Chương I. một áng mơ hoang.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Khi mặt trời khuất dạng, bóng tối dần nuốt trọn những tia sáng
Chỉ còn mỗi em âm thầm chống chọi giữa màn đêm cô quạnh
Từ ngày anh nói câu tạm biệt, em chẳng thể tìm lại hơi ấm đã rời bỏ
Vì trái tim em luôn được đặt bất cứ nơi nào kề bên anh..."

I. Chuyện kể của cha.

Lâm Đồng, 09/03/1993 :

Không rõ có phải đó là nguyên tắc sống hay chỉ đơn giản là một thói quen, nhưng mỗi khi cơn giông nặng nề đổ xuống trên mảnh đất này, tôi lại thấy cha bần thần lấy từ trong chiếc áo gối cũ mèm ra một bức ảnh cưới. Ông ngồi đấy, yên lặng, trầm ngâm như một pho tượng, từng ngón tay nhẹ mơn trớn khuôn mặt người thanh niên tươi cười trong ảnh, nước mắt cứ như vậy lăn xuống trên sườn mặt xương xẩu. Những vệt nước mắt quằn quện khắp cùng trên gương mặt khắc khổ của người đàn ông chỉ vừa bước vào độ tứ tuần. Da cha đỏ ké, sạm đi vì cái nóng oi ả những ngày phơi lưng ngoài đồng dưới cái nắng đủ gay gắt để giết cả một con trâu, và còn vì những năm tháng bị đánh cắp bởi trận địa khốc liệt, nơi ông phải giành lại từng tấc đất quê hương từ tay toán quân xâm lược mọi rợ mà chỉ nhắc đến thôi cũng khiến tôi căm thù. Thế nhưng đến cả những lúc đau khổ tột cùng như thế, tôi cũng chưa từng thấy cha rơi bất kỳ một giọt nước mắt nào.

Cũng đã gần tròn mười tám năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, toàn dân hoà mình trong niềm vui chiến thắng, không ngừng kiến thiết và đổi mới để dựng xây nên một quốc gia kiên cường. Những năm tháng mịt mù khói lửa qua đi, để lại vô vàn mất mát và thương tổn, những nỗi đau không thể xoá nhoà, mỗi ngày đều bám rịt trong tâm trí những người ở lại như một bóng ma. Nó cào xé trong lồng ngực, kéo theo những cơn đau đứt lìa tim phổi, khiến người ta lạc lõng, chới với, khó có thể hô hấp hẳn hoi.

Sâu trong tim mình, tôi vẫn tin rằng non sông này là một phép màu. Từ một dân tộc suốt nhiều năm sống trong sự áp bức, bằng những hy sinh và nỗ lực phi thường, chúng tôi chiến đấu không ngừng nghỉ, chỉ để chờ được đến ngày giành lại được tự do. Thế nhưng bất kể việc bom đạn chiến tranh đã lùi xa gần hai thập kỷ, có hằng hà sa số những người vẫn không cách nào tìm nổi cho mình một giấc ngủ ngon khi đêm về.

Trở về nhà sau những năm tham chiến ác liệt, thời điểm chiến tranh kết thúc, cha tôi đã bước sang tuổi hai mươi lăm. Cống hiến gần như cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng với tư cách là một người lính, ngày về, cha chẳng còn cơ hội giữ lại dù chỉ một chút ngây ngô, an yên của tuổi độ tuổi đôi mươi. Cộc tính, khô khan, dễ giật mình và nóng nảy, tôi vẫn luôn quen nhắc về cha như thế. Những câu chuyện cha kể bên ấm chè chiều không được tếu táo như những chú cựu binh trong xóm, vẫn có đau thương và mất mát, thế nhưng họ lúc nào cũng giảm nhẹ chúng bằng mấy mẩu chuyện tiếu lâm cái thuở còn là một phần trong đại đội. Cha thì khác, cha nói rằng mình đã giết người, rất nhiều người. Và đó chẳng bao giờ là một chiến tích gì đáng tự hào. Cha đã tước đi sinh mạng của con trai, chồng, hoặc cha của một ai đó, không những chỉ một mà là rất nhiều lần. Kể cả khi đó là kẻ thù trên chiến tuyến hay người đồng đội mà cha không thể bảo vệ trong lúc giao tranh.

Những lời đó khiến tôi mủi lòng, biết rằng cha nghiêm khắc với bản thân đến mức điều đó dần trở thành sự dằn vặt. Vì cha vẫn luôn ghi khắc trong lòng một câu, "không bảo vệ được cũng đồng nghĩa với việc bỏ mặc".

Lần đầu tiên cha trở về nhà sau khi tại ngũ, năm đó, tôi đã lên ba. Bất chấp việc cả người vẫn lấm lem đất cát, bụi đường và làn da sạm đen, nứt nẻ vì những lần hành quân giữa trời trưa nắng, cha quỳ xuống, cúi khom người, vụng về ôm chầm lấy tôi. Người đàn ông xa lạ, to lớn ngồi phịch xuống trên nền đất giữa khoảng sân nơi tôi đang chơi cùng vài chú dế, khóc to lên như một đứa trẻ. Sau vài giây bần thần, tôi đáp lại cái ôm của cha. Lúc bàn tay nhỏ xíu của tôi vỗ về tấm lưng rộng ướt đẫm mồ hôi ấy, tôi thấy mình đột ngột trở thành một sự tồn tại nào đó cao trọng lắm. Còn cha thì co rúm lại chỉ còn tí tẹo, lọt thỏm trong vòng ôm của một nhân vật phốp pháp, phi thường. Khoảnh khắc ngước nhìn tôi, cha chẳng nói nổi nên lời. Bà nội tôi bảo rằng cha khóc vì vui. Bởi vì có lẽ chính ông cũng không thể tin rằng mình sẽ may mắn sống sót trở về để nhìn tôi khôn lớn. Vậy là từ ngày đó trở đi, tôi bất đắc dĩ đón chào một sự tồn tại mới trong quãng đời non nớt của mình. Một người thân mới được phát hiện ra mà tôi chẳng chút hiểu biết hay thân thuộc.

Tôi chẳng có kí ức nào về ông, hoàn toàn là một hố đen trống rỗng, để rồi không lâu sau đó, tôi phải sớm học cách chấp nhận cha như người quan trọng nhất trong cuộc đời mình.

Kể từ khi trở về, cha tôi mắc chứng bệnh run tay. Tay cha cứ run lẩy bẩy, khó khăn lắm mới có thể cầm chắc thứ gì, tôi cảm nhận được những cơn run tay ấy rõ ràng hơn bao giờ hết vào những lúc được ông dắt tay ra bờ sông sau nhà để câu cá.

Tôi vẫn còn nhớ mùa hạ đầu tiên cha trở về bên gia đình, nhìn ông lúc nào cũng đăm chiêu. Đã có những ngày tôi sợ cha đến rúm ró cả người, không phải vì ông răn đe, nghiêm khắc mà là vì những di chứng mà lũ ôn dịch ngoại xâm đã để lại trên thân xác lẫn tiềm thức người đàn ông tội nghiệp. Chúng đã sớm cút xa khỏi quê hương dung dị này về lại xứ phù hoa, náo nhiệt, nhưng những cơn đau tím tái mặt mày từ những vết thương cũ ngoài trận địa vẫn ở lại cùng cha tôi, nhức nhối hệt vết cắn của rắn rết, khiến cha khổ sở oằn mình những đêm trở trời, vầng trán xô lại, ướt rượt mồ hôi.

Và khi những tia sét đầu tiên đánh xuống, tiếng gầm gừ của mưa và của trời, ánh chớp đì đùng rạch từng đường sắc lẹm lên màn đêm đen, cha tôi co quắp trên tấm phản gỗ, kinh hãi gào thét vì nhầm tưởng đó là tiếng súng.



"Bớ làng nước ơi, chúng nó đến giết tôi ! Chúng nó giết mất bố thằng Khúc rồi, bây giờ phải đuổi giết cả tôi mới vừa lòng hả dạ !"


Cha cứ vô thức lầm bầm những câu từ rời rạc, ánh mắt hoang mang, thất thần hướng về phía cổng nhà. Ngay cả khi không tỉnh táo, cha vẫn nhớ đến việc giấu tôi ra đằng sau lưng, dáng dấp hệt như một tấm khiên đồng kiên cố, giống như dù có chuyện gì xảy đến đi chăng nữa, cha cũng sẵn sàng thay tôi nhận hết. Nép đầu lên tấm lưng gầy nhỏ đã phải gánh lấy sinh mạng của cả non nước, hai hàng lệ tôi không thể khống chế mà chảy dài.

________________________________

"Liệu anh có biết không ?
Rằng sâu thẳm trong đôi mắt người, em tìm được hơi ấm
Liệu anh có từng nhận ra rằng em hoàn toàn chìm đắm và luyến tiếc nét cười dịu dàng của anh ?
Lấp đầy ngực trái em bằng những rung cảm thẹn thùng..."

II. Bố.

"Nội, cha con đi lính biệt tăm, không ở với bà cháu mình. Vậy... vậy má con đâu hả nội ? Sao nội không bao giờ nhắc về má với con hết vậy ?"

Ngày nhỏ, tôi nhớ mình vẫn thường lẽo đẽo theo sau, gặng hỏi nội câu này cho bằng được. Khoảng thời gian đầu, nội nín thinh không nói gì, có lúc lại tìm cách lảng sang chuyện khác, cốt chỉ để không phải trả lời những đợt thăm dò bất chợt từ tôi. Mà có lẽ, nội cũng không biết trả lời tôi thế nào cho phải.

Trẻ con thì bản tính vẫn luôn ưa tỵ nạnh, là một đứa trẻ có tư duy và nhận thức bình thường, mỗi khi đùa chơi với đám trẻ trong xóm bên gốc đa đầu làng, nhìn từng đứa một trong số đám bạn bè thân thiết được má gọi về ăn cơm, tôi khó mà ngăn được việc cảm thấy tủi thân. Cô Tư má thằng Hoàng là thợ may nức tiếng cả vùng nè, dì Ánh má thằng Huân lại sở hữu cả một sạp rau tươi nức tiếng ngoài chợ huyện, cô Tám má cái Mun thì hay cùng nội tôi làm đồng, cô hiền lắm, còn nấu chè ngon hết sảy. Vậy còn má tôi ? Má tôi thì sao ?

Tôi chẳng có lấy chút kí ức nào về người đàn bà này, suốt những năm tôi tồn tại trên đời, tôi thậm chí chẳng có cơ hội thốt lên hai tiếng "má ơi". Kể cả khi đó là lúc tủi hờn, đau bệnh, hay cái ngày tôi và nội vui mừng ôm lấy nhau, khóc đến lả đi lúc nhận được tin chiến tranh đã đến hồi kết thúc, cha sắp được trở về. Tôi vẫn thường vắt tay lên trán tự hỏi má là người thế nào, dáng vóc ra sao, rồi thì giọng má sẽ mềm mại như mây hay chua ngoa, đanh đá ? Liệu má có từng nghĩ đến việc trở về để nhìn tôi khôn lớn, hay có từng nhớ nhung tôi đến quặn thắt cõi lòng ?

Tôi hi vọng má nhớ tôi, dù là một phút ngắn ngủi thôi cũng được. Cũng giống như những đêm khi cha vẫn còn phải bán mạng trên chiến trường, tôi nằm giả đò ngủ say, nghe tiếng nội ngồi bó gối, nức nở bên hiên nhà vắng lặng, mắt cứ đăm đăm trông ra phía đường làng vì mong mỏi được gặp lại đứa con xa nhà.

Mãi đến sau này, tôi mới biết được mình thực chất có đến tận hai người cha, và chẳng có ai trong số họ có quan hệ máu mủ ruột rà gì với tôi cả. Ban đầu, tôi không thể tìm nổi cách để tiêu hóa được những gì mình được nghe kể lại, thậm chí tôi còn từng cho rằng vì tôi quá cứng đầu nên bà nội mới dùng câu chuyện quá sức khó tin này để hù doạ. Bởi vì đến cuối cùng thì, trên thế gian này có bao nhiêu người sẵn sàng dung dưỡng và dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho một người dưng chẳng có lấy một chút liên hệ nào với mình ?

Nhưng khoảnh khắc nhìn bà nội sụt sùi, đưa bàn tay nhăn nheo lên lau đi hàng nước mắt đang chực chờ rơi xuống. Lúc đó, tôi mới vỡ lẽ ra rằng bức hình cưới mà cha lúc nào cũng nâng niu như báu vật chính là kỷ vật duy nhất ông còn giữ được về bố.

"Bố", nhân vật này qua lời kể của bà nội tuy chỉ là một người con trai nhỏ nhắn, nhưng lại là sự tồn tại có sức nặng lớn nhất trong khoảng đời lận đận của cha tôi.

Da thịt như tuyết, làn tóc như mây, mắt ngời hơn sao xa chiếu tỏa. Dáng hình trong tấm ảnh cũ giống như một thái cực tương phản hoàn toàn với vẻ ngoài gai góc của người cha mà tôi luôn tôn kính.

Dịu ngoan, êm ái và đức hạnh từ cốt cách. "Bố" giống như một sự tồn tại nho nhỏ mà thời bình trót gửi gắm nhầm vào mịt mù lửa đạn chiến tranh. Tựa hồ như, người chưa từng thuộc về thế cuộc mất mát triền miên này, mà định sẵn phải nán lại chốn yên bình nào đó khác.

Ngay cả cái tên của người cũng đẹp đẽ, hiền hòa - Phúc Thế.

Phước lành mà một ngày hạ đỏ lửa, đã được ban xuống cho thế gian.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro