? Nhưng anh nghĩ ngay đến những công việc trước mắt: cần một người ra liên lạc với Lê Mậu Thành. Một người mà Ngô Đình Cẩn cũng phải biết và đồng ý. Một người mà có thể ra phía bên kia đàng hoàng. Một người mà anh cũng phải tin cậy được phần nào. Một người mà đì về cả hai vùng đều có thể công khai. Anh không thể dùng những người mà Cẩn không hề biết. Cẩn sẽ không tin và đánh dấu hỏi vào ngay cả anh.

Tại sao anh lại biết những người ấy và lại dùng những con người ấy? Tại sao những người ấy lại có thể đi về vùng kiểm soát của Việt Cộng được? Anh cũng không thể dùng người mà ra ngoài vùng kia không có lí do chính đáng. Thật khó quá, Vân Anh đã từ chối rồi.

Óc Định chợt loé lên một ánh sáng: Mai Lan, vợ Lý Lâm. Chị ta có người quen biết ở vùng bên kia, chị ta có thể ra thăm được chứ! Chị ta lại là vợ gã vệ sĩ tin cẩn, trung thành của Cẩn. Con cái chị ta ở cả đây, ở cả trong tay kiểm soát của Cẩn. Chị ta có thể quen thuộc đường đi, lối về và các sinh hoạt ở vùng kia...

Phan Thúc Định quả quyết đến nhà Mai Lan.

*

* *

Anh em dẫn một người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi đến gặp Vũ Long. Chị ta xuất hiện ở vùng giải phóng huyện Hương Thuỷ, hỏi thăm cơ quan an ninh của ta. Đồng bào cảnh giác, nghi chị là gián điệp của địch tung ra, mật báo các đồng chí làm công tác an ninh trong khu vực. Các đồng chí đó đã khéo léo tìm cách đưa chị ta về cơ quan huyện. Chị đề nghị được gặp người phụ trách cao nhất của ngành an ninh ở vùng giải phóng để "báo cáo một việc quan trọng".

... Bây giờ, chị đang ngồi trước mặt đồng chí Vũ Long - người chỉ huy Ban công tác đặc biệt của Khu uỷ. Anh chăm chú quan sát chị phụ nữ này. Khuôn mặt chị phúc hậu nhưng đôi mắt chị sao thâm quầng, ngơ ngác, buồn bã? Búi tóc mượt đen búi một cách trễ tràng chứng tỏ chị không chú ý gì đến nhan sắc của mình. Sau khi được nghe giới thiệu, nhìn mái tóc lốm đốm bạc, nhìn cặp mắt trầm lặng nhân ái của Vũ Long, chị có vẻ an tâm. Chị rụt rè nói:

- Tôi xỉn phép được nói chuyện một mình với... "ông".

Chị lúng túng không biết xưng hô với Vũ Long như thế nào. Vũ Long ra hiệu cho đồng chí đã đưa chị đến ra ngoài, mỉm cười hiền hậu:

- Tôi sẵn sàng nghe chị.

Chị vẫn rụt rè:

- Không hiểu các ông có tin tôi không?

Vũ Long nhìn thẳng vào mặt chị, nghiêm túc:

- Chị đã tìm đến chúng tôi nói chuyện như thế này, chúng tôi rất tin chị. Chị đừng e ngại gì cả. Chị hãy nói tất cả những điều gì chị muốn nói. Chúng tôi mong chị đừng giấu chúng tôi điều gì.

Chị ta hơi ngập ngừng, mắt nhìn xuống mặt bàn:

- Tôi phải nói trước với ông như vậy, bởi vì tôi là vợ người vệ sĩ thân tín của... Ngô Đình Cẩn.

Cặp mắt chị ta ngước lên chờ đợi sự phản ứng của Vũ Long. Chị hơi ngạc nhiên khi thấy cái điều mà chị nói ra tưởng có thể làm cho người cán bộ phụ trách này phải giật mình sửng sốt thì ngược lại chị vẫn thấy anh điềm đạm như không, thản nhiên chăm chú nghe chị. Chị không thể biết rằng người ngồi trước mặt chị đã nhận được báo cáo về chị từ trước khi chị ra vùng giải phóng. Và ngay từ nhũng bước đầu tiên của chị ở vùng giải phóng, đã có những cặp mắt bí mật theo dõi chặt chẽ từng cử chỉ hành động của chị. Chị cũng không thể biết được rằng việc chị vừa ra đến vùng giải phóng đã hỏi thăm tìm đến cơ quan an ninh là ra ngoài dự kiến của Vũ Long. Anh nghĩ thầm: "Người mà X.30 báo trước là sẽ ra đây! Chị ta chủ động tìm đến cơ quan an ninh? Một đòn cao tay mà X.30 không tính toán đến? Thế là thế nào?".

Tuy bề ngoài Vũ Long điềm đạm, thản nhiên như vậy, nhưng bên trong óc anh đang suy nghĩ và đặt ra nhiều giả thuyết. Dù trong trường hợp nào, anh cũng vẫn là người chủ động. Thấy Mai Lan ngừng lại, Vũ Long nói bằng một giọng rất bình thường:

- Xin chị cứ nói tiếp đi. Tôi vẫn nghe chị. Chị cứ yên tâm, không phải vì thế mà chúng tôi không tin chị đâu. Chúng tôi vẫn tin những điều mà chị sắp nói ra là thành thật...

Cặp mắt Mai Lan mới buồn bã làm sao! Chị nói:

- Trước đây, không bao giờ tôi hỏi các ông tin tôi không? Trước đây tôi cũng hoạt động cho kháng chiến, cũng là cán bộ, nhưng bây giờ thì khác rồi, bây giờ thì tôi phải hỏi các ông câu ấy. Ông hiểu cho nỗi đau xót của tôi.

Vũ Long thấy phải cần động viên chị. Giọng anh trầm xuống:

- Dù ở hoàn cảnh nào, nếu người ta muốn giúp ích cho đất nước, người ta vẫn giúp ích được. Chúng tôi hiểu chị.

Mai Lan cũng cảm thấy có thể nói hết được với người đang nói chuyện với chị. Không hiểu làm sao, tuy mới gặp người này lần đầu tiên nhưng chị đã có một ấn tượng rất tin, rất mến.

Chị nói dễ dàng hơn. Chị kể tóm tắt lại cho Vũ Long nghe cuộc đời riêng của chị. Niềm hạnh phúc khi lấy được người chồng cùng lí tưởng mà mình yêu. Những ngày công tác cho cách mạng dù có nhiều khó khăn nguy hiểm nhưng thật là sung sướng, say sưa. Những ngày sống khó khăn trở về Huế sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Gánh hàng vải ở chợ Đông Ba và cái nhìn của Lý Lâm. Nỗi kinh hoàng khủng khiếp làm cả tâm hồn, thể xác chị đổ sụp khi anh em họ Ngô giết chồng chị. Giông bão hành hạ tâm hồn chị trong những ngày nửa tỉnh nửa mê nằm trên giường bệnh bên cạnh hai đứa con thân yêu và cái bóng lù lù câm lặng của Lý Lâm. Nỗi đau khổ lớn lao như tự mình phải nhận lấy cho mình một bản án tử hình khi chị quyết định bằng bất cứ giá nào phải hi sinh thân mình để bảo vệ hai giọt máu của người chị yêu. Sự chịu đựng tưởng chừng không thể nào vượt qua nổi khi phải sống bên cạnh Lý Lâm, trước những cặp mắt khinh bỉ của đồng bào.

Vũ Long im lặng nghe chị kể với một thái độ tôn trọng, mặc dầu những chuyện ấy, chị không nói ra, anh cũng đã biết rồi. Thái độ của Vũ Long như động viên chị nói hết. Chị kể cho Vũ Long lần đưa con đi cấp cứu gặp Phan Thúc Định. Phan Thúc Định thường đi lại giúp đỡ chị. Cả chị và Lý Lâm đều mang ơn anh ta.

Gần đây, Phan Thúc Định có nhờ chị ra gặp một người bạn quen biết cũ ở vùng giải phóng.

- Ông Định nói rằng ông chỉ tin có tôi và nhờ tôi - Mai Lan kể - Tôi vừa quen biết đường lối, vừa có người nhà ở ngoài này (thực tế tôi không còn có ai là người nhà ở ngoài này nữa) nên thuận lợi hơn những người khác. Ông Định rất tốt với tôi, là ân nhân của tôi nên tôi đã nhận lời. Nhưng sau đó, tôi có suy nghĩ: ông Định tốt với tôi và các con tôi nhưng dù sao ông ta vẫn là cố vấn của Ngô Đình Cẩn. Ông cố vấn thân cận của Ngô Đình Cẩn sao lại quen biết một người cán bộ của ta và nhờ tôi ra hỏi thăm để làm gì? Tôi là người cũng đã cùng chồng tôi hoạt động bí mật. (Vũ Long thấy chị chỉ dùng danh từ "chồng tôi" để gọi người chồng cũ của chị, còn chị không dùng từ ấy để gọi Lý Lâm). Tôi thấy cách ông Định dặn dò tôi ra hỏi thăm người bạn của ông ấy ở ngoài này có những điều kì lạ như những mật hiệu, những cuộc gặp gỡ hỏi thăm không bình thường, không đàng hoàng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Ông Định tốt với tôi thật, nhưng tôi còn vong linh của chồng tôi, còn hai đứa con của anh ấy như những người chứng giám cho tấm lòng của tôi, phán xét về cuộc đời của tôi và sau này tôi còn gặp các ông nữa chứ! Còn gặp chị gặp em, gặp bạn bè của anh ấy nữa chứ! Cho nên tôi đã tìm đến các ông, tôi muốn trình bày tất cả mọi việc, tôi muốn xin ý kiến các ông... như trước kia...

Vũ Long thấy rất rõ tất cả nỗi đau khổ, chân tình trong lời nói, trong tình cảm của Mai Lan. Ôi, tâm hồn con người Việt Nam! Tâm hồn con người Việt Nam thật kì lạ! Người phụ nữ Việt Nam này có thể chịu tất cả nỗi tủi nhục, đau đớn cho bản thân nhưng không bao giờ muốn để cho chồng con phải tủi nhục, đau đớn vì mình, có thể chịu bao nhiêu lời dè bỉu, khinh bỉ cho bản thân nhưng không bao giờ chịu để mang tiếng là phản lại cách mạng, phản lại đất nước. Chị vẫn chờ ngày phán xét, mặc dầu hàng ngày chị luôn luôn quằn quại trước sự phán xét của chính lương tâm mình. Chị vẫn mong mỏi ngày ấy, trước mắt con cái mình, bạn bè của chồng mình, chị em cùng hoạt động cũ với mình, mình được vô tội. Chị khao khát được trở về làm một người bình thường trong hàng ngũ của ta. "... Tôi muốn trình bày tất cả mọi việc, tôi muốn xin ý kiến các ông... như trước kia". Giọng nói tha thiết, đau xót ấy của Mai Lan, vẻ mặt rạng rỡ của chị kết hợp với những báo cáo về chị mà Vũ Long đã đọc làm tan những nỗi nghi ngờ còn lại của anh về chị. Anh nhìn thẳng vào chị, nói những lời chân tình:

- Nếu chị muốn chúng tôi coi chị "như trước kia" như hồi "anh ấy" còn sống, tôi đề nghị chị đừng gọi chúng tôi là "các ông". Chúng tôi có biết anh ấy, có biết khá rõ về chị... Chúng tôi cũng là những người bạn của anh ấy...

Cặp mắt buồn bã của Mai Lan ngước lên nhìn Vũ Long, ngây ra một phút. Ở đầu khoé mắt của chị một giọt nước mắt ứa ra, to dần và chảy dài xuống gò má. Thế rồi vẻ buồn bã biến mất trên cặp mắt ấy. Chúng ánh lên một chút rạng rỡ. Ấy là niềm vui sướng lớn lao của một người đã lấy được lòng tin của tập thể đối với mình. Chị xúc động nói với Vũ Long:

- Cảm ơn... các anh.

Không khí e dè ngượng ngập mất đi. Chị bắt đầu nói chuyện thoải mái, tự nhiên. Chị kể cho Vũ Long nghe Phan Thúc Định nhờ mình gặp ai, cách gặp như thế nào, nói năng ra sao. Đôi lúc, môi chị đã thoáng một nụ cười hiếm hoi và đáng quý. Lúc này, chị quên cả Lý Lâm, quên cả hoàn cảnh cay đắng của chị.

Vũ Long nghe thấy việc của mình dễ đi rất nhiều. Một vài chỗ, anh lấy sổ tay ra ghi. Anh hỏi thêm Mai Lan một số chi tiết. Anh trao đổi ý kiến với Mai Lan nên làm như thế nào.

Chương 29

Kỉ vật cũ của người bạn bên núi Ngự Bình

Ở giữa ngã ba đường đất mòn ven rừng, gần một xóm đồng bào ở vùng dưới tản cư lên, có gian hàng vừa cắt tóc vừa bán quà bánh và nước lá chè xanh, dựng bằng tre, lợp lá, bề ngoài lụp xụp như bất cứ một gian hàng bán nước nào ta gặp trên các nẻo đường nông thôn Việt Nam. Chủ nhà đã đứng tuổi, khoảng ngoài năm mươi, lúc nào cũng đeo cặp kính lão, mặt vuông, môi mỏng, tóc húi cao. Vóc người gã to cao, có vẻ chậm chạp, lù đù, lúc nào cũng mặc bộ quần áo bà ba đen, có vẻ không chú ý đến việc gì khác ngoài cái tông-đơ, cái kéo của gã. Tuy vậy, nếu ai là người tinh ý thì thấy gã tuy đang cặm cụi như có vẻ tập trung vào công việc của mình đang làm, nhưng tất cả những câu chuyện của khách hàng ngồi bên ghế hàng nước của vợ gã đều không lọt khỏi tai gã. Ngược lại với vóc người to lớn của chồng, vợ gã bé nhỏ, gầy yếu như người có bệnh lao. Mụ cũng ít nói, chỉ lặng lẽ rót nước, bày mấy cái kẹo, bao thuốc lá ra mời khách. Hai vợ chồng gã không con, ai hỏi thì đáp là có đã mấy lần nhưng đều không nuôi được cả. Gian hàng ấy, hai vợ chồng gã dựng đã lâu, từ ngày xóm này có nhiều đồng bào nơi khác tản cư đến. Hai vợ chồng ít tiếp xúc, chẳng hay đi đâu, tối đến đóng chặt cửa nên cũng chẳng ai để ý đến họ. Người ta gọi gã là "ông Sinh cắt tóc". Ngoài cửa hàng gã có treo cái biển nhỏ với mấy chữ "Cắt tóc" bằng sơn đỏ. Đồ đạc trong nhà cũng chỉ có cái giường, cái chõng tre, một cái tủ bằng ván, thường lúc nào cũng khoá chặt, mấy cái quần áo luộm thuộm.

Mai Lan tìm đến cửa hàng của "ông Sinh cắt tóc" đó. Chị đứng nhìn cái biển treo ở cửa, nhận ra dấu hiệu người ta dặn chị. Chị nhớ lại sau khi nhận lời với Phan Thúc Định ra vùng giải phóng thì một buổi tối, Phan Thúc Định lái xe đến đón chị. Anh ta đưa chị đến một căn nhà riêng, ở đó có một người khoảng sáu mươi tuổi, mặc áo thầy tu, bệ vệ ngồi chờ. Chị nhìn khuôn mặt bì bì, lông mày rậm, quai hàm bạnh, cặp môi dày của người mặc áo thầy tu thấy hao hao giống khuôn mặt Ngô Đình Diệm mà nhà nào ở trong thành phố cũng phải treo ảnh. Người đó chăm chú nhìn chị, cái nhìn làm chị không giữ nổi sự e thẹn của giới tính. Lão hỏi chị về gia đình. Được sự dặn trước của Phan Thúc Định, chị nói về Lý Lâm và mấy đứa con. Lão hỏi chị về đường đi lối lại ra vùng giải phóng. Lão hỏi chị về những người quen của chị trước kia ở ngoài đó. Lão đặt ra một số câu hỏi có tính chất giả thuyết yêu cầu chị trả lời: nếu Việt Cộng hỏi giấy và lí do ra ngoài đó thì nói thế nào? Nếu Việt Cộng nghi ngờ giữ lại thì sẽ đối xử ra sao? Nếu không tìm thấy những người định liên lạc thì sẽ làm gì? Nếu tìm thấy rồi, nhận các thứ của người ta trao cho mà lỡ bị bắt thì sẽ xử trí như thế nào? Nếu có người theo dõi thì đối phó như thế nào?

Sau khi thấy những câu trả lời của Mai Lan vừa ý mình, người mặc áo thầy tu có vẻ bằng lòng. Lão nói với chị:

- Con thấy việc làm này có khó khăn gì với con không? Con có ngần ngại gì không? Nếu có phần ngại gì thì cha không ép. Không à? Tốt lắm! Chúa sẽ phù hộ cho con! Con hoàn thành được việc này về thì con sẽ được thưởng rất nhiều tiền, con muốn hàng chục vạn đồng cũng được. Cha sẽ can thiệp để con có thể chung vốn buôn bán với mấy cửa hàng vải lớn.

Lão dặn chị tỉ mỉ khi ra vùng giải phóng thì đến đâu, cách nhận xét những dấu hiệu để liên lạc như thế nào... Cuối cùng lão đưa chị một tập giấy bạc và một viên thuốc tròn như viên dầu cá, nói:

- Con cầm lấy trước ít tiền mà mua sắm cho con cái. Đây mới chỉ là một phần nhỏ cha tặng riêng con trước, sau này, con sẽ nhận những phần lớn hơn. Còn viên thuốc này, con cầm lấy, cất cẩn thận, đề phòng lúc nào bị Việt Cộng bắt, con hãy ngậm vào miệng và cắn dập nó ra. Ấy là cha nói phòng xa thế thôi. Con cứ yên trí, các con con đã có cậu và ông Định đây lo lắng chu tất.

Rồi lão dặn một lời cuối cùng:

- Con cũng nên nhớ rằng những kẻ phản bội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Thôi, con có thể về được. Cầu Chúa phù hộ cho con!

Mai Lan im lặng. Cầm số tiền và viên thuốc theo Phan Thúc Định đi ra. Ngồi trên xe hơi đưa chị về nhà, Phan Thúc Định hỏi:

- Chị nhớ tất cả những điều Đức Cha dặn chớ?

- Dạ, có!

- Chị làm ơn nhắc lại những lời Ngài dặn tôi nghe xem nào: đến đâu, gặp người như thế nào, nói những gì?

Mai Lan nhắc lại không sai một lời. Sau đó, chị nói:

- Tôi nghe lời ông dặn nên vừa rồi Đức Cha nói gì, tôi im lặng nghe. Bây giờ, tôi xin gởi lại ông số tiền này. Tôi ra đi tìm giúp ông người bạn cũ của ông là để tạ cái ơn ông đã nhiều lần giúp gia đình chúng tôi chứ không phải vì những đồng tiền này.

Phan Thúc Định gạt đi:

- Tôi hiểu tấm lòng tốt của chị và tôi cảm ơn chị đã giúp tôi. Tôi hoàn toàn không bao giờ dám đánh giá thấp chị, có ý nghĩ xấu là chị giúp tôi vì thế này, thế nọ. Nhưng đây không phải là tiền của tôi. Đức Cha cũng muốn giúp tôi, tạo điều kiện cho tôi tìm được người bạn cũ của tôi thôi. Chị cứ cầm lấy, nếu cần tiêu gì chị cứ tiêu, nếu chị không muốn tiêu, chị cứ để đấy, biết đâu chẳng có lúc cần đến. Chị chỉ cho tôi xin lại cái viên thuốc vừa rồi và chị đừng cho ai biết là chị đã đưa nó cho tôi.

*

* *

Mai Lan đã tìm đến cửa hàng nửa cắt tóc, nửa bán hàng nước này. Chị nhận ra cái biển cắt tóc sơn đỏ, nhìn kĩ người chủ nhà đeo kính lão, tóc húi cao. Lúc ấy, bên hàng cắt tóc vắng không có ai và bên hàng nước cũng không có khách. Chị lại gần gã chủ đang mài chiếc dao cạo trên một viên đá mài. Chị nói nhỏ vừa đủ lão nghe thấy:

- Chào ông, tôi có ít thuốc trụ sinh (60) của Nhật Bản muốn bán, ông có mua không?

Nói xong chị cố tình quay chiếc làn xách tay có buộc ở tay một miếng kim loại trắng có hình nửa chữ thọ cho gã nom thấy. Nghe chị hỏi, lão giật mình, quay lại. Cặp kính trắng trệ xuống sống mũi, gã ngước mắt nhìn chị từ đầu xuống đến chân. Gã lắc đầu:

- Ở đây tôi chỉ cắt tóc thôi, không mua bán gì cả.

Nói xong, gã lại cúi xuống tiếp tục mài con dao cạo vào viên đá mài. Mai Lan ngạc nhiên. Sự việc diễn ra không đúng như lời người mặc áo thầy tu dặn chị. Hay là chị nhầm? Chị thử lại lần nữa, và vẫn giơ chỗ quai làn có buộc miếng kim loại ra phía trước, nói:

- Tôi có thuốc trụ sinh của Nhật Bản muốn bán. Có người mách bảo ông cần mua.

Gã chủ nhà lần này không ngẩng đầu lên, giọng có vẻ hơi bực như bị làm phiền:

- Tôi đã nói với chị là tôi không mua bán gì cả.

Mai Lan thất vọng. Chị đứng tần ngần, không biết nên xử trí ra sao. Có lẽ phải về không chăng? Không biết làm gì hơn, chị quay gót.

Chị vừa quay ra thì gã thợ cạo đứng dậy, bỏ dao vào ngăn kéo, rửa tay. Gã ra cửa nhìn theo chị. Gã thấy Mai Lan đi vơ vẩn như người mất phương hướng. Quãng đường vắng ngắt không có một bóng người.

Vùng này, đồng bào ở dưới đồng bằng tản cư lên làm nhà ở rải rác cái này cách cái kia hàng trăm mét vì sợ địch thả bom, bắn phá. Chị ta chẳng rẽ vào nhà ai. Rõ ràng đây là một người từ nơi khác đến. Cách ăn mặc, điệu bộ đi đứng đó phải là con người thành phố. Gã thợ cạo nhìn quanh một lượt. Vẫn không có một bóng người. Lúc này, Mai Lan đã đi đến một cánh đồi thông...

Lão chủ quán bước ra khỏi nhà, đuổi nhanh theo chị. Lão không theo con đường chị đang đi mà đi tắt theo một lốt khác. Mai Lan đang đi trên đồi thông, có tiếng gọi đằng sau:

- Này chị bán thuốc!

Chị giật mình quay lại. Gã thợ cạo đang rảo bước để kịp chị. Đến gần chị, gã nói nhỏ:

- Tôi mua thuốc trụ sinh của chị. Chị đưa tôi xem nào.

Tim Mai Lan đập rộn lên. Chị tháo mảnh kim loại thuốc ở quai làn ra đưa cho gã. Gã cầm lấy và lấy trong túi áo của gã ra một mảnh kim loại khác. Gã chắp hai mảnh vào nhau thấy vừa khít, nét hai nửa chữ thọ khớp vào nhau làm một. Gã đưa trả lại chị mảnh kim loại, thái độ khác hẳn:

- Xin lỗi chị. Chị biết rằng nghề của chúng ta cẩn thận không phải là thừa. Bọn chúng nó tinh quái lắm! Chị theo tôi.

Mai Lan đi theo gã. Gã dặn chị:

- Ai hỏi, chị bảo là cháu gọi tôi bằng chú. Gọi ngay từ bây giờ cho quen đi, tuyệt đối không được lẫn. Tìm đến chú để hỏi thăm chồng là bộ đội kháng chiến tập kết ra Bắc, đã bốn, năm năm nay không có tin tức...

- Dạ, Đức Cha cũng dặn như thế.

- Chị vừa mới lên đến đây?

- Dạ. "Cháu" vừa mới đến đây và tìm ngay đến nhà "chú".

- Đức Cha dặn chị đi có việc gì?

- Ngài dặn ra gặp "chú" để "chú" đưa đi gặp "người bạn cũ bên núi Ngự Bình".

Gã thợ cạo ờ ờ mấy tiếng trong cổ. Mai Lan vẫn nói tiếp:

- "Chú" cứ nói với người đó là "cháu" đã ra và "người bạn cũ" của ông ta muốn xin lại ông ta "những kỉ vật cũ".

Gã thợ cạo lại ờ ờ mấy tiếng trong cổ họng.

Gã đưa Mai Lan quay trở về cửa hàng, bảo mụ vợ:

- Mụ này, "cháu" nó đến thăm.

Và gã quay sang bảo Mai Lan:

- Cháu chào "thím" đi. Nghỉ ngơi rồi ở đây ăn cơm với "chú thím".

Mụ vợ gật đầu đáp lại lời chào của Mai Lan. Hình như mụ đã có thói quen không bao giờ hỏi lại chồng điều gì . Mụ cứ ngồi lẳng lặng, bé nhỏ sau cái chõng hàng nước. Gã chồng chỉ chỗ cho Mai Lan để làn, đưa chị vào sân, chỉ cho chị bể nước chỗ bếp thổi cơm. Gã nói:

- "Chú" lấy gạo, "cháu" thổi cơm ăn. Tối hôm nay "cháu" ngủ lại đây với "thím". "Chú" đi đằng này một lúc.

Gã lấy củi, lấy gạo, lấy nồi cho Mai Lan thổi cơm, ra dặn mụ vợ mấy câu gì đó rồi đi.

Mal Lan đi thổi cơm. Mụ chủ nhà ngồi ngoài nhà trông nhà.

Cơm chín một lúc mới thấy gã thợ cạo về. Gã nói nhỏ với Mai Lan: "xong rồi" và giục mọi người đi ăn cơm.

Ăn xong, gã hỏi Mai Lan:

- Đức cha dạo này có khoẻ không?

- Ngài khoẻ lắm. - Mai Lan đáp.

- Đức Cha có dặn gì riêng tôi không?

- Ngài dặn rằng ngài rất bằng lòng và tin tưởng "chú".

Gã có vẻ không chú ý gì đến điều đó, sau cặp kính lão, đôi mắt gã ngước lên thăm dò:

- Chỉ có thế thôi à?

- "Cháu" đã nói hết đâu... Ngài nói rằng số tiền của "chú" hàng tháng ngài vẫn để riêng ra. Nếu chú muốn gửi ngân hàng lấy lãi hoặc muốn góp vốn với công ty kinh doanh nào thì ngài sẽ giúp.

- Còn các con tôi?

Mai Lan nhắc lại những lời lão thầy tu dặn:

- Cậu lớn sắp được đi tu nghiệp ở trường võ bị bên Hoa Kỳ. Cậu thứ hai cũng sắp tốt nghiệp trường Đà Lạt.

Sau cặp kính lão, đôi mắt gã lấp lánh.

Từ lúc đó cho đến tối, gã không hỏi gì thêm Mai Lan nữa. Đến tối, gã đóng cửa, để Mai Lan nằm ngủ với mụ vợ gã trên giường, gã bắc chiếc chõng tre nằm ngay sát cửa. Mai Lan lạ nhà, nóng ruột, nghĩ ngợi mông lung không sao ngủ được. Cạnh chị, mụ chủ nhà, còm nhom, co quắp ngáy.

Mai Lan ở lại đã ba hôm vẫn chưa gặp được "người bạn cũ bên núi Ngự Bình". Hàng ngày, lão Sinh vẫn ở nhà, thấy ai là cán bộ vào quán, gã đều hỏi thăm tin tức của người cháu rể "tập kết ra Bắc". Rồi chỉ vào Mai Lan, gã giới thiệu:

- Vợ nó đó... Tội nghiệp! Không rõ chồng nó ở nơi mô mà hỏi không ai biết đến.

Đêm ấy, vào lúc 12 giờ, Mai Lan đang thao thức thì bỗng nghe có tiếng gõ cửa se sẽ. Gã chủ nhà bật ngay dậy, nghe từng tiếng một. Sau khi nhận đúng ám hiệu, gã không châm đèn, nhè nhẹ rút then cửa. Một bóng người dong dỏng cao lách vào. Cánh cửa đằng sau cái bóng khép nhanh lại. Một ánh đèn pin nhỏ bằng hạt đỗ, ở một chiếc đèn đã được bịt cẩn thận, soi đường.

Gã chủ nhà sẽ lay Mai Lan. Mai Lan vẫn để ý tất cả mọi việc xảy ra nhưng giả vờ như lúc ấy mới choàng tỉnh dậy. Tiếng gã thì thào:

- Mang hàng mẫu đi theo tôi!

Vẫn ánh đèn pin nhỏ như hạt đỗ soi đường, ba bóng người đi xuống bếp. Đêm tối làm Mai Lan không nhìn rõ mặt người mới đến. Người mới đến hỏi chị:

- Nghe nói chị có thuốc trụ sinh của Nhật Bản muốn bán. Chị làm ơn cho tôi xem.

Tiếng nói từ tốn thanh nhã chứng tỏ của một người có học. Mai Lan đưa mảnh kim loại ra. Người lạ mặt đó lấy và cũng so vào miếng kim loại gã cầm ở tay. Ánh đèn pin soi vào. Chữ thọ khép làm một. Ánh đèn pin tắt đi và người lạ mặt đưa trả mảnh kim loại cho Mai Lan. Gã quay về phía chủ nhà:

- Anh ra gác ngoài cửa cho tôi.

Gã chủ nhà lẳng lặng vâng lệnh, đứng lên.

Còn lại hai người, người lạ mặt hỏi Mai Lan:

- Chị cho biết chị cần gì?

Mai Lan dõng dạc nói:

- "Người bạn cũ bên núi Ngự Bình" hỏi thăm ông và muốn "xin ông những kỉ vật cũ".

Người ấy có vẻ xúc động. Gã ngồi im một chút rồi nói:

- Tôi vẫn mong tin! Tôi mong tin quá!

Gã lại hỏi:

- Bạn tôi có nhắn gì tôi nữa không?

- Có! Nhắn với ông là sắp đón ông về. Ông chuẩn bị để về.

Người lạ mặt thở mạnh. Gã móc từ túi áo trong ra một ống sắt nhỏ dài, giống như bất cứ một ống đựng hai mươi viên thuốc tân dược nào, đưa cho Mai Lan:

- Chị đưa hộ tôi "kỉ vật" này cho bạn tôi. Chị phải giữ hết sức cẩn thận, đây là tính mệnh của chị, của tôi đấy. Chúng ta có thể chết chứ không để "kỉ vật" này lọt vào tay người khác.

Người lạ mặt đứng dậy, nói rất nhỏ:

- Chị cất kĩ đi. Đừng cho lão chủ nhà biết. Không phải sợ lão phản đâu, nhưng nguyên tắc là người nào biết việc của người ấy. Đêm nay chị không ngủ thì càng tốt. Sáng mai, chị nên lên đường về sớm. Tôi xin nhắc lại: hết sức cẩn thận nhe! Đó là tính mệnh của chị đấy! Còn tôi... việc xong rồi, tôi sẽ xoá hộp thư sống này... Chị báo cáo với anh bạn của tôi như vậy.

Mai Lan không hiểu gã định nói gì ở câu cuối "sẽ xoá hộp thư sống này", định hỏi lại thì gã đã chìa tay ra:

- Thôi, chào chị. Hẹn tái ngộ ngày thắng lợi.

Người lạ mặt quay ra. Cái bóng dong dỏng cao của gã nhoà lẫn với bóng tối. Gã đứng lại dặn chủ nhà mấy câu gì đó. Tiếng mở cửa nhè nhẹ. Bóng đêm tối đen nuốt lấy gã.

Sáng hôm sau, Mai Lan dậy từ sớm, lên đường trở về nhà.

*

* *

Ngô Đình Thục thận trọng mở cái ống sắt nhỏ như ống thuốc viên tân dược ấy ra. Trước cặp mắt chăm chú của Ngô Đình Cẩn, lão moi ra một cuộn phim nhỏ xíu mà bề ngang chỉ bằng 8 mm. Sau khi dùng một chiếc kính lúp đặc biệt soi vào cuộn phim ấy qua ánh đèn, lão không giấu nổi vẻ vui mừng:

- Tốt lắm! Tốt lắm! Lạy Chúa!

Lão nói tiếp:

- Phải đưa phòng chuyên môn phóng to ngay ra!

Lão móc tiếp trong ống ra một tờ giấy to, mỏng, gấp rất cẩn thận. Lão trải tờ giấy ấy ra bàn. Tờ giấy trắng ghi những con số, những chữ mà người khác nhìn vào thấy rất lộn xộn, vô nghĩa: "... 57 Sa Đéc, Trường Sơn, tín hiệu 448, núi Vọng Phu, Sài Gòn nắng, Pleiku, Ngô Tòng Chu, Nguyễn Ánh, 721 Cửu Long..."

Ngô Đình Thục móc từ túi ngực bên trong áo thụng đen ra một quyển sổ tay bìa da rất đẹp. Lão đọc từng chữ trên tờ giấy và tra trong quyển sổ tay như tra từ điển. Mỗi một chữ hiện ra làm nét mặt lão rạng rỡ thêm một chút. Lão đọc hết một lần, đọc lại một lần nữa và giảng giải cho Ngô Đình Cẩn nghe. Niềm vui sướng của lão thầy tu truyền cho gã em. Ngô Đình Thục nhấn mạnh:

- Lạy Chúa! Phải hành động ngay rồi! Kế hoạch "Gió đã xoay chiều" của chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thất vọng. Trên mặt trận quân sự, chúng ta sẽ thử sức quyết định với bọn Việt Cộng.

Rồi lão gật đầu, tay vuốt ve chiếc thánh giá lủng lẳng trước ngực:

- Thế mới biết chú Diệm nghĩ xa thật! Giáo sư Lê tuy không tổ chức được một hệ thống người của ta như điều mong muốn nhưng đã làm được việc lớn này: cung cấp cho chúng ta những tin tức, hoạt động. tổ chức và địa điểm, vị trí một số cơ quan của Việt Cộng. Đề nghị của giáo sư tấn công vào căn cứ địa của Việt Cộng cũng phù hợp với kế hoạch "Gió đã xoay chiều" của chúng ta. Đó là cái nút của kế hoạch. Cuộc tiến công tiêu diệt bộ não của Việt Cộng này mà thành công thì bọn Việt Cộng sẽ bị tê liệt, thì tất cả những thất bại của ta trong việc thực hiện kế hoạch "Gió đã xoay chiều" từ trước đến nay đều vô nghĩa lí. Đánh một đòn bất ngờ bể đầu chúng nó ra thì bọn tay chân chúng ở trong vùng ta kiểm soát chỉ có cuống quýt chui vào rọ của chúng ta thôi! Chúng ta phải ghi công cho giáo sư Lê, một người quốc gia chân chính, một người đã quên thân mình cho sự nghiệp chống Cộng cao cả.

Chương 30

Một quả đấm hạ hai quân thù

Một hội nghị đặc biệt được triệu tập cấp tốc. Tham gia hội nghị có năm người: Ngô Đình Cẩn chủ toạ, giám mục Ngô Đình Thục, cố vấn Phan Thúc Định, đại tá Lê Quang Tung, trung tá Phan Quang Đông, trưởng phòng 2 của Trung phần. Một cuộc hội nghị bàn việc thực hiện nốt điểm quan trọng của kế hoạch "Gió đã xoay chiều" hòng gỡ lại toàn bộ việc thất bại của kế hoạch dó. Kế hoạch đó đã thất bại trong việc tiêu diệt các cơ sở của cách mạng và phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên trong nội thành, thất bại trong việc ngăn chặn ảnh hưởng sự phát triển của cách mạng ở các vùng giáp ranh. Anh em họ Ngô định cứ tiếp tục kế hoạch hi vọng điểm chốt này sẽ "xoay chiều" lại có lợi cho chúng.

Mở đầu buổi họp, Phan Quang Đông báo cáo một tin "mật" làm anh em họ Ngô phải cau mày suy nghĩ:

- Kính thưa Đức Cha, kính thưa cậu, con mới được tin thiếu tá Xmít, chỉ huy lực lượng đặc biệt của nước bạn đồng minh Hoa Kỳ, định tập kích vùng chiến khu Động Chuối, vùng mà tin tức tình báo cho biết có một số cơ quan đầu não của Việt Cộng đóng... ông ta sẽ hành quân tối mai, kế hoạch hành quân là sẽ cho máy bay lên thẳng chở một đơn vị lực lượng đặc biệt của ông ta chỉ huy, bí mật đổ xuống một khu vực, từ đó đột nhập vào các nơi nghi có cơ quan của Việt Cộng.

Ngô Đình Thục lẩm bẩm:

- Tại sao hắn lại tự nhiên định mở cuộc hành quân thế hử? Tin chắc chắn chưa?

Phan Quang Đông khẳng định:

- Thưa Đức Cha, tin chắc chắn ạ. Con có người nằm ngay trong lực lượng đặc biệt của Xmít, cho nên mọi hoạt động của đơn vị ấy, chúng con nắm được.

Ngô Đình Cẩn bực bội:

- Không thể cho bọn Xmít làm như rứa được. Chúng định hớt tay trên của chúng ta, muốn gây ảnh hưởng, muốn giành lấy tiếng tăm cho riêng chúng. Gần đây, chúng đã tìm cách nói xấu lực lượng đặc biệt do tổng thống đặt ra. Chúng ta phải cho chúng biết tay...

Phan Thúc Định im lặng nhìn vẻ bực bội của Ngô Đình Cẩn, suy nghĩ. Từ lâu, anh đã biết sự mâu thuẫn giữa anh em họ Ngô với bọn CIA trong việc chỉ huy lực lượng đặc biệt. Nội dung của sự mâu thuẫn bắt nguồn từ việc muốn nắm độc quyền ăn cắp viện trợ.

... Khi Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về nắm chính quyền bù nhìn thì cái "quân đội Cộng hoà" là do Pháp tổ chức, nằm trong lực lượng Liên hiệp Pháp. Mặc dù Pháp đã phải cuốn gói và họ Ngô nhiều lần chấn chỉnh, cái tổ chức lai căng quân đội ấy vẫn gồm những sĩ quan và hạ sĩ quan cũ do Pháp đào tạo, cất nhắc, nuôi dưỡng. Dùng bọn này mà họ Ngô vẫn không tin, không an tâm. Kinh nghiệm những năm 1955-1956 đã cho họ Ngô thấy rõ điều đó.

Trong bọn này, có những tên vẫn bí mật liên lạc với Phòng Nhì bộ Quốc phòng Pháp, có những tên không phục tùng họ Ngô và mang nhiều tham vọng cá nhân, có những tên lại chuyển mình nhanh, đã bán mình và làm gián điệp ngay cho CIA và DIA. Lật đổ Ngô Đình Diệm thì lúc này chúng chưa dám làm, nhưng chúng luôn luôn chờ cơ hội, luôn luôn có thể trở mặt làm bất cứ cái gì, kể cả nổ súng vào đầu anh em họ Ngô bất cứ lúc nào chủ chúng bật đèn xanh cho chúng, trong khi miệng chúng vẫn hát bài "Suy tôn Ngô tổng thống". Vì vậy, Ngô Đình Diệm muốn lập lên một lực lượng quân sự riêng do tay chân thực sự của hắn nắm, vừa là để bảo vệ cho hắn, vừa có thể khai lấy thêm tiền viện trợ Mỹ. Ngô Đình Diệm quyết định thành lập "lực lượng đặc biệt" riêng của hắn, không nằm dưới sự chỉ huy của "Bộ Tổng tham mưu quân lực Cộng hoà", mà có bộ chỉ huy riêng do Lê Quang Tung cầm đầu, đóng ở Sài Gòn. "Lực lượng đặc biệt" này gồm toàn lính bản xứ do Mỹ trang bị và huấn luyện. Nắm lực lượng đó, mỗi năm, anh em họ Ngô nắm thêm được hàng trăm triệu đôla Mỹ.

Mặt khác, CIA cũng đưa vào miền Nam "lực lượng đặc biệt Mỹ" gồm toàn lính Mỹ đã được huấn luyện tại trại Pho Bơ-rắc (61) về cách chống du kích, cách đánh ở vùng rừng núi và đồng lầy.

Bọn này được quyền chọn toàn những đứa giết người không chùn tay, những đứa lưu manh, có án tích, những đứa muốn được tự do cướp của, hiếp dâm các dân tộc khác, như cha ông chúng đối với người da đỏ. Ngô Đình Diệm biết rằng bọn mũ nồi xanh Mỹ này vào miền Nam sẽ rất có lợi cho hắn, giúp hắn đàn áp phong trào du kích ở miền Nam, nhưng cũng có điều không lợi cho hắn là bọn chúng chính lại là một công cụ của CIA kiểm soát lại anh em họ Ngô, san sẻ mất một phần đôla viện trợ và thọc tay vào đường lối của anh em họ Ngô ở miền Nam, trong khi anh em họ Ngô muốn hoàn toàn giữ độc quyền ăn cắp viện trợ, độc quyền giăng vây cánh của mình ra khắp miền Nam.

Do đó, ở miền Nam có hai thứ "lực lượng đặc biệt". Hai thứ "lực lượng đặc biệt" cùng giống nhau là đặc biệt hung hãn, tàn ác, đặc biệt được trả lương cao và dung túng cho tha hồ làm bậy với dân, nhưng lại luôn luôn dòm ngó nhau, chửi bới khinh miệt nhau, tranh ăn với nhau. Bọn "lực lượng đặc biệt" chính cống Hoa Kỳ thì coi thường bọn "lực lượng đặc biệt" bản xứ là nhút nhát, là chỉ biết ngửa tay xin tiền, xin đạn.

Bọn "lực lượng đặc biệt" bản xứ thì chửi bọn "lực lượng đặc biệt" chính cống Hoa Kỳ là chỉ giỏi đi ăn cướp và đốt phá, giết chóc bậy bạ vì có những lần chúng cướp của, giết người và đốt cả nhà những gia đình có người đi lính nguỵ. Bọn CIA giám sát mọi hoạt động của "lực lượng đặc biệt" bản xứ. Anh em họ Ngô cũng không kém, chỉ thị cho tay chân cài người vào trong đám thông dịch viên, phục vụ viên của các sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng đặc biệt Mỹ để dò xét, theo dõi các "chiến hữu đồng minh"...

Ngô Đình Thục trầm tĩnh hơn Ngô Đình Cẩn. Lão không để lộ vẻ bực bội ra ngoài như gã em. Đôi lông mày lão cau lại. Trông vẻ mặt lão như luôn luôn có một âm mưu gì đang hình thành, đang được nghiền ngẫm, suy tính. Đúng như vậy, lão quyết định ngay:

- Tất nhiên chúng ta không thể để họ vượt mặt chúng ta như thế được. Hôm nay, mời các ông đến đây họp cũng chính là để bàn một cuộc hành quân quyết định vào chiến khu Việt Cộng. Đáng lẽ chúng ta bàn cả vấn đề ấn định nên mở cuộc hành quân vào một ngày nào thuận lợi, nhưng bây giờ thì không phải bàn nữa, chúng ta không thể hành quân sau Xmít được rồi. Chúng ta cũng sẽ mở cuộc tấn công ngay tối mai. Ông Đông! Ông có nắm được Xmít sẽ hành quân vào lúc mấy giờ không?

Phan Quang Đông đáp:

- Thưa Đức Cha, nếu không có gì thay đổi thì thiếu tá Xmít định 0 giờ 30 đêm mai rạng sáng ngày kia máy bay cất cánh. 1 giờ, máy bay sẽ hạ xuống địa điểm quy định.

Ngô Định Thục quay sang như dặn dò Cẩn:

- Nếu không có gì thay đổi thì chúng ta sẽ cho hành quân trước Xmít một tiếng đồng hồ. Chúng ta hãy làm trước ông bạn đó và để quân của ông bạn xuống thì mọi việc đã xong rồi.

Và lão nhìn mọi người:

- Các ông thấy thế nào?

Mọi người đáp lại:

- Đức Cha thật là cao kiến!

- Đức Cha dạy đúng quá. Như vậy, chúng ta vừa đánh một đòn bất ngờ vào chiến khu Việt Cộng, vừa cho người Hoa Kỳ một bài học không được coi thường chúng ta. "Nhất cử lưỡng tiện".

Mặt Ngô Đình Cẩn rạng rỡ:

- Chúng ta đặt tên cho cuộc hành quân này là cuộc hành quân "Một quả đấm hạ hai quân thù". Được chứ, các ông?

Không đợi mọi người bày tỏ ý kiến, hắn như nắm chắc phần thắng lợi trong tay, phân công:

- Đại tá Tung chịu trách nhiệm hoạch định kế hoạch hành quân từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc và sau đó sẽ về báo cáo kết quả với Ngô tổng thống. Trung tá Đông chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ mọi tin tức tình báo cho đại tá Tung, giúp đại tá hoạch định kế hoạch hành quân đảm bảo trăm phần thắng. Còn ông Định, ông chuẩn bị sáng ngày kia, sau khi nhận được những tin thắng lợi đầu tiên của cuộc hành quân gửi về, mở cuộc họp báo, công bố chiến thắng ngay để gây tác động tinh thần trong dân chúng.

Ngô Đình Thục thêm:

- Đồng thời, ông phải làm ngay một báo cáo gửi trực tiếp cho ngài A-len Đa-lét với những nhận định, kết luận sao cho ngài phải coi đó là những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc chống Cộng ở châu Á và thế giới.

Không khí cuộc họp nhộn nhạo hẳn lên, Ngô Đình Thục công bố những tài liệu vừa nhận được "từ chiến khu Việt Cộng gửi về". Phan Quang Đông đi lấy bản đồ quân sự - một cái bản đồ rất chi tiết, tỉ mỉ, từng khu vực địa hình Quảng Trị - Thừa Thiên do Bộ quốc phòng Mỹ in ra - Mấy người xúm quanh chiếc bản đồ. Rừng núi trập trùng, những con đường mòn ngang dọc, những ngòi suối quanh co hiện ra... Nhưng dưới những màu xanh lá cây chỗ đậm, chỗ nhạt của rừng núi Việt Nam mênh mông kia có những gì thì bản đồ không thể ghi được.

Những ngón tay chỉ trỏ trên tấm bản đỏ. Những cặp mắt nhìn chăm chú từng kí hiệu. Mấy câu hỏi nêu ra vắn tắt. Cuối cùng, năm ngón tay trùng trục, béo mẫm của Ngô Đình Thục úp lấy một khoảng rừng xanh xanh.

*

* *

Chiều hôm đó, Phan Thúc Định đến nhà riêng Xmít ở đại lộ Khải Định. Hai người đã biết nhau trong những cuộc tiếp tân của Ngô Đình Cẩn và trong những cuộc họp riêng giữa Cẩn với bọn cố vấn Mỹ.

Xmít rót một cốc uýt-xki và nheo mắt mèo nhìn anh.

Cái mũi to và đỏ như quả cà chua của hắn phập phồng đánh hơi:

- Ông Định thân mến! Chỉ nhìn cặp mắt ông, tôi cũng có thể biết ông đến đây chắc là có việc. Nhưng xin ông hãy uống cùng tôi một cốc uýt-xki đã. Xin mời ông!

Phan Thúc Định đỡ lấy cốc rượu, chưa uống ngay, nói:

- Vâng, tôi đến để từ giã ông đây.

- Ông đi Mỹ chăng?

- Không! Tôi lên chiến khu Việt Cộng.

- A ha! Hay lắm! Bao giờ ông đi và ông đi bằng gì? Ông không sợ Việt Cộng cắt cổ ông à?

Phan Thúc Định mỉm cười:

- Nếu sợ thì tôi đã không đi, ông Xmlt ạ. Tối mai, đúng giờ G, chúng tôi sẽ cất cánh, và chúng tôi sẽ xuống địa điểm X, chúng tôi sẽ đợi ông ở đấy. Nếu mọi chuyện diễn biến theo đúng kế hoạch của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ cùng ông chạm cốc tại chiến khu C của Việt Cộng. Sáng ngày kia, chúng tôi sẽ vừa họp báo công khai tuyên bố về chiến thắng rực rỡ của quân lực cộng hoà Việt Nam vừa có thể gửi một bản báo cáo ghi công cho quân lực cộng hoà Việt Nam tới Bộ quốc phòng Hoa Kỳ và ngài Đa-lét.

Xmít đặt vội cốc rượu xuống bàn, không để ý đến rượu sắp tràn cả ra ngoài, mở to đôi mắt xanh lét nhìn Phan Thúc Định không chớp mắt, cái mũi to của hắn cũng ngừng phập phồng như nín thở:

- Sao? Ông lên chiến khu với ai? - Xmít ngạc nhiên hỏi.

- Với lực lượng đặc biệt của ông Cẩn - Phan Thúc Định ung dung trả lời rồi anh nhấn mạnh thêm - Và chúng tôi sẽ đoạt được chiến công đáng lẽ ở trong tay ông.

- Sao các ông lại biết tối mai lực lượng đặc biệt do tôi chỉ huy đó đột kích vào chiến khu C của Việt Cộng?

Phan Thúc Định mỉm cười, nửa kín, nửa hở:

- Chính tình báo của ông đã tiết tộ cho ông Cẩn biết. Cuộc đời thiếu gì những kẻ hai mặt. Nhưng thôi, tôi không thể cho ông biết cụ thể là ai được. Ông chỉ cần biết rằng: ông Cẩn sẽ cho ông biết lực lượng đặc biệt Việt Nam của ông ta không phải là "chấy rận" như các ông thường bảo!

Đôi mắt mèo của Xmít ánh lên một tia lửa phẫn nộ cực kì nham hiểm. Hắn ngửa cổ, nốc một hơi cạn cốc uýt-xki, đưa lòng bàn tay quệt ngang môi, chép miệng mấy cái. Đặt mạnh chiếc cốc không xuống bàn, hắn chắp tay sau lưng đi lại những bước dài trong căn phòng như một con thú dữ bị nhốt trong chuồng. Đột nhiên, hắn đứng lại, hạ giọng nói với Phan Thúc Định:

- Ông Định, cảm ơn ông đã cho tôi biết những điều đó. Tôi rất hiểu ông và ông chắc cũng hiểu chúng tôi. Ông được ông Ngô Đình Diệm quý mến nhưng ông Nhu không ưa ông về chuyện bà ấy nên mới đưa ông ra đây. Ông được ông Diệm bảo trợ nhưng bọn Phi-sin, Lên-sđên có ý nghi ông. Ở miền Trung này, liệu ông đã biết được thực bụng ông Cẩn đối với ông như thế nào chưa?

Phan Thúc Định ngắt lời hắn:

- Xin lỗi ông, Ngô Tổng thống, ngài cố vấn đặc biệt và ngài đại diện đặc biệt ở Trung phần này rất quý mến và hoàn toàn tin cậy tôi. Tôi không hiểu ông nói điều ấy với ý định gì? Nếu ông hi vọng tìm thấy ở giữa chúng tôi cô điều gì thì ông sẽ thất vọng vì lầm lẫn.

Xmít không thay đổi thái độ:

- Không! Ông hãy để cho tôi nói hết đã! Người Hoa Kỳ chúng tôi vốn là những người thực dụng. Tôi chỉ muốn "đặt những quân bài trên mặt bàn" với ông. Bởi vì tôi cũng không ưa gì bọn Phi-sin, Lên-sđên, chính bọn này đang tìm cách trù tôi. Đáng lẽ tôi phải lên trung tá từ lâu rồi. Thằng Tô-ma còn kém sau tôi nhưng nó cùng cánh với thằng Lên-sđên nên nó lên vùn vụt. Chúng nó cứ nay Sài Gòn mai Oa-sinh-tơn, kéo bè kéo cánh với nhau xén vào hết quỹ này lại quỹ khác, nay đi nghỉ ở Tô-ki-ô mai đi tìm gái lạ ở Phi Luật Tân, còn tôi thì vẫn là thiếu tá quèn nằm rừng nằm rú, không có khoản nào gửi "băng" (62) cả. Bọn đểu!

Hắn nắm tay lại đập xuống bàn làm chiếc cốc nảy lên. Phan Thúc Định đặt cốc rượu mình đang cầm trên tay xuống hỏi:

- Tôi có thể giúp ông được gì?

- Có chứ! Xin ông cho biết lực lượng đặc biệt của ông Cẩn xuống chiến khu C tối mai vào lúc mấy giờ? Ở toạ độ nào và dấu hiệu ở dưới đất như thế nào?

Phan Thúc Định cười lớn:

- Ông Xmít, ông xem tôi là con nít sao? Ông không muốn cho tôi sống trên trái đất này hay sao?

- Không! Tôi không có ý gì muốn hại ông cả. Nhưng ông hiểu cho tôi, nếu bọn ông Cẩn thành công trong vụ này thì bọn Phi-sin, Lên-sđên không để cho tôi yên. Kì tăng thưởng tới, chúng lại gạt tôi ra.

Phan Thúc Định không cười nữa, nghiêm túc:

- Chúng ta có thể giao ước với nhau được. Tôi cũng xin "đặt quân bài trên bàn" với ông. Tôi sẽ nói cho ông những điều ông muốn biết. Nhưng ông biết đấy, các ông Phi-sin, Lên-sđên cũng không ưa gì tôi, các ông ấy đặt những tai mắt để theo dõi tôi. Ông cũng là người của CIA. Ông có thể cho tôi biết những "tai mắt" ấy là ai không? Và ý đồ của các ông Phi-sin, Lên-sđên đối với tôi?

Đến lượt Xmít mỉm cười, gật gù:

- "Mai đia" (63) Định! Ông khá lắm! Ông biết mua những thứ gì cần mua đấy!

Hắn chìa bàn tay lông lá ra phía Định:

- Chúng ta có thể làm ăn với nhau lâu dài. Đồng ý không? Ông có những cái ông biết mà tôi cần, tôi có những cái tôi biết mà ông cần. Trong việc trao đổi này, cả hai bên đều không sợ thiệt, đều có lợi, phải không ông Định? (Định nắm lấy bàn tay của hắn). Vậy, tôi xin báo cho ông biết: Phạm Xuân Phòng thì chết rồi... Bọn Phi-sin, Lên-sđên đang đặt Vân Anh theo dõi ông và ý đồ của chúng là nếu phát hiện được ông có vấn đề gì thì thủ tiêu ông ngay lập tức.

- Bọn các ông ấy nghĩ về tôi như thế nào?

- Qua thằng Tô-ma hé ra thì bọn Phi-sin, Lên-sđên cho rằng ông là một anh quốc gia cực đoan, ông chỉ trung thành với ông Diệm và đất nước Việt Nam của ông thôi, chứ không có thiện cảm với Hoa Kỳ. Ông là người của Pháp đào tạo.

Phan Thúc Định bật cười:

- Những điều ông cho tôi biết chẳng có gì mới lạ đối với tôi cả. Tôi chờ đợi ở ông những tin tức khác cơ. Nhưng thôi được, vì mối quan hệ lâu dài với ông sau này nên tôi xin trả lời ông những điều ông muốn biết, mặc dù điề ông trao lại cho tôi chưa xứng đáng. Đây: đêm mai, đúng 22 giờ, máy bay chúng tôi cất cánh. Đúng 22 giờ 30, máy bay chúng tôi sẽ hạ cánh xuống toạ độ 75, giữa ba đống lửa, trên một vùng đất bằng rộng khoảng 500 mét vuông.

Xmít móc trong túi áo ra một cái tẩu thuốc có hình đầu lâu người ra, nhét thuốc vào tẩu, bật lửa châm. Hắn rít một hơi dài, thong thả nhả khói như ra chiều suy nghĩ. Phan Thúc Định hỏi:

- Ông Xmít, ông định thế nào? Tôi sẽ góp ý kiến với ông.

Xmít lại rít thuốc nữa. Mắt hắn long lên:

- Phải bảo vệ uy tín của lực lượng Mỹ, ông Định ạ. Có lẽ anh em Ngô Đình Diệm quên rằng những sĩ quan "lực lượng đặc biệt" tốt nghiệp ở trường Pho Bơ-rắc ra, không chịu thua ai cả. Đúng 22 giờ, chúng tôi sẽ hạ cánh xuống toạ độ 75. Chiều mai tôi sẽ cho máy bay trinh sát đi chụp hình địa điểm và rải xuống trước ba đống lân tinh làm hiệu, 22 giờ 30 lực lượng đặc biệt của Cẩn nhảy xuống, tôi sẽ diệt luôn, trước khi diệt bọn Việt Cộng.

Phan Thúc Định mỉm cười:

- Và diệt cả tôi nữa chứ!

- Không, ông Định thân mến! Ông chưa cần chết vội, vì tôi đang cần sự có mặt của ông bên cạnh ông Ngô Đình Cẩn. Tôi sẽ xin trao đổi với ông một cách xứng đáng. Người Hoa Kỳ chúng tôi vốn sòng phẳng trong những chuyện đó. (Xmít nheo một bên mắt mèo lại, nháy làm hiệu một cách tinh quái). Vả lại, bà Lệ Xuân cũng không muốn ông hi sinh một cách vô ích như vậy đâu!

Hắn rót một cốc rượu nâng lên trước mặt Phan Thúc Định. Định cũng nâng cốc mình, chạm cốc hắn:

- Nói vậy thôi, tôi không dại gì đi theo lực lượng đặc biệt của ông Cẩn đâu! Tôi đã nói tôi còn quan hệ với ông lâu dài cơ mà.

*

* *

Ở nhà Xmít ra, Phan Thúc Định nhìn đồng hồ đeo tay: còn năm phút nữa thì đúng 17 giờ. Anh ghi những hàng chữ gì đó vào một mảnh giấy nhỏ rồi phóng xe nhanh ra phía bờ sông Hương. Ở một quãng đường vắng vẻ, có một người đàn ông đứng tuổi, đội mũ sụp xuống trán, đeo cặp kính cận mát, đang chắp tay đãng sau lưng đi bách bộ. Phan Thúc Định nhìn con đường phía sau xe mình không có gì đáng chú ý, đậu xe lại dưới gốc cây phượng đỏ ven đường. Người đàn ông đeo cặp kính cận mát đi sát anh. Chỉ trong nháy mắt, mảnh giấy Phan Thúc Định vừa ghi đã được trao cho người đó. Người đàn ông đó chẳng phải ai xa lạ, chính là ông chủ quán sách, người ngoài khó nhận ra được ngay chỉ vì chiếc mũ đội sụp xuống trán và cặp kính trắng được thay bằng cặp kính mát.

Phan Thúc Định mở cửa xe, đi bộ ra đứng ở bờ sông Hương như một người rỗi rãi nhàn tản. Anh khoanh tay đứng nhìn những tia nắng chiếu lấp loáng trên dòng sông thơ mộng.

*

* *

Trong đêm tối, mấy đống hoả lân tinh sáng một màu xanh lét, ma quái. Cả khu rừng bất chợt náo động vì tiếng máy bay. Những chiếc máy bay lên thẳng sà xuống một bãi cỏ rộng. Cánh quạt máy bay quạt ngả nghiêng cây cỏ. Bánh xe của chúng chưa chạm đất thì từ bụng chúng, những tên lính mũ nồi xanh Mỹ, nối đuôi nhau ào ào nhảy xuống. Bọn lính được trang bị rất đầy đủ, gọn nhẹ, rất phù hợp với cuộc chiến đấu trong rừng: tiểu liên cực nhanh, súng trường tự động, súng cối cá nhân, dao găm, lưu đạn... Những bộ quần áo loang lổ lom khom chạy một quãng dài, tay nắm chặt súng, ngón tay bám lấy cò. Chúng sẵn sàng phóng ra tất cả hoả lực chúng mang theo, nhưng tim chúng đập rất mạnh. Mặc dầu là những đứa hung hăng, táo tợn nhất, có những đứa đã mang vài ba cái án giết người, cướp của ở Hoa Kỳ, mặc dầu đã được huấn luyện kĩ về cách đánh rừng, đánh đêm nhưng rừng núi và đêm tối ở xứ sở nhiệt đới này vẫn là điều đầy đe doạ khủng khiếp đối với chúng. Không ít thằng trong bọn chúng đã bị rừng núi, đêm tối nơi đây nuốt mất xác.

Những tiếng hô, tiếng gọi ngắn vang lên rồi tắt đi rất nhanh. Tiếng vũ khí va chạm lách cách. Tiếng thở phì phò. Tiếng cỏ, tiếng lá lao xao. Tất cả những âm thanh đó hỗn độn chen vào nhau chìm đi trong từng đợt tiếng máy bay.

Chiếc máy bay đổ quân cuối cùng đã quay trở về căn cứ. Trên bầu trời đêm, chỉ còn một chiếc máy bay do thám lượn lờ, nghiêng cánh nghe ngóng. Bọn lính mũ nồi xanh Mỹ đã bám được mặt đất và bố trí xong. Liên lạc vô tuyến giữa chúng với chỉ huy sở của chúng đã thông suốt. Tim chúng đỡ đập hơn vì bước đầu kế hoạch hành quân diễn ra đúng như chúng đã định. Chúng dọn ngay mấy đống lửa lân tinh nhanh chóng di tản và trụ lại náu mình trong bóng tối chờ đợi . Giờ đây, chúng đã lẫn mình vào cây cỏ bóng đêm.

Nhưng đêm tối và núi rừng ở xứ sở này vẫn là hoàn toàn bí mật đối với chúng. Ngay từ lúc chúng ở bụng máy bay chui ra đã có những cặp mắt theo dõi chúng, những chiếc mũ tai bèo kín đáo chuyển động, những mũi súng lăm lăm chĩa về phía chúng. Núi rừng vẫn im lặng. Không phải chỉ riêng có bọn lực lượng đặc biệt Mỹ kia chờ đợi.

Khoảng gần một tiếng đồng hồ sau, giữa cái im lặng của núi rừng lại vang lên tiếng máy bay, trước nhỏ sau to. Những chấm đèn máy bay xuất hiện gĩưa trời đêm tiến lại dần. Một người dong dỏng cao như nứt từ trong bóng tối dày đặc ra, nhanh nhẹn như một con mèo đêm, chạy ra phía bãi cỏ rộng. Bóng đen lom khom cúi xuống. Một ánh lửa loé lên. Cứ thế, trên bãi cỏ đã bốc lên ba đống lửa. Vừa kịp mấy chiếc máy bay lên thẳng đến nơi. Bóng đen nằm xuống để tránh cơn gió lốc của những chiếc cánh quay. Mấy chiếc máy bay hạ xuống giữa ba đống lửa. Cỏ giãy giụa hạ mình xuống. Từ ngang bụng máy bay, những tên lính lực lượng đặc biệt của Ngô Đình Cẩn hàng một chui ra. Mấy chiếc máy bay lên thẳng đổ xong quân, nhanh chóng nhấc bánh khỏi mặt đất.

Bọn lính lực lượng đặc biệt nguỵ chưa kịp tập họp xong đội hình thì bọn lính đặc biệt Mỹ nổ súng. Chúng bắn dữ dội, bắn không tiếc đạn. Bọn lính nguỵ hỗn loạn vì bất ngờ. Chúng như bị cả một lưới đạn ụp lên đầu, thi nhau ngã gục. Những tiếng thét khủng khiếp. Những cánh tay cầm súng giơ lên chới với. Tất cả đều bị đạn dìm xuống.

Giữa lúc đó, một ánh pháo hiệu xanh từ trong rừng sâu rạch bóng đêm bay vút lên cao. Đạn từ những ngả nào mà bọn Mỹ không biết được dội vào đầu chúng. Đến lượt bọn Mỹ hỗn loạn. Chúng chạy nháo nhào. Những vlê~ đan rất trúng đích. Những bóng người cao lớn liên tiếp ngã vật xuống. Những chiếc mũ tai bèo xuất hiện thấp thoáng sau những gốc cây. Nhiễu thằng Mỹ nhảy bổ vào giữa đám lính nguỵ mà chúng vừa xả súng tiêu diệt. Đạn đuổi theo chúng không rời. Đạn vạch ra những tia đỏ lừ vun vút dán vào nhau trong đêm tối. Có thằng giơ vội hai tay lên trời. Có thằng đầu gối khuỵu xuống. Có thằng nằm chết gí dưới đất không dám nhúc nhích.

Kế hoạch hành quân "Một quả đấm hạ hai quân thù" kết thúc. Chỉ còn những tiếng hô đanh, gọn của các chiến sĩ giải phóng.

*

* *

Sáng hôm sau, hơn bốn chục nhà báo trong nước và ngoài nước đến Nha Thông tin Trung phần theo giấy mời khẩn vừa gởi cho họ tối hôm trước. Họ mang đầy đủ máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim... Trong giấy mời, họ thấy ghi sẽ loan báo một tin quan trọng. Tin quan trọng gì vậy? Người nọ hỏi người kia.

Hoa Kỳ tăng thêm viện trợ? Cải tổ nội các của Ngô Đình Diệm chăng? Ngô Đình Diệm đưa thêm những đạo luật mới? Hay Ngô Đình Diệm vừa dập xong một cuộc đảo chính của các phe phái chống đối? Hay cặp Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân sắp tung ra một trò gì mới?... Mọi người phỏng đoán nhưng không ai biết được là việc gì.

Những nhà báo nước ngoài hỏi những nhà báo trong nước, tưởng những nhà báo trong nước săn tin giỏi hơn. Những nhà báo trong nước hỏi những nhà báo nước ngoài vì tưởng những nhà báo nước ngoài nắm được nhiều bí mật hơn.

Lẫn trong các nhà báo đến họp, Vân Anh gọn ghẽ và lộng lẫy trong một bộ quần áo đúng thời trang. Chiếc máy ảnh Đức đắt tiền đeo qua vai, vẻ đẹp kiều diễm quý phái của cô làm mọi người chú ý. Nhưng đôi mắt có hàng lông mi dài dưới vâng trán rạng rỡ thông minh của cô hình như không nhìn ai cả.

Cô đi qua những cặp mắt chiêm ngưỡng cô với một vẻ lạnh lùng, thờ ơ. Vẻ lạnh lùng thờ ơ đó của cô càng làm tôn cô lên, càng làm nảy thêm những cặp mắt chiêm ngưỡng.

Đến giờ rồi mà buổi họp báo vẫn chưa khai mạc.

Năm phút qua, mười phút qua... Mười lăm phút qua... Các nhà báo xôn xao hỏi các công chức của Nha Thông tin. Các công chức của Nha Thông tin cũng không hiểu lí do, chạy hỏi giám đốc. Giám đốc Nha Thông tin ra mắt các nhà báo nhưng là để xin lỗi:

- Đề nghị quý vị ráng cho mươi phút nữa. Bởi vì cuộc họp báo hôm nay không phải do Nha Thông tin chúng tôi triệu tập. Chúng tôi chỉ thừa lệnh Cụ lớn đại diện Chính phủ trung ương ở Trung phần, triệu tập các vị để báo một tin quan trọng khẩn cấp. Tin đó là tin gì, chúng tôi cũng không được rõ. Sẽ có người của Cụ lớn đại diện sang chủ trì cuộc họp, thông báo với các vị. Xin các vị ráng đợi mươi phút nữa.

Gã nắn lại cà vạt, cúi đầu một cách rất trịnh trọng như anh kép ra giới thiệu tuồng hát. Chính gã cũng sốt ruột. Tin gì vậy? Chính gã cũng muốn biết. Gã gọi điện thoại sang Toà Đại diện.

Gã có biết đâu lúc đó, sóng gió đang nổi lên trong phòng riêng của Ngô Đình Cẩn. Thế là một lần nữa lại sa vào bẫy của Việt Cộng. Tối hôm trước, sau khi ban hành lệnh hành quân cho lực lượng đặc biệt. Ngô Đình Thục và Ngô Đình Cẩn xoa tay đi ngủ. Chúng yên trí giao cho tên Lê Quang Tung trực tiếp điều khiển cuộc hành quân và chắc mẩm sáng mai Lê Quang Tung sẽ đến sớm để báo cáo kết quả đã diệt được cả hai đối thủ. Cuộc họp báo cáo tin chiến thắng sẽ mở một chiến dịch tâm lí chiến vang dội. Ngô Đình Diệm sẽ điện ra khen ngợi. Bọn Phi-sin và Lên-sđên sẽ không còn coi thường tài lãnh đạo miền Trung của Ngô Đình Cẩn nữa. Quỹ viện trợ sẽ được duyệt dễ dàng. Bọn Việt Cộng bị một vố bất ngờ, bị diệt tận hang ổ. Bọn hoạt động trong thành phố sẽ mất hết chỗ tựa hoặc sẽ ra hàng, hoặc sẽ lần lượt sa vào lưới của Cẩn. Kế hoạch "Gió đã xoay chiều" kết thúc thắng lợi...

Mặt khác, Cẩn trả dược mối thù ấm ức bao lâu nay với bọn lực lượng đặc biệt Mỹ.

Ai ngờ, nửa đêm, điện réo vang phòng ngủ của Ngô Đình Cẩn. Bọn Lê Quang Tung, Phan Quang Đông xin gặp ngay để báo cáo tình hình khẩn cấp. Ngô Đình Cẩn chồm dậy, biết là có việc chẳng lành. Ngô Đình Thục ngủ tại một gian buồng riêng trong Toà Đại diện cũng được đánh thức dậy. Cả Toà Đại diện nhốn nháo. Điện gọi Phan Thúc Định đến làm việc gấp.

Khi Phan Thúc Định đến thì Lê Quang Tung và Phan Quang Đông đang báo cáo với hai anh em họ Ngô. Tin tức thật bi đát: đúng giờ đã định, máy bay chở bọn lực lượng đặc biệt của Cẩn đến địa điểm đổ quân. Tín hiệu của mật vụ dưới đất đúng như đã giao ước. Không có gì đáng nghi cả. Cuộc hành quân, được liên lạc chặt chẽ với chỉ huy sở lực lượng đặc biệt. Đích thân Lê Quang Tung ngồi bên cạnh đài vô tuyến liên lạc với tên đại uý đại đội trưởng cánh quân đổ bộ. Khi máy bay bảo vệ đã thấy tín hiệu dưới đất, Lê ~uang Tung hạ lệnh cho đổ quân. Vừa nghe tên đại uý báo cáo đổ quân xong thì Lê Quang Tung đã giật nảy mình thấy tiếng hắn thất thanh trong máy vô tuyến: "Đại bàng! Đại bàng!... Quạ đen đây! Quạ đen đây! Báo cáo Đại bàng: quạ đen bị bắn dữ dội. Không biết tại sao? Có lẽ bị rơi vào bẫy. Chung quanh tôi ngã hết! Bị tiêu diệt mất! Đề nghị cho ứng cứu gấp!..." Thế rồi tiếng máy tắt. Lê Quang Tung gào vào trong máy: "Quạ đen! Quạ đen! Đại bàng đây! Đại bàng đây!... Quạ đen! Quạ đen!...". Nhưng vô ích, hoàn toàn vô ích. Lê Quang Tung dằn mạnh chiếc ống nghe xuống. Hắn hạ lệnh nối đường dây liên lạc với bọn không quân. Bọn lái máy bay lên thẳng báo cáo về nghe thấy rất nhiều tiếng nổ loạn xạ dưới mặt đất, không hiểu tình hình ra sao cả. Súng bắn cả lên máy bay nên chúng cũng hoảng hốt tháo lui cho nhanh.

Mắt Lê Quang Tung long lên. Làm thế nào bây giờ? Ứng cứu ư? Làm sao ứng cứu được trong đêm tối như thế này trong khi không nắm được một chút tin tức gì ở nơi đó cả. Ném thêm quân xuống thì chẳng khác gì nhắm mắt đem nướng quân. Mà bọn ở dưới thì xem chừng đã bị tiêu diệt hết rồi? Lực lượng Việt Cộng ở nơi đó ra sao? Tại sao Việt Cộng biết và giăng bẫy được? Chuyến này ăn nói với cậu, với tổng thống ra sao?

Hắn cho gọi Phan Quang Đông đến. Phan Quang Đông cũng không hiểu được những gì đã xảy ra. Bên sở chỉ huy lực lượng đặc biệt Mỹ cũng có vẻ nhốn nháo, hốt hoảng. Lê Quang Tung và Phan Quang Đông chỉ còn biết đến báo cáo ngay tình hình với Ngô Đình Cẩn.

Cả đêm, điện thoại gọi đi, gọi về tấp nập.

Máy bay trinh sát được lệnh cất cánh.

Phòng Hai, Phòng Sáu vùng chiến thuật 1 sôi động.

Đến sáng thì tin tức đã rõ ràng: Cả đội quân Mỹ và đội quân nguỵ thả xuống vùng chiến khu Việt Cộng đều bị tiêu diệt hoàn toàn.

Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Thục ngồi lặng đi. Thế là cuộc hành quân "một quả đấm hạ hai quân thù" mà chúng đặt vào bao nhiêu tin tưởng đã có kết quả ngược lại, với đầy đủ ý nghĩa của cái tên đó. Thế là bước dứt điểm của kế hoạch "Gió đã xoay chiều" thất bại sâu cay, kéo theo sự thất bại hoàn toàn của toàn bộ kế hoạch đó. Gần ba trăm tên lính mũ xanh Mỹ lẫn "quốc gia" bị tiêu diệt. Toàn bộ vũ khí, trang bị rơi vào tay Việt Cộng. Ai biết được số súng đó rơi vào tay Việt Cộng rồi sẽ đẻ ra bao nhiêu khẩu súng khác nữa? Vùng căn cứ Việt Cộng vẫn vững vàng. Bọn Việt Cộng nằm vùng trong thành chuyến này lại được thế trỗi dậy, làm mưa làm gió. Gió đã xoay chiều thực rồi...

Quai hàm Ngô Đình Thục bạnh ra. Tay đức giám mục nắm chắc lại. Thế là thế nào? Tại sao bọn Việt Cộng quái quỷ như biết được tất cả những dự định của mình? Tại sao? Hay tên giáo sư kia đã ăn ở hai lòng? Không có lẽ nào! Hay có đứa nào "của ta" đã hớ hênh lộ bí mật? Hay Việt Cộng đã chui được vào các cơ quan của ta?... Những câu hỏi ấy cần được giải đáp, cần làm cho ra lẽ. Mấy trăm thằng lính chết không nghĩa lí gì, sẽ mộ ngay những thằng khác, nhưng nếu cứ đà này thì mình thất bại mất... Tất cả những việc ấy ta sẽ làm sau. Việc trước mắt là...

Lão bảo Ngô Đình Cẩn:

- Cho không quân ném bom xuống xoá sạch trận địa đi!

Phan Thúc Định hỏi:

- Thưa Đức Cha, nhỡ còn những binh lính Hoa Kỳ và của ta bị thương hoặc sống sót ở đó?

Nét mặt Ngô Đình Thục không thay đổi :

- Không sao! Đằng nào chúng cũng rơi vào tay bọn Việt Cộng rồi. Việc cần làm ta cứ phải làm!

Tiếng chuông điện thoại reo. Ngô Đình Cẩn cầm lấy ống nghe. Tiếng gã giám đốc Nha Thông tin ở đầu kia rụt rè, lắp bắp nói về cuộc họp báo. Ngô Đình Cẩn quay sang phía Phan Thúc Định:

- Ông tới giải quyết cho tôi cuộc họp các kí giả.

Phan Thúc Định hỏi:

- Thưa cụ lớn. giải tán họ được không ạ?

Ngô Đình Cẩn lắc đầu:

- Không nên! Bởi vì đã mời các kí giả ngoại quốc đến. Nếu giải tán, họ sẽ sục sạo ra chuyện và sẽ đưa những tin không có lợi cho mình.

- Thưa cụ lớn, xin cụ lớn cho hướng nói chuyện với họ!

- Ông cứ nói về cuộc hành quân và công bố ta hoàn toàn chiến thắng. Ngoài chúng ta ra, ai biết được. Họ có lên đó mô mà họ biết.

Lúc Phan Thúc Định đứng lên thì điện thoại từ Sài Gòn gọi trực tiếp cho Ngô Đình Cẩn. Tụi Mỹ ở Huế đã báo tin cho Lên-sđên và Phi-sin biết. Ngô Đình Diệm hỏi tình hình. Lên-sđên và Phi-sin muốn biết rõ sự thực vì phải báo cáo ngay cho toà đại sứ Mỹ biết tình hình nghiêm trọng này để kịp thời báo về Hoa Thịnh Đốn. Chúng nói: "Chúng tôi sẽ cử người ra Huế ngay để tìm hiểu tình hình".

*

* *

Phan Thúc Định bước vào phòng họp báo. Anh nhìn thấy Vân Anh ngay. Anh gật đầu chào cô. Cặp mắt Vân Anh nhìn lại anh mới buồn làm sao! Như muốn nói điều gì mà không nói ra được. Như trìu mến. Như hờn tủi. Định nghĩ thầm: "Gần đây, Vân Anh có điều gì thay đổi khác thường? Tại sao cô ta nhìn mình như vậy nhỉ? Nhưng anh không có thì giờ nói chuyện với cô vì gã giám đốc Nha thông tin đã giới thiệu anh với các nhà báo. Tiếng xôn xao trong phòng họp im bặt. Anh mời mọi người ngồi và nói:

- Hôm nay, thay mặt Toà đại diện Chính phủ tại Trung phần, chúng tôi kính mời quý vị đến đây để báo với quý vị một thắng lợi lớn lao, rực rỡ của quốc gia: lực lượng đặc biệt của tổng thống đêm qua vừa mở một trận tập kích cực kì oanh liệt, cực kì dũng cảm vào tận sào huyệt của Việt Cộng. Việt Cộng đã bị một đòn hoàn toàn bất ngờ. Đội quân thiện chiến của tổng thống đập tan căn cứ của Việt Cộng, tiêu diệt gần ba trăm tên địch. Chiến công rực rỡ này đã làm thay đổi hẳn tình thế miền Trung. Từ nay, Việt Cộng sẽ không còn chỗ đứng trên miền Trung này nữa.

Một công chức Nha Thông tin treo lên tường chiếc bản đồ Quảng Trị - Thừa Thiên. Phan Thúc Định tường thuật lại cuộc hành quân theo tưởng tượng. Anh thoáng thấy cặp mắt Vân Anh cau lại, lộ vẻ hoài nghi. Tảng lờ như không biết, Phan Thúc Định cứ nói. Một đôi chỗ người tinh ý thấy trong lời nói của anh có những tình tiết mâu thuẫn.

Như thường lệ, anh kết thúc:

- Bây giờ, chúng tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi của quý vị.

Một nhà báo Pháp hỏi:

- Xin ngài cố vấn cho biết: các ngài đã tung vào trận tập kích này bao nhiêu quân?

Phan Thúc Định trả lời:

- Chúng tôi đưa vào trận đánh đơn vị đặc nhiệm của chúng tôi. Lực lượng này vào cỡ tiểu đoàn.

Nhà báo Pháp mỉm cười:

- Một lực lượng như vậy mà tiêu diệt được gần ba trăm người của đối phương. Thật là một con số kỉ lục. Hơn nữa, tiêu diệt trong đêm tối mà theo chỗ tôi biết thì đối phương lại ở rải rác...

Một nhà báo Nhật:

- Thưa ông cố vấn. ngài vừa nói: Sau chiến thắng này, Việt ~ Cộng không còn chỗ đứng trên miền Trung này nữa vì các ngài đã phá tan căn cứ của họ. Nói một cách khác, là các ngài đã hoàn toàn kiểm soát toàn bộ đất đai miền Trung. Vậy, tôi xin hỏi: các ngài có thể bảo đảm an toàn cho chúng tôi và cho phép chúng tôi đi thăm trận địa, những vùng các ngài vừa kiểm soát được, để chúng tôi được chứng kiến sự thất bại của đối phương.

Phan Thúc Định đáp:

- Chúng tôi không thể chiều ý ngài được.

Nhà báo Nhật hỏi tiếp:

- Hay nếu có thể, các ngài cho chúng tôi được phỏng vấn những người lính đã chiến thắng?

Phan Thúc Định mỉm cười nhã nhặn:

- Hiện nay chúng tôi không thể chiều ý ngài được...

Nhà báo Nhật nhún vai.

Mấy nhà báo đặt một câu hỏi khác và đều nhận được những câu trả lời mập mờ của Phan Thúc Định.

Cuộc họp báo kết thúc với lời cảm ơn của Phan Thúc Định. Mọi người lục tục ra về. Vân Anh nán lại. Phan Thúc Định nói với cô:

- Anh đưa em về.

Ngồi trên xe, Vân Anh hỏi:

- Hôm nay, anh có rảnh không?

Định đáp:

- Hôm nay anh bận, Đức Cha Thục và ông Cẩn đang đợi anh.

- Em muốn đi dạo và nói chuyện với anh một chút. Nhưng thôi, để hôm khác vậy.

Và bất ngờ, cô hỏi Phạn Thúc Định:

- Anh cho em biết: sự thật về cuộc hành quân đêm qua như thế nào?

Phan Thúc Định nhìn vào cặp mắt buồn của Vân Anh đang ngước lên nhìn anh, thẳng thắn:

- Tất cả một đại đội lực lượng đặc biệt Mỹ và một đại đội lực lượng đặc biệt Việt Nam đều bị tiêu diệt. Sáng nay, Đức Cha Thục và ông Cẩn hạ lệnh cho bên không quân ném bom xuống ngay trận địa để xoá dấu tích.

Vân Anh im lặng. Rồi cô thở dài:

- Cảm ơn anh đã cho em biết sự thật.

Chiếc xe lướt trên con đường nhựa, dừng lại trước cửa nhà Cao Xuân Đăng. Phan Thúc Định mở cửa để Vân Anh bước xuống:

- Trong tuần này, anh sẽ đến thăm em.

Vân Anh còn đứng lại tần ngần. Cô vẫn như muốn nói điều gì mà không nói ra được. Định chia tay:

- Tạm biệt em!

Lúc Phan Thúc Định lên xe, mắt Vân Anh chớp chớp. Cô ngập ngừng nói:

- Anh...

Định đã lên xe và cửa xe đóng lại.

Phan Thúc Định vội đi hay tiếng cô gọi nhỏ quá anh không nghe thấy?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro