kt tien luong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 3: KẾ TOÁN TIỀN LƯƠNG VÀ CÁC KHOẢN TRÍCH THEO LƯƠNG

3.1 Kế toán tiền lương

3.1.1 Thành phần quỹ lương và các hình thức trả lương

3.1.1.1. Lao động, tiền lương và ý nghĩa của việc quản lý lao động, tiền lương

Trong bất cứ loại doanh nghiệp nào cũng cần sử dụng một lực lượng lao động nhất định, tùy thuộc theo qui mô, yêu cầu sản xuất cụ thể. Lao động là một trong ba yếu tố cơ bản của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và là yếu tố mang tính quyết định nhất. Chi phí về lao động là một trong các yếu tố chi phí cơ bản cấu thành nên giá trị sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra. Sử dụng hợp lý lao động cũng chính là tiết kiệm chi phí về lao động sống, góp phần hạ thấp giá thành sản phảm, tăng doanh lợi cho doanh nghiệp và là điều kiện để cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên, cho người lao động trong doanh nghiệp.

Tiền lương hay tiền công là phần thù lao lao động để tái sản xuất sức lao động, bù đắp hao phí lao động của công nhân viên đẫ bỏ ra trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tiền lương (tiền công) gắn liền với thời gian và kết quả lao động mà người công nhân đã tham gia, thực hiện trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài tiền lương (tiền công) để đảm bảo tái sản xuất sức lao động và cuộc sống lâu dài, bảo vệ sức khoẻ và đời sống tinh thần của người lao động, theo chế độ tài chính hiện hành của doanh nghiệp còn phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh một bộ phận chi phí gồm các khoản trích bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), và kinh phí công đoàn (KPCĐ). Bảo hiểm xã hội được trích lập để tài trợ cho trường hợp CNV tạm thời hay vĩnh viễn mất sức lao động như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mất sức, nghỉ hưu... Bảo hiểm y tế để tài trợ cho việc phòng, chữa và chăm sóc sức khỏe bệnh của người lao động. Kinh phí công đoàn để phục vụ chi tiêu cho hoạt động của tổ chức của giới lao động nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Các loại bảo hiểm và kinh phí này được hình thành theo cơ chế tài chính nhất định.

Cùng với tiền lương các khoản kinh phí nói trên hợp thành khỏan chi phí về lao động sống trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Việc tính toán xác định chi phí lao động sống phải trên cơ sở quản lý và theo dõi quá trình huy động sử dụng lao động trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tính đúng thù lao lao động và thanh toán đầy đủ kịp thời tiền lương và các khoản liên quan cho người lao động, một mặt khích lệ người lao động quan tâm đến thời gian, kết quả và chất lượng lao động, mặt khác góp phần tính đúng và tính đủ chi phí và giá thành sản phẩm hay chi phí của lao động.

Để tạo điều kiện cho quản lý, huy động và sử dụng hợp lý lao động trong doanh nghiệp, cần thiết phải phân loại CNV của doanh nghiệp. Lực lượng lao động tại doanh nghiệp bao gồm CNV trong danh sách của doanh nghiệp, do doanh nghiệp trực tiếp quản lý và chi trả lương, và CNV làm việc tại doanh nghiệp nhưng do các ngành khác quản lý và chi trả lương (như cán bộ chuyên trách công tác đoàn thể, học sinh thực tập...) Lực lượng CNV trong danh sách thường được chia làm 2 loại chính theo tính chất công tác của họ là : CNV sản xuất kinh doanh cơ bản và CNV thuộc các loại hoạt động khác.

Công nhân viên sản xuất kinh doanh cơ bản bao gồm toàn bộ số lao động trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh chính ở doanh nghiệp, gồm: công nhân sản xuất, học nghề, nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý kinh tế, nhân viên quản lý hành chính.

Công nhân viên thuộc các loại hoạt động khác bao gồm số lao động hoạt động trong các lĩnh vực hay công việc khác của doanh nghiệp như trong dịch vụ, căng tin, nhà ăn...

Trong từng loại lao động có thể cần thiết phân biệt cụ thể hơn làm cơ sở huy động sử dụng tay nghề, kỹ năng hợp lý và tính toán đúng thù lao lao động.

Huy động sử dụng lao động hợp lý, phát huy được đầy đủ trình độ chuyên môn tay nghề của người lao động là một trong các vấn đề cơ bản thường xuyên cần được quan tâm thích đáng, không những ở phạm vi doanh nghiệp mà còn ở phạm vi toàn ngành kinh tế.

3.1.1.2. Nhiệm vụ kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương

Tiền lương và các khoản liên quan tới người lao động không chỉ là vấn đề quan tâm riêng của CNV mà còn là vấn đề doanh nghiệp đặc biệt chú ý, vì liên quan tới chi phí hoạt động của doanh nghiệp nói chung và giá thành sản phẩm của doanh nghiệp nói riêng. Kế toán lao động tiền lương và bảo hiểm ở doanh nghiệp phải thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau đây:

- Phản ánh đầy đủ, chính xác thời gian và kết quả lao động của CNV: tính đúng và thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền lương và các khoản liên quan khác cho CNV. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng, chi tiêu quỹ lương.

- Tính toán phân bổ hợp lý, chính xác chi phí tiền lương (tiền công) và các khoản trích BHXH, BHYT, KPCĐ cho các đối tượng sử dụng liên quan .

- Định kỳ tiến hành phân tích tình hình lao động, tình hình quản lý và chi tiêu quỹ lương. Cung cấp các thông tin kinh tế cần thiết cho bộ phận liên quan.

3.1.1.3. Thành phần quỹ tiền lương

Quỹ tiền lương của doanh nghiệp là toàn bộ số tiền lương tính trả cho tất cả các loại lao động thuộc doanh nghiệp quản lý, sử dụng không phân biệt tiền lương đó do nguồn nào đài thọ.

Quỹ tiền lương của doanh nghiệp bao gồm các khoản :

· Tiền lương tính theo thời gian, tiền lương tính theo sản phẩm và lương khoán

· Tiền lương trả cho người lao động tạo ra sản phẩm hỏng trong định mức quy định

· Tiền lương trả cho người lao động trong thời gian ngưng sản xuất do nguyên nhân khách quan, trong thời gian được điều động công tác làm nghiã vụ do chế độ quy định thời gian ghỉ phép, thời gian đi học...

· Các loại phụ cấp làm đêm, thêm giờ...

· Các khoản tiền thưởng có tính chất thường xuyên.

· Ngoài ra, trong quỹ tiền lương còn được tính cả tiền chi trợ cấp BHXH cho CNV trong thời gian đau ốm, thai sản, tai nạn lao động...

Về phương diện hạch toán, tiền lương trả cho CNV được chia thành 2 loại:

Tiền lương chính là tiền lương trả cho CNV trong thời gian làm việc thực tế, nghĩa là thời gian thực sự tiêu hao lao động, bao gồm lương trả theo cấp bặc và các khoản phụ cấp kèm theo (phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp khu vực, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ...)

Tiền lương phụ là tiền lương trả cho CNV trong thời gian CNV nghỉ được hưởng lương theo chế độ (nghỉ phép, nghỉ lễ, đi họp, đi học, nghỉ vì ngừng sản xuất...). Ngoài ra tiền lương trả công nhân sản xuất sản phẩm hỏng trong phạm vi chế độ quy định cũng được xếp vào lương phụ.

Việc phân chia tiền lương thành lương chính, lương phụ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác kế toán và phân tích tiền lương trong giá thành sản phẩm. Tiền lương chính của công nhân sản xuất gắn liền với quá trình làm ra sản phẩm và được hạch toán trực tiếp vào chi phí sản xuất theo từng loại sản phẩm. Tiền lương phụ của công nhân sản xuất không gắn liền với từng loại sản phẩm, nên được hạch toán gián tiếp vào chi phí sản xuất từng loại sản phẩm theo một tiêu chuẩn phân bổ nhất định.

Quản lý chi tiêu sử dụng quỹ tiền lương phải trong mối quan hệ với việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, nhằm vừa chi tiêu tiết kiềm tra hợp lý quỹ tiền lương vừa đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của doanh nghiệp .

3.1.1.4. Các hình thức trả lương

Hình thức trả lương theo thời gian:

Đây là hình thức trả lương căn cứ vào thời gian làm việc thực tế của người lao động và thang bậc lương của từng người.

Hình thức trả lương theo thời gian đơn giản:

- Lương tháng: Là lương trả cho người lao động theo thang bậc lương. Mức lương mà người lao động được lĩnh tính theo thời gian là tháng không phân biệt số ngày làm việc trong tháng.

Tiền lương thực tế được lĩnh trong tháng

=

Tiền lương theo thang bậc

+

Các khoản phụ cấp có tính chất lương

- Lương ngày: Là tiền lương trả cho người lao động theo mức lương ngày và số ngày làm việc thực tế trong tháng.

Mức lương bình quân một ngày

=

Mức lương tháng theo thang bậc lương (kể cả các khoản phụ cấp)

:

Số ngày làm việc bình quân trong tháng

Tiền lương được lĩnh trong tháng

=

Số ngày làm việc thực tế trong tháng

x

Mức lương bình quân một ngày

- Lương giờ: Căn cứ vào mức lương ngày và số giờ làm việc trong ngày. Lương giờ thường dùng để tính lương trả thuê cho người lao động do làm thêm ca thêm giờ.

- Lương công nhật: Là tiền lương trả cho người lao động làm những công việc tạm chưa xắp xếp được vào các thang bậc lương.

Hình thức trả lương theo thời gian có thưởng: Là hình thức trả lương theo thời gian đơn giản kết hợp thêm tiền thưởng (vì đã đảm bảo ngày công, giờ công...)

Hình thức trả lương theo thời gian luỹ tiến:

Thí dụ: Pháp quy định công nhân 1 tháng đi làm 169 giờ,1 tuần đi làm 39 giờ 1 năm tính số tuần làm việc là 52 tuần bao gồm cả những tuần nghỉ phép.

Số giờ phảI làm một tháng

=

52 tuần ´ 39 giờ

= 169 giờ

12 tháng

Nếu làm vượt giờ (ngoài 39 giờ) thì từ giờ 40 -> 47 được cộng thêm 25% so với tiền lương 1 giờ bình thường.

Nếu từ giờ 47 trở lên được cộng thêm 50% so với tiền lương 1 giờ bình thường. Nhưng 1 tuần không được vượt quá 48h.

Công nhân P trong tuần làm việc 48h. Đơn giá tiền lương ở doanh nghiệp là 100 F/h.

39 h ´ 100 F = 3.900 F

8 h ´ 125 F = 1.000 F

1 h ´ 150 F = 150 F

Lương phải trả trong tuần của công nhân P = 5.050 F

Hình thức trả lương theo thời gian chỉ buộc người lao động quan tâm đến số lượng lao động mà không cần quan tâm đến chất lượng và hiệu quả công việc. Chính vì vậy ở các doanh nghiệp thường chỉ áp dụng hình thức trả lương theo thời gian cho những loại công việc chưa xây dựng được mức lao động, chưa có đơn giá tiền lương sản phẩm (thí dụ công việc hành chính, tạp vụ...)

Hình thức trả lương theo thời gian phải tổ chức việc theo dõi ghi chép được đầy đủ thời gian làm việc của công nhân viên và phải có đơn giá tiền lương thời gian cụ thể.

Hình thức trả lương theo sản phẩm:

Đây là hình thức trả lương dựa theo kết quả lao động (theo khối lượng công việc hoàn thành đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đã đề ra) và đơn giá tiền lương tính cho một đơn vị sản phẩm hoặc khối lượng công việc. Đây là hình thức trả lương tiên tiến bởi nó gắn liền với khối lượng và chất lượng lao động, buộc người lao động phải quan tâm tới việc tăng năng suất lao động và hiệu quả công việc. Song để áp dụng được hhình thức lương này đòi hỏi phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở cho việc xây dựng đơn giá tiền lương.

Công thức tính như sau:

TIỀN LƯƠNG PHẢI TRẢ = KHỐI LƯỢNG (SỐ LƯỢNG) SẢN PHẨM HOÀN THÀNH ´ ĐƠN GIÁ TIỀN LƯƠNG

Tiền lương tính theo sản phẩm có thể thực hiện theo những cách sau:

- Tiền lương sản phẩm tính trực tiếp cho từng lao động sản xuất ra sản phẩm gọi là lương sản phẩm trực tiếp.

- Tiền lương sản phẩm tính gián tiếp cho các đối tượng quản lý và phục vụ sản xuất gọi là lương sản phẩm gián tiếp.

- Tiền lương sản phẩm tính trực tiếp cho tập thể người lao động gọi là lương sản phẩm tập thể.

- Tiền lương sản phẩm tính cho số lượng sản phẩm tăng dần gọi là tiền lương sản phẩm luỹ tiến

Thí dụ 1: Lương sản phẩm luỹ tiến:

Tại nhà máy Y có 3 công nhân tham gia sản xuất sản phẩm K. Trong tháng số lượng sản phẩm hoàn thành như sau:

Công nhân A trong tháng hoàn thành 100 sản phẩm K

Công nhân B trong tháng hoàn thành 150 sản phẩm K

Công nhân C trong tháng hoàn thành 180 sản phẩm K

Biết rằng định mức và đơn giá tiền lương ở nhà máy Y như sau:

Hoàn thành từ 1đến100 sản phẩm K đơn giá tiền lương 10.000 đ/1 sp

Hoàn thành trên 100 đến 120 sản phẩm K đơn giá tiền lương được cộng thêm 20 %

Hoàn thành trên 120 đến 160 sản phẩm K đơn giá tiền lương được cộng thêm 50 %

Hoàn thành từ 160 sản phẩm trở lên đơn giá tiền lương được cộng thêm 75%

Hãy tính lương phải trả cho A, B, C.

Giải:

Công nhân A: 100 sản phẩm x 10.000 đồng = 1.000.000 đồng.

Công nhân B : 100 sản phẩm x 10.000 đồng = 1.000.000 đồng.

20 sản phẩm x 12.000 đồng = 240.000 đồng.

30 sản phẩm x 15.000 đồng = 450.000 đồng.

Lương phải trả = 1.690.000 đồng

Công nhân C : 100 sản phẩm x 10.000 đồng = 1.000.000 đồng.

20 sản phẩm x 12.000 đồng = 240.000 đồng.

40 sản phẩm x 15.000 đồng = 600.000 đồng.

20 sản phẩm x 17.500 đồng = 350.000 đồng

Lương phải trả = 2.190.000 đồng

Thí dụ 2: Lương sản phẩm tập thể:

Một tổ gồm 3 công nhân, hoàn thành một công việc trong tháng lương trả cho cả tổ là 6.400.000 đồng. Hãy tính lương của từng người.

Tên công nhân

Số ngày công thực tế

Hệ số cấp bậc

Số ngày công quy theo bậc 1

A

10

1

10

B

8

1,25

10

C

8

1,5

12

Cộng

26

-

32

Tính đơn giá tiền lương cho một ngày công đã quy chuẩn theo bậc 1= 6.400.000 / 32 = 200.000 đồng

Tính lương phải trả cho từng công nhân:

Công nhân A: 10 công x 200.000 đồng = 2.000.000 đồng.

Công nhân B : 10 công x 200.000 đồng = 2.000.000 đồng.

Công nhân C : 12 công x 200.000 đồng = 2.400.000 đồng

Tổng cộng = 6.400.000 đồng

3.1.1.5. Trích trước tiền lương nghỉ phép, lương ngừng sản xuất theo mùa vụ

Tại các doanh nghiệp sản xuất mang tính thời vụ, hoặc công nhân nghỉ phép không đều trong năm, để tránh sự biến động của giá thành sản phẩm, kế toán thường áp dụng phương pháp trích tiền lương của công nhân trực tiếp sản xuất vào chi phí sản xuất.

Trích trước tiền lương nghỉ phép của công nhân trực tiếp sản xuất có thể áp dụng công thức tính như sau:

Mức trích trước tiền lương phép kế hoạch

=

Tiền lương chính thực tế phải trả công nhân trực tiếp trong tháng

x

Tỷ lệ trích trước

Trong đó

Tỷ lệ trích trước

=

Tổng số lương phép kế hoạch năm của công nhân trực tiếp sản xuất

x 100

Tổng số lương chính kế hoạch năm của công nhân trực tiếp sản xuất

3.1.2. Kế toán tiền lương và các khoản thanh toán với CBCNV

3.1.2. 1. Chứng từ thanh toán lương

Chứng từ để tính trả lương theo thời gian là “Bảng chấm công” - Mẫu số 01-LĐTL. Cơ sở chứng từ để tính trả lương sản phẩm là “Phiếu xác nhận sản phẩm hoặc công việc hoàn thành” - Mẫu số 06-LĐTL.

Ngoài ra kế toán còn sử dụng một số chứng từ sau:

· Phiếu báo làm thêm giờ - Mẫu số 07-LĐTL

· Hợp đồng giao khoán - Mẫu số 08-LĐTL

· Biên bản điều tra tai nạn lao động - Mẫu số 09-LĐTL

· Bảng phân bổ tiền lương - BHXH

3.1.2. 2. Hạch toán tổng hợp

3.1.2. 2.1. Tài khoản sử dụng:

Tài khoản 334 - Phải trả người lao động. Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả cho người lao động của doanh nghiệp về tiền lương, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của người lao động.

Kết cấu và nội dung phản ánh của TK334 – Phải trả người lao động

Bên Nợ:

- Các khoản tiền lương, tiền công, tiền thưởng có tổ chức lương, bảo hiểm xã hội và các khoản khác đã trả, đã chi, đã ứng trước cho người lao động;

- Các khoản khấu trừ vào tiền lương, tiền công của người lao động.

Bên Có:

Các khoản tiền lương, tiền công, tiền thưởng có tính chất lương, bảo hiểm xã hội và các khoản khác phải trả, phải chi cho người lao động.

Số dư bên Có:

Các khoản tiền lương, tiền công, tiền thưởng có tính chất lương và các khoản khác còn phải trả cho người lao động.

Tài khoản 334 có thể có số dư bên Nợ.

Số dư bên Nợ Tài khoản 334 (nếu có): Phản ánh số tiền đã trả lớn hơn số phải trả về tiền lương, tiền công, tiền thưởng và các khoản khác cho người lao động.

Tài khoản 334 phải hạch toán chi tiết theo 2 nội dung: Thanh toán lương và thanh toán các khoản khác.

Tài khoản 334 – Phải trả người lao động, có 2 tài khoản cấp 2

- Tài khoản 3341 – Phải trả công nhân viên: Phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả cho công nhân viên của doanh nghiệp về tiền lương, tiền thưởng có tính chất lương, bảo hiểm xã hội và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của công nhân viên.

- Tài khoản 3348 – Phải trả công nhân viên: Phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả cho người lao động khác ngoài công nhân viên của doanh nghiệp về tiền công, tiền thưởng và các khoản khác thuộc về thu nhập của người lao động.

3.1.2. 2.1. Trình tự kế toán

· Tính tiền lương, các khoản phụ cấp theo quy định phải trả cho người lao động, ghi:

Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang

Nợ TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp

Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (6231)

Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6271)

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (6411)

Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (6421)

Có TK 334 – Phải trả người lao động (3341, 3348)

· Khi xác định số tiền thưởng trả cho công nhân viên từ quỹ khen thưởng, ghi:

Nợ TK 431 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (4311)

Có TK 334 – Phải trả người lao động (3341)

· Khi xác định số tiền phúc lợi phải trả cho công nhân viên từ quỹ phúc lợi, ghi:

Nợ TK 431 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (4312)

Có TK 334 – Phải trả người lao động (3341)

· Tính tiền bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, tai nạn,) phải trả cho công nhân viên, ghi:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3383)

Có TK 334 – Phải trả người lao động (3341)

· Tính tiền lương nghỉ phép thực tế phải trả cho công nhân viên, ghi:

Nợ TK 623, 627, 641, 642

Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (Doanh nghiệp có trích trước tiền lương nghỉ phép)

Có TK 334 – Phải trả người lao động (3341)

Các khoản phải khấu trừ vào lương và thu nhập của công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp như tiền tạm ứng chưa chi hết, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tiền thu bồi thường về tài sản thiếu theo quyết định xử lý … ghi:

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (3341, 3348)

Có TK 141 – Tạm ứng

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác

Có TK 138 – Phải thu khác

· Tính tiền thuế thu nhập cá nhân của công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp phải nộp Nhà nước, ghi:

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (3341, 3348)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3335).

· Khi ứng trước hoặc thực trả tiền lương, tiền công, tiền thưởng, phúc lợi và các khoản phải trả cho công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (3341, 3348)

Có TK 111, 112,

· Trường hợp trả lương hoặc thưởng cho công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp bằng sản phẩm, hàng hoá:

- Đối với sản phẩm, hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng nộ bộ theo giá bán chưa có thuế GTGT, ghi:

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (3341, 3348)

Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (33311)

Có TK 512 – Doanh thu bán hàng nội bộ (Giá bán chưa có thuế GTGT)

- Đối với sản phẩm, hàng hoá không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng nội bộ theo giá thanh toán, ghi:

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (3341, 3348)

Có TK 512 – Doanh thu bán hàng nộ bộ (Giá thanh toán)

· Xác định và thanh toán tiền ăn ca phải trả cho công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 622, 623, 627, 641, 642

Có TK 334 – Phải trả người lao động (3341, 3348)

- Khi chi tiền ăn ca cho công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (3341, 3348)

Có TK 111, 112,…

3.2 Kế toán các khoản trích theo lương

3.2.1 Nội dung các khoản trích theo lương

Quỹ BHXH là 1 quỹ tiền tệ trích lập tập trung được trích lập bằng cách thêm vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh một số tiền theo tỷ lệ quy định với tổng số tiền lương phát sinh trong tháng và một phần sẽ trích từ thu nhập của người lao động để chi tiêu cho các mục đích: thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, tử tuất, hưu trí...

Theo cơ chế tài chính hiện hành, quỹ BHXH trích lập là 20% trên quỹ tiền lương cơ bản thực tế phải trả cho cán bộ công nhân viên. Trong đó: 15% doanh nghiệp cho người lao động và hạch toán vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh. 5%trừ vào tiền lương hoặc thu nhập của người lao động.

Nguồn quỹ BHXH do cơ quan chuyên trách quản lý và trực tiếp chi trả các trường hợp nghỉ hưu trí, tử tuất...và có thể phân cấp trực tiếp cho doanh nghiệp một phần chi trả cho CBCNV đương chức tại doanh nghiệp ốm đau thai sản tai nạn lao động...

Việc sử dụng chi tiêu quỹ BHXH dù ở cấp nào quản lý cũng phải thực hiện theo đúng chế độ quy định.

Quỹ BHYT là quỹ tiền tệ được trích lập bằng cách tính thêm vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh một số tiền theo tỷ lệ quy định với tiền lương cơ bản phải trả trong tháng cho CBNV và một phần trừ vào thu nhập của người lao động. Bảo hiểm y tế được nộp lên cho cơ quan chuyên môn chuyên trách (thường chủ yếu dưới hình thức mua BHYT). Quỹ BHYT được sử dụng để phục vụ việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ CNV, thanh toán các khoản chữa bệnh tiền thuốc, giường bệnh... Theo chế độ hiện hành BHYT được trích lập theo tỷ lệ quy định như sau: 2% tính vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh (phần doanh nghiệp trả cho người lao động), 1% trích trừ vào tiền lương hoặc thu nhập của người lao động.

Kinh phí công đoàn cũng được hình thành do việc trích lập và tính vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp hàng tháng theo tỷ lệ quy định tính trên tổng số tiền lương thực tế phải trả cho CNV trong kỳ. Số kinh phí công đoàn doanh nghiệp trích lập cũng được phân cấp quản lý và chi tiêu theo chế độ quy định: một phần nộp lên cơ quan quản lý công đoàn cấp trên và một phần để chi tiêu cho các hoạt động của công đoàn tại doanh nghiệp.

Theo chế độ hiện hành KPCĐ trích lập 2% vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp không trích trừ vào tiền lương hoặc thu nhập của người lao động. Trong đó: 1% nộp lên cho công đoàn cấp trên, 1% để lại chi tiêu ở công đoàn cơ sở.

Như vậy: Theo chế độ hiện hành hiện nay thì tổng các khoản trích theo lương là 25%. Trong đó 19% được trích lập vào chi phí của doanh nghiệp, 6% được trích lập trừ vào tiền lương hoặc thu nhập của người lao động.

3.2.2 Phương pháp kế toán các khoản trích theo lương

3.2.2. 1. Chứng từ ban đầu

Chứng từ để tính và trích BHXH, BHYT, KPCĐ bao gồm:

· Bảng phân bổ tiền lương - BHXH

· Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

· Phiếu nghỉ hưởng BHXH

3.2.2. 2. Hạch toán tổng hợp

3.2.2. 2.1. Tài khoản sử dụng:

Kế toán các khoản trích theo lương sử dụng Các TK: 338, 334, 622, 627, 641, 642, 111, 112, …

Kết cấu cụ thể của TK 338 (2,3,4) như sau:

Bên Nợ :

· BHXH trả thay lương cho CBCNV.

· BHXH, BHYT, KPCĐ nộp đơn vị cấp trên.

· KPCĐ chi tiêu tại đơn vị.

· Số BHXH, KPCĐ chi không hết nộp ngân sách hoặc nộp cấp trên.

Bên Có :

· Trích BHXH, BHYT, KPCĐ hạch toán vào CPSX, CPKD trong kỳ.

· Trích BHXH, BHYT trừ vào lương, thu nhập của người lao động trong kỳ.

· BHXH được ngân sách cấp bù.

Số dư bên Có :

· SDCK: Số BHXH, BHYT, KPCĐ đã trích lập nhưng chưa nộp, chưa sử dụng đến cuối kỳ.

3.2.2. 2.1. Trình tự kế toán:

a. Kế toán các khoản BHXH

Hàng tháng, căn cứ vào bảng phân bổ tiền lương - BHXH kế toán phản ánh số BHXH hạch toán vào chi phí (phần doanh nghiệp cho công nhân viên), kế toán ghi:

Nợ TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp

Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6271)

Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng (6411)

Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6421)

Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3383)

Phần BHXH khấu trừ vào tiền lương, tiền công, thu nhập của CNV (phần CNV đóng góp), kế toán ghi:

Nợ TK 334 - Phải trả công nhân viên

Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3383)

Khi nộp BHXH cho cơ quan bảo hiểm, kế toán ghi:

Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3383)

Có TK 111, 112

Trường hợp doanh nghiệp chi trả BHXH cho CB CNV ốm đau, thai sản... theo quy định. Khi tính số BHXH phải trả thay lương kế toán ghi:

Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3383)

Có TK 334 - Phải trả công nhân viên

Khi chi trả cho cán bộ công nhân viên kế toán ghi:

Nợ TK 334 - Phải trả công nhân viên

Có TK 111 - Tiền mặt

Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng

Cuối năm khi quyết toán quỹ BHXH với cơ quan bảo hiểm:

- Nếu số BHXH trực tiếp chi trả tại doanh nghiệp lớn hơn số BHXH mà doanh nghiệp được giữ lại thì sẽ được cơ quan bảo hiểm cấp thêm. Khi nhận kế toán ghi:

Nợ TK 111 - Tiền mặt

Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng

Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3383)

- Nếu số BHXH trực tiếp chi trả tại doanh nghiệp nhỏ hơn số BHXH mà doanh nghiệp giữ lại thì sẽ phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước. Khi nộp kế toán ghi:

Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3383)

Có TK 111 - Tiền mặt

Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng

b. Kế toán quỹ BHYT

Hàng tháng, căn cứ vào bảng phân bổ tiền lương và BHXH kế toán ghi:

- Phần BHYT hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp (phần doanh nghiệp trả cho CNV)

Nợ TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp

Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6271)

Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng (6411)

Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6421)

Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3384)

- Phần BHYT khấu trừ vào tiền lương, tiền công, thu nhập của CNV (phần CNV đóng góp) kế toán ghi:

Nợ TK 334 - Phải trả công nhân viên

Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3384)

· Nộp bảo hiểm y tế cho cơ quan quản lý quỹ và khi mua thẻ bảo hiểm y tế cho công nhân viên, ghi:

Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3384)

Có TK 111 - Tiền mặt

Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng

c. Kế toán khoản KPCĐ

Hàng tháng, căn cứ vào bảng phân bổ tiền lương và BHXH kế toán phản ánh khoản KPCĐ hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp, kế toán ghi:

Nợ TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp

Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6271)

Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng (6411)

Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6421)

Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382)

Khi nộp KPCĐ cho công đoàn cấp trên, kế toán ghi:

Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382)

Có TK 111 - Tiền mặt

Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng

Khi chi tiêu kinh phí công đoàn ở cơ sở, kế toán ghi:

Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382)

Có TK 111 - Tiền mặt

Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro