Khủng hoảng chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khủng hoảng chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông

Từ những ngày đầu tiên của năm 2011 đến nay, tại các nước Bắc Phi và Trung Đông đã diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và cực kỳ phức tạp. Từ Tuy-ni-di, An-giê-ri đến Ai-cập, Y-ê-men, Gioóc-đa-ni và nhiều nước khác, làn sóng biểu tình chống Chính phủ và Tổng thống ngày càng lan rộng, lôi kéo hàng chục vạn, thậm chí hàng triệu người tham gia, kéo dài hàng tuần lễ liền. Tuy mỗi nước có những tình tiết khác nhau nhưng tất cả các cuộc biểu tình đó có những tính chất chung và cục diện chính trị, kinh tế, xã hội tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông đang thay đổi rất mau lẹ và sâu sắc.

Nguyên nhân cơ bản và cốt lõi của cuộc khủng hoảng chính trị này rất đa dạng và phức tạp nhưng tập trung nhất là sự bất bình của nhân dân đối với bộ máy cầm quyền: Tổng thống mất lòng dân, nạn tham nhũng lộng hành; mất dân chủ trầm trọng; sự tha hóa của bộ máy cầm quyền; gia đình trị và tham quyền cố vị... Chẳng hạn Tổng thống Tuy-ni-di nắm quyền liên tục 23 năm qua 4 cuộc bầu cử mà lần nào cũng thắng cử tuyệt đối(!), Tổng thống Ai-cập nắm quyền 31 năm, Y-ê-men là 23 năm, An-giê-ri là 3 nhiệm kỳ liền. Đã thế khi già yếu thì nhiều vị lại lăm le trao quyền lãnh đạo đất nước cho con dù tất cả đều theo chế độ cộng hoà. Cũng cần nhấn mạnh là các nước này không gặp khó khăn về kinh tế nhưng nhân dân bất bình vì hệ thống chính trị trì trệ và mất dân chủ. Điều đó cho thấy chỉ phát triển kinh tế là chưa đủ mà cần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, quan tâm đến công bằng xã hội và thực thi dân chủ thực sự...

Phải nhận rằng, trong ba thập niên vừa qua, nhất là 20 năm kể từ sự kiện Liên Xô tan rã, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ những năm 1990 của thế kỷ trước, trong khi tại châu Âu và các châu lục khác cục diện chính trị có sự điều chỉnh lớn thì tại Bắc Phi, Trung Đông, hầu như không có sự biến động về ý thức hệ chính trị-tư tưởng. Vốn là các nước chậm hoặc đang phát triển, từng chịu ách nô lệ thực dân hàng thế kỷ, nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông đã đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do và chủ quyền dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của các lực lượng yêu nước, dân tộc, trong đó có những nhân vật tài năng và tầm ảnh hưởng rộng lớn, nhiều nước đã đạt được những thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn Tuy-ni-di, đất nước có hơn 10 triệu dân, chỉ trong thời gian ngắn đã vươn lên thành một nước phát triển bậc nhất châu Phi với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, hoàn hảo, tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện, gần ngang bằng với các nước phát triển trung bình ở Nam Âu. Nhưng do quá say sưa và tự mãn với thành quả đã đạt được, nhà cầm quyền Tuy-ni-di đã ngày càng dấn sâu vào con đường xa rời nhân dân, tham nhũng lộng hành, gia đình trị dựa trên mô hình nhà nước cảnh sát.

Do không phải lo đối phó với sự đe dọa của bên ngoài nên có điều kiện tập trung nhân tài vật lực cho bộ máy cầm quyền, trong đó cảnh sát được ưu tiên hàng đầu, đã lấn lướt quân đội và dần thành kiêu binh. Mâu thuẫn xã hội âm ỉ đã lâu như thùng nước sôi bị đậy nắp thì xảy ra sự việc anh thanh niên Mô-ha-mét Ba-da-đi, 28 tuổi bán hoa quả rong ở trung tâm thủ đô Tuy-nít bị cảnh sát thu giữ đã tẩm xăng tự thiêu, làm thổi bùng sự phẫn nộ của quần chúng. Hàng chục nghìn người dân Tuy-nít và vùng phụ cận đã tập trung biểu tình, bị cảnh sát đàn áp, nhiều người đã chạy vào các doanh trại quân đội, được quân đội cưu mang.

Liên tiếp những ngày sau đó, cuộc biểu tình ngày càng lớn, không chỉ ở thủ đô mà lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác, khiến Tổng thống Ben A-li phải chạy ra nước ngoài lánh nạn và hàng loạt quan chức cấp cao cũng xa chạy cao bay. Tình hình Tuy-ni-di diễn biến mau lẹ, đất nước này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mà vấn đề cấp bách và trọng yếu nhất là sự chuyển giao quyền lực cần được tiến hành trong trật tự để tránh gây ra sự đổ vỡ chính trị.

Tại Ai-cập, đất nước đông dân nhất của Bắc Phi và Trung Đông (hơn 80 triệu dân) là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại với kỳ quan Kim tự tháp, biểu tượng rực rỡ bậc nhất của nền văn hóa cổ đại. Tổng thống Mu-ba-rắc, 83 tuổi, nắm quyền từ năm 1980, đã có công lao to lớn trong việc ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Ai-cập trong thế giới A-rập, trong phong trào liên kết, trong các tổ chức quốc tế và khu vực. Tuy nhiên do nắm quyền quá lâu và càng về cuối càng có biểu hiện độc đoán chuyên quyền và gia đình trị, ông Mu-ba-rắc đã bất chấp hiến pháp và luật pháp, bổ nhiệm nhiều người thân tín, trong đó có con trai mình vào các vị trí rất cao của bộ máy công quyền, trong khi vẫn cố níu kéo chiếc ghế quyền lực tối thượng dù tuổi đã rất cao, gây bất bình không chỉ trong dân chúng mà cả trong quan chức cấp cao... Người dân đã nổi dậy với yêu sách duy nhất là đòi Tổng thống từ chức. Sử dụng quân đội để trấn áp biểu tình nhưng quân đội đã giữ thái độ trung lập và ngày càng ngả sang phía quần chúng. Dù đã chịu xuống thang là đáp ứng hầu hết các yêu sách của người biểu tình và hứa không ra tái tranh cử Tổng thống vào tháng 9-2011, nhưng lực lượng đối lập không chấp nhận đã gia tăng sức ép bằng các cuộc biểu tình của hàng trăm nghìn người ở quảng trường trung tâm thủ đô, bao vây nhiều cơ quan của Phủ tổng thống và Chính phủ. Cực chẳng đã, Tổng thống Mu-ba-rắc phải tuyên bố từ chức, cùng gia đình chạy đi lánh nạn ở một khu dinh thự riêng cách rất xa thủ đô. Lực lượng quân đội Ai-cập đã nắm quyền lãnh đạo đất nước trong khi chờ một cuộc bầu cử mới để bầu ra một Tổng thống mới.

Cùng với Tuy-ni-di và Ai cập thì các nước An-giê-ri, Y-ê-men, Gioóc-đa-ni... cũng nổ ra làn sóng bạo động chính trị lôi kéo hàng chục vạn người tham gia.

Thế giới quan ngại sâu sắc về những diễn biến chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông vì có thể gây ra phản ứng dây chuyền, gây hậu quả nghiêm trọng khó lường.

Không phải ngẫu nhiên, Tổng thống và Thủ tướng các cường quốc Mỹ, Nga, Đức, Anh, Pháp... đều ra tuyên bố về các cuộc khủng hoảng chính trị này. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cho rằng Tổng thống Ai-cập từ chức đã đáp ứng nguyện vọng và lợi ích nhân dân. Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma thì cảnh báo tình hình Ai-cập còn diễn biến phức tạp và Ai-cập phải đối mặt với những khó khăn ở phía trước. Cũng cần ghi nhận là các cuộc khủng hoảng chính trị này nguyên nhân nội tại là chủ yếu, diễn ra bằng các cuộc biểu tình của quần chúng, bộ máy cảnh sát và quân đội không dám thẳng tay đàn áp và do đó thương vong không lớn. Mặt khác các sự kiện này cũng chưa tác động đến tiến trình hoà bình Trung Đông liên quan đến I-xra-en và Pa-le-xtin.

Dù ở rất xa Bắc Phi và Trung Đông, nhân dân Việt Nam cũng rất quan tâm theo dõi mọi diễn biến, bày tỏ sự thông cảm với nhân dân các nước này và mong muốn các cuộc khủng hoảng chính trị sẽ chấm dứt, cải cách chính trị, kinh tế cần diễn ra trong hòa bình, các lực lượng chính trị xã hội đối thoại thiện chí xây dựng, mong muốn Chính phủ các nước này ổn định được tình hình và nếu có sự chuyển giao quyền lực phải diễn ra trong trật tự, đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.

Theo dõi những sự kiện chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, các nhà quan sát quốc tế nhận định: Đây chỉ là những bước khởi đầu và tình hình còn diễn biến phức tạp, cần thời gian dài mới có thể đi vào ổn định.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#duocphar