While he's still in silent rest

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Em thổi cho anh nghe nhé? Bạn bè em ở chiến hào dạy đó."

Cô vui vẻ lấy cây harmonica từ túi áo ra. Nhạc cụ cũ xì, bên trong bộ hơi toàn là bụi, bên ngoài chỗ bọc kim loại thì rỉ sét, chỗ bọc da giả thì tróc hết mà ra, chỉ còn vẻ sần sùi gai góc. Lê Thâm nhíu mày "Em thổi thứ dơ bẩn này à. Đưa đây cho anh."

Anh dùng áo blouse lau qua nó. Dưới mỗi một ánh nến vàng lập lòe, cô cười hì hì "Anh cũng không khác nó lắm đâu." Trên gương mặt lạnh lùng của trưởng khoa hiếm hoi hiện lên một nụ cười yên bình. Anh búng trán cô và cô gái rít lên khe khẽ.

"Anh lau rồi, để anh nghe xem em ở chiến hào học được gì nào."

1.

Nữ quân nhân số hiệu 109 vụt chạy như một con báo. Cô lách người qua địa trận của những chiếc bàn gỗ và nhảy vụt qua những cái ghế nằm lổm ngổm dưới đất. Cô ôm chặt bọc đựng thư trong ngực, cô vừa từ chỗ đại đội trưởng trở về. Ngày chín hàng tháng là ngày mà thư từ từ hậu phương gửi tới, mỗi tiểu đội đều cử một người đến lấy thư và cô đã phải thức dậy từ rất sớm để xếp hàng. Đúng hơn là, cả đêm cô nôn nao không ngủ được.

"Của anh này." "Của cô này." "Của cô." Người trẻ tuổi sức sống mãnh liệt, cô cứ liến thoắng như một con chim hót chào ngày mới. Hễ cô mở miệng là chỉ để thông báo tin lành, người ta gọi cô là chích chòe nhỏ. Giao hết thư cho anh chị em rồi, một mình cô ra sau doanh trại ngồi, môi cô tủm tỉm nụ cười như đứa con nít được cho kẹo.

Đó là một cái lệ trước khi cô mở thư, một nghi thức để cô nhớ lại hương vị quê nhà. Cô đưa phong thư lên mũi ngửi thật kỹ: à lại cái mùi thuốc sát trùng thoang thoảng và mùi giấy hơi ẩm mốc. Tụi cô nghèo nên chẳng có nổi sáp đóng dấu, nhưng những lá thư thế này ai lấy để làm gì? Khi cô chậm rãi, chậm rãi mở phong bì, lá thư viết bằng giấy vàng bệnh xá, góc giấy xé vội xé vàng hiện lên, lấp ló trước mắt cô dòng chữ quen thuộc. Em thân mến.

2.

Em thân mến,

Mọi chuyện ở bệnh viện vẫn ổn. Tuy số lượng quân nhân bị thương không còn quá nhiều, sốt rét đang hoành hành trở lại ở phía Đông nên mọi người đang phải nỗ lực để nó không trở thành đại dịch. Thời tiết chỗ em ấm hơn, tuy nhiên em cũng không được chủ quan mà phải biết tự chăm sóc cho bản thân mình. Tối ngủ phải luôn giăng mùng, và phải siêng năng dọn dẹp tiểu doanh trại. Anh có gửi kèm thư này một ít nhu yếu phẩm đóng góp, kèm theo một chăn gửi riêng cho em, có lẽ mai hoặc mốt sau khi nhận được lá thư này, một tải xe khác sẽ tới.

Bà vẫn ổn, anh vẫn đọc thư em viết cho bà như mọi lần mỗi khi có dịp về nhà. Ba và mẹ của anh đã được điều đến bệnh viện dã chiến khác ít nguy hiểm hơn. Họ nói khoảng hai hoặc ba tháng nữa sẽ tiến hành di cư dân ở đây vì nhiều lý do an toàn, sau đó thì đến lượt chúng anh di chuyển gần hơn về phía Tây, về phía em. Đây chưa phải tin chính thức, anh chỉ mới nghe chúng bác sĩ đồn thổi như vậy. Quan Hiên bảo rằng anh nôn lắm đấy, ước gì hai ba tháng đấy chỉ dài trong một tuần, đủ để anh đến với em. Anh nhéo tai cậu ta và bảo từ anh đến chỗ em nhanh nhất cũng mất gần một tháng rưỡi nếu di chuyển bằng tàu hỏa thông thường, sau đó phải chuyển sang xe thồ thô sơ vì đường đi gập ghềnh. Không phải là anh không muốn gặp em nhanh, chỉ là anh không thể. Có người đùa rằng không khéo phải xây bệnh viện bằng tay, nhưng anh không ngại điều đó kể cả khi mỗi ngày chỉ được xây một viên gạch.

Em hãy giữ an toàn, tiền tuyến biến hóa khôn lường, em phải luôn cẩn thận. Em không còn là một cô gái hấp tấp như thuở nào nữa, ở nhà ai cũng đã nghe thấy chiến công hiển hách của em, nữ thần may mắn sẽ luôn ở bên em, nhưng vì anh không thể kề cạnh em được, hãy luôn giữ an toàn cho đến ngày chúng ta gặp lại nhau.

Thân gửi,
Lê Thâm của em.
Bệnh viện dã chiến Akso.

Ngón tay chai sần của cô mân nhẹ trên con chữ viết vội của anh, những đường nét nhẹ tênh và giấy vàng nhẹ tênh, lòng cô lâng lâng một nỗi hoài thương. Cô run run đưa lá thư lên bờ môi khô hanh, hôn nhẹ lên hai chữ Lê Thâm thân thuộc và gọn gàng.

3.

Chiến sự đã diễn ra được gần mười năm. Cô nhẩm đếm lúc xếp lại thư vào chiếc hộp thiếc cũ móp méo, và chúng cô đang dần kiệt quệ. Cô biết điều đó, ai trong chiến hào này cũng biết điều đó, chỉ là chúng cô đã đi quá xa để có thể vứt hết súng đạn và nói, "Chúng tôi mệt rồi." Cô đã nhập ngũ được ba năm, đã đi xa quê nhà được ba năm. Phụ nữ không đánh đấm? Ai nói như thế? Khi đã túng quẫn cả rồi dẫu là đào tơ hay trâu bò cũng phải cầm súng lên ra trận. Cô không ở trong tư thế nào để đánh giá liệu cuộc chiến này là có nghĩa hay là vô nghĩa, cô chỉ biết nếu cô và các anh chị em cùng chiến đấu, thì có nghĩa là chúng cô đã đặt cược cả tính mạng lẫn niềm tin của mình vào tay tử thần. Vinh quang và tự do là thứ đạt được, không phải sinh ra mà có, dẫu có là cái quyền cái lợi cơ bản hay chăng.

Cô rất may mắn, phải, cô phải thừa nhận như vậy. Ở mồ chôn này may mắn là một đức tính cao quý mà chẳng phải ai cũng có được. Cô viết trong rất nhiều lá thư gửi Lê Thâm, Em thật may mắn, anh chỉ cần nhìn thấy dòng chữ đó là biết một tháng trước chiến sự ở tiền tuyến đã diễn ra như thế nào. Em vẫn an toàn, đó là những gì anh sẽ nghĩ.

Hầu như tháng nào cũng có thư, là thư viết từ tháng trước. Đó là một nhịp thức đều đặn mà cả hai có trong ba năm xa nhà của cô. Người mới đến như những lá thư, có người ở lại như cũ mèm cô cất, lại có người cứ trôi như tảng mây hoặc khói mờ. Thi thoảng cô nằm sòng soãi ra đó và ôm thư anh vào lòng, tự hỏi tại sao trời lại xanh như thế? Liệu ở nơi anh màu xanh này có nao nức như vậy? Nao nức, cô phải viết vào lá thư tiếp theo gửi anh, cô nao nức tiếng gọi ngày hòa bình để được trở về lao vào vòng tay anh như thuở nào.

Thi thoảng, Lê Thâm gửi cô những bức ảnh chụp anh trong bệnh viện. Cô khúc khích nhìn gương mặt nhăn nhó lạnh lùng chẳng bao giờ thay đổi đó của anh, tự hỏi cỡ tuổi anh rồi có cao hơn được nữa không? Thi thoảng cô cố trừng mắt để tìm nếp nhăn nào đó nơi mắt anh, hay nhắm một bên để tìm sợi tóc bạc nào đó giữa những màu xám xịt làm mờ nhạt dung nhan anh. Đào Đào ngồi cười bên cạnh, và chúng cô ngồi kể lại những tưởng tượng quá quắt của mình.

Cô nhận ra anh gửi quá nhiều ảnh cho mình nhưng chưa bao giờ nhắc nhở cô phải gửi lại. Lần gần đây nhất là một tấm ảnh chụp toàn bộ tân binh khóa 109 cô gửi về cho bà. Gương mặt cô nhỏ xíu, mờ nhạt trong những chấm nhỏ phân giải chẳng rõ ràng.

4.

Anh yêu dấu,

Trong tiểu đội của em có vài chàng mới đến, nghe đâu là từ đại học mỹ thuật chuyển hẳn ra đây. Vừa rồi em xếp lại những lá thư anh gửi, bần thần nhận ra mình chẳng gửi lại tấm ảnh nào cho anh. Tại sao anh không nhắc em vậy? Hay là đang chê em dãi nắng dầm sương chẳng còn non nớt như thuở đôi mươi? Hừm, Lê Thâm ơi là Lê Thâm, em bắt chẹt anh rồi đấy nhé, về em mách bà cho coi. Để chứng minh cho anh thấy em vẫn còn mơn mởn như vậy, em đã nhờ một cậu phác họa giúp chân dung mình. Khỏi phải nói là, cậu ta từ khi vẽ em thì bận túi bụi luôn, ai cũng muốn nhờ vẽ giúp cả! Cậu chàng bảo vẽ thế này cũng hay, để đến khi cậu về lại lớp học sẽ không bị cứng tay điếng người. Chà, cậu vẽ đẹp lắm, anh xem đi nhé. Lần sau viết thư nhớ khen em nữa.

Mọi chuyện vẫn ổn. Em nhận được vật tư anh gửi sau khoảng một tuần đọc thư. Em nghe ngóng được rằng địch đã chặn tuyến đường Tây Nam, ở rất xa chỗ em đóng quân, nhưng không ai hiểu được họ đang có âm mưu gì. Xe thồ đến trễ hơn vì phải đổi đường. Bọn em được lệnh chờ đợi cho đến mệnh lệnh kế tiếp xem có nên di quân về xa hơn phía Tây không, ở đó có một thành phố bỏ hoang do nhiều năm trước bị đánh chiếm. Em thật sự không hiểu những người lãnh đạo đang nghĩ tới điều gì, nhưng chị Nam dạo gần đây nhắc nhiều hơn về chiến thắng. Chiến thắng cách nào? Hẳn anh sẽ tự hỏi vì chẳng muốn em lao vòng vây hiểm nguy, nhưng sau chiến thắng là ngày em trở về. Lê Thâm đợi em nhé, đợi để so sánh em trong tranh có khác gì em ngoài đời không?

Trân trọng,
Em của anh,
Chiến khu 9, Tiểu đội 5.

5.

Người vội đến người vội đi nơi bệnh viện dã chiến không một chút nhân từ không một chút yên ả. Người ta đến đây hét lạc tông giọng hay người ta đến đây ngây dại điên khùng thì đều vẩy trên người dịch đỏ tanh nồng. Một bác sĩ ấn mạnh người đàn ông đương quẫy đạp hết sức bình sinh đó, máu văng tung tóe khắp sàn nhà và dính cả lên mặt của những bác sĩ gần đó. Lê Thâm nhanh chóng tiến lại và tiêm cho gã một ống an thần, gã quẫy đạp dần, quẫy đạp dần rồi yên ngủ như một đứa trẻ.

Quan Hiên mệt mỏi lại gần, tay cầm bông gạc. "Riết như trại thương điên." Anh càu nhàu rồi bắt đầu sơ cứu cho gã. Cái chân cụt lủn, vì gắng sức hoạt động mà toát cả máu ra.

"Tốp cuối chừng nào tới?"

"Mười sáu rưỡi chiều này. Chiến khu 8 đã rút gần hết về bệnh viện phía Đông Nam để giảm bớt áp lực. Anh tranh thủ nghỉ chút đi Lê Thâm, nơi này tôi lo được."

Lê Thâm gật đầu cảm ơn rồi quay lưng đi về phòng nghỉ. Còn một tiếng nữa mới tới bốn giờ chiều, đáng lẽ anh có thể chợp mắt ngủ trưa một tí nhưng những con số vô hồn ấy làm anh bất giác nhớ đến em. Không ai ngờ quân khu 8 và 9 chỉ cách nhau có một đơn vị, vậy mà khoảng cách giữa họ giờ xa còn hơn cả hai đầu đất nước. Anh mở hộc tủ ra, bên trong là một hộp si-lanh được tận dụng làm hộp trữ đồ. Những lá thư được xếp gọn gàng trong hộp, chủ yếu là thư, rất ít có phong bì bên ngoài. Lá gần đây nhất là lá cuối cùng em gửi. Đã hơn ba tháng không có thư mới. Lê Thâm nghe ngóng được Đại đội đã di chuyển về thành phố cũ như em đã viết trong thư trước đó, nhưng anh biết được lý do rõ ràng hơn: địch đang bao vây em lại. Trừ những lúc tâm trí anh hoàn toàn bị bệnh nhân và công việc chiếm đóng, hầu như không có lúc nào anh không an ổn nổi lòng mình khi nghĩ về em. Nó giống như một bóng ma vậy. Một bóng ma đeo đuổi anh, vờn vĩnh trên đầu những chiến binh đau khổ và phân trần từng ngõ ngách bên trong tâm trí anh. Rất khó để giữ được sự tỉnh táo.

Anh lấy trong túi áo blouse ra một xấp giấy kẹp, áp vào ngực anh là một bức vẽ được ép nhựa dẻo cẩn thận. Những ngón tay của Lê Thâm lướt nhẹ qua đôi mắt trong bức ảnh, dường như cách một bức tường và một thế gian mà Lê Thâm vẫn cảm tưởng được những vì sao lấp lánh bên trong nó. Ôi chỉ một ánh đèn dầu sẽ xua được màn đêm của người lữ khách, chỉ một màn họa người con gái to còn chẳng bằng bàn tay ông bác sĩ đã đem lại cho anh giờ giấc yên lòng hiếm hoi. Rất hiếm hoi. Anh nhẹ nâng bức tranh bằng đôi bàn tay run run, nhắm đôi mắt gầy hao và dịu dàng hôn lên tấm ảnh. Lê Thâm luôn tự hỏi em khác gì so với tranh vẽ sau ngần ấy năm chia lìa, có lẽ là khác xúc giác chân thật, có lẽ là khác làn da phong sương. Bất giác anh lại nhớ em rồi. Và anh cầu nguyện với Chúa, xin Chúa gửi xuống cho em một thiên thần hộ mệnh.

6.

Đêm Giáng Sinh, bác sĩ thay phiên nhau trực. Chỉ có Giáng Sinh người ta thay hình hài đàn bồ câu trắng bằng tuyết rơi, chỉ có lễ lộc người ta mới có cảm giác mình cần phải sống tiếp để đợi ngày mai về. Lê Thâm kéo khăn choàng qua mũi, dường như tuyết năm nay rơi dày hơn mọi năm?

Anh trở về nhà chung vào tối muộn, hầu hết mọi người đã đi ngủ sau khi làm lễ. Vậy mà bếp lửa vẫn bập bùng lách tách, anh thấy bà lặng lẽ ngồi đan áo trên ghế. Lê Thâm chỉ vừa mới đóng cửa nhà, bà đã lên tiếng hỏi "Về rồi đó hả con."

"Con về rồi." Anh đứng lại phủi hết tuyết trên đầu trước khi vào nhà. "Sao bà ngủ muộn thế, đã ba giờ sáng hơn rồi."

"Ồ, người già thì ít ngủ lắm." Bà từ từ tựa vào thành ghế để đứng dậy, Lê Thâm vội bước đến đỡ tay bà. "Vả lại, cháu bà chưa về nên bà đợi cửa."

"Con cũng muốn về sớm hơn để ăn lễ với mọi người, nhưng ca trực thì không thay đổi được. Con may mắn được xong trực sớm hơn, vừa xong là con lên xe buýt về nhà ngay."

"Sáng mai đi rồi à, mấy giờ?"

"Bảy giờ ạ, đến bệnh viện cũng chín giờ kém."

Trên gương mặt hiền từ của bà hiện lên mấy chữ 'Con không nghỉ ngơi à?' nhưng Lê Thâm làm ngơ. Anh đi theo bà vào bếp, trên bàn vẫn còn một phần gà quay nhỏ. Bà nằng nặc đòi hâm lại cho anh ăn, Lê Thâm lại ngoan ngoãn ngồi vào bàn.

"Ba mẹ con mới gọi cho bà tuần trước, bảo là ở khu của họ đang dần rút về để xác nhập với khu phía Đông Nam. Đó là một dấu hiệu tốt."

"Vâng, nhờ chia lại lượng bệnh nhân mà chúng con không còn bị thiếu hụt nhân lực nữa, vật tư cũng được chia đều hơn."

"Một dấu hiệu tốt." Bà lặp lại lần nữa, và mắt Lê Thâm phóng ra kệ lò sưởi. Một khung ảnh mập mờ trong ánh lửa lập lòe. Bức ảnh chụp anh đứng cạnh ba mẹ, kế bên đó là bà, phía trước bà là cô đang e dè núp sau lưng Dĩ Trú. Đó là chứng minh cho mối giao hảo giữa hai gia đình, được chụp từ thuở cô với anh còn bé xíu.

Như nhận ra tâm tình của Lê Thâm, bà từ tốn hỏi "Dạo này con bé không biên thư gửi con nữa à?"

"Dạ, vâng. Có lẽ đường về khó đi, xe về lâu hơn." Lê Thâm không suy nghĩ mà miên man trả lời. Anh chưa bao giờ nghĩ đến những khả năng khác, những câu trả lời khác. Hoặc nếu có, anh đã sớm chôn vùi nó bên dưới trái tim kiên cường này rồi.

"Con bé luôn làm người khác lo lắng." Bà cẩn thận bưng dĩa đồ ăn đặt lên bàn. "Ăn lẹ đi con, kẻo nguội."

Lê Thâm chỉ ăn vài miếng là đã hết sạch khẩu phần nhỏ. "Ngon lắm bà ạ, em ấy mà về đây chắc sẽ vòi bà nấu món này mỗi ngày mất."

Bà chúng nó cười hài hòa. "Ừ." Bà nói "Đợi ngày tụi nó về bà sẽ bắt Dĩ Trú đóng một chuồng gà đằng sau sân, kêu nó ra chợ mua hai đôi về, chẳng mấy chốc sẽ có một đàn gà."

7.

Cửa bệnh viện bị xốc mở ra, hàng loạt những thương binh được khiên vào đặt trên đất cùng vải bạt dính đầy máu. Ai cũng kêu la, ai cũng rên rỉ trong đau đớn rồi tỉ tê khóc gọi mẹ. Tiếng máy cưa đã bắt đầu hoạt động, vang đâu đó giọng khàn của những người vô tội. Đàn ông và đàn bà đều như nhau, cùng cực như nhau. Lê Thâm vội vã chạy chữa cho từng người một, những ai không bị quá nặng anh giao cho y tá băng bó, còn những ai gần như tàn phế, anh bình tâm tiêm một mũi thuốc an thần vào bắp tay họ rồi cho băng kéo đi. Mỗi một đợt thương binh kéo vào như vậy bọn họ phải liên tục trông coi trong cả ba bốn tiếng liền trước khi đợt mới kéo đến. Akso đã chật cứng người, dường như về đêm không cần mền đắp đã ấm vì chen chúc nhau như cá mòi, Lê Thâm mới thở nhẹ rồi xoa thái dương mình.

Ánh nến lập lòe trong màn đêm, đưa bóng anh dáng dấp như mờ ảo. Lê Thâm nghĩ mình mệt quá nên hoa mắt, nhưng anh chớp mắt, chớp mắt nhiều lần, vẫn thấy chiếc bóng nhỏ quen thuộc đứng cạnh mình.

Một tiếng khúc khích vang lên như tiếng chuông nhà thờ, làm Lê Thâm ngỡ ngàng như trong một giấc mơ.

"Lê Thâm à, là tranh vẽ hay là người thật đây?"

8.

Họ tựa vào vai nhau, đêm lặng lẽ và trời không sao. Cô ước gì những chú đom đóm hãy le lói ánh sáng dịu dàng của nó để thắp sáng gương mặt người thương lúc này, nhưng cô lại ngần ngại trước bình minh đang mỗi lúc một đến gần này.

Cô tựa vào vai anh, gần như lưu luyến chẳng muốn rời da thịt lạnh cứng này. Phải đó, Lê Thâm lúc nào cũng lạnh. Từ khi còn nhỏ tay anh đã lạnh ngắt khiến cô phải giật mình khi chạm vào. Nhưng giờ đây cái lạnh đó với cô gần gũi như một ly kem tuyết mùa hè, xua đi nồng ẩm của đất miền viễn Tây. Tay phải anh nắm lấy tay trái cô, cái tay vẫn còn lành lặn của cô đang đổ mồ hôi vì bị nắm chặt không rời.

Anh dụi lên mái tóc xơ của cô, chẳng còn mùi hương gì trên đầu cô trừ mùi súng đạn nhưng một cảm giác thân thuộc cùng cực cứ bao trùm lấy Lê Thâm. Là hơi người. Thêm nhiều gia vị yêu đương làm nên cảm giác chát chúa nơi đầu lưỡi, rồi lại lâng lâng tê dại. Không phải mùi vị, không phải mùi vị, mà là cảm giác lan ra mọi mạch chảy của cơ thể. Bằng cả máu thịt này Lê Thâm nồng nàn sự hiện diện của cô thân thương và chân thật.

"Trời tối quá, anh không thấy mặt em."

Lê Thâm hôn lên tóc cô.

"Nhưng anh biết chưa bao giờ thay đổi là nụ cười này."

Trong màn đêm, anh lần mò đến khóe môi cô. Và bằng những đầu ngón tay chai mòn, anh mân nụ cười đang nở rộ ấy dẫu anh chẳng nhìn thấy gì.

Cô nghiêng đầu húc nhẹ vào vai anh, tiếng cô cười vang lâm ran như tiếng ve sầu kêu hè. "Ôi, là anh thật đó sao, Lê Thâm?"

"Em cứ ngỡ đây là một giấc mơ mất! Trời thì tối quá, nhưng sáng mai em lại ra tiền tuyến rồi. Nếu trời cứ tối thế này mãi thì hay biết mấy. Em không cần phải nhắm mắt để tưởng tượng được anh nữa rồi."

Những ngón tay của cô không còn mềm mại như thuở nào, cô lần mò trên gương mặt anh. Cô cố tình chạm vào rèm mi cong vút, vuốt dọc gò má như đang phác họa lại gương mặt anh vào trí nhớ mình, rồi cô cong ngón giữa mà cảm nhận sóng mũi cao cao của anh. Đến bờ môi anh, khô hanh và giá lạnh, cô từ tốn áp môi mình lên nó. Kỳ lạ làm sao hai bờ môi dãi dầu như thế chạm vào nhau lại như phóng ra điện, đem cơn rùng mình phóng từ gáy ra khắp các mảng da khác trên người. Có quen thuộc không? Có giống trong trí nhớ không? Chẳng biết nữa. Màn đêm hãy chỉ là màn manh đêm mỏng che hai người yêu dấu xa cách bao nhiêu lâu nay một lần nữa bện chặt huyết mạch bện chặt tâm tư. Vì nắng mai ló dạng, nắng mai đem em về phía mặt trời lặn.

9.

Lê Thâm giật mình. Chuông đồng hồ điểm sáu giờ sáng.

10.

Em thân mến,

Anh vẫn gửi thư đến Chiến khu 9, tiểu đội 5 như thường lệ dẫu đã quá lâu không nhận được hồi âm của em. Bà vẫn ổn. Hai ngày trước là Giáng Sinh, anh có về thăm bà. Bà nói rằng đơn vị công tác của ba mẹ đang dần dần xác nhập vào viện phía Đông Nam, cách Akso khoảng ba bốn tiếng tàu hỏa gì đấy. Anh vẫn còn nhớ hồi nhỏ có lần mình đi trượt tuyết ở chỗ đó, và em bảo rằng chẳng có gì khác so với ở nhà và nằng nặc đòi về. Nếu quay lại, có lẽ em sẽ không nhận ra nó. Bà kể rằng Dĩ Trú vẫn đang hồi phục chức năng ở chiến khu không quân, lý do chưa được nghỉ phép là do lái máy bay quá ghê gớm, các đơn vị lại đang cần người huấn luyện. Tội anh chàng, dù anh không kìm được cười khi nghe bà kể như thế, kỳ này về em có cớ trêu chọc rồi nhé, càng có cớ trốn việc nhà cho em.

Đêm qua anh nằm mơ, anh đoán đó là điều ước Giáng Sinh đã linh nghiệm được một nửa, vì anh đã gặp em trong giấc mơ của mình. Anh đã gặp em trong hình hài của màn đêm, vì thật sự trời tối quá, anh chẳng thấy được gì. Bởi lẽ đó anh không thể trả lời liệu em trong tranh vẽ và em ngoài đời thật có khác gì nhau nhiều không, nhưng anh luôn biết những đường nét quen thuộc hài hòa nên dung nhan ấy chẳng bao giờ thay đổi trong trí nhớ anh. Anh nhận ra giấc mơ làm anh nhớ em nhiều hơn như vậy nữa.

Anh hy vọng em nhận được lá thư này và những lá trước nữa, lại thập phần tin tưởng hồi âm của em chỉ đang bôn ba đâu đó lối xa nẻo lạ. Người ta lại bắt đầu nói về ngày hòa bình rồi đó, em à. Một thời gian dài những câu từ đó ậm ờ trong cổ họng rồi im bặt trong những nỗi đau, một thời gian dài nghĩ về nó mà người ta kiệt quệ. Nhưng giờ phấn khởi đã len trên những gương mặt đó, như mùa xuân thổi một hơi thở vào chốn u buồn này.

Em an toàn nhé, nhớ giữ sức khỏe. Cầu Chúa và nữ thần may mắn đồng hành cùng em. Em về sớm, mọi người đang đợi.

Thân gửi,
Lê Thâm của em.
Bệnh viện dã chiến Akso.

11.

Anh viết thư này ngay cho em khi anh có thể. Hôm nay cậu bé đưa tin đến bệnh viện và nói Hiệp ước mới đã được ký. Người người vỡ-òa. Em giữ an toàn, về nhà sớm nhé, mọi người đang đợi em.

Lê Thâm của em.
Bệnh viện dã chiến Akso.

12.

Đào Đào gọi tên tôi, lay tôi khỏi cơn mơ. Tôi ôm chặt súng trên tay, chân quắp ngang thân súng cứ thế mà ngủ.

"Nè, dậy đi. Giờ này mà cậu còn ngủ được nữa hả?"

"Gì chứ, đã lâu rồi không có giấc nào đàng hoàng."

Tôi nhìn bọng mắt thâm quầng của người bạn, tự biết bản thân cũng chẳng khá khẩm hơn gì. Cố chống lại cơn buồn ngủ, tôi ngước mặt lên trời, ánh trăng sáng vằng vặc trôi trên đầu như một cái đèn lồng khổng lồ lập lờ, làm tôi bất giác nhớ lại lúc còn bé xíu thường thích ra sông bắt bóng trăng.

Tôi lơ mơ hỏi bạn. "Có thật là họ sẽ sớm ký Hiệp ước không?"

"Tụi mình đã ở đây rồi, làm sao mà giả được."

Đào Đào hất đầu, phía trước chúng tôi, xa hàng trăm hàng ngàn mét kia chốc là đã tới biên giới. Càng lùi ra xa Đông Nam, khả năng chúng tôi chôn thây tại đây càng lớn. Nhưng đây là trận chiến cuối cùng, nếu không vì chúng tôi, thì cũng vì số người ít ỏi còn lại nơi hậu phương đang chờ tin bồ câu.

Tôi là bồ câu của anh. Bần thần tôi nghĩ.

Và bồ câu thì dù có bay đi đâu xa, cũng đều mang tin tốt lành về nhà.

Tôi gác mặt lên báng súng, nhìn lên trời. Đã rất lâu rồi xe thồ thư không còn tới nữa, khó cho họ quá để mà vận chuyển nhu yếu phẩm, càng ít ỏi càng bí mật càng tốt.

Tôi tự tưởng tượng ra nội dung của bao nhiêu bức thư của bao nhiêu tháng nay. Mở đầu bằng Em thân mến, như anh vẫn thường viết và kết thúc bằng Bệnh viện dã chiến Akso. nơi anh công tác và đảm nhiệm làm người bác sĩ hậu phương. Đôi khi tôi có những người anh chị em được chuyển đến Akso khi Đông Nam đã nghẹt chỗ, họ được đích thân anh chăm sóc, đích thân anh trông coi. Anh không biết họ biết tôi, nhưng tôi chỉ cần một câu nói của họ để biết đó là anh, người luôn thầm lặng đưa tay nâng đỡ từ sau lưng.

"Bọn mình sẽ cưới nhau cuối thu này, nếu Hiệp định được ký trước tháng Chín." Tôi mơ màng nói với Đào Đào.

"Hai người bàn cưới hỏi hồi nào vậy, sao mình không biết?"

"Chưa bàn, mình mới nghĩ thôi. Cũng lâu rồi." Khi tôi nhắm mắt lại, tôi lại nhớ đến gương mặt anh trong cái đêm đặc quánh không sao ấy. Lần đó nữ thần may mắn đã mỉm cười với tôi hai lần, một lần là giúp đạn xuyên qua tay và ngực tôi lại không giết được tôi, hai là vì thương tích quá nặng mà viện dã chiến gần đó lại thiếu vật tư, tôi được một lần duy nhất chuyển về nơi anh.

Chúng tôi nghịch ngợm trong ánh nến lập lòe với cây harmonica cũ, điệu nhạc dở tệ nhưng không gì vần điệu bằng tiếng cười nhỏ xíu trầm bổng của anh. Rồi như những kẻ vụng trộm, chúng tôi nắm tay nhau đi ra cánh đồng vắng tanh chẳng có ai. Những ảo mộng chưa bao giờ là thực đến thế, mặt mũi anh chưa bao giờ tôi cảm nhận ràng rõ đến như vậy. Ngay trong đêm đó tôi được ấp trong giá lạnh mà chẳng thấy buốt lòng, chỉ có nồng hậu từ hơi thở và cái chạm của anh như bón tôi đủ qua những ngày dài khác cô quạnh, vậy mà chỉ khi vừa dứt nhịp đồng tâm tôi đã cảm thấy trống trải. Phải chi màn đêm đừng bao giờ khuất dạng, thế gian yên tĩnh như thể chỉ có hai chúng tôi, chẳng phải chỉ toàn yêu đương sao? Bình minh lên làm chi nếu chỉ để tỏ rạng nhân dạng mà tôi nhắm mắt cũng ràng rõ, rồi lại đem tôi về miền xa xứ anh ngóng chờ?

"Mình nghĩ là sẽ mở một phòng khám nhỏ cho anh ấy, còn mình muốn quay lại trường học."

Đào Đào reo lên "Ồ! Mình nghe bé kia nói những người như chúng mình sẽ được miễn học phí đấy!"

"Mình lấy hết tiền cưới hỏi rồi nên cũng không đủ tiền đóng học phí đâu." Tôi cười xuề xòa. Chúng tôi ngồi nói chuyện một chút, vậy mà tai đã vểnh lên để nghe lấy tiếng còi báo hiệu xuyên đêm dài.

13.

Mắt bà đã rưng rưng khi lũ lượt những quân nhân vội vàng rời khỏi xe lửa. Những toa cứ nối đuôi nhau và nhả ra những đợt khói trắng dần dần tan biến vào bầu trời xanh ngát. Người đến và người đi, những tiếng cười hòa cùng tiếng nấc hoan ca và ôm ấp xúng xính áo quần làm chúng tôi lặng đi. Chúng tôi đến từ sáng sớm, dẫu tôi đã khuyên rằng sớm thế này chuyến tàu chở quân khu 9 chưa về đâu, nhưng ngay cả tôi cũng nôn nao khó kiểm soát được. Tôi bảo bà ngồi xuống băng ghế đợi đi, nhưng bà không chịu, còn mắng nhẹ tôi "Con bé mà về thấy bà già này đứng không vững lại lo lắng."

Tôi chọn bộ vest trông có vẻ mới nhất trong tủ, thật ra đã mấy năm rồi không mua bộ mới nhưng cũng không bận nhiều dịp. Tôi muốn trông thật chỉn chu đón em về. Một niềm tin. Một niềm tin. Không phải một giấc mơ nữa. Là một niềm tin. Nếu không có niềm tin này tôi đã gục ngã từ lúc nào rồi.

Trong túi tôi, một hộp nhẫn bạc nhỏ. Tôi mua từ lâu, từng len lén đo ngón áp út đấy nhưng chưa bao giờ có dịp để trao em. Chúng tôi khát khao hơn cả cưới nhau những ngọn cờ phất vì yên bình. Giờ đây những điều lớn lao đã được thỏa nguyện, lẽ nào Chúa không chiều chuộng nốt mong muốn khiêm nhường này? Tôi thầm lặng nghĩ.

Tôi và bà đợi từ sáng đến chiều. Người thưa rồi lại đông đúc trở lại cứ như một vòng tuần hoàn hân hoan. Cứ như vậy đến xế chiều, người phu bảo "Anh dắt bà về đi, đêm gió độc, sáng mai mới có chuyến tàu mới."

"Cho hỏi anh có biết quân khu 9 khi nào về đến đây không?" Tôi hỏi.

"Quân khu 9? Quân khu 9, 10, 11, 12 do còn ít người quá nên sẽ về cùng nhau vào sáng ngày mai. Thôi, hai người về cho, tôi phải kiểm tra than củi nữa."

Tôi cố kìm những suy nghĩ vô căn cứ trong lòng mình. Em ở nơi biên giới khó khăn, bởi lẽ em không nhận được thư và cũng không viết được thư. Chiến sự ở biên giới là để nắm chắc cán cân Hiệp ước, tuy mang tính quyết định, nhưng em là người con gái được nữ thần may mắn phù hộ, luôn luôn là như vậy.

14.

Em thân mến,

Những lá thư này anh không biết gửi đi đâu. Những quân khu đã không còn, những người lính đã trở về với vòng tay mẹ và những đứa trẻ đã được sà vào cha vào má mình. Dĩ Trú trở về rồi, em biết không? Đào Đào nhà bên cũng vậy, nên anh tự hỏi khi nào em sẽ trở về.

Anh có một bất ngờ cho em, giữ an toàn và về sớm em nhé. Mọi người đều đang đợi.

Lê Thâm của em.

15.

Em thân mến,

Một mùa thu nữa đã qua đi, anh luôn nghĩ trong đầu mùa thu như năm nay không đủ đẹp để ta cưới nhau. Giữ an toàn và về sớm em nhé, anh đợi em về.

Lê Thâm của em.

16.

Em thân mến,

Hôm nay bé Hạ vào phòng, dẫu là con gái của Dĩ Trú đi nữa, con bé có đôi mắt to tròn giống em khi nhỏ cực kỳ. Con vào hỏi về hộp nhẫn trên kệ sách, kế bên khung tranh trống. Ban đầu con bé hỏi tại sao bác lại để một khung trống trong phòng? Anh cười và lấy bức họa em ra. Nó vẫn như mới dẫu bao năm qua rồi, vẫn nụ cười tươi anh xiêu lòng và đôi mắt lấp lánh như những ngôi sao sáng. Đây là cô con, anh nói. Cô đi đâu rồi bác? Con hỏi. Và anh trả lời anh không biết, nhưng em đang tìm đường về nhà. Sau đó con xin phép mở hộp nhẫn ra xem. Anh đi bảo dưỡng nó thường xuyên, chỉ là không chắc nó có còn vừa tay em không nữa?

Về sớm em nhé, anh đợi em.

Lê Thâm của em.

17.

Anh đã có một giấc mơ, trở về năm chúng ta đôi mươi trẻ con. Chúng mình nằm trên đồi, mặt trời buông đỏ thẫm, dần dà hóa tía sắc trước khi voan đen điểm sáng tinh tú lấp lánh. Đêm trước ngày em đi.

Em hỏi anh, kỳ lạ làm sao. "Khi em về, anh muốn làm gì?"

Anh đáp "Phải là em muốn làm gì chứ, tại sao lại là anh?"

"Cứ trả lời em đi." Và em huých nhẹ vai anh.

Anh định nói là muốn cưới em, nhưng sau đó đã thụt lưỡi vào trong ngay. "Anh chỉ muốn ở cùng em thôi."

"Trời! Lê Thâm nào đây, sao mà sến thế!" Em bật cười giòn giã. Nhưng anh chẳng nghe ra chút gì giễu cợt, là niềm vui thuần túy và trân trọng. "Còn em, em muốn một lễ cưới vào cuối thu."

"Tại sao lại là cuối thu?" Đến lượt anh hỏi.

"Em không biết nữa... Em có cảm giác cuối thu sẽ rất tuyệt. Có lẽ là do em muốn cưới đứa con trai của mùa thu, nên em nghĩ cuối thu tuyệt đẹp. Ta có thể làm voan cưới bằng cách may lá phong lại với nhau đó, anh nghĩ sao!"

Khi đó em quay sang anh mà cười, đôi bờ má em ửng hồng ngọt ngào. Còn anh chỉ khẽ cười. Đó là những tháng ngày yên bình nhất mà anh từng có.

Khi anh nhìn vào mắt em, anh thấy Lê Thâm đôi mươi. Khi anh chớp mắt lần nữa, em vẫn ở đó, vẫn trẻ trung như vậy, chỉ là trong mắt em, Lê Thâm với góc mắt xếp nếp đã xuất hiện.

Trong giấc mơ, Lê Thâm đan tay em, hôn lên ngón áp út mềm mại ấy khiến em cọ quậy vì nhột và bật cười nhẹ. Lảnh lót như tiếng chim kêu, như thể một chú chích chòe. Khi em cười, anh thấy mình như trẻ lại. Trái tim lại lần nữa bồi hồi, lại xuyến xao, lại ngây dại.

Vì chẳng đâu xa em vẫn luôn ở đây.

Bên dưới bầu trời tự do này, em mãi cùng anh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro