Nuôi thành công cá trê thương phẩm trên ruộng nhiễm phèn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Người dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc - Ninh Thuận) nhiều đời nay chật vật với cây lúa và các loại hoa màu ngắn ngày trên ruộng nhiễm phèn mà vẫn thiếu trước hụt sau, không đủ tiền lo cho con cái ăn học. Thế nhưng vài năm gần đây, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bà con đã mạnh dạn cải tạo đất để nuôi cá trê thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, người dân thôn Gò Sạn chủ yếu sống dựa vào nghề đánh bắt thuỷ sản và trồng lúa. Do địa thế không thuận lợi, đất bị nhiễm phèn nên việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Ông Bùi Diễn, một người dân tại đây cho biết: "Không gì khổ bằng làm nông chú à! Chưa kịp thu hoạch thì gặp bão lũ, đất đai lại nhiễm phèn nên làm gì cũng khó. Thật may là từ năm 1999, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con đã áp dụng mô hình nuôi cá trê thương phẩm trên ruộng nhiễm phèn, cuộc sống nhờ đó bớt cơ cực".

Được biết, gia đình ông Bùi Diễn đã mạnh dạn vay 8 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư nuôi cá trê trên 2,6 sào đất ruộng nhiễm phèn (1 sào Trung Bộ = 500m2). Vụ đầu tiên, ông thả nuôi 2.000 con cá trê giống, sau 5 tháng xuất bán lứa cá đầu tiên và thu trên 10 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 7 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Sau đó ông mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi cá và còn vận động bà con trong vùng cùng làm theo.

Nhận thấy lợi ích của mô hình, tháng 5/2009, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận đã chọn mô hình nuôi cá trê của ông Diễn để triển khai mô hình nuôi cá trê bằng công nghệ trải bạt tới bà con. Ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ bạt, Sở còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Bắc hỗ trợ gia đình ông Diễn 20.000 con cá giống và 600kg thức ăn. Để bảo vệ đàn cá, ngoài việc che bạt xung quanh ao, ông Diễn thường xuyên thay nước hàng ngày. Ngoài thức ăn tổng hợp dạng viên có sẵn, gia đình ông còn tận dụng thêm những phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn bổ sung cho cá.

Theo ông Diễn, cá trê dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, trung bình 40.000 con cá tiêu thụ hết 15-17kg thức ăn/ngày, sau 5 tháng nuôi đạt trọng lượng 4-5 con/kg. Với giá bán 25.000-30.000 đồng/kg như hiện nay, ước tính đợt thu hoạch cuối năm phục vụ Tết Tân Mão gia đình ông Diễn thu lãi trên 50 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Diệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Phong cho biết: "Cá trê không đòi hỏi vốn đầu tư lớn bởi có thể nuôi trên diện tích hẹp, khoảng 50m2 là được. Việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi cá trê rất phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Hiện, phong trào nuôi cá trê trên đất nhiễm phèn đã được nhân rộng ra nhiều thôn, xã trên địa bàn và được xem là hướng đi mới, giúp bà con cải thiện đời sống".

Tuy nhiên, để mô hình mang lại hiệu quả cao và bền vững, rất cần sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc hỗ trợ bà con nguồn vốn, kỹ thuật nuôi, giống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro