X30phaluoi6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 16

Nanh vuốt của CIA

Thuý Hằng trở mình, người vẫn đau từ đầu đến gót chân. Cô từ từ mở mắt. Ngoài cửa sổ, ánh sáng chan hòa. Tất cả tiếng động của thành phố dội vào tai cô. Cô nhìn quanh, vẫn là căn buồng nhỏ nhắn, ấm cúng của cô. Cô vẫn nằm trên chiếc giường thấp, giữa gối đệm quen thuộc. Kia vẫn là chiếc tủ gương lớn đựng quần áo, chiếc bàn trang điểm có những hộp phấn, thỏi son, xếp ngay ngắn. Đầu giường trên chiếc bàn đêm, vẫn chiếc máy thu thanh nhỏ nhãn hiệu Philips mà cô chỉ với tay, vặn nút là có thể nghe được một chương trình âm nhạc. Cái cảm giác yên ổn hạnh phúc vì được ở giữa căn buồng của mình, với những đồ đạc quen thuộc của mình cứ lâng lâng dâng lên trong tâm hồn Thuý Hằng một niềm vui nhè nhẹ. Rất nhiều người trong xã hội miền Nam dưới chế độ Mỹ - Diệm chỉ có cảm giác yên ổn tương đối khi ở trong nhà mình, đóng tất cả các cửa lại. Bởi vì mở cửa ra là mắt thấy ngay xe thiết giáp nhà binh, xe bắt người của cảnh sát, xe quân cảnh của bọn Mỹ, là bắt cóc, là ám sát, thủ tiêu, là hối lộ lừa bịp, là vật lộn đua chen. Bởi vì mở cửa ra là tai phải nghe hàng trăm thứ tiếng náo động của xe cộ, của các loa phóng thanh phát thanh ra rả cả ngày về "tố Cộng", "chống Cộng", "chính nghĩa", "quốc gia", "thế giới tự do", "liên minh Việt-Mỹ"... lẫn tiếng quảng cáo cho thuê buồng ngủ, bán thuốc lậu, thuốc giang mai chen lẫn nhau ầm ĩ...

Thuý Hằng nhìn lên quyển lịch có ảnh một nữ diễn viên điện ảnh Mỹ treo trước bàn trang điểm, lẩm bẩm:

- Một tuần lễ qua rồi.

Một tuần lễ qua rồi, kể từ ngày Thuý Hằng được ra khỏi cái hang hùm của bọn CIA. Một tuần qua, rồi sẽ một tháng qua, một năm qua, cho dù mười năm, hai mươi năm nữa có qua đi, cô vẫn không bao giờ quên được những ngày cô bị rơi vào trong tay bọn mặt người dạ thú, những ngày cô nhìn rõ bộ mặt thật của bọn Mỹ hơn bao giờ hết. Hàng ngày cô chỉ nhìn bọn chúng đi đường quần áo thẳng nếp, giày đen bóng loáng, đôi khi ngơ ngác, cái gì cũng dừng lại nhìn ngắm như đứa trẻ con, hoặc tối đến khi nhìn chúng đến tiệm nhảy, đóng sập cửa xe hơi thật mạnh, người thơm nức nước hoa, gọi toàn uýt-xki, vui nhộn trong tiếng nhạc, thì cô không thể hiểu được bọn Mỹ. Nghĩ đến bọn Mỹ, hình ảnh thằng Tô-ma lại hiện lên trong trí óc cô.

Sau hôm bị hai tên cảnh sát lục soát và cướp đoạt ví tiền đêm khuya đi làm về, Thuý Hằng không đi xe máy nữa. để tránh mọi sự bất trắc. Cô dặn một chiếc tắc xi đúng giờ đến đón cô về. Hôm đó, anh tài xế vừa mở ga cho xe chạy được một quãng thì từ phía sau, hai chiếc xe gắn máy do hai tên cảnh sát lái, tiến lên. Một chiếc chạy vượt qua, còn chiếc kia kèm sát tắc xi. Tên cảnh sát lái xe gắn máy thứ hai rút súng sáu, chĩa vào anh tài xế, ra lệnh:

- Chạy theo xe gắn máy đằng trước! Không nghe, tao bắn chết.

Anh tài xế ngạc nhiên nhìn tên ác ôn. Hắn trợn mắt nhìn lại. Biết có sự chẳng lành xảy ra nhưng không còn có cách nào khác, anh đành im lặng lái xe theo sau chiếc xe gắn máy của tên cảnh sát chạy trước. Không khí căng thẳng, nặng nề, đe doạ. Thuý Hằng hết nhìn người tài xế, lại nhìn hai tên cảnh sát.

Đến trước một cao ốc gần trường đua Phú Thọ, tên cảnh sát đi xe gắn máy đằng trước giơ tay trái ra hiệu cho xe đằng sau, rồi từ từ dừng lại. Chiếc xe tắc xi cũng dừng theo. Tên cảnh sát đi kèm xe tắc xi, hãm xe, hất hàm bảo Thuý Hằng:

- Mời cô vô đây có việc.

Thuý Hằng bình tĩnh nói:

- Không, ông lộn ai rồi đó. Tôi không có quen biết ai ở trong đó cả.

Tên cảnh sát lừ lừ đến mở cửa xe:

- Thì cứ vô đi, đã bảo mà. Vô đi sẽ biết.

Thuý Hằng lắc đầu từ chối. Hắn nắm tay Thuý Hằng kéo ra. Thuý Hằng định kêu to thì mấy thằng trông mặt mày dữ tợn ở trong cao ốc đã chạy ùa ra. Người tài xế tắc xi lắp bắp mấy tiếng: "các ông..." thì tên cảnh sát đã chọc đầu súng sáu vào má anh ta:

- Câm mồm... Tao ghi số xe của mày rồi, ra khỏi đây cũng không được mở miệng nói gì cả.

Biết không thể chống cự được bọn chúng, Thuý Hằng đành xuống xe, giữa sự bao vây của mấy thằng ác ôn, vào cao ốc. Toà cao ốc có nhiều phòng, phòng nào cũng kín đáo riêng biệt. Tên cảnh sát đưa Thuý Hằng vào một phòng bày biện theo lối phòng tiếp khách, ánh đèn nê-ông sáng như ban ngày, một bộ ghế bành bọc da, một tủ rượu, ở góc phòng có chiếc máy vô tuyến truyền hình. Tên cảnh sát - hay nói đúng hơn tên nhân viên tình báo đóng giả cảnh sát, vì toà cao ốc này là một trong bốn cơ quan điều tra của phân bộ CIA Sài Gòn - chỉ cho Thuý Hằng ngồi vào một chiếc ghế bành rồi lủi mất.

Giữa lúc Thuý Hằng vừa lạ lùng nhìn những đồ vật trong phòng, vừa miên man hồi hộp suy nghĩ không hiểu bọn này bắt cóc mình để làm gì thì một tên Mỹ cao lớn mặc quần màu xám, áo sơmi cộc tay bằng ni-lông hoa sặc sỡ, cầm một chiếc cặp bước vào. Hắn thản nhiên ngồi đối diện với Thuý Hằng, bật lửa chậm rãi châm thuốc lá hút. Hắn giương cặp mắt như mắt mèo, thô bạo nhìn khắp người Thuý Hằng không chớp mắt. Cái nhìn của hắn làm Thuý Hấng khó chịu quay đi. Hắn nhếch mép cười, nói bằng tiếng Việt Nam chưa rõ dấu giọng:

- Chào cô Thuý Hằng, cô được mạnh khỏe chứ?

Rồi không đợi Thuý Hằng đáp lại, hắn hỏi tiếp:

- Cha cô làm gì? Ở đâu?

Thuý Hằng miễn cưỡng đáp:

- Hồi tám, chín năm trước bỏ nhà đi đâu mất, tôi không rõ.

- Tức là đi theo Việt Cộng phải không?

- Tôi đã nói tôi không rõ.

- Mẹ cô làm gì? Ở đâu?

- Mẹ tôi chết rồi.

- Hồi người Pháp còn ở đây, cô làm gì?

Thuý Hằng khó chịu lắm nhưng vẫn phải nén lòng trả lời:

- Tôi đi học.

- Cô làm ở tiệm nhảy Llberty được bao lâu rồi?

- Hai năm.

- Lương cô bao nhiêu?

- Tám ngàn sáu trăm năm mươi đồng, không kể các khoản tiền được tặng.

- Những ai thường tặng tiền cho cô?

- Các khách đến tiệm, tôi không nhớ hết được.

Tô-ma cười gằn, mở chiếc cặp đựng giấy tờ của hắn, rút ra một chiếc ảnh, đưa Thuý Hằng xem.

- Ai đây? Cô có biết không?

Thuý Hằng nhìn ảnh nhận ra ngay:

- Có, tôi có biết người này.

Tô-ma sung sướng:

- Ấy đấy, tôi chỉ cần cô cho tôi biết rõ về người này.

- Người này là một khách hàng quen của tiệm. Anh ta thường nói chuyện với tôi, vui vẻ, lịch sự. Anh ta nói với tôi anh ta du học ở Pháp về.

Tô-ma ngắt lời Thuý Hằng:

- Không. Chúng tôi muốn biết hơn thế.

Thuý Hằng lắc đầu:

- Tôi chỉ biết thế thôi, tôi không biết gì hơn cả.

Tô-ma nhìn Thuý Hằng như thăm dò, rồi hỏi sang chuyện khác:

- Cô mua tranh cổ à? Cô thích chơi tranh cổ? Những tranh cổ loại nào thì cô thích?

- Không, tôi không chơi tranh cổ. - Thuý Hằng lạnh lùng trả lời.

Tô-ma vẫn chăm chăm nhìn Thuý Hằng:

- Thế nào, không thích chơi tranh cổ à? Sao lại đăng báo mua tranh?

Hắn rút trong cặp giấy của hắn ra tờ báo "Thời đại" chỉ cho Thuý Hằng nhìn vào mục Rao vặt có dòng chữ "Mua tranh cổ", tưởng chừng làm Thuý Hằng không thể chối cãi nổi. Thuý Hằng vẫn lạnh lùng:

- Không phải tôi.

Tô-ma ngạc nhiên:

- Sao? Địa chỉ cô rành rành ra đây. Không phải cô đã thuê đăng những dòng này thì còn ai nữa?

Thái độ của Thuý Hằng vẫn không thay đổi:

- Nhà số 165 Võ Di Nguy có hai chủ thuê. Tôi ở trên gác. Còn ở dưới là một chủ khác. Tôi tưởng trước khi hỏi tôi, các ông đã điều tra kĩ rồi. Sao các ông không trực tiếp đến hỏi toà báo xem ai đã thuê đăng những dòng ấy?

Tô-ma không ngờ có sự lắt léo như thế. Hắn tin ở tài liệu của Lên-sđên đưa, nên không cho đi xác minh lại. Bị phản công bất ngờ, hắn không giữ được bình tĩnh, quát to:

- Vậy ai ở tầng dưới nhà?

Thuý Hằng chậm rãi:

- Không ai ở cả. Nếu ông muốn biết thì tôi cũng xin nói để ông rõ, tầng dưới là của ông tổng trưởng Trần Văn Thiên thuê, lấy chỗ đi lại với "mèo" của ông ta, đồng thời làm nơi liên lạc của mấy ông bà tổng trưởng, tướng tá thỉnh thoảng hẹn hò đưa nhau lên Đà Lạt sống khoả thân với nhau. Các ông đã biết cái "Hội khoả thân" của các ông, các bà ấy chưa? Mỗi lần đăng báo "Mua tranh cổ" là một lần các ông, các bà ấy báo nhau đến tổ chức hưởng lạc lối quần hôn nguyên thủy đấy. Sở dĩ tôi biết như vậy vì có lần đã có người hỏi nhầm tôi "Bán tranh cổ", tôi đã chỉ thẳng đến nhà riêng ông tổng trưởng...

- Nói láo. - Tô-ma thét lên. - Cô chỉ nói láo.

Thuý Hằng vẫn bình tĩnh:

- Tôi nói láo làm gì. ông cứ cho đi điều tra. Tôi cam đoan là đúng như thế. Vậy ông đã điều tra chưa? Ông còn lạ gì ông tổng trưởng, tướng tá nào chẳng có bao bốn, năm "mèo" ở bốn năm địa điểm khác nhau và có những trò vui kì quái, chỉ các ông mới nghĩ ra được thôi.

Đuối lí, Tô-ma đành phải dịu giọng:

- Thôi, tôi tin những điều cô vừa nói là đúng. Mong cô cứ nói thực như thế, tôi rất hoan nghênh. Cô cho tôi biết về Phan Thúc Định.

- Ông nói ai?

- Cô khéo vờ quá. - Tô-ma gõ gõ vào tấm ảnh để trong cặp giấy của hắn. - Cái anh chàng lịch sự vẫn nói chuyện và tặng tiền thưởng cho cô ấy.

- Tôi không biết gì hơn về anh ta ngoài những điều tôi vừa nói cả.

- Người Hoa Kỳ chúng tôi không thích loanh quanh. Tôi xin nói thẳng vấn đề: Cô cho chúng tôi biết Phan Thúc Định ở tổ chức nào? Đã hoạt động những gì? Đã nói những gì với cô và qua cô, liên lạc với những ai? Nếu cô cung cấp cho chúng tôi đầy đủ tài liệu, không những chúng tôi bảo đảm hoàn toàn an ninh cho cô mà còn thưởng cho cô từ một ngàn đến mười ngàn đôla tùy theo giá trị tài liệu cô cung cấp. Tôi xin nhắc lại: mười ngàn đôla, bằng hàng chục năm đi làm của cô. Người Hoa Kỳ chúng tôi rất sòng phẳng trong vấn đề đó. Còn nếu cô không chịu nói thực thì cô đừng trách chúng tôi...

Thuý Hằng vẫn khăng khăng:

- Tôi đã nói với ông và tôi xin nhắc lại: tôi không biết gì hơn cả. Sao các ông không đi hỏi thẳng anh ta?

Tô-ma đứng lên:

- Có lẽ cô chưa muốn trả lời tôi ngay hay cô chê số tiền đó còn ít! Số tiền có thể hơn nữa tùy theo giá trị của tài liệu cô cung cấp. Không phải mỗi lúc và ai cũng có cơ hội kiếm ra được món tiền khá lớn như thế đâu cô ạ. Tôi để cô ngồi lại suy nghĩ. Khi nào thay đổi ý kiến, cô báo ngay lúc nào tôi cũng vui lòng nghe cô. Tuy vậy thời gian cũng không phải là vô hạn định. Tôi chỉ có thể chờ cô từ giờ đến sáng mai. Lúc này cô trả lời chúng tôi, chúng tôi xin đưa cô về tận nhà.

Thuý Hằng cũng đứng lên cương quyết:

- Các ông không có quyền giữ tôi lại.

- Sao vậy?

- Ông tổng thống Diệm đã tuyên bố đất nước chúng tôi là một quốc gia độc lập. Các ông là người Hoa Kỳ, các ông không có quyền đụng đến người Việt Nam chúng tôi.

Tô-ma bật cười:

- Cô ngây thơ quá. Cô bảo chúng tôi không có quyền à? Ai đưa ông Diệm về làm tổng thống? Ai viện trợ cho chính phủ ông Diệm? Ai tổ chức và chi tiền cho quân đội và cảnh sát? Một người không cần thông minh lắm cũng biết là chúng tôi: người Hoa Kỳ.

- Các ông không có quyền giữ tôi.

Thay Hằng kêu lên thất vọng và chạy xổ ra cửa. Nhưng ở cửa đã có hai thằng Mỹ to lớn, nét mặt vẻ lạnh lùng, tàn ác của bọn găng-xtơ, tay áo sơ mi xắn cao, quần bó hông chật căng, khoanh tay trước ngực, lừ lừ đi vào, chằm chằm nhìn Thuý Hằng. Thuý Hằng lùi lại.

Đêm hôm ẩy, không thấy Thuý Hằng khai gì thêm. Sáng hôm sau, chúng dẫn cô lên một gian phòng ở tầng hai. Phòng này quét vôi xám, lạnh lẽo, để ngổn ngang những dụng cụ kì quặc: từ cái đy-na-mô đến cái kềm, cái kẹp, từ cuộn dây điện đến chiếc đèn chụp đứng có lắp bóng, điện cực mạnh, từ cái còng số 8 đến các gậy cao su cốt sắt sơn trắng. Tất cả đều mang từ Mỹ sang, đều được chăm chút sạch sẽ, bóng loáng như những dụng cụ y tế.

Nhìn những dụng cụ ấy, Thuý Hằng thoáng hiểu chúng định làm gì mình. Một mối căm uất dâng lên làm nghẹn cổ họng cô. Đây là nền "độc tập tự do" của cái "quốc gia Việt Nam Cộng hoà" mà bọn CIA Mỹ muốn cho cô biết rõ đây là nền văn minh của một nước đế quốc giàu mạnh nhất "thế giới tự do", đây là sự thực về sự có mặt của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Tô-ma đã đứng chờ sẵn Thuý Hằng ở trong phòng, hất hàm hỏi cô, nửa dỗ dành, nửa đe doạ:

- Thế nào, cô gái đẹp đáng yêu của tôi, cô nghĩ kĩ chưa? Người Hoa Kỳ chúng tôi rất văn minh, rất nhân đạo, nhất là đối với phụ nữ đáng yêu như cô. Nếu cô khai rõ sự thực thì không những cô được trả lại tự do ngay, mà khoản tiền chúng tôi hứa với cô cũng sẽ được lĩnh. Chỉ có chúng tôi và cô biết thôi, không một người nào biết cả, cô có thể hoàn toàn an tâm về điều đó.

Chúng tôi rất biết điều và đúng đắn. Cô muốn sang Hoa Kỳ chơi, chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho cô sang. Với nhan sắc của cô, biết đâu ở nước Hoa Kỳ hay chuộng lạ, chẳng có nhiều hãng quay phim, kí giao kèo thuê cô đóng phim. ảnh cô sẽ in ở khắp các báo chí. Cô vừa giàu có, vừa trở thành diễn viên nổi tiếng... Ít người được cái may mắn như cô. Cô đừng nên bỏ lỡ cơ hội tốt đẹp mà nhiều người vẫn ao ước đó. Nếu cô không chịu nghe theo lời chúng tôi thì những vật vô tình kia sẽ không thương cô đâu.

Thuý Hằng nghe những lời đường mật của Tôma, nhìn những dụng cụ tra tấn bày ở trong phòng, gật đầu:

- Vâng, tôi rất hiểu cái nhân đạo của người Hoa Kỳ các ông. Phải chăng những thứ ấy là biểu hiện cho cái nhân đạo đó?

Tô-ma nhếch mép một cách thâm hiểm:

- Cô bớt ngây thơ hơn hôm qua rồi đấy nhỉ. Đúng, đối với chúng tôi: nhân đạo chỉ có thể xây dựng được trên đôla và bạo lực. Nước Hoa Kỳ chúng tôi đã được xây dựng như vậy và đã trở thành nước giàu mạnh nhất thế giới. Nhưng thôi... bây giờ không phải là lúc triết lí với cô. Cô nên nhớ rằng sự kiên nhẫn của bất cứ ai cũng đều có giới hạn. Cô có khai không?

- Ông bảo tôi khai gì? Tôi tưởng những điều ông muốn biết, tôi đã nói hết rồi. Tôi có biết gì hơn nữa đâu.

- Không đúng. Thế ai đây? Nó làm gì? - Tô-ma quát lên và chìa chiếc ảnh Phan Thúc Định ra hỏi Thuý Hằng.

- Tôi không biết.

Như mọt con thú dữ bị đòn, Tô-ma chồm lên, thẳng tay tát một cái thật mạnh vào mặt Thuý Hằng. Bị một cái tát nhà nghề bất ngờ, Thuý Hằng lộng óc loạng choạng suýt ngã. Trước mắt cô, hàng trăm con đom đóm bay. Giọng Tô-ma nhẹ nhàng hơn bao giờ hết:

- Cô gái đẹp đáng yêu của tôi ơi! Ô, my darling! Em nên biết điều một chút chứ! Em có đau lắm không?

Hắn giơ tay ấn một nút điện trên tường. Có tiếng chuông reo. Một tên Mỹ cao lớn bước vào. Hắn quay sang Thuý Hằng giọng đổi khác:

- Thế nào? Vẫn còn đủ thời gian cho mày tự chọn cách đối xử của người Hoa Kỳ chúng tao.

Nhìn thẳng vào cái mặt quỷ của hắn, Thuý Hằng thấy tất cả sức mạnh trong người mình trỗi dậy.

- Tôi chỉ biết có thế thôi. Tôi không phải lựa chọn gì cả. Đối với người Việt Nam chúng tôi, nhân đạo không bao giờ xây dựng trên đôla và bạo lực...

Tô-ma trỏ một ngón tay lên thái dương ra hiệu cho tên Mỹ cao lớn:

- Gí điện vào đầu óc bướng bỉnh của nó.

Thế là cuộc tra tấn bắt đầu. Tiếng chuông của một thánh thất gia-tô nào ở gần đó, ngân nga tám tiếng...

Thuý Hằng bị giam giữ trong cái cơ sở của CIA ấy suốt hai tuần lễ. Trong hai tuần lễ ấy, cô bị bọn chúng tra tấn nhiều lần, chết đi sống lại. Xen kẽ với những trận tra tấn là những cuộc dụ dỗ, đe doạ. Dụ dỗ, đe doạ không được, lại tra tấn. Chúng mở nhạc jazz ầm ĩ trong khi quay điện cô, để tiếng nhạc xoá đi tiếng kêu thét của cô. Chúng uống rượu uýt-xki, uống côca côla khi cô ngất nằm sóng soài trên bàn. Cô nhớ mãi hình ảnh tên Tô-ma, mỗi lúc cô trả lời "không biết" thì sao con quỷ mặt người đó biến đổi nhanh chóng đến thế. Đang ngậm điếu thuốc lá, cái đầu gật gật, gù gù, giọng nói ngọt ngào như mía lùi bỗng quẳng ngay điếu thuốc lá đi, mặt tái đi, giọng nói rít qua hai kẽ răng, chồm lên như một con chó dại.

Có lúc hắn thay đổi phương pháp, vừa trẹo mồm nhai kẹo cao su, vừa kiên nhẫn ngồi hỏi cô suốt buổi. Hắn đặt ra liên tiếp những câu hỏi làm cho Thuý Hằng không kịp suy nghĩ, nhiều câu hỏi vu vơ, không dính dáng gì đến việc bắt giữ Thuý Hằng, nhưng liền đó hắn lật ngược vấn đề định tìm ra những mâu thuẫn trong câu trả lời của cô, dồn ép cô bật ra những điều gì cô muốn giấu.

Nhưng chúng đã thất bại. Trước sau, chúng không khai thác được điều gì thêm ở Thuý Hằng về Phan Thúc Định. Biết không thể làm gì hơn, những ngày cuối cùng của thời gian giam giữ cô, chúng lại cho cô ăn uống đầy đủ, vỗ về cô, an ủi cô.

Một buổi sáng, chúng đưa cô trở lại cái phòng khách ở tầng dưới. Tên Tô-ma niềm nở, trơ trẽn mời cô uống cà phê bột và ăn bánh ngọt chúng đã bày sẵn trên bàn. Cô không thể nào đụng được vào những thứ đó. Tô-ma hỏi:

- Thời gian ở đây, có nhiều điều không vừa ý cô phải không?

Thuý Hằng miễn cưỡng đáp:

- Ông ở địa vị tôi, ông sẽ nghĩ như thế? Thiết tưởng ông không phải hỏi tôi điều đó.

Tô-ma làm như không có gì xảy ra, mỉm cười :

- Cô hãy quên đi những chuyện đã qua đi. Ngay người Hoa Kỳ chúng tôi mà có những hoạt động chống Hoa Kỳ, chúng tôi cũng phải xử như vậy thôi. Chúng tôi tôn trọng công lí và tự do, cho nên phải cố gắng tìm ra sự thật, cô hiểu cho. Chúng tôi rất sung sướng là sau khi thẩm tra thấy cô vô tội, chúng tôi đã săn sóc cô chu đáo mấy ngày hôm nay và bây giờ, xin trả lại tự do cho cô. Chúng tôi làm gì là cũng vì tự do, vì quyền lợi của quốc gia cô mà thôi. Có thế, mới xác minh được cô là người tốt. Từ nay cô có thể sống hoàn toàn yên ổn vì là người đã được xác minh rồi. Xin chia vui cùng cô...

Hắn móc túi đưa ra một tập giấy bạc:

- Dù sao cô cũng đã khai với chúng tôi một số vấn đề. Chúng tôi đã thẩm tra lại thấy đúng và để đền bù những ngày cô phải nghỉ việc vừa qua, chúng tôi xin tặng cô hai mươi ngàn đồng tiền Việt Nam.

Thuý Hằng thấy kinh tởm. kinh tởm cả bộ mặt lì lợm trơ trẽn, cả những lời lẽ tráo trở của Tô-ma, kinh tởm cả tập giấy bạc trên tay hắn cũng như đồ ăn, đồ uống hắn bày trên bàn. Bởi vì cô đã biết đằng sau những lời lẽ, những tờ giấy bạc, những đồ ăn đồ uống là những cái máy quay điện, cái còng số 8, cái gậy cao su cốt sắt, là "công lí, tự do" của nước Mỹ. Cô gạt tập giấy bạc trả tên Mỹ:

- Cảm ơn ông, ông vừa nói đến tự do. Cái điều quý hơn tất cả đối với tôi bây giờ là tự do. Còn tiền ở nhà tôi hãy còn, tôi không dám nhận số tiền này của các ông.

Tô-ma đang cười, nghiêm ngay nét mặt:

- Cái đó tùy cô thôi. Nhưng trước khi cô ra về, tôi thấy cần giao hẹn với cô một điều: thời gian cô bị giữ ở đây và tất cả những gì cô nghe, cô thấy ở đây, không ai được biết cả! Cho đến tận lúc chết, cô cũng không được nói với ai, nhất là không được tỏ một thái độ gì cho Phan Thúc Định đoán biết được.

Nếu có một người nào biết, chúng tôi bắt buộc phải xoá mọi chứng cứ (hắn nhấn mạnh) và việc ấy chỉ có thể đổi bằng tính mạng của cô thôi. Tôi không phải đe doạ cô đâu... Cô phải bảo vệ uy tín của Hoa Kỳ.

Thuý Hằng im lặng, không đáp. Hắn tiễn Thuý Hằng ra đến cửa phòng, còn dặn thêm:

- Chúng tôi rất cần những người cộng tác như cô. Nếu lúc nào cô nghĩ lại hoặc cần gì, xin cô cứ đến đây hỏi trung tá Tô-ma.

Thuý Hằng vẫn nằm im trên giường suy nghĩ về bộ mặt thực của bọn Mỹ trên mảnh đất miền Nam Việt Nam, về nền "độc lập tự do" của cái "Việt Nam Cộng hoà". Cô trở mình vẫn thấy đau ê ẩm. Bọn Mỹ đánh ác thật. Chúng đánh không để lại dấu vết gì trên người cô nhưng cái đau thấm vào tận xương tuỷ, đọng ở mỗi một sợi dây thần kinh, cứ thỉnh thoảng lại dội lên.

Đang nghĩ miên man thì Thuý Hằng nghe có tiếng gõ cửa. Cô ngồi dậy hỏi:

- Ai?

Tiếng một người phụ nữ trả lời:

- Em đây, chị Thuý Hằng phải không? Em có việc rất cần gặp chị.

Thuý Hằng mở cửa, một cô gái lạ mặt có hàng lông mi dài và vành môi mỏng bước vào với dáng điệu như lén lút, tự động khép cánh cửa lại đằng sau mình. Thuý Hằng ngạc nhiên vì chưa gặp người phụ nữ này lần nào. Cô lạ lùng nhìn khách, hỏi:

- Chị hỏi tôi?

Người phụ nữ lạ mặt gật đầu, rất tự nhiên:

- Thế nào, chị khỏe rồi chứ? Chị bắt đầu nhận "công tác" được chưa? Từ hôm chị bị bắt đến nay, công việc của "tổ chức" bị đứt quãng. Anh Định cử em đến để nói lại đường dây liên lạc. Đáng lẽ em đến ngay hôm chị mới về cơ, nhưng phải tránh bọn mật vụ lảng vảng ở trước cửa nhà chị, hôm nay, em mới vào được.

Thuý Hằng sửng sốt:

- Chị lầm chăng? Chị nói "tổ chức", nói lộn xộn những gì mà tôi chẳng hiểu ra sao cả!

Người phụ nữ lạ mặt ghé vào tai Thuý Hằng nói nhỏ, liếc mắt ra phía cửa như sợ có ai nghe trộm:

- Em là người của anh Phan Thúc Định đây mà. Chị chưa tin em chắc là vì em thiếu mật khẩu chứ gì? Chị thông cảm cho em vì sau lúc chị bị bắt, các mật khẩu cũ đều thay đổi. Còn mật khẩu mới thì anh Định không gặp được chị nên chưa truyền đạt được cho chị biết.

Thuý Hằng nghiêm ngay nét mặt:

- Tôi càng không hiểu chị định nói gì. Chắc chị lầm nhà rồi đấy. Tôi không hề được hân hạnh quen biết chị. Chị nên đi tìm đúng cái người mà chị định hỏi thì hơn.

Lời nói của Thuý Hằng không khác gì muốn tống khứ cô khách không mời mà đến. Người phụ nữ lạ mặt bối rối, nói mấy câu vụng về chữa thẹn.

- Vâng, có lẽ em lầm, xin lỗi chị. Chắc là Thuý Hằng khác... Nhưng xin chị giữ kín việc này cho nhé.

Người phụ nữ lạ mặt bẽn lẽn chào Thuý Hằng bước ra ngoài. Thuý Hằng bực mình đóng sập mạnh cửa. Óc nàng hiện ra bao nhiêu câu hỏi. Nàng lẩm bẩm: "Quái, tại sao lúc nào cũng Phan Thúc Định?". Trong khi đó, người phụ nữ lạ mặt đã xuống đến đường, rảo bước về phía ngã tư. Đến ngã tư, ả rẽ ngoặt bên tay trái khuất bóng. Một chiếc xe Méc-xê-đét bóng loáng đợi sẵn ở đó. Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị và xã hội trung ương Trần Kim Tuyến vừa tì một tay lên vòng tay lái, vừa nhoài người ra mở cửa xe cho ả bước lên, hỏi:

- Kết quả ra sao, cô Duy-ly?

Chương 17

Sự thống nhất của một kế hoạch Việt - Mỹ

Cuộc họp báo đã kéo dài một tiếng rưỡi. Ngô Đình Diệm đã tỏ vẻ sốt ruột. Hắn không ưa những cuộc họp báo như thế này, vì nhiều khi sự thông minh có hạn của hắn không thể đối phó được với những câu hỏi không thể lường trước được của các nhà báo. Tất nhiên đó chỉ là đối với các kí giả người nước ngoài, còn những nhà báo Việt Nam ở Sài Gòn thì không ai dám hé một câu gì trái ý hắn. Hắn sẽ khó chịu, tức giận và sau đó anh nhà báo nào to gan sẽ được đại tá Nguyễn Ngọc Lễ mời đến nha tổng giám đốc cảnh sát và công an "trả lời" thay cho hắn.

Bên cạnh Ngô Đình Diệm vẫn là Ngô Đình Nhu như cái bóng, như linh hồn của Diệm. Nhà "chiến lược gia" của gia đình họ Ngô này, tuy không giữ chức vụ gì chánh thức trong chính quyền và chỉ là một cố vấn thôi, nhưng quyền uy hắn bao trùm tất cả, quyết định tất cả, tóm thâu tất cả. Hắn chỉ đạo màng lưới mật vụ gồm sáu, bảy vạn tên len lỏi khắp các thôn xã, các cơ quan, trong các khu phố, các nhà máy, dò xét mọi hoạt động, lời nói của tất cả mọi người. Hắn nghe và đọc báo cáo. Hắn vạch kế hoạch. Hắn đôn đốc việc thực hiện. Mỗi đêm, trong gian phòng tối riêng biệt của dinh Gia Long, gối đầu lên mấy quyển truyện găng-xtơ Mỹ, bên cạnh chiếc bàn đèn thuốc phiện tráng lệ, hắn đã nghĩ ra bao nhiêu mưu kế đen tối.

Bây giờ hắn ngồi đấy, bên cạnh Ngô Đình Diệm, trong một cuộc họp báo, rỉ tai mách nước cho Diệm hoặc trả lời thay cho Diệm, mỗi khi Diệm gặp một câu hỏi hóc búa. Điếu thuốc lá luôn luôn dính trên đôi môi dày thâm sì của hắn.

Các nhà báo vẫn liên tiếp thay phiên nhau đặt câu hỏi.

Một nhà báo Pháp:

- Xin ngài cho biết ý kiến về những nguồn dư luận cho rằng ngài không chịu mở rộng chính phủ, cho rằng chính phủ ngài có tính chất gia đình trị.

Ngô Đình Diệm trả lời không cần nghĩ ngợi:

- Đó là luận điệu của Cộng sản.

Nhà báo Pháp:

- Nhưng thưa ngài, theo chỗ tôi được nghe thì nhiều người có nhận xét ấy không phải là những người Cộng sản. Họ có đầy đủ chứng cớ cho nhận xét của họ: ngài cầm đầu chính phủ, vợ chồng ông cố vấn Nhu nắm mọi quyền hành; phụ tá quốc phòng là ông Trần Trung Dung - họ hàng của bà Nhu; đại sứ Việt Nam Cộng hoà ở Oa-sinh-tơn là ông Trần Văn Chương - thân sinh ra bà Nhu, đại sứ lưu động của ngài ở Âu châu là ông Ngô Đình Luyện, người em út của ngài; đứng đầu cả miền Trung là Ngô Đình Cẩn cũng là một người em ruột của ngài.

Diệm cắt ngang lời nhà báo Pháp:

- Đó vẫn chỉ là luận điệu của Cộng sản.

Ngô Đình Nhu thêm:

- Nếu không phải là Cộng sản thì cũng là những người thân Cộng.

Nhà báo Pháp mỉm cười, cúi xuống ghi. Một nhà báo Thuỵ Điển:

- Xin lỗi ngài, tôi mới đến Sài Gòn nhưng tôi đã gặp một số trí thức, một số đồng nghiệp của tôi than phiền là ở đây không có quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận...

Diệm quay sang nhìn Ngô Đình Nhu. Nhu thản nhiên đáp:

- Ở đây không ai có quyền có tư tưởng riêng cả, trừ tôi.

Tất cả phòng họp lắng xuống ngạc nhiên. Phút ngạc nhiên qua đi, mọi người bật lên tiếng cười. Một nhà báo Ba Lan:

- Xin ngài cho biết về tình hình các trại giam. Theo số liệu chúng tôi được biết thì có khoảng nửa triệu người đang bị giam giữ trong những điều kiện rất khắc nghiệt, thiếu thốn, lại thường xuyên bị tra tấn, đánh đập đến chết hoặc tàn tật. Ngoài ra, cũng vào khoảng hàng triệu người bị quản thúc dưới mọi hình thức.

Diệm trả lời ngay:

- Đấy là bọn Cộng sản.

Nhà báo Ba Lan:

- Theo chỗ tôi biết thì những người bị giam giữ ấy đều là phụ nữ, trẻ em hoặc ông già. Có cả những nhà tu hành. những giáo sư, sinh viên mà tôi biết chắc chắn không phải là Cộng sản. Tôi đã gặp một thiếu nữ hai mươi tuổi, mới bị giam có hai năm đã bị liệt cả hai chân, rụng hết tóc và người mang đầy thương tích, dấu vết còn lại của những cuộc tra tấn hết sức dã man. Cô ta chỉ là một nữ sinh không có tội gì. Ngài có biết những sự việc đó không?

- Nếu không phải là Cộng sản thì cũng là những người hoạt động cho Cộng sản.

Ngô Đình Nhu thêm:

- Người làm chính trị không có quyền để trái tim rung động.

Nhà báo Ba Lan:

- Các ngài không sợ có sự phản ứng trong các tầng lớp nhân dân?

Ngô Đình Diệm:

Không ai có quyền phản ứng gì, vì miền Nam Việt Nam hiện đang ở trong tình trạng có chiến tranh.

Nói xong, Diệm đứng lên. Ngô Đình Nhu cũng đứng lên theo. Biết thói quen của Diệm, Võ Hải, bí thư riêng của Diệm tuyên bố cuộc họp báo kết thúc. Các nhà báo lục tục ra về, bàn tán sôi nổi.

Hai anh em Diệm, Nhu quay về phía trong dinh, gặp Trần Lệ Xuân đi cùng với con gái là Lệ Thuỷ ở hành lang. Trần Lệ Xuân xách một cái ví đầm trắng mĩ miều, óng chuốt trong chiếc áo dài trắng hở cổ may chẽn lấy người, làm nổi bật tất cả tấm thân thon thả khêu gợi khiến Diệm phải bối rối quay mặt đi. Mọi người vẫn xì xào về mối quan hệ giữa ông anh chồng độc thân với cô em dâu trẻ trung, đẹp đẽ, õng ẹo này. Chỉ biết rằng ông anh chồng rất sợ cô em dâu. Mỗi lúc có điều gì trái ý, thì cô em dâu nổi giận lên, la hét om sòm, thậm chí nắm cả cà vạt "Ngài tổng thống" độc tài mà lắc. Ngài tổng thống" vẫn im thin thít. Lệ Thuỷ, con gái lớn của vợ chồng Ngô Đình Nhu, mới hơn mười tuổi mà như đã mang cả tính sắc sảo, lẳng lơ của mẹ lẫn tính tàn nhẫn, độc ác của bố. Nó mặc một cái quần cao bồi chẽn, nhiều túi, nhiều đinh ở miệng túi, áo sơ mi kẻ ô vuông, thắt lưng trễ ngang hông đeo một khẩu súng ngắn rập đúng như những vai nữ tướng cướp trong phim Mỹ. Hai mẹ con nó vừa đi nghỉ mát ở Đà Lạt về, như hãy còn mang theo tất cả khí hậu ôn đới của miền cao nguyên Trung phần.

Diệm hỏi Lệ Thuỷ:

- Cháu ở Đà Lạt có thích không?

Lệ Thuỷ lắc đầu:

- Cháu thích đi nghỉ ở Thuỵ Sĩ, ở Pháp hơn cơ. Ở Đà Lạt cháu chẳng chơi với ai được cả. Mẹ cháu bận tiếp khách cả ngày.

Ngô Đình Nhu hỏi vợ:

- Công việc làm ăn của chị Cả (44) và chú Cẩn ra sao?

Lệ Xuân đáp:

- Công việc rất khá. Chị Cả và chú Cẩn đã nắm được hết các nguồn lợi ở miền Trung rồi, không có việc xuất, nhập cảng mặt hàng nào mà không có bàn tay chị Cả. Có việc không bỏ đồng vốn nào, không mất một bước đi nào, chị ấy cũng thu được hàng chục vạn đô la. Chị ẩy còn hùn vốn với mấy sĩ quan cao cấp bao thầu việc cung cấp mọi thứ cho quân đội vùng chiến thuật 1, vùng chiến thuật 2. Riêng trong trận lụt vừa rồi, chị ấy nhận việc phát chẩn gạo, thuốc men, vải cho dân lụt cũng kiếm được khối. Vốn của chị ấy phải có vài trăm triệu đôla rồi. Còn chú Cẩn không thích việc buôn đi, bán lại như chị Cả. Chú ấy nắm trong tay mấy rừng quế, những đảo yến, các của quý trên rừng, dưới bể. Lạy Chúa, chú ấy cho em xem những tráp kim cương và ngọc quý của chú ấy mà em hoa cả mắt. Chú ấy bảo em muốn nhặt bao nhiêu thì nhặt. Chú ấy gởi biếu cha Thục và các anh khối thứ, em để trong buồng kia, mấy đôi ngà voi dài hơn một mét, mấy chục lạng cao hổ cốt, mấy chục cái mật gấu... rồi trầm, quế... em không nhớ hết nữa...

Diệm gật gù:

- Tội nghiệp chú ấy, chẳng thích đi đến đâu cả.

Ngô Đình Nhu hỏi:

- Khu nghỉ mát của nhà ta sắp xong chưa?

Trần Lệ Xuân cầm quai ví đu đưa, vẻ sung sướng mãn nguyện:

- Sắp xong rồi. Thế mà mất đến hai triệu đôla đấy anh ạ. Hôm nào anh lên nghỉ, anh hẳn bằng lòng. Em đã bảo mấy ông kiến trúc sư Pháp là không cần phải tính toán tiền nong, cứ xây bằng những vật liệu quý nhất, cứ vẽ kiểu sao cho tráng lệ, thật vĩ đại y như nhà nghỉ mát riêng của các tỉ phú Mỹ. Có phòng gương khiêu vũ, có bể tắm, có khu vườn nuôi thú, có phòng chiếu bóng, có nơi hoà nhạc... Đặc biệt nhất là phòng hút thuốc của anh bố trí hoàn toàn theo lối vương giả Á Đông, cửa sổ trông ra cảnh núi rừng rất đẹp, với bộ bàn đèn quý từ đời Mãn Thanh, em phải cử một Hoa kiều ở Chợ Lớn đáp máy bay sang tận Hồng Kông mua về cho anh. Thứ hai là phòng tắm của em với những vật liệu mà ngay cả những nữ tài tử chiếu bóng nổi tiếng, giàu nhất cũng khó mà có thể sắm được, với hệ thống tắm hơi lẫn tắm nước phun bố trí một cách khoa học có thể xoa bóp cơ thể hết mệt nhọc, gợi nên những khoái cảm đặc biệt trên da thịt mình. Hiện nay xây dựng được hai phần ba... Em sẽ đặt tên cho nó là "Biệt điện Lệ Xuân".

Diệm chớp mắt khi nghe Trần Lệ Xuân tả về cái phòng tắm của ả. Ngô Đình Nhu đã gạt vợ nói sang chuyện khác:

- Thôi, những chuyện ấy để chốc nữa nói. Bây giờ, anh Diệm và anh sắp phải họp với các quan chức Hoa Kỳ bàn về tình hình chung. Em thấy tình hình chính trị miền Trung thế nào?

Trần Lệ Xuân đáp:

- Lạy Chúa. Suýt nữa quên, chú Cẩn có gửi thư cho anh Diệm đây. (Ả lấy ở ví xách tay ra một cái phong bì to khổ, dán kín, đưa cho Ngô Đình Diệm). Về tình hình chính trị, chú Cẩn có nhiều điều lo lắng.

Diệm xé chiếc phong bì. Bên trong là một lá thư và một bản báo cáo mật của Ngô Đình Cẩn về tình hình mọi mặt của Trung phần.

Lá thư viết:

"Tình hình dân chúng cũng đáng lo ngại. Bọn trí thức hay tụ tập nhau bàn tán những điều không có lợi cho đại cục của chúng ta. Chúng hay so sánh chế độ này chế độ nọ để khen bọn Việt Cộng và chê bai chúng ta. Bọn sinh viên và học sinh cậy mình có học, rất ương bướng, khó bảo, hay bí mật lưu hành với nhau những báo chí, truyền đơn phản loạn, kết bè, kết phái đua nhau có nhiều hành động chưa điều tra được. Bọn Phật giáo coi chúng ta như tứ thù không đội trời chung. Ảnh hưởng của chúng khá lớn trong dân chúng. Bọn dân lao động thợ thuyền và nhà quê thì lầm lì khó hiểu. Em đã dùng nhiều cách mua chuộc dụ dỗ chúng, thế mà hễ gặp bọn Việt Cộng là chúng theo ngay. Người của ta không ai dám ở lại ấp chiến lược ban đêm. Ban đêm, bọn Việt Cộng hoàn toàn làm chủ các ấp chiến lược đó. Không hiểu tại sao tất cả việc làm của chúng ta từ nhỏ đến lớn bọn Việt Cộng đều biết trong khi chúng ta không nắm được tí gì những hoạt động của chúng. Lúc này em mới thấy thiệt thòi là ở xa các anh, không xin được những lời dạy bảo khôn ngoan của các anh. Nhưng em hứa với các anh sẽ hết sức trị để không đứa nào ngóc cổ lên được.

Kính thưa tổng thống,

Còn một tin nữa em phải trình ngay để tổng thống rõ: giáo sư Lê Mậu Thành vừa mới mật báo về là hoạt động Việt Nam sắp sửa gia tăng mạnh mẽ về mọi mặt. Chúng ta cần phải tấn công trước ngay. Giáo sư đã nắm được một số tin tức xin với tổng thống cho người tin cẩn liên lạc thường xuyên với giáo sư và cho phép giáo sư hành động. Giáo sư cho rằng cơ hội đã đến rồi, giáo sư không thể chờ đợi được nữa, muốn cho bọn Việt Cộng một đòn thật đau. Em hoàn toàn đồng ý với giáo sư và xin tổng thống chấp nhận lời đề nghị của gláo sư. Sau này, ta có thể rút giáo sư về cai quản viện đại học Huế vì chúng ta rất cần nhiều người của ta nằm giữa bọn thanh niên hay nổi loạn, không biết sợ ai đó. Đối với bọn này, nếu em biết rõ thằng nào hoạt động chống đối, em sẽ bắn chết không thương tiếc, còn những đứa khác em sẽ bắt vào lính tất,cho không hết hi vọng đi theo Việt Cộng.

Nếu tình hình có gì mới em xin kính trình ngay với riêng tổng thống và anh Nhu. Còn bản báo cáo tình hình mọi mặt của Trung phần em gửi kèm theo đây để tổng thống đưa cho các quan chức Mỹ xem. Tất nhiên trong bản báo cáo ấy, em không nói hết cho người Mỹ biết được vì họ có thể đánh giá sai về những cố gắng hoạt động của gia đình ta, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng viện trợ của họ cho chúng ta và có thể dẫn tới họ đòi chúng ta phải chia sẻ quyền hành với những kẻ ngu xuẩn khác. Em không giấu tổng thống sự khó chịu của em đối với những nhân viên điều tra riêng của người Mỹ cứ thọc vào những chuyện riêng của gia đình chúng ta và sục sạo khắp mọi nơi.

Em kính xin tổng thống cử cho em một người có tài năng vừa có thể giúp đỡ em trong mọi hoạt động bí mật phụng sự tổng thống và quốc gia, vừa có thể phối họp với giáo sư Lê Mậu Thành ngăn chặn những hoạt động đang gia tăng của Việt Cộng và tấn công lại chúng.

Một lần nữa, em cầu Chúa lòng lành ban phước cho tổng thống và các anh.

Kính thư,

Ngô Đình Cẩn"

Diệm đọc xong thư của tên lãnh chúa Trung phần, có vẻ suy nghĩ, lẳng lặng đưa lá thư cho Ngô Đình Nhu. Mấy phút sau, hắn quay sang hỏi Trần Lê Xuân:

- Tháng này... thím đã chuyển tiền thêm cho các ngân hàng ở nước ngoài chưa?

- Dạ, đã chuyển rồi. Ngoài hai ngân hàng Mỹ, một ngân hàng ở Hồng Kông, một ngân hàng ở Thuỵ Sĩ, một ngân hàng ở Pháp, em mới mở thêm một tài khoản nữa ở ngân hàng La Mã.

Hắn gật đầu, bằng lòng:

- Gửi ở Mỹ ít thôi, nên gửi ở Thuỵ Sĩ và La Mã.

Đợi Nhu đọc xong lá thư, Diệm hỏi:

- Chú đảm bảo không ai biết được cái đường hầm bí mật của chúng ta đấy chứ? Thế còn cái lão Hoa kiều ở đầu đường hầm có thể tin được không?

Ngô Đình Nhu đáp:

- Anh yên tâm. Lão Hoa kiều ấy biết rằng hở ra sẽ mất đầu. Em đã bảo thẳng với hắn như vậy. Thằng này là thủ túc đắc lực của em, em hiểu biết tính nết nó, em lại cho nó nhiều tiền.

*

* *

Ở phòng họp, mấy tên trùm tình báo Mỹ đỡ đầu cho Ngô Đình Diệm: Lên-sđên và giáo sư Phi-sin đã ngồi đợi anh em họ Ngô. Diệm tươi cười đưa bàn tay ngắn ngủn ra bắt tay chúng. Trần Lệ Xuân cũng đẩy Lệ Thuỷ ra sân dinh chơi, đi theo anh chồng và chồng vào phòng họp. Khi bắt tay Lệ Xuân, Phi-sin cố tình nâng tay ả đặt lên môi vừa kiểu cách, vừa tình tứ thật mâu thuẫn với dáng người to béo không thanh lịch chút nào của hắn. Ngô Đình Nhu vờ như không để ý đến.

Diệm đã giấu bức thư của Ngô Đình Cẩn đi và đưa cho Lên-sđên bản báo cáo. Trong khi Lên-sđên chăm chú đọc bản báo cáo, Diệm quay sang nói nhỏ với Nhu:

- Tôi với chú không thể rời khỏi Sài Gòn được. Nhưng trong gia đình chúng ta phải có một người ra với chú Cẩn để chú Cẩn yên tâm. Tôi rất thương chú ấy. Ngày mai, chú gặp anh Thục, đề nghị anh Thục ra thăm chú Cẩn mấy ngày...

Phi-sin cũng chuyện to, chuyện nhỏ với Trần Lệ Xuân về mấy buổi dạ hội do "Hội những người Hoa Kỳ bạn của Việt Nam" tổ chức:

- Bà là hoàng hậu trong buổi dạ hội đó. Bên cạnh bà, tất cả những vẻ đẹp khác đều mờ đi. Tất cả những người có mặt buổi đó đều cảm thấy ông nhà thật là diễm phúc lớn.

- Thế còn các ông?

- Đối với chúng tôi, chúng tôi thấy vượt hàng vạn cây số sang đây đã không uổng. Tôi đã đi nhiều: Pa-ri, Tô-ky-ô, Ha-oai, Băng-cốc, Ma-ni... nhưng chỉ có ở đây...

Hắn buông lửng câu nói và Trần Lệ Xuân mỉm cười.

Lên-sđên đã đọc xong bản báo cáo của Ngô Đình Cẩn. Hắn không thoả mãn:

- Bản báo này nói nhiều đến những hoạt động của ngài đại diện Trung phần quá. Tôi e ông ấy nói hơi quá về mình và những cố gắng hoạt động của ông ấy không thực đạt được kết quả như chúng ta mong muốn. Theo những báo cáo riêng mà tôi nhận được từ nhân viên CIA từ ngoài đó gửi về, tình hình Trung phần xấu đi tồi tệ và ngài đại diện Trung phần đang gặp nhiều lúng túng. Ảnh hưởng của Việt Cộng ngày càng lan rộng. Ảnh hưởng của ta đang co về mấy thành phố và thị trấn. Những người trung thành với chúng ta chỉ là những người chúng ta trả tiền. Tôi có những con số và sự việc cụ thể trong tay. Tổng thống Ai-xen-hao-ơ rất không bằng lòng khi thấy kế hoạch chúng ta năm năm nay không triển khai được hơn mà còn bị vỡ từng mảnh. Xin lỗi tổng thống, đôi khi tôi có ý nghĩ ông em ruột ngài ở ngoài Trung phần không được lòng dân và khả năng khó đảm đương được việc thực hiện kế hoạch của chúng ta trên một vùng đất đai rộng, hiểm trở như vậy. Nếu tình hình xấu đi, tôi lo trong năm tài chính tới, chúng ta khó xin được Hoa Thịnh Đốn duy trì sự viện trợ như hiện nay. Tổng thống và các nghị sĩ ở Hoa Thịnh Đốn đòi hỏi chúng ta có những tiến bộ rõ rệt.

Ngô Đình Diệm bối rối:

- Chúng tôi vẫn giữ vững được chính quyền trong tay chúng tôi. Các ông biết đấy, chú Cẩn đã làm hết sức mình.

Trần Lệ Xuân thấy cần phải đỡ lời anh chồng:

- Bổn phận người Hoa Kỳ là phải giúp đỡ chúng tôi hơn nữa. Bởi vì nếu chúng tôi không giành được thắng lợi thì danh dự Hoa Kỳ, nước đồng minh vĩ đại của chúng tôi cũng không còn.

Lên-sđên quay về phía Lệ Xuân:

- Thưa bà, bà nói thực chí lí nhưng tôi cũng xin thưa với bà là người Hoa Kỳ chúng tôi là những người rất thực dụng!

Không hiểu câu nói của Lên-sđên có hàm ý sâu sắc gì mà cuộc họp lặng đi. Ngô Đình Nhu dụi điếu thuốc lá cầm tay vào chiếc gạt tàn, phá tan bầu không khí nặng nề.

- Chúng ta sắp mở cuộc tấn công toàn diện vào các thế lực chống đối và Việt Cộng. Người của chúng tôi nằm trong hàng ngũ Việt Cộng cả ở vùng nông thôn rừng núi, cả trong các tổ chức quần chúng ở thành phố, đã sẵn sàng hành động. Chúng tôi sẽ đảo ngược lại tình thế nhanh chóng. Chúng tôi nhất định sẽ tiến hành bình định thành công, trước hết là miền Trung.

Phi-sin hướng về Ngô Đình Nhu:

- Chúng tôi hoan nghênh những hành động cương quyết đó của các ông.

Ngô Đình Diệm nói:

- Ở đây tôi và các ông gặp nhau dễ dàng. Các mạng lưới bí mật của chúng ta hàng ngày có tin đưa về nơi ngài Lên-sđên, nơi chú Nhu, nơi ông Trần Kim Tuyến... Nhưng chú Cẩn ở miền Trung không có những điều kiện thuận lợi như chúng ta, lại thiếu người giúp đỡ, tôi thấy cần phải cử người ra giúp đỡ chú ấy.

Lên-sđên gật đầu:

- Đúng, và chúng ta phải có một kế hoạch thật cụ thể để hướng dẫn ông đại diện Trung phần dựa vào đó mà tiến hành. Mục đích chúng ta vẫn không thay đổi: phải đánh phá đối phương từ trong ra, từ ngoài vào, khắp mọi phía, khắp mọi nơi, bằng mọi cách, bằng mọi vũ khí để làm chia rẽ, tan rã hàng ngũ đối phương, tan rã trong từng tổ chức, trong từng con người đối phương, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn đối phương, bình định xong miền Nam Việt Nam này, chuẩn bị cho những kế hoạch vĩ đại khác. Đối với chúng ta, chỉ có mục đích là đáng kể, còn phương tiện nào cũng tốt. Chúng ta vẫn phải thực hiện bằng được kế hoạch đã được thông qua từ Oa-sinh-tơn. Trong tình hình mới này, chúng ta phải tiến hành thận trọng hơn từng bước một. Tôi đề nghị giáo sư Phi-sin phác một kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình Trung phần cho ông Cẩn. Tuần tới phải xong bản kế hoạch đó.

Ngô Đình Nhu hỏi:

- Còn việc thực hiện?

Lên-sđên đáp:

- CIA chúng tôi sẽ đỡ đầu việc thực hiện kế hoạch đó. Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan viện trợ kinh tế Mỹ chi vào đó 50 triệu đô la.

Trằn Lệ Xuân rạng rỡ, mỉm cười nói nhỏ với Phi-sin:

- Có những bạn đồng minh như Hoa Kỳ, chúng tôi thấy hoàn toàn tin tưởng.

Lên-sđên vẫn nói, lời lẽ dứt khoát như những mệnh lệnh:

- Tôi đề nghị cử trung tá Tô-ma và ông giám đốc Sở nghiên cứu chính trị và xã hội Trần Kim Tuyến ra gặp ông Cẩn vừa để nghiên cứu thêm tình hình miền Trung vừa để truyền đạt lại ý kiến của chúng ta thể hiện trong kế hoạch đó. Mọi hoạt động của chúng ta phải thể hiện sự thống nhất Việt - Mỹ.

Ngô Đình Diệm nói:

- Chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi sẽ cử một người thân tín nữa ở hẳn bên cạnh chú Cẩn, làm cố vấn đặc biệt cho chú Cẩn.

Lên-sđên hỏi:

- Thưa ngài, ngài định cử ai?

- Phan Thúc Định.

Mọi người nhìn Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm nói rõ ý mình hơn:

- Sở dĩ tôi cử Phan Thúc Định vì Định trung thành theo tôi từ Hoa Kỳ về. Trải qua nhiều thử thách, những lúc khó khăn nhất như hồi 1955, Định là một trong những người đã không rời bỏ tôi, đã giúp tôi được nhiều việc. Anh ta có học cao, hoạt động giỏi, có thể giúp chú Cẩn tổ chức những mạng lưới bí mật, thu thập tin tức nhanh chóng như đã giúp tôi. Anh ta lại là người đã từng về nước bắt mối liên lạc với giáo sư Lê Mậu Thành trước đây, bây giờ ra đó có thể phối hợp với Lê Mậu Thành phá Việt Cộng từ trong ra, các ông thấy thế nào? Chú thím Nhu có ý kiến gì không?

Diệm hơi ngạc nhiên khi thấy tên trùm tình báo Mỹ Lên-sđên đồng ý. Hắn không biết gì về những cuộc theo dõi, thử thách, điều tra của bọn CIA đối với Phan Thúc Định. Sau những cuộc theo dõi, thử thách, điều tra ấy, bọn chúng đã coi Định là một người thật sự chống Cộng, trung thành với Ngô Đình Diệm, không có vấn đề gì nghi vấn.

Phi-sin, Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân cũng đồng ý với Ngô Đình Diệm về việc cử Định ra Trung phần, với những động cơ khác nhau. Phi-sin đồng ý vì hắn biết Trần Lệ Xuân có cảm tình với Phan Thúc Định, hắn coi như đã loại được một tình địch ra khỏi vòng chiến. Mặt khác, bọn CIA tuy không còn nghi ngờ Phan Thúc Định nữa, nhưng dù sao Định vẫn không phải là người hoàn toàn của chúng như Tràn Kim Tuyến, như Phạm Xuân Phòng, cho nên chúng cũng không muốn để Định quanh quần ở trong dinh Gia Long, hiểu biết những điều bí mật giữa chúng với Ngô Đình Diệm.

Ngô Đình Nhu đồng ý. vì hắn tin tài Phan Thúc Định có thể giúp tên em bạo chúa ở miền Trung giữ được cơ đồ, vì hắn hiểu biết vợ hắn hơn ai hết, hắn e ngại những tình cảm lộ liễu của cô vợ trẻ đẹp, đa tình đối với người thanh niên, vừa trẻ, vừa đẹp trai, vừa lịch thiệp hơn hắn.

Trần Lệ Xuân đồng ý, vì nghĩ ngay đến khu nhà nghỉ mát hắn đang xây ở Đà Lạt với những phòng gương lớn, những bao lơn ngắm cảnh trăng sáng núi rừng mờ ảo, có phòng tắm cực kì lộng lẫy, tráng lệ, tiện nghi... Hắn sẽ gặp Định ở đấy.

Thấy mọi người đồng ý, Ngô Đình Diệm hể hả:

- Tôi biết mọi người nhứt trí với tôi.

*

* *

Năm ngày sau, một chiếc máy bay riêng chở Tô-ma và Trần Kim Tuyến ra Huế, mang theo bản kế hoạch "Gió đã xoay chiều"...

Chương 18

Kí giả Phu-lít-xtơn

Sài Gòn, một buổi chiều thứ bảy.

Ngồi trên bao lơn tầng gác ba, Tố Loan đăm chiêu nhìn cảnh cầu Bông nhộn nhịp. Những chiếc xe hơi lộng lẫy, những chiếc quân xa rầm rầm chạy trên lòng đường như thách thức dòng người tấp nập hai bên lề đường phố. Bỗng một tiếng rít phanh ghê rợn làm Tố Loan giựt mình: Hai chiếc xe vận tải lớn suýt đâm vào nhau ở đầu cầu. Hai tên Mỹ lái xe thò đầu ra chửi nhau một hồi, rồi lại rú ga phóng thục mạng.

Mấy phút sau, một chiếc xe hơi quân sự bốn chỗ ngồi từ phía cầu Kiệu lao tới, cướp đường vượt cầu cho gần, làm cho một người đi xe gắn máy Honda từ phía Gia Định sang, hết chỗ tránh phải quăng xe, nhảy xuống lạch ngòi, thoát chết. Chiếc xe hơi đứng lại ở giữa cầu sau khi đã đè gãy chiếc Honda nọ. Tên lái quân xa nhảy xuống. Đó là một tên Mỹ. Hắn chạy đến sừng sộ véo mũi anh cảnh sát đứng giữ trật tự giao thông ở đầu cầu. Hắn quát tháo hỏi tại sao lại để cho người ta cản trở đường đi của hắn. Thấy nạn nhân lấm be bét từ đầu đến chân đang ngoi ngóp lên bờ, một tên Mỹ khác ngồi trong xe, chân đưa ra ngoài đập thình thình vào thành xe, ra vẻ khoái chí.

- Đồ khỉ đột, thật là bỉ ổi! - Tố Loan thốt ra một câu căm phẫn.

Đã gần ba năm nay, từ khi được cha gửi vào Sài Gòn theo học trường đại học Luật khoa, cô vẫn thường mục kích những hiện tượng ngỗ ngược như thế và hơn thế nữa: Người Mỹ giết người cướp của; người Mỹ cướp phụ nữ Việt Nam giữa ban ngày, mang vào trại của chúng để luân phiên nhau hãm hiếp; người Mỹ phóng xe bất chấp luật lệ đi đường...

Từ một thanh nữ mơ mộng như nước sông Hương lững lờ trôi, bình thản như cánh đồng An Cựu nơi cô đã sống trong nhiều năm dưới sự yêu thương của người mẹ hiền, cô đã dần dần được phong trào yêu nước chống Mỹ của sinh viên làm cho mạnh dạn, bồng bột hẳn lên.

Nhiều lần, cô đã đứng trong hàng ngũ sinh viên biểu tình đòi Mỹ - Diệm nghiêm chỉnh thi hành hiệp nghị Giơ-ne-vơ, đả đảo phái đoàn MAAG của Mỹ... Tâm hồn của cô đã nhiều phen sục sôi khi nghe các bạn học cùng trường nói về truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống anh dũng chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta, tham dự "những ngày xuống đường", những đêm "hát cho đồng bào nghe" của sinh viên... Và mới tuần lễ trước đây, chính cô cũng đã lên diễn đàn trước đông đảo sinh viên luật khoa, nói về chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Cô đã tự hào thấy mình dám ám chỉ đến chế độ Ngô Đình Diệm bù nhìn và đến hành động can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ vào nước Việt Nam.

Buổi nói chuyện của cô được kết thúc bằng những tràng vỗ tay dài hoan nghênh và tên cô cũng được bọn mật vụ của "Sở nghiên cứu chính trị và xã hội" phủ tổng thống ghi vào sổ riêng.

Những việc phạm pháp của bọn Mỹ ở trước mắt đây làm cho cô thấy càng phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ trật tự luật pháp của người Việt Nam.

Tố Loan đang bâng khuâng suy nghĩ, thì người nhà lên báo là có một kí giả Hoa Kỳ xin đến phỏng vấn và đợi ở dưới phòng khách. Danh thiếp đề tên Uy-li-am Phu-lít-xtơn, phóng viên tờ "Diễn đàn Nữa Ước". Tố Loan tự nhủ: "Đây cũng là một cơ hội để ta lợi dụng bọn nhà báo Mỹ, tố cáo những hành động phi pháp của chánh phủ Mỹ - Diệm".

Trang điểm chỉnh tề xong, Tố Loan chậm rãi xuống phòng khách, như vừa đi vừa đếm từng bậc thang.

- Xin chào cô!

Tố Loan vừa bước vào phòng khách, thì Phu-lít-xtơn đã nhanh nhẹn đứng dậy, cúi đầu chào rất lễ phép. Hắn nói tiếp luôn để tự giới thiệu:

- Uy-li-am Phu-lít-xtơn, phóng viên tờ Diễn đàn Nữu Ước.

- Rất hân hạnh - Tố Loan bắt tay hắn trả lời.

- Xin cô tha thứ cho lỗi đường đột của tôi đến phỏng vấn cô mà không xin phép trước. Tôi là một nhà báo kiêm luật gia, một người Mỹ dân chủ. Tuần trước, may mắn tôi được dự cuộc nói chuyện của cô về chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Tôi rất hoan nghênh những luận điểm rất sắc sảo của cô. Hôm qua, trông thấy cô trong hàng ngũ biểu tình tuần hành, tôi lại thêm khâm phục lòng quả cảm của cô. Lời nói đi đôi với việc làm của cô chắc chắn sẽ thu hút được cảm tình nồng nhiệt của nhân dân Hoa Kỳ. Người Hoa Kỳ chúng tôi đang theo dõi hàng ngày vấn đề Việt Nam, đang muốn tìm hiểu nhiều về con người Việt Nam. Vì vậy, hôm nay tôi xin phép đến phỏng vấn cô về một vài vấn đề, mong được phản ảnh những ý kiến tốt đẹp của cô trên báo, thoả mãn được yêu cầu của nhân dân Hoa Kỳ chúng tôi.

Nhìn Phu-lít-xtơn, Tố Loan thấy hắn không giống những người Mỹ khác nhan nhản trên các đường phố từ Huế đến Sài Gòn. Cái áo sơ mi cộc tay của hắn không bằng ni-lông sặc sỡ chim cò bay hay những hình ảnh phụ nữ hớ hênh, mà bằng vải pô-pơ-lin trắng toát. Cái quần của hắn cũng không bó chặt lấy hông và cổ chân. Bộ tóc hung hung của hắn được cắt gọn, chứ không đít vịt hay xoã xuống chấm vai. Mặt mày hắn nhẵn nhụi, điểm một bộ ria kiểu Cơ-lắc Ghê-bơn hợp với lứa tuổi 30, 32 của hắn. Đặc biệt hơn nữa là Tố Loan thấy hắn lịch sự, nhã nhặn chứ không hung hăng, bắng nhắng, ngổ ngáo như bọn nhân viên dân sự và quân sự trong phái đoàn MAAG. Tố Loan mỉm cười:

- Hân hạnh!

Phu-lít-xtơn tắt điếu thuốc đang hút dở, bỏ vào cái hộp sứ Giang Tây đựng tàn để trên bàn khách, thong dong vào đề:

- Thưa cô, là nhà báo, chúng tôi rất tôn trọng sự thật và dám nói sự thật. Quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận đã được ghi rõ trong hiến pháp Hoa Kỳ. Tờ báo của chúng tôi, vì tôn trọng và bảo vệ sự thật, nên đã nhiều lần công kích gay gắt cố tổng thống Ai-xen-hao-ơ và đương kim tổng thống Ken-nơ-đi về chánh sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Chúng tôi rất vô tư muốn ngòi bút của mình phục vụ cho sự thật. Nay vì tình bầu bạn giữa hai dân tộc Việt - Mỹ và để cho chúng tôi là những người Hoa Kỳ tự do và dân chủ có tài liệu vững chắc đấu tranh chống những hành động phản tự do và phản dân chủ làm hại đến mối quan hệ Việt - Mỹ trong một bộ phận nhân viên dân sự và quân sự Mỹ ở miền Nam cũng như ở trong chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi xin cô cho biết tôn ý về hai ý kiến sau đây: Thứ nhất, theo cô thì người Hoa Kỳ ở Việt Nam tốt, xấu như thế nào? Thứ hai, nên làm thế nào đế phát huy những cái tốt và loại trừ những cái xấu đó?

Như gặp cơ hội thích hợp để bộc lộ ngay với một nhà báo ngoại quốc lí luận về chủ quyền quốc gia dân tộc của mình và đồng thời cũng do cảnh tượng vừa xảy ra ở cầu Bông kích thích, Tố Loan nói với giọng đầy tự tin:

- Trước khi vào đây, chắc ông đã có dịp chứng kiến cảnh tượng người Mỹ gây ra vừa rồi và thái độ của nhân viên quân sự Hoa Kỳ đối với người Việt Nam chúng tôi. Tôi chưa tìm ra được danh từ nào thích hợp để nói về thái độ đó của họ. Chính những người Mỹ đó đã trả lời hộ tôi về câu hỏi thứ nhất của ông rồi.

Còn câu hỏi thứ hai của ông, thì những khẩu hiệu do các đoàn biểu tình hôm qua của đủ các tầng lớp nhân dân Việt Nam chúng tôi cũng đủ trả lời một cách hùng hồn và chính xác. Xin nói thành thật với ông rằng, cái tốt mà chính phủ Hoa Kỳ cần làm, cần phát huy là bắt chước người Pháp rút lui về bên kia bán cầu, đừng can thiệp vào Việt Nam, đừng phá hoại hiệp nghị Giơ-ne-vơ để cho chúng tôi tiến hành tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước chúng tôi.

Phu-lít-xtơn khẽ gật đầu, mỉm cười đáp, rất bình thản:

- Xin tiếp thu những ý kiến tế nhị và xác đáng của cô. Những ý kiến đó thể hiện sự nhiệt tình của một người trí thức yêu nước. Tôi đã có dịp nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Tôi thấy người Mỹ và người Việt Nam giống nhau ở chỗ đều là những người phiêu lưu đầy nghị lực.

Ông cha chúng tôi từ khắp các nước châu Âu sang chinh phục châu Mỹ, còn ông cha người ở miền Nam Việt Nam cũng từ phía Bắc chinh phục nước Thuỷ Chân Lạp này. Tôi nghĩ rằng: trái đất có hai bán cầu, thì người Mỹ ở một bên, người Việt Nam ở một bên. Người ta không thể chặt trái đất ra làm hai thì bán cầu cũng không thể chia đôi được. Vậy người Mỹ và người Việt Nam cũng không thể đối lập nhau được. Chúng ta phải là những người bạn thân thiết của nhau. Giúp các bạn tiến lên con đường tự do, là sứ mệnh lịch sử của người Mỹ chúng tôi. Tôi rất căm phẫn trước thái độ của mấy nhân viên quân sự Hoa Kỳ lúc nãy. Hành động của họ đáng bị luật hình trừng trị. Thái độ của họ bị nhân dân Mỹ chúng tôi lên án. Nhất là họ xâm phạm đến các bạn Việt Nam thì lại càng nghiêm trọng hơn nữa. Tôi xin cô hiểu cho là: ở ngay nước chúng tôi, những vụ án nghiêm trọng gấp trăm nghìn lần hơn, như giết người, cướp của, hiếp dâm v.v... hằng ngày vẫn còn xảy ra rất nhìều. Những tai nạn xe hơi như kiểu lúc nãy thì không kể xiết. Can phạm là người Mỹ đã đành, mà nạn nhân cũng đều là người Mỹ, chứ không phải là người Việt Nam.

Cũng như kẻ phạm tội đó, nếu ở Hoa Kỳ thì gây hại cho người Hoa Kỳ, nếu ở Việt Nam thì gây hại cho người Việt Nam. Theo tôi nghĩ, đây không phải là vấn đề chủ quyền, hay can thiệp, mà là vấn đề phạm pháp của những người cá biệt. Ở Sài Gòn này cũng thế thôi! Báo chí hàng ngày cho biết có hàng nghìn vụ giết người, cướp của, hiếp dâm mà nạn nhân là người Việt Nam. Vậy đây chỉ là vấn đề quan hệ giữa cá nhân với nhau, chứ chẳng lẽ lại nói là người Việt Nam xâm phạm đến chủ quyền của chính mình ư?

Nói đến đây, Phu-lít-xtơn có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, dò xét sự phản ứng cửa Tố Loan. Thoáng thấy nét mặt của Tố Loan biến đổi kín đáo, từ chỗ vội vã lúc ban đầu đến chỗ im lặng nghe, hắn tiếp tục tấn công:

- Thưa cô, kể ra thì trong nước chúng tôi, những việc giết người, cướp của không phải là hiếm. Đó là tất nhiên thôi. Bị cáo đều là người nghèo và đúng như Lom-bơ-rô-dô đã nói: họ đều là những tội phạm bẩm sinh. Bên nước bạn cũng thế. Nhưng về mức độ dã man, tàn ác, thì không có vụ nào sánh kịp một vụ án vừa xảy ra ở ngay nơi chôn nhau cắt rốn của cô, mới vài hôm nay thôi. Vụ án này chắc chắn sẽ làm sôi nổi dư luận khắp nước, ai nấy đều căm phẫn, cô đã biết rồi chứ?

- Thưa ông, chưa! - Tố Loan trả lời có vẻ hồi hộp, như đợi chờ một tấn kịch bất ngờ trên màn ảnh - Chưa có báo nào đăng tin cả.

- Nếu cô sẵn sàng tha thứ cho tôi về sự lạm dụng lòng nhẫn nại của cô, tôi sẽ xin trình bày lại vụ án đó. Cố nhiên, trước một luật gia, có những cái nhìn pháp lí rất sâu sắc, tôi sẽ trình bày đủ các tình tiết pháp lí của nó, chứ không kể chuyện như một kí giả. Nhưng để tránh lạc đề, xin phép hỏi thêm cô một câu để kết thúc cuộc phỏng vấn mà cũng là một cuộc trao đổi ý kiến vô cùng phong phú và hữu ích đối với tôi...

- Ông cứ hỏi.

- Là người Mỹ dân chủ, tôi rất khâm phục sự dũng cảm của cô trong các hoạt động chánh trị. Vậy xin cô cho biết mục đích của cô trong việc đấu tranh chống cái gọi là "cường quyền" ở Sài Gòn hiện nay, là để bảo vệ cái gì? Tổ quốc, gia đình của cô hay là lí tưởng Cộng sản?

- Tôi không phải là người Cộng sản. Tôi cũng chưa có dịp nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng nếu người Cộng sản đấu tranh chống ngoại xâm, mang lại độc lập cho Tổ quốc tôi, xây dựng nước tôi giàu mạnh, thì tôi cũng mong được thành người Cộng sản. Còn hiện nay, là một người yêu nước, tôi chỉ biết đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc tôi...

Đến đây, Phu-lít-xtơn chen vào:

- Và để bảo vệ gia đình!

Tố Loan tiếp theo ngay:

- Vâng, cố nhiên! Cố nhiên cũng là để bảo vệ gia đình tôi. Vì gia đình là tế bào của Tổ quốc.

- Cô có thể hi sinh thân mình để bảo vệ gia đình mình không?

- Vì Tổ quốc, vì gia đình, tôi chẳng tiếc gì cả.

- Xin kết thúc cuộc phỏng vấn của tôi ở đây. Xin cảm ơn cô. Giờ đây xin kể lại với cô vụ án mà lúc nãy tôi đã hứa. Vụ án này li kì lắm, nhưng cũng tàn ác vô cùng! Chắc chắn cô sẽ căm phẫn đến cực độ. Tôi đã tham gia vào cuộc điều tra vụ án này với tư cách là phóng viên.

- Chắc những khía cạnh pháp lí rắc rối, li kì của vụ án đã làm cho ngòi bút của nhà báo kiêm luật gia thêm đậm nét.

- Thưa cô, vâng. Có những bức ảnh chụp được cũng làm cho người ta có cái nhìn sâu sắc hơn, bao quát hơn. Tôi xin bắt đầu trình bày vụ án bằng những bức ảnh đó! Thưa cô, vụ án này đã xảy ra tại một biệt thự xinh đẹp bên bờ sông Hương, cách thành phố Huế 5 ki-lô-mét về phía Đông Nam. Ôi, cái biệt thự vô cùng xinh đẹp như một cảnh thần tiên! Lại cái tên gọi của nó nữa, gợi cảm biết bao: Bồng Lai!

- Tên gì, thưa ông? - Tố Loan tái mặt, sửng sốt hỏi Phu-lít-xtơn.

- Bồng Lai! Không ngờ Bồng Lai tiên cảnh mà lại thành ra thảm cảnh!

Phu-lít-xtơn chậm rãi bùi ngùi đáp lại. Qua sắc mặt của Tố Loan, thấy cô đã mất bình tĩnh, hắn cố lấy giọng bi ai nói tiếp:

-... Và cả Lam Kiều - Phu-lít-xtơn nhấn mạnh hai chữ Lam Kiều - chiếc cầu thơ mộng ấy, nối liền biệt thự với vườn hoa, lại là nơi ghi tội ác của bọn sát nhân!

Phu-lít-xtơn nói đến đây, Tố Loan đã run rẩy, hỏi dồn như cướp lời:

- Thưa ông... việc thế nào?

Phu-lít-xtơn mở chiếc cặp da, lấy ra một tập ảnh, đứng lên, trịnh trọng đưa cho Tố Loan, nói:

- Thưa cô, tôi vô cùng xúc động không thể trình bày được nữa, xin lấy tập ảnh này thay lời.

Tố Loan vội mở tập ảnh ra. Mới nhìn tới bức ảnh đầu, trái đất đã quay cuồng tối sầm trước mặt cô! Cô lảo đảo khuỵu xuống...

Và Phu-lít-xtơn cúi đầu như mặc niệm!

*

* *

Biệt thự Bồng Lai in bóng trên bờ sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế độ 5 ki-lô-mét.

Biệt thự này vốn là của một tên tư bản mại bản làm cho vợ lẽ hắn ở. Chủ nhân mới là Phạm Xuân Phòng mua lại cái biệt thự này và dọn đến đây vào hồi năm 1953, khi tên tư sản mại bản kia cảm thấy ở đây không được yên ổn nữa, mang cả gia đình vào Sài Gòn. Nhân dân vùng này không biết Phạm Xuân Phòng như thế nào. Thấy hắn đã đứng tuổi, lúc nào cũng cặp kính mát trên mắt, nói năng nhã nhặn, có người đồn rằng hắn là một trí thức có chánh kiến khác với bọn Bảo Đại nên lánh ra đây để an dưỡng đợi thời. Thấy hắn rất ham thích môn bơi thuyền pê-rít-xoa, có người cho hắn là một nhà thể dục thể thao. Thấy hắn thường lui tới các xóm lao động, hay nói đạo đức, sẵn sàng giúp đỡ thuốc men, tiền bạc cho những gia đình túng thiếu, có người đoán rằng hắn trước kia là một nhà giáo giàu lòng từ thiện.

Từ khi gia đình Phạm Xuân Phòng đến đây, chưa ai nghe thấy người trong gia đình hắn to tiếng với nhau, và cũng chưa bao giờ người nhà hắn to tiếng với ai. Mọi người đều cho rằng hắn muốn sống một cuộc đời ẩn dật, không ham danh lợi, không chuộng phồn hoa. Tuy nhiên. lai lịch hắn chỉ có hai nơi nắm vững là Ban An ninh giải phóng Thừa Thiên và Cục tình báo trung ương Mỹ. Cha hắn là Phạm Xuân Đề, trong những năm Âu châu đại chiến lần thứ nhất, đi lính khố đỏ sang Pháp. Được giải ngũ năm 1920, với cái lon cai, Đề chạy chọt được vào làm đội lệ dưới trướng tên Nguyễn Khoa K. hồi ấy còn làm tổng đốc. Tớ thấy rất tâm đắc, hắn được quan thầy rất tin dùng và luôn cho cắp tráp, mang roi đi theo. Thời kì lên nhất của hắn là vào năm 1930, khi hắn giúp cho Nguyễn Khoa K. nhiều mưu kế thủ đoạn để chống phá cách mạng. Rồi Nguyễn Khoa K. được thăng thượng thư, về nhậm chức ở Huế, thì hắn cũng được nhảy vọt lên chức bang tá ở Vinh.

Đề có hai vợ, nhưng đẻ nhiều nuôi ít, nên chỉ còn lại có một Phạm Xuân Phòng nối dõi. Sẵn cái thế được tên trùm mật thám Xô-nhi (45) và quan thầy cũ cất nhắc, hắn chỉ mong cho thằng Phạm Xuân Phòng đi học, ngoi lên giật được cái bằng "đíp lôm" (46) là có thể được Pháp đặc cách bổ bang tá rồi.

Trong sáu, bảy năm trời ở Hà Nội, Phạm Xuân Phòng học đã nhiều trường: hết lít-xê-om Hồng Bàng đến Thăng Long, Gia Long. Hắn học như cóc nhảy, tự ý nhảy vọt hai, ba lớp. Bố hắn rất mừng khi được biết hắn không phải thi đíp-lôm, mà được thi tú tài ngay. Hắn thi tú tài phần thứ nhất đã nhiều phen, nhưng phen nào thì bố hắn, Phạm Xuân Đề, cũng viết thư an ủi hắn là "học tài thi phận".

Phạm Xuân Phòng học không giỏi, nhưng có cái giỏi khác, ít người sánh kịp là hắn ăn mặc rất đúng thời trang, lại thông thạo tất cả những hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội và ngoại ô. Hắn có nhiều thủ đoạn kiếm tiền của cha mẹ hắn và cả của người ngoài nữa. Ngoài ra, hắn còn có tài nói rất khéo, đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Hắn vẫn khoe với anh em: "hiện nay còn là học trò mà tao đã tiêu đến vài trăm đồng một tháng, trong khi cha tao chỉ chi có năm chục thôi nhé, mai kia ra đời tao sẽ tiêu bằng Rốc-cơ-phen-lơ (47) cho mà xem". Anh em thấy hắn giao thiệp rất rộng. Hắn thường lui tới với một số nhà văn trong nhóm "Tiểu thuyết thứ Bảy", nhóm "Vịt đực". Có khi hắn đi chè chén với những tên du côn khét tiếng như Kính "què", Tuyên "quăn". Có khi người ta lại thấy hắn bắt tay, "tuy, toa" với cả những tên mật thám La-néc-cơ, Luýc, Li-ông...

Đầu năm 1937, cha hắn chết, và sau đó mấy tháng, hắn lấy vợ. Vợ hắn mang một cái tên nửa Âu, nửa Á: Hăng-ri-ét Woòng. Hăng-ri-ét Woòng nói được cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Quảng Đông. Hăng-ri-ét Woòng nổi tiếng về sắc đẹp trong đám ăn chơi thượng lưu, nổi tiếng cả về sự khó tính. Muốn mời Woòng nhảy một bài thì phải là người biết tuỳ thời tiết mà mỗi ngày thay độ ba bộ com-lê đúng mốt và dám mở một lúc ba, bốn chai Mô-ét-săng-đông ở các tiệm Phi-ga-rô, Đỗ Thận. Muốn mời Woòng đi ăn, thì phải có xe hơi riêng hai chỗ ngồi, kiểu Pho VB hay Cơ-rớt-xlơ. Thế mà Phạm Xuân Phòng lại lấy được Woòng, mới "tốt số" chứ!

Để đua đòi kịp người khác và thoả mãn những sở thích của Woòng, Phạm Xuân Phòng bán đi một trăm mẫu ruộng và hai ngôi nhà trong số hai trăm mẫu ruộng và năm ngôi nhà hai tầng ở Vinh do cha hắn để lại; hơn một năm sau, hắn kí giấy bán nốt số ruộng và nhà còn lại.

Cuối năm 1938, thấy sản nghiệp của hắn đã gần cạn, Hăng-ri-ét Woòng bèn bỏ hắn, đi sống kiểu già nhân ngãi non vợ chồng với một viên luật sư toà thượng thẩm Hà Nội. Luật sư này có tiếng là tay ăn chơi ở Pa-ri, hồi năm 1934-1935, và đã bỏ vợ. Ông ta sống một mình trong một ngôi nhà tráng lệ ở phố Boóc-nhi Đéc-boóc-đơ. Phạm Xuân Phòng đành ngậm đắng nuốt cay trước cảnh cả một khối tài sản lớn của cha hắn, chỉ trong vòng hơn một năm, đã tan ra mây khói.

Theo lời khuyên nhủ và được sự giới thiệu của tên thanh tra mật thám La-néc-cơ, Phòng vào làm quản lí kiêm kế toán, thủ quỹ cho Tsiêng-wa, thầu thức ăn cho ngựa của quân đội thực dân Pháp ở Hà Nội. Mến tài tháo vát của hắn, Tsiêng-wa rất tin cẩn hắn, và đặc biệt là vợ Tsiêng-wa lại càng yêu quý tin cẩn hắn hơn nữa.

Tsiêng-wa đã hơn sáu mươi tuổi, cả ngày nằm cạnh bàn đèn thuốc phiện, ốm yếu quặt quẹo luôn, nên trăm công nghìn việc đều giao phó cho Phạm Xuân Phòng. Đầu năm 1939, bỗng nhiên Tsiêng-wa chết một cách đột ngột, Phạm Xuân Phòng trở thành người thừa kế Tsỉêng-wa cả về mặt thầu khoán thức ăn cho lừa, ngựa của quân đội Pháp và cả về mặt làm chủ gia đình của y, gồm vốn liếng với cô vợ dí dỏm mới bốn mươi lăm tuổi xuân, ra đời trước hắn hai mươi năm. Thời gian này, thực dân Pháp tăng cường lực lượng quân đội của chúng ở Đông Dương để đối phó với phát-xít Nhật, nên Phạm Xuân Phòng lại càng có cơ hội phất lên.

Cuối năm 1940, phát-xít Nhật vào Đông Dương, bọn mật thám Pháp khuyên hắn nhờ tên Shi-mô-mu-ra, buôn bán ở góc phố cửa Đông - Tiên Tsin và tên Ta-na-ka bán kem ở rạp O-lym-pi-a trước cửa chợ Hàng Da, giới thiệu hắn thầu thức ăn cho lừa, ngựa của quân đội Nhật. Shi-mô-mu-ra và Ta-na-ka là hai tên gián điệp Nhật vào Hà Nội đã lâu năm, trá hình là con buôn, có quen biết Phạm Xuân Phòng từ khi Phòng còn là một chú học sinh lêu lổng. Thâm ý của bọn mật thám Pháp là muốn dùng Phòng hoạt động tình báo cho chúng. Nhưng Shi-mô-mu-ra và Ta-na-ka cũng chẳng phải là tay vừa. Hai tên cũng có những âm mưu riêng. Thế là thu nhập của Phạm Xuân Phòng tăng lên vùn vụt, từ mấy nguồn: Món lợi kếch sù do bớt xén, trộm cắp trong việc thầu khoán thức ăn cho lừa, ngựa của quân đội Pháp và quân đội Nhật, tiền thù lao làm gián điệp tay đôi cho Pháp và Nhật.

Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Sau hai tháng theo Shi-mô-mu-ra sang Tô-ki-ô, Phạm Xuân Phòng nghiễm nhiên trở về làm đại lí độc quyền cho hãng xuất nhập khẩu nông lâm thổ sản Ta-ra-duy-ka, nay ở chi nhánh Hà Nội, mai ở chi nhánh Sài Gòn.

Về đường vợ con, thì từ năm 1940, hắn đã giết ngầm ả vợ Tsiêng-wa cũ, sau khi toàn bộ tài sản của Tsiêng-wa về tay hắn. Trước đó, tình cờ một hôm đến nhà một người bạn, hắn thấy con gái bạn rất đẹp, mới 19 tuổi còn đang đi học. Hắn đâm mê, tìm cách lấy cho kì được. Trước hết, dựa vào thế Nhật, hắn vu cho người vợ mà hắn thừa kế của Tsiêng-wa là liên lạc với đặc vụ Tưởng Giới Thạch. Người đàn bà này lập tức bị hiến binh Nhật bắt giam, rồi chết ở trong tù. Mặt khác, hắn ngầm báo với bọn mật thám Pháp người bạn nói trên làm gián điệp cho Nhật. Người bạn hắn cũng bị mật thám Pháp bắt giam. Cô nữ sinh mười chín tuổi kia cũng bị gọi ra Sở mật thám mấy ngày. Sau đó, Phạm Xuân Phòng mới bỏ ra một số tiền đút lót cho bọn La-néc-cơ để "cứu" bạn ra. Hắn lại đến thăm hỏi, chăm sóc ân cần người bạn, bỏ ra một số tiền khác để thuốc thang chạy chữa cho bạn sau một tháng trời bị tra tấn chỉ còn da bọc xương. Do tốt mối lái và đế tạ cái ơn cứu tử, người bạn cưỡng ép con gái mình phải lấy Phạm Xuân Phòng. Năm 1941, người vợ trẻ này của Phạm Xuân Phòng đẻ ra Phạm Thị Tố Loan.

Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ, thì Phạm Xuân Phòng đang ở Sài Gòn. Hắn vội giao cái ngôi nhà đồ sộ lộng lẫy của hắn, ở giữa phố Ca-ti-na, cho một người em họ trông nom, và đem vợ con về ở một ngôi nhà khác xuềnh xoàng ở phố Sam-pa-nhơ (48). Đến năm 1947, hắn cùng vợ con sang Pháp, rồi sang Thuỵ Sĩ, đợi thời.

Thấy cục thế ở Đông Dương rối như mớ bòng bong, hắn đi đây đi đó để tìm ra con đường thoát.

Từ Thuỵ Sĩ, hắn sang Nhật, ở đó, hắn gặp lại Shi-mô-mu-ra. Shi-mô-mu-ra giới thiệu hắn gặp Ngô Đình Diệm ở Tô-ki-ô. Từ Ngô Đình Diệm hắn làm quen với Phi-sin. Phi-sin giới thiệu hắn sang Mỹ học một năm chính trị đặc biệt ở trường đại học Mi-si-găng. Học xong, hắn vào làm việc ở Cục tình báo trung ương ở Hoa Thịnh Đốn. Đang làm việc ở Hoa Thịnh Đốn, hắn được lệnh cấp tốc chuyển về làm việc ở văn phòng Hồng y giáo chủ Spen-man ở Nữu Ước.

Đầu năm 1953, để bảo đảm bí mật, Spen-man thu xếp cho hắn về Thuỵ Sĩ, rồi từ Thuỵ Sĩ về Pháp. Ở Pari được hai tháng, một phái viên của Lên-sđên đến gặp hắn, trao cho hắn ảnh và tài liệu về Phan Thúc Định với một lệnh ngắn gọn của CIA: "Về Việt Nam, bám sát, điều tra, cung cấp ngay và thường xuyên tất cả những gì biết được về Phan Thúc Định". Hắn cùng vợ con trở về Huế, mua biệt thự Bồng Lai.

Trong khi bề ngoài, hắn sống một cuộc đời tưởng như phẳng lặng, ẩn dật bên cạnh vợ con giữa biệt thự Bồng Lai thơ mộng thì bên trong, hắn là một "cái đuôi" của Phan Thúc Định. CIA nhận được đầy đủ thường xuyên báo cáo của hắn về mọi hoạt động của Phan Thúc Định.

Sau khi đóng vai giáo sư Sanh bị lộ mặt với Phan Thúc Định và bị Nguyễn Ngọc Lễ đánh một trận nhừ tử, Phạm Xuân Phòng được lệnh CIA về ẩn mình ở Huế và được chúng giao nhiệm vụ tập trung mọi tình báo về hoạt động của cách mạng, đồng thời theo dõi tình hình hoạt động của Ngô Đình Cẩn ở Trung phần Việt Nam.

Bọn gián điệp tay chân khác của Mỹ đều không biết Phòng. Cục Tình báo trung ương Mỹ chỉ liên lạc với hắn bằng một đường dây bí mật đặc biệt, do một tên trước kia làm đặc vụ của Tưởng Giới Thạch đảm nhiệm. Cứ mỗi tuần một lần, vào 9 giờ sáng ngày thứ năm, tên này đội lốt một ông già đánh cá, bơi một chiếc thuyền nhỏ đến gặp hắn ở quãng gần Cồn Hến, cách biệt thự Bồng Lai độ hai ki-lô-mét. Năm thì mười hoạ, Phòng mới vào thành phố, nói là đi mua thuốc, mua hàng để hội họp với Xmít, trung tá CIA, chỉ huy lực lượng đặc biệt Mỹ ở Huế.

Theo báo cáo của Xmít lên Cục Tình báo trung ương Mỹ thì chỉ mới có hai mươi bốn tháng, mà Phạm Xuân Phòng đã khám phá ra hàng chục vụ "Việt Cộng" ám sát hoặc hoạt động tình báo, đã giúp cho chúng bắt hàng trăm người và thủ tiêu nhiều cán bộ cách mạng. Ngoài ra, Phạm Xuân Phòng cũng đã tổ chức thêm một màng lưới khác để giám sát hoạt động của Ngô Đình Cẩn ở Trung phần.

Hoạt động của Phòng bí mật đến nỗi ngay cả vợ con hắn cũng không biết. Hắn thường nhắc đi nhắc lại với vợ con hắn là mình bôn ba đây đó đã nhlều, với hơn chục ngôi nhà đồ sộ ở Sài Gòn, Đà Lạt và dăm triệu đô la gửi ở ngân hàng Thuỵ Sĩ, ta sống cũng đủ phong lưu chán, tội gì mà ra làm chính trị cho nhọc thân. Nhưng đôi khi có một mình, hắn mím môi trợn mắt, chỉ về phương Bắc thề lấy lại cho kì được hai chục ngôi nhà ở Hà Nội, Hải Phòng và non năm trăm mẫu ruộng ở Sơn Tây, Bắc Giang. "Mà đâu chỉ có thế, ta sẽ lấy lại gấp trăm, gấp nghìn lần số tài sản đó chứ!".

Mỗi khi xem báo hay nghe đài, thấy nhân dân miền Bắc và nhân dân thế giới căm phẫn lên án những tội ác tày trời của Mỹ - Diệm như giết một lúc hàng nghìn người yêu nước ở Phú Lợi, tàn sát, triệt hạ hàng trăm làng, thì hắn cười rất khoái trá. Có đêm trong giấc mơ, hắn nói lảm nhảm "Phải giết, giết hết bọn Việt Cộng!".

... Một lần, vợ hắn đi chơi về, tình cờ thấy chiếc thuyền pê-rít-xoa của hắn gặp thuyền lão già đánh cá giữa dòng sông Hương, dưới trời mưa rả rích. Lúc hắn về, vơ hắn khuyên hắn nên giữ gìn sức khoẻ, dãi gió dầm mưa như thế không có lợi. Hắn hỏi căn, hỏi vặn vợ hắn đã nhìn thấy hắn ở đâu, đang làm gì. Khi thấy vợ nói đúng địa điểm hắn gặp lão già, hắn cau mày lại, cặp mắt hắn lạnh hẳn đi nhưng hắn cười xoà ngay: "Tinh thần thể dục thể thao mà lị! Em cứ bơi thuyền mà xem, sẽ mê ngay!". Hôm sau, hắn cố nài vợ hắn tập bơi pê-rít-xoa. Khi vợ hắn bơi được, thường thường buổi tối sáng trăng, cứ mỗi người một thuyền bơi thi nhau, lấy Lam Kiều làm đích, đi xa hai, ba cây số, ai trở về trước là thắng. Thuyền hắn thường về trước có khi hàng nửa giờ. Một hôm, thuyền hắn tới Lam Kiều trước, hắn và gia đình đợi mãi không thấy vợ hắn về. Hắn và con hắn nhao đi tìm thì thấy thuyền bơi của vợ hắn bị lật giữa dòng nước xoáy... Hắn ôm chặt lấy con, lặng người đi. Mãi sáng hôm sau, mới vớt được xác vợ hắn dưới hạ lưu, cách nhà chừng ba ki-lô-mét.

Cũng năm ấy, Tố Loan học hết bậc trung học, Phạm Xuân Phòng cho cô vào Sài Gòn học trường Luật. Suốt ba năm trời ở Sài Gòn, Tố Loan không có dịp trở về Huế. Cứ ba tháng một lần, Phạm Xuân Phòng, với mẩu băng đen để tang vợ trên ve áo, vào Sài Gòn thăm con, ở độ hai, ba ngày lại vội vã trở về Huế. Hắn vẫn bơi pê-rít-xoa như cũ. Bỗng một hôm, người ta thấy hắn chết trong chiếc pê-rít-xoa, ngay dưới chân Lam Kiều, sọ vỡ, óc phọt cả ra ngoài.

Chỉ một giờ sau, nhận được tin Xmít báo cho biết Phạm Xuân Phòng chết, Lên-sđên gầm lên như bò rống qua ống điện thoại:

- Thế nào, ông Xmít? Tại sao nó lại chết? Nó chết như thế nào?

- Thưa ngài thiếu tướng, hôm ấy là ngày Phạm Xuân Phòng đi gặp "người đánh cá" của ta. Tôi chưa tìm ra manh mối tại sao nó lại nằm chết trong chiếc pê-rít-xoa ở ngay dưới chân Lam Kiều. Và cái này mới lạ nữa, là "người đánh cá" của ta cũng chết như thế.

- Hê-lô! Sao? Sao? Ông nhắc lại tôi nghe! Cả thằng Hoa kiều?

- Vâng, cả thằng Hoa kiều ấy cũng bị giết chết ở ngay cái lạch nhà nó. Cả hai đứa đều bị đánh vỡ sọ. Một thằng bị ở trán, một thằng ở đỉnh đầu... Hê-lô, dạ, dạ! Chưa tìm ra manh mối ạ!

Lên-sđên cắt lời:

- Thế là thế nào? Chắc lại bàn tay Việt Cộng rồi! Tôi ra lệnh cho ông phải khám phá ra thủ phạm vụ án này trong hạn định là hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Lên-sđên đặt sầm ống điện thoại xuống, quay lại nói với Phi-sin:

- Thằng Phạm Xuân Phòng là một tên rất sợ bị ám hại. Không cớ lẽ nào nó lại không đề phòng Việt Cộng. Tôi còn ngờ vực điều này, không chắc nó đã bị Việt Cộng giết...

Phi-sin thở dài:

- Kiếm cho ra được một thằng như nó thật không phải là chuyện dễ. Nó không những là kẻ thù không đội trời chung của Việt Cộng mà còn là một địch thủ lợi hại của tên móc túi nhà nghề Ngô Đình Cẩn nữa... Nhưng thôi, nó đã chết rồi, do kẻ nào giết, chuyện đó sẽ bàn sau. Muốn gì thì nó cũng chẳng thể sống lại được nữa. Ta phải kiếm người thay thế nó.

Lên-sđên gật đầu tán thưởng:

- Ông bạn giáo sư, ông nghĩ chuyện đó, thật hợp ý tôi. Vậy ông xem có thể chọn ai thay thế Phạm Xuân Phòng?

- Không còn có ai tốt hơn là con gái của nó. - Phi-sin nói đầy vẻ tin tưởng - Bọn da vàng tuy thuộc giống người hạ đẳng, nhưng về mặt quỷ quyệt thì chúng cũng không kém bất cứ giống người nào. Nhất là phụ nữ. Điều này Viện nghiên cứu dân tộc của trường đại học Mi-si-găng đã có đủ tài liệu để chứng minh. Tôi đã nghiên cứu kĩ về đứa con gái của Phạm Xuân Phòng. Nó có đủ điều kiện cần thiết để thay thế công việc của cha nó.

- Ông muốn nói đến con Tố Loan phải không!

- Ông cũng biết con bé này ư? - Phi-sin tỏ vẻ nghi ngờ, nhìn Lên-sđên - Ông đã gặp nó từ bao giờ?

Lên-sđên vội vàng thanh minh:

- Tôi chưa bao giờ gặp con bé ấy. Xin thề! Trung tá Tô-ma mới nói chuyện với tôi về nó hôm qua...

- Chắc Tô-ma cũng đã báo cáo cho ông biết phong trào bài Mỹ của sinh viên Việt Nam ở Sài Gòn này rồi đấy chứ?

- Có.

- Vậy ông có đồng ý với tôi rằng nếu ta nắm được Tố Loan rồi thì có thể biến nó thành một con chủ bài nhiều mặt của CIA chúng ta chứ?

- Ô kê! - Lên-sđên gật đầu lia lịa - Tôi hiểu rồi! Ông bạn muốn nhân cái chết của bố nó để kéo con bé này về với chúng ta phải không? Xin cho biết kế hoạch?

- Đúng như thế! - Phi-sin chậm rãi trả lời. - Ông hãy cho bắt ngay tên người nhà Phạm Xuân Phòng, tên này là em vợ Phòng và một tên nông dân khác ở trong xóm vẫn thường được Phòng giúp đỡ tiền bạc, thuốc men. Hãy đánh cho chúng nó một trận, bắt phải nhận là "Việt Cộng", là thủ phạm giết Phạm Xuân Phòng. Bắt chúng nó phải diễn lại vụ án theo sự dàn cảnh của ta. Ông hãy cho chụp ảnh đầy đủ diễn tiến vụ "ám sát" đó để đánh tan những mối nghi ngờ của mọi người và kèm theo chụp cả những bản khai cung của chúng nó nhận giết Phạm Xuân Phòng để cướp của...

- Ô kê! Được lắm, được lắm! - Lên-sđên tán dương quỷ kế của Phi-sin. Hắn bổ sung thêm - Như thế vừa đánh lừa được Tố Loan, Tố Loan nhất định sẽ về phía chúng ta, vừa đánh lừa bọn thủ phạm, thấy ta bắt và đưa ra truy tố những tên gọi là "thủ phạm" trong vụ án này, chúng sẽ mất cảnh giác mà sa vào bẫy của chúng ta. Hê-lô! Phải tiến hành ngay tức khắc. Còn việc nói chuyện với Tố Loan đã có Phu-lít-xtơn đảm nhiệm rồi.

*

* *

Phu-lít-xtơn cúi đầu như mặc niệm trước những tấm ảnh chụp xác Phạm Xuân Phòng đầu nát bét, chết thê thảm. Đợi Tố Loan hồi lại, hắn mới nói khẽ:

- Thưa cô, tôi xin thay mặt những người trí thức Hoa Kỳ, những người Hoa Kỳ tự do và nhân danh cá nhân, rất đau lòng chia buồn với cô! Nhưng sự thế đã rồi, lấy lại làm sao được!

Phu-lít-xtơn từ từ mở cặp, rút ra tập ảnh khác chụp rõ từng nét chữ lời khai cung của người nhà Phạm Xuân Phòng và người nông dân nhận mình là người của Việt Cộng đã giết Phạm Xuân Phòng:

- Xin mời cô xem tiếp những tài liệu này!

Tố Loan mặt càng tái nhợt, mười phút sau, cô mới giàn giụa nước mắt, ngập ngừng nói:

- Quân dã man! Không ngờ chúng tàn ác vô nhân đạo đến thế! Phải làm gì bây giờ? Giờ đây, tôi phải làm gì? Xin cảm ơn ông đã cho tôi biết rõ sự việc đau lòng này, xin cảm ơn về những lời chia buồn của ông... Thế là ngày nay tôi đã trở thành bơ vơ trên cõi đời đen bạc này!

- Không, thưa cô. Tôi rất thông cảm với tình cảm của cô. Một người con hiếu nghĩa, cô cần báo đáp công đức của cha mẹ mình. Mất đi những người thân thích nhất của gia đình, ai mà không đứt ruột, nát gan. Nhưng cô có hoàn toàn bơ vơ đâu. Bên cạnh cô, giờ đây có chúng tôi, có hàng triệu người Mỹ tự do, bác ái. Chúng tôi sẵn sàng mang hết sức mình ra giúp đỡ cô về mọi mặt.

Tố Loan lấy khăn tay ra lau nước mắt đang ròng ròng chảy xuống hai má. Phu-lít-xtơn nói tiếp:

- Trả thù rửa hận, tôi nghĩ đó là hành động duy nhất đúng của một người con có hiếu, của một người trí thức sáng suốt, có trí tuệ hơn người...

- Nhưng một người con gái trói gà không nổi như tôi thì làm gì được?

- Sức mạnh của con người là ở trí tuệ chứ đâu ở chân tay. Người Hoa Kỳ chúng tôi, kể về thể lực, thì không bằng bọn da đen ở châu Phi, thế mà với trí tuệ vô biên đã dùng năng lượng nguyên tử làm nghiêng hẳn thế giới và vũ trụ. Cô còn hơn nam giới ở một điểm rất mạnh nữa, là có sắc đẹp! Chỉ riêng sắc đẹp thôi cũng đã đủ làm nghiêng thành rồi! Một người khoẻ bằng voi mà lâm trận, giỏi lắm cũng chỉ hạ được hai, ba kẻ thù, nhưng nếu dùng mưu trí, thì có thể diệt được cả một đạo quân lớn. Tôi cho rằng cô có thể làm được những việc lớn, miễn là cô có quyết tâm: thấy cần phải hoàn thành nghĩa vụ đối với ông cụ thân sinh bị kẻ thù sát hại. Trước đây, cô đã tỏ ra vô cùng dũng cảm và thông minh đứng trong hàng ngũ đấu tranh của những người mà giờ đây cô mới thấy là kẻ thù của mình, thì nay, cũng với sự dũng cảm và thông minh ấy, nhất định cô sẽ thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh một mất, một còn với chúng, vừa trả được thù nhà, vừa đền được nợ nước. Còn Hoa Kỳ chúng tôi xin hứa sẽ giúp cô mọi phương tiện để tiêu diệt kẻ thù chung của chúng ta.

- Xin cảm ơn ông. Như vậy. linh hồn của cha tôi cũng được ngậm cười nơi chín suối.

Thưa cô, Đức giám mục Uy-ru-xi-a (49) ở Huế đã làm lễ rước linh hồn cụ lên thiên đàng rồi!

Phu-lít-xtơn đứng dậy, cúi đầu chào cáo biệt: "Hai hôm sau gặp lại". Trước khi bước lên xe hơi, hắn còn nói với một câu:

- Xin cô hãy tin tưởng vào sự giúp đỡ vô tư, khảng khái và vô cùng mạnh mẽ của chúng tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro