KNGT Để Là Người Nói Chuyện Có Duyên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[KN GIAO TIẾP] Bạn muốn thành một người nói chuyện có duyên ư? Dễ lắm!

Mới rồi, sau một tiệc rượu, chủ nhà mời tôi đánh bài. Tôi không biết chơi mà bà ngồi bên cạnh tôi cũng vậy. Chúng tôi nói chuyện với nhau.

Bà ấy biết rằng hồi trước tôi có việc phải ở bên châu Âu năm năm. Bà nói: "Ông Carnegie, tôi ước ao được ông tả cho tôi nghe những thắng cảnh bên đó".

Khi chúng tôi lại ngồi trên một chiếc ghế dài, bà ta cho hay rằng mới ở châu Phi về với chồng bà. Tôi nói: "Châu Phi có nhiều cái thú lắm. Tôi vẫn mong mỏi từ lâu được dịp qua đó, mà chỉ đi một lần tới Alger rồi trở về. Tôi ở Alger được đúng hai mươi bốn giờ đồng hồ... ở bên đó, ông bà có săn thú rừng không?... Có? Ông bà thiệt gặp may tôi muốn được như ông bà lắm. Xin bà kể cho tôi nghe".

Bà ta diễn thuyết trong bốn mươi lăm phút, không nhớ gì tới những thắng cảnh bên Âu nữa. Bà chỉ muốn gặp được người chăm chú nghe bà, để bà có cái vui được dịp nói tới bà và những kỷ niệm của bà.

Bà đó kỳ dị không? Thưa không! Vô số người cũng như bà. Tất cả chúng ta đều muốn diễn thuyết khi có người chăm chú nghe ta.

Trong một bữa cơm tối, nhà một người bạn làm nghề xuất bản, tôi được gặp một nhà thực vật học có danh. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được gặp một nhà thực vật học và ông ấy nói chuyện nghe muốn mê. Tôi xích lại gần ông, nghe ông diễn giải về các loài cây cỏ và những chi tiết lạ lùng về một cây rất tầm thường là khoai tây... Ông khuyên tôi nhiều điều rất quý về cách giữ gìn khu vườn nhỏ của tôi.

Trong bữa tiệc đó, có mười hai ông khách nữa mà tôi như không biết có ai hết: tôi phạm hết thảy những điều mà thường thức về xã giao để nghe trong mấy giờ đồng hồ nhà thực vật học của tôi.

Tới nửa đêm tôi xin phép ra về. Sau này có người cho hay rằng, tôi vừa ra khỏi phòng, nhà thông thái đó quay lại nói với ông chủ nhà, khen tôi thế này, thế khác và cho rằng câu chuyện tôi rất hứng thú và tôi là một người ăn nói rất có duyên.

Tôi mà nói chuyện có duyên ư? Nhưng hôm đó tôi có thốt ra nửa lời nào đâu?

Giả thử tôi có nói, thì câu chuyện đã quay ra một vấn đề khác rồi; vì về khoa thảo mộc học, tôi hoàn toàn không biết chút chi hết. Tôi chỉ mê mẩn nghe thôi. Vì những điều ông giảng giải khích thích tôi nhiều lắm. Ông ấy thấy rõ như vậy và điều đó làm cho ông vui là lẽ tự nhiên. Chăm chú nghe một người khác, khác gì nhiệt liệt khen họ. Một văn sĩ nói: "Say mê nghe lời nói của một người, tức là tôn kính người đó, mà rất ít người không cảm động trước sự tôn kính đó". Hôm ấy tôi không những chỉ say mê nghe mà thôi, còn tỏ với ông ấy một tấm lòng quý mến và ngưỡng mộ chân thành nữa. Tôi nói với ông rằng ông đã chỉ bảo với tôi rất nhiều, và tôi nghe nói mà mê. Đó là sự thực. Tôi lại nói rằng: nếu được lang thang trong một cánh đồng với ông thì thú vô cùng. Cái đó cũng là sự thực nữa.

Tôi ngỏ ý muốn được tái ngộ ông và thiệt tình tôi bây giờ rất muốn được gặp ông lần nữa.

Đó, chỉ vì vậy mà ông khen tôi là nói chuyện khéo, sự thiệt tôi chỉ là một thính giả kiểu mẫu và biết cổ vũ ông nói thôi.

Làm sao cho khách hàng có thiện cảm với ta, vui vẻ nghe ta, tin ta và theo ý ta? Theo giáo sư C.W.Eliot thì không khó chi hết. Trước hết ta phải đặc biệt chăm chú nghe họ. Không có chi làm đẹp lòng họ bằng.

Điều đó dễ hiểu quá mà! Không cần phải theo học bốn năm tại Harvard để tìm thấy chân lý đó. Vậy mà tôi thấy và các bạn cũng thấy có những nhà buôn không ngần ngại mướn những cửa hàng xa hoa, chú trọng về sự buôn hàng với cái giá hời nhất để có thể bán rẻ, mà vẫn lời, cửa hàng họ trưng bày lộng lẫy, họ tiêu hàng trăm đồng vào công cuộc quảng cáo, mà rồi rốt cuộc, mướn những người làm công không biết nghệ thuật "nghe", ngắt lời khách hàng, cãi lại họ, làm mất lòng họ, như vậy có khác gì đuổi họ ra khỏi cửa hàng không?

Xin các bạn nghe chuyện ông J.C. Wooton, một người học trò của tôi. Ông ấy mua một bộ đồ tại một tiệm lớn nọ. Về nhà bận ít bữa ông bực mình vì thấy màu áo thôi ra và làm đen cổ áo sơ-mi.

Ông đem bộ đồ đó lại tiệm, phàn nàn với người làm công đã bán bộ đồ đó cho ông. Cũng không phải để phàn nàn nữa, mà để giảng giải cho người bán hàng nghe, nhưng người này chưa nghe, đã ngắt ngay lời: "Chúng tôi đã bán cả ngàn bộ đồ thứ đó, mà chưa hề có ai kêu nài chi hết".

Lời thì như vậy, nhưng giọng còn tệ hơn nữa. Giọng hung hăng như muốn bảo: "Chú nói dối, chú ơi! Tôi đi guốc trong bụng chú rồi!".

Nghe thấy chúng tôi cãi cọ nhau, một người bán hàng khác chạy lại, chêm vào: Bộ đồ màu đen nào, lúc mới đầu cũng hơi thôi ra như vậy, không thể tránh được... Nhất là những bộ đồ giá đó. Tại nước nhuộm như vậy".

"Tôi giận sôi lên, ông Wooton nói, người bán hàng thứ nhất có ý cho tôi dối dá; người thứ nhì muốn chê tôi đã mua đồ xấu, rẻ tiền. Tôi nổi điên, muốn liệng bộ đồ vào đầu họ, thì thình lình, người chủ gian hàng tới. Người này thiệt thạo nghề, ông làm cho một khách hàng đương thịnh nộ hóa ra hài lòng.

Ông làm ra sao?

Trước hết: ông nghe câu chuyện của tôi từ đầu chí cuối, không nói nửa lời. Sau: khi tôi ngừng nói, hai người bán hàng kia bày lý lẽ của họ ra thì ông bênh tôi mà bẻ lý lẽ của họ. Không những ông công nhận rằng quả áo ngoài đã thôi và làm đen cổ áo sơ-mi tôi mà ông còn nhắc lại rằng bất kỳ món hàng nào bán ở tiệm đó, cũng phải làm cho khách hàng về nhà hoàn toàn vừa ý.

Sau hết: ông nhận rằng không biết tại sao nó lại thôi ra như vậy, và ông thẳng thắn nói với tôi: "Xin ông cho biết chúng tôi phải làm sao, và chúng tôi sẽ tuân lệnh ông".

Năm phút trước, chắc là tôi đã la lên: "Ông giữ lấy bộ đồ quý hóa đó của ông". Nhưng bây giờ tôi trả lời: tôi "chỉ muốn hỏi ý ông thôi; tôi muốn biết sau này nó còn thôi nữa không và làm sao cho nó khỏi thôi".

Ông ta khuyên tôi mang về bận thử một tuần nữa. Nếu lúc đó không vừa lòng thì sẽ mang lại đổi. Và ông ta lấy làm ân hận vì sự đó lắm.

Tôi trở về, tươi tỉnh. Một tuần sau, áo đó quả nhiên hết thôi, và từ đó tôi hoàn toàn tín nhiệm cửa hàng đó".

Người đó được làm chủ gian hàng có chi lạ? Hai người bán hàng kia sẽ làm phụ suốt đời... Có lẽ còn đổi họ xuống gói hay khuân đồ nữa là khác, để họ hết tiếp xúc với khách hàng.

Nhiều khi muốn cho một người mắc bệnh càu nhàu kinh niên nguôi cơn giận chỉ cần có một người kiên tâm hiểu họ, chịu làm thinh nghe họ, để họ mặc tình phùng mang, trợn mắt như con rắn hổ, phun ra ngoài cái nọc độc nó làm cho họ đương nghẹt thở.

Bạn muốn thành một người nói chuyện có duyên không? Dễ lắm

Vài năm trước, Công ty Điện thoại Nữu Ước có một thân chủ gắt gỏng, khó tính, trần gian có một. Y làm đủ tình, đủ tội, dọa đập máy điện thoại, không chịu trả tiền y thiếu, cho rằng công ty tính lộn, kêu nài trên mặt báo năm bảy phen, đầu đơn kiện ở tòa và tại ủy ban các công sở. Sau cùng, muốn cho yên chuyện, công ty phái một sứ giả khôn lanh nhất lại thăm con "ác là" đó. Sứ giả bình tĩnh nghe ông tướng quạu đó, để mặc ông tuôn ra những lời cay đắng ra cho hả lòng, và chỉ gật đầu tán thành và "mô phật".

Nghe ông ta tuôn ra trong ba giờ đồng hồ rồi về. Lần sau trở lại nghe ông ta tiếp tục cuộc diễn thuyết giông tố của ông. Bốn phen như vậy. Lần thứ tư, trước khi về nhà sứ giả đã nghiễm nhiên thành một Hội viên danh dự trong "Hội bảo trợ những người dùng điện thoại", mà ông đó mới sáng lập. Hồi đó, cho mãi tới bây giờ cũng vẫn vỏn vẹn có hai người đó làm hội viên thôi.

Nhà sứ giả chỉ việc chú ý nghe và kết quả là ông tướng quạu đó thành ra thuần hậu, chịu trả hết số tiền đã thiếu công ty và chịu rút đơn không kiện công ty nữa. Thiệt chưa từng thấy ông ta dễ dãi với công ty như vậy bao giờ.

Tại sao vậy? Là vì ông kêu nài, phản kháng để tỏ cái quan trọng của ông ra, khi người thay mặt cho công ty chịu nhận thấy sự quan trọng đó, thì những nỗi bất bình tưởng tượng của ông tan như mây khói hết.

Nhiều năm trước, một khách hàng giận dữ bước vào văn phòng ông J.F. Detmer, nhà sáng tạo xưởng dệt Detmer lớn nhất thế giới.

Người đó rõ ràng thiếu của xí nghiệp Detmer mười lăm mỹ kim, viết thư đòi nhiều lần mà không chịu trả, hôm đó đi xe lửa từ nhà lại hãng, nói không những không trả tiền mà từ rày không thèm mua hàng ở hãng nữa.

Ông Detmer sẵn sàng kiên tâm nghe, khi người đó đã trút hết cơn lôi đình, bình tĩnh lại rồi, cơ hội thuận tiện, ông Detmer mới ôn tồn nói: "Tôi cám ơn ông đã lại tận đây để cho tôi hay những điều đó. Như vậy ông đã giúp tôi được một việc lớn lắm; vì nếu phòng kế toán của chúng tôi đã làm cho ông bất bình thì chắc có nhiều khách hàng dễ dãi cũng bất bình nữa. Và điều đó chúng tôi tất nhiên là muốn tránh. Xin ông tin tôi, ông nóng lại phân trần với tôi một, thì tôi nóng muốn biết những nỗi bất bình của ông tới hai kia".

"Ông ta chắc là tuyệt nhiên không ngờ tôi trả lời như vậy - ông Detmer kể lại. - Tôi tưởng ông ấy hơi cụt hứng vì ông ta từ xa lại cốt ý là để "xài" tôi cho hả... Thế mà đáng lẽ gây với ông ấy, tôi lại cám ơn ông! Tôi hứa với ông xóa nó đi vì "một người ngăn nắp như ông, tính toán mỗi một cuốn sổ tất là ít lẫn lộn hơn các viên kế toán của tôi phải tính toán sổ của cả ngàn khách hàng".

"Tôi lại thêm rằng, tôi hiểu lòng ông ấy lắm và ở địa vị ông ta, có lẽ cũng hành động như ông. Rồi tôi lại giới thiệu với ông ấy vài nhà bán len khác vì ông ấy không muốn mua giúp tôi nữa".

"Hồi trước, mỗi lần ông ấy ra tỉnh tôi thường mời ông dùng bữa trưa với tôi. Lần này tôi cũng mời, ông ta bất đắc dĩ nhận lời... Nhưng tới chiều, khi cùng với tôi trở lại phòng giấy của tôi, ông đặt mua cho tôi một số hàng lớn nhất từ trước đến giờ. Ông về nhà bình tĩnh hơn và muốn tỏ ra công bằng với chúng tôi, cũng như chúng tôi đã công bằng với ông, ông lục giấy tờ của ông ra, kiếm thấy toa hàng đã thất lạc và gởi trả chúng tôi mười lăm mỹ kim với vài lời xin lỗi.

"Sau này, khi con trai ông ta sinh; ông lấy tên Detmer của tôi đặt tên đệm cho con ông và ông còn là bạn thân và khách hàng của chúng tôi cho tới khi ông từ trần hai mươi hai năm sau".

Đã lâu rồi, một cậu bé Hòa Lan tới di trú nước Mỹ. Cha mẹ cậu nghèo lắm. Tan giờ học, cậu phải kiếm tiền bằng cách lau cửa kính một tiệm bánh mì và lượm những cục than vụn mà những xe chở than để rớt trên đường. Tên cậu là Edward Bok. Suốt thiếu thời, cậu đi học cả thảy có sáu năm. Vậy mà sau thành một trong những nhà xuất bản tạp chí lớn nhất ở châu Mỹ. Chuyện đời cậu dài lắm. Nhưng nguyên nhân kết quả đó là cậu thi hành những quy tắc dạy trong chương này.

Cậu thôi học từ hồi mười ba tuổi, phải làm công cho một công ty nọ. Nhưng vẫn quyết chí học, học một mình. Cậu nhịn ăn bữa trưa và để dành tiền giấy xe điện cho tới khi mua được một cuốn tự điển tả công nghiệp các danh nhân nước Mỹ. Và cậu nảy ra một ý rất mới. Sau khi đọc tiểu sử các danh nhân hiện đại, cậu viết thư cho nhiều vị yêu cầu họ cho biết thêm những chi tiết thuộc hồi thơ ấu mà tự điển không ghi chép. Vì cậu tỏ ra "biết nghe" cho nên được các danh nhân đó kể chuyện mình cho cậu. Hồi đại tướng J.A.Garfield ứng cử Tổng thống, cậu viết thư hỏi có phải hồi thiếu thời đại tướng đã làm nghề kéo ghe trên kinh để độ nhật không? Và Garfield trả lời cậu... Cậu lại viết thư hỏi đại tướng Grant xin cho biết những chi tiết trong một trận mà đại tướng cầm quân. Grant vẽ cho cậu một bản đồ rồi mời cậu (lúc đó cậu mới mười bốn tuổi rưỡi) lại nhà dùng cơm và nói chuyện.

Nhờ khéo kích thích những người đó, tả lại những thành công của họ - một vấn đề mà bất cứ danh nhân hay thường nhân ai cũng ưa nói tới mà không chán - cho nên cậu bé xuất thân hèn hạ đó không bao lâu được giao thiệp với một số lớn danh nhân nước Mỹ và được nhiều vị tiếp đãi như khách quý. Sự giao thiệp đó nung đúc cho cậu một đức tự tin quý báu, một hoài bão và một hy vọng cao xa, xoay chuyển hẳn cả cuộc đời cậu. Và tôi nhắc lại, được vậy chỉ nhờ cậu thi hành những quy tắc mà chúng ta đương nêu ra đây.

Isaac Marcosson, nhà quán quân về môn phỏng vấn các danh nhân, nói rằng phần đông phỏng vấn viên không thành công chỉ vì quá chăm chú tới những câu vấn thành ra không chú ý nghe những câu đáp... Nhiều danh nhân nói với Marcosson rằng họ ưa gặp một người biết nghe hơn là một người biết nói chuyện. Tai hại thay! Khả năng biết nghe đó hình như lại là khả năng hiếm thấy nhất.

Không phải chỉ các danh nhân mới thích được người ta nghe mình nói đâu; về phương diện đó, thường nhân cũng như họ. Một văn sĩ đã nói: "Nhiều người mời lương y tới chỉ để kể lể tâm sự thôi".

Trong những ngày đen tối nhất của cuộc Nam Bắc chiến tranh, Lincoln viết thư mời một ông bạn cũ ở xứ Illinois tới Washington để bàn về vài vấn đề. Ông bạn tới Bạch Cung và Lincoln nói với ông trong mấy tiếng đồng hồ về tờ bố cáo ông tính công bố để thủ tiêu chế độ nô lệ. Lincoln ôn lại tất cả những lý lẽ bênh vực đạo luật đó và những lý lẽ chống đạo luật đó; ông đọc lại hết cả những bức thư và bài báo nói về vấn đề đó, trong ấy có nhiều bài thống trách ông sao chưa phế trừ chế độ nô lệ, lại có nhiều bài khác chỉ trích ông, vì ông muốn hủy bỏ chế độ đó.

Sau khi diễn thuyết một hồi lâu, Lincoln bắt tay ông bạn già, chúc ông ta bình an và mời ông trở về Illinois, chẳng hỏi ý kiến ông ta một chút chi hết. Lincoln đã nói để trút những nỗi suy nghĩ nó đè nặng trong lòng ông, như vậy để cho óc ông được sáng suốt. Ông bạn già kể lại: "Khi ông Lincoln nói xong rồi, ông ấy bình tĩnh hơn".

Lincoln không cần một người khuyên bảo, ông chỉ muốn có một bạn thân nghe ông nói và hiểu ông để ông trút tâm sự của ông thôi. Hết thảy chúng ta chẳng như vậy ư? Và ông khách hàng bực tức, người làm công bất bình, ông bạn mất lòng... đều cần kiếm người để than thở.

Nếu các bạn muốn người ta trốn bạn, chế giễu lén bạn hay khinh ghét bạn thì bạn làm như vầy: đừng bao giờ nghe người khác nói hết; bạn cứ nói hoài về bạn thôi. Trong khi người khác nói, bạn nẩy ra một ý gì chăng, thì đừng đợi người ta nói hết câu. Đợi mà làm gì? Câu chuyện người ta kể đâu có thú vị hay ho bằng câu chuyện bạn sắp kể ra? Tại sao mất thì giờ nghe chuyện con gà con kê đó? Mạnh bạo đi, cắt ngang câu người ta nói đi.

Bạn có quen ai hành động như vậy không? Riêng tôi, tôi đã thấy... Thực tai hại. Chịu không nổi họ! Họ đầy tự phụ, say mê về cái quan trọng của họ! Nực cười nhất là một số trong những kẻ đó lại được mọi người coi thuộc giới thượng lưu! Kẻ nào chỉ nói về mình thì chỉ nghĩ tới mình thôi. Và "kẻ nào chỉ nghĩ tới mình thôi, nhất định là một kẻ thiếu giáo dục". Ông Nicholas Murray Putler, giám đốc trường Đại học Columbia nói vầy: "Dù kẻ đó học hành tới bực nào nữa thì cũng vẫn là thiếu giáo dục".

Vậy nếu bạn muốn người ta coi là nói chuyện có duyên thì bạn phải biết cách nghe. Nên nghe lời khuyên tài tình sau này của một người đàn bà: "Muốn được người chú ý tới, trước hết phải biết chú ý tới người". Bạn nên đặt những câu vấn mà ai cũng say mê đáp: tức như những câu hỏi về đời tư hay đời công của họ, những thanh công của họ.

Nên nhớ rằng người nói chuyện với ta quan tâm tới những thị dục, những vấn đề của họ trăm phần thì chỉ quan tâm đến ta, đến nỗi thắc mắc của ta một phần thôi. Bệnh nhức răng giày vò người đó hơn là cảnh đói kém làm chết cả triệu dân Trung Quốc. Một cái nhọt tại cổ người đó làm cho người đó lo lắng hơn bốn chục nạn động đất ở Châu Phi. Lần sau, có nói chuyện với ai, xin bạn nhớ tới điều đó.

Vậy muốn cho người mến, bạn theo quy tắc thứ tư sau này: "Biết chăm chú nghe; và khuyến khích người khác nói tới họ".

Theo Nguyễn Hiến Lê - Đắc Nhân Tâm 

 [KN GIAO TIẾP] Làm sao để chiếm được trái tim của người khác?

Tất cả mọi người ai cũng đều muốn sống trong tình yêu thương.Nếu bạn biết cách chiếm được tình thương của mọi người,bạn sẽ trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn.Điều đó sẽ giúp bạn trở nên vững vàng và thành công trong cuộc sống.Mỗi lần bạn có được sự yêu thương của một người nào đó là một lần bạn có thêm người đồng hành giúp đỡ mỗi khi bạn gặp khó khăn và giúp bạn cảm thấy vui hơn.Không gì buồn chán hơn là sống và làm việc giữa những người mà ta không thích họ hoặc họ không thích ta.Vậy tại sao không tạo thiện cảm với họ?Tất cả chúng ta đều là người như nhau,nhưng cách để đạt được thiện cảm của mỗi người thì lại rất khác nhau.Vì thế,hôm nay benny muốn chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm để được mọi người yêu mến:

1.Phải trở nên thật sự quý mến những bạn bè và người thân xung quanh ta.Nếu benny muốn làm bạn với bất kì người nào thì trước hết benny phải cảm thấy quý mến người đó đã.Bạn không thể hi vọng chiếm được tình yêu thương của mọi người nếu bạn không thấu hiểu và cảm thông với họ.Hãy trở nên ân cần và kiên trì để giúp đỡ mọi người xung quanh.

2.Hãy làm cho những người khác cảm thấy luôn vui vẻ trong tình bạn với benny bằng những nụ cười hay những tạo ra một bầu không khí vui nhộn.Hầu hết mọi người đều thích người có óc hài hước. Nếu bạn có thể thể hiện bản thân là một người thú vị,hóm hỉnh...mọi người sẽ rất quý mến bạn vì họ thấy bạn là một người dễ gần và hòa nhã.Người ta cũng không thích những người lúc nào cũng cau có,giận dữ hay những người lúc nào cũng lạnh lùng,nghiêm nghị.

3.Phải luôn luôn nhớ tên của bạn bè.Bởi vì,cái tên là điều ngọt ngào và quan trọng nhất đối với mỗi con người.Tất cả chúng ta đều yêu quý cái tên của mình dù nó có như thế nào.Người ta thường sẽ nổi giận hoặc buồn bã khi bạn quên mất tên của họ dù đã gặp nhau rất nhiều lần và tình bạn sẽ dễ dàng tan rã.

4.Hãy là một người biết lắng nghe.Hãy luôn nói với mọi người kể chuyện về bản thân mình và chia sẻ những câu chuyện của mình cho họ biết.Người at sẽ cảm thấy nhàm chán trong tình bạn nếu chúng ta cứ giữ mãi những điều của bản thân trong lòng và không có gì thay đổi sau những lần trò chuyện.Một người trò chuyện giỏi phải là một người biết lắng nghe.Nếu bạn hoàn toàn lắng nghe và thấu hiểu,bạn bè và người thân sẽ hiểu bạn rất trân trọng những điều mà họ nói và cảm thấy hài lòng vì lời nói của họ đã có ảnh hưởng tới bạn.

5.Hãy nói về những điều thú vị mà ai cũng yêu thích.Mọi người đều thích nói về những chủ đề mà họ biết và hiểu nhiều.Lúc đó cuộc trò chuyện sẽ trở nên sôi nổi và hấp dẫn hơn.Chúng ta sẽ giúp họ thể hiện bản thân qua những cuộc trò chuyện đó

I. Nguyên tắc ứng xử: 

1. Hãy tiếp cận với con người ở góc độ không tốt, không xấu:

Không có ai là người hoàn toàn xấu cả. Khi đánh giá con người cụ thể chúng ta thường bị những cách nhìn tĩnh tại, xơ cứng, bị định kiến che lấp, ít khi tách ra được dù chỉ là tương đối đầy đủ những ưu điểm, nhược điểm của họ và lại càng không xác định được giới hạn, hoàn cảnh, diễn biến có thể có của những ưu điểm và nhược điểm đó. Con người cũng dễ bị chi phối bởi qui luật cảm xúc “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Kết quả là dễ mắc sai lầm trong giao tiếp. Do vậy nguyên tắc đầu tiên trong nghệ thuật ứng xử là hãy tiếp cận với con người ở góc độ không tốt, không xấu.

Ở nguyên tắc này, mỗi người có thể tự tìm cho mình một cách ứng xử thành công, ta tạm chia thành các bước sau:

Bước 1: Hãy thừa nhận (chấp nhận).

Bước 2: Biết lắng nghe ý kiến, tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu của người. Thấy cái mạnh, lợi thế của ta (cái ta có mà người không có).

Bước 3: Tạo ra sự đồng cảm, gây niềm tin (hiểu biết lẫn nhau, gây sự tin tưởng).

Bước 4: Tìm điểm chung, mỗi bên đều thấy được cái lợi, cái vui và cách cộng tác, tương lai của sự cộng tác đó.

Bước 5: Tạo dư luận ủng hộ, xây dựng mối quan hệ thân tình.

2. Lường mọi điều, tính đến mọi khả năng với nhiều phương án:

Nếu trong mỗi con người đều có những giá trị dương (+) (những đức tín tốt, những mặt mạnh, những ưu điểm…) và có cả những giá trị âm (-) (những tính xấu, những mặt yếu, những khuyết điểm…) thì với người này có thể tới 90 (+), có 10 (-) hoặc ở người khác có thể đạt 99 (+) chỉ có 1 (-). Vấn đề là ở chỗ cần phải biết nhìn ra “dấu cộng” trong cả khối “dấu trừ” và phát hiện kịp thời “dấu trừ” trong “vô khối dấu cộng” để có thể dự đoán được tác động có hại của mặt trái “dấu trừ” mà khởi thủy của nó chỉ là một chấm nhỏ rất mờ nhạt trong cả khối “dấu cộng”.

Điều quan trọng hơn trong phép ứng xử là tìm ra những chất xúc tác để kích thích phản ứng đổi dấu tích cực xảy ra theo hướng 1 (+) trở thành n (+) và n (-) giảm xuống còn 1 (-).

3. Nắm bắt nghệ thuật theo nhu cầu:

Điều khó nhất trong giao tiếp ứng xử là đối tượng thờ ơ, không có nhu cầu. Bạn sẽ ứng xử như thế nào khi đối tượng không muốn nói chuyện, không muốn nghe bạn can ngăn, không muốn hợp tác với bạn v.v…?

- Hãy gợi trí tò mò hoặc cho họ thấy cái lợi, cái vui mà bạn đang có, còn người ấy đang thiếu, đang cần.

- Chỉ cho họ bằng cách nào đó, thấy tia hy vọng vào kết quả, gây thiện cảm, tạo sự tin tưởng.

- Giao trách nhiệm một cách công khai, tạo ra tình huống chỉ có tiến chứ không có lùi, ràng buộc bằng những sợi dây vô hình về quan hệ nào đó đã được hình thành.

- Gây niềm say mê, tìm được ý nghĩa trong cuộc sống, công việc đang tiến hành.

- Củng cố niềm tin, thuyết phục về một kết cục tốt đẹp.

- Phải tạo ra sự an toàn, biết cách chống đỡ dư luận, tạo dư luận mới ủng hộ.

- Tính đến nhiều phương án, chọn phương án hợp với mình nhất, có thể tạo ra những vấp ngã nhỏ để luyện tập bản lĩnh, chủ động đề phòng tính tự kiêu.

Trong những trường hợp cụ thể đòi hỏi mọi người phải biết ứng biến và điều quan trọng hơn là hãy tìm cho được sơ đồ đi tới thành công riêng của mình.

II. Một số cách ứng xử:

1. Thủ thuật “ném đá thăm đường”:

Có bạn trai tâm sự: Đến dự đám cưới một người bạn, tôi đã gặp một người con gái mà tôi thầm mơ ước, tôi rất muốn làm quen với người con gái ấy nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào?

Có lẽ trước tiên nên bắt đầu vào đề từ cùng một hứng thú. Chẳng hạn có thể từ một bức tranh, một bản nhạc, một ca khúc mới được mọi người yêu thích, hay một bộ phim mới, một quyển sách mới, một mốt quần áo mới… những cái đối phương biết rõ và có phản ứng tích cực. Hoặc có thể từ một điểm chung nào đó về học tập, việc làm… Bắt đầu từ những câu chuyện không quan trọng lắm để làm mất đi sự căng thẳng và ngăn cách giữa hai người và qua đó bạn có thể hiểu thêm về người bạn mà ta muốn gần gũi (những sở thích, thói quen, cá tính…) có một sơ đồ giao tiếp sau đây:

a. Giai đoạn trước khi giao tiếp:

- Xác định mục đích, làm quen đối tượng và gây ấn tượng tốt

- Đánh giá đối tượng, hoàn cảnh:

+ Sở thích,thói quen, cá tính.

+ Thời gian, không gian cuộc gặp.

+ Có hay không có người giới thiệu.

- Lựa chọn phương án ứng xử:

+ Tìm cớ làm quen cho hợp lý, tế nhị.

+ Ngôn ngữ, cử chỉ dễ cảm mến.

+ Văn phong gần gũi, không quá trịnh trọng nhưng cũng không suồng sã.

+ Tính trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra để ứng xử nhanh.

b. Giai đoạn giao tiếp:

Nên:

- Phá bầu không khí xa lạ bằng việc hỏi han hoặc những câu nói đùa.

- Tìm chủ đề chung, ít chạm đến quan điểm cá nhân.

- Nói ít về mình. Chú ý quan sát cử chỉ, điệu bộ, nét mặt của đối phương.

- Giới hạn cuộc giao tiếp trong phạm vi vừa đủ, dừng đúng lúc.

- Nêu ra những câu hỏi thăm dò, chủ động gợi chuyện.

- Tự tin.

Không nên:

- Vội vã đi vào vấn đề chính.

- Đặt những câu hỏi liên quan nhiều đến cá nhân.

- Nói nhiều về mình, dốc bầu tâm sự, nói thẳng về mình khi đối phương đặt những câu hỏi thăm dò.

- Chuyện lan man, kéo dài cuộc giao tiếp.

- Khích bác hoặc công kích nói xấu một ai đó.

- Rụt rè, lảng tránh, ấp úng.

2. Tình huống cần đối đáp mềm mỏng, ý nghĩa sâu xa:

Dân gian có câu:

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Đối với nhiều ý kiến phê bình, phản đối của đối phương, không nên đáp lại bằng những lời nói hằn học, nặng nề mà nhiều khi nên dùng lời nói nhẹ nhàng nhưng chứa đựng những ý nghĩa sâu xa.

3. Tình huống phải chuyển bại thành thắng:

Trong cuộc sống đời thườnng nhiều khi ta bị đẩy vào tình huống bất lợi, có nguy cơ thất bại, lúc đó đòi hỏi phải bình tĩnh, suy nghĩ ngay đến những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra (chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chấp nhận). Tìm xem có cách gì để hạn chế mức thấp nhất những tác hại (ví dụ: điều gì đã đẩy ta vào tình thế bất lợi, có cách nào tạo được kế hoãn binh có vẻ ít liên quan, nhưng nếu được “địch thủ” sẵn sàng chấp nhận thì chính điều có vẻ không liên quan đó có thể thay đổi tình thế…).

4. Tình huống dùng hài hước:

“Khi bạn nổi cáu ta hãy đùa lại một câu” (Laphôngten).

Hài hước là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong ngôn ngữ giao tiếp. Đó là “chiếc van an toàn” cho mọi cuộc xung đột, là chìa khóa để mở “cánh cửa lòng”. Lời đối đáp khôn ngoan, thông minh, dùng ngôn ngữ hài hước để phê phán thường mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều. Bởi thế khi kể một câu chuyện cười hoặc một lời đối đáp có nội dung, cách nói hài hước thường làm cho không khí vui nhộn, điều tiết được tình cảm, nhắc khéo người khác mà không làm họ bực mình. Tất nhiên cũng không nên lạm dụng nó.

Quy luật phổ biến của truyện hài hước là mở đầu dẫn dắt và hình thành làm cho người ta nghi vấn. Người kể nên có ngữ điệu bình thường, sau đó tăng thêm tình tiết nghi hoặc và giải quyết bất ngờ.

5. Tình huống phải đi thẳng vào vấn đề khi cần thiết:

Trong cuộc sống có trường hợp không thể quanh co, bóng gió, tế nhị mà phải bày tỏ quan điểm, thái độ của mình một cách thẳng thắn, kiên quyết. Lúc đó phải diễn đạt vào thẳng nội dung chính của vấn đề để biểu hiện ý chí và lòng tin ở bản thân. Đối với những vấn đề then chốt không nên tỏ ra quá cân nhắc, đắn đo làm cho người nghe cảm thấy thiếu tin tưởng, do dự. Tất nhiên để nói bằng cách này cần phải suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ càng.

6. Tình huống nói ẩn ý bằng ngụ ngôn:

Trong giao tiếp khi cảm thấy khó thuyết phục người khác bằng lý lẽ trực tiếp hoặc cảm thấy dễ bị phản ứng, không tiện nói thẳng ra, thì người ta thường dùng phương pháp ẩn ý bằng ngụ ngôn. Tức là chọn những câu chuyện ngụ ngôn có nội dung ẩn ý bên trong phù hợp với mục đích khuyên răn, thuyết phục của mình để kể cho đối phương nghe.

Cái lợi của phương pháp này là người nghe phải suy nghĩ mới hiểu hết cái ẩn ý bên trong đó. Bản thân câu chuyện sẽ đưa ra những lời khuyên sâu sắc chứ không phải người kể chuyện, do đó không có lý do để nổi khùng, tự ái hoặc mặc cảm.

Tuy nhiên để dùng phương pháp này có hiệu quả, người dùng phương pháp này phải am hiểu câu chuyện phù hợp với trình độ người nghe, nếu người nghe không hiểu gì cả, sẽ không có tác dụng.

7. Tình huống phản bác khéo những yêu cầu vô lý ở người khác:

Cũng có lúc bạn gặp những người khăng khăng đưa ra cho bạn những đòi hỏi vô lý không thể thực hiện được. Trước những tình huống đó nhiều khi ta không thể bác bỏ thẳng thừng vì chạm lòng tự ái hoặc người không thỏa mãn với ta rồi tiếp tục quấy rối nữa vá cách đó cũng chưa làm cho người tự nhận thấy được những đòi hỏi của họ là vô lý.

Vậy ta sẽ xử lý thế nào trong trường hợp đó? Tốt nhất là hãy thừa nhận đã, sau đó khéo léo chỉ ra sự vô lý hoặc điều không thể thực hiện được. Cũng có thể cảnh tỉnh người đó bằng việc chỉ ra những điều bất lợi, sự nguy hiểm nếu người đó cứ giữ nguyên ý kiến, nhắm mắt hành động. Chú ý ngôn ngữ không nên gay gắt nhưng tỏ ra cương quyết.

8. Tình huống thừa nhận trước để chuyển hướng sau:

Nếu khi bạn không đồng ý với ý kiến của đối phương mà người đó lại là cấp trên, người lớn tuổi, cha mẹ… thì bạn sẽ xử sự như thế nào? Việc thuyết phục để đối phương nghe theo mình, có nghĩa là chấp nhận ý kiến của mình cũng đòi hỏi phải có một nghệ thuật nhất định.

Bạn chớ phản đối và phê phán các ý kiến của đối phương. Bạn hãy tiếp thu ý kiến của họ, biểu thị thái độ đồng cảm ở mức độ nào đó để có thể làm giảm được sự cứng nhắc của đối phương, khiến họ bằng lòng nghe ý kiến của bạn. Song phải nắm vững nguyên tắc không được tỏ thái độ của mình ngang bằng với đối phương để tiếp sau đó dùng lời mà chuyển hướng, thay đổi cách nhìn nhận của đối phương, làm họ bằng lòng tiếp thu ý kiến của bạn.

9. Tình huống cần bạn đồng minh:

Khi tranh luận trước nhiều người cần thể hiện quan điểm, bạn nên chú ý đầy đủ đến thái độ của những người xung quanh, cần động viên được nhiều người nghe và ủng hộ quan điểm của mình. Nếu người nghe ủng hộ ta, đồng tình với quan điểm của ta đang trình bày, sẽ tạo thành một sức mạnh to lớn, một sức ép tinh thần làm đối phương không phản kích lại được.

Chẳng hạn khi đang xếp hàng có người chen ngang, bạn lợi dụng thái độ của số đông mọi người xung quanh để gạt người đó ra khỏi hàng là hợp lý nhất.

10. Tình huống không nhượng bộ khi mình có lý trong tranh luận:

Trong quan hệ giữa người với người, tranh luận là một điều hết sức bình thường và không thể tránh được. Không có tranh luận, điều phải trái không được phân định. Không thể coi tranh luận là một thói xấu mà hạn chế nó.

Song tranh luận có thể dẫn đến sự không thoải mái hoặc đôi khi xung đột. Tranh luận có phương pháp sẽ đem lại kết quả tốt là điều chúng ta cần chú ý học hỏi.

Một là, khi tranh luận nên có thái độ thật công bằng, đừng làm tổn thương đến lòng tự ái của người kia. Sự phê phán, bình phẩm người khác không thể quá một giới hạn nhất định, nếu không có thể làm tăng thêm mâu thuẫn vốn có.

Hai là, giọng nói phải mền mỏng, thật lòng. Trong tranh luận phải tỏ ra tôn trọng nhau, làm sao cho người cùng tranh luận tin rằng tranh luận thật là có ích. Trong tranh luận nhiều khi người thắng không hẳn đã là nhiều lý lẽ biết hùng biện, mà có thể là người có thái độ đúng mực và chân thực nhất.

Ba là, tranh luận phải có mục đích rõ ràng. Tranh luận nên xoay quanh những điều cần giải quyết.

11. Tình huống cần thuyết phục bằng hành động:

“Mọi lý thuyết đều màu xám

Còn cây đời mãi mãi xanh tươi”

(Gơt)

Trong giao tiếp, khi cảm thấy khó thuyết phục người khác nghe ý kiến của mình bằng lời nói, bạn có thể dùng hành động để thuyết phục. Thuyết phục bằng hành động thường hiệu quả lớn nhất. Thông qua việc làm, hành động cụ thể, ta có thể làm cho đối phương thay đổi cách nghĩ, tình cảm, thái độ, chấp nhận ý kiến của ta.

Bạn là một cán bộ phong trào thanh niên. Bạn muốn tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao thanh niên nhưng các cấp lãnh đạo ở địa phương chưa tin tưởng vào khả năng của bạn, chưa tạo điều kiện mọi mặt để bạn làm việc. Bạn đừng nản chí và cũng đừng dùng lời nói để thuyết phục. Hãy cố gắng tạo ra một vài việc làm cụ thể có hiệu quả. Từ sự thành công đã đạt được, tận dụng thời điểm gây hưng phấn cao rồi đưa ra những kiến giải hợp lý với các cấp lãnh đạo.

Như vậy, mục đích và kết quả hoạt động đạt được và mối quan hệ ảnh hưởng của bạn phát triển tốt hơn.

Khi vận dụng phương pháp này bạn cần lưu ý:

- Mục đích hoạt động phải rõ ràng, không vụ lợi.

- Có kế hoạch hành động chi tiết, tính đến các điều kiện cần và đủ đảm bảo cho sự thành công, bước đầu tiên tránh thất bại.

- Tạo dư luận ủng hộ để gây sức ép hoặc quy tụ sức mạnh.

- Làm thử để chứng minh, rút kinh nghiệm.

- Tạo quan hệ gần gũi tin cẩn.

Nếu ở vào tình huống các bậc “hụ huynh” của người yêu bạn còn chưa tin tưởng và chấp nhận cho bạn yêu con của họ, thì bạn cũng có thể dùng phương pháp này để đạt mục đích.

III. Những điều nên tránh trong giao tiếp ứng xử:

1. Nói nửa chừng rồi dừng lại hoặc cướp lời người đang nói, làm nhiễu thứ tự hoặc luồng suy nghĩ của người đó.

2. Không nói rõ và giải thích đầy đủ làm người nghe cảm thấy đột ngột, khó hiểu đề tài nói chuyện của bạn. Không nên đưa những trọng tâm, những khái quát làm người tiếp chuyện khó theo dõi mạch chuyện.

3. Nói sai đề tài, không quan tâm đến điều mình nói.

4. Nói thao thao bất tuyệt, không ngừng nêu các câu hỏi làm người tiếp chuyện có cảm giác mình yêu cầu hơi nhiều quá.

5. Không trả lời thẳng vào câu hỏi mà người khác nêu ra, quanh co, dài dòng, gây nên cảm giác không trung thực cho người hỏi.

6. Tự cho rằng mọi điều mình đều biết cả.

7. Làm ra vẻ hiểu biết sâu rộng.

8. Phát triển câu chuyện không tập trung vào chủ đề chính làm cho người tiếp chuyện cảm thấy nhàm chán.

9. Ngắt bỏ hứng thú nói chuyện của người khác để ép người đó phải chuyển sang nói về đề tài mà bạn thích.

10. Thì thầm với một vài người trong đám đông.

11. Dùng ngôn ngữ quá bóng bảy.

12. Chêm những câu tiếng nước ngoài trong câu nói của mình một cách tùy tiện.

13. Đột ngột cao giọng.

14. Dùng những lời quá suồng sã với mức độ quan hệ.

15. Dùng những từ đệm không cần thiết.

16. Nói với giọng khích bác, chạm vào lòng tự ái của người khác

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro