13. Chờ mong từng đêm gối chiếc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi phú ông và Chính Quốc sang đến làng Cò Gáy thì trời cũng chập xế chiều. Xưởng dự định sẽ xây ở giữa làng, nơi đó gần đồng ruộng, thuận tiện để vận chuyển lúa. Đất ở đây cũng rất rẻ, hai lô giá cũng chỉ sấp xỉ bằng nửa lô bên Nhật Hạ.

Nhân tiện trời còn chưa tối, Chính Quốc đi dạo một vòng thăm dò địa hình ở đây. Nếu nói làng Nhật Hạ mang một vẻ đẹp yên bình, ấm áp thì Cò Gáy ngược lại mang nét hoang sơ, huyền bí. Ở đầu làng có một cái dinh, nhưng cổng bị người ra lấy gai chắn lại, bên trong cỏ cây dây leo mọc đầy rẫy. Nhìn kiểu nào cũng giống một cái dinh bị bỏ hoang không ai ngó ngàng.

Cái trọ hai cha con phú ông trú nằm ở cuối làng. Mà dân ở đây tánh tình kì quái, nhà cửa ai nấy đóng kín, đèn cũng không thắp, ban ngày mà u mịch hệt như cái nghĩa địa. Không chừng cái nghĩa địa bên Nhật Hạ còn náo nhiệt hơn cái làng này nữa. Thêm cái dân họ tụ lại mà sống ở cuối làng, đầu làng lại lắm đất trống nhà hoang.

"Ông chủ, tôi lấy hai phòng trọ."

"Được. Hai vị trú lại bao lâu?"

Phú ông cúi đầu bấm tay nhẩm tính vài giây. Rồi ngẩng mặt lịch sự đáp.

"Tầm nửa tháng hơn."

Bác chủ trọ đặt ly trà nghi ngút khói xuống bàn, rồi đứng dậy đi trước dẫn lối, cứ tưởng dân ở đây không mấy hiếu khách, may sao ông chủ trọ có vẻ nhiệt tình. Ngộ nhỡ ai ai cũng im im gằm gằm, cha con Chính Quốc muốn thăm dò hỏi han vài thứ cũng chẳng biết làm sao.

"Hai vị là người ở đâu tới đây thế?"

"Chúng tôi ở bên kia sông, sang đây xây cái xưởng chà thóc. Lần trước tôi có đến một lần, ông không nhớ sao?"

"À, ra là phú ông Điền Chính Công của làng Nhật Hạ. Mấy nay làng tôi nghe chuyện này mà xào xáo cả lên. Dạo này lắm khách bển sang đây nhỉ?"

Phú ông cười hiền, nói sơ lược về tình hình xây xưởng cho bác chủ trọ nghe. Riêng Chính Quốc phía sau từ nãy đến giờ vẫn bị cái vế sau làm cho thắc mắc, ngoài cha con phú ông ra thì còn ai sang đây nữa? Trước khi sang đây đâu nghe ai trong làng nói gì đâu. Bình thường nếu có ai đi đến đâu, về ngõ nào, thì cứ như rằng từ đầu làng đến cuối xóm ai ai cũng biết chuyện, vậy mà cậu ăn ở ngoài quán anh Trân từ sáng tới tối lại chả hay tin.

Khi Chính Quốc vẫn còn đặt tâm trí vào cái thắc mắc khi nãy thì ông chủ trọ đã đưa hai người đến chỗ ở rồi. Cậu bỏ qua thắc mắc kia, mở cánh cửa gỗ bước vào trong, căn phòng trông có vẻ sạch sẽ nhưng thoang thoảng mùi ẩm, đồ dùng cũng chả có gì nhiều, chỉ đặt mỗi chiếc giường tre và một cái tủ quần áo nho nhỏ mốc meo trong góc phòng.

Chính Quốc thở dài, cái phòng này trông còn tệ hơn chỗ ở của tôi tớ trong Điền gia nữa. Thôi thì ráng ít hôm, thanh niên trai tráng mà, sỏi đá gai góc nơi đâu lại chả trú ngụ được, huống chi ở đây họ đâu có điều kiện như bên Nhật Hạ đâu mà so sánh.

Tối đó, Chính Quốc ra ngoài chợ đêm tính mua thức ăn cho bữa tối. Phú ông từ chiều đã ra ngoài lo chuyện sổ sách, với cả ông còn đang trong tháng ăn chay, nên cậu chỉ đi một mình. Ghé vào quán bún chả bên lề, cậu kêu cho mình một tô lớn. Trưa giờ chưa bỏ gì vào bụng, đói sắp chết đến nơi rồi.

Trăng non rơi rụng trên tán cây đa già cỗi, đêm nay không một ánh sao, gió từ hướng Bắc hiu hiu thổi về. Có lẽ sắp sang đông, đất trời u mịch, làng Cò Gáy càng thêm ma mị âm u. Vài con quạ đen đậu trên ngọn cây cao điểm tô đôi phần kì bí lên màn đêm quạnh vắng.

Ngẩn ngơ nghĩ bâng quơ trong khi đợi thức ăn lên, Chính Quốc nhìn lên kiếm tìm những vì sao ẩn hiện trên bầu trời, nhưng chỉ toàn những gợn mây hiu hắt. Màn đêm ở đây chẳng trong trẻo như ở làng mình. Cậu lại thở dài, rủ rỉ vài câu trong miệng.

Chí Mẫn hôm nay thế nào

Hiện em đang làm gì chẳng biết, có lẽ đã ăn cơm. 

Giờ này chắc bị Tại Hưởng Hạo Thạc dụ dỗ đi rong rượt quậy phá đâu đó rồi.

Tay chống cằm thở dài ra thêm một hơi mệt nhọc, cậu lại lầm bầm những điều ít ai rõ.

Bà Hai chả biết có làm gì Chí Mẫn không nhỉ?  Hôm trước nghe cái Tí nói em bị bà đánh, nhưng khi hỏi em chỉ bảo bà chỉ mắng em vì em làm hỏng đồ của bà thôi.

Còn Chính Kiên chắc chắn thừa nước đục thả câu cả ngày bám lấy Chí Mẫn rồi. Thằng quỷ thời cơ.

Nghĩ ngợi hồi, tô bún chả nghi ngút khói được cô chủ quán bưng lên. Một màu vàng nghệ hòa quyện cùng những chóm đo đỏ của cà chua trông đẹp mắt vô cùng. Nhưng chỉ đẹp mắt thôi, chứ mùi không đậm đà, sợi thì nhũn hơn bún của bà cụ đầu làng cậu hay ăn rất nhiều.

Đã gọi là bún chả nên thứ ấn tượng nhất phải là chả trong bún. Cậu ăn rất nhiều chả cá rồi, tuy nhiên, thứ nổi lềnh bềnh trên có vị rất khác, cậu không tài nào đoán ra được chả mình đang ăn là chả gì. Thoạt đầu nếm thử thì có mùi hơi hôi ghe của cá, nhưng mùi lại gắt hơn, dai hơn rất nhiều. Thậm chí cậu còn cảm thấy cổ họng mình tanh nồng nhè nhẹ. 

Chính Quốc hơi nhờn nhợn, nhưng từ nhỏ cậu vẫn luôn được dạy ăn uống không được bỏ mứa, nên ớn cỡ nào cũng phải nuốt cho trôi, cho sạch. Mười tám năm trên đời, đây là lần đầu tiên cậu cảm thấy chật vật với thức ăn như vậy.

Cậu nôn tại đây có được không nhỉ?

Nay ít khách, khi Chính Quốc ăn xong thì quán cũng chẳng còn ai. Gọi vọng vào trong bảo tính tiền, nhưng gọi năm bảy lần vẫn không ai đáp, cậu mới đứng dậy bước vào quầy bếp tìm cô chủ quán. Kêu thêm vài tiếng vẫn không thưa, cậu tính sẽ đặt tiền ở đó rồi về. Nhưng khi nhìn vào trong gian nhà, cậu thấy cô chủ quán đang quỳ dưới đất chắp tay vái lạy một thứ gì đó, nhìn tới nhìn lui một hồi vẫn không thấy rõ thứ nàng vái lạy là thứ gì. Chỉ thấy vật đó được phủ một lớp vải tơ màu đen tuyền.

Chính Quốc đứng nhìn vào trong một lát thì thấy cô chủ quán đứng dậy bước ra. Thoạt đầu nhìn thấy cậu, ánh mắt nàng có hơi sửng sốt, nhưng sau đó cũng trở nên bình tĩnh, nhẹ nhàng bước ra quầy tính tiền. Trong lúc nhận tiền của cậu, nàng hỏi.

"Cậu từ nơi khác đến đây sao?"

"Tôi ở làng Nhật Hạ, vừa đến khi chiều."

"À, thì ra là cậu xây xưởng chà lúa. May rằng cậu không phải người ở đây, nếu không sẽ chẳng có gì cứu cậu khỏi những sự trừng phạt của thần về tội vô lễ của cậu đâu."

Chính Quốc ngỡ ngàng, cậu không nghĩ nhìn một người phụ nữ đang vái lạy là vô lễ. Huống chi cậu chỉ vô tình trông thấy.

Nhưng dù gì thế nào đi chăng nữa, cậu vẫn là người sai. Chỉ hy vọng chuyện này sẽ không gây ảnh hưởng gì đến những tháng ngày sau này.

"Xin thứ lỗi, tôi chỉ muốn tính tiền, không ngờ lại phạm điều kỵ."

Chính Quốc ghét sự yên ắng, vì cậu vốn dĩ sống trong một ngôi làng luôn náo nhiệt rôm rả. Cho nên cậu cảm thấy nên mau chóng tránh xa cô chủ quán này. Người làng Cò Gáy chẳng bao giờ mỉm cười, luôn cho đối phương một cảm giác buồn chán, đó là tất cả những gì cậu quan sát được từ khi đến đây.

"Có thể cậu không biết, nhưng ở đây, nhìn vào tín vật thờ cúng của người khác là một đại kỵ."

Như để cân nhắc điều gì đó, mà mét mặt nàng tự nãy giờ vẫn không hề thay đổi, nín thinh một hồi mới rằng. 

"Hơn nữa, về việc xây xưởng chà lúa. Các người không am hiểu người ở đây, chuyện sẽ không thành. Làm ơn về đi."

Hơi khó chịu vì lời của cô chủ quán, Chính Quốc chỉ để lại cái gật đầu tạm biệt rồi bỏ đi. Không thành là không thành như nào? Mà như nào mới thành? Cậu tự hỏi, xây có cái xưởng, sẵn tiện truyền kinh nghiệm cho dân làng họ tăng năng suất lúa gạo, bớt nghèo, thế thôi chứ có cướp của cướp làng đâu mà không thành.

Suốt dọc đường về, Chính Quốc cứ để tâm trí chìm mãi trong nghĩ suy. Dân ở đây dường như tôn thờ một điều gì đó rất kì bí, mọi thứ đều khác lạ. Ngoại trừ bác chủ trọ ra thì ai cũng rất khó tiếp chuyện, lầm lầm lì lì. Rồi sực nhớ lại hình ảnh cô chủ quán lạy vật trùm vải đen khi nãy, cậu thoáng rùng mình. Vật đó có kích cỡ tựa một con mèo nhỏ, tư thế lại giống một con người đang ngồi, một pho tượng chăng? 

Vật đó như tỏa ra một nguồn năng lượng lạ thường, khiến cậu khi nãy cảm thấy bí bách không thôi. Tiếng quạ sau lưng kêu lên thảm thiết, cậu cảm thấy sau gáy mình lạnh ngắt, mồ hôi túa ra không để cơ thể cậu yên một phút giây nào. Cậu bước đi trên con đường vắng lặng, nhưng sao cậu thấy vạn vật như đang gương mắt nhìn mình.

Về đến trọ, cậu cảm thấy bụng của mình nhói lên từng cơn âm ỉ. Cảm giác buồn nôn ập đến khiến cậu chạy ra gốc cây sau căn trọ ói hết tất cả bún chả vừa ăn khi nãy. Vuốt nhẹ ngực để xua đi cảm giác rùng rợn trong người, trong đầu cậu chợt lóe một suy nghĩ khá buồn cười, nôn đây chẳng biết có phải điều cấm kỵ hay không? Nếu phải thì cậu sẽ bị trừng phạt như nào nhỉ? 

Chặt xác ném xuống sông?

Hay bị đem làm vật tế sống?

Bác chủ trọ trông thấy cậu vật vã dưới gốc cây thì kêu cậu vào nhà. Bảo cậu ngồi trên cái phản gỗ và cởi áo trên ra, bác xoa dầu gió lên lưng cậu, rồi đi xuống nhà lấy miếng mẻ chai. Trông cái mẻ kia nhỏ cỡ ngón út, đầu nhọn hoắc như mũi dao. Mặt mày tái nhợt vì cơn đau từ nãy giờ vẫn không dứt, Chính Quốc nhíu chặt mày, yếu ớt nhìn theo nhất cử nhất động của bác. Cậu thấy bác hơ miếng mẻ chai qua lửa. Ở làng cậu chỉ có thầy lang mới sành sỏi trong việc này, từ nhỏ cậu cũng quen với tay nghề thầy, nên lần này cảm thấy khá lo lắng.

"Chắc món ở đây cậu ăn không quen. Để tôi lễ hơi cho cậu. Coi bộ hơi đau nhưng một lát là khỏi liền à."

Nói rồi, bác lấy miếng mẻ chai móc nhẹ vào sống lưng và bụng cậu, những giọt máu li ti ứa ra. Chắc hẳn bác có kinh nghiệm nhiều trong việc này nên cậu không hề cảm thấy đau cho lắm, thậm chí cậu còn cảm thấy bác khéo hơn cả thầy lang làng cậu. Thấy bụng chỉ còn hơi râm ran, không còn quặn thắt như khi nãy. Cậu cất lời.

"Thức ăn ở đây hơi lạ, bác nhỉ?"

"Phương xa tới đây ai cũng như cậu. Tôi toàn bảo người nhà gửi thức ăn đến đây."

Nhẹ nhàng xoa cái bụng sình hơi nhằm giảm bớt cơn đau. Cậu lại hỏi tiếp.

"Bác không phải người ở đây sao?"

"Ừ. Tôi từ nơi khác đến."

Bác bắt đầu thu dọn mớ bừa bộn trên giường. Vừa bỏ tất cả các mẻ chai vao một cái chai, vừa nói.

"Khi xưa tôi ở làng An Lăng. Sáu năm trước tôi đến đây làm ăn, nhưng tới bây giờ đồ ăn vẫn không hợp miệng. Cứ tới tháng là vợ con bên đó gửi đồ sang. Đến dịp tết thì về thăm nhà."

Chính Quốc gật gù, nhưng vẫn hơi thắc mắc tại sao bác chủ trọ lại đến đây làm ăn, dân ở đây cũng không giàu sang là mấy. Làng này cũng chẳng ai lui đến mà mở trọ, may sao một năm được dăm ba dịp khách phương xa đến. Mở trọ rồi lấy gì mà ăn. Thêm một chuyện nữa, cậu thấy người chủ trọ này rất quen mắt, dường như đã từng gặp ở đâu đó rồi, nhưng cố gắng đến mấy vẫn không nhớ ra.

Thật ra là khi đến đây, Chính Quốc cứ tưởng rằng sẽ không có nơi để ở tạm. Nhưng may sao phú ông nghe bảo rằng có một con trọ ở cuối làng. Đến tận bây giờ cậu vẫn tự hỏi tại sao cái làng Cò Gáy vắng vẻ này có mấy ai lui tới mà lại mở trọ. 

"Bác, dinh đầu làng sao chớ ai trang hoàng, nhìn cứ như bỏ hoang thế?"

Bác chủ trọ thoáng dừng tay, như để chậm rãi tiếp thu câu nói của cậu, rồi trả lời.

"Làng này không thờ Phật như người bên kia sông, dân đây thờ Thần Trẻ, mấy người nơi khác gọi thứ đó là búp bê vải. Còn cái dinh đầu làng, nó bị bỏ hoang hơn sáu bảy năm nay rồi."

Cái tên Thần trẻ thật xa lạ, dường như từ khi sinh ra đến giờ cậu chưa từng nghe ai nhắc qua về thần này. Thần Trẻ, nghe cứ như một thiên thần, lại còn là búp bê vải, tự dưng cậu cảm thấy làng này cũng quá đỗi đáng yêu. 

 Nhưng qua ngữ điệu của bác chủ trọ và thái độ kính cẩn của bác chủ trọ khi nãy, Chính Quốc không dám vội kết luận, bèn hỏi thêm.

"Thần Trẻ, con chưa nghe bao giờ. Người ta thờ Thần Trẻ như nào thế bác?"

"Thờ Thần Trẻ ban ngày không nên mở cửa nhà, ánh sáng rọi vào nhà sẽ làm giảm khí tốt, đó là bất kính với Thần. Với cả mỗi tháng hễ đến mùng bảy, mỗi nhà sẽ mang lễ vật đặt quanh cái giếng cuối làng cúng tế, sẽ qua được tai vạ. Đến ngày mười hai thì người ta sẽ ra lại cái giếng đó nhận lộc Thần ban. Ai cúng tế nhiều thì nhận nhiều, cúng tế ít thì nhận ít."

"Khi nãy con có thấy cô chủ quán bún chả bên lề hình như là đang quỳ lạy thứ gì đó được phủ lớp vải đen. Thứ đó là Thần Trẻ sao?"

"Ừ. Là ngài. Nhưng tôi nghĩ người không thờ thần như cậu không nên rõ."

Bác chủ trọ xoa dầu gió lần cuối lên những vết lễ của cậu, máu đỏ tụ lại từng đốt nhìn như côn trùng cắn, nhưng bụng đã không còn quằn quại như khi nãy. Cúi đầu chào bác, rồi Chính Quốc quay đầu trở về phòng mình, lòng nôn nao điều gì đó khó tả. 

Cậu cảm thấy những người tôn thờ Thần Trẻ kia thật dị hợm, nghe giống như nuôi ma trong nhà vậy. Nghe hệt như mấy câu chuyện chơi bùa ngải lâu lâu lại được lan truyền từ đầu làng đến cuối xóm nơi cậu ở.

Ngang qua căn phòng đã được hai người khác thuê, sự tò mò lại dấy lên trong lòng cậu, nghe bảo cũng là người làng Nhật Hạ, nhưng hai người đó từ chiều đến giờ vẫn ở lì trong phòng chưa thấy xuất hiện. 

Thoáng khựng lại vài giây trước cửa phòng mình, cậu nhìn cánh cửa khép chặt của phòng trọ bên cạnh. Chính Quốc tự đấu tranh tâm lý, có nên gõ cửa phòng chào hỏi một tiếng hay không? Dầu gì cũng là người cùng làng, là người quen cả. Nhưng, nhỡ hai người đó đang làm chuyện đại sự trong đó, gõ cửa chào hỏi thì phiền người ta chết. 

Thế là Chính Quốc quyết định để khi khác hẳn chào hỏi, cậu bước vào phòng trọ của mình, lấy bút giấy vẽ vời trăng đêm.

***

Bên làng Nhật Hạ, trăng non lơ lửng trên màn trời dịu êm. Ánh sao thắp sáng nửa vùng trời, gió thổi dạt dào mây trắng bay bay. Dưới túp lều tranh lỏng lẽo đơn sơ, Chí Mẫn ngồi trước hiên nhà, bó gối cất hát dưới đêm thanh. Đem trọn chân tình trân quý đúc thành khúc ca gửi người nơi xa lạ.

Hôm nay em yếu lòng, em ước chi thời gian thôi quay cuồng, để được nhìn thấy cậu kề cạnh. Nơi phương xa kia, đêm nay phải chăng rất lạnh? Hay hiu quạnh bão bùng gió sương? Nhớ nhớ thương thương, nối gót vầng trăng về trên lối vắng. Kéo theo nỗi nhớ ai lấp đầy khoảng trống nơi đáy tình em. Dáng hình người nơi xa, gói lại ở đây lại thương hơn tất cả.

Anh hai Doãn Kỳ từ ngõ sau bước vào nhà, mang theo hai trái táo đỏ thật to áp lên đôi má phúng phính của em. Với người đời, Doãn Kỳ sẽ luôn thờ ơ, nước sông không phạm nước giếng, đối xử với họ một cách điềm nhiên gọn lẹ hết mức có thể. Nhưng với Chí Mẫn, anh lại dùng tất cả dịu dàng của mình mà nâng niu. Những tưởng gương mặt lạnh tanh của anh sẽ lập tức cười thật tươi mỗi khi nhắc đến người em trai nhỏ bé.

"Chí Mẫn biết không nhở? Hai má của em sẽ đỏ rực hệt như trái táo này mỗi khi nhớ đến Chính Quốc."

Bị nói trúng tim đen, Chí Mẫn rít cả lên, tay chân luống cuống huơ trên không trung, rồi lại ngại ngùng đấm một phát 'nhẹ' vào bụng Doãn Kỳ trách mắng. 

"Anh Hai! Anh nói gì lạ đời."

Doãn Kỳ cười, tưởng như  tất cả sự mệt mỏi giờ đây tiêu tan. Tìm một tư thế ngồi thoải mái bên cạnh Chí Mẫn, anh dúi một quả táo mọng ngọt vào tay em, ngáp một hơi thật dài rồi nói.

"Táo này, ăn đi."

"Táo ở đâu thế?"

"Anh mới hái."

"Mà hái ở đâu?"

"Cứ ăn đi."

Không một tiếng trả lời, anh lại bồi thêm một câu.

"Xém bị chó dí."

Vậy là Chí Mẫn yên tâm rồi. Cậu chỉ sợ anh hai cậu mót ở đâu mang về thôi. Có lần anh mang một nải chuối về nhà, dụ cậu ăn hết rồi mới bảo rằng vừa cuỗm ngay trên mồ mã nhà người ta. 

Chí Mẫn không tiền tài không của cải, chỉ có một ông anh hai đến đồ cúng cũng chôm về.

Hai anh em ngồi dưới hiên nhà, vừa ăn táo hàn huyên tâm sự. Thông thường, Doãn Kỳ sẽ kể về những sự cố hài hước khó đỡ khi làm việc ở ngoài đồng tràm, và Chí Mẫn sẽ kể về những cái 'lý' hết sức vô lý của bà Hai đối với tôi tớ trong nhà, đặc biệt là đối với em.

Nói đi cũng phải nói lại, kể từ ngày cha con phú ông đi xa, bà Hai được nước làm nư. Nếu nói bả vô lý thứ hai, thì không ai dám nhận thứ nhất. Đặt biệt là làm khó Chí Mẫn và bà Cả. Nhưng Chí Mẫn bả còn dám xách roi đánh em, còn bà Cả cho tiền bả cũng không dám. Cùng lắm là nói xéo nói tróc nghéo ít câu chọc tức bà Cả.

Mà bà Hai mỗi lần chọc tức bà Cả thì ngược lại mụ ta là người phát điên. Bởi bà Cả giỏi nhịn nhục, toàn lờ đi để bà Hai làm gì làm. Chỉ tréo ngoe cái những lần như thế Chí Mẫn lại là người bị ăn hành.  

Tự dưng mới bốn giờ sáng dựng đầu em dậy bắt em cho heo ăn. Mà giờ đó heo nào chịu ăn, nó vẫn còn đang ngủ phè thây ra đấy thôi.

Còn nữa, bả bắt em giặc đồ không được dùng thau, làm sao làm, dính đất là ói ra tiền đền cho bả. 

Rồi còn bắt em nhổ lông gà nhưng không được để lại lỗ, bắt nấu cơm không được dùng lửa.

 Quá đáng hơn, bà bắt em cắt thịt không được dùng dao. 

Bả lấy tất cả sự vô lý trên trần đời này dồn lên người em. Ai thấy cũng tức khùng cả người lên, nhưng đâu dám làm gì. Có phú ông thì còn đỡ, chứ bà Cả cả ngày ngồi một cục xem phim mấy anh Tây, biết trời đất thế nào đâu mà nói giúp Chí Mẫn.

***

Ngày thứ hai tại làng Cò Gáy, Chính Quốc bận cả ngày để chạy việc sổ sách với cả việc mướn thợ. Đến chiều mới có thời gian nghĩ ngơi. Cậu dùng chút ít thời gian rảnh của buổi chiều để đi dạo quanh làng, vốn dĩ chiều hôm nào cũng ra đồng tràm bên Nhật Hạ hóng gió đâm ra quen, không đi tới lui một ngày là bí bách ngột ngạt trong người. Vậy nên hôm nay, cậu mang giấy ra đồng bên Cò Gáy vẽ vời.

Trời đã lờ mờ tối, sắc cam chàm dần hiện rõ trên trời hoàng hôn, Chính Quốc ngồi giữa con đường đất bồi chia cách hai mảng cánh đồng. Hướng mặt về trời Tây, nơi có hòn lửa đỏ lấp ló sau hàng cây, thấp thoáng cả những cánh cò bay ngược bay xuôi trở về tổ ấm.

Đặt nét bút lên mảnh giấy trắng tinh, Chính Quốc cười nhẹ. Từ thuở bé, cậu đã học được cách để khắc ghi những thứ đẹp đẽ trên thế gian này. Đó chính là tự tay họa nên khung cảnh ấy, dùng tất cả nhiệt thành của con tim đặt vào từng đường nét trên tranh.

Cậu từng họa những cánh hoa, họa những ngày mưa nắng, cả những thời khắc giao mùa tuyệt đẹp. Cậu cũng đã từng họa những hoài niệm vào trang giấy trắng, họa những giọt sầu mặn đắng của sự chia ly. Tất cả đều được lưu giữ. Nhưng bức tranh đẹp nhất của cậu, luôn là một Phác Chí Mẫn dịu dàng cười dưới ánh hoàng hôn.

Gọi Điền Chính Quốc là họa sĩ của Phác Chí Mẫn, là họa sĩ của dòng đời êm trôi. Mọi nét bút cậu đi qua đều mang trọn tiếng yêu muốn trao gửi đến một chàng trai nhỏ bé có nụ cười đẹp tựa thiên thần. 

Người ta bảo, bức tranh đẹp nhất không phải thiên nhiên cây cỏ, cũng chẳng phải là dòng đời vội qua, mà là một cái tình được họa bằng cả trái tim giữa đất trời bao la rộng lớn.

Hôm nay vắng bóng em rồi. Anh cảm thấy cả lòng mình đổ từng hạt mưa nặng trĩu. Em ơi, anh lại nhớ em rồi.

***

Kể từ lúc cha con phú ông sang đây đến nay cũng thấp thoáng chục ngày. Tình hình xưởng chà lúa hơi bất ổn, thêm cả chuyện sức khỏe cậu ba Điền Chính Quốc không ổn định, nên phú ông bèn bảo cậu về nhà vài ngày, khi đi thì điều thêm người sang đây. Do đó nên tiến độ xây xưởng rề rà, dự tính sẽ kéo dài tận một tháng hơn.

Mấy nay, Chính Quốc cứ ăn vào là đau bụng, nôn ói. Thức ăn ở nơi đây không món nào hợp với cậu, đến cả cháo cậu cũng nuốt không vô. Chưa đến chục ngày mà cậu tiều tụy, xanh xao thấy rõ. Làng này cũng không có thầy lang sắc thuốc, nên không chẩn đoán ra bệnh gì. Phú ông đốc thúc cậu về làng tìm thầy chạy chữa, lỡ ủ bệnh trong người lâu ngày sinh nguy.

Nghe tin Chính Quốc sắp về, Chí Mẫn từ sáng sớm đã đứng ở bến đợi chờ cậu. Dòng sông yên ắng ẩn hiện bóng con đò dạt trôi. Từng chút, từng chút một, người em thương sắp về. 

Người ấy vẫn hiên ngang như núi lớn, cao ngạo như biển rộng, và hơn hết, vẫn dịu dàng như ánh nắng sớm ban mai. 

Người ấy vẫy tay chào em, là xin chào chứ chẳng phải tạm biệt. Xa nhau có bao lâu mà nhớ nhung đến thổn thức. Không gặp mặt chục ngày mà cứ ngỡ li biệt trăm năm. 

Phải chăng, chẳng gì có thể đo được tâm tình của đôi lứa thương nhau, cũng chẳng gì đếm được tiếng lòng đôi trái tim hằng khắc khoải.

Con đò cập bến đậu. Mang tình yêu nơi anh về bên em.

Chính Quốc cười, mắt nhìn em chẳng rời. Ôi là trời, sao cậu lại có thể xuống sắc thế này?

Chính Quốc tiều tụy, Chính Quốc xanh xao, chẳng còn bảnh bao anh tuấn. Trông cậu còn gầy gò hơn khi vừa ốm dậy. 

Bước đến bên em, điều đầu tiên cậu làm là xoa nhẹ mái tóc mây. Bầu trời trong em đã trong xanh trở lại, gió lốc mây đen của ngày đông chợt tan biến đi, chỉ bởi cái mỉm cười.

"Mẫn ở nhà có nhớ anh không?"

Nhớ?

Hay không?

Mà nhớ thì sao?

Không nhớ thì thế nào?

Câu trả lời nghẹn lại ở lồng ngực trái, chẳng cách nào nói thành lời, chỉ bởi sức nặng của gánh tương tư em ngày đêm thêu dệt.

"Mẫn không nhớ anh sao?"

"Ừm....chắc có"

Chỉ nghe thế thôi, Chính Quốc đã chẳng thể nào ngăn trái tim mình loạn nhịp. Cái giọng nói trong trẻo như suối trong, cả cái vẻ mặt thẹn thùng rũ hàng mi cong vút, cậu nhớ, cậu thương đến chết đi sống lại.

"Chí Mẫn ăn gì chưa? Kiếm gì lót bụng nghen em?"

"Ăn hủ tiếu đi, anh em hai Trân mới mở quán hủ tiếu đầu ngõ bà Năm. Ngon nhứt cái nách."

"Mở quán hả, gì kinh thế?"

______

Tìm người beta không ra á mấy thím. Nên nhỡ có chỗ sai chính tả hay đọc cấn cấn thì báo tui nha. 

Đọc 10 lần hết 9 lần sửa. Thíu nữ hỏn lọn thíu nữ muốn khókkk

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro