Ktra van1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Ngày Xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi." (Thơ Kiều-Nguyễn Du)

"Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi,

Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan." (Thi-thiên 90: 12)

Mùa Xuân luôn gắn liền với hình ảnh con chim én. Chim én báo hiệu mùa Xuân. Chim én cũng chính là hiện thân của mùa Xuân. Chúng ta thường nghe nói: "Cánh én dệt mùa Xuân," hay "Một con én không làm nổi mùa Xuân..."

Tác giả thơ Kiều muốn nói gì, khi ông viết: "Ngày Xuân con én đưa thoi?"

Thời gian và đời người

Hình ảnh "con én đưa thoi," gợi nhắc cho con người về sự qua đi nhanh chóng của thời gian: "Thì giờ thấm thoắt thoi đưa...." Dường như có một chút gì nuối tiếc về "ngày Xuân" của tác giả. Hình ảnh "con thoi" trong khung dệt vải ngày xưa, qua lại thoăn thoắt trong khung dệt, mang theo sau một sợi tơ, sợi chỉ... được dùng để miêu tả về thời gian qua mau. Một chút gì như nuối tiếc về ngày Xuân, tuổi Xuân chăng?

"Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi." Thiều quang chín chục: Có người đã giải thích câu này là "ánh nắng của tháng ba âm lịch" (chín mươi ngày là cuối tháng ba âm lịch, kể từ mồng Một Tết, ánh nắng đã sắp sang mùa hè).

"Đã ngoài sáu mươi:" Mới chỉ hơn hai tháng (sáu mươi ngày), tức là đang ở trong tháng Ba âm lịch, mà đã thấy " mùa Xuân như đã hết (?)" (mùa Xuân là ba tháng).

Một câu thơ tả thực, tả cảnh, nhưng lại hàm chứa suy nghiệm của tác giả về: ngày Xuân, thời gian và đời người.

Đọc hai câu thơ trên, người đọc như cảm thấy rằng: Ngày Xuân sao qua nhanh quá, đời người sao cũng qua nhanh quá. Tác giả dường như muốn nói: Đời người cùng lắm là "chín mươi," mà mình thì đã "ngoài sáu mươi rồi." Điều đó dường như là một "tâm sự ngày Xuân" của tác giả.

"Ngày Xuân:" Đó cũng là cách nói về tuổi thọ của con người. Thỉnh thoảng người ta thường hỏi nhau rằng: "Anh, chị, cô, bác... năm nay được mấy Xuân rồi?" Có nghĩa là năm nay... được bao nhiêu tuổi rồi.

Ngày Tết người Việt Nam thường hay đi chúc Tết, mừng thọ, hay còn gọi là "mừng tuổi ông bà," mừng tuổi những người già cả, lớn tuổi trong gia đình, họ hàng, gia tộc... "Mừng tuổi ông bà trong ngày Tết:" có nghĩa là mừng cho ông, bà năm nay đã thọ được chừng này tuổi. Mừng tuổi là mừng cho người thân của mình năm nay đã hưởng thêm (thọ) được một tuổi nữa. Bởi vì thực sự khi sống trên đời, không ai biết được... ngày mai!

Ngày Xuân rồi cũng sẽ hết, tuổi Xuân rồi cũng sẽ qua, đời người rồi cũng sẽ có lúc "không còn thấy Xuân, hưởng Xuân..." trên cõi trăm năm này nữa.

Môi-se, một học giả của người Do Thái, tài ba lỗi lạc bậc nhất xưa nay, đã có những dòng suy gẫm về thời gian và đời người. Ông viết rằng:

"Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi,

Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi,

Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm,

Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi." (Thi-thiên 90: 10)

Trước đó ông cũng đã viết rằng:

"...Các ngày chúng tôi đều qua đi,

Năm (tháng) chúng tôi tan mất như hơi thở." (Thi-thiên 90: 9)

Môi-se đã dùng những từ ngữ "bay mất đi" là những từ ngữ chỉ về sự bốc hơi của giọt sương, hay "hơi thở" để mô tả về sự "đến và đi của đời người." Đời người "đến và đi" không khác gì như một giọt sương ban mai trên cành lá: đến rồi lại đi. Như hơi thở ngắn ngủi của con người. Thánh Gia-cơ cũng đã viết rằng:

"Vì sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay." (Gia-cơ 4: 14)

Không những các vĩ nhân trong Kinh Thánh đã nói về sự ngắn ngủi, mong manh của đời người, mà các danh nhân người Việt Nam cũng đã từng bày tỏ suy nghĩ của mình, theo một cách giống như vậy.

Cao Bá Quát đã từng viết:

"Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười"

Dường như ông cảm thấy cuộc đời con người nó "phù du" vô nghĩa trong cái cõi "ba vạn sáu ngàn ngày" của một đời người. Rồi trong cái "bế tắt" của việc đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời, ông đã quay sang tìm vui trong chén rượu:

"Thôi công đâu mà chuốc lấy sự đời,

Tiêu khiển một vài chung lếu láo.

Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu,

Trầm tư bách kế, bác như nhàn."

Nhưng, liệu có phải rượu, sẽ đem lại cho con người ý nghĩa thật, trong đời sống không? Chắc chắn là không. Vì nếu có, thì xưa nay chắc đã có người đã viết sách, để chỉ ra cho nhân loại "con đường giải thoát," để người ta có thể tìm được hạnh phúc và ý nghĩa trong men rượu rồi. Nhà thơ Lý Bạch, đời Đường của Trung Quốc, đã viết:

"Uống rượu tiêu sầu, sầu thêm thắt.

Rút dao chặt nước, nước còn trôi."

Người ta thường dùng rượu để mua vui, nhưng rượu chỉ làm cho con người hưng phấn và sống trong ảo giác nhất thời, chứ rượu không cho con người hạnh phúc và ý nghĩa thật trong đời sống. Thường những người tìm rượu để giải sầu, khi tỉnh rượu rồi, tâm trạng lại còn buồn hơn.

Vua Tự Đức cũng đã viết:

"Đời người ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê

Sống gửi rồi ra thác lại về,

Khôn dại cùng chung ba tấc đất,

Giàu sang chưa chín một nồi kê."

Ca dao Việt Nam cũng có câu:

"Đời người ví thể phù du,

Sớm còn tối mất, công phu lỡ làng."

Đâu là thái độ khôn ngoan khi nhìn về thực tại đời người?

Con người thường có thái độ buồn rầu và bế tắt trong khi suy nghiệm về thời gian và đời người. Cũng có người, nhất là trong quan niệm chung của nhiều người ngày hôm nay, có thái độ rất giống như Cao Bá Quát: "Thôi công đâu mà chuốc lấy sự đời..." Và đó là một thái độ "chạy trốn thực tại" để "quên đời, quên mình." Vì có suy nghĩ thì cũng không giải quyết được điều gì. Rồi thì người ta lại chấp nhận một quan điểm: "Cái chết là hết sự đời," là "không còn gì nữa cả..." để mà sống với hiện tại. Thái độ đó cũng không phải là "ưu việt." Bởi vì "chạy trốn" không phải là "anh hùng." Vậy đâu là lối thoát cho chúng ta?

Chúa Jesus đã phán:

"Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ." (Khải-huyền 1: 17-18)

Chỉ có Đấng ở bên ngoài thời gian, không bị cầm buộc và giới hạn bởi không gian, thời gian thì mới có thể giải thoát con người ra khỏi sự "ràng buộc" của thời gian.

Chúa Jesus là Đấng Sống đời đời, Đấng không hề bị ràng buột bởi không gian và thời gian. Đấng đã đến làm người, đã chết và đã sống lại và đang sống đời đời: "cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ." Đấng đó có thể ban cho chúng ta sự giải thoát khỏi sự cầm buộc của thời gian. Tức là Đấng ấy có thể ban cho con người chúng ta: "Sự Sống Đời Đời."

Kinh Thánh chép:

"Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời." (Giăng 3: 16)

Kết luận

Kính thưa quý vị và các bạn!

Có một thi sĩ đã viết:

"Xuân đến, Xuân đi, rồi Xuân lại lại

Để lòng thương nhớ những Xuân qua."

Người ta thường nói: Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Ngày Xuân rồi cũng sẽ qua. Tuổi Xuân rồi cũng sẽ hết. Đời người rồi cũng có lúc "giả từ tất cả những ngày Xuân."

Nhưng, có một mùa Xuân vĩnh hằng, mà Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo ra mùa Xuân, đã dự bị và sắm sẵn cho con người, sau khi "cuộc vui tàn" trong cái thế giới tạm "ba vạn sáu ngàn ngày" này. Nơi mà mọi cái, được dùng để "minh họa" cho những gì không bao giờ qua đi, không bao giờ hư mất, không bao giờ mai một hay phai nhòa... Một thế giới tuyệt vời về tất cả, mà Đấng Tạo Hóa khôn ngoan, vinh hiển đã hoạch định và dành sẵn cho những người tin và yêu mến Ngài. Trong thế giới đó, sẽ không có những "mùa Xuân qua mau," nhưng sẽ là một mùa Xuân bất tận. Nơi đó là Thiên Đường, mà Chúa Jesus là "Cánh Cửa." Bởi vì Ngài phán: "Ta là Cánh Cửa, nếu ai bởi ta mà vào... thì sẽ gặp đồng cỏ." Tức là sẽ gặp "sự sống vĩnh hằng."

Chúng tôi ước mong quý vị và các bạn, sẽ đến với Chúa Jesus, chính là Cánh Cửa. Nơi mà mỗi người có thể thoát ra khỏi sự cầm buộc của thời gian và gặp được chính Ngài, là Mùa Xuân Vĩnh Hằng. Nơi đó sẽ không có cảnh "đông qua Xuân tàn..." nhưng sẽ mãi mãi là Mùa Xuân. Một Mùa Xuân Vinh hiển và trường tồn, bất tận đang chờ đón quý vị ngay hôm nay. Hãy đến với Chúa Jesus để hưởng một Mùa Xuân bất tận.

Muốn thật hết lòng!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#pigtyt