khu kinh te dac biet

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (gọi chung là khu công nghiệp) là mô hình phát triển kinh tế hết sức quan trọng. Điều này đã được khẳng định trong các văn bản quan trọng của nhà nước Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Đại hội Đảng và trong cả mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Do vậy, tìm hiểu khái niệm và đặc điểm của khu công nghiệp nói chung thông qua đó giúp chúng ta phân biệt được các loại hình khu công nghiệp đó với nhau là điều rất cần thiết.

I.       Đặc điểm pháp lý của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế

1.      Khu công nghiêp

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì khái niệm KCN được hiểu là: “khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ”. (Khoản 20 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2005).

Từ khái niệm này ta có thể rút ra những đặc điểm pháp lý của KCN là:

Về không gian, KCN là khu vực có ranh giới xác định, phân biệt với các vùng, lãnh thổ khác và không có dân cư sinh sống. Về mặt địa lý, các KCN đều được xác định ranh giới một cách cụ thể, phân biệt với vùng, lãnh thổ khác bằng hàng rào KCN. Sự phân định ranh giới đó thể hiện rõ ràng trong quyết định thành lập KCN. Sự phân định ranh giới này còn là điều kiện để xác định quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN và phân biệt với các doanh nghiệp khác. Mọi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bên trong hàng rào đó, không chỉ được điều chỉnh bởi quy định pháp luật hiện hành mà còn phải tuân thủ quy chế pháp lý riêng và được hưởng rất nhiều ưu đãi. Việc quy định KCN không có dân cư sinh sống tạo điều kiện để các công ty phát triển hạ tầng thực hiện triệt để việc bảo vệ môi trường và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.

Về chức năng hoạt động, KCN là khu vực chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Trong KCN không thể có hoạt động sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp và các dịch vụ phục vụ cho các loại hình sản xuất này.

Về cơ cấu tổ chức, KCN có thể có khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất. Khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất này có ranh giới địa lý xác định, phân biệt với các khu vực còn lại của KCN và áp dụng theo quy chế riêng. Quy định này tạo điều kiện đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp trong hoạt động của KCN, đồng thời đẩy mạnh hoạt động trong xuất khẩu trong KCN.

Về thành lập, KCN là khu vực có điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, được thành lập theo quy định của Chính phủ, điều này cho ta thấy yếu tố nhà nước trong sự hình thành và hoạt động của KCN, tạo điều kiện thuận lợi cho KCN phát triển. Chính vì vậy, việc đầu tư thành lập và phát triển các KCN phải được Nhà nước xem xét, thẩm định kĩ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thành lập trên những địa bàn cụ thể tránh tình trạng các địa phương đua nhau thành lập KCN mà không tính đến yếu tố hiệu quả và hợp lý.

2.      Khu chế xuất

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, KCX được hiểu là “KCN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định được thành lập theo quy định của Chính phủ”. (Khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư 2005).

Từ khái niệm trên, ta có thể rút ra được đặc điểm pháp lý của KCX:

Về bản chất, KCX là một loại hình KCN vì thế nó cũng mang những đặc điểm của KCN như có ranh giới địa lý xác định và không có dân cư sinh sống. KCX chuyên sản xuất công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được thành lập theo quy định của Chính phủ và hoạt động theo quy chế riêng.

Về không gian, KCX có ranh giới địa lý xác định, ranh giới địa lý của KCX được coi là ranh giới hải quan, thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này tạo điều kiện để thực hiện hoạt động quản lý nhà nước đối với hình thức này, mặt khác cũng là cơ sở để thực hiện các chính sách ưu đãi cho KCX nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Hơn nữa, việc xác định ranh giới của KCX có tâm quan trong trong quản lý hàng hóa vào KCX và doanh nghiệp chế xuất.

Về mục tiêu hoạt động, các doanh nghiệp trong KCX chuyên sản xuất hàng xuất khẩu hoặc thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nếu như doanh nghiệp trong KCX có thể tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước hoặc thị trường khu vực và thế giới điều này tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, khai thác thị trường khu vực và quốc tế.

3.      Khu công nghệ cao

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khu công nghệ cao được hiểu là “khu chuyên nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ”.(khoản 22 Điều 2 Luật Đầu tư 2005).

Từ khái niệm trên, ta rút ra được các đặc điểm pháp lý của KCNC là:

Về tính chất, KCNC là khu kinh tế - kĩ thuật đa chức năng, chức năng của KCNC có thể là sản xuất hàng công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm công nghệ cao, đào tạo nhân lực, ươm doanh nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, khu hành chính và khu dân cư cũng được thành lập tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế kĩ thuật của KCNC và phù hợp với loại hình kinh tế đặc biệt quy mô lớn.

Về chức năng kinh tế - kỹ thuật, các hoạt động kinh tế kĩ thuật, đào tạo,... của khu công nghiệp cao đều liên quan đến công nghệ cao, bao gồm: sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, nghiên cứu – phát triển và ứng dụng công nghệ cao…Đây là đặc điểm phân biệt KCNC với KCN, KCX.

Về thành lập và tổ chức hoạt động, KCNC được thành lập theo quy định của Chính phủ, có ranh giới đại lý xác định và hoạt động theo quy chế pháp lý do Chính phủ quy định.

4.      Khu kinh tế

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì khái niệm KKT được hiểu là “khu vực có không gian kinh tế riêng biệt với môi trường đầu tư và kinh doanh, đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư, có ranh giới địa lý xác định, được xác định theo quy định của Chính phủ”. (khoản 23 Điều 3 Luật Đầu tư 2005).

Từ khái niệm trên ta có thể rút ra được những đặc điểm của KKT là:

Về không gian thành lập, KKT được thành lập trên cơ sở diện tích đất tự nhiên rất rộng lớn, có tính đặc biệt về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi.

Về quy hoạch tổng thể, KKT được chia làm hai khu vực thuế quan và khu vực phi thuế quan. Khu vực thuế quan có ranh giới địa lý xác định, được ngăn cách bằng hàng rào cứng với khu vực xung quanh không có dân cư sinh sống. Các hoạt động trong khu phi thuế quan bao gồm: sản xuất hàng xuất khẩu, hàng phục vụ tại chỗ, thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, xúc tiến thương mại và các hoạt động thương mại khác. Hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào khu vực phi thuế quan hoặc từ khu vực phi thuế quan xuất khẩu ra nước ngoài không thuộc diện phải nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Trong khu thuế quan có các KCN, KCX, khu giải trí đặc biệt, hàng hóa vào khu thuế quan phải tuân thủ các quy định về xuất nhập khẩu nhưng được áp dụng những thủ tục hải quan thuận lợi.

Về lĩnh vực đầu tư, KKT cho phép đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nhưng có mục tiêu trọng tâm phù hợp với từng KKT được thành lập ở mỗi địa bàn khác nhau.

II.    Phân biệt khu chế xuất và khu công nghiệp; khu công nghiệp và khu kinh tế

1. Phân biệt khu chế xuất và khu công nghiêp

Tiêu chí phân biệt

Khu chế xuất

Khu công nghiệp

- Mục đích thành lập

KCX được thành lập để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

KCN được thành lập nhằm mục đích thu hút vốn đầu tư từ cả trong và ngoài nước.

- Ranh giới địa lý

Ranh giới địa lý của KCX là biên giới hải quan, thuế quan của một nước.

Ranh giới địa lý của KCN là sự xác định mốc giới phân biệt với các lãnh thổ khác bằng hệ thống hàng rào.

- Cơ cấu, tổ chức

KCX bao gồm các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu.

KCN bao gồm các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.

- Chức năng, hoạt động

Chức năng hoạt động của KCX là sản xuất hàng xuất khẩu và thực hiện các dịch vụ cho hàng xuất khẩu.

Chức năng của KCN là sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp.

2. Phân biệt khu công nghiệp và khu kinh tế

Tiêu chí phân biệt

Khu công nghiệp

Khu kinh tế

- Cơ sở hạ tầng

KCN được thành lập trên cơ sở có sự giải phóng mặt bằng, thiết kế và xây dựng mới theo quy hoạch.

KKT được xây dựng trên cơ sở một diện tích đất tự nhiên, đã tồn tại sẵn các điều kiện nhất định về địa lý, dân cư.

- Lĩnh vực đầu tư

Lĩnh vực đầu tư chủ yếu của KCN là sản xuất công nghiệp và dịch vụ phục vụ cho sản xuất công nghiệp; trong KCN không có các hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các dịch vụ phục vụ cho các loại hình sản xuất này.

Phạm vi đầu tư của KKT rộng hơn. KKT đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng có mục tiêu trọng tâm phù hợp với từng khu kinh tế thành lập ở mỗi địa bản khác nhau.

- Vấn đề dân cư

Nhằm mục đích bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam quy định không được phép xây dựng các khu dân cư trong các KCN  được thành lập theo quy hoạch.

KKT có thể xem là một mô hình đặc biệt, với quy mô lớn (không chỉ tập trung phất triển công nghệp hay chế biến xuất khẩu)  và có ranh giới địa lý xác định nhưng lại không tách biệt với khu dân cư.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro