Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu

Giọng thơ nhè nhẹ mà man mác buồn, mở ra bức tranh về Tràng Giang, Huy Cận đã vô tình phác ra một cảnh sắc rất quen thuộc về một miền quê Việt Nam. Giữa dòng sông là những cồn đất nhỏ, xa xa, ven đôi bờ là âm thanh lao xao của xóm làng. Từ 'lơ thơ' không chỉ nói lên sự rời rạc, thưa thớt của những cồn đất, mà còn làm ta có cảm giác trên những cồn nhỏ ấy, là những hàng lau hàng sậy san sát khẽ lay dưới cơn gió mơn man: "Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em"

Cả làn gió đìu hiu kia nữa, một làn gió đầy tử khí, làn gió đìu hiu ấy ta không chỉ bắt gặp một lần trong thơ cổ, nào là thơ bà Huyện: "Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò", hay "Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê",... từ 'hiu' vốn là hiu hắt, là cô đơn... Từ đìu hiu như càng khắc sâu thêm nỗi buồn, câu thơ chùng xuống như một tiếng thở dài não nuột.

Nhà thơ liền vội vàng đi tìm một thứ âm thanh, một sự sống, nhưng càng tìm thì lại càng buồn.

"Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều" ...

Âm thanh mới nhỏ nhoi làm sao. Một câu thôi mà mang bao nhiêu sắc thái. 'Đâu' bật lên như một câu nghi vấn đầy hoang mang, cũng là 'đâu' khẳng định cho sự tịch lặng đang trùm lên dòng tràng giang. Nhà thơ chỉ mong mỏi một âm thanh của sự sống, nhưng ngay cả đến tiếng vãn chợ cũng thật mơ hồ, như có như không, sự cô độc lại như thêm chồng chất.

"Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng bến cô liêu"

Không gian của tràng giang đạt đến tận cùng. Câu trên là sự vô biên được mở ra ở chiều cao, câu dưới là bề rộng bát ngát. Hai động từ ngược hướng 'lên' và 'xuống' đem lại một cảm giác chuyển động rõ rệt, mở rộng không gian, và cả sự chia lìa, bởi giờ đây nắng và trời lại tách bạch ra với nhau. Tia nắng chiếu xuống mặt đất đến đâu, thì bầu trời lại như càng cao lên đến đó, một cảm giác như thể 'ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống'. Nhưng cái cao này lại được đánh giá bằng chữ 'sâu', và là 'sâu chót vót' – một sự xuất thần của hồn thơ. Ánh mắt tác giả không dừng lại ở đỉnh trời một cách thường tình để đo cao thấp mà nó như xuyên vào đáy vũ trụ để cảm nhận về chiều sâu. Thậm chí từ 'chót vót' còn gợi một sắc thái chưa hoàn tất, một không gian quá rộng lớn, quá bao la, một sự kết hợp giữa 'nắng xuống' và 'sông dài', giữa 'trời rộng' và 'trời lên'. Ta có thể thấy được rõ nét, trọn vẹn khung cảnh mà Huy Cận từng gửi gắm qua đề từ: 'Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài'. Không gian bao la làm con người cảm thấy choáng ngợp, càng thấy mình nhỏ bé, đơn côi. Nhà thơ gọi nơi mình đứng là 'bến cô liêu', cô liêu là cảnh, hay là chính trong lòng nhà thơ cũng đang có một 'bến cô liêu'?

Có người từng nói về Huy Cận: ' người lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não.', quả không sai


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro