Kim Binh Mai 21

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi 66

Bận Rộn Và Nhớ Thương

Đến ngày hai mươi tám tháng chín, Ngô Đạo quan tại miếu Ngọc Hoàng cùng đạo chúng mười người tới nhà Tây Môn Khánh lập đàn chay trước linh cữu, tụng kinh cúng tế, lại đem tới nhiều lễ vật hậu hĩ. Việc tế lễ rình rang trọng thể không sao kể xiết.

Cuộc tế lễ xong xuôi. Tây Môn Khánh vái tạ nói:

- Để sư phụ phải tốn kém mất công như thế này, thật không lấy gì báo đáp.

Ngô Đạo quan nói:

- Quan nhân dạy như thế chỉ khiến bần đạo thêm hổ thẹn, đáng lẽ là phải tổ chức trai đàn lớn hơn nữa để tụng kinh siêu thác cho phu nhân, nhưng hiềm lực bạc nên chỉ làm được như thế này mà thôi, gọi là biểu lộ cái tấm lòng của bần đạo.

Tây Môn Khánh đặt tiệc chay khoản đãi Ngô đạo quan và đạo chúng.

Hôm sau, Hàn thư phu tới tế lễ. Sau đó thì em trai của Ngọc Lâu là Mạnh Duệ, đi buôn bán xa, về nhà nghe tin Tây Môn Khánh có tang, nên cũng tới tế lễ, đem theo nhiều lễ vật.Tây Môn Khánh đáp lễ xong, dẫn Mạnh Duệ vào gặp Ngọc lâu, rồi mời ra ngoài dự tiệc.

Trưa hôm đó Lý Tri huyện, Tiền huyện thừa, Nhiệm Chủ bạ,Hạ Điển sử cùng Địch Tri huyện tại huyện Dương Cốc và năm bảy quan chức khác mặc tang phục tới điếu tang. Tây Môn Khánh sai dọn tiệc lớn khoản đãi,có Ngô Đại cữu và Ôn tú tài phụ việc thù tiếp. Cạnh tiệc có ba ca công đàn hát. Nói vài câu chuyện nữa thì Hoàng Chủ sự đứng dậy cáo từ.

Tây Môn Khánh khẩn khoản lưu giữ, nhưng Hoàng Chủ sự từ chối nói:

- Tôi phải tới Liễu Đường lão tiên sinh, lão tiên sinh năm xưa từng làm huyện lệnh tại vùng tôi, người con lại cùng đậu một khoa hương thí với tôi, người con đó hiệu là Lưỡng Tuyền.

Tây Môn Khánh vội nói:

- Tôi quả không biết đại quan cùng Lưỡng Tuyền là chỗ thân tình, Lưỡng Tuyền và tôi cũng là chỗ tương giao.

Hoàng Chủ sự vái chào rồi bước ra. Tây Môn Khánh tiễn chân mà dặn:

- Phiền đại quan nhắt giùm với Tống Chủ sự là gần tới ngày thì xin cho người báo trước cho tôi biết để còn kịp chuẩn bị.

Hoàng Chủ sự đáp:

- Xin quan nhân cứ yên tâm, gần tới ngày, chắc chắn là Tống Chủ sự sẽ thông báo để quan nhân rõ. Tuy nhiên quan nhân cũng chẳng nên làm rình rang xa xỉ quá.

Tây Môn Khánh đáp:

- Thưa vâng.

Nói xong tiễn ra tới cổng. Hoàng Chủ sự lên ngựa mà đi,quân hầu la hét dẹp đường ầm ỹ một vùng.

Trong này, đám quan chức địa phương đang ăn uống, nghe tin Hoàng Chủ sự tới thì tự nhiên im lặng, không dám nói lớn,lại gọi gia nhân quân hầu, bảo đem hết ngựa và kiệu dẹp qua một bên. Tây Môn Khánh tiễn Hoàng chủ sự ra về rồi vào bàn tiệc kể lại chuyện Tống Tuần án nhờ Hoàng Chủ sự tới nói về việc nghênh tiếp Lục Hoàng Thái úy. Đám quan lại nghe xong đều lo lắng sợ hãi mà bảo:

- Đây là chuyện quan trọng mà khổ cực lắm. Quan Khâm sai tới đây là làm khổ cho cả quan dân trong khắp châu huyện. Mọi sự việc đều lo, quan lại tất nhiên phải bổ vào đầu dân, dân lại càng khổ cực hơn nữa. Bây giờ thì chỉ còn trông cậy ở Tây Môn Khánh Đại quan nhân đây làm sao dùng lời nói khéo mà bớt được phiền nhiễu cho cả quan dân trong hạt mà thôi.

Sau đó bữa tiệc đang vui bỗng trở thành nhạt nhẽo, các quan nói thêm vài ba câu chuyện rồi kéo nhau đứng dậy cáo từ.

Hôm sau thì Đạo Kiên trưởng lão ở chùa Vĩnh Phúc dẫn mười sáu vị tăng tới tụng niệm, vị nào cũng mặc cà sa vân cẩm rất trang trọng.

Đến ngày mồng tám tháng mười, các vị tăng của chùa Bảo Khánh ở phía tây ngoại thành tới tụng kinh. Hôm đó Tây Môn Khánh cùng Từ tiên sinh đi làm lễ phá thổ, chọn nơi đào huyệt. Đến tối thì các vị tăng của chùa Bảo Khánh ra về.

Hôm sau Tây Môn Khánh cho dựng tạm một căn nhà gần nơi đào huyệt, bày tiệc lớn ở đó để khoản đãi khách khứa tới coi và đám nhà tai mắt ở vùng phụ cận. Đến tối tiệc mới tan.

Ngày mười một làm lễ từ linh, thân bằng quyến thuộc khắp nơi tụ lại dâng hương đất vàng, lớn bé trong nhà lại khóc lóc một hồi, sau đó là tiệc rượu và hát tuồng.

Hôm sau mười hai là ngày đưa đám, từ sáng sớm, các phường bát âm, các tăng sĩ đạo sĩ đã tề tựu đông đủ. Tây Môn Khánh nói với Chu Thủ Bị phái cho năm chục tên quân với đầy đủ ngựa và cung tên giáo mác, mười tên được ở lại coi nhà, còn bốn mươi tên sẽ chia làm hai cánh tả hữu dẹp đường cho đám tang đi. Lại lấy hai chục quân hầu trong nha môn để phục dịch sai bảo, hai chục tên nữa túc trực tại nơi an táng. Hôm đó quan lại bằng hữu thân quyến tới đưa đám, xe ngựa kiệu cờ chật ních đường xá, dân chúng không qua lại được. Quân hầu gia nhân ra vào như nước, la hét ầm ỹ. Chỉ tính riêng trong gia đình thân quyến số kiệu cũng lên tới trên một trăm cỗ. Các ca nữ thuộc các nhà hát trong huyện cũng dùng tới mấy chục cỗ kiệu.

Tây Môn Khánh và Nguyệt nương mệt nhoài vì phải sắp đặt đám tang. Từ tiên sinh nhất định giờ khởi hành là giờ Thìn.

Tuyết Nga và hai sư bà ở nhà coi nhà. Bình An và hai tên quân giữ cổng trước.

Một cỗ đòn gồm sáu mươi tư phu đòn khiêng cực kỳ lộng lẩy, vĩ đại được chọn để đem linh cữu. Lúc chuyển quan, các vị tâng tụng kinh rầm rĩ. Hôm đó trời đẹp, không khí yên tĩnh trong sáng. Đám tang bắt đầu tiến ra đường thì cả huyện đã biết rõ những đường nào đám tang sẽ đi qua. Già trẻ bé lớn, trùng trùng điệp điệp chen chúc nhau mà coi, bàn tán huyên náo cả huyện.

Đám tang khởi hành vào lúc mặt trời đã lên được mấy con sào, đi đầu là quân lính cưỡi ngựa, cung tên giáo mác đằng đằng, la hét dẹp đường ầm ỹ, rồi chiêng trống vang lừng, đinh tai nhức óc, minh tinh là một giải lụa bạch dài tới chín thước, viết chữ đại tự. Sau minh tinh là mười sáu đạo sĩ mặt mày thanh tú, người nào cũng mặc đạo bào mới. Tiếp đó là một hòa thượng mập mạp dẫn đầu hai mươi bốn vị tăng, người nào cũng mặc cà sa vân cẩm. Đi sau là linh xa, kết toàn bằng gấm vóc châu ngọc. Rồi tới một hàng dài toàn những cờ phướn viết chữ vàng chữ bạc, những đối trướng đủ màu sắc, huy hoàng chói lọi át cả ánh mặt trời.Linh cữu đặt trên cỗ đòn sáu mươi tư phu đòn khiêng trên vai, trên cỗ đòn là cái nhà táng vĩ đại, sơn son thiếp vàng, mành loan rèm phụng, châu giắt ngọc đeo. Ngay sau cỗ đòn là mười mấy cỗ đại kiệu của Nguyệt nương và gia đình. Tây Môn Khánh khăn xô áo gai cùng thân quyến đàn ông đi phía sau. Tiếp đó là một rừng người đưa đám, gồm các quan lại trong phủ huyện, các nhà tai mắt, những người quen biết và và lân lý xóm giềng. Kiệu xe người ngựa chật ních mặt đường, kéo dài cả mấy dặm. Hai bênh đường là những rừng người đứng coi.

Đám tang tới gần miếu Ngọc Hoàng thì Ngô Đạo quan ra làm lễ nghênh tân. Ngô Đạo quan đội khăn Cửu dương lôi, mặc áo đại hồng ngũ thái, chân đi dép đỏ, tay cầm hốt ngà, nghênh tiếp linh cữu tới cổng Miếu, nơi đây hương án được bày la liệt.Đám tang dừng lại Ngô Đạo quan làm lễ nghênh cữu, đứng trước hương án cao giọng đọc rằng:

- Cung duy cố Cẩm y Tây Môn Thất nhân Lý thị phi linh,hưởng dương hai mươi bảy tuổi, sinh giờ Ngọ ngày rằm tháng giêng năm Tân Mùi, khứ thế vào giờ Sửu ngày mười bảy tháng chín năm Chính Hòa thứ bảy. Phu nhân là dòng dõi danh gia, tư chất thông mình, bẩm sinh đã nghi dung kiều mỹ như huệ,như lan. Đức thì như uyển, tính lại ôn hòa. Khi về với họ Tây Môn thì trong khuê khổn rõ ra hiền thục, cung cầm sắc huyên hòa, hạnh phúc không sao kể xiết. Ngỡ là hưởng phúc bách niên,nào hay lỡ làng duyên kiếp, than ôi, trăng đẹp đã khuyết,vật lý khó toàn, thọ yểu có số. Nay thì xe kiệu tiễn đưa, chồng hiền ưu sầu theo cạnh, thân bằng quyến thuộc tiễn đưa tình ly biệt nói sao cho xiết, ngày tháng qua đi nhưng lòng thương tiếc chẳng bao giờ phai nhạt. Nay mới biết cuộc đời như cánh bướm trong giấc mộng Trang Chu, muôn vạn cũng là không, hồn phách về chốn hư vô, nhưng chân dung một bức còn để lại cho người người chiêm ngưỡng.

Ngô Đạo quan đọc xong, lên kiệu mà đi trước, đám tang tiếp tục di chuyển ra cổng thành phía nam. Năm bảy phường bát âm thi nhau tấu nhạc rầm rĩ. Ra tới ngoại thành, thân hữu dìu Tây Môn Khánh lên ngựa. Đi được chừng năm dặm thì thấy Trương đoàn luyện dẫn hai trăm quân hầu, cùng Lưu, Tiết hai vị thái giám đứng đợi ở một nơi cao, trương cờ quạt đối trướng,cho cử nhạc vang lừng, chiêng trống ồn ào mà nghênh tiếp linh cữu Đám tang tạm dừng lại chốc lát để hai thái giám Lưu, Tiết và Trương Đoàn luyện làm lễ rồi lại tiếp tục đi, vừa đi vừa đốt vàng giấy, khói bay mù mịt suốt dọc đường.

Tới địa điểm an táng thì vừa giờ Tỵ, Từ tiên sinh làm lễ tế thổ thần để chuẩn bị hạ huyệt. Quan lại và thân bằng quyến thuộc đốt vàng mã mù mịt,rồi tranh nhau tới rót rượu phân ưu với Tây Môn Khánh. Các dàn nhạc thi nhau tấu nhạc, huyên náo một vùng.

Kế đó là lễ hạ huyệt, tiếng khóc vang lên, Tây Môn Khánh vật mình lăn khóc, nhào xuống huyệt mà ôm lấy quan tài. Mọi người xúm vào khuyên giải.

Khung cảnh ồn ào náo loạn cho đến khi lấp đất xong.

Lễ an táng chấm dứt, kế đó là lễ hồi linh. Nguyệt nương ngồi trong hồn kiệu, ôm bài vị và giữ cờ thần chủ hồn phan.Kinh Tế thì đi theo linh sàng. Âm nhạc lại tấu lên, các đạo sĩ trung sĩ đi dọc hai bên thi nhau tụng kinh ầm ỹ. Đoàn người đông đảo kéo nhau vào thành. Đi xung quanh Tây Môn Khánh có Ngô Đại cữu, Ngô Nhị cữu, Hoa Đại cữu, Trầm Di phu, Mạnh Nhị cữu, Ứng Bá Tước, Tạ Hy Đại, Ôn tú tài và các quản lý thân bằng quyến thuộc cưỡi ngựa, ngồi kiệu, ngồi xe đi sau.

Tới cổng nhà, làm lễ đốt vàng rồi mới tiến vào. Từ tiên sinh đứng ra làm lễ rước bài vị vào bàn thờ đặt trong phòng Nhị Thư. Sau đó làm lễ dán bùa khắp nơi trong nhà. Công việc xong xuôi, Tây Môn Khánh tặng Từ tiên sinh năm lạng bạc và một xấp lụa. Từ tiên sinh cảm tạ ra về. Đám quân hầu phục dịch cũng ra về sau khi đã được thưởng tiền. Đám quân binh của phủ Thủ bị được thưởng năm xâu tiền. Đám quân binh của nha môn được thưởng năm xâu tiền. Đám quân binh của doanh Đoàn luyện được thưởng mười xâu tiền. Tây Môn Khánh lại sai viết thiếp cảm tạ Chu Thủ bị, Trương Đoàn luyện và Hạ Đề hình về việc phái quân binh tới phục dịch.

Sau đó Tây Môn Khánh muốn lưu giữ Ngô Đại cữu, Kiều Đại hộ và các thân bằng quyến thuộc dể khoản đãi, nhưng mọi người đều từ chối, cáo từ ra về.

Lai Bảo vào hỏi:

- Bây giờ công việc đã xong xuôi, các rạp được dựng lên, bây giờ xin cho rỡ đi.

Tây Môn Khánh bảo:

- Chưa vội, cứ để đó còn tiếp đãi Tống Lão gia, sau đó cho rỡ đi cũng vừa.

Trong nhà trong, đám khách đàn bà gồm Hoa Đại nương, Kiều Đại nương và mọi người còn khóc lóc trước bài vị một hồi, rồi ngồi uống trà nói chuyện một lúc mới cáo từ.

Tây Môn Khánh cảm thấy nhớ thương Bình Nhi cực độ, bèn vào phòng Bình Nhi xem xét cách bài trí, để định nghỉ đêm tại đó, làm bạn với bài vị. Trong phòng linh sàng được đặt ở giữa, bức đại chân dung treo một bên bức hình bán thân treo một bên. Trên linh sàng bày những xiêm y và đồ trang sức của Bình Nhi, bên dưới là một đôi hài thêu bông sen vàng nhỏ xíu. Trên bàn thờ đèn nhang lung linh, các đồ thờ được bày biện đầy đủ.

Tối hôm đó Tây Môn Khánh sai Nghênh Xuân dọn giường ngủ trong phòng Bình Nhi. Ngồi vào giường, Tây Môn Khánh chỉ khóc lóc than thở, tơ tưởng đến Bình Nhi. Bên trong là ngọn đèn leo lét trước bài vị, bên ngoài là ánh trăng tà lạnh lẽo. Tây Môn Khánh đau buồn trằn trọc suốt đêm không hề chợp mắt.

Hôm sau, buổi sáng cúng trà, buổi trưa cúng cơm, Tây Môn Khánh đều đích thân đứng coi a hoàn bày biện, rồi bước tới làm lễ cúng trà cúng cơm. Tây Môn Khánh khóc lóc khấn vái, rồi cầm đủa lên mời:

- Nàng dùng miếng cơm quả trứng.

Cử chỉ chân thành như là đối với Bình Nhi lúc còn sống. Đám a hoàn cũ của Bình Nhi thấy vậy xúc động che mặt khóc lóc không thôi. Nhũ mẫu Như ý ngày đêm túc trực lo việc nhang đèn thờ phụng.

Hôm sau, Tây Môn Khánh lại cho mời thân bằng quyến thuộc tới dự tiệc để cảm tạ. Bữa tiệc đến tối mới vãn khách khứa ra về, Tây Môn Khánh say mèm, vào phòng Bình Nhi, bảo Nghênh Xuân dọn giường ngủ.

Đến đêm, Tây Môn Khánh gọi Nghênh Xuân đem trà uống,nhưng không thấy Nghênh Xuân thưa, chỉ thấy Như ý đem trà lên. Như ý thấy chăn đắp của Tây Môn Khánh rơi xuống chân giường, bèn kéo lên đắp cho chủ. Tây Môn Khánh bảo:

- Lúc nương nương ngươi còn sống, có nói với ta là ngươi nguyện xin ở lại đây chứ không muốn ra ngoài có thật như vậy chăng?

Như Ý ứa nước mắt đáp:

- Thật chứ sao không. Xin gia gia thương tình mà xét cho,tôi thân đàn bà chồng không có, con thì chết, họ hàng thân thích chẳng có một ai, bây giờ tôi biết nương tựa vào đâu, tôi chỉ còn xin gia gia cho tôi được hầu hạ trong nhà để sống qua ngày mà thôi.

Tây Môn Khánh bảo:

- Vậy cũng được.

Như ý nói:

- Nếu gia gia đã vì Lục nương mà thương xót giùm tôi, thì xin cho tôi hầu hạ trong nhà, gia gia sai tôi làm việc gì cũng được.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu vậy thì ngươi lo việc giường chiếu cho ta.

Như Ý mừng lắm, ngay đêm đó săn sóc giấc ngủ chủ thập phần chu đáo, chăn gối mùng màn rất tề chỉnh sạch sẽ. Tây Môn Khánh hài lòng lắm.

Sáng sớm hôm sau, Tây Môn Khánh vừa thức giấc, ngồi dậy chưa kịp quơ chân xuống đất đã thấy Như ý cầm dép xỏ vào chân, rồi cuộn dẹp chăn gối, dọn giường, quét nhà, mọi việc đều kỹ lưỡng đàng hoàng, Nghênh Xuân không phải mó tay vào việc gì cả.

Tây Môn Khánh lấy ra bốn cây trâm bạc cũ của Bình Nhi thưởng cho, Như ý vội sụp lạy tạ ơn.

Nghênh Xuân thấy Như ý được thâu dụng thì nể lắm, hai người trở nên thân mật gấp mấy ngày trước. Như Ý thì từ khi biết là được chủ yêu quý thì trong lòng sinh ra kiêu ngạo, coi thường mọi người, ngày ngày trang điểm công phu, ăn mặc đẹp đẽ nhan sắc gia tăng gấp bội, thường cười nói không giữ gìn.

Tất cả những chuyện đó đều không lọt qua cặp mắt theo dõi của Kim Liên.

Một hôm, vào buổi sáng, Tây Môn Khánh đang trò chuyện cùng Bá Tước trên đại sảnh thì gia nhân vào báo:

- Tống ngự sử sai người đem một bộ đồ uống rượu tới để mừng Hoàng Thái úy, gồm hai bình đựng rượu bằng vàng, hai chung bằng vàng lớn, mười chung nhỏ bằng bạc, bốn cái bát lớn bằng bạc, bốn cái bát nhỏ bằng vàng, hai xấp lụa đại hồng, hai xấp đoạn kim tuyến, và hai con dê. Đồng thời xin báo là thuyền của Thái úy hiện đã tới Đông Xương, gia gia nên chuẩn bị tiệc rượu, đúng ngày mười tám thì nghênh tiếp Thái úy.

Nói xong dẫn gia nhân của Tống ngự sử vào.Tây Môn Khánh thâu nhận lễ vật, thưởng một lạng bạc cho người đem lễ vật rồi cho về. Sau đó soạn tiền bạc, gọi Lai Hưng và Bôn Tứ đến để bàn định việc làm tiệc.

Công việc bàn định xong xuôi, Tây Môn Khánh quay sang nói với Bá Tước:

- Kể từ ngày ca nhi tôi lâm bệnh rồi qua đời, đến Lục nương tôi lâm bệnh rồi quy tiên, và đến bây giờ, tôi không một ngày được rảnh rang, lúc nào trong lòng cũng lo âu bận rộn. Bây giờ tang ma vừa xong thì lại gặp chuyện này, thật tôi mệt mỏi chán nản quá.

Bá Tước bảo:

- Chuyện này đại ca cũng chẳng nên than phiền oán trách gì,người ta đã không lo nổi nên mới làm rộn đến đại ca. Nay đại ca chịu mệt nhọc tốn kém chút ít, nhưng từ nay về sau, quan khâm sai đại Thần Điện tiền Thái úy còn phải đến nhà này ăn uống, thì thử hỏi các đại quan khác như tuần phủ, tuần án lại không vì nể mà đua nhau tới làm thân với gia gia hay sao?

Tây Môn Khánh nói:

- Đã đành rằng vậy, chúng tôi cứ tưởng là phải ngoài hai mươi, nào ngờ lại là ngày mười tám, như vậy vội vàng cấp bách quá. Ngày đó tôi lại nhờ Ngô Đạo quan lập đàn tế lễ cho Lục nương, tiền bạc đã đưa cả rồi, làm sao hoãn đến ngày khác được. Chẳng lẽ hôm đó lại không có tôi trong cuộc tế lễ hay sao.

Bá Tước bảo:

- Chuyện đó cũng dễ giải quyết, tôi tính thế này, ngày mười tám, đại ca cứ cho bày tiệc, rồi đến ngày hai mươi đại ca cho làm lễ niệm kinh cũng được chứ gì, hoãn lại hai ngày cũng không muộn.

Tây Môn Khánh gật đầu:

- Nhị ca nói đúng, để tôi phải sai người tới bảo Ngô Đạo quan sửa lại ngày làm lễ mới được.

Bá trước lại nói: .

- Tôi còn chuyện này muốn nói với đại ca xem đại ca tính sao. Hoàng Chân nhân ở Đông Kinh được triều đại sai đi Thái An châu để mua ngự hương, hiện Hoàng Chân nhân còn tạm trú tại miếu Ngọc Hoàng, đại ca sao không nhân đó nhờ Ngô Đạo quan mời Hoàng Chân nhân đứng ra làm lễ cho Lục tẩu, có phải được tiếng hơn không?

Tây Môn Khánh bảo:

- Ngô Đạo quan với tôi là chỗ thân tình cố cựu, việc gì cũng nhờ cậy, nhất là trong việc tang ma vừa rồi, tôi nhờ cậy Ngô Đạo quan nhiều lắm. Bây giờ có Hoàng Chân nhân, mình lại không nhờ tới Ngô Đạo quan thì e không tiện, rồi về sau khó ăn khó nói.

Bá Tước nói:

-Tôi không nói là làm tổn thương hay thiệt hại gì tới Ngô Đạo quan, chỉ riêng ngôi chủ tế thì mời Hoàng Chân nhân để lấy tiếng, như vậy có phải rạng rỡ cho vong linh Lục tẩu không.

Tây Môn Khánh thấy Bá Tước nói đúng, bèn gọi Kính Tế,sai viết thiếp gói năm lạng bạc, rồi dặn:

- Đem tới miếu Ngọc Hoàng nhờ Ngô Đạo quan mời Hoàng Chân nhân làm chủ tế trong ngày hai mươi sắp tới, nói rằng cần hai mươi bốn đạo sĩ tụng kinh trong một ngày một đêm.

Lại sai Đại An cưỡi ngựa cùng đi. Kính Tế và Đại An cầm thiếp và bạc đi ngay.

Lát sau Bá Tước ra về, Tây Môn Khánh vào phòng Nguyệt nương, thấy vợ Bôn Tứ đem một quả lễ vật tới, vì đứa con gái lớn đã có người tới làm lễ hỏi, Tây Môn Khánh hỏi:

- Kết thân với nhà nào vậy?

Vợ Bôn Tứ không đáp, chỉ gọi con gái ra lạy chào Tây Môn Khánh. Đứa con gái mặt mũi cũng dễ coi, mình mặc áo đoạn đại hồng và cái quần hoàng yến. Nguyệt nương nghe chồng hỏi thì đáp:

- Tôi cũng không biết, nhưng đám này là do gia nhân của Hạ đại nhân mai mối, đám hỏi vừa làm hôm qua, và ngày hai mươi bốn này thì làm đám cưới. Nhà gái chỉ được có hai chục lạng bạc, nhưng nghe nói là thằng nhỏ cũng mới mười sáu mười bảy tuổi gì đó, mà hiền lành ngoan ngoãn lắm.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu là gia nhân của Hạ đề hình thì tốt rồi.

Nói xong bảo Nguyệt nương dọn tiệc khoản đãi vợ con Bôn Tứ. Đám tiểu thiếp và Đại Thư cũng có mặt chung vui. Lúc vợ con Bôn Tứ cáo từ ra về, Nguyệt nương tặng cho con gái Bôn Tứ một lạng bạc và một bộ quần áo lụa. Đám tiểu thiếp cũng tặng khăn tay, trâm thoa và son phấn.

Đến tối Kính Tế và Đại An về thưa:

- Ngô Đạo quan đã nhận thiếp và tiền rồi, nói rằng Hoàng Chân nhân hiện còn ngụ tại miếu, ngày hai mươi mới lên đường, để rồi sẽ mời.

Tây Môn Khánh yên tâm lắm.

Hôm sau, Tây Môn Khánh một mặt cho gọi nhà bếp lên dặn dò về bửa tiệc, một mặt triệu tập gia nhân, sai dọn dẹp nhà cửa, từ đại sảnh tới hoa viên, lại cho trang hoàng treo đèn hoa từ cổng vào.

Ngày mười bảy, Tống ngự sử sai hai vị quan tới để lo sắp đặt trước mọi việc, coi sóc gia nhân trang hoàng bày biện. Chính giữa đại sảnh là bàn tiệc lớn của Hoàng Thái úy, bên dưới là bàn của Tuần phủ và Tuần án. Hai bên là hai dãy bàn, mỗi dãy năm bàn một bên dành cho các quan sở tại, một bên dành cho các quan tùy tùng. Mấy gian rạp dựng bên ngoài đại sảnh là một dãy bàn dành cho các võ quan theo hầu Thái úy. Nhà ngang là tiệc dành cho quân binh của Thái úy. Hai vị quan coi sóc xong xuôi, cùng Tây Môn Khánh uống trà rồi cáo từ mà về.

Sáng sớm hôm sau, các quan sở tại mũ áo tề chỉnh trống phách cờ quạt linh đình kéo ra bờ sông, đón rước Hoàng Thái úy tận thuyền. Riêng đám quan võ như các thức Thống chế, Thủ ngự, Đô giám, Đoàn luyện, đều giáp trụ nghênh ngang, đem binh mã sở tại rầm rộ kéo ra ngoại thành mấy dặm mà chào đón theo lễ nghi quân cách.

Hoàng Thái úy mặc triều phục đại hồng ngũ thái ngồi trên đại kiệu tám người khiêng, có che bốn cái lọng vàng, quan binh lục tục theo sau, cả đoàn người ngựa tiến vào thành trong tiếng chiêng trống rền trời, tiếng quân hầu dẹp đường rầm rĩ.

Đám người ngựa qua phủ Đông Bình mà vào huyện Thanh Hà. Tri Phủ mặc triều phục quỳ mọp bên đường nghênh tiếp, rồi tất cả kéo về nhà Tây Môn Khánh.

Tới cổng, chiêng trống tưng bừng, nhạc tấu vang dội, hai bên là hai hàng quân binh dàn chào. Tây Môn Khánh mũ áo cân dai tề chỉnh, cúi rạp một bên đón tiếp. Đoàn người ngựa vào hết. Hoàng Thái úy xuống kiệu Tây Môn Khánh lạy chào rồi mời lên đại sảnh, Tuần phủ Tuần án dẫn các quan lớn nhỏ lên theo.

Trong đại sảnh, dàn nhạc tấu lên du dương thánh thót,tiếng đàn tranh đàn tỳ bà cùng sáo dài sáo ngấn quyện vào nhau. Tây Môn Khánh lạy chào lần nữa với tư cách gia chủ!

Sơn Đông Tuần phủ Đô Ngự sử và Tuần án Giám Ngự sử Tống

Kiều Niên bước tới lạy chào. Hoàng Thái úy đều đáp lễ.Tiếp đó là các quan chức khác tới lạy chào, như Sơn Đông Tả Bố chính họ Tập, Hữu Bố chính họ Trần, Tả Tham chính họ Hà, Hữu Tham chính họ Lý, Tham Nghị họ Phùng, Hữu Tham nghị họ Uống, Liêm sứ họ Triệu, Thái phòng sứ họ Hàn, Đề học Phó sự họ Trần, Binh bị Phó sự họ Lôi... Thái úy đều nhất nhất đáp lễ. Rồi tới Phủ doãn Đông Xương họ Từ, Phủ doãn Đông Bình họ Hồ,Phủ doãn Duyên Châu họ Lăng, Tri phủ Từ Thâu họ Hàn, Tri phủ Tế Nam họ Trương, Tri phủ Chính Châu họ Vương, Tri phủ Đăng Châu họ Vương, Tri phủ Lai Châu họ Diệp, Thái úy cũng vái chào đáp lễ. Còn các chức quan võ như Thống chế. Thủ bị, Chế trí, Đoàn luyện, Đô giám... lạy chào xong thì ra ngoài ngồi riêng một khu.

Nghi lễ xong xuôi, Tây Môn Khánh và Hạ Đề hình bước tới dâng trà, Hầu Tuần phủ và Tống tuần án ngồi bên thù tiếp Thái úy. Sau tuần trà đến tuần rượu. Dàn nhạc tiếp tục tấu vang. Tiếp đó mọi người nhập tiệc, các quan lớn nhỏ cứ theo thứ tự đã xếp sẵn mà ngồi. Chỉ riêng hai quan Tuần phủ và Tuần án được thù tiếp quan Thái úy.

Cạnh tiệc ca công ca nữ đua nhau phô bày tài nghệ, các đoàn vũ cũng được gọi tới mua vui.

Tiệc rượu kéo dài ít lâu, Thái úy sai lấy mười lạng bạc thưởng cho quân binh địa phương, rồi sai dọn kiệu để ra về. Các quan lớn nhỏ xúm lại lưu giữ không được, đành lục tục kéo nhau ra theo. Chiêng trống lại rầm rĩ, tiếng ngựa hý nhạc reo ồn ào, quân binh la hét loạn xạ. Các quan muốn đưa tiễn thật xa nhưng Hoàng Thái úy bảo là cho miễn. Tuy nhiên, Tống ngự sử và Hầu Tuần phủ bảo các quan võ từ Đô giám trở xuống phải dẫn quân binh bản bộ đưa tiễn tới tận thuyền. Phủ Doãn Phủ Đông Bình là Hồ Sư Văn và quan Thủ ngự là Chu Tú phải lo đem rượu thịt tới tận thuyền. Sắp đặt đâu đấy, Tống ngự sử quay vào vái tạ Tây Môn Khánh mà nói:

- Hôm nay quả là quấy rầy quan nhân nhiều lắm, tôi thật muôn phần cảm tạ. Việc phí tổn nếu thấy cần thì xin cho biết để chúng tôi lo đỡ đôi phần.

Tây Môn Khánh vội vái trả rồi nghiêng mình nói:

- Ty chức đây được đại quan thương nên mới sai bảo. Đã làm hết sức mình. Hôm qua đại quan đã cho nhiều thứ, nay đâu dám làm phiền thêm. Chỉ e rằng ty chức đây cư ngụ chật chội, thiếu thốn mọi thứ, có điều gì lỗi lầm sơ sót, kính xin đại quan thể tình tha cho.

Sau đó Tống Ngự sử cùng Hầu Tuần phủ vái chào mà lên kiệu về. Các quan chức khác cũng cáo từ. Quân binh phục dịch cũng được cho về. Tây Môn Khánh tiễn các quan xong trở lại đại sảnh thưởng tiền cho các nhạc công, ca công, ca nữ và vũ nữ rồi cho về, chỉ giữ lại bốn ca công.

Công việc dọn dẹp xong xuôi, Tây Môn Khánh thấy hãy còn sớm, liền cho dọn bốn bàn tiệc, rồi sai mời Ngô Đại cữu, Ứng Bá Tước, Tạ Hy Đại, ôn Tú tài, các quản lý Cam, Bàn, Phó, Bôn Tứ, Thôi Bản và Kính Tế đến ăn uống, để gọi là tạ lại sự nhọc mệt của những người này trong nhiều ngày nay.

Chỉ lát sau là mọi người về tựu đông đủ. Tây Môn Khánh vui vẻ mời mọi người nhập tiệc. Rượu được vài tuần, Bá Tước hỏi:

- Hôm nay Hoàng Thái úy ngồi đây có lâu không? Xem ra có vui vẻ hài lòng chăng?

Hàn Đạo Quốc đáp:

- Hôm nay Hoàng lão công thấy tiệc ở đây tề chỉnh thịnh soạn thì hài lòng lắm. Các quan Tuần phủ Tuần án mừng lắm, cứ tạ ơn gia gia mãi.

Bá Tước nói:

- Địa phương này, không còn nhà thứ hai nào có thể tổ chức được bữa tiệc như thế. Cứ nói riêng vấn đề nhà cửa chỗ ngồi, cũng chỉ có nhà này là đủ rộng mà thôi. Hôm nay thực khách có đến cả ngàn người chứ đâu phải ít. Vậy mà khoản đãi chu đáo mới là đáng nói, Toàn tỉnh Sơn Đông này từ nay nổi danh đại ca cho mà xem.

Ôn tú tài nói:

- Hôm nay cũng có thầy của tôi là quan đề học Trần lão tiên sinh tới dự tiệc ở đây.

Tây Môn Khánh hỏi:

- Chẳng hay quan Đề học quê quán nơi đâu?

Ôn tú tài đáp:

- Trần lão tiên sinh người Hà Nam, năm mười tám tuổi tới kinh ứng thí đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, hiện nhận chức Đề học Phó sứ tại địa phương mình đây. Trần lão tiên sinh sở học uyên bác lắm.

Tây Môn Khánh cho bốn ca công đến hỏi:

- Các người tên gì?

Một ca công chỉ từng người đáp:

- Chúng tôi đây là Chu Thái, Lương Đạc, Mã Chân và Hàn Tất.

Bá Tước hỏi Hàn Tất:

- Ngươi có họ hàng gì với Hàn Kim Xuyến chăng?

Hàn Tất quỳ xuống thưa: .

- Kim Xuyến và Ngọc Xuyến là em gái của tiểu nhân đây.

Tây Môn Khánh đang uống rượu lại nhớ tới Bình Nhi, bèn bảo đám ca công:

- Các ngươi đàn hát cho ta nghe bản "Hoa Lạc Dương,trăng Lương Viên" được không?

Hàn Tất và Chu Thái vừa đàn vừa hát rằng:

Hoa Lạc Dương,

Trăng vườn Lương,

Hoa đẹp đã bán

Trăng đẹp nhìn xuống.

Hoa kia từng mọc cạnh lan can, muôn phần xinh đẹp.

Nguyệt nọ từng soi bàn tiệc, vạn nỗi sầu thương

Trăng có khi đầy khi khuyết

Hoa có lúc nở lúc tàn

Đời người vui buồn là chuyện hợp tan

Hoa tàn rồi, mùa xuân đã hệt.

Trăng khuyết rồi, đêm thu chẳng còn

Người đi rồi, để lòng này héo hon.

Khúc hát chấm dứt mà lời ca tiếng nhạc còn như văng vẳng đâu đây Tây Môn Khánh thẫn thờ, đôi mắt đỏ hoe, Bá Tước thấy vậy bảo:

- Đại ca bảo chúng nó hát khúc đó, hèn gì chẳng nhớ tới Lục tẩu.

Vừa lúc đó gia nhân đem hoa quả bánh trái ra, Tây Môn Khánh bảo:

- Nhị ca à, lúc nàng còn sống thì những dĩa bánh trái hoa quả này là do một tay nàng lựa chọn và bày biện, vừa ngon lành vừa đẹp mắt biết bao nhiêu, bây giờ công việc đó phó mặc cho đám a hoàn, thành thử chẳng ra gì, coi đã không vừa mắt, làm sao ăn cho ngon miệng được.

Ôn tú tài nói:

- Trong nhà còn các nương nương khác, đâu phải là không có người. Bầy biện như thế này là đẹp mắt lắm rồi.

Bá Tước nói:

- Đại ca đừng nên nghĩ như vậy, đại ca thương nhớ Lục Tẩu quá nên mới nói thế, nhưng e rằng khiến các tẩu tẩu khác không vui.

Trong khi ngoài tiệc chuyện trò thì Kim Liên núp sau bình phong để nghe hát. Tình cờ nghe được câu nói vừa rồi của Tây Môn Khánh, bèn lui vào trong kể lại cho Nguyệt nương. Nguyệt nương bảo:

- Ôi, hơi đâu mà để tâm cho mệt. Gia gia muốn nói gì thì nói. Lúc Lục nương còn sống, có xin tôi là cho Tú Xuân về hầu hạ Nhị nương, vậy mà khi tôi nói lại thì gia gia bảo rằng lục nương mới chết đã vội phân tán các a hoàn cũ của Lục nương, thành thử tôi chẳng biết nói làm sao. Mấy hôm nay hai con a hoàn cũ của Lục nương lên mặt ghê lắm, mà con nhũ mẫu thì trang điểm ăn diện khác thường, tôi cũng nói lại thì gia gia bảo là mặ kệ chúng nó.

Kim Liên tiếp ngay:

- Đúng rồi, con Như Ý hồi này có vẻ khác lắm, phấn son quần áo đủ thứ, nói cười luôn miệng, gặp ai thì cái mặt cứ vác lên. Lão già vô liêm sỉ này mấy đêm nay cứ ngủ riết trong phòng Lục nương, tôi nghi là dám tằng tịu với con khốn đó. Tôi nghe nói là lão già có cho con khốn đó tới bốn cây trâm bạc cũ của Lục nương, con khốn dắt trên đầu, gặp người nào cũng khoe.

Nguyệt nương và mọi người nghe Kim Liên nói vậy đều có vẻ bực tức lắm...

Hồi 67

Lòng Buồn Nhận Được Tin Vui

Trong khi đó bữa tiệc ngoài đại sảnh vẫn tiếp tục, Tây Môn Khánh ân cần mời mọc mọi người, đoạn hỏi Hàn Đạo Quốc:

- Chuyến đi cất hàng lần này, định bao giờ khởi hành, để tôi còn chuẩn bị.

Đạo Quốc đáp:

- Hôm qua chúng tôi có bàn định rồi, ngày hai mươi bốn này sẽ lên đường.

Tây Môn Khánh nói:

- Đợi qua ngày hai mươi này, lễ tụng kinh xong thì tôi chuẩn bị tiền bạc và các thứ cần thiết.

Bá Tước ngồi bên hỏi:

- Lần này thì những ai được cử đi?

Đạo Quốc đáp: .

- Sẽ có ba người, đi vào khoảng đầu sang năm thì thôi Bản sẽ chở thuyền hàng từ Hàng Châu về trước. Tôi và Lai Bảo cần phải đến phủ Tùng Giang mua vải, các thứ đoạn, gấm, lụa thì ở nhà vẫn còn.

Bá Tước nói:

- Đại ca tính toán thật giỏi, thiếu gì thì buôn thứ nấy, mà lại buôn tận gốc bán tận ngọn.

Bữa tiệc kéo dài tới tối thì Ngô Đại cữu đứng dậy cáo từ trước. Nói rằng:

- Chúng tôi ăn uống no say rồi, xin để chúng tôi về, dượng mấy hôm nay mệt nhọc, cũng cần có thời giờ nghỉ ngơi.

Tây Môn Khánh không chịu, bắt Ngô đại cữu ngồi xuống,rồi gọi gia nhân chuốc rượu và bảo ca công đàn hát. Ngô Đại cữu phải ngồi uống thêm vài chung rượu nữa rồi mới đứng dậy cáo từ. Mọi người cũng đứng dậy theo. Tây Môn Khánh tiễn khách về, rồi vào thưởng tiền cho đám ca công, mỗi người được sáu tiền. bốn ca công không dám nhận, nói rằng:

- Tống lão gia cho gọi chúng tôi lại, có trả tiền rồi, chúng tôi đâu dám nhận thêm, vả lại đây là việc quan sai dẫu không có tiền, chúng tôi vẫn phải làm.

Tây Môn Khánh bảo:

- Tuy là việc quan sai, nhưng đây là ta thưởng riêng cho các ngươi, sợ gì mà không dám nhận?

Tốp ca công nghe vậy mới dám nhận tiền, rồi lạy tạ mà về.

Tây Môn Khánh vào phòng Nguyệt nương mà nghỉ.

Hôm sau Tây Môn Khánh dậy sớm ra nha môn làm việc. Trong khi đó Ngô Đạo quan đã sai đồ đệ tới lập đàn tràng tại đại sảnh, các thứ đều tề chỉnh. Tây Môn Khánh về nhà, xem qua lấy làm hài lòng lắm, sai dọn tiệc chay đãi các đồ đệ của Ngô Đạo quan, rồi bảo Ôn Tú tài viết thiếp mời Ngô Đại cữu, Ngô Nhị cữu, Hoa Đại cữu, Trầm Di phu, Mạnh Nhi cữu, Ứng Bá Tước, Tạ Hy Đại, Thường Trĩ Tiết, Ngô Vũ Thần, cùng một số thân bằng quyến thuộc khác, ngày mai tới dự lễ niệm kinh và dự tiệc.

Canh năm hôm sau, các đạo sĩ đã tới, bước vào trai đàn, đốt nến thắp hương và bắt đầu tấu nhạc tụng kinh. Ngoài cổng treo cờ trường phan kết tua chỉ vàng. Trong đại sảnh trần thiết cấu kỳ, đèn nến lung linh, khói hương nghi ngút, tiếng đàn sáo tiếng tụng kinh trầm trầm quyện lẫn vào nhau. Hôm đó Hoàng Chân nhân mặc áo đại hồng, đeo kim đái, mãi tới trưa mới ngồi kiệu đến, đạo đồng xúm xít xung quanh. Ngô Đạo quan dẫn chúng đạo ra nghênh tiếp vào lễ đàn làm lễ. Làm lễ xong Hoàng Chân nhân mới quay ra thi lễ cùng Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh mặc tang phục, kính cẩn mời Hoàng Chân nhân dùng trà. Hoàng chân nhân ngồi uống trà nói chuyện, đạo đồng khoanh tay đứng hầu đằng sau.

Tiếp đó, Hoàng Chân nhân mời Tây Môn Khánh vào lễ đàn làm lễ. Tây Môn Khánh bước vào phủ phục cạnh hương án. Hoàng Chân nhân rửa tay, thay khăn Cửu dương lôi, thay áo đại hồng kim vân, rồi bước lên làm lễ dâng hương, sau đó phù phép chiêu gọi âm binh âm tướng, khải tấu với tam thiên thập địa. Tiếp sau là lễ hành hương. Hoàng Chân nhân bước xung quanh lễ đàn, tay cầm bó hương, miệng lẩm bẩm đọc kinh. Tây Môn Khánh và Kính Tế chắp tay theo sau. Có bốn đạo đồng cầm bốn cái lọng vàng che cho Hoàng Chân nhân.

Hành hương xong, Hoàng Chân nhân trở lại lễ đàn, chiêu hồn Bình Nhi về nghe kinh ngộ đạo, sau đó tiễn tống âm binh thần tướng.

Hoàng Chân nhân chỉ vào khoảng tam tuần, hình dung kỳ quái, nghi biểu khác thường, hiện nghiễm nhiên là vị thần sống trong triều đình. Nay nhân đi việc cho triều đình, tạm trú tại miếu Ngọc Hoàng rồi nhận lời đến làm chủ tế.

Tống tiễn âm binh thần tướng xong. Hoàng Chân nhân lui ra để cho Ngô Đạo quan cùng đạo chúng tụng kinh. Tới quá trưa thì lễ xong. Tây Môn Khánh mời Hoàng Chân nhân, Ngô Đạo quan cùng đạo chúng và các đồ đệ của hai người dự tiệc chay.

Hoàng Chân nhân ngồi trên, có Ngô Đạo quan và Tây Môn Khánh hai bên thù tiếp. Đạo chúng và cán đồ đệ phân ngôi thứ mà ngồi bên dưới.

Tiệc chay xong, Ngô Đạo quan hướng dẫn Hoàng Chân nhân và đạo chúng vào hoa viên ngoạn cảnh.

Ngoài này, Tây Môn Khánh cho dọn tiệc để khoản đãi Ngô Đại cữu và khách khứa. Tiệc nửa chừng thì gia nhân vào thưa:

- Địch gia ở kinh đô gửi thư tới.

Tây Môn Khánh vội bước ra mời người đem thư vào thư phòng. Người đem thư là một viên thừa sai cán biện, mình mặc áo xanh, đầu đội khăn chữ vạn, chân đi giầy Càn hoàng, lưng đeo cung tên, bước vào thi lễ rồi rút trong mình ra một bức thư và một gói đựng mười lạng bạc, đưa lên cho Tây Môn Khánh, Tây Môn Khánh giơ tay nhận rồi hỏi:

- Chẳng hay quý tính là gì ?

Viên cán biện đáp:

- Tiểu nhân họ Vương tên Ngọc, được Địch gia tin cẩn sai đem thư tới, nhưng không biết là quan nhân đây có tang sự. Mãi tới khi An lão gia gửi thư tới mới biết.

Tây Môn Khánh lại hỏi:

- Thư của An lão gia gửi tới bao giờ?

Viên cán biện đáp:

- Mãi mới đầu tháng mười, thư của An lão gia mới tới kinh.

Tây Môn Khánh hỏi thăm:

- An lão gia bây giờ thế nào?

Viên cán biện đáp:

- Sau thời hạn một năm lo về chuyện gỗ, An lão gia được phong chức Đô thủy ty Lang trung, hiện đang phụng chiếu tu sửa đường sông.

Tây Môn Khánh hỏi thăm vài câu nữa rồi sai Lai Bảo mời Vương cán biện vào trong thết tiệc, đoạn bảo:

- Ngày mai ta sẽ có thư phúc đáp.

Vương cán biện hỏi:

- Xin quan nhân cho biết Hàn đại gia cư ngụ tại đâu, có tin nhờ tôi đem đến. Sau đó tôi lại còn phải tới phủ Đông Bình để đưa thư nữa.

Tây Môn Khánh sai Lai Bảo dẫn Vương cán biện vào khoản đãi. Tiệc xong, cho gọi Hàn Đạo Quốc vào gặp Vương cán biện,hai người kéo nhau về nhà Đạo Quốc.

Tây Môn Khánh xem thư xong, lấy làm hoan hỷ lắm đem ra bảo Ôn tú tài:

- Tiên sinh coi bức thư này rồi viết một bức thư phúc đáp, trong đó nhớ ghi là tôi gửi theo mười tấm khăn tay bằng sa,mười cái đĩa ngà nạm vàng, mười cái chung uống rượu Ô kim để gọi là lễ phúc đáp. Ngày mai thì người ta tới lấy thư.

Ôn tú tài tiếp lấy bức thư của Địch quản gia rồi mở ra coi.Thư viết rằng:

- Quyến sinh là Địch Khiêm ngụ tại kinh đô, cúi đầu dâng thư cho Đại cầm đường Tây Môn thân gia đại nhân. Từ sau khi chia tay cùng thân gia tại kinh đố tới nay, tôi không được yết kiến tôn nhan, trong lòng lấy làm mong nhớ lắm. Lời thân gia dặn lại, tôi đã trình với Thái sư lão gia rồi. Mới đây được thư của An lão gia, tôi mới hay tin là thân gia có tang sự, giận là đường sá xa xôi, không thể tới điếu được, mong thân gia niệm tình thứ lỗi. Quan nhân bấy lâu nay tại chức, địa phương được âu ca, dân tình khen tặng, trong kỳ khảo xét năm nay chắc chắn là được khen thưởng, thăng quan tiến chức. Trong những ngày vừa qua thân gia hai lần mệt nhọc đón rước quan chức triều đình, tôi đã trình hết với lão gia, lão gia đã ghi tên thân gia rồi, khi tâu lên thánh thượng nhất định thân gia sẽ có tin mừng thăng thưởng. Hạ đại nhân thì cuối năm nay sẽ được về kinh nhận nhiệm vụ mới, tôi biết trước nên báo trước như thế. Thư này xin thân gia giữ mật, chẳng nên cho ai biết. Lại báo cho thân gia hay, rằng Dương lão gia ngày hai mươi chín tháng trước đã chết trong ngục.

Ôn Tú tài xem xong, bỏ thư vào tay áo nhưng bị Bá Tước giật lấy coi. Coi xong trả lại Ôn tú tài rồi bảo:

- Tiên sinh viết thư phúc đáp xin gia tâm một chút, trong phủ Địch công rất nhiều nhân tài, đừng để người ta cười.

Ôn tú tài đáp:

- Tôi tài hèn, chữ nghĩa chẳng bao nhiêu, viết thư phúc đáp thì cũng viết cho xong mà thôi, làm sao hay cho được.

Tây Môn Khánh biết Ôn tú tài phật ý bèn bảo Bá Tước:

- Ôn tiên sinh đã có chủ ý, nhị ca biết gì mà nói này nói kia.

Lát sau tiệc vãn, Tây Môn Khánh sai Lai Hưng lấy những cái quả đựng đồ ăn đem sang biếu lân lý xóm giềng, lại sai Đại An đem lễ vật tặng thưởng cho Quế Thư, Ngân Nhi, Ái Nguyệt, Kim Xuyến, Hồng Tứ và Tề Hương, gọi là đền bù công khó trong đám tang Bình Nhi. Quá trưa lại cho gọi Lý Minh, Ngô Huệ và Trịnh Phụng tới.

Khi các đạo sĩ làm lễ giải đàn thì trời đã chiều, Hoa đại cữu ở ngoại thành đường xa nên Tây Môn Khánh lưu giữ lại. Kiều đại hộ, Trầm Di phu và Mạnh Nhị cữu cáo từ mà về. Những người khác vẫn ở lại.Sau đó tại phòng Bình Nhi, các đạo sĩ ngồi làm hai hàng nhạc cũng được cử lên. Hoàng Chân nhân ngồi trên cao làm phép trừ tà, bốn đạo đồng chia nhau đứng hai bên. Trên bàn thờ có treo hai cái cờ phan, một cái màu đỏ một cái màu vàng.

Hoàng Chân nhân mặc áo hoàng kim, đội mũ vân hà, làm phép xong, hướng dẫn các đạo sĩ tụng kinh, sau đó lẩm bẩm đọc trống miệng rằng:

- Nay lễ niệm hương, chân thành thỉnh Đông cực đại từ nhân giả. Thái Ất Cứu khổ Thiên tôn, thập phần cứu khổ như chân nhân thánh chúng, về đây sẽ giáng lâm chốn phàm trần u mê, không biết là mình sẽ chết, lúc sống thì chỉ nghĩ chuyện thuỷ sinh, ít nghĩ tới việc thiện căn, mê muội không tỉnh,buông thả theo những thú vui, cho thế là sung sướng và nghĩ rằng như vậy là mình sẽ trường tồn. Nào ngờ lẽ vô thường có thật, một sớm nhắm mắt xuôi tay, muôn vạn cũng là không. Lúc đó mới thấy nghiệt chướng trói buộc lấy thân, trong u tối lột mình thọ khổ. Nay hồn linh của người quá cố Lý thị đã xa lánh trần duyên, nhưng lại trầm luân trong bóng tối đêm dài. Nếu không được giải thoát tới chỗ yên vui, tất bị chìm đắm trong vòng bi khổ. Nên mới phải cầu Thiên tôn đem đức nhân từ mà cứu khổ, lấy nước Cam lồ mà tẩy sạch nghiệt oan, đem đuốc Thụy quang mà soi đường mê muội, dẫn dắt hồn kinh qua cửa mê mà về bến đạo. Nay có ít bùa linh bảo chân phù, xin cung thân khải tấu.

Hoàng Chân nhân đọc xong, các đạo sĩ đem cờ hồn phan ngâm xuống nước, đốt bùa Kết linh, múa cờ hoàng phan, đốt bùa Uất nghi, múa cờ hồng phan, rồi cùng cao giọng đọc:

Thiên nhất sinh thủy

Địa nhi sinh hỏa

Ỉ Thủy hỏa luyện thau .

Mới được chân hình

Rồi lại tụng kinh, lại cử nhạc, làm đủ các phép, sau cùng các đạo sĩ làm lễ tống tiễn linh hồn ra cổng, quay vào thì giải lễ.

Các dạo sĩ thay mũ áo, dọn dẹp các thứ.

Tại đại sảnh, Tây Môn Khánh đã chuẩn bị tiệc rượu linh đình, đèn đuốc sáng trưng, khách khứa đủ mặt, rồi mời các đạo sĩ ra dự tiệc. Bên tiệc có ba ca công đàn hát. Tây Môn Khánh tự tay rót rượu mời Hoàng Chân nhân, rồi sai gia nhân lấy ra một xấp đoạn thiên thanh vân hạc, một xấp lụa quý và mười lạng bạc, rồi vái tạ mà nói:

- Hôm nay Chân nhân hạ cố tới làm lễ siêu sinh cho trắc thất tôi, thật muôn phần cảm tạ, nay chỉ có lễ mọn này để tỏ tấc lòng tôn kính.

Hoàng Chân nhân nói:

- Bần đạo học đòi tu đạo, công đức có gì đáng để đại nhân bận lòng như vậy, chỉ mong lệnh phu nhân được siêu sinh tịnh độ, ehứ đâu dám nhận lễ này.

Tây Môn Khánh khẩn khoản:

- Vẫn biết lễ này nhỏ mọn, nhưng dù Chân nhân có cười, cũng xin nhận cho để chúng tôi được yên tâm.

Hoàng Chân nhân từ chối vài câu nữa rồi sai đạo đồng thâu nhận. Tây Môn Khánh rót rượu tạ Hoàng Chân nhân, rồi sai lấy năm lạng bạc và một xấp lụa kim đoạn tạ ơn Ngô Đạo quan, nhưng Ngô Đạo quan chỉ nhận xấp lụa đoạn nói:

- Tiểu đoạn bấy lâu được quan nhân yêu mà cậy việc, nay tận tâm tận lực tụng niệm cầu cho lệnh phu nhân được thăng thiên giới đó cũng chỉ là bổn phận, đâu dám nhận lễ quá nhiều.

Tây Môn Khánh nói:

- Tuy Chân nhân đây làm chủ lễ, nhưng mọi việc đều do sư phụ chủ trương, lễ mọn này chỉ là đền đáp muôn một sự mệt nhọc của sr phụ, có gì mà sư phụ ngại ngùng không nhận.

Ngô Đạo quan bất đắc dĩ phải sai tiểu đồng thâu nhận rồi cảm tạ hết lời. Tây Môn Khánh lần lượt mời rượu các đạo sĩ.

Sau đó Ngô Đại cữu và Bá Tước róc rượu mời Tây Môn Khánh để chúc phúc lành. Ngô Đại cữu cầm chung, Bá Tước cầm bình rượu, Hy Đại bưng dĩa đồ ăn. Cả ba đều quỳ xuống. Bá Tước nói:

- Hôm nay là lễ cầu siêu tốt đẹp của Lục tẩu, lại may mắn thỉnh được Chân nhân đây, thêm Ngô sư phụ hết lòng hết sức,chắc chắn là tẩu tẩu được siêu sinh mà lên thiên giới. Đại ca tận tâm tận lực như thế này tức là tẩu tẩu có phúc lớn lắm. Xin đại ca uống cho chúng tôi một chung rượu này.

Nói xong rót rượu vào chung. Ngô Đại cữu đưa lên, Hy Đại gấp thức ăn. Tây Môn Khánh cảm động nói:

- Đa tạ liệt vị mấy hôm nay vì tôi mà mệt nhọc, tôi chẳng biết lấy gì để tạ ơn.

Nói xong uống cạn chung rượu và ăn hết thức ăn, Bá Tước lại rót một chung rượu mà bảo:

- Đại ca uống thì nên uống hai chung, không nên uống một chung lẻ loi như vậy.

Hy Đại vội gắp thêm đồ ăn vào bát cho Tây Môn Khánh.

Tây Môn Khánh uống xong chung rượu, ăn xong miếng thức ăn,mời ba người vào chỗ, rồi đứng dậy thân rót rượu mời lại từng người. Ca công tiếp tục đàn hát, nhà bếp đem thêm rượu và đồ ăn, bữa tiệc kéo dài trong vui vẻ, mãi tới canh hai mới vãn. Mọi người cáo từ, Tây Môn Khánh tiễn khách rồi quay vào thưởng tiền cho ba ca công, sau đó vào phòng Nguyệt nương mà ngủ.

Hôm đó Tây Môn Khánh cũng hơi say...

Hồi 68

Người Về Báo Mộng.

Liền mấy ngày mệt nhọc, đêm đó Tây Môn Khánh ngủ rất say, hôm sau mặt trời mọc cao vẫn chưa dậy. Lai Hưng vào thưa:

- Thợ tới rồi, đang đứng ở ngoài để xin dỡ rạp.

Tây Môn Khánh càu nhàu:

- Thợ đến thì cho dỡ đi, việc gì phải vào thưa với hỏi lôi thôi.

Lai Hưng vội lui ra, bảo đám thợ làm việc.

Lát sau thấy Ngọc Tiêu vào phòng, Tây Môn Khánh sai lấy quần áo rồi định trở dậy, nhưng Nguyệt nương bảo:

- Hôm qua chàng mệt nhọc cả ngày, sao không ngủ thêm một lúc nữa cho khỏe. Trời hãy còn sớm dậy làm gì, hôm nay đừng ra nha môn làm việc nữa, ở nhà nghỉ ngơi một hôm đi.

Tây Môn Khánh đáp:

- Tôi không ra nha môn đâu, nhưng sợ là người của Địch gia tới lấy thư phúc đáp.

Nguyệt nương bảo:

- Nếu vậy thì chàng dậy đi, để tôi bảo chúng nó đem cháo lên ăn.

Tây Môn Khánh ngồi dậy, choàng vội chiếc áo lạnh rồi không chải đầu rửa mặt, đã vào ngay thư phòng trong hoa viên.

Từ hôm Thư Đồng trốn đi thì Tây Môn Khánh sai Vương Kinh coi sóc thư phòng trong hoa viên, còn Xuân Hồng coi sóc thư phòng cạnh đại sảnh. Về những tháng mùa đông thì Tây Môn Khánh chỉ hay tới thư phòng trong hoa viên.

Nơi đây, ở phòng trong có lò sưởi và giường nằm, phòng ngoài có án thư, tủ sách bày đủ văn phòng tứ bảo và các sách vở giấy tờ, lại trưng mấy cành đào và các loại cúc danh tiếng. Ngoài hiên là những bụi trúc xanh và mấy khóm lan thắm.

Tây Môn Khánh bước vào thư phòng, Vương Kinh vội đốt lò sưởi Tây Môn Khánh ngồi xuống bảo:

- Người ra bảo Lai An đi mời Ứng nhị gia tới đây.

Vương Kinh bước ra thì thấy Bình An vào bảo:

- Có Tiểu Chu Nhi đợi ở ngoài.

Vương Kinh quay vào thưa với chủ. Tây Môn Khánh cho gọi vào. Tiểu Chu Nhi bước vào lạy chào.Tây Môn Khánh bảo:

- Ngươi tới thật đúng lúc, sao hồi này không thấy lại? Đầu tóc ta cũng cần sửa sang mà cứ đợi ngươi mãi.

Tiểu Chu Nhi đáp:

- Vì thấy Lục nương quy tiên, biết trong phủ đây bận rộn nên không dám tới.

Tây Môn Khánh bước tới, ngồi trên cái cẩm đôn, xõa tóc ra.

Tiểu Chu Nhi mở túi đồ nghề sắp sửa bắt đầu cắt chải thì Bá Tước vén mành bước vào vái chào, Tây Môn Khánh bảo:

- Tôi đang định sửa sang đầu tóc, mời nhị ca ngồi.

Bá Tước kéo một cái cẩm đôn mà ngồi, hơ tay trên lò sưởi. Tây Môn Khánh thấy vậy hỏi:

- Lạnh lắm hay sao?

Bá Tước đáp:

- Đại ca không biết, bên ngoài hoa tuyết bay rợp trời, không lạnh sao được. Hôm qua về tới nhà thì gà đã bắt đầu gáy, sáng nay định dậy trễ nhưng gia nhân đã tới gọi. Lúc đó tôi còn ngủ nhưng cũng vội tới ngay. Đại ca sao thức sớm quá vậy, cho gọi tôi có chuyện gì không?

Tây Môn Khánh bảo:

- Tôi thì có lúc nào rảnh rang đâu mà ngủ sớm dậy muộn được Từ hôm Lục nương tôi mất đi tới nay, không ngày nào là không bù đầu tối mắt, rồi lại tới vụ tiếp đón Hoàng Thái úy, hôm qua thì lại lễ tụng kinh, hôm nay mới tương đối hơi nhàn. Tiện nội có bảo là lâu nay mệt nhọc, thì cứ ngủ thêm cho khỏe. Nhưng tôi vẫn phải dậy sớm, vì sợ rằng gia nhân của Địch gia tới lấy thư phúc đáp, lại lo trông coi đám thợ và gia nhân dọn dẹp. Ngày hai mươi bốn này lại phải cho đám Hàn quản lý lên đường cất hàng. Rồi lại còn phải tới tạ lễ mọi người về đám tang vừa rồi nữa chứ.Thân bằng quyến thuộc thì có thể qua loa nhưng các sĩ phu quan chức thì không đi không được.

Bá Tước nói:

- Thế thì bận rộn mệt nhọc thật, nhưng đại ca có đi tạ lễ thì nên đi một số người nào thật cần thiết thôi, còn những người khác thì để sau này gặp mặt cám ơn cũng được. Ai chẳng biết là đại ca lâu nay bận việc dồn dập, chắc người ta sẽ hiểu cho.

Đang nói chuyện thì Họa Đồng bưng hai ly sữa nóng tới. Tây Môn Khánh mời Bá Tước uống sữa, Bá Tước cầm ly sữa lên, nhìn vào màu mỡ béo bổ, hương thơm bốc lên ngào ngạt, bèn nói:

- Trời lạnh này mà được sữa nóng thì tuyệt, thơm ngon quá thể, sữa này uống vào thì bao nhiêu mệt mỏi tiêu tan hết.

Nói xong đưa lên miệng, uống từng ngụm nhỏ. Tây Môn Khánh đã sửa tóc chải đầu xong, liền bảo Tiểu Chu Nhi ngoáy tai. Ly sữa vẫn để trên bàn không uống. Bá Tước bảo:

- Đại ca không uống sữa đi, để mãi nguội mất, sáng ra đại ca nên dùng một ly này cho bổ.

Tây Môn Khánh đáp:

- Tôi không uống sữa đâu, nhị ca uống giùm tôi đi, lát nữa tôi ăn cháo.

Bá Tước được lời như cởi tấm lòng, cầm ngay lấy ly sữa của Tây Môn Khánh mà uống cạn. Ngoáy tai xong, Tây Môn Khánh nằm sấp xuống trường kỷ, bảo Tiểu Chu Nhi tẩm quất. Bá Tước thấy vậy hỏi:

- Đại ca thấy trong người thế nào mà phải tẩm quất?

Tây Môn Khánh đáp:

- Không giấu giếm gì nhị ca, lúc này không hiểu có phải tại mệt nhọc quá hay không mà mình mẩy tôi mỏi nhừ, lưng thì đau không chịu được, người lúc nào cũng bần thần rã rượi.

Bá Tước bảo:

- Có lẽ đại ca ăn uống nhiều thứ nóng quá.

Tây Môn khánh nói:

- Nhiệm y quan bảo là tôi tuy thân thể khôi vỹ nhưng khí lực thì suy sụp hư hao rồi, do đó có cho tôi ít thuốc bổ tên Bách hổ diên linh đan, bảo đó là phương thuốc của Lâm Chân nhân dâng cho thánh thượng, bảo tôi sáng sớm phải uống thuốc đó với sửa người. Nhưng mấy hôm nay bận rộn rồi quên khuấy đi chưa kịp uống. Chắc nhị ca cũng nghĩ rằng tôi thê thiếp đầy nhà, tránh sao khỏi thận suy lực kiệt rồi sinh ra mệt mỏi đau lưng, nhưng ai biết được là từ khi Lục nương tôi nằm bệnh đến nay, tôi còn lòng dạ đâu mà nghĩ đến chuyện đó.

Đang nói chuyện thì thấy Hàn Đạo Quốc bước vào vái chào rồi nói:

- Hồi nãy chúng tôi đã hội họp bàn tính rồi, thuyền cũng chuẩn bị sẵn sàng, chúng tôi thưa lại với gia gia là đúng ngày hai mươi bốn này là chúng tôi lên đường.

Tây Môn Khánh quay lại sai gia nhân vào bảo Nguyệt nương chuẩn bị lấy bạc để cho vào bao, đoạn hỏi:

- Hai cửa tiệm mấy hôm nay thâu được bao nhiêu?

Hàn quản lý đáp:

- Được khoảng hơn sáu ngàn lạng.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu vậy thì lấy hai ngàn lạng cho vào bao, giao cho Thôi Bản đi Hồ Châu cất hàng, còn bốn ngàn lạng thì để ngươi và Lai Bảo đi Tùng Giang mua vải. Bây giờ mỗi người lấy năm lạng bạc, về nhà sửa soạn hành lý là vừa.

Hàn quản lý hỏi:

- Nhưng còn chuyện nạp tiền cho phủ Vân Vương thì sao?

Tây Môn Khánh bảo:

- Thì nạp chứ sao, nhưng có bao nhiêu, ngươi không thấy Lai Bảo mỗi tháng chỉ nạp cho Vân Vương có ba tiền hay sao?

Hàn quản lý nói:

- Nhưng Lai Bảo thì dù sao cũng được coi là người của Thái sư, trên giấy tờ cũng có ghi chú như thế, còn tôi thì so với Lai Bảo sao được.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu vậy thì để ta viết thiếp rồi sai người đến nói với Vương phủ cho ngươi, ghi tên ngươi trong vụ nạp tiền.

Hàn quản lý vái tạ. Bá Tước bảo:

- Thôi thế là yên tâm rồi nhé.

Tây Môn Khánh tẩm quất xong, bảo gia nhân dọn điểm tâm cho Tiểu Chu Nhi, ăn rồi vào trong rửa mặt. Lát sau bước ra mũ áo chỉnh tề, thưởng cho Tiểu Chu Nhi ba tiền, đoạn bảo Vương Kính:

- Mời Ôn tiên sinh tới đây cho ta.

Lát sau Ôn tú tài tới vái chào. Tây Môn Khánh mời ngồi.Gia nhân bưng cháo thịt ra. Tây Môn Khánh mời ôn tú tài, Bá Tước và Đạo Quốc cùng ăn, lại bảo:

- Đem thêm bát đũa, rồi mời cậu Kính Tế tới đây.

Lát sau Kính Tế mặc tang phục đến, vái chào mọi người rồi ngồi xuống cùng ăn cháo. Ăn xong, gia nhân dọn dẹp bát đũa rồi đem trà ra. Hàn Đào Quốc uống trà rồi đứng dậy cáo từ. Tây Môn Khánh hỏi Ôn tú tài:

- Thư phúc đáp, tiên sinh viết xong chưa ?

Ôn tú tài đáp:

- Tôi mới chỉ viết bản thảo, có đem theo đây để gia gia coi qua, nếu được thì mới viết vào giấy.

Nói xong lấy trong tay áo ra bản thảo lá thư. Tây Môn Khánh cầm xem, thấy viết rằng:

- Kính gửi Đức trụ quốc Địch Vân Phong lão thân gia đại nhân, từ lúc chia tay tại kinh đô, tới nay thấm thoắt đã nửa năm rồi. Vãn sinh bất hạnh nên người trong khuê môn thất lộc, được lão thân gia hạ cố hỏi han tới, vãn linh cảm tạ muôn phần, thế mới biết tình của lão thân gia đối với vãn sinh thật là thân thiết, vãn sinh suốt đời chẳng dám quên. Có điều, trong thời gian qua, việc quan bề bộn, khó lòng tránh khỏi sơ thất lỗi lầm, chỉ sợ phụ cả sự tiến bạt của lão thân gia. Nay được biết lão thân gia yêu mến mà thưa với Thái sư đề nghị cất nhắc ,thật ơn lão thân gia như trời như biển, vãn sinh được như thế này cũng hoàn toàn nhờ ở lão thân gia. Nay có bức thư gửi cánh chim hồng, kính hầu thăm sức khỏe lão thân gia, nguyện mong lão thân gia phúc lộc dồi dào. Tiện đây cũng xin trình lên lão thân gia mười vuông khăn Dương Châu, mười vuông khăn bằng đoạn màu, mười chung rượu Ô kim, xin lão thân gia dù có chê cười cũng nhận cho gọi là lễ mọn phúc đáp. Ngu sinh là Tây Môn Khánh ở Thanh Hà cúi lạy.

Tây Môn Khánh coi xong hài lòng lắm, sai Kính Tế lấy giấy hoa tiên ra cho Ôn tú tài viết thư ngay tại chỗ, lại sai gói lễ vật cẩn thận, cũng không quên gói năm lạng bạc để thưởng cho người đem thư.

Lát sau thấy tuyết rơi nhiều,Tây Môn Khánh sai dọn bàn bày tiệc để uống rượu thưởng tuyết. Bỗng thấy có người thập thò ngoài mành, Tây Môn Khánh hỏi:

- Ai đó?

Vương Kinh đứng bên thưa:

- Đó là Trịnh Xuân.

Tây Môn Khánh cho vào. Trịnh Xuân bước vào, hai tay bưng một cái quả lớn, quỳ xuống nâng cái quả lên cao, Tây Môn Khánh hỏi:

- Cái gì vậy ?

Trịnh Xuân đáp:

- Thư thư tôi là Ái Nguyệt biết hôm qua gia gia và Đại nương mệt nhọc vì lễ tụng kinh, chẳng có cái gì, chỉ có ít trà và đồ ăn đem tới để gia gia thưởng cho người dưới.

Trịnh Xuân mở nắp quả ra, bên trong là rượu thịt, trà và ốc, đoạn nói:

- Tất cả những thứ này đều do chính tay thư thư tôi lựa, biết là gia gia thích những món lạ nên cố công tìm mua tới hiếu kính gia gia.

Tây Môn Khánh bảo:

- Hôm qua bên đó đã cho đem lễ vật lại, hôm nay thư thư ngươi lại biếu những thứ này, thật làm phiền thư thư ngươi quá .Thôi thì ta cũng đa tạ.

Nói xong sai Vương Kính thâu nhận, để lên bàn. Bá Tước bô bô:

- Tốt lắm, tốt lắm, để đó cho ta coi một chút, á à. Con nhỏ này khéo lựa thứ ốc ngon thật, ta đang thèm ốc, để ta thử thưởng thức một tí mới được.

Nói xong nhóm tay cầm một con ốc bỏ ngay vào miệng, vừa nhai nhồm nhoàm, vừa thò tay nhón thêm một con nữa, đưa cho Ôn tú tài mà bảo:

- Tiên sinh thưởng thức thử đi, ngon tuyệt, thứ đồ ăn hiếm có này, ăn vào cứ gọi là một miếng cũng thọ thêm được mười năm.

Ôn tú tài nhận con ốc, bỏ vào miệng mà nhai, quả thấy hương vị thơm ngon lạ lùng, đoạn nói:

- Ốc này sản xuất ở Tây Vực, người thường làm sao mà có, quả là thứ đồ ăn ngon lạ ngon lùng.

Tây Môn Khánh thấy Trịnh Xuân vẫn quỳ, bên cạnh lại có cái hộp lớn, bèn hỏi:

- Còn cái gì nữa kia?

Trịnh Xuân đáp:

- Đây là vật riêng thư thư tôi kính tặng gia gia.

Nói xong hai tay nâng cái hộp lên, Tây Môn Khánh cầm lấy,định mở ra coi thì Bá Tước đã giật lấy mở ra coi, thấy có một cái khăn tay màu hồng dào bằng gấm hồi văn, thêu thùa rất tinh xảo, và một gói hạnh nhân. Bá Tước đưa tấm khăn cho Tây Môn Khánh, còn gói hạnh nhân thì cầm dốc vào mồm ăn hết.

Tây Môn Khánh vội giật lại, nhưng chỉ còn sót vài hạt, bèn mắng:

- Thật là đồ chó chết tham ăn, muốn ăn thì cũng phải để tôi nhìn qua một chút chứ, chẳng gì cũng là tấm lòng của người ta.

Bá Tước nhăn nhở:

- Đây là của con gái tôi đem lại, không hiếu kính cho tôi thì hiếu kính cho ai?

Tây Môn Khánh hơi bực mình:

- Có Ôn tiên sinh ở đây, tôi không tiện mắng cho nhị ca một trận, thật là đồ chó tham ăn, chẳng còn ra cái thể diện gì cả.

Nói xong cho cái khăn vào tay áo, rồi sai Vương Kinh đem quà, đồ ăn vào trong. Lát sau, tiệc rượu dọn xong, mọi người vui vẻ ăn uống.

Bỗng Đại An vào thưa:

- Lý Tam và Hoàng Tứ đem bạc đến xin trả.

Tây Môn khánh hỏi:

- Bao nhiêu?

Đại An đáp:

- Nghe nói là chỉ có một ngàn lạng, còn bao nhiêu thì xin một hạn nữa.

Bá Tước bảo:

- Đại ca thấy không? Hai thằng trời đánh đó dám giấu cả tôi không thèm nói cho tôi biết. Hai đứa này cứ nhùng nhằng, trả thì ít mượn thì nhiều, sợ rằng chúng nó giở thói côn đồ, ăn không ăn hỏng của đại ca mà thôi.

Tây Môn Khánh thủng thỉnh đáp:

- Tôi chẳng sợ gì cả, chẳng sợ chúng nó ăn quịt hay là giở thói côn đồ, lôi thôi thì tôi cho vào ngục ngồi chơi, việc gì phải thắc mắc.

Đoạn cho gọi Kính Tế ra bảo:

- Ngươi đem sổ sách ra nhận tiền, ta khỏi phải ra làm gì.

Lát sau Kính Tế trở vào thưa:

- Bạc đã kiểm xong, đúng một ngàn lạng, con đã giao cho Đại nương cất giữ rồi, nhưng Hoàng Tứ nói là thỉnh gia gia ra ngoài có chuyện cần thưa.

Tây Môn Khánh cau mày:

- Thì ngươi cứ nói là ta đang thù tiếp khách khứa dùng tiệc, hắn cần gì thì sau ngày hai mươi bốn trở lại đây.

Kính Tế nói:

- Hắn khẩn khoản nói là có chuyện cần, muốn phiền gia gia.

Tây Môn Khánh xô ghế đứng dậy bảo:

- Không chuyện tiền bạc thì còn chuyện gì, thật phiền quá.

Nói xong bước ra đại sảnh. Hoàng Tứ thấy Tây Môn Khánh ra thì lạy chào rồi nói ngay:

- Một ngàn lạng, cậu đây đã thâu rồi, còn bao nhiêu xin gia gia cho lần sau. Hôm nay tôi có một chuyện muốn làm phiền gia gia.

Nói tới đó thì lại sụp lạy rồi khóc lớn lên.Tây Môn Khánh đỡ dậy mà bảo:

- Có chuyện gì thì cứ nói, việc gì phải khổ sở vậy?

Hoàng Tứ đứng dậy chùi nước mắt nói:

- Chuyện như thế này, nhạc phụ tôi là Tôn Thanh có hùn hạp với một người tên là Phùng Nhị buôn bán bông vải tại phủ Đông Xương. Phùng Nhị có đứa con trai là Phùng Hoài, du thử du thực ăn chơi trác táng. Một hôm Phùng Hoài đóng cửa đi chơi suốt đêm, sáng ra thì thấy mất hai kiện bông, chắc là Phùng Hoài bán đi lấy tiền ăn chơi. Nhạc phụ tôi mới mắng nó mấy câu. Phùng Nhị cũng đánh con một trận, Phùng Hoài ấm ức tìm cách gây sự với em vợ tôi là Tôn Văn, rồi hai bên ẩu đả, Phùng Hoài ngã mà bị thương ở đầu. Sau đó hàng xóm sang can gián, chuyện tưởng đã xong. Nào ngờ nửa tháng sau Phùng Hoài chết vì bị trúng gió, nhưng cha vợ Phùng Hoài là Bạch Ngũ, một tay thổ hào trong vùng, thường đứng đầu bọn cướp, có biệt hiệu là Bạch Thiên Kim, lại bàn với thông gia là Phùng Nhị, làm đơn thưa lên phủ tuần án, nói là Phùng Hoài bị cha vợ và em vợ tôi hành hung trí mạng. Quan Tuần án phê cho Lôi lão gia xét xử, nhưng Lôi lão gia bận tháp tùng hoàng thuyền nên nội vụ được giao cho Đồng lão gia. Họ Bạch liền chạy tiền đút lót nên Đồng lão gia đã hạ trát bắt nhạc phụ tôi và em vợ tôi.Vậy xin gia gia mở lượng hải hà viết cho vài chữ cứu cha vợ và em vợ tôi. Thằng đó chết là vì trúng gió chứ không liên can gì tới vụ ẩu đả trước kia, vả lại trong vụ ẩu đả thì chính nó ngã mà bị thương ở đầu chứ không phải là bị đánh. Gia gia cứu cho thì gia đình tôi chịu ơn suốt đời.

Tây Môn Khánh ngẫm nghĩ rồi bảo:

- Lôi lão gia thì cũng đã có lần tới đây uống rượu nhưng là cùng đi với các quan khác, ta không quen biết cho lắm, làm sao mà viết thư được.

Hoàng Tứ lại quỳ khóc mà nói:

- Nếu gia gia không thương tình thì chắc là cha vợ tôi chết mất. Em vợ tôi mạnh khỏe không nói làm gì, còn cha vợ tôi năm nay đã lục tuần, trời tuyết lạnh thế này mà ở trong ngục thì đến chết mất. Gia gia cứu cho thì ơn ấy chúng tôi xin kết cỏ ngậm vành.

Tây Môn Khánh trầm ngâm giây lát rồi bảo:

- Thôi được, để ta nhờ Tiền lão gia để Tiền lão gia nói với Lôi lão gia vậy. Tiền lão gia và Lôi lão gia là chỗ thân tình, lại là bạn đồng khoa, cùng đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn.

Hoàng Tứ vội rập đầu lạy tạ, rồi rút trong tay áo ra một tấm thiếp có ghi một trăm thạch gạo ngon và một trăm lạng bạc nhưng Tây Môn Khánh không nhận, bảo:

- Ta đời nào lại đòi hỏi như vậy.

Hoàng Tứ nói:

- Gia gia thì không thiếu gì, nhưng đây là để nhờ gia gia chuyển tạ cho Tiền lão gia.

Tây Môn Khánh bảo:

- Tạ ơn Tiền lão gia thì cứ thủng thẳng, đợi xong việc thì ta mua lễ vật đền tạ cũng được.

Đang nói chuyện thì Bá Tước bước vào bảo:

- Đại ca đừng giúp gì cho Hoàng Tứ này cả, lúc thường thì chẳng thấy mặt mũi đâu, khi hữu sự thì tới lạy van khóc lóc. Hôm qua là ngày lễ cầu siêu cho Lục tẩu, mà hắn không có lấy một dúm trà tới lễ, lại cũng chẳng thấy đến hỏi han lấy một câu.Vậy mà bây giờ còn dám vác mặt tới đây cầu cạnh.

Hoàng Tứ hoảng lên, vội sụp xuống lạy Bá Tước rồi nói:

- Nhị gia ôi, nhị gia giết tôi hay sao? Cả nửa tháng nay tôi bận tối mắt, đâu được rảnh rang. Hôm qua thì phải lên phủ Đông Bình lấy tiền để hôm nay có mà hoàn lại ít nhiều cho gia gia đây. Tôi cũng cố chạy để có chút lễ vật nhờ gia gia cứu giúp,nhưng gia gia còn đang không chịu nhận.

Bá Tước thấy tấm thiếp ghi lễ vật để trên bàn, cầm lên coi rồi hỏi :

- Thế đại ca có định giúp hắn không?

Tây Môn Khánh đáp:

- Hắn đã nói vậy thì phải giúp chứ sao,có điều là tôi không thân với Lôi lão gia nên phải nhờ Tiền lão gia nói giùm, xong việc, tôi mua lễ vật tới tạ Tiền lão gia là được rồi, lấy tiền bạc lễ vật của hắn làm gì.

Bá Tước bảo:

- Đại ca dạy như vậy là sai rồi, hắn tới đây nhờ vả đại ca mà đại ca lại chịu thiệt cho hắn là thế nào? Đại ca cũng phải tạ ơn cho người ta chứ có phải không đâu. Nếu đại ca không nhận tức là đại ca chê ít mà không thèm. Vẫn biết đại ca chẳng thiếu gì, nhưng theo tôi thì đại ca cứ nhận,một là để cho Hoàng Tứ yên lòng, hai là để thêm vào mà mua lễ vật tạ ơn Tiền lão gia.

Đoạn quay lại bảo Hoàng Tứ:

- Tứ ca à, được quan nhân đây giúp cho tức là cha vợ và em vợ Tứ ca có phúc lắm đó, chắc chắn hai người đó sẽ được vô sự về nhà. Quan nhân đây giúp là giúp chứ tiền rừng bạc bể cũng thừa, đâu cần tới tiền bạc lễ vật của Tứ ca.

Nay Tứ ca biết điều thì mau tới nhà hát dọn một tiệc thịnh soạn, thỉnh quan nhân tới chứng giám cho, rồi chúng tôi đây cũng được vui nhờ.

Hoàng Tứ nói:

- Xin nhị gia cứ yên tâm, tiệc tùng gì cũng có, miễn là cha vợ và em vợ tôi được vô sự. Mấy hôm nay tôi khổ vì hai người đó, chẳng biết phải chạy chọt ở đâu, may mà gia gia đây thương tình cứu cho chứ không thì chẳng biết làm sao.

Bá Tước bảo:

- Lấy con gái, chị gái người ta làm vợ thì phải ráng lo chongười ta chứ còn than thở gì nữa, Tứ ca thật lẩn thẩn.

Hoàng Tứ nói thêm:

- Cũng tội nghiệp, tiện nội mấy hôm nay ở nhà chỉ biết khóc.

Tây Môn Khánh thấy Bá Tước nói vừa rồi là có lý, bèn cầm tấm thiếp mà bảo:

- Thôi được, tôi đành nhận vậy.

Bá Tước hỏi:

- Bao giờ thì cần có thư đưa đi?

Hoàng Tứ đáp:

- Cứu mệnh như cứu hỏa, có lẽ là nhờ lão gia cho viết thư ngay hôm nay đẻ sáng sớm mai cho gia nhân cùng tôi cầm thư đi.Chẳng hay lão gia định sai vị nào viết, để tôi được diện kiến cảm tạ vị đó.

Tây Môn Khánh đáp:

- Để ta viết cũng được.

Đoạn gọi Đại An ra bảo:

- Ngày mai ngươi cùng Hoàng Tứ đây cầm thư đem đi.

Hoàng Tứ chào hỏi Đại An, hẹn hôm sau đi sớm rồi lạy tạ mà về.

Tây Môn Khánh trở lại thư phòng bảo Ôn tú tài viết thư để ngày mai Đại An cầm đi. Lát sau thấy ngoài trời tuyết ơi mỗi lúc một nhiều, trông như muôn ngàn ánh hoa lê bay lả tả.

Cảnh hoa viên trong tuyết thật vô cùng đẹp mắt. Tây Môn Khánh sai đem thêm rượu quý ra, lại bảo Trịnh Xuân lấy đàn ra cùng với Xuân Hồng đàn hát.

Đang uống rượu nghe hát thưởng tuyết thì Cầm Đồng vào thưa:

- Hàn quản lý sai người đem thiếp tới trình gia gia.

Nói xong đưa tấm thiếp lên. Tây Môn Khánh cầm xem rồi bảo:

- Ngươi ra ngoại thành gặp Nhiệm y quan nói giùm cho Hàn quản lý Cầm Đồng thưa:

- Bây giờ muộn rồi, xin để sáng mai tôi đi sớm.

Tây Môn Khánh bảo:

- Ừ, sáng mai đi sớm cũng được.

Đại An đem bánh trái lên, mọi người cùng ăn, cả Kính Tế cũng được ngồi dự. Tây Môn Khánh sai Vương Kinh sẻ bớt thức ăn cho Trịnh Xuân ăn. Lại thưởng cho Trịnh Xuân hai chung rượu lớn. Trịnh Xuân quỳ đáp:

- Tôi không uống được rượu.

Bá Tước bảo:

- Đồ ngốc, trời lạnh như thế này có rượu mà không uống. Vả lại rượu gia gia thưởng cho ngươi mà ngươi không uống sao.

Vương Kinh đứng bên nói thêm:

- Nhị gia không biết, chứ tôi cũng không uống được rượu.

Bá Tước bảo:

- Thì mày cũng là đồ ngốc chứ sao. Bây giờ mày uống đỡ cho nó một chung đi. Từ xưa tới nay,người trên cho cái gì, người dưới không được phép chối từ.

Lại đứng dậy nói tiếp:

- Mày không biết uống thì để tao dạy mày uống.

Vương Kinh vội cầm lấy chung rượu, nhắm mắt nhắm mũi mà uống. Tây Môn Khánh cười bảo:

- Nhị gia kỳ khôi thật, nó không uống được thì bắt tội nó làm gì.

Bá Tước thấy Vương Kinh chỉ uống được nửa chung, bèn bảo Xuân Hồng uống nốt, rồi bảo Xuân Hồng hát vài khúc Nam.

Tây Môn Khánh nói:

- Bây giờ có Ôn tiên sinh đây, mình nên dùng tửu lệnh mà uống rượu rồi nghe nó hát mới thú.

Nói xong bảo Vương Kinh đem con súc sắc ra đưa cho Ôn tú tài, bảo Ôn tú tài bắt đầu. Ôn tú tài đứng dậy nói:

- Vãn sinh đâu dám thất lễ, xin để Ứng nhị gia đây thì hơn.

Đoạn quay hỏi Bá Tước:

- Chẳng hay tôn hiệu là gì?

Bá Tước đáp:

- Tên hiệu là Nam Pha.

Tây Môn Khánh đùa:

- Hiệu gì mà lạ vậy, nam pha với chẳng nem pheo.

Bá Tước cười:

- Chỉ tài khôi hài trêu chọc người khác mà thôi.

Ôn tú tài bảo:

- Xưa nay không khôi hài thì làm sao vui cười được.

Bá Tước giục:

- Thôi, tiên sinh ban tửu lệnh đi, chần chờ mãi, nói lung tung làm gì.

Ôn tú tài nói:

- Xin vâng, vậy thì mỗi người gieo súc sắc một lần, giáp vòng thì gieo lại, gieo được số nào thì phải đọc một câu, bất cứ thi ca từ phú gì cũng được, nhưng số chữ trong câu phải bằng với số gieo, và trong số câu buộc phải có một chữ "tuyết" vì hôm nay chúng ta uống rượu thưởng tuyết.

Nói xong bắt đầu gieo trước, súc sắc lật mặt lục.

Ôn tú tài đọc:

- Tuyết như hoa lê lả tả.

Đọc xong, uống một chung rượu nhỏ rồi chuyền sang cho Bá Tước.Bá Tước gieo mặt ngũ, rồi cứ ngồi thừ nghĩ mãi không ra lấy một câu, cử vò đầu bứt tai nói:

- Thế này thì chết tôi rồi.

Đoạn tiếp tục nghĩ, mãi mới reo lên:

- Đây rồi, có ngay.

Nói xong liền đọc:

- Trời tuyết hoa mai nở trong tuyết.

Ôn tú tài bảo:

- Không được, như vậy số chữ đã không đúng, mà lại tới hai chữ "tuyết".

Bá Tước gân cổ cãi:

- Thì chữ tuyết trước là tiểu tuyết, chữ tuyết sau là đại tuyết Tây Môn Khánh cười: .

- Thôi, bị phạt rồi, đừng có lôi thôi cãi chầy cãi cối nữa.

Đoạn sai Vương Kinh róc đầy một chung lớn để trước mặt. Xuân Hồng hát rằng:

Đêm lạnh trà không có Chạy tới thôn trên xin đỡ một chung Trời xuống tuyết Tuyết rơi mênh mông Tuyết phủ lâu đài rực rỡ Tuyết che quán rượu trời đông Đường về quên lối Ra xem hoa mai nở đẹp bên sông Nhà ai kia đàn ca réo rắt Nên đổ rượu nồng Tuyết vẫn xuống Như muôn ngàn tơ liễu giăng mắc không trung.

Khúc hát dứt, Bá Tước nâng chung rượu phạt uống cạn. Cùng lúc đó Lai An đem thêm đồ ăn ra, trong đó có ốc của Ái Nguyệt biếu và một đĩa đựng những viên tròn đen đen. Bá Tước lấy ngay một viên bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến, thấy vị ngon ngọt vô cùng, có vẻ như một thứ trái cây được chế biến, bèn hỏi:

- Đại ca à, cái gì đây mà ngon thế?

Tây Môn Khánh bảo:

- Nhị ca thử đoán xem.

Bá Tước lẩm bẩm:

- Không biết là cái quả gì.

Tây Môn Khánh cười:

- Quả gì đâu, thôi nhị ca không biết rồi, đây là các vị thuốc bổ tán nhỏ ra luyện với mật ong quý, bên ngoài dùng bạc hà và lá cam bao lại rồi hấp lên, do đó mới có vị ngon thơm như vậy. Sáng ra mà ăn một viên này thì bổ phổi, hạ đờm, hạ hỏa, tiêu thực mà lại giải cơn say rượu, tên nó là Tố y mai.

Bá Tước chăm chú nghe rồi gật gù:

- Đại ca không nói thì làm sao tôi biết.

Đoạn quay sang Ôn tú tài: .

- Kìa tiên sinh, sao không dùng đi, ngon tuyệt.

Rồi quay lại bảo Vương Kinh:

- Lấy cho tao miếng giấy để tao gói hai viên đem về nhà cho vợ tao cùng thưởng thức.

Nói xong lại chỉ vào dĩa ốc bảo Trịnh Xuân:

- Còn món này có phải chính tay Ái Nguyệt làm không đây?

Trịnh Xuân quỳ xuống thưa:

- Quả thật là vậy, tôi đâu dám nói dối. Thư thư tôi mất bao nhiêu công lao và thời giờ mới làm được bấy nhiêu để đem lại hiếu kính gia gia đây.

Bá Tước bảo:

- Con nhỏ vậy mà khéo tay nhỉ, thân ốc đã lấy ra nguyên vẹn, rồi cuốn lại trông cứ y như con ốc sống.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nhìn món ốc này tôi lại buồn, vì nhà này chỉ có Lục nương tôi là biết làm mà thôi. Nay thì nàng đã khuất rồi, làm sao tôi được ăn những món ăn của nàng.

Bá Tước bảo:

- Đại ca đừng buồn, Lục tẩu khuất rồi thì đã có Ái Nguyệt nó làm món ốc này, đại ca muốn ăn thì cứ bảo nó làm. Nếu không thì để nó về ở hẳn đây làm món ăn cho đại ca ăn.

Tây Môn Khánh đang buồn cũng phải nhổm dậy đánh Bá Tước một cái mà bảo:

- Đồ quỷ, chỉ được cái ăn nói bậy bạ.

Ôn tú tài nói:

- Nhị vị quả là thân thiết lắm, khó có những người bạn nào như thế.

Bá Tước nói càn:

- Thân lắm chứ, tiên sinh không biết, đây là cháu con trong nhà tôi.

Tây Môn Khánh có hơi men cũng nói bừa:

- Đâu có tôi là ông nội hắn.

Kính Tế thấy hai người ăn nói suồng sã hàm hồ thì đứng dậy bỏ ra ngoài.

Còn Ôn tú tài chỉ che miệng mà cười, rồi giục Tây Môn Khánh gieo súc sắc. Tây Môn Khánh chợt nhớ tới lượt mình, bèn gieo súc sắc, mặt tứ lật lên, liền nói:

- Tôi xin đọc một câu trong bài ca "Hương la đới" câu đó là "Hoa lê tựa tuyết".

Bá Tước lại bô bô:

- Không được rồi, đây đâu phải là một câu, gì chứ bài ca là tôi thuộc lắm chứ, câu đó có tất cả chín chữ cơ mà, đó là câu "đông quân tình tha thiết, hoa lê tựa tuyết", thôi uống rượu phạt đi.

Nói xong đưa tay róc đầy một chung lớn để trước mặt Tây Môn Khánh rồi bảo Xuân Hồng:

- Ngươi chọn bài gì hay thì hát cho gia gia ngươi thọ phạt.

Xuân Hồng vỗ tay làm nhịp mà hát.

Bữa tiệc kéo dài tới lúc chạng vạng. Tây Môn Khánh sai đốt đèn. Bá Tước bảo Ôn tú tài gieo súc sắc lần sau cùng để chấm dứt tửu lệnh. Ôn tú tài gieo được mặt lục, đang nghĩ câu thơ để đọc thì chợt nhìn thấy trên thấm bình phong bên cạnh có đôi liễn viết rằng "Chiều lạnh gió đùa tơ liễu. Vườn xuân tuyết điểm cánh mai", bèn đọc:

- Vườn xuân tuyết điểm cánh mai.

Bá Tước vội xua tay:

- Không được không được, câu đó không phải là do tiên sinh nghĩ ra, phải uống rượu phạt.

Xuân Hồng bước tới rót đầy một chung rượu lớn để trước mặt Ôn tú tài.

Ôn tú tài đã say, nay phải uống thêm một chung rượu lớn nữa, nên cứ gục vào thành ghế mà ngủ gà ngủ gật, lát sau thì đứng dậy cáo từ. Bá Tước muốn giữ lại nhưng Tây Môn Khánh bảo:

- Thôi, tiền sinh đây vóc vạc văn nhân, không uống được nhiều đâu, đừng nên ép.

Đoạn quay lại bảo Họa Đồng:

- Ngươi đưa tiên sinh về bên đó nghỉ ngơi.

Ôn tú tài lảo đảo đứng dậy vái chào mà về, Họa Đồng đi theo.

Bá Tước bảo:

- Tửu lượng yếu quá, mới uống chút ít mà đã say rồi.

Hai người lại tiếp tục chén tạc chén thù.

Mãi sau Bá Tước mới đứng dậy cáo từ. Tây Môn Khánh bảo:

- Trời tuyết đường trơn, nhị ca lại hơi say, đi đứng nên cẩn thận.

Bá Tước dặn:

- Sáng mai đại ca nhớ bảo Đại An đem thư đi giùm cho Hoàng Tứ.

Tây Môn Khánh đáp:

- Tôi nhớ rồi, ngày mai là nó đi sớm.

Nói xong thưởng tiền cho Trịnh Xuân rồi cho về. Trịnh Xuân lạy tạ rồi cáo từ. Bá Tước vén mành bước ra, thấy trời tối,đất trơn, liền mượn một cái đến rồi cùng về với Trịnh Xuân.

Tây Môn Khánh tiễn vài bước rồi nói đùa:

- Thôi, hai cha con về cho bình an nhé.

Bá Tước quay lại bảo:

- Không cần nói nhiều, tôi sẽ dạy cho con gái Ái Nguyệt của tôi một trận.

Tây Môn Khánh cười ha hả quay vào, sai gia nhân dọn dẹp bàn tiệc, rồi bảo Cầm Đồng che dù đem đèn đưa mình tới phòng Kim Liên, nhưng cổng nhỏ từ hoa viên sang phòng Kim Liên đã đóng chặt, Tây Môn Khánh quay về phòng Bình Nhi gõ cửa, Tú Xuân ra mở cửa. Cầm Đồng đưa Tây Môn Khánh vào rồi quay ra. Tây Môn Khánh bước vào phòng ngoài hỏi:

- Cúng cơm chiều chưa?

Như Ý đứng cạnh thưa:

- Dạ vừa mới cúng xong.

Tây Môn Khánh ngồi xuống tràng kỷ sai Tú Xuân cởi bỏ mũ áo. Như Ý biết Tây Môn Khánh định nghỉ đêm ở đây, vội dọn giường màn chăn gối rồi mời Tây Môn Khánh vào trong nghĩ ngơi. Ngoài này Như Ý cùng Tú Xuân đi ngủ.

Lát sau, Tây Môn Khánh gọi đem trà. Như Ý vội đem trà vào Tây Môn Khánh bảo:

- Ngươi ráng hầu hạ ta, ta sẽ đối xử với ngươi như là lúc Lục nương còn sống vậy.

Như Ý tinh khôn đáp:

- Gia gia không dặn, tôi cũng phải tận lực hầu hạ gia gia, tôi xin thề với trời đất quỷ thần như vậy. Gia gia không chê tôi xấu xí quê mùa thì thỉnh thoảng gia gia để mắt cho cũng là may mắn cho tôi rồi.

Tây Môn Khánh bèn hỏi:

- Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi?

Như Ý đáp:

- Năm nay tôi đã ba mươi mốt tuổi rồi.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu vậy thì kém ta một tuổi.

Nói xong cầm tay Như Ý kéo xuống. Như Ý sung sướng nghẹn lời. Đêm đó, Tây Môn Khánh thấy Như Ý biết nói chuyện và tỏ ra khéo léo mặn nồng trong việc gối chăn thì hài lòng lắm.

Sáng dậy, Như Ý đã lo lắng cho Tây Môn Khánh đủ thứ, từ đôi dép xỏ chân đến chậu nước rửa mặt, cái lược chải đầu, nhất nhất đều ân cần khéo léo.

Lúc Tây Môn Khánh lên nhà trên, Như Ý nói:

- Tôi thiếu áo mặc, gia gia cho tôi đi. .

Tây Môn Khánh bèn gọi gia nhân tới bảo:

- Ngươi chạy ra tiệm nhà, lấy ba xấp lụa về cho Như Ý và hai a hoàn đây đi may áo.

Nói xong bước ra.

Từ đó Tây Môn Khánh thường lén Nguyệt nương để cho Như Ý tiền bạc, lụa vải và đồ trang sức. Như Ý lại khôn ngoan,biết lựa đúng lúc để xin, nên xin gì được nấy.

Hôm sau, không hiểu sao Kim Liên dò xét biết chuyện, liền vào thượng phòng nói với Nguyệt nương:

- Đại nương ơi, sao Đại nương không nói rõ cho lão già vô liêm sỉ vài câu chứ để thế này sao được. Đêm hôm kia lão già xuống phòng ngủ với con khốn Như Ý cả một đêm, lại cho nó quần áo tiền bạc. Đại nương còn nhớ chuyện vợ chồng thằng Lai vượng không? Nếu không ngăn cản từ bây giờ rồi lỡ con khốn đó có con rồi làm sao? Con khốn đó tính tình lẳng lơ, lúc đó biết có con của lão già nhà mình hay không. Đại nương phải tính trước đi kẻo rồi chuyện vỡ lở ra thì phiến lắm dó.

Nguyệt nương chán nản đáp:

- Cái gì các người cũng xúi tôi nói, có gì thì mình tôi chịu. Các người biết chuyện, các người lại khôn ngoan, thì các người cứ nói, sao lại bắt tôi nói. Tôi bây giờ là người ngu ngốc, chẳng thiết gì cả.

Kim Iiên nghe vậy thì im lặng về phòng.

Tây Môn Khánh lên dại sảnh, thấy trời tạnh ráo, liền sai Đại An đem thư cùng Hoàng Tứ tới nhà Tiền Chủ sự. Lát sau Bình An vào thưa:

- Người của Địch gia tới lấy thư phúc đáp.

Tây Môn Khánh cho gọi vào, lấy thư đưa ra rồi hỏi:

- Sao hôm qua ngươi không tới lấy?

Người đó là Vương cán biện đáp:

- Thưa tôi phải tới đưa thư cho Hầu Tuần phủ nên về đây chậm mất một ngày.

Tây Môn Khánh giao lễ vật rồi cho đi.

Sau đó Tây Môn Khánh sang cửa tiệm nước nhà kiểm điểm tiền bạc, cho đóng bao, rồi bảo Ôn tú tài viết thư cho các nơi. Lại sai chuẩn bị làm lễ cúng tài thần vào ngày hai mươi bốn để cúng xong là cho Thôi Bản, Lai Bảo, và Hàn quản lý cùng hai gia nhân là Vinh Hải và Hồ Tú lên đường xuôi Nam cất hàng.

Cùng viết thư và soạn lễ vật thật hậu để đưa cho Miêu viên ngoại ở Nam.

Mấy hôm sau, Tây Môn Khánh trút bỏ tang phục, ngồi tại đại sảnh ăn sáng, Nguyệt nương ngồi cạnh bảo:

- Ngày mồng năm đầu tháng đây là sinh nhật của tiểu thư bên Kiều thân gia, mình cũng phải có lễ vật sang mừng. Lời tục có câu rằng "tiên thân, hậu bất cải" không phải vì con trai mình đã chết mà mình lơ là với người ta.

Tây Môn Khánh bảo:

- Phải có chứ, không sao được.

Nói xong gọi Lai Hưng lên bảo mua các lễ vật, rồi sai Vương Kinh đem tới nhà Kiều đại hộ lặn dò gia nhân xong xuôi lại bảo Ôn tú tài viết thiếp, rồi Tây Môn Khánh vào thư phòng trong hoa viên.

Lát sau Đại An về thưa:

- Tôi đem thiếp của gia gia tới Tiền lão gia,Tiền lão gia coi xong là viết thư liền, tôi và con trai Hoàng Tứ đem lên phủ Đông Bình ngay, đưa cho Lôi lão gia. Lôi lão gia tức khắc hạ văn thư cho Đồng lão gia. Hiện hai cha con họ Tôn đã được thả ra rồi. Chỉ phải đóng mười lạng về tiền án phí mà thôi tuy nhiên trước đó cũng đã bị đánh ít chục trượng rồi. Tôi theo dõi sự việc, thấy xong xuôi, mới trở về thưa lại cùng Tiền lão gia rồi mới về đây. Tiền lão gia có gởi thiếp cho gia gia.

Nói xong đưa thiếp lên. Tây Môn Khánh thấy Đại An lanh lẹ, biết việc thì vui lắm, cầm thiếp coi thì đó là thiếp của Lôi lão gia gửi cho Tiền lão gia, thiếp viết rằng:

- Việc đã xử xong,Phùng Nhị trước đó có đánh mắng con nên đứa con mới gây chuyện ẩu đả, tự mình bị thương, cái chết không liên can gì đến vết thương.

Cha con họ Tôn không bị khép vào tội đả thương trí mạng nên chỉ bị đánh ít trượng và nộp mười lượng rồi được về. Nay xin hồi báo. Vãn sinh Lôi Khải Nguyên kính bái.

Tây Môn Khánh coi xong mừng lắm, hỏi:

- Hoàng Tứ bây giờ ở đâu?

Đại An đáp:

- Hiện đưa cha vợ và em vợ về nhà, ngày mai tất cả sẽ tới tạ ơn gia gia.

Cha vợ Hoàng Tứ còn thưởng cho tôi một lạng bạc.

Tây Môn Khánh bảo:

- Lấy tiền đó mua hài mà mang.

Đại An lạy chào rồi lui ra. Tây Môn Khánh nằm xuống giường mà ngủ, Vương Kinh khơi thêm lò sưởi rồi cũng lui ra.

Lát sau, Tây Môn Khánh nghe như có người vén rèm, vội nhìn ra thì thấy Bình Nhi bước vào, mình mặc áo gấm tía, quần lụa bạch, đầu tóc rối bời, dung nhan buồn khổ, bước tới gần giường nói:

- Chàng ơi, biết chàng nằm ngủ ở đây nên tôi đến báo cho chàng biết là thằng Tử Hư nó làm đơn thưa tôi, tôi bị giam trong ngục, mà huyết vẫn cứ ra dầm dề, dơ dáy cực khổ lắm.Hôm qua nhờ chàng làm lễ cầu siêu nên tôi được giảm tội, vậy mà Tử Hư còn không chịu, lại làm đơn để xin giam cầm tôi. Tôi vội tới báo cho chàng biết mà thôi, chứ lần này chưa chắc gì Tử Hư làm hại được tôi. Tuy nhiên tôi đến đây cũng là để dặn chàng phải đề phòng sự ám hại của kẻ tiểu nhân. Tôi bây giờ thì dù sao cũng yên thân rồi, nhưng còn chàng thì phải giữ gìn cẩn thận lắm mới được. Từ nay không nên uống rượu đêm ở ngoài.

Có đi đâu thì cố mà về nhà cho sớm. Bấy nhiêu điều tôi dặn, chàng phải ghi nhớ đừng quên.

Nói xong ôm lấy Tây Môn Khánh mà khóc. Tây Môn Khánh khóc hỏi:

- Nàng ơi, bây giờ nàng đi đâu, ở đâu, nói cho tôi biết đi.

Bình Nhi không nói gì, chỉ gỡ tay Tây Môn Khánh mà ra đi.

Tây Môn Khánh bàng hoàng tỉnh dậy, thì ra là một giấc mộng. Bên ngoài, trời đã trưa, Tây Môn Khánh thương nhớ Bình Nhi, lòng đau như cắt.

Trong khi đó gia nhân của Kiều đại hộ là Kiều Thông đem thiếp sang mời dự tiệc sinh nhật, được dẫn vào gặp Nguyệt nương, Nguyệt nương hỏi:

- Gia gia đâu ?

Gia nhân thưa:

- Gia gia đang ngủ trong thư phòng tại hoa viên.

Nguyệt nương không dám làm rộn chồng, chỉ sai gia nhân đem rượu thịt khoản đãi Kiều Thông. Kim Liên bảo:

- Để tôi tới báo cho gia gia biết.

Nói xong đứng dậy, tới thư phòng trong hoa viên, vén rèm nhìn vào thấy Tây Môn Khánh đang ngồi trên giường trầm ngâm, bèn bước vào ngồi cạnh mà bảo:

- Chàng ơi, sao lại ngồi thừ người ra không nói không rằng thế này, chàng ngồi đây làm gì. Trong nhà không thấy chàngđâu, thì ra chàng ngủ ở đây.

Tây Môn Khánh im lặng. Kim Liên nhìn rồi hỏi:

- Sao mắt chàng lại đỏ lên vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

- Chắc là tại tôi vừa ngủ dậy, còn ngái ngủ nên mắt đỏ lên chứ gì.

Kim Liên bảo:

- Ngái ngủ gì mà cứ như là khóc vậy?

Tây Môn Khánh nói:

- Đừng có lắm chuyện, tự nhiên sao lại khóc.

Kim Liên nói:

- Chắc là chàng tưởng nhớ tới người nào đấy thôi.

Tây Môn Khánh bảo:

- Chỉ nói bậy, có ai đâu mà tưởng với nhớ.

Kim viên trắng trợn: .

- Có chứ sao không Bình Nhi là người tưởng, nhũ mẫu Như Ý là người nhớ, còn chúng tôi là những người quên chứ sao.

Tây Môn Khánh bảo:

- Thôi đừng có ăn nói bậy bạ nữa, nghe tôi hỏi chuyện đàng hoàng đây.

Hôm tẩm liệm cho Bình Nhi, các nàng cho Bình Nhi mặc những quần áo gì?

Kim viên hỏi lại:

- Chàng hỏi làm gì vậy?

Tây Môn Khánh đáp - Chẳng làm gì cả, chợt nhớ thì hỏi vậy thôi.

Kim viên bảo:

- Chàng hỏi tất là có duyên cớ gì đây, nhưng thôi, chàng đã hỏi thì tôi cứ nói. Hôm tẩm liệm cho Lục thư thì chúng tôi mặc cho Lục Thư hai bộ quần áo, bộ ngoài gồm áo đoạn trắng và quần sa vàng, bộ trong là áo gấm tím và quần lụa bạch. Trong cùng là cái áo lót đại hồng.

Tây Môn Khánh chỉ gật đầu im lặng. Kim Liên lại hỏi:

- Nếu chàng không tưởng nhớ tới Lục thư thì hỏi như vậy làm gì?

Tây Môn Khánh chậm rãi:

- Tôi vừa nằm mộng thấy Bình Nhi.

Kim Liên nói:

- Mộng mị là do mình tưởng tượng ra mà thôi, làm gì có thật. Dù sao thì Lục thư đã chết rồi, vậy mà chàng cứ tơ tưởng mãi người chết thì được chàng nghĩ tới, còn người sống thì bị chàng bỏ quên. Chúng tôi đang sống đây mà còn bị bỏ quên như thế này thì lúc chết đi còn ai nghĩ tới nữa.

Tây Môn Khánh bảo:

- Thôi đi, có cái miệng chỉ ăn nói hàm hồ.

Kim viên nói:

- Tôi là cứ đi guốc vào bụng chàng rồi.

Tây Môn Khánh im lặng nhìn Kim liên, thấy Kim Liên đầu thắt chiếc khăn kim xích, tóc cài cây trâm thúy mai, cổ đeo chuỗi ngọc châu thúy, tất cả đều là do Bình Nhi đã tặng cho Kim liên, thấy vật cũ lại càng thêm nhớ người xưa. Tây Môn Khánh thấy lòng đau như cắt.

Bỗng Lai An bước tới ngoài rèm thưa:

- Có Ứng nhị gia tới.

Tây Môn Khánh bảo:

- Mời vào đây.

Lai An vừa định quay ra thì Kim Iiên vội đứng lên gọi ầm ỹ:

- Thằng trời đánh thánh đâm kia, mày có tử từ không, đợi ta ra rồi hãy mời người ta vào chứ.

Lai An chỉ tay ra ngoài:

- Ứng nhị gia đang vào rồi kia kìa.

Kim Liên cuống lên:

- Thì chạy ra bảo tạm đứng lại đã.

Lai An chạy ra nói:

- Xin nhị gia tạm dừng bước đôi chút, trong thư phòng đang có người.

Bá Tước bèn rẽ vào hoa viên ngắm trúc. Kim Liên thấy vậy bèn vén rèm đi ra. Vương Kinh ra mời Bá Tước. Bá Tước vào vái chào Tây Môn Khánh rồi ngồi xuống. Tây Môn Khánh hỏi:

- Hai hôm nay sao không thấy nhị ca tới?

Bá Tước đáp:

- Đại ca ơi, tôi có chuyện rầu lắm.

Tây Môn Khánh sốt sắng:

- Chuyện gì vậy? Sao không nói với tôi?

Bá Tước đáp:

- Khổ lắm, tiểu thiếp tôi tới ngày mãn nguyệt khai hoa, mà trong nhà thì tiền bạc chẳng có. Đêm hôm kia,đang nửa đêm thì tiểu thiếp tôi đau bụng dữ dội, trong nhà lại chẳng có ai, có tên Ứng Bảo thì ông anh tôi lại sai nó ra ngoại thành có chút tôi đành phải nhờ bà hàng xóm là Trịnh lão nương đưa đi, tôi cầm đèn theo, vừa tới nơi thì tiểu thiếp tôi hạ sanh ngay.

Tây Môn Khánh vội hỏi:

- Trai hay gái?

Bá Tước đáp:

- Trai Tây Môn Khánh cười:

- Thật là đồ ngốc sinh con trai mà rầu với khổ nỗi gì? Có phải tiểu thiếp Xuân Hoa không?

Bá Tước cười:

- Đúng là dì Xuân Hoa nó sanh con trai đấy.

Tâyy Môn Khánh bảo:

- Nhị ca thật là đồ quỷ, ai bảo đa mang cầm cáp làm gì, nhị tẩu ở nhà chỉ thêm bực mình mà thôi.

Bá Tước bảo:

- Không con thì mới phải đa mang chứ, bây giờ có con trai khác nào như gấm thêm hoa. Có điều là trời đông tháng giá thế này mà gia đình không đủ áo lạnh mà mặc, nhà lại neo người, con gái lớn tôi cũng đã đi xa, ông anh thì chẳng giúp được gì cả, hóa nên trăm sự chỉ còn biết trông cậy cả vào đại ca mà thôi.

Tiện nội tôi thì cứ cằn nhằn tiền bạc, ngày mai là thằng nhỏ được ba ngày, phải có cái gì để cáo tri cho thân bằng quyến thuộc chứ. Lại còn đến ngày đầy tháng, lấy tiền đâu mà lễ lạc ăn uống đây. Chắc tới mấy ngày đó tôi phải kiếm ngôi chùa nào đến xin tá túc ít lâu, rồi ở nhà muốn ra sao thì ra.

Tây Môn Khánh cười:

- Nhị ca cứ đi đi, tướng nhị ca có thể làm hòa thượng được đó của nhà chùa thiếu gì, không sợ nghèo đói nữa.

Bá Tước chỉ im lặng. Tây Môn Khánh dịu giọng:

- Thôi, đừng rầu với khổ nữa, nhị ca cần bao nhiêu, để tôi đưa cho mà chi dùng.

Bá Tước tươi ngay nét mặt đáp:

- Chừng hai chục lạng thì đủ dùng, nhưng xưa nay tôi phiền đại ca nhiều quá rồi, bây giờ tùy đại ca muốn cho tôi bao nhiêu cũng được. Hay là để tôi làm giấy nợ vậy.

Tây Môn Khánh gạt đi:

- Chỗ anh em kết nghĩa với nhau, cái gì mà giấy với tờ, nợ với nần.

Đang nói chuyện thì Lai An đem đồ ăn ra. Tây Môn Khánh bảo:

- Ngươi để đây rồi gọi Vương Kinh cho ta.

Vương Kinh chạy ra chắp tay đứng chờ, Tây Môn Khánh bảo:

- Ngươi vào nhà trong thưa với Đại nương, là dưới nệm giường ta vẫn nằm có hai gói bạc hôm nọ Tống tuần án đưa để làm tiệc, Đại nương lấy ra, đưa cho ngươi đem ra đây cho ta.

Vương Kinh vâng lời quay vào, lát sau đem gói bạc ra. Tây Môn Khánh đưa cho Bá Tước mà bảo:

- Gói này là năm chục lạng, nhị ca cầm về mà chi dùng. Gói còn nguyên, chưa ai đụng tới, nhị ca thử mở ra coi lại xem sao.

Bá Tước ngần ngại:

- Nhiều quá.

Tây Môn Khánh bảo:

- Thừa thì để may quần áo, mua hài mua mũ cho cháu, rồi ngày đầy tháng còn phải lo liệu sao cho coi được chứ.

Bá Tước nói nhỏ:

- Đại ca dạy rất phải.

Nói xong mở gói bạc ra, thấy toàn là bạc tốt sáng ngời, trong lòng vui sướng lắm, vội đứng dậy vái tạ Tây Môn Khánh:

- Thịnh tình của đại ca, tôi quyết chẳng bao giờ quên.

Tây Môn Khánh cười:

- Nói gì vậy, tôi đối với nhị ca từ trước tới nay như thế nào nhị ca không biết hay sao, cho nên nhị ca có chuyện gì là đã có tôi.

Đoạn nói đùa:

- Này, mà thằng nhỏ đó chưa chắc là con của nhị ca đâu, có thể là con của hai chúng mình đó, để rồi sau ngày đầy tháng, Nhị ca bảo Xuân Hoa nó đến đây hầu hạ tôi ít ngày thì tiền vốn tiền lời gì, tôi không tính đâu.

Bá Tước bảo:

- Xuân Hoa bây giờ nó gầy gò xấu xí lắm.

Hai người nói đùa cười giỡn một hồi rồi Bá Tước hỏi:

- À, còn chuyện cha vợ Hoàng Tứ tới đâu rồi?

Tây Môn Khánh đáp:

- Nhận được thư của Tiền Chủ sự là Lôi Binh bị thả ngay cha con họ Tôn ra, chỉ bắt nạp mười lạng bạc, trước đó có bị đánh ít trượng mà thôi.

Bá Tước bảo: .

- Thật là may phúc cho Hoàng Tứ, hắn có đốt đuốc tìm khắp nơi cũng không tìm ra người nào khác để xin cứu vớt cho cha vợ và em vợ hắn. Tiền bạc của hắn đưa, đại ca cứ lấy ra mà mua lễ vật biếu tạ Tiền lão gia. Còn hắn thì bắt hắn phải làm một tiệc thật lớn để anh em mình tới mua vui một ngày mới được Nếu đại ca không nói thì để tôi gặp hắn tôi nói cho. Em vợ hắn thoát khỏi tội chết, đâu phải dễ gì.

Hai người tiếp tục trò chuyện vui vẻ.Trong khi đó, tại thượng phòng Ngọc Lâu tới nói với Nguyệt nương:

- Mạnh Duệ em trai tôi chỉ còn mấy hôm nữa lại lên đường đi Xuyên Quảng để mua hàng, nên hôm nay tới đây để cáo từ gia gia, hiện Mạnh Duệ đang ngồi chờ tại phòng tôi. Gia gia ở đâu, xin Đại nương sai gia nhân tới thưa giùm một câu.

Nguyệt nương bảo:

- Gia gia đang chuyện trò ăn uống gì với Ứng nhị ca tại thư phòng trong hoa viên. Hồi nãy Kiều Thông sang đây đưa thiếp mời ăn sinh nhật. Ngũ nương có vào thư phòng, bảo là nói cho gia gia biết, rồi tính xem ngày mai có đi hay không. Trong này tôi giữ tên Kiều Thông lại, mời ăn uống. Vậy mà chờ cả nửa ngày nửa buổi mới thấy Ngũ nương từ thư phòng đi ngang đây. Tôi có hỏi là đã nói gì với gia gia về vụ ăn sinh nhật bên Kiều thân gia chưa. Ngũ nương im lặng rồi mãi mới bảo là quên không nói, mấy tấm thiếp thì vẫn ở trong tay áo. Thật chẳng hiểu là người gì nữa, ở cả ngày buổi ngoài đó làm những chuyện gì, mà có chuyện đó lại quên. Tôi tức quá mắng cho mấy câu bây giờ về phòng rồi.

Ngọc Lâu im lặng ngồi nghe. Bỗng thấy Lai An vào, Nguyệt nương bảo:

- Ra mời gia gia vào đây, có Mạnh Nhị cữu đang đợi.

Lại An ra thư phòng thưa lại. Tây Môn Khánh đứng dậy bảo Bá Tước:

- Tôi vào một chút rồi trở ra ngay, nhị ca đừng về nhé.

Nói xong bước vào hậu phòng.

Nguyệt nương trước hết nói chuyện về việc Kiều Đại hộ mời ăn sinh nhật.

Tây Môn Khánh bảo:

- Ngày mai chỉ một mình nàng đi là được rồi, mình đang có tang, kéo cả nhà đi ăn uống không tiện.

Nguyệt nương lại nói:

- Có Mạnh nhị cữu tới từ giã, vì một hai ngày nữa là nhị cữu lên đường đi Xuyên Quảng cất hàng, hiện đang ngồi chờ tại phòng tam nương đó. À, mà vừa rồi chàng sai lấy tiền làm gì vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

- Ứng nhị ca đến mượn tôi ít tiền để trang trải chuyện nhà,người thiếp là Xuân Hoa vừa mới sinh con trai.

Nguyệt nương bảo:

- May quá nhỉ, Ứng nhị ca ngần ấy tuổi rồi mà bây giờ mới được con trai đó. Ứng nhị tẩu chắc cũng mừng lắm. Để hôm nào tôi phải mua ít đồ tới tặng mừng mới được.

Tây Môn Khánh bảo:

- Không việc gì phải vội, sẽ bắt Ứng nhị ca làm tiệc đầy tháng thật lớn mời vợ chồng mình tới, lúc đó cho gì thì cho, tôi cũng muốn xem Xuân Hoa hồi này ra sao.

Nguyệt nương cười:

- Chỉ được cái vậy thôi, người ta đã có chồng có con rồi thì thôi chứ.

Đoạn quay sang bảo Lai An:

- Ngươi sang mời Mạnh nhị cữu qua đây.

Lát sau Ngọc Lâu dẫn Mạnh Duệ sang chào, Tây Môn Khánh nói vài câu chuyện rồi mời Mạnh Duệ ra thư phòng gặp Bá Tước, rồi sai gia nhân đem thêm rượu thịt ra, lại bảo Đại An:

- Ngươi sang nhà đối diện mời Ôn tiên sinh qua đây cho vui.

Lai An đi một lát rồi trở vào thưa:

- Ôn tiên sinh không có nhà, nghe nói là đi thăm Nghê tiên sinh rồi.

Tây Môn Khánh bảo:

- Vậy thì mời cậu Kính Tế ra đây.

Lát Sau Kính Tế ra vái chào mọi người, Tây Môn Khánh bảo:

- Ngồi đây tiếp nhị cữu.

Đoạn quay hỏi Mạnh Duệ.

- Bao giờ nhị cữu lên đường, mà đi trong bao lâu?

Mạnh Duệ đáp:

- Mồng hai này thì tôi lên đường.Việc chính là đi Kinh Châu mua chỉ đem sang Xuyên Quảng bán rồi mua sáp ong ở Xuyên Quảng đi bán chỗ khác.

Chuyến đi này không thể định trước, có thể là một hai năm mới về. Lượt đi thì tôi lần lượt qua Hà Nam, Thiểm Tây, Hán Châu, lượt về thì về bằng đường thủy, vừa đi vừa về cũng phải tới bảy tám ngàn dặm đường.

Bá Tước hỏi:

- Chẳng hay Nhị cữu niên kỷ năm nay bao nhiêu?

Mạnh Duệ đáp:

- Tại hạ năm nay mới hai mươi sáu.

Bá Tước bảo:

- So với chúng tôi thì Nhị cữu hãy còn ít tuổi mà đã biết nhiều nơi quá, chẳng bù cho tôi, suốt đời chỉ ru rú xó nhà,chẳng đi được đến đâu.

Mọi người tiếp tục trò chuyện, gia nhân đem thêm rượu và đồ ăn lên, Mạnh Duệ ăn uống tới chiều mới đứng dậy cáo từ.

Tây Môn Khánh cùng Bá Tước và Kính Tế tiếp tục bữa tiệc.Lát sau gia nhân mua vàng mã về, vào thưa với Tây Môn Khánh, Tây Môn Khánh sai Kính Tế đem vào cho Nguyệt nương để Nguyệt nương xếp bày biện trên bàn thờ Bình Nhi, đoạn bảo Bá Tước:

- Hôm nay là tuần lục thất của Lục nương tôi, phải làm lễ tụng kinh đốt vàng.

Bá Tước đáp:

- Mau quá nhỉ, Lục tẩu mất đi đã nửa tháng rồi.

Tây Môn Khánh nói:

- Mồng năm này là tuần đoạn thất, lại phải làm lễ tụng kinh cầu siêu nữa.

Bá Tước bảo:

- Lần này thì đại ca chỉ nên cho niệm kinh Phật mà thôi.

Tây Môn Khánh đáp:

- Đúng vậy, lúc sinh thời, Lục nương tôi thường nhờ hai vị sư bà tụng kinh Huyết hồn, lần này tôi và Đại nương tôi cũng định là mời hai vị sư bà đó và ít tăng ni nữa để tụng kinh Phật.

Bá Tước thấy trời đã chiều, bèn đứng dậy vái tạ:

- Ơn lớn của đại ca hôm nay, đến chết tôi cũng không quên. Bây giờ cũng muộn rồi, để đại ca lo đốt vàng cho Lục tẩu, tôi xin phép về, kẻo ở nhà đang mong.

Tây Môn Khánh bảo:

- Chẳng ơn huệ gì hết, ngày đầy tháng này là chúng tôi ở đây kéo đến ăn mừng đó, nhị ca làm sao thì làm. Chúng tôi sẽ có quà mừng nữa.

Bá Tước bảo:

- Lại còn cho quà làm gì nữa.

Nói xong tươi cười vái chào mà về.

Tây Môn Khánh tiễn Bá Tước ra, rồi quay vào bảo gia nhân dẹp bát dĩa, sau đó xuống phòng Bình Nhi. Nơi đây, Nguyệt nương đã sai Kính Tế và Đại An bày biện tươm tất. Hôm đó các tăng sĩ đạo sĩ tại miếu Ngọc Hoàng, chùa Vĩnh Phúc và chùa Báo ân đều có gửi sớ tới để cúng. Tây Môn Khánh bảo Nghênh Xuân dọn cơm canh lên, thắp hương đốt nến, rồi mời Nguyệt nương và các tiểu thiếp tới làm lễ đốt vàng cho Bình Nhi...

Hồi 69

Bữa tiệc hữu ích

Tây Môn Khánh làm lễ đốt vàng cho Bình Nhi xong thì tới phòng Kim Liên nghỉ ngơi.

Hôm sau Hoàng Tứ dẫn em vợ tới, hai anh em đem theo một con lợn làm sẵn, một vò rượu lớn và một đôi vịt quay tới tạ ơn. Tây Môn Khánh không nhận.

Hoàng Tứ quỳ lạy rồi nói:

- Ơn cứu mạng của lão gia toàn thể gia quyến tôi cảm kích không cùng, nhưng chẳng eo gì để hiếu kính tri ân ngoài lễ mọn này để lão gia thưởng cho người dưới. Chẳng lẽ lão gia không nhận cho hay sao.

Mãi sau Tây Môn Khánh mới nhận rượu và vịt, còn lợn thì báo:

- Để ngươi đem tạ ơn Tiền lão gia.

Hoàng Tứ nói:

- Lão gia làm như vậy thật khó cho chúng tôi vì chưa hết được lòng tri ân của chúng tôi. Tiện đây xin hỏi là hôm nào thì lão gia rảnh rang, để chúng tôi làm một tiệc mọn, mời lão gia và Ứng nhị gia tới chứng giám cho.

Tây Môn Khánh bảo:

- Ôi hơi đâu nghe lời Ứng nhị gia, nhị gia nói chơi để đánh lừa ngươi đấy, đừng có bận tâm.

Hai anh em Hoàng Tứ lạy tạ rồi cáo từ.

Ngày mồng một tháng mười một, sau khi ở nha môn ra. Tây Môn Khánh tới dự tiệc tại nhà Lý Tri huyện. Nguyệt nương một mình ngồi kiệu sai gia nhân đem lễ vật sang dự tiệc sinh nhật con gái Kiều Đại hộ.Quá trưa, Tiết sư bà vì nghe nói là mồng năm thì Nguyệt nương làm lễ tụng kinh nên mua một ít lễ vật rồi lén không cho Vương sư bà biết, một mình đem tới để gặp Nguyệt nương.

Nhưng Nguyệt nương vắng nhà, Kiều Nhi và Ngọc Lâu giữ Tiết sư bà lại uống trà mà bảo: .

- Đại nương chúng tôi dự lễ sinh nhật bên nhà Kiều thân gia, sư bà nên ở đây chờ, chắc là Đại nương muốn gặp sư bà nói chuyện đó.

Tiết sư bà bèn ở lại chờ. Trong khi đó Kim Liên nghe tin Tiết sư bà tới sực nhớ tới lời nói của Ngọc Tiêu, là Nguyệt nương có thai nhờ bùa phép và thuốc men của Tiết sư bà, gần đây Tây Môn Khánh lại ăn nằm với Như Ý, Kim Iiên cũng sợ Như Ý tốt người, có thể có thai, sẽ được Tây Môn Khánh sủng ái, bèn tới mời Tiết sư bà về phòng mình, đưa cho một lạng bạc, bảo làm thuốc men và bùa phép cho mình. Hai người thầm thì to nhỏ.

Chiều đó Nguyệt nương về nhà, giữ Tiết sư bà ở lại một đêm.

Hôm sau Nguyệt nương đưa năm lạng cho Tiết sư bà để đến mồng năm làm lễ tụng kinh Kim Cương và kinh Hoa Nghiêm, Tiết sư bà giấu, không cho Vương sư bà biết, định là sẽ mời tám vị nữ tăng tới lập lễ đàn mà tụng kinh.

Hôm đó, khách khứa được mời đến dự lễ rồi ăn tiệc gồm Ngô Đại cữu, Ứng Bá Tước, Ôn tú tài, khách đàn bà có Ngô Đại cữu mẫu và Hoa Đại tẩu.

Hôm đó, Bá Tước đến, đem theo thiếp mời của Hoàng Tứ, nói là mồng bảy sẽ đặt tiệc tại nhà hát của Ái Nguyệt, mời Tây Môn Khánh tới dự. Tây Môn Khánh xem thiếp xong cười bảo:

- Ngày mồng bảy tôi không rảnh, vì phải dự tiệc sinh nhật tại nhà họ Trương. Ngày mai thì rảnh. Mà tiệc này có mời ai nữa không?

Bá Tước đáp:

- Không có ai cả, chỉ có Lý Tam và tôi tới để thù tiếp đại ca thôi. Nghe nói là Hoàng Tứ còn gọi bốn đào hát tới hát Tây sương ký nữa.

Tây Môn Khánh gật đầu rồi nhắn Bá Tước nói với HoàngTứ đổi lại là ngày mồng sáu. Bá Tước hỏi:

- Hoàng Tứ có đem gì lại tạ ơn đại ca chưa?

Tây Môn Khánh đáp:

- Có nhưng tôi không nhận. Hoàng Tứ năn nỉ mãi, tôi mới nhận chút ít cho hắn vui lòng, còn bao nhiêu tôi thêm một xấp lụa bạch, một xấp kinh đoạn và năm mươi lạng bạc sai đem tới tạ ơn Tiền lão gia.

Bá Tước bảo:

- Hai xấp lụa cũng phải ba chục lạng, như vậy một trăm lạng hắn đưa, chỉ còn dư được hai chục lạng, đại ca có được gì đâu, vậy mà đã cứu mạng cho cha vợ và em vợ hắn.

Tây Môn Khánh chỉ cười.

Trong khi lễ tụng kinh được tổ chức trong hoa viên thì tại đại sảnh mọi người ăn tiệc cho tới chiều. Lúc mọi người cáo từ. Tây Môn Khánh dặn Bá Tước:

- Ngày mai nhị ca cũng nên ghé qua đây đã.

Bá Tước đáp:

- Vâng, tôi nhớ rồi.

Nói xong cáo từ, cùng mọi người ra về.

Đám nữ tăng tụng kinh tới canh một mới làm lễ đốt vàng rồi cáo từ mà về.

Hôm sau, Tây Môn Khánh dậy sớm ra nha môn làm việc. Trong khi đó Vương sư bà hay tin về vụ lễ tụng kinh hôm trước, bèn tức tốc tới gặp Nguyệt nương nói:

- Làm sao mà mụ họ Tiết dám một mình tới đây nhận tiền làm lễ.

Nguyệt nương hỏi lại:

- Sao hôm qua không thấy sư bà tới? Nghe nói là sư bà dự tiệc sinh nhật bên Vương Hoàng thân phải không?

Vương sư bà dậm chân:

- Thế này thì con mụ dâm phụ họ Tiết nó làm yêu làm quỷ rồi, mụ ta nhận tiền rồi một mình làm lễ tụng kinh tại đây ngày mồng năm hôm qua, vậy mà mụ dám nói láo là mồng sáu mới làm lễ để lừa gạt tôi. Tiền bạc mụ nắm hết, có để cho tôi một đồng nào đâu.

Nguyệt nương bảo:

- Tiền bạc thì tôi đưa hết cho Tiết sư bà, nhưng còn một xấp vải thì vẫn còn giữ đây, để tôi đưa cho sư bà vậy.

Nói xong gọi Tiểu Ngọc lấy xấp vải ra, Vương sư bà nhận vải rồi hằn học nói:

- Con dâm phụ họ Tiết này gớm thật, từ trước tới nay nó đã lấy biết bao nhiêu tiền của Lục nương rồi, bây giờ còn lễ tụng kinh cho Lục nương, nó cũng giành một mình. Tiền làm lễ ở đâu cũng là phải chia ra, vậy mà nó dám nắm hết.

Nguyệt nương hơi bực mình:

- Nghe Tiết sư bà nói là sư bà đã nhận năm lạng của Lục nương trước đây để làm lễ tụng kinh, sao giờ này chưa làm lễ tụng kinh cho Lục nương?

Vương sư bà trợn mắt đáp:

- Rồi chứ? Tuần ngũ thất của Lục nương vừa rồi tôi đã mời bốn vị sư bà nữa tới tụng kinh cho Lục nương rồi thôi. Tôi tổ chức lễ đàn tại am mà.

Nguyệt nương mỉa mai:

- Sư bà làm lễ tụng kinh cho Lục nương, sao không nói cho tôi một tiếng để tôi sai người đem ít tiền bạc và lễ vật tới.

Vương sư bà cứng họng không nói được gì, cúi mặt ngồi một lúc rồi cáo từ để đi tìm Tiết sư bà.

Tới gần trưa, Tây Môn Khánh vừa từ nha môn về thì Bá Tước đã ăn mặc bảnh bao tới vái chào rồi bảo:

- Bây giờ cũng trưa rồi, mình đi là vừa. Hoàng Tứ cho người đến mời mấy bận rồi dó.

Tây Môn Khánh thủng thỉnh bảo Vương Kinh:

- Ngươi sang mời Ôn tiên sinh qua đây đã.

Vương Kinh đi một lát trở về thưa:

- Ôn tiên sinh không có nhà, nghe nói là đi thăm bạn.

Bá Tước bảo:

- Ôn tiên sinh đi vắng rồi thì thôi, có chuyện gì sẽ dặn sau, bây giờ mình đi đi không lại trễ.

Tây Môn Khánh bảo Cầm Đồng:

- Lấy một con ngựa cho Ứng nhị gia cưỡi.

Bá Tước bảo:

- Thôi, tôi không cưỡi ngựa đâu, để tôi đi bộ tới trước, rồi đại ca ngồi kiệu tới sau.

Tây Môn Khánh đáp:

- Vậy thì đại ca cứ đi trước đi.

Bá Tước vái chào rồi bước ra. Tây Môn Khánh gọi đem kiệu tới, dẫn theo Đại An, Cầm Đồng và bốn tên quân hầu. Kiệu chưa kịp ra tới cổng thì thấy Bình An hộc tốc từ ngoài chạy vào,chặn kiệu lại mà thưa:

- Đại lão gia tại Công bộ tới bái kiến, có sai quân hầu đem thiếp tới trước báo tin, hiện kiệu đi sau, sắp tới.

Tây Môn Khánh hoảng lên, vội xuống kiệu quay vào bảo Lai Hưng cùng nhà bếp lo chuẩn bị tiệc rượu, rồi ngồi tại đại sảnh mà chờ.

Khoảng khắc, An Chủ sự, nay đã thăng chức Lang trung, ngồi kiệu tới cổng, rồi xuống kiệu bước vào. Tây Môn Khánh bước xuống thềm nghênh đón lên đại sảnh. An Lang trung mặc áo vân hoa đeo đai Hoa kim. Tây Môn Khánh cũng mũ áo chỉnh tề. Đôi bên thi lễ rồi phân ngôi chủ khách mà ngồi. Gia nhân đem trà lên, hai người uống trà nói chuyện hàn huyên. Tây Môn Khánh nói:

- Tiên sinh thăng chức mà vãn sinh không có lễ đến mừng, thật là có lỗi.

Lúc trước có nghe tin, nhưng vãn sinh đang bận chuyện tang nên không làm thế nào được.

An Lang trung nói:

- Tiên sinh có tang mà vãn sinh cũng không tới điếu được, đó cũng là có lỗi vậy. Lúc trước ở kinh, vãn sinh có nói chuyện với Địch đại gia rồi, chẳng hay tiên sinh đã nhận được thư từ tin tức gì của Địch đại gia chưa?

Tây Môn Khánh vội đáp:

- Dạ đã thật là xa xôi mà Địch đại gia cũng để tâm lo cho, vãn sinh cảm kích muôn phần.

An Lang trung bảo:

- Nếu vậy chắc tiên sinh đã biết là nội trong cuối năm nay là có tin mừng rồi phải không?

Tây Môn Khánh đáp:

- Vãn sinh bất tài, chức nhỏ, đâu dám mong chuyện cao xa. Đâu được như tiên sinh đây tài cao chức lớn có công lao trong việc sửa sang sông ngòi đê điều khiến muôn dân ngưỡng vọng.

An Lang trung nói:

- Tiên sinh quá khen, vãn sinh chỉ là hàn nho được Thái sư thương mà đề bạt, nhân vừa rồi chuyện sông nước đa đoan, dân tình cùng cực, lại thêm đạo tặc nổi lên khắp nơi, chuyên chở hàng của triều đình đi tới đâu cũng bị ngăn trở, văn sinh sợ là không lo nổi chuyện này.

Tây Môn Khánh nói:

- Tiên sinh dậy như vậy chứ theo thiển kiến thì với tài ba đó, chỉ trong ít ngày, công việc hoàn thành tiên sính tất lại được thăng quan tiến chức. Nhưng chẳng hay triều đình có ấn định thời hạn là bao lâu không?

An Lang trung đáp:

- Thánh thượng cho hạn là ba năm việc sông ngòi phải hoàn tất, thánh thượng cũng đang định sai quan tới tế thần sông nữa đó.

Trong khi nói chuyện thì bàn tiệc đã dọn xong. An Lang trung thấy vậy bèn nói:

- Vãn sinh thưa thật là còn phải qua bái kiến bên Hoàng lão gia nữa.

Tây Môn Khánh nói:

- Nếu vậy thì vãn sinh không dám lưu giữ lâu, chỉ xin tiên sinh ngồi lại đôi chút dùng chén rượu nhạt mà thôi.

Nói xong mời An Lang trung nhập tiệc. Bữa tiệc rất thịnh soạn, tuy gấp rút mà cũng gồm mười sáu món ăn. Rượu được rót ra những chung bằng vàng, Tây Môn Khánh tự tay nâng chung mời khách quý. An Lang trung chỉ ăn uống qua loa rồi đứng dậy cáo từ:

- Ngày khác vãn sinh sẽ xin tới ngồi lâu nói chuyện. Tây Môn Khánh lưu giữ không được, phải đưa ra tận cổng.

An Lang trung lên kiệu, tiền hộ hậu ủng mà đi.

Tây Môn Khánh quay vào đại sảnh thay mũ áo rồi hỏi:

- Ôn tiên sinh đã về chưa?

Đại An đáp:

- Ôn tiên sinh chưa về, nhưng có Trịnh Xuân tới mời mấy lượt từ nãy tới giờ.

Tây Môn Khánh vội lên kiệu đi ngay. Trịnh Xuân về trước phi báo, Bá Tước và Lý Tam đang đánh cờ giết thì giờ, nghe nói Tây Môn Khánh tới, vội chạy ra nghênh tiếp. Hai chị em Ái Hương, Ái Nguyệt trang điểm lộng lẫy cũng vội bước ra đón chào.

Tây Môn Khánh vào ngồi tại phòng khách, Lý Tam, Hoàng Tứ tới thi lễ trước, rồi tới Trịnh bà, sau cùng là chị em Ái Hương, Ái Nguyệt lạy chào. Tiếp đó, mọi người an vị. Đại An đứng bên hỏi nhỏ:

- Kiệu cho chờ tại đây hay cho về?

Tây Môn Khánh bảo Đại An:

- Cho kiệu và quân hầu về.

Đoạn quay sang bảo Cầm Đồng:

- Ngươi cũng về xem Ôn tiên sinh đã về chưa, nếu về rồi thì dùng ngựa mời tiên sinh tới đây ngay.

Hai gia nhân vâng dạ lui ra.

Bá Tước hỏi:

- Sao giờ này đại ca mới tới?

Tây Môn Khánh kể lại việc An Lang trung tới thăm và uống rượu.

Trịnh Xuân đem trà ra. Ái Hương nâng chung mời Bá Tước, Ái Nguyệt nâng chung mời Tây Môn Khánh. Bá Tước tiếp chung trà từ tay Ái Hương nhưng lại bảo Ái Nguyệt:

- Đáng lẽ nàng phải mời ta mới đúng.

Ái Nguyệt cong cớn:

- Nhị gia mà được tôi mời thì đã có phúc.

Bá Tước bảo:

- Con tiểu dâm phụ này ăn nói hay nhỉ, không coi khách ra gì nữa.

Ái Nguyệt nguýt dài:

- Hôm nay nhị gia đâu phải là khách.

Sau tuần trà, bốn đào hát ra lạy chào. Tây Môn Khánh hỏi tên tuổi rồi bảo:

- Lát nữa rồi hãy hát, mà chỉ nên đàn sáo thôi, đừng có trống phách ầm ỹ.

Hoàng Tứ ngồi bên thưa:

- Điều đó chúng nó đã biết rồi.

Bá Tước sợ Tây Môn Khánh lạnh, bèn sai Trịnh Xuân buông mành xuống và cho thêm than vào lò sưởi.

Lát sau Ôn Tú tài tới, mọi người nhập tiệc. Bữa tiệc thật linh đình. Tây Môn Khánh ngồi giữa, hai bên là hai chị em Ái Nguyệt, kế đó là Bá Tước, Ôn tú tài, Lý Tam và Hoàng Tứ. Anh em Trịnh Phụng, Trịnh Xuân đàn hát giúp vui.

Ôn tú tài hôm nay đội khăn quá kiều, mặc áo lục vân. Bá Tước hỏi:

- Ôn tiên sinh hôm nay đi đâu mà cho tìm mãi không gặp? Mọi người đợi mãi.

Ôn tú tài nghiêng mình đáp:

- Vãn sinh quả là có tội lắm, vì tới bàn chuyện sách vở với vài người bạn đồng song nên không biết lão gia cho gọi, cho nên mới đến chậm như thể này.

Mọi người ăn uống chuyện trò. Hai ca công hát vài bài hát rồi bốn đào ra hát tiếp. Đang uống rượu nghe hát thì thấy Đại An vào thưa:

- Ngô Ngân thư sai Ngô Huệ và Lạp Mai đem trà sang biếu.

Nguyên Ngô Ngân Nhi ngụ tại con đường nhỏ sau nhà Ái Nguyệt, nghe nói Tây Môn Khánh đang uống rượu tại nhàÁiNguyệt, thì sai đem trà sang. Tây Môn Khánh cho vào. Ngô Huệ và Lạp Mai quỳ lạy rồi thưa:

- Ngân thư chúng tôi sai đem trà sang để lão gia dùng.

Nói xong mở nắp quả ra, bưng khay trà còn bốc khói, mời mỗi người chung. Tây Môn Khánh cầm chung trà hỏi:

- Ngân Nhi ở nhà đang làm gì vậy?

Lạp Mai đáp:

- Ngân thư chỉ ở nhà nghỉ ngơi mà thôi, hôm nay không đi đâu cả Tây Môn Khánh uống xong chung trà, thưởng cho Ngô Huệ và Lạp Mai ba tiền rồi bảo:

- Về mời Ngân Nhi sang đây.

Ái Nguyệt nghe vậy vội dặn theo:

- Ngươi về mời Ngân Nhi sang mau, để Trịnh Xuân đi theo luôn thể. Nếu Ngân Nhi không chịu sang thì trịnh Xuân nhớ nói là từ nay ta sẽ không cộng tác với Ngân Nhi trong việc làm ăn nữa đâu.

Bá Tước cười:

- Lạ nhỉ, hai người có cái gì mà phải cộng tác làm ăn.

Ôn tú tài bảo:

- Nhị gia dạy như vậy là không thấu hiểu nhân tình, tự cổ có câu "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.Hai người ở gần nhau, quý mến nhau, lại cùng nghề nghiệp thì cộng tác làm ăn là chuyện đương nhiên, có gì làm lạ.

Ái Nguyệt bảo:

- Nhị gia cũng có thể cộng tác làm ăn với Trịnh Xuân nhà này chẳng hạn, kẻ thì hót người thì hát, cũng như nhau.

Bá Tước đốp chát ngay:

- Tao có cộng tác thì cộng tác với mẹ ngươi ấy chứ.

Đám ca nữ lại bắt đầu hát, mọi người im lặng nghe. Ái Nguyệt và Bá Tước cũng không đấu khẩu nữa. Khúc hát dứt.

Tây Môn Khánh gọi một ca nữ họ Hàn tới hỏi:

- Ngươi là thế nào trong gia đình họ Hàn?

Ái Nguyệt bảo:

- Gia gia không biết nó đâu, nó là cháu gái của Hàn Kim Xuyến đó, có tiểu danh là Tiêu Sầu Nhi, năm nay mới mười ba tuổi Tây Môn Khánh ngắm nghía rồi bảo:

- Con nhỏ này lớn lên nhất định là trang tuyệt sắc đây, cử chỉ lanh lợi mà lại hát hay nữa.

Đoạn bảo Tiêu Sầu tới chuốc rượu cho mình.Tiêu Sầu rụt rè tới chuốc rượu .Hoàng Tứ đôn đốc đem thêm thức ăn và rượu,rồi ân cần mời mọc mọi người.

Lát sau thì Ngân Nhi tới, Ngân Nhi ăn mặc sang trọng, trang điểm lộng lẫy tươi cười bước vào lạy chào Tây Môn Khánh, rồi đứng dậy vái chào mọi người, nói câu vạn phúc.

Bá Tước bảo:

- Nực cười thật, mọi người chúng ta cùng ngồi trong tiệc mà người chỉ lạy chào có một mình cha nuôi ngươi thôi, còn chúng ta đây thì người chỉ vái, thật là ngươi coi khinh khách quá. Ta mà làm việc quan, nhất định không tha ngươi, sẽ lôi ngươi lên nha môn đánh cho ít trượng.

Ái Nguyệt bảo:

- Thôi nhị gia ơi, rõ thật không biết xấu hổ, chức tước không có mà đe dọa người ta.

Nói xong mời Ngân Nhi ngồi cạnh Tây Môn Khánh. Tây Môn Khánh bây giờ mới để ý Ngân Nhi thắt khăn trắng, bèn hỏi:

- Ngươi để tang cho ai vậy?

Ngân Nhi đáp:

- Gia gia biết rồi mà còn cố tình hỏi, tôi để tang cho Lục nương chứ còn cho ai nữa.

Tây Môn Khánh nghe vậy hài lòng lắm, từ đó chỉ nghiêng mình sang trò chuyện với Ngân Nhi. Lát sau, Ngân Nhi đứng dậy bảo:

- Tôi đến từ nãy tôi giờ mà chưa vào chào ma ma, để tôi vào một phút.

Nói xong bước vào phòng trong chào hỏi Trình bà, sau đó lại trỏ ra bàn tiệc. Trong này Trịnh bà nói vọng ra:

- Ái Nguyệt ơi, con mời Ngân thư ngồi dự tiệc đi, bảo chúng nó cho thêm than vào lò sưởi kẻo Ngân thư lạnh, rồi nhắc đem thêm đồ ăn nóng và hâm thêm rượu nhé.

Ngân Nhi lại ngồi cạnh Tây Môn Khánh. Hai người tiếp tục trò chuyện.

Ngân Nhi nói:

- Hôm nọ tuần đoạn thất của Iục nương,tôi không tới được, thật là có lỗi.

Tây Môn Khánh nói:

- Nhưng ngươi có đem trà lại, ta cảm tạ lắm.

Ngân Nhi nói:

- Hôm đó chúng tôi chỉ có ít trà xấu đem tới để gia gia cho người dưới dùng, vậy mà gia gia tặng lại biết bao thứ quý giá, mẫu thân tôi thấy vậy hoảng sợ lắm. Hôm đó đằng nhà có làm lễ tụng kinh chăng?

Tây Môn Khánh đáp:

- Cũng có mười mấy vị nữ tăng tới tụng kinh tại nhà nhưng ta chẳng mời bạn bè thân quyến gì cả, sợ làm phiền người ta nhiều quá.

Bữa tiệc vẫn tiếp tục. Lát sau Ngân Nhi hỏi:

- Đại nương và các nương nương vẫn mạnh?

Tây Môn Khánh đáp:

- Cũng vẫn mạnh khỏe bình thường.

Ngân Nhi nói:

- Từ sau ngày Lục nương mất đi, chắc gia gia buồn nhớ lắm Tây Môn Khánh rầu rầu:

- Nhớ chứ sao không, hôm nọ ta ngủ tại thư phòng, mộng thấy Lục nương về than khóc dặn dò.

Ngân Nhi nói:

- Lục nương mất đi gia gia nhớ thương quá mà sinh ra mộng mị đấy thôi.

Mọi người thấy Tây Môn Khánh và Ngân Nhi nói chuyện, thì không ai dám nói lời nào, khiến cho bữa tiệc trở nên trầm lặng buồn tẻ. Bá Tước bèn nói ông ổng:

- Tiệc gì mà buồn thế này, nếu không có ai chuốc rượu đàn hát thì tôi về đây.

Lý Tam Hoàng Tứ vội giục hai chị em Ái Nguyệt chuốc rượu và đàn hát.

Hai chị em chuốc rượu cho Tây Môn Khánh và Bá Tước xong thì lấy đàn ra.

Ngân Nhi cũng đứng dậy cùng hát. Tiếng hát ba người quyện lẫn tiếng đàn tạo thành những âm thanh du dương thánh thót. Bài hát dứt, Tây Môn Khánh bảo Bá Tước:

- Hai đứa nó hát hay quá, nhị ca có thể thưởng cho mỗi đứa một chung rượu chăng?

Bá Tước bảo:

- Được chứ, để đó tôi. Tôi sẽ ban ơn cho chúng nó.

Ái Nguyệt nguýt dài:

- Thật chẳng lẽ giữa bàn tiệc như thế này mà tôi lại mắng cho nhị gia một trận chứ nhị gia ăn nói hàm hồ quá lắm rồi.

Tây Môn Khánh chỉ cười. Bá Tước đứng dậy lấy ba cái dĩa đã hết đồ ăn, đổ đầy rượu vào rồi bảo:

- Này, ta đích thân róc rượu mời các nàng đây, nếu các nàng không chịu uống thì ta sẽ đổ lên đầu cho mà coi.

Ái Hương nói:

- Hôm nay tôi kiêng rượu.

Ái Nguyệt nói:

- Nhị gia quỳ xuống gọi tôi bằng dì, rồi đưa rượu lên miệng tôi, tôi mới chịu uống.

Bá Tước quay sang Ngân Nhi:

- Ngân Nhi, còn ngươi có nói gì không?

Ngân Nhi đáp:

- Hôm nay trong người tôi không khỏe, không uống được nhiều.

Ái Nguyệt nói:

- Nếu nhị gia không chịu quỳ xuống dâng rượu thì ngàn năm tôi cũng không chịu uống.

Hoàng Tứ nói thêm vào:

- Nhị gia ơi, thôi chịu khó quỳ xuống một chút đi, nhị gia không chịu quỳ thì đâu có vui.

Ái Nguyệt bảo:

- Cứ quỳ xuống đi, tôi chỉ uống một hai hớp thôi, không phải quỳ lâu đâu mà sợ.

Bá Tước quay sang Ôn tú tài:

- Ôn tiên sinh coi, thế này thì chịu sao nổi mấy con tiểu dâm phụ cơ chứ, chúng nó bức bách tôi thế này thì đến chết mất thôi.

Nói xong gượng gạo quỳ xuống. Ái Nguyệt khẽ vén tay áo,chìa ngón tay trỏ xinh như một búp măng non trắng muốt, trỏ vào Bá Tước mà bảo:

- Tên giặc kia vô lễ, dám xúc phạm tới dì Ái Nguyệt này,bây giờ ngươi phải hứa là không dám vô lễ với dì nữa thì dì mới chịu uống.

Bá Tước bí quá đành phải nói:

- Vâng, từ nay tôi không dám vô lễ với "dì" nữa.

Ái Nguyệt mới tiếp lấy đĩa rượu uống một hớp rồi đưa trả.

Bá Tước đứng dậy bảo:

- Cái con dâm phụ này giỏi thật, người không uống hết mà để thừa lại cho ai đây, chẳng lẽ người bắt ta phải uống thừa chăng? Khôn hồn thì phải uống cho hết.

Ái Nguyệt bảo:

- Đó là tôi dành để thưởng cho nhị gia đó.

Nói xong đổ hết chỗ rượu còn lại vào mặt mũi quần áo Bá Tước. Bá Tước giẫy nẩy lên đưa tay phủi áo quần lia lịa, miệng kêu inh ỏi:

- Chết tôi rồi, con dâm phụ này nó hại tôi rồi. Này, ta nói cho mà biết, đây là bộ quần áo mới may, ta mới vừa mặc lần đầu tiên, vậy mà người làm bẩn hết của ta rồi.

Mọi người cười ầm cả lên. Bá Tước cũng về chỗ ngồi, bữa tiệc lại tiếp tục vui vẻ Tới lúc trời chạng vạng tối mà mọi người vẫn còn say sưa uống rượu nghe hát. Tây Môn Khánh sai bẻ một cành mai vào đưa cho Ôn tú tài để làm tửu lệnh, Ôn tú tài nói:

- Có lão gia ở đây, tôi đâu dám vỗ lễ như vậy, lão gia phải bắt đầu mới phải chứ.

Tây Môn Khánh bên cầm cành mai đưa cho Ái Nguyệt để lần lượt chuyền đi quanh bàn tiệc. Ca nữ đàn hát bên tiệc, dứt một câu hát mà cành mai ở trên tay ai thì người đó phải uống một chung rượu lớn. Bữa tiệc nhờ đó thêm phần hào hứng.

Lát sau Ái Nguyệt sai đốt thêm đèn lên, rồi vào trong phòng trang điểm lại, đồng thời thay quần áo mới, rồi trở ra bàn tiệc. Ái Nguyệt mặc cái áo gấm hồi văn, cái quần kim lũ, chân đi đôi hài phượng đại hồng. Dưới ánh đèn, nhan sắc lại tăng thêm muôn phần diễm lệ. Tây Môn Khánh nhìn ngắm không chớp mắt. Nhưng sau đó lại nghĩ tới lời Bình Nhi khuyên nhủ trong giấc mộng là nên ít ăn uống ở ngoài, có đi thì phải về sớm, cho nên tuy đã ngà ngà say, lại đang ngồi trước sắc đẹp quyến rũ của ái Nguyệt, Tây Môn Khánh cũng đứng dậy vào trong rửa tay rồi sửa soạn ra về. Trịnh bà vội sai a hoàn cầm đèn theo vào, lấy nước cho Tây Môn Khánh rửa tay. Tây Môn Khánh rửa tay xong trở ra, Ái Nguyệt bảo:

- Hôm nay gia gia nghỉ ở đây đi.

Tây Môn Khánh đáp:

- Không, ta phải về.

Đoạn ghé tai Ái Nguyệt nói nhỏ:

- Hôm nay có Ngân Nhi ở đây, ta ở lại e bất tiện. Vả lại ta đang làm quan, mà năm nay lại có cuộc khảo xét quan lại, e có tiếng thị phi không tốt. Thôi để hôm khác ta nghỉ lại với nàng.

Đoạn lại nói lớn: .

- Đa tạ nàng hôm nọ cho ta món ốc thật ngon, nhưng lại khiến ta đau buồn, bởi vì lúc sinh thời Lục nương làm món đó cũng rất ngon, nay Lục nương mất đi,trong nhà không còn ai làm được món đó nữa, cho nên ta càng thêm nhớ Lục nương.

Ái Nguyệt nói:

- Làm món đó cũng chẳng có gì là khó. À mà còn gói hạnh nhân thì sao?

Tây Môn Khánh đáp:

- Ôi nàng hỏi đến món đó làm gì. Hôm nàng cho người đem lại thì cái ông họ Ứng tham ăn này ăn hết ngay tức thì, còn lại chẳng bao nhiêu.

Ái Nguyệt nói:

- Thật đúng là giặc tham ăn mà, ai cho mà cũng ăn vậy không biết. Tôi cũng đa tạ gia gia về những quà tặng và các món ăn gia gia sai người đem cho.

Mẫu thân tôi ăn xong khen không tiếc lời đó. Nhất là món mai ướp, mẫu thân tôi trước đó bị ho, cả đêm vật vã không ngủ, đờm lại kéo lên, vậy mà mới ăn có một quả là thấy dễ chịu ngay, không ho nữa mà đờm cũng bớt. Cho nên chị em tôi chỉ được ăn vài quả, còn bao nhiêu mẫu thân tôi cất đi một chỗ để ăn dần.

Tây Môn Khánh bảo:

- Không sao, nếu nàng thích thì để mai ta sai gia nhân đem lại một ít để nàng ăn.

Quế Thư lại hỏi:

- Mấy hôm nay gia gia có gặp Quế Thư không?

Tây Môn Khánh đáp:

- Từ sau đám tang của Lục nương có thấy Quế Thư lại đâu mà gặp.

Ái Nguyệt nói:

- Tuần ngũ thất của Lục nương, Quế Thư có đem trà lại mà.

Tây Môn Khánh nói:

- Đâu có, chỉ có Lý Minh đem trà lại mà thôi.

Ái Nguyệt nói:

- Tôi có câu chuyện muốn thưa với gia gia.

Tây Môn Khánh hỏi:

- Chuyện gì vậy ?

Ái Nguyệt ngẫm nghĩ rồi nói:

- Thôi, tôi chẳng nói nữa đâu, nói ra thì sợ chỗ chị em với nhau, người khác lại bảo là vắng mặt họ tôi nói này nói kia, phiền phức lắm.

Nói xong lững thững đi vào phòng trong. Tây Môn Khánh bước theo bảo:

- Lạ thật, có chuyện gì cần nói với ta thì cứ nói việc gì cứ úp mở thế.

Ái Nguyệt đang định nói thì Bá Tước bước vào nói ông ổng:

- Gớm thật, hai người bỏ chúng tôi kéo nhau vào đây rù rì chuyện gì vậy ?

Ái Nguyệt giật mình quay lại bảo:

- Đồ quỷ đâu ấy, chỉ ăn nói bậy bạ, đang ở đâu thì vào đây làm người ta hết cả hồn.

Tây Môn Khánh cũng hơi bực mình:

- Đồ quỷ thật, ở ngoài ấy vui với Ngân Nhi không được hay sao?

Bá Tước cười khả ố:

- Hai người ở đây làm gì, nếu muốn ta đi thì nàng phải cho ta cái gì mới được.

Nói xong, thò tay vào tay áo Ái Nguyệt lôi ra cái khăn tay mà bảo:

- Đó thấy không, không cho ta cũng không được mà.

Nói xong bước ra. Ái Nguyệt la lên:

- Đồ quỷ sứ yêu tinh, khi không ở đâu vào trêu chọc người ta. Thằng Đào Hoa đâu, mày xem tên quỷ đó ra chưa thì đóng cửa lại cho tao.

Đoạn quay lại, nói với Tây Môn Khánh về chuyện Quế Thư lại tiếp tục đi lại với Vương Tam như trước. Tây Môn Khánh nghe xong giận dữ:

- Con dâm phụ đó gớm thật, lại vẫn dám cùng thằng đó đi lại như cũ, thật uổng cả công lao của ta, thì ra nó lừa dối cả ta Ái Nguyệt nói:

- Xin gia gia đừng giận, tôi có cách này trừng phạt tên Vương Tam cho gia gia vui lòng.

Tây Môn Khánh ngồi xuống chiếc giường cạnh đó, ôm Ái Nguyệt vào lòng dịu giọng hỏi:

- Nàng có cách gì, mau nói ta nghe đi.

Ái Nguyệt điệu hạnh:

- Nhưng gia gia đừng nói cho một ai biết mới được, cả đến Ứng nhị gia cũng vậy, sợ rằng tai vách mạch rừng.

Tây Môn Khánh cười:

- Ta ngu ngốc gì mà nói cho người nào khác biết.

Ái Nguyệt thấp giọng:

- Gia gia biết không,mẹ của Vương Tam tuổi chưa quá bốn mươi đâu, mà nhan sắc đẹp đẽ lắm, trang điểm vào không thua gì gái tơ. Bà ta là Lâm thái thái. Vì con trai ngày đêm chỉ la cà ở các nhà hát nên Lâm thái thái thường mượn cớ tới lễ Phật tại các am của nữ sư, để nhờ người mai mối làm chuyện xằng bậy. Có Văn tẩu Nhị thường giúp Lâm thái thái trong việc đó. Gia gia có thể tìm gặp Lâm thái thái không khó. Gia gia hiểu ý tôi mới có mười chín tuổi, là cháu gái cưng của Lục Hoàng Thái úy, người xinh đẹp lại có tài cầm kỳ, vậy mà Vương Tam chẳng bao giờ ở nhà, khiến cho nàng ta chẳng khác gì người ở góa. Bây giờ gia gia làm thân được với Lâm thái thái, thì con dâu của bà ta sớm muộn cũng thuộc về gia gia.

Tây Môn Khánh chăm chú nghe, lòng tà nổi lên, tư tưởng rối bời, vội hỏi:

- Nàng ơi, nhưng làm sao mà nàng lại biết được những chuyện như vậy?

Ái Nguyệt không chịu nói là thường đến hát tại nhà Vương Tam, mà chỉ đáp:

- Có một người quen thân cho biết như vậy, người này nói là có quen với cả Văn tẩu Nhị nữa.

Tây Môn Khánh hỏi:

- Người đó là ai? Có phải là Trương Nhị, cháu của Trương đại hộ không?

Ái Nguyệt giẫy nẩy lên:

- Làm sao tôi quen hắn được, cái đồ... đồ...

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu vậy thì ta không đoán nổi, nhưng mà người đó là ai?

Ái Nguyệt đáp:

- Thôi để tôi nói cho gia gia biết vậy. Tôi có một người thân thích ở phương Nam, mỗi lần đi buôn bán ngang đây đều ghé nhà này nghỉ ngơi, người đó biết nhiều chuyện lắm.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu nàng một lòng vì ta thì từ nay để ta bao nàng, mỗi tháng ta đưa cho mẫu thân nàng ba chục lạng để nàng khỏi phải tiếp khách nào khác, những lúc rảnh, ta sẽ đến.

Ái Nguyệt nói:

- Nếu quả thực gia gia có lòng nghĩ tới tôi thì nói chuyện tiền bạc làm gì, bao nhiêu cũng được, miễn là có chút ít đưa cho mẫu thân, tôi sẽ đóng cửa, chỉ ở nhà để chờ hầu hạ gia gia mà thôi.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nói vậy đâu được, cứ để ta đưa mỗi tháng ba chục lạng.

Hai người lả lơi âu yếm một hồi rồi mới dắt tay nhau bước ra phía ngoài bữa tiệc vẫn ồn ào vì nhờ Bá Tước dùng tửu lệnh.

Thấy Tây Môn Khánh bước ra, Bá Tước bảo:

- Đại ca đi đâu mà bỏ chúng tôi từ nãy tới giờ, bây giờ mới ra,phải phạt rượu mới được.

Tây Môn Khánh đáp:

- Chúng tôi có chút chuyện riêng cần nói chứ có làm gì đâu mà vặn hỏi rồi đòi phạt.

Bá Tước bảo:

- Hai người nói chuyện gì, làm những gì thì tôi biết cả rồi.

Nói xong cầm chung lớn róc đầy rượu, ép Tây Môn Khánh uống. Bốn ca nữ đàn hát cho Tây Môn Khánh uống. Tây Môn Khánh uống xong, Đại An đứng bên thưa:

- Đã cho đem kiệu tới rồi.

Tây Môn Khánh khẽ gật đầu. Đại An vội ra ngoài bảo mấy tên quân hầu đốt đèn lên rồi đứng đợi. Tây Môn Khánh đứng mà uống rượu rồi lại rót rượu mời mọi người, đoạn bảo đám ca nữ:

- Các ngươi hát khúc "Lúc mới gặp nhau" cho ta nghe xem nào.

Ca nữ Hàn Tiêu Sầu nắn cung tỳ bà hát rằng:

Lúc mới gặp nhau Đã thấy như hợp tâm đầu Ta thấy nàng muôn phần xinh đẹp yêu kiều Tính tình hiền hậu ôn nhu Miệng xinh duyên dáng chuyện trò Chẳng biết bao giờ gắn bó.

Khúc hát dứt, Ngân Nhi chuốc rượu cho Tây Môn Khánh, Ái Hương chuốc rượu cho Bá Tước, Ái Nguyệt chuốc rượu cho Ôn lú tài. Lý Tam Hoàng Tứ rót rượu lấy mà uống. Mọi người uống xong, ca nữ lại hát. Hát xong lại uống rượu.

Mấy lần như vậy Tây Môn Khánh mới đứng dậy bảo Đại An lấy bạc ra thưởng cho mỗi ca nữ ba tiền, nhà bếp năm tiền, Ngô Huệ,Trịnh Xuân, Trịnh Phụng mỗi người ba tiền, các gia nhân a hoàn trong nhà mỗi đứa hai tiền. Tất cả đều lạy tạ.

Hoàng Tứ nói:

- Ứng nhị gia, nhị gia nói giùm một câu mời lão gia ở lại chút nữa để chúng tôi được hết tấm lòng tri ân, bây giờ cũng hãy còn sớm, sao lại để lão gia về vậy?

Đoạn quay sang Ái Nguyệt:

- Nguyệt thư cũng mời lão gia ở lại đi chứ.

Ái Nguyệt bảo:

- Tôi cũng đã có lưu giữ đấy chứ, nhưng gia gia không chịu ở lại Tây Môn Khánh bảo: .

- Mọi người không biết, ngày mai tôi còn bận nhiều việc nên hôm nay phải về nghỉ sớm.

Đoạn quay sang Hoàng Tứ vái chào mà nói:

- Hôm nay làm phiền nhiều quá.

Hoàng Tứ vái trả rồi nói:

- Hôm nay mời lão gia tới đây mà lão gia về sớm thế này chỉ sợ lão gia còn đói.

Ngân Nhi và hai chị em họ Trịnh cũng bước tới lạy chào:

- Xin gia gia cho chúng tôi gửi lời kính thăm Đại nương và các nương nương, hôm nào rảnh chúng tôi sẽ cùng nhau tới thăm Đại nương và các nương nương.

Trịnh bà cũng từ trong bước ra vái chào mà nói:

- Lão gia về sớm quá, chỉ sợ là có điều gì khiến lão gia phật lòng, hay đồ ăn không vừa miệng lão gia, còn nhiều thức ăn chưa kịp đem lên.

Tây Môn Khánh bảo:

- Thôi, như vậy là đủ lắm rồi, tôi phải về nghỉ để mai dậy sớm, ngoài nha môn còn nhiều việc bề bộn lắm. Ứng nhị gia đây rảnh rang, để nhị gia ngồi lại cũng được.

Bá Tước nghe vậy vội đứng dậy cáo từ nhưng đã bị Hoàng Tứ kéo ngồi xuống mà bảo:

- Lão gia đã nói vậy mà nhị gia cũng đòi về thì mất vui rồi.

Bà Tước nói:

- Thôi, xin để tôi về, có Ôn tiên sinh ở lại là được rồi.

Ôn tú tài nghe vậy vội đứng dậy chạy ra cửa định về nhưng bị gia nhân của Hoàng Tứ là Lai Định ngăn giữ lại.Tây Môn Khánh ra tới cổng thì hỏi Cầm Đồng:

- Có gì cho Ôn tiên sinh đỡ chân không?

Cầm Đồng thưa:

- Có đem sẵn con lừa tới đây rồi.

Ôn tú tài theo ra. Tây Môn Khánh quay lại bảo:

- Có lừa sẵn đây cho tiên sinh rồi, tiên sinh cứ ngồi lại thù tiếp Ứng nhị gia thêm lúc nữa.

Ái Nguyệt chạy theo ra cầm tay Tây Môn Khánh dặn:

- Chuyện tôi thưa với gia gia hồi nãy, xin gia gia đừng nói lại cho bất cứ người nào đấy nhé.

Tây Môn Khánh gật đầu:

- Ta nhớ rồi.

Ái Nguyệt quay lại bảo Trịnh Xuân:

- Ngươi đưa lão gia về nhà.

Tây Môn Khánh lên kiệu mà về. Trong này, Ngân Nhi cũng cáo từ Ngô Huệ cầm đèn cùng Ngân Nhi ra về. Ái Nguyệt dặn:

- Ngân thư à, chuyện hôm nay đừng nói cho ai biết nhé.

Ngân Nhi đáp:

- Biết rồi.

Sau đó, tiệc vui lại tiếp tục, rượu chè đàn hát cho tới canh ba mới vãn.

Hoàng Tứ đưa cho Ái Nguyệt mười lạng bạc rồi cùng mọi người ra về.

Hôm sau, sáng sớm Hạ Đề hình đã sai quân hầu tới mời Tây Môn Khánh ra nha môn để lấy khẩu cung của các tội nhân.Trưa hôm đó Tây Môn Khánh mới về nhà ăn cơm. Ăn xong thì Trầm di phu sai gia nhân Trầm Định đem thiếp và dẫn một đầu bếp là Lưu Bao đến. Tây Môn Khánh thâu nhận Lưu Bao rồi vào thư phòng sai viết thiếp trả lời để cho Trầm Định đem về Thấy Đại An đứng cạnh. Tây Môn Khánh hỏi:

- Đêm qua Ôn tiên sinh về lúc nào?

Đại An đáp:

- Đêm qua tôi sang tiệm bên đó ngủ một giấc mới thấy Họa Đồng gọi cửa đưa Ôn tiên sinh về, lúc đó cũng quá canh ba. Ôn tiên sinh có vẻ say lắm. Nghe nói đêm qua lúc ra khỏi cổng nhà họ Trịnh, Ứng nhị gia quá say, nôn mửa cả ra.

Nguyệt thư phải sai Trịnh Phụng đưa nhị gia về nhà.

Tây Môn Khánh nghe xong cười ha hả rồi gọi Đại An đến gần bảo:

- Này, người có nhớ Văn tẩu tẩu, người làm mối cho cậu Kính Tế về làm rể ta trước đây ấy mà, bây giờ mụ ta ở đâu, ngươi chịu khó tìm gặp, mời tới tiệm trước cửa đây cho ta gặp có chuyện cần.

Đại An đáp:

- Tôi không biết nhà Văn tẩu tẩu, để tôi hỏi cậu Kính Tế xem.

Tây Môn Khánh bảo:

- Thì đi hỏi mau đi.

Đại An chạy ngay ra tiệm hỏi Kính Tế. Kính Tế hỏi lại:

- Tìm Văn tẩu tẩu làm gì vậy ?

Đại An bảo:

- Thì cậu cứ chỉ nhà đi.

Kính Tế đáp:

- Ngươi cứ đi thẳng theo con đường lớn phía đông, qua cầu Đông Nhân thì rẽ sang phía đông tới ngõ Vương gia thì vào.Qua cái cầu đá thì thấy một cái am, cạnh cái am có con đường nhỏ, vào con đường nhỏ rồi rẽ về phía tây, đến căn nhà thứ ba, sát vách cửa tiệm bán đậu hũ, đó là nhà Văn tẩu tẩu, ngươi chỉ cần gọi: "Văn ma ma", là tự nhiên mụ ta chạy ra ngay.

Đại An ngẩn người ra rồi nói:

- Đường lối gì mà rối rít tít mù vậy, hay là phiền cậu nói lại lần nữa, tôi sợ là quên mất.

Kính Tế lại phải nói lại lần nữa. Đại An lẩm bẩm nhắc theo rồi nói:

- Đường có vẻ xa, để tôi lấy ngựa đi mới được.

Nói xong về nhà lấy con ngựa bạch, cưỡi lên, ra roi chạy thẳng tới con dường lớn phía đông huyện, qua cầu Đồng Nhân rồi rẽ vào ngõ Vương gia, quả thấy cây cầu đá, qua cầu đá thấy có cái am nhỏ, bèn theo con đường nhỏ cạnh am, rồi rẽ vào phía tây, tới cạnh tiệm bán đậu hũ, thấy một người đàn bà đang đứng. Đại An cứ ngồi trên ngựa mà hỏi:

- Ma ma có biết ở đây có bà mối tên là Văn tẩu Nhị không?

Người đàn bà chỉ tay:

- Nhà bà đó ở sát vách nhà tôi đây này.

Đại An vội xuống ngựa, cầm roi ngựa gõ vào cánh cổng mà gọi:

- Văn ma ma có nhà không ?

Bên trong, người con trai là Văn Đường chạy ra mở cổng hỏi:

- Ông ở đâu tới ?

Đại An đáp:

- Ta là người của Tây Môn lão gia trong phủ Đề hình, lão gia cho gọi Văn ma ma, bảo ma ma phải tới gấp.

Văn Đường nghe nói là người của Tây Môn Khánh bèn mời vào nhà. Đại An buộc ngựa rồi bước vào nhà, ngồi xuống ghế. Văn Đường vào trong đem trà ra nói:

- Mẫu thân tôi hôm nay vắng nhà, để về rồi tôi sẽ nói, sáng sớm mai mẫu thân tôi xin đến.

Đại An nghi ngờ bảo:

- Hay là có nhà mà ngươi nói dối.

Nói xong đứng dậy xống xộc bước vào nhà trong, thì thấy Văn tẩu cùng con dâu đang thù tiếp mấy người đàn bà nữa uống trà nói chuyện. Đại An vào thình lình, mọi người lánh mặt không kịp. Đại An cầm roi ngựa chỉ vào mặt Văn tẩu bảo:

- Ngồi nhà sao dám nói dối là đi vắng?

Văn tẩu cười hềnh hệch vái chào Đại An rồi nói:

- Chẳng nói giấu gì cậu, hôm nay trong nhà tôi có chút việc, chẳng hay lão gia cho đòi tôi có chuyện gì, thôi dể sáng mai tôi xin tới sớm. Nhờ cậu về thưa lại giùm cho.

Đại An bảo:

- Lão gia chỉ bảo tôi tìm ma ma tới ngay, còn chuyện gì thì làm sao tôi biết được. Gớm, ma ma ở chỗ hốc chỗ kẹt này, làm tôi tìm nhà muốn hụt hơi.

Văn tẩu nói:

- Mấy năm nay việc mua bán a hoàn hay chuyện này kia thì đã có Phùng lão và Tiết tẩu lo rồi, chẳng thấy lão gia gọi tới tôi. Nay thình lình cho gọi như thế này chắc là gia gia cần tìm một giai nhân để thay thế cho Lục nương chăng.

Đại An đáp:

- Tôi không biết, ma ma cứ tới tự khắc gia gia tôi sẽ nói cho mà biết.

Văn tẩu bảo: .

- Nếu là chuyện gấp thì để cậu ngồi đây chờ tôi tiễn mấy bà khách này về rồi cùng đi với cậu luôn thể.

Đại An bảo:

- Lão gia dặn là tôi phải gọi ma ma tới ngay, có chuyện cần, gia gia tôi đang đợi, lát nữa gia gia tôi còn đi dự tiệc, ma ma chớ nên chậm trễ.

Văn tẩu nói:

- Tôi biết rồi, nhưng cậu ngồi đây ăn tạm vài cái bánh đã rồi tôi xin theo ngay.

Đại An đáp:

- Tôi chẳng ăn uống gì hết.

Văn tẩu lại hỏi:

- Đại Thư ở nhà đã có con chưa?

Đại An đáp:

- Chưa thấy gì hết.

Văn tẩu đem mấy cái bánh ra để trước mặt Đại An, rồi quay vào đưa tiễn mấy người khách đàn bà, rồi mặc áo ngoài ra hỏi:

- Cậu cưỡi ngựa thì làm sao tôi theo, hay là cậu đi trước, tôi sẽ tới sau được không ?

Đại An bảo:

- Nhà có con lừa trước cửa đây, sao ma ma không cưỡi lừa ?

Văn tẩu cười:

- Nhà này làm gì có lừa có ngựa, con lừa đó là của nhà bán đậu hủ bên cạnh đấy chứ.

Đại An bảo:

- Tôi nhớ là trước đây ma ma có cưỡi lừa mà.

Văn tẩu nói:

- Đấy là mấy năm về trước, sau đó tôi bị liên lụy việc quan, nhà cửa còn phải bán đi, nói gì tới lừa với ngựa. Đại An bảo:

- Nhà cửa thì đã đành, nhưng còn con lừa thì phải để lại mà làm bạn chứ.

Văn tẩu cười the thé:

- Đồ quỷ ăn nói hàm hồ, tôi tưởng cậu nói chuyện đứng đắn nên vảnh tai nghe, ai ngờ nói chuyện tầm phào. Mấy năm nay không gặp, cậu có vẻ ăn nói ghê lắm rồi đấy nhé, thôi để rồi tôi làm mối cho một đám.

Đại An bảo:

- Chính ma ma mới nói chuyện tầm phào. Bây giờ tôi đi ngựa mà ma ma đi bộ thì đến chiều mới tới hay sao, trong khi đó thì gia gia tôi đang nóng lòng chờ đợi. Hay là ma ma cùng ngồi ngựa với tôi, mình đi cho mau.

Văn tẩu bảo:

- Đồ chết tiệt, ngồi chung một ngựa rồi hai bên hàng phố người ta chửi cho à?

Đại An bảo:

- Nếu không thì ma ma mượn đỡ con lừa của nhà bên cạnh đi, tôi sẽ cho họ ít tiền.

Nói xong xỉa ra vài tiền. Văn tẩu cầm lấy bảo:

- Vậy cũng được.

Đoạn đưa tiền cho con là Văn Đường, bảo chạy qua bên cạnh nói một tiếng rồi trở về lấy lừa.

Văn tẩu leo lên lưng lừa, theo Đại An mà đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro