KHỔNG TỬ TINH HOA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sống trên đời, chúng ta khó tránh khỏi những việc gây hối tiếc và thất vọng. Có thể ta thiếu sức mạnh để  thay đổi những điều đó, nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi được chính thái độ của ta khi đối mặt với những trở ngại ấy.


   Trong suốt một đời chúng ta tồn tại trên hành tinh này, làm sao cuộc sống của ta có thể thoát khỏi những hối tiếc, nỗi thất vọng? Trong cuộc sống, chúng ta luôn nhận thấy có điều này hay điều khác không diễn ra như mình mong muốn.


  Có nhiều sự việc trong cuộc đời xảy ra không như những gì ta mong muốn. Đôi khi, chúng ta vô lý và không công bằng. Có thể chúng ta không thể thay đổi chúng, nhưng chúng ta có thể thay đổi tình cảm và thái độ của riêng mình đối với chúng. Nếu nhìn nhận sự việc theo cách này, ta có thể nói rằng người ta có thể nhìn thấy mọi điều trong chính tâm hồn của họ.


Câu chuyện sau đây của Tô Thức (nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống) và hòa thượng Phật Ấn sẽ cho thấy điều ấy.

  Một ngày nọ, Tô Thức và lão hòa thượng ngồi đàm đạo.

   Tô Thức hỏi: '' Này nhìn xem tôi giống ai?''.

   Lão hòa thượng đáp: '' Trông anh giống như một ông Phật''.

   Tô Thức nghe thấy thế, ông cười lăn cười bò và nói với lão hòa thượng rằng: '' Còn ông biết tôi nghĩ ông giống cái gì không? Giống như một đống phân bò''.

  Lão hòa thượng không những không giận gì cả mà còn cười.

  Tô Thức về nhà, huyênh hoang điều này với Tô tiểu muội.

   Cô em gái chỉ cười nhạt và nói với anh rằng: ''Làm sao mà anh có thể nói chuyện với sự hiểu biết thấp đến thế? Anh biết những vị chân tu thường quan tâm gì nhất không? Đó là về việc nhìn thấy tâm hồn và bản chất của mọi việc. Lão hòa thượng nói anh giống như Đức Phật, điều đó cho thấy rằng Phật luôn hiện hữu trong tâm của ông ấy, vì thế bất cứ điều gì ông ta thấy cũng giống như Phật cả. Còn anh lại nói ông ta giống như một đống phân bò, vậy hãy thử hình dung trong tâm anh là gì nào?''.


  Điều này có ý nghĩa với mỗi một người chúng ta. Hãy nghĩ xem: chúng ta đều cùng sống chung trên một hành tinh, nhưng một số người sống một cuộc sống ấm áp, hạnh phúc, trong khi những người khác thì rên rỉ, than vãn suốt ngày. Cuộc sống của chúng ta có thực sự khác nhau đến vậy không?

  Thực sự, cuộc đời trong mắt chúng ta cũng giống như một nửa chai rượu. Một người bi quan hẳn sẽ nói rằng: ''Tệ quá! Chai rượu ngon gì mà chỉ còn có nửa chai!'', trong khi một người lạc quan sẽ nói rằng: ''Tuyệt làm sao! Một chai rượu ngon đến thế này mà còn cả nửa chai!''. Sự khác nhau duy nhất là ở thái độ của chúng ta.

  Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, đây là thời điểm quan trọng hơn lúc nào hết trong lịch sử để duy trì một trạng thái tinh thần tích cực.


   Chúng ta nghe lời Khổng Tử: ''Bậc quân tử bao giờ trong bụng cũng thản nhiên lông lộng, tiểu nhân bao giờ trong bụng cũng âu lo ngay ngáy''. Điều này có nghĩa: tinh thần của người quân tử luôn bình thản, vững vàng và dũng cảm, sự thanh thản và hạnh phúc của họ đến một cách tự nhiên từ bên trong; trái lại, điều bạn thấy nơi kẻ tiểu nhân là một bộ mã bên ngoài của thái độ ngạo mạn và tự cho mình quan trọng; bởi vì tinh thần của họ bao giờ cũng âu lo trước mọi việc, chẳng lúc nào yên.


   Khổng Tử từng nói rằng: ''Người có nhân, chẳng bao giờ lo rầu; có trí, chẳng bao giờ lầm lạc; có dũng, chẳng bao giờ sợ sệt.'' Nhưng Khổng Tử rất khiêm nhường. Ông nói rằng ba việc đó - không bao giờ lo rầu, không bao giờ lầm lạc và không bao giờ sợ sệt - là những điều mà chính ông cũng chưa bao giờ thấy mình đạt đến được.


   Khi chúng ta nói ''Người có Nhân thì chẳng bao giờ lo rầu'', nghĩa là gì?

  Có nghĩa là, người nào đó có một trái tim vĩ đại, tràn đầy lòng Nhân và có đức hạnh, tức có tấm lòng khoan dung và độ lượng, người ấy sẽ không bao giờ để tâm đến những chuyện nhỏ và không nổi xung lên vì chúng. Vì thế, người ấy có thể tránh được việc tranh giành những món lợi và những thất bại nhỏ nhoi. Chỉ duy có loại người này mới có thể thực sự đạt đến sự yên bình nội tâm và thoát khỏi những nghi ngờ, sợ hãi.

   Khi chúng ta nói ''Người có Trí thì không bao giờ lầm lạc'', nghĩa là gì?

  Năm mươi năm trước, có lẽ hầu hết người TQ cả đời chỉ làm duy nhất một loại công việc, hầu như không ai nghe đến chuyện ly dị và họ có thể sống vui vẻ trong cùng một mảnh sân nhỏ từ thời trẻ đến khi già. Điều khiến người ta phiền lòng là cuộc đời họ dễ đoán trước và họ biết họ có ít lựa chọn đến như thế nào.

  Nhưng ngày nay, chúng ta đều phiền lòng không phải vì không có lựa chọn mà là có quá nhiều lựa chọn. Những trở ngại và rối loạn, bất an xuất hiện vì xã hội của chúng ta phát triển quá nhanh và cuộc sống của chúng ta quá sung túc đủ đầy.

   Chúng ta không thể tác động gì lên thế giới bên ngoài; tất cả những gì chúng ta có thể làm là cải thiện năng lực lựa chọn của chính mình. Khi chúng ta biết cách đưa các lựa chọn như thế nào, biết cách chấp thuận hoặc bác bỏ các vấn đề, những lo âu và bực bội cũng sẽ không còn nữa. Đây là điều mà Khổng Tử có ý nói qua câu ''Người có Trí thì không bao giờ lầm lạc''.


   Còn khi ta nói ''Người có dũng thì không bao giờ sợ sệt'', nghĩa là gì?

  Chúng ta có thể nói một cách dễ hiểu rằng: ''Khi hai người khỏe mạnh đấm đá nhau, thì người dũng cảm nhất sẽ luôn thắng''. Hay nói khác đi, khi bạn có đủ lòng dũng cảm và kiên trì, bạn sẽ có đủ sức mạnh để vươn mình lên phía trước, khi đó bạn sẽ không còn sợ sệt nữa.


   Khi một người quân tử chân chính đạt được đức Nhân - Trí - Dũng trong nội tâm, hẳn nhiên tất cả những lo âu, do dự và sợ sệt của họ sẽ tan biến đi.


   Một trái tim và một tâm hồn mạnh mẽ có thể bù đắp cho cả những hối tiếc không thể tránh khỏi và những lỗi lầm lẽ ra bạn có thể tránh được trong đời; đồng thời, nó có thể mang lại cho bạn sự tập trung vào mục tiêu, giúp bạn nâng cao tinh thần và để bạn sống một cuộc sống trọn vẹn nhất, hiệu quả nhất hết mức có thể.

(sưu tầm.)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#quy