Phần II : Một Số Câu Chuyện Về Nhân Quả

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

oOo

(Viết bởi Hòa Thượng Thích Thiền Tâm)

Ai nói luân hồi chuyện vẩn vơ,
Người, dê chuyển kiếp lẹ không ngờ
Đốt lò hương hỏi niệm xưa cũ,
Nghe giọng triều âm tỉnh giấc mơ.

1/ Mạnh Phu Nhân:
Điền Canh Dã, quan Đề đốc tỉnh Quảng Tây, có bà vợ là Mạnh Phu nhân, bẩm tính hiền lương nhưng chẳng may mất sớm.

Khi Điền Công thuyền quan ở trấn Lương Châu, đêm trăng ngồi một mình nơi Nha dinh, bỗng mơ màng như vào mộng thấy Phu nhân dung mạo cực đẹp, từ trên ngọn cây phới phới bay xuống.

Công mừng rỡ, cùng nhau hỏi chuyện hàn huyên như thuở sanh bình. Phu nhân bảo: "Thiếp vốn là một vị Thiên nữ do túc duyên trước nên nay làm bạn với tướng công, duyên trần đã mãn, lại trở về ngôi cũ. Nay bởi còn chút duyên thừa nên mới đến viếng thăm".

Công hỏi: "Tôi kết cuộc ở quan tước nào?"

Đáp: "Quan vị còn tăng không phải chỉ chừng ấy mà thôi".

Hỏi: "Tôi thọ được bao lâu?"

Đáp: "Cơ trời khó nói, tướng công lúc chết không về nơi hương lý, không ở chốn quan nha, không tại quán dịch bên đường, cũng không mất ở giữa chiến trận, thời đến sẽ tự rõ".

Hỏi: "Sau khi tôi chết, còn được thấy nhau nữa chăng?"

Đáp: "Việc này đều bởi tướng công nếu cố gắng tu, khi sanh lên cõi trời tất sẽ được gặp, bằng không chắc khó hy vọng".

Sau Điền Công đi chinh phạt giặc Miêu trở về già, yếu chết dưới trướng binh.

2/ Lai Tinh Hải:
Lai Tinh Hải ngoại danh Lai Phục, người ở Tam Nguyên xứ Hiệp Tây. Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vạn Lịch, cha ông là Lai Thiếu Sâm, tánh tình điềm đạm khiêm nhường, cũng là một bậc Tiến sĩ.

Khi Tinh Hải chưa sanh, trong làng có một vị Tăng pháp danh Lai Phục, dốt chữ, chỉ nhờ người dạy học thuộc lòng được phẩm Phổ Môn và Bát Nhã tâm kinh, ngoài ra không biết chi cả. Cách làng hơn mười dặm, có khoảng sông cạn đầy cát, đến mùa mưa nước tràn ngập, người đi lại rất lấy làm khổ sở. Sư Lai Phục không nề nhọc nhằn, tự thân đứng ra đắp đường làm cầu, có ai quyên trợ cũng đều từ tạ. Do đấy, xa gần đều gọi sư là Phật Hòa thượng. Có người thấy sư khổ hạnh, dốt nát, gọi là Chuyết Hòa thượng (Hòa thượng quê vụng). Cũng có kẻ hiềm sư không chịu đi đám tụng Kinh, nên gọi là Lại Hòa thượng (Hòa thượng làm biếng). Duy Tiến sĩ Lai Thiếu Sâm kính trọng sư, nên gọi là Hữu Hạnh Hòa thượng.

Sư tánh không thích cầu cạnh người, Lai Công biết ý, thỉnh thoảng đến chùa nghe sư tụng hai thứ kinh và cúng dường vải gạo cùng các thức ăn.

Một hôm, Lai Công đang ngồi ở thính đường xử việc chợt thấy Lai Phục đi qua. Công vội vã đứng lên đón rước, nhưng sư không đoái đến, đi thẳng vào nhà trong; kêu hỏi cũng chẳng đáp. Công đang lấy làm lạ thì giây lát có tin truyền ra là Phu nhân sinh được một đứa bé trai. Thiếu Sâm vội sai người đến chùa hỏi thăm, mới hay sư vừa tọa hóa. Công biết sư đã thác sanh làm con mình, nên đặt ký danh là Lai Phục.

Thuở thiếu niên, Phục cực thông minh, đọc rất nhiều sách, tinh cả nghề thuốc và bách công kỹ nghệ.

Lớn lên thi đỗ đi làm quan các nơi, kẻ nghe biết đến cầu trị bịnh, cứu được rất nhiều người. Khi tuổi lớn, ông cáo bệnh về quê, thường bảo người rằng: "Ta vốn là kẻ xuất gia, đi trên đường hoạn lộ đã lâu; e quên mất tánh bản lai, biết làm sao?"

Lúc sắp chết ông lại nói: "Nay ta muốn trở về để nối thành công nhiệp cũ".

Nói xong liền qua đời.

3/ Hạ Phùng Thánh:
Quan tướng quốc đời Minh là Hạ Phùng Thánh, trong niên hiệu Sùng Trinh, cùng gia nhân từ miền quê lên Kinh sư. Thuyền vừa đến mũi tầm ngư thuộc dòng Cửu Giang, sóng to gió lớn chợt nối lên. Hạ Công vội mặc triều phục cầm hốt ra trước thuyền khấn vái. Khi ấy người trên thuyền thấy giữa hư không có vị thần mặc áo lụa đỏ, xách con quỷ đem liệng xuống nước. Liền đó, sóng gió dừng lặng. Công cho thuyền ghé vào bờ, thiết lễ cúng nơi miếu Đại vương ở bên sông, để đáp ơn thần phò hộ. Do duyên sự này, từ đó về sau dân chúng càng tin tưởng, đem hương đèn dê lợn dâng cúng nơi miếu mỗi ngày thêm nhiều.

Năm Sùng Trinh thứ mười ba, Kỳ Thân vương muốn phục hưng đạo tràng Quy Ngưỡng, cho rước Tam Muội Quang Luật sư vào đất Sở. Thuyền qua Cửu Giang, Luật sư mơ thấy một vị áo mão trang nghiêm đến thưa rằng: "Tôi là Tống Đại vương, thủy thần ở sông Cửu Giang. Kiếp trước tôi cùng Luật sư và Hạ Tướng Công, ba người là bạn đồng tu ở chốn thâm sơn. Luật sư không mê là chính nhân, nên đời này là bậc cao Tăng. Hạ công do phước duyên, lên đến ngôi tể tướng. Còn tôi, vì một niệm sai lầm, trở thành vị thần hưởng huyết thực. Trước đây, Hạ Công bị con yêu nơi cây đại thọ ở mũi Tầm Ngư nổi sóng muốn lật thuyền, tôi vì nghĩ đến tiền duyên nên ra tay giúp đỡ. Không ngờ do sự việc đó mà dân chúng sát sinh đến cúng tế ngày càng thêm nhiều, e rằng tương lai tất bị đọa vào Vô gián Địa ngục. Ngày mai Luật sư đi ngang qua đây, xin ghé vào miếu từ bi thọ ký cho. Lại xin công bố việc này cho bốn phương hay biết, để về sau dân chúng đừng sát sanh cúng tế nữa. Như thế, niềm hân cảm, mối thâm ân sẽ vô hạn!". Sau khi tỉnh dậy Luật sư ghi nhớ và nhất nhất làm y theo lời.

Từ đó về sau, giang thuyền qua lại mũi Tầm Ngư, quanh năm đều được yên ổn, kẻ lữ hành chỉ dùng trai thực hoa quả cúng tế mà thôi. Chuyện này cùng với việc thần hồ Cùng Đinh Thác mộng cho vị sư con vua nước An Tức cầu cứu độ, có phần tương đồng. (Trích lục Trì Bắc Ngẩu Đảm)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro