Lời giới thiệu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NOBEL văn chương 2002

Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời tiếp nối một cách cay đắng Không số phận, tác phẩm đưa Kertesz Imre lên tới đỉnh cao văn chương, đồng thời là đỉnh cao của biểu hiện nỗi thống khổ con người. Sau Lò Thiêu, người ta sống như thế nào ? Câu hỏi này được Kertesz  trả lời trong một văn bản đậm tinh thần tôn giáo, một bài kinh cầu, và khẳng định : không có một  " hậu Auschwitz " nào hết, ai đã trải qua Auschwitz thì suốt đời phải sống với nó, cái bóng của sự huỷ diệt không chỉ trùm lên quá khứ mà còn tràn ngập về phía tương lai

Kertesz Imre sinh ngày 9.11.1929 tại thủ đô Budapest ( Hungary ). Từ năm 1948 - 1950, ông là cộng tác viên cho các báo Vilagossag ( Ánh sáng ) và Esti Budapest ( Budapest buổi chiều ) ; năm 1951 là công nhân nhà máy ; từ năm 1951 - 1953 làm việc tại Phòng tuyên truyền của Bộ Mỏ và Cơ Khí ; từ năm 1953 trở đi là nhà văn, dịch giả tự do. Trong một thời gian dài, các tác phẩm của Kertezs Imre không nhận được sự quan tâm của công chúng lẫn giới phê bình trong nước mặc dù vẫn nhân được nhiều giải thưởng danh giá ở nước ngoài, cho đến khi giải Nobel văn chương năm 2002 được trao cho ông

Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời 

                                                   Tiểu thuyết 

                                                                              Kertesz Imre 

( dịch giả Giáp Văn Chung ) 

Lời giới thiệu 

Kertesz Imre sinh ngày 9 tháng 11 năm 1929 tại Budapest trong một gia đình Do Thái. Năm 1944, khi mới mười bốn tuổi, ông bị đày vào trại tập trung Auschwitz, rồi trại Buchenwald. Năm 1945, sau khi các trại tập trung này được Đồng minh giải phóng, ông trở về Budapest, tiếp tục đi học và tốt nghiệp trung học năm 1948.Sau đó từ năm 1950, ông là cộng tác viên của các báo Ánh sáng ( Vilagossag )Budapest buổi chiều ( Esti Budapest ) ; từ năm 1951, ông làm công nhân để kiếm sống. Từ năm 1953, ông làm nghề viết văn và dịch thuật tự do. Kertesz sống ẩn dật nhiều năm, ít giao du với bên ngoài, miệt mài dịch văn học Đức và viết văn. Trong một thời gian khá dài, các tác phẩm của ông ít nhận được sự quan tâm của công chúng văn chương và giới phê bình trong nước, ngay cả khi các phẩm đầu tay Không số phận được xuất bản lần đầu năm 1975, mặc dù ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở nước ngoài, cho đến khi giải Nobel Văn chương năm 2002 được trao cho ông " vì một sự nghiệp văn học nói lên trải nghiệm mỏng manh của cá nhân, đối lập với sự độc đoán tàn bạo của lịch sử."

Sau tiểu thuyết Không số phận ( 1975 ) và truyện vừa Thất bại ( 1988 ), năm 1989 Kertesz Imre cho ra đời tiểu thuyết Kinh cầu cho một đưa trẻ không ra đời, như một tiếp nối của Không số phận, trong đó nhân vật chính quyết định số phận bằng cách lựa chọn sự vô sinh ( Kaddis là bài kinh của người Do Thái cầu nguyện cho người đã khuất ). Đối với một người bình thường, đứa con chính là tương lai. Quyết định một số phận vô sinh chính là sự chấp nhận không có tương lai. Nhưng nhà văn, ở đây cũng là người kể chuyện, ngôi thứ nhất số ít trong tiểu thuyết. người đã trải qua địa ngục trần gia Auschwitz của chủ nghĩa toàn trị phát xít, sau những dằn vặt đau đớn, đã quyết định không sinh con. Ông ý thức được rằng sau những gì đã trải qua trong nỗi nhục nhã của lịch sử, ông không có quyền trao số phận Do Thái cho một con người, cho đứa trẻ chưa ra đời của ông, vì những gì đã xảy ra với ông và hàng triệu thân phận Do Thái khác, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai trong một chế độ toàn trị.

Câu chuyện mở đầu bằng một từ " Không ! " - đây là câu trả lời của người kể chuyện - một người đàn ông trung niên sống sót sau holocaust, trở thành một nhà văn bình thưởng trải qua nhiều thất bại - cho doctor Oblath, nhà thông thái, trong một cuộc đi dạo trong khu rừng gần một nhà nghỉ, thực chất là nơi họ đến để sáng tạo, khi Oblath hỏi nhà văn muốn có con hay không.

Trong một buổi gặp mặt những người Do Thái sống sót sau thảm họa holocaust, những người có mặt đều kể họ đã từng trải qua nhà tù, trại lao động khổ sai, trại tập trung nào. Đến lượt nhà văn nói mình đã trải qua trại tập trung Auschwitz. Nghe đến tên trại Auschwitz, cái địa ngục trần gian khét tiếng nhất đó, mọi người có mặt - tất cả đề từng là nạn nhân của chế độ toàn trị - đều bắt đầu lý giải về sự tồn tại và bản chất của nó. Để giải thích về thực trạng của Auschwitz, nhà văn đã kể câu chuyện mà ông chứng kiến trong trại tập trung về một người " thầy giáo " ; câu chuyện này tác động đến người vợ tương lai của ông, nàng đã đến làm quen và bắt chuyện với ông, bởi chính nàng cũng là người Do Thái, cha mẹ nàng cũng từng là nạn nhân của Auschwitz. Nàng chỉ tìm thấy câu trả lời khả dĩ về những nỗi ngờ vực luôn dằn vặt nàng qua một truyện ngắn trước đó của nhà văn nàng từng đọc. Như thế, họ đã làm quen với nhau vì cả hai đều là người Do Thái và cũng nhờ Auschwitz, và nhà văn coi  " cuộc gặp gỡ của hai chúng tôi chẳng những không ngẫu nhiên, mà hiển nhiên là một cuộc gặp gỡ định mệnh "" không bao lâu sau chúng tôi nói về cuộc sống chung " 

Trong dòng kí ức triền miên, nhà văn đã tái hiện một số hình ảnh trong cuộc sống chung của hai người, đồng thời miêu tả quá trình trong đó ông dần dần rơi vào tình trạng chịu ảnh hưởng sự " giám sát " của vợ, và hậu quả của nó là việc ông đã làm mọi cách để không đánh mất sự độc lập của bản thân, trong đó có tự do sáng tạo. Như vậy Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời cũng kể lại qus trình dẫn đến sự chia tay của hai người. Tiếng " Không ! " mà nhà văn đáp lại câu hỏi của doctor Oblath cũng là tiếng " không " trả lời cho người vợ đang khao khát có con của ông, sau đó là sự giải thích, thuyết phục cho tiếng " không " ấy - sự chấp nhận vô sinh - bằng hệ thống lý lẽ lặp đi lặp lại, chồng lớp, bằng những suy tư, tìm tòi, đào bới đến cùng trong suốt cuốn tiểu thuyết. " Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời " vì vậy chính là quá trình nhìn lại quá khứ, sự tái hiện mang tính tự sự về những gì đã xảy ra trong cuộc đời nhà văn. Câu chuyện với " nhà thông thái " thực chất cũng là sự hồi tưởng của nhà văn, qua đó, ông nhớ lại những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời mình, và quá trình đi đến quyết định dứt khoát thốt ra tiếng " Không ! " đau đớn xuyên suốt cuốn tiểu thuyết kia

Đọc Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời, thoạt tiên người đọc có cảm giác bị đưa vào một mê hồn trận : ý tứ trùng lắp, câu văn dài lê thê, vòng vèo, có khi từng đoạn phản nghĩa nhau, vừa khó hiểu, vừa khó nắm bắt ý tưởng đích thực. Để tiếp cận lối hành văn mới lạ và cách tư duy của Kertesz, một lối viết  " chẳng giống ai "cũng " không thể bắt chước nổi " này, chúng ta phải tìm đến nghệ thuật âm nhạc cổ điển. Cách viết, hay nói cách khác là văn phong, ngôn ngữ của tác phẩm này chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách âm nhạc Fuga ( fugue ), còn gọi là tẩu khúc hay tẩu pháp, một trong những dạng quan trọng nhất của các thể loại đối âm ( counterpoint ), một thể loai âm nhạc đa bè, đa âm, cầu kỳ, đã phát triểu qua hàng trăm năm và đạt tới đỉnh cao trong thế kỉ 18. Bản chất của thể loại âm nhạc này là sự lặp lại, đuổi nhau của nhiều âm, nhiều bè qua nhiều nhịp trong một tiết ngắn, có thể nói bè nọ đuổi bè kia liên tục, trên cái nền của những âm thanh khác gần gũi với nó

Câu văn ảnh hưởng thể loại nghệ thuật này nhìu khi cuồn cuộn, lại thường trùng lặp, được nâng cấp độ lên dần dần, có khi lại bị níu kéo lại. Nhà văn thường xuyên luận nghĩa, giải thích, phản ứng, đúng như trong tác phẩm ông đã viết " ... không thể né tránh những lời giải thích, chúng ta thường xuyên phân bua và giải thích, cuộc sống cũng đòi hỏi chúng ta giải thích, cái hiện tượng và cảm xúc phức tạp không thể giải thích này, môi trường của chúng ta đòi hỏi lời giải thích, và cuối cùng chúng ta đòi hỏi lời giải thích từ chính chúng ta ... " Và như vậy, rõ ràng tác giả đã lựa chọn cách viết phức tạp này một cách hoàn toàn có chủ ý

Bằng phương pháp giải thích, luận nghĩa như thế, Kertesz Imre đã khai thác phương pháp truyền thống của dòng văn học Do Thái. Bởi sự giải thích bằng lời các học thuyết bằng văn bản, sau đó là sự lưu giữ bằng văn viết, sự giải nghĩa tiếp tục là phương pháp đặc trưng của truyền thống Do Thái, nó cũng đồng thời là phương pháp kỹ thuật tuân theo những tiêu chuẩn của thể loại này. Như vậy, Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời không chỉ gắn bó với truyền thống Do Thái về mặt định danh thể loại nghệ thuật ( như kinh cầu đọc cho người đã khuất ), mà cả trên phương diện cấu trúc nó cũng trung thành với những di sản văn học Do Thái

Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời là tác phẩm quan trọng thứ hai của Kertesz Imre, sau Không số phận, một bản án đặv biệt với một bút pháp đặc biệt, có sức ám ảnh mạnh mẽ và sâu sắc, đối với chế độ toàn trị phát xít. Qua tác phẩm này nhà văn không chỉ khóc thương cho số phận các nhân mình, cho thân phận của dân tộc Do Thái, mà còn khóc thương cho nhân loại nói chung

                                                                                              Budapest, 29.11.2010

                                                                                                    GIÁP VĂN CHUNG 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro