Kinh Trung A Hàm 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT

162. KINH PHÂN BIỆT LỤC GIỚI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, trú ở thành Vương xá.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đến nhà thợ gốm[02], nói rằng:

“Này thợ gốm, Ta nay muốn tạm trú ở phòng làm đồ gốm một đêm, ông có thuận chăng?”

Thợ gốm trả lời:

“Con chẳng trở ngại gì, nhưng đã có một Tỳ-kheo trú trong đó trước rồi. Nếu vị ấy thuận thì xin tùy ý”.

Lúc ấy, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi[03] đã trú ở trong phòng làm đồ gốm ấy trước rồi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ra khỏi nhà thợ gốm, đi vào phòng làm gốm, nói với Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi rằng:

“Này Tỳ-kheo, Ta nay muốn tạm trú một đêm ở phòng làm gốm, thầy có thuận chăng?”

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Thưa Hiền giả, tôi không trở ngại. Vả lại, ở phòng làm gốm này có chỗ ngồi bằng cỏ đã trải xong, Hiền giả muốn ở lại thì tùy ý”.

Nghe vậy, Đức Thế Tôn từ phòng làm gốm đi ra ngoài rửa chân rồi mới trở vào, lấy ni-sư-đàn trải lên chỗ ngồi bằng cỏ mà ngồi kiết già, suốt đêm yên lặng tĩnh tọa, định ý.

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi cũng suốt đêm yên lặng tĩnh tọa, định ý.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn suy nghĩ như vầy: “Tỳ-kheo này đi đứng tịch tĩnh, thật kỳ lạ, thật hiếm có. Ta hãy Tỳ-kheo này, ‘Thầy của bạn là ai? Y theo ai mà bạn xuất gia, học Đạo, thọ Pháp?’.” Nghĩ như vậy rồi, Thế Tôn bèn hỏi:

“Tỳ-kheo, Thầy của bạn là ai? Y theo ai mà bạn xuất gia, học Đạo, thọ Pháp?”

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Này Hiền giả, có Sa-môn Cù-đàm, dòng họ Thích, đã từ bỏ tông tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác y ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học Đạo, đã giác ngộ Vô thượng Chánh tận giác[04]. Vị ấy là Thầy của tôi. Tôi y theo vị ấy mà xuất gia học Đạo, thọ Pháp”.

Thế Tôn lại hỏi:

“Tỳ-kheo, đã từng thấy Thầy chưa?”

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Chưa thấy”.

Thế Tôn hỏi:

“Nếu gặp Thầy, bạn có nhận ra không?”

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Không biết. Nhưng, này Hiền giả, tôi nghe rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Ngài là Thầy của tôi. Tôi y theo Ngài mà xuất gia, học Đạo, thọ Pháp”.

Khi ấy, Thế Tôn lại suy nghĩ như vầy: “Thiện nam tử này y theo Ta mà xuất gia, học Đạo, thọ Pháp. Ta nay có nên thuyết pháp chăng?”

Suy nghĩ như vậy rồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi:

“Này Tỳ-kheo, nay Ta sẽ thuyết pháp cho thầy, phần đầu toàn thiện, phần giữa cũng toàn thiện và phần cuối cũng toàn thiện; có nghĩa, có văn đầy đủ, thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó gọi là ‘Phân biệt sáu giới’[05]. Thầy hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ.

Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi đáp:

“Xin vâng”.

Đức Phật bảo rằng:

“Này Tỳ-kheo, con người[06] có sáu giới tụ, có sáu xúc xứ, có mười tám ý hành, có bốn trụ xứ. Nếu ai an trú vào đó sẽ không nghe đến chuyện sầu não[07]. Sau khi không nghe chuyện sầu não thì ý không chán ghét, không ưu sầu, không lao nhọc, không sợ hãi. Như vậy, có sự khuyên bảo là đừng buông lung trí tuệ, hãy thủ hộ chân đế và trưởng dưỡng huệ thí[08]. Này Tỳ-kheo, hãy học về tối thượng, hãy học về chí tịch[09], như vậy là phân biệt về sáu giới.

“Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu giới tụ, nhân gì mà nói như thế? Đó là, giới của đất, giới của nước, giới của lửa, giới của gió, giới hư không và giới của thức. Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu giới tụ là nhân đó mà nói.

“Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu xúc xứ[10], do nhân gì mà nói như thế? Đó là, này Tỳ-kheo, xúc con mắt thấy sắc, xúc tai nghe tiếng, xúc mũi ngửi mùi, xúc lưỡi nếm vị, xúc thân cảm xúc, xúc ý biết pháp. Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có sáu xúc xứ là do nhânn đó mà nói.

“Này Tỳ-kheo, nói con người có mười tám ý hành[11], do nhơn gì mà nói như thế? Đó là, này Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, quán[12] sắc rồi an trú nơi hỷ, quán sắc rồi an trú nơi ưu, quán sắc rồi an trú nơi xả. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ý nhận thức pháp, quán pháp rồi an trú nơi hỷ, quán pháp rồi an trú nơi ưu, quán pháp rồi an trú nơi xả. Này Tỳ-kheo, như vậy sáu hỷ quán[13], sáu ưu quán, sáu xả quán hợp lại là mười tám ý hành. Nói rằng con người có mười tám ý hành là do nhơn đó mà nói.

“Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có bốn trụ xứ[14], do nhơn gì mà nói như thế? Là chân đế trụ xứ, huệ trụ xứ, thí xả trụ xứ và tịch tĩnh[15] trụ xứ. Này Tỳ-kheo, nói rằng con người có bốn trụ xứ là do nhơn đó mà nói.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ? Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội địa giới, được chấp thọ nơi hữu tình[16]. Nội địa giới là thế nào? Là tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, xương, gân, thận, tim, gan, phổi, lá lách, ruột già, bao tử, phổi, tương tự như thế, trong thân này còn những thứ khác nữa. Những gì đượïc thâu nhiếp trong thân thuộc về chất cứng, tính cứng ở bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình là nội địa giới’. Này Tỳ-kheo, dù là nội địa giới hay ngoại địa giới đều gọi chung là địa giới. Tỳ-kheo đó dùng trí tuệ quán biết như thật rằng ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã[17]’. Tâm vị ấy không nhiễm trước địa giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Nếu có Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội thủy giới, được chấp thọ nơi hữu tình. Nội thủy giới là gì? Là não tủy[18], nước mắt, mồ hôi, nước mũi, mủ, máu, mỡ, tủy, nước giải, đờm, nước tiểu, tương tự như thế, trong thân này còn có nhiều thể khác nữa. Những gì được thâu nhiếp trong thân, thuộc về chất nước, tính nước nhuần thấm ở bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình, đó là nội thủy giới’. Này Tỳ-kheo, nội thủy giới hay ngoại thủy giới đều gọi chung là thủy giới. Tỳ-kheo ấy dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã’. Tâm vị ấy không nhiễm trước thủy giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Nếu có Tỳ-kheo nào phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội hỏa giới được chấp thọ nơi hữu tình. Nội hỏa giới là gì? là cái làm cho thân phát nhiệt, thân nóng, thân phiền muộn, thân âm ấp, làm tiêu đồ ăn thức uống, tương tự như thế, trong thân này còn những thứ khác nữa, những gì được thâu nhiếp trong thân thuộc về lửa, tức lửa làm nóng ở bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình. Đó là nội hỏa giới’. Này Tỳ-kheo, dù nội hỏa giới hay ngoại hỏa giới đều gọi chung là hỏa giới. Vị ấy dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã’. Tâm Tỳ-kheo ấy không nhiễm trước hỏa giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Nếu có Tỳ-kheo nào phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội phong giới được chấp thọ nơi hữu tình. Nội phong giới là thế nào? Là gió thổi lên, gió thổi xuống, gió ngang hông, gió co thắt, gió nhảy lên, gió phi đạo, gió cử động tay chân, gió ở hơi thở ra, thở vào, tương tự như thế, trong thân này còn các thứ khác nữa. Những gì được thâu nhiếp trong thân, thuộc về gió, tánh gió, lưu động bên trong, được chấp thọ nơi hữu tình. Đó là nội phong giới’. Này Tỳ-kheo, dù ngoại phong giới hay nội phong giới đều gọi là phong giới. Tỳ-kheo ấy dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã’. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ. Nếu có Tỳ-kheo phân biệt thân giới như thế này: ‘Nay thân này của ta có nội không giới, được chấp thọ nơi hữu tình. Nội không giới là gì? Là lỗ trống ở mắt, lỗ trống ở tai, lỗ trống ở mũi, lỗ trống ở miệng, cái khiến cho cổ họng cử động, tức để cho thức ăn được nhai và nuốt từ từ đi qua cổ họng, đi xuống rồi ra ngoài, tương tự như thế, trong thân này có những thứ khác nữa thuộc về hư không. Ở chỗ hư không ấy không bị da, thịt, xương, gân lấp kín. Đó là nội không giới’. Này Tỳ-kheo, dù nội không giới hay ngoại không giới đều gọi chung là không giới. Tỳ-kheo dùng trí tuệ quán biết như thật rằng: ‘Tất cả những cái ấy không phải là sở hữu của ta. Ta không phải là sở hữu của những cái ấy. Những cái ấy cũng không phải là tự ngã’. Tâm vị ấy không nhiễm trước không giới ấy. Đó là Tỳ-kheo không buông lung trí tuệ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo nào biết như thật về năm giới này, sau khi biết như thật, tâm không nhiễm trước chúng thì được giải thoát, chỉ còn có các thức mà thôi. Đó là những thức nào? Là thức về lạc, thức về khổ, thức về hỷ, thức về ưu và thức về xả[19].

“Này Tỳ-kheo, nhơn lạc xúc mà sanh lạc thọ[20], vị ấy cảm giác lạc thọ. Khi đã cảm giác lạc thọ, vị ấy biết mình cảm giác lạc thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt lạc xúc, sau khi diệt lạc xúc này, nếu có lạc thọ do lạc xúc sanh, lạc thọ ấy cũng diệt, tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, nhơn khổ xúc sanh ra khổ thọ, vị ấy cảm giác khổ thọ. Sau khi đã cảm giác khổ thọ, vị ấy biết đã cảm giác khổ thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt khổ xúc, sau khi diệt khổ xúc, nếu có khổ thọ do khổ xúc sanh, vị ấy cũng diệt tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, nhơn hỷ xúc sanh ra hỷ thọ, vị ấy cảm giác hỷ thọ. Khi đã cảm giác hỷ thọ, vị ấy biết đã cảm giác hỷ thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt hỷ xúc, sau khi diệt hỷ xúc này, nếu có hỷ thọ do hỷ xúc sanh, vị ấy cũng diệt, tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, nhơn ưu xúc sanh ra ưu thọ, vị ấy cảm giác ưu thọ. Khi đã cảm giác ưu thọ, vị ấy biết đã cảm giác ưu thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt ưu xúc, sau khi diệt ưu xúc này, nếu có ưu thọ do ưu xúc sanh, vị ấy cũng diệt, tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, nhơn xả xúc sanh ra xả thọ, vị ấy cảm giác xả thọ. Khi đã cảm giác xả thọ, vị ấy biết đã cảm giác xả thọ. Nếu Tỳ-kheo nào diệt xả xúc, sau khi diệt xả xúc này, nếu có xả thọ do xả xúc sanh, vị ấy cũng diệt, tĩnh chỉ; biết như vậy rồi, mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, nhơn các xúc ấy sanh ra các thọ ấy. Khi đã diệt các xúc ấy thì các thọ ấy cũng diệt. Vị ấy biết rằng, thọ này từ xúc mà có, lấy xúc làm gốc, lấy xúc làm tập khởi, từ xúc sanh ra, lấy xúc làm đầu mối, y cứ nơi xúc mà hiện hành.

“Này Tỳ-kheo, cũng như mồi lửa, nhơn cái dùi, sự nỗ lực của ngườøi và sức nóng mà lửa phát sanh. Này Tỳ-kheo, khi các dùi cây ấy tách rời nhau thì lửa mà từ đó phát sanh, sức nóng của lửa và sự chấp thọ của hữu tình, tất cả đều tắt biến, vắng bặt, im lìm và dùi cây ấy trở nên nguôïi lạnh. Cũng vậy, này Tỳ-kheo, các xúc ấy thế này hay thế kia, sanh ra các thọ như thế này hay thế khác. Diệt các xúc ấy thì các thọ ấy cũng diệt. Như vậy là đã biết thọ này từ xúc mà có, lấy xúc làm gốc, lấy xúc làm tập khởi, từ xúc sanh ra, lấy xúc làm đầu mối, y cứ nơi xúc mà hiện hành.

“Nếu Tỳ-kheo nào không nhiễm trước ba thọ này, mà giải thoát, thì Tỳ-kheo ấy chỉ còn có xả cực kỳ thanh tịnh.

“Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng, ‘Ta với xả thanh tịnh này nhập vào vô lượng không xứ[21]; tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó. Ta với xả thanh tịnh này nhập vào vô lượng thức xứ[22], vô sở hữu xứ, phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó’.

“Này Tỳ-kheo, cũng như thợ luyện kim lành nghề, dùng lửa đốt thỏi vàng, dát cho thật mỏng, rồi lại bỏ vào lò nung, đốt lửa đều đặn và đúng độ, luyện kỹ cho đến lúc tinh ròng, rất mềm mại và có ánh sáng. Này Tỳ-kheo, thứ vàng này là do thợ vàng đã đốt lửa đều đặn và đúng độ, luyện kỹ thật tinh ròng, rất mềm mại và có ánh sáng. Như vậy rồi, tự thợ vàng ấy làm theo ý mình, như làm dây đính vào tơ lụa để trang sức áo mới, làm nhẫn tay, vòng tay, xuyến, chuỗi, lưới tóc... Cũng vậy, này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy nghĩ rằng: ‘Ta với xả thanh tịnh này nhập vào vô lượng không xứ; tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó. Ta với xả thanh tịnh này nhập vào Vô lượng thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, tu tập tâm như vậy, y nơi đó, an trụ nơi đó, xác lập nơi đó, duyên nơi đó, buộc chặt vào đó’.

“Tỳ-kheo ấy lại nghĩ, ‘Ta với xả thanh tịnh này, mà y vào vô lượng không xứ, như vậy thuộc pháp hữu vi. Là pháp hữu vi thì vô thường. Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ. Nếu cái gì là khổ thì biết là khổ’. Sau khi biết khổ, vị ấy xả, không còn di chuyển nhập vô lượng không xứ nữa.

“‘Ta với xả thanh tịnh này, mà y vào Vô lượng thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, vẫn là thuộc pháp hữu vi. Là pháp hữu vi thì vô thường. Cái gì là vô thường, cái ấy là khổ. Nếu cái gì là khổ thì biết là khổ’. Sau khi biết khổ, vị ấy xả, không còn di chuyển nhập Vô lượng thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ nữa.

“Này Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo nào đối với bốn xứ này bằng tuệ mà quán sát, biết như thật, tâm không thành tựu, không di chuyển nhập, thì bấy giờ vị ấy không cần phải làm gì, và cũng không có gì để tư niệm, nghĩa là những gì liên hệ dến hữu và vô hữu[23]. Vị ấy cảm giác về thân tối hậu chấp thọ[24] thì biết cảm giác về thân chấp thọ cuối cùng; cảm giác về mạng chấp thọ tối hậu[25] thì biết cảm giác về mạng chấp thọ tối hậu; và biết khi thân hoại mạng chung, thọ mạng chấm dứt, những gì được cảm thọ, tất cả đều tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ và biết là trở thành rất mát lạnh[26].

“Này Tỳ-kheo, ví như đèn sáng là nhờ dầu và nhờ bấc. Nếu không có ai đổ thêm dầu, nối thêm bấc, như vậy khi dầu và bấc có trước đã cháy hết mà những cái sau không được tiếp nối sẽ không còn gì để chấp thọ nữa. Tỳ-kheo ấy cũng thế, cảm giác về chấp thọ thân tối hậu thì biết cảm giác về chấp thọ thân tối hậu; cảm giác về chấp thọ sanh mạng tối hậu thì biết cảm giác về chấp thọ sanh mạng tối hậu; và biết rằng, khi thân hoại mạng chung, sanh mạng chấm dứt thì tất cả những gì được cảm thọ thảy đều tịch diệt, tịch tịnh, tĩnh chỉ và biết là trở thành rất mát lạnh.

“Này Tỳ-kheo, như thế vị ấy được gọi là Tỳ-kheo tối thắng chánh tuệ, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận, lậu tận. Tỳ-kheo ấy thành tựu như vậy là thành tựu tối thắng chánh tuệ xứ[27].

“Này Tỳ-kheo, sự giải thoát này an trú nơi chân đế, không bị di động. Chân đế là pháp như thật. Giả dối là pháp hư vọng. Tỳ-kheo ấy thành tựu tối thắng chân đế xứ[28].

“Này Tỳ-kheo, với thí xả, nếu trước kia có oan gia cố cựu thì bấy giờ vị ấy phóng xả, lìa bỏ, giải thoát, dứt trừ. Này Tỳ-kheo, đó là Tỳ-kheo tối thắng chánh huệ thí, là xả ly tất cả mọi sự ở đời, hoàn toàn vô dục, tịch tĩnh, tĩnh chỉ. Này Tỳ-kheo, thành tựu như thế là thành tựu tối thắng huệ thí xứ.

“Này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào tâm bị dục, nhuế và si làm cho ô uế, không được giải thoát, Tỳ-kheo ấy tận diệt tất cả dâm, nộ, si, vô dục, tịch tịnh, tĩnh chỉ, chứng đắc tối thắng, tịch tĩnh. Này Tỳ-kheo, thành tựu như thế là thành tựu tối thắng tịch tĩnh xứ.

“Này Tỳ-kheo, ai nghĩ rằng ‘Tôi đang là’, ấy là tự đề cao[29]. Rằng ‘Tôi sẽ hiện hữu’, ấy là tự đề cao. Rằng “Tôi sẽ không hiện hữu, cũng không phải không hiện hữu’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ có sắc’, ấy là tự đề cao.

‘Tôi sẽ không có sắc’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ có tưởng’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ không có tưởng’, ấy là tự đề cao. ‘Tôi sẽ không có tưởng, không không có tưởng’, ấy là tự đề cao. Đó làø cống cao, là kiêu ngạo, là phóng dật.

“Này Tỳ-kheo, nếu không có tất cả những sự tự đề cao, cống cao, kiêu ngạo, phóng dật ấy thì ý tịch tĩnh.

“Này Tỳ-kheo, nếu ý tịch tĩnh thì không chán ghét, không ưu sầu, không lao nhọc, không sợ hãi. Vì sao? Vì Tỳ-kheo ấy đã thành tựu pháp nên không còn chán ghét, không chán ghét thì không ưu tư, không ưu tư thì không sầu não, không sầu não thì không lao nhọc, không lao nhọc thì không sợ hãi. Nhơn không sợ hãi nên sẽ đắc Niết-bàn, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’”.

Đức Thế Tôn thuyết pháp này xong, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn ly trần cấu, phát sanh pháp nhãn và các pháp. Bấy giờ, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn thấy pháp, đắc pháp, chứng pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi hoặc, không còn ai hơn, không tùy thuộc ai nữa, không còn do dự, đã an trú vào quả chứng đắc; đối với pháp của Thế Tôn, chứng đắc vô úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con ăn năn! Bạch Thiện Thệ, con ngay từ đầu như ngu, như si, như khờ dại, như không hiểu biết, không nhận ra Bậc Lương Điền mà không tự biết. Vì sao? Vì con đã gọi Như Lai –Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác– là “Hiền giả[30]“. Mong Đức Thế Tôn cho con sám hối. Sau khi sám hối, con sẽ không còn tái phạm nữa”.

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Tỳ-kheo, ngươi quả thực ngu si, quả thực là khờ dại, không hiểu biết nên đã gọi Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, là “Hiền giả”. Này Tỳ-kheo, nếu ngươi tự sám hối, đã thấy và phát lồ, gìn giữ không tái phạm nữa, như thế, này Tỳ-kheo, đối với pháp luật của bậc Thánh như vậy là tăng ích chứ không tổn hại, vì đã tự sám hối, đã tự thấy và phát lồ, gìn giữ không tái phạm nữa”.

Đức Phật, thuyết như vậy. Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 38. Tương đương Pāli, M.140. Dhātuvibhanga-sutta.[02] Thợ gốm tên là Bhagga trong bản Pāli.[03] Phất-ca-la-sa-lợi 弗 迦 邏 娑 利. Pāli: Pukkusāti.[04] Tức Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.[05] Lục giới 六 界. Pāli: Chadhāturo.[06] Pāli: ayaṃ puriso, con người này.[07] Hán: bất văn ưu thích sự 不 聞 憂 戚 事. Pāli: maññussavā nappavattanti, các tưởng hoan hỷ (= vọng tưởng) không chuyển động.[08] Huệ thí; Pāli: cāga, sự thi ân.[09] Chí tịch 至 寂. Pāli: santi: sự tịch tĩnh, sự bình an; đồng nghĩa Niết-bàn.[10] Lục xúc xứ 六 觸 處. Pāli: chaphassāyatano.[11] Thập bát ý hành 十 八 意 行. Pāli: Atthādasamanopavicāro. Cũng nói là mười tám ý cận hành 意 近 行 (phạm vi hoạt động của ý), gồm sáu hỷ cận hành, sáu ưu cận hành và sáu xả cận hành. Xem giải thích Tập Dị 15 (No.1536, Đại 26, trang 430).[12] Quán 觀,đồng nghĩa cận hành, đi sát, hay chạy theo; Pāli: upavicarati; trong đó, vicāra, hành (đi), và cũng thường dịch là tứ (một thiền chi thuộc Sơ thiền) mà bản Hán này thường dịch là quán (th.d.: hữu giác hữu quán, Pl. savitakka, savicāra) Tập Dị (đd): “Mắt sau khi thấy, nó tùy theo trú xứ của hỷ mà đi sát (hay đi gần, cận hành) với sắc”. Pāli: Cakkhunā rūpam disvā somanassaṭṭhānīyam rupaṃ upavicarati.[13] Hỷ quán, tức hỷ cận hành.[14] Tứ trụ xứ 四 住 處. Pāli: caturādhiṭṭhāno, bốn sự xác lập.[15] Nguyên Hán: tức trụ xứ 息 住 處. Pāli: upasamādiṭṭhāna.[16] Thọ ư sanh 受 於 生, được hiểu là “duy trì sanh mạng của các loài hữu tình”. Thọ,  Pāli: upādi, thủ hay chấp thủ.[17] Hán: phi thần 非 神. Pāli: n’etaṃ mama, n’eso ‘ham asmi. na me sattā, “cái này không là của tôi; tôi không là cái này; cái này không là tự ngã của tôi”.[18] Bản Cao-li: não mạc.[19] Pāli: sukhan ti pi vijānāti, dukkhan ti pi vijānāti…, nhận biết rằng ‘đây là lạc’, nhận biết rằng ‘đây là khổ’…[20] Nguyên Hán: nhân lạc canh lạc cố sanh lạc giác 因 樂 更 樂 故 生 樂 覺; Pāli: sukhavedanīyaṃ… phassaṃ paṭicca uppajjati sukhā vedanā, do xúc chạm với đối tượng đáng ưa mà phát sinh cảm giác lạc.[21] Nhập vô lượng không xứ, tức nhập Hư không vô biên xứ, đối tượng thứ nhất của bốn Vô sắc giới định. Pāli: ākāsānañcāyatanaṃ upasaṃhareyyaṃ.[22] Vô lượng thức xứ, hay Thức vô biên xứ. Pāli: viññāṇaññcāyatanaṃ.[23] Hán: bất phục hữu vi diệc vô sở tư, vị hữu cập vô 不 復 有 為 亦 無 所 思, 謂 有 及 無. Pāli: so neva taṃ abhisaṃkharoti na abhisaṃcetayati bhavāya vā vibhavāya vā, vị ấy không hành trì cũng không tư duy về hữu hay phi hữu.[24] Thọ thân tối hậu 受 身 最 後, thân được chấp thọ, hay chấp thủ, cuối cùng.  Pāli:  kāyapariyantika.[27] Đệ nhất chánh huệ xứ; Pāli: paramapaññādiṭṭhāna.[25] Mạng tối hậu 受 命 最 後. Pāli: jīvitapariyantika.[26] Pāli: sabbavedayitāni abhinanditāni sītibhavissanti, “tất cả những gì được cảm thọ đầy hỷ lạc đều trở thành mát mẻ”.[28] Đệ nhất chân đế xứ; Pāli: paramasaccādiṭṭhāna.[29] Hán: tự cử 自 舉, nghĩa là kiêu mạn (Pāli: māna). Trong bản Pāi: maññita, vọng tưởng.[30] Tức đã gọi Phật là “bạn”. Pāli: āvusovādena.

-ooOoo-

163. KINH PHÂN BIỆT LỤC XỨ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi, phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là phân biệt về sáu xứ. các ngươi hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ”.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời”.

Đức Phật, bảo rằng:

“Này các thầy Tỳ-kheo, sáu xứ, nên biết, là bên trong vậy[02]; sáu xúc xứ[03] nên biết bên trong; mười tám ý hành[04] nên biết bên trong; ba mươi sáu đao kiếm[05] nên biết bên trong. Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này, vô lượng thuyết pháp nên biết bên trong. Có ba ý chỉ[06], là những điều mà bậc Thánh phải tu tập. Sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng[07], đó là bậc Vô thượng Điều ngự con người[08], là điều ngự người thú hướng tất cả phương’. Như vậy là phân biệt lục xứ.

“Nói rằng, ‘sáu xứ nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế? Đó là xứ là mắt; xứ là tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nói rằng ‘sáu xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Sáu xúc xứ nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là xúc con mắt thì thấy sắc, xúc lỗ tai thì nghe tiếng, xúc của mũi thì ngửi mùi, xúc của lưỡi thì nếm vị, xúc của thân thì cảm giác, xúc bởi ý thì biết pháp. Nói rằng ‘sáu xúc xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Mười tám ý hành nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là Tỳ-kheo mắt đã thấy sắc rồi phân biệt sắc mà an trụ nơi hỷ, phân biệt các sắc mà an trụ nơi ưu, phân biệt các sắc mà an trụ nơi xả. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý đã biết pháp rồi phân biệt pháp mà an trụ nơi hỷ, phân biệt pháp mà an trụ nơi ưu, phân biệt pháp mà an trụ nơi xả. Đó gọi là phân biệt sáu hỷ, phân biệt sáu ưu, phân biệt sáu xả. Tổng thuyết là mười tám ý hành. Nói rằng ‘mười tám ý hành nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Ba mươi sáu loại đao kiếm nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Có sáu hỷ y trên đắm trước, có sáu hỷ y trên vô dục[09]; có sáu ưu y trên đắm trước, có sáu ưu y trên vô dục; có sáu xả y trên đắm trước, có sáu xả y trên vô dục.

“Thế nào là sáu hỷ y trên đắm trước? Thế nào là sáu hỷ y trên vô dục? Mắt thấy sắc rồi phát sanh hỷ, nên biết, có hai loại, hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là hỷ y đắm trước? Sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, lạc tương ưng với dục[10]; cái chưa được thì muốn được, đã được thì truy ức, rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên đắm trước.

“Thế nào là hỷ y trên vô dục? Biết sắc vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên vô dục.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi sanh hỷ, nên biết có hai loại, hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào hỷ y trên đắm trước? Pháp được biết bởi ý, khả hỷ, ý niệm, pháp ái, lạc tương ưng với dục; cái chưa được thì muốn được, đã được thì truy ức, rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên đắm trước.

“Thế nào gọi là hỷ y trên vô dục? Biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả pháp trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên vô dục.

“Thế nào là sáu ưu y trên đắm trước? Thế nào là sáu ưu y trên vô dục? Mắt thấy sắc rồi phát sanh ưu, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là ưu y trên đắm trước? Sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, û ý niệm, sắc ái, lạc tương ưng với dục, cái chưa được mà không được, đã được nhưng trong quá khứ bị phân tán, hoại diệt, biến dịch nên sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên đắm trước.

“Thế nào là ưu y trên vô dục? Biết sắc là pháp vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, pháp hoại diệt. Truy ức như vậy rồi nghĩ rằng ‘Ta lúc nào thì thành tựu, an trú nơi xứ mà các bậc Thánh đã thành tựu, an trú?’ Do ước nguyện chứng nhập tối thượng ấy mà lo sợ[11], sầu khổ nên phát sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên vô dục.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi sanh ưu, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là ưu y trên đắm trước? Pháp được biết bởi ý, khả hỷ, niệm, pháp ái, lạc tương ưng với dục, cái chưa được mà không được, cái đã được nhưng trong quá khứ bị phân tán, hoại diệt, biến dịch nên sanh ưu. Ưu ấy gọi là ưu y trên đắm trước.

“Thế nào là ưu do vô dục? Biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả pháp trước kia và bây giờ đều vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi nghĩ rằng ‘Ta lúc nào thì thành tựu, an trú vào xứ mà các bậc Thánh đã thành tựu, an trú?’ Do ước nguyện chứng nhập tối thượng ấy mà lo sợ, sầu khổ nên phát sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên vô dục.

“Thế nào là xả y trên đắm trước? Thế nào là xả y trên vô dục? Mắt thấy sắc phát sanh xả, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là xả y trên đam mê? Mắt thấy sắc rồi phát sanh xả. Phàm phu ngu si hoàn toàn[12] không đa văn, không trí tuệ, đối với sắc có xả nhưng không xuất ly sắc. Đó là xả y trên đam mê.

“Thế nào là xả y trên vô dục? Biết sắc vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi an trụ nơi xả. Nếu vị nào dốc lòng tu tập xả như thế, thì đó là xả y trên vô dục.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi phát sanh xả, nên biết rằng có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là xả y trên đam mê? Ý nhận thức, phát sanh xả. Phàm phu ngu si, hoàn toàn không đa văn, không trí tuệ, đối với pháp có xả nhưng không xuất ly pháp. Đó là xả y trên đắm.

“Thế nào là xả y trên vô dục? Ý biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết pháp trước kia hay bây giờ đều là vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi an trụ nơi xả. Ai dốc lòng tu tập xả ấy, thì đó là xả y trên vô dục.

“Đó là sáu hỷ y trên đắm trước, sáu hỷ y trên vô dục; sáu ưu y trên đắm trước, sáu ưu y trên vô dục; sáu xả y trên đắm trước, sáu xả y trên vô dục. Tổng thuyết là ba mươi sáu thứ đao kiếm nên biết bên trong. Do nhơn đó mà nói như thế.

“Nói rằng ‘Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là, đối với sáu hỷ y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu hỷ y trên đắm trước ấy thì hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Đối với sáu ưu y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu ưu y trên đám trước này, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Đối với sáu xả y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu xả y trên đắùm trước này, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Có loại xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc[13]; có loại xả chỉ có một xúc, không sai biệt xúc.

“Thế nào là xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc? Nếu xả đối với sắc, đối với thanh, đối với hương, đối với vị, đối với xúc, thì xả ấy có vô lượng xúc, sai biệt xúc.

“Thế nào xả chỉ có một xúc, không sai biệt xúc? Là xả hoặc y vào vô lượng không xứ, hoặc y vào vô lượng thức xứ, hoặc y vào vô sở hữu xứ, hoặc y vào phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thì xả ấy chỉ có một xúc, không sai biệt xúc.

“Đối với xả có một xúc, không sai biệt xúc, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này. Đối với xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia. Thủ vô lượng, y vô lượng, trú vô lượng, tức là đối với xả có một xúc, không sai biệt xúc, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này. Đối với xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Nói rằng ‘Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Vô lượng thuyết pháp nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế?

“Như Lai có bốn đệ tử, có tăng thượng hành, tăng thượng ý, tăng thượng niệm, tăng thượng tuệ, có biện tài, thành tựu biện tài bậc nhất, thọ đến một trăm tuổi. Như Lai thuyết pháp cho đệ tử ấy suốt cả một trăm năm, ngoại trừ lúc ăn lúc uống, lúc đại tiểu tiện, lúc ngủ nghỉ và lúc tụ hội; những pháp mà Như Lai thuyết kia, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, bằng tuệ mà quán nghĩa một cách nhanh chóng, không có hỏi lại Như Lai về pháp nữa. Vì sao? Vì pháp được Như Lai giảng thuyết không có giới hạn, không thể cùng tận, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, cho đến lúc bốn đệ tử lâm chung.

“Cũng như bốn hạng người bắn giỏi, cùng kéo mạnh dây cung mà bắn một lượt, khéo học kỹ, khéo biết rõ. Cũng vậy, Thế Tôn có bốn đệ tử, có tăng thượng hành, tăng thượng ý, tăng thượng niệm, tăng thượng tuệ, có biện tài, thành tựu biện tài bậc nhất, thọ đến một trăm tuổi. Như Lai thuyết pháp cho đệ tử ấy suốt cả một trăm năm, ngoại trừ lúc ăn lúc uống, lúc đại tiểu tiện, lúc ngủ nghỉ và lúc tụ hội; những pháp mà Như Lai thuyết kia, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, bằng tuệ mà quán nghĩa một cách nhanh chóng, không có hỏi lại Như Lai về pháp nữa. Vì sao? Vì pháp được Như Lai giảng thuyết không có giới hạn, không thể cùng tận.

“Nói rằng ‘Vô lượng thuyết pháp nên biết bên trong’, là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Có ba ý chỉ, là những điều mà bậc Thánh phải tu tập. Sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng’, do nhơn gì mà nói như thế?

“Như Lai thuyết pháp cho đệ tử là vì mến yêu, mưu cầu nhiều thiện lợi và hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, bảo rằng ‘Đây là lợi ích, đây là khoái lạc, đây là lợi ích khoái lạc’. Nếu các đệ tử kia mà không cung kính, không thuận hành, không xác lập nơi trí, tâm không thực hành pháp và tùy pháp[14], không thọ chánh pháp, làm trái lời Thế Tôn, không thể đắc định; nhưng Thế Tôn không vì thế mà buồn rầu. Thế Tôn chỉ xả mà không làm gì, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là ý chỉ thứ nhất mà bậc Thánh tu tập. Sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.

“Lại nữa, Như Lai thuyết pháp cho đệ tử vì thương tưởng mến yêu, vì mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, nói rằng ‘Đây là hữu ích, đây là khoái lạc, đây là hữu ích khoái lạc’. Nếu đệ tử kia cung kính thực hành theo chánh trí, tâm thực hành pháp và tùy pháp, thọ trì chánh pháp, không trái lời Thế Tôn, đắc định, thì Thế Tôn cũng không vì thế mà hoan hỷ. Thế Tôn chỉ xả, mà không làm gì cả, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là ý chỉ thứ hai mà bậc Thánh tu tập. Sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.

“Lại nữa, Như Lai thuyết pháp cho đệ tử vì thương tưởng mến yêu, vì mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, bảo rằng ‘Đây là hữu ích, đây là khoái lạc, đây là hữu ích khoái lạc’. Nhưng có đệ tử không cung kính, cũng không thực hành, không vững chánh trí, tâm không hướng đến pháp tùy pháp hành, không thọ trì chánh pháp, trái lời Thế Tôn, không thể đắc pháp. Trái lại, có đệ tử cung kính, thực hành, vững chánh trí, tâm quy hướng đến pháp tùy pháp hành, thọ trì chánh pháp, không trái lời Thế Tôn, đắc định, Thế Tôn cũng không vì thế mà buồn rầu hay hoan hỷ. Thế Tôn chỉ xả, mà không làm gì cả, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là ý chỉ thứ ba mà bậc Thánh tu tập. Sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.

“Nói rằng ‘Có ba ý chỉ, là những điều mà bậc Thánh phải tu tập. Sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng’, là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Bậc Vô Thượng điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương’, do nhơn gì mà nói như vậy?

“Điều ngự con người, đó là nói điều ngự con người chỉ thú hướng một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, hoặc phương Tây, hoặc phương Bắc. Chẳng hạn như điều ngự voi, là vị điều ngự chỉ dẫn con voi đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Điều ngự ngựa là vị điều ngự chỉ dẫn con ngựa đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Điều ngự bò là vị điều ngự chỉ dẫn con bò đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Trái lại, Vô thượng Điều ngự con người thú hướng đến tất cả phương. Trong đó, phương là có sắc thì quán sắc, đó là phương thứ nhất[15]. Bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc, đó là phương thứ hai. Tịnh giải thoát, thân chứng thành tựu, an trú, đó là phương thứ ba. Vượt qua mọi sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không nghĩ đến các loại tưởng sai biệt, nhập vô lượng hư không, thành tựu và an trú vô lượng không xứ, đó là phương thứ tư. Vượt qua mọi vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu an trú vô lượng thức xứ, đó là phương thứ năm. Vượt qua mọi vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trú vô sở hữu xứ, đó là phương thứ sáu. Vượt qua mọi vô sở hữu xứ, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trú, đó là phương thứ bảy. Vượt qua mọi phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, tưởng và thọ đã diệt tận, thân chứng thành tựu, an trú, do tuệ mà quán lậu tận, vĩnh viễn đoạn trừ, đó là phương thứ tám.

“Nói rằng ‘Bậc Vô Thượng điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương’ là nhơn đó mà nói”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.137, Salāyatana-vibhaṅga-sutta.[02] Hán: lục xứ đương tri nội dã 六 處 知 內 也. Pāli: ajjhattikāni āyatanāni veditabbāni, sáu nội xứ cần được biết.[03] Lục cánh lạc xứ 更 樂 處. Pāli: cha phassakayā.[04] Thập bát ý hành 十 八 意 行. Pāli: aṭṭhādasa manopavicārā. Xem cht.11, kinh 62.[05] Tam thập lục đao 三 十 六 刀. Pāli: chattiṃsa sattapadā, 36 cú (phạm trù), hay dấu chân, của chúng sanh; 36 loại chúng sanh. Trong bản Hán, đọc là sattha (đao kiếm) thay vì satta (hữu tình). Tỳ-bà-sa (No.1545, Đại 27, trang 718 a): Tam thập lục sư cú 三 十 六 師 句. Pāli: Sattapadā (36 cú nghĩa, hay phạm trù, về chúng sanh). Cả ba bản đọc theo ngữ nguyên khác nhau. Pāli: satta, chúng sanh. Bản Hán này, đao kiếm: do Skt. Śastra (Pāli: sattha), Tỳ-bà-sa; Skt. Śāstra: đạo sư (Pāli: sattha).[06] Tam ý chỉ 三 意 止. Pāli: tayo satipaṭṭhānā, ba niệm trú.[07] Tham chiếu Pāli: tatr’idaṃ nissāya idaṃ pajahatha. tayo satipaṭṭhānā yad ariyo sevati, yad ariyo sevannāno satthā gaṇaṃ anusāsituṃ arahati, “trong đây, y trên cái này, các ngươi hãy đoạn trừ cái này; có ba niệm trụ mà bậc Thánh tập hành, và khi tập hành nó bậc Thánh xứng đáng là Đạo sư giáo huấn đồ chúng”.[08] Hán: điều ngự sĩ, chế ngự hay huấn luyện con người và đánh xe đưa con người đến chỗ an ổn. Pāli: so vuccati yoggācariyānaṃ anuttaro purisadammasārathī ti, vị ấy được gọi là vị hướng đạo và huấn luyện con người, cao cả nhất trong tất cả những người đánh xe.[09] Y trước y vô dục 依 著 依 無 欲. Tỳ-bà-sa (đd., như trên): Y đam thị y xuất ly 依 耽 嗜 依 出 離. Pāli:  gehaseta, nekkhammasita: y tại gia và y xuất gia. Do từ nguyên trong Skt. hay đồng âm của từ gaha (Pāli) có nghĩa là nhà (Skt. gṛha) và sự nắm chặt (Skt. graha) nên có những nghĩa khác nhau như thế.[10] Pāli: lokāmisapaṭisaṃyuttaṃ, liên hệ đến vật dục thế gian.[11] Hán: thượng cụ xúc nguyện khủng bố 上 具 觸 願 恐 上 具 觸 願 恐 怖; không hiểu ý. Pāli: anuttaresu vimokkhesu pihaṃ upaṭṭhāyato uppajjati, khởi lên ước muốn đối với các giải thoát vô thượng.[12] Hán: bình đẳng, liên hệ từ samṃ (Pāli, hay Skt.).[13] Pāli: atthi bhikkhave upekhā nānattā nānattasitā, có xả là tạp đa tánh, y trên tạp đa tánh.[14] Thú hướng pháp thứ pháp, tức Pāli: dhammānudhamma-paṭipanna, thực hành pháp và những liên hệ pháp.[15] Từ đây trở xuống, nói về tám giải thoát, cũng nói là tam bối. Xem giải thích Tập Dị 18, Đại 16, trang 443.

-ooOoo-

164. KINH PHÂN BIỆT QUÁN PHÁP[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi, phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là kinh ‘Phân biệt quán pháp’. Các thầy hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ.

Nghe vậy, các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời”.

Đức Phật bảo rằng:

“Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳø kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ”.

Đức Phật nói như thế, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào thất tĩnh tọa.

Khi ấy, các Tỳ-kheo nghĩ rằng: “Chư Hiền nên biết, Đức Thế Tôn nói lên điều đó một cách tóm tắt, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy vào thất tĩnh tọa. Thế Tôn chỉ nói: ‘Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳø kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ’.”

Các vị ấy lại nghĩ rằng: “Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt rộng rãi điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?” Các vị ấy lại nghĩ: “Tôn giả Đại Ca-chiên-diên[02] thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Này chư Hiền, hãy cùng nhau đi đến nơi Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nhờ Tôn giả giải thích điều đó. Nếu Tôn giả Đại Ca-chiên-diên phân biệt cho, chúng ta sẽ khéo thọ trì”.

Thế rồi các Tỳ-kheo cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nên biết cho rằng, Đức Thế Tôn nói điều này một cách tóm lược, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào phòng tĩnh tọa. Thế Tôn chỉ nói rằng, ‘Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳø kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự kho.å’

“Chúng tôi đã nghĩ rằng, ‘Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?’

“Chúng tôi lại nghĩ, ‘Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các bậc pham hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược’. Mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót mà phân biệt rộng rãi cho”.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói rằng:

“Này chư Hiền, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người có trí nghe thí dụ thì sẽ hiểu được nghĩa.

“Này chư Hiền, cũng như ngườøi muốn tìm lõi cây. Vì muốn tìm lõi cây nên xách búa vào rừng. Người ấy thấy cây đại thọ có đủ gốc, thân, cành, nhánh, lá, hoa và lõi. Người ấy không đốn gốc, thân, cành và lõi mà chỉ chặt nhánh và lá thôi. Điều chư Hiền nói ra cũng lại như vậy. Đức Thế Tôn còn đó mà chư Hiền lại bỏ đi tìm tôi để hỏi về điều ấy. Vì sao? Chư Hiền nên biết, Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn.

“Này chư Hiền, hãy đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi điều đó như thế này, ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn dạy thế nào, chư Hiền nên khéo léo thọ trì thế ấy”.

Nghe thế, các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Xin vâng, thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng. Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn. Chúng tôi đáng lẽ phải đến chỗ Thế Tôn mà hỏi về điều đó như vầy ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn nói như thế nào, chúng tôi sẽ khéo thọ trì thế ấy. Nhưng Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có tri tán tán. Như vậy, Tôn giả có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót mà giải thích rộng rãi cho”.

Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói:

“Này chư Hiền, vậy hãy nghe tôi nói.

“Này chư Hiền, thế nào là tâm[03] Tỳ-kheo hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn? –Chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo con mắt thấy sắc, thức ăn tướng của sắc, thắc đắm trước vị lạc của tướng của sắc, thức bị trói buộc bởi vị lạc của tướng của sắc; vị ấy bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên hướng ra ngoài, bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý vị ấy nhận thức pháp, thức chạy theo pháp tướng, thức đắm trước vị lạc của pháp tướng, thức bị trói buộc bởi vị lạc của pháp tướng, vị ấy bị vị của vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn.

“Này Chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn.

“Này chư Hiền, thế nào gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn?

“Này chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo thấy sắc, thức không chạy theo sắc tướng, thức không đắm trước lạc của sắc tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của sắc tướng, vị ấy không bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý Tỳ-kheo nhận thức pháp, thức không chạy theo pháp tướng, thức không đắm trước lạc của pháp tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của pháp tướng. Vị ấy không bị vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị chi phối, tán loạn.

“Này Chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn.

“Này chư Hiền, thế nào là tâm Tỳ-kheo không trú vào bên trong?

“Này chư Hiền, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục phát sanh, chứng đắc thiền thứ nhất, thành tựu an trụ. Nhưng thức của vị ấy đắm trước ở vị ngọt của ly dục, y nơi đó, trú nơi đó, duyên nơi đó, gắn chặt nơi đó, nên thức không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định phát sanh, đắc thiền thứ hai, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy đắm trước nơi vị ngọt của định, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc[04], đắc thiền thứ ba, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị ngọt của ly hỷ, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ trước kia, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc thiền thứ tư, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của xả và của niệm, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua mọi sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy đến các loại tưởng sai khác, nhập vô lượng không, thành vô lượng không xứ, thành tựu và an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị ngọt của không trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, vô lượng thức xứ, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của thức trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu xứ, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của vô sở hữu trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập Phi hữu tưởng phi vô tưởng, thành tựu an trú. Nhưng thức của vị ấy trú trước vào vị của tưởng trí, y vào đó, trú vào đó, duyên vào đó, gắn chặt vào đó, nên thức của vị ấy không trú vào bên trong.

“Này chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo không trú vào bên trong.

“Này chư Hiền, thế nào là tâm Tỳ-kheo an trú vào bên trong?

“Chư Hiền, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, đắc Thiền thứ nhất, thành tựu an trú. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của ly dục, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trú. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của định, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo ly hỷ dục, an trụ, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, đắc Thiền thứ ba, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị của ly hỷ, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo diệt khổ, diệt dục, diệt hỷ và ưu có trước kia, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc Thiền thứ tư, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của xả và vị của niệm thanh tịnh, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy đến các loại tưởng sai biệt, nhập vô lượng không xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị của không trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của thức trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của vô sở hữu trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Lại nữa, chư Hiền, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ. Thức của vị ấy không trú trước vào vị ngọt của vô tưởng trí, không y vào đó, không trú vào đó, không duyên vào đó, không gắn chặt vào đó, nên thức trú vào bên trong.

“Này chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo trú vào bên trong.

“Này chư Hiền, thế nào là Tỳ-kheo không chấp thủ mà sợ hãi?

“Chư Hiền, Tỳ-kheo không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát, thì vị ấy muốn được sắc, truy cầu, đắm trước sắc, trú vào sắc, nghĩ rằng ‘Sắc là ta. Sắc là sở hữu của ta’. Khi đã muốn được sắc, truy cầu sắc, đắm trước sắc, trú vào sắc, nghĩ rằng ‘Sắc là ta. Sắc là sở hữu của ta’, thì thức nắm bắt sắc. Sau khi thức nắm bắt sắc, lúc ấy sắc biến dịch thì thức cũng bị chuyển theo sắc. Khi thức đã bị chuyển theo sắc thì Tỳ-kheo ấy sanh sợ hãi, tâm trú vào trong đó. Nhơn vì tâm không biết nên sanh khiếp sợ, lao nhọc, không chấp thủ mà sợ hãi.

“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; Tỳ-kheo không ly thức nhiễm, không ly thức dục, không ly thức ái, không ly thức khát.

“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào không ly thức nhiễm, không ly thức dục, không ly thức ái, không ly thức khát, thì vị ấy muốn được thức, truy cầu thức, đắm trước thức, trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức là ta. Thức là sở hữu của ta’. Vị ấy khi đã muốn đượïc thức, truy cầu thức, đắm trước thức, trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức là ta. Thức là sở hữu của ta’ thì thức nắm bắt thức. Sau khi thức nắm bắt thức, lúc thức ấy biến dịch thì thức cũng bị chuyển theo thức. Sau khi thức đã bị chuyển theo thức, Tỳ-kheo ấy sanh sợ hãi, tâm trú vào trong đó. Nhơn vì tâm không biết nên sanh khiếp hãi, lao nhọc, không chấp thọ mà sợ hãi.

“Này chư Hiền, như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ mà sợ hãi.

“Này chư Hiền, thế nào gọi là Tỳ-kheo không chấp thủ, không sợ hãi?

“Chư Hiền, là Tỳ-kheo ly sắc nhiễm, ly sắc dục, ly sắc ái, ly sắc khát.

“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào ly sắc nhiễm, ly sắc dục, ly sắc ái, ly sắc khát, thì vị ấy không muốn được sắc, không truy cầu sắc, không đắm trước sắc, không trú vào sắc nghĩ rằng ‘Sắc không phải là ta. Sắc không phải là sở hữu của ta’. Vị ấy đã không muốn được sắc, không truy cầu sắc, không đắm trước sắc, không trú vào sắc nghĩ rằng ‘Sắc không phải là ta. Sắc không phải là sở hữu của ta’ thì thức không nắm bắt sắc. Khi thức đã không nắm bắt sắc, lúc ấy sắc biến dịch, thức không bị chuyển theo sắc. Thức đã không bị chuyển theo sắc thì vị ấy không sanh sợ hãi, tâm không trú vào trong đó. Nhơn vì tâm biết nên không khiếp sợ, không lao nhọc, không chấp thọ, không sợ hãi.

“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; Tỳ-kheo ly thức nhiễm, ly thức dục, ly thức ái, ly thức khát. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào ly thức nhiễm, ly thức dục, ly thức ái, ly thức khát thì vị ấy không muốn đắc thức, không truy cầu thức, không đắm trước thức, không trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức không phải là ta. Thức không phải là sở hữu của ta’. Tỳ-kheo ấy khi đã không muốn được thức, không truy cầu thức, không đám trước thức, không trú vào thức, nghĩ rằng ‘Thức không phải là ta. Thức không phải là của ta’, thì thức không nắm bắt thức. Khi thức đã không nắm bắt thức, lúc thức kia biến dịch, thức không bị chuyển theo thức. Khi thức không bị chuyển theo thức, Tỳ-kheo ấy không sanh sợ hãi, tâm không trú vào trong đó. Nhơn vì tâm biết nên không khiếp sợ, không lao nhọc, không chấp thọ, không sợ hãi.

“Này chư Hiền, như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thủ, không sợ hãi.

“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói điều đó tóm lược, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào phòng tĩnh tọa. Ngài chỉ nói rằng ‘Tỳ-kheo, quán như vậy như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳ-kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ’. Đức Thế Tôn đã nói điều ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi như vậy đó. Tôi đã dùng cú này, văn này giải thích rộng rãi như thế. Này chư Hiền, hãy đến trình bày với Thế Tôn đầy đủ. Nếu Đức Thế Tôn nói điều đó như thế nào thì chư Hiền thọ trì như thế ấy”.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ấy nghe Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói như vậy, khéo thọ trì, đọc tụng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Tôn giả ấy ba vòng rồi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên mà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nói tóm lược về điều đó mà không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào thất tĩnh tọa, thì Tôn giả Đại Ca-chiên-diên với cú như thế, văn như thế đã giải thích rộng rãi về điều đó”.

Đức Thế Tôn nghe như vậy, liền tán thán rằng:

“Lành thay! Lành thay! Trong số đệ tử của Ta, đó là vị có mắt, có trí, có pháp, có nghĩa. Vì sao? Vì đạo sư nói điều ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi cho các đệ tử, mà đệ tử ấy đã bằng cú như thế, văn như thế để giải thích rộng rãi. Cho nên những gì mà Ca-chiên-diên đã nói, các ngươi hãy thọ trì như vậy. Vì sao? Vì thuyết quán nghĩa phải như vậy.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.138. Uddesa-vibaṅga-suttam.[02] Đại Ca-chiên-diên 大 迦 旃 延. Pāli: Mahā-Kaccāna.[03] Trong bản Pāli: thức (viññāna) bị phân tán.[04] Hán: Thánh sở thuyết Thánh sở xả niệm lạc trú  聖 說 聖 所 捨 念 樂 住. Pāli: yaṃ taṃ āriyā ācikkhanti upekkhako satimā sukhaviharī, điều mà các Thánh nói là xả,  an trú lạc với chánh niệm.

-ooOoo-

165. KINH ÔN TUYỀN LÂM THIÊN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa[02].

Bấy giờ, Tôn giả Tam-di-đề[03] cũng đi du hóa ở thành Vương xá, tại Ôn tuyền tâm[04].

Bấy giờ, đêm gần tàn, trời sắp sáng, Tôn giả Tam-di-đề từ phòng bước ra, đi đến Ôn tuyền, cởi y để trên bờ rồi xuống hồ Ôn tuyền tắm. Sau khi tắm xong, Tôn giả lên bờ lấy khăn lau mình và mặc y vào.

Bấy giờ có một vị thiên thần thân hình rất đẹp, sắc tướng uy nghi, nhắm lúc trời sắp rạng đông, đi đến Tôn giả Tam-di-đề, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Tam-di-đề rồi đứng qua một bên. Vị thiên thần đó với sắc tướng uy thần cực diệu làm sáng chói khắp cả bờ hồ Ôn tuyền.

Sau khi đứng qua một bên, thiên thần bạch với Tôn giả Tam-di-đề rằng:

“Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế [05] chăng?

Tôn giả Tam-di-đề trả lời vị thiên thần kia rằng:

“Tôi không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế”.

Rôi Tôn giả hỏi lại thiên thần:

“Nhưng ngài có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng?”

Thiên thần trả lời:

“Tôi cũng không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế”.

Tôn giả Tam-di-đề lại hỏi vị thiên thần kia:

“Ai thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế?”

Thiên thần kia đáp:

“Đức Thế Tôn đang du hóa trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này”.

Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của Tôn giả Tam-di-đề, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.

Sau khi thiên thần biến mất không lâu, Tôn giả Tam-di-đề đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay khi trời sắp rạng đông, con ra khỏi phòng, đi đến Ôn tuyền, cởi y để trên bờ rồi xuống hồ Ôn tuyền tắm. Sau khi tắm xong, lên bờ lấy khăn lau mình và mặc y vào. Bấy giờ có một vị thiên thần thân hình rất đẹp, sắc tướng uy nghi, nhắm lúc trời sắp rạng đông, đi đến con, cúi đầu đảnh lễ con rồi đứng qua một bên. Vị thiên thần đó với sắc tướng uy thần cực diệu làm sáng chói khắp cả bờ hồ Ôn tuyền. Sau khi đứng qua một bên, thiên thần bạch với con: ‘Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng? Con trả lời vị thiên thần kia rằng: ‘Tôi không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế’. Rồi con hỏi lại thiên thần: ‘Nhưng ngài có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế chăng?’ Thiên thần trả lời: ‘Tôi cũng không thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế’. Con lại hỏi vị thiên thần kia: ‘Ai thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế?’ Thiên thần kia đáp: ‘Đức Thế Tôn đang du hóa trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này’. Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân con, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Tam-di-đề, ngươi có biết vị thiên thần kia từ đâu đến chăng? Vị thiên thần kia tên là gì chăng?”

“Tôn giả Tam-di-đề đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không biết vị thiên thần kia từ đâu đến, cũng không biết tên gì”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Tam-di-đề, vị thiên thần kia tên là Chánh Điện[06], làm tướng quân ở cõi trời Tam thập tam thiên.

Khi ấy, Tôn giả Tam-di-đề bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng lúc. Nếu Thế Tôn nói cho Tỳ-kheo bài kệ Bạt-địa-la-đế ấy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn nói, sẽ ghi nhớ kỹ”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Tam-di-đề, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói cho ông nghe”.

Tôn giả Tam-di-đề bạch:

“Xin vâng, bạch Thế Tôn!”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời chỉ giáo mà lắng nghe.

Đức Thế Tôn đọc bài tụng:

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;  Tương lai cũng chớ mong cầu.Quá khứ đã qua, đã mất,Tương lai chưa đến, còn xa.Hiện tại những gì đang cóThì nên quán sát suy tư.Niệm niệm mong manh không chắc,Người khôn biết vậy nên tu.Nếu có làm theo hạnh Thánh,Ai hay nỗi chết ưu sầu.Nhất định tránh xa sự chết;Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.Như vậy thực hành tinh tấn,Ngày đêm không chút biếng lười.Vì vậy phải thường tụng đọcBạt-địa-la-đế kệ này.

Sau khi nói bài kệ như vậy, Đức Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh thất mà tĩnh tọa.

Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo liền nghĩ rằng: “Này chư Hiền, nên biết, Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt lời dạy này, không phân biệt rộng rãi, rồi Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất nhập định.

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;  Tương lai cũng chớ mong cầu.Quá khứ đã qua, đã mất,Tương lai chưa đến, còn xa.Hiện tại những gì đang cóThì nên quán sát suy tư.Niệm niệm mong manh không chắc,Người khôn biết vậy nên tu.Nếu có làm theo hạnh Thánh,Ai hay nỗi chết ưu sầu.Nhất định tránh xa sự chết;Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.Như vậy thực hành tinh tấn,Ngày đêm không chút biếng lười.Vì vậy phải thường tụng đọcBạt-địa-la-đế kệ này.

Các vị ấy lại nghĩ rằng: “Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt rộng rãi điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?” Các vị ấy lại nghĩ: “Tôn giả Đại Ca-chiên-diên[07] thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Này chư Hiền, hãy cùng nhau đi đến nơi Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nhờ Tôn giả giải thích điều đó. Nếu Tôn giả Đại Ca-chiên-diên phân biệt cho, chúng ta sẽ khéo thọ trì”.

Thế rồi các Tỳ-kheo cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên thưa rằng:

“Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, nên biết, Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt lời dạy này, không phân biệt rộng rãi, rồi Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất nhập định.

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;  Tương lai cũng chớ mong cầu.Quá khứ đã qua, đã mất,Tương lai chưa đến, còn xa.Hiện tại những gì đang cóThì nên quán sát suy tư.Niệm niệm mong manh không chắc,Người khôn biết vậy nên tu.Nếu có làm theo hạnh Thánh,Ai hay nỗi chết ưu sầu.Nhất định tránh xa sự chết;Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.Như vậy thực hành tinh tấn,Ngày đêm không chút biếng lười.Vì vậy phải thường tụng đọcBạt-địa-la-đế kệ này.

“Chúng tôi suy nghĩ rằng: ‘Chư Hiền, vị nào có thể phân biệt rộng rãi điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược?’ Chúng tôi lại nghĩ: ‘Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có trí tán thán. Như vậy, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Cúi xin Tôn giả Đại Ca-chiên-diên vì lòng từ mẫn mà nói nghĩa ấy một cách rộng rãi”.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói rằng:

“Này chư Hiền, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người có trí nghe thí dụ thì sẽ hiểu được nghĩa.

“Này chư Hiền, cũng như người muốn tìm lõi cây. Vì muốn tìm lõi cây nên xách búa vào rừng. Người ấy thấy cây đại thọ có đủ gốc, thân, cành, nhánh, lá, hoa và lõi. Người ấy không đốn gốc, thân, cành và lõi mà chỉ chặt nhánh và lá thôi. Điều chư Hiền nói ra cũng lại như vậy. Đức Thế Tôn còn đó mà chư Hiền lại bỏ đi tìm tôi để hỏi về điều ấy. Vì sao? Chư Hiền nên biết, Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn.

“Này chư Hiền, hãy đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi điều đó như thế này, ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn dạy thế nào, chư Hiền nên khéo léo thọ trì thế ấy”.

Nghe thế, các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Xin vâng, thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp chủ, là Pháp tướng. Nói nghĩa chân đế, hiển hiện tất cả các nghĩa, đều do Thế Tôn. Chúng tôi đáng lẽ phải đến chỗ Thế Tôn mà hỏi về điều đó như vầy ‘Bạch Thế Tôn, điều đó thế nào? Điều đó có nghĩa gì?’ Đức Thế Tôn nói như thế nào, chúng tôi sẽ khéo thọ trì thế ấy. Nhưng Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thường được Thế Tôn và các bậc phạm hạnh có tri tán thán. Như vậy, Tôn giả có thể phân biệt được điều mà Thế Tôn đã nói một cách tóm lược. Mong Tôn giả Đại Ca-chiên-diên thương xót mà giải thích rộng rãi cho”.

Tôn giả Đại Ca-chiên-diên bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này chư Hiền, nếu vậy xin hãy nghe tôi nói.

“Này chư Hiền, thế nào là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ? Này chư Hiền, Tỳ-kheo quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, tâm lạc tương ưng với dục, tâm mò bắt cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy bị nhiễm trước dục; do thức nhiễm trước dục, vị ấy hoan lạc. Do hoan lạc, vị ấy truy niệm quá khứ. Tai, mũi, lưỡi và thân cũng vậy. Quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, tâm lạc tương ưng với dục, tâm mò bắt cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy bị nhiễm trước dục; do thức nhiễm trước dục, vị ấy hoan lạc. Do hoan lạc, vị ấy truy niệm quá khứ.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ? Này chư Hiền, Tỳ-kheo quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, tâm lạc tương ưng với dục, tâm mò bắt cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy không bị nhiễm trước dục; do thức không bị nhiễm trước dục, nên không hoan lạc nơi đó. Do không hoan lạc nơi đó nên không truy niệm quá khứ. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy, quả thật có sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, tâm lạc tương ưng với dục, tâm mò bắt cái gốc. Gốc tức quá khứ vậy. Thức quá khứ vị ấy không bị nhiễm trước dục; do thức không nhiễm trước dục, vị ấy không hoan lạc. Do không hoan lạc, vị ấy không truy niệm quá khứ.

Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo mong ước vị lai? Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với vị lai những gì chưa được thì muốn được, đã được rồi thì tâm mong ước. Do tâm mong ước nên hoan lạc nơi đó. Do hoan lạc nên mong ước vị lai. Tai, mắt, nũi, lưỡi, thân cũng như vậy. Đối với vị lai, những gì chưa được thì muốn được. Đã được thì tâm mong ước. Do tâm mong ước nên tâm hoan lạc nơi đó. Do hoan lạc nên mong ước vị lai. Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo mong ước vị lai.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo không mong ước vị lai? Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với vị lai những gì chưa được thì không muốn được, đã được rồi thì tâm không mong ước. Do tâm không mong ước nên không hoan lạc nơi đó. Do không hoan lạc nơi đó nên không mong ước vị lai. Này chư Hiền, như vậy đó gọi là Tỳ-kheo mong ước vị lai.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại? Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại bị nhiễm trước dục. Do thức bị nhiễm trước dục nên hoan lạc nơi ấy. Do hoan lạc nên chấp thủ pháp hiện tại. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy, nếu có ý, pháp và ý thức, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại bị nhiễm trước dục. Do bị nhiễm trước dục nên hoan lạc nơi ấy. Do hoan lạc nên chấp thủ pháp hiện tại. Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại.

“Này chư Hiền, sao gọi là Tỳ-kheo không chấp thủ pháp hiện tại? Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo có mắt, sắc và thức con mắt, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại không bị nhiễm trước dục. Do thức không bị nhiễm trước dục nên không hoan lạc nơi ấy. Do hoan lạc nên không chấp thủ pháp hiện tại. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy, nếu ý, pháp và ý thức, đối với hiện tại, vị ấy thức hiện tại không bị nhiễm trước dục. Do thức không bị nhiễm trước dục nên hoan lạc nơi ấy. Do không hoan lạc nên không chấp thủ pháp hiện tại. Này chư Hiền, như vậy đó là Tỳ-kheo không chấp thủ pháp hiện tại.

“Này chư Hiền, phần này được Thế Tôn nói vắn tắt, không phân biệt một cách rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa”.

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ; Tương lai cũng chớ mong cầu.Quá khứ đã qua, đã mất,Tương lai chưa đến, còn xa.Hiện tại những gì đang cóThì nên quán sát suy tư.Niệm niệm mong manh không chắc,Người khôn biết vậy nên tu.Nếu có làm theo hạnh Thánh,Ai hay nỗi chết ưu sầu.Nhất định tránh xa sự chết;Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.Như vậy thực hành tinh tấn,Ngày đêm không chút biếng lười.Vì vậy phải thường tụng đọcBạt-địa-la-đế kệ này.

“Phần này được Thế Tôn nói vắn tắt mà không phân biệt một cách rộng rãi. Tôi bằng những câu này nói một cách rộng rãi như vậy đó. Này chư Hiền, có thể đến trình bày đầy đủ lên Đức Phật. Nếu Đức Thế Tôn có nói ý nghĩa như thế nào, chư Hiền hãy thọ trì”.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ấy nghe Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nói như vậy, khéo thọ trì, đọc tụng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Tôn giả ấy ba vòng rồi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên mà thưa rằng: 

“Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nói tóm lược về điều đó mà không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào thất tĩnh tọa, thì Tôn giả Đại Ca-chiên-diên với cú như thế, văn như thế đã giải thích rộng rãi về điều đó.”

Đức Thế Tôn nghe như vậy, liền tán thán rằng:

“Lành thay! Lành thay! Trong số đệ tử của Ta, đó là vị có mắt, có trí, có pháp, có nghĩa. Vì sao? Vì đạo sư nói điều ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi cho các đệ tử, mà đệ tử ấy đã bằng cú như thế, văn như thế để giải thích rộng rãi. Cho nên những gì mà Ca-chiên-diên đã nói, các ngươi hãy thọ trì như vậy. Vì sao? Vì thuyết quán nghĩa phải như vậy.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.133 Mahā-Kaccānabhadhekaratta-sutta. Hán tham chiếu, No.77 Phật Thuyết Tôn Thượng Kinh, Tây Tấn, Trúc Pháp Hộ dịch.[02] Bản Pāli nói tại Tapodārāna, cũng trong Rājagaha (Vương xá), xem thêm chú thích (4) ở sau.[03] Tam-di-đề 三 彌 提. Pāli: Samiddhi, thuộc một gia đình phú hào tại Vương xá.[04] Ôn tuyền lâm 溫 泉 林. Pāli: Tapodārāma (tinh xá Ôn tuyền), ở cạnh hồ Ôn tuyền (Tapodā), dưới chân núi Vebhāra, ngoài thành Vương xá.[05] Bạt-địa-la-đế 跋 地 羅 帝. Pāli: Bhaddekaratta: một đêm hạnh phúc, nhất dạ hiền giả.[06] Chánh Điện 正 殿. Bản Pāli không nhắc đến vị thiên thần này.[07] Đại Ca-chiên-diên 大 迦 旃 延. Pāli: Mahā-Kaccāna.

-ooOoo-

166. KINH THÍCH TRUNG THIỀN THẤT TÔN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ[02] cũng ở giữa những người họ Thích tại thiền thất Vô sự[03].

Khi ấy, vào lúc trời gần sáng, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ từ thiền thất kia đi ra, đến một khoảng đất trống nằm trong bóng thiền thất, trải ni-sư-đàn lên trên chõng rồi ngồi kiết già.

Bấy giờ có một vị thiên thần hình dáng rất đẹp, sắc đẹp nguy nguy, vào lúc trời gần sáng, đi đến chỗ Tôn giả Lô-di-cường-kỳ, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Sắc tượng và uy thần của bị trời này rất là thù diệu, ánh sáng chói khắp cả thiền thất. Sau khi đứng qua một bên, vị trời này thưa với Tôn giả Lô-di-cường-kỳ rằng:

“Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?”

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ trả lời vị thiên thần ấy rằng:

“Tôi không có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và cũng không hiểu ý nghĩa của nó”.

Rồi Tôn giả hỏi lại:

“Người có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?”

Thiên thần trả lời:

“Tôi có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế nhưng ý nghĩa thì không hiểu”.

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ lại hỏi thiên thần:

“Tại sao thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế mà lại không hiểu ý nghĩa của nó?”

Thiên thần đáp:

“Một thời, Đức Thế Tôn du hóa trong thành Vương xá, trú tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe bài kệ Tôn giả Lô-di-cường-kỳ như vầy:

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;  Tương lai cũng chớ mong cầu.Quá khứ đã qua, đã mất,Tương lai chưa đến, còn xa.Hiện tại những gì đang cóThì nên quán sát suy tư.Niệm niệm mong manh không chắc,Người khôn biết vậy nên tu.Nếu có làm theo hạnh Thánh,Ai hay nỗi chết ưu sầu.Nhất định tránh xa sự chết;Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.Như vậy thực hành tinh tấn,Ngày đêm không chút biếng lười.Vì vậy phải thường tụng đọcBạt-địa-la-đế kệ này.

“Này Tỳ-kheo, tôi thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế như vậy nhưng mà không lãnh hội được ý nghĩa của nó”.

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ hỏi thiên thần:

“Vậy thì ai thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó?

Thiên thần kia đáp:

“Đức Thế Tôn đang du hóa trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này”.

Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của Tôn giả Lô-di-cường-kỳ, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó.

Chẳng bao lâu, sau khi vị thiên thần biến mất, bấy giờ Tôn giả Lô-di-cường-kỳø, giữa dòng họ Thích, ba tháng an cư mùa mưa đã qua, khâu vá y cũng đã xong, đắp y ôm bát đi vào nước Xá-vệ. Tôn giả lần hồi tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ, trụ tại rừng Thắng, trong vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi một bên mà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, một thời con trú ở giữa dòng họ Thích, tại thiền thất Vô sự. Bạch Đức Thế Tôn, bấy giờ vào lúc trời gần sáng, con từ thiền thất đi ra, đến khoảng đất trống nằm trong bóng của thiền thất, con trải tọa cụ lên trên chõng rồi ngồi kiết già. Lúc đó có một vị thiên thần hình dáng rất đẹp, sắc đẹp nguy nguy, vào lúc trời gần sáng, đi đến chỗ con, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Sắc tượng và uy thần của bị trời này rất là thù diệu, ánh sáng chói khắp cả thiền thất. Sau khi đứng qua một bên, vị trời này thưa với con rằng ‘Này Tỳ-kheo, thầy có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?’ Con trả lời vị thiên thần ấy rằng: ‘Tôi không có thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế và cũng không hiểu ý nghĩa của nó’. Rồi con hỏi lại ‘Người có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó chăng?’ Thiên thần trả lời ‘Tôi có thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế nhưng ý nghĩa thì không hiểu’. Con lại hỏi thiên thần ‘Tại sao thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế mà lại không hiểu ý nghĩa của nó?’ Thiên thần đáp ‘Một thời, Đức Thế Tôn du hóa trong thành Vương xá, trú tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe bài kệ Tôn giả Lô-di-cường-kỳ như vầy:

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;  Tương lai cũng chớ mong cầu.Quá khứ đã qua, đã mất,Tương lai chưa đến, còn xa.Hiện tại những gì đang cóThì nên quán sát suy tư.Niệm niệm mong manh không chắc,Người khôn biết vậy nên tu.Nếu có làm theo hạnh Thánh,Ai hay nỗi chết ưu sầu.Nhất định tránh xa sự chết;Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.Như vậy thực hành tinh tấn,Ngày đêm không chút biếng lười.Vì vậy phải thường tụng đọcBạt-địa-la-đế kệ này.

“‘Này Tỳ-kheo, tôi thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế như vậy nhưng mà không lãnh hội được ý nghĩa của nó’. Con lại hỏi thiên thần ‘Vậy thì ai thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó?’ Thiên thần kia đáp ‘Đức Thế Tôn đang du hóa trong thành Vương xá này, tại Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa. Chính Ngài thuộc bài kệ Bạt-địa-la-đế. Này Tỳ-kheo, thầy nên gặp Thế Tôn và từ Ngài mà ghi nhớ và thuộc kỹ, thọ trì bài kệ Bạt-địa-la-đế. Vì sao vậy? Vì bài kệ Bạt-địa-la-đế đó có pháp có nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến trí tuệ, hướng đến giác ngộ và hướng đến Niết-bàn. Một thiện nam tử chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, cần phải khéo thọ trì đọc tụng bài kệ Bạt-địa-la-đế này’. Thiên thần kia nói như vậy, và sau khi cúi đầu đảnh lễ dưới chân của con, nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi biến mất khỏi chỗ đó”.

Khi ấy, Đức Thế Tôn hỏi Tôn giả Lô-di-cường-kỳ rằng:

“Ngươi biết vị thiên thần kia từ đâu đến chăng? Vị thiên thần kia tên là gì chăng?”

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ trả lời rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, con không biết vị thiên thần kia từ đâu tới, cũng không biết tên vị ấy là gì”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Cường-kỳ, vị thiên thần kia tên là Ban-na[04], làm tướng quân cõi trời Tam thập tam.

Lúc ấy, Tôn giả Lô-di-cường-kỳ bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng lúc, nếu Thế Tôn nói cho các Tỳ-kheo nghe bài kệ Bạt-địa-la-đế và ý nghĩa của nó thì các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ khéo thọ trì”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Cường-kỳ, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ nói ý nghĩa bài kệ một cách rộng rãi cho ông nghe”.

Tôn giả Lô-di-cường-kỳ bạch rằng:

“Xin vâng, con xin nghe theo lời dạy”.

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;  Tương lai cũng chớ mong cầu.Quá khứ đã qua, đã mất,Tương lai chưa đến, còn xa.Hiện tại những gì đang cóThì nên quán sát suy tư.Niệm niệm mong manh không chắc,Người khôn biết vậy nên tu.Nếu có làm theo hạnh Thánh,Ai hay nỗi chết ưu sầu.Nhất định tránh xa sự chết;Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.Như vậy thực hành tinh tấn,Ngày đêm không chút biếng lười.Vì vậy phải thường tụng đọcBạt-địa-la-đế kệ này.

“Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ? Nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trúù. Nếu hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trúù. Như vậy, đó là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ.

“Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ? Nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc quá khứ, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Nếu không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ.

“Này Cường-kỳ, thế nào là Tỳ-kheo mong cầu tương lai? Nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Nếu hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo mong cầu tương lai.

“Này Cường-kỳ, sao gọi là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai? Nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở tương lai, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức tương lai, sẽ không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai.

“Này Cường-kỳ, thế nào gọi là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại?-Nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Nếu hoan lạc giác, tưởng, hành, thức ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo chấp thọ pháp hiện tại.

“Này Cường-kỳ, thế nào gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại? Nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Lô-di-cường-kỳ và các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.134. Lomasakaṅgiya-bhaddekaratta-sutta. Tham chiếu kinh 165 trên.[02] Lô-di-cường-kỳ 盧 夷 強 耆. Pāli: Lomasakaṅgiya, dòng họ Thích, ở Ca-tỳ-la-vệ.[03] Vô sự thiền thất. Bản Pāli nói: tại Nigrodhārāma (vườn cây Ni-câu-loại).[04] Ban-na 般 那. Pāli: Candana, tiềân thân trong đời Phật Ca-diếp, là vị Tỳ-kheo đã đọc bài kệ này cho Lomasakangiya, nhưng Loma không hiểu và được hứa hẹn trong tương lai sẽ hiểu. (Pāli Proper Names. II, trang 789 -10).

-ooOoo-

167. KINH A-NAN THUYẾT[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ và ý nghĩa của nó cho các Tỳ-kheo đang tụ họp tại giảng đường vào lúc ban đêm.

Bấy giờ đêm đã qua, trời hừng sáng, có một Tỳ-kheo đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên mà bạch Phật, rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, Tôn giả A-nan có nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ và ý nghĩa của nó cho các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường vào lúc ban đêm”.

Nhân đó, Đức Thế Tôn bảo một vị Tỳ-kheo rằng:

“Ngươi hãy đi đến chỗ của Tỳ-kheo A-nan mà nói như vầy: “Thưa Tôn giả A-nan, Đức Thế Tôn gọi Tôn giả”.

Vị Tỳ-kheo kia vâng lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, ba vòng rồi đi đến chỗ của Tôn giả A-nan mà nói rằng:

“Thế Tôn gọi Tôn giả A-nan”.

Tôn giả A-nan liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên.

Đức Thế Tôn hỏi A-nan rằng:

“Này A-nan, có quả thật ông có nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ cho các Tỳ-kheo tụ họp tại giảng đường vào lúc ban đêm chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn”.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này A-nan, ông nói bài kệ Bạt-địa-la-đế kệ và ý nghĩa của nó cho các Tỳ-kheo nghe như thế nào?”

Tôn giả A-nan liền nói rằng:

Cẩn thận, đừng nghĩ quá khứ;  Tương lai cũng chớ mong cầu.Quá khứ đã qua, đã mất,Tương lai chưa đến, còn xa.Hiện tại những gì đang cóThì nên quán sát suy tư.Niệm niệm mong manh không chắc,Người khôn biết vậy nên tu.Nếu có làm theo hạnh Thánh,Ai hay nỗi chết ưu sầu.Nhất định tránh xa sự chết;Hiểm nguy, khổ lớn dứt trừ.Như vậy thực hành tinh tấn,Ngày đêm không chút biếng lười.Vì vậy phải thường tụng đọcBạt-địa-la-đế kệ này.

Đức Thế Tôn lại hỏi A-nan rằng:

“Này A-nan, thế nào là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trúù. Nếu hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trúù. Như vậy, đó là Tỳ-kheo truy niệm quá khứ.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc quá khứ, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Nếu không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức quá khứ, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không truy niệm quá khứ”.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo mong cầu tương lai?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Nếu hoan lạc thọ, tưởng, hành, thức tương lai, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo mong cầu tương lai”.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai?”

Tôn giả A-nan đáp:

 “Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở tương lai, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức tương lai, sẽ không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không mong cầu tương lai”.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo chấp thủ pháp hiện tại?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo hoan lạc sắc ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Nếu hoan lạc giác, tưởng, hành, thức ở hiện tại, ham muốn, đắm trước, an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo chấp thọ pháp hiện tại”.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“A-nan, thế nào là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo không hoan lạc sắc ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trúù. Không hoan lạc giác, tưởng, hành, thức ở hiện tại, không ham muốn, không đắm trước, không an trú. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không chấp thọ pháp hiện tại”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Lành thay! Lành thay! Đệ tử của Ta là người có mắt, có trí, có nghĩa, có pháp. Vì sao vậy? Vì là đệ tử, ngay trước mặt Tôn sư, mà diễn rộng ý nghĩa của văn cú như vậy. Đúng như những gì Tỳ-kheo A-nan đã nói, các thầy hãy nên như vậy mà thọ trì. Vì sao vậy? Lời nói ấy và quán nghĩa đó phải như vậy”.

Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli M.132. Ānanda-bhaddekaratta-sutta. Nội dung và các chú thích, đối chiếu và xem

-ooOoo-

168. KINH Ý HÀNH[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở đoạn đầu, vi diệu ở đoạn giữa, và đoạn cuối cũng vi diệu; có văn, có nghĩa đầy đủ, thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là kinh “Phân biệt ý hành” về sự thọ sanh theo ý hành[02]. Hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm kỹ”.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.

Phật nói:

“Sao gọi là sự tái sinh do ý hành đưa tới? Nếu các Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, chứng được Sơ thiền[03], thành tựu an trụ. Vị ấy đối với định này, vui sướng trụ ở đó. Vị ấy đối với định kia đã ham muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ vào đó, khoái lạc đó, mạng chung sanh trong cõi Phạm thân. Các trời Phạm thân[04] sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng hỷ lạc phát sanh do ly dục; và Tỳ-kheo sống ở đây[05] nhập Sơ thiền, thọ hưởng hỷ lạc do ly dục sanh. Hai thứ hỷ và lạc do ly dục sanh này không có sai khác, cả hai đều bằng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó mới sanh vào chỗ ấy. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào trong cõi Phạm thân. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa, Tỳ-kheo giác quán đã tịch tĩnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đối với định lực này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này, khi đã trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ nơi đó, khoái lạc nơi đó, mạng chung sanh vào cõi trời Hoảng dục[06]. Các trời Hoảng dục sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng hỷ lạc do định sanh; và Tỳ-kheo trụ ở đây, nhập đệ nhị thiền, thọ hưởng hỷ lạc do định sanh. Hai hỷ lạc do định sanh này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đâu hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Hoảng dục thiên. Như vậy gọi là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, ly hỷ dục, xả, vô cầu, an trụ, chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này, vị kia vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ nơi đó, khoái lạc nơi đó, thân hoại mạng chung sanh vào cõi Biến tịnh thiên[07]. Các trời Biến tịnh sanh ở đó, sống ở đó, thọ hưởng diệu lạc do ly hỷ; và Tỳ-kheo sống ở đây nhập Tam thiền này, thọ hưởng diệu lạc do ly hỷ. Diệu lạc do ly hỷ này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đâu hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Biến tịnh thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, diệt lạc, diệt khổ, hỷ và ưu vốn có từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, thân hoại mạng chung sanh lên cõi trời Quả thật thiên[08]. Các trời Quả thật thiên, sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng diệu lạc do xả niệm thanh tịnh; và Tỳ-kheo sốngï ở đây, nhập đệ Tứ thiền, thọ hưởng diệu lạc do xả niệm thanh tịnh. Hai diệu lạc do xả niệm thanh tịnh này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh trong cõi Quả thật thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả sắc tưởng, hữu đối tưởng, không truy niệm bất cứ tưởng nào, nhập vô biên không, thành tựu an trụ không vô biên xứ. Đối với định lạc này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi Vô lượng không xứ thiên. Các trời Vô lượng không xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng vô lượng không xứ tưởng; và Tỳ-kheo ở đây thọ hưởng vô lượng không xứ tưởng. Hai vô lượng không xứ tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi Vô lượng không xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ vô lượng thức xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định lạc này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi Vô lượng thức xứ thiên. Các trời Vô lượng thức xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng vô lượng thức xứ tưởng; và Tỳ-kheo sốngï ở đây thọ hưởng vô lượng thức xứ tưởng. Hai vô lượng thức tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi Vô lượng thức xứ. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu thì thành tựu an trụ vô sở hữu xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này khi đã vui sướng muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong cõi Vô sở hữu xứ thiên. Các trời Vô sở hữu xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng vô sở hữu xứ tưởng; và Tỳ-kheo trụ ở đây thọ hưởng vô lượng thức xứ tưởng. Hai vô sở hữu xứ tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào cõi Vô sở hữu xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả vô sở hữu xứ tưởng, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng, thành tựu an trụ phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Đối với định này, vị ấy vui sướng muốn trụ ở đó. Đối với định này khi đã muốn trụ ở đó, tất có trường hợp này, trụ ở đó, khoái lạc ở đó, mạng chung sanh vào trong Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên. Chư Thiên trên cõi trời Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên sanh ở đó, sốngï ở đó, thọ hưởng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ tưởng; và Tỳ-kheo trụ ở đây thọ hưởng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ tưởng. Hai tưởng này không có sai khác, cả hai đều đồng nhau. Vì sao vậy? Vì trước tiên ở đây hành định, sau đó sanh vào chỗ kia. Kia đối với định này, tu như vậy, tập như vậy, phát triển như vậy, sẽ sanh vào Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên. Như vậy là ý hành sanh.

“Lại nữa Tỳ-kheo, vượt qua tất cả Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ tưởng, nhập tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ kiến đoạn trừ các lậu, chứng đắc tận trí. Trong các định, định này được nói là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối diệu. Ví như do bò mà có sữa, do sữa có lạc, do lạc có sanh tô, do sanh tô có thục tô, do thục tô có tinh tô. Tô tinh này được nói là tối đệ nhất, tối đại, tối thượng, tối thắng, tối diệu. Do chứng đắc định này, y nơi định này, trụ ở định này, không còn thọ lãnh sự khổ của sanh, già, bệnh, chết. Đó là tận cùng sự khổ”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.120  Sankhārupatti-sutta.[02] Ý hành sanh 意 行 生, thọ sanh do hành nghiệp của ý. Pāli: Saṅkhāruppatti.[03] Đây bắt đầu từ Sắc giới. Bản Pāli bắt đầu từ Dục giới.[04] Phạm thân thiên 梵 身 天, cũng nói là Phạm chúng thiên. Pāli: Brahmakāyika.[05] Tỳ-kheo đang sống ở Dục giới nhưng nhập Sơ thiền.[06] Hoảng dục thiên 晃 昱 天, hay Quang âm thiên, hay Cực quang thiên. Pāli: Ābhassara.[07] Biến tịnh thiên 遍 淨 天. Pāli: Subhakiṇhā.[08] Quả thật thiên 果 實 天 hay Quảng quả thiên 廣 果 天. Pāli: Vedapphalā.

-ooOoo-

169. KINH CÂU-LÂU-SẤU VÔ TRÁNH[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Bà-kì-sấu[02], ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu[03].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi nghe. Pháp ấy vi diệu ở phần đầu, vi diệu ở quảng giữa và đoạn cuối cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, gọi là kinh ‘Phân biệt vô tránh’. Các ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ”.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời, lắng nghe.

Phật dạy:

“Đừng nên mong cầu dục lạc[04], là nghiệp vô cùng hèn hạ[05], là hạnh của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không phải Thánh hạnh, không tương ưng với nghĩa[06]. Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn, có tán thán và chỉ trích, có sự không tán thán và không chỉ trích mà nói pháp, quyết định đúng mức[07] và sau khi đã biết quyết định, thường tùy cầu sự lạc nào đã có bên trong. Đừng nói lời ám chỉ[08], cũng đừng đối mặt khen ngợi; nói vừa phải chứ đừng quá giới hạn[09]; tùy theo phong tục địa phương[10], đừng nói thị, đừng nói phi. Đó là những vấn đề của kinh ‘Phân biệt vô tránh’.

“‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hạnh của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với cứu cánh’. Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Ở đây, ‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hạnh của phàm phu’. Đây là nói về một một cực đoan. ‘Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa’. Đây là nói về một cực đoan nữa. Do bởi sự kiện này mà nói ‘Đừng nên mong cầu dục lạc, là nghiệp vô cùng hèn hạ, là hạnh của phàm phu. Cũng đừng mong cầu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa’.

“‘Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn’. Vấn đề này được nói lên với những nguyên nhân nào? Ở đây, Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định, gọi là tám. Do bởi sự kiện này mà nói ‘Xa lìa hai cực đoan này thì có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn’.

“‘Có tán thán, có chỉ tríùch và có sự không tán thán, không chỉ trích mà chỉ thuyết pháp’. Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Sao gọi là tán thán, sao gọi là chỉ trích mà không nói pháp? ‘Nếu lạc có tương ưng với dục, cùng đi với hỷ, là nghiệp rất hèn hạ, là hạnh của phàm phu; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy biết điều đó rồi, tự chỉ trích mình[11]. Vì sao? Vì dục là vô thường, là khổ, là pháp hoại diệt. Do biết dục là vô thường cho nên pháp ấy nhất thiết có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh’. Vị ấy đã biết điều này cho nên tự chỉ trích mình.

“‘Tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa. Pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, là tà hạnh’.Vị ấy biết điều đó rồi, tự chỉ trích mình. Vì sao? Vì Sa-môn Phạm-chí kia sợ hãi sự khổ nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Nhưng Sa-môn Pham-chí này lại ôm cái khổ này nữa, cho nên họ nhất thiết có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy đã biết điều này cho nên tự chỉ trích mình.

“‘Kết sử hữu[12] không được đoạn tận; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, là tà hạnh’. Vị ấy biết điều đó rồi, tự chỉ trích mình. Vì sao? Vì nếu người nào kết sử hữu không đoạn tận thì sự hữu kia cũng không bị đoạn tận, cho nên người đó nhất thiết có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy đã biết điều này cho nên tự chỉ trích mình.

“‘Kết sử hữu đã đoạn tận; pháp này không có khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, chánh hạnh’. Vị ấy đã biết điều này rồi, tự tán thán. Vì sao? Vì nếu người nào kết sử hữu đoạn tận thì sự hữu kia cũng bị đoạn đận, cho nên người đó nhất thiết không khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, là chánh hạnh.Vị ấy đã biết điều đó, cho nên tự tán thán.

“‘Không mong cầu sự lạc bên trong; pháp ấy có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi, tự chỉ trích mình. Vì sao? Vì nếu người nào không mong cầu sự lạc bên trong, cũng không cầu bên trong, cho nên người đó nhất thiết có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy biết điều này rồi, tự chỉ trích mình.

“‘Mong cầu sự lạc bên trong; pháp này không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, là chánh hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi, tự tán thán. Vì sao? Vì nếu người nào mong cầu sự lạc bên trong, thì cũng mong cầu bên trong. Cho nên người đó không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, là chánh hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên tự tán thán.

“Như vậy gọi là ‘Có tán thán, có chỉ trích mà không thuyết pháp. Không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp’.

“Thế nào là ‘Không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp’? ‘Nếu có lạc tương ưng với dục, cùng đi với hỷ, là nghiệp rất hèn hạ, là hạnh của phàm phu, thì pháp ấy có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao? Vị ấy không nói như vầy, ‘Dục là vô thường, là khổ, là pháp hoại diệt’. Vị ấy đã biết dục là vô thường cho nên nhất thiết pháp ấy có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Không thấu đạt pháp này chỉ có pháp khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, tà hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“‘Tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi, liền nói pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Tự thân khổ hạnh, rất khổ, không tương ưng với nghĩa; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Không thấu đạt pháp này, chỉ có pháp khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp’.

“‘Kết sử hữu không được đoạn tận; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, là tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào kết sử hữu không đoạn tận thì sự hữu kia cũng không đoạn tận, cho nên người ấy nhất định phải khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Không thấu suốt pháp này, chỉ có pháp khổ, có phiền lao, có nghiệt não, có buồn ràu, là tàn hành. Vị ấy đã biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“‘Kết sử hữu đã đoạn tận; pháp này không có khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, chánh hạnh’. Vị ấy đã biết điều này rồi, liền nói pháp. Vì sao? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào kết sử hữu đã đoạn tận thì sự hữu kia cũng đoạn tận, cho nên người ấy nhất thiết không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh’. Không thấu đạt pháp này chỉ có pháp không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“‘Không mong cầu sự lạc bên trong; pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào không mong cầu sự lạc bên trong thì cũng không mong cầu bên trong, cho nên người ấy nhất thiết có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh’. Không thấu đạt pháp này, chỉ có pháp khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“‘Mong cầu sự lạc bên trong; pháp này không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh’. Vị ấy biết điều này rồi liền thuyết pháp. Vì sao vậy? Vị ấy không nói như vầy, ‘Nếu người nào có mong cầu sự lạc bên trong, thì cũng mong cầu bên trong cho nên người đó nhất thiết không có khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh’. Không thấu đạt pháp này, chỉ có pháp không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh. Vị ấy biết điều đó cho nên thuyết pháp.

“Như vậy là ‘không tán thán, không chỉ trích mà thuyết pháp’. Vấn đề đó được nói với nguyên nhân như vậy.

“‘Quyết định đúng mức, và sau khi đã biết quyết định, hãy mong cầu sự lạc nào đã có bên trong’. Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào?

“Có sự lạc không phải sự lạc của bậc Thánh, mà là lạc của phàm phu, là gốc của bệnh, là gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn[13], có sống chết, không đáng tu, không đáng tập, không đáng phát triển. Ta nói điều ấy không đáng tu tập.

“Có sự lạc của bậc Thánh, là sự lạc của vô dục, sự lạc của ly dục, sự lạc của tịch tĩnh, là lạc của chánh giác, không có thức ăn, không có sống chết, nên tu, nên tập, nên phát triển. Ta nói điều ấy nên tu được vậy.

“Sao gọi là ‘Có sự lạc không phải là Thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc của bệnh, là gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn, có sống chết, không nên tu, không nên tập, không nên phát triển. Ta nói điều ấy không nên tu tập’? Nếu do năm công đức của dục mà sanh hỷ, sanh lạc, thì sự lạc ấy là lạc của phàm phu, không phải là lạc của bậc Thánh, là gốc của bệnh, là gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn, có sống chết, không nên tu, không nên tập, không nên phát triển. Ta nói điều ấy không nên tu tập vậy.

“Sao gọi là ‘Có sự lạc của bậc Thánh, là lạc của vô dục, là lạc của ly dục, lạc của tịch tĩnh, là lạc của chánh giác, không có ăn, không có sống chết, nên tu nên tập, nên phát triển. Ta nói điều ấy nên tu vậy’. Nếu có Tỳ-kheo nào ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đệ tứ thiền, thành tựu an trụ. Sự lạc này là lạc của bậc Thánh, sự lạc của vô dục, là lạc của ly dục, lạc của tịch tĩnh, là lạc của chánh giác, không có thức ăn, không có sống chết, nên tu nên tập, nên phát triển. Ta nói điều ấy nên tu vậy.

“‘Quyết định đúng mức, sau khi đã biết quyết định hãy mong cầu sự lạc nào đã có bên trong’. Vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.

“‘Không nên nói lời ám chỉ, cũng không nên đối mặt tán thán’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào?

“Có lời nói ám chỉ mà không chân thật, hư dối, không tương ưng với nghĩa[14]. Cũng có lời nói ám chỉ mà chân thật, không hư vọng, tương ưng với nghĩa. Trong này nếu có lời nói ám chỉ mà không chân thật, hư vọng, không tương ưng với nghĩa, nhất định không nói những lời như vậy. Trong này nếu có lời nói ám chỉ mà chân thật, không hư vọng, không tương ưng với cứu cánh, cũng hãy học đừng nói như vậy. Ở đây nếu có lời nói ám chỉ chân thật, không hư vọng, tương ưng với nghĩa thì hãy nên biết thời, chánh trí, chánh niệm để cho thành tựu lời nói ấy.

“Như vậy, ‘Đừng nói lời ám chỉ, cũng đừng đối mặt khen ngợi’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.

“‘Nói vừa phải, chứ đừng quá giới hạn’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào?

“Nói quá giới hạn thì thân phiền nhọc, niệm hay quên, tâm mệt mỏi, tiếng bị hư mà hướng đến trí thì không được tự tại[15]. Nói vừa phải thì thân không phiền nhọc, niệm không ưa quên, tâm không mệt mỏi, tiếng nói không bị hư, hướng đến trí thì được tự tại.

 “‘Nói vừa phải, đừng nói quá giới hạn’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.

“‘Tùy theo phong tục địa phương, đừng nói thị, đừng nói phi’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân nào? Thế nào là thị và phi tùy theo phong tục địa phương? Địa phương này, nhân gian này, sự việc này, hoặc nói là ‘cái chậu’, hoặc nói là ‘cái khay’, hoặc nói là ‘cái ô’, hoặc nói là ‘cái chén’, hoặc nói là ‘đồ đạc’; hay nói là cái khay, hay nói là cái ô, hay nói là cái chén, hay nói là đồ đạc; mỗi nơi tùy theo khả năng mà nói một mực rằng, ‘Đây là sự thực, ngoài ra là láo cả’. Như vậy, đó là tùy theo phong tục địa phương mà nói thị hay phi vậy.

“Sao gọi là ‘Tùy phong tục địa phương, không thị không phi’? Địa phương này, nhân gian này, sự việc này, hoặc nói là ‘cái chậu’, hoặc nói là ‘cái khay’, hoặc nói là ‘cái o’â, hoặc nói là ‘cái chén’, hoặc nói là ‘đồ đạc’, và ở địa phương kia, nhân gian kia, sự việc kia, hoặc nói là ‘cái chậu’, hoặc nói là ‘cái khay’, hoặc nói là ‘cái ô’, hoặc nói là ‘cái chén’, hoặc nói là ‘đồ đạc’. Với sự việc này hay sự việc kia, không tùy khả năng, không nói với một mực rằng ‘Đây là sự thật, ngoài ra đều láo cả’, như vậy là tùy phong tục địa phương không nói thị không nói phi.

“‘Tùy phong tục địa phương, đừng nói thị, đừng nói phi’, vấn đề này được nói lên với nguyên nhân như vậy.

“‘Pháp hữu tránh và pháp vô tránh’. Sao gọi là pháp hữu tránh? Nếu có lạc tương ưng với dục, cùng đi với, là nghiệp rất hèn hạ, là hạnh phàm phu, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện gì mà pháp này là hữu tránh. Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh. Nếu tự thân khổ hạnh, rất khổ, không phải chánh hạnh, không tương ưng với nghĩa, thì pháp này là hữu tránh. Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh. Xa lìa hai cực đoan ấy, có trung đạo, tác thành con mắt, tác thành trí tự tại, thành định, đưa đến trí tuệ, đưa đến giác ngộ và Niết-bàn, pháp này là vô tránh.

“Vì những sự kiện nào mà pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh. Kết sử hữu mà không đoạn tận, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.

“Kết sử hữu diệt tận, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, thuộc chánh hạnh, cho nên nói pháp này không tranh chấp, không mong cầu nội lạc.

“Không cầu nội lạc, pháp ấy là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà gọi pháp ấy là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, nên nói pháp này là hữu tránh.

“Mong cầu ở nội lạc, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không phiền lao, không nhiệt não, không ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Trong đó, nếu có sự lạc nào không phải là Thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc của bệnh, gốc của ung nhọt, gốc của mũi tên châm chích, có thức ăn, có sống chết, không nên tu, không nên tập, không nên phát triển. Ta nói pháp ấy không nên tu. Pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.

“Trong đó nếu có sự lạc nào là lạc của bậc Thánh, sự lạc nào của vô dục, lạc do ly dục, lạc của tịch tịnh, của chánh giác, không thức ăn, không có sống chết, nên tu nên tập, nên phát triển. Ta nói pháp ấy nên tu, pháp này là pháp vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Trong đó nếu có lời nói ám chỉ mà không chân thật, dối láo, không tương ưng với cứu cánh, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là hữu tránh.

“Trong đó, nếu có lời chê bai sau lưng mà chân thật, không dối láo, tương ưng với cứu cánh, pháp ấy là vô tránh. Vì sự kiện nào mà nói pháp ấy là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Không nói vừa phải. pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên nói pháp này là tranh chấp.

“Nói vừa phải, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Thị và phi theo phong tục địa phương, pháp này là hữu tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là hữu tránh? Vì pháp này có khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu sầu, thuộc về tà hạnh, cho nên pháp này có tranh chấp.

“Tùy phong tục địa phương, không nói thị không nói phi, pháp này là vô tránh. Vì những sự kiện nào mà nói pháp này là vô tránh? Vì pháp này không khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu sầu, thuộc về chánh hạnh, cho nên nói pháp này là vô tránh.

“Đó gọi là tránh pháp. Các ngươi nên biết pháp tránh và pháp vô tránh. Đã biết pháp tránh và pháp vô tránh thì nên xả bỏ pháp tránh, tu tập pháp vô tránh. Các ngươi cần phải học như vậy.

“Như vậy thiện nam tử Tu-bồ-đề[16] do đạo vô tránh[17] mà về sau biết được pháp như pháp[18]“.

Biết pháp Như chơn thậtTu-bồ-đề thuyết kệThực hành chơn không nàyBỏ đây, trụ tịch tịnh.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.139. Araṇavibhanga-sutta.[02] Bà-kì-sấu 婆 奇 瘦; Pāli: Bhaggesu, giữa những người Bhagga, tên một bộ tộc. Nhưng, bản Pāli tương đương: Phật trú ở Sāvatthi.[03] Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu 劍 摩 瑟 曇 拘 樓 都 邑, xem cht.2,3 Kinh số 10.[04] Hán: mạc cầu dục lạc 莫 求 欲 樂. Pāli: na kāmasukham anuyuñjeyya, chớ đam mê khoái lục dục tình.[05] Hán: cực hạ tiện nghiệp 極 下 賤 業. Pāli: hīnaṃ gammaṃ, thấp hèn và đê tiện. Trong bản Hán, gamma (đê tiện) có lẽ được đọc là kamma: nghiệp.[06] Vô nghĩa tương ưng, Pāli: amatthasamhita, không liên hệ đến mục đích.[07] Hán: quyết định ư tề 決 定 於 齊 (có bản chép là trai 齋). Pāli: sukhavinicchayam, sự phán xét về lạc.[08] Đạo thuyết 道 說; bản Cao-li chép 導; Tống-Nguyên-Minh chép 道. Pāli: raho-vādaṃ, nói chuyện bí mật, nói lén.[09] Hán: tề hạn thuyết 齊 限 說. Pāli: ataramāno bhāseyya na taramāno, nói thong thả, đừng nhanh quá.[10] Hán: tùy quốc tục pháp 隨 國 俗 法. Pāli: janapadaniruttiṃ nābhinivesyya, đừng cố chấp địa phương ngữ.[11] Pāli: iti vadaṃ itth’ eke apasādeti, vị ấy chỉ trích một số người bằng lời lẽ như vậy.[12] Hữu kết 有 結. Pāli: bhava-saṃyojana.[13] Hữu thực 有 食, tức là có yếu làm điều kiện; xem kinh “Thực” số 52.[14] Xem cht.6 trên.[15] Nghĩa là, nói nhanh quá, người nghe không kịp hiểu.[16] Tu-bồ-đề 須 菩 提. Pāli: Subhūti.[17] Vô tránh đạo 無 諍 道.[18] Pāli: Subhūti ca pana, bhikkhave, kulaputto araṇapaṭipadaṃ paṭipanno, thiện nam tử Tu-bồ-đề là người thực hành con đường vô tránh.

-ooOoo-

170. KINH ANH VŨ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ. Trong khi đi khất thực, Thế Tôn đi qua nhà của Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử[02]. Lúc bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có chút việc phải làm nên đi khỏi, không có ở nhà.

Khi ấy, tại nhà Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử có một con chó trắng[03] đang ăn cơm trong cái chậu bằng vàng, trên một cái giường lớn. Rồi con chó trắng trông thấy Đức Phật từ xa đi lại; thấy Ngài, nó liền sủa. Đức Thế Tôn nói với con chó trắng rằng:

“Ngươi không nên làm như vậy. Nhà người hết ó rồi lại sủa.

Chó trắng nghe nói, giận dữ từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây, nằm buồn thiểu não.

Sau đó, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử, thấy chó trắng có vẻ giận dữ, đã từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não, ông mới hỏi người nhà rằng:

“Ai quấy rầy con chó của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não vậy?”

Người nhà trả lời:

“Chúng tôi không ai quấy rầy con chó trắng cả khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não. Ma-nạp nên biết, ngày nay có Sa-môn Cù -đàm đến đây khất thực, con chó trắng đã thấy liền chạy tới sủa. Sa-môn Cù-đàm nói với con chó trắng rằng, ‘Ngươi không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết ó rồi lại sủa’. Này Ma-nạp, do vậy nên khiến con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não”.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử vừa nghe xong tức thì nổi giận, muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục Sa-môn Cù-đàm như vậy, ông liền ra khỏi Xá-vệ, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng đứng vây quanh trước sau, Đức Thế Tôn trông thấy Anh Vũ Ma-nạp Đo -đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các ngươi thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến không?”

Các Tỳ-kheo trả lời:

“Bạch Đức Thế Tôn, dạ thấy”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử mà mạng chung ngay bấy giờ thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc tất sanh địa ngục. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta đang nổi cơn thịnh nộ. Nếu có chúng sanh nào, do bởi tâm sân nhuế, thân hoại mạng chung tất đến chỗ ác, sanh vào địa ngục”.

Rồi Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đến chỗ Đức Phật, nói với Thế Tôn rằng:

“Hôm nay Sa-môn Cù-đàm có đến nhà tôi khất thực phải không?”

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

“Hôm nay Ta có đến nhà ông khất thực”.

“Cù-đàm, ông nói gì với con chó trắng của tôi, khiến nó rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên lùm cây nằm buồn thiểu não?”

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

“Hôm nay vào lúc trời vừa sáng, Ta đắp y mang bát vào Xá-vệ khất thực, lần lượt khất thực đến nhà ông. Lúc ấy con chó trắng trông thấy Ta từ xa đi đến. Thấy Ta, nó liền sủa. Ta nói với con chó trắng rằng, ‘Người không nên làm như vậy. Nhà ngươi hết la ó[04] rồi lại sủa’. Vì vậy, con chó trắng rất đổi giận dữ, từ trên giường nhảy xuống, đến bên đống cây nằm buồn thiểu não”.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi Thế Tôn:

“Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với tôi?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý”.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử hỏi đi hỏi lại Đức Thế Tôn ba lần:

“Con chó trắng đời trước có liên hệ gì với tôi?”

Đức Thế Tôn cũng ba lần nói:

“Thôi, thôi, này Ma-nạp, tốt hơn đừng nên hỏi Ta. Ông nghe việc này rồi chắc chắn không vừa ý”.

 Đức Thế Tôn lại bảo Ma-nạp rằng:

“Ông hỏi Ta đến ba lần mà không chịu thôi. Ma-nạp nên biết, con chó trắng kia đời trước là cha của ông, tên là Đô-đề vậy”.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe nói xong, nổi giận gấp bội. Ông muốn vu khống Đức Thế Tôn, muốn hủy báng Đức Thế Tôn, muốn hạ nhục Đức Thế Tôn. Với ý định vu khống, hủy báng, hạ nhục như vậy, ông nói với Đức Thế Tôn:

“Cha tôi là Đô-đề thực hành sự bố thí lớn lao, thiết những cuộc trai tự vĩ đại, sau khi thân hoại mạng chung nhất định sanh lên Phạm thiên. Chớ do nhơn gì, duyên gì mà sanh vào loài chó hạ tiện này?”

 Đức Thế Tôn bảo:

“Đô-đề, cha của ông do bởi tăng thượng mạn ấy nên sanh vào loài chó hạ tiện”.

Phạm chí tăng thượng mạn,

Chết rồi sanh sáu nơi:

Chó, gà, heo và sói,

Lừa năm, địa ngục sáu.

“Anh Vũ Ma-nạp, nếu ông không tin lời Ta nói, ông có thể trở về nói với con chó trắng rằng, ‘Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy trở lên giường lớn’. Ma-nạp, chó trắng tất sẽ trở lên giường lớn. ‘Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy ăn trong mâm vàng như cũ’. Này Ma-nạp, chó trắng tất ăn trong mâm vàng như cũ. ‘Nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ cho tôi thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy tinh, trân bảo mà tôi không biết’. Này Ma-nạp, chó trắng chắc chắn sẽ chỉ cho ông thấy kho tàng cất dấu vàng bạc, thủy tinh và châu báu mà ông không biết”.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử nghe những lời Đức Phật, nói, ghi nhớ kỹ, nhiễu quanh Đức Thế Tôn xong rồi trở về nhà, nói với con chó trắng rằng:

“Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy trở lên giường lớn”.

 Chó trắng liền trở lên giường lớn.

“Nếu đời trước là cha của tôi, chó trắng hãy ăn trong mâm vàng như cũ”.

 Chó trắng liền ăn trong mâm vàng như cũ.

“Nếu đời trước là cha của tôi, hãy chỉ chỗ kho tàng trước kia cha tôi cất dấu vàng bạc, thủy tinh, trân bảo mà tôi không biết”.

 Chó trắng tức thì từ trên giường nhảy xuống, đi đến chỗ mà đời trước nó ngủ nghỉ, dùng miệng và chân bươi bốn chân giường.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử liền từ chỗ đó mà được rất nhiều báu vật. Rồi thì Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đã được báu vật, rất đổi vui mừng, quỳ gối bên phải xuống đất, chấp tay hướng đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc, ba lần xướng lên những lời tán thán Đức Thế Tôn:

“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều không hư dối. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều chắc thật. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói đều như thật”.

Ba lần tán thán Đức Thế Tôn xong, ông từ Xá-vệ đi ra, đến Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng vây quanh trước sau. Đức Thế Tôn trông thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử từ xa đi đến, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi có thấy Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi đến không?”

Các Tỳ-kheo trả lời:

“Bạch Đức Thế Tôn, thấy”.

 Đức Thế Tôn bảo:

“Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bây giờ mà mạng chung thì như co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc chắc chắn đi đến chỗ lành. Vì sao vậy? Vì người ấy đối với Ta rất có thiện tâm. Nếu có chúng sanh nào do bởi thiện tâm, thân hoại mạng chung tất đến chỗ lành, sanh vào trong thiên giới”.

Bấy giờ, Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử đi đến chỗ Đức Phật, cùng thăm hỏi rồi ngồi xuống một bên.

 Đức Thế Tôn bảo:

“Thế nào? Này Ma-nạp, như Ta đã nói, con chó trắng như vậy có đúng chăng, hay không đúng như vậy?”

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật đúng như đã nói. Kính bạch Cù-đàm, tôi lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám tỏ bày”.

“Đức Thế Tôn bảo:

“Tùy ý, ông cứ hỏi”.

“Bạch Cù-đàm, do nhân gì, do duyên gì, chúng sanh kia đều thọ thân người mà có người cao kẻ thấp, có người đẹp kẻ xấu. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, tôi thấy có kẻ sống lâu, người chết yểu; có kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh; lại thấy có kẻ thân hình đoan chánh, có người không đoan chánh; lại thấy có kẻ có oai đức, người không oai đức; lại thấy có kẻ sanh nhằm dòng dõi tôn quý, có người sanh nhằm dòng dõi ti tiện; lại thấy có kẻ giàu có, có người nghèo hèn; lại thấy có kẻ thiện trí, có người ác trí”.

 Đức Thế Tôn trả lời:

“Chúng sanh kia do nơi hành nghiệp của chính mình, nhân bởi nghiệp mà thọ báo, duyên vào nghiệp, y nơi nghiệp, tùy theo nơi nghiệp xứ có cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp”.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch Thế Tôn rằng:

“Sa-môn Cù-đàm nói vắn tắt quá, không phân biệt một cách rộng rãi, tôi không thể biết được. Mong Sa-môn Cù-đàm nói một cách rộng rãi cho tôi nghe để tôi được hiểu rõ ý nghĩa”.

 Đức Thế Tôn bảo:

“Này Ma-nạp, hãy nghe kỹ và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt một cách rộng rãi cho ông nghe”.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch:

“Kính vâng, tôi xin vâng lời lắng nghe”.

Đức Phật nói:

“Này Ma-nạp, do nhân gì, do duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất ngắn ngủi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu, ý nghĩ ác hại, không có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, cho đến các loài côn trùng. Người ấy lãnh thọ nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào nhân gian, tuổi thọ rất ngắn ngủi. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự đoản thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhơn gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất dài? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát, bỏ hẳn dao gậy, có tâm tàm, có tâm quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến loài côn trùng. Người ấy thọ nghiệp này, tạo tác nghiệp ấy đầy đủ rồi đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, thọ mạng rất dài. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự trường thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ đa phần có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nhiễu hại chúng sanh; người ấy hoặc nắm tay, hoặc dùng cây đá, hoặc dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy thọ nghiệp này, tạo thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, chịu nhiều tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến chỗ chịu nhiều bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có tật bệnh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không nhiễu hại chúng sanh, người ấy không dùng tay nắm, không dùng cây đá, không dùng dao gậy nhiễu hại chúng sanh. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành nghiệp ấy đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, không có tật bệnh. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến hưởng thọ không tật bệnh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào nhiễu hại chúng sanh. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình không đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ mà tánh nóng nảy, hay bực dọc, vừa nghe chút ít đã nổi cơn giận dữ, nổi ganh ghét mà sanh lo buồn, nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ lấy nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, hình thể không đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể không đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh nóng nảy, hay bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không hay bực dọc, người ấy nghe lời nói êm ái hay thô bỉ cục cằn không nổi cơn giận dữ, không ganh ghét sanh ra buồn rầu, không nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ nghiệp, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời lại sanh vào nhân gian, hình thể đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không nhiều bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có oai đức? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố; người ấy thấy kẻ khác được cung kính, cúng dường liền sanh lòng tật đố; nếu thấy kẻ khác có của thì muốn làm sao của ấy được về mình. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào trong nhân gian, không có oai đức. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào bên trong ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có oai đức lớn? Nếu có kẻ nam hay người nữ không ôm lòng tật đố, người ấy thấy kẻ khác được cung kính cúng dường không sanh lòng tật đố. Nếu thấy kẻ khác có của, không có lòng ham muốn của ấy được về ta. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời rồi, lại sanh vào nhân gian, có oai đức lớn. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có oai đức, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không ôm lòng tật đố. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh vào dòng dõi đê tiện? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, ngã mạn, người đáng cung kính thì không cung kính, đáng tôn trọng thì không tôn trọng, đáng quý thì không quý, đáng phụng thờ thì không phụng thờ, đáng cúng dường thì không cúng dường, đáng nhường lối thì không nhường lối, đáng nhường chỗ ngồi thì không nhường chỗ ngồi, đáng chấp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi thì không chấp tay hướng về lễ bái, thăm hỏi. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi ti tiện, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ sanh nhằm dòng dõi tôn quý? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không có lòng kiêu ngạo, đại mạn, người đáng cung kính thì cung kính, đáng tôn trọng thì tôn trọng, đáng quý thì quý, đáng phụng thờ thì phụng thờ, đáng cúng dường thì cúng dường, đáng nhường lối thì nhường lối, đáng nhường chỗ thì nhường chỗ, đáng chấp tay hướng về lễ bái thăm hỏi thì chấp tay hướng về lễ bái thăm hỏi. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian nhằm dòng dõi tôn quý. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo sanh nhằm dòng dõi tôn quý, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không kiêu ngạo, đại mạn. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ không có của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không làm thí chủ, không thực hành bố thí cho Sa-môn, Phạm chí, cho kẻ nghèo cùng đơn độc ở xa đến xin những thứ như đồ ăn, thức uống, quần áo, mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy tạo nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, không có của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo không có của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào không biết làm người thí chủ, không thực hành bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có nhiều của cải? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào biết làm người thí chủ, biết thực hành bố thí. Người ấy bố thí cho Sa-môn, Phạm chí và kẻ nghèo cùng, cô độc từ xa tới xin những thứ như đồ, ăn thức uống, áo quần, mền, vòng hoa, hương thoa, nhà cửa, giường chõng, đèn dầu và sai dịch. Người ấy thọ nhận nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có nhiều của cải. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo có nhiều của cải, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào làm người chủ bố thí, biết thực hành hạnh bố thí. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ kém cỏi? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào không thường đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí danh đức, người ấy không thường đến nơi đó hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa chư tôn, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào là đen? Trắng đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại như thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai như thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?’ Giả sử có hỏi nhưng không chịu thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ kém cỏi. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo trí tuệ kém cỏi, nghĩa là kẻ nam hay người nữ ấy không có thường đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có trí tuệ tốt đẹp? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Nếu có Sa-môn, Phạm chí danh đức, người ấy thường đến nơi ấy mà hỏi đạo nghĩa, rằng ‘Thưa chư tôn, thế nào là nghiệp thiện, thế nào là bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là không tội? Thế nào là vi diệu, thế nào là không vi diệu? Thế nào là trắng, thế nào lào đen? Trắng và đen từ đâu sanh ra? Ý nghĩa của quả báo hiện tại là thế nào? Ý nghĩa của quả báo vị lai là thế nào? Ý nghĩa quả báo hậu thế như thế nào?” Hỏi xong lại thường thực hành. Người ấy thọ nghiệp này, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời, lại sanh vào nhân gian, có trí tuệ tốt đẹp. Vì sao vậy? –Vì con đường này đưa đến thọ báo có trí tuệ tốt đẹp, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào thường hay đến nơi kia hỏi việc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.

“Ma Mạp nên biết, tạo tác nghiệp tương xứng với đoản thọ, tất chịu đoản thọ. Tạo nghiệp tương xứng với trường thọ, tất được trường thọ. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều tật bệnh, tất phải chịu nhiều tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với ít tật bệnh, tất được ít tật bệnh. Tạo tác nghiệp tương xứng với sự không đoan chánh, tất phải thọ sự không đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với đoan chánh, tất được đoan chánh. Tạo tác nghiệp tương xứng với không oai đức, tất phải chịu không oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với oai đức, tất được oai đức. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi ti tiện, tất phải sanh nhằm dòng dõi ti tiện. Tạo tác nghiệp tương xứng với dòng dõi tôn quý, tất được sanh vào dòng dõi tôn quý. Tạo tác nghiệp tương xứng với không của cải, tất bị không của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với nhiều của cải, tất được nhiều của cải. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ kém cỏi, tất bị trí tuệ kém cỏi. Tạo tác nghiệp tương xứng với trí tuệ tốt đẹp, tất được trí tuệ tốt đẹp.

“Này Ma-nạp, đó là những điều Ta đã nói từ trước rằng ‘Chúng sanh do hành nghiệp của chính mình, do nghiệp mà thọ báo, duyên nơi nghiệp, tùy theo nghiệp xứ cao thấp mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp’”.

Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu! Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu! Thế Tôn, nay con tự quy y Phật, quy y Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ ngày nay, trọn đời tự quy y cho đến tận mạng. Bạch Đức Thế Tôn, bắt đầu ngày nay, mong Ngài vào nhà Đô-đề như vào nhà Ưu-bà-tắc khác tại Xá-vệ, để cho nhà Đô-đề được lợi nghĩa, được lợi ích an ổn, khoái lạc lâu dài[05]“.

Phật thuyết như vậy. Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử và vô lượng chúng sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 44. Tương đương Pāli, M.135. Cūḷakammavibhaṅga-suttam. Hán, biệt dịch, No.78 Phật Thuyết Đâu-điều Kinh, khuyết danh dịch; No.79 Phật Thuyết Anh Vũ Kinh, Lưu Tống Cầu-na-bạt-đà-la dịch; No.80 Phật Vị Thủ-ca Trưởng Giả Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh, Tùy, Pháp Trí dịch; No.81 Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng Kinh, Tống, Thiên Tức Tai dịch.[02] Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử 鸚 鵡 摩 納 都 提 子. No.79: Anh Vũ Ma-lao Đâu-la Tử; No.78: Đâu-diệu Tử Cốc; No.80: Đáo-đề-đa Tử Thủ-ca Trưởng giả; No.81: Đâu-nễ-dã Tử Du-ca Trưởng giả; Pāli: Subha māṇava Toddeyyaputta, niên thiếu Bà-la-môn tên là Subha, con trai của Todeyya.[03] Bạch cẩu. No.78: con chó tên Loa 螺; No.79 nó tên là Bối 貝 (in lầm là cụ 具) và No.81 gọi nó là Thương-khư 傷 佉, phiên âm tương đương Pāli là Saṅkha: con sò.[04] Hán: để  呧; Nguyên-Minh: hộ  護 (giữ); bản Thánh: nha 啀 (tru).[05] No.79 kết luận, Phật nói: đời sau ai nghe kinh này mà lông dựng đứng, nước mắt chảy sẽ được gặp Phật Di-lặc trong tương lai.

-ooOoo-

171. KINH PHÂN BIỆT ĐẠI NGHIỆP[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trú trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.

Bấy giờ, Tôn giả Tam-di-đề[02] cũng trú ở thành Vương xá, trong thiền thất Vô sự. Lúc ấy, dị học Bộ-la-đà Tử[03] sau giờ trưa, ung dung đi đến chỗ Tôn giả Tam-di-đề, cùng chào hỏi rồi lui ngồi xuống một bên và hỏi:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi có điều muốn hỏi, ngài cho phép chăng?”

Tôn giả Tam-di-đề đáp:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, muốn hỏi cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ”.

Dị học Bộ-la-đà Tử bèn hỏi:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn Cù-đàm, tôi trực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng ‘Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn hay biết gì’”.

Tôn giả Tam-di-đề đáp:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chớ có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng ‘Nếu cố ý tạo tác nghiệp[04], khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọ báo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo’”.

Dị học Bộ-la-đà Tử ba lần nhắc lại câu ấy với Tôn giả Tam-di-đề rằng:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn Cù-đàm, tôi trực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng ‘Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn hay biết gì’.”

Tôn giả Tam-di-đề cũng ba lần đáp:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chó có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng ‘Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọ báo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo’”.

Dị học Bộ-la-đà Tử hỏi Tôn giả Tam-di-đề:

“Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, phải thọ báo gì?”

Tôn giả Tam-di-đề đáp:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, tất thọ báo khổ”.

Dị học Bộ-la-đà Tử lại hỏi:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, ông học đạo trong pháp luật này bao lâu rồi?”

Tôn giả Tam-di-đề đáp rằng:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, tôi học đạo trong pháp luật này mới có ba năm”.

Lúc ấy, dị học Bộ-la-đà Tử bèn suy nghĩ rằng: “Tỳ-kheo niên thiếu mà vẫn có thể bảo hộ Tôn sư như vậy, huống nữa là vị Thượng tọa cựu học.”

Rồi thì dị học Bộ-la-đà Tử nghe Tôn giả Tam-di-đề nói, không cho là phải, cũng không cho là quấy, rời chỗ ngồi, lắc đầu mà đi.

Lúc bấy giờ Tôn giả Đại Châu-na[05], đang ở cách chỗ nghỉ ngày của Tôn giả Tam-di-đề không xa. Tôn giả Đại Châu-na nghe cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử, ghi nhớ tất cả, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Tôn giả A-nan, cùng chào hỏi xong rồi ngồi xuống một bên và mang những lời đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử thuật lại hết cho Tôn giả A-nan nghe.

Tôn giả A-nan nghe xong bảo rằng:

“Này Hiền giả Châu-na, nhơn câu chuyện này, chúng ta nên đến gặp Đức Phật và trình bày lên Thế Tôn. Hiền giả Châu-na, chúng ta hãy cùng đến nơi Thế Tôn và bạch lên Thế Tôn tất cả nghĩa này. Hoặc nhơn đây, chúng ta được nghe những pháp nào khác của Thế Tôn”.

Rồi Tôn giả A-nan và Tôn giả Đại Châu-na cùng đi đến chỗ Phật. Tôn giả Đại Châu-na cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả A-nan cúi đầu làm lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên.

Lúc đó, Tôn giả A-nan nói rằng:

“Này Hiền giả Châu-na, Hiền giả nên nói đi! Hiền giả nên nói đi!”

Bấy giờ Thế Tôn hỏi:

“Này A-nan, Tỳ-kheo Châu-na muốn nói sự gì?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sẽ tự nghe hết câu chuyện”.

“Rôi thì Tôn giả Đại Châu-na thuật lại đầu đuôi cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử cho Phật nghe. Nghe xong, Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-nan, hãy xem Tỳ-kheo Tam-di-đề người si, không đạo lý gì. Vì sao? Vấn đề dị Bộ-la-đà Tử hỏi là bất định[06] mà Tỳ-kheo Tam-di-đề, người ngu si kia chỉ trả lời theo nhất hướng đáp[07].”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo Tam-di-đề nhơn việc này trả lời rằng ‘Nhữøng gì được cảm thọ đều là khổ’ thì có lỗi gì?”

Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-nan:

“Hãy xem Tỳ-kheo A-nan cũng không có đạo lý gì cả. A-nan, kẻ ngu si Tam-di-đề này, dị học Bộ-la-đà Tử kia hỏi tất cả ba cảm thọ, khổ thọ, lạc thọ và không khổ không lạc thọ. A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề được dị học Bộ-la-đà Tử hỏi, nên đáp như vầy, ‘Này Hiền giả Bộ-la-đà Tử, nếu cố ý tạo nghiệp an lạc, khi tác đã thành sẽ thọ quả báo an lạc. Nếu cố ý tạo nghiệp khổ, khi tác đã thành, sẽ thọ quả báo khổ. Nếu cố ý tạo nghiệp không khổ không lạc, khi tác đã thành rồi sẽ thọ quả báo không khổ không lạc’. Này A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề được dị học Bộ-la-đà Tử hỏi và đáp như vậy thì dị học Bộ-la-đà Tử mắt còn không dám nhìn Tam-di-đề ngu si ấy, huống nữa lại có thể hỏi đến chuyện như vậy chăng?

“Này A-nan, nếu ngươi từ Thế Tôn mà nghe kinh ‘Phân biệt đại nghiệp’, thì đối với Như Lai lại càng tăng thượng tâm tĩnh, được hoan hỷ”.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng lúc. Nếu Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói kinh ‘Phân Biệt Đại Nghiệp’, các Tỳ-kheo nghe xong sẽ ghi nhớ kỹ”.

Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi nghe”.

Tôn giả A-nan thưa:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn”.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời dạy, lắng nghe.

Phật nói:

“Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối,... cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, sự thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục.

“Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly và thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, trong cõi trời.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung, người ấy sanh về chốn lành, trong cõi trời. Nếu có vị Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng, ‘Không có thân ác hành, cũng không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu và ý ác hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hành. Vì sao? Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ sự lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về cõi lành, trong cõi trời. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về cõi lành, trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, dều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng: “Không có thân diệu hạnh, không có quả báo của thân diệu hạnh, không có khẩu và ý diệu hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Vì sao? Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ sự lấy của không cho từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân ác hạnh, có quả báo của thân ác hạnh, có khẩu và ý ác hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hạnh’. Vì sao? Ta thấy kẻ kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’

 “Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân diệu hạnh, cũng có quả báo của thân diệu hạnh; có khẩu và ý diệu hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh. Vì sao? Ta thấy kẻ kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu lại có trường hợp khác tương tợ như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sẽ sanh về nẻo lành, sanh trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.

“Này A-nan, ở trong đó, nếu vị Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Không có thân ác hành, không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu, ý ác hành, không có quả báo của khẩu và ý ác hành’. Ta không theo vị ấy. Nếu vị ấy nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp khác tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời’. Ta không nghe theo vị ấy. Nếu có ai nói như vầy, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta không nghe theo họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, trong đó có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói thế này, ‘Không có thân diệu hạnh, cũng không có quả báo của thân diệu hạnh; không có khẩu, ý diệu hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Ta không nghe theo vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo[08] vị ấy. Nếu có ai nói thế này, ‘Có những trường hợp khác tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta không nghe theo họ[09]. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như vầy, ‘Có thân ác hạnh, cũng có quả báo của thân ác hạnh. Có khẩu, ý ác hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý ác hạnh’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu kia nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Những trường hợp tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’. Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Có thân diệu hạnh, cũng có quả báo của thân diệu hạnh; có khẩu, ý diệu hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời’. Ta nghe theo họ. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời’. Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Ấy là, nếu trước kia nó đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ, cho nên ở trong đời hiện tại thọ báo xong, họ sanh về nơi đó[10]. Hoặc do hậu báo cho nên người kia không vì nhơn này, không vì duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do xả ly và thủ hộ nên chưa tiêu hết, cần phải được thọ báo ở chốn lành; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc khi chết khởi các tâm, và tâm sở hữu pháp thuộc thiện[11] tương ưng với chánh kiến; kia nhờ nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Nếu trước kia họ đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do sự xả ly, thủ hộ cho nên ở trong đời hiện tại họ thọ báo xong, cho nên sanh về nơi đó. Hoặc do bởi hậu báo cho nên họ không vì nhơn này, duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do không xả ly và không thủ hộ nên chưa tiêu hết, phải thọ báo ở địa ngục; họ do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh tâm và các tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Kia do chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ mà chưa tiêu hết, nên phải thọ báo ở địa ngục; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Kia nhờ chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, nhờ có xả ly, có thủ hộ mà chưa tiêu hết, phải được thọ báo thiện; kia nhờ nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc đến lúc chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp thiện tương ưng với chánh kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Lại nữa, có bốn hạng người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có.

“Này A-nan, cũng như có bốn loại xoài. Hoặc xoài không chín mà giống như chín. Hoặc chín giống như không chín. Hoặc không chín giống như không chín. Hoặc chín giống như chín.

“Cũng vâïy A-nan, bốn thứ xoài được thí dụ với người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.136. Mahā-Kammavibhaṅga-suttam.[02] Tam-di-đề, xem kinh số 165.[03] Bộ-la-đà Tử 哺 羅 陀 子. Pāli: Potaliputta.[04] Hán: cố tác nghiệp, nghiệp được làm với sự cố ý. Pāli: sañcetanika kamma.[05] Đại Châu-na 大 周 那. Pāli: Mahā-Cunda, đệ tử của ngài Xá-lợi-phất.[06] Vấn sự bất định 問 事 不 定, câu hỏi không xác định, cần trả lời bằng phân biệt đáp; một trong bốn ký vấn. Xem thêm cht. dưới. Bản Thánh chép: vấn sự bất túc 足, nhầm tự dạng. Pāli: vibhajja-byākāṇiyo pañho.[07] Nhất hướng đáp, một trong bốn cách trả lời vấn đề, tứ ký vấn: nhất hướng (xác định), phân biệt, phản cật bà xả trí. Pāli: ekaṃsena vyākato.[08] Chấp nhận có. Trường hợp hành thiện, nhưng tái sanh ác thú. Vì có sự phân biệt.[09] Như trên, nhưng không chấp nhận, vì quan điểm nhất hướng.[10] Tức sanh về cõi lành.[11] Tức khi chết với tâm và tâm sở thiện.

-ooOoo-

14. PHẨM TÂM

172. KINH TÂM[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo sống cô độc tại một nơi an tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi ý niệm: “Cái gì dẫn thế gian đi? Cái gì làm nhiễm trước[02]? Cái gì khởi tự tại[03]?”

Khi ấy, vào lúc xế chiều, Tỳ-kheo ấy từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình ở một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, tâm khởi ý niệm ‘Cái gì dẫn thế gian đi? Cái gì làm nhiễm trước? Cái gì khởi tự tại?’”.

Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đường hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo[04] rằng ‘Cái gì dẫn thế gian đi? Cái gì làm nhiễm trước? Cái gì khởi tự tại?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Thầy Tỳ-kheo ấy đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

Đức Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, tâm dẫn thế gian đi, tâm làm nhiễm trước, tâm khởi tự tại[05]. Này Tỳ-kheo, chính nó dẫn thế gian đi, chính nó làm nhiễm trước và cũng chính nó khởi tự tại. Này Tỳ-kheo, Đa văn Thánh đệ tử không để tâm dẫn đi, không để tâm nhiễm trước, không để tâm tự tại. Này Tỳ-kheo, Đa văn Thánh đệ tử không vâng theo sự tự tại của tâm, mà tâm tùy theo tự tại của Đa văn Thánh đệ tử”.

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành rồi lại hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn; được nói là Tỳ-kheo đa văn, bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Tỳ-kheo đa văn? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn?”

Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đuờng hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo rằng ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn; được nói là Tỳ-kheo đa văn, bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Tỳ-kheo đa văn? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

 Đức Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, những gì được Ta thuyết giảng rất nhiều, là chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Này Tỳ-kheo, nếu có thiện nam tử chỉ nghe Ta nói bốn câu kệ mà biết nghĩa, biết pháp, thực hành pháp và tùy pháp, thuận theo phạm hạnh, thì này Tỳ-kheo, nói Tỳ-kheo đa văn là chỉ nói như vậy chứ không hơn nữa. Này Tỳ-kheo, như vậy là Tỳ-kheo đa văn. Như Lai tuyên bố như vậy là Tỳ-kheo đa văn”.

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành rồi lại hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt[06], nói là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt?”

Đức Thế Tôn nghe xong khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đuờng hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo rằng ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt, nói là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo đa văn có trí tuệ minh đạt?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy”.

Đức Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, nếu Tỳ-kheo nghe rằng ‘Đây là Khổ’, tức thì với trí tuệ mà chân chánh thấy khổ đúng như thật; nghe Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo, tức thì với trí tuệ mà chân chánh thấy Khổ diệt đạo đúng như thật. Này Tỳ-kheo, như vậy là đa văn Tỳ-kheo có trí tuệ minh đạt. Như Lai tuyên bố như vậy là đa văn Tỳ-kheo có trí tuệ minh đạt”.

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, hoan hỷ phụng hành rồi lại hỏi tiếp:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ, nói là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ. Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ?”

Đức Thế Tôn nghe xong, khen ngợi:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-kheo, là con đuờng hiền thiện lại được quán sát hiền thiện, là biện tài tinh diệu với tư duy khéo léo rằng ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ, nói là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ. Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ? Thế nào để được tuyên bố là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ?’ Này Tỳ-kheo, câu hỏi của ngươi là như vậy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Nếu Tỳ-kheo không có niệm gây tự hại, không có niệm gây hại người, cũng không có niệm gây hại cả hai. Tỳ-kheo chỉ có niệm làm lợi ích cho tự thân và lợïi ích cho người, lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian, mong muốn cho trời, người được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc. Này Tỳ-kheo, như vậy là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ, Như Lai tuyên bố như vậy là Tỳ-kheo thông minh có hiệt tuệ, quảng tuệ”.

Tỳ-kheo bạch rằng:

“Lành thay! Lành thay! Kính vâng, Bạch Thế Tôn!”

Khi ấy, Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết giảng, khéo thọ lãnh, khéo ghi nhớ, khéo tụng tập, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Lúc bấy giờ Tỳ-kheo ấy lãnh thọ lời dạy của Đức Thế Tôn, sống cô độc nơi yên tĩnh xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Tỳ-kheo ấy khi sống cô độc ở nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần để đạt đến mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, là duy chỉ mong thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị Tôn giả ấy đã biết pháp rồi, liền chứng quả A-la-hán.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 45. Tương đương Pāli A.4.19.6 Ummagga-sutta. Hán, biệt dịch, No.82 Phật Thuyết Ý Kinh, Tây Tấn, Trúc Pháp Hộ dịch.[02] Thùy vi nhiễm trước 誰 染 著. No.82: dĩ hà cố thọ khổ 以 何 故 受 苦, vì cái gì mà thọ khổ? Pāli: kena loko parikissati, cái gì bức bách thế gian? Trong bản Hán, đọc là pari-kilissati, thay vì parikissati.[03] No.82: dĩ hà cố sanh, sanh dĩ nhập tùy tùng 以 何 故 生, 生 已 入 隨 松, do cái gì mà sanh, sanh rồi chịu chi phối? Pāli: Kassa ca uppannassa vasam gacchati, dưới sự chỉ đạo của cái đã sanh khởi nào mà (thế giới) tiến hành?[04] Hữu hiền đạo nhi hữu hiền quán... 有 賢 道 而 有 賢 觀. Pāli: Bhaddako kho te ummaggo, bhaddako paṭibhānam kalyāni paripucchā, tốt lành thay là con đường (hầm) của ngươi; sự lý giải thật là tốt lành; những câu hỏi thật là khéo léo.[05] Pāli: cittassa upannassa vasaṃ gacchati, tâm sau khi sanh khởi khống chế (thế gian).[06] Minh đạt trí tuệ. No.82: Tiệp tật trí tuệ. Pāli: Nibbedhikapañño, trí tuệ nhạy bén hay sâu sắc (quyết trạch tuệ).

-ooOoo-

173. KINH PHÙ-DI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, ở trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ, Tôn giả Phù-di[02] cũng ở tại thành Vương xá, trong thiền thất Vô sự[03].

Lúc bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Phù-di khoác y, ôm bát vào thành Vương xá để khất thực. Tôn giả Phù-di suy nghĩ rằng: “Hãy khoan vào thành Vương xá khất thực. Ta nên đến nhà Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử[04]“.

Rồi thì Tôn giả Phù-di đi đến nhà Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử. Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử từ xa trông thấy Tôn giả Phù-di đến, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Tôn giả Phù-di nói như vầy:

“Kính chào Tôn giả Phù-di. Tôn giả Phù-di lâu không đến đây. Xin mời ngồi trên giường này”.

Tôn giả Phù-di ngồi xuống, Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả Phù-di rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Phù-di, tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho”.

“Tôn giả Phù-di đáp:

“Này Vương đồng tử, muốn hỏi điều gì cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ”.

Vương đồng tử liền hỏi:

“Thưa Tôn giả Phù-di, có Sa-môn Phạm chí đi đến chỗ tôi và nói với tôi rằng, ‘Này Vương đồng tử, người nào có ước nguyện tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện, hoặc vừa có uớc nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả’. Tôn sư của Tôn giả Phù-di có ý gì, có thuyết gì chăng[05]?”

Tôn giả Phù-di nói:

“Này Vương đồng tử, tôi chưa được đích thân nghe Đức Thế Tôn nói, cũng chưa được nghe các vị phạm hạnh nói lại, nhưng này Vương đồng tử, có thể Đức Thế Tôn đã nói như vầy, ‘Người nào có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả[06]“.

Vương đồng tử thưa rằng:

“Nếu Tôn sư của Tôn giả Phù-di có ý như vậy, thuyết như vậy, thì ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời trên thế gian này, Ngài quả là Bậc Tối Thượng. Thưa Tôn giả Phù-di, xin mời ngài thọ trai tại đây luôn”.

Tôn giả Phù-di im lặng nhận lời. Sau khi biết Tôn giả Phù-di đã im lặng nhận lời rồi, Vương đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự tay múc nước rửa, tự tay bưng hầu các món ngon sạch, mỹ diệu với đủ thức nhai, thức nuốt, tự tay châm chước, khiến Tôn giả thọ dùng no đủ.

Khi Tôn giả ăn xong, Vương đồng tử thu dọn chén bát, múc nước rửa, rồi lấy một cái giường nhỏ ngồi riêng một bên để nghe pháp. Tôn giả Phù-di thuyết pháp cho Vương đồng tử nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Vương tử nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên, đem những điều đã bàn luận với Vương đồng tử thuật lại hết với Đức Phật.

Đức Thế Tôn nghe xong, nói rằng:

“Này Phù-di, sao ngươi không đem bốn ví dụ nói cho Vương đồng tử rõ?”

Tôn giả Phù-di hỏi:

“Bạch Thế Tôn, bốn ví dụ ấy là những gì?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định[07], người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối[08].

“Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách tà vạy, tức là vắt nơi sừng con bò vậy. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, hoặc vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên tất sẽ chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, thì tất sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa, cho bò ăn uống no nê rồi vắt sữa nơi vú nó thì chắc chắn lấy được sữa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn lấy sữa, cho bò ăn no nê rồi vắt nơi vú nó, thì chắc chắn lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách chân chánh, là vắt nơi vú con bò. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có tô, bèn lấy một bình đựng đầy nước lã rồi khuấy đều lên, chắc chắn không thể có tô. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, cũng chẳng phải không có ước nguyện. Người ấy muốn có tô, bèn lấy một bình đựng đầy nước lã rồi khuấy đều lên, thì chắc chắn không thể có tô. Vì sao vậy? Vì tìm cầu tô một cách tà vạy, là khuấy nước lã. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ướùc nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có tô, lấy một bình đựng đầy lạc rồi khuấy đều lên thì chắc chắn được tô. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, người ấy muốn có tô, lấy một bình đựng đầy lạc rồi khuấy đều lên thì chắc chắn có được tô. Vì sao vậy? Vì tìm cầu tô một cách chân chánh, là khuấy lạc. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có dầu, đổ đầy cát vào đồ ép, rưới nước lạnh cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống, nên chắc chắn không có được dầu. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có dầu mà đổ đầy cát vào đồ ép, rưới nước lạnh cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống, thì chắc chắn không có được dầu. Vì sao vậy? Vì tìm cầu dầu một cách tà vạy, là ép cát.    Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện mà tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có dầu, đổ đầy hạt mè vào đồ ép, rưới nước sôi cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống nên chắc chắn có được dầu. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có dầu, đổ đầy hạt mè vào đồ ép, rưới nước sôi cho rỉ thấm qua, rồi ép xuống thì chắc chắn có được dầu. Vì sao vậy? Vì tìm cầu dầu một cách chân chánh, là ép hạt mè. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, định chánh kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có lửa, bèn lấy củi ướt làm mồi lửa, dùng dùi ướt mà dùi nên chắc chắn không có được lửa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn có lửa mà lấy củi ướt làm mồi lửa, dùng dùi ướt mà dùi thì chắn chắn không có được lửa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu lửa một cách tà vạy, là dùi củi ướt.

“Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không được chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh, nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn có lửa bèn lấy củi khô làm mồi lửa, dùng dùi khô mà dùi nên chắc chắn có được lửa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, người ấy muốn có lửa, lấy củi khô làm mồi lửa, dùng dùi khô mà dùi thì chắc chắn có được lửa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu lửa một cách chân chánh, là dùi củi khô. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh kiến, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh nên chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân chánh, là đúng đường lối.

“Này Phù-di, nếu ngươi nói cho Vương đồng tử nghe bốn ví dụ này, Vương đồng tử nghe xong chắc chắn sẽ rất hoan hỷ, cúng dường thầy suốt đời, như áo, chăn, uống ăn, ngọa cụ, thuốc thang và đủ các thứ nhu dụng khác cho đời sống”.

Tôn giả Phù-di thưa:

“Bạch Thế Tôn, trước đây con chưa từng được nghe bốn ví dụ này, thì lấy đâu để nói lại. Duy chỉ hôm nay mới được nghe Thế Tôn nói mà thôi”.

Phật thuyết giảng như vậy. Tôn giả Phù-di và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.126 Bhūmija-sutta.[02] Phù-di 浮 彌. Pāli: Bhūmija.[03] Xem các kinh số 166, 171.[04] Vương tử Kỳ-bà-tiên-na Đồng tử 王 子 耆 婆 先 那 僮 子, Pāli theo bản Hán: Jīvasena Kumāra. Nhưng, tên trong bản Pāli: Jayasena rājakumara.[05] Trong bản Pāli, cả bốn trường hợp đều không đắc quả (abhabbā phalassa adhigamāya).[06] Có sự nhầm lẫn trong bản dịch Hán. Xem nộïi dung kinh.[07] Bản Hán: tà kiến, tà kiến định. Bản Pāli, nêu Thánh đạo tám chi, từ tà kiến cho đến tà định.[08] Hán: vô đạo 無 道. Pāli: ayoni hesā.

-ooOoo-

174. KINH THỌ PHÁP (I)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Thế gian thật sự có bốn loại thọ pháp[02]. Những gì là bốn? Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo lạc. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc.

“Thế nào là thọ pháp hiện tại lạc, mà tương lai thọ quả báo khổ?

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí ham thích vui đùa chung với người con gái trang điểm[03] mà chủ trương rằng ‘Sa-môn, Phạm chí này đối với dục, thấy có những sợ hãi và những tai họa gì trong tương lai mà phải đoạn trừ dục và bày ra phương pháp đoạn dục? Xúc chạm nơi thân thể người nữ trang điểm này thật là sung sướng’. Người ấy với người nữ này cùng nhau vui đùa, du hí ở trong đó. Người ấy thọ pháp lạc đó đã thành tựu đầy đủ rồi, khi thân hoại mạng chung thẳng đến chỗ ác, sanh trong địa ngục, mới dấy lên ý nghĩ như vầy, ‘Sa-môn, Phạm chí kia đối với dục thấy những sợ hãi và những tai họa này trong tương lai cho nên đoạn dục và bày ra phương pháp đoạn dục. Chúng ta nhân bởi dục, do tranh với dục[04], duyên do dục cho nên lãnh sự khổ cùng cực như vậy, sự khổ trọng đại như vậy’.

“Cũng như vào tháng cuối mùa Xuân[05], giữa trưa rất nóng, hạt giống của dây leo, bị nắng đố nứt ra[06], rơi xuống gốc cây sa-la. Bấy giờ Thần cây sa-la nhân đó sanh ra sợ sệt. Khi ấy, chung quanh có các Thần cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, đối với hạt giống mà thấy tương lai có sự sợ hãi, có đủ tai họa như vậy, liền đi đến chỗ Thần cây mà an ủi rằng, ‘Thần cây chớ sợ, Thần cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần cây, ông được an ổn’. Nếu hạt giống này không bị nai ăn, khổng tước ăn, gió thổi đi, lửa thôn thiêu, cũng như không bị lửa đồng thiêu, cũng không hư hoại, chẳng thành hạt giống. Hạt giống này chẳng khuyết, chẳng sâu, không bị vỡ nứt, không bị mưa, gió, nắng làm tổn thương; gặp mưa lớn tưới ướt liền nẩy sanh nhanh chóng. Thần cây kia liền suy nghĩ như vầy, ‘Vì những cớ gì các Thần cây xung quanh, các Thần cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, đối với hạt giống thấy tương lai có sự sợ hãi gì, tai họa gì mà sang an ủi ta, nói rằng, ‘Thần cây chớ sợ, Thần cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần cây, ông được an ổn’?’ Nhưng hạt giống này không bị nai ăn, không bị khổng tước ăn, không bị gió thổi đi, không bị lửa thôn thiêu, không bị lửa đồng thiêu, cũng không bị hư hoại, không thành hạt giống, hạt giống này chẳng khuyết, chẳng lủng, không bị vỡ nứt, chẳng bị mưa, gió, nắng làm tổn thương, gặp mưa lớn tưới ướt liền nẩy mầm nhanh chóng, thành thân cây, cành lá mềm mại, thành đốt, sờ đến thích thú. Thân, cành, lá mềm mại thành đốt này sờ đến thích thú, xúc chạm vui sướng.

“Rồi cái này duyên vào cây mà thành cành lá to lớn, quấn lấy thân cây ấy, che phủ ở trên. Sau khi bị che phủ ở trên rồi, vị Thần cây kia mới suy nghĩ như vầy, ‘Các Thần cây xung quanh kia, Thần cây loại hạt giống, trăm thứ cây lúa, cây thuốc, các Thần cây bà con, bằng hữu, đối với hạt giống thấy tương lai có sự sợ hãi gì, tai họa gì mà sang an ủi ta, nói rằng, ‘Thần cây chớ sợ, Thần cây chớ sợ! Hạt giống này đây, hoặc là nai ăn, hoặc khổng tước ăn, hoặc gió thổi đi, hoặc lửa xóm đốt, hoặc lửa đồng thiêu, hoặc hư, hoặc chẳng thành hạt giống. Như vậy, này Thần cây, ông được an ổn’. Nhưng hạt giống này không bị nai ăn, không bị khổng tước ăn, không bị gió thổi đi, không bị thiêu bởi lửa xóm, không bị thiêu bởi lửa đồng, không bị hư hại chẳng thành hạt giống. Hạt giống này chẳng khuyết, chẳng lủng, cũng chẳng bị vỡ nứt, không bị mưa gió nắng làm thương tổn, gặp mưa lớn tưới nước liền nẩy sanh mầm nhanh chóng. Nhân vì hạt giống, duyên vì hạt giống mà chịu sự khổ cùng cực này, sự khổ trọng đại này’.

“Cũng vậy, hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí ham thích vui đùa chung với người con gái trang điểm mà chủ trương rằng ‘Sa-môn, Phạm chí này đối với dục, thấy có những sợ hãi và những tai họa gì trong tương lai mà phải đoạn trừ dục và bày ra phương pháp đoạn dục? Xúc chạm nơi thân thể người nữ trang điểm này thật là sung sướng’. Người ấy với người nữ này cùng nhau vui đùa, du hí ở trong đó. Người ấy thọ pháp lạc đó đã thành tựu đầy đủ rồi, khi thân hoại mạng chung thẳng đến chỗ ác, sanh trong địa ngục, mới dấy lên ý nghĩ như vầy, ‘Sa-môn, Phạm chí kia đối với dục thấy những sợ hãi và những tai họa này trong tương lai cho nên đoạn dục và bày ra phương pháp đoạn dục. Chúng ta nhân bởi dục, do tranh với dục, duyên do dục cho nên lãnh sự khổ cùng cực như vậy, sự khổ trọng đại như vậy’.

“Đó gọi là pháp thọ hiện tại lạc mà tương lai chịu quả báo khổ.

“Sao gọi là pháp thọ hiện tại khổ mà tương lai tho quả báo lạc?

“Hoặc có người mà bản tánh nặng đắm dục, nặng đắm nhuế, nặng đắm si, thường tùy tâm dục mà thọ khổ, ưu sầu. Tùy tâm giận dữ, tâm si mê mà thọ khổ, ưu sầu. Người ấy vì khổ, vì ưu sầu mà trọn suốt cuộc sống tu hành phạm hạnh, cho đến khóc lóc rơi lệ. Người kia thọ lãnh pháp này, đã thành tựu đầy đủ, thân hoại mạng chung tất sanh lên chỗ lành, sanh trên các cõi trời.

“Đó là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo khổ?

“Hoặc có Sa-môn, Phạm chí lõa hình, không y phục, hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục; hoặc không múc nước bằng bình, hoặc không múc nước bằng gáo; không ăn đồ ăn xốc xỉa bằng dao gậy, không ăn đồ ăn lừa dối, không tự mình đến, không sai người đi, không làm khách được mời[07], không làm khách được chào đón[08], không là khách được lưu[09], không ăn từ giữa hai người đang ăn, không ăn tại nhà có thai[10], không ăn từ nhà có nuôi chó, không ăn từ nhà có lằng xanh bay đến; không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu, không uống nước dấm[11], hoặc không uống gì cả, học tập hạnh không uống; hoặc ăn một miếng, cho một miếng là đủ[12], hoặc ăn hai, ba, bốn, cho đến bảy miếng, và cho bảy miếng là đủ, hoặc ăn bởi một lần nhận được[13], và cho đến một lần nhận được là đủ, hoặc ăn bởi hai, ba bốn cho đến bảy lần nhận được và cho bảy lần nhận được là đủ, hoặc ăn ngày một lần và cho một lần là đủ, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, nữa tháng, hay một tháng, ăn một lần và cho một lần là đủ; hoặc ăn cỏ[14], hoặc ăn lúa cỏ[15], hoặc ăn nếp tuế, hoặc ăn cám, hoặc ăn gạo đầu-đầu-la[16], hoặc ăn đồ ăn thô; hoặc đến chỗ vô sự[17], y nơi vô sự; hoặc ăn rễ, hoặc ăn trái, hoặc ăn quả tự rụng; hoặc mặc áo khâu đủ thứ vải[18], hoặc mặc áo lông, hoặc mặc áo vải đầu-xá[19], hoặc mặc áo vải đầu-xá bằng lông, hoặc mặc bằng da nguyên, hoặc mặc da có xoi lỗ, hoặc mặc da toàn xoi lỗ; hoặc để tóc xõa, hoặc để tóc bệân, hoặc để tóc vừa xỏa vừa bện, hoặc chỉ cạo tóc, hoặc chỉ cạo râu, hoặc cạo cả râu tóc, hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hổm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường; hoặc nằm cỏ[20], lấy cỏ làm giường; hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc; hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên; hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ đấng Tôn hựu Đại đức, chắp tay hướng về kia. Những sự như vậy thọ khổ vô lượng, học hạnh nóng bức[21]. Vị ấy thọ pháp này khi đã thành tựu đầy đủ rồi, thân hoại mạng chung tất sanh tới chỗ ác, sanh trong địa ngục.

“Đó là thọ pháp hiện tại khổ, tương lai thọ quả báo khổ vậy.

 “Sao gọi là thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc?

“Hoặc có người bản tánh không nặng đắm dục, không nặng đắm sân nhuế, không nặng đắm si. Vị ấy không thường theo tâm dục mà thọ khổ ưu lo, không theo tâm sân nhuế mà thọ khổ ưu lo và không theo tâm si mà chịu khổ, ưu lo. Vị ấy do lạc, do hỷ, trọn cuộc đời mình tu hành phạm hạnh cho đến đạt được tâm hoan hỷ. Vị ấy thọ pháp này, đã thành tựu đầy đủ rồi, năm hạ phần kết dứt sạch, hóa sanh ở chỗ kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại cõi này[22].

“Đó là pháp thọ hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc.

“Thế gian thật sự có bốn thọ pháp như vậy, do đó mà ta giảng thuyết”.

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.45 Cūḷa-dhammasamādhāna-sutta.[02] Bốn thọ pháp 受 法. Pāli: cattārimāni dahammasamādānāni.[03] Hán: trang nghiêm nữ 莊 嚴 女. Pāli: te kho moḷibaddhāhi paribbājikāhi paricārenti, họ đi tìm lạc thú với các nữ du sĩ tóc quấn.[04] Hán: tránh dục 諍 欲, “tranh cãi với dục”. Có lẽ hiểu adhikaraṇa là tranh cãi, thay vì là nguyên nhân hay động cơ.[05] Xuân hậu nguyệt. Pāli: gimhānaṃ pacchime māse, tháng cuối cùng mùa hạ.[06] Hán: nhật chích sách bính 日 炙 坼 迸. Các bản chép khác nhau về nhóm từ này. Bản Cao-li, viết 曰 thay vì nhật 日; bản Cao-li: bỉ 圮, bản Tống: ngạn 岸, thay vì sách 坼. Pāli: māluvāsipāṭikā.[07] Hán: bất lai tôn 不 來 尊. Pāli: na-ehi-bhadantika, “không là Tôn giả được gọi: Mời đến đây!”[08] Hán: bất thiện tôn 不 善 尊. Có lẽ: na-sādhu-bhadantika, “không là Tôn giả được chào đón: Lành thay, Tôn giả!”[09] Hán: bất trụ tôn 不 住 尊. Pāli: na-tiṭṭha-bhadantika, “không là Tôn giả được mời mọc: Hãy ở lại đây, Tôn giả!”[10] Hán: bất hoài nhâm gia thực 不 懷 妊 家 食. Pāli: na gabbhiniyā (paṭiganṇhāti), không (nhận thức ăn) từ người đàn bà mang thai.[11] Hán: ác thủy 惡 水. Pāli: thusodaka, nước lên men.[12] Pāli: ekāgāriko vā hoti ekālopiko, mỗi nhà chỉ nhận một miếng ăn.[13] Hán: thực nhất đắc 食 一 得. Pāli: ekissāpi dattiyā yāpeti, chỉ sống bằng một vật được cho.[14] Hán: thái như 菜 茹. Pāli: sāka-bhakkho.[15] Hán: bại tử 稗 子, loại cỏ giống như lúa. Pāli: sāmāka.[16] Hán: đầu-đầu-la 頭 頭 邏. Pāli: daddula.[17] Hán: chí vô sự xứ 至 無 事 處, đến nơi rừng vắng? Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu: vana-mūla-palāhāro yāpeti.[18] Hán: liên hiệp y 連 合 衣. Pāli: masāṇāni, vải gai lẫn các vải khác.[19] Hán: đầu-xá y 頭 舍 衣. Pāli dussa, vải thô chưa nhuộm màu.[20] Hán: thảo 草; Tống-Nguyên: quả; Minh: 果. Kinh số 18: ngọa quả 臥 果. Pāli: phalaka, (nằm trên) tấm ván. Bản Hán hiểu phala(ka) là trái cây.[21] Hán: Học phiền nhiệt hành 學 煩 熱 行. Pāli: ātāpanaparitāpanānuyogam anuyutto viharati, sống hành theo sự khổ hạnh ép xác.[22] Vị A-na-hàm từ Dục giới chết tái sanh lên Tịnh cư thiên và Niết-bàn tại đó.

-ooOoo-

175. KINH THỌ PHÁP (II)[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm[02].

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Thế gian này có ham muốn như vầy, ước vọng như vầy, yêu thích như vầy, vui sướng như vầy và ý hướng như vầy, ‘Mong sao các pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt; và các pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt sanh ra’. Nó ham muốn như vầy, ước vọng như vầy, yêu thích như vầy, vui sướng như vầy và ý hướng như vầy như vậy. Song, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si. Pháp của Ta rất là sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, khó thông đạt. Như vậy, pháp của Ta rất sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, khó thông đạt, là pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý được sanh. Đó là pháp không ngu si.

“Thế gian này chân thật có bốn thọ pháp. Những gì là bốn? Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ báo lạc.

“Thế nào là pháp thọ hiện tại lạc mà tương lai chịu quả báo khổ? Hoặc có một người tự mình vui sướng, tự mình vui thích trong việc sát sanh. Do nhân sát sanh mà sanh lạc, sanh hỷ. Người đó tự mình, vui sướng, tự mình vui thích trong việc lấy của không cho, nói láo, cho đến tà kiến, nhân nơi tà kiến mà sanh lạc, sanh hỷ. Như vậy, thân lạc, tâm lạc, bất thiện, từ bất thiện mà sanh ra, không hướng đến trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.

“Đó là thọ pháp hiện tại lạc, tương lai chịu quả báo khổ.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai được quả báo lạc? Hoặc có người tự mình khổ, tự mình ưu, đoạn trừ việc sát sanh, do sự đoạn trừ việc sát hại mà sanh khổ, sanh ưu, người đó tự khổ, tự ưu; đoạn trừ việc lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho đến đoạn trừ tà kiến, do đoạn tà kiến mà sanh khổ sanh ưu. Như vậy, thân khổ, tâm khổ, thiện sanh, hướng đến trí, hướng đến giác, hướng đến Niết-bàn.

“Đó là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ đặng quả báo lạc.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ? Hoặc có người tự khổ, tự ưu và sát sanh, do sát sanh mà khổ, sanh ưu. Người đó tự khổ, tự ưu và lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến mà sanh khổ, sanh ưu. Như vậy, thân khổ, tâm khổ, bất thiện từ bất thiện mà sanh, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.

“Đó gọi là pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng phải thọ quả báo khổ.

“Sao gọi là thọ pháp hiện tại an vui mà tương lai cũng thọ quả báo an vui? Hoặc có người tự mình vui sướng, tự mình vui thích, đoạn trừ sát sanh, do đoạn trừ sát sanh mà sanh lạc, sanh hỷ. Người ấy tự mình vui sướng, tự mình vui thích, đoạn trừ lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến. Do đoạn trừ tà kiến cho nên sanh lạc, sanh hỷ. Như vậy, thân lạc và tâm lạc từ thiện mà sanh, hướng đến trí, hướng đến giác, hướng đến Niết-bàn.

“Như thế gọi là thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ quả báo lạc.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo khổ, nhưng người kia do ngu si chẳng biết như thật rằng thọ pháp ấy hiện tại lạc, nhưng tương lai chịu lấy khổ báo. Do không biết như thật nên tập hành không đoạn trừ[03]. Sau khi tập hành không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý sanh; pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt. Cũng như thuốc A-ma-ni-dược[04], một phần có sắc, có hương, có vị, nhưng có trộn chất độc; hoặc có người bị bệnh nên uống, khi uống thì sắc, hương và vị ngon miệng mà không tổn hại cổ họng, nhưng khi uống xong, vào trong bụng rồi lại chẳng thành thuốc. Cũng vậy, thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai phải chịu lấy quả báo khổ. Người kia ngu si không biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai phải chịu quả báo khổ. Khi đã không biết như thật liền tập hành không đoạn trừ. Sau khi tập hành không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Nếu có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai chịu quả báo lạc, song người ấy ngu si không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai sẽ được quả báo an lạc. Khi đã không biết như thật liền không tập hành đoạn trừ. Sau khi không tập hành đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ, song người ngu si không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Khi đã không biết như thật, liền tập hành không đoạn trừ. Khi đã tập hành không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt.

“Cũng như đại tiểu tiện[05] lại trộn lẫn độc, hoặc có người bị bệnh cho nên uống. Khi uống thì nhơ nhớp, hôi thối, không có mùi vị, không ngon miệng mà lại tổn thương cuống họng, uống vào trong bụng lại chẳng thành thuốc. Cũng vậy, pháp thọ này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Người kia ngu si không biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Đã không biết như thật, bèn tập hành sự không đoạn trừ. Do tập hành sự không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai cũng thọ quả báo lạc, nhưng người kia ngu si không biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ báo lạc. Do không biết như thật nên không tập hành sự đoạn trừ. Do không tập hành sự đoạn trừ nên, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Người kia không biết như thật pháp nào nên tập hành, không biết như thật pháp nào không nên tập hành. Do không biết như thật pháp nào không nên tập hành và không biết như thật pháp nào nên tập hành, do đó pháp không nên tập hành lại tập hành, pháp nên hành lại không hành. Do tập hành pháp không nên tập hành và không tập hành pháp nên tập hành, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

“Nếu có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ, người có trí tuệ biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Do biết như thật nên không tập hành nó, mà đoạn trừ nó. Do không tập hành nhưng đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Nếu có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc, người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ nhưng tương lai lại được quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành nó mà không đoạn trừ. Do tập hành mà không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh.

“Cũng như đại tiểu tiện[06] có hòa với nhiều thứ thuốc, hoặc có người bị bệnh uống; khi uống, sắc xấu, hôi thối, không mùi vị, không ngon miệng mà hại đau cuống họng, nhưng uống vào trong bụng lại thành thuốc. Cũng vậy, thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc, người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành nó mà không đoạn trừ. Do tập hành mà không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ, người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ. Do trí biết như thật, vị ấy không tập hành nó, nhưng đoạn trừ. Do không tập hành nó nhưng đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc, người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ. Do tập hành chứ không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Cũng như tô mật hòa với nhiều thứ thuốc, hoặc có người bị bệnh nên uống, khi uống có sắc đẹp, có hương, có vị, ngon miệng mà không tổn thương cuống họng, uống vào bụng lại thành thuốc. Cũng vậy, pháp thọ này hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc. Người trí tuệ biết một cách như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc, tương lai cũng thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ; pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Người đó biết như thật rằng, đây là pháp nên tập hành, biết như thật rằng đây là pháp không nên tập hành. Do biết như thật pháp nào nên tập hành và pháp nào không nên tập hành, vị ấy tập hành pháp nên tập hành, không tập hành pháp không nên tập hành. Do tập hành pháp nên tập hành và không nên tập hành pháp không nên tập hành, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.

“Thế gian quả thật có bốn thọ pháp ấy, vì vậy mà Ta giảng thuyết”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.46. Mahā-Dhammasamādāna-suttam. Hán, biệt dịch, No.83 Phật Thuyết Ứng Pháp Kinh, Trúc Pháp Hộ dịch.[02] Xem cht.2,3 kinh số 10. No.83: Tại Câu loại Pháp trị xứ dịch âm và dịch nghĩa hỗn hợp của Kuru-kammāsaddhamma. Bản Pāli: tại Sāvatthi.[03] Tập hành, bất đoạn 習 行 不 斷. N.83: hành, bất khí 行 不 棄. Làm theo chứ không bỏ”. Pāli: sevati na parivajjiti, phục vụ, không tránh né.[04] A-ma-ni-dược 阿 摩 尼 藥. Pāli: āpānīyakaṃsa, bình đựng nước uống. Trong bản Hán, dược, có lẽ phiên âm từ  -yakaṃsa, không có nghĩa là thuốc.[05] Pāli: pūtimuttam, nước đái quỷ, tức a-ngùy, thường dùng làm thuốc.[06] Xem cht.5 trên.

-ooOoo-

176. KINH HÀNH THIỀN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Trong thế gian quả thật có bốn loại hành thiền. Những gì là bốn? Hoặc có hành thiền xí thạnh mà gọi là suy thoái. Hoặc có hành thiền suy thoái mà gọi là xí thạnh. Hoặc có hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái. Hoặc có hành thiền xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Tại sao gọi là người hành thiền xí thạnh mà cho là suy thoái?

“Người hành thiền kia ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc phát sanh do ly dục, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm người đó tu tập chánh tư duy, đang từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là sự tịch tịnh thù thắng. Người hành thiền đó lại nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền, giác và quán đã tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, có hỷ và lạc phát sanh do định, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó gọi là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền ly hỷ và dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân có cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tam thiền hướng đến đệ Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền đó lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền định, khổ diệt, lạc diệt, hỷ và ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu an trụ nơi Vô lượng không xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu an trụ Vô lượng thức xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả thức vô lượng xứ, nhập Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng: “Tâm ta lìa bốn tướng mà hướng đến chỗ khác, nên mất vô xứ Vô sở hữu xứ, diệt mất định”. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Thế nào là hành thiền suy thoái mà cho là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Nhị thiền, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Sơ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Nhị thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với giác và quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tam thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Nhị thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tam thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Vị hành thiền ly hỷ, ly dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm an trụ lạc, chứng đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tứ thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tam thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tứ thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tứ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô lượng không xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô lượng không xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô lượng thức xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô lượng thức xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô sở hữu xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô sở hữu xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Thế nào là hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái?

“Vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, nhập Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, chứng Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô sở hữu xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô lượng thức xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô sở hữu xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô lượng không xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy bèn nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô lượng thức xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả các sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc sắc, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô lượng không xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định.    Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng đệ Tam thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Tứ thiền; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly hỷ, ly dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi được Thánh xả, niệm, an trú lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng đệ Nhị thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Tam thiền; diệt định’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, giác và quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Sơ thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Nhị thiền; diệt định’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc dục, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Sơ thiền, diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Thế nào là hành thiền mà xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến đệ Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị ấy bèn nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy ly hỷ, ly dục, xả, vô cầu, an trụ, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trụ lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng, Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Thế gian quả thật có bốn loại hành thiền, vì vậy mà Ta giảng thuyết”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 46.

-ooOoo-

177. KINH THUYẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở trong Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp của Câu-lâu[01].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở khởi đầu, vi diệu ở quảng giữa và vi diệu ở đoạn cuối; có văn, có nghĩa, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là kinh ‘Tứ Chủng Thuyết’. Sau đây Ta sẽ phân biệt nghĩa lý của kinh ‘Tứ Chủng Thuyết’. Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy khéo tư niệm. Ta sẽ nói”.

Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lời dạy, lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Thế nào gọi là phân biệt nghĩa lý của kinh Tứ Chủng Thuyết?

“Nếu có Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng và tiêu đích, mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với dục lạc, bèn thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy phải nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển. Do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy phải nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, khiến an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta an trụ, mà định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ niệm tưởng tương ưng với đệ Nhị thiền, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng: ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly tởm. Ta sanh pháp này khiến ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc đệ Nhị thiền’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích mà ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly. Như vậy, không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Sơ thiền, thành tựu sự thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Tam thiền, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc đệ Tam thiền’. Thầy Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này nên khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Nhị thiền, thành tựu sự thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thoái chuyển, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ; và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó định này của ta chắn chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, xả, an trụ vô cầu, với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Tứ thiền, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đệ Tứ thiền’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, ly hỷ, dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu sự vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này nên có thể khiến ta bị yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với đệ Tam thiền, thành sự thối thất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên khiến ta bị thối thất, do đó định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có; không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô lượng không xứ, với sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Vô lượng không xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu sự vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và an trụ Vô lượng không xứ. Nhưng vị ấy chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với ái lạc sắc, thành tựu sự thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và an trụ Vô lượng không xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này có thể khiến ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và an trụ Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô lượng thức xứ, thành tựu thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Vô lượng thức xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu và an trụ Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái, không trụ, cũng không thăng tiến. Ta sanh pháp này có thể khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô lượng không xứ, thành tựu thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô sở hữu xứ, thành tựu thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc Vô sở hữu xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu và an trụ Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với tịch diệt, tịch tĩnh, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến; vì ta sanh pháp này nên khiến ta yểm ly, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Vô lượng thức xứ, thành tựu thoái chuyển, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không trụ, không tiến, cũng không yểm ly. Ta sanh pháp này khiến ta bị thối thất, do đó, định này của ta không tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, và vị ấy chấp thọ sở hành này, suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, lập niệm đúng như pháp, an trụ với ý chuyên nhất, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không tiến, cũng không yểm ly; vì ta sanh pháp này nên ta được an trụ, do đó, định này của ta chắc chắn tồn tại lâu dài’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu sự thăng tiến, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không yểm ly; vì ta sanh pháp này nên ta được thăng tiến, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng đắc phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo với sở hành, đối tượng, tiêu đích, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy không chấp thọ sở hành này, không suy niệm trên đối tượng, tiêu đích này, mà chỉ hành niệm tưởng tương ưng với sự nhàm tởm, thành tựu vô dục, thì Tỳ-kheo ấy nên biết rằng ‘Ta sanh pháp này mà không thoái chuyển, không trụ, cũng không thăng tiến; vì ta sanh pháp này nên khiến ta nhàm tởm, như vậy không bao lâu nữa sẽ chứng quả lậu tận’. Tỳ-kheo ấy nên biết như vậy.

“Có tưởng và có tri[02]. Ngang mức ấy còn được tri; cho đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ là hành dư cao hơn hết trong sự hữu[03]. Tỳ-kheo hành thiền hãy phát khởi theo như vậy, hãy thuyết giảng lại cho người khác biết.

Đức Phật thuyết như vậy, các thầy Tỳ-kheo sau khi Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Xem các Kinh số 10, 55, 169.[02] Tưởng tri, hay tưởng thọ; chỉ tất cả thiền định, trừ diệt tận định. Ở định Phi tưởng phi tưởng xứ chỉ tồn tại hai yếu tố nay. Vượt lên nữa, là diệt tận định hay tưởng thọ diệt tận định.[03] Hành dư đệ nhất hữu.

-ooOoo-

178. KINH LẠP SƯ[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Người thợ săn khi bẫy mồi nai, không có tâm như vầy ‘Mong cho nai được béo mập, được tốt đẹp, được sức lực, được sung sướng, sống lâu’. Nhưng người thợ săn bẫy mồi nai với tâm như vầy ‘Bẫy mồi là chỉ muốn chúng đến gần để ăn; đã đến gần để ăn thì sẽ kiêu loạn phóng dật, mà đã kiêu sa phóng dật thì sẽ tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Người thợ ăn bẫy mồi nai với tâm như vậy.

“Đàn nai thứ nhất đến gần đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn, bèn sanh kiêu sa phóng dật rồi do kiêu loạn phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Đàn nai thứ hai suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ nhất đã đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn, bèn sanh kiêu loạn phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta đừøng ăn đồ ăn của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương nơi rừng vắng an toàn[02], ăn cỏ uống nước được chăng?’ Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ hai liền bỏ mặc đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước. Đến tháng cuối mùa Xuân[03], cỏ nước đều hết, thân thể chúng rất gầy ốm, khí lực hao mòn và rồi lại bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Như vậy là đàn nai thứ hai cũng không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Đàn nai thứ ba lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ nhất và thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nhưng ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn đồ ăn của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu sa phóng dật. Do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ ba liền tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nhưng ở một nơi không xa. Sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Ăn mà không đến gần nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ ba này khôn lanh kỳ lạ! Quả thật, rất khôn lanh! Vì sao? Vì chúng ăn đồ ăn của ta mà ta không thể bắt được. Nay ta hãy bủa vòng lưới chạy dài. Sau khi bủa lưới chạy dài chắc sẽ biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bủa vòng lưới chạy dài và sau đó biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba. Như vậy, đàn nai thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Đàn nai thứ tư lại suy nghĩ, ‘Đàn nai thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không đến được. Sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật. Do không kiêu sa phóng dật, sẽ không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ tư liền nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không kiêu sa phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn lại suy nghĩ rằng: “Đàn nai thứ tư này ranh mãnh xảo trá kỳ lạ! Quả thật ranh mãnh xảo trá, nếu ta xua đuổi chúng, chắc chắn không thể được, vì những nai con khác sẽ kinh sợ bỏ chạy tán loạn. Vậy ta hãy cứ bỏ mặc đàn nai thứ tư này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bỏ mặc.

“Như vậy là đàn nai thứ tư thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn.

“Này Tỳ-kheo, ta nói thí dụ này là muốn các giải rõ ý nghĩa. Nay Ta nói đây, các ngươi hãy quán sát nghĩa lý:

“Đồ mồi của thợ săn, nên biết, đó là năm công đức của dục[04]: mắt biết sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm. Đồ mồi của thợ săn, nên biết, đó là năm niệm công đức của dục. Người thợ săn, nên biết, đó chính là Ác ma vương. Quyến thuộc của thợ săn, nên biết, đó chính là quyến thuộc của Ma vương. Đàn nai, nên biết đó chính là Sa-môn, Phạm chí vậy.

“Sa-môn, Phạm chí thứ nhất đến gần ăn đồ mồi của Ma vương, là ăn của tín thí thế gian. Những vị ấy sau khi đến gần đồ ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật. Rồi do kiêu loạn phóng dật nên bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.

“Ví như đàn nai thứ nhất đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán sát các Sa-môn, Phạm chí kia cũng giống như vậy.

“Sa-môn, Phạm chí thứ hai lại suy nghĩ rằng, ‘Sa-môn, Phạm chí thứ nhất đến gần ăn đồ mồi của Ma vương, là ăn của tín thí thế gian. Những vị ấy sau khi đến gần đồ ăn bèn sanh kiêu loạn phóng dật. Rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương. Nay ta hãy từ bỏ đồ mồi của tín thí thế gian, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, chỉ ăn trái cây và rễ cây’. Sau khi suy nghĩ, Sa-môn, Phạm chí thứ hai liền từ bỏ đồ ăn của tín thí thế gian, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, chỉ ăn trái cây và rễ cây. Đến tháng cuối Xuân, trái cây và rễ cây đều hết, thân thể những vị ấy rất gầy ốm, khí lực hao mòn, nên tâm giải thoát, tuệ giải thoát cũng hao mòn. Và tâm giải thoát, tuệ giải thoát đã hao mòn nên trở lại bị tùy thuộïc Ma vương và quyến thuộc của Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ hai cũng không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.

“Ví như đàn nai thứ hai suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ nhất đến gần để ăn đồ mồi của thợ săn. Sau khi chúng đến gần để ăn bèn sanh kiêu sa phóng dật, rồi do kiêu sa phóng dật nên bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ nhất không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy từ bỏ đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước được chăng? Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ hai liền từ bỏ đồ mồi của thợ săn, tránh xa chỗ đáng sợ, nương ở nơi rừng vắng an toàn, ăn cỏ uống nước. Đến tháng cuối Xuân, cỏ nước đều hết, thân thể chúng rất gầy ốm, khí lực hao mòn, và rồi lại bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Như vậy là đàn nai thứ hai không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán sát Sa-môn, Phạm chí thứ hai kia cũng giống như vậy.

“Sa-môn, Phạm chí thứ ba lại suy nghĩ rằng, ‘Sa-môn, Phạm chí thứ nhất và thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Nay ta hãy tránh xa Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nương ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương’. Sau khi suy nghĩ, Sa-môn, Phạm chí thứ ba liền tránh xa Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nương ở một nơi không xa, sau đó ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần, nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu sa phóng dật nên không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương, nhưng còn chấp thủ hai kiếân chấp, hữu kiến và vô kiến. Những vị ấy do chấp thủ hai kiến chấp này nên rồi cũng bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương.

“Ví như đàn nai thứ ba lại suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ nhất và đàn nai thứ hai, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Nay ta hãy tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nương ở một nơi không xa, sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dâït thì không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ ba liền tránh xa thợ săn và quyến thuộc thợ săn, nương ở một nơi không xa, sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không ỷ thị, phóng dật, rồi do không ỷ thị phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn suy nghĩ rằng ‘Đàn nai thứ ba này khôn lanh kỳ lạ! Quả thật rất khôn lanh. Vì sao vậy? Vì chúng ăn đồ mồi của ta mà không thể bắt được. Nay ta hãy bủa vòng lưới chạy dài. Sau khi bủa vòng lưới chạy dài, chắc sẽ biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bủa vòng lưới chạy dài và sau đó biết được chỗ ở, đường lui tới của đàn nai thứ ba. Như vậy là đàn nai thứ ba cũng không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Chỗ ở, nên biết đó chính là hữu kiến. Đường lui tới, nên biết đó chính là vô kiến. Các ngươi hãy quán sát Sa-môn, Phạm chí thứ ba cũng giống như vậy.

“Sa-môn, Phạm chí thứ tư lại suy nghĩ rằng, ‘Sa-môn, Phạm chí thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Nay ta hãy nương ở một nơi mà Ma vương và quyến thuộc Ma vương không thể đến được, sau đó hãy ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dật thì không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc của Ma vương’. Sau khi suy nghĩ, Sa-môn Phạm chí thứ tư này liền nương ở một nơi mà Ma vương và quyến thuộc Ma vương không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của thế gian tín thí mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc Ma vương và quyến thuộc Ma vương. Như vậy là Sa-môn, Phạm chí thứ tư thoát khỏi cảnh giới của Ma vương và quyến thuộc của Ma vương.

“Cũng như đàn nai thứ tư lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ nhất, thứ hai và thứ ba, tất cả đều không thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc của thợ săn. Nay ta hãy nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không đến được, sau đó hãy ăn đồ mồi của thợ săn mà đừng đến gần. Đã ăn mà không đến gần thì không kiêu loạn phóng dật, không kiêu sa phóng dật thì không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn’. Sau khi suy nghĩ, đàn nai thứ tư liền nương ở một nơi mà thợ săn và quyến thuộc thợ săn không thể đến được, sau đó ăn đồ mồi của thợ săn mà không đến gần. Đã ăn mà không đến gần nên không kiêu loạn phóng dật, rồi do không kiêu loạn phóng dật nên không bị tùy thuộc thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Người thợ săn và quyến thuộc thợ săn lại suy nghĩ rằng, ‘Đàn nai thứ tư này khôn lanh xảo quyệt kỳ lạ! Quả thật rất khôn lanh xảo quyệt, nếu ta xua đuổi chúng, chắc chắn không thể được vì những con nai khác sẽ kinh sợ bỏ chạy tán loạn. Vậy ta hãy bỏ mặc đàn nai thứ tư này’. Sau khi suy nghĩ, thợ săn và quyến thuộc thợ săn liền bỏ mặc. Như vậy là đàn nai thứ tư thoát khỏi cảnh giới của thợ săn và quyến thuộc thợ săn. Các ngươi hãy quán rằng Sa-môn, Phạm chí thứ tư cũng giống như vậy.

“Này Tỳ-kheo, phải nên học chỗ ở, đường lui tới như vậy để khiến Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo tâm câu hữu với từ, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ. Như vậy cho đến hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới, phổ biến khắp cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán, không nhuế, không hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng như vậy, đối với bi và hỷ. Tâm câu hữu với xả, biến mãn cả một phương, thành tựu và an trụ. Như vậy cho đến hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới, phổ biến khắp cả, tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không sân, không nhuế, không hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo vượt qua tất cả các sắc tưởng, cho đến thành tựu và an trụ Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Lại nữa, chỗ nào mà Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được? Đó là Tỳ-kheo vượt qua tất cả Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, nhập tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ kiến mà vĩnh viễn diệt tận các lậu. Đó gọi là chỗ Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được.

“Này Tỳ-kheo, chỗ ở và đường lui tới như vậy khiến Ma vương và quyến thuộc của Ma vương không thể đến được. Các ngươi hãy nên học như vậy”.

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 47. Tương đương Pāli: M. 25. Nivāpa-suttaṃ.[02] Hán: vô sự xứ 無 事 處. Pāli: araññāyatana.[03] Hán: xuân hậu nguyệt 春 後 月. Pāli: gimhānaṃ pacchime māse, vào tháng cuối mùa hạ.[04] Ngũ dục công đức 五 欲 功 德. Pāli: pañca kāma-guṇā, năm phẩm chất của dục vọng.-ooOoo-

179. KINH NGŨ CHI VẬT CHỦ[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Ngũ Chi Vật chủ[02] vào buổi sáng sớm rời khỏi nước Xá-vệ, đi đến chỗ Phật để cúng dường lễ bái. Ngũ Chi Vật chủ suy nghĩ: “Dù có đến chỗ Đức Phật thì Đức Thế Tôn và các Tỳ-kheo vẫn còn đang thiền tịnh. Vậy ta hãy đi đến khu vườn của Dị học Nhất Sa-la Mạt-lị[03].”

Rồi thì Ngũ Chi Vật chủ bèn ghé lại chỗ du hí hoan lạc gần hàng cây Cân-đầu-a-lê[04], đi đến khu vườn Dị học nhất sa-la mạt-lị[05].

Bấy giờ, trong khu vườn Dị học nhất sa-la mạt-lị có một dị học tên là Sa-môn Văn-kì Tử[06], là đại tông chủ ở trong chúng đó, là tôn sư của nhiều người, được nhiều người kính trọng, thống lãnh một đại chúng gần năm trăm dị học sư. Ông đang ở giữa đám đông ồn ào, lớn tiếng, âm thanh huyên náo, luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh[07], như: bàn chuyện vua chúa, bàn chuyện trộm cướp, bàn chuyện đấu tranh, bàn chuyện ăn uống, bàn chuyện áo chăn, bàn chuyện phụ nữ, bàn chuyện đàn bà, bàn chuyện con gái, bàn chuyện dâm nữ, bàn chuyện thế gian, bàn chuyện tà đạo, bàn chuyện trong biển; đại loại như thế, chúng tụ tập luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh.

Dị học Sa-môn Văn-kì Tử trông thấy Ngũ Chi Vật chủ từ xa đang đi đến, liền ra lệnh bảo chúng của mình im lặng, rằng:

“Các người hãy im lặng, đừng nói nữa. Hãy tự thu liễm. Có đệ tử của Sa-môn Cù-đàm là Ngũ Chi Vật chủ sắp đến đây. Trong số những đệ tử tại gia của Sa-môn Cù-đàm ở nước Xá-vệ này không ai hơn được Ngũ Chi Vật chủ. Vì sao vậy? Vì ông ấy ưa thích sự im lặng, ca ngợi sự im lặng. Nếu ông ấy thấy hội chúng đây im lặng, có thể sẽ đến thăm”.

Bấy giờ, Dị học Sa-môn Văn-kì Tử bảo hội chúng im lặng rồi, tự mình cũng im lặng.

Khi ấy, Ngũ Chi Vật chủ đi đến chỗ Dị học Sa-môn Văn-kì Tử, cùng nhau chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên. Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói:

“Này Vật chủ[08], nếu có bốn sự, ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực. Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống bằng tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu có bốn sự này, ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực”.

Ngũ Chi Vật chủ nghe Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, không cho là phải, không cho là trái, từ chỗ ngồi đứng dậy, bước đi với ý niệm: “Với lời như vậy, ta phải đích thân đi đến Thế Tôn thưa hỏi nghĩa này”. Rồi ông đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống mộït bên, đem những điều đã bàn luận với Dị học Sa-môn Văn-kì Tử thuật lại hết với Đức Phật.

Đức Thế Tôn nghe xong, nói rằng:

“Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, nếu quả thật như vậy thì trẻ sơ sanh tay chân mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, cũng sẽ thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về thân, huống nữa là tạo nghiệp ác của thân. Nó chỉ có thể cử động thân. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về miệng, huống nữa là nói ác. Nó chỉ biết khóc. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về niệm, huống nữa là niệm ác duy chỉ biết bập bẹ[09]. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về mạng, huống nữa là sống tà mạng, duy chỉ suy niệm đến sữa mẹ. Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, như vậy thì trẻ sơ sanh cũng thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực.

“Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.

“Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.

“Này Vật chủ, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ta chủ trương đó là giới.

“Này Vật chủ, niệm, Ta chủ trương đó là tâm sở hữu đi theo với tâm.

“Này Vật chủ, ta nói nên biết giới bất thiện. Nên biết giới bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới bất thiện.

“Này Vật chủ, ta nói nên biết giới thiện. Nên biết giới thiện phát sanh từ đâu? Nên biết giới thiện bị diệt không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới thiện.

“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm bất thiện. Nên biết niệm bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ niệm bất thiện.

“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm thiện. Nên biết niệm thiện phát sanh từ đâu? Nên biết niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết Hiền Thánh làm thế nào để diệt trừ niệm thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới bất thiện?

“Thân hành bất thiện, miệng, ý hành bất thiện. Đó gọi là giới bất thiện.

“Này Vật chủ, giới bất thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Thế nào gọi là tâm? Nếu tâm có dục, có nhuế, có si, nên biết giới bất thiện phát sanh từ tâm này.

“Này Vật chủ, giới bất thiện bị diệt trừ, không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện về thân, tu tập nghiệp thiện về thân; xả bỏ nghiệp bất thiện về miệng, ý, tu tập nghiệp thiện về miệng, ý. Đây là giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, đệ tử Hiền thánh làm thế nào diệt trừ giới bất thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới bất thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới thiện? Thân hành thiện, miệng, ý hành thiện. Đó gọi là giới thiện.

“Này Vật chủ, giới thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Thế nào gọi là tâm? Nếu tâm không có dục, không có nhuế, không có si, nên biết giới thiện phát sanh từ tâm này.

“Này Vật chủ, giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nếu Đa văn Thánh đệ tử hành trì giới mà không dính trước nơi giới, đây là giới thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ giới thiệïn? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là niệm bất thiện? Suy niệm về niệm dục, niệm nhuế, niệm hại. Đó gọi là niệm bất thiện.

“Này Vật chủ, niệm bất thiện này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng. Thế nào gọi là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa chủng, vô lượng chủng, hoặc dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng dục giới[10] mà sanh niệm bất thiện tương ưng với dục giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với dục giới.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng nhuế giới, hại giới cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với nhuế và hại giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với nhuế, hại giới. Đó là niệm bất thiện phát sanh từ tưởng này.

“Này Vật chủ, niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nếu Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, đây là niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ niệm bất thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp; như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm bất thiện.

“Này Vật chủ, thế nào gọi là niệm thiện? Suy niệm về niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại[11]. Đó gọi là niệm thiện.

“Này Vật chủ, niệm này phát sanh từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng. Thế nào gọi là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa chủng, vô lượng chủng, hoặc vô dục tưởng, vô nhuế tưởng, vô hại tưởng.

Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô dục giới cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô dục giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm thiện, tương ưng với vô dục giới.

“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô nhuế, vô hại giới cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô nhuế, vô hại giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô nhuế, vô hại giới. Đó là niệm thiện phát sanh từ tưởng này.

“Này Vật chủ, niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nếu Đa văn Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ, đây là niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.

“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để diệt trừ niệm thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm thiện.

“Này Vật chủ, nếu Đa văn Thánh đệ tử do tuệ quán sát biết đúng như thật giới bất thiện, biết đúng như thật giới bất thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật giới bất thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới bất thiện.

“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật giới thiện, biết đúng như thật giới thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật giới thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới thiện.

“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật niệm bất thiện, biết đúng như thật niệm bất thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật niệm bất thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm bất thiện.

“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật niệm thiện, biết đúng như thật niệm thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật niệm thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm thiện.

“Vì sao vậy? Vì nhân chánh kiến nên sanh chánh chí[12], nhân chánh chí nên sanh chánh ngữ, nhân chánh ngữ nên sanh chánh nghiệp, nhân chánh nghiệp nên sanh chánh mạng, nhân chánh mạng nên sanh chánh phương tiện[13], nhân chánh phương tiện nên sanh chánh niệm, nhân chánh niệm nên sanh chánh định. Hiền thánh đệ tử đã định tâm như vậy rồi, liền giải thoát tất cả dâm, nộ, si.

“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử đã chánh tâm giải thoát như vậy rồi, liền biết đúng như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó gọi là học kiến đạo[14] thành tựu tám chi, và A-la-hán lậu tận đã thành tựu mười chi[15].

“Này Vật chủ, thế nào gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi? Đó là học chánh kiến cho đến chánh định. Như vậy gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi.

“Thế nào gọi là A-la-hán lậu tận thành tựu mười chi? Đó là vô học chánh kiến cho đến vô học chánh trí[16]. Như vậy gọi là A-la-hán lậu tận thành tựu mười chi.

“Này Vật chủ, nếu người nào có mười chi, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực”.

Phật thuyết như vậy. Ngũ Chi Vật chủ và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.78 Samaṇamaṇḍikā-sutta.[02] Ngũ Chi Vật chủ 五 支 物 主, Pāli: Pancakaṅga thapati, một người thợ mộc.[03] Nhất sa-la mạt-lị dị học viên 一 娑 邏 未 利 異 學 園; Pāli: yena samayappavādo tindukāciro ekasālako Mallikāya aeāmo tena…, đi đến khu vườn Mallika, tại nhà hội Ekasālaka có hàng cây tinduka bao quanh (xem chú thích 5 ở dưới).[04] Cân-đầu-a-lê 巾 頭 阿 梨; xem cht.5 dưới đây.[05] Mallikārāma, là một khu rừng để thưởng ngoạn ở trong thành Sāvatthi của hoàng hậu Mallikā (Mạt-lị phu nhân). Tại đây, trước tiên chỉ có một ngôi nhà độc nhất, nhưng sau được du sĩ ngoại đạo Poṭṭhapāda dựng lên nhiều cái nữa, do đó được gọi là Ekasālaka (Hán: Nhất sa-la); với hàng rào bằng cây Tinduka (tên khoa học: Diospyros embryopters) nên cũng được gọi là Tindukācirā ( Hán: cân-đầu-a-lê). Khu vườn cũng được gọi là Samayappavālaka, một hội trường để tranh luận các vấn đề tà chánh.[06] Sa-môn Văn-kì Tử 娑 門 文 祁 子. Pāli: Samaṇamaṇḍikāputta, con trai của Samaṇamaṇḍikā, tên thật là Uggāhamana.[07] Súc sanh luận 畜 生 論. Pāli: tiracchāna-kathā, luận bàn phiếm, vô ích. Đoạn kế kể các đề tài được nói là Súc sanh luận.[08] Vật chủ 物 主. Pāli: Thapati, thợ mộc.[09] Trong bản Hán có sự nhầm lẫn về thứ tự mạng và niệm.[10] Dục giới tưởng; đây không chỉ cho giới hệ hay cõi, mà là giới loại. Đoạn kinh này đề cập ba bất thiện giới: dục giới, sân giới, hại giới (Pāli: tisso akisala-dhātuyo, kāma-dhātu, vyāpāda-dhātu, vihiṃsa-dhātu). Xem Pháp Uẩn Túc Luận 11 (No.1537, Đại 26, trang 503c).[11] Ba thiện giới. Xem cht.10 trên.[12] Chánh chí, tức chánh tư duy.[13] Chánh phương tiện, tức chánh tinh tấn.[14] Hán: học kiến tích 學 見 跡, chỉ giai đoạn kiến đạo của hàng hữu học. Xem thêm cht. dưới.[15] Hàng hữu học ở địa vị kiến đạo, tu tập và thành tựu tám chi Thánh đạo để thấy lý Tứ đế. Bậc A-la-hán lậu tận thành tựu mười vô học chi. Xem Tỳ-bà-sa 92 (No.1545, trang Đại 27, tr.479 a và tt).[16] Tám vô học chi của Thánh đạo, thứ 9 vô học chánh giải thoát và 10 vô học chánh trí (xem giải thích Tập dị 20 Đại 26, trang 452 c).

-ooOoo-

180. KINH CÙ-ĐÀM-DI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Thích-ki-sấu, ở tại Gia-bệ-la-vệ, trong vườn Ni-câu-loại[02].

Bấy giờ, Ma-ha Bá-la-xà-bát-đề Cù-đàm-di[03] đem một chiếc y mới sắc vàng, dệt bằng kim tuyến, đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên rồi thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn. Mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho.

Đức Thế Tôn nói:

“Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường đại chúng.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Đại Sanh Chủ[04] Cù-đàm-di vẫn thưa:

“Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn. Mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, Đức Thế Tôn cũng vẫn nói:

“Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường đại chúng.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng phía sau Đức Thế Tôn, cầm quạt hầu Phật, liền thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, đại Sanh Chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Thế Tôn nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Thế Tôn sau khi thân mẫu Thế Tôn qua đời”.

Đức Thế Tôn nói:

“Này A-nan, thật sự như vậy. Này A-nan, thật sự như vậy. Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Ta nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Ta sau khi thân mẫu Ta qua đời. Nhưng này A-nan, ta cũng đem lại cho Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di nhờ Ta mà được quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ Ba ngôi tôn quý, Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu. A-nan, nếu có người nhờ ngưới mà được quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý, không nghi ngờ Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu, thì người này cúng dường lại người kia, dù cho đến suốt đời, uống ăn, áo chăn, giường chõng, thuốc thang và đủ các thứ vật dụng cho đời sống, vẫn chưa thể đền ơn.

“Lại nữa, này A-nan, có bảy loại bố thí cho Tăng chúng, và có mười loại bố thí riêng cho từng người, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, thế nào gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng sẽ đượïc đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn?

“Thiện nam tử hay thiện nữ nhân có tín tâm[05] khi Phật còn tại thế, Phật là vị đứng đầu, mà bố thí cho Phật và chúng Tỳ-kheo, như vậy gọi là loại bố thí thứ nhất cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Thiện nam tử hay thiện nữ nhân có tín tâm, sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn không lâu, bố thí cho cả hai bộ chúng, bố thí cho chúng Tỳ-kheo, bố thí cho chúng Tỳ-kheo-ni; đi vào tinh xá Tỳ-kheo bạch với chúng rằng ‘Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo để chúng con được bố thí’; đi vào tinh xá Tỳ-kheo-ni bạch với chúng rằng ‘Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo-ni để chúng con được bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí thứ năm cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, trong thời tương lai, có Tỳ-kheo thuộc loại danh tánh[06], khoác áo cà-sa mà không tinh tấn, vị ấy đã không tinh tấn, không tinh cần mà vẫn được bố thí vì có ở trong chúng, duyên nơi chúng, ở trên chúng, nhân nơi chúng, Ta nói lúc bấy giờ thí chủ sẽ được phước vô lượng không thể đếm, không thể kể, được thiện, được lạc; huống nữa là bố thí cho Tỳ-kheo thành tựu hành sự[07], thành tựu trừ sự[08], thành tựu cả hành sự và trừ sự, thành tựu chất trực, thành tựu nhu nhuyến, thành tựu cả chất trực và nhu nhuyến, thành tựu nhẫn, thành tựu lạc, thành tựu cả nhẫn và lạc, thành tựu tương ưng, thành tựu kinh kỹ, thành tựu cả tương ưng và kinh kỹ, thành tựu oai nghi, thành tựu hành lai du[09], thành tựu cả oai nghi và hành lai du[10], thành tựu tín, thành tựu giới, thành tựu đa văn, thành tựu thí, thành tựu tuệ, thành tựu cả tín, giới, đa văn, thí, tuệ. Như vậy gọi là loại bố thí thứ bảy cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Đó gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, thế nào gọi là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, quả báo rộng lớn?

“Thiện nam tử hay thiện nữ có tín nhân bố thí cho Đức Như Lai, bố thí cho Duyên giác, bố thí cho A-la-hán, bố thí cho A-la-hán hướng, bố thí cho A-na-hàm, bố thí cho A-na-hàm hướng, bố thí cho Tư-đà-hàm, bố thí cho Tư-đà-hàm hướng, bố thí cho Tu-đà-hoàn, bố thí cho Tu-đà-hoàn hướng, bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục, bố thí cho người tinh tấn, bố thí cho người không tinh tấn, bố thí cho súc sanh.

“Này A-nan, bố thí cho súc sanh được phước trăm lần hơn.

“Bố thí cho người không tinh tấn được phước ngàn lần hơn.

“Bố thí cho người tinh tấn được phước trăm ngàn lần hơn.

“Bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục được phước ức trăm ngàn lần hơn.

“Bố thí cho vị Tu-đà-hoàn hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc Tu-đà-hoàn được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị Tư-đà-hàm hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc Tư-đà-hàm được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị A-na-hàm hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc a-na-hàm được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị A-la-hán hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc A-la-hán được phước vô lượng.

“Huống nữa là bố thí cho Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

“Đây là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo.

“Lại nữa, này A-nan, có bốn loại bố thí và chỉ ba loại được thanh tịnh.

“Những gì là bốn? Có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận. Có loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, chứ không phải do thí chủ. Có loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận. Có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận? Là thí chủ thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo[11]. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Còn người thọ nhận thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhậïn.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ? Là thí chủ thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Còn người thọ nhận thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận? Là thí chủ thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Và người thọ nhận cũng không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy? Là thí chủ thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Và người thọ nhận cũng tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Người tinh tấn thí người không tinh tấnThí đúng pháp được tâm hoan hỷVì tin có nghiệp và quả báoLoại thí này thí chủ thanh tịnh. Không tinh tấn thí người tinh tấnKhông đúng pháp, không tâm hoan hỷVì không tin nghiệp và quả báoLoại thí này người nhận thanh tịnh.Người giải đãi thí không tinh tấnKhông đúng pháp, không tâm hoan hỷVì không tin nghiệp và quả báoLoại thí này không được quảng báoNgười tinh tấn thí người tinh tấnLà đúng pháp, được tâm hoan hỷVì tin có nghiệp và quả báoLoại thí này đạt được quảng báo.Kẻ nô tỳ và kẻ bần cùngHoan hỷ tự mình làm bố thíVì tin có nghiệp, có quả báoBố thí như vậy thiên nhân khen.Khéo léo giữ gìn cả thân miệngĐưa tay cầu xin đúng Chánh pháp Người ly dục thí người ly dụcĐó chính là tài thí đệ nhất.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.142 Dakkhiṇāvibhaṅga-sutta. Hán, biệt dịch, No.84 Phật Thuyết Phân Biệt Bố Thí Kinh, Tống Thi Hộ dịch.[02] Thích-ki-sấu, Ca-bệ-la-vệ, Ni-câu-loại thọ viên 釋 羈 瘦, 加 鞞 羅 衛, 尼 拘 顃 樹 園. Pāli: Sakkesu viharati Kapilavatthusmiṃ nigrodhārāme, sống những người họ Thích, trong tinh xá (vườn) Nigrodha, Ca-tì-la-vệ.[03] Ma-ha Bá-la-xà-bát-đề Cù-đàm-di 摩 訶 簸 邏 闍 鉢 提 瞿 曇 彌. Thường đọc theo phiên âm là Ma-ha Ba-xà-ba-đề, dịch là Đại Ái Đạo; đoạn dưới dịch là Đại Sanh Chủ. Xem kinh 116. Pāli: Mahā-Pajāpati Gotamī.[04] Đại Sanh Chủ 大 生 主, xem cht. trên.[05] Tín tộc tánh nam, tộc tánh nữ.[06] Danh tánh chủng, chỉ Tỳ-kheo chỉ có danh tự, chứ không có thực chất (?). Pāli: Gotrabhuno.[07] Tức bốn hành: không an ổn, an ổn, điều phục và tịch tịnh. Chúng đệ tử Phật hành ba loại sau. Tham chiếu Pāli, D. 33. Saṅgīti-suttanta: catasso paṭipadā: akkhamā paṇipadā (không kham nhẫn), khamā paṭipadā (kham nhẫn), damā paṭipadā (điều phục), samā paṭipadā (tịch tĩnh).[08] Trừ sự, trong kinh 215, tám thắng xứ được gọi là tám trừ xứ, nhưng ở đây trừ sự có thể chỉ cho bốn thông hành (xem kinh số 215 ở sau).[09] Hành lai du, tham khảo Pháp Uẩn 3 (No.1537, Đại 26, trang 463 b), được gọi là Pháp tùy, tức tám chi Thánh đạo. Chúng đệ tử của Phật tùy thuận du lịch thiệp hành trong đó.[10] Mười sự thành tựu trên đây, trừ những thành tựu: nhu nhuyến, nhẫn và lạc, còn lại có thể so với những đức tánh Tăng bảo thường được tán thán, mà theo văn của Tập Dị và Pháp Uẩn như vầy: “Cụ túc diệu hành, chất trực hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, tùy pháp hành”.[11] Kiến lai kiến quả; Xem Tập Dị (No.1536, Đại 26, trang 402): hữu y kiến, hữu quả kiến.

-ooOoo-

181. KINH ĐA GIỚI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ[02].”

Rồi Tôn giả A-nan vào lúc xế chiều, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ”.

Thế Tôn nói rằng:

“Thật vậy, A-nan, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, cũng như lửa dậy từ bụi lau, bụi cỏ, cháy luôn cả lầu các, điện đường. Này A-nan, cũng vậy, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong quá khứ, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời vị lai, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời hiện tại, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.   “Này A-nan, đó gọi là, ngu si có sợ hãi, trí tuệ không sợ hãi; ngu si có vấp ngã, tai hoạn, ưu não; trí tuệ không có vướng tai hoạn, ưu não.

“Này A-nan, những ai có sợ hãi, vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng có thể tìm thấy nơi ngu si chứ không phải nơi trí tuệ.

Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan buồn rầu, khóc lóc, nước mắt chảy, chấp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo ngu si, không phải trí tuệ[03]?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào không biết giới, không biết xứ, không biết nhân duyên, không biết thị xứ phi xứ[04]. A-nan, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải trí tuệ.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải là trí tuệ. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo trí tuệ, không phải ngu si?”

Thế Tôn đáp rằng:

“A-nan, nếu Tỳ-kheo nào biết giới, biết xứ, biết nhân duyên, biết thị xứ phi xứ; A-nan, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết giới?”

Thế Tôn nói:

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về mười tám giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: dục giới, nhuế giới, hại giới, vô dục giới, vô nhuế giới, vô hại giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: lạc giới, khổ giới, hỷ giới, ưu giới, xả giới, vô minh giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới: thọ giới, tưởng giới, hành giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: sắc giới, vô sắc giới, diệt giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: quá khứ giới, vị lai giới, hiện tại giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: diệu giới, bất diệu giới, trung giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: thiện giới, bất thiện giới, vô ký giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: học giới, vô học giới, phi học vô học giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về hai giới: hữu lậu giới, vô lậu giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về: hữu vi giới, vô vi giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Này A-nan, thấy và biết như thật về sáu mươi hai giới này. A-nan, Tỳ-kheo thấy và biết như thật về giới như vậy”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết giới như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết xứ?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười hai xứ: nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ. A-nan, thấy và biết như thật về mười hai xứ này. Này A-nan, Tỳ-kheo biết xứ như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Tỳ-kheo biết xứ như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết nhân duyên[05]?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về nhân duyên và pháp khởi từ nhân duyên, rằng ‘Nhân cái này có, cái kia có; cái này không, cái kia không. Cái này sanh, cái kia sanh; cái này diệt cho nên cái kia diệt’. Tức là duyên vô minh có hành..., cho đến duyên sanh có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt. A-nan, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết thị xứ phi xứ[06]?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Này A-nan, nếu trong đời có hai vị Chuyển luân vương cùng cai trị, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu trong đời có một Chuyển luân vương cai trị, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu trong đời có hai Đức Như Lai, trường hợp này hoàn toàn không. Nếu trong đời này có một Đức Như Lai, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý[07] mà có ý sát hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này tất có xảy ra.

“A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà cố tình phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này tất có.

“Nếu có một người đã thấy đế lý mà xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà theo các Sa-môn, Phạm chí khác nói như vầy: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác, nói rằng: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý mà còn tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ngườøi thấy đế lý mà phát sanh sự cực khổ, rất khổ, trọng đại khổ, không thể ái, không thể lạc, không thể tư, không thể niệm, cho đến đoạn mạng, bèn xả ly nội đạo này, cầu cứu ở ngoại đạo. Hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ mà nói là dứt khổ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này mà cầu cứu ngoại đạo, hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì chú một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ, mà nói là dứt khổ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu người thấy đế lý mà tái sanh lần thứ tám, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu tái sanh lần thứ tám, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ lạc báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ khổ báo, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ khổ báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ lạc báo, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, mà tâm có thể an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém mà tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà muốn tu bảy giác chi, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà tu bảy giác ý, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý mà muốn chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý, không chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác mà đạt đến khổ biên, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, đạt đến khổ biên, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, Tỳ-kheo biết thị xứ, phi xứ như vậy”.

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Đức Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, kinh này tên gọi là gì? Nên phụng trì như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, hãy thọ trì pháp này, là đa giới, pháp giới, cam lộ giới, đa cổ, pháp cổ, cam lộ cổ, là pháp kính, là tứ phẩm[08]. Do đó kinh này được gọi là Đa Giới”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.115 Bahudhātuka-sutta. Đối chiếu Pháp Uẩn 10 (No.1537, Đại 26 trang 501b - 505a).[02] Bản Hán này và Pháp Uẩn tương đương. Bản Pāli, đây là lời Phật nói với các Tỳ-kheo.[03] Pháp Uẩn và Pāli giống nhau về câu hỏi này: đến mức độ nào để được liệt vào loại ngu phu?[04] Thị xứ phi xứ: trường hợp đúng và trường hợp sai.[05] Nhân duyên, đây chỉ duyên khởi. Pāli: paṭiccasamuppada.[06] Xem cht.4 trên. Pāli: thānāthānakusala (xứ phi xứ thiện xảo).[07] Kiến đế nhân, đây chỉ vị Tu-đà-hoàn.[08] Tứ phẩm, Pháp Uẩn: tứ chuyển. Pāli: Catuparivatto.

-ooOoo-

181. KINH ĐA GIỚI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ[02].”

Rồi Tôn giả A-nan vào lúc xế chiều, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi đứng sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con một mình trong tịnh thất, tĩnh tọa tư duy, tâm khởi lên ý nghĩ này: “Những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ”.

Thế Tôn nói rằng:

“Thật vậy, A-nan, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, cũng như lửa dậy từ bụi lau, bụi cỏ, cháy luôn cả lầu các, điện đường. Này A-nan, cũng vậy, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong quá khứ, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời vị lai, nếu những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Nếu những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.

“Này A-nan, trong thời hiện tại, những ai có sợ hãi, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh chứ không từ trí tuệ. Những ai vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng đều từ ngu si mà sanh, chứ không phải từ trí tuệ.   “Này A-nan, đó gọi là, ngu si có sợ hãi, trí tuệ không sợ hãi; ngu si có vấp ngã, tai hoạn, ưu não; trí tuệ không có vướng tai hoạn, ưu não.

“Này A-nan, những ai có sợ hãi, vướng tai hoạn, ưu não, tất cả chúng có thể tìm thấy nơi ngu si chứ không phải nơi trí tuệ.

Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan buồn rầu, khóc lóc, nước mắt chảy, chấp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo ngu si, không phải trí tuệ[03]?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào không biết giới, không biết xứ, không biết nhân duyên, không biết thị xứ phi xứ[04]. A-nan, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải trí tuệ.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là ngu si, không phải là trí tuệ. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo trí tuệ, không phải ngu si?”

Thế Tôn đáp rằng:

“A-nan, nếu Tỳ-kheo nào biết giới, biết xứ, biết nhân duyên, biết thị xứ phi xứ; A-nan, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo như vậy là trí tuệ, không phải ngu si. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết giới?”

Thế Tôn nói:

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về mười tám giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: dục giới, nhuế giới, hại giới, vô dục giới, vô nhuế giới, vô hại giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới: lạc giới, khổ giới, hỷ giới, ưu giới, xả giới, vô minh giới. A-nan, thấy và biết như thật về sáu giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới: thọ giới, tưởng giới, hành giới, thức giới. A-nan, thấy và biết như thật về bốn giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: sắc giới, vô sắc giới, diệt giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: quá khứ giới, vị lai giới, hiện tại giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: diệu giới, bất diệu giới, trung giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: thiện giới, bất thiện giới, vô ký giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về ba giới: học giới, vô học giới, phi học vô học giới. A-nan, thấy và biết như thật về ba giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về hai giới: hữu lậu giới, vô lậu giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Lại nữa, A-nan, thấy và biết như thật về: hữu vi giới, vô vi giới. A-nan, thấy và biết như thật về hai giới này.

“Này A-nan, thấy và biết như thật về sáu mươi hai giới này. A-nan, Tỳ-kheo thấy và biết như thật về giới như vậy”.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết giới như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết xứ?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về mười hai xứ: nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ. A-nan, thấy và biết như thật về mười hai xứ này. Này A-nan, Tỳ-kheo biết xứ như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Tỳ-kheo biết xứ như vậy. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết nhân duyên[05]?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về nhân duyên và pháp khởi từ nhân duyên, rằng ‘Nhân cái này có, cái kia có; cái này không, cái kia không. Cái này sanh, cái kia sanh; cái này diệt cho nên cái kia diệt’. Tức là duyên vô minh có hành..., cho đến duyên sanh có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt. A-nan, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy.

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo biết nhân duyên như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo biết thị xứ phi xứ[06]?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào thấy và biết như thật về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Này A-nan, nếu trong đời có hai vị Chuyển luân vương cùng cai trị, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu trong đời có một Chuyển luân vương cai trị, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu trong đời có hai Đức Như Lai, trường hợp này hoàn toàn không. Nếu trong đời này có một Đức Như Lai, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý[07] mà có ý sát hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý hại cha mẹ, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, ác tâm với Phật, làm Như Lai đổ máu, trường hợp này tất có xảy ra.

“A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà cố tình phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu cố ý phạm giới, xả giới, bỏ đạo, trường hợp này tất có.

“Nếu có một người đã thấy đế lý mà xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này, tôn thờ ngoại đạo, mong cầu phước điền ở đó, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu một người đã thấy đế lý mà theo các Sa-môn, Phạm chí khác nói như vầy: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác, nói rằng: ‘Các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý mà còn tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu tin bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu người đã thấy đế lý theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu người phàm phu theo các Sa-môn, Phạm chí khác mà bói toán, hỏi cát hung, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ngườøi thấy đế lý mà phát sanh sự cực khổ, rất khổ, trọng đại khổ, không thể ái, không thể lạc, không thể tư, không thể niệm, cho đến đoạn mạng, bèn xả ly nội đạo này, cầu cứu ở ngoại đạo. Hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ mà nói là dứt khổ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu xả ly nội đạo này mà cầu cứu ngoại đạo, hoặc có Sa-môn, Phạm chí trì chú một câu, hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm ngàn câu, ‘Mong giải trừ sự khổ cho tôi’, đó là đi tìm sự khổ, tập khởi sự khổ, dẫn đến sự khổ, mà nói là dứt khổ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu người thấy đế lý mà tái sanh lần thứ tám, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu một người phàm phu tái sanh lần thứ tám, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, do duyên này thân hoại mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ lạc báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân ác hành, khẩu và ý ác hành mà thọ khổ báo, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ khổ báo, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai có thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành mà thọ lạc báo, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, mà tâm có thể an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém mà tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà muốn tu bảy giác chi, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ mà tu bảy giác ý, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý mà muốn chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, trường hợp này tất có.

“A-nan, nếu ai không đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tâm không an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, không tu bảy giác ý, không chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác mà đạt đến khổ biên, trường hợp này hoàn toàn không có. Nếu ai đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, an trụ vững vàng trên bốn niệm xứ, tu bảy giác ý, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác, đạt đến khổ biên, trường hợp này tất có.

“Này A-nan, Tỳ-kheo biết thị xứ, phi xứ như vậy”.

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Đức Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, kinh này tên gọi là gì? Nên phụng trì như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này A-nan, hãy thọ trì pháp này, là đa giới, pháp giới, cam lộ giới, đa cổ, pháp cổ, cam lộ cổ, là pháp kính, là tứ phẩm[08]. Do đó kinh này được gọi là Đa Giới”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.115 Bahudhātuka-sutta. Đối chiếu Pháp Uẩn 10 (No.1537, Đại 26 trang 501b - 505a).[02] Bản Hán này và Pháp Uẩn tương đương. Bản Pāli, đây là lời Phật nói với các Tỳ-kheo.[03] Pháp Uẩn và Pāli giống nhau về câu hỏi này: đến mức độ nào để được liệt vào loại ngu phu?[04] Thị xứ phi xứ: trường hợp đúng và trường hợp sai.[05] Nhân duyên, đây chỉ duyên khởi. Pāli: paṭiccasamuppada.[06] Xem cht.4 trên. Pāli: thānāthānakusala (xứ phi xứ thiện xảo).[07] Kiến đế nhân, đây chỉ vị Tu-đà-hoàn.[08] Tứ phẩm, Pháp Uẩn: tứ chuyển. Pāli: Catuparivatto.

-ooOoo-

15. PHẨM SONG

182. KINH MÃ ẤP (I)[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Ương-kị[02], cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Ngài cùng với chúng Đại Tỳ-kheo đi đến Mã ấp[03], ngụ tại Mã lâm tự[04].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Người ta thấy các ngươi, những Sa-môn, là Sa-môn. Nếu có ai hỏi các ngươi, những Sa-môn, thì các ngươi có tự xưng mình là Sa-môn chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Phật lại nói:

“Cho nên, các ngươi chính vì lẽ đó, chính vì là Sa-môn, phải học pháp như thật Sa-môn, và pháp như thật Phạm chí. Sau khi đã học pháp như thật Sa-môn và pháp như thật Phạm chí, bấy giờ mới là Sa-môn chân chánh, không phải là Sa-môn hư danh. Nếu có thọ nhận áo chăn, ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, và các thứ tư cụ sinh hoạt khác, những thứ cung cấp ấy được phước lớn, được kết quả lớn, được công đức lớn và được quả báo rộng rãi. Các ngươi nên học như vậy.

“Thế nào là pháp như thật Sa-môn và pháp như thật Phạm chí?

“Thân hành thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi thân hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân đã thanh tịnh lại phải làm những gì? Phải học khẩu hành thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi khẩu hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các thầy nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Phải học ý hành thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi ý hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Phải học mạng hành[05] thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi mạng hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì làm phải làm thêm’, này Tỳ-kheo Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo phải học thủ hộ các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng mưốn khởi ý. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; vì sự phẫn tránh[06] mà thủ hộ căn con mắt, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia[07], nên thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý biết pháp không chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì sự phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia, nên thủ hộ ý căn. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, thủ hộ các căn, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì làm phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các thầy mong cầu cứu cánh của Sa-môn mà lạc mất cứu cánh của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, đã thủ hộ các căn, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo phải học chánh tri khi ra, khi vào[08], khéo quán sát phân biệt[09]; co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc; khéo mang Tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng hay im lặng... đều có chánh tri. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, thủ hộ các căn, có chánh tri khi ra, khi vào, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, đã thủ hộ các căn, đã biết rõ sự ra vào, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo nên học sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, dưới gốc cây, những nơi không nhàn yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc vào trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Vị ấy sau khi ở trong rừng vắng, hoặc dưới gốc cây, những nơi không nhàn yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện[10], hướng niệm nội tâm[11], đoạn trừ tâm tham lam, tâm không tranh cãi[12], thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi lòng tham muốn, muốn khiến về mình. Vị ấy đối với sự tham lam, tâm đã tịnh trừ. Cũng vậy, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn nghi trừ hoặc, đối với các thiện pháp không có do dự. Vị ấy đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ. Vị ấy đã đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, rồi ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Tỳ-kheo với định tâm như vậy, thanh tịnh, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, bèn hướng đến sự tác chứng Lậu tận trí thông. Vị ấy liền biết như thật rằng, ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật ‘Đây là Lậu’, ‘Đây là Lậu tập’, ‘Đây là Lậu diệt’, ‘Đây là Lậu diệt đạo’. Tỳ-kheo ấy đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, tâm giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Ta nói vị ấy là Sa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là Tịnh dục[13].

“Thế nào gọi là “Sa-môn”? Là người đã đình chỉ[14] các pháp ác bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệït, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Sa-môn.

“Thế nào gọi là “Phạm chí”? Là người xa lìa[15] các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế mà là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Phạm chí.

“Thế nào gọi là Thánh? Là người xa lìa[16] các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, làm gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Thánh.

“Thế nào gọi là “Tịnh dục”? Là người đã tắm rửa sạch các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Tịnh dục. Đó gọi là Sa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là tịnh dục.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 48. Tương đương Pāli, M.39. Mahā-Assapura-suttaṃ. Hán, tham chiếu, No.125 (49.8).[02] Ương-kị quốc 鴦 騎 國; một trong mười sáu nước lớn thời Phật. Pāli: Aṅga.[03] Mã ấp 馬 邑; một thị trấn của Ương-kị. Pāli: assapuraṃ nāma aṅgānaṃ nigamo.[04] Mã lâm tự 馬 林 寺; không rõ.[05] Mạng hành thanh tịnh, sinh hoạt, hay sự nuôi sống, thanh tịnh. Pāli: parisuddho ājīvo.[06] Vị phẫn tránh cố 謂 忿 諍 故; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraṇam enam…, do nguyên nhân gì mà… Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.[07] Thú hướng bỉ cố 趣 向 彼 故; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyyṃ, (các pháp bất thiện) có thể khởi lên (trôi chảy vào tâm).[08] Chánh tri xuất nhập 正 知 出 入; Pāli: abhikkante paṭikkante saṃpajānakārī, tỉnh giác (biết mình đang làm gì) khi đi tới đi lui.[09] Thiện quán phân biệt; Pāli: ālokite vilokite saupajānakārī, tỉnh giác khi nhìn trước nhìn sau.[10] Chánh thân chánh nguyện 正 身 正 願; Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, ngồi thẳng lưng. Bản Hán, paṇidhāya, sau khi đặt để, được hiểu là paṇidhāna: ước nguyện.[11] Phản niệm bất hướng 反 念 不 向; Pāli: parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, dựng chánh niệm ngay trước mặt (hệ niệm tại tiền).[12] Tâm vô hữu tránh 心 無 有 諍; Pāli: vigatābhijjhena cetasā vharati, sống với tâm tư không tham lam.[13] Tịnh dục 淨 欲; Pāli: nahātaka, người đã tắm sạch.[14] Tức chỉ 息 止. Pāli: samaṇo...samitāassa honti pāpakā ākusalā dhammā, Sa-môn..., là những người đã đình chỉ các pháp ác bất thiện. Theo đây, từ samaṇa (Sa-môn) được giải thích là do động từ sammati: (làm cho) yên lặng, tĩnh lặng, tĩnh chỉ, đình chỉ.[15] Viễn ly 遠 離; Pāli: brāhmaṇo...bāhitāssa honti pāpakā ākusalā dhammā, Bà-la-môn (brāhmaṇa) là những người đã loại ra ngoài các pháp ác bất thiện. Theo đây, từ brāhmaṇa được giải thích là do động từ bāheti, cự tuyệt, tránh xa, loại bỏ.[16] Viễn ly 遠 離; Pāli: āriyo...ārakāssa..., Thánh (āriya), là những người cách xa... Theo đây, āriya do trạng từ ārakā, cách xa.

-ooOoo-

183. KINH MÃ ẤP (II)[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Ương-kị[02], cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Ngài cùng với chúng Đại Tỳ-kheo đi đến Mã ấp, ngụ tại Mã lâm tự.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Người ta thấy các ngươi, những Sa-môn, là Sa-môn. Nếu có ai hỏi các ngươi, những Sa-môn, thì các ngươi có tự xưng mình là Sa-môn chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Phật lại nói:

“Cho nên, các ngươi chính vì lẽ đó, chính vì là Sa-môn, phải học đạo hạnh[03] của Sa-môn, chớ đừng là phi Sa-môn. Sau khi đã học đạo hạnh của Sa-môn, bấy giờ mới là Sa-môn chân chánh, không phải là Sa-môn hư danh. Nếu có thọ nhận áo chăn, ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, và các thứ tư cụ sinh hoạt khác, những thứ cung cấp ấy được phước lớn, được kết quả lớn, được công đức lớn và được quả báo rộng rãi. Các ngươi nên học như vậy.

“Thế nào là không phải đạo hạnh của Sa-môn? Không phải là Sa-môn? Có tham lam, không dứt tham lam. Có nhuế, không dứt nhuế. Có sân, không bỏ sân[04]. Có bất ngữ không dứt bất ngữ[05]. Có kết không dứt kết[06]. Có bỏn sẻn, không dứt bỏn sẻn. Có tật đố, không dứt tật đố. Có dua nịnh, không dứt dua nịnh. Có lường gạt, không dứt lường gạt. Có vô tàm, không dứt vô tàm[07]. Có vô quý[08], không dứt vô quý. Có ác dục, không bỏ ác dục. Có tà kiến, không bỏ tà kiến. Đó gọi là sự cấu uế của Sa-môn, du siểm của Sa-môn, là trá ngụy của Sa-môn, sự cong vạy của Sa-môn, dẫn đến chỗ ác, vì chưa dứt sạch, nên sự học không phải là đạo tích của Sa-môn, không phải là Sa-môn[09].

“Cũng như cái búa[10] mới rèn rất bén, đầu có mũi nhọn, được bọc trong Tăng-già-lê, Ta nói những người ngu si học đạo Sa-môn kia cũng như vậy, nghĩa là có tham lam, không dứt tham lam, có nhuế, không dứt nhuế, có sân, không bỏ sân, có bất ngữ không dứt bất ngữ, có kết không dứt kết, có bỏn sẻn, không dứt bỏn sẻn, có tật đố, không dứt tật đố, có dua nịnh, không dứt dua nịnh, có lường gạt, không dứt lường gạt, có vô tàm, không dứt vô tàm, có vô quý, không dứt vô quý, có ác dục, không bỏ ác dục, có tà kiến, không bỏ tà kiến; dù khoác Tăng-già-lê, Ta không nói đó là Sa-môn.

“Nếu ai chỉ cần đắp Tăng-già-lê mà có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến, thì bạn bè thân thiết của nó nên đến nói với nó rằng, ‘Này Hiền nhân, hãy học khoác Tăng-già-lê. Này Hiền nhân, nếu học khoác Tăng-già-lê, thì có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân dứt sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến’.

“Bởi vì Ta thấy người đắp Tăng-già-lê mà vẫn có tham lam, có nhuế, có sân, có bất ngữ, có kết, có bỏn sẻn, có tật đố, có dua nịnh, có lường gạt, có vô tàm, cóù vô quý, có ác dục, có tà kiến, cho nên người đắp Tăng-già-lê ấy Ta không nói nó là Sa-môn.

“Cũng như vậy, lõa hình, bện tóc, ngồi, ăn một bữa, thường tung nước, thọ trì nước. Những Sa-môn có hạnh như vậy Ta nói không phải là Sa-môn. Nếu Sa-môn do thọ trì nước mà có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến; thì bạn bè thân thiết của nó nên đến bảo nó rằng: “Này bạn, bạn nên thọ trì nước, vì do thọ trì nước mà có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến’.

“Bởi vì Ta thấy có người thọ trì nước mà vẫn có tham lam, có nhuế, có sân, có bất ngữ, có kết, có bỏn sẻn, có tật đố, có dua nịnh, có lường gạt, có vô tàm, cóù vô quý, có ác dục, có tà kiến, cho nên người thọ trì nước ấy Ta nói không phải là Sa-môn. Đó gọi là không phải đạo hạnh của Sa-môn, không phải là Sa-môn.

“Thế nào gọi là đạo hạnh của Sa-môn? Chẳng phải chẳng là Sa-môn? Nếu có tham lam dứt tham lam, có nhuế dứt nhuế, có sân bỏ sân, có bất ngữ dứt bất ngữ, có kết dứt kết, có bỏn sẻn dứt bỏn sẻn, có tật đố dứt tật đố, có dua nịnh dứt dua nịnh, có lường gạt dứt lường gạt, có vô tàm dứt vô tàm, có vô quý dứt vô quý, có ác dục bỏ ác dục, có tà kiến bỏ tà kiến. Sự tật đố ấy của Sa-môn[11], sự dua nịnh của Sa-môn, sự trá ngụy của Sa-môn, sự tà vạy của Sa-môn dẫn đến chỗ dữ đều đã bị dứt sạch, rồi học đạo hạnh của Sa-môn. Vị ấy như vậy không phải không là Sa-môn. Đó là đạo hạnh của Sa-môn, không phải không là Sa-môn.

“Vị ấy như vậy thành tựu giới, thân thanh tịnh, miệng, ý thanh tịnh, không tham lam, trong tâm không có sân nhuế, không có thụy miên, không trạo cử kiêu ngạo, đoạn nghi trừ hoặc, chánh niệm chánh trí, không có ngu si. Tâm vị ấy câu hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, phương trên, phương dưới và bốn phương bàng, khắp tất cả, tâm của vị ấy câu hữu với từ, không kết không oán, không nhuế không tranh, rất rộng lớn, khéo tu vô lượng, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trú. Cũng vậy, tâm bi, tâm hỷ câu hữu với xả, không kết không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng lớn, khéo tu vô lượng, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trú.

“Vị ấy tự nghĩ: “Có thô, có diệu, có tưởng, dẫn đến thượng xuất yếu[12], biết như thật. Sau khi biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát, vị ấy biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Cũng như cách làng nọ không xa, có ao tắm tốt, nước trong chảy tràn, cỏ xanh phủ bờ, cây hoa bốn phía. Giả sử có một người từ phương Đông đến, bị đói khát mệt mỏi, cởi áo bỏ trên bờ, xuống ao mặc sức tắm rửa sạch bụi nhơ, trừ khử nóng bức và khát. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng vậy, giả sử có một người từ các phương đó đến bị đói khát mệt mỏi, cởi áo bỏ trên bờ, xuống ao mặc sức tắm rửa sạch bụi nhơ, trừ khử nóng bức và khát. Cũng vậy, một thiện nam tử dòng Sát-đế-lợi, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thực hành nội tâm tĩnh chỉ, khiến được nội tâm tĩnh chỉ. Người với nội tâm tĩnh chỉ, Ta nói người ấy là Sa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là Tịnh dục.

“Cũng vậy, một thiện nam tử dòng Phạm chí, Cư sĩ, Công sư, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thực hành nội tâm tĩnh chỉ, khiến được nội tâm tĩnh chỉ. Người với nội tâm tĩnh chỉ, Ta nói người ấy là Sa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là Tịnh dục.

“Thế nào gọi là Sa-môn? Là người đã đình chỉ[13] các pháp ác bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệït, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Sa-môn.

“Thế nào gọi là “Phạm chí”? Là người xa lìa các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế mà là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Phạm chí.

“Thế nào gọi là Thánh? Là người xa lìa các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, làm gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Thánh.

“Thế nào gọi là “Tịnh dục”? Là người đã tắm rửa sạch các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Tịnh dục. Đó gọi là Sa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là Tịnh dục.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M. 40. Cūḷa-Assapura-suttaṃ.[02] Xem kinh 182 trên.[03] Đạo tích 道 跡; Pāli: msāmicīpaṇipadā, sự thực hành chân chính, chính xác, đạo chân chính.[04] Hán: nhuế 恚 và 瞋 sân; những từ dễ lẫn lộn. Nhuế, Pāli: vyāpāda, sân hận hay thù nghịch, có ác ý muốn làm thiệt hại người. Sân, Pāli: kodha, nóng giận, phẫn nộ.[05] Bất ngữ 不 語; Pāli: makkha, phú tàng, sự che giấu, đạo đức giả, ngụy thiện.[06] Kết 結; Pāli: paḷāsa, não hại, ác ý, thù nghịch muốn gây hại.[07] Vô tàm 無 慚; không biết tự thẹn.[08] Vô quý 無 愧; không biết thẹn với người.[09] Tham chiếu Pāli: imesaṃ... samaṇamalānaṃ samaṇadosānaṃ samaṇakasaṭānaṃ āpāyikānaṃ thānānaṃ duggativedaniyānaṃ appahānā na samaṇasāmīcipaṭipadaṃ paṭipanno, những sự cấu uế của Sa-môn này, những khuyết điểm, những tà ác của Sa-môn này, dẫn đến chỗ thấp kém, cảm thọ ác thú; vì chưa dứt trừ chúng nên không có sự thực hành Chánh đạo của Sa-môn.[10] Việt phủ 鉞 斧; Pāli: mataja, một loại vũ khí nhọn hai đầu.[11] Bản Hán, Sa-môn tật, ở trên nói là Sa-môn cấu. Có lẽ đây chép nhầm.[12] Lai thượng xuất yếu; không rõ. Có lẽ ý nói dẫn đến sự xuất ly cao thượng hơn (Tham khảo Pāli, M. 49 tr. 326: ito ca panaññaṃ uttari nissaraṇaṃ natthi).[13] Đoạn này giống đoạn cuối kinh 183 trên.

-ooOoo-

184. KINH NGƯU GIÁC SA-LA LÂM (I)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa đến Bạt-kì-sấu[02], trong rừng Ngưu giác sa-la[03], cùng với số đông các Đại đệ tử Tỳ-kheo thượng tôn tri thức, như Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Ly-việt-đa, Tôn giả A-nan[04]. Các Tỳ-kheo Đại đệ tử là những vị thượng tôn tri thức như vậy cũng cùng đi đến Bạt-kì-sấu, trong rừng Ngưu giác sa-la, cùng ở gần bên ngôi nhà láù của Phật.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử. Tôn giả A-nan từ xa trông thấy các bậc Thượng tôn đã đi qua, bạch rằng:

“Hiền giả Ly-việt-đa, nên biết, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử. Hiền giả Ly-việt-đa, bây giờ chúng ta có thể cùng với các bậc Thượng tôn đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, hoặc giả có thể nhân cơ hội này mà được nghe pháp ít nhiều nơi Tôn giả Xá-lê Tử.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Ly-việt-đa, Tôn giả A-nan, sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử.

Tôn giả Xá-lê Tử sau khi từ xa thấy các vị Thượng tôn đi đến, Tôn giả Xá-lê Tử nhân các vị Thượng tôn ấy, nói rằng:

“Kính chào A-nan, kính chào A-nan! Người là thị giả của Thế Tôn, hiểu được ý nghĩa, thường được Đức Thế Tôn và các bậc trí tuệ phạm hạnh khen ngợi. Nay tôi có lời hỏi Hiền giả A-nan, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả A-nan, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả A-nan đáp rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo học rộng, nghe nhiều, nhớ mãi không quên, tích lũy sự nghe nhiều. Với những pháp sơ khởi vi diệu, khoảng giữa vi diệu và kết thúc cũng vi diệu, có nghĩa lý, có văn chương, toàn vẹn thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh; những pháp như vậy được vị ấy học rộng, nghe nhiều, tụng tập đến ngàn lần, chuyên ý tư duy, kiến giải thông suốt. Vị ấy thuyết pháp gọn gàng, lưu loát, hoàn toàn tương ưng với mục đích đoạn trừ các kết sử. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như thế làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la này.”

Tôn giả Xá-lê Tử hỏi:

“Hiền giả Ly-việt-đa, Hiền giả A-nan đã nói theo hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Ly-việt-đa, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Ly-việt-đa, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Ly-việt-đa đáp rằng :

“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo ưa yển tọa[05], bên trong tu hành nội tâm tĩnh chỉ[06], không bỏ tọa thiền, thành tựu quán tưởng, thường thích nhàn cư, ưa chỗ yên tĩnh. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi:

“Hiền giả A-na-luật-đà, Hiền giả Ly-việt-đa Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả A-na-luật-đà, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả A-na-luật-đà, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp rằng:

“Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo đạt được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới, với một ít phương tiện[07], vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lê Tử, ví như người có mắt ở trên lầu cao nhìn xuống khu đất trống có một ngàn gò nỗng với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lê Tử, cũng vâïy, nếu Tỳ-kheo có được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi:

“Hiền giả Ca-chiên-diên, Hiền giả A-na-luật-đà Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Ca-chiên-diên, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Ca-chiên-diên, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Ca-chiên-diên đáp rằng:

“Tôn giả Xá-lê Tử, ví như hai Tỳ-kheo pháp sư cùng bàn luận về A-tỳ-đàm thâm áo. Những điều được hỏi đều được thấu hiểu tường tận, những lời giải đáp thì thông suốt, sự thuyết pháp thì lưu loát. Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi:

“Tôn giả Đại Ca-diếp, Hiền giả Ca-chiên-diên Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Tôn giả Đại Ca-diếp, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Đại Ca-diếp đáp rằng:

“Hiền giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo tự mình sống nơi vô sự[08] khen ngợi ở nơi vô sự; tự mình có thiểu dục, khen ngợi sự thiểu dục; tự mình tri túc, khen ngợi sự tri túc; tự mình thích sống cô độc viễn ly và khen ngợi cô độc viễn ly; tự mình tu hành tinh tấn, khen ngợi sự tu hành tinh tấn; tự mình lập chánh niệm chánh trí, khen ngợi sự lập chánh niệm chánh trí; tự mình đắc định, khen ngợi sự đắc định; tự mình có trí tuệ, khen ngợi sự có trí tuệ; tự mình các lậu đã sạch, khen ngợi các lậu đã sạch; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Hiền giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.

Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi:

“Hiền giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Mục-kiền-liên, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp rằng:

“Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo nào có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, được tự tại vô lượng như ý túc, thực hành vô lượng như ý túc, có thể biến một thành nhiều, hợp nhiều làm thành một, một thì trụ trên một, được biết, được thấy[09]; không bị trở ngại bởi vách đá, cũng như đi trong hư không; chìm xuống đất như chìm xuống nước, đi trên nước như đi trên đất; ngồi xếp kiết già mà bay trên không như chim bay liệng; với mặt trời và mặt trăng này vốn có đại như ý túc, đại phước hựu, đại oai thần mà có thể đưa tay bắt nắm, thân cao đến trời Phạm thiên. Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi:

“Tôn giả Xá-lê Tử, tôi và các vị Thượng tôn mỗi người đã tự nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Tôn giả Xá-lê Tử, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

Tôn giả Xá-lê Tử đáp rằng:

“Hiền giả Mục-kiền-liên, nếu có Tỳ-kheo tùy dụng tâm tự tại, chứ không phải tùy tâm[10]. Nếu muốn trú định nào[11], vị ấy vào buổi sáng an trú[12] định ấy. Nếu muốn an trú trụ định vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy an trú trụ định ấy vào buổi trưa hay buổi chiều. Hiền giả Mục-kiền-liên, ví như y phục của vua và các quan rất nhiều màu sắc rực rỡ, nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi sáng, liền lấy mặc vào. Nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi trưa hay buổi chiều, liền lấy mặc. Hiền giả Mục-kiền-liên, cũng vậy, nếu có Tỳ-kheo nào tùy dụng tâm tự tại, chứ không phải tùy tâm. Nếu muốn trú định nào, vị ấy vào buổi sáng an trú định ấy. Nếu muốn an trú trụ định vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy an trú trụ định ấy vào buổi trưa hay buổi chiều. Hiền giả Mục-kiền-liên, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:

“Hiền giả Mục-kiền-liên, tôi và chư Hiền mỗi người đã nói theo sự hiểu biết của mình. Hiền giả Mục-kiền-liên, chúng ta hãy cùng với chư Hiền đi đến chỗ Phật để biết trong những điều vừa thảo luận ấy, vị nào nói hay.”

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Ly-việt-đa, Tôn giả A-nan, tất cả cùng đi đến chỗ Phật. Các Tôn giả đều cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Tôn giả A-nan cũng cúi đầu lễ sát chân Phật rồi lui đứng một bên. Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay có Hiền giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Hiền giả Ca-chiên-diên, Hiền giả A-na-luật-đà, Hiền giả Ly-việt-đa, Hiền giả A-nan, vào buổi sáng sớm tất cả đều đi đến chỗ con.

“Con thấy chư Hiền đến, nhân đó mới nói rằng:

“‘Kính chào A-nan, kính chào A-nan! Người là thị giả của Thế Tôn, hiểu được ý nghĩa, thường được Đức Thế Tôn và các bậc trí tuệ phạm hạnh khen ngợi. Nay tôi có lời hỏi Hiền giả A-nan, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả A-nan, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?’

“Tôn giả A-nan đáp rằng, ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo học rộng, nghe nhiều, nhớ mãi không quên, tích lũy sự nghe nhiều. Với những pháp sơ khởi vi diệu, khoảng giữa vi diệu và kết thúc cũng vi diệu, có nghĩa lý, có văn chương, toàn vẹn thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh; những pháp như vậy được vị ấy học rộng, nghe nhiều, tụng tập đến ngàn lần, chuyên ý tư duy, kiến giải thông suốt. Vị ấy thuyết pháp gọn gàng, lưu loát, hoàn toàn tương ưng với mục đích đoạn trừ các kết sử. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như thế làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la này’.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lê Tử, đúng như thật lời Tỳ-kheo A-nan đã nói. Vì sao? Vì Tỳ-kheo A-nan đã thành tựu Đa-văn.”

Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Hiền giả A-nan nói như vậy rồi, con lại hỏi, ‘Hiền giả Ly-việt-đa, Hiền giả A-nan đã nói theo hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Ly-việt-đa, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Ly-việt-đa, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?’

“Hiền giả Ly-việt-đa đáp con rằng, ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo ưa yển tọa, bên trong tu hành nội tâm tĩnh chỉ, không bỏ tọa thiền, thành tựu quán tưởng, thường thích nhàn cư, ưa chỗ yên tĩnh. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la’.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lê Tử, đúng như lời Tỳ-kheo Ly-việt-đa đã nói. Vì sao? Vì Tỳ-kheo Ly-việt-đa ưa Tọa thiền.”

Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Hiền giả Ly-việt-đa nói như vậy rồi, con lại hỏi, ‘Hiền giả A-na-luật-đà, Hiền giả Ly-việt-đa Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả A-na-luật-đà, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả A-na-luật-đà, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?’

“Hiền giả A-na-luật-đà liền đáp lại con rằng, ‘Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo đạt được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới, với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lê Tử, ví như người có mắt ở trên lầu cao nhìn xuống khu đất trống có một ngàn gò nỗng với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lê Tử, cũng vâïy, nếu Tỳ-kheo có được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới với một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la’.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lê Tử, đúng như lời Tỳ-kheo A-na-luật-đà đã nói. Vì sao? Vì A-na-luật-đà Tỳ-kheo đã thành tựu Thiên nhãn.”

Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Hiền giả A-na-luật-đà nói như vậy rồi, con lại hỏi, ‘Hiền giả Ca-chiên-diên, Hiền giả A-na-luật-đà Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Ca-chiên-diên, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Ca-chiên-diên, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?’

“Hiền giả Ca-chiên-diên liền đáp lại con rằng, ‘Tôn giả Xá-lê Tử, ví như hai Tỳ-kheo pháp sư cùng bàn luận về A-tỳ-đàm thâm áo. Những điều được hỏi đều được thấu hiểu tường tận, những lời giải đáp thì thông suốt, sự thuyết pháp thì lưu loát. Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la’.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lê Tử, đúng như lời Tỳ-kheo Ca-chiên-diên đã nói. Vì sao? Vì Ca-chiên-diên Tỳ-kheo là Phân biệt pháp sư.”

Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Hiền giả Ca-chiên-diên nói như vậy rồi, con lại hỏi, ‘Tôn giả Đại Ca-diếp, Hiền giả Ca-chiên-diên Tỳ-kheo đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Tôn giả Đại Ca-diếp, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?”

“Tôn giả Đại Ca-chiên-diên liền đáp lại con rằng, ‘Hiền giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo tự mình sống nơi vô sự khen ngợi ở nơi vô sự; tự mình có thiểu dục, khen ngợi sự thiểu dục; tự mình tri túc, khen ngợi sự tri túc; tự mình thích sống cô độc viễn ly và khen ngợi cô độc viễn ly; tự mình tu hành tinh tấn, khen ngợi sự tu hành tinh tấn; tự mình lập chánh niệm chánh trí, khen ngợi sự lập chánh niệm chánh trí; tự mình đắc định, khen ngợi sự đắc định; tự mình có trí tuệ, khen ngợi sự có trí tuệ; tự mình các lậu đã sạch, khen ngợi các lậu đã sạch; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Hiền giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la’.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lê Tử, đúng như lời Tỳ-kheo Ca-diếp đã nói. Vì sao? Vì Đại Ca-diếp Tỳ-kheo thường tu hạnh Vô sự.”

Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Đại Ca-diếp nói như vậy rồi, con lại hỏi ‘Hiền giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp đã nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Hiền giả Mục-kiền-liên, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?’

“Hiền giả Đại Mục-kiền-liên liền đáp lại con rằng, ‘Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo nào có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, được tự tại vô lượng như ý túc, thực hành vô lượng như ý túc, có thể biến một thành nhiều, hợp nhiều làm thành một, một thì trụ trên một, được biết, được thấy; không bị trở ngại bởi vách đá, cũng như đi trong hư không; chìm xuống đất như chìm xuống nước, đi trên nước như đi trên đất; ngồi xếp kiết già mà bay trên không như chim bay liệng; với mặt trời và mặt trăng này vốn có đại như ý túc, đại phước hựu, đại oai thần mà có thể đưa tay bắt nắm, thân cao đến trời Phạm thiên. Tôn giả Xá-lê Tử, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la’.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lê Tử, đúng như lời Tỳ-kheo Mục-kiền-liên đã nói. Vì sao? Vì Tỳ-kheo Mục-kiền-liên có Đại như ý túc.”

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo một bên, chấp tay mà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, con và chư Tôn giả nói như vậy rồi, liền bạch Tôn giả Xá-lê Tử rằng, ‘Tôn giả Xá-lê Tử, tôi và các vị Thượng tôn mỗi người đã tự nói theo sự hiểu biết của mình. Bây giờ tôi hỏi Tôn giả Xá-lê Tử, ‘Khả ái thay, rừng Ngưu giác sa-la này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa-la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời’. Hiền giả Đại Ca-diếp, những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la?’

“Tôn giả Xá-lê Tử liền đáp lại lời con rằng, ‘Hiền giả Mục-kiền-liên, nếu có Tỳ-kheo tùy dụng tâm tự tại, chứ không phải tùy tâm. Nếu muốn trú định nào, vị ấy vào buổi sáng an trú định ấy. Nếu muốn an trú trụ định vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy an trú trụ định ấy vào buổi trưa hay buổi chiều. Hiền giả Mục-kiền-liên, ví như y phục của vua và các quan rất nhiều màu sắc rực rỡ, nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi sáng, liền lấy mặc vào. Nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi trưa hay buổi chiều, liền lấy mặc. Hiền giả Mục-kiền-liên, cũng vậy, nếu có Tỳ-kheo nào tùy dụng tâm tự tại, chứ không phải tùy tâm. Nếu muốn trú định nào, vị ấy vào buổi sáng an trú định ấy. Nếu muốn an trú trụ định vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy an trú trụ định ấy vào buổi trưa hay buổi chiều. Hiền giả Mục-kiền-liên, vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la’.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Mục-kiền-liên, đúng như lời Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã nói. Vì sao? Vì Xá-lê Tử Tỳ-kheo tùy dụng Tâm tự tại.”

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo một bên mà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, con và chư Hiền nói như vậy rồi, bảo rằng, ‘Hiền giả Mục-kiền-liên, tôi và chư Hiền mỗi ngườøi đã tự trình bày theo sự hiểu biết của mình. Hiền giả Mục-kiền-liên, chúng ta hãy cùng với chư Hiền đi đến chỗ Đức Phật để biết trong những điều vừa bàn luận ấy vị nào nói hay. Bạch Thế Tôn, trong chúng con, ai nói hay?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Xá-lê Tử, tất cả đều hay. Vì sao? Vì các pháp đó chính là những điều Ta nói. Xá-lê Tử, hãy nghe Ta nói. Vị Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la. Này Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo tùy theo chỗ ở hoặc thành quách, thôn ấp, vào buổi sáng sớm mang y cầm bát vào thôn khất thực, khéo thủ hộ thân, khéo thúc liễm các căn, khéo giữ tâm niệm. Vị ấy sau khi khất thực xong, sau giờ ngọ, thâu xếp y bát, rửa chân tay, lấy tọa cụ vắt lên trên vai, đến chỗ vô sự, hoặc dưới gốc cây, hay chỗ thanh vắng, trải ni-sư-đàn mà ngồi kiết già, ngồi luôn cho đến chứng lậu tận mới giải kiết già. Vị ấy không giải kiết già cho đến khi nào chưa chứng được lậu tận. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo như vậy làm rực sáng khu rừng Ngưu giác sa-la.”

Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M. 32. Mahā-Gosaṅga-suttaṃ. Tham chiếu Hán, 125(37.3).[02] Bạt-kì-sấu 跋 耆 瘦, xem cht. dưới. Xem kinh 142.[03] Ngưu giác sa-la lâm 牛 角 娑 羅 林; Pāli: Gosiṅgasālavanadāya, một khu rừng ở gần Nādika, xứ Vajjī, mà bản Hán âm là Bạt-kì-sấu: Vajjīsu, giữa những người Bạt-kỳ.[04] Các đệ tử Thượng tọa nổi tiếng (abhiññātehi abiññātehi therehi sāvakehi): Tôn giả Xá-lê Tử (Sāriputta), Tôn giả Đại Mục-kiền-liên (Mahā-Moggakāna), Tôn giả Đại Ca-diếp (Mahā-Kassapa), Tôn giả Đại Ca-chiên-diên (Mahā-Kaccayāna, bản Pāli không kể), Tôn giả A-na-luật-đà (Anuruddha), Tôn giả Ly-việt-đa (Revata), Tôn giả A-nan (Ānanda).[05] Yển tọa 燕 坐; ngồi nơi chỗ vắng vẻ. Pāli: patisallāna.[06] Nội hành chỉ 內 行 止. Pāli: ajjhattaṃ cetosamathānuyutto.[07] Nên hiểu là “một ít cố gắng”.[08] Chỉ Tỳ-kheo A-lan-nhã, tu theo hạnh chỉ sống trên rừng. Pāli: araññaka.[09] Hán: nhất tắc trụ nhất, hữu tri hữu kiến 一 則 住 一 有 知 有 見. Nghĩa không rõ. Tập Dị (nt): hoặc ẩn hoặc hiện. Pāli: āvibhāvaṃ tirobhāvaṃ.[10] Pāli: cittaṃ vasaṃ vatteti, no... cittassa vasena vatteti, (Tỳ-kheo chế ngự tâm chứ không phải bị tâm chế ngự).[11] Hán: trú chỉ 住 止; Pāli: vihārasamāpattiyā. Bản Hán, samāpatti (định, hay đẳng chí) được hiểu là samatha, chỉ.[12] Hán: du hành 遊 行; Pāli: viharati, trú ngụ hay sống (ở đâu); bản Hán này thường dịch là du hay du hành.

-ooOoo-

185. KINH NGƯU GIÁC SA-LA LÂM (II)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa đến Na-ma-đề-sấu[02], ở tại tinh xá Kiền-kì[03].

Bấy giờ, sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y trì bát, vào Na-ma-đề khất thực. Sau khi ăn xong, vào buổi chiều, Ngài đi đến khu rừng Ngưu giác sa-la[04]. Có ba người con dòng quý tộc cùng ở trong đó, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la[05].

Ba Tôn giả ấy làm như vầy. Nếu ai khất thực đi về trước thì trải giường, múc nước, mang dồ rửa chân ra, để sẵn ghế rửa chân, khăn lau chân, bình đựng nước, chậu rửa. Nếu có thể ăn hết đồ ăn đã xin được thì cứ ăn. Nếu còn dư thì cho vào đồ chứa đậy kín cất. Ăn xong, cất bình bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào nhà ngồi tĩnh tọa. Nếu ai khất thực đi về sau, có thể ăn hết đồ ăn thì cứ ăn. Nếu không đủ thì lấy đồ dư của người trước đem ra ăn cho đủ. Nếu còn dư nữa thì đem đổ chỗ đất sạch hay trong nước không có trùng. Người ấy lấy đồ đựng của người kia rửa, lau thật sạch rồi đem treo một bên, dọn dẹp giường chiếu, nhặt ghế rửa chân, thâu khăn lau chân, cất đồ rửa chân, bình nước và chậu rửa, dọn dẹp nhà ăn sạch sẽ rồi thâu cất y bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt trên vai, vào nhà tĩnh tọa.

Ngồi đến xế, trong các Tôn giả ấy, nếu ai đang tĩnh tọa mà ngồi dậy trước, thấy bình nước và chậu rửa chân không có nước thì phải đem đi lấy. Nếu xách nổi thì xách, bằng không thì vẫy tay một Tỳ-kheo khác, hai người cùng khiêng, mỗi người khiêng một phía, không nói chuyện với nhau, không hỏi gì nhau.

Các vị ấy cứ năm ngày họp một lần, hoặc để nói pháp, hoặc yên lặng cả theo các bậc Thánh.

Bấy giờ người giữ rừng thấy Thế Tôn từ xa đi đến, đón ngăn lại, quở rằng:

“Sa-môn! Sa-môn! Chớ có vào khu rừng này. Vì sao? Hiện nay trong khu rừng này có ba người dòng quý tộc ở. Ấy là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la. Nếu thấy ông, chắc họ không chịu.”

Đức Phật bảo rằng:

“Này Người giữ rừng, nếu họ thấy Ta thì không có gì là không chịu”.

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà từ xa thấy Thế Tôn đến, liền quở người giữ rừng rằng:

“Này Người giữ rừng, chớ có ngăn cản Đức Thế Tôn. Này Người giữ rừng, chớ có quở la Đức Thiện Thệ. Vì sao? Vì đó là Tôn sư Thế Tôn của tôi đến, là Đấng Thiện Thệ của tôi đến.”

Rồi Tôn giả A-na-luật-đà ra rước Thế Tôn, đón lấy y bát. Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la trải giường ngồi, Tôn giả Kim-tì-la đi lấy nước.

Đức Thế Tôn bấy giờ sau khi rửa tay xong, ngồi xuống chỗ ngồi đã dọn sẵn. Ngồi xong Ngài hỏi rằng:

“A-na-luật-đà, ông có thường an ổn, không thiếu thốn chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con vẫn thường an ổn, không có gì thiếu thốn.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này A-na-luật-đà, vì sao ông được an ổn, không có gì thiếu thốn?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng con nhờ có thiện lợi, có đại công đức, vì con tu tập cùng với các vị phạm hạnh như vậy. Bạch Thế Tôn, con thường hướng đến các vị phạm hạnh này để tu thân nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy; và tu khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy. Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ, ‘Nay ta hãy tự xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm các Hiền giả này’. Rồi con xả bỏ tâm mình để tùy theo tâm các Hiền giả này. Con chưa từng có một điều gì mà không xứng ý. Bạch Thế Tôn, con nhờ như vậy mà thường được an ổn, không có gì thiếu thốn”.

Phật hỏi Tôn giả Nan-đề, đáp cũng như vâïy. Phật lại hỏi Tôn giả Kim-tì-la rằng:

“Ông có thường an ổn, không có gì thiếu thốn chăng?”

Tôn giả Kim-tì-la bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con thường an ổn không có gì thiếu thốn.”

Phật lại hỏi:

“Này Kim-tì-la, vì sao ông thường được an ổn, không có gì thiếu thốn?”

Tôn giả Kim-tì-la bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng con nhờ có thiện lợi, có đại công đức, vì con tu tập cùng với các vị phạm hạnh như vậy. Bạch Thế Tôn, con thường hướng đến các vị phạm hạnh này để tu thân nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy; và tu khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa, thấy nhau hay không thấy nhau cũng như vậy. Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ, ‘Nay ta hãy tự xả bỏ tâm mình mà tùy theo tâm các Hiền giả này’. Rồi con xả bỏ tâm mình để tùy theo tâm các Hiền giả này. Con chưa từng có một điều gì mà không xứng ý. Bạch Thế Tôn, con nhờ như vậy mà thường được an ổn, không có gì thiếu thốn”.

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, các ông thường cùng nhau hòa hiệp an ổn, không tranh chấp như vậy, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hiệp nhất như nước với sữa. Thế nhưng có chứng đắc pháp Thượng nhân mà có sai giáng an lạc trụ chỉ[06] chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, quả như vậy. Chúng con thường cùng hòa hiệp an ổn, không tranh cãi nhau, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hòa hiệp với nhau như nước với sữa, chứng đắc pháp Thượng nhân mà có sai giáng an lạc trụ chỉ. Bạch Thế Tôn, chúng con ly dục ác bất thiện pháp, cho đến, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ.

“Bạch Thế Tôn, như vậy, chúng con cùng hòa hiệp an ổn, không tranh cãi nhau, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hòa hiệp với nhau như nước với sữa, chứng đắc pháp Thượng nhân mà sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ. Bạch Thế Tôn, tâm của con câu hữu với từ, biến khắp một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với từ, biến khắp tất cả phương thứ hai, phương thứ ba, phương trên, phương dưới và bốn phương bàng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, khéo tu vô lượng, biến khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trú. Cũng vậy, bi tâm, hỷ tâm câu hữu với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, khéo tu vô lượng, biến khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trú.

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ. Bạch Thế Tôn, chúng con vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ.

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ. Bạch Thế Tôn, chúng con đắc Như ý túc, Thiên nhĩ trí, Tha tâm trí, Túc mạng trí, Sanh tử trí, các lậu đã hết, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, bỏ qua trụ chỉ này, quá đây, vượt đây, còn có chứng đắc pháp nào của bậc Thượng nhân khác mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, bỏ qua trụ chỉ này, vượt qua, lướt qua, không còn có pháp nào khác nữa của bậc Thượng nhân, mà có sự sai giáng an lạc trụ chỉ.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ như vầy: “Chỗ an trụ của người con dòng họ quý tộc này an ổn khoái lạc. Hôm nay Ta hãy thuyết pháp cho họ nghe.”

Thế Tôn nghĩ như vậy rồi, liền thuyết pháp cho Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy đi về.

Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la đi theo Đức Thế Tôn được một quãng đường, rồi trở lại chỗ ở.

Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la khen Tôn giả A-na-luật-đà:

“Lành thay! Lành thay! Tôn giả A-na-luật-đà, chúng tôi trước chưa nghe Tôn giả A-na-luật-đà nói những nghĩa lý như vậy. Chúng tôi có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy, nhưng Tôn giả A-na-luật-đà đã hết sức khen ngợi chúng tôi trước Đức Thế Tôn.”

Tôn giả A-na-luật-đà khen Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la:

“Lành thay! Lành thay! Này chư Tôn giả, tôi cũng chưa bao giờ nghe Tôn giả có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy. Nhưng một thời gian dài, với tâm tôi, tôi biết tâm của Tôn giả, Tôn giả có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì thế, đứng trước Đức Thế Tôn tôi mới trình bày như vậy.

Bấy giờ có vị trời Trường Quỷ[07], hình dáng cực diệu, sáng chói lồng lộng, lúc đêm tàn, sáng rạng đông, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lẽ dưới chân rồi lui đứng một bên, bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.”

 Các Địa thần nghe Trường Quỷ thiên nói, làm cho âm thanh vang lớn:

“Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.” Nghe theo âm thanh vang lớn của Địa thần, các cõi Hư không thiên, Tứ vương thiên, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đa thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên, khoảnh khắc đã làm cho âm thanh thấu đến Phạm thiên: “Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Thật vậy, này Trường Quỷ thiên, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la.

“Này Trường Quỷ thiên, các Địa thần nghe tiếng nói của ngươi rồi, liền làm vang lớn âm thanh, ‘Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la’. Tiếp theo âm thanh vang lớn của Địa thần, các cõi Hư không thiên, Tứ vương thiên, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đa thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên, khoảnh khắc đã làm cho âm thanh thấu đến Phạm thiên: ‘Bạch Đại tiên nhân, dân chúng nước Bạt-kì được đại lợi ích vì có Thế Tôn và ba người con dòng quý tộc hiện ở, Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la’.

“Này Trường Quỷ thiên, nếu ba gia đình quý tộc kia có ba người con quý tộc này, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, tín xả, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì ba gia đình quý tộc ấy sẽ nhớ lại nhân duyên và công hạnh của ba người con. Họ cũng sẽ được lợi ích lớn, khoái lạc lâu dài. Và nếu thôn ấp, Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời mà nhớ nghĩ đến nhân duyên và công hạnh của ba người con dòng dõi quý tộc ấy, họ cũng sẽ được đại lợi ích, an ổn, khoái lạc lâu dài.

“Này Trường Quỷ thiên, vì ba người con dòng dõi quý tộc ấy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy”.

Phật thuyết giảng như vậy. Ba người con dòng quý tộc và Trường Quỷ thiên sau khi nghe những lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli M.31 Cūḷagosiṅga-suttaṃ.[02] Na-ma-đề-sấu 那 摩 提 瘦. Pāli: Nadika, hay Natika, thuộc xứ Vajji, ở giữa Ketigāma và Vesali. Theo phiên âm bản Hán, mà tương đương Pāli có thể là Nadikesu, giữa những người Nadika, cho thấy đây là một bộ tộc thay vì một địa danh.[03] Kiền-kì tinh xá 犍 祁 精 舍. Pāli: Giñjakāvasatha (Luyện ngõa đường), một tinh xá bằng gạch mà dân xứ[04] Xem chú thích kinh số 184 ở trước.[05] Anurudha, Nandiya, Kimbila, cả ba đều dòng họ Thích, cùng xuất gia một lần khi Phật về thăm Ca-tì-la-vệ.[06] Sai giáng an lạc trụ chỉ 差 降 安 樂 住 止.  Pāli: phāsuvihāro, sống an lạc thoải mái. Xem thêm kinh số 77, đoạn cuối.[07] Trường Quỷ thiên 長 鬼 天; Pāli: Dīgho parajano yakkho, quỷ Dạ-xoa tên là Dīgha (dài).

-ooOoo-

186. KINH CẦU GIẢI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu[02].

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về tâm trí của người khác[03] thì không thể biết được sự Giác ngộ chánh đẳng của Thế Tôn. Vậy làm thế nào để tìm hiểu[04] Như Lai[05]?”

Khi ấy các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của pháp, Thế Tôn là chủ của pháp, pháp do nơi Thế Tôn mà có. Ngưỡng mong Ngài thuyết cho, chúng con nghe được rồi sẽ thấu rõ nghĩa lý.”

Phật liền bảo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe rõ và khéo suy nghĩ. Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho các ông nghe.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời mà lắng nghe.

Thế Tôn bảo rằng:

“Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về tâm trí của người khác, phải do hai sự kiện để tìm hiểu Như Lai, một là sắc được biết bởi mắt và hai là tiếng được nghe bởi tai.

“Pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có hay không có nơi Tôn giả ấy[06]? Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai không có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây không có, lại phải tìm hiểu nữa.

“Pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai[07], có hay không có nơi Tôn giả ấy? Sau khi tìm hiểu, biết rằng những pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai không có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây không có, phải tìm hiểu thêm nữa.

“Pháp bạch tịnh được biết bởi mắt và tai, có hay không có nơi Tôn giả ấy? Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp bạch tịnh được biết bởi mắt và tai có nói Tôn giả ấy. Nếu ở đây có, lại phải tìm nữa.

“Tôn giả ấy đã thực hành pháp ấy lâu dài hay chỉ thực hành tạm thời? Nếu khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy thực hành pháp ấy lâu dài chứ không phải tạm thời. Nếu là thường thực hành, lại phải tìm hiểu thêm nữa.

“Tôn giả ấy[08] nhập vào thiền này vì danh dự, vì lợi nghĩa, hay không vì danh dự và lợi nghĩa? Nếu khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy nhập vào thiền này không phải vì tai hoạn[09].

“Nếu có người nói như vầy, ‘Tôn giả ấy thích tu hành[10] không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận[11]’, thì nên hỏi người ấy rằng, ‘Này Hiền giả, với hành vi nào, với năng lực nào, với trí tuệ nào để Hiền giả có thể tự mình nhận xét chân chánh rằng, ‘Tôn giả ấy thích tu hành không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận’?’ Nếu người ấy trả lời như vầy, ‘Tôi không biết tâm trí của vị ấy, cũng không phải do sự kiện nào khác mà biết. Nhưng vị Tôn giả ấy, hoặc khi sống một mình, hoặc khi ở giữa đại chúng, hoặc ở giữa chỗ tập họp, nơi đó hoặc có Thiện thệ hay những người thọ hóa bởi Thiện thệ[12], hoặc là bậc Tông chủ, hoặc là người được thấy bởi vật dục[13], này Hiền giả, tôi cũng không tự mình hiểu biết vị ấy[14]. Tôi nghe từ chính Tôn giả ấy mà trực tiếp ghi nhận như vầy, ‘Ta thích tu hành không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận’ Này Hiền giả, với hành vi như vậy, với năng lực như vậy, với trí tuệ như vậy, khiến tôi tự mình nhận xét chân chánh mà nói rằng, ‘Tôn giả ấy thích tu hành không phải vì sợ hãi; ly dục, không hành dục, vì dục đã diệt tận’.’

“Trong đây này lại cần phải hỏi thêm nữa về Như Lai, ‘Nếu có pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng? Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng? Nếu có pháp bạch tịnh, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận vô dư chăng?’ Như Lai bèn trả lời người ấy rằng, ‘Nếu có pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp này bị diệt tận vô dư. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp này bị diệt tận vô dư.’

“Nếu có pháp ô nhiễm được nhận biết bởi mắt và tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ, không bao giờ sanh khởi trở lại nữa. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ, không bao giờ sanh trở lại nữa. Nếu có pháp bạch tịnh, thì Ta với pháp bạch tịnh như vậy, cảnh giới như vậy, đạo Sa-môn như vậy, Ta như vậy mà thành tựu Chánh pháp luật này.

“Có đệ tử tịnh tín đến thăm viếng Như Lai, phụng sự Như Lai, nghe pháp từ Như Lai, và được Như Lai nói pháp cho, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch. Sau khi được Như Lai nói pháp cho nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch; nghe như vậy như vậy rồi, vị ấy biết tường tận[15] pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác’ vậy.

“Ở đây, lại cần hỏi thêm vị ấy rằng, ‘Này Hiền giả, do hành vi nào, do năng lực nào, do trí tuệ nào để Hiền giả có thể biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác?’ Vị ấy sẽ trả lời như vầy, ‘Này Hiền giả, tôi không biết tâm của Thế Tôn, cũng không do sự kiện nào khác mà biết. Tôi do nơi Thế Tôn mà có tịnh tín như vậy. Thế Tôn nói pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc bạch. Này Hiền giả, như Thế Tôn nói pháp cho tôi nghe, và tôi nghe như vậy như vậy, Như Lai nó pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn hắc bạch, và tôi nghe như vậy như vậy rồi, biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác’. Này Hiền giả, tôi do hành vi như vậy, năng lực như vậy, trí tuệ như vậy, khiến tôi biết tường tận pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn, biết rằng ‘Thế Tôn là vị Chánh Đẳng Giác’.’

“Nếu ai có hành này, lực này, trồng sâu gốc rễ tịnh tín nơi Như Lai, tín căn đã vững, thì được gọi là tín tương ưng với trí bất hoại, do thấy được gốc rễ. Sa-môn, Phạm chí, Chư thiên, Ma, Phạm và các hàng thế gian khác không thể tước đoạt được. Hãy như vậy mà tìm hiểu Như Lai. Hãy như vậy mà nhận biết chính đáng về Như Lai.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M. 47. Vimṃsaka-suttaṃ.[02] Câu-lâu-sấu, xem các kinh 177, 175.[03] So Pāli: Vīmaṃsakena bhikkhunā parassa cetopariyāyam ājānantena “Tỳ-kheo tư sát muốn biết tập tánh (cetopariyāyam) của người khác”.[04] Cầu giải 求 解. Pāli: samannesanā.[05] Đại ý: làm sao biết Như Lai có phải là Chánh đẳng giác hay không?[06] Bản Pāli: nơi Như Lai.[07] Pháp hỗn tạp, lẫn lộn cả tịnh và nhiễm. Pāli: vītimissā cakkhusotaviññeyyā dhammā.[08] Bản Hán, bỉ Tôn đoạn trước trong bản Pāli nói là Như Lai; bỉ Tôn ở đoạn này, Pāli nói: ñattajjhāpanno āyasmā bhikkhu, “Tôn giả Tỳ-kheo nổi tiếng này”.[09] Bản Pāli: tìm hiểu xem sự nguy hiểm có khởi lên cho Tôn giả hữu danh này không, và biết rằng không.[10] Hán: lạc hành 樂 行; Pāli: uparata, tịch tĩnh hay trấn tĩnh, tự kềm chế.[11] Pāli: vitarāgattā kāme na sevati khayā rāgassā ti, không hành theo dục, vì đã ly dục, diệt tận dục.[12] Thiện thệ, vi thiện thệ sở hóa 善 逝 為 善 逝 所 化. Pāli: ye ca tattha sugatā ye ca tattha duggatā, “những người ở nơi đó là hành phục (thiện hành) hay khốn nạn (ác hành)”. Sugatā, duggatā, những người hạnh phúc hay khốn nạn (thiện hành, ác hành), ở đây không phải là danh hiệu chỉ cho Đức Phật như thường gặp trong mười hiệu Phật.[13] Nhân thực khả kiến 因 食 可 見, do ăn mà được thấy (xuất hiện). Pāli: ye ca idhekacce āmisesu sandissati, một số người ở đây bị lôi cuốn theo vật dục. Bản Hán hiểu sandissati (bị lôi cuốn) là được thấy (khả kiến), do gốc động từ passati (thấy).[14] Ngã bất tự tri 我 不 自 知. Pāli: nāyasmā taṃ tena avajānāti, Tôn giả ấy không vì vậy mà khinh bỉ người đó.[15] Hán: tri đoạn 知 斷; Pāli: abhiññāya.

-ooOoo-

187. KINH THUYẾT TRÍ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu các Tỳ-kheo nào đến trước các ngươi nói lên trí mà mình đã chứng đắc, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Các ngươi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành[02].

“Sau khi đã khen vị ấy là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, các ngươi nên hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói năm thủ uẩn[03], thọ[04], tưởng, hành và thức. Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy năm thủ uẩn này để được biết là không còn chấp thủ, mà dứt sạch các lậu, tâm giải thoát[05]?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết được rằng phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp lại như vầy, ‘Này chư Hiền, sắc thủ uẩn là không hiệu quả[06], là không hư, không đáng ham muốn, không bằng hữu, cũng không thể dựa, là pháp biến dịch. Tôi biết như vậy. Nếu đối với sắc thủ uẩn mà có tham dục, có ô nhiễm, có đắm trước, có trói buộc; sự đắm trước, sự trói buộc, sự sai sử này mà bị tận trừ, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó biết là không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát. Cũng như vậy, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn là không hiệu quả, là không hư, là không đáng ham muốn, không bằng hữu, cũng không thể dựa, là pháp biến dịch. Tôi biết như vậy. Nếu đối với thức thủ uẩn mà có tham dục, có ô nhiễm, có đắm trước, có trói buộc; sự đắm trước, sự trói buộc, sự sai sử này mà tận trừ, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó biết là không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát. Này chư Hiền, đối với năm thủ uẩn, tôi biết như vậy, thấy như vậy, được rõ biết là không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát’.

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết được rằng phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp lại như vậy. Và các ngươi sau khi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Khi đã khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, lại hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả,Thế Tôn đã nói bốn loại thức ăn[07], chúng sanh nhờ đó mà được tồn tại và được trưởng dưỡng. Những gì là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế. Hai là xúc thực. Ba là ý niệm thực. Bốn là thức thực’.

“‘Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy được bốn loại thực này để rõ biết là không còn chấp thủ, đã dứt sạch các lậu, tâm giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết được phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, đối với đoàn thực, ý tôi không coi trọng, không coi rẻ, không đam mê, không ràng buộc, không nhiễm, không đắm, được giải thoát, giải thoát một cách rốt ráo, tâm không còn điên đảo; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Cũng như vậy, đối với xúc thực, ý niệm thực và thức thực, ý tôi không coi trọng, không coi rẻ, không đam mê, không ràng buộc, không nhiễm, không đắm, được giải thoát, giải thoát một cách rốt ráo, tâm không còn điên đảo; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy đối với bốn loại thực này, rõ biết không còn chấp thủ, dứt sạch các lậu, tâm giải thoát’.

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, biết mình phạm hạnh đã vững nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, lại hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, Đức Thế Tôn đã nói bốn loại tuyên thuyết[08]. Những gì là bốn?

Một là thấy thì nói là thấy.

Hai là nghe thì nói là nghe.

Ba là hay thì nói là hay.

Bốn là biết thì nói là biết.’

“‘Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy bốn loại tuyên thuyết này để rõ được mình không còn chấp thủ, đã dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát?’

“Tỳ-kheo các lậu đã dứt sạch, biết được mình phạm hạnh đã vững, nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, đối với sự thấy nói thấy, tôi không coi trọng, không coi rẻ, không đam mê, không ràng buộc, không nhiễm, không đắm, được giải thoát, giải thoát một cách rốt ráo, tâm không còn điên đảo; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy đối với bốn loại tuyên thuyết này, tôi biết rõ mình đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát’. Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, tự biết phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, lại hỏi Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả,Thế Tôn đã nói pháp sáu nội xứ[09], mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ. Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy được sáu nội xứ này để biết rõ là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, tự biết phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, đối với mắt và thức con mắt, pháp được biết bởi thức con mắt, tôi đều biết. Sau khi biết hai pháp, này chư Hiền, nếu đối với mắt và thức con mắt, pháp được biết bởi thức con mắt mà ái lạc đã dứt sạch; do dứt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh mà tôi biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Cũng như vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và ý thức, pháp biết bởi ý thức, tôi đều biết. Sau khi biết hai pháp, này chư Hiền, nếu đối với ý và ý thức, pháp được biết bởi ý thức, mà ái lạc đã dứt sạch; do dứt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh mà đã biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy, đối với nội lục xứ được biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát’. Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết mình phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi nên khen là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi nên hỏi vị Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, Thế Tôn nói sáu giới, là: địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thức giới. Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy sáu giới này để rõ biết mình đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát?’

“Tỳ-kheo đã dứt sạch phiền não, biết được mình phạm hạnh đã vững, nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, tôi không thấy rằng địa giới là sở thuộc của tôi. Tôi không phải là sở thuộc của địa giới. Địa giới chẳng phải là thần ngã. Nhưng ba thủ[10] nương địa giới mà trụ và các kết sử[11] dựa vào đó mà sanh. Chúng bị diệt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó mà biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Cũng như vậy, thủy, hỏa, phong, không và thức giới chẳng phải sở thuộc của tôi. Tôi không phải sở thuộc của thức giới. Thức giới chẳng phải là thần ngã. Nhưng ba thủ nương địa giới mà trụ và các kết sử dựa vào đó mà sanh. Chúng bị diệt sạch, ly dục, diệt, tịch tĩnh, do đó mà biết là đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy đối với sáu giới ấy, rõ biết mình đã dứt sạch các lậu, không còn chấp thủ, tâm được giải thoát’. Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết mình phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi nên khen ngợi là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen ngợi là đúng và hoan hỷ rồi nên hỏi vị Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, làm sao biết, làm sao thấy bên trong thân cùng với thức này[12] và tất cả các tướng bên ngoài, ngã, ngã tác và kết sử mạn, thảy đều đuợc đoạn tri[13], nhổ tuyệt cội gốc của chúng, không còn tái sanh nữa?’ Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và biết mình phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vầy, ‘Này chư Hiền, thuở xưa, khi tôi chưa xuất gia học đạo đã nhàm tởm sự sanh, già, bệnh, chết, khóc than, khốn khổ, sầu muộn, bi ai; tôi muốn đoạn trừ khối khổ đau to lớn này. Này chư Hiền! Sau khi đã nhàm tởm ghê sợ, tôi quán sát, tại gia là đời sống hẹp hòi, là chốn trần lao bụi bặm. Xuất gia học đạo là đời sống rộng rãi bao la. Nay ta sống đời tại gia bị xiềng xích quấn chặt, không thể trọn đời tịnh tu phạm hạnh. Vậy ta hãy vứt bỏ các tài sản nhỏ và lớn, từ giã thân tộc ít hay nhiều rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo. Này chư Hiền! Sau đó, tôi vứt bỏ tài sản nhỏ và lớn, từ giã thân tộc ít hay nhiều, rồi cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo.

“Này chư Hiền! Sau khi tôi xuất gia học đạo, từ bỏ của cải họ hàng rồi, thọ lãnh cấm giới mà Tỳ-kheo phải tu tập, thủ hộ Tùng giải thoát, tôi lại cẩn thận thu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ nhiệm cũng thường ôm lòng lo sợ, nhớ kỹ điều cốt yếu đã học.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ sát sanh, xa lìa sát sanh, xả bỏ kiếm gậy, biết hổ, biết thẹn, nuôi lòng từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng. Đối với tâm sát sanh, tôi đã tịnh trừ.

“Tôi từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho; chỉ lấy của đã cho, thích của đã cho, thường thích bố thí, vui vẻ không cầu mong sự đáp lại. Đối với tâm ưa lấy của không cho, tôi đã tịnh trừ

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ sự phi phạm hạnh, tránh xa phi phạm hạnh, siêng năng tu phạm hạnh, tinh tấn với diệu hạnh, thanh tịnh không ô uế, từ bỏ dục vọng, dứt trừ dâm dục. Đối với tâm phi phạm hạnh, tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói điều chân thật, ưa điều chân thật, dựa trên sự chân thật không sai chạy. Tất cả lời nói của tôi đều đáng tin cậy, không lừa dối thế gian. Đối với tâm nói láo, tôi đã dứt trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá hoại người khác, không nghe lời người này đem nói với người kia để phá hoại người này, không nghe lời người kia đem nói với người này để phá hoại người kia; người ly gián tôi làm cho hòa hợp, người đã sống hòa hợp, tôi làm cho họ hoan hỷ, không chia phe đảng, không thích phe đảng, không khen ngợi phe đảng. Đối với tâm nói hai lưỡi, tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ lời nói thô ác, tránh xa lời nói thô ác, giọng điệu thô bỉ, lớn tiếng, nghịch tai, người nghe không ưa không mến, khiến họ khổ não không định tâm. Tôi đoạn trừ lời nói như vậy. Nếu có lời nói êm dịu, nhẹ nhàng, thuận tai, thông cảm đến tâm, làm cho người nghe vui vẻ, mến chuộng, sung sướng, tiếng nói rõ ràng, không làm cho người khác sợ, trái lại họ được định tâm, tôi nói lời nói như vậy. Đối với tâm nói lời độc ác, tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ lời nói thêu dệt, tránh xa lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói về tịch tĩnh, ưa nói về tịch tĩnh, hợp thời, hợp lý, khéo dạy, khéo la mắng. Đối với tâm nói thêu dệt, tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ buôn bán, tránh xa sự buôn bán, xả bỏ thói cân lường và đấu hộc, cũng không nhận hàng hóa, không chèn ép người, không mong gian lận, không vì lợi nhỏ mà lấn lướt người. Đối với sự sinh hoạt buôn bán, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận đàn bà góa, con gái thơ, tránh xa việc nhận đàn bà góa, con gái thơ. Đối với việc nhận đàn bà góa, con gái thơ, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận nô tỳ, tránh xa việc nhận nô tỳ. Đối với việc nhận nô tỳ, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận voi, ngựa, bò, dê; tránh xa việc nhận voi, ngựa, bò, dê. Đối với việc nhận voi, ngựa, trâu, dê, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận gà, heo; tránh xa việc nhận gà, heo. Đối với việc nhận gà, heo, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận ruộng nương, hàng quán; tránh xa việc nhận ruộng nương, hàng quán. Đối với việc nhận ruộng nương, hàng quán, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận lúa giống, lúa mạch, đậu; tránh xa việc nhận lúa giống, lúa mạch, đậu. Đối với việc nhận lúa giống, lúa mạch, đậu, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ rượu, tránh xa rượu. Đối với việc uống rượu, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không dùng giường cao, rộng lớn; tránh xa giường cao, rộng lớn. Đối với việc dùng giường cao, rộng lớn, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không trang sức vòng hoa, chuỗi ngọc, hương liệu, dầu thơm; tránh xa không trang sức vòng hoa, ngọc ngà, hương thoa, phấn sáp. Đối với việc trang sức vòng hoa, chuỗi ngọc, hương thoa, phấn sáp, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không ca múa, xướng hát và đi xem nghe; tránh xa sự ca múa, xướng hát và đi xem nghe. Đối với sự ca múa, xướng hát và đi xem nghe, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ không nhận vàng bạc, tránh xa việc nhận vàng bạc. Đối với việc nhận vàng bạc, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi từ bỏ sự ăn quá ngọ, tránh xa sự ăn quá ngọ, ăn đúng ngọ, không ăn ban đêm, không ăn phi thời, học ăn đúng thời. Đối với sự ăn quá ngọ, tâm tôi đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới này, thân lại tu hành sự tri túc, áo cốt để che thân, ăn cốt đủ để nuôi thân. Tôi đến chỗ nào mang theo y bát, không có luyến tiếc, ví như chim nhạn cùng với hai cánh bay liệng trong không theo hai cánh, tôi cũng như vậy.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới thân này và cực tri túc, rồi lại thủ hộ các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng mướn khởi ý. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; vì sự phẫn tránh[14] mà thủ hộ căn con mắt, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia[15], nên thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý biết pháp không chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì sự phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia, nên thủ hộ ý căn.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới thân này và cực tri túc, Thánh thủ hộ các căn, lại biết rõ chân chánh sự ra vào, khéo quán sát phân biệt sự co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chững chạc, khéo đắp Tăng-già-lê và mang các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, nói năng thảy đều biết rõ chân chánh.

“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu Thánh giới thân này và cực tri túc, và cũng thành tựu Thánh thủ hộ các căn, chân chánh biết sự ra vào, rồi lại sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, những nơi trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Tôi sau khi ở trong rừng vắng, hoặc đến gốc cây, những chỗ không nhàn yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, chánh thân chánh nguyện, hướng niệm nội tâm[16], đoạn trừ tâm tham lam, không có não hại, thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi tâm tham lam muốn khiến về mình. Tôi đối với tham lam, tâm được tịnh trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi hoặc, đối với các thiện pháp không còn do dự. Tôi đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ.

“Này chư Hiền, tôi đã đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, cho đến, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Này chư Hiền, tôi đã đắc định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, an trú vững vàng, được bất động tâm, hướng đến chứng ngộ Trí lậu tận thông. Này chư Hiền, tôi biết như thật rằng, ‘Đây là Khổ’, biết như thật: ‘Đây là Khổ tập’, biết như thật: ‘Đây là Khổ diệt’, và biết như thật: ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Biết như thật, ‘Đây là lậu’, ‘Đây là lậu tập’, ‘Đây là lậu diệt’, và ‘Đây là lậu diệt đạo’. Biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu. Khi đã giải thoát liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng, ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này chư Hiền, tôi biết như vậy, thấy như vậy đối với bên trong thân cùng với thức này và tất cả các tướng bên ngoài, ngã, ngã tác và kết sử mạn, thảy đều được đoạn tri, nhổ tuyệt cội gốc của chúng, không còn tái sanh nữa’. Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu và tự biết phạm hạnh đã vững ấy nên như pháp mà đáp như vậy. Các ngươi sau khi nghe rồi, nên khen ngợi là đúng và hoan hỷ phụng hành.

“Sau khi khen ngợi là đúng và hoan hỷ phụng hành rồi, nên nói với vị Tỳ-kheo ấy như vầy, ‘Này Hiền giả, khi Hiền giả vừa nói, chúng tôi đã đẹp lòng, đã hoan hỷ, nhưng chúng tôi muốn theo Hiền giả để tăng tiến càng tăng tiến, mong cầu trí tuệ và ứng đối biện tài. Vì vậy chúng tôi hỏi Hiền giả, rồi lại hỏi nữa’.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán quyển 49. Tương đương Pāli M.112 Chabbisodhana-suttaṃ.[02] Bản Pāli: n’eva abhinanditabbaṃ nappatikkositabbaṃ, không hoan hỷ cũng không phản đối.[03] Hán: thạnh ấm 盛 陰.[04] Nguyên Hán: giác 覺.[05] Lậu tận tâm giải thoát 無 漏 心 解 脫. Pāli: anupādāya āsavehi cittaṃ vimuttaṃ, sau khi không chấp thủ, do vô lậu mà tâm được giải thoát.[06] Vô quả 無 果. Pāli: abala, không có thế lực. Hình như theo bản Hán, aphala, thay vì abala.[07] Tứ thực: đoàn thực thô tế, cánh lạc, ý niệm, thức; 四 食 糰 食 麤 細 更 樂 意 念 識. Thức ăn vo nắm tức vật chất, thức ăn do xúc chạm, thức ăn do ý niệm và thức ăn do thức. Bản Pāli không đề cập. Tham khảo, S. II. pp.11-12, 98, M. I. p. 261: cattāro āhārā... kabaliṃkāro āhāro oḷāriko vā sukhume vā, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ.[08] Tứ thuyết: kiến, văn, thức (giác), tri 見 聞 識 知. Pāli: cattaro vohārā... diṭṭhe diṭṭhavāditā, sute sutavāditā, mute mutavāditā, viññāte viññātavāditā, bốn ngôn thuyết: đối với cái được thấy thì nói là cái được thấy, cái được nghe nói là cái được nghe, cái được cảm nói là cái được cảm, cái được nhận thức nói là cái được nhận thức.[09] Hán: nội lục xứ 內 六 處.[10] Tam thọ 三 受, ba bản Tống-Nguyên-Minh chép là “hai thọ”, ở đây thọ được hiểu là thủ, hay chấp thủ và có hai: dục thủ, kiến thủ. Hay ba thủ, thêm ngã ngữ thủ.[11] Trong để bản: thức sử 識 使; Tống-Nguyên-Minh: chư sử 諸 使. Sử, trong bản Pāli: anusaya: tùy miên.[12] Thân cọng hữu thức 身 共 有 識, hay hữu thức thân, thân tồn tại cùng với thức, hay là sở y cho thức hoạt động. Pāli: saviññāṇaka kāya.[13] Đoạn tri 斷 知, có lẽ là đoạn biến tri. Phát Trí 2 (Đại 26, trang 924 c), “Thế nào là đoạn biến tri? Các tham đã vĩnh viễn bị đoạn trừ, sân và si vĩnh viễn bị đoạn trừ. Tất cả phiền não vĩnh viễn bị đoạn trừ”. Pāli: susamāhata. Nguyên đoạn này, Pāli: imasmiṃ ca-saviññāṇake kāye bahiddhā ca-sabbanimittesu ahaṃkāra-mamaṃkāra-mānānusayā susamūhatā, ở trong các thân câu hữu với thức này và trong tất cả, tướng bên ngoài, mà hoàn toàn đoạn tuyệt ngã kiến, ngã sở kiến và mạn tùy miên.[14] Vị phẫn tránh cố 謂 忿 諍 故; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraṇam enam…, do nguyên nhân gì mà… Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.[15] Thú hướng bỉ cố 趣 向 彼 故; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyyṃ, (các pháp bất thiện) có thể khởi lên (trôi chảy vào tâm).[16] Chánh thân chánh nguyện phản niệm bất hướng 正 身 正 願 反 念 不 向. Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, giữ thân ngay thẳng; dựng chánh niệm để trước mặt. Trong bản Pāli, paṇidhāya, “đặt để” trong bản Hán hiểu là paṇidhāna, “ước nguyện”.

-ooOoo-

188. KINH A-DI-NA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trú tại Đông viên, giảng đường Lộc tử mẫu[02].

Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn từ tĩnh tọa đứng dậy, bước xuống giảng đường, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của giảng đường và thuyết giảng rộng rãi về pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo nghe.

Lúc ấy, dị học A-di-na[03], đệ tử của Sa-môn Man-đầu[04], từ xa thấy Đức Thế Tôn từ tĩnh tọa dậy, bước xuống giảng đường, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của giảng đường và thuyết giảng rộng rãi về pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo nghe; Dị học A-di-na, đệ tử của Sa-môn Man-đầu đến chỗ Phật, chào hỏi và kinh hành theo Phật.

“Đức Thế Tôn quay lại hỏi rằng:

“Dị học A-di-na, Sa-môn Man-đầu có thật sự tư duy với năm trăm tư duy; nếu có dị học, Sa-môn, Phạm chí nào là vị nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho là ‘Ta biết không sót cái gì[05]’, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn[06].”

Dị học A-di-na, đệ tử của Sa-môn Man-đầu đáp rằng:

“Thưa Cù-đàm, Sa-môn Man-đầu thật sự tư duy với năm trăm tư duy; nếu có dị học, Sa-môn, Phạm chí nào là vị nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho là “Ta biết không sót thứ gì’, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn.”

Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“A-di-na, thế nào là Sa-môn Man-đầu thật sự tư duy với năm trăm tư duy; nếu có dị học, Sa-môn, Phạm chí nào là vị nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho là “Ta biết không sót cái gì’, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn?”

Dị học A-di-na, đệ tử của Sa-môn Man-đầu, đáp rằng:

“Thưa Cù-đàm! Sa-môn Man-đầu nói như vầy, ‘Nếu khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi ngủ, khi thức, lúc tối hay ban ngày vẫn thường không chướng ngại tri kiến. Nhưng cũng có khi gặp voi chạy càn, ngựa phóng đại, xe ruỗi nhanh, lính bại trận, con trai chạy trốn, con gái chạy trốn, hoặc đi trên con đường nào đó mà gặp voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, hoặc gặp ổ rắn, hoặc bị ném đất, hoặc bị gậy đánh, hoặc lọt xuống rãnh, hoặc rơi vào hầm xí, hoặc đạp lên bò đang nằm, hoặc sa xuống hầm sâu, hoặc đâm vào bụi gai, hoặc thấy thôn ấp mà phải hỏi tên đường, hoặc gặp kẻ trai người gái phải hỏi họ hỏi tên, hoặc nhìn lầm nhà trống, hoặc vào dòng họ nào đó và khi vào rồi được hỏi rằng: ‘Ông ở đâu đến?’ Ta đáp rằng, ‘Này chư Hiền, tôi đi lộn đường’.’

“Thưa Cù-đàm! Sa-môn Man-đầu đại loại như vậy, tư duy với năm trăm tư duy, và nếu có dị học Sa-môn, Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến, tự cho rằng: “Ta biết không sót cái gì’, nhưng vị ấy cũng có những lầm lẫn như vậy.”

Rồi Đức Thế Tôn đi kinh hành đến mút đường, dừng lại, trải tọa cụ, ngồi kiết già, hỏi các Tỳ-kheo:

“Những sự kiện trí tuệ[07] được Ta nói đến, các người thọ trì chăng?

Các Tỳ-kheo im lặng không đáp. Đức Thế Tôn hỏi như vậy đến ba lần:

“Những sự kiện trí tuệ được Ta nói đến, các ngươi thọ trì chăng?”

Các Tỳ-kheo cũng ba lần im lặng không đáp.

Lúc ấy có một Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng đến Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng lúc! Nếu Thế Tôn nói những sự kiện trí tuệ cho các Tỳ-kheo nghe thì các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn nói sẽ khéo léo thọ trì.”

Thế Tôn nói:

“Này Tỳ-kheo, hãy nghe rõ và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân tích đầy đủ cho các ngươi.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Chúng con kính vâng lời, lắng nghe.”

Đức Phật lại bảo rằng:

“Có hai chúng, một là chúng pháp, hai là chúng phi pháp.

“Sao gọi là chúng phi pháp? Hoặc có người làm việc phi pháp, nói lời phi pháp và chúng ấy cũng làm việc phi pháp, nói lời phi pháp. Người phi pháp ấy đứng đầu trong chúng phi pháp, theo những điều chính mình đã biết, nhưng lại bằng những lời hư vọng, không chân thật mà hiển thị, phân biệt, quy định hành vi, lưu bố, tuần tự thuyết pháp, muốn đoạn trừ sự xấu xa trong tâm ý người khác, bị cật vấn thì không thể trả lời được. Đối với trong Chánh pháp luật không thể xứng lập những điều chính mình đã biết. Nhưng người phi pháp đứng đầu trong chúng phi pháp, tự cho là ‘Ta có trí tuệ, hiểu biết tất cả’. Ở nơi nào mà sự kiện trí tuệ được nói đến như vậy, ở đó được gọi là chúng phi pháp.

“Sao gọi là chúng pháp? Hoặc có người làm đúng pháp, nói như pháp và chúng ấy cũng làm đúng pháp, nói như pháp. Người đúng pháp ấy đứng đầu trong chúng pháp, theo những điều chính mình đã biết, không bằng những lời hư vọng mà bằng sự chắc thật, hiển thị, phân biệt, quy định hành vi, lưu bố, tuần tự thuyết pháp, muốn đoạn trừ sự xấu xa trong tâm ý người khác, khi bị cật vấn thì có thể trả lời được, đối với Chánh pháp luật có thể xứng lập những điều chính mình đã biết, và người ấy đứng đầu trong chúng pháp, tự cho là ta có trí tuệ, hiểu biết tất cả’. Ở nơi nào mà sự kiện trí tuệ được nói đến như vậy, ở đó được gọi là chúng pháp.

“Cho nên, các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã chứng biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật.”

Phật thuyết như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa.

Bấy giờ các Tỳ-kheo liền suy nghĩ: “Chư Hiền nên biết, Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa; nói rằng, ‘Cho nên các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật’.”

Họ lại nghĩ rằng: “Này chư Hiền, ai có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt?”

Họ lại nghĩ rằng: “Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, hiểu biết ý Phật, thường được Thế Tôn và các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt. Này chư Hiền, chúng ta cùng nhau đi đến chỗ Tôn giả A-nan để yêu cầu nói ý nghĩa bày. Nếu được Tôn giả A-nan phân biệt cho, chúng ta sẽ khéo léo thọ trì.”

Rồi các Tỳ-kheo đi đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Tôn giả A-nan, xin biết cho! Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa, rằng ‘Cho nên các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật’.

“Chúng tôi lại nghĩ, ‘Này chư Hiền! Ai có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt?’ Chúng tôi lại nghĩ rằng: ‘Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, hiểu biết ý Phật, thường được Thế Tôn và các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết vắn tắt’. Cúi mong Tôn giả A-nan vì lòng từ mẫn mà phân biệt rộng rãi cho.”

Tôn giả A-nan bảo rằng:

“Này chư Hiền, hãy lắng nghe tôi nói ví dụ. Người có trí sau khi nghe ví dụ thì sẽ hiểu rõ ý nghĩa:

“Này chư Hiền, ví như có người muốn tìm lõi cây, vì muốn tìm lõi cây nên xách búa vào rừng. Người ấy thấy một gốc cây to, đã đầy đủ rễ, thân, đốt, cành, lá, hoa và lõi. Người ấy không đụng đến rễ, thân, đốt, lõi, mà chỉ đụng đến cành, lá. Những điều mà chư Hiền nói cũng giống như vậy. Đức Thế Tôn đang còn đó, sao chư Hiền lại bỏ đi mà tìm đến tôi để hỏi ý nghĩa này? Vì sao vậy?

Chư Hiền nên biết,Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp, là Pháp chủ, là Pháp tướng, là Bậc nói nghĩa Chân đế. Mọi cứu cánh được chỉ bày do bởi Thế Tôn ấy. Chư Hiền nên đến chỗ Đức Thế Tôn mà hỏi ý nghĩa này, ‘Bạch Thế Tôn, điều này là thế nào? Điều này có ý nghĩa gì?’ Đúng như những lời Thế Tôn nói, chư Hiền hãy khéo léo thọ trì.”

Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Tôn giả A-nan, vâng, Đức Thế Tôn là Con Mắt, là Trí, là Nghĩa, là Pháp, là Pháp chủ, là Pháp tướng, là bậc nói nghĩa Chân đế. Mọi cứu cánh được chỉ bày do bởi Thế Tôn ấy. Nhưng Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, hiểu biết ý Phật, thường được Thế Tôn và các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Bạch Tôn giả A-nan, Tôn giả có thể phân biệt rộng rãi ý nghĩa mà Đức Thế Tôn đã thuyết một cách vắn tắt. Cúi mong Tôn giả A-nan vì lòng từ mẫn mà phân biệt rộng rãi cho.”

Tôn giả A-nan nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này chư Hiền, vậy hãy cùng nghe tôi nói.

“Này chư Hiền, tà kiến là phi pháp, chánh kiến là pháp. Nếu điều nào nhân bởi tà kiến mà sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, đó gọi là phi nghĩa. Nếu nhân bởi chánh kiến mà sanh ra vô lượng pháp thiện, đó gọi là nghĩa.

“Này chư Hiền, cho đến tà trí là phi pháp, chánh trí là pháp. Nếu nhân bởi tà trí mà sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, đó gọi là phi nghĩa. Nếu nhân bởi chánh trí mà sanh ra vô lượng pháp thiện, đó gọi là nghĩa.

“Này chư Hiền! Sự kiện Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa, rằng ‘Cho nên các ngươi nên biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa. Sau khi đã biết pháp và phi pháp, nghĩa và phi nghĩa rồi, các ngươi nên học pháp như thật và nghĩa như thật’.

 “Ý nghĩa mà Đức Thế Tôn chỉ nói vắn tắt chứ không phân biệt rộng rãi này, tôi bằng câu ấy, bằng văn ấy mà diễn rộng ra như vậy. Chư Hiền có thể đến trình bày đầy đủ lên Đức Phật. Nếu đúng như ý nghĩa mà Đức Thế Tôn nói thí chư Hiền hãy thọ trì.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan nói, khéo léo thọ trì, đọc thuộc, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Tôn giả A-nan ba vòng rồi đi. Khi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, vừa rồi Thế Tôn chỉ nói vắn tắt ý nghĩa này, không phân biệt rộng rãi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vào tịnh thất tĩnh tọa. Tôn giả A-nan đã bằng câu ấy, bằng văn ấy mà diễn rộng ra.

Đức Thế Tôn nghe xong, khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Trong hàng đệ tử của Ta có những vị có Mắt, có Trí, có Pháp, có Nghĩa. Vì sao vậy? Vì Tôn sư nói ý nghĩa này cho đệ tử một cách vắn tắt mà không phân biệt rộng rãi, đệ tử ấy bằng câu ấy, bằng văn ấy mà diễn rộng ra.

“Đúng như những gì A-nan nói, các ngươi hãy như vậy mà thọ trì. Vì sao vậy? –Vì thuyết quán nghĩa phải như vậy.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli A.10.12.4 Ajita-sutta.[02] Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường, xem các kinh số 118, 144, 154,v.v. Pāli: Pubbārāma Migāramātu-pāsāda.[03] A-di-na 阿 夷 那. Pāli: Ajita.[04] Sa-môn Man-đầu 沙 門 蠻 頭. Pāli, Chính lời của Ajita nói: amhakam pandito nāma sabrahmacārī, vị đồng phạm hạnh của chúng tôi thật sự là Paṇḍita (thông thái, trí tuệ; hay tên là Paṇḍita, Man-đầu?).[05] Ngã hữu vô dư tri 我 有 無 餘 知.[06] Đoạn này và vấn đề liên hệ ở dưới, không có trong bản Pāli đối chiếu này, nhưng văn và nghĩa chính xác, có thể thấy trong M.76 (trang 519).[07] Trí tuệ sự 智 慧 事. Pāli: Paṇḍitavatthūni, xem cht.4 trên.

-ooOoo-

189. KINH THÁNH ĐẠO[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Câu-lâu-lấu, ở Kiếm Ma-sắt-đàm, đô ấp Câu-lâu.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Có một con đường khiến chúng sanh được thanh tịnh, xả bỏ ưu sầu, than khóc, dứt hết buồn khổ ảo não, chứng được như pháp. Đó là Thánh chánh định, có tập, có trợ[02] và cũng có cụ[03], bao gồm bảy chi.

“Thế nào là Thánh chánh định nói tập, nói trợ và nói cụ gồm bảy chi? Đó là, chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm. Nếu do bảy chi này mà có tập, có trợ và có cụ[04], khéo hướng đến tâm chuyên nhất[05], đó gọi là Thánh chánh định có tập, có trợ và có cụ. Vì sao vậy? Chánh kiến sanh chánh chí, chánh chí sanh chánh ngữ, chánh ngữ sanh chánh nghiệp, chánh nghiệp sanh chánh mạng, chánh mạng sanh chánh phương tiện, chánh phương tiện sanh chánh niệm, chánh niệm sanh chánh định. Hiền thánh đệ tử tâm được chánh định như vậy lập tức dứt sạch dâm, nộ, si. Hiền thánh đệ tử chánh tâm giải thoát như thế, lập tức biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Trong các chi ấy, chánh kiến đứng ngay hàng đầu. Nếu thấy rõ tà kiến là tà kiến thì đó gọi là chánh kiến. Nếu thấy rõ chánh kiến là chánh kiến thì đó cũng gọi là chánh kiến.

“Thế nào là tà kiến?

“Đó là cho rằng không có bố thí, không có trai tự, không có chú thuyết, không có thiện, ác nghiệp, không có quản báo của thiện, ác nghiệp, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ, không có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, tự tri, tự giác, trong đời này hay đời sau mà tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là tà kiến.

“Thế nào gọi là chánh kiến?

“Đó là thấy rằng có bố thí, có trai tự, có chú thuyết, có thiện, ác nghiệp, có quả báo của thiện, ác nghiệp, có đời này đời sau, có cha có mẹ, có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, trong đời này hay đời sau tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là chánh kiến.

“Đó gọi rằng thấy tà kiến là tà kiến thì đó là chánh kiến. Thấy chánh kiến là chánh kiến; đó cũng gọi là chánh kiến. Khi biết rõ như thế, liền phải cầu học, muốn đoạn trừ tà kiến, thành tựu chánh kiến. Đó gọi là chánh phương tiện. Tỳ-kheo suy niệm về sự đoạn trừ nơi tà kiến, thành tựu chánh kiến. Đó gọi là chánh niệm. Cả ba chi này đi theo kiến phương tiện, do phương tiện của kiến. Vì thế cho nên bảo chánh kiến là đứng ngay ở hàng đầu.

“Nếu thấy tà chí là tà chí, thì đó là chánh chí. Nếu thấy chánh chí là chánh chí thì đó cũng là chánh chí.

“Thế nào gọi là tà chí? Đó là niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, được gọi là tà chí.

“Thế nào gọi là chánh chí? Đó là niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, được gọi là chánh chí.

“Thấy rõ tà chí là tà chí, thì đó là chánh chí. Thấy rõ chánh chí là chánh chí, thì đó cũng là chánh chí. Biết như thế rồi, liền phát tâm cầu học, muốn đoạn trừ tà chí, thành tựu chánh chí. Đó gọi là chánh phương tiện. Tỳ-kheo suy niệm sự đoạn trừ nơi tà chí, thành tựu chánh chí. Đó gọi là chánh niệm.

“Tất cả ba chi này đi theo chánh chí, do phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.

“Nếu thấy rõ tà ngữ là tà ngữ, thì đó là chánh ngữ. Nếu thấy chánh ngữ là chánh ngữ, thì đó cũng chính là chánh ngữ.

“Sao gọi là tà ngữ? Nói dối, nói hai lưỡi, lời nói thô ác, lời nói thêu dệt, đó gọi là tà ngữ.

“Thế nào là chánh ngữ? Xa lìa sự nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, thêu dệt, đó gọi là chánh ngữ. Đó cũng gọi là thấy tà ngữ là tà ngữ, thì gọi là chánh ngữ. Thấy chánh ngữ là chánh ngữ, cũng gọi là chánh ngữ. Biết như vậy rồi liền phát tâm cầu học, muốn đoạn trừ tà ngữ, thành tựu chánh ngữ. Đó là chánh phương tiện. Tỳ-kheo suy niệm sự đoạn trừ nơi tà ngữ, thành tựu chánh ngữ, gọi là chánh niệm. Cả ba chi này đi theo chánh ngữ, do phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.

 “Nếu thấy tà nghiệp là tà nghiệp, thì đó là chánh nghiệp. Nếu thấy chánh nghiệp là chánh nghiệp, thì đó cũng chính là chánh nghiệp.

“Thế nào gọi là tà nghiệp? Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, gọi là tà nghiệp. Thế nào gọi là chánh nghiệp? Lìa sát sanh, trộm cướp, tà dâm, gọi là chánh nghiệp. Đó gọi rằng thấy tà nghiệp là tà nghiệp thì gọi là chánh nghiệp. Thấy chánh nghiệp là chánh nghiệp, cũng gọi là chánh nghiệp. Biết như thế rồi liền phát tâm cầu học, muốn đoạn trừ tà nghiệp, thành tựu chánh nghiệp, gọi là chánh phương tiện. Tỳ-kheo suy niệm sự đoạn trừ nơi tà nghiệp, thành tựu chánh nghiệp, gọi là chánh niệm. Cả ba chi này đi theo chánh nghiệp, do phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.

“Nếu thấy tà mạng là tà mạng, thì đó gọi là chánh mạng. Nếu thấy chánh mạng là chánh mạng, thì cũng gọi là chánh mạng.

“Thế nào là tà mạng? Nếu có sự mong cầu mà không mãn ý; bằng nhiều loại chú thuật súc sanh, bằng tà mạng mà nuôi sống. Nó không như pháp mà tìm kiếm áo chăn, mà lại bằng phi pháp; không như pháp mưu cầu ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, các tư cụ sanh hoạt, mà bằng phi pháp. Đó là tà mạng. Thế nào là chánh mạng? Nếu không có sự mong cầu không mãn ý; không dùng các thứ chú thuật, tà mạng để nuôi sống. Người ấy như pháp mà tìm kiếm áo chăn, thì đó là pháp vậy; như pháp mà mưu cầu ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, các tư cụ sanh hoạt, thì đó là pháp vậy. Đó gọi là chánh mạng. Đó là nói rằng, thấy tà mạng là tà mạng thì gọi là chánh mạng; thấy chánh mạng là chánh mạng, cũng gọi là chánh mạng. Kia biết như vậy rồi, bèn cầu học để đoạn trừ tà mạng, thành tựu chánh mạng; đó là chánh phương tiện. Tỳ-kheo suy niệm nơi sự đoạn trừ tà mạng, thành tựu chánh mạng, đó gọi là chánh niệm. Ba chi này đi theo chánh mạng, do phương tiện của kiến, vì thế nên bảo chánh kiến đứng hàng đầu.

“Thế nào là chánh phương tiện? Tỳ-kheo để đoạn trừ ác pháp đã sanh mà phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm trừ diệt; vì để ác pháp chưa sanh thì không sanh, nên phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm mà trừ diệt; để pháp thiện chưa sanh thì sanh nên phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm trừ diệt; để thiện pháp đã sanh tồn tại, không bị quên, không thối thất, càng lúc càng phát triển rộng rãi, tu tập biến mãn đầy đủ, nên phát khởi ý dục tìm cầu phương tiện, tinh cần dốc tâm mà trừ diệt; đó gọi là chánh phương tiện.

“Thế nào là chánh niệm? Tỳ-kheo quán nội thân như thân; quán, cho đến, thọ, tâm, pháp như pháp; đó gọi là chánh niệm.

“Thế nào là chánh định? Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ; đó gọi là chánh định.

“Thế nào là chánh giải thoát? Tỳ-kheo, tâm giải thoát khỏi dục, tâm giải thoát khỏi nhuế, si; đó gọi là chánh giải thoát. Thế nào là chánh trí? Tỳ-kheo biết tâm giải thoát dục, tâm giải thoát nhuế, si; gọi là chánh trí.

“Đó là bậc hữu học thành tựu tám chi. Lậu tận A-la-hán thành tựu mười chi.

“Thế nào là hữu học thành tựu tám chi? Là học từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là hữu học thành tựu tám chi.

“Thế nào là lậu tận A-la-hán thành tựu mười chi? Đó là vô học chánh kiến cho đến vô học chánh trí. Đó là lậu tận A-la-hán thành tựu mười chi. Vì sao vậy? Vì chánh kiến là đoạn trừ tà kiến. Nếu nhân tà kiến sanh vô lượng ác pháp bất thiện, vị ấy phải đoạn trừ nó. Nếu nhân chánh kiến sanh ra vô lượng thiện pháp, vị ấy tu tập được sung mãn. Cho đến chánh trí đoạn trừ tà trí. Nếu nhân tà trí sanh vô lượng pháp ác bất thiện, vị ấy đoạn trừ nó. Nếu nhân chánh trí sanh vô lượng pháp thiện, vị ấy tu tập để được sung mãn.

“Đó là hai mươi phẩm thiện và hai mươi phẩm bất thiện. Tức là tuyên thuyết bốn mươi đại pháp phẩm được chuyển vận nơi Phạm luân mà không một ai có thể chế ngự mà bài xích, dù là Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm, và các loại thế gian khác.

“Đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân ấy, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên và Ma, Phạm, và các loại thế gian khác; mà nếu có Sa-môn, Phạm chí nào phi bác, người ấy đối với như pháp có mười trường hợp đáng bị chỉ trích.

“Những gì là mười? Hoặc chê bai chánh kiến, khen ngợi tà kiến. Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào có tà kiến, mà hoặc cúng dường vị ấy, hoặc tán thán vị ấy, thì đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm và các loại thế gian khác ấy, mà nếu có Sa-môn, Phạm chí nào phi bác, vị ấy đối với như pháp đây là trường hợp thứ nhất đáng bị chỉ trích.

“Hoặc chê bai, cho đến chánh trí, khen ngợi tà trí. Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào có tà trí mà hoặc cúng dường vị ấy, hoặc tán thán vị ấy, thì đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm và các loại thế gian khác ấy, mà nếu có Sa-môn, Phạm chí nào phi bác, vị ấy đối với như pháp đây trường hợp thứ mười đáng bị chỉ trích.

“Đó gọi là đối với như pháp có mười trường hợp đáng bị chỉ trích. Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết, được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm, và các loại thế gian khác ấy, mà phi bác; thì người ấy đối với như pháp có mười điều bị chỉ trích.

“Lại có những Sa-môn, Phạm chí khác sống ngồi chồm hổm[06], thuyết giảng sự ngồi chồm hổm. Sống vô sở hữu, thuyết giảng vô sở hữu, thuyết vô nhân, thuyết vô tác, thuyết vô nghiệp; nghĩa là đối với thiện ác được tạo tác bởi người này hay người kia mà chủ trương đoạn tuyệt, phá hoại ở kia hay ở đây, những người ấy đối với bốn đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm và các loại thế gian khác, những người ấy cũng có sự chỉ trích, lo lắng, sợ hãi.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli M.117 Mahā-cattārīsaka suttaṃ.[02] Hữu tập hữu trợ 有 習 有 助. Pāli: sa-upanisa, cùng với sự thân cận, hay phương tiện, sa-parikkhāra cùng với sự hỗ trợ hay tư trợ.[03] Hữu cụ 有 具. Bản Pāli không có từ tương xứng, nhưng nội dung tương đồng. Nghĩa là một chi Thánh đạo này bao gồm bảy chi Thánh đạo còn lại.[04] Nhờ bảy chi này làm phương tiện và hỗ trợ cho chánh định.[05] Tâm đắc nhất 心 得 一 ; trạng thái tập trung vào một điểm. Pāli: cittassa ekaggatā, cũng dịch là tâm nhất cảnh tánh.[06] Tồn cứ 蹲 踞. Pāli: Okkalā Vessa-Bhanna, những người ở Ukkalā, Vassa và Bhanna, được coi như theo chủ trương vô nhân (ahetuvāda), vô tác (akiriyavāda), và vô sở hữu (natthikavādā). Bản Hán đọc Ukkalā như là Ukkūla, ngồi chồm hổm.

-ooOoo-

190. KINH TIỂU KHÔNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, tại Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường[02].

Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc xế, từ thiền tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, lui đứng sang một bên mà bạch rằng:

“Một thời Thế Tôn du hành giữa những người họ Thích, trong thành tên là Thích đô ấp[03]. Con lúc ấy được nghe Thế Tôn nói nghĩa như vầy, ‘Này A-nan, Ta phần nhiều hành nơi không tánh’[04]. Thế Tôn! Phải là con biết rõ, nhận rõ và nhớ kỹ không?”

Khi ấy Thế Tôn đáp rằng:

“Này A-nan, lời nói của Ta đó, ông thật sự biết rõ, nhận rõ và nhớ kỹ. Vì sao? Vì Ta tự bao giờ cho đến hôm nay phần nhiều hành nơi không tánh.

“Này A-nan, như giảng đường Lộc tử mẫu này trống không, không có voi, ngựa, bò, dê, tài vật, lúa thóc, nô tỳ; nhưng có cái không trống không. Đó là chỉ có chúng Tỳ-kheo. Cho nên, này A-nan, nếu trong đó không có gì cả thì chính do đó mà Ta thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì Ta thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, không tánh, sự không điên đảo[05].

“Này A-nan, Tỳ-kheo nào nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác đến ý tưởng về xóm làng, đừng tác ý đến ý tưởng về người, mà hằng tác ý đến ý tưởng về duy nhất tánh là ý tưởng về khu rừng[06]. Vị ấy nhận biết như vầy, ‘Trống không ý tưởng về xóm làng, trống không ý tưởng về người, nhưng có một cái không trống không, đó là duy nhất tánh do ý tưởng về khu rừng. Nếu có sự phiền nhọc[07] do ý tưởng về xóm làng, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về người, thì ở đây ta không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc là do duy nhất tánh ý tưởng về khu rừng’. Nếu trong đó không có gì cả thì, thì chính do đó mà vị ấy thấy đó là trống không. Nếu trong này còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, không tánh, sự không điên đảo.

“Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về người, đừng tác ý đến ý tưởng khu rừng mà hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về đất. Tỳ-kheo ấy nếu thấy đất này có cao có thấp, có ổ rắn, có bụi gai, có cát, có đá, núi chởm, sông sâu thì chớ có tác ý đến. Nếu thấy đất này bằng phẳng như lòng bàn tay, chỗ trông ra được rõ ràng, thì hãy thường tác ý đến.

“Này A-nan, ví như da bò, lấy một trăm cây đinh mà căng ra; sau khi căng rất thẳng, nó không nhăn, không rút lại. Nếu thấy chỗ đất này có cao có thấp, có ổ rắn, có bụi gai, có cát, có đá, núi chởm, sông sâu thì đừng tác ý đến. Nếu thấy chỗ đất này bằng phẳng như lòng bàn tay, chỗ trông ra được rõ ràng, thì hãy thường tác ý. Vị ấy biết như vậy, biết rằng, ‘Trống không ý tưởng về người, trống không ý tưởng về khu rừng, nhưng có một cái không trống không, đó là duy nhất ý tưởng về đất. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về người, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về khu rừng, thì ở đây ta không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về đất’. Nếu trong đó không có gì cả, thì chính do đó mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, không tánh, sự không điên đảo.

“Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về khu rừng, đừng tác ý đến ý tưởng về đất, mà hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng thuần nhất về vô lượng không xứ[08]. Vị ấy nhận biết như vầy, ‘Trống không ý tưởng về khu rừng, trống không ý tưởng về đất, nhưng có cái không trống không, đó là duy nhất ý tưởng về vô lượng không xứ. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về khu rừng, thì ở đây ta không có sự đó. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về đất, thì ta không có sự đó. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về vô lượng không xứ’. Nếu trong đó không có gì cả, thì chính do đó mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

“Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về khu rừng, đừng tác ý đến ý tưởng về đất, đừng tác ý về ý tưởng vô lượng không xứ, hãy hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về vô lượng thức xứ[09]. Vị ấy nhận biết như vầy, ‘Trống không ý tưởng về khu rừng, trống không ý tưởng về đất, trống không ý tưởng về vô lượng không xứ, nhưng có một cái không trống không, đó là duy nhất ý tưởng về vô lượng thức xứ. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về khu rừng, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về đất, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô lượng không xứ, thì ở đây ta không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về vô lượng thức xứ.’ Nếu trong đó không có gì cả, thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có một cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

“Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về vô lượng không xứ, đừng tác ý đến ý tưởng về vô lượng thức xứ, mà hãy hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về vô sở hữu xứ[10]. Vị ấy niệm biết như vầy, ‘Trống không vô lượng không xứ, trống không vô lượng thức xứ, nhưng có một cái không trống không. Đó là duy nhất ý tưởng về vô sở hữu xứ. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô lượng không xứ, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô lượng thức xứ, thì ở đây ta không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất tánh là ý tưởng về vô sở hữu xứ’. Nếu trong đó không có gì cả, thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong đó còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

“Lại nữa, này A-nan, Tỳ-kheo nếu muốn hành nhiều trong không tánh, Tỳ-kheo ấy đừng tác ý đến ý tưởng về vô lượng thức xứ, đừng tác ý đến ý tưởng về vô sở hữu xứ, mà hãy hằng tác ý đến duy nhất tánh là ý tưởng về vô tưởng tâm định[11]. Vị ấy nhận biết như vầy, ‘Trống không ý tưởng về vô lượng thức xứ, trống không ý tưởng về vô sở hữu xứ, nhưng có cái không trống không, đó là duy nhất tánh do vô tưởng tâm định. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô lượng thức xứ, thì ở đây ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do ý tưởng về vô sở hữu xứ, thì ở đây ta cũng không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do duy nhất là về tưởng tâm định’. Nếu trong đó không có gì cả, thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác, thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo.

“Vị ấy lại suy nghĩ như vầy, ‘Vô tưởng tâm định mà ta đã có đây vốn là sở hành, vốn là sở tư[12]. Nếu nó vốn là sở hành, vốn là sở tư thì ta không ái lạc nó[13], không mong cầu nó, không an trụ trên nó’.

“Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu. Giải thoát rồi, thì biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy biết như vầy, ‘Trống không là dục lậu, trống không là hữu lậu, trống không là vô minh lậu; nhưng có cái không trống không, đó là chỉ có thân này của ta với sáu xứ cho mạng tồn tại. Nếu có sự phiền nhọc do dục lậu, thì ta không có sự ấy. Nếu có sự phiền nhọc do hữu lậu và vô minh lậu, ta cũng không có sự ấy. Ở đây chỉ có sự phiền nhọc do nơi thân này của ta và sáu xứ cho mạng tồn tại[14]’. Nếu trong đó không có gì cả thì chính vì vậy mà vị ấy thấy là trống không. Nếu trong này còn có cái khác thì vị ấy thấy là chân thật có. Này A-nan, đó là hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo. Đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

“Này A-nan, trong quá khứ, nếu có các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, các vị ấy tất cả đều hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo này; đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

“Này A-nan, trong vị lai, nếu có các Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, các vị ấy tất cả đều hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo này; đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

“Này A-nan, trong hiện tại, Ta là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Ta cũng hành trong sự chân thật, tánh không, không điên đảo này; đó là lậu tận, vô lậu, vô vi, tâm giải thoát.

“Cho nên, này A-nan, hãy học như vậy.”

Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.124. Cūḷa-suññatā-suttaṃ.[02] Xem Kinh 189 trên.[03] Pāli: Sakkesu (.....) nagarakam nāma sakyānaṃ nigamo, giữa những người họ Thích, một thị trấn của họ Thích ca, tên là Nagaraka.[04] Hành không 行 空. Pāli: suññatāvihāra, không trụ, sự an trụ nơi tánh không, sống trong trạng thái không tánh.[05] Hành chân thật không bất điên đảo. Pāli: Yathābhuccā avipallatthā parisuddhā sunnatāvakkam. Thâm nhập không tánh, chân thật, thanh tịnh, không điên đảo. Bốn từ này ở đây được coi là đồng nghĩa.[06] Hán: niệm nhất vô sự tưởng 念 一 無 事 想. Pāli: araññasaññaṃ paṭicca manasi karoti ekattaṃ, duyên vào ý tưởng về khu rừng mà tác ý cái một. Duyên vào ý tưởng rừng mà tập trung trên một đối tượng duy nhất, nhất tánh.[07] Bì bao 疲 勞, Pāli: daratha, bất an, buồn phiền.[08] Vô lượng không xứ tưởng 無 量 空 處 想. Pāli: ākāsānañcāyatana-saññā.[09] Vô lượng thức xứ tưởng 無 量 識 處 想. Pāli: viññāṇañcanāyatana-saññā.[10] Vô sở hữu xứ tưởng 無 所 處 想. Pāli: ākiñcaññāyatana-saññā.[11] Vô tưởng tâm định 無 想 心 定. Pāli: animitta-cetosamādhi (vô tướng tâm định). Bản Hán bỏ qua Phi hữu tưởng phi vô tưởng phi vô tưởng xứ (nevasaññāsaññāyātana-saññā) được đề cập trong bản Pāli.[12] Bổn sở hành, bổn sở tư 本 所 本 所 思. Pāli: ayampi kho animoitto cetosamādhi abhsaṅkhato abhisañcetayito, vô tướng tâm định này là thắng hữu vi, được tư duy. Thắng hữu vi, thuộc hữu vi, vì những thù thắng, siêu việt hơn. Trong bản Hán, đọc là abhisaṃkhāra (bổn sở hành hay thắng hành) thay vì là abhisaṃkhata. Bổn sở tư (abhisañcetayita), ở đây hiểu là cái được tạo ra do tư niệm, tư sở tác.[13] So Pāli: abhismkhatṃm (....) aniccṃm: thuộc về hữu vi, là vô thường.[14] Pāli: kāyaṃ paṭicca-saḷāyatanikaṃ jīvitapaccayā, duyên nơi thân với sáu xứ là điều kiện cho mạng tồn tại.

-ooOoo-

191. KINH ĐẠI KHÔNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa giữa những người họ Thích, ở trong thành Ca-duy-la-vệ, tại vườn Ni-câu-loại[02].

Bấy giờ Đức Thế Tôn sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đắp y cầm bát đi vào thành Ca-duy-la-vệ khất thực.

Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Ngài đi đến tinh xá Gia-la-sai-ma Thích[03]. Lúc bấy giờ tại tinh xá Gia-la-sai-ma thích có sắp đặt rất nhiều giường chõng, có rất nhiều Tỳ-kheo trú nghỉ ở trong đó.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn từ trong tinh xá Gia-la-sai-ma Thích đi ra, đến Già-la Thích[04] tinh xá. Bấy giờ, Tôn giả A-nan và rất nhiều Tỳ-kheo ở trong tinh xá Già-la Thích đang làm y. Tôn giả A-nan từ xa trông thấy Phật sắp đến, bèn ra nghinh tiếp, rước y bát của Phật, trở vào trải giường ngồi, múc nước rửa chân.

Phật rửa chân rồi, ngồi trên chỗ ngồi của Tôn giả A-nan đã trải sẵn trong tinh xá Già-la Thích và nói rằng:

“Này A-nan, trong tinh xá Gia-la-sai-ma Thích có sắp đặt rất nhiều giường chõng, có rất nhiều Tỳ-kheo trú nghỉ ở trong đó chăng?”

Tôn giả A-nan bạch:

“Quả như vậy, bạch Thế Tôn, trong tinh xá Gia-la-sai-ma Thích có sắp đặt rất nhiều giường chõng, có rất nhiều Tỳ-kheo đang trú nghỉ trong đó. Vì sao? Vì chúng con hôm nay đang làm y.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo A-nan rằng:

“Tỳ-kheo không nên ham muốn nói chuyện ồn ào, vui thích trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, vui thích với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng.

“Tỳ-kheo nào ham muốn nói chuyện ồn ào, vui thích trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, vui thích với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng; vị ấy nếu có hoan lạc nơi sự hoan lạc của bậc Thánh, hoan lạc vô dục, hoan lạc viễn ly, hoan lạc tịch tịnh, hoan lạc chánh giác, hoan lạc không tài sản, hoan lạc phi sanh tử, đối với những hoan lạc ấy mà được dễ dàng không khó, trường hợp này không thể xảy ra.

“Này A-nan, Tỳ-kheo nào không ham muốn nói chuyện ồn ào, không hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, không tụ tập để nói chuyện ồn ào, không ham muốn đông người, không hoan lạc với sự đông người, không tụ tập đông người, muốn rời xa chỗ đông người, thường hoan lạc trong sự sống cô độc nơi xa vắng; vị ấy nếu có sự hoan lạc của bậc Thánh, hoan lạc vô dục, hoan lạc viễn ly, hoan lạc tịch tịnh, hoan lạc chánh giác, hoan lạc không tài sản, hoan lạc phi sanh tử, đối với những hoan lạc này mà được dễ dàng không khó, trường hợp này tất có thể xảy ra.

“Này A-nan, Tỳ-kheo không nên ham muốn nói chuyện ồn ào, hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, hoan lạc với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng.

“Tỳ-kheo nào ham muốn nói chuyện ồn ào, hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, tụ tập để nói chuyện ồn ào, ham muốn đông người, hoan lạc với sự đông người, tụ tập đông người, không thích rời xa chỗ đông người, không thích sống cô độc ở nơi xa vắng. Nếu vị ấy chứng đắc thời ái tâm giải thoát[05] và bất thời bất di động tâm giải thoát[06], trường hợp này hoàn toàn không xảy ra.

“Này A-nan, Tỳ-kheo nào không ham nói chuyện ồn ào, không hoan lạc trong sự nói chuyện ồn ào, không tụ tập để nói chuyện ồn ào, không ham muốn đông người, không hoan lạc với sự đông người, không tụ tập đông người, muốn rời xa chỗ đông người, thường hoan lạc trong sự sống cô độc nơi xa vắng; vị ấy chứng đắc thời ái tâm giải thoát và bất thời bất di động tâm giải thoát, trường hợp này tất có xảy ra.

“Vì sao vậy? Này A-nan, Ta không thấy có một sắc nào khiến Ta ham muốn hoan lạc. Sắc ấy bại hoại, biến dịch, và khi nó đổi khác thì sanh ra sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não. Vì vậy, Ta an trụ nơi một trú xứ khác mà thành tựu Chánh đẳng Chánh giác. Đó là vượt qua tất cả sắc tưởng, an trụ nơi ngoại không.

“Này A-nan, Ta an trụ nơi trụ xứ này rồi, phát sanh sự hoan duyệt. Sự hoan duyệt này Ta cảm thọ trong toàn thân với chánh niệm chánh trí, rồi phát sanh hỷ, phát sanh khinh an[07], phát sanh lạc, phát sanh định. Định này Ta cảm thọ toàn thân với chánh niệm chánh trí.

“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc hay Ưu-bà-di nào tìm đến Ta, Ta bèn vì họ mà an trụ trong tâm như vậy như vậy, viễn ly, an lạc, vô dục. Ta cũng vì họ mà thuyết pháp, khuyến khích, hỗ trợ họ.

“Này A-nan, Tỳ-kheo nào muốn hằng an trụ trong không tánh[08], Tỳ-kheo ấy sẽ giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định[09] Vị ấy sau khi giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định rồi, hãy suy niệm về nội không.

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nói như vầy: “Tôi không giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, không khiến cho chuyên nhất và định”, thì này A-nan, nên biết vị ấy tự làm cho mình rất phiền nhọc[10].

“Này A-nan,Thế nào là Tỳ-kheo giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định? Tỳ-kheo đối với thân này có hỷ lạc do ly dục phát sanh, thấm ướt khắp tất cả, thấm ướt nhuần một cách phổ biến sung mãn; hỷ lạc do ly dục sanh không chỗ nào không biến mãn. Này A-nan, cũng như một người tắm gội, đựng đầy bột tắm trong nhà rồi đổ nước vào khuấy rất đều cho nổi bọt lên, thấm ướt thấm nhuần khắp tất cả, phổ biến sung mãn, trong ngoài kín đáo không có chỗ nào rỉ ra. Cũng vậy, này A-nan, Tỳ-kheo nơi thân này có hỷ lạc do ly dục phát sanh, thấm ướt khắp tất cả, thấm ướt nhuần một cách phổ biến sung mãn. Hỷ lạc do ly dục sanh không chỗ nào không biến mãn.

“Này A-nan, như vậy, Tỳ-kheo giữ vững nội tâm an trụ, tĩnh chỉ, khiến cho chuyên nhất và định rồi[11], hãy tác ý về nội không. Vị ấy sau khi tác ý về nội không rồi, mà tâm bèn di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với nội không, Tỳ-kheo ấy hãy tác ý về ngoại không. Vị ấy sau khi tác ý về ngoại không rồi, tâm bèn di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với ngoại không.

“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo trong lúc quán, biết rằng mình đang tác ý về ngoại không mà tâm di động, không hướng đến gần, không an trụ, không giải thoát đối với ngoại không, Tỳ-kheo ấy hãy tác ý về nội ngoại không. Vị ấy sau khi suy niệm về nội ngoại không rồi mà tâm bèn di động, không hướng đến gần, không trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với nội ngoại không. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo trong lúc lúc quán mà biết rằng mình đang suy niệm về nội ngoại không mà tâm di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với nội ngoại không, Tỳ-kheo ấy hãy tác ý về sự không di động.

“Vị ấy sau khi suy niệm về sự không di động mà tâm di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với sự bất di động. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào trong lúc quán sát biết được rằng mình đang suy niệm về sự không di động mà tâm di động, không hướng đến gần, không được trong vắt, không an trụ, không giải thoát đối với sự bất di động, Tỳ-kheo ấy có tâm như thế này hay thế khác, bằng định như thế này hay thế khác mà điều phục, liên tục điều phục, tu tập, liên tục tu tập, làm nhu nhuyến rồi lại nhu nhuyến, rất hân hoan trong sự nhu hòa, rất tịnh lạc trong sự viễn ly.

“Nếu vị ấy có tâm như thế này hay thế khác bằng định như thế này hay thế khác mà điều phục rồi lại điều phục, tu tập rồi lại tu tập, nhu nhuyến rồi lại nhu nhuyến, rất hân hoan trong sự nhu hòa, rất tịnh lạc trong sự viễn ly rồi, hãy bằng nội không mà thành tựu an trụ.

“Vị ấy sau khi nội không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với nội không. Này A-nan, Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết nội không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với nội không, đó là chánh tri.

“Này A-nan, Tỳ-kheo hãy bằng ngoại không thành tựu an trụ. Vị ấy sau khi ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với ngoại không. Này A-nan, như vậy Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với ngoại không. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, Tỳ-kheo hãy bằng nội ngoại không thành tựu an trụ. Vị ấy sau khi nội ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với nội ngoại không. Này A-nan, như vậy Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết nội ngoại không thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với nội ngoại không. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, hãy bằng bất di động thành tựu an trụ. Vị ấy sau khi bất di động thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với bất di động. Này A-nan, như vậy Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết bất di động thành tựu an trụ, tâm không di động, hướng đến gần, được trong vắt, an trụ, giải thoát đối với bất di động. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, vị Tỳ-kheo ấy với tâm an trụ trên trụ xứ này, nếu muốn kinh hành, Tỳ-kheo ấy từ thiền thất đi ra, đi kinh hành trên khoảng đất trống, trong bóng mát của thiền thất, các căn hướng vào trong tâm, không hướng ra ngoài, lấy phía sau tác ý làm phía trước. Kinh hành như vậy rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, Tỳ-kheo với tâm an trụ trên trụ xứ này, nếu muốn tọa định, Tỳ-kheo ấy rời khỏi chỗ kinh hành, đến cuối con đường kinh hành, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Sau khi ngồi như vậy vững vàng rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, Tỳ-kheo với tâm an trụ trong trụ xứ này, nếu muốn có suy niệm[12], thì Tỳ-kheo ấy đối với ba sự suy niệm về ác bất thiện này là niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, đừng suy niệm đến ba suy niệm ác bất thiện ấy. Đối với ba suy niệm thiện là: niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, hãy suy niệm trên ba suy niệm thiện ấy. Sau khi suy niệm như vậy rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp, đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan, Tỳ-kheo ấy đối với những luận bàn không phải là Thánh luận, không tương ưng nghĩa[13], tức là luận bàn về những vấn đề vua chúa, vấn đề đạo tặc, vấn đề đấu tranh, vấn đề ẩm thực, vấn đề đàn bà, vấn đề đồng nữ, vấn đề dâm nữ, vấn đề thế gian, vấn đề tà đạo, vấn đề trong biển. Vị ấy không bàn luận các loại súc sanh luận như vậy. Nếu có những vấn đề thuộc Thánh luận, tương ưng nghĩa, khiến tâm nhu hòa, không có những sự che đậy[14], tức là vấn đề thí, vấn đề giới, vấn đề định, vấn đề giải thoát, vấn đề giải thoát tri kiến, vấn đề tiệm giảm[15], vấn đề không tụ hội, vấn đề thiểu dục, vấn đề tri túc, vấn đề vô dục, vấn đề đoạn, vấn đề diệt, vấn đề tĩnh tọa, vấn đề duyên khởi. Sau khi luận bàn những vấn đề mà Sa-môn luận bàn như vậy rồi, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Đó gọi là chánh tri.

“Lại nữa, này A-nan, có năm công đức của dục, khả lạc, khả ý, khả niệm, sắc ái lạc tương ưng với dục; đó là, sắc được biết bởi mắt, tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Tỳ-kheo với tâm chuyên chuù[16] mà quán[17] năm diệu dục này, tùy theo diệu dục ấy mà có hành ấy trong tâm[18]. Vì sao vậy? Không trước, không sau, năm dục công đức này tùy theo dục công đức nào mà có hành ấy trong tâm.

“Này A-nan, Tỳ-kheo trong lúc quán thì biết năm công đức của dục này, tùy theo công đức dục nào mà có hành ấy trong tâm. Tỳ-kheo ấy với công đức dục này hay công đức dục kia quán là vô thường, quán suy hao, quán vô dục, quán đoạn, quán diệt, quán đoạn xả ly. Nếu năm công đức dục này có dục, bị nhiễm dục, chúng tức thì bị tiêu diệt. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo khi quán như vậy thì biết năm công đức dục này có dục và bị nhiễm dục, chúng đã bị đoạn trừ rồi. Đó gọi là chánh tri.

“Lại nữa, này A-nan, có năm thủ uẩn[19], sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Tỳ-kheo như vậy mà quán sự hưng suy, quán sát rằng, đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ, tưởng, hành và thức. Đây là sự tập khởi của thức, đây là sự diệt tận của thức. Nếu năm thủ uẩn này có ngã mạn[20], nó liền bị tiêu diệt. Này A-nan, nếu Tỳ-kheo khi quán như vậy thì biết trong năm thủ uẩn, ngã mạn đã bị diệt rồi. Đó gọi là chánh tri.

“Này A-nan! Pháp này tuyệt đối khả ý, tuyệt đối khả lạc, tuyệt đối ý niệm, vô lậu, không chấp thủ[21], ma không đến gần được, ác không thể đến gần được. Các pháp ác bất thiện ô uế làm gốc rễ cho sự hữu trong tương lai là phiền nhiệt, khổ báo, là nhân của sanh, già, bệnh, chết cũng không thể đến gần được; tức là thành tựu sự không phóng dật này. Vì sao vậy? Nhân không phóng dật mà Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác chứng đắc giác ngộ, nhân gốc rễ không phóng dật mà phát sanh vô lượng thiện pháp, cho đến các trợ đạo phẩm[22].

“Cho nên, này A-nan, ngươi phải học như vầy, ‘Ta cũng thành tựu nơi sự không phóng dật’. Hãy học như vậy.

“Này A-nan, do nghĩa lợi nào mà một tín đồ đệ tử đi theo Thế Tôn mà hành phụng sự cho đến trọn đời?”

Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn rằng:

“Thế Tôn là pháp bổn, Thế Tôn là pháp chủ, pháp do Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn thuyết giảng điều đó. Con nay sau khi nghe xong sẽ được biết rộng ý nghĩa ấy.”

Đức Phật bèn nói:

“Này A-nan, hãy lắng nghe. Hãy khéo tư niệm. Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho thầy nghe.”

Tôn giả A-nan vâng lời, lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Này A-nan, không phải chỉ vì chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết mà một tín đệ tử đi theo Thế Tôn để hành phụng sự cho đến trọn đời. Này A-nan, hoặc từ lâu vị ấy đã từng nghe pháp này, tụng tập đến cả ngàn, chuyên ý tư duy quán sát, thấy rõ, thấu triệt sâu xa. Nếu vấn đề này là Thánh luận tương ưng với cứu cánh, khiến tâm nhu hòa, không có những che lấp, tức các vấn đề bố thí, vấn đề giới, vấn đề định, vấn đề tuệ, vấn đề giải thoát, vấn đề giải thoát tri kiến, vấn đề tiệm giảm, vấn đề không tụ hội, vấn đề thiểu dục, vấn đề tri túc, vấn đề vô dục, vấn đề đoạn, vấn đề diệt, vấn đề tĩnh tọa, vấn đề duyên khởi. Những vấn đề mà Sa-môn luận bàn như vậy, được dễ dàng chứ không khó. Do ý nghĩa này mà một tín đệ tử đi theo Thế Tôn để hành phụng sự cho đến trọn đời. Này A-nan, như vậy là phiền lụy[23] cho Tôn sư, phiền lụy cho đệ tử, phiền lụy cho các vị đồng phạm hạnh.

“Này A-nan, thế nào là phiền lụy cho Tôn sư?

“Ở đây, một vị Tôn sư xuất thế, có sách lự tư duy, bằng tâm trạng sách lự mà quán sát các loại phàm nhân. Có biện tài, vị ấy đi đến nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, hoặc sống tại nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại.

“Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc, rồi theo các đệ tử trở về với các Phạm chí, Cư sĩ, phong ấp, quốc nhân. Vị ấy sau khi theo đệ tử trở về, với các Phạm chí, Cư sĩ, phong ấp, quốc nhân, bèn tự cao mà trở về nhà. Như vậy là phiền lụy cho Tôn sư và cũng bị phiền lụy bởi các pháp ác bất thiện, ô uế, là gốc rễ cho sự hữu trong tương lai, phiền nhiệt, khổ báo, nhân của sanh-già-bệnh-chết; đó là phiền lụy cho Tôn sư.

“Này A-nan, thế nào là sự phiền lụy cho đệ tử? Đệ tử của vị Tôn sư ấy học sự viễn ly của vị ấy, vị ấy sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, trên sườn non, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, hoặc sống tại nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này. Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc rồi, bèn theo đệ tử trở về với các Phạm chí, Cư sĩ, phong ấp, quốc nhân. Vị ấy sau khi theo đệ tử về với các Phạm chí, Cư sĩ, phong ấp, quốc nhân rồi, bèn tự cao mà trở về nhà. Như vậy là làm phiền lụy cho đệ tử, và cũng bị phiền lụy bởi các pháp ác, bất thiện, gốc rễ của sự hữu trong tương lai, phiền nhiệt, khổ báo, nhân của sanh-già-bệnh-chết. Đó là phiền lụy cho đệ tử.

“Này A-nan, thế nào là phiền lụy cho các vị phạm hạnh? Ở đây Đức Như Lai xuất thế, Ngài là Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ngài sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, trên sườn cao, vắng bặt không chút động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa.

“Này A-nan, Đức Như Lai vì nghĩa lợi nào mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng ngườøi, tùy thuận tĩnh tọa?”

“Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn rằng:

“Thế Tôn là Pháp bổn, Thế Tôn là Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn thuyết giảng điều ấy, con nay sau khi nghe xong được biết rộng nghĩa ấy.”

Đức Phật bèn nói:

“Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm. Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho thầy nghe.”

Tôn giả A-nan vâng lời lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Này A-nan, như Lai không phải vì để được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Này A-nan, vì hai ý nghĩa mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Một là sống an lạc ngay trong hiện tại cho chính mình. Hai là từ mẫn đối với những người đời sau.

“Hoặc giả, đời sau người người noi bóng Như Lai mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Này A-nan, chính vì nghĩa lợi này mà Như Lai sống trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có giận dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Hoặc sống ở nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại.

“Như Lai sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc rồi, theo các vị Phạm hạnh mà trở về với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Như Lai sau khi theo các vị phạm hạnh trở về với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di rồi, không tự cao mà trở về nhà.

“Này A-nan, nếu vị ấy chứng ngộ bất động tâm giải thoát, thì Ta không nói vị ấy có sự chướng ngại. Nhưng nếu vị ấy chứng đắc Bốn tăng thượng tâm[24], sống an lạc trong đời hiện tại, vốn do trước kia sống tinh cần, không phóng dật, thì ở đây, hoặc giả có thể bị thối thất vì sự tụ hội đông đảo nhiều đệ tử.

“Lại nữa, này A-nan, đệ tử của Tôn sư ấy noi theo Tôn sư mà sống nơi rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Hoặc sống tại nơi đó mà học sự viễn ly, tinh cần, được tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Vị ấy sau khi học sự viễn ly, tinh cần, sống an ổn khoái lạc rồi theo các vị phạm hạnh mà trở về với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Vị ấy sau khi theo các vị phạm hạnh trở về với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di rồi bèn tự cao mà trở về nhà. Như vậy là phiền lụy cho các vị phạm hạnh và cũng bị phiền lụy bởi các pháp ác bất thiện, gốc rễ của sự hữu trong tương lai, phiền nhiệt, khổ báo, nhân của sanh-già-bệnh-chết. Đó gọi là phiền lụy cho các phạm hạnh.

“Này A-nan, trong sự phiền lụy Tôn sư và đệ tử, sự phiền lụy cho các phạm hạnh rất là bất khả, không khả lạc, không khả ái, rất là không khả ý, khả niệm. Cho nên, này A-nan, các ngươi hãy hành sự từ hòa đối với Ta, đừng gây sự oán hận.

“Này A-nan, thế nào là đệ tử đối với Tôn sư mà gây sự oán hận, không hành sự từ hòa?

“Nếu Tôn sư thuyết pháp cho đệ tử, là vì thương yêu, lo lắng, mong cầu thiện lợi và phước lành, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho đệ tử mà phát khởi từ bi tâm, nói rằng, ‘Đây là điều hữu ích. Đây là sự an lạc. Đây là sự hữu ích an lạc’. Nếu đệ tử ấy mà không cung kính, cũng không tùy thuận theo, không an trụ nơi chánh trí, tâm không hướng đến pháp tùy, pháp hành, không thọ lãnh chánh pháp, trái phạm những điều Tôn sư dạy, không được định, đệ tử như vậy là đối với Tôn sư mà gây sự oán hận, không hành sự từ hòa.

“Nếu Tôn sư thuyết pháp cho đệ tử, thương yêu, lo lắng, mong cầu thiện lợi và an lành, mong cầu sự an ổn khoái lạc cho đệ tử phát khởi từ bi tâm mà nói rằng, ‘Đây là điều hữu ích. Đây là sự an lạc. Đây là sự hữu ích an lạc’. Nếu đệ tử thuận hành theo, an lập nơi chánh trí, tâm quy hướng đến pháp tùy, pháp hành, thọ lãnh Chánh pháp, không trái phạm lời giáo huấn của Tôn sư, có thể được định. Vị đệ tử như thế là đối với Tôn sư mà hành sự từ hòa, không gây sự oán hận.

“Cho nên này A-nan, các ngươi đối với Ta hãy hành sự từ hòa, không gây sự oán hận. Vì sao vậy? Này A-nan, Ta không nói như vầy ‘Như người thợ gốm làm ngói[25].’ Nhưng, này A-nan, Ta nói: ‘Nghiêm khắc, khắc khổ[26].’ Nghiêm cấp chí khổ. Cái gì chắc thật, cái ấy đứng vững[27].

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli M.122 Mahā-suññatā-suttṃ.[02] Xem các kinh 12, 100, 116.[03] Gia-la-sai-ma Thích tinh xá 加 羅 差 摩 釋 精 舍. Pāli: Kāḷakhemakassa Sakkassa vohāra, tinh xá của Kālakhema, người họ Thích.[04] Già-la Thích 伽 羅 釋, Pāli: Ghaṭāya-sakkassa.[05] Xem các chú thích trong Kinh số 127. Pāli: sāmāyikā kantā cetovimutti.[06] Xem các chú thích trong Kinh số 172. Pāli: asāmāyika akuppā cetovimutti.[07] Chỉ, được hiểu là khinh an.[08] Đa hành không. Như Kinh số 190 trên.[09] Pāli: ajjhattameva cittaṃ saṇṭhapetabbaṃ sannisādetabbaṃ ekodi kātabbaṃ samādahātabbaṃ, nội tâm cần an định, tĩnh chỉ, sự chuyên nhất cận tập trung.[10] Xem cht.7, Kinh 190.[11] Nghĩa là sau khi chứng nhập Sơ thiền. Pāli nói: từ Sơ thiền đến Tứ thiền.[12] Niệm, tức tầm, suy tầm hay toan tính. Có ba bất thiện tầm: dục tầm, nhuế tầm và hại tầm. Pāli: tayo akusala-vitkkā: kāma-vitakko, vyāpāda-vitakko, avihiṃs-vitakko. Xem, D.33 Saṅgītisuttanta.[13] Không liên hệ đến mục đích của Thánh đạo.[14] Pāli: cetovinīvaraṇasappayā, tâm được cởi mở, không bị che đậy.[15] Tiệm tổn 漸 損, xem Kinh 91 ở trước.[16] Nguyên Hán: chí đáo 至 到, có lẽ Pāli là abhikhaṇaṃ (thường xuyên) ở đây hiểu là abhikkantaṃ (vượt lên).[17] Pāli: abhikkhaṇaṃ sakam cittam paccavekkhitabham, thường tự quán tâm, thường xuyên tự quán sát tâm mình.[18] So Pāli: Atthi kho me imesu pañcasu kāmaguṇesu aññatarasmiṃ vā añnñtarasmiṃ vā āyatane upajjati cetaso samudācāroti, trong tâm tư ta có phát sinh tập quán gì trong xứ này hay xứ kia trong năm công đức của dục?[19] Ngũ thạnh ấm.[20] Ngã mạn, Pāli: asmimāna, phức cảm về “Tôi hiện hữu” hay “Tôi là”.[21] Vô thọ.[22] Nhược hữu tùy đạo phẩm.[23] Phiền sư, Pāli: ācariyūpaddava, bất hạnh, hay nguy hại cho thầy.[24] Tứ tăng thượng tâm, ở đây chỉ Bốn tịnh lự hay Tứ thiền.[25] Người thợ gốm bao giờ cũng phải nhẹ tay đối với ngói. Nhưng một vị Tôn sư không chỉ nuông chiều đệ tử. Như “đào sư tác ngõa” 陶 師 作 瓦. Pāli: yathā kumbakāro āmake āmakamatte, như thợ gốm đối với đồ gốm chưa nung chín.[26] Nghiêm cấp chí khổ 嚴 急 至 苦, Pāli: niggayha niggayha, pavayha pavagha, khiển trách khiển trách, tán thán tán thán.[27] Nhược chân thật giả, tất năng vãng giả 若 真 實 者 必 能 往 也 . Pāli: yo sāro so thassati.

-ooOoo-

16. PHẨM ÐẠI

(Phần Sau)

192. KINH CA-LÂU-Ô-ĐÀ-DI[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật du hóa trong nước Ương-già [02], cùng với đại chúng Tỳ-kheo, đến A-hòa-na [03] , ở tại tịnh xá Kiền-nhã.[04]

Bấy giờ sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y cầm bát đi vào A-hòa-na khất thực. Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Ngài cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi đến một khu rừng để nghỉ trưa[05]. Tôn giả Ô-đà-di, cũng sau khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, đắp y cầm bát vào thôn A-hòa-na khất thực. Sau khi ăn xong, sau buổi trưa, Tôn giả cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn lên vai, đi theo hầu sau Phật mà nghĩ rằng, “Nếu Thế Tôn đi nghỉ trưa ở đâu, mình cũng đến nghỉ mát ở đó.”

Rồi Thế Tôn vào trong rừng, đến dưới một gốc cây, trải ni-sư-đàn mà ngồi kiết già. Tôn giả Ô-đà-di cũng đi vào khu rừng ấy, cách Phật không xa, đến dưới một gốc cây, trải ni-sư-đàn ngồi kiết già.

Bấy giờ Tôn giả Ô-đà-di, riêng một mình ngồi tĩnh tọa chỗ thanh vắng mà tư duy, trong tâm nghĩ rằng, ”Đức Thế Tôn làm lợi ích rất nhiều cho chúng ta. Đức Thiện Thệ mang lại sự an ổn rất nhiều cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta các pháp khổ, làm tăng thêm pháp lợi ích an lạc cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta vô lượng pháp ác, pháp bất thiện, làm tăng thêm vô lượng pháp thiện và vi diệu cho chúng ta.”

Vào lúc xế, Tôn giả Ô-đà-di từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Ô-đà-di, ông không thiếu thốn gì, được an ổn khoái lạc, sức khỏe vẫn như thường chăng?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì, an ổn khoái lạc, và sức khỏe vẫn như thường.”

Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Ô-đà-di, vì sao ông không thiếu thốn, thường được an ổn, và sức khỏe vẫn như thường?”

Tôn giả Ô-đà-di đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, con riêng một mình ngồi tĩnh tọa chỗ thanh vắng mà tư duy, trong tâm nghĩ rằng, ‘Đức Thế Tôn làm lợi ích rất nhiều cho chúng ta. Đức Thiện Thệ mang lại sự an ổn rất nhiều cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta các pháp khổ, làm tăng thêm pháp lợi ích an lạc cho chúng ta. Đức Thế Tôn trừ cho chúng ta vô lượng pháp ác, pháp bất thiện, làm tăng thêm vô lượng pháp thiện và vi diệu cho chúng ta.’

“Bạch Thế Tôn, khi xưa Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Hãy dứt trừ việc ăn quá ngọ.’ [06] Bạch Thế Tôn, chúng con nghe rồi mà không kham không nhẫn, không muốn, không vui, mà nghĩ rằng, ‘Nếu có Phạm chí, Cư sĩ tín tâm đi đến chúng viên bố thí, tạo phước rộng rãi, chúng ta tự tay nhận lấy đồ ăn; nhưng Thế Tôn hôm nay dạy ta từ bỏ điều này; Đức Thiện Thệ dạy ta dứt tuyệt điều này.’ Chúng con lại nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn ấy không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Nhưng chúng con đối với oai thần diệu đức của Thế Tôn, kính trọng, bất kham, cho nên chúng con chấm dứt việc ăn sau giờ ngọ.

“Lại nữa, khi xưa Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Các ông hãy dứt trừ việc ăn tối.’ Bạch Thế Tôn, chúng con nghe rồi mà không kham, không nhẫn, không thích, không vui. Chúng con nghĩ rằng, ‘Trong hai bữa ăn rất tối thượng, tối diệu, tối thắng, tối mỹ mà Thế Tôn nay dạy ta chấm dứt cả.’ Chúng con lại nói rằng, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’

“Bạch Thế Tôn, khi xưa có một cư sĩ mang rất nhiều đồ ăn thức uống ngon lành trở về nhà, bảo người nhà rằng, ‘Các ngươi hãy lấy đồ ăn này đem cất một chỗ. Ta sẽ tụ tập mọi người để ăn ban đêm, không ăn buổi sáng và buổi trưa.’ Bạch Thế Tôn, nếu các nhà bày soạn các món ăn rất ngon lành thượng diệu, chỉ ăn trong ban đêm mà ta thì buổi sáng và buổi trưa, nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ việc đó, Đức Thiện Thệ dạy ta dứt trừ việc đó.’ Nhưng chúng con đối với oai thần diệu đức của Thế Tôn, kính trọng bất kham, cho nên chúng con chấm dứt việc ăn ban đêm.

“Bạch Thế Tôn, con lại nghĩ rằng, ‘Nếu có Tỳ-kheo phi thời đi vào thôn ấp khất thực, hoặc có thể gặp kẻ đạo tặc đang hành sự hay chưa hành sự, hoặc gặp cọp, gặp nai, hoặc gặp cả cọp nai, hoặc gặp beo gặp gấu, hoặc gặp cả beo gấu, hoặc sống [07] ở những chỗ như vậy, hoặc gặp voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, hoặc gặp ổ rắn, hoặc bị ném đất, hoặc bị gậy đánh, hoặc té vào mương rãnh, hoặc rơi vào hầm xí, hoặc cỡi lên bò đang nằm, hoặc lọt xuống hầm sâu, hoặc vướng vào bụi gai, xem xét thấy nhà trống mà bước vào nhà như vậy, khi vào trong đó rồi, người con gái thấy rủ rê làm việc bất tịnh hạnh xấu xa.

“Bạch Thế Tôn, xưa có một Tỳ-kheo trong đêm tối mịt, trời mưa lâm râm, chớp lóe như lửa xẹt, mà phi thời đi vào nhà người ta khất thực. Bấy giờ người đàn bà đi ngoài rửa chén bát. Khi ấy người đàn bà này trong cơn chớp lóe, trông xa thấy Tỳ-kheo tưởng là quỷ. Thấy rồi, bà ta kinh hãi, lông tóc dựng ngược, thất thanh la lớn, tức thì ngả xuống [08], miệng nói rằng, ‘Ông là ma! Ông là ma!’ Tỳ-kheo mới nói với người đàn bà ấy rằng, ‘Này cô em, tôi không phải là ma đâu, tôi là Sa-môn đến khất thực.’ Bấy giờ người đàn bà ấy giận và mắng vị Tỳ-kheo rất nhức nhối, rất dữ dằn rằng, ‘Sa-môn hãy vong mạng cho lẹ đi! Bố mẹ Sa-môn hãy chết cho lẹ đi! Dòng họ Sa-môn hãy tuyệt diệt đi! Sa-môn hãy lòi ruột đi! Sa-môn trọc đầu, đen thui, tuyệt tự, không con cái! Hãy cầm dao bén mà tự mổ bụng đi! Chớ đừng đi khất thực phi thời ban đêm. Ôi chao! Tại Sa-môn mà tôi bị té!’ Bạch Thế Tôn, con nhớ vị ấy rồi tâm sanh hân hoan. Bạch Thế Tôn, con nhờ sự hân hoan này mà sung mãn châu thân, chánh niệm chánh trí, phát sanh hỷ, khinh an, lạc, định. Bạch Thế Tôn, con nhờ định này, sung mãn châu thân mà được chánh niệm chánh trí. Như vậy, bạch Thế Tôn, con không thiếu thốn gì, thường được an ổn, khoái lạc, khí lực bình thường.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Ô-đà-di, ông nay không phải như người ngu si kia, khi Ta nói với người ngu si ấy rằng, ‘Các ông hãy từ bỏ điều này’, thì nó nói rằng, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng nay Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ việc ấy. Thiện Thệ muốn ta dứt tuyệt việc ấy!’ Và nó cũng nói như vầy, ‘Vị Đại sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’, rồi nó không từ bỏ. Không phải chỉ với Ta mà nó không vừa ý, không nhẫn thọ; đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, nó cũng không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói buộc rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, ví như có một con ruồi bị dính dưới bãi nước mũi. Nó ở trong đó hoặc khổ hoặc chết. Này Ô-đà-di, hoặc có người nói rằng: ”Con ruồi kia tuy bị dính mà không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt gao nên có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát, nói như vậy có đúng không?”

Ô-đà-di bạch rằng:

“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì con ruồi đã bị dính. Nó ở trong đó hoặc khổ hoặc bị chết. Thế nên, bạch Thế Tôn, con ruồi kia bị dính rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.”

“Này Ô-đà-di, người ngu si kia đuợc Ta bảo rằng ‘Các ngươi hãy từ bỏ điều này,’ thì nó nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta phải từ bỏ việc ấy! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ việc ấy!’ Và nó cũng nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Rồi nó không từ bỏ. Không chỉ đối với Ta nó không vừa ý, không nhẫn thọ, mà chúng đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, nó cũng không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát. Này Ô-đà-di, nếu có một thiện gia nam tử được Ta bảo rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,” thì người ấy không nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ việc ấy! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!” và cũng không nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Rồi người ấy từ bỏ. Người ấy đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không nhẫn thọ, và đối với các Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới, cũng không sanh tâm không vừa ý, không nhẫn thọ. Này Ô-đà-di, thiện gia nam tử ấy không bị trói cứng, không chắc, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, ví như con voi chúa tuổi đến sáu mươi, sẽ thành một ma-ha-năng-già [09] kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân sức tráng kiện, nó bị trói chặt, nhưng nó nỗ lực chuyển mình, sự trói chặt kia liền bị bức, và nó trở về chỗ cũ. Này Ô-đà-di, nếu có người nói như vầy, ‘Con voi chúa to lớn kia tuổi đến sáu mươi, đã thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân sức tráng kiện, nó bị trói chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát được.’ Nói như vậy có đúng không?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:

“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì con voi chúa to lớn kia tuổi đến sáu mươi, đã thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo, đủ ngà đủ vóc, gân cốt tráng kiện, bị trói chặt, nhưng nó nỗ lực cựa mình, sự trói chặt kia liền bị bứt và nó trở về chỗ cũ. Bạch Thế Tôn, cho nên con voi chúa to lớn kia, tuổi đến sáu mươi, đã trở thành một ma-ha-năng-già kiêu ngạo, gân cốt tráng kiện, sự trói buộc kia không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát.”

“Cũng như vậy, này Ô-đà-di, với thiện gia nam tử kia, Ta khuyên rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy không nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ! Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!” Và cũng không nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’ và người ấy liền từ bỏ. Không chỉ đối với Ta vị ấy không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận mà đối với những Tỳ-kheo khéo giữ gìn giới cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thiện gia nam tử ấy bị trói không chặt, không cứng, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt, có thể giải thoát. Này Ô-đà-di, với người ngu si mà Ta khuyên dạy rằng, ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy sẽ nói như vầy, ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay dạy ta từ bỏ! Thiện Thệ muốn ta từ bỏ!” và cũng nói như vầy, ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’ rồi nó không chịu từ bỏ. Không chỉ đối với Ta nó sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận mà đối với các Tỳ-kheo giữ giới cẩn thận, nó cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, người ngu si kia bị trói chặt cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn tuyệt, không thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, ví như người nghèo khổ, không có của cải, cũng không có thế lực; người ấy có một người vợ mà cặp mắt bị mù, lại xấu xí, không khả ái; chỉ có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ bu đến đậu, tệ không thể ở. Lại có một cái giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị thủng không dùng được. Người ấy thấy vị Tỳ-kheo sau khi ăn xong, rửa sạch chân, trải ni-sư-đàn ngồi dưới một gốc cây mát mẻ điều hòa mà tu tập tăng thượng tâm. Người ấy thấy vậy trong tâm nghĩ rằng ‘Sa-môn thật là khoái lạc, Sa-môn như Niết-bàn. Ta thật là xấu xa vô đức. Vì sao? Vì ta có một người vợ mà cặp mắt bị mù, lại xấu xí, không khả ái, nhưng không thể bỏ; chỉ có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ bu đến đậu, tệ không thể ở, nhưng cũng không thể bỏ. Lại có một cái giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị thủng không dùng được nhưng cũng không thể bỏ. Ta ưa thích Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Ô-đà-di, nếu có người nói như vầy, ‘Người nghèo khổ kia không có tiền của cũng không có thế lực, mà bị trói buộc không cứng không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn tuyệt có thể giải thoát, nói như vậy có đúng chăng?”

Tôn giả Ô-đà-di đáp:

“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì người nghèo khổ kia không có tiền của cũng không có thế lực, có một người vợ mà cặp mắt bị mù, lại xấu xí, không khả ái, nhưng không thể bỏ; chỉ có một cái nhà đổ nát, mưa dột, chim quạ bu đến đậu, tệ không thể ở, nhưng cũng không thể bỏ. Lại có một cái giường bị gãy sập, tệ không thể nằm; có một cái lu bị thủng không dùng được nhưng cũng không thể bỏ. Dù người ấy ưa thích như vị Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Bạch Thế Tôn, thế cho nên người nghèo khổ kia, không có tiền của cũng không có thế lực, bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao không thể đoạn tuyệt cũng không thể giải thoát được.”

“Cũng vậy, này Ô-đà-di, nếu có người ngu si mà Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều ấy, người ấy lại nói rằng ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!” Và cũng nói ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy không đoạn trừ. Nó không chỉ đối với Ta sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận, nó cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên người ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn trừ, không thể giải thoát. Này Ô-đà-di, nếu một thiện gia nam tử mà Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,’ người ấy không nói như vầy ‘Ấy là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!” Và cũng không nói ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy đoạn trừ. Người không chỉ đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận, nó cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện gia nam tử kia bị trói không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, ví như cư sĩ, con cư sĩ, rất giàu có, sung sướng, rất nhiều tiền của, sản nghiệp súc mục không thể tính được, phong hộ thực ấp, lúa gạo, bao nhiêu những nhu dụng sinh sống đều rất đầy đủ. Nô tỳ, voi ngựa thôi thì không kể. Người ấy thấy vị Tỳ-kheo sau khi ăn xong, rửa tay chân, trải ni-sư-đàn ngồi dưới một gốc cây mát mẽ điều hòa mà tu tập tăng thượng tâm. Thấy vậy người ấy nghĩ rằng ‘Sa-môn thật là khoái lạc, Sa-môn như Niết-bàn. Ta nên từ bỏ sự giàu sang sung sướng, vàng bạc châu báu, voi ngựa, nô tỳ, hâm mộ làm Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo!’ Này Ô-đà-di, có người lại nghĩ rằng ‘Người cư sĩ, con người cư sĩ kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn trừ, không được giải thoát.’ Nói như vậy có đúng không?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:

“Không đúng, bạch Thế Tôn! Vì sao? Vì người cư sĩ hay con người cư sĩ kia có thể xa lìa, vứt bỏ sự giàu sang, phú quý, vàng bạc châu báu, lúa gạo, voi ngựa, nô tỳ để làm Tỳ-kheo, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Bạch Thế Tôn, thế cho nên người cư sĩ hay con người cư sĩ kia bị trói không cứng chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể giải thoát được.”

“Cũng như vậy, này Ô-đà-di, nếu một thiện gia nam tử mà Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này,’ người ấy không nói như vầy ‘Ấy là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn dạy ta phải từ bỏ! Thiện Thệ dạy ta phải từ bỏ!” Và cũng không nói ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa đồ ăn.’ Rồi người ấy đoạn trừ. Người không chỉ đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận, nó cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện gia nam tử kia bị trói không cứng, không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể giải thoát.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả [10]. Vị ấy hành xả rồi, phát sanh suy niệm tương ưng với dục [11], bị ái lạc ràng buộc. Vị ấy ham thích nó, không đoạn, không trụ [12], không nhả bỏ. Này Ô-đà-di, Ta nói đó là trói buộc, không nói là giải thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất thiện. Ô-đà-di, vì kết sử là bất thiện, cho nên Ta nói đó là trói buộc, không nói là giải thoát.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả rồi, phát sanh suy niệm tương ưng với dục, bị ái lạc ràng buộc. Vị ấy không ham thích nó, nhưng đoạn, trụ, nhả bỏ. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng là trói buộc, không phải là giải thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất thiện. Này Ô-đà-di, vì kết sử bất thiện [13], cho nên Ta nói là trói buộc, không nói là giải thoát.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả rồi, thỉnh thoảng ý lãng quên, song hành với suy niệm tương ưng với dục, bị ái lạc ràng buộc, sự quán chậm nhưng bị diệt nhanh [14]. Này Ô-đà-di, ví như hòn sắt hay lưỡi cày sắt trọn ngày bị đốt, nếu có người nhỏ lên đó hai hoặc ba giọt nước, nhỏ chậm, không liên tục nước bèn tiêu tan mau chóng. Này Ô-đà-di, cũng vậy, Tỳ-kheo hành xả; vị ấy hành xả rồi thỉnh thoảng quên lãng, song hành với niệm tương ưng dục, bị ái lạc ràng buộc, sự quán chậm bị diệt nhanh. Này Ô-đà-di, Ta nói như thế là trói buộc không phải là giải thoát. Vì sao? Vì các kết sử là bất thiện. Này Ô-đà-di, vì kết sử bất thiện cho nên Ta nói là trói buộc, không nói là giải thoát.

“Này Ô-đà-di, cùng ở nơi gốc rễ của khổ, mà du hành không sanh tử, ở nơi vô thượng ái tận mà thiện tâm giải thoát [15]. Này Ô-đà-di, Ta nói là giải thoát, không nói là trói buộc. Vì sao? Vì các kết sử đã chấm dứt. Này Ô-đà-di, vì các kiết sử đã chấm dứt cho nên Ta nói là giải thoát không nói là trói buộc.

“Này Ô-đà-di, có sự an lạc không phải là thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt, gốc rễ của gai nhọn, có thức ăn [16], có sanh tử, không nên tu, không nên tập hành, không nên phát triển. Ta nói đối với sự lạc ấy không nên tu tập. Này Ô-đà-di, có sự lạc gọi là thánh lạc, là sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tịnh, lạc chánh giác, không có thức ăn, không sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển. Ta nói đối với sự lạc ấy nên tu tập.

“Này Ô-đà-di, thế nào gọi là sự lạc không phải là thánh lạc mà là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt, là gốc rễ của tên dâm, có thức ăn, có sanh tử, không nên tu, không nên tập hành, không nên phát triển, Ta nói đối với sự lạc ấy không nên tu tập? Nếu nhân nơi ngũ dục mà sanh lạc, sanh hỷ, đó là sự lạc không phải là thánh lạc, mà là phàm phu lạc, là gốc rễ của bệnh hoạn, gốc rễ của mụt nhọt, gốc rễ của gai nhọn, có thức ăn, có sanh tử, không nên tu tập, không nên tập hành, không nên phát triển, Ta nói đối với sự lạc ấy không nên tu tập.

“Này Ô-đà-di, thế nào là có sự lạc được gọi là thánh lạc? Đó là sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tĩnh, lạc chánh giác, không có thức ăn, không sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển, Ta nói đối với sự lạc ấy nên tu tập.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Đó là sự lạc được gọi là thánh lạc, là sự lạc vô dục, lạc viễn ly, lạc tịch tịnh, lạc chánh giác, không thực, không sanh tử, nên tu, nên tập hành, nên phát triển. Ta nói đối với sự lạc ấy nên tu tập.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục phát sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu an trú. Thánh nói đó là di động. Trong đó những gì mà Thánh nói là di động? Trong đó có giác có quán nên Thánh nói là di động.

“Trong đây những gì mà Thánh nói là di động? Nầy Ô-đà-di, Tỳ-kheo giác quán tịch tịnh, nội tâm tĩnh chỉ, nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đó là điều mà Thánh nói là di động. Trong đó những gì mà Thánh nói là di động? Nếu đạt được hỷ này Thánh nói là di động.

“Trong đây những gì mà Thánh nói là di động? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo xả ly hỷ dục, xả, vô cấu, an trụ chánh niệm, chánh trí thân cảm giác lạc, điều mà Thánh nói là Thánh xả, niệm, an trú lạc, [17] chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Đó là điều mà Thánh nói là di động. Trong đó những gì mà Thánh nói là di động? Vì có tâm lạc [18] nên Thánh nói là di động.

“Trong đây những gì mà Thánh nói là không di động? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trú. Đó là điều mà Thánh nói là không di động.

“Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu và an trụ. Này Ô-đà-di, ở đây Ta nói chưa được hoàn toàn, chưa đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định sanh, đạt đến Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Đấy là sự quá độ, được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đây cũng chưa đạt được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ [19]. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo ly hỷ dục, xả, an trú vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói ở đây cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo lạc diệt, khổ diệt, hỷ và ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đạt đến cõi Tứ thiền, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua khỏi tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy đến bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng vô lượng không xứ, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa đạt được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng vô lượng thức xứ, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa đạt được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng đắc vô sở hữu xứ, thành tựu và an trụ. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói đó cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến sự đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ. Vậy trong đó những gì là quá độ? Này Ô-đà-di, Tỳ-kheo nhập qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi hữu tưởng, phi vô tưởng, chứng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu và an trú. Đây là sự quá độ được nói đến trong đó. Này Ô-đà-di, Ta nói cho đến phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ cũng chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ.

“Này Ô-đà-di, có chăng một kết sử nào, hoặc ít hoặc nhiều tồn tại lâu dài mà Ta nói chưa được hoàn toàn, không đạt đến đoạn trừ, không đạt đến sự quá độ; kết sử ấy Ta nói không đoạn trừ?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch rằng:

“Không có, bạch Thế Tôn!”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Này Ô-đà-di, ông không phải như người ngu si kia khi Ta khuyên rằng ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’ người ấy lại nói rằng ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay bảo ta phải từ bỏ! Thiện Thệ bảo ta phải từ bỏ! Và cũng nói rằng ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn’ rồi người ấy không chịu từ bỏ. Không chỉ đối với Ta người ấy sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận; mà đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới hạnh cẩn thận người ấy cũng sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên người ngu si kia bị trói rất cứng, rất chặt, càng lúc càng gắt gao, không thể đoạn trừ, không giải thoát được.

“Này Ô-đà-di, nếu có thiện gia nam tử nào mà Ta khuyên rằng: ‘Ngươi hãy từ bỏ điều này’, người ấy không nói như vầy ‘Đó là việc nhỏ nhặt, đủ thiếu gì mà phải từ bỏ. Nhưng Thế Tôn nay bảo ta phải từ bỏ! Thiện bảo ta phải từ bỏ!’ Và cũng không nói như vầy ‘Vị Đại Sa-môn này không tiêu hóa nổi đồ ăn.’ Rồi người ấy liền từ bỏ. Người ấy đối với Ta không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận, và đối với các Tỳ-kheo giữ gìn giới cẩn thận vị ấy cũng không sanh tâm không vừa ý, không chấp nhận. Này Ô-đà-di, thế cho nên thiện nam tử kia bị trói không cứng không chặt, không càng lúc càng gắt gao, có thể đoạn trừ, có thể giải thoát.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ô-đà-di sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 50. Tương đương Pāli, N.66 Laṭukikopama-suttaṃ.[02] Ương-già 鴦 伽. Pāli: Anga, một trong mười sáu đại quốc phía đông Magadha, cách con sông Campa. Bản Pāli: Aṅgauttarāpesu.[03] A-hòa-na 阿 惒 那. Pāli: Āpana, một thị trấn ở trong Aṅguttarāpa, một bộ phận của nước Aṅga.[04] Kiền-nhã 犍 若. Pāli: Keniya; dịch là ”Chúng tụ”, Phiên Phạn Ngữ 10 No.2130, Đại 54 tr.1041b).[05] Trú kinh hành 晝 經 行. Pāli: divāvihāra, “an trú ban ngày” tức nghỉ ngày, hay nghỉ trưa, không phải kinh hành đi bộ.[06] Quá trung thực 過 中 食. Pāli: divāvikālabhojanam: ăn phi thời ban ngày.[07] Vãng 往, Tống-Nguyên-Minh: trú 住.[08] Đọa thần 墮 娠, xẩy thai; Tống-Nguyên-Minh: đọa thân 墮 身.[09] Ma-ha-năng-già; Pāli: mahānāga. Bản Pāli: rañño nāgo, con voi của vua.[10] Hành xả 行 捨. Pāli: upadhipahānāya paṭipannaṃ, hướng đến đoạn trừ hữu dư y, thực hành để xả trừ sanh y (hữu y).[11] Dục tương ưng niệm 欲 相 應 念; Pāli: upadhipaṭisaṃyuttā sarasaṃkappā, những niệm tưởng và tư duy liên hệ chặt với sanh y.[12] Bất trụ, ở đây nên hiểu là ”làm cho không tồn tại”; Pāli: anabhāvaṃ gameti.[13] Pāli: indriyavemattatā hi me... viditā, Ta nói, có sự sai biệt về căn tánh.[14] Trì quán tốc diệt 遲 觀 速 滅. Pāli: dandho... satuppādo... namṃ khippameva pajahati, niệm khởi lên chậm nhưng bị đoạn tuyệt nhanh.[15] Pāli: upadhi dukkhassa mūlan ti viditvā iti norupadhi hoti upadhisaṃkhaye vimutto, sanh y là gốc rễ của khổ; sau khi biết như vậy, trở thành không sanh y, giải thoát với sự diệt tận của sanh y.[16] Thực, đồng nghĩa với duyên; xem kinh 52 trên.[17] Tống-Nguyên-Minh: lạc trụ không 樂 住 空. Bản Cao-li: lạc trụ thất 室. Pāli: sukhavihāra, an trú nơi lạc.[18] Tâm lạc. Pāli: upekhāsukham, xả và lạc.[19] Quá độ. Pāli: samatikkama, sự vượt qua.

-ooOoo-

193. KINH MÂU-LÊ-PHÁ-QUẦN-NA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na [02] thường tu tập với các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị nào trước mặt Mâu-lê-phá-quần-na mà nói xấu , [03] các Tỳ-kheo-ni, thầy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt Tỳ-kheo-ni nói xấu Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na các Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân hận hằn học cho đến cãi vã. Một số đông các Tỳ-kheo nghe như vậy liền đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, ngồi qua một bên thưa rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na thường tụ tập với các Tỳ-kheo-ni. Nếu có vị nào trước mặt Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nói xấu các Tỳ-kheo-ni, thầy ấy nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt các Tỳ-kheo nói xấu Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na, các Tỳ-kheo-ni nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã.”

Đức Thế Tôn nghe rồi liền bảo một Tỳ-kheo: “Hãy đến chỗ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na mà nói rằng: ‘Đức Thế Tôn gọi thầy’.”

Một Tỳ-kheo nghe Phật dạy như vậy bèn thưa: ”Kính vâng, bạch Thế Tôn”, rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.

Vị Tỳ-kheo đó đến chỗ Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nói rằng: “Đức Thế Tôn gọi thầy.”

Tỳ-kheo Mâu-lê-phá-quần-na nghe vậy liền đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn nói:

“Phá-quần-na, có thật ngươi thường tụ hội cùng các Tỳ-kheo-ni? Và có vị nào trước mặt ngươi nói xấu các Tỳ-kheo-ni, ngươi nghe vậy liền sân hận, hằn học cho đến cãi vã. Hoặc có vị nào trước mặt các Tỳ-kheo-ni nói xấu ngươi, các Tỳ-kheo-ni ấy liền sân hận hằn học, cho đến cãi vã? Phá-quần-na, có thật vậy không?”

Phá-quần-na thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn! Điều đó có thật.”

Thế Tôn liền hỏi:

“Phá-quần-na, ngươi há không phải là chí tín, lìa bỏ gia đình sống không gia đình mà học đạo?”

Phá-quần-na đáp:

“Đúng như vậy, bạch Thế Tôn!”

Đức Phật hỏi:

“Phá-quần-na, như vậy, ngươi chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, phải học như thế này, nếu có dục, có niệm nào y cứ trên thế tục  [04] , hãy đoạn trừ. Nếu có dục, có niệm nào y trên vô dục, hãy tập, hãy tu, hãy phát triển rộng lớn. Phá-quần-na, ngươi nên học như vậy.”

Rồi Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ông có phải chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Thưa phải, bạch Thế Tôn.”

Thế Tôn lại bảo:

“Các ông chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, mà học đạo, hãy học như thế này, nếu có dục, có niệm nào y trên thế tục, hãy đoạn trừ. Nếu có dục, có niệm nào y trên vô dục, hãy tập, hãy tu, hãy phát triển rộng lớn. Các ngươi hãy học như vậy.

“Một thời, Ta đã từng nói với các Tỳ-kheo rằng, ‘Này các Tỳ-kheo, hoặc có Tỳ-kheo được nhiều người biết đến [05], hoặc có Tỳ-kheo ít được biết đến, tất cả các vị ấy hãy học Nhất tọa thực.[06] . Học Nhất tọa thực rồi, vô vi, vô cầu, không bệnh tật, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn sảng khoái.’ Các Tỳ-kheo ấy, hoặc được biết đến nhiều, hoặc ít được biết đến, tất cả đều học theo điều Nhất tọa thực. Sau khi học theo điều Nhất tọa thực, vô vi, vô cầu, không tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, sảng khoái. Những Tỳ-kheo ấy hài lòng Ta. và Ta cũng không phải khuyên giáo, khiển trách nhiều. Các Tỳ-kheo nhân đó mà sanh khởi suy niệm pháp tùy pháp hành [07]

“Cũng như người điều khiển chiếc xe ngựa, tay trái cầm cương, tay phải cầm roi, nó theo tám con đường mà di, muốn đến nơi nào cũng được. Các Tỳ-kheo như vậy rất hài lòng Ta, và Ta cũng không phải khuyên giáo, khiển trách nhiều. Các Tỳ-kheo nhân đó sanh khởi suy niệm pháp tùy pháp hành.

“Cũng như khoảng đất tốt có rừng cây sa-la. Người dọn rừng kia thông minh sáng suốt, không biếng nhác, tùy lúc mà dọn sửa gốc rễ cây sa-la, thường cào bừa những rác rưới và luôn luôn tưới nước, san bằng chỗ cao, lấp bằng chỗ thấp, hai bên nếu cỏ dại mọc đầy thì nhổ bỏ đi, nếu cây nào cong queo, xấu xí, không ngay thẳng, thì nhổ gốc bỏ ra ngoài, nếu có nhánh nào đâm ngang và cong, thì chắt xuống hoặc uốn lại, nếu gần biên vừa mới mọc thêm cây nào đều đặn ngay thẳng, thì tùy lúc mà sửa soạn, thường cào bừa đi những rác rưới và thường tưới nước. Như vậy, trên khu đất tốt kia rừng cây sa-la càng ngày càng sầm uất. Cũng vậy các Tỳ-kheo làm hài lòng Ta và Ta cũng khỏi phải khuyến giáo, khiển trách nhiều.

“Ta không nói các Tỳ-kheo là thiện ngữ, cung thuận do các nhu dụng sinh sống, y bát, ẩm thực, giường chõng. Vì sao vậy? Tỳ-kheo ấy nếu không nhận được các thứ ấy thì trả lại bằng sự không thiện ngữ cung thuận, thành tựu đức tánh không thiện ngữ cung thuận.

“Nếu có Tỳ-kheo vì viễn ly, y trên viễn ly, sống nơi viễn ly, mà thiện ngữ cung thuận, thành tựu đức tánh thiện ngữ cung thuận, Ta nói ấy thật sự là thiện ngữ cung thuận. Vì sao vậy? Ở đây, một Tỳ-kheo khéo thủ hộ, khéo an trú [08] chỉ vì người khác không nói cộc cằn. Nếu người khác ăn nói cộc cằn thì không phẫn nộ, cũng không thù nghịch, cũng không ưu sầu, oán hận, không hằn học giận dữ, không lộ vẻ hung bạo. Các Tỳ-kheo kia sau khi thấy vậy bèn nghĩ rằng ‘Hiền giả thật là người nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng, giỏi tự chủ, khéo định, khéo trầm tĩnh. Nếu người khác ăn nói cộc cằn thì liền hằn học, thù nghịch, ưu phiền, ôm hận, lộ vẻ hung dữ. Các Tỳ-kheo kia thấy vậy bèn nói ‘Hiền giả này ngoan cố, nóng nảy, thô lỗ, không định, không tự chủ, không trầm tĩnh.’ Vì sao vậy?

“Này các Tỳ-kheo, có một nữ cư sĩ tên là Bệ-đà-đề ,[09], rất giàu sang sung sướng, có nhiều tiền tài, sản nghiệp súc mục không thể kể xiết, phong hộ thực ấp, lúa gạo đầy đủ, và biết bao nhu dụng sinh sống khác. Bấy giờ nữ cư sĩ Bệ-đà-đề được vang danh khắp nơi với tiếng tốt như vầy ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh.’

“Bấy giờ nữ cư sĩ ấy có một nữ tỳ tên là Hắc  [10] hầu hạ. Nữ tỳ ăn nói dịu dàng, ít nhiều hành thiện. Hắc nữ tỳ ấy bèn nghĩ rằng ‘Chủ nhân ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề được vang danh khắp nơi với tiếng tốt như vầy ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề là người nhu thuận, nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh. Nay ta hãy thử xem chủ nhân nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có sân hay không sân.’

“Rồi Hắc nô tỳ nằm ngủ không dậy sớm. Phu nhân gọi dậy, ‘Hắc tỳ, sao ngươi không dậy sớm?’ Hắc tỳ nghe vậy bèn nghĩ rằng ‘Chủ nhân ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề, sự thật có sân chứ không phải không sân, nhưng vì ta giỏi lo liệu việc nhà, giỏi quán xuyến và chu tất, khiến cho chủ ta nữ cư sĩ Bệ-đà-đề được vang danh với tiếng tốt như vầy ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh.’ Nay ta hãy thử thách hơn nữa xem chủ ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có sân hay không sân.’

“Rồi Hắc nữ tỳ ngủ không dậy sớm. Phu nhân gọi dậy, ‘Hắc tỳ, sao ngươi dậy quá trễ vậy?’

“Hắc nữ tỳ nghe vậy bèn suy nghĩ, ‘Chủ ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có sân chớ không phải không sân. Nhưng vì ta khéo lo liệu việc nhà, giỏi quán xuyến và chu tất, nên chủ ta nữ cư sĩ Bệ-đà-đề mới có được vang danh với tiếng tốt như vầy: ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề là người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh’. Nay ta lại thử thách thật lớn, xem chủ ta, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề thật sự có sân hay không sân.

“Rồi Hắc nữ tỳ ngủ đến xế trưa mới dậy. Phu nhân gọi: ‘Hắc tỳ, sao ngươi ngủ đến xế trưa mới dậy? Ngươi đã không chịu làm việc, cũng không bảo người khác làm. Con Hắc tỳ này không nghe ta dạy. Con Hắc tỳ này khinh mạn ta.’ Bèn thịnh nộ, hằn học, trán nổi ba đường gân, mặt mày nhăn nhó, tự mình đến cánh cửa đang đóng, rút then cửa, tay cầm gậy đánh vào đầu nữ tỳ. Nó vỡ đầu chảy máu. Với cái đầu, máu chảy, Hắc nữ tỳ chạy qua nói với hàng xóm, lớn tiếng phân bua, nói xấu đủ điều rằng: “Này các ngài, hãy xem việc làm của người nhẫn nhục, nhu thuận, ôn hòa, giỏi tự chế, khéo định tĩnh, khéo trầm tịnh là như vậy chăng? Người ấy mắng chửi tôi: ‘Con Hắc tỳ này không nghe lời ta dạy, con Hắc tỳ này khinh mạn ta.’ Rồi thịnh nộ, trán nổi ba đường gân, mặt mày nhăn nhó, tự mình đi đến cánh cửa đang đóng, rút then cửa, tay cầm gậy, đánh vào đầu tôi, vỡ đầu chảy máu.” Bấy giờ, nữ cư sĩ Bệ-đà-đề được đồn xa với tiếng xấu như vầy: ‘Nữ cư sĩ Bệ-đà-đề hung dữ, nóng nảy, thô lỗ, không tự chế, không định tĩnh, không trầm tịnh.’

“Cũng vậy, ở đây, một người khéo thủ hộ, khéo đi, khéo đến, là do người khác không nói lời cộc cằn. Khi người khác không nói lời cộc cằn, vị ấy không phẫn nộ, không hằn học, không ưu phiền oán hận, không giận dữ thù nghịch, không lộ vẻ hung dữ. Các Tỳ-kheo kia thấy vậy, bèn nghĩ: ‘Hiền giả này là người nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng, khéo tự chế, khéo định tĩnh, khéo tịch tịnh.’ Nếu khi có người khác nói lời cộc cằn bèn phẫn nộ, hằn học, ưu phiền oán hận, giận dữ, thù nghịch, lộ vẻ hung dữ, các Tỳ-kheo khác thấy vậy bèn nghĩ rằng: ‘Hiền giả này hung dữ, nóng nảy, thô lỗ, không định tĩnh, không tự chế, không tịch tịnh.”

Lại nữa, có năm con đường của ngôn ngữ. [11], hoặc nói đúng thời hay không đúng thời, hoặc nói chân thật hay không chân thật hoặc nói dịu dàng hay cứng ngắt, hoặc nói từ hòa hay sân nhuế, hoặc nói có nghĩa lợi hay không nghĩa lợi.

Với năm con đường ngôn ngữ này, các ngươi nếu khi người khác nói mà với tâm bị biến đổi, có thể miệng phát ra lời nói cộc cằn, Ta nói các ngươi do đó mà bị suy thoái.

Các người hãy học, với năm con đường ngôn ngữ này, khi người khác nói mà tâm không bị biến đổi, miệng không phát ra lời nói cộc cằn, hãy hướng đến kẻ thù nghịch, hãy duyên nơi kẻ thù nghịch mà khởi tâm từ mẫn, tâm tương ưng với từ biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.

Cũng như một người cầm cái cuốc rất lớn đến và nói rằng: ”Tôi có thể làm cho cả mặt đất nay trở thành không phải đất.” Người ấy bèn đào chỗ này, chỗ kia, rồi nhổ nước miếng, nước tiểu để làm dơ bẩn. Khi người nói lời thô ác nói như vầy: “Mong cả mặt đất này không phải là đất.” Ý ngươi nghĩ sao? Người ấy do phương tiện ấy có thể làm cho mặt đất trở thành không phải mặt đất được chăng?”

Các Tỳ-kheo trả lời rằng:

“Không thể được bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì cõi đất này rất sâu rất rộng, không thể lường được. Cho nên người kia với phương tiện ấy không thể nào làm cho cõi đất này trở thành không phải đất. Bạch Thế Tôn, người ấy chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi.”

“Cũng vậy, với năm con đường ngôn ngữ này mà người khác nói, đúng thời hay không đúng thời, chân thật hay không chân thật, dịu dàng hay cứng ngắt, từ hòa hay sân nhuế, nói có nghĩa lợi hay không có nghĩa lợi. Các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này, khi người khác nói mà tâm biến đổi, hay miệng phát ra lời nói thô ác, Ta nói các ngươi do đó mà tất phải suy thoái. Các ngươi hãy học, với năm con đường của ngôn ngữ này. Khi người khác nói mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời nói thô ác, hướng đến người nói ấy, duyên nơi người nói ấy mà khởi tâm từ mẫn, như mặt đất tâm hành không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trú. Các ngươi hãy học như vậy.

“Cũng như một người cầm cây đuốc bằng cỏ rất lớn mà nói như vầy: ‘Tôi với cây đuốc bằng cỏ này đun nóng sông Hằng cho sôi sục lên’. Các ngươi nghĩ sao? Người ấy bằng phương tiện ấy có thể làm cho sông Hằng nóng và sôi lên chăng?”

Các Tỳ-kheo trả lời rằng:

“Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì sông Hằng kia rất sâu, rất rộng không thể do lường được. Cho nên người ấy với phương tiện ấy không thể làm cho sông Hằng nóng và sôi sục lên được. Bạch Thế Tôn, người ấy chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi.”

“Cũng vậy, với năm con đường ngôn ngữ này, nếu người khác nói đúng thời hay không đúng thời, nói chân thật hay không chân thật, nói dịu dàng hay cứng ngắt, nói từ hòa hay sân nhuế, nói có nghĩa lợi hay không nghĩa lợi; các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này mà khi người khác nói, hoặc tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời nói thô ác. Ta nói các ngươi do đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học năm con đường ngôn ngữ này, nếu khi người khác nói mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người ấy, duyên nơi người ấy, khởi tâm từ mẫn, tâm hành như sông Hằng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các người hãy học như vậy.

“Cũng như thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ, tay cầm đủ các loại màu và nói như thế này: ‘Ở nơi hư không này, tôi vẽ lên các hình tượng, rồi y tô lên các loại màu’, các ngươi nghĩ sao? Thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ ấy, bằng phương tiện ấy, có thể vẽ lên hư không các hình tượng, rồi tô lên các loại màu này chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Không thể, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Hư không này không phải là vật sắc, không thể thấy, không có đối ngại. Do đó, thợ vẽ hay đệ tử của thợ vẽ, bằng phương tiện ấy không thể vẽ lên hư không các hình tượng rồi tô lên các loại màu. Thợ vẽ và đệ tử của thợ vẽ chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi.”

“Cũng vậy, bằng năm con đường ngôn ngữ này mà người khác nói, hoặc đúng thời hay không đúng thời, hoặc chân thật hay không chân thật, hoặc dịu dàng hay thô lỗ, hoặc từ hòa hay sân nhuế, hoặc có nghĩa lợi hay không có nghĩa lợi, các ngươi đối với năm con đường ngôn ngữ này mà khi người khác nói, tâm không biến đổi. Miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người khác nói, duyên nơi người khác nói, mà khởi tâm từ mẫn, tâm hành hư không, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.

“Cũng như một cái túi bằng da mèo đã được thuộc mềm, rất mềm nhũn, hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp, và có một người hoặc nắm hoặc đấm, hoặc lấy đá chọi, hoặc dùng gậy đánh, hoặc lấy dao chém, hoặc đập xuống đất, các ngươi nghĩ sao? Cái túi da mèo đã được thuộc mềm, rất mềm nhũn, làm hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp, bấy giờ lại phát ra tiếng kêu xì xộp nữa chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì cái túi ấy bằng da mèo đã được thuộc mềm, rất mềm nhũn, làm hết tiếng xì xộp, không còn tiếng xì xộp nữa, cho nên nó không còn phát ra tiếng xì xộp nữa.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu có người khác, nắm tay đấm các ngươi, hoặc vác đá chọi, hoặc xách gậy đánh, hoặc lấy dao chém các ngươi, nếu khi bị người khác nắm tay đấm, vác đá chọi, dùng gậy đánh, lấy dao chém, mà tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời thô ác, Ta nói các ngươi nhân đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học như vậy. Nếu bị người khác nắm tay đấm, vác đá chọi dùng gậy đánh, lấy dao chém, tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người đánh đập, duyên nơi người đánh đập mà khởi tâm từ mẫn, tâm hành như cái túi da mèo, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.

“Nếu có giặc cướp đến, bằng lưỡi cưa bén, cắt xẻ tay chân chi tiết. Này các ngươi, nếu có giặc cướp đến, dùng lưỡi cưa bén mà xẻ tay chân chi tiết các ngươi mà các ngươi hoặc tâm biến đổi, hoặc miệng phát ra lời thô ác, Ta nói các ngươi nhân đó tất bị suy thoái. Các ngươi hãy học như vậy: nếu có giặc cướp đến, dùng lưỡi cưa bén cưa xẻ tay chân các ngươi chi tiết, mà tâm không biến đổi, miệng không phát ra lời thô ác, hướng đến người cắt xả ấy, duyên nơi người cắt xả ấy mà khởi tâm từ mẫn, tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy trên dưới, bao trùm tất cả tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tránh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.”

Rồi bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Các Tỳ-kheo luôn luôn suy niệm về lưỡi cưa bén cho giáo huấn của Sa-môn. Các ngươi sau khi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn của Sa-môn rồi, các ngươi há còn thấy rằng: ‘Người kia nói lời thô ác không khả ái đối với ta, sau khi ta nghe không thể chịu đựng nổi chăng?’.”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Không có, bạch Thế Tôn!”

Đức Thế Tôn lại tán thán các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hãy luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn. Sau khi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn, các ngươi nếu sống ở phương Đông, chắc chắn được an lạc, không có các khổ nạn. Nếu sống ở phương Nam, phương Tây và phương Bắc, cũng chắc chắn được an lạc, không có các khổ hoạn.

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn. Các ngươi sau khi suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn, đối với các thiện pháp các ngươi đã an trụ, Ta còn không nói, huống nữa là nói đến sự suy thoái. Chỉ còn sự tăng trưởng thiện pháp ngày đêm, chứ không còn sự suy thoái nữa.

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hãy luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn; các ngươi sau khi luôn luôn suy niệm về thí dụ lưỡi cưa bén cho giáo huấn Sa-môn rồi, trong hai quả chắc chắn được một. Hoặc ngay trong đời hiện tại mà chứng đắc Cứu cánh trí, hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư y.”

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M. 21. Kakacūpamasuttaṃ.[02] Mâu-lê-phá-quần-na 牟 犁 破 群 那. Pāli: Moliyaphagguna.[03] Đạo thuyết 道 說. Pāli: avaṇṇanaṃ bhāsati, nói điều không tốt.[04] Nguyên Hán: y gia 依 家. Pāli: gehasita.[05] Đa sở tri thức 多 所 知 識, chỉ người nổi tiếng.[06] Nhất tọa thực 一 坐 食, ngữ nguyên không rõ, nhưng ý nghĩa: ăn một ngày một lần. Xem thêm cht.2, Kinh 194 dưới. Pāli: ekāsana-bhojana.[07] Nguyên Hán: sanh niệm hướng pháp thứ pháp. Pāli: satuppādakaraṇīyaṃ... bhikkhusu, cần khơi dậy chánh niệm nơi các Tỳ-kheo.[08] Thiện thệ hành 善 逝 行,Nguyên-Minh: thiện du hành 善 遊 行.[09] Cư sĩ phụ Bệ-đà-đề 居 士 婦 鞞 陀 提. Pāli: Vedehikā nāma gahapatānī.[10] Tì danh Hắc 婢 名 黑. Pāli: Kāḷī nāma dāsī.[11] Ngũ ngôn đạo 五 言 道 hay ngũ ngữ lộ 五 語 珞. Xem Tập Dị 13, No.1536, Đại 26, tr.421c). Pāli: Pañca Vacanapathā.

-ooOoo-

194. KINH BẠT-ĐÀ-HÒA-LỢI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc, cùng với đại chúng Tỳ-kheo an cư trong mùa mưa.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, Ta chỉ ăn trong một lần ngồi [02]. Do chỉ ăn trong một ăn trong một lần ngồi, Ta vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên chỉ ăn trong một lần ngồi; do chỉ ăn trong một lần ngồi, các ngươi sẽ vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường an ổn khoái lạc.

Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi  [03], cũng ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không thể kham nổi, sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con chỉ ăn trong một lần ngồi thì chẳng khác nào làm một việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nhận lời mời, ngươi cũng đi theo Ta và nếu Ta chấp nhận cho ngươi mang đồ ăn được mời ấy đi nhưng chỉ ăn trong một lần ngồi, như vậy cũng có thể sống được an lành    [04] .”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi lại bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, dù vậy con cũng không thể kham nổi sự việc chỉ ăn trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con chỉ ăn trong một lần ngồi, chẳng khác nào làm một việc chưa xong, cảm thấy ảo não trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc chỉ ăn trong một lần ngồi.”

Đức Thế Tôn đến ba lần nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta chỉ ăn trong một lần ngồi. Do ăn chỉ trong mọt lần ngồi, Ta vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên học chỉ ăn trong một lần ngồi. Do ăn chỉ trong một lần ngồi, các ngươi sẽ vô vi, vô cầu, không có các tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng thoải mái, khí lực khang cường, an ổn khoái lạc.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi cũng đến ba lần từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con ăn chỉ trong một lần ngồi thì không khác nào làm một công việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”

Đức Thế Tôn cũng đến ba lần nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nhận lời mời, ngươi cũng đi theo; và nếu ta chấp thuận cho ngươi mang đồ ăn được mời ấy đi, nhưng ăn chỉ trong một lần ngồi, như vậy cũng có thể sống được an lành.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi cũng đến lần thứ ba bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, mặc dù như vậy, nhưng con cũng không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi. Vì sao vậy? Vì nếu con ăn chỉ trong một lần ngồi thì chẳng khác nào làm việc một công việc chưa xong, cảm thấy ảo não, trong lòng hối tiếc. Bạch Thế Tôn, vì vậy con không thể kham nổi sự việc ăn chỉ trong một lần ngồi.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo  [05] Chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Chỉ trừ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi tuyên bố là không thể kham nổi, từ chỗ ngồi đứng dậy và bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc [06] và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Rồi Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi suốt trong một mùa mưa ấy lánh mình không gặp Đức Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới Thế Tôn.

Vào một lúc, chư Tỳ-kheo làm y cho Đức Phật, để sau ba tháng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ và khâu vá lại y áo xong, Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi được nghe rằng chư Tỳ-kheo đang làm y cho Đức Phật để sau ba tháng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ và khâu vá lại các y áo xong, Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Sau khi nghe như vậy, Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bèn đi đến chỗ các Tỳ-kheo. Chư Tỳ-kheo từ xa trông thấy Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đang đi đến, bèn nói như vầy:

“Hiền giả Bạt-đà-hòa-lợi, nên biết ở đây chúng tôi đang làm y cho Thế Tôn, để sau ba tháng an cư vào mùa mưa tại nước Xá-vệ, và khâu vá y xong Đức Thế Tôn sẽ thu vén y, ôm bát mà du hành trong nhân gian. Này Bạt-đà-hòa-lợi, hãy tự khéo gìn giữ trong trường hợp này, đừng để về sau xảy ra nhiều sự phiền nhọc.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi nghe những lời ấy xong, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thật sự con đã sai lầm! Thật sự con đã sai lầm! Con như ngu, như si, như khờ dại, như bất thiện. Vì sao? Vì Thế Tôn thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Duy chỉ con tuyên bố là không kham nổi, từ chỗ ngồi đứng dậy và bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc ấy ngươi không biết rằng, ‘Một số đông các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đang an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, những vị ấy biết ta [07], thấy ta, rằng ‘Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Thế Tôn, không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết rằng, ‘Một số đông Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di tại nước Xá-vệ, những người này biết ta, gặp ta, rằng ‘Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Thế Tôn không học theo giới cụ túc, và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ngươi lúc ấy không biết rằng, ‘Một số đông các Sa-môn Phạm chí dị học đang an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ, những vị này biết ta, thấy ta, rằng ‘Có một Tỳ-kheo tên là Bạt-đà-hòa-lợi, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, một bậc danh đức, nhưng không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không biết có sự kiện như vậy chăng?

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu có Tỳ-kheo chứng câu giải thoát  [08]mà ta nói với vị ấy rằng, ‘Ngươi hãy xuống vũng bùn!’, [09] Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Ta dạy Tỳ-kheo ấy như vậy Tỳ-kheo ấy há thể đứng im hay tránh đi chỗ khác chăng?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, giả sử không phải là Tỳ-kheo câu giải thoát nhưng là Tỳ-kheo tuệ giải thoát [10]; hoặc giả sử không phải là Tỳ-kheo tuệ giải thoát, nhưng Tỳ-kheo thân chứng. [11]; hoặc giả sử không phải Tỳ-kheo thân chứng, nhưng là kiến đáo, [12]; hoặc giả sử không phải là kiến đáo nhưng là tín giải thoát, [13]; hoặc giả sử không phải là tín giải thoát nhưng là tùy pháp hành, [14]; hoặc giả sử không phải là tùy pháp hành, nhưng là tùy ý hành. [15], mà ta nói với vị Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy xuống vũng bùn’. Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Ta dạy Tỳ-kheo ấy như vậy, Tỳ-kheo ấy há có thể đứng im hay tránh đi nơi khác chăng?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao? Lúc bấy giờ ngươi đã chứng đắc tùy tín hành, tùy pháp hành, kiến đáo, thân chứng, tuệ giải thoát hay câu giải thoát chăng?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi đáp:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, lúc bấy giờ ngươi không phải như ngôi nhà trống chăng?”

Lúc ấy Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bị Thế Tôn khiển trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời để biện bạch, suy nghĩ mông lung. Đức Thế Tôn sau khi khiển trách Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi ngay mặt rồi, lại muốn làm cho Tôn giả được hoan hỷ bèn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ngươi lúc bấy giờ đối với Ta mà không có sự tịch tịnh của sự tín pháp, không có sự tịch tịnh của ái pháp, không có sự tịch tịnh của tĩnh pháp. [16]. Vì sao vậy? Trong lúc ta thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Duy chỉ riêng ngươi tuyên bố là không kham nổi, và từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc, và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bạch rằng:

“Quả thật như vậy. Vì sao vậy? Vì trong lúc Thế Tôn thiết lập học giới cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ, duy chỉ riêng con tuyên bố là không kham nổi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Cúi mong Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con. Con đã thấy lỗi lầm rồi sẽ tự mình ăn năn hối cải, và từ nay trở đi sẽ giữ gìn không tái phạm nữa.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, như vậy, ngươi thật sự như ngu, như si, như khờ dại, như bất thiện. Vì sao vậy? Vì trong lúc ta thiết lập học giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo; chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng giữ học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn, chỉ riêng ngươi tuyên bố là không kham nổi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì sao vậy? Vì ngươi không học theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu ngươi có lỗi lầm, đã thấy và tự hối từ nay về sau gìn giữ, không thể để tái phạm. Này Bạt-đà-hòa-lợi, như vậy ở trong Thánh pháp luật có ích lợi chớ không tổn hại. Nếu ngươi có lầm lỗi, đã thấy và tự hối, từ nay về sau gìn giữ không để tái phạm nữa, thì này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao, nếu có Tỳ-kheo không học theo giới cụ túc, [17] vị ấy sống trong rừng vắng, dưới gốc cây, hoặc ở trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Vị ấy sau khi sống tại một nơi xa vắng, tu hành tinh cần để chứng đắc tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trụ [18],. Nhưng vị ấy sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần như vậy mà chê bai học giới của Thế Tôn [19], xuyên tạc chê bai chư Thiên và các phạm hạnh có trí và cũng xuyên tạc học giới của chính mình. Vị ấy sau khi xuyên tạc học giới của Thế Tôn, xuyên tạc chư Thiên và các vị Phạm hạnh có trí, và cũng xuyên tạc học giới của chính mình rồi, bèn không sanh tâm hoan duyệt; do không sanh tâm hoan duyệt nên không sanh hỷ; do không sanh hỷ nên thân không khinh an; do thân không khinh an, nên không cảm thọ lạc; do không cảm thọ lạc, nên tâm bất định. Này Bạt-đà-hòa-lợi, Hiền Thánh đệ tử khi tâm bất định, thì không thể thấy như thật, biết như thật.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, ý ngươi nghĩ sao, nếu có Tỳ-kheo học giới cụ túc, sống trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây trên sườn cao, vắng bặt không tiếng động, xa lánh không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa. Vị ấy sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần, để chứng đắc tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú. Vị ấy sau khi sống tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần, an ổn khoái lạc rồi, không xuyên tạc học giới của Thế Tôn, cũng không xuyên tạc chư Thiên và các vị Phạm hạnh có trí, cũng không xuyên tạc học giới của chính mình. Vị ấy sau khi không xuyên tạc học giới của Thế Tôn, không xuyên tạc chư Thiên và các vị Phạm hạnh có trí, cũng không xuyên tạc học giới của chính mình rồi bèn sanh hoan duyệt, do sanh hoan duyệt nên sanh hỷ, do sanh hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an nên cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên tâm định. Này Bạt-đà-hòa-lợi, Hiền Thánh đệ tử tâm định rồi bèn thấy như thật, biết như thật. Sau khi thấy như thật, biết như thật, bèn ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ nhất, ngay trong đời hiện tại sống an lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy an ổn khoái lạc và thăng tiến đến Niết-bàn. Rồi vị ấy giác và quán đã tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ hai, ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn. Rồi vị ấy ly hỷ, xả dục, xả, an trú vô cầu, với chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà Thánh nói là Thánh xả, niệm, an trụ lạc, chứng đắc đệ Tam thiền thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ ba, ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó, an lạc sống trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn. Rồi vị ấy lạc diệt khổ diệt, ưu và hỷ vốn cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc tăng thượng tâm thứ tư ngay trong đời hiện tại được sống an lạc, dễ được chớ không khó an trú trong vô úy, an ổn khoái lạc mà thăng tiến đến Niết-bàn.

“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm thanh tịnh như vậy, không nhuế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, học và chứng đắc Túc mạng trí thông. Vị ấy với hành vi, với tướng mạo, nhớ lại về trước vô lượng trăm nghìn đời sống đã trải qua, một đời, hai đời trăm đời, nghìn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô lượng thành kiếp hoại kiếp; chúng sanh ấy có tên như vậy, mà vị ấy xưa kia đã từng trải, biết rằng ‘Ta đã từng sanh làm người ấy, với tên như vậy, họ như vậy, tự như vậy, sanh như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, tồn tại như vậy, mạng chung như vậy, chết ở đây sanh ở chỗ kia, chết ở chỗ kia sanh ở đây. Ta sanh tại chỗ này với tên như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, tử như vậy, sanh như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, tồn tại như vậy, mạng chung như vậy.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị kia lúc bấy giờ, chứng đắc minh đạt [20]thứ nhất này, do trước kia không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh cần, cho đến vô trí diệt, và trí tuệ phát sanh, bóng tối biến mất mà ánh sáng xuất sanh, vô minh diệt mà minh phát sanh, tức là chứng ngộ minh đạt Ức túc mạng trí [21] .

“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm như vậy, không nhuế, không phiền an trụ vững vàng. Đạt đến bất động tâm, học và chứng sanh tử trí thông. Vị ấy với thiên nhãn thanh tịnh, vượt hẳn trên người thường, thấy chúng sanh này, lúc tử lúc sanh, sắc đẹp sắc xấu, diệu hay chẳng diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ. Tùy theo tác nghiệp của chúng sanh này mà thấy đúng như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hành, khẩu và ý ác hành, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu tà kiến; do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung tất sanh đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, không phỉ báng chánh nhân, chánh kiến, thành tựu chánh kiến; do nhân duyên khi thân hoại mạng chung tất đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc minh đạt thứ hai, do trước kia không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh cần, vô trí diệt và trí sanh, bóng tối biến mất và ánh sáng hiện thành, vô minh diệt và minh sanh, tức chứng ngộ minh đạt Sanh tử trí [22] .

“Vị ấy với sự chứng đắc định tâm thanh tịnh như vậy, không uế, không phiền, an trụ vững vàng, đạt được bất động tâm, học và chứng ngộ Lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật rằng ‘Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, biết như thật đây là Khổ diệt đạo’; biết như thật rằng ‘Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, biết như thật đây là lậu diệt đạo.’ Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu và vô minh lậu. Đã giải thoát thì biết mình đã giải thoát. Biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó là vị ấy lúc bấy giờ chứng đắc minh đạt thứ ba, do trước không phóng dật, ưa sống nơi xa vắng, tu hành tinh tấn, vô trí diệt và trí sanh, bóng tối biến mất và ánh sáng hiện thành, vô minh diệt và minh sanh chứng chứng ngộ minh đạt Lậu tận trí [23] .”

Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, khi các Tỳ-kheo cùng phạm giới, nhưng có trường hợp khổ trị, có trường hợp không khổ trị.”

Thế Tôn nói:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, hoặc có Tỳ-kheo thường xuyên phạm giới; do bởi thường xuyên hay phạm giới nên các Tỳ-kheo đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, bèn nói lãng sang vấn đề khác, những việc ngoài vấn đề; sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất mãn, xúc nhiễu chúng Tăng, khinh mạn chúng Tăng, nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ mà vui lòng.’ Với ý nghĩ như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nhưng Hiền giả này thường hay phạm giới. Và do thường hay phạm giới, nên bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị này sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy được nghe hay từ người khác mà nghi ngờ, bèn nói sang vấn đề khác, những sự việc ngoài vấn đề, sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất mãn, xúc nhiễu chúng Tăng, khinh mạn chúng Tăng, nói như vầy ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng được hoan hỷ mà hài lòng.’ Sau khi thấy vậy, bèn nói rằng: ”Này chư Tôn, hãy xem xét khiến để kéo dài một thời gian [24].

“Hoặc giả có Tỳ-kheo thường hay phạm giới; do thường hay phạm giới cho nên bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, không nói lãng sang vấn đề khác, những sự việc ngoài vấn đề, không sân hận, thù nghịch chúng Tăng, phẫn nộ, bất mãn, xúc nhiễu và khinh, mạn, không nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để Tăng chúng hoan hỷ mà hài lòng.’ Không có ý nghĩ như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nhưng Hiền giả này thường hay phạm giới, do bởi thường hay phạm giới nên các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe hay từ người khác mà nghi ngờ. Vị ấy sau khi bị các vị đồng phạm hạnh khiển trách bằng những điều được thấy, được nghe, hay từ người khác mà nghi ngờ, vị ấy không nói lãng sang vấn đề khác, những sự việc ngoài vấn đề không sân hận, thù nghịch, phẫn nộ, bất mãn, không xúc nhiễu chúng Tăng, không khinh mạn chúng Tăng, không nói như vầy, ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ mà hài lòng.’ Sau khi thấy như vậy bèn nói rằng, ‘Này chư Tôn, hãy xem xét mà khiến cho diệt sớm.’ Trường hợp phạm các cấm giới nhẹ cũng vậy.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, hoặc giả có Tỳ-kheo có tín, có ái, có tĩnh [25]. ‘Nay Tỳ-kheo này còn có tín, có ái, có tĩnh. Nếu chúng ta khổ trị Tỳ-kheo này, thì Hiền giả này vốn có tín, ái và tĩnh, do đây mà dứt mất vậy. Chúng ta hãy cùng nhau cẩn thận gìn giữ cho Hiền giả này. Rồi các Tỳ-kheo bèn cùng nhau gìn giữ hộ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng như một người kia chỉ có một con mắt các bà con quyến thuộc, vì thương tưởng, yêu mến, mong cầu cho được sự thiện lợi và hữu ích, sự an ổn khoái lạc, nên cùng nhau cẩn thận gìn giữ hộ, không để cho người này bị lạnh nóng, đói, khát, đau yếu, ưu sầu, vừa đau yếu vừa ưu sầu, không để cho phải bụi, không để cho khói, không để cho phải bụi và khói. Vì sao vậy? Vì sợ ấy mất luôn một con mắt nữa. Cho nên thân thuộc cẩn thận gìn giữ hộ. Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng vậy, với Tỳ-kheo chỉ còn một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh, các Tỳ-kheo bèn nghĩ rằng, ‘Nay Tỳ-kheo chỉ có một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh nếu chúng ta khổ trị Tỳ-kheo này thì Tỳ-kheo này sẽ do đây mà đứt mất một ít tín, một ít ái, một ít tĩnh ấy. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn hộ, cũng như thân thuộc gìn giữ người một mắt vậy.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo sang bên, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, ngày xưa ít có thiết lập học giới nhưng được nhiều Tỳ-kheo vâng lĩnh phụng trì? Và do nhân gì, duyên gì, bạch Thế Tôn, ngày nay thiết lập nhiều học giới, nhưng ít có Tỳ-kheo vâng lãnh phụng trì?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi chúng Tỳ-kheo không được thịnh lợi, trong chúng không có pháp hỉ hảo [26] ; nhưng khi chúng Tỳ-kheo được thịnh lợi, trong chúng phát sanh pháp hỉ hảo. Khi pháp hỉ hảo đã phát sanh, Thế Tôn muốn đoạn trừ pháp hỉ hảo đó, bèn thiết lập học giới cho đệ tử.

“Cũng vậy, khi chúng Tỳ-kheo được tán thán, được lớn mạnh, có những bậc Thượng tôn được hàng vương giả biết đến và có phước đức lớn, học vấn nhiều  [27]

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi chúng Tỳ-kheo không có những người đa văn, trong chúng không phát sanh pháp hỉ hảo. Nhưng khi chúng Tỳ-kheo có những người đa văn, trong chúng phát sanh pháp hỉ hảo. Vì pháp hỉ hảo đã phát sanh, Thế Tôn muốn đoạn trừ pháp hỉ hảo ấy, cho nên thiết lập học giới cho các đệ tử.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, không phải vì để đoạn trừ hữu lậu trong hiện tại mà Ta thiết lập học giới cho các đệ tử. Nhưng vì để đoạn trừ hữu lậu trong đời sau mà Ta thiết lập học giới cho các đệ tử. Bạt-đà-hòa-lợi, vì vậy, vì để đoạn trừ hữu lậu nên Ta thiết lập học giới đệ tử, khi đến vâng lãnh lời dạy của Ta.

“Bạt-đà-hòa-lợi, trước kia Ta đã từng nói pháp thí dụ về ngựa thuần giống [28] cho các Tỳ-kheo, ở trong đó, do nhân gì, duyên gì ngươi có nhớ không?”

Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, trong ấy có nguyên nhân. Vì sao vậy? Thế Tôn thiết lập giới Nhất tọa thực cho chúng Tỳ-kheo. Chúng Tỳ-kheo thảy đều vâng lãnh học giới và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Chỉ riêng con tuyên bố là không kham nổi, từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Vì không theo giới cụ túc và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, đó gọi là trong ấy có nguyên nhân.”

Đức Thế Tôn lại nói với Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi, rằng:

“Trong đó không phải chỉ có nguyên nhân như vậy. Này Bạt-đà-hòa-lợi, khi Ta nói thí dụ về loài ngựa thanh tịnh cho các Tỳ-kheo, thì ngươi hẳn là không nhất tâm, không khéo cung kính, không tư niệm mà nghe. Này Bạt-đà-hòa-lợi, đó gọi là trong ấy lại còn có nguyên nhân khác nữa vậy.”

Lúc bầy giờ Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng lúc! Nếu Thế Tôn nói thí dụ về con ngựa thuần giống cho các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn nói, sẽ khéo léo ghi nhớ.”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng như người biết cách huấn luyện ngựa, được một con ngựa tốt thuần giống. Người giỏi huấn luyện ấy trước hết trị cái miệng của nó. Sau khi trị miệng, tất nhiên nó sẽ không thích với sự chuyển động, muốn hay không muốn. Vì sao vậy? Vì chưa từng được trị. Này Bạt-đà-hòa-lợi, nếu con ngựa tốt thuần giống tuân theo cách trị của người huấn luyện, cách trị thứ nhất được thành tựu. Nhưng người huấn luyện lại phải trị bằng cách dàm mõm, cùm chân; cùm chân, dàm mõm, nhưng khiến nó sãi, đi, cần phải làm cho nó dừng lại, chạy đua, có thể để vua cỡi; đi không gì hơn, trầm tĩnh không gìn hơn; trị các chi thể khác, thảy đều huấn luyện cho thành tựu. Tất nhiên nó không thích với chuyển động, hoặc muốn hay không muốn. Vì sao vậy? Vì bị sửa trị nhiều lần. Này Bạt-đà-hòa-lợi! Nếu con ngựa tốt thuần giống, với người huấn luyện, được sửa trị nhiều lần cho đến thành tựu. Lúc bấy giờ nó là con ngựa thuần thục, khéo thuần thục, được đệ nhất vô thượng thuần thục, vô thượng hành, đệ nhất hành, rồi xung vào cho vua cỡi, ăn thóc của vua, được gọi là ngựa vua.

“Này Bạt-đà-hòa-lợi, cũng vậy, nếu bấy giờ có một người hiền minh, có trí, thành tựu mười pháp vô học, vô học chính kiến cho đến vô học chánh trí, người ấy lúc bấy giờ là một người thuần thục, khéo thuần thục, vô thượng thuần thục, được đệ nhất vô thượng thuần thục, vô thượng tĩnh chỉ, đệ nhất tĩnh chỉ, diệt trừ tất cả tà vạy, diệt trừ tất cả ô uế, diệt trừ tất cả sợ hãi, diệt trừ tất cả si ám, diệt trừ tất cả siểm nịnh, lặng đọng mọi trần lao, thanh tịnh mọi cấu trược, không còn gì để bị dính trước đáng kính, đáng trọng, đáng phụng, đáng thờ, là ruộng phước cho hết thảy chư Thiên và Nhân loại.”

Phật thuyết như vậy, Tôn giả Bạt-đà-hòa-lợi, và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 51. Tương đương Pāli, M.65. Bhāddāli-suttaṃ. Tham chiếu, No.125 (49.7).[02] Nhất tọa thực 一 坐 食. Một ngày chỉ ăn một lần giữa ngọ, và trong một lần ấy cũng chỉ ngồi một lần, nếu có duyên sự gì phải đứng dậy nửa chừng thì không ngồi ăn trở lại. Đây là một trong sáu phép tịnh thực và cũng là một trong mười hai hạnh đầu đà. Xem thêm Luật Tứ Phần 14 (No.1428, Đại 22, tr.660). Xem cht.6, kinh 193. Pāli: ekāsanabhojana.[03] Bạt-đà-hòa-lợi 跋 陀 和 利. Pāli: Bhaddālī.[04] Pāli nói: ăn một phần tại chỗ và một phần mang đi. Theo Luật Tứ Phần (sđd.,nt), trường hợp Tỳ-kheo bệnh, có thể ăn nhiều lần.[05] Trong Luật tạng không thấy nói đến học giới Nhất tọa thực nhưng nói là Sát sát thực (Pāli: parampara-bhojana).[06] Bất học cụ giới, xem cht.17 dưới.[07] Văn giả thiết, trực tiếp dẫn lời của Bạt-đà-hòa-lợi.[08] Câu giải thoát 俱 解 脫, hay Câu phần giải thoát. Pāli: ubhatobhāgavimutta. Xem kinh 195 sau.[09] Pāli nói: ehi me tvam bhikkhu paṅke sāṅkamo hoti, “Tỳ-kheo, lại đây, làm cầu trên bùn cho Ta”.[10] Tuệ giải thoát 慧 解 脫. Pāli: Paññāvimutta, xem kinh 195 ở sau.[11] Thân chứng 身 證. Pāli: kāyasakkhin, xem kinh 195 ở sau.[12] Kiến đáo 見 到. Pāli: diṭṭhipatta, xem kinh 195 ở sau.[13] Tín giải thoát 信 解 脫. Pāli: saddhāvimutta, nt.[14] Pháp hành 法 行, hay tùy pháp hành. Pāli: dhammānusārin, nt.[15] Tín hành 信 行, hay tùy tín hành. Pāli saddhāssussārin, nt.[16] Vô tín pháp tĩnh 無 信 法 靜 (hoặc 靖) vô ái pháp tĩnh 無 愛 法 靖, vô tránh pháp tĩnh 無 諍(hoặc 靖) 法 靖. Chưa rõ ý nghĩa. Xem cht.2 đoạn dưới.[17] Bất học cụ giới 不 學 具 戒. Pāli satthusāsane sikkhāya aparipūrakārī, sự học tập không đầy đủ trong giáo pháp của Tôn sư.[18] Trong nguyên bản: hiện pháp lạc cư.[19] Đối chiếu bản Pāli tassa tathāvūpakaṭṭhassa viharato satthāpi upavadati... devatāpi upavadanti, vị ấy trong khi sống viễn ly như vậy, nhưng Đạo sư chỉ trích,..., chư Thiên cũng chỉ trích.[20] Minh đạt 明 達, hay minh, tức ba minh: Pāli: tisso vijjā.[21] Ức túc mạng trí tác chứng minh đạt 憶 宿 命 智 作 證 明 達, hay túc mạng trí minh, hay túc trụ tùy niệm tác chứng minh; xem Tập Dị Môn Luận 6, Đại 26, tr.391a. Pāli: pubbenivāsānusatiñāṇaṃ vijjā.[22] Sanh tử trí tác chứng minh đạt 生 死 智 作 證 明 達, hay tử sanh trí tác chứng minh; xem Tập Dị Môn, đd. nt. Pāli: sattānaṃ cutūpapāte ñāṇaṃ vijjā.[23] Lậu tận trí tác chứng minh. Pāli: āsavānaṃ khaye ñāṇaṃ vijjā.[24] Đương quán linh cửu trụ 當 觀 令 久 住. Pāli: (...) upaparikkhatha (...) na khippameva vūpasameyyā ti, hãy tham cứu, chớ chấm dứt sớm.[25] Hữu tín hữu ái hữu tĩnh 有 信 有 愛 有 靖 (hay 諍? Pāli: (...) saddāmattakena vahati pemamattakena,(Tỳ-kheo ấy) tùng sự (Tăng) với một ít lòng tin, một ít yêu mến. Bản Hán nói thêm tĩnh, mà có thể là tránh chép nhầm. Đoạn này có thể hiểu: ”Tỳ-kheo tuy phạm tọâi, nhưng còn một ít lòng tin, một ít thương yêu, và với một ít tranh chấp nhỏ”.[26] Hỷ hảo pháp 喜 好 法, “chuộng tốt”. Pāli: āsavaṭṭhāniyā dhammā, pháp được xác lập trên hữu lậu.[27] Năm trường hợp pháp hữu lậu phát sanh trong Tăng chúng: có thịnh lợi, tăng lớn mạnh, có danh dự, có bậc kỳ túc được kinh trọng, và có học vấn cao. So sánh Pāli: saṅgho mahattaṃ patto... lābhaggaṃ patto... yasaggaṃ... bāhusaccau... rattaññutaṃ...[28] Thanh tịnh mã dư pháp 清 淨 馬 喻 法. Pāli: ājāniyasusūpamaṃ dhamma-pariyāyṃ, pháp môn thí dụ lương mã (tuấn mã).

-ooOoo-

195. KINH A-THẤP-BỐI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Ca-thi [02] cùng với đại chúng Tỳ-kheo.

Trong lúc dừng chân tại một nơi  [03], Đức Phật nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta một ngày chỉ ăn một lần [04] Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi vô cầu, không bệnh không đau, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không bệnh không đau, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn vì chúng Tỳ-kheo mà thi thiết giới, một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Rồi Thế Tôn lần hồi đi đến Ca-la-lại [05], trụ trong rừng Thi-nhiếp-hòa ở phía Bắc thôn Ca-la-lại.

Lúc bấy giờ tại Ca-la-lại, có hai vị Tỳ-kheo, một vị tên là A-thấp-bối, một vị tên là Phất-na-bà-tu[06]. Hai vị này là cựu chủ đất, chủ chùa, tông chủ. Hai vị này sáng cũng ăn, chiều cũng ăn, tối cũng ăn, quá ngọ cũng ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ cũng ăn, mà vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Một số đông Tỳ-kheo nghe vậy, liền đến chỗ hai vị Tỳ-kheo A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói hai vị rằng:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn du hóa tại nước Ca-thi cùng với chúng đại Tỳ-kheo, trong lúc dừng chân tại một nơi, bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.’ Bấy giờ Đức Thế Tôn thi thiết giới này cho chúng Tỳ-kheo, đó là một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này cùng các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền nói:

“Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi về sau.”

Hai vị ấy nói như thế ba lần. Chúng Tỳ-kheo không thể làm cho A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu trừ bỏ ác tà kiến, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi ngồi sang một bên thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, ở Ca-la-lại này có hai vị Tỳ-kheo, một vị tên là A-thấp-bối, một vị tên là Phất-na-bà-tu. Hai vị này là cựu chủ đất, chủ chùa, tông chủ. Hai vị này sáng cũng ăn, chiều cũng ăn, tối cũng ăn, quá ngọ cũng ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ cũng ăn, mà vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Bạch Thế Tôn, chúng con nghe như vậy liền đến chỗ cho A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói thế này, ‘Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn du hóa tại nước Ca-thi cùng với chúng đại Tỳ-kheo, trong lúc dừng chân tại một nơi, bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.’ Bấy giờ Đức Thế Tôn thi thiết giới này cho chúng Tỳ-kheo, đó là một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này cùng các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.’

“A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền trả lời chúng con như vầy, ‘Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi về sau?’ Như vậy ba lần.

“Bạch Thế Tôn, như vậy chúng con không thể làm cho A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu trừ bỏ ác tà kiến này, nên chúng con từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi.”

Đức Thế Tôn nghe xong liền bảo một vị Tỳ-kheo:

“Ngươi đến chỗ A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói như thế này: ‘Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn gọi các thầy.’”

Vị Tỳ-kheo nghe rồi liền đáp:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”

Rồi từ chỗ ngồi đứng dậy cúi đầu lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi ra đi. Tỳ-kheo ấy đến chỗ hai vị Tỳ-kheo A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nói rằng:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Thế Tôn gọi hai thầy đó.”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi ngồi sang một bên.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, chúng Tỳ-kheo thật có nói với các ngươi như vầy: ‘Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Đức Thế Tôn du hóa tại nước Ca-thi cùng với chúng Đại Tỳ-kheo, trong lúc dừng chân tại một nơi, bảo các Tỳ-kheo rằng, ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các ngươi cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có tật bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc.’ Bấy giờ Đức Thế Tôn thi thiết giới này cho chúng Tỳ-kheo, đó là một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này cùng các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.’

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các ngươi nghe rồi lại nói với chúng Tỳ-kheo rằng, ‘Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn. Vì sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, vô vi, vô cầu, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi về sau?’ Hai ngươi nói như vậy ba lần. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, rồi chúng Tỳ-kheo không thể làm cho hai ngươi trừ bỏ ác tà kiến, nên từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, thật có vậy không?”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, thật có như vậy.”

Thế Tôn dạy nói:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các ngươi có hiểu biết pháp ta nói như vầy: ”Nếu ai có cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi người ấy cảm thọ về cảm thọ lạc rồi, thì các pháp ác bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện lại giảm? Nếu ai cảm thọ về cảm thọ khổ, và khi cảm thọ về cảm thọ khổ rồi, pháp ác bất thiện giảm và các thiện pháp sanh trưởng?”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, thưa rằng:

“Quả vậy, bạch Thế Tôn. Chúng con biết Đức Thế Tôn nói pháp như vậy, ‘Nếu ai có cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi đã cảm thọ về cảm thọ lạc rồi, pháp ác bất thiện tăng trưởng và thiện pháp tổn giảm. Nếu ai cảm thọ về cảm thọ khổ, và khi đã cảm thọ về cảm thọ khổ rồi thì pháp ác bất thiện giảm và pháp thiện tăng trưởng.”

Đức Thế Tôn quở trách A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu rằng:

“Các ngươi là người ngu. Do đâu mà các ngươi biết ta nói pháp như vậy? Các ngươi là người ngu. Từ miệng ai mà các ngươi biết Ta nói pháp như vậy? Các ngươi là người ngu. Ta không nói một chiều, mà các ngươi lại thọ trì một chiều. Các ngươi là người ngu. Khi nào được các Tỳ-kheo hỏi, các ngươi phải đáp đúng như pháp rằng, ‘Chúng tôi chưa biết, sẽ hỏi lại các Tỳ-kheo.’”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi cũng có hiểu biết pháp ta nói như vậy, ‘Nếu ai cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi đã cảm thọ về cảm thọ lạc rồi, pháp bất thiện tăng trưởng và pháp thiện tổn giảm. Nếu ai có cảm thọ khổ, và khi đã cảm thọ về cảm thọ khổ rồi, pháp bất thiện tổn giảm và pháp thiện tăng trưởng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Các ngươi biết pháp ta nói như thế nào?”

Chúng Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu biết pháp Đức Thế Tôn nói như vầy, ‘Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc thì ác pháp, bất thiện pháp tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ, nên pháp ác bất thiện lại tăng trưởng, pháp thiện lại tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác bất thiện tổn giảm và pháp thiện tăng trưởng.’ Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu biết Đức Thế Tôn nói pháp như vậy.”

Đức Thế Tôn nghe nói thế, tán thán các Tỳ-kheo rằng:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vầy, ‘Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác, bất thiện tổn giảm, thiện pháp tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ, nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, thiện pháp bị tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện tổn giảm, pháp thiện tăng trưởng.’ Vì sao? Ta cũng nói như vầy, ‘Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc, nên pháp ác bất thiện tổn giảm, pháp thiện tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện tổn giảm, pháp thiện tăng trưởng.’

“Nếu Ta không biết đúng như thật, không thấy, không hiểu rõ, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ lạc mà pháp ác bất thiện giảm, pháp thiện tăng trưởng, Ta không nên nói đoạn trừ cảm thọ lạc. Nếu Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ, không chứng đắc, không chứng ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ mà pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm, Ta không nên nói tu tập cảm thọ lạc.

“Nếu Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ mà pháp bất thiện lại tăng, thiện pháp tăng giảm, Ta không nên nói đoạn trừ cảm thọ khổ. Nếu Ta không biết như thật, không thấy, không hiểu rõ, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ mà pháp bất thiện lại giảm, thiện pháp tăng tăng, Ta không nên nói tu cảm thọ khổ.

“Nếu Ta biết đúng như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ lạc, mà pháp ác bất thiện lại tăng, pháp thiện lại giảm, cho nên ta nói đoạn trừ cảm thọ lạc. Nếu Ta biết đúng như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ lạc mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng, cho nên Ta nói tu cảm thọ lạc.

“Nếu Ta biết đúng như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ, mà pháp ác bất thiện lại tăng, pháp thiện lại giảm, cho nên Ta nói đoạn trừ cảm thọ khổ. Nếu Ta biết đúng như thật, thấy rõ, hiểu rõ, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh; thì hoặc có cảm thọ khổ mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng, cho nên Ta nói tu cảm thọ khổ.

“Vì sao? Ta không nói tu tập tất cả thân lạc, cũng không nói không nên tu tập tất cả thân lạc. Ta không nói tu tập tất cả thân khổ, cũng không nói không nên tu tập tất cả thân khổ. Ta không nói tu tập tất cả tâm lạc, cũng không nói không nên tu tập tất cả về tâm lạc. Ta không nói tu tập tất cả tâm khổ, cũng không nói không nên tu tập tất cả tâm khổ.

“Thế nào là thân lạc mà ta nói là không tu? Nếu tu thân lạc mà pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm, thì thân lạc như vậy ta nói không tu. Thế nào là thân lạc mà Ta nói tu? Nếu tu thân lạc mà pháp ác bất thiện giảm, thiện pháp tăng trưởng, thân lạc như vậy ta nói tu. Thế nào là thân khổ mà ta nói không tu? Nếu tu thân khổ mà pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm, thân khổ như vậy, ta nói không tu. Thế nào là thân khổ mà ta nói tu? Nếu tu thân khổ mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng. Thân khổ như vậy, ta nói tu.

“Thế nào là tâm lạc ta nói không tu? Nếu tu tâm lạc mà các pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Tâm lạc như vậy, ta nói không tu. Thế nào là tâm lạc ta nói phải tu? Nếu tu tâm lạc mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng. Tâm lạc như vậy ta nói tu. Thế nào là tâm khổ mà ta nói không tu? Nếu tu tâm khổ mà các pháp ác bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Tâm khổ như vậy ta nói không tu. Thế nào là tâm khổ mà ta nói tu? Nếu tu tâm khổ mà pháp ác bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng, tâm khổ như vậy, ta nói tu.

“Người kia đối với pháp nên tu mà biết đúng như thật, đối với pháp không nên tu cũng biết đúng như thật; và khi đã biết đúng như thật về pháp nên tu và pháp không nên tu, người ấy liền không tu pháp không nên tu, và tu pháp nên tu. Sau khi đã không tu pháp không nên tu, và tu pháp nên tu rồi, pháp ác bất thiện liền giảm, pháp thiện tăng trưởng.

“Ta không nói tất cả Tỳ-kheo đều thực hành sự không phóng dật, cũng không nói tất cả các Tỳ-kheo đều không thực hành sự không phóng dật.

“Thế nào là Tỳ-kheo không thực hành sự không phóng dật? Nếu có vị Tỳ-kheo nào chứng câu giải thoát [07] Thế nào là Tỳ-kheo có câu giải thoát? Nếu có Tỳ-kheo đối với tám giải thoát, thân đã chứng  [08] , thành tựu an trụ, do tuệ kiến [09]. mà các lậu đã diệt tận, đã biết rõ. Như vậy là Tỳ-kheo có câu giải thoát. Vị Tỳ-kheo này ta nói thực hành sự không phóng dật. Nếu Hiền giả này vốn có phóng dật thì điều ấy không bao giờ có. Vì vậy, Ta nói vị Tỳ-kheo này không thực hành sự không phóng dật.

“Hoặc có Tỳ-kheo không phải câu giải thoát mà có tuệ giải thoát. Thế nào là Tỳ-kheo có tuệ giải thoát? Nếu có Tỳ-kheo đối với tám giải thoát mà thân không chứng, thành tựu an trú, nhưng do tuệ kiến mà các lậu đã diệt tận, đã biết rõ. Như vậy là Tỳ-kheo có tuệ giải thoát. Vị Tỳ-kheo này Ta nói không thành tựu sự không phóng dật. Vì sao? Vì Hiền giả này vốn đã thành tựu sự không phóng dật. Nếu Hiền giả này vốn có phóng dật thì điều ấy không bao giờ có. Vì vậy Ta nói vị Tỳ-kheo này không thành tựu sự không phóng dật.

“Hai hạng Tỳ-kheo này Ta nói không thành tựu sự không phóng dật. Này các Tỳ-kheo, tại sao Ta nói thành tựu sự không phóng dật? Hoặc có Tỳ-kheo không có câu giải thoát, cũng không có tuệ giải thoát mà có thân chứng. Thế nào là Tỳ-kheo có thân chứng? Nếu có Tỳ-kheo đối với tám giải thoát, thân đã chứng, thành tựu an trụ, không do tuệ kiến mà các lậu đã diệt tận, đã biết rõ  [10] Như vậy là Tỳ-kheo có thân chứng. Tỳ-kheo này Ta nói thực hành sự không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Vì có quả gì khiến Ta nói Tỳ-kheo ấy hành không phóng dật? Ở đây, vị Tỳ-kheo này tìm cách chế ngự các căn  [11], học tập theo thiện tri thức, sống tùy thuận an trú  [12] , các lậu đã diệt tận, đắc được vô lậu, giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trú, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này không phóng dật, có được quả như thế, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này thực hành sự không phóng dật.

“Hoặc có vị Tỳ-kheo không phải câu giải thoát, không phải tuệ giải thoát, cũng không phải thân chứng, nhưng lại kiến đáo[13] Thế nào là Tỳ-kheo có kiến đáo? Nếu Tỳ-kheo nào có lòng tin dứt khoát đối với Phật, Pháp, Tăng, tùy thuộc pháp được nghe, rồi do tuệ mà có tăng thượng quán và tăng thượng nhẫn [14] Như thế, vị Tỳ-kheo này có kiến đáo. Vị Tỳ-kheo này Ta nói không phóng dật. Vì có quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? nếu có Tỳ-kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập các vị thiện tri thức, sống tùy thuận an trú, các lậu đã tận diệt, được vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri tự giác, tự chứng, thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật có quả như vậy. Cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.

“Nếu Tỳ-kheo nào không phải câu giải thoát, không phải tuệ giải thoát, cũng không phải thân chứng, cũng không phải kiến đáo, nhưng lại có tín giải thoát. Thế nào là Tỳ-kheo có tín giải thoát? Nếu Tỳ-kheo nào có lòng tin dứt khoát đối với Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà có quán và nhẫn nhận, không bằng kiến đáo [15] Như vậy là vị Tỳ-kheo này có tín giải thoát. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có quả gì, khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? nếu có vị Tỳ-kheo nào tìm cách chế ngự được các căn, học tập theo các vị thiện tri thức, sống tùy thuận an trú, các lậu đã diệt tận, được vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trụ, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có quả như vậy, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.

“Nếu có vị Tỳ-kheo nào không có câu giải thoát, không có tuệ giải thoát, không có thân chứng, không có kiến đáo cũng không có tín giải thoát, nhưng có pháp hành [16]. Thế nào là Tỳ-kheo có pháp hành? Nếu Tỳ-kheo nào có lòng tin tuyệt đối với Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà có tăng thượng quán, tăng thượng nhẫn [17]. Như vậy, Tỳ-kheo này có pháp hành. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Nếu có Tỳ-kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập theo thiện tri thức, sống tùy thuận an trú, đối với trong hai quả chắc chắn sẽ đạt được một. Hoặc ngay trong hiện tại được cứu cánh trí, nếu còn hữu dư được A-na-hàm. Vì Ta thấy vị này hành không phóng dật, có quả như vậy. Cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.

“Nếu có Tỳ-kheo nào không có câu giải thoát, không có tuệ giải thoát, không có thân chứng, không có kiến đáo, không có tín giải thoát, không có pháp hành, nhưng lại có tín hành. Thế nào là Tỳ-kheo có tín hành? Nếu vị Tỳ-kheo nào có lòng tin dứt khoát đối với Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà quán và nhẫn, không như pháp hành. Như vậy, Tỳ-kheo này có tín hành. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Nếu có vị Tỳ-kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập theo thiện tri thức, sống tùy thuận an trú, đối với trong hai quả chắc chắn sẽ đạt được một, hoặc ngay trong hiện tại được cứu cánh trí, nếu còn hữu dư, đắc A-na-hàm. Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Các vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật.

“Ta không nói tất cả Tỳ-kheo được cứu cánh trí, cũng không nói tất cả các Tỳ-kheo ngay từ đầu được cứu cánh trí, song dần dần học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn, chịu khiển trách, sau đó các Tỳ-kheo mới được cứu cánh trí, cứu cánh trí mà các Tỳ-kheo chứng đắc này.

“Thế nào là dần dần học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn và khiển trách, sau đó các Tỳ-kheo mới được cứu cánh trí, cứu cánh trí mà các Tỳ-kheo chứng đắc này? Nếu có tín giả nào liền tìm đến. Tìm đến rồi liền phụng sự; phụng sự rồi liền nhất tâm nghe pháp; nhất tâm nghe pháp rồi liền thọ trì pháp; thọ trì pháp rồi liền tư duy về pháp; tư duy về pháp rồi liền chấp nhận [18] ; chấp nhận rồi liền quán sát về pháp. Đệ tử hiền thánh quán sát về pháp rồi thì tự thân tác chứng chân đế, và do tuệ có tăng thượng quán[19]. Vị ấy liền nghĩ, ‘Chân đế này, tự thân Ta chưa từng tác chứng cũng không phải được tăng thượng quán bằng tuệ. Ta hãy tự thân tác chứng chân đế này, và do tuệ mà tăng thượng quán. Như vậy dần dần học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn và khiển trách, rồi sau các Tỳ-kheo mới đắc cứu cánh trí, cứu cánh trí mà các Tỳ-kheo chứng đắc này.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, có pháp được gọi là Tứ cú, Ta nói cho các ngươi nghe, các ngươi có muốn biết không?”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu thưa:

“Bạch Thế Tôn! Chúng con là hạng người nào và do đâu hiểu được pháp?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bèn nghĩ rằng:

“Hạng người ngu si này vượt quá sự chỉ dạy của Ta. Đối với pháp luật chân chính này, còn cách biệt quá lâu dài. Nếu có vị thầy pháp luật nào tham trước việc ăn uống, không xả ly việc ăn uống mà đệ tử của vị ấy còn không nên dục tốc, phóng dật. Huống chi Ta lại là người không tham trước việc ăn uống, viễn ly sự ăn uống, do đó tín đệ tử của Ta nên nói, ‘Đức Thế Tôn là bậc thầy của ta. Ta là đệ tử của Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói pháp cho ta nghe. Đức Thiện Thệ nói pháp cho ta nghe. Mong cho ta được thiện lợi, hữu ích, được an ổn khoái lạc lâu dài. Tín đệ tử kia đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của Thế Tôn được nhiều lợi ích. Đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập trong cảnh giới của Thế Tôn, an chỉ trong cảnh giới của Thế Tôn. Nếu trú ở phương Đông, chắc chắn sẽ được an lạc, không có chỗ khổ hoạn. Nếu trụ ở phương Nam, phương Tây và phương Bắc, chắc chắn sẽ được an lạc, không có các khổ hoạn.’ Nếu tín đệ tử nào đối với cảnh giới của Thế Tôn mà có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của Thế Tôn, được nhiều điều lợi ích, đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập cảnh giới của Thế Tôn, an chỉ cảnh giới của Thế Tôn. Tín đệ tử ấy đối với pháp thiện đã trụ, Ta không còn nói, huống chi nói đến pháp suy thoái, nhưng ngày đêm vẫn tăng trưởng pháp thiện, chớ không suy thoái. Nếu Tín đệ tử nào đối với cảnh giới của Đức Thế Tôn có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của Thế Tôn được nhiều lợi ích, đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập vào cảnh giới của Thế Tôn, an chỉ trong cảnh giới của Thế Tôn, trong hai quả, chắc chắn sẽ đạt được một, hoặc hiện tại được cứu cánh trí, nếu hữu dư, chứng được A-na-hàm.”

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.70. Kīṭāgiri-suttaṃ.[02] Ca thi quốc 迦 尸 國. Pāli: Kāsi, một trong mười sáu đại quốc. Thủ phủ là Bāraṇāsi. Trong thời Đức Phật, Kāsi được sát nhập với Kosala của vua Pasenadi. Kāsi là một trung tâm thương mãi và đông dân.[03] Du tại nhất xứ: không xác định địa điểm.[04] Nhật nhất thực 日 一 食. Pāli: ekabhattika; nhưng, bản Pāi tương đương: aññatreva rattibhojianā bhuñjāmi. Ta từ bỏ ăn đêm.[05] Ca-la-lại 迦 羅 賴. Pāli: Kīṭagiri.[06] A-thấp-bối 阿 濕 貝, Pāli: Assaji. (trùng tên với một người trong năm đệ tử đầu tiên của Phật). Phất-na-bà-tu 弗 那 婆 修; Pāli: Punabhasuka. Hai vị này dẫn đầu một nhóm Tỳ-kheo bất tuân ở tại Kīṭāgiri, đưa đến việc thiết lập một điều khoản quan trọng trong Giới bổn Tỳ-kheo. (Xem Tứ Phần Luật 5, No.1428, Đại 22, tr. 596c-599a).[07] Câu giải thoát tức Câu phần giải thoát 俱 分 解 脫. Gọi là Cu phần vì có hai phần chướng, phiền não phần chướng và giải thoát phần chướng (xem Tập Dị Môn Luận 17, Đại 26 tr.436a). Pāli: Ubhatobhāgavimutta.[08] Thân xúc 身 觸; Tập Dị (đd.,nt.): Thân dĩ chứng 身 已 證. Pāli: santā vimokhā atkkama rūpe āruppā te kāyena phassitvā viharati, tịch tịnh giải thoát, vượt qua các sắc và vô sắc, sau khi thể nghiệm bằng thân, vị ấy an trụ.[09] Tuệ kiến, Pāli: paññāya cassa divā, sau khi thấy bằng tuệ.[10] “Căn cứ vào sự chứng đắc diệt định mà thành lập thân chứng, tức là do thân chứng đắc diệt định vậy” (Cu-xá: 25, No.1558, Đại 29 tr.131b).[11] Cầu ư chư căn 求 於 諸 根. Pāli: indriyāni samannayāmano, đang chế ngự các căn.[12] Hành tùy thuận trụ chỉ 行 隨 順 住 止. Pāli: anulomikāni senāsanāni paṭisevamano, đang sử dụng các thứ sàng tọa đúng quy định (một cách tùy thuận).[13] Kiến đáo 見 到, cũng gọi là kiến chí. Pāli: diṭṭhipatto.[14] Tức là bậc Thánh này căn cứ trên địa vị tùy pháp hành (xem dưới) chứng đắc Đạo loại trí, với sự bén nhạy của tuệ (Tập Dị đd., tr.435c Cu-xá đd., nt.). Pāli: paññāya vodiṭṭhā honti vocaritā, do tuệ mà quán sát và thấu triệt.[15] Câu-xá, đd.nt., căn cứ trên Tùy tín hành (xem dưới) mà chứng đắc Đạo loại trí, khả năng của tuệ không bén nhạy phải nương vào tín.[16] Pháp hành, hay tùy pháp hành 隨 法 行. Với bản tánh nhiều tư duy phân tích, mà học về bốn Diệu đế, quán sát khổ đế (tuệ tăng thượng) rồi thấy rõ nhận thức về sự thật của khổ đế (nhân tăng thượng) như vậy là chứng bậc tùy hành pháp” (tóm tắt, Tập Dị đd. nt.). Pāli: dhammānusāri.[17] Pāli: (...) mattaso nijjhānaṃ khamanti, bằng vào tuệ mà chấp nhận sự lý giải hạn một cách hạn chế.[18] Hán: bình lượng 評 量. Pāli: dhammā nijjhānaṃ khamanti, hoan hỷ chấp nhận pháp.[19] Pāli: paññāya naṃ ativijjha passati, do tuệ mà thấy pháp ấy một cách tinh mật.

-ooOoo-

No 196. KINH CHÂU NA [1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Bạt Kỳ, thôn Xá Di [2] .

Bấy giờ sa di Châu Na [3] , kiết hạ ở Ba Hòa [4] . Tại xứ Ba Hòa có một Ni Kiền tên là Thân Tử [5] . Nơi đây, vị ấy qua đời. Sau khi qua đời không bao lâu, các đệ tử Ni Kiền thân tử chia rẻ và phá hoại nhau, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau. Họ tranh đấu, kiện tụng cột trói nhau, thù nghịch nhau, tranh luận với nhau rằng: "Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết? Ta nói từ tốn, còn ngươi không từ tốn. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Ðiều đáng nói trước, ngươi nói sau, điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Ta nói là tối thắng, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại”. Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình nói hơn, mà không có người nào để khiển trách. Nếu có những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni Kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán nãn và lãng xa các đệ tử của Ni Kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những điều họ nói ấy đều là ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu, không dẫn đến chánh giác, cũng không phải là lời dạy của đấng Thiện thệ. Nó là sự băng hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, bậc Vô sở trước, Ðẳng Chánh Giác.

Lúc bấy giờ Sa di Châu Na đã qua ba tháng an cư mùa mưa, sửa vá lại y áo, rồi mang y cất bát đến thôn Xá Di, rồi qua phía bắc thôn Xá Di, đến rừng Thi Nhiếp Hòa. Sa di Châu Na đến chỗ Ngài A Nan. Sau khi đến nơi, đảnh lễ sát chân Ngài A Nan, rồi ngồi qua một bên.

Tôn giả A Nan hỏi: [6]

Này Hiền giả Châu Na! Từ đâu đến đây và an cư mùa mưa ở đâu?

Sa di Châu Na đáp:

Bạch Tôn giả A Nan! con từ Ba Hòa đến, và an cư mùa mưa ở Ba Hòa. Bạch Tôn giả! Tại Ba Hòa có một ni Kiền tên là Thân Tử. Nơi đây, Thân Tử mới qua đời chưa bao lâu thì đệ tử của Ni Kiền Thân Tử đã chia rẽ và phá hoại, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau, thù nghịch nhau, họ đấu tranh kiện tụng, cột trói nhau, tranh luận với nhau rằng: "Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết. Ta nói từ tốn, còn ngươi không từ tốn. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Ðiều đáng nói trước, ngươi nói sau. Ðiều đáng nói sau, ngươi nói trước. Ta nói là tối thắng, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục ngươi, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại.” Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ cho mình nói hơn mà không có người nào để khiển trách. Nếu có những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni Kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán nản và lãng xa, các đệ tử của Ni Kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những điều họ nói đây là những điều ác pháp luật không phải là pháp xuất yếu, không dẫn đến chánh giác, cũng không phải là lời dạy của đấng Thiện thệ. Nó là sự băng hoại không thể đứng vững không nơi để nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, bậc Vô sở trước, Ðẳng Chánh Giác.

Tôn giả A Nan nghe xong, nói rằng: "Này Hiền giả Châu Na, nhân dịp này, chúng ta có thể đến yết kiến đức Phật, đem sự việc này trình bày lên Ngài. Này Hiền giả Châu Na, bây giờ chúng ta cùng đi đến đức Phật, đem tất cả sự việc này trình lên cho đức Thế Tôn. Thảng hoặc, chúng ta có thể nhân đó mà được nghe pháp khác nữa từ đức Thế Tôn.

Rồi Tôn giả A Nan và sa di Châu Na cùng nhau đến chỗ đức Phật, chắp tay cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài, Tôn giả A nan đứng qua một bên và Châu Na ngồi xuống một bên. Tôn giả A nan bạch với đức Thế Tôn:

Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay sa di Châu Na đi đến chỗ con, cúi đầu đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Con hỏi: này Hiền giả Châu Na, từ nơi nào đến đây và an cư mùa mưa ở đâu? Sa di Châu Na liền trả lời với con rằng: "Thưa Tôn giả A Nan, con từ Ba Hòa đến, an cư mùa mưa ở Ba Hòa. Bạch Tôn giả A nan! Tại Ba Hòa có một Ni Kiền tên là Thân Tử. Nơi đây, Thân Tử mới qua đời không bao lâu thì các đệ tử của Ni Kiền Thân Tử đã chia rẽ và phá hoại nhau; họ đấu tranh, kiện tụng, cột trói lẫn nhau, thù nghịch nhau, tranh luận với nhau rằng: "Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết Ta nói từ tốn, còn ngươi không từ tốn. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Ðiều đáng nói trước, ngươi nói sau, điều đáng nói sau ngươi nói trước. Ta nói là tối thắng, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ ta sẽ cột trói ngươi.” Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình nói hơn mà không có người nào để khiển trách.

Nếu có những người bạch y tại gia, đêï tử của Ni Kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán nản và lãng xa các đệ tử của Ni Kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những điều họ nói ấy đều là ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu, không dẫn đến chánh giác, không phải là lời dạy của đấng Thiện thệ. Nó là sự băng hoại không thể đứng vững, không nơi để nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc thầy của họ tôn sùng không phải là Như Lai, bậc Vô sở trước, Ðẳng Chánh Giác.

Bạch Thế Tôn! Con nghe rồi kinh sợ hãi hùng, toàn thân lông tóc dựng đứng. Mong sau khi Thế Tôn khuất bóng, đừng có một vị Tỳ kheo nào ở trong chúng mà gây ra sự đấu tranh như vậy. Sự đấu tranh ấy, không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc, cho đến loài trời và loài người cũng phải chịu đau khổ và tại hoạn. Bạch Thế Tôn! khi con thấy một vị Tỳ kheo ngồi trước đức Thế Tôn chí tâm kính trọng đức Thế Tôn, khéo bảo vệ đấng Thiện thệ. Bạch Thế Tôn! Con thấy như vậy rồi liền nghĩ: "Nếu sau này khi Thế Tôn khuất bóng mà vị Tỳ kheo ấy trong chúng gây sự đấu tranh, thì đấu tranh ấy không giúp ích gì cho ai mà chỉ gây đau khổ cho mọi người, nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc cho đến loài trời, loài người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn.

Bấy giờ đức Thế Tôn hỏi: "Thầy thấy những điều nào khiến chúng tăng có sự đấu tranh, sự đấu tranh ấy không giúp ích gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc cho đến loài trời, loài người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn?

Tôn giả A Nan thưa rằng: "Bạch Thế Tôn! Ðó là do tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng quán [7] mà phát sanh sự đấu tranh ở trong chúng. Bạch Thế Tôn, sự đấu tranh ấy, không giúp gì cho ai mà chỉ gây đau khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi, không phải là sự hữu ích. Không phải là sự an ổn, khoái lạc cho đến loài trời, loài người cũng phải chịu tai hoạn, đau khổ.

Ðức Thế Tôn nói:

Này A nan! Nếu đấu tranh do bởi giới tăng thượng, tâm tăng thượng, quán tăng thượng thì sự đấu tranh ấy quá nhỏ nhặt. Này A nan! Nếu có sự đấu tranh trong chúng tăng do đạo và đạo tích [8] thì sự đấu tranh ấy không giúp ích gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn khoái lạc. Này A Nan! Khi thầy thấy ở trong đấy có hai vị Tỳ kheo vì mỗi người có mỗi ý kiến khác nhau mà gây ra cuộc đấu tranh mà nói rằng: "Ðiều này là pháp, điều này là phi pháp. Ðiều này là luật, điều này không phải luật. Ðiều này là phạm, điều này không phải là phạm. Ðiều này là nhẹ, điều này là nặng. Có thể sám hối, không thể sám hối. Có thể thủ hộ, không thể thủ hộ. Hữu dư, vô dư, thối, bất thối. Này A Nan! Ý thầy nghĩ sao? Ðối với pháp tu của Ta được tự giác, tự thân chứng ngộ, gồm bốn niệm xứ, bốn như ý túc, năm căn, năm lục, bảy giác chi, tám chi thánh đạo? Này A Nan! Nếu Ni Kiền Thân Tử, biết tất cả, thấy tất cả thì vị ấy đã vì đệ tử mà giảng giải sáu gốc rễ của đấu tranh [10] đều đáng được nghe, nhưng lại thôi.

Bấy giờ Tôn giả A Nan chắp tay hướng về đức Phật bạch rằng:

Bạch Thế Tôn! Nay thật là đúng lúc. Bạch Thiện thệ! Nay thật hợp thời, nếu Thế Tôn dạy về sáu gốc rễ của sự đấu tranh cho các Tỳ kheo. Các Tỳ kheo sau khi nghe Thế Tôn dạy sẽ khéo léo thọ trì.

Ðức Thế Tôn bảo:

Này A Nan, hãy nghe kỹ; hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt đầy đủ. Tôn giả A Nan bạch rằng:

Kính vâng, xin vâng lời lắng nghe.

Ðức Phật dạy:

Này A Nan! Ở đây có một người bị kiết sử phẫn và hận quấn chặt[11] . Này A Nan! Người ấy bị kiết sử phẫn và hận quấn chặt cho nên không cung kính tôn sư, không thấy được pháp, không giữ gìn giới luật. Người ấy đã không cung kính tôn sư, không thấy được pháp, không giữ gìn giới luật, ở trong chúng nó gây ra sự đấu tranh như vậy. Sự đấu tranh ấy không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người, không phải sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn khoái lạc, cho đến trời người phải chịu đau khô và tai hoạn. Này A Nan! Nếu thầy thấy sự đấu tranh như vậy ở bên trong hay bên ngoài mà không dứt hết được. Vậy, để đoạn trừ sự đấu tranh ấy, thầy phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kiên nhẫn, đừng để thối thất. Này A Nan! Ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện để chửa cháy đầu, chửa cháy áo . Cũng vậy, nếu thầy thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài mà không dứt hết được. Vậy để đoạn trừ sự đấu tranh ấy, thầy phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất. Này A nan! Sự đấu tranh cũng như vậy, nếu thầy thấy được suốt trong và ngoài, thầy phải thủ hộ cái tâm đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chận sự đấu tranh ấy vậy. [12] Cũng giống như vậy với các kiết sử phú tàng [13] , bỏn xẻn, tật đố, dua nịnh, dối trá, vô tàm, vô quý, ác dục, tà kiến, và ác tánh không biết phục thiện. [14]

Này A Nan! Nếu một người nào có ác dục, tà kiến, ác tánh, không biết phục thiện thì người ấy không tâm cung kính tôn sư, không thấy được pháp, không giữ gìn giới luật, rồi ở trong chúng nó gây ra sự đấu tranh như vậy. Sự đấu tranh ấy không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Không phải là thiện lợi, không phải là hữu ích, không phải là an ổn khoái lạc, cho đến trời người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn. Này A Nan! Nếu thầy thấy sự đấu tranh như vậy ở bên trong hay ở bên ngoài, mà không biết suốt hết được. Vậy để ngăn chận sự đấu tranh ấy, thầy phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất. Này A nan! Ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo thì phải cấp tốc tìm cầu phương tiện để chửa cháy đầu, cháy áo. Cũng vậy, nếu thầy thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài mà không biết suốt hết được, vậy để đoạn trừ sự đấu tranh ấy, thầy phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất. Này A Nan! Nếu sự đấu tranh như vậy mà thầy thấy suốt hết trong và ngoài, thầy phải hết sức thủ hộ cái tâm ấy hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chận sự đấu tranh ấy vậy. Thầy phải đoạn trừ gốc rễ của sự đấu tranh ấy.

Lại nữa, này A nan! Có bảy phương pháp diệt trừ đấu tranh [15] . Bảy phương pháp đó là: Một là ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật, hai là ưng dữ ức chỉ tránh luật. Ba là ưng dữ bất si dữ tránh luật, bốn là ưng dữ phát lồ chỉ tránh luật, năm là ưng dữ quân chỉ tranh luật, sáu là ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật, bảy là ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tranh luật.

Này A Nan! Thế nào là ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật? Làm thế nào để đoạn trừ sự đấu tranh này? tức là luật chấm dứt đấu tranh bằng sự hiện diện. Này A Nan! Hoặc một người đối với một người, mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Một người đối với hai người, một người đối với nhiều người, một người đối với chúng tăng mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Hai người đối với hai người mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Hai người đối với nhiều người, hai người đối với chúng tăng, hai người đối với một người mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Nhiều người đối với nhiều người mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Nhiều người đối với chúng tăng, nhiều người đối với một người, nhiều người đối với hai người mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Chúng tăng đối với một người, chúng tăng đối với hai người, chúng tăng đối với nhiều người mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. [17] Này A Nan! Như vậy gọi là Ưng dữ hiện tiền chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự hiện diện.

Này A Nan! Thế nào là Ưng dữ ức chỉ tránh luật? làm thế nào để đọan trừ sự tranh đấu này? Tức là do chấm dứt đấu tranh bằng nhớ lại. Này A Nan! Nếu có một người nào phạm giới mà không nhớ lại giới mình đã phạm. Các thầy Tỳ kheo thấy vậy, nói với vị ấy rằng:

Thầy đã phạm giới mà không nhớ lại giới mình đã phạm. Thầy hãy đến trong chúng mà xin luật ức niệm. Tăng chúng sẽ ban cho hiền giả luật ức niệm. Này A nan! nếu ở một nơi nào có tăng chúng hòa hiệp mà nhóm họp vị Tỳ kheo kia phải đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào trong chúng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân các bậc trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo, chắp tay quỳ mọp mà bạch với các trưởng lão thượng tôn rằng: Bạch chư tôn, mong các ngài nghe cho, con đã từng phạm giới mà không nhớ, hay con từ nơi chúng tăng cầu xin luật ức niệm. Mong tăng chúng hòa hợp ban cho con luật ức niệm.

Này A nan! Tăng chúng hòa hợp lại để ban cho vị Tỳ kheo này luật ức niệm, bằng pháp và luật như tôn sa đã chỉ dạy, với sự hiện diện khiến cho được hoan hỷ. [19] . Này A Nan! Như vậy gọi là ưng dữ ức chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng cách nhớ lại.

Này A Nan! Thế nào là ưng dữ bất si chỉ tránh luật? [20] Làm thế nào để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? Tức là luật chấm dứt đấu tranh bằng sự không si cuồng. Này A nan! nếu có một người do phát cuồng mà tâm điên đảo, nên có quá nhiều bất tịnh hạnh, không phải là pháp của sa môn, không tùy thuận theo pháp hạnh mà nói vi phạm. Người ấy sau khi trở lại tâm trạng như trước, gặp các Tỳ kheo và được bảo rằng: "Thầy đã phát cuồng và tâm điên đảo, do phát cuồng và tâm điên đảo nên có quá nhiều bất tịnh hạnh, không phải pháp của sa môn, không tùy thuận theo pháp hạnh mà nói vi phạm. Này Hiền giả! Nếu Hiền giả sau khi trở lại tâm trạng như trước, hiền giả có thể đến nơi chúng tăng mà cầu xin luật bất si. Chúng tăng sẽ ban cho hiền giả luật bất si. Này A Nan , nếu một nơi nào đó tăng chúng đang hòa hợp và nhóm hội, vị Tỳ kheo ấy nên đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào trong tăng chúng, cúi đầu lễ sát dưới chân các bậc trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo chắp tay quì mọp, mà bạch với các trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo rằng: "bạch chư tôn, xin nghe cho, con đã từng phát cuồng và tâm điên đảo. Do con đã phát cuồng và tâm điên đảo nên có quá nhiều bất tịnh hạnh không phải là pháp của sa môn, không tùy thuận theo pháp hạnh mà còn nói vi phạm. Về sau con trở lại tâm trạng như trước. Nay con từ nơi chúng tăng xin cầu luật bất si. Mong chúng tăng hòa hợp ban cho con luật bất si. Này A Nan, chúng tăng cùng hòa hợp và nhóm hội, ban cho vị Tỳ kheo ấy luật bất si, bằng pháp và luật như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện, khiến được hoan hỷ. Này A Nan, đó gọi là ưng dữ bất si chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự không si cuồng.

Này A Nan! Thế nào là ưng dữ tự phát lồ chỉ tranh luật [21]? Sự đấu tranh làm thế nào để chấm dứt? Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự tự thú nhận. Này A Nan, nếu có một người phạm giới, hoặc nói ra hay không nói ra, hoặc có nhớ hay không nhớ. Này A Nan , nếu tại nơi nào đó có chúng tăng đang hòa hợp và nhóm hội. Vị Tỳ kheo kia nên đến đó, trịch vai áo, bỏ giốc, vào trong chúng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân các bậc trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo, chắp tay quì mọp mà bạch rằng: "Bạch chư tôn, xin nghe cho, con phạm giới đó, con nay hướng về các bậc trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo, chí tâm phát lồ, tự mình nói và trưng bày rõ, không dám che dấu, từ nay về sau sẽ khéo léo hộ trì không tái phạm. Này A nan , chúng Tỳ kheo nên hỏi vị ấy rằng: "Này Hiền giả, có tự thấy điều mình phạm không?" Vị Tỳ kheo ấy đáp: "Con thật sự có thấy điều con phạm”. Ðại chúng cũng nên nói với vị ấy rằng: "Hiền giả nên cẩn thận giữ gìn đừng tái phạm”. [22] Này A Nan! Ðó là ưng dữ tự phát lồ chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự từ thú nhận.

Này A Nan! Thế nào là Ưng dữ quân chỉ tranh luật? [23] Làm sao để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng chín đương nhơn. Này A Nan! Nếu có người không biết xấu hổ, không hối hận những tội bị thấy, bị nghe và bị người khác nghi ngờ là ác dục. người ấy đã phạm giới rồi nói là mình biết ở một nơi, mình thấy ở một nơi. Sau khi nói mình biết ở một nơi này, lại nói mình thấy ở một nơi. Sau khi nói mình thấy ở một nơi, lại nói mình biết ở một nơi. Ở trong tăng chúng mà nói là mình biết ở một nơi, ở trong tăng chúng mà nói là mình thấy ở một nơi. Nói mình biết ở một nơi, rồi lại nói mình thấy ở một nơi. Nói mình thấy ở một nơi rồi lại nói mình biết ở một nơi. Này A Nan! Vì vị Tỳ kheo ấy, tăng chúng hòa hiệp và nhóm họp mà ban luật Dương nhơn [24] mà nói rằng: "Nhà ngươi không đạo lý, nhà ngươi ác bất thiện. Vì sao? Vì ngươi đã phạm giới rồi lại nói mình biết ở một nơi, mình thấy ở một nơi. Nói mình biết ở một nơi, rồi lại nói mình thấy ở một nơi. Nói mình thấy ở một nơi, rồi lại nói mình biết ở một nơi. Ở trong chúng mà nói mình biết ở một nơi. Ở trong chúng mà nói mình thấy ở một nơi. Nói mình thấy ở một nơi rồi lại nói mình biết ở một nơi. Này A Nan! Như vậy gọi là Ưng dữ quân chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ bằng sự như vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng chính dương nhơn.

Này A Nan! Thế nào là ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật [25]? Làm thế nào để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? tức là do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự diển tiến. Này A Nan! Ở đây, giữa hai vị Tỳ kheo vì một số ý kiến mà gây ra sự đấu tranh như vầy: "Ðây là pháp, đây phi pháp. Ðây là luật, đây không phải là luật; đây là phạm, đây không phải là phạm; đây là nhẹ, đây là nặng; điều này nên nói, điều này không nên nói; điều này đáng thủ hộ, điều này không đáng thủ hộ; điều này còn dư, điều này không còn dư; điều này có thể sám hối, điều này không thể sám hối. Này A Nan! Vị Tỳ kheo kia ngay tại chỗ đang cải vã ấy mà chấm dứt đấu tranh. Nếu ngay tại chỗ cải vã mà chấm dứt đấu tranh, thì sự đấu tranh này được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ngay tại chỗ cải vã mà không chấm dứt, có thể đưa sự đấu tranh ra bạch với chúng tăng. Nếu ở trong chúng tăng mà chấm dứt, thì sự đấu tranh ấy được tuyên bố là chấm dứt. Nếu trong chúng tăng không chấm dứt, thì này A Nan! Ở trong đó, gần đó có Tỳ kheo giỏi kinh, giỏi luật, giỏi luận [26] , các Tỳ kheo kia cùng đến vị này thưa việc đấu tranh ấy. Nếu ngay trên đường đi mà chấm dứt, thì sự đấu tranh được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ngay trên đường đi mà không chấm dứt, lại hãy đem sự đấu tranh ấy nói trước chúng tăng. Nếu ở trước chúng tăng mà chấm dứt, sự đấu tranh ấy được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ở tại chúng tắng mà không chấm dứt thì này A Nan, nếu nhiều trò bạn giỏi kinh, giỏi luật, giỏi luận, thì các vị này phải chấm dứt sự đấu tranh ấy bằng pháp và luật như tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Này A Nan, như vậy gọi là ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy, tức là do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự triển chuyển.

Này A Nan! Thế nào gọi là Ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật[27]? Làm sao để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? tức là luật chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ dẻ rách. Này A Nan! Nếu các vị Tỳ kheo ở chung một chổ tranh chấp, kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán ghét nhau. Này A Nan! Do đó các Tỳ kheo kia chia ra hai nhóm. Sau khi chia ra hai nhóm rồi, trong một nhóm có bậc trưởng lão thượng tôn Tỳ kheo, hay dưới trưởng lão một bậc; hoặc có người làm tông chủ hay nhỏ hơn tông chủ một bậc. Này A Nan! Vị Tỳ kheo này nói với các vị Tỳ kheo kia rằng: "Này chư hiền, xin nghe cho, chúng ta không có đạo lý, chúng ta là người ác bất thiện. Vì sao vậy? Vì chúng ta đối với pháp và luật được khéo giảng dạy mà chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, để học đạo, nhưng chúng ta tranh chấp kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán ghét nhau, cải vã nhau. Này chư hiền do sự tranh chấp này mà chúng ta đã phạm giới, ngoại trừ tội Thâu lan giá [28] và ngoại trừ tội tương ưng với hàng tại gia. Tôi vì chính mình và cũng vì chư hiền nữa, nên hướng đến chư hiền phát lồ, tự nói mà trình bày rõ ràng, không dám che dấu, lại cẩn thận giữ gìn sau không tái phạm nữa.

Này A Nan! nếu ở trong nhóm này mà không có vị Tỳ kheo nào ứng theo, thì này A Nan! Tỳ kheo ấy nên đi đến nhóm thứ hai. Ðến nơi rồi, cúi đầu đảnh lễ các bậc thượng tôn trưởng lão Tỳ kheo chắp tay quì mọp mà thưa rằng: "Thưa chư tôn, xin nghe cho, chúng ta không có đạo lý, chúng ta là người ác bất thiện. Vì sao vậy? Vì chúng ta đối với pháp và luật được khéo giảng dạy mà chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, nhưng chúng ta tranh chấp, kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán ghét nhau, cải vã nhau. Này chư hiền, do sự tranh đấu này mà chúng ta đã phạm giới, ngoại trừ tội Thâu lan giá, và ngoại trừ tội tương đường với hàng tại gia. Tôi vì chính mình và cũng vì chính chư hiền nữa, nên hướng đến chư hiền chí tâm phát lồ, tự nói mà trình bày rõ ràng, không dám che giấu, lại cẩn thận giữ gìn sau không tái phạm nữa.

Này A Nan! các Tỳ kheo kia nên nói với vị Tỳ kheo này như vầy: "Này hiền giả! Thầy tự thấy mình phạm giới chăng?

Vị Tỳ kheo này đáp:

Quả thật tôi tự thấy mình đã phạm giới.

Tỳ kheo kia nên nói:

Vậy hãy cẩn thận giữ gìn, đừng để tái phạm."

Nhóm thứ hai cũng làm như vậy. Này A Nan, như vậy gọi là Ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật. Này A Nan! Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ dẻ rách.

Này A Nan! Nay ta nói cho thầy sáu pháp ủy lao [29] , hãy lắng nghe kỹ, hãy khéo suy nghĩ kỹ. Tôn giả A Nan bạch rằng: Kính vâng, con xin vâng lời lắng nghe. Ðức Phật dạy:

Thế nào là sáu: Thần nghiệp từ hòa hướng đến các vị đồng phạm hạnh [30] , pháp ấy gọi là pháp ủy lao. Ðó là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được là sa môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết Bàn.

Khẩu nghiệp nói năng từ hòa, ý nghiệp từ hòa, có lợi lộc nào đúng pháp mà được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình bát của mình, với phần lợi như vậy, mang chia xẻ cho các vị đồng phạm hạnh [32] , pháp đó gọi là pháp ủy lao, là pháp khả ái, pháp khả lạc, khiến cho ái niệm khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được là sa môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết Bàn.

Nếu có giới nào không bị sứt mẽ, không bị hư thủng, không bị dơ, không bị đen, vững vàng như mặt đất [33] được thánh khen ngợi, đầy đủ cẩn thận, thọ trì. Với giới phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh [34] , pháp đó là pháp ủy lao, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được là sa môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết Bàn.

Nếu có kiến giải của thánh có sự xuất yếu, có sự thấy rõ, có sự thấu triệt, đưa đến sự chân chánh diệt khổ, với kiến phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh, [35] , pháp đó là pháp ủy lao là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được là sa môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết Bàn.

Này A Nan! Ta vừa nói sáu pháp ủy lạo, vì vậy mà ta giảng giải. Này A Nan! Nếu các thầy đối với sáu gốc rễ của đấu tranh mà đoạn tuyệt hoàn toàn, và với bảy pháp chấm dứt đấu tranh, khi trong tăng chúng khởi lên đấu tranh, thì chấm dứt bằng luật chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ dẻ rách, rồi lại thực hành sáu pháp ủy lạo ấy, thì này A Nan! Như vậy sau khi Ta khuất bóng, các con sống cộng đồng hòa hợp hoan hỷ không tranh chấp, cùng đồng nhất trong một tâm, cùng đồng nhất trong một giáo pháp, hòa hợp như nước với sữa, khoái lạc du hành như lúc Ta còn tại thế.

Ðức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A Nan và chư Tỳ kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[1] Tương đương Pali: M.103. Sàmagàma sutta.

[2] Bạt Kỳ, Xá di thôn: Địa danh này khó đồng nhất với Pali: Sakkesu [...] Sàmagame, là một ngôi làng của giòng họ Sakya.

[3] Sa di Châu Na: Cunda samuddesa. Được đồng với Maha Cunnda em ruột ngài Saributta và đắc quả A na hàm trong lúc làm sa di. [xem PP.11.877-8] .

[4] Ba Hòa: Pàvà , một thị trấn của bộ tộc Malla. Đoạn đường cuối cùng của Phật, đi từ Pàvà đến Kusinàrà và ngài dừng chân để nghỉ 25 lần trên đoạn đường ấy.

[5] Ni Kiền Thân Tử: Nigantha-Nàta-punta. Một trong lục sư ngoại đạo.

[6] Ngài A Nan là bổn sư của Châu Na.

[7] Bản Pali: do ajihàjìva và do adhipatimokkha:Tăng thượng hoặc mạn và tăng thượng giới bổn. [Bản Việt: III.tr.244-245] , cả hai đều chỉ liên hệ đến giới luật. Bản Hán nói do cả giới định tuệ.

[8] Đạo và đạo tích: Pali: Magga và Pàtipàda. Con đường dẫn đến chứng ngộ và sự tụ tập con đường ấy.

[9] Tát vân nhã: phiên âm trong Pali: Sabbannu.

[10] Lục tranh bốn:

[11] Sân não kết triền: Phẩn hận và thù nghịch.

[12] Trong bản hán có một đoạn lặp lại, từ chỗ: "Ví như có người bị lửa cháy đầu”, cho đến đây.

[13] Bất ngũ kết:

[14] Ac tánh bất khả chế: thuật ngữ thường nói là: "Ác tánh bất thọ nhơn ngữ ! Tánh ương ngạnh không chịu nghe lời. Đoạn này tóm tắt, liệt kê các cập kiết sử làm nguyên nhân cho đấu tranh, có thể xếp loại theo thuật ngữ thông dụng: Phẩn-hận, phú, não, tật, xan, cuồng, siểm, vô tàn vô quý, ác dục, tà kiến, xem thêm đối chiếu kinh 98 trên. Xem giải thích Tập Dị 15 [DTK.1536, tr.431a-b]

[15] Thất chỉ tránh: Thuật ngữ luật tạng thường nói là: Thất diệt tránh pháp: Pali: Satta adhikarapa samathà.

[16] Ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật: nói là Hiện tiền Tỳ ni: Nếu phán quyết về một tội trạng của một Tỳ kheo, hoặc trục xuất hoặc nói các biện pháp chế tài, phải có sự hiện diện của Tỳ kheo ở đó, ở đây, Phật cũng giảng giải về các cách phán quyết hiện diện đó. Pali: Sammukkhàvinaya dàtabba .

[17] Các trường hợp áp dụng luật hiện tiền: Có trường hợp chỉ cần một người chỉ trích một người, có trường hợp phải do số đông. Luật tạng còn phân biệt chi tiết, phải đủ ba yếu tố hiện tiền, phán quyết nói có giá trị: Pháp hiện tiền: dẫn chứng các lời Phật dạy. Luật hiện tiền: nêu rõ điều luật bị phạt và nhơn hiện tiền: phải có sự hiện diện của đương sự. Nếu trường hợp cần đại tăng, phải thêm hai yếu tố. Đó là Tăng hiện tiền, và giới hiện tiền, tức giới hạn của phòng hợp với sự hạn chế được luật quy định [Xem luật Tứ Phần, 17. DTK.1428, tr.915c-7c] .

[18] Ưng dữ ức chỉ tránh luật: cũng thường nói là ức niệm Tỳ ni.

[19] Tỳ kheo Đáp bà ma la bị các vị khác nghi ngờ phạm trọng tội, nên nhiều lần bị cật vấn, và do đó rất khổ tâm về vụ này. Nhân đó Phật thiết lập luật ức niệm tỳ ni, để vị ấy đến trước tăng chúng nói rằng mình không nhớ, và khi chúng tăng đã phán quyết theo luật ức niệm tỳ ni, không ai được coi vị ấy là người đã phạm tội [Luật tứ Phần, dd, tr, 914a] .

[20] Bất si chỉ tránh luật: cũng thường nói là bất si tỳ ni.

[21] Ưng dữ tự phát lồ chỉ tránh luật: Cũng nói là Tự ngôn trì Tỳ nại da: Thông thường hơn: Tự ngôn trị diệt tránh:

[22] Vào ngày Bố tát, Tôn giả A Nan thỉnh Phật đến trước chúng tăng thuyết giới. Phật từ chối, Ngài nói không thuyết giới kiết ma trước một đại chúng không thanh tịnh. Tôn giả Mục Kiền Liên nhân đó quán sát chúng tăng, biết được một Tỳ kheo phạm giới, bèn đến nắm tay kéo ra khỏi giới trường. Phật liền trách Mục Kiền Liên, và thiết lập điều luật này: Trước khi phán quyết một Tỳ kheo phạm giới, phải làm cho vị ấy nhận tội đã. [dd, tr.915a]

[23] Ưng dữ quân chỉ tránh: cũng nói: cầu bỉ tự tánh tỳ nại da: hay thông thường hơn: mích tội tướng.

[24] Quân luật: luật áp dụng cho chính Ngài. Vì vị này khi bị hỏi tội, cứ nói loanh quanh, nên tăng chúng phải chỉ định ngay tội danh: Chính Ngài đã phạm tội.

[25] Ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật: cũng nói là Thủ đa nhơn tỳ nại da: hay Đa mích tội tướng:

[26] Trì mẫu: hay nói là Trì ma di: [Luật Tứ Phần 17, DTK.1428, tr.918b] .

[27] Ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật: cũng nói: Như thảo phú địa Tỳ nại da:

[28] Thâu lan thác: thường nói là Thâu lan giá: các tội nhẹ hơn Ba la di [tội trục xuất] và tăng già bà thi sa [tội biệt chúng] một bậc.

[29] Lạc ủy lạo pháp: sáu pháp này thường được biết là sáu pháp hòa kỉnh hay lục hòa. Tập dị 15 [DTK.1536, tr.431b] , gọi là sáu pháp khả hỷ.

[30] Từ thân nghiệp: Đây là thân hòa đồng trú .

[31] Từ khẩu nghiệp, từ ý nghiệp: thường nói: Khẩu hòa vô tránh và ý hòa đồng duyệt.

[32] Lợi hòa đồng quân.

[33] Như địa bất tùy tha.

[34] Giới hòa, kiến hòa.

[35] Kiến hòa đồng giải.

-ooOoo-

197. KINH ƯU-BA-LY[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Chiêm-ba, trú tại bờ ao Hằng-già [02]

Bấy giờ vào một buổi chiều Tôn giả Ưu-ba-ly [03], từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi sang một bên, thưa:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng nhau hòa hợp mà tác biệt kiết ma, thuyết biệt kiết ma [04] ; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật diện tiền [05], nhưng lại ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật ức niệm lại ban cho luật diện tiền. Đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật ức niệm lại ban cho luật bất si, cần ban cho luật bất si, lại ban cho luật ức niệm, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật bất si, lại ban cho luật tự phát lồ, cần ban cho luật tự phát lồ lại ban cho luật bất si, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật tự phát lồ, lại ban cho luật quân, cần ban cho luật quân, lại ban cho luật tự phát lồ, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho quân luật nhưng lại ha trách [06]; cần ha trách nhưng lại cho quân luật; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết-ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần khiển trách lại hạ trí [07], cần hạ trí lại khiển trách, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần hạ trí lại dùng cử tội [08], cần cử tội lại dùng hạ trí, đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần cử tội lại diệt tẫn [09], cần diệt tẫn lại cử tội; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần diệt tẫn lại ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật ức niệm lại diệt tẫn; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho ức niệm, lại do căn bản trị; cần phải do căn bản trị lại ban cho ức niệm; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần phải do căn bản trị, lại khu xuất, cần khu xuất lại do căn bản trị. Đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trường hợp cần khu xuất lại hành bất mạn [10], cần hành bất mạn lại khu xuất; đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.”

Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần phải hành bất mạn mà lại trị [11], cần đến trị lại hành bất mạn. Đó có phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật chăng?

Thế Tôn đáp:

“Không đúng vậy, này Ưu-ba-ly.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp mà tác biệt kiết ma thuyết biệt kiết ma, đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tăng cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật diện tiền lại ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật ức niệm lại ban cho luật diện tiền, đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp trong trường hợp cần ban cho luật ức niệm lại ban cho luật bất si, cần ban cho luật bất si, lại ban cho luật ức niệm. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật bất si, lại ban cho luật tự phát lồ, cần ban cho luật tự phát lồ lại ban cho luật bất si. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật tự phát lồ lại ban cho luật quân, cần ban cho luật quân lại ban cho luật tự phát lồ. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật quân, lại khiển trách, cần khiển trách lại ban cho luật quân. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ha trách lại hạ trí, cần hạ trí lại ha trách. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần hạ trí, nhưng lại dùng cử tội, cần cử tội lại hạ trí. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần cử tội lại diệt tẫn, cần diệt tẫn lại cử tội. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần diệt tẫn, nhưng lại dùng ức niệm, cần ban cho ức niệm lại diệt tẫn, đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần ban cho luật ức niệm, nhưng lại do căn bản trị, cần ban do căn bản trị, lại ban cho luật ức niệm. Đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hợp, trong trường hợp cần do căn bản trị, nhưng lại khu xuất, cần khu xuất lại do căn bản trị, đó không phải là kiết ma đúng Pháp, kiết ma đúng Luật, chúng Tăng cũng có tội.

“Này Ưu-ba-ly, ông nên học tùy theo loại kiết ma nào mà thuyết kiết ma đó. Cần ban cho luật diện tiền liền ban cho luật diện tiền, cần ban cho luật ức niệm liền ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật bất si liền ban cho luật bất si, cần ban cho luật tự phát lồ, liền ban cho luật tự phát lồ, cần ban cho luật quân liền ban cho luật quân, cần khiển trách liền khiển trách, cần hạ trí liền hạ trí, cần cử tội liền cử tội, cần diệt tẫn liền diệt tẫn, cần dùng căn bản trị liền dùng căn bản trị, cần khu xuất liền khu xuất, cần hành bất mạn liền hành bất mạn, cần trị liền trị.

“Này Ưu-ba-ly, thầy nên học như vậy.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Ưu ba ly, và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01]  Pāli, tham chiếu Luật tạng, Mv. 9. 6. 1-8. Hán, tham chiếu, luật các bộ phái, Luật bộ, Đại 22-23.[02] Xem cht.2, Kinh 37.[03] Ưu-ba-ly 優 波 離. Pāli: Upāli.[04] Nguyên bản Hán: tác dị nghiệp thuyết dị nghiệp 作 異 業 說 異 業.[05] Xem kinh 196 trên.[06] Trong bản, trách số 責 數, cũng nói là ha trách, tức khiển trách hay cảnh cáo.[07] Hạ trí 下 置, có lẽ Luật Tứ Phần nói là y chỉ, bắt phục tùng giám hộ.[08] Hán: cử 舉, hay cử tội, thủ tục buộc tội Tỳ-kheo trước Đại chúng.[09] Hán: tẫn 擯 hay diệt tẫn, trục xuất khỏi Tăng.[10] Hành bất mạn 行 不 慢, Tứ Phần: hành Ma-na-đỏa, hay hành pháp ý hỷ, trong sám Tăng-già-bà-thi-sa.[11] Trị 治, Tứ Phần: a-phù-ha-na, phép xuất tội Tăng-già-bà-thi-sa.

-ooOoo-

198. KINH ĐIỀU NGỰ ĐỊA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở tại Trúc lâm, trong vườn Ca-lan-đà.

Bấy giờ Sa-di A-di-na-hòa-đề [02], cũng ở tại thành Vương xá, tại một cốc thiền, trong khu rừng vắng. Lúc bấy giờ Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na [03], sau giờ trưa, thong dong đi đến Sa-di A-di-na-hòa-đề, cùng chào hỏi xong, ngồi xuống một bên hỏi rằng:

“Hiền giả A-kì-xá-na [04], tôi có điều muốn hỏi, mong Hiền giả nghe cho chăng?”

Sa-di A-di-na-hòa-đề nói:

“Hiền Vương đồng tử, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe rõ rồi sẽ suy nghĩ.”

Vương đồng tử hỏi:

“Hiền giả A-kì-xá-na, phải chăng thật sự Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm chăng?”

Sa-di đáp:

“Hiền Vương đồng tử, thật sự như vậy, Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này, không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt được nhất tâm.”

Vương đồng tử lại hỏi:

“Hiền giả A-kì-xá-na, mong Hiền giả theo những điều đã nghe, đã tụng tập, nói lại hết cho tôi rõ, như Tỳ-kheo trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt đến nhất tâm.”

Sa-di đáp:

“Hiền Vương đồng tử, tôi không đủ sức để theo những điều đã nghe, đã tụng tập nói lại hết cho Vương tử, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Hiền Vương tử, nếu tôi theo những điều đã nghe, đã tụng tập nói lại hết cho Vương tử, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Hoặc Hiền giả Vương tử không thể hiểu được. Như vậy thì tôi nhọc công vô ích.”

Vương đồng tử nói với Sa di:

“Hiền giả A-kì-xá-na, Hiền giả chưa bị người khác chiết phục, vì ý gì mà đã tự mình rút lui? Hiền giả A-kì-xá-na, mong Hiền giả cứ theo những điều đã nghe, đã tụng tập, có thể nói lại hết cho tôi, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần sẽ đạt đến nhất tâm, nếu tôi hiểu được thì hay lắm, nhưng nếu tôi không hiểu sẽ không hỏi thêm về các pháp nữa.”

Rồi thì Sa-di A-di-na-hòa-đề theo những pháp đã nghe, đã tụng tập, nói lại cho Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na, như Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này, không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm. Bấy giờ Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na nói:

“Hiền giả A-kì-xá-na, nếu Tỳ-kheo ở trong Pháp Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, sẽ đạt đến nhất tâm; không bao giờ có trường hợp này.”

Nói xong, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, không nói lời từ giã mà bỏ đi. Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na đi chưa bao lâu, rồi Sa-di A-di-na-hòa-đề đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ và ngồi sang một bên, đem những điều đã thảo luận với Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na kể hết lại cho Đức Phật. Đức Thế Tôn nghe xong, nói với Sa-di:

“A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết được, khi Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị [05] vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

“A-kì-xá-na, cũng như trong bốn trường hợp điều ngự [06]; điều ngự voi, điều ngự ngựa, điều ngự bò, điều ngự người. Trong đó có hai trường hợp điều ngự có thể điều ngự, và hai trường hợp điều ngự không thể điều ngự [07] A-kì-xá-na, ý ngươi nghĩ sao? Nếu trong hai trường hợp điều ngự không thể điều ngự ấy; ở đây chưa điều phục tình trạng chưa điều phục, chưa được huấn luyện mà tiếp nhận sự huấn luyện, trường hợp này không thể có [08]. Nếu trong hai trường hợp điều ngự có thể điều ngự này, khéo điều ngự; ở đây điều phục tình trạng chưa điều phục, huấn luyện để tiếp nhận sự huấn luyện, trường hợp này có thể có [09]

“Cũng vậy, ở đây, A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết được, khi Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị  [10] vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

“A-kì-xá-na, cũng như cách xóm không xa có một hòn núi đá lớn, không sứt, không thủng, không trống, bền chặt, không lung lay, hợp thành khối duy nhất. Giả sử có hai người đang muốn nhìn ngắm, trong đó có một người leo nhanh lên núi, người thứ hai đứng dưới chân núi. Người đứng trên núi đá nhìn thấy bên kia núi đá có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn. Người trên núi sau khi thấy, bèn hỏi người dưới núi rằng, ‘Bạn có thấy bên kia núi có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, ao hoa, suối trong, sông dài, nước lớn chăng?’ Người dưới núi đáp, ‘Nếu tôi thấy hòn núi này, với bên kia có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn, trường hợp này không thể có.’ Rồi người trên núi leo nhanh xuống, nắm người dưới núi dẫn lên trên hòn núi đá. Đến nơi rồi hỏi, ‘Bạn có thấy bên kia núi có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn chăng?’ Người kia đáp, ‘Bây giờ tôi mới thấy.’ Lại hỏi người kia, ‘Vừa rồi bạn nói rằng không thể có trường hợp này, nay lại nói là thấy có; thế nghĩa là sao?’ Người kia đáp, ‘Vừa rồi tôi bị hòn núi che khuất nên không thấy.’

“Cũng vậy, A-kì-xá-na, thôi đủ rồi. Làm sao có thể biết được, khi Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na sống trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục, tình trạng mà chỉ có địa vị [11] vô dục mới biết, vô dục mới hay, vô dục mới chứng giác; địa vị ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao vậy? Này A-kì-xá-na, vì Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

“Này A-kì-xá-na, thuở xưa, vua Sát-lợi Đảnh Sanh có một người thợ săn voi. Vua nói, ‘Này thợ săn voi. Hãy bắt voi rừng về đây cho ta. Nếu bắt được rồi hãy báo cho ta hay.’ Bấy giờ thợ săn voi sau khi lãnh mạng của vua, bèn cỡi vương tượng đi đến một khu rừng già. Ở trong khu rừng già này, người thợ săn trông thấy một con voi rừng rất lớn. Sau khi thấy, bèn bắt và cột vào cổ con vương tượng. Lúc bấy giờ con vương tượng dẫn voi rừng ra ngoài khoảng đất trống, còn người thợ săn voi thì đi đến vua Sát-lợi Đảnh Sanh thưa rằng, ‘Tâu thiên vương, thần đã bắt được con voi rừng, cột ở khoảng đất trống, xin theo ý thiên vương!” Vua Sát-lợi Đảnh Sanh nghe tâu, liền bảo rằng, ‘Này nài voi giỏi, bây giờ ngươi hãy huấn luyện nhanh chóng con voi rừng đó khiến nó khuất phục, khiến nó thành con voi được huấn luyện kỹ. Nếu huấn luyện đã hoàn hảo rồi, hãy trở về báo cho ta biết.’ Rồi người huấn luyện voi giỏi sau khi vâng mạng vua, vác cây gậy rất lớn trên vai hữu, đi đến chỗ con voi rừng. Người ấy cắm cây gậy xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ý vui thích núi rừng của nó, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ mệt nhọc núi rừng, khiến cho nó vui thích thôn ấp, tập yêu người đời.

“Người huấn luyện voi giỏi trước hết cho nó ăn uống. Này A-kì-xá-na, khi voi rừng bắt đầu nghe theo thợ huấn luyện voi giỏi mà chịu ăn uống, người huấn luyện voi giỏi bèn nghĩ rằng, ‘Bây giờ con voi rừng này có thể sống được rồi. Vì sao vậy? Vì con voi rừng to lớn này bắt đầu chịu ăn uống.’ Khi voi rừng bắt đầu chịu ăn uống, nghe lời người huấn luyện, người huấn luyện voi nói với nó bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, đuổi ra. Khi người luyện voi nói với voi rừng bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy bỏ, co lại duỗi ra, và voi rừng làm y theo lời dạy của người huấn luyện voi như vậy. Này A-kì-xá-na, khi voi rừng nghe theo lời dạy của người huấn luyện voi, bấy giờ người huấn luyện voi mới buộc hai chân trước, hai chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai, ngà, và buộc cả vòi nó lại, rồi sai người cầm móc câu cỡi lên đầu nó; khiến một số đông người cầm dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, đứng phía trước, còn người huấn luyện voi thì tay cầm một cây mâu nhọn đứng ngay trước voi mà nói rằng, ‘Bây giờ ta trị ngươi, khiến ngươi không di động. Ta trị ngươi chớ có di động.’ Khi voi rừng nghe người huấn luyện voi sửa trị không di động, nó không giở chân trước, cũng không động đậy chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai ngà và vòi, tất cả thảy đều không động đậy. Voi rừng nghe theo người huấn luyện voi đứng im bất động như vậy.

“Này A-kì-xá-na, khi voi rừng nghe theo người huấn luyện voi mà không di động, lúc bấy giờ nó nhẫn chịu những dao, sảo, mâu, kích, búa, việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào thét, hoặc thổi tù và, đánh trống, động chuông, nó có thể nhẫn chịu tất cả. Khi voi rừng đã có thể kham nhẫn, bấy giờ nó là con voi điều ngự, khéo điều ngự, thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng nhanh nhẹn, tối thượng nhanh nhẹn, có thể vào cho vua cỡi, ăn lẫm của vua, được gọi là vương tượng.

“Cũng vậy, A-kì-xá-na, nếu khi Như Lai xuất hiện thế gian, là Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu, vị ấy đối với thế gian này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời, mà tự tri, tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an trụ. Vị ấy thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu, phần cuối cũøng vi diệu, có nghĩa có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh; pháp được vị ấy nói, khi con nhà cư sĩ nghe được, và sau khi nghe thì có tín tâm nơi pháp được Như Lai nói. Người này sau khi có tín tâm, bèn cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để học đạo. Này A-kì-xá-na, đó là lúc Thánh đệ tử ra nơi khoảng đất trống, cũng như vương tượng dẫn voi rừng ra. Và cũng như voi rừng còn tham luyến ái dục, ái dục nơi đời sống trong rừng núi. Này A-kì-xá-na, cũng vậy, chư Thiên và Nhân loại tham luyến dục lạc ở nơi ngũ dục, sắc, thanh, hương, vị, xúc, Như Lai bắt đầu điều ngự Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy thủ hộ thân và mạng thanh tịnh. Hãy thủ hộ miệng ý và mạng thanh tịnh.

“Khi Thánh đệ tử thủ hộ thân và mạng thanh tịnh, thủ hộ miệng, ý và mạng thanh tịnh. Như Lai lại điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp.’ Khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, quán thọ, tâm, pháp như pháp, thì bốn niệm xứ này ở trong tâm của Hiền Thánh đệ tử, buộc trói tâm của vị ấy lại, chế ngự tâm ý vui say theo thế tục, trừ khử tâm niệm ham muốn thế tục, dứt trừ sự mệt nhọc thế tục, khiến cho vui với Chánh pháp, tu tập Thánh giới. Này A-kì-xá-na, cũng như người huấn luyện voi, sau khi vâng mạng vua Sát-lợi Đảnh Sanh rồi, vác cây gậy rất lớn rồi trên vai phải đi đến chỗ voi rừng, cắm cây xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ý vui thích núi rừng, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ sự mệt nhọc núi rừng, khiến vui với thôn ấp, quen yêu thích nhân gian; cũng vậy, này A-kì-xá-na,, bốn niệm xứ này ở trong tâm của Hiền Thánh đệ tử, buộc trói tâm người ấy lại, chế ngự tâm ta vui say thế tục, dứt bỏ sự mệt nhọc thế tục, khiến vui với Chánh pháp, tu tập Thánh giới.

“Khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán, thọ, tâm, pháp như pháp, Như Lai điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy quán nội thân như thân, đừng suy niệm những tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm những tư niệm tương ưng với phi pháp.’ Và đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai vậy. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng nghe theo người huấn luyện voi, bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, duỗi ra. Voi rừng tuân theo lời dạy của người huấn luyện voi như vậy. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, không suy niệm tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm tư niệm tương ưng với phi pháp. Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai như vậy.

“Khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai như vậy, Như Lai lại điều phục Tỳ-kheo ấy rằng, ‘Ngươi hãy ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền thành tựu và an trụ. Như vậy Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai, an trụ không di động.’ Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng vâng theo sự sửa trị của người huấn luyện voi không di động, không giở hai chân trước, hai chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi xương sống, đầu, tai, ngà và vòi, tất cả đều không di động. Voi rừng nghe theo người huấn luyện voi đứng im không di động như vậy. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ, như vậy Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động. Khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động, vị ấy lúc bấy giờ có thể kham nhẫn đói, khát, nóng lạnh, muỗi, chí, rận, gió, nắng bức bách, tiếng dữ, gậy đánh cũng đều có thể kham nhẫn. Thân gặp những bệnh tật rất đau đớn, gần như tuyệt mạng, và những điều không khả lạc, tất cả đều có thể kham nhẫn. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng nghe theo người huấn luyện voi đứng im không di động, nó lúc bấy giờ nhẫn chịu được dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào thét, thổi tù và, đánh trống, động chuông thảy đều có thể kham nhẫn. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà an trụ không di động, vị ấy lúc bấy giờ có thể kham nhẫn đói, khát, lạnh, nóng, muỗi, chí, rận, gió, nắng, bức bách, tiếng dữ, gậy đánh, cũng có thể kham nhẫn, thân gặp những bệnh tật rất đau đớn, gần như tuyệt mạng, và những điều không khả lạc, thảy đều có thể kham nhẫn. Này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai mà có thể kham nhẫn, vị ấy lúc bấy giờ là vị điều ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, được thượng tịch tịnh, tối thượng tịch tịnh. Vị ấy trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh lắng đọng trần lao, không cấu nhiễm không ô uế, xứng đáng tán thán, đáng thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước cho tất cả chư Thiên và Nhân loại. Này A-kì-xá-na, cũng như voi rừng đã có thể kham nhẫn. Lúc bấy giờ nó là voi điều ngự, thiện điều ngự, thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng nhanh nhẹn, tối thượng nhanh nhẹn, có thể xung vào cho vua cỡi, được ăn lẫm của vua, được gọi là vương tượng. Cũng vậy, này A-kì-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo Như Lai mà có thể kham nhẫn, vị ấy lúc bấy giờ được gọi là điều ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng tịch tịnh, tối thượng tịch tịnh, trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh lắng đọng các trần lao, không cấu nhiễm, không ô uế, xứng đáng tán thán, đáng thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng đáng cúng dường, là ruộng phước cho hết thảy chư Thiên và Nhân loại.

“Này A-kì-xá-na, con voi rừng còn nhỏ, không được điều ngự, mà chết, thì đó gọi là cái chết không được điều ngự. Con voi rừng trung niên, không được điều ngự mà chết, thì gọi là cái chết không được điều ngự. Này A-kì-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu không được điều mà mạng chung, thì đó gọi là mạng chung không được điều ngự. Thánh đệ tử trung niên không được điều ngự mà mạng chung thì đó gọi là mạng chung không được điều ngự.

“Này A-kì-xá-na, con voi rừng còn nhỏ được thiện điều ngự mà chết thì đó gọi là cái chết thiện điều ngự. Con voi rừng trung niên, được thiện điều ngự mà chết, thì đó gọi là cái chết được thiện điều ngự. Này A-kì-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu được thiện điều ngự mà mạng chung, đó gọi là mạng chung thiện điều ngự. Thánh đệ tử trung niêm được thiện điều ngự mà mạng chung, thì đó gọi là mạng chung thiện điều ngự.”

Phật thuyết như vậy, Sa-di A-di-na-hòa-đề và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.125. Dantabhūmi-suttaṃ.[02]Vương đồng tử Kì-bà-tiên-na 王 童 子 耆 婆 先 那. Pāli: Jayasena-Rājakūmāra.[04] A-kì-xá-na 阿 奇 舍 那; Pāli: Aggivassana: có thể tên của một bộ tộc chớ không phải biệt danh của Tôn giả.[05] Bản Hán: địa, địa vị hay tình trạng; ý nghĩa sẽ thấy sau.[06] Điều ngự 調 御; Pāli: damma, được huấn luyện. Bản Pāli chỉ kể có ba: hatthidamma, huấn luyện voi, assadamma, huấn luyện ngựa, godamma, huấn luyện bò.[07] Trong bản Pāli, có hai con vật cần huấn luyện nhưng chưa được huấn luyện, và hai con vật cần huấn luyện đã được huấn luyện.[08] Đoạn này văn Hán hơi tối. Tham chiếu Pāli: api nu te adantāva dantakāraṇaṃ gaccheyyuṃ, adantāva dantabhūmiṃ sampāpuṇeyyuṃ, seyyathāpi te dve... sudantā suvinītā’ti? “Những con chưa được huấn luyện này có thể làm công việc của con vật đã được huấn luyện, có thể đạt đến địa vị của con vật đã được huấn luyện, như hai con... đã được huấn luyện kỹ, đã được khéo khuất phục kia?”[09] Bản Hán hình như hiểu rằng có hai trường hợp có khả năng huấn luyện, và hai trường hợp tuyệt đối không khả năng.[10] Bản Hán: địa, địa vị hay tình trạng; ý nghĩa sẽ thấy sau.[11] Xem cht.10 trên.

-ooOoo-

199. KINH SI TUỆ ĐỊA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Nay Ta sẽ nói cho các thầy nghe về pháp ngu si và pháp trí tuệ. Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ.

Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Đức Phật dạy:

Thế nào là pháp ngu si? Người ngu si có ba: Sự tướng, tiêu thức ngu si và ấn tượng ngu si. Tức là người thành tựu sự ngu si thì nói là ngu si.

Những gì là ba? Người ngu si suy tư bằng tư niệm ác, nói bằng lời nói ác, và làm việc làm ác. Do đó, người ngu si được gọi là ngu si. Nếu người ngu si không suy nghĩ ý nghĩ ác, không nói lời nói ác, và không làm việc ác, như vậy thì làm sao người ngu si được nói là ngu si? Vì người ngu si suy nghĩ ý nghĩ ác, nói lời nói ác và làm việc làm ác, cho nên người ngu si được nói là ngu si.

Người ngu si kia ngay trong đời hiện tại, thân tâm phải cảm thọ ba điều sầu khổ. Thế nào là thân tâm người ngu si phải cảm thọ ba điều sầu khổ? Người ngu si có những hành vi nào, hoặc ngồi nơi tụ hội, hoặc nơi đường cái, đường hẻm, hoặc nơi chợ quán, hoặc đầu ngã tư đường, nói những việc thích hợp với người ngu si. Người ngu si mà làm việc sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối cho đến tà kiến, và thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện khác, và đã thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện khác rồi, khi người khác thấy được bằng nói sự ác của nó, kẻ ngu si kia nghe rồi tự nghĩ: ”Nếu ai thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện, khi người ta thấy được bằng nói sự ác của nó. Ta cũng có vô lượng pháp ác bất thiện. Nếu có kẻ khác biết được, cũng nói điều ác của ta.” Đây là điều sầu khổ thứ nhất mà thân tâm của người ngu si lãnh thọ ngay trong đời hiện tại.

Lại nữa, người ngu si thấy người của vua bắt trói kẻ có tội, trị bằng các thứ hình phạt đau đớn như: chặt tay, chặt chân, chặt cả tay chân, xẻo tai, xẻo mũi, xẻo cả tai mũi, hoặc cắt từng miếng thịt, nhổ tóc bứt râu, hoặc nhổ cả râu tóc, hoặc nhốt trong cũi, trùm trong áo rồi đốt, hoặc lấy cát lấp, quấn cỏ rồi châm lửa, hoặc bỏ vào miệng heo sắt, hoặc bỏ vào bụng lừa sắt, hoặc bỏ vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ trong chảo đồng, hoặc đặt trong chảo sắt rồi nấu, hoặc chặt ra từng khúc, hoặc lấy mũi nhọn đâm, hoặc dùng móc câu móc, hoặc đặt trên giường sắt, lấy dầu sôi nhểu xuống, hoặc ngồi trên cối sắt rồi dùng chày sắt giã, hoặc cho độc long mổ, hoặc lấy roi đánh, hoặc dùng gậy phang, hoặc lấy hèo đập, hoặc xỏ lưỡi bêu đầu, hoặc đem chém bêu đầu. Người ngu si kia thấy rồi tự suy nghĩ: “Nếu ai thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện nếu biết được ta cũng có vô lượng pháp ác bất thiện, nếu vua biết được, ta cũng bị khảo trị như vậy.” Đây là điều sầu khổ thứ hai mà thân của kẻ ngu si lãnh thọ ngay trong đời hiện tại.

Lại nữa, người ngu si kia thân hành ác hạnh, khẩu, ý hành ác hạnh, khi nó bệnh tật mà chịu đau đớn, hoặc ngồi nằm trên giường, hoặc ngồi nằm trên ván, hoặc ngồi nằm trên đất, thân tâm cực kỳ đau khổ, nhẫn đến mạng sống gần dứt. Bấy giờ những thân ác hạnh, khẩu, ý ác hạnh của nó treo ngược từ trên cao, như lúc xế chiều mặt trời lặng xuống núi cao, dốc ngược trên mặt đất. Cũng vậy, những thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh của nó bây giờ đang treo ngược từ trên cao. Người kia tự nghĩ: ”Đó là những thân ác hạnh, khẩu, ý ác hạnh của ta đang đổ ngược từ trên cao. Ta xưa kia làm ác nhiều, không tạo phước, nếu có nơi nào cho những người làm ác, hung bạo, làm việc phi lý, không làm lành, không tạo phước, không tìm nơi quy mạng, nương tựa cho sự sợ hãi, ta đến chỗ ác đó.” Rồi do đó mà sanh hối hận, mà chết không nhẹ nhàng, mạng chung chẳng an lành. Đây là điều sầu khổ thứ ba mà thân tâm của người ngu si lãnh thọ ngay trong đời hiện tại.

Lại nữa, người ngu si kia, thân hành ác hạnh, khẩu hành ác hạnh, ý hành ác hạnh. Và sau khi thân hành ác hạnh, khẩu, ý hành ác hạnh, do nhân duyên đó, thân hoại mạng chung chắc đến đường ác, sanh vào địa ngục. Đã sanh vào đó, nó lãnh thọ khổ báo, hoàn toàn không khả ái, không khả lạc, không khả ý, khả niệm, thì cái đó là địa ngục. Vì sao? Vì trong địa ngục kia hoàn toàn không khả ái, không khả lạc, không khả ý khả niệm vậy.

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải, chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, sự khổ trong địa ngục như thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này Tỳ-kheo, địa ngục không thể nói hết được. Nghĩa là nói về sự khổ trong địa ngục. Này Tỳ-kheo, vì địa ngục chỉ có sự khổ mà thôi.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Đức Thế Tôn có thể dùng ví dụ để làm rõ nghĩa ấy chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Cũng có thể dùng ví dụ để làm rõ nghĩa về sự khổ ấy. Này Tỳ-kheo, ví như người của nhà vua bắt kẻ giặc đem về chỗ vua Sát-lợi Đảnh Sanh tâu: ‘Tâu Thiên vương, kẻ giặc này có tội xin Thiên vương trị nó.’ Vua Sát-lợi Đảnh Sanh bảo: ‘Các ngươi hãy đem nó đi trị tội. Buổi sáng dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm’. Người của vua lãnh lệnh bèn đem đi trị tội. Buổi sáng dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm. Nhưng người kia vẫn còn sống. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh hỏi: ‘Người kia thế nào?’ Người của vua đáp: ‘Tâu Thiên vương, người kia còn sống.’ Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại bảo: ‘Buổi trưa các ngươi cũng dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm.’ Người của vua thừa lệnh, buổi giữa trưa dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm. Người kia vẫn còn sống. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại hỏi: ‘Người kia thế nào?’. Người của vua đáp: ‘Tâu Thiên vương, kẻ kia còn sống’. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại bảo: ‘Buổi chiều các ngươi cũng hãy dùng một trăm cây giáo nhọn mà đâm.’ Người của vua thừa lệnh, buổi chiều lại dùng một trăm cây đáo nhọn mà đâm. Kẻ kia vẫn còn sống, nhưng thân thể đã bị đâm thủng, rách nát hoàn toàn, không còn một chỗ nguyên vẹn, dầu nhỏ như lỗ đồng tiền. Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại hỏi: ‘Người kia thế nào?’ Người của vua đáp: ‘Tâu Thiên vương, người kia còn sống, nhưng thân thể bị đâm thủng, rách nát hoàn toàn không còn một chỗ nguyên vẹn, dù nhỏ như lỗ đồng tiền.’

“Này Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Nếu người kia một ngày bị ba trăm mũi giáo nhọn đâm, nó nhân đó, thân tâm có chịu ưu phiền, sầu khổ cực kỳ không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, bị một mũi giáo nhọn đâm còn chịu cực khổ, huống nữa một ngày chịu ba trăm mũi giáo nhọn đâm. Thân tâm người kia há không chịu sự cực kỳ sầu khổ, ưu não?”

Bấy giờ Thế Tôn tay cầm viên đá nhỏ như hạt đậu hỏi Tỳ-kheo:

“Ngươi thấy tay Ta cầm viên đá nhỏ như hạt đậu chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, con thấy.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Viên đá Ta cầm nhỏ bằng hạt đậu này sánh với núi Tuyết sơn vương, cái nào lớn hơn?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, viên đá cầm trong tay nhỏ bằng hạt đậu, đem sánh với Tuyết sơn vương, thì nhỏ thua gấp trăm, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn vạn lần, trọn chẳng sánh kịp, không thể toán, không thể tính, không thể thí dụ, không thể so được. Chỉ nói là Tuyết sơn vương rất lớn, cực lớn.”

Thế Tôn bảo:

“Này Tỳ-kheo, nếu viên đá Ta cầm trong tay nhỏ bằng hạt đậu, đem sánh với Tuyết sơn vương nhỏ thua gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn vạn lần, trọn không thể sánh kịp, không thể toán, không thể tính, không thể ví dụ, không thể so được. Chỉ nói là núi Tuyết sơn vương rất lớn. Cũng vậy, Tỳ-kheo, nếu người này một ngày bị ba trăm mũi giáo nhọn đâm, do nhân duyên đó, thân tâm nó chịu ưu não sầu khổ cực trọng, mà đem so với sự khổ trong địa ngục không bằng gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn vạn lần, trọn không thể sánh kịp, không thể toán, không thể tính, không thể thí dụ không thể so được, chỉ nói là trong địa ngục cực kỳ khổ sở mà thôi. Này Tỳ-kheo, thế nào là địa ngục khổ? Chúng sanh sanh trong địa ngục, đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, tay cầm búa sắt, trui lửa đỏ rực mà móc thân thể. Chỗ đó hình phạt tội nhân, hoặc xây tám góc, hoặc xây sáu góc, hoặc xây vuông vức, hoặc làm hình tròn, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc tốt, hoặc xấu. Như vậy, kẻ tội nhân bị tra khảo thống khổ bức ngặt, trải qua nhiều năm cho đến trăm nghìn năm cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ, nhưng không thể chết được trừ khi tội ác bất thiện đã hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh trong địa ngục, đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, tay cầm búa sắt trui lửa đỏ rực mà đốt thân thể. Chỗ để hình phạt hoặc xây tám góc, hoặc xây sáu góc, hoặc vuông vức, hoặc hình tròn, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc tốt, hoặc xấu. Như thế, tội nhân bị khảo trị thống khổ bức ngặt, trải qua nhiều năm cho đến trăm nghìn năm, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ, nhưng không thể chết được, trừ khi tội ác bất thiện đã dứt. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh trong địa ngục, khi sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, rồi lấy cọc sắt đốt cháy đỏ rực, cưỡng ép ngồi lên, rồi lấy kềm sắt kẹp mở miệng tội nhân, lấy hòn sắt lửa cháy hừng hực, bỏ vào miệng kẻ tội, làm cháy môi cháy lưỡi, cháy răng, cháy cổ, cháy tim, cháy bao tử, rồi chạy xuống dưới thân mà ra. Như vậy tội nhân bị khảo trị thống khổ bức ngặt trải qua nhiều năm, cho đến trăm ngàn năm, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ nhưng không thể chết được, trừ phi tội ác bất thiện đã dứt. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, rồi lấy cọc sắt trui cháy đỏ rực, cưỡng ép ngồi lên, bèn lấy kềm sắt, kẹp mở miệng tội nhân, rồi lấy nước đồng sôi rót vào miệng tội nhân làm cháy môi, cháy lưỡi, cháy cổ, cháy răng, cháy tim, cháy bao tử, rồi chảy xuống dưới thân ra ngoài. Như vậy tội nhân bị khảo trị thống khổ bức ngặt trải qua nhiều năm, cho đến trăm ngàn năm, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ thống khổ, nhưng không thể chết được, trừ phi tội ác bất thiện đã dứt. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, rồi với đất bằng sắt đốt lửa đỏ rực, khiến nằm ngửa lên, trói năm chi thể lại, lấy đinh sắt đóng xuống hai tay và hai chân, dùng một cái đinh riêng đóng ở bụng tội nhân. Như vậy tội nhân bị khảo trị đau đớn đến cùng cực, trải qua nhiều năm cho đến trăm ngàn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, cực kỳ đau khổ, nhưng tội nhân không thể chết được trừ phi tội ác và nghiệp bất thiện của họ chấm dứt. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, với mặt đất bằng sắt, đốt cháy đỏ rực, bắt tội nhân nằm sát đất, kéo lưỡi ra, dùng trăm đinh căng thẳng, không nhăn, không dùn. Cũng như vậy, chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó rồi, bị ngục tốt nắm lấy, với mặt đất bằng sắt đốt cháy đỏ rực, khiến tội nhân nằm xuống đất, từ miệng kéo lưỡi ra, dùng trăm đinh đóng, căng thẳng không nhăn không dùn. Như vậy, kẻ kia bị khảo trị đau khổ đến cùng cực, trải qua nhiều năm cho đến trăm nghìn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, những khổ cực trọng nhưng họ không thể chết được trừ phi tội ác và bất thiện của họ tiêu diệt. Như thế gọi là khổ địa ngục.

“Này Tỳ-kheo, thế nào gọi là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó rồi, bị ngục tốt nắm lấy, lột da từ đầu đến chân, rồi lột ngược từ chân lên đầu, dùng xe sắt đốt lửa đỏ rực, buộc tội nhân vào, ở trên mặt đất bằng sắt, châm lửa cháy khắp, rồi bắt tội nhân kéo qua kéo lại trên đó. Như vậy kẻ kia bị tra khảo đau đớn đến cùng cực, trải qua nhiều năm cho đến trăm ngàn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, những khổ cực trọng, nhưng họ không thể chết được, trừ phi tội ác và bất thiện tiêu hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, với lửa đốt cháy hừng hực, rải khắp trên đất, lại bảo tội nhân lấy tay bốc lửa vải lên thân mình. Như vậy kẻ kia bị khảo trị đau đớn đến cùng cực, trải qua nhiều năm, cho đến trăm ngàn năm như vậy, cảm thọ vô lượng khổ, những thống khổ cực trọng, nhưng họ không thể chết được, trừ phi tội ác bất thiện tiêu hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, bằng cái chảo lớn, đốt lửa cháy đỏ, xách ngược thân tội nhân, chân lên trời đầu xuống đất rồi quăng vào trong chảo. Tội nhân ở trong chảo sôi sùng sục, thân nổi lên chìm xuống, hoặc trôi dạt bốn bên, tự thân chảy ra bọt trở lại nấu lấy thân, cũng như các thứ đậu lớn, đậu nhỏ, đậu uẩn, đậu đắng, hạt cải, bỏ chung trong chảo đó đổ đầy nước, chụm lửa cháy dữ, các hạt đậu trong chảo hoặc nổi lên chìm xuống, hoặc trôi dạt bốn bên, đậu tự ra bọt rồi lại nấu lấy. Cũng vậy, chúng sanh sanh vào địa ngục, khi đã sanh vào đó rồi, ngục tốt nắm lấy, dùng chảo bằng sắt lớn, đốt lửa cháy đỏ, dựng ngược thân tội nhân, chân quay lên trên, đầu quay xuống đất rồi ném vào trong chảo có nước đang sôi sùng sục, thân nổi lên chìm xuống, hoặc trôi giạt bốn bên, từ thân sanh ra bọt trở lại nấu lấy thân. Kẻ kia như vậy bị khảo trị thống khổ đau đớn cùng tột, trải qua nhiều năm cho đến ngàn năm, cảm thọ vô lượng khổ, những khổ cực trọng. Nhưng tội nhân không thể chết được trừ phi tội ác bất thiện của họ tiêu trừ hết. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ địa ngục? Trong địa ngục kia có ngục tên là Lục xúc. Nếu chúng sanh sanh vào trong đó, sau khi đã sanh vào, hoặc sắp được thấy bởi mắt không khả hỷ, không phải khả hỷ khả ý. Ý không nhuần lạc, không phải nhuần lạc, ý không thiện lạc, không phải thiện lạc. Hoặc tiếng được nghe bởi tai, được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, xúc chạm nơi thân và pháp được biết bởi ý, không khả hỷ, không khả ý, không phải khả hỷ khả ý, ý không nhuần lạc, không phải nhuần lạc, ý không thiện lạc, không phải thiện lạc. Như vậy gọi là khổ địa ngục.

“Này các Tỳ-kheo! Ta đã dùng vô lượng phương tiện nói cho các ngươi về địa ngục, về sự việc ở địa ngục, song sự khổ địa ngục không thể nói hết được. Chỉ nói là địa ngục duy trì chỉ có khổ mà thôi.

“Này các Tỳ-kheo! Có lúc người ngu si kia ra khỏi địa ngục, sanh làm súc sanh, thì súc sanh đó cũng rất khổ.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh vào loài súc sanh, tức loài sống trong tăm tối, lớn lên trong tăm tối và chết đi trong tăm tối. Nó là loài gì? Là loài trùng sống trong đất. Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị. Nó hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh. Sau khi hành động với thân ác hành, khẩu và ý ác hạnh rồi. Do nhân duyên đó, đến lúc thân hoại mạng chung, sanh vào loài súc sanh, tức là loài sống trong tối tăm, lớn lên trong tối tăm và chết đi trong tối tăm. Như vậy gọi là khổ súc sanh.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh trong loài súc sanh, tức sống trong thân, lớn lên trong thân và chết trong thân. Nó là loài gì? Là loài vi trùng ghẻ chóc. Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị, nó hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh. Nó sau khi hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh rồi, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung sanh vào loài súc sanh, tức nó sống trong thân, lớn lên trong thân, và rồi chết trong thân. Như vậy gọi là khổ súc sanh.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh trong loài súc sanh mà sanh ra trong nước, lớn lên trong nước và chết đi trong nước. Nó là loài gì? Đó là loài cá kình, rùa, cá sấu, bà lưu ly đẻ trứng, già la. Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị, nó hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh. Nó sau khi hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh rồi, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, sanh trong loài súc sanh tức sống trong nước lớn lên trong nước và rồi chết đi trong nước. Như vậy gọi là súc sanh khổ.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh trong súc sanh, loài có răng để cắn, sống ăn cỏ, cây lá. Chúng là loài gì? Đó là voi, lạc đà, bò, nai, lừa, trâu và chó. Người ngu si ấy vì lúc xưa tham đắm thực vị, nó hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh. Đó sau khi đã hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh do nhân duyên đó, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào loài súc sanh loài có răng để cắn, sống ăn cỏ cây lá. Như vậy gọi là súc sanh khổ.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là súc sanh khổ? Nếu chúng sanh sanh vào trong súc sanh, là loài súc sanh khi nghe mùi đại tiểu tiện của người ta, liền chạy đến chỗ đó, ăn loại đồ ăn đó. Cũng như trai, gái nghe được mùi ẩm thực liền chạy đến và nói rằng: ‘Đây là đồ ăn, đây là đồ ăn.’ Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu chúng sanh sanh trong súc sanh, tức là loài súc sanh khi nghe mùi người ta đại tiểu tiện ra, liền chạy đến nơi đó, ăn loại đồ ăn đó. Chúng là những loại gì? Đó là gà, heo, chó, chó sói, quạ, câu-lâu-la, câu-lăng-già. Người ngu si ấy, vì lúc xưa tham trước thực vị. Nó hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, sanh trong súc sanh, tức là loài ăn phân ô uế. Như vậy gọi là súc sanh khổ.

“Này các Tỳ-kheo, Ta đã dùng vô lượng phương tiện để nói cho các ngươi về súc sanh, nói sự việc của súc sanh. Song nỗi khổ của súc sanh không làm sao nói hết được. Chỉ nói là súc sanh duy chỉ có khổ mà thôi.

“Này các Tỳ-kheo, nếu như người ngu si kia ra khỏi đường súc sanh, trở lại sanh lên làm người là việc cực kỳ khó khăn. Vì sao? Vì kẻ kia trong loài súc sanh không làm nhân nghĩa, không theo phép tắc lễ nghi, không làm việc lành, súc sanh lại ăn nuốt lẫn nhau. Con mạnh ăn con yếu, con lớn nuốt con bé. Này Tỳ-kheo, như đây này tràn đầy những nước. Có một con rùa đui, sống lâu vô lượng trăm ngàn năm. Trên mặt nước kia có miếng ván nhỏ, chỉ có một lỗ duy nhất bị gió thổi trôi. Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ sao? Con rùa đui kia, đầu nó có thể chui vào cái lỗ duy nhất của miếng gỗ nhẹ nhỏ kia chăng?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, có thể chui được, nhưng thật lâu, thật lâu và rất khó.

Thế Tôn bảo:

“Này các Tỳ-kheo, hoặc con rùa đui kia trải qua một trăm năm, rồi nó từ phía Đông đến, ngóc đầu lên một lần. Miếng ván nhỏ kia chỉ có một lỗ lại bị gió thổi từ phương Đông dời qua phương Nam. Hoặc lúc con rùa đui qua một trăm năm từ phương Nam đến, ngóc đầu lên một lần, thì miếng ván một lỗ kia, lại bị gió thổi từ phương Nam dời đến phương Tây. Hoặc có lúc con rùa đui đợi một trăm năm qua từ phương Tây đến, ngóc đầu lên một lần, thì miếng ván có một lỗ kia, lại bị gió từ phương Tây thổi dời đến phương Bắc. Hoặc lúc con rùa đui kia từ phương Bắc đến, ngóc đầu lên một lần nữa, thì miếng ván có một lỗ kia lại bị gió thổi từ phương Bắc dời tới các phương khác. Này các Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Con rùa đui kia có chui vào được lỗ ván ấy chăng?

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, con rùa cũng có thể chui vào được lỗ ván ấy. Nhưng thật lâu, thật lâu và khó lắm.”

“Này Tỳ-kheo, cũng vậy, người ngu si kia, từ súc sanh ra mà trở lại làm người thì cũng khó lắm. Vì sao? Kẻ kia ở trong súc sanh, không làm việc nhân nghĩa, không theo phép tắc lễ nghi, không làm việc tốt lành, loài súc sanh đó lại ăn nuốt lẫn nhau, con mạnh ăn con yếu, con lớn nuốt con nhỏ.

“Này các Tỳ-kheo, nếu người ngu si kia có khi ra khỏi súc sanh, sanh lên làm người, hoặc sanh nhằm nhà thuộc giai cấp hạ tiện, xấu xí, bần cùng, ăn uống thiếu thốn, kiếm thức ăn rất khó. Họ là hạng người nào? Đó là nhà ngục tốt, nhà làm thợ, nhà thủ công, nhà làm đồ gốm, và các nhà hạ tiện khác, đại loại như vậy. Xấu xí, bần cùng, ăn uống thiếu thốn, kiếm ăn rất khó. Họ sanh nhằm những nhà như vậy. Khi sanh vào đó rồi, hoặc đui, hoặc què, hoặc khuỷu tay ngắn, hoặc gù, hoặc chỉ dùng tay trái, da xấu, mặt dê, xấu xí đoản mạng, bị người khác sai sử. Nó hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh. Nó sau khi hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh, do nhân duyên đó, sau khi thân hoại mạng chung trở lại chỗ ác sanh vào địa ngục. Cũng như hai người cùng đánh bạc, một trong hai người đó, canh bạc đầu nó mất tôi tớ, và mất cả vợ con. Sau đó lại đến thân mình bị treo ngược trong nhà khói. Người đó tự nghĩ: ‘Ta không ăn không uống, song canh bạc đầu ta mất tôi tớ, mất cả vợ con. Canh bạc cuối, thân ta bị treo ngược trong nhà khói.’ Này các Tỳ-kheo, canh bạc ấy thua rất ít, chỉ mất tôi tớ, mất vợ con, và sau đó thân bị treo ngược trong nhà khói. Này Tỳ-kheo, canh bạc này mới đáng kể ‘Đó là thân hành động ác, khẩu và ý hành động ác.’ Sau khi hành động với thân ác hạnh, khẩu và ý ác hạnh, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, trở lại chỗ ác, sanh trong địa ngục.

“Này các Tỳ-kheo, đối với việc làm này, thật không thể vui, thật không thể thích, chẳng phải chỗ nghĩ đến.

“Này các Tỳ-kheo, được nói như vậy, há không đầy đủ chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thật sự như vậy, đã nói hết các pháp ngu si kia.

Đức Thế Tôn bảo:

“Thế nào là pháp trí tuệ? Là người trí tuệ có ba: sự tướng, tiêu thức và ấn tượng trí tuệ. Tức là người đã thành tựu trí tuệ nên nói là trí tuệ.

“Những gì là ba? Người trí tuệ suy nghĩ với ý nghĩ thiện, nói lời nói thiện và làm việc thiện. Vì là người trí tuệ, nên được nói là trí tuệ vậy.

“Nếu kẻ trí chẳng nghĩ điều thiện, không nói là thiện và không làm việc thiện, thì người trí làm sao biết được họ là trí? Vì người có trí tuệ, nghĩ thì nghĩ thiện, nói thì nói thiện và làm thì làm thiện nên người có trí nói là kẻ trí.

“Người có trí tuệ ngay trong đời hiện tại thân tâm cảm thọ được ba điều hỷ lạc. Thế nào là người trí tuệ ngay trong đời hiện tại thân tâm của họ cảm thọ ba điều hỷ lạc? Người trí tuệ có những hành vi nào, hoặc ngồi nơi tụ lạc, hoặc tại đường cái, đường hẻm, hoặc tại chợ quán, hoặc tại ngã tư đường, nói những việc thích hợp với người trí. Kẻ có trí thì từ bỏ sát sanh, từ bỏ việc lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến mà được chánh kiến, thành tựu vô lượng pháp thiện. Nếu đã thành tựu vô lượng pháp thiện, khi người khác thấy họ, bèn khen ngợi, người trí tuệ kia, nghe hoặc tự nghĩ: ‘Nếu ai thành tựu vô lượng pháp thiện, khi người khác thấy bèn khen ngợi, thì ta đây cũng có vô lượng pháp thiện. Nếu có kẻ nào thấy tất sẽ khen ngợi ta.’ Đây là điều hỷ lạc thứ nhất mà người trí ngay trong đời hiện tại, thân tâm cảm thọ được.

“Lại nữa, người trí tuệ kia thấy người của vua dùng các thứ hình phạt để trị giặc cướp như chặt tay, chặt chân, và chặt cả tay chân, xẻo tai, xẻo mũi, hoặc xẻo cả tai mũi, hoặc cắt từng miếng thịt, hoặc nhổ tóc, bứt râu, hoặc bứt cả râu tóc, hoặc bỏ vào cũi, trùm trong áo rồi đốt cháy, hoặc lấy cát lấp, quấn cỏ rồi châm lửa, hoặc bỏ vào trong bụng lừa sắt, hoặc ném vào trong miệng heo sắt, hoặc đôi vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ vào chảo đồng, hoặc đôi vào chảo sắt rồi nấu, hoặc chặt ra từng khúc, hoặc dùng giáo nhọn đâm, hoặc lấy móc câu móc, hoặc đặt trên giường sắt rồi lấy dầu sôi nhểu, hoặc ngồi trên cối sắt dùng chày sắt giã, hoặc cho độc long mổ, hoặc dùng roi quất, hoặc dùng gậy đánh, hoặc lấy hèo đập, hoặc xỏ lưỡi bêu đầu, hoặc đâm chết bêu đầu. Người trí tuệ kia thấy rồi bèn nghĩ: ‘Nếu ai thành tựu vô lượng pháp ác bất thiện, vua biết được bắt và khảo trị như vậy. Ta không làm vô lượng pháp ác bất thiện, nếu vua biết ta thì ta hoàn toàn chẳng bị các loại khổ trị như vậy.’ Đây là điều hỷ lạc thứ hai mà người trí ngay trong đời hiện tại, thân tâm cảm thọ được.

“Lại nữa, người trí kia hành động với thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh. Người đó gặp lúc bệnh khổ, hoặc nằm ngồi trên giường, hoặc nằm ngồi trên ván, hoặc nằm ngồi dưới đất, hoặc thân đau nhức rất khổ sở cho đến khi mạng sống gần dứt; những hành động với thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh của người kia, bấy giờ các việc làm ấy treo ngược lên cao. Ví như xế chiều, mặt trời lặng xuống, bóng núi cao đổ ngược trên mặt đất. Cũng vậy, hành động với thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh của người kia treo ngược từ trên cao. Người ấy tự nghĩ: ‘Đây là những hành động với thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, tuy treo ngược từ trên cao. Vì lúc xế trưa ta làm nhiều phước, không làm ác, nếu có nơi nào cho những người không làm ác, không hung bạo, không làm điều phi lý, chỉ làm phước, tạo nơi quy mạng, nương tựa cho sự sợ hãi, thì ta đến chỗ lành đó. Do vậy, không sanh tâm hối hận, do không hối hận, nên chết nhẹ nhàng, mạng chung an lành.’ Đây là điều hỷ lạc thứ ba mà người trí ngay trong đời hiện tại thân tâm cảm thọ được.

“Lại nữa, người trí kia hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh. Người ấy sau khi hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh rồi, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung, tất đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Kẻ kia đã sanh lên đó rồi, cảm thọ quả báo lành, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn khả lạc, khả ý khả niệm. Nếu ai nghĩ rằng: ‘Nơi nào hoàn toàn khả ái, hoàn toàn khả lạc, khả ý khả niệm’ nơi đó được nói là thiện xứ. Vì sao? Vì chốn lành kia, hoàn toàn khả ái, hoàn toàn khả lạc, khả ý khả niệm.”

Bấy giờ có một vị Tỳ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, thiện xứ là thế nào?”

Thế Tôn đáp:

“Này Tỳ-kheo, thiện xứ không thể nói hết được, nghĩa là nói về sự hoan lạc nơi thiện xứ, chỉ nói rằng thiện xứ chỉ có hoan lạc.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, xin Ngài có thể dùng ví dụ để dễ hiểu nghĩa ấy chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Cũng có thể dùng ví dụ để làm rõ nghĩa ấy. Ví dụ Chuyển luân vương thành tựu bảy báu và bốn ý túc của loài người. Này Tỳ-kheo, ý ngươi nghĩ sao? Chuyển luân vương kia thành tựu đầy đủ bảy báu và bốn như ý túc của loài người thì nơi vua kia nhân đó thân tâm có lãnh thọ hỷ lạc cùng cực chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thành tựu được một như ý túc loài người còn lãnh thọ được hỷ lạc cùng cực, huống nữa là Chuyển luân vương thành tựu hết bảy báu và bốn như ý túc loài người, há chẳng phải là lãnh thọ hỷ lạc cùng cực đó sao?”

Bấy giờ Thế Tôn tay cầm viên đá nhỏ bằng hạt đậu hỏi Tỳ-kheo:

“Ngươi có thấy viên đá nhỏ bằng hạt đậu mà Ta cầm trong tay chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, có thấy.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Này Tỳ-kheo, ý ông nghĩ sao? Viên đá nhỏ như hạt đậu mà ta cầm đây đem so với Tuyết sơn vương cái nào lớn hơn?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, viên đá nhỏ như hạt đậu mà Thế Tôn cầm đó đem so với Tuyết sơn vương thật quá nhỏ, nhỏ gấp trăm gấp ngàn, gấp vạn lần không thể so sánh kịp, không thể tính toán, không thể so sánh được, chỉ nói là Tuyết sơn vương rất lớn, quá lớn thôi.”

Thế Tôn lại bảo:

“Này Tỳ-kheo, nếu viên đá nhỏ như hạt đậu mà Ta cầm đây đem so với Tuyết sơn vương, nó thật quá nhỏ, quá nhỏ, nhỏ gấp trăm gấp ngàn, gấp vạn lần, trọn không thể so sánh kịp, không thể tính toán, không thể ví dụ được, chỉ nói là Tuyết sơn vương rất lớn, quá lớn thôi. Cũng vậy, này Tỳ-kheo, nếu Chuyển luân vương đã thành tựu đầy đủ và bốn như ý túc, nơi vua kia thân tâm cảm thọ hỷ lạc cùng cực, nếu đem so sánh với hỷ lạc ở cõi trời, nó thật quá nhỏ, nhỏ gấp trăm, gấp ngàn vạn lần, không thể so sánh, không thể tính toán, không thể ví dụ được. Nghĩa là hoan lạc nơi thiện xứ, chỉ hoàn toàn hoan lạc thôi.

“Này Tỳ-kheo, thế nào là sự hoan lạc nơi thiện xứ? Có thiện thiện xứ gọi là lục xúc, nếu chúng sanh sanh vào trong đó, khi đã sanh đến đó rồi, hoặc sắc được thấy bởi sắc, mắt, khả hỷ, khả ý, khả niệm, ý nhuần ái, ý thiện lạc, thì đó là thiện xứ. Thanh được nghe nơi tai, lưỡi được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, sự xúc chạm nơi thân, pháp được biết bởi ý; khả hỷ, khả lạc, khả ý, khả niệm, ý nhuần ái, thì đó là nhuần ái, ý thiện lạc, thì đó là thiện lạc. Như vậy gọi là sự hoan lạc ở thiện xứ.

“Này Tỳ-kheo, Ta đã dùng vô số phương tiện để nói về thiện xứ, nói sự việc ở nơi thiện xứ cho các thầy nghe. Song sự hoan lạc nơi thiện xứ kia không thể nào nói hết được. Chỉ nói là nơi thiện xứ hoàn toàn chỉ có hoan lạc mà thôi.

“Này các Tỳ-kheo, nếu người trí tuệ kia, có khi từ thiện xứ sanh xuống, hoặc sanh nhầm nhà rất giàu sang, tiền tài vô số, nuôi nhiều tôi tớ và súc mục, phong hộ thực ấp, thóc lúa đầy đủ và biết bao các thứ nhu dụng sinh tồn khác. Họ là hạng người nào? Là nhà đại trưởng giả Cư sĩ, nhà trưởng giả dòng Sát-lợi, nhà trưởng giả dòng Phạm chí và các nhà đại phú gia khác. Tiền của vố số, nuôi nhiều tôi tớ và súc mục, phong hộ thực ấp, thóc lúa đầy đủ, và biết bao các thứ nhu dụng sinh tồn khác. Sanh nhầm nhà như vậy, đoan chánh, khả ái, nhiều người kính thuận, danh vang cùng khắp, có oai đức lớn, nhiều người kính mến, nhiều người nhắc đến. Rồi người ấy lại hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh. Sau khi hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh rồi, do nhân duyên đó khi thân hoại mạng chung trở lại thiên xứ, sanh lên thiên giới. Ví như hai người đánh bạc, trong đó một người ăn và tiếp tục đánh, ăn được nhiều tiền tài. Người đó nghĩ rằng: ”Ta chẳng làm ruộng, nhưng ván đầu ta ăn và tiếp tục canh bạc như vậy, ta lấy được nhiều tiền tài.” Này Tỳ-kheo, canh bạc đó quá nhỏ mà được nhiều tiền của. Này Tỳ-kheo, canh bạc này mới đáng kể, đó là hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh. Sau khi hành thân diệu hạnh, hành khẩu và ý diệu hạnh, do nhân duyên đó, khi thân hoại mạng chung trở lại thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này Tỳ-kheo, các việc thiện này là sự việc rất đáng vui, rất đáng thích, rất đáng được thích ý.

“Này Tỳ-kheo, các pháp của người trí tuệ được nói như vậy, há không đầy đủ chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thật sự các pháp của người trí tuệ kia được nói như vậy là đầy đủ.”

Thế Tôn bảo:

“Đó là pháp của người ngu si và pháp của người trí tuệ. Các thầy phải biết pháp của người ngu si và pháp của người trí tuệ. Đã biết pháp của người ngu si và pháp của người trí tuệ rồi, thì phải xả bỏ pháp của người ngu si và chọn lấy pháp của người trí tuệ. Các thầy phải học như vậy.”

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

200. KINH A-LÊ-TRA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Tỳ-kheo A-lê-tra [02] vốn là một người Già-đà-bà-lê [03] sanh ác kiến như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại.[04]”

Các Tỳ-kheo nghe như vậy, đi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra hỏi:

“Này A-lê-tra, thật thầy có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại chăng’?’.”

Khi ấy A-lê-tra đáp:

“Này chư Hiền, tôi thật sự hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại.’”

Các Tỳ-kheo khiển trách A-lê-tra rằng:

“Thầy chớ nói như vậy; chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn. Xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này A-lê-tra, dục có chướng ngại. Đức Thế Tôn đã dùng vô lượng phương tiện để nói dục có chướng ngại. Này A-lê-tra, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy đi.”

Tỳ-kheo A-lê-tra bị các Tỳ-kheo khiển trách, nhưng vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói, ‘Đây là điều chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ Và lặp lại ba lần như vậy.

Chúng Tỳ-kheo không thể khuyên Tỳ-kheo A-lê-tra xả bỏ ác kiến ấy liền đứng dậy ra về, và đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi sang một bên bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo A-lê-tra sanh ác kiến như vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Hành dục không bị chướng ngại’. Bạch Thế Tôn, chúng con nghe vậy, liền đi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra hỏi rằng: ‘Này A-lê-tra, thầy có thật nói như vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn thuyết pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại chăng’?’ Tỳ-kheo A-lê-tra trả lời chúng con rằng, ‘Này chư Hiền, thật sự tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: Hành dục là không bị chướng ngại.’ Bạch Thế Tôn, chúng con khiển trách rằng, ‘Này A-lê-tra, chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn. Xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này A-lê-tra, dục có chướng ngại. Đức Thế Tôn đã dùng vô lượng phương tiện nói dục có chướng ngại. Này A-lê-tra, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy đi.’ Chúng con khiển trách, nhưng Tỳ-kheo A-lê-tra vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói, ‘Đây là điều chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ Và lặp lại ba lần như vậy. Bạch Thế Tôn, chúng con không thể khuyên Tỳ-kheo A-lê-tra xả bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về.”

Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một Tỳ-kheo:

“Hãy đến chỗ Tỳ-kheo A Lê Tra, nói như vầy, ‘Thế Tôn cho gọi thầy’.”

Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Khi đến chỗ Tỳ-kheo A-lê-tra liền nói:

“Đức Thế Tôn gọi thầy.”

Tỳ-kheo A-lê-tra liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống môït bên. Đức Thế Tôn nói:

“Này A-lê-tra, thật ngươi có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại’ chăng?’.”

A-lê-tra đáp:

“Bạch Thế Tôn, thật sự con hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại’.”

Đức Thế Tôn khiển trách:

“Này A-lê-tra, bằng cách nào mà ngươi hiểu Ta thuyết pháp như vậy? Ngươi nghe từ miệng người nào nói Ta thuyết pháp như vậy? Này người ngu si kia, Ta không nói một chiều mà ngươi lại nói một chiều chăng? Khi nghe các Tỳ-kheo khiển trách, ngươi khi ấy phải đúng như pháp mà trả lời. Nay để Ta hỏi lại các Tỳ-kheo đã.”

Liền đó, Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ngươi cũng hiểu như vầy, rằng Ta nói pháp như vầy, ‘Hành dục không bị chướng ngại’ chăng?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Các thầy hiểu Ta nói pháp như thế nào?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Dục có chướng ngại, Thế Tôn nói dục có chướng ngại. Dục như bộ xương khô, Thế Tôn nói dục như bộ xương khô, dục như miếng thịt, Thế Tôn nói dục như miếng thịt. Dục như bó đuốc, Thế Tôn nói dục như cây đuốc trong tay. Dục như hầm lửa, Thế Tôn nói dục như hầm lửa. Dục như rắn độc, Thế Tôn nói dục như rắn độc. Dục như mộng, Thế Tôn nói dục như mộng. Dục như đồ vay mượn, Thế Tôn nói dục như đồ vay mượn. Dục như trái cây, Thế Tôn nói dục như trái cây [05]’ Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Vì sao? Vì Ta cũng nói như vầy, ‘Dục có chướng ngại, Ta nói dục có chướng ngại. Dục như bộ xương khô, Ta nói dục như bộ xương khô. Dục như miếng thịt, Ta nói dục như miếng thịt. Dục như bó đuốc, ta nói dục như cây đuốc trong tay. Dục như hầm lửa, Ta nói dục như hầm lửa. Dục như rắn độc, Ta nói dục như rắn độc. Dục như mộng, Ta nói dục như mộng. Dục như đồ vay mượn, Ta nói dục như đồ vay mượn. Dục như trái cây, Ta nói dục như trái cây.’”

Đức Thế Tôn lại khen:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Nhưng A-lê-tra ngu si này tiếp thọ và lãnh hội nghĩa và văn điên đảo. Kia nhân tiếp thọ và lãnh hội nghĩa và văn điên đảo cho nên xuyên tạc Ta, để tự gây thương hại cho mình. Có phạm, có tội. Đó là điều mà các phạm hạnh có trí không hoan hỷ, và là một đại tội [06] Này người ngu si kia, có biết chỗ ác bất thiện này chăng?”

Lúc ấy Tỳ-kheo A-lê-tra bị Đức Thế Tôn khiển trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không lời để biện bạch, suy nghĩ mông lung.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Tỳ-kheo A-lê-tra, rồi nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu pháp Ta nói mà ý nghĩa được hiểu biết đầy đủ, tường tận thì nên thọ trì đúng như vậy. Nếu pháp Ta nói mà ý nghĩa không được hiểu biết đầy đủ, tường tận thì phải hỏi lại Ta hay các vị Phạm hạnh có trí. Vì sao? Hoặc có người ngu si ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Chúng do tự mình hiểu biết điên đảo và ghi nhớ điên đảo mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa [07] Chúng vì tranh luận mà biết nghĩa này, chứ không vì giải thoát mà biết nghĩa này. Chúng biết pháp này vì mục đích ấy nên không đạt đến nghĩa này, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì chúng ghi nhớ và hiểu biết điên đảo về pháp.

“Cũng như có người muốn bắt được rắn, bèn đi tìm rắn. Khi đi tìm rắn, nó đi vào rừng hoang, thấy con rắn rất lớn, liền bước tới, dùng tay nắm lấy lưng rắn; con rắn ngóc đầu quay lại, hoặc mổ vào tay, chân, hoặc các chi thể khác. Nó làm công việc tìm bắt rắn, nhưng không đạt được mục đích, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì không biết rõ phương pháp bắt rắn. Cũng vậy, có thể có người ngu si ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Chúng do tự mình hiểu biết điên đảo và ghi nhớ điên đảo mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ-tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Chúng vì tranh luận mà biết nghĩa này, chứ không vì giải thoát mà biết nghĩa này. Chúng biết pháp này vì mục đích ấy nên không đạt đến nghĩa này, chỉ chuốc lấy cực khổ luống công, tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì chúng ghi nhớ và hiểu biết điên đảo về pháp.

“Hoặc có một thiện gia nam tử ghi nhớ và hiểu biết về nghĩa và văn không điên đảo. Người ấy do tự mình ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo về nghĩa và văn mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Người ấy không vì tranh luận mà biết nghĩa này, nhưng vì giải thoát mà biết nghĩa này. Người ấy biết pháp này vì mục đích ấy nên đạt đến nghĩa này, không chuốc lấy cực khổ luống công, không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo về pháp.

“Cũng như có người muốn bắt được rắn, bèn đi tìm rắn. Khi đi tìm rắn, người ấy tay cầm gậy sắt, đi trong rừng hoang, thấy một con rắn rất lớn, liền lấy gậy sắt đè lên đầu con rắn, rồi lấy tay nắm đầu nó. Con rắn kia tuy ngoặt đuôi lại, hoặc quấn tay chân, hoặc các chi thể khác, nhưng không thể mổ. Người kia làm như vậy để tìm bắt rắn và đạt được mục đích, không chuốc lấy cực khổ luống công, cũng không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì người ấy khéo biết cách bắt rắn. Cũng vậy, hoặc có thiện gia nam tử ghi nhớ và hiểu biết về nghĩa và văn không điên đảo. Người ấy do tự mình ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo về nghĩa và văn mà biết pháp kia như vậy như vậy, tức chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghĩa. Người ấy không vì tranh luận mà biết nghĩa này, nhưng vì giải thoát mà biết nghĩa này. Người ấy biết pháp này vì mục đích ấy nên đạt đến nghĩa này, không chuốc lấy cực khổ luống công, không tự gây phiền nhọc. Vì sao? Vì ghi nhớ và hiểu biết không điên đảo về pháp.

“Ta thường nói cho các ngươi nghe về thí dụ chiếc bè, là để cho các thầy biết xả bỏ, chứ không phải để chấp thủ.

“Ta thường nói cho các thầy nghe về thí dụ chiếc bè như thế nào, để các thầy biết xả bỏ chứ không phải để chấp thủ?

“Ví như, con nước từ núi đổ xuống, rất sâu, rất mênh mông, chảy xiết và cuốn trôi nhiều thứ. Ở khoảng giữa đó không có thuyền, bè, cũng không có cầu ngang. Một người đi đến, có việc ở bờ bên kia nên cần phải qua. Người ấy bèn nghĩ rằng, ‘Ở đây con nước từ trên núi chảy xuống, rất sâu, rất mênh mông, chảy xiết và cuốn trôi rất nhiều thứ. Ở khoảng giữa không có thuyền bè, cũng không có cầu ngang để có thể qua. Ta có công việc ở bờ bên kia cần phải qua phải dùng phương tiện gì để ta đến bờ bên kia được yên ổn?’ Rồi người ấy tự suy nghĩ, ‘Nay ở bên này, ta hãy góp nhặt cỏ, cây, cột lại làm bè [08] để bơi qua.’ Người ấy bèn ở bên bờ bên này, góp nhặt cỏ cây, cột lại làm bè rồi bơi qua. Đến bờ bên kia được yên ổn, rồi tự nghĩ rằng, ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích. Nhờ nó mà ta đã yên ổn bơi từ bờ bên kia đến bờ bên này. Nay ta hãy vác nó lên vai phải hoặc đội trên đầu mà đi.’ Người ấy bèn vác lên vai phải, hoặc trên đầu mà mang đi. Ý các ngươi nghĩ sao? Người ấy làm như vậy, có lợi ích gì đối với chiếc bè không?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn lại nói:

“Người ấy phải làm thế nào mới có thể có lợi ích đối với chiếc bè? Người ấy nghĩ như vầy, ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích, nhờ nó mà ta an ổn từ bờ bên kia đến bờ này. Nay ta có nên thả chiếc bè này trở lại trong nước, hoặc để nó trên bờ rồi bỏ đi chăng?’ Người ấy mang chiếc bè này thả lại trong nước, hoặc để nó bên bờ rồi bỏ đi. Ý các ngươi nghĩ sao? Người ấy làm như vậy, có thể có lợi ích đối với chiếc bè chăng?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Thế Tôn lại nói:

“Cũng vậy, Ta thường nói cho các ngươi nghe về thí dụ chiếc bè là để cho các ngươi biết mà xả bỏ, chứ không phải để chấp thủ. Nếu các ngươi biết Ta thường nói thí dụ về chiếc bè, đối với pháp còn phải xả bỏ huống là phi pháp chăng?

“Lại nữa, có sáu kiến xứ [09] Những gì là sáu? Tỳ-kheo đối với những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc tinh, hoặc thô, hoặc diệu, hoặc bất diệu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả những sắc ấy không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của sắc ấy, nó cũng không phải là tự ngã. Những gì thuộc thọ, tưởng, những gì thuộc về kiến này, đều thấy chúng không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, ta sẽ không có, ta sẽ không hiện hữu, tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã [10] Như vậy do tuệ, quán sát mà biết như thật về chúng.

“Những gì là thọ; những gì là tưởng [11]; những gì thuộc kiến này, đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã. Như vậy do tuệ, quán sát mà biết như thật về chúng.

“Những gì thuộc về kiến này, thấy, nghe, nhận thức, biết [12], được thủ đắc, được quán sát, được tư niệm bởi ý, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này; tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, và cũng không phải là thần ngã. Như vậy, do tuệ quán sát mà biết như thật về chúng. Những gì thuộc kiến này, đây là thần ngã [13], đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau, là pháp thường trụ, không biến dịch, là pháp hằng hữu, không hủy hoại; tất cả chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã. Như vậy, do tuệ biết như thật về chúng.”

Bấy giờ có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải chắp tay hướng về Đức Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên trong mà có sợ hãi chăng [14]?”

Thế Tôn đáp:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên trong mà có sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, thấy như vầy, nói như vầy, ‘Kia trước đây hoặc giả không có; giả thiết có ta không được [15].’ Và do thấy như vậy, nói như vậy, người ấy ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc, đấm ngực, phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên trong mà có sợ hãi.”

Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên trongmà không có sợ hãi chăng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên trong mà không có sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, không thấy như vầy, không nói như vầy, ‘Kia trước đây hoặc giả không có; giả thiết có ta không được.’ Và do không thấy như vậy, không nói như vậy, người ấy không ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên trong mà không có sợ hãi.”

Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên ngoài  [16] mà có sợ hãi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là nhân bên ngoài có sự sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, thấy như vầy, nói như vầy, ‘Đây là thần ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau.’ Và do thấy như vậy, nói như vậy, mà hoặc giả gặp Như Lai hay đệ tử của Như Lai, thông minh trí tuệ nói năng khéo léo, thành tựu trí tuệ. Và bấy giờ Như Lai, hoặc đệ tử của Như Lai vì diệt trừ hết tất cả tự thân, cho nên nói pháp; vì xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã; diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp. Người ấy được nghe Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai vì diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp, vì xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp; nó bèn ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc, đấm ngực, phát si cuồng nói như vầy, ‘Ta sẽ đoạn hoại, không còn tái sanh nữa.’ Vì sao vậy? Này Tỳ-kheo, vì người ấy trong một thời gian dài, hằng sống với những điều không khả ái, không khả lạc, không xứng ý niệm ấy, cho nên nó ưu sầu, phiền muộn, khóc lóc, đấm ngực, phát si cuồng. Này Tỳ-kheo, như vậy là nhân bên ngoài mà có sợ hãi.”

Tỳ-kheo tán thán Thế Tôn, rồi lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào nhân bên ngoài mà không có sợ hãi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Có.”

Tỳ-kheo lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là do bên ngoài mà không có sợ hãi?”

Thế Tôn đáp:

“Tỳ-kheo, không thấy như vầy, không nói như vầy, ‘Đây là thần ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau.’ Và do không thấy như vậy, không nói như vậy, mà hoặc giả gặp Như Lai, hoặc đệ tử của Như Lai, thông minh trí tuệ, nói năng khéo léo, thành tựu trí tuệ; và bấy giờ Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai, vì diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp; vì xả ly tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp. Người ấy được nghe Như Lai hoặc đệ tử của Như Lai, vì diệt tất cả tự thân cho nên nói pháp; vì xả ly tất cả lậu, tất cả ngã và sở tác của ngã, diệt kiết sử kiêu mạn, cho nên nói pháp. Người ấy không ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si mà nói như vầy, ‘Ta sẽ bị đoạn diệt, không còn tái sanh nữa.’ Vì sao vậy? Này Tỳ-kheo, vì người ấy trong một thời gian dài hằng sống với những điều khả ái, khả lạc, xứng ý niệm ấy, cho nên không ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Này Tỳ-kheo, như vậy là do bên ngoài mà không có sự sợ hãi.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo tán thán Đức Thế Tôn:

“Lành thay! Lành thay!”

Tán thán rồi, khéo léo ghi nhận và trì tụng, rồi im lặng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, ngươi chấp thủ những điều có thể được chấp thủ như vậy [17], mà sau khi chấp thủ lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si. Các ngươi thấy có cái có thể chấp thủ nào mà khi được chấp thủ ấy lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát si cuồng chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi y cứ vào cái sở y của kiến như vậy [18], mà kiến được y cứ ấy lại không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực. Các ngươi có thể y cứ vào tri kiến như vậy, mà tri kiến được y cứ ấy không sanh ưu sầu, không phiền muộn, không khóc lóc, không đấm ngực, không phát cuồng si chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi chấp thủ thân như vậy, mà có thân nào là thường trụ không biến dịch, là pháp không hoại diệt chăng? Các ngươi có thấy sự chấp thủ nào về thân được chấp thủ như vậy mà là thường trụ, không biến dịch, là pháp không hoại diệt chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nói là do thần ngã mà có ta [19], không có thần ngã thì không có ta. Đó là thần ngã và sở hữu của thần ngã, đều không thể bắt được, không thể khái niệm được, và kiến xứ ràng buộc với kiết sử tùy miên ở trong tâm [20], cũng không thể bắt được, cũng không thể khái niệm được. Này Tỳ-kheo, như vậy há không phải là đầy đủ để nói về kiến và tương tục bởi kiến, như là Tỳ-kheo A-lê-tra, vốn là một người Già-đà-bà-lê chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Thật sự như vậy, bạch Thế Tôn. Như vậy là đầy đủ để nói về kiến và tương tục bởi kiến, như Tỳ-kheo A-lê-tra, vốn là một người già-đà-bà-lê.”

“Lại nữa, có sáu kiến xứ. Những gì là sáu? Tỳ-kheo, đối với những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội, hoặc ngoại, hoặc tinh, hoặc thô, hoặc diệu, hoặc bất diệu, hoặc gần hoặc xa; tất cả sắc ấy đều không phải sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của sắc ấy, cũng không phải là thần ngã. Như vậy do tuệ mà quán sát biết như thật về sắc. Những gì thuộc về thọ, tưởng, thuộc về kiến này đều thấy chúng không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, ta sẽ không có, ta sẽ không hiện hữu, tất cả chúng đều không là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là tự ngã. Như vậy, do tuệ mà quán sát biết như thật về chúng. Những gì thuộc về kiến này, thấy, nghe, nhận thức, biết, được thủ đắc, được quán sát, được tư niệm bởi ý, từ đời này đến đời kia, từ đời kia đến đời này; tất cả chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã. Như vậy do tuệ mà quán sát biết như thật về chúng. Những gì thuộc kiến này, ‘đây là tự ngã, đây là thế gian, đây là ta, ta sẽ hiện hữu ở đời sau, là pháp thường trụ, không biến dịch, là pháp hằng hữu, không hủy hoại’; tất cả chúng đều không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã. Như vậy, do tuệ quán sát mà biết như thật về chúng.

“Này Tỳ-kheo, những gì thuộc về sáu kiến xứ ấy mà thấy không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của chúng, cũng không phải là thần ngã, và do không kiến chấp như vậy, nên không chấp thủ thế gian này. Do không chấp thủ thế gian này nên không có sợ hãi. Do không sợ hãi mà chứng đắc Niết-bàn, biết như thật rằng, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Đó gọi là Tỳ-kheo băng hào, vượt hào, phá đổ thành quách, không cửa, được gương Thánh trí tuệ.

“Thế nào là Tỳ-kheo băng hào [21]? Hào vô minh đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được bằng hào.

“Thế nào là Tỳ-kheo vượt hào [22]? Hào hữu ái đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa, như vậy là Tỳ-kheo đã vượt hào.

“Thế nào là Tỳ-kheo phá đổ thành quách [23] Sanh tử vô cùng đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo phá đổ thành quách.

“Thế nào là Tỳ-kheo không cửa [24]? Năm hạ phần kiết đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được không cửa.

“Thế nào là Tỳ-kheo được gương Thánh trí tuệ [25]? Ngã mạn đã diệt tận, đã biến tri, nhổ tuyệt gốc rễ, dẹp tan không còn sanh trở lại nữa. Như vậy là Tỳ-kheo đã được gương Thánh trí tuệ.

“Đó gọi là Tỳ-kheo băng hào, vượt hào, phá đổ thành quách, không cửa, được gương Thánh trí tuệ.

“Như Lai chánh giải thoát như vậy, dù Nhân-đà-la [26], dù Thiên Y-sa-na [27], dù Phạm thiên và quyến thuộc, không ai có thể tìm thấy thức sở y của Như Lai. Như Lai là Phạm, Như Lai là Mát lạnh, Như Lai là Không phiền nhiệt, Như Lai là Bất dị [28] Ta nói như vầy, Các Sa-môn Phạm chí xuyên tạc Ta bằng những lời hư vọng không chân thật rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm chủ trương hư vô [29] Quả thật có chúng sanh, nhưng lại chủ trương là đoạn, diệt, hoại [30]. Nhưng nếu trong đó không có, thì Ta đã không nói rằng, ‘Như Lai ấy trong đời hiện tại, được nói là không ưu phiền, nếu có ai mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng Như Lai; trong trường hợp đó Như Lai không sân hận, không thù hận, trọn không có hại tâm.’ Nếu có ai đánh đập, mạ lỵ, sân hận, trách mắng Như Lai, ý Như Lai thế nào? Như Lai tự nghĩ như vầy, ‘Có hành vi tạo tác nào của Ta trong quá khứ để đưa đến sự kiện này.’ Đối với sự mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng Như Lai, Như Lai nghĩ như vầy, ‘Nếu có ai cung kính cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự Như Lai; Như Lai không do đó mà vui thích, không do đó mà hoan hỷ, tâm không do đó mà hoan lạc.’ Nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng thừa sự Như Lai, thì ý Như Lai thế nào? Như Lai tự nghĩ, ‘Ta nay do những gì được biết, do những gì được đoạn trừ mà đưa đến sự kiện này?’ Nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự Như Lai, Như Lai nghĩ như vậy.”

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có ai mạ lỵ đánh đập, trách mắng các ngươi; hay nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự các ngươi; các ngươi nhân đó cũng chớ nên sân hận, thù hằn, chớ có tâm hại, cũng chớ vui thích, hoan hỷ, cũng đừng có tâm hoan lạc. Vì sao? Hãy nghĩ rằng, ”Chúng ta không có thần ngã, không có sở hữu của thần ngã. Ví như nay đây, ngoài cửa Thắng lâm này có cỏ khô, cây khô, có một người mang đi đốt, tùy ý mà dùng. Ý các ngươi nghĩ sao? Cây cỏ khô kia có nghĩ rằng, ‘Người ấy mang ta đi đốt, tùy ý mà dùng không’?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Cũng vậy, nếu có ai mạ lỵ, đánh đập, sân hận, trách mắng các ngươi hay nếu có ai cung kính, cúng dường, lễ bái, tôn trọng, thừa sự các ngươi; các ngươi nhân đó cũng chớ nên sân hận, thù hằn, chớ có hại tâm cũng chớ có vui thích, hoan hỷ, cũng đừng có tâm hoan lạc. Vì sao? Hãy nghĩ rằng, ‘Ta không có thần ngã, không có sở hữu của thần ngã.’

“Pháp của Ta giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền, cho trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền, cho đến trời người như vậy, nếu có ai với chánh trí giải thoát mà mạng chung, với người ấy không giả thuyết có luân chuyển vô cùng.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố, tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với năm hạ phần kiết tận diệt mà mạng chung sẽ sanh ở chỗ kia mà vào Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại thế gian này.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với ba kiết sử đã tận diệt, dâm nộ si đã mỏng, chứng đắc Nhất vãng lai, sau khi qua lại nhân gian thượng một lần nữa, sẽ chứng đắc khổ biên.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được quảng bá, không có trống khuyết, được lau bố, tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với ba kiết sử đã tận diệt, đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào pháp ác, quyết định sẽ đến chánh giác, chỉ cần bảy lần qua lại cõi trời cõi người, sau bảy lần qua lại sẽ chứng đắc khổ biên.

“Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày, được quảng bá, không có trống khuyết, được lưu bố tuyên truyền cho đến trời người. Pháp của Ta được giảng thuyết toàn thiện, được phơi bày được quảng bá, không có trống khuyết, được lan bố, tuyên truyền cho đến trời người như vậy, nếu có ai với tâm tín lạc nơi Ta mà mạng chung, chắc chắn sẽ mau vào thiện xứ [31]“

Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 54. Tương đương Pāli, M. 22. Alagadupama-suttaṃ.[02] A-lê-tra 阿 梨 吒. Pāli: Ariṭṭha.[03] Bổn già-đà-bà-lê 本 伽 陀 婆 利. Pāli: Gadhabādhi-pubba. Trước kia là người huấn luyện chim ưng.[04] Chướng ngại 障 礙, hoặc nói chướng đạo pháp 障 道 法. Pāli: anatāriyakā dhammā. Trường hợp này được ghi trong Luật tạng. Xem Tứ Phần Luật 17 (Đơn đề 68 và 69. No.1428, Đại 22, tr.682 và tt).[05] Xem thí dụ Kinh 203 sau.[06] Ở đây được gọi là Tăng-già-bà-thi-sa, vì không chịu nghe Tăng can gián. Xem Tứ Phần Luật (sđd., nt).[07] Xem Kinh 1 trên.[08] Để bản, bệ phiệt 椑 筏, bè cỏ (?); Tống-Nguyên-Minh: bạc phiệt 簿 筏, bè liếp. Pāli: kulla, chiếc bè.[09] Kiến xứ 見 處. Pāli: diṭṭhiṭṭhāna, cơ sở của kiến chấp.[10] Hán: diệc phi thị thần 亦 非 是 神. Pāli: na m’eso attā, cái đó không phải là tự ngã của tôi.[11] Bản Hán không kể hành.[12] Hán: kiến văn thức tri 見 聞 識 知. Pāli: diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññātaṃ, cái được thấy, được nghe, được cảm giác, được nhận thức.[13] Hán: thử thị thần 此 是 神. Pāli: so attā, đây là tự ngã. Xem cht.10 trên.[14] Pāli: siyā nu kho bhante asati bahiddhā asati paritassanā ti, có thể có cái gì không thật hữu ở bên ngoài mà khiến cho có sợ hãi?[15] Văn Hán đoạn này hơi tối nghĩa. Tham khảo Pāi: ahu vata me, taṃ vata me natthi, chao ôi, nó (trước kia) đã là của tôi, (nay) thực sự không là của tôi.[16] Pāli:...ajjha ṃ asati..., không có thật ở bên trong. Xem cht.14 trên.[17] Thọ như thị sở khả thọ 受 如 是 所 可 受. Pāli: taṃ attavādupādānāṃ upādiyetha yaṃsa..., các ngươi có thể chấp thủ Ngã luận thủ nào (cố chấp quan điển hữu ngã) mà...[18] Y như thị khiến sở khả 依 如 是 見 所 可 依. Pāli: taṃ bhikkhave diṭṭhinissayaṃ nissayetha yaṃsa..., các ngươi có thể y chỉ sở y của kiến...[19] Nhân thần cố hữu ngã 因 神 敨 有 我. Bản Pāli không thấy đề cập.[20] Tâm trung sở hữu kiến xứ kết trước chư sử diệc bất khả đắc 心 中 所 有 見 處 結 著 諸 使 亦 不 可 得.[21] Độ tiệm 度 塹. Pāli: ukkhittapaligho, người đã dẹp các chướng ngại.[22] Quá tiệm 過 塹. Pāli: abbūhesiko, người đã nhổ lên cột trụ.[23] Phá quách 破 墎.Pāli: saṃkiṇṇaparikkho, người đã lấp hào.[24] Vô môn 無 門. Pāli: niraggaḷo, người đã tháo chốt cửa.[25] Thánh trí tuệ kính 聖 智 慧 鏡. Pāli: ariyo oannaddhajo pannabhāro visaṃyutto, vị Thánh đã hạ cờ, đã đặt gánh nặng xuống, đã thoát ly.[26] Nhân-đà-la 因 陀 羅. Pāli: Inda, tức Thiên Đế Thích.[27] Y-sa-na 伊 舍 那. Pāli: Īsānā.[28] Như Lai thị Phạm, Như Lai thị lãnh, Như Lai bất phiền nhiệt, Như Lai bất dị 如 來 是 梵, 如 來 是 冷, 如 來 不 煩 熱, 如 來 不 異.[29] Ngự vô sở thi thiết 御 無 所 施 切. Pāli: venayiko Samano Gotamo, Sa-môn Cù-đàm, người dẫn đến chỗ hư vô.[30] Thi thiết đoạn diệt hoại. Pāli: ucchedaṃ vināsaṃ vibhavaṃ paññāpeti, chủ trương đoạn diệt, hoại diệt, phi hữu.[31] Còn một câu chót trong bản Hán: như thượng hữu dư 如 上 有 餘. Không rõ ý.

-ooOoo-

201. KINH TRÀ-ĐẾ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử [02] sanh ác kiến như vầy: “Tôi hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh, nhưng không đổi khác’.”

Các Tỳ-kheo nghe như vậy, liền đi đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế hỏi:

“Này Trà-đế, thầy thật có nói như vầy: Tôi biết Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác’ chăng?”

Tỳ-kheo Trà-đế đáp:

“Này chư Hiền, tôi thực sự hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây, thức này luân chuyển, và tái sanh nhưng không đổi khác’.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo khiển trách:

“Thầy chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn, xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này Trà-đế, thức này do duyên mà khởi, Đức Thế Tôn dùng vô lượng phương tiện nói thức này do duyên mà khởi, có duyên thì sanh, không duyên thì diệt. Này Trà-đế thầy nên xả bỏ ác kiến này đi.”

Tỳ-kheo Trà-đế bị các Tỳ-kheo khiển trách nhưng vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói: ”Đây là điều chân thật, ngoài ra đều hư vọng” và lặp lại ba lần như vậy.

Các Tỳ-kheo không thể khuyên Trà-đế xả bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về, và đến chỗ Phật. Đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trà-đế sanh ác kiến như vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Ở đây thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác.’ Bạch Thế Tôn, chúng con nghe vậy liền đến chỗ Tỳ-kheo ấy và hỏi: Này Trà-đế, thật thầy có nói như vầy, ‘Tôi hiểu Thế Tôn nói như vầy, ‘Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác’ chăng?’ Trà-đế đáp chúng con rằng: Này chư Hiền, tôi thật sự hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây, thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác’. Chúng con khiển trách: ‘Thầy chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn, xuyên tạc Đức Thế Tôn là không tốt, Đức Thế Tôn cũng không nói như vậy. Này Trà-đế, thức này do duyên mà khởi, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói thức này do duyên mà khởi, có duyên thì sanh, không duyên thì diệt. Này Trà-đế, thầy nên xả bỏ ác kiến ấy đi.’ Chúng con khiển trách như vậy, nhưng Tỳ-kheo ấy vẫn cố chấp ác kiến của mình và nhất quyết nói: ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng’, và lặp lại ba lần như vậy. Bạch Thế Tôn, chúng con không thể khuyên Tỳ-kheo Trà-đế bỏ ác kiến ấy, liền đứng dậy ra về.”

Đức Thế Tôn nghe xong, bảo một Tỳ-kheo:

“Hãy đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế nói như vầy: ‘Đức Thế Tôn gọi thầy’.”

Lúc bấy giờ Tỳ-kheo ấy vâng lời Đức Thế Tôn, từ chỗ ngối đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi. Đến chỗ Tỳ-kheo Trà-đế, nói lại lời Phật dạy: “Đức Thế Tôn gọi thầy.”

Tỳ-kheo Trà-đế liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Ngươi có thật nói như vầy: Tôi hiểu Đức Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Ở đây, thức luân chuyển, và tái sanh nhưng không đổi khác’ chăng?”

Tỳ-kheo Trà-đế đáp:

“Bạch Thế Tôn, con thật sự hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Thức này luân chuyển và tái sanh không đổi khác’.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Thế nào là thức?”

Tỳ-kheo Trà-đế đáp:

“Thức này nói năng, cảm thọ, hành động, và sai bảo hành động. Đứng dậy và sai bảo đứng dậy, nó tạo tác các nghiệp thiện ác chỗ này chỗ kia để rồi thọ báo.”

Đức Thế Tôn quở:

“Này Trà-đế, do đâu mà ngươi hiểu Ta thuyết pháp như vầy? Người nghe từ miệng người nào mà nói Ta thuyết pháp như vậy? Ngươi là kẻ ngu si. Ta không nói một chiều, ngươi lại nói một chiều chăng? Khi nghe các Tỳ-kheo khiển trách, ngươi bấy giờ phải đúng như pháp mà trả lời. Để Ta hỏi lại các Tỳ-kheo đã.”

Bấy giờ Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Các thầy cũng hiểu Ta nói pháp như vậy, ‘Thức này luân chuyển và tái sanh nhưng không đổi khác chăng?’.”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Các ngươi hiểu Ta nói pháp như thế nào?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy: ‘Thức do duyên mà khởi, Thế Tôn nói thức do duyên mà khởi. Thức có duyên thì sanh, không duyên thì diệt’. Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Vì sao? Ta cũng nói pháp như vậy: ‘Thức do duyên mà sanh. Ta nói thức do duyên là khởi. Thức có duyên thì sanh, không duyên thì diệt’. Thức tùy theo những gì nó duyên vào để sanh khởi mà gọi tên theo duyên ấy. Mắt duyên sắc sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là nhãn thức. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Pháp duyên ý sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là ý thức. Ví như lửa tùy theo những gì nó duyên vào để sanh khởi mà gọi theo duyên đó. Lửa duyên cây mà khởi được gọi là lửa cây. Lửa duyên cỏ rác mà sanh được gọi là lửa cỏ, lửa rác. Cũng vậy, thức tùy theo những gì nó duyên vào đó để sanh thì gọi tên theo duyên đó. Mắt duyên sắc sanh thức, thức sanh khởi ấy được gọi là nhãn thức. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Pháp duyên ý sanh thức, thức sanh khởi ấy gọi là ý thức.”

Đức Thế Tôn lại khen:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi hiểu Ta nói pháp như vậy. Nhưng Tỳ-kheo Trà-đế này là người ngu si, ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa. Rồi do ghi nhớ và hiểu biết điên đảo văn và nghĩa, cho nên xuyên tạc Ta, để tự làm tổn thương. Có phạm có tội là điều mà các vị Phạm hạnh có trí không hoan hỷ, và cũng là một đại tội.

“Này người ngu si, ngươi có biết chỗ ác bất thiện này chăng?”

Bấy giờ Tỳ-kheo Trà-đế bị Thế Tôn trách mắng ngay mặt, trong lòng buồn rầu, cúi đầu im lặng, không có lời để biện bạch, suy nghĩ mông lung.

Đức Thế Tôn sau khi quở trách ngay mặt Tỳ-kheo Trà-đế, nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói pháp rốt ráo không phiền, không nhiệt, hằng hữu, bất biến cho các ngươi nghe. Những người có trí phải quán như vậy. Hãy lắng nghe. Hãy lắng nghe. Hãy khéo suy niệm.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Đây là một chân thể [03] các ngươi có thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, các ngươi có thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Đây là một chân thể, các ngươi đã thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, các ngươi đã thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi đã thấy chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Đây là một chân thể các ngươi có nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, các ngươi có nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi có nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Đây là một chân thể, do tuệ mà thấy chân thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, do tuệ mà thấy chân thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy, cũng là pháp hủy diệt, do tuệ mà thấy chân thật như vậy, thì những gì nghi hoặc kia bị tiêu diệt chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, bị tiêu diệt.”

Đức Thế Tôn nói:

“Đây là một chân thể, các ngươi đã không còn nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Như Lai là một chân thể, các ngươi đã không còn nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Khi Như Lai diệt rồi, cái được gọi là chân thể ấy cũng là pháp hủy diệt, các ngươi đã không còn nghi hoặc chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi thấy như vậy, biết như vậy, tức là nói: ‘Tri kiến này của tôi, nó thanh tịnh như vậy, nên chấp trước nó, tiếc nuối nó, thủ trì nó, không muốn xả bỏ’ và các ngươi biết Ta thường nói thí dụ chiếc bè, khi qua rồi, những gì bị bít kín, có thể được mở cho chảy xuôi chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, tức là nói: ‘Tri kiến này của tôi, nó thanh tịnh như vậy, nhưng không chấp trước nó, không tiếc nuối nó, không chủ trì nó, muốn xả bỏ nó’ và các ngươi biết Ta thường nói thí dụ chiếc bè, khi biết rồi những gì bị bít kín, có thể được mở chảy xuôi chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu có kẻ dị học đến hỏi các ngươi: ‘Này Hiền giả, các ngài có tri kiến thanh tịnh như vậy, nhưng nó có nghĩa lợi gì, có công đức gì?’ Các ngươi trả lời thế nào?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, nếu có kẻ dị học đến hỏi chúng con: ‘Này Hiền giả, các ngài tri kiến thanh tịnh, như vậy, nhưng nó có nghĩa lợi gì? Có công đức gì?’ Chúng con sẽ đáp như sau: ‘Này chư Hiền, nghĩa lợi đó là yểm ly, nghĩa lợi đó là vô dục, nghĩa lợi đó là thấy biết như thật.’ Bạch Thế Tôn, nếu có kẻ dị học đến hỏi, chúng con sẽ đáp như vậy.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu có kẻ dị học đến hỏi các ngươi, các ngươi nên đáp như vậy. Vì sao? Đây được nói là sự quán sát: một là thực phẩm phần đoạn, thô hoặc tế, nghi hoặc xúc; ba là ý niệm, bốn là thức. Bốn loại thực phẩm này lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, do đâu mà có? Bốn loại thực phẩm ấy, lấy ái làm nhân, do ái mà tập khởi, từ ái mà sanh, duyên ái mà có. Ái lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên gì mà có? Ái lấy thọ làm nhân, do thọ tập khởi, từ thọ mà sanh, duyên thọ mà có. Thọ lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Thọ lấy xúc làm nhân, do xúc mà tập khởi, từ xúc mà sanh, duyên xúc mà có. Xúc lấy gì làm nhân, do gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Xúc lấy sáu xứ làm nhân, do sáu xứ mà tập khởi, từ sáu xứ mà sanh, duyên sáu xứ mà có. Sáu xứ lấy gì làm nhân, do gì tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Sáu xứ lấy danh sắc làm nhân, do danh sắc mà tập khởi, từ danh sắc mà sanh, duyên danh sắc mà có. Danh sắc lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Danh sắc lấy thức làm nhân, do thức mà tập khởi, từ thức mà sanh, duyên thức mà có. Thức lấy gì làm nhân, do cái gì tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Thức lấy hành làm nhân, do hành mà tập khởi, từ hành mà sanh, duyên hành mà có. Hành lấy gì làm nhân, do cái gì mà tập khởi, từ đâu mà sanh, duyên đâu mà có? Hành lấy vô minh làm nhân, do vô minh mà tập khởi, từ vô minh mà sanh, duyên vô minh mà có. Đó là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi khóc lóc, ưu khổ, ác não. Như vậy, toàn vẹn khối lớn, khổ đau này phát sanh.

“Duyên sanh có già, chết. Ở đây nói là duyên sanh có già, chết, ý các ngươi nghĩ sao?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, duyên sanh có già, chết, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên sanh, có già, chết.”

“Duyên hữu có sanh, ở đây nói là duyên hữu có sanh, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên hữu có sanh, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên hữu có sanh.”

“Duyên thủ có hữu, ở đây nói là duyên thủ có hữu, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên thủ có hữu, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên thủ có hữu.”

“Duyên ái có thủ, ở đây nói là duyên ái có thủ, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên ái có thủ, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên ái có thủ.”

“Duyên thọ có ái, ở đây nói là duyên thọ có ái, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên thọ có ái, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên thọ có ái.”

“Duyên xúc có thọ, ở đây nói duyên xúc có thọ, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên xúc có thọ, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên xúc có thọ.”

“Duyên sáu xứ có xúc, ở đây nói là duyên sáu xứ có xúc, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên sáu xứ có xúc, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên sáu xứ có xúc.”

“Duyên danh sắc có sáu xứ, ở đây nói là duyên danh sắc có sáu xứ, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên danh sắc có sáu xứ, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên danh sắc có sáu xứ.”

“Duyên thức có danh sắc, ở đây nói là duyên thức có danh sắc, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên thức có danh sắc, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên thức có danh sắc.”

“Duyên hành có thức, ở đây nói duyên hành có thức, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Duyên hành có thức, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên hành có thức.”

“Duyên vô minh có hành, ở đây nói duyên vô minh có hành, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, duyên vô minh có hành, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì duyên vô minh có hành.”

Đây là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, áo não. Như vậy, toàn bộ khối lớn khổ đau này phát sanh.

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, các ngươi nói như vậy. Vì sao? Ta cũng nói như vậy. Duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già, chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ão não. Như vậy, toàn vẹn khối lớn đau khổ này phát sanh.

“Sanh diệt thì già chết diệt, ở đây nói là sanh diệt thì già, chết diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, sanh diệt thì già, chết diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì sanh diệt thì già, chết diệt.”

“Hữu diệt thì sanh diệt, ở đây nói hữu diệt thì sanh diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, hữu diệt thì sanh diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì hữu diệt thì sanh diệt.”

“Thủ diệt thì hữu diệt, ở đây nói là thủ diệt thì hữu diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, thủ diệt thì hữu diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì thủ diệt thì hữu diệt.”

“Ái diệt thì thủ diệt, ở đây nói ái diệt thì thủ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, ái diệt thì thủ diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì ái diệt thì thủ diệt.”

“Thọ diệt thì ái diệt, ở đây nói thọ diệt thì ái diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, thọ diệt thì ái diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì thọ diệt thì ái diệt.”

“Xúc diệt thì thọ diệt, ở đây nói xúc diệt thì thọ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, xúc diệt thì thọ diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì xúc diệt thì thọ diệt.”

“Sáu xứ diệt thì xúc diệt, ở đây nói sáu xứ diệt thì xúc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, sáu xứ diệt thì xúc diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì sáu xứ diệt thì xúc diệt.”

“Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ở đây nói danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì danh sắc diệt thì sáu xứ diệt.”

“Thức diệt thì danh sắc diệt, ở đây nói thức diệt thì danh sắc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, thức diệt thì danh sắc diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì thức diệt thì danh sắc diệt.”

“Hành diệt thì thức diệt, ở đây nói hành diệt thì danh sắc diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, hành diệt thì thức diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì hành diệt thì thức diệt.”

“Vô minh diệt thì hành diệt, ở đây nói vô minh diệt thì hành diệt, ý các ngươi nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, vô minh diệt thì hành diệt, ý chúng con như vậy. Vì sao? Vì vô minh diệt thì hành diệt.”

Đây là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già, chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu não diệt. Như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ này bị diệt.

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Này Tỳ-kheo, các ngươi nói như vậy. Vì sao? Ta cũng nói như vậy. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não diệt. Như vậy toàn vẹn khối lớn đau khổ này cũng diệt.”

Đức Thế Tôn lại khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi đối với quá khứ có nghĩ: ”Ta có trong thời quá khứ, hay ta không có trong thời quá khứ? Ta có trong thời quá khứ như thế nào? Do gì mà có trong thời quá khứ chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi đối với vị lai có nghĩ rằng: Ta sẽ có trong đời vị lai hay sẽ không có trong đời vị lai? Có trong đời vị lai như thế nào? Do đâu mà có trong đời vị lai chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi đối với bên trong mà có nghi hoặc rằng: Đây là thế nào? Đây là cái gì? Chúng sanh này từ đâu đến? Sẽ đi về đâu? Do nhân gì mà đã có? Do nhân gì mà sẽ có chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có giết cha mẹ, hại đệ tử Phật, giết A-la-hán, phá hoại Thánh chúng, có ác ý với Phật, làm đổ máu Như Lai chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có phạm giới, xả giới, bỏ đạo chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi thấy như vậy, biết như vậy, các ngươi có bỏ nội đạo mà tìm đến ngoại đạo để tìm ruộng phước chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có đối với Sa-môn Phạm chí mà nói như vầy: ‘Chư Tôn, các ngài thấy điều đáng thấy, biết điều đáng biết’ chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có cho lễ cát tường [04] là thanh tịnh chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có thấy những kiến chấp liên hệ đến lễ cát tường của các Sa-môn Phạm chí xen lẫn khổ, xen lẫn độc hại, xen lẫn phiền nhiệt, xen lẫn ảo não, là chân thật chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi khi thân thể bệnh hoạn, rất là đau đớn, đến gần như tuyệt mạng bèn bỏ nội đạo tìm đến ngoại đạo, tìm đến những Sa-môn Phạm chí kia những người trì loại chú một câu, chú hai câu, ba câu, bốn câu, nhiều câu, trăm câu, nói rằng: ‘Xin trì chú này để tôi thoát khổ.’ Đó là tìm đến sự khổ, tập khởi sự khổ mà mang diệt tận khổ được chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có chấp thủ sự tái sanh không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Nếu các ngươi biết như vậy, thấy như vậy, các ngươi có nói như vầy: ‘Chúng ta cung kính Sa-môn, kính trọng Sa-môn, Sa-môn Cù-đàm là Bậc Tôn Sư của chúng ta chăng?’.”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Các ngươi bằng sự tự biết, tự thấy, tự giác đối với sự chứng đắc tôi chánh giác, các ngươi có tùy theo những điều được hỏi mà trả lời chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn khen:

“Lành thay! Lành thay! Ta chân chánh điều ngự các ngươi đối với pháp hoàn toàn rốt ráo, không phiền, không nhiệt, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được giác ngộ bởi chánh trí, vì lý do đó mà Ta đã nói rằng: Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp hoàn toàn rốt ráo, không phiền, không nhiệt, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được giác ngộ bởi chánh trí.

“Lại nữa, có ba sự kiện hội hợp để thác vào thai mẹ. Đó là cha mẹ tụ tập tại một chỗ, người mẹ trong thời kỳ có thể thọ thai, và hương ấm đã đến. Do ba sự kiện này hợp hội mà thác vào thai mẹ. Thai mẹ kéo dài chín tháng hay mười tháng rồi sanh. Sau rồi được nuôi dưỡng bằng máu. Máu đó ở trong Thánh pháp gọi là sữa mẹ. Rồi thì các căn lớn dần cho đến thành tựu, ăn cơm, ăn cháo, dầu tô thoa mình, rồi mắt nó thấy sắc, ưa thích sắc đẹp, ghét bỏ sắc xấu. Nó không lập niệm tại thân, với một tâm nhỏ mọn; nó không như thật biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát, những pháp ác bất thiện được sanh ra, không bị diệt tận vô dư, không bị hủy hoại, không dư tàn. Tai, mũi, lưỡi, thân ý cũng như vậy. Ý biết pháp, ưa thích cái đẹp, ghét bỏ cái xấu. Nó không lập niệm tại thân, với một tâm nhỏ mọn. Nó không biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Những pháp ác bất thiện được sanh ra, không bị diệt tận vô dư, không bị hủy hoại, không dư tàn. Nó tùy những gì ưa, ghét mà lãnh nạp cảm thọ, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không lạc, không khổ. Nó hoan lạc với cảm lạc ấy, tìm cầu, chấp trước, chấp thủ cảm thọ ấy. Nó sau khi hoan lạc với cảm thọ ấy, tìm cầu chấp trước, chấp thủ cảm thọ ấy rồi. Nếu nó là cảm thọ lạc, vì do chấp thủ và duyên thủ mà có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, ưu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não. Như vậy toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh.

“Này Tỳ-kheo, như vậy há không phải là đầy đủ để sự tương tục trói buộc bởi ái như Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, như vậy là đầy đủ để sự tương tục bị trói buộc bởi ái như Tỳ-kheo Trà-đế Kê-hòa-đa Tử.”

“Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu. Mắt vị ấy thấy sắc, nhưng đối với sắc đẹp không hoan lạc chấp trước, đối với sắc xấu không ghét bỏ. Vị ấy lập niệm tại thân với một tâm vô lượng, biết như thật là tâm giải thoát, tuệ giải thoát, các pháp ác bất thiện đã sanh bị tận diệt vô dư, bị hủy hoại không dư tàn. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng như vậy. Ý biết pháp đối với cái đẹp không hoan lạc, chấp trước, đối với cái xấu không ghét bỏ. Lập niệm tại thân với một tâm vô lượng. Biết như thật là tâm giải thoát, tuệ giải thoát, các pháp bất thiện đã sanh bị tận diệt vô dư, bị hủy hoại không dư tàn. Vị ấy như vậy, diệt những gì yêu ghét được lãnh nạp bởi thọ, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không lạc không khổ. Vị ấy không hoan lạc theo cảm thọ ấy, không tìm cầu, không chấp trước, không chấp thủ cảm thọ ấy. Do không hoan lạc theo cảm thọ ấy, không tìm cầu, không chấp trước, không chấp thủ theo cảm thọ ấy, nếu có cảm thọ lạc, nó liền diệt. Lạc diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già chết diệt, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não cũng diệt. Như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ đau này đều diệt.

“Này Tỳ-kheo, đây há không phải là đầy đủ về ái diệt, giải thoát chăng?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, như vậy là đầy đủ về ái diệt giải thoát.”

Khi nói pháp này, ba ngàn đại thiên thế giới ba lần chấn động, hết động lại động nữa, hết rung lại rung nữa, hết rền lại rền nữa. Cho nên kinh này gọi là: ”Ái tận giải thoát.”

Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.38. Mahā-Taṇhāsankhaya-sutta.[02] Trà-đế Kê-hòa-đa Tử 嗏 帝 雞 和 哆 子. Sāti Kevaṭṭa Putta, con người đánh cá.[03] Chân thuyết 真 說; Pāli: Phūta. Được hiểu là một thực thể, một sự hữu, một sinh vật. Trong văn mạch bản Hán, cần phải hiểu là ”Một sự vật đang hiện hữu”.[04] Cát tường 吉 祥; Pāli: mangala: có nghĩa “cát tường” mà cũng có nghĩa là ‘lê đàn’, ở đây nên hiểu theo nghĩa sau.

-ooOoo-

17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI

202. KINH TRÌ TRAI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trụ trong Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường  [02]

Bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư  [03] , vào lúc sáng sớm, tắm gội, mặc chiếc áo trắng tinh, dẫn các con dâu với đoàn tùy tùng vây quanh đi đến chỗ Phật. Cúi đầu làm lễ, rồi đứng sang một bên, Thế Tôn hỏi:

“Này Bà cư sĩ [04] , bà vừa tắm gội chăng?

Đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con trì trai. Bạch Thế Tôn, hôm nay con trì trai.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Bà cư sĩ, hôm nay bà trì loại trai nào? Vì trai có ba loại. Những gì là ba? Thứ nhất là loại trai của mục đồng; thứ hai là loại trai của Ni-kiền; thứ ba là Thánh trai tám chi.

“Này Bà cư sĩ, thế nào là loại trai của mục đồng [05] ? Mục đồng buổi sáng thả trâu trong đầm, buổi xế dẫn trâu về thôn. Khi về thôn, nó nghĩ rằng, ‘Ngày hôm nay ta thả trâu ở chỗ này; ngày mai ta sẽ thả trâu ở chỗ kia. Ngày hôm nay ta cho trâu uống ở chỗ này; ngày mai ta sẽ cho trâu uống nước tại chỗ kia. Này Bà cư sĩ, nếu người trì trai nghĩ rằng, ‘Ngày hôm nay ta ăn đồ ăn như vầy; ngày mai ta sẽ ăn đồ ăn như kia. Ngày hôm nay ta uống thức uống như vầy; ngày mai ta sẽ uống thức uống như kia. Ngày hôm nay ta nuốt thức ăn như vầy; ngày mai ta sẽ nuốt thức ăn như thế kia’. Người ấy ở đây trải qua ngày đêm hoan lạc, đắm trước trong dục vọng như vậy. Đó gọi là loại trai của mục đồng. Nếu trì loại trai mục đồng như vầy, không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả, không có đại công đức, không được phát triển.

“Này Bà cư sĩ, thế nào là loại trai của Ni-kiền  [06]? Nếu có người xuất gia học theo Ni-kiền, vị ấy khuyên người rằng, ‘Ngươi đối với chúng sanh ở ngoài một trăm do-diên về phía Đông, để ủng hộ chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao gậy. Cũng vậy, đối với phương Tây, phương Nam và phương Bắc, ngoài một trăm do-diên mà có chúng sanh nào, vì để ủng hộ chúng sanh ấy, hãy loại bỏ dao gậy’. Người ấy khuyến khích sách tấn người khác như vậy. Hoặc chúng sanh có tưởng được thủ hộ, hoặc chúng sanh không có tưởng không được ủng hộ, ngươi vào ngày mười lăm là ngày thuyết Tùng giải thoát, cởi bỏ y phục, để mình trần truồng, đứng ngay về phương Đông, nói như vầy, ‘Ta không có cha mẹ, không thuộc về cha mẹ. Ta không có vợ con, không thuộc về vợ con. Ta không có nô tỳ, không thuộc về nô tỳ’. Này Bà cư sĩ, người ấy khuyến khích sách tấn bằng lời nói chân thật, nhưng ngược lại sự khuyến khích sách tấn trở thành những lời nói hư dối. Người ấy ngày ngày gặp mặt cha mẹ mình và nghĩ rằng, ‘Đây là cha mẹ ta’. Cha mẹ người ấy ngày ngày cũng thấy con mình cũng nghĩ rằng, ‘Đây là con ta’. Người ấy gặp mặt vợ con và nghĩ rằng, ‘Đây là vợ con ta’. Vợ con cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng ‘Đây là tôn trưởng của ta’. Người ấy gặp mặt nô tỳ cũng nghĩ rằng, ‘Đây là nô tỳ của ta’. Nô tỳ cũng thấy người ấy và cũng nghĩ rằng, ‘Đây là chủ của ta’. Người ấy thọ dụng dục lạc này, không được cho mà thọ dụng, chứ không phải được cho mà thọ dụng [07] . Đó gọi là loại trai của Ni-kiền như vậy không thu hoạch được đại lợi, không được đại quả, không được phát triển.

“Này Bà cư sĩ, thế nào là Thánh trai tám chi [08] ? Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng, vị ấy đối với sự sát sanh tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng trọn đời xa lìa sát sanh [09] , đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến côn trùng. Đối với việc sát sanh nay tôi tịnh trừ tâm ấy.Tôi do chi này mà đồng đẳng không khác với A-la-hán’ [10] . Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời không lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì được cho rồi mới lấy, vui thích trong việc lấy của được cho, thường ưa bố thí, tâm vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không bỏn sẻn, không trông chờ báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp tâm mình, hay tự chế ngự. Vị ấy đối với việc không cho mà lấy, tâm đã tịnh trừ. Tôi cũng trọn đời xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, những gì được cho mới lấy, vui thích trong việc lấy của được cho, thường ưa bố thí, tâm vui thích sự phóng xả, hoan hỷ, không bỏn sẻn, thường không trông chờ sự báo đáp, không để sự trộm cắp che lấp tâm mình hay tự chế ngự. Đối với việc không cho mà lấy, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, tu hành phạm hạnh, chí thành tâm tịnh, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm, vị ấy đối với phi phạm hạnh, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh tu hành phạm hạnh, chí thành tịnh tâm, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm. Đối với phi phạm hạnh, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời không nói láo, đoạn trừ sự nói láo chỉ nói lời chắc thật, vui thích sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi người tin tưởng, không lừa gạt thế gian. Vị ấy đối với sự nói dối, tâm đã tịch trừ. Tôi nay trọn đời không nói dối, đoạn trừ sự nói dối, chỉ nói lời chắc thật, vui thích sự thật, an trụ nơi sự thật, được mọi người tin tưởng, không lừa gạt thế gian. Đối với sự nói dối, tôi nay tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa việc uống rượu buông lung, đoạn trừ sự uống rượu buông lung. Vị ấy đối với việc uống rượu buông lung, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay cũng trọn đời xa lìa sự uống rượu buông lung, đoạn trừ sự uống rượu buông lung. Đối với việc uống rượu buông lung, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn cao rộng, vui thích nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải cỏ. Vị ấy đối với giường lớn cao rộng, tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa giường lớn cao rộng, đoạn trừ giường lớn cao rộng, vui thích nằm ngồi chỗ thấp, hoặc giường hoặc trải cỏ. Đối với giường lớn cao rộng, tôi nay tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Vị ấy đối với tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm này xa lìa tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đoạn trừ tràng hoa anh lạc, hương bột phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Đối với tràng hoa anh lạc, hương bột, phấn sáp, ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe, nay tôi tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này đồng đẳng không khác với A-la-hán, cho nên nói là trai.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy, ‘A-la-hán chân nhân trọn đời xa lìa sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Vị ấy đối với sự ăn phi thời tâm đã tịnh trừ. Tôi nay trong một ngày một đêm xa lìa sự ăn phi thời, đoạn trừ sự ăn phi thời. Đối với sự ăn phi thời, tôi nay tịnh trừ tâm ấy’. Ta coi chi này như của A-la-hán, ngang nhau không khác, do đó gọi là trai.

“Người ấy sau khi đến với Thánh trai tám chi này rồi, để tiến lên, lại nên tu tập năm pháp.

“Những gì là năm? Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu[11] , Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự [12] , Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu[13] ’. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt. Cũng như một người trên đầu có cáu ghét, do cao, nước nóng, sức người tắm gội cho nên được sạch. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, ‘Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu’. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy ác lam tham nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng bị diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì trai giới Phạm thiên, cùng cộng hội với Phạm thiên, nhân Phạm thiên cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt.

Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Pháp rằng, ‘Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết toàn thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi, được biết bởi chánh trí, được thấy bởi chánh trí, được chứng giác bởi chánh trí  [14]’. Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp nên tâm tĩnh, được hỷ; ác tham lam nếu có liền diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị diệt. Cũng như một người trong mình có cấu ghét, nhờ bột tắm, nước nóng và sức người tắm gội kỹ cho nên được sạch sẽ. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Pháp rằng, ‘Pháp này do Thế Tôn giảng thuyết toàn thiện, cứu cánh, thường hằng, không biến đổi’. Người ấy sau khi niệm pháp như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi pháp cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì pháp trai, cùng cộng hội với pháp, nhân pháp cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Tăng rằng, ‘Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo thú hướng, chất trực, hành yếu, hành thú, trong Tăng chúng của Như Lai thật sự có A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm thú, A-na-hàm quả chứng, Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng, Tu-đà-hoàn thú, Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi, tám hạng Thánh sĩ. Đó là chúng tăng đệ tử của Thế Tôn, thành tựu giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi, xứng đáng thỉnh, xứng đáng cúng dường, xứng đáng phụng sự, xứng đáng kính trọng, là ruộng phước là ruộng phước tốt cho trời và người [15] ’. Người đó sau khi niệm tưởng như vậy rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Tăng nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như một người nơi áo có cấu ghét, bất tịnh, nhờ tro, bột kết, bột giặt, nước nóng, sức người giặt giũ, nên nó được sạch sẽ như vậy. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Tăng rằng, ‘Tăng là đệ tử Thế Tôn, khéo thú hướng, chất trực, hành yếu, hành thú, trong Tăng chúng của Như Lai thật sự có A-la-hán thú, A-la-hán quả chứng, A-na-hàm thú, A-na-hàm quả chứng. Tư-đà-hàm thú, Tư-đà-hàm quả chứng, Tu-đà-hoàn thú, Tu-đà-hoàn quả chứng. Đó là bốn đôi tám hạng Thánh sĩ, đó là Tăng chúng của Thế Tôn, thành tựu, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, xứng đáng mời gọi, xứng đáng thỉnh, xứng đáng cung kính, xứng đáng cúng dường, xứng đáng phụng sự, xứng đáng kính trọng, là ruộng phước tốt cho trời và người’. Người ấy niệm tưởng Tăng như vậy, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi tăng nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì tăng trai, cùng tăng cộng hội, nhân tăng mà tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy Giới mình đang thọ trì, không sứt, không thủng, không uế, không ô, rất rộng, rất lớn, không trông chờ báo đáp, được bậc trí khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng, khéo thọ, khéo trì. Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang thọ rồi, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Giới, nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như một tấm gương bụi nhơ, không sáng, nhờ đá, đá mài, ngọc oanh, và sức người lau chùi, mài dũa mà được trong sáng. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Giới mình đang thọ trì, không sứt, không thủng, không ô, không uế, rất rộng, rất lớn, không trông chờ báo đáp, được bậc trí khen ngợi, khéo trọn đủ, khéo thú hướng, khéo thọ, khéo trì. Người ấy sau khi niệm tưởng Giới mình đang thọ trì như vậy, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Giới nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Đó gọi là Đa văn Thánh đệ tử thọ trì giới trai. Cùng Giới cộng hội, nhân Giới, tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Lại nữa, này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng, ‘Thật sự có Tứ vương thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên. Hàng Thiên ấy, thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng thành tựu tuệ ấy’. Người ấy sau khi niệm tưởng như vậy rồi, và chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Này Bà cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử duyên nơi chư Thiên nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt. Cũng như vàng ròng thượng sắc, bị bụi đóng bất tịnh, nhờ lửa, bài, kiềm, chùy, đất đỏ, sức người lau chùi mài dũa mà được minh tịnh. Cũng vậy, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng chư Thiên rằng ‘Thật sự có Tứ vương thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi kia, tôi cũng có tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi kia, tôi cũng có tuệ ấy. Thật sự có Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa lạc thiên. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu tín, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy. Tôi cũng thành tựu tín ấy. Hàng Thiên ấy, nếu thành tựu giới, văn, thí, tuệ, mạng chung nơi này được sanh nơi ấy; tôi cũng thành tựu tuệ ấy’. Người ấy niệm tưởng như vậy, và chư Thiên có tín, giới, văn, thí, tuệ, ác tham lam nếu có liền được diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng được diệt.

“Này Bà cư sĩ, nếu hành trì Thánh trai tám chi này như vậy và ở đây với mười sáu đại quốc này, một là Ương-già, hai là Ma-kiệt-đà, ba là Ca-thi, bốn là Câu-tát-la, năm là Câu-lâu, sáu là Ban-xà-la, bảy là A-nhiếp-bối, tám là A-hòa-đàn-đề, chín là Chi-đề, mười là Bạt-kỳ, mười một là Bạt-ta, mười hai là Bạt-la, mười ba là Tô-ma, mười bốn là Tô-ma-tra, mười lăm là Dụ-ni, mười sáu là Kiếm-phu. Trong các nước này những sở hữu tiền tài, bảo vật, kim ngân, ma ni, chơn châu, lưu ly, tương-già [16], bích ngọc, san hô, lưu-thiệu  [17] , bệ-lưu[18] , bệ-lặc[19], mã não, đồi mồi, xích thạch, tuyền châu, và giả sử một người làm vua trong đó, sẽ được xử dụng tự tại, tùy ý. Nhưng người ấy so với người thọ trì Thánh trai tám chi hoàn toàn không bằng một phần mười sáu.

“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên’. Nếu nhân gian năm mươi năm, ở trên Tứ vương thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Năm trăm năm như vậy là tuổi thọ của Tứ vương thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi, thân hoại mạng chung sẽ sanh lên Tứ vương Thiên.

“Này Bà cư sĩ, do đó mà ta nói như vầy, ‘Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Nếu nhân gian sống một trăm tuổi, thì ở Tam thập tam thiên mới một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm và một nghìn năm như vậy là tuổi thọ của Tam thập tam thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này là thiện nam tử hay thiện nữ nhân, thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Tam thập tam thiên.

“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Ở nhân gian hai trăm năm thì Diệm-ma thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Hai nghìn năm như vậy là tuổi thọ của Diệm-ma thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên trên Diệm-ma thiên.

“Này Bà cư sĩ, ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú của chư Thiên’. Nhân gian bốn trăm năm thì Đâu-suất-đà thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy, ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Bốn ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Đâu-suất-đà thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Đâu-suất-đà thiên.

“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói như vầy, ‘Lạc thú nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Nhân gian sống tám trăm tuổi, thì Hóa lạc thiên mới là một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, tám ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Hóa lạc thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thọ trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Hóa lạc thiên.

“Này Bà cư sĩ, Ta nhân đó mà nói rằng, ‘Lạc thú của nhân vương không bằng lạc thú chư Thiên’. Nhân gian một ngàn sáu trăm năm, thì Tha hóa lạc thiên mới một ngày một đêm. Như vậy ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm, một vạn sáu ngàn năm như vậy là tuổi thọ của Tha hóa lạc thiên. Này Bà cư sĩ, tất có trường hợp này, là thiện nam tử hay thiện nữ nhân thì trì Thánh trai tám chi này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên Tha hóa lạc thiên.”

Lúc bấy giờ Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thánh trai tám chi thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, đại lợi, đại quả, có đại công đức, có đại quảng bố, con từ nay cho đến trọn đời xin thọ trì Thánh trai tám chi này, tùy theo năng lực mà bố thí tu phước.”

Rồi Lộc Tử Mẫu sau khi nghe những lời Phật dạy, khéo thọ trì, khéo tu tập, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui về.

Thế Tôn thuyết như vậy, Lộc Tử Mẫu Tì-xá-khư và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A.8.43. Visākhā-sutta. Biệt dịch No.87 Phật Thuyết Trai Kinh, Ngô, Chi Khiêm dịch; No.88 Ưu-ba-di Đọa-xá-ca Kinh, khuyết danh dịch; và 89 Phật Thuyết Bát Quan Trai Kinh, Lưu Tống, Trở Cừ Kinh Thanh dịch.[02] Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường 東 園 鹿 子 母 講 堂. Pāli: Pubbārāme Migāramātupāsāde.[03] Lộc tử mẫu Tì-xá-khư 鹿 子 母 毗 舍 佉. Pāli: Visākhā Migāramātā.[04] Nguyên Hán: Cư sĩ phụ 居 士 婦.[05] Phóng ngưu nhi trai 放 牛 兒 齋. Pāli: gopālakūposatha.[06] Ni-kiền trai 尼 犍 齋. Pāli: Nigaṇṭhūposatha.[07] Bỉ dụng thử dục bất dữ nhi dụng phi thị dữ dụng 彼 用 此 欲 不 與 而 用 非 是 與 用. Câu này không hiểu muốn nói gì. No.87, có đoạn có thể đối chiếu lại không có ý nghĩa quan hệ ngày hôm sau, vẫn gọi nhau (là cha mẹ, con cái...) như cũ.[08] Thánh bát chi trai 聖 八 支 齋. Pāli: atthaṅga samannāgato upasatho hay ariyūposatha.[09] Bản Hán có sự nhầm lẫn. Giới bát quan trai có thể tự phát nguyện trong một ngày một đêm No.87 và bản Pāli cũng nói chỉ phát nguyện trong một ngày một đêm. Pāli: yāvajīvaṃ arahanto pāṇātipātaṃ pahāya... ahaṃ pajja imañca rattiṃ imañca divasaṃ pāṇtipātaṃ pahāya..., A-la-hán trọn đời không sát sanh... tôi nay một ngày một đêm không sát sanh...[10] Câu chót này theo văn mạch bản Hán, phải hiểu lời kết của Phật. Nhưng theo bản Pāli nó nằm trong lời phát nguyện. Pāli: imināpaṅgena arahantaṃ anukaromi uposatho ca me upavuttho, “Tôi noi gương A-la-hán với chi này, tôi sẽ thọ trì trai giới”.[11] Hán: Minh Hành Thành Vi. Pāli: vijjācara-sampanno.[12] Đạo Pháp Ngự 道 法 御; bản Hán đọc Dhammasārathi (người đánh xe của Đạo pháp) và lược bỏ purisa (con người). Phật hiệu theo Pāli: Purisadammasārathi (vị đánh xe, hay hướng dẫn con người đã đươc huấn luyện): Điều ngự trượng phu.[13] Chúng Hựu 眾 祐, tức Thế Tôn. Pāli: Bhagavā.[14] Tư duy về Pháp bảo, đọc theo Pháp Uẩn (Đại 26, tr.462a) như vầy: “Phật Chánh pháp thiện thuyết hiện kiến, vô nhiệt, ứng thời, dẫn đạo, cận quán, trí giả nội chứng”.[15] Tư duy về Tăng bảo, theo Pháp Uẩn (sđd., nt.) như vầy: “Phật đệ tử, cụ túc diệu hành, chất trực hành, như lý hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, ở trong tăng này có Dự lưu hướng, Dự lưu quả, Nhất lai hướng, Nhất lai quả, Bất hoàn hướng, Bất hoàn quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả. Như vậy tổng có bốn song tám bối Bổ-đặc-già-la. Phật đệ tử chúng giới cụ túc, ứng thỉnh, ứng khuất, ứng cung kính, vô thượng phước điền, thế sở ứng cúng”.[16] Tương-già 儴 伽. Pāli: saṃkha, vỏ sò hay xa-cừ.[17] Lưu-thiệu 留 邵, không rõ ngọc gì.[18] Bệ-lưu 鞞 留, không rõ ngọc gì.[19] Bệ-lặc 鞞 勒, không rõ ngọc gì.

-ooOoo-

203. KINH BÔ-LỊ-ĐA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại Na-nan-đại, trong khu rừng xoài của Ba-hòa-lị. [02]

Bấy giờ Bô-lị-đa Cư sĩ mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù, mang guốc thế tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi, thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Phạm chí bèn nói rằng, ‘Chư Hiền nên biết, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’. Các Sa-môn, Phạm chí nói lại bằng những lời dịu dàng rằng, ‘Vâng, Cư sĩ Bô-lị-đa lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’.

Rồi Cư sĩ Bô-lị-đa trong khi du hành khắp nơi, thong dong tản bộ đến chỗ Đức Phật, chào hỏi xong, chống gậy đứng ngay trước Phật.

Thế Tôn hỏi:

“Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”

Cư sĩ Bô-lị-đa bạch rằng:

“Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự, mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ sao?”

Thế Tôn nói:

“Ngươi có hình tướng, biểu hiệu như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ngươi là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”

Thế Tôn lại ba lần nói rằng:

“Này Cư sĩ, có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì ngồi.”

Cư sĩ Bô-lị-đa cũng ba lần bạch Phật rằng:

“Này Cù-đàm, không thể như vậy! Không nên như vậy! Vì sao? Vì tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự mà Cù-đàm gọi tôi là Cư sĩ sao?”

Thế Tôn trả lời rằng:

“Ngươi có hình tướng, biểu hiện như Cư sĩ, cho nên Ta gọi ngươi là Cư sĩ. Có chỗ ngồi đó, muốn ngồi thì mời ngồi.”

Rồi Thế Tôn hỏi:

“Ngươi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như thế nào?”

Cư sĩ Bô-lị-đa đáp:

“Tất cả những tài vật trong nhà, tôi đều cho con cái hết rồi tôi sống vô vi, vô cầu, chỉ đi lấy thức ăn để duy trì mạng sống mà thôi. Tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự như vậy.”

Thế Tôn nói:

“Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật, sự đoạn tuyệt các tục sự không phải như vậy. Này Cư sĩ, trong Thánh pháp luật có Tám chi đoạn tuyệt tục sự.”

Lúc bấy giờ Cư sĩ Bô-lị-đa bèn bỏ gậy, xếp dù, cởi guốc tục, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật, thế nào là Tám chi đoạn tuyệt tục sự?”

Thế Tôn nói:

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát, y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho, y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm, y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ nói láo, y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước, y trên không nhuế hại mà đoạn trừ nhuế hại, y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch, y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai giết chóc phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta giết chóc, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai giết chóc như vậy, sẽ chịu quả báo này, trong đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên y trên lìa sát mà đoạn trừ sát chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa sát hại mà đoạn trừ sát hại. Như vậy là Đa văn Thánh đệ tử y trên lìa sát mà đoạn trừ sát.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai lấy của không cho tất phải chịu quả báo ác trong đời này và đời sau. Nếu ta lấy của không cho, ấy là gây hại mình và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai lấy của không cho phải chịu ác báo trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa lấy của không cho mà đoạn trừ sự lấy của không cho.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tà dâm tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tà dâm ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương thảy đều nghe đồn tiếng xấu của ta. khi thân hoại mạng chung phải đi đến ác thú, sanh trong địa ngục. Ai tà dâm tất phải chịu ác báo này trong đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử xa lìa tà dâm mà đoạn trừ tà dâm.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai nói láo tất phải chịu ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta nói láo ấy là tự hại mà cũng xuyên tạc phỉ báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai nói láo tất phải chịu ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta nên y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo chăng?’ Rồi vị ấy y cứ trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa nói láo mà đoạn trừ sự nói láo.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không tham trước mà đoạn trừ tham trước? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tham trước tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta tham trước ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai tham trước tất phải thọ ác báo này trong đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa tham trước mà đoạn trừ tham trước.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta hại nhuế ấy là tự hại, mà cũng là hủy báng xuyên tạc người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta, khi thân hoại mạng chung tất sẽ đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai hại nhuế tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau. Như vậy, nay ta có nên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế chăng?’ Rồi vị ấy y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y trên xa lìa hại nhuế mà đoạn trừ hại nhuế.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo đời này và đời sau. Nếu ta đố kỵ thù nghịch ấy là tự hại và cũng xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai đố kỵ thù nghịch tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy, nay ta có nên y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch chăng?’ Rồi vị ấy y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch. Như vậy, Đa văn Thánh đệ tử y cứ trên không đố kỵ thù nghịch mà đoạn trừ đố kỵ thù nghịch.

“Này Cư sĩ, thế nào là Đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn? Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Ai tăng thượng mạn tất thọ ác báo trong đời này và đời sau. Nếu ta có tăng thượng mạn ấy là tự hại mà cũng là xuyên tạc hủy báng người khác. Chư Thiên và các vị phạm hạnh có trí sẽ chê bai học giới của ta, các phương đều nghe đồn tiếng xấu của ta. Khi thân hoại mạng chung tất phải đi đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Ai có tăng thượng mạn tất phải thọ ác báo này đời này và đời sau như vậy. Nay ta có nên y cứ không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn chăng?’ Rồi vị ấy y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn. Như vậy Đa văn Thánh đệ tử y trên không tăng thượng mạn mà đoạn trừ tăng thượng mạn.

“Đó là Tám chi đoạn tuyệt tục sự trong Thánh pháp luật.”

Cư sĩ hỏi rằng:

“Này Cù-đàm, trong Thánh pháp luật chỉ như vậy là đoạn tuyệt tục sự hay còn những điều khác nữa?”

Thế Tôn nói:

“ Trong Thánh pháp luật không chỉ có chừng đó đoạn tuyệt tục sự, mà còn Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ.”

Bô-lị-đa Cư sĩ nghe xong, bèn cởi khăn trắng chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Này Cù-đàm, thế nào nói là trong Thánh pháp luật còn có Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Cư sĩ, cũng như một con chó đói, gầy ốm, mệt mỏi, đến bên chỗ mổ bò. Người đồ tể hay đệ tử của người đồ tể quăng cho con chó một khúc xương đã rút tỉa hết thịt. Con chó lượm được khúc xương rồi chạy đến chỗ này chỗ kia mà gặm, rách môi, mẻ răng, hoặc gây thương hại cuống họng, nhưng con chó không vì vậy mà đoạn trừ được đói. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bộ xương khô. Thế Tôn nói dục vọng như bộ xương khô, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy nguy hiểm, nên xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi sự vật dục của thế gian [03] đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy tu tập điều đó.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một miếng thịt rơi trên khoảng đất trống; hoặc quạ hoặc diều mang miếng thịt ấy đi. Rồi những quạ diều khác đuổi theo để tranh giành. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Nếu quạ diều ấy không chịu xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác vẫn đuổi theo để dành giựt chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu quạ diều ấy xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác có còn đuổi theo để dành giựt chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không vậy, Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như miếng thịt. Thế Tôn nói dục vọng như miếng thịt; hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy nên xa lìa đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy nên tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người tay cầm một bó đuốc đang cháy, ngược gió mà đi. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy không liệng bỏ tức khắc, nhất định có cháy tay và các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy liệng bỏ tức khắc, sẽ còn bị cháy tay hay các chi thể khác nữa chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không vậy Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bó đuốc đang cháy; Thế Tôn nói dục vọng như bó đuốc đang cháy, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi dục vọng thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa có một hầm lửa lớn, trong đó đầy những lửa nhưng không có khói, không có ngọn. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc chớ không muốn đau đớn, rất ghét sự đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người ấy lại nhảy vào hầm lửa này chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì người ấy thấy hầm lửa liền nghĩ rằng, ‘Nếu rơi xuống hầm lửa, nhất định chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết, nhất định chịu đựng đau đớn vô cùng’. Người ấy thấy hầm lửa bèn nghĩ đến việc xa lìa, ước mong xa lìa, xả ly.

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như hầm lửa. Thế Tôn nói dục vọng như hầm lửa, hoan lạc ít mà khổ não nhiều đầy những nguy hiểâm, hãy nên xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một con rắn độc to lớn, rất dữ, rất độc địa, màu đen dễ sợ. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc, chớ không muốn đau đớn, rất ghét đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao, người ấy há lại thò tay cho con rắn cắn, hay các chi thể khác và nói rằng, ‘Này, mổ đi! Này mổ đi!’ Như vậy chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ rằng, ‘Nếu ta thò tay và các chi thể khác cho con rắn nó mổ, nhất định phải chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết thì nhất định phải chịu đau đớn vô cùng’. Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ đến sự lánh xa, ước mong xả ly.

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như rắn độc. Thế Tôn nói dục vọng như con rắn độc, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi dục vọng thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người nằm mộng, thấy mình sung túc, năm thứ dục lạc thỏa thích. Nhưng khi tỉnh dậy, một thứ cũng không thấy. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như giấc mộng. Thế Tôn nói dục vọng như giấc mộng, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận, không dư tàn. Hãy nên tu tập sự kiện này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người vay mượn vật dụng hưởng lạc, hoặc cung điện, lầu các, hoặc vườn hào, ao tắm, hoặc voi ngựa, xe cộ, hoặc chen gẩm mùng mền, hoặc nhẫn, vòng, xuyến, hoặc hương, anh lạc, vòng cổ, hoặc tràng hoa vàng báu, hoặc danh y thượng phục, rồi nhiều người trông thấy bèn ca ngợi rằng, ‘Như vậy, tốt lành thay! Như vậy, sung sướng thay! Nếu có tài vật gì thì nên hưởng thụ thỏa thích cho đến cùng như vậy’. Nhưng chủ nhân có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn, bèn tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt, những người khác trông thấy, bèn nói với nhau rằng, ‘Nó là người vay mượn; thật sự là lừa gạt chớ không phải vay mượn. Vì sao? Vì chủ nhân của sở hữu có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn. Và rồi đã tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt’. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như vay mượn. Thế Tôn nói dục vọng như vay mượn hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một gốc cây ăn trái to lớn. Cây ấy thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Một người đi đến, đói, mệt mỏi, gầy ốm, muốn được ăn trái. Người ấy nghĩ rằng, ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Ta đang đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái. Nhưng dưới gốc không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về. Ta biết leo cây. Bây giờ ta có nên leo lên cây này chăng?’ Nghĩ xong, bèn leo lên. Lại cũng có một người khác, đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái, cầm một cái búa rất lớn, bèn nghĩ rằng: ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt nhưng dưới gốc cây không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về, ta không biết leo cây. Bây giờ ta có nên đốn ngã cây này chăng?’, bèn đốn ngã cây ấy. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người trên cây nếu không xuống nhanh khi cây ngã xuống đất, có bị gãy tay hoặc các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu người trên cây leo xuống nhanh, khi cây ngã xuống đất, há lại bị gãy tay hay các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Không vậy, Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như trái cây. Thế Tôn nói dục vọng như trái cây, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy lánh xa đi’. Nếu ai có sự xả ly dục ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập sự kiện này.

“Đó gọi là trong Thánh pháp luật còn có Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác, đạt đến chứng ngộ.

“Này Cư sĩ, rồi vị ấy có giác có quán, đã dứt, [04]nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng đắc đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy ly hỷ, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm chánh trí, thân thọ lạc, điều mà Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Rồi vị ấy lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng diệt, không lạc không khổ, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Rồi vị ấy với định tâm thanh tịnh như vậy, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, tu học và chứng ngộ lậu tận trí thông, biết như thật ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Biết như thật đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Khi nói pháp này Bô-lị-đa Cư sĩ viễn ly trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh. Lúc bấy giờ Bô-lị-đa Cư sĩ thấy pháp, đắc pháp, chứng giác bạch tịnh pháp, đoạn nghi độ hoặc, không còn tôn thờ ai, không còn do ai, không còn do dự, đã an trụ nơi quả chứng đối với pháp của Thế Tôn đã được vô sở úy, bèn cúi đầu đảnh lễ chân Phật bạch:

“Bạch Thế Tôn, con nay quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, từ hôm nay suốt trọn đời, tự quy y cho đến lúc mạng chung.

“Bạch Thế Tôn, con trước đây mặc chiếc áo trắng tinh, đầu quấn khăn trắng, chống gậy, cầm dù và mang guốc tục, đi từ vườn này sang vườn khác, từ quán nọ đến quán kia, từ rừng đến rừng, du hành khắp nơi thong dong tản bộ, nếu gặp các Sa-môn, Phạm chí, bèn nói như vầy, ‘Chư Hiền, tôi lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’. Các Sa-môn, Phạm chí ấy bèn những lời dịu dàng nói với con rằng, ‘Vâng, Cư sĩ Bô-lị-đa lánh tục, đoạn tục, xả các tục sự’.

“Bạch Thế Tôn, con lúc bấy giờ các vị ấy thật sự vô trí, lại đặt vào chỗ trí, thật sự vô trí mà thờ tự, thật sự vô trí mà cúng thực, thật sự vô trí mà phụng sự như người trí. Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay chúng Tỳ-kheo và đệ tử Thế Tôn, đây mới thật sự là có trí, xứng đáng đặt ở chỗ trí, thật sự có trí xứng đáng thờ tự, thật sự có trí xứng đáng cúng thực, thật sự có trí xứng đáng phụng sự người trí tuệ.

“Bạch Thế Tôn, con nay lại lần nữa tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung. Bạch Thế Tôn, con trước kia kính tín kính trọng các Sa-môn, Phạm chí ngoại đạo, kể từ hôm nay đoạn tuyệt. Bạch Thế Tôn, nay lần thứ ba con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay suốt đời tự quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy, Cư sĩ Bô-lị-đa và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.54. Potaliya-suttaṃ.[02] Ba-hòa-lị-nại viên 波 和 利 奈 園 (Pāli: Pāvārikambavana). Bản Pāli nói: tại thôn Āpaṇa, Anguttarāpa.[03] Thế gian ẩm thực 世 間 飲 食. Pāli: Lokāmisupādānā: Sự chấp thủ vật dục trần gian.[04] ”Có giác có quán” là Sơ thiền, ”giác quán đã dứt” là ở Nhị thiền. Ở đây không nói đến Sơ thiền. Pāli lược bỏ cả bốn thiền.

-ooOoo-

204. KINH LA-MA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong Đông viên, giảng đường Lộc tử mẫu.

Bấy giờ Thế Tôn vào lúc xế trưa, từ tĩnh tọa dậy, bước xuống giảng đường, nói với Tôn giả A-nan rằng:

“Bây giờ ta và ngươi đến sông A-di-la-bà-đề [02] để tắm.”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Xin vâng, bạch Thế Tôn.”

Rồi Tôn giả A-nan cầm then cửa tản bộ đi đến khắp các cốc, gặp Tỳ-kheo nào cũng nói rằng:

“Chư Hiền, hãy đi đến nhà Phạm chí La-ma.[03]“

Các Tỳ-kheo nghe nói, bèn cùng nhau đến nhà Phạm chí La-ma.

Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đi đến sông A-di-la-bà-đề, cởi y để trên bờ, rồi xuống nước tắm. Tắm xong, trở lên lau mình, mặc y. Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau Thế Tôn, cầm quạt quạt Phật. Rồi Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Đức Phật bạch rằng: [04]

“Bạch Thế Tôn, nhà của Phạm chí La-ma rất tốt, ngăn nắp, rất khả ái. Cúi mong Thế Tôn vì lòng từ bi mẫn đi đến nhà của Phạm chí La-ma.”

Thế Tôn im lặng nhận lời của Tôn giả A-nan. Rồi Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đi đến nhà Phạm chí La-ma. Bấy giờ tại nhà của Phạm chí La-ma một số đông Tỳ-kheo đã tụ tập ngồi lại để thuyết pháp. Đức Phật đứng ngoài cửa, đợi các Tỳ-kheo nói pháp xong. Khi số đông các Tỳ-kheo đã nói pháp xong, các ngài ngồi im lặng. Thế Tôn biết rồi bèn tằng hắng và gõ cửa.

Các Tỳ-kheo nghe, tức thì đi ra mở cửa. [05] Thế Tôn bước vào nhà Phạm chí La-ma, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo mà ngồi và hỏi:

“Các Tỳ-kheo vừa rồi nói những câu chuyện gì vậy? Vì công việc gì mà tụ tập ngồi ở đây?”

Lúc ấy các Tỳ-kheo đáp rằng:

“Bạch Thế Tôn, vừa rồi, chúng con thuyết pháp. Do pháp sự này mà tụ tập ngồi tại đây.”

Thế Tôn khen rằng:

“Lành thay! Lành thay, Tỳ-kheo khi tụ tập ngồi lại nên làm hai việc; một là thuyết pháp, hai là im lặng. Vì sao vậy? Ta sẽ giảng pháp cho các ngươi. Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy tư niệm kỹ.”

Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Chúng con kính vâng lời lắng nghe.”

Đức Phật nói:

“Có hai loại tìm cầu. Một là Thánh cầu   [06] và hai là phi Thánh cầu. Thế nào là phi Thánh cầu? Có một hạng người thật sự lệ thuộc bệnh tật nhưng lại tìm cầu tật bệnh; thật sự lệ thuộc sự chết nhưng lại tìm cầu sự chết, thật sự lệ thuộc vào ưu bi khổ não, lệ thuộc sự tạp uế, nhưng lại tìm cầu sự tạp uế.

“Thế nào là thật sự lệ thuộc vào bệnh tật  [07] nhưng lại tìm cầu sự bệnh tật? Thế nào là sự tật bệnh? Con cái, anh em, đó là bệnh pháp. Voi, ngựa, bò, dê, nô tỳ, tiền tài, trân bảo, lúa gạo, là sự bệnh pháp. Chúng sanh ở trong đó xúc chạm, đắm nhiễm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo mà thọ nhập, không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu.

“Thế nào là sự lệ thuộc sự già, [08] sự chết, sự sầu bi ưu não, sự tạp uế? Con cái, anh em đó là sự tạp uế. Voi, ngựa, bò, dê, nô tỳ, tiền tài, trân bảo, đó là sự tạp uế, sự tổn hại. Chúng sanh ở trong đó đắm nhiễm, xúc chạm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo mà thọ nhập, không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu. Người đó muốn tìm cầu cái không tật bệnh, an ổn, vô thượng, Niết-bàn, nhưng đạt được Niết-bàn an ổn vô thượng là trường hợp không thể có. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, nhưng đạt được Niết-bàn vô thượng an ổn là trường hợp không thể có. Đó gọi là phi Thánh cầu.

“Thế nào là Thánh cầu? Có một hạng người suy nghĩ như thế này, ‘Ta thật sự lệ thuộc tật bệnh, nhưng không bỏ tìm cầu sự tật bệnh. Ta thật sự lệ thuộc sự già, sự chết, sự sầu bi khổ não, sự tạp uế, nhưng không bỏ sự tìm cầu tạp uế. Vậy ta hãy tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn, Niết-bàn’. Người ấy bèn tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn và đạt được không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn là trường hợp có thể có. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, là trường hợp có thể có.

“Ta trước kia khi chưa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác cũng suy nghĩ như vầy, ‘Ta thực sự lệ thuộc tật bệnh, không bỏ tìm cầu sự tật bệnh. Ta thực sự lệ thuộc già, chết, sầu bi ưu não, tạp uế, nhưng không bỏ tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế. Vậy ta có nên tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn chăng?’

“Ta vào thời thiếu niên trong trắng, mái tóc xanh mướt, cho đến thời tráng niên năm hai mươi chín tuổi, bấy giờ sống cực kỳ hoan lạc, vui đùa, trang sức, du hành. Ta vào lúc ấy mặc dù cha mẹ khóc lóc, thân thuộc không ai vui, nhưng Ta cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để học đạo; thủ hộ thân mạng thanh tịnh, thủ hộ khẩu và ý mạng thanh tịnh. Ta đã thành tựu giới thân ấy rồi, lại muốn tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, cho nên lại tìm nơi A-la-la Già-la-ma, [09] hỏi rằng, ‘Thưa A-la-la, tôi muốn theo pháp của người để tu học phạm hạnh được chăng?’ A-la-la trả lời rằng, ‘Này Hiền giả, không có gì là không được. Hiền giả muốn hành thì hành’. Ta lại hỏi, ‘Người làm thế nào để tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này?’ A-la-la đáp, ‘Ta vượt qua tất cả thức xứ, đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Do đó, pháp của ta được tự tri, tự giác, tự tác chứng’. Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Không chỉ riêng A-la-la mới có niềm tin này. Ta cũng có niềm tin này. Không chỉ riêng A-la-la mới có tinh tấn này, Ta cũng có sự tinh tấn này. Không chỉ riêng A-la-la mới có tuệ này, Ta cũng có tuệ này’. A-la-la đối với pháp này đã tự tri, tự giác, tự tác chứng. Ta muốn chứng pháp này nên sống cô độc, viễn ly, tại một nơi trống vắng, yên tĩnh. Sau khi tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, không bao lâu Ta chứng pháp ấy. Sau khi chứng pháp ấy rồi, Ta lại tìm đến chỗ A-la-la Già-la-ma, hỏi rằng, ‘Thưa A-la-la, phải chăng pháp này được tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ?’ A-la-la trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, đó là pháp ta tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ’. A-la-la lại nói với Ta rằng, ‘Hiền giả, ấy là cũng như sự tác chứng của ta đối với pháp này, Hiền giả cũng vậy. Cũng như sự tác chứng của Hiền giả đối với pháp này, ta cũng vậy. Hiền giả, người hãy đến đây, cùng ta lãnh đạo đồ chúng này’. Đó là A-la-la đối xử với Ta với địa vị Tôn sư, coi Ta ngang hàng, tối thượng cung kính, tối thượng cúng dường, tối thượng hoan hỷ.

“Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Pháp này không đưa đến trí; pháp này không đưa đến giác, không đưa đến Niết-bàn. Vậy Ta hãy xả bỏ pháp này, để cầu thêm nữa, sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn’. Ta bèn bỏ pháp này đi tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn.

“Rồi Ta đi đến chỗ Uất-đà-la La-ma Tử, [10] hỏi rằng, ‘Thưa Uất-đà-la, tôi muốn ở trong pháp của người mà học hỏi, có thể được chăng?’ Uất-đà-la La-ma Tử trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, không có gì là không được. Người muốn học thì học’. Ta lại hỏi, ‘Thưa Uất-đà-la, cha ngài là La-ma,[11] người tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp gì?’ Uất-đà-la La-ma Tử đáp, ‘Hiền giả, ta vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ. Hiền giả, pháp mà cha ta La-ma tự tri, tự giác, tự tác chứng, là pháp này’. Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Không chỉ riêng La-ma mới có niềm tin này, Ta cũng có niềm tin này. Không chỉ riêng La-ma mới có sự tinh tấn này, Ta cũng có sự tinh tấn này. Không chỉ riêng La-ma mới có tuệ này, Ta cũng có tuệ này. La-ma đã tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này, tại sao ta lại không tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này?’ Vì Ta muốn chứng pháp này, cho nên sống cô độc tại một nơi xa vắng, không nhàn, yên tĩnh, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Sau khi Ta sống cô độc, viễn ly, tại một nơi trống vắng, yên tĩnh, không bao lâu chứng được pháp ấy. Khi chứng pháp ấy rồi, Ta lại đến Uất-đà-la La-ma Tử hỏi rằng, ‘Thưa Uất-đà-la La-ma Tử, cha ngài là La-ma, phải chăng pháp này được tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ?’ Uất-đà-la La-ma Tử trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, cha ta là La-ma, đây là pháp được tự tri, tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ’. Uất-đà-la lại nói với Ta rằng, ‘Cũng như cha ta tác chứng pháp này, Hiền giả cũng vậy. Cũng như Hiền giả tác chứng pháp này, cha ta cũng vậy. Hiền giả hãy đến đây cùng ta lãnh đạo đồ chúng này’. Uất-đà-la đối xử với Ta ngang địa vị Tôn sư, coi Ta cũng như bậc Tôn sư, tối thượng cung kính, tối thượng cúng dường, tối thượng hoan hỷ. Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Pháp này không đưa đến trí, không đưa đến giác, không đưa đến Niết-bàn. Vậy Ta hãy xả bỏ pháp này để đi tìm cầu thêm nữa, sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn’. Ta liền xả bỏ pháp ấy để đi tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn.

“Rồi Ta đi về phía nam núi Tượng đỉnh, [12] đến tại Uất-bệ-la, [13] một ngôi làng của Phạm chí tên gọi là Tư na  [14] đây là một khoảng đất xinh xắn, khả ái, núi rừng sầm uất, sông Ni-liên-thuyền  [15] với dòng nước trong xanh chảy lên bờ. Ta thấy khoảnh đất ấy bèn nghĩ rằng, ‘Nếu một thiện nam tử muốn học đạo, nên ở nơi này mà học, Ta cũng học đạo; vậy Ta hãy ở nơi này mà học. Rồi Ta ôm cỏ đến cây giác thọ [16] Đến nơi, Ta rải cỏ xuống, trải ni-sư-đàn lên và ngồi kiết già, kỳ hạn sẽ không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi nào chứng đắc Lậu tận. Và Ta không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi chứng đắc Lậu tận.

“Ta tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn, liền đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn. Liền đạt được sự không già không chết, không ưu bi sầu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, sanh tri, sanh kiến, định đạo phẩm pháp [17]

‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, biết như thật không còn tái sanh nữa’.

“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, liền nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước nhất?’ Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Ta có nên đi đến thuyết pháp cho A-la-la Già-la-ma trước chăng?’

“Lúc bấy giờ có Thiên thần trụ trong hư không nói với Ta rằng: “Đại Tiên nhân, xin biết cho, A-la-la Già-la-ma vừa mạng chung đến nay đã được bảy ngày’. Ta cũng tự biết A-la-la Già-la-ma đã mạng chung được bảy ngày. Ta lại nghĩ như vầy, ‘A-la-la Già-la-ma, thiệt thòi thay cho người ấy, không nghe được pháp này. Nếu được nghe pháp này, người ấy sẽ nhanh chóng biết rõ pháp tùy pháp[18]

“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, liền nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho Uất-đà-la La-ma Tử trước nhất chăng?” Thiên thần lại trụ trong hư không nói với Ta rằng, ‘Đại Tiên nhân, xin biết cho, Uất-đà-la La-ma Tử mạng chung đến nay đã hai tuần thất’. Ta cũng tự biết Uất đầu la La-ma Tử mạng chung đã hai tuần thất. Ta lại nghĩ như vầy, ‘Uất-đà-la La-ma Tử thiệt thòi thay cho người ấy, không nghe được pháp này. Nếu nghe được pháp này, người ấy sẽ nhanh chóng biết rõ pháp tùy pháp’.

“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, Ta liền suy nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước nhất?’ Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Xưa kia, năm Tỳ-kheo theo hầu hạ Ta, giúp Ta nhiều điều hữu ích. Khi Ta tu hành khổ hạnh, năm Tỳ-kheo ấy đã thừa sự Ta, nay Ta có nên thuyết pháp cho năm Tỳ-kheo trước kia chăng?’ Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Năm Tỳ-kheo thuở xưa ấy, bây giờ đang ở đâu?’ Bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt hẳn người thường, Ta thấy năm Tỳ-kheo đang ở tại Ba-la-nại [19] Tiên nhân trú xứ, trong vườn Lộc giả.

“Ta tùy thuận trụ dưới gốc cây Giác thọ. Sau đó Ta thu vén y, ôm bát đi về Ba-la-nại, đến đô ấp Gia-thi.[20]

 Bấy giờ Dị học Ưu-đà  [21] từ xa trông thấy Ta đi đến, bèn nói với Ta rằng, ‘Hiền giả Cù-đàm, các căn thanh tịnh, hình sắc thù diệu, khuôn mặt ngời sáng. Hiền giả Cù-đàm, ai là Tôn sư? Theo ai học đạo? Tin tưởng pháp của ai?’ Lúc bấy giờ Ta liền nói bài kệ để trả lời Ưu-đà rằng:

Ta tối thượng, tối thắng;Nhiễm trước pháp đã trừ;Giải thoát, ái diệt tận;Tự giác, ai tôn sư?Bậc Vô đẳng, Đại hùng,Tự giác, Vô thượng giác,Như Lai, Thầy thiên, nhơn,Biến tri, thành tựu lực.

“Ưu-đà hỏi rằng:

“–Hiền giả Cù-đàm tự cho là tối thắng chăng?”

“Ta lại nói bài kệ trả lời rằng:

Đấng Tối thắng như vậyCác lậu đã tận trừ.Ta sát hại ác pháp,Nên tối thắng là Ta.

“Ưu-đà lại hỏi Ta rằng:

“–Hiền giả Cù-đàm, bấy giờ muốn đi về đâu?”

“Bấy giờ Ta nói bài kệ rằng:

Ta đến Ba-la-nại,Dóng trống diệu cam lồ,Chuyển pháp luân vô thượngChưa ai chuyển trong đời.

“Ưu-đà lại nói với Ta rằng:

“–Hiền giả Cù-đàm, hoặc có thể là như vậy.”

“Rồi vị ấy bước sang con đường tắt mà đi trở lui.

“Ta một mình đi đến Tiên nhân trụ xứ, trong vườn Lộc dã. Bấy giờ năm Tỳ-kheo từ xa trông thấy Ta đi đến, ai cũng lập giao ước với nhau rằng, ‘Chư Hiền, nên biết đó là Sa-môn Cù-đàm đang đi đến. Người ấy đa dục, đa cầu, ăn với loại ẩm thực thù diệu, bằng cơm gạo trắng ngon lành, cùng với bột, tô, mật, và bôi xoa thân thể bằng dầu mè nay lại đến đây. Các người cứ ngồi. Chớ nên đứng dậy đón tiếp, cũng đừng làm lễ. Dành sẵn cho một chỗ đó, nhưng đừng mời ngồi, hãy nói rằng ‘Nếu bạn muốn ngồi, xin cứ tùy ý’. Rồi Ta đi đến chỗ năm Tỳ-kheo. Bấy giờ năm Tỳ-kheo không kham nổi uy đức tối thắng thù diệu của Ta, tức thì rời chỗ ngồi đứng dậy, người thì ôm y bát của Ta, người thì trải chỗ ngồi, người thì lấy nước cho Ta rửa chân. Ta nghĩ rằng, ‘Những người ngu si này sao lại không bền chí, đã tự mình thiết lập điều ước hẹn, rồi lại làm trái điều giao hẹn’. Ta biết như vậy rồi bèn ngồi trên chỗ ngồi mà năm Tỳ-kheo đã dọn sẵn. Khi ấy năm Tỳ-kheo gọi thẳng tên họ Ta và xưng hô với Ta là ”Bạn”.[22] ”Ta nói với họ rằng, ‘Ta là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, các người đừng gọi thẳng tên họ Ta, cũng đừng gọi Ta là ‘Bạn’. Vì sao vậy? Ta vì tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Ta tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn. Đã sanh tri, sanh kiến, định đạo phẩm pháp, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Họ nói với Ta rằng:

“–Này bạn Cù-đàm, trước kia bạn hành như vậy, đạo tích như vậy, khổ hạnh như vậy mà còn chưa chứng được pháp thượng nhân, gần kề với Thánh tri, Thánh kiến, huống là ngày hôm nay đa dục, đa cầu, ăn với thực phẩm thù diệu với gạo trắng ngon lành, cùng với bột, tô, mật, bôi xoa thân thể bằng dầu mè chăng?

“Ta lại nói rằng:

“–Này năm Tỳ-kheo, các ngươi trước kia có bao giờ thấy Ta như vậy, với các căn thanh tịnh, rạng rỡ sáng ngời chăng?

“Bấy giờ năm Tỳ-kheo lại trả lời với Ta rằng:

“–Trước kia chúng tôi chưa từng thấy bạn với các căn thanh tịnh, rạng rỡ sáng ngời. Này bạn Cù-đàm, nay bạn với các căn thanh tịnh, hình sắc thù diệu khuôn mặt sáng ngời.

“Ta lúc ấy nói với họ rằng:

“–Này năm Tỳ-kheo, có hai lối sống cực đoan mà những người học đạo không nên học. Một là đắm trước dục lạc, nghiệp hèn hạ, là lối sống của phàm phu. Hai là tự gây phiền, tự gây khổ, không phải là pháp Hiền Thánh, không tương ưng với cứu cánh. Này năm Tỳ-kheo, xả bỏ hai cực đoan ấy, có con đường giữa, thành minh, thành trí, thành tựu định, đạt đến tự tại, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến Niết-bàn. Đó là tám con đường chân chánh, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám.

“Rồi Ta lần lượt giáo hóa năm Tỳ-kheo. Khi giáo hóa cho hai người thì ba người đi khất thực. Ba người mang thức ăn về cho đủ sáu người ăn. Khi giáo hóa cho ba người thì hai người đi khất thực. Hai người mang thức ăn về cho đủ sáu người ăn. Ta giáo hóa như vậy, họ tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Và đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế và vô thượng an ổn Niết-bàn; sanh tri, sanh kiến, định đạo phẩm pháp, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, biết như thật không còn tái sanh nữa’.

“Rồi Thế Tôn lại nói với họ rằng:

“–Này năm Tỳ-kheo, có năm thứ công đức của dục, khả ái, khả lạc, khả ý, khả niệm, hoàn toàn tương ưng với dục. Đó là sắc được biết bởi mắt, tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Này năm Tỳ-kheo, phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện hữu, không biết Thánh pháp, không điều ngự trong Thánh pháp, chúng xúc chạm, đắm nhiễm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo mà thọ nhập, không biết sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu. Nên biết chúng nghe theo ác ma, làm theo ác ma, rơi vào ác ma, bị lưới ma quấn chặt, bị cùm ma khóa chặt, không thoát khỏi sự trói buộc của ma. Này năm Tỳ-kheo, cũng như nai rừng bị dây buộc chặt nên biết nó phải nghe theo thợ săn, làm theo thợ săn, rơi vào tay thợ săn, bị lưới thợ săn quấn chặt, khi thợ săn đến, không thể trốn thoát. Cũng vậy, năm Tỳ-kheo, phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện hữu, không biết Thánh pháp, không điều ngự trong Thánh pháp, chúng đối với năm thú diệu dục mà xúc chạm, đắm nhiễm, tham ái, dính trước, kiêu ngạo, lăn xả vào, thọ dụng mà không thấy sự nguy hiểm, không thấy sự xuất yếu. Nên biết, chúng phải nghe theo ác ma, làm theo ác ma, rơi vào tay ác ma, bị lưới ma quấn chặt, bị dây ma trói xiết, không thoát khỏi sự trói buộc của ma. Này năm Tỳ-kheo, Đa văn Thánh đệ tử, gặp thiện tri thức, hiểu biết Thánh pháp, điều ngự trong Thánh pháp, những vị ấy đối với năm diệu dục, không xúc, không nhiễm, không tham, không trước, cũng không kiêu ngạo mà thọ nhập, mà thấy sự nguy hiểm, thấy sự xuất yếu. Nên biết, họ không nghe theo ác ma, không làm theo ác ma, không bị rơi vào tay ác ma, không bị lưới ma quấn chặt, không bị dây ma trói siết, bèn thoát khỏi sự trói buộc của ma. Này năm Tỳ-kheo, cũng như nai rừng thoát khỏi trói buộc, nên biết nó không phải nghe theo thợ săn, không phải làm theo thợ săn, không rơi vào tay thợ săn, không bị lưới thợï săn quấn chặt, không bị dây thợ săn buộc siết. Khi thợ săn đến, nó có thể trốn thoát. Cũng vậy, này năm Tỳ-kheo, Đa văn Thánh đệ tử gặp thiện tri thức, hiểu biết Thánh pháp, điều ngự trong Thánh pháp, vị ấy đối với năm công đức của dục không xúc, không nhiễm, không tham không trước, cũng không kiêu ngạo mà thọ nhập, mà thấy sự nguy hiểm, thấy sự xuất yếu. Nên biết những người ấy không phải nghe theo ác ma, không phải làm theo ác ma, không rơi vào tay ma, không bị lưới ma quấn chặt, không bị dây ma buộc siết, bèn thoát khỏi sự trói buộc của ma. Này năm Tỳ-kheo, nếu lúc Như Lai xuất hiện trong thế gian, là Bậc Vô Sở Trước, Minh Hạnh Thành Tựu, Đẳng Chánh Giác, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, là Phật, Chúng Hựu. Vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm tạp uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp cho đến chứng đắc Tứ thiền thành tựu an trụ.

Vị ấy với định tâm thanh tịnh, như vậy, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt đến bất động tâm, tu học và tác chứng Lậu tận trí thông. Vị ấy biết như thật đây là Khổ, biết như thật đây là Khổ tập, biết như thật đây là Khổ diệt, đây là Khổ diệt đạo. Biết như thật đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy bây giờ tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Vị ấy đã tự mình thấy rõ vô lượng pháp ác bất thiện đã diệt tận. Cho nên, vị ấy tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Này năm Tỳ-kheo, cũng như trong khu rừng vắng, nơi không có bóng người, ở đó nai rừng tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Nai rừng ấy không nằm trong cảnh giới của thợ săn. Cho nên nó tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Cũng vậy, này năm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo lậu tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Vị ấy lúc bấy giờ tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Vì vị ấy tự mình thấy vô lượng pháp ác bất thiện đã diệt tận, cho nên tự tại đi, tự tại đứng, tự tại ngồi, tự tại nằm. Này năm Tỳ-kheo, đó gọi là giải thoát vô dư, đó gọi là sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Đó gọi là sự không già không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn.”

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli. M. 26. Ariyapariyesana-suttaṃ.[02] A-di-la-bà-đề 阿 夷 羅 婆 提. Pāli: Aciravatī. Trong bản Pāli: Pubbakoṭṭhaka.[03] La-ma 羅 摩. Pāli: Rammaka.[04] Một vài chi tiết trong đoạn này không được mạch lạc.[05] Theo bản Pāli, đây là một am cốc (Rammakassa brāhmanassa assamo: thảo am của Bà-la-môn Rammaka) chứ không phải là nhà.[06] Thánh cầu 聖 求. Pāli: ariyāpariyesanā.[07] Bệnh pháp 病 法. Pāli: byādhidhamma.[08] Lão pháp 老 法. Pāli: jarādhamma.[09] A-la-la Già-la-ma 阿 羅 羅 伽 羅 摩. Pāli: Āḷāra Kālāma.[10] Uất-đà-la La-ma Tử 鬱 陀 羅 羅 摩 子. Pāli: Udduka Rāmaputta.[11] Nhữ phụ La-ma 汝 父 羅 摩; đáng lẽ gọi là La-ma Tử, không hiểu tại sao ở đây lại nói như vậy. Bản Pāli cũng chỉ gọi Rāma (tên cha) thay vì gọi Uddaka hay Rāmaputta (tên con).[12] Tượng đỉnh sơn 象 頂 山. Pāli: Gayāsisa.[13] Uất-bệ-la 鬱 鞞 羅. Pāli: Uruvelā.[14] Tư-na 斯 那. Pāli: Senā.[15] Ni-liên-thuyền 尼 連 禪. Pāli: Nerañjarā.[16] Giác thọ, tức cây bồ-đề.[17] Định đạo phẩm pháp 定 道 品 法, bản Pāli: akuppā me vimutti, sự giải thoát của Ta không dao động.[18] Nguyên bản Hán: pháp thứ pháp 法 次 法. Đoạn Pāli tương đương không có từ liên hệ, nhưng thông thường là dhammānudhamma.[19] Ba-la-nại, Tiên nhơn trụ xứ, Lộc giả uyển 波 羅 奈 仙 人 住 處 鹿 野 苑. Pāli: Bārāṇasi Isipatanaṃ Migadāyo.[20] Gia-thi đô ấp 加 尸 都 邑; không rõ ở đâu.[21] Ưu-đà 優 陀. Pāli: Upaka.[22] Hán: khanh ư ngã 卿 於 我. Pāli: āvusovādena ca samudācaranti, họ xưng hô với Ta là ”āvuso” (Bạn, hay Hiền giả).

-ooOoo-

205. KINH NGŨ HẠ PHẦN KẾT[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Ta đã từng nói năm hạ phần kết, [02] các ngươi có thọ trì chăng?”

Các Tỳ-kheo im lặng không trả lời. Thế Tôn lại hỏi đến lần thứ ba:

“Ta đã từng nói năm hạ phần kết, các ngươi có thọ trì chăng?”

Các Tỳ-kheo im lặng không trả lời đến lần thứ ba. Lúc bấy giờ Tôn giả Man Đồng tử  [03] , từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Thế Tôn đã từng nói năm hạ phần kết. Con có thọ trì.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Man Đồng tử, Ta đã từng nói năm hạ phần kết, ngươi có thọ trì chăng?”

Tôn giả Man Đồng tử đáp:

“Thế Tôn nói dục là hạ phần kết thứ nhất, con thọ trì như vậy. Nhuế, thân kiến, giới thủ và nghi, Thế Tôn nói nghi là hạ phần kết thứ năm, con thọ trì như vậy.”

Thế Tôn quở rằng:

“Man Đồng tử, ngươi sao lại thọ trì rằng Ta nói năm hạ phần kết như vậy? Man Đồng tử, ngươi nghe từ miệng ai mà thọ trì rằng Ta nói năm hạ phần kết như vậy?”

“Này Man Đồng tử, há không phải số đông các người dị học cật vấn chỉ trích ngươi với thí dụ về trẻ nít sơ sanh này chăng? Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngủ, trong ý còn không có ý tưởng về dục tưởng, há lại có quấn chặt nơi dục chăng? Nhưng kết sử nằm trong bản tính [04] của chúng nên nói là dục sử.[05] Này Man Đồng tử, con nít mới sanh, mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về chúng sanh còn không có, há lại có tâm về quấn chặt nơi sân nhuế chăng? Nhưng do kết sử nằm trong bản tính của nó, nên nói là nhuế sử   [06] . Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về tự thân còn không có, há lại có quấn chặt nơi thân chăng? Nhưng do kết sử ở nơi bản tính của nó nói là thân kiến sử.  [07] Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, ý tưởng về giới còn không có há lại có tâm quấn chặt nơi giới chăng? Nhưng do kết sử nơi bản tính của nó nên nói là giới thủ sử. [08] Này Man Đồng tử, con nít mới sanh mềm yếu, ý tưởng về pháp còn không có, há lại có tâm quấn chặt nơi pháp chăng? Nhưng do kết sử nơi bản tính của nó nên nói là nghi sử [09] . Há không phải số đông các dị học đem thí dụ con nít mới sanh này mà chỉ trích cật vấn ngươi chăng?”

Lúc bấy giờ, Tôn giả Man Đồng tử bị Thế Tôn quở trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời lẽ biện bạch, suy nghĩ mông lung. Thế Tôn sau khi mắng Tôn giả Man Đồng tử ngay mặt rồi, ngồi im lặng. Lúc ấy Tôn giả A-nan đứng sau Thế Tôn, cầm quạt quạt Phật. Rồi Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Đức Phật, bạch:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay thật đúng lúc, bạch Thiện Thệ nay thật đúng lúc, nếu nói cho các Tỳ-kheo nghe năm hạ phần kết. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn dạy sẽ khéo léo thọ trì.”

Thế Tôn nói:

“Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Xin vâng lời lắng nghe.”

Phật nói:

“A-nan, ở đây có một hạng người bị dục quấn chặt. Dục tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly; do không biết như thật về sự xả ly, nên tham dục càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị nhuế quấn chặt. Nhuế tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly sân nhuế càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị thân kiến quấn chặt. Thân kiến tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly, thân kiến càng tăng thạnh, không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị giới thủ quấn chặt. Giới thủ tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly. Do không biết như thật xả ly, giới thủ càng tăng thạnh. Không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“A-nan, ở đây có một hạng người bị nghi quấn chặt. Nghi tâm sanh rồi mà không biết như thật về sự xả ly, nghi càng tăng thạnh. Không thể chế trừ. Đó là hạ phần kết.

“Này A-nan, y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu không y trên đạo này, không y trên đạo tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết, trường hợp này không thể có.

“A-nan, cũng như có người muốn tìm một cái gì chắc thật  [10] . Vì để tìm cái gì chắc thật nên xách búa vào rừng, và người ấy thấy một gốc cây đã đầy đủ rễ, thân, cành, lá và lõi. Nhưng nếu người ấy không chặt nơi rễ nơi thân mà tìm được cái gì chắc thật mang về, thì trường hợp này không thể có. Cũng vậy, này A-nan, phải y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu không y trên đạo này, không y trên tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết, trường hợp này không thể có.

“Này A-nan, y trên đạo, y trên đạo tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu ai y trên đạo này, y trên tích này mà đoạn trừ năm hạ phần kết, trường hợp này tất có.

“A-nan, cũng như một người muốn tìm cái gì chắc thật. Vì để tìm cái gì chắc thật, nên xách búa vào rừng, và người ấy thấy một gốc cây đã đầy đủ rễ, thân, cành, và lá với lõi. Nếu người ấy chặt nơi rễ, nơi thân và được cái chắc thật để mang về, trường hợp này chắc có. Cũng vậy này A-nan, y trên đạo và y trên tích để đoạn trừ năm hạ phần kết. Nếu ai y trên đạo này và y trên tích này mà đoạn trừ được năm hạ phần kết trường hợp này tất có.

“Này A-nan, y trên đạo nào, y trên tích nào để đoạn trừ năm hạ phần kết? A-nan, hoặc có một hạng người bị dục quấn chặt. Nếu dục triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly; biết như thật về sự xả ly rồi dục triền nơi người ấy liền diệt. A-nan, ở đây một người bị nhuế quấn chặt; nếu nhuế triền phát sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Nếu biết như thật về sự xả ly rồi, nhuế triền nơi người ấy liền diệt. A-nan ở đây có một người bị thân kiến quấn chặt. Nếu thân kiến đã quấn chặt, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, thân kiến triền nơi người ấy liền diệt. A-nan, ở đây có một người bị giới thủ quấn chặt. Nếu giới thủ triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, giới thủ triền nơi người ấy liền diệt. A-nan, ở đây một người bị nghi quấn chặt, nếu nghi triền đã sanh, liền biết như thật về sự xả ly. Biết như thật về sự xả ly rồi, nghi triền nơi người ấy liền diệt.

“Này A-nan, y trên đạo này, y trên đạo tích này mà đoạn trừ năm hạ phần kết.

“Này A-nan, cũng như sông Hằng-già với nước chảy tràn lên bờ. Nếu có một người đến, có công việc ở bờ bên kia nên muốn qua sông. Người ấy suy nghĩ rằng, ‘Sông Hằng-già này nước chảy tràn lên bờ. Ta có công việc bờ bên kia nên muốn qua sông. Nhưng tự thân ta không đủ sức để bình an lội sang bờ bên kia’. A-nan, nên biết rằng người ấy không đủ sức. Cũng vậy, này A-nan, nếu ai đối với sự chứng giác, với tịch diệt, với Niết-bàn mà tâm không thú hướng, không thanh tịnh, không trụ nơi giải thoát; A-nan, nên biết người ấy cũng giống như người gầy yếu không sức lực kia.

“A-nan, cũng như sông Hằng-già với nước chảy tràn lên bờ. Nếu có một người đến, có công việc ở bờ bên kia nên muốn qua sông. Người ấy nghĩ rằng, ‘Sông Hằng-già này với nước chảy tràn lên bờ. Ta có công việc ở bờ bên kia. Tự thân ta đủ sức để bình an lội qua bờ bên kia’. A-nan, nên biết rằng người ấy đủ sức. Cũng vậy, này A-nan, nếu ai đối với sự chứng giác, với tịch diệt, với Niết-bàn, mà có tâm thú hướng, thanh tịnh mà trụ nơi giải thoát; A-nan, nên biết, người này cũng như người có sức lực kia.

“Này A-nan, cũng giống như giòng nước lũ  [11] rất sâu, rất rộng, chảy xiết, cuốn trôi nhiều thứ, mà ở quãng giữa không thuyền, không cầu, giả sử có một người đến, có công việc ở bờ bên kia, nên tìm cách để qua. Khi tìm cách để qua, người ấy nghĩ rằng, ‘Nay giòng nước lũ này rất sâu, rất rộng, chảy xiết, cuốn trôi mọi thứ, ở khoảng giữa lại không có thuyền, không cầu để có thể qua. Với phương tiện để ta có thể bình an sang bờ bên kia. Ta có công việc ở bờ bên kia cần đi qua. Với phương tiện nào để ta có thể bình an qua bờ bên kia?’ Rồi người ấy lại nghĩ rằng, ‘Bây giờ ở bờ bên này ta hãy thu lượm cỏ, cây buộc lại mà làm chiếc bè để bơi sang’. Người ấy bèn ở bên này thu lượm cỏ cây buộc lại làm thành chiếc bè, rồi bình an bơi sang bờ bên kia. Cũng vậy, này A-nan, nếu có Tỳ-kheo phan duyên vào sự yểm ly, y trên sự yểm ly, an trụ nơi yểm ly, do làm an tịnh thân ác, do tâm nhập ly định, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó, tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Rồi vị ấy giác quán tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy ly hỷ dục, xả, vô cầu, an trụ với chánh niệm chánh trí, thân cảm thọ lạc, điều mà Thánh nói là được Thánh xả, với niệm an trú lạc, chứng đắc Tam thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy diệt lạc, diệt khổ, ưu hỷ vốn cũng đã diệt, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu ngại tưởng, [12] không suy niệm đến bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng vô lượng không xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy vượt qua tất cả vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ. Vị ấy sau khi y trên xứ này mà quán sát sự hưng suy của thọ rồi, an trụ nơi đó tất chứng đắc Lậu tận. Giả sử an trụ nơi đó mà không chứng đắc Lậu tận, tất sẽ thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ.

“Thế nào là thăng tiến và đạt đến Tịch tịnh xứ? Vị ấy vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Nơi vị ấy nếu có những cảm thọ nào, hoặc lạc, khổ, hoặc không lạc, không khổ, vị ấy quán sát cảm thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả. Vị ấy sau khi như vậy quán thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả rồi, liền không còn chấp thủ đối với thế gian này [13] Sau khi không còn chấp thủ đối với thế gian này, liền không sợ hãi. Do không sợ hãi mà nhập Niết-bàn. Biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Cũng như cách thôn không xa có một bụi chuối to lớn, nếu có một người xách búa đến đốn ngã cây chuối, xẻ thành mảnh, xả làm mười phần, hoặc làm trăm phần. Sau khi xả làm mười phần hoặc trăm phần rồi, bèn vạch từng sợi, nhưng mắt chuối không tìm thấy, há lại tìm thấy lõi được sao? A-nan, cũng vậy, Tỳ-kheo nếu có những cảm thọ nào, hoặc lạc, hoặc khổ, hoặc không khổ không lạc, vị ấy quán cảm thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn, quán xả. Vị ấy sau khi như vậy, quán sát thọ này là vô thường, quán hưng suy, quán vô dục, quán diệt, quán đoạn quán xả rồi, liền không còn chấp thủ đối với thế gian này. Sau khi không còn chấp thủ đối với thế gian này, liền không sợ hãi. Do không sợ hãi mà nhập Niết-bàn. Biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Đức Phật mà bạch:

“Bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay! Hy hữu thay! Thế Tôn vì các Tỳ-kheo y trên y, thiết lập y, giảng thuyết về sự xả ly lậu, nói về sự vượt qua lậu. Nhưng các Tỳ-kheo không nhanh chóng chứng đắc vô thượng, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận.”

Thế Tôn nói:

“Thật vậy, A-nan! Thật vậy, A-nan! Thật là kỳ lạ. Thật là hy hữu, Ta vì các Tỳ-kheo, y trên y, thiết lập y, nói về sự xả ly lậu, nói về sự vượt qua lậu. Nhưng các Tỳ-kheo không nhanh chóng vượt chứng đắc vô thượng, nghĩa là đạt đến cứu cánh diệt tận. Vì sao vậy? Vì sự thắng liệt nơi mỗi người cho nên sự tu học có tinh, có thô. Do sự tu học đạo có tinh có thô, cho nên mỗi người có sự thắng liệt khác nhau. A-nan, vì vậy Ta nói mỗi người có sự thắng liệt khác nhau.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.64. Mahā-Māluṅkya-suttaṃ.[02] Ngũ hạ phần kết 五 下 分 結. Hạ phần, chỉ cho Dục giới, năm loại kết sử đưa đến sự tái sanh ở dục giới. Cũng gọi là Ngũ thuận hạ phần kết. Pāli: Pañc’orambhāgiyāni saṃyojanāni.[03] Man Đồng tử 鬘 童 子. Pāli: Māluṅkyāputta, con một đại thần của vua nước Kosala. Trước kia Tôn giả tu theo ngoại đạo. Sau tu theo Phật và chứng đắc A-la-hán. Kinh này tất nhiên được nói trước khi Tôn giả chứng A-la-hán.[04] Nguyên Hán: bỉ tính sử cố. Pāli: anusetvevassa kāmarāgānusayo, dục ái tùy miên tiêm phục nơi nó. Pāli dùng động từ anuseti (nằm ngủ, tiềm phục) nêu rõ ý nghĩa phiền não được gọi là tùy miên (anusaya).[05] Dục sử 欲 使; Pāli: kāmarāgānusayo, dục ái tùy miên.[06] Nhuế sử 恚 使; Pāli: vyāpādānusayo, sân tùy miên.[07] Thân kiến sử 身 見 使; Pāli: sakkāyadiṭṭhānusayo, hữu thân kiến tùy miên.[08] Giới thủ sử 戒 取 使; Pāli: sīlabbataparāmāsānusayo, giới cấm thủ tùy miên.[09] Nghi sử 疑 使; Pāli: vicikicchānusayo, nghi tùy miên.[10] Thật 實; Pāli: sāra, vừa có nghĩa chắc thật, vừa có nghĩa lõi cây.[11] Nguyên Hán: sơn thủy, nước trên núi đổ xuống. Xem thí dụ về chiếc bè trong Kinh 200 trên.[12] Hữu ngại tưởng; những nơi khác cũng trong bản Hán này, nói là hữu đối tưởng. Những tưởng tương ưng với nhãn thức thuộc sắc tưởng. Những tưởng tương ưng với bốn thức tiếp theo thuộc hữu đối tưởng, (giải thích của Pháp Uẩn 8, No.1537, Đại tr.488c).[13] Một vị đã diệt trừ năm hạ phần kết, sẽ không còn nguyên nhân để tái sinh (chấp thủ hay thọ) dục giới.

-ooOoo-

206. KINH TÂM UẾ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế [02] trong tâm, không cởi bỏ năm sự trói buộc  [03] trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đó được nói đến với pháp tất thối.

“Thế nào là không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm?

“Ở đây có một hạng người nghi ngờ Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín [04] . Nếu hạng người nào nghi ngờ Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín. Đó gọi là không nhổ sạch loại tâm tạp uế thứ nhất, nghĩa là đối với Thế Tôn.[05] Cũng vậy, đối với Chánh pháp, đối với học giới, đối với giáo huấn,  [06] hoặc đối với những vị đồng phạm hạnh, được Thế Tôn khen ngợi mà sân nhuế, mạ lỵ, lăng nhục, xúc não, xâm hại, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín, đó là loại tâm tạp uế thứ năm không được nhổ sạch, nghĩa là đối với các vị đồng phạm hanh.

“Thế nào là không cởi bỏ năm sự trói buộc trong tâm?

“Ở đây có một hạng người thân chưa ly nhiễm, chưa ly dục, chưa ly khát, chưa ly ái. Nếu ai thân chưa ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải   [07] trong nỗ lực tinh tấn, [08]và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa đó gọi là tâm phược thứ nhất, nghĩa là nơi thân.

“Lại nữa, nếu ai đối với dục mà không ly nhiễm, không ly dục, không ly ái, không ly khát, vị ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa đó gọi là tâm phược thứ hai, nghĩa là nơi dục.

“Lại nữa, có một hạng người, đối với điều được nói tương ưng với Thánh nghĩa, nhu nhuyến, không triền cái mà nghi hoặc, nghĩa là nói về giới, định, giải thoát, giải thoát tri kiến, nói về tổn giảm, nói về sự không tụ hội, nói về sự thiếu dục, nói về diệt, nói về tĩnh tọa nói về duyên khởi; những điều như vậy được Tỳ-kheo hay Sa-môn nói, nhưng tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải, không tinh tấn, không tĩnh tọa, đó gọi là loại tâm phược thứ ba, nghĩa là đối với thuyết.

“Lại nữa, thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu xa, không học hỏi. Nếu ai thường tụ hội chung với đạo hay tục, náo loạn, kiêu xa, không học hỏi, người ấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh cần và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn và chuyên cần tĩnh tọa, thì đó gọi là loại tâm phược thứ tư, nghĩa là đối với sự tụ hội.

“Lại nữa, với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến. Nếu ai với một ít sở đắc mà nửa đường dừng lại không mong cầu thăng tiến, người đấy tâm không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, không thú hướng, không tịnh tín, không an trụ, không thắng giải trong nỗ lực tinh tấn, và chuyên cần tĩnh tọa, đó gọi là tâm phược thứ năm, nghĩa là đối với sự thăng tiến.

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, và khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp tất thối vậy.

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, và khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp thanh tịnh.

“Thế nào là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm? Ở đây có một hạng người không nghi ngờ Thế Tôn, không do dự nhưng ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín. Nếu ai không nghi ngờ Thế Tôn, không do dự nhưng ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín, đó là hạng người thứ nhất vậy, đối với Chánh pháp, đối với học giới, đối với giáo huấn. Hoặc đối với những vị đồng phạm hạnh được Thế Tôn khen ngợi mà không sân nhuế, không lăng nhục, không xúc não, không sân hại, có ngộ nhập, quyết đoán, tịnh tín. Đó gọi là hạng người thứ năm khéo nhổ sạch tạp uế trong tâm, nghĩa là đối với các vị đồng phạm hạnh.

“Thế nào là khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm?

“Ở đây có một hạng người thân ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát. Nếu ai thân ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát, người ấy có tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó gọi là hạng người thứ nhất khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, nghĩa là đối với thân.

“Lại nữa, đối với dục mà ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát. Nếu ai đối với dục mà ly nhiễm, ly dục, ly ái, ly khát, người ấy có tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần, tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ hai khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với dục vậy.

“Lại nữa, có một hạng người, đối với những điều được thuyết giảng, tương ưng với Thánh nghĩa, nhu nhuyến, không triền cái, nghi hoặc, nghĩa là nói về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nói về tổn giảm, nói về sự không tụ hội, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về đoạn trừ, nói về vô dục, nói về diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi, những điều như vậy được thuyết giảng bởi Sa-môn hay Tỳ-kheo, mà người ấy tâm thú hướng tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Nếu ai có tâm này, thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ ba khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với thuyết vậy.

“Lại nữa, không thường tụ hội với đạo hay tục, không náo loạn, không kiêu xa, nhưng học hỏi. Nếu ai không thường tụ hội với đạo hay tục, không náo loạn, không kiêu xa, nhưng học hỏi, người ấy có tâm thú hướng tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó là hạng người thứ tư khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với sự không tụ hội.

“Lại nữa, với một ít sở đắc mà nửa đường không dừng lại, nhưng mong cầu thăng tiến. Nếu ai với một ít sở đắc mà nửa đường không dừng lại nhưng mong cầu thăng tiến, người ấy tâm thú hướng, tịnh tín, an trụ, thắng giải, nỗ lực, tinh tấn, chuyên cần tĩnh tọa. Đó gọi là hạng người thứ năm khéo cởi mở sự trói buộc trong tâm, tức là đối với sự thăng tiến vậy.

“Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào khéo nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm khéo cởi mở năm thứ trói buộc trong tâm, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy được nói đến với pháp thanh tịnh. Vị ấy an trụ nơi mười chi này rồi, lại tu tập thêm năm pháp. Thế nào là năm?

“Tu dục, định thành tựu đoạn như ý túc, [09] y trên viễn ly, y trên vô dục, y diệt, y xả, thú hướng phi phẩm. Tu tinh tấn định, tâm định tư duy, thành tựu đoạn như ý túc, y trên viễn ly, y trên vô dục, y diệt y xả, thú hướng phi phẩm, và kham nhiệm là thứ năm. Vị ấy thành tựu kham nhiệm cho đến mười lăm pháp này thành tựu tự thọ,  [10] chắc chắn đạt đến tri, đến kiến, đến Chánh đẳng chánh giác, đến cửa cam lồ, cận trụ Niết-bàn. Ta nói không có sự kiện không đi đến Niết-bàn.

“Cũng như gà sanh mười trứng, hoặc mười hai trứng, luôn luôn ấp ủ, luôn luôn sưởi ấm, luôn luôn trông chừng. Giả sử con gà mái ấy buông trôi, nhưng bên trong đã có gà con nó sẽ lấy chân mà chọi, lấy mỏ mà mổ vỏ trứng, tự nó bình an chui ra. Nó là con gà con đệ nhất. Cũng vậy, Tỳ-kheo thành tựu, kham nhiệm cho đến mười lăm pháp này, tự thọ, chắc chắn đạt đến tri kiến, đến chánh đẳng giác, đến cửa cam lồ, cận trụ Niết-bàn. Ta nói, không có sự kiện không đi đến Niết-bàn.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.16. Cetekhila-suttaṃ. Tham chiếu Tập Dị Môn Luận 12 (No.1536, Đại 26 tr.416b-19c: “Ngũ tâm tài, và ngũ tâm phược”.)[02] Uế 穢; Tập Dị Môn Luận, sđd., nt.: Tài 栽 cọc nhọn. Pāli: khīla[03] Phược 縳, xem cht. 1 trên. Pāli: cetasovinibandha.[04] Bất khai ý, bất giải ý, ý bất tĩnh 不 開 意 不 解 意 意 不 靜; Tập dị (sđd., nt.): Bất ngộ nhập, vô thắng giải, vô tịnh tín, Ý bất tĩnh 意 不 靜, ý không ổn định, không tin tưởng. Pāli: nādhimuccati na sampasīdati.[05] Tập Dị (sđd., nt.): “Đối với Đại sư mà cọc nhọn trong tâm chưa đoạn, chưa biến tri.”[06] Giáo 教. Trong bản Pāli, thứ ba, Saṃghe kaṅkhati, nghi ngờ Tăng, thứ tư, sikkhaøya kaṅkhati, nghi ngờ học giới.[07] Được hiểu là không có sự quyết tâm.[08] Nguyên Hán: tự phương tiện đoạn 自 方 便 斷.[09] Dục định tâm thành tựu đoạn như ý túc 欲 定 心 成 就 斷 如 意 足, có thể dư chữ tâm, hoặc nói là Dục tam-ma-địa đoạn hành (hay thắng hành) (thành tựu thần túc). Thần túc thứ nhất xem Kinh 86 trên.[10] Thành tựu tự thọ 成 就 自 受, với đầy đủ khả năng (?).

-ooOoo-

207. KINH TIỄN MAO (I)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người đang an cư mùa mưa.

Bấy giờ trải qua đêm, lúc vừa sáng, Thế Tôn mang y cầm bát vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, Ngài khoác y ni-sư-đàn trên vai và đi đến vườn Dị học trong rừng Khổng tước.  [02]

 Tại rừng Khổng tước, trong vườn Dị học, bấy giờ có một người Dị học tên là Tiễn Mao [03] là một vị danh đức, là bậc Tông chủ, được nhiều người tôn làm Thầy, có tiếng tăm lớn, nhiều người kính trọng ông đang ở giữa đám đông ồn ào, lớn tiếng, âm thanh huyên náo, luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh, [04] như: bàn chuyện vua chúa, bàn chuyện trộm cướp, bàn chuyện đấu tranh, bàn chuyện ăn uống, bàn chuyện áo chăn, bàn chuyện phụ nữ, bàn chuyện đàn bà, bàn chuyện con gái, bàn chuyện dâm nữ, bàn chuyện thế gian, bàn chuyện tà đạo, bàn chuyện trong biển; đại loại như thế, chúng tụ tập luận bàn đủ mọi đề tài súc sanh.

Dị học Tiễn Mao thấy Phật từ xa đến, dặn dò chúng của mình rằng: ”Này các ông, hãy ngồi im lặng, người đang đến kia là Sa-môn Cù-đàm. Đồ chúng của ông ấy im lặng, thường ưa sự im lặng, khen ngợi sự im lặng. Ông ấy nếu thấy chúng ta im lặng, có thể sẽ đến thăm.”

Dị học Tiễn Mao dặn chúng im lặng, chính mình cũng im lặng mà ngồi.

Thế Tôn đi đến chỗ Dị học Tiễn Mao. Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay mà bạch Phật rằng:

“Kính chào Sa-môn Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm đã lâu không đến đây. Mời Ngài ngồi xuống chỗ này.”

Thế Tôn liền ngồi xuống chỗ ngồi Tiễn Mao đã trải sẵn. Dị học Tiễn Mao và Thế Tôn sau khi cùng nhau chào hỏi, rồi lui ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi rằng: “Ưu-đà-di, [05]các ông vừa bàn luận những gì, do việc gì mà cùng nhóm họp ở đây?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này. Vấn đề này không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe vấn đề này để sau này nghe cũng không khó gì.”

Thế Tôn hỏi như vậy ba lần rằng:

“Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những vấn đề gì? Do việc gì mà cùng nhóm họp nơi đây?”

Dị học Tiễn Mao cũng đáp lại ba lần rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này. Nó không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe sau này nghe cũng không khó. Nhưng Sa-môn Cù-đàm ba lần muốn nghe, nay tôi phải nói.

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi cùng với số đông các Phạm chí nước Câu-tát-la cùng tụ tập ngồi ở học đường Câu-tát-la [06]  bàn luận như vầy, ”Thật tốt đẹp và lợi ích cho dân nước Ương-già Ma-kiệt-đà! [07] Thật tốt đẹp và lợi ích cho người nước Ương-già Ma-kiệt-đà! Chúng Đại phước điền [08]như thế cùng an cư mùa mưa tại thành Vương xá.

“Đó là có ngài Phất-lan Ca-diếp [09]

 Vì sao? Bạch Cù-đàm, Phất-lan Ca-diếp là bậc Tông chủ danh đức, làm Thầy mọi người, có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, lãnh đạo đồ chúng lớn, được năm trăm dị học tôn trọng, cùng an cư mùa mưa tại thành Vương xá này.

“Cũng vậy, Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Sa-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phục Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi. Bạch Cù-đàm, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi là danh đức Tông chủ, làm Thầy mọi người, có tiếng tăm lớn, mọi người đều kính trọng, thống lãnh đồ chúng lớn, được năm trăm dị học tôn trọng, cùng an cư mùa mưa ở thành Vương xá.

“Vừa rồi cùng bàn đến Sa-môn Cù-đàm rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm này là bậc danh đức Tông chủ, làm Thầy mọi người có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, thống lĩnh đại chúng Tỳ-kheo được một ngàn hai trăm người tôn trọng, cũng cùng nhau an cư mùa mưa tại thành Vương xá này.

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, ‘Nay trong các Sa-môn, Phạm chí được tôn trọng này, ai là người được đệ tử cung kính, cúng dường, không bị đệ tử đúng theo pháp mắng nhiếc, cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể có, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi?’

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, Phất-lan Ca-diếp này không được đệ tử hầu hạ, tôn trọng, cúng dường, bị đệ tử dùng pháp mà mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử nạn vấn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi.

“Bạch Cù-đàm, thuở xưa Phất-lan Ca-diếp đã có lần ở trong chúng đệ tử giơ tay la lớn, ‘Các ông hãy dừng lại! Không có ai đến hỏi các ông. Người ta hỏi tôi, các ông không thể giải quyết việc này, nhưng ta có thể giải quyết được việc này’. Nhưng các đệ tử ngay trong lúc đó lại bàn luận việc khác nữa, không chờ ngươi nói xong vấn đề. Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, như vậy, Phất-lan Ca-diếp này không được đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường. Bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử vấn nạn rằng: ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi liền bỏ đi.

“Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Sa-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phục Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, ‘A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi này, không được đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường, bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi.

“Bạch Cù-đàm, thuở xưa A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi đã có lần ở trong chúng đệ tử giơ tay la lớn rằng, ‘Các ông hãy dừng lại, không có ai đến hỏi các ông. Người ta hỏi tôi, các ông không thể giải quyết được việc này’. Nhưng các đệ tử ngay trong lúc đó, lại bàn luận việc khác không chờ ngươi nói xong. Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, như vậy, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi, không được đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường mà bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, rất nhiều đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi.

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, Sa-môn Cù-đàm này được đệ tử hầu hạ, cung kính, tông trọng, cúng dường, cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều này hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi bỏ đi.

“Bạch Cù-đàm, thuở xưa Sa-môn Cù-đàm đã có lần nói pháp tại đại chúng, vô lượng trăm ngàn người vây quanh. Ngay bấy giờ có một người ngủ mà ngáy. Lại có một người bảo người kia rằng ‘Đừng có ngủ ngáy. Ông không muốn nghe Thế Tôn nói pháp vi diệu như cam lồ sao?’ Người kia liền im lặng không gây tiếng động nữa.

“Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ, như vậy Sa-môn Cù-đàm được đệ tử hầu hạ cung kính, tôn trọng, cúng dường, không bị đệ tử dùng pháp mạ lỵ mắng nhiếc, cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng ‘Điều đó hoàn toàn không thể được, không tương ưng, không chính đáng’. Nói rồi liền bỏ đi.”

Thế Tôn nghe rồi liền hỏi Tiễn Mao rằng:

“Ưu-đà-di, ông thấy Ta có bao nhiêu pháp khiến cho các đệ tử hầu hạ cung kính, tôn trọng và cúng dường, thường theo Ta không rời?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Tôi thấy Cù-đàm có năm pháp khiến đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời. Những gì là năm? Sa-môn Cù-đàm trí túc về thô y, khen ngợi tri túc về thô y. Bởi vì Sa-môn Cù-đàm tri túc về thô y, khen ngợi tri túc về vải thô, nên tôi thấy tri túc đó là pháp thứ nhất mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến cho hàng đệ tử phụng sự cung kính, tôn trọng cúng dường, thường theo không rời.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, khen ngợi về tri túc đạm bạc. Bởi vì Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, khen ngợi về tri túc ăn uống đạm bạc, nên tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có pháp thứ hai khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng cúng dường, phụng sự thường theo không rời.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm ăn ít, khen ngợi sự ăn ít. Vì Sa-môn Cù-đàm ăn ít và khen ngợi sự ăn ít, nên tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có pháp thứ ba khiến các đệ tử cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ, khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ. Vì Sa-môn Cù-đàm tri túc như vậy, nên tôi thấy đó là pháp thứ tư mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, thường theo không rời.

“Lại nữa Sa-môn Cù-đàm tĩnh tọa và ngợi khen tĩnh tọa. [10] Vì vậy tôi thấy đó là pháp thứ năm mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng hành thường theo không rời.

“Đó là năm pháp mà tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng hành, thường theo không rời.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Này Ưu-đà-di, Ta không phải do năm pháp ấy mà khiến các đệ tử cung kính tôn trọng, cúng dường thừa sự, thường theo không rời. Này Ưu-đà-di, áo ta mặc được cắt theo con dao Thánh [11] và nhuộm màu sắc xấu xa. Như vậy, y Thánh được nhuộm màu sắc xấu xa. Ưu-đà-di! Nhưng đệ tử Ta cũng có người trọn đời chỉ mặc áo phấn tảo do người ta bỏ, và cũng nói thế này, ‘Thế Tôn ta tri túc về thô y’, khen ngợi sự tri túc về thô y. Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử ta nhận sự tri túc về thô y mà khen ngợi Ta, thì người đó do sự kiện này đã không cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự Ta, cũng không theo Ta.

“Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta ăn đồ ăn gạo nếp, nấu chín và không có hạt xép, vô lượng tạp vị. Ưu-đà-di, nhưng đệ tử Ta có người trọn đời khất thực, ăn đồ ăn đã bỏ, cũng lại nói rằng, ‘Thế Tôn ta tri túc về thô thực’, khen ngợi tri túc về thô thực. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân sự tri túc về ăn uống thô sơ, mà khen ngợi Ta, người ấy nhân sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta chỉ ăn bằng một trái cây bệ-la [12] hoặc bằng nửa bệ-la. Nhưng đệ tử của Ta có người ăn bằng một câu-tha [13], hoặc bằng nửa câu-tha, cũng nói như vầy, ‘Thế Tôn ăn ít, khen ngợi sự ăn ít’. Nếu đệ tử Ta nhân sự ăn ít mà khen ngợi Ta, người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự và theo Ta.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta hoặc ở trên lầu cao, hoặc trên nhà rạp. Ưu-đà-di, nhưng đệ tử của Ta có người trải qua chín mười tháng, suốt đêm ngủ ngoài trời, cũng nói như vầy, ‘Thế Tôn của Ta tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ, khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ nên khen ngợi Ta, thì người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự Ta và cũng không theo Ta.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta thường sống trong sự náo nhiệt giữa Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Nhưng đệ tử của Ta có người quá nửa tháng mới nhập chúng một lần vì pháp thanh tịnh [14] cũng nói như vầy, ‘Thế Tôn của Ta tĩnh tọa và khen ngợi sự tĩnh tọa’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân sự tĩnh tọa mà khen ngợi Ta, vị ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.

“Ưu-đà-di, Ta không có năm pháp này, khiến hàng đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo không rời. Ưu-đà-di, Ta lại có năm pháp khác, khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời.

“Những gì là năm? Này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do giới vô thượng, [15] khen ngợi Ta rằng, ‘Thế Tôn có giới, đại giới, lời nói đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân giới vô thượng mà khen ngợi Ta thì vị ấy nhân điều này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự thường theo Ta không rời.

“Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, do vô thượng trí tuệ,[16] khen ngợi Ta, ‘Thế Tôn có trí tuệ, cực đại trí tuệ, nếu có ai đến bàn luận hay đối đáp, Ngài đều khuất phục được. Nghĩa là đối với Chánh pháp luật, họ không thể nói. Đối với điều chính mình nói, họ cũng không thể nói’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử nhân vô thượng trí tuệ, mà khen ngợi Ta, vị ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, theo Ta không rời.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do vô thượng tri kiến, [17] khen ngợi Ta rằng, ‘Thế Tôn biết khắp chứ không phải không biết; thấy khắp chứ không phải không thấy. Ngài nói pháp cho đệ tử có nhân chứ không phải không nhân, có duyên chớ không phải không duyên, có thể đáp chứ không phải không thể đáp, có xả ly chứ không phải không xả ly’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân vô thượng tri kiến mà khen ngợi Ta, người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo ta không rời.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, do nhờm tởm mũi tên ái dục mà đến hỏi Ta về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ta liền trả lời về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ưu-đà-di, nếu có đệ tử đến hỏi Ta được trả lời xứng ý, khiến được hoan hỷ, người đó nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta vì các đệ tử hoặc nói Túc mạng trí thông, tác chứng, hoặc nói Lậu tận trí thông tác chứng minh đạt. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta trong Chánh pháp luật này được thọ được độ, được đến bờ bên kia, không nghi không hoặc, ở trong thiện pháp không có do dự, người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, cúng dường, tôn trọng, phụng sự Ta, thường theo ta không rời.

“Này Ưu-đà-di, Đó là năm pháp Ta có khiến cho các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo không rời.”

Bấy giờ Dị học Tiễn Mao, liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch vai áo mặt, chắp tay hướng về Phật bạch rằng: “Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ngài khéo nói những điều vi diệu thấm nhuần thân thể con cũng như cam lồ. Bạch Cù-đàm, cũng như mưa lớn, cõi đất này từ cao đến thấp thảy được thắm nhuần khắp cả. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm nói cho chúng tôi những điều vi diệu, thấm nhuần thân thể chúng tôi cũng như cam lồ.

“Bạch Thế Tôn, tôi đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, hôm nay con tự quy Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay con trọn đời tự quy y cho đến mạng chung.”

Phật thuyết như vậy. Dị học Tiễn Mao sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 57. Tương đương Pāli, M.77. Mahā-sakuludāyi-suttaṃ.[02] Khổng tước lâm Dị học viên 孔 雀 林 異 學 園, khu vườn cho các du sĩ, rừng nuôi công. Pāli: Moranivāpa paribbājakārāma.[03] Tiễn Mao 箭 毛. Pāli: Sakuḷudāyi, và kể thêm tên hai du sĩ khác: Varadhara, Anugāra.[04] Súc sanh luận 畜 生 論. Pāli: tiracchāna-kathā, luận bàn phiếm, vô ích. Đoạn kế kể các đề tài được nói là súc sanh luận.[05] Ưu-đà-di 優 陀 夷, tức tên gọi lược của Tiễn Mao; xem cht.3 trên. Pāli: Udāyi.[06] Học đường 學 堂. Pāli: Kutūhalasāla, nghị luận đường; chỉ nơi xảy ra cuộc thảo luận.[07] Ương-già Ma-kiệt-đà 鴦 伽 摩 竭 陀. Pāli: Aṅga-Magadhā, lúc này hai nước đang liên minh chính trị nên gọi chung như vậy.[08] Chúng đại phước điền: những người là ruộng phước lớn, thường chỉ chúng Tỳ-kheo, nhưng ở đây cũng chỉ cho nhóm ngoại đạo khác.[09] Phất-lan Ca-diếp, Pāli: Pūrāṇa-Kassapa và năm vị kế tiếp: Makkhali-Gosāla. Sañjaya-Belaṭṭhiputta, Nigaṇṭha-Nātaputta, Pakudha-Kaccāyana, được mệnh danh là Lục sư ngoại đạo. Về chủ trương của họ, xem kinh Sa-môn quả, No.1 (27) và D. 2.[10] Yến tọa, ngồi nghỉ ngơi chỗ thanh vắng.[11] Để bản: Thánh lực 聖 力. Tống-Nguyên-Minh: Thánh đao 聖 刀.[12] Bệ-la thực 鞞 羅 食. Pāli: veḷuvāhāra, thức ăn bằng trái cây veḷuva, một loại dưa (tên khoa học Aegle marmelos).[13] Câu-tha thực 拘 拖 食, kosāhāra, một bát cơm.[14] Pháp thanh tịnh, đây chỉ Giới bổn Tỳ-kheo, Pāli: Pātimokkhuddesāya, để tụng giới bổn Pātimokkha.[15] Vô thượng giới. Pāli: adhisīla, tăng thượng giới.[16] Vô thượng trí tuệ. Pāli: adhipaññā, tăng thượng tuệ.[17] Vô thượng tri kiến. Pāli: abhikkaantañāṇadassana, tri kiến siêu việt.

-ooOoo-

208. KINH TIỄN MAO (II)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, ở Trúc lâm vườn Ca-lan-đa cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, an cư mùa mưa.

Bấy giờ, trải qua đêm, lúc vừa sáng, Thế Tôn mang y cầm bát vào thành Vương xá để khất thực. Khất thực xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, Ngài khoác ni-sư-đàn trên vai và đi đến vườn Dị học, trong rừng Khổng tước. Tại rừng Khổng tước, trong vườn Dị học, bấy giờ có một người Dị học tên là Tiễn Mao là một danh đức, bậc tông chủ, được mọi người tôn làm thầy, có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, thống lãnh đồ chúng đông đảo, được năm trăm vị dị học tôn trọng. Vị này ở giữa một đại chúng đang ồn ào, nhiễu loạn, nói năng lớn tiếng, bàn luận đủ mọi vấn đề súc sanh, tức là vấn đề vua chúa, về giặc, về việc đấu tranh, việc ăn uống, về y phục, về đàn bà, về con gái, về dâm nữ, về thế gian, về đồng trống, về dưới biển và việc nước, việc dân. Những người ấy cùng nhau nhóm họp ngồi bàn luận về những vấn đề như súc sanh vậy.

Dị học Tiễn Mao thấy Phật từ xa đến, dặn đồ chúng của mình rằng: ”Này các ông, hãy ngồi im lặng. Người đang đến kia là Sa-môn Cù-đàm, đồ chúng của ông ấy im lặng, thường ưa sự im lặng, khen ngợi sự im lặng. Ông ấy nếu thấy chúng ta im lặng, có thể đến thăm.

Dị học Tiễn Mao dặn đồ chúng im lặng, chính mình cũng im lặng mà ngồi.

Thế Tôn đi đến chỗ Dị học Tiễn Mao. Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Kính chào Sa-môn Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm đã lâu không đến đây, mời Ngài ngồi xuống chỗ này.”

Thế Tôn liền ngồi xuống chỗ ngồi Tiễn Mao đã trải sẵn. Dị học Tiễn Mao và Thế Tôn, sau khi cùng nhau chào hỏi, rồi lui ngồi một bên.

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà cùng nhau ngồi họp ở đây? Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, vấn đề này không hay ho gì. Sa-môn Cù-đàm muốn nghe vấn đề này để sau này nghe cũng không khó gì.”

Thế Tôn hỏi như vậy ba lần rằng:

“Ưu-đà-di, vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà nhóm họp ngồi đây?”

Dị học Tiễn Mao cũng đáp lại ba lần rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, nó không hay ho gì, Sa-môn Cù-đàm nếu muốn nghe, sau này nghe cũng không khó. Nhưng nếu Sa-môn Cù-đàm ba lần muốn nghe, nay tôi phải nói.[02]

“Bạch Cù-đàm, tôi có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, khi nghe có người nói: ‘Thật sự có Tát-vân-nhiên, [03] thấy tất cả, biết tất cả, không cái gì không biết, không cái gì không thấy. Tôi liền vấn sự vị ấy, nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Đây là những ai?’.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ông có sách lự, có tư duy; trụ trong trạng thái sách lự, trụ trong trạng thái tư duy, có trí tuệ, có biện tài, nhưng ai nói, ‘Thật sự có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không có gì không biết, không có gì không thấy’ nhưng khi ông đến vấn sự, thì vị ấy không biết?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, đó là Bất-lan Ca-diếp. Vì sao? Bạch Cù-đàm, vì Bất-lan Ca-diếp tự cho là thật có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không gì không biết, không gì không thấy. Tôi có sách lự, có tư duy, trụ trong sách lự, trụ trong tư duy có trí tuệ, có biện tài; tôi đến vấn sự. Nhưng vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi nghĩ thế này, ‘Đây là những ai?’

“Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Bà-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phù Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi, các vị này cũng vậy. Bạch Cù-đàm, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi tự cho thật sự có Tát-vân-nhiên, biết tất cả thấy tất cả, không cái gì không biết, không cái gì không thấy. Tôi có sách lự, có tư duy, trú trong sách lự, trú trong tư duy, có trí tuệ, có biện tài, tôi đến vấn sự những vị ấy không biết. Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi khởi ý nghĩ rằng, ‘Đây là những ai?’

“Bạch Cù-đàm, vậy nên tôi lại suy nghĩ, ‘Như vậy ta phải đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi những việc quá khứ. Sa-môn Cù-đàm ắt có thể đáp những việc quá khứ của ta. Ta phải đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, hỏi những việc vị lai, Sa-môn Cù-đàm ắt sẽ đáp những việc vị lai của ta. Lại nữa, ta tùy những việc mà hỏi cùng Sa-môn Cù-đàm, ắt Sa-môn Cù-đàm cũng tùy mà trả lời những việc ta hỏi.”

Thế Tôn đáp rằng:

“Ưu-đà-di! Thôi! Thôi, ông luôn luôn có dị kiến, dị nhẫn, dị lạc, dị dục, dị ý, nên không thấu triệt ý nghĩa những điều Ta nói. Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, có nhân, có duyên, nhớ được vô lượng đời sống về trước, trong quá khứ, nghĩa là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, bại kiếp, vô lượng thành bại kiếp, ăn uống như vậy, thọ khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, chết như vậy, từ đây sanh tử ra kia, từ kia sanh tử ra đây. Ta sanh tại đây, họ như vậy, tên như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, trú lâu như vậy, thọ chung như vậy. Vị ấy đến hỏi ta việc quá khứ, Ta đáp việc quá khứ cho vị ấy. Ta cũng đến hỏi việc quá khứ, vị ấy cũng đáp việc quá khứ cho Ta. Ta tùy theo sự việc đó mà hỏi, vị đó cũng tùy theo việc Ta hỏi mà đáp.

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử thanh tịnh thiên nhãn, vượt quá người thường, thấy chúng sanh này, khi sanh khi chết, sắc đẹp sắc xấu, sắc diệu hay bất diệu, qua lại chỗ thiện hay bất thiện, tùy theo sự thọ nghiệp của chúng mà thấy đúng như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu và ý ác hạnh, vu báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, người ấy do nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung ắt đến chỗ dữ, sanh vào trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, thành tựu khẩu và ý diệu hạnh, không vu báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến; người ấy do nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung ắt sanh lên chỗ thiện, được sanh lên trời. Người đó đến hỏi Ta việc vị lai, Ta đáp việc vị lai cho họ; ta cũng hỏi việc vị lai nơi họ, họ cũng đáp việc vị lai cho ta; ta tùy theo việc người ấy hỏi mà đáp, người ấy cũng tùy theo việc ta hỏi mà đáp.”

Dị học Tiễn Mao bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu như vậy, tôi càng trở thành không biết, không thấy, càng trở thành ngu si, rớt vào ngu si. Nghĩa là vì Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Ưu-đà-di! Thôi! Thôi! Ông luôn luôn dị kiến, dị nhân, dị lạc, dị dục và dị ý, nên không thấu triệt ý nghĩa những điều ta nói. Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, có nhân có duyên, nhớ được vô lượng đời sống về trước trong quá khứ, nghĩa là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, bại kiếp, vô lượng thành kiếp, vô lượng bại kiếp, ăn uống như vậy, thọ khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, mạng chung như vậy, từ đây sanh tử ra kia, từ kia sanh tử ra đây, ta sanh tại đây, họ như vậy, tên như vậy, sống lâu như vậy, ăn uống như vậy, thọ khổ lạc như vậy, trú lâu như vậy, mạng chung như vậy. Vị ấy đến hỏi ta việc quá khứ, ta đáp việc quá khứ cho vị ấy; ta cũng đến hỏi vị ấy việc quá khứ, vị ấy cũng đáp việc quá khứ cho ta. Ta theo sự việc người đó hỏi mà đáp, người đó cũng tùy theo sự việc ta hỏi mà đáp. Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử thanh tịnh thiên nhãn, vượt quá người thường, thấy chúng sanh này khi sanh khi tử, sắc đẹp sắc xấu, sắc diệu hay bất diệu, qua lại chỗ thiện hay chỗ bất thiện, tùy theo sự tạo nghiệp của chúng sanh này mà thấy như thật. Nếu chúng sanh này thành tựu thân ác hạnh, thành tựu khẩu, ý ác hạnh, vu báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, người ấy do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung, ắt đến chỗ ác, sanh trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu thân diệu hạnh, khẩu, ý diệu hạnh, không vu báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, người ấy do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung ắt sanh lên chỗ thiện, được sanh lên trời. Người đó đến hỏi ta việc vị lai, ta đáp việc vị lai cho họ. Ta cũng hỏi việc vị lai nơi vị ấy, vị ấy cũng đáp việc vị lai cho ta. Ta tùy theo việc người ấy hỏi mà đáp, người ấy cũng tùy việc ta hỏi mà đáp’.

“Bạch Cù-đàm, tôi đối với đời sống này làm những gì đã làm, được những gì đã được, nhưng vẫn không thể nhớ huống gì có thể nhớ được sự việc trong vô lượng đời sống về trước, có nhân có duyên sao? Bạch Cù-đàm, tôi còn không thể thấy con quỷ Phiêu phong [04] thì làm gì mà được thiên nhãn thanh tịnh vượt qua người thường, thấy chúng sanh này khi chết, khi sống, sắc tốt, sắc xấu, đẹp hoặc không đẹp, đưa đến chỗ thiện hoặc chỗ bất thiện tùy sự tạo nghiệp của chúng sanh này, thấy đó như thật.

“Bạch Cù-đàm, tôi lại nghĩ như vầy, ‘Nếu Sa-môn Cù-đàm hỏi ta vấn đề theo Thầy học pháp, hoặc giả có thể đáp khiến Ngài vừa ý.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ông theo Thầy học những pháp gì?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, người đó nói, ‘Sắc vượt quá sắc, sắc kia tối thắng, sắc kia tối thượng.[05]“

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, sắc là gì?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu sắc nào không có sắc khác tối thượng hơn, tối diệu hơn là tối thắng hơn; vậy sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ưu-đà-di, cũng như có người nói như vầy, ‘Nếu trong nước có người con gái rất đẹp, ta muốn được người con gái đó’. Nếu có người hỏi người đó như vầy, ‘Ông biết trong nước có người con gái rất đẹp, nhưng có biết tên gì, họ gì, sanh sống như thế nào? Là cao hay thấp, thô hay tế, trắng hay đen, hoặc không trắng không đen, là con gái Sát-đế-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc?’ Người đó đáp, ‘Tôi không biết’. Người kia lại hòi, ‘Ông không biết, không thấy trong nước có người con gái rất đẹp, tên họ như vậy, sanh sống như vậy, dài, ngắn, thô, tế, trắng, đen, không trắng không đen, con gái Sát-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, mà lại nói như vầy, ‘Ta muốn được người con gái đó được ư’?’

“Cũng vậy, Ưu-đà-di, ông nói như vầy, ‘Người đó nói sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thắng. Nhưng khi hỏi sắc đó thì ông lại không biết.”

Dị học Tiễn Mao thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, cũng như tinh vàng tử ma là thứ cực diệu, người thợ vàng khéo mài dũa, sửa sang khiến cho trong suốt, nhờ dùng tấm lụa trắng đem giữa nắng, sắc của nó cực diệu, ánh sáng chiếu sáng lấp lánh. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, tôi nói, ‘Sắc đó vượt hơn sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng’.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ưu-đà-di, nay Ta hỏi ông, tùy theo chỗ hiểu mà đáp. Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Vàng ròng tử ma nhờ dùng lụa trắng, để giữa nắng mà sắc của nó cực diệu chiếu sáng lấp lánh, và ánh sáng con đom đóm trong đêm tối chiếu sáng lấp lánh, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượïng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng con đom đóm đối với ánh sáng của vàng ròng tử ma thì ánh sáng đom đóm tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng lấp lánh của đom đóm trong đêm tối và ánh sáng lấp lánh của đèn dầu trong đêm tối, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng đèn dầu đối với ánh sáng đom đóm, thì ánh sáng đèn dầu tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối và lửa đống cây lớn trong đêm tối, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng lửa cây lớn đối với ánh sáng đốt đèn dầu thì ánh sáng lửa đống cây lớn tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ý ông thế nào? Ánh sáng chiếu của lửa đống cây lớn, trong đêm tối và ánh sáng chiếu của sao Thái bạch vào buổi sáng, trời không u ám, hai ánh sáng ấy, ánh sáng nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của saoThái bạch đối với ánh sáng của lửa đống cây lớn, thì ánh sáng của sao Thái bạch tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám và ánh sáng tỏa chiếu của mặt trăng nửa đêm không u ám, trong ánh sáng ấy, cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trăng đối với ánh sáng của sao Thái bạch thì ánh sáng của mặt trăng tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng nửa đêm trời không u ám, và ánh sáng chiếu tỏa của mặt trời vào mùa thu, đứng ngay giữa bầu trời trong suốt, không u ám, trong hai ánh sáng ấy cái nào tối thượng, tối thắng?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng mặt trời so với ánh sáng mặt trăng thì ánh sáng mặt trời tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Này Ưu-đà-di, có rất nhiều chư Thiên; mà nay ánh sáng của mặt trời và ánh sáng của mặt trăng này, tuy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ánh sáng đó cũng không bằng ánh sáng của chư Thiên. Ta ngày xưa đã cùng với chư Thiên tụ tập luận sự, nhưng những điều ta nói đều vừa ý chư Thiên ấy, tuy vậy Ta không nói: ‘Sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng’. Này Ưu-đà-di, còn ông đối với ánh lửa đom đóm, lửa sâu bọ, sắc rất tệ, rất xấu mà nói ‘Sắc đó vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng,’ và khi được hỏi lại không biết.”

Dị học Tiễn Mao thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, con xin hối lỗi về lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con xin hối lỗi về lời nói này.” [06]

Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ sao mà nói như vầy, ‘Bạch Thế Tôn, con xin hối lỗi về lời nói đó, bạch Thiện Thệ, con xin hối lỗi về lời nói đó?’.”

Dị học Tiễn Mao đáp:

“Bạch Cù-đàm, con nói như vầy, ‘Sắc kia vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng’. Sa-môn Cù-đàm nay khéo tra xét tôi, khéo dạy dỗ và khéo quở trách, khiến sự hư vọng của tôi không còn nữa. Bạch Cù-đàm, vậy nên con nói như vầy. ‘Bạch Thế Tôn, con xin hối lỗi về lời nói này. Bạch Thiện thệ con xin hối lỗi về lời nói này’.”

Dị học Tiễn Mao lại thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, ‘Đời sau tuyệt đối lạc  [07], có một đạo tích để chứng đắc  [08] thế giới tuyệt đối lạc.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, thế nào gọi là hậu thế tuyệt đối lạc? Thế nào là có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, giả sử có một người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh; xa lìa trộm cắp tà dâm, nói láo; cho đến, xa lìa tà kiến được chánh kiến. Bạch Cù-đàm, đó gọi là đời sau tuyệt đối lạc, đó gọi là chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Thế Tôn lại bảo rằng:

“Ưu-đà-di, nay Ta hỏi ông, theo sự hiểu biết mà đáp. Này Ưu-đà-di, ý ông nghĩ thế nào? Nếu có một người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, người ấy là tuyệt đối lạc, hay là hỗn tạp khổ [09]?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, là hỗn tạp khổ.”

“Nếu có một người xa lìa trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến có chánh kiến, người ấy là tuyệt đối lạc, hay là hỗn tạp khổ?”

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“BaÏch Cù-đàm, là hỗn tạp khổ.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, há không phải rằng hỗn tạp khổ lạc như vậy là đạo tích chứng đắc thế giới?”

Dị học Tiễn Mao đáp:

“Bạch Cù-đàm, hỗn tạp khổ lạc như vậy là đạo tích chứng đắc thế giới vậy.”

Dị học Tiễn Mao lại thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này.”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Ưu-đà-di, ông nghĩ thế nào mà nói như vầy, ‘Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này?’

Dị học Tiễn Mao đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con vừa nói, ‘Đời sau tuyệt đối lạc, có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc’. Nay Sa-môn Cù-đàm khéo tra xét con, khéo dạy dỗ và khéo quở trách, khiến cho sự hư vọng của con không còn nữa. Bạch Cù-đàm, do đó con nói như vầy, ‘Bạch Thế Tôn, con hối lỗi lời nói này. Bạch Thiện Thệ, con hối lỗi lời nói này’.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ưu-đà-di, đời quả có tuyệt đối lạc, có một đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, thế nào là đời quả có tuyệt đối lạc? Thế nào là có một đạo tích chứng đắc tuyệt đối lạc?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Ưu-đà-di, nếu khi Như Lai xuất thế, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu; người ấy đoạn trừ năm triền cái, là thứ làm tâm tạp uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp; có giác, có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, về kiến vậy. Vị ấy giác quán đã dứt, nội tâm tịch tĩnh, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, và về kiến vậy. Vị đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là được Thánh xả, có niệm, an trú lạc, chứng Tam thiền thành tựu an trú, cùng với chư Thiên tương đồng về giới, về tâm và về kiến vậy. Ưu-đà-di, đó gọi là thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi:

“Bạch Cù-đàm, Trong đời, tuyệt đối lạc chỉ cùng cực là thế chăng?”

Thế Tôn nói:

“Trong đời, tuyệt đối lạc không chỉ cùng cực là thế. Ưu-đà-di, còn có đạo tích nữa chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào là có đạo tích nữa chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc?”

Thế Tôn đáp:

“Ưu-đà-di, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp; có giác, có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, về kiến vậy. Vị ấy giác quán đã dứt, nội tâm tịch tĩnh, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ, cùng với chư Thiên kia tương đồng về giới, về tâm, và về kiến vậy. Vị đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là được Thánh xả, có niệm, an trú lạc, chứng Tam thiền thành tựu an trú, cùng với chư Thiên tương đồng về giới, về tâm và về kiến vậy. Ưu-đà-di, đó gọi là thế giới tuyệt đối lạc.”

Dị học Tiễn Mao hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, phải chăng đệ tử của Sa-môn Cù-đàm vì thế giới tuyệt đối lạc, và vì đạo tích chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc ấy mà theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Đệ tử của Ta không phải chỉ vì thế giới tuyệt đối lạc và vì chứng đắc thế giới tuyệt đối lạc ấy mà theo học phạm hạnh. Nhưng còn có sự tối thắng, tối diệu, tối thượng khác để chứng đắc nữa.”

Bấy giờ cả đại chúng này cùng lớn tiếng nói:

“Cái ấy là tối thượng, tối diệu, tối thắng; vì để chứng đắc cái ấy mà đệ tử Sa-môn Cù-đàm theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh.”

Sau khi làm cho đại chúng của mình im lặng rồi, Phạm chí Tiễn Mao lại thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, cái gì là tối thượng, tối diệu, tối thắng, vì để chứng đắc như vậy, mà đệ tử Sa-môn Cù-đàm theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Ưu-đà-di, Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, và ưu, hỷ đã có từ trước cũng diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Ưu-đà-di, đó gọi là tối thượng tối diệu, tối thắng, vì để chứng đắc như vậy mà đệ tử Ta theo học phạm hạnh.”

Bấy giờ Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, muốn cúi đầu sát chân Phật. Ngay lúc đó các đệ tử dị học phạm hạnh của Dị học Tiễn Mao thưa với Dị học Tiễn Mao rằng: “Tôn giả nay đáng làm bậc Thầy mà muốn làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm ư? Khi nào Tôn giả không đáng làm Thầy, rồi hãy làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm vậy.”

Đó là các đệ tử của Dị học Tiễn Mao là chướng ngại cho Dị học Tiễn Mao đối với sự tu học phạm hạnh.

Phật thuyết như vậy. Dị học Tiễn Mao sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.79. Cūḷa-Sakuludāyi-sutta.[02] Toàn cả đoạn trên, giống Kinh 208.[03] Tát-vân-nhiên 薩 云 然; Pāli: sabaññu, hoặc âm là tá-bà-nhã: vị Nhất thiết trí; người hay đấng Toàn trí.[04] Phiêu phong quỷ 飄 風 鬼; Pāli: Pamsupisācaka, “quỷ bùn”, môt loại tì-xá-xà.[05] Pāli: ayaṃ paramo vaṇṇo ayaṃ paramo vaṇṇo ti, ”sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng”. Sắc (vaṇṇa) ở đây có nghĩa màu sắc hay màu da.[06] Thế Tôn, hối quá thử thuyết. Pāli: acchidaṃ Bhagavā kathaṃ, Thế Tôn đã cắt đứt vấn đề.[07] Hậu thế nhất hướng lạc 後 世 一向 樂. Pāli: ekantasukho loko, thế giới nhất hướng lạc.[08] Pāli: atthi ākāravatī paṭipadā... sacchikiriyāyāti, có đường lối có cơ sở để thực chứng bản thân.[09] Tạp khổ 雜 苦. Pāli: sukhadukkhī, vừa sướng vừa khổ.

-ooOoo-

209. KINH BỆ-MA-NA-TU[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Dị học Bệ-ma-na-tu, [02]  sau giờ ngọ, thung dung đến chỗ Phật, chào hỏi xong, hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, sắc này hơn, sắc này hơn. Này Cù-đàm, sắc này hơn.” [03]

Thế Tôn hỏi:

“Này Ca-chiên, [04] đó là những sắc nào?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, nếu sắc nào không có sắc khác tối thượng, tối diệu, tối thắng hơn, Cù-đàm, sắc đó là tối thượng, sắc đó là tối thắng.”

Thế Tôn bảo:

“Ca-chiên, cũng như có người nói như vầy, ‘Nếu trong nước có người con gái rất đẹp, ta muốn được người con gái đó’. Nếu có người hỏi người đó như vầy, ‘Ông biết trong nước có người con gái rất đẹp, nhưng có biết tên gì, họ gì, sanh sống như thế nào? Là cao hay thấp, thô hay tế, trắng hay đen, hoặc không trắng không đen, là con gái Sát-đế-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam phương Bắc?’ Người đó đáp, ‘Tôi không biết’. Người kia lại hỏi, ‘Ông không biết, không thấy trong nước có người con gái rất đẹp, tên họ như vậy, sanh sống như vậy, dài, ngắn, thô, tế, trắng, đen, không trắng không đen, con gái Sát-lợi, con gái Phạm chí, Cư sĩ, hay người thợ, ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, mà lại nói như vầy, ‘Ta muốn được người con gái đó được ư’?’

“Cũng vậy, Ca-chiên, ông nói như vầy, ‘Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng’. Nhưng khi hỏi sắc đó thì ông lại không biết.”

Dị học Bệ-ma-na-tu thưa:

“Bạch Cù-đàm, cũng như tinh vàng tử ma là thứ cực diệu, người thợ vàng khéo mài dũa, sửa sang khiến cho trong suốt, nhờ dùng tấm lụa trắng đem giữa nắng, sắc của nó cực diệu, ánh sáng chiếu sáng lấp lánh. Cũng vậy, bạch Cù-đàm, tôi nói ‘Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng’.

Thế Tôn bảo:

“Ca-chiên, nay Ta hỏi ông, tùy theo chỗ hiểu biết mà đáp. Ý ông nghĩ sao? Vàng ròng tử ma nhờ dùng lụa trắng, để giữa nắng mà sắc của nó cực diệu chiếu sáng lấp lánh, và ánh sáng con đom đóm trong đêm tối chiếu sáng lấp lánh, trong hai ánh sáng đó, cái nào tối thượïng, tối thắng?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng con đom đóm đối với ánh sáng của vàng ròng tử ma thì ánh sáng đom đóm tối thượng, tối thắng.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng đèn dầu trong đêm tối và ánh lửa đống cây lớn trong đêm tối, trong hai ánh sáng ấy, cái nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng lửa đống cây lớn trong đêm tối đối với ánh sáng đèn dầu thì ánh sáng lửa đống cây lớn sáng hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ thế nào? Ánh sáng chiếu của lửa đống cây lớn trong đêm tối và ánh sáng chiếu của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám, ánh sáng nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của sao Thái bạch đối với ánh sáng lửa đống cây lớn, thì ánh sáng sao Thái bạch sáng hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của sao Thái bạch vào buổi sáng trời không u ám và ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng nửa đêm trời không u ám, trong hai ánh sáng ấy, cái nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trăng đối với ánh sáng của sao Thái bạch thì ánh sáng của mặt trăng sáng hơn.”

Thế Tôn hỏi:

“Ca-chiên, ý ông nghĩ sao? Ánh sáng chiếu tỏa của mặt trăng vào nửa đêm trời không u ám và ánh sáng chiếu tỏa mặt trời vào mùa thu đứng ngay giữa bầu trời trong suốt không u ám, trong hai ánh sáng đó cái nào sáng hơn?”

Dị học Bệ-ma-na-tu đáp:

“Bạch Cù-đàm, ánh sáng của mặt trời, so với ánh sáng của mặt trăng thì ánh sáng mặt trời sáng hơn.”

Thế Tôn bảo rằng:

“Ca-chiên, có rất nhiều chư Thiên, nay ánh sáng của mặt trời và ánh sáng của mặt trăng này tuy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ánh sáng đó cũng không bằng ánh sáng của chư Thiên. Ta ngày xưa đã từng cùng chư Thiên tụ tập luận sự. Những điều Ta nói đều vừa ý chư Thiên ấy, nhưng Ta không nói, ‘Sắc vượt quá sắc, sắc đó tối thắng, sắc đó tối thượng.” Này Ca-chiên, còn ông, với lửa đóm, lửa sâu, sắc rất tệ xấu mà nói ‘Sắc kia là vi diệu, tối vi diệu; sắc kia là tối thắng; sắc kia là tối thượng’. Và khi được hỏi lại nói không biết.”

Ngay lúc đó dị học Bệ-ma-na-tu bị Thế Tôn quở trách trước mặt trong lòng buồn bã, cúi đầu im lặng, không còn lời nào biện bạch.

Sau khi Thế Tôn quở trách, muốn khiến ông ta hoan hỷ nên bảo:

“Này Ca-chiên, có năm công đức của dục [05] khả hỷ, khả ái, khả niệm, khả ái, có lạc tương ưng với dục.  [06]  ,Mắt nhận biết sắc, tai biết tiếng, mũi biết hương vị, lưỡi biết mùi, và thân biết cảm xúc. Này Ca-chiên, sắc hoặc có ái, hoặc không ái. Nếu có một người đối với sắc này mà khả ý, xứng ý, thích ý, thỏa ý, mãn nguyện ý, người ấy đối với sắc khác dù tối thượng, tối thắng vẫn không ham muốn, không tư duy, không nguyện cầu. Người đó cho sắc này là tối thắng tối thượng. Này Ca-chiên, thanh, hương, vị, xúc cũng lại như vậy. Này Ca-chiên, xúc hoặc có ái, hoặc không ái. Nếu có một người đối với xúc này mà khả ý, xứng ý, thích ý, thỏa ý, mãn nguyện ý, người đó đối với những xúc khác, dù tối thượng, tối thắng vẫn không ham muốn, không tư duy, không nguyện, không cần. Người đó cho xúc này là tối thượng, tối thắng vậy.

Bấy giờ Dị học Bệ-ma-na-tu chấp tay hướng về Phật bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm! Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay. Sa-môn Cù-đàm vì tôi mà dùng vô lượng phương tiện nói, ‘Dục lạc, dục lạc đệ nhất’.[07]  Bạch Cù-đàm, cũng như do lửa cỏ mà đốt lửa cây, do lửa cây mà đốt lửa cỏ. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm vì tôi mà dùng vô lượng phương tiện, nói: ‘Dục lạc, dục lạc đệ nhất’.

Thế Tôn bảo:

“Thôi! Thôi! Này Ca-chiên, ông là người vì luôn luôn có sở kiến dị biệt, nhẫn thọ dị biệt, sở thích dị biệt, ý dục dị biệt, ý hướng dị biệt [08], cho nên không thấu triệt ý nghĩa những điều Ta nói.

“Này Ca-chiên, đệ tử Ta đầu hôm và cuối đêm thường không nằm ngủ, mà chánh định, chánh ý, tu tập đạo phẩm, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Những người ấy mới thấu triệt những điều Ta nói.”

Ngay lúc đó dị học Bệ-ma-na-tu nổi giận đối với Phật, nổi ghen ghét, không vừa ý, muốn vu báng Thế Tôn, muốn hạ nhục Thế Tôn, và ông vu báng Thế Tôn như vầy, hạ nhục Thế Tôn như vầy:

“Cù-đàm, có Sa-môn, Phạm chí, không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Vì sao Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’?”

Lúc đó Thế Tôn liền nghĩ rằng:

“Dị học Bệ-ma-na-tu nổi giận đối với Ta, nổi ghen ghét, không vừa ý, muốn vu báng Ta, muốn hạ nhục Ta, và vu báng Ta như vậy, hạ nhục Ta như vậy mà nói với Ta như vầy, ‘Cù-đàm, có Sa-môn, Phạm chí, không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Cù-đàm, tôi nghĩ như vầy, ‘Vì sao Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’?’.”

“Thế Tôn biết rồi bảo rằng:

“Này Ca-chiên, nếu có Sa-môn, Phạm chí này không biết biên tế đời trước, không biết biên tế đời sau, không biết sanh tử vô cùng mà tự cho là chứng đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’; thì người đó phải nói như vầy, ‘Hãy gác qua biên tế đời trước, hãy gác qua biên tế đời sau’. Nhưng này Ca-chiên, Ta cũng nói như vầy, ‘Hãy gác qua biên tế đời trước, hãy gác qua biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử Tỳ-kheo của Ta đến, không nịnh hót, không lừa gạt, mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.

“Này Ca-chiên, cũng như một đứa trẻ nhỏ thân còn yếu, nằm ngửa. Cha mẹ nó buộc tay chân nó lại. Đứa bé đó sau lớn lên, các căn thành tựu, cha mẹ lại cởi trói tay chân cho nó ra. Nó chỉ nhớ khi được cởi trói, chớ không nhớ khi bị trói.

“Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, ‘Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử Tỳ-kheo Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối, mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.

“Này Ca-chiên, cũng như do dầu, do tim, mà đốt đèn, không có người thêm dầu, không có người đổi tim, dầu trước đã hết, sau lại không rót thêm thì không thể còn mà chóng tự tắt vậy.

“Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, ‘Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử của Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.

“Này Ca-chiên, cũng như có mười đống cây, hoặc hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi hay sáu mươi đống cây, dùng lửa mà đốt, tất cả đều bùng cháy, bèn thấy ngọn lửa. Đống lửa ấy nếu không có người thêm cỏ cây hoặc đổ thêm vỏ trấu vào củi trước đã hết, sau không thêm nữa, thì không thể còn mà chóng tự tắt vậy.

“Cũng vậy, này Ca-chiên, Ta nói như vầy, ‘Hãy gác lại biên tế đời trước, hãy gác lại biên tế đời sau’. Giả sử không nhớ một đời. Khi đệ tử của Ta đến, không nịnh hót, không lừa dối mà thẳng thắn thì Ta giáo hóa họ. Nếu cứ theo sự giáo hóa của Ta mà thực hành đúng như vậy thì nhất định biết được Chánh pháp.”

Khi thuyết pháp này Dị học Bệ-ma-na-tu xa lìa trần cấu, pháp nhãn của các pháp phát sanh. Lúc đó, Dị học Bệ-ma-na-tu thấy pháp, chứng pháp, giác ngộ bạch tịnh pháp, không còn thấy ai hơn, lại không do kẻ khác mà độ nghi, đoạn hoặc, không còn do dự, đã an trú quả chứng đối với pháp của Thế Tôn, chứng được vô sở úy, cúi đầu sát chân Phật mà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con xin được theo Phật xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo, thực hành phạm hạnh.”

Thế Tôn dạy:

“Thiện lai Tỳ-kheo, hãy hành phạm hạnh! Dị học được theo Phật xuất gia học đạo, thọ cụ túc giới, được làm Tỳ-kheo, thực hành phạm hạnh. Tôn giả Bệ-ma-na-tu xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc rồi, biết pháp, thấy pháp, cho đến chứng được quả vị A-la-hán.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả Bệ-ma-na-tu và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.80. Vekhannassa-suttaṃ. Biệt dịch No.90 Phật Thuyết Bệ-ma-túc kinh, Lưu Tống, Cầu-na-bạt-đà-la dịch.[02] Bệ-ma-na-tu 鞞 摩 那 修. No.90 Bệ-ma-túc. Pāli: Vekhanassa paribbājaka, thầy của Sakuludāyi. Sau khi Sakuludāyi bị khuất phục bởi Phật (xem kinh 208 trên) ông thân hành đến tìm hiểu sự thật.[03] Tối sắc; No.90: Hình sắc cực vô thượng diệu. Pāli: paramo vaṇṇo, ”màu sắc là trên hết”. Có lẽ chủ trương phân biệt sắc tộc. Xem cht.5, Kinh 208 trên.[04] Ca-chiên 迦 旃. Pāli: Kaccana, họ của Vekhanassa.[05] Ngũ dục công đức 五 欲 功 德. No.90: ngũ tánh dục. Pāli: Pañca-kāmagunā, năm phẩm chất hay yếu tố của dục vọng, chứ không phải phẩm chất của năm thứ dục vọng.[06] No.90: Cận dâm, nhiễm trước. Pāli: Kāmūpasamhitā rajanivā.[07] Dục lạc, dục lạc đệ nhất 欲 樂 欲 樂 第 一. Pāli: kāmehi kāmasukham; kāmasukhā kāmaggasukham tattha aggam akkhayāti, “do bởi các dục mà có lạc; từ lạc do dục ấy lạc dục tối thượng ấy được nói là tối thượng”.[08] Dị kiến dị nhẫn dị lạc dị dục dị ý 異 見 異 忍 異 樂 異 欲 異 意. Pāli: aññadiṭṭhena aññakhantikena aññarucikena aññatrayogena aññatrācariyakena, quan điểm dị biệt, tin tưởng dị biệt, sở thích dị biệt, sở hành dị biệt, tông sư dị biệt.

-ooOoo-

210. KINH TỲ-KHEO-NI PHÁP LẠC[1]

Tôi nghư như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. [02]

Bấy giờ có bà Ưu-bà-di Tì-xá-khư [03], đến chỗ Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc,[04] cúi đầu lê dưới chân, rồi lui ngồi một bên, thưa rằng:

“Bạch Ni sư,[05] tôi có điều muốn hỏi, mong Ni sư nghe cho chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tì-xá-khư, có điều gì xin cứ hỏi, sau khi nghe xong tôi sẽ suy nghĩ.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư liền hỏi:

“Thưa Ni sư, tự thân,[06] nói là tự thân; vậy thế nào là tự thân?

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Thế Tôn nói năm thạnh ấm [07] Tự thân là năm thạnh ấm. Đó là sắc thạnh ấm, là thọ, tưởng, hành, thức thạnh ấm. Đó là năm thạnh ấm được Thế Tôn nói.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, sao gọi là Tự thân kiến?”[08]

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện tri thức, không biết Thánh pháp, không chế ngự theo Thánh pháp, [09] kẻ ấy thấy sắc là thần ngã, thấy thần ngã có sắc, thấy trong thần ngã có sắc, thấy trong sắc có thần ngã. Thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, thấy ngã có thức, thấy trong ngã có thức, thấy trong thức có ngã. Đó gọi là thân kiến.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, sao gọi là không thân kiến?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Đa văn Thánh đệ tử, gặp thiện tri thức, biết Thánh pháp, khéo léo chế ngự trong Thánh pháp, kẻ ấy không thấy sắc là thần ngã, không thấy thần ngã có sắc, không thấy trong sắc có thần ngã, không thấy trong thần ngã có sắc. Không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, không thấy trong ngã có thức, không thấy trong thức có ngã. Đó gọi là không thân kiến.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, sao gọi là diệt tự thân?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Sắc thạnh ấm bị đoạn trừ không dư tàn, xả, nhả sạch, không ô nhiễm, diệt, tịch tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thạnh ấm đoạn trừ không dư tàn, xả, nhả sạch, không ô nhiễm, diệt, tịch tịnh. Đó là tự thân diệt.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, ấm nói là thạnh ấm, thạnh ấm nói là ấm. Ấm tức là thạnh ấm, hay thạnh ấm tức là ấm? Ấm khác với thạnh ấm chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Hoặc ấm tức là thạnh ấm. Hoặc ấm chẳng phải là thạnh ấm. Sao gọi là ấm tức là thạnh ấm? Nếu sắc hữu lậu, được chấp thủ [10]; thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, được chấp thủ, thì nói ấm tức là thạnh ấm.

“Thế nào nói ấm tức chẳng phải là thạnh ấm? Sắc vô lậu, không bị chấp thủ, thì nói ấm chẳng phải là thạnh ấm.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, thế nào là Thánh đạo tám chi?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Thánh đạo tám chi là từ chánh kiến đến chánh định là tám. Đó gọi là Thánh đạo tám chi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Thánh đạo tám chi là hữu vi chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Đúng vậy, Thánh đạo tám chi là hữu vi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.” Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Bạch Ni sư, có bao nhiêu tụ?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Có ba tụ là giới tụ, định tụ và tuệ tụ.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

Bạch Ni sư, Thánh đạo tám chi thâu nhiếp ba tụ hay ba tụ thâu nhiếp Thánh đạo tám chi?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Không phải Thánh đạo tám chi thâu nhiếp ba tụ, nhưng ba tụ thâu nhiếp Thánh đạo tám chi. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, ba chi Thánh đạo này được nhiếp về Thánh giới tụ. Chánh niệm, chánh định, hai chi này được thâu nhiếp vào Thánh định tụ. Chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện, ba chi này thân nhiếp vào Thánh tuệ tụ. Đó là nói rằng không phải Thánh đạo tám chi ba tụ, nhưng ba tụ nhiếp Thánh đạo tám chi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.” Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại thưa:

“Bạch Ni sư, diệt là hữu đối chăng?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Diệt là vô đối.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành, lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Sơ thiền có bao nhiêu chi?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp:

“Sơ thiền có năm chi là giác, quán, hỷ, lạc và nhất tâm.[11] Đó là năm chi của Sơ thiền.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại thưa:

“Bạch Ni sư, sao gọi là đoạn, sao gọi là tưởng, sao gọi là định lực, sao gọi là định công, sao gọi là tu định?”[12]

Pháp Lạc Tỳ-kheo-ni đáp rằng:

“Nếu có thiện tâm thuần nhất [13] được gọi là định. Bốn niệm xứ được gọi là định tưởng. Bốn chánh đoạn được gọi là định lực. Bốn như ý túc được gọi là định công. Nếu tu tập các thiện pháp này rồi lại thường chuyên tu tập tinh cần, đó gọi là tu định.

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, có bao nhiêu sự kiện mà sanh thân sau khi chết rồi, thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Có ba sự kiện khiến sanh thân sau khi chết, thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình. Những gì là ba? Một là tuổi thọ, hai là hơi ấm, ba là thức. Đó là ba pháp khiến sanh thân sau khi chết thân bị liệng ngoài gò đống như cây gỗ vô tình.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong, khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, một người chết và nhập diệt tận định khác nhau như thế nào?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Chết là mạng đã dứt, hơi ấm lìa thân, các căn bại hoại. Còn Tỳ-kheo nhập diệt tận định thì tuổi thọ chưa dứt, hơi ấm cũng không lìa thân, các căn không bại hoại. Đó là sự khác biệt giữa một người chết và nhập diệt tận định.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, một người diệt tận định và một người nhập vô tưởng định khác nhau thế nào?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Một người nhập diệt tận định thì tưởng và tri [14] đều diệt còn một người nhập vô tưởng định thì tưởng và tri không diệt. Đó là sự khác biệt giữa một người nhập diệt tận định và nhập vô tưởng định.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, một người từ diệt tận định ra và từ vô tưởng định ra khác nhau như thế nào?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tỳ-kheo từ diệt tận định ra không khởi suy nghĩ này, ‘Ta từ diệt tận định ra’. Tỳ-kheo khi từ vô tưởng định ra, khởi ý nghĩ này, ‘Ta là hữu tưởng? Hay ta là vô tưởng?’ Đó là sự khác nhau giữa một người từ diệt tận định ra và từ vô tưởng định ra.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Tỳ-kheo khi nhập diệt tận định có khởi ý nghĩ rằng, ‘Ta nhập diệt tận định không’?”

Pháp lạc Tỳ-kheo đáp:

“Tỳ-kheo khi nhập diệt tận định không khởi ý nghĩ rằng, ‘Ta nhập diệt tận định,’ nhưng do theo tâm thức đã tu tập từ trước, y như vậy mà tiến tới.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, tỳ-kheo từ diệt tận định ra có khởi ý nghĩ rằng, ‘Ta từ diệt tận định ra’ hay không?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tỳ-kheo khi từ diệt tận định ra không khởi ý nghĩ, ‘Ta từ diệt tận định ra”, nhưng bởi thân này và sáu xứ duyên mạng căn, cho nên từ định mà ra.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Tỳ-kheo từ diệt tận định ra, tâm lạc những gì? Thú hướng những gì? Và thuận những gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Tỳ-kheo từ diệt tận định ra, tâm lạc đối với viễn ly, thú hướng viễn ly và tùy thuận viễn ly.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư có bao nhiêu thọ?” [15]

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Có ba thọ, là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Chúng duyên vào đâu mà có? Duyên vào xúc.” [16]

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, thế nào là cảm thọ lạc? Thế nào là cảm thọ khổ, và thế nào là cảm thọ không khổ không lạc?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Nếu lạc được cảm xúc bởi lạc xúc [17] mà sanh, thân và tâm cảm giác rất khoái lạc, thì thọ này gọi là cảm thọ lạc. Nếu khổ được cảm xúc bởi khổ xúc mà sanh, thân và tâm cảm thọ khổ, không khoái lạc, thì thọ này gọi là cảm thọ khổ. Nếu không khổ không lạc được cảm xúc bởi xúc không khổ không lạc mà sanh, thân và tâm cảm thọ không khổ không lạc, không phải khoái cảm hay không khoái cảm, thì cảm thọ này gọi là cảm giác không lạc không khổ.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Đối với cảm thọ lạc, thế nào là lạc? Thế nào là khổ? Thế nào là vô thường? Thế nào là tai hoạn? Thế nào là sử? Đối với cảm thọ khổ, thế nào là lạc, thế nào là khổ, thế nào là vô thường, thế nào là tai hoạn, thế nào là sử? Đối với cảm thọ không khổ không lạc, thế nào là lạc, thế nào là khổ, thế nào là vô thường, thế nào là tai hoạn, thế nào là sử?”[18]

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Đối với cảm thọ lạc, sanh là lạc, trụ là lạc; biến dịch là khổ; vô thường tức là tai hoạn, và dục là sử; đối với cảm thọ khổ, sanh là khổ, trụ là khổ, biến dịch là lạc, vô thường tức là tai hoạn, sân nhuế là sử. Đối với cảm thọ không khổ không lạc, khổ hay lạc không được biết đến, vô thường tức là biến dịch và vô minh là sử vậy.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, phải chăng tất cả cảm thọ lạc đều là dục sử?[19] Tất cả cảm thọ khổ đều là nhuế sử? [20] Tất cả cảm thọ không khổ không lạc đều là vô minh sử?”[21]

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Không phải tất cả cảm thọ lạc đều là dục sử, không phải tất cả cảm thọ khổ đều là nhuế sử; không phải tất cả cảm thọ không khổ không lạc đều là vô minh sử. Vì sao cảm thọ lạc không phải là dục sử? Nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, hỷ lạc do ly dục sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Đó là cảm thọ lạc không phải là dục sử. Vì sao vậy? Vì đã đoạn dục. Vì sao cảm thọ khổ không phải là nhuế sử? Như mong cầu vô thượng giải thoát lạc, do sự nguyện cầu canh cánh mà sanh ra ưu khổ. Đó là cảm thọ khổ không không phải là nhuế sử. Vì sao? Vì nó đoạn sân nhuế. Vì sao cảm thọ không khổ không lạc không phải là vô minh sử? Khi lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ đã có trước cũng diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là cảm thọ không khổ không lạc không phải là vô minh sử. Vì sao? Vì nó đoạn vô minh.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ lạc đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ lạc lấy cảm thọ khổ làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ khổ đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ khổ lấy cảm thọ lạc làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ vừa lạc vừa khổ đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ lạc khổ lấy không khổ không lạc làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, cảm thọ không khổ không lạc đối đãi với cái gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Cảm thọ không khổ không lấy vô minh làm đối đãi.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, vô minh đối đãi với gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Vô minh lấy minh làm đối.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, minh đối đãi với gì?”

Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Minh lấy Niết-bàn làm đối.”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Bạch Ni sư!”

Ưu-bà-di Tì-xá-khư khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi rằng:

“Bạch Ni sư, Niết-bàn đối đãi với cái gì?”

“Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc đáp rằng:

“Ông [22] muốn hỏi những việc vô cùng, nhưng việc ông hỏi không thể cùng tận giới hạn của tôi được. Niết-bàn không có đối đãi. Niết-bàn không có quái ngại, vượt qua quái ngại, diệt trừ quái ngại, do nghĩa này nên tôi theo Thế Tôn hành phạm hạnh.”

Bấy giờ Ưu-bà-di Tì-xá-khư, khi nghe Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc nói, khéo léo thọ trì, tụng tập, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc, đi nhiễu ba vòng rồi lui về.

Bấy giờ Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc sau khi tiễn Ưu-bà-di Tì-xá-khư đi cách đó không lâu, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi lui đứng một bên, đem hết những điều thảo luận cùng Ưu-bà-di Tì-xá-khư bạch lại với Phật, chấp tay thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con nói như vậy, đáp như vậy, không vu báng Thế Tôn chăng? Nói chân thật, nói như pháp, không có trái nhau, không có tranh cãi, nhầm lẫn chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Tỳ-kheo-ni, ngươi nói như vậy, đáp như vậy, không vu báng Ta, ngươi nói chân thật, ngươi nói như pháp, nói theo thứ lớp của pháp. Đối với như pháp, không có chống trái nhau, không tranh, không lỗi vậy. Này Tỳ-kheo-ni, nếu Ưu-bà-di Tì-xá-khư đến hỏi Ta, Ta cũng bằng những văn cú như vậy, Ta cũng trả lời Ưu-bà-di Tì-xá-khư bằng nghĩa này, bằng văn cú này. Này Tỳ-kheo-ni, nghĩa này đúng như ngươi đã nói, ngươi cứ như vậy mà thọ trì. Vì sao, những lời này tức là giáo nghĩa vậy.”

Phật thuyết như vậy, Tỳ-kheo-ni Pháp Lạc và chư Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.44. Cūḷa-vedalla-suttaṃ.[02] Bản Pāli nói tại Rājagaha, Veḷuvana, Kalandakanivāpa.[03] Tì-xá-khư Ưu-bà-di 毗 舍 佉 優 婆 夷. Trong bản Pāli: Visākho upāsako, nam cư sĩ Visākha chứ không phải nữ cư sĩ Visākha.[04] Pháp Lạc Tỳ-kheo-ni 法 樂 比 丘 尼. Pāli: Dhammadinnā bhikkhunī. Bà được xếp vào hàng những Tỳ-kheo-ni có tài biện thuyết. Trước kia bà là vợ của Visākha ở Rājigaha. Bản chữ Hán có thể nhầm Visākha này với Visākā, một nữ cư sĩ hộ đạo nhiệt thành ngang Cấp Cô Độc.[05] Hiền Thánh. Pāli: ayye, ”bạch Thánh ni!”[06] Tự thân 有 身. Pāli: sakkāya, hữu thân, hay ”tát-ca-da”.[07] Ngũ thạnh ấm, hoặc nói là ngũ thủ uẩn. Pāli: pañca upādānakkhandhā.[08] Tự thân kiến 自 身 見, cũng nói là hữu thân kiến, hay tát-ca-da tà kiến, có hai mươi trường hợp. Pāli: sakkāya-diṭṭhi.[09] Bất ngự Thánh pháp 不 御 聖 法. Pāli: ariyadhamme avinīto.[10] Hán: hữu thọ 有 受.[11] Giác, quán, hỷ, lạc, nhất tâm; hay tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm hay tâm nhất cảnh tánh. Pāli: vitakka, vicāra, pīti, sukha, cittekaggatā.[12] Đoạn, theo trả lời đây là định. Pāli: samādhi (định), samādhinimittā (định tướng), samādhiparikkhāra (định lực, định công hay tư trợ, tư cụ của định), samādhibhavana (định tu, tu định).[13] Đắc nhất 得 一 hay nói là tâm nhất cảnh tánh, hay tâm nhất thú tánh. Pāli: ekaggatā.[14] Tưởng tri 想 知, hay tưởng và thọ. Pāli: saññā-vedayita.[15] Hán: giác 受, tức thọ, hay cảm thọ. Pāli: vedanā.[16] Hán: cánh lạc 更 樂. Pāli: phassa.[17] Lạc cánh lạc sở xúc sanh 樂 更 樂 所 觸 生.[18] Sử 使, kết sử, hay tùy miên. Pāli: anusaya.[19] Dục sử 欲 使, hay tham dục tùy miên. Pāli: rāgānusaya.[20] Nhuế sử 恚 使, hay sân tùy miên. Pāli: paṭighānusaya.[21] Vô minh sử 無 明 使, hay vô minh tùy miên. Pāli: avijjānusaya.[22] Hán: quân 君. Có thể nam, có thể nữ. Có sự bất nhất về phái tính nhân vật trong bản Hán. Pāli: avuso.

-ooOoo-

211. KINH ĐẠI CÂU-HY-LA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử vào lúc xế từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la, [02] chào hỏi nhau xong rồi ngồi xuống một bên.

Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:

“Này Hiền giả Đại Câu-hy-la, tôi có điều muốn hỏi, Hiền giả nghe cho chăng?

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, muốn hỏi xin cứ hỏi, tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, bất thiện, được nói là bất thiện; bất thiện căn, được nói là bất thiện căn. Thế nào là bất thiện? Thế nào là bất thiện căn?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Thân ác hành, khẩu và ý ác hành, đó là bất thiện vậy. Tham, nhuế, si, đó là bất thiện căn vậy. Đó là bất thiện và bất thiện căn.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Hay thay! Lành thay! Hiền giả Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong, hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Câu-hy-la, thiện, được nói là thiện; thiện căn, được nói là thiện căn. Thế nào là thiện? Thế nào là thiện căn?

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, đó là thiện vậy. Không tham, không nhuế, không si, đó là thiện căn vậy. Đó là thiện và thiện căn.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Trí tuệ, được nói là trí tuệ. Thế nào là trí tuệ?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Biết như vậy, cho nên nói là trí tuệ. Biết những gì? Biết như thật ‘Đây là Khổ’, biết như thật ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt Đạo’. Biết như vậy cho nên được nói là trí tuệ.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thức, được nói là thức; thế nào là thức?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Thức, nhận thức, cho nên nói là thức. [3] Nhận thức những gì? Nhận thức, sắc, nhận thức thanh, hương, vị, xúc, pháp. Thức, nhận thức, cho nên nói là thức.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, trí tuệ và thức, hai pháp này hiệp nhất hay riêng biệt? Có thể thi thiết hai pháp này riêng biệt chăng?”[4]

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Hai pháp này hiệp nhất chứ không riêng biệt. Không thể thi thiết hai pháp ấy riêng rẽ. Vì sao vậy? Những gì được biết bởi trí tuệ cũng được biết bỡi thức. Cho nên hai pháp này hiệp nhất chứ không riêng biệt, và không thể cho rằng hai pháp này riêng rẽ.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, người biết, ngài lấy gì để biết?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Biết, tôi do trí tuệ mà biết.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Tôn giả Đại Câu-hy-la!”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, trí tuệ có nghĩa gì? Có sự thù thắng gì? Có công đức gì?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Trí tuệ có nghĩa yểm ly, có nghĩa vô dục, có nghĩa thấy như thật.[5”]

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là chánh kiến?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. Đó gọi là chánh kiến.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, có bao nhiêu duyên sanh chánh kiến?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có hai nhân, có hai duyên sanh chánh kiến. Những gì là hai? Một là duyên từ người khác, hai là nội tâm tư duy. Đó là có hai nhân, có hai duyên sanh chánh kiến.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu chi thâu nhiếp chánh kiến để đạt được tâm giải thoát quả, tuệ giải thoát quả, đạt được tâm giải thoát công đức, tuệ giải thoát công đức?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có năm chi thâu nhiếp chánh kiến để đạt được tâm giải thoát quả, tuệ giải thoát quả; đạt được tâm giải thoát công đức, tuệ giải thoát công đức. Những gì là năm? Một là được thâu nhiếp bởi chân đế, hai là được thâu nhiếp bởi giới, ba là được thâu nhiếp bởi bác văn, bốn là được thâu nhiếp bởi chỉ, năm là được thâu nhiếp bởi quán. Đó gọi là năm chi thâu nhiếp chánh kiến để đạt được tâm giải thoát quả, tuệ giải thoát quả, đạt được tâm giải thoát công đức, tuệ giải thoát công đức.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, như thế nào sanh sự hữu trong tương lai [06]?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Phàm phu ngu si, vô tri, không đa văn, bị vô minh che lấp, bị ái kết trói buộc, không gặp thiện tri thức, không hiểu biết Thánh pháp, không điều ngự Thánh pháp, đó gọi là làm phát sanh sự hữu trong tương lai.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thế nào là không sanh sự hữu trong tương lai?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Nếu vô minh đã diệt, minh đã sanh, tất diệt tận khổ. Đó gọi là không phát sanh sự hữu trong tương lai.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu thọ?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có ba thọ, là khổ thọ, lạc thọ và không khổ không lạc thọ. Thọ này duyên đâu mà có? Duyên xúc mà có.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la!”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, thọ, tưởng, tư, ba pháp này hiệp nhất hay riêng biệt? Có thể thi thiết ba pháp này riêng biệt chăng?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Thọ, tưởng, tư, ba pháp này hiệp nhất không riêng biệt. Không thể thi thiết ba pháp này là riêng biệt. Vì sao? Những gì được cảm thọ bởi thọ, cũng được tưởng bởi tưởng, được tư bởi tư. Cho nên nói ba pháp này hiệp nhất không riêng biệt, và không thể thi thiết ba pháp này riêng biệt.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Diệt có sự đối ngại gì?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Diệt không có sự đối ngại.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có năm căn với hành dị biệt [07], cảnh giới dị biệt, mỗi căn lãnh thọ cảnh giới riêng. Nhãn căn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân căn. Năm căn hành tướng dị biệt, cảnh giới dị biệt, mỗi căn tự lãnh thọ cảnh giới riêng. Vậy cái gì lãnh thọ tất cả cảnh giới cho chúng? Cái gì làm sở y cho chúng?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Năm căn với hành tướng dị biệt, với cảnh giới dị biệt, mỗi căn lãnh thọ cảnh giới riêng. Nhãn căn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân căn. Năm căn này với hành tướng riêng biệt, với cảnh giới riêng biệt, mỗi căn lãnh thọ cảnh giới riêng; ý lãnh thọ tất cả cảnh giới cho chúng. Ý làm sở y cho chúng.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Ý nương tựa vào đâu mà tồn tại?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Ý nương tựa vào tuổi thọ mà tồn tại.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, tuổi thọ nương vào đâu mà tồn tại?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng:

“Tuổi thọ nương vào hơi ấm mà tồn tại.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, tuổi thọ và hơi ấm, hai pháp này hiệp nhất hay riêng biệt? Có thể thi thiết hai pháp này riêng biệt chăng?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tuổi thọ và hơi ấm hai pháp này hiệp nhất không riêng biệt. Không thể cho rằng hai pháp này riêng biệt. Vì sao? Nhân tuổi thọ mà có hơi ấm; nhân hơi ấm mà có tuổi thọ. Nếu không có tuổi thọ thì không có hơi ấm, nếu không có hơi ấm thì không có tuổi thọ. Cũng như do dầu do bấc mà đốt được đèn; và ở đây do ngọn mà có ánh sáng, do ánh sáng mà có ngọn. Nếu không có ngọn thì không có ánh sáng, không có ánh sáng thì không có ngọn. Cũng vậy, nhân tuổi thọ mà có hơi ấm, nhân hơi ấm mà có tuổi thọ. Nếu không có tuổi thọ thì không có hơi ấm, không có hơi ấm thì không có tuổi thọ. Cho nên hai pháp này hiệp nhất không riêng biệt, và không thể cho rằng hai pháp này riêng biệt.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu pháp khi sanh thân chết rồi bỏ xác ngoài bãi tha ma như cây gỗ vô tình?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có ba pháp khi sanh thân chết rồi bỏ xác ngoài bãi tha ma như cây gỗ vô tình. Những gì là ba? Một là tuổi thọ, hai là hơi ấm, ba là thức. Ba pháp này sau khi sanh thân chết rồi, bỏ xác ngoài bãi tha ma như cây gỗ vô tình.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, chết và nhập diệt tận định khác nhau như thế nào?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Chết là thọ mạng đã diệt, hơi nóng ấm đã đi, các căn tan rã. Tỳ-kheo nhập diệt tận định, tuổi thọ chưa hết, hơi ấm cũng chưa đi, các căn chưa tan rã. Chết và nhập diệt tận định khác nhau như vậy.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, nhập diệt tận định và nhập vô tưởng định khác nhau như thế nào?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo nhập diệt tận định thì tưởng và tri đã diệt. Tỳ-kheo nhập vô tưởng định thì tưởng và tri không diệt. Nhập diệt tận định và nhập vô tưởng định khác nhau như vậy.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, ra khỏi diệt tận định và ra khỏi vô tưởng định khác nhau như thế nào?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định không nghĩ như vầy, ‘Ta ra khỏi diệt tận định’. Tỳ-kheo ra khỏi vô tưởng định suy nghĩ như vầy, ‘Ta có tưởng hay ta không có tưởng?’ Ra khỏi diệt tận định và vô tưởng định khác nhau như vậy.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, Tỳ-kheo nhập diệt tận định trước hết diệt pháp nào, thân hành, khẩu hành hay ý hành?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo nhập diệt tận định trước hết diệt thân hành, kế đến khẩu hành và sau hết là ý hành.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định, pháp nào phát sanh trước hết? Thân hành, khẩu hành hay ý hành?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định, trước hết sanh thân hành, kế đến sanh khẩu hành và sau cùng sanh ý hành.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Tỳ-kheo khi ra khỏi diệt tận định, xúc bao nhiêu loại xúc?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Tỳ-kheo ra khỏi diệt tận định, xúc ba loại xúc. Những gì là ba? Một là xúc không di động; hai là xúc vô sở hữu; ba là xúc vô tướng. Tỳ-kheo khi ra khỏi diệt tận định xúc ba loại xúc này.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, không, vô nguyện, vô tướng, ba pháp này khác nhau về nghĩa, về văn? Hay cùng một nghĩa một văn?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Không, vô nguyện, vô tướng, ba pháp này khác nghĩa, khác văn.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong, khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao nhiêu duyên phát sanh bất động định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có bốn nhân, bốn duyên phát sanh bất động định. Những gì là bốn? Nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền thành tựu an trụ. Đó gọi là bốn nhân bốn duyên phát sanh bất động định.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao nhiêu duyên phát sanh vô sở hữu định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có ba nhân, ba duyên phát sanh vô sở hữu định. Những gì là ba? Nếu Tỳ-kheo vượt tất cả sắc tưởng cho đến chứng đắc vô sở hữu xứ thành tựu an trụ. Đó gọi là ba nhân ba duyên phát sanh vô sở hữu định.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao nhiêu duyên phát sanh vô tưởng định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có hai nhân, hai duyên phát sanh vô tưởng định. Những gì là hai? Một là không suy niệm tất cả mọi tưởng, hai là suy niệm vô tưởng giới. Đó gọi là có hai nhân, hai duyên phát sanh vô tưởng định.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân, bao nhiêu duyên trụ vô tưởng định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có hai nhân, hai duyên trụ vô tưởng định. Những gì là hai? Một là không niệm tất cả tưởng, hai là niệm vô tưởng giới. Đó là hai nhân duyên hai duyên trụ vô tưởng định.”

Tôn giả Xá-lê Tử nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! Hiền giả Đại Câu-hy-la.”

Tôn giả Xá-lê Tử khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi:

“Hiền giả Đại Câu-hy-la, có bao nhiêu nhân bao nhiêu duyên ra khỏi vô tưởng định?”

Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp:

“Có ba nhân ba duyên ra khỏi vô tưởng định. Những gì là ba? Một là niệm tất cả tưởng; hai là không niệm vô tưởng giới; ba là do thân này và do sáu xứ duyên mạng căn. Đó gọi là có ba nhân, ba duyên ra khỏi vô tưởng định.”

Như vậy, hai vị Tôn giả tán thán lẫn nhau rằng: ”Lành thay! Lành thay!” và những điều được thảo luận đó, hoan hỷ phụng hành, rồi rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli. M.43. Mahā-vedalla-suttaṃ. Phần lớn, những vấn đề được thảo luận trong kinh, đối chiếu và xem chú thích ở Kinh 210 trên.[02] Đại Câu-hy-la 摩 訶 拘 絺 羅. Pāli: Mahā-Koṭṭthika.[03] Thức thức, thị cố thuyết thức 識 識 是 故 說 識. Pāli: vijānāti vijānātī’ti kho āvuso tasmā viññāṇan ti vuccati.[04] Pāli: labbhā ca panimesaṃ dhammānaṃ vinibbhujitvā vinibbhujitvā nānākaraṇaṃ paññāpetun ti, có thể chăng sau khi phân tích rồi phân tích các pháp này mà giả thiết hành tướng sai biệt của chúng?[05] Pāli: paññā kho āvuso abhiññatthā pariññatthā pahānatthā ti, trí tuệ có nghĩa thaéng tri, có nghĩa biến tri, có nghĩa đoạn trừ.[06] Đương lai hữu 當 來 有. Pāli: āyatiṃ punabbhavābhimibbatti, sự tái sanh xảy ra trong tương lai.[07] Hành dị 行 異. Pāli: nānāgocarāni, có môi trường hoạt động sai biệt, sai biệt sở hành cảnh giới.

-ooOoo-

18. PHẨM LỆ

212. KINH NHẤT THIẾT TRÍ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Uất-đầu-tùy-nhã, trong rừng Phổ cức thích. [02]

Bấy giờ vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc [03] nghe Sa-môn Cù-đàm du hóa tại Uất-đầu-tùy-nhã, trong rừng Phổ cức thích. Sau khi nghe như vậy, vua nước Câu-tát-la, Ba-tư-nặc, bảo một người rằng: “Ngươi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay mặt ta mà thăm hỏi rằng, ‘Thánh thể có khương cường, an lạc không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?’ Rồi nói như vầy, ‘Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc, kính lời thăm hỏi rằng ‘Thánh thể được khang cường, an lạc không tật bệnh đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Ngươi lại nói thêm rằng, ‘Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến gặp’.” Người ấy lãnh giáo đến chỗ Phật, cùng Ngài chào hỏi rồi lui ngồi một bên mà thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc kính lời thăm hỏi Thánh thể được khang cường, an lạc không tật bệnh, đi đứng thoải mái khi lực như thường chăng? Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến gặp.”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Mong vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc được an ổn khoái lạc. Mong cho Trời, Người, A-tu-la, Kiền-tháp-hòa, La-sát và mọi loài khác cũng được an ổn khoái lạc. Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến xin cứ tự tiện tùy ý.”

Lúc đó sứ giả nghe Phật nói, ghi nhớ kỹ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy nhiễu ba vòng rồi lui về.

Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau lưng Đức Thế Tôn, quạt hầu Phật. Sau khi người sứ giả đi rồi, Đức Thế Tôn quay lại bảo rằng:

“Này A-nan, ông cùng Ta sang ngôi nhà lớn hướng phía Đông, mở cửa sổ ra và đóng cửa lớn lại, vào trong chỗ kín đáo ấy. Hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, nhất tâm, không loạn động, muốn nghe và thọ lãnh Chánh pháp.”

Khi ấy Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:

“Kính vâng.”

Rồi Đức Thế Tôn dẫn A-nan sang ngôi nhà lớn hướng phía Đông kia, mở cửa sổ ra và đóng cửa lớn lại, dọn chỗ ngồi ở chỗ kín đáo, trải ni-sư-đàn và kiết già mà ngồi.

Lúc đó sứ giả trở về chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la thưa:

“Tâu Thiên vương, tôi đã thông báo cho Sa-môn Cù-đàm và Sa-môn Cù-đàm đang chờ Thiên vương. Cúi xin Thiên vương nên biết đúng thời.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bảo người đánh xe rằng:

“Ngươi hãy sửa soạn xa giá. Hôm nay Ta muốn đến thăm Sa-môn Cù-đàm.”

Người đánh xe lãnh giáo, tức thì sửa soạn xa giá.

Bấy giờ chị em Hiền và Nguyệt [04] đang ngồi ăn với Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe nói hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sẽ đến thăm Phật, liền tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, nếu hôm nay ngài đến thăm Đức Thế Tôn, xin thay chúng tôi cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng? Đại vương nói như vầy, ‘Chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn, Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?’”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la im lặng nhận lời chị em Hiền và Nguyệt.

Lúc đó người đánh xe sửa soạn xa giá đã xong, đến tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá trang nghiêm đã xong, xin vâng ý Thiên vương.”

Vua nghe xong, lên xe rời khỏi Uất-đầu-tùy-nhã, đi đến rừng Phổ cức thích.

Lúc đó ngoài cửa rừng Phổ cức thích, một số đông các Tỳ-kheo đi kinh hành trên khoảng đất trống. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đến hỏi các Tỳ-kheo rằng:

“Bạch chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm hôm nay ở đâu? Tôi muốn đến thăm.”

Chư Tỳ-kheo đáp rằng:

“Nơi phía Đông kia, tâu Đại vương, tại ngôi nhà lớn hướng phía Đông, có cửa sổ mở và cửa lớn đóng, Đức Thế Tôn đang ở trong đó. Đại vương muốn thăm thì đến nhà ấy, đứng ngoài mà tằng hắng và gõ cửa, Đức Thế Tôn sẽ mở cửa.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la liền xuống xe, với đám tùy tùng vây quanh, đi bộ về ngôi nhà lớn hướng phía Đông ấy. Đến nơi vua đứng phía ngoài tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe, liền ra mở cửa. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vào trong ngôi nhà ấy, đến trước bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn rằng, ‘Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Chị em Hiền và Nguyệt không có người sai sao?”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, mong Ngài biết cho, hôm nay chị em Hiền và Nguyệt cùng ngồi ăn với con, nghe con muốn đến thăm Phật, bèn thưa rằng, ‘Đại vương, nếu ngài đến thăm Phật, xin thay chúng tôi cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn, Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?’ Nên con bạch lại như vậy cùng Thế Tôn rằng, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn ‘Thánh thể Ngài khỏe mạnh an lạc, không tật bệnh đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Bạch Cù-đàm, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn, Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Này Đại vương, mong cho chị em Hiền và Nguyệt an ổn, khoái lạc, mong cho Trời, Người, A-tu-la, Kiền-đáp-hòa, La-sát cùng mọi loài khác an ổn khoái lạc.”

Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói lời thăm hỏi Phật rồi lui ngồi một bên bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi mong Ngài nghe chuyện con mới dám trình bày.”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, có điều gì muốn hỏi cứ tự ý mà hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, con nghe Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không, và hiện tại cũng không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’. Bạch Cù-đàm, Ngài đã nhớ là đã nói như vậy chăng?

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, Ta không nhớ là đã nói như vậy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, và hiện tại không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’.”

Lúc đó Đại tướng Bệ-lưu-la [05]đứng sau lưng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, cầm phất trần hầu vua. Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la quay lại nói với Đại tướng Bệ-lưu-la rằng:

“Hôm trước Ta ngồi với đại chúng, ai là người đầu tiên nói rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có và trong hiện tại cũng không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’?”

Đại tướng Bệ-lưu-la đáp rằng:

“Tâu Thiên vương, có Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử [06] là người đầu tiên nói như vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong, bảo một người rằng: “Ngươi đến chỗ Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử nói như vầy, ‘Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cho gọi ông’.”

Người ấy lãnh giáo, đi đến chỗ Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử bảo như vầy:

“Này Niên Thiếu, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cho gọi ông.”

Sau khi người ấy đi, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bạch Thế Tôn:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có thể có những lời nói khác, nhưng được ghi nhớ khác. Bạch Cù-đàm, ngài có nhớ đã nói những gì chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, Ta nhớ đã từng nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, trong hiện tại cũng không có, không có Sa-môn Phạm chí nào trong một thời [07] biết tất cả, trong một thời thấy tất cả’. Này Đại vương, Ta nhớ đã nói như vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong tán thán rằng:

“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Sư [08] . Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư. Lại có những điều muốn hỏi, mong Ngài cho phép con hỏi.”

Thế Tôn đáp rằng:

“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm! Ở đây có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, Công sư. Bốn chủng tộc này có sự hơn kém nào không? Và có sự sai biệt nào?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, Công sư có hơn kém và sai biệt. Hạng Sát-lợi, và Phạm chí ở trong nhân gian được coi là tối thượng. Hạng Cư sĩ và hạng Công sư ở trong nhân gian được coi là hạ liệt. Trong bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư đó là sự hơn kém và đó là sự sai biệt.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

Những gì Sa-môn Cù-đàm nói như Sư. Những gì Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại bạch:

“Bạch Cù-đàm, con không hỏi những vấn đề trong hiện tại, mà con muốn hỏi cả những vấn đề đời sau nữa, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“Bạch Cù-đàm, ở đây có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư, có sự hơn kém nào, có sự sai biệt nào ở đời sau chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, và Công sư, có sự hơn kém, có sự sai biệt cả trong đời sau nữa. Bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Công sư và Cư sĩ nếu thành tựu được năm đoạn chi này [09], chắc chắn sẽ gặp được bậc Thiện sư, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, chắc chắn được vừa ý, không có điều gì không vừa ý, và cũng luôn luôn được thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc. Những gì là năm chi? Đa văn Thánh đệ tử đối với Như Lai đã gieo trồng tín căn, đã quyết định vững bền, không ai có thể tước đoạt, dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác. Đó gọi là đoạn chi thứ nhất.

“Lại nữa, Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử, ít bệnh, không bệnh, thành tựu sự điều hòa thực đạo [10] , không quá lạnh, không quá nóng, dễ chịu, không bị bực dọc. Nghĩa là sự ăn uống được tiêu hóa dễ dàng an ổn. Đó gọi là đoạn chi thứ hai.

“Lại nữa, này Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử không siểm mị, không dối gạt, chất trực, tự bộc lộ sự chân thật đối với Thế Tôn và các vị phạm hạnh. Đó gọi là đoạn chi thứ ba.

“Lại nữa, Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử thường thành tựu hạnh tinh tấn, đoạn trừ ác và bất thiện pháp, siêng tu các thiện pháp, luôn luôn tự sách tấn [11], chuyên nhất kiên cố, đối với gốc rễ các thiện pháp, không hề từ bỏ phương tiện. Đó gọi là đoạn chi thứ bốn.

“Lại nữa, Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy và chứng đắc trí tuệ như vậy, thánh tuệ minh đạt phân biệt thấu triệt, do đó mà chơn chánh diệt tận. Đó gọi là đoạn chi thứ năm.

“Có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư. Bốn hạng này nếu thành tựu được năm đoạn chi này, nhất định được gặp bậc Thiện sư, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, ắt được vừa ý, không có điều gì không vừa ý, luôn luôn được thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc.

“Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư. Đó là hơn kém, đó là sự sai biệt ở đời sau vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong tán thán rằng:

“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Sư. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Đại vương, nếu có điều gì muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“Bạch Cù-đàm, có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư; bốn hạng này có sự hơn kém và sự sai biệt nào đối với đoạn hành [12] chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư. Bốn hạng này có sự sai biệt và hơn kém đối với đoạn hành. Này Đại vương, Đại vương nghĩ sao? Những gì được đoạn bởi tín, và chúng được đoạn bởi bất tín trường hợp đó hoàn toàn không thể có. Những gì được đoạn bởi ít bệnh, mà chúng cũng được đoạn bởi nhiều bệnh, trường hợp đó hoàn toàn không thể có. Những gì được đoạn bởi sự không siểm nịnh, không lừa dối [13], mà chúng cũng được đoạn bởi siểm nịnh, lừa dối, trường hợp này không thể có. Nếu được đoạn bởi tinh cần mà cũng được đoạn bởi giải đãi; trường hợp này không thể có. Nếu đoạn bởi trí tuệ, mà cũng được đoạn trừ bởi ác tuệ, trường hợp này không thể có.

“Cũng như chế ngự bốn thứ [14] là chế ngự voi, chế ngự ngựa, chế ngự bò và chế ngự người. Trong đó có hai trường hợp cần chế ngự mà không thể chế ngự và hai trường hợp cần chế ngự mà có thể chế ngự. Đại vương, ý ông thế nào? Hai trường hợp cần chế ngự mà không thể chế ngự, con vật không thể chế ngự ấy mà lại đi đến chỗ được điều phục, đi đến được chỗ chế ngự [15], thọ nhận công việc của sự điều ngự [16], thì việc này có thể vậy.

“Cũng vậy, này Đại vương, Đại vương nghĩ sao? Nếu những gì được đoạn bởi tín mà cũng được đoạn bởi bất tín chăng? Việc này không thể có. Nếu được đoạn bởi ít bệnh mà cũng được đoạn bởi nhiều bệnh chăng? Việc này không thể có. Nếu được đoạn bởi sự không siểm nịnh không dối trá mà cũng được đoạn bởi siểm nịnh, dối trá chăng? Việc này không thể có. Nếu được đoạn bởi tinh cần mà cũng đoạn bởi giải đãi chăng? Việc này không thể có. Nếu do trí tuệ mà đoạn cũng do ác tuệ mà đoạn chăng? Việc này không thể có. Như vậy, bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, và Công sư, đó là sự hơn kém, sự sai biệt về đoạn hành.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Bạch Cù-đàm, những điều Ngài nói như Sư, những điều Ngài nói như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư, bốn hạng này có sự hơn kém, có sự sai biệt đối với đoạn [17] chăng?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư, chúng bình đẳng đối với đoạn, không hơn kém, không sai biệt đối với đoạn vậy  [18].

“Cũng như một đứa nhỏ dòng Sát-lợi từ phương Đông đến lấy Sa-la khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa dòng Phạm chí từ phương Nam đến nó lấy cây Sa-la khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa dòng Cư sĩ từ phương Tây đến, nó lấy chiên-đàn làm mồi và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa bé dòng công sư từ phương Bắc đến, nó lấy cây Bát-đầu-ma  [19] khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Này Đại vương, ý ngài nghĩ sao? Những người khác chủng tộc kia mang các loại cây khác nhau làm mồi lửa, nó cọ xát cho bốc lửa; rồi trong số đó, có người châm vào cây khô làm cho bốc khói, bốc lửa ngọn và phát sanh màu lửa. Này Đại vương, giữa khói với khói, giữa ngọn lửa với ngọn lửa. Giữa sắc lửa với sắc lửa, có những sai biệt nào chăng?”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, những người khác chủng tộc đó lấy các thứ cây khác nhau đó làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa, rồi trong số đó có người châm lửa vào cây khô làm bốc khói, bốc lửa ngọn và phát sanh màu lửa. Bạch Cù-đàm, con không nói rằng giữa khói và khói, giữa ngọn lửa và ngọn lửa, giữa sắc lửa và sắc lửa có sự sai biệt.”

“Cũng vậy, này Đại vương, bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư, chúng hoàn toàn bình đẳng đối với đoạn, không có hơn kém, không có sai biệt đối với đoạn.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Bạch Cù-đàm, những điều Ngài nói như Sư. Bạch Sa-môn Cù-đàm, những điều Ngài nói như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con hỏi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, có chư Thiên chăng?”

Đức Thế Tôn hỏi lại:

“Đại vương, ngài hỏi có chư Thiên không với ý gì?”

Vua Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đáp:

“Bạch Cù-đàm, chư Thiên nào có tranh  [20] , ưa tranh thì chư Thiên ấy phải sanh lại thế gian này. Nếu chư Thiên nào không có não hại thì sẽ không sanh lại thế gian này [21].”

Bấy giờ Đại tướng Bệ-lưu-la đứng sau lưng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, cầm phất trần hầu vua. Đại tướng Bệ-lưu-la bạch:

“Bạch Cù-đàm, chư Thiên nào không có tranh, không ưa tranh không đến thế gian này, hãy gác lại chư Thiên đó. Giả như chư Thiên nào có tranh, ưa tranh, thì đến thế gian này, Sa-môn Cù-đàm tất phải nói rằng chư Thiên đó có phước hơn, có phạm hạnh hơn. Vì chư Thiên này được tự tại nên đẩy lui chư Thiên kia, đuổi chư Thiên kia đi vậy.”

Lúc đó Tôn giả A-nan đứng hầu sau Đức Thế Tôn, cầm phất trần hầu Phật. Tôn giả A-nan nghĩ rằng, ‘Đại tướng Bệ-lưu-la này là con của Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, còn ta là con của Đức Thế Tôn. Bây giờ chính là lúc con và con thảo luận. Rồi Tôn giả A-nan nói với Đại tướng Bệ-lưu-la rằng:

“Tôi muốn hỏi ngài, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

“Thưa Đại tướng, ngài nghĩ thế nào? Trong phần ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la mà giáo lệnh có thể truyền đến, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la được tự do đuổi đi những vị có phước đức hơn, có phạm hạnh hơn chăng?”

Đại tướng Bệ-lưu-la đáp:

“Này Sa-môn, trong phần ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la mà giáo lệnh có thể truyền đến thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la được quyền đuổi đi tự do những vị có phước đức hơn, có phạm hạnh hơn.”

“Này Đại tướng, ngài nghĩ sao? Nếu không phải trong ranh giới của Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, giáo lệnh không thể truyền đến, thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có được tự ý đuổi những vị có phước đức hơn, có phạm hạnh hơn chăng?”

Đại tướng Bệ-lưu-la dáp rằng:

“Này Sa-môn, nếu không phải ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, giáo lệnh không thể truyền đến thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la không được tự do xua đuổi những vị có phước hơn, có phạm hạnh hơn đi khỏi vậy.”

Tôn giả A-nan lại hỏi rằng:

“Này Đại tướng, ngài có nghe nói đến chư Thiên ở Tam thập tam thiên chăng?”

Đại tướng Bệ-lưu-la đáp rằng:

“Khi tôi cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la dạo chơi, có nghe nói chư Thiên trên Tam thập tam thiên.”

“Này Đại tướng, ngài nghĩ thế nào? Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có được quyền tự do xua đuổi chư Thiên có phước hơn, có phạm hạnh hơn ở Tam thập tam thiên khỏi chỗ ấy chăng?”

Đại tướng Bệ-lưu-la đáp rằng:

“Này Sa-môn, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la còn không thể thấy được chư Thiên ở Tam thập tam thiên, huống gì lại đuổi họ ra khỏi chỗ đó? Đuổi chư Thiên ở Tam thập tam thiên, việc ấy chắc chắn không thể có vậy.”

“Cũng vậy, này Đại tướng, nếu có chư Thiên nào không tranh, không ưa tranh, không đến thế gian này. Chư Thiên ấy có phước đức hơn và có phạm hạnh hơn. Nếu có chư Thiên nào có tranh, ưa tranh, sanh đến thế gian này thì chư Thiên này đối với chư Thiên kia còn không thể thấy được huống gì đánh đuổi ư? Việc đánh đuổi chư Thiên, chắc chắn không thể có.”

Lúc đó Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, Sa-môn này tên gì?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, Tỳ-kheo này tên là A-nan, đó là thị giả của Ta.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Những điều A-nan nói như Sư. Những điều A-nan như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con hỏi chăng?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Đại vương, nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, có Phạm thiên chăng?”

Đức Thế Tôn hỏi lại rằng:

“Này Đại vương, Đại vương hỏi có Phạm thiên không với ý gì? Này Đại vương, nếu Ta chủ trương có Phạm thiên thì đó là Phạm thanh tịnh.”

Trong lúc Đức Thế Tôn cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đang luận việc này nửa chừng thì người sứ giả dẫn Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử trở lại đến chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu:

“Tâu Thiên vương, Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử đã đến đây.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe nói liền hỏi Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử rằng:

“Hôm trước ta cùng đại chúng đang hội tọa ai là người trước tiên nói rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm nói như vầy: Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, và trong hiện tại cũng không có. Không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’?”

Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử đáp:

“Tâu Thiên vương, chính Đại tướng Bệ-lưu-la là người đã nói trước tiên.”

Đại tướng Bệ-lưu-la nghe xong thưa:

“Tâu Thiên vương, chính Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử là người nói trước.”

Cứ như vậy hai người đó cãi nhau về vấn đề này. Ngay trong lúc đó, người đánh xe liền sửa soạn xa giá, đến chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, nghiêm giá đã đến, tâu Thiên vương, mong ngài biết đã đến thời.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong, bạch với Phật rằng:

“Con hỏi Cù-đàm về Nhất thiết trí, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về Nhất thiết trí. Con hỏi Sa-môn Cù-đàm về bốn chủng tánh thanh tịnh; Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về bốn chủng tánh thanh tịnh. Con hỏi Sa-môn Cù-đàm về sở đắc, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về sở đắc. Con hỏi Sa-môn Cù-đàm có Phạm thiên hay không, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời cho con có Phạm thiên. Nếu con còn hỏi Sa-môn Cù-đàm các vấn đề khác chắc Sa-môn Cù-đàm cũng sẽ trả lời con các vấn đề ấy.

“Bạch Cù-đàm, hôm nay con có nhiều việc phải trở về, xin kiếu từ.”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Đại vương, ngài hãy làm những gì ngài nghĩ là đúng thời.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sau khi nghe những gì Thế Tôn nói, ghi nhớ kỹ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Thế Tôn ba vòng rồi ra về.

Phật nói như vậy. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, Tôn giả A-nan và tất cả đại chúng nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.90. Kaṇṇakatthala-suttaṃ.[02] Uất-đầu-tùy-nhã 鬱 頭 隨 若. Pāli: Ujuññā, một quận lỵ tại xứ Kosala. Phổ cức thích 普 棘 刺; Pāli: Kaṇṇakatthala, là vườn Nai trong quận này.[03] Câu-tát-la vương Ba-tư-nặc 拘 薩 羅 王 波 斯 匿. Pāli: Kosala-rājan Pasenadi.[04] Hiền, Nguyệt 賢 月. Pāli: Sakulā và Somaø. Cả hai chị em đều là vợ của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), cũng là hai vị đệ tử nhiệt thành của Phật.[05] Bệ-lưu-la 鞞 留 羅 hay Tì-lưu-li. Pāli: Viḍūḍabha, con trai của Pasenadi, mà mẹ nguyên là một nữ tỳ trong dòng họ Thích. Sau này Viḍūḍabha, vì một mối thù sĩ diện đối với họ Thích nên đã đem quân tàn sát cả họ.[06] Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử 想 年 少 吉 祥 子, Pāli: Sañjaya-Ākāsagotta, tên một người Bà-la-môn, Đại thần của vua Ba-tư-nặc.[07] Nhất thời 一 時; Pāli: sakideva, trong một thời, một lúc, hay một lần; ngay trong một sát-na.[08] Sở thuyết như sư 所 說 如 師, không rõ cách nói này. Tham khảo Pāli: heturūpaṃ bhante bhagavā āha, saheturūpaṃ... āha, Thế Tôn nói có nguyên nhân, liên hệ đến nguyên nhân. Không hiểu do liên hệ âm vận như thế nào, bản Hán hiểu heturūpaṃ là ”như sư”. Nếu dịch sát, có thể ”như nhân” nghĩa là, có hình thức luận lý.[09] Ngũ đoạn chi 五 斷 支 hay ngũ thắng chi, xem Tập Dị 13 (No.1536, Đại 26 tr.422-3). Pāli: pañca padhāniyanngāni. Bản Hán hiểu là pahāna, đoạn trừ, thay vì là padhāna, tinh cần. Xem D. 33. Saṅgītisuttanta.[10] Đẳng thực đạo 等 食 道. Pāli: sama-vepākiniyā.[11] Hán: hằng tự khởi ý 恆 自 起 意. Có lẽ Pāli: thāmavant, kiên trì nỗ lực.[12] Đoạn hành 斷 行. Pāli: padhāna, sự tinh cần hay chuyên cần.[13] Cuống, siểm. Pāli: saṭha, māyāvin, giảo hoạt và lừa dối hay.[14] Bốn điều ngự, hay bốn trường hợp huấn luyện, xem kinh 198 trên. Một ít chi tiết trong kinh trước và kinh này không thống nhất trong bản Hán.[15] Điều địa, ngự địa 調 地 御 地. Pāli: dantabhūmi, địa vị (của con vật) đã được huấn luyện.[16] Thọ ngự sự 受 御 事. Pāli: dantākaraṇaṃ gaccheyyuṃ, có thể làm công việc (của con vật) đã được huấn luyện.[17] Đoạn 斷; Pāli: sammappadhāna, chánh cần, hay chân chánh tinh cần.[18] Trong bản Pāli: na kiñci nānākaraṇaṃ vādāmi yadidṃ vimuttiyā vimuttiṃ, Ta nói không có hành tướng sai biệt nào, tức là giải thoát này đối với giải thoát kia.[19] Bát-đầu-ma 鈢 頭 摩, thường Pāli tương đương là paduma (hoa sen đỏ), nhưng ở đây, trong bản Pāli: udumbarakaṭṭha, cũi bằng gỗ cây udumbaraka, tức cây sung.[20] Hữu tránh 有 諍, có tranh cãi hay tranh chấp. Pāli: savyāpajjhā, có não hại, sân hận.[21] Trong bản Pāli, đây là câu trả lời của Phật.

-ooOoo-

213. KINH PHÁP TRANG NGHIÊM[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật du hóa giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia tên là Di-lũ-ly  [02].

Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la và Trường Tác [03] vì có những việc cần làm nên cùng đi đến một thị trấn tên gọi là Thành  [04] . Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, đến một khu vườn nơi ấy, nhìn thấy những gốc cây vắng vẻ, không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, thích hợp cho sự tĩnh tọa. Sau khi nhìn thấy như vậy, nghĩ nhớ Đức Thế Tôn, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói rằng:

“Này Trường Tác, ở đây, những gốc cây này vắng vẻ, không có tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, thích hợp cho sự tĩnh tọa. Tại chỗ này ta đã nhiều lần đến thăm viếng Đức Thế Tôn. Này Trường Tác, Đức Thế Tôn hiện giờ đang ở đâu? Ta muốn đến thăm.”

Trường Tác trả lời:

“Tôi nghe nói Đức Thích Tôn đang du hóa giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia, tên gọi là Di-lũ-ly.”

Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la lại hỏi:

“Này Trường Tác, Di-lũ-ly, đô ấp của Thích gia cách đây bao xa?”

“Trường Tác đáp:

“Tâu Thiên vương, cách đây ba cu-lô-xá [05].”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói:

“Này Trường Tác, ngươi hãy ra lệnh cho sửa soạn xa giá. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn.”

Trường Tác vâng lời cho sửa soạn xa giá, rồi tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá đã sửa soạn xong, xin vâng ý Thiên vương.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn lên xe, dong khỏi thành ngoài đi đến Di-lũ-ly, đô ấp của Thích gia.

Bấy giờ, ngoài cổng Di-lũ-ly, một số đông các Tỳ-kheo đang đi kinh hành trên một khoảng đất trống. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đến nơi các Tỳ-kheo hỏi rằng:

“Thưa các Tôn giả, Đức Thế Tôn hiện đang nghỉ mát ban ngày ở đâu?”

Các Tỳ-kheo trả lời rằng:

“Đại vương, ngôi nhà lớn hướng Đông kia, với cửa sổ mở và cửa lớn đóng ấy, Đức Thế Tôn hiện đang nghỉ mát ban ngày tại đó. Đại vương nếu muốn đến thăm, có thể đi đến nơi đó, đến nơi hãy đứng bên ngoài, rồi tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe tất sẽ mở cửa.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn xuống xe.

Khi một vị Sát-lợi Đảnh Sanh xuất hiện để cai trị nhân dân, và ban hành giáo lệnh cho cõi đất, thì có năm nghi trượng. Đó là kiếm, lọng, tràng hoa, phất cán ngọc và giày thêu. Vua cởi bỏ tất cả trao cho Trường Tác. Trường Tác nghĩ rằng:

“Thiên vương nay tất chỉ đi vào một mình. Chúng ta nên đứng ở đây mà đợi vậy.”

Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la với đám tùy tùng vây quanh bước tới ngôi nhà hướng Đông kia. Đến nơi, vua đứng ngoài tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe rồi, bèn ra mở cửa. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đi vào trong nhà đến trước Đức Phật cúi đầu lễ sát chân, rồi ba lần tự xưng tên họ.

“Con là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, con là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la!”

Đức Thế Tôn đáp:

“Như vậy, Đại vương, ngài là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la. Ngài là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la!”

Sau ba lần tự xưng tên họ, vua Ba-tư-nặc đảnh lễ dưới chân Phật và lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn hỏi:

“Đại vương, Đại vương thấy Ta có những nghĩa lợi nào mà tự hạ mình đảnh lễ dưới chân và cúng dường cung kính như vậy?”

Vua Ba-tư-nặc thưa:

“Bạch Thế Tôn, con có sự loại suy về pháp[06]đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật khéo thú hướng [07].’

“Bạch Thế Tôn, khi con ngồi trên đô tọa [08], con nhìn thấy mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ; cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha; cho đến anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc tranh chấp lẫn nhau. Trong khi tranh chấp, mẹ nói con xấu, con nói mẹ xấu, cha con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc nói xấu lẫn nhau. Người thân thích trong nhà còn như thế, huống nữa là người ngoài. Còn ở đây, con thấy chúng Tỳ-kheo, đệ tử của Thế Tôn theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh. Hoặc nếu có Tỳ-kheo nào gây ra ít nhiều tranh chấp, xả giới bỏ đạo cũng không nói xấu Phật, không nói xấu pháp, không nói xấu chúng Tăng, mà chỉ tự chê trách rằng, ‘Tôi xấu xa, thiếu đức hạnh. Tại sao như vậy? Vì tôi không thể theo Thế Tôn trọn đời tu hành phạm hạnh’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Bạch Thế Tôn, lại nữa, con thấy một Sa-môn Phạm chí khác đã ít nhiều học hành phạm hạnh, hoặc chín tháng, hoặc mười tháng, nhưng lại xả bỏ để theo sắc phục trước kia, rồi lại bị nhiễm ô bởi dục vọng, nhiễm dục, dính trước dục, bị dục trói chặt, kiêu ngạo, chấp thủ, thâm nhập, sống hoan lạc trong sự hành dục mà không thấy tai họa, không thấy xuất yếu. Bạch Thế Tôn, con thấy ở đây chúng Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn tự nguyện trọn đời tu tập phạm hạnh, cho đến ức số. Ngoài đây ra con không thấy ở đâu có phạm hạnh thanh tịnh như vậy, như mái nhà của Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp của Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí thân thể gầy còm tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy trắng [09] không ai muốn nhìn. Con tự nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả này vì sao thân thể lại gầy còm, tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy trắng, không ai muốn nhìn. Các Tôn giả này ắt không tu phạm hạnh, hoặc vì bệnh hoạn hay lén lút làm việc xấu xa, cho nên các Tôn giả này thân hình gầy còm, tiều tụy, hình sắc xấu xa, mình nổi vẩy trắng không ai muốn nhìn’. Con đến hỏi họ, ‘Các Tôn giả vì sao thân hình tiều tụy gầy còm, tướng mạo xấu xí, mình nổi vẩy trắng, không ai muốn nhìn? Có phải các Tôn giả không thích tu hành phạm hạnh chăng? Hoặc vì bệnh hoạn hay lén lút làm việc xấu xa, cho nên các Tôn giả thân thể gầy còm tiều tụy?’ Những vị ấy đáp, ‘Đại vương, đây là bệnh trắng! Đại vương, đây là bệnh trắng [10]’.

“Bạch Thế Tôn, con thấy chúng Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn, sống hân hoan đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu [11]sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng [12], tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Thấy vậy, con nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả này vì sao được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi hình thể tịnh, khiết, vô vi, vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng? Tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh? Các Tôn giả hoặc đã đạt đến ly dục, hoặc chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trụ [13]chứng đạt dễ dàng không khó. Cho nên các Tôn giả này mới được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh, khiết, vô vi, vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rằng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Nếu sống trong dục lạc mà được hân hoan, đoan chánh, thì chính ta phải được đời sống hân hoan đoan chánh ấy. Vì sao? Vì ta hưởng thụ năm thứ diệu dục, một cách dễ dàng không khó. Nhưng các Tôn giả này đạt đến sự ly dục, chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trú thành tựu dễ dàng không khó. Vì vậy cho nên các Tôn giả này sống hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn, do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí thông minh trí tuệ, tự xưng mình thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường dịch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người ai cũng đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá tông chủ của người mà tự lập luận điểm của mình, và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, mà hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, thì ta vặn hỏi thế kia. Nếu ông không trả lời được thì ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền tìm đến, nhưng khi gặp Phật thì lại chẳng dám hỏi lời nào huống nữa là vấn nạn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí, thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người đều nghe biết, đi đến chỗ nào thảy đều đả phá tông chỉ người khác mà tự lập luận điểm của mình. Và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy như vầy. Nếu ông trả lời được thế này, ta lại vặn hỏi ông cách kia. Nếu ông trả lời không được, ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền đến tìm hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong Sa-môn Phạm chí này vui mừng hớn hở, cúi đầu lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí khác, thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá chủ trương tông chỉ của người mà tự lập luận điểm của mình và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, ta lại vặn hỏi ông cách khác. Nếu ông không trả lời được, ta cũng vặn hỏi ông rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền đến hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong, Sa-môn Phạm chí này liền vui mừng phấn khởi, liền tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo; được Thế Tôn thọ nhận làm Ưu-bà-tắc; trọn đời quy y cho đến tận mạng. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện; chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí khác thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục được cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp mọi người đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá chủ trương tông chỉ của người mà lập luận điểm của mình mà nói rằng, ”Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, ta lại vặn hỏi ông cách kia. Nếu ông trả lời không được, ta cũng vặn hỏi ông rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền tìm đến hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong, Sa-môn Phạm chí này vui mừng phấn khởi bèn theo Thế Tôn cầu xin xuất gia thọ giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo. Thế Tôn bèn độ cho và truyền trao giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo. Khi các Tôn giả ấy xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo rồi, sống cô độc một nơi xa vắng, tâm không buông lung, tinh cần tu tập. Vị ấy sau khi sống cô độc tại một nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tinh cần tu tập, đạt đến mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, là duy chỉ để thành tựu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Khi các Tôn giả ấy biết pháp rồi, cho đến chứng đắc A-la-hán; chứng đắc A-la-hán rồi, bèn nói rằng, ‘Này chư Hiền, trước kia tôi gần bị suy vong gần bị hủy diệt. Vì sao vậy? Trước kia tôi không phải là Sa-môn tự xưng là Sa-môn; không phải phạm hạnh tự xưng phạm hạnh, không phải A-la-hán tự xưng A-la-hán. Bấy giờ chúng ta mới thực sự là Sa-môn, thực sự là phạm hạnh, thực sự là A-la-hán’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con tự do trong quốc thổ của mình, muốn giết kẻ không lỗi lầm thì ra lệnh giết, muốn giết kẻ có lỗi lầm ra lệnh giết; nhưng khi con ngồi trên đô tọa, con vẫn không được tự do mà nói như vầy, ‘Các khanh hãy giữ im. Không ai hỏi việc nơi các khanh, mà chính là hỏi việc nơi ta. Các khanh không thể quyết đoán việc này, chỉ có ta mới có thể quyết đoán việc này’. Nhưng ở trong đó vẫn có người bàn cãi việc khác, không đợi người trước nói xong. Con đã nhiều lần thấy Thế Tôn thuyết pháp với đại chúng vây quanh. Bấy giờ có một người ngủ gật mà ngáy, thấy gây tiếng động, một người khác bèn nói rằng, ‘Ngài chớ có ngáy gây tiếng động. Ngài không muốn nghe pháp được Thế Tôn nói như cam lồ chăng?’ Người ấy nghe rồi tức thì im lặng. Con nghĩ rằng, ‘Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, là Bậc Điều Ngự đại chúng. Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay! Vì sao vậy? Vì Ngài không cần dùng dao, dùng gậy, nhưng tất cả đều đúng như pháp mà được an ổn khoái lạc’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu [14] được con ban phát tiền tài, và con thường khen ngợi họ; đời sống họ do nơi con. Nhưng con không thể khiến cho hai vị thần tá này hạ ý cung kính, cúng dường, phụng sự con như họ hạ ý cung kính tôn trọng cúng dường phụng sự Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, thuở xưa trong lúc xuất chinh, ngủ đêm trong một ngôi nhà nhỏ, con muốn thử hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu khi ngủ quay đầu về phía nào, quay về phía con hay quay về phía Thế Tôn ở. Rồi hai vị thần tá Tiên Dư và Túc Cựu, vào lúc đầu hôm, ngồi kiết già im lặng tĩnh tọa. Đến nửa hôm nọ nằm ngủ, đầu hướng về phía mà họ biết Thế Tôn đang ở, còn chân thì quay về phía con. Thấy thế con suy nghĩ, ‘Hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu này không quan tâm đến sự thù thắng trước mắt, cho nên họ không hạ ý cung kính tôn trọng cúng dường phụng sự ta như hạ ý cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự Thế Tôn’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con là quốc vương, Thế Tôn cũng là Pháp vương. Con thuộc dòng Sát-lợi, Thế Tôn cũng thuộc dòng Sát-lợi. Con là người nước Câu-tát-la, Thế Tôn cũng người nước Câu-tát-la. Con đã tám mươi tuổi, Thế Tôn cũng tám mươi tuổi. Con có thể trọn đời hạ ý cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự Thế Tôn.

“Bạch Thế Tôn, hôm nay có nhiều công việc, con xin phép lui về.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đại vương, mong Đại vương tự biết đúng thời.”

Rồi thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, sau khi nghe những lời Phật dạy, khéo léo ghi nhớ, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra về.

Lúc đó ngài A-nan cầm quạt đứng hầu sau Phật. Thế Tôn bảo:

“A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào đang sống ở rừng Di-lũ-ly này, hãy tập họp tất cả về giảng đường.”

Rồi thì, Tôn giả A-nan sau khi vâng lời Phật dạy, tập họp tất cả Tỳ-kheo đang sống trong rừng Di-lũ-ly tất cả cùng vào giảng đường. Rồi trở lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, những Tỳ-kheo tại rừng Di-lũ-ly này, tất cả đều đã tụ tập tại giảng đường này rồi, mong Thế Tôn tự biết thời.”

Bấy giờ Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến giảng đường. Đến nơi Ngài trải chỗ ngồi trước đại chúng và nói:

“Này các Tỳ-kheo, hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đã đứng trước Ta nói kinh ‘Pháp Trang Nghiêm’ [15] xong, liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ta, nhiễu quanh ba vòng rồi lui về. Này các Tỳ-kheo, các ngươi nên thọ trì kinh Pháp Trang Nghiêm đó, hãy khéo léo tụng đọc. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, vì kinh Pháp Trang Nghiêm này là như pháp, là như nghĩa, là căn bản của phạm hạnh, dẫn đến trí tuệ, dẫn đến giác ngộ, dẫn đến Niết-bàn. Nếu một thiện nam tử đã chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, hãy nên thọ trì, hãy khéo léo tụng tập kinh Pháp Trang Nghiêm này.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.89. Dhammacetiya-suttaṃ.[02] Di-lũ-ly 彌 婁 離. Pāli: Medaḷumpa.[03] Trường Tác 長 作. Pāli: Dīghakāryāṇa, viên đại tướng tổng chỉ huy của vua Pasenadi.[04] Ấp danh thành 邑 名 成. Pāli: Naṅgaraka.[05] Câu-lũ-xá 拘 婁 舍, hay câu-lô-xá, số đo dài năm trăm cung, hay khoảng cách tiếng rống của một con bò. Bản Pāli: ba yojana, do-tuần.[06] Pháp tĩnh 法 靖 (bản Tống: 靜); Pāli: Dhammanvaya, tổng tướng của pháp, loại cú của pháp, mục đích thứ tự của pháp. Đây chỉ sự suy diễn dựa trên những chứng nghiệm thực tế.[07] Pāli: svākkhato bhagavato dhammo suppaṭipanno sāvakasaṅgho, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo thực hành.[08] Đô tọa 都 坐. Pāli: atthakaraṇa, công đường, pháp đình, chỗ xử kiện.[09] Bạch pháo 白 皰.[10] Bạch bệnh 白 病. Pāli: bandhukarogo, bệnh truyền nhiễm, (bệnh hoàng đản hay hoàng đậu?).[11] Vô vi vô cầu 無 為 無 求. Pāli: appossukka pannaloma, thoải mái vô tư.[12] Hộ tha thế, thực như lộc: paradavutte migabhūtena (...) sống do sự hỗ trợ của người khác, (...) như loài nai.[13] Tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trụ: chỉ cho sự chứng đắc bốn tĩnh lự.[14] Tiên Dư, Túc Cựu 仙 餘 宿 舊. Pāli: Isidatta, Purāṇa.[15] Pháp trang nghiêm 法 莊 嚴. Pāli: dhammacetiya, linh miếu Pháp, tháp thờ phụng Chánh pháp.

-ooOoo-

214. KINH BỆ-HA-ĐỀ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tôn giả A-nan trú tại Xá-vệ, có chút việc tại Đông viên Lộc mẫu giảng đường. Lúc đó Tôn giả A-nan dẫn một thầy Tỳ-kheo ra khỏi Xá-vệ  [02] , đến Đông viên Lộc mẫu giảng đường. Công việc xong, Tôn giả dẫn thầy Tỳ-kheo trở về vườn Cấp cô độc, trong rừng Thắng.

Khi ấy Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cỡi trên con voi Nhất-bôn-đà-lị [03] cùng với Đại thần Thi-lị-a-trà [04] từ thành Xá-vệ đi ra. Tôn giả A-nan khi ấy nhìn thấy Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la từ xa đi đến, bèn hỏi vị Tỳ-kheo đồng hành rằng:

“Có phải là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la ấy không?”

Vị Tỳ-kheo đáp:

“Đúng vậy.”

Tôn giả A-nan liền tẻ xuống đường, lánh vào một gốc cây. Vua Ba-tư-nặc từ xa nhìn thấy Tôn giả A-nan nơi gốc cây bèn hỏi:

“Này Thi-lị-a-trà, có phải là Sa-môn A-nan ấy không?”

Thi-lị-a-trà đáp:

“Đúng vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bảo Đại thần Thi-lị-a-trà:

“Khanh hãy giục voi đến chỗ Sa-môn A-nan.”

Thi-lị-a-trà vâng lệnh bèn giục voi đến chỗ A-nan.

Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vui mừng hỏi:

“A-nan, từ đâu đến đây và muốn đi đâu bây giờ?”

“Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, tôi từ Đông viên Lộc mẫu giảng đường đến và muốn trở về vườn Cấp cô độc, trong rừng Thắng.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói:

“A-nan, nếu tại Thắng lâm không có việc gì gấp, xin Ngài từ mẫn đi cùng tôi đến sông A-di-la-bà-đề [05].

Tôn giả A-nan nhận lời Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la. Nhà vua để Tôn giả A-nan đi trước, rồi cùng đến sông A-di-la-bà-đề. Đến nơi, vua bước xuống, lấy yên voi gấp làm tư, trải lên đất và mời Tôn giả A-nan:

“Xin mời ngồi trên chỗ này!”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thôi được rồi, Đại vương, trong lòng thỏa mãn là đủ.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại ba lần mời Tôn giả A-nan:

“A-nan, xin mời ngồi lên chỗ này.”

Tôn giả A-nan cũng đáp lại ba lần:

“Thôi được rồi, Đại vương, trong lòng thỏa mãn là đủ. Tôi đã có sẵn tọa cụ. Tôi sẽ ngồi nơi đây.”

Nói xong Tôn giả A-nan trải tọa cụ và ngồi kiết già.

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la chào hỏi A-nan rồi ngồi xuống một bên mà nói rằng:

“A-nan, tôi có điều muốn hỏi mong ngài cho phép.”

Tôn giả A-nan trả lời.

“Đại vương, ngài có điều gì cứ hỏi; tôi nghe sẽ suy nghĩ.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“A-nan, Đức Thế Tôn có hành những thân hành như vậy chăng? Tức là thân hành mà các Sa-môn, Phạm chí ghê tởm chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, Như Lai không có những thân hành như vậy tức là thân hành mà các Sa-môn Phạm chí, những người thông minh trí tuệ và hàng thế gian khác ghê tởm.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! A-nan, điều mà tôi không đủ khả năng để nói, kể cả những người thông minh trí tuệ, và những hàng thế gian khác, thì A-nan đủ khả năng. Này A-nan, nếu ai không nhận định kỹ mà đã chê bai hay khen ngợi thì tôi không coi đó là chơn thật. Này A-nan, Đức Thế Tôn có những thân hành như vầy, những thân hành mà các Sa-môn Phạm chí những người thông minh trí tuệ và những hàng thế gian khác ghê tởm chăng?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, Như Lai không bao giờ hành những thân hành như vậy, tức những thân hành mà các Sa-môn Phạm chí những người thông minh trí tuệ và những hàng thế gian khác ghê tởm.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành?”  [06]

A-nan đáp:

“Đại vương, đó là những thân hành bất thiện.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi.

“Thế nào là thân hành bất thiện?”

A-nan đáp:

“Đó là những thân hành có tội.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành có tội?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, đó là những thân hành bị người trí ghê tởm [07].”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành bị người trí ghê tởm?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, đó là những thân hành hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, hỗ trợ sự ác, không chứng đắc Niết-bàn, không dẫn đến trí, không dẫn đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Người ấy đối với pháp nên hành, không biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng không biết như thật. Khi đối với pháp nên hành không biết như thật, và pháp không nên hành cũng không biết như thật rồi, đối với pháp nên chấp thủ không biết như thật, và đối với pháp không nên chấp thủ cũng không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thủ đã không biết như thật, và đối với pháp không nên thủ cũng không biết như thật rồi, đối với pháp nên đoạn trừ không biết như thật, và đối với pháp không nên đoạn trừ cũng không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên đoạn trừ đã không biết như thật, và đối với pháp không nên đoạn trừ cũng không biết như thật; thì đối với pháp nên thành tựu không biết như thật và đối với pháp không nên thành tựu cũng không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thành tựu đã không biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng không biết như thật rồi, do đó, pháp nên hành trì thì không hành, pháp không nên hành trì lại hành. Sau khi pháp nên hành trì thì không hành, pháp không nên hành trì lại hành rồi, đối với pháp nên thủ thì không thủ và pháp không nên thủ lại thủ. Sau khi đối với pháp nên thủ thì không thủ, đối với pháp không nên thủ lại thủ rồi, đối với pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ, đối với pháp không nên đoạn trừ lại đoạn trừ. Sau khi đối với pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ, và đối với pháp không nên đoạn trừ lại đoạn trừ rồi, đối với pháp nên thành tựu thì không thành tựu, và đối với pháp không nên thành tựu lại thành tựu. Sau khi pháp nên thành tựu thì không thành tựu, và pháp không nên thành tựu lại thành tựu rồi thì pháp bất thiện càng tăng và pháp thiện càng giảm. Vì vậy, Như Lai không bao giờ hành những pháp ấy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, tại sao Như Lai không bao giờ hành những pháp ấy?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, ly dục và dục đã diệt tận, ly nhuế và nhuế đã diệt tận, ly si và si đã diệt tận, Như Lai đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện. Đây là Bậc Thầy khuyến giáo, Bậc Thầy vi diệu, Bậc Thầy khéo tùy thuận, là Vị dẫn dắt điều ngự, tùy thuận điều ngự, là Vị nói năng toàn thiện, nói năng vi diệu, nói năng khéo tùy thuận. Cho nên Như Lai trọn không bao giờ hành những pháp bất thiện ấy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la khen rằng:

“Lành thay! Lành thay! A-nan, Như Lai không bao giờ hành những pháp không nên hành. Vì sao vậy? Vì Như Lai là Bậc Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Giác. A-nan, ngài là đệ tử của vị Đạo sư ấy, học đạo để chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng, mà còn không hành pháp ấy, huống nữa Đức Như Lai lại hành các pháp ấy sao?”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, Như Lai có hành những thân hành như vầy, tức là thân hành mà các Sa-môn Phạm chí, những người thông trí tuệ và các hàng thế gian khác không ghê tởm chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, Như Lai tất nhiên hành những thân hành như vậy, tức thân hành các Sa-môn Phạm chí, những người thông minh trí tuệ và các hàng thế gian khác không ghê tởm.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thân hành đó là như thế nào?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đại vương, đó là những thân hành thiện.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành thiện?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, đó là thân hành không có tội.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành không có tội?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, đó là thân hành mà kẻ trí không ghê tởm.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, thế nào là thân hành mà kẻ trí không ghê tởm?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, đó là những thân hành không hại mình, không hại người, không hại cả hai, có giác, có tuệ, không hỗ trợ bởi sự ác, chứng đắc Niết-bàn, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn. Đối với pháp nên hành thì biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng biết như thật. Sau khi đối với pháp nên hành đã biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng biết như thật rồi, đối với pháp nên thủ biết như thật, đối với pháp không nên thủ cũng biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thủ đã biết như thật, và đối với pháp không nên thủ cũng biết như thật rồi, đối với pháp nên đoạn trừ biết như thật, và pháp không nên đoạn trừ biết như thật. Sau khi đối với pháp đã biết như thật và pháp không nên đoạn trừ đã biết như thật rồi, đối với pháp nên thành tựu biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thành tựu đã biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng biết như thật rồi, đối với pháp nên hành thì hành, đối với pháp không nên hành thì không hành. Sau khi đối với pháp nên hành thì hành, đối với pháp không nên hành thì không hành rồi, đối với pháp nên thủ thì thủ, đối với pháp không nên thủ thì không thủ. Sau khi đối với pháp nên thủ thì thủ, đối với pháp không nên thủ thì không thủ rồi, đối với pháp nên đoạn trừ thì đoạn trừ đối với pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ. Sau khi biết pháp nên đoạn trừ thì đoạn trừ, và pháp không nên đoạn trừ thì không đoạn trừ rồi, đối với pháp nên thành tựu thì thành tựu và đối với pháp không nên thành tựu thì không thành tựu. Sau khi đối với pháp nên thành tựu thì thành tựu, pháp không nên thành tựu thì không thành tựu rồi, pháp bất thiện càng giảm, pháp thiện càng tăng trưởng. Cho nên Như Lai tất nhiên hành những pháp ấy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:

“A-nan, tại sao Như Lai tất nhiên hành những pháp ấy?”

Tôn giả A-nan trả lời:

“Đại vương, ly dục và dục đã diệt tận, ly nhuế và nhuế đã diệt tận, ly si và si đã diệt tận, Như Lai đã thành tựu tất cả pháp thiện, và đoạn trừ tất cả pháp bất thiện. Ngài là Bậc Thầy khuyến giáo, Bậc Thầy vi diệu, Bậc Thầy khéo tùy thuận, là Vị hướng dẫn điều ngự và tùy thuận điều ngự, là Vị nói năng toàn thiện, nói năng vi diệu, nói năng khéo tùy thuận, cho nên Như Lai tất nhiên hành những pháp ấy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la khen ngợi:

“Hay thay, hay thay, A-nan, Như Lai tất nhiên hành những pháp nên hành. Vì sao vậy? Vì Như Lai là Bậc Vô Sở Trước, là Bậc Đẳng Chánh Giác. Này A-nan, Ngài là bậc đệ tử của Đức Đạo Sư ấy, học đạo để chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thường, mà còn phải hành những pháp ấy, huống nữa Như Lai lại không hành những pháp ấy sao? A-nan nói thật khéo léo khiến tôi hoan hỷ. Nếu A-nan được phép thâu nhận thuế tô trong làng, tôi sẽ vì pháp mà bố thí thuế tô đó. Nếu A-nan được phép tùy thuận nhận voi, ngựa, trâu, dê, tôi sẽ vì pháp mà bố thí voi, ngựa, trâu, dê đó. Nếu A-nan được phép thâu nhận đàn bà con gái, tôi sẽ vì pháp mà bố thí vợ, đàn bà, con gái. Nếu A-nan được phép thâu nhận vàng bạc châu báu [08], tôi sẽ vì pháp mà bố thí vàng bạc và châu báu. Nhưng A-nan không được phép thâu nhận vàng bạc và châu báu như thế. Vương gia Câu-tát-la của tôi có một chiếc áo tên là bệ-ha-đề [09] rất tốt, tôi đặt nó trong ống cán dù, được gởi đến để làm tin [10]. Trong các loại áo kiếp-bối  [11]của vương gia Câu-tát-la, áo này là bậc nhất trong tất cả. Vì sao vậy? Áo bệ-ha-đề dài mười sáu khủy tay. Tôi nay vì Pháp đem chiếc áo này bố thí A-nan. A-nan sẽ dùng nó mà may thành ba y để vương gia Câu-tát-la ấy được mãi mãi tăng ích phước lành.”

Tôn giả A-nan đáp:

“Thôi đủ rồi Đại vương? Trong tâm thỏa mãn là đủ. Tôi đã có đủ ba y rồi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại thưa:

“A-nan, xin nghe tôi nói một ví dụ, người có trí tuệ nghe ví dụ sẽ thấu rõ ý nghĩa. Ví như sau trận mưa lớn, nước đầy cả sông A-di-la-bà-đề này, ngập cả hai bên bờ và chảy tràn ra cả ngoài. A-nan có thấy vậy không?”

Tôn giả A-nan đáp: Đại vương, tôi có thấy.

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại thưa rằng:

“Cũng thế, này A-nan, nếu có ba y thì hãy đem cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, các vị tiệm học, xá-la, xá-la-ma-ni-ly [12]. Còn A-nan đem bệ-ha-đề này làm thành ba y để vương gia Câu-tát-la được tăng ích phước lành.”

Tôn giả A-nan im lặng nhận lời. Khi biết A-nan nhận rồi, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sau khi theo pháp bố thí chiếc y bệ-ha-đề cho Tôn giả A-nan rồi, liền từ chỗ đứng dậy nhiễu quanh ba vòng rồi lui về. Sau khi vua đi không bao lâu, Tôn giả A-nan bèn đem chiếc y bệ-ha-đề đến trước Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi lui đứng một bên mà thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vì pháp mà bố thí chiếc y bệ-ha-đề này, vậy con xin Thế Tôn đặt chân lên trên chiếc y này để vương gia nước Câu-tát-la được tăng ích phước lành.”

Khi ấy Đức Thế Tôn bèn dẫm hai chân lên y bệ-ha-đề rồi bảo:

“A-nan, nếu ông đã bàn luận những gì cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hãy kể lại cho Ta nghe.”

Khi ấy Tôn giả A-nan bèn kể lại hết những điều đã luận bàn cùng vua nước Câu-tát-la cho Thế Tôn nghe rồi chắp tay thưa:

“Con nói như vậy không xuyên tạc Thế Tôn chăng? Con nói đúng sự thật, nói đúng như pháp, nói đúng pháp như pháp, đối với pháp như pháp không có điều gì sai lầm chăng?”

Đức Thế Tôn bảo:

“Ông nói như vậy là không xuyên tạc Ta, là nói sự thật, là nói đúng pháp, nói đúng như pháp, đối với pháp như pháp, không có điều gì sai lầm. Này A-nan, nếu Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi Ta bằng nghĩa này, với câu này, với văn này, Ta cũng trả lời bằng nghĩa này, với câu này, với văn này mà trả lời cho nhà vua.”

“A-nan, nghĩa ấy đúng như lời ông đã nói, ông nên theo đúng như vậy mà thọ trì. Vì sao vậy? Vì nói như vậy chính là nghĩa như vậy.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.88. Bāhitika-suttaṃ.[02] Tùng Xá-vệ xuất. Nói là ra khỏi, vì Đông viên (Pubbārāma) ở nên ngoài cửa đông của thành Xá-vệ.[03] Nhất-bôn-đà-lị 一 奔 陀 利. Pāli: Ekapuṇdarīka, (Nhất bạch Liên hoa), được gọi như vậy, vì hai bên hông nó có những đốm trắng hình hoa sen trắng.[04] Thi-lị-a-trà 尸 利 阿 茶. Pāli: Sirivaddha.[05] A-di-la-bà-đề (Pāli: aciravatī), từ trên lầu của vua Pasenadi có thể nhìn thấy con sông này.[06] Thân hành: kāyasamācāra, hành vi của thân. Bản Pàli, câu hỏi nói: ”Thân hành đáng bị khiển trách ấy là gì?”[07] Bản Pāli: những thân hành có hại (savyāpajjha).[08] Hán: sanh sắc bảo 生 色 寶. Pāli: jātarūpa.[09] Bệ-ha-đề 鞞 訶 提; ”dịch là chủng chủng thê, cũng nói là lụa”. (Phiên Phạn Ngữ 10, No.2130, Đại 54 tr.1051b). Pāli: bāhitikā, áo choàng, áo khoác ngoài.[10] Bản Pāli nói, cuộn vải do vua Ajātasattu gởi tặng. Văn bản Hán có thể sót, vì câu nói không đủ nghĩa.[11] Kiếp-bối, xem cth.15, Kinh 61.[12] Tiệm học, xá-la, xá-la-ma-ni-ly 漸 學, 舍 羅, 舍 羅 摩 尼 離, có lẽ phổ thông nói là Thức-xoa-ma-na, Sa-di và Sa-di-ni. Bản Pāli nói: sabrahmacārīhi saṃbhajissati, được phân chia cho các vị đồng phạm hạnh.

-ooOoo-

215. KINH ĐỆ NHẤT ĐẮC[01]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Trong cảnh giới nào giáo lệnh của Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có thể ban hành đến, trong đó Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la là đệ nhất. Tuy vậy, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cũng lệ thuộc sự biến dịch, thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy ắt phải sanh ra nhàm tởm cái đệ nhất ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không ham muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Những cảnh giới mà ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu đến, những phương được chiếu đến, tức Thế giới ngàn [02]. Trong Thế giới ngàn này, có một ngàn mặt trời, một ngàn mặt trăng, một ngàn châu Phất-vu-đãi  [03], một ngàn châu Diêm-phù  [04], một ngàn châu Câu-đà-ni [05], một ngàn châu Uất-đơn-việt [06], một ngàn Tu di sơn [07], một ngàn Tứ đại vương thiên[08], một ngàn Tứ thiên vương tử [09], một ngàn Tam thập tam thiên [10], một ngàn Thích Thiên Nhân-đà-la [11], một ngàn Diệm-ma thiên [12] , một ngàn Tu-diệm-ma thiên tử  [13], một ngàn Đâu-suất-đà thiên[14], một ngàn Đâu-suất-đà thiên tử, một ngàn Hóa lạc thiên  [15], một ngàn Thiện hóa lạc thiên tử [16], một ngàn Tha hóa lạc thiên [17], một ngàn Tự tại thiên tử  [18], một ngàn Phạm thế giới [19]   , và một ngàn Biệt phạm. Trong đó có Phạm Đại Phạm, là đấng Phú hựu, là Tạo hóa tôn, là tổ phụ các loài chúng sanh, đã sanh và sẽ sanh [20] . Nhưng Đại Phạm ấy cũng là lệ thuộc biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải nhàm tởm cái đệ nhất ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất không ham muốn huống là cái hạ tiện.

“Một thời gian sau, khi thế giới này hủy diệt. Khi thế giới này hủy diệt, chúng sanh lên cõi trời Hoảng dục [21] . Trong ấy chỉ có sắc nương theo ý mà sanh[22 ], các chi thể đầy đủ không thiếu, các căn không bị hư hoại, nuôi sống bằng hỷ thực [23], hình sắc thanh tịnh, thân chiếu sáng, phi hành trong hư không, sống ở đó một thời gian lâu dài. Nhưng cõi trời Hoảng dục cũng lệ thuộc biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải sanh ra nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Lại nữa, có bốn sự tưởng  [24] . Tỳ-kheo suy tưởng về tưởng nhỏ, tưởng lớn, về tưởng vô lượng và tưởng vô sở hữu. Chúng sanh đó thắng ý nơi lạc tưởng như vậy [25] cũng lệ thuộc vào sự biến dịch, lệ thuộc vào thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Lại có tám trừ xứ [26] . Thế nào là tám? Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc lượng nhỏ hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến    [27], tưởng như vậy được gọi là đệ nhất thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài có quán sắc vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ nhị thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc lượng nhỏ, hoặc sắc đẹp hoặc sắc xấu. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ tam thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ tứ thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng như hoa thanh thủy [28] xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng như áo bằng lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mát, hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ ngũ thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc vàng, màu vàng, ánh sáng vàng. Cũng như hoa tần-đầu-ca-la   [29] vàng, màu vàng, ánh sáng. Cũng như chiếc áo bằng thứ lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mắt, vàng, màu vàng, ánh sáng vàng. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc vàng, màu vàng, ánh sáng vàng; vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ lục thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ. Cũng như hoa Ca-ni-ca-la (28) màu đỏ, đỏ hiển, đỏ hiện, đỏ quang. Cũng như chiếc áo bằng thứ lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mát, đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ thất thắng xứ.

“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng như sao Thái bạch màu trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng như chiếc áo bằng lụa Ba-la-nại, được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi mát, trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng vậy Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, trắng, màu trắng, ánh sáng trắng, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến, tưởng như vậy được gọi là đệ bát thắng xứ.

“Chúng sanh có thắng ý nơi lạc thắng xứ như vậy, cũng lệ thuộc vào sự biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy ắt sanh nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Lại nữa, có Mười biến xứ[30]. Thế nào là mười? Các Tỳ-kheo tu tập nơi một biến xứ đất, tư duy trên, dưới, các phương là không hai, vô lượng. Tu tập nơi một biến xứ nước, một biến xứ lửa, một biến xứ gió, một biến xứ xanh, một biến xứ vàng, một biến xứ đỏ, một biến xứ trắng, một biến xứ hư không, một biến xứ thức là thứ mười. Tu tập một biến xứ, tư duy trên, dưới, các phương là không hai, vô lượng. Nhưng các chúng sanh có thắng ý nơi biến xứ lạc này cũng lệ thuộc vào sự biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán tưởng như vậy ắt sanh ra nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.

“Và đây là thuyết thanh tịnh đệ nhất, là sự thi thiết tối đệ nhất, tức là ‘Ta không có, ta không hiện hữu [31] ’ và để chứng đắc điều này mà thiết lập nơi đạo.

“Và đây là đệ nhất ngoại y kiến xứ, tối ý kiến xứ  [32], tức là vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến chứng phi hữu tưởng, phi vô tưởng, thành tựu an trụ [33]

“Và đây là đệ nhất thú hướng, Niết-bàn ngày trong hiện tại, là thi thiết tối thượng về Niết-bàn ngay trong hiện tại [34] tức là sáu xúc xứ [35] với sự khởi tập, hoại diệt, vị ngọt, tai hoạn và xuất ly được thất như thật bằng tuệ.

“Lại nữa, có bốn đoạn [36] Thế nào là bốn? Có sự đoạn mà lạc chậm [37], có sự đoạn mà lạc nhanh, có sự đoạn mà khổ chậm, có sự đoạn mà khổ nhanh. Trong đó sự đoạn mà lạc chậm là lạc đưa đến đoạn trừ chạâm chạp [38] cho nên nói là lạc kém. Trong đó, sự đoạn mà lạc nhanh, là lạc đưa đến đoạn trừ một cách mau chóng [39] Cho nên đoạn này cũng được nói là thấp kém.

“Trong đó, sự đoạn mà khổ chậm [40] là khổ đưa đến đoạn trừ một cách chậm chạp, cho nên đoạn này cũng được nói là thấp kém.

“Trong đó, sự đoạn mà khổ nhanh, là khổ đưa đến đoạn trừ một cách mau chóng. Cho nên đoạn này không phải là sự tiến triển, không được lưu bố. Cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng không tán thán và phát triển.

“Sự đoạn [41] của ta được phát triển, được lưu bố cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng tán thán và phát triển.

“Thế nào là sự đoạn của Ta được phát triển, được lưu bố cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng tán thán, lưu bố? Đó là Thánh đạo tám chi, chánh kiến cho đến chánh định là tám.

“Ta như vậy [42] Nhưng các Sa-môn, Phạm chí, hư ngụy, nói láo, bất thiện, không chân thật, xuyên tạc, và hủy báng Ta rằng, ‘Quả thật có chúng sanh, nhưng lại chủ trương sự đoạn hoại. Sa-môn Cù-đàm chủ trương hư vô [43] ’. Quả thật có chúng sanh mà chủ trương sự đoạn hoại, nếu không, Ta sẽ không thuyết giảng như vậy. Như Lai ngay trong đời hiện tại đã vĩnh viễn đoạn trừ tất cả mà chứng đắc Niết-bàn tịch tịnh, diệt tận [44]“

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli. A.10.29 Kosala.[02] Thiên thế giới 千 世 界. Pāli: sahassadhā-loka = sahassīlokadhātu.[03] Phất-vu-đãi 弗 于 逮, hay châu Đông thắng thân. Pāli: Pubbavideha.[04] Diêm-phù châu 閻 浮 洲. Pāli: Jambudīpa.[05] Câu-đà-ni châu 拘 陀 尼 洲. Pāli: Godānīya. Hoặc nói: Aparagoyāna.[06] Uất-đan-việt châu 鬱 單 越 洲. Pāli: Uttarkuru.[07] Tu di sơn 須 彌 山 Pāli: Sinerupabbata.[08] Thiên tứ Đại vương thiên 千 四 大 王 天. Có lẽ bản Hán chép nhầm, thay vì là Tứ thiên Đại vương, tức bốn ngàn vua cai trị bốn ngàn nước lớn trong loài người. Pāli: cattāri mahārājasahassāni, bốn ngàn vị Đại vương.[09] Tứ thiên vương tử 四 天 王 子. Pāli: Cātummahārājikā.[10] Tam thập tam thiên 三 十 三 天 hay Đao-lợi thiên. Pāli: Tāvatiṃsa.[11] Thích Thiên Nhân-đà-la 釋 天 因 陀 羅, tức Thiên Đế Thích. Pāli: Sakka devanam inda.[12] Diệm-ma thiên 焰 摩 天. Pāli: Yāma.[13] Bản Thánh không có. Bản Pāli cũng không có.[14] Đâu-suất-đa 兜 率 哆 天. Pāli: Tusita.[15] Hóa lạc thiên 化 樂 天. Pāli: Nimmānaratā.[16] Thiện hóa lạc thiên tử. Bản Pāli không kể.[17] Tha hóa lạc thiên 他 化 樂 天. Pāli: Paranimmitavasavattī.[18] Tự tại thiên tử 自 在 天 子. Bản Pāli không kể.[19] Phạm thế giới 梵 世 界. Pāli: Brahmaloka.[20] Bản Pāli chỉ nói gọn: Mahābrahmā tattha aggam akkhāyati, ở đây Đại Phạm thiên được coi là cao nhất.[21] Hoảng dục thiên hay Quang âm thiên, xem cth.13, Kinh 8 trên.[22] Ý sanh 意 生 Pāli: manomayā.[23] Hỷ thực 喜 食. Pāli: pīti-bhakkhā.[24] Tứ tưởng 四 想. Xem Tập Dị 6. (No.1536, Đại 16 tr.392a-b).[25] Chỉ các chúng sanh trên cõi Vô sở hữu xứ.[26] Bát trừ xứ 八 除 處; nhưng thường nói Bát thắng xứ 八 勝 處, Pāli, aṭṭha abhibhāyatanāni (xem Tập Dị 19, No. 1536, Đại 26 tr.445b và tt).[27] Nguyên Hán: trừ dĩ tri, trừ dĩ kiến 除 已 知 除 已 見. Trong Tập Dị sđd., nt nói thắng tri thắng kiến (thấy siêu việt và biết siêu việt), và giải thích: đã đoạn trừ và siêu việt lục tham mà có thắng tri thắng kiến.[28] Thanh thủy hoa 青 水 華. Tập Dị (sđd., nt): O-mạt-ca hoa, Umāpuppham (?).[29] Tần-đầu-ca-la 頻 頭 歌 羅. Pāli: bandhujīvaka-puppha, loại hồng tàu. Bản Hán này có lẽ nhầm, vì loại hoa này màu đỏ, Tập Dị và bản Pāli đều nói hoa này trong thắng xứ màu đỏ.[30] Thập nhất thiết xứ 十 一 切 處 hay biến xứ. Pāli: dasa kasiṇāyatanāni.[31] Ngã vô, ngã bất hữu 我 無 我 不 有, trong bản Pāli, trường hợp này được gọi là: Ngoại y kiến xứù, là thi thiết thanh tịnh đệ nhất nghĩa (paramatthavisuddhiṃ paññāpenti).[32] Đệ nhất ngoại y kiến xứ, tối ý kiến xứ; tối thượng ngoại kiến xứ, hay nói rõ hơn: “Đây là tối thượng đối với quan điểm ngoại đạo” và kiến xứù cao nhất ở đây được coi như là đạt đến hữu ngã.[33] Trong bản Hán này, kiến xứ, hay quan điểm, cao nhất của ngoại đạo là đạt đến Bốn vô sắc xứ, khác với Pāli coi bốn vô sắc xứ này là thi thiết thanh tịnh đệ nhất nghĩa.[34] Ư hiện pháp trung, tối thi thiết Niết-bàn 於 現 法 中 最 施 設 涅 槃. Pāli: aggam paramadiṭṭhadhammanibbānam paññāpentānaṃ.[35] Nguyên Hán: lục cánh lạc xứ 六 更 樂 處.[36] Hán: đoạn 斷, hoặc nói là thông hành. Pāli: catasso paṭipadā.[37] Tập Dị, Pháp Uẩn: lạc trì thông hành.[38] Đặc tính của bốn tĩnh lự là hiện pháp lạc trú, và do đây mà tiến đến chứng đắc bốn Thánh quả, hoặc nhanh hoặc chậm. (Xem giải thích Phát Uẩn 3, No.1537, Đại 26 tr.465).[39] Từ đây trở xuống dịch theo phần hiệu đính cuối kinh, trong nguyên văn để bản không có, nhưng đã có giải thích “sự đoạn mà lạc chậm” hay lạc trì thông hành, thì ba thông hành kia tất nhiên cũng được giải thích. Bản Pāli chỉ nêu danh số, không có giải thích.[40] Tức khổ trì thông hành theo Tập Dị Môn Luận. Giải thích của Pháp Uẩn (đd): coi ngũ uẩn như là sự lăng nhục, thương tổn, bức thiết như gánh nặng, căn cứ trên đó mà quán sát nhàm tởm. Như vậy gọi là Khổ (...) thông hành (lược trích).[41] Đoạn, nói là thông hành, hay nói là đạo và đạo tích đều cùng một nghĩa và cùng một nguồn gốc, cùng tương đương Pāli: paṭipadā.[42] Nên hiểu là: ”Ta nói như vậy, giảng dạy như vậy”.[43] Bản Pāli nói: “Sa-môn Cù-đàm không giảng giải sự thấu hiểu về dục, (...) về sắc, (...) về thọ”.[44] Đoạn kết luận trên đây gần với bản Pàli, với một ít khác biệt (xem cth.43 trên), nhưng hoàn toàn khác nguyên văn trong để bản. Nguyên văn đó như vầy: (xem đoạn Lạc trì thông hành, và một câu lỡ dỡ về lạc tốc thông hành): ”Nếu có người đoạn lạc dục. Hoặc có người tập pháp này không bao giờ thấy chán. Hoặc có người tập uống rượu không bao giờ thấy chán. Hoặc có người tập sự ngủ nghỉ không bao giờ thấy chán. Này Tỳ-kheo, đó là nói hoặc có người tập ba pháp này không bao giờ thấy chán, và cũng không thể đi đến chỗ diệt tận. Cho nên, các Tỳ-kheo hay thường xả ly ba pháp này, không thân cận chúng. Như vậy, các Tỳ-kheo hãy học như vậy.

-ooOoo-

216. KINH ÁI SANH[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ có một người Phạm chí, độc nhất chỉ có một đứa con, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chiều chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên đứa con mạng chung. Sau khi đứa con mạng chung, người Phạm chí ấy ưu sầu, không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con nằm.

Rồi Phạm chí lang thang khắp nơi, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi:

“Ông nay vì sao, các căn không trụ nơi tâm mình?”

Phạm chí đáp rằng:

“Tôi làm sao các căn có thể an trụ nơi tâm mình được? Vì sao vậy? Chỉ có một đứa con độc nhất, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chìu chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên nó mạng chung. Sau khi nó mạng chung, tôi ưu sầu không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con nằm.

Thế Tôn nói:

“Thật vậy, Phạm chí! Thật vậy, Phạm chí! Nếu khi ái sanh thì phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

Phạm chí nói:

“Cù-đàm, sao lại nói khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sanh thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”

Thế Tôn đến ba lần nói như vậy:

“Thật vậy, Phạm chí! Thật vậy, Phạm chí! Khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

Phạm chí cũng ba lần hỏi rằng:

“Cù-đàm, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sanh thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”

Lúc bấy giờ Phạm chí nghe những lời Phật nói, không cho là phải, mà chỉ bác bỏ, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy, lắc đầu bỏ đi.

Bấy giờ ở trước cổng Thắng lâm, có một số thị dân [02] đang đánh bạc. Phạm chí từ xa trông thấy, bèn nghĩ rằng, ‘Trong đời nếu có những người thông minh trí tuệ, cũng không thể hơn được những kẻ đánh bạc. Ta hãy đến đó. Những gì vừa được thảo luận với Cù-đàm ta sẽ kể lại hết cho họ nghe’. Rồi Phạm chí đi đến số đông những người đánh bạc ấy, và đem những gì vừa được thảo luận với Thế Tôn kể lại cho họ nghe. Những thị dân đang đánh bạc này nghe xong nói rằng:

Này Phạm chí, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Phạm chí nên biết khi ái sanh, thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”

Phạm chí nghe xong, bèn nghĩ rằng, ”Điều mà con bạc nói thật hết sức phù hợp với ta.” Rồi gật đầu mà đi.

Rồi thì vấn đề này lần lượt truyền rộng ra, cho đến lọt vào Vương cung. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe đồn Sa-môn Cù-đàm nói như vậy, ”Nếu khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu bi khóc than, ưu khổ, phiền muộn ảo não.” Vua bèn nói với hoàng hậu Mạt-lỵ [03] rằng:

“Tôi nghe đồn Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ”Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

Hoàng hậu nghe xong, thưa rằng:

“Thật vậy, Đại vương! Thật vậy, Đại vương! Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói với hoàng hậu Mạt-lỵ rằng:

“Nghe tôn sư nói gì thì đệ tử nhất định đồng ý. Sa-môn Cù-đàm là tôn sư của bà cho nên bà nói như vậy. Bà là đệ tử của Ngài cho nên bà nói như vậy, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”

Hoàng hậu Mạt-lỵ thưa rằng:

“Đại vương, nếu không tin, hãy đích thân đến mà hỏi, hay hãy sai sứ đi.”

Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn gọi Phạm chí Na-lị-ương-già [04] đến bảo rằng:

“Ngươi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay ta mà hỏi Sa-môn Cù-đàm Thánh thể, khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Rồi nói như vầy, ‘Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có lời thăm hỏi Thánh thể khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Sa-môn Cù-đàm có thật sự nói rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’ chăng?’ Này Na-lị-ương-già, nếu Sa-môn Cù-đàm có nói những gì, ngươi hãy khéo ghi nhớ và thuộc kỹ. Vì sao? Vì những người như vậy không bao giờ nói dối.”

Phạm chí Na-lị-ương-già vâng lời vua, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên, bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có lời hỏi thăm thánh thể mạnh khỏe, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng? Sa-môn Cù-đàm có thật sự nói như vầy, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não chăng?’.”

Thế Tôn nói rằng:

“Này Na-lị-ương-già, Ta nay hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Na-lị-ương-già, ý ngươi nghĩ sao? Giả sử có một người đàn bà đã chết. Người ấy phát cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng mà chạy rong khắp các ngõ đường, nói như vầy, ‘Này các người, có thấy mẹ tôi chăng? Này các người có thấy mẹ tôi chăng?’ Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.

“Cũng vậy, nếu cha chết, anh, chị, em chết, con cái chết, vợ chết, người ấy phát sanh cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng chạy rong khắp cả ngõ đường, nói rằng, ‘Này các ngài, có thấy vợ tôi chăng? Này các ngài, có thấy vợ tôi chăng?’ Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.

“Này Na-lị-ương-già, thuở xưa có một người đàn bà về thăm gia đình, các thân tộc của người này muốn cưỡng bức cải giá. Người đàn bà ấy tức tốc trở về nhà chồng, nói với chồng rằng, ‘Này ông, hãy biết cho, thân tộc của tôi muốn cướp vợ của ông để gả cho người khác. Ông có mưu kế gì chăng?’ Người ấy bèn nắm cánh tay của bà vợ dẫn vào trong nhà, nói rằng, ‘Chết chung, sang đời khác với nhau! Chết chung, sang đời khác với nhau!’ Rồi lấy con dao bén chém chết vợ và mình cũng tự sát luôn. Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”

Phạm chí Na-lị-ương-già sau khi nghe những điều Phật nói, khéo ghi nhớ và thuộc kỹ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng, rồi trở về.

Về đến Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, Sa-môn Cù-đàm quả thực có nói rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”

Hoàng hậu Mạt-lỵ tâu rằng:

“Đại vương, tôi hỏi Đại vương, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Ý Đại vương nghĩ sao? Đại vương có thương yêu đại tướng Bệ-lưu-la [05] chăng?”

Vua đáp:

“Thật sự có yêu thương.”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Nếu đại tướng Bệ-lưu-la bị biến dịch, đổi khác, Đại vương sẽ như thế nào?”

Vua đáp:

“Mạt-lỵ, nếu đại tướng Bệ-lưu-la bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

Mạt-lỵ tâu rằng:

“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Vương có yêu Đại thần Thi-lị-a-đà [06], yêu con voi Nhất-bôn-đà-lị  [07] , yêu đồng nữ Bà-di-lị [08] , yêu Vũ Nhật Cái [09], yêu nước Ca-thi và yêu Câu-tát-la chăng?”

Vua đáp:

“Thật sự có yêu thương.”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Nước Ca-thi và Câu-tát-la bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?”

Vua đáp:

“Mạt-lỵ, tôi được hưởng thụï thỏa mãn năm thứ công đức của dục là do ở hai nước này. Nếu Ca-thi và Câu-tát-la mà bị biến dịch, đổi khác, mạng sống của tôi cũng không, nói gì đến những sầu bi, khóc than ưu khổ, phiền muộn, ảo não?”

Mạt-lỵ tâu rằng:

“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Ý Đại vương nghĩ sao? Có yêu thương tôi chăng?”

Vua đáp:

“Thật sự tôi yêu thương bà.”

Mạt-lỵ lại hỏi:

“Nếu một khi tôi bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?”

Vua đáp:

“Mạt-lỵ, nếu một khi bà bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”

Mạt-lỵ tâu rằng:

“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói rằng:

“Này Mạt-lỵ, kể từ hôm nay, Sa-môn Cù-đàm, do sự kiện này là Thầy của tôi, tôi là đệ tử của Ngài. Này Mạt-lỵ, tôi nay tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời tự quy cho đến tận mạng.”

Phật thuyết như vậy, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la và hoàng hậu Mạt-lỵ sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 60. Tương đương Pāli, M. 87. Piyajātika-suttaṃ. Hán, biệt dịch, No.91; No.125 (13.3).[02] Nguyên Hán: thị quách nhi 市 郭 兒. Bản Pāli: sambahulā akkhadhuta, một số đông những tay cờ bạc.[03] Mạt-lỵ 未 利. Pāli: Mallikā, vợ chánh cung của vua Pasenadi; bà là một nữ tại gia nhiệt thành và cũng là một phụ nữ gương mẫu. Bà thường thảo luận Phật pháp với vua Pasenadi, và thường thường nhà vua thua.[04] Na-lị-ương-già 那 利 鴦 伽. Nālijaṅgha theo bản Pāli, không phải Ba-tư-nặc đích thân sai đi, mà chính Mạt-lỵ (hình như lén?) sai đi, để được hiểu rõ vấn đề.[05] Bệ-lưu-la, Pāli: Viḍūḍabha. Xem Kinh 212 trên.[06] Thi-lị-a-trà 尸 利 阿 茶; Pāli: Sirivaḍḍha. Xem Kinh 212 trên.[07] Nhất-bôn-đà-lị, Pāli: Ekapundirika. Xem Kinh 214 trên.[08] Bà-di-lị đồng nữ 婆 夷 利 童 女. Pāli: Vajīrī-kunāri, công chúa, con gái độc nhất của Ba-tư-nặc và Mạt-lỵ, sau được gả cho vua A-xà-thế.[09] Vũ Nhật Cái 雨 日 蓋. Pāli: Vāsabhā (Khattiyā), một nữ tỳ dòng họ Thích, được giả làm con gái của Ma-ha-nam và được gả cho Pasenadi, về sau sinh Tỳ-lưu-ly (Viḍūḍabha).

-ooOoo-

217. KINH BÁT THÀNH[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời sau khi Phật nhập Niết-bàn không lâu, một số lớn các Tỳ-kheo danh đức, thượng tôn đến thành Ba-lị Tử, trú tại Kê viên  [02].

Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành [03] mang nhiều hàng hóa quý đến thành Ba-lị Tử để buôn bán đổi chác. Số hàng hóa đó bán hết rất mau; được lời khá to, Cư sĩ Đệ Thập, người Bát thành, hết sức vui mừng, bèn rời Ba-lị Tử đến Kê viên, tìm đến các Tỳ-kheo Thượng tôn danh đức, cúi đầu lễ sát chân rồi ngồi sang một bên. Các Tỳ-kheo Thượng tôn danh đức thuyết pháp cho Cư sĩ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi đã dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Cư sĩ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, các Ngài ngồi im lặng. Rồi thì Cư sĩ Đệ Thập, người Bát Thành bạch:

“Bạch Thượng tôn, Tôn giả A-nan hiện giờ ở đâu? Con muốn được gặp.”

Các Tỳ-kheo Thượng tôn đáp:

“Cư sĩ, Tôn giả A-nan đang ở tại thành Bệ-xá-li, bên bờ sông Di hầu, trong cao lâu đài quán [04] . Nếu muốn thăm thì có thể đi đến đó.”

Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người Bát Thành, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân các Tỳ-kheo Thượng tôn, nhiễu quanh chiều mặt ba vòng rồi đi.

Cư sĩ tìm đến chỗ Tôn giả A-nan, cúi đầu lễ sát chân rồi ngồi xuống một bên và bạch rằng:

“Bạch Tôn giả A-nan, con có điều muốn hỏi, Ngài có cho phép chăng?”

“Cư sĩ cứ hỏi. Tôi nghe rồi sẽ suy xét.”

Cư sĩ hỏi:

“Bạch Tôn giả, Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành tựu tuệ nhãn, thấy đệ nhất nghĩa, Ngài có dạy một pháp nào mà Thánh đệ tử nếu an trú vào đó sẽ đoạn trừ các lậu, tâm giải thoát chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Đúng vậy, Đức Thế Tôn có dạy pháp ấy.”

Cư sĩ hỏi:

“Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành tựu tuệ nhãn, đã thấy đệ nhất nghĩa, Ngài dạy như thế nào về một pháp ấy, mà Thánh đệ tử nếu an trú vào đó sẽ dứt sạch các lậu, tâm giải thoát? Pháp ấy như thế nào?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trú. Vị ấy y cứ nơi đây mà quán pháp như pháp. Hoặc có thể y cứ nơi đây mà quán pháp như pháp, vị ấy an trú vào đó mà dứt sạch các lậu. Nhưng an trú vào đó mà không dứt sạch các lậu, thì nhờ nơi pháp này, do có muốn pháp, yêu pháp, thích pháp, tin tưởng pháp, ái lạc hoan hỷ[05], vị ấy đoạn trừ năm hạ phần kết, hóa sanh nơi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn trở lại đời này.

“Lại nữa, Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử, tâm cùng đi đối với từ biến mãn một phương, thành trụ và an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, bốn phương bàng, phương trên và phương dưới khắp cả mọi nơi tâm cùng đi đối với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, quảng đại, vô biên, vô lượng, khéo tu tập, viên mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, tâm đi đối với bi, hỷ và xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, quảng đại, vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy cứ y nơi đây mà quán pháp như pháp. Vị ấy hoặc có thể y cứ vào đó mà dứt sạch các dục. Nhưng nếu chưa dứt sạch được các lậu, nhờ pháp này, do yêu pháp, thích pháp, tin tưởng pháp, ái lạc hoan hỷ, vị ấy đoạn trừ ngũ hạ phần kiết, hóa sanh vào cõi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn tái sanh lại đời này nữa. Đây là pháp mà Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc thành tựu tuệ nhãn, đã thấy đệ nhất nghĩa, nói rằng, ‘Có một pháp mà nếu đa văn Thánh đệ tử an trú vào đó sẽ dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát.

“Lại nữa, Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử vượt qua tất cả sắc tưởng cho đến phi phi tưởng xứ, thành tựu và an trú, vị ấy ở nơi đây mà quán pháp như pháp, vị ấy hoặc có thể an trú vào đó mà dứt sạch các lậu. Nhưng nếu không dứt sạch các lậu, thì nhờ pháp này, do yêu pháp, thích pháp, tin tưởng pháp, ái lạc, hoan hỷ, vị ấy đoạn trừ ngũ hạ phần kết, hóa sanh nơi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn trở lại đời này nữa. Đây là pháp mà Đức Thế Tôn, Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành tựu, đã thấy đệ nhất nghĩa, nói rằng, có một pháp mà nếu Đa văn Thánh đệ tử an trụ vào đó sẽ dứt sạch các lậu tâm được giải thoát.”

Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu chấp tay bạch rằng:

“Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Tôn giả A-nan, con chỉ hỏi một cánh cửa cam lồ, nhưng Tôn giả đã nói cho con nghe một lần đến mười hai pháp môn cam lồ [06]. Dựa theo pháp môn nào trong mười hai pháp môn ấy tu tập cũng đều được giải thoát an lạc.

“Bạch Tôn giả A-nan, cũng như cách làng không xa, có một ngôi nhà lớn, được mở ra với mười hai cánh cửa. Một người có việc cần nên đã vào trong nhà ấy. Lại có một người khác đứng đó, nhưng không muốn đem lại sự lợi ích và phước lạc, không muốn sự an ổn cho người ấy, nên nổi lửa mà đốt nhà. Bạch Tôn giả A-nan, người ấy có thể do theo một trong mười hai cửa mà ra khỏi ngôi nhà cháy một cách an toàn [07] Cũng vậy, bạch Tôn giả, con chỉ hỏi một cửa cam lồ mà Ngài nói cho con nghe một lần đến mười hai cửa pháp cam lồ. Y theo một trong mười hai cửa pháp cam lồ này thì có thể được an ổn giải thoát. Bạch Tôn giả A-nan, trong pháp luật của Phạm chí nói về pháp luật bất thiện mà còn có sự cúng dường thầy của họ, huống sao con lại không cúng dường bậc Đại sư Tôn giả A-nan.”

Rồi ngay trong đêm ấy, Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành bày dọn các món ăn thơm ngon, tinh khiết, đầy đủ các loại nhai và nuốt; sau khi bày biện thức ăn xong, vào lúc sáng sớm, trải dọn chỗ ngồi Cư sĩ cung thỉnh chúng Tăng ở Kê viên và thành Bệ-xá-li hợp lại, rồi tự tay mình dâng nước rửa, dâng các thức ăn thơm ngon tinh khiết, đầy đủ các loại nhai và nuốt; tự tay mời mọc cho đến khi chúng Tăng no đủ, phân chia các thức ăn đầy đủ cho chúng Tăng. Sau khi chúng Tăng thọ thực, thâu bát, rửa tay, Cư sĩ đem năm trăm vật phẩm mua một ngôi nhà cúng riêng cho Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan nhận lãnh, sau đó cúng cho Chiêu đề tăng [08]

Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Cư sĩ Đệ Thập người ở Bát thành sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M. 52. Aṭṭhakanāgara-suttam. Hán, biệt dịch, No.92.[02] Ba-la-lị Tử thành Kê viên 波 羅 利 子 城 雞 園; No.92: Ba-la-lê-phất-đô-lô, Kê viên. So Pāli: Pāṭaliputta, về sau là thủ đô của Magadha; Kukktārama, khu vườn có lẽ ở Đông nam của Pāṭaliputta. Một tinh xá cùng tên ở tại Kosambī.[03] Đệ thập Cư sĩ Bát thành 第 十 居 士 八 城; Pāli: Dasamo gahapati Aṭṭhaka-nāgaro, gia chủ Dasama, người thị trấn Aṭṭhaka.[04] Di hầu giang biên, cao lầu đài quán 獮 猴 江 邊 高 樓 臺 觀; có lẽ một ngôi nhà sàn ở trong rừng Mahāvana gần Vesāli, được gọi là Kūṭāgarasālā. Vì sông Di hầu không rõ tương đương Pāli, nhưng Sanskrit gọi là Markatā.[05] Dục pháp ái pháp lạc pháp tĩnh pháp ái lạc hoan hỷ 欲 法 愛 法 樂 法 靜 法 愛 樂 歡 喜. Pāli: teneva dhammarāgena tāya dhammanandiyā, do sự đam mê đối với pháp, do sự vui say đối với pháp.[06] Tức Bốn sắc giới thiền, Bốn vô lượng tâm và Bốn vô sắc định.[07] Cả hai bản Hán đều thí dụ bằng ngôi nhà cháy. Bản Pāli thí dụ một người đi tìm kho tàng.[08] Chiêu đề tăng 招 提 僧; dịch nghĩa là Thập phương tăng. Bản Pāli không có chi tiết này, nhưng tiếng Pāli tương đương là Catuddisāsaṅgha.

-ooOoo-

218. KINH A-NA-LUẬT-ĐÀ (I)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vào lúc xế trưa từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà [02] , cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi sang một bên, bạch rằng:

“Chúng tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày.”

Tôn giả A-na-luật-đà nói:

“Chư Hiền, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Khi ấy các Tỳ-kheo bèn bạch rằng:

“Làm thế nào một Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền; đó gọi là Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo không phải chỉ cùng đích như vậy là chết an lành mạng chung an lành. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo chứng đắc như ý túc về thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí, lậu tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết được an lành, mạng chung được an lành.”

Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Tôn giả A-na-luật-đà nói khéo ghi nhớ và thuộc kỹ xong, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy sát chân Tôn giả A-na-luật-đà, đi quanh ba vòng rồi lui ra.

Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả A-na-luật-đà thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Không có Pāli tương đương.[02] Xem Kinh 184, 185 trên, và nhiều kinh khác.

-ooOoo-

219. KINH A-NA-LUẬT-ĐÀ (II)

Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ các Tỳ-kheo, vào lúc xế, từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà[01] , cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên bạch rằng:

“Chúng tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày.”

Tôn giả A-na-luật-đà nói:

“Chư Hiền, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Khi ấy các Tỳ-kheo hỏi rằng:

“Làm thế nào mà một Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Nếu Tỳ-kheo có tri kiến chất trực và đạt đến Thánh ái giới  [02] , đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; hai, ba, bốn phương, bốn duy, trên, dưới, bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Đó gọi là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy, là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến chứng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ. Đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

‘Tỳ-kheo chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vượt qua tất cả phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, tưởng thọ diệt thân chứng thành tựu an trụ, và do tuệ quán mà các lậu diệt tận, đó là Tỳ-kheo chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

“Tỳ-kheo chỉ cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

“Chư Hiền, Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Tôn giả A-na-luật-đà nói, khéo ghi nhớ và thuộc kỹ xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả A-na-luật-đà, đi quanh ba vòng rồi lui ra.

Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả A-na-luật-đà thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Xem Kinh 184, và nhiều kinh khác.[02] Thánh ái giới, hay Thánh sở ái giới, giới được các Thánh Hiền hâm mộ.

-ooOoo-

220. KINH KIẾN[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời sau khi Phật Niết-bàn không lâu, Tôn giả A-nan trú tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Lúc bấy giờ có một Phạm chí dị học, vốn là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia, sau giữa trưa, thong dong tản bộ đi đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên nói với Tôn giả A-nan rằng:

“A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Phạm chí, muốn hỏi cứ hỏi, Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Dị học Phạm chí bèn hỏi:

“Sự kiện như vầy. Những quan điểm[02] này bị gác lại [03], bị loại bỏ, không được giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên[04]; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt [05]; Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt duyệt?’ Sa-môn Cù-đàm có biết rõ các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Phạm chí, sự kiện như vầy. Đối với những quan điểm này, Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường, hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, biết các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết.”

Phạm chí dị học lại hỏi:

“Sự kiện như vầy. Những quan điểm này Sa-môn Cù-đàm gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường, hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Sa-môn Cù-đàm biết rõ các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết như thế nào?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Phạm chí, sự kiện như vầy. Những quan điểm này được Đức Thế Tôn, Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Này Dị học Phạm chí, kiến như vậy, thủ như vậy, sanh như vậy, đến đời sau như vậy, những vấn đề như vậy là điều mà Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu biên hay thế giới vô biên, thế giới hữu thường hay thế giới vô thường; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Những quan điểm ấy được biết như vậy. Các quan điểm ấy phải được biết như vậy.”

Dị học Phạm chí bạch rằng:

“A-nan, nay tôi tự quy A-nan.”

Tôn giả A-nan đáp:

“Phạm chí, ông đừng tự quy nơi tôi. Cũng như tôi tự quy y nơi Phật ông cũng nên tự quy như vậy.”

Dị học Phạm chí nói:

“A-nan, nay tôi tự quy Phật, Pháp, và Tỳ-kheo Tăng. ‘Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy cho đến tận mạng’.”

Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Dị học Phạm chí nghe Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, A.7.51. Avyākata. Hán, biệt dịch, No.93.[02] Kiến 見. Pāli: diṭṭhigata, thường được dịch là kiến thú, xu hướng của kiến chấp.[03] Xả trí 捨 置, chỉ những vấn đề thuộc bất khả thuyết. Xem ý nghĩa, Kinh 222 ở sau. Pāli avyākāta, vô ký.[04] Nguyên Hán: thế hữu để, thế vô để 世 有 底 世 無 底, dịch sát: “thế gian có đáy hay không có đáy”.[05] Nguyên Hán: Như Lai chung, bất chung 如 來 終 不 終.

-ooOoo-

221. KINH TIỄN DỤ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tôn giả Man Đồng tử [02], sống cô độc tại một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý niệm, ”Sự kiện như vầy. Những quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại [03], loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên[04]; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt, hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt [05] , hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Ta không hài lòng với điều này, ta không nhẫn khả với điều này. Nếu Đức Như Lai xác quyết  [06] nói cho ta biết rằng: ‘Thế giới hữu thường’ ta sẽ theo Ngài học phạm hạnh, còn nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ ta sẽ cật vấn Ngài rồi bỏ Ngài mà đi. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu Đức Thế Tôn xác quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này chơn thật, ngoài ra là hư vọng’ ta sẽ theo Ngài tu học phạm hạnh; còn nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này là chơn thật ngoài ra là hư vọng’ thì ta sẽ cật vấn Ngài rồi bỏ Ngài mà đi.”

Rồi Tôn giả Man Đồng tử vào lúc xế trưa, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con sống cô độc tại một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý niệm, ‘Sự kiện như vầy. Những quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Ta không hài lòng với điều này, ta không nhẫn khả với điều này. Nếu Thế Tôn xác quyết rõ ràng, ‘Thế giới hữu thường’, Bạch Thế Tôn, mong Ngài hãy nói cho con biết. Còn nếu Thế Tôn không xác quyết rõ ràng ‘Thế giới hữu thường’ thì Ngài hãy nói thẳng là không biết. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu Thế Tôn xác quyết rõ ràng ‘Điều này chơn thật, ngoài ra là hư vọng’, Bạch Thế Tôn, mong Ngài hãy nói cho con biết. Còn nếu Thế Tôn không xác quyết rõ ràng ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng’, thì Ngài hãy nói thẳng là không biết’.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Man Đồng tử, trước kia Ta có nói như vầy với ngươi rằng, ‘Hãy đến đây! Hãy theo Ta tu học Phạm hạnh rồi Ta sẽ nói cho nghe, ‘Thế giới hữu thường’chăng’?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên, hay vô biên sinh mạng tức thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ chăng?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Man Đồng tử, trước kia ngươi có nói với Ta rằng, ‘Nếu Thế Tôn xác quyết nói cho con biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì con sẽ theo Thế Tôn học phạm hạnh’ chăng?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Man Đồng tử, trước kia Ta không nói với ngươi và ngươi cũng không nói với Ta; ngươi quả là kẻ ngu si, vì sao lại hư vọng xuyên tạc Ta?”

Lúc bấy giờ, Tôn giả Man Đồng tử bị Đức Thế Tôn khiển trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời biện bạch, suy nghĩ mông lung.

Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Man Đồng tử, rồi nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu có người ngu si nghĩ như vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho Ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì Ta không theo Đức Thế Tôn tu hành phạm hạnh’. Những người ngu si ấy, chưa biết được gì thì nửa chừng mạng chung.

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu có người ngu si nghĩ như ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho Ta biết rằng: ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng’ thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’. Những người ngu si ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“Ví như một người bị trúng tên độc; do bị trúng tên độc nên đau đớn cùng cực. Người ấy được các thân thuộc đồng tình thương xót, mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc nên tìm cầu y sĩ nhổ tên. Nhưng nó lại nói rằng, ‘Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người bắn tôi đó, họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, thuộc dòng Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư, là người ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cây cung ấy làm bằng gỗ chá [07] , bằng gỗ dâu, bằng gỗ quỳ, hay bằng sừng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cần cung làm bằng gân bò, bằng gân hươu, nai hay bằng tơ? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cây cung đó màu đen, màu trắng, màu đỏ hay màu vằng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết dây cung đó làm bằng gân, bằng tơ, bằng sợi gai hay bằng võ gai? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cán tên này làm bằng gỗ hay bằng tre? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết tên được quấn bằng gân bò, gân hươu nai, hay bằng tơ? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết đuôi tên này kết bằng lông phiêu lằng [08] , lông kên kên, lông gà trống, hay lông hạc? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết mũi tên này thuộc loại mũi răng cưa, mũi nhọn, hay mũi bình phi đao? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người thợ vót tên này họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, ở phương Đông, phương Nam, phương Tây hay phương Bắc?’ Nhưng nó chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“Cũng vậy, nếu có người ngu si nghĩ như vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’. Nhưng người ngu si ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, Như Lai vừa tuyệt diệt hay Như Lai vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu có người ngu si nghĩ như vầy ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho Ta biết rằng: ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’.’ Nhưng người ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“‘Thế giới hữu thường’, nhân nơi quan điểm này mà theo ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác, Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, nay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nhân nơi những quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.

“‘Thế giới hữu thường’, vì có quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác, Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì có quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.

“‘Thế giới hữu thường’, vì có quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên; thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì có quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.

“‘Thế giới hữu thường’, vì không có quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì không có những quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy.

“Dù ‘Thế giới hữu thường’, thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc than, ưu khổ, ảo não, như vậy toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh. Cũng vậy, dù ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não; như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh.

“‘Thế giới hữu thường’, Ta không xác quyết điều này. Vì điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết điều này. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Ta không xác quyết điều này. Vì lý do gì mà Ta không xác quyết những điều này? Vì những điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải là căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết những điều này.

“Những pháp nào được Ta xác quyết nói đến? ‘Đây là khổ’, Ta xác quyết nói ‘Đây là khổ’, ‘Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích’ Ta xác quyết nói. Vì những lý do gì mà Ta xác quyết nói những điều này? Vì những điều này tương ưng với cứu cánh, tương ưng với pháp, là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến Niết-bàn, cho nên Ta xác quyết nói những điều này.

“Đó là, những gì thể nói thì Ta không nói, những gì có thể nói thì Ta nói [09], hãy thọ trì như vậy. Hãy học tập như vậy.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.63. Cūḷa-Māluṅkyaputta-suttam. Hán, biệt dịch: No.94.[02] Xem cht.3, Kinh 205 trên.[03] Xem cht.3, Kinh 220 trên.[04] Nguyên Hán: thế hữu để vô để 世 有 底 世 無 底. Pāli: antavā loko ‘ti pi anantavā loko ’ti pi.[05] Nguyên Hán: Như Lai chung... bất chung 如 來 終 不 終. Pāli: hoti tathāgato paraṃ maraṇnā, Như Lai tồn tại hay không sau khi chết?[06] Hán: nhất hướng thuyết 一 向 說.[07] Chá 柘, một loại cây giống cây dâu, lá tằm ăn được.[08] Trong bản nói phiêu phương 飄 [防+鳥] các bản khác nói phiêu lăng, một loại chim?[09] Bất khả thuyết 不 可 說. Pāli: abyakāta (vô ký), có mười bốn vấn đề bất khả thuyết, như trong kinh này đã kể.

-ooOoo-

222. KINH LỆ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Bốn niệm xứ.

“Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn niệm xứ? Nếu khi Đức Như Lai xuất thế, là Vô Sở Trước, Minh Hạnh Thành Tựu, Đẳng Chánh Giác, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu. Vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Bốn niệm xứ. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri [01].

“Nếu muốn biệt tri vô minh, nên tu Bốn niệm xứ. Thế nào là muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn niệm xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, là Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, quán nội thân như thân, cho đến quán thọ tâm, pháp như pháp. Đó là muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn niệm xứ.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn chánh đoạn. Thế nào là muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn chánh đoạn? Nếu khi Đức Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém; đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn  [02]. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không sanh cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn kiên cố, không quên mất, không suy thoái, tăng trưởng, quảng đại, tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là, nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn chánh đoạn. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri  [03] .

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn chánh đoạn. Thế nào gọi là muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn chánh đoạn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không sanh, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn kiên cố, không vong thất, không suy thối, tăng trưởng, quảng đại, tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cầu khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn chánh đoạn.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn như ý túc. Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành[04] , y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên dục tận, thú hướng phi phẩm  [05]. Cũng vậy tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Bốn như ý túc. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri. Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn như ý túc.

“Thế nào gọi là muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn như ý túc.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Tứ thiền. Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu Tứ thiền? Nếu khi Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ, cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là, nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Tứ thiền. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Tứ thiền. Thế nào là muốn biệt tri vô minh nên tu Tứ thiền? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm cho tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Tứ thiền.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Năm căn. Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu Năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Năm căn. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Năm căn. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Năm căn.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Năm lực. Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu Năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Năm lực. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Năm lực. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Năm lực.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu niệm giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, tu xả giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bảy giác chi. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu niệm giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu pháp, tinh tấn, khinh an, hỷ, định. Tu xả giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bảy giác chi.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu chánh kiến cho đến chánh định. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Thánh đạo tám chi. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu chánh kiến, cho đến tu chánh định. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh, nên tu Thánh đạo tám chi.

“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười biến xứ. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu thứ nhất địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng; tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, vô lượng không xứ biến xứ, tu thứ mười vô lượng thức biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Mười biến xứ. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười biến xứ. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu thứ nhất, địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng. Cũng vậy tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, vô lượng không biến xứ; tu thứ mười vô lượng thức xứ biến xứ, bốn duy trên dưới, là không hai, là vô lượng. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười biến xứ.

“Muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười pháp vô học. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười pháp vô học. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười pháp vô học.

“Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười pháp vô học.

“Như vô minh, hành cũng vậy. Như hành, thức cũng vậy. Như thức, danh sắc cũng vậy. Như danh sắc, sáu xứ cũng như vậy. Như sáu xứ, xúc cũng như vậy. Như xúc, thọ cũng như vậy. Như thọ, ái cũng như vậy. Như ái, thủ cũng như vậy. Như thủ, hữu cũng như vậy. Như hữu, sanh cũng như vậy.

“Nếu đoạn trừ lão tử, nên tu Bốn niệm xứ. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn niệm xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn niệm xứ. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri. ”Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn niệm xứ. Thế nào gọi là nếu muốn biệt trừ lão tử nên tu Bốn niệm xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn niệm xứ.

“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn chánh đoạn. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn chánh đoạn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ, và kiên trì tâm chánh đoạn. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không sanh cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn kiên cố, không vong thất, không suy thối, tăng trưởng, quảng đại, tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là nếu đoạn trừ lão tử nên tu Bốn chánh đoạn. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn chánh đoạn. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn chánh đoạn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không sanh, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn kiên cố, không vong thất, không suy thối, tăng trưởng, quảng đại, tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn chánh đoạn.

“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn như ý túc. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu học dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định như ý túc thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn như ý túc. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn như ý túc. Thế nào gọi là muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm; cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tu tư duy định, như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn như ý túc.

“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Tứ thiền. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Tứ thiền? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly bất thiện pháp cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Tứ thiền. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Tứ thiền? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Tứ thiền.

“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Năm căn. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Năm căn.

“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Năm căn? Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Năm căn.

“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Năm lực. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín lực, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Năm lực. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Năm lực.

“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu niệm giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ lão tử, nên tu Bảy giác chi. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu niệm giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định. Tu xả giác chi, y trên viễn ly, y trên diệt tận, y trên vô dục, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bảy giác chi.

“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu chánh kiến, cho đến chánh định. Đó là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Thánh đạo tám chi. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu chánh kiến cho đến chánh định. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Thánh đạo tám chi.

“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười biến xứ. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu thứ nhất, địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng. Tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, vô lượng không xứ biến xứ, tu thứ mười, vô lượng thức xứ biến xứ, bốn duy trên dưới, là không hai, là vô lượng. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Mười biến xứ. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu thứ nhất, địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là vô lượng. Cũng vậy, tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, vô lượng không xứ biến xứ, tu thứ mười, vô lượng thức xứ biến xứ, bốn duy, trên dưới, là không hai, là vô lượng. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười biến xứ.

“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười pháp vô học. Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười pháp vô học. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Mười pháp vô học. Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Mười pháp vô học.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Các giai đoạn tu tập tuần tự: số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ tổng tri và biệt tri: chuyên cần, quyết ý, vượt qua, nhổ sạch, hoàn toàn tĩnh chỉ.[02] Tham chiếu Pháp Uẩn Túc Luận 3 (Đại 26 tr.467c): khởi dục, phát cần, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.[03] Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần… đều được tu tập theo thứ tự từ tinh cần...[04] Xem Kinh 86 trên.[05] Phi phẩm, nơi khác, cũng trong bản Hán này nói là Thú hướng xuất yếu (?).

-ooOoo-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro