ky nang lanh dao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Năng lực lãnh đạo: ai cũng có phần 26/04/2007

Năng lực lãnh đạo là gì?

Con người đã bàn về năng lực lãnh đạo nhiều thế kỉ nay và người ta vẫn sẽ còn tiếp tục nghiên cứu về nó chừng nào con người còn phải đối mặt với những thử thách mới. Lịch sử đã biết đến rất nhiều nhà lãnh đạo, nhiều kẻ trong số họ điên khùng, thiếu óc hài hước, bất công, bạo ngược, đểu cáng nhưng cũng có những học giả lỗi lạc và những cá nhân xuất chúng. Có lẽ mỗi hoàn cảnh đòi hỏi người lãnh đạo phải có những phẩm chất riêng; kiểu người lãnh đạo phù hợp cho mỗi hoàn cảnh do tình thế quyết định; cũng như ý nghĩa (của một từ) phụ thuộc chủ yếu vào ngữ cảnh.

Dưới đây là một vài mô tả về năng lực lãnh đạo:

Năng lực lãnh đạo là khả năng tạo ra động lực và hứng khởi cho bản thân và sau nữa là truyền sự hứng khởi cho người khác. Năng lực lãnh đạo là khả năng giành được sự ủng hộ và nỗ lực tối đa từ nhóm. Năng lực lãnh đạo là khả năng nhìn ra vấn đề, nhận thức được nó, vạch ra giải pháp và thực hiện giải pháp đó mà không cần người khác thúc đẩy. Năng lực lãnh đạo là sự nâng tầm nhìn của con người lên một tầm cao mới, nâng thành tích của con người lên một tiêu chuẩn mới, và bồi đắp một nhân cách vượt xa mọi giới hạn thông thường. Năng lực lãnh đạo là khả năng khiến mọi người muốn làm những điều mà bình thường họ không nghĩ mình sẽ làm; là khả năng khiến mọi người coi mục tiêu của doanh nghiệp như mục tiêu của chính mình. Mặc dù có rất nhiều định nghĩa về "năng lực lãnh đạo" nhưng chức năng của sự lãnh đạo có thể tạm coi là sự kết hợp giữa uy tín và tính chủ động, nhờ đó, ý chí của một người có thể tác động đến cả nhóm để đạt được một mục đích nào đó. 2. Năng lực này có phải là bẩm sinh? 26/04/2007

Năng lực lãnh đạo là phẩm chất do rèn luyện mà có. Một số người có những cá tính mà chúng ta thường cho là cần thiết cho cương vị lãnh đạo: khả năng hùng biện, tính quyết đoán, thể chất khỏe mạnh, giàu nghị lực, tư duy rõ ràng, tính chín chắn, trí nhớ tốt, ngoại giao khéo léo, có tố chất, từng trải, chân thành và có hiểu biết.

Trong các phần khác của tài liệu này, bạn sẽ được biết rằng hầu như tất cả các phẩm chất nói trên đều có thể rèn luyện được bằng cách sử dụng kỹ thuật thiết lập mục tiêu. Ví dụ, tố chất, tài ngoại giao và sự chân thành có thể có được thông qua sự rèn luyện về mặt xã hội; sức khỏe và nghị lực qua sự rèn luyện về mặt thể chất; tính quyết đoán, tài hùng biện, tính chín chắn và sự hiểu biết qua sự rèn luyện về mặt tinh thần, v.v.

Vì vậy, khả năng lãnh đạo không phải là một nghệ thuật bẩm sinh, đó là kết quả của sự trải nghiệm và suy xét và sự tự tin sẽ ngày càng tăng dựa trên những trải nghiệm đó. Những phẩm chất cần cho người lãnh đạo là những phẩm chất có thể có được khi con người rèn luyện và trải nghiệm.

Bạn có thể tự mình xây dựng những phẩm chất của người lãnh đạo. Bạn có thể gọi nó là một nghệ thuật, một môn khoa học, một sở trường, một kỹ năng tuỳ ý, nhưng khả năng lãnh đạo là có thể học được. Nếu bạn sẵn lòng trả giá để trở thành lãnh đạo, trước hết, hãy cống hiến và tự điều khiển bản thân. Bạn không thể mong mình lãnh đạo người khác nếu bạn không có khả năng lãnh đạo bản thân.

Trước khi chúng ta có thể vạch kế hoạch hoạt động cho người khác, hay tổ chức một nhóm, hoặc đặt mục tiêu cho một tổ chức, chúng ta phải lập kế hoạch, tổ chức và đặt mục tiêu cho chính mình. Tu thân là bước đầu mà mỗi người lãnh đạo tương lai đều phải trải qua.

3. Các kiểu nhà lãnh đạo 26/04/2007

Các phẩm chất lãnh đạo có thể được phân loại thành 3 nhóm chính: chuyên quyền, "thả nổi" và dân chủ. Chúng ta sẽ xem xét từng loại một cách kỹ lưỡng hơn.

a. Nhà lãnh đạo chuyên quyền

Những nhà lãnh đạo chuyên quyền, độc đoán đa số là ôn hòa và rất hiệu quả. Họ thể hiện những phẩm chất mạnh mẽ của người lãnh đạo vì quyết tâm biết về những mối quan tâm của nhân viên, duy trì sự thảo luận và thúc đẩy mọi người thảo luận nhiều hơn. Họ thường lãnh trách nhiệm khởi đầu, điều hành và kết thúc mọi việc. Tuy nhiên, nếu thể hiện những đặc điểm của nhà lãnh đạo chuyên quyền một cách thái quá thì nguy cơ cũng rất rõ ràng. Khi biểu hiện một cách thái quá, nhà lãnh đạo độc đoán lập kế hoạch trước một cách quá tỉ mỉ, bởi vì mục đích của họ là buộc nhân viên đạt được mục tiêu họ đề ra, và họ quyết tâm tác động đến hoàn cảnh để làm cho điều đó được khả thi. Nhà lãnh đạo kiểu này thích được gọi là "sếp". Họ thường quan tâm đến kết quả công việc hơn là nhu cầu hoặc mối quan tâm của nhân viên. Với người lãnh đạo kiểu này, tập thể có xu hướng trở nên quá phụ thuộc người lãnh đạo. Kết quả là họ mất tự tin và khả năng tự làm chủ, chỉ làm việc khi có mặt người lãnh đạo và trở nên thụ động khi lãnh đạo vắng mặt.

b. Nhà lãnh đạo "thả nổi"

Nhà lãnh đạo "thả nổi" là người để cho nhân viên đi con đường riêng của mình. Họ không chuẩn bị kỹ lưỡng cái gì. Họ để cho mọi thứ thụ động, thường xuyên muộn giờ và không thực hiện các nhiệm vụ của mình. Loại lãnh đạo này thường nghĩ mình rất dân chủ vì không áp đặt ý chí của mình lên người khác; nhưng thực ra họ không dám. Họ cực kỳ dễ dãi và thường nhầm điều đó với sự tự do dân chủ. Nhà lãnh đạo kiểu "thả nổi" thuộc tuýp ít hiệu quả nhất.

c. Nhà lãnh đạo dân chủ

Nhà lãnh đạo dân chủ chấp nhận quan niệm lãnh đạo là chức năng của cả nhóm chứ không phải của riêng một cá nhân nào. Tập thể được coi là một đơn vị, một cơ thể với nhiều chức năng. Nhiệm vụ lãnh đạo do nhiều người cùng chia sẻ tuỳ theo khả năng và năng khiếu riêng của họ. Nói một cách khác, cương vị lãnh đạo tập trung vào nhóm chứ không phải vào cá nhân nhà lãnh đạo. Điều đó không có nghĩa vai trò người lãnh đạo là không cần thiết. Ngược lại, để nhóm hoạt động hiệu quả, rẩt cần một người đi đầu, giúp cả nhóm xác lập mục tiêu, tự tổ chức và xây dựng các quy định chung hiệu quả cho hoạt động của nhóm.

4. Trách nhiệm của một nhà lãnh đạo 26/04/2007

Điều vô cùng cần thiết là nhà lãnh đạo phải ý thức được vị trí lãnh đạo và những yêu cầu của nó. Thường thì một người đột ngột được đưa vào vị trí lãnh đạo rất khó chuyển từ cương vị nhân viên sang cương vị lãnh đạo. Quan điểm, trách nhiệm, thẩm quyền và mối quan hệ giữa người lãnh đạo với các quan chức cấp trên ở trên một bình diện khác. Nhận thức được điều đó sẽ giúp xây dựng một thái độ đúng đắn về mặt tinh thần. Nhà lãnh đạo phải suy nghĩ và hành động như một nhà lãnh đạo chứ không được như một nhân viên. Thật không dễ dàng gì khi phải chấp nhận những trách nhiệm và sự hạn chế của vị trí lãnh đạo. Song kinh nghiệm sẽ khiến việc này trở nên dễ dàng hơn.

a. Trách nhiệm đối với nhân viên

Một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là biết lo lắng cho mức sống và sự phát triển của thuộc cấp. Người lãnh đạo biết rằng một phần vô cùng quan trọng trong công việc của họ là vai trò trợ giúp và cố vấn cho những người mà họ lãnh đạo. Người lãnh đạo tự hào với những tiến bộ của thuộc cấp và nhận thức được rằng khi cấp dưới tiến bộ, công việc hoặc tổ chức cũng sẽ tiến bộ. Mức độ tiến bộ của cấp dưới phản ánh trên công việc người lãnh đạo làm. Một nhà lãnh đạo có năng lực nhớ rằng mọi người thích trở thành quan trọng với tổ chức, rằng họ đang làm việc tại đây vì một mục đích nhất định. Một người được yêu cầu làm cho một dự án đơn giản có thể từ chối. Tại sao vậy? Rất có thể đó là do người đó muốn làm việc cho một dự án thử thách được khả năng của họ và cho họ cơ hội ứng dụng tài năng của mình. Điều quan trọng là người lãnh đạo phải chỉ dẫn tường tận ngay từ đầu cho đồng sự về mục tiêu dự án. Nếu đó là một dự án dài hạn, lâu lâu người lãnh đạo cũng cần nhắc lại mục tiêu và ghi nhận một công việc đã thực hiện tốt. Thậm chí chỉ cần nói vắn tắt ai đó làm việc tốt cũng sẽ đem lại cho họ sự khuyến khích lớn mà thực sự chẳng tốn mấy công sức.

b. Trách nhiệm đối với tổ chức

Ngoài việc thể hiện lòng trung thành và ý thức trách nhiệm đối với nhân viên, nhà lãnh đạo phải ý thức được trách nhiệm đối với tổ chức - đối với các nhà quản lý của tổ chức. Người lãnh đạo phải nghiên cứu và hiểu rõ phạm vi nhiệm vụ để hiểu được đầy đủ trách nhiệm đối với tổ chức. Ngoài ra, người lãnh đạo phải làm quen với các chính sách, quy định và hạn chế để giữ hoạt động của mình và của thuộc cấp trong khuôn khổ cho phép. Tất nhiên, họ phải biết tường tận công việc của họ. Người lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm trước tổ chức về những việc mà thuộc cấp của họ làm và như vậy, phải có trách nhiệm đảm bảo thuộc cấp hiểu rõ công việc của riêng họ. Người lãnh đạo phải đóng góp ở mức tốt nhất, tương tự như vậy, họ phải bảo đảm sao cho cấp dưới có động lực và nhiệt tình để cũng đóng góp ở mức tốt nhất. Người lãnh đạo phải xử lý công việc sao cho hiệu quả và nhanh chóng và phải cố gắng tỏ ra vui vẻ trong mọi lúc. Họ phải luôn luôn báo cáo đều đặn với cấp trên trực tiếp về tiến triển công việc. Nếu có bất kỳ sự phê phán nào, bất kỳ vấn đề nào, người lãnh đạo cần thảo luận với cấp trên của mình. Người lãnh đạo phải tận lực tìm hiểu và phải cố gắng nâng cao hiểu biết về tổ chức của mình bất cứ khi nào có thể. Người lãnh đạo phải luôn luôn trung thành với cộng sự và với tổ chức.

5. Anh ấy hay là Bọn họ? 26/04/2007

Vì người ta cho rằng kiểu nhà lãnh đạo dân chủ đem lại kết quả tốt nhất, chúng ta hãy cùng xem xét thêm về những phẩm chất riêng của họ.

1. Nhà lãnh đạo dân chủ quan tâm tới sự phát triển của cả nhóm và từng thành viên trong nhóm (kể cả bản thân) hơn là vị trí và quyền lực riêng. Khi người lãnh đạo coi mình là người học hỏi cấp dưới, và tôn trọng sâu sắc giá trị cá nhân và sự toàn vẹn của mỗi cá nhân, kết quả sẽ rất tốt.

2. Nhà lãnh đạo dân chủ luôn hiểu được nhu cầu của nhóm để mỗi thành viên được khuyến khích và có cơ hội phấn đấu, phát triển. Những người rụt rè được khuyến khích tham gia và lãnh trách nhiệm. Người lạ được chào đón và nhanh chóng được hòa nhập vào nhóm. Các chương trình được lên kế hoạch cho mọi người đều được tham gia chứ không chỉ nhóm ưu tú.

3. Thông qua sự chuẩn bị, nhà lãnh đạo dân chủ sẽ giúp nhóm tự tổ chức. Một nhà lãnh đạo có năng lực có niềm tin vững chắc và sẽ ảnh hưởng đến các quyết định nhưng không áp đặt ý chí của mình cho cả nhóm mà sẽ làm việc để đảm bảo đạt được mục tiêu.

4. Một nhà lãnh đạo dân chủ sẽ giúp cả nhóm khám phá được sự tháo vát trong mỗi thành viên và sử dụng chúng khi có thể.

5. Một nhà lãnh đạo dân chủ không cần luôn luôn là trung tâm của cả nhóm. Họ nhiệt tình đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai trong số các thành viên để nếu mình ra đi thì nhóm vẫn tiếp tục hoạt động.

Hầu như tất cả các nhà lãnh đạo đều rơi vào một trong ba kiểu trên, có người chuyên quyền hơn, có người dân chủ hơn. Khi có cơ hội làm lãnh đạo, hầu hết chúng ta sẽ thấy đôi lúc mình trở nên chuyên quyền hơn mức cần thiết, và đôi khi lại quá "thả nổi". Điều quan trọng là nhận ra được điều đó và tự điều chính để trở nên dân chủ hơn.

6. Xây dựng thái độ của một người lãnh đạo 26/04/2007

Để lãnh đạo cho tốt, bạn phải xây dựng cho mình thái độ của một người lãnh đạo. Việc này cần những khả năng riêng và sự tập trung vào phần việc của bạn.

Khi ở vị trí lãnh đạo, ta thật khó tránh được tính kiêu căng đi kèm chức vị. Sự vênh vang và kiêu ngạo về địa vị của người đứng đầu có thể làm hại mối quan hệ với cấp dưới. Những nhà lãnh đạo vĩ đại thường khiêm tốn.

Đừng để mình bị cảm giác sai lầm về tầm quan trọng của chính mình lôi cuốn. Bạn vẫn là bạn ngày trước, chỉ có tước vị là thay đổi.

Hãy xem lại quá trình lịch sử của lĩnh vực mà bạn phụ trách. Nếu đó là lĩnh vực mới, hãy cố gắng học hỏi càng nhiều càng tốt. Cho dù sự sáng tạo của bạn ở mức nào, bạn cũng có thể thấy được một số ý tưởng "của bạn" đã từng được áp dụng trong quá khứ.

Không cần thiết, và không nên trình bày tất cả các ý tưởng của mình ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Hãy khuyến khích cấp dưới gợi ý cho bạn. Bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ của người khác và hãy ghi nhận những đóng góp của họ. Hãy chấp nhận cả sự phê phán, đưa ra cho nhóm thảo luận những vấn đề của bạn, động viên người im lặng tham gia và chấp nhận những thách thức một cách khiêm tốn. Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn xây dựng thái độ của một người lãnh đạo.

1. Đừng sợ phạm sai lầm - nếu bạn mắc sai lầm và một nhân viên nhắc cho bạn thấy, hãy khiêm tốn và cảm ơn người đó vì đã nhận ra lỗi đó.

2. Luôn luôn giữ lời hứa - nhất là nếu bạn muốn cấp dưới cũng làm như vậy. Nếu cần, hãy ghi chép lại những điều bạn cam kết thực hiện - sau đó, để chắc chắn mình làm theo cam kết, bạn nên thường xuyên xem lại ghi chép.

3. Hãy hoan nghênh ý kiến của cấp dưới - nếu bạn ngăn cản một người trình bày ý kiến, sau này bạn sẽ không nhận được ý kiến của mọi người. Nếu bạn nghi ngờ giá trị của một ý kiến, hãy thử nghiệm hoặc ít nhất đề nghị người người góp ý thực hiện theo cách khác.

Hãy tỏ ra đáng tin cậy, trung thực, ngay thật và tự làm chủ bản thân. Giữ sức khỏe tốt. Hãy nhã nhặn, chu đáo, kiên quyết để đạt được mục tiêu cao hơn.

Việc lãnh đạo bắt đầu bằng cách hiểu cấp dưới nghĩ và suy luận như thế nào. Nên thừa nhận là mỗi người dưới quyền bạn đều hợp lý trong niềm tin của họ, theo những tiêu chuẩn của riêng họ. Dần dần trong họ hình thành chính kiến và quan điểm riêng về việc cái gì là đúng và tốt nhất cho mọi vấn đề liên quan. Vì vậy, điều kiện quan trọng nhất để lãnh đạo cho tốt là khả năng ứng xử khéo léo và tế nhị để vừa tiến hành những thay đổi cần thiết lại vừa giữ được sự hợp tác và thống nhất.

Người lãnh đạo là người sắc sảo và tinh ý. Họ biết cái họ muốn và nỗ lực một cách kiên quyết để đạt được mục tiêu. Họ có hành động thích hợp để sửa sai lầm, có chính sách rõ ràng, nỗ lực không ngừng và xử lý được những vấn đề cấp bách bất cứ khi nào chúng nảy sinh.

Về cơ bản, chức năng của nhà lãnh đạo liên quan trực tiếp đến việc quản lý con người. Nói một cách cụ thể hơn, lãnh đạo là một vấn đề riêng liên quan đến những cá nhân với tư cách là những thực thể riêng biệt. Người lãnh đạo lãnh đạo và chỉ huy các cá nhân chứ không phải một nhóm. Tập hợp lại, các cá nhân sẽ tạo thành tổ chức của người lãnh đạo. Hiểu được cá nhân từng người là một yếu tố vô cùng quan trọng. Người lãnh đạo phải chu đáo và tôn trọng người khác, đồng thời phải xứng đáng với sự tôn trọng của cấp dưới và duy trì được mối quan hệ sao cho người lãnh đạo có thể thực thi quyền của mình khi cần.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro