Chiều tối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


CHIỀU TỐI

Đề bài: Phân tích Chiều tối để làm rõ nét cổ điển và hiện đại trong thơ HCM

I. Mở bài

- C1: Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do

Trong cuộc đời mình, chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà thơ, một nhà văn. Khát vọng lớn nhất của người là độc lập tự do cho dân tộc. Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành. Nhưng vì sự nghiệp cách mạng, người đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn chương đồ sộ. "Nhật kí trong tù" là tập thơ được sáng tác từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943 trong thời gian Bác bị giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác ở 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Sau 42 ngày đêm bị hành hạ khốn khổ mà không được xét xử, Bác bị giải đi Thiên Bảo. Trong chặng đường từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo, người sáng tác 5 bài thơ. "Mộ" là bài thứ 3 trong chặng đường ấy. Bài thơ là bức tranh đẹp về cảnh thiên nhiên đồng thời tiêu biểu cho phong cách cổ điển mà hiện đại của Nhật kí trong tù.

- C2: Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

Ánh đèn toả rạng mái đầu xanh

Vần thơ Bác - vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình

(Hoàng Trung Thông)

Những vần thơ vừa giàu chất thép, thấm đẫm chất tình là nét đặc sắc của "Nhật kí trong tù". Tập thơ được sáng tác.....

- C3:

Một ngày tù nghìn thu ở ngoài

Lời nói người xưa đâu có sai

(Hồ Chí Minh)

Trong hoàn cảnh tù ngục, con người thường cảm nhận nhiều về thời gian. Từ mùa xuân năm 1942 đến mùa xuân năm 1943 khi bị bắt giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, HCM đã để lại 1 kiệt tác văn học xuất sắc: "Ngục trung nhật kí". Nhật kí trong tù có hàng chục bài thơ viết về thời gian: Tảo, Tảo tình, Tảo giải, Ngọ, Ngọ hậu, Vãn, Vãn cảnh, Mộ, Thu dạ... "Chiều tối" là bài số 31 trong Nhật kí trong tù. Bài thơ được gợi cảm hứng trên đường Bác bị giải đi từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo...

II. Thân bài

1. Hai câu đầu

- Nhan đề bài thơ là "Chiều tối" nhưng thời gian được tái hiện qua không gian:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

- Bức tranh thiên nhiên được phác hoạ bằng vài nét chấm phá – chim bay về tổ, mây chầm chậm trôi – đây là cách cảm nhận thời gian mang tính truyền thống.

- Trong thế giới thẩm mĩ cổ điển phương Đông nói chung, hình ảnh cánh chim về rừng ít nhiều có ý nghĩa biểu tượng diễn tả cảnh chiều – "Phi yến thu lâm", "Quyện điểu quy lâm" là những cụm từ thường gặp trong thơ chữ Hán. Trong thơ tiếng Việt, những hình ảnh ấy cũng rất quen thuộc. Ca dao xưa đã từng lấy cánh chim làm dấu hiệu báo thời gian: "Chim bay về núi tối rồi". Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng từng diễn tả buổi chiều qua hình ảnh: "Chim hôm thoi thóp về rừng". Bà Huyện Thanh Quan cũg không bỏ qua hình ảnh: "Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi". Dường như không có nét vờn vẽ cánh chim xa xa, bức tranh chưa rõ cảnh chiều.

- Ngay từ câu thơ đầu tiên, phong vị cổ thi trong thơ Bác đã khá đậm nét. Nét phác hoạ thứ 2 trong bức tranh cũng thật thi vị: "Chòm mây lẻ trôi lững lờ trên tầng không". Bản dịch thơ chưa đạt bỏ qua chữ "cô" không dịch, hai chữ điệp âm "mạn mạn" được dịch là "nhẹ". Trong tiếng Việt, chữ "cô" thường kết hợp với tiếng khác tạo thành 1 từ mới mà ý nghĩa lẻ loi, đơn độc có phần đậm hơn khi đứng trong hệ thống từ vựng Hán ngữ - "Cô đơn", "cô độc", "cô quạnh", "thân cô thế cô". Trong thơ Bác chữ "cô" vốn không nhiều nhưng bỏ đi sẽ làm mờ nhạt màu sắc Đường thi của bài thơ.

- "Mạn mạn" là từ láy âm đặc biệt, thường xuất hiện với mật độ cao trong thơ Đường cũng như những từ "du du", "xứ xứ", "man man". Trong Nhật kí trong tù, thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp những từ láy này. Câu thơ dịch vì thế cũng giảm bớt màu sắc cổ điển – điều đó khó tránh được với việc dịch thơ.

- Thi nhân xưa thường lấy động tả tĩnh, lấy chậm tả nhanh, dùng điểm vẽ diện, mượn sáng nói tối. Điều đó cũng in dấu trong bài thơ. Bác cảm nhận không gian bao la, yên tĩnh trong chiều muộn của núi rừng qua hình ảnh chòm mây lẻ loi đang chầm chậm lơ lửng ngang qua bầu trời. Chắc hẳn bầu trời nơi đây phải thoáng đãng, cao rộng, trong trẻo mới làm nổi bật hình ảnh chòm mây như vậy. Cảnh trời chiều thật thi vị, bình dị, thân quen. Chòm mây trong thơ Bác không phảh là áng mây trắng ngàn năm phiêu diêu giữa bầu trời mênh mang nhuộm ý vị triết học siêu hình mang nỗi khắc khoải mơ hồ như trong thơ Thôi Hiệu.

Đằng sau bức tranh chiều tà, ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn thi nhân – người chiến sĩ cách mạng của thời đại. Trong tranh xưa và thơ xưa, cánh chim thường chỉ là một chi tiết thuần tuý có ý nghĩa thẩm mĩ, một nét nên thơ nên hoạ cần thiết thêm vào để gợi tả cảnh chiều. Nhưng khi ngẫm kĩ, đọc kĩ có thể cảm nhận cảm giác về sự xa xăm, chia lìa lẻ loi trong những nét chấm phá đơn sơ ấy.

- Nhà thơ Hoàng Trung Thông khi đọc "Chiều tối" đã liên tưởng đến thơ của Liễu Tông Nguyên đời Đường: "Thiên sơn điểu phi tuyệt/ Vạn kính nhân tông diệt" .Nhiều người cũng thường nhớ tới bài "Độc toạ Kính Đình sơn" (Lý Bạch) "Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn" . Cả hai bài thơ đều là những nét chấm phá cổ điển gợi cảnh không gian bao la với những cánh chim bay cao, bay mãi vào khoảng không vô tận, thi nhân nhìn theo cánh chim mất hút để cảm cái mênh mông vô cùng, vô tận của đất trời.

- Trong bài "Chiều tối", dường như Bác không chỉ cảm nhận với con mắt người nghệ sĩ mà còn cả tấm lòng yêu thương đối với biểu hiện của sự sống. Cánh chim kia không "cao phi tận", "phi tuyệt" bay vào chốn hư vô mà là cánh chim về rừng tìm cây ngủ. Câu thơ có 7 chữ thì có 4 động từ chỉ hành động: Quyện, quy, tầm, túc – đường bay có đích tới cụ thể. Câu thơ của Bác đưa cánh chim từ cõi hư không siêu hình trở về với hiện thực đời sống hàng ngày.

- Ta cũng cảm nhận sự tương đồng giữa cảnh ngộ và tâm trạng. Cánh chim mệt mỏi cũng giống như người tù đang mỏi mệt lê bước trên đường đi đày không biết đâu là chặng nghỉ qua đêm. Chòm mây như có hồn, mang nỗi cô đơn của con người. Bầu trời có chim, có mây nhưng thấm đẫm cảnh chia lìa lẻ loi. Không gian mang đầy tâm trạng, cảnh buồn, người buồn.

- Nhưng trong nỗi buồn chiều muộn còn có cả khát vọng tự do và tình yêu thương dành cho sự sống trên đời. Trong hoàn cảnh có khi phải trải qua "53 cây số một ngày/ Áo mũ dầm mưa rách hết giầy", người vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên. Bức tranh thiên nhiên đâu chỉ là rung cảm của người nghệ sĩ mà còn thể hiện bản lĩnh phi thường của người chiến sĩ cách mạng biết vượt qua thử thách khắc nghiệt và tinh thần lạc quan kì diệu.

2. Hai câu sau

- Tái hiện được quá trình vận động của không gian, thời gian, tứ thơ chuyển bất ngờ mà vẫn tự nhiên. Thiên nhiên như một tấm phông nền làm nổi bật hình tượng trung tâm:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng)

- Con người được đặt vào vị trí trung tâm của bức tranh. Câu thơ giản dị - một lời trần thuật đơn giản, "Một thông báo bình thường trong khẩu ngữ hàng ngày, không miêu tả, thậm chí dùng cả tiếng nói địa phương (Bao túc nghĩa là ngô – tiếng Quảng Tây)" (Nguyễn Hoành Khung). Đó là điều mà phong cách trang trọng của thơ ca cổ điển nói chung và thơ Đường nói riêng rất kị.

- Tứ thơ chuyển từ dáng dấp cổ điển của Đường thi sang bút pháp hiện thực rất gần với thơ, văn xuôi hiện đại. Thơ Hồ Chí Minh thường có sự chuyển đổi linh hoạt như vậy, nhưng những câu thơ giản dị ấy lại đem đến sức hấp dẫn riêng cho bài thơ.

- Phải chăng hai tiếng "thiếu nữ" đã bao hàm sắc thái trẻ trung đầy sức sống. Bản dịch thơ – "Sơn thôn thiếu nữ" thành "Cô em xóm núi" đã làm mất đi giọng điệu trang trọng của nguyên tác, cái nhìn trân trọng của nhân vật trữ tình với người lao động.

- Đó cũng là một quan niệm nhân sinh cao đẹp của Hồ Chí Minh. Trong hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh cũng gắn bó với cuộc sống con người nơi trần thế, đặc biệt là cuộc sống của nhân dân lao động. Điệp ngữ "ma bao túc" nối liền dòng thơ thứ 3 với dòng thơ thứ 4 góp phần diễn tả vòng quay liên tục, đều đặn của động tác xay ngô. Nhịp 4-3 chấm dứt cho sự vận động, công việc kết thúc, lò than đã rực hồng.

- Ánh lửa hồng nóng ấm xuất hiện bất ngờ toả sáng vào đêm tối. Tài hoa của Hồ Chí Minh là tả cảnh chiều tối mà không dùng chữ tối – dùng ánh lửa hồng để diễn tả bóng tối. Khi mặt trời tắt hẳn, núi rừng mịt mù như một lẽ tự nhiên, người ta chỉ nhìn thấy nơi đâu có ánh sáng – nghệ thuật là ở đó – nghệ thuật mà rất tự nhiên. Bản dịch thơ thêm chữ tối không sai về nghĩa nhưng làm mất đi sự hàm súc sâu xa – "Ý tại ngôn ngoại". Cùng với sự thay đổi của không gian là sự thay đổi của thời gian. Thời gian trôi dần theo những cánh chim và làn mây, theo những vòng quay của cối xay ngô. Bài thơ kết lại với chữ "hồng" mang sức nặng biểu cảm tạo nên dư vị ngân vang - "lô dĩ hồng". Hình tượng trong bài thơ vận động khoẻ khoắn, bất ngờ từ bóng tối đến ánh sáng. Đây là khuynh hướng phổ biến trong thơ Hồ Chí Minh. Trong "Nhật kí trong tù", tứ thơ luôn vận động theo chiều hướng lạc quan, từ mưa đến nắng, từ khổ đến vui - "Hết mưa là nắng hửng lên thôi/ Hết khổ là vui vốn lẽ đời", từ đêm tối đến ánh bình minh "Gà gáy một lần đêm chửa tan" "Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng", từ bóng tối đến ánh sáng. Trong cảnh chiều muộn, tưởng chỉ có hoàng hôn lạnh lẽo nhưng ánh sáng rực lên xua đi cái giá lạnh. Trong hoàn cảnh sau một ngày đường vất vả, đi thì sớm, đường thì xa, trước mặt lại là một xó nhà tù đầy muỗi rệp, con người dễ có cảm giác mệt mỏi. Đã thế cảnh chiều tối và núi rừng đâu đó trên đất Quảng Tây dễ gợi nỗi sầu xứ tha hương vậy mà ta vẫn cảm nhận được một niềm vui bình dị, ấm áp, lạc quan trong tâm hồn người tù xa xứ. Phải chăng buồn vui sướng khổ của HCM không xuất phát từ cảnh ngộ riêng mà gắn với nhân dân và nhân loại. Tấm lòng nhân đạo lớn đã đạt đến mức quên mình.

III. Kết bài

"Mộ" không chỉ là bức tranh thiên nhiên đẹp về cảnh chiều tối nơi vùng rừng núi ở Trung Quốc mà còn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, tấm lòng yêu thương trân trọng, nâng niu sự sống, luôn hướng về tương lai, ánh sáng của HCM. Bài thơ mang vẻ đẹp cổ điển mà cũng rất hiện đại, giản dị mà vẫn bay bổng, giàu sức gợi. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng bày tỏ cảm xúc: "Nhớ Bác hiểu mùi hoa mộc/ Làn hương đạm ấy sao nồng". "Làn hương đạm ấy" là con người, là cốt cách Hồ Chí Minh.


4.3;�83���~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro