Kinh doanh tử tế ("Tôi không đẹp trai nhưng tốt tính")

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-

-

-

Kinh doanh tử tế ("Tôi không đẹp trai nhưng tốt tính")

Ngày xưa, các cụ nhà ta dạy rằng: sĩ - nông - công - thương. Cái nhìn không mấy thiện cảm ấy vắt sang tận thế kỷ 21 này. Những bậc phụ huynh thế hệ 5x - 6x chưa coi kinh doanh là một hướng đi lâu dài, vững chắc cho con em mình. Họ cho rằng trở thành kỹ sư, bác sĩ, cán bộ nhà nước sẽ tốt hơn. Ngoài yếu tố không ổn định (mà thực ra chỉ có tính tương đối), một điều "ngầm hiểu" là: môi trường làm ăn kinh doanh sẽ biến con người trở nên thực dụng, lạnh lùng thậm chí độc ác. "Tiếp tay" cho điều này là những scandal, vụ án tham ô, hối lộ, cạnh tranh không lành mạnh nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Rồi những bộ phim về kinh tế thì mô tả những mánh khoé, những phi vụ làm ăn bất chính hoành tráng, ấn tượng nhấn chìm những điều lương thiện.

Nhân đọc cuốn "Sức mạnh của sự tử tế" (Linda Kaplan Thaler và Robin Koval), xin phép chia sẻ phần nội dung quan trọng nhất (tôi cho là vậy), đó là 6 nguyên lý sức mạnh của sự tử tế

1. Ấn tượng tích cực tựa như hạt giống

Khi mỉm cười thân thiện, cư xử lịch thiệp với bất kỳ ai, bạn đồng thời phát ra một nguồn năng lượng tích cực với người đó. Khi tiếp xúc với những người khác, người này sẽ khuyếch đại và lan truyền nguồn năng lượng tích cực của bạn. Ngoài cảm giác ấm áp trong lòng, trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ không nhận được trực tiếp lợi ích từ việc "gieo hạt giống tích cực" này. Nó như là viên gạch ở mọi nơi, chờ đợi nâng đỡ bước chân bạn.

2. Bạn không biết được đâu! (Mà cũng chẳng cần biết làm gì!)

Khi trưởng thành, chúng ta đủ khôn ngoan để biết rằng phải duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với những người gần gũi xung quanh (gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp,...). Thế nhưng, chẳng mấy khi ta thèm để ý đến một người lại mà ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Thông thường, ta sẽ nghĩ "Ôi dào, anh ta chẳng dính dáng gì đến cuộc đời mình". Nhưng biết đâu được. Bạn có biết quy tắc 250? Tức là bất kỳ người nào cũng có ít nhất 250 mối quan hệ. Và biết đâu trong số 250 đó sẽ có một người nào đó có ảnh hưởng quan trọng đến bạn!

3. Người ta rồi sẽ thay đổi

Một sai lầm chung là chúng ta "tử tế có chọn lọc". Trong số những người ta quen biết, sẽ có một số người được "quan tâm đặc biệt" (như vợ hoặc chồng, con cái, sếp chẳng hạn) và một số khác nằm ở tận cùng danh sách ưu tiên. Ta không biết rằng tất cả mọi người đều có khao khát vươn lên. Chính vì điều đó người ta sẽ thay đổi theo hướng thành công hơn. Và biết đâu, anh bảo vệ ngày nào sẽ trở thành đối tác quan trọng của bạn! Có ai mà ngờ một cậu bé câm vụt trở thành Thánh Gióng?

4. Lòng tốt phải tự nhiên như hơi thở

Sự tử tế là do rèn luyện mà có. Nhưng bạn phải "luyện" đến mức nó trở thành phản xạ không điều kiện của bản thân. Nếu nó mới chỉ dừng ở mức là một "kỹ thuật" thì sẽ rất dễ bị "lộ bài". Trong những tình huống áp lực lớn, bạn sẽ không nhớ phải áp dụng "kỹ thuật" này và ngay lập tức bị đánh giá là lỗ mãng, thiếu tế nhị, bất lịch sự.

5. Ấn tượng tiêu cực cũng giống như vi trùng

Cũng giống như việc "gieo hạt giống tích cực", ấn tượng tiêu cực cũng được khuếch đại và lan truyền qua các mối quan hệ chằng chịt mà bạn chẳng bao giờ ngờ được. Nếu bạn chưa thể "gieo" nhiều "hạt giống tích cực" thì chí ít hãy hạn chế "phát tán vi trùng tiêu cực".

6. Bạn sẽ biết (lương tâm của mình nói gì)

Sức mạnh của sự tử tế không nói về chuyện chạy lăng xăng, cười toe toét, để người ta sai vặt còn trong bụng thì tính toán sẽ kiếm được những gì. Luôn có ít nhất một người biết về sự thô lỗ, bất lịch sự của bạn. Đó chính là bạn! Hay như chúng ta thường nói "Trời biết. Đất biết. Quỷ thần đều biết!"

Câu trích dẫn trong tiêu đề bài viết là từ một người bạn đặc biệt của Power UP Group - Trân trọng cảm ơn Anh Thái

Power UP Group

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro