Trồng bồn bồn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bồn bồn là loại cây thích nghi với nước ngọt, rất dễ trồng vì nó mọc được ở những vùng đất ruộng trũng, trồng lúa cho năng suất thấp. Trồng bồn bồn không cần nhiều vốn mà chỉ tốn công thu hoạch và bán được giá cao. Đây là mô hình giúp cho những hộ nông dân vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau có cơ hội làm giàu.
Trước đây, nông dân vùng ngọt hóa Cà Mau chưa ai nghĩ đến việc trồng cây bồn bồn để xóa đói giảm nghèo. Một số nông dân trồng bồn bồn chỉ để ăn hoặc biếu cho người quen. Nhiều hộ không thể thoát được nghèo vì chưa có mô hình sản xuất hiệu quả, quanh năm chỉ trông nhờ vào 2 vụ lúa với lối canh tác truyền thống cho năng suất thấp, bấp bênh.
Chị Nguyễn Thị Lài (ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) cho biết: Gia đình có 7 công đất trồng lúa thu hoạch không đủ ăn nên chuyển sang trồng bồn bồn. Mỗi năm thu nhập được hơn 30 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Bây giờ đã thoát được nghèo, vợ chồng tôi có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đàng hoàng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng bồn bồn, hộ chị Lài cùng với hơn 30 hộ nông dân nơi đây đồng loạt áp dụng mô hình sản xuất mới. Hộ có đất rộng trồng từ 20-30 công bồn bồn, cho thu nhập từ 70-120 triệu đồng/năm. Những hộ nông dân đất ít, có năm bảy công đất trồng bồn bồn cũng thu nhập được trên dưới 25 triệu đồng/năm.
Anh Lê Hiền Đệ (ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) đang thu hoạch bồn bồn dưới ruộng ngập nước phấn khởi cho biết: Gia đình thoát được nghèo nhờ thu nhập quanh năm từ trồng bồn bồn. Mỗi năm thu hoạch 8-10 đợt bồn bồn, thu lãi từ bán bồn bồn mỗi đợt 3-4 triệu đồng. Trồng bồn bồn ở đây không phải lo chạy tìm đầu ra vì sau khi thu hoạch sẽ tiêu thụ tại chỗ. Bồn bồn bán được giá, nhiều nông dân ở đây có cơ hội làm giàu. Năm 2008 trở về trước, bồn bồn tươi chỉ bán được giá 8.000 - 10.000 đồng/kg nay giá tăng lên 25.000 đồng/kg. Vào đợt thu hoạch bồn bồn, nông dân lấy ngó, thân và lá non làm dưa để bán được giá 30.000 đồng/kg. Dưa bồn bồn ăn rất ngon bởi hương vị đặc trưng riêng cho nên không chỉ có dân miền Tây ưa chuộng món ăn đặc sản này.
Xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước là địa phương có diện tích tích trồng bồn bồn lớn nhất ở tỉnh Cà Mau. Bình quân mỗi năm nông dân nơi đây thu hoạch 40-50 tấn bồn bồn nhưng vẫn không đủ để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, phương thức sản xuất tự phát của nông dân trong những năm vừa qua là thiếu tính bền vững. Ông Trần Hoàng Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho biết: Trồng bồn bồn chính là mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả đối với nông dân vùng ngọt hóa. Để giúp nông dân sản xuất bền vững, làm giàu không chỉ có thế mạnh từ trồng bồn bồn; trong năm 2011, UBND xã quy hoạch 17 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang thực hiện mô hình tổ hợp tác trồng bồn bồn và nuôi cá đồng (cá thác lác, cá rô, cá lóc...); đồng thời kết hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng bồn bồn và nuôi cá đồng đạt được hiệu quả cao.
Hiện nay ở các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh và TP Cà Mau, nhiều nông dân vùng ngọt hóa chưa khai thác hết tiềm năng của đất mà chỉ quen lối canh tác độc canh cây lúa, gây nhiều lãng phí trong sản xuất. Vì vậy, mô hình tổ hợp tác trồng bồn bồn ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cần được tỉnh Cà Mau nhân rộng để góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng chục ngàn hộ nông dân ở vùng ngọt hóa./.


Đây là một thí dụ điển hình về cách làm nông nghiệp thông minh của người dân Nam Bộ. Cây bồn bồn còn gọi là cỏ nến lan (Typha. spp) thuộc họ lác, rất dễ trồng, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, ít vốn đầu tư. Đây là cây bản địa lâu đời thích nghi nhiều tỉnh vùng sông nước Nam Bộ. Gốc bồn bồn có ngó ở bên trong dùng làm gỏi và dưa muối một món ăn dân dã nay đã thành đặc sản nhà hàng dùng quen như cá kèo, cá lóc kho tộ. Thân lá bồn bồn bán cho các cơ sở đan giỏ xuất khẩu. Rễ cây bồn bồn lọc nước kênh rạch trong hơn, làm sạch môi trường nước nơi chúng sinh sống, vừa giảm rong rêu lại tăng cua cá.

: vừa làm thực phẩm vừa làm sạch nước và thu hút cá. "người ta tạo nên các bè cây bồn bồn với bộ khung nổi làm bằng ống nhựa PVC và màng lưới nylon phủ đáy để đổ đất trồng. Các bè nổi này ...thường được di chuyển đến những vị trí khác nhau để khử sạch nguồn nước, làm giảm độ bùn, hạ thấp độ mặn và đưa các chỉ số COD, BOD trở lại bình thường..." Lúc đó bộ rễ bồn bồn phát triển rất nhanh, các thân ngầm mọc trong lớp bùn trên giàn sinh ra rất nhiều mầm non (ngó) để làm thức ăn, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Những điển hình nổi bật của mô hình Trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá là : 1) Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cua, cá khởi đầu từ năm 2001- 2005 tại xã Phong Phú huyện Bình Chánh với hơn 70 hộ tham gia mô hình này và trên 50 ha diện tích mặt nước. Lãi trừ chi phí một ha trồng bồn bồn kết hợp nuôi cua cá đạt 51 triệu đồng thời giá năm 2006 cao hơn nhiều so với trồng lúa, nay vẫn phát triển ổn định . 2) Sóc Trăng thu hoạch lớn từ trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng. Năm 2011, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 500 ha thực hiện mô hình này, tập trung nhiều ở các xã vùng trũng thuộc ba huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị. Nông dân rất hồ hởi phấn khởi vì lợi nhuận cao và khá bền vững 3) Cà Mau, năm 2012 tại ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước đã quy hoạch vùng trồng bồn bồn và nuôi cá nước có 32 hộ với tổng diện tích 177 ha. Thương hiệu bồn bồn Đông Hưng đang được xác lập vì hiệu quả kinh tế của mô hình khá ổn định suốt mấy năm nay.

Dựa vào dân, tổng kết thực tiễn, xây dựng mô hình, phát triển thương hiệu từ trí tuệ và nguồn tài nguyên phù hợp và sẵn có tại địa phương có lợi thế so sánh cao. Đó là cách làm nông nghiệp thông minh. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro