Khoảng lặng chói chang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa hè lại đến, mang theo cả tiếng ve râm ran và cái nắng gắt của một đất nước nhiệt đới. Tiếng trống tan trường vang lên, học sinh ùa ra nhà xe và cổng trường như một sự giải thoát. Tôi cũng vậy, lê những bước nặng nhọc về nhà để mong thoát khỏi cái nắng gắt đang đổ trên đỉnh đầu lúc này. Chúng tôi bước dưới sân trường, từng viên ghạch vuông như đang phản lại ánh chói chang của mặt trời. Cảm giác thật khó chịu, vừa mệt vừa đói, cái cảm giác nhơm nhớp mồ hôi trong người. Tôi ghét mùa hè.

Cổng trường trung học vẫn đông đúc như mọi ngày, cả một hàng xe đạp, xe đạp điện vẫn đang phải chờ đợi lão bảo vệ ra hiệu rồi mới dám ùa ra làn đường. Những học sinh đi bộ khác thì đứng bên vỉa hè ngoài trường để đợi xe đón hoặc đợi xe bus. Tôi nắm chặt quai balo, bước thật dứt khoát lên vỉa hè - nơi vốn dĩ lúc nào cũng đông đúc nhưng hôm nay lại có một thứ gì đó khác lạ so với bao ngày, một thân thể nhỏ bé đang ngồi co gối một mình, những người đứng quanh tránh xa tạo thành một khoảng trống nhỏ trên vỉa hè. Đó là một bà lão rách rưới, bà ta ngồi dưới một gốc cây, nhìn rõ lôi thôi, dưới chân là một cái nón rách rưới đựng những đồng tiền lẻ nhăn nhúm. Người bà lão gầy còm, đi chân đất, bàn tay nhăn nheo nhìn rõ cả những sợi gân xám xịt in hằn. Gương mặt với những chỗ da thịt bị trùng xuống, mồm thì bị móm nên lúc nào nhìn cũng như đang mím chặt, trông bà lão có sự khổ sở và đáng sợ đến kì lạ, chả ai muốn đến gần. Thấy tôi và con bạn đi qua, bà lão giơ cái nón rách lên như một phản xạ, con bạn thân tôi nhìn bà lão mà thương, móc móc túi quần rồi quay sang phía tôi tiếc nuối nói: " Chết mày ơi, tao hết sạch tiền lẻ rồi". Tôi lại nhìn về phía bà lão, bà lão không nhìn lên trên, đôi mắt híp chặt chỉ huơ huơ quanh phía đầu gối tôi:

- Thôi thôi về thôi mày, nắng lắm rồi.

Tôi nói rồi nhanh chóng tiếp tục bước những bước chân đều đặn dưới ánh nắng chói chang, con bạn thân cũng thế mà chạy theo, đuổi kịp tôi, nó trách tại sao lại không cho bà lão mấy đồng mà đã vội đi luôn.
Tôi đoán là mình cũng giống những học sinh xung quanh vỉa hè kia, thờ ơ với những gì mà mình thấy, và một chút suy nghĩ kiêu căng của tuổi trẻ. Tôi luôn coi thường những người nghèo khổ, và đặc biệt là ăn mày. Tôi thấy họ bần tiện, bẩn thỉu, và chính là nhân vật ông ba bị trong những câu chuyện dọa dẫm trẻ em ngày xưa.
Rồi cho đến tận sau này, tôi mới tự hỏi
thứ gì đã khiến lòng trắc ẩn của một nữ sinh trung học như tôi và tất cả các học sinh ngoài vỉa hè kia tàn nhẫn như vậy? Những câu chuyện chăng???

Về nhà, tôi rửa mặt mũi, một cảm giác mát lạnh xua tan mọi thứ mệt nhọc, mọi thứ trong đầu mình tan biến, xóa nhòa cả hình ảnh bà lão ăn xin. Không mang lại cảm giác tội lỗi gì... cho đến tận sáng hôm sau, tôi đoán có lẽ là định mệnh.
Mặt trời lên cao, một ngày mới bắt đầu, tôi lại đi đến trường cùng con bạn thân trên con đường quen thuộc. Bầu trời trong xanh, mới 6 rưỡi mà mặt trời đã bắt đầu tỏa những tia nắng đầu tiên xuống mặt đất, không gay gắt như buổi trưa, ánh nắng buổi sáng thật nhẹ dịu. Vừa đi ra khóm tre đầu làng, tôi gặp lại bà lão . Lần này lại khác, tôi liếc qua bà lão nhưng có một thứ gì đó tội lỗi nhói lên trong tim tôi. Bà lão chống gập bước những bước khập khễnh từ cái cổng bị phủ toàn lá cây dại bên cạnh ngay khóm tre đầu làng, hóa ra đằng sau khóm tre có nhà ở, chắc là nó nhỏ quá nên bao lâu qua tôi không biết. Bà lão nhỏ bé, lưng bị còng, đứng không cao được tới vai tôi, thấy tôi lại gần, bà lão cố ngước lên nhìn tôi rồi hỏi bằng chất giọng khản đặc, cái mồm móm mém:

- Con ơi, hôm nay thứ mấy rồi?

Tôi nhíu mày, nhưng vẫn nhìn thẳng vào đôi mắt đục ngầu đang nheo lại nhìn kia:

- Thứ hai ạ!

- Hả??
Bà lão nghiêng đầu, có lẽ bà không nghe thấy gì, tôi cố gắng nói to hết cỡ, bà chỉ nhìn vào miệng tôi mấp máy lời rồi cuối cùng hỏi lại:
- Thứ hai hả con?
Tôi gật đầu.
- Cảm ơn con nhiều.
Bà lão cười, vỗ vai tôi một cái rồi lủi thủi từng bước nhỏ đi ngược vào nhà. Tôi đã phải suy nghĩ một lúc lâu, tự nhận mình là một con người khá điềm tĩnh, tôi mơ hồ chắc chắn chả thứ gì đó có thể làm tôi thực sự ngạc nhiên hay hoảng loạn. Nhưng lần này, thực sự tôi đã thẫn thờ một lúc lâu, hình như... đó là nụ cười đẹp nhất mà tôi từng thấy, hai mắt bà híp lại hình cung, miệng cười để lộ hàm răng đen cùng nếp nhăn nơi khóe miệng. Bà bước vào nhà rồi, tôi vẫn đứng im phải chờ cái huých nhẹ từ con bạn thân rồi mới tỉnh lại đi tiếp. Nụ cười của bà lão đó... thật không hề giả tạo, thật chất phác, giản đơn. Hàm răng đen, những nếp nhăn, vết chân chim hơi khóe mắt nữa, trông nụ cười đó thật mong manh. Lần đầu trong đời, tôi thấy hối hận và muốn phủ nhận về nhân vật phản diện mà bản thân đảm nhiệm.

Mấy ngày sau, mỗi lúc đi học về, tôi đều liếc vào ngôi nhà nhỏ nhắn bị khuất lặng, hình như đồ đạc không nhiều, chỉ có cái vườn rau muống nhỏ có vẻ như được chăm sóc hàng ngày đều đặn, mảnh đất nhỏ vuông vắn mà dường như chứa chan cái gì lớn quá.

Tình cờ được con bạn cùng xóm kể, cuộc đời bà lão sống rất khổ, con cái đều biệt tung tích, chỉ có một mình sống hiu quạnh bao năm nay, quần quật làm việc, sức lại yếu, hồi đầu vẫn có người thỉnh thoảng cho bà nải chuối, bó rau. Nhưng dần dần, sự hiện diện của bà lão đã mờ nhạt trong mắt mọi người, chả ai nhớ rằng bà đã từng tồn tại, hơn nữa bà lão lại bị nặng tai, tôi đoán đó cũng là lí do chả ai muốn trò chuyện cùng bà, tự nhiên, tôi thấy bà rất giống nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn " Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long mà tôi đã được học. Cô đơn, lẻ loi, thèm được nói chuyện, thèm được để ý...

Tan trường, tôi từ tốn bước trên vỉa hè ngoài trường, đảo mắt để tìm bóng dáng nhỏ bé cùng chiếc nón rách rưới nhưng không thấy. Một cảm giác hụt hẫng nhẹ, đặc biệt là đối với tính cách của tôi, thật kì lạ khi tôi lại chờ đợi và tìm kiếm một người lạ mặt như vậy. Thật không giống tôi chút nào. Cùng với sự hụt hẫng, tôi bước đi dưới ánh nắng chói chang, tưởng chừng chả thể gặp được bà lão ăn xin nữa thì một bóng người xa xa đội chiếc nón rách rưới thân thuộc làm tôi bừng tỉnh, tôi bước về phía đó mặc dù không biết bước tiếp theo mình sẽ phải làm gì, làm thế nào, và tại sao mình lại phải làm vậy. Đó là bà lão ăn xin, bà đang ngồi ở vệ đường bên kia, bên dưới chân bà lão là một cái bạt nhỏ, để hai bó rau muống cong queo và một nải chuối xanh nhỏ Tôi đến gần, bóng của tôi đổ xuống thân hình nhỏ bé của bà lão. Bà không ngước lên, chỉ nhìn ngang đầu gối tôi rồi lại bằng chất giọng run rẩy khản đục, bà nói:

- Mua gì giúp bà đi con.

Tôi im lặng, không biết nói gì, dường như miệng đã đóng băng giữ cái thời tiết nóng 37 độ này. Cho đến khi con bạn thân đằng sau gọi với:

- Mày bị sao thế? Đi nhanh quá đấy.

Tôi không trả lời con bạn thân, ngồi xổm xuống, nhìn vào đôi mắt đục ngầu của bà lão, nói từng tiếng thật chậm để đảm bảo nếu bà không nghe thấy thì có thể nhìn vào khẩu hình của tôi để hiểu:

- Vậy... CON...MUA...HẾT!!!

- Con mua hết hả?

Bà lão hiểu được. Tôi gật đầu, bà lão run rẩy tìm cái túi bóng rồi đựng hai bó rau muống cùng nải chuối xanh vào. Tôi đưa tất cả cho con bạn thân xách, không để bà lão kịp nói giá tiền, tôi đưa cho bà một tờ polime 100 nghìn, đồng tiền không hề to, nhưng lại khiến bà lão giật mình ngước đầu lên nhìn tôi lắp bắp, mái tóc bạc trắng xòa vài ngọn tóc bết dính mồ hôi trước trán bà lão.

- Cám ơn bà!!!

Tôi cười, cúi đầu chào rồi cùng con bạn thân đi thẳng, để bà lão run lẩy bẩy dưới ánh nắng trưa hè cùng cái bạt nhỏ giờ trống không.

- Này, mày lạ lắm nha, mày có chuyện gì với bà lão đấy à?

Con bạn thân tò mò hỏi tôi, đúng vậy, tôi chả có chuyện gì với bà lão đó, nhưng tại sao tôi lại làm những việc mà chính bản thân mình không hiểu nổi. Thật nực cười, tôi cười nhẹ một cái, rồi cũng chả hiểu tại sao mình lại trả lời như vậy:

- Bà lão đó... là một kiệt tác mày không thấy sao?

Tôi đoán là tôi đã làm đúng thứ gì đó, bởi vì tâm trạng hiện giờ của tôi là rất nhẹ nhõm. Mùa hè năm nay thật đẹp, thâm tâm tôi mỉm cười. Chả phải rất tuyệt khi nhìn thấy một ai đó đang cố gắng hết mình vì những ngày mà mình đang sống sao? Cho dù cuộc sống có bỏ đi nữa, nhưng "ai đó" vẫn vùng lên và cho nó biết ai mới là chủ nhân thực sự. Sự cố gắng đó... cần được đền đáp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro