ĐỒNG THOẠI ĐEN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Otsuichi
Thể loại: Kinh dị, trinh thám
Nhà phát hành: IPM
Năm xuất bản: 03/2018


Bắt đầu bằng một chuyện đồng thoại về con quạ đi móc mắt người đem đến cho cô bé nó yêu quý, Otsuichi thổi không khí bí ẩn nhuốm mùi chết chóc xuyên suốt diễn biến câu truyện. Nữ sinh Nami từng là một cô gái hoạt bát thú vị được mọi người yêu mến, nhưng sau một tai nạn mất đi và được cấy ghép mắt trái, cô trở nên trầm lắng và rụt rè hơn hẳn. Đánh mất ký ức của bản thân, Nami như trở thành người khác và cũng cho rằng mình trong quá khứ là một con người tách biệt. Giữa sự cô đơn trong tâm tưởng, khi những người xung quanh chỉ chăm chăm nhìn về một Nami của quá khứ, cô bắt đầu nhìn thấy ký ức rời rạc của con mắt trái vừa được cấy ghép vào không lâu. Đó là lúc mọi chuyện bắt đầu.

Xét về diễn tiến truyện, tác giả đã gây được phần kịch tính khá tốt. Ưu điểm của Otsuichi là sự miêu tả chân thực về những khoảnh khắc ghê rợn đáng sợ, nhưng nhược điểm của ông chính là lạm dụng các tình tiết đó quá đà. Cho đến Đồng thoại đen, người viết đã được đọc qua những tác phẩm khác cùng tác giả như Zoo; Goth và Hana, Alice và lời nguyền Judas, do vậy nếu cần đánh giá chất lượng nội dung của Đồng thoại đen, thì tác phẩm này sẽ khá khẩm hơn Lời nguyền Judas và nằm sau Zoo cùng Goth. Không quá tệ cũng không mấy xuất sắc, Otsuichi làm tốt phần việc của mình trong cách xây dựng nhân vật Nami cũng như tình tiết kịch tính của câu chuyện. Nhưng thủ pháp của ông trở nên quá dễ đoán và rập khuôn, khiến người đọc cảm thấy nhàm chán và phần nào đoán biết được đoạn kết.

Trong Đồng thoại đen, tâm lý của Nami được khắc họa khá tốt. Cách tác giả mô tả sự lạc lõng của con người mới giữa môi trường hướng về con người cũ nhẹ nhàng nhưng lại khắc họa rất rõ tâm hồn đã thay đổi của Nami, đồng thời cũng nêu bật lên những áp lực mà một người mất trí nhớ thường phải đối mặt: Khi họ còn đang chới với không biết mình là ai và ký ức của mình ở đâu, thì những người thân quen cứ ngóng trông hoài bóng hình họ trong quá khứ. Vô hình trung, sự trông ngóng đó khiến người mất trí nhớ trở nên thu hẹp mình lại với những suy nghĩ tiêu cực. Nami trong truyện cũng không là ngoại lệ, bắt đầu bằng việc cố gắng hòa hợp với mọi người, nhưng cách bạn bè, cha mẹ đối xử và mong chờ một "Nami của ngày xưa" đã khiến tinh thần "Nami hiện tại" kiệt quệ. Cũng chính sự kiệt quệ trước áp lực đó đã là lý do làm Nami bám víu vào ký ức của chủ nhân con mắt trái được cấy ghép cho mình.

Thế nhưng bên cạnh đó, những nhân vật khác lại không được khắc họa sâu sắc như nhân vật chính. Đây thật sự là một điểm thiếu sót lớn. Ví như nhân vật người mẹ, sự dằn vặt giữa việc yêu thương con mình và việc mong muốn một "Nami hoàn hảo" trong quá khứ trở lại sẽ là điểm nhấn tuyệt vời làm nổi bật tình mẫu tử, thế nhưng chi tiết này lại bị lược qua quá nhanh và tác giả đi tập trung miêu tả mối quan hệ vợ chồng của người bác Wazuya – người chỉ được nhắc đến sơ sài trong quá trình tìm về ký ức của Nami. Các nhân vật khác cũng khiến người viết cảm thấy không được xây dựng kỹ lưỡng, nhất là nhân vật kẻ thủ ác. Tác giả không để cho tên sát nhân có động cơ nào, mọi câu hỏi về động cơ đều quy về hai từ "không rõ", cảm xúc của hắn cũng "không rõ", động cơ gây án cũng "không rõ", lý do tiếp tục giết người hay tha mạng người cũng "không rõ"...Vô hình trung, nhân vật đáng lẽ cần có sự khắc họa chi tiết lại trở nên mờ nhạt, dễ đoán.

Điều mà Otsuichi làm tốt, là việc "giấu" hung thủ suốt quá trình câu chuyện diễn ra, tuy nhiên, vẫn bằng thủ pháp thay đổi ngôi xưng kể chuyện như trong Zoo và Goth, Đồng thoại đen một lần nữa bị rập khuôn quá nhiều khiến cả câu chuyện trở nên nhàm chán. Điều này khiến độc giả có thể đoán được hung thủ khi chưa đến 2/3 câu chuyện. Bên cạnh đó, một ưu điểm khác của tác giả là cách mô tả hình thức giết người của hung thủ khá chuẩn xác và dễ liên tưởng, gây cảm giác gờn gợn và ghê sợ cho người đọc. Tuy vậy, người viết vẫn không đánh giá cao lắm các điểm nhấn này, nhất là khi Otsuichi dường như bỏ quên mất những ý nghĩa sâu hơn cần có của một câu chuyện và chỉ tập trung miêu tả cảnh chém giết sao cho rùng rợn hết mức có thể.

Nhìn chung, Đồng thoại đen là một cuốn truyện dài rất ổn. Nó có đủ các yếu tố tâm lý, kinh dị, trình thám, kỳ ảo nhưng cũng ở chừng đó yếu tố thiếu mỗi nơi mỗi chút. Khi đọc xong toàn bộ câu chuyện, người viết cho rằng Đồng thoại đen chưa thực sự làm thỏa mãn được người đọc. Mà cũng có lẽ do tác phẩm này được viết vào thời kỳ đầu xâm nhập thị trường xuất bản của Otsuichi, nên cách viết lẫn cách xử lý vẫn còn khá non và chưa thực sự sâu sắc. Tuy vậy, đối với các bạn đọc thích đọc để giải trí nhẹ nhàng thì Đồng thoại đen có lẽ là một tác phẩm tốt để giải tỏa trong những ngày hè nóng nực.

Đánh giá: 5/10.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro