Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ - 01229169933

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

"... để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi làm người lớn"

Thú thật, đã lâu rồi tôi không đọc lại bất kỳ quyển truyện nào của Nguyễn Nhật Ánh kể từ sau khi tôi tốt nghiệp lớp 12. Hồi còn đi học, không phải chỉ có mỗi tôi mà rất, rất nhiều những đứa bạn đồng trang lứa, đứa nào cũng đọc tất thảy những tập truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Ở truyện Nguyễn Nhật Ánh có điều chi đó trong trẻo, rất trong và đầy mơ mộng với bọn học trò như chúng tôi. Có thể kể đến Trại hoa vàng, Bàn có năm chỗ ngồi, Bong bóng lên trời, Cô gái đến từ hôm qua, Phòng trọ ba người...

Mặc dù Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ có mặt trên kệ sách từ rất lâu nhưng đến giờ tôi mới có dịp đọc. Nếu không có những ngày như hôm nay thì với tôi sẽ là rất thiếu sót khi không đọc quyển này. Tôi đã đọc một mạch, không ngừng nghỉ và tôi đã có một chuyến đi về tuổi thơ của mình, đầy thú vị, trong trẻo nhưng sau khi rời khỏi hành trình ấy khiến tôi cần suy ngẫm nhiều hơn về cuộc sống hiện tại, của một người - không - còn - là - trẻ - con về câu kết của quyển truyện này mà Nguyễn Nhật Ánh đã viết "... để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi làm người lớn".

Khi bạn cầm trên tay quyển sách này, nghĩa là bạn đang giữ một vé để đi về tuổi thơ của mình, bằng một con tàu có rất nhiều toa và chuyến tàu này sẽ chạy suốt dọc kí ức thơ ấu của mình. Có thể rằng, bạn không hề trải qua tuổi thơ như nhân vật tôi trong câu truyện này, nhưng ắt hẳn, tuổi thơ đó khiến tâm hồn bạn trong veo và tinh sạch hơn. Và nếu như bạn không hề có một tuổi thơ trọn vẹn, hay bạn nhỡ lãng quên mất tuổi thơ của chính mình thì tập truyện này sẽ đánh thức kí ức của bạn, đưa bạn về những xúc cảm đầy thú vị.

Có rất nhiều cảm xúc khi đọc, cười ngặt ngẽo, cười đồng cảm, có khi nũng nịu trách cha mẹ của mình như những đứa trẻ trong tập truyện, có khi cũng gật gù "Ờ, sao mà mấy đứa trẻ này giống mình vậy!". Mà ngay cả tác giả cũng đã viết thế này "Tôi viết sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em". Ai mà không trải qua tuổi thơ của mình để lớn lên, để rồi một ngày nào đó sẽ trở thành cha, thành mẹ của những đứa trẻ con của riêng mình... Vì vậy, tập truyện này như một luồng gió thổi rất nhẹ nhàng và yên ả mang đến cho người đọc.

Tôi không thể nhịn được cười phá lên khi đọc đến đoạn này, và với tôi, đoạn này thú vị nhất, đoạn những đứa trẻ chơi trò chơi vợ chồng (chắc vì hồi nhỏ tôi cũng hay chơi giống tụi nó, khác là, tôi chơi trò này với cô em gái họ, chứ không có bọn con trai trong đó như bọn trẻ trong truyện).

"- Học với chả hành! Mày giữ gìn tập vở sạch sẽ như thế này mày không sợ thầy cô bảo ba mẹ mày không biết dạy con hả, thằng kia?

Tôi bị mắng như tát nước vào mặt mà ruột nở từng khúc. Tôi không ngờ Hải cò là một ông bố tuyệt vời đến thế.

Tôi hân hoan nhận lỗi:

- Thưa ba, lần này con trót dại. Lần sau con không dám giữ gìn tập vở kĩ lưỡng như vậy nữa.

Tôi nói, và đảo mắt nhìn quanh, thấy đằng góc nhà con Tủn và con Tí sún đưa tay bụm miệng cố nén cười.

- Cái con nhóc sún răng kia! Cười cái gì! - Hải cò lừ mắt nhìn con Tí sún – Mày nấu cơm xong chưa mà đứng đó nhe răng sún ra cười hả?

Con Tí sún lễ phép:

- Dạ, con đã dọn cơm rồi. Mời ba mẹ và anh Hai ăn cơm.

- Mày có điên không vậy con! - Hải cò giơ hai tay lên trời - Đến giờ cơm là ngồi vô ăn, chỉ có kẻ không được giáo dục đến nơi đến chốn mới làm như vậy, hiểu chưa?

- Dạ, chưa hiểu. – Con Tí sún thật thà - Chứ kẻ có giáo dục thì đến giờ cơm họ làm gì hả ba?

- Họ đi chơi chứ làm gì. - Hải cò khoa tay như một diễn giả - Họ đi bơi, họ chơi bi-da, họ câu cá, họ chơi rượt bắt hoặc đánh nhau, nói chung họ có thể làm bất cứ chuyện gì để người khác phải đợi cơm, trừ cái chuyện hết sứ vô văn hóa là ngồi vô bàn ăn.

Con Tủn tỉnh bơ đế vô:

- Ba con nói đúng đó con. Chỉ có bọn hư hỏng mới ăn cơm đúng giờ thôi!"

... Chỉ có những cô cậu trẻ con trong tập truyện này mới tưởng tượng ra được làm bố mẹ thì phải để cho con làm thế này thế nọ. Và tôi tin rằng, tất cả những đứa trẻ trên thế gian này đều một lần muốn "cải cách" những tư tưởng mà "bố mẹ" chúng áp đặt lên cho chúng.

Trên chuyến tàu về tuổi thơ này, bạn sẽ còn bắt gặp rất nhiều hình ảnh mà ít ra bạn đã từng làm như thế, hoặc đã từng cực kỳ muốn làm như thế. Ví như:

- Là phiên tòa xét xử bố mẹ chúng này.

- Là những "cú cải cách" tên gọi trong cuộc sống hàng ngày khi bọn chúng đặt tên lại cả thế giới này, gọi "con chó" là "bàn ủi", "cái tay" thay vì "cái miệng",v.v... Và còn vô số những cái tên khác có thể khiến người đọc cười ngặt nghẽo.

- Là tình yêu của trẻ con, của một thằng nhóc 8 tuổi với đứa con gái bằng tuổi nó. Là những tin nhắn của hai người lớn yêu nhau thì thầm với nhau, cậu nhóc 8 tuổi có lần gửi tin nhắn rủ cô bạn gái của mình rằng "Chúng ta đi dạo một chút chăng? Buồn ơi là sầu.", hay, "Chúng ta lên giường một chút chăng? Buồn ơi là sầu."

Trẻ con là thế đấy, thế giới của chúng trong ngần, cả yêu, cả ghét, cả giận hờn cũng bằng cách của bọn chúng nhất. Chứ không bộn bề như người lớn, so đo, toan tính và hàng tá những điều nhì nhằng rắc rối khác...

Tôi còn muốn viết rất rất nhiều về hành trình ngược về tuổi thơ của mình bằng chiếc vé Nguyễn Nhật Ánh đã mang đến. Thế nhưng, người ta không thể thấy hấp dẫn với một câu chuyện kể bằng việc chính mình nhận lấy chiếc vé ấy và bắt đầu chuyến tàu của riêng mình từ một sân ga. Và tôi khuyên bạn rằng, bạn chỉ cần một hành trang duy nhất trên chuyến tàu ấy thôi, đó là những nụ cười veo trong như những giọt sương của buổi sớm mai rất đẹp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro