kmkmkm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lê Hồng Huấn, thủ khoa Học viện An ninh: Cần phải có tích lũy

Để học tốt phải cố gắng, quyết tâm, học hết sức mình với thời gian dài và cần có sự tích lũy.

Môn Hóa: Là môn dễ nhất trong 3 môn thi khối A, với môn này các bạn cần tập trung học vào lớp 12, còn lớp 10, 11 nên tập trung vào Toán và Lý vì 2 môn này phải theo rất lâu, nếu mất gốc là không học được.

Môn Toán: Đây là môn cơ bản để chuẩn bị cho học Lý và Hóa vì học Toán tốt thì mới học được 2 môn kia. Với Toán, phải học hết trong sách giáo khoa, sau đó học thêm ở một số sách tham khảo.

Môn Lý: Là môn khó nhất trong 3 môn cần nhiều kỹ năng nên phải đầu tư nhiều thời gian để làm bài tập. Hơn nữa, trong khi làm bài sẽ nhớ lại được lý thuyết. Đặc biệt, với môn Lý phải học đều vì đề thi cho ra dàn trải đều từ đầu đến cuối chương trình, không nên nhấn mạnh vấn đề nào.

Cách làm bài hiệu quả nhất: Khi làm bài phải đọc kỹ đề bài, khai thác từng giả thiết vì đề thi ĐH không bao giờ có giả thiết thừa. Đặc biệt, trong 2 tiếng là phải làm xong bài và đạt đến cỡ 8 điểm, thời gian còn lại là xem lại bài.

-----------------------------------------------------

Vũ Minh Long, thủ khoa 31/30 điểm năm 2006 (được cộng 1 điểm thưởng vì đạt giải ba môn Toán trong kỳ thi HSG quốc gia) của Khoa Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, chia sẻ bí quyết ôn tập và làm bài thi các môn khối A.

>> Trực tuyến cùng các Thủ khoa 30 điểm

Học thầy không tày học bạn

Vũ Minh Long chia sẻ: "Cái gì chưa hiểu thì cần hỏi bạn bè hoặc thầy cô ngay, phải hiểu sâu thì mới có khả năng làm được bài. Cũng trong khoảng thời gian này nên tranh luận nhiều với bạn bè để bổ sung kiến thức cho nhau. Qua nói chuyện với bạn bè còn có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau như cách học lý thuyết, cách trình bày bài sao cho khoa học..."

Năm lớp 12, Long là học sinh lớp Toán 1, khối chuyên THPT của Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong lớp, Vũ Minh Long và Nguyễn Văn Quyết, thủ khoa Đại học Xây dựng năm 2006, là "đôi bạn cùng tiến".

Có đề thi hay, bài toán khó, cách giải mới, lạ, hai bạn đều chia sẻ với nhau. Gặp một bài toán hóc, Long và Quyết lại chụm đầu vào cùng tìm đủ mọi phương án, cho tới khi cả hai phải "bó tay" thì mới "cầu cứu" tới các thầy

Long chia sẻ: "Do em khá Hình học còn Quyết giỏi Đại số hơn nên khi cùng nhau mày mò tìm cách giải cho một bài toán khó, cũng là lúc chúng em phát huy sở trường, bổ sung kiến thức cho nhau."

Kết quả là Long và Quyết đã trở thành đôi bạn thủ khoa với số điểm khó tin 31/30 vì cả hai đều được cộng điểm thưởng do đạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia.

Long cũng khuyên các thí sinh nên tham gia thi thử để biết trình độ mình tới đâu. Ngoài ra, kỳ thi này còn cho các thí sinh tập dượt tâm lý cho kỳ thi thật. Đặc biệt năm nay áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với một số môn, thí sinh càng cần thi thử để nắm vững kiến thức và làm quen.

Đối với môn Toán, khi kiến thức đã được trang bị đầy đủ, để có thể làm bài thi một cách hoàn hảo thì cần có một sự trình bày tốt, không thừa không thiếu. "Điều này chỉ có thể có được nhờ làm nhiều đề thi và học hỏi từ bạn bè. " - Long chia sẻ.

"Bí kíp" ôn luyện từng môn

Với mỗi môn thi, Vũ Minh Long lại có "bí kíp" khác nhau nhưng Long nhấn mạnh: "Học môn gì thì cũng cần chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm thì mới có thể giỏi được. Dù có thông minh mấy mà không chăm cũng không thể có được kết quả cao."

Trong quá trình ôn thi, mỗi sáng thức dậy, Long đều đọc hết lý thuyết của một chương trong sách giáo khoa. Trước khi đi ngủ, Long viết lại các kiến thức đó ra giấy và so sánh với giáo trình để đảm bảo chính xác từng chi tiết nhỏ. Nhờ thế mà trong đề thi đại học có cả những câu hỏi vào phần lý thuyết không trọng tâm nhưng Long vẫn đạt điểm tuyệt đối.

Đặc biệt với hình thức thi trắc nghiệm, càng dễ rơi vào những phần kiến thức nhỏ mà thí sinh dễ bỏ qua. Vì vậy, cần nắm chắc từng phần mới có thể đạt điểm tối đa.

Về môn toán, Long cho biết cần phải nắm vững được các dạng bài tập và phải luyện nhiều bài tập thì mới có được kỹ năng, cũng như phản xạ tốt khi làm bài.

Đối với loại bài khảo sát hàm số, cần nắm vững các kiểu hàm số và đồ thị của nó, làm quen với các dạng bài liên quan đến nó như phương trình tiếp tuyến, tiệm cận, sự tiếp xúc của các đồ thị...

Đối với dạng bài giải phương trình lượng giác thì cần nắm vững các công thức biến đổi lượng giác.

Đối với loại bài về hình học giải tích thì lại cần nắm vững phương trình của các đường thẳng, của các mặt phẳng, hay của các đường conic...

Về môn vật lý, điều quan trọng nhất là nhớ lý thuyết và sau đó vận dụng vào bài tập. Kiến thức Vật lý rất phong phú vì liên quan đến thực tế. Cần có một bản đề cương hệ thống ngắn gọn kiến thức, có những phần nào, mỗi phần có các dạng bài nào liên quan đến nó.

Ví dụ nói về Cơ thì có dao động của con lắc lò xo, con lắc đơn, hay dao động bất kỳ...; nói về Điện xoay chiều thi lại có dạng bài hộp đen, dạng bài RLC, dạng bài đoạn mạch không có điện trở hoặc không có tụ điện...; nói về Quang thì lại có kính hội tụ, kính phân kỳ...

Về môn Hoá học, theo Long thì điều quan trọng là hiểu rõ bản chất. Có nắm rõ bản chất thì mới viết được phương trình.

Điều này thể hiện ở Hoá vô cơ, có nắm được 3 loại phương trình cho nhận proton (axit-bazơ), phương trình cho nhận electron (oxi hoá-khử), phương trình cho nhận ion thì mới có thể hiểu được là đề bài đang nói về phương trình nào.

Ngoài ra cũng cần nắm vững thứ tự phản ứng, khi đấy mới có thể làm đúng bài. Còn về Hoá hữu cơ thì điều quan trọng là kỹ năng làm bài, còn phương trình dễ hơn.

Môn Hoá là môn dễ bị "lừa" nhất, do đó cần đọc kỹ đề bài, làm từ từ thì sẽ không bị nhầm. Long khuyên thí sinh nên ôn tập trong quyển "Bộ đề thi tuyển sinh", trong ấy có cả lý thuyết và bài tập. Ngoài ra có quyển "121 bài tập hoá học" có nhiều bài tập "lừa" học sinh, làm nhiều sẽ không bị đánh lừa.

-----------------------------------------------------------------------

Vượt lên trên cả thủ khoa của Hà Nội (58 điểm) và TP.HCM (58,5 điểm), vậy Đào Kim Anh, cô nữ sinh lớp 12 chuyên Toán (trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Tây) vẫn không cảm thấy bất ngờ.

Theo Kim Anh, đây là kết quả của quá trình rèn luyện, phấn đấu học tập 12 năm liên tục của bản thân em.

Ý thức học tập đã thành thói quen

Sinh ra trong một gia đình nề nếp, ngay từ khi học lớp 1, Kim Anh đã được bố mẹ hướng dẫn cách học và định hướng rõ ràng mục tiêu cần hướng tới. Chính vì vậy, ý thức tự giác học tập đã trở thành thói quen ngay từ nhỏ của em.

"Từ lớp 1 đến lớp 6, em được bố giảng bài cho và mẹ dạy em cách viết chữ. Đến lớp 7 thì em bắt đầu tự học là chính và từ đó em luôn cố gắng học tập, sắp xếp thời gian học hợp lý" - Kim Anh tâm sự. "Bố mẹ luôn để cho em tự giác học tập nên em cảm thấy không có áp lực khi ngồi vào bàn học".

Tính tới thời điểm này, điểm của Đào Kim Anh đứng thứ hai trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, sau một thí sinh ở Đà Nẵng (được 59,5 điểm). Tại Hà Nội và TP. HCM, số điểm cao nhất là 58 điểm.

Tuy vậy, đã có những lúc Kim Anh gặp phải khó khăn và lay động. Đó là khi em thi tuyển vào lớp 10: "Em thi vào trường ĐH Khoa học tự nhiên nhưng do lúc đó em chưa ôn kỹ nên thi không đỗ. Khi biết kết quả em cảm thấy rất buồn và hụt hẫng".

Rất may, khi bước vào môi trường học tập tại trường THPT Nguyễn Huệ, em đã nhanh chóng tìm lại cho mình sự tự tin và hứng khởi để học tập: "Thầy cô ở đây rất tốt và nhiệt tình, các bạn thân mật, dễ thương".

Với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường, và đặc biệt là nỗ lực cá nhân, Kim Anh luôn giữ vị trí đứng đầu của lớp trong suốt 12 năm học phổ thông, điểm tổng kết 3 năm học THPT của em đều đạt trên 9.0. Em cũng đoạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi Toán của tỉnh Hà Tây năm 2007...

Phương pháp riêng - hiệu quả chung

Là một học sinh học chuyên Toán nhưng Kim Anh không học lệch mà học đồng đều tất cả các môn. Em còn tiết lộ kiến thức của các môn học này đều được vận dụng vào môn học khác và ngược lại: "Nhờ học tốt môn Văn mà việc trình bày Toán tốt hơn, trong khi nhờ học Toán mà kết cấu, ý tưởng trong các bài văn của em rõ ràng, logíc hơn...".

Khi được hỏi về kinh nghiệm ôn thi tốt nghệp vừa qua, Kim Anh chia sẻ: "Trong quá trình ôn thi, lúc nào cảm thấy thoải mái thì em học. Mỗi buổi em chỉ học từ 1-2 môn chứ không học nhiều môn để có thể tập trung. Trước khi ngồi ôn, em xác định công việc trong buổi hôm đó và phải làm cho hết. Xong môn này thì em chuyển sang môn khác và em cũng chỉ thức đến 23 giờ 30 phút thôi".

Theo Kim Anh, không có một phương pháp học nhất định nào mà người học phải chọn phương pháp phù hợp với mình: "Mỗi người có cách học riêng nhưng cảm thấy hiệu quả với mình là được".

Nếu như điểm tối đa của các môn Toán, Vật Lý, Sinh học là những môn em đã chú tâm hơn khi quyết định thi đại học ở các khối A, B thì thành công ở các môn còn lại, đặc biệt là môn Sử với điểm tuyệt đối 10/10 lại một lần nữa mang lại cho Kim Anh kinh nghiệm: "Với môn này học hiểu là chính, phải hiểu được nguyên nhân, sự kiện xảy ra thi mới hiểu thấu được vấn đề".

"Bí quyết" thành công của em là khi học thoải mái và khi thi làm bài nghiêm túc. Khi làm xong bài kiểm tra lại bài làm nhiều lần để tránh những thiếu sót trong quá trình làm bài.

Và... ước mơ

Với kết quả thi tốt nghiệp rất cao (chỉ có môn văn 9 điểm, còn lại các môn khác đều được 10 điểm), Kim Anh rất tự tin chuẩn bị cho kỳ thi Đại học tháng 7 tới.

Em đã chọn thi vào 2 trường: ĐH Ngoại thương (khoa Luật kinh doanh quốc tế) và ĐH Y Hà Nội ( khoa y đa khoa).

"Ước mơ của em sau này là trở thành một Luật sư nổi tiếng. Vì hồi nhỏ em xem ti vi và rất thích người luật sư. Khi đứng trước phiên toà phải đối mặt với những thử thách, tình huống bất ngờ, đòi hỏi luật sư phải xử lý tình huống nhanh, kịp thời nhưng sẽ tạo cảm giác hứng khởi và kích thích sự tư duy. Nghề luật luôn được tiếp xúc với những thay đổi, cái mới, nó không làm cho mình cảm thấy nhàm chán với công việc" - em chia sẻ.

Với những kiến thức tích lũy được, cộng với nỗ lực không ngừng của bản thân, tin rằng Kim Anh sẽ bước chân vào Đại học và sớm thực hiện được ước mơ của mình.

---------------------------------------------------

(Dân trí) - Năm 2006, đã có tới hơn 40 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Trong số họ có những người học rất "tài tử", không có dáng vẻ gì của "mọt sách".

Với họ, bí quyết đạt điểm tuyệt đối không có gì là... bí quyết cả vì thực ra đó chỉ là sự tự tin, lạc quan và có một học lực vững vàng.

Những kinh nghiệm học tập dưới đây được tổng hợp từ hơn 40 thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2006. Hy vọng đây sẽ được xem như một "liều thuốc bổ" cổ động cho tinh thần sĩ tử năm nay:

Đừng quá căng thẳng mỗi khi nghĩ đến việc học!

Không cần thiết phải dành quá nhiều thời gian cho việc học ôn nhưng mỗi lần ngồi học thì hãy thật sự nhập tâm vào việc học. Theo bộc bạch của Lê Ngọc Hà, thủ khoa ĐH Nông nghiệp I trong kỳ thi tuyển sinh 2006 thì cô vừa ôn thi, vừa xem... World Cup.

Thủ khoa Lê Ngọc Hà đã "hiến" 5 bí quyết học thi khối A:

1. Chia thành các dạng bài rõ ràng, tự hệ thống lại kiến thức. Như vậy sẽ ghi nhớ được dễ hơn và nhớ được rất lâu. Chẳng hạn như với môn Hoá. Các bài toán di truyền Menđen, hoán vị, liên kết đều có 4 bước rõ ràng. Đó là: xét sự di truyền của từng tính trạng riêng lẻ, xét sự di truyền chung của các cặp tính trạng và rút ra quy luật di truyền, viết kiểu gen của thế hệ P sơ đồ lai và bước cuối cùng là kết luận. Nắm được cả 4 bước đó có thể giải quyết tất cả các dạng bài tập này.

2. Chia ra thành nhóm các dạng bài tập tương tự nhau, luyện thật nhiều bài tập của mỗi dạng. Chỉ cần nhớ dạng bài chính là có thể giải được các bài tương tự.

3. Làm thật nhiều bài tập để nhớ công thức chứ không phải học vẹt.

4. Tất cả lý thuyết đều được kiểm tra thông qua bài tập nên học theo phương pháp đọc hiểu rất hữu ích. làm thật nhiều bài tập từ dễ đến khó để không nản lòng. Không nên quá đi sâu vào các dạng bài khó mà chỉ cần tập trung vào những bài tập trong sách Bài tập lớp 12.

5. Lập "cẩm nang" phương pháp học cho mình bằng cách tập hợp tất cả các công thức lại sau mỗi lần giải bài tập vào một cuốn số nhỏ. Biến kiến thức trong sách giáo khoa thành kiến thức của riêng mình.

Hãy học nhóm: Nhóm học có khoảng 2, 3 người cùng khối thi là tốt nhất.

Học nhóm một cách nghiêm túc vừa giảm được căng thẳng của không khí ôn thi, vừa nhanh hiểu, nhanh nhớ. Thủ khoa Vũ Minh Long và Nguyễn Văn Quyết (ĐH Xây dựng) "bật mí": Cái gì chưa hiểu thì cần hỏi bạn bè hoặc thầy cô ngay, phải hiểu sâu thì mới có khả năng làm được bài. Nên tranh luận nhiều với bạn bè để bổ sung kiến thức cho nhau.

Theo Long và Quyết, qua nói chuyện với bạn bè còn có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau như kinh nghiệm về cách học lý thuyết, cách trình bày bài sao cho khoa học. Học nhóm còn cùng nhau mày mò tìm cách giải một bài toán khó được nhanh nhất, phát huy sở trường của mỗi người và bổ sung kiến thức cho nhau.

Sưu tầm các môn thi và đáp án của đề thi ĐH trong hai năm gần đây, nghiêm túc tự tổ chức thi cho riêng mình với khoảng thời gian đúng như theo quy định đối với các môn thi ĐH.

Sau đó, tự chấm điểm bài làm theo đáp án và thang điểm có sẵn và rất chi tiết (được đăng tải trên mạng Giáo dục của Bộ GD-ĐT) để vừa biết được thực lực của mình, vừa là cách ôn luyện kiến thức thêm mà không bị rơi vào cảnh nhàm chán. Đó là "chiêu thức" độc đáo của Thủ khoa ĐH Ngoại thương Lê Đoan Trang.

Điều rất đáng lưu ý là cô thủ khoa này không hề đi luyện thi tại bất kỳ lò luyện nào và chỉ học tại một ngôi trường miền núi khá xa xôi của tỉnh Hải Dương. Dù ở bất kỳ nơi nào, trong bất kỳ điều kiện học tập thế nào, nếu say mê, quyết tâm và tự tin thì bạn cũng có thể học giỏi. Đó là điều mà Thủ khoa "miền núi" Lê Thu Trang muốn nhắn nhủ.

Học đều cả 3 môn, nắm vững lý thuyết và đừng bỏ sót phần nào

Hãy nhớ quy tắc sau trong việc ra đề thi ĐH: Các dạng đề thi giữa năm trước và năm sau thường không có gì quá mới, không có gì quá khác biệt. Ở mỗi đề thì đều có phần nâng cao, để xác định thí sinh trội hơn.

Phần nâng cao này thường sẽ rơi vào những phần nào? Tại phanà, các năm đã có những câu hỏi "cài bẫy" ra sao? Cần nắm được quy tắc ra đề này để nghiên cứu kỹ. Cần khoanh vùng những chỗ thường có thể có bẫy, để tránh mắc sai lầm.

9 điều tạo nên "phong cách" của các Thủ khoa trong phòng thi:

1. Luôn giữ bình tĩnh, không tự tạo áp lực cho bản thân.

2. Tận dụng tối đa thời gian sau khi làm bài xong để đọc soát lại cẩn thận giúp phát hiện và chỉnh sửa kịp thời những chỗ sai.

3. Đừng cố gắng làm hết đề thi mà hãy cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình. Sẵn sàng chấp nhận chỉ làm được 90% nhưng đúng hoàn toàn còn hơn làm tới 100% nhưng chỉ đúng một nửa.

4. Tính toán nhanh và hợp lý trong việc việc chia thời gian làm bài bằng cách đọc lướt toàn bộ đề thi, nhất là với dạng đề thi trắc nghiệm.

5. Khi kiến thức đã được trang bị đầy đủ, để có thể làm bài thi một cách hoàn hảo thì cần có một sự trình bày tốt, không thừa không thiếu.

6. Đối với hình thức thi trắc nghiệm, câu hỏi bị chia lắt nhắt và dễ rơi vào những phần kiến thức nhỏ mà thí sinh dễ bỏ qua. Vì vậy, cần nắm chắc từng phần mới có thể đạt điểm tối đa.

7.Cẩn thận trong từng bước kể cả những bước tưởng như nhỏ nhặt nhất. Trước khi làm câu khó nhất thì nên kiểm tra hết tất cả các câu khác để đảm bảo không bị mất điểm một cách... "oan ức".

8. Không gạch bỏ những phần làm rồi, nếu không tìm được cách giải khác. Vì lỡ đúng thì được thêm điểm và nếu sai cũng không bị trừ điểm!

9. Giữ gìn sức khỏe tốt và bước vào phòng thi với một tinh thần sảng khoá và một cái bụng... no để đảm bảo không bị run tay run chân hay tụt huyết áp

-----------------------------------------------------*

Bạn có bao giờ thắc mắc: các thủ khoa đại học đã dùng "chiêu" gì để đạt được những thành tích đáng nể trong học tập, những điểm số gần như tuyệt đối ở các kỳ thi đại học? Hãy nghe chính các thủ khoa tiết lộ những bí quyết để có được những thành tích học tập "siêu" như thế !

Theo bạn Nguyễn Văn Giang (thủ khoa ngành Tin học - Học viện Kỹ thuật quân sự) thì "học là một quá trình, nghĩa là lúc học phải học hết mình, chăm chú nghe giảng vì những điều thầy giảng cho mình là những cái hay nhất, có như vậy mới tiếp thu được kiến thức một cách đầy đủ và sâu sắc. Ngoài ra nên tự lập một thời gian biểu tại nhà để ôn tập, học đến đâu làm đề cương tới đó, tạo thành một "xương sống" kiến thức. Đến khi ôn thi thì triển khai những phần học sẽ dễ dàng và hiệu quả". Bí quyết làm bài thi đạt điểm cao của Giang không chỉ thuộc bài là đủ. Cũng không phải văn hoa nhiều, với những môn lý luận khoa học, ngoài việc nắm được bản chất, còn nắm được cả "râu ria" của vấn đề, tổ chức bài thi một cách có hệ thống. Nên thử tưởng tượng dựa trên quan điểm của giáo viên xem thầy cô cần gì từ bài thi của mình, những yêu cầu đặt ra là gì ở bài thi để từ đó mình "cá tính" hóa bài thi của mình. Nhưng "cá tính" ở đây phải dựa trên những hiểu biết sâu sắc và khoa học về vấn đề mình trình bày, gây được ấn tượng tốt cho thầy cô.

Hoàng Thu Trang - thủ khoa ngành Kinh tế lao động - Trường ĐH Kinh tế quốc dân lại học theo công thức: "Cần cù + hay để ý + một ít thông minh = thành công". Cần cù ở đây không phải là "mọt sách" mà là vận dụng những kiến thức học được trên lớp vào thực tế. Trang cho biết: "Tôi thường tự lập cho mình một kế hoạch cụ thể cho việc học trên lớp, học ở nhà và từ thực tế. Với tôi, thực tế đó là việc đi làm thêm, tôi thường làm những đề tài nghiên cứu cùng với các thầy cô và nhận các tài liệu tiếng Anh về dịch, vừa bớt đi một khoản tiền xin bố mẹ vừa có thêm kinh nghiệm và kỹ năng cho việc học hành". "Hay để ý" với Trang tức là phải biết mình học cái đó để làm gì. Làm thế nào để đối mặt với những môn mà mình không thích? Việc chú ý nghe giảng và ghi chép đầy đủ theo cách của mình về bài giảng của thầy cô trên lớp sẽ phần nào định hình được nội dung môn học. "Chút thông minh" chính là sự năng động nhạy, bén của mình trong học tập, làm thế nào để không mất hàng giờ ngồi trên thư viện mà vẫn tìm được cái mình cần. Tôi thường nói đùa với bạn bè "việc cần làm thì nên làm thường xuyên, việc cấp bách thì làm lúc cấp bách". Trong đầu luôn định sẵn cho mình một kế hoạch cụ thể thì việc gì cũng sẽ thành công!

Còn đối với Nguyễn Văn Bình - thủ khoa Đại học Phòng cháy chữa cháy thì bí quyết học tốt là "nghe được "điểm nhấn" của thầy cô". Theo Bình, việc khó nhất đối với SV nói chung là định hình được môn học và cách học. Vấn đề này có thể giải quyết hiệu quả bằng cách tìm hiểu môn học qua chính thầy cô của mình; học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để biết được mức độ khó dễ cũng như tầm quan trọng của môn học đó, sau đó sẽ tự lên kế hoạch và tự tổng hợp theo cách riêng phù hợp với cách học của bản thân sao cho có kết quả tốt nhất. Riêng với những bài tiểu luận, Bình thường chọn một đề tài nhỏ và cố gắng làm trọn vẹn hoặc giải quyết triệt để những vấn đề có trong bài, không nên dàn trải. Học từ thực tế là điều tối quan trọng, thường xuyên cập nhật thông tin cũng như chọn cho mình một tờ báo "gối đầu giường" để đọc hằng ngày là một điều cần thiết để bắt kịp xu thế của xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kmkmkm