[Văn học Hậu Hiện Đại] Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nỗi buồn chiến tranh xuất bản lần đầu năm 1987, tuy nhiên bị cấm xuất bản nhiều năm liền cho đến năm 2005, đơn giản vì đây là một tác phẩm về chiến tranh chẳng giống bất kỳ tác phẩm cùng thời nào khác. Nói về tác phẩm, nhà văn Nguyên Ngọc từng gọi đây là "thành tựu cao nhất của văn học đổi mới".

Chiến tranh như ta thường biết là một cái gì đó cao đẹp, hào hùng, vinh quang lắm, rằng chiến sĩ ta chỉ có anh dũng, bất khuất, ngoan cường trước mọi hy sinh. Ngoài đó ra, những điều khác chẳng mấy khi được chạm đến, thành ra độ phổ biến của tác phẩm trong nền văn hóa đại chúng vẫn còn rất hạn chế. Về điểm này, cá nhân tôi thực sự cảm thấy chưa thỏa đáng bởi cuốn sách là một cái gì đó rất đặc biệt, rất hoàn thiện, rất sâu sắc. Đọc sách, ta nhìn thấu bộ mặt thật của chiến tranh, hiểu một thế hệ người, và ta cám ơn hòa bình ta đang có.

Nỗi Buồn Chiến Tranh là hồi ức của một người lính tên Kiên và cuộc đời anh trước, giữa và sau cuộc chiến tranh Việt Nam vào những năm 60 – 70. Từ đầu đến cuối, truyện kể không theo một trình tự cụ thể nào, nhưng không hề kể lể lan man. Ngòi bút của tác giả lại công bình, chẳng thiên vị bên nào mà chỉ làm tròn trọng trách phơi bày ra chân thực tất thảy nỗi đau của một người làm lính. Từ những năm mới lớn dưới trời Hà Nội, mười một năm tham chiến ác liệt, cho đến những hậu quả, ám ảnh day dứt vì thân phận sống sót trở về từ cuộc chiến, người đọc theo Kiên mở từ vùng ký ức này đến chạm vùng ký ức khác, khắc nên bức tranh chung đầy đau đớn, trầm buồn miên man về số phận người trẻ thời này.

Thân phận người lính

Nhìn chung, cuộc đời Kiên cũng chính là cuộc đời của bao thân phận người lính cùng thời khác – những thanh niên mới lớn chưa kịp trải đời đã bị ném vào những chuỗi ngày dài vung tay chém giết và chứng kiến chết chóc bất tận. Hậu quả là khi trở về, anh ta mất hết ý niệm về danh tính của mình lẫn khả năng sống tiếp một cuộc đời bình thường, vì bạn bè, đồng đội lẫn gia đình của anh đều đã chết.

Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy chứ không tài nào mà đổi đời nổi như là bản thân đời sống của tôi. Một cách trực giác tôi luôn nhận thấy quanh tôi quá khứ vẫn đang lẩn khuất. Đêm đêm giữa chừng giấc ngủ tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những thuở nào đó rất xa rồi vang lên trên hè phố lát đá.

Ngủ thì ác mộng ùa về từng cơn. Không ngủ thì từng ký ức về hết người này đến người khác cứ ùa về sống động trước mắt anh ta. Cái giá phải trả cho việc sống sót mà vượt qua chiến tranh là cực kỳ đắt.

Thực ra thì trong chiến tranh Kiên được hưởng nhiều may mắn hơn là trong thời bình, bởi vì trong chiến tranh anh đã được sống, chiến đấu, trưởng thành lên bên những người đồng chí thật tốt. Tuy nhiên, giá của sự may mắn ấy là anh đã lần lượt mất hết những người bạn, người anh em, người đồng đội chí thiết nhất.

Họ bị giết ngay trước mắt Kiên hoặc là đã chết ngay trong vòng tay anh. Nhiều người đã chết để gỡ cho tính mạng Kiên. Nhiều người hy sinh bởi lỗi lầm của anh. Trong đêm đen của hồi tưởng, Kiên nhìn đăm đăm vào bóng tối như nhìn vào cõi âm và lần lượt thấy lại họ, những con người tuyệt vời, những con người xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi dương này nhưng đã lẳng lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: mình chết thì bạn mình sống?

Anh nhớ đến Hòa, người giao liên can trường.

Suốt đêm nước mắt tôi ướt đầm gối bởi nhớ nhung, bởi thương tiếc và cay đắng ngậm ngùi. Một đêm khác, cũng trong mơ, tôi nhìn thấy truông Gọi Hồn và mơ thấy Hòa, cô giao liên xinh tươi, người Hải Hậu đã hy sinh vào thuở tối tăm mù mịt năm 68, và lần gặp gỡ trong mơ này hầu như là lần duy nhất chúng tôi thoáng bóng nhau sau ngần ấy năm trời người còn kẻ mất. Trong màn sương mù đặc của giấc mơ, tôi chỉ thấy Hòa thấp thoáng, xa vời nhưng với một tình yêu, một niềm đắm say và cảm giác gần gũi da diết mà ngay hồi đó tôi không hề cảm thấy.

Hồi đó chỉ có nỗi sợ hãi, sự bất lực đầy nhục nhã, cảm giác chiến bại và trạng thái rã rời tuyệt vọng. Suốt đêm tôi trôi dạt trong bể khổ thời Mậu Thân. Khi tỉnh dậy thì ngoài cửa sổ trời đã tảng sáng, và lưu ảnh cuối cùng đọng trong tâm trí là cảnh tượng đau thương rùng rợn ấy: Hòa gục ngã giữa tráng cỏ và đằng sau bọn Mỹ xô tới, vây xúm lại, trần trùng trục, lông lá một bầy như những con đười ươi, phì phò thở, giằng giật, nặng nề hộc rống lên...

Nghĩ đến Can, người đồng đội đào ngũ cố về với mẹ già, để rồi chết thảm.

Sau nhiều ngày lội rừng sục sạo, vệ binh trung đoàn đã tìm thấy kẻ đào tẩu. Chẳng ở đâu xa, họ tìm thấy Can ở hẻm Tò Vò, cách cụm lán của trung đội trinh sát không đầy hai giờ băng rừng. Từ đấy về được Bình Lục còn xa lắm, vời vợi cách trở...

Đến cuối tháng Chín, vài ngày trước khi trung đoàn nhổ neo rời Gọi Hồn, lính tráng nhận được thư nhà, đợt thư từ duy nhất của suốt cả mùa mưa. Riêng đội trinh sát chỉ được độc một lá. Lại là gửi cho Can. Thư của bà mẹ. "... cả xóm Gò hôm nay chung vui cùng mẹ may mắn bắt được thư con, mẹ liền biên ngay thư này mong các bác quân bưu thương tình chuyển chóng tới con để con hay rằng lẽ ra thì mẹ chết rồi mà nay còn sống là nhờ nhận được thư con đấy con ơi - Bà mẹ viết - Con ơi, từ ngày phải giấy của đơn vị anh con báo tử về rồi xã làm truy điệu rồi giao bằng Tổ quốc, con ơi, mẹ ngày đêm sản xuất tăng gia cày cấy, ngày đêm cẩu trời khấn phật, cầu ông bà tổ tiên, cầu thầy, anh con phù hộ độ trì cho con ở nơi linh lửa được cùng anh em tất cả bình an...".

Kiên đọc đi đọc lại. Tờ thư run lật phật, nhòa trong mắt anh. Can chết rồi còn đâu. Bữa đó vệ binh chỉ lượm được cái xác. Cái xác lở loét, ốm o như xác nhái bị dòng lũ xô tấp lên một bãi lau lầy lụa. Mặt của xác chết quạ rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục, nom cực kỳ tởm. Và thối quá thể là thối, cái thằng bê quay (đảo ngũ) chết tiệt ấy, người lính vệ binh đã tự tay chôn Can kể lại với đám trinh sát. "Hai cái hố mắt của nó trông như hai cái tăng xê (hố cá nhân, hố tránh bom), mà chưa chó gì đã mọc rêu xanh lè, rõ ghê?", nói rồi hắn nhổ toẹt.

Nghĩ đến Quảng, người tiểu đội trưởng đầu tiên, người bảo bọc, dạy dỗ, che chắn Kiên từ những ngày đầu, cuối cùng vì trọng thương trong lúc hành quân mà cầu xin Kiên giết mình, và rồi tự sát.

Lát sau lại một trận pháo nữa dập tới cấp tập trong vài phút, xé toang vạt rừng thưa và lấp đầy đất lên hai người. Mãi sau Kiên mới moi được Quảng lên: Vẫn sống, vẫn tỉnh, mồm ứa máu nhưng còn thở, sủi bong bóng đỏ, mắt mở trừng như muốn mà không nhắm lại được. Và môi vẫn mấp máy gượng nói. Kiên cúi sát xuống, nghe:

- Thương anh đừng bắt lê lết mãi... Anh khổ quá rồi, xương gãy hết cả, ruột nữa... đứt hết... - Cái giọng lào thào lí nhí như thể tiếng của loài kiến mà đầy vẻ tâm tình của Quảng làm Kiên rùng rợn, ớn lạnh - Cho anh được chết đi... một phát thôi mà... là xong... nào?

Kiên giật mình. Bất ngờ, cực lẹ thu hết tàn lực, Quảng đưa cánh tay chưa gãy lên rút thoắt quả u-ét Kiên cài bên hông.

- Nào...! - Quảng cao giọng hầu như đắc thắng, hoan hỉ và cả cười lên nữa, ha ha, khàn khàn dễ sợ - Ha hà... nào, lùi mau! Kiên, lùi xa ra, nào! Hà hà... ha ha ha ha...

Kiên nhỏm dậy lùi, lùi, lùi, mắt dán vào cái mỏ vịt và vụt quay lưng, lao đầu chạy, chạy lướt qua cái lùm le gãy nát ngút khói. Ha ha ha... Tiếng cười cuồng loạn nức nở rượt sát sau lưng... ha ha ha ha...

Và còn rất nhiều, rất nhiều những ký ức đầy ám ảnh khác nữa.

Bây giờ thì đã qua cả rồi. Tiếng ồn ào của những cuộc xung sát đã im bặt. Gió lặng cây dừng. Và vì chúng ta đã chiến thắng nên đương nhiên có nghĩa là chính nghĩa đã thắng, điều này có một ý nghĩa an ủi lớn lao, thật thế. Tuy nhiên, cứ nghĩ mà xem, cứ nhìn vào sự sống sót của bản thân mình; cứ nhìn kỹ vào nền hòa bình thản nhiên kia và nhìn cái đất nước đã chiến thắng này mà xem: đau xót, chua chát và nhất là buồn xiết bao.

Một người ngã xuống để những người khác sống, điều đó chẳng có gì mới, thật thế. Nhưng khi anh và tôi thì sống còn những người ưu tú nhất, tất đẹp nhất, những người xứng đáng hơn ai hết quyền sống trên cõi dương này đều gục ngã, bị nghiền nát, bị cỗ máy đẫm máu của chiến trận chà đạp, đày đọa, bị bạo lực tăm tối hành hạ, làm nhục rồi giết chết, bị chôn vùi, bị quét sạch, bị tuyệt diệt, thì sự bình yên này, cuộc sống này cảnh trời êm biển lặng này là cả một nghịch lý quái gở.

Kết thúc chiến tranh chỉ là khởi đầu cho những chuỗi ngày đau khổ nhất cuộc đời Kiên - những ngày phải sống với quá khứ và thực tại vụn vỡ của một người lạc lõng.

Đôi khi chỉ cần nhắm mắt lại là trong tôi lập tức ký ức tự nó xoay mình lui về theo lối cũ, gạt toàn bộ cõi đời thực hôm nay ra rìa cỏ. Biết bao kỷ niệm bi thảm, bao nhiêu là nỗi đau mà từ lâu lòng đã nhủ lòng là phải gắng cho qua đi, rốt cuộc đều dễ dàng bị lay thức bởi những mối liên tưởng tuồng như là không đâu nảy sinh một cách khôn lường từ muôn vàn những chi tiết tầm thường, rời rạc và vô vị nhất có thể có trong chuỗi bất tận ngày qua ngày nhạt thếch, buồn tẻ và êm đềm đến phát ốm này.

Thân phận của tình yêu

Không phải tự dưng mà khi xuất bản lần đầu, cuốn sách lấy tựa là "Thân phận của tình yêu", vì từ đầu đến cuối truyện ta được chứng kiến mối tình đầy sóng gió giữa Kiên và Phương, mối tình đầu của anh.

Ta thấy Phương trên từng khoảnh khắc ngoài chiến trận của Kiên ngay cả khi cô không ở đó.

Vả chăng, chỉ anh về đêm... khi ngủ... những giấc mơ đậm đặc cảm giác, nóng bỏng và ngọt lịm như mật ứa ra trào lên lấp đầy cõi mộng mị. Trong những đêm mưa ấy, từ giữa miền không gian xa xanh sâu thẳm khuất chìm sâu sương mù ký ức, người con gái của thành phố quê hương lại hiện lên và bước tới với anh trong bóng hình tiên nữ mờ ảo.

Cả người gai lên, xương thịt chờn rợn, run rẩy, rung động trong nỗi khát khao thèm muốn được hưởng tới độ tột cùng cảm giác xúc tiếp êm ái, choáng ngợp, đáng kinh hãi với cái hình hài yêu dấu, mong manh, mềm mại như cánh hồng ấy. "Hai đứa mình có khi chết đi vẫn còn trong trắng... Vậy mà chúng mình yêu nhau biết là dường nào...", những lời ấy của Phương văng vẳng làm tim anh thắt đau. Mới mười bảy tuổi, thuở đó cả hai đứa còn biết chừng nào là vụng dại. Giá như... "Nhưng hãy nghĩ nhanh đến một cái gì khác đi, hãy nghĩ đến một cái gì khác?" - Tâm tưởng anh thổn thức kêu lên.

Tình cảm của Kiên dành cho Phương vừa có cái bồi hồi không tài nào quên được của thuở mới yêu, vừa có nỗi ám ảnh sâu đậm lẫn sự lý tưởng hóa trong đó. Từng cái chạm, hôn, nói cười cùng Phương qua ngòi bút của Bảo Ninh không chỉ khuấy động tâm hồn mỗi Kiên, mà đến cả người đọc cũng phải thấy xuyến xao, bồi hồi về từng cảm xúc rất đẹp, rất ngây thơ mà chân thành từ mối tình đầu họ từng có.

Thành ra, khi chiến tranh khiến Phương từng bước chuyển mình thành một người đàn bà quá trái đi với những hình tượng đẹp đẽ thuở ban đầu trong Kiên về nàng, mối tình đáng lẽ đã có thể rất đẹp đó cũng đi vào sụp đổ.

Dù đã dầm mình trong rượu, dù đã hàng trăm lần tự cầu xin lòng mình hãy lặng yên đi cho, thì trong tâm trí anh vẫn không ngừng nhói đau những hồi tưởng tan nát về thời gian sống cùng nhau sau chiến tranh của anh và Phương.

Mảnh đời còn lại sau mười năm bị lửa đạn của chiến tranh vằm xé lại bị móng vuốt của tình yêu xéo nát. Cuộc chung sống làm đổ bể tâm hồn nhau và cuộc đời nhau mới chấm dứt cách đây không lâu. Trong một cuộc xô xát ở quán rượu Kiên đã đánh trọng thương một người tình cũ của Phương. Từ đồn công an, nơi mà người ta tưởng anh là thằng điên, Kiên mò về gặp Phương. Anh chẳng nói được gì hết, chỉ trào nước mắt. Ký ức chẳng buông tha. Chúng mình đã lầm tưởng rằng có thể vượt qua được một hạt sạn.

Hơn cả một mối tình đầu, tình yêu sâu đậm dành cho nàng của Kiên ngay vào thời điểm chiến tranh bắt đầu đã vô tình đã đặt nàng vào một vai trò quá to tát trong lòng anh. Giữa những năm tháng chịu đựng tất cả cái đau đớn, đơn độc và nhớp nhúa mà chiến tranh mang lại, nàng hiện diện trong tâm trí Kiên như là cái gì đó đẹp mãi, sáng mãi, là niềm nhớ thương đẩy Kiên đi qua mọi mất mát, đau thương mà sống sót trở về. Mọi ám ảnh về chiến tranh bất giác cũng đi kèm tất cả nỗi ám ảnh trong anh về Phương, để rồi từ Phương trở đi, những người đàn bà bước vào rồi rời xa đời Kiên hết thảy đều chỉ đóng vai trò một kẻ thế thân.

Nỗi đau ngày xưa làm sao mà nhổ nổi. Cái miệng vết thương lòng kinh tởm ấy lúc nào cũng định banh miệng. Những cay đắng tủi hổ, những hồi ức trần trụi đè bẹp ý chí của anh. Đè bẹp mãi mãi... Giờ đây dù có ra đi mỗi người mỗi rìa thế giới thì trong tâm tưởng anh, Phương vẫn là toàn bộ cuộc sống tinh thần. Và nào chỉ là tinh thần. Hằng đêm, anh miệt mài mê mẩn, chìm trong cái vuốt ve vô tận của mộng mị.

Ngay cả khi bên cạnh có một cô gái đang trở mình áp sát vào anh trong giấc ngủ thì nhắm mắt lại anh vẫn khắc khoải nhớ tới Phương, nhớ tới tấm thân đẹp đẽ trắng ngần, nhớ hương thơm ngây ngất quyến rũ của làn da, nhớ cặp môi mọng ngọt như trái chín, nhớ quầng thâm mệt mỏi quanh đôi mắt nâu những đêm nàng âm thầm bải hoải. Mọi cuộc dan díu đều không thể làm vơi nàng. Mùi da thịt phụ nữ chín rũ chỉ làm anh khao khát một mình nàng. Tình dục vốn đã ngủ say và những nồng cháy của xác thịt tưởng đã bị dập tắt hẳn từ lâu lại như bắt lửa bừng rực lên với hình bóng nàng nhập vào anh hằng đêm giữa những giấc mơ. Tất cả những nhân vật nữ mà anh mê say trong sáng tác của mình rút cuộc vẫn chỉ là những giấc mơ về Phương.

Thân phận một nhà văn

Trở về từ trận chiến, Kiên trở thành một nhà văn, nhưng những gì anh ta viết đơn thuần là phương cách cứu rỗi cho tâm hồn, để tuôn hết tất cả ký ức và niềm đau lên từng trang đầy chữ.

Bắt đầu vào tiểu thuyết, ánh đuốc hồi ức đã đưa Kiên lạc sâu trong mê cung, vòng vo trong muôn ngóc ngách rồi lại dẫn anh về với những rừng rậm hoang vu của thì quá khứ. Lại sông Sa Thầy, đèo Thăng Thiên, truông Gọi Hồn, hồ Cá Sấu... những địa danh tù mù như tên tuổi sông núi của cõi âm. Rồi lại cuộc đời chiến đấu của trung đội trinh sát với những khúc buồn vui tình đồng đội, những thống khổ thời trận mạc hòa cùng bao lạc thú tuổi trẻ.

...

Có lẽ rất ít người cầm bút đương thời nào chứng kiến nhiều cái chết và thấy phải nhiều xác chết đến như Kiên. Vì thế sách anh đầy rẫy tử thi.

Những bóng ma quá khứ là tất cả những gì anh ta có, là những thứ định hình con người anh ta bây giờ. Chỉ khi viết, Kiên mới có thể lấy lại quyền làm chủ tâm trí của mình và khiến nó phải phục vụ cho các tác phẩm của anh.

Phải viết thôi. Viết để quên đi, viết để nhớ lại. Viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi, để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà còn muốn sống. Cần phải viết về những người thân yêu cũng như về những con người xa lạ hàng ngày nườm nượp qua đường vô tình trở thành những chứng nhân của cuộc đời nhau. Viết về những khoảng trời khác nhau, tương phản nhau trong đời sống và trong tâm hồn, về những mái nhà, những tổ ấm, về thành phố mẹ đẻ... có biết bao số phận, biết bao nhiêu nông nỗi đời người thấp thoáng trong bóng tối đêm mưa, dưới những mái hiên, lướt ngang những cột đèn góc phố.

Đến cuối cùng, Kiên bỏ đi biệt tích, để lại những bản nháp về những bóng ma quá khứ của anh mà nhờ đó, tác giả cuốn sách đã dựa vào mà kiến tạo lại toàn bộ bản trường ca trầm buồn đầy day dứt đó.

Kết

Khép lại cuốn sách thì tâm trạng tôi cũng lửng lơ như nhìn sóng xô cát dài, như ngắm sao trời đổi ngôi, như thấy tiếng lòng ai vừa kịp cất lên đã hạ xuống tựa đám thanh niên ngồi nghe Phương hát bên đống lửa trụi cái đêm đầu tháng tám năm một chín sáu tư đó.

Trong lời và nhất là trong giai điệu bài ca nghe chứa chất cả niềm say mê lẫn nỗi đau buồn trước thời cuộc. Những ước mơ nồng cháy và những tiên cảm đau xót. Trong giọng hát của Phương như đều đều hơi thở tâm hồn của một lớp thanh niên được sinh ra ở đời chỉ cốt dành cho cuộc chiến tranh bắt đầu từ ngày hôm ấy.

Để rồi cuối cùng, ta biết rằng,

Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng. Cứ nhìn mà xem, cứ ngẫm nghĩ mà xem sự thực là như thế đấy. Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro